Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:06:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lửa của đất  (Đọc 5968 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2021, 09:23:25 pm »

Tên sách: Lửa của đất
Tác giả: Nguyễn Tư Đương
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, quansuvn



LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Tiếp theo cuốn Phú Quốc nơi đầu sóng xuất bản năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn Lửa của đất. Đây là cuốn thứ hai trong bộ ký sự ba cuốn NƠI ĐẦU SÓNG của đại tá nhà báo Nguyễn Tư Đương.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


NHÀ XUẤT BẢN
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2021, 09:24:05 pm »

ĐÔI DÒNG...


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang bằng đại thắng mùa xuân cách đây 15 năm, nhưng dư âm của kỳ công ấy vẫn đọng lại cho đến hôm nay.


Để có được độc lập tự do, dân tộc ta đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ. Đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Đảng cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta có thể nói là yếu tố quyết định cho chiến thắng nhưng dù sao cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự hy sinh xương máu. Tinh thần hy sinh cao cả, dũng cảm, mưu trí đó có một phần thuộc về Đảng bộ, nhân dân và chiến sĩ Hòn Đất.


Làm sao có thể quên được những ngày nếm mật nằm gai, bị quân thù bao vây đói cơm thiếu đạn trong Hòn vẫn tìm cách đánh và thắng quân thù; làm sao có thể quên được những người con trung hiếu của Hòn Đất đã ngã xuống, đã hy sinh một phần thân thể trên khắp mảnh đất quê hương này chỉ vì một mục đích duy nhất là hạnh phúc của nhân dân. Gian khổ đó mà vinh quang cũng đó; trong hiểm nguy mà sao lại ấm áp tình dân nghĩa Đảng, tình đồng chí, đồng bào.


Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống mới đã đâm chồi nảy lộc, một thế hệ dấn thân vào cuộc chiến dần dần đi vào dĩ vãng nhưng những kỳ tích anh hùng sẽ mãi mãi sống với các thế hệ mai sau. Những nấm mồ liệt sĩ và những mẩu chuyện oai hùng sẽ chứng minh với lịch sử cái giá phải trả để đổi lấy độc lập, hạnh phúc, tự do.


Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Hòn Đất, đồng chí Nguyễn Tư Đương ghi chép lại một phần cuộc kháng chiến của dân và quân Hòn Đất trong những năm dài đấu tranh ác liệt hào hùng trong chống Mỹ, cứu nước.


Với những điều kiện hạn chế, dĩ nhiên quyển ký sự này không thể ghi lại hết được những sự tích anh hùng, những chiến công của quân và dân Hòn Đất, thậm chí, có thể chưa mô tả được hết diễn biến và ý nghĩa của sự việc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng cho ra mắt bạn đọc vì thời gian sẽ không dừng lại.


Chúng tôi mong rằng quyển ký sự "Lửa của đất" sẽ được đồng bào, đồng chí phê bình, đóng góp cả về sự kiện lẫn cách diễn tả để làm phong phú thêm việc phổ biến truyền thống tươi đẹp của huyện Hòn Đất thân yêu.


BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY
HÒN ĐẤT
Mùa Thu 1990
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2021, 07:17:42 pm »

Chương một
ƯỚC VỌNG
1


Một đêm vào giữa mùa xuân 1960, các tiểu đoàn "giáo phái"1 ("Giáo phái" là đơn vị vũ trang cách mạng, danh nghĩa bên ngoài là lực lượng Giáo phái Hòa Hỏa ly khai) của tỉnh Rạch Giá hành quân tới rừng Đìa Ổi. Khu rừng tràm khá rậm rạp, nhiều cây tràm lớn hơn thân người, những cây dây leo chằng chịt to bằng cổ tay cuộn quanh những thân cây nứt nẻ, trắng mốc. Khu rừng này nằm giữa ranh giới hai huyện Hòn Đất và Hà Tiên, có nhiều đường mòn của những người kiếm củi hoặc kiếm cá qua lại. Giữa rừng có đìa lớn, rất nhiều cá, những năm chiến tranh ít người đánh bắt, mỗi khi tới mùa nước cạn, cá đông đặc như sống trong chậu; xung quanh đìa có nhiều cây ổi cổ thụ, có lẽ vì thế nên khu rừng này gọi là Đìa Ổi.


Khi các tiểu đoàn hạ trại, trời đã gần sáng. Từng nhóm chiến sĩ lăn ra ngủ bên cạnh gốc tràm, cũng có vài ba người chưa ngủ, ngồi chụm đầu tán gẫu và chia nhau hơi thuốc lá khét mù.


Chính trị viên Ba Ca (Nguyễn Văn Khoảnh) ngồi tựa lưng vào gốc tràm, mắt anh khép hờ nhìn lên một mảng trời hừng đông rực rỡ.


Gần một tháng liền lãnh đạo học Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, rồi tiếp việc triển khai nghị quyết cho tới hôm nay, Ba Ca mới thấy có chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình. Tự nhiên cái quá khứ nặng nề khắc nghiệt lại kéo anh về với chúng; những biến cố lịch sử, những đổi thay của cuộc đời mình cứ trôi bồng bềnh trong tâm tưởng.


... Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam tháng 7 năm 1954 như một trái chín thơm ngon nhưng khó nuốt, anh chưa kịp hiểu hết ý nghĩa thắng lợi của nó, đã nhận lệnh đi tập kết. Lúc này rất nhiều người muốn được đi tập kết với động cơ khác nhau, riêng đối với anh, nó như một trách nhiệm lạnh lùng, không rõ nên vui hay buồn. Đúng hơn là, tình cảm của anh lúc đó đang bị xáo trộn ghê gớm. Anh biết rõ, khi lực lượng vũ trang của ta chuẩn bị tập kết, ta rút tới đâu, quân Hòa Hảo lấn chiếm đến đấy.


Một vùng rộng lớn nối liền xã Mỹ Hiệp Sơn - quê anh, với xã Nam Thái Sơn đã được giải phóng từ ngày 9 tháng 8 năm 1948, từ đó giặc Pháp và quân Hòa Hảo thèm rỏ rãi, nhưng vẫn phải đứng ở xa không làm gì nổi. Đến nay (1960) bọn chúng tới chiếm đóng không phải tốn một viên đạn. Hai năm vắng mặt lực lượng vũ trang cách mạng, hai năm quê hương mình, người thân thích ruột thịt của mình sống trong tay giặc, không hiểu những gì sẽ diễn ra... Những ngày chờ đợi xuống tàu ra miền Bắc, trong đầu anh không ngừng suy tưởng tới những năm tháng dài đằng đẵng ấy.


Khi khăn gói chuẩn bị lên đường đi tập kết, anh không có niềm vui háo hức, nhưng đột nhiên anh nhận lệnh "ở lai" trong đầu anh lại rối bời đầy nỗi lo âu. Dù trên có động viên "Ra đi cũng vinh quang, ở lại càng vinh quang", lúc này anh không nhận thức nổi điều đó.


Khăn gói trên vai, anh trở lại vùng quê. Vẫn vùng đất thân thương ấy cách đây vài tháng, người người đông vui, đến bây giờ trên giồng Mớp Giăng vắng ngắt, dường như cây cỏ cũng vàng vọt khô héo. Ba Ca cảm thấy mình lẻ loi một cách đáng sợ, ban ngày dấu mặt trong nhà, đêm đêm đi thăm dò tìm kiếm bắt liên lạc với tổ chức. Tìm hoài, tìm hoài anh chẳng liên lạc được với ai, anh lại xách khăn gói lặng lẽ đến rừng U Minh với hy vọng tìm được cơ quan lãnh đạo, hỏi xem mình phải làm gì và liên lạc với ai. Hàng tháng ròng mò mẫm tìm kiếm, không gặp một ai là người quen thuộc.


Trở về quê, anh tự vạch cho mình một chương trình hành động, tự mình hàng ngày đi tuyên truyền tổ chức quần chúng như hồi kháng chiến chống Pháp đã làm. Khoảng tháng 6 năm 1955 anh đã liên lạc được với Năm Bực, bí thư chi bộ, nhưng vẫn chưa được sinh hoạt Đảng. Cùng khoảng thời gian ấy, lực lượng Hòa Hảo bị quân Ngô Đình Diệm đánh tan. Một toán quân Hòa Hảo lẩn lút ở xã Mỹ Hiệp Sơn. Ba Ca đã thu được ba khẩu súng của chúng. Một khẩu tiểu liên tôm-xơn, một khẩu súng trường, một khẩu súng ngắn còn ngon lành. Đối với anh lúc này những khấu súng vừa thu được còn quý hơn vàng, ngay cả thời kỳ đánh Pháp trước đây, đội du kích xã anh cũng chưa bao giờ thu được một lúc chừng ấy khẩu súng. Có súng trong tay, niềm hy vọng trong anh lớn vụt lên, anh sẽ tổ chức lại du kích xã (như trước đây anh đã là xã đội phó) và sẽ làm cho chi bộ Đảng hiểu mình hơn.


Được tin Ba Ca lấy được súng của bọn Hòa Hảo, Năm Bực tới gặp, không một lời động viên khen ngợi, trái lại còn phê bình "tư tưởng vũ trang bạo lực lúc này là manh động"; không chỉ có thế, Năm Bực còn buộc anh đem súng trả lại cho bọn Hòa Hảo. Anh đành khóc thầm mà chấp hành chỉ thị của tổ chức.


Vài tháng sau Ba Ca được sinh hoạt Đảng và thay Năm Bực làm bí thư chi bộ, anh tự trách mình "trả súng bọn Hòa Hảo là một hành động hữu khuynh" giá giữ được mấy khẩu súng đó, anh sẽ tổ chức đội du kích bí mật. Nhưng dù sao điều ước vọng đó cũng chỉ là điều thầm kín, không hề giống với đường lối của Đảng. Bởi thời kỳ này Đảng nghiêm cấm đấu tranh vũ trang. Mặc dầu anh khao khát ước vọng được đấu tranh vũ trang, nhưng vẫn phải kìm nén để lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị. Xã Mỹ Hiệp Sơn rất nhiều lần huy động hàng trăm phụ nữ cùng phụ nữ các xã của toàn huyện kéo tới Tri Tôn và thị xã Rạch Giá biểu tình đòi dân sinh dân chủ. Có 24 lần phụ nữ của xã anh do chị Kim Phụng dẫn đầu đã tới cổng dinh tổng thống, biểu tình buộc chúng phải bồi thường hoa màu và nhà cửa bị bọn lính ngụy đốt phá...


Những năm đấu tranh chính trị đơn thuần, anh thấy ít suy suyển tới sức mạnh và sự tàn ác của bọn Mỹ - ngụy; trái lại mỗi lần đấu tranh ta đều phải trả giá bằng ít nhiều sinh mệnh và sự tù đày. Và quần chúng ngày càng ít tin vào đấu tranh bằng phương pháp hòa bình có thể đem lại thống nhất độc lập cho Tổ quốc.


... Nghĩ tới đó Ba Ca thấy rùng mình: "nếu Nghị quyết 15 của Trung ương chậm một chút nữa, thì phong trào cách mạng của huyện sẽ khó tránh khỏi tan vỡ". Tháng 8 năm 1959 anh được chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy, giữa lúc bọn Ngô Đình Diệm thực hiện luật "10/59" ở thời kỳ tàn bạo nhất. Chúng bắt bớ, chém giết bất kể người nào chúng nghi ngờ liên quan với cộng sản. Sự khủng bố của chúng đã tạo ra một bóng đen chết chóc khủng khiếp bao trùm lên huyện Hòn Đất. Xã Nam Thái Sơn vốn là xã có phong trào cách mạng vững vàng nhất toàn huyện, đến lúc đó gần như hoàn toàn tê liệt. Tên Thu, bí thư chi bộ Nam Thái Sơn, tên Kheng, tên Dệ là cán bộ trung đội của tiểu đoàn Thanh Long "giáo phái" đóng quân ở rừng Nam Thái đã ra đầu hàng địch và quay trở lại đánh phá phong trào.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2021, 07:18:42 pm »

Đầu năm 1960, Ba Ca được Tỉnh ủy điều động về làm chính trị viên kiêm bí thư liên chi lực lượng vũ trang "giáo phái" của tỉnh. Từ lâu anh đã có mối quan hệ với tiểu đoàn1 (Các tiểu đoàn "giáo phái" thực chất quân số chỉ có khoảng một trung đội) Thanh Long, con đỡ đầu của huyện Hòn Đất. Khi nhận nhiệm vụ này anh mới biết, tỉnh còn ba tiểu đoàn khác, là: tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, Ngô Sở, Thất Sơn (mỗi tiểu đoàn chỉ có quân số khoảng một trung đội). Được về bổ sung vào lực lượng vũ trang, Ba Ca vui mừng khôn xiết: "Thế là thỏa nỗi ước mong bấy lâu nay".


... Nghe tiếng ngáy đều đều, Ba Ca bất giác nhìn khuôn mặt thanh tú của Thái Quý. Anh thầm mến phục người bạn, người đồng chí đã có công lớn xây dựng nên lực lượng vũ trang "giáo phái”. Năm 1956, khi Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tảo thanh các lực lượng giáo phái, Tỉnh ủy đã giao cho Chín Quý và một số đồng chí khác, với danh nghĩa là người của Mặt trận Việt Minh tiếp xúc với Ba Cụt, thủ lĩnh Hòa Hảo để lập mặt trận liên minh chống Mỹ - Diệm. Giữa lúc quân Hòa Hảo đang hoang mang dao động, phần vì sợ lực lượng Ngô Đình Diệm, phần vì nguồn tiếp tế lương thực của chúng đã cạn, họ đã nhận số cán bộ của ta vào làm cố vấn quân sự cho trung đoàn Lê Quang (Hòa Hảo). Ta biết rõ tim đen của bọn Ba Cụt, chúng chỉ tạm thời dựa vào ta để khắc phục khó khăn về lương thực, và lấy ta làm đối trọng để đặt giá khi có thương lượng với Diệm. Nhưng dưới sự đạo diễn khéo léo của nhóm Chín Quý, trung đoàn Lê Quang đã đánh quân Diệm một số trận, như trận Vườn Cò (Long Mỹ), trận Xẻo Tân (huyện Giồng Riềng), nhất là trận Cây Bàng (An Biên) đã thắng lớn, loại quân Diệm ra khỏi vòng chiến khoảng một nghìn tên và thu rất nhiều chiến lợi phẩm. Tài năng của cán bộ quân sự "Việt Minh" qua trận Cây Bàng có sức hấp dẫn lớn đối với binh sĩ Hòa Hảo. Sau trận Cây Bàng ít lâu, Ba Cụt, thủ lĩnh Hòa Hảo đã bị Ngô Đình Diệm chiêu hàng rồi xử chém tại Cần Thơ. Khi mất chủ tướng quân Hòa Hảo đã tan rã. Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ thị cho bộ phận của Chín Quý vận động số sĩ quan và binh sĩ Hòa Hảo có cảm tình với cách mạng, tổ chức thành những đơn vị ly khai...


Một loạt đạn tiểu liên nổ từ phía kinh Tâm Ngàn dội tới, dứt Ba Ca khỏi dòng suy nghĩ triền miên. Anh vùng đứng dậy, đi về phía mấy chiến sĩ của tiểu đoàn Thanh Long đang ngồi chuyện trò ở gần đó.

Ba Trung và Năm Dạ đang chia nhau mồi thuốc. Hai anh là người cùng quê ở xã Sóc Sơn, cùng ở tiểu đoàn Thanh Long. Năm Dạ hai mươi tám tuổi, hơn Ba Trung chừng ba tuổi, nên trong cách cư xử bao giờ Ba Trung cũng coi Năm Dạ là bậc đàn anh. Không phải riêng Ba Trung là người cùng làng, mà nhiều anh em khác cũng tỏ ra quý trọng Năm Dạ, bởi anh có cái gì đó dễ cuốn hút mọi ngươi.


Nhìn khuôn mặt đẹp trai rám nắng, và đôi mắt to đen chân thật của Năm Dạ, Ba Trung chợt nhớ tới trận đói hồi tết năm ngoái, cùng khoảng thời gian thằng Thu, bí thư chi bộ Nam Thái Sơn, thằng Khen, thằng Dệ của tiểu đoàn Thanh Long đầu hàng địch, làm cho tiểu đoàn Thanh Long bị cắt quan hệ với cơ sở quần chúng, và từ đó tiểu đoàn mất nguồn tiếp tế. Thời gian đó anh em cũng ở Đìa Bà. Tới gần tết cả đơn vị không còn một hạt gạo nào, hàng ngày họ phải ra đìa móc ngó sen và kiếm cá ăn trừ bữa. Một lần đúng vào ngày hai mươi tám tết, anh em vừa ở trong rừng ra, thấy có bốn cô gái đang tát cá. Năm Dạ nói với anh em:

- Phải gặp mấy cô gái này may ra móc nối được với cơ sở.

Năm Dạ bước nhanh vượt lên trước.

Mấy cô gái tưởng anh em là lính ngụy, ù té chạy. Năm Dạ cùng anh em chạy đón đầu, ngăn các cô lại. Năm Dạ giang rộng hai tay và nói to:

- Việc gì phải chạy nào. Xem người ta có phải là ngụy hay bọn ăn cướp không.

Các cô gái người nào người nấy mặt xám ngoét cắt không được một hột máu, không ai đáp lời Năm Dạ.

Năm Dạ nói dịu giọng:

- Các chị cứ dòm đi, xem chúng tôi là hạng người nào. - Năm Dạ nhìn về các bạn mình rồi lại nhìn mấy cô gái rồi nói tiếp - Chẳng có thì giờ nói với nhau dài dòng, xin tự giới thiệu với các chị, chúng tôi là người của cách mạng. Mấy hôm trước chúng tôi vẫn liên lạc với người của ông Sáu Thiêm và ông Ba Lời.


Một cô gái mạnh dạn nhìn từ đầu tới chân những người đàn ông đang đứng trước mình. Cô thấy người nào cũng xanh xao gầy guộc, ăn vận rách rưới. Chừng như cô cảm nhận được những người này không phải là người xấu, nên thái độ của cô bình tĩnh hơn.

Cô gái nói:

- Ông nói các ông liên lạc với ông Sáu Thiêm và ông Ba Lời tôi cũng biết vậy. Ông Sáu Thiêm1 (Sáu Thiêm: một đảng viên già kiên cường nổi tiếng của xã Nam Thái Sơn) và ông Ba Lời thì cả Tri Tôn này ai mà không biết.

Nghe cô gái nói giọng miền Bắc, Năm Dạ yên tâm, "mấy cô gái chắc chắn là dân Nam Thái Sơn”, anh càng hy vọng móc nối được với cơ sở.

- Thôi bây giờ thế này hen. - Năm Dạ nói. - Chẳng có cách gì để cho các chị hiểu được chúng tôi là ai. Tôi xin nói thiệt tình chúng tôi đã hết sạch lương thực rồi, nếu những ai còn thương yêu cách mạng, hãy mang giúp chúng tôi một ít lương thực. Đem đến chỗ này, tối chúng tôi nhận.

Cô gái nói đắn đo:

- Chúng tôi giúp các ông, rồi người của các ông đi đầu hàng "quốc gia" trở lại chỉ chọc cho người ta bắt chúng tôi đưa vào tù.

Năm Dạ phân trần:

- Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Vừa qua trong hàng ngũ cũng còn có kẻ hèn nhát, không chịu được khó khăn gian khổ, đã trở thành kẻ phản bội nhân dân, phản bội Tổ quốc. Nhưng đó không phải là tất cả mọi người cách mạng, không nên lấy hành động tội lỗi của mấy tên phản bội ấy để xem xét tất cả những người cách mạng. Ở trường hợp các chị đánh giá chúng tôi như thế nào đây... khó thiệt. Tùy tấm lòng các chị. Thôi các chị đi kiếm cá, chúng tôi cũng phải đi kiếm rau.


Trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt, việc gặp gỡ mấy cô gái cũng chỉ nói với nhau được vài câu không đầu, không cuối như vậy, nhiều anh em nghĩ: cũng chỉ là chuyện gió bay lên trời, chẳng có hy vọng gì, trái lại Năm Dạ rất tin. Anh nói với anh em:

- Tôi nay mấy cậu ra chỗ đó, thể nào nhân dân cũng mang gạo ra cho chúng ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2021, 07:19:27 pm »

Tết đến nơi rồi, chẳng ai quên được cái tục lệ ngàn đời ấy. Anh em không ước ao bánh trái gì nhiều... mà chỉ ước ao mấy ngày tết được ăn những bữa cơm rau no nê. Nói tới việc nhân dân sẽ cho người mang gạo tới, dù đó chỉ là hy vọng mong manh cũng làm cho mọi người thấy vui hơn. Họ xúm lại bàn tán, mường tượng cái giờ phút hồi hộp ấy. Ai cũng biết những ngày này bọn ngụy đang bắt bớ, bắn giết nhiều người trong xã, và những người trong ấp chiến lược không khác gì trong nhà tù, mỗi người dân không dễ gì có thể lọt ra khỏi hàng rào, nhưng họ vẫn phân công nhau tới chỗ hẹn để tìm vận may.


Ba Trung và Minh (Bụng) núp kín vào sau lùm cây, chò đợi. Nghe tiếng phụ nữ nói xầm xì, Ba Trung chặc lưỡi hai tiếng. Đôi bên nhận được ám hiệu của nhau. Một cô gái lên tiếng:

- Đúng mấy anh hồi sáng. Tôi tưởng các anh không dám đến chỗ hẹn.

Cô gái đã đối thoại với Năm Dạ ban sáng đứng ra giao cho Ba Trung số bánh chưng và khoảng mười lít gạo. Ba Trung nhận món quà từ tay cô gái mà anh vẫn thấy bàng hoàng như trong giấc mơ. Không thể ngờ lại có sự may mắn như vậy, các cô gái đứng trước mặt anh chẳng khác nào ông bụt trong chuyện Tấm Cám.

Một cô gái vừa nói vừa khóc:

- Em về nói chuyện với mẹ em về việc gặp các anh buổi sáng. Mẹ em bảo đã lâu các anh không được tiếp tế, chắc các anh mày đói lắm rồi. Mấy đứa xem có cách gì tiếp tế cho các anh ấy.

Một cô gái khác nói cắt ngang:

- Nhân dân chẳng tiếc gì các anh... chỉ có điều mong mỏi, nếu anh nào không chịu đựng nổi khó khăn gian khổ thì tìm một nơi nào thật xa mà làm ăn, đừng có đầu hàng.

Câu chuyện cũ còn sống động trong trí nhớ của Ba Trung. Anh xúc động nói với Năm Dạ:

- Cái tết vừa rồi, nếu không gặp mấy cô gái, thì không hiểu còn chịu đói kéo dài tới bao lâu nữa.

Năm Dạ nhìn khuôn mặt tròn, trắng trẻo của Ba Trung vài giây rồi anh mỉm cười, nói:

- Cậu có nhớ mặt cô nào không? Biết đâu sau này hòa bình người bạn gái mà cậu làm quen ngày hôm ấy, lại chẳng trở thành người bạn đời.

- Quên chẳng hỏi tên một cô nào, nhưng thế nào cũng có ngày về Nam Thái Sơn sẽ tìm ra được mấy cô.

Ba Ca vừa bước chầm chậm vừa lướt nhìn những chiến sĩ đang ngủ, rồi dừng lại trước mặt đôi bạn đang tâm sự. Anh nói vui:

- Chuyện gì vui thế, cho mình góp với nghen?

- Xin mời anh. - Năm Dạ xê dịch có ý mời Ba Ca ngồi lên đệm lá khô và nói tiếp. - Không ngủ được, chúng tôi nói chuyện tầm phào cho vui.

Ba Ca ngồi bệt xuống và lấy tay vỗ vỗ vào chỗ đũng quần của Ba Trung bị rách toạc một mảng lớn. Anh vừa cười vừa nói vui vẻ:

- Không vá vô sắp lòi... ra đến nơi rồi.

Ba Trung đáp:

- Ở đây chẳng có đàn bà con gái chi, có lòi ra cũng chẳng ăn nhằm gì.

Mọi người cùng cười ồ lên. Giữa lúc chuyện tâm tình đang hứng thú Ba Trung kể lại một câu chuyện liên quan tới việc thiếu quần áo.

- Còn cái quần rách mà mặc như thế này cũng còn khá đấy. Một lần các má chiến sĩ và một số chị em phụ nữ tới thăm anh em đang ở rừng Nam Thái, anh Năm có nhớ không? Hình như vào cuối năm 1957... Phần đông anh em chỉ có nhất bộ. Tối hôm trước có một số anh em đi công tác ướt hết quần áo. Mấy thằng vừa lột quần áo ra phơi thì các đại biểu đến. Thằng nào có quần áo tươm tất thì ra tiếp các má và chị em, còn thì lủi vào bụi cây. Nào ngờ trong lúc các má nói chuyện với anh em thì mấy chị tò mò luồn về phía sau, nhìn thấy mấy ông mãnh đang ngồi tán gẫu với nhau, không ai có mảnh vải trên người. Các chị hoảng hồn bỏ chạy trở về nói với các má. Được biết bộ đội không đủ quần áo, các má khóc, có má trách: "Các con không đủ quần áo, sao không nói với các má để các má lo cho”. Ít ngày sau các má gửi tới cho một số bộ quần áo, cũng chỉ đủ bổ sung cho những thằng nào rách rưới nhất.


Ba Ca biết Năm Dạ và Ba Trung là người cùng quê, anh hỏi thăm:

- Lâu nay các cậu có nhận được tin tức của gia đình không?

Năm Dạ mỉm cười lắc đầu. Ba Trung đang cái đà cởi mở tâm sự, nhân câu hỏi của Ba Ca, anh tiếp tục bộc bạch tình cảm của mình:

- Từ ngày tôi đi thoát ly, má tôi có đến thăm một lần. - Đôi mắt buồn buồn của Ba Trung nhìn vào nơi xa xăm, rồi nói tiếp. - Má tôi kể về cảnh sống trong ấp chiến lược cực lắm má tôi căn dặn tôi nhiều lần: "Con đã theo cách mạng thì theo đến cùng, không được đầu hàng, anh Hai của con đã chết trong tù rồi. Đầu hàng là làm nhục vong linh của ba con và anh Hai con...". Nhớ lại hôm nhận lệnh nhập ngũ. Khoảng nửa đêm anh Năm Biên và Minh (Bụng) vào nhà tôi báo cho tôi biết: "Đồng chí đã bị lộ, theo chỉ thị của trên đồng chí phải rời khỏi địa phương, đi ngay bây giờ theo chúng tôi". Tôi mặc độc cái quần xà lỏn, giật vội cái áo vắt lên vai rồi nói nhỏ với bà già một câu gọn lỏn: "Con đi xa má lâu đó nghen". Mấy đứa bơi lội qua sông rồi chạy được một đoạn đường khá xa, má tôi mới đánh mõ và la to: "Bà con ơi Việt cộng bắt con tôi". Lắm lúc nhớ thương bà già phải chịu đựng đủ thứ cực khổ, mà chẳng biết làm thế nào đỡ đần bà già một chút.

Ba Ca cười nói thân mật:

- Chúng mình thoát ly như thế này đều để lại cho gia đình một gánh nặng không chỉ là công việc nhà, mà chính là hành động trả thù của bọn Mỹ - ngụy, chúng gây ra bao nhiêu nỗi thống khổ cho các gia đình có người tham gia cách mạng. Việc có giúp được gia đình hay không, đối với chúng ta lúc này là đánh giặc, nếu chúng ta đánh thắng giặc thì chắc chắn ngươi ở nhà cũng vui lòng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2021, 08:14:20 pm »

2

Giữa khu rừng Đìa Ôi có một khoảng đất trống tương đối bằng phẳng, đủ chỗ tập hợp bốn "tiểu đoàn". Các tiểu đoàn đã tập hợp thành đội hình chữ "U". Động tác đội ngũ của anh em còn chuệch choạc, nhưng tinh thần chấp hành lệnh tỏ ra rất nghiêm chỉnh. Trong hàng quân không phát ra một tiếng động.


Ánh sáng mặt trời chiều đổ những bóng cây lên đội hình của các tiểu đoàn "giáo phái". Những mảng ánh sáng loang lổ vàng rực rỡ lay động trên nền đất. Hương tràm quyện vào hương cỏ mật thoang thoảng bay trong gió. Cái yên tĩnh hoang dã của rừng hòa nhập vào tâm trạng của những con người đang tràn ngập hy vọng, tạo thành không khí thiêng liêng của buổi lễ trước giờ xuất trận.


Chín Quý đứng ở khoảng giữa đội hình, nói dõng dạc:

- Thưa các đồng chí! Mấy năm nay bọn Ngô Đình Diệm tay sai đế quốc Mỹ chúng thi thố mọi thủ đoạn "tố cộng diệt cộng”, "ấp trù mật", "ấp chiến lược" tàn sát đày đọa đồng chí, đồng bào chúng ta, nhất là những tháng gần đây, chúng thực hiện luật "10/59", một đạo luật phát xít, chúng chém giết bất kể ai, kể cả những người không hề chống lại chúng, nếu chúng nghi ngờ có liên quan tới cộng sản. Tội ác của Mỹ - ngụy chất cao như núi, không lời lẽ nào tả xiết được. Chúng ta, những người cách mạng từ bao lâu nay mong mỏi được cầm súng xông lên giết lũ giặc man rợ ấy, để rửa sạch mối hận thù cho nhân dân, cho gia đình mình. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao, trận đánh này chúng ta nhất định thắng, nhất định phải giải phóng cho đồng bào, đồng chí của chúng ta khỏi khu "trù mật" Ba Thê. Như các đồng chí đã biết đánh chiếm Ba Thê chúng ta sẽ gặp trở ngại gì. Ban lãnh đạo chúng tôi đã xác định: việc mở đột phá khẩu là một nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm nhất, cần phải có những người gan góc nhất đảm nhiệm. Tôi đề nghị, ai xung phong giơ tay lên.

Cả hàng quân nhất loạt giơ tay, và gần như đồng thanh ’’Tôi xin xung phong".

Chín Quý bước từng bước một, dọc theo hàng quân, nhìn vào những khuôn mặt kiên quyết và đôi mắt rực lửa của từng cán bộ, chiến sĩ. Thật khó có thể phân biệt được ai quyết tâm hơn ai lúc này, Chín Quý đành chọn trong số anh em mình đã quen biết.

- Đồng chí Mười Đẹt, đồng chí Cung, đồng chí Sâm, đồng chí Thừa... mời các đồng chí ra khỏi hàng.

Chín Quý về vị trí chỉ huy, rồi hô:

- Đứng nghiêm. - Anh nói tiếp với giọng trang nghiêm. - Những đồng chí xung phong mở đột phá khẩu đây, chúng ta coi các đồng chí như đã hy sinh vì cách mạng. Để tỏ tấm lòng thành kính của chúng ta với các đồng chí, chúng ta làm lễ truy điệu... Một phút mặc niệm bắt đầu.


Kính cẩn nghiêng mình trước những người đồng đội của mình đang đứng trước đó, gây nên một cảm giác xúc động thiêng liêng, khơi dậy tình cảm yêu thương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cao cả đối với cuộc chiến đấu lâu dài và khắc nghiệt, khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt.


Khu "trù mật" Ba Thê là khu kiểu mẫu thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng" nằm trên vùng đất của tỉnh An Giang, giáp giới huyện Hòn Đất, được đích thân Ngô Đình Diệm tới cắt băng khánh thành. Chúng gom tất cả các gia đình có người tham gia cách mạng ở xung quanh dồn vào cái trại tập trung trá hình này. Bao quanh khu "trù mật" là sáu hàng dây kẽm gai, một con hào sâu hai mét, rộng hơn ba mét, dưới hào chông mìn dày đặc, bước lên khỏi hào gặp một hàng rào cây vót nhọn, ken kín đến con gà cũng không lọt qua được; tiếp đến là bức tường đất đồ sộ như một con đê cao ngập đầu người. Mấy trăm gia đình trong khu "trù mật" chịu sự kềm kẹp rất nghiệt ngã của một trung đội bảo an và một trung đội dân vệ ác ôn. Do đời sống đói khổ, dịch bệnh và bị bọn ác ôn hành hạ, có tháng nhân dân trong khu đã mất hàng chục mạng người.


Theo yêu cầu của Tỉnh ủy An Giang, Tỉnh ủy Rạch Giá đồng ý cho bộ đội "giáo phái" đánh vừa tập dượt trận đầu tiên vào khu "trù mật" Ba Thê. Nếu trận này thắng lợi sẽ có sức cổ vũ lớn tới phong trào cách mạng của cả hai tỉnh.


Đêm thượng tuần thứ hai (1960) dưới bầu trời đầy ánh sao, những chiến sĩ "giáo phái” cách mạng, mang quyết tâm sắt thép vào trận. Mười Đẹt, Cung, Thừa, Sâm ở tổ mũi nhọn đã bí mật mở cửa đột phá qua các chướng ngại vật, hướng thẳng vào trại lính bảo an.


Lâu nay bọn lính ngụy ở đây không có ai dám đụng đến chân lông chúng. Chúng ngông nghênh tự đắc coi khu "trù mật" Ba Thê là nơi "bất khả xâm phạm". Tối tối chúng thường chúi đầu vào bàn cờ bạc, rượu chè, rồi lăn ra ngủ. Bốn chiến sĩ của ta đã lọt vào trong trại của địch, lấy được hai khẩu súng rồi quay ra dẫn đơn vị vào êm thấm. Các mũi súng của anh em đã chặn cửa ra vào của chúng. Sau tiếng lựu đạn nổ thay pháo lệnh, tiếng liên thanh, súng trường nổ dồn dập. Những tên lính bảo an còn đang ngái ngủ chưa hiểu điều gì đang xảy ra, đã trúng đạn đổ vật xuống. Tên nào nhanh chân vừa thoát ra khỏi nhà lại vấp ngay những đường dao mã tấu của những tổ phục ở vòng ngoài. Những tiếng rú khủng khiếp chìm vào trong những tiếng nổ.


Chen vào tiếng súng nổ thưa thớt dần, là tiếng loa lặp đi lặp lại vài câu ngắn: "Hỡi đồng bào! Bộ đội cách mạng đã tiêu diệt sạch bọn bảo an, dân vệ. Bà con hãy xông ra phá hết cảnh gông cùm của bọn dã man". Bà con trong khu "trù mật" được các cán bộ địa phương hướng dẫn từ trước, khi nghe thấy tiếng nổ đã có nhiều người gói ghém đồ đạc, chuẩn bị sẵn sàng. Khi nghe thấy tiếng loa báo thắng lợi, lập tức họ cho ngay một mồi lửa vào cái lán đang ở. Những ngọn lửa bùng lên mỗi lúc một dữ dội tràn ngập toàn bộ khu "trù mật", soi sáng cả một vùng. Từng đoàn người gồng gánh chen chúc nhau, rời khỏi khu "trù mật". Những chiến sĩ "giáo phái" vai mang nặng chiến lợi phẩm, mải miết đi về phía căn cứ của mình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2021, 08:16:10 pm »

Họ lại trở về căn cứ Đìa Ôi. Dưới tán lá xanh thẫm của rừng tràm, từng tốp năm, bảy người đứng ngồi, cười nói vui vẻ. Làn gió thổi triền miên từ phía biển vào lay động cành lá rì rào. Tiếng ríu rít của đàn chim sáo. Tiếng gõ "cốc cốc" đều đều của mấy chú chim gõ kiên, tạo ra âm đệm của dàn nhạc rừng. Cảnh góp vui cùng người hòa nhịp vui ngày chiến thắng. Chín Quý, Tám Quang, Tư Dữ và Ba Ca trong ban lãnh đạo trận đánh đang ngồi họp đánh giá kết quả trận đánh, và dự tính những công việc tiếp theo.

Chín Quý nói:

- Chúng ta đã thấy trước được tính chất khó khăn phức tạp của trận đánh, có biện pháp khắc phục tốt nên đã mang lại thắng lợi to lớn. Chúng ta đã tiêu diệt gọn một trung đội bảo an và một trung đội dân vệ, giải phóng toàn bộ số dân đã bị kìm kẹp trong khu "trù mật". Lực lượng ta trở về nguyên vẹn. Cả bốn đồng chí ở tổ mũi nhọn mà chúng ta đã làm lễ truy điệu vẫn còn sống (mọi người cười xúc động), không phải là linh hồn mà cả thể xác của những chiến sĩ cảm tử ấy sẽ cùng chúng ta tiếp tục chiến đấu.

Mọi người tiếp tục cười và xen vào những lời bình luận vui vẻ.

Ba Ca lau giọt nước mắt đậu trên gò má mình, rồi phát biểu:

- Lần đầu tiên tôi làm công tác chính trị trong quân đội. Riêng với bốn đồng chí tình nguyện vào tổ cảm tử, tôi theo dõi diễn biến tư tưởng rất chặt. Từ khi nhận nhiệm vụ, có hai đồng chí tỏ ra thao thức khó ngủ, trái lại hai đồng chí khác thì cứ ngủ ngon lành. Tôi tự hỏi: những người thao thức, đó có phải là hiện tượng quyết tâm chưa thật cao không? Và những người ngủ ngon kia là do tư tưởng quá đơn giản chăng? Tôi gặp từng người, đồng chí thao thức nói: "Các đồng chí đừng lo gì về chúng tôi. Đã quyết tâm là làm đến cùng, nhưng cũng khó ngủ, là vì phải lo làm sao mình hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của cấp trên và anh em ủy thác". Với anh em ngủ ngon lại suy nghĩ khác: "Chúng tôi đã xác định tư tưởng rõ ràng rồi, dù có hy sinh cũng sẵn sàng, nên trong tư tưởng thoải mái, đến giờ ngủ thì ngủ cho kỹ...". Trong trận đánh cả bốn đồng chí đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Qua sự việc này tôi thấy công tác lãnh đạo phải có niềm tin lớn hơn đối với anh em. Trước cùng một công việc thái độ xử sự có thể không giống nhau.


Nhân dân hai tỉnh An Giang, Rạch Giá mấy năm nay nhẫn nhục chờ đợi, ngay cả trong những cuộc đấu tranh chính trị cũng vẫn chờ đợi lực lượng vũ trang xuất hiện. Chiến thắng Ba Thê như một ánh chớp lạ giữa đêm đông, đối với nhân dân cả hai tỉnh, nhất là những huyện xã ở gần đó, họ coi đó là ánh sáng của niềm hy vọng mà bấy lâu khao khát chờ đợi.


Nhận được tin chiến thắng Ba Thê, nhân dân xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất), nhân dân xã Lung Lớn (Hà Tiên), nhân dân Tà Teng vùng núi Dài mang gạo, gà, lợn... đến ủng hộ bộ đội. Khu rừng Đìa Ôi trở nên nhộn nhịp khác thường. Tiếng nói, tiếng cười trong trẻo của chị em phụ nữ hòa vào tiếng trầm trầm gân guốc của mấy anh bộ đội. Ban lãnh đạo phải tạm hoãn cuộc họp để tiếp dân.


Hơn năm năm, kể từ ngày bộ đội Vệ quốc đoàn đi tập kết, đến hôm nay mới có cuộc họp mặt vui vẻ như ngày hội, giữa những người lính cách mạng với nhân dân.

Một bữa tiệc linh đình mừng chiến thắng, được bày trên lá rừng, với niềm hân hoan hiếm thấy.

Bữa tiệc chưa kịp kết thúc, đã nhận được lệnh chuẩn bị chiến đấu.

Trung đội trưởng Năm Dạ và chính trị viên Tư Hiền vừa đi trinh sát về báo cáo với Chín Quý:

- Chúng tôi đang đi về hướng Tà Teng, gặp nhân dân chống xuồng ngược chiều cho biết bọn lính đang tới đông lắm. Chúng tôi đi tiếp một đoạn, nhìn cánh đồng thấy đầy nhóc lính. Chúng tôi chạy vội về đây. Có thể bọn chúng đã đến rất gần.

Chín Quý bình tĩnh nói với mọi người:

- Tất cả các đơn vị về ngay vị trí chiến đấu. Các má và các chị em thông cảm, chúng tôi phải làm nhiệm vụ chiến đấu khẩn cấp. Địch đang tiến từ hướng Tà Teng tới và có thể chúng còn đi theo hướng khác. Các má các chị em trở về phải chú ý để tránh né chúng, theo tôi thì nên rút về hướng Hà Tiên.


Không khí hội hè vui vẻ chấm dứt. Khu rừng trở lại sự yên tĩnh như nó vốn có, chỉ có tiếng gió lá rì rào và tiếng chim hót.

Các chiến sĩ đã vào vị trí chiến đấu. Khẩu trung liên của Năm Dạ đã trực sẵn ở đầu hai con đường mòn gặp nhau. Từ trận địa của mình, anh em đã loáng thoáng thấy những tên địch đang tiến vào bìa rừng... Hai cánh quân địch đang tiến gần tới chỗ hợp điểm, đội hình của chúng đang bị dồn lại. Loạt đạn đầu của Năm Dạ bắn xuyên táo ngã gục hàng chục tên. Cùng một lúc các loại súng của các đơn vị "giáo phái" đồng loạt nhả đạn. Quân địch bị đánh bất ngờ, đứa nằm gục tại chỗ, đứa hoảng hốt chạy tháo lui, dẫm đạp lên nhau. Một hồi lâu chúng mới củng cố được đội hình. Súng cối và đại liên của địch bắn như đổ đạn về phía trận địa của ta, tiếp theo là tiếng la thét đốc thúc của bọn sĩ quan. Bọn lính ngụy lại lò dò, chạy từ gốc cây này sang gốc cây khác, chúng tiến rất chậm chạp. Tiếng súng của quân ta thưa thớt bắn tỉa từng tên địch. Một tên chỉ huy ngụy tỏ ra chủ quan, đứng ra chỗ rừng hoang, hắn vừa nâng cái ống nhòm lên ngang mặt, đã bị một loạt đạn của Năm Dạ quật ngã. Từ lúc tên chỉ huy chết, toàn bộ đội hình địch dừng tại chỗ rất lâu, rồi lại tổ chức những đợt xung phong nhưng chúng vẫn không tiến lên được.

Trận đánh kéo dài đến chiều. Chín Quý chủ động cho toàn đơn vị rút.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2021, 08:17:34 pm »

3

Các đơn vị "giáo phái" cách mạng rút về ém quân ở bờ đìa, ngày hôm sau mới giải quyết xong hậu quả trận đánh. Bảy tử sĩ đã được mai táng chu đáo. Tiểu đoàn Thanh Long kiểm tra lại quân số thấy thiếu trung đội trưởng Năm Dạ. Anh em thay nhau đi khắp rừng, tìm kiếm mấy ngày liền không thấy, mọi người phán đoán: trong lúc rút lui vội vã, Năm Dạ bị thương không ai biết, rồi bị địch bắt.


Thật ra Năm Dạ không bị địch bắt. Khi rút lui, anh bị hai vết thương khá nặng, một vết vào tay, một vết vào chân. Lúc đầu vết thương chưa tấy anh vẫn cố gắng đi thêm được vài trăm mét, rồi tiếp tục bò, cốt sao xa dần tiếng súng của địch đang nổ loạn xạ ở phía sau. Vết thương ra nhiều máu, gây choáng làm anh bị ngất xỉu đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy xung quanh tối đen như mực. Anh không hiểu tại sao mình lại ở chỗ này. Vài giây sau, anh định thần lại, anh mới nhớ ra cảnh ngộ của mình. Anh quyết định tìm một chỗ tạm nghỉ chờ đợi trời sáng rồi sẽ tính đến việc tìm về đơn vị.


Trời hừng đông. Nhìn thấy đìa nước cách mình vài chục bước chân, mừng quá, Năm Dạ quên cả vết thương ở bắp đùi, anh vùng đứng dậy, chưa kịp đứng vững đã ngã xuống.

Từ lúc nhìn thấy nước, cảm giác duy nhất còn lại ở anh là khát. Anh lại thử chống một bên tay còn lành, nghiến răng cố chịu đau để đứng dậy nhưng vừa đặt cái chân bị thương xuống đất, đã đau nhói tới đỉnh óc. Anh đành cố sức lết ra bò đìa. Uống nước xong, anh không còn đủ sức rời khỏi chỗ nữa, cố sức lắm anh mới xoay được tư thế nằm của mình cho khỏi rơi xuống đìa.


Năm Dạ vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thức cái gì sẽ đến với mình. Chỉ còn một cách chờ người của đơn vị tới đón, nhưng biết lúc nào mới có người của đơn vị mình tới; vết thương mỗi lúc một đau hơn, ngày mai chưa chắc có thể lết đi được nữa. Nghĩ vậy, anh cố bò nhích đi từng phân tới bụi khoai dại gần đó. Anh lấy lá khoai dại đựng nước, buộc túm lại thành từng búi, buộc lên cái cành lá sát mặt mình. Khi cần uống, anh đã có cái ống sậy vót nhọn xuyên vào túi nước, rồi cứ thế uống cho tới hết.


Đến ngày thứ ba những vết thương đã có giòi. Để giết thời gian, và vết thương bớt nhức nhối, anh lấy búp cỏ gay những con giòi béo trắng ra khỏi vết thương của mình.


Mấy ngày không có một hạt cơm vào bụng, nhìn những con giòi Năm Dạ chợt nảy ra ý nghĩ: có thể dùng chúng làm mồi câu được chăng. Anh mở nút túi áo, lấy sợi dây câu, móc cái mồi đặc biệt ấy rồi quang xuống nước. Không phải chờ lâu đã thấy cái phao bị kéo chìm nghỉm, anh giật mạnh lên được một chú cá trê nặng hơn nửa ki-lô. Tạo hóa thật độ lượng với những người gặp cơn hoạn nạn. Năm Dạ vơ đám lá khô quanh mình để nướng cá. Món cá nướng thơm phức. Anh ăn ngấu nghiến ngon lành. Ăn uống xong, anh cảm thấy khoan khoái dễ chịu hơn. Anh lại thả mồi câu tiếp. Ngày nào cũng ăn cá nướng, dù đã chán ứ tới tận cổ, nhưng anh cũng phải cố nuốt để có sức chờ đợi. Nằm ở đây tới ngày thứ sáu, vết thương đã mưng mủ đau nhức, nhiều lần bị ngất và những cơn sốt ngày một kéo dài hành hạ anh.


Cả đơn vị Thanh Long không ai còn hy vọng anh còn sống. Họ đã ngừng công việc tìm kiếm. Cuộc sống lại quay theo nếp bình thường. Hôm ấy, Sâm ra bò đìa kiếm cá, thấy một đàn quạ kêu ầm ĩ, rồi chúng bay sà xuống mặt đất, Sâm nghĩ: "ở đây có lẽ có quạ non, ta thử tới đó xem".


Đàn quạ đang nhảy xung quanh một xác người, thấy Sâm tới chúng bay vù lên cao. Sâm đứng sững lại, dán mắt nhìn vào cái xác người, tim anh đập như trống ngũ liên. Người nào đó mặc bộ bà ba đen, gối đầu lên đám rễ cây không hiểu còn sống hay chết. Nhìn một lúc lâu, Sâm mới nhận ra một vài nét quen thuộc. Bất giác anh kêu lên:

- Anh Năm!

Nghe tiếng người kêu tên mình, Năm Dạ chớp chớp mắt nhìn lên vòm lá, rồi lại khép hàng mi lại. Anh tưởng là mình đang nằm mơ. Lại nghe tiếng người gọi tên mình, không phải một lần mà nhiều lần, lúc này Năm Dạ mới tin rằng mình đang tỉnh.

- Anh Năm! Anh Năm! Em là Năm Sâm đây.

- Sâm ha...

Nói tới đó Năm Dạ xúc động quá, nước mắt chảy tràn. Sâm mừng quá, cứ quýnh lên, không biết phải làm gì, miệng lắp bắp mãi mới nói thành lời:

- Em cứ tưởng... Cả trung đội đi tìm anh mấy ngày liền. Thôi... anh chờ em về gọi anh em ra cáng anh... đơn vị ở gần ngay đây thôi...

Chiếc cáng cáng Năm Dạ vừa đặt xuống đất, anh em trong đơn vị đã chạy ào tới vây xung quanh, ai cũng muốn nói một vài câu để bày tỏ tình cảm của mình. Thế là nỗi nhớ mong thương tiếc đối với Năm Dạ của toàn đơn vị đã được khuây khỏa.


Được trở về với đơn vị, Năm Dạ vui vẻ bội phần. Anh quên hết đau đớn. Có người hỏi:

- Vết thương ở tay anh thế nào? 

Anh cười nói:

- Nếu mang theo con dao, thì tao đã trở thành La Văn Cầu.

Câu nói vui của Năm Dạ làm cho cả đơn vị yên tâm rằng sức khỏe của anh sẽ chóng hồi phục. Mọi người muốn góp sức mình làm một việc gì đó để cho vết thương của anh mau lành. Không chờ ai phân công, mỗi người tự tìm việc, người kiếm quần áo mang tới, người dọn chỗ cho anh nghỉ ngơi, người gánh nước tới tắm cho anh.


Khi tắm rửa xong cho Năm Dạ, y tá Tư Đổng mới thấy vết thương của Nãm Dạ đã bị hoại thư mủ xanh, nếu không phẫu thuật nhanh thì nguy tới tính mạng. Tư Đổng báo cáo với các cán bộ tiểu đoàn:

- Ca phẫu thuật lớn này phải bác sĩ mới làm được, ở đây chúng ta không có đồ phẫu, không có thuốc chống choáng, không có thuốc gây mê, thậm chí thuốc gây tê cũng không có.

Một cán bộ tiểu đoàn nói:

- Ở đây bây giờ cậu là bác sĩ, dùng cưa cây để cưa có được không?

- Cưa xương tay mà dùng cưa cây, sức đâu chịu nổi.

- Dùng cưa cây ta sát trùng cẩn thận... chẳng lẽ ta bó tay chờ thằng Năm nó chết.

- Tôi chưa thấy ai làm như vậy. Tôi không dám làm.

Họ bàn đi tính lại, cuối cùng vẫn đi tới quyết định y tá Tư Đổng phải thực hiện ca phẫu thuật bằng chiếc cưa của thợ mộc.

Cán bộ tiểu đoàn đem việc vừa bàn bạc hỏi Năm Dạ. Năm Dạ trả lời không một giây đắn đo:

- Tôi có thể chịu đựng được tất cả đau đớn.

Hồi ba giờ chiều, ca phẫu thuật được thực hiện. Bốn chiến sĩ khỏe mạnh được trao nhiệm vụ giữ chân tay Năm Dạ, phòng khi đau quá anh giãy giụa. Tư Đổng nghiến răng cưa khúc xương tay của bạn như cưa củi. Năm Dạ cắn vào môi đến tóe máu, nước mắt anh chảy tràn ra, nhưng không hề có một tiếng kêu rên. Có lúc đau đớn quá anh ngất đi giây lát. Nghe tiếng cưa chạy xoèn xoẹt, mọi người đứng ngoài cũng thấy đau nhói tận tim gan mình.


Ca phẫu thuật được thực hiện xong. Sức của Năm Dạ đuối dần, chỉ sau một giờ đồng hồ, anh vĩnh biệt đồng đội. Cả đơn vị khóc thương Năm Dạ - một cán bộ dũng cảm kiên cường cho đến phút chót của cuộc đời mình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2021, 07:55:20 pm »

Chương hai
VỊ TRÍ "NHỮNG CÂY SÚNG"
1


Chiến thắng Ba Thê - Đìa Ôi gây một tiếng vang lớn, lan truyền trên khắp nẻo kênh rạch của hai tỉnh An Giang và Rạch Giá. Nó trực tiếp tác động tới huyện Châu Thành1 (Huyện Châu Thành A sau đổi tên là Hòn Đất), Hà Tiên, nó thôi thúc tinh thần phấn khởi cách mạng của nhân dân và reo giắc nỗi kinh hoàng cho Mỹ - ngụy. Nó tạo ra sự khởi động cho lịch sử của cả một vùng đất rộng lớn sang trang mới.


Ba Ca lại trở về cương vị cũ - Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Anh bắt tay ngay vào việc triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Các cán bộ huyện sau khi quán triệt nhiệm vụ mới, được phân công xuống các xã ấp chuẩn bị tư tưởng tổ chức cho cơ sở bước vào hành động. Chỉ trong một thời gian ngắn, những tổ tự vệ không vũ trang đã chuyển thành các tổ hoặc tiểu đội du kích vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.


Những năm tháng dài sống trong nanh vuốt tàn bạo của chế độ Mỹ - ngụy hàng ngày diễn ra cảnh chết chóc tù đày, nhân dân ta bị tước quyền chống lại chúng bằng vũ lực, mặc dầu trong huyện thời kỳ đó, đây đó có giết một vài tên ác ôn nhưng vẫn chỉ là hiện tượng cá biệt, không đủ sức răn đe được chúng. Những tên ác ôn như Lâm Quang Phòng, Cái Văn Ngà, Đoàn Giang... vẫn sống nhơn nhơn tự đắc, muốn giết ai thì giết, chúng mổ bụng moi gan tại chỗ những người chúng nghi ngờ là "Việt cộng". Lòng căm giận bọn Mỹ - Diệm chất đầy, không còn đủ sự kiên nhẫn chờ sự lãnh đạo của Đảng, có người dân đã hành động tự phát. Nhân dân xã Nam Thái mãi tới sau này vẫn còn nhắc tới chuyện anh Hai Phuông giết tên trung úy (ngụy) Đoàn Giang như một huyền thoại. "Anh Hai có ý định từ lâu, nên đã làm quen với thằng Đoàn Giang. Anh biết nó có võ giỏi, muốn giết được nó phải lập mưu. Một hôm anh rủ nó tới nhà mình nhậu. Đi theo thằng Đoàn Giang có hai tên vệ sĩ. Anh Hai mời các anh Bất, Xả và Lâu là người bà con cùng dự bữa nhậu. Các anh đã thống nhất kế hoạch hạ thủ tên Đoàn Giang. Bữa nhậu kéo dài từ chín giờ sáng tới bốn giờ chiều. Bọn chúng say bét nhè. Thấy thời cơ đã đến, anh Hai Phuông nâng cốc rượu ngang mặt tỏ ý chạm cốc như thường lệ, nhưng nhanh như cắt, anh ném rất mạnh cái cốc đầy rượu vào mặt tên Đoàn Giang. Bất ngờ bị đánh tối tăm mặt mũi, tên Đoàn Giang không kịp giở võ, nó đã bị anh Hai tước súng, và trói nghiến lại. Trong lúc thằng Đoàn Giang bị đập cốc vào mặt, thì ba anh kia đè hai thằng lính xuống. Xả giật được súng gí vào bụng tên lính, bắn một phát. Một tên vệ sĩ chết lăn bên cạnh mâm nhậu. Trong lúc đó, Xả, Lâu và Bất lúng túng đã để tên vệ sĩ kia chạy mất. Anh Hai định dẫn thằng Đoàn Giang vào rừng để hỏi tội, nhưng nó nhùng nhằng không chịu đi, buộc anh phải nổ súng giết chết nó ngay trong nhà mình. Ngay trong đêm đó, anh em cơ sở cách mạng đã giúp cho vợ con anh Hai Phuông đi sơ tán...".


Việc Hai Phuông dùng mưu giết chết tên ác ôn khét tiếng, có võ giỏi làm cho bà con trong xã hả hê, nhưng ngay sau đó bà con sợ chúng trả thù, nhiều thanh niên phải bỏ trốn vào rừng.

... Từ tâm trạng của chính mình trong việc phải trả súng bọn Hòa Hảo, từ hành động của Hai Phuông và nguyện vọng của quần chúng mà Ba Ca được biết, anh rất tin Nghị quyết 15 sẽ được quần chúng đón nhận nhiệt liệt.


Gần tới ngày đồng khởi (14-9-1960) công việc ở cơ quan Huyện ủy càng bề bộn. Thường vụ Tỉnh ủy cử Hai Thiết, tỉnh ủy viên về tăng cường cho huyện. Ba Ca, Hai Thiết cùng vài đồng chí thường vụ hầu như hàng ngày phải gặp nhau hội ý để giải đáp những vấn đề do nhiệm vụ mới đặt ra. Xã này xin vũ khí, xã kia đề nghị cho phép giết tên trưởng ấp Y ác ôn, tên X làm mật vụ; xã kia nữa xin lực lượng hỗ trợ cho đồng khởi... Và một việc quan trọng nữa thúc bách phải làm ngay là: thành lập địa phương quân. Số cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn Thanh Long vừa được chuyển về huyện đang chờ nhận chỉ thị. Không khí trong khu rừng Đìa Mười Then mỗi lúc một nhộn nhịp, căng thẳng, mọi người đều có tâm trạng giông như những người lính trước giờ nổ súng.


Đêm đồng khởi. Cái giờ phút thiêng liêng được hun đúc bằng bao nhiêu nỗi khổ đau, cái giờ phút bùng nổ của lòng căm thù, cái giờ phút toàn dân vùng lên giành lấy chính quyền về tay mình đã điểm. Trên vùng đồng đất chua phèn, trên những cánh rừng tràm rộng lớn, trên những dòng kinh ngang dọc của huyện Châu Thành như bùng lên một ngọn lửa bất tử, dẫn những đoàn người già, trẻ, gái trai như những dòng thác cuốn phăng đi những ấp "chiến lược", cuốn phăng đi những tổ chức của ngụy quyền mà chúng đã dày công xây dựng. Từ cầu số ba, kéo dài đến Ranh Hạt, tiếng trống mõ, tiếng hô vang như sấm rền, làm cho bọn binh lính ở trong đồn bốt kinh hoàng không dám chống lại.


Mấy ngày đầu bọn ngụy quân, ngụy quyền ngơ ngác chưa hiểu rõ sức mạnh từ đâu bung ra ồn ào dữ dội xung quanh chúng, nhưng cũng chỉ ít ngày sau chúng đã nhận thức được dòng thác người tay không súng ống, vẫn là những người đã từng sống dưới lưỡi lê hà khắc của chúng. Guồng máy đàn áp của chúng lại bắt đầu động cựa rồi trở lại hoạt động bình thường với những công thức quen thuộc. Mũi súng của chúng lại chĩa vào các cuộc biểu tình, cho vào nhà tù những ai bị nghi ngờ là "Việt cộng" và tiếp tục mở những cuộc càn quét đánh phá cơ sở cách mạng... Nhịp độ dòng thác của "đồng khởi” tuy không còn sức cuồn cuộn như trước nhưng đã tạo ra một dòng chảy.


Thường vụ Huyện ủy đánh giá cuộc ''đồng khỏi" thắng lợi to lớn, phá vỡ một mảng lớn ấp "chiến lược" của địch ở nhiều xã, phá vỡ các tổ chức phản động của địch, tạo nên một khí thế cách mạng mới... Mọi người ít nhắc tới mục tiêu "giải phóng toàn huyện, giành chính quyền" ban đầu đã đề ra. Riêng bí thư Ba Ca thầm nghĩ: "Mục tiêu đề ra vượt quá xa khả năng hiện thực". Mãi sau này anh vẫn suy ngẫm rằng vào lúc đó đấy là tư tưởng lạc quan tếu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2021, 07:56:04 pm »

2

Các "tiểu đoàn giáo phái" được điều động về thành lập đơn vị chủ lực của khu và của tỉnh, đã để lại cho các huyện Hà Tiên và Hòn Đất mỗi huyện một tiểu đội (ở Châu Thành 5 người và 3 khẩu súng trường). Trong những ngày chuẩn bị "đồng khỏi", đã thành lập địa phương quân huyện do Năm Triệu là tiểu đội trưởng, sau ngày "đồng khởi" Ba Trung lên thay. Tiểu đội địa phương quân trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Huyện ủy và sinh hoạt cùng cơ quan Huyện ủy. Đòi sống của anh em thời kỳ này rất thiếu thốn. Tối ngủ không có màn, không có chiếu, mỗi người tự tìm một lùm cây kín đáo "chém vè", sáng dậy phải vuốt lại cây cỏ để xóa dấu vết. Ăn uống hàng ngày dựa vào sự giúp đỡ của dân cơ sở cách mạng; mỗi lần xuống xã công tác phải xin gạo, muối mang về. Tiểu đội hoạt động phân tán vào ban đêm, ban ngày trở về căn cứ (trong rừng) nghỉ ngơi và học tập. Sau "đồng khởi" ít lâu, Mỹ - ngụy lại ráo riết củng cố lại guồng máy kìm kẹp, ngoài hệ thống chính quyền các tổ chức phản động như: thanh niên cộng hòa, phụ nữ liên đới, ngũ gia liên bảo... lại tích cực hoạt động. Chúng dùng biện pháp cưỡng bức và lừa phỉnh buộc mọi người phải theo dõi lẫn nhau.


Ban đêm nếu có người lạ vào nhà phải hô hoán và đánh mõ báo động, ngày hôm sau phải báo cáo với ấp trưởng, nếu không tự báo để người khác cáo giác thì khó tránh khỏi bị bắt bớ tù tội.

Một lần giữa đêm mưa tầm tã, một tổ của tiểu đội địa phương quân về xã Sóc Sơn xây dựng cơ sở. Anh em vào nhà ông Năm Tảng, chú ruột của Ba Trung.

Vừa nghe thấy tiếng chó sủa ỏ trước sân, ông Năm đã vùng dậy gõ mõ báo động.

Ba Trung vào, gọi qua khe cửa:

- Chú Năm... chú Năm con là thằng Tòng đây.

Có tiếng thằng nhỏ con ông Năm Tảng:

- Ba ơi! ... Anh Ba về đó... Ba ơi! Anh Ba về.

Tiếng mõ rộ lên một hồi nữa, ông Tảng mới quẳng cái dùi xuống đất, rồi nhón chân bước ra, nhìn qua khe cửa.

Ba Trung gọi một lần nữa:

- Chú Năm... con là thằng Tòng đây. Chú không tiếp con, con hết gạo rồi con sẽ chết đói mất thôi.

Ông Năm Tảng khẽ mở cửa, vừa nói được hai tiếng "thằng Ba...” ông đã khóc nấc lên:

- Thằng Ba đấy ư... Ba con chết, chú không làm sao mà tới được...

Ở trong nhà, bà Năm Tảng vội vã xúc hai túi gạo và bọc một bọc muối, mang tới dúi vào tay Ba Trung. Bà Năm sợ hãi nói không ra hơi:

- Đi đi con... ở đây lâu nguy hiểm lắm.

Năm Biên nói với ông Năm Tảng:

- Chú Năm... chú xem ở đây những ai thương Việt Minh, những ai trung thành với quốc gia. Chú giúp chúng con việc này.

Ông Năm Tảng nói gạt đi:

- Tôi không dám làm... tôi xin các ông. Anh ruột tôi chết, sợ liên quan với các ông tôi không dám tới...

Chờ cho Năm Biên đứng tách ra vài bước, ông Năm Tảng nói nhỏ với Ba Trung:

- Thằng Hên nó ác lắm. Thôi mày đi cũng như tao đi.


Vài đêm sau tổ của Ba Trung móc nối được với các ông Ngô Văn Phú, ông Nguyễn Văn Rớt cũng là người cùng ấp. Ông Rớt móc nối ông Năm Tảng trở thành cơ sở tốt của xã. Cơ sở đó đã phát triển rất nhanh. Tư Thành mười tám tuổi con trai ông Năm Tảng đã trở thành một cán bộ đoàn tích cực, chỉ trong khoảng năm sáu tháng Tư Thành đã tổ chức được ba mươi thanh niên vào đoàn. Số đoàn viên ấy đã tuyển vào bộ đội và cơ quan huyện được hai mươi người.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM