Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:00:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 3904 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:19:34 pm »

- Tên sách: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập 3
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia - Sự thật
- Năm xuất bản: 2015
- Người thực hiện: giangtvx, quansuvn


CHỈ ĐẠO NỘI DUNG
Thiếu tướng, PGS. TS. Vũ Quang Đạo
Đại tá, PGS. TS. Trần Ngọc Long
Đại tá, PGS. TS. Hồ Khang

CHỦ BIÊN
Đại tá, TS. Lê Văn Thái

TÁC GIẢ
Đại tá, TS. Lê Văn Thái
GS. TS. Nguyễn Văn Khánh
PGS. TS. Nguyễn Hàm Giá
Thiếu tá, ThS. Trần Anh Tuấn

HOÀN THIỆN BẢN THẢO
Đại tá, TS. Đỗ Ngọc Tuyên
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:20:39 pm »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Tập III của bộ sách Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam viết về các quan điểm, tư tưởng quân sự Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945, gồm 4 chương, ở chương I, sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, các tác giả giới thiệu về tư tưởng quân sự Việt Nam dưới triều Nguyễn trước năm 1858; từ năm 1858 đến năm 1884; tư tưởng quân sự của văn thân, sĩ phu yêu nước và các phong trào nông dân chống thực dân Pháp ở cuối thế kỷ XIX. Trong chương II, các tác giả trình bày về tư tưởng quân sự Việt Nam thời kỳ 1897-1930 với các quan điểm quân sự theo xu hướng dân chủ tư sản và những quan điểm quân sự đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chương III: Tư tưởng quân sự của Đảng trong thời kỳ 1930-1939, viết về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và các quan điểm quân sự cơ bản trong văn kiện Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), trong thời gian sau Hội nghị thành lập đến trước Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng, trong các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng (3-1935) và trong những năm 1936-1939. Chương IV được dành để viết về tư tưởng quân sự của Đảng trong thời kỳ từ cuối năm 1939 đến tháng 9-1945 với chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược; các quan điểm về xây dựng thực lực cách mạng; về khởi nghĩa toàn dân, khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa; chủ động và nhạy bén phát hiện và nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ quyết định tổng khởi nghĩa, giành chính, quyền gắn liền với bảo vệ chính quyền cách mạng.


Có thể nói, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giai đoạn 1858-1945 là giai đoạn diễn ra nhiều biến động, đổi thay hết sức dữ dội, sâu sắc, có tính chất bước ngoặt trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Gắn liền với quá trình lịch sử đó là sự xuất hiện và phát triển các quan điểm, tư tưởng quân sự của từng thời kỳ. Cuốn sách Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - tập III thể hiện sinh động, chân thực, toàn diện những nội dung chính yếu nhất của tư tưởng quân sự Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố vừa đau thương, bi tráng, vừa hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.


Tuy nhiên, viết về lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam giai đoạn 1858-1945, là một công việc không dễ dàng, đơn giản, lại thêm khó khăn, hạn chế cả về khách quan và chủ quan nên mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng, cuốn sách không tránh khỏi còn có những hạn chế, thiếu sót nhất định. Nhà xuất bản và các tác giả mong nhận được những nhận xét, góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.


Tháng 8 năm 2015
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:09:09 am »

MỞ ĐẦU


Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mặc dù có ưu thế về vũ khí, kỹ thuật quân sự và kỹ năng tác chiến, nhưng thực dân Pháp phải mất gần 40 năm (1858 - 1896) mới cơ bản áp đặt được bộ máy cai trị trên đất nước ta. Suốt thời gian đó, phong trào kháng chiến chống quân xâm lược diễn ra sôi nổi khắp ba miền Trung, Nam, Bắc nhưng tất cả các cuộc đấu tranh có tổ chức hay mang tính tự phát này đều bị quân thù dìm trong biển máu. Nguyên nhân bao trùm dẫn đến thất bại của phong trào kháng chiến trong thời kỳ này là do triều đình Huế suy vong không thể đại diện cho dân tộc chống xâm lăng; các văn thân, sĩ phu và các lãnh tụ nông dân dù rất yêu nước, có ý chí kiên cường, dũng cảm... nhưng cũng không vượt qua được những hạn chế của giai cấp, thời đại.


Đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam phát triển lên một bước mới, mang màu sắc dân chủ tư sản. Những hoạt động của Phan Bội Châu và Duy tân Hội (1904); các cuộc đấu tranh vũ trang của Việt Nam Quang phục Hội (1915); khởi nghĩa Thái Nguyên (1917); khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng (1930), v.v., đều không thành công. Điều đó chứng tỏ con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản là không phù hợp với xu thế của thời đại và không đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng Việt Nam.


Giữa lúc đó, một xu hướng cách mạng mới hình thành, do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và lãnh đạo. Trên bước đường tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tìm hiểu sâu về Cách mạng tư sản Pháp, Công xã Pari (1871), Cách mạng Tháng Mười Nga (1917)... Các hoạt động lý luận và thực tiễn phong phú ấy, đã giúp Người có nhận thức mới về con đường đấu tranh của dân tộc Việt Nam, đưa Người từ một người yêu nước trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920) và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người hướng cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản. Gắn liền với quá trình hình thành tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự, Người chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Từ đó, Đảng đã giải quyết thành công những vấn đề then chốt về lý luận, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, tạo nên thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do sau khi đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập; đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.


Toàn bộ các nội dung trên được thế hiện trong bốn chương:

Chương I: Tư tưởng quân sự Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX (1858 - 1896).

Chương II: Tư tưởng quân sự Việt Nam thời kỳ 1897 - 1930.

Chương III: Tư tưởng quân sự của Đảng thời kỳ 1930 - 1939.

Chương IV: Tư tưởng quân sự của Đảng thời kỳ 1939 - 1945.


Cuốn Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - tập III viết về tư tưởng quân sự trong một thời kỳ lịch sử rất sôi động, phức tạp của thế giới và Việt Nam; công trình được nghiên cứu biên soạn trong một thời gian ngắt quãng khá dài..., nên mặc dù tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng, công tác biên tập đã được thực hiện khá tỉ mỉ, kỹ càng, các văn kiện được thẩm định khá thận trọng, song vẫn khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:13:42 am »

Chương I
TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ VIỆT NAM NỬA SAU THẾ KỶ XIX
(1858-1896)


I- NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ NỬA SAU THẾ KỶ XIX

1. Tình hình thế giới và trong nước

a) Tình hình thế giới

Từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã phát triển thành một hệ thống và từng bước chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền (chủ nghĩa đế quốc). Hệ thống thuộc địa trở thành một trong những cơ sở quan trọng nhất cho sự tồn tại của chủ nghĩa đế quốc. Tiếp sau các cuộc cách mạng tư sản là các cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi diện mạo thế giới. Đến những năm 50 - 60 của thế kỷ XIX, cách mạng công nghiệp đã căn bản hoàn thành ở nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, tiêu biểu là ở các nước Anh, Pháp và Mỹ. Tại các nước tư bản phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập vững chắc và đưa đên sự phát triển về mọi mặt.


Sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến thị trường trong nước không đủ chỗ cho tiêu thụ sản phẩm làm ra. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất phát triển mạnh, việc tìm kiếm thị trường thuộc địa trở nên hết sức cấp thiết. Chính những nhu cầu to lớn và cấp thiết về thị trường và nguyên liệu đã đặt các nước tư bản lớn phải ráo riết trong cuộc chạy đua tìm kiếm thị trường, xâm chiếm thuộc địa, phân chia thế giới sang các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Những nơi này trở thành nơi tranh giành quyết liệt trong quá trình mở rộng thuộc địa của các nước tư bản. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, V.I. Lênin đã chỉ ra rằng, vào thế kỷ XIX, "việc tìm kiếm thuộc địa do tất cả các nước tư bản tiến hành là một sự kiện mà mọi người đều biết trong lịch sử ngoại giao và chính sách đối ngoại, cho nên vào thời kỳ đó những cuộc xâm chiếm thuộc địa bắt đầu tăng lên rất mạnh"1 (V.I. Lênin: Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tr.132). Để phát triển kinh tế, các nước tư bản ngoài việc bóc lột nhân dân trong nước, còn thực hiện chính sách bành trướng và tiến hành chiến tranh xâm lược các nước khác. Ngược lại, chính sự phát triển về kinh tế và khoa học - kỹ thuật đã thúc đẩy và hỗ trợ các nước này tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược ở những vùng đất xa xôi. Những đội quân xâm lược nhà nghề của phương Tây được trang bị những vũ khí hiện đại như tàu chiến, đại bác. Những công cụ giết người hiện đại này đã trở thành thế mạnh vượt trội so với các vũ khí trước đó của nhân loại và "buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục"1 (C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.602). Trong xu thế chung đó, khu vực châu Á rộng lớn, với nguồn nhân lực dồi dào, rẻ mạt và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng còn đang trong tình trạng hết sức lạc hậu, đã trở thành mục tiêu xâm chiếm của các nước đế quốc phương Tây. Cho đến thế kỷ XIX, cuộc chạy đua xâm chiếm thuộc địa ở các nước châu Á diễn ra một cách mạnh mẽ và gay gắt giữa các cường quốc tư bản phương Tây.


Cuộc chiến tranh nha phiến (thuốc phiện) năm 1840 giữa chính quyền Mãn Thanh và thực dân Anh đã mở đầu quá trình biến nhà nước phong kiến Trung Hoa - nhà nước phong kiến lớn nhất châu Á - từ một nước độc lập trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến đã buộc nhà Thanh phải ký Hiệp ước Nam Kinh (ngày 29-8-1842), chấp nhận nhiều yêu sách của thực dân Anh. Hiệp ước Nam Kinh được coi là hiệp ước đầu hàng của Trung Quốc, là xiềng xích đầu tiên của bọn đế quốc tròng vào cổ nhân dân Trung Quốc2 (Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng: Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.327). Năm 1856, cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai bùng nổ. Chính quyền Mãn Thanh một lần nữa thất bại và buộc phải ký Điều ước Thiên Tân (năm 1858) và Điều ước Bắc Kinh (năm 1860) với nhiều điều khoản bất bình đẳng và có lợi cho các nước thực dân. Sau hai cuộc chiến tranh nha phiến, các nước thực dân đua nhau tranh giành và xâu xé Trung Quốc. Chính quyền Mãn Thanh từ đây trượt dài trên con đường thỏa hiệp và đầu hàng bọn thực dân. Kết quả là Trung Quốc tuy không bị mất nước hoàn toàn nhưng lại chịu sự áp bức và không chế của phương Tây.


Ấn Độ, một quốc gia rộng lớn ở phía nam châu Á, đã bị thực dân Anh xâm chiếm hoàn toàn từ đầu thế kỷ XIX.

Làn sóng thực dân cũng nhanh chóng tràn tới khu vực Đông Nam Á. Hà Lan xâm chiếm Inđônêxia. Tây Ban Nha (sau đó là Mỹ) xâm chiếm Philíppin. Malaixia trở thành nơi giành giật giữa Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Cuối cùng, thực dân Anh đã độc chiếm Malaixia. Xiêm (Thái Lan) bị biến thành khu đệm giữa các vùng thuộc địa của Anh và Pháp. Ba nước trên bán đảo Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia cũng lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Đến cuối thế kỷ XIX, trừ Nhật Bản, các nước thực dân đã cơ bản hoàn tất công cuộc xâm chiếm và đặt được ách thống trị ở các nước châu Á.


Một trong những biện pháp phổ biến được nhiều nước châu Á áp dụng để ngăn cản làn sóng xâm lược của phương Tây là đóng cửa đất nước và tuyệt giao với các nước phương Tây. Đây là một biện pháp "tự vệ thụ động mang tính chất lạc hậu, không tạo được thực lực để chống xâm lược"1 (Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng: Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.323). Kết quả là những nước này không những không bảo vệ được nền độc lập dân tộc mà lần lượt rơi vào sự thống trị của các nước thực dân phương Tây.


Trái với xu thế đóng cửa, bế quan, tỏa cảng, một số nước châu Á đã mạnh dạn mở cửa hội nhập với phương Tây và tiến hành duy tân đất nước. Sau một thời kỳ đóng cửa để đề phòng nguy cơ bị phương Tây xâm lược, Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra sự cấp thiết phải mở cửa. Năm 1868, Nhật hoàng Minh Trị bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách đất nước. Trọng tâm cải cách là phải mau chóng mở rộng quan hệ và tiếp thu kỹ thuật hiện đại của phương Tây để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, cải cách Minh Trị thành công rực rỡ không chỉ giúp Nhật Bản giữ vững độc lập dân tộc mà còn nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á.


Mặc dù Thái Lan may mắn ở vào vị trí khu đệm giữa các thuộc địa của Anh và Pháp nhưng Vua Mongkut (Rama IV) vẫn phải ký những hiệp ước bất bình đẳng trao nhiều quyền lợi về kinh tế, chính trị và lãnh thổ cho Anh và Pháp. Phải đến thời kỳ Chulalongkorn (Rama V) trị vì thì tình hình Thái Lan mới có những bước phát triển đáng kể. Là một người có đầu óc cấp tiến, Rama V từng bước xé bỏ các điều khoản bất bình đẳng mà vua cha đã ký với phương Tây. Đồng thời Rama V còn thực thi nhiều biện pháp cải cách đất nước theo mô hình tư bản phương Tây. Kết quả là Thái Lan không bị rơi vào tình trạng thuộc địa như các nước láng giềng. Đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội ở Thái Lan có nhiều khởi sắc mới.


Nhìn chung, thế kỷ XIX là thế kỷ bản lề, chứa đựng đầy những biến động lịch sử của xã hội châu Á mà nổi bật là những cuộc xung đột Đông - Tây dữ dội. Các nước châu Á vừa phải đối diện vừa phải tìm cách tự vệ trước làn sóng xâm lược đến từ các nước thực dân phương Tây. Có nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường đóng cửa tuyệt giao với phương Tây và cuối cùng là cầm vũ khí để chống lại phương Tây. Có một số quốc gia, như Nhật Bản và Thái Lan, đã sớm tiến hành canh tân đất nước và chủ động hội nhập với phương Tây. Canh tân được coi là chiến lược và là vũ khí hữu hiệu để bảo vệ đất nước. Thế kỷ XIX vừa tạo ra những thách thức to lớn vừa tạo ra những cơ hội thúc đẩy sự phát triển của châu Á.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:14:53 am »

b) Tình hình trong nước

Năm 1802, sau khi lật đổ vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long (1802 - 1820), thiết lập vương triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, các vua triều Nguyễn đã cố gắng nhằm xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền vững mạnh và xét trên nhiều phương diện, mô hình phát triển truyền thống của Việt Nam đã thực sự đạt đỉnh cao nhất của nó1 (Xem Phạm Hồng Tung: "Một vài nhận định về cuộc cải cách ở Thái Lan (Siam) dưới các triều vua Mongkut và Chulalongkorn từ cái nhìn so sánh khu vực", trong sách Đông Á, Đông Nam Á - những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.374). Đây là thời kỳ cương vực quốc gia được thống nhất và mở rộng. Hệ thống chính quyền các cấp được kiện toàn. Nho giáo vẫn được tôn vinh và đóng vai trò là bệ đỡ tư tưởng cho triều đình nhà Nguyễn. Nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù đạt được những thành quả đáng kể trong công cuộc xây dựng đất nước, nhưng do chế độ phong kiến ở Việt Nam đã bước vào thời kỳ suy thoái, nhiều tàn dư xấu của thời kỳ trước phát tác trở lại, thậm chí có những việc triều Nguyễn càng cố gắng chấn chỉnh thì lại càng tạo ra những khó khăn cho chính mình và phải đối diện với rất nhiều khó khăn không dễ vượt qua.


Về chính trị: Triều Nguyễn đã xây dựng một thể chế nhà nước phong kiến tập quyền với nền tảng tư tưởng là Nho giáo. Vua là người đứng đầu nhà nước và có uy quyền tuyệt đối. Mọi thần dân đều phải trung thành tuyệt đối với vua. Hệ thống quan lại được tuyển chọn thông qua các kỳ thi Nho giáo. Luật pháp dưới triều Nguyễn rất hà khắc nhằm bảo vệ vương thất và chính quyền. Bộ luật Gia Long được coi là bản sao của luật nhà Thanh ở Trung Quốc, đã tước bỏ đi nhiều nội dung tiến bộ trong các bộ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó.


Về kinh tế: Triều Nguyễn ra sức ngăn chặn quá trình tư hữu hóa ruộng đất và cố gắng bảo vệ công điền. Chế độ quân điền được triều đình duy trì nhằm tạo ra một bệ đỡ kinh tế vững chắc cho mô hình nhà nước tập quyền chuyên chế lấy nông nghiệp làm nền tảng. Tuy nhiên, dù có những ưu điểm, nhưng dưới triều Nguyễn ở giai đoạn này, chính sách quân điểm đã trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Trên thực tế, triều Nguyễn không thế ngăn cản được nạn bao chiếm ruộng tư ở nông thôn. Một số chính sách nông nghiệp tiến bộ như doanh điền, khai hoang, mở làng và lập ấp để chiêu mộ dân xiêu tán vẫn chưa đủ để triều Nguyễn có thể giải quyết được những bế tắc trong nông nghiệp.

Thêm vào đó, chính sách cấm thương với phương Tây của triều Nguyễn đã làm cho thương nghiệp Việt Nam ngày càng giảm sút.


Về xã hội: Triều Nguyễn khi tái lập chính quyền đã không được lòng đông đảo dân chúng, nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Một số chính sách xơ cứng và hà khắc của triều Nguyễn ngày càng làm mất lòng dân. Triều Nguyễn tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các tệ nạn quan lại tham nhũng, cường hào hà hiếp nhân dân. Đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, nhất là vào những năm thiên tai, địch họa dẫn đến mất mùa. Nhiều nông dân không sống nổi ở làng phải bỏ đi xiêu tán khắp nơi. Trong khi nhân dân đói khổ thì triều đình lại lãng phí nhiều tiền bạc vào việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, lăng tẩm. Tiếng oán thán của nhân dân vang lên khắp nơi: "Con ơi nhớ lấy câu này: Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan", ''Vạn Niên là Vạn Niên nào, Thành xây xương lính, hào đào máu dân". Làn sóng dân chúng bất mãn với triều đình ngày một dâng cao. Đã nổ ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ chống chính quyền của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của nông dân. Chưa có một triều đại phong kiến nào trong lịch sử Việt Nam lại xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền như ở dưới triều Nguyễn. Chính những khó khăn nội tại trong nước nảy sinh ngày càng nhiều đã làm cho triều Nguyễn luôn ở trong tình trạng bất ổn.


Về chính sách đối ngoại: Cũng giống như nhà Thanh, triều Nguyễn buộc các tiểu quốc láng giềng như Chân Lạp và Cao Miên phải thần phục bằng việc thực hiện chế độ cầu phong và triều công, nhưng lại tỏ ra hết sức lúng túng trong chính sách ngoại giao với phương Tây.

Để đánh bại triều Tây Sơn, Gia Long đã nhờ đến sự trợ giúp đáng kể của các thương nhân và giáo sĩ Pháp. Sau khi lên ngôi, Gia Long sớm nhận thấy nguy cơ mất nước từ phương Tây nên tìm cách gạt dần ảnh hưởng của những người Pháp ở Việt Nam. Đến thời Vua Minh Mệnh, triều Nguyễn đã tỏ ra cứng rắn hơn trong quan hệ với phương Tây khi khước từ quan hệ buôn bán, bang giao và thi hành chính sách cấm đạo. Nhưng chính sự "cứng rắn" này đã dẫn đến sai lầm trong chính sách đổi ngoại của nhà Nguyễn được manh nha từ thời Vua Gia Long, xác lập dưới thời Vua Minh Mệnh và được thực thi quyết liệt dưới triều Vua Tự Đức.


Trước tình hình đất nước bị o ép về mọi mặt, một số sĩ phu và quan lại trong triều đình có tư tưởng tiến bộ đã đề xuất nhiều kiến nghị canh tân đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác, buôn bán với phương Tây nhưng không được triều đình chấp nhận; thậm chí những người đề xướng canh tân còn bị chỉ trích gay gắt. Triều đình Huế ngày càng rơi vào con đường bảo thủ và trì trệ.


Như vậy, đặc điểm nổi bật nhất của bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX là phải đối đầu trực tiếp với nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Đế đối phó lại, triều Nguyễn đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp cực đoan như đóng cửa, cấm đạo và tăng cường đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, làm gia tăng các mâu thuẫn xã hội, suy nhược đất nước và xói mòn sức đề kháng của dân tộc; tạo cơ hội để thực dân Pháp dễ dàng tấn công xâm lược nước ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2021, 09:40:57 am »

2. Vài nét tư tưởng quân sự Việt Nam dưới triều Nguyễn trước năm 1858

a) Về tổ chức và xây dựng quân đội

Sau khi giành chính quyền, ngoài lực lượng quân đội sẵn có của mình, triều Nguyễn đã được kế thừa một bộ phận binh lực đáng kể của triều Tây Sơn. Trong quá trình tồn tại, nhất là trong giai đoạn đầu thành lập, triều Nguyễn đã có sự chăm lo đáng kể đến việc xây dựng quân đội. Quân đội triều Nguyễn có 5 binh chủng, đó là: Bộ binh, thủy binh, pháo binh, tượng binh và kỵ binh, với hai lực lượng chính quy là Vệ binh và Cơ binh.


Xuất phát từ quan niệm "binh là để giữ nước, quân hiệu có rõ ràng mới có thể nghiêm việc võ bị"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, t.IX, tr.342, t.XXI, tr.387) nên lực lượng quân đội triều Nguyễn từ các khâu tổ chức, tuyển chọn, trang bị đến huấn luyện được sắp xếp tương đối hoàn bị. Số lượng quân sĩ khá đông đảo. Thời Vua Gia Long trị vì, lực lượng bộ binh nước ta có khoảng 115.000 người, thủy binh có khoảng 17.600 người2 (Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tiên, Đinh Xuân Lâm: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1965, t.III, tr.444). Đến năm 1840, các lực lượng "thân, biền, binh dịch các hạng từ trong kinh đến các tỉnh, số người cộng lại là 212.290 có lẻ"3 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, t.IX, tr.342, t.XXI, tr.387). Thời Vua Tự Đức, triều đình còn đặt thêm các ngạch hương dũng, dân dũng và thổ dũng ở các xã, huyện và tỉnh miền núi. Triều đình một mặt đã lập nhiều xưởng chế tạo vũ khí; mặt khác, còn mua nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây để trang bị cho quân đội. Việc luyện tập được tổ chức thường xuyên và quy củ hơn. Bên cạnh việc khuyến khích mọi người tham gia quân đội, binh lính được luyện tập và thăng thưởng thỏa đáng cho người có công, triều đình còn đặt ra các chế định rất nghiêm ngặt để xử phạt việc quân lính bỏ trốn, lười luyện tập, đánh mất và mua bán vũ khí được cấp... nhằm xây dựng một quân đội có kỷ cương.


Tuy nhiên, ngay khi thiết lập, triều Nguyễn đã không tạo được uy thế chính trị cho mình như các triều đại trước. Trong thời gian cầm quyền, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước nhưng triều Nguyễn lại gặp phải sự chống đối của các tầng lớp nhân dân. Các cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là của nông dân diễn ra triền miên. Thời kỳ Vua Minh Mệnh trị vì - thời kỳ thịnh trị nhất của triều Nguyễn, cũng là thời kỳ nổ ra nhiều cuộc nổi dậy nhất và có quy mô lớn nhất, tiêu biểu là hai cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo ở Bắc Kỳ từ năm 1821 đến năm 1827 và cuộc khởi nghĩa do Lê Văn Khôi lãnh đạo ở Nam Kỳ từ năm 1833 đến năm 1835. Đến thời Vua Tự Đức, tình hình càng trở lên phức tạp hơn khi cùng một lúc triều đình vừa phải tập trung lực lượng chống thực dân Pháp, vừa phải chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân. Những biện pháp xây dựng đất nước, củng cố chính quyền của triều Nguyễn đã không hợp với lòng dân. Sự gia tăng không ngừng của các cuộc khởi nghĩa chống đối chính quyền chứng tỏ xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn đang ở trong tình trạng bất ổn và khủng hoảng trầm trọng. Để bảo vệ vương quyền, triều đình phải thường xuyên huy động lực lượng quân đội đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Thậm chí nhiều quan quân còn hà hiếp và trộm cướp của dân. Chính vì thế giữa quân và dân cũng có mối bất hòa sâu sắc. Trong lịch sử, nhà Hồ từng có thành cao, hào sâu, quân đông và nhiều vũ khí nhưng vẫn bị quân xâm lược nhà Minh đánh bại. Hồ Nguyên Trừng từng đau xót thốt lên: "Tôi không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo". Bài học đó chỉ ra rằng, một chính quyền, một quân đội để mất lòng dân là mất tất cả. Nhưng vua tôi triều Nguyễn đã dường như quên mất điều đó hoặc có biết nhưng cũng đành bất lực mà buông xuôi.


Mặc dù đề ra nhiều chế tài để xây dựng quân đội trong sạch nhưng nhiều tệ nạn đã nảy sinh trong quân đội triều Nguyễn, nạn tham nhũng, sách nhiễu và bòn rút lương bổng của binh lính đã trở nên phổ biến, nhất là vào thời kỳ Thiệu Trị và Tự Đức. Vua Minh Mệnh là người đã nhận thức được mối quan hệ ràng buộc giữa binh lính và dân chúng. Theo nhà vua, binh lính cũng từ nhân dân mà ra, binh lính không chịu nổi mà bỏ trốn tất dân chúng sẽ bị khốn đốn; binh lính và dân chúng khốn đốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh nước nhà. Vua Minh Mệnh nổi tiếng là người thăng thưởng hậu hỹ cho người có công, nghiêm trị những kẻ bòn rút của công nhằm để binh lính yên tâm trong hàng ngũ, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế: "Bọn đội trưởng, thư lại vẫn quen thói thông đồng nhau, coi thường pháp luật chỉ cầu lợi riêng. Như động khi có việc, thì cho là cần kinh phí việc công, bắt lính đóng góp. Đến kỳ phát lương thì bày đặt chuyện chi phí, về đơn bằng, thông đồng trừ bớt. Thậm chí người được tiền ân thưởng cũng vẽ chuyện chiết trừ. Binh lính không bao giờ được hưởng ân huệ hết. Ngoài ra còn nhiều cách lừa bịp, sách nhiễu mới tệ nảy ra không kể xiết"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, tr.33). Trước tình trạng quan tham, lại nhũng trong quân đội, đời sống quá khổ cực nên số binh lính bỏ trốn ngày càng nhiều.


Nhìn chung, mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng quân đội triều Nguyễn vẫn không phải là một đội quân mạnh, có sức chiến đấu cao. Bởi "tinh thần của quân đội là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi trên chiến trường"1 (Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh: Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1966, tr.58) thì quân đội triều Nguyễn đã không có được.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2021, 09:42:33 am »

b) Về xây dựng quốc phòng

Ngay từ khi thành lập, triều Nguyễn coi xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng là một trong những quốc sách được ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động.

Tư tưởng, đường lối quốc phòng của triều Nguyễn đã kế thừa và mô phỏng theo tư tưởng, đường lối quốc phòng của các triều đại phong kiến trước đó, được thể hiện rõ nét và sâu sắc trong chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lực lượng quân đội. Bên cạnh đó, để ứng phó với sự thay đổi của tình hình thế giới, triều Nguyễn cũng đã có những đổi mới trong tư duy xây dựng lực lượng quân đội phục vụ cho chiến lược phòng thủ đất nước.


Triều Nguyễn đã sớm nhận ra nguy cơ bị tấn công từ các nước thực dân phương Tây nên đã chủ động tìm cách đối phó. Vua Gia Long, vị vua đầu triều Nguyễn, đã từng bước tìm cách loại bỏ dần những ảnh hưởng của những người Pháp (mà nhà vua vốn hàm ơn) trong triều đình, cảnh giác với những hoạt động của các cha cố và thương nhân phương Tây, hạn chế việc truyền bá đạo Kitô và buôn bán với thương nhân phương Tây. Tư tưởng ngăn ngừa phương Tây của Vua Gia Long đã được Vua Minh Mệnh phát triển thành đường lối cự tuyệt hoàn toàn quan hệ với phương Tây. Vua Minh Mệnh tiến hành đóng cửa đất nước, thực hiện triệt để chính sách bế quan, tỏa cảng, cấm không cho các thương nhân phương Tây đến buôn bán; không quan hệ với các nước phương Tây; cấm các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam truyền đạo; coi đạo Kitô là tà đạo và đàn áp giáo dân. Những chính sách cứng rắn của Vua Minh Mệnh thể hiện rõ tư tưởng ngăn chặn từ xa các nguy cơ bị tấn công từ phương Tây. Chiến lược ngăn chặn từ xa này vẫn được duy trì triệt để dưới triều Vua Thiệu Trị và trong giai đoạn đầu trị vì của Vua Tự Đức.


Triều Nguyễn cũng sớm chuẩn bị phương án đối phó nếu bị quân đội ngoại bang xâm lược. Bên cạnh việc củng cố các tuyến biên giới đường bộ, đường sông, triều Nguyễn đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường phòng thủ bờ biển. Rõ ràng triều Nguyễn nhận thấy nguy cơ bị tấn công không phải là từ các quốc gia láng giềng mà là từ phương Tây vì các nước phương Tây thường tấn công phủ đầu bằng đường biển và có thế mạnh về thủy quân. Một trong những phương án được ưu tiên hàng đầu là sớm hiện đại hóa quân đội, đưa quân đội triều Nguyễn trở thành một quân đội mạnh. Mô hình quân đội hiện đại của phương Tây được triều Nguyễn rất quan tâm và từng bước ứng dụng vào quá trình xây dựng quân đội. Mặc dù cự tuyệt quan hệ ngoại giao, thương mại và tôn giáo với phương Tây, nhưng Vua Minh Mệnh quyết tâm phương Tây hóa lực lượng quân sự của mình. Ông cho áp dụng những hiệu lệnh, vũ khí, giáo án luyện tập và tổ chức lực lượng tác chiến kiểu phương Tây trong xây dựng quân đội. Một mặt, ông ra lệnh cho bộ binh phải học kỹ và áp dụng kỹ thuật quân sự hiện đại của phương Tây, mặt khác phải sớm tiếp thu kỹ thuật đó bằng khả năng của chính mình. Vua Minh Mệnh sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền rất lớn để mua vũ khí và tàu chiến hiện đại của phương Tây để trang bị cho quân đội, đồng thời làm mẫu cho thợ quân khí của triều đình sản xuất. Nhà vua đặc biệt thích thú mô hình thủy quân của nước Anh, nước Mỹ và tỏ rõ ý muốn học hỏi theo.


Việc nhận định được hướng tấn công là đường biển và điểm mạnh của kẻ thù là vũ khí hiện đại đã giúp triều Nguyễn chủ động tìm cách đối phó. Đây là một ưu điểm rất tiến bộ trong chiến lược quốc phòng của triều Nguyễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chiến lược quốc phòng của mình, triều Nguyễn đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Mặc dù biết trước hướng tiến công của kẻ thù là từ đường biển và chủ động xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ dọc bờ biển, tăng cường lực lượng thủy quân để trấn giữ hải phận, nhưng lực lượng của triều Nguyễn quá yếu. Thủy quân không kiểm soát được hải phận, thậm chí còn không đối phó được với bọn hải tặc Trung Hoa. Cho nên, dưới triều Nguyễn, đặc biệt là thời Vua Thiệu Trị và Vua Tự Đức, bọn hải tặc thường xuyên lộng hành, tha hồ cướp phá dọc bờ biển từ Bắc vào Nam mà triều đình đành bất lực. Chống nạn hải tặc còn không nổi thì triều Nguyễn làm sao có thể đối phó với các đội quân xâm lược nhà nghề mạnh mẽ gấp bội của phương Tây. Triều Nguyễn không có đủ tiềm lực để liên tục mua sắm vũ khí mới của phương Tây. Do kỹ thuật kém, chủ yếu là mô phỏng, nên phần lớn những vũ khí do thợ quân giới của triều đình làm ra đều có chất lượng kém.


Trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và giành lại độc lập dân tộc, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, cha ông ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm đánh giặc giữ nước vô cùng quý báu. Đó là:

1. Biết lượng sức mình: Lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, tránh thế giặc mạnh lúc ban mai và đánh địch suy yếu lúc chiều tàn...

2. Dựa trên tinh thần chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo" (Binh Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi).

3. Lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bản): Đây là tư tưởng xuyên suốt và là sức mạnh làm lên thắng lợi của các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc từng lãnh đạo nhân dân ta ba lần đánh thắng giặc Mông - Nguyên hung hãn, đã đúc kết những nguyên lý giữ nước: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức". Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh đã nhấn mạnh đến vai trò quyết định của dân: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền củng là dân”, cả Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi đều có chung quan điểm là biết chăm lo đến dân: ''Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” (Trần Quốc Tuấn), "Yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hờn sầu than" (Nguyễn Trãi). Hai nhà chính trị, quân sự lỗi lạc đã chỉ ra sức mạnh to lớn nhất của dân tộc là sức dân. Sức dân có mạnh thì nền tảng xã hội mới bền vững. Muốn có sức dân mạnh chính quyền phải thuận lòng dân, trước hết cần bắt đầu từ việc chăm lo đến đời sống nhân dân.

4. Xây dựng tinh thần đoàn kết cả nước cùng đánh giặc: Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm phải biết phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, biết tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết và thống nhất. Tinh thần đoàn kết đánh giặc phải được xây dựng ở mọi cấp độ, trong nội bộ triều đình, triều đình với nhân dân, tướng với quân,...: "Bách tộc vi binh'' (Trăm họ ai cũng là binh); "Phụ tử chi binh" (Cha con đều là lính), "Tướng sĩ một lòng phụ tử' (Tướng và quân một lòng như cha con).

5. Trường kỳ kháng chiến: Vì địch mạnh, ta yếu nên đường lối chiến lược chung là phải đánh giặc lâu dài, vừa đánh vừa xây dựng, phát triển lực lượng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Ngoài ra, phải biết chủ động trong mọi tình thế, tránh chỗ mạnh và đánh chỗ yếu của địch, lấy đoản binh chế trường trận. Mặc dù trường kỳ đánh địch nhưng khi cơ hội đến thì phải chớp lấy, tiến công "thần tốc, táo bạo" mở những trận quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh.

6. Phải coi trọng chất lượng quân đội: Phương châm chung là "quý hồ tinh bất quý hồ đa" (quân cốt tinh nhuệ chứ không cốt nhiều); phải xây dựng đội ngũ tướng lĩnh tài giỏi "vì binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ".


Mặc dù có một kho tàng kinh nghiệm giữ nước được đúc rút từ thực tiễn chiến tranh qua nhiều thế hệ, nhưng triều Nguyễn lại không biết kế thừa, sử dụng và phát huy đầy đủ, có hiệu quả vào chiến lược quốc phòng của mình. Có những bài học dường như đã bị quên lãng hay có biết cũng không thể vận dụng được vì bất lực. Chẳng hạn, tư tưởng lấy dân làm gốc, chăm lo cho dân và phát huy sức mạnh toàn dân không được quan tâm đầy đủ, khiến nhân dân ngày càng oán ghét và xa rời triều đình. Làm sao có được tinh thần đoàn kết giữa tướng và quân khi tướng tìm đủ mọi cách vơ vét và ăn chặn của quân. Quân và dân làm sao có thể hòa hợp như cá với nước khi mà quân đội triều đình đi đàn áp nhân dân.


Nhìn chung, triều đình nhà Nguyễn rất mong muốn và cố gắng tìm biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Bên cạnh những biện pháp mang yếu tố tiến bộ, sát với thời cuộc thì vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế. Chủ trương xây dựng một đội quân hiện đại, tinh nhuệ, có kỷ luật và có khả năng chiến đấu cao là đúng đắn, nhưng lại thiếu những cơ sở thực tiễn nên không có hiệu quả. Quân sĩ tuy đông nhưng tinh thần tập luyện và chiến đấu thì rệu rã. Vũ khí tuy nhiều nhưng lại rất lạc hậu so với những đội quân xâm lược nhà nghề của phương Tây. Điểm mấu chốt nhất trong chiến lược quốc phòng là phải xây dựng cho được thế trận toàn dân đánh giặc thì triều đình nhà Nguyễn lại để mất lòng dân và quân đội không tạo dựng được chỗ dựa vững chắc trong nhân dân. Chính những nhược điểm đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng quân sự và kết cục của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nửa sau thế kỷ XIX.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2021, 07:17:28 am »

II- TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ VIỆT NAM TỪ NĂM 1858 ĐẾN NĂM 1884

1. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và chủ trương ứng phó ban đầu của triều đình nhà Nguyễn

Năm 1847, thực dân Pháp chính thức bắt đầu đường lối "ngoại giao pháo hạm"1 (Yoshiharu Tsuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 90) bằng việc cho quân nổ súng bắn chìm 5 tàu chiến của triều Nguyễn ở cửa biển Đà Nẵng rồi rút đi. Mười năm sau (1857), 2 chiến hạm của Pháp đến khiêu chiến ở cửa biển Đà Nẵng. Hai sự kiện này cho thấy sớm muộn gì thì thực dân Pháp cũng sẽ xâm lược Việt Nam.


Đối diện với nguy cơ bị xâm lược cận kề, triều đình tỏ ra cảnh giác và tích cực chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Tăng cường hệ thống phòng thủ bờ biển là một trong những chủ trương chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Vua Tự Đức ra lệnh cho các đại thần quân cơ phải ra sức "trù liệu về việc trấn áp Tây dương. (...) Đặt bảo Trấn Dương ở đỉnh núi, chia đặt 20 cỗ xe súng đại bác (...), từ thành An Hải đến chân núi Trà Sơn, từ thành Điện Hải đến cảng Thanh Khê, đắp lũy cát rồi trồng cây gai góc che lấp"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2007, t.7, tr.491, 466). Để canh phòng cẩn mật ải Hải Vân, một cửa ải rất quan trọng, nhà vua đã "phái Phó vệ úy Tiền Vệ dinh Long Võ là Lê Nghị đem theo 100 tên cấm binh đến ngay ải Hải Vân hiệp cùng quan quân nguyên phái đi trước để canh phòng. Lại sai Bộ phái thêm đủ 100 tên đóng giữ thành Trấn Hải và 1 viên quan Vệ dinh Thần cơ pháo thủ đủ 30 tên sắp đủ thuốc đạn súng và khí giới nghiêm chỉnh để phòng bị (...), sai quyền Chưởng Hữu dực dinh Vũ Lâm là Đào Trí đến ngay cửa biển Đà Nẵng hiệp cùng Trần Tri coi giữ 2 thành An Hải và Điện Hải tùy cơ đánh dẹp làm việc; quyền Chưởng dinh Long Võ là Trần Hoằng đến ngay Quảng Nam"2 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2007, t.7, tr.491, 466). Kết quả là một hệ thống phòng thủ dọc bờ biển khá quy mô và kiên cố đã được thiết lập và sẵn sàng ứng chiến nếu bị thực dân Pháp tấn công.


Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta ở Đà Nang. Đây là một sự kiện không quá bất ngờ với triều Nguyễn. Để đối phó lại, Nguyễn Tri Phương được triều đình bổ nhiệm chức Tổng đốc Quảng Nam và được lệnh cùng với các tướng Chu Phúc Minh và Đào Trí ra Đà Nẵng chặn giặc. Nguyễn Tri Phương chủ trương "giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy, để dần dần tiến đến gần giặc"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, tr.466). Vì thế, ông đã cho xây dựng đồn Liên Trì và dựng một chiến lũy dài hơn 4 km từ Hải Châu (chân đèo Hải Vân) tới Thạc Giản. Bên ngoài các chiến lũy, ông sai quân đào hố chữ phẩm cắm chông, che cỏ và cát lên trên và chia quân mật phục nhằm vây chặt quân Pháp. Với chiến thuật này, quân đội triều đình đã nhiều lần đánh lui các cuộc tấn công của giặc Pháp, giam chân chúng suốt 5 tháng liền tại Đà Nẵng, làm cho chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của giặc Pháp bước đầu bị phá sản, buộc chúng phải chuyển hướng đánh vào phía Nam.


Tại mặt trận phía Nam, quan quân triều Huế đã áp dụng chiến thuật lấy thành phòng thủ. Nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ bằng hỏa pháo của địch, chiến thuật này nhanh chóng trở nên vô dụng. Đại tá Henri de Ponchalon, một trong những viên chỉ huy đánh thành Gia Định, đã mô tả lại diễn biến một phần trận đánh như sau: "Thành phố nằm giữa hai kênh đào, thành che khuất sau vòm cây, tường thành che khuất bởi rừng rậm, vườn tược và nhà cửa. Vì thế hỏa lực của ta (quân Pháp - TG) lúc đầu rất chậm, sau nhanh dần, và ngày càng chính xác, khi quân địch (quan quân triều đình - TG) vì bắn trả lại nên đã để lộ vị trí của thành. Hai bên đấu pháo rất hăng, trong vòng 45 phút, may mắn là quân Việt thường bắn cao quá, đạn thường bay ngang qua cột buồm tầu ta"1 (Tập tư liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam, tư liệu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.11, 12). Do chiếm ưu thế áp đảo về hỏa lực, nên chỉ trong vòng hai ngày (từ ngày 16 đến ngày 17-2-1859), quân Pháp đã chiếm được thành Gia Định. Mặc dù "các mặt thành đều có pháo đài, thành rộng mỗi mặt 475 mét, chứa đủ một công xưởng. Nếu kể cả số vũ khí của hai pháo đài trên bờ sông, người ta có thể ước lượng số súng thường đến hai vạn cây, đại bác sắt và đồng đến 200 khẩu, riêng trong thành có chứa tới 85.000 cân thuốc súng"2 (Tập tư liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam, tư liệu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.11, 12) nhưng quan quân triều đình đành chịu thất bại.


Tuy chiếm được thành Gia Định, nhưng với lực lượng có hạn, thực dân Pháp không thế mở rộng phạm vi đánh chiếm. Đầu năm 1860, Nguyễn Tri Phương được triều đình bổ nhiệm chức Thống chế mặt trận Gia Định, cùng với Tôn Thất Cáp vào mặt trận phía Nam chặn giặc. Lúc này do quân Pháp đang bị sa lầy trong cuộc chiến ở Trung Quốc, nên phải rút bớt quân từ Gia Định sang tham chiến. Lực lượng của địch tại Gia Định gặp nhiều khó khăn khi chỉ còn lại 1.000 quân và phải đóng rải rác trên một chiến tuyến dài đến 10 km trong thế bị bao vây và cô lập. Đây là một cơ hội thuận lợi đế quan quân nhà Nguyễn có thể phản công và đánh bại quân Pháp nhưng tướng Nguyễn Tri Phương vẫn án binh bất động, chỉ lo việc điều động nhân lực và vật lực để xây dựng phòng tuyến Chí Hòa thật kiên cố.


Nguyễn Tri Phương đã thực hiện đúng chiến lược phòng thủ, cầm chân không cho địch đánh rộng ra, vì theo ông: "Quân của Tây dương dưới nước, trên bộ dựa vào nhau, ta khó chống với họ, việc thủy chiến làm không được tiện. Vả lại quân của Tây dương súng nhỏ súng lớn đã giỏi, chúng lại liều chết. Quân của ta nhút nhát, bỡ ngỡ, đánh trên bộ cũng không địch nổi họ..., ta giữ còn không đủ, nói gì đến đánh. Nên liệu số binh lực hiện có, nhân các đồn lũy hiện tại, đặt phục binh để đánh, giữ cho kỹ để đợi, làm kế giằng dai"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.636).


Rõ ràng, phòng thủ là giải pháp chiến lược xuyên suốt của quan quân triều đình trong thời kỳ đầu chống giặc Pháp xâm lược. Đó là lý do giải thích vì sao triều đình không chủ trương chủ động tiến công tiêu diệt địch. Hơn 20 năm sau (năm 1883), trong bài Điều trần các việc nên làm, Nguyễn Xuân Ôn thẳng thắn vạch ra các điểm yếu trong phòng thủ mà Nguyễn Tri Phương đã áp dụng: "Cố đại thần Nguyễn Tri Phương, trung nghĩa không ai bằng, có quen về việc quân, nhưng không có sở trường về việc làm tướng. Ông đắp nhiều doanh lũy để làm bia đỡ đạn, công việc ấy làm cho quân lính mệt nhọc, việc đánh, việc giữ đều kém thế. Giặc ở dưới tàu, mình đắp lũy chỗ này, thì chúng quay tàu qua chỗ khác, lũy của mình thành ra vô dụng. Ông lại đóng đồn phòng tiệt, thế lực bị phân tán, những việc đó rất là thất sách"1 (Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961, tr.168). Hơn nữa, "một cuộc chiến tranh chỉ có phòng ngự, chỉ chống trả lại, cuộc chiến tranh ấy sẽ thất bại và rốt cuộc không phòng ngự nổi. Vì chỉ có nắm lấy chủ động, tấn công giặc mới phòng ngự được"2 (Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh: Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, Sđd, tr.171).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2021, 04:16:50 pm »

2. Cuộc đấu tranh giữa tư tưởng chủ chiến và tư tưởng chủ hòa

a) Thời kỳ 1862 - 1873

Chủ trương phòng thủ là một thất sách lớn của triều đình, nhưng điều tai hại hơn là trước sức tấn công dữ dội của giặc Pháp, nội bộ triều đình đã sớm có sự phân hóa và nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Điều này đã làm cho bộ máy lãnh đạo kháng chiến bị phân tán trầm trọng và không đưa ra được một quyết sách chống giặc Pháp thống nhất.


Mặc dù chiếm được Gia Định, nhưng với lực lượng quân sự hiện tại thực dân Pháp nhận thấy chưa đủ sức mở rộng phạm vi đánh chiếm ra toàn Việt Nam nên đã khôn khéo gửi thư cho triều đình Huế tỏ ý muốn giảng hòa. Sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhóm đình thần trong triều về việc nên thủ hay công, hòa hay chiến.


Nhóm thứ nhất gồm các viên quan đứng đầu Viện cơ mật như: Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản và Lưu Lượng. Lưu Lượng trình bày quan điểm của mình trước Vua Tự Đức như sau: "Bãi việc binh đao cho dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng cần giữ cho chắc rồi sau sẽ bàn (...). Giặc lấy thuyền bền súng nhạy làm nghề giỏi ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với họ. Về kế sách thì hiện giờ nên lấy thế thủ làm chính. Giữ có vững vàng rồi sau mới có thể nói đánh nay hòa được. Nếu trước hết mà giữ không chắc thì chiến đã không được, lại e rằng hòa cũng không đủ trông cậy. Đến như cách công thủ Hoàng thượng đã chỉ thị đủ rồi, không thiếu gì nữa. Cứ theo cách đó mà làm thì cũng đủ đánh giặc"1 (Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, t.1, tr.433).


Nhóm thứ hai gồm: Trần Văn Trung, Trương Quốc Dụng, Chu Phúc Minh, Lâm Duy Thiếp, Phan Huy Vịnh, Phạm Chi Hương, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Luận, Lê Đức và Vũ Xuân Sắc. Theo họ, cách đánh giặc cốt giữ vững là hơn và cách giữ cần phải nuôi sức vững chắc và tùy cơ ứng phó. Để chứng minh quan điểm này, Lê Đức đã luận giải như sau: "Giặc Tây dương, thói thường vẫn đem quân đi khiêu khích nước ngoài; nước nào đánh nhau với nó, nếu được thì nó đánh mãi, chiến trận liên miên, hoạn nạn không dứt; (...) có thể thôn tính nhau được. Chuyến chúng đến này chẳng qua để cầu lợi thôi. Bởi vì quân ở xa đến, cốt cần đánh ngay. Nay chúng đắc chí ở Trà Sơn, lại đắc chí ở Gia Định, bèn giả hình làm ra cách có ý giằng dai; mà gần đây lại có việc chúng đưa thư đến. Dẫu trong thư nói những gì, chưa từng dịch ra để xem, nhưng ý ngu xuẩn của chúng tôi trộm nghĩ: đại yếu chẳng có hai khoản: một là muốn lập phố xá ở Trà Sơn để buôn bán sinh lợi; hai là cho người nước chúng đi lại truyền đạo Gia Tô thu thuế lấy lợi. Đó đều là những khoản ta không bằng lòng cho (...). Nhưng thuyền tàu súng đạn đều là cái sở trường của chúng (...). Nay ta muốn thi đua với cái sở trường của chúng, đánh nhau với chúng, mong cho chúng chóng lui, chưa thấy có cơ tất thắng. Mà lỡ ra có sa sẩy, lại thêm gió thổi chim kêu cũng sợ hãi. Lấy mình là chủ mà đối đãi với họ là khách, nên làm kế chống giữ lâu dài, để đợi khi chúng mỏi mệt, nếu chúng có sai sứ đi lại, thì bấy giờ ta sẽ tùy cơ châm chước đối phó, thì chúng cũng không làm gì được ta vậy"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.610).


Nhóm thứ ba gồm: Vũ Đức Nhu, Phạm Thanh, Nguyễn Khắc Cần và Phạm Xuân Quế chủ trương nên hòa có mức độ. Họ đề nghị triều đình sai quân thứ Quảng Nam lấy nghĩa lý mà làm thư trách địch: "Liệu viết thư trách Pháp hay lấy nghĩa mà nói, xem họ nếu chỉ muốn thông thương như cũ, hoặc xin bỏ cấm đạo mà họ tự rút lui thì ta cho giảng hòa cũng chẳng hại gì. Nếu họ dối trá, chẳng đánh cũng chẳng hòa thì ta chỉ có sức thủ mà thôi"1 (Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Sđd, t.1, tr.435).


Nhóm thứ tư gồm: Lê Chỉ Tín, Đoàn Thọ, Tôn Thất Thường, Tôn Thất Đạo và Nguyễn Hào cho rằng nên hòa ngay với Pháp. Theo họ, phép dụng binh lấy mình nhàn rỗi đối phó với quân giặc nhọc mệt. Nay giặc nhàn rỗi mà ta mệt nhọc thì việc đánh và giữ là rất khó. Hòa tuy là hạ sách nhưng hiện nay chính là lúc cần củng cố quân lính và dưõng sức dân. Nay giặc muốn cầu hòa thì ta không nên chần chừ, để lâu sợ có biến.


Nhóm thứ năm gồm: Tô Trân, Phạm Hữu Nghi, Trần Văn Vy, Lê Hiếu Hữu, Nguyễn Đăng Diêu và Hồ Sĩ Tuấn kiên quyết phản đối hòa nghị và chủ trương phải tấn công giặc ngay. Họ đề xuất những biện pháp đánh giặc cụ thể cho từng vùng. Theo họ, ở Quảng Nam và Gia Định, thế đất và tình hình giặc cũng có chỗ khác nhau một chút. Tại Quảng Nam số thuyền của Tây dương có ít, hiện đã vào sâu trong lòng sông, còn có cơ đánh úp được. Còn Gia Định thì có nhiều thuyền của Tây dương đang đóng, lại gần mặt biển, khiến quân ta khó tiến đến gần được. Bởi vậy, quân thứ Quảng Nam cần phòng bị rất nghiêm, đợi chúng vào sâu rồi đánh chúng ở trên bộ để thu toàn thắng. Quân thứ Gia Định nên cùng với các tỉnh, họp sức tiến đánh, khi đã nhử được tàu của Tây dương vào. Ở Gia Định đã thắng thì ở Đà Nẵng cũng có thể lần lượt dẹp tan quân địch. Nếu hòa thì các việc: bỏ điều cấm, cho thông thương, dựng nhà thờ đạo, lập phố bán hàng, trăm cách gian giảo đều bởi trong một chữ hòa mà ra cả, các tệ hại khác không thể nói xiết được.


Trong năm nhóm đình thần đó, nhóm chủ chiến không đông và không có phẩm hàm cao trong triều nên không thể tạo ra uy thế áp đảo. Nhóm chủ hòa gồm đa số quan lại đầu triều đã chiếm được ưu thế trong triều. Để đưa phái chủ hòa giành được tiếng nói quyết định cuối cùng trong triều đình, viên quan đầu triều Trương Đăng Quế lý luận rằng: "Một chữ "hòa" dẫu đời xưa đã từng có làm, nhưng đều là sự quyền nghi một thời gian, không phải là đạo thông thường... Nay đánh nó thì chưa thể đánh nổi, đuổi nó cơ cũng chưa tiện. Nhân họ xin hòa, chước lượng mà tòng quyền, có điều gì không nên, mà còn nói nhiều cho rườm ư?"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.653). Còn đại thần quân cơ Nguyễn Bá Nghi khẳng định hòa tuy có thua thiệt thật nhưng mới có thế cứu vãn được Nam Kỳ: "Sự thế Nam Kỳ, duy việc hòa giải còn có thể làm được. Nếu không như thế thì còn có việc lo ngại khác (...). Người Tây dương tàu thì chở đi như bay, súng thì bắn được thành đá (...). Tôi đến Biên Hòa, xét thấy tình thế đều là nguy bách, nhưng thực ra tôi thấy sự thể, đánh và giữ đều không làm được. Không hòa thì không định được cục diện"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.715, 611, 617).


Trước cuộc tranh luận gay gắt giữa các đình thần, Tham tri Bùi Quỹ đã dâng thư yêu cầu Vua Tự Đức phải có sự quyết đoán: "Thần trộm nghe đình thần, người thì nói đánh giữ, người thì nói hòa thân (...). Người chủ trương hòa thân thì ngầm chê trách bọn chủ chiến là không hiểu sự cơ. Người cầm dầm, người cầm sào, mỗi bên một ý kiến, lỡ có việc nguy cấp xảy ra, còn có thể mong cùng một thuyền cùng chở được không. Xin nhà vua bỏ hết lời bàn khác đi, mà độc đoán từ trong bụng, định quy mô, trước để thống nhất lòng người"2 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.715, 611, 617). Nhưng Vua Tự Đức lại tỏ ra rất do dự và cuối cùng đã đi đến nhận định: "Hai bên đánh nhau, bên nào cũng có trận được trận thua. Nay đã chán chiến tranh, đến bàn hòa cũng là ý tốt"3 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.715, 611, 617). Do Vua Tự Đức ngả hẳn về phe chủ hòa nên chủ trương hòa nghị đã trở thành quyết sách chung của triều đình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2021, 04:18:00 pm »

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, việc các triều thần bàn luận, cân nhắc các phương thức đối phó với giặc là cần thiết. Điều đáng nói ở đây là từ những ý kiến của mỗi cá nhân thì triều đình cần phải cân nhắc, bàn luận thiệt hơn mọi lẽ để định ra được một đường lối đối phó với giặc thống nhất nhưng triều đình đã không làm được. Kết cục là nội bộ thêm bất hòa sâu sắc. Đáng trách hơn nữa là đa số triều thần lại có tư tưởng thủ và hòa. Họ viện dẫn đủ những lý do để bao biện cho quan điểm thủ và hòa của mình, như giặc có tàu to, súng lớn, ta không thế đủ sức đánh lại chúng. Vì quá sợ hãi vũ khí của địch mà họ đã không thấy được "con người chứ không phải là vũ khí quyết định thắng lợi của chiến tranh"1 (Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh: Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, Sđd, tr.59). Do đó, họ đã không biết phát huy sức mạnh toàn dân để làm nền tảng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Trái với những quan lại đầu triều có tư tưởng hòa nghị, sợ hãi vũ khí của địch, Tiến sĩ Vũ Phạm Khải, trong Tờ tâu về việc đối phó với giặc Tây (viết thay quan tỉnh Ninh Bình), đã can ngăn Vua Tự Đức không chấp nhận hòa ước mà phải chiến đấu, phải biết tin và dựa vào sức mạnh của dân: "Nếu như bọn Tây dương động binh thì bề tôi lớn nhỏ sẵn lòng trung nghĩa, căm giặc giết thù. Mọi người đều đồng một lòng như thế. Huống chi, ngay cả giáo dân sở tại từ khi được phóng thích, rất ghét lương dân, cái thế không thể sống cùng. Song chính vì việc Tây dương gây việc binh đao này, mà tất cả dân chúng, kể cả giáo dân, đều chung lòng căm phẫn, sẽ có thể lấy lẽ chính tà mà biết đâu phải, đâu trái, lấy lẽ thuận nghịch mà phân biệt đâu mạnh đâu yếu. Vậy thì tuy bọn Tây dương có càn rỡ ngông cuồng đến mấy cũng chỉ dừng chân ở được ngoài biển để dương oai mà thôi. Làm sao họ có thể đến xây thành quách trên đất của ta..."1 (Nguyễn Văn Huyền (Sưu tầm và biên dịch): Vũ Phạm Khải - Đông Dương thi văn tuyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.293). Rõ ràng, Vũ Phạm Khải đã nhận biết sức mạnh của nhân dân, từ đó chủ trương đoàn kết toàn dân đánh giặc. Đây là một quan điểm đúng đắn được kế thừa từ truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên. Quan điểm này một lần nữa được minh chứng bằng chính thực tiễn đấu tranh chống thực dân Pháp kiên cường của nhân dân ta.


Nếu như nội bộ triều đình Huế còn do dự giữa hòa hay chiến, thì nhân dân chỉ có một tinh thần chung duy nhất, đó là quyết chiến, ở Bắc Kỳ, tinh thần chiến đấu của nhân dân trào dâng mạnh mẽ. Năm 1859, Hoàng giáp Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, Đốc học Nam Định, đã gửi Trà Sơn kháng sớ lên Vua Tự Đức để bày tỏ nguyện vọng quyết tâm kháng chiến của sĩ dân Nam Định và xin phép được lập một đội nghĩa binh vào chiến trường đánh giặc. Mặc dù Trà Sơn kháng sớ không được Vua Tự Đức phê chuẩn, nhưng với tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiẹm của một kẻ sĩ trước vận mệnh dân tộc, Phạm Văn Nghị vẫn đứng lên giương cao cờ nghĩa, chiêu binh vào Nam đánh giặc. Đoàn quân Nam tiến với khoảng 300 người đã hăm hở vượt mọi gian nan vào Quảng Nam đánh giặc với tinh thần:
''Tam bách tinh binh, nhất tướng kỳ
Thiên thanh đáo xứ hiểm thành di"

(Quân giỏi ba trăm, một ngọn cờ
Oai trời hiểm mấy cũng băng qua)1 (Nguyễn Văn Huyền (Chủ biên): Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị - thân thế và sự nghiệp, Sở Văn hóa - Thông tin Nam Hà, 1996, tr.90).


Nhưng khi đoàn nghĩa binh vào tới chiến trường thì quân Pháp đã rút khỏi Đà Nắng để tiến đánh thành Gia Định. Chiến trường đã lùi xa vào Nam đến 800 km. Với lòng yêu nước và không ngại gian khó, Phạm Văn Nghị cùng đoàn nghĩa binh tiếp tục xin triều đình cho vào Gia Định đánh giặc. Tuy nhiên, Vua Tự Đức đã khước từ nguyện vọng chính đáng đó của đoàn nghĩa binh và Phạm Văn Nghị buộc phải trở về đất Bắc.


Ở Nam Kỳ, nhân dân đã chủ động phối hợp với quan quân triều đình đánh giặc hoặc tự động tổ chức đánh giặc ngay từ những ngày đầu. Khắp các làng xã, nhân dân tự nguyện đóng góp của cải, phục vụ, hay trực tiếp tham gia chiến đấu. Những người dân ở hạt Định Tường đã quyên góp được 8.000 cân sắt sống, 2.700 quan tiền và 200 phương gạo để giúp quân nhu.


Các đội nghĩa dũng đánh Pháp được thành lập ngày càng nhiều. Đây là những đội quân có tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, có tổ chức và người chỉ huy. Trong hai năm 1861-1862, nhiều trung tâm kháng chiến xuất hiện. Tháng 1-1861, Trương Công Định (Trương Định, Quản Định) đã phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân Trương Định chiến đấu rất dũng cảm, đánh thắng nhiều trận giòn giã, tạo được uy thế lớn đối với triều đình: "Phó quản cơ Gia Định là Trương Định (người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con viên Lãnh binh Trương Cầm) chiêu mộ những thủ dõng, có nhiều người đi theo. Thường cùng quân Tây dương chống đánh nhau đắc lực, thự tuần phủ Đỗ Quang đem việc tâu lên. Vua cất nhắc cho làm Quản cơ, rồi lãnh chức Phó lãnh binh. (Khi ấy Đỗ Quang chiêu vỗ Trương Định mộ thành 6 cơ, hơn 6.000 người. Tri phủ phủ Phúc Tuy là Nguyễn Thành Ý, tùy phái là Phan Trung mỗi người đều mộ được 2 cơ, hợp cộng 4.000 người, lại đang tiếp tục mộ, kể ước tối hàng vạn)"1 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.733).


Thời gian đầu, lợi dụng lúc địch gặp nhiều khó khăn, Trương Định đã ra sức phát triển lực lượng, chiêu mộ quân sĩ, tích trữ quân lương và sắm sửa vũ khí. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân được mở rộng từ Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định tới vùng Vàm Cỏ Đông, từ miền biển cho tới biên giới Campuchia. Đặc biệt, ngày 10-Ì2-1861, nghĩa quân Trương Định đã phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Lịch) đánh thắng một trận rất lớn trên sông Nhật Tảo, đốt cháy tàu Espérance của địch, làm cho quân địch kinh hồn, bạt vía. Thanh thế nghĩa quân Trương Định ngày càng lên cao. Nhiều nghĩa sĩ, sĩ phu và quan binh Nam Kỳ (Án sát Đỗ Quang, Tri phủ Nguyễn Thành Ý, Tri huyện Đỗ Trình Thoại...) đã tìm đến và tham gia khởi nghĩa. Các đội nghĩa binh của Lưu Tấn Thiện, Lê Huy, Trần Thiện Chính, Dương Bình Tâm và Đỗ Trình Thoại đã phối hợp tác chiến và sau đó gia nhập nghĩa quân Trương Định. Lực lượng nghĩa quân Trương Định đã lên tới hàng vạn người.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM