Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:08:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lửa của đất  (Đọc 5984 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2021, 07:56:47 pm »

3

Tới cuối năm 1960, địa phương quân huyện và du kích các xã tích cực diệt trừ ác ôn hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ hơn. Cơ sở cách mạng ở các xã trong toàn huyện được củng cố vững chắc và đều khắp, nhiều xã đã tạo ra những "mảng lõm", những căn cứ công khai làm nơi trú chân của bộ đội và cán bộ.


Địa phương quân huyện đã phát triển thành một trung đội, do Chín Đen là trung đội trưởng, Minh (Bụng) là trung đội phó kiêm tiểu đội trưởng tiểu đội một, Tư Tho trung đội phó kiêm tiểu đội trưởng tiểu đội hai, Ba Trung tiểu đội trưởng tiểu đội ba. Cả trung đội có bảy khẩu súng trường, số người còn lại mang mã tấu.


Lần đầu tiên trung đội được giao nhiệm vụ đánh giao thông trên đường Rạch Giá - Hà Tiên. Trận địa phục kích được chọn gần cầu số 3. Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, lấy phương châm "súng ít đánh theo kiểu cách súng ít". Kế hoạch rất giản đơn: chờ địch đi tuần trên tuyến lộ trở về chúng chủ quan, ta bắn chặn, buộc xe của chúng chạy chậm lại, lúc đó ta lao ra hai cây chuối lớn để xe của chúng bị lật, hoặc chúng dừng lại, lúc đó ta xung phong lên đánh giáp lá cà, cướp súng.


Tám giờ tối hôm đó anh em đã chiếm lĩnh trận địa xong, chờ mãi tới khuya mới thấy đèn xe lấp loáng. Chúng vào tầm bắn, anh em nổ súng theo kế hoạch. Địch bắn trả vào trận địa ta, nhưng xe của chúng vẫn giữ nguyên tốc độ. Tổ lao cây chuối do Tư Thảnh phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ. Xe địch chạy mất. Trận đầu ra quân của địa phương quân thất bại. Ta hy sinh một và bị thương hai người. Trở về rút kinh nghiệm trận đánh, do một đồng chí thường vụ Huyện ủy trực tiếp chủ trì, đồng chí thường vụ nghiêm khắc đặt một câu hỏi:

- Tại sao không lao cây chuối chặn xe chúng lại?

Tư Thảnh có dáng người to cao như hộ pháp, đứng run bắn, ấp úng nói:

- Nó bươn nhanh quá, tôi sợ nó cán lên người.

Đồng chí thường vụ phê phán:

- Như vậy là chưa căm thù giai cấp, phải trả đồng chí về địa phương.

Tư Thảnh vừa khóc vừa nói van nài:

- Nếu phải tội đáng bắn thì bắn chết tôi ngay ở đây, đừng bắt tôi phải trở về nhà, tôi xin rút kinh nghiệm trận đánh sau sẽ làm tốt hơn.


Sau khi rút kinh nghiệm, địa phương quân lại tổ chức một trận đánh khác. Trận đánh này họ ém dưới chân cầu, để bắn ngược lên vào sườn xe với hy vọng làm như thế chặn được xe địch lại. Cũng như lần trước, anh em đã phục sẵn chờ đợi. Phát hiện có xe địch, Sáu Kía nổ phát súng lệnh, chẳng may đạn lép. Xe địch đi gần tới nơi, anh em mới nổ lẹt đẹt được mấy phát đạn, thì xe địch chạy vụt qua. Thế là lại thêm một trận đánh nữa không thành công. Trận đánh này không có ai đáng trách. Khi rút kinh nghiệm thường vụ Huyện ủy thấy ra một nguyên nhân rằng: tất cả anh em, kể cả người chỉ huy đều thiếu kiến thức quân sự. Muốn khắc phục nhược điểm đó ngoài việc rút kinh nghiệm phải cử ngay cán bộ đi học quân sự.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2021, 07:35:48 pm »

4

Nam Thái Sơn là xã có phong trào cách mạng vững vàng, cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nam Thái Sơn luôn luôn là căn cứ của huyện và tỉnh. Từ sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (1954) trong khu vực giáp ranh giữa Rạch Giá với An Giang, xã Nam Thái Sơn trở thành đối tượng chủ yếu của địch, chúng tập trung lực lượng đánh phá triền miên. Đến cuối năm 1959, số đảng viên cũ thời "chín năm" ở xã coi như chấm dứt vai trò lịch sử của mình.


Tháng 10 năm 1959 Tám Lai vừa hết thời gian đảng viên dự bị, mới mười bảy tuổi làm bí thư chi bộ, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của xã Nam Thái Sơn.


Những năm Mỹ - ngụy thực hiện cuộc "Chiến tranh đặc biệt", số người Nam Thái Sơn bị bắn giết tù đày nhiều nhất trong huyện, nhưng nhân dân trên mảnh đất đầy đau thương này vẫn giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh chính trị, và là cơ sở che giấu nuôi dưỡng "tiểu đoàn Thanh Long".


Tháng 3 năm 1961 tiểu đội du kích công khai của xã thành lập ở rừng tràm Nam Thái. Ngày lễ ra mắt có đông đủ đại biểu của huyện và các xã bạn. Tiểu đội gồm bảy người: Tám Lai, Tư Quang, Cường, Hoàng, Hào, Hoài, Nga; do Tư Quang là tiểu đội trưởng, Hoàng là tiểu đội phó. Cả tiểu đội có ba khẩu súng trương "oẳn tầm sào”. Ban chỉ huy xã đội cũng được thành lập cùng thời gian với đội du kích, Tám Lai được cấp trên chỉ định là xã đội trưởng kiêm chính trị viên xã đội.


Sinh hoạt của anh em du kích gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực nhân dân cung cấp chỉ đủ ăn mười lăm ngày trong một tháng, số ngày còn lại anh em phải ăn trừ bữa rau muống, ngó súng và các thứ rau dại... Mỗi người không đủ một bộ quần áo, thường ngày đi hoạt động phải mặc quần xà lỏn, có người phải ở trần. Tối ngủ không có mùng mền, phải cởi truồng rồi chui vào cái nóp để chống muỗi. Nhiều lần các má chiến sĩ và chị em phụ nữ tới thăm, anh em không có quần áo phải chạy trốn vào trong bụi cây.


Nhân dân trong xã biết con em mình sống thiếu thốn, nhưng những năm tháng sống trong cái trại tập trung trá hình có cái tên mỹ miều "khu trù mật", đời sống của bà con đã kiệt quệ, nên chẳng làm sao khác được.


Dù gian khổ thiếu thốn, cũng không cản nổi tinh thần tiến công của những chiến sĩ du kích trẻ măng đầy hận thù kẻ địch. Ngay sau ngày thành lập, họ đã phân công nhau xuống các ấp, diệt ác phá kềm xây dựng cơ sở, với quyết tâm giải phóng Hòn Me, Hòn Sóc và kinh Tám Ngàn trong năm 1961. Quyết tâm ấy của họ đã trở thành hiện thực.


Bọn ngụy vừa tức giận vừa lo sợ trước hiện tượng du kích Nam Thái Sơn xuất hiện. Bọn tề điệp tay chân tai mắt của chúng luôn luôn bị mất tích hoặc bị xử tại chỗ. Chúng liên tiếp mở những cuộc càn quét với mục đích tiêu diệt du kích, mỗi lần chúng vào xã không bao giờ được đối mặt với du kích nhưng lần nào cũng bị bắn lén, hoặc sa vào hầm chông một vài tên.


Một lần, khoảng một đại đội địch hành quân từ "khu dinh điền” Kinh Tám càn lên cây số 14 kinh xáng Nam Thái. Bọn chúng vừa ló ra khỏi "khu dinh điền", nhân dân trong ấp đã báo cho du kích, cùng lúc đó bà con trong ấp gõ mõ, gõ thùng, chậu, gọi loa uy hiếp tinh thần địch.


Tiểu đội trưởng Tư Quang dẫn đầu tiểu đội, từ trong rừng vận động qua cánh đồng trông ra bờ kinh. Họ lợi dụng những nền nhà cũ bố trí trận địa. Một ông nông dân nhà ở gần đó tới động viên: "Các chú cứ bình tĩnh, bắn chúng chết vài thằng nhất định chúng nó dông".

Trên con đường độc đạo, bọn lính ngụy chủ quan vác súng đi ngông nghênh như đi chơi chợ.

Tư Quang hạ lệnh cho tiểu đội: "Chờ cho chúng vào khoảng mười, mười lăm mét mới nổ súng". Thực hiện đúng lệnh của tiểu đội trưởng, ngay loạt đạn đầu anh em đã quật ngã bốn tên. Trận đánh kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Du kích đã bắn chết mười một tên, bị thương sáu tên, buộc chúng phải lôi xác nhau, rút chạy.


Đây là trận chống càn lần đầu tiên (khoảng tháng 6 năm 1961) của lực lượng vũ trang toàn huyện. Du kích xã Nam Thái Sơn đã giành được thắng lợi rất tốt đẹp.

Ngay sau khi ngừng tiếng súng, tin chiến thắng đã loan truyền từ ấp này sang ấp khác. Và những áp-phích, khẩu hiệu "hoan nghênh du kích xã ta đánh giặc giỏi..." được dán la liệt các nơi. Ít ngày sau Huyện ủy, Huyện đội đã tổ chức cho cán bộ quân sự các xã của toàn huyện tới họp tại Nam Thái Sơn để rút kinh nghiệm trận đánh.


Cả tiểu đội du kích Nam Thái Sơn không có ai tới hai mươi tuổi. Họ sống rất vui tươi lạc quan, trong căn cứ rừng tràm khi họ đi hoạt động trở về là vang lên tiếng hát tiếng cười. Tư Quang vốn là học sinh trung học ở thành phố về, biết ít nhiều nhạc lý, anh đã sáng tác những ca khúc ngắn cho anh em hát. Hoài rất thích múa điệu lăm thôn, Tám Lai, Hoàng... đều là những thanh niên ham ca hát. Tiểu đội du kích trở thành một cực có sức hút thanh niên toàn xã. Mỗi lần biết du kích trở về "cứ", là các cô gái, kể cả những người còn ở trong "khu trù mật" cũng tìm đến và mang theo một món quà gì đó. Kinh Năm có các cô Xuân, Gái, Hứa, Muộn; Kinh Ba có các cô Bảy, Cúc, Hai Sửu, Tư Cương, Út Xuân, Năm Nhật, Năm Cam, Sáu Nga; Kinh Tư có các cô Sáu Lạc, Ba Ý, Ba Nhự, Năm Tuất, Hai Quán... và nhiều chị em ở các kinh khác là những người quan tâm chăm sóc động viên anh em du kích, mỗi lần có đông chị em đến là khu rừng tràm trở nên không khí hội hè.


Cuộc gặp gỡ các bạn bè trai gái, Tám Lai bao giờ cũng là chàng trai hấp dẫn mọi người. Phần vì Tám Lai đẹp trai, thông minh, hóm hỉnh, phần sâu xa hơn là những thành tích của xã hai năm qua gắn liền với tên tuổi của người bí thư chi bộ trẻ măng ấy.


Sau những phút vui vẻ quên đời, họ không quên vị trí nghiêm túc của người chiến sĩ. Tám Lai và Tư Quang nghiên cứu sáng tạo các loại hầm chông cạm bẫy để diệt địch. Tiểu đội du kích cùng với nhân dân trong xã đã đào hàng trăm hầm chông đón các nẻo đường địch có thể càn tới. Nhiều cuộc càn, địch đã bị hầm chông ngăn chặn, nhiều tên địch đã vĩnh viễn nằm dưới hầm chông. Có lần một tên ngụy rơi xuống hầm chông, chúng phải khênh về tới tận Rạch Giá mới nhổ chông ra được.


Tinh thần chiến đấu mưu trí táo bạo, vận dụng linh hoạt các cách đánh trong chống càn, diệt ác đã làm cho tiếng tăm của Tám Lai và đội du kích Nam Thái Sơn khiến kẻ thù kiêng nể.


Tuổi trẻ đôi khi vui vẻ quá trớn, không phân biệt việc nghiêm túc với sự đùa nghịch. Chính vì sự không phân biệt ấy, Tám Lai đã phải trả giá khá đắt.

Một lần anh em bắt được tên Hải, là mật vụ của địch. Con hắn là Phong và hắn đã nhiều lần chỉ chọc phá cơ sở cách mạng. Tám Lai bắt hắn ngụp lặn dưới một hố bùn, khi hắn lên bò, anh đưa cho hắn một cái gương và cái lược, bắt hắn soi gương chải đầu. Anh em du kích đứng quây xung quanh xem như xem một con thú làm xiếc. Mỗi lần hắn thực hiện mệnh lệnh của Tám, họ lại cười như nắc nẻ.


Tám Lai hỏi tên Hải:

- Mầy nhìn trong gương, thấy mặt mầy có đẹp không?

- Thưa ông xấu lắm ạ.

- Đúng mặt một tên gián điệp phải không?

- Dạ.


Mặt tên Hải láng một lượt bùn mỏng, những vệt nước kéo từ trên trán xuông thành những đường kẻ so le trắng mờ trông đến ngộ giống như cái mặt nạ.

Tám Lai hạ lệnh:

- Mầy thử cười xem có đẹp trai không nào?

Tên Hải nhe răng như con khỉ làm trò. Thế là cả tiểu đội du kích lại ôm bụng cười.

Câu chuyện Tám Lai mang tên Hải ra làm trò đùa, trả thù theo lối trẻ con đã đến tai anh Th, huyện ủy viên phụ trách binh vận. Cùng trong khoảng thời gian này xảy ra một việc khác. Tám Lai giao cho em ruột mình mới mười ba tuổi mang lưu đạn vào Tri Tôn giết một tên ác ôn. Chẳng may thằng nhỏ bị bắt. Ngay sau khi thằng nhỏ bị bắt, địch lùng bắt một số cán bộ cơ sở. Không rõ có phải do thằng nhỏ khai báo hay sự ngẫu nhiên trùng hợp, nhưng khi báo cáo với Thường vụ Huyện ủy, anh Th, đã gộp cả lại một mớ và đặt một câu hỏi mơ hồ: "Tám Lai có phải người của địch gài vào nội bộ ta không?". Từ đó Tám Lai bị đình chỉ công tác và Huyện ủy triệu về "Hòn" để chờ xử trí kỷ luật.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2021, 07:36:59 pm »

5

Xã Mỹ Hiệp Sơn - nơi mảnh đất gieo hạt giống "đỏ" đầu tiên của huyện Hòn Đất. Ngay từ ngày thành lập Đảng (3-2-1930), nơi đây đã có sự hoạt động của Đảng. Năm 1941 đã có tự vệ phản đế và nhiều tổ chức quần chúng khác, tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. "Làn sóng đỏ" đó lan rộng ra khắp huyện Châu Thành và các huyện khác trong tỉnh Rạch Giá. Tới thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước xã Mỹ Hiệp Sơn vẫn là một xã vững vàng giữ vững truyền thống của mình.


Năm 1962 xã Mỹ Hiệp Sơn thành lập tiểu đội du kích có bốn khẩu súng trường, do Lương Văn Hoóng là xã đội trưởng, Nguyễn Văn Hanh là xã đội phó kiêm tiểu đội trưởng. Ngay sau khi thành lập, du kích đã hỗ trợ đắc lực cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược Kinh Hãng, và cùng với du kích Nam Thái Sơn phá ấp chiến lược Kinh Tam. Từ năm 1962 đến đầu năm 1963 tiểu đội du kích đã phối hợp với các đơn vị chủ lực tỉnh, khu đánh nhiều trận đặc biệt là trận kinh xáng Ba Thê, tiểu đội đã thu được năm khẩu súng (hai trung liên).


Khoảng cuối tháng Giêng năm 1963, xã thành lập trung đội du kích có 20 khẩu súng (có khoảng 2 tiểu đội). Những thanh niên ngày hôm trước, nhìn hành động tàn bạo của kẻ thù lòng đầy căm giận nhưng bất lực, hôm nay được nhân dân trao khẩu súng, người nào người nấy khao khát được giáp trận với kẻ thù. Trong lúc tập luyện, trong lúc công tác vận động quần chúng, tâm tư của họ luôn luôn hướng tới một trận đánh. Một hôm (3-1963), được tin nhân dân báo bọn địch rất đông đang tiến từ xã Vọng Thê (An Giang) về phía đồn Thầy Giáo.


Đêm hôm qua xuống công tác xây dựng cơ sở về, nhiều anh em còn đang ngủ, anh Cầm, bí thư chi bộ xã hội ý chớp nhoáng với ban chỉ huy xã đội:

- Địch đang tiến về xã ta...

Xã đội trưởng Hoóng vừa được gọi dậy, còn đang dụi mắt, nghe Cầm nói tới đó, anh nói xen ngang:

- Chúng tới đâu rồi, sao không báo động?

- Còn xa. Chúng vừa ra khỏi Vọng Thê.

Hoóng giục xã đội phó Hanh:

- Hoóng ra báo cho anh em, tất cả sẵn sàng chiến đấu.

Cầm nói tiếp:

- Mới có tin địch rất đông, không rõ bao nhiêu, nếu chúng ta chặn đánh thì tổ chức chỉ huy như thế nào, vì trận đánh này là trận chống càn của xã ta, phải nắm chắc phần thắng.

Hoóng bộc lộ tình cảm sôi sục:

- Dứt khoát phải đánh, phải chặn chúng lại. Việc chỉ huy đánh như thế nào tôi xin chịu trách nhiệm. Thời gian khẩn trương rồi, tôi cho hành quân ngay bây giờ. Nếu chiến đấu kéo dài thì các đồng chí tổ chức tiếp tế việc ăn uống cho anh em.

Cô Sáu Hoa (tên thường gọi là Sáu Nhỏ hoặc Sáu Bắc), phó bí thư chi bộ nói với Hoóng:

- Cho tôi cùng đi chiến đấu với các đồng chí.

- Thôi bà ơi. Bà cứ ở phía sau lo hậu cần cũng không ít việc đâu.

- Tôi muốn trực tiếp chiến đấu.

Hoóng không để ý tới câu nói của Sáu Bắc nữa, anh chạy vụt tới chỗ anh em đang tập hợp. Chưa kịp phổ biến kế hoạch, anh đã hô "chạy theo tôi", vừa chạy Hoóng vừa nói với Ba Hanh và Sáu Mới:

- Phương án đánh thế này: Tao cho một tiểu đội tới ém ở chỗ đống rơm Lũng Môn, chúng mày cho một tiểu đội sang bờ tây kinh nước, bờ phía đông đã có hai tổ du kích ấp ở đó rồi. Để địch tới gần mới nổ súng. Phải quyết tâm chặn kỳ được không cho chúng vô ấp.    Kế hoạch tác chiến gọn lỏn chỉ có chừng ấy. Phổ biến xong, Hoóng dẫn một tiểu đội về hướng đã định.


Đến đầu ấp Năm, Sáu Mới cho tiểu đội dừng lại, tìm vị trí chiến đấu. Ba Hanh cùng một tổ ra ngoài ấp trinh sát. Lần đầu tiên họ chiến đấu ban ngày theo kiểu dàn trận đối mặt với địch, nhiều chiến sĩ lúng túng, nằm chỗ nào cũng thấy chưa yên tâm, nhưng thấy địch tới gần rồi, họ cũng phải tự bằng lòng với vị trí mình lựa chọn.


Xã đội phó Sáu Mới nhìn dọc theo bờ kinh, thấy nhân dân sơ tán kẻ gồng người gánh từ phía Vọng Thê đến, đội hình địch còn cách xa những người gồng gánh vài trăm mét.

Một lát sau xã đội phó Ba Hanh cùng một tổ trinh sát trong đám hỗn độn của bà con sơ tán tách ra, đến gặp Sáu Mới.

Ba Hanh vừa nói vừa chỉ tay về phía trước:

- Bắn đi!

Sáu Mới xua tay:

- Hãy để cho nó vô gần chút nữa.

Bọn lính ngụy vác súng đi ngông nghênh, tới cách ấp Năm khoảng hai trăm mét, chúng nằm rạp xuống bờ kinh rồi bắn như đổ đạn vào ấp. Du kích bị mất thế chủ động bất ngờ, anh em không ngóc đầu dậy được dưới các loại súng liên thanh của chúng mất khoảng một chục phút, rồi mới bắn trả lại được. Lập ngắm bắn, bị vướng xạ giới, anh hăng máu bật dậy đứng bắn. Anh bình tĩnh nổ từng phát một nhằm vào tên chỉ huy đang ngồi xổm bên cạnh chiếc máy bộ đàm và tổ đại liên của địch bên bờ kinh. Bắn được ba phát thì Lập bị trúng đạn, hy sinh.


Phía Lũng Môn, bộ phận của Hai Hoóng bắn rát vào sườn địch làm cho chúng phải đối phó cùng một lúc với hai hướng. Gần một giờ đồng hồ mà đội hình của chúng không nhích lên được một bước.

Trận đánh kéo dài khoảng hơn một tiếng đồng hồ, mỗi tiểu đội du kích đã có thương vong một hai người, anh em chủ động rút kết hợp ngăn chặn địch từng bước.

Thấy tiếng súng của du kích thưa dần, quân địch mới dám tiến vào ấp Năm, lục soát một hồi rồi rút.

Lần đầu tiên (trong chống Mỹ) du kích Mỹ Hiệp Sơn chiến đấu chống càn. Trận đánh đã bộc lộ nhiều nhược điểm: trình độ chiến thuật, kỹ thuật của họ quá thấp và công tác chuẩn bị mọi mặt chưa tốt. Sau trận đánh nhiều anh em hoang mang thiếu tin ở sức chiến đấu của mình.


Cấp ủy và ban chỉ huy xã đội họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, thấy rõ nhược điểm, khuyết điểm của mình và đề ra kế hoạch khắc phục. Ngay sau đó xã huy động hàng trăm dân công đào công sự lập làng chiến đấu. Ở các hướng địch có thể càn tới xây dựng chiến hào, giao thông hào. Từ đó nhiều cuộc càn của địch đã bị du kích ngăn chặn ở phía ngoài ấp. Có trận địch từ Vọng Thê xuống khoảng một tiểu đoàn tấn công vào ấp Năm, chúng xung phong tới 20 đợt, trận đánh kéo dài suốt một ngày, địch vẫn không đột phá được vào trận địa của du kích. Những trận đánh thắng, càng làm cho đội du kích vững tin ở sức mình và ngày càng củng cố được niềm tin của nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2021, 07:37:32 pm »

6

Vị trí của lực lượng vũ trang trong xã đóng một vai trò quyết định trong việc giữ vững vùng giải phóng và hỗ trợ mạnh mẽ cho đấu tranh chính trị. Nhân dân trong xã Mỹ Hiệp Sơn mở rộng các hình thức đấu tranh khôn khéo và quyết liệt hơn. Một lần bọn cảnh sát ngụy vào ấp bắt lính, chúng bắt được tám thanh niên. Mấy chục bà già và chị em phụ nữ kéo theo chúng tới tận cầu số hai, trên lộ 80, đòi thả con em mình. Chị Kim Phụng (Hai Hô) là cán bộ phụ nữ xã cũng ở trong đám đông ồn ào ấy. Kim Phụng rỉ tai với mấy phụ nữ khỏe mạnh: "Phải gây chuyện đánh lộn với chúng, để cho anh em chạy trốn". Chị em đều tỏ tinh thần sẵn sàng tham gia nhưng không ai tình nguyện gây chuyện với chúng. Kim Phụng tự nghĩ: "mình phải làm việc đó". Trong cái đội ngũ hỗn độn chị em phụ nữ gần như quây lấy bọn cảnh sát, người khóc lóc kể lể nỗi khổ do chiến tranh gây ra, người cãi lý với một tên cảnh sát nào đó. Kim Phụng thấy bọn chúng sơ hở, chị đi sánh ngang với một tên, bất ngờ chị ngáng chân hắn, đồng thời đẩy vào lưng làm hắn ngã sấp, Kim Phụng nhanh nhẹn đè trên lưng hắn rồi hô hoán. Ngay lúc đó chị em khác cũng xông tới ôm chặt lấy những tên khác. Năm tên cảnh sát đã bị chị em phụ nữ giữ chặt, chúng không kịp hành động gì.


Số thanh niên bị bắt lính thấy có cơ hội để chạy trốn, nhưng tay họ bị chúng trói giằng với nhau, đang lúng túng chưa biết làm cách gì để cởi trói, thì một bà già đã mượn được con dao của nhà dân bên lề đường mang tới cắt dây trói. Trong lúc bọn cảnh sát đang cố gỡ ra khỏi những cánh tay của chị em phụ nữ, số thanh niên bị bắt lính đã bơi qua sông về ấp.


Khi mấy tên cảnh sát vùng ra khỏi cánh tay mềm yếu của chị em, chúng mới hiểu chuyện gi vừa mới xảy ra. Chúng vội vàng chạy sục vào chỗ này, chỗ kia để tìm số thanh niên vừa chạy trốn.


Sau khi thả bọn cảnh sát ra, chị em phụ nữ mỗi người chạy tản một hướng vào các gia đình mình quen, tạm né tránh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:33:56 pm »

7

Địa phương quân huyện, sau hai trận đánh giao thông không thành công, tiếp sau đó vài trận phục kích nữa bị lộ, anh em thiếu lòng tin tưởng vào cấp chỉ huy và lãnh đạo, hơn thế, còn nghi ngờ nội bộ có gián điệp.


Một đơn vị vũ trang trình độ kỹ thuật, chiến thuật chưa được rèn luyện, mà nhiệt tình của họ bị giảm sút, thử hỏi họ sẽ làm được gì. Ban Thường vụ Huyện ủy tỏ ra lo lắng, làm mọi việc để vực trung đội địa phương quân lên, mỗi trận đánh dù chưa thành công, cũng được rút kinh nghiệm sâu sắc. Quan tâm tới đời sống tinh thần vật chất của anh em. Cử cán bộ lên tỉnh, quân khu học các lớp quân sự...


Mọi việc cần làm, cho địa phương quân vững vàng hơn Thường vụ Huyện ủy đã làm tất cả, chỉ còn một trận đánh thắng. Chỉ có trận đánh thắng mới có sức thuyết phục người lính tự tin vào sức mạnh của mình, ngược lại mọi việc làm khác sẽ biến thành con số không.


Đầu năm 1963 công binh của huyện tự sản xuất ra được ba quả mìn đánh xe cơ giới. Đúng là của quý hiếm đối với huyện. Anh em nhìn quả mìn tròn giống cái nồi nhôm loại nấu đủ năm người ăn, cũng gởi gấm chút niềm tin: "của này mà nổ tung lên thì xe nào cũng đi đứt". Nhưng họ cũng chỉ phỏng đoán như vậy, chứ ai đã dùng nó bao giờ mà biết.


Thường vụ giao cho trung đội địa phương quân và xác định nhiệm vụ, đánh lần này phải nắm chắc phần thắng mới đánh. Mục tiêu trận đánh phải diệt kỳ được tên đại úy trưởng chi khu Tri Tôn. Công tác chuẩn bị được triển khai khá chu đáo. Tổ quân báo nắm rất chắc quy luật đi lại của tên đại úy Hiển. Ba Trung được giao chỉ huy trận đánh, anh tự đi trinh sát địa hình chọn nơi đặt mìn rồi lên phương án.


Tên Hiển thông thường vào chiều thứ bảy đi chiếc xe "jeep" về với vợ ở Rạch Giá, sáng sớm thứ hai hắn trở lại Tri Tôn. Ba Trung chọn điểm đánh cách thị trấn vài trăm mét, thời gian đánh vào sáng thứ hai, lúc hắn vào gần tới thị trấn rồi dễ sinh tư tưởng chủ quan.


Đúng như tính toán của Ba Trung, sớm thứ hai chiếc xe "jeép" của thằng Hiển chạy về bị trúng mìn lật nghiêng sang bên lề đường. Bà con thị trấn Tri Tôn kể lại: "Bọn đi trong xe chết sạch", trong đó có Lữ Hòa, một tên ác ôn khét tiếng, đã mổ bụng moi gan hàng trăm người. Riêng thằng đại úy Hiển bật ra ngoài xe, bị thương nặng. Hắn đang bò lồm cồm, nhìn thấy một con lợn, hắn hoảng hốt giơ tay lên trời rồi nói: "Con xin đầu hàng, các ông đừng bắn...". Từ đó thằng Hiển phát điên".


Trận đánh thắng trở thành tiếng nói kỳ diệu khích lệ mọi người, không riêng đối với địa phương quân, các cán bộ lãnh đạo của huyện cũng phấn khởi tin tưởng ở anh em hơn.

Kế trận đánh tên đại úy Hiển ít ngày, Thường vụ Huyện ủy lại nhận được tin: có một tên đại úy Mỹ là phái viên của vùng bốn chiến thuật (ngụy) tới kiểm tra vùng Châu Thành - Hà Tiên. Hắn thường qua lại trên đường 80, Ba Ca, bí thư Huyện ủy nói với huyện đội trưởng Chín Đen:

- Trận này phải giao cho Ba Trung.

- Ba Trung nó vừa nghỉ phép để chuẩn bị cưới vợ.

- Động viên nó tạm hoãn lại, nghỉ phép sau trận này.

Ba Trung mới nghỉ được một ngày phép đã có lệnh của huyện đội gọi về. Ba Ca và Chín Đen gặp Ba Trung trao đổi về tình hình chiến trường và động viên anh nhận nhiệm vụ chỉ huy trận đánh mới.

Đoạn đường từ Sóc Xoài tới Tri Tôn, Ba Trung thuộc như lòng bàn tay. Ba Trung trình bày phương án:

- Qua kinh nghiệm trận đánh trước, khi mìn nổ địch hoang mang không kịp phản ứng, nếu ngay lúc đó ta xung phong lên thu vũ khí vẫn còn đủ thời gian. Trận đánh này tôi chọn địa điểm ở Đập Đá cách bốt địch khoảng trăm mét, tôi cho đặt ba quả mìn theo kiểu nanh sấu, xe nó đi qua không dính quả này sẽ dính vô quả kia. Khi mìn nổ là phải xung phong lập tức, nhất định sẽ ăn.

Ba Ca và Chín Đen đồng ý với quyết tâm của Ba Trung, mỗi người bổ sung thêm vài ý kiến về công tác chuẩn bị và những tình huống không thuận chiều giải quyết như thế nào.

Tối hôm ấy Ba Trung dẫn trung đội tới thực địa phổ biến nhiệm vụ. Anh dẫn các tiểu đội trưởng lên mặt đường chỉ vào từng điểm sẽ chôn mìn. Chôn mìn xong, họ ém trong các bụi rậm.

Nằm chờ đợi suốt ba ngày ròng rã, tai và mắt họ lúc nào cũng căng ra để theo dõi tình hình địch, vẫn không thấy một chiếc xe nào chạy qua. Ba Trung suy nghĩ: chẳng cần phải dùng sức của cả trung đội, nếu để anh em ở lại hàng ngày ăn cơm nắm, cá khô và nhịn khát sẽ ốm hết. Anh quyết định lựa chọn hai người ở lại với mình thành một tổ, còn lại cho rút về căn cứ.


Ba anh em ngồi trong bụi đế, chịu đựng thêm một ngày nắng, khát cháy họng. Mãi tới chiều mới nghe thấy tiếng xe từ hướng Tri Tôn vọng tới. Ba Trung nhắc hai chiến sĩ chuẩn bị.

Một chiếc xe vận tải GMC chở đầy lính tiến mỗi lúc một gần trận địa. Năm Thắng cầm hai đầu dây điện chờ đợi. Bánh chiếc xe vừa chồm lên quả mìn, lập tức một tiếng nổ dữ dội hất chiếc xe quay ngược chiều nó vừa chạy, rồi lật nghiêng xuống vệ đường.


Ba Trung hô "xung phong", đồng thời chạy vụt lên, như người chạy thi, anh không để ý bất kể cái gì ngoài cái xe nằm nghiêng trước mặt. Đến nơi bên cạnh chiếc xe, bọn lính ngụy nằm chồng chất lên nhau, thằng chết thằng còn ngoắc ngoải, súng ống văng ra xung quanh, Ba Trung vội nhặt những khẩu súng vác lên vai cho tới khi không còn đủ sức vác nữa anh mới rời khỏi trận địa. Đi được ba bốn trăm mét, Ba Trung mới thấy tiếng súng liên thanh trong bốt Đập Đá bắn đuổi theo và lúc này anh mới biết vừa rồi mình xung phong lên có một mình.


Mệt mỏi quá, Ba Trung đang tính ngồi nghỉ lại hay cố gắng đi thêm một đoạn nữa, thì thấy hai chiến sĩ của mình ở trong bụi cỏ đế đi ra. Họ cùng reo lên "anh Ba", rồi chạy lại giằng súng trên vai anh "để em mang cho... để em mang", cứ như thể họ "tước" của anh tới khẩu súng cuối cùng. Anh chưa kịp nói gì, mấy cậu lính trẻ đã chạy khuất vào sau những bụi rậm. Ba Trung tay không còn một tấc sắt, một mình lững thững trở về cứ.


Ba Trung vừa tới sườn Hòn Me, nơi đơn vị đang đóng quân, cả đơn vị đã ra đứng đón anh như đón người anh hùng thắng trận trở về.

Ba Trung trách Năm Thắng:

- Bọn bây giành hết không để tao một khẩu nào, nếu trên đường về gặp địch thì tao chịu bó tay...

- Em sợ anh mang nhiều, chúng nó xông ra cướp mất... Trời! Em thấy khẩu trung liên, khẩu ga-răng ngon quá.

Ngay ngày hôm sau Thường vụ Huyện ủy đã nghe tin kết quả trận đánh, do quân báo thu lượm tin của địch cho biết: địch chết ba mươi lăm tên, trong đó có một trung úy tình báo. Thường vụ Tỉnh ủy đánh điện xuống biểu dương. Đây là một trận đánh hay nhất toàn tỉnh, diệt được nhiều tên địch, ta không có thương vong mà thu được chiến lợi phẩm.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:34:54 pm »

8

Tám Lai như cánh chim bị lìa đàn, anh thấy mình sống cô đơn, không nơi nương tựa. Mỗi buổi chiều, anh thường ra ngồi trên tảng đá, sườn Hòn Me, lòng đầy suy tư, nhìn về dòng kinh Nam Thái quê hương mình. Cái gì dẫn tới việc tổ chức nghi ngờ, rồi bỏ rơi mình. Chẳng lẽ vì sự chế diễu quá đáng một tên phản bội Tổ quốc mà phải chịu hình thức trừng phạt như thế này? Chẳng lẽ việc dám hy sinh thằng em ruột của mình lại trở thành một tội lỗi... Biết ngỏ tâm sự với ai, thanh minh với ai? Đã mấy lần anh nhắn nhe, xin được gặp Thường vụ Huyện ủy, để được đối thoại xem tội lỗi của mình ra sao, nếu phạm kỷ luật tại sao không thi hành ngay, nhưng chẳng thấy hồi âm. Mọi người quá bận rộn hay đã bỏ quên mình... Những câu hỏi ngổn ngang luôn luôn khuấy lên nỗi cay đắng, anh không thể tự giải thích được. Tuổi mười chín, tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng đêm nào anh cũng trăn trở để tìm ra lối thoát. Cuộc chiến tranh lửa khói quyết liệt này không dành cho anh nhiều thời gian không gian để lựa chọn. Trước mặt anh đã vạch sẵn hai con đường: con đường cách mạng mà anh đeo đuổi từ khi còn nhỏ, tới nay anh đã bị gạt sang bên lề; con đường làm tay sai cho ngoại bang thì không bao giờ, dù chỉ thoáng nghĩ tối điều đó, anh đã thấy ghê tởm nhục nhã. Đi đâu, về đâu? Về quê làm ruộng như những người nông dân khác. Không được. Mình hãy còn trẻ, đã từng làm bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng tham gia tích cực việc giết bọn tề ngụy, chúng sẽ không để yên. Dòng máu anh hùng bất khuất của dân Nam Thái Sơn đang chảy mạnh trong anh khuyên nhủ, níu kéo anh đứng vững trong hoàn cảnh éo le này. Anh tự tìm cho mình một lối thoát, bằng cách dấn thân vào chiến đấu, dù một mình cũng chiến đấu. Mỗi lần gặp bạn bè cũ, anh không than phiền vì cảnh ngộ của mình. Điều cần nói, chỉ có một câu duy nhất, rằng: "mày có lựu đạn cho tao xin một trái".


Hàng ngày Tám Lai sống lầm lũi một mình ở hang núi, làm gì cũng chẳng ai biết, và cũng chẳng ai có thì giờ để ý tới anh, khi nào hết gạo hết muối, anh đến xin các gia đình cơ sở cũ. Không có đủ gạo thì kiếm rau dại ăn trừ bữa, anh như một cái bóng mờ, bị mọi người quên lãng.


Một lần ba tên lính ngụy chết vì bẫy lựu đạn ở gốc cây xoài. Dân trong ấp Thổ Sơn bàn tán xôn sao: không hiểu ai đã đóng một mảnh gỗ có khẩu hiệu: "Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai", mấy thằng lính ngụy tới giật khẩu hiệu thì lựu đạn nổ.


Vài ngày sau lại có một chiến thắng vô chủ nữa. Ở một lối mòn từ bốt địch vào ấp, bọn lính thường qua lại, không hiểu ai cắm mấy cái biển đề "nguy hiểm chết ngươi" bên dưới dòng chữ là hình vẽ cái sọ người và hai cái xương bắt chéo, một tên lính ngụy hung hăng tới nhổ biển, lựu đạn nổ tung, hai tên chết và ba bốn tên khác bị thương.


Chẳng mấy lần bọn lính ngụy tới ấp Thổ Sơn, lại không chết một vài tên vì những cái bẫy vô chủ đó. Sau mỗi lần xảy ra chiến thắng vô thừa nhận, bà con trong xóm ấp lại xì xầm bàn tán, rồi vài ngày lại lắng xuống, chẳng ai có thì giờ tìm hiểu xem tác giả của trận đánh đó là ai.


Sự đời là vậy, việc ngay, gian dù kín tới đâu rồi cũng có lúc phải lộ ra. Hôm ấy địch lại kéo quân tới càn. Phát hiện địch từ xa, nhân dân toàn ấp đã thổi tù và, gõ thùng, gõ mõ rầm rĩ. Thanh niên nam nữ và những cán bộ hoạt động công khai chạy vào hang núi tạm lánh. Bà Tư nhìn thấy một thanh niên chạy ngược lại, rồi chui vào một bụi cây ở ven đường. Bà tò mò xem người đó là ai, nhưng chỉ thấy dáng người cao cao, vận áo màu cỏ đã rách một mảng lớn ở lưng. Trên nhà bà Tư nhìn xuống đoạn đường có người ẩn nấp khá rõ. Bà Tư vừa sàng gạo, thỉnh thoảng lại liếc nhìn xuống đường. Một tên lính ngụy đang bước, bỗng nhiên ngồi thụp xuống, rồi như co kéo với người ngồi trong bụi, có lẽ sợi dây bị đứt, tên lính ngã bổ ngửa, người trong bụi nhảy vọt ra nắm lấy đầu dây, nghiêng thấp người về phía sau kéo miết và tức khắc có một tiếng nổ inh tai. Anh thanh niên vừa xoay người lại, bà Tư nhận ra Tám Lai, bà buột miệng kêu khẽ: "Thằng Tám gan quá trời". Sau trận càn, bà Tư gặp bất kỳ anh cán bộ du kích nào là bà cũng kể lại trận đánh của Tám Lai. Từ đó nhân dân Thổ Sơn mới biết, những chiến công vô chủ trước đây thuộc về ai.


Tiếng tăm của Tám Lai như có cánh bay tới tai nhiều cán bộ đảng viên trong huyện. Những bạn bè hiểu anh càng thương anh hơn, những người chưa hiểu anh thì tỏ ra kinh ngạc trước đức tính kiên trì và tinh thần kiên cường dũng cảm anh đã biểu hiện. Một cán bộ bị cấp trên hiểu lầm bỏ rơi, hàng năm trời không cấp cho một xu nhỏ nào, không được một lời an ủi, đêm ngày lủi thủi một mình trong hang núi như một con thú, nhưng không hề ngã lòng. Nhiều bạn bè tìm đến thăm hỏi Tám Lai, nhiều trận đánh của địa phương quân, đại đội trưởng Ba Trung rủ Tám Lai cùng tham gia, giấu cấp trên. Mỗi trận đánh thắng, phần thưởng lớn nhất đối với anh là được các bạn chia cho vài quả lựu đạn.


Khoảng giữa năm 1962 chi bộ Nam Thái Sơn quyết nghị phát động xây dựng tổ chức du kích và tự vệ ở "Ba Hòn", xã đội trưởng Tư Quang nghĩ ngay đến đồng chí bí thư chi bộ cũ - Tám Lai, một cán bộ thông minh và táo bạo. Vào một buổi chiều Tư Quang trèo lên Hòn Me, mang theo những kỷ niệm đẹp về những ngày đầu tiên của đội du kích xã, anh nhìn thấy Tám Lai đang ngồi trên tảng đá, một tay chống má, đầu ngoẹo về một phía, mắt nhìn vào khoảng không xa xăm, khuôn mặt gầy tóp lại, quần áo rách tươm... thật tiều tụy. Mới hơn một năm mà những nét đẹp trai trẻ trung ở Tám Lai đã bị cảnh ngộ tước đoạt gần hết. Tư Quang chạy tới ôm chầm lấy bạn, giọng nghẹn ngào xúc động:

- Chúng tao rất nhớ mầy...

Tám Lai nhìn vào mắt bạn bằng cặp mắt cương nghị và chứa đầy ưu tư. Anh cố nén niềm xúc động đang trào dâng:

- Tao tưởng... đến những thằng bạn trai, đã từng cùng nhau vào sống ra chết cũng quên tao nốt.

Câu nói của Tám Lai ẩn giấu lời trách cứ sâu xa cách cư xử của người đời "khi vui thì vỗ tay vào...". Tư Quang rất thông cảm với bạn. Mới ngày nào khi Tám Lai đang là bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng, mấy cô gái mỗi lần vào "cứ" là sán lấy anh như ruồi thấy mật, một điều anh Tám, hai điều anh Tám, từ khi anh Tám bị tổ chức nghi ngờ, thôi thê là hết. Anh Tám trở thành người xa lạ. Điều đó đối với Tám Lai cay đắng không kém cái kỷ luật đang bị bỏ lửng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:35:39 pm »

Biết mình có ngỏ lời an ủi như thế nào đối với Tám Lai lúc này cũng chẳng có ích gì, Tư Quang bá vai bạn cùng ngồi trên phiến đá.

Tư Quang còn chưa biết vào đề câu chuyện thế nào, để tránh được sự xúc phạm tới tình cảm của bạn, thì Tám Lai nói trước:

- Cậu lên đây có công chuyện gì thế?

Được Tám Lai gợi mở thẳng vào điều cần thiết, Tư Quang nói một mạch:

- Chủ trương của xã định xây dựng ở ấp này một trung đội du kích và bốn năm trung đội tự vệ. Độ này phong trào vũ trang của xã lên khá, riêng mấy ấp của Thổ Sơn còn lẹt đẹt. Cậu ở đây lâu rồi, mình muốn hỏi ý kiến của cậu về tình hình và tổ chức phát động quần chúng như thế nào cho phù hợp.


Tám Lai im lặng, đưa bàn tay xoa xoa vào hàm râu quá lứa không được cạo, mắt anh mở to nhìn không chớp vào khoảng không vô định. Im lặng tới vài phút đồng hồ. Trước đây Tư Quang chưa bao giờ thấy Tám Lai có cử chỉ trầm lắng như vậy. Khó khăn thì nhiều... chẳng cần phải nói...

- Tám Lai dìm từng lời của mình trong suy tư - Cái khó nhất là làm cho anh em tin rằng: giặc đến mình đánh được và đánh nhất định thắng. Khắc phục được cái khó đó thì phong trào sẽ lên.

Nói vài lời có tính nguyên tắc, Tám Lai ngừng lại, có ý chờ Tư Quang nói các bước công tác của mình. Hiểu được ý bạn, Tư Quang nói rõ những suy nghĩ của mình đã chuẩn bị trong đợt công tác.

Vẫn với phong cách mới mẻ, Tám Lai nói rất ngắn gọn nhưng cụ thể vào điều mình định nhấn mạnh.

- Ngay sau khi ta tổ chức các đơn vị du kích, tự vệ xong, làm thế nào huy động thật đông đảo quần chúng đào hầm chông, vót chống càng nhiều càng tốt. Chúng ta phải chuẩn bị trước, có người đi hướng dẫn cho từng bộ phận. Còn cách đặt cạm bẫy chúng ta chỉ hướng dẫn riêng cho anh em du kích và phải giữ bí mật. Làm thế nào trận đầu của anh em phải nắm chắc phần thắng.


Kế hoạch đợt công tác xây dựng lực lượng du kích và tự vệ do Tư Quang và Tám Lai đã thảo ra được đảng viên, cán bộ nhân dân của ấp Thổ Sơn rất đồng tình. Thời gian triển khai công tác tổ chức cụ thể chỉ mất ba bốn ngày đêm, những dự kiến của họ đã lần lượt trở thành hiện thực. Một trung đội du kích và bảy trung đội tự vệ đã được thành lập; đào được 107 hầm chông; hơn ba trăm bẫy lựu đạn được gài vào các gốc xoài, gốc dừa.


Không phải chờ lâu bọn lính ngụy đã dẫn xác đến. Tư Quang và Tám Lai ngồi ở một cửa hang của Hòn Me, lắng nghe theo dõi diễn biến của trận đánh qua những tiếng nổ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Tư Quang chú ý nhiều đến việc phân loại những tiếng nổ, tiếng nổ nào của du kích, tiếng nổ nào của vũ khí địch, để đánh giá kết quả đợt công tác. Cũng những tiếng nổ ấy, mỗi lần nghe thấy tiếng nổ của bẫy lựu đạn, hoặc tiếng súng trường K44, Tám Lai cảm thấy vui hơn, qua những tiếng nổ ấy các đồng chí của mình sẽ hiểu mình hơn.


Trận đánh kết thúc thật đẹp. Ta không có thương vong. Địch bị tiêu hao nặng một trung đội.

Phong trào du kích chiến tranh ở Thổ Sơn1 (Thời kỳ này Thổ Sơn còn là một ấp của Nam Thái Sơn) phát triển sôi nổi. Hòa mình vào phong trào ấy, Tám Lai thấy mình bớt cô đơn. Nhưng chẳng được bao lâu phong trào lắng xuống, Tám Lai lại một mình sống vắng lặng trong hang núi. Có người hỏi: "Sao anh không hòa mình vào cùng đội du kích", anh im lặng không trả lời. Nhưng thâm tâm anh vẫn thì thầm giải đáp câu hỏi ấy. ''Mình đã bị tổ chức nghi ngờ loại ra khỏi Đảng và các tổ chức cách mạng, không có cương vị gì để móc nối với bất cứ tổ chức nào, móc nối vào chỉ gây rắc rổì thêm. Còn việc tự mình đánh giặc thì chẳng có gì rắc rối cả, nếu khôn khéo thì giết được giặc, nếu sơ hở thì giặc giết mình. Chẳng có phiền hà tới ai". Cứ như thế, Tám Lai tiếp tục làm theo cái quan niệm đã được đúc bằng thép của mình.


Độ này các bạn anh cho nhiều lựu đạn hơn. Tám Lai trở thành người có nghệ thuật cao trong việc đánh bẫy giết địch. Cũng trong thời điểm ấy, không có du kích nào của huyện Hòn Đất đánh giặc có hiệu suất cao bằng anh. Mãi về sau này những người chỉ huy và du kích kỳ cựu trong huyện đều thừa nhận rằng: số địch bị giết ở Thổ Sơn trong năm 1962-1963 quá nửa là do công của Tám Lai.


Bạn đọc có thể đặt câu hỏi: Tại sao Thường vụ Huyện ủy lại cư xử như thế? Chẳng lẽ Tám Lai không có khiếu nại gì? Câu hỏi thứ nhất, người viết chưa có cứ liệu để giải đáp. Câu hỏi thứ hai, xin trả lời rằng: Có.


Một lần Tư Ngần về Hòn Me họp Huyện ủy, chị thấy một người đàn ông mặc quần cộc, cởi trần, gầy guộc đang sốt rét run lên cầm cập ngồi sưởi nắng trên phiến đá, người kia vừa ngửng mặt lên, chị nhận ra là Tám Lai. Với sự nhạy cảm của phụ nữ, sự tiều tụy của Tám Lai đã gây cho Tư Ngần xúc động mạnh, chị khóc òa lên:

- Trời ơi! Cậu Tám mà đến như thế kia ư?

Tám Lai ngước cặp mắt mệt mỏi nhìn Tư Ngần, một lát sau anh mới cất giọng nói đứt quãng vì cơn rét:

- Tôi... đã nhắn... vào Thường vụ... khi nào họp... ghi vào cái mục linh tinh ấy, cho tôi được hỏi... tôi có tội gì... tới năm lần rồi... mà không ai trả lời tôi.

- Được rồi, chị sẽ đề nghị cho cậu.

Với tấm lòng đầy thương cảm, Tư Ngần vẫn không rời mắt khỏi khuôn mặt gầy guộc, xanh rốt của Tám Lai. Chị thấy ngượng ngùng như chính mình có lỗi đã để một đồng chí mình bị đày đọa như thế này.

- Thế cậu không còn quần áo... sao mà ở trần như vậy.

- Quần áo... có ý nghĩa gì... đến tính mạng... tôi có chết... cũng chẳng ai biết tới.

Tư Ngần vẫn chưa hết xúc động, nói:

- Cậu Tám... yên tâm, chị sẽ nói để cậu gặp Thường vụ... chị còn một cái bao bột, chị vận động chị em may cho em hai cái quần dài.

Nhờ Tư Ngần, ít ngày sau Tám Lai được thanh minh trước Thường vụ Huyện ủy, và chị em phụ nữ huyện đã gởi cho anh một bộ quần áo mới.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2021, 08:02:01 pm »

Chương ba
"TỐC KHU"

1


Vào cuối mùa mưa (10-1963) sau cuộc họp của Huyện ủy bàn về việc mở rộng phong trào phá "khu trù mật" (mà mọi người quen gọi là "tốc khu"). Tư Ngần, chủ tịch hội phụ nữ huyện, Ba Lời, bí thư đoàn thanh niên huyện mang theo câu hỏi của hội nghị "Tại sao Nam Thái Sơn là một xã có truyền thống đấu tranh lại không "tốc khu" được?" về Nam Thái Sơn tìm lời giải đáp. Được tổ chức trao nhiệm vụ trở về nơi chôn nhao cắt rốn của mình họ đều mang theo một tình cảm: phải mang hết sức mình để đưa phong trào cách mạng của xã mình lên. Một đêm, họ đi từ Ba Hòn băng qua những cánh đồng nước ngập, những con kinh rạch chảy xiết, xa hai mươi cây số qua nhiều đồn bốt địch, mới tới căn cứ du kích.


Trở lại cánh rừng tràm, mùi hương tràm thoang thoảng quen thuộc gợi Tư Ngần nhớ những ngày phấn khởi sôi sục của đồng khởi. Chị dừng lại trước một cái chòi, sàn chòi gần sát mặt nước. Hai chiến sĩ ngồi ôm súng trên sàn, một người nói giọng buồn buồn "chị Tư" thay cho lời chào. Không khí tẻ ngắt ảm đạm thoáng qua cảm giác của Tư Ngần. Chị ngồi ghé vào cạnh sàn thở một hơi dài, trút bớt cái mệt mỏi của một đêm dài lặn lội.


Nhìn thấy Tư Quang lội đến, Tư Ngần vui mừng:

- Tôi đang định tìm tới chỗ cậu, chúng ta họp với nhau để bàn việc triển khai nghị quyết của Huyện ủy.

- Anh Ba đã đến chỗ tôi, mời chị sang bên đó.

- Báo trước cho cậu như vậy... chứ cánh này còn phải nghỉ ngơi một chút, đêm qua đi mệt muốn chết.


Họ kéo nhau tới chòi của Tư Quang, chòi này rộng rãi hơn cái "tổ chim" vừa rồi, nó có đủ chỗ ngồi cho mươi người. Đây thường được coi là hội trường của tiểu đội du kích xã họp hành và sinh hoạt văn nghệ.

Các anh Ba Toàn, Năm Mai và các chị Tư Mai, Hai Sửu, Ba Khương, Hai Cúc... đã tề tựu cả trên sàn. Ba Lời và Tư Ngần vốn là đảng viên chi bộ này, nên không phải giới thiệu họ đã hiểu nhau. Trong lúc chờ đợi cuộc họp, họ nói với nhau đủ thứ chuyện tản mạn xung quanh tình hình trong xã mình. Nếu như lúc phong trào của xã đang lên, cuộc họp mặt như thế này sẽ râm ran tiếng cười, và lời qua tiếng lại trêu chọc nhau vui vẻ, nhưng lúc này mọi câu chuyện đều trầm lắng.


Xã đội trưởng Tư Quang vốn trầm tĩnh, anh ngồi tựa vào thân cây tràm, lắng nghe các bạn chuyện trò. Thỉnh thoảng câu chuyện của họ lại khơi dậy trong tiềm thức anh về đội du kích kể từ ngày thành lập. Trong khoảng hơn hai năm trời, du kích xã, ấp và các trung đội tự vệ đã làm biêt bao nhiêu công việc đáng kể như diệt bọn ác ôn, xây dựng cơ sở giành quyến chủ động ở Bình Sơn, Thổ Sơn, Kinh Năm và những việc không tên khác không sao nhớ nổi, tại sao đến nay vẫn gặp khó khăn.


Nghe Ba Lời thay mặt Huyện ủy giới thiệu Tư Ngần là bí thư mới của chi bộ, Tư Quang gạt những điều mình đang suy tưởng, nhìn vào khuôn mặt tròn đầy đặn như mặt trăng của Tư Ngần.

Cuộc họp chi bộ thảo luận ngay vào vấn đề Tư Quang vừa suy nghĩ. Những khó khăn và nguyên nhân lần lượt được phơi bày trong ý kiến của mọi người. Trong khoảng vài tháng gần đây, địch đã bắt và giết mất hàng chục cán bộ xã, ấp, số cán bộ lãnh đạo tổn thất quá lớn: Chi ủy có năm người, đã bị địch giết mất bốn người; phần đông quần chúng vẫn bị địch khống chế trong "khu trù mật". Một vài người bị địch bắt, bị chúng tra tấn không chịu đựng nổi, đã trở thành kẻ phản bội dẫn đường cho địch đánh phá cơ sở, làm cho nhân dân nghi ngờ né tránh không muốn tiếp xúc cán bộ đảng viên "không biết ai trung ai gian". Du kích không được nhân dân giúp đỡ tiếp tế thường xuyên như trước, nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Anh em phải sang rừng Bình Sơn đốt than, nhờ dân ra chợ bán đổi lấy gạo. Hàng tuần lễ mới đổi được dăm bảy chục cân gạo. Giữa mùa nước nổi cả tiểu đội du kích không có một cái xuồng... Cuộc họp đã vạch ra được kế hoạch khắc phục và phân công nhau bám cơ sở với phương châm: Tin tưởng ở quần chúng và củng cố lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Những khó khăn cụ thể như thiếu gạo, thiếu xuồng được phân công cho từng người lo liệu, có đảng viên nêu: "Chính tôi đã vô cơ sở vay mượn gạo, nhưng dân hết gạo rồi, vận động như thế nào". Biết rằng trong cuộc họp không thể giải đáp hết được những thắc mắc, Tư Ngần nói với anh em:

- Tối nay tất cả vào ấp, các đồng chí du kích cho một tổ đi trước cảnh giới. Sau đêm nay trở về ta rút kinh nghiệm, còn vấn đề gì ta bàn tiếp. Những đảng viên hợp pháp về trước tổ chức việc theo dõi hành động của địch, phổ biến mật hiệu cho cơ sở, chuẩn bị cho việc "đột" ấp an toàn.


Đêm hôm đó, trời đầy mây mưa, nhìn vào "khu trù mật" tối đen như mực, không có một đốm sáng nhỏ, Tư Ngần cùng hai chiến sĩ du kích đến gần bờ rào, dừng lại quan sát nghe ngóng một lần nữa. Không có ánh đèn có nghĩa là an toàn. Họ chui qua rào tới nhà má Đoàn.


Nhớ những ngày đấu tranh chính trị, những cuộc biểu tình ở Tri Tôn đòi dân sinh dân chủ, má Đoàn bao giờ cũng là nòng cốt và Tư Ngần là đảng viên trực tiếp lãnh đạo, hai người luôn bám sát nhau như bóng với hình, cả trường hợp địch khủng bố vẫn kiên trì dẫn dắt quần chúng đấu tranh cho tới thắng lợi. Lâu rồi mới được gặp nhau, má Đoàn rất vui mừng. Không có thời gian để tâm sự, Tư Ngần nói ngay vào công việc:

- Má ơi! Tình hình độ này căng quá. Anh em hy sinh nhiều. Theo ý của huyện chúng con về phá kềm để cho dân trở về kinh. Chúng con hết tiền, hết gạo, không có xuồng ghe. Đi mượn không được, mua thì không có tiền. Nhờ má nếu không được, thì chúng con đành ly hương sang Bình Sơn đốt than tạm kiếm sống, nếu như vậy thì không hoàn thành nhiệm vụ "tốc khu" để cho bà con mình về kinh. Nếu má giúp chúng con được hai giạ gạo, chúng con sẽ làm cho địch phải co lại, tạo điều kiện cho bà con về làm mùa.

Má Đoàn cố nén không khóc thành tiếng, nhưng giọng nói vẫn mếu máo và thỉnh thoảng lại lấy tay áo gạt nước mắt:

- Các con phải xa gia đình vì nước vì dân, đâu phải cho gia đình mình, dân phải lo cho các con chứ sao lại phải mua. Nếu giải phóng quê hương thì có phải giải phóng riêng gì cho gia đình các con... Tại sao khó khăn thế, mấy đứa không đến nói với má. Được rồi để má lo.

Má Đoàn sai con gái đi nấu cơm. Má vét hết số gạo của gia đình được khoảng mười cân. Anh em ăn cơm xong, má Đoàn mang gạo trút hết vào bòng của họ. Má căn dặn:

- Các con tạm dùng đã, mai má đi xin bà con. Tối mai các con đến...

Tối hôm sau Tư Ngần cùng một tổ du kích lại đến nhà má Đoàn. Má giao cho Tư Ngần một chiếc xuồng và hai mươi giạ gạo.

Kiểm điểm lại trong một đợt ngắn, không đầy một tuần bám cơ sở, đã giải quyết được nhiều khó khăn mà trong cuộc họp có người chưa tin rằng có thể làm được. Hai Sửu cùng một tổ du kích xin được năm giạ lúa và mượn tiền mua được một chiếc xuồng. Tư Ngần cùng một tổ du kích mượn được hai chiếc xuồng. Tổng cộng được bốn chiếc, và số lúa gạo của bà con giúp đỡ, tạm đủ cơ sở vật chất chuẩn bị cho kế hoạch "tốc khu", đưa nhân dân về vùng ta làm chủ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2021, 08:03:56 pm »

2

Khoảng 10 giờ đêm 16 tháng 10 các đơn vị tham gia "tốc khu" đã áp sát hàng rào "khu trù mật". Ba Ca, bí thư và Tám Trung, phó bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo đã có mặt ở Kinh Năm, kiểm tra hợp đồng lần cuối cùng. Hàng chục xuồng ghe của xã Mỹ Lâm tới phối hợp với nhân dân Nam Thái Sơn đã tới đậu chen chúc dọc theo kinh Đòn Dông.


Nhân dân trong "khu trù mật" đã được cán bộ báo trước, họ gói ghém sẵn đồ đạc của gia đình mình, chờ hiệu lệnh sẽ xông ra phá lán trại trở về ấp cũ.

Khoảng ba giờ đêm, ba tiếng súng nổ phá vỡ sự yên tĩnh của vùng đồng nước hoang vắng, tiếp theo là tiếng loa, tiếng đập phá ồn ào như một trận lũ tràn ngập trong "khu trù mật".

Từ Kinh Năm những con xuồng to nhỏ nối đuôi nhau lao ra "khu trù mật", những người chủ xuồng gọi to "ai không có xuồng tới đây... chúng tôi tới đón bà con đây"... Tiếng ồn ào gọi nhau như vỡ chợ diễn ra không quá một tiếng đồng hồ, những con xuồng lần lượt lao vào đêm tối đưa những người dân về ấp xóm cũ.


Sau ngày "tốc khu" anh em du kích thường xuyên ém cách bốt địch trong tầm bắn hiệu quả của súng trường. Họ vừa được huyện tăng cường cho năm khẩu "Ấp Bắc" (K44). Mỗi lần bọn lính lăng xăng ra khỏi đồn là "Ấp Bắc" lên tiếng. Bọn chúng liên tục bị thương, bị chết vì bắn tỉa và sa phải hầm chông cạm bẫy khi ra khỏi cổng đồn. Từ đó chúng hạn chế vào xóm ấp quấy phá.


Tháng 11 năm 1963 tướng lĩnh Sài Gòn đảo chính Ngô Đình Diệm, nội bộ ngụy quyền trung ương lục đục, lũ tay chân bên dưới càng dao động, trở thành nguyên nhân khách quan thuận lợi cho không khí khởi nghĩa "tốc khu" thêm mạnh mẽ hơn. Hơn mười ngàn dân Nam Thái Sơn đã thoát khỏi các "khu trù mật" trở về quê hương cũ của mình. Hầu hết các ấp đã giành được quyền làm chủ, trở thành sức mạnh hậu thuẫn cho lực lượng vũ trang. Du kích xã được đưa lên tuyến lộ hoạt động, phá tan nhiều tổ chức phản động của địch. Thời kỳ này bọn tề điệp tối đến không dám ngủ tại ấp, chúng phải trốn tránh vào chi khu Tri Tôn để giữ mạng sống. Hàng ngày từ xế chiều tới sáng hôm sau, du kích xã Nam Thái hoàn toàn làm chủ đoạn đường từ Vàm Răng đến Đập Đá.


Trong cao trào tiến công địch, nhiệm vụ quân sự không còn là việc dành riêng đối với du kích và bộ đội, mà từng người dân đã chủ động làm theo sức của mình. Dân làm trinh sát, dân làm hậu cần, dân tham gia làm hầm chông cạm bẫy...


Một lần nghe thấy tiếng súng nổ trong rừng, mấy bà má Kinh Năm bảo nhau nấu xôi giết gà, rồi mang tới căn cứ của du kích, các má nói với nhau: "Nếu có đứa hy sinh thì làm đồ lễ, nếu không thì cho chúng nó ăn".


Anh em du kích nhìn từ xa đã thấy các má đang bơi xuồng tới, mấy chiến sĩ trẻ tinh nghịch lấy một tấm ni lông đắp lên một khúc gỗ, giống như một người nằm trong đó. Mấy má tới nơi thấy vắng mặt Tư Ngần, một má hỏi:

- Con Tư đâu?

Một chiến sĩ nói giọng bùi ngùi:

- Chị Tư hy sinh buổi sáng.

Tư Ngần được các má rất cưng, khi nghe thấy Tư Ngần hy sinh, các má khóc òa lên và đòi được đến xem thi hài.

Mấy chiến sĩ cố bấm bụng, nín cười dẫn các má đến nơi. Một bà má kéo tấm ni lông lên để nhìn mặt người đã khuất lần cuối cùng. Nhìn thấy khúc gỗ, mới biết "mấy thằng trời đánh" này chúng nó lừa mình. Mấy bà đang khóc, chuyển thành cười và bực tức. Có bà quát tháo rầm lên:

- Tổ cha bọn bây còn sung sướng lắm đó mà bày trò...

Chửi mắng một hồi rồi bà ôm mặt cười. Từ nãy tới giờ các chiến sĩ du kích cố nín nhịn một trận cười, thấy các má tỏ ra thông cảm lập tức họ cười phá lên. Câu chuyện "chị Tư Ngần hy sinh" trở thành một câu chuyện vui, mãi đến những năm tháng sau đó, mỗi lần các má tới thăm du kích thường được ôn lại.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2021, 08:05:39 pm »

3

Dân Mỹ Lâm đã phá tan hoang các ấp chiến lược, trở về dựng nhà cửa trên nền đất cũ của mình. Trên dòng kinh Mớp Giăng kéo dài gần hai chục cây số, không còn đồn bốt giặc (kể từ 11-1963). Những túp nhà nhỏ bé lợp lá đưng, lá dừa vội vã được gửi gấm cuộc sống bình yên. Bóng xuồng ghe xuôi ngược tấp nập trên dòng kinh thẳng tắp đầy ánh nắng. Tiếng hát của tự do đây đó vút lên.


Niềm vui tràn ngập trên từng bước đi, từng giọng nói của mọi người. Đêm đến các đoàn thể ở xóm ấp họp hành ôn lại nỗi đau của cảnh tù ngục, bàn bạc kế giữ ấp giữ làng. Mấy ông già phấn hứng mỗi khi nhấp một ly rượu, lại kể chuyện xưa.

   "Xưa còn rừng rậm mớp mớp giăng
   Kinh múc từ nay thẳng thẳng băng
   Đồng rộng không dung loài khỉ mốc
   Đường ngay không dựa lũ mèo vằn
   Đèn soi bến nước lằn vân hớn
   Trăng chiếu dòng sông cụm cát đằng
   Nhà cửa xum nghiêng nghề nghiệp đủ
   Bốn mùa vẹn giữ thú làm ăn"
      (Thơ truyền miệng trong nhân dân xã Mỹ Lâm).


Trên những lối đi, trên những cánh đồng dấu vết xưa còn đó. Miếu thờ Nguyễn Trung Trực còn ấm khói nhang, nhắc nhở mọi người: một ngày lịch sử ông Trực tập trung quân ở đám lá Tối Trời, để tấn công thành Rạch Giá. Cánh đồng lúa trĩu hạt, nhắc đến các bà Nguyễn Thị Mười, Lê Thị Nến dùng chổi đuổi đánh tên quận Phước, bà Phạm Thị Kiều cưỡi trâu đuổi đánh bọn lính lệ, giữ ruộng đất cho thôn ấp (1930). Truyền thống đấu tranh xưa đã trở thành sức sống chiến đấu và chiến thắng của Mỹ Lâm hôm nay.


... Khi đã đẩy được giặc ra ngoài xã mình, nhân dân cùng với du kích đào chiến hào, làm hầm chông cạm bẫy dựng làng kháng chiến. Dân quân, du kích chăm lo việc tập luyện, đánh giặc giữ làng.

Một hôm trong một buổi tập chiến thuật tập kích do cán bộ quân sự của Huyện đội tới huấn luyện, vào giờ nghỉ giữa buổi tập, họ quây quần lại chuyện trò vui vẻ, tự nhiên Hai Hoóng hỏi Sáu Bắc, bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội:

- Chị có nhớ trận tập kích một tên điệp từ Long Xuyên tới không?

Hoóng chưa dứt lời, Sáu Bắc đã phì cười, rồi mắng thân:

- Bọn bay trời đánh không chết!

Mấy du kích trẻ tò mò, thúc Hai Hoóng kể lại. Hai Hoóng và mấy chiến sĩ cũ vẫn ôm bụng cười. Tiếng cười kéo dài càng làm cho những ngươi chưa biết chuyện thêm tò mò.

- Chuyện ra sao anh Hai kể cho chúng em nghe với.

- Để chị Sáu kể, chị biết kỹ hơn.

Một cô gái từ đâu tối nói xen ngang:

- Chị Sáu ơi! Vô trong nhà có khách đợi.

- Ai đó?

- Một anh bộ đội.

Sáu Bắc đứng dậy, trên đôi môi hồng của chị vẫn giữ nguyên nụ cười. Trong đầu chị những hình ảnh của câu chuyện mà Hai Hoóng vừa gợi đến, đang sống động không thiếu một chi tiết.


Khoảng cuối năm 1961, Tư Ngần là cán bộ của huyện về tăng cường cùng Sáu Bắc, bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội ở trong ban chỉ đạo phá ấp chiến lược. Tối hôm ấy "mấy thằng trời đánh không chết" bày ra một trò tinh nghịch. Hai Hoóng cùng hai du kích dẫn một người bị trói, đến chỗ Sáu Bắc và Tư Ngần đang ở. Hai Hoóng nói:

- Báo cáo với hai chị, chúng tôi vừa bắt được một tên điệp từ Long Xuyên tới, nó khai còn một thằng nữa đang ở nhà lão Mười, các chị tính sao?

Sáu Bắc trả lời ngay:

- Phải bắt sống chứ còn sao gì nữa?

- Các chị cho mượn thêm súng và lựu đạn, đề phòng nó đối phó.

Tư Ngần đưa khẩu súng ngắn và Sáu Bắc cũng lấy quả lựu đạn da láng duy nhất của mình đưa cho Hai Hoóng.

Sáu Bắc nói:

- Cậu phải tìm cho chúng tôi một cái gậy hoặc cái gì để đề phòng chứ.
Tôi đã trói nó rất chặt rồi, ở đây có hai chị em lo chi.

Nói xong, Hai Hoóng cùng hai chiến sĩ đi về phía đồn địch.

Tư Ngần tới hỏi cung tên gián điệp:

- Mày tới đây được giao nhiệm vụ gì? Liên lạc với ai?

Tên "gián điệp" nói như người ngọng:

- Thưa bà tôi là người làm ăn lương thiện, không làm gì cho "quốc gia", tôi bị bắt oan.

- Thôi đi! Nhân dân đã theo dõi hết mọi hành vi của mầy, khai thiệt sẽ được hưởng lượng khoan hồng của cách mạng.

- Thưa các bà...

Tên "gián điệp" nói nửa chừng, bỗng vùng căng chạy. Sáu Bắc bật dậy đuổi theo. Tên "điệp" chỉ cách chị độ mươi mét, chị hết sức cố gắng nhưng không sao rút ngắn được khoảng cách. Dưới ánh trăng, Sáu Bắc thấy tên "điệp" chạy qua rất gần chỗ tổ du kích đang ngồi, chị kêu "điệp chạy” mà họ không hề nhúc nhích. Chỉ còn vài trăm mét nữa tới đồn địch, Sáu Bắc biết mình không còn đủ sức để đuổi theo nữa, chị quay trở lại. Thái độ thờ ơ của tổ du kích làm cho Sáu Bắc giận điên người:

- Chúng mày làm ăn kiểu gì thế. Thu hết súng đạn của người ta, để tên điệp chạy mà cứ ngồi im re.

Mấy cậu du kích cười như nắc nẻ.

- Để súng cho các chị bắn chết nó hen?

Đến lúc này chị mới biết họ bày trò đùa.

Chị nói dỗi:

- Các cậu quá lắm... ngày mai về kiểm điểm xem trò đó có hay không.

... Đến lúc này chị vẫn thấy buồn cười nôn ruột vì một trò đùa quái quỷ của bọn thanh niên trẻ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM