Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:55:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng...  (Đọc 4078 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2021, 10:07:01 am »

Lịch sử kháng chiến trên địa bàn không phải không có sai lầm, thiếu sót. Nhưng dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận sai lầm, thiếu sót, dám chịu trách nhiệm và từ sai lầm thiếu sót ra sức xây dựng, củng cố, rèn đúc ý chí quyết chiến quyết thắng, vươn lên giành thắng lợi là một bản lĩnh cách mạng cực kỳ cần thiết, cực kỳ quan trọng và quý báu mà quân và dân Phú Yên, đặc biệt là những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương đã xây dựng được ngay từ những ngày đầu, trở thành một phẩm chất tốt đẹp có tính truyền thống của Đảng bộ và quân dân Phú Yên.

Bên cạnh vai trò tổ chức, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các xã, thôn, mỗi chiến công của quân và dân Phú Yên trong 9 năm kháng chiến nói chung, trong chiến thắng đánh bại cuộc hành quân Átlăng nói riêng đều gắn liền với tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội, Thôn đội, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực liên khu. Các đồng chí đó là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy được đề bạt lên trong chiến đấu, từ cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn này. Các đồng chí đó vốn là những thanh niên nông dân chưa có đủ trình độ lý luận cần thiết, chưa có kiến thức đầy đủ về quân sự, thiếu trình độ văn hóa phổ thông, nhưng lại là những cán bộ giàu kinh nghiệm tác chiến du kích, hết lòng yêu quê hương, hết lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, làm công tác quần chúng tuyệt giỏi. Sau mỗi trận chiến đấu, các đồng chí đó hầu như không có thời gian nghỉ ngơi: lo giải quyết hậu quả, chôn cất liệt sĩ, chăm sóc thương binh, đào hầm, lo ăn uống sinh hoạt cho đơn vị, động viên đồng đội; quan hệ với chính quyền, đoàn thể quần chúng và nhân dân, hiệp đồng với các đơn vị bạn, hội họp, nhận nhiệm vụ chiến đấu mới...

Chính cuộc chiến đấu gian khổ hy sinh nhưng xiết bao gắn bó với cơ sở, với nhân dân ở Phú Yên là cái lò rèn ưu tú nhất đào tạo các đồng chí đó trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy giỏi, được nhân dân yêu mến, khiến quân thù khiếp sợ.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Phú Yên nói chung, trong trận càn Átlăng nói riêng gắn liền với vai trò và công lao to lớn của các đoàn thể, của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc từ cụ già tới em nhỏ, đặc biệt là của những người phụ nữ. Có thể nói đây cũng là một thành công lớn, một bài học kinh nghiệm lớn trong tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy của Đảng bộ Phú Yên.

Trong tất cả các đội du kích ở các làng xã đều có khá đông các nữ thanh niên cầm súng chiến đấu. Hầu hết các chị đều biết sử dụng thành thạo súng trường, lựu đạn và các loại vũ khí tự tạo như: chông, mìn, đạp lôi. Khi giặc đến các chị ngâm mình dưới các ao, đầm, kênh rạch; nấp trong hầm bí mật, trong các rừng cây, hốc đá, khe suối rồi bất thần lao ra tiến công. Khi giặc tháo chạy, các chị lại cùng nhân dân chôn cất những đồng bào và các đồng chí bị hy sinh, dựng lại những căn nhà bị địch đốt cháy, chăm dặm lại lúa màu, sửa sang lại làng chiến đấu, đào hầm bí mật cho người, gia súc và cất giấu lương thực.

Nhưng phần lớn những người phụ nữ Phú Yên là những người không có vũ khí và trụ lại trong các thôn xóm. Ở đây các mẹ, các chị tiến hành cuộc chiến đấu không kém phần gian khổ, luôn luôn phải chịu những khó khăn, thiếu thốn ghê gớm. Các mẹ, các chị đã làm tất cả những gì có thể làm được để cứu sống và chăm sóc bộ đội, cán bộ, du kích bị thương. Các mẹ, các chị đào hầm suốt trong 9 năm để nuôi giấu cán bộ. Các mẹ, các chị làm giao thông liên lạc, đảm bảo hậu cần... Các mẹ, các chị là những người có công đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với địch, chống địch bắt lính, cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp... và làm các công tác địch vận. Các mẹ, các chị là lực lượng lao động chính làm ra lúa gạo nuôi cha, chồng, con, em mình sống và chiến đấu.

Phụ nữ Phú Yên đã thể hiện một tinh thần bền bỉ, kiên cường đáng kinh ngạc và họ có vai trò lớn trong lịch sử kháng chiến của Đảng bộ, quân dân Phú Yên nói chung, trong trận chống càn Átlăng nói riêng.

Nét nổi bật trong chiến tranh nhân dân ở Phú Yên là phong trào toàn dân tham gia bố phòng, toàn dân đánh giặc. Chính hầm chông cạm bẫy, vũ khí thô sơ, mìn, lựu đạn do nhân dân tham gia chế tạo cùng du kích bố trí đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đã giam chân một phần tư các binh đoàn cơ động của địch (binh đoàn 10), không cho chúng tự do lùng sục đánh phá. Nhờ giữ vững được vùng tự do nên khi các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực vào có thể triển khai lực lượng chiến đấu thuận lợi, giáng những đòn bất ngờ, diệt gọn từng tiểu đoàn địch, làm chúng choáng váng, sa sút tinh thần chiến đấu nhanh. Những chiến thắng to lớn của quân và dân Phú. Yên góp phần làm suy yếu, phân tán lực lượng của địch trên chiến trường Liên khu 5, cùng cả nước kìm giữ địch, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc địch phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:09:55 am »

KẾT LUẬN

Đánh bại cuộc hành quân Átlăng là thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng của quân và dân Phú Yên trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi đó đã góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân Liên khu 5 nói riêng, quân dân cả nước nói chung trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong suốt 9 năm kháng chiến, tuy là một tỉnh nằm trong vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú nhưng Phú Yên lại có đặc điểm vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Trước khi địch mở cuộc hành quân Átlăng, mặc dù quân và dân ta trên địa bàn phải liên tục đánh trả các cuộc càn quét, tập kích, biệt kích của địch nhưng hầu như không có những chiến dịch, những trận đánh lớn của bộ đội chủ lực. Dĩ nhiên một phần là do bộ đội địa phương và dân quân du kích ở Phú Yên rất mạnh, nhưng chính là do Đảng bộ Phú Yên đã quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương kháng chiến kiến quốc của Đảng, trực tiếp là của Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu, trên cơ sở đó đã phát động được cuộc chiến tranh nhân dân có chiều sâu và đã đạt tới đỉnh cao trong chiến đấu chống lại cuộc hành quân Átlăng của địch theo phương châm bám đất, bám dân, bám địch, dựa vào sức mình là chính.

Với sự vận dụng phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn đó, chiến tranh du kích ở Phú Yên đã từng bước phát triển từ thấp đến cao. Đặc biệt trong chiến dịch Átlăng, quân và dân Phú Yên đã liên tục phục kích, tập kích, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt địch bằng mọi loại vũ khí, một người cũng tiến công, đối tượng địch nào cũng đánh; đánh địch mọi lúc, mọi nơi: trong công sự, ở dã ngoại, trong làng, ngoài đồng lúa, kéo địch ra ngoài mà đánh, đánh thọc sâu vào hậu cứ của giặc... Tư tưởng tích cực tiến công địch đã được quán triệt và tích cực thực hiện trong mọi trận đánh lớn nhỏ. Một kết luận đã được khẳng định trong thực tiễn là: tiến công thì phát triển giành thắng lợi; không kiên quyết bám dân, bám đất để tiến công địch hoặc dừng lại là tạo điều kiện cho quân địch tiến công, càn quét đánh phá cơ sở ta, đẩy ta vào thế bị động.

Có thể nói cuộc kháng chiến của quân và dân Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tiến hành từ các thôn ấp và đúng là bắt đầu từ chính các thôn ấp. Ở đây tính chất và đặc điểm của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện ngay từ đầu cho đến khi kết thúc đã thể hiện thật rõ nét như một quy luật của chiến tranh giải phóng, của chiến tranh cách mạng.

Thực hiện phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, chủ động tiến công “đánh vào nơi địch tương đối yếu và sơ hở nhưng là những địa bàn quan trọng nên chúng không thể bỏ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là của Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu, Đảng bộ và quân dân Phú Yên đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng tự do, đồng thời vẫn ra sức đóng góp sức người, sức của phục vụ chủ trương chiến lược của Bộ Tư lệnh Liên khu mở chiến dịch tiến công ở bắc Tây Nguyên và đã giành được thắng lợi to lớn, góp phần căng kéo, kìm giữ, phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch, đánh bại kế hoạch Nava ngay từ đầu khi kế hoạch đó của địch vừa hình thành.

Trong 2 tháng đầu quân Pháp tiến đánh Phú Yên trong bước 1 của cuộc hành quân Átlăng, mặc dù không có bộ đội chủ lực nhưng quân và dân Phú Yên với truyền thống tự lực, tự cường phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đã kiên cường chặn đánh mọi mũi tiến công của địch ở mọi lúc, mọi nơi, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch không cho chúng nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng. Các đại đội bộ đội địa phương, tỉnh, huyện cùng dân quân du kích đã rất sáng tạo, mưu trí linh hoạt trong đánh địch.

Trong suốt quá trình chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Átlăng để tạo điều kiện cho Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu tập trung các đơn vị chủ lực mở chiến dịch bắc Tây Nguyên, quân và dân Phú Yên chủ yếu phải tự lực đương đầu với một kẻ địch đông hơn, mạnh hơn về trang bị vũ khí. Vậy mà đội quân lớn, thiện chiến và hung hãn với đủ mọi sắc lính của địch đều không thể thi thố được sức mạnh mà còn luôn luôn bị sa lầy, bị tiêu hao, bị tiêu diệt dần dần, cuối cùng phải chịu thất bại, phải rút chạy. Bọn địch hẳn thấy cay đắng và bất lực khi nhận ra rằng trong cuộc hành quân Átlăng mở đầu cho bước 1 của kế hoạch Nava và cũng là cuộc hành quân lớn nhất của chúng tại chiến trường Nam Trung Bộ ở Phú Yên không phải chúng đương đầu rồi bị đánh bại bởi một quân đội theo đúng nghĩa, mà bị đánh bại bởi một cuộc chiến tranh do toàn dân tiến hành, do toàn dân tự vũ trang, lấy bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt, có sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực.

Phối hợp với lực lượng trên địa bàn, trong Đông Xuân 1953-1954, quân và dân Phú Yên nói riêng, quân dân Liên khu 5 nói chung đã đánh bại cuộc hành quân Átlăng, góp phần đập tan bước 1 kế hoạch Nava, đập tan sự cố gắng chiến tranh cao nhất và là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành thế mạnh về quân sự và xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.

Các thế hệ người dân Phú Yên muôn đời ghi nhớ những hy sinh, những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh mình trong chiến thắng Átlăng để giành lấy độc lập tự do cho đất nước, cho quê hương. Những bài học kinh nghiệm lớn trong chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Átlăng của Đảng bộ, quân dân Phú Yên, vì vậy chẳng những có giá trị thực tiễn mà còn có giá trị lý luận sâu sắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:13:27 am »

PHỤ LỤC
MỘT SỐ TRẬN ĐÁNH TIÊU HAO, TIÊU DIỆT ĐỊCH
CỦA BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG VÀ BỘ ĐỘI CHỦ LỰC
TRONG CUỘC HÀNH QUÂN ÁTLĂNG
CỦA THỰC DÂN PHÁP TRÊN CHIẾN TRƯỜNG PHÚ YÊN

TRẬN VẬN ĐỘNG TẬP KÍCH CỦA TIỂU ĐOÀN 375
TẠI BÀU VƯỜN  (XUÂN SƠN NAM)
Ngày 7-3-1954


1. Tình hình địa hình:

Địa đoạn phục kích nằm trên quốc lộ 6 thuộc xóm Bàu Vườn, thôn Tân Hòa xã Xuân Sơn. Tại nơi này đường sắt và quốc lộ 6 chạy song song sát nhau, cách nhau khoảng lõm.

Phía bắc quốc lộ và đường sắt là một đầm nước rộng chạy dọc theo quốc lộ vài trăm thước mọc đầy sen và súng, đáy đầm sình lầy nhiều. Phía nam là đồi núi hên hoàn xen lẫn xóm làng, nhà dân và những vườn cây ven đồi.

Do địa hình ở chân đồi nên đường sắt cao hơn quốc lộ khoảng 3m, trở thành một bở công sự tự nhiên có khả năng che chắn và bố trí hỏa lực thuận lợi để tiêu diệt địch.

2. Tình hình địch:

Ngày 20-1-1954 địch mở cuộc hành quân Átlăng đánh vào Phú Yên với lực lượng hơn 20 tiểu đoàn thuộc 4 binh đoàn cơ động và 2 tiểu đoàn dù nhằm chiếm đóng vùng tự do Phú Yên và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một tháng sau cuộc hành quân, tuy địch bị quân và dân Phú Yên chặn đánh quyết liệt, bị tổn thất nặng, nhưng do lực lượng mạnh, chúng vẫn chiếm đóng được những địa bàn quan trọng trên toàn tỉnh. Ngày 7-3-1954 đoàn xe địch gồm 26 chiếc, có một đại đội lính Âu - Phi đi theo bảo vệ, chở nhiều hàng quân trang quân dụng từ Tuy Hoà ra La Hai tiếp tế lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng cho đồng bọn đang chốt giữ ở đây. Đây là một đại đội thuộc binh đoàn cơ động của địch có kinh nghiệm tác chiến được trang bị vũ khí cá nhân và hỏa lực mạnh.

3. Đơn vị đảm nhân:

Trước những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường cả nước trong Đông Xuân 1953-1954, để đẩy nhanh hơn nữa thời cơ tấn công địch đang hoang mang dao động, chấp hành chủ trương của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định rút bộ đội địa phương tăng cường cho các đơn vị chủ lực. Tách một số đơn vị chủ lực làm nòng cốt bổ sung thêm lực lượng vũ trang địa phương thành lập các đơn vị chủ lực mới.

Tiểu đoàn 375 được thành lập ngày 14-2-1954 trên cơ sở hợp nhất Đại đội 4 của Tiểu đoàn 19 Trung đoàn 108; Đại đội 10 của Tiểu đoàn 49 bộ đội địa phương Quảng Nam và Đại đội 389 của Tỉnh đội Phú Yên. Đây là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Nhận được quyết định thành lập tiểu đoàn, đồng chí Phạm Dưng (Tiểu đoàn trưởng) cấp tốc đưa hai đại đội 1 và 2 (lúc này còn dừng chân ở Ba Tơ - Quảng Ngãi) về Phú Yên để sáp nhập với Đại đội 389 (Đại đội 3).

Chiều tối 6-3-1954, hai đại đội vừa đến Xuân Sơn chưa kịp liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên thì trinh sát báo tin sẽ có đoàn xe địch chở lính Âu - Phi và hàng quân dụng từ Tuy Hòa ra La Hai.

Với ý chí sẵn sàng tấn công tiêu diệt địch và tranh thủ thời cơ, yếu tố bí mật bất ngờ, Ban chỉ huy tiểu đoàn chưa kịp liên lạc báo cáo với Tỉnh đội đã khẩn trương chuẩn bị trận địa để tiêu diệt địch.

Do trước đây đồng chí Tiểu đoàn trưởng và 2 đại đội đã diễn tập và đóng quân ở Xuân Sơn nhiều lần nên rất thông thạo địa bàn. Sau khi chọn địa hình, bố trí hỏa lực, phổ biến nhiệm vụ đến từng tiểu đội, lực lượng ta ém quân trong nhà dân cách trận địa 200m và đặt trạm tiền tiêu quan sát trên đỉnh đồi. Khi có lệnh xuất kích các chiến sĩ nhanh chóng bí mật vận động chiếm lĩnh trận địa dọc theo đường sắt, đồng loạt nổ súng ném, lựu đạn và thủ pháo xuống đường 6, xung phong tiêu diệt địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:17:30 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Sáng ngày 7-3-1954, một đại đội bộ binh địch đi tuần tra từ Chí Thạnh lên, có máy bay Moral yểm trợ. Chúng lùng sục rất kỹ những đoạn đường xe sẽ qua và nghênh ngang vào từng ngôi nhà trong vùng. Được nhân dân niềm nở đón tiếp (để lừa địch nhằm che giấu lực lượng ta), chúng vui vẻ ra về không sục sạo kỹ nên không phát hiện được lực lượng ta.

Sau khi đội tuần tra của địch vừa quay gót trở về, hai đại đội ta nhanh chóng vận động chiếm lĩnh trận địa bình tĩnh chờ đoàn xe địch đến. Hai chiếc xe Jeép đi đầu xuất hiện từ xa, ta để cho chúng đi qua trận địa an toàn. Liền sau đó một đoàn xe quân sự chở đầy lính Âu - Phi và hàng quân dụng nối đuôi nhau đi vào trận địa. Toàn đội hình của chúng đã nằm trong tầm súng của ta. Tiếng bộc phá nổ vang, chiếc xe đi đầu chồm lên bốc cháy thành một đống chướng ngại vật. Các xe sau dồn lên thành một hàng dọc sát liền nhau. Bọn giặc đang lúng túng chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cả 2 đại đội của ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, quân giặc không kịp chống trả, nhiều tên chết vắt xác trên thành xe, một số tên sống sót chạy tản xuống lề đường, lao bừa xuống bãi lầy bị quân ta tiêu diệt và bắt toàn bộ.

5. Kết quả trận đánh:

Trận chiến đấu xảy ra chưa đầy 20 phút, bộ đội ta tiêu diệt gọn đại đội Âu - Phi và đoàn xe quân sự 26 chiếc thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận vận động phục kích tiêu diệt đại đội Âu - Phi và đoàn xe quân sự của Tiểu đoàn 375 có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Trận đầu ra quân thắng lớn đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Phú Yên, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 375, tạo một niềm tin tưởng lớn lao cho quân và dân tỉnh nhà: ta nhất định bẻ gãy được chiến dịch Átlăng. Chiến thắng này cũng làm rúng động tinh thần chiến đấu của giặc Pháp. Lần đầu tiên trên chiến trường Phú Yên ta đã xóa sổ hoàn toàn một đại đội Âu - Phi và đoàn xe quân sự 26 chiếc.

7. Bài học kinh nghiệm:

Tin vào dân, dựa vào sự che chở giúp đỡ của nhân dân là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên thắng lợi.

Vừa mới đặt chân đến Phú Yên, tiểu đoàn hầu như chưa có căn cứ, cơ sở vật chất hậu cần. Nhưng vốn từng trải kinh nghiệm lại hiểu được lòng dân nên tiểu đoàn quyết tâm thực hiện tấn công địch. Ém quân vào nhà dân, dựa vào sự tiếp tế của dân và được nhân dân hết lòng bảo vệ che chở. Chính vì vậy mà khi địch đi lùng sục trước đó đã không hề phát hiện dấu vết nào của lực lượng ta.

Công tác tổ chức chuẩn bị chặt chẽ bảo đảm được yếu tố bí mật bất ngờ để thực hiện trận đánh thắng lợi.

Nắm bắt được ý đồ của địch, tiểu đoàn đã chọn địa đoạn phục kích hết sức hiểm hóc, là tử huyệt của kẻ thù. Ngay sau khi đội quân tiền trạm của địch vừa rút khỏi trận địa phục kích, tiểu đoàn đã nhanh chóng vận động chiếm lĩnh trận địa. Tập trung hỏa lực trên một không gian hẹp đánh phủ đầu quân địch khiến chúng hoàn toàn bị tê liệt.

Tận dụng thời cơ để tấn công địch khi chưa kịp báo cáo về Tỉnh đội Phú Yên là chủ trương hết sức chủ động linh hoạt của Ban chỉ huy tiểu đoàn mà tiêu biểu là đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng. Chính yếu tố bất ngờ này đã đến kết thúc trận đánh hết sức nhanh chóng và đạt hiệu suất chiến đấu cao, quân địch hầu như bị tê liệt không kịp phản ứng chỉ biết tháo chạy theo bản năng, mặc dù đây là một đại đội thiện chiến của địch. Sau khi trận đánh đã kết thúc, cả ta và địch đều không biết lực lượng nào vừa đánh ở Bàu Vườn.

Nguồn:

- Lịch sử Tiểu đoàn 375, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản, tháng 12-2003.

- Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, tập 2, Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên xuất bản, năm 2005.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:20:18 am »

TRẬN VẬN ĐỘNG PHỤC KÍCH CỦA TIỂU ĐOÀN 375 TẠI EO GIÓ - ĐỒNG TRÒN - AN LĨNH
Ngày 10-3-1954


1. Tình hình địa hình:

Eo Gió như một cửa ngõ tự nhiên phía đông bắc đi vào xã An Lĩnh, là đoạn đường dốc độc đạo chạy giữa hai triền núi thấp, cây bụi lúp xúp. Dưới chân Eo Gió là ruộng bậc thang, có trảng đất rộng, đá lộ đầu lởm chởm không canh tác được, cỏ mọc xanh tốt quanh năm, trẻ con thường cho trâu, bò ra đây chăn thả. Tại trảng cỏ này có vài cây cổ thụ thân to, người đi đường và trẻ chăn trâu thường núp bóng cây mát để nghỉ. Đây là điểm nghỉ chân lý tưởng của người đi đường, vì phải đi qua một đoạn đường dốc dài, nắng gắt giữa đồng An Định, An Nghiệp và cánh đồng Tròn vào đến đây thì bắt đầu leo dốc, nên không một người đi đường nào qua đây mà không dừng chân nghỉ sức.

Hai bên trảng cỏ là đồi núi thấp, đường độc đạo chạy giữa thung lũng, địa thế vô cùng hiểm trở cho ta bố trí trận địa phục kích.
 
2. Tình hình địch:

Hơn một tháng sau khi mở chiến dịch Átlăng, tuy bị quân và dân ta liên tục chặn đánh, nhưng do lực lượng mạnh, địch vẫn chiếm đóng được những địa bàn quan trọng trên toàn tỉnh. Để tiếp tục mở rộng địa bàn chiếm đóng, làm bàn đạp cho việc thôn tính toàn tỉnh và đánh ra Bình Định, địch liên tục mở các cuộc hành quân càn quét. Ngày 10-3-1954, tiểu đoàn ngự lâm quân số 1 của địch do tên Bảo Long (con trai Bảo Đại) làm tiểu đoàn trưởng danh dự, mở cuộc hành quân càn quét từ Chí Thạnh lên An Lĩnh với mục đích tìm và diệt bộ đội chủ lực của ta mà chúng nghi ngờ đang đứng chân ở An Lĩnh. Cuộc càn của địch dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều ngày và được phi pháo yểm trợ tối đa. Đây là một tiểu đoàn tinh nhuệ thuộc binh đoàn cơ động của địch có kinh nghiệm tác chiến, được trang bị vũ khí cá nhân và hỏa lực mạnh.

3. Đơn vị đảm nhận:

Để đẩy nhanh hơn nữa thời cơ tấn công địch đang hoang mang dao động trên chiến trường Phú Yên; chấp hành chủ trương của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định thành lập Tiểu đoàn chủ lực 375 tăng cường cho Phú Yên. Tuy vừa mới thành lập nhưng tiểu đoàn đã có những chiến thắng vang dội như trận Bàu Vườn, tiêu diệt đoàn xe 26 chiếc và diệt gọn một đại đội Âu - Phi; trận chống càn An Nghiệp đánh bại 1 tiểu đoàn địch đi yểm trợ giải toả trận Phong Niên làm nức lòng quân và dân trong tỉnh. Ngày 9-3-1954, Tiểu đoàn 375 nhận được thông báo của Tỉnh đội Phú Yên kèm theo chỉ thị: “tiểu đoàn ngự lâm quân số 1 của địch đang chuẩn bị càn quét vùng An Lĩnh, Tiểu đoàn 375 có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ và đánh tan cuộc hành quân càn quét của địch”.

Nhận được chỉ thị của Tỉnh đội, Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định triệu tập cán bộ đại đội và cán bộ tham mưu họp để phân tích tình hình và lập phương án tác chiến. Hội nghị thống nhất nhận định hướng hành quân của địch và chọn Eo Gió là nơi bố trí trận địa phục kích tiêu diệt giặc. Trận địa được bố trí: Đại đội 1 và Đại đội 2 đánh chính diện, ém quân hướng tây nam đối diện trảng cỏ. Khi có lệnh bí mật vận động chiếm lĩnh trận địa dọc theo sườn đồi. Hoả lực được bố trí ở điểm trung tâm để yểm trợ cho toàn trận địa và tiêu diệt các mũi phản kích của địch. Đại đội 3 ém quân ở phía đồi đối diện hơi chếch về hướng đông bắc có nhiệm vụ đánh tạt sườn vào đội hình địch ngăn không cho chúng tháo chạy về Chí Thạnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:23:07 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Đêm 9-3-1954, tiểu đoàn bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa. 10 giờ sáng 10-3, pháo địch từ Chí Thạnh bắn tới tấp lên các sườn đồi Đồng Tròn, vùng 4 An Lĩnh, rồi bắn lên các sườn đồi ở Eo Gió. Hết đợt pháo, máy bay Moral quần lượn thám thính khu vực vùng 4 An Lĩnh để chúng tập trung quân. Giữa lúc giao điểm dứt tiếng đạn pháo, tiểu đoàn vận động chiếm lĩnh trận địa và tổ chức bố trí, nguỵ trang đội hình, máy bay địch không phát hiện được. Đúng như nhận định của Ban chỉ huy tiểu đoàn, địch tiến quân làm hai mũi để hỗ trợ nhau và hội quân tại trảng cỏ giữa Đồng Tròn, nghỉ chân chấn chỉnh đội hình để vượt Eo Gió vào An Lĩnh. Vượt qua một đoạn đường gần 10 km dưới trời nắng gắt, mang vác nặng nên địch đã thấm mệt. Vừa đến trảng cỏ, chúng vội vã tháo ba lô, cởi súng, ngồi lấy nước ra uống. Có tên còn chủ quan lấy lương khô, kẹo ra nhai chờ đồng bọn phía cuối đội hình đang đi lên. Chờ khi toàn bộ quân địch tập trung giữa trảng cỏ, chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh nổ súng. Tất cả hoả lực đồng loạt nã đạn vào đội hình địch. Địch thất thần nằm rạp xuống, nhiều tên chết ngay tại chỗ, những tên sống sót bò dạt ra các hướng, bám vào các chướng ngại vật chống cự lại, một số tìm cách chạy thoát thân. Đại đội 3 đồng loạt đánh chặn không cho chúng thoát về Chí Thạnh. Bị lưới lửa tập trung, bất ngờ, địa hình tác chiến bất lợi nên địch hoàn toàn bị tê liệt, chống trả yếu ớt. Chúng lập tức gọi máy bay, phi pháo đến yểm trợ. Mười phút sau, máy bay địch xuất hiện. Chúng quần lượn, bắn bừa bãi vào các sườn đồi ngăn chặn không cho bộ đội ta tiếp tục truy kích, tiểu đoàn quyết định thu quân, tổ chức thu vũ khí, đưa thương binh tử sĩ về tuyến sau.

5. Kết quả trận đánh:

Trận chiến đấu diễn ra chưa đầy 20 phút, bộ đội ta đã đánh tan tiểu đoàn ngự lâm quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên, thu hàng trăm súng các loại. Ta thương vong 8 đồng chí.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận phục kích Eo Gió tiêu diệt tiểu đoàn ngự lâm quân của Tiểu đoàn 375 có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Chỉ trong vòng 4 ngày từ 7 đến 10-3-1954 Tiểu đoàn 375 đánh thắng 3 trận lớn đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Phú Yên, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 375, tạo một niềm tin tưởng lớn lao cho quân và dân tỉnh nhà: ta nhất định bẻ gãy được chiến dịch Átlăng. Chiến thắng này cũng làm rúng động tinh thần chiến đấu của giặc Pháp. Sau chiến thắng Eo Gió, địch ở Chí Thạnh tăng cường xây dựng lô cốt phòng thủ, không dám tổ chức càn quét ra các vùng lân cận.

7. Bài học kinh nghiệm:

Lựa chọn địa đoạn phục kích hiểm yếu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ.

Khi sử dụng chiến thuật đánh phục kích, việc lựa chọn trận địa phục kích hiểm yếu để đánh địch là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến thắng lợi. Trong trận đánh này, lực lượng ta đã chọn địa đoạn phục kích ngay trên đường hành quân của địch qua thung lũng, là đoạn đường độc đạo, tiến thoái lưỡng nan, ta bố trí giấu quân kín đáo, bố trí trận địa hoả lực phát huy được sức mạnh của các loại hoả khí. Khi nổ súng, đội hình xung phong của ta triển khai được nhanh, đồng loạt, bất ngờ chặn được địch, dồn địch vào thế bất lợi và làm chúng thất bại nhanh chóng.

Trong trận đánh này, yếu tố bí mật, bất ngờ giữ một vị trí rất quan trọng, quyết định đến thắng lợi của trận đánh. Bộ đội ta luôn nắm quyền chủ động, phát huy được mọi ưu thế của mình, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, chúng rất chủ quan, khinh thường, ta đồng loạt tấn công khi chúng đang nằm ngồi nghênh ngang, để ngay từ đầu có thể nhanh chóng đè bẹp quân địch, khiến chúng không kịp đối phó.

Tổ chức bố trí đội hình, sử dụng lực lượng hợp lý.

Nhờ chọn được địa thế hiểm, lực lượng ta đã tổ chức bố trí đội hình có các bộ phận chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn, hoả lực và bộ phận chủ yếu đánh chính diện, tiện cơ động triển khai, chặn đứng được đội hình địch đang cơ động, khống chế, cô lập giữ chắc địch trong khu vực phục kích, không cho địch phía trước quay lại, phía sau dồn lên, buộc chúng phải ùn lại, tạo thuận lợi cho ta tập trung binh hoả lực tiến công đồng loạt, thực hiện bao vây chia cắt tiêu diệt địch, giải quyết trận đánh nhanh, gọn.

Nguồn:

- Lịch sử Tiểu đoàn 375, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản, tháng 12-2003.

- Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, tập 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản, năm 2005.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:25:52 am »

TRẬN PHỤC KÍCH CỦA TIỂU ĐOÀN 365 TẠI SUỐI CỐI - XUÂN PHƯỚC
Ngày 21-3-1954


1. Tình hình địa hình:

Suối Cối, một nhánh suối nhỏ bắt nguồn từ hồ Phú Xuân và đổ vào sông Kỳ Lộ. Đến mùa khô bị kiệt nước, nhiều chỗ lộ ra những bãi sỏi nhỏ tạo thành đường đi cho người dân quanh vùng. Đoạn đường từ Xuân Quang đi Sơn Hội đến chân núi Hòn Ông (cao 758m), phía bên phải là sườn núi, cây cối khá rậm rạp, phía bên trái là suối Cối chạy dọc theo đường đi, có đoạn con đường đi qua lòng suối (khi mùa khô). Bên kia suối là những triền đồi thoai thoải, nhân dân làm rẫy trồng mía và làm ruộng bậc thang. Dân cư ở dọc theo con suối thưa thớt.

2. Tình hình địch:

Hơn một tháng sau khi địch mở cuộc hành quân Átlăng nhằm chiếm đóng vùng tự do Phú Yên và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy bị quân và dân ta gây nhiều tổn thất, nhưng do lực lượng mạnh, địch vẫn chiếm đóng được những địa bàn quan trọng trên toàn tỉnh. Ngày 21-3-1954 địch điều động tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 đang đóng ở Xuân Quang càn quét vùng Xuân Phước và đóng đồn tại đây, hình thành cụm tam giác La Hai - Xuân Quang - Xuân Phước hỗ trợ cho nhau khống chế vùng tây bắc Phú Yên, làm điểm tựa để tấn công ra Bình Định khi cần thiết.

Tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 là một tiểu đoàn thiện chiến của địch, chuyên bảo vệ dinh Bảo Đại mới từ Đà Lạt xuống tăng cường, được trang bị vũ khí cá nhân và hoả lực mạnh hơn so với các đơn vị khác. Từ ngày xuống Phú Yên đến nay, địch chưa nếm mùi trận mạc nên rất chủ quan, coi thường lực lượng ta.

3. Đơn vị đảm nhận:

Để đẩy nhanh hơn nữa thời cơ tấn công địch đang hoang mang dao động, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định điều động Tiểu đoàn 365 thuộc Trung đoàn 803 về chiến trường Phú Yên để tăng cường sức chiến đấu cho quân và dân trong tỉnh đánh bại chiến dịch Átlăng của địch. Được về chiến đấu tại chiến trường Phú Yên, nơi gắn bó thân thuộc với tiểu đoàn, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đều thông thạo từng vùng, từng địa danh, từng con sông, con suối. Bởi Phú Yên là nơi khai sinh và nuôi dưỡng tiểu đoàn, nên cán bộ, chiến sĩ hết sức vui mừng và háo hức lập công.
Sáng 21-3-1954, tiểu đoàn vừa hành quân đến Xuân Quang 2, đang nghỉ chân ở khu rừng phía bắc đường mòn cạnh suối Cối thì trinh sát tiểu đoàn báo tin một tiểu đoàn thiện chiến của địch đang càn sang Xuân Phước, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta đang đóng ở phía tây Đồng Xuân.

Tuy chưa nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, thời gian lại vô cùng gấp rút, lực lượng ta vừa hành quân dài ngày còn mệt mỏi, nhưng với ý chí sẵn sàng tấn công tiêu diệt địch và tranh thủ thời cơ, yếu tố bí mật bất ngờ, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã khẩn trương chuẩn bị trận địa để tiêu diệt địch.

Thời gian này, tiểu đoàn vừa được tăng cường 1 đại đội hoả lực với những loại vũ khí có uy lực lớn như Bazôka, ĐKZ, Lăngxơbom...

Cùng hành quân với tiểu đoàn có đồng chí Hà Vi Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 803. Đồng chí đã quyết định hội ý với Ban chỉ huy tiểu đoàn (lúc này đồng chí Phạm Đình Dư, Tiểu đoàn trưởng chưa về kịp) về hướng hành quân của địch và lệnh cho đơn vị chuẩn bị đánh địch theo phương án vạch sẵn. Phương án tác chiến cụ thể như sau: Lựa chọn suố Cối, đoạn dưới chân núi Hòn Ông làm trận địa phục kích. Đại đội hoả lực được bố trí ở chân núi Hòn Ông dọc theo suối Cối; Đại đội 211 bố trí hướng nam chân núi có nhiệm vụ chặn đầu không cho địch chạy về Xuân Phước; Đại đội 212 được bố trí ở các rẫy mía phía đông suối Cối đánh lướt sườn vào đội hình địch; Đại đội 213 được bố trí phía bắc chân núi, có nhiệm vụ khoá đuôi không cho địch tháo chạy về Xuân Quang. Tất cả các đơn vị đều ém quân quanh chân núi, xoá hết dấu vết hành quân để giữ bí mật trận địa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:27:18 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Đúng như nhận định của ta, 12 giờ 30 phút ngày 21-3-1954 địch hành quân đến suối Cối. Chúng rất chủ quan, vừa nghênh ngang hành quân, vừa bắn súng thị uy. Hành quân một khoảng đường khá xa, mang vác nặng dưới cái nắng oi nồng, gay gắt nên bọn địch đã thấm mệt và khát nước. Vừa đến suối Cối, chưa được lệnh chỉ huy, nhiều tên đã vội chạy xuống suối rửa mặt, tay, chân và uống nước. Lúc đầu chỉ một vài tên, sau đó cả bọn cùng hùa xuống suối, hàng ngũ rối loạn, lộn xộn. Bọn chỉ huy địch thấy thế cho phép quân lính dừng chân nghỉ giải lao. Chớp thời cơ địch đang lộn xộn, chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh nổ súng. Hàng loạt hoả lực súng phóng bom, ĐKZ, Bazôka, đại liên của ta chụp xuống lòng suối, lòng đường, nhiều tên địch chết ngay tại chỗ. Những tên còn sống sót chụp lấy vũ khí bám vào bờ suối bắn trả quyết liệt, vừa rút chạy. Ba đại đội của ta từ 3 hướng đồng loạt xung phong chia cắt địch ra từng nhóm nhỏ để tiêu diệt. Sau những phút hoảng loạn ban đầu, lại bị dồn vào thế bị bao vây khắp bốn phía, quân địch ngoan cố chống trả. Kết hợp với súng phóng bom, pháo cối áp đảo địch, lực lượng ta tổ chức nhiều đợt xung phong, quần nhau với địch quyết liệt. Sau hơn 4 giờ chiến đấu ta làm chủ hoàn toàn trận địa.

5. Kết quả trận đánh:

Lực lượng ta đã xoá sổ tiểu đoàn ngự lâm quân số 2, mang biệt hiệu “Hổ xám” của địch, tiêu diệt tại chỗ 123 tên, bắt 90 tên, một số tên chạy thoát. Ta thu trên 300 súng các loại và 8 máy vô tuyến điện. Ta bị thương vong 50 đồng chí, trong đó có 3 cán bộ đại đội.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận phục kích tiêu diệt tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 của địch có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là lần đầu tiên, một tiểu đoàn ta xoá sổ một tiểu đoàn thiện chiến của địch trên chiến trường Phú Yên. Chiến thắng suối Cối đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Phú Yên, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 365, củng cố niềm tin cho quân và dân ta: ta nhất định đánh bại chiến dịch Átlăng. Chiến thắng cũng làm cho địch vô cùng khiếp sợ, tinh thần chiến đấu bị suy sụp góp phần dẫn đến kết quả chiến dịch Átlăng bị thất bại.

7. Bài học kinh nghiêm:

Lựa chọn địa đoạn phục kích hiểm yếu

Trước khi tiến hành trận đánh, lực lượng ta chưa nắm kỹ tình hình địch, việc lựa chọn trận địa phục kích hiểm yếu để đánh địch là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến thắng lợi. Do đặc điểm đánh địch đang cơ động, xác định đúng hướng hành quân của địch ta đã bày thế trận phục kích ngay trên đường hành quân của chúng. Trong trận đánh này, lực lượng ta đã chọn địa đoạn vừa gần chân núi, vừa gần suối lại cạnh đường hành quân của địch, ta bố trí giấu quân được kín đáo, bố trí trận địa hoả lực phát huy được sức mạnh của các loại hoả khí (nhiều tầng, có tầm bắn khác nhau, cơ động được dễ dàng, kiểm soát được các tử giác). Khi nổ súng, đội hình xung phong của ta triển khai nhanh chóng, đồng loạt nên đã chặn được địch, dồn địch vào thế bất lợi. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở cũng là bất lợi với ta, địch đã lợi dụng địa hình, địa vật để phản công quyết liệt, làm trận đánh phải kéo dài trên 4 tiếng đồng hồ.

Tổ chức chỉ huy kiên quyết, chủ động, linh hoạt

Tận dụng thời cơ để tấn công địch khi mới về đến chiến trường Phú Yên là chủ trương hết sức chủ động linh hoạt của Ban chỉ huy tiểu đoàn mà tiêu biểu là đồng chí Trung đoàn phó Hà Vi Tùng. Chính yếu tố bất ngờ này đã dẫn đến kết thúc trận đánh thắng lợi với hiệu suất chiến đấu cao (vì địch nhận định quân chủ lực chưa có ở Phú Yên nên rất chủ quan). Tuy hình thức chiến thuật của trận đánh là phục kích, nhưng thực tế trận đánh có hình thức tao ngộ chiến, bởi thời gian chuẩn bị trận địa phục kích gần như không đáng kể, ta nắm địch chưa thật vững, chưa thành thạo địa hình và chưa củng cố lực lượng. Trên đường hành quân, nghe báo tin có địch càn quét, chỉ huy tiểu đoàn quyết định nhanh chóng và chính xác địa điểm bố trí trận địa tiêu diệt địch. Trận đánh giằng co, kéo dài, quyết liệt nhưng trước các tình huống khó khăn, ác liệt đó chỉ huy đơn vị đã bình tĩnh nghiên cứu tình hình thực tế, giữ vững quyết tâm, xử trí linh hoạt và kiên quyết thực hiện thắng lợi mục đích của trận đánh và ý định chiến thuật đề ra.

Nguồn:

- Tư liệu của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm và đồng chí Trần Thành Chính, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 365.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:29:47 am »

TRẬN ĐÁNH ĐỒN BÀN NHAM - BÀN THẠCH (HOÀ XUÂN)
CỦA TIỂU ĐOÀN 365 VÀ ĐẠI ĐỘI 1 TIỂU ĐOÀN 375
Đêm 20 rạng ngày 21-4-1954


1. Tình hình địa hình:

Cứ điểm Bàn Nham, Bàn Thạch nằm dọc theo phía đông quốc lộ 1, cách cầu Bàn Thạch về phía bắc - khoảng 150m. Cứ điểm được chia thành 2 khu: khu A là đồn Bàn Nham, khu B là đồn Bàn Thạch.

Phía bắc và phía đông của cứ điểm giáp cầu Bàn Thạch, thuộc thôn Bàn Thạch.
Phía nam và đông nam là thôn Bàn Nham.

Phía tây là thôn Thạch Chẩm.

Xung quanh cứ điểm là đồng ruộng trống trải, có một vài xóm nhỏ, dân cư thưa thớt. Đây cũng là nơi lập đồn đóng quân lý tưởng vì có tầm khống chế rộng, địa hình trống trải, pháo binh chi viện rất hiệu quả khi bị tấn công.

2. Tình hình địch:

Sau khi mở chiến dịch Átlăng, địch khẩn trương xây dựng cứ điểm Bàn Nham, Bàn Thạch để bảo vệ cửa ngõ phía nam thị xã và cầu Bàn Thạch, một chiếc cầu trọng yếu trên quốc lộ 1. Lực lượng địch chốt giữ tại cứ điểm Bàn Nham, Bàn Thạch là tiểu đoàn khinh quân 506 được điều động từ chiến trường Nam Bộ ra, trang bị vũ khí đầy đủ. Cứ điểm Bàn Nham - Bàn Thạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với vùng nam Tuy Hòa, vừa phòng thủ vừa có thể xuất phát tấn công và chi viện cho các căn cứ trong vùng. Tại đây địch tích trữ quân nhu, quân dụng và vũ khí đạn dược đủ để tác chiến lâu dài. Tại đồn Bàn Nham (khu A), có 2 đại đội và chỉ huy sở tiểu đoàn khinh quân 506. Đồn Bàn Thạch (khu B) do một đại đội địch chốt giữ. Xung quanh cứ điểm còn được bao bọc bởi nhiều lớp hàng rào kẽm gai có gài mìn tự động, hệ thống giao thông hào nối liền các trại lính, các khu và các lô cốt bằng bê tông cốt thép. Mặt khác, cứ điểm nằm giữa trung tâm các đồn bốt, cứ điểm: phía nam có bốt Hòa Xuân, căn cứ Núi Hiềm; phía bắc có bốt Hòa Vinh, bốt bắc cầu Bàn Thạch; phía đông có bốt Thạch Tuân.

Quy luật hoạt động của địch: hằng ngày chúng cho quân đi càn quét lùng sục các thôn xóm xung quanh cứ điểm. Tối đến cử một tên đứng canh gác ở tháp canh, cứ 15 phút gõ mõ trả lồi theo tiếng mõ cầm canh ở lô cốt khu B. Thỉnh thoảng chúng lại bắn vu vơ vài phát súng.

3. Tình hình ta:

Sau khi lập nên chiến thắng suối Cối, Tiểu đoàn 365 hành quân về Xuân Phước, sau đó tiếp tục về suối Mít để nghỉ ngơi và củng cố lực lượng. Ở suối Mít nửa tháng, tiểu đoàn lại di chuyển về Hòa Thịnh gần khu vực đập Đồng Lau. Để tiếp tục tiến công địch đang trụ lại trên chiến trường Phú Yên, Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 365 được tăng cường thêm Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 tiêu diệt cứ điểm Bàn Nham - Bàn Thạch. Chấp hành chỉ thị của Tỉnh đội Phú Yên, đồng chí Hà Vi Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 803 trực tiếp chỉ đạo cùng các đồng chí Phạm Đình Dư, Tiểu đoàn trưởng và cán bộ chủ chốt của các đại đội xuống tận đồn Bàn Nham bí mật điều tra trong nhiều đêm liền. Sau khi điều nghiên chiến trường cụ thể, Tiểu đoàn 365 cùng Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 lên phương án tác chiến và phổ biến cụ thể cho từng đại đội.

Đại đội 211 và Đại đội 212 của Tiểu đoàn 365 do đồng chí Phạm Đình Dư, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, vận động qua thôn Thạch Chẩm, từ phía tây nam đánh vào khu A (đồn Bàn Thạch). Đại đội 213 của Tiểu đoàn 365 do đồng chí Nguyễn Náo, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy phối hợp với Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 men theo bờ sông Bánh Lái từ phía bắc đánh vào khu B (đồn Bàn Thạch). Trận địa hoả lực được bố trí ở phía tây để hỗ trợ cho 2 hướng tấn công. Đồng chí Hà Vi Tùng đi cùng, chỉ huy chung hướng đánh khu A.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 08:32:43 am »

4. Diễn biến trận đánh:

Chiều 20 tháng 4 Tiểu đoàn 365 làm lễ xuất phát. Lúc này Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 đang đóng quân ở Hòa Thịnh cũng được lệnh tập kết về phía tây nam Hòa Tân. Tối 20 tháng 4 năm 1954, đơn vị được du kích Hòa Tân dùng thuyền vượt sông Bánh Lái ngay trong đêm. Sau khi vượt sông, đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa.

Sau khi tập kết lực lượng đến vị trí ém quân, các đơn vị thống nhất lần cuối thời gian nổ súng, hướng tấn công và các mục tiêu đảm nhiệm.

1 giờ 30 phút rạng sáng 21 tháng 4 năm 1954, trên hướng nam (khu A), tổ bộc phá đã tiếp cận mục tiêu và đặt xong bộc phá. Bất ngờ, một tên lính trong đồn nghe tiếng động khả nghi liền bắn một phát súng trường. Đồng chí Thơ, bộc phá viên của Tiểu đoàn 365 tưởng có lệnh nổ súng tấn công nên cho bộc phá nổ tung hàng rào số 1. Trước tình hình đó, tiểu đoàn ra lệnh tấn công mặc dù chưa đến giờ hợp đồng nổ súng. Hoả lực của ta bao gồm các loại: ĐKZ, Bazôka, đạn cối, AT bắn chế áp vào đồn để xung kích xông lên chiếm lĩnh trận địa. Bộ đội ta lần lượt dùng lựu đạn, thủ pháo bêta, trung liên, đại liên và hỏa lực cá nhân đánh chiếm từng khu nhà lính, nhà tên quan tư chỉ huy, kho đạn và các mục tiêu khác. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, ta làm chủ khu A, chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cho hai đại đội 211, 212 phát triển qua khu B chi viện cho Đại đội 213 và Đại đội 1.

Tại khu B, do bị mất yếu tố bất ngờ (khu A nổ súng trước thời gian quy định) nên địch đã kịp đề phòng và tổ chức phòng ngự rất chặt chẽ. Ngay từ phút đầu hoả lực ĐKZ, cối bộc phá của ta đã đánh sập được một lô cốt đầu cầu, bộc phá nổ mở toang cửa mở, tạo điều kiện cho xung kích tràn vào đánh chiếm. Các lô cốt còn lại bắn chặn đội hình tấn công của ta.

Chỉ huy ra lệnh tập trung hoả lực diệt các lồ cốt và các lỗ châu mai còn lại, tạo điều kiện cho xung kích đánh vào tung thâm. Với chiến thuật đánh cuốn chiếu, ta đã lần lượt đánh chiếm lô cốt thứ 2 và các dãy nhà lính. Tuy nhiên, do chưa kịp diệt lô cốt ở khu tung thâm trong lúc cối 60 ly và AT đã hết, địch tập trung hỏa lực ngăn chặn lực lượng ta đánh chiếm tung thâm. Cùng lúc địch gọi pháo binh từ đầu cầu Bàn Thạch và pháo hạm từ biển bắn cấp tập vào đội hình ta. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Bộ đội ta liên tục xung phong nhưng bị hỏa lực của địch ngăn chặn dữ dội không lên được. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, trong đó có đồng chí Nguyễn Náo, Tiểu đoàn phó. Trời đã gần sáng, lực lượng ta thương vong khá nhiều, mặc dù ta chỉ mới đánh chiếm được một nửa khu B nhưng đồng chí Hà Vi Tùng hội ý với các đại đội cho lui quân.

Nghe tiếng kèn lệnh, bộ đội ta tuần tự rút ra dưới làn mưa pháo của địch. Tiểu đoàn để lại 1 tiểu đội cùng dân quân Hòa Xuân chôn cất liệt sĩ, còn lại rút về Hòa Mỹ. Trên đường đi có hai thương binh quá nặng bị hy sinh.

5. Kết quả trận đánh:

Sau hơn 3 giờ chiến đấu, ta diệt gọn cứ điểm Bàn Nham, một nửa đồn Bàn Thạch, diệt và làm bị thương hơn 200 tên địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng, bắt 90 tên, trong đó có tên tiểu đoàn phó. Ta thu trên 100 súng các loại, trong đó có 1 cối 80 ly, 2 cối 60 ly, 6 đại liên, 12 trung liên, 70 tiểu liên, 20 súng trường và nhiều quân trang quân dụng. Đặc biệt ta thu được một số tiền Đông Dương rất lớn (đây là tiền lương tháng của lính ngụy vừa mới đưa về, chưa kịp cấp phát).

Ta hy sinh 30 đồng chí, trong đó có đồng chí Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 365; 109 đồng chí bị thương, trong đó có 2 đồng chí cán bộ đại đội.

6. Ý nghĩa trận đánh:

Trận tiêu diệt cứ điểm Bàn Nham - Bàn Thạch đã giáng một đòn đích đáng vào mưu đồ chiếm đóng lâu dài của địch, tạo thế liên tục tiến công trên chiến trường. Đánh phá sâu vào hậu phương căn cứ làm cho địch luôn bị đối phó. Trận đánh này làm hoang mang, rung động tinh thần chiến đấu của địch, góp phần cùng quân và dân Phú Yên bẻ gãy cuộc hành quân Átlăng của thực dân Pháp.

7. Bàỉ học kinh nghiệm:

Tuy trận đánh thắng lợi giòn giã nhưng tổn thất của ta cũng khá nặng nề. Từ chiến công và tổn thất đó rút ra bài học kinh nghiệm quý giá.

Trong công tác chuẩn bị chiến trường phải nắm chắc và phán đoán đúng quy luật hoạt động, tổ chức phản kích của địch khi bị ta tấn công. Từ những đánh giá nhận định đúng về địch để hạ quyết tâm chiến đấu và có cách đánh bảo đảm chắc thắng, sử dụng lực lượng thích hợp, trang bị hợp lý đủ sức chiến đấu trong những tình huống diễn biến phức tạp.

Trong trận chiến đấu này, nếu chúng ta phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị, đồng loạt nổ súng trên hai hướng; bộ phận thọc sâu có sự hợp đồng chặt chẽ với bộ phận tạo cửa mở, cả lực lượng bên trong và lực lượng ở cửa mở phải đồng loạt diệt lồ cốt, phá rào bảo đảm cho lực lượng xung kích xung phong thì kết quả trận đánh sẽ cao hơn, hạn chế được thương vong.

Chiến đấu ở địa hình đồng bằng, trống trải, nhưng nếu biết dựa vào dân, hiệp đồng chặt chẽ với cơ sở với địa phương thì vẫn bảo đảm được yếu tố bí mật và giành thắng lợi. Trong trận đánh này, mặc dù địch kiểm soát nhân dân gắt gao để cắt đứt mọi liên lạc giữa nhân dân và bộ đội, thời gian chuẩn bị cho trận đánh gấp, nhưng cán bộ tiểu đoàn, đại đội đã nghiên cứu kỹ thực địa, vẫn liên lạc được với các cơ sở để cung cấp tình hình hoạt động của địch và mọi hoạt động liên quan. Trên cơ sở đó đơn vị đã chuẩn bị phương án chiến đấu nhanh, hành quân ém lót nhanh mà vẫn giữ được bí mật hành động chiến đấu.

Địa bàn ta phục kích là vùng tranh chấp, nằm gần các đồn địch, chúng dễ dàng cơ động chi viện cho nhau mỗi khi bị lực lượng ta tấn công. Mặt khác, địch có lợi thế về hoả lực, pháo binh sẵn sàng chi viện khi phát hiện được lực lượng ta. Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu, ta phải đánh nhanh, diệt gọn, lui quân an toàn. Trong trận đánh này, khi nổ súng cán bộ, chiến sĩ phải quán triệt được tư tưởng: “Bí mật bất ngờ, tiến công đồng loạt”, kết thúc trận đánh đúng lúc, tổ chức lui quân nhanh gọn tránh được thương vong do bom pháo địch ngăn chặn. Đây là kinh nghiệm chính đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả thắng lợi của trận đánh.

Nguồn:

- Lịch sử Trung đoàn 803. Nxb quân đội nhân dân H, 1999.

- Hồi ký của đồng chí Trần Đưa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 365.

- Lịch sử Tiểu đoàn 375, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản tháng 12-2003.

- Nhật ký chiến đấu của đồng chí Tạ Linh Tiên, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 375.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM