Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:29:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến  (Đọc 3952 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:28:25 pm »

II. TỔ CHỨC CHỈ HUY LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN

Từ năm 1965 trở về trước, lực lượng phòng không chiến đấu trên cửa khẩu do Quân khu 4 chỉ huy. Sau khi lực lượng phòng không Quân khu 4 rút về, lực lượng phòng không Trường Sơn được tăng cường, đến tháng 10 năm 1966 mới thành lập phòng tác chiến cao xạ để giúp Bộ tư lệnh thống nhất chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng phòng không trên toàn tuyến.


Lực lượng cao xạ được phân đi bảo vệ các trọng điểm của 8 binh trạm trên toàn tuyến. Các binh trạm cửa khẩu và từ đường 9 trở ra có 1 tiểu đoàn 37mm và 1 đại đội 12,7mm. Các binh trạm phía trong chỉ có 1 đến 3 đại đội 12,7mm; ngoài ra có các súng máy của lực lượng công binh chiến đấu trong đội hình tác nghiệp. Các tiểu đoàn pháo và súng máy sau khi được các binh trạm giao nhiệm vụ bố trí vào mục tiêu phải bảo vệ, Phòng Cao xạ chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, các tiểu đoàn và đại đội căn cứ vào tình hình địch và nhiệm vụ được giao, tự chỉ huy bắn. Cách tổ chức chỉ huy như vậy hiệu quả không cao. Tùy theo nhận thức và quán triệt nhiệm vụ của từng đơn vị, có đơn vị đánh rất tốt, có đơn vị đánh kém, phần lớn chỉ chú trọng bắn máy bay, chưa coi trọng đúng mức đến bảo vệ mục tiêu, nên có những đường bị tắc, xe bị cháy, có đơn vị bắn xua, bắn đuổi không hiệu quả và rất tốn đạn, có đơn vị bị địch đánh thiệt hại.


Từ tháng 10 năm 1970 thành lập Cục Tham mưu Phòng không có các cơ quan tác chiến, quân báo, huấn luyện, quân giới và có sở chỉ huy phòng không trong sở chỉ huy của Bộ tư lệnh; các bộ tư lệnh khu vực có cơ quan tham mưu phòng không riêng, các binh trạm có binh trạm phó phụ trách phòng không, thì việc chỉ huy tác chiến phòng không được chặt chẽ và toàn diện hơn, đặc biệt là khâu nắm và nghiên cứu địch, chỉ huy tác chiến, huấn luyện cán bộ, đảm bảo kỹ thuật pháo, khí tài tốt hơn. Tác chiến phòng không đã gắn chặt giữa việc tiêu diệt địch với nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu hơn.


Lực lượng phòng không Trường Sơn không có rađa trinh sát nhưng đã được lập một hệ thống các đài quan sát mắt và nghe tiếng động của máy bay, đặt trên các cao điểm được lựa chọn trên toàn tuyến, có hệ thống thông tin thông báo về sở chỉ huy. Trong sở chỉ huy của Bộ tư lệnh có bản tiêu đồ đánh số các đài quan sát và thu tín hiệu thông báo bằng VTP của các đài quan sát về tình hình địch. Trên cơ sở đó mà nắm địch chỉ huy cho các lực lượng phòng không, các binh trạm đánh hoặc phòng tránh. Việc tổ chức chỉ huy trên đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc chỉ huy chiến đấu vẫn chưa được chặt chẽ khi lực lượng phòng không các binh trạm tăng lên 2 - 3 tiểu đoàn, các đại đội súng máy vẫn tác chiến độc lập. Sang mùa khô 1971-1972 đã đưa các đại đội súng máy vào các tiểu đoàn cao xạ và các tiểu đoàn cao xạ vào thành lập các trung đoàn và sư đoàn phòng không bảo vệ từng khu vực trọng điểm và làm nhiệm vụ dự bị cơ động thì việc chỉ huy mới chặt chẽ và hiệu suất chiến đấu mới cao.


III. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG BẢO VỆ VẬN CHUYỂN

1. Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn xác định nhiệm vụ tác chiến của lực lượng phòng không trên tuyến Trường Sơn là:

Tiêu diệt các loại máy bay địch, bảo vệ vận chuyển thông suốt, an toàn. Cụ thể là bảo vệ các trọng điểm giao thông thông suốt, bảo vệ đội hình xe vận chuyển an toàn, theo phương châm "quay nòng pháo theo bánh xe lăn”.


2. Quán triệt nhiệm vụ của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn giao cho lực lượng phòng không xác định các mục tiêu phải tập trung bảo vệ là:

- Các trọng điểm giao thông dễ gây tắc đường gồm các đèo hiểm yếu: Cua chữ A, đèo Văng Mu, đốc Con Mèo, động Con Tiên, Seng Phan... các ngầm (Pac Pha Năng, Ta Lê, Chà Là, Bản Đông, suối Hai Ông Bà; các bến phà Tha Mé, Thà Khống, Bạc...)

- Các trọng điểm địch thường chặn đánh đoàn xe: Ngã ba Lùm Bùm, ngã ba Na Bo, ngã ba La Hạp, ngã ba Phi Hà...

- Các kho hàng, sở chỉ huy chủ yếu là giữ bí mật.

3. Vận dụng nguyên tắc tác chiến phòng không vào cách đánh trên tuyến chi viện chiến lược[/i

Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chiến lược "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của Bộ Tổng tư lệnh, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn là "Tích cực chủ động tiến công địch", phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đánh địch rộng rãi mọi lúc, mọi nơi, với tất cả các loại vũ khí được trang bị từ súng trường đến tên lửa phòng không; kết hợp chặt chẽ cả ba mặt đánh địch, phòng tránh và nghi binh lừa địch; tích cực đánh ngày, đánh đêm, bắn rơi máy bay địch trên mục tiêu bảo vệ (trọng điểm giao thông, đội hình xe); vận dụng linh hoạt nguyên tắc sử dụng bố trí lực lượng giữa tập trung đúng lúc với phân tán hợp lý, giữa tập trung bảo vệ trọng điểm với cơ động trên tuyến phù hợp với hoạt động của ta và đánh phá của địch từ cửa khẩu ra đến các chiến trường.

- Yêu cầu đánh tiêu diệt với đánh bảo vệ đội hình xe.

- Lực lượng phòng không cho rằng, để đánh tiêu diệt máy bay, phải tập trung lực lượng và hoả lực bảo vệ các trọng điểm giao thông; vì không quân địch đánh ban ngày dễ ngắm bắn. Đội hình xe là mục tiêu di động, lực lượng phòng không ta không thể bố trí rải dọc theo đường; vả lại máy bay bay ban đêm khó nhìn thấy, ngắm bắn ít trúng, nếu tổ chức bắn cản thì tốn rất nhiều đạn, chưa chắc máy bay rơi, không thể thực hiện đánh tiêu diệt.

- Phía chỉ huy binh trạm cho rằng phải vừa bảo vệ được trọng điểm giao thông vừa phải tập trung bảo vệ đội hình xe vì xe vận chuyển có ba đối tượng phải bảo vệ cùng lúc là chiếc xe (phương tiện chở hàng) hàng trên xe và người lái xe đều phải được bảo vệ an toàn.

Qua thực tế chiến đấu đánh tiêu diệt và đánh bảo vệ đã được kết luận nhưng lại nảy sinh hiện tượng bố trí bảo vệ đội hình xe quá phân tán đến từng khẩu đội. Sau đó uốn nắn lại bố trí bảo vệ đội hình xe chỉ được phân tán đến một trung đội (2 khẩu) chọn các điểm địch dễ phát hiện đội hình xe để bố trí đánh bảo vệ.

Từ mùa khô 1967-1968 về sau, qua kinh nghiệm vận dụng, nguyên tắc chiến thuật trong cách đánh được thống nhất ổn định như sau:

- Bố trí tập trung binh, hoả lực tại các trọng điểm giao thông chủ yếu, khu vực chủ yếu; bố trí lực lượng thích hợp trên toàn tuyến.

- Kết hợp trận địa chốt tại các trọng điểm với cơ động một bộ phận lực lượng phục kích đánh tiêu diệt địch ở ngoài chốt, gắn với ngụy trang, nghi binh, cơ động giữ bí mật trận địa.

- Kết hợp bố trí tập trung tại các chốt giao thông trọng điểm với bố trí phân tán đến đội hình trung đội pháo phòng không bảo vệ đội hình xe tại các nơi địa hình trống trải.

- Kết hợp bố trí pháo phòng không đánh tiêu diệt tại các chốt giao thông trọng điểm với cơ động đại đội súng máy phục kích đón lõng tiêu diệt địch.


4. Kết quả chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ từ năm 1965 đến năm 1974

Tiểu đoàn phòng không 20 vào tuyến sớm nhất từ năm 1965, ngày 24 tháng 7 năm 1965 đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên tuyến.

Từ năm 1965 đến hết năm 1974, lực lượng phòng không Trường Sơn đã đánh 113.576 trận gồm 56.521 trận ngày, 57.055 trận đêm; bắn rơi 2.479 máy bay, trong đó có 1.245 bị bắn rơi tại chỗ, 290 chiếc rơi đêm; bắn bị thương 3.743 chiếc khác; trong đó có 512 chiếc do công binh và bộ binh bắn rơi.


Năm bắn rơi nhiều nhất là năm 1971 với 643 chiếc. Đơn vị bắn rơi máy bay nhiều nhất 157 chiếc các loại của Bộ đội Trường Sơn là Tiểu đoàn phòng không 36 Binh trạm 42, tiểu đoàn này sau biên chế vào Trung đoàn phòng không 528. Đại đội súng máy phòng không 4 anh hùng đã bắn rơi 156 chiếc. Mùa khô 1969-1970, đồng chí Bùi Văn Nơ - chiến sĩ công binh bằng 9 viên đạn trung liên bắn rơi tại chỗ 1 máy bay Mỹ. Ngày 18 tháng 2 năm 1974, đồng chí Nguyễn Văn Thể và đồng chí Lê Văn Thái (Sư đoàn 470) bắn hạ tại chỗ 1 máy bay phản lực bằng 2 loạt AK.


Đạn phòng không tiêu thụ trong 9 năm đánh trả không quân Mỹ trên tuyến Trường Sơn là 5.036.717 viên, trung bình 2.054 viên đạn bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Với kết quả đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn biểu dương bộ đội phòng không "đánh giỏi bắn trúng".


5. Kết quả bảo vệ vận chuyển

Được sự phối hợp của bộ đội phòng không cộng với tinh thần "gan vàng da ngọc" của bộ đội vận tải nên công tác vận chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Một đêm vận chuyển trên toàn tuyến, bộ đội vận tải thường xuất kích từ 3.000 đến 3.500 chiếc xe, nhiều đêm an toàn, có đêm bị tổn thất 3 - 5 chiếc xe hàng, cao nhất là 7 xe hàng, cả cháy và hư hỏng. Nhìn chung không có tắc vận chuyển toàn tuyến, chỉ có mùa khô 1970-1971 có một số ngày địch bắn phá quá căng thẳng, ban đêm có thêm loại AC. 130 đánh đội hình xe làm cho công việc vận chuyển bằng cơ giới bị ảnh hưởng. Trong một thời gian ngắn, Đảng ủy và Bộ tư lệnh đã lãnh đạo khắc phục xong, vận chuyển cơ giới được tiếp tục, có thêm đường "kín", đường chạy ngày cục bộ.

- Một mùa khô, trung bình vừa cháy vừa hư hỏng khoảng 150 - 200 xe (xấp xỉ 5 - 7% tổng số xe hoạt động). Trong 3 mùa khô của các năm 1969, 1970, 1971, địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, ban đêm AC. 130 đánh đội hình xe khi bộ đội phòng không chưa khống chế được AC. 130 thì sự thiệt hại về xe lên tối xấp xỉ 10%. Bộ đội phòng không đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vận chuyển mà Đảng ủy và Bộ tư lệnh giao cho.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:29:33 pm »

IV. MỘT SỐ HÌNH THỨC CHIẾN THUẬT CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN

A. ĐÁNH MÁY BAY TRINH SÁT

Trinh sát là một thủ đoạn đặc biệt cần thiết đối với không quân địch. Đánh máy bay trinh sát là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với lực lượng phòng không ta trên tuyến đường. Việc trinh sát của địch và bắn máy bay trinh sát của ta đã diễn ra liên tục và thường xuyên trong suốt quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Trinh sát của địch có nhiều loại: Trinh sát chiến lược, trinh sát chiến thuật, trinh sát chiến đấu.

1. Trinh sát chiến lược.

Nhằm mục đích phát hiện toàn cảnh hệ thống, hình thái chiến trường của ta, chúng thường dùng các loại máy bay chiến lược như: U.2, SR.71, EC.121 trinh sát điện tử, máy bay không người lái bay cao... Loại này ta không có khả năng đánh, ta phải ngụy trang che giấu thật kỹ và tổ chức nghi binh với quy mô lớn, thu phá các cây nhiệt đới.


2. Đánh máy bay trinh sát chiến thuật.

Trinh sát chiến thuật nhằm phát hiện hệ thống kho tàng, bến bãi, nơi trú quân, hệ thống đường sá, cung đường vận chuyển để chúng định ra cách đánh, sử dụng lực lượng, phương tiện, chọn bãi đổ bộ, định thời gian đánh phá... Với trinh sát chiến thuật, chúng thường dùng các loại máy bay RF, không người lái bay thấp, OV.10, L.19 trinh sát ban ngày, ban đêm, bay đi lại nhiều lần chụp ảnh, có khi dùng trinh sát vũ trang để phát hiện mục tiêu...


Để đánh được máy bay trinh sát chiến thuật, ta phải thường xuyên quan sát, theo dõi, nắm vững quy luật hoạt động của chúng ban ngày, ban đêm, loại máy bay, tính năng chiến thuật, kỹ thuật của chúng mà bố trí đánh.


Loại máy bay RF trinh sát ban ngày thường bay thấp (trên dưới 1.000m), tốc độ trung bình, vừa bay vừa lạng lách để quan sát phát hiện mục tiêu bằng mắt, có khi bắn phá để thăm dò hoặc bay bằng qua mục tiêu để chụp ảnh, vòng đi vòng lại nhiều lần trên mục tiêu. Ban đêm, chúng thường bay trên trục đường để phát hiện xe ta bằng cách thả pháo sáng để quan sát hoặc chụp ảnh để phát hiện tốc độ và cung đường của xe ta, chúng thường chụp ảnh có định giờ, bao nhiêu thời gian chụp một ảnh trên quãng đường chúng định chụp. Chúng thường chụp vào lúc từ 18 giờ đến 24 giờ và 5 giờ sáng.


Đánh máy bay trinh sát chiến thuật, ta thường chọn trận địa trên bình độ cao, gần mục tiêu bảo vệ không quá 300m hướng về hướng máy bay bay tới, ngụy trang kín đáo, cảnh giới chặt chẽ, phát hiện mục tiêu sớm, không để bị bất ngờ, bắt mục tiêu kịp thời, đến cự ly bắn phải hạ lệnh dứt khoát, điểm xạ đồng loạt mới có hiệu quả.

- Ban đêm, ta chọn đoạn đường thẳng "hở" mà địch hay đến chụp ảnh, cơ động lực lượng đến bố trí trên địa hình cao hướng về hướng máy bay bay tới, chuẩn bị trận địa chu đáo, cảnh giới chặt chẽ, phát hiện mục tiêu sớm qua lần loé sáng chụp ảnh của chúng, bắt mục tiêu vào lúc loé sáng để xác định đường bay, ước lượng cự ly, tốc độ bắn có hiệu quả, hạ lệnh bắn dứt khoát, bắn một điểm xạ dài, nếu chưa trúng mục tiêu, địch cũng không dám quay lại chụp ảnh nữa.


3. Đánh máy bay trinh sát chiến đấu

Loại máy bay này thường là máy bay cánh quạt, tốc độ chậm, bay hàng tiếng đồng hồ, vòng lượn rất hẹp, luôn cơ động - lúc bay cao, lúc bay thấp để quan sát phát hiện mục tiêu. Khi phát hiện mục tiêu, máy bay bổ nhào bắn đạn khói để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu đánh phá.

Thời cơ bắn tốt nhất đối với loại máy bay này là lúc nó đang bổ nhào bắn đạn khói chỉ mục tiêu hoặc di chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác.

Để lừa địch, ta bố trí một hệ thống mục tiêu giả để chúng di chuyển tạo thời cơ cho ta bắn. Do công phu nghiên cứu hoạt động của máy bay trinh sát, Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 14 đã từng bắn rơi máy bay trinh sát trên khu vực đường 9 và Ngã ba Sa Đi - Mường Noòng. Tính đến tháng 1 năm 1973, trên toàn tuyến ta đã bắn rơi 153 máy bay trinh sát các loại của địch.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:30:20 pm »

B. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CỬA KHẨU CỦA CAO XẠ VÀ TÊN LỬA

Kể từ tháng 8 năm 1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh ra miền Bắc nhằm phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta. Đến năm 1968, tạm ngừng ném bom miền Bắc, địch tập trung đánh phá từ Nghệ Tĩnh - Quảng Bình trở vào các cửa khẩu. Gần như hầu hết các đơn vị cao xạ và tên lửa trong Quân chủng Phòng không - Không quân đều có mặt trên tuyến đường trực tiếp bảo vệ các trọng điểm cầu đường, bảo vệ các đoàn xe vào lập các chân hàng tiếp giáp các cửa khẩu, hình thành một hậu phương bảo đảm trực tiếp cho các đơn vị phía trước từ cửa khẩu đi sâu vào chiến trường miền Nam.


Tháng 7 năm 1971, Bộ thành lập Bộ tư lệnh Phòng không cửa khẩu (sau này lấy tên là Sư đoàn 377) phối thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn bao gồm cả cao xạ và tên lửa với nhiệm vụ tham gia trực tiếp bảo vệ các cửa khẩu nơi địch ngày đêm tập trung đánh phá ác liệt. Các đơn vị nhanh chóng làm quen chiến trường có những đặc điểm mới chi phối tổ chức hành động chiến đấu, nhanh chóng thích ứng với điều kiện mới để làm tròn nhiệm vụ thực hiện trực tiếp bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược. Không quân cũng đã phối hợp chiến đấu với cao pháo và tên lửa ở cửa khẩu, có tác dụng bảo vệ đội hình xe lớn, vượt khẩu an toàn.


Những đặc điểm đó là: ở đây không sử dụng được mạng rađa quốc gia để thường xuyên nắm được tình hình hoạt động của không quân địch mà chỉ dựa vào các trạm quan sát mắt; không có sự phối hợp chiến đấu của đông đảo lực lượng tự vệ dân quân du kích khắp các địa phương bố trí thành một "thiên la địa võng" ngăn cản có hiệu quả khi địch bay vào đánh phá.


Về địa hình, tuyến đường Trường Sơn kéo dài theo dải Trường Sơn là loại địa hình hiểm trở, nhiều đèo cao dốc đứng, đường hẹp, cua ngắn, nhiều sông suối cắt ngang, gây nhiều trở ngại cho hành quân của các đơn vị cao xạ, tên lửa, xe pháo, vũ khí, khí tài vừa nặng, vừa dài quá khổ. Thời tiết hai mùa có độ ẩm cao, ảnh hưởng nhiều tới việc hỏng hóc vũ khí, làm sai lệch độ chính xác của khí tài điện tử, nhất là khí tài tên lửa.


Trong chiến đấu hiệp đồng với xe và công binh thực hiện nhiệm vụ được giao trước hết là bảo vệ đội hình xe chở hàng an toàn vào chiến trường, bộ đội phòng không phải nhanh chóng hiểu rõ tình hình địch - ta và vận dụng các nguyên tắc tác chiến phòng không giành thắng lợi trong hoàn cảnh mới. Nguyên tắc tác chiến phòng không nêu lên là: "Tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, bồi dưỡng lực lượng ta" phải được nhận thức và vận dụng sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các đoàn xe vượt được trọng điểm với yêu cầu cao nhất. Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Trường Sơn: Người chiến sĩ phòng không khi ngồi trên mâm pháo luôn phải tâm niệm rằng: mục tiêu phải chiến đấu bảo vệ là các xe chở đầy hàng do các đồng đội mình lái, họ không có khả năng tự bảo vệ. Người bảo vệ họ chính là các chiến sĩ phòng không được trang bị vũ khí đánh địch. Hiệu quả từng trận đánh phải tính đến số lượng xe vượt cửa khẩu đến đích an toàn nên có lúc phải chấp nhận cách đánh không đảm bảo tốt cho việc bắn trúng, bắn rơi mà lấy việc "đổi đầu đạn lấy đầu xe, quay nòng pháo theo bánh xe lăn". Trong thực hành bắn bình thường, người pháo thủ phải nhìn thẳng máy bay để biết là loại gì, tốc độ bay, để tính toán phần tử bắn mới mong có khả năng bắn trúng, bắn rơi địch, nhưng ở đây từ kinh nghiệm thực tế, người pháo thủ, nhất là trong chiến đấu đêm, phải nghe qua tiếng động cơ máy bay mà phán đoán được địch vào hướng nào, tốc độ bay, cự ly để bắn tạo nên một màn đạn theo những phần tử bắn tính sẵn, dù biết là hiệu quả không cao, nhưng có tác dụng cổ vũ đồng đội vững tay lái vượt trọng điểm, mặt khác cũng buộc địch phải bay cao lên chuyển hướng đánh, ném bom trật đường, đánh theo cách này phải tốn nhiều đạn pháo. Trong quý IV năm 1971, các đơn vị trong Sư đoàn 377 đã tiêu thụ đến hàng vạn viên đạn, có trận bắn hết nhiều đạn mà không rơi máy bay nhưng xe đi an toàn.


Ở cửa khẩu là nơi địch thường xuyên sử dụng B.52 rải thảm, dùng cường kích tập trung đánh vào từng thời điểm từ chập tối đến đêm - lúc xe xuất phát và rạng sáng lúc xe về căn cứ; ban ngày dùng OV.10 trinh sát chỉ điểm cho F.4 cường kích bắn vào các trận địa phòng không, nên việc sẵn sàng chiến đấu của phòng không là cả ngày và đêm, phải phân công nhau trực chiến, kết hợp giữa đánh tập trung và phân tán khẩu đội, trung đội đón lõng các đường bay nhất thiết địch phải bay qua để tiến công vào trọng điểm bắn phá.


Với Trung đoàn 224, đơn vị bố trí tập trung khu vực trọng điểm ATP phải sẵn sàng chiến đấu ngày đêm, bám sát kế hoạch vận chuyển của Binh trạm 14, hỗ trợ bảo vệ các đoàn xe cả lúc xuất phát và quay về căn cứ. Tiểu đoàn 13 trụ vững ở khu vực Chà Là, chịu đựng bom B.52 rải thảm hằng ngày. Chính ở đây cán bộ, chiến sĩ đã tìm được cách đối phó với thủ đoạn dùng tia la-de điều khiển bom rơi trúng đích đến từng khẩu đội đề xuất được cách đánh có hiệu quả là tập trung hoả lực bắn chiếc máy bay bay vòng chiếu tia la-de, trong khi chỉ để một bộ phận nhỏ nhằm bắn vào chiếc thả bom. Việc sử dụng lực lượng pháo thủ cũng nghiên cứu xác định biên chế tối thiểu cần có mặt trên mâm pháo, đảm bảo chiến đấu theo các phần tử tính sẵn để số người còn lại trong khẩu đội được ẩn nấp trong các công sự vững vàng gắn liền với trận địa, sáng kiến này vừa ổn định tư tưởng trong pháo thủ, vừa đảm bảo giữ gìn lực lượng chiến đấu lâu dài.


Trung đoàn cũng bố trí từng khẩu đội pháo 100mm dựa vào vách núi, có công sự chắc, ngắm bắn thẳng vào máy bay OV.10, 0.2A, trinh sát, hạn chế được hoạt động của loại trinh sát này chỉ điểm cho cường kích đánh phá ban ngày.


Kết hợp chiến đấu và nghi binh, Trung đoàn 228 ở cửa khẩu đường 12 cũng đã có trận thu hút địch ném hàng trăm quả bom vào trận địa giả. Các đơn vị phòng không bố trí trụ vững trên bốn cửa khẩu đã góp phần đắc lực bảo vệ an toàn các đoàn xe vượt cửa khẩu đi sâu vào tung thâm.


Về phần chiến đấu của tên lửa phòng không bảo vệ cửa khẩu cũng có những nét riêng thể hiện ý chí chiến đấu, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 275 vượt qua thử thách hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trung đoàn là một đơn vị thọc sâu vào chiến trường rừng núi, cơ động trên cả Đông và Tây Trường Sơn, có mặt trên cả 4 cửa khẩu, đây cũng được coi là một kỳ tích của một đơn vị tên lửa.


Tên lửa phòng không của quân đội ta là loại tên lửa bảo vệ yếu địa, nay sử dụng ở một địa hình rừng núi, trận địa có nhiều góc che khuất, lại không có rađa cảnh giới từ xa, phải dựa chủ yếu vào rađa nhìn vòng của từng tiểu đoàn trực tiếp phục vụ cho chiến đấu khi máy bay đã vào gần. Tiểu đoàn lại là một tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các xe chỉ huy, tính toán, máy nổ với các bệ phóng vừa dài, vừa nặng (nặng trên dưới 20 tấn, dài từ 15 - 20m) vũ khí khí tài đòi hỏi luôn có các thông số kỹ thuật chính xác trong chiến đấu; ngoài ra còn phải có sự quan hệ về hậu phương để tiếp đạn, có phụ tùng thay thế dự trữ, sửa chữa phục hồi khí tài hư hỏng.


Cuộc hành quân nhập tuyến cửa khẩu cuối năm 1971 là cuối mùa mưa, lúc đường sá mới đang được sửa sang chỉ đáp ứng được từng chuyến xe nhỏ đi vào, địch dùng B.52 bắt đầu đánh phá, năm đó lại trùng gặp 3 cơn bão liên tiếp. Từ ngày 17 tháng 12 năm 1971 đến ngày 30 tháng 12 năm 1971 đã có 4 trận đánh trên cửa khẩu đường 12 và đường 20, có một trận của pháo cao xạ bảo vệ đi cùng trong biên chế, bắn rơi 3 máy bay cường kích và 1 máy bay trinh sát O.2A. Ba tháng tiếp theo (từ ngày 1 tháng 1 năm 1972 đến cuối tháng 3 năm 1972), Trung đoàn tên lửa 275 tiếp tục đánh được 13 trận, có 7 lần bị địch đánh vào trận địa bằng tên lửa Shrike (loại tên lửa của không quân phóng theo cánh sóng của tên lửa phòng không) gây thương vong và hỏng hóc khí tài. Cũng có lúc bố trí được 2 tiểu đoàn yểm trợ cho nhau, kịp thời phóng đạn hai lần trong một đêm và sáng hôm sau ngay trên cao của đội hình xe, yểm hộ kịp thời cho đoàn xe lớn cả lúc đi và về căn cứ. Trong thời gian này, đêm 29 tháng 3 năm 1972, lực lượng phòng không đã bắn rơi một AC.130 tại trận địa máy húc, 13 tên địch trên máy bay chết tại chỗ, đã có tác dụng buộc AC.130 phải ngừng hoạt động 1 tuần lễ, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch vận chuyển tổng công kích. Các tiểu đoàn cao xạ trong biên chế đi cùng cũng tham gia chiến đấu bắn rơi 5 máy bay địch có chiếc rơi tại chỗ, góp công sức vào nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:31:01 pm »

C. ĐÁNH ĐỊCH, BẢO VỆ TRỌNG ĐIỂM TRÊN TOÀN TUYẾN

Đánh địch, bảo vệ trọng điểm là hình thức chiến thuật phổ biến của ta trên toàn tuyến; đồng thời cũng làm thất bại một trong những thủ đoạn đánh phá chính của địch trên tuyến vận chuyển. Những nơi địch đánh phá hình thành trọng điểm thường là: các cửa khẩu, nơi giao hàng cho các chiến trường, ngầm, bến phà, đèo dốc hiểm trở, ngã ba, thung lũng... Những nơi này nếu bị đánh phá thường dễ bị tắc hoặc rất khó khắc phục. Có những trọng điểm chúng đánh dai dẳng nhiều ngày liền, có nơi dài hàng kilômét đường. Khi lực lượng phòng không của ta còn ít, máy bay địch thường chỉ dùng chiếc lẻ, tốp nhỏ đánh phá cũng dễ gây tắc đường. Khi lực lượng phòng không của ta nhiều và mạnh, địch phải dùng nhiều chiếc, nhiều tốp mới có thể đến đánh một trọng điểm. Tổng sổ máy bay địch đến đánh trên tuyến của ta lúc cao nhất khoảng trên dưới 200 lần chiếc/ngày. Với số lượng ấy, chúng cũng chỉ có thể đến đánh được khoảng trên dưới 10 trọng điểm một ngày trong tổng số gần 50 trọng điểm trên toàn tuyến.


Thủ đoạn đánh phá trọng điểm của địch thường là: Sau khi trinh sát phát hiện nơi hiểm yếu, chúng dùng B.52 và máy bay cường kích ném bom làm đảo lộn, biến dạng địa hình và uy hiếp tinh thần của ta; tiếp theo chúng dùng máy bay cường kích đánh vào các trận địa cao xạ, rồi ném bom phá, bom nổ chậm, bom từ trường vào trọng điểm.


Trước khi trời tối, chúng cho máy bay bay thấp rải mìn vướng, bom bi, mìn lá để ngăn cản, làm chậm công tác khắc phục của công binh ta.


Sau khi gây tắc, ban đêm địch cho máy bay trinh sát thả pháo sáng liên tục trước và sau điểm tắc, rồi dùng máy bay cường kích hoặc AC. 130 đến phát hiện đánh xe ta bị ùn tắc ở đó.


Trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, muốn đánh vào một trọng điểm có hiệu quả (nguy hại nhất là để địch ném bom trúng tim đường và đường lên xuống ngầm) địch thường phải chọn đường bay bổ nhào dễ trúng mục tiêu nhất và đường rút ra sau bổ nhào, không vướng núi, chính vì vậy ta phải nghiên cứu rất kỹ thủ đoạn này của địch để bố trí trận địa bảo vệ trọng điểm.


Đối với B.52 pháo cao xạ không bắn được, ta phải làm trận địa thật vững chắc có hầm ẩn nấp, ngụy trang kín đáo. Trên các cửa khẩu, từ những năm 70 trở đi, ta kết hợp với lực lượng phòng không - không quân của Bộ, có tên lửa phòng không, pháo trung cao có khí tài và không quân tiêm kích hoạt động mới hạn chế được B.52 của địch ở các cửa khẩu và từ đường 9 trở ra.


Đối với máy bay cường kích, ta phải đưa được 1 - 2 trận địa vào chốt cách nơi hiểm yếu không quá 200m, có thể bắn đối đầu với đường bay bổ nhào để ném bom trúng mục tiêu nhất, đồng thời bố trí các trận địa chuyên bắn máy bay sau bổ nhào lách khe núi bay ra, kiên quyết bắn rơi trước khi chúng cắt bom hoặc khi chúng rút ra, buộc chúng phải chọn đường bay khác khó trúng mục tiêu hơn. Để bảo vệ các trận địa chốt, phải bố trí các trận địa chung quanh đánh máy bay đánh phá trận địa chốt. Để tiêu diệt máy bay bay thấp ném bom bi, mìn vướng, tốt nhất là bố trí súng máy 12,7mm bắn đối đầu hoặc đón bắn đường máy bay địch bay ra.


Khi địch áp dụng thủ đoạn ném bom điều khiển bằng tia la-de, ta phải công phu nghiên cứu phát hiện quy luật và tìm ra chỗ yếu của địch để bố trí đánh và phòng tránh. Ban đầu, địch dùng máy bay bay vòng quanh mục tiêu chiếu tia la-de cho máy bay cường kích bổ nhào ném bom; ta phải bố trí các trận địa chuyên bắn máy bay bổ nhào ném bom và các trận địa chuyên bắn máy bay chiếu tia la-de làm cho máy bay không ổn định để chiếu, máy bay ném bom sẽ ném chệch mục tiêu, về sau, địch cải tiến kỹ thuật dùng máy bay vừa chiếu la-de vừa ném bom. Dùng thủ đoạn này, địch thường phải bay cao trên 4.000m, lượn vòng quanh mục tiêu, đến điểm bổ nhào la-de, góc bổ nhào thường trên 40°, đường bổ nhào phải rất ổn định để chiếu la-de khoảng 10" đến 15” rồi mới cắt bom.


Để đối phó với thủ đoạn này của địch, ta phải bố trí trận địa chốt sát mục tiêu bảo vệ cách 50 đến 70m và các trận địa chung quanh cách khoảng 500m. Trận địa chốt phải làm rất chắc, sâu, góc bắn bổ nhào trên 40°, có hầm ẩn nấp ngoài trận địa pháo từ 20 đến 30m, có giao thông hào từ trận địa pháo qua hầm ẩn nấp. Khi thực hành bắn, trên pháo chốt chỉ cần để 4 pháo thủ (tầm, hướng, đường bay, nạp đạn kiêm chỉ huy); nạp sẵn 2 băng đạn. Phát hiện mục tiêu, các pháo thủ bắt mục tiêu, khi địch bổ nhào, người chỉ huy ra lệnh bắn, các pháo thủ trận địa chốt bắn một điểm xạ dài rồi nhanh chóng chạy xuống hầm ẩn nấp, các trận địa chung quanh đều bắn bình thường. Với cách đánh này, Tiểu đoàn 14 khi bảo vệ ngầm Tha Mé đã đánh có hiệu quả, địch chưa bao giờ ném bom trúng ngầm, ta cũng đã có lần bắn rơi máy bay địch, có lần bom trúng trận địa chốt hỏng pháo nhưng các pháo thủ đều an toàn. Sau ta bố trí pháo 57mm và 37mm hỗn hợp trong 1 tiểu đoàn bảo vệ trọng điểm hiệu quả, đánh địch, bảo vệ mục tiêu cao hơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:32:14 pm »

D. ĐÁNH ĐÊM

Khi có đường vận chuyển bằng cơ giới, hoạt động vận chuyển của ta chủ yếu vào ban đêm. Từ mùa khô 1970-1971, ta kết hợp vận chuyển cả đêm và ngày đêm trên đường ngụy trang "kín". Từ năm 1973 trở đi, ta lấy vận chuyển ngày là chính.


Khi ta thực hành vận chuyển đêm, địch đã kết hợp đánh ngày và đánh đêm để ngăn chặn ta. Ban ngày, địch tiến hành trinh sát, đánh phá kho tàng, bến bãi, đánh gây tắc trọng điểm. Ban đêm, chúng săn đuổi đánh xe là chủ yếu. Thủ đoạn thường dùng đánh đêm là: Trinh sát phát hiện đoàn xe đang chạy trên đường, xe bị ùn tắc lại trước sau các điểm tắc, tiếp tục đánh phá các điểm đã gây tắc ban ngày, gây cản trở việc khắc phục của ta. Khi phát hiện xe bị ùn tắc ở trọng điểm, chúng thả pháo sáng liên tục, ném bom, bắn rốc-két, bắn trọng liên. Khi phát hiện đoàn xe ta đang chạy, chúng dùng cường kích ném bom chặn lại, dùng AC. 130 bắn phá. Đối với thủ đoạn này của địch, bộ đội cao xạ ta thường dùng chiến thuật chốt ở trọng điểm kết hợp với cơ động lực lượng đến bảo vệ đội hình xe bị ùn tắc cho đến khi điểm tắc được giải toả. Để bảo vệ đoàn xe đang chạy, ta dùng chiến thuật cơ động phục kích trên những đoạn đường dễ bị địch đánh phá. Lực lượng thường dùng là từng trung đội 2 khẩu pháo kết hợp với súng máy 12,7mm do một cán bộ đại đội chỉ huy; có trường hợp dùng cả đại đội bố trí thành hai trận địa nhưng hoả lực bắn tập trung vào mục tiêu, hiệu suất bắn sẽ cao hơn. Lực lượng cơ động phục kích lấy ra ở các trọng điểm không bị đánh phá gần sáng lại cơ động về trọng điểm. Có khi lấy ở lực lượng cơ động của binh trạm hoặc của Bộ tư lệnh. Trường hợp có đoàn xe quan trọng, ta thường bố trí súng máy 12,7mm đặt ngay trên xe hàng, có khi bố trí từng đội pháo tư thế bắn trong hành tiến xen kẽ vào đội hình xe để bảo vệ trong suốt cung đường vận chuyển.


Kỹ thuật bắn đêm, kể cả bảo vệ trọng điểm hay cơ động phục kích rất phức tạp, ta không có rađa bắt mục tiêu nên bộ đội phải tăng cường luyện tập rất công phu. Ban đêm nếu địch thả pháo sáng hoặc trăng sáng rõ, pháo thủ có thể bắt được mục tiêu thì bắn theo phương pháp bình thường. Nếu không bắt được mục tiêu thì bắn theo phương pháp nghe tiếng động cơ máy bay. Người chỉ huy, trinh sát viên và pháo thủ phải công phu luyện tập để có thể nghe phân biệt được các loại máy bay, bay cao, bay thấp, xa hay gần, bay thẳng đến hay bay chếch, tốc độ nhanh hay chậm, bổ nhào hay bay bằng, lượn vòng, thời cơ cắt bom... để quyết định phần tử và thời cơ bắn. Đánh địch, bảo vệ trọng điểm để công binh khắc phục thông đường và bảo vệ xe đang vận chuyển trên đường ban đêm là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhất của bộ đội phòng không Trường Sơn. Bộ đội phòng không đã phải thường xuyên trinh sát nắm địch, làm công tác chuẩn bị trận địa và huấn luyện bộ đội giỏi, chuẩn bị vũ khí phương tiện xe cộ tốt nên đã có nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc mục tiêu và bắn rơi máy bay địch ban đêm, có nhiều chiếc rơi tại chỗ. Tính đến tháng 1 năm 1973, máy bay địch bị bắn rơi ban đêm chiếm 11,6% tổng số máy bay địch bị bắn rơi trên toàn tuyến.


E. ĐÁNH MÁY BAY ĐẾN CỨU GIẶC LÁI VÀ ĐỔ BỘ QUÂN

Khi ta bắn rơi máy bay, giặc lái còn sống nhảy dù, địch thường tổ chức đến cứu. Đây là một thời cơ để ta có thể tiêu diệt thêm nhiều máy bay của địch. Khi biết có giặc lái nhảy dù, địch cho máy bay trinh sát đến xác định vị trí giặc lái nhảy xuống và liên lạc với giặc lái. Tiếp theo, chúng thường cho máy bay AD.6 đến ném bom bắn phá xung quanh khu vực giặc lái để khống chế lực lượng không cho ta đến bắt giặc lái và khống chế lực lượng cao xạ của ta gần khu vực chúng đến cứu; dùng máy bay trực thăng đến liên lạc với giặc lái, hướng dẫn giặc lái ra nơi có thể hạ trực thăng xuống cứu.


Để đánh bại thủ đoạn này của địch, đơn vị bắn rơi máy bay cần xác định khu vực địch nhảy dù, báo ngay cho bộ đội công binh hoặc binh trạm gần khu vực giặc lái nhảy xuống để cơ động đến vây bắt và sẵn sàng huy động tất cả các loại vũ khí để bắn máy bay thấp đến cứu giặc lái.


Bộ đội cao xạ nhanh chóng cho cơ động lực lượng đến gần khu vực có giặc lái nhảy dù, bắn các loại máy bay trinh sát, AD.6 và dự đoán đường bay đến và khu vực địch có thể hạ trực thăng cứu giặc lái, để cơ động lực lượng đến đánh. Lực lượng cơ động có thể dùng trung đội pháo 2 khẩu 37mm, thậm chí 1 khẩu trên xe cõng súng máy 12,7mm nhanh chóng cơ động đến triển khai bắn tất cả các loại máy bay đến cứu giặc lái. Bằng chiến thuật này, ngày 19 tháng 4 năm 1969, Tiểu đoàn 36 Binh trạm 42 đã bắn rơi thêm 22 máy bay địch. Ngày 5 tháng 3 năm 1971, Tiểu đoàn 24 Trung đoàn 591 đã bắn rơi 20 máy bay ở đường 9 và Tiểu đoàn pháo 37 Binh trạm 39 đã bắn rơi 6 chiếc AD.6 ở Thác Hài.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:33:06 pm »

G. ĐÁNH MÁY BAY AC.130

Máy bay AC. 130 là loại máy bay vận tải hạng trung của Mỹ, loại máy bay này có tính năng bay ổn định thời gian bay lâu (7 - 8 tiếng/lần), tốc độ tương đối chậm, chở được nhiều, nên Mỹ đã cải tiến, trang bị vũ khí và máy móc điện tử, dùng làm máy bay chiến đấu chuyên săn đuổi đánh xe ta ban đêm trên đường vận chuyển. Mùa khô 1966-1967, máy bay AC. 130 được trang bị pháo liên thanh 20mm bắn cả ban ngày, ban đêm, chủ yếu bắn đêm, chúng phát hiện mục tiêu bằng ánh sáng trắng, thả pháo sáng, bằng quan sát ánh đèn xe, từng bước chúng trang bị máy khuếch đại ánh sáng mờ, rồi rađa hồng ngoại; đến mùa khô 1969-1970, chúng trang bị máy thu tín hiệu tia lửa điện của ô tô, rồi tự động điều khiển pháo liên thanh 40mm bắn xe ta đang chạy, kể cả xe chạy trên đường "kín" và đường mới mở, với độ chính xác khá cao. Máy bay AC. 130 đã gây cho ta nhiều thiệt hại và uy hiếp tinh thần lái xe ta.


Chống lại AC. 130 của địch, cơ quan tham mưu phòng không Trường Sơn đã tích cực nghiên cứu và từng bước tìm ra được các biện pháp đánh và phòng tránh có hiệu quả.


Để đánh lại địch trên các trọng điểm máy bay AC. 130 hay đến bắn phá, ta bố trí các trận địa pháo 37mm và súng máy trên các cao điểm và tích cực bắn khi chúng bay tới, nhưng hiệu quả không cao, một phần vì chúng bay cao vút tầm pháo 37mm và súng máy; phần vì vòng lượn của AC. 130 rất hẹp, khó bắn đón, nhưng vẫn phải tích cực bắn để chúng không dám hạ thấp độ cao, hạn chế phần nào hoạt động của chúng. Từng bước rút kinh nghiệm, ta cũng tìm ra được nhược điểm của chúng là muốn bắn trúng mục tiêu phải hạ thấp độ cao. Từ đó, ta chọn thời cơ AC. 130 hạ thấp độ cao hoặc lúc chúng bay thẳng chuyển mục tiêu để bắn, nên cao xạ ở khu vực ngầm Bạc đã bắn trúng 1 chiếc AC. 130, về đến căn cứ mới rơi. Ngoài ra, sau 2 năm trên tuyến, Mỹ công nhận có 10 chiếc AC. 130 đã bị trúng đạn pháo 37mm nhưng về được căn cứ. Mùa khô 1969-1970, chúng cải tiến kỹ thuật bắt mục tiêu và trang bị pháo 40mm và 150mm nâng độ cao bay trên tầm pháo 37mm đã gây cho ta nhiều khó khăn hơn. Để đối phó lại, ta phải dùng biện pháp tổng hợp kết hợp giữa đánh và phòng tránh tích cực tăng tỷ lệ pháo 57mm.

1. Đánh địch: Lực lượng phòng không Trường Sơn được trang bị thêm pháo 57mm và trung cao có khí tài rađa và có cả lực lượng phòng không và không quân tiêm kích của Bộ phối hợp bố trí đánh địch trên các cửa khẩu đã bắn rơi 2 chiếc AC. 130 (1 chiếc rơi tại chỗ) ngày 27 và 29 tháng 3 năm 1972, nên đã loại trừ được AC. 130 địch hoạt động từ Nam đường 9 trở ra.


2. Phòng tránh: Lực lượng công binh làm đường "kín" cho xe chạy ban ngày, biện pháp này đã loại trừ hẳn được AC. 130 đánh trên toàn tuyến ban ngày.

Để bảo đảm xe chạy ban đêm, ta đã bố trí một hệ thống các đài quan sát mắt và nghe tiếng động cơ máy bay trên các núi cao có hệ thống thông tin thông báo báo động máy bay AC. 130 hoạt động về sở chỉ huy và các binh trạm sở chỉ huy có bản tiêu đồ đánh dấu khu vực có AC. 130 hoạt động, kịp thời thông báo cho các trạm điều chỉnh giao thông ngăn xe, tắt máy tạm ngừng chạy, ẩn nấp vào các đường "xương cá", Các lực lượng cao xạ phục kích trên đường tích cực bắn AC. 130, lái xe đang chạy nghe cao xạ bắn cũng tạm ngừng ẩn nấp. Xe trên khu vực khác chưa có AC. 130, tăng tốc chạy bình thường. Các xe vận tải được che chắn bằng các bó tre nứa chung quanh và trên mũi xe, hạn chế sức công phá của pháo địch. Được mặc áo giáp và đội mũ sắt chống đạn làm cho bộ đội lái xe cũng an tâm hơn khi chạy trên đường. Biện pháp này rất có hiệu quả, đã hạn chế nhiều thiệt hại do AC. 130 bắn phá.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:34:16 pm »

H. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

Cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta của đế quốc Mỹ đã bước sang năm 1971, địch ngày càng thất bại, sa lầy trên các chiến trường; tất cả các thủ đoạn ngăn chặn bằng không quân, chất độc hoá học, hàng rào điện tử, biệt kích thám báo trên tuyến vận chuyển chiến lược đều thất bại; miền Nam ta càng đánh càng thắng to. Năm 1970, chúng thực hiện đảo chính ở Campuchia, lật đổ Xihanúc, hòng cắt đứt con đường tiếp tế cho B2 của ta cũng bị thất bại. Để thực hiện "Việt Nam hoá chiến tranh", đế quốc Mỹ đã thúc ép bọn ngụy mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" ra Đường 9 - Nam Lào, phối hợp với ngụy Lào ở phía Tây hòng cắt đứt hoàn toàn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của ta. Chúng đã huy động 16 lữ đoàn bộ binh, hàng chục tiểu đoàn pháo binh và thiết giáp, xe tăng yểm trợ cùng với một lực lượng không quân lớn của Mỹ, ngụy chi viện, chở quân (gồm 45 chiếc B.52, 300 máy bay chiến thuật, 800 trực thăng, 100 máy bay vận tải, đã xuất kích 1.295 lần/chiếc B.52, 2.245 lần/chiếc cường kích, 4.027 lần/chiếc trực thăng). Ngày 8 tháng 2 năm 1971, chúng dùng hàng trăm lần/chiếc B.52 và máy bay cường kích ném bom dọn bãi ở khu vực Bản Đông; đồng thời hành quân bộ từ Lao Bảo - đường 9 ra Bản Đông và đổ bộ trực thăng xuống các cao điểm Bắc Nam Bản Đông, mở đầu cho chiến dịch "Lam Sơn 719".


Các lực lượng của ta dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đã phán đoán đúng âm mưu của địch và đã có sự chuẩn bị sớm từ tháng 10 năm 1970: thành lập Bộ tư lệnh chiến trường, hiệp đồng tác chiến giữa các sư đoàn bộ binh với các quân - binh chủng, chuẩn bị đường sá, hậu cần rất chu đáo.


Sáng ngày 1 tháng 2 năm 1971, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã được biết ngày giờ, địa điểm địch sẽ thực hành mở chiến dịch và cử ngay một Bộ tư lệnh tiền phương đến Bản Đông để tổ chức và chỉ huy các lực lượng tại chỗ. Chuẩn bị thế trận tại chỗ, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã nhanh chóng sơ tán kho tàng vào nơi an toàn; chuyển các binh trạm ở Bắc - Nam đường 9 cùng các lực lượng phòng không của Trường Sơn thành 7 khu vực tác chiến tại chỗ:

1. Khu vực Bản Đông;

2. Khu vực Chà Lỳ, Mường Trương;

3. Khu vực Tam Luông, Pe Luông;

4. Khu vực Thà Khống;

5. Khu vực Sa Đi - Mường Noòng.

6. Khu vực Tha Mé, Na Bo;

7. Khu vực La Hạp.

Mỗi khu vực có từ 2 tiểu đoàn cao xạ, 2 - 3 đại đội, đến trung đoàn cao xạ. Ở đường 16 Bắc Bản Đông còn có Trung đoàn tên lửa phòng không và Trung   đoàn   cao xạ 230 (pháo 57mm) của Bộ.


Khi địch đổ bộ, lực lượng tại chỗ của Bộ tư lệnh Trường Sơn đánh rất tốt, từng bước ngăn chặn, giữ chân địch để chủ lực đánh những trận then chốt tiêu diệt từng tiểu đoàn, thiết đoàn, căn cứ lữ đoàn địch. Đặc biệt, bộ đội phòng không ngay từ những ngày đầu đã bắn rơi 50 trực thăng của địch, điển hình như đại đội 12,7mm của Tiểu đoàn công binh 75 ngày 8 tháng 2 năm 1971 đã bắn rơi 10 trực thăng. Ngày 11 tháng 2 năm 1971, Đại đội 4 Tiểu đoàn cao xạ 4 bắn rơi 8 trực thăng.


Ngoài việc bắn máy bay trực thăng địch đổ bộ, bộ đội phòng không Trường Sơn đã áp sát các cứ điểm địch, bắn chi viện cho bộ binh và xe tăng ta tiến công rất có hiệu lực, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng ta diệt cứ điểm địch. Bị bao vây ngăn chặn ở Bản Đông, địch không thể dùng đường bộ tiến về Sê Pôn được, chúng cho 2 trung đoàn của sư đoàn 1 ngụy đổ quân bằng trực thăng xuống các cao điểm Nam sông Sê Băng Hiên. Nơi đây toàn là bãi đá, không có quân ta bố trí, nhưng cũng không thể chiếm được Sê Pôn. Địch cho 1 đội biệt kích vào thị trấn Sê Pôn đã bỏ hoang từ lâu tổ chức quay phim, chụp ảnh rồi tung dư luận lừa gạt là đã chiếm được Sê Pôn. Bảo vệ khu vực Sê Pôn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã sớm chủ động thành lập một Bộ tư lệnh Trường Sơn ở phía Tây do Phó Tư lệnh Nguyễn Hoà và Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện trước khi chúng định đổ bộ chiếm đèo Tha Mé, Nam Sê Pôn, đó là một địa điểm rất mạnh vận chuyển hàng vào miền Nam. Ở khu vực Sê Pôn, ta có Sư đoàn bộ binh 2 của Quân khu 5 phối thuộc và 1 tiểu đoàn xe tăng của Bộ bố trí trên đường 9, Bắc Sê Pôn. Lực lượng phòng không khu vực này ta có 12 tiểu đoàn cao xạ và súng máy 12,7 của các binh trạm chung quanh. Trực tiếp giữ đèo Tha Mé, lực lượng bộ binh ta có Trung đoàn 48 độc lập mới cơ động từ sân bay Sê Nô (Lào) về, lực lượng phòng không có Tiểu đoàn 14 anh hùng và Tiểu đoàn 20 đi cùng các đại đội súng máy của công binh trực tiếp giữ đèo.


Địch đổ bộ xuống đèo Tha Mé, lực lượng cao xạ ta đánh tốt, đã bắn rơi 10 trực thăng đổ bộ, trong đó có 1 "cần cẩu bay". Không đổ bộ được xuống Tha Mé, địch đổ bộ xuống đèo Yên Ngựa, các cao điểm 748, 723 phía Đông đèo Tha Mé. Sư đoàn bộ binh 2 phối thuộc cơ động sang diệt địch ở đèo Yên Ngựa, cao điểm 748 rồi đến 723. Tiếp theo, sư đoàn cùng các lực lượng khác của Bộ đội Trường Sơn diệt cao điểm 660, 651 và bao vây chúng ở Bản Đông cho đến hết chiến dịch. Lực lượng cao xạ Trường Sơn đã cơ động áp sát chi viện cho bộ binh ta tiến công các cao điểm rất có hiệu quả. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thành công rất tốt đẹp. Riêng lực lượng phòng không Trường Sơn đã đánh 481 trận diệt 356 máy bay, trong đó có 310 trực thăng. Điển hình là Tiểu đoàn 24, ngày 5 tháng 3, đã bắn rơi 20 máy bay, cả chiến dịch Tiểu đoàn 24 đã bắn rơi 76 máy bay.


Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào được đánh giá là một chiến dịch phản công điển hình trong lý luận và thực tiễn của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó nổi lên là vai trò của các lực lượng tại chỗ. Các binh chủng Bộ đội Trường Sơn giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân địch, tạo thế triển khai lực lượng chủ lực cơ động Đông và Tây Trường Sơn đánh các trận then chốt và then chốt quyết định giành thắng lợi cho chiến dịch.


Hệ thống phòng không Trường Sơn đã giữ một vai trò rất quan trọng có tính chất quyết định trong việc bắn rơi nhiều trực thăng địch, đánh bại thủ đoạn đổ bộ đường không bằng trực thăng của chúng, bảo vệ binh chủng hợp thành chiến đấu, đặc biệt là ở khu vực Bản Đông và Sê Pôn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:35:04 pm »

I. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG TRONG CÁC CHIẾN DỊCH CỦA BỘ

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc và Lào, từng bước rút quân viễn chinh ở miền Nam, nhưng chúng vẫn duy trì một lực lượng máy bay để chi viện cho quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng của ta, phá Hiệp định Pari. Quân ngụy còn nhiều máy bay nhưng máy bay chiến đấu ít (510/1.850) hoạt động đánh phá trên tuyến vận chuyển của ta giảm hẳn, chủ yếu là trinh sát bằng các loại RF.4, OV.10, L.19, C.47, KNL..., số lượng khoảng 15 đến 20 lần/chiếc/ngày, chụp ảnh, quan sát mắt và trinh sát vũ trang. Khi phát hiện ta có vận chuyển lớn, chúng vẫn dùng B.52 hoặc từng tốp nhỏ cường kích đánh phá, nhưng không hình thành trọng điểm, số lượng cao nhất trong ngày khoảng 30 đến 50 lần/chiếc; đánh đêm giảm hẳn, chúng tránh đối đầu với lực lượng cao xạ ta. Tuy nhiên, nếu ta sơ hở, thiếu sẵn sàng chiến đấu chúng vẫn bất ngờ đánh vào trận địa cao xạ.

Về ta: Từng bước chuyển tuyến vận chuyển chiến lược từ bên Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn. Hoàn thành đường Đông Trường Sơn có tiêu chuẩn cấp 4 miền núi trên đất ta từ Quảng Bình đến Nam Bộ thành mạng đường liên hoàn Đông - Tây Trường Sơn dài 17.000km. Các Bộ tư lệnh khu vực chuyển thành các sư đoàn hỗn hợp, tham gia các chiến dịch bảo đảm đường sá và vận chuyển với quy mô lớn giao hàng cho các chiến trường chuẩn bị đón thời cơ chiến lược lớn. Các tiểu đoàn cao xạ của các binh trạm hình thành các trung đoàn cao xạ trong sư đoàn khu vực sẵn sàng cơ động trên toàn tuyến. Tổng số có 1 sư đoàn, 30 tiểu đoàn, 105 đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ cả 2 tuyến Đông, Tây, cụ thể: Sư đoàn 377 có 5 trung đoàn triển khai tuyến Đông Trường Sơn từ đường 9 vào đến Trao, bến Giàng. Bốn trung đoàn của 4 sư đoàn khu vực triển khai bảo vệ tuyến Tây Trường Sơn, trong đó có Trung đoàn 546 từ tháng 5 năm 1973 chuyển sang phía Đông triển khai ở phà 8 Ya Đrăng bảo vệ tuyến vận chuyển phía Nam.


Các lực lượng phòng không ta một mặt vẫn triển khai sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch; một mặt ra sức huấn luyện nâng cao sức chiến đấu, sửa chữa bảo dưõng vũ khí trang bị, xe cộ, sẵn sàng làm lực lượng dự bị chiến lược cơ động chi viện cho các chiến trường.

Việc đánh máy bay địch, nhiều đơn vị do tích cực nghiên cứu nắm được quy luật hoạt động của chúng, sẵn sàng chiến đấu tốt nên đã bắn rơi máy bay địch như: Tiểu đoàn 12 Trung đoàn 565 ngày 6 tháng 2 năm 1974 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc 0.2 và 1 chiếc D6; Tiểu đoàn 100 trong 2 ngày bắn rơi liên tục 3 máy bay địch, v.v... Tuy nhiên, có đơn vị do sơ hở mất cảnh giác, thiếu sẵn sàng chiến đấu để địch đánh vào trận địa tổn thất như Đại đội 18 Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 232,...


Tháng 5 năm 1974, Tiểu đoàn 112 Trung đoàn 545 được phái đi chi viện cho bộ binh ta đánh Đắc Pét thắng lợi, sau đó vào bảo vệ sân bay Đắc Pét.

Hai năm 1973-1974, địch hoạt động trên các tuyến giảm hẳn, không gây được cản trở cho công tác vận chuyển của ta. Ta đã đánh 115 trận (có 1 trận đêm) bắn rơi 10 máy bay (7 chiếc rơi tại chỗ), nhưng còn nhiều đơn vị do nghiên cứu địch không kỹ, phương án tác chiến quá sơ sài, tổ chức chỉ huy thiếu chặt chẽ còn bỏ lỡ nhiều thời cơ tiêu diệt địch, hiệu suất chiến đấu không cao.


Bước sang mùa khô 1974-1975, nhiệm vụ chi viện chiến trường ngày càng đòi hỏi lớn, địch có thể tăng cường hoạt động đánh phá ngăn chặn. Bộ đội phòng không vẫn phải sẵn sàng chiến đấu trên cả hai tuyến Đông - Tây, mặt khác phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia các chiến dịch binh chủng hợp thành và chuyển thuộc cho các chiến trường trực tiếp bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ đội hợp thành. Bảo vệ vận chuyển vẫn phải vận dụng linh hoạt sáng tạo hai hình thức chặt chẽ các trận đánh tập trung cỡ tiểu đoàn và trung đoàn trong bảo vệ vận chuyển và bảo vệ bộ đội hợp thành chiến đấu.


Chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chuyển thuộc Trung đoàn 232 cho mặt trận Tây Nguyên. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 595 hành quân cấp tốc chuyển thuộc cho Nam Bộ. Sư đoàn 377 tiến sâu vào phía Nam. Sư đoàn 375 Quân chủng Phòng không - Không quân vào triển khai ở khu vực Hướng Hoá thay Sư đoàn 377. Thời gian này, địch tăng cường đánh phá sự chuẩn bị chiến dịch tiến công của ta trên các mặt trận.
   

Sau ngày 18 tháng 3, khi ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Plây Ku, địch chuyển sang đánh các kho tàng cũ của chúng và các cầu đường khu mới giải phóng. Sư đoàn 377 cơ động vào bảo vệ Kon Tum, Plây Ku, Buôn Ma Thuột và tiến xuống đường 1A. Trung đoàn 528 bảo vệ Cam Ranh, Trung đoàn 527 bảo vệ Nha Trang, Trung đoàn 232 tham gia chiến dịch Tây Nguyên, bảo vệ tốt cho binh chủng hợp thành chiến đấu đã cùng các trung đoàn 234, 593 bắn rơi 51 máy bay (19 rơi tại chỗ) bắn cháy 11 chiếc khác. Các trung đoàn 545, 591, 218 chuyển thuộc cho B2 chỉ huy. Khi các chiến trường đánh lớn, không quân hầu như ngừng hoạt động trên tất cả các tuyến vận chuyển.


Các lực lượng phòng không bảo vệ tuyến vận chuyển mùa khô 1974-1975 đã đánh 64 trận (15 trận đêm) bắn rơi 4 máy bay chi viện đắc lực cho đội hình vận chuyển, bảo vệ an toàn các trọng điểm giao thông quan trọng, giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược từ hậu phương đi các chiến trường thông suốt liên tục.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2021, 02:35:40 pm »

J. BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN THAM GIA CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Ngày 11 tháng 3 năm 1975, sau khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã lệnh cho Sư đoàn 377 hành quân ngay vào Tây Nguyên và chỉ mấy ngày sau cơ quan sư đoàn bộ đã vào Kon Tum; các trung đoàn 218 và 591 cũng được lệnh lên đường và ngày 19 tháng 3 năm 1975 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 218 và Trung đoàn 591 cũng được lệnh lên đường và ngày 19 tháng 3 năm 1975 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 218 đã kịp thời triển khai đội hình bảo vệ cầu Đăk La ở Kon Tum, chống lại cuộc không kích của 8 máy bay A37 đến đánh, một quả bom xuyên qua mặt cầu không nổ, toán máy bay địch bất ngờ bị đánh, đội hình chững lại, bom ném đều cách cầu trên 100m, cầu giữ được an toàn để các đơn vị Quân đoàn 3 tiếp tục truy kích địch. Trung đoàn 218 vào thay Sư đoàn bộ binh 968 tiếp quản Kon Tum giải phóng. Trung đoàn 591 vào tiếp quản Plây Ku và cơ quan sư đoàn bộ cũng chuyển sang Plây Ku vào những ngày cuối tháng 3 nàm 1975. Lúc này, Trung đoàn 545 ở bến Giàng được Bộ tư lệnh Trường Sơn giao trực tiếp nhiệm vụ bảo vệ Quân đoàn 2 cùng với lực lượng tỉnh Thừa Thiên hành tiên đánh địch trên đường 1A dọc theo miền duyên hải. Nhưng sau đó lại được lệnh trở về đội hình sư đoàn. Đơn vị đã vượt qua 1.000km về Bù Đăng ngày 18 tháng 4. Đầu tháng 4, sư đoàn nhận lệnh trực thuộc Bộ tư lệnh chiến dịch làm nhiệm vụ phòng không dự bị, có nhiệm vụ bảo vệ các cầu, ngầm, bến vượt an toàn cho đội hình của Quân đoàn 1 tiếp cận Sài Gòn từ phía Bắc và Đông Bắc, Quân đoàn 3 tiếp cận từ Tây Bắc. Lúc này, trong biên chế Quân đoàn 2 đã có Sư đoàn phòng không 673, Quân đoàn 1 đã có Sư đoàn phòng không 367, còn Quân đoàn 3 có Trung đoàn 234. Tình hình đang diễn biến mau lẹ; điện: thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, giải phóng miền Nam... của Bộ Tổng tư lệnh đã được truyền đạt đến các đơn vị. Nhiều đơn vị để lại xe pháo hỏng dọc đường, cử người trông, lấy xe Gát 63 kéo pháo 57 (nặng trên 4 tấn) vượt khả năng kéo của xe thế mà cứ băng băng xốc tới; đường sá, địa hình chưa hề biết vừa hành quân vừa tìm trận địa bố trí chiến đấu theo những mệnh lệnh luôn luôn thay đổi. Trong những ngày này, tuy không quân địch đã yếu đi nhiều, không sử dụng hết các sân bay như trước, nhưng vẫn có những hoạt động bắn phá và vẫn có các trận đánh của Trung đoàn 545 bảo vệ cầu 38, Trung đoàn 218 bảo vệ cầu Cây Cái, Trung đoàn 591 bảo vệ cầu Bến Củi, giữ an toàn cho Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 vào chiếm lĩnh khu vực, bao vây Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Nhưng ngày 25 tháng 4, 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 218 trên đường hành quân đã bị một tốp A37 ném bom toạ độ làm 6 chiến sĩ hy sinh, 1 pháo hỏng.


Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các trung đoàn đều đã cơ động về chiếm lĩnh trận địa xung quanh Sài Gòn: Trung đoàn 218 từ Đồng Xoài về ngầm Sông Bé áp sát Biên Hoà, bảo vệ trận địa một tiểu đoàn của Trung đoàn 263 tên lửa ở Cây Gáo; Trung đoàn 591 ở cầu Võ Tùng, cầu Bến Củi, bảo vệ cụm pháo binh ở Bến Cát.


Lúc này, không quân địch đã hầu như tê liệt, các sân bay bị pháo binh ta không chế, nhưng ngày 26 tháng 4, Trung đoàn 591 vẫn có trận chiến đấu đánh trả các tốp F.5 và A.37 ở cầu Bến Củi, mãi đến ngày 28 tháng 4 sau trận không quân ta dùng máy bay chiếm được của địch tấn công Tân Sơn Nhất, pháo binh 130mm từ Nhơn Trạch nã vào sân bay thì hoạt động của không quân địch mới ngừng. Ngày 29 tháng 4, Trung đoàn 545 vào Đồng Dù rồi sang khu vực Trảng Bàng, Củ Chi. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, các quân đoàn đồng loạt từ các hướng tổng tiến công vào nội đô. Lúc này, sở chỉ huy Sư đoàn 377 ở Tri Tâm. Khoảng gần 12 giờ hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ trong sở chỉ huy sư đoàn qua đài phát thanh vui sướng, xúc động nghe lòi tuyên bố đầu hàng của tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn kết thúc. Sáng 1 tháng 5 năm 1975, sở chỉ huy Sư đoàn 377 tiến về Hóc Môn.


Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị cao xạ Trường Sơn lần lượt chuyển thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ các thành phố mới giải phóng.

Nhìn lại chặng đường 16 năm trưởng thành của bộ đội phòng không Trường Sơn đã từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Nghệ thuật sử dụng lực lượng với quy mô nhỏ từng đại đội đến tiểu đoàn, trung đoàn, đến quy mô lớn cấp sư đoàn; nghệ thuật tác chiến cũng luôn được phát triển, phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Phòng không - Không quân trong các chiến dịch vận chuyển quy mô lớn ở các cửa khẩu, thông thạo các hình thức chiến thuật, đánh ngày đánh đêm; bảo vệ trọng điểm, cơ động phục kích, đánh trong hành tiến, bảo vệ đội hình chiến đấu trong các chiến dịch binh chủng hợp thành của Bộ. Đánh bại các âm mưu, thủ đoạn, các hình thức chiến thuật của địch, bắn rơi nhiều máy bay địch.


Bộ đội phòng không Trường Sơn giữ một vai trò rất quan trọng, đã hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ: Bảo vệ đắc lực tuyến chi viện chiến lược, phối hợp với các binh chủng khác, quân và dân bạn và các chiến trường chống chiến tranh xâm lược, tham gia chiến đấu các chiến dịch trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2021, 08:12:05 am »

BỘ BINH CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN


HOÀNG XIỂN
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng - Đảng ủy Binh đoàn 12,
nguyên Phó phòng Cán bộ mặt trận Trung - Hạ Lào



Lực lượng bộ binh thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn có ba nhiệm vụ:

- Bộ binh chiến trường Trường Sơn là lực lượng chủ lực phối hợp với quân và dân Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, các chiến trường của ta, các binh chủng trên chiến trường Trường Sơn giúp bạn đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở chiến trường Trung - Hạ Lào.

- Là chủ lực phối hợp với các lực lượng trên, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ vào tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh.

- Là một bộ phận dự bị chiến lược tại chỗ, tham gia các chiến dịch lớn trên chiến trường miền Nam.

Để hoàn thành ba nhiệm vụ trên, bộ binh thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thừa kế truyền thống đoàn kết chiến đấu, cùng chung chiến trường, chung chiến hào trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ba nước. Đơn cử một trong nhiều sự kiện đoàn kết phối hợp chiến đấu có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước anh em là chiến dịch Điện Biên Phủ, hai nước anh em Lào - Việt chọn Trung - Hạ Lào là một trong các hướng chiến dịch phối hợp trọng yếu kìm giữ lực lượng của địch, 2 đại đoàn chủ lực quân Việt Nam cùng với Trung đoàn 280 tình nguyện Trung Lào đã phối hợp chặt chẽ với quân, dân Trung - Hạ Lào mở chiến dịch vận động tập kích vào lực lượng chủ lực của Pháp và ngụy Lào, ngụy Campuchia, nhanh chóng tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, giải phóng nhiều tỉnh của bạn từ suốt đường số 8 xuống đến Đông Bắc Campuchia. Sau khi ta giải phóng thị xã Thà Khẹt, thực dân Pháp vội vã đưa 2 binh đoàn Âu - Phi ở đồng bằng Bắc Bộ sang ứng cứu và chôn chân tại đó. Đòn phối hợp đó đã góp phần thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải chấp nhận đàm phán chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ được ký, ba nước trên bán đảo Đông Dương được thừa nhận nền độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia.


Đế quốc Mỹ không thừa nhận Hiệp định Giơnevơ, đã thay chân thực dân Pháp tiếp tục xâm lược miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào.

Một lần nữa, ba nước anh em lại đoàn kết giúp nhau cùng chiến đấu, chung chiến trường, chung chiến hào chống kẻ thù chung. Lần này, nhiệm vụ chiến đấu nặng nề hơn các lần trước, bởi kẻ thù giàu mạnh bậc nhất thế giới. Nhưng, cũng có thuận lợi lớn, theo Hiệp định Giơnevơ, nước nào cũng có vùng giải phóng rộng lớn. Riêng Việt Nam có cả nửa nước giải phóng hoàn toàn, có chủ quyền độc lập tự do của một quốc gia, trở thành một hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước bạn. Từ đây, công cuộc tổ chức chi viện cho các chiến trường đã trở thành vấn đề chiến lược.


Thực hiện Nghị quyết 15 (1-1959) của Trung ương Đảng, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức tuyến chi viện chiến lược 559 Trường Sơn.

Những năm đầu mới chỉ có con đường mòn đi bộ ở Đông Trường Sơn, làm nhiệm vụ giao liên và một phần gùi thồ vũ khí nhẹ cho miền Nam, nhưng do địa hình quá phức tạp, địch lại tập trung ngăn chặn nên tuyến đường không phát triển được.


Ở Tây Trường Sơn, địa hình tương đối tốt hơn, địch yếu hơn. Được sự thoả thuận của ba Đảng, ba nước anh em, tuyến chi viện được phép lật cánh sang sườn Tây Trường Sơn để mở đường vận tải cơ giới. Bộ đội tình nguyện Việt Nam do Quân khu 4 phụ trách, đang hoạt động ở Trung - Hạ Lào được lệnh phối hợp với quân, dân bạn đánh địch, giải phóng hành lang Tây Trường Sơn từ Lạc Sao thuộc tỉnh Bu Li Khăm Xay trên đường 8 cho đến Đông Bắc Campuchia. Đoàn 559 mở tuyến đường vận tải ô tô, lúc đầu chỉ hoạt động quy mô nhỏ.


Cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ do đế quốc Mỹ điếu khiển đã diễn ra ở Lào, chúng mở các cuộc tiến công vào vùng giải phóng của ta ở Trung - Hạ Lào, đưa cuộc "chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào lên một bước mới.


Quân ủy Trung ương ta và bạn chủ trương tăng cường lực lượng quân sự ở Trung - Hạ Lào nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng và mở rộng căn cứ địa hành lang cả chính diện và chiều sâu, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược.


Đầu năm 1965, Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho Quân khu 4 thành lập mặt trận Nam Lào (thống nhất Quân khu Hạ Lào và Trung Lào thành Quân khu Nam Lào). Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam lấy tên là Đoàn 565, có các trung đoàn và các tiểu đoàn độc lập, đã đứng chân ở Trung - Hạ Lào từ những năm trước, lực lượng được tổ chức chặt chẽ, tăng cường đặc công, pháo binh, công binh, thông tin đủ sức mạnh để phối hợp với Quân khu Nam Lào tác chiến. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Chính ủy Quân khu 4 được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cử làm Chính ủy kiêm Tư lệnh mặt trận.


Đầu năm 1966, Đoàn 565 mở chiến dịch tác chiến tiêu diệt một loạt cứ điểm của địch, mở rộng vùng giải phóng từ đường 8 Bu Li Khăm Xay đến đường 12 Khăm Muộn, đường 9 Xa Vẳn Na Khẹt vào Đông Sa Ra Van, Tà Ven Oọc, Át Ta Pư, phát triển sâu vào đường 13, Pha Lan... bảo vệ vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị phát triển chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân lên một bước mới. Cuối năm 1966, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên về nước, đồng chí Hà Tuấn Khanh - Phó Tư lệnh, đồng chí Trần Quyết Thắng - Phó Chính ủy tiếp tục chỉ huy đơn vị mở các đợt tiến công mùa khô 1967-1968, giải phóng thị trấn Pha Lan, Tùm Lan, Lào Ngam, Bản Phồn, Mường Cầu, Tha Teng, Át Ta Pư, mở rộng chính diện và chiều sâu tuyến hành lang chiến lược từ đường 128, đường 23 Trung Lào xuống Hạ Lào đến tận Ngã ba Biên giới.


Phương thức tác chiến trong thời kỳ này, mặt trận lấy đơn vị tiểu đoàn làm đơn vị độc lập chiến đấu và thực hiện chiến thuật: "Kết hợp chốt giữ và cơ động linh hoạt". Xuất phát từ lực lượng của địch và tuyến bảo vệ rất dài, đã bố trí Tiểu đoàn 5 phụ trách khu vực Pha Lan, Tiểu đoàn 4 phụ trách Tùm Lan - đường 23, Tiểu đoàn 1 phụ trách Sa Ra Van - Lào Ngam, Tiểu đoàn 2 phụ trách Tha Teng, Lào Ngam, tiểu đoàn 3 Át Ta Pư. Tiểu đoàn 46, Tiểu đoàn đặc công S4 là đơn vị cơ động.


Xuất phát từ nhận định địch không thể tiến hành lấn chiếm đồng loạt trên toàn tuyến, chỉ có khả năng nống ra trên một vài địa bàn. Khi gặp địch nống ra trên một địa bàn nào đó thì đơn vị chốt chống trả kịp thời, các đơn vị cơ động đến quét địch ra khỏi địa bàn, cần mở thêm vùng giải phóng nào đó thì tập trung lực lượng lại để thực hiện.

Nhờ có phương thức tác chiến thích hợp nên đã giành thắng lợi trong giải phóng đất đai cũng như bảo vệ tốt căn cứ chiến lược và tuyến vận chuyển chiến lược được an toàn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM