Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:09:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 1  (Đọc 4426 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2021, 07:00:22 am »

CHỌC THỦNG VÒNG VÂY TRÊN ĐƯỜNG 17
(Viết về trận đánh xe tăng địch, ngày 21-6-1953)


Tiếng súng càn quét của địch ở khu đông Gia Lộc - bắc Tứ Kỳ kéo dài đến tận tối 21 tháng 6 năm 1953.

Từ sáng sớm và cả ngày hôm đó, chúng tôi luôn nhận được thông báo của huyện đội Gia Lộc về tình hình địch ở khu vực này. Đạn súng nhỏ nổ liên hồi dồn dập, xen lẫn tiếng đại bác, súng cối và khói lửa bốc lên nghi ngút cả một vùng, cũng đủ để chúng tôi thấy được mức độ ác liệt mà quân địch đang đánh phá vào một khu căn cứ du kích của ta. Cán bộ và nhân dân các xã Hoàng Diệu, Quốc Tuấn (Gia Lộc), Hưng Đạo (Tư Kỳ) bị kẹt lại trong vòng vây khép kín của địch bởi hai con đường 17 và 191.


Trời đã tối mà xe tăng địch vẫn gầm rú, chạy đi chạy lại trên quãng đường từ bốt Trắm (Tân Lâm) đến Phương Điếm, nhằm ngăn chặn, không để cán bộ và nhân dân ta thoát khỏi khu vực chúng đang vây hãm.


Tại thôn Cẩm Đới xã Thống nhất - nơi đóng quân của chúng tôi ở Gia Lộc, cán bộ, chiến sĩ "S20" đã tổ chức một cuộc họp cấp tốc để thảo luận kế hoạch hành động, nhằm đánh phá vòng vây của địch trên đường 17. Chúng tôi đã phát động cả đơn vị tham gia ý kiến với ý thức của những chiến sĩ chiến đấu trên đất quê hương, mang nặng nghĩa tình với đồng bào, đồng chí đang nằm trong vùng địch càn quét - mà ở đó có cả gia đình, người thân của một số chiến sĩ đang có mặt tại đơn vị. Bằng tình thương nhân dân, với lòng căm thù giặc sâu sắc, cả đơn vị dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hồng Nguyên1 (Sau trận đánh cầu Bía (14-6-1953), đồng chí Tân đội trưởng được cấp trên điều động đi công tác ở đơn vị mới. Tôi được đề bạt làm đội trưởng nên cuộc họp này do đồng chí Trần Hồng Nguyên - bí thư chi bộ - CTV chủ trì) đã sôi nổi thảo luận và chẳng mấy lúc, chúng tồi đã thống nhất một ý chí - quyết tâm phá bằng được vòng vây của địch ngay đêm nay. Nhiều đồng chí nêu ra cách đánh rất táo bạo. Có đồng chí đề xuất dùng súng bộ binh bắn uy hiếp như trước đây vẫn thường làm để truy kích xe địch lúc rút lui sau những trận càn quét. Có đồng chí đề nghị dùng thủ pháo đánh theo cách của anh hùng Cù Chính Lan trong chiến dịch Hòa Bình.


Tất cả những ý kiến của đơn vị nêu lên, chúng tôi đều phân tích chọn lọc và tính đến các điều kiện thực hiện, hiệu quả của nó, nhằm đạt được mục đích của trận đánh. Trận này, chúng tôi đánh nhằm phá vòng vây của địch để hỗ trợ cho cán bộ và nhân dân đang bị địch kìm kẹp ở vùng chúng đánh phá.


Sau khi bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định dùng 2 quả mìn chống tăng (Anti - tank), đánh chung một hố để có sức nổ lớn, vừa diệt được xe địch, vừa cắt đứt được đường, buộc địch phải đình chỉ việc cho xe chạy đi chạy lại để khống chế mặt đường.


Tối hôm ấy, sau khi thống nhất với chính trị viên Trần Hồng Nguyên, tôi trực tiếp chỉ huy 7 cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ như đã bàn định. Nhờ ánh đèn pha của xe trong đêm tối, từ xa chúng tôi đã nắm được quy luật đi lại của địch: cứ 15 đến 20 phút, xe của chúng lại chạy qua đoạn đường này một lần.


Vượt qua đầu làng Ngà, chúng tôi vừa ra khỏi đầu làng Bung Đại, thì 3 xe tăng địch đã vượt qua trước mặt đi về phía Phương Điếm. Tranh thủ lên mặt đường, tôi cho anh em cứ dọc đường chạy ngược lại hướng Tân Lâm, nhằm tạo ra một khoảng cách tương đối giữa chúng tôi và xe địch khi quay lại, để có thời gian kịp chôn mìn. Chạy như thế được chừng 400m thì xe địch đã quay lại, ánh sáng của đèn pha dọi về phía chúng tôi. Thời gian không thế kéo dài, phải nhanh chóng tìm chỗ đặt mìn. Sợ đặt mìn không kịp, có anh em đề xuất cứ để cho xe chạy về Tân Lâm rồi hãy chôn mìn đón đánh lúc chúng chạy quay lên. Tôi không đồng ý làm như vậy. Nếu xe địch về Tân Lâm rồi không chạy tiếp nữa thì sao? Chờ cho đến sáng rồi đem mìn về hay sao? Gặp địch phải tranh thủ đánh ngay. Tôi nghĩ thế, rồi quyết định: Lợi dụng vũng nước mưa, xe vừa chạy qua làm tung tóe trên mặt đường, tập trung hai xà beng, nhanh chóng đào hố mìn. Cũng rất may mắn là đoạn đường này nền đường ít đá nên việc đào hố cũng thuận lợi. Thế mà đặt xong mìn, cũng chỉ kịp ngụy trang sơ bộ thì xe địch đã tiến gần đến nơi.


Chúng tôi rời khỏi mặt đường, ngâm mình xuống những thửa ruộng ngập nước ở ven đường. Vừa lúc đó, một tiếng nổ dậy đất làm chiếc xe tăng đi trước tung lên rồi chúi đầu ngay xuống hố mìn vừa nổ. Quãng đường đang sáng rực ánh đèn pha bỗng tắt ngấm. Các xe sau dừng lại bắn loạn xạ, rồi quay đầu chạy về Phương Điếm. Cả đêm ấy, không một chiếc xe nào của chúng dám chạy qua đoạn đường này nữa.

Vòng vây của địch trên đường 17 đã bị chúng tôi chọc thủng!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2021, 07:01:26 am »

ĐƯỜNG 20 - GIẶC PHÁT KHÓC!...


Sau trận đánh thắng diệt một xe díp và 3 tên địch trên đoạn đường 20 từ Kẻ Sặt đi Phủ Vạc hồi trung tuần tháng 2 năm 1953, đơn vị "S20" chuyển về cắm chốt tại thôn Cẩm Đới, huyện Gia Lộc để có điều kiện triển khai lực lượng đánh địch ở cả đường 17 và đường 20.


Tại đường 17, ở địa đoạn Đại Đồng, Quán Phấn, mìn của chúng tôi liên tiếp nổ trúng xe địch. Có ngày, ở đoạn đường từ vị trí Phương Điếm ra ngã ba đường 17, mìn đã nổ diệt 2 xe địch.


Với tinh thần thi đua giết giặc lập công, bộ phận phụ trách đánh địch ở đường 20 cũng không thua kém - đã đặt mìn đánh đổ nhiêu xe địch - đặc biệt là trận đánh ngày 22 tháng 7 năm 1953 tại đoạn đường gần khu vực đống Cô Quế. Đống Cô Quế là địa danh nhân dân địa phương thường gọi, nằm sát đường 20, ở quãng từ ấp Me Kiều về đầu làng Bình An. Hai bên đường là cánh đồng lúa nước, lại có thêm mấy cái "chuôm" sâu ở sát cạnh đường. Tại đây, đã nổ ra nhiều trận mìn, làm đường hư hỏng nặng, buộc địch phải sửa chữa để đảm bảo đi lại hàng ngày. Đó là một thuận lợi để chúng tôi tiếp tục đặt mìn vào đoạn đường mà bọn chúng mới sửa chữa tạm thời này. Tuy vậy, sau nhiều trận mìn liên tiếp nổ ra, bọn địch ở Kẻ Sặt đã ra tay đối phó. Chúng tăng cường máy dò mìn từ 1 lên 3 chiếc để rà quét trên đường, thường xuyên cho hàng chục con trâu đi quần trên mặt đường để phá mìn. Nhưng chúng đã bất lực! Chúng tôi xác định "Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn" và kiên quyết phải tìm ra cách đánh phù hợp để chống lại có hiệu quả thủ đoạn đối phó của địch.


Sau khi bàn bạc thống nhất trong ban chỉ huy, chúng tôi quyết định tổ chức một trận đánh, làm cho bọn địch ở đường 20 phải khiếp sợ. Trận này, chúng tôi bố trí một trận địa mìn, nhằm đánh liên tiếp nhiều xe trong một ngày. Căn cứ vào quy luật hành quân vận tải và các thủ đoạn tìm mìn cùa địch, chúng tôi đặt 3 ổ mìn tự động đủ sức công phá để diệt gọn 3 xe vận tải ở đoạn đường mà chúng mới sửa chữa.


Để bảo đảm thắng lợi, chúng tôi áp dụng hai cách đánh "mìn chôn sâu, có ngõng gỗ và cột chống", gọi tắt là "mìn ngõng có cột chống" - nghĩa là đặt mìn sâu hơn cách đánh cũ chừng 30cm, đáy hố mìn đặt một miếng gỗ phẳng, đặt mìn nằm trên miếng gỗ, bốn góc chồng 4 cột làm bằng ruột cây chuối đã cắt buồng rồi đặt trên quả mìn một miếng gỗ có diện tích tương tự như miếng gỗ ở đáy hố. Phía trên miếng gỗ này có một khúc gỗ cứng làm ngõng để truyền lực ép từ phía trên xuống kíp mìn, làm cho mìn tự động nổ tức thời.


Trong một đêm mà đặt được 3 ổ mìn như thế vào trận địa là một việc không đơn giản. Chúng tôi quyết định, đêm 20-7, đặt mìn giả để thăm dò địch vào ngày hôm sau. Ngày 21-7, địch kiểm tra đường, không phát hiện thấy điều gì nghi ngờ, rồi đêm đó, chúng tôi đặt mìn thật vào những hố đã định sẵn. Mọi công việc được tiến hành rất cẩn thận. Tôi trực tiếp kiểm tra đặt mìn và ngụy trang lần cuối.


Sáng 22-7-1953, vẫn như thường lệ, quân địch từ Kẻ Sặt đi kiểm tra đường, 3 máy dò mìn của chúng vẫn rà quét tìm mìn. Đàn trâu đi theo vẫn hì hục bước trên đường. Những quả mìn của chúng tôi vẫn nằm im không nổ.


Sau khi hoàn thành việc kiểm tra mìn, bọn địch cho rằng đoạn đường này đã an toàn và cho thông đường, thông xe. Đến 10 giờ trưa ngày hôm đó, 3 chiếc xe vận tải chở hàng và lính bảo vệ xuất phát từ Kẻ Sặt chạy đi tiếp tế cho các vị trí chiếm giữ đường 20. Khi tới đoạn đường chúng tôi đặt mìn, có lẽ chiếc xe đi đầu lăn bánh không trúng nơi đặt mìn, nên quả mìn thứ nhất không nổ. Đoàn xe tiếp tục chạy lên thì một cột khói đen tung lên trùm kín chiếc xe thứ hai - quả mìn đón đầu trận địa đã nổ, làm chiếc xe này sụp xuống ngay tại chỗ. Các xe đi cùng lập tức dừng lại. Bọn lính bảo vệ và những tên còn sống sót tranh nhau nhảy xuống mặt đường, nổ súng ầm ĩ, rồi chạy đến xúm quanh chiếc xe vừa bị diệt.


Chiếc xe đi đầu, lúc này ở vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan” nên đành liều chết chạy lên. Vừa lăn bánh được chừng mươi mét, thì quả mìn thứ hai đã nổ hất nó ra bên đường. Bọn lính trên xe hoang mang khiếp sợ, phải gọi máy bay trực thăng đến cấp cứu, và đem lính đến kiểm tra lại đường. Khoảng 2 giờ chiều, các hố mìn vừa nổ đã được lấp lại, công việc giải quyết hậu quả được giải quyết xong xuôi và bọn chúng chắc mẩm mìn của chúng tôi đã nổ hết, rồi quyết định cho chiếc xe còn lại chạy tiếp! Chúng không ngờ, quả mìn thứ 3 của chúng tôi vẫn nằm im chờ chúng! Đúng như dự định, chiếc xe vận tải nặng nề chuyển bánh, bò lên được chừng 300m thì quả mìn cuối cùng trên trận địa đã không cho nó chạy thoát!


Trận đánh mìn ngày 22-7-1953, chúng tôi đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách đánh mới được áp dụng đạt hiệu quả chiến đấu cao - 3 quả mìn diệt ba xe địch trong một ngày và từ đó "mìn ngõng có cột chống" được áp dụng đánh địch ở cả đường 9 và đường 17.


Tiếp sau đó, chúng tôi còn đánh nhiều trận mìn ở đoạn đường Cây Đa, Quán Cháy, ấp Me Kiều, đống Cô Quế, đầu làng Bình An... phá hủy hơn chục chiếc xe nữa.


Nhiều trận mìn nổ ra liên tiếp làm cho địch khiếp sợ, không dám cho xe chở hàng tiếp tế cho các căn cứ ở Phủ Vạc, Thọ Chương... Có lúc vì sợ xe chạy vấp phải mìn, địch phải dùng máy bay trực thăng hoặc bắt tù nhân đi bộ khiêng vác thay phương tiện vận tải.


Hễ có xe địch chạy trên đường 20 là mìn của chúng tôi lại nổ. Thật là tình cờ và lý thú - "S20" đánh địch trên đường 20, đã diệt sạch sẽ số xe vận tải của tiểu đoàn ứng chiến số 20 của căn cứ Kẻ Sặt.


Từ Cẩm Giàng, chúng phái 4 xe vận tải chở hàng tiếp tế cho đường 20 do 4 tên da đen cầm lái. Khi bắt đầu vào đoạn đường mà địch thường gọi là "con đường mìn đây nguy hiểm", chúng cho xe dừng lại Cống Xộp ngồi khóc rồi cho xe quay lại! Từ đó, trong bài hát truyền thống của đơn vị do nhạc sĩ Huy Thanh sáng tác mới có câu: "Đường 20, giặc phát khóc, hết xe rồi, tắc đường giao thông..."


Cũng trong thời gian này, để đánh thắng địch bằng các loại mìn trên đường chạy xe cơ giới, cán bộ, chiến sĩ ”S20" đã tìm ra nhiêu cách đánh rất lợi hại. Mìn tự động chỉ nổ vào xe địch, không nổ vào những đàn trâu do địch dong đi phá mìn. Áp dụng "mìn điện tự động" đánh ở đường bộ hạn chế tác dụng của máy dò mìn; tìm ra cách đánh ’’mìn ngõng có cột chống" đế chống lại thủ đoạn của địch dùng trâu đi quân trên mặt đường để phá mìn. Đặc biệt, chúng tôi đã tự tạo được một loại mìn để diệt những tên dò mìn. Loại mìn này, được đặt tên là "mìn sờ" - nghĩa là địch phát hiện thấy mìn, đến đào hố lấy mìn, chỉ mới gạy sờ vào mặt đất là mìn nổ ngay!


Máy dò mìn hiện đại của địch mất tác dụng trước kỹ thuật đánh mìn khôn khéo của cán bộ, chiến sĩ "S20". Ở đường 17, có lần địch đập nát máy dò mìn, vì toán quân tìm mìn đi trước, xe yểm trợ chạy theo sau lại bị nổ tan xác vì mìn. Ở đường 9, đường 20, nhiều lúc địch khiếp sợ vì mìn, đã bắt hàng chục con trâu của dân đi quân trên mặt đường để tìm mìn thay cho máy dò mìn hiện đại. Nhưng chúng vẫn bất lực, mìn của chúng tôi vẫn không ngừng nổ vào những đoàn xe của chúng.

   ... Anh em ta luôn tìm ra sáng kiến,
   Nhờ chiến sĩ "T"1 (Chiến sĩ "T" là chiến sĩ Nguyễn Huy Trường) đầu tàu dắt dìu.
   Tây dong trâu, dắt qua mìn, mìn không nổ,
   Một xe tăng vụt qua là tan tành xác...

Câu hát ấy, nhạc sĩ Huy Thanh đã ghi lại sự sáng tạo trong quá trình chiến đấu đầy mưu trí của cán bộ, chiến sĩ đánh mìn "S20". 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2021, 07:36:50 am »

HỌP MẶT CÁN BỘ CHIẾN SĨ S20 (HẢI DƯƠNG)

16 cán bộ chiến sĩ "S20" họp mặt nhân ngày Quốc phòng tòan dân 1992 tại trận địa của Cẩm Giàng

* Từ trái sang phải - hàng đứng phía sau:

1. Đ/c Quyết, thôn Lai Cầu - Gia Lộc

2. Đ/c Đoàn Văn Ninh - Kim Anh, Kim Môn

3. Đ/c Hồng - Cẩm Đới, Gia Lộc

4. Đ/c Nguyễn Văn Nam - Mao Điền, Cẩm Giàng

5. Đ/c Nguyễn Huy Trường - Kim Anh, Kim Môn

6. Đ/c Trần Hồng Nguyên - Văn Thai, Cẩm Giàng

7. Đ/c Nguyễn Văn Tản (Tuy) - An Điền, Cẩm Giàng

8. Đ/c Bái - Đan Tràng, Cẩm Giàng

9. Đ/c Nguyễn Tiến Thái - Phú Lộc, Cẩm Giàng

* Từ trái sang phải - hàng ngồi phía trước:

10. Đ/c Lợi - Lai Cách, Cẩm Giàng

11. Đ/c Giao - Lai Cách, Cẩm Giàng

12. Nữ đ/c Rào - Cẩm Giàng

13. Đ/c Dương Văn Quế - Kim Anh, Kim Môn

14. Đ/c Ngát - Lý Dương - Binh Giang

15. Đ/c Nhẩn - Lai Cách, Cẩm Giàng

16. Đ/c Hoàng Kỳ - Đại Đức, Kim Môn
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2021, 07:37:57 am »

"MÌN SỜ” - NỖI KINH HOÀNG CỦA NHỮNG TÊN LÍNH DÒ MÌN!


Ở những đoạn đường có tàu xe qua lại trong vùng kiểm soát của địch, hàng ngày chúng phải xua quân đem các máy dò mìn rà quét xục xạo trên đường để tìm mìn. Mỗi khi phát hiện thấy mìn, chúng nổ súng, bủa vây rồi đào lấy mìn về nộp cho bọn chỉ huy và nhận tiền thưởng.


Tuy không phải là đối tượng tiêu diệt, nhưng bọn dò mìn đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm hàng đầu đối với những người đánh mìn. Vì vậy, trước hết chúng tôi phải tìm mọi cách để chiến thắng mọi thủ đoạn tìm mìn của bọn này, mới có thể bảo đảm cho các trận đánh mìn thắng lợi!


Chúng tôi đã thắng chúng bằng cách đánh với kỹ năng nghề nghiệp của mình, nhưng cũng có trận chúng tôi bị chúng lấy mất mìn.


Người chiến sĩ đánh mìn mà bị địch lấy mất mìn thì có biết bao nỗi cơ cực. Tôi còn nhớ, trong trận đánh xe lửa trên quãng đường Quỳnh Khê - Phương Duệ, tôi được ở lại gốc dây mìn cùng tiểu đội trưởng Quyết để điều khiển mìn. Sáng sớm hôm đó, bọn địch tuần tra phát hiện thấy mìn và bủa vây chúng tôi. Trước tình thế không thể làm khác được, anh Quyết hạ lệnh cho chúng tôi dí điện phá hủy mìn. Tôi thực hiện mênh lệnh ngay. Nhưng thật đáng tiếc, địch đã cắt đứt dây mìn! May mắn cho chúng tôi thoát được vòng vây của chúng để trở về đơn vị.


Trận đánh bị thất bại này đã cho tôi nhiều bài học sâu sắc. Trong những năm tháng chiến đấu trên mặt trận đánh phá giao thông địch, hầu như không trận đánh mìn nào, chúng tôi không phải đối phó vất vả với chúng nó. Bọn dò mìn là đối tượng nguy hiểm, là kẻ thù trực tiếp của những chiến sĩ đánh mìn chúng tôi. Mỗi khi nhìn chúng đưa đẩy chiếc máy dò mìn trên những đoạn đường đã đặt mìn, chúng tôi chỉ muốn xông lên tiêu diệt lập tức bọn chó săn theo giặc này. Từ lâu, tôi đã có một ý định: "Phải tìm cách đánh tan xác những tên dò mìn, để bảo đảm cho những trận mìn thu được thắng lợi".


Trong trận đánh xe tăng địch trên đường số 9 ngày 21-5-1953, tôi có giao ước với các chiến sĩ xung kích: "Tôi quyết tâm đánh trúng chiếc xe đi đầu, nhưng các đồng chí phải bắt bằng được cho tôi một thằng dò mìn". Tôi đã làm đúng lời hứa và các chiến sĩ đại đội 75 cũng đã bắt được tù binh, trong đó có một tên lính dò mìn.


Nhận được tin báo, tôi đến ngay nơi tạm giữ tù binh để gặp tên lính dò mìn mà bốn ngày qua ở trận địa, sáng nào tôi cũng theo dõi nó. Qua sự gặp gỡ này, tôi khai thác những khía cạnh cần thiết cho việc chống thủ đoạn dò mìn của chúng. Tôi hỏi:

- Anh làm nhiệm vụ dò mìn trong đội quân tuần tiễu sáng nay phải không?

- Thưa... từ trước tới nay, em chỉ làm lính dò mìn thôi ạ. Em chưa hề cầm súng và chưa bắn một viên đạn nào bao giờ!


Nó tưởng làm lính dò mìn là nó nhẹ tội, nên trả lời tôi có vẻ không e ngại. Nhưng nó đã không biết người đang đối thoại với nó là ai?

Nghe tên tù binh thú tội "Từ trước tới nay chỉ làm lính dò mìn", tôi liên tưởng đến những lần bị chúng lấy mất mìn, căm tức hỏi:

- Trong đời làm lính dò mìn cho giặc, anh đã tìm thấy của chúng tôi bao nhiêu quả mìn?

- Thưa anh, tìm được mìn của các anh không phải là dễ. Ngay sáng nay, mìn của các anh đặt ở trên đường nhiều như vậy, mà chúng em cũng không tìm được dấu vết của quả mìn nào!

Tôi hỏi cắt ngang để thăm dò:

- Tại sao các anh lại không tìm thấy mìn?

- Thưa anh, máy dò mìn chúng em sử dụng vẫn hoạt động bình thường, nhưng không hề có dấu hiệu nào nghi ngờ. Vả lại, chúng em đi bộ bốn, năm cây số, lưng đeo hòm điện, tay vác máy nặng nề, có phải chỗ nào chúng em cũng chú ý được cả đâu. Chúng em chỉ dò kỹ ở những nơi có dấu vết nghi ngờ trên mặt đường mà thôi!


Nghe tên tù binh nói có lý, tôi nghĩ đến biện pháp hàng đầu để chống máy dò mìn là kỹ thuật ngụy trang khi chôn mìn. Tôi hỏi tiếp:

- Anh nghĩ về số phận của những người lính dò mìn như thế nào?

Với giọng kể lể phân trần, tên lính ngụy đáp:

- Chúng em bị bắt buộc vào lính. Cuộc đời của lính dò mìn chúng em là cả một chuỗi ngày đây lo sợ! Đi dò mìn, lúc nào cũng vác máy nghênh ngang giữa đường rất dễ bị các anh bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu trong những trận phục kích; kiểm tra đường rồi mà vẫn có mìn nổ thì cũng bị tù hoặc mất đầu; phát hiện thấy mìn lại là điều đáng sợ nhất!

- Tại sao các anh lại sợ nhất khi phát hiện thấy mìn?

Tên lính dò mìn ngồi lặng đi giây lát như để hồi tưởng lại một điều gì khủng khiếp đã xảy ra trong quá khứ, rồi nói:

- Chúng em sợ nhất điều này, vì trước đây, mấy anh bạn của em cũng làm công việc như em đã bị tan xác khi phát hiện thấy mìn, vào đào hố lấy mìn!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2021, 07:38:42 am »

Nghe nó giải thích, đầu óc tôi lóe lên một ý nghĩ: Phải tìm cách diệt những tên lính dò mìn để chúng phải khiếp sợ mỗi khi nghĩ đến mìn. Phải diệt những tên lính dò mìn bằng chính quả mìn mà chúng phát hiện.


Tôi nghĩ về một quả mìn như thế. Mìn thì dễ thôi, chỉ cần một quả đại bác, quả đạn súng cối của địch không nổ, hoặc vài ba lạng thuốc "TNT" là tôi có thể làm thành những quả mìn rất lợi hại. Nhưng làm thế nào để bọn lính dò mìn, khi phát hiện thấy mìn, chỉ mới sờ vào mặt đất nơi hố mìn, là mìn nổ ngay - đó là điều mà tôi đang suy tính.


Muốn cho mìn nổ, phải có bộ phận điều khiển nổ. Thế là các cỡ "cạm điện", "mìn điện" đánh tàu, đánh xe lần lượt xuất hiện trong đầu óc tôi. Tôi xác định phải dùng "mìn điện tự động" thì mới diệt được bọn này. Nhưng cho mìn nổ bằng cách nào? Không thể dùng "cạm điều khiển" tác động bằng lực nén từ trên xuống như các loại mìn thường dùng để đánh tàu, đánh xe. Cách đánh này đòi hỏi "cạm điều khiển" phải tác động bằng lực đẩy từ dưới lên; có như vậy, khi bọn địch phát hiện thấy mìn, chỉ mới bới nhẹ trên mặt đất làm bộ phận đẩy lên của "cạm điện" hoạt động thì mìn lập tức nổ.


Từ tỉnh đội về đơn vị đã giúp tôi hoàn thành bản thiết kế trong đầu óc một quả mìn chuyên dùng để diệt những tên địch làm nhiệm vụ dò mìn. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc chế tạo, thử nghiệm bộ phận điều khiển nổ của quả mìn mà tôi vừa nghĩ ra. Kết quả thử nghiệm cho biết: Sự gây nổ của bộ phận điều khiển thực hiện rất nhạy và chính xác. Cả ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các chi tiết cấu tạo của mìn và cách đánh kiểu mìn này, đặt tên cho nó là "mìn sờ".


Quả "mìn sờ" đầu tiên được chế tạo bằng quả đạn súng cối 81 ly của địch không nổ, do anh em du kích Gia Lộc đào được, đem đến cho chúng tôi từ mấy ngày trước đây. Chúng tôi đánh thí điểm quả mìn này tại một địa điểm gàn Quán Phấn, đường 17, nhăm diệt tốp lính dò mìn vẫn thường tìm mìn trên quãng đường từ nhà thờ Hui đến Phương Điếm.


Vào một đêm cuối tháng 12 năm 1953, chúng tôi đem mìn lên đường làm nhiệm vụ. So với lúc thử nghiệm ở nhà thì bây giờ thực tế có những điểm phải chú ý hơn. Cả ba bộ phận của một hệ thống là mìn, cạm điều khiển, ống pin, đều đạt chung trong một hố. Quá trình đặt một ổ mìn như thế, nếu để xảy ra một sự nhầm lẫn dù chỉ là nhỏ thì lập tức mìn sẽ nổ, người đặt mìn chết. Để bảo đảm chắc chắn cho trận đánh thí điểm, đêm nay tôi đảm nhiệm toàn bộ công việc đặt ổ mìn này. Mọi việc được thực hiện hết sức tỉ mỉ, thận trọng, bảo đảm an toàn.


Sáng sớm ngày hôm sau, toán quân đi kiểm tra đường vác máy dò mìn rà quét trên đường, đã phát hiện thấy dấu hiệu nghi ngờ mà chúng tôi cố tình để lộ. Chúng nổ súng báo động, hò la, hí hửng tưởng như sắp đào được vàng. Năm tên lính ngụy, thằng đứng, thằng ngồi, xúm xít xung quanh chỗ chúng tôi đặt mìn. Đúng như dự kiến, khi chúng đào lấy mìn thì một cột khói đen bốc lên dựng đứng - quả đạn cối 81 ly đã phát ra một tiếng nó đanh mạnh, làm tan xác cả 5 tên địch.


Quả "mìn sờ" đầu tiên đã nổ rất đẹp và đem lại kết quả đúng như dự kiến. Đánh trận đầu thắng lợi, chúng tôi rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện cách đánh mới để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người đặt mìn, hoặc khi phải gỡ mìn đem về thì cũng không xảy ra sự cố nguy hiểm. Rồi trận thứ hai được tổ chức đánh tại đường 9, gần An Thể (Tứ Kỳ). Trận này chúng tôi đánh kết hợp "mìn sờ" với mìn đánh xe cơ giới, hai quả mìn tự động đánh xe đặt cách nhau 200 mét. Phía trước, chúng tôi bố trí một ổ "mìn sờ" chế tạo trong quả đạn pháo 105 ly nhằm diệt bọn lính dò mìn để bảo vệ hai quả mìn ở trận địa chính.


Sáng 18-1-1954, vẫn như thường lệ, toán quân tuần tra của địch từ thị trấn Ninh Giang kéo nhau đến đoạn đường chúng tôi đặt mìn. Ba tên lính vác máy dò mìn ra quét trên đường. Tên vác máy đi đầu vừa tới nơi có quả "mìn sờ" đã hốt hoảng hét to: "Mìn! Có mìn!... Mìn!...”. Hai tên đi sau vác máy vội chạy đến, rà đi rà lại rôi cũng hét lên: - "Đúng rồi, đúng có mìn rồi!".


Nghe báo có mìn, những tên lính làm nhiệm vụ sục sạo chạy nhốn nháo trên đường, có tên nằm sụp xuống ven đường, nổ súng vu vơ. Tên chỉ huy đi phía cuối, hớt hải chạy lên, vừa chạy vừa la: - "Cứ để nguyên, tao coi... Cứ để nguyên, tao coi...". Ba tên lính sục sạo cũng vác súng chạy theo nó. Tôi đoán, có lẽ bọn này thi nhau chạy đến đào mìn để lập công nhận thưởng!


Khi tới nơi vừa phát hiện có mìn, tên chỉ huy vội vàng kiểm tra máy dò mìn rồi cũng reo lên: "Đúng rồi, đúng có mìn rồi. Để tao coi..!".


Tên chỉ huy vừa cúi người, đưa tay rờ rờ xuống mặt đất thì nó và 6 tên đứng xung quanh đă biến mất trong cột khói đen và tiếng nổ dữ dội của trái đạn pháo 105 ly. Quả "mìn sờ" thứ 2 đã nổ, kết liễu đời của 7 tên lính sục sạo dò mìn. Những tên còn lại hốt hoảng, nổ súng ầm ĩ. Sau một hồi lâu, nhận thấy không có sự tiến công tiếp theo của Việt Minh chúng mới dám kéo nhau ra lấy xác đồng đội, lấp hố mìn, khôi phục giao thông.


Bọn dò mìn sững sờ, với những chiếc máy tìm mìn hiện đại đã bị quét sạch bởi quả mìn vừa nổ, mặt khác phải tập trung vào việc giải quyết hậu quả, nên đoạn đường còn lại, chúng bỏ luôn không kiểm tra nữa. Hai quả mìn tự động đánh xe của chúng tôi đặt ở đoạn đường này vẫn giữ được nguyên vẹn và đến chiều hôm đó, đã nổ trúng hai xe vận tải của địch chạy từ phía Kiến An về Ninh Giang.


"Mìn sờ" là một loại vũ khí mới tìm ra, chủ yếu dùng vào việc diệt bọn lính dò mìn trên các đường giao thông. Không để cho địch tìm cách đối phó, sau trận thứ hai ở đường 9 đạt hiệu quả chiến đấu cao, chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị áp dụng "mìn sờ" đánh rộng ra những con đường có địch tuần tiễu để tranh thủ thời cơ diệt bọn lính dò mìn càng nhiều càng tốt. Thế là, "mìn sờ" liên tiếp nổ ra ở đường 17, đường 20 và nổ lên cả trên đường 5. Tôi trực tiếp đánh 7 quả, diệt 32 tên dò mìn. Các đồng chí Đặng Văn Đính, Nguyễn Văn Cứ - đội phó cũng chỉ huy đơn vị đánh nhiều ổ "mìn sờ", diệt hàng chục tên địch.


"Mìn sờ" ra đời và áp dụng đánh trên khắp mọi nẻo đường làm cho bọn địch khiếp sợ! Và từ đó, mỗi khi phát hiện hoặc nghi nơi có mìn, chúng phải đứng thật xa, dùng lựu đạn hoặc súng nã vào cho đến lúc nát cả mặt đường mà không thấy tiếng nổ, mới dám đến tận nơi khám xét!


"Mìn sờ" thật sự đã trở thành nỗi kinh hoàng của những tên lính dò mìn!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2021, 07:39:44 am »

ĐÁNH VÀO ĐƯỜNG SẮT PHỐI HỢP VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ


Tiếng súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vừa nổ, thì cũng là lúc chúng tôi đánh vào đường số 5. Với khẩu hiệu "Không ngừng tiếng súng, không ngừng tiếng mìn trên đường 5 để phối hợp với Điện Biên Phủ", đêm 13-3-1954, bộ đội ta đã tiến công san bằng hàng chục đồn bốt của địch trên đất Kim Thành, Cẩm Giàng. Trong đêm ấy, đơn vị "S20" được phân công dùng mìn chặn quân tiếp viện của địch ở cổng Chông phía bắc thị xã Hải Dương. Sau đó, được lệnh của tỉnh đội chia đơn vị làm hai bộ phận - một cắm chốt ở Gia Lộc để đánh địch ở đường 17 và đường 20, một bộ phận do tôi trực tiếp phụ trách, lên phía bắc Cẩm Giàng để đánh địch trên đường sắt. Từ đó, chúng tôi đã liên tục chiến đấu ở đoạn đường từ thị xã Hải Dương đến thị trấn Cẩm Giàng cho đến ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc.


Lúc này, trình độ kỹ thuật, chiến thuật đánh mìn của ta đã phát triển lên mức độ cao. "Mìn điện tự động" đã được chúng tôi vận dụng đánh địch một cách phổ biến trên đường sắt Cẩm Giàng và đã nghiên cứu nâng cách đánh này lên đỉnh cao mới, giải quyết thành công "mìn điện tự động" đánh trúng đầu tàu đối với bất cứ quy luật đi lại hoặc bố trí đoàn tàu của địch theo kiểu nào. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hoàn chỉnh "mìn điện bán tự động" đặt ở vị trí thích hợp để lựa chọn đánh vào những mục tiêu theo ý muốn - tạm gọi là "mìn điên tự động theo ý muốn", nhằm đánh những đoàn tàu quân sự, loại bỏ tàu dân sự.


Với cách đánh lợi hại này, gần 150 ngày đêm chiến đấu ở đất Cẩm Giàng, chúng tôi đã đánh hàng chục trận mìn trên đường sắt, phá hủy 17 đầu tàu, lật đổ 85 toa xe chuyên chở binh lính, vũ khí, hàng quân dụng của địch chi viện cho đồng bọn đang bị quân ta bao vây ở Điện Biên Phù và các chiến trường. Những đoạn đường Hán Thượng, Đồng Niên, Cao Xá, An Tĩnh, Đức Trạch, Chùa Dê, Mai Trung, Kinh Nguyên, Ngặt Kéo... là những địa danh mãi mãi ghi lại chiến công oai hùng của những chiến sĩ đánh mìn "S20" trong thời gian chiến đấu phối hợp với bộ đội chủ lực của ta ở mặt trận Điên Biên Phủ năm 1954.


Mỗi trận đánh là một chiến công. Mỗi chiến công đều có những đặc sắc riêng của nó. Một số trận đánh tiêu biểu nổ ra trong những ngày tháng 4, tháng 5 năm ấy, đã để lại cho chúng tôi những điều kỳ diệu khó quên.


Ngày mồng 6 tháng 4 nãm 1954, trên quãng đường Đồng Niên - Cao Xá, chúng tôi thực hiện một trận đánh liên hoàn - cả đường sắt lẫn đường bộ (đường phụ cận đường tàu), kết hợp "mìn điện tự động" đánh tàu với "mìn chống tăng" và "mìn sờ" để diệt xe và binh lính của chúng đến giải quyết hậu quả sau khi lật đổ các đoàn tàu.


Trận này, chúng tôi đặt 2 quả mìn đánh trên đường sắt, mỗi quả 40 cân thuốc nổ, cách nhau chừng 500 mét, để đánh 2 đoàn tàu trong ngày. Tại hố đặt "cạm điện" của 2 quả mìn này, mỗi hố chúng tôi đặt một ổ "mìn sờ", nhằm diệt những tên địch đến móc lấy hòm điện sau khi những quả mìn đã nổ tung trên đường sắt; và đặt 2 quả chống tăng ở đường phụ cận nằm sát đường tàu để đón đánh những chiếc xe đến giải quyết chiến trường.


Trận đánh đã diễn ra đúng kế hoạch. Cả 5 quả mìn đều nổ rất chính xác. Một ngày lật đổ 2 đoàn tàu quân sự của địch, phá hủy một xe tăng, một xe díp chở 2 tên sĩ quan đến quan sát trận địa. Hai quả "mìn sờ" cũng diệt hơn 10 tên địch. Quang cảnh trận địa ngổn ngang tàu đổ, binh lính địch ngược xuôi cả ngày mà không giải quyết xong hậu quả. Đêm đó, chúng phải cho xe tăng đến mai phục và bắn cầm canh suốt đêm để bảo vệ những đoàn tàu bị lật đổ. Đường sắt bị cắt đứt, giao thông vận tải bị ngừng trệ hoàn toàn suốt 3 ngày.


Sau đó không lâu, cũng đoạn đường này, với kế nghi binh, chúng tôi đã đánh thắng một trận rất bất ngờ đối với địch. Đêm mồng 2 tháng 5 năm 1954, tổ đào hố mìn đang làm nhiệm vụ, thì bỗng có hàng loạt súng trung liên bắn xối xả vào chỗ chúng tôi, làm một chiến sĩ bị thương nhẹ. Tôi ra lệnh nổ súng bắn lại và cho anh em nhanh chóng rút khỏi mặt đường. Đồng chí Đính - đội phó, phát hiện thấy địch bắn ra từ trong những toa tàu bị lật đổ lần trước, liền có sáng kiến rúc lên những hồi còi gay gắt chói tai rồi hô to: "Không được bắn, đuổi bắt sống lấy chúng nó!"... Được đà, tôi cũng hô tiếp: "Trung đội 1 bên phải, trung đội 2 bên trái - đuổi bắt sống lấy chúng nó!". Thực ra, lúc đó chúng tôi chỉ có hơn 10 người với 4 khẩu súng trường, 2 tiểu liên, còn lại là mìn, dây điện, xà beng, thúng và vải bạt dùng để đựng đất đá khi đào hố mìn.


Thấy chúng tôi hô dõng dạc, mạnh mẽ và còi rúc liên hồi, bọn địch phục kích hoảng sợ, bỏ chạy về bốt Đồng Niên, dùng súng cối và đại liên bắn ra uy hiếp. Sau một hồi bọn chúng bắn vu vơ, trận địa trơ lại yên tĩnh. Chúng tôi lên mặt đường xem xét tình hình rồi chuẩn bị đánh tiếp. Bị địch nổ súng bất ngờ, chúng tôi không kịp thu dọn, nên lúc này đất đá mới đào lên tung tóe cả xung quanh hố mìn. Thấy vậy, tôi nảy ra một ý định: đánh tiếp ngay vào những hố mìn đang đào dở dang này, mặc dầu địch đã phát hiện được chúng tôi cách đây mấy chục phút.


Sau khi kiểm tra tình hình, bố trí lại các tổ bảo vệ, chúng tôi lại đào thật sâu hố cũ, khoét ngang sang một bên, đặt quả mìn 40 cân vào đó, lấp chặt đất đá đến lưng chừng hố, rồi để hở không ngụy trang. Làm như vậy để đánh lạc hướng quân địch - cho rằng, sau khi bị bắn dữ dội, chúng tôi đã bỏ chạy không đánh nữa. Thực tế chúng tôi đã đặt xong 2 ổ mìn theo kiểu này cách nhau chừng 300 mét để đón đánh hai đoàn tàu trong ngày.


Đúng như dự đoán, sáng hôm sau (3-5-1954), bọn địch từ bốt Đồng Niên đi kiểm tra đường. Vừa tới nơi chúng tôi đặt mìn, thấy đất đá rơi vãi tứ tung và miệng hố đào dở còn bỏ nguyên đó, chúng liên kêu lên: "Đ... mẹ nó, đêm qua không nã đạn vào bọn Việt Minh thì hôm nay mất đầu cả lũ!". Nói xong, chúng gọi nhau lấy đất đá lấp chặt hố mìn, rồi yên trí đi tiếp về phía Cao Xá. Mìn của chúng tôi đã giữ được bí mật và sẵn sàng chờ nổ.


Khoảng 9 giờ sáng, đoàn tàu từ Hải Phòng vượt qua thị xã Hải Dương, đang hối hả lao về phía Hà Nội. Khi đến nơi chúng tôi đặt mìn - một tiếng nổ dậy đất - quả mìn có sức công phá bằng 40 cân thuốc nổ, đã nổ vào 3 toa cuối cùng chở lính, làm chết và bị thương 120 tên địch. Bọn chúng phải đưa 6 xe vận tải đến lấy xác chết.


Sau khi giải quyết xong hậu quả, cắt bỏ lại 3 toa phía cuối, đến quá chiều ngày hôm đó, đoàn tàu này chạy tiếp và khi tới quả mìn thứ 2, chiếc đầu tàu đã bị trúng mìn vỡ toác, kéo đổ theo 2 toa nữa. Việc vận chuyển trên đường sắt bị ngừng trệ cả đến ngày hôm sau.


Trận đánh nghi binh, biến bại thành thắng, đã phá hủy một đầu tàu, 5 toa xe, diệt 120 tên địch. Vì thế, trong buổi họp mặt mừng công ở đơn vị, một đồng chí cao hứng đã sáng tác một bài hò (theo điệu hò lơ) :
   Ai về Cao Xá, Đồng Niên
   Mà xem mưu mẹo đánh mìn của ta,
   Chôn mìn, hố để hở ra,
   Lính dò mìn đến giúp ta lấp vào.
   Tàu qua, mìn nổ lật nhào,
   Hỏi rằng tài trí ai nào hơn ai!


Nhiều trận mìn của chúng tôi nổ ra, vận tải đường sắt của địch liên tiếp bị cắt đứt. Để bảo vệ con đường chiến lược quan trọng này nhằm duy trì sự vận chuyển chi viện cho các chiến trường, đặc biệt là chi viện cho các binh đoàn đang bị quân ta bao vây ở Điện Biên Phụ, đêm đêm bọn địch phải tung lực lượng đi phục kích, canh giữ từng đoạn đường, rải mìn ở các lối đi nhằm ngăn chặn và phát hiện không để một ai có thể đặt chân lên đường sắt. Ở những đoạn đường không có điều kiện rải quân bảo vệ thì có đêm chúng dùng pháo bắn cầm canh để uy hiếp, khống chế không cho chiến sĩ ta lên đường đặt mìn.


Phản ứng gay gắt của địch đã đem lại cho chúng tôi những khó khăn không nhỏ. Nhiều đêm bám đường, bám địch mà cũng không lên được đường làm nhiệm vụ, có lần còn xảy ra thương vong đối với một số chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ trinh sát do vấp phải mìn của địch.


Không thể ngồi khoanh tay trong lúc yêu cầu chiến đấu đang đòi hỏi khẩn trương. "Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn", dần dần chúng tôi cũng tìm ra cách đối phó lại địch. Chúng tôi tổ chức lực lượng đánh đuổi tụi quân phục kích, buộc chúng phải giam chân trong đồn bốt, ban đêm không dám tung lực lượng ra đường; thành lập nhóm trinh sát tháo gỡ mìn và thường xuyên bám sát địch; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng bám đường để chớp thời cơ quân địch sơ hở là lên đường đặt mìn được ngay. Thời kỳ này, đặt được một quả mìn vào đường sắt là một sự giành giật từng giờ, từng phút, từng đoạn đường với địch rất quyết liệt, có lúc còn tốn cả xương máu của chiến sĩ. Nhưng khó khăn hơn nữa lại là chúng tôi phải tìm ra cách đánh như thế nào trước thủ đoạn đối phó của địch để đạt hiệu quả chiến đấu cao. Đây là một việc cấp bách đòi hỏi phải vắt óc mà tìm ra cách đánh cho phù hợp với thực tế chiến trường. Chúng tôi đã tìm được cách đánh tốt hơn - cách "đánh trực tiếp" - nghĩa là mìn và "cạm điện" cùng một hố. Chúng tôi đã áp dụng cách này trên đường sắt Cẩm Giàng cho đến ngày hoà bình lập lại. 7 giờ sáng ngày 27-7-1954, khi Hiệp định đình chiến ký kết giữa ta và Pháp có hiệu lực - quả mìn cuối cùng của "S20" còn đặt ở đoạn đường Mai Trung - Kim Nguyên thuộc đất Cẩm Giàng đã được chúng tôi đào lên và khiêng về trước sự ngỡ ngàng, thất vọng của những tên lính viễn chinh bại trận!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2021, 07:40:58 am »

TƯ LIỆU





Thân gửi đồng chí Quang Vinh, Nguyễn Huy Trường
   (Chiến sĩ thi đua Quân đội)

   Tôi thân ái gửi lời thăm 2 đ/c. Chúc 2 đ/c mau khỏe.
   Tôi đang bị ốm sơ, chi ủy hôm qua có cho tôi 10 quả trứng gà và 1 nải chuối.  Tôi chia gửi biếu 2 đ/c 10 quả trứng gà. Mong 2 đ/c nhận lấy.

Thân ái
NGUYỄN CHÍ THANH

Tư liệu do Bảo tàng QK3 cung cấp
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2021, 08:10:56 pm »

TRẬN HÓA TRANG TẬP KÍCH CỦA 24 NỮ DU KÍCH ĐÁNH BỌN ĐỊCH
GIỮA BAN NGÀY Ở CHỢ THỌ TRƯƠNG
(THANH MIỆN)


TRẦN THỊ NÚI
(tức Xuân Liên)


Trận đánh xảy ra ngày 1-3-1953, đã trên 40 năm. Là người được trực tiếp tham gia trận đánh, tôi muốn ghi lại trận đánh này bằng người thực việc thực, hy vọng giúp phần nào cho sự nghiên cứu kinh nghiệm của nữ du kích đánh giặc.


Chợ Thọ Trương nằm ở phía đông bắc thôn Thọ Trương thuộc xã Lam Sơn, chia làm 4 thôn: thôn Thọ Trương nằm giữa và là thôn to nhất, thôn Kim Trang ở xóm đông có một nhà thờ nhỏ, có mấy gia đình giáo dân, phía tây có thôn ấp Lam Sơn, phía tây nam là thôn Thọ Xuyên. Các xã bên cạnh có xã Phạm Kha, Đoàn Tùng, Hồng Quang. Mặc dù địch o ép, khủng bố và bắt phải lập hội tề nhưng tất cả chánh phó hương chủ đều do ta cử ra, lựa chiều đấu tranh hợp pháp với giặc, bảo vệ quyền lợi nhân dân. Trừ một vài tên ngầm làm chỉ điểm cho giặc, còn đại bộ phận nhân dân một lòng một dạ hướng về kháng chiến.


Chợ Thọ Trương chỉ cách bốt quận Trương có 70m và chung quanh địch đóng quân dày đặc. Phía tây bắc, cách 1,5 km có tháp canh nhà thờ Gừng, thôn công giáo toàn tòng phản động khét tiếng. Phía đông bắc, có tháp canh nhà thờ Đọ. Phía đông có tháp canh nhà thờ Ba Đông. Phía đông nam là bốt Triệu Nội có 1 đại đội lính địch, chính nam có bốt Neo đóng 1 đại đội. Phía tây nam là tháp canh nhà thờ An Lạc và bốt Hoành Bồ. Mỗi nơi chỉ cách chợ Trương khoảng từ 1,5 km - 2 km. Riêng quận Trương là quận hành chính, sự hoạt động của địch nặng về mơn chớn, phỉnh phờ, lừa bịp dân, thường tung chỉ điểm ngầm báo cho chúng những tin về hoạt động của ta. Cán bộ, dân quân - du kích không ít bị chỉ điểm vây bắt và giết chết như trận vây bắt và giết chết 5 du kích ở ao làng Thọ Trương, trong đó có anh Vũ Thuật và Đỗ Kiểm bị bắn chết ngay tại chỗ. Anh Nguyễn Văn Thạch lúc đó là bí thư chi bộ cúng bị bắn chết ngay ở cầu cuối đường 20.


Hàng ngày, chợ Trương có từ 20 - 30 tên bảo hoàng vào chợ để kiểm soát và quấy nhiễu nhân dân. Nhằm tiêu diệt bọn lính bảo hoàng này, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và hướng dẫn của Ban chỉ huy Huyên đội Thanh Miện mà trực tiếp là đồng chí Điều, huyện đội trưởng, đảng ủy, UBKCHC và xã đội Lam Sơn hạ quyết tâm sử dụng nữ du kích giả làm người đi chợ trà trộn đột nhập vào chợ Trương lúc chợ đông, dùng đấu đong, đòn gánh, dao găm tập kích địch; đồng thời có kế hoạch kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch và đấu tranh chính trị để tránh sự khủng bố của địch, đảm bảo an toàn cho dân.


Kế hoạch là dùng 24 nữ du kích của các xã Lam Sơn, Phạm Kha, Đoàn Tùng và Hồng Quang, cử nữ đồng chí Hoa là cán sự huyện trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ngoài ra, còn được đồng chí Lựa - cán bộ trung đội và một chiến sĩ của đại đội Lý Thường Kiệt mang 2 tiểu liên đi cùng đồng chí Hoa sẵn sàng chi viện hỏa lực; đồng thời còn có một tiểu đội có trung liên của đại đội bố trí ở cụm tre sẵn sàng đánh địch ở tháp canh Gừng ra chặn đường rút lui của chị em.


Theo kế hoạch, đúng 7 giờ sáng ngày 1-3-1953, các lực lượng đã tập kết đay đủ ở thôn ấp Lam Sơn. Sau khi trinh sát thấy ở bốt quận không có gì đặc biệt ảnh hưởng tới trận đánh và sau khi kiểm tra chuẩn bị đã đầy đủ, hồi 7 giờ 45 phút toàn lực lượng chia làm 3 mũi tiến quân. Mũi thứ nhất do đồng chí Vũ Thị Lý là xã đội phó xả Lam Sơn trực tiếp chỉ huy, đi từ đường thôn Thọ Xuyên tiến qua cánh đồng, rồi đột nhập vào chợ. Mũi thứ hai từ ấp Lam Sơn do tôi - Trần Thị Núi (tức Xuân Liên) là chi ủy viên, hội trưởng phụ nữ xã Lam Sơn chỉ huy đi theo đường cổng chùa Trương đột nhập vào chợ. Mũi thứ ba do đồng chí Hoa, cán sự Huyện đội chỉ huy chung trận đánh, trực tiếp chỉ huy và có đồng chí Lựa cán bộ trung đội theo sát giúp đỡ. Mũi 3 đi theo đường thôn Dừa, xã Hồng Quang, rồi theo đường làng xóm Ngũ Thương, đột nhập vào chợ.


Khoảng 9 giờ sáng, sau khi quan sát thấy tất cả các mũi đã đột nhập và sẵn sàng tấn công, đồng chí Hoa "ngả nón ở trên đầu" ra lệnh tấn công. Ngay lập tức, các chiến sĩ đã dùng đấu đong, đòn gánh đồng loạt tấn công. Tôi - Trần Thị Núi - dùng đòn gánh phang mạnh vào gáy một tên địch. Tên này loạng choạng, tôi cầm tay áo nó kéo xuống định bắt sống nhưng tên thứ hai lao tới dùng báng súng đánh phía sau. Đồng chí Lựa lập tức dùng tiểu liên bắn một phát, tên này chết ngay. Còn tên thứ nhất cố tình kháng cự bị tôi dùng đấu đong ghè tiếp vào đầu mấy chiếc, tên này cũng chết ngay tại chỗ.


Mũi đồng chí Lý đánh một tên, nó nhảy xuống ao; đồng chí Lý và một đồng đội nữa cũng nhảy xuống ao đánh chết tên này. Toàn chợ, chỗ này đòn gánh, chỗ kia đấu đong, đánh đồn dập; gạo, khoai, quà bánh, thịt, cá đổ tứ tung. Nhân dân thì vừa kêu "Việt Minh" vừa chạy. Bọn lính bảo hoàng chạy vội về bốt. Cùng lúc, chánh - phó hương chủ và một số dân đã được chuẩn bị từ trước chạy vào quận, vừa chạy vừa kêu: "Viêt Minh về đông lắm, cứu chúng con với"! Bọn địch rất hoang mang, đóng cổng lại. Mãi về sau chúng mới hoàn hồn, dùng súng cối và đại liên bắn đuổi theo vu vơ.


Trận đánh diễn ra trong vòng 5 phút, rất nhanh, mạnh mẽ, táo bạo và gọn gàng. Kết quả, địch chết 3 tên và bị thương một số. Ta thu 7 khẩu súng trường và tiểu liên, bảo tồn được lực lượng và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân. Trận đánh gây được tiếng vang trong dân và lực lượng vũ trang, góp phần đẩy mạnh du kích chiến tranh, gây cho địch hoang mang sợ hãi, buộc chúng phải co lại.


Sau đó, Đài tiếng nói Việt Nam, báo chí của ta, đài các nước anh em và đài của địch cúng loan tin trận đánh hay này của nữ du kích.

Lực lượng vũ trang rất phấn khởi, nhất là nữ du kích tự hào là mình đã sánh vai cùng với nam giới giết giặc lập công.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2021, 08:11:31 pm »

LẬP MỘ CHO NỮ ĐỒNG CHÍ TRẦN THỊ THÂN


ĐÀO NGỌC QUẾ
(Đại tá, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân Hải Phòng)


Nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị Tỉnh đội Hưng Yên thời chống Pháp đều biết Trần Thị Thân, một nữ chiến sĩ liên lạc và nuôi quân, một đồng chí có phẩm chất, tư cách, đạo đức tốt, tận tụy công tác suốt từ đầu kháng chiến đến thắng lợi 1954, là một thương binh được xếp hạng. Sau ngày hòa bình lập lại, Trần Thị Thân đã chuyển ngành sang Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương Hải Phòng và đã về hưu tại nhà số 2 phố Lý Tự Trọng, Hải Phòng.


Do cuộc đời riêng tư của chị Thân có nhiều trắc trở nên chị sống độc thân và đã từ trần ngày 3-8-1985, thọ 65 tuổi. Vì không có người thân chăm sóc phần mộ nên sau khi cải táng, cơ quan quản lý nghĩa trang đã chuyển mộ chị sang nghĩa trang Phi Liệt ở khu vô thừa nhận.


Cuối năm 1993, có sự phát hiện của đồng đội, đại tá Võ An Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Hưng Yên đã đề xuất việc lập lại mộ của chị đưa vào khu chính của nghĩa trang.

Cảm động trước việc làm tình nghĩa đối với một nữ cán bộ có công lao đã khuất, ban lãnh đạo Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội quận Hồng Bàng và một số bạn bè đồng đội đã góp tiền xây mộ cho chị Thân. Công ty Dịch vụ mai táng nhận giúp việc di chuyển và xây mộ không lấy tiền công.


Từ ngày 15-12-1993, trong 3 ngày, Ban quản lý nghĩa trang đã làm xong việc xây cất chuyển mộ vào khu vực chính. Mộ được xây 3 tầng, có bia khắc rõ họ tên, quê quán và công tác của chị Trần Thị Thân.

Ngày 18-12-1993, đoàn cán bộ, bè bạn, có đại biểu của Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương đã tổ chức lễ viếng mộ long trọng. Đại tá Võ An Đông đã thay mặt đoàn đọc lời viếng đây xúc động và cùng đoàn làm lễ tưởng niệm người nữ chiến sĩ ngoan cường và thân thương.


Cho đến nay, chị Trần Thị Thân đã có mồ yên, mả đẹp, đồng đội và bè bạn vui mừng vì đã làm được một việc nghĩa tình tốt đẹp. Một số người ở nước ngoài về thăm quê có họ hàng với chị Thân, được tin này đã đến viếng mộ chị hết sức cảm động, đã gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, đơn vị, tập thể đồng đội tỉnh đội Hưng Yên, đá hết lòng lập lại mộ chị Trân Thị Thân khang trang đẹp đẽ.


Hiện nay nhiều người cùng anh chị em đồng đội luôn tưởng nhớ tới một nứ chiến sĩ ngoan cường và thân thương của chúng ta tại khu A nghĩa trang Phi Liệt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2021, 08:12:17 pm »

TẤM LÒNG NHỮNG NGƯỜI BIÊN SOẠN
BỘ SÁCH NHIỀU TẬP 'ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG, QUẬT KHỞI"


HƯƠNG GIANG
   

Trước mắt tôi là tập 3 của bộ sách truyền thống nhiều tập "Đường 5 anh dũng quật khởi” của Hội khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng và Ban liên lạc đồng đội Tỉnh đội (cũ) Hải Dương - Hưng Yên, do Nhà xuất bản Hải Phòng vừa ấn hành. Như vậy, kể từ tập 1 xuất bản vào tháng 9-1995 đến nay, trong khoảng thời gian hơn hai năm. Nhà xuất bản Hải Phòng đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập dày dặn của bộ sách giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương - Hưng Yên - những địa phương có đường giao thông huyết mạch quốc lộ 5 đi qua. Có thể nói, công lao đó thuộc về nhóm biên soạn gồm các đồng chí Võ An Đông, Nguyễn Huy Trường, Đào Ngọc Quế, Đàm Minh, Trương Văn Thuấn - những cán bộ quân đội là lãnh đạo, chỉ huy từng tham gia những trận đánh nổi tiếng trên đường 5 gây cho quân thù bao nỗi kinh hoàng trong những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.


Tôi đến thăm bác Võ An Đông tại nhà riêng số 180 phố Chùa Hàng, quận Lê Chân, trong lúc bác đang miệt mài biên soạn nội dung tập 4 "Đường 5 anh dũng quật khởi”. Căn hộ bài trí giản dị, đơn sơ nhưng ấm cúng. Tạm ngừng bút, bác Võ An Đông gỡ cặp kính lão dày cộp để sang một bên rồi nói với tôi:

- Quỹ thời gian của chúng tôi còn rất hạn chế, sức khỏe thì ngày một giảm mà công việc lại còn nhiêu. Song, chúng tôi động viên nhau phải khẩn trương khai thác "những nhân chứng sống" của một thời lịch sử hào hùng của dân tộc để phản ánh trong bộ sách truyền thống ”Đường 5 anh dũng quật khỏi”... Chỉ mấy năm nứa thôi, thì...


Tôi hiểu bác Võ An Đông định nói gì và càng cảm thông những cỗng việc bác cùng với những người cộng sự với bác đang làm. Năm nay bác qua tuổi 76. Năm 1986, ở cương vị chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng với quân hàm đại tá, bác nghỉ hưu. Lúc này bác thường nghĩ: "Nghỉ không có nghĩa là ngừng hoạt động. Phải tạo cho mình một nếp sinh hoạt, một chế độ làm việc phù hợp với hoàn cảnh hiện tại...". Từ tâm niệm ấy, bác say sưa dành thời gian viết hồi ký với ý nghĩ ban đầu "trước hết viết cho mình và cho gia đình mình" về những năm tháng tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Sâu xa hơn, bác nghĩ tới những người viết lịch sử sau này phải có những cuốn sách tư liệu để làm căn cứ, mà người viết hồi ký cách mạng ví như những người thợ mỏ khai thác quặng để cho thế hệ mai sau căn cứ vào những tư liệu đó mà viết lịch sử. Ngày này qua tháng khác, với tư duy lô-gíc và ký ức về một thời hoạt động trong lực lượng vũ trang Hưng Yên, bác đã hoàn thành một số bài viết người thật, việc thật khá xúc tích, sinh động. Quan điểm "chiến tranh nhân dân” của Đảng và vai trò của nhân dân trong chiến tranh luôn luôn bao trùm trong các hồi ký của bác, chân thực và công bằng. Khi đã có "vốn liếng", bác nghĩ đến việc xuất bản để "trình làng" những hồi ký của mình. Rồi trong một lần gặp gỡ những chiến hữu của mình thời kỳ "chín năm", bác đem ý kiến trên ra trao đổi. Bác Nguyễn Huy Trường, vốn là chiến sĩ thi đua toàn quốc trong kháng chiến chống Pháp; rồi các bác Đào Ngọc Quế, Đàm Minh... những sĩ quan quân đội từng trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, hoàn toàn ủng hộ. Họ quyết định thành lập Ban liên lạc đồng đội Tỉnh đội (cũ) Hải Dương - Hưng Yên (có sự giúp đỡ nhiệt tình của các ban ngành chức năng), tạo tiền đề cho bộ sách truyền thống cách mạng của các tỉnh, thành phố có đường 5 đi qua, sớm hình thành. Và cũng chính bác Võ An Đông là người đem các bài hồi ký của mình để mọi người trao đổi, góp ý, coi đó là "bài mẫu" để cùng nhau "tập" viết hồi ký. Một vấn đề quan trọng được các bác quan tâm là "những nhân chứng sống" của một thời lịch sử ở Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đang ngày một thưa vắng dần. Phải tranh thủ khai thác tư liệu, nếu không thì... mất hết. Thế rồi, các bác phân công nhau về các địa phương thời hoạt động cách mạng để lo tổ chức mạng lưới cộng tác viên, lực lượng viết hồi ký... Những cán bộ lãnh đạo ở các địa phương này lúc ấy, nay chuyển về công tác hoặc nghỉ hưu ở Hà Nội, cũng được các bác tìm đến trình bày nguyện vọng và yêu cầu giúp đỡ, cộng tác. Trước tấm lòng và ý thức trách nhiệm đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, các bác đã giành được sự nhiệt tình ủng hộ về nhiều mặt. Bài vở viết theo từng chủ đề từ các nơi gửi về cho Ban liên lạc đồng đội ngày một nhiều. Cả những xã ven quốc lộ "tiếng sấm đường 5", một số "nhân chứng lịch sử" tuy "mắt mờ, chân yếu" cũng tích cực hưởng ứng viết và gửi bài về Ban liên lạc đồng đội. Sự cổ vũ vô giá ấy động viên các bác nỗ lực lao vào nhiệm vụ tuyển chọn, biên tập cho tập đầu tiên của bộ sách sớm hoàn thành. Có một vài chi tiết cần được xác minh, các bác lại động viên nhau vượt hàng chục ki-lô-mét, có đoạn phải vượt qua những con đường "sống trâu" bằng xe đạp, để gặp tác giả trực tiếp kiểm tra lại cho rõ...


"Đường 5 anh dũng quật khởi" tập 1 ra đời vào đúng dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1995 với sự giúp đỡ tận tình của Nhà xuất bản Hải Phòng và Hội khoa học lịch sử Hải Phòng. Ngay buổi đầu, tập sách đã giành được những tình cảm trân trọng của bạn đọc, nhất là đối với những người từng một thời sống và chiến đấu trên dải đất nóng bỏng khí thế diệt quân xâm lược, bảo vệ quê hương. Cảm thông với những người làm công tác biên soạn tập sách, Bộ tư lệnh Quân khu Ba, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trong Quân khu và nhiều cơ quan, đơn vị vừa trích quũy mua sách, vừa dành một khoản tiền nhất định để tài trợ "Đầu vào" và "Đầu ra" của tập sách ổn định, là yếu tố quan trọng giúp cho nhóm biên soạn của bác Võ An Đông yên tâm, tiếp tục làm nhiệm vụ...


(Đăng báo Hải Phòng
số ra ngày 10-1-1998)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM