Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:09:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng...  (Đọc 3990 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:27:08 pm »

Tên sách: Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng của thực dân Pháp trong Đông Xuân 1953-1954
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuât bản: 2009
Số hóa: macbupda

* Chỉ đạo nội dung:

   ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

* Tổ chức thực hiện:

   SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ

* Thẩm định nội dung:

   Đại tá, PGS.TS. NGUYỀN MẠNH HÀ

* Biên soạn:

   - ĐÀO TỨ XUYÊN, Trưởng ban
   - Đại tá NGUYỄN VĂN THÀNH, Phó Trưởng ban
   - LÊ XUÂN ĐỒNG, Thư ký
   - Đại tá, TS. VŨ TANG BỒNG
   - Thượng úy CÔNG PHƯƠNG KHƯƠNG
   - Trung úy NGUYỄN VĂN VIỄN

Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:30:45 pm »

Lời nói đầu

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có lẽ ít người biết đến Phú Yên - một tỉnh nhỏ ở Nam Trung Bộ. Có chăng người ta chỉ biết đến Phú Yên là do nó nằm giữa đèo Cù Mông ở phía bắc, đèo Cả ở phía nam và các địa danh: núi Đá Bia, Vũng Rô, núi sầm, đầm Ô Loan...

Lẻ loi như ngọn núi sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan

Ấy vậy mà trong kháng chiến chống thực dân Pháp Phú Yên lại nổi tiếng toàn quốc về phong trào toàn dân đánh giặc bảo vệ vững chắc vùng tự do, với những đóng góp to lớn sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.

Bộ chỉ huy quân Pháp biết rất rõ Phú Yên không chỉ là một trong 4 tỉnh vùng tự do Liên khu 5, nơi đứng chân của các đơn vị, cơ quan trong tỉnh và một số tỉnh bạn mà còn là nơi xuất phát của những đòn thọc sâu, đánh hiểm của quân và dân Liên khu 5 vào các vị trí chiến lược của chúng ở Tây Nguyên và các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Chúng đã liên tục tổ chức hàng trăm cuộc tiến công, càn quét đánh phá, quyết chiếm bằng được địa bàn này. Song Đảng bộ, quân và dân Phú Yên đã kiên cường chiến đấu, đặc biệt là góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng, cuộc hành quân mở đầu kế hoạch Nava - một kế hoạch đầy tham vọng của giới thực dân hiếu chiến Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Átlăng đã góp phần rất quan trọng và xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của quân và dân cả nước ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Chính lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất của Đảng bộ và quân dân Phú Yên trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm nên chiến thắng Átlăng, đã làm nên tầm vóc, đã tạo cho Phú Yên có vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Phú Yên cũng là một địa phương điển hình của cả nước về những thành tích trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với niềm tự hào chính đáng, từ nhiều năm nay bên cạnh các công trình lịch sử chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã được xuất bản, các thế hệ người dân Phú Yên mong muốn có một công trình khoa học trình bày tương đối đầy đủ, chi tiết và chính xác về chiến thắng Átlăng - một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ và quân dân Phú Yên. Nguyện vọng thiết tha đó cũng phù hợp với các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng trên, những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan hữu quan đã hai lần tổ chức Hội thảo khoa học về chiến thắng Átlăng.

Từ gần 50 bản tham luận tại hai cuộc hội thảo trên, chúng tôi biên soạn thành cuốn sách “Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng của thực dân Pháp trong Đông Xuân 1953-1954”. Đây là một công trình tập thể, là thành quả của sự đóng góp quý báu của nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, quân dân Phú Yên, Đại tướng đã nghe báo cáo và trực tiếp viết thư động viên khen ngợi Đảng bộ, quân dân Phú Yên. Đây là một vinh dự lớn cho Đảng bộ và quân dân Phú Yên. Chúng tôi củng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và các đồng chí đã cộng tác nhiệt tình và đóng góp tích cực vào sự ra đời của công trình này.


                                                                                                                                                             
Ngày 10 tháng 11 năm 2009
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:38:58 pm »

THƯ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
GỬI CUỘC HỘI THẢO
“Quân và dân Phú Yên góp phần đánh bại chiến dịch Átlăng
của thưc dân Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954”

Các đồng chí thân mến!

Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng tự do Nam Trung Bộ (trong đó có tỉnh Phú Yên) là một mục tiêu trọng điểm của kế hoạch bình định miền Nam Đông Dương của địch và là một chiến trường phối hợp rất quan trọng của ta.

Thực hiện kế hoạch Nava, thực dân Pháp một mặt tập trung binh lực thành lập khối quân sự cơ động lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, một mặt khẩn trương chuẩn bị lực lượng mở cuộc tiến công chiến lược ở Nam Đông Dương, trong đó hướng chiến lược là vùng tự do Liên khu 5. Ngày 20 tháng 1 năm 1954, chúng huy động 22 tiểu đoàn, trong đó có 4 tiểu đoàn cơ động và 2 tiểu đoàn dù ngụy chia làm 3 cánh mở cuộc tiến công đánh chiếm vùng tự do Phú Yên thực hiện bước một chiến dịch Átlăng.

Đúng thời điểm đó, theo kế hoạch tác chiến đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Nam Trung Bộ đang gấp rút chuẩn bị mở cuộc tiến công chiến lược ở bắc Tây Nguyên.

Địch đánh ra Phú Yên, nhưng ta không bất ngờ bị động, không ảnh hưởng đến kế hoạch tiến công bắc Tây Nguyên của chủ lực ta. Nhiệm vụ đánh bại bước 1 chiến dịch Átlăng chủ yếu do quân và dân Phú Yên đảm nhiệm. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5, quân và dân Phú Yên đã dựa vào làng chiến đấu và thế trận đã được chuẩn bị sẵn, anh dũng đánh địch ngay từ khi chúng mới đặt chân tới; vừa chặn đánh địch ở phía trước, vừa tiến công chúng ở phía sau, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của Liên khu tiến công địch ở bắc Tây Nguyên. Quân và dân Liên khu 5 đã đánh bại chiến dịch Átlăng của địch tiêu diệt một lực lượng quan trọng quân cơ động của địch ở Tây Nguyên, đồng thời vùng tự do Phú Yên, đồng bằng Liên khu 5 được giữ vững.

Với chiến công xuất sắc đánh bại bước 1 cuộc tấn công ra vùng tự do của địch, quân và dân Phú Yên đã góp phần đánh bại chiến dịch Átlăng của địch. Chiến công vẻ vang ấy của quân và dân Liên khu 5 nói chung, của Phú Yên nói riêng là sự phối hợp tài tình với chiến trường chính, cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tôi hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học quan trọng này. Cuộc hội thảo sẽ đánh giá đầy đủ hơn về những chiến công, thành tích chủ yếu, những phát triển sáng tạo và kinh nghiệm quý báu về chiến tranh nhân dân của Đảng bộ và quân dân Phú Yên trong kháng chiến. Tôi mong thành công của hội thảo sẽ góp phần động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống quyết chiến quyết thắng trong kháng chiến vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm cho Phú Yên trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội phát triển, góp phần vào sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhân dịp này, tôi thân ái gửi lời thăm hỏi ân cần đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Phú Yên.

Chúc hội thảo thành công.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc.


Chào thân ái
                                                                                                                                                 
Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2009
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:42:19 pm »

MỞ ĐẦU

I. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA PHÚ YÊN

Phú Yên nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có tọa độ địa lý từ 12o39’10” đến 13o45’20” vĩ độ bắc và 108o39’45” đến 109o29’20” kinh độ đông. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía tây giáp tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắc Lắc, phía đông tiếp liền với biển Đông. Toàn tỉnh có diện tích 5.045km2, trong đó phần lớn là rừng núi hiểm trở. Ba mặt đều có núi: dãy Cù Mông ở phía bắc, dãy đèo cả ở phía nam, phía tây là rìa phía đông của dãy Trường Sơn. Phú Yên có nhiều núi cao như Hòn Chữ Nhơn (huyện Đồng Xuân) cao 1.318m, Hòn Ông (Tuy Hoà) cao 1.010m, ngọn Chư Vinh (huyện Sông Hỉnh) cao 1.364m. Dãy núi Cù Mông và dãy Vọng Phu - đèo cả chạy sát ra biển. Đặc điểm địa hình nói trên tạo cho Phú Yên có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng.

Suốt 30 năm kháng chiến, miền núi Phú Yên là căn cứ địa vững chắc của cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn, đồng thời là nơi đứng chân của các cơ quan, đơn vị, các địa phương bạn trong những lúc khó khăn. Do vậy, địch luôn tìm mọi cách để đánh chiếm địa bàn này, song chúng đều chịu nhiều thất bại cay đắng. Dựa vào thế chiến lược “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, nhất là ở các huyện miền núi, quân và dân Phú Yên đã xây dựng nhiều căn cứ, bố trí nhiều trận địa hiểm hóc, thực hiện nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt địch đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đây cũng chính là bàn đạp để quân và dân ta mở những đợt hoạt động tiến công địch trên nhiều hướng ở đồng bằng và thị xã.

Phía tây của tỉnh là sườn đông của dãy Trường Sơn tiếp liền với vùng núi rừng trùng điệp Tây Nguyên tạo thành một vòng cung khép kín bao quanh từ đèo Cù Mông đến đèo cả. Nhiều mỏm núi nhô ra sát biển tạo cảnh quan đẹp, môi trường tốt để phát triển kinh tế. Hệ thống hang động đa dạng, có sức chứa lớn có thể chịu đựng bom đạn của địch với cường độ cao, bảo vệ lực lượng tác chiến giành thắng lợi. Vùng trung du có một số cao nguyên rộng tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ như ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh thuận lợi cho việc phát triển nông trường, trang trại, phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm, trang trại chăn nuôi gia súc.

Vùng ven biển của Phú Yên có đồi núi thấp phân bố chủ yếu ven đường quốc lộ 1 và rải rác dọc bờ biển, độ cao trung bình 150m - 300m, chia cắt vùng đồng bằng ven biển ra thành những đồng bằng nhỏ. Đây cũng là nơi có nhiều hang động rất thuận lợi cho trú ém quân, chứa hàng, lập công binh xưởng.

Vùng đồng bằng phân bố chủ yếu ở khu vực thành phố Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa thuộc hạ lưu sông Ba có núi xen kẽ rải rác như núi Một (Hòa Tân); núi Sặc, núi Hương (Hòa Phong); núi Sầm (Hòa Trị); núi Miếu (Hòa Quang); núi Hương (Hòa Định Đông); núi Chóp Chài (Hòa Kiến)... Đây cũng là những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt về quân sự. Chính vì vậy, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ luôn tìm mọi cách chiếm đóng những vị trí này nhằm khống chế, đánh phá ta.

Đồng bằng Phú Yên có diện tích khoảng 816km2, trong đó vùng đồng bằng Tuy Hòa (bao gồm các huyện Tây Hòa, huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa hiện nay) chiếm 500km2, là đồng bằng màu mỡ nhất do nằm ở hạ lưu sông Ba luôn được bồi đắp bởi phù sa từ các vùng đồi bazan ở thượng lưu mang lại, được tưới nước từ hệ thống thủy nông Đồng Cam tạo cho Phú Yên có ưu thế sản xuất lương thực, so với các tỉnh khác ở khu vực miền Trung. Trong kháng chiến chống Pháp, gạo Tuy Hòa không những nuôi quân dân trong tỉnh mà còn chi viện cho các chiến trường Khánh Hòa, Tây Nguyên và các tỉnh khác ở cực Nam Trung Bộ.

Phú Yên có bờ biển dài 189km, đường cơ sở trên biển dài 90km đi qua Hòn Ông Căn (Bình Định), mũi Đại Lãnh (điểm A9 - huyện Đông Hòa), Hòn Đôi (Khánh Hòa), tạo nên diện tích vùng nội thủy khoảng 1.100km2, đường biên giới quốc gia cách bờ biển nơi gần nhất 22km, nơi xa nhất 39km tạo nên vùng diện tích lãnh hải của tỉnh 2.000km2. Bờ biển có nhiều chỗ núi ăn thông ra biển tạo thành nhiều đầm, vịnh, vũng, mũi, đảo và bán đảo. Trong đó, Vịnh Xuân Đài và Vũng Rô là những nơi lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu, tránh gió bão. Tại Mũi Nạy (còn gọi Cap Varella), từ cuối thế kỷ XIX người Pháp đã đặt một ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền đi biển. Đặc biệt Phú Yên có Vũng Rô, nằm trong địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tiếp giáp với Vịnh Văn Phong - Đại Lãnh (tỉnh Khánh Hòa), có diện tích mặt nước rộng 16,40km2, sâu từ 14 đến 19m, kín gió, đáy vịnh ổn định; cửa vào rộng 2km. Trong kháng chiến chống Mỹ, cuối năm 1964, đầu năm 1965, 4 lần tàu không số của ta từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa khoảng 240 tấn vũ khí, đạn dược vào Vũng Rô để chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ. Cuối năm 1965, đầu năm 1966, Mỹ xây dựng Vũng Rô thành cảng tiếp nhận xăng dầu và các loại khí tài quân sự, vật chất phục vụ chiến tranh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:43:58 pm »

Do địa hình có nhiều núi đồi, nên Phú Yên có nhiều đèo dốc. Trong đó đáng chú ý là đèo Cù Mông nằm trên quốc lộ 1A có độ cao 245m (điểm phân ranh giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên) và đèo Cả vượt qua dãy núi Đại Lãnh (còn gọi dãy Vọng Phu, một nhánh của dãy Trường Sơn nhô ra biển Đông) là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, dài 11km, cao 417m. Đặc điểm của đèo Cù Mông và đèo Cả là có vách taluy cao, nhiều vòng cua hẹp, độ dốc lớn, hai bên là núi cao khá hiểm trở. Đây cũng là những vị trí hết sức thuận lợi cho lực lượng ta lập trận địa phục kích chặn đánh các đoàn xe cơ giới của địch. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã diễn ra nhiều trận đánh nổi tiếng, tiêu biểu nhất là những trận đánh trên “Mặt trận đèo Cả” năm 1947 và trận đánh Mỹ đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh năm 1965.
 
Trên các tuyến đường tỉnh, huyện, xã, đèo dốc cũng dày đặc: Đèo Cây Cưa trên đường ĐT642 (Triều Sơn - La Hai), đèo Thị trên đường ĐT641 (Chí Thạnh - Mục Thịnh), đèo Dinh ông, dốc Đá Đề (quốc lộ 25), dốc Phường, đèo Bình Thảo (huyện Sông Hinh), dốc Đồng Tranh, dốc Lỗ Chài (huyện Phú Hòa), dốc Đá Mài, suối Bùn, dốc Đỏ, dốc Lau (huyện Sơn Hòa). Đặc biệt dốc Chanh, dốc Mõ thuộc huyện Tây Hòa là những địa danh gắn với cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp của quân và dân Phú Yên.

Hang, gộp, hốc ở Phú Yên khá nhiều và phân bố khắp các huyện trong tỉnh. Đáng chú ý là các gộp bãi Xép, hốc Gạo, hốc Võ, hốc Răm, suối Cùng, suối Lạnh, Mòng Mòng, hốc Nhum (huyện Tuy Hoà); hang Trai Thủy (tục gọi là hang Dơi) ở núi Chóp Chài, gộp Đá Bàn (thị xã Tuy Hoà); hốc Bé, hốc Tạ (huyện Tuy An); hốc Bà Beo, gộp Hòa Lợi (huyện Sông cầu); hang Thuồng Luồng, gộp Hòn Huệnh (huyện Sơn Hòa), hốc Bà Chiền (huyện Đồng Xuân)... Các hang, gộp, hốc là nơi đứng chân của nhiều cơ quan, đơn vị, kho tàng, bệnh viện... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các con sông ở Phú Yên đều phát nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía tây, đèo Cù Mông ở phía bắc và đèo Cả ở phía nam: sông Bàn Thạch, sông Hinh, sông Cà Lúi, sông Cầu, sông Krông Năng, sông Con, sông Đồng Bò, sông Thá... Trong đó, đáng chú ý là sông Ba (còn gọi là sông Đà Rằng) dài 360km chảy qua địa bàn tỉnh 90km, là con sông lớn của miền Trung, có diện tích lưu vực 13.220km2, chủ yếu tập trung ở Gia Lai, Kon Tum.

Phần diện tích lưu vực nằm ở Phú Yên là 2.420km2, chiếm 18,3%. Ngoài ra còn có sông Kỳ Lộ, sông lớn thứ hai ở Phú Yên có chiều dài 120km, phần nằm trong tỉnh là 76km. Do hướng chính của các sông là tây bắc - đông nam hoặc tây - đông nên dọc theo bờ biển có nhiều cửa sông. Đường sá có mật độ cầu khá lớn, trung bình 2km có 1 cầu.

Suối ở Phú Yên có mật độ tương đối dày, đặc biệt là các huyện miền núi và vùng núi của những huyện đồng bằng. Đáng chú ý là suối Bà Năm, suối Bà Bông (huyện Sông Cầu); suối Cay, Đồng Dài, Đồng Sa (huyện Tuy An); suối Cái, suối Muồng (huyện Phú Hoà). Mật độ sông, suối dày tạo điều kiện thuận lợi lớn cho lực lượng ta trú quân, sản xuất, sinh hoạt. Sông, suối nhiều cũng góp phần chia cắt địa hình, đường giao thông khi bị đánh phá cầu, cống. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ta phá hủy hầu hết các cầu để ngăn chặn xe cơ giới địch. Từ năm 1949, nhân dân Phú Yên lại sửa chữa các cầu tạm và các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt để bộ đội cơ động đánh giặc và phục vụ sản xuất.

Thời tiết Phú Yên có 2 mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung vào 2 tháng cao điểm (tháng 10 và tháng 11). Thời tiết có ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch hoạt động quân sự của ta và địch.

Thiên nhiên tạo cho Phú Yên một hệ thực vật, động vật phong phú không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nhân dân mà còn cung cấp nhiều vị thuốc quý để chữa bệnh.

Là một tỉnh nằm trên trục đường giao thông Bắc - Nam, Phú Yên có hệ thống đường bộ khá phát triển. Ngoài tuyến đường sắt, Phú Yên có quốc lộ 1A dài 124km chạy xuyên qua các thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa, huyện Đông Hòa nối liền Phú Yên với các tỉnh trong cả nước. Quốc lộ 25 dài 168km (phần qua Phú Yên dài 68km), từ thành phố Tuy Hòa đi Tây Nguyên, giao nhau với quốc lộ 14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đường Quy Nhơn - Sông cầu dài 30km chạy dọc bờ biển từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vòng tránh đèo Cù Mông vào thị xã Sông Cầu, tỉnh lộ ĐT645 nối liền với vùng Tây Nguyên rộng lớn. Mạng lưới đường của 8 huyện, thị trong tỉnh nối liền đến tất cả các xã trên tất cả các vùng; đường ô tô đến tận trung tâm các xã.

Dân số Phú Yên tính đến năm 2009 (1-4-2009) là 861.993 người. Có 30 thành phần tộc người sinh sống, trong đó chủ yếu là người Việt (Kinh) chiếm 93%, Trong 30 thành phần tộc người kể trên, cư dân Việt, Chăm, Êđê, Bana, Hoa là những tộc người đã sinh sống lâu đời. Các tộc người khác do chuyển cư, di cư hoặc quan hệ hôn nhân (chủ yếu là từ các tỉnh miền núi phía Bắc) mà đến Phú Yên cư trú. Đặc tính chung của nhân dân Phú Yên là cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, sông tương thân, tương ái giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:46:45 pm »

II. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN PHÚ YÊN

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Phú Yên đã góp phần xây dựng nên những truyền thống quý báu của dân tộc, trong đó nổi bật là truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống ngoại xâm.

Ngay khi thực dân Pháp xâm lược Nước ta, nhân dân Phú Yên đã nổi lên chống Pháp. Từ năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhiều sĩ phu yêu nước đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Ngày 15 tháng 8 năm 1885, Lê Thành Phương cùng các sĩ phu kéo cờ khởi nghĩa tại núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lê Thành Phương đã chiêu tập được một lực lượng nghĩa quân khoảng vài nghìn người. Dưới khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”, nghĩa quân chia nhau đi bắt những kẻ làm tay sai cho giặc, đánh chiếm, làm chủ thành Phú Yên nhiều ngày.

Sau khi cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương khởi xướng và lãnh đạo bị thất bại (1887), phong trào chống Pháp của nhân dân Phú Yên tiếp tục với cuộc vận động cứu nước của Nguyễn Hào Sự.

Năm 1892, cũng tại miền Tây huyện Đồng Xuân, hàng nghìn nông dân các làng Phú Xuân, Phú Hội, Triêm Đức, Kỳ Lộ dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Hào Sự, nổi dậy đấu tranh chống sưu thuế, chống đi lính.

Phong trào cần Vương thất bại, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân. Trong tình hình đó, tại Phú Yên lại bùng lên với cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân (năm 1900). Đội quân khởi nghĩa có tới 1.000 người gồm cả người Kinh, người dân tộc ít người ở Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa.

Năm 1908 dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Dực và Lê Hanh phong trào chống sưu cao thuế nặng, chông cường hào, cổ động dùng hàng nội hóa, mở trường dạy học chữ Quốc ngữ tiếp tục bùng lên mạnh mẽ. Tuy bị đàn áp dã man, nhưng phong trào chống sưu thuế ở Phú Yên, cùng với phong trào đấu tranh khắp các tỉnh miền Trung đã làm rung động bộ máy thống trị của thực dân.

Trong hơn 20 năm, kể từ lúc thực dân Pháp đặt ách cai trị ở Phú Yên, nhân dân Phú Yên đã nổi dậy chống lại rất quyết liệt, liên tục. Nhưng do thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn nên những cuộc đấu tranh đó vẫn chưa giành được thắng lợi. Tuy vậy, nó đã tô đậm truyền thông yêu nước - di sản tinh thần quý giá để nhân dân Phú Yên viết tiếp những trang sử vẻ vang trong thời đại mới.

Sau sự ra đời của một vài tổ chức yêu nước, ngày 5 tháng 10 năm 1930, tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long (Đồng Xuân) chi bộ Đảng tại Phú Yên được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Yên đã kiên cường bất khuất, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng. Đêm 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ngày 12 tháng 6 năm 1945, tại làng Hòa Đa, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập. Các hội cứu quốc: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công nhân ra đời dưới sự tổ chức lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh có hàng chục nghìn quần chúng tham gia. Sau khi nhận lệnh của Xứ ủy Trung kỳ, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 nổ ra trên địa bàn tỉnh. Tối 24 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa thành công tại tỉnh lỵ Sông cầu. Chính quyền nhân dân được thành lập từ tỉnh đến khắp các huyện, xã.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh là thắng lợi hết sức quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng lâu dài trên địa bàn Phú Yên. Đây là thắng lợi của việc kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, đoàn kết các lực lượng yêu nước, các dân tộc, trên nền tảng khối công nông liên minh. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã tạo cho nhân dân Phú Yên có một động lực mới, khí thế mới trong đấu tranh cách mạng.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân ta từ một dân tộc bị nô lệ, bị áp bức nay được giải phóng, trở thành người làm chủ đất nước. Song vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động liên kết với nhau bao vây, chống phá quyết liệt. Với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, các đội quân đồng minh dồn dập kéo vào Việt Nam. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần hai. Ngày 6 tháng 10 năm 1945, quân Pháp đổ bộ chiếm đóng thị xã Nha Trang, làm địa bàn đứng chân đánh chiếm toàn tỉnh Khánh Hoà và mở rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ. Cùng với cả nước, nhân dân Phú Yên bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong suốt 9 năm lập nên nhiều chiến công oanh liệt mà đỉnh cao là chiến thắng đánh bại bước 1 cuộc hành quân Átlăng, mở đầu kế hoạch Nava của thực dân Pháp trên địa bàn Phú Yên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:49:58 pm »

Chương một

TÌNH HÌNH CHIẾN TRƯỜNG CẢ NƯỚC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
TRONG ĐÔNG XUÂN 1953-1954

I. CUỘC HÀNH QUÂN ÁTLĂNG VỚI THAM VỌNG
ĐÁNH CHIẾM VÙNG TỰ DO LIÊN KHU 5 CỦA THỰC DÂN PHÁP

Trải qua gần 8 năm tiến hành cuộc xâm lược nước ta, đến mùa hè năm 1953, thực dân Pháp đã đổ vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương 2.130 tỷ phơrăng. Nhưng hàng chục vạn quân viễn chinh vẫn bị giam chân ngày càng bị sa vào “đường hầm không lối thoát” trong cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo và bẩn thỉu. Cuộc chiến tranh hao người tốn của này không chỉ làm cho các tầng lớp nhân dân lao động Pháp - những người phải hứng chịu gánh nặng thuế khoá và binh dịch - thêm khốn khổ, mà còn làm cho giới cầm quyền Pháp ngày càng mâu thuẫn gay gắt do không giải quyết được những khó khăn chồng chất. Trong chính giới Pháp, những kẻ ngoan cố chủ trương tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương còn chiếm ưu thế, nhưng những người đứng về phía đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng tăng. Chính phủ Pháp do Rơnê Mayơ (Réné Mayer) đứng đầu - Chính phủ thứ 18 của nước Pháp trong vòng 8 năm - mới tồn tại chưa được 4 tháng đã đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, những kẻ hiếu chiến trong giới cầm quyền Pháp đã dựa vào Mỹ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược.

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường chính Bắc Bộ và Bắc Đông Dương, tháng 5 năm 1953, Chính phủ Pháp một lần nữa buộc phải thay thế viên chỉ huy quân sự cao nhất ở Đông Dương. Tướng Raun Xalăng bị triệu hồi; cử tướng Hăngri Nava - được coi là viên tướng tài năng nhất của nước Pháp sang làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp. Sau hơn hai tháng thị sát tình hình, ngày 24 tháng 7 năm 1953, Nava đệ trình bản kế hoạch (sau này mang tên ông ta) lên Hội đồng quốc phòng Pháp và được thông qua. Đây là một kế hoạch chính trị - quân sự đầy tham vọng, là cố gắng cao nhất của giới thực dân hiếu chiến Pháp và sự viện trợ lớn nhất của Mỹ hòng đảo ngược tình thế, kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi nhất cho thực dân Pháp.

Tư tưởng chủ đạo về tác chiến của kế hoạch Nava là: “Trong chiến cục 1953-1954, coi như một thời kỳ nguy hiểm, phải tránh tổng giao chiến và xây dựng khối cơ động tác chiến. Ngược lại, trong chiến cục 1954-1955, khi khối cơ động tác chiến của chúng ta (Pháp) đạt được số lương và được huấn luyện đầy đủ, ta phải tìm cách giao chiến”(1).

Nội dung chính của kế hoạch Nava bao gồm hai phần: chính trị và quân sự. Về chính trị, yếu tố hàng đầu là phải xác định rõ mục đích của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp, các chính phủ bù nhìn ở Đông Dương và Mỹ hợp thành một liên minh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mỹ coi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là cộng sản nên sẽ là mục tiêu của Mỹ ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Đối với chính phủ bù nhìn (ngụy quyển) ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mục đích của cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt “kẻ thù bên trong”, là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia. Còn đối với Pháp là “ở lại Đông Dương và xây dựng một khối liên hiệp vững chắc”; muốn vậy phải có sự lãnh đạo thống nhất về chính trị và quân sự, kể cả ở Sài Gòn và Pari; phải bằng mọi cách thúc đẩy các chính phủ bù nhìn ở Đông Dương dốc sức vào cuộc chiến tranh, phải cho các chính phủ ấy (ngụy quyền) “nền độc lập rộng rãi nhất”.

Nava xác định phải tìm một lối thoát, giải quyết sự bế tắc ở Đông Dương. Lối thoát đó khó lòng là một thắng lợi bằng quân sự, mà chỉ có thể bằng chính trị, muốn vậy phải tạo nên những thắng lợi quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị.


(1) H. Nava - Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H. 1994, tr.89, 90.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2021, 05:54:14 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:55:28 pm »

Về quân sự, kế hoạch Nava gồm tổ chức và tác chiến. Kế hoạch tổ chức có 5 nội dung lớn. Một là, xin tăng cường binh lực, trước tiên khoảng 2 sư đoàn trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương sang. Hai là, phát triển lực lượng ngụy quân, mà quan trọng nhất là thành lập các tiểu đoàn khinh quân, tăng cường công tác đào tạo chỉ huy các cấp, thành lập các binh đoàn cơ động và các sư đoàn, giao trách nhiệm quản lý (chiếm đóng) lãnh thổ cho quân ngụy ở một số khu vực. Ba là, sắp xếp, bố trí lại lực lượng quân sự nhằm giảm bớt số nhân viên trong các bộ tham mưu lớn, bổ sung cho các bộ tham mưu cấp sư đoàn và các binh đoàn chủ lực dự kiến sẽ được thành lập. Bốn là, lưu động hoá các đơn vị chiếm đóng, tức là rút bớt các đơn vị thiện chiến, mà quan trọng là lực lượng Âu, Phi ở các đồn bốt. Năm là, thành lập các binh đoàn chủ lực.

Kế hoạch tác chiến tổng quát của kế hoạch Na va là trong Đông Xuân 1953-1954 tránh giao chiến với chủ lực đối phương, tập trung vào việc tổ chức binh đoàn tác chiến mạnh; từ Hè Thu 1954-1955, tiến hành giao chiến tiêu diệt toàn bộ chủ lực đổỉ phương. Kế hoạch tác chiến cụ thể được chia làm hai bước.

Bước thứ nhất, trong chiến cuộc 1953-1954, thực hiện phòng ngự chiến lược ở bắc vĩ tuyến 18, tránh giao chiến lớn với chủ lực đối phương, ngăn chặn đối phương tiến công Thượng Lào (Luông Phabăng, Cánh Đồng Chum); tiến công chiến lược ở miền Nam, nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, đặc biệt là tiến công đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.

Bước thứ hai, từ mùa khô 1954 trở đi, tiến công chiến lược từ vĩ tuyến 18 trở ra, giành thắng lợi quyết định, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch Nava được dư luận chính giới Pháp và Mỹ đánh giá rất cao. Đây là cố gắng chiến tranh cao nhất, của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945-1954), với sự viện trợ lớn nhất của Mỹ, được Mỹ hậu thuẫn và ủng hộ tích cực nhằm xoay chuyển tình thế có lợi cho chúng. Ngoại trưởng Mỹ Đalét khẳng định: “Kế hoạch Nava trong hai năm tới nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn, thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”.

Đề cập đến kế hoạch tác chiến này, Đại tướng Nava - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương giải thích, nói rõ thêm 3 điểm. Thứ nhất, dùng từ “tìm cách tránh giao chiến lớn”, Nava thừa nhận là khi Pháp đang ở thế phòng thủ, thì khó mà dám chắc là có thể tránh được giao chiến. Thứ hai, khi bộc lộ ý đồ: phải thanh toán cho được vùng tự do Liên khu 5, Nava nhấn mạnh kế hoạch này đã được tướng Xalăng, viên Tổng chỉ huy tiền nhiệm, nêu ra trong bản nghiên cứu từ tháng 5 năm 1953. Theo Nava, nếu trong năm 1954 Pháp không “thanh toán” được vùng tự do Liên khu 5 thì sau đó sẽ rất khó loại trừ được thực thể này, bởi vì lực lượng kháng chiến tại địa bàn Liên khu 5 đã phát triển “một cách rất đáng kể” trong vài tháng gần đây. Thứ ba, “kế hoạch này được xây dựng trong tương quan với tiềm lực ta biết được về đối phương và dự kiến khả năng phát triển của họ. Song cũng cần dè chừng hai trường hợp: một là, do đối phương vượt trội lên, chúng ta có thể bị những thất bại nghiêm trọng trong chiến cuộc 1953-1954; hai là, kế hoạch này chỉ có giá trị trong chừng mực viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh không tăng lên ồ ạt”(1).

Đánh chiếm vùng tự do của ta ở Liên khu 5 vốn là một ước mơ từ lâu của các viên Tổng chỉ huy quân Pháp.

Kế hoạch hành quân mang tên Átlăng (còn gọi là cuộc hành quân, chiến dịch Átlăng) chia làm ba bước:

Bước thứ nhất: mang mật danh “Arêtút” (Arétthuse) sử dụng 25 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn công binh và 3 đơn vị pháo binh, sử dụng 22 tiểu đoàn, đổ bộ từ biển lên, từ Khánh Hoà đánh ra, từ Đắc Lắc đánh xuống, chiếm thị xã Tuy Hoà và tỉnh Phú Yên, thời gian kéo dài từ 20 đến 25 ngày trong tháng 1 năm 1954.

Bước thứ hai: mang mật danh “Axen” (Axelle) sau khi đánh chiếm tỉnh Phú Yên sẽ tăng quân đánh chiếm Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, tiến hành vào đầu tháng 3 năm 1954 và kéo dài 2 tháng.

Bước thứ ha: mang mật danh “Áttila” (Atila), tập trung lực lượng từ Quảng Nam đánh vào, Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên, hợp điểm tại thị xã Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5; thời gian bắt đầu từ tháng 5 năm 1954, kéo dài 2 tháng với lực lượng 45 tiểu đoàn bộ binh và 8 đơn vị pháo binh.
Cuộc hành binh này được mang mật danh “4.A” (bốn chữ A), chữ A thứ nhất là Átlăng (Atlante) - tên của cuộc hành quân và 3 chữ A tiếp theo là “Arêtút”, “Axen”, “Áttila” - các bước của cuộc hành quân.


(1) H. Nava - Thời điểm của những sự thật, Sđđ, tr.90, 91
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 07:58:43 pm »

Chỉ huy cuộc hành quân này là các viên tướng Đờ Bôpho (De Beaufort - Tư lệnh Quân khu Tây Nguyên) và Bờlăng. Phan Văn Giáo - Thủ hiến Trung Việt (miền Trung), được Bảo Đại - Quốc trưởng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam, giao nhiệm vụ; “sẵn sàng tiếp nhận bàn giao khi người Pháp đã giành thắng lợi”; dự kiến nhân sự để thiết lập lực lượng vũ trang địa phương, thiết lập các cơ sở hành chính và bình định vùng chiếm đóng với sự hỗ trợ của lực lượng các tiểu đoàn khinh quân (bộ binh). Theo đó Phan Văn Giáo đã huy động lực lượng nghĩa dũng đoàn (lực lượng bán vũ trang địa phương) và các đội quân thứ hành chính lưu động(1) từ bắc miền Trung mới được vội vã thành lập vào để xúc tiến công việc bình định.

Phạm vi của cuộc hành quân rộng chừng 26.000km2, có chiều dài khoảng 370km và chiều ngang trung bình 70km. Đây là vùng tự do, một căn cứ địa chiến lược của ta ở Liên khu 5, được xây dựng, củng cố duy trì và phát huy tác dụng tích cực suốt trong cả quá trình của cuộc kháng chiến. Đây là vùng đồng bằng ven biển miền Trung, đất đai khá màu mỡ, dân cư đông đúc với khoảng 2,5 triệu người. Chúng ta đã khai thác được nguồn nhân lực, vật lực dồi dào và sử dụng đường xe lửa làm tuyến giao thông quan trọng để vận chuyển lương thực, vũ khí, nối liền hai miền Nam, Bắc. Các tỉnh vùng tự do Liên khu 5: Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) có vị trí chiến lược quan trọng, phía đông giáp biển, phía tây giáp các tỉnh vùng Tây Nguyên và giáp với cao nguyên Bôlôven của Lào; phía nam giáp tỉnh Khánh Hoà - vùng đã bị địch chiếm đóng từ cuối năm 1945.

Lực lượng địch được huy động để tham gia cuộc hành quân Átlăng gồm có 6 binh đoạn cơ động là Binh đoàn bộ binh số 11 (ngụy) gồm các tiểu đoàn bộ binh 1, 11, 17; tiểu đoàn pháo binh số 1, từ Bình Trị Thiên vào. Binh đoàn bộ binh số 21 (ngụy) gồm các tiểu đoàn bộ binh 8, 27, 30, tiểu đoàn pháo binh số 2, một đại đội súng cối hỗn hợp từ Nam Bộ ra. Binh đoàn bộ binh số 41 (ngụy, còn gọi là Liên đoàn bộ binh sơn cước, do lực lượng này là quân ở Tây Nguyên) gồm các tiểu đoàn 1, 3, 8; tiểu đoàn pháo binh số 4. Binh đoàn bộ binh số 42 (ngụy, còn gọi là liên đoàn bộ binh sơn cước, do lực lượng này là quân ở Tây Nguyên) gồm các tiểu đoàn 3, 6, 7, hai đại đội súng cối hỗn hợp. Binh đoàn cơ động số 10 quân Bắc Phi và binh đoàn cơ động 100 vừa điều từ Triều Tiên sang, thuộc lực lượng quân viễn chinh Pháp. Ngoài ra Pháp còn sử dụng 14 tiểu đoàn khác tham gia cuộc hành quân này làm nhiệm vụ bình định.

Pháp đặt ra Phân khu Duyên hải, thuộc Đệ tứ quân khu (Tây Nguyên)(2) để chỉ huy và tiếp tế cho cuộc hành quân. Quân ngụy đặt Bộ chỉ huy nhẹ ở Nha Trang và một căn cứ tiền phương tại Ninh Hoà (Khánh Hoà).

Trên địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên, từ năm 1946 đến trước khi mở cuộc hành quân Átlăng địch xây dựng một số đồn bốt nhằm ngăn chặn các cánh quân của ta từ vùng tự do Phú Yên đánh lên và liên tục tổ chức càn quét đánh phá các huyện miền núi của ta (Sơn Hòa, Sông Hinh ngày nay).


(1) Đội quân thứ hành chính lưu động (Group penment administratif mobil operations - viết tắt là GAMO) - một tổ chức bán quân sự, có liên quan mật thiết với vấn đề bình định và an ninh lãnh thổ, được thiết lập cuối năm 1951 tại Bắc Bộ và bắc miền Trung. Các đội quân thứ hành chính lưu động có nhiệm vụ thay thế các đơn vị hành quân trong vùng mới chiếm đóng để duy trì an ninh trật tự và thiết lập các cơ sở hành chính hạ tầng. Mỗi đội quân thứ hành chính lưu động gồm khoảng 60 người, chia thành 4 ban (hành chính, quân sự, y tế xã hội và thông tin).
(2) Theo Sắc lệnh số 61-QP, ngày 26 tháng 6 năm 1952, các quân khu thuộc quân đội quốc gia được thành lập kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1952. Lãnh thổ Việt Nam được chia thành 4 quân khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2021, 08:00:17 pm »

Hệ thống đồn vùng giáp ranh gồm: vùng Bàu Bèn (Phước Tân) có 3 đồn Bà Lá, Ma Phu, Chánh Đơn. Xa hơn về phía tây nam có đồn Ai Nu. Đồn Cà Lúi thuộc xã Krông Pa, giáp ranh với xã Suối Trai. Đồn Aêriêng (Hai Riêng) giáp Tuy Bình, Chí Thán án ngữ trên đường 21 bis từ Mađrắc, Khánh Dương ra xã Hòn Nhọn. Ngoài ra còn có đồn Buôn Thô, nhưng địch đã chuyển về sáp nhập với đồn Aêriêng từ năm 1948. Phía tây bắc xã Thồ Lồ có đồn Đăk Pơk thuộc Gia Lai.

Quân số mỗi đồn của địch có khoảng 1 đại đội, chủ yếu là người dân tộc ít người. Riêng đồn Bà Lá và đồn Aêriêng khoảng 2 đại đội. Từ các đồn này, địch thường xuyên càn quét vào địa bàn các xã thuộc huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (ngày nay), gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất. Điển hình là vào năm 1952, địch càn xuống Phước Tân, Thồ Lồ bắt trên 200 dân và giết hơn 20 người.

Tiến hành cuộc hành quân Átlăng, thực dân Pháp hy vọng sử dụng lực lượng quân sự mạnh, tiêu diệt chủ lực và các lực lượng vũ trang cách mạng ta, phá cơ sở, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, “xoá sổ” vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; chủ yếu là phòng ngừa một hiểm họa rất lớn, phá tan mối đe dọa thường xuyên của các căn cứ của Việt Minh ở Liên khu 5 đối với các chiến trường miền Nam Đông Dương. Đây còn là cuộc hành quân vừa để thực hiện mục tiêu chiếm đóng vừa nhằm mục đích bình định.

Về mục đích của cuộc hành quân Átlăng, Nava đã viết rõ trong cuốn sách Đông Dương hấp hối như sau: “Cuộc hành quân Átlăng có mục đích tiêu diệt Liên khu 5, bởi nó là một địa bàn có giá trị về kinh tế, nhân lực, quan trọng hơn là về chính trị và vị trí chiến lược”(1); “Đây là con đường nối liền Nam - Bắc giữa Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Thông qua con đường này Việt Minh gửi cán bộ, vũ khí, tiền bạc cho lực lượng của họ ở phía Nam và Campuchia. Việc giải phóng rồi giao quyền quản lý trực tiếp nó cho Chính phủ Việt Nam (ngụy) sẽ có một ảnh hưởng về tinh thần rất lớn đối với toàn bộ nước Việt Nam, kể cả trong những vùng do Việt Minh kiểm soát. Đây là một cuộc trắc nghiệm chính trị hàng đầu”(2).

“Nhưng đây không phải là mục đích chủ yếu của cuộc hành quân. Đây là biện pháp phủ đầu chống lại một nguy cơ lớn. Thực vậy, Liên khu 5 cùng với những căn cứ địa trên cao nguyên Bôlôven là một mối nguy cơ thường xuyên đối với các vùng Nam Đông Dương (Nam Bộ, Nam Lào và Campuchia)... Chúng ta nắm được từ các nguồn tin chắc chắn là Bộ chỉ huy Việt Minh xem Liên khu 5 như một căn cứ để tung ra các cuộc hành quân quan trọng vào năm 1954-1955. Vì thế, do chúng ta chậm trễ trong việc tiêu diệt nó nên đang phải đối đầu với một vấn đề khủng khiếp”(3).

Vào cuối năm 1953, các dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy có sự chuẩn bị của Liên khu 5 cho một cuộc tiến công, hoặc vào Đà Nẵng hoặc vào Nha Trang, nhiều khả năng là vào vùng Tây Nguyên. Sự phối hợp hành động của cuộc tiến công này với các cuộc tiến công khác vào Sênô có thể gây cho chúng ta những hậu quả hết sức bi thảm: sự cắt đứt hoàn toàn những đường giao lộ của chúng ta với vùng Bắc Lào, một cuộc tiến quân của Việt Minh vào Campuchia và Nam Bộ”(4).

Trong kế hoạch chiến lược và ý đồ của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - tướng Nava, cuộc hành quân Átlăng có vị trí và tầm quan trọng lớn thứ ba, sau Điện Biên Phủ và Trung Lào. Trong một bức điện gửi tướng Cônhi, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Nava đã nói rỡ: “Tướng quân phải coi trách nhiệm toàn bộ của mình là đồng bằng và miền thượng du, miền này phải được ưu tiên và đặc biệt là phòng thủ Điện Biên Phủ. Hiện nay, đồng bằng đối với tướng quân chuyển xuống hàng khẩn cấp thứ hai và đối với tôi thì xuống hàng thứ tư sau Điện Biên Phủ, Trung Lào và cuộc hành quân Átlăng”(5).


(1) H. Nava - Đông Dương hấp hối (Phan Thanh Toản dịch), Nxb Công an nhân dân, H. 2000, tr.243-244.
(2), (3), (4), (5) H. Nava - Đông Dương hấp hối, Sđd, tr.243-244.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM