Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:43:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 (1964-2005)  (Đọc 7505 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #110 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2021, 04:25:13 pm »

*

   Bên cạnh những thành tích toàn diện trong công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, hậu cần - kỹ thuật, công tác đảng, công tác chính trị và dân vận; một hoạt động rất sôi động và thành công lớn của Quân đoàn trong nửa đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX là kỷ niệm 10 năm thành lập Binh đoàn Tây Nguyên (26.3.1975 - 26.3.1985). Xác định rõ ý nghĩa rất lớn và tầm quan trọng của hoạt động kỷ niệm trong việc giáo dục, phát huy truyền thống anh hùng của Quân đoàn trong cán bộ, chiến sĩ và tuyên truyền trong nhân dân, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo tổ chức triển khai từ rất sớm.

   Ngày 8 tháng 6 năm 1982, Bộ tư lệnh Quân đoàn tổ chức hội nghị bàn về các nội dung cụ thể chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đoàn. Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Quốc Thước (tư lệnh Quân đoàn), Hà Quốc Tỏan (phó tư lệnh về chính trị), Bùi Đình Hoè (phó tư lệnh Tham mưu trưởng), Khuất Duy Tiến (phó tư lệnh), Nguyễn Đằng (chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn), Nguyễn Văn Thụ (phó chủ nhiệm Kỹ thuật Quân đoàn) và một số cán bộ các phòng Doanh trại, Công binh, tổ chức động viên, Cán bộ, Tuyên huấn, Truyền thống, Tài vụ. Hội nghị đã quyết định tập trung mọi cố gắng của Quân đoàn vào xây dựng khu văn hóa - truyền thống, nghiên cứu biên soạn xuất bản cuốn lịch sử Binh đoàn Tây Nguyên tập 2 và bộ phim truyền thống Quân đoàn; giao cho đại tá Khuất Duy Tiến làm trưởng ban chỉ đạo, trực tiếp phụ trách nhiệm vụ quan trọng này. Một năm sau (6.6.1983), các lực lượng trực tiếp xây dựng công trình truyền thống, viết lịch sử và làm phim được thống nhất thành ''Tổ chức công trình 26.3'' do trung tá Nông Quang Lộc - chủ nhiệm công binh Quân đoàn làm chỉ huy trưởng và các đồng chí trung tá Trần Hồng (trưởng Ban Truyền thống - phim), trung tá Đinh Ngãi (trưởng Ban Lịch sử) làm phó chỉ huy trưởng.

   Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp, một phong trào thi đua rất sôi nổi, sâu rộng lập thành tích chào mừng 10 năm thành lập Quân đoàn với các nội dung chỉ tiêu cụ thể, đóng góp xây dựng công trình 26.3 được phát động trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên. Hàng triệu viên gạch hồng, hàng ngàn xe cát, hàng trăm mét khối gỗ kết tinh công sức và mang theo tình cảm của bộ đội nhanh chóng đưa đến công trình xây dựng khu lưu niệm ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái; được bàn tay tài hoa của những người lính - người thợ nhanh chóng tạo thành tượng đài, nhà rông, nhà triển lãm.

   Được tin Binh đoàn Tây Nguyên chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập, với tình cảm sâu nặng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cử nhiều đoàn đại biểu đến động viên, thăm hỏi và góp của góp công giúp đỡ Quân đoàn trong suốt quá trình chuẩn bị. Tại Hội nghị liên tịch ngày 16.12.1983 ở sở chỉ huy Quân đoàn, Anh hùng Đinh Núp - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai - Kon Tum1 và các đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy, YBLốc- Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch tỉnh, Nguyễn An Vinh - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc2 thay mặt cho nhân dân Tây Nguyên tặng Quân đoàn 3 ''Nhà lưu niệm Tây Nguyên'' và nhiều gỗ quý, đồng thời cử cán bộ chuyên môn giúp đỡ thi công.

   Qua gần 2 năm xây dựng, Quân đoàn đã sử dụng hàng vạn ngày công lao động của bộ đội và một khối lượng vật tư rất lớn để xây dựng Khu Văn hóa truyền thống, bao gồm: 96.317kg sắt thép, 313.737kg xi măng, 525.688 viên gạch chỉ, 36.000 viên gạch lát nền, 450 viên gạch hoa, 5.000 viên gạch lát mái, 7.370 viên ngói Sông Cầu, 228 viên ngói xi măng, 215 viên ngói bò, 84 tấn vôi, 158m3 gỗ nhóm 6 và 7, 56m3 gỗ từ tỉnh Gia Lai - Kon ,Tum, Đắc Lắc đưa ra; 423,3m3 sỏi, 890m3 cát, 29.962kg đá trang trí; 99,5 ste củi; 122.872kg than, 3.198 cây tre, 1.163kg sơn các loại 490kg que hàn. Tổng chi phí xây dựng Khu Văn hóa truyền thống: 6.947.952 đồng3. Ngày 25.3.1985 Khu Văn hóa truyền thống Binh đoàn Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành và kịp thời phục vụ kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đoàn. Đây là một quần thể kiến trúc văn hóa bao gồm: Nhà trưng bày chính (nhà Triển lãm - nhà Văn hóa truyền thống), tượng đài ''Chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên'', Nhà lưu niệm tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Nhà lưu niệm tỉnh Đắc Lắc, xen kẽ và bao quanh là khu vườn cây xanh rộng khỏang 2,2 héc-ta.

   + Nhà trưng bày chính: (nhà Triển lãm - nhà Văn hóa truyền thống) xây dựng tại trung tâm Khu Văn hóa truyền thống. Có diện tích xây dựng 567m2, diện tích sử dụng 320m2, do Công trình 26-3 thi công, kinh phí: 2.547.130 đồng. Tại đây trưng bày các hiện vật, tập ảnh, phim, tài liệu, sa bàn... về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Tây Nguyên - Quân đoàn 3. Tổng số hiện vật: 304 loại (có 52 loại về địch), ảnh truyền thống các cỡ: 130 chiếc, phim (ảnh) lưu: 2.200 chiếc, ảnh lưu: 9 cuốn; nhiều bức điện, thư tay của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các bằng chứng nhận đơn vị anh hùng, quyết định tặng thưởng huân chương, các bức trướng. Nhà trưng bày đã khái quát bằng hình ảnh, hiện vật về lịch sử anh hùng của lực lượng vũ trang Tây Nguyên - Quân đoàn 3 trong thời gian từ năm 1964 đến năm 1985.

   + Tượng đài ''Chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên"4: được xây dựng trước Khu Văn hóa truyền thống, nhìn về hướng nam, phía trước tượng đài là sân vận động của Quân đoàn. Tượng đài kết cấu theo hình cung tên. Chiều cao toàn bộ tượng đài: 16,68m, cánh cung rộng 13m, đặt trên sân hình bán nguyệt đường kính 70m. Thân đài tiết diện hình thang cân, phía trước là tượng, phía sau đưa ra hình mái nhà rông, xung quanh là các bức tường trang trí Tượng đài ''Chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên'' thể hiện tính chất tưởng niệm, biểu dương công tích của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Tây Nguyên - Quân đoàn 3, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các dân tộc Tây Nguyên với Quân đoàn; đồng thời toát lên tinh thần lạc quan, khí phách anh hùng, ý chí gang thép, sức mạnh vươn lên của Quân đoàn.

   + Nhà lưu niệm tỉnh Gia Lai - Kon Tum5: được xây dựng trong Khu Văn hóa truyền thống Quân đoàn, là quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum cho Quân đoàn 3, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân đoàn. Đây là nhà rông, khẩu độ không lớn nhưng mái nhà cao, có kết cấu bê tông chịu lực vững chắc, là công trình vĩnh cửu, có yêu cầu về kỹ thuật và mỹ  thuật cao. Trong nhà, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, phù điêu giới thiệu về nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; hình ảnh về địa lý tự nhiên, sản vật, văn hóa các dân tộc ở Gia Lai - Kon Tum; Hình ảnh của quân và dân trong tỉnh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; một số thành tựu về xây dựng chủ nghĩa xã hội.

   + Nhà lưu niệm tỉnh Đắc Lắc6: được xây dựng trong Khu Văn hóa truyền thống của Quân đoàn, là quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho Quân đoàn 3, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đoàn. Nhà lưu niệm tỉnh Đắc Lắc có kiến trúc đẹp, bền vững, có hồ cảnh trước nhà. Bên trong, trưng bày các hình ảnh và một số hiện vật giới thiệu địa lý tự nhiên, sản vật và văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh, giới thiệu thành tích chiến đấu của quân và dân Đắc Lắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những thành quả sản xuất và bảo vệ quê hương sau chiến tranh.

   Cùng với Khu Văn hóa truyền thống, cuốn sách "Binh đoàn Tây Nguyên tập 2" do Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên xuất bản và bộ phim truyền thống Binh đoàn Tây Nguyên do Điện ảnh Quân đội nhân dân hợp tác với Quân đoàn 3 xây dụng cũng hoàn thành, kịp thời đưa vào sử dụng. Tại các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, các nhà trường, bệnh viện, cơ quan Quân đoàn, nhiều công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà xưởng, khu sản xuất kinh tế cảnh quan môi trường chào mừng 10 năm thành lập Quân đoàn cũng lần lượt được nghiệm thu đưa vào hoạt động, tạo ra bộ mặt mới trong các doanh trại.

   Ngày 26 tháng 3 năm 1985, lễ kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập Binh đoàn Tây Nguyên diễn ra trọng thể tại Quân đoàn bộ ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình tỉnh Bắc Thái. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng  cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; Thủ trưởng các quận khu, quân đoàn, binh chủng và đại biểu Đảng bộ, chính quyền các tỉnh Bắc Thái, Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc, thành phố Thái Nguyên..., chỉ huy các đơn vị cơ quan, nhà trường trong toàn Quân đoàn và lãnh đạo chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 qua các thời kỳ. Trong thời gian này, ở các đơn vị trong toàn Quân đoàn cũng diễn ra các hoạt động phong phú chào mừng ngày lịch sử trọng đại của Binh đoàn. Đây là một hoạt động sôi động nhất, rộng rãi nhất, mang nhiều nội dung ý nghĩa của Quân đoàn trong giai đoạn đứng chân và làm nhiệm vụ ở phía Bắc Tổ quốc. Kết quả to lớn và dư âm của nó còn phát huy tác dụng mãi về sau.

   Năm năm làm nhiệm vụ xây dựng chính quy nâng cao sức mạnh chiến đấu trên hướng chiến lược phía Bắc Tổ quốc, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ, tạo điều kiện, đoàn kết hiệp đồng của các cơ quan Bộ và đơn vị bạn, sự cưu mang đùm bọc hết lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên đã phát huy cao độ truyền thống "Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, tự lực" vượt qua bao khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên lập nhiều thành tích xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị, cơ quan và cá nhân trong Binh đoàn lập thành tích xuất sắc, trong đó Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Cục Hậu cần Quân đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng nhì, Cục Kỹ thuật Quân đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng ba, Sư đoàn 31 được tặng cờ thưởng luân lưu của Bộ Quốc phòng. Kết quả 5 năm xây dựng Binh đoàn Tây Nguyên theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến trên địa bàn chiến lược phía Bắc Tổ quốc không chỉ có ý nghĩa góp phần răn đe đối với các thế lực thù địch chống phá đất nước ta mà còn là cơ sở để Quân đoàn 3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.




-----------------------------------------------------------------
1. Nay là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

2. Nay là tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Đắc Nông.

3. Trong đó các đơn vị trong Quân đoàn đóng góp: 4.018.001,81 đồng; tỉnh Gia Lai Kon Tum tặng: 1.000.000 đồng; tỉnh Đắc Lắc tặng 1.000.000 đồng; tiền bán phim truyền thống cho phát hành phim quân đội: 382.385,25 đồng.

4. Tác giả tượng đài: Nhà điêu khắc Trịnh Dân. Thiết kế, thi công tại Xưởng mỹ thuật Quân đội; Quân đoàn 3 xây phần móng và bệ đài, sau lắp ráp lại. Công ty xây dựng Bắc Thái trát đá rửa; hợp tác xã 751 liên xã xây dựng Hà Nội làm đá mài granitô. Vật liệu xây dựng tượng đài: 72 tấn xi măng, 11 tấn thép, 25.400 viên gạch... Tổng chi phí: 1.153.445 đồng. Thời gian tồn tại của tượng đài theo thiết kế là 100 năm.

5. Nhà do tỉnh Gia Lai - Kon Tum thiết kế, công ty xây dựng tỉnh Bắc Thái thi công. Diện tích: 200m2, vật tư sử dụng: 36 tấn xi măng, 19 tấn thép, 42.350 viên gạch chỉ, 114m3 cát; 8,4 tấn vôi. Tổng kinh phí: 789.729 đồng.

6. Nhà do tỉnh Đắc Lắc thiết kế, công ty xây dựng tỉnh Bắc Thái thi công. Diện tích: 230m2, vật tư sử dụng: 69 tấn xi măng, trên 22 tấn thép, 18m3 đá hộc, 51.550 viên gạch chỉ, 1.950 viên đá chẻ, 21 tấn vôi. Tổng kinh phí: 1.102.137 đồng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #111 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 06:46:46 am »

        3. Vừa tích cực chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, vừa đẩy mạnh xây dựng Quân Đoàn vững mạnh toàn diện.

   Đầu năm 1985, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra rất quyết liệt, trong đó địa bàn Quân khu 2 đảm nhiệm là một trọng điểm. Để hỗ trợ cho quân và dân trên mặt trận biên giới tỉnh Hà Tuyên giữ vững biên cương, cuối tháng 2 năm 1985 Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh điều động một số phân đội bộ binh và pháo binh thuộc Quân đoàn 3 tăng cường cho Quân khu 2. Chấp hành mệnh lệnh trên, Quân đoàn 3 lần lượt đưa Tiểu đoàn bộ binh 8 (thuộc Trung đoàn 977) và Tiểu đoàn pháo binh 11 (thuộc Trung đoàn 4) Sư đoàn 31 đi phối thuộc với đơn vị bạn, bảo đảm đúng thời gian, địa điểm quy định, nhanh gọn, an toàn. Do được chuẩn bị chu đáo, mang theo một cơ số đạn và nửa tháng lương thực, các tiểu đoàn đến nơi bước vào chiến đấu được ngay trên hướng Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tiếp đó, cũng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 1985, Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 10 sẵn sàng cơ động chiến đấu và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn công binh 7 thi công mở rộng 26km đường Quyết Thắng đoạn từ Yên Lập đến Na Hang bảo đảm cơ động pháo 130mm dễ dàng và bàn giao cho Binh đoàn 12.

   Trước yêu cầu nhiệm vụ mới và thực hiện quyết định (số 146/QĐ) của Tổng Tham mưu trưởng điều động Tiểu đoàn 2 xe tăng T54b thuộc Lữ đoàn xe tăng 273 về trực thuộc Bộ tư lệnh 479 Quân khu 7; trung tuần tháng 9 năm 1985, Quân đoàn tổ chức cơ động Tiểu đoàn 2 xe tăng gồm 211 cán bộ, chiến sĩ, 22 xe tăng và 10 xe khác từ tỉnh Bắc Thái vào ga Sóng Thần, rồi đi đến Xiêm Riệt bàn giao đầy đủ cho Trung đoàn 415 Mặt trận 479 đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia. Ngay sau khi Tiểu đoàn 2 lên đường, Quân đoàn quyết định điều động một số đại đội của các tiểu đoàn khác thuộc Lữ đoàn xe tăng 273 xây dựng một tiểu đoàn xe tăng mới vẫn lấy tên là Tiểu đoàn 2; đồng thời tiếp nhận xe tăng tại cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) trang bị đầy đủ và tổ chức huấn luyện phân đội mới này. Cũng trong thời gian này, một đoàn công tác (gồm 10 đồng chí) của Quân đoàn do trung tá Lê Nhược (phó hiệu trưởng Trường Quân chính làm trưởng đoàn) lên đường sang nước bạn Lào giúp Sư đoàn 2 Quân đội nhân dân Lào tổ chức và xây dựng một trường đào tạo hạ sĩ quan.

   Tháng 9 năm 1985, Quân đoàn được lệnh chuẩn bị cơ động toàn bộ Sư đoàn bộ binh 31 đi phối thuộc cho Quân khu 2 chiến đấu bảo vệ biên giới. Nhiệm vụ cụ thể của Sư đoàn bộ binh 31 là thay phiên phòng ngự cho Sư đoàn bộ binh 313 và Sư đoàn bộ binh 356 trên tuyến biên giới thuộc huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên1. Quá trình làm nhiệm vụ chiến đấu, Sư đoàn 31 do Quân khu 2 đảm nhiệm chỉ huy tác chiến, bảo đảm kỹ thuật, đạn dược, thương binh, tử sĩ; được Quân đoàn 3 bảo đảm hậu cần và cơ động lực lượng.

   Sau 6 năm xây dựng chính quy trong hòa bình, đây là lần đầu tiên Quân đoàn đưa một lực lượng lớn đi chiến đấu ở phía Bắc, nên có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng không ít trở ngại. Sư đoàn 31 là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được xây dựng chính quy trong một thời gian dài. Cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống và điều kiện thuận lợi, ra sức khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nhiều năm là lá cờ đầu trong Quân đoàn. Đội ngũ cán bộ từ cấp đại đội trở lên hầu hết đã trải qua chiến đấu, lại được đào tạo bổ túc tại các trường trong và ngoài Quân đoàn, thường xuyên được tập huấn, rèn luyện qua thực tiễn và được phổ biến kinh nghiệm tác chiến bảo vệ biên giới của các đơn vị bạn... nên trình độ năng lực lãnh đạo chỉ huy đã nâng cao một bước. Hầu hết cán bộ tiểu đội, trung đội đã đào tạo cơ bản, đảm đương được nhiệm vụ theo chức trách. Chiến sĩ vừa được huấn luyện chặt chẽ theo chương trình quy định vừa thường xuyên được giáo dục và rèn luyện theo hướng chiến đấu ở địa hình rừng núi phía Bắc, ai cũng phấn khởi tự tin thấy rõ vinh dự và trách nhiệm được thay mặt cho Quân đoàn đi chiến đấu bảo vệ biên cương. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu Sư đoàn củng còn nhiều khó khăn. Do tổ chức biên chế rút gọn, tuy có đủ 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo , binh và các phân đội trực thuộc nhưng cán bộ, chiến sĩ còn thiếu nhiều so với quy định. Trung đoàn 866 là đơn vị sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn nhưng cũng chỉ có 60% quân số Trung đoàn 977 huấn luyện chiến sĩ mới chỉ đủ nhân cốt, Trung đoàn 922 rút gọn thành khung huấn luyện quân dự bị, Trung đoàn pháo binh 4 đã tăng cường gọn 1 tiểu đoàn cho Quân khu 2. Là đơn vị chủ lực, Sư đoàn 31 thường xuyên huấn luyện theo hướng chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong đội hình chiến dịch; nay trước đối tượng tác chiến mới, địa hình núi đá phức tạp, thế phòng ngự cài răng lược, đánh nhỏ lẻ và chiến thuật phân đội nhỏ là chính, trong thế trận chiến tranh nhân dân nên phải có thời gian để chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị vật chất và tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Cùng với những vấn đề trên, việc thực hiện cơ chế lãnh đạo ở Sư đoàn 31 vẫn chưa ổn định, tỷ lệ đảng viên trong các phân đội chiến đấu thấp 2 và những khó khăn của nền kinh tế - xã hội đang ở giai đoạn cực kỳ gay gắt thường nhật tác động không nhỏ đến tâm tư tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

   Hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của Sư đoàn 31 và Quân đoàn 3, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Bộ rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ mọi mặt. Ngày 17 tháng 9 năm 1985, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Sư đoàn 31 và chỉ định 9 đồng chí vào Đảng ủy Sư đoàn, gồm: Bí thư Nguyễn Đắc Giáp, phó Bí thư Trần Tất Thanh, các ủy viên: Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Văn Bạ, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Văn Độ, Nguyễn Văn Phú, Phạm Văn Đới. Tiếp đó, từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 10 Tổng cục Hậu cần kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm hậu cần của Quân đoàn 3, đặc biệt quan tâm tới các mặt chuẩn bị cho Sư đoàn 31 lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu tại Vị Xuyên. Sau khi trực tiếp kiểm tra cụm kho Quân đoàn 3, sư đoàn 31, Trung đoàn 866, Trung đoàn 977, Tiểu đoàn vận tải ô tô 827, Đội điều trị 3..., Đoàn kiểm tra kết luận: ''Tổng cục thấy Quân đoàn đang có nhiều cố gắng làm tốt công tác chuẩn bị cho Sư đoàn 31. Đồng chí tư lệnh Quân đoàn và các đồng chí chỉ huy Sư đoàn 31, các trung đoàn, tiểu đoàn trong sư đoàn đều có nhiều ý kiến phong phú, sáng tạo để chỉ đạo hậu cần đơn vị, đồng thời đã đề ra nhiều biện pháp tích cực chủ động cho đơn vị triển khai các mặt bảo đảm hậu cần''3.

   Nhằm củng cơ Sư đoàn 31 có đủ điều kiện đi chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 1 1 năm 1985, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và các cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đơn vị mọi mặt. Các đơn vị bạn trong Quân đoàn cũng tích cực chi viện cán bộ, chiến sĩ và vật chất để Sư đoàn 31 sớm hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, cơ động lên đường chiến đấu đúng thời gian quy định. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Sư đoàn 31 đã kiện toàn các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và quần chúng ở các cấp; tiếp nhận đầy đủ vũ khí trang bị vật chất và 2.236 chiến sĩ, 200 cán bộ bổ sung, nâng quân số đơn vị đạt từ 85% đến 90% so với quy định, mỗi trung đoàn bộ binh có khỏang 2.000 quân. Sư đoàn mở 2 đợt tập huấn 100% cán bộ từ trung đội đến trung đoàn; huấn luyện cấp tốc những nội dung thiết yếu cho bộ đội. Đặc biệt, sau khi đi trinh sát địa hình về cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện bổ sung thêm 20 ngày, tập trung vào nội dung chiến thuật đại đội bợ binh phòng ngư trực tiếp tiếp xúc trên điểm cao, địa hình núi đá.  Cuối đợt huấn luyện có kiểm tra bắn chiến đấu đại đội bộ binh, kết quả đạt 100% khá giỏi. Bộ đội còn được huấn luyện kỹ 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu, cách tải thương, vận tải bộ, đào bếp Hoàng Cầm, phòng chống dịch bệnh khi ở dã ngoại, thực hiện nếp sống ăn ở vệ sinh khoa học, cách nhận biết và sử dụng rau rừng. Riêng đội ngũ lái xe được rà soát lại, 296 đồng chí được huấn luyện bổ túc tay lái trên các đoạn đường khó vào ban đêm. Ngoài ra, các bếp ăn cũng được điều chỉnh từ bếp tiểu đoàn chuyển sang bếp ăn đại đội, trung đội, tiểu đội và dùng bếp dầu ở tổ chiến đấu lẻ trong các hang hốc núi đá tiền tiêu. Việc chuẩn bị chống rét, bảo đảm nước uống,  dự trữ chế biến thực phẩm và trồng rau xanh cũng được tính toán kỹ.

   Nhằm tạo sự chuyển biến thật mạnh mẽ tình hình mọi mặt của đơn vị, kiên quyết khắc phục khó khăn hoàn thành tốt công tác chuẩn bị và cơ động vào thay phiên chiến đấu; từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 1985, Sư đoàn 31 phát động một đợt thi đua đột kích 20 ngày đêm lập thành tích kỷ niệm 41 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những khẩu hiệu ''Luyện hay, học giỏi'', Huấn luyện để chiến đấu, học tốt để đánh thắng quân... xâm lược'', ''Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường  bớt đổ máu': đã trở thành hành động hăng say luyện tập của bộ đội trên thao trường; khẩu hiệu ''Tất cả vì điểm tựa tiền tiêu'', ''Tất cả để dành thắng quân... xâm lược'' trở thành mục tiêu hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên mọi mặt công tác. Trong những ngày rất khẩn trương và sôi động, các cơ quan Quân đoàn liên tục bám sát cơ sở, theo dõi giúp đỡ đơn vị, nghiên cứu đề xuất những ý kiến thiết thực giúp Bộ tư lệnh Quân đoàn kịp thời chỉ đạo công tác chuẩn bị chiến đấu.

   Chủ động nắm tình hình đối phương, địa hình ở khu vực tác chiến và tích cực tìm cách khắc phục khó khăn, ngày 2 tháng 11 Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Trung đoàn công binh 7 sử dụng Tiểu đoàn 1 công binh công trình lên Vị Xuyên xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu Phát huy truyền thống ''Mở đường thắng lợi'', chỉ trong một tháng nỗ lực phấn đấu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã hoàn thành cải tạo hang Dơi thành một khu hậu cần, đào hệ thống giếng nước ăn, nước sinh hoạt và xây dựng hệ thống cấp nước cho bộ đội, bắc 2 cầu treo, 2 cầu đứng, làm 2 ngầm vượt suối Thanh Thủy, xây dựng một số công sự chiến đấu. Quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị an toàn, không có bộ đội thương vong.




------------------------------------------------------------------
1. Nay là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
2. Thời gian này ở đại đội bộ binh chiến đấu tỷ lệ lãnh đạo cao nhất chỉ đạt 8,1% (Đại đội 2, Đại đội 6 Trung đoàn 866); thấp nhất là 3,8% (Đại đội 11 Trung đoàn 866 và Đại đội 6, Đại đội 7 Trung đoàn 977).
3. Lịch sử bộ đội chủ lực... Biên niên sự kiện. Sđd, tr. 760.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #112 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 06:50:46 am »

*

   Đầu tháng 11 năm 1985, khi công tác chuẩn bị chiến đấu cơ bản hoàn thành, cũng là lúc Tổng Tham mưu trưởng Quân dội nhân dân Việt Nam ra lệnh cơ động Sư đoàn 31 lên biên giới, vào thay phiên phòng ngự cho Sư đoàn 318 và Sư đoàn 356 rút ra củng cố. Thực hiện nghiêm mệnh lệnh chiến đấu, giữa tháng 11, Sư đoàn 31 làm lễ xuất quân. Ngày 14 tháng 11 lực lượng tiền trạm do trung tá Nguyễn Quang Vinh . phó sư đoàn trưởng tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy đã triển khai các trạm chỉ dẫn cứu kéo dọc đường hành quân. Từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 năm 1985, đợt một hành quân gồm: chỉ huy và cơ quan Sư đoàn, các phân đội trực thuộc, Trung đoàn bộ binh 866 (do đại úy Nguyễn Hồng Thụ làm trung đoàn trưởng), Trung đoàn pháo binh 4 (do trung tá Nguyễn Văn Phú làm trung đoàn trưởng), sử dụng 146 chuyến xe chuyển thẳng từ Bắc Thái đi Hà Giang. Mặc dù quá trình cơ động gặp thời tiết bất thường, mưa to làm trôi cầu Nông Tiến và phà Bình Ca, nhưng sư đoàn chủ động chuyển sang hành quân theo trục đường số 2 vượt hơn 400km vào vị trí tập kết đầy đủ, an toàn. Tiếp đó, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 12 năm 1985, lực lượng cơ động đợt 2 gồm Trung đoàn 977 (do thiếu tá Nguyễn Khang Đàm làm trung đoàn trưởng và đại úy Phạm Hồng Quang phụ trách phó trung đoàn trưởng chính trị chỉ huy) đi trên 61 chiếc xe vận tải cũng đến vị trí tập kết an toàn đúng thời gian quy định.

   Tại vị trí mới, dưới sự chỉ huy của đại tá sư đoàn trưởng Trần Tất Thanh, Sư đoàn 31 nhanh chóng vào thay phiên chiến đấu cho hai sư đoàn bạn. Trung đoàn pháo binh 4 nhận bàn giao từ Trung đoàn pháo binh 457; Trung đoàn 866 đảm nhiệm phòng ngự khu vực của ba trung đoàn bộ binh 982, 881 và 754; Trung đoàn 977 thay phiên cho Trung đoàn bộ binh 981 và Tiểu đoàn bộ binh 5 (Trung đoàn l35, Sư đoàn 356). Do tổ chức chỉ huy chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể đến từng người, từng căn hầm, từng hỏa khí; lại vào thay phiên ban đêm nên nhìn chung Sư đoàn 31 hoàn thành nhiệm vụ ''thay phiên đúng thời gian, nhanh gọn, đầy đủ và an toàn''.

   Để phòng ngự lâu dài, chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, Sư đoàn 31 vừa tích cực chiến đấu vừa ra sức củng cố hệ thống công sự sẵn có; đồng thời xây dụng thêm một số công sự mới, làm hệ thống đường chui, cầu thang sắt, cải tạo thêm các hang núi, hốc đá thành kho trạm, hầm trú ẩn và sinh hoạt, kè hàng trăm mét khối đá trước cửa hang. Trong suốt 7 tháng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, Sư đoàn huy động 242.656 công cải tạo, xây dựng công sự, củng cố được 1.358 hầm hố, trong đó có 404 hầm bê tông, 428 hầm gỗ đất, 101 hầm 3c22; đào mới 10.834m hào giao thông. Đặc biệt, các hầm bê tông xây dựng trên các điểm tựa trực tiếp tiếp xúc với địch khá kiên cố, chống được sự công phá của đạn pháo 130 - 160mm. Với hệ thống công sự trận địa vững chắc và tương đối hoàn chỉnh, cán bộ, chiến sĩ đoàn Lam Hồng đã tạo ra ''tấm áo giáp'' vững chắc để chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc. Vì vậy, suốt 7 tháng chiến đấu liên tục, Sư đoàn 31 đã giữ vững trận địa phòng ngự,... đẩy lui 5 đợt hoạt động tiến công của đối phương1, bảo vệ vững chắc một vùng biên cương của Tổ quốc. Thực hiện phương châm vừa chiến đấu, vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, Đảng ủy chỉ huy Sư đoàn 31 chủ trương: ''Tranh thủ mọi thời gian, mọi lực lượng vừa chiến đấu giữ vững các điểm tựa vừa tổ chức huấn luyện cho bộ đội, huấn luyện chủ yếu phục vụ theo yêu cầu chiến đấu''2. Thực hiện chủ trương trên, các đơn vị trong Sư đoàn đều lập kế hoạch huấn luyện ngay tại trận địa và tổ chức huấn luyện theo phương án tác chiến từ đại đội đến trung đoàn. Trọng tâm huấn luyện là kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, phân đội nhỏ và tổ chức hợp luyện tổng hợp theo phương án tác chiến của trung đoàn, sư đoàn. Nội dung huấn luyện đã bám sát các tình huống dự kiến tại trận địa, có những trường hợp trùng với diễn biến chiến đấu thực tế sau đó, nên ta đánh rất hiệu quả. Việc tổ chức huấn luyện ngay trên các điểm tựa phòng ngự tuyến trước là cách làm sáng tạo, táo bạo, vừa thiết thực nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ các cấp và khả năng chiến đấu của bộ đội, vừa là biện pháp cảnh giới tốt nhất trong tác chiến phòng ngự.

   Mặc dù làm nhiệm vụ trên một địa bàn núi non hiểm trở, đối phương nhiều lần bắn pháo rất ác liệt vào trận địa và bắn sâu vào hậu phương ta, nhưng công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật chiến đấu ở Vị Xuyên tương đôi ổn định và chất lượng phục vụ ngày càng tiến bộ. Cục Hậu cần Quân đoàn đã cử trung tá Trần Công Bình (phó cục trưởng) trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo Phòng Hậu cần Sư đoàn 31, đồng thời tổ chức một phân căn cứ hậu cần ở phía sau khu vực phòng ngự bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc men, xăng dầu... và tăng cường một đội phẫu (của Viện 211) cho Sư đoàn. Hậu cần sư đoàn và các trung đoàn đều được tổ chức thành 2 căn cứ: phía trước và phía sau. Do những cố gắng cao, nên trong điều kiện nền kinh tế đất nước rất khó khăn, nguồn cung cấp ở xa, không ổn định, nhưng ngành hậu cần Quân đoàn và Sư đoàn 31 vẫn bảo đảm khai thác thu mua tiếp nhận vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, xăng dầu kịp thời phục vụ bảo đảm chiến đấu. Nhiều sáng kiến cải tiến việc bảo đảm ăn, ở và sinh hoạt cho bộ đội trên các trận địa chốt, hang hốc đá được áp dụng có hiệu quả. Ngành Hậu cần đã kết hợp chặt chẽ giữa vận tải cơ giới ở phía sau và vận tải bộ ở phía trước; ngoài ra còn dùng 4 xe trâu kéo, xe quệt để vận chuyển. Hậu cần Quân đoàn đã cấp hơn 20.000m giấy dầu và ni lông để chống dột, chống thấm ở các hầm. Để bảo đảm nước sinh hoạt, Sư đoàn nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống bơm nước, có đường ống dài 1.400m và xây 1 bể chứa nước bằng đá; mua sắm và cấp phát 150 bếp dầu cho các chốt; có nơi nấu ăn ở phía sau rồi dòng trong các túi ni lông vận chuyển lên trận địa; nước uống dự trữ trong các bi đông sử dụng được từ 3 đến 7 ngày; bộ đội tắm theo cách giản tiện dùng 3 khăn lau. Với cách làm sáng tạo đó, vừa giảm được nhân lực phục vụ và thương vong, vừa chủ động trong sinh hoạt mà vẫn bảo đảm được sức khỏe bộ đội. Do địa hình núi đá và khỏang cách giữa ta và địch chỉ trong tầm ném lựu đạn, nên việc vận chuyển thương bệnh binh được thực hiện vào ban đêm. Công tác vệ sinh phòng dịch được coi trọng, các bệnh sốt rét, lỏng lỵ, ghẻ lở, hắc lào được chủ động phòng ngừa. Tích cực hưởng ứng phong trào trồng rau xanh do Sư đoàn phát động, trong điều kiện khắc nghiệt, các đơn vị đều tổ chức trồng rau cải ở các khu vực phía sau, làm giá đỗ, đậu phụ, dưa muối, lạc, vừng đưa lên chốt. Nổi bật là Tiểu đoàn 25 vận tải bộ, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ gùi thồ ban đêm lên các chốt, vừa tự túc đủ rau ăn và gửi tặng các chốt tiền tiêu. Với những nỗ lực liên tục, trong quá trình chiến đấu, Sư đoàn 31 đã chế biến được 5.470kg đậu phụ, 801kg giá đỗ, 2.640kg dưa muối, 1.083kg lạc, thu mua và trồng được 19.200kg rau xanh... cải thiện đáng kể bữa ăn cho bộ đội và bảo đảm sức khỏe đạt 97%. Cùng với công tác bảo đảm hậu cần, công tác bảo đảm kỹ thuật cũng có nhiều cố gắng, luôn chủ động bảo đảm đủ đạn được, vũ khí cho các nhiệm vụ chiến đấu và phương tiện xe máy an toàn. Sư đoàn 31 đã tiếp nhận 1.729 tấn vũ khí đạn dược và cấp phát 810 tấn đạn an toàn; làm được 12 kho đạn bằng bê tông và kè đá, 205 hầm đạn, xây cất 80 gian nhà xe có diện tích 1.708m2.

   Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên của Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh, Cục Chính trị Quân đoàn 3 và Quân khu 2; trong quá trình chiến đấu, công tác đảng, công tác chính trị của Sư đoàn 31 đã tập trung giữ vững quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng, củng cố tình đoàn kết thương yêu đồng cam cộng khổ giữa cán bộ và chiến sĩ, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, giải quyết chính sách chu đáo, đẩy mạnh cổ động chiến trường và tuyên truyền đặc biệt. Trong 7 tháng chiến đấu, Sư đoàn đã phát động nhiều đơn thi đua đột kích: ''Xây dựng công trình M12'', ''Mừng Đảng, mừng xuân'', ''Tuổi trẻ với 55 ngày truyền thống'', ''Phong trào bắn tỉa'', ''Nuôi quân phòng bệnh, vệ sinh điểm tựa''... Do tổ chức chặt chẽ, nội dung thiết thực, bám sát vào từng nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chỉ tiêu phù hợp, hình thúc phong phú nên các phong trào thi đua được đông đảo cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh to lớn, làm chuyển biến tình hình, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nhiều tấm gương  tiêu biểu như đại úy Tô Đình Ngữ - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 866 có hoàn cảnh gia đình rất éo le khó khăn, khi hết phép đã gửi con nhờ chị trông nom trở về đơn vị chỉ huy chiến đấu rất dũng cảm; chiến sĩ Nguyễn Thế An (Trung đoàn 866) chiến đấu dũng cảm, hiệu suất chiến đấu cao; chiến sĩ Lê Ngọc Thạo (Ban chính trị, Trung đoàn 977) viết đơn bằng máu xin được  trực tiếp cầm súng chiến đấu... được nhanh chóng truyền nhanh đến bộ đội trên các chiến hào và toàn mặt trận, có sức cổ vũ rất lớn. Noi gương điển hình, 17 đồng chí của Trung đoàn 866 viết đơn bằng máu xin được lên điểm tựa ác liệt nhất để chiến đấu cùng động đội; những đồng chí bị thương nhẹ đều xin được tiếp tục ở lại giữ chốt; nhiều hiện tượng mê tín dị đoan như lập bàn thờ, kiêng chào hỏi, không cắt tóc... đã nhanh chóng được khắc phục. Những "địa danh'' đặt tên ''tiêu cực'' đã biến thành những đường  hào ''Mùa xuân'', ''Ngã ba Quyết thắng''. Đội chiếu phim của Sư đoàn đũng cảm kiên trì cõng máy lin chết, chiếu được 72 lần, phục vụ 14.720 lượt người xem; các đơn vị cũng đưa được 3.460 quyển sách, thường xuyên bảo đảm thư, báo đến tay bộ đội. Nhiều đoàn đại biểu Trung ương và địa phương bất chấp hiểm nguy, vượt đường sá xa xôi lên thăm, tặng quà bộ đội tại trận địa, đem lại cho các chiến sĩ nguồn động viên rất lớn. Mặc dù hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, gian khổ, các cấp ủy Đảng vẫn chủ động, tích cực làm tốt công tác phát triển Đảng. Trong 7 tháng chiến đấu bảo vệ biên giới, đã có 529 quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bằng tổng số đảng viên kết nạp trong 2 năm 1984, 1985.

   Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1986, Sư đoàn 31 hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, tổ chức bàn giao đầy đủ chu đáo khu vực phòng ngự cho đơn vị bạn, rồi chia thành 12 khối cơ động bằng ô tô trở về vị trí đóng quân tại tỉnh Bắc Thái an toàn, đúng kế hoạch. Bảy tháng chiến đấu, cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 31 phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống ''Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, quyết thắng, vì dân giúp bạn'', vượt qua mọi gian khổ ác liệt hy sinh, kiên cường chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sư đoàn 31 được Bộ tư lệnh Quân khu 2 đánh giá: ''... đã quán triệt tốt nhiệm vụ, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên và nhân dân tin tưởng, đơn vị bạn tín nhiệm''. Ghi nhận chiến công đó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- Trường Chinh đã ký quyết định tặng Huân chương Quân công hạng nhì cho tập thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 31 và Trung đoàn bộ binh 866; tặng Huân chương Chiến công hạng ba cho 86 đơn vị và cá nhân lập chiến công. Ngoài ra, Sư đoàn còn được Bộ tư lệnh Quân khu 2 tặng cờ: "Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ" và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái tặng cờ lưu niệm ''Đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc''. Những phần thưởng vinh dự, thành tích chiến đấu vẻ vang là nguồn cổ vũ lớn lao, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 31 nói riêng và Binh đoàn Tây Nguyên nói chung. Những kinh nghiệm quý báu đúc rút từ thực tiễn chiến đấu của Sư đoàn 31 ở biên giới phía Bắc được Quân đoàn kịp thời bổ sung vào nội dung huấn luyện 6 tháng cuối năm 1986 và làm cơ sở quan trọng để đẩy mạnh xây dựng chính quy, nâng cao sức mạnh chiến đấu trong những năm tiếp theo.




-----------------------------------------------------------------
1. 5 đợt hoạt động của đối phương:
Đợt 1 từ ngày 2 đến ngày 10.12.1985.
Đợt 2 từ ngày 11.12.1985 đến ngày 18.1.1986.
Đợt 3 từ ngày 19 đến ngày 28.1.1986.
Đợt 4 từ ngày 29.1 đến ngày 28.4.1986.
Đợt 5 từ ngày 29.4 đến ngày 30.6.1986.

2. Lịch sử sư đoàn 31 (1974-2004). Nxb QĐND, H.2004, tr. 287.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #113 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 06:53:58 am »

*

   Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, chấp hành nguyên tắc và chỉ thị của Đảng, mùa thu năm l986, trong không khí thi đua rất sôi động lập thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 3 lần thứ 3 được tiến hành tại Quân đoàn bộ (xã Thượng Đình huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái). Dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức (có 2 là nữ) của 14 Đảng bộ cơ sở và trên cơ sở thay mặt cho hơn 6.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trung tướng Đặng Vũ Hiệp - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là đại biểu được Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương cử về chỉ đạo Đại hội và giới thiệu ứng cử bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ toàn quân. Thượng tướng Đàm Quang Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tư lệnh Quân khu 1 là đại biểu của Đảng bộ Quân khu 1 dự Đại hội.

   Trong 5 ngày làm việc (22 - 26.9), các đại biểu đã thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI; kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ Quân đoàn trong nhiệm kỳ 1981 - 1986 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ 1986-1990. Về phương hướng xây dựng Quân đoàn trong giai đoạn mới, Đại hội xác định: ''Tiếp tục xây dựng Quân đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại tinh nhuệ... có sức chiến đấu và chất lượng tổng hợp ngày càng cao, đánh giỏi cả phản công, tiến công và tác chiến phòng ngự. Có trình độ tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, vừa hoặc tác chiến độc lập... đều giỏi… cùng với toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa''1.

   Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ Quân đoàn nhiệm kỳ 3 gồm 11 đồng chí; Bí thư Đảng ủy Hà Quốc Tỏan, Phó Bí thư: Khuất Duy Tiến, ủy viên Thường vụ: Phạm Duy Tân, và các ủy viên: Vũ Khắc Đua, Nguyễn Duy Khâm, Tiêu Văn Mẫn, Lê Quang Bình, Trần Tất Thanh, Cao Tiến Phiếm, Lê Hồng Thái, Đoàn Sinh Hưởng. Đại hội cũng bầu được 9 đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng bộ toàn quân (13-18.10.1986) gồm: Trung tướng Đặng Vũ Hiệp (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Thiếu tướng Khuất Duy Tiến (Tư lệnh Quân đoàn), Thiếu tướng Hà Quốc Tỏan (Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn), đại tá Phạm Duy Tân (Phó tư lệnh quân sự Quân đoàn), đại tá Tiêu Văn Mẫn (Cục trưởng Cục Chính trị Quân đoàn), đại tá Trần Tất Thanh (sư đoàn trưởng Sư đoàn 31), đại tá Lê Quang Bình (sư đoàn trưởng Sư đoàn 320), đại tá Vũ Khắc Đua (sư đoàn trưởng Su đoàn 10), đại tá Nguyễn Duy Khâm (cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn); đại tá Lê Hồng Thái (cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân đoàn) được bầu là đại biểu dự khuyết.

   Ngày 26 tháng 9 năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 3 thành công tốt đẹp. Đại hội đã gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, đảng viên, đoàn viên thanh mền toàn Quân đoàn ''Ra sức thi đua quyết thắng, thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu và các công tác lớn mà nghị quyết của Đại hội đã đề ra'' Đại hội Đảng bộ Quân đoàn 3 lần thứ 3 là một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử của đơn vị; là Đại hội tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo Quân đoàn xây dựng chính quy, nâng cao sức mạnh chiến đấu và chiến đấu trên hướng chiến lược phía Bắc Tổ quốc; là Đại hội kế thừa và quyết tâm xây dựng Quân đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đoàn lần thứ 3 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cán bộ, chiến sĩ biến thành những hành động cách mạng tập trung vào 4 mục tiêu cơ bản là: ''sẵn Sàng chiến đấu cao và huấn luyện giỏi; lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, có đời sống tốt; kỷ luật nghiêm, phong cách quân nhân đẹp; làm chủ trang bị kỹ thuật, đã thu được thành tích toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động quân sự, hậu cần, kỹ thuật, công tác đảng, công tác chính trị.

   Trong công tác quân sự, Quân đoàn thường xuyên thực hiện tốt các chế độ sẵn sàng chiến đấu, củng cố hệ thống sở chỉ huy và thông tin liên lạc các cấp, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho phù hợp với thực tiễn; tổ chức cho hàng nghìn lượt cán bộ chỉ huy, cơ quan các cấp đi trinh sát nghiên cứu thực địa, kịp thời bổ sung phương án tác chiến cơ bản Bộ giao. Các tuyến đường cơ động lực lượng được thi công, trong đó có tuyến đường Na Rì - Tân Tiến, Bông Lau dài 55km hoàn thành đúng kế hoạch, chất lượng tốt. Tình hình biên giới và khu vực đóng quân được theo dõi, quản lý chặt chẽ; các phương án phối hợp cùng địa phương bảo vệ địa bàn được triển khai nghiêm túc, an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững.

   Chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh huấn luyện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, nắm chắc phương châm ''cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất'', kịp thời đưa những kinh nghiệm thực tiễn chiến dấu ở biên giới vào huấn luyện bộ đội nên Quân đoàn vừa giữ vững nền nếp, bảo đảm được chương trình nội dung kế hoạch huấn luyện, vừa nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện. Trong 2 năm (1986 - 1987), toàn Quân đoàn đã mở được 256 lớp tập huấn cho 24.180 lượt cán bộ các cấp, bồi dưỡng cho 6.820 lượt hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, huấn luyện hàng chục nghìn lượt chiến sĩ, trong đó có gần 9.500 chiến sĩ mới. Kết quả huấn luyện đạt 100% yêu cầu trở lên, có từ 40% đến 50% khá giỏi. Các nội dung: bắn súng bộ binh, kỹ thuật bắn của bộ binh cơ giới, xe tăng (BMP-1 và BTR-60PB bài 1 đến bài 3) đều đạt loại giỏi. Các cuộc diễn tập thực binh của Trung đoàn 48 Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, Lữ đoàn xe tăng 273, Trung đoàn bộ binh 24 Sư đoàn 10, Trung đoàn bộ binh 866 Sư đoàn 31 đều đạt loại khá. Chất lượng huấn luyện toàn diện của Quân đoàn vừa nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khác.

   Trong điều kiện có nhiều khó khăn, phương thức bảo đảm thay đổi, nhưng công tác hậu cần, kỹ thuật vẫn đáp ứng được các nhu cầu thường xuyên và đột xuất của Quân đoàn, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm. Hai năm (1986 - 1987) Quân đoàn tập trung đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng cơ bản, đã làm được hơn 47 triệu viên gạch các loại; 1,5 triệu viên ngói, gần 10.000 tấn vôi, 26.000m3 đá, 59.000m3 cát, hàng chục nghìn tấn than, xây dựng 79.978m2 nhà lâu bền và hơn 8.000m2 nhà quá độ, vượt 12 lần chỉ tiêu Bộ giao, bảo đảm cơ bản đầy đủ nhà ở, nhà ăn, nhà làm việc, nhà xe, nhà pháo, kho tàng.

   Trong khi tập trung cho xây dựng cơ bản, việc sản xuất lương thực thực phẩm trồng rau xanh và cải thiện bữa ăn cho bộ đội được chú trọng. Toàn Quân đoàn có 57 bếp tiểu đoàn (trong tổng số 114 bếp) và 55 bếp đại đội (trong tổng số 128 bếp) đạt tiêu chuẩn ''Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt''; 62 tiểu đoàn 65 đại đội đạt tiêu chuẩn ''Nếp sống vệ sinh khoa học'', thường xuyên bảo đảm quân số khỏe đạt 97,75%. Tại hội thao ''Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt'' toàn quân, Quân đoàn đạt giải ba. Điểm mới trong công tác hậu cần thời gian này là Quân đoàn đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, tiêu biểu là khu căn cứ hậu cần Na Rì (Bắc Thái); mở rộng các hướng liên kết kinh tế với các cơ quan đơn vị bạn, làm thủy điện, tăng nguồn thu hàng năm của Quân đoàn lên hàng trăm triệu đồng. Kết quả trong sản xuất làm kinh tế vừa trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, vừa làm cơ sở để Quân đoàn làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.

   Cũng trong thời gian này công tác kỹ thuật của Quân đoàn có nhiều tiến bộ. Cuộc vận động ''Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm'' được triển khai rộng khắp đã đem lại những kết quả tốt. Năm 1987 tình trạng mất an toàn giao thông toàn Quân đoàn đã giảm 48% so với những năm trước.

   Một trong những nguyên nhân thành công và là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 2 năm (1986-1987) là đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng. Quân đoàn có phong trào thi đua "Một nghiêm, hai tốt, ba hay, bốn không'', Sư đoàn 320 phát động phong trào ba nhất ''Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đời sống tốt'' và phong trào ''Xây dựng tốt, làm kinh tế giỏi'', Sư đoàn 10 với phong trào ''Rèn hay, luyện giỏi, đánh thắng'', Sư đoàn 31 đạt nhiều thành công trong phong trào ''Rèn đức, luyện tài, tay chai bắn giỏi''; Trường Quân chính, Trường Đảng - Văn hóa, Trường Hạ sĩ quan, Trường Hậu cần, Trường Kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào thi đua ''Dạy tốt, học tốt''; Ngành Hậu cần triển khai rộng khắp phong trào xây dựng ''Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt'' Ngành Kỹ thuật với cuộc vận động ''Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm''. Được cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp quan tâm, tổ chức chặt chẽ, nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, hình thức phong phú, xây dựng được điển hình, phát huy vai trò làm chủ của quần chúng với đoàn thanh niên làm nòng cốt, nên các phong trào thi đua luôn đi đúng hướng, lôi cuốn được đông đảo bộ đội tham gia tại nên không khí rất sôi động, làm chuyển biến tình hình mọi mặt, thu được kết quả thiết thực.

   Tổng kết phong trào thi đua quyết thắng 2 năm 1986, 1987 toàn Quân đoàn có 38 đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng từ đại đội đến trung đoàn, 422 đơn vị được tặng bằng khen, 461 đơn vị được tặng giấy khen; 9.154 cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng, trong đó có 12 đồng chí được tặng Huân chương, 134 đồng chí đạt danh hiệu Dũng sĩ, 12 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 1.012 đồng chí là Chiến sĩ thi đua, 3.914 đồng chí được tặng bằng khen và 4.066 đồng chí được tặng giấy khen. Điển hình toàn diện có Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, Lữ đoàn xe tăng 273 và Trường Quân chính: Đặc biệt, Quân đoàn 3 đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng cờ đơn vị khá nhất trong cụm các quân đoàn chủ lực. Ngoài ra, các đơn vị: Sư đoàn 10, Lữ đoàn xe tăng 273 và Cục Kỹ thuật được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái tặng bằng khen.




-----------------------------------------------------------------
1. Trích ''Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 3 lần thứ 3'', ngày 26.9.1986, tr.7.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #114 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2021, 06:55:58 am »

*

   Trong 12 năm đầu kể từ ngày thành lập Quân đoàn, 8 năm (8.1979 - 1987) làm nhiệm vụ trên hướng chiến lược phía Bắc Tổ quốc là một giai đoạn tương đối ổn định về nhiệm vụ và vị trí đóng quân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ, các đơn vị bạn và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương; Quân đoàn 3 giữ vững và phát huy tốt truyền thống  "Quyết  thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tư lực" nhanh chóng vượt qua những khó khăn thử thách ban đầu, sớm thích nghi với hoàn cảnh mới, điều kiện mới; đồng thời kiên quyết chuyển sang thực hiện cơ chế lãnh đạo mới của Đảng đối với quân đội. Do Đảng ủy Quân đoàn có nghị quyết, chủ trương lãnh đạo sát đúng, kịp thời, Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ huy, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, các đơn vị thực hiện nghiêm túc linh hoạt sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua... nên Quân đoàn giành được những thành tích toàn diện trên con đường xây dựng chính quy, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Trong đó, thành công bước đầu xây dựng Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 đã mang lại cho Quân đoàn nguồn sức mạnh chiến đấu mới. Kết quả xây dựng Quân đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ còn được khẳng định bằng chiến công xuất sắc của Sư đoàn 31 trong chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên.

   Mặc dù còn có mặt chuyển biến chậm, tiến bộ chưa vững chắc1, nhưng thành quả xây dựng và chiến đấu của Quân đoàn trong 8 năm trên địa bàn chiến lược phía Bắc Tổ quốc là rất to lớn và toàn diện. Một thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã trưởng thành, nhiều kinh nghiệm quý giá được tích luỹ, đây là cơ sở vô cùng quan trọng để Quân đoàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo đường lối đổi mới của Đảng trên địa bàn chiến lược Khu 5.





_________
1. Trong thời gian từ tháng 8 năm 1979 đến năm 1987, toàn Quân đoàn có hơn 6.000 bộ đội đào - bỏ ngũ, cắt quân số. Số vi phạm phải xử lý bằng pháp luật còn nhiều. Số tài sản do tham ô, lãng phí, hư hại: trên 560 tấn gạo và hàng chục nghìn bộ quần áo, chăn, màn, ba lô, quân dụng. Số vụ tai nạn giao thông cao, làm chết và bị thương khỏang 200 nguời, hỏng hơn 70 xe ô tô các loại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2021, 10:49:49 am »

Chương tám
XÂY DỰNG QUÂN ĐOÀN THEO HƯỚNG "CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI"
NÂNG CAO SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU TRÊN ĐỊA BÀN KHU 5
(11.1987 - 2005)




       1. Trở lại địa bàn chiến lược Khu 5.

   Tháng 12 năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đề ra đường lối đổi mới nhằm xoay chuyển tình thế, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước. Về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Đại hội khẳng định: ''Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa''. Nhằm ''tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống... bảo vệ Tổ quốc'', Đại hội quyết nghị: ''Xây dựng quân đội nhân dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, tiếp tục phát triển dân quân tự vệ với số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tăng cường xây dựng lực lượng dự bị. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam... Thực hiện đầy đủ các chính sách hậu phương quân đội. Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước...''1.

   Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết (số 02/BCT ngày 30.7.1987) của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, năm 1987 quân đội ta tiến hành chấn chỉnh tổ chức và điều chỉnh bố trí lực lượng, trong dó Quân đoàn 3 là một đơn vị trọng điểm. Tháng 4 năm 1987, Bộ Quốc phòng thông báo sơ bộ nhiệm vụ di chuyển đội hình từ miền Bắc vào miền Trung Trung Bộ cho Quân đoàn 3 (mật danh ''nhiệm vụ 487"). Trong hai tháng 5 và 6, ''nhiệm vụ 487'' được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng xác định cụ thể hơn. Ngày 23 tháng 10 năm 1987, Tổng Tham mưu trưởng ra Mệnh lệnh (số 46/MTTM) :"Về chấn chỉnh tổ chức và điều chỉnh bố trí lực lượng'', giao nhiệm vụ chính thức bằng văn bản cho Quân đoàn 3 di chuyển toàn bộ đội hình từ miền Bắc vào Khu 5, đồng thời quy định vị trí đóng quân mới của Quân đoàn. Mệnh lệnh chỉ rõ: ''...Điều chỉnh bố trí lực lượng là để làm cho thế bố trí của ta vững chắc hơn, không mơ hồ, mất cảnh giác, sẵn sàng đối phó với các tình huống do kẻ địch gây ra... Công tác tổ chức hành quân của Quân đoàn hoàn thành trong năm 1988... Kế hoạch hành quân và tổ chức chỉ huy hành quân phải thật chu đáo, chặt chẽ, coi như một cuộc diễn tập hành quân để kết hợp rèn luyện bộ đội''. Tiếp đó, ngày 31 tháng 12 năm 1987, Tổng Tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bổ sung về tổ chức hành quân đến vị trí mới cho Quân đoàn 3, trong đó rút ngắn thời gian hành quân di chuyển từ một năm xuống còn 6 tháng (15.1-15.7.1988). Để giúp đỡ Quân đoàn 3 hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ hành quân di chuyển, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo hành quân, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan Bộ chỉ dạo chặt chẽ, giúp Quân đoàn 3 nắm chắc nhiệm vụ và tổ chức bảo đảm các mặt theo chức năng; các quân chủng và quân khu có liên quan tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho Quân đoàn thực hiện nhiệm vụ.

   Được Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ mới, Quân đoàn 3 bước vào thực hiện ''nhiệm vụ 487'' trong điều kiện có nhiều thuận lợi cơ bản: di chuyển trong thời bình, có sự hỗ trợ một phần phương tiện vận chuyển của quốc gia, được sự tập trung chỉ đạo trực tiếp, liên tục của cấp trên, sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ, đơn vị bạn và địa phương nơi đi và đến; nhưng cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Tuy tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc đã bớt căng thẳng, nhưng một số đảo của ta ở Trường Sa bị lấn chiếm. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế vẫn ráo riết chống phá cách mạng Việt Nam và cách mạng hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia với những thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, phức tạp. Trên địa bàn đóng quân mới của Quân đoàn, bọn FULRO và các tổ chức phản động được các thế lực đen tối ngoại bang hà hơi tiếp sức vẫn tăng cường hoạt động nhằm củng cố lực lượng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng chính quyền hai mặt và các cơ sở ngầm, mở hành lang xâm nhập từ biên giới vào nội địa, từng bước đưa lực lượng từ bên ngoài về hoạt động, lới kéo thanh niên các dân tộc thiểu số ra rừng huấn luyện, lập căn cứ kho tàng chuẩn bị cho những toan tính lâu dài.

   Về phía ta, sau gần một năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước đang chuyển mình đi lên, nhưng đời sống kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn rất lớn. Một số ngành và địa phương có liên quan chưa có khả năng bảo đảm đầy đủ và kịp thời một số chỉ tiêu kế hoạch của Quân đoàn đã dược Nhà nước và Bộ Quốc phòng quy định như: xăng dầu, kinh phí, vật tư xây dựng và vật chất bảo đảm đời sống bộ đội, phương tiện cơ động. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá giao thông ở 11 tỉnh, thành Quân đoàn sẽ hành quân qua, đã xuống cấp nghiêm trọng, quá tải, trong đó có nhiều đèo dốc lớn như Hải Vân, An Khê, Măng Yang, Cù Mông luôn tiềm ẩn những hiểm nguy bất trắc.

   Bên cạnh tình hình khách quán trên và so với cuộc chuyển quân năm 1976, trở lại Khu 5 lần này Quân đoàn 3 có thêm những nội lực mới. Sau hơn 8 năm xây dựng chính quy, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trên miền Bắc, Quân đoàn có bước trưởng thành mới toàn hiện trên tất cả các mặt. Các tổ chức Đảng, chỉ huy và quần chúng được kiện toàn củng cố, không ngừng nâng cao hiệu lực lãnh dạo, tổ chức thực hiện và hoạt động. Các đại đội đều có chi bộ, tỷ lệ lãnh đạo cao. Đội ngũ cán bộ cơ bản đủ về số lượng, có phẩm chất và năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao một bước, có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện, quản lý bộ đội, xây dựng doanh trại, tăng gia sản xuất, bảo đảm kỹ thuật và vận động nhân dân. Chiến sĩ được huấn luyện cơ bản, giáo dục về truyền thống, nâng cao nhận thức chấp hành điều lệnh và pháp luật, có văn hóa, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì được cấp trên giao. Những khả năng về bảo đảm vật chất, tài chính của Quân đoàn và các đơn vị có bước tiến bộ đáng kể. Địa bàn mới là chiến trường xưa, rất quen thuộc với Quân đoàn. Song trước yêu cầu nhiệm vụ mới rất nặng nề, Quân đoàn còn nhiều khó khăn. Theo quyết định của Tổng Tham mưu trưởng, tổ chức biên chế của Quân đoàn năm 1987-1988 tăng thêm đầu mối đơn vị, nhưng lại rút gọn về quân số. Yêu cầu nhiệm vụ trong 6 tháng Quân đoàn phải chuyển gọn đội hình với hàng vạn bộ đội, toàn bộ vũ khí, phương tiện, trong đó có hàng ngầm xe cộ súng pháo lớn, hàng vạn tấn vật chất bằng các phương tiện: tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, vượt chặng đường xa 1.500km qua 11 tỉnh thành phố. Trong khi đó, lượng gạo dự trữ của Quân đoàn ở phía bắc đã cạn, có đơn vị phải chạy ăn từng ngày; số xe ô tô có tới 60% là xe cũ, đã sử dụng từ 12 đến 16 năm, với 50 loại xe của 10 nước chế tạo, có từ 70 - 80% tổng số xe niêm cất, trình độ đội ngũ lái xe không đều, nhìn chung còn yếu. Phần lớn lực lượng cơ động bằng tàu hỏa, phải tập kết lên tàu ở nhiều ga khác nhau cách xa đơn vị; khi xuống tàu có đơn vị phải cơ động hơn 200km về vị trí đóng quân, nên công tác hiệp đồng và bảo đảm đòi hỏi phải rất chật chẽ, chu đáo, tỉ mỉ. Tại địa bàn đóng quân mới, số nhà cửa tiếp nhận chỉ đủ cho 30% nhu cầu sử dụng, dân cư ở cách xa, thưa thớt, nên 70% bộ đội phải ở dã ngoại, lại trùng vào mùa mưa; một số bệnh, trong đó có bệnh sốt rét dễ lây lan phát triển. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức về nhiệm vụ chưa đầy đủ, chưa thông suốt của một bộ phận bộ đội; trong đó có không ít cán bộ chủ trì đơn vị: ngại đi xa, lo lắng hậu phương gia đình đời sống thiếu thốn khó khăn, tiếc công sức hơn 10 năm xây dựng doanh trại, ngại xây dựng cơ bản ở địa bàn mới. Thậm chí đã xuất hiện tư  tưởng giản đơn lệch lạc cho rằng Quân đoàn giảm quân số, chuyển địa bàn đóng quân là vì thế giới đã đi vào hòa hoãn, thiếu lương thực...

   Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, nắm chắc tình hình mọi mặt của đơn vị, với kinh nghiệm, sự nhạy bén trước mỗi bước ngoặt lịch sử và nhiệm vụ mới; ngày 20 tháng 7 năm 1987 Đảng ủy Quân đoàn đã họp ra ''Nghị quyết về việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh bố trí đội hình chiến lược", đề ra 6 yêu cầu cụ thể về công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng, làm cơ sở cho các cấp tập trung lãnh đạo chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ. Sau khi Tổng Tham mưu trưởng đã phê duyệt quyết tâm, thông qua phương án chính thức của Quân đoàn và ra mệnh lệnh bằng văn bản; ngày 9 tháng 11 năm 1987 Đảng ủy Quân đoàn họp ra Nghị quyết "về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 487'', xác định rõ phương hướng lãnh đạo chung là: ''Thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng nắm vững và thấu suốt nhiệm vụ được giao. Khẩn trương hoàn thành các kế hoạch có chất lượng, tổ chức chặt chẽ các đợt hành quân, đi nhanh, đi gọn, đến đủ, bảo đảm an toàn và có kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu tốt, đến nơi triển khai có chất lượng mọi công tác phục vụ đời sống, khai thác xây dựng doanh trại, đồng thời lãnh đạo tốt công tác chính sách hậu phương cán bộ và các bộ phận còn lại đi sau''2. Đồng thời, Đảng ủy quyết định phát động một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Quân đoàn, lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt, nhằm hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ 487''.

   Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và các nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn 3, trong những tháng nửa cuối năm 1987 công tác chuẩn bị cho ''nhiệm vụ 487'' diễn ra bí mật nhưng rất khẩn trương, dồn dập trên tất cả các mặt: quán triệt nhiệm vụ, trinh sát địa bàn xây dựng quyết tâm và kế hoạch, chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị phương tiện cơ động, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Đầu tháng 7 năm 1987, Thiếu tướng Khuất Duy Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn đã chủ động vào Tây Nguyên gặp gỡ, họp bàn với Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Với tình cảm thân thiết, vui mừng được đón những người con đi xa hơn 10 năm nay trở về, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, các đồng chí Nguyễn Văn Sĩ (Ksor Krơn) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Tiềm - phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Hoàng Lê - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Thiếu tướng Kpă Thìn (Bơ hâm) - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoàn toàn nhất trí với nhiệm vụ và dự kiến các khu vực đóng quân của Quân đoàn, hứa sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ để sớm dược đón Quân đoàn 3 trở về đất mẹ Tây Nguyên.

   Tiếp đó, từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 15 tháng 8 năm 1987, Quân đoàn tổ chức một đoàn cán bộ đi xác định địa điểm đóng quân mới. Đoàn gồm 144 cán bộ chủ chốt 4 cơ quan Quân đoàn và chỉ huy các đơn vị, trưởng đoàn: đại tá Đinh Xuân La (Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn), các phó trưởng đoàn: đại tá Trần Tất Thanh (sư đoàn trưởng Sư đoàn 31), trung tá Trần Công Bình (phó cục trưởng Cục Hậu cần) và trung tá Lê Hồng Thái (quyền cục trưởng Cục Kỹ thuật). Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Nghĩa Bình, Phú Khánh3, trong một tháng làm việc liên tục Đoàn đã hoàn thành việc xác định các vị trí bố trí đội hình đóng quân mới của Quân đoàn, đường hành quân và các cung trạm; các khu vực sản xuất' vật liệu xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt; thống nhất với các địa phương về bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, tài chính, vật tư; nắm tình hình chính trị, phong tục tập quán, chính sách dân tộc, các nghị quyết của Đảng ủy địa phương liên quan đến quân đội tình hình đấu tranh chống FULRO và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch. Trong một cuộc họp của Đoàn với tỉnh Gia Lai - Kon Tum, đồng chí Nguyễn Văn Sĩ kết luận: ''Tây Nguyên là căn cứ địa vững chắc của cả nước, nếu chiến tranh lớn xảy ra thì phải xây dựng tinh thần một tấc không đi, một ly không rời. Nên phải xây dựng Tây Nguyên vững chắc cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Do đó Quân đoàn 3 phải xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đúng với chức năng nhiệm vụ của Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ''. Những kết quả trong đợt nghiên cứu thực địa và làm việc với các địa phương ở địa bàn đóng quân mới là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn ra các quyết định và cơ quan đơn vị làm công tác chuẩn bị hành quân.

   Sau khi hoàn thành trinh sát thực địa, từ cuối tháng 8 năm 1987 công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân di chuyển được xúc tiến mạnh. Quân đoàn tập trung vào  xây dựng quyết tâm, lập các kế hoạch, phương án. Các cơ quan: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, thường xuyên nắm chắc quyết tâm của người chỉ huy, những chủ trương lãnh đạo của Đảng ủy Quân đoàn, tranh thủ sự hướng dẫn của các cơ quan Bộ, hiểu rõ các yếu tố bảo đảm của cấp trên, tình lệnh thực lực Quân đoàn, khả năng giúp đỡ của các đơn vị bạn và địa phương... vừa khẩn trương, vừa thận trọng phân tích khoa học toàn diện, tính toán tỷ mỹ, cân nhắc kỹ càng xây dựng các kế hoạch. Đến ngày 6 tháng 10 năm 1987, Quân đoàn đã hoàn thành 10 kế hoạch4 và được Đảng ủy Quân đoàn thông qua. Ngày 13 tháng 10 năm 1987, đồng chí Tư lệnh Quân đoàn đã báo cáo quyết tâm và phương án thực hiện ''nhiệm vụ 487'' với Bộ Quốc phòng và được Bộ phê duyệt, ra mệnh lệnh chính thức.

   Trên cơ sở mệnh lệnh (23.10) của Tổng Tham mưu trưởng, Nghị quyết (9.11) của Đảng ủy Quân đoàn và quyết tâm phương án đã dược Bộ phê duyệt, đầu tháng 11 năm 1987, Tư lệnh Quân đoàn ra các mệnh lệnh: (số 285...287/ML) về đợt hành quân tiền trạm, chấn chỉnh tổ chức lực lượng, điều chỉnh bố trí đội hình cho các đơn vị trung Quân đoàn. Theo đó, các đơn vị: Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, Sư đoàn bộ binh 31, Sư đoàn bộ binh 8605, Lữ đoàn xe tăng 273, Trung đoàn công binh 7 có một số thay đổi về biên chế và tổ chức; Trường Quân chính và Trường Đảng Văn hóa sáp nhập thành Trường Quân chính; Trường Hậu cần và Trường Kỹ thuật sáp nhập thành Trường Hậu cần - Kỹ thuật. Tiểu đoàn thông tin 29 biên chế đủ, Tiểu đoàn trinh sát 28 rút gọn; các đội: Than 84, Dược 85, Kinh tế 86, Xưởng cưa tiếp tục được duy trì, Xưởng may được mở rộng, Viện Quân y 211 và Đội điều trị 3 biên chế đủ. Ngoài ra Quân đoàn còn tổ chức thêm bộ phận hậu cứ ở ngoài Bắc để giải quyết chính sách hậu phương cán bộ và quản lý chung.

   Từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 11 năm 1987 Quân đoàn tổ chức hội nghị quân chính, hạ đạt mệnh lệnh chính thức cho chỉ huy, cơ quan các cấp; đồng thời phát động một đợt thi đua mới trong toàn Quân đoàn, nhằm thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ 487'' với kết quả cao nhất. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, phương án chính thức của Quân đoàn và kết quả nghiên cứu thực địa, các đơn vị, cơ quan nhanh chóng hoàn chỉnh các kế hoạch, báo cáo Quân đoàn phê duyệt, tổ chức hiệp đồng với các cơ quan đơn vị có liên quan và triển khai cho các phân đội và cán bộ, chiến sĩ thực hiện.




-----------------------------------------------------------------
1. 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam. Sđd, tr. 468
2. Trích "Nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn về việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 487'' ngày 9.11.1987, tr 3.
3. Nay là các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.
4. 10 kế hoạch gồm: kế hoạch trinh sát nghiên cứu địa hình bố trí lực lượng; kế hoạch hành quân di chuyển; kế hoạch điều chỉnh xây dựng lực lượng; kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy hành quân; kế hoạch bảo đảm hậu cần cho hành quân; kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cho hành quân; kế hoạch bàn giao tiếp nhận doanh trại; kế hoạch tổ chức xây dựng cơ bản và bảo đảm đời sống ở địa bàn mới; kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị.
5. Sư đoàn 860 thuộc Quân khu 5 được Bộ Quốc phòng quyết định điều động về Quân đoàn 3 ngày 14.11.1987.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2021, 10:59:41 am »

*

   Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Quân đoàn về đợt hành quân tiền trạm, đúng 7 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1987, dàn xe của khối chỉ huy do đại tá Phạm Duy Tân - Phó tư lệnh Quân đoàn chỉ huy rời cơ quan Quân đoàn theo quốc lộ số 2 tiến về phía nam mở đầu cuộc hành quân lịch sử trở lại Khu 5 của Binh đoàn Tây Nguyên. Ngày hôm sau (26.11) khối hành quân thứ hai gồm 44 xe ô tô (chở 220 cán bộ, chiến sĩ và 130 tấn vật chất hậu cần, kỹ thuật, khí tài công binh) của Bộ Tham mưu, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, Sư đoàn 320, Sư đoàn 31, Lữ đoàn xe tăng 273, Trung đoàn phòng không 234, Trung đoàn pháo binh 40, Trường Quân chính, Đội điều trị 3, Tiểu đoàn 827, Xưởng cưa và hai ngày sau, khối hành quân thử ba gồm hơn 40 xe ô tô, xe đặc chủng của Trung đoàn công binh 7, Tiểu đoàn 30 (Cục Kỹ thuật) chở 215 người và 120 tấn vật chất cũng xuất phát tiến về phía nam. Dưới sự chỉ huy của thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn (Phòng Tác chiến), các lực lượng của Bộ Tham mưu nhanh chóng lập 7 trạm: Tam Điệp, ngã ba Vọt, Quán Hầu, bắc đèo Lăng Cô, Nam Ô, nam Chu Lai, khu vực Đoàn 556 (ký hiệu G-478); tiến hành điều chỉnh giao thông, chỉ dường, kiểm soát quân sự, duy trì kỷ luật, hướng dẫn các đoàn xe vào đúng vị trí tạm dừng; đặt 5 trạm thông tin liên lạc cố định và cơ động ở Vinh, ngã ba Vọt, Nam Ô, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Cùng thời gian này, Cục Hậu cần cũng triển khai các trạm bổ sung xăng dầu, quân y ở ngã ba Vọt, Liên Chiểu, Diêu Trì (ký hiệu: HC-487); Cục Kỹ thuật triển khai các trạm sửa chữa cứu kéo ở bắc đèo Ngang, bắc đèo Hải Vân, đông đèo An Khê (ký hiệu KT-487). Do được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, nên quá trình cơ động gặp mưa bão kéo dài nhưng các phân đội hành quân đường bộ đều hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 8 tháng 12, lực lượng hành quân bộ đã vào hết vị trí tập kết quy định ở Khu 5; toàn bộ xe vận tải có mặt đầy đủ ở Sư đoàn 860 sẵn sàng đón lực lượng hành quân bằng tàu hỏa về vị trí đóng quân. Để kịp thời chỉ huy chỉ đạo các lực lượng ở phía nam, Quân đoàn tổ chức sở chỉ huy tiền phương ở thị xã Plei Ku do đại tá  Phạm Duy Tân (Phó tư lệnh Quân đoàn) chỉ huy; đồng thời lập sở chỉ huy bổ trợ tại Sư đoàn 860 do thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn (Phòng Tác chiến) phụ trách để tiếp nhận và điều hành vận chuyển lực lượng, trang bị, vật chất từ ga Diêu Trì về các đơn vị.

   Sau khi khối hành quân tiền trạm bằng ô tô xuất phát, từ ngày 6 đến ngày 31 tháng 12 năm 1987, lực lượng tiền trạm đi bằng tàu hỏa gồm 1.875 cán bộ, chiến sĩ, 98 xe ô tô 20 xe máy công binh và 554 tấn hàng hóa vật chất đã nhanh chóng tập kết về ga Lưu Xá (xe máy), ga Thường Tín (người), ga Hà Nội (hàng hóa), lần lượt lên tàu vào ga Diêu Trì. Ngay sau khi xuống tàu, các lực lượng đã được xe ô tô chuyển thẳng về vị trí đóng quân của từng đơn vị.

   Tại vị trí đóng quân mới, lực lượng tiền trạm khẩn trương làm việc với cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương, tổ chức tiếp nhận và quản lý các doanh trại, cơ sở vật chất; nghiên cứu điều chỉnh đội hình đóng quân của từng đơn vị, lập quy hạch tổng thể xây dựng doanh trại; tiếp nhận hàng hóa vật tư, chuẩn bị mọi mặt cho các đợt hành quân tiếp sau; xác định các điểm khai thác vật liệu xây dựng, tăng gia sản xuất. Riêng lực lượng tiền trạm của Sư đoàn 320 và Trung đoàn công binh 7 cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai - Kon Tum hoàn thành ký kết các văn bản hợp đồng và tiến hành thi công lòng hồ A Yun Hạ.

   Đợt hành quân tiền trạm thành công, không những khẳng định quyết tâm cao và khả năng hoàn thành thắng lợi ''nhiệm vụ 487'' của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên; mà còn là một trong những cơ sở quan trọng để Quân đoàn bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch cơ động toàn bộ lực lượng từ 1 năm xuống còn 6 tháng theo mệnh lệnh mới của Tổng Tham mưu trưởng. Những kinh nghiệm thực tiễn bước đầu nhưng rất quý rút ra từ đợt hành quân tiền trạm của Quân đoàn, đã được Phòng Khoa học - Lịch sử Quân sự, Bộ Tham mưu kịp thời nghiên cứu tổng hợp thành những nội dung cụ thể và gửi đến các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị trước khi bước vào các đợt hành quân lớn.

   Song song với tổ chức hành quân tiền trạm, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị và 4 cơ quan Quân đoàn khẩn trương điều chỉnh các kế hoạch và đẩy mạnh mọi công tác chuẩn bị hành quân theo lệnh mới của Bộ. Tại sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy tiền phương và sở chỉ huy bổ trợ của Quân đoàn, nhiều cuộc họp quán triệt nhiệm vụ, bàn bạc triển khai thực hiện phương án, kế hoạch dược tổ chức. Bộ tư lệnh Quân đoàn thường xuyên thỉnh thị nắm vững sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng Bộ. Các cơ quan Quân đoàn tranh thủ mọi sự giúp đỡ của cơ quan cấp trên và hiệp đồng chặt chẽ với Cục Vận tải, Tổng cục Đường sắt, các đơn vị bạn và địa phương; vừa chủ động kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, vừa kịp thời đề xuất nhiều biện pháp tích cực giúp Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ huy chỉ đạo đơn vị. Chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Quân đoàn hoàn thành tốt việc tiếp nhận và bàn giao doanh trại, các loại vũ khí phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật ở cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam theo kế hoạch thống nhất.

   Thực hiện Quyết định (số 1717/QĐ-QP ngày 14.11.1987) của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động Sư đoàn bộ binh 860 thuộc Quân khu 5 về trục thuộc Quân đoàn 3; ngày 18 tháng 12 năm 1987, việc bàn giao Sư đoàn đã được hoàn thành tại sở chỉ huy Sư đoàn 860. Đại diện bên giao có đại tá Nguyễn Đăng Hòa - phó Tham mưu trưởng Quân khu (được tư lệnh Quân khu 5 ủy quyền chủ trì giao), đại tá Hoàng Nghị - phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu và một số cán bộ cơ quan Quân khu 5; đại diện bên nhận gồm đại tá Phạm Duy Tân - phó tư lệnh Quân đoàn 3, trung tá Nguyễn Đức Thiều - trưởng phòng Tham mưu, Cục Hậu cần và một số cán bộ cơ quan Quân đoàn. Tham dự bàn giao còn có đại tá Nguyễn Hữu Hòa - phó sư đoàn trưởng về quân sự, đại tá Võ Ngọc Bích - phó sư đoàn trưởng về hậu cần, trung tá - Trần Sơn - chủ nhiệm chính trị và một  số cán bộ chủ trì các cơ quan của Sư đoàn 860. Từ đây Sư đoàn 860 là một thành viên trong Binh đoàn Tây Nguyên, với nhiệm vụ là đơn vị khung làm công tác quản lý huấn luyện quân dự bị và huấn luyện tân binh. Trong Sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh:, 963, 964, 965 và Trung đoàn pháo binh 561 được mang phiên hiệu 5 số là đơn vị: 10.919, 10920, 10.921 và 10.922.

   Với chức năng là cơ quan trung tâm hiệp đồng, Bộ Tham mưu luôn chủ động và đề xuất nhiều biện pháp giúp cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo, chỉ huy công tác quân sự, diều hành cuộc hành quân, duy trì các chế độ sẵn sàng chiến đấu, củng cố các sở chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, duy trì hoạt động của các trạm trên đường hành quân, chuẩn bị tiếp nhận tân binh. Đồng thời triển khai huấn luyện bổ sung 15 ngày cho cán bộ các cấp về công tác tổ chức chỉ huy hành quân bằng cơ giới và huấn luyện bộ đội động tác lên xuống tàu xe, bốc xếp hàng hóa, gói buộc trang bị vật chất, giáo dục kỷ luật hành trú quân trên dọc đường và thực hiện các chế độ nền nếp trên địa bàn đóng quân mới.

   Xác định rõ vị trí ý nghĩa và tính chất vừa thường xuyên, lâu dài vừa cấp bách của công tác bảo đảm hậu cần, với Cục Hậu cần và cán bộ trong ngành làm nòng cốt, Quân đoàn giữ vững hoạt động của căn cứ hậu cần cơ bản ở Bắc Thái (bảo đảm cho lực lượng ở phía bắc); triển khai căn cứ hậu cần phía trước ở Plei ku (bảo đảm cho các lực lượng ở phía nam) , tổ chức một phân căn cứ hậu cần ở Sư đoàn 860 (làm nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, hàng hóa từ ga Diêu Trì về các đơn vị), bố trí khu kho trung chuyển tiếp nhận hàng hóa Bộ giao ở khu vực Quy Nhơn. Do chủ động linh hoạt, tích cực khắc phục khó khăn, Quân đoàn đã bảo đảm được từ 10 ngày đến 15 ngày lương thực thực phẩm cho bộ đội mang theo khi hành quân. Đến cuối tháng 3 năm 1988 đã dự trữ được nửa tháng lương thực, thực phẩm và một phần ba cơ số xăng dầu cho các loại xe ở địa bàn mới. Nhiều biện pháp nhằm chuẩn bị đủ rau xanh, thịt, nước uống cho bộ đội trên đường hành quân được triển khai. Quân đoàn huy động 25 triệu đồng từ quỹ tăng gia tăng thêm cho mỗi người 1.000 động bồi dưỡng khi cơ động. Các trạm quân y dọc đường hành quân được củng cố, công tác phòng chữa bệnh được chú trọng. Hàng nghìn giường, ván nằm, bàn ghế các loại được đưa đến các vị trí đóng quân mới. Nhiều vật liệu xây dựng được tiếp nhận và tự khai thác phục vụ xây dựng nhà cửa, lán trại che mưa nắng cho người và vũ khí phương tiện. Việc tăng gia sản xuất rau xanh được đẩy mạnh.

   Mặc dù có rất nhiều khó khăn, Cục Kỹ thuật và các đơn vị trong Quân đoàn luôn chủ động, sáng tạo, có nhiều biện pháp tích cực bảo đảm kỹ thuật cho ''nhiệm vụ 487''. Các phương tiện xe máy, vũ khí khí tài được kiểm tra nắm chắc về Số lượng, phân loại chất lượng, lập kế hoạch và tiến hành bảo đường, khôi phục. Những biện pháp bảo đảm kỹ thuật trên đường hành quân được triển khai. Việc tiếp nhận vật tư phụ tùng và tổ chức bàn giao vũ khí phương tiện kỹ thuật được tổ chức chặt chẽ, đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn. Với nỗ lực cao, Ngành Kỹ thuật Quân đoàn đã kiểm tra phân loại chất lượng trên 1.200 xe ô tô các loại hàng vạn khẩu súng, hàng nghìn tấn đạn; bảo dưỡng cấp 1, 2 được 100% xe ô tô, 100% xe tăng, xe bọc thép, 44% pháo cơ giới; khôi phục 16 xe ô tô thanh lý; bổ túc tay lái cho 925 lái xe ô tô và 130 lái xe tăng; nâng hệ số kỹ thuật xe ô tô từ 0,75 lên 0,95 và xe tăng, xe bọc thép từ 0,93 lên 1, vũ khí từ 0,96 lên 1. Đặc biệt, Quân đoàn đã tổ chức hợp lý 3 đợt thi xe pháo tốt, tạo được phong trào sôi nổi cả chiều rộng và chiều sâu, nâng tốc độ sửa chữa, khôi phục xe pháo lên nhanh, chất lượng hiệu quả cao, kịp thời bảo đảm cho hành quân và sẵn sàng chiến đấu.

   Xác định rõ cán bộ, chiến sĩ là chủ thể của mọi hoạt động, là một nhân tố quyết định thắng lợi cuộc hành quân, nên song song với việc chuẩn bị cho cuộc chuyển quân lớn về các mặt quân sự, hậu cần, kỹ thuật; Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp rất quan tâm đến công tác đảng, công tác chính trị. Nhiều nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ di chuyển và nghị quyết chuyên đề ra đời; việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ cho bộ đội được tiến hành liên tục, phong trào thi đua được đẩy  mạnh; các tổ chức Đảng, chỉ huy và quần chúng ở các cấp được kiện toàn củng cố. Theo quyết định của trên, cuối năm 1987, Thiếu tướng Hà Quốc Tỏan - Bí thư Đảng ủy, phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn nghỉ hưu, đại tá Tiêu Văn Mẫn (cục trưởng Cục Chính trị) được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn; đại tá Đinh Xuân La - phó tư lệnh Tham mưu trưởng chuyển công tác về Học viện Quân sự cấp cao, đại tá Trần Tất Thanh (sư đoàn trưởng Sư đoàn 31) được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn. Tại các cơ quan Quân đoàn và các đơn vị cũng có những thay đổi về lãnh đạo, chỉ huy nhằm kiện toàn tổ chức cho phù hợp với yêu cầu, tình hình niệm vụ mới.

   Trước khi cơ động lực lượng vào Khu 5, Quân đoàn kịp thời giải quyết cho 389 cán bộ nghỉ hưu, chuyển ngành, chuyển vùng, xuất ngũ và đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ giải quyết một phần khó khăn hậu phương và yên tâm lên đường, Quân đoàn đã tổ chức cho 100% quân số lần lượt nghỉ phép, tranh thủ về thăm gia đình, kèm theo thư động viên thăm hỏi của Tư lệnh Quân đoàn. Bằng vốn tự có, Quân đoàn tích cực giải quyết chính sách hậu phương cán bộ: trợ cấp làm nhà và sửa chữa nhà cho 407 cán bộ tại chức từ cấp tiểu đoàn trở lên, trợ cấp khó khăn 27 tấn gạo cho 2.500 cán bộ các cấp. Với nội dung toàn diện, biện pháp tổng hợp, kiên trì giáo dục thuyết phục động viên nên công tác đảng, công tác chính trị thu được nhiều kết quả tốt. Trong dó vấn đề khó khăn hơn cả là tư tưởng nhận thức của bộ đội đã được giải quyết từng bước, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp đã cơ bản yên tâm, trách nhiệm xác định rõ ràng, quyết tâm cao, đoàn kết tin tưởng đã tạo ra nguồn sức mạnh to lớn đẩy nhanh quá trình chuẩn bị hành quân và tạo không khí phấn khởi, lạc quan trong toàn đơn vị.

   Luôn hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận, Quân đoàn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập chính sách dân tộc và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên; đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đi và đến, thực hiện quân với dân một ý chí. Tại địa bàn đóng quân ở phía Bắc, tất cả các đơn vị từ cấp tiểu đoàn độc lập đến Quân đoàn đều tổ chức họp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương kiểm điểm mới quan hệ quân dân trong thời gian đóng quân, xin ý kiến phê bình góp ý, bàn bạc giải quyết mọi vướng mắc tồn tại, xây dựng các công trình lưu niệm và việc làm tình nghĩa... được địa phương hoan nghênh và đánh giá tốt. Trong hội nghị quân dân giữa Quân đoàn 3 và tỉnh Bắc Thái, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhận xét: "Các quân nhân của Quân đoàn 3 là công dân của tỉnh Bắc Thái. Bắc Thái là hậu phương trực tiếp của Quân đoàn 3''. Phát biểu trong buổi lễ xuất quân làm ''nhiệm vụ 487'' của Binh đoàn Tây Nguyên, đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân khu 1 nói: ''Quân khu coi Quân đoàn như lực lượng dự bị của mình; Quân đoàn 3 đã góp phần bảo vệ trọn vẹn biên giới phía Bắc Tổ quốc''1.

   Trong quá trình chuẩn bị hành quân, Quân đoàn thường xuyên nhận được sự chỉ đạo giúp đỡ của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và sự giúp đỡ của Tổng cục Đường sắt, Quân chủng Hải Quân, Quân khu 1 và Quân khu 5. Đồng chí Thượng tướng Đoàn Khuê - Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí Phó tổng tham mưu trưởng trực tiếp xuống kiểm tra và động viên Quân đoàn. Nhiều đồng chí thủ trưởng, cơ quan các tổng cục, tư lệnh và cơ quan các binh chủng trực tiếp nắm tình hình Quân đoàn, giúp đỡ các mặt công tác chuẩn bị hành quân. Tổng cục Đường sắt ưu tiên tập trung phương tiện vận chuyển bảo đảm cho Quân đoàn hành quân đúng kế hoạch. Đặc biệt, Quân chủng Hải quân đang tập trung chống xâm lấn ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn dành cho Quân đoàn hai chuyến tàu tình nghĩa. Các đơn vị bạn như Quân khu 1, Quân khu 5 và Đảng bộ, chính quyền, quân dân địa phương 11 tỉnh, thành phố có lực lượng của Quân đoàn hành quân qua đều sẵn sàng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

   Được sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của cấp trên và các cấp, các ngành, đơn vị bạn có liên quan, sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, ngày 28 tháng 2 năm 1988 đợt hành quân lớn thứ nhất của Quân đoàn bắt đầu. Trong khi từng đoàn xe ô tô vận tải từ Bắc Thái, Vĩnh Yên tập kết gần 8.000 bộ đội của Sư đoàn 10, Sư đoàn 31, Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 và các đơn vị binh chủng, nhà trường, cơ quan Quân đoàn về ga Thường Tín lên tàu vào Nam và chạy thẳng theo quốc lộ số 1, thì gần 300 xe chiến đấu, xe chuyên dụng, pháo lớn và gần 5.500 tấn hàng hóa vật chất được xếp gọn trên các toa tàu ở các ga: Lưu Xá, Khúc Rồng, Vĩnh Yên và lần lượt chuyển vào phía Nam. Cùng thời gian này, 108 cán bộ, chiến sĩ, 38 phương tiện xe pháo, 500 tấn xi măng, 300 bộ vì kèo thép... đi trên 2 chuyến tàu thủy của Hải quân, cũng rời cảng Hải Phòng rồi cặp cảng Quy Nhơn an toàn.

   Trong khi đợt hành quân thứ nhất đang diễn ra, ngày 18 tháng 4 năm 1988 Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã vào Tây Nguyên thăm và làm việc với Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tại sở chỉ huy tiền phương ở thị xã Plei Ku, tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Trong thời gian làm việc với Quân đoàn, đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp xuống kiểm tra Sư đoàn bộ binh 10, Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, phê duyệt vị trí đóng quân mới của Quân đoàn. Sự quan tâm chỉ đạo động viên của đồng chí Bộ trưởng là nguồn cổ vũ rất lớn cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên hăng hái thi đua quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân di chuyển mà Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tin tưởng giao phó. Ngày 18 tháng 5, sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn 3 di chuyển từ Bắc Thái vào thị xã Plei Ku và chính thức hoạt động từ ngày 1 tháng 6 tại địa bàn mới. Ngày 29 tháng 5 năm 1988 đợt một hành quân kết thúc, toàn bộ quân số, vũ khí trang bị, hàng hóa đã tập kết an toàn ở các vị trí đóng quân mới phía Nam. Tuy thời gian còn chậm so với kế hoạch (do những yếu tố khách quan về bảo đảm phương tiện cơ động của đơn vị bạn), nhưng kết quả của đợt hành quân lớn thứ nhất chuyển được gần 40% quân số và vật chất, 50% vũ khí trang bị kỹ thuật từ miền Bắc vào Khu 5 là một thành công lớn, tạo đà cho Quân đoàn hoàn thành thắng lợi đợt hành quân cuối cùng và toàn bộ cuộc hành quân di chuyển.

   Được thắng lợi của đợt hành quân thứ nhất cổ vũ và kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn, từ ngày 30 tháng 5 năm 1988 Quân đoàn tiến hành đợt hành quân lớn thứ hai và cũng là đợt hành quân cuối cùng. Lực lượng tham gia đợt hành quân này bao gồm: 10.802 người, 116 xe tăng, xe thiết giáp, trên 2.000 tấn vật chất, cơ động bằng tàu hỏa và xe ô tô chuyển thẳng. Ngày 18 tháng 7 năm 1988, đợt hành quân cuối cùng của Quân đoàn đã hoàn thành và cũng kết thúc thắng lợi ''nhiệm vụ 487''.

   Từ ngày xuất phát cuộc hành quân tiền trạm đến khi toàn bộ đội hình Quân đoàn chuyển hết từ miền Bắc vào Khu 5, thời gian là 8 tháng 5 ngày. Với hai đợt hành quân chính và đợt hành quân tiền trạm, Quân đoàn đã sử dụng 52,5 chuyến tàu hỏa (815 toa), 1.147 xe ô tô chuyển thẳng, 8.806 chuyển xe ô tô vận chuyển ở hai đầu lên xuống tàu và 2 chuyến tàu thủy, chuyển được 20.961 người, hơn 1500 xe cơ giới và pháo lớn, hơn 11.000 tấn vũ khí đạn dược, vật chất hàng hóa các loại. Quân đoàn hoàn thành bàn giao 306.753m2 nhà cho các đơn vị bạn, và tổ chức tiếp nhận 97.403m2 nhà ở vị trí mới; giao đầy đủ an toàn lên trên gần 400 xe tăng, xe thiết giáp, ô tô, súng pháo lớn và hơn 2.500 tấn đạn dược. So với kế hoạch, Quân đoàn đã giảm được 2,5 chuyến tàu (hơn 50 toa), về thời gian chậm 15 ngày. Sau một thời gian ngắn đến vị trí đóng quân mới, toàn Quân đoàn đã ổn định mọi mặt, khôi phục được 50% lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng được 42.119m2 nhà các loại, gieo trồng được 400 héc-ta cây lương thực, phát triển đàn bò 1.400 con và đàn lợn 1.000 con; tiến hành niêm cất 113 xe chiến đấu và pháo lớn, 1.400 súng bộ binh, bảo dưỡng được 90% số xe tăng, xe thiết giáp, 30% số ô tô và 45% số súng pháo có trong biên chế, tiếp nhận an toàn 95 xe ô tô và pháo lớn.

Ngày 22 tháng 8 năm 1988, tại sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn ở thị xã Plei Ku, Hội nghị tổng kết ''nhiệm vụ 487'' được tổ chức. Hội nghị khẳng định: ''Sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ hành quân di chuyển, Quân đoàn đã đưa được toàn bộ lực lượng, phương tiện, trang bị vũ khí kỹ thuật và vật chất vào vị trí mới. Thực hiện đúng ý đỉnh và mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng, Nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn và quyết tâm của chỉ huy thực hiện đầy đủ phương châm tư tưởng chỉ đạo: ''Đi nhanh, đi gọn, đến đủ, an toàn, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao''. Đồng thời chủ động khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm tất đời sống bộ đội ở địa bàn đóng quân mới''2. Từ thực tiễn cuộc hành quân di chuyển lớn trung thời bình, Hội nghị rút ra 4 bài học kinh nghiệm thành công là:

   1. Quán triệt ý định cấp trên, nắm chắc nhiệm vụ đơn vị, thống nhất trên dưới là cơ sở hạ quyết tâm đúng đắn tổ chức thực hiện nhiệm vụ thắng lợi.

   2. Lập kế hoạch đầy đủ chính xác, tổ chức thực hiện chủ động linh hoạt là yếu tố quyết định hoàn thành nhiệm vụ.

   3. Tổ chức lực lượng hậu cần đủ sức bảo đảm cho nhiệm vụ hành quân và tổ chức đời sống ở địa bàn mới là một nhân tố tính quyết định đến hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

   4. Tổ chức bảo đảm kỹ thuật chu đáo là yếu tố quyết định cho hành quân bằng xe cơ giới.

   Về mức độ hoàn thành ''nhiệm vụ 487" của các đơn vị, Hội nghị đánh giá: Sư đoàn bộ binh 31, Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, Trung đoàn công binh 7, Lữ đoàn xe tăng 273, Trung đoàn pháo binh 40, Trung đoàn phòng  không 234, Bộ Tham mưu, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 10, Sư đoàn bộ binh 860, Cục Chính trị, Trường Quân chính, Trường Hạ sĩ quan hoàn thành nhiệm vụ, có cố gắng trên một số mặt3. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ hành quân di chuyển, Quân đoàn 3 đã được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua. Đặc biệt trong Quân đoàn có 8 đơn vị hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ 487'', được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương: Trung đoàn công binh 7 được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 và Bộ Tham mưu được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.

   Cuộc hành quân di chuyển toàn bộ Quân đoàn 3 từ miền Bắc vào Khu 5 năm 1988 là cuộc chuyển quân lớn đầu tiên của Quân đội ta trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Từ diễn biến, kết quả và những bài học kinh nghiệm quý rút ra từ thực tiễn cuộc hành quân đã được Quân đoàn và cơ quan Bộ tổng kết đúc rút thành chuyên đề ''Hành quân cơ động 487'', nhằm phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi khi có tình huống xảy ra. Thắng lợi của cuộc hành quân và những phần thưởng vinh dự của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng không những khẳng định ý chí, quyết tâm, bản anh của cán bộ, chiến sĩ và bước trưởng thành mới của Binh đoàn; mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao, tạo đà cho Quân đoàn vượt qua mọi khó khăn thử thách trong những năm đầu trên địa bàn đóng quân mới.




------------------------------------------------------------------
1. Báo cáo tình hình hành quân di chuyển đội hình từ tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Gia Lai - Kon Tum của Quân đoàn 3. Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, ngày 15.8.1988, tr. 28.
2. Báo cáo tình hình hành quân di chuyển đội hình từ tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Gia Lai - Kon Tum của Quân đoàn 3. Tlđd, tr. 39.
3. "Nhận xét các đơn vị thực hiện"nhiệm vụ 487''. Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, ngày 22.8.1988.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2021, 11:09:30 am »

*

   Được thắng lợi to lớn của ''nhiệm vụ 487'' cổ vũ, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của đất nước do kết quả bước đầu thực hiện đường lối đổi mới tạo ra và sự giúp đỡ của địa phương khai thác tiềm năng to lớn của Tây Nguyên và vùng ven biển Khu 5, phát huy thế mạnh nội lực, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên hăng hái thi đua nhằm thực hiện thắng lợi phương hướng mà Đảng ủy Quân đoàn đã xác định: "Tập trung xây dựng Quân đoàn vững mạnh, có sức chiến đấu cao, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, đời sống được nâng lên, đồng thời tham gia xây dựng địa bàn chiến lược Tây Nguyên vững mạnh về mọi mặt".1.

   Tiếp tục thực hiện chấn chỉnh tổ chức biên chế rút gọn theo quy định của Bộ, phù hợp với tình hình nhiệm vụ của Binh đoàn, từ cuối năm 1988 đến năm 1990 Quân đoàn tiến hành giải thể các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 860, Bệnh xá 4 cơ quan Quân đoàn, Đội điều trị 3, Đoàn 487, Đội sản xuất dược liệu 85, Đội xây dựng, Đoàn 386 (thuộc Cục Hậu cần), Cơ quan Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp và Ban Vật tư (thuộc Bộ Tham mưu). Thành lập Phòng điều tra hình sự, Tiểu đoàn hóa học 21 (thuộc Bộ Tham mưu), Đoàn kinh tế 988 (lâm thời), Đội 688 (sản xuất chất kết dính, sau chuyển thành Xí nghiệp 688 liên doanh giữa Quân đoàn 3 và tỉnh Gia Lai - Kon Tum), Xưởng cưa mộc, Ban chỉ huy công trình 988 (xây dựng doanh trại cơ quan Quân đoàn), tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên (Cục Chính trị). Tháng 5 năm 1989, Trường Hạ sĩ quan sáp nhập vào Trường Quân chính, Trường Hậu cần và Trường Kỹ thuật sáp nhập thành Trường Hậu cần - Kỹ thuật. Cũng trong giai đoạn này, Viện Quân y 211 hợp nhất với Bệnh viện 15 (thuộc Quân khu 5) thành bệnh viện khu vực lấy phiên hiệu là Bệnh viện 211 trực thuộc Quân đoàn 3, sáp nhập Tiểu đoàn 7 chỉ huy pháo binh (thuộc Bộ Tham mưu) về Trung đoàn pháo binh 40. Tháng 6 năm 1989, Quân đoàn thực hiện chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn biên chế các đơn vị và cơ quan theo hướng giữ nguyên các đầu mối nhưng giảm dần về quân số, trang bị. Các sư đoàn 10, 320 và các trung, lữ đoàn binh chủng tích cực điểu chỉnh lực lượng, dồn dịch quân số, trang bị ưu tiên tập trung cho các đơn vị đủ quân, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; các đơn vị còn lại làm nhiệm vụ khung huấn luyện và từng bước chuyên sang quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở địa bàn Quân khu 5. Riêng Sư đoàn 31 và Trường Quân chính được giao nhiệm vụ huấn luyện chen sĩ mới cho Quân đoàn. Cho đến cuối năm 1988, tổng quân số của Quân đoàn đạt 84% so với biểu biên chế (1988-1990) bằng khỏang 60% so với trước khi thực hiện ''nhiệm vụ 487''.

   Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ trong điều kiện tổ chức biên chế rút gọn, 2 năm 1989, 1990 Quân đoàn điều chỉnh vị trí đóng quân của một số đơn vị và cơ quan. Bộ tư lệnh và 4 cơ quan Quân đoàn chuyển từ nơi đóng quân tạm thời ở phường Thống Nhất (thị xã Plei Ku) về vị trí đóng quân mới. Thực hiện quyết định (số 171/QĐ/TM ngày 19.7.1989) của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cuối năm 1989 và đầu năm 1990 Quân đoàn tổ chức di chuyển toàn bộ Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 từ huyện Ayunpa về địa điểm đóng quân mới. Mặc dù cuộc chuyển quân hoàn thành đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn nhưng đã để lại cho Quân đoàn một bài học về việc quyết định đặt vị trí đóng quân cho một đơn vị cụ thể, ''phải bàn bạc tập thể để tránh những sai sót, gây lãng phí công sức và tiền của của đơn vị và Nhà nước''. Cũng trong thời gian này, Quân đoàn điều chỉnh và bố trí lại đội hình đóng quân của các đơn vị: Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10), Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31), Trung đoàn phòng không 234; bốn tiểu đoàn: 27, 28, 29, 21 (Bộ Tham mưu), Tiểu đoàn 30 (Cục Kỹ thuật) Và một số bộ phận khác trực thuộc 4 cơ quan Quân đoàn. Việc bố trí lai vị trí đóng quân phù hợp hơn mới nhiệm vụ và đặc điểm của từng đơn vị đã tạo sự ổn định, yên tâm, phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ, là cơ sở cho đơn vị triển khai và đẩy mạnh các hoạt động.

   Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng 2 năm 1989-1990, nắm vững vị trí chức năng, nhiệm vụ Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ trên địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên, Khu 5; mặc dù vừa chuyển đến vị trí mới, tổ chức biên chế liên tục rút gọn, vị trí đóng quân chưa ổn định, lại tập trung cao độ cho nhiệm vụ xây dựng cơ bản, nhưng Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác sẵn sàng chiến đấu và nâng cao sức mạnh chiến đấu. Hệ thống sở chỉ huy các cấp được củng cố hoạt động có nền nếp, nhất là cấp trung đoàn; các chế độ sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm ngặt; các phương án đánh địch tại chỗ, phòng chống cháy nổ, phòng chống bạo loạn được triển khai. Việc phối hợp với địa phương nắm chắc tình hình địa bàn và truy quét FULRO, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm soát quân sự, bảo vệ an toàn đơn vị, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Quân đoàn đã tập trung xây dựng, lắp đặt tổng trạm thông tin, củng cố hệ thống thông tin liên lạc ở các cấp, xây dựng các tuyến thông tin dây trần nội bộ ở Sư đoàn 10 và Trung đoàn công binh 7; khôi phục nhanh lượng vật chất dự trữ chiến đấu theo quy định.

   Để xây dựng phương án tác chiến cơ bản, ngay, trong năm 1988 Quân đoàn đã chủ động tổ chức cho gần 300 lượt cán bộ chỉ huy và cơ quan từ trung đoàn trở lên đi nghiên cứu thực địa trên các hướng nhiệm vụ; đồng thời triển khai nghiêm túc Chỉ lệnh số 33/CL-QP về sẵn sàng chiến đấu, nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp. Năm 1989 quyết tâm tác chiến cơ bản của Quân đoàn hoàn thành với chất lượng cao và được Bộ thông qua; hệ thống văn kiện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu được bổ sung hoàn chỉnh theo nội dung và phương pháp mới, nhiều lớp tập huấn về công tác tham mưu tác chiến được mở; những nhận thức lệch lạc trong lãnh đạo, chỉ huy ở một số đơn vị về sẵn sàng chiến đấu được đấu tranh khắc phục. Những cố gắng liên tục và kết quả tốt về sẵn sàng chiến đấu trong những năm đầu trở lại Khu 5 của Quân đoàn 3 không những góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mà còn tạo cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị trong những năm sau.

   Xác định rõ huấn luyện chiến đấu và giáo dục chính trị luôn là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, vì vậy trong bộn bề công việc Quân đoàn vẫn kiên quyết giành thời gian tập trung cán bộ, bảo đảm vật chất, thao trường hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện cho các đối tượng phương châm huấn luyện ''cơ bản, thiết thực, vững chắc'' được giữ vững. Điểm nổi bật trong thời gian này là huấn luyện chiến sĩ mới quê ở các tỉnh phía Nam. Trong 2 năm 1989, 1990, Quân đoàn tiếp nhận và huấn luyện hơn 10.000 chiến sĩ mới. Trước yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị ngày càng cao, trong khi nhận thức của chiến sĩ mới về Luật Nghĩa vụ quân sự còn hạn chế, trách nhiệm và kinh nghiệm quản lý chiến sĩ mới của đội ngũ cán bộ còn ở mức độ, nên tỷ lệ đào - bỏ ngũ rất cao. Chỉ tính riêng năm 1989, Quân đoàn tuyển nhận 4.085 chiến sĩ mới, trong quá trình huấn luyện có 2.560 lượt đào ngũ, trong đó có 1.225 người phải cắt quân số. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo các ngành, các đơn vị kiểm tra nghiên cứu làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu và đi đến chấm dứt việc đào bỏ ngũ hàng loạt này. Một chuyên đề nghiên cứu khoa học: ''Tổ chức tuyển nhận quản lý giáo dục huấn luyện chiến sĩ mới, quê ở các tỉnh phía Nam'' được triển khai. Kết quả nghiên cứu chuyên đề nhanh chóng được phổ biến đến các đơn vị. Với những cố gắng cao của các ngành, các cấp, các đơn vị và những biện pháp tổng hợp được áp dụng đã giảm mạnh việc bỏ ngũ của chiến sĩ mới, làm cho công tác huấn luyện đi vào ổn định và thu được những kết quả ngày càng tiến bộ. Năm 1989 tất cả các nội dung huấn luyện đều đạt yêu cầu trở lên trong đó có một số khoa mục như bắn súng, ném lựu đạn, thuốc nổ của bộ binh đạt khá, giỏi. Năm 1990 kết quả huấn luyện được nâng cao hơn, 100% nội dung đạt yêu cầu trở lên, có từ 60 đến 70% khá giỏi. Tại các nhà trường Quân đoàn, hàng trăm cán bộ, hạ sĩ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật được đào tạo và bổ túc hàng năm, kịp thời bổ sung cho các đơn vị. Truyền thống dạy tốt học tốt được giữ vững và phát huy. Những kết quả tốt trong huấn luyện đã góp phần nâng cao chất lượng công tác sẵn càng chiến đấu, đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo 5 yêu cầu mới của Tổng Tham mưu trưởng và thực hiện chỉ thị ''Toàn Quân đoàn hành động theo điều lệnh'' của Tư lệnh Quân đoàn. Số vụ vi phạm kỷ luật hàng năm giảm dần: năm 1989 giảm 36% so với năm 1988, năm 1990 giảm 40,8% so với năm 1989.

   Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng trong biên chế, từ năm 1990 Quân đoàn được Bộ Quốc phòng giao thêm nhiệm vụ nắm và quản lý, huấn luyện 25.000 quân nhân dự bị động viên, trong đó có 1.300 sĩ quan dự bị thuộc 6 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa, Thuận Hải. Đây là một nhiệm vụ mới, Quân đoàn có rất ít kinh nghiệm, trong khi địa bàn được giao nắm nguồn trải rộng toàn Quân khu 5 với chiều dài 600 - 700km, chiều rộng 300 - 600km, nguồn động viên mỏng và yếu, có tỉnh không có sĩ quan dự bị (như tỉnh Thuận Hải), tỷ lệ dự bị hạng 1 trung bình chỉ đạt 20 - 45%. Song khó khăn nhất vẫn là nhận thức chưa toàn diện của không ít quân nhân dự bị về nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ quốc phòng và của một số cán bộ chính quyền cơ sở về công tác dự bị động viên trong  sự nghiệp đổi mới.

   Thực hiện nhiệm vụ trên giao, tháng 4 năm 1990 Bộ tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các đơn vị thuộc quyền; trong đó sư đoàn 10 động viên 5.900 quân dự bị ỏ hai tỉnh Đắc Lắc, Bình Định; Sư đoàn 320 động viên 6.100 quân dự bị ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định; Sư đoàn 31 là đơn vị khung động viên, nắm và huấn luyện 9.807 quân dự bị của 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Thuận Hải; Lữ đoàn xe tăng 273 động viên 1.000 quân dự bị và Trung đoàn pháo binh 40 động viên 866 quân dự bị ở tỉnh Bình Định; Trung đoàn công binh 7 động viên 895 quân dự bị và Trung đoàn  phòng không 234 động viên 888 quân dự bị ở tỉnh Phú Yên. Năm đầu thực hiện nhiệm vụ động viên, tuy kết quả còn ở mức độ nhưng rất có ý nghĩa, nó để lại những kinh nghiệm quý và tạo đà cho Quân đoàn giành nhiều thành tích về nhiệm vụ mới mẻ này trong những năm sau.

   Một trong những điểm nổi bật và thành công nhất của Quân đoàn trong những năm đầu trở lại Tây Nguyên,  Khu 5 là công tác xây dựng cơ bản. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần tự lực vượt bậc, bằng phần lớn vốn tự có và lao động của bản thân, Quân đoàn đã xây dựng được một khối lượng lớn công trình quan trọng như nhà xe, nhà pháo, kho tàng, sở chỉ huy, nhà ở... với bước đi thích hợp, đúng hướng, tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả. Năm 1988 toàn Quân đoàn xây dựng được 61.902m2 nhà các loại đạt 127% kế hoạch; năm 1989 xây dựng cơ bản vượt chỉ tiêu Bộ giao, đạt 270,8% (77.693/26.600m2) và năm 1990 cũng vượt chỉ tiêu 55%. Đến năm 1990, Quân đoàn đã bảo đảm được 80% nhà ở so với nhu cầu sử dụng. Tổng diện tích xây dựng được 165.690m2, với vốn đầu tư 13.397.030.000 đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 4.032.000.000 đồng, Quân đoàn tự cân đối 9.365.000.000 đồng2. Đặc biệt, công trình xây dựng cơ quan Quân đoàn được khởi công từ ngày 20 tháng 11 năm 1988 và hoàn thành vào ngày 9 tháng 11 năm 1990. Sau 2 năm thi công, đã có 22 nhà các loại được xây dựng với diện tích sàn là 11.815m2, có các công trình phụ và tường rào bảo vệ bao quanh3. Đây là một quần thể kiến trúc đẹp, tiện dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Quân đoàn thực hiện nếp sống chính quy và nâng cao hiệu suất công tác. Cùng với những thành công trong xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng, một số đơn vị trong Quân đoàn đã chủ động liên kết kinh tế, tham gia xây dựng các công trình thủy lợi trồng cây công nghiệp, làm hồ nuôi tôm... tăng nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh những kết quả trên, công tác hậu cần trong thời gian này, tuy có nhiều khó khăn khách quan nhưng cố gắng không đều, nên còn những tồn tại: việc phòng chống sốt rét và bệnh ngoài da chưa được chú trọng đúng mức, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Năm 1988, tỷ lệ sốt rét lúc cao nhất toàn Quân đoàn là 7%, có đơn vị như Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Trung đoàn 7 lên đến 20%, có 14 ca tử vong. Năm 1989, bệnh sốt rét còn chiếm 6,91% và bệnh ngoài da chiếm 8% quân số. Trong sản xuất nông nghiệp, tuy diện tích gieo trồng hàng năm đạt từ 300 héc-ta đến 500 héc-ta, nhưng chưa chọn được những loại cây phù hợp nên năng suất thấp, lãng phí công sức bộ đội. Việc quản lý cơ sở vật chất, trang bị hậu cần ở một số đơn vị thiếu chặt chẽ gây mất mát hư hao tổn thất nhiều.

   Công tác kỹ thuật gần 3 năm đầu trên địa bàn mới có nhiều chuyển biến. Ngay khi hoàn thành cuộc hành quân di chuyển, Quân đoàn đã tổ chức tổng kiểm tra nắm lại tình hình mọi mặt trang bị, phương tiện, binh khí kỹ thuật, kịp thời có kế hoạch và triển khai bảo dưỡng, sửa chữa khôi phục, niêm cất; đồng thời tích cực xây dựng nhà xe, nhà pháo, kho tàng. Năm 1989 đã bảo đảm 82% nhà xe ô tô, 76% kho đạn; năm 1990 số nhà xe nhà pháo, nhà kho đạt 50.413m2. Hệ số kỹ thuật các loại trang bị đều tăng từ 0,02 đến 0,09, trong đó xe ô tô từ 0,81 lên 0,90. Công tác quản lý kỹ thuật ngày càng chặt chẽ và đi vào nền nếp, 100% số xe máy, súng pháo, khí tài có lý lịch, việc cấp giấy phép sử dụng xe ô tô và vũ khí được duy trì. Các kho tàng được sắp xếp gọn gàng, phòng chống cháy nổ, tuần tra bảo vệ. Trong điều kiện phần lớn vũ khí trang bị đã sử dụng nhiều năm, nguồn cung cấp của trên hạn chế, điều kiện khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt; việc bảo đảm phục vụ tốt cho các nhiệm vụ và giữ vững tình trạng chất lượng trang bị kỹ thuật của toàn Quân đoàn là một cố gắng lớn, một thành công mới của Ngành Kỹ thuật. Ngoài những thành tích tốt, do một số đơn vị chấp hành quy định quản lý kỹ thuật lỏng lẻo đã dẫn đến mất mát nhiều vũ khí trang bị, làm cháy nổ kho tàng gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù việc phát huy phong trào thi xe tốt đợt 3 thu được nhiều kết quả, nhưng ở một số đơn vị việc quản lý giáo dục đội ngũ lái xe chưa chặt chẽ, nên tai nạn giao thông nghiêm trọng4 giảm chậm.

   Phát huy kết quả công tác đảng, công tác chính trị trong ''nhiệm vụ 487'' và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm đầu khi chuyển từ Cam-pu-chia ra phía Bắc, chủ động nhạy bén trước mỗi bước ngoặt lịch sử Binh đoàn; Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị ngay từ thời gian đầu vừa đặt chân lên địa bàn mới Khu 5. Nắm chắc đặc điểm của Quân đoàn là hầu hết cán bộ, chiến sĩ quê ở các tỉnh phía Bắc, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất khó khăn, có nhiều tâm tư lo lắng trong quá trình đất nước đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường; lãnh đạo, chỉ huy các cấp rất quan tâm đến công tác giáo dục, quản lý tư tưởng của bộ đội. Trong các nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ từng năm (1988, 1989, 1990) của Đảng ủy Quân đoàn, công tác lãnh đạo tư tưởng luôn được coi trọng. Đặc biệt, ngày 17 tháng 2 năm 1989, Đảng ủy Quân đoàn ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác tư tưởng trong 2 năm 1989-1990, đề ra phương hướng chung là: ''Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng Quân đoàn vũng mạnh về chính trị - nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm tăng cường sự lãnh đạo vững chắc của Đảng, bảo đảm cho quân đoàn vững vàng về chính trị trong mọi tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Tổ quốc giao phó''. Về nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu của công tác tư tưởng, Nghị quyết chỉ rõ:

   "1. Các cấp ủy và các tổ chức cơ sở chi bộ Đảng, cán bộ chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp phải nắm thật chắc, vừa chỉ đạo công tác tư tưởng một cách chặt chẽ chủ động nhạy bén, căn cứ vào các nhiệm vụ công tác tư tưởng đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 5, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng và Chỉ thị 310 của Tổng cục Chính trị để định hướng tư tưởng và tiến hành công tác tư tưởng.

   2. Nâng cao sự nhất trí củng cố đoàn kết nội bộ về tư tưởng và hành động...

   3. Nắm vững công tác tư tưởng kết hợp chặt chẽ với công tác khác, tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đoàn yên tâm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng quân đội, Quân đoàn.

   4. Đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, mở rộng hơn nữa tính dân chủ công khai trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt tổ chức quần chúng.

   5. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục chung với giáo dục riêng phù hợp với tình hình nhiệm vụ đơn vị...

   6. Coi trọng công tác thông tin cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì, cán bộ làm công tác tư tưởng...''.

   Do xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, có phương pháp thích hợp, thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức nên cán bộ, chiến sĩ, đảng viên đoàn viên tiếp tục quán triệt tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, các nghị quyết 06, 07, 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trong đó nâng cao nhận thức và kiên định lập trường giai cấp công nhân, xác định rõ nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm, ổn định tư tưởng, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đẩy mạnh thi đua, quyết tâm xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện. Với nhiệt tình cách mạng cao, cán bộ và chiến sĩ toàn Quân đoàn phát huy truyền thống ''Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực" thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua ''Hành quân giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, tổ chức đời sống tốt'', ''Toàn Quân đoàn hành động theo điều lệnh, làm theo chức trách, thực hiện nếp sống văn hóa'', ''Thi xe tốt đợt 3''. Tập trung vào 4 nhiệm vụ chủ yếu: ''hành quân tốt, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao; lao động sản xuất, làm kinh tế và bảo đảm đời sống tốt; làm chủ trang bị kỹ thuật; đoàn kết, kỷ luật nghiêm minh". Cũng do được chuẩn bị tốt về tư tưởng và nhận thức nên cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 vững vàng trước những diễn biến bất lợi của tình hình cách mạng thế giới, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế ráo riết thực hiện âm mưu thâm độc ''diễn biến hòa bình'' ''bạo loạn lật đổ'' hòng xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới. Trải qua rèn luyện thử thách, được giáo dục truyền thống cách mạng và trước những tấm gương sáng của đảng viên, quần chúng càng thấy rõ những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên hàng năm Đảng bộ Quân đoàn phát triển được hàng trăm đảng viên mới. Vì vậy tỷ lệ lãnh đạo trong Binh đoàn từ 27,8% năm 1988 đã nâng lên 33,24% năm 1989 và luôn giữ tỷ lệ cao trong những năm sau.

   Đóng quân và làm nhiệm vụ trên địa bàn mới có nhiều dân tộc thiểu số và nhiều tôn giáo khác nhau, kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, các thế lực thù địch ráo riết hoạt động xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lôi kéo, lừa mị, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng, với Quân đội hòng chuẩn bị cho những âm mưu đen tối lâu dài. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn luôn xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Ngay sau khi vào đứng chân ở Khu 5, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chủ động quan hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương, tổ chức các hội nghị quân dân, xây dựng quy chế làm việc, thống nhất quan điểm giải quyết công việc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với  lực lượng vũ trang địa phương xây dựng địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mối quan hệ giữa Quân đoàn với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân ngày càng được củng cố, phát triển, đã gây được lòng tin yêu và tình cảm tốt đẹp với nhân dân Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Khu 5.

   Với tình cảm và trách nhiệm cao, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Quân đoàn đã tổ chức 9 đội công tác xây dựng cơ sở chính trị ở 2 huyện Ayun Pa và Măng Yang tỉnh Gia Lai - Kon Tum; giúp đỡ địa phương 4.398 công lao động, xây dựng 10 gian trường học, đóng 35 bộ bàn ghế, tổ chức tặng quà và 2.449.000 đồng cho các gia đình liệt sĩ và các cháu thiếu nhi, chữa bệnh cho 200 lượt người dân, huấn luyện cho 50 dân quân, tổ chức chiếu phim và liên hoan văn nghệ phục vụ nhân dân 93 buổi. Tin yêu ''Bộ đội B3'', Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi có các đơn vị của Quân đoàn đóng quân, hết lòng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bộ đội sớm ổn định nơi ăn chốn ở, đẩy mạnh tăng gia sản xuất và công tác. Chỉ tính riêng ở Tây Nguyên, trong hơn 3 năm (11.1987 - 3.1990) đồng bào các dân tộc địa phương đã giúp Quân đoàn 15.500 tấm phên lợp nhà, 1.151 cây tre, 2.000m3 gỗ và 6.528 công. Mặc dù mới đạt được những kết quả bước đầu, những công tác dân vận đã góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống giữa Quân đoàn với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, gây được lòng tin tưởng và tình cảm tốt đẹp của nhân dân Tây Nguyên, Khu 5 với ''Bộ đội B3'', tạo cơ sở để đẩy mạnh đoàn kết quân dân trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, sự có mặt của Binh đoàn Tây Nguyên - Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Quân đội nhân  dân Việt Nam là sự răn de hiệu quả đối với những thế lực phản động đang toan tính những âm mưu đen tối ở Tây Nguyên và Khu 5.

   Sau 3 năm làm nhiệm vụ trên địa bàn mới Khu 5, tháng 3 năm 1991 Binh đoàn Tây Nguyên triệu tập Hội nghị tổng kết phong trào thi đua quyết thắng (1988 - 1990). Ba phong trào thi đua có quy mô toàn Quân đoàn: Hành quân giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, tổ chức đời sống tốt:, "Toàn Quân đoàn hành động theo điều lệnh, làm theo chức trách, thực hiện nếp sống văn hóa'' và ''Thi xe pháo tốt đợt 3'' đều thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Với phong trào thi đua ''Hành quân giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, tổ chức đời sống tốt'', cán bộ và chiến sĩ toàn Quân đoàn đã hoàn thành thắng lợi ''nhiệm vụ 487''. Từ tháng 2 năm 1989 đến tháng 3 năm 1990 phong trào thi đua ''Toàn Quân đoàn hành động theo điều lệnh'', làm theo chức trách, thực hiện nếp sống văn hóa'' quy mô sâu rộng đạt hiệu quả cao làm chuyển biến mạnh mẽ về rèn luyện  kỷ luật và các mặt công tác, lập nhiều thành tích thiết thực kỷ niệm 15 năm thành lập Binh đoàn. Từ phong trào thi đua này, các đơn vị vận dụng sáng tạo thành các phong trào thi đua tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, như phong trào ''Làm theo truyền thống, sống có văn hóa, kỷ luật của Sư đoàn 31, ''Ba không, bốn tốt'' của Lữ đoàn xe tăng 273, ''Kỷ luật nghiêm, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt'' của Sư đoàn 10, ''Học hay, rèn giỏi'' của Trung  đoàn pháo binh 40... Phong trào thi đua ''Thi xe pháo tốt đợt 3'' được vận dựng từ cuộc vận động lớn "Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm'' của ngành Kỹ thuật; đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia, huy động được 31.424 công kỹ thuật và 135 triệu đồng mua sắm thêm phụ tùng vật tư phục vụ sửa chữa, nâng cấp xe; hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật ra đời. Trong đó có nhiều sáng kiến giá trị cao ở Tiểu đoàn 30 (Cục Kỹ thuật) và Tiểu đoàn 30 (Sư đoàn 320) như: cải tiến phanh dầu thành phanh hơi, cải biên côn hộp số máy M52 A1 lắp lên máy IAMZ 238, cải biên lắp máy IAMZ 238 lên khung xe M52 A1. Kết quả thi đua trong ngành Kỹ thuật đã khôi phục hoàn chỉnh 6 xe, nâng cấp 81 xe, đóng mới 31 thùng xe, làm lợi cho Quân đoàn 169.225.000 đóng, góp phần nâng hệ số kỹ thuật từ 0,81 lên 0,95 cho các loại xe và từ 0,93 lên 0,98 cho vũ khí đạn.

   Trong 3 năm thi đua, toàn Quân đoàn đã có 57 đơn vị từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, 542 đơn vị được tặng bằng khen, 604 đơn vị được tặng giấy khen, 11.120 cá nhân được khen thưởng, 150 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 26 đồng chí là Chiến sĩ quyết thắng. Điển hình toàn diện là các đơn vị: Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, Trung đoàn phòng không 234 và Cục Kỹ thuật. Tiêu biểu cho thực hiện ''nhiệm vụ 487'' là Trung đoàn công binh 7, Sư đoàn bộ binh cơ giới 320 và Bộ Tham mưu, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công. Nổi bật về chấp hành kỷ luật có Tiểu đoàn  trinh sát 28 (Bộ Tham mưu). Tiêu biểu về kỹ thuật có: Trung đoàn phòng không 234, Tiểu đoàn vận tải 827, Trung đoàn công binh 7, Trung đoàn pháo binh 40, Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 25 (Sư đoàn 31), Trung đoàn 52 (Sư đoàn 320) và các cá nhân: đại úy Nguyễn Văn Tỉnh (Phòng xe máy) nghiên cứu đề xuất nâng cấp 14 trong tổng số 16 trạm điện, hàng trăm binh diện, phục hồi 8 máy biến áp 30 KW, tham gia lập quy trình sửa chữa lớn 21 xe, làm lợi  cho Quân đoàn 96 triệu động và 21 khối xăng; trung uý Nguyễn Quốc Đại (lái xe Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 320) tận tụy yêu nghề được khen thưởng liên tục 5 năm liền; thượng uý Lê Đức Thiện (lái xe Tiểu đoàn 827, Cục Hậu cần) chạy hàng vạn kilômét an toàn, 3 năm liền là chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, ngày 13 tháng 12 năm 1989 Viện Quân y 211 được Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 24 năm làm nhiệm vụ, cán bộ và chiến sĩ đã di chuyển 21 lần, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các địa bàn Tây Nguyên, biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia và biên giới phía Bắc; đã khám chữa bệnh cho 176.431 lượt người, thu dung điều trị 100.355 ca, cấp cứu 4.395 ca, phẫu thuật 11.921 ca trong đó có 1.353 ca mổ lớn... trả nhanh nhiều thương bệnh binh về đơn vị tiếp tục công tác và tham gia chiến đấu. Viện đã tích cực nghiên cứu, vận dụng các thành tựu y học, chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức và tay nghề, rút kính nghiệm qua thực tiễn, cùng Ban Quân y Mặt trận Tây Nguyên ra ''Nội san Quân y Tây Nguyên'', ''Dự thảo điều lệ xử trí vết thương ở chiến trường'', soạn thảo tài liệu và giảng dạy lớp chuyên tu bác sĩ đầu tiên ở Tây Nguyên; đào tạo 15 khóa y sĩ với hàng ngàn nhân viên quân y có trình độ trung cấp, sơ cấp kịp thời bổ sung cho các chiến trường. Nhiều cán bộ trong Viện đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, đảm đương cương vị trọng trách ngành y trong và ngoài Quân đội. Do lập nhiều thành tích, Viện đã được tặng 5 Huân thương Chiến công các hạng, có 4 khoa và 206 lượt cán bộ, nhân viên được tặng Huân chương Chiến công. Ban ngoại 1 của Viện được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (20.12.1979).

   Theo yêu cầu nhiệm vụ, từ năm 1988 đến đầu năm 1991 nhiều đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn được điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Tháng 2 năm 1989, Thiếu tướng Khuất Duy Tiến (Tư lệnh Quân đoàn) được điều động làm Cục trưởng Cục Tổ chức động viên, Thiếu tướng Trần Tất Thanh (Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn) được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn; đại tá Lê Quang Bình được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn; đại tá Phạm Duy Tân (Phó tư lệnh Quân đoàn) nghỉ hưu. Năm 1990, Thiếu tướng Tiêu Văn Mẫn (Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn) được điều động về Quân khu 5, đại tá Đỗ Công Mùi (sư đoàn trưởng Sư đoàn 31) được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn, đại tá Vũ Khắc Đua (sư đoàn trưởng Sư đoàn 10) được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân đoàn. Đầu năm 1991, Thiếu tướng Trần Tất Thanh (Tư lệnh Quân đoàn) được điều động về Trường Sĩ quan lục quân 1, đại tá Lê Quang Bình (Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn được cử làm quyền Tư lệnh và sau đó được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn (9.1991), đại tá Lê Xuân Thanh (Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn) được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn (1991). Trong thời gian này, các cơ quan Quân đoàn cũng có một số thay đổi về cán bộ chủ trì: trung tá Lê Xuân Chuyển được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Quân đoàn; thượng tá Vũ Khắc Hoan được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Chính trị; thượng tá Trần Công Bình và thượng tá Nguyễn Đức Thiều lần lượt được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hậu cần, trung tá Nguyễn Ngọc Oanh được bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục Hậu cần; trung tá Trần Ngọc Anh được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật. Tại các đơn vị trực thuộc Quân đoàn cũng có một số thay đổi về cán bộ. Sư đoàn 10: đồng chí Nguyễn Quang Vinh quyền sư đoàn trưởng, đồng chí Phạm Chào được bổ nhiệm làm phó sư đoàn trưởng chính trị; Sư đoàn 320: đồng chí Đoàn Sinh Hưởng, sau đó là đồng chí Phạm Xuân Hùng được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Đình Hạng được bổ nhiệm làm phó sư đoàn trưởng chính trị; Sư đoàn 31: đồng chí Đỗ Công Mùi và đồng chí Nguyễn Hữu Hạ lần lượt được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đắc Giáp và đồng chí Nguyễn Văn Duyệt củng lần lượt được bổ nhiệm làm phó sư đoàn trưởng chính trị...

   Ba năm trở lại đất mẹ Tây Nguyên và Khu 5, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn,  cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên phát huy truyền thống ''Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực'', vượt qua bao khó khăn trở ngại và vượt lên chính mình, giành được những thành tựu toàn diện quan trọng trên con đường xây dựng Quân đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ theo đường lối đổi mới của Đảng. Đây là giai đoạn chuẩn bị đầy ý nghĩa để Quân đoàn tiến những bước dài vững chắc trong những năm sau. Đánh giá về giai đoạn đầu trở lại Tây Nguyên, Khu 5, Thiếu tướng Nguyễn  Văn Kiệm - Phó Tổng thanh tra Quân đội, trưởng đoàn thanh tra Bộ Quốc phòng (sau khi thanh tra Quân đoàn 3, từ ngày 5-10.3.1990) đã nhận xét: ''…Quân đoàn 3 đã phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, khắc phục mọi khó khăn, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của trên, nỗ lực vươn lên, triển khai toàn diện các nhiệm vụ đạt được những kết quả bước đầu quan trọng đáng phấn khởi... Đã có đủ cơ sở để tin rằng: nếu có tình huống xảy ra, Bộ cần sử dụng đến các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, trước hết những đơn vị đủ quân của Quân đoàn thì những đơn vị đó có thể bước vào chiến đấu được, hoàn thành được nhiệm vụ''.




------------------------------------------------------------------
1. Trích Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 1989 của Đảng ủy Quân đoàn 3, ngày 7.1.1989.

2. Trích "Báo cáo của Tư lệnh Quân đoàn 3 với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ quân sự quân đoàn từ ngày 1.1 đến ngày 10.7.1990".

3. Công trình Quân đoàn bộ do Viện Khảo sát thiết kế Nghĩa Bình và Phòng Doanh trại Quân đoàn 3 đo đạc và quy hoạch. Lực lượng thi công gồm: Công ty xây lắp 1, Công ty xây lắp 2, Hợp tác xã Yên Đổ (Plei Ku), Hợp tác xã Nhơn Bình 2, Trung đoàn công binh 7, Đoàn 988, Đội khoan 3 Cục Hậu cần Quân đoàn 3. vật liệu xây dựng gồm: 238.880kg sắt thép, 1.204.165kg xi măng P.400, 10.677kg xi măng trắng, 611,6 m2, kính, 95,3m3 gỗ, tổng kinh phí là 2.048.431.557 đồng.

4. Năm 1989, toàn Quân đoàn xảy ra 103 vụ (có 31 vụ tai nạn giao thông) làm chết 48 người (có 36 bộ đội), bị thương 65 người (có 43 bộ đội), mất 4 súng ngắn, 13.000 viên đạn, hỏng nặng 4 xe, 2 căn nhà.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #118 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2021, 08:47:17 am »

        2. Phát huy truyền thống, kiên trì phấn đấu, từng bước xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện.

   Đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, trong khi công cuộc đổi mới đang diễn ra trên đất nước ta, thì tình hình thế giới có nhiều biến động lớn phức tạp không có lợi cho cách mạng. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế ráo riết phản kích khắp nơi, đẩy mạnh hoạt động ''diễn biến hòa bình'', bạo loạn lật đổ hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở các nước dân chủ nhân dân còn lại, trong đó Việt Nam là một mục tiêu hàng đầu. Vì vậy, độc lập chủ quyền của một số quốc gia bị thách thức bởi chính sách cường quyền và áp đặt. Tình hình phong  trào cách mạng thế giới lâm vào khó khăn thóai trào và những âm mưu thủ đoạn mới rất thâm độc của kẻ địch đã làm một bộ phận lớn những người cộng sản trên thế giới hoang mang giao động; đồng thời tác động mạnh đến tư tưởng và tình cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta nói chung và Quân đội ta nói riêng.

   Mặc dù nước ta ở vào tình thế vô cùng khó khăn, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam với bản lĩnh chính trị vững vàng vẫn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng  Hồ Chí Minh, kịp thời đúc rút kính nghiệm và phát huy thành tựu quan trọng sau 5 năm đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, kiên quyết đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 6 năm 1991, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đề ra cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch 5 năm (1991-1995). Về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh 5 năm (1991- 5995), Đại hội xác định: ''Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng cao. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu''1.

   Để lập thành tích chào mừng sự kiện hịch sử Đại hội lần thứ VII của Đảng và đại hội Đảng bộ các cấp, phong trào thi đua diễn ra rất sôi động trong cả nước. Tại Binh đoàn Tây Nguyên, đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng hăng hái bước vào đợt thi đua đột kích mừng Đảng, mừng xuân, quyết tâm chiếm lĩnh những đỉnh cao trên tất cả các mặt hoạt động, nhằm thực hiện thắng lợi phong trào ''Thi đua quyết thắng, dành bốn đỉnh cao'' do Quân đoàn phát động.

   Giữa những ngày xuân Tân Mùi tràn đầy phấn khởi và giữ vững niềm tin cách mạng, Đảng bộ Quân đoàn 3 tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 4 (vòng 1). Dự Đại hội có 200 đại biểu thay mặt cho gần 4.000 đảng viên thuộc 7 đảng bộ cấp trên cơ sở trong toàn Đảng bộ Quân đoàn. Đại hội rất phấn khởi được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về dự, chỉ đạo, theo dõi. Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu đã nghe và thảo luận góp ý kiến xây dựng bản dự thảo Báo cáo chính trị và các văn kiện sẽ trình bày tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, tập trung vào 5 vấn đề chính: 1. Đánh giá thắng lợi, tồn tại và bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam; 2. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; 3. Mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội; 4. Quốc phòng - an ninh và chính sách đối ngoại; 5. Sửa đổi tên Cương lĩnh. Đồng thời Đại hội đã bầu 9 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội, gồm các đồng chí: Đặng Vũ Hiệp (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Lê Quang Bình (Tư lệnh Quân đoàn 3), Lê Xuân Thanh (Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn), Đỗ Công Mùi (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn), Vũ Khắc Hoan (Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn), Trần Đình Hạng (phó sư đoàn trưởng chính trị Sư đoàn 320), Phạm Chào (phó sư đoàn trưởng chính trị Sư đoàn 10), Nguyễn Đức Thiều (Chủ nhiệm hậu cần Quân đoàn), Trần Ngọc Anh (Chủ nhiệm kỹ thuật Quân đoàn), là các đại biểu chính thức và đồng chí Nguyễn Văn Duyệt (phó sư đoàn trưởng chính trị Sư đoàn 31) làm đại biểu dự khuyết.

   Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Tổng cục Chính trị, từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 8 năm 1991, Đảng bộ Quân đoàn 3 tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 4 (vòng 2) tại thị xã Plei Ku tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Dự Đại hội có 185 đại biểu thay mặt cho 3.501 đảng viên trong toàn Đảng bộ Quân đoàn. Đại biểu cấp trên và khách mời có các đồng chí: Đại tướng Đoàn Khuê - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Sĩ (Ksor Krơn) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum. Trong 3 ngày làm việc, Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo của Đảng bộ Quân đoàn trong nhiệm kỳ 1986-1990, đề ra phương hướng nhiệm vụ quân sự của Quân đoàn và phương hướng xây dựng Đảng bộ Quân đoàn 5 năm (1991-1995), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Quân đoàn khóa 4. Về phương hướng nhiệm vụ quân sự của Quân đoàn 1991-1995, Đại hội xác định:

   "1. Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong những năm qua, phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân đoàn, sẵn sàng chấp hành và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của bình đoàn chủ lực cơ động, cùng với toàn quân, toàn dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

   2. Trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tích cực chủ động lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế trên địa bàn với hiệu quả cao hơn... tạo ra một phần cơ sở vật chất để củng cố và từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống kho tàng, nhà xe pháo, khu kỹ thuật, sở chỉ huy, nhà ở, sinh hoạt của bộ đội, duy trì và cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ phù hợp với thực tiễn của Quân đoàn, thiết thực giải quyết một phần khó khăn chung cho quốc phòng và nền kinh tế của đất nước''2.

   Mục tiêu xây dựng Quân đoàn 5 năm (1991-1995) là : ''Xây dựng Quân đoàn luôn vững vàng về chính trị tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, có trình độ quân sự (chiến thuật, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ khá, điều lệnh tốt, kỷ luật nghiêm) quản lý bảo quản trang bị kỹ thuật tốt, đời sống tinh thần bộ đội được duy trì vững chắc và có cải thiện, bảo đảm toàn Quân đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đặt ra trong bất cứ điều kiện nào''3.

   Ban Chấp hành Đảng bộ Quân đoàn khóa 4 được Đại hội bầu ra gồm 11 đồng chí: Lê Xuân Thanh - Bí thư Đảng ủy Lê Quang Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Đỗ Công Mùi - Ủy viên thường vụ và các đảng ủy viên: Nguyễn Hữu Hạ, Vũ Khắc Hoan, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Đức Thiều, Trần Đình Hạng, Dương Văn Niên, Nguyễn Văn Duyệt, Hà Văn Vi.

   Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn lần thứ 4 khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng bộ trước những diễn biến hết sức phức tạp và bất lợi cho cách mạng của tình hình thế giới, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn; thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và niềm tin vững chắc vào đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện sự thống nhất cao, đoàn kết đồng tâm cùng chung ý chí nguyện vọng và quyết tâm của đảng viên đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ công nhân viên quốc phòng xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, ra sức thi đua thực hiện phương hướng nhiệm vụ mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Quân đoàn lần thứ 4 đã đề ra;. từ năm 1991 đến năm 1995 Binh đoàn Tây Nguyên tiến mạnh trên con đường xây dựng đơn vị theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại'', lập thành tích toàn diện trên tất cả các mặt công tác. Quân đoàn đã thực hiện nghiêm túc ''Điều lệnh quản lý bộ đội'' (1991), Chỉ thị thống nhất mang mặc quân phục (3.1992), Chỉ thị ''về đẩy mạnh xây dựng chính quy Quân đội nhân dân lên một bước mới" (3.1993), cuộc vận động ''Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở các đơn vị cơ sở'' (5.1992), ''Xây dựng đơn vị có phong trào quân y 5 tốt và chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy'' (1.1994); tiếp tục thực hiện cuộc vận động ''Quản lý xe máy tốt bền, an toàn, tiết kiệm'', ''50 ngày hành động tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quân đội'' (6.1994), ''Tuổi trẻ Quân đội tiếp sức cha anh, quyết giành ba nhất, xứng danh bộ đội Cụ Hồ'' (7.1994), cuộc vận động ''Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, an toàn, tiết kiệm'' (3.1995), phong trào ''phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thực hiện chính sách hậu phương quân đội'' (7.1995) do Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ thị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ban hành và Tổng cục Chính trị, Ban Thanh niên Quân đội phát động.

   Trong 5 năm (1991-1995) công tác quân sự của Quân đoàn tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ phòng chống ''diễn biến hòa bình'', bạo loạn lật đổ, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không và tác chiến trên các phương cơ bản theo kế hoạch A, A2. Cùng với việc thường xuyên duy trì chặt chẽ các chế độ sẵn sàng chiến đấu, kịp thời bổ sung hoàn thiện các phương án tác chiến, tích cực phối hợp cùng địa phương nắm tình hình địa bàn; Quân đoàn tập trung kiện toàn các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quy đmh cụ thể về các mặt bảo đảm chiến đấu, phê duyệt các phương án tác chiến, chuẩn bị các khu tập trung sơ tán khi chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị; đồng thời triển khai xây dựng công trình quốc phòng. Trước âm mưu và hoạt động ''diễn biến hòa bình'' cực kỳ nguy hiểm của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với nước ta, trong đó Tây Nguyên là một địa bàn trọng điểm hàng đầu; Quân đoàn đẩy mạnh các hoạt động sẵn sàng phòng chống. Tiếp theo mệnh lệnh tác chiến sẵn sàng chiến đấu (số 152/ML ngày 23.10.1991), ngày 19 tháng 3 năm 1994 Tư lệnh Quân đoàn ra Chỉ thị (số 97/CT) ''thực hiện nhiệm vụ phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ trong tình hình mới''. Chỉ thị nêu lên 5 khả năng gây diễn biến hòa bình của địch trên địa bàn Quân đoàn đảm nhiệm; xác định rõ phương châm, tư trang chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Quân đoàn và quy định tổ chức thực hiện. Tháng 7 năm 1994, Quân đoàn thành lập tổ soạn thảo văn kiện tác chiến cơ bản bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa gồm 36 cán bộ thuộc 4 cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật do thượng tá Nguyễn Hữu Hạ - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn làm tổ trưởng. Sau khi ''Quyết tâm tác chiến cơ bản bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa'' của Quân đoàn được Bộ phê duyệt đã nhanh chóng được triển khai thực hiện.

   Phòng chống ''diễn biến hòa bình'', bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ mới; Quân đoàn chỉ có ít kinh nghiệm chống biểu tình gây rối, vận động quần chúng truy quét FULRO ở nam Khu 5 trong năm 1976, 1977. Nhưng với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa; quán triệt sâu sắc phương châm phòng chống ''diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ do Bộ xác định và nắm chắc nhiệm vụ vị trí đơn vị chủ lực trên địa bàn, phát huy truyền thống quyết thắng sáng tạo; Quân đoàn đã chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, chuẩn bị đầy đủ các phương án và lực lượng, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền và lực lượng vũ tràng địa phương, sẵn sàng cơ động một phần lực lượng hỗ trợ địa phương hành động, sẵn sàng đánh quân địch từ ngoài vào, bảo vệ các khu vực được giao.

   Nhằm nâng cao khả năng và đánh giá trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn, năng lực tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp và rèn luyện bộ đội, hàng năm Quân đoàn đều tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan, có một phần thực binh và diễn tập thục nghiệm kiểm tra phương án tác chiến do Bộ chỉ đạo. Năm 1992, Quân đoàn tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 1 cấp cho 3 sư đoàn, có sự tham gia của các trung đoàn, lữ đoàn binh chủng, góp phần củng cố kiến thức và cách đánh mới, nâng cao một bước trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của người chỉ huy và cơ quan, làm cơ sở cho huấn luyện đơn vị và chiến đấu nếu xảy ra. Năm 1993, quân đoàn tổ chức diễn tập chỉ huy, cơ quan 1 bên 2 cấp (sư đoàn, trung đoàn), thực binh Trung đoàn bộ binh 66 Sư đoàn 10 với đề mục: ''Sư đoàn bộ binh tiến công địch đổ bộ đường không ở địa hình rừng núi'' đạt kết quả khá (7,2 điểm). Nổi bật và thành công nhất là cuộc diễn tập mang tên TN-94 vào đầu tháng 12 năm 1994. Đây là cuộc diễn tập thực nghiệm kiểm tra phương án tác chiến của Quân đoàn do bộ Quốc phòng chỉ đạo Nội dung: diễn tập chỉ huy cơ quan 2 cấp có một phần thức binh ngoài thực địa, đề mục: ''Quân đoàn tiến công địch đổ bộ đường không chiến địch ở địa hình rừng núi". Tham gia diễn tập gồm Bộ tư lệnh và 4 cơ quan Quân đoàn, chỉ huy và cơ quan 3 sư đoàn, 4 trung đoàn, lữ đoàn binh chủng, một số phân đội bảo đảm phục vụ, thực binh Trung đoàn bộ binh 24 (Sư đoàn 10), có lực lượng vũ trang địa phương huyện Măng Yang tỉnh Gia Lai phối hợp. Cuộc diễn tập diễn ra trong 5 ngày, hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối; được Bộ Tổng Tham mưu đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngay sau cuộc diễn tập, Quân đoàn đã kịp thời tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm: ''Phải coi trọng công tác huấn luyện và bồi  dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ quan các cấp: luyện tập kỹ và có hợp luyện chung. Quản lý duy trì nghiêm túc chế độ nền nếp dã ngoại. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa hình, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hành diễn tập quy mô chiến dịch phải xác định rõ ý định và khâu chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất''.

   Phát huy thành tích và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của các cuộc diễn tập trên, năm 1995 Quân đoàn hoàn thành tốt diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp (sư đoàn, trung đoàn) có một phân thực binh cho các đơn vị bộ binh. binh chủng và các đợt diễn tập cấp tiểu đoàn, đại đội (30%), trung đội (50%). Thành công của các cuộc diễn tập hàng năm đã khẳng định bước trưởng thành mới về chất lượng sẵn sàng chiến đấu tổng hợp của Quân đoàn, đồng thời đóng góp những cơ sở thực tiễn để cấp trên nghiên cứu lý luận tác chiến chiến dịch trong tình hình mới. Đặc biệt, trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn còn được thể hiện sinh động trong chiến dịch ''Giành dân ở lòng hồ khỏi bàn tay thần nước'' tháng 8 năm 1995 và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác.

   Cùng với thành tích về sẵn sàng chiến đấu, điểm nổi bật trong công tác quân sự 5 năm (1991-1995) của Quân đoàn là huấn luyện chiến đấu. Luôn xác định rõ huấn luyện bộ đội là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đo người chỉ huy trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm, thực hiện tốt phương châm ''Cơ bản, thiết thực, vững chắc'', sát với nhiệm vụ, cách đánh, tổ chức trang bị của Quân đoàn và đối tượng tác chiến, phù hợp với chiến trường rừng núi quen thuộc, phát huy được truyền thống và sở trường chiến đấu của Binh đoàn nên công tác huấn luyện luôn hoàn thành các nội dung chương trình quy định cho các đối tượng, chất lượng ngày một cao hơn. 5 năm, toàn Quân đoàn có gần 14.000 lượt cán bộ các cấp được tập huấn, 29.388 chiến sĩ mới hoàn thành nội dung chương trình huấn luyện, hàng chục nghìn lượt chiến sĩ được huấn luyện theo chương trình hàng năm về bộ binh, binh chủng, chuyên môn nghiệp vụ. Trường Quân sự Trường Hậu cần - Kỹ thuật và các đơn vị đào tạo, bổ túc khỏang 2.000 cán bộ phân đội, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Do làm tốt công tác chuẩn bị, quản lý chặt chẽ nội dung chương trình kế hoạch, thường xuyên đổi mới phương pháp, kịp thời kiểm tra uốn nắn, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm chiến đấu đã được tổng kết, làm tốt công tác giáo dục động viên, xây dựng điển hình... nên kết quả huấn luyện hàng năm đều đạt 100% yêu cầu trở lên, trong đó có từ 60% đến 80% khá giỏi. Các nội dung bắn đạn thật của bộ binh, xe tăng thường đạt loại giỏi.

   Tại các hội thao toàn quân, các đội tham gia thi đấu của Quân đoàn giành nhiều thành tích cao. Năm 1992, hội thao các đơn vị khu vực phía Nam, Lữ đoàn phòng không 234 và Trung đoàn công binh 7 đoạt giải nhất. Năm 1993 Trung đoàn công binh 7 và Đại đội mang binh thuộc Sư đoàn 10 đoạt giải nhì; Tiểu đoàn trinh sát 28 Bộ Tham mưu đoạt giải nhất hội thi trinh sát đặc nhiệm; lực lượng hóa học đoạt giải ba. Năm 1994 phân đội súng máy phòng không 12,7mm của Quân đoàn đoạt giải ba hội thao toàn quân; Đội thi tiêu đồ đoạt giải nhì, đội thị pháo binh đoạt giải tư. Năm 1995, trong hội thi sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng binh chủng do Bộ Quốc phòng tổ chức, đội thi của Quân đoàn giành giải nhì, 2 cán bộ được tặng giấy khen; đội thi hóa học đoạt giải nhì. Kết quả huấn luyện của Quân đoàn còn được khẳng định qua các đợt thanh tra, khảo sát của Bộ Quốc phòng. Năm 1994, Cục Huấn luyện chiến đấu tổ chức kiểm tra 3 đơn vị: Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10), Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320), Tiểu đoàn hóa học 21 (Bộ Tham mưu) đều kết luận đơn vị huấn luyện khá. Năm 1995, đoàn Thanh tra của Bộ Quốc phòng đã kết luận Quân đoàn 3 đạt loại khá về huấn luyện; 2 đơn vị: Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) và Trung đoàn công binh 7 được khảo sát cũng đạt loại khá về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích tết trong công tác huấn luyện, Quân đoàn 3 đã được Bộ Quốc phòng chọn để tổ chức Hội nghị tập huấn về phương pháp huấn luyện và Hội nghị tổng kết công trình chiến đấu toàn quân năm 1993. Tiêu biểu cho công tác huấn luyện giai đoạn 1991-1995 của Quân đoàn là các đơn vị: Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn xe tăng 273, Lữ đoàn phòng không 234, Trung đoàn công binh 7 và Bộ Tham mưu.

   Bên cạnh kết quả tốt về huấn luyện lực lượng trong biên chế, Quân đoàn còn đạt được nhiều thành tích huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Mặc dù địa bàn đảm nhiệm rất rộng, đối tượng quản lý da dạng, kinh nghiệm công tác động viên còn ít, nhưng Quân đoàn luôn quán triệt rõ ý nghĩa tầm quan trọng chiến lược của nhiệm vụ, chủ động phối hợp với địa phương, tích cực tổ chức nắm, quản lý và huấn luyện quân nhân dự bị. Đến năm 1995, đã có 13.800 quân nhân dự bị được quản lý, 4 tiểu đoàn và 16 đại đội bộ binh, binh chủng được huấn luyện. Tuy kết quả bước đầu còn ở mức độ nhưng rất có ý nghĩa. Từ thực tiễn công tác động viên ở các tỉnh phía Nam, Quân đoàn rút ra được một số kính nghiệm quý để đẩy mạnh công tác động viên và nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân dự bị trong những năm sau.

   Những kết quả ngày càng tiến bộ và hướng đi lên vững chắc trong công tác huấn luyện chiến đấu đã góp phần đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trong toàn Quân đoàn, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 37 của  Đảng ủy Quân sự Trung ương ''Về đẩy mạnh xây dựng chính quy Quân đội nhân dân lên một bước mới'' và Chỉ thị 85/CT- TM của Tổng Tham mưu trưởng. Hàng năm tỷ lệ vi phạm kỷ luật ngày một giảm dần. Năm 1991, tổng số vụ vi phạm kỷ luật giảm 12% so với năm 1990; năm 1992 giảm 1,77%,  năm 1993 giảm 2% và tiếp tục giảm trong các năm sau. Riêng tỷ lệ đào - bỏ ngũ giảm đáng kể: năm 1994 còn  11,6% và năm 1995 còn 9,7% so với quân số. Mặc dù tỷ lệ vi phạm kỷ luật, nhất là đào - bỏ ngũ ở chiến sĩ mới còn cao, nhưng việc liên tục hạ tỷ lệ đào - bỏ ngũ xuống dưới 10% là một cố gắng lớn của Quân đoàn trong nửa đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX.

   Thực hiện Quyết định (số 194/QĐ-TM ngày 27 tháng 5 năm 1991) của Tổng Tham mưu trưởng "Về việc chấn chỉnh tổ chức - quân số Quân đoàn 3 năm 1991-1995'', Quân đoàn có một số thay đổi về tổ chức biên chế theo hướng vẫn giữ nguyên đầu mối trực thuộc, ưu tiên kiện toàn các đơn vị biên chế đủ, sẵn sàng chiến đấu, cơ quan các cấp, các đơn vị kho, khung huấn luyện, nhà trường và làm kinh tế. Năm 1991, Tư lệnh Quân đoàn ra các quyết định chấn chỉnh Trung đoàn pháo binh 40 thành Lữ đoàn pháo binh 40, Trung đoàn phòng không 234 thành Lữ đoàn phòng không 234, Lữ đoàn xe tăng 273 thành Trung đoàn xe tăng 273. Tại Sư đoàn bộ binh cơ giới 320, các đơn vị: Trung đoàn phòng không 237 và 5 tiểu đoàn (vận tải, trinh sát, pháo chống tăng, pháo phản lực, xe tăng) được giải thể, đồng thời thành lập một tiểu đoàn pháo phòng không. Ở Sư đoàn bộ binh 10: giải thể Trung đoàn pháo binh 4 và Tiểu đoàn pháo chống tăng; thành lập các tiểu đoàn súng cối, súng máy phòng không. Riêng Sư đoàn bộ binh 31 được rút gọn hơn và chuyển thành đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Khối cơ quan Quân đoàn: thành lập Phòng Xe tăng thiết giáp thuộc Bộ Tham mưu.

   Trong các năm 1992-1995, Quân đoàn tiếp tục chấn chỉnh Sư đoàn bộ binh 10 thành đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; chuyển Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 sang làm nhiệm vụ bảo quản trang bị vũ khí khí tài và huấn luyện quân dự bị; tiếp nhận Công ty Lam Sơn; thành lập Phòng Dân vận (lâm thời), Ban Quản lý công trình 26.3, Ban Đo lường. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng (11.1992), Trường Quân chính Quân đoàn 3 đổi tên thành Trường Quân sự Quân đoàn 3. Tháng 6 năm 1993, Trường Quân sự chuyển vị trí đóng quân từ Lam Sơn - Dục Mỹ (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) về huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tháng 11 năm 1994, Trường Hậu cần - Kỹ thuật sáp nhập vào Trường Quân sự.

   Việc Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng, củng cố kiện toàn tổ chức biên chế là một nhân tố quan trọng để Binh đoàn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.



------------------------------------------------------------------
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự thật; H.1991, tr 85.
2, 3. Lịch sử bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên... Sđd, tr.917, 918.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #119 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2021, 08:48:58 am »

*

   Địa bàn đóng quân của Quân đoàn rất rộng, tiềm năng kinh tế lớn nhưng thời tiết khắc nghiệt, đất đai bạc màu; việc bảo đảm hậu cần theo cơ chế mới gắn với thị trường có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, nhất là vốn đầu tư. Nắm chắc và phân tích khoa học tình hình mọi mặt, phát huy vai trò nòng cốt của Ngành Hậu cần, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn tập trung lãnh đạo, đề ra chủ trương và xác định bước đi đúng hướng cho công tác bảo đảm hậu cần. Vì vậy, truyền thống tự lực tự cường dược phát huy, nội lực được khơi dậy, tranh thủ được sự bảo đảm của trên và tiềm năng lớn của địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm hậu cần trong cơ chế mới. 5 năm (1991-1995) Quân đoàn luôn bảo đảm đầy đủ lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ thị số 81/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ huấn luyện và công tác; đồng thời tạo bước chuyển biến mạnh trong bảo đảm ăn, mặc, ở, đi lại, khám chữa bệnh cho bộ đội.

   Do tích cực tìm nguồn, tạo và khai thác nguồn hậu cần, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức thu mua thóc và xay xát cung cấp gạo đến các bếp tiểu đoàn, lập các điểm giết mổ tập trung, chú trọng khâu chế biến, chia ăn theo định suất nên chất lượng bữa ăn của bộ đội ngày càng được cải thiện, hạn chế được tiêu cực trong phân phối và cung cấp. Kết hợp kinh phí trên cấp với vốn tự có và công sức bộ đội, Quân đoàn đã xây dựng được hệ thống nhà ăn, nhà bếp đến cấp tiểu đoàn, mua sắm mới nhiều bàn ghế và dụng cụ cấp dưỡng. Phong trào thi đua ''Xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt'' và ''Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy'' được đẩy mạnh. Năm 1993 số bếp đạt tiêu chuẩn ''nuôi quân giỏi, quản lý tốt'' toàn Quân đoàn đạt 80 bếp trong tổng số 151 bếp; năm 1995 là 98 bếp trong tổng số 127 bếp, đạt 77,16%. Đảm bảo các nhu cầu thường xuyên và xây dựng chính quy, ngành quân trang đã chú trọng nâng cao chất lượng và thống nhất về trang phục cho bộ đội, mở rộng xưởng may. Điểm nổi bật trong công tác hậu cần giai đoạn này là xây dựng cơ bản và làm kinh tế 5 năm, Quân đoàn đã xây dựng được 114.235m2 nhà các loại với tổng kinh phí lên đến 38.911 triệu đồng, trong Đó có 5.634 triệu đồng tự cân đối, đạt bình quân 120% kế hoạch xây dựng hàng tạm, trên 90% quân số được ở nhà lợp ngói. Bộ đội đã có đủ giường phản nằm và bàn ghế làm việc học tập, sinh hoạt. Nhiều doanh trại cấp tiểu đoàn, trung đoàn, cơ quan sư đoàn được xây dựng mới khang trang. Đặc biệt ''Nhà Văn hóa Binh đoàn Tây Nguyên'' kịp khánh thành và đưa vào sử dụng phục vụ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đoàn. Vượt lên những khó khăn và đổi mới tư duy làm kinh tế, Quân đoàn vừa đẩy mạnh lao động tăng gia tự túc, vừa tích cực tìm tòi mở ra các hướng trong sản xuất kinh doanh. Việc trồng cà phê, trồng rừng và xây dựng các nhà máy thủy điện Hùng Vương (của Trung đoàn công binh 7), Đắc Pô Kam (của Lữ đoàn pháo binh 40), Biển Hồ ( của Sư đoàn 320) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thiết thực phục vụ đời sống bộ đội và nhân dân địa phương. Một số đơn vị đã xúc tiến xây dựng căn cứ hậu cần, một mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng phù hợp với điều kiện khả năng của các đơn vị chủ lực. Với nỗ lực rất cao, hàng năm Quân đoàn thu được hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn rau xanh và nhiều tỷ đồng. Kết quả lao động tăng gia sản xuất đã trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội, làm công tác chính sách và đầu tư mở rộng kinh doanh. Có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ và cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, Quân đoàn đã nâng cấp hàng chục buồng điều trị và phẫu thuật ở các đơn vị, xây dựng Viện Quân y 211 thành một bệnh viện khu vực tuyến cuối của quân đội ở Tây Nguyên. Do ngành quân y có cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, tích cực hướng xuống cơ sở, trồng và sử dụng  thuốc nam, kết hợp quân dân y, đẩy mạnh phong trào "Quân y 5 tốt'' xây dựng ''Bệnh xá văn hóa'' nên quân số khỏe hàng năm ngày một cao. Năm 1992, Quân đoàn đạt 95,7% quân số khỏe, đến năm 1995 tăng lên 98%; trong đó bệnh sốt rét giảm còn 1,63% và bệnh ngoài da còn 1,53%.

   Nhằm nâng cao khả năng bảo đảm công tác hậu cần, ngoài việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn và huấn luyện bộ đội theo chương trình quy định, Quân đoàn còn tích cực tổ chức các cuộc hội thi, hội thao, triển lãm hậu cần. Năm 1993, Quân đoàn tổ chức thành công hội thi hội thao hậu cần từ cơ sở đến Quân đoàn, được Trung tướng Nguyễn Thế Bôn - Phó Tổng tham mưu trưởng đến thăm, kiểm tra và đánh giá tốt. Do được chuẩn bị chu đáo, đội thi của Quân đoàn tham gia hội thi chủ nhiệm hậu cần trung đoàn bộ binh toàn quân năm 1995 đạt 100% khá giỏi; trong đó thiếu tá Vũ Đình Dũng (chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 866 Sư đoàn 31) đoạt giải nhì được tặng bằng khen và thiếu tá Nguyễn Hữu Tiến (chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 24 Sư đoàn 10) đoạt giải khuyến khích. Cũng trong năm 1995 Ngành Hậu cần Quân đoàn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

   Trong 5 năm (1991-1995) công tác bảo đảm kỹ thuật của Quân đoàn có nhiều chuyển biến tiến bộ, tổ chức quản lý khai thác sử dụng tốt vũ khí trang bị kỹ thuật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và công tác Hàng năm, ngành kỹ thuật Quân đoàn luôn đạt và vượt mức kế hoạch về sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp vũ khí trang bị; đầu tư nhiều kinh phí và công sức xây dựng mời hàng nghìn mét vuông kho trạm xưởng, nhà xe, nhà pháo, tích cực phòng chống cháy nổ.
   
        Phong trào thi đua "Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm'' được đẩy mạnh, hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được đưa vào áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Tháng 6 năm 1995, được sự hỗ trợ của Cục Quân khí, dây chuyền công nghệ nhuộm đen vũ khí được lắp đặt và đi vào hoạt động tại xưởng sửa chữa vũ khí của Quân đoàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn vũ khí bộ binh được nhuộm đen bảo đảm chất lượng tốt. Phát huy thắng lợi, cuối năm 1995 dây chuyền công nghệ sửa chữa nhẹ, bảo dưỡng đạn các loại với công suất hàng chục tấn mỗi năm bước vào vận hành. Cùng thời gian này, dây chuyền sản xuất hòm đạn ở Sư đoàn 10 cũng đi vào hoạt động. Việc tăng cường đưa kỹ thuật công nghệ vào sử dụng không những nâng cao chất lượng, năng suất bảo đảm kỹ thuật mà còn đánh dấu bước trưởng thành mới của Ngành Kỹ thuật Quân đoàn trong những năm đầu thập kỷ chín mươi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM