Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:05:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự  (Đọc 7143 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 05:38:51 pm »

b) Nghệ thuật xây dựng thế trận

Trước hết là phải xây dựng thế trận chung, thế trận chiến lược: thế trận khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc.

Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nghệ thuật khởi nghĩa giành chính quyền đã bắt đầu hình thành với nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa chống Đông Hán thời Hai Bà Trưng (năm 40) và cuộc khởi nghĩa chống Lương thời Lý Bí (năm 542-543) - những phong trào quật khởi của toàn dân giành thắng lợi oanh liệt nhất thời bấy giờ. Tính chất toàn dân đã biểu hiện khá rõ nét và thể hiện trên các mặt chủ yếu: tổ chức lực lượng, xây dựng địa bàn và phương thức tiến hành khởi nghĩa. Từ căn cứ Mê Linh, nghĩa quân Hai Bà Trưng được các Lạc tướng, các thủ lĩnh có uy tín và đông đảo dân chúng từ 65 huyện thành nhất tề nổi lên hưởng ứng. Tham gia cuộc khởi nghĩa toàn dân đó có cả các Lạc tướng và Lạc dân, có cả những thủ lĩnh người Việt và những người dân công xã từng bị bóc lột cực khổ trăm bể.


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhờ được nhân dân tham gia đông đảo nên đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô cả nước. Chính nhờ mục đích chính trị đúng đắn "dấy quân nghĩa cốt để an dân", nên khi Lê Lợi "nêu gậy làm cờ" đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo "manh lệ” bốn phương. Nghĩa quân ngay từ đầu đã quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt và càng ngày càng được dân chúng đủ các tầng lớp, thành phần tham gia. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tạo được một thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, với nhiều hình thức đánh giặc phong phú.


Nhiều cuộc kháng chiến giữ nước trong lịch sử đã mang đậm tính chất nhân dân, nổi bật nhất là các cuộc kháng chiến dưới triều Trần. Chính nhờ tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc, kết hợp các cách đánh và nhiều lực lượng cùng đánh nên quân và dân nhà Trần đã có được khả năng to lớn là tiến công địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc, cả trước mặt và sau lưng; khiến quân thù đông mà tản, nhiều hoá ít, mạnh hoá yếu, từng bước bị tiêu hao, suy yếu, mệt mỏi và cuối cùng bị phản công - tiến công tiêu diệt. Kỵ binh Mông Cổ cũng như kỵ binh, bộ binh nhà Nguyên đều nổi tiếng là thiện chiến nhất đương thời; đặc biệt kỵ binh Mông - Nguyên đã từng chiến thắng ở khắp nơi, nhưng chúng lạ thay khi đến Đại Việt lại "không thể thi thố được tài năng" như ở những chiến trường khác. Bởi vì, ở đây chúng đã gặp phải một phương thức chống đối hoàn toàn khác lạ: đó là cuộc chiến tranh toàn dân dưới sự chỉ huy tài tình của một Bộ tham mưu thống nhất. Đó là cách đánh "dĩ đoản chế trường", biết hạn chế sở trường của giặc, phát huy sức mạnh của ta, từng bước chuyển hoá lực lượng; ta càng đánh càng mạnh, càng thắng; địch càng đánh càng yếu, càng thua.


Như vậy, để phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của cả nước đánh bại quân xâm lược, ông cha ta đã biết vận dụng không gian đất nước, tạo nên thế trận mạnh mẽ của khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân.


Thế cả nước đứng lên đánh giặc, đánh địch ở mọi nơi trên khắp đất nước là thế trận chiến lược. Ở đâu có giặc là ở đó có người đánh giặc, nơi không có giặc thì chi viện, phối hợp cùng đánh với tinh thần "Quốc gia hữu sự thất phu hữu trách" (quốc gia có giặc thì người dân thường cũng có trách nhiệm đánh giặc), "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Thế trận của ta là thế toàn dân bám làng xã, quê hương, bằng mọi hình thức đánh nhỏ, đánh lớn, đánh úp, mai phục; khiến quân thù phải phân tán, bị tiêu hao, muốn đánh lớn không đánh được, muốn cướp lương thảo cũng không cướp được, luôn bị động và tinh thần sa sút. Trong khi đó quân triều đình có điều kiện bảo toàn lực lượng, có thể tập trung để đánh lớn, đánh tiêu diệt, đánh những đòn quyết định khi có thời cơ. Đó là thế trận làng nước cùng đánh giặc; nước nhà gắng sức, "chúng chí thành thành”. Tất nhiên, trong lịch sử dân tộc ta có những triều đại không xây dựng được thế trận này, chỉ dựa vào tác chiến đơn độc của quân đội thì không thể giành chiến thắng được; cuộc kháng chiến thời Hồ chống Minh là một ví dụ.


Trên cơ sở thế trận chung cả nước đánh giặc, ông cha ta luôn chú trọng tạo nên thế trận lợi hại khi thực hành tác chiến.

Mỗi trận đánh là một cuộc đấu tranh gay go giữa ta và địch để xây dựng thế trận của mình, phá thế trận của đối phương. Bọn tướng lĩnh xâm lược theo binh pháp cổ truyền thường đưa quân vào nơi tử địa, tức là vào thế chết, khiến cho quân lính sợ chết mà liều đánh, để thắng; chẳng hạn, khi xuất quân thì đập nồi, qua sông thì đốt thuyền, v.v...


Tướng lĩnh ta thì luôn tận dụng địa hình quen thuộc, hiểm trở của mình để đưa quân giặc vào "thế trong miệng cọp”. Có khi từng bước dồn quân thù vào cái thế "tất phải hàng", "bó tay chờ chết"; lúc đó lực lượng của ta thì "thế tựa chẻ tre". Thế trận của ta thường là thế trận mai phục chờ giặc, dụ quân địch lọt vào trận địa phục binh đã bày sẵn để tiêu diệt; chẳng hạn như Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn trên sông Bạch Đằng, Nguyễn Huệ ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Lê Lợi - Nguyễn Trãi ở Tốt Động - Chúc Động hay ở Chi Lăng - Xương Giang. Muốn vậy, phải sử dụng nhiều lực lượng, nhiều cách đánh, giành cho được địa hình, địa thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch và luôn luôn chủ động trong tác chiến. Có như vậy, nhỏ mới có thể thắng được lớn, ít có thể thắng được nhiều; từng bước giành thắng lợi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 05:39:48 pm »

c) Phối hợp chiến đấu giữa quân triều đình, quân địa phương và dân binh; kết hợp đánh nhỏ với đánh lớn, đánh phân tán, du kích với đánh tập trung

Trong khởi nghĩa cũng như trong chiến tranh, để phát huy sức mạnh cả nước đánh giặc, dân tộc ta đã biết tổ chức chiến đấu bằng sự phối hợp giữa quân triều đình, quân địa phương và dân binh; kết hợp cách đánh nhỏ, phân tán, đánh tại chỗ ở khắp mọi nơi, mọi lúc của lực lượng vũ trang địa phương với cách đánh lớn, đánh tập trung của quân đội triều đình.


Khi địch mạnh thì quân đội rút lui, bảo toàn lực lượng, dùng lực lượng nhỏ đánh phân tán, đánh tiêu hao, kìm chân địch. Quan địa phương ở các phủ, bộ và dân binh, hương binh làng xã luôn đánh địch ở trước mặt và sau lưng, nhằm tiêu hao, làm mệt mỏi, phân tán lực lượng địch; ngăn trở, phá hoại tiếp tế của chúng, làm cho địch mất dần sức tiến công, tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân tập trung lực lượng đánh những trận then chốt, những đòn tiêu diệt lớn. Cách đánh lớn của quân chính quy triều đình có tác dụng lớn xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo điều kiện thúc đẩy các lực lượng đánh nhỏ hoạt động có hiệu quả, đánh địch ở khắp nơi.


Cách đánh nhỏ, đánh du kích xuất hiện từ thời Hùng Vương, trong kháng chiến chống quân Tần xâm lược (thế kỷ III TrCN). Điều kiện so sánh lực lượng thời đó đã buộc tổ tiên ta phải tiến hành cuộc chiến tranh du kích phân tán trong nhiều năm để chống lại cuộc xâm lăng ồ ạt của hàng chục vạn quân Tần. Sách Hoài Nam tử của Lưu An viết: "Trong ba năm (quân Tần) không cởi giáp, dãn nỏ... Nhưng người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư. Quân Tần thây phơi máu chảy mấy chục vạn người". Sách Tiền Hán thư cũng ghi: "Người Việt trốn vào núi sâu rừng rậm, không thề đánh được. Quân Tần lưu quân ở lại đóng giữ đất không, lâu ngày sĩ tốt mệt mỏi. Người Việt bèn ra đánh. Quân Tần đại bại". Đó là những biểu hiện đầu tiên về cách đánh du kích ở nước ta.


Trong cuộc kháng chiến chống Lương (thế kỷ VI), trước sức tiến công mãnh liệt của quân giặc do Trần Bá Tiên chỉ huy, Lý Bí đã đưa quân xây dựng trận địa kiên quyết chặn đánh, nhưng từng bước thất bại và sau trận đánh lớn ở hồ Điển Triệt, quân đội Vạn Xuân hầu như tan rã. Triệu Quang Phục đảm nhận quyền chỉ huy lực lượng còn lại, đã thay đổi cách đánh, rút về lập căn cứ ở vùng đầm Dạ Trạch, lấy đó làm đất đứng chân để tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài. Đánh nhỏ, đánh lén, đánh ban đêm tiêu hao địch, khiến cho quân Lương đã bị dồn vào tình trạng căng thẳng, người mệt. lương tuyệt, tạo thời cơ cho quân ta phản công.


Trong cả hai lần kháng chiến chống Tống (thế kỷ X và XI), ta đã thực hiện phối hợp chiến đấu giữa các thứ quân (quân triều đình, quân các châu lộ và dân binh, thổ binh). Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1075-1077), sự phối hợp giữa các lực lượng nói trên càng biểu hiện rõ nét. Cuộc tập kích chiến lược "tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt đã thực hiện bằng hai mũi tiến công, trong đó mũi tiến công trên bộ chủ yếu theo đường biển do quân địa phương đảm nhiệm; còn hướng tiến công chủ yếu vào Khâm Châu và Liêm Châu được thực hiện do quân chủ lực của triều đình. Năm 1077, với các tuyến, các khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, vừa có chính diện rộng vừa có chiểu sâu lớn, Lý Thường Kiệt đã tạo được một thế trận phòng thủ chiến lược mạnh có thể chặn đánh, phá kế hoạch hội quân thuỷ bộ của địch, đồng thời lại tạo điều kiện để thực hiện tác chiến phối hợp giữa quân triều đình và thổ binh; vừa có thể đánh địch phía trước, vừa quấy rối và tiêu hao địch ở sau lưng chúng; vừa đập tan được các đợt tiến công quy mô lớn của địch, vừa có thể liên tục thực hành tiến công cục bộ, từng bước đẩy quân thù vào tình thế khó khăn rồi thực hành trận quyết chiến chiến lược. Kết hợp tác chiến giữa các loại quân và binh, kết hợp đánh nhỏ tiêu hao với đánh lớn, tạo thế và thời cơ phản công tiêu diệt giặc là phương pháp tác chiến đúng đắn, có hiệu quả trong kháng chiến chống Tống.


Đánh nhỏ, phân tán của lực lượng địa phương và dân binh thời Trần làm cho quân Nguyên buộc phải phân tán lực lượng, không thi thố được tài năng và sở trường của chúng, tạo điều kiện và thời cơ tốt để quân chủ lực thực hành phản công chiến lược, đánh những đòn quyết định như Tây Kết - Hàm Tử, Chương Dương - Thăng Long, Vạn Kiếp, Bạch Đằng...


Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) là một cuộc khởi nghĩa toàn dân, do đó hình thức đánh địch hết sức phong phú, mang đậm đặc điểm của một cuộc chiến tranh nhân dân. Trong giai đoạn đầu, các cuộc chiến đấu chủ yếu còn phân tán, nhỏ lẻ, đánh chặn, đánh úp, tập kích bất ngờ nhằm làm suy yếu, tiêu hao địch và làm thất bại các cuộc hành quân bình định của giặc. Khi lực lượng nghĩa quân đã trưởng thành, đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược ra Bắc (1426), nghĩa quân Lam Sơn liên tục đánh thắng và làm chủ chiến trường; sự kết hợp giữa đánh phân tán với đánh lớn, tập trung đã xuất hiện nhiều và có hiệu quả lớn. Bồ Đằng, Trà Lân, Tốt Động - Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang... là những trận quyết định "trúc chẻ tro bay", "sấm vang chớp giật" của nghĩa quân Lam Sơn.


Sự kết hợp giữa đánh nhỏ và đánh lớn là một yêu cầu tất yếu. Mục tiêu của ta là tiêu diệt lớn quân địch, đập tan ý chí xâm lược của chúng, giành thắng lợi trong chiến tranh yêu nước. Không có đánh lớn của quân chủ lực thì không có thắng lợi quyết định. Nhưng không có đánh nhỏ, rộng khắp của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương thì không thể từng bước làm suy yếu được kẻ địch, cũng không tạo được thế và thời cơ để tiến lên đánh lớn, đánh tập trung. Cho nên trong lịch sử, ông cha ta đã không xem nhẹ cách đánh nào cả.


Sự kết hợp giữa đánh nhỏ, phân tán với đánh lớn, tập trung của các thứ quân được thực hiện trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân trên cả nước, đồng thời tạo điều kiện để củng cố thế trận đó càng vững chắc hơn.


Thời Lý, khi đại quân của Lý Thường Kiệt chặn địch ở sông Như Nguyệt (1076), hàng vạn dân binh, thổ binh và quân các châu, lộ phía bắc đã hoạt động rất tích cực (như quân của phò mã Thân Cảnh Phúc, của Tông Đản, Vi Thủ An...). Và khi quân Tống hoàn toàn mệt mỏi, thì Lý Thường Kiệt tung quân phản công lớn, đánh tan giặc ở bờ bắc sông Như Nguyệt, giành thắng lợi trong chiến tranh.


Thời Trần, sự kết hợp hai hình thức trên có cả trên bộ và trên sông; đánh nhỏ, đánh tiêu hao khiến quân kỵ mã Mông-Nguyên không thi thố được tài năng, ngày một suy yếu, Thoát Hoan phải bàn việc lui binh, hoặc buộc chúng phải bỏ thuyền đi bộ để ta thực hiện đánh tiêu diệt lớn ở biên giới, hoặc tạo điều kiện cho ta dẫn dắt chúng vào thế trận mai phục đã bày sẵn để tiêu diệt như ở Vạn Kiếp (1285), Bạch Đằng (1288)...


Trong khởi nghĩa và chiến tranh cứu nước, ông cha ta có khi từ tác chiến du kích lâu dài chuyển sang tác chiến tập trung, thực hành phản công hoặc tiến công lớn (chống Tần, chống Lương, chống Minh...); có khi từ kết hợp tác chiến tập trung quy mô vừa với tác chiến du kích rồi nhanh chóng chuyển lên đánh tập trung quy mô lớn (chống Tống); có khi từ tác chiến tập trung quy mô vừa rồi chuyển lên đánh tập trung quy mô lớn; hoặc cũng có lúc tổ chức đánh lớn ngay từ đầu để nhanh chóng kết thúc chiến tranh (thời Ngô Quyền chống Nam Hán). Cũng là đánh du kích lâu dài trong giai đoạn đầu của chiến tranh, nhưng có trường hợp vì mục đích để kìm chân và làm suy yếu địch khi chúng vừa xâm nhập lãnh thổ, như trong kháng chiến chống Tần (thế kỷ III TrCN); có khi dựa vào căn cứ đầm lầy trong nội địa ta để đánh du kích, quấy rối và tiêu hao địch, như trong kháng chiến chống Lương (thế kỷ VI); có thể tiến hành đánh du kích để chống sự vây quét của địch, bảo vệ và mở rộng căn cứ ta ở vùng rừng núi như trong giai đoạn đầu khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ XV), v.v... Cũng là tác chiến du kích kết hợp với tác chiến tập trung, nhưng có trường hợp tác chiến du kích được tiến hành bởi các lực lượng dân binh, thổ binh ở sau lưng địch, trong vùng địch chiếm đóng, như trong kháng chiến chống Tống lần thứ 2 (1077); có trường hợp tác chiến du kích được tiến hành bởi các lực lượng địa phương và dân binh, hoặc kết hợp với một bộ phận quân chủ lực ở những nơi địch tràn tới như trong kháng chiến chống Nguyên (thế kỷ XIII), v.v...


Trong lịch sử, cũng có khá nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ mang tính địa phương, do không mở rộng địa bàn và không có đủ lực lượng để tiến lên tác chiến lớn nên đã bị quân địch đàn áp. Ở một số cuộc chiến tranh giữ nước. do không "tri bỉ tri kỷ" (biết địch biết ta) nên ngay từ đầu đã đưa quân đội dàn trận, đối địch với quân thù, nên trước sức tiến công mãnh liệt của quân thù đã nhanh chóng bị tổn hao lực lượng, bị động và dẫn đến thất bại như ở Lãng Bạc trong cuộc kháng chiến chống Đông Hán thời Hai Bà Trưng (42- 44), kháng chiến chống Lương thời Lý Bí (thế kỷ VI) và trọng kháng chiến chống Minh thời Hồ (thế kỷ XI).


Trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ nhất (1258) và thứ hai (1285), ngay từ đầu, nhà Trần đã tỏ rõ quyết tâm chặn đánh địch; nhưng do đã đánh giá đúng thế lực của địch, của ta trên chiến trường, nên đã kịp thời thay đổi quyết tâm chiến lược và hình thức tác chiến, tránh quyết chiến với địch khi chúng đang mạnh, chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng và bằng mọi cách thực hiện đánh tiêu hao làm cho quân Mông-Nguyên suy yếu, tạo ra thời cơ và thế có lợi để phản công, đánh lớn, đánh bại quân thù. Tránh quyết chiến trong điều kiện không có lợi; lúc cần thì rút lui chiến lược, chấp nhận cho địch vào sâu, thậm chí phải tạm thời để mất cả kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công. Đó cũng là một đặc điểm nổi bật trong cách đánh của các vua Trần và Trần Quốc Tuấn. Thời Trần đã biết tránh cái thế mạnh của địch lúc ban mai, đánh cái thế yếu của địch vào lúc chiều tà, nên đã giành thắng lợi, mặc dù kẻ thù lúc đó rất hùng mạnh, hiếu chiến.


Như vậy, khi một dân tộc nhỏ chống lại sự xâm lược của một nước lớn, khi quân ít mà phải chống lại một đạo quân lớn, thì không thể hạn chế ở một hình thức đánh giặc đơn thuần; trái lại phải luôn quyền biến, biết địch biết ta, biết kết hợp nhiều hình thức, vận dụng nhiều cách đánh giặc. Kết hợp các hình thức đánh trên là nghệ thuật tài giỏi của ông cha ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 05:40:45 pm »

d) Đánh vào lương thảo - hậu cần địch, kết hợp tiến công quân sự với binh vận và ngoại giao

Để đối phó với một kẻ địch đông, mạnh, có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở chiến trường xa và luôn chủ trương đánh nhanh thắng chóng, vừa đánh vừa cướp bóc của cải và lương ăn, ông cha ta đã khôn khéo biết khoét sâu vào yếu điểm cơ bản của chúng là vấn đề lương thảo, hậu cần.


Sử ký của Tư Mã Thiên viết về cuộc xâm lăng của quân Tần vào đất Việt như sau: "Nhà Tần sai uý Đồ Thư đem quân lâu thuyền xuống Nam đánh đất Bách Việt, sai Giám Lộc đào cừ chở lương để tiến sâu vào đất Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần đánh giữ lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại. Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa người Hồ, phía Nam thì mắc họa người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được thoái cũng không xong". Điều này chứng tỏ, ngay từ buổi đầu giữ nước, người Việt đã biết hạn chế binh lương của địch, tìm cách cất giấu của cải, trốn vào rừng, không hợp tác với giặc, khiến quân Tần gặp nhiều khó khăn về lương ăn.


Trong cuộc kháng chiến chống Lương (thế kỷ VI), Triệu Quang Phục giấu quân ở đầm Dạ Trạch, thực hành đánh du kích nhằm tiêu hao và phá việc cung cấp lương thảo của giặc. Khi quân nhà Lương bị dồn vào tình trạng căng thẳng, người mệt, lương tuyệt, nguy khốn đến tuyệt vọng, thì Triệu Quang Phục đã tập trung lực lượng, phản công giành thắng lợi.


Trong ba lần kháng chiến chống Mông-Nguyên thế kỷ XIII, nhà Trần đều chủ trương bằng mọi cách hạn chế, triệt đường lương thảo của quân giặc, gây cho chúng nhiều khó khăn không thể khắc phục được. Bước vào cuộc kháng chiến, nhân dân khắp nơi đều nhận được lệnh của triều đình: "Khi giặc đến phải liều chết mà đánh, nếu không đủ sức đánh thì cho phép lẩn trốn, không được hợp tác với địch”. Những nơi giặc đến, nhân dân đều thực hiện kê "thanh dã" (vườn không nhà trống). Nhiều cuộc hành quân cướp phá của quân giặc đều bị nhân dân các làng xã chống lại, khiến chúng không đủ lương ăn. Lần thứ nhất (1258), kỵ binh Mông Cô chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng đó là một toà thành trống rỗng, không một bóng người. Vì thiếu ăn, chúng đánh vào làng Cổ Sở để cướp lương thực thì bị dân làng ở đây chặn đánh quyết liệt. Chỉ trong một thời gian rất ngắn chúng đã hết sức hoang mang vì không tìm ra lương ăn: nên khi bị tập kích ở Đông Bộ Đầu, chúng đã hốt hoảng tháo chạy. Lần thứ 2 (1285), quân Nguyên chiếm được Thăng Long và nhiều vùng đất Đại Việt, nhưng đến đâu chúng cũng bị nhân dân ta chống lại, cất giấu hết lương thực. Sau một thời gian quân giặc sa vào tình trạng bị tiêu hao, mệt mỏi, ốm yếu và đặc biệt là thiếu lương thảo... Đó là thời cơ tốt để quân chủ lực phản công. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến lần thứ 3, nhằm khoét sâu vào yếu điểm của địch là vấn đề lương ăn, tổ tiên ta đã tập trung lực lượng thuỷ binh bố trí chặn đánh các đoàn thuyền lương của quân Nguyên, trong đó đặc biệt quan trọng là đoàn thuyền vận lương của tướng giặc Trương Văn Hổ. Kết quả hơn 70 vạn thạch lương của quân Nguyên bị ta đánh chìm hoặc tịch thu. Đó là một đòn giáng chí mạng vào kế hoạch hành quân xâm lược của quân Nguyên, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của chúng, khiến cho Thoát Hoan khi hay tin đã bủn rủn chân tay, bàng hoàng lo sợ và vội tính kế lui quân. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của quân dân nhà Trần. Triệt đường lương thảo là cả một vấn đề chiến lược lớn, có tác động quan trọng đến sự thắng bại trong khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm.


Trong các cuộc chiến tranh, đi đối với việc dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt địch trên chiến trường, ông cha ta đã biết phát huy sức mạnh chính trị to lớn của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa, nhằm đánh vào chỗ yếu về chính trị - tinh thần của kẻ xâm lược, phi nghĩa. Đó là phương pháp địch vận, là chiến lược "công tâm" của tổ tiên ta.


Ở thế kỷ XI, sau khi đánh tan bọn giặc Tống ở bờ bắc sông Như Nguyệt, việc tiêu diệt số quân còn lại của Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ là ngày một ngày hai, nhưng Lý Thường Kiệt đã chủ động cử biện sĩ sang trại giặc, thuyết phục Quách Quỳ rút hết quân đội. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Quách Quỳ chấp thuận ngay; Tống Thần Tông ra; lệnh bãi binh. Sau đó nhà Lý tiếp tục đấu tranh ngoai giạo đòi lại châu Quảng Nguyên đang bị quân Tống chịếm đóng.


Thời Trần, ta kiên trì đấu tranh ngoại giao, cử nhiều sứ giả sang Nguyên dùng lời lẽ nhún nhường để trì hoãn chiến tranh. Khi quân giặc sang xâm lược, vua Trần cũng cử biện sĩ sang trại tướng giặc vừa đấu tranh vừa thăm dò chúng. Quân Nguyên đã gây tội ác chồng chất, nhưng khi chúng thất bại hoàn toàn, ta vẫn cấp ngựa, cấp thuyền cho chúng về nước. Các sứ thần nhà Trần; rất kiên quyết và mềm dẻo trong đấu tranh, góp phần khiến vua Nguyên phải ngừng hẳn cuộc chiến.


Thế kỷ XV, nghĩa quân Lam Sơn trong giai đoạn đầu đã phải thực hiện "giảng hoà" với giặc. Đó là vào khoảng giữa năm 1425, lúc đó quân ta gặp nhiều khó khăn; nhưng quân Minh cũng bị tổn thất và mệt mỏi. Việc "tạm hoà" hay "trá hàng" của Lê Lợi trong hoàn cảnh ấy là một sách lược nhằm "bên ngoài giả thác hoà thân" để bên trong "lo rèn chiến cụ" và "quyên tiền mộ lính"... nghĩa quân đã tranh thủ khai hoang, sản xuất lương thực, chiêu mộ nghĩa binh, sắm sửa khí giới. Ở giai đoạn này, trong quan hệ với bọn quan lại, tướng lĩnh nhà Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi giữ một thái độ nhún nhường. Lê Lợi rất khôn khéo, mềm dẻo, nhưng cương quyết và cảnh giác trước những âm mưu mua chuộc của quân thù. Cuộc đấu tranh "ngoại giao” giai đoạn này tuy phức tạp nhưng có kết quả là kéo dài thời gian hoà hoãn, tránh được mọi mưu mô, quỷ kế của giặc.


Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã để ra và vận dụng thành công chiến lược "công tâm" (đánh vào lòng người). Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi đảm nhiệm cuộc đấu tranh phức tạp này, ông chủ trương: "Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất" (ta mưu đánh vào lòng người, không chiến đấu mà khuất phục được). Đặc biệt là sau thất bại Tốt Động - Chúc Động, quân địch càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Vương Thông vừa bí mật xin viện binh vừa xin "giảng hoà" với ta để làm kế hoãn binh. Từ đây, bên cạnh đòn tiến công quân sự là một cuộc đấu tranh rất kiên trì và khéo léo về ngoại giao, nhằm tiến công vào ý chí xâm lược của giặc, tiến tới chấm dứt chiến tranh bằng cách mở ra cho quân đội và triều đình nhà Minh một lối thoát "trong danh dự”. Nguyễn Trãi đã lên án bản chất phi nghĩa, tàn bạo và thái độ ngoan cố của lũ giặc, ông chỉ ra nguy cơ tất yếu bại vong của chúng; đồng thời nêu cao cuộc chiến đấu chính nghĩa và tất thắng của ta. Những bức thư dụ hàng tướng giặc của Nguyễn Trãi nhằm thực hiện chiến lược "công tâm", như Lê Quý Đôn nói: "có sức mạnh bằng mười vạn quân", đã góp phần làm tan rã tinh thần chiến đấu của giặc. Trong tình thế bị bao vây nguy khốn và trước những lời lẽ có lý có tình của Nguyễn Trãi, quân Minh trong nhiều thành như Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hoá, Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang... nối tiếp nhau hạ vũ khí ra hàng. Thái Phúc, viên tướng có công lớn trong trận Đa Bang (1407) cũng đã thấy rõ tính chất phi nghĩa và sự thất bại tất yếu của cuộc chiến tranh xâm lược, tự nguyện nộp thành Nghệ An và bản thân đã xin Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho phép cưỡi ngựa đến tận các chân thành để chiêu dụ quân Minh ra hàng nghĩa quân. Công tác vận động thuyết phục kẻ thù được nghĩa quân coi là một nhiệm vụ chiến lược, một phương thức tiến công chiến lược đã đưa lại hiệu quả rực rỡ. Lê Lợi và Nguyễn Trãi dụ tướng giặc Vương Thông cùng khoảng 10 vạn quân đầu hàng khi ta đã tiêu diệt được 10 vạn viện binh của Liễu Thăng. Thực chất Hội thề Đông Quan (12-1427) là một cam kết đầu hàng của quân giặc. Tất nhiên sau đó ta đã cấp ngựa, cấp thuyền cho quân Minh về nước an toàn.


Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm phụ trách đấu tranh ngoại giao với nhà Thanh, khiến cho các tướng giặc cả Phúc Khang An và Tôn Sĩ Nghị đều đề nghị vua Càn Long bãi binh. Vua Thanh buộc phải công nhận phong vương cho Nguyễn Huệ. Bản thân Nguyễn Huệ hiểu rằng: "Nước mình là nước nhỏ, tranh chọi với nước Ngô to lớn hơn mấy mươi lần...", ’’nước Thanh lớn hơn nước ta mười lần..., nếu thắng chúng trận này nhất định chúng sẽ ôm hận trả thù..."; vì thế cần phải có ngoại giao khéo léo và việc đó Ngô Thì Nhậm đã thực hiện thành công.


Như thế, trong các cuộc chiến tranh lớn ta đều có kết hợp giữa quân sự, binh vận và ngoại giao. Ta đấu tranh để kéo dài thời gian hoà bình, đấu tranh ngay khi chúng hăm dọa, chuẩn bị đánh ta, để ngăn ngừa chiến tranh hoặc để có thời gian chuẩn bị lực lượng; đặc biệt, ta xúc tiến đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự khi chúng đã bị thất bại nặng nề, bị dồn vào thế "sợ chết xin hoà" mong được sống và về nước trong danh dự.


Ông cha ta không e dè quân địch lớn mà không tiến công quân sự cho đến cùng. Nhưng khi trên mặt trận quân sự đã giành được những thắng lợi quyết định, quân thù đã suy yếu, thế chiến lược không thể đảo ngược được, thì ta dùng ngoại giao để tiến công địch, vừa tiết kiệm sức lực, xương máu, vừa khôi phục hoà hiếu lâu dài giữa hai nước; tạo điều kiện ngăn ngừa chiến tranh tiếp diễn. Tư tưởng kết thúc chiến tranh mang đậm tinh thần đại nghĩa và nhân văn đó được Nguyễn Trãi đúc kết và lý giải sâu sắc trong bài Phú núi Chí Linh:

"Nghĩ vì kế lâu dài của nước nhà,
Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh,
Sửa, hoà hiếu cho hai nước,
Tắt muôn đời chiến tranh".

Đánh vào việc cung cấp lương thảo, hậu cần của địch, kết hợp giữa tiến công quân sự với binh vận và ngoại giao là những vấn đề chiến lược quan trọng đã thể hiện rõ nét trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của ông cha ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:11:28 am »

2. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật

Trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh, nhiều hình thức chiến thuật đã xuất hiện. Căn cứ vào nhiệm vụ của chiến lược, tuỳ theo tương quan lực lượng và điều kiện từng nơi, từng lúc, ông cha ta đã vận dụng các cách đánh một cách linh hoạt, tài giỏi.


Về mặt tư tưởng, ông cha ta luôn luôn lấy tiến công làm chủ đạo, luôn tìm cách giành thế chủ động với phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, đánh nhanh và bất ngờ, phát huy chỗ mạnh của ta, đánh vào chỗ yếu, sơ hơ của địch. Những hình thức chiến thuật mà ông cha ta thường vận dụng rất phong phú, sáng tạo, đa dạng, như tập kích phục kích, vây thành, diệt viện, công thành, thuỷ chiến, tiến công, phòng ngự, v.v... Dưới đây là một số hình thức chiến thuật phổ biến:


a) Tập kích, phục kích

Tập kích, phục kích là chiến thuật sở trường của các lực lượng vũ trang ta, luôn được sử dụng có hiệu quả trong quá trình khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm. Điều kiện địa hình - địa lý, thời tiết - khí hậu của nước ta cho phép ta vận dụng cách đánh phục kích, tập kích.


Nguyễn Trãi nói: "Yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ, ít địch nhiều thường dùng mai phục", sử thần thời Lê, Ngô Sĩ Liên khái quát nghệ thuật dùng binh của Lê Lợi như sau: "Trước sau mấy chục trận, đều đặt phục binh, dùng quân kỳ, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh". Văn bia Vĩnh Lăng cũng chép rằng: "Năm Mậu Tuất (1418) bắt đầu nhóm họp nghĩa quân, trước sau 20 trận, đều đặt mai phục, dùng kỳ binh, tránh lúc giặc hăng, nhằm lúc giặc mỏi, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử cho biết, trong 10 năm chiến đấu, nghĩa quân Lam Sơn đánh hơn 20 trận phục kích, 10 trận tập kích, 1 trận công thành, v.v... Như vậy, cách đánh úp, đánh mai phục, tập kích, phục kích là cách đánh chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV.


Cách đánh này cũng được vận dụng trong tất cả các cuộc kháng chiến của dân tộc với nhiều quy mô khác nhau: đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Tiêu biểu nhất là các trận Bạch Đằng (938), Đông Bộ Đầu (1258), Bạch Đằng (1288), Tốt Động - Chúc Động (1426), Chi Lăng - Xương Giang (1427), Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), v.v...


Trong trận Bạch Đằng chống Nam Hán do Ngô Quyền chỉ huy và trận Bạch Đằng đánh quân Nguyên do Trần Quốc Tuấn chỉ huy, quân ta đã lợi dụng thế thiên hiểm ở sông Bạch Đằng, đóng cọc gỗ, bố trí trận địa mai phục, lợi dụng con nước thuỷ triều và khéo léo dẫn quân địch vào trận địa rồi bất ngờ tung quân tiến công tiêu diệt. Năm 1258, quân nhà Trần đang đêm tập kích vào trại kỵ binh Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu, khiến quân giặc không kịp trở tay, chịu thất bại và tháo chạy. Ở Chi Lăng - Xương Giang (1427), nghĩa quân Lam Sơn đặt quân mai phục ở núi Mã Yên (Chi Lăng), bằng cách nhử địch, quân ta đã dẫn dắt tiền quân của Liễu Thăng vào trận địa phục binh rồi bất ngờ tiến công, chém đầu tướng giặc và tiêu diệt gọn đội kỵ binh tiên phong của chúng. Cách đánh trên cũng được Nguyễn Huệ vận dụng rất thành công trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Bấy giờ tuy quân Xiêm còn rất đông và mạnh, nhưng trước mưu kế của Nguyễn Huệ, chúng đã lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn trên sông Tiền Giang. Rốt cuộc, toàn bộ đạo thuỷ quân khoảng 4 vạn của các tướng giặc Chiêu Tăng và Chiêu Sương bị đánh tan tành...


b) Công thành

Trong chiến tranh, ông cha ta thường không chủ trương đánh thành, cho rằng: "Đánh thành là hạ sách" và chủ yếu là vây thành diệt viện. Tuy vậy, khi cần thiết, để hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng do yêu cầu của chiến lược đề ra và khi có điều kiện, ông cha ta cũng tiến hành một số trận công thành.


Vây thành diệt viện biểu hiện phổ biến trong kháng chiến chống Minh. Từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã hùng mạnh, thế và lực trên chiến trường cho phép quân tạ có thể công phá các thành, nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trậi vẫn kiên trì chủ trương vây thành diệt viện. Và thực tế, sau khi đánh tan 15 vạn viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh, tất cả quân giặc còn lại trong các thành đểu phải ra hàng nghĩa quân.


Trận hạ thành Ung Châu (1075) và trận hạ thành Xương Giang (1427) là hai trận tiêu biểu, thể hiện trình độ cao của nghệ thuật công thành trong lịch sử. Trận đánh thành Ung Châu là trận đánh lớn và ác liệt nhất trong cuộc tiến công sang Ung, Khâm, Liêm của Lý Thường Kiệt. Có hạ được thành Ung Châu thì mới thực hiện được mục tiêu chiến lược của cuộc tiến công. Thành Ung Châu được xây dựng kiên cố, có tường cao, hào sâu, trong thành có từ 5-6 vạn quân với rất nhiều kho lương thảo và vũ khí, dự trữ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Sau khi đã bố trí lực lượng chặn viện binh của địch từ phía bắc xuống tại Côn Lôn và bao vây thành, Lý Thường Kiệt ra lệnh công phá. Qua 42 ngày đêm vây hãm và tiến công quyết liệt, hết dùng vân thê (thang mây) xếp nối nhau trèo lên mặt thành, lại dùng tên độc, máy bắn đá bắn vào thành; hết đào đường hầm để chui dưới chân thành lại dùng cả phép hoả công đốt phá; cuối cùng đem hàng vạn bao đất chồng lên nhau thành bậc cao sát tường và ngày 1 tháng 3 năm 1075, quân ta đã tràn vào, đánh chiếm được toà thành kiên cố này. Trong trận này, Lý Thường Kiệt đã dùng cả quân triều đình và quân địa phương, cả bộ binh, kỵ binh và thuỷ binh cùng phối hợp bao vây công phá. Trận công thành nổi tiếng đầu thế kỷ XV là trận hạ thành Xương Giang (9-1427). Thành Xương Giang là một căn cứ quân sự quan trọng của quân Minh nằm trên trục đường từ ải Pha Luỹ (Mục Nam quan) đến Đông Quan. Nhiệm vụ chiến lược vây thành diệt viện của nghĩa quân đòi hỏi phải hạ bằng được thành này. Bấy giờ quân ta đã vây chặt bốn mặt thành, đắp đất thành những cao điểm để đặt pháo bắn vào thành, đào đường ngầm để đột nhập vào trong và dùng cả thang trèo lên, rồi ào ạt tiến công... Trận hạ thành Xương Giang chứng tỏ sự trưởng thành lớn mạnh của nghĩa quân và đó cũng là một điển hình của nghệ thuật công thành trong lịch sử quân sự dân tộc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:12:16 am »

c) Chiến đấu trên sông biển (thuỷ chiến)

Chiến đấu trên sông biển từ sớm đã trở thành cách đánh, chiến thuật truyền thống của nghệ thuật quân sự Việt Nam xưa kia. Dân tộc ta có truyền thống thạo nghề sông nước, lại giỏi thuỷ chiến. Trong truyền thống thuỷ chiến có nhiều trận tiêu biểu như: Các trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng thòi Ngô Quyền (938), Lê Hoàn (981) và Trần Quốc Tuấn (1288); trận thủy chiến Đông Kênh do Lý Kế Nguyên chỉ huy (1075); trận Vân Đồn, Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của địch (1288); trận Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan quân Xiêm (1786), v.v...


Trong thuỷ chiến ông cha ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lớn về nghệ thuật quân sự như chọn địa bàn tác chiến có lợi thế, lợi dụng quy luật thuỷ triều, phát huy các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà để giành thắng lợi; cơ đông và thực hành cách đánh nhanh, mạnh, tiêu diệt gọn quân địch; hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, giữa bộ binh, thuỷ binh trong quá trình chiến đấu.


d) Chiến đấu phòng ngự

Trong các cuộc chiến tranh, hình thức phản công - tiến công luôn luôn giữ địa vị chủ yếu; tuy vậy tác chiến phòng ngự vẫn được vận dụng thành công. Mục đích của phòng ngự là làm chậm bước tiến của địch, giam chân và tiêu hao lực lượng chúng, tạo điều kiện cho ta tiến hành phản công và tiến công. Trong thực tế lịch sử đã xuất hiện phòng ngự trên quy mô chiến lược và chiến thuật.


Phòng ngự trên chiến tuyến Như Nguyệt (1077) của Lý Thường Kiệt là trận phòng ngự thành công và có quy mô lớn. Tại đây, quân và dân ta đã xây dựng tuyến phòng thủ chạy dọc bờ nam sông Như Nguyệt, dài gần một trăm ki-lô-mét từ chân núi Tam Đảo đến Vạn Xuân, trọng điểm là từ khúc sông bên đò Như Nguyệt (Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) tới bến đò Thị Cầu (Đáp Cầu, Tiên Sơn, Bắc Ninh) dài khoảng 30-40 km. Lợi dụng địa thế sông nước. Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng ở bờ nam sông một chiến luỹ kiên cố. Trên bờ có tường cao mấy thước, phía trước ngạy sát sông đóng ken dày mấy lớp dậu tre, dưới sông có các thuyền chiến đi lại cảnh giới, trên thành có các đồn binh bố trí đóng trại liên tục để canh phòng. Phía sau chiến luỹ là các lực lượng quân chủ lực của Lý Thường Kiệt và các tướng bố trí ở những nơi xung yếu, luôn sẵn sàng chặn đánh quân địch và chuẩn bị phản công. Chiến đấu phòng ngự ở Như Nguyệt đã chặn đứng các cuộc tiến công của quân Tống, buộc chúng phải chuyển sang phòng ngự bị động, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta phản công, tiến công đánh bại quân địch.


Trong lịch sử, ở nhiều triều đại ông cha ta cũng đã xây thành đắp luỹ nhằm mục đích phòng ngự, chặn giặc. Đó là thời kỳ An Dương Vương xây thành Cổ Loa với nhiều vòng xoáy trôn ốc, kết hợp với hệ thống sông, hào, bảo vệ kinh đô Âu Lạc; thời Lý Bí đắp thành Tô Lịch chống quân Lương; thời Lê Hoàn xây thành Bình Lỗ chặn quân Tống; thời Hồ Quý Ly xây Tây Đô và thành Đa Bang chống quân Minh, v.v...


Tuy nhiên chỉ đơn thuần phòng ngự, coi thường giặc, không dựa trên cơ sở toàn dân đánh giặc thì dẫu có thành cao, hào sâu và vũ khí tốt cũng sẽ bị thất bại. Cách đánh phòng ngự đơn thuần dựa vào thành luỹ và quân đội thất bại thể hiện ở các trận sông Tô Lịch (thế kỷ VI) thời Lý Bí và trận Đa Bang (1407) thời Hồ Quý Ly.


Nghiên cứu về chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong lịch sử chống giặc ngoại xâm từ thế kỷ III TrCN đến thế kỷ XVIII, chúng ta thấy mặc dù luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược ở phương Bắc lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần, nhưng trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh đó, dân tộc ta không những đã dám đánh mà còn biết đánh và biết đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chủ trương lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh là phổ biến và trở thành một quy luật của chiến tranh chống xâm lược trong lịch sử nước ta.


Qua thực tiễn lịch sử nói trên, có thể phân các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh thành hai loại, đó là: các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng; và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nghệ thuật quân sự trong giai đoạn này, vì thế, bao gồm cả nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang, nghệ thuật quân sự của chiến tranh giải phóng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh giữ nước. Sự hình thành và phát triển liên tục, kế tiếp nhau và đan xen nhau của các loại hình đó, đặc biệt là sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự chiến tranh giữ nước trong kỷ nguyên độc lập tự chủ (từ thế kỷ X- XV), đã đưa đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ trường phái quân sự, trường phái binh pháp Đại Việt thời trung đại với những nội dung tiến bộ và tính ưu việt của nó. Trong khi trên thế giới, nhất là ở châu Âu, nghệ thuật quân sự thời trung đại không phát triển thì bước phát triển nói trên của nghệ thuật quân sự Việt Nam là một đặc điểm nổi bật, đáng tự hào.


Do tính chất chính nghĩa của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm, do sự cố kết dân tộc bền chặt và truyền thống yêu nước của nhân dân ta, do đường lối đánh giặc biết dựa vào dân trong các triều đại, chiến tranh cũng như nghệ thuật quân sự của ông cha ta sớm mang tính nhân dân - toàn dân đánh giặc. Vào những thời kỳ khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, việc toàn đân tham gia đánh giặc chủ yếu là do tự nguyện, tự phát. Đến những thời kỳ có chiến tranh giữ nước, để phát động một cuộc chiến tranh nhân dân, các vương triều phong kiến phải lo tổ chức, chuẩn bị sẵn trong quá trình xây dựng quốc phòng, quân sự và được nhà nước phát động khi bước vào chiến tranh và suốt trong quá trình tiến hành chiến tranh. Tính chất nhân dân, toàn dân đánh giặc là một đặc trưng, một điểm đặc sắc trong khởi nghĩa, chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam.


Mỗi cuộc khởi nghĩa, chiến tranh trong mỗi giai đoạn lịch sử đều mang những đặc điểm riêng biệt, nhưng tất cả đều chứng tỏ rằng, dân tộc ta đã chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm không chỉ bằng tinh thần, bằng ý chí mà bằng cả trí tuệ Việt Nam. Tài dùng binh, mưu cao mẹo giỏi biết địch biết ta biểu hiện phong phú trong quá trình lãnh đạo các cuộc chiến tranh. Một nền nghệ thuật quân sự tiêu biểu của dân tộc ta đã ra đời và phát triển theo yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.


Truyền thống và những kinh nghiệm quý báu về khởi nghĩa, chiến tranh và nghệ thuật quân sự của ông cha ta trong lịch sử đã được dân tộc ta kế thừa, vận dụng, phát triển và đã lập nên những chiến công lớn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những truyền thống và kinh nghiệm đó ngày nay vẫn được Đảng ta, quân và dân ta tiếp tục vận dụng và phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:13:44 am »

NGHỆ THUẬT KHỞI NGHĨA VŨ TRANG VÀ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
(1930-1945)


Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, gánh vác nhiệm vụ lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam chổng phong kiến, thực dân đế quốc, giành lại độc lập cho đến tộc, tự do cơm áo cho nhân dân. Việc Đảng ta đảm đương sứ mệnh trọng đại nói trên phù hợp với xu thế thời đại mới, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã sớm xác định Cương lĩnh và đường lối tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ, đề ra các hình thức đấu tranh thích hợp, nhằm tập hợp quần chúng nhân dân chiến đấu chống quân thù. Các hình thức đấu tranh (gồm đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang) đề ra, được thực hiện từ thấp lên cao, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, sử dụng khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng để từng bước và lần lượt đánh bại tất cả những kẻ thù xâm lược lớn mạnh, giành lại độc lập, thống nhất, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua thực tế, nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn 1930-1945 của Đảng từng bước được phát triển, bổ sung hoàn chỉnh. Điều này được đánh dấu bằng thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước, đưa đến việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.


I- THỜI KỲ TẬP DƯỢT ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG (1930-1935)
   
1. Cơ sở lý luận

Ngay sau khi ra đời, trong "Chính cương vắn tắt", Đảng ta đã xác định rõ tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ của cuộc cách mạng, về tính chất, mục tiêu, cách mạng Việt Nam là "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Nhiệm vụ của cách mạng là "phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, lấy ruộng đất của đế quốc, phong kiến chia cho nông dân nghèo. "Luận cương chính trị" của Đảng (10-1930) đã nêu rõ và cụ thể hơn tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta. Theo đó, cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương bao gồm cả cách mạng dân chủ và cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là cách mạng thổ địa đánh đổ phong kiến, làm cho người cày có ruộng và cách mạng phản đế, đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Luận cương cũng xác định rõ mối quan hệ hữu cơ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến: "Có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi, mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa"1 (Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, Văn kiện Đảng 1930-1945. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, H.1977, tập 1, tr 63, 68).


Bên cạnh việc xác định tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, các lực lượng chính tham gia là công nhân, nông dân và một tổ chức lãnh đạo là Đảng Cộng sản Đông Dương, Luận cương đã chỉ rõ con đường để thực hiện thắng lợi mục tiêu cuôc cách mạng là con đường cách mạng bạo lực, nêu lên những vấn đề về hình thức và phương pháp cách mạng.


Theo Luận cương, khi chưa có tình thế cách mạng, chỉ nên nêu khẩu hiệu đấu tranh như đòi tăng lương, giảm giờ làm giảm sưu thuế, cần thông qua cuộc đấu tranh hàng ngày để giáo dục cho quần chúng nhân dân ý thức đấu tranh đánh đổ đế quốc, phong kiến, địa chủ đề giành độc lập, tự do và ruộng đất. Đến khi xuất hiện tình thế cách mạng, cần phải chuyển sang các khẩu hiệu, hình thức đấu tranh cao hơn như lập các Xô viết, vũ trang công nông, tổng bãi công, bạo động tiến lên khởi nghĩa vũ trang. Cụ thể, Luận cương chỉ rõ: "Nhiệm vụ của Đảng là phải lấy những nhu yếu hàng ngày làm bước đầu mà dắt vô sản giai cấp và dân cày ra chiến trường cách mệnh. Đến lúc sức cách mệnh lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bổ về phe cách mệnh, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mệnh, quyết hy sinh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh chính phủ của địch nhân và giành lấy chính quyền công nông... Trong lúc không có tình thế trực tiếp cách mệnh cũng cứ kịch liệt tranh đấu: nhưng kịch liệt tranh đấu ấy không phải để tổ chức những cuộc manh động, hoặc là võ trang bạo động quá sớm, mà cốt là để suý động quảng đại quần chúng ra thị oai, biểu tình, bãi công, v.v... để dự bị họ về cuộc võ trang bạo động sau này".


Tuy nhận thức và chỉ ra phương pháp cách mạng cơ bản để khởi nghĩa giành chính quyền là cách mạng bạo lực, song Đảng không coi cách mạng bạo lực chỉ là xây dựng lực lượng quân sự, tiến hành đấu tranh vũ trang, mà phải dựa vào cả lực lượng chính trị của quần chúng, coi đây là lực lượng chủ yếu trong đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang.


Luận cương nhấn mạnh việc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền "không phải là một việc thường” mà là một nghệ thuật "phải theo khuôn phép nhà binh”. Để chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa, khi xuất hiện tình thế cách mạng, Đảng cần phải tăng cường công tác vận động quần chúng nhân dân, vận động binh lính địch, tổ chức các đội tự vệ công nông... xây dựng lực lượng vũ trang. Đảng bác bỏ quan điểm cho rằng tiến hành chiến tranh du kích là hình thức đấu tranh cách mạng duy nhất để khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Dương.


Đánh giá về đường lối, quan điểm khởi nghĩa vũ trang của Đảng buổi ban đầu, đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cho rằng: "Khi khẳng định con đường cách mạng bạo lực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta không quan niệm cách mạng bạo lực chỉ là xây dựng lực lượng quân sự, tiến hành đấu tranh vũ trang. Để tiến tới khởi nghĩa vũ trang, ngay từ đầu Đảng rất coi trọng giáo dục, tổ chức, động viên đưa quần chúng ra đấu tranh chính trị, xây dựng "đội quân chính trị quần chúng” của cách mạng, dựa vào phong trào cách mạng quần chúng, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang. Do đi đúng con đường cách mạng bạo lực ấy mà Đảng ta, ra đời chưa được bao lâu, đã phát động được một phong trào cách mạng sôi nổi của công nông khắp cả nước những năm 1980-1945 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh”1 (Lê Duẩn - Đảng Lao động Việt Nam, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong cuốn "Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam", Nxb Sự thật, H. 1976, tập 2, tr 648).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:15:09 am »

2. Những cuộc đấu tranh tiêu biểu

Thực tế đã chứng tỏ những quan điểm, chủ trương về đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa vũ trang, mà Đảng đề ra ngay sau khi thành lập, đã phản ánh đúng thực trạng tình hình đất nước vào đầu năm 1930. Thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) đã cho thấy chủ trương, đường lối bạo động, nặng về khủng bố cá nhân và dựa chủ yếu vào tầng lớp tiểu chủ, công chức, giáo học, phú nông... của Việt Nam Quốc dân đảng là không phù hợp với xu thế thời đại, không phù hợp với quy luật phát triển khách quan, không phản ánh được nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Vai trò trên vũ đài chính trị của giai cấp tư sản ở Việt Nam còn nhỏ bé, mà đại diện là Việt Nam Quốc dân đảng, đến đây kết thúc. Họ không còn đủ sức giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.


Đề cập đến những cuộc đấu tranh theo đường lối của Đảng Cộng sản trước tiên phải kể đến cuộc bãi công quy mô lớn của công nhân đồn điền Phú Riềng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 30-1- 1930, 5.000 công nhân đã tổ chức bãi công đòi cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt. Đội tự vệ công nhân đã anh dũng đương đầu và tước được một số vũ khí của binh lính đồn Phú Riềng được bọn chủ huy động đến đàn áp. Công nhân nhanh chóng làm chủ đồn điển. Tuy nhiên, lãnh đạo chi bộ Đảng cho rằng nếu nổi dậy giành chính quyền một cách đơn lẻ như vậy sẽ bị địch tập trung lực lượng nhanh chóng đàn áp. Vì thế, cuộc đấu tranh đã chuyển sang hình thức hợp pháp khiến kẻ thù phải nhượng bộ, hứa sẽ giải quyết một số yêu sách của công nhân, mặc dù đích thân Thống đốc Nam Kỳ, chánh mật thám Đông Dương đã cùng gần 1.000 binh lính kéo về Phú Riềng chuẩn bị đàn áp. Như vậy, đây là cuộc bãi công lớn đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đã giành được thắng lợi do biết chuyển đúng lúc hình thức đấu tranh, đưa đấu tranh chính trị, đòi các quyền dân sinh, dân chủ bước đầu lên trước đấu tranh vũ trang, bạo động, nên kẻ thù không có cớ để khủng bố, đàn áp.


Tiếp sau cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng là cuộc bãi công lớn của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định do tỉnh uỷ Nam Định và Đảng bộ nhà máy tổ chức. Cuộc bãi công này kéo dài 3 tuần lễ, từ 25-3 đến 16-4-1930, với các yêu sách: đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống khủng bố, đuổi những đốc công và giám thị độc ác. Cuộc bãi công đã nhận được sự ủng hộ, quyên góp cả về vật chất và tinh thần của công nhân, nông dân trong tỉnh và cả một số nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Đây là cuộc bãi công có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thể công nhân nước ta lúc đó.


Ngay sau đó ngày 19-4, lại nổ ra cuộc bãi công của 400 công nhân nhà máy diêm Bến Thuỷ, thành phố Vinh, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Công nhân các nhà máy thuộc khu công nghiệp Bến Thuỷ cũng đồng loạt tổ chức các đợt đưa yêu sách cho giới chủ vào ngày 25-4.


Điểm qua một số cuộc đấu tranh - bãi công trên đây, ta thấy một cao trào cách mạng mới đã bắt đầu với sự tham gia đông đảo của giai cấp công nhân trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh các cuộc đấu tranh của công nhân, còn có các cuộc đấu tranh của nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác cũng diễn ra sôi nổi trong thời gian này. Trên cơ sở kết quả các cuộc đấu tranh, Đảng chủ trương phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trên phạm vi cả nước nhân ngày Quốc tế lao động 1-5. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, trong ngày 1-5 đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân trên khắp mọi miền đất nước.


Ở miền Nam có bãi công của công nhân nhà máy điện Chợ Quán, nhà máy xe lửa Dĩ An (Sài Gòn). Hàng vạn nông dân Gia Định, Chợ Lớn, hàng nghìn nông dân ở Cao Lãnh (Sa Đéc), Chợ Mới (Long Xuyên) biểu tình đòi hoãn giảm sưu thuế, khiến chính quyền thực dân - phong kiến phải nhượng bộ.


Tại miền Bắc, nông dân các huyện Duyên Hà, Tiên Hưng (Thái Bình) đưa yêu sách đòi bỏ sưu, bớt thuế, trợ cấp gạo cho các gia đình đói kém, bồi thường thiệt hại cho các làng xã bị quân lính phá phách, cướp bóc, đòi tự do đi lại, hội họp... Những yêu sách trên không được giải quyết, trái lại, thực dân Pháp còn nổ súng đàn áp, bắt giam hàng trăm người.


Tại miền Trung, ngoài các cuộc đấu tranh của nông dân Thanh Chương (Nghệ An), cuộc biểu tình của học sinh trường tiểu học Pháp-Việt ở Chợ Rộ, đặc biệt đáng chú ý là cuộc biểu tình lớn của công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ và nông dân 5 xã ngoại thành thành phố Vinh. Cuộc đấu tranh này, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ và tỉnh uỷ Nghệ An, đã đưa ra các yêu sách kinh tế và chính trị rõ rệt như: tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, phản đối chính sách khủng bố của Pháp, đòi bồi thường thiệt hại các gia đình bị tàn sát trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định, ủng hộ Liên Xô... Mặc dù bị đàn áp, bắt bớ, song thực dân Pháp và tay sai không sao dập tắt được làn sóng mít tinh, biểu tình của công nhân, nông dân đang ngày một dâng cao.


Chỉ tính riêng trong tháng 5-1930, trong cả nước đã có 54 cuộc biểu tình, bãi công, gồm 21 cuộc ở miền Bắc, 21 cuộc ở miền Trung và 12 cuộc ở miền Nam. Trong số 54 cuộc đấu tranh này có 16 cuộc của công nhân, 34 cuộc của nông dân, 4 cuộc của dân nghèo thành thị và học sinh.


Trên cơ sở phong trào đấu tranh sôi nổi diễn ra trong tháng 5, vào tháng 6-1930, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, học sinh và các tầng lớp lao động trong cả nước cảnh giác, không sao nhãng đấu tranh trước những nhượng bộ bước đầu của kẻ thù. Tiếp đó, ngày 1-8-1930, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi nhân dân phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; kêu gọi binh lính chống lại việc đi đàn áp nhân dân các nước thuộc địa của Pháp...


Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8-1930, phong trào đấu tranh của quần chúng với nhiều hình thức vẫn liên tuc diễn ra với 121 cuộc đấu tranh, trong đó có 17 cuộc ở miền Bắc, 82 cuộc ở miền Trung và 22 cuộc ở miền Nam. Trong số 121 cuộc có 22 cuộc của công nhân, 95 cuộc của nông dân, 4 cuộc của các thành phần khác. Tập trung nhất vẫn là các cuộc bãi công, biểu tình của công nhân, nông dân Nghệ An như: nhà máy diêm Bến Thuỷ, nhà máy cưa, công nhân bốc vác cảng Bến Thuỷ, nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy cưa SIFA, nhà máy cưa Lao Xiên, nông dân Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương... Hình thức tổ chức công hội đỏ đã ra đời từ trong các cuộc đấu tranh này. Tờ báo "Người lao khổ" của Xứ uỷ Trung Kỳ ngày 18-9-1930 nhận định: ’’Cuộc tổng bãi công Bến Thuỷ là một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:16:05 am »

3. Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Cho tới cuối tháng 8 đầu tháng 9-1930, đã có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa các cuộc đấu tranh, biểu tình của công nhân và nông dân. Phong trào lên đến đỉnh cao với việc các khẩu hiệu đấu tranh kinh tế và chính trị đồng thời xuất hiện trong hầu hết các cuộc đấu tranh. Thực dân Pháp và tay sai đã không còn nhượng bộ nữa mà đàn áp hết sức dã man bởi tính chất quyết liệt của các cuộc đấu tranh ngày càng tăng. Hơn 200 người bị chết vì bom trong cuộc biểu tình của 8.000 nông dân Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, đã đẩy tính chất phong trào đấu tranh từ các yêu sách về kinh tế, sang những đòi hỏi về quyền lợi chính trị một cách cụ thể. Các cuộc tiến công, bạo động vũ trang của quần chúng hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã khiến bộ máy chính quyền thực dân Pháp và tay sai bị tê liệt và tan rã ở nhiều huyện, xã.


Ở một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện các "khu đỏ" tự do. Tại đây, nhân dân tự quản lý đời sống chính trị, kinh tế, các tổ chức quản lý của chính quyền địch bị vô hiệu hoá. Hình thức chính quyền công nông đầu tiên ra đời với tên gọi các Xô viết (giống hình thức chính quyền công nông trong Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917). Trong khoảng thời gian cuối năm 1930, đầu năm 1931, sau các cuộc đấu tranh, biểu tình, chính quyền Xô viết đã được thiết lập tại nhiều xã thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu (Nghệ An); Oan Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Khê (Hà Tĩnh).


Tuy còn sơ khai, nhưng các Xô viết đã thực hiện các chức năng cơ bản của chính quyền nhân dân. Về chính trị, chính quyền Xô viết đã ban bố quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Quần chúng tự do tham gia các đoàn thể cách mạng, tự do hội họp, đề xuất ý kiến giải quyết các vấn đề đời sống xã hội. Về quân sự, các đội "tự vệ đỏ" được thành lập để bảo vệ chính quyền, trấn áp bọn phản động, giữ gìn trật tự trị an và chống địch khủng bố, đàn áp. Nhiều nơi tổ chức toà án nhân dân để nghiêm trị những kẻ bán nước, hại dân. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên hoạt động sôi nổi. Về kinh tế, chính quyền cách mạng đã tổ chức chia ruộng đất công cho dân nghèo, bãi bỏ một số loại thuế vô lý như thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối, thực hiện giảm tô, xoá nợ cho người nghèo, v.v... Ngoài ra, việc đắp đê phòng lũ lụt, sửa sang đường sá, cầu cống cũng được chính quyền Xô viết các địa phương quan tâm giải quyết. Về văn hoá, xã hội, nhiều tệ nạn xã hội từng bước bị xoá bỏ như rượu chè, cờ bạc, bói toán, trộm cướp. Một không khí đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong tình làng, nghĩa xóm bao trùm các vùng quê có chính quyền mới. Trật tự, trị an được giữ vững.


Những hoạt động và kết quả bước đầu của các Xô viết đã có ảnh hưởng lớn đến cao trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thời kỳ này, cổ vũ các địa phương khác cùng phối hợp hành động. Một phần bộ máy thống trị của thực dân Pháp và tay sai bị xoá bỏ hoặc tê liệt trước sức mạnh đoàn kết đấu tranh của quần chúng.


Trước sự phát triển của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời lãnh đạo, kêu gọi các địa phương trong cả nước hưởng ứng, góp phần bảo vệ và duy trì cuộc đấu tranh. Trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam liên tiếp nổ ra các cuộc mít tinh, biểu tình, đưa yêu sách đòi bãi bỏ sưu thuế, chống khủng bố, bao vây phá công sở chính quyền địch, đốt hồ sơ, giương cao khẩu hiệu ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Một số địa phương như Cao Lãnh (Đồng Tháp), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Tiền Hải (Thái Bình)... các cuộc biểu tình có tự vệ vũ trang hỗ trợ.


Chỉ trong tháng 9 và 10-1930, cả nước có tới 362 cuộc đấu tranh, trong đó có 29 cuộc ở miền Bắc, 316 cuộc ở miền Trung, 17 cuộc ở miền Nam. Hơn 300 cuộc đấu tranh là do nông dân, hơn 20 cuộc do công nhân, còn lại do các tầng lớp lao động, học sinh tiến hành. Điểm đáng chú ý là khẩu hiệu chính trị chiếm phần lớn trong các bản yêu sách của quần chúng.


Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để chống lại sự khủng bố của kẻ thù, bảo vệ dân, bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng ngay khi cao trào đang ở thời kỳ phát triển mạnh. Đồng thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (29-9) và Quốc tế nông dân (5-11), báo cáo với Quốc tế Cộng sản (19-2-1931) về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và đề nghị cho ý kiến chỉ đạo để đối phó lại sự khủng bố điên cuồng của kẻ thù, giữ vững và phát triển phong trào.


Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi thông tri cho Xứ uỷ Trung Kỳ, vạch rõ trách nhiệm của Đảng là phải tổ chức quần chúng đấu tranh chống khủng bố, giữ vững lực lượng và chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật. Thông tri cho rằng: "ở Thanh Chương, Nam Đàn bây giờ, cấp uỷ thế là đã chủ trương bạo động rồi (lập Xô viết, chia đất...), chủ trương như thế thì chưa đúng hoàn cảnh, vì trình độ dự bị của Đảng và quần chúng trong nước chưa đủ, vũ trang bạo động cũng chưa có, bạo động riêng lẻ trong vài địa phương trong lúc bấy giờ là quá sớm..."1 (Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban NCLSĐTƯ, H. 1977, tập 1,  tr.58, 169, 170). Trung ương đã nêu ra một số biện pháp hành động cấp bách: khi cần thiết biểu tình thì phải biết khéo tổ chức để chống khủng bố; tránh những cuộc biểu tình vặt, không có tổ chức; củng cố chính quyền Xô viết, làm cho tất thảy cố, bần, trung nông đều ủng hộ chính quyền Xô viết, coi là chính quyền của mình, khi quân đội đế quốc đến thì tạm thời rút đi, khi chúng đi thì lại ra làm việc; các đội tự vệ phải năng tập luyện quân sự và tìm cách cướp súng giặc... Tháng 10-1930, Trung ương lại ra "Thông cáo cho đồng chí", đề cập đến việc thành lập các Xô viết ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh: "Tuy hoàn cảnh vài nơi đó có cách mạng, song trong Xứ thì trình độ giác ngộ và đấu tranh của vô sản và nông dân chưa được đều và cao. Tuy dân chúng ở mấy xã ấy có đủ giác ngộ, đủ hăng hái tranh đấu, song chưa có dự bị vũ trang. Hiện nay, theo hoàn cảnh trong nước, trình độ dự bị của vô sản và quần chúng lao khổ thành phố, nhà quê, trình độ dự bị của Đảng, tình hình của địch thù, thì thực hành lẻ tẻ bạo động riêng trong một vài địa phương không phải là chủ trương đúng".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:17:10 am »

Từ nhận định trên, Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ của các tổ chức Đảng trong cả nước là phải hướng quần chúng ra đấu tranh chính trị, phát động phong trào bảo vệ "Nghệ Tĩnh đỏ", tránh khởi nghĩa quá sớm.


Trước hành động khủng bố điên cuồng của kẻ địch, nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, đảng viên, quần chúng bị tàn sát, ngày 3-1-1931, Ban Thường vụ Trung ương đã kịp thời ra Thông cáo cho các xứ uỷ, yêu cầu các cấp uỷ Đảng phải dựa vào sức mạnh việc phát triển các đội tự vệ công nông để bảo vệ cho quần chúng đấu tranh. Thông cáo nhấn mạnh: "Đội tự vệ không phải tổ chức trong một lúc tranh đấu rồi giải tán đi, nhưng phải khuếch trương ra làm một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng. Khi có tranh đấu thì đội tự vệ phải ra đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ, còn lúc thường thì phải tập luyện riêng, phải bàn định những cách hộ vệ và bênh vực tranh đấu"1 (Văn kiện Đảng, Sách đã dẫn, tr.208).


Tuy vậy, do thực dân Pháp khủng bố ngày càng ác liệt, hầu hết các cơ sở Đảng và quần chúng trung kiên bị tổn thất. Sau hội nghị Trung ương tháng 3-1931, nhiều cán bộ Đảng bị địch bắt. Ngày 19-4-1931, đồng chí Tổng bí thư Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn. Ngày 6-6-1931, đế quốc Anh bắt giam lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng. Phong trào đấu tranh của quần chúng tạm thời lắng xuống.


Mặc dầu vậy, cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, có ý nghĩa lịch sử rất to lớn. Tuy mới là cuộc đấu tranh ban đầu ngay sau khi Đảng ra đời và lãnh đạo nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã giành được những kết quả quan trọng. Nó khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do do Đảng đề ra là đúng đắn; đã mở ra một thời kỳ cách mạng mới do Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo.


Cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, chứng tỏ quyền lãnh đạo không thể thay thế được của giai cấp công nhân với đội tiền phong là Đảng cộng sản. Đây là lần đầu tiên, liên minh công nông đã được thực hiện trong đấu tranh chống kẻ thù chung. Đây có thể coi là cuộc diễn tập lần thứ nhất của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa sau này. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá về Xô viết Nghệ Tĩnh: "Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt được phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tỉnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này"1 (Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, H.1980, tập 2, tr.154).


Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại một số bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược và thực hành đấu tranh, khởi nghĩa tiến tới giành chính quyền. Đó là:

- Xác định mục tiêu cụ thể của cuộc đấu tranh trực tiếp trước mắt. Sau khi Đảng đã đề ra đường lối chiến lược cho toàn bộ cuộc cách mạng thì vấn đề có tầm quan trọng quyết định là lãnh đạo quần chúng nhân dân kiên quyết đấu tranh thực hiện các mục tiêu cụ thể đã xác định. Mục tiêu cụ thể lúc đó là đấu tranh giành quyền lợi dân sinh, dân chủ nhằm "lấy những sự nhu yếu hàng ngày làm bước đầu mà dắt vô sản giai cấp và dân cày ra chiến trường cách mệnh". Chính do việc đề ra mục tiêu cụ thể như vậy nên Đảng đã phát động được đông đảo nhân dân tham gia vào cao trào cách mạng. Nhưng khi bị địch đàn áp dữ dội thì ở một số địa phương đã tiến đến giành chính quyền. Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời kêu gọi và chỉ cho quần chúng thấy rằng mục tiêu cụ thể chỉ là đấu tranh giành quyền lợi hàng ngày chứ chưa phải là khởi nghĩa giành chính quyền.


Tổng kết sự lãnh đạo của Đảng về vấn đề xác định mục tiêu cụ thể trước mắt, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: "Biết thắng từng bước cho đúng có nghĩa là ở mỗi thời kỳ nhất định hay mỗi tình thế nhất định, biết đề ra được mục tiêu cụ thể sát hợp nhất, biết dựa theo quy luật khách quan mà điều khiển cuộc đấu trạnh thế nào để thực hiện mục tiêu đó với mức thắng lợi tối đa, mở đường cho cách mạng tiến lên những bước mới cao hơn và tạo ra triển vọng chắc chắn nhất cho thắng lợi cuối cùng” .


Muốn tạo ra cao trào đấu tranh cách mạng, phải có những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp nhằm biến đường lối chỉ đạo của Đảng thành hiện thực. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, khi chưa có tình thế cách mạng thì phương pháp thích hợp nhất là vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực như nêu khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm thuế. Vừa đưa quần chúng ra tranh đấu vừa tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho khởi nghĩa về sau nếu tình hình cho phép. Thực tế thời kỳ đó cho thấy có địa phương dùng hình thức đấu tranh quá cao như khởi nghĩa vũ trang nên đã bộc lộ lực lượng, sau đó bị địch đàn áp, tổn thất nặng nề.


Đến khi có tình thế cách mạng, Đảng cần đưa ra những khẩu hiệu đấu tranh cao hơn, mạnh mẽ hơn để huy động quần chúng. Phương pháp cách mạng thích hợp lúc này là bạo lực cách mạng bao gồm kết hợp giữa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quần chúng. Cao trào 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã trải qua hoàn cảnh có tình thế cách mạng, lực lượng chính trị quần chúng đã được chuẩn bị một bước, song cả hai lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị còn non yếu, chưa có được sự phối hợp cần thiết, lại bị kẻ thù thẳng tay đàn áp, nên kết quả bị hạn chế. Tuy nhiên, đây là một bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng thời kỳ đầu mới thành lập về tổ chức tập hợp lực lượng và về thời cơ, tình thế cách mạng cũng như việc áp dụng phương pháp cách mạng phù hợp để giành thắng lợi sau này.


- Về việc xây dựng khối liên minh công nông trong đấu tranh. Đây là vấn đề đã được xác định trong Cương lĩnh chính trị của Đảng khi mới thành lập vì Đảng ta coi công nông là chủ lực quân, là lực lượng quyết định thắng lợi. Cao trào cách mạng 1930-1931 cho thấy công nhân và nông dân đã phối hợp khá chặt chẽ trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, thực dân và đã giành được những kết quả quan trọng. Tuy chưa có nhiều thời gian tuyên truyền, giác ngộ, chuẩn bị về mặt tổ chức và phối hợp đấu tranh nhằm giành được những mục tiêu cụ thể, nhưng việc xác định đúng vai trò và sứ mệnh của công, nông, đưa họ ra mặt trận tranh đấu, là một thành công của Đảng thời kỳ này, đặt cơ sở vững chắc cho sự liên minh chiến lược giữa hai giai cấp trong tiến trình cách mạng sau này. Đây vừa là vấn đề thuộc chiến lược cách mạng vừa là vấn đề về phương pháp cách mạng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2021, 10:17:58 am »

4. Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1935)

Theo Niên biểu thống kê Đông Dương, từ năm 1930 đến 1933, thực dân Pháp đã đàn áp, giam giữ 246.532 người. Ở nhà tù Côn Đảo, từ 1930 đến 1935, có tới 833 tù chính trị bị giết hại. Trong hai năm 1930-1931, ở khu vực miền Bắc, thực dân Pháp đã mở tới 21 phiên toà đại hình, xử 1.094 vụ tù chính trị, kết án 164 người tử hình, 114 khổ sai chung thân, 420 án đày biệt xứ... Mặc dù bị đàn áp, khủng bố, các cán bộ, đảng viên của Đảng không hề nao núng. Các tấm gương hoạt động bất khuất, hy sinh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú, người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng trước toà án và trong xà lim, trên pháp trường của thực dân, là những tấm gương nêu cao khí tiết của người cộng sản, cách mạng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của tù chính trị và quần chúng nhân dân. Đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của những người cộng sản bị giam giữ tại nhà tù Kon Tum, Hoả Lò, Buôn Ma Thuột, Sơn La, Côn Đảo... khiến kẻ thù phải chùn tay.


Tuy đa số các đồng chí Ủy viên trung ương và Xứ uỷ viên các xứ uỷ bị địch bắt, song đến tháng 6-1932, những đồng chí còn lại trong Ban lãnh đạo của Đảng đã thảo ra "Chương trình hành động", nêu lên 4 yêu cầu, trong đó nhấn mạnh yêu cầu chính quyền thực dân trả tự do cho tất cả tù chính trị, bãi bỏ chính sách đàn áp, giải tán hội đồng đề hình, trừng trị những kẻ tra tấn, giết hại các chiến sĩ cách mạng.


Chương trình hành động vạch rõ sự cấp thiết phải củng cố và phát triển các đoàn thể cách mạng của quần chúng, nhất là công hội và nông hội, cử ra các uỷ ban hành động, uỷ ban bãi công, uỷ ban nông dân, kết hợp giữa hoạt động bí mật với hợp pháp và nửa hợp pháp.


Chương trình hành động cho rằng muốn khôi phục và phát triển phong trào cách mạng "Phải xây dựng một đoàn thể bí mật, có kỷ luật nghiêm ngặt, cứng như sắt, vững như đồng, tức Đảng cộng sản, để hướng đạo quần chúng trên con đường giai cấp chiến đấu"1 (Văn kiện Đảng, Sđd, tr.307).


Thông qua Chương trình hành động, Đảng vẫn giữ được mối liên hệ với quần chúng, lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh trong tình hình mới nhằm khôi phục, phát triển phong trào. Theo thống kê của chính quyền thực dân, số lượng các cuộc đấu tranh của công nhân ngày càng tăng: năm 1931 có 230 cuộc, năm 1933 có 244 cuộc. Còn riêng ở miền Bắc từ 1931 đến 1935 có 551 cuộc. Ngoài ra còn có nhiều cuộc đấu tranh của nông dân và các tầng lớp lao động khác. Cũng trong thời kỳ này, Đảng đã tận dụng khả năng hoạt động hợp pháp để đưa người vào các tổ chức dân cử của chính quyền thực dân như Hội đồng thành phố Sài Gòn, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ; phát hành báo chí công khai vạch mặt bọn phản động, tố cáo âm mưu tội ác của chính quyền thực dân đồng thời dùng diễn đàn này để tuyên truyền cách mạng cho quần chúng, gây ảnh hưởng cho Đảng.


Trong thời kỳ này, vào đầu năm 1934, được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng, làm chức năng của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được thành lập, do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Sau sự kiện này, các xứ uỷ trong nước được chấn chỉnh, các tổ chức Đảng được khôi phục và xây dựng mới. Tình hình trên góp phần thúc đẩy việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 1 tại Ma Cao, từ ngày 27 đến 31-3-1935, với sự tham dự của 16 đại biểu, đại diện cho 600 đảng viên của Đảng. Đại hội đã thông qua các nghị quyết chính trị về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về công tác liên minh phản đế, về đội tự vệ... Đại hội 1 đã khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến các địa phương, trong nước và ngoài nước, thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, tạo tiền đề cho phong trào cách mạng phục hồi và phát triển trong thời gian tới.


Từ cuộc đấu tranh để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng thời kỳ 1932-1935, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Cần phải giữ vững lòng tin vào thắng lợi cuối cùng. Mặc dù phong trào lúc đó đang bị địch đàn áp dữ dội, gặp rất nhiều khó khăn nhưng cá nhân và tập thể lãnh đạo phải có niềm tin vào sức mạnh vĩ đại của quần chúng đồng thời phải có phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình đã thay đổi để lôi kéo quần chúng đang hoang mang, do dự.

- Trong điều kiện phong trào cách mạng đang bị địch khủng bố trắng, điều tối cần thiết là phải giữ vững tổ chức cách mạng hoạt động bí mật nhằm đảm bảo duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của phong trào cách mạng. Các tổ chức bí mật này phải hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo tập trung của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Hết sức tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để hoạt động, để tập hợp quần chúng, từng bước đưa quần chúng tham gia vào đấu tranh cách mạng từ thấp lên cao.


Có thể nói, thời kỳ 1932-1935 đã diễn ra quá trình vừa gìn giữ khôi phục, tích lũy lực lượng, vừa chuẩn bị đội ngũ để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Sự chuyển hướng kịp thời, sự rút lui đúng lúc để bảo toàn lực lượng, sự kết hợp các hình thức đấu tranh bí mật, nửa hợp pháp và hợp pháp... là những điểm nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng ta thời kỳ này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM