Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:40:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến  (Đọc 3878 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:29:31 pm »

CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
NƠI HỘI TỤ SỨC MẠNH TỔNG HỢP ĐỂ THẮNG MỸ


TRƯỜNG SƠN
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ
Bộ tư lệnh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh


Đế quốc Mỹ nuôi dã tâm xâm lược Việt Nam và Đông Dương từ lâu. Mỹ phản đối và không ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử; hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam Việt Nam; giúp ngụy quyền Ngô Đình Diệm tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương chống cách mạng miền Nam và tiếp đó tiến hành cuộc "Chiến tranh đặc biệt" phát triển đến mức cao nhất và bị nhân dân miền Nam đánh bại.


Trong bối cảnh đó, đế quốc Mỹ quyết định thay đổi chiến lược và thi hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", đưa quân viễn chinh Mỹ và quân đội một số nước chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam trên quy mô lớn; đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc; tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện trên đường Trường Sơn. Tính toán chiến lược của Mỹ không chỉ giới hạn ở mức cứu vãn sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền tay sai mà chủ yếu là giành thắng lợi quyết định về chiến lược nhanh chóng đảo lộn thế cờ. Các nhà chiến lược của Mỹ tin chắc rằng giáng một đòn bằng quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam, không quân Mỹ đánh miền Bắc, ngăn chặn ác liệt chi viện của miền Bắc vào miền Nam để có thể đè bẹp cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, kết thúc chiến tranh.


Vì thế, Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ quân viễn chinh Mỹ, lúc cao nhất đến 58 vạn, gồm đủ hải, lục, không quân trang bị cực kỳ hiện đại, chi phí hơn 400 tỷ đô-la Mỹ. Cuối năm 1969, quân ngụy Sài Gòn từ 717.000 tên (1968) đã phát triển lên 878.000 tên và năm 1970 lên xấp xỉ 1.046.000 tên; có 990 khẩu pháo, 1.310 chiếc xe tăng, 400 máy bay, 632 tàu chiến. Lực lượng phòng vệ dân sự lên tới một triệu rưỡi người; trong đó có 40 vạn tên được vũ trang.


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí mạng, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải bỏ chiến lược "Chiến tranh cục bộ", chuyển sang chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và tạm ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc, tập trung lực lượng đánh vào tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.


Để đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ ở Việt Nam, ở Lào và Campuchia cũng như cuộc chiến tranh ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh, tất yếu phải có một binh lực đủ mạnh, chính quy hoá, hiện đại hoá. Một trong các biện pháp chiến lược là phải tiến hành công cuộc chi viện chiến lược của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.


Do đó, Đảng ta, Bác Hồ đã chọn địa bàn Trường Sơn, nơi có lợi thế về chiến lược và chiến thuật để xây dựng và hoàn thiện từng bước tuyến chi viện chiến lược.


Tuyến chi viện chiến lược vừa là một hướng chiến trường quan trọng có chức năng trực tiếp đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện; vừa là một tuyến hậu cần chiến lược đảm đương vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ động binh lực, hoả lực cho các chiến trường.


Tuyến chi viện chiến lược đã phát huy sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - nhân tố quyết định nhất, kết hợp với sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền Nam - nhân tố quyết định trực tiếp, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả dân tộc đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.


Đế quốc Mỹ cũng nhận thức được ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng to lớn đối với cách mạng miền Nam của đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng đã tập trung mọi sức mạnh, mọi vũ khí kỹ thuật hiện đại, kể cả chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, B.52 hủy diệt. Trong vòng 10 năm (1966-1975), đế quốc Mỹ từ những căn cứ quân sự ở Thái Lan, ở Guam, các tàu hạm đội ngoài biển đã xuất kích 325.825 lần tốp máy bay các loại đánh phá tuyến đường Trường Sơn trên 151.900 trận, đã ném vào Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn, trong đó trên 7.526.700 quả bom phá, 44.400 quả bom từ trường, trên 22.100 quả bom nổ chậm, trên 17.100 quả bom cháy, 67.020 loạt bom bi, trên 400.836 loạt rốc-két; riêng B.52 rải thảm hủy diệt năm 1969-1970: 4.580 trận, năm 1970-1971: 9.810 trận, năm 1971-1972: 6.471 trận, năm 1972-1973: 5.471 trận. Máy bay cường kích đánh phá trên toàn tuyến những năm 1969-1970 lên tới trên 57.500 phi vụ với tổng số bom là 1 495.268 quả, như năm 1970-1971: 51.896 phi vụ với tổng số bom là trên 1.647.500 quả. Đất đá sụt lở do địch đánh phá 3.960.485m3. Hằng năm, thông thường đến cuối mùa khô thì cây rừng trên toàn tuyến đường đều bị hủy diệt nối tiếp nhau từ Bắc vào Nam, từ Đông lên Tây, từ Tây về Đông có trên 50 trọng điểm vừa và lớn địch đánh phá rất ác liệt liên tục trong nhiều năm đã trở thành những vùng đất trắng, núi trọc, có nhiều nơi trở thành bãi sa mạc. Hai bên bìa rừng dọc đường chiến lược, những cánh rừng trơ trụi kéo dài nối tiếp nhau, lửa rừng cháy từ đêm này đến đêm khác, khói bụi dày đặc cả bầu trời.


Đế quốc Mỹ đã tiến hành trên 1.200 cuộc lấn chiếm biệt kích thám báo vào căn cứ địa và hành lang chiến lược, trong đó có 23 cuộc hành quân quy mô vừa và lớn từ Đông lên, từ Tây xuống; có cuộc hành quân cả Đông lên, cả Tây xuống như cuộc hành quân "Lam Sơn 719” năm 1971. Hình thái lấn chiếm và chống lấn chiếm, tái lấn chiếm và chống tái lấn chiếm diễn ra liên miên từ năm này sang năm khác. Mùa khô ta tiến công đánh địch ra xa căn cứ, xa hành lang, thậm chí đến tận sông Mê Kông đường 13; mùa mưa địch lại tái lấn chiếm căn cứ và hành lang, thậm chí có lần gần kề đường tuyến. Cuộc chiến chống xâm chiếm quyết liệt chẳng kém gì cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại giao thông vận tải diễn ra dai dẳng và ác liệt.


Mỹ huy động sức mạnh của các quân, binh chủng tập trung đánh phá hết sức ác liệt, liên tục đường Trường Sơn kết hợp với chiến tranh phá hoại ở miền Bắc hòng cắt đứt, chặn đứng sự chi viện của hậu phương lớn. Đế quốc Mỹ coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách xâm lược miền Nam nước ta. Sự thật, đế quốc Mỹ đã huy động mọi tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới để thực hiện bằng được ý đồ của chúng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:30:13 pm »


Để thắng đế quốc Mỹ, để đẩy mạnh công cuộc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, không có cách nào khác là tổ chức một chiến trường tổng hợp chiến đấu hiệp đồng binh chủng, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp và lợi thế chiến lược, chiến thuật của địa bàn Trường Sơn cùng cả nước chi viện hết mình cho cách mạng miền Nam và cách mạng các nước bạn Lào và Campuchia.


Chiến trường Trường Sơn được coi là chiến trường đặc biệt là vì đánh thắng được cuộc chiến tranh chi viện trên chiến trường Trường Sơn, nhất định sẽ tạo điều kiện đánh thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, trên chiến trường Đông Dương, bởi vì khi Mỹ không thực hiện được bình định trên chiến trường miền Nam, không vô hiệu hóa được công cuộc chi viện của ta thì mưu đồ xâm lược miền Nam Việt Nam và Đông Dương của chúng cũng không thể thực hiện được và do đó Mỹ phải chịu thua cuộc, buộc phải rút ra khỏi sự dính líu ở Việt Nam và Đông Dương sau Hiệp định Pari cũng là điều tất yếu.


Chiến trường Trường Sơn được coi là chiến trường tổng hợp vì phải thực hiện những mục tiêu tổng hợp sau đây:

- Chi viện binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia.

- Giải phóng, mở rộng, bảo vệ căn cứ chiến lược Nam Đông Dương - căn cứ chung của ba nước.

- Đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ.

- Xây dựng, phát triển Bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, đủ sức làm tròn nhiệm vụ bản thân và đảm nhiệm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ trong các chiến dịch lớn.

- Kéo sức mạnh của Mỹ lao vào địa bàn Trường Sơn, căng địch ra mà đánh, tiêu diệt tiêu hao một bộ phận sinh lực quan trọng của Mỹ, "chịu lửa, chia lửa" cho miền Bắc và miền Nam.

- Phải bằng sự nỗ lực chủ quan cao nhất để từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.


Trường Sơn là một chiến trường tổng hợp đặc biệt, thắng Mỹ trên chiến trường này có ý nghĩa góp phần quyết định đến toàn bộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta và nhân dân Đông Dương. Vì thế, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, chỉ đạo cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn rất chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.


Trong các nghị quyết thường kỳ, nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã đề ra những nhiệm vụ công tác rất chính xác, kịp thời cho chiến trường Trường Sơn. Bên cạnh đó còn có những thư, những điện của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo những công việc đột xuất. Đồng chí Bí thư Quân ủy dành nhiều thời gian làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn tại Tổng hành dinh, tại chiến trường Trường Sơn. Các đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp làm việc với Bộ tư lệnh chiến trường Trường Sơn, vào thăm và làm việc tại chỗ. Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã huy động sức mạnh của cả nước, của trong và ngoài quân đội, sức mạnh quốc tế, dồn sức cho chiến trường Trường Sơn phát triển ngày càng mạnh, vượt qua mọi khó khăn, ngày càng hoạt động có hiệu quả cao.


Để có địa bàn triển khai thuận lợi tuyến chi viện chiến lược ở triền Tây Trường Sơn - nơi địch yếu và địa hình tương đối bằng phẳng, cấp chiến lược đã tổ chức lực lượng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân bạn giải phóng các huyện biên giới Việt - Lào từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1965, Bộ chỉ đạo Quân khu 4 mở chiến dịch 128 giải phóng một phần khá lớn đất đai Trung - Hạ Lào từ Bu Li Khăm Xay (đường Cool đến Khăm Muộn (đường 12) Xa Van Na Khẹt (đương 9) Đông Sa Ra Van, Tà Ven Oọc đến Át Ta Pư.


Từ năm 1968, để tăng cường sức mạnh tổng hợp chống cuộc chiến tranh xâm lược và chiến tranh ngăn chặn, Bộ Tổng tư lệnh đã chuyển gộp lực lượng tác chiến bộ binh và lực lượng chuyên gia giúp bạn vào Bộ tư lệnh Trường Sơn. Từ đó, chiến trường Trường Sơn đã thống nhất chỉ huy tất cả các lực lượng tổng hợp tiếp tục mở các chiến dịch liên tiếp giải phóng Tha Teng, giải phóng thị xã Át Ta Pư, giải phóng thị xã Sa Ra Van, giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven, nối liền Đông Bắc Campuchia, hình thành căn cứ chiến lược của ba nước anh em. Trong các chiến dịch tiến công, lực lượng bộ binh Trường Sơn đã phát triển thành 1 sư đoàn và 2 trung đoàn độc lập, được tăng cường pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, đặc công. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ đã tổ chức chiến dịch phản công với lực lượng cơ động của Bộ, lực lượng Quân khu Trị Thiên. Bộ giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách cánh phía Tây và sử dụng lực lượng phòng không Trường Sơn làm chủ lực đánh máy bay địch, phụ trách vận tải chiến đấu, đảm bảo toàn bộ vật chất hậu cần, kỹ thuật và cơ động binh lực cho chiến dịch.


Sự chỉ đạo của cấp chiến lược đối với chiến trường Trường Sơn còn thể hiện ở chỗ đã dồn sức mạnh xây dựng vững chắc căn cứ chiến lược Nam Đông Dương gắn liền với sự phát triển Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lớn mạnh từng bước được trang bị hiện đại hoá đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bản thân và làm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ Quốc phòng trong các chiến dịch lớn từ năm 1968 đến năm 1975, nổi bật nhất là trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Nhìn lại toàn bộ cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn, cấp chiến lược có vai trò to lớn, có tính quyết định, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất đối với Bộ đội Trường Sơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:31:42 pm »

Bộ tư lệnh Trường Sơn là cấp chiến dịch, tổ chức chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu trên chiến trường. Trong quá trình lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, hoạt động theo hình thức chiến dịch là phương thức tốt nhất và phổ biến nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp, lấy sức mạnh tổng hợp của nghệ thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng để chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Ở đây đã diễn ra nhiều loại chiến dịch khác nhau:

- Các chiến dịch tấn công quân địch xâm lược, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng căn cứ cách mạng.

- Các chiến dịch phản công địch lấn chiếm hành lang, bảo vệ vững chắc hành lang chi viện chiến lược.

- Các chiến dịch vận tải cơ giới như chiến dịch "Binh trạm vạn tấn/tháng" diễn ra từ năm 1969 đến năm 1971, là chiến dịch tập đoàn binh trạm cửa khẩu. Chiến dịch sư đoàn thọc sâu từ năm 1972 đến năm 1974, chiến dịch chi viện chiến lược thần tốc Xuân 1975.

- Các hoạt động mang tính chiến dịch trên mặt trận cầu đường: chiến dịch mở đường 128, mở đường 20, chiến dịch mở đường "kín” cho xe chạy ngày, chiến dịch dài xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn từ Nghệ An vào Đông Nam Bộ, chiến dịch cải tạo nâng cấp đường số 9 từ Cam Lộ về Bản Đông...


Hoạt động chiến dịch có tác dụng lớn thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các binh chủng, các lực lượng tham chiến trên chiến trường, càng làm cho hiệu quả tổ chức chiến đấu hiệp đồng tăng cao, sức mạnh tổng hợp phát triển ngày càng lớn, chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta nhanh hơn.


Điều độc đáo đối với hoạt động chiến dịch trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là các chiến dịch vận tải, cầu đường, bộ binh, phòng không... thường được liên kết lại thành một dạng chiến dịch tổng hợp của nhiều binh chủng hợp thành trong cùng một không gian, cùng một thời gian. Chiến dịch vận tải vừa là trung tâm hiệp đồng chiến đấu trong chiến dịch tổng hợp, vừa là hướng chính của chiến dịch tổng hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ tư lệnh Trường Sơn.


Hoạt động mang tính chiến dịch còn lan toả sang các lực lượng khác như Binh chủng Phòng không tên lửa, có khi có cả lực lượng không quân phối hợp với lực lượng các binh trạm cửa khẩu đánh địch, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn xe, pháo nhập tuyến vào đầu mùa khô. Hoạt động mang tính chất chiến dịch này đã diễn ra liên tục từ mùa khô 1967 cho đến mùa khô 1971. Mặc dù địch đánh phá, ngăn chặn rất quyết liệt, nhưng năm nào lực lượng xe, pháo nhập tuyến (khoảng trên 5.000 xe, pháo mỗi năm), đều bảo đảm được an toàn.


Mùa hoạt động chiến dịch là mùa hoạt động sôi động nhất, lôi cuốn mọi lực lượng, mọi binh chủng tham gia, là thời điểm lực lượng Bộ đội Trường Sơn phát huy sức mạnh cao nhất, đồng đều nhất.


Vấn đề then chốt ở cấp chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược là xác định cung độ vận chuyển gắn liền với quy mô tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản chiến đấu hiệp đồng binh chủng.


Qua nhiều thể nghiệm trên thực tế đã xác định được ba cung độ với ba tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản hiệp đồng binh chủng thích hợp: cung phân đoạn - binh trạm, cung khu vực - sư đoàn khu vực, cung đi thẳng - binh đoàn chi viện chiến lược Trường Sơn.


Sự thay đổi các cung độ và thay đổi tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản là xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường và cũng xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường đòi hỏi ngày một tăng cao.


Hình thức cung phân đoạn - tương ứng với tổ chức đơn vị vận tải cơ bản binh trạm là thời kỳ mà cuộc chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược căng thẳng nhất, giằng co nhất. Cấp chiến thuật binh trạm và các trung đoàn binh chủng Bộ binh, Công binh, Pháo cao xạ, Vận tải ô tô đã tồn tại một thời gian rất dài và vai trò của binh trạm chiến đấu hiệp đồng binh chủng cũng như vai trò của các trung đoàn binh chủng thật sự nổi bật trong công cuộc chi viện chiến lược. Thông qua thực tiễn chiến đấu đã sáng tạo hàng loạt chiến thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong cuộc đọ sức quyết liệt với đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn, nhất là các quân, binh chủng Vận tải, Công binh, Bộ binh, Phòng không, Thông tin và các lực lượng khác.


Hình thức cung khu vực tương ứng với tổ chức đơn vị vận tải hiệp đồng binh chủng sư đoàn khu vực. Với hình thức này, hiệu suất vận chuyển được tăng lên nhiều, cuộc chiến đấu giữa ta và địch không diễn ra ác liệt như trước, nhưng quá trình tiến lên quy mô vận chuyển lớn, hiệu quả vận chuyển tăng cao và qua tổ chức vận chuyển lớn trên cung khu vực, ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, chuẩn bị cho thời kỳ tạo thời cơ, nắm thời cơ, tranh thủ tận dụng thời cơ đẩy mạnh toàn diện mọi hoạt động đón thời cơ chín muồi xuất hiện trên chiến trường miền Nam.


Hình thức cung đi thẳng đến các chiến trường khi nhiệm vụ của chiến trường tổng hợp đã hoàn thành cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn cơ bản đã kết thúc; Bộ đội Trường Sơn lúc này đã chuyển thành binh đoàn chi viện chiến lược với nhiệm vụ tạo thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ trực tiếp vận chuyển binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chiến trường nhanh nhất, nhiều nhất, đồng bộ nhất, thoả mãn mọi yêu cầu của các chiến trường.


Mặt khác, Bộ đội Trường Sơn dốc sức hoàn chỉnh thế trận hạ tầng cơ sở, đường cầu, đường ống xăng dầu Đông - Tây Trường Sơn được coi như biện pháp chiến lược có ý nghĩa quyết định để đón thời cơ chiến lược mới.


Cung đi thẳng nhờ sự thích ứng trong tương quan lực lượng ta hoàn toàn làm chủ chiến trường và mọi mặt hoạt động được diễn ra với sự nỗ lực cao nhất, liên tục từ tháng 2 năm 1973 đến tháng 5 năm 1975, đặc biệt bộ đội xe chạy liên tục, không có ngày nghỉ. Bộ đội công binh chỉ trên một năm đã hoàn thành xong tuyến Đông Trường Sơn đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, tuyến đường ống xăng dầu đưa tới tận Bù Gia Mập - Đông Nam Bộ... Khi đường ống dẫn xăng dầu vào tới Lộc Ninh, bộ đội vận tải và các binh chủng kỹ thuật thả sức phát huy hết năng lực. Nhờ vậy mà nhiệm vụ chi viện chiến trường ta và bạn đã hoàn thành trước ba tháng và cùng lúc đó tháng 2 nàm 1975, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã chuyển thành binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ, trên 10 vạn người với biên chế 2 sư đoàn và 2 trung đoàn xe, 4 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu, 1 sư đoàn phòng không tên lửa và 6 trung đoàn cao xạ, 1 sư đoàn và 1 trung đoàn bộ binh độc lập, 4 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn thông tin và một số lực lượng khác. Sức mạnh chiến đấu tăng cao hơn bao giờ hết, tăng cường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.


Sức mạnh tổng hợp trên chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bao gồm sức mạnh của cấp chiến lược, cấp chiến dịch, cấp chiến đấu.


Sức mạnh tổng hợp trên chiến trường Trường Sơn còn là sức mạnh của hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, là sức mạnh của các chiến trường ta và chiến trường bạn. Mỗi cấp phát huy cao nhất vai trò của mình để tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn diện nhằm từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng giữa địch - ta và từng bước đánh lùi kẻ địch, đánh bại từng âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện, tạo ra thời cơ mới để tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.   
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:38:29 pm »

VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
LÀ MỘT NGHỆ THUẬT MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC


BÙI THẾ TÂM
Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng,
nguyên Tư lệnh, Chính ủy Sư đoàn thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn


I. TỔ CHỨC VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC TRONG THẾ TRẬN BINH CHỦNG HỢP THÀNH LÀ CƠ SỞ CHỦ YẾU, CƠ BẢN ĐỂ THỰC HIỆN XUẤT SẮC NHIỆM VỤ CHI VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN DỊCH

Tuyến vận chuyển chi viện Trường Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ phải vượt qua cuộc chiến tranh hỗn hợp của Mỹ: chiến tranh xâm lược lãnh thổ và chiến tranh ngăn chặn chi viện phát triển đến đỉnh cao. Quá trình đó, Bộ đội Trường Sơn phải chịu đựng mọi gian khổ, chấp nhận mọi ác liệt hy sinh để chiến thắng hai kẻ thù: Chiến thắng địch và chiến thắng thời tiết.


Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, được sự hỗ trợ không ngừng của hậu phương lớn, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn đã liên tục đấu tranh khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng, phát triển, củng cố ngày càng vững chắc. Đế quốc Mỹ đã đánh phá cực kỳ ác liệt cũng không sao ngăn nổi công cuộc chi viện của ta.

Giai đoạn 1 (1959-1964): Bộ đội Trường Sơn lấy phương thức vận tải thô sơ làm chính, kết hợp vận tải cơ giới nhỏ lẻ nhằm phục vụ yêu cầu khởi nghĩa vũ trang tiến lên chiến tranh giải phóng, tuy khả năng chi viện mới đạt rất ít, nhưng đã chuẩn bị tiền đề chuyển sang giai đoạn mới.


Giai đoạn 2 (1965-1968): Khi địch mở rộng thành "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, chiến tranh phá hoại miền Bắc, tăng mức đánh phá dữ dội đường Hồ Chí Minh.

Qua 4 năm chiến đấu, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã vận chuyển được khối lượng gấp 12 lần của giai đoạn 1, phục vụ đắc lực quyết tâm đánh thắng '’Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam và "Chiến tranh đặc biệt" ở Lào.


Giai đoạn 3 (1969-1972): Để thực hiện bằng được chủ trương cắt đứt, chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng áp dụng các loại chiến tranh hủy diệt, chiến tranh điện tử, chiến tranh hoá học, chiến tranh khí tượng trên đường Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn triệt để nguồn tiếp tế từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường Nam Đông Dương.


Để đánh thắng Mỹ, chúng ta đã từng bước hoàn thiện ba phương thức vận tải cơ giới: đường bộ, đường sông, đường ống, trong đó lấy vận tải ô tô là chính, vận tải đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là bổ trợ và đã giao cho tiền tuyến khối lượng vật chất gấp 180 lần so với giai đoạn 1, phục vụ đắc lực quyết tâm đánh thắng một bước căn bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Níchxơn, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari và Hiệp định Viên Chăn.


Giai đoạn 4 (2.1973-4.1975): Thừa thắng xốc tới, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã thực hiện xuất sắc quyết tâm của Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương: "Chuẩn bị chiến lược cho thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam".

Trong hai chiến dịch vận tải lớn "chiến dịch thọc sâu" và "chiến dịch vận chuyển chiến lược thần tốc", tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã dốc sức vận chuyển khối lượng vật chất "lớn nhất, đồng bộ nhất và tiếp cận các chiến trường” cả vận chuyển binh lực, hoả lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tăng gấp 318 lần giai đoạn 1, đưa đến các chiến trường trước ba tháng, góp phần chuyển đổi cơ bản tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, xuất hiện thời cơ lớn.


Đồng thời, Bộ đội Trường Sơn với một lực lượng hùng hậu, có 2 sư đoàn xe và 2 trung đoàn xe độc lập; 4 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu, 1 sư đoàn phòng không - tên lửa và 6 trung đoàn cao pháo độc lập; 1 sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn bộ binh độc lập, 2 trung đoàn thông tin, 4 trung đoàn đường ống và 1 tiểu đoàn xe téc, 1 đoàn vận tải đường sông Mê Kông phía Tây và 3 tiểu đoàn phía Đông... nhanh chóng chuyển thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ.


Sau khi dành 3 sư đoàn và 2 trung đoàn phối hợp với mặt trận Tây Nguyên đánh thắng địch trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Trường Sơn đã cơ động 4 quân đoàn (Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4) và 4 sư đoàn độc lập; triển khai 4 sư đoàn công binh đảm bảo các tuyến Tây Trường Sơn, Đông Trường Sơn, quốc lộ 1A, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miên Nam trong thời gian ngắn nhất.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:39:45 pm »

II. KẾT HỢP NHIỀU PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN MỘT CÁCH LINH HOẠT, LẤY PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI CƠ GIỚI LÀM CHỦ, LẤY VẬN TẢI Ô TÔ LÀ CHÍNH, VẬN TẢI ĐƯỜNG ỐNG LÀ QUAN TRỌNG, VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG LÀ BỔ TRỢ

Khi triển khai vận tải cơ giới, địch đánh ác liệt, Quân ủy Trung ương vẫn xác định "lấy vận tải cơ giới là chính".

Phải căn cứ các đặc trưng cơ bản ở Trường Sơn và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chi viện ngày càng lớn để chọn loại hình cơ giới nào sử dụng thích hợp và có hiệu suất cao nhất.

Qua quá trình thể nghiệm, thực tế đã khẳng định phương thức vận tải cơ giới là chủ yếu, gồm đường ô tô và đường sông làm chủ lực.

Ô tô là phương tiện chủ lực của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, có khả năng đạt hiệu suất lớn nhất, bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược.

Trên đất nước ta chưa có tiền lệ áp dụng phương thức vận tải cơ giới trên hành lang Trường Sơn. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã bước đầu áp dụng phương tiện này trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở quy mô nhỏ, nên ta có cơ sở để mạnh dạn nghĩ tới áp dụng vận tải cơ giới trên Trường Sơn, bởi các điếu kiện bảo đảm cho ô tô hoạt động ở đây phù hợp với chiến tranh chống Mỹ được tiến hành trên địa bàn Trường Sơn, đi trực tiếp đến các chiến trường của ta và chiến trường của hai nước bạn. Tuyến đường chi viện ở một địa bàn rộng lớn ở cả hai triền Tây và Đông có núi rừng trùng điệp, có nhiều vùng bằng phẳng, các dãy núi chắn ngang tương đối ít và không cao lắm; đó là lợi thế đối với việc phát triển mạng đường bộ theo yêu cầu của chiến thuật và dễ khắc phục hậu quả của chiến tranh phá hoại.


Việc bảo đảm kỹ thuật tại chỗ cho phương thức vận tải ô tô tuy không dễ dàng nhưng vẫn có khả năng khắc phục được.

Trong chiến tranh, ô tô là phương tiện cơ giới có mục tiêu tương đối nhỏ, dễ ngụy trang, dễ phòng tránh, bảo đảm duy trì hoạt động được liên tục. Tính cơ động của ô tô nhanh hơn và trực tiếp hơn, khả năng sử dụng được rộng rãi, dễ dàng thay đổi quy mô hoạt động và hướng hoạt động theo ý đồ chỉ đạo, phù hợp với tình hình diễn biến khẩn trương.


Thực tế đã chứng minh rằng, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vận tải ô tô đã làm tròn vai trò chủ lực của mình, đã vận chuyển đến chiến trường Nam Đông Dương trên một triệu tấn vật chất, trên gần một triệu lượt người vào, ra chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã cơ động lực lượng 4 quân đoàn, 4 sư đoàn bộ binh độc lập và các trung đoàn binh chủng kỹ thuật thần tốc tiến công địch. Tính riêng vật chất chuyển lên đạt hiệu suất vận tải là 391.843.800 tấn/km, gấp 64 lần hiệu suất các phương thức khác.


Đường ống là phương tiện vận tải rất quan trọng, là phương tiện chuyên dùng vận tải nhiên liệu có công suất lớn 600 - 800m3/ngày, có tính bán cơ động cao, bảo đảm an toàn vận hành trong chiến tranh.

Trong chiến tranh hiện đại, một trong những thủ đoạn chủ yếu hạn chế sức mạnh, giảm tốc độ tiến công, thậm chí gây tê liệt mọi hoạt động của đối phương là nhằm vào mục tiêu triệt phá xăng dầu. Một trong những mục tiêu của Mỹ là kho chứa xăng dầu của ta.

Về phía ta, khi số lượng cơ giới của ta càng gia tăng, phạm vi hoạt động càng rộng lớn, các quân - binh chủng ngày càng phát triển lên quy mô hiệp đồng chiến dịch, chiến lược thì nhiên liệu trở thành yếu tố vô cùng quan trọng.


Quy luật phát triển của chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn phải phục vụ yêu cầu vận tải chiến lược, vừa phải kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến dịch, bảo đảm vận tải quy mô lớn cho các binh chủng kỹ thuật cơ động khẩn cấp lên mặt trận...


Hết thảy những biện pháp tiếp tế nhiên liệu trước đây không tương xứng, kể cả yêu cầu cho riêng vận tải chi viện, tất yếu phải được thay thế bằng biện pháp tiên tiến, có công suất lớn, tương đối an toàn hơn cả trong chiến tranh.


Vì thế, phải khẩn trương triển khai tuyến đường ống ở chiến trường Trường Sơn. Tuy bộ đội đường ống được đưa lên Trường Sơn chậm hơn so với các phương thức khác, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đã thể hiện xuất sắc vai trò trọng yếu trên địa bàn chiến lược, sở dĩ tuyến đường ống làm được vai trò trọng yếu là vì khi lập được tuyến, định vị đúng trạng thái thế trận vận tải, thoả mãn thông số kỹ thuật thì đường ống đủ sức chuyển vận nhiên liệu lỏng đến bất kỳ vị trí nào trên địa bàn Trường Sơn, bởi sự cải tạo địa hình không mấy phức tạp, tuyến đường ống có thể linh hoạt vượt qua các địa hình cheo leo hiểm trở, lợi dụng được các vị trí cao, tạo ra những kho xăng tự chảy. Tốc độ tiếp diện của đường ống nhanh, nhiều hơn bất cứ phương tiện cơ giới nào; mức độ an toàn cũng cao hơn các biện pháp khác trong chuyên chở xăng dầu trong chiến tranh.


Nhờ có tuyến đường ống, bộ đội vận tải ô tô đã giảm được khối lượng xăng dầu tiêu thụ phải tự mang bằng phuy nên tăng được từ 25 đến 30% trong tổng số phương tiện cho nhiệm vụ vận tải chi viện, đồng thời cũng giảm được số lượng ô tô sử dụng vào việc chở hàng vạn phuy xăng dầu vượt bao nhiêu trọng điểm đưa vào phía Nam tuyến chiến lược. Trên thực tế đã chứng tỏ rằng biện pháp chở bằng phuy không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi quy mô vận tải ô tô đã phát triển nhiều sư đoàn có bán kính hoạt động từ 700 đến 1.100km. Nếu chở phuy sẽ lâm vào ba khó khăn nghiêm trọng là: Tuyến cơ giới dễ bị tê liệt do địch ngăn chặn, phải giảm 22 - 24% khối lượng hàng kế hoạch để chở xăng tiêu thụ cho bộ đội trên tuyến, không bảo đảm kịp yêu cầu tác chiến hiệp đồng nhiều binh chủng hiện đại.


Qua gần 10 năm hoạt động đã khẳng định giá trị chiến lược của tuyến đường ống cả về mặt quân sự, kinh tế và kỹ thuật. Song do ta không đủ khả năng về vật tư kỹ thuật, lại tận dụng loại ống cơ động của đơn vị (100mm) vào vận chuyển nhiên liệu cấp chiến lược, cũng do hoàn cảnh của ta lúc đó không thể xây dựng đường ống cố định dưới mặt đất, nếu làm theo cách này phải mất nhiều thời gian mới phát huy được tác dụng. Vì vậy, phải dùng phương thức rải đường ống mới đáp ứng được thời cơ chiến lược.


Phương thức đường ống vẫn ưu việt hơn hẳn mọi biện pháp khác, nổi bật là tính "cấp thời và liên tục của nó”. Ví dụ như khi địch phong toả tháng 11 năm 1972, tuyến chi viện chiến lược phải ngừng hoạt động, chỉ sau hai ngày, tuyến từ hậu phương đã vượt Trường Sơn bảo đảm cho gần một vạn xe máy các loại trở lại hoạt động, đồng thời nhanh chóng chuẩn bị được lượng nhiên liệu dự trữ cho các kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ. Bắt đầu từ cuối năm 1968 đến cuối tháng 12 năm 1974, ta đã hoàn thành hoàn chỉnh hai tuyến xăng dầu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với độ dài 1.400km, có 114 trạm bơm, gần 50 kho dự trữ, trữ lượng 270.000m3 và 1 tiểu đoàn xe téc cơ động đến các nơi không kéo được đường ống tới nơi. Trong 1.400km đường ống có 74km vận chuyển điêzen từ Đông Hà vào A Lưới.


Vận chuyển đường sông bằng cơ giới là phương thức bổ trợ có hiệu quả cao trên từng địa đoạn thích hợp.

Các dòng sông trên Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn không liên tục, chỉ hoạt động đường thủy từng địa đoạn.


Sông Sê Băng Hiên từ Chà Lỳ đến Bắc đường 9, sông Nậm Ngọ từ Na Tông đến Na Tăng Chay. Sông Sê Kông từ Bạc đến Át Ta Pư, sông Mê Kông ở Đông Bắc Campuchia. Biên độ dao động của các dòng sông như: Sông Sê Băng Hiên mùa mưa nước dâng 6 đến 12m, mùa khô nước còn 0,20 đến 1,20m. Sông Sê Kông mùa mưa nước dâng 8 đến 14m, mùa khô từ 1,20 đến 3m.


Ở Đông Trường Sơn, khi địch trở lại đánh phá miền Bắc năm 1972, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn kéo dài ra phía Bắc đến Bến Thủy (Nghệ An) có các sông Gianh, Kiến Giang, Bến Hải, Thạch Hãn, Cạnh Hòm... Ở đây hoạt động vận tải thủy được cả năm, cả hai mùa bình thường.


Phương thức vận chuyển cơ giới đường sông vốn có giá trị kinh tế cao, hiệu suất lớn, nhưng cũng dễ bị địch đánh phá ngăn chặn. Song do sự cấu tạo địa lý khu vực, tuyến vận chuyển chi viện Trường Sơn dùng phương thức vận tải đường sông có rất nhiều hạn chế vì lưu lượng dòng chảy không ổn định, có nhiều thác ghềnh, trừ sông Sê Kông Tây Trường Sơn, sông Mê Kông Đông Bắc Campuchia, các sông Đông Trường Sơn còn lại không sử dụng được phương tiện cơ giới có mã lực lớn, hạn chế nhiều nhất là tính không liên tục và biên độ dao động thủy chí giữa mùa khô và mùa mưa rất lớn. Mặt khác, cũng do khả năng đầu tư cải tạo có hạn nên Binh chủng Vận tải của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chỉ sử dụng được từng khu vực kế cận tuyến vận tải đường bộ. Các binh trạm đã khai thác mặt có lợi của dòng chảy, tùy đặc điểm của mỗi đoạn sông mà áp dụng phương pháp vận tải thô sơ như thuyền độc mộc, thuyền gỗ, bè mảng hoặc thả trôi theo dòng, nhưng chủ yếu vẫn phải tìm cách phá thác, cải tạo được dòng sông để sử dụng cơ giới, tăng khả năng tiếp chuyển, tạo nguồn với tính cách bổ trợ cho tuyến vận tải ô tô.


Trong khoảng thời gian mùa mưa ở Trường Sơn, ô tô ngừng hoạt động, nhờ tích cực cải tạo dòng sông Sê Kông, các binh trạm phía Nam đã sử dụng được ca nô, thuyền gắn máy để tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển khối lượng hàng theo kế hoạch.


Tổng hợp hơn 10 năm hoạt động, phương tiện vận tải đường sông đã kết hợp chặt chẽ, linh hoạt với phương thức vận tải ô tô ở từng thời điểm có lợi đã đạt được 21.107.720 tấn/km, góp phần củng cố tính vững chắc, liên tục của tuyến vận tải chiến lược.


Như vậy, thông qua tổ chức vận tải đa phương thức trong cơ cấu binh chủng hợp thành là cơ sở chủ yếu để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển binh lực, hỏa lực, cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật cho chiến trường miền Nam và các nước bạn Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương anh em.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:41:16 pm »

III. NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỒNG BỘ THÚC ĐẨY VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC PHÁT TRlỂN ĐẾN ĐỈNH CAO ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRUNG TÂM VÀ XỨNG ĐÁNG VAI TRÒ CHỦ CÔNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

1. Biện pháp quan trong là chọn, xác định đúng đắn và kịp thời cung độ vận chuyển và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản của tuyến vận tải chi viện chiến lược trong từng giai đoạn

Trong vận tải quân sự, trên cơ sở đảm bảo hạ tầng cung độ vận chuyển là chiều sâu chiến dịch hoặc chiến thuật, hơn nữa còn là chiều sâu chiến lược; phải xác định đúng đắn, kịp thời lúc nào là cung độ chiến thuật, lúc nào là cung độ chiến dịch, lúc nào là cung độ chiến lược và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản thích ứng với từng cung độ vận chuyển đó.


Vậy thì cung độ vận tải và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản căn cứ vào yếu tố gì để quy định.

Trong chiến tranh nói chung và trong chiến tranh ở chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói riêng, cung độ và đơn vị vận tải cơ bản được định đoạt bằng so sánh tương quan lực lượng địch - ta trên tuyến, phải là người lãnh đạo, chỉ huy tại trận mới nhạy bén định đoạt đúng đắn và kịp thời.


Cung độ thích hợp phản ánh được tính khách quan và năng lực chủ quan, là cơ sở của phương thức vận tải và hơn nữa là chỗ dựa để hiệp đồng binh chủng chiến đấu thắng lợi.

Cung độ vận tải và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản là vấn đề then chốt của tổ chức vận tải, do đó khi cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải phát triển, lực lượng vận tải được bảo vệ tốt hơn; khi tương quan lực lượng trên chiến trường thay đổi thì cung độ và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản phải thay đổi ngay, nếu thay đổi chậm là kìm hãm hiệu suất vận tải, kìm hãm sự phát triển chung.


2. Tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng là nguồn sức mạnh trực tiếp to lớn để tạo ra sự chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường

Tương quan lực lượng thay đổi trên chiến trường theo xu hướng ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch, thúc đẩy vận tải đa phương thức phát triển đến đỉnh cao. Bởi vì các lực lượng triển khai trong thế binh chủng hợp thành mới có hiệu lực lớn, mới tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn, khắc phục có hiệu-quả nhất sự đánh phá ngăn chặn ngày càng leo thang của Mỹ. Cung độ không phải đơn thuần là một cung đường theo nghĩa hẹp, khi mà cuộc chiến đấu binh chủng hợp thành diễn ra ở đây thì cung độ là một thế trận chiến đấu gay go, ác liệt; người chiến thắng ở đây là lực lượng vận tải vượt qua mưa bom bão đạn đưa hàng, đưa quân ra chiến trường. Trong một thời gian dài, kẻ địch cố ngăn chặn bằng trăm phương ngàn kế, bằng sức mạnh của nền khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm triệt phá cho bằng được cuộc vận chuyển chi viện của ta; còn ta, với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, với mưu trí sáng tạo chủ động, Bộ đội Trường Sơn quyết chịu đựng mọi sự trả giá cần thiết vì Tổ quốc thiêng liêng của mình, đương đầu với giặc Mỹ xâm lược, từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn, mọi hình thức chiến thuật ngăn chặn của Mỹ cho đến khi Mỹ chịu sự thất bại trên chiến trường Trường Sơn. Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận Mỹ thất bại ở Việt Nam là bởi con đường Hồ Chí Minh. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu các binh chủng trên chiến trường này chiến đấu riêng lẻ, không có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết thì liệu chúng ta có đánh thắng một kẻ thù giàu nhất thế giới về kinh tế, mạnh nhất thế giới về quân sự, có tiềm lực lớn nhất thế giới về khoa học kỹ thuật được không? Sức mạnh của ta là sức mạnh của con người có tri thức, có ý chí, có nghị lực, lại được tổ chức chiến đấu trong thế và lực mà đó là lực của quân - binh chủng hợp thành: Vận tải, Công binh, Phòng không, Bộ binh, Thông tin, Giao liên và các lực lượng phục vụ khác. Sức mạnh về thề là biết khai thác và phát huy cao thế chiến lược của địa bàn Trường Sơn. Khi kết hợp được thế và lực thì thế mạnh và lực mạnh được nâng lên cấp số nhân.


3. Xây dựng, phát triển đường cầu đạt tiêu chuẩn vững chắc, liên hoàn đồng bộ để thúc đẩy vận chuyển đa phương thức đạt hiệu quả ngày càng cao

Khác với mọi binh chủng khác, hiệu suất công tác của bộ đội vận tải cơ giới trước hết lệ thuộc vào số lượng, chất lượng tuyến giao thông. Riêng đối với đường ô tô trong chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn là mục tiêu đánh phá của máy bay và bộ binh địch nên tiêu chuẩn chất lượng chỉ có thể đạt bình quân 25km/giờ đến 35km/giờ. Điều kiện chất lượng tốt chưa đủ, còn phải có số lượng đường thích hợp mới có thể xoá được thế độc đạo, mới nhanh chóng cơ động vượt qua các trọng điểm liên hoàn ngăn chặn của địch. Qua thực tiễn chiến đấu chống lại kẻ địch có nhiều thủ đoạn kỹ thuật đánh phá tinh xảo như Mỹ thì trên một hướng vận chuyển chi viện cần có từ hai đến ba trục dọc với ba đến năm trục ngang; giữa các trục dọc, trục ngang có những đường ngang nối tiếp liên hoàn với nhau trở thành một trận đồ "bát quái’' cầu đường, đó là thế trận đường cầu liên hoàn Trường Sơn, trong đó gồm các loại đường vận chuyển ban ngày và loại đường vận chuyển ban đêm, các loại đường cầu nghi binh thu hút địch đánh phá.


4. Xây dựng sức việt dã của bộ đội ô tô, sức việt dã không chỉ là có tốc độ vận chuyển ngày càng cao, sức việt dã còn là điều kiện để hình thành các chiến thuật vận chuyển linh hoạt đối phó với những chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ

Sức việt dã của bộ đội vận tải ô tô trong vận tải chiến đấu do ba mặt chính sau đây quyết định: Tính năng kỹ thuật phương tiện - trình độ người sử dụng thành thạo - tinh thần chiến đấu ngoan cường mưu trí của cán bộ, chiến sĩ.

Do đó, muốn nâng cao hiệu suất vận tải cần coi trọng cả ba mặt trên.

Sức việt dã có giá trị về mặt chiến thuật ở chỗ bộ đội xe Trường Sơn thực hiện lấn sáng lấn chiều, quay vòng tăng chuyến, linh hoạt thay đổi cung độ, thay đổi đội hình, thay đổi theo thời tiết; các đơn vị xe thiện chiến đạt tới 50% số xe tham chiến quay vòng khép kín 1 đêm/chuyến trên cung 2 đêm/chuyến, tự nhiên số lượng xe tham chiến tăng lên 150% trên cung chiến thuật, số lượng xe tham chiến thực hiện quay vòng 2 ngày/chuyến trên cung và 4 ngày/chuyến trên cung vừa, tự nhiên số lượng xe tham chiến đích thực là 150%. Sức việt dã của bộ đội ô tô còn thực hiện chiến thuật bôn tập trước khi địch đến đánh phá, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa cầu đường để máy bay địch đánh "vuốt đuôi" về phía sau cung đường của đoàn xe, còn cung đường phía trước thì xe ta lại bôn tập đến đích hoàn thành một chu kỳ vận tải. Cũng có thể xuất phát tiến công chậm hơn để cho địch đánh phá rồi mới bôn tập, nhờ có tốc độ cao nên vẫn đến đích và quay vòng tăng chuyến bình thường. Hơn nữa, sức việt dã của bộ đội xe còn mật tập gọn, nhanh một đội hình xe lớn qua trọng điểm giữa hai đợt công kích của máy bay Mỹ.


Khi mà chúng ta cầm chắc trong tay sự phán đoán chính xác 1 ngày/đêm đánh phá của Mỹ do ta tổng kết được quy luật đánh phá của máy bay địch, nhờ có sức việt dã của bộ đội xe trên đường tiến công thường chủ động vượt qua trước hoặc sau nơi và giờ địch đánh chặn rồi vô hiệu hoá hoàn toàn mọi nỗ lực cao nhất hoạt động đánh phá ngăn chặn của địch.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:42:11 pm »

5. Xây dựng khu căn cứ thích hợp làm bàn đạp tấn công hoàn toàn chủ động trong vận tải

Quy tắc tổ chức một hệ thống dây chuyền vận tải đòi hỏi phải xác lập khu căn cứ xuất nhập hàng, xuất nhập quân là nơi tập kết phương tiện ở đầu cung để xuất phát tiến công, là nơi tập kết phương tiện ở cuối cung cơ bản để tổ chức thu quân về căn cứ sau một chuyến chuyển hàng lên phía trước.


Trong vận tải, tổ chức khu căn cứ không chỉ có ý nghĩa kinh tế, kỹ thuật mà còn là khâu trọng yếu trong hình thức chiến thuật, chiến dịch vận tải. Những điều kiện chọn và xây dựng khu căn cứ vận tải: Một là, điều kiện địa hình đủ triển khai được các thành phần tổ chức của khu căn cứ, có thể tiếp nhận lớn, thực hiện được tổ chức hiệp đồng các mặt hoạt động. Hai là, có mạng đường trong khu căn cứ kín đáo theo quy tắc thuận chiều tuyệt đối, tương ứng lực lượng xe lớn, giao nhận hàng nhanh chóng, đồng loạt, đồng bộ, không ùn tắc. Ba là, giữ được bí mật bất ngờ, không bị địch trực tiếp uy hiếp, bảo đảm hoạt động liên tục ngày đêm. Bốn là, khu căn cứ ở vị trí cân đối với khả năng thực hiện cung cơ bản của đơn vị trước và đơn vị sau trong dây chuyền vận tải chi viện chiến lược. Giữa hai đầu của cung cơ bản còn có thể hình thành một cung đệm để vận dụng chiến thuật vận tải, ở đó được coi như một căn cứ chiến thuật lợi hại.


6. Xác định hình thức chiến thuật và tổ chức đội hình binh chủng xe hơi thích hợp với đặc điểm chiến trường Trường Sơn

Là một binh chủng cơ giới của quân đội hoạt động trong chiến tranh, bộ đội vận tải Trường Sơn có nhiệm vụ thường xuyên vận chuyển mọi khối lượng vật chất và binh lực lên phía trước, đáp ứng đầy đủ kịp thời những yêu cầu tác chiến. Do đó, bộ đội vận tải cần xây dựng cho mình những hình thức chiến thuật, những biện pháp hành động thích ứng để bảo tồn mình, góp phần đánh bại được kẻ địch giành thắng lợi trong nhiệm vụ được giao.


Trong chiến đấu, bộ đội vận tải đánh bại kẻ địch không phải bằng trực tiếp tiêu diệt sinh lực hay phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng mà bằng cách bảo đảm an toàn lực lượng bao gồm phương tiện, hàng hoá và người, giữ vững đội hình vận chuyển liên tục, đạt cung độ, đưa hàng, đưa quân tới đích đúng số lượng, chất lượng, đạt thời gian quy định.


Bộ đội xe hơi lệ thuộc chặt chẽ vào cung đường hoạt động. Mỗi phân đội hoạt động trên một trục, coi đó là một trận tuyến. Bộ đội xe hơi thuộc trận tuyến chiến đấu như thuộc lòng bàn tay, đó là trận địa phải bám sát, giành giật với kẻ địch từng chặng đường, từng chuyến xe, từng thời điểm trong ngày/đêm, nên tư tưởng chiến thuật của binh chủng xe hơi là phải vận dụng tinh thần tiến công trên cơ sở có biện pháp phòng tránh tích cực và khoa học trong tiến công, đã ra quân là tiến công liên tục; nắm vững quy luật hoạt động của địch, khôn khéo lừa địch, lợi dụng thời cơ nhằm đúng chỗ sơ hở của địch mà đi, lấn địch từng chặng tiến lên giành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ. Nội dung đó được thể hiện trong ba hình thức chiến thuật: Một là, vận động tập trung đi một chiều thuận; hai là, vọt tiến từng chặng liên tiếp; ba là, đột kích vượt trọng điểm (sẽ có bài nói kỹ về vấn đề đội hình chiến thuật).


Kinh nghiệm đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ - ngụy trên chiến trường Trường Sơn cho ta rút ra được kết luận: Để làm đúng vai trò trung tâm hiệp đồng chiến đấu trên mặt trận vận tải quân sự, tất yếu phải có chiến thuật của binh chủng vận tải. Việc xác định cung độ vận chuyển và đơn vị vận tải cơ bản phù hợp với cung độ vận chuyển, cung chiến thuật là binh trạm, cung chiến dịch là sư đoàn khu vực, cung dài, cung đi thẳng đến từng chiến trường là cung chiến lược của binh đoàn chi viện chiến lược cơ động; đem đến cho ta những kết luận chính xác về vận tải quân sự trong chiến tranh mà chúng ta đã đi qua. Chiến thuật cơ bản đã đúc kết được của vận tải trong chiến tranh là tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành lấy vận tải làm trung tâm.


7. Tổ chức các măt đảm bảo kỹ thuật, bảo đảm hậu cần cho binh chủng vận tải trở thành một nộỉ dung đặc biệt quan trong có ý nghĩa góp phần quyết định đối với hiệu suất công tác

Nếu việc xác định cung độ, tổ chức đơn vị vận tải cơ bản, tổ chức đội hình chiến thuật có ý nghĩa là cơ sở cho tổ chức hiệp đồng binh chủng trên cung chiến thuật, cung chiến dịch, cung chiến lược là vấn đề then chốt phát huy sức mạnh của thế trận vận tải thì việc tổ chức đúng các mặt đảm bảo chủ yếu sẽ có giá trị duy trì liên tục sức mạnh chiến đấu hiệp đồng của các binh chủng trong thế trận vận tải trên đường Hồ Chí Minh - chiến trường Trường Sơn.


Xây dựng cơ sở đảm bảo kỹ thuật xe có quy hoạch phân cấp phù hợp với chiến thuật vận tải. Trên tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, thực chất là một chiến trường tổng hợp, có nhiều chủng loại kỹ thuật và chủng loại phương tiện, trên một không gian rộng, phối hợp hoạt đông vô cùng khẩn trương suốt ngày đêm này sang ngày đêm khác, suốt tháng năm này đến tháng năm khác, do đó việc tổ chức đảm bảo kỹ thuật cho từng binh chủng, từng lực lượng phải được hình thành hệ thống riêng từ trên Bộ tư lệnh chiến trường cho đến cơ sở, các cơ quan tham mưu binh chủng làm chức năng như một bộ chỉ huy binh chủng tương đối độc lập về mặt đảm bảo kỹ thuật của từng binh chủng trong toàn mạng lưới đảm bảo kỹ thuật của toàn chiến trường.


Trong chiến tranh, sự tiêu hao kỹ thuật thường xuyên diễn ra theo tỷ lệ thuận với sức đánh phá của địch, tỷ lệ nghịch giữa nhu cầu và khả năng đảm bảo. Nếu không xác định sự phân cấp quản lý sửa chữa trên tuyến thật rõ ràng và tổ chức cấp cứu trên các trọng điểm chu đáo thì ảnh hưởng lớn và có thể còn đe dọa đến khả năng thực hiện nhiệm vụ.


Trên thực tế đã áp dụng ba hình thức: Xưởng sửa chữa cố định cấp trung đại tu, trạm hoặc đội cấp cứu cơ động và tô sửa chữa đi cùng. Mỗi đơn vị tùy điều kiện và hoàn cảnh địa lý cũng như tình hình đánh phá của địch mà tổ chức các đội cấp cứu được trang bị công cụ, phương tiện đủ sức xử trí những trường hợp phức tạp. Ngoài ra, có các hình thức thành lập các tổ kiểm tra kỹ thuật đại đội, sau một chuyến công tác, đội kiểm tra kỹ thuật làm công tác kiểm tra sửa chữa nhẹ. Áp dụng quy tắc phân đoạn bảo dưỡng từng bộ phận theo thứ tự ưu tiên, kiên quyết thực hiện bảo dưỡng hai vào đợt kế hoạch công tác tháng.


Từ đó, dần dần hình thành được một mạng lưới đảm bảo kỹ thuật, hình thành một dây chuyền công nghệ trên tuyến. Được Tổng cục Hậu cần chi viện đắc lực nên các đơn vị trên tuyến đã thu hồi vật liệu để triển khai sửa chữa lớn tại chiến trường, tổ chức hợp lý khâu gia công tổng thành, tạo nguồn vật tư dự trữ chi viện kịp thời cho các đoàn xe của Bộ cơ động khẩn cấp vào chiến trường.


Kết quả đó đã phục vụ đắc lực những nhiệm vụ quân sự, nhất là trường hợp phải kịp thời bảo đảm thắng lợi của thời cơ chiến lược. Nói về vấn đề này ta nghĩ tới vai trò của đồng chí Dương Thế Thọ, người đứng đầu dây chuyền đảm bảo kỹ thuật, là một con người xông xáo, sáng tạo, quyết đoán, có trình độ tiên liệu công việc rất tốt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:43:09 pm »

8. Hết sức coi trong viêc cải tiến công tác tổ chức nuôi dưỡng, giữ vững sức chiến đấu liên tục của binh chủng vận tải trên tuyến

Do đặc điểm thời tiết, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh phải hoạt động theo mùa. Các mặt chuẩn bị thế trận, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị cả về vật chất - kỹ thuật, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật nghiệp vụ..., đều phải khẩn trương tiến hành trong mùa mưa. Đến mùa khô là thời kỳ đòi hỏi huy động cường độ lao động cao nhất, tất cả mọi người phải dốc toàn bộ sức lực vào cuộc chiến đấu liên tục ngày đêm, tranh cướp thời gian với địch, với trời để hoàn thành mục tiêu chi viện. Với hoàn cảnh khí hậu và nguồn bệnh sốt rét lan tràn khắp Trường Sơn, Bộ đội Trường Sơn có lúc phải rút tiêu chuẩn ăn trong mùa mưa (chỉ mấy lạng gạo trong ngày, bổ sung bằng măng rừng làm độn, chẳng có sắn khoai), vì thế tình trạng sức khoẻ của Bộ đội Trường Sơn giảm sút rất nhanh. Những đơn vị trực tiếp chiến đấu thuộc các binh chủng xe, công binh, cao xạ, bộ binh sức khoẻ thường dưới mức quy định. Căn cứ vào các tài liệu thống kê cụ thể của từng phân đội, sức khoẻ trong mùa khô chỉ bảo đảm từ 70% đến 85%, sức khoẻ trong mùa mưa trung bình 60%, cá biệt có năm sức khoẻ chỉ trên dưới 50%, có đơn vị chỉ còn 35% quân số khoẻ.


Xu hướng theo tính quy luật gần cuối mùa khô vào khoảng tháng 4, do lao động chiến đấu cật lực để hoàn thành chỉ tiêu chi viện cho từng chiến trường ta và bạn, sức khoẻ của lái xe, chiến sĩ công binh, cao xạ tụt xuống tới mức khẩu đội cao xạ chỉ còn ba số, mỗi xe chỉ còn một lái, mỗi trạm điều chỉnh giao thông còn lại hai người, một tiểu đội công binh chỉ còn từ ba đến bốn chiến sĩ. Vì vậy, việc tổ chức nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh trở thành một nội dung trọng yếu. Đặc biệt đối với các đơn vị vận tải thường xuyên cơ động xa, cơ sở bảo đảm sinh hoạt thì khó khăn.


Trong thực tế đã có những biện pháp bảo đảm sức khoẻ có hiệu quả: đối với bộ đội xe, cần kiên quyết áp dụng loại bếp ổn định hai đầu cung cơ bản 2 ngày đêm một chuyến, cung cơ bản 4 ngày đêm một chuyến, tổ chức ăn nghỉ, ngủ ở vị trí tạm dừng trên cung chiến dịch, tổ chức ăn, nghỉ, ngủ trên cung chiến lược. Tổ chức nhà bếp đi cùng đội hình vận tải khi đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu, vượt lên cung trước tăng cường cho binh trạm phía trước dứt điểm kế hoạch được giao trong năm.


9. Kho hàng là một bộ phận của binh chủng vận tải, có vai trò xứng đáng để nâng cao hiệu suất vận tải và bảo vệ nguồn hàng, là nguồn lực quan trong về mặt sức mạnh vật chất của tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, là cơ sở vật chất kỹ thuật đưa vào chiến trường

Kho hàng bao gồm kho chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thường được bố trí đầu cung vận tải cơ bản nằm trong phạm vi căn cứ chung của đơn vị vận tải cơ bản, gần căn cứ của đơn vị xe, gần sở chỉ huy cơ bản. Kho hàng phải đạt các tiêu chí: bố trí ở địa bàn kín đáo, bất ngờ, có nhiều tuyến đường nội bộ thuận chiều xe vào nhận hàng và xe ra nơi tập kết xuất phát tiến công; kho hàng được bố trí dưới hầm nửa âm, nửa dương đối với hàng vũ khí, trên sàn gỗ ngang với chiều cao của thùng xe để bốc dỡ xe nhanh; hàng xăng dầu được bố trí phân tán và ở xa kho chính; bộ đội kho hàng được huấn luyện động tác bốc dỡ xe nhanh; phải căn cứ yêu cầu từng chiến trường để bố trí hàng đồng bộ ở các phân kho riêng. Mỗi thứ hàng bố trí ở các phân kho riêng để dễ quản lý số lượng, bảo quản chất lượng, dễ xuất nhập gọn theo kế hoạch từng chuyến hàng. Bảo vệ an toàn kho hàng là một yêu cầu nghiêm ngặt, phải theo dõi thật chặt chẽ mọi dấu hiệu, hành tung của máy bay trinh sát, thám báo biệt kích; có khả nghi là phải di chuyển ngay. Bố trí lực lượng quân kho phải cân đối với lực lượng khác, thường chiếm 5 - 6% của binh chủng vận tải bộ đội kho bất cứ mùa mưa, hay mùa khô phải tổ chức bảo đảm hậu cần, quân y tốt để giữ vững quân số khoẻ thường xuyên.


10. Tổ chức các chiến dịch vận tải với quy mô ngày càng lớn, thông qua hoạt động chiến dịch để phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng giành thắng lợi trong công cuộc chi viện chiến lược

Có mấy đặc điểm chi phối diễn ra có tính quy luật là địch tập trung đánh phá ngăn chặn quyết liệt nhất vào đầu mùa khô, cộng thêm thời tiết đầu mùa khô và cuối mùa khô cản trở lớn đối với hoạt động vận tải; thời gian hoạt động vận tải bị khống chế bởi quy luật thời tiết, khối lượng vật chất chi viện ngày càng tăng theo yêu cầu tác chiến luôn luôn mâu thuẫn với khả năng vận chuyển có hạn độ.


Phải tìm cho ra quyết sách có hiệu quả nhất để giành thắng lợi trong khoảng thời gian có hạn, trong khả năng có hạn độ, quyết sách tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành đã mở ra triển vọng, mở ra khả năng hoàn thành nhiệm vụ, còn đối với quyết sách để phát huy sức mạnh tổ chức chiến đấu hiệp đồng thì không có quyết sách nào khác ngoài việc phải tổ chức chiến dịch vận tải, chỉ có hình thức tổ chức chiến dịch mới tác động mạnh mẽ vào mọi mặt, thúc đẩy được mọi khâu, quy tụ tiềm năng các binh chủng vào một "hợp điểm", tạo nên những bước nhảy vọt về lượng, đạt được sự chuyển biến về chất.


Công tác chuẩn bị chiến dịch phải đặc biệt coi trọng chuẩn bị đường cầu, lực lượng vận tải, lực lượng phòng không, cơ sở đảm bảo kỹ thuật, tổ chức đảm bảo sức khoẻ cứu thương, điều trị, hoạt động văn hoá văn nghệ, mạng lưới quan sát, mạng thông tin liên lạc, sở chỉ huy và chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ.


Tổ chức vận tải của ta tổ chức theo một dây chuyền nối tiếp giữa các binh trạm trong thời gian trước năm 1971, dây chuyền nối tiếp giữa các sư đoàn khu vực, từ năm 1972 đến năm 1974; nằm trong một dây chuyền khép kín đi thẳng từ sư đoàn tập trung đến từng chiến trường trong những năm 1974-1975, tất cả đều từ phía ngoài vào phía trong. Kẻ địch hoạt động đánh phá ngăn chặn cũng theo kiểu "chuyển làn từ ngoài vào trong”. Thực tế đó đã buộc hoạt động chiến dịch của ta phải áp dụng phương pháp chia giai đoạn theo kiểu: "đột phá trọng điểm vượt khẩu, tập trung chuyển vào sâu đến các hướng chiến trường". Mỗi giai đoạn phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản của giai đoạn mình, mới tạo cơ sở chủ yếu để đạt được sự cân đối theo "hình tháp”, từ đó hình thành ra các loại chiến dịch vận tải khác nhau: chiến dịch tập đoàn "Binh trạm cửa khẩu" với cái tên là chiến dịch "Binh trạm vạn tấn/tháng", được tổ chức khá hoàn thiện từ năm 1968 đến hết năm 1971. Chiến dịch sư đoàn thọc sâu của các sư đoàn khu vực kết nối nhau thành một dây chuyền vận tải quy mô cao hơn từ năm 1972 đến giữa năm 1974. Chiến dịch vận chuyển chi viện chiến lược thần tốc, toàn chiến trường là một dây chuyền vận tải quy mô cực lớn của một binh đoàn vận chuyển chiến lược cơ động và từ tháng 3 năm 1975 Bộ đội Trường Sơn đã trở thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động của Bộ vừa cơ động cơ sở vật chất, binh lực, vừa trực tiếp chở bộ binh tấn công truy kích địch, tham gia thực hành cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn, thực hành các chiến dịch cơ động liên tiếp trên chiến trường miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một thời gian ngắn.


Chiến dịch vận tải theo phương pháp chia giai đoạn "đột phá trọng điểm vượt khẩu, tập trung chuyển vào sâu đến các hướng chiến trường"; phải huy động được hoạt động đồng đều trên toàn tuyến "bằng sự tổng hợp hoạt động của mọi binh chủng kỹ thuật, trong tổ chức chiến đấu hiệp đồng, có chỉ huy thống nhất chặt chẽ, có hướng chính của chiến dịch, hướng phụ của chiến dịch, hướng chính của binh trạm cửa khẩu, nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch". Hướng phụ là các binh trạm phía trong tranh thủ kẻ địch đang dồn sức đánh phá quyết liệt vùng cửa khẩu, sơ hở vùng phía Nam tuyến, đẩy mạnh vận chuyển cho các chiến trường để các chiến trường có đủ điều kiện mở hoạt động chiến dịch tác chiến sớm hơn. Với ý nghĩa đó, chiến dịch vận tải của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đã thông qua hoạt động chiến dịch để phối hợp hướng chính và hướng phụ của chiến dịch vận tải nhằm tác động toàn diện phía sau và phía trước, hỗ trợ cho nhau trong những tháng trọng điểm nhằm dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện chiến lược đến các chiến trường của ta và chiến trường của bạn.


Chiến dịch vận tải diễn ra theo một chu trình vận tải công kích tiến lên vận tải tổng công kích. Vận tải tổng công kích thường căn cứ vào ba điều kiện thời cơ có lợi, đó là: Gió mùa Đông Bắc hạn chế hoạt động của máy bay Mỹ, ta tranh thủ lấn sáng lấn chiều, Mỹ bị căng ra trên các chiến trường miền Nam khi các chiến dịch Đông Xuân được phát động, khi lực lượng trên toàn tuyến, lực lượng các binh chủng chiến đấu hiệp đồng đã phát triển đồng đều sau khi được "thử nghiệm" sau các đợt vận chuyển công kích.


Nói chung, từ khi vận dụng được nghệ thuật chiến dịch của quân đội ta vào mặt trận vận tải chiến lược đã khắc phục dần những hạn chế, khuyết điểm do chủ quan. Việc tổ chức chiến dịch càng hoàn thiện, sáng tạo được cách đánh tổng hợp, càng giành thắng lợi lớn hơn, nhất là giai đoạn tổng công kích bao giờ cũng vượt chỉ tiêu nhiệm vụ toàn diện so với thời gian tương tự trước đó.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:44:51 pm »

IV. LỰC LƯỢNG VẬN TẢl ĐA PHƯƠNG THỨC TRƯỜNG SƠN LÀM LỰC LƯỢNG DỰ BỊ CHIẾN LƯỢC TẠI CHỖ CỦA BỘ TRONG CÁC CHIẾN DỊCH LỚN CỦA TA VÀ BẠN TỪ NĂM 1968 ĐẾN NĂM 1975

Tùy theo quy mô và yêu cầu lực lượng vận tải ô tô vừa tham gia phục vụ chiến dịch, vừa trực tiếp làm nhiệm vụ cơ giới hoá lực lượng bộ binh hành tiến tấn công địch, truy kích địch.

Hầu hết các chiến dịch lớn, bộ đội trực tiếp phục vụ cơ động và cơ sở vật chất đến nơi tập kết của chiến dịch, có nơi đến tận trận tuyến chiến đấu.

Tại chiến dịch đường 9 - Khe Sanh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bộ đội vận tải Trường Sơn đã cơ động các sư đoàn bộ binh đi bằng xe ô tô từ Quảng Bình vào tận Đường 9 - Khe Sanh theo tuyến đường vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn. Trong quá trình diễn biến chiến dịch, một bộ phận xe ô tô ở Trường Sơn đã trực tiếp làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại chiến trường; vận tải cơ sở vật chất kỹ thuật đến căn cứ A1 và căn cứ A3 hậu cần mặt trận; còn một bộ phận xe chuyên chở thương binh ra hậu phương.


Trong thời gian ta giải phóng và chiếm giữ thành phố Huế, Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng 2 trung đoàn công binh mở đường 73 vào hướng Bình Điền, điều 3 tiểu đoàn xe vận tải, 2 tiểu đoàn phòng không phục vụ chiến đấu và chiến đấu.


Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức xây dựng tuyến hậu cần chiến dịch mở thêm đường mới để các đơn vị vận tải cơ giới đẩy mạnh vận chuyển vật chất vào các khu vực tập kết của bộ đội. Đến đầu tháng 1 năm 1971, dự trữ vật chất đến các hướng chiến dịch đã lên tới 6.000 tấn lương thực bảo đảm cho 5 đên 6 vạn quân tác chiến từ 4 đến 5 tháng. Ngoài ra, trên các tuyến vận tải Trường Sơn còn dự trữ 3 vạn tấn. Hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy chiến dịch do Bộ tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm, các bệnh viện, bệnh xá của Bộ đội Trường Sơn cũng tham gia một phần với B4, B5. Đặc biệt đánh địch ở phía Tây, Bộ giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm. Ngoài ra còn giao cho lực lượng phòng không Trường Sơn làm lực lượng chủ lực phòng không của toàn chiến dịch.


Trong chiến dịch tiến công Trị Thiên năm 1972, Bộ tư lệnh Trường Sơn thi hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, tổ chức sở chỉ huy tiền phương do Chính ủy và Phó chính ủy phụ trách cơ động Binh trạm 12, một binh trạm mạnh lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn nhận toàn bộ cơ sở vật chất hậu cần chiến dịch từ Nam Bến Thủy đến Thành cổ Quảng Trị, sử dụng các tiểu đoàn, trung đoàn ô tô, tiểu đoàn thuyền, chuyển vật chất cho chiến dịch. Các tiểu đoàn thuyền chở vũ khí từ Bến Hải, từ Đông Hà đến chiến hào Thành cổ. Tăng cường 2 trung đoàn công binh mở tuyến đường trên 150km Tây quốc lộ 1A và 1 trung đoàn phòng không đánh địch bảo vệ tác chiến chiến dịch.


Trong chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh (Bắc Quảng Trị, Xuân - Hè 1968), ta chủ trương mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, xem đó là một mặt trận chính của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Đây là một đòn chính của bộ đội chủ lực ta nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác, nhất là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng, trực tiếp là Huế tiến công và nổi dậy thắng lợi.


Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức xây dựng tuyến hậu cần chiến dịch, mở thêm đường mới để các đơn vị vận tải cơ giới đẩy mạnh vận chuyển vật chất vào các khu vực tập kết của bộ đội, đến đầu tháng 1 năm 1974 dự trữ vật chất đến các hướng chiến dịch đã lên tới 6 nghìn tấn, đủ bảo đảm cho từ 5 đến 6 vạn quân tác chiến từ 4 đến 5 tháng. Ngoài ra, trên các tuyến vận tải thuộc Trường Sơn còn dự trữ hơn 3 vạn tấn. Hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy được bộ đội thông tin Trường Sơn đảm nhiệm, các bệnh viện, bệnh xá Trường Sơn cũng tham gia một phần với B4, B5.


Trong chiến dịch tiến công Trị - Thiên (1972), Bộ tư lệnh Trường Sơn thi hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh cơ động một binh trạm mạnh (Binh trạm 12) từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn, đảm nhận toàn bộ hậu cần chiến dịch từ Nam Bến Thủy (Hà Tĩnh) đến Thành cổ Quảng Trị, sử dụng các tiểu đoàn ô tô và Tiểu đoàn thuyền vận chuyển vật chất cho chiến dịch. Tiểu đoàn thuyền vận chuyển vũ khí từ Vĩnh Linh vào Quảng Trị, đến tận mặt trận Thành cổ.


Trong chiến dịch Tây Nguyên Xuân 1975, Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn ô tô 471, Sư đoàn bộ binh 968 và 3 trung đoàn cao xạ của Bộ đội Trường Sơn chiếm gần một nửa lực lượng tham gia chiến dịch, trực tiếp tham gia chiến đấu, đảm nhiệm về cơ bản công tác đảm bảo hậu cần chiến dịch, mở đường chiến dịch bí mật vào thị xã Buôn Ma Thuột, dùng ô tô chở bộ binh tiếp cận thị xã trước giờ nổ súng. Sau khi giải phóng thị xã, xe Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động các sư đoàn của Tây Nguyên, Sư đoàn 968 truy kích tiến công địch xuống đồng bằng Khu 5 thực hiện chia cắt chiến lược.


Trong chiến dịch Trị Thiên - Huế vỀ chiến dịch Đà Nẵng, hai chiến dịch vừa của Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 nhằm tiêu diệt quân đoàn 1 quân khu 1 ngụy, một tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở đầu phía Bắc, Sư đoàn ô tô 571 đã cơ động Quân đoàn 2 hành tiến vào Đà Nẵng hợp điểm với Sư đoàn 2 Quân khu 5 và lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng. Theo tinh thần "thần tốc", Bộ tư lệnh Trường Sơn đã tăng cường 2 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu bảo đảm nhanh chóng khôi phục cầu đường cho chiến dịch.


Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng vận tải đa phương thức: bộ đội ô tô, bộ đội xăng dầu đã bảo đảm đầy đủ nhất, đồng bộ nhất vật chất cho chiến dịch, Bộ tư lệnh Trường Sơn còn sử dụng 2 sư đoàn xe ô tô cơ động các quân đoàn 1, 2, 3, Sư đoàn 341 (tăng cường cho Quân đoàn 4 trước đó) và Quân đoàn 4 hành tiến tấn công địch ở Sài Gòn - Gia Định đến tận dinh Độc Lập .


Vận tải đa phương thức trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm, đồng thời là lực lượng chủ công trên tuyến chi viện chiến lược, đã cùng với các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:15:41 pm »

XÂY DỰNG VÀ BÀO ĐẢM THẾ TRẬN ĐƯỜNG CẦU KỲ HÌNH, ĐA DẠNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


TÔ ĐA MẠN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,
nguyên Phó Cục trưởng Cục Công binh Bộ tư lệnh Trường Sơn

PHẠM THỌ
Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh,
nguyên Tham mưu trưởng Cầu đường Binh trạm 14 - Bộ tư lệnh Trường Sơn

HOÀNG NGỌC CHÂU
Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Binh đoàn 12, nguyên Trưởng phòng Thiết kế Cục Tham mưu công binh Bộ tư lệnh Trường Sơn


Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, Đảng ta đã xác định: Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng như một cầu nối nằm trong không gian chiến lược được xác định là căn cứ hậu phương trực tiếp của các chiến trường.


Ban đầu căn cứ này còn nhỏ hẹp, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến đã phát triển trở thành rộng lớn, bao gồm 21 tỉnh liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương: Việt, Lào, Campuchia, đã thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp.


Từ một tuyến đường dần dần đã trở thành một hệ thống đường chằng chịt được xây dựng với 17.000km đường ô tô, 500km đường sông, 3.000km đường giao liên gùi thồ, có các cụm kho chiến lược chiến dịch, các xưởng máy, bệnh viện, đội điều trị, phục vụ các tuyến chiến dịch. Còn có 1.400km đường ống xăng dầu từ Bắc vào Nam, một mạng đường thông tin tải ba 1.400km nối từ hậu phương lớn đến tận các chiến trường. Ngoài ra còn có sân bay dã chiến, các cảng sông, cảng biển ở Quảng Bình, Quảng Trị, đó là hạ tầng cơ sở vững chắc, là xương sống của căn cứ chiến lược đảm bảo vận chuyển liên tục trong suốt 16 năm chống Mỹ (từ năm 1959 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975).


Nhận rõ nguy cơ của con đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn. Hằng ngày, máy bay hiện đại đủ loại, trên bổn triệu tấn bom đạn cùng hàng trăm nghìn phương tiện vũ khí đổ xuống căn cứ, đổ xuống tuyến đường. Bộ đội Trường Sơn, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, đã chiến đấu liên tục, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, đứng vững trên chiến trường chống ngăn chặn và đã thắng lợi.


Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thực sự là một chiến trường tổng hợp, một chiến trường vô cùng ác liệt, gian khổ.

Công binh, thanh niên xung phong - lực lượng quyết định đảm bảo cơ sở hạ tầng, ngày đêm liên tục chiến đấu trên mặt trận cầu đường, là một thành phần của binh chủng hợp thành, lấy vận chuyển làm trung tâm; là một lực lượng chiến đấu tại chỗ đông đảo nhất, trực tiếp nhất, đồng thời là lực lượng dự bị chiến lược tăng cường cho các chiến dịch lớn. Lực lượng đó đã "xẻ dọc Trường Sơn" làm nên chiến công rạng rỡ, cũng là lực lượng chịu nhiều tổn thất. Gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ gồm công binh, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân giao thông ngã xuống. Hàng vạn người khác mang thương tích trong mình hoặc bị nhiễm chất độc điôxin da cam đã nói lên tinh thần dũng cảm hy sinh và chiến đấu ác liệt đó.


Trên mặt trận cầu đường, bộ đội công binh - lực lượng đông đảo nhất trong tổ chức binh chủng hợp thành là một lực lượng đa năng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ: làm đường mới, chống phá hoại, bảo đảm giao thông, chiến đấu bắn máy bay bay thấp, đánh địch mặt đất bảo vệ hành lang, cứu xe, cứu hàng..., nhưng xác định có hai chức năng chủ yếu nhất, đó là:

- Xây dựng phát triển hệ thống cầu đường kỳ hình, đa dạng.

- Chống phá hoại, đảm bảo giao thông, đảm bảo cầu đường luôn thông suốt phục vụ vận chuyển an toàn, liên tục.


Từ hai chức năng trên, có hai phương thức tác chiến trên mặt trận cầu đường. Mỗi phương thức tác chiến do một lực lượng chuyên đảm nhiệm, với tổ chức khác nhau, trang bị, chiến thuật khác nhau, mục tiêu tác chiến cụ thể khác nhau, nhưng đều có một nhiệm vụ chung, cao nhất là đảm bảo cho nhiệm vụ trung tâm của toàn tuyến là vận chuyển được nhanh chóng, an toàn tới chiến trường.

- Lực lượng chuyên mở đường: Tổ chức thành các trung đoàn, sư đoàn cơ động và thường được giao mở các tuyến trọng yếu như hệ thống trục dọc, trục ngang mang tính chiến lược, chiến dịch, một số đường vòng tránh trọng điểm lớn, đường chuẩn bị cho các chiến dịch ở các chiến trường.

- Lực lượng chuyên bảo đảm giao thông: Được tổ chức thành các tiểu đoàn, nằm trong thành phần của binh chủng hợp thành ở binh trạm vận tải, thường được tổ chức thành trung đoàn nằm trong thành phần của binh chủng hợp thành sư đoàn khu vực với nhiệm vụ chủ yếu, đảm bảo giao thông thông suốt liên tục; xây dựng công sự, cứu lái xe, cứu xe, cứu hàng.

Cả hai lực lượng trên, tuy chức năng khác nhau, nhưng cũng dễ dàng chuyển hoá cho nhau, vì mở đường mới cũng là một phương thức bảo đảm giao thông, để vận chuyển được liên tục. Đã có những trung đoàn cơ động sau khi mở đường xong được giữ lại đảm bảo giao thông có nhiều thuận lợi. Lực lượng công binh thuộc các binh trạm vận tải cũng dành ra một lực lượng để mở các tuyến đường trong các căn cứ kho, đường tập kết tiếp cận tuyến vận tải xây dựng công sự cho kho hàng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM