Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:38:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 1  (Đọc 4320 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2021, 08:13:29 pm »

HƯNG YÊN QUẬT KHỞI MỘT CUỐN HỒI KÝ QUÝ GIÁ


HỌC PHI
Nhà văn - Giải thưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch ủy ban nhân dân dầu tiên tỉnh Hưng Yên


Những năm kháng chiến chống Pháp, tôi công tác ở xa trên Việt Bắc chỉ được biết về cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân Hưng Yên qua các mẩu tin đăng trên báo "Cứu quốc" hoặc qua những câu chuyện của các anh em ở dưới khu 3 lên Trung ương họp kể lại. Những mẩu tin, những câu chuyện ấy đã làm tôi rất xúc động và tự hào về quê hương mình và càng nhớ quê da diết.


Sau khi về Hà Nội, tôi đã có ý định viết một tác phẩm về cuộc chiến đấu ngoan cường của quê tôi, nhưng rồi bận hết việc này đến việc khác cứ phải khất lần với mình. Mãi đến gần đây, sau khi đã hoàn thành kế hoạch sáng tác về thời kỳ hoặt động bí mật của Đảng, tôi mới bắt tay vào làm cái việc mà tôi cho là món nợ tình cảm với quê hương. Nhưng vì tôi không có mặt ở nhà trong những ngày kháng chiến nên không có vốn sống, chỉ còn dựa vào tài liệu. Mà tài liệu thành văn thì không có bao nhiêu, tôi phải đến hỏi anh Vũ Thơ là Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên ngày ấy. Sau khi giới thiệu khái quát về tình hình Hưng Yên trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất, anh Vũ Thơ cho tôi mượn cuốn hồi ký "Hưng Yên quật khởi" của anh Võ An Đông. Tôi mang về đọc nghiến, đọc ngấu ngay.


Thật là một tài liệu vô giá đối với tôi. Trong cuốn hồi ký của mình anh Võ An Đông đã vẽ nên một bức tranh sinh động về phong trào kháng chiến ở Hưng Yên. Là tỉnh đội trưởng, nhưng anh Đông không chỉ đi sâu về quân sự, mà còn đi sâu vào phong trào quần chúng, vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mà anh là một ủy viên. Đường lối chính trị đúng thì đấu tranh quân sự thành công, đường lối sai thì thất bại, anh không né tránh nói đến những thất bại do bệnh tả khuynh ấu trĩ của lãnh đạo gây ra trong năm 1950, biến Hưng Yên thành một nơi đen tối nhất của khu Ba: mất đất, mất dân, cán bộ, du kích, bộ đội phải bật ra ngoài, toàn tỉnh chìm trong một bầu không khí thê thảm.


Trước tình hình ấy, trong Hội nghị tháng 12-1950, Tỉnh ủy đã phân tích đánh giá một cách khách quan tương quan lực lượng giữa ta và địch - địch mạnh, ta yếu - và đề ra chủ trương thích hợp với hoàn cảnh lúc ấy và hợp với lòng dân. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, lại được các cấp, các ngành, các giới tích cực thực hiện nên chỉ trong vòng 1 năm từ một tỉnh bị địch kìm kẹp nặng nề nhất, đen tối nhất, Hưng Yên đã trở thành một tỉnh quật khởi, liên tiếp đánh thắng địch về mọi mặt, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.


Có thể nói cuốn hồi ký "Hưng Yên quật khởi" của anh Võ An Đông không phải viết chỉ bằng mồ hồi và sức lao động mà còn bằng cả xương máu của tác giả. Nó cần phải được trân trọng bảo vệ trong kho tàng lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta đế làm gương cho các thế hệ mai sau và để cho các nhà văn có tài liệu chính xác viết về kháng chiến chống Pháp.

Xin cảm ơn tác giả Võ An Đông.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2021, 08:15:04 pm »

THẬT SỰ LÀ BỘ SÁCH QUÝ TRONG TỦ SÁCH CỦA MỖI GIA ĐÌNH


LÊ HOÀI THAO


Trong cái nghề làm báo, viết lách của mình, cứ mỗi cuộc kỷ niệm lớn của đất nước diễn ra, tôi lại long đong đi sưu tầm các sự kiện và nhân chứng có liên quan cho bài viết của mình. Dịp kỷ niệm 50 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-1996) vừa qua, chạy ngược, chạy xuôi, thật "hên" làm sao, khi đến Ban tuyên giáo Huyện ủy Kim Môn (Hải Dương), đồng chí Nguyễn Đức Diện "chuyên viên sử" đưa cho tôi mượn cuốn "Đường 5 anh dũng quật khởi" tập I do Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành. Chẳng khác nào được viên "ngọc ước", tôi đọc ngấu nghiến không sót một bài, một trang, một dòng nào. Cuốn sách nêu lên không chỉ có những sự kiện, những cuộc chiến đấu gay go, ác liệt, những cuộc chống càn oanh liệt mà còn cả gương mặt những chiến sĩ trực tiếp cầm súng giết giặc, những anh dân quân, những chị du kích và mọi người dân của hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương hờn căm quân giặc cướp nước đều nhất tề đứng dậy. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy hai tỉnh, sự chỉ huy tài tình của cán bộ quân sự các cấp, họ đã quật khởi đánh trả quân xâm lược một cách ngoan cường, dũng cảm, giành được thắng lợi vẻ vang. Tôi thật sự khâm phục các bậc đàn anh ở thế hệ trước. Họ là tấm gương cho chúng tôi lớp đàn em thuộc thế hệ đánh Mỹ noi theo. Với người cầm bút, tôi đã khai thác ờ đây ("Đường 5 anh dũng quật khỏi" tập I) và những tài liệu khác có liên quan đến lịch sử cuộc chiến đấu trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương... được nhiều điều cần phải viết và nên viết về họ đầy đủ hơn chi tiết hơn, sống động hơn, khắc họa cái riêng trong cai chung để lọc lấy những con người cụ thể với hành động và chiến tích cụ thể. Thế là tôi có "Vua mìn" cho đặc san "Sự kiện và nhân chứng" báo QĐND kịp thời cho số 35 ra tháng 11-1996. Tuy nhiên, với khuôn khổ một bài báo nên chỉ nói được những nét đại cương, những cái chung chung nhất mà thôi "Đường 5 anh dũng quật khởi" thật sự là pho sách quý trong tủ sách mỗi gia đình quê hương hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Lại nữa, lâu nay báo chí và cả sách nữa chỉ mới nói đến các cán bộ chỉ huy ngoài mặt trận lớn của quân chủ lực cơ động từ cấp quân khu, trung đoàn, sư đoàn của Bộ mà ít nói đến những cán bộ chỉ huy "phương diện quân" ở vùng địch hậu, thuộc cấp tỉnh, tức là quân địa phương. Do vậy, tôi đã sưu tập và lọc ra được một gương mặt mà tôi nghĩ là có thể đưa lên mặt sách, báo được. Đó là tỉnh đội trưởng Võ An Đông của Hưng Yên thời đánh Pháp, sau là Tư lệnh thành phố Hải Phòng không hề hư cấu hay cường điệu mà trên cơ sở có thực. Qua một vài tư liệu, tôi cố gắng nêu lên tuy chỉ mới là khái quát về người chỉ huy "phương diện quân" đã phải trải qua, phải trăn trở để tháo gỡ không biết bao nhiêu khó khăn, khắc phục những thiếu thốn về vật chất, mà lại chỉ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh mình, đánh giặc và giải phóng quê hương mình trong cái thế ban đầu tưởng như không thể nào vượt nổi. Vậy mà từ chỗ như chim trong lồng, ông đã cùng bộ đội Hưng Yên, dân quân du kích và toàn dân trong tỉnh kết hợp với E42, vật lộn với giặc, đảo ngược thế cờ, không những thoát khỏi lồng mà còn lùa giặc vào cái lồng của mình...


Tự hào về đất nước! Tự hào về truyền thống quê hương mình, tôi muốn góp đôi dòng để làm sống dậy những gì thuộc về quá khứ để thế hệ chúng tôi, thế hệ mai sau biết thêm, hiểu thêm về truyền thống ông cha, thế hệ đi trước và những sự kiện xảy ra cùng thời với họ. Vì thế tôi đã mạo muội viết 3 bài "Trận đánh của những ông thổ địa", "Tỉnh đội trưởng trong vùng địch hậu”, "Vua mìn - người reo rắc nỗi kinh hoàng cho giặc”.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2021, 08:16:04 pm »

TỈNH ĐỘI TRƯỞNG VÙNG ĐỊCH HẬU


LÊ HOÀI THAO


Cuối năm 1949, đầu năm 1950, tĩnh Hưng Yên chìm trong bóng đêm của giặc. Quân Pháp chiếm đóng và biến thành sân sau của chúng toàn bộ 9 huyện thị. Bọn phản động đầu hàng chạy ra ôm chân giặc. Những tên cường hào, ác bá thâm thù cách mạng ngo ngoe ngóc đâu dậy. Lũ tề ngụy xin súng Tây về trang bị, xây bốt, lập đồn, khống chế o ép nhân dân, bắt giết cán bộ và những người đân yêu nước có cảm tình với kháng chiến. Nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và huyện bị địch bắt đem thủ tiêu. Một số cán bộ kiên trì cách mạng phải bật đi nơi khác, thỉnh thoảng mới "vọt cần câu" về hoạt động chớp nhoáng rồi lại vội vã, khẩn trương đi ngay hoặc phải nằm hầm bí mật ngoài đồng, ngoài bãi hoang... Một số khác với lý do này nọ, hoặc sợ địch khủng bố nên nằm im, cầu an, thậm chí có kẻ đã đầu hàng giặc, khai báo với địch rồi làm tay sai cho chúng. Phong trào kháng chiến của Hưng Yên lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Không khí chính trị vùng địch hậu vô cùng ngột ngạt.


Hồ Quí Thoa, Tỉnh ủy viên phụ trách công tác quân sự trăn trở đứng ngồi không yên, ngày đêm vắt óc ra suy nghĩ đặng tìm ra kế sách đấu tranh chống lại thế mạnh tạm thời của địch, giữ vững và mở rộng địa bàn hoạt động, tiêu diệt và từng bước dẩy lùi quấn giặc. Biết rằng muốn tống chúng đi không có cách nào khác là phải đánh, đánh thật mạnh, đánh chúng ở khắp nơi, đánh cả ban ngày, đánh cả ban đêm, cả quân và dân cùng đánh. Nhưng đánh thế nào đây?

- Phục kích, gài mìn, quấy rối địch ư? Hình thức này may lắm chỉ diệt được bộ phận nhỏ sinh lực địch chứ không làm cho chúng co lại, không có tác dụng phát triển cơ sở.

- Chống càn quét ư? Càn và chống càn là quy luật tất yếu trong đấu tranh quân sự vùng địch hậu. Nhưng trong hoàn cảnh cả tỉnh đã nằm sâu trong vùng địch hậu thì khó có thể tránh đòn khủng bố, trả đũa tàn bạo của kẻ thù.

- Triệt phá tháp canh, hương đồn ư? Việc này là cần thiết nhưng đánh là phải chắc thắng, phải giữ và mở rộng được cơ sở cả về chính trị và quân sự, muốn vậy phải làm sao có thể công phá được lô cốt, làm sao có thể đánh chặn và diệt quân ứng viện của địch?


Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu mà mãi anh vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Cho đến sau chiến thắng Biên Giới Thu Đông năm 1950, được đi dự tổng kết chiến dịch vĩ đại này, từ đó anh đã tìm ra chìa khóa để mở tung những suy tư lâu nay. Cũng vừa may khi anh vê tới "nhà" thì cũng là lúc Tỉnh ủy mở hội nghị lịch sử đánh giá lại phong trào của tỉnh, chỉ ra phương hướng biện pháp đấu tranh nhằm củng cố, mở rộng cơ sở phù hợp với suy nghĩ của mình, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đối với công tác quân sự. Trước đây chỉ phân công một ủy viên phụ trách thì nay phân công ba người. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thơ làm chính trị viên. Đồng chí Phúc (Kiên) làm chính trị viên phó. Còn anh, từ chính trị viên chuyển sang làm tỉnh đội trưởng. Để giữ bí mật trong hoạt động, ngay sau việc phân công mới này, tháng 1 năm 1950, anh mang tên Võ An Đông để kỷ niệm quê gốc anh ở Hà Đông, hoạt động quân sự (võ) ở Hưng Yên (an).


Từ tinh thần của Nghị quyết Tỉnh ủy và những tri thức quan trọng về mặt quân sự tiếp thu được ở hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới, tỉnh đội trưởng Võ An Đông như được tiếp thêm sức mạnh. Anh hăng hái lao vào cuộc chiến đấu đang tiếp diễn ngày một gay cấn và ác liệt với quyết tâm và niềm tin mới.


Vốn xuất thân từ một sinh viên đại học, tham gia Cách mạng từ trước khi nổ ra cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau khi cướp chính quyền, anh làm Chủ tịch UBND cách mạng huyện Thanh Oai - Hà Đông. Năm 1946, anh sang làm Chủ tịch rồi Bí thư huyện ủy Yên Mỹ. Đến tháng 3 năm 1949, anh được cử vào Tỉnh ủy, phụ trách công tác quân sự. Đã kinh qua công tác phong trào ở cơ sở nên anh rất hiểu những khó khăn, thuận lợi, những đặc điểm làng quê Việt Nam. Do đó, trong công tác quân sự địa phương, anh đã vận dụng nó vào chiến thuật đánh địch rất có hiệu quả.


Trong thời kỳ này, địch vẫn chiếm ưu thế về mặt quân sự. Binh đoàn số 3 (GM3) đóng quân trên địa bàn tỉnh. Tại thị xã có phân khu (Sous secteur). Mỗi huyện có một đại đội (Quartier). Một số vị trí tề có một trung đội. Cuối cùng là hệ thống hương - tổng dũng. Tất cả tạo thành hệ thống chiếm đóng hoàn chỉnh. Bức tranh quân sự xám xịt này không khỏi làm cho vị chỉ huy quân sự tỉnh đội băn khoăn "làm thế nào để phá được thế bị kìm kẹp này".


Nghĩ đến toàn cục, sau chiến thắng Biên Giới, hình thái chiến tranh đã nghiêng về phía có lợi cho ta. Phần mình đã có nghị quyết Tỉnh ủy (12-1950) soi sáng, bộ đội tỉnh và huyện dần dần được bổ sung thêm vũ khí, trang bị cả về kiến thức quân sự và chiến thuật đánh địch, anh yên tâm, tin vào triển vọng tốt của cuộc chiến đấu mà anh chịu trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Bằng việc đánh giá đúng đối tượng tác chiến, khả năng và trình độ chiến đấu của bộ đội tỉnh và huyện, đề ra phương án chuẩn xác, anh đã chỉ huy các đơn vị được sự phối hợp của E42 thời kỳ đầu, bắt đầu từ 31 tháng 3 năm 1951 trở đi cho đến cuối tháng 12 năm ấy, trong 8 tháng liên tục, lần lượt nhổ hết bốt hương dũng này đến tháp canh hương đồn khác thuộc tất cả 7 huyện phía nam đường số 5, giải phóng hàng chục ngàn dân, mở thêm hàng chục khu du kích, phát triển nhiều cơ sở kháng chiến. Ta đã chuyển thế cờ từ bị địch bao vây, o ép sang thế chủ động tấn công, chia cắt, bao vây lại chúng, biến hậu phương của chúng thành tiền phương của ta. Càng đánh, càng thắng, càng trưởng thành, quân và dân Hưng Yên như có một sinh lực mới có thể hoạt động vững vàng ở bất cứ chỗ nào trên địa bàn tỉnh. Từ đánh thắng bọn hương dũng, diệt quân ứng viện, tiến tới đánh thắng cả quân cơ động chiến lược của địch (GM), phá tan nhiều cuộc hành quân càn quét qui mô lớn và vừa của chúng. Chẳng hạn như trận càn "Trái chanh" (Citron) ngày 25 tháng 9 năm 1951. Trận này, anh trực tiếp chỉ huy 4 đai đội (20 24, 27 và 30) cùng một đội đại độc lập tác chiến khác (C22 theo phương hướng chỉ đạo từ trước). Suốt một ngày quần nhau với giặc, ta kiên trì giữ vững từng tấc đất, ngoan cường đẩy lùi nhiều đợt xung phong của địch có phi pháo yểm trợ. Kết quả là địch bị thất bại thảm hại. Cả chết, bị thương và bị bắt làm tù binh 1.050 tên. Hoặc như trận càn của Secteur Gia Lâm với một trung đoàn hồi tháng 8 năm 1952 trận càn của Zone Hải Dương tháng 12 cùng năm, cả 3 trận chống càn, ta đã tiêu diệt hoàn toàn 3 đại đội, bắt sống 112 tên giặc.


Sự trưởng thành của bộ đội Hưng Yên là kết quả của quá trình sáng tạo, tư duy quân sự và nghệ thuật tổ chức, chỉ huy chiến đấu, tinh thần công kích đầy dũng cảm và khôn khéo mà người chỉ huy cao nhất có vai trò vô cùng quan trọng. Từ những trận chống càn giành được thắng lợi đáng ghi nhớ, tiến tới chủ động tấn công căn cứ hậu phương, tập kích các vị trí lớn của địch như đêm 10 tháng 5 năm 1953, diệt căn cứ hậu phương GM3 ở Bần Yên Phú, có 1 đại đội bộ binh phòng thủ, cùng với đội quân hậu cần của chúng, tổng cộng tới 300 tên. Trước khi đánh trận này, Tỉnh đội trưởng Võ An Đông đã dẫn đầu một tổ trinh sát vào điều tra sự bố phòng của địch. Ta đã tiêu diệt gọn hoàn toàn vị trí này, thu toàn bộ quân trang quân dụng, bắt sống nhiều tù binh. Thắng lợi quan trọng này có ý nghĩa lớn. Nó trở thành mô hình cho các trận đánh tiếp theo. Đêm 19-6-1953 anh đã trực tiếp chỉ huy đại đội 25 của tỉnh do Phạm Du làm đại đội trưởng tập kích vị trí bảo an quân hành chính Khoái Châu. Kế tiếp với lối đánh đặc sắc thường gọi là chiến thuật "sờ" là những trận đánh vang dội như Vân Trì, Thiết Trụ, Dị Sử, v.v...


Bộ đội Hưng Yên còn đánh hàng chục trận, như thế dưới sự chỉ huy hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của Tỉnh đội trưởng Võ An Đông, giành được thắng lợi trọn vẹn cho đến ngày chiến tranh kết thúc tháng 7-1954. Hiểu rõ công lao anh, tháng 2-1952 Bí thư Liên Khu ủy 3 Lê Thanh Nghị đã gửi thư khen ngợi đích danh anh và ngay trong khói lửa chiến tranh năm 1953, Bộ Quốc phòng đã tặng anh Huân chương Chiến công hạng nhất. Có một bài thơ ca ngợi anh thế này:
   Ngày vui, thơ viết tặng anh
   Hưng Yên thuở ấy, lừng danh người tài
   Chỉ huy đánh giặc tuyệt vời
   Làm cho giặc Pháp rụng rời hãi kinh
   Chiến lược, chiến thuật tài tỉnh...


Sau hiệp định Geneve, đất nước chuyển giai đoạn, tỉnh đội trưởng Võ An Đông cũng chuyển vị trí công tác. Tại Ủy ban liên hợp đình chiến Bắc Bộ anh tham gia, chuẩn bị bản hiệp định sẽ ký kết và tiếp quản khu 300 ngày mà trọng tâm là thành phố Hải Phòng, anh được cử làm Thành đội trưởng Hải Phòng, chỉ huy đoàn quân tiền vệ, vào trước thành phố trực tiếp giao dịch với Pháp để tiếp nhận các cơ sở quân sự và các công trình lợí ích khác.


Tháng 8-1972, anh được chỉ định làm Tư lệnh thành phố Hải Phòng. Khi giặc Mỹ cho máy bay đánh phá thành phố, anh đã trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh trả chúng quyết liệt suốt 12 ngày đêm liên.


Khi non sông liền một dải, anh cùng tập thể có sáng kiến thành lập câu lạc bộ "Trung dũng - quyết thắng" tập hợp các sĩ quan về nghỉ hưu tại Hải Phòng, mà lúc đó trong cả nước chưa nơi nào tiến hành. Anh còn để nhiều tâm trí vào xây dựng nếp sống quân sự trong các nhà trường phổ thông và đại học. Đặc biệt là xây dựng một số công trình kết hợp với kinh tế và quốc phòng. Nổi bật nhất là công trình lấn biển đường 14 (Hải Phòng đi Đồ Sơn) và đường xuyên đảo...


Năm 1986, anh nghỉ hưu giữa lúc anh vừa tròn 64 tuổi. Tiếng là thế nhưng anh vẫn bận rộn với công việc đời thường, tham gia Hội khoa học lịch sử thành phố, các câu lạc bộ, Ban liên lạc đồng đội Hải Dương - Hưng Yên, Ban liên lạc vũ trang Hải Phòng, Trung đoàn 42 và viết hồi ký - công việc đầy hứng thú của những người có tâm huyết.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2021, 08:17:04 pm »

GẶP VUA MÌN


LÊ HOÀI THAO


... "Vua mìn" là ông Nguyễn Huy Trường. Ông sinh ngày 15 tháng 4 năm 1932 tại làng Bất Nạo, xã Đại Đồng xưa, nay là thôn Bất Nạo, xã Kim Anh, huyện Kim Thành. Ông nhập ngũ ngày 30 tháng 10 năm 1949 khi chưa đầy 18 tuổi. Lúc đầu, ống làm lính văn phòng, rồi làm liên lạc. Nhưng vốn tính hiếu động, không thích ngồi bàn giấy, ông nằng nặc xin xuống đơn vị, trực tiếp cầm súng giết giặc. Cấp trên đồng ý. Ông được biên chế vào tiểu đội đánh mìn, thuộc trung đội 1, bộ đội Kim Thành.


Ngày 2-3-1951, ông tham gia đánh trận đầu tiên trên đoạn đường sắt (trục quốc lộ 5A) thuộc địa phận Kim Thành, cách Hải Phòng về phía đông chừng 21 km. Lực lượng của ta vẻn vẹn chỉ có 2 người: Nguyễn Văn Quyền, tiểu đội trưởng chỉ huy và ông chịu trách nhiệm dí điện cho mìn nổ. Hôm ấy, đoàn tàu hỏa của địch từ phía Hải Phòng lên chở đầy bom đạn, đã bị lật nhào.


Tám tháng sau, trong trận đánh ngày 29-12-1951 tại đoạn đường sắt Lương Xá - Phú Thái, ông được phân công đặt "cạm điện", đấu dây và ngòi điện vào quả mìn 50 kg. Đây là cung đoạn quan trọng nhất và cũng nguy hiểm nhất, nếu sơ suất dù rất nhỏ cũng cầm chắc cái chết. Hôm ấy, vào khoảng 8 giờ sáng, một đoàn tàu địch vận chuyển vũ khí, lương thực rời ga Hảỉ Phòng, xăm xăm lao về phía trước. Một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả không gian, đất đá bay mù trời, khói tàu, khói mìn quyện vào nhau, phủ kín đầu máy và 18 toa tàu đổ ngả nghiêng (có 8 toa lăn xuống ruộng). Địch phải mất 6 ngày mới giải quyết xong hậu quả.


Cuối năm 1952, đúng ngày 22-12, tỉnh thành lập đội "Giao thông chiến". Ông được điều về làm đội phó cùng với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ có nhiều kinh nghiệm đánh mìn thuộc bộ đội Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kim Thành... Từ đó, ông cùng đơn vị đánh địch trên mọi nẻo đường thuộc địa bàn tỉnh bằng thứ vũ khí chủ yếu là mìn, cắt đứt giao thông, chống càn... gây cho địch nhiều thiệt hại về phương tiện chiến tranh, sinh lực, phá vỡ nhiều ý đồ chiến thuật của chúng. Nhiều trận đánh thắng lợi được ghi chép lại trên sách, báo và trên các trang sử của địa phương như trận phục kích xe tăng địch trên đường số 9 sáng 21-5-1953, trận đánh phá cầu Bía (trên đường 17 thuộc địa phận Ninh Giang) ngày 14-6-1953... Kỳ tích của ông rất đáng nể trọng. Trong suốt quãng đời chiến đấu của mình, ông đã chỉ huy đơn vị đánh gàn 200 trận (riêng ông trực tiếp đánh 70 trận), phá hủy 145 xe quân sự, 20 xe tăng và xe bọc thép, 1 xe cần cẩu hạng nặng, lật đổ 17 đâu máy và 85 toa xe lửa chở vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực của địch và tiêu diệt hàng nghìn tên xâm lược. Ngay từ lúc mới 3 tuổi quân, 20 tuổi đời, ông đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu "Chiến sĩ toàn quốc" trong phong trào thi đua ái quốc năm 1951 - 1952 với thành tích "đã nghiên cứu được cách đánh mìn tự động 100%, phá 3 đầu tàu và 25 toa xe địch".


Nguyễn Huy Trường không những là một chiến sĩ dũng cảm, người chỉ huy tài ba mà còn là "Cây sáng kiến" có hạng. Trên cơ sở nghiên cứu cách đánh "mìn giật dây", "mìn điện có người điều khiển" để phát triển thành "mìn điện tự động", "bán tự động" hay còn gọi là "mìn tự động theo ý muốn", đặc biệt là "món" MÌN SỜ do ông tự thiết kế và chế tạo từ đạn cối 81 hoặc đạn pháo 105mm của địch bị điếc, trở thành nỗi kinh hoàng, luôn luôn ám ảnh những tên lính đi làm nhiệm vụ dò mìn, hoặc đi càn mà phải qua những nơi nghi ngờ có mìn của ta. Cái thứ "mìn sờ" này hễ chạm tay vào đất, định bới lấy lên là nó nổ liên. Và, nó đã nổ liên tiếp trên đường số 5, đường số 9, đường 17, đường 20. Mình ông đã trực tiếp đánh 7 quả, diệt 32 tên địch. Ông còn sáng tạo nhiều cách đánh với những kỹ thuật, chiến thuật khác nhau như "cạm điện của mìn tự động", "mìn ngỗng có cột chống", "hố không mìn"... làm cho quân địch kinh hồn, bạt vía. Ông nhớ mãi trận đánh chặn quân cứu viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ ở đoạn đường sắt Cao Xá - Đồng Niên trên trục đường số 5, cách thành phố Hải Dương khoảng 3km. Trận này, ông đã chỉ huy đơn vị dùng chiến thuật "ta và địch cùng đánh... địch", chỉ với 2 quả min, đã lật đổ 2 đoàn tàu quân sự của chúng vào 9 giờ sáng ngày 3-5-1954 và 4 giờ chiều cùng ngày. Kết quả là 1 đầu tàu vỡ toác, 5 toa xe bị đổ, 120 tên địch chết và bị thương.

   Ai về Cao Xá - Đồng Niên
   Mà xem mưu mẹo đánh mìn của ta
   Chôn mìn, hố để hở ra
   Lính dò mìn đến giúp ta, lắp vào
   Tàu qua, mìn nổ, lật nhào
   Hỏi rằng tài trí ai nào hơn ai?


Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Do chiến trận liên miên nên sức khỏe có nhiêu giảm sút, không thể ở quân đội lâu dài, ngày 31-7-1958, ông chuyển ngành sang làm việc ở Bộ Giao thông vận tải - ngành đường biển. Đến ngày 1-7-1989, ông về nghỉ hưu tại phường Quán Trữ, thành phố Hải Phòng. Người CCB già ấy vẫn tiếp tục công tác xã hội tại địa phương, từ Đảng ủy phường, Hội đồng nhân dân, bí thư chi bộ cụm, rồi phó chủ tịch MTTQ. Bây giờ, ông lại đảm nhận chức Chủ tịch Hội người cao tuổi phường. Việc nào ông cũng hoàn tất một cách trọn vẹn với hiêu quả cao nên thành phố đã tặng ông nhiều bằng khen.


Ông là chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952 và được tặng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Nhưng hiện thời, ông vẫn là Nguyễn Huy Trường như xưa, không đòi hỏi, kể công mà vẫn vui vẻ, sống chan hòa cùng bà con phường khóm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và thích làm việc thiện. Ông còn có một niềm say mê nữa là viết sách. Mấy năm qua, ông đã lặn lội, đi ngược thời gian, tìm gặp các nhân chứng, đến các địa điểm xưa đã từng xảy ra những cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hải Dương chống lại đội quân viễn chinh của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh nhà, ghi chép, dựng lại các sự kiện, cùng với một số bạn bè tâm huyết tập hợp lại, viết thành sách. Hội khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng và Hội đồng ngũ Hải Dương - Hưng Yên tại Hải Phòng đã cho in và phát hành 3 tập, mỗi tập dày trung bình 200 trang với tên gọi "Đường 5 anh dũng quật khời”. Tập 4 đang được soạn thảo. Đó là niềm vui và cũng là nguồn an ủi, động viên ông. Nhất là ông lại có một gia đình mẫu mực mà thành phố Hải Phòng đã công nhận.


(Đăng báo Hải Dương
số 197 (3977) tháng 4-1998)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2021, 08:18:39 pm »

CỘNG HOÀ XẢ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hải Phòng, ngày 15 tháng 7 năm 1998

THƯ GỬI BAN BIÊN TẬP SÁCH
“ ĐƯỜNG 5 - ANH DŨNG - QUẬT KHỞI “


Cuốn sách “Đường 5 - Anh dũng - Quật khởi” rất bổ ích cho những người đã từng biết về Đường 5 và đặc biệt cho con cháu mai sau. Nó có giá trị khoa học, có nhiều sự kiện mang tính sử liệu cao lại được trình bày súc tích, cảm động.

Ban Biên tập bỏ ra sức lao động nhiều nhưng tài chính lại eo hẹp mà xuất bản được 4 tập, đó là sự cố gắng lớn rất đáng trân trọng.

Để góp phần công sức cho xuất bản những tập tiếp theo, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hiện nay và mai sau, tôi xin gửi tặng một số tiền là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) vào quỹ xuất bản, rất mong được chấp nhận vì đây là món quà chân thành của tôi.

Xin gửi tới Ban Biên tập lời chào kính trọng!


NGUYỄN GIA THẢO
Tổng Giám đốc Công ty Da giầy Hải phòng



Hải Phòng ngày 10 tháng 5 năm 1998

Kính gửi: BAN BIÊN TẬP "ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG QUẬT KHỞI"


Nhân dịp chúng cháu được đọc 2 tập "Đường 5 anh dũng quật khởi", chúng cháu rất cảm động và vô cùng kính phục các cụ. Trong lúc đất nước có muôn vàn khó khăn mà các cụ vẫn vui vẻ, hăng hái đánh giặc bằng mọi cách làm cho kẻ địch dù mạnh như đế quốc Pháp, Mỹ cũng phải khiếp vía, kinh hồn. Và cũng nhờ có các cụ đã chiến đấu anh dũng kiên cường như vậy nên ngày nay chúng cháu mới được thừa hưởng hòa bình, hạnh phúc.

Cũng nhân dịp này, chúng cháu gọi là có chút ít đóng góp với Ban biên tập 100.000đ. Kính chúc Ban biên tập và toàn thể các cụ là tác giả luôn có sức khỏe dồi dào, cuộc sống hạnh phúc và viết thêm nhiều hơn nữa.

ĐÀO THÚY HÀ
(62 phố Quang Trung HP)


LỜI CẢM ƠN


Chúng tôi trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các quý vị dưới đây đã hết lòng giúp đỡ, khuyến khích, tài trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái bản tập sách này. Đó là: Quân khu 3, Tỉnh ủy Hưng Yên, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, Bưu điện Hải Phòng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng, Công ty xăng dầu khu vực 3, Nhà xuất bản Hải Phòng, Công ty vận tải biển (VOSCO), Công ty than Đông Bắc và các quý vị: Thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Văn Kha ủng hộ bằng tiên nhuận bút của mình; ông Nguyên Gia Thảo, Tổng giám đốc Công ty Da giày Hải Phòng, chị Đào Thúy Hà có tiền tài trợ và thư cổ vũ kèm theo.


HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ HẢI PHÒNG
BAN LIÊN LẠC ĐỒNG ĐỘI TỈNH ĐỘI
HẢI DƯƠNG - HƯNG YÊN TẠI HẢI PHÒNG
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM