Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:00:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tổng kết Lịch sử đấu tranh chống gián điệp 1945-2005  (Đọc 8963 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 28 Tháng Năm, 2021, 07:58:21 pm »

- Tên sách: Tổng kết Lịch sử đấu tranh chống gián điệp 1945-2005
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Công an nhân dân
- Số hóa: macbupda, quansuvn


Chỉ đạo

Thượng tướng NGUYỄN VĂN HƯỞNG
                     Thứ trưởng Bộ Công an.
Thượng tướng THI VĂN TÁM
                     Thứ trưởng Bộ Công an.
Trung tướng TRẦN ĐẠI QUANG
                    Thứ trưởng Bộ Công an.
Thiếu tướng PHẠM DŨNG
                    Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.
Thiếu tướng TRẦN TÔN THẤT
                   Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN KIỂM
                   Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.
Đại tá  PHAN THỊ MINH CHƯƠNG
                 nguyên Cục trưởng A28, Tổng cục An ninh
Đại tá BÙI THỂ DY
                Cục trưởng A28, Tổng cục An ninh.
Đại tá ĐINH NGỌC MIÊNG
                Phó cục trưởng A28, Tổng cục An ninh.
Đại tá TRẦN KIM DŨNG
                Phó cục trưởng A28, Tổng cục An ninh.

Chủ nhiệm
Thiếu tướng, Tiến sỹ PHẠM DŨNG
                  Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh

Thư ký khoa học
          LÊ NGỌC BỐN
          Trưởng phòng - Cục Chính trị an ninh

Công tác tư liệu
         Thượng tá NGUYỄN THANH HẢI
         Thượng tá TRẦN VĂN HƯỞNG
         Thượng tá NGUYỄN VĂN NGHĨA
         Thượng tá VŨ VĂN PHƯƠNG
         Thượng úy TRẦN MẠNH HƯNG
         Trung úy NGUYỄN HỮU DIỆU

Với sư hướng dẫn của
Trung tướng PHẠM TÂM LONG
              nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.
Đại tá, Phó Giáo sư VŨ VĂN BÂN
             nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an.
Đại tá, Tiến sĩ ĐỖ VĂN THUYẾT
             Viện trưởng Viện Lịch sử Công an.
Đại tá, Tiến sỹ Đỗ BÁ CỞ
             Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an.
Thượng tá ĐÀO VĂN LẬP.
             Phó trưởng Ban 3, Viện Lịch sử Công an.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2021, 04:26:46 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, bằng truyền thống đoàn kết và ý chí quật cường mà một nước nhỏ như Việt Nam ta đã lần lượt đánh bại những thế lực ngoại xâm sừng sỏ nhất đương thời, cắm những mốc son trong phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, mở ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho cách mạng nước ta, đánh dấu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thời đại Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, dẫn dắt cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đưa nước Việt Nam thống nhất tiến lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


Đấu tranh chống gián điệp là một bộ phận không tách rời của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt những chặng đường lãnh đạo của mình, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo hệ thống chính trị của Đảng cùng toàn thể nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng thế trận “phòng và chống" phản cách mạng hoàn chỉnh, đánh bại âm mưu, hoạt động của các cơ quan gián điệp, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng chống gián điệp thuộc Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên ngành, giữ vai trò nòng cốt, ra đời, trưởng thành mọi mặt từ cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và lâu dài đó.


Trải qua 60 năm đấu tranh cách mạng, khi đất nước có chiến tranh hay khi đất nước đã hoà bình thì trận tuyến đấu tranh chống gián điệp vẫn không ngơi nghỉ, vẫn vô cùng gay go, quyết liệt. Đối tượng đấu tranh của ta là cơ quan tình báo gián điệp của các thế lực ngoại xâm, bọn phản động quốc tế, các thế lực thù địch hòng thực hiện âm mưu thôn tính và xâm lược. Điệp viên của địch không chỉ có vỏ bọc chắc chắn, trà trộn trong xã hội, lẩn khuất quanh ta mà chúng còn được các lực lượng vũ trang xâm lược và bọn phản động hỗ trợ, được trang bị các loại phương tiện hoạt động hiện đại và tinh vi. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Nguồn gốc để giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh bí mật này được khởi nguồn từ tư tưởng chỉ đạo, quá trình hoàn thiện đường lối, phương châm, nguyên tắc đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng; là chủ trương xây dựng thế trận “phòng và chống” gián điệp, phát triển thành nền an ninh nhân dân vững mạnh; là quyết sách trong tổ chức lực lượng đấu tranh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng của nhân dân, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị với nghiệp vụ phản gián sắc bén của cơ quan chuyên môn thành sức mạnh tổng hợp; là tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo, quyết đoán và quyết thắng của các thế hệ An ninh nhân dân trước mọi kẻ thù.


Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp là thông qua hệ thống các sự kiện lịch sử để làm rõ quá trình hình thành, phát triển về đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và của Bộ Công an; làm rõ quá trình tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh và xây dựng thế trận “phòng chống" gián điệp; làm rõ cách thức triển khai các biện pháp đấu tranh của lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh này. Qua đó rút ra những bài học lịch sử có giá trị áp dụng vào thực tiễn sinh động đang diễn ra, góp phần hoàn chỉnh hệ thống lý luận chuyên ngành để các thế hệ mai sau chiêm nghiệm và kế thừa.


Tác phẩm “Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp (1945-2005)", được hoàn thành với sự hướng dẫn tận tình về phương pháp luận Tổng kết của Viện lịch sử Công an và các nhà sử học uy tín; kiến thức thực tiễn phong phú và vô cùng quý báu của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trên lĩnh vực đấu tranh chống gián điệp của lực lượng An ninh qua các giai đoạn lịch sử. Đội ngũ nghiên cứu đã cố gắng khai thác các nguồn tư liệu để nhận thức lịch sử một cách trung thực, khách quan với mong muốn sẽ là tác phẩm hữu ích cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như vận dụng vào thực tiễn của mặt trận đấu tranh bí mật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhiều yếu tố nhạy cảm và khó lường.


Xin được trân trọng cảm ơn Viện Lịch sử Công an, các đồng chí nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành đã hướng dẫn, cung cấp tư liệu và đóng góp ý kiến quý báu cho tác phẩm.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


TỔNG CỤC AN NINH
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2021, 07:49:12 pm »

PHẦN THỨ NHẤT
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CHỐNG GIÁN ĐIỆP
(1945-2005)



CHƯƠNG I
ĐẤU TRANH CHỐNG GIÁN ĐIỆP GÓP PHẦN BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG VÀ ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP
(1945-1954)


Lịch sử đấu tranh chống gián điệp thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954 là bộ phận của lịch sử đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là giai đoạn hình thành đường lối, phương châm, nguyên tắc, đối sách, sách lược và tổ chức lực lượng cũng như biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chống gián điệp. Tương ứng với những bước phát triển của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử đấu tranh chống gián điệp cũng có ba bước phát triển rõ ràng. Mỗi bước là một dấu mốc phát triển về đường lối chỉ đạo, tổ chức lực lượng đấu tranh, xây dựng thế trận phòng ngừa và đánh địch.


1. Giai đoạn từ năm 1945 đến giữa năm 1947

Giai đoạn này, Trung ương Đảng lãnh đạo cả dân tộc tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đề ra chủ trương “hoà để tiến" nhằm loại dần kẻ thù và lãnh đạo tiến hành thắng lợi giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.


Thời kỳ tiến hành tổng khởi nghĩa tháng 8 nám 1945, trên đất nước ta đồng thời tồn tại hai thế lực ngoại xâm là Pháp và Nhạt. Mặc dù Pháp phải dâng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cho Nhật nhưng vẫn nuôi tham vọng thiết lập lại quyền thống trị ở Đông Dương. Pháp giữ nguyên mạng lưới gián điệp, chỉ điểm đã có, tiếp tục thu thập tin tức của Việt Minh cũng như các đảng phái phản động nhằm chuẩn bị sẵn điều kiện thực hiện âm mưu đó: đám tàn quân do A-lếch-xăng-đờ-ri cầm đầu chạy sang Trung Quốc tìm cách liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ để nương náu và tung tay chân về Việt Nam hoạt động. Văn phòng cơ quan đại diện của Pháp tại 53 Trần Hưng Đạo (Gabetta) và nhà riêng của Sanh-tơ-ni tại 18 Nguyễn Chế Nghĩa biến thành trụ sở điều hành hoạt động bí mật của Pháp kiều cùng bọn Việt gian, chỉ điểm. Tuy Nhật nắm quyền thống trị ở Đông Dương nhưng vì phải tập trung lực lượng cho cuộc chiến tranh nên Nhật vẫn phải dựa vào Pháp, đặc biệt là đối với các cơ quan tình báo gián điệp của Pháp. Do đó, khi Nhật đầu hàng đồng minh, Pháp sử dụng ngay mạng lưới tay sai sẵn có từ trước, ráo riết triển khai các hoạt động nhằm thiết lập lại quyền thống trị.


Để tổ chức quần chúng đấu tranh đập tan bộ máy thống trị của kẻ thù, ngay từ tháng 5-1945, trong Chỉ thị “Sửa soạn tổng khởi nghĩa", Tổng bộ Việt Minh chỉ đạo các lực lượng cách mạng thành lập “Đội tự vệ", “Đội ám sát” (AS) làm nhiệm vụ trừng trị bọn mật thám, tay sai của Pháp, Nhật. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, các địa phương trong cả nước đều lập những tổ chức vừa mang tính chất vũ trang, vừa mang tính chất chính trị nhằm trừng trị bọn Việt gian và dẫn dắt quần chúng đấu tranh. Nhờ đó, trong tháng 8-1945, Pháp tung nhiều toán tình báo, hoạt động ở khắp ba kỳ nhưng đều bị lực lượng cách mạng phát hiện và bắt gọn: Toán biệt kích thủy quân do Bơ-lang-sa cầm đầu xâm nhập vào Hải Phòng; Mét-me nhảy dù xuống Bắc Ninh; Ca-tê-na cùng năm sĩ quan tình báo nhảy dù xuống Thừa Thiên... Khai thác bọn này ta nắm được chúng thực hiện lệnh của Chính phủ Đờ-gôn liên lạc với các đảng phái phản động cũ và bọn tay sai, quan lại như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng,... để: "khi có thời cơ sẽ lập lại nền cai trị của Pháp ở Dông Dương”.


Đồng thời bắt các toán tình báo hoặc vô hiệu hoá hoạt động của chúng, Đảng chỉ đạo các Uỷ ban khởi nghĩa trong toàn quốc trấn áp mạnh bọn mật thám, gián điệp, các phần tử Việt gian phản quốc, đập tan mọi hoạt động chống đối của chúng. Trước, trong tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã bắt và diệt 535 tên gian ác, trong đó có 126 tên mật thám, gián điệp của Pháp, Nhật: Nguyễn Văn Chung, Ngô Xuân Điền, Đỗ Đức Phin, Hoàng Sĩ Nhu, Trương Anh Tự, Nga Thiên Hương, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn... Riêng tỉnh Nam Định bắt và diệt 20 tên mật thám Pháp. Những toán gián điệp bị bắt, những cuộc trấn áp bọn mật thám, tay sai của Pháp và Nhật vào thời điểm lịch sử này có tác dụng quan trọng vì nó vừa phá tan âm mưu của Pháp, vừa làm mất chỗ dựa của bọn Việt gian phản quốc, đẩy chúng vào tình thế tê liệt và mau chóng tan rã trước làn sóng cách mạng của quần chúng.


Thời điểm lịch sử này, lực lượng Công an chưa được thành lập, vì vậy công tác trấn áp phản cách mạng, bọn gián điệp và mật thám được thực hiện bởi các lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, do các tổ chức nòng cốt dẫn dắt như “Tự vệ Việt Minh", “Tự vệ thành”, “Hộ lương gian ác”, “Trinh sát Việt Minh". Do trấn áp mạnh, đúng và trúng nên đã góp phần làm tê liệt hoạt động chống đối của kẻ thù, tạo điều kiện cho quần chúng đứng lên đánh đổ chế độ thống trị cũ, trừng trị và đập tan các thế lực phản cách mạng, thiết lập thành công hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến cấp cơ sở.


Tại mỗi địa phương, ngay sau khi giành chính quyền, thiết lập chính quyền cách mạng, Đảng đều chỉ đạo thành lập ngay cơ quan Công an (thực chất là lực lượng An ninh) - công cụ nòng cốt trấn áp phản cách mạng. Do diễn biến mau lẹ của tình hình nên Đảng cho phép tạm sử dụng mô hình tổ chức của các cơ quan Liêm phóng địch làm mô hình cơ quan Công an (Quốc gia tự vệ cuộc, Trinh sát, Liêm phóng); lưu dụng số nhân viên cũ ở những bộ phận không quan trọng để triển khai ngay công tác bảo vệ an ninh trật tự. Nhằm đảm bảo cho cơ quan chuyên chính phục vụ cách mạng tốt nhất, Đảng điều động các đồng chí là đảng viên trung kiên lãnh đạo những bộ phận quan trọng và tuyển chọn những thanh niên ưu tú, bổ sung cho các bộ phận làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng. Như vậy, tuy ta kế thừa mô hình tổ chức và công sở, lưu dụng một số nhân viên của chính quyền cũ nhưng bản chất cơ quan Công an từ đây là cơ quan chuyên chính của cách mạng, do Đảng và Chính phủ lâm thời trực tiếp chỉ đạo với nhiệm vụ: bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2021, 07:49:46 pm »

Từ sau cách mạng tháng 8-1945, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới: Cuộc đấu tranh được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, trong điều kiện ta nắm chính quyền; được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, sự phối hợp của các lực lượng cách mạng khác. Trong khi đó, bọn mật thám gián điệp, bọn Việt gian phản quốc bị tan rã, bị đẩy vào tình thế cô lập và không còn điều kiện để dựa dẫm. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến mau lẹ, khí thế cách mạng lên cao, lực lượng cách mạng còn nhiều ấu trĩ nên có lúc, có nơi ta trừng trị tràn lan hoặc để sót lọt những đối tượng nguy hiểm như: thả Giăng-xê-di, Phan Văn Giáo, Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh... Sau này chúng gây hại cho cách mạng không nhỏ. Trong quá trình trấn áp, cũng chưa nhận thức được đối tượng là gián điệp hay phản động, mà chỉ nhận thức chúng là bọn phản cách mạng. Song dù công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng trong thời kỳ này hoàn toàn mới mẻ, lực lượng nòng cốt từ phong trào cách mạng mà thành nhưng đây là thời kỳ trấn áp mạnh, làm tan rã một bộ phận không nhỏ lực lượng phản cách mạng nguy hiểm nhất lúc dó. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống gián điệp đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là: "Đập tan chính quyền địch, tiễu trừ Việt gian, thiết lập chính quyền nhân dân"1 (Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, H. Chính trị quốc gia, 1996).


Thời gian hoà bình để củng cố hệ thống chính quyền cách mạng chưa đầy một tháng, đất nước lại phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Với danh nghĩa đồng minh, quân Tưởng kéo vào nước ta, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tưởng câu kết với Mỹ, âm mưu độc chiếm miền Bắc Đông Dương. Quân Anh đổ bộ lên Sài Gòn, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào, âm mưu tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Tưởng bằng việc câu kết với Pháp tiến hành các hoạt động quân sự hòng độc chiếm miền Nam Đông Dương. Vì vậy, khi Anh đổ bộ lên Sài Gòn - Gia Định đã mang theo những trung đoàn lính Pháp, trong đó có hai tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e-RIC). Vừa đặt chân lên Sài Gòn, Anh và Pháp xúc tiến ngay âm mưu xâm lược; Anh tạo điều kiện cho Pháp vũ trang đánh chiếm Nam Bộ. Ngày 23-9-1945, quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến cục bộ chống thực dân Pháp xâm lược. Pháp huy động hơn 4.000 lính cùng Pháp kiều có vũ trang với sự tiếp sức của lữ đoàn Anh - Ấn và chừng 5.000 lính Nhật, mở cuộc tấn công bất ngờ, âm mưu thiết lập lại quyền thống trị ở Sài Gòn trong vòng 18 ngày. Trước sức tấn công của liên minh các thế lực ngoại xâm, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu bằng mọi loại vũ khí có trong tay, cầm chân quân giặc, quyết đánh bại kế hoạch thôn tính Sài Gòn trong vòng 18 ngày của Lơ-cléc.


Cuộc kháng chiến cục bộ của quân và dân Nam Bộ mở rộng, lực lượng vũ trang chủ yếu lúc này là các trung đoàn Cộng hoà vệ binh và Quốc gia tự vệ cuộc. Nhưng vào thời điểm này Đảng chưa nắm được lực lượng Cộng hoà vệ binh, hơn nữa kỷ luật của lực lượng vũ trang Cộng hoà vệ binh rất yếu kém. Trước đó, cơ quan gián điệp Pháp cài được nhiều điệp viên vào hoạt động trong các trung đoàn, đã tác động làm cho nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, vì thế lực lượng vũ trang này nhanh chóng tan rã. Một bộ phận đầu hàng Pháp, quay trở lại tấn công ta. Trước tình hình đó, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt trong những ngày đầu kháng chiến. Để đảm bảo vũ trang đánh địch, chặn bước tiến của chúng và trấn áp phản cách mạng, Quốc gia tự vệ cuộc chia làm hai bộ phận: Một bộ phận phát triển thành Bộ đội Hiệp Hoà, tiến hành vũ trang đánh địch; một bộ phận tiếp tục trấn áp phản cách mạng và bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến. Như vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng đã có bước chuyển kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này là vừa vũ trang đánh địch vừa lùng bắt bọn Việt gian, bọn tay sai thân Pháp, vừa bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng rút ra căn cứ an toàn.


Cùng với việc sử dụng binh lực đánh chiếm, thực dân Pháp ráo riết triển khai hệ thống mật thám, gián điệp để chuẩn bị mở rộng chiến tranh. Chúng khôi phục Sở Mật thám Nam Kỳ, tăng cường nhân viên; thiết lập các quận cảnh sát, đồn cảnh sát, tổ chức mạng lưới Recherche (truy tìm) và Indicateur (chỉ điểm), trà trộn trong nhân dân, theo dõi, bắt cán bộ và cơ sở cách mạng. Pháp củng cố Phòng Nhì (2e Bureau), tuyển mộ thêm nhân viên để đảm nhiêm vai trò thu thập tin tình báo phục vụ cho yêu cầu quân sự. Vì vậy, lực lượng quân sự của Pháp chiếm đóng đến đâu thì mạng lưới Phòng Nhì phát triển đến đó. Nhân viên Phòng Nhì rải dọc theo hệ thống ba cấp của quân chiếm đóng: Tiểu khu (Secteus), chi khu (Sous Secteus) và cấp xã (Quariter). Mặc dù danh nghĩa là cơ quan tình báo quân sự nhưng chức năng của Phòng Nhì rất rộng. Nhiệm vụ chính của chúng là tổ chức cài điệp viên vào cơ quan kháng chiến, lực lượng vũ trang của ta; tung do thám, gián điệp, xây dựng mạng lưới chỉ điểm để thu tin và phá hoại. Cùng với cơ quan tình báo quân sự, Pháp tăng cường củng cố chi nhánh tình báo chiến lược SEH (cơ quan Nghiên cứu lịch sử) thực hiện các kế hoạch tình báo chiến lược ở Nam Bộ phục vụ Cao uỷ Pháp trong các kế hoạch mang tầm chiến lược.


Việc tăng cường các cơ quan mật thám, gián điệp và thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp đã gây rất nhiều khó khăn vào những tháng cuối năm 1945 đến nửa đầu năm 1946 (trước khi Hiệp ước Hoa - Pháp ký kết). Trong thành phố, một bộ phận cán bộ ta trực tiếp chiến đấu kìm chân giặc bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến rút ra vùng căn cứ; một bộ phận hoá trang, hoạt động bí mật trong lòng địch làm nhiệm vụ thu thập tin tức phục vụ cho kháng chiến và tiến hành một số vụ diệt trừ bọn mật thám, ác ôn. Ở vùng căn cứ kháng chiến và vùng tự do, Quốc gia tự vệ cuộc tập trung vào nhiệm vụ tổ chức bố phòng, giáo dục nhân dân cảnh giác phòng gian bảo mật, chống do thám chỉ điểm và bảo vệ các cơ quan đầu não của kháng chiến. Trong bối cảnh vừa phục vụ các yêu cầu của cuộc đấu tranh vũ trang, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng còn tự do và căn cứ kháng chiến, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đã có bước chuyển kịp thời về tổ chức lực lượng, không chỉ góp phần kìm chân địch, bảo vệ an toàn các cơ quan kháng chiến mà còn tiến hành tốt công tác diệt trừ bọn do thám chỉ điểm, bước đầu hạn chế hoạt động triển khai mạng lưới gián điệp của Pháp trên chiến trường Nam Bộ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2021, 07:50:36 pm »

Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, tình hình trên toàn quốc diễn biến mau lẹ, phức tạp, nhưng lực lượng An ninh từ Bắc đến Nam, ở trung ương và địa phương đều đã được thiết lập với mô hình tổ chức ba cấp rõ ràng, có sự chỉ huy chỉ đạo thống nhất; trong đó, lực lượng trinh sát tại chỗ được chú trọng phát triển mạnh. Cùng với lực lượng trinh sát của An ninh một số địa phương vẫn duy trì “Ban trinh sát của Đảng" và một bộ phận trinh sát hoá trang hoạt động trong “Ban liên lạc Việt Hoa”. Do có hình thức tổ chức lực lượng thích hợp, biết dựa hẳn vào luật pháp và vận động được quần chúng ủng hộ nên lực lượng An ninh non trẻ không chỉ đáp ứng yêu cầu kháng chiến ở Nam Bộ, yêu cầu "Hoà để tiến" ở Bắc Bộ mà còn khám phá nhiều vụ án gián điệp lớn: Khám phá ổ gián điệp biệt kích số 5 tại đường Lý Thành Nguyên, Chợ Lớn, bắt 8 tên thu nhiều tài liệu và vũ khí; khám phá mạng lưới gián điệp Pháp đánh vào Bộ đội Bình Xuyên;... Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, đã khám phá tổ chức gián điệp Pacefic, thu được bản mật lệnh của Bộ chỉ huy quân đội Pháp về kế hoạch tấn công ta và một số tài liệu liên quan đến nhiều đầu mối gián điệp; bắt một nữ gián điệp Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội móc nối với đồng bọn ở Bắc Bộ; bắt tên Đức là Nhật kiều làm việc cho gián điệp Pháp; trừng trị tên Thám Hoan và Phạm Giao, làm việc cho gián điệp Nhật...


Nhằm tố cáo sự tráo trở của kẻ thù, ta đã đưa một số vụ điển hình ra Toà án Quân sự truy tố như các vụ: Vũ Mạnh Khoa, Phạm Huy Chương, Phạm Quang Lương, Nguyễn Vân Giậu, Đặng Văn Như. Đặc biệt là sự kiện trấn áp Quốc dân đảng trên toàn quốc vào tháng 7-1946, lực lượng An ninh không chỉ đập tan một đảng phản động có thực lực nhất lúc bấy giờ, mà còn phá vỡ thế liên kết giữa gián điệp Pháp với thế lực nội phản, tạo điều kiện để Đảng ta có thểm thời gian củng cố lực lượng đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.


Đạt được một số kết quả trong giai đoạn đầu tiên vô cùng khó khăn này vì lực lượng An ninh đã quán triệt nghiêm túc sách lược của Đảng, chỉ đạo của Đảng, biết dựa vào luật pháp, vận động quần chúng ủng hộ, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ. Lực lượng trinh sát tuy còn non trẻ, nghiệp vụ còn đơn giản nhưng đã chiến đấu bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm tiêu diệt địch để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ chính quyền trong bối cảnh lịch sử ngặt nghèo. Đặc biệt là lực lượng trinh sát ở cấp cơ sở phát triển nhanh chóng, biết kết hợp giữa chiến đấu vũ trang với hoạt động bí mật, biết phối hợp với các lực lượng vũ trang khác của cách mạng để thu tin và đấu tranh chuyên án.


Sau khi “Hiệp ước Hoa - Pháp" ký kết, quân Tưởng rút về nước, thực dân Pháp càng ráo riết triển khai âm mưu phát động cuộc chiến tranh vũ trang xâm lược hoàn toàn đất nước ta. Đảng và Chính phủ đã tranh thủ mọi điều kiện để đàm phán, chấp nhận một số điều kiện nhượng bộ để kéo dài thời gian củng cố lực lượng nhưng thực dân Pháp càng lấn tới, quyết cướp nước ta một lần nữa. Pháp gây hấn ở Hải Phòng, sau đó gây hấn ở Hà Nội cùng nhiều địa phương khác. Thời kỳ hoà hoãn không thể kéo dài hơn, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trên phạm vi toàn quốc bắt đầu.


Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, quân và dân ta dũng cảm, kiên cường tiến hành cuộc chiến đấu không cân sức, vừa chặn bước tiến của thực dân Pháp xâm lược, vừa bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bộ chỉ huy kháng chiến rút dần về Chiến khu để lãnh đạo cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1947, năm đầu tiên của cuộc kháng chiến diễn ra quyết liệt trên mọi bình diện nhưng chúng ta đã làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp.


Trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ Đảng, bảo vệ các cơ quan kháng chiến lúc này là nhiệm vụ cấp bách, có vai trò cực kỳ quan trọng. Trung ương Đảng và Ủy ban Hành chính kháng chiến chủ trương củng cố căn bản lực lượng An ninh với yêu cầu tập trung chỉ huy chỉ đạo, tập trung tối đa cho mặt trận. Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 24-1-1947, Nha Công an ra Quyết nghị A00092 về “Chương trình hoạt động của bộ máy Công an”. Quyết nghị nêu rõ: “Nha Công an có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các khu vực thuộc Bắc Bộ; Chánh, Phó Giám đốc và nhân viên Sở Công an Bắc Bộ được điều động đến các tỉnh, các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Cơ quan hành chính của Nha tăng cường cán bộ chỉ huy cho cơ sở và chuyển lên chiến khu”. Theo đó, Nha Công an bố trí lại còn bốn bộ phận, trong đó có bộ phận Chính trị do Giám đốc Nha Công an Trung ương phụ trách. Tháng 4-1947, Trung ương Đảng họp Hội nghị cán bộ Trung ương. Hội nghị xác định: Củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược, thành lập các “Đội danh dự trừ gian”, các “Tiểu tổ bí mật”, các “Ban công tác đội” để đánh địch trong lòng địch”. Quyết định của Hội nghị Trung ương không chỉ là định hướng về tư duy đánh địch mà còn hình thành hai lĩnh vực căn bản đối với công tác đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng là: Sử dụng lực lượng quần chúng rộng rãi chống do thám, gián điệp, chỉ điểm ở vùng ta kiểm soát và sử dụng các đơn vị chuyên môn hoạt động bí mật trên đất địch. Một tháng sau, Nha Công an triệu tập Hội nghị Công an toàn quốc; Hội nghị cụ thể hoá chủ trương của Đảng thành nhiệm vụ trọng tâm của Công an: “Tiễu phí, trừ gian, tổ chức mạng lưới giao thông”1 (Hội ngị Công an toàn quốc lần thứ I, tháng 5-1947). Đối với công tác chống gián điệp, Hội nghị chỉ rõ: “Thẳng tay quét sạch bọn mật thám chỉ điểm, chống địch gây cơ sở vào nội bộ của tổ chức kháng chiến và cơ quan của Đảng, kiểm soát các khu căn cứ địa”. Tháng 9-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Ta phải làm gì”. Chỉ thị nêu: “Phải sáng suốt nhận rõ kẻ gian, người ngay, kịp thời đối phó và đủ sức đánh quỵ bọn phản động chực đâm vào sau lưng ta, làm nội ứng cho địch trong lúc ta phải xông ra giết giặc”2 (Chỉ thị "Ta phải làm gì" - Văn kiện Đảng tập V, trường Nguyễn Ái Quốc, tr.76).


Sự chỉ đạo của Đảng và việc tổ chức lực lượng đấu tranh cho thấy: Ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác đấu tranh chống gián điệp; lực lượng Công an kịp thời chuyển hướng hoạt động theo yêu cầu của thời chiến. Trận tuyến đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng đã được phân làm hai lĩnh vực rõ ràng là vùng ta kiểm soát và vùng địch tạm chiếm, ở mỗi lĩnh vực đã có biện pháp, cách thức tổ chức đấu tranh riêng: Vùng ta kiểm soát, tập trung vận động quần chúng phòng ngừa và trấn áp phản cách mạng để bảo vệ hậu phương kháng chiến, bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng, đồng thời đáp ứng chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc". Vùng địch kiểm soát, thành lập các đơn vị trinh sát mang tính vũ trang, vừa thu thập tin tức vừa tổ chức diệt bọn ác ôn, bọn tay sai chỉ điểm, phá âm mưu địch. Vấn đề mang tính chủ đạo cho cả hai lĩnh vực được triển khai có hiệu quả là lực lượng An ninh đã dựa hẳn vào nhân dân, tranh thủ sự cộng tác của các cơ quan đơn vị để tổ chức triển khai nhiệm vụ.


Quán triệt chỉ đạo của Đảng, lực lượng Công an ở vùng tự do cũng như vùng địch kiểm soát triển khai các mặt công tác tương đối đều, riêng ở Bắc Bộ và Nam Bộ diễn ra khá sôi động. Sở Công an Nam Bộ cài người vào Sở Mật thám, Sở cảnh sát Nam Kỳ, tổ chức nắm âm mưu từ trung tâm đầu não của chúng, tập trung làm rõ những đầu mối gián điệp Pháp cài vào Bộ đội Bình Xuyên, khu căn cứ rừng Sác, bắt hàng chục điệp viên và bọn đã nhận làm tay sai cho chúng. Tại Quận VI Hà Nội, Đội Quân báo thiếu niên Bát sắt luồn sâu vào nội thành Hà Nội mở tuyến đường giao thông bí mật, vừa thu thập tin tức vừa móc nối cơ sở cách mạng và liên hệ với các thân sĩ trí thức còn kẹt lại để đóng góp cho kháng chiến. Trong thời điểm Hà Nội bị quân Pháp phong toả, hoạt động của Đội Quân báo thiếu niên Bát sắt có ý nghĩa rất quan trọng, đã góp phần giúp Uỷ ban kháng chiến tháo gỡ nhiều khó khăn trong chỉ huy chỉ đạo, tạo điều kiện cho chiến sĩ ta thâm nhập vào nội thành hoạt động. Công an Trung Bộ mở các quán hàng trong nội thành Huế để móc nối cơ sở và thu tin từ các nhân viên của Pháp. Đặc biệt là công tác đấu tranh chống gián điệp, bảo vệ vùng tự do và căn cứ địa được tiến hành ráo riết và đạt kết quả cao. Tại chiến khu Việt Bắc, ta đã bắt các điệp viên Pháp, đặc vụ Tưởng: Vương An Bách, Trần An Dương, Dương Mãn Thanh, Vinh Phát, ngăn chặn âm mưu thâm nhập vào các cơ quan quân sự của chúng. Bắt Trương Đình Long, Nguyễn Văn Chính là tay sai của Phòng Nhì thâm nhập vào vùng tự do thu tin tức về bộ đội chủ lực và hướng di chuyển của lực lượng vũ trang ta.


Ngay từ giữa năm 1947, quán triệt chủ trương của Đảng, Nha Công an chỉ đạo Công an các khu, tỉnh phát động phong trào quần chúng tham gia phòng chống phản cách mạng kết hợp với bảo vệ xóm làng, ở Bắc Bộ, phong trào có tên gọi là “Phòng gian bảo mật”. Phong trào được cụ thể hoá bằng các khẩu hiệu “Ba không” (không nghe, không biết, không thấy), sở Công an Nam Bộ ra chỉ thị số 55/QĐ5 “Xây dựng khối đoàn kết nhân dân, nâng cao cảnh giác để phòng gian, trừ gian”, vận động thành lập các “Ngũ gia liên bảo”, “Thập gia liên bảo”. Những phong trào quần chúng vừa ra đời đã nhanh chóng phát triển rộng khắp, hình thức hoạt động khá phong phú và có nội dung đa dạng vì phong trào đáp ứng được nguyện vọng cũng như yêu cầu của quảng đại quần chúng nhân dân. Nhờ đó, tinh thần cảnh giác, ý thức tố cáo tội phạm, ý thức giữ gìn bí mật được nâng lên đáng kể.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 07:49:01 pm »

2. Giai đoạn từ giữa năm 1947 đến thu đông năm 1950

Về cục diện chiến tranh, Pháp bị thất bại trong kế hoạch tấn công vào Thủ đô kháng chiến của ta, buộc chúng phải chuyển hướng chiến lược từ “Đánh nhanh thắng nhanh" sang “Đánh kéo dài'' với chính sách căn bản là “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Chúng thay đổi hướng tấn công quân sự, từ sử dụng lực lượng lớn, ồ ạt tấn công vào căn cứ, hậu phương để tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực sang bình định, củng cố vùng tạm chiếm, thực hiện kiểu “Chiến tranh tổng lực", đánh phá cơ sở kinh tế, lực lượng hậu bị của ta.


Phục vụ cho chiến lược “Đánh kéo dài”, Pháp triệt để sử dụng các cơ quan gián điệp, mật thám; xúc tiến lập ngụy quyền, Công an ngụy quyền làm công cụ đàn áp và là cầu nối triển khai các hoạt động gián điệp. Mục tiêu trọng tâm là điều tra toàn diện về quân sự, kinh tế, chính trị... phục vụ cho chiến tranh phá hoại, chiến tranh tâm lý. Sở Mật thám Liên bang Đông Dương (S.D.E.C.E) nằm trong Phủ Cao uỷ Pháp trực tiếp chỉ đạo và tổ chức điều tra tình báo chiến lược về chính trị; truy tìm các hoạt động bí mật, phá phong trào cách mạng, sở Mật thám có hệ thống ở ba miền (Sở Mật thám Kỳ). Riêng ở Tây Nguyên, chúng thiết lập sở Mật thám miền sơn cước Nam Đông Dương. Phòng Nhì (2B) là cơ quan phản gián và tình báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp, có tổ chức chân rết sâu rộng trong khu tác chiến ở ba miền và thiết lập các cấp cơ sở đến phân khu quân sự, có thời kỳ đến từng đồn bốt. Chúng đặc trách tổ chức các hoạt động tình báo, chỉ điểm phục vụ âm mưu chiến lược quân sự cũng như cho từng trận càn quét. Ngoài ra 2B còn trực tiếp nắm bọn phản động, điều khiển bọn buôn lậu và những người có điều kiện thường ra vào giữa vùng ta và vùng địch, phục vụ cho việc thu lượm tin, chỉ điểm. Trong hệ thống quân sự còn có SEH (cơ quan Nghiên cứu lịch sử), SR, (quân báo), Bảo an quân đội, An ninh quân đội... Từ năm 1948, cơ quan gián điệp Pháp triển khai cấp tập các hoạt động gián điệp vừa phục vụ cho các mục tiêu chiến lược, vừa phục vụ cho các cuộc càn quét nhằm mở rộng vùng chiếm đóng, về căn bản hoạt động tình báo và phản gián ở giai đoạn này nặng về chính trị, có tính chiến lược.


Ở vùng địch kiểm soát, chúng tăng cường củng cố hệ thống ngụy quyền; lập ra các hội tề, biến bọn này thành mạng lưới chỉ điểm (gián điệp hoá), đồng thời là công cụ đàn áp cách mạng từ cơ sở. Dựa vào ngụy quyền, các cơ quan một thám, gián điệp tung tay chân nắm số cầm đầu phản động trong thiên Chúa giáo, trong các dân tộc ít người để thực hiện chính sách "Công giáo tự trị”, “Dân tộc tự trị” của âm mưu tổng quát “Dùng người Việt trị người Việt". Chúng sử dụng bọn này vừa làm công cụ đàn áp cách mạng, vừa làm chức năng “do thám hoá". Bằng thủ đoạn đó, cơ quan gián điệp Pháp đã biến những thế lực chống đối của cách mạng thành lực lượng phản động manh động và cực đoan ngay tại cấp cơ sở, làm hậu thuẫn cho chính quyền chiếm đóng, làm chân rết cho các cơ quan gián điệp.


Đối với vùng tự do và căn cứ địa cách mạng, cơ quan gián điệp Pháp tập trung phương tiện, tiền của, triển khai mọi hoạt động để thu tin, phục vụ cho giới quân sự tiến hành các cuộc càn quét, bình định, mở rộng vùng chiếm đóng. Ngoài việc huy động các tổ chức với số nhân viên sẵn có, chúng ráo riết tuyển mộ, mua chuộc, khống chế các hạng người có điều kiện thu thập tin tức để lập ra các ổ, dây do thám rải khắp các khu vực. Từ năm 1949, cơ quan gián điệp triển khai phương thức hoạt động mới: “Gián điệp đôi", “Gián điệp trá hàng”, “Gián điệp là con buôn lậu", “Gián điệp là trẻ em” tung vào hậu phương ta, dọc tuyến đường cửa ngõ lên chiến khu Việt Bắc và thâm nhập vào các cơ quan kháng chiến. Đặc biệt, chúng tập trung đánh nội gián vào các cơ quan, đơn vị Quân đội, các đoàn thể kháng chiến, phá ta từ bên trong. Có thể nói, giai đoạn này gián điệp Pháp hoạt động đa dạng, chồng chéo và vô cùng nguy hiểm. Trên thực tế, chúng đã gây cho kháng chiến những tổn thất đáng kể; có nơi, có lúc cơ sở cách mạng bị phá rã; có đơn vị bị địch khống chế, gây mâu thuẫn nghiêm trọng hoặc nội gián của địch lấy cắp được những tài liệu mật của kháng chiến.


Song song với hoạt động của gián điệp Pháp, từ năm 1948, gián điệp Nhật do tên Saito cầm đầu cũng ráo riết hoạt động. Chúng núp dưới danh nghĩa “Tìm hàng binh Nhật", hoạt động mạnh ở khu vực Hải Phòng và Sài Gòn - Gia Định. Bọn Công an ngụy quyền, Công an công giáo, An ninh quân đội của ngụy quyền cùng ra sức tổ chức hoạt động do thám nhằm phục vụ cho yêu cầu bảo vệ vùng chiếm đóng của chúng hoặc phục vụ cho các cuộc càn quét, cướp phá. Có thể nói, giai đoạn này các cơ quan mật thám, gián điệp đã có những thay đổi căn bản về quy mô, tổ chức hoạt động theo xu hướng mở rộng và đa dạng. Trên thực tế Pháp đã tập trung phát triển hoạt động gián điệp thành cuộc chiến tranh gián điệp nhằm hỗ trợ và cứu nguy cho lực lượng quân sự đang lâm vào tình thế bị động.


Để đánh bại âm mưu phát triển chiến tranh của địch, ngày 15-1-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, đề ra chủ trương mới về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá... tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh nhân dân lên bước cao hơn. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tháng 1-1948, Trung ương Đảng mở Hội nghị Trung ương lần thứ V và chủ trương: “Công tác ở vùng sau địch phải nhằm mục đích giữ vững và nâng cao trình độ, tinh thần quyết chiến của nhân dân, lập lại và kiên cố các tổ chức quần chúng của Đảng, làm rối ren và tan rã hàng ngũ địch, lập lại chính quyền ta"1 (Văn kiện Đảng tập VI, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tr.54, 55). Tiếp theo, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề” nhằm phá chính quyền cơ sở của địch, biến chính quyền của địch thành chính quyền của ta hoặc "đêm ta ngày địch". Chủ trương của Đảng là giải pháp thích hợp nhằm củng cố, xây dựng hậu phương, phát triển tiềm lực và nhân lực cho kháng chiến, tạo đà phá âm mưu “Dùng người Việt trị người Việt'' của Pháp ngay từ cấp cơ sở.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:37:23 pm »

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, năm 1948, Nha Công an triệu tập hai Hội nghị Công an toàn quốc (Hội nghị lần II và làn III) đề ra nhiệm vụ công tác và đổi mới tổ chức Công an để đáp ứng yêu cầu đánh địch trước bước chuyển mới của cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần II nêu: “Nhiệm vụ của Công an là triệt phá chính quyền bù nhìn, gây uy tín cho chính quyền Việt Nam; trừ diệt do thám địch; phong toả tiếp tế địch; làm nhẹ nhàng bộ máy của ta và giữ bí mật cho nó"1 (Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, ngày 29-2-1948). Hội nghị quyết định tăng cường lãnh đạo cho cấp huyện, mở lớp đào tạo Quận trưởng Công an và Đội trưởng điều tra đề phòng khi cuộc chiến khốc liệt, mất liên lạc có thể độc lập ứng phó với những hoàn cảnh khó khăn nhất: "... đặt một hệ thống tổ chức thích hợp và thống nhất, đơn giản nhưng đủ người làm việc; đào tạo Quận trưởng giỏi, cảnh giới hoạt động giỏi”2 (Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, ngày 29-2-1948). Như vậy, ngay khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn “giằng co”, khi cơ quan gián điệp Pháp tăng cường hoạt động thì lực lượng Công an trên toàn quốc đã kịp thời điều chỉnh về tổ chức theo hướng tăng cường lực lượng về cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo cho cấp Quận; đào tạo nghiệp vụ điều tra cho số cán bộ nhân viên trực tiếp làm công tác điều tra, công tác đấu tranh chống gián điệp.


Về triển khai công tác nghiệp vụ, tháng 9-1948, Ty Chính trị đề xuất lên Trung ương các biện pháp phòng, chống gián điệp chui vào nội bộ cơ quan Đảng, chính quyền và tổ chức kháng chiến. Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 25/CT-TW “Về việc đề phòng gián điệp chui vào hàng ngũ Đảng và các cơ quan chính quyền". Chỉ thị quy định về chế độ tuyển dụng, quan hệ công tác, kiểm soát nội bộ... giao cho các tổ chức Đảng chịu trách nhiệm thực hiện với sự hướng dẫn của Công an. Ty Chính trị tiếp tục tham mưu cho Đảng về công tác phòng gian và trừ gian, tháng 1-1949, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ trung ương lần thứ VI, một trong những Nghị quyết quan trọng được thông qua là Nghị quyết về “Công tác phòng gian và trừ gian". Nghị quyết xác định đây là công tác cấp thiết, các bộ phận Đảng, chính quyền, Quân đội, các đoàn thể đều phải chú ý làm. Ngoài việc tổ chức chặt chẽ trong cơ quan đơn vị cần phải giáo dục cho quần chúng hiểu nhiệm vụ, cách thức phòng gian và trừ gian. Nghị quyết chỉ rỏ những vấn đề cơ bản trong công tác điều tra để các cấp Công an quán triệt: Đào tạo nhân viên hỏi cung can phạm, lập danh sách Việt gian trong toàn quốc; phân chia tội nặng, nhẹ để theo dõi; sưu tầm kinh nghiệm về chống gián điệp của ta và các nước để nghiên cứu và phổ biến trong Công an và Tình báo; huấn luyện trong Công an và trật tự biết cách hỏi giấy"1 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần VI, tháng 1-1949). Chỉ trong thời gian ngắn lực lượng An ninh đã tham mưu giúp Đảng định hướng và cụ thể hoá những vấn đề cơ bản về đấu tranh chống phản cách mạng, trọng tâm là chống gián điệp và bọn tay chân của chúng. Định hướng của Đảng xác định có tính nguyên tắc về: Tổ chức lực lượng đấu tranh và phạm vi tiến hành đấu tranh, về tổ chức lực lượng đấu tranh, Nghị quyết chỉ rõ: Các cấp bộ Đảng lãnh đạo và tổ chức lực lượng, Công an là nòng cốt, các tổ chức kháng chiến và nhân dân tham gia theo chức năng của mình, về phạm vi tiến hành đấu tranh: Công tác bảo vệ tập trung vào nội bộ các cơ quan, các mục tiêu quan trọng và địa bàn trọng điểm. Lấy cơ sở làm lực lượng cơ bản. Vừa đánh địch vừa đúc rút kinh nghiệm, kết hợp với kinh nghiệm của các nước để xây dựng hệ thống lý luận của Việt Nam. Cho đến nay, những định hướng của Đảng trong giai đoạn này vẫn nguyên giá trị và là căn cứ để phát triển thành đường lối đấu tranh chống phản cách mạng được ban hành tại Nghị quyết số 39 năm 1962.


Căn cứ Chỉ thị của Trung ương Đảng, Nha Công an xác định phương hướng công tác và những vấn đề trọng tâm của năm 1949 tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ IV: "Xây dựng bộ máy giản đơn, khoa học, đúc rút kinh nghiệm công tác điều tra, chuẩn bị tổ chức Hội nghị điều tra toàn quốc, in thành sách để phổ biến cho nhân viên điều tra". Hội nghị xác định công tác trọng tâm trong năm 1949: “Phải giữ cho hậu phương được bí mật và diệt trừ do thám địch, chấn chỉnh và tăng cường phong trào “Bảo mật phòng gian", “Ngũ gia liên bảo"".


Do chủ động xây dựng phương hướng công tác có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng kết hợp giữa lực lượng chuyên môn với phát huy vai trò của quần chúng nên công tác phòng chống gián điệp ở giai đoạn này có bước chuyển rõ rệt. Tại các địa bàn dân cư, phong trào quần chúng phát triển khá đồng đều, có sự kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức sản xuất với bảo vệ xóm làng, phát hiện do thám, chỉ điểm. Nhiều thôn, xã ở vùng tự do đã thành lập các trạm gác cố định để kiểm soát giấy tờ đối với người lạ mặt. Một số xã còn thành lập đội tuần tra, kiểm soát tình hình suốt ngày đêm. Hình thức kiểm soát công khai như vậy không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng mà còn ngăn chặn đáng kể hoạt động của bọn gián điệp, chỉ điểm. Công an khu XII là địa bàn của các cơ quan đầu não kháng chiến, đã làm giấy ra vào phát cho cán bộ kháng chiến và nhân dân để quản lý việc đi lại trên địa bàn. Nhờ có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nên bọn do thám, chỉ điểm không có cơ hội thâm nhập, tiếp cận vào chiến khu.


Tại vùng địch kiểm soát, vùng tranh chấp, đồng bào tổ chức rào làng, xây dựng làng chiến đấu; lấy nội dung phong trào “Phòng gian bảo mật", "Ngủ gia liên bảo" làm nội dung hoạt động của làng chiến đấu. Từ khẩu hiệu “Ba không" (không nghe, không thấy, không biết) được phát triển thành “không bán lương thực cho giặc, không cộng tác với giặc, không đi lính cho giặc", đã trở thành thói quen trong cuộc sống của người dân vùng địch. Đây là mặt công tác căn bản, được triển khai đồng bộ và được các cơ quan kháng chiến cùng các tầng lớp nhân dân ủng hộ tích cực.


Để tổ chức phong trào, hướng dẫn cho quần chúng, Nha Công an chủ trương tăng cường lực lượng cốt cán cho Công an cấp tỉnh, huyện, đồng thời củng cố Công an xã, củng cố lực lượng bảo vệ cơ quan. Hệ thống Công an làng, xã; bộ phận bảo vệ cơ quan, đơn vị là lực lượng tại chỗ vừa giữ vai trò hướng dẫn quần chúng vừa giữ vai trò trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở cấp cơ sở. Hình thái hoạt động và biện pháp tổ chức hoạt động của phong trào quần chúng lúc này tuy còn đơn giản nhưng đã bước đầu hình thành trận tuyến đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng mang tính toàn dân. Đây là cơ sở căn bản và bền vững hỗ trợ cho lực lượng An ninh trong công tác phòng và chống gián điệp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2021, 07:32:15 pm »

Nhờ có quần chúng giúp đỡ nên lực lượng Trinh sát chính trị triển khai có hiệu quả công tác điều tra, khám phá các đường dây do thám cũng như tổ chức thành công một số kế hoạch đưa cơ sở vào hoạt động trong hàng ngũ địch: Bắt Vương An Bách, Trần An Dương, Dương Mãn Thành, Vĩnh Phát là gián điệp Pháp, Tưởng hoạt động ở địa bàn Tuyên Quang. Truy bắt bọn gián điệp do Trương Đình Long, Nguyễn Văn Chính chỉ huy, hoạt động trong khu vực đóng quân của bộ đội chủ lực. Lực lượng Bảo vệ chính trị phối hợp với Bảo vệ quân đội bắt quả tang điệp viên Hoàng Xuân Bích đang trao tài liệu cho nhân viên Phòng Nhì; bắt Đoàn Văn Nghiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 889 và Nguyễn Đình Điền là đặc phái viên của Trung tướng Nguyễn Bình lấy cắp tài liệu chuyển cho Phòng Nhì; Triển khai thắng lợi kế hoạch ngăn chặn nhân viên Phòng Nhì lôi kéo Trung đoàn phó Trung đoàn 42 vào mạng lưới gián điệp. Công an Ninh Thuận khám phá mạng lưới nội gián trong Ban quản trị Tiểu đoàn 89 thuộc Liện trung đoàn 81-82 do Nguyễn Cao Phan cầm đầu. Bắt Nguyễn Cao Phan cùng các tên Trần Nghiễm, Ngọc, Mạn và Long, đều đã tạo được vỏ bọc an toàn trong các cơ quan quân sự của tỉnh. Công an Mỹ Tho khám phá tổ chức gián điệp "Khu quốc gia" do Phòng Nhì điều khiển, bắt và truy tố 6 tên, trong đó có 4 tên là nhân viên Phòng Nhì...


Song song với công tác điều tra khám phá án, lực lượng Bảo vệ chính trị đã triển khai thành công một số kế hoạch đưa cơ sở vào hoạt động trong nội bộ địch nhằm nắm âm mưu địch ngay từ Trung tâm chỉ huy của chúng. Ban phản gián Thừa Thiên xây dựng nhiều cơ sở hoạt động trong bộ máy chính quyền ngụy, trong đó có anh Tráng Thông, là Trưởng Ty Công an ngụy. Với cương vị này, anh Tráng Thông thu được nhiều tin quan trọng về âm mưu, mạng lưới gián điệp của ngụy trên địa bàn Thừa Thiên. Tháng 6-1949, Ban phản gián Thừa Thiên phát hiện Đào Thị Bái là con buôn lậu, hoạt động gián điệp do viên sĩ quan mật thám Serra điều khiển. Ban phản gián mạnh dạn giáo dục chồng thị Bái là đồng chí Nguyễn Văn Lợi, cán bộ của Ban, thực hiện kế hoạch trá hàng, thâm nhập vào hàng ngũ địch. Từ đồng chí Lợi, Ban phản gián điều tiếp đồng chí Nguyễn Đình Hoà vào mạng lưới. Thông qua đầu mối thị Bái, hai cán bộ của Ban đã thâm nhập vào hàng ngũ địch, móc nối được với một số nhân viên mật thám Liên bang và thu được nhiều tin quan trọng.


Ở vùng địch kiểm soát, Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ phá chính quyền cơ sở của địch, lập chính quyền của ta là nhiệm vụ chính yếu, giữ vị trí cực kỳ quan trọng nhằm phá chính sách “chia để trị'', “dùng người Việt trị người Việt" của kẻ thù. Trung ương Đảng chỉ đạo các cấp bộ Đảng, các cơ quan kháng chiến phải vận động quần chúng, mở chiến dịch phá tề, trừ gian với chủ trương: “Phải rất khôn khéo và mềm mỏng, phải tùy theo hoàn cảnh, tùy theo tình thế mà định cách đối phó với hội tề cho đúng"1 (Chỉ thị "Phá hội tề" của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 19-1-1948). Với vai trò là lực lượng nòng cốt, cơ quan Công an tham mưu cho Đảng xét, phân số tề, ngụy thành hai loại A và B để hướng dẫn lực lượng cách mạng có đối sách đúng với từng loại khi tổ chức phá tề. Loại A là bọn tay sai gian ác, phải diệt; loại B là loại ít nguy hiểm, có thể sử dụng, phải thực hiện chính sách giáo dục cải tạo để sử dụng lâu dài. Cùng với việc tham mưu cho Đảng, lực lượng Bảo vệ chính trị xác định rõ: Phá tề là phá cơ sở xã hội của địch, là đánh thẳng vào bọn mật thám chỉ điểm trà trộn ở cấp cơ sở nên tập trung lực lượng trinh sát để tổ chức và hướng dẫn quần chúng. Cuối năm 1948, phong trào tổng phá tề phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở Bắc Bộ. Các tỉnh Hải Kiến, Bắc Ninh và xung quanh Hà Nội, 90% hội tề bị giải tán ngay trong tuần lễ đầu tiên của chiến dịch tổng phá tề. Hàng ngàn tên tay sai gian ác, bọn mật thám chỉ điểm nhiều tội ác đã bị trừng trị. Chính quyền cơ sở của địch bị phá rã từng mảng, hình thái chính quyền “đêm ta ngày địch” khá phổ biến. Thực chất đây là cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân vùng địch kiểm soát, chống lại chính sách “dùng người Việt trị người Việt” của Pháp. Kết quả của chiến dịch phá tề còn góp phần quan trọng phá tan âm mưu “do thám hóa" của các cơ quan gián điệp Pháp.


Từ tháng 5-1949, tướng Rơ-ve triển khai kế hoạch quân sự mới, xác định Bắc Bộ là chiến trường chính, tập trung lực lượng cho chiến trường Bắc Bộ hòng thực hiện kế hoạch mở rộng vùng chiếm đóng, phát triển ngụy quyền và tăng cường bình định. Theo đó, tháng 10-1949, tướng Sác-sông, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Nam triển khai kế hoạch rút quân để tăng cường cho Bắc Bộ, chỉ để lại chiến trường miền Nam 28 tiểu đoàn chính quy. Rút lực lượng quân sự nhưng chúng lại tăng cường lực lượng công an, an ninh, mật thám, để phát triển bình định và giữ đất. Sở Mật thám Liên bang (Sở An ninh Cao uỷ Đông Dương) tăng quân số lên gấp đôi. Cơ quan “Tình báo cục” do Trần Văn Hữu cầm đầu được bổ sung quân số, mở rộng quyền hạn và thiết lập hệ thống chân rết đến tận đồn bốt. Các tổ chức “Mật thám không quân", “Commanđo", Phòng Nhì được tăng cường lực lượng và trang thiết bị để đủ sức mở rộng hoạt động khắp chiến trường miền Nam. Chúng xúc tiến mạnh kế hoạch mua chuộc lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn, bọn phản động trong đạo Cao Đài, Hòa Hảo... coi những lực lượng này là cơ sở xã hội làm hậu thuẫn cho chính sách bình định. Diễn biến tình hình trên cho thấy: Từ cuối năm 1949, tại chiến trường Nam Bộ, tuy hoạt động quân sự của Pháp giảm nhưng chúng lại tăng cường hoạt động gián điệp, thông qua hoạt động gián điệp để nắm ngụy quyền và các lực lượng nội phản khác.


Ở Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, là hậu phương của ta, nguồn cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến; Bộ chỉ huy chiếm đóng sử dụng lực lượng Commanđo, CI (Biệt kích liên quân khu), tiến hành các cuộc càn quét chớp nhoáng có máy bay và cơ giới yểm trợ. Phòng Nhì sử dụng đảo Hòn Mê làm căn cứ huấn luyện gián điệp, tung vào đất liền, hoạt động dọc theo đường số I để thu tin tình báo và móc nối với bọn phản động lợi dụng tôn giáo âm mưu thành lập mặt trận chống Cộng sản. Chúng còn sử dụng bọn gián điệp từ Lào, vượt biên thâm nhập vào các vùng núi, nắm các thổ ty, lang đạo nhằm xây dựng những khu tự trị, gây chia rẽ dân tộc, phá kinh tế, làm suy yếu hậu phương của ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:27:24 pm »

Ở miền Bắc - chiến trường chính, ngoài việc tăng cường binh lực, phương tiện chiến tranh, Pháp tập trung mọi nỗ lực, triển khai ồ ạt các phương thức hoạt động gián điệp. Các cơ quan tình báo quân sự, mật thám liên bang, công an ngụy được tăng cường đáng kể cùng với mạng lưới mật vụ và bọn Việt gian chỉ điểm, bám theo các đơn vị vũ trang hoặc cắm chổi theo khu vực ở vùng tạm chiếm. Chúng lập ra các “Tiên y", hoá trang và trang bị gọn nhẹ theo dõi các đơn vị chủ lực của ta, dọc tuyến hành quân của các sư đoàn hoặc đột nhập vào các cơ quan kháng chiến, bắt cóc cán bộ khai thác hoặc phá hoại. SEH đặt thêm các trụ sở ở Đáp Cầu, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam... Phòng Nhì thành lập thêm hệ thống đầu mối tại các miền, các khu vực trọng điểm ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ (2B ZOT). Đặc biệt, cơ quan gián điệp Pháp chú trọng phát triển lực lượng, trang bị phương tiện cho mạng lưới điệp viên rải trên địa bàn 4 cửa ngõ lên chiến khu Việt Bác và dọc theo tuyến sông Đà để điều tra tin tức về ý đồ mở chiến dịch, hướng chuyển dịch các đơn vị chủ lực của ta. Chúng tăng cường đánh người vào nội bộ cơ quan kháng chiến, âm mưu móc nối với số cán bộ thoái hoá để đánh trở lại; hoặc dùng vật chất, quan hệ thân tộc dụ dỗ, cưỡng ép; hoặc sử dụng hàng hóa, biến bọn buôn lậu thành “gián điệp con buôn lậu".


Đối với Mỹ, từ cuối năm 1949, cơ quan tình báo Mỹ tăng cường viện trợ, can thiệp sâu vào lĩnh vực tình báo của Pháp và cùng phối hợp hoạt động. Dưới danh nghĩa “Phái đoàn viện trợ", CIA phái Conein cùng nhiều sĩ quan tình báo chuyên trách về tình hình Đông Dương đến Việt Nam, mở rộng bộ máy “tác động tinh thần" với mục đích vừa giúp Pháp, vừa thâu tóm địa bàn, chuẩn bị đến một lúc nào đó sẽ thế chân Pháp.


Như vậy, từ nửa cuối giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến, Pháp đã nâng tầm hoạt động gián điệp thành cuộc chiến tranh gián điệp với quy mô mới: tăng cường lực lượng trên toàn chiến trường; phát triển thêm nhiều phương thức hoạt động với hướng thâm nhập chủ yếu là hướng vào nội bộ kháng chiến và nắm cho được kế hoạch tác chiến, tiềm lực quân sự của ta. Cùng với Pháp và bọn tay sai của chúng, cơ quan tình báo Mỹ, gián điệp Nhật cũng ráo riết hoạt động. Song đối tượng đấu tranh chính của ta vẫn là gián điệp Pháp. Âm mưu của chúng căn bản không thay đổi, nhưng về phương thức hoạt động, quy mô cuộc chiến tranh, mức độ huy động lực lượng tham gia đã phát triển ở trình độ cao. Việc bố trí lực lượng, đã chuyển từ bố trí theo bề mặt (en surface) sang bố trí theo kiểu dây chuyền (en chaine) và kiểu mạng nhện (en toile d’ araignée). Với kiểu bố trí lực lượng mới, gián điệp không chỉ phát triển mạng lưới điệp viên rộng rãi ở cả ba vùng chiến lược mà còn có chiều sâu, nhằm vào các mục tiêu quan trọng là các cơ quan Đảng, chính quyền, đơn vị vũ trang của ta.


Đối phó với âm mưu địch, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn các cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang tiến hành công tác phòng ngừa, đối phó với hoạt động của do thám, gián điệp để bảo vệ nội bộ, bảo vệ hậu phương trong bối cảnh cuộc kháng chiến đang có bước chuyển mới. Trung ương Đảng xác định: "Pháp đã nâng hoạt động gián điệp thành chính sách gián điệp"1 (Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương mở rộng lần thứ III, tháng 1-1950) và xác định chủ trương đấu tranh tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương toàn quốc lần thứ III: “Tích cực phòng gian, trừ gian, chống chính sách gián điệp của địch, xây dựng đội quân ngầm, xây dựng căn cứ địa kháng chiến". Nhằm tăng cường sức chiến đấu đối với lực lượng nòng cốt trên mặt trận chống phản cách mạng, chống gián điệp, Trung ương Đảng chỉ rõ: “Công an là công cụ đấu tranh chống các lực lượng phản cách mạng trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải chuyển biến về nhận thức, quan tâm đến công tác Công an, tăng cường cán bộ trong ngành Công an"2 (Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 5-5-1950).


Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ IV đã tập trung phân tích tình hình địch, ta và xác định những nội dung công tác chủ yếu. Hội nghị ra Nghị quyết, nêu rõ: “Địch càng yếu thì chúng càng tăng cường chiến tranh gián điệp, tập trung chính là chiến trường Bắc Bộ; công tác lớn lúc này là phản gián và điệp báo... Phải giữ cho hậu phương được bí mật và diệt trừ do thám... Phải phát triển công tác phản gián và điệp báo trên các đường tiến công hoặc rút lui của địch”1 (Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ IV, tháng 2-1949). Sau Hội nghị Công an toàn quốc, Nha Công an mở Hội nghị điều tra lần thứ nhất. Hội nghị tập trung thảo luận hai vấn đề then chốt là: Tổ chức bộ máy làm việc và kinh nghiệm điều tra, nghiên cứu tình hình. Lần đầu tiên, những kinh nghiệm chống gián điệp được các địa phương đúc rút và báo cáo tại hội nghị để làm tài liệu cho các địa phương khác áp dụng. Tài liệu tổng kết Hội nghị điều tra, trong đó có những bài học kinh nghiệm quý được in thành hai cuốn sách để các địa phương nghiên cứu. Nha còn cử cán bộ về Liên khu III và Liên khu IV mở Hội nghị điều tra, phổ biến kinh nghiệm cho đội ngũ trinh sát bảo vệ tại hai địa phương này. Tháng 11-1949, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương ra Chỉ thị số 1605/CT-P6 về việc “Sưu lầm và khai thác các tài liệu của cơ quan do thám địch". Đây là văn bản có tính lý luận, đúc kết từ thực tiễn đấu tranh, trong đó xác định đầy đủ mối liên quan mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau giữa công tác điệp báo và công tác phản gián: “Việc lấy tài liệu địch với việc nghiên cứu các tài liệu đó một cách cẩn thận, sát thực làm cho ta hiểu rõ địch và giúp ta thực hiện cả hai công việc điệp báo và phản gián có hiệu quả”2 (Chỉ thị số 25/CT-P6, ngay 9-11-1949). Hơn một tháng sau, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V được triệu tập; các đại biểu đi sâu thảo luận “Đề án công tác phản gián”. Hội nghị thống nhất một số vấn đề cốt yếu về nhận thức: “Vì đang đi tới thế bị động về quân sự, Pháp sợ bị đánh bất ngờ nên phải tìm cách tăng cường gián điệp... Pháp đã đặt gián điệp thành chính sách rõ rệt, vì thế công tác phản gián là công tác quan trọng bậc nhất của ngành Công an hiện nay... Phải tiêu diệt bọn gián điệp Pháp, Mỹ, Tàu trắng ngay trong lòng địch và ở nơi mà sau này chúng sẽ hoạt động nhiều... Pháp sẽ dùng bọn Công giáo, Cao Đài, Thố Ty phản động làm cơ sở gián điệp. Ta phải hướng vào đó, phối hợp với các đoàn thể giác ngộ họ sao cho địch không còn chỗ dự trữ mà tuyển dụng gián điệp...1 (Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ IV tháng 2-1949). Có thể nói đây là bước phát triển về lý luận nhận thức và nghiệp vụ có ý nghĩa quan trọng đối với Công an nói chung, lực lượng chống gián điệp nói riêng. Từ thực tiễn đấu tranh, giai đoạn này đã xác định một số nội dung có tính quy luật như sau: Khi thế và lực của địch bị suy giảm thì chúng càng tăng cường hoạt động gián điệp; lấy hoạt động gián điệp để hỗ trợ cho hoạt động vũ trang, giành lại thế đã mất. Đã xác định bọn gián điệp phải dựa vào bọn phản động mới phát triển được mạng lưới và triển khai các điệp vụ. Muốn đấu tranh chống gián điệp thắng lợi phải điều tra, khám phá âm mưu, dự báo hướng hoạt động của đối phương và chủ động đánh địch ngay từ nơi xuất phát cũng như chặn đường rút lui của chúng. Đặc biệt là đã xác định rõ: Muốn chủ động chống gián điệp phải tiến hành chống phản động, phải xoá bỏ cơ sở xã hội chúng có thể lợi dụng. Muốn xoá bỏ cơ sở xã hội kẻ địch có thể lợi dụng phải lấy giáo dục, thuyết phục làm chính với sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể. Đây là những vấn đề then chốt, đánh dấu sự phát triển về đường lối, tổ chức lực lượng, phương pháp đấu tranh, mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong đấu tranh chống phản cách mạng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2021, 07:32:09 pm »

Do có bước chuyển đổi căn bản về nhận thức nên thời kỳ này Nha Công an tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương tăng cường chất lượng đội ngũ chuyên môn, củng cố mối quan hệ đối với các cơ quan đơn vị, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở cả 3 vùng chiến lược. Những mặt công tác được triển khai có hiệu quả trong giai đoạn này là: Mở các lớp đào tạo cán bộ điều tra, cán bộ hỏi cung từ Trung ương đến các khu, tỉnh; mở rộng diện cử cán bộ nhân viên học nghiệp vụ và mở thêm các lớp Công an trung cấp; bố trí cán bộ theo hướng chuyên môn hoá, giám bớt bộ máy hành chính để tăng cường cho khu vực vành đai, địa bàn trọng điểm; thành lập "Đội trinh sát vũ trang"; củng cố các Ban phản gián ở địa phương; phổ biến kinh nghiệm của Hội nghị điều tra để nâng cao kỹ thuật nắm, đánh địch và vận động quần chúng.


Nhờ có bước chuyển biến căn bản về nhận thức cũng như tổ chức lực lượng đấu tranh nên hiệu quả chiến đấu của lực lượng Bảo vệ chính trị trên Toàn quốc khá đồng đều và đạt kết quả cao: tại Hà Nội, Ban phản gián xây dựng được nhiều cơ sở thâm nhập vào tổ chức Phòng Nhì và sở Mật thám Liên bang thuộc các tiểu khu Liễu Giai, Bạch Mai, Gia Lâm, trường cảnh binh Sinh Từ; xây dựng cơ sở là ngoại kiều tiếp cận bọn đặc vụ và gián điệp Anh. Cơ sở hoạt động tích cực và thu được nhiều tài liệu quan trọng về âm mưu, kế hoạch càn quét, bình định của Pháp; nắm được âm mưu của gián điệp Mỹ đang ráo riết tạo địa bàn thế chân Pháp. Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng đều xây dựng được cơ sở tin cậy trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền; một số cơ sở là nhân viên trong cơ quan thiết yếu của địch: Cơ sở Năng Quang Phú làm việc trong phòng hồ sơ của công an ngụy tại Nam Định, từ đó phát hiện tên Bắc là điệp viên của Phòng Nhì đã chui vào cơ quan kháng chiến và một số phần tử Đại Việt cộng tác với mật thám. Công an Hà Nội xây dựng cơ sở, tiếp cận Sác-lơ, thu được kế hoạch bọn Pháp đánh chiếm Việt Bắc và sử dụng bọn phản động người Hoa phá hậu phương ta. Tại Trung Bộ, Công an Thừa Thiên Huế xây dựng được nhiều cơ sở trong nội thành Huế, từ đó bắt 40 tên gián điệp, chỉ điểm thâm nhập ra vùng ta kiểm soát. Tại Nam Bộ ta đưa anh Nguyễn Văn Đáng vào làm việc tại Cao uỷ Pháp, đưa anh Nguyễn Văn Các vào làm tại Bộ tham mưu quân đội Cao Đài, anh Nguyễn Văn Nhung làm thư ký cho Nguyễn Tôn Hoàn cầm đầu bọn Đại Việt... Qua đó biết được nhiều tin tức về hoạt động của địch và phát hiện một số đầu mối gián điệp đánh ra vùng tự do. Cơ sở còn thu được tài liệu của Phòng Nhì và PES chỉ đạo các đảng phái phản động và bọn lợi dụng đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo chống phá cách mạng.


Song song với việc đưa cơ sở vào hàng ngũ địch để thu tin, lực lượng Bảo vệ chính trị đã khám phá hàng loạt vụ án quan trọng: Tại Ninh Thuận, khám phá vụ án gián điệp do Nguyễn Cao Phan cầm đầu hoạt động trong Ban quản trị tiểu đoàn 89. Công an Mỹ Tho phá tan âm mưu thành lập “Khu quốc gia'' ở huyện Châu Thành, bắt 7 nhân viên Phòng Nhì hoạt động tại địa bàn này. Công an Thừa Thiên Huê khám phá vụ án gián điệp do Lê Mậu Thành là giáo viên trường Khải Định cầm đầu, kịp thời phá tan kế hoạch thành lập “Lực lượng kháng chiến quốc gia" do Phòng Nhì chỉ đạo. Tại Hà Nội, Ban phản gián bắt hàng chục tên gián điệp, chỉ điểm thâm nhập vào khu căn cứ ở vùng Canh, Diễn; phá một ổ do thám bám theo sự di chuyển của cơ quan kháng chiến; bóc gỡ đầu mối nội gián đánh vào Ban phản gián của Công an Hà Nội. Công an Nghệ An bắt hàng chục tên chỉ điểm xâm nhập vào khu vực xưởng quân khí. Công an Thái Bình phá hai nhóm gián điệp hoạt động ở Quỳnh Côi và Kiến Xương...


Kết quả đấu tranh chuyên án giai đoạn này cùng với việc xây dựng cơ sở thâm nhập vào hàng ngũ địch thu tin tình báo không chỉ giúp cho Bộ chỉ huy kháng chiến mà còn khẳng định bước đầu ta đã đánh bại âm mưu và hoạt động của gián điệp Pháp để đi đến đập tan “Chính sách gián điệp” của chúng. Qua đó, góp phần đẩy giới quân sự lâm vào tình trạng thiếu tin tức tình báo để tiến hành các cuộc càn quét và bình định. Chúng cũng không nắm được ý đồ mở các chiến dịch của ta, không nắm được sự di chuyển của các đơn vị chủ lực, đẩy Pháp càng lâm vào tình thế bị động, ứng phó và càng nhanh đến bờ vực phá sản chiến lược “chiến tranh tổng lực”.


Từ năm 1950, nhất là sau thất bại trong chiến dịch Biên giới, Quân đội Pháp bị đẩy vào tình thế lúng túng và bị động cao độ. Giới quân sự đổ lỗi cho các cơ quan tình báo, gián điệp hoạt động không có kết quả, cơ quan tình báo chiến lược và Phòng Nhì hoàn toàn mất lòng tin đối với Bộ chỉ huy chiếm đóng. Tình hình đó làm cho bọn phản động mất chỗ dựa về tinh thần, thiếu tài trợ dẫn đến suy giảm khả năng khống chế địa bàn và đàn áp cơ sở cách mạng. Các hội tề, bọn đầu sở trong các tổ chức phản động giảm hẳn sự hung hăng, nhiều địa phương, hội tề tan rã từng mảng hoặc trở thành những hội tề hai mang. Hậu phương địch từng bước lâm vào tình trạng mất an toàn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM