Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:59:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiêu diệt cứ điểm Him Lam  (Đọc 1883 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 19 Tháng Năm, 2021, 08:22:11 pm »

Tên sách: Tiêu diệt cứ điểm Him Lam
Tác giả: Mai Trọng Thường - Khắc Tính
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1966
Số hoá: ptlinh, quansuvn



Ngày 13 tháng 3 năm 1954, đại đoàn Bến-tre đã tiêu diệt gọn trung tâm đề kháng Him-lam, mở màn cho chiến dịch Điện-biên-phủ đại thắng lợi.


Nếu quân địch đã xây dựng Điện-biên-phủ thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" phải "bảo vệ bằng bất cứ giá nào" và nếu tập đoàn cứ điểm Điện-biên-phủ là cái "bẫy được chăng ra để dử" quân ta thì trung tâm đề kháng Him-lam là tấm cửa thép, là nơi chúng "chờ đón" quân ta đánh vào và sẽ cho chúng ta "biết tay".


Thực tế đã diễn biến không như ý muốn của chúng... Mặc dầu Him-lam là một trong những trung tâm đề kháng mạnh nhất của địch ở Điện-biên-phủ, nhưng chỉ trong không đầy 6 giờ tấn công, bộ đội ta đã cắm cờ Quyết chiến quyết thắng lên sở chỉ huy địch ở Him-lam.


Chúng ta hãy theo dõi chiến công tuyệt vời đó.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2021, 08:24:26 pm »

CỤM CƯ ĐIỂM HIM-LAM TRONG CON NHÍM ĐIỆN-BIÊN-PHỦ

Tháng 11 năm 1953, trước sức mạnh vũ bão của đạo quân giải phóng Lai-châu của ta, tướng tỏng chỉ huy quân đội viễn chinh Phảp lúc bấy giờ là Na-va đã phải ném vội xuống Điện-biên-phủ 6 tiểu đoàn rồi sau lên 12 tiểu đoàn để thiết lập một tập đoàn cứ điểm nằm gọn giữa núi rừng mênh mông. Đây là một kiểu phòng ngự mạnh nhất của địch từ trước tới nay trên chiến trường Đông-dương. Nhiều nhà bình luận quân sự phương Tây đã nói: Ngay trong đại chiến thứ hai, ở châu Âu, người ta cũng chưa hề thấy một trung tâm đề kháng nào mạnh đến thế. Thật ra, kiểu phòng ngự này của địch ra đời từ chiến dịch Hòa-bình1 (Năm 1952, Đờ-lát (Delattre de Tassigny), tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông-dương đã cho quân ra chiếm đóng thị xã Hòa-bình và tiến hành phòng ngự theo lối "con nhím" ở đây, nhưng đã bị quân, dân ta đánh cho đại bại, phải tháo chạy nhục nhã), rồi Nà-sản, nay được hoàn chỉnh thêm và còn được gọi là chiến thuật, "con nhím". Mỗi một cứ điểm là một lông nhím, bao nhiêu lông nhím là bấy nhiêu cứ điểm, họp lại thành tập đoàn cứ điểm.


Sau gần 4 tháng, quân địch đã ra sức củng cố, kiện toàn tập đoàn cứ điểm Điện-biên-phủ thành 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu: Bắc, Trung tâm và Nam. Mỗi phân khu chia thành nhiều cụm. Mỗi cụm có một số cứ điểm đóng dựa vào nhau hình thành từng khu trung tâm đề kháng. Hỏa lực của tập đoàn cứ điểm bao gồm 24 khẩu pháo 105, 4 khẩu pháo 155, 20 khẩu cối 120 bố trí thành 2 căn cứ ở phân khu Trung tâm (Mường-thanh) và phân khu Nam (Hồng-cúm), có thể chi viện cho nhau và cho bất cứ cứ điểm nào mỗi khi bị quân ta tấn công.


Ngoài ra, tại sân baỵ Mường-thanh còn có 1 phi đội máy bay thường trực 14 chiếc gồm 7 khu trục, 7 chiếc khác vừa máy bay trinh sát, vừa máy bay lên thẳng. Cuối tháng 12 năm 1953, phát hiện quân ta đã bao vây chặt tập đoàn cứ điểm và thấy địa hình thuận tiện, địch đã thả dù xuống Điện-biên 1 đại đội xe tăng 10 chiếc M24 (18 tấn). Rồi liên tiếp từ đó, hàng ngày hơn 200 chuyến máy bay lên lên, xuống xuống sân bay Mường-thanh, chở đến cho cái đội quân tinh nhuệ của chúng ở đây, đội quân mà chúng còn gọi là "đơn vị mũi mác", đủ các thứ súng và phương tiện chiến tranh hiện đại: súng phun lửa, súng có kính hồng ngoại ngắm đêm, mìn na-pan, mìn điện, áo giáp, v.v. 3000 tấn dây thép gai cũng đã được quẳng xuống đây trong thời kỳ này để tạo thành những khóm rừng rậm rịt: rừng dày thép gai thay thế cho rừng cây xanh đã bị địch phát trụi.


Ngay cả các bản mường trong lòng chảo Điện-biên cũng bị địch triệt hạ. Dân chúng bị tập trung sống chui rúc trong các bản Long-nhai, Cò-mỵ... nhường chỗ cho con nhím ngày càng lớn mạnh như thổi.


Với binh lực, hỏa lực mạnh mẽ như thế, với tất cả các phương tiện phòng ngự hiện đại, với những chiến hào, những ụ súng, những điểm tựa vòng tròn, các công sự phụ và dây thép gai dày đặc, làm gì mà tướng Na-va không nhiều phen xoa tay đắc chỉ. Y coi đó lá một "Véc-đoong" châu Á, là "thành lũy bất khả xâm phạm" được "bảo vệ bằng bất cứ giá nào". Tướng Cô-nhi chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc-bộ đã tuyên bố nhiều lần sẽ cho bộ đội ta "ăn bụi", sẵn sàng chờ quân ta "diện đối diện", v.v. Viên đại tá Đờ Cát (sau này được thăng thiếu tướng) chỉ huy tập đoàn cứ điểm đã từng vênh váo, với chiếc mũ đỏ đội lệch trên đầu, trả lời một nhà báo:

"Họ từ trên cao nhìn thấy chúng tôi ư! Tôi sẽ đội chiếc mũ đỏ1 (Mũ của đội quân kỵ binh Pháp) này để cho họ nhìn rõ tôi hơn. Chúng tôi sẽ cho họ biết tay. Chúng tôi sẽ nghiền nát họ" (!).

Pi-rốt, phó chỉ huy của Đờ Cát kiêm chỉ huy trưởng pháo binh tập đoàn cứ điểm đã có lần vung vẩy chiếc tay cụt, trả lời cấp trên:

"Cho tôi biết đối phương tấn công trước nửa giờ, tôi sẽ tiêu diệt hai phần ba lực lượng của họ trước khi họ xung phong. Tôi sẽ khóa mõm pháo binh của họ lại ngay lập tức" (!).

Và tiếp đó, các tướng tá Pháp - Mỹ, các bộ trưởng, thứ trưởng đã đi thăm quân đội đồn trú Điện-biên-phủ về đều tuyên bố: "mạnh", "rất mạnh", ngay trong đại chiến thứ hai cũng không sánh kịp (!). Tướng Mỹ Ô Đa-ni-en tỏ ý "rất hài lòng", còn Đờ Sơ-vi-nhê (De Chevigné) thứ trưởng bộ chiến tranh Pháp thì đã thốt lên:

- Ghê thật!

Cụm cứ điểm Him-lam là một trung tâm đề kháng kiên cố vào bậc nhất của "pháo đài bất khả xâm phạm" Điện-biên-phủ.

Nằm trên đường 41, cạnh một bản nhỏ, Him-lam là một trung tâm đề kháng đột xuất ở phía đông bắc tập đoàn cứ điểm, cách vị trí đồi Đ (thuộc phân khu trung tâm) 2 ki-lô-mét, cách cứ điểm đồi Độc-lập 4 ki-lô-mét. Him-lam cùng với đồi Độc-lập, Bản-kéo hình thành một tuyến cứ điểm vành ngoài, che chở cho tập đoàn cứ điểm ở cả ba phía: bắc, đông bắc và tây bắc, ngăn chặn quân ta từ ba phía ấy tiến vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Riêng Him-lam giữ nhiệm vụ chủ yếu ngăn chặn chủ lực ta từ phía Tuần-giáo tiến vào theo đường 41 (Tuần-giáo - Điện-biên), đồng thời là một đài quan sát phát hiện cho pháo binh ở Mường-thanh kết hợp với máy bay đánh phá công tác chuẩn bị mở chiến dịch của ta từ xa.


Binh lực đóng ở đây là tiểu đoàn dù lê-dương thứ 3 thuộc bán lữ đoàn lê-dương thứ 13, là một đơn vị, theo lịch sử xâm lược quân đội viễn chinh Pháp, đã được xây dựng gần 100 năm nay. Tiểu đoàn này gồm 4 đại đội tinh nhuệ, rất thạo về môn phòng ngự.


Trung tâm đề kháng Him-lam được bố trí thành 3 cứ điểm nằm trên 5 quả đồi cao từ 45 đến 50 mét so với mặt đất. Mỏm nọ cách mỏm kia từ 200 đến 300 mét, hình thành một thế tam giác dựa lưng vào nhau, có thể chống đỡ với ta cả bốn mặt.


Cứ điểm 1 là điểm tựa chủ yếu của tiểu đoàn nằm ở phía tây bắc có đại đội 10, đại đội 12 và sở chỉ huy tiểu đoàn. Đại đội 10 là lực lượng dự bị cơ động của toàn bộ vị trí. Cứ điểm 2 nằm về phía bắc có đại đội 9, còn cứ điểm 3 nằm về phía đông do đại đội 11 chiếm đóng.


Chung quanh cụm cứ điểm, địch bố trí công sự phụ rất dày đặc. Những bãi mìn đủ loại, mìn nhựa, mìn nhảy, mìn na-pan, mìn sáng, mìn điện nằm xen giữa những lớp rào dây thép gai dày tới 50 - 60 mét, có chỗ rộng tới 100 - 200 mét. Trên suốt bãi rào dây thép gai, địch dựng lên đủ các kiểu: mái nhà, cũi lợn, giàn mướp, lò-xo, v.v. Ngay trong từng cứ điểm, giữa những vị trí của các trung đội cũng có hàng rào ngăn cách. Nhưng nếu những hàng rào này có lợi cho địch thì cũng có lợi cho ta vì một khi quân ta đã đột nhập cứ điểm, đánh chiếm được một khu thì quân địch không có đường phản xung phong...


Trong từng cứ điểm, có nhiều tầng chiến hào nối liền với các lô-cốt, với các ụ súng hình thành những điểm tựa vòng tròn. Hỏa lực của cứ điểm khá mạnh. Ngoài trung liên, đại liên, còn có trọng liên, pháo không giật, súng phun lửa, ba-dô-ca, súng cối và súng bắn thẳng có kính ngắm ban đêm1 (Mỗi đại đội địch trung bình có 10 trung liên, 6 đại liên, 1 trọng liên, 1 ĐKZ 57 mi-li-mét, 1 súng phun lửa, 2 ba-dô-ca 60 mi-li-mét, 5 súng trường có kính ngắm ban đêm, 4 cối 81 mi-li-mét, v.v). Chúng bố trí hỏa lực thành nhiều tầng. Trung liên đặt ở vòng ngoài kiểm soát sát mặt đất. Đại liên và trọng liên ở trên cao kiểm soát xa. Súng cối, súng không giật ở trong cùng, đặt gần sở chỉ huy. Súng phun lửa ở những hướng chúng đoán quân ta sẽ đột phá vào. Địch còn bố trí những ụ vệ tinh ở ngoài hàng rào dày thép gai tạo thành những hỏa điểm bí mật, bắn lướt sườn để sát thương quân ta khi xung phong vào trận địa.


Cụm cứ điểm Him-lam còn được 2 tiểu đoàn pháo cỡ 105, 155 và 1 tiểu đoàn cối 120, từ 5 đến 10 máy bay của không quân tập đoàn cứ điểm chi viện. Nếu bị ta đánh ban ngày, số lượng máy bay chi viện từ Hà-nội lên còn tăng nhiều. Tất cả những hướng bị uy hiếp, tất cả các địa hình chúng đoán quân ta sẽ bố trí hoặc buộc phải tiến qua lúc tấn công đều đã được pháo binh củạ tập đoàn cứ điểm bắn thử trước. Bộ binh chúng cũng đã diễn tập phòng ngự nhiều lần. Trong các lần tập có từ 1 đến 2 tiểu đoàn với 5, 6 xe tăng, dưới sự yểm hộ của máy bay từ Mường-thanh phản kích đánh ra Him-lam.


Với tổ chức phòng ngự như vậy, lại vốn ỷ vào trang bị, vũ khí, làm gì mà chúng không lớn tiếng tuyên bố rằng Him-lam là một pháo đài rất mạnh, một "tấm cửa thép" của "tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm" Điện-biên-phủ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:10:08 pm »

QUYẾT TÂM MỞ CỬA TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM, TIẾN VÀO SÀO HUYỆT ĐỊCH TRONG MƯỜNG - THANH

Đã 4 tháng qua, kể từ khi bắt đầu chiến cục Đông Xuân đến nay, chúng ta đã điều động được quân địch, buộc tướng Na-va phải làm ngược lại những ý định của y lúc bước vào chiến cục1 (Xem Điện-biên-phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà-nội, 1964). Y định tập trung binh lực thật mạnh ở đồng bằng  và tiến hành bình định miền Nam, nhưng chúng ta đã buộc y phải phân tán binh lực đi khắp nơi và cứ mỗi lần thấy quân ta và bộ đội Pa- thét Lào xuất hiện thì y lại vội vã co lại tạo thành những "con nhím" để chống đỡ như ở Trung Lào, Plây-cu, Hạ Lào, Thượng Lào... Cuối tháng 12 năm 1953, tướng Na-va chủ quan nhận định "ngọn trào tấn công của Việt Minh đã đến lúc xuống" và ra lệnh chuẩn bị phản công lại ta trên khắp các chiến trường. Y không ngờ chính lúc đó, quân ta chuẩn bị ráo riết tấn công tập đoàn cứ điểm Điện-biên-phủ. Và ngày 12 tháng 3, y cho quân đổ bộ xuống bờ biển Quy-nhơn, thực hiện bước 2 của chiến dịch đánh chiếm Liên khu 5, thì ngày 13 tháng 3, quân ta nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện-biên-phủ.


Thực hiện quyết tâm tiêu diệt "Trần Đình"2 (Bí danh của ta đặt cho Điện-biên-phủ) của Đảng để bảo đảm "chắc thắng", bộ đội ta đã chuyển từ phương châm "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang phương châm "đánh chắc tiến chắc", đénh tiêu diệt các vị trí vành ngoài, sau đó đánh vào tung thâm của địch, đánh chiếm đến đâu củng cố trận địa đến đó. Lối đánh này còn được gọi là đánh "bóc vỏ". Chúng ta biết lần vỏ ngoài rất rắn, nhưng chúng ta có thời gian chuẩn bị, có kinh nghiệm công kiên, nhất là đã được học tập và thử thách trong công kiên tập đoàn cứ điểm Nà-sản năm xưa. Chúng ta biết rất rõ những chỗ mạnh của địch, đồng thời chúng ta cũng phát hiện được những chỗ yếu của "con nhím" khổng lồ này. Chỗ mạnh của chúng là phi pháo, chúng ta sẽ tìm cách hạn chế uy lực của pháo binh và máy bay địch bắng cách đào trận địa vào tận hàng rào địch. Chúng ta đang sửa soạn mọi điều kiện tất thắng như làm đường cơ động pháo, xây dựng trận địa vững chắc, v.v. Giữa núi rừng trùng điệp, ngày đêm hàng vạn bộ đội và dân công không từ một khó khăn gian khổ nào để xây dựng trên 60 ki-lô-mét đường mới cho cơ giới đi lại được. Những khẩu pháo của chúng ta đã theo chính những con đường đỏ đến ẩn náu trong những khu rừng già bao quanh Điện-biên-phủ. Thời gian này, Na-va, Đờ Cát đã đánh hơi thấy lựu pháo và pháo cao xạ của ta. Chúng cho máy bay trinh sát đi lùng soát ráo riết xung quanh Điện-biên-phủ, nhưng bọn phi công có đủ các phương tiện trinh sát tối tân cũng chỉ thấy núi rừng mênh mông, huyền bí, lúc nào cũng quyện hơi sương. Các khẩu pháo chiến lợi phẩm, vốn quý của quốc gia, vẫn nằm chờ đợi trong những hầm kiên cố đục sâu vào lòng núi.


Hàng trăm ki-lô-mét hào giao thông của các trung đoàn, đại đoàn đang nối với nhau, bắt vào các hầm chỉ huy, các ụ súng tạo thành một hệ thống trận địa lợi hại bảo vệ cho bộ đội ta vận động an toàn dưới hỏa lực địch, giúp cho quân ta tiến có thể công, dừng có thể giữ, v.v. 


Thời gian lặng lẽ trôi qua, nhưng hàng vạn bộ đội, dân công làm việc khẩn trương suốt ngày đêm. Mỗi nhát xẻng, nhát cuốc là một đòn đánh vào đầu địch, một mét chiến hào đào thêm là một bước mau đi đến thắng lợi. Đến đầu tháng 3 năm 1954, công tác chuẩn bị chiến dịch căn bản đã hoàn thành. Đã đến lúc chiến dịch sắp chính thức mở màn. Chim tu hú đã bắt đầu vỗ cánh bay ra khỏi tổ để gọi hè về, báo hiệu mùa mưa sắp đến. Đó cũng là lúc Bộ chỉ huy Mặt trận Điện-biên-phủ triệu tập cán bộ lên thảo luận kế hoạch tấn công Điện-biên-phủ. Vấn đề đặt ra trong màn đầu của chiến dịch là phải đạp bằng những "tấm cửa thép" án ngữ đường của quân ta tiến vào Mường-thanh. Chừng nào mà bộ đội ta chưa xuống được cánh đồng thì "con nhím khổng lồ" này của Na-va với những chiếc lông nhọn hoắt vẫn có thể sống giữa núi rừng Tây-bắc. Dầu có phải đụng tới những cứ điểm vành ngoài mạnh như kiểu Him-lam, chúng ta cũng kiên quyết tiêu diệt cho kỳ được.


Vì thế, trong đợt tấn công thứ nhất vào Điện-biên-phủ, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định nhổ những trung tâm đề kháng Him-lam, Độc-lập và Bản-kéo án ngữ hai con đường từ Sơn-la và Lai-châu tiến vào Điện-biên-phủ. Tiêu diệt được những cứ điểm trên, quân ta mới có đường tiến vào Mường-thanh, mới triển khai được đại bộ phận lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới vào sát địch để bóp nghẹt và tiến tới "làm thịt" hoàn toàn con nhím Điện-biên-phủ.


Trận đầu nếu chiến thắng vẻ vang sẽ làm cho nhân dân và quân đội ta phấn khởi, càng tin tưởng sắt đá vào phương châm mới.

Trận đánh mở màn chính là trận công kiên lớn tiêu diệt trung tâm đề kháng Him-lam. Mục đích của trận đánh, ngoài những điểm đã nói trên, còn nhằm rút kinh nghiệm nhiều mặt, nhất là kinh nghiệm lần đầu bộ binh, pháo binh hiệp đồng tác chiến trên quy mô tương đối lớn. Những điều này được Bộ chỉ huy Mặt trận nhấn mạnh.


Đơn vị được giao nhiệm vụ trận đầu này "phải chuẩn bị chu đáo, tiêu diệt gọn, nhanh... bảo đảm mở xong cửa mở lúc trời còn sáng, đánh tung thâm ban đêm và kết thúc trận đánh trước 24 giờ"1 (Trích mệnh lệnh tác chiến của Bộ chỉ huy Mặt trận gửi đại đoàn Bến-tre).


Đại đoàn Bến-tre được nhận nhiệm vụ nặng nề đó.

Họp ở Bộ về, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn hội ý ngay với chính ủy Trần Độ, chuẩn bị hội nghị Đảng ủy đại đoàn để quán triệt nhiệm vụ, thông qua kế hoạch tác chiến.


Các đồng chí đều cùng một ý nghĩ: Đây thật là vinh dự cho đại đoàn. Toàn Đảng, toàn dân đang ra sức chi viện cho Điện-biên-phủ và đang mong đợi chiến thắng đầu tiên giòn giã, mở màn cho chiến dịch lịch sử.


Hai đồng chí biết chắc rằng cán bộ và chiến sĩ sẽ hoan hô vang động núi rừng khi được biết nhiệm vụ của họ là mở màn chiến dịch. Thật là thỏa nỗi ước mong. Đã bao ngày gian khổ chuẩn bị mà chưa được nổ súng vào đầu giặc, căm thù đế quốc, căm thù địa chủ còn chồng chất lại đây. Anh em đã làm mọi việc để bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi: kéo pháo vào, kéo pháo ra rất anh dũng, rất gian khổ; đem thân mình ra để bảo vệ pháo. Rồi thấm nhuần phương châm mới, anh em lại lao vào những ngày đêm căng thẳng làm đường, xây đựng trận địa vững chắc, đàọ chiến hào, v.v. Vừa làm anh em vừa bảo nhau:

- Đánh chắc tiến chắc, chứ không phải đánh chậm tiến chậm, đừng có mà lề mề...

Những con người ấy không có khó khăn nào không khắc phục được, không có kẻ địch nào không đánh thắng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:12:44 pm »

Sau cuộc hội ý chớp nhoáng đó, dưới ngọn đèn bão, cả hai đồng chí đại đoàn trưởng và chính ủy lại cùng cán bộ cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, kế hoạch động viên để chuẩn bị cho cuộc họp Đảng ủy đại đoàn ngày mai.


Cán bộ trung đoàn được triệu tập đến họp Đảng ủy mở rộng, phấn khởi bước vào gian hầm sở chỉ huy đại đoàn. Ai cũng mong đơn vị mình sẽ được giao nhiệm vụ ngay trong trận đầu. Chính ủy Trần Độ, bí thư Đảng ủy đại đoàn tiếp cán bộ vui vẻ hơn thường lệ. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nói đến đâu, các cán bộ ghi ngay đến đấy. Đảng ủy đã nhanh chóng thông suốt ý nghĩa, mục đích của đợt tấn công thứ nhất, thống nhất nhiệm vụ của đại đoàn, của các đơn vị bạn và đã nghiên cửu tỉ mỉ kế hoạch tác chiến.


Căn cứ vào tài liệu về địch và địa hình của trên cung cấp, tuy trung tâm đề kháng Him-lam là một cụm cứ điểm mạnh nhất với đủ các phương tiện phòng ngự hiện đại, nhưng không phải là không có nhược điểm. Tình hình địch cụ thể còn phải điều tra thêm và nhất định ta sẽ còn phát hiện được nhiều chỗ yếu của chúng.


Ở phía tây bắc cứ điểm 1, tuy là ruộng phẳng và đồi cỏ thấp hơn vị trí địch, nhưng vẫn có địa hình bố trí được trận địa hỏa lực bắn vào cứ điểm 1. Cần kiên quyết xây dựng trận địa chiến hào xuất phát xung phong vào gần địch để bớt thương vong lúc triển khai bộ đội tấn công.


Ở cứ điểm 2, phía bắc cũng còn nhiều tử giác tiện cho ta đột phá tuy địch đã ra sức cải tạo địa hình, bố trí công sự phụ và hỏa lực dày đặc. Nhưng ở phía đông bắc, địa hình kín đáo, ta có thể lợi dụng tiến sát địch.


Cứ điểm 3 bố trí trên một đồi trọc thấp hơn hai cứ điểm trên. Phía đông nam cũng có nhiều tử giác. Ở phía nam có dãy đồi "ông sư" rất tiện cho ta bố trí hỏa lực.

Sau khi thảo luận phân tích kỹ chỗ mạnh chỗ yếu của địch để tạo ra cái thế bao vây, chia cắt địch, Đảng ủy đại đoàn giao nhiệm vụ cho trung đoàn Đầm-hà ở hướng chủ yếu, tiêu diệt cứ điểm 1 và 2 theo hưởng bắc và tây bắc; trang đoàn Hòn-gai ở hướng thứ yếu tiêu diệt cứ điểm 3 theo hướng đông nam. Trung đoàn Hòn-gai còn cử ra một tiểu đoàn bao vây, chặn viện (d 154), một tiểu đoàn khác làm dự bị cho đại đoàn (d 166).


Trung đoàn Đông-triều nhận nhiệm vụ, ngày hôm sau sẽ phối hợp với đơn vị bạn tấn công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc-lập. Và theo kế hoạch chung, một trung đội của đại đoàn Biên-hòa sẽ tổ chức đánh dương công vào cao điểm A1 (khu Đông).


Đảng ủy đặc biệt nhấn mạnh phải tiếp tục chuẩn bị chiến trường, nắm vững địch tình, giao cho đại đoàn trưởng xây dựng kế hoạch tác chiến, công tác bảo đảm thông tin, bảo đảm hậu cần1 (Bảo đảm thông tin: đại đoàn tổ chức một mạng thông tin vững chắc và thông suốt giữa các đơn vị trong đại đoàn, giữa đại đoàn với các cụm pháo và Bộ chỉ huy Mặt trận. 12 giờ ngày 12 tháng 3, tất cả các mạng thông tin phải mắc xong để đại đoàn có thể chỉ huy và nắm được tình hình ngay từ khi bộ đội triển khai chiếm lĩnh trận địa. Trước chiến đấu, chủ yếu là dùng điện thoại và chạy chân. Tuyệt đối không dùng vô tuyến điện. Trong chiến đấu, điện thoại vẫn là chính, nhưng cần sử dụng rộng rãi các phương tiện chạy chân, cờ, đèn, pháo hiệu, v.v. Bảo đảm hậu cần: trước hết đại đoàn nhấn mạnh phải khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn cho bộ đội ăn uống tốt, bảo đảm sức khỏe. Các trạm điều trị của đại đoàn, trung đoàn, các kho đạn, lương thực cũng được xây dựng kịp thời. Các tuyến quân y đều theo sát đội hình chiến đấu: các đại đội đều có y tá và cứu thương. Ở mỗi hướng đột phá đều có từ 1 đến 2 trung đội tải thương trực tiếp mang vác thương binh về tuyến quân y trung đoàn, tiểu đoàn. Từ đây, do đại đội vận tải của đại đoàn và dân công chuyển thương binh về quân y địa đoàn. Đạn dược được quy định mang theo 1 cơ số rưỡi, các trung đoàn đều có kho đạn tiền phương, dự trữ thêm 2 cơ số để bảo đảm liên tục chiến đấu) giao cho chính ủy cùng với Đảng ủy các cấp xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ: Quyết đánh thắng trận đầu, quyết mở cửa chiến dịch cho quân ta tiến vào tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện-biên-phủ.


Họp xong, đồng chí bí thư Đảng ủy và đồng chí đại đoàn trưởng còn tranh thủ căn dặn thêm các đồng chí cán bộ của đơn vị phụ trách hướng chủ yếu.

Các cán bộ phấn khởi ra về, bước vội trong những đường hào nhỏ hẹp sâu ngập đầu người. Chẳng ai nói chuyện với ai. Mỗi người đều đang suy nghĩ về kế hoạch, khối lượng và thứ tự công việc cần phải làm ngay cho kịp.


Trong chiến đấu công kiên, cán bộ, chiến sĩ ta hay nói "một chậm", "bốn nhanh", nghĩa là trước chiến đấu phải chuẩn bị thật kỹ, thật chu đáo để rồi lúc bước vào chiến đấu thì hết sức thực hiện "bốn nhanh": mở cửa nhanh, xung phong nhanh, thọc sâu nhanh và truy kích nhanh.


Trong công tác chuẩn bị, tìm hiểu địch là một công việc trọng yếu. Từ trước, để "biết địch", cán bộ ta từ đồng chí đại đoàn trưởng đến các trung đội trưởng thường có tác phong đáng quý là phải sờ cho được hàng rào, phải nhìn tận mắt các hỏa điểm địch trong lô-cốt, v.v. Lần này, công việc đó lại được hết sức coi trọng để đảm bảo đánh thắng trận đầu. Lúc hội nghị Đảng ủy, tình hình địch cụ thể chưa nắm được bao nhiêu.


Ai nấy đều biết địch coi Him-lam là một "tấm cửa thép" chặn đứng đường tiến của quân ta vào Điện-biên-phủ. Nhưng thật ra cũng chưa ai hình dung được tính chất vững chắc của việc địch tổ chức phòng ngự ở Him-lam ra sao. Có đồng chí cho rằng chẳng qua cung chỉ nhích hơn Nà-sản một tý thôi. Đến khi đứng trên đài quan sát của đại đoàn trên đồi 674 (bắc Him-am) thì những ý nghĩ coi thường địch đều tiêu tan. Trên cánh đồng rộng bát ngát, nhan nhản các vị trí địch đỏ loét, chằng chịt những chiến hào, những ụ súng và lúc nhúc hàng vạn chiếc mũ sắt đen trũi như đầu những con bọ hung. Tuy vậy, cán bộ ta cũng chẳng ai lộ vẻ ngại địch. Ai nấy đều tin tưởng ở khả năng của đơn vị mình. Một đồng chí nói:

- Được! Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn.

Kẻ địch cũng đã đánh hơi thấy hình như bộ đội ta đang chuẩn bị công kích Him-lam. Tuy chúng vẫn chủ quan về tính chất bất khả xâm phạm của "quả đấm sắt", nhưng Đờ Cát vẫn thúc quân "lấp ngõ rào cổng", không cho một ai có thể tới gần Him-lam được. Không cứ gì ban ngày các đội tuần tiễu của chúng đi lại xoành xoạch mà ngay cả ban đêm, đèn pha quét sát mặt đất, đèn dù soi sáng cả một góc trời. Chúng còn cho từng phân đội nhỏ đêm đêm xuống gác ở chân hàng rào hoặc đi phục kích các ngả đường rừng không  theo một quy luật nào.


Vì thế nên việc "biết địch" một cách cụ thể ở đây không phải là dễ dàng. Nhiều hôm anh em trinh sát tối đi, sáng về, quần áo rách bươm mà vẫn không thu lượm được một tin mới nào.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2021, 08:13:56 pm »

Cán bộ ta không thể thỏa mãn cách lia ống nhòm để biết địch từ xa. Mặc cho chúng sục sạo tuần tiễu, cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội vẫn không thể bỏ được tácc phong sờ tận tay, nhìn tận mắt. Các đồng chí đã tìm mọi cách vượt qua những tổ tuần tiễu, những ổ phục kích của địch tiến sát hàng rào cứ điểm. Có đêm đồng chí Hoàng Cầm, trung đoàn trưởng trung đoàn Hòn-gai, cùng một đoàn cán bộ đi nghiên cứu, có đồng chí Cối trinh sát viên dẫn đường. Cối béo lùn như chiếc cối xay nên được anh em đặt tên là "phó Cối". Phó Cối rất dũng cảm và giàu kinh nghiệm. Anh dẫn cán bộ đi tắt ngang các mỏm đồi mà anh rất thuộc. Đoàn cán bộ lợi dụng pháo sáng của địch bắn lên để quan sát. Cối bò thoăn thoắt lên phía trước nhưng đột nhiên anh lăn lông lốc trở lại, ghé vào tai đồng chí Hoàng Càm nói:

- Có Tây, anh ạ! Tôi vừa đụng phải một thẳng. Hình như nó gác ngoài hàng rào, nhưng đang ngủ...

Thằng Tây chợt tỉnh soi đèn pin loang loáng ra xung quanh, bắn một chập rồi không thấy động tĩnh gì lại nằm xuống. Các cán bộ bàn nhau phải chịt cổ bắt sống nó mang về để khai thác tài liệu. Nhưng họ chưa kịp hành động thì thẳng khác đã ra đổi gác. Cán bộ tiếp tục bò sát cửa gác để quan sát đúng lúc các cỡ súng của chúng bắn ra loạn xạ. Đoàn cán bộ đành nằm tại chỗ chờ cho địch bắn chán chê rồi mới từ từ rút ra. Kinh nghiệm đã dạy cho các đồng chí biết nếu quay ra lúc ấy sẽ bị ăn đạn liền.


Nhưng tin tức thu lượm được vẫn còn lẻ tẻ. Nhiều vấn đề vẫn chưa rõ. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn gọi cán bộ quân báo lên bàn bạc, thảo luận kế hoạch điều tra địch sâu hơn nữa. Đồng chí nói với đồng chí Lư, đại đội trưởng trinh sát:

- Cậu có bảo đảm trong 3 ngày nữa bắt được 1 tù binh Âu Phi không?

- Được ạ!

Lư là một cán bộ quân báo rất mưu trí và dũng cảm. Đại đoàn trưởng nhìn Lư tin tưởng vì đồng chí cán bộ xuất thân công nhân này chưa bao giờ không hoàn thành nhiệm vụ.

Lần này Lư cũng đã nắm được quy luật phục kích của địch. Anh đưa 2 tiểu đội trinh sát vũ trang đi với ý định: tương kế tựu kế, mai phục lại bọn địch đi phục kích. Nhưng quân địch cũng không phải khờ khạo. Nay chúng đi đường này, mai chúng đi đường khác. Lư đã lo không khéo không hoàn thành nhiệm vụ thì chiều hôm thứ hai, ngồi trên núi quan sát, Lư thấy 1 trung đội địch từ dưới suối đi lên chiếm một cao điểm gần đó. Để cho chắc chắn, đợi cho trời tối nhá nhem, anh mới cho anh em trinh sát bí mật bò lên và bất thần xung phong vào giữa trung đội địch. Trận đánh chỉ diễn ra trong mấy phút, bọn địch chạy tán loạn. Đơn vị của Lư bắt được 4 tù binh trong đó có tên thiếu úy Giắc-cơ (Jacque).


Bọn tù binh này đã cung cấp cho ta khá nhiều tài liệu. Chúng nói: Him-lam là một pháo đài do một cố vấn Mỹ ở chiến trường Triều-tiên về vẽ kiểu và trực tiếp đôn đốc xây dựng tổ chức phòng ngự. Tướng Mỹ Ô Đa-ni-en cũng đến tận nơi tham gia ý kiến, bộ trưởng bộ quốc phòng Plê-ven và các tham mưu trưởng các binh quân chủng Pháp đều đã đến tận Him-lam để kiểm tra. Cuối cùng; tên thiếu úy Giắc-cơ nói, giọng thành thật:

- Tôi đã không dám giấu giếm cảc ngài điều gì, bây giờ tôi xin phép khuyên các ngài một điều: "Các ngài chớ có đụng vào Him-lam...".

Cán bộ ta cười ồ cả lên. Tên thiếu úy ngơ ngác nhìn mọi người rồi nhún vai. Một cán bộ lạnh lùng nói với hẳn:

- Rồi anh xem!

Thật ra tên thiếu úy Giắo-cơ nói cũng có phần đúng. Ta cũng đã biết Him-lam là một cụm cứ điểm mạnh. Chỉ có điều hắn nói theo quan điểm của hắn và cũng là quan điểm của những viên chỉ huy của hắn.


Trước đây vài ngày, tổng chỉ huy Na-va lại lên Điện-biên-phủ. Hình như y vẫn chưa hoàn toàn yên tâm lúc được tin quân ta chuẩn bị đánh vào Điện-biên-phủ. Để giữ bí mật, Đờ Cát thân chinh lái xe gíp đưa tổng chỉ huy đi kiểm tra lại trung tâm đề kháng Him-lam. Thấy Bê-a-tơ-rít (Him-lam) hơi xa căn cứ pháo binh I-da-ben (Hồng-cúm), Na-va gợi ý tướng Cô-nhi và Đờ Cát ngay tại chỗ: "Có nên cho vài ba tiểu đoàn tổ chức thêm 1 cụm cứ điểm nữa giữa Mường-thanh và Hồng-cúm để chi viện cho Bê-a-tơ-rit không?".

Đờ Cát trả lời:

- Làm như thế sợ đối phương không dám đánh. Chúng ta phải thúc cho họ đánh để tiêu diệt cho nhanh.

Tướng Cô-nhi nói thêm:

- Không nên làm cho người "Việt" thay đổi ý định của họ. Đây là triển vọng của trận thắng lợi về phòng ngự. Thật là một tai họa đối với tinh thần binh sĩ nếu Việt Minh không tấn công vào... (!).


Thấy cấp dưới tỏ ra quyết tâm, Na-va vui vẻ đáp máy bay về Hà-nội. Y hí hửng đốc bọn sĩ quan gấp rút thực hiện bước 2 chiến dịch Át-lăng, chiến dịch chiếm đóng Liên khu 5, điểm trung tâm của kế hoạch chiến lược 18 tháng của y trong giai đoạn đầu1 (Xem Điện-biên-phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà-nội, 1964).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2021, 09:01:43 pm »

Nắm được tình hình địch tương đối cụ thể, Đảng ủy và Bộ tư lệnh đại đoàn Bến-tre lập tức tổ chức hội nghị cán bộ để bổ sung kế hoạch và phổ biến quyết tâm của đại đoàn. Sau đó đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đưa cán bộ trung đoàn bộ binh và pháo binh lên đài quan sát của đại đoàn đặt ở cao điểm 674 để tổ chức hiệp đồng.


Trung đoàn Đầm-hà tổ chức thành 2 thê đội, thê đội 1 gồm tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 428, thê đội 2 có tiểu đoàn 16.

- Tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công đánh vào cứ điểm 1 theo hướng tây bắc tiêu diệt đại đội 12 và sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở cao điểm 515 rồi phát triển tiêu diệt đại đội 10 ở phía nam, chiếm lĩnh toàn bộ cứ điểm 1.

- Tiểu đoàn 428 phụ trách mũi diện, có nhiệm vụ đánh vào cứ điểm 2 theo hướng đông bắc, chiếm lĩnh cao điểm 505 rồi tiếp tục phát triển lên cao điểm 517, tiêu diệt đại đội 9 địch, chiếm lĩnh toàn bộ cứ điểm 2. Sau khi đột phá xong, phải nhanh chóng phát triển sang phải chiếm mỏm thìa lia đề bảo vệ sườn cho tiểu đoàn. Nếu giải quyết xong trước mũi điểm do tiểu đoàn 11 phụ trách, tiểu đoàn 428 có nhiệm vụ tích cực phát triển vào đông bắc cứ điểm 1, tạo điều kiện cho tiểu đoàn 11 hoàn thành nhiệm vụ.

- Tiểu đoàn 16 thê đội 2 của trung đoàn Đầm-hà phát triển theo hướng đột kích chủ yếu. Nếu tiểu đoàn 11 không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ tăng thêm lực lượng cùng tiểu đoàn 11 tiêu diệt địch.


Trung đoàn Hòn-gai (thiếu 1 tiểu đoàn và 1 đại đội) tổ chức thành 1 thê đội. Tiểu đoàn 130 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 3 theo hướng đông nam. Nếu giải quyết xong trước các hướng khác, phải nhanh chóng phát triển sang cứ điểm 1 theo hướng đông nam. Nếu không còn đủ lực lượng phát triển thì tổ chức hỏa lực bắn sang cứ điểm 1 và 2 yểm hộ cho trung đoàn Đầm-hà hoàn thành nhiệm vụ.


Tiểu đoàn 154 (thiếu 1 đại đội) có nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt địch từ Mường-thanh tiếp viện lên để bảo đảm an toàn cho đại đoàn chiến đấu.

Tiểu đoàn 166, tiểu đoàn dự bị của đại đoàn sẵn sàng tăng cường cho trung đoàn Đầm-hà nhất là ở hướng chủ yếu và phối hợp với đơn vị chặn viện tiêu diệt địch.

Sau khi quy định nhiệm vụ cho các tiểu đoàn phòng không, đại đội công binh, tiểu đoàn thông tin, v.v., đại đoàn trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc chiến thuật: "mạnh dạn thọc sâu". Đồng chí nhắc đi nhắc lại:

- Chuẩn bị cho kỹ, đánh cho nhanh, đánh gọn, nhất là lúc mở cửa. Tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 428 chú ý giữ cho đúng hướng đột phá không được để chập vào nhau.


Về bộ, pháo hiệp đồng trong các giai đoạn chiến đấu, đồng chí căn dặn các cán bộ bộ binh, pháo binh phải gặp gỡ nhau nhiều lần, đưa nhau ra thực địa mà đặt kế hoạch hiệp đồng hỏa lực với nhau cho thật chu đáo. Đồng chí nói:

- Đây, là lần đầu tiên đại đoàn ta có trọng pháo, có cao xạ cùng tham gia chiến đấu. Chúng ta phải làm cho anh em quán triệt: "Hai binh chủng vì nhau mà phục vụ", pháo binh lấy thắng lợi của bộ binh làm thành tích cao nhất của mình, ngược lại bộ binh, trong mọi tình huống phải tin tưởng pháo binh nhưng cũng không được quá ỷ lại vào pháo.


Trận mở màn chiến dịch vĩ đại Điện-biên-phủ cũng là trận đầu của binh chủng trọng pháo và cao xạ non trẻ. Vì thế công tác chuẩn bị cho pháo xuất trận lần này được hết sức coi trọng.

Bộ đội và dân công từ khi được thấy "voi to, voi nhỏ", "xe mẹ kéo xe con", đã âu yếm nâng niu cái "vốn quý của quốc gia" này bao nhiêu thì nay càng đặt nhiều hy vọng vào pháo bấy nhiêu. Nhớ lại, họ đã từng lăn xả vào lửa na-pan để bảo vệ pháo, lấy cả thân mình để chèn pháo, đổ hết công sức để xây dựng công sự vững chắo cho pháo... Bây giờ là lúc "đàn voi" chính thức xuất trận. Ngoài sơn pháo 75, cối 120, cối 82, trong trận này trọng pháo 105 của ta sẽ giáng những đòn chí tử vào đầu địch. Trên một cứ điểm diện tích khoảng 42.000 mét vuông, có đến 80 khẩu pháo các loại sẽ nhả đạn vào đó1 (Ngoài pháo binh của Bộ chi viện, đại đoàn 312 còn được phối thuộc 2 đại đội lựu pháo 105, 2 đại đội sơn pháo 75, 2 đại đội cối 120, 1 đại đội cối 82. So sánh lực lượng giữa ta và địch về pháo binh: ta 6 địch 1, pháo bắn gián tiếp ta 12 địch 1; nhưng nếu tính cả hỏa lực chi viện của cả tập đoàn cứ điểm thì ta 2,4 địch 1).


Từ ngày bộ đội ta thắt chặt vòng vây chung guanh "con nhím" Điện-biên-phủ, địch chưa biết gì rõ rệt về trọng pháo của ta. Na-va được tin của tình báo nói ta có đưa được một số pháo lớn tới quanh vùng lòng chảo, nhưng y còn nửa tin nửa ngờ. Bọn địch ở Điện-biên-phủ vẫn chưa được nếm mùi trọng pháo 105 của ta. Một vài lần, sân bay Mường-thanh có bị ta bắn phá, nhưng mới chỉ là đạn sơn pháo 75 như mọi lần. Cỡ đạn đó "chưa có gì đáng sợ" (!)1 (Thực ra chỉ 1 đại đội sơn pháo 75 của ta bắn cháy trên 10 máy bay kể từ ngày ta hoàn thành kéo pháo ra cho đến khi nổ súng tấn công Điện-biên-phủ). Công sự của tập đoàn cứ điểm và của cả Him-lam "không cần thiết phải đắp thêm". Tên đại tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm vẫn đặt các khẩu pháo của hắn nằm tênh hênh giữa trời để xoay trở được dễ dàng, hòng tiêu diệt pháo ta một khi hắn phát hiện được.


Đêm 6 tháng 3, Bộ chỉ huy đại đoàn 351 ra lệnh cho 2 đại đội lựu pháo, mỗi đại đội đưa thử một khầu vào trận địa của mình ở phía đông bắc và tây bắc. Từ chiều, những tổ trinh sát đã mang theo điện thoại vào sát hàng rào Him-lam, nằm dỏng tai hễ nghe thấy tiếng động cơ xe kéo pháo từ ngoài vọng tới là anh em báo ngay về phía sau để xe tắt máy, dùng sức người lặng lẽ "rước voi vào nhà". Hai khẩu pháo đầu tiên đã bí mật nằm gọn trong trận địa. Đêm sau, cả 2 đại đội vào chiếm lĩnh theo kinh nghiệm đêm trước chót lọt. Tiếp đó, dưới bầu trời đầy sao, đoàn xe kéo pháo chia thành nhiều mũi từ từ tiến vào trận địa. Anh chị em dân công xe thồ, nhìn đoàn xe kéo pháo đang rầm rộ tiến, lòng tràn đầy yêu mến và hy vọng. Các chiến sĩ công binh vẫn túc trực ở những đoạn đường khó. Mọi người như thầm nói với pháo:

- "Voi" đi nhé, hãy bắn cho thật trúng đầu địch!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2021, 09:48:11 pm »

Sớm ngày 10 tháng 3, 6 đại đội lựu pháo đã "yên vị" trong những căn hầm rải rác trên các cao điểm chạy từ đông sang tây, tạo thành một vành cung ôm gọn lấy Điện-biên-phủ. Hệ thống trận địa của lựu pháo, đúng như các đồng chí pháo binh thường nói, thể hiện được nguyên tắc: "Phân tán hỏa khí, tập trung hỏa lực". 6 đại đội phân nhau nằm bốn phương trời nhưng chỉ một hiệu lệnh cấp trên là lập tức cả 6 đại đội sẽ nhè bắn được cả vào một mục tiêu nằm sâu trong lòng tập đoàn cứ điểm.


2 đại đội cao xạ tham dự trận đánh đầu tiên đã vào chiếm lĩnh trận địa từ hai hôm trước. Họ đã khôn khéo náu mình dưới những đụn rơm khổng lồ nằm trơ trên cánh đồng Nà-lời (bắc Him-lam) và Nà-hi (bắc đồi Độc-lập).


Còn các chiến sĩ sơn pháo, cối đã được phân về các trung đoàn. Mấy đêm nay, anh em vẫn được bộ binh dẫn vào sát đồn địch để làm sẵn trận địa. Kế hoạch chiếm lĩnh của đàn "voi" xung kích đã được đại đoàn ấn định: Đến ngày N1 (Ngày tấn công), đúng vào lúc lựu pháo ta bắt đầu giáng đòn sấm sét vào đầu giặc thì anh em sẽ xốc đòn lên vai tiến vào lắp pháo, trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến lên mở cửa mở.


Cán bộ, chiến sĩ pháo binh, ai cũng đã thấu rõ nhiệm vụ của mình trong trận này. Họ đã thuộc lòng ba nhiệm vụ:

- Yểm hộ đắc lực cho bộ binh diệt cụm cứ điểm Him-lam.

- Chế áp mạnh mẽ pháo binh địch.

- Uy hiếp, khống chế không phận, không cho máy bay địch tự do lên xuống sân bay.


Theo nhiệm vụ đó, từ đồng chí Tham mưu trưởng Mặt trận đến các chỉ huy pháo binh trung đoàn, tiểu đoàn đều đã cùng nhau bàn bạc, xây dựng nên một kế hoạch bắn của pháo binh.

Lần đầu tiên, quân đội ta chiến đấu hiệp đồng tương đổi quy mô với đủ các thứ pháo, pháo binh mặt đất, pháo binh cao xạ. Bộ binh không tin tưởng pháo binh sao được. Nhưng pháo binh thì lo ngay ngáy liệu mình bắn chác thế nào đây? Chưa nói gì đến kỹ thuật bắn ngày, bắn đêm, bắn trong sương mù mà ngay con số đạn dược có hạn cũng đã "gò tay" rất nhiều đến kế hoạch bắn của pháo binh. Tuy vậy, rồi kế hoạch đó cũng đã hình thành. 1.500 viên đạn lựu pháo sẽ được sử dụng trong trận này. Thật là một con số "vì thắng lợi của trận đầu". Với số đạn đó, 250 viên sẽ được trút thẳng vào cụm cứ điểm Him-lam, 500 viên sẽ bắn trong 10 phút, tạo thành một trận bão thép và lửa giáng vào đầu quân địch ở Mường-thanh và sân bay. Số còn lại dành để diệt những trận địa pháo binh địch.


Bên cạnh kế hoạch bắn của đàn "voi lớn", còn có một kế hoạch bắn khá chu đáo, khá tỉ mỉ, hiệp đồng từng bước với các chiến sĩ xung kích của đàn "voi nhỏ" nhưng kẻ địch vẫn thường khiếp sợ: sơn pháo 75, cối 81, 82, 120, v.v1 (Theo kế hoạch hiệp đồng hỏa lực thì sơn pháo bắn phá hoại từng mục tiêu, từng lô-cốt địch, cối sẽ chế áp mạnh mẽ vào bên trong cứ điểm, đặc biệt là khu sở chỉ huy địch. Ngoài ra còn một số pháo 75, cối tham gia bắn kiềm chế pháo địch).


Một kế hoạch hiệp đồng quy mô, mạnh mẽ như thế làm gì anh em bộ binh không tin tưởng. Nhưng để đưa những viên đạn trong kế hoạch vào đúng mục tiêu, đúng lúc, còn biết bao nhiêu việc mà cán bộ, chiến sĩ pháo binh phải làm.


Sau khi đại đoàn trưởng tổ chức hiệp đồng tỉ mỉ trên thực địa, tại đài quan sát các cấp, các trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng bộ binh và pháo binh gặp gỡ nhau thêm để chỉ và nhận mục tiêu hiệp đồng cụ thể.


Yêu cầu đối với pháo là bắn đúng mục tiêu, nhưng lại không được bắn thử để giữ thế bất ngờ. Đã thế, phương tiện thông tin, quan trắc không phải đã đầy đủ. Nhưng cán bộ, chiến sĩ pháo binh hiểu rõ trách nhiệm của mình trong trận chiến đấu mở màn chiến dịch.


Chính ủy Phạm Ngọc Mậu và đại đoàn phó Đào Văn Trường1 (Chính ủy và đại đoàn phó pháo binh) đã nhiều lần hỏi các đơn vị trong những ngày chuẩn bị:

- Phần tử đo đạc đã thật chính xác chưa? Mới đảm bảo 80 - 90% hả? Thế thì cho đo lại nữa đi, còn thời gian đấy!

Và anh em trắc thủ đã đo đi đo lại cả thảy tới 3 lần.

Sự thật, việc đo đạc ở địa hình rừng núi dẫu có đủ phương tiện cũng vẫn rất gay go, huống chi các phân đội quan trắc của ta kỹ thuật còn non, phương tiện lại thiếu, lại không có mạng khống chế pháo binh2 (Tức là những cột mốc cố định của Nhà nước hay của quân đội dựng sẵn để dựa vào đó đo đạc tính toán cự ly, độ hướng...). Nếu có máy bay chụp ảnh từ trên không thì công việc dễ dàng hơn nhiều, nhưng tất nhiên lúc bấy giờ ta làm gì có. Các trận địa xa nhau, khoảng cách giữa trận địa pháo với đài chỉ huy bắn và mục tiêu cũng lớn, v.v. Cán bộ, chiến sĩ pháo binh đã leo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác để tìm những phần tử kỹ thuật cho việc đo đạc. Có những ngọn núi nhìn trong ống nhòm tưởng như đồi trọc, nhưng khi trèo lên thì cỏ gianh ngập lút đầu người, có khi phát quang hàng 100 mét gai góc cùng cây rừng mới đặt được máy để có thể nhìn thấy nhau mà đo đạc. Nếu có nhiều máy cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng vì quá thiếu, anh em quan trắc pháo binh đã tìm những vật thể trên các ngọn núi cao mà đài quan sát và trận địa đều có thể trông thấy để đo liền đài và trận đia. Nhờ sáng kiến đó mà anh em đã khắc phục được nạn thiếu máy lại lợi cả về thời gian đo đạc.


Để bắn chính xác vào từng lô-cốt, từng hỏa điểm, các chiến sĩ sơn pháo đã vào tận hàng rào Him-lam, nằm chờ cho pháo sáng bắn lên để quan sát mục tiêu hoặc mang theo dây để đo cự ly từ đó ra trận địa.


Cứ như thế, cán bộ, chiến sĩ pháo binh đã tìm mọi cách, làm đủ mọi việc để thực hiện cho được lời dặn của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận: "Quân địch rất sợ bộ binh ta, bây giờ các đồng chí phải làm cho chúng khiếp sợ pháo binh Việt-nam".


Nhưng không phải mọi yêu cầu của pháo binh đều đã thỏa mãn. Từng khu vực bắn thì đã nắm chắc, nhưng những mục tiêu cụ thể như trận địa pháo thì nắm chưa được. Những mục tiêu vành ngoài thì nắm được, nhưng những mục tiêu trong tung thâm thì biết vẫn sơ sài. Làm thế nào để yểm hộ thật tốt cho bộ binh trong các giai đoạn chiến đấu? Vì thế nên công tác chuẩn bị của pháo binh vẫn tiếp tục cho đến trước khi nổ súng và ngay trong lúc tác chiến hiệp đồng. Cán bộ pháo binh không quên nhắc bộ binh phải chú trọng phát hiện mục tiêu cụ thể trong tung thâm kịp thời báo cho pháo. Để đảm bảo được yêu cầu này, 2 đại đội lựu pháo trực tiếp chi viện cho đại đoàn Bến-tre tấn công cụm cứ điểm Him-lam đã phái những cán bộ và trinh sát viên lành nghề mang theo máy điện thoại đi với các tiểu đoàn trưởng bộ binh mũi điểm và diện. Các chiến sĩ pháo binh gọi đó là đài quan sát tiền tiến, một tổ chức hầu như không thể thiếu được trong hiệp đồng bộ, pháo trong chiến đấu công kiên lúc đó và sau này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2021, 09:49:03 pm »

Đối với bộ binh, đại đoàn Bến-tre là một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh công kiên, nên công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn thành rất nhanh chóng. Sau nhiều ngày kéo pháo, làm đường, xây dựng trận địa, cán bộ, chiến sĩ chỉ còn chờ giờ xuất kích, nổ súng vào đầu giặc. Khi anh em được tin đơn vị được đánh trận mở màn thì toàn đại đoàn, không khí chuẩn bị hừng hực như lửa cháy. Cán bộ thảo luận sôi nổi về các phương án tác chiến trên sa bàn và trên các đài quan sát, rồi tìm mọi cách vào tận hàng rào của địch, lợi dụng ánh đèn dù của chúng ngắm nghía từng lô-côt, phát hiện từng hỏa điểm, nghiên cứu từng tử giác, nghiên cứu kỹ những đặc điểm của địch trong tập đoàn cứ điểm nói chung và cụm cứ điểm Him-lam nói riêng, v.v.


Địch đã có thời gian để tổ chức phòng ngự, xác định các hướng ta có thể tấn công, tập dượt nhiều lần, bắn thử pháo vào những chỗ cần thiết... Chẳng những chúng có thể yểm hộ cho từng cứ điểm cả về hỏa lực lẫn xung lực, chúng lại có thể phản kích cả ban ngày lẫn ban đêm, v.v.


Một vấn đề mới đặt ra là trước tình hình hỏa lực của tập đoàn cứ điểm rất mạnh, để đảm bảo đánh chắc thắng, để bộ đội ta chiếm lĩnh trận địa ít bị thương vong, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Mặt trận chỉ thị cho các đơn vị đào hào giao thông, xây dựng trận địa xuất phát xung phong.


Trung đoàn Đầm-hà tấn công theo hướng bắc Him-lam có nhiệm vụ đào hai đường hào giao thông vượt qua sông Nậm-rốm, một đường đến cứ điểm 1, một đường đến cứ điểm 2.

Trung đoàn Hòn-gai tấn công theo hướng đông nam cứ điểm 3 và chặn viện ở phía nam có nhiệm vụ đào hai đường hào giao thông, một đường đến cứ điểm 3, một đường đến trận địa phục kích. Sau đó, căn cứ vào kế hoạch tác chiến với từng cứ điểm, các đơn vị lại đào những chiến hào tiến quân của các mũi điểm và diện.


Đối với bộ đội, công việc đào hào giao thông không phải là một công việc mới. Anh em đã từng xây dựng trận địa, đào hào giao thông trong rừng sâu từ đơn vị này đến đơn vị khác. Ai nấy đều nhận thức được tác dụng của việc đào hào giao thông là để bớt thương vong lúc tiến quân.


Ban đầu lúc còn xa địch, anh em làm việc rất hăng hái, năng suất rất cao, làm rất đúng tiêu chuẩn1 (Hào sâu 1,8m, rộng 1,2m để có thể vận chuyển cáng thương được) và vượt thời gian quy định. Công tác lãnh đạo lúc đầu không có gì phức tạp lắm. Nhưng càng đến gần địch thì việc đào hào giao thông là một cuộc chiến đấu thực sự. Cuộc tranh chấp giữa ta và địch ngày càng ác liệt. Chiến hào của ta chẳng khác gì như những mũi mác nhọn đâm thẳng vào đầu chúng. Chúng không thể ngồi yên. Chúng phản ứng rất dữ dội. Trung đoàn Đầm-hà phải vượt sông Nậm-rốm chỉ cách vị trí Him-lam độ 300 mét. Để giải quyết vượt qua khúc sông rộng trên 10 mét trong tầm hỏa lực của địch này, anh em công binh, bộ binh đã phải tốn biết bao sức lực và cả xương máu nữa. Chỉ mới có việc đi nghiên cứu địa điểm thuận tiện cho bộ đội vượt sông vừa khuất mắt địch, vừa êm dòng nước lại vừa hẹp vừa nông, đã có gần nửa tiểu đội công binh bị thương vong. Rồi còn phải tìm cách để bộ đội vượt sông. Anh em công binh làm 2 cầu bằng tre, nứa từ xa vác đến gò chìm lập lờ dưới mặt nước để che mắt địch. Qua sông chỉ còn cách địch cỏ một cái dốc. Đây là đoạn tranh chấp ác liệt nhất. Địch thấy rõ nguy cơ đang đến với chúng, không những địch cho pháo từ xa bắn tới mà súng bắn thẳng các cỡ trong cứ điểm Him-lam cũng quét ra như trút đạn. Tuy các tiểu đoàn, đại đội đã bố trí các tổ hỏa lực để truy vào các hỏa điểm địch, nhưng chúng đã gây cho ta khá nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, trong một số cán bộ, chiến sĩ ta bắt đầu xuất hiện tư tưởng ngại đào. Có đồng chí nói:

- Hào với hiếc, chỉ tổ mất thời giờ, mà lại còn bị thương vong... Trước kia đánh Tràng-bạch, tàu chiến địch ở Đá-bạc rót về như mưa, ta chẳng có công sự mà vẫn san phẳng đồn địch...

Một số anh em khác tán thưởng:

- Ừ, để sức mà đánh! Ba-vì, Ba-lay có trận địa gì đâu mà Tây vẫn bị giãy lên đành đạch.

Một đêm, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã ra tận chỗ anh em đào trận địa xuất phát xung phong để kiểm tra. Đồng chí đã tranh thủ nói rõ cho mọi người hiểu tác dụng của việc đào chiến hào và cán bộ nhận thức được thêm trách nhiệm của mình trước sinh mạng chiến sĩ. Nhờ đó mà chiến hào vẫn "bò" dần vào sát hàng rào địch. Bọn địch hốt hoảng nhìn các mũi chiến hào của ta lấn tới ngày một gần như lưỡi mác của thần chết treo vào cổ chúng. Đờ Cát vội vã xua cả bộ binh với xe ủi đất, có máy bay và đại bác yểm hộ ra đánh lấp trận địa chiến hào của ta. Ta kiên quyết bảo vệ trận địa. Gần đến ngày tấn công (12 tháng 3), ban ngày địch lấp mất của ta một số đoạn. Ta không chịu bó tay trước sự liều lĩnh của địch. Đêm ta lại đào dưới hỏa lực dày đặc của chúng. Sáng hôm sau địch lại ra lấp, ta kiên quyết giữ, tiếp tục đào thêm cho đến lúc toàn đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa1 (Nhưng không phải đơn vị nào cũng chấp hành nghiêm túc yêu cầu làm trận địa. Ở cứ điểm 1, chiến hào của d11 còn cách hàng rào dây thép gai của địch hơn 200 mét. Chính vì thế trong chiến đấu, đơn vị này đã bị thương vong vô ích và bộc phá mở cửa chậm hơn các đơn vị, làm cho cuộc chiến đấu kéo dài).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 07:59:24 am »

TRƯỚC KHI TRẬN ĐÁNH BẮT ĐẦU

Ngày 13 thảng 3 năm 1954, Điện-biên-phủ ở cuối mùa hoa ban. Từ sớm tinh mơ, cán bộ đại đoàn, trung đoàn đã chia nhau đi xuống các đơn vị để kiểm tra tình hình chuẩn bị. Đoàn văn công Tổng cục Chính trị mới đi Buy-ca-rét về cũng chia thành từng tổ đi xuống tận các đường hào để thực hiện một chương trình liên hoan tiễn các chiến sĩ trước giờ xuất kích. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" mà đại đoàn sắp trao cho đơn vị chủ công trong trận chiều nay do chính bàn tay khéo léo của các cô văn công thêu thùa suốt đêm qua.


Xưa nay, cán bộ và chiến sĩ ta vẫn có thói quen ăn mặc rất "chỉnh" mỗi khi sắp bước vào một trận đánh, bởi vì bộ đội ta coi chiến đấu như là ngày hội, huống chi đây lại là trận đánh mở màn một chiến dịch lịch sử. Các chiến sĩ đại đội 243, đơn vị chủ công của tiểu đoàn chủ công trong trận này, vừa tắm rửa xong bằng nước ấm, gọn ghẽ trong bộ quần áo màu xanh lá cây còn nếp gấp thì được lệnh tập hợp. Từ phía cửa rừng, chỉnh ủy đại đoàn cùng với các cán bộ trung đoàn tiến đến, đi duyệt qua một lượt toàn đại đội. Nói là đi duyệt, nhưng các đồng chí đã dừng lại rất lâu trước từng tiểu đội, trung đội để hỏi han các chiến sĩ về công tác chuẩn bị chiến đấu.


Chính ủy Mạc Ninh giới thiệu với đoàn cán bộ những nét đặc sắc của đơn vị. Đây là tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Oanh, tiểu đội trưởng tiểu đội dao nhọn của đại đội. Đây là tổ chiến đấu của 3 chàng "vệ trọc" tự đặt tên cho nhau là: Quyết, Chiến, Thắng. Ba chàng đã viết lên vách hầm, ngay dưới ảnh Bác: "Tổ chúng cháu quyết hoàn thành nhiệm vụ. Bộc phá chúng cháu sẽ nổ rất giòn"...


Cuối cùng, đoàn cán bộ dừng lại trước đại đội trưởng Nọa và chính trị viên Chát. Mọi người đều đã rõ hai đồng chí cán bộ này. Đại đội trưởng Nọa đã cống hiến một tay mình cho Tổ quốc. Còn một cánh tay trái, lúc này anh đưa ra ôm ghì lấy lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" mà chính ủy đại đoàn vừa trao. Mắt anh dơm dớm nhưng ánh lên niềm tự hào. Còn chính trị viên Chát, anh cố nông năm xưa, vẫn luôn luôn đi sát từng chiến sĩ trong mọi giờ phút chiến đấu ác liệt...


Lễ trao cờ kết thúc nhanh, gọn và trang nghiêm nhưng đầm ấm. Chính ủy đại đoàn nói với cán bộ, chiến sĩ những lời ngắn gọn, được toàn đại đội đáp lại bằng một khẩu hiệu mạnh mẽ vang dội núi rừng:

- Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng từ sớm tinh mơ, trong căn hầm chỉ huy kiên cố lợp bằng những tấm sắt hình vòng cung đắp đầy những bao tải cát bên trên, Đờ Cát ra lệnh cho toàn thể quân đồn trú: "Tất cả ở trong tư thế tuyệt đối sẵn sàng chiến đấu". Chiều hôm trước (12-3), tên đại úy Nô-en (Noel), trưởng phòng nhì của tập đoàn cứ điểm đã báo cho Đờ Cát biết: "Ngày mai, Việt Minh sẽ tấn công vào Bê-a-tơ-rit" (tức là Him-lam). Đờ Cát khòng lấy làm lạ, ít lâu nay, đêm nào đội tuần tra của hắn cũng chạm trán với các tổ quân báo, các tốp cán bộ của ta đột nhập nghiên cứu ngay sát hàng rào trung tâm đề kháng Him-lam. Liền mấy hôm nay, những trận chiến đấu thực sự đã diễn ra trong khi quân lính của hắn ra lấp các hào giao thông của quân ta từ ba hướng tiến đến.


Đờ Cát vừa mừng vừa lo. Mừng vì hắn sẽ có cơ "lập công". Cấp thiếu tướng đổi với hắn hẳn không chỉ còn là "củ cà-rốt" mà người ta vẫn đem ra nhử hắn từ bấy lâu nay1 (Theo lời vợ Đờ Cát rêu rao). Với tổ chức phòng ngự vững chắc của trung tâm đề kháng Bê-a-tơ-rít, với kế hoạch hỏa lực mạnh mẽ chu đáo của tập đoàn cứ điểm, với số lượng đạn pháo dự trữ chất cao như núi , hắn hy bố tríọng sẽ tiêu diệt được quân ta. Nhưng Đờ Cát vẫn không khỏi lo lắng. Lâu nay hắn vẫn nửa tin nửa ngờ, không biết Việt Minh có trọng pháo thật hay không? Hắn chỉ mới thấy xuất hiện loại "pháo tép" 75. Pi-rốt bảo là sẽ "khóa mõm" ngay pháo binh đối phương, nhưng hắn thấy chính những khẩu "pháo tép" ấy vẫn bắn đúng vào những chiếc máy bay vận tải vừa hạ cánh. Hai chiếc Đa-cô-ta đã bị bắn cháy vào lúc 8 giờ sáng nay, một ở sân bay Mường-thanh, một ở sân bay Hồng-cúm. Đến 11 giờ trưa, một chiếc thứ ba vừa đậu trên sân bay lại bị cối 120 nã đúng.


Làm thế nào đây? Nếu Việt Minh có pháo nặng nữa, liệu Pi-rốt có đối phó nổi không? Để đề phòng mọi trường hợp, Đờ Cát đặt cho mình nhiệm vụ phải theo dõi sát hơn nữa tình hình Bê-a-tơ-rít. Đờ Cát lệnh cho viên quan tư Pê-gô (Pégaux), chỉ huy cụm cứ điểm Bê-a-tơ-rít phải tập trung hỏa lực "bắn nát ngay đội hình của bộ binh Việt Minh" nếu thấy xuất hiện từ bất cứ hướng nào. Đồng thời hắn giục Pê-gô phải xua ngay quân ra lấp trận địa xuất phát xung phong của quân ta. Hắn nói: sẽ cho thêm bộ binh có xe tăng yểm hộ cùng với một xe ủi đất từ Mường-thanh đánh ra, chi viện thêm.


12 giờ trưa, Đờ Cát kiên quyết thực hiện ý định đó và một trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch đã diễn ra.

Một tiểu đội quân ta chiếm giữ đầu hào đã chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt xung phong của 1 đại đội và 2 xe tăng địch. Nhưng ỷ vào số đông và hỏa lực pháo binh mạnh mẽ, bọn chúng đã tràn lên chiếm được từng đoạn hào trong hệ thống trận địa xuất phát xung phong của tiểu đoàn 11.


Trước tình hình này, đại đoàn trưởng đã gọi điện trao đổi ý kiến ngay với Bộ chỉ huy đại đoàn pháo binh và báo cáo tin địch đánh ra phá lấp trận địa lên Bộ chỉ huy Mặt trận. Sợ mất trận địa xuất phát xung phong của tiểu đoàn chủ công, nhận thấy nếu dùng 1, 2 đại đội lựu pháo bắn yểm trợ để quân ta giữ vững trận địa thì địch cũng không còn đủ thời gian củng cố công sự, đồng chí đề nghị với Bộ chỉ huy Mặt trận cho một đại đội hoạt động.


Bộ chỉ huy pháo binh cũng nhất trí với đại đoàn trưởng đại đoàn Bến-tre. Nhưng để kết hợp kiểm tra kết quả việc chuẩn bị phần tử bắn của pháo binh, các đồng chí đề nghị Bộ chỉ huy Mặt trận cho bắn ngay vào Him-lam, vì như thế sẽ làm cho bọn địch đang đánh phá trận địa cũng phải hoảng sợ rút về.


Chỉ một lát sau, chuông điện thoại réo vang. Đầu dây bên kia, cục phó cục tác chiến nói bằng một giọng sôi nổi:

- Được! Ý kiến của các đồng chí rất hay. Bộ đồng ý cho một đại đội lựu pháo bắn 20 viên vào thẳng cứ điểm Him-lam.

Đảng ủy đại đoàn pháo binh đã nhanh chóng họp bàn chọn đại đội nào để bắn những phát đầu tiên, mở màn cho chiến dịch lịch sử. Đảng ủy đã nhất trí chọn đại đội 806, đứa con "trọng pháo" đầu lòng của binh chủng thành lập từ trong chiến dịch Hòa-bình (thu đông năm 1952). Từ bấy đến nay, đại đội vẫn làm nòng cốt trong huấn luyện, trong xây dựng mọi mặt của trung đoàn lựu pháo 105.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2021, 08:00:17 am »

Đại đội trưởng đại đội 806 Trần Kính, khi tiếp được lệnh chuẩn bị bắn, đã không giấu nổi niềm hân hoan. Anh hội ý với chính trị viên Bách, rồi gào lên trong máy nói gọi về trận địa:

- Này, các cậu ơi! Đại đội ta chuẩn bị bắn!... Chuẩn bị... bắn!

Rõ ràng anh không còn đủ bình tĩnh để hạ đạt khẩu lệnh một cách dõng dạc, dứt khoát đúng như điều lệnh chiến đấu pháo binh mà anh thường vẫn huấn luyện cho anh em.


Chính trị viên Bách cũng không bình tĩnh gì hơn. Anh đang truyền về trận địa những khẩu hiệu, giọng lạc hẳn đi trong máy nói:

- Đã chiến thắng Hòa-bình, nhất định chiến thắng Him-lam!

- Đại đội 806 quyết lập công đầu cho binh chủng!

- Các đồng chí bắn cho thật trúng đích!

- v.v.


Sau khi đã chỉ thị cho trận địa phần tử bắb đầu tiên, đại đội trưởng Kính thấy còn lo lo, anh quay lại hỏi trung đội trưởng chỉ huy:

- Liệu phần tử có bảo đảm chính xác không cậu?

- 100% anh ạ! Đã 3 lần đo, 4 lần tính rồi còn gì. À, nhưng vì bộ binh ta ở quá gần mục tiêu, để đề phòng bất trắc, ta nên đề nghị cho bắn thử trước 2 viên và tăng lên vài trăm mét xem sao?

Kính tiếp thu ý kiến đó và báo cáo về trung đoàn. Trung đoàn trưởng Hữu Mỹ đồng ý ngay.

Buông ống máy, đại đội trưởng Trần Kính chỉ thị lại phần tử bắn cho trận địa rồi nâng ống nhòm lên. Hàng chục trái tim trong đài quan sát của đại đội 806 như bị nén lại. Có lẽ lúc này, hàng ngàn trái tim của các chiến sĩ trên tuyến đầu của mặt trận đang hồi hộp chờ kẽt quả những phát đạn lựu pháo đầu tiên.

- Bắn! - Lệnh đại đội trưởng Trần Kính vừa phát ra, tức thì 2 viên đạn đầu tiên vút vào trong không trung. Một trinh sát viên đang gắn mắt mình vào cặp kính sừng bò bỗng reo lên:

- Xa... xa !... Đúng hướng!...

Trung đội trưởng chỉ huy vỗ đánh đét một cái vào đùi và reo lên:

- Tuyệt quá! Thật đo đạc, tính toán... mấy cũng không bằng!

Đại đội trưởng Trần Kính tự mình cũng đã nhìn rõ hai dấu đạn nổ. Anh hô khầu lệnh bắn mới cho các pháo thủ.


Chỉ mấy giây sau, 18 phát đạn của đại đội 806 đã bắn đi. Và Him-lam, tấm cửa thép của tập đoàn cứ điểm Điện-biên-phủ đang run lên bần bật. Cứ điểm 1, với những hầm hố, những đường hào nham nhở đỏ loét dưới nắng gắt của trưa hè bị chìm trong khói đạn. Các chiến sĩ quan sát của đại đội 806 đã ghi được kết quả bắn: 18 phát trúng cả vào cứ điểm 1, trong đó có 7 phát làm sập 7 u súng trong tung thâm.


Đúng như dự đoản của ta, ngay từ lúc thấy đạn ta réo trong không trung, bọn lính chiến của địch đang hùng hùng hổ hổ đánh phá trận địa của ta đã quay đầu bỏ chạy, cả 2 chiếc xe tăng cũng không còn đủ tinh thần cho xe quay đầu mà cứ thế lồng lên, lùi chạy như những con chó bị đập mạnh một gậy vào lưng.


Lợi dụng thời cơ có lợi, các chiến sĩ bảo vệ trận địa của ta xông lên, khôi phục nhanh chóng những đoạn hào còn in rõ những vết giày đinh của địch.

Điện-biên-phủ lại trở lại yên tĩnh. Bên trong các sở chỉ huy, các hầm pháo, bộ binh đang gửi tới các chiến sĩ pháo binh những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất về loạt đạn tuyệt đẹp vừa qua. Để đáp lại những lời ngợi khen đó, pháo binh hứa sẽ phát huy thành tích bắn trúng, bắn giỏi vào trận chiến đấu chiều nay.


Nắng đầu hạ ở miền Tây của Tổ quốc vào lúc quá trưa như dát lửa trên ngọn cỏ, rừng cày. Các chiến sĩ ta chỉ ngóng đợi cái giờ mà bầu trời Điện-biên ngả sang màu tím là họ tiến lên san phẳng cái đồn ngay trước mặt.


15 giờ, toàn bộ trung đoàn lựu pháo đã sẵn sàng, 2 đại đội pháo cao xạ chỉ còn chờ lệnh trên cho dỡ ngụy trang. Các chiến sĩ bộ binh trung đoàn Đầm-hà, những người đã từng chiến thắng Phủ-thông, Ba-huyên, Đồn-vàng... đã từ trong khu rừng Quang-tum tiến đến giáp bờ suối. Các chiến sĩ trung đoàn Hòn-gai, những người đã từng làm cho binh đoàn Com-muy-nan thất điên bát đảo năm xưa trên sông Lô cũng đã triển khai đội hình ven rừng sau dãy đồi "ông sư". Trừ một bộ phận hỏa lực của tiểu đoàn đã bí mật vào chiếm lĩnh từ lúc rạng sáng, còn đại bộ phận các đơn vị sơn pháo, cối, ĐKZ lúc này vẫn đang nhấp nhổm, chờ đợi cả ở phía trước đội hình bộ binh. Đúng như kế hoạch, họ chờ hễ lựu pháo của ta bắt đầu giội vào Mường-thanh và Him-lam là họ xốc đòn lên vai, đưa pháo vào những trận địa mà họ đã đổ xương máu chuẩn bị từ mấy đêm trước.


Một loạt đạn súng cối 120 của địch từ đồi Độc-lập bắn về rơi quanh đài quan sát của trung đoàn lựu pháo. Nhưng đó chưa phải là đạn của Pi-rốt bắn để "khóa mõm pháo binh quân Việt" như trước đây hắn đã từng huênh hoang tuyên bố. Từ lúc đại đội 806 nổ súng bắn vào Him-lam đã đúng 2 tiếng mà Pi-rốt vẫn chịu cứng không sao phát hiện nổi pháo ta đã bắn từ đâu1 (Trong suốt cả thời gian chiến dịch sau này, bọn địch đã không thể nào phát hiện nổi các trận địa lựu pháo của ta).


15 giờ 50 phút. Chỉ còn vài giờ nữa là trận pháo kích của ta sẽ bắt đầu. Chính lúc này, Bộ chỉ huy Mặt trận vừa có một quyết định quan trọng. Đại tướng Tổng tư lệnh đã gọi điện thoại cho các đơn vị:

- Vì thời tiết, cho nổ súng sớm trước 1 giờ.

Tiếp đó, Đại tướng nói với đại đoàn phó Đào Văn Trường:

- Trận đầu lịch sử, pháo binh bắn cho trúng đích. Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ!

Như vậy là chỉ còn 1 giờ nữa là trận pháo kích của ta sẽ bắt đầu, mở màn cho chiến dịch lịch sử.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM