Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:45:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng...  (Đọc 3984 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:07:42 am »

TRẬN ĐÁNH CỨ ĐIỂM NÚI SẦM CỦA TIỂU ĐOÀN 365 (THIẾU) VÀ ĐẠI ĐỘI 1 TlỀU ĐOÀN 375
Đêm 20-6-1954


1. Tình hình địa hình:

Núi Sầm nằm đơn lẻ giữa đồng bằng thuộc thôn Phụng Tường xã Hoà Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa về phía tây khoảng 7km, cao 40 - 50m, dài từ 300 - 350m, rộng từ 100 - 200m.

Phía bắc giáp đồng ruộng và đường liên xã từ thị xã Tuy Hòa đi Hoà Quang.

Phía nam tiếp giáp đồng ruộng.

Phía đông giáp xóm Ao, xóm Chợ chạy dọc theo triền núi có con đường nhỏ và mương dẫn thủy.

Phía tây giáp đồng ruộng, xóm Lẫm.

Xung quanh núi có nhiều thôn xóm, dân cư đông đúc. Đỉnh núi bằng, sườn núi dốc, có chỗ dựng đứng cao hơn mặt ruộng khoảng chừng 30m, là nơi lập đồn đóng quân lý tưởng để khống chế cánh đồng Tuy Hoà và bảo vệ hướng tây thị xã Tuy Hoà.

2. Tình hình địch:

Sau khi mở chiến dịch Átlăng, địch khẩn trương xây dựng cứ điểm Núi Sầm để bảo vệ cửa ngõ phía tây thị xã, ngăn chặn lực lượng ta có khả năng phát triển từ Tây Nguyên đánh xuống. Lực lượng địch chốt giữ tại cứ điểm Núi Sầm có một đại đội, được trang bị vũ khí đầy đủ, công sự chắc chắn. Đặc biệt ở phía tây cứ điểm địch xây dựng 2 lô cốt có thể khống chế được nhiều hướng. Cứ điểm địch còn được bao bọc bởi nhiều lớp hàng rào kẽm gai có gài mìn tự động, nằm trong tầm pháo chi viện từ thị xã Tuy Hòa. Tinh thần quân địch ở cứ điểm Núi Sầm ổn định, có kỷ luật nghiêm là một cứ điểm mạnh của địch.

3. Tình hình ta:

Sau 5 tháng mở chiến dịch Átlăng đánh chiếm Phú Yên và các tỉnh thuộc vùng tự do Liên khu 5, địch không những không thực hiện được ý đồ chiến dịch: thôn tính địa bàn 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú mà còn bị quân và dân Phú Yên gây cho nhiều thiệt hại. Địch buộc phải co cụm về thị xã Tuy Hòa để tổ chức củng cố, bảo vệ lực lượng. Tỉnh đội Phú Yên chỉ thị cho Tiểu đoàn 365 (thiếu) và Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 tiêu diệt cứ điểm Núi Sầm, là cứ điểm mạnh nhất bảo vệ phía tây thị xã Tuy Hoà. Đây là nơi tập trung các tiểu đoàn chủ lực của Liên khu 5 tăng cường cho Phú Yên trong chiến dịch Átlăng. Trước khi trận đánh diễn ra, ta đã bí mật vận động nhân dân chặt tre gai rào đường từ bến Lậu qua Long Tường, Phụng Tường ngăn chặn xe cơ giới địch.

Chấp hành chỉ thị của Tỉnh đội Phú Yên, Tiểu đoàn 375 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 365 (thiếu) họp bàn kế hoạch tác chiến:

Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 ém quân ở xã Hoà Quang, men theo kênh số 1 hành quân về Hoà Trị đóng lại ở xóm Ao, có nhiệm vụ mở đột phá khẩu ở phía đông nam núi Sầm, đánh vào trung tâm, chiếm trung tâm rồi phát triển ra các lô cốt... Tất cả dân công hoả tuyến đều bố trí dọc theo kênh số 1 về Hoà Quang.

Tiểu đoàn 365 do đồng chí Phạm Đình Dư, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy ém quân khu đèo Dinh Ông di chuyển xuống núi Sầm. Đại đội trợ chiến bố trí trận địa cách núi Sầm 200m, lập trận địa ĐKZ phóng bom, Bazôka, cối 60 ly có nhiệm vụ bắn chế ngự để Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 và Đại đội 212 của Tiểu đoàn 365 mở đột phá khẩu. Đại đội 212, đơn vị giỏi đánh công kiên mở đột phá khẩu ở phía đông bắc, tiêu diệt các lô cốt, hỗ trợ cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Đại đội 213 của Tiểu đoàn 365 làm dự bị (Đại đội 211 của Tiểu đoàn 365 đánh vào thị xã Tuy Hòa, không tham gia đánh Núi Sầm).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:11:37 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Đêm 10-5-1954 hai tiểu đoàn 365 và 375 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, dân công hoả tuyến bí mật tập kết về trận địa được bố trí theo kế hoạch thuận lợi.

Đúng 0 giờ, lệnh nổ súng tấn công bắt đầu. Hoả lực của ta bao gồm các loại: ĐKZ, Bazôka, đạn cối bắn chế áp vào đồn Núi sầm, khẩu Rimlé 2 nòng kiềm chế các ổ châu mai của địch hỗ trợ cho Đại đội 1 của Tiểu đoàn 375 mở đột phá khẩu ở phía đông, Đại đội 212 đánh vào hướng đông bắc. Sau vài phút bị bất ngờ, địch trong đồn tổ chức chống trả quyết liệt. Hoả lực của địch bố trí tại cứ điểm theo 3 tầng. Ta đánh chiếm tầng 1, tầng 2 ở gần chân núi rất nhanh, nhưng phát triển lên tầng 3 rất khó vì dốc đứng và đá tai mèo sắc cạnh. Địch có lợi thế ở trên cao bắn và ném lựu đạn vào đội hình ta tới tấp. Trận địa cối của ta liên tục bắn chế áp, nhưng vẫn không tiêu diệt được hoả lực địch, đội hình của ta đông, lại ở ngoài công sự, bị hoả lực trong đồn bắn quyết liệt nên không phát triển được. Lúc này, pháo sáng của địch từ đồn và từ thị xã bắn lên liên tục, cả cánh đồng Tuy Hoà và đồn Núi Sầm sáng rực. Toàn bộ đội hình Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 lộ rõ. Bọn giặc trong đồn dốc hết hoả lực vào đội hình của ta. Sau hơn 4 giờ chiến đấu, đột phá khẩu vẫn không mở được, lực lượng ta bị thương vong gần một nửa. Tiểu đoàn 365 đưa Đại đội 213 dự bị vào tiếp chiến. Địch gọi pháo từ Tuy Hoà bắn trùm lên đội hình ta. Tình hình càng thêm khó khăn. Trời đã gần sáng, bộ đội ta không thể phát triển tấn công được nữa, hoả lực địch vẫn khống chế rất mạnh. Trước tình hình đó, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 365 lệnh cho hoả lực của tiểu đoàn liên tục phóng bom, cối vào cứ điểm địch để hạn chế hoả lực trong đồn bắn ra. Đồng thời lực lượng ta nhanh chóng rút lui và chuyển thương binh, liệt sĩ về tuyến sau.

Sau khi ta phóng bom và đạn cối, Bazôka, ĐKZ dồn dập vào đồn, hỏa lực ở hai ổ châu mai của địch tạm ngưng, hoả lực trong đồn lắng xuống. Các chiến sĩ khẩn trương chuyển thương binh ra tuyến sau giao cho dân công hoả tuyến. Lực lượng ta vừa chuyển được hai chuyến cũng là lúc pháo địch từ thị xã bắn vào phía sau đội hình bộ đội ta. Tuy nhiên, vì địch ở trong đồn bị tê liệt không chỉ điểm cho pháo được nên chúng bắn không chính xác. Ta tổ chức lui quân, để lại một số liệt sĩ nhờ nhân dân trong vùng chôn cất. Còn một số liệt sĩ không đưa ra được, bị địch tập trung dồn vào một đoạn hào lấp đất vùi lên(1).

5. Kết quả trận đánh:

Trận núi Sầm, lực lượng ta bị thiệt hại nặng nề, riêng Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 thương vong mất 2/3 quân số. Tuy ta bị thiệt hại lớn, nhưng các nhà trại của địch tại cứ điểm Núi Sầm đều bị cháy rụi, nhiều công sự sập đổ, quân số trong đồn bị tiêu diệt lên đến 1/3, số còn lại mất hết tinh thần không còn khả năng chiến đấu. Sau trận núi Sầm các tiểu đoàn 375 và 365 rút về Hòa Quang, Hòa Định, Hòa Hội học tập rút kinh nghiệm, bổ sung quân số để chuẩn bị cho các trận tiếp theo.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận đánh cứ điểm núi Sầm mặc dù không thành công nhưng thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt bậc, dũng cảm không ngại hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ hai tiểu đoàn. Trận đánh cũng góp phần làm cho địch càng thêm hoang mang dao động dẫn tới thất bại hoàn toàn.
Trận đánh cũng thể hiện vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân trong phối hợp tác chiến cùng bộ đội. Dân rào đường chặn giặc, dân tham gia tải thương, dân lo chôn cất cho liệt sĩ. Những hành động tự nguyện cao đẹp đó của nhân dân Hòa Trị thể hiện tình quân dân cá nước, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi cuối cùng, giải phóng quê hương.

7. Bài học kinh nghiệm:

Phải chuẩn bị hết sức chu đáo tỉ mỉ.

Đây là một nội dung mang tính nguyên tắc trong đánh công kiên, vì nếu không chuẩn bị chu đáo sẽ không thành công. Trong công tác chuẩn bị chiến đấu, trước hết cần nắm vững địch và địa hình. Phải kết hợp nghiên cứu trên bản đồ và ra thực địa, thực hiện đúng nguyên tắc trinh sát “mắt nhìn, chân tới, tay sờ”. Trận đánh cứ điểm Núi sầm, công tác nắm địch và chuẩn bị chiến trường của ta chưa tốt. Do thời gian gấp nên cả hai tiểu đoàn không tổ chức khảo sát thực địa, tập công đồn, hoặc đắp sa bàn để nghiên cứu cách đánh. Mặt khác, ta còn chủ quan khinh địch cho rằng: cứ điểm chỉ có một đại đội chốt giữ, tinh thần lại hoang mang dao động do bị lực lượng ta đánh khắp nơi nên trinh sát không kỹ (ta chỉ quan sát từ xa qua ống nhòm, không cử trinh sát điều nghiên cứ điểm). Do vậy, ta không nắm được cụ thể vị trí các hoả điểm, hệ thống vật cản của địch. Cứ điểm Núi Sầm được kết cấu vững chắc, kiên cố, hoả lực mạnh, chướng ngại vật bố trí dày đặc. Tuy xây dựng trong thời gian gấp, nhưng hệ thống này được địch tính toán chính xác, kết hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố công sự, hỏa lực và chướng ngại vật. Lô cốt được địch xây dựng theo kiểu mới (boongke) có nhiều góc cạnh, trong lô cốt chia nhiều ngăn để chiến đấu nhằm chống đỡ với bộc phá và hoả lực của ta. Với những khối bộc phá nhỏ không đủ sức công phá, phải có những khối bộc phá lớn mới đủ sức tiêu diệt nhưng lại ảnh hưởng đến mang vác của bộ đội khi tiếp cận. Hoả lực của ta bắn vào loại lô cốt này ít tác dụng. Nếu bộc phá viên tiếp cận để đánh thì quân địch ngăn chặn bằng tiểu liên và lựu đạn (vì địch có lợi thế ở trên cao). Mặt khác địa hình cứ điểm có nhiều nơi dốc đá dựng đứng, xung quanh cứ điểm và ở từng vị trí địch bố trí nhiều loại dây thép gai dày đặc, lực lượng ta không thể tiếp cận từ nhiều hướng, trong khi đó ta không mở được cửa mở nên bộ đội ta tuy đông nhưng không thể đánh chiếm vào khu tung thâm.

Xác định cách đánh chưa phù hợp.

Do nắm địch không chắc nên ta xác định cách đánh chưa phù hợp. Căn cứ vào địa hình và bố trí trong cứ điểm của địch, 2 đơn vị của ta chia làm 2 mũi tấn công trên hướng đông là khá hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế cả 2 mũi tiến công của ta đều bị địch bắn lướt sườn và trực diện, cụ thể là hỏa lực lô cốt phía đông và lô cốt phía bắc, ụ vệ tinh làm trở ngại cho xung kích của ta và gây nhiều thương vong. Tuy cứ điểm của địch rất kiên cố, nhưng không phải không có những điểm yếu, đó là hoả lực của chúng không thể kiểm soát được hết các tử giác khiến ta có thể lợi dụng được để tiếp cận các lô cốt, đánh bộc phá, lựu đạn qua các lỗ thông hơi, khi ta đánh địch dễ bị sức ép. Khi tấn công cứ điểm như Núi Sầm ta nên tấn công từ nhiều mũi trên nhiều hướng. Nếu không tiến công được, do chưa chuẩn bị kỹ chiến trường vẫn có thể rút quân để bảo toàn lực lượng.

Nguồn:

- Lịch sử Trung đoàn 803, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1999.

- Lịch sử Tiểu đoàn 375, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản tháng 12-2003.

- Tư liệu của đồng chí Trần Đưa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 365; đồng chí Hoàng Kim Giai, nguyên Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 375.


(1) Sau này ta dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh, nhưng do không biết Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 cùng tham gia trận đánh nên bia tưởng niệm chỉ nhắc đến liệt sĩ của Tiểu đoàn 365. Đây là một sơ xuất đáng tiếc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:25:08 am »

TRẬN PHỤC KÍCH DIỆT GỌN ĐOÀN XE 79 CHIẾC
CỦA ĐẠI ĐỘI 211 TIỂU ĐOÀN 365
Ngày 25-6-1954


1. Tình hình địa hình:

Quốc lộ 1A, đoạn đi qua đèo Cả có chiều dài 12km, đường quanh co gấp khúc, nhiều dốc lên xuống khá hiểm trở. Địa đoạn phục kích của trận đánh được đại đội chọn là đoạn đường cong, cua chữ A, ở chân đèo Cả. Tại đây, địa hình hiểm trở, hai bên núi liền kề, vách đứng, vực sâu, gộp đá chồng chất, lực lượng ta dễ tiếp cận, giữ được bí mật, có địa hình che đỡ, che khuất, rất thuận lợi cho việc phục kích đánh giao thông.

2. Tình hình địch:

Trên tuyến giao thông quan trọng này địch đã bố trí lực lượng chốt giữ và bảo vệ giao thông vô cùng cẩn mật. Lực lượng gồm có: 1 tiểu đoàn chốt ở Bàn Nham - Bàn Thạch, 1 trung đội chốt ở đồn Ba Tý, 1 đại đội chốt núi Hiềm.

Sau 5 tháng mở cuộc hành quân Átlăng ra Phú Yên, địch không những không thực hiện được ý đồ: chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5 bao gồm 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam mà còn bị quân và dân ta đánh cho tan tác. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, địch tổ chức rút lực lượng và cơ sở vật chất về Nha Trang. Ngày 25-6-1954, địch huy động 1 đoàn xe vận tải 80 chiếc chở lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang quân dụng từ Tuy Hòa (nơi đặt trung tâm chỉ huy chiến dịch Átlăng) về Nha Trang bảo vệ cho đoàn xe có 1 đại đội địch cùng hoả lực mạnh đại liên, trung liên đặt trên xe.

3. Lực lượng đảm nhiệm:

Sau khi đánh vào thị xã Tuy Hòa, theo lệnh của Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 365 được lệnh vượt sông Ba hành quân cấp tốc vào đèo Cả, sẵn sàng đón đánh địch có thể từ Phú Yên rút chạy về phía nam và cũng có thể từ Nha Trang ra ứng cứu cho Tuy Hòa. Đây là một cuộc hành quân bôn tập của đơn vị suốt ngày đêm, men theo đoạn đường giữa Bàn Thạch và núi Hiềm, vòng xuống bí mật qua sông. Tiểu đoàn chọn địa đoạn phục kích tại cua chữ A, gần chân đèo Cả. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định sử dụng Đại đội 211 làm chủ công, các đại đội khác làm dự bị. Đại đội tổ chức thành 3 bộ phận:

- Bộ phận chặn đầu là Trung đội 1 được bố trí cách chân đèo khoảng 500m, được trang bị 3 súng trung liên, súng AT, cá nhân được trang bị tiểu liên, súng trường và mỗi đồng chí 6 quả thủ pháo, do đồng chí Phạm Đình Dư, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.

- Bộ phận phục kích đánh lướt sườn là Trung đội 2, được bố trí cách trận địa của bộ phận chặn đầu khoảng hơn 100m. Trang bị như Trung đội 1, do đồng chí Đại đội phó chỉ huy.

- Bộ phận khóa đuôi do Trung đội 3 đảm nhiệm, đồng chí Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy trung đội.

Hai đại đội còn lại được bố trí phía sau sẵn sàng cơ động.

Cách đánh, bí mật tiếp cận các mục tiêu đã quy định, ưu tiên cho bộ phận chặn đầu nổ súng trước. Bảo đảm thu quân rời khỏi trận địa an toàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:27:40 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Khoảng hơn 9 giờ ngày 25-6-1954, đơn vị đã đến vị trí tập kết. Lúc này có 1 trung đội địch đang cảnh giới trên đường. Các chiến sĩ ta vẫn bí mật nằm im. Sau khi không thấy lực lượng ta, địch bắn 3 phát cối, báo hiệu an toàn cho đoàn xe chuẩn bị qua đèo. Đơn vị nghe tiếng động cơ xe, nhưng vẫn chưa xác định là xe từ ngoài vào hay từ trong ra. Chỉ huy đơn vị ra lệnh sẵn sàng đánh địch. Lúc này ta phát hiện một chiếc xe bọc thép, trên nóc gắn súng trung liên đang chạy từ Tuy Hòa vào, theo sau là đoàn xe vận tải. Đoàn xe đi chậm, vừa đi vừa thăm dò. Đợi cho đoàn xe lọt vào trận địa phục kích, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh nổ súng. Các khẩu trung liên của tổ chặn đầu nhả đạn xối xả vào đội hình địch, cả đoàn xe dồn lại. Ngay lập tức, các trung đội vận động xung phong dùng trung liên và thủ pháo đánh chia cắt đoàn xe địch.

Bị đánh bất ngờ, dịch bỏ xe tháo chạy ngược trở ra, hoặc chạy xuống bờ suối. Hỏa lực của ta vẫn tiếp tục nhả đạn vào đoàn xe, một số xe bốc cháy. Sau khi hoàn hồn, bọn địch còn lại phối hợp với trung đội cảnh giới từ bờ suối tìm đường đột nhập vào trận địa của ta. Phát hiện được âm mưu của địch, các khẩu trung liên của ta tập trung nhả đạn vào đội hình địch đang tổ chức phản kích. Nhiều tên bị diệt, số còn lại tháo chạy tán loạn. Tiểu đoàn ra lệnh cho 1 trung đội truy kích tàn quân, 2 trung đội còn lại tràn xuống đường phá xe địch. Cả đoàn xe chở vũ khí (chủ yếu là đạn), đồ hộp, vô tuyến điện, ta chỉ thu vũ khí và đài vô tuyến điện. Sau khi thu chiến lợi phẩm, chiến sĩ ta lần lượt mở nắp capô xe, đập lựu đạn thả vào phá hủy.

5. Kết quả trận đánh:

Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta đã diệt được 79 xe (chỉ có xe đầu chạy thoát), diệt, làm bị thương và bắt làm tù binh 130 tên. Ta thu 1 đại liên, 1 trọng liên 12,7 ly, 5 tiểu liên, 20 súng trường, hàng chục máy vô tuyến điện và rất nhiều đạn dược, phá hủy 1 đại bác 75 ly, giải thoát 98 đồng bào bị chúng bắt theo. Sau trận đánh, Đại đội 211 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận chiến đấu đánh đoàn xe địch tại đèo Cả thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đánh phá phương tiện chiến tranh của địch, nhằm uy hiếp và gây rối loạn căn cứ, hậu cứ địch, buộc địch đối phó phòng giữ, hạn chế lực lượng cơ động càn quét đánh phá vùng giải phóng căn cứ của ta, góp phần cùng các lực lượng đánh địch trên cả nước, dồn và đẩy địch vào thế bị động, thất bại, kết thúc chiến tranh.
Là một trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo được tiếng vang lớn, làm cho địch ngày càng hoang mang dao động. Chiến thắng còn là niềm khích lệ lớn lao với quân và dân trong tỉnh, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta.

7. Bài học kinh nghiệm:

Hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, công tác tổ chức chu đáo, bảo đảm yếu tố bí mật, đánh nhanh, gọn, diệt địch và thu vũ khí, ta không thương vong.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ thắng lợi này đó là công tác nắm địch. Trên cơ sở cục diện chiến trường, tiểu đoàn đã tổ chức cơ động cấp tốc vào đèo Cả sẵn sàng đón đánh địch có thể từ Phú Yên rút chạy về phía nam và cũng có thể từ Nha Trang ra ứng cứu cho Tuy Hòa, theo lệnh của Trung đoàn 803. Đây là một nhận định đúng và hoàn toàn chính xác. Nhờ vậy mà ta có thời cơ tiêu diệt được đoàn xe vận tải của địch.

Do có nhận định đúng nên có quyết tâm chính xác, tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, chọn mục tiêu và vận dụng cách đánh thích hợp nên giành thắng lợi. Trong trận đánh này, mặc dù lực lượng ta có mặt lúc này rất đông (2 tiểu đoàn), nhưng do nắm bắt được quy luật hoạt động của dịch cũng như bố trí trận địa phù hợp với địa hình và yêu cầu sử dụng lực lượng, Trung đoàn 803 chỉ sử dụng một đại đội để tham gia trận đánh.

Lựa chọn được địa đoạn phục kích hiểm yếu, ngay cua chữ A, ngay chân đèo cũng là yếu tố quan trọng để giành thắng lợi. Bởi đoàn xe chở nặng, vừa qua cua, vừa leo dốc, lại đi theo đội hình đông nên tốc độ chậm. Khi bị tấn công sẽ dẫn đến rối loạn hàng ngũ và tan rã.

Nguồn:

- Lịch sử Trung đoàn 803, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1999.

- Hồi ký của đồng chí Trần Đưa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 365.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:30:22 am »

TRẬN PHỤC KÍCH TẠI GÒ TƠ CỦA ĐẠI ĐỘI 2 TIỂU ĐOÀN 375
Ngày 18-7-1954


1. Tình hình địa hình:

Gò Tơ là một gò đất có nhiều mồ mả, nằm trơ trọi giữa cánh đồng thuộc thôn Đông Lộc, xã Hòa Trị. Đường hương lộ từ Hòa Trị đi Hòa Thắng chạy sát Gò Tơ về phía tây, đây là con đường độc đạo lúc bấy giờ.

Phía bắc và phía tây tiếp giáp với đồng ruộng và cách cứ điểm Núi Sầm khoảng 900m.

Phía đông nam có tiếp giáp xa với những vườn rừng của xã Hòa Thắng.

Phía tây là khu dân cư của thôn Đông Lộc.

Gò có bình độ cao hơn mặt đường, điểm cao nhất khoảng 0,6m. Trên gò có nhiều bụi tre gai, nhiều lùm cây rậm rạp mọc đan xen lẫn nhau. Nhờ những lùm cây rậm rạp, nhiều gò đông, nên địa hình này làm trận địa phục kích rất lý tưởng.

2. Tình hình địch:

Sau các trận thắng liên tiếp của ta trên chiến trường Phú Yên, đặc biệt là các trận Màng Màng thuộc xã Hòa Kiến, trận vận động tập kích vào thị xã Tuy Hòa làm tinh thần địch hoang mang khiếp sợ đến cực độ. Ngày cũng như đêm chúng co cụm ở các chốt điểm là chính, trong đó có cứ điểm Núi Sầm. Để tiếp tế lương thực cho lính tại cứ điểm Núi Sầm, hàng tuần địch cho 1 bộ phận áp giải dân phu đi mang vác lương thực, thực phẩm và bảo vệ hàng hóa từ thị xã Tuy Hòa về.

Lực lượng địch đi bảo vệ khoảng một trung đội bộ binh ngụy, được vũ trang đầy đủ. Ngoài số dân phu bị địch bắt đi mang vác còn có một số vợ lính đi theo về Tuy Hòa. Theo quy luật thì địch hành quân theo trục hương lộ (Hòa Trị, Hòa Thắng) để xuống Tuy Hòa phải qua đường độc đạo Gò Tơ.

3. Tình hình ta:

Đại đội 2 Tiểu đoàn 375 do đồng chí Hồ Đình Phượng làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Hữu Sở, Chính trị viên được lệnh chốt tại xóm Bún, xã Hòa Định, với nhiệm vụ chặn đánh địch “nống ra” các xã vùng phía tây mương dẫn thủy thuộc chiến khu 2 huyện Tuy Hòa.

Đơn vị đóng quân trong nhà dân, nhưng đây là vùng mới được mở ra, nên tinh thần cảnh giác sẵn sàng cơ động chiến đấu rất cao, được quán triệt đến từng chiến sĩ.

Tháng 7 dương lịch, cũng là tháng còn nằm trong mùa hè, ban ngày trời nắng gay gắt, khí hậu rất nóng bức. Nhưng bộ đội vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, súng đạn, thắt lưng, ngụy trang... luôn bên mình.

Ban đêm tuy có dễ chịu hơn song đơn vị lại phải đi hoạt động, nên không mấy khi được một giấc ngủ ngon lành.

Bà con ở xóm Bún luôn vui vẻ, phấn khởi vì được có bộ đội ở xung quanh làng xóm. Sự yên tâm, phấn khởi, tin tưởng bộc lộ qua thái độ của từng người dân, đặc biệt các thanh niên nam nữ.

Nhân dân cùng với bộ đội tổ chức đào nhiều hầm, hào tránh phi pháo, vét lại nhiều đoạn mương cạn thành những giao thông hào liên hoàn. Chính nhờ vậy, nhiều lần được tin địch “nống ra”, đơn vị vận động ra vị trí chiến đấu đều được cơ động dưới lòng mương, không phải vận động trên địa hình trống trải.

Chiều ngày 17-7-1954 trinh sát đại đội báo tin địch sẽ tổ chức đi lấy lương thực và hàng tiếp tế cho cứ điểm Núi Sầm vào sáng ngày 18-7-1954.
Đúng 20 giờ ngày 17-7-1954, Ban chỉ huy Đại đội 2 triệu tập một cuộc họp mở rộng từ Tiểu đội trưởng trỞ lên. Đồng chí Hồ Đình Phượng, Đại đội trưởng phổ biến mệnh lệnh chiến đấu. Đồng chí nêu rõ tình hình địch, địa điểm được chọn làm trận địa phục kích là khu vực Gò Tơ và phân công nhiệm vụ cho các trung đội và phổ biến các mặt công tác bảo đảm cho trận đánh. Sau khi nghe phổ biến, quán triệt nhiệm vụ các phân đội gấp rút chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh.

Tuy địa hình khu vực Gò Tơ, đơn vị đã đi lại nhiều lần rất quen thuộc, nhiều đồng chí trong đơn vị là người địa phương. Để bảo đảm nắm thật chắc thực địa và chủ động trong quá trình chiến đấu, Ban chỉ huy đại đội cùng Trung đội trưởng các trung đội 1, 2 và 3 đi khảo sát trận địa lần cuối cùng.

Sau khi trinh sát lần cuối, các trung đội lại được phổ biến bổ sung những điều cần thiết có liên quan đến trận đánh và bảo đảm tuyệt đối bí mật kể cả giờ xuất phát.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:32:25 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Đúng 1 giờ sáng ngày 18-7-1954, toàn đại đội hành quân đến địa điểm phục kích. Đến 4 giờ sáng mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn thành.

Đội hình chiến đấu của đại đội như sau:

Trung đội 1 đảm nhận đánh chặn đầu, được bố trí trực diện với tuyến hành quân của địch, có nhiệm vụ phát huy cao độ hỏa lực sẵn có, tiêu diệt tốp đi đầu của địch ngay những phút đầu, chặn đứng đội hình địch để các trung đội 2 và 3 xuất kích, nhanh chóng nổ súng xung phong tiêu diệt địch trước tiền duyên và tiếp tục truy kích tiêu diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí.

Các trung đội 2 và 3 ém quân phía sau các vật che khuất (cách mặt đường khoảng 30m) khi bộ phận chặn đầu nổ súng thì nhanh chóng phát huy cao độ hỏa lực, áp đảo tiêu diệt địch trước trận địa, nhanh chóng chớp thời cơ xung phong bắt tù binh, thu vũ khí.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 18-7-1954, tại đài quan sát của đại đội, bộ phận trinh sát dùng ống nhòm nhìn rõ địch từ chân núi Sầm đi bộ theo trục hương lộ Hòa Trị đi Hòa Thắng. Có lẽ địch cho đây là khu vực tương đối an toàn, vì ở bốt Núi Sầm có thể nhìn thấy khu vực Gò Tơ rất rõ. Mặt khác, Gò Tơ lại nằm giữa đồng, địch không ngờ bộ đội ta lại phục kích ở đây nên rất chủ quan, thậm chí khi đã vào gần đến trận địa còn có nhiều tên la hét, chọc ghẹo phụ nữ, trò chuyện inh ỏi. Khoảng gần 10 giờ ngày 18-7-1954 toàn bộ đội hình quân địch đã nằm trọn trong trận địa phục kích của Đại đội 2.

Chỉ huy ra lệnh cho bộ phận chặn đầu nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, Trung đội 1 bắn chết nhiều tên ở tốp đi đầu. Các trung đội 2 và 3 nổ súng cắt đứt đội hình quân địch. Đội hình địch bị dồn lại, các hỏa lực của ta nhả đạn chính xác làm nhiều tên địch chết và bị thương. Số còn lại chạy dạt ra giữa đồng, có tên ngoan cố bám bờ ruộng chống cự. Khẩu đội cối 60 ly của ta lại rót đạn chính xác vào đội hình của chúng.

Trên trận địa, lúc này quân địch chạy tán loạn, hầu hết chạy ra giữa đồng chống cự yếu ớt chờ chi viện. Nhưng chúng hoàn toàn thất vọng vì trận đánh quá bất ngờ nên địch không kịp trở tay chi viện kịp, chỉ có bọn địch ở núi Sầm dùng đại liên và cối 81 ly bắn xuống. Nhưng không gây ảnh hưởng gì đến quân ta. Số dân phu và vợ lính thì la khóc thê thảm và bỏ chạy tứ tán.

5. Kết quả trận đánh:

Trận đánh không quá 40 phút, Đại đội 2 đã xóa sổ hoàn toàn một trung đội ngụy tại Gò Tơ. Ta thu 15 súng các loại (gồm 3 tiểu liên, 5 Carbine và 7 súng trường Mas 36). Ta hy sinh một đồng chí (đồng chí Nguyễn Văn Bé, quê ở Quảng Nam, Chiến sĩ thi đua của Đại đội.

Đến 13 giờ cùng ngày đơn vị đã rút về đến địa điểm trú quân. Trên đường bộ đội về bà con các xóm trên trục đường đã hân hoan chào đón đoàn quân thắng trận. Nhiều người đem nước uống cho bộ đội, hỏi han rất thân thiết. Đến 18 giờ cùng ngày, sau khi đã lo hậu sự cho liệt sĩ Nguyễn Văn Bé xong, đơn vị lại tiếp tục hành quân đến địa điểm mới.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận đánh biểu hiện ta càng đánh càng mạnh, đã đánh là thắng, không chỉ đánh địch vào ban đêm mà còn đánh địch giữa ban ngày, ngay trong vùng an toàn nhất của chúng. Trận đánh đã góp phần đánh bại chiến dịch Átlăng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trận đánh đã biểu hiện tình cảm quân dân sâu đậm thắm thiết hơn bao giờ hết. Bộ đội được dân đùm bọc che chở, bảo đảm tuyệt đối bí mật trong trú quân, hành quân và mọi sinh hoạt khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

7. Bài học kinh nghiệm:

Lựa chọn địa đoạn phục kích hiểm yếu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ.

Việc lựa chọn trận địa phục kích hiểm yếu để đánh địch là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến thắng lợi. Trong trận đánh này, lực lượng ta đã chọn địa đoạn phục kích ngay trên đường hành quân của địch, là đoạn đường độc đạo, giữ được yếu tố bí mật bất ngờ, bố trí binh lực và hoả lực tiện quan sát chi viện cho nhau, xung hoả lực kết hợp với nhau chặt chẽ, nhất là khi bộ binh xuất kích vận động qua địa hình trống trải ...
Khi nổ súng, đơn vị tổ chức xung phong, bám sát địch (để tránh sát thương bằng phi pháo và hoả lực), xử trí tình huống nhanh chóng, kịp thời, kiên quyết không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.

Tổ chức bố trí đội hình, sử dụng lực lượng hợp lý.

Nhờ chọn được địa thế hiểm, lực lượng ta đã tổ chức bố trí đội hình có các bộ phận chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn, hoả lực và bộ phận chủ yếu đánh chính diện, tiện cơ động triển khai, chặn đứng được đội hình địch đang cơ động, khống chế, cô lập giữ chắc địch trong khu vực phục kích, không cho địch phía trước quay lại, phía sau dồn lên, buộc chúng phải ùn lại, tạo thuận lợi cho ta tập trung binh hoả lực tiến công đồng loạt, thực hiện bao vây chia cắt tiêu diệt địch, giải quyết trận đánh nhanh, gọn.

Nguồn:

- Theo lời kể của đổng chí Nguyễn Văn Minh, nguyên chiến sĩ Đại đội 2 Tiểu đoàn 375.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:37:44 am »

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Công an nhân dân Phú Yên (Lịch sử biên niên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

- Công tác đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Quân khu 5 (1945-2000) (tập 1), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

- H. Nava, Đông Dương hấp hối, (Phan Thanh Toàn dịch), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.

- Địa chí Phú Yên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

- Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

- Khu 5-30 năm chiến tranh giải phóng - Tập 1: Kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xuất bản, 1986.

- Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, tập 5, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1982.

- Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 1 (1945-1955), tập 2 (1955-1976), tập 3 (1976-2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

- Lịch sử Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng của thanh niên tỉnh Phú Yên (1930-2005), Tỉnh đoàn Phú Yên xuất bản, 2005.

- Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ tỉnh Phú Khánh (1930-1975), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Khánh xuất bản, 1987.

- Lịch sử Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên (1930-2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

- Lịch sử ngành Tổ chức Nhà nước Phú Yên (1945-2005), Sở Nội vụ Phú Yên xuất bản, 2006.

- Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuy Hòa (1930-1995), Thị ủy Tuy Hòa xuất bản, 1999.

- Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Hòa (1930-1975), Huyện ủy Tuy Hòa xuất bản, 2000.

- Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Hòa (1930-1975), Huyện ủy Sơn Hòa xuất bản, 1998.

- Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Cầu, Huyện ủy Sông Cầu xuất bản, 2001.

- Lịch sử phong trào công nhân viên chức, lao động và công đoàn tỉnh Phú Yên (1930-2008), Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên xuất bản, 2008.

- Lịch sử quân giới Phú Yên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản, 1997.

- Lịch sử Y tế Phú Yên (1945-1975), Sở Y tế Phú Yên xuất bản, 2005.

- Nguyễn Chánh con người và sự nghiệp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.

- Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa hạ Triều Nguyễn - Phú Yên, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997.

- Phú Yên - 395 năm hình thành và phát triển (16-11-2006), Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên xuất bản, 2006.

- Phú Yên kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên xuất bản, 1994.

- Phú Yên - 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên xuất bản, 1993.

- Hăng-ri Nava (H.Nava), Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1994.

- Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

- Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.

- Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện (1945-1986), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.

- Phú Yên một thời để nhớ, Hồi ký lịch sử xuất bản tại Phú Yên, 2001.

- Tổng thuật của ông Cao Văn Hoạch cung cấp cho Sở Nội vụ, tháng 9-2003.

- Tài liệu của ông Võ Văn Khả cung cấp cho Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên tháng 10-2008.

- Các bài tham luận tại Hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 20-8-2009 (của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Cao Văn Hoạch; Võ Văn Khả; Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà; Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng; Đại tá, TS. Trần Văn Thức; Đại tá, TS. Trần Ngọc Long; Đại tá Trần Văn Mười; Đại tá, ThS. Phạm Văn Hóa; Đại tá Nguyễn Công Trạng; Thượng tá, ThS. Ngô Nhật Dương; Trung úy Nguyễn Văn Viễn).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:42:13 am »



Một chốt điểm của quân Pháp tại thị xã Tuy Hòa bị ta tiến công tiêu diệt năm 1954


Cứ điểm của quân Pháp tại núi Sầm (Hòa Trị) bị quân ta tiêu diệt năm 1954
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:47:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 10:46:01 am »



Lễ tuyên thệ trước giờ xuất trận của một đơn vị vũ trang trong kháng chiến chống Pháp



Bộ đội địa phương Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp



Đoàn quân tiếp vận của ta trong kháng chiến chống Pháp



Phụ lão Phú Yên tích cực đan giỏ phục vụ tiếp vận trong kháng chiến chống Pháp
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM