Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:18:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 (1964-2005)  (Đọc 7482 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #90 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:23:31 pm »

*

   FULRO (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức) là một tổ chức chính trị - quân sự phản động của các phần tử thân Pháp, Mỹ trong các sắc tộc thiểu số miền Nam Việt Nam, chủ yếu là Tây Nguyên. Vốn có mầm mống từ chủ trương của thực dân Pháp lập xứ Tây Kỳ tự trị (1948), tổ chức phong trào Badaraka chống Ngô Đình Diệm (1958) và chủ trương của Mỹ lập Mặt trận giải phóng cao nguyên để lôi kéo người Thượng (9.1964); đến năm 1965, cái tên FULRO chính thức ra đời tại đại hội thành lập ''Mặt trận thống nhất các dân tộc thiểu số ở Căm Pốt (Cam-pu-chia) và Việt Nam "họp ở Phnôm Pênh, với mục tiêu đòi thành lập quốc gia mới Đê Ga ở vùng cao nguyên nam Đông Dương. Do có sự dàn xếp của Mỹ, tháng 2 năm l969 một bộ phận của FULRO quy thuận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhập vào quân đội ngụy Sài Gòn và tuyên bố tự giải tán. Để chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến tại Việt Nam, năm 1972 Mỹ lại thu gom những thành viên cũ của FULRO lập ra Mặt trận giải phóng cao nguyên người Thượng; đến tháng 8 năm 1974 dựng lên cái gọi là ''Chính phủ cách mạng lâm thời cao nguyên nam Đông Dương'', tự coi FULRO là đại diện nhân dân miền núi nam Đông Dương, chủ trương quan hệ với Mỹ để giải phóng Tây Nguyên và kêu gọi Liên hiệp quốc công nhận là ''Quốc gia miền núi nam Đông Dương" (20.9.1974)1. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được các thế lực đế quốc và phản động quốc tế hà hơi tiếp sức, lại được bổ sung những thành phần mới gồm những tên ác ôn ngụy quân, ngụy quyền trốn cải tạo thâm thù cách mạng, những tên phản động đội lốt tôn giáo và những phần tử "cặn bã'' khác; FULRO tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, gây bao tội ác với nhân dân ta.

   Bị ta truy quét mạnh, đến đầu năm 1976 lực lượng FULRO của 4 ''vùng'' (theo cách phân chia tổ chức hành chính của chúng) còn 4 sư đoàn (khung). Vùng 1, khu vực phía tây tỉnh Nghĩa Bình và tỉnh Phú Khánh có sư đoàn "Dăm ai"; Vùng 2, tỉnh Gia Lai - Kon Tum có sư đoàn ''Na ri''; Vùng 3, tỉnh Đắc Lắc có sư đoàn ''Dăm Yi''; Vùng 4, hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức (cũ) có sư đoàn ''Dăm bao'' (hay còn gọi là sư đoàn Y Dúck). Mỗi sư đoàn có 4 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội, mỗi đại đội có từ 7 đến 15 tên. Khi hoạt động, chúng tổ chức thành từng toán, mỗi toán từ 10 đến 15 tên. Vũ khí trang bị của chúng gồm súng AR15, các bin, M79, ĐKZ 75, cối 81 và 106,7mm, đại liên M60 và M72, máy vô tuyến PRC-25.

   Trên địa bàn đóng quân của Quân đoàn 3 gồm 4 tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Phú Khánh, Thuận Hải, lực lượng FULRO còn khỏang 6.000 tên, trong đó 2.000 tên ở trong rừng và 4000 tên trà trộn trong dân. Theo tài liệu ta thu được của địch, tháng 6 năm 1976 cơ quan quân sự trung ương FULRO ở Đắc Lắc, có 8 tên: Yk Kơi (tổng chỉ huy), Yba Chi ban (trung tướng, tổng tham mưu trưởng), Diu I Pui (thiếu tướng, tổng tham mưu phó), Ib Rốc (thiếu tướng, phụ trách quân báo tác chiến), Igọc Liê (thiếu tướng, phụ trách an ninh), ITGốt Liê (thiếu tướng, phụ trách phó an ninh) I bơ Luốt Kôta (thiếu tướng, phụ trách nội vụ) và He Lam (thứ trưởng ngoại giao). Sư đoàn ''Dăm Yi'' có 4 trung đoàn: trung đoàn 61 ở nam thị xã Buôn Ma Thuột, trung đoàn 62 ở tây nam và bắc thị xã, trung đoàn 63 ở Chư Cúc đến Buôn Hồ, trung đoàn 64 ở Đông nam Buôn Ma Thuột đến Khánh Dương. Ở Lâm Đồng, sư đoàn ''Y Dúck'' cũng có 4 trung đoàn trải rộng trên các khu vực: tây Đức Trọng (trung đoàn 71), tây nam Đơn Dương (trung đoàn 72), Đầm Ròn và tây bắc Đà Lạt (trung đoàn 73), Đông bắc Đà Lạt (trung đoàn 74), chỉ huy sư đoàn ở tây suối Vàng (tây bắc Đà Lạt 10km). Bên cạnh chỉ huy sư đoàn ''Y Dúck'' có cơ quan đại diện bộ tổng tham mưu FULRO do thiếu tướng Kambơrơi chỉ huy. Lực lượng FULRO ở Phú Khánh và Thuận Hải có ban chỉ huy "FULRO tỉnh Ninh Thuận'' (khỏang 170 tên ở vùng núi bắc Hòn Bà); tiểu đoàn 5 FULRO Chăm (98 tên và 40 súng) do tên Đổng Thẹo và Hán Nhẫn chỉ huy hoạt động từ tây An Phước đến Cà Ná; tiểu đoàn Chế Bồng Nga do tên Măng Khá và Lê Quốc Chiều chỉ huy hoạt động ở vùng Ninh Hải, Du Long.

   Bị tổn thất đáng kể sau các đợt truy quét của ta, từ đầu năm 1976 FULRO thay đổi phương thức hoạt động. Chúng chia lực lương ra ba tuyến: tuyến trong rừng sâu gồm bọn chỉ huy đầu sỏ; tuyến giữa là lực lương hoạt động ven rừng và nương rẫy móc nối nhận lương thực, thuốc men; tuyến ngoài cùng là những tên sống trà trộn hợp pháp trong dân, ta khó phát hiện vì dân bị địch khống chế. Trong khi ra sức tuyên truyền móc nói gây cơ sở, phát triển lực lượng, thu lương thực thực phẩm tại các vùng dân tộc thiểu số và đồng bào theo đạo; FULRO còn dùng nhiều toán quân phục kích, tập kích chính quyền cách mạng cơ sở, cướp lương thực và vũ khí, bắn giết cán bộ hoặc khống chế chính quyền, lũng đoạn du kích, khủng bố dân chúng. Trong 9 tháng đầu năm 1976, FULRO đã gây ra 485 vụ hoạt động có vũ trang trên địa bàn 4 tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Phú Khánh, Thuận Hải. Cuối năm 1976 và đầu năm 1977, chúng càng hoạt động ráo riết hơn, gây ra nhiều vụ rất nghiêm trọng. Trong một tuần (23-29.7.1976) chúng 6 lần cắt dây điện thoại của Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 từ Lạc Lâm đến Lạc Viên; cắt dây điện thoại từ Quân đoàn bộ xuống Lữ đoàn 40 (25.8.1976), cắt đường dây của Lữ đoàn 273 ở khu vực An Phước (27.12.1976) và 6 lần cắt đường dây của nhà máy thủy điện Đa Nhim.

   Cuối năm 1976, FULRO tập trung 3 trung đoàn (61, 62, 63) hoạt động mạnh ở xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Đêm 14 tháng 12, chúng đồng loạt tập kích vào 6 địa điểm: trụ sở xã Ea Pốc, đồn điền Chư Tam, Xanh Tơ Ni, xã Thống Nhất, Buôn Kna, Buôn Ea Đá. Tiếp đó, từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 12, FULRO tập kích 6 lần vào các xã EaĐê, Ta Lung, Buôn Wít, Buôn Đê, xã Ea Krông bắn chết và làm bị thương 31 người, bắt đi 6 cán bộ và du kích, lấy 6 súng và 130kg gạo. Đặc biệt nghiêm trọng, đêm 23 ngày 24 tháng 12 năm 1976, FULRO được du kích phản bội dẫn đường tập kích vào trụ sở xã Chư Thai và trại trồng bông của huyện Cheo Reo cướp 111 khẩu súng, 2.400kg thóc, 100kg thực phẩm, giết chủ tịch và công an xã, bắt đi 117 người. Ngày 20 tháng 3 năm 1977, hơn 100 tên thuộc trung đoàn 74 tập kích nơi kiểm phiếu hội đồng nhân dân xã Lĩnh Hội (tây Đức Trọng 16km) gây thương vong 7 cán bộ, bộ đội, lấy đi 7 AK, bắt đi 2 du kích. Phối hợp với FULRO ở Tây Nguyên, bọn FULRO Chăm và tàn quân phục quốc hoạt động mạnh ở các tỉnh ven biển nam Trung Bộ: đột nhập ấp Hậu Sanh ở huyện An Phước cướp gần 1 tấn ngô và bắt vịt của dân (9-14.8.1976), tập kích trụ sở xã Tân Lập (Hàm Tân, Thuận Hải) giết xã đội trưởng, cướp 5 súng (29.11.1976); gây ra hàng chục vụ gài mìn, lưu đạn ở các cây cầu, đường xe lửa ở hầm đèo Cả, dùng đá lấp đường ray, đóng đinh vào khe nối hai thanh ray để lật đổ tàu.

   Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng giao, từ tháng 8 năm 1976 đến giữa năm 1977, Quân đoàn 3 sử dụng một lực lượng phối hợp với Quân khu 5 và chính quyền địa phương tiến hành phát động quần chúng, truy quét FULRO và các nhóm phản động khác. Sư đoàn 10 đảm nhiệm truy quét ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với các trọng điểm: suối Vàng, bắc - Đông bắc Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và dọc đường 21 từ Đức Trọng đi Gia Nghĩa. Sư đoàn 320 truy quét ở tỉnh Đắc Lắc. Lữ đoàn 273 và Lữ đoàn 234 đảm nhiệm khu vực An Phước, Tháp Chàm. Lữ đoàn 7 phụ trách địa bàn Cam Ranh. Phương thức truy quét là kết hợp chặt chẽ giữa tích cực triệt để liên tục tiến công bao vây chặt với công tác phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị.

   Trong gần 1 năm làm nhiệm vụ, toàn Quân đoàn đã tuyên truyền đường lối chính sách cho 30.405 lượt người, diệt hơn 200 tên địch, bắt gần 400 tên, hơn 300 tên ra hàng, thu hàng trăm khẩu súng, hàng chục vô tuyến điện và hàng chục nghìn viên đạn các loại. Ta đã phá tan các tổ chức phản động, truy quét tận hang ổ của bọn đầu sỏ FULRO ở các tỉnh nam Khu 5; diệt cơ quan chỉ huy tiền phương ''Vùng 4'' ở Lâm Đồng, bắt tên tỉnh trưởng FULRO Chăm Nam Lương ở Thuận Hải, buộc tiểu đoàn 2 FULRO phải nộp vũ khí xin hàng, xóa sổ ''trung đoàn 64'' FULRO ở Đắc Lắc... Nổi bật là trận đánh xuất sắc của Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 vào ''chỉ huy sở'' tiền phương của ''Vùng 4'' FULRO ở đông bản Ta Ni ngày 8 tháng 5 năm 1977, diệt tên ''đại tá'' Hà Sáu A và 3 ''sĩ quan'' khác, thu nhiều tài liệu qua trọng. Tháng 10 năm 1976, ta kịp thời phát hiện và giải tán vụ âm mưu nổi loạn cướp chính quyền ở 2 xã Quảng Thiện và Tân Mỹ (Phan Rang); ngày 24 tháng 1 năm 1977, giải tán cuộc biểu tình và bắt tên đầu sỏ phản động ở Đắc Lắc. Đặc biệt, trong hai ngày 20 và 21 tháng 11 năm 1976, bằng đấu tranh kiên trì và linh hoạt, ta đã lật tẩy bộ mặt bọn phản động lợi dụng tôn giáo kích động giáo dân ở xã Lạc Thiện huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, phá tan hang ổ của nhóm phản cách mạng ''Liên minh tôn giáo chống cộng''.

   Trên cơ sở thành tích đã giành được, trong hai ngày 9 và 10 tháng 4 năm 1977 Quân đoàn tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm tác chiến truy quét FULRO, nhằm đánh giá đúng kết quả, tình hình địch - ta, rút ra bài học và đề ra phương hướng truy quét trong thời gian tới. Sau bản báo cáo đánh giá chung của Quân đoàn về truy quét FULRO, một số báo cáo điển hình của các đơn vị được trình bày: Trung đoàn 52 truy quét ở tây nam Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 64 hiệp đồng cùng địa phương và không quân diệt địch ở bắc Chư Cúc, Trung đoàn 24 vận động quần chúng và diệt địch ở Tu Trà, Đại đội 20 (Trung đoàn 24)  đánh ở khu vực Lạc Lâm, Thành Mỹ; Trung đoàn công binh 7 báo cáo trận đánh diệt một trung đội địch ở khu vực Cam Ranh...

   Những hoạt động của Quân đoàn 3 phối hợp với Quân khu 5 và địa phương phát động quần chúng, truy quét FULRO và các tổ chức phản động trên địa bàn bốn tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Phú Khánh, Thuận Hải đã góp phần giữ gìn trật tự an ninh, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, bảo vệ cuộc sống lao động bình yên cho nhân dân. Qua hoạt động thực tiễn, Quân đoàn và các đơn vị rút ra nhiều kinh nghiệm quý, bước đầu rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong các hoạt động chiến đấu, đồng thời kiểm nghiệm kết quả huấn luyện bộ đội.




------------------------------------------------------------------
1. Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H.1996, tr 309.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #91 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:26:17 pm »

*

   Phát huy kết quả đạt được trong 2 năm 1975-1976, sang năm 1977 Quân đoàn tập trung đưa chất lượng các mặt công tác lên một bước mới. Một lực lượng bộ binh và binh chủng triển khai ở Đắc Lắc sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, việc phối hợp với Quân khu 5 và địa phương truy quét FULRO hoàn thành, các kế hoạch cơ động tác chiến trên các hướng chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh. Công tác huấn luyện theo hướng cơ bản, hệ thống, toàn diện đạt kết quả tốt. Các đơn vị được chấn chỉnh kiện toàn thêm một bước. Việc tổng kết chiến tranh tiếp tục được đẩy mạnh. Các ngành hậu cần, kỹ thuật cũng tập trung mọi nỗ lực phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Lao động sản xuất vừa tập trung mở rộng vừa nâng cao hiệu quả. Các khu sản xuất lương thực mới được mở ra ở Tà Nhiên, Thiện Hanh, Bù Pông. Sư đoàn 10 và Cục Hậu cần nâng cao công suất các xưởng gạch ngói ở Lạc Viên và Dục Mỹ. Lữ đoàn 40 thành công trong thử nghiệm sản xuất vôi, đi vào nung đại trà. Lữ đoàn 7 công binh và Trung đoàn 64 hoàn thành thi công đập nước "Chiến Thắng'' tại Học viện Quân sự Đà Lạt. Trại nuôi bò của Quân đoàn ở dưới chân đèo Phượng Hoàng tăng đầu gia súc lên gấp hai lần. Các xưởng sửa chữa vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu vừa tích cực sản xuất công cụ lao động và đồ dùng phục vụ đời sống thường nhật. Khắc phục nhiều khó khăn, năm 1977 toàn Quân đoàn gieo trồng được 1743 héc-ta (đạt 116% kế hoạch), sản xuất lương thực đạt 75% chỉ tiêu, thu 30 tấn đậu lạc, 108 tấn thịt xô lọc, nung được 4.065.000 viên gạch, khai thác 4.484m3 gỗ và 2.000m3 đá sò, nung được 62 tấn vôi. Công tác đảng, công tác chính trị tập trung giáo dục tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, phát động học tập gương điển hình tiên tiến... tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp. Nhiều cán bộ chưa được nghỉ phép, có chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự vẫn tình nguyện ở lại tham gia chiến đấu, công tác xây dựng quân đội lâu dài. Năm 1977 có 211 cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công, 356 đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Sau 2 năm thành lập, ngày 26 tháng 3 năm 1977 tại thành phố Nha Trang, Quân đoàn tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm ngày ra đời. Dự lễ kỷ niệm có đại biểu là chỉ huy, lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên qua các thời kỳ; đại biểu các quân khu, quân đoàn, đơn vị bạn; đại biểu các địa phương mà Quân đoàn 3 đã từng chiến đấu, công tác, chia ngọt sẻ bùi. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc, Phú Khánh, các đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum), YBLốc (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc) và Mai Dương (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh) đã trao tặng Quân đoàn bức trướng mang dòng chữ vàng "tình nghĩa sắt son". Nhân dịp này, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé cũng gửi điện chúc mừng đến Bộ tư lệnh Quân đoàn.
 
   Theo sự điều động của trên, tháng 3 năm 1977, Thiếu tướng Vũ Lăng - tư lệnh Quân đoàn 3 làm Hiệu trưởng Học viện Quân sự (Đà Lạt); Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp - chính ủy Quân đoàn làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Các đồng chí đại tá Nguyễn Kim Tuấn - tư lệnh phó Quân đoàn đảm nhiệm quyền tư lệnh, đại tá Phí Triệu Hàm - phó chính ủy Quân đoàn đảm nhiệm quyền chính ủy Quân đoàn.

   Trong những ngày hè sôi động, tràn ngập khí thế thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên vô cùng phấn khởi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu phó... đến thăm, kiểm tra Quân đoàn và một số đơn vị trực thuộc. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi Quân đoàn 3 có nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho; đồng thời căn dặn: ''Là binh đoàn cơ động, có nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Binh đoàn hãy tiếp tục tiến lên làm tốt nhiệm vụ được giao. Làm tốt rồi thì làm thật xuất sắc, anh hùng rồi thì anh hùng mãi?''. Sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên hăng hái thi đua lập nhiều thành tích mới.

   Hơn 2 năm xây dựng chính quy và làm nhiệm vụ trong hòa bình, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã phát huy và giữ vững truyền thống ''Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực'' vượt qua mọi khó khăn trở ngại, dũng cảm tiến lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều kinh nghiệm mới được tích lũy, một thế hệ mới đã trưởng thành. Mặc dù việc tổ chức ra quân ''ồ ạt'' sau giải phóng, tổ chức biên chế có những xáo trộn, di chuyển địa điểm đóng quân nhiều lần... tác động đến xây dựng chính quy, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; nhưng 2 năm xây dựng trong hòa bình là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, là bước chuẩn bị toàn diện để Quân đoàn bước vào chặng đường mới: chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #92 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:28:29 pm »

        2. Tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (10.1977 - 11.1978).

   Sau thắng lợi vẻ vang của nhân dân Cam-pu-chia lật đổ hoàn toàn chế độ Lon-non (17.4.1975), những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong Đảng Cam-pu-chia do Pôn Pốt đứng đầu được các thế lực phản động quốc tế hậu thuẫn, ra sức lũng đoạn đảng, phản bội lại lợi ích của nhân dân Cam-pu-chia, phản bội tình đoàn kết chiến đấu cùng chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương, rắp tâm đưa đất nước Chùa Tháp từ thắng lợi huy hoàng đến bờ vực thẳm của thảm họa diệt chủng. Song song với đường lối đối nội phát xít cực kỳ tàn bạo, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary thi hành đường lối đối ngoại phản động, ngang nhiên, liều lĩnh gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

   Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 8 năm 1977, chúng nhiều lần cho quân xâm chiếm, cướp phá có hệ thống gây bao tội ác dã man với nhân dân ta ở đảo Phú Quốc (3.5.1975), Thổ Chu (10.5.1975) và dọc biên giới trên bộ từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum đến tỉnh Kiên Giang. Tại Đắc Lắc, một trong những tỉnh Quân đoàn 3 đứng chân và làm nhiệm vụ, quân Khơ Me đỏ liên tiếp xâm phạm biên giới ở Bu Prăng, nhiều lấn tiến công đánh chiếm đồn biên phòng số 7 và số 8, luồn sang đất ta phục kích, gài mìn và giúp đỡ FULRO phá hoại chính quyền cách mạng.

   Thực hiện nhiệm vụ Bộ Tổng Tham mưu giao, Quân đoàn 3 đã cơ động Trung đoàn 66 và một số phân đội bộ binh, binh chủng lên đứng chân ở Đắc Lắc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an võ trang và bộ đội địa phương sẵn sàng đánh địch, bảo vệ biên giới. Trong khi làm nhiệm vụ trinh sát vùng biên giới, thượng tá Võ Khắc Phụng - sư đoàn phó Sư đoàn 10 cùng 4 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 66 đã bị địch phục kích, hy sinh tại huyện Đắc Nông. Đây là những chiến sĩ đầu tiên của Quân đoàn 3 hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, chống bọn phản động Khơ Me đỏ.

   Trước những hành động xâm lược ngày càng gia tăng và nghiêm trọng của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, quân và dân ta hết sức tự kiềm chế, Đảng và Nhà nước ta tìm mọi biện pháp nhằm giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình; nhưng mọi thiện chí của ta đều bị chúng cự tuyệt và ngày càng lấn tới. Đặc biệt nghiêm trọng trong ngày 25 tháng 9 năm 1977, Khơ Me đỏ dùng 2 sư đoàn đánh chiếm hai huyện Bến Cầu và Tân Biên tỉnh Tây Ninh, kết hợp chiếm đất với chính sách ''đốt sạch, phá sạch, giết sạch'' rất man rợ đối với đồng bào ta. Chỉ tính riêng ở xã Tân Phú huyện Tân Biên, bọn lính áo đen đã dùng vồ, dao, gậy, lưỡi lê, lựu đạn và súng giết chóc tàn bạo trên 1.000 dân thường, đất 400 nhà dân, trường học, bệnh xá, hãm hiếp tập thể, vơ vét toàn bộ của cải đưa về nước. Đi đôi với hành động xâm lược, kẻ cướp, chúng dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ ngày đêm xuyên tạc bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, gieo rắc kích động tư tưởng hằn thù dân tộc và đòi sửa lại đường biên giới giữa hai nước do lịch sử để lại theo ý chúng. Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và cuộc sống yên lành cho nhân dân, quân và dân ta buộc phải giành quyền tự vệ chính đáng, kiên quyết giáng trả quân xâm lược. Một số đơn vị chủ lực được lệnh lên biên giới Tây Nam chiến đấu.

   Cuối tháng 9 năm 1977, Bộ Quốc phòng thông báo tình hình biên giới Tây Nam và chỉ thị cho Quân đoàn 3 sẵn sàng đợi lệnh. Đầu tháng 10, Bộ chính thức ra lệnh cho Quân đoàn cơ động Sư đoàn bộ binh 10 và một lực lượng binh khí kỹ thuật lên phía bắc tỉnh Tây Ninh chiến đấu bảo vệ biên giới. Thực hiện mệnh lệnh, ngày 8 tháng 10, đại tá Nguyễn Kim Tuấn - quyền tư lệnh Quân đoàn đến Tiền phương Bộ Quốc phòng (thành phố Hồ Chí Minh) nhận nhiệm vụ cụ thể, đồng thời một lực lượng của Quân đoàn rời vị trí đứng chân hành quân lên Tây Ninh. Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn, các phân đội thông tin, công binh, trực thuộc và Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) hành quân bằng máy bay từ Nha Trang và Buôn Ma Thuột đến sân bay Thiện Ngôn (Tây Ninh). Sư đoàn 10 (thiếu Trung đoàn 24) và một số phân đội binh khí kỹ thuật cơ động bằng đường bộ đến huyện Tân Biên. Đợt hành quân cơ động chiến đấu này, Quân đoàn đã sử dụng 19 lần chiếc máy bay, 140 lần chiếc ô tô của Cục Vận tải và 262 lần chiếc ô tô của binh đoàn; chuyển được 6.370 cán bộ, chiến sĩ và 379 tấn hàng các loại, bảo đảm đúng kế hoạch, an toàn. Ngày 10 tháng 10, các đơn vị vào tập kết trên các vị trí quy định, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị chiến đấu.

   Nhiệm vụ đầu tiên của Quân đoàn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam là mở đợt tiến công mang mật danh A8. Mục đích của đợt tiến công là đánh đòn trừng trị, quét sạch quân xâm lược Khơ Me đỏ ra khỏi biên giới phía bắc tỉnh Tây Ninh, đồng thời triệt phá các vị trí bàn đạp tiến công của địch trên đấu đối phương. Ngày 20 tháng 10, quyết tâm chiến đấu A8 của Quân đoàn được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Theo kế hoạch, Quân đoàn sử đựng Sư đoàn bộ binh 10 (thiếu Trung đoàn 24), Trung đoàn bộ binh 64 (Sư đoàn 320), 2 đại đội xe tăng, xe thiết giáp (Lữ đoàn 273), 1 đại đội pháo Đ74 (Lữ đoàn 40), 1 tiểu đoàn phòng không (Lữ đoàn 234), 1 tiểu đoàn công binh công trình (Lữ đoàn 7), 1 tiểu đoàn thông tin (Trung đoàn 29); quá trình chiến đấu được tăng cường 1 đại dội xe tăng, 1 đại đội pháo 130mm của Quân khu 7 và được các lực lượng của biên phòng, địa phương, Quân đoàn 4 phối hợp; tiến công tiêu diệt trung đoàn 156 thuộc sư đoàn 4 và lực lượng vùng 20 quân Pôn Pốt trong khu tam giác Tà Nốt - ngã ba Công Sự - phum Thơ Mây. Trong đó, Trung đoàn 28 được tăng cường xe tăng xe thiết giáp, pháo binh, công binh tiến công trên hướng chính diện từ khu vực Xa Mát theo trục đường 78 về hướng phum Thơ Mây; Trung đoàn 66 đảm nhiệm hướng vu hồi bên cánh phải từ bắc phum Soa thọc lên phía bắc đánh vào sở chỉ huy trung đoàn 156 địch; Trung đoàn 64 từ đồng Tà Nết thực hành luồn sâu lên khu vực Pring chốt chặn các điểm cao 26, 27, 28 cắt đường 78, đánh địch phản kích giải tỏa, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 tiêu diệt gọn quân địch.

   Sau hơn 2 năm xây dựng củng cố trong hòa bình, đây là lần đầu tiên Quân đoàn bước vào chiến đấu. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Quân đoàn cũng còn nhiều khó khăn: các đơn vị đều mới được củng cố kiện toàn; trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của cán bộ, trang bị và tổ chức biên chế còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế chiến đấu, 100% chiến sĩ nhập ngũ năm 1976, 1977; đối tượng tác chiến mới, địa hình rừng bằng xen kẽ sình lầy chưa quen; chuyển hướng nhiệm vụ từ thời bình sang thời chiến khẩn trương, thời gian chuẩn bị ngắn, nhận thức về kẻ địch còn chưa đầy đủ. Để khắc phục một bước những khó khăn, kịp thời đưa lực lượng vào chiến đấu đúng thời gian quy định, cán bộ các cấp khẩn trương tỏa xuống hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra đơn vị làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu và động viên bộ đội. Trưa ngày 16 tháng 10 năm 1977, đại tá Nguyễn Kim Tuấn - quyền Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp xuống kiểm tra động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 trước lúc ra trận và căn dặn: ''Trung đoàn có truyền thống luồn sâu, thọc sâu như chặn quân địch ở Cheo Reo, luồn vào cầu Bông, cầu Sáng ở Sài Gòn trong chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975; nay cứ thế mà làm và phải làm tốt hơn thế. Các đồng chí cũng không nên hỏi Quân đoàn làm như thế nào? Mà các đồng chí cứ làm như... đã làm trước đây... Chúc các đồng chí thành công!''. Sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của đồng chí quyền tư lệnh Quân đoàn và cán bộ các cấp tạo cho đơn vị nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị, bộ đội tin tưởng phấn khởi bước vào cuộc chiến đấu mới.

   Đường vào địch hậu bị quân Pôn Pốt giăng kín. Trinh sát của ta nhiều lần tổ chức luồn sâu nhưng vẫn không lọt qua phòng tuyến của địch. Thời gian nổ súng tới gần. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn chủ trương: tích cực dùng trinh sát tìm mọi cách nắm địch, đồng thời đưa lực lượng bộ binh áp sát mục tiêu, chuẩn bị bàn đạp tiến công và tạo thế, tiến hành công tác tổ chức chiến đấu tại thực địa. Các mũi luồn sâu, vu hồi được lệnh ''đánh địch mà đi, mở đường mà tiến''. Thực hiện chủ trương trên, 4 giờ 30 phút ngày 20 tháng 10, Trung đoàn 64 bí mật vượt suối Đà Ha và suối Sa Nghe tiến vào hậu phương địch. Sau 3 ngày linh hoạt luồn lách, dũng cảm chiến đấu mở đường, lúc 5 giờ 20 phút ngày 23 một lực lương của Trung đoàn đã áp sát điểm cao 26, các đơn vị còn lại cũng đến gần vị trí chốt chặn. Bên cánh phải, đêm 22 rạng ngày 23 Trung đoàn 66 thực hành đột phá qua phòng tuyến địch, rồi khéo léo vòng tránh tiến sát mục tiêu quy định. Cùng thời gian này, Trung đoàn 28 và lực lương xe tăng thiết giáp bí mật tiến vào vị trí triển khai, sẵn sàng nổ súng.

   Đúng 5 giờ 50 phút ngày 23 tháng 10 năm 1977, các cụm pháo binh của Quân đoàn và Sư đoàn 10 ầm ầm trút bão lửa xuống trận địa địch ở phía bắc cầu Orung, Đảo Xanh, phum Thơ Mây. Đợt tiến công A8 chính thức mở màn. Sau 40 phút pháo bắn chuẩn bị, 6 giờ 30 phút bộ binh, xe tăng được lệnh xung phong. Hướng chính diện, Trung đoàn 28 do trung đoàn trưởng Đỗ Công Mùi và chính ủy Nguyễn Tiến Tứ chỉ huy, có xe tăng phối hợp nhanh chóng đánh chiếm trận địa địch ở khu vực cầu Orung và chiếm được một phần Đảo Xanh thì bị địch ngăn chặn phải tạm dừng để tổ chức đjột phá tiếp. Thấy Trung đoàn 28 gặp khó khăn, quyền tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Kim Tuấn và sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 Phùng Bá Thường trục tiếp xuống xem xét tình hình và hướng dẫn đơn vị tổ chức lại, mở đợt tiến công mới. 14 giờ ta làm chủ khu vực phía bắc cầu Orung và đến 19 giờ đội hình địch tan vỡ. Do ta đón lõng không chặt, tiểu đoàn 562 địch chạy thóat phần lớn về tây nam phum Long.

   Hiệp đồng chặt chẽ với hướng tiến công chính, Trung đoàn 66 do trung đoàn trưởng Tô Quốc Trịnh và chính ủy Nguyễn Văn Kiểm chỉ huy, đánh vu hồi vào các mục tiêu địch ở phía đông đường 78. Tiểu đoàn 8 đánh tan một cụm địch rồi phát triển về phía tây chiếm phum Dau; Tiểu đoàn 9 chiếm ngã ba đường cụt phum Thơ Mây. Quá trình tiến công, Trung đoàn 66 chưa hình thành được thế vây chặt, nên không diệt gọn được chỉ huy trung đoàn 156 địch. Ở hướng luồn sâu chốt chặn, Trung đoàn 64 nổ súng sớm 30 phút. Lúc 6 giờ 23, Đại đội 2 Tiểu đoàn 7 chia làm hai mũi bất ngờ tập kích chiếm điểm cao 28, rồi trụ lại đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Tiểu đoàn 7 tiến công làm chủ điểm cao 23, sau đó truy kích đánh chiếm điểm cao 25 và điểm cao 26 nơi đặt sở chỉ huy của vùng 20 và trung đoàn 156 địch.

   Ngay trong ngày đầu tiến công, quân xâm lược đã bị quét sạch khỏi đất ta, nhiều căn cứ bàn đạp của địch bị triệt phá. Các đơn vị nhanh chóng chuyển sang truy quét, mở rộng địa bàn và đánh địch phản kích. Bộ đội rất phấn khởi, tin tưởng, hăng hái chiến đấu lập công.

   Thực hiện mệnh lệnh bổ sung của Tiền phương Bộ Quốc phòng, 15 giờ ngày 24 tháng 10, Quân đoàn dùng pháo tầm xa bắn phá vào sở chỉ huy sư đoàn 4 địch ở khu vực Krêk 1, đồng thời sử dụng một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội xe tăng hành tiến theo trục đường 78 lên phía bắc. Nhưng đến làng Tra Peăng Pring bị địch ngăn chặn quyết liệt ta phải tạm dừng. Trong những ngày tiếp theo, Quân đoàn điều chỉnh đội hình chiến đấu và tiếp tục đánh địch phản kích. Ngày 28 tháng 10, đợt 1 tiến công A8 hoàn thành. Các đơn vị được lệnh lui về biên giới chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới.

   Như vậy, chỉ trong 5 ngày chiến đấu Quân đoàn đã khôi phục chủ quyền của ta trên toàn tuyến biên giới từ bắc phum Soa đến Tà Nốt, đập tan tuyến bàn đạp xuất phát tiến công xâm lược của địch dọc trục đường 78; loại khỏi vòng chiến đấu 417 tên địch, thu và phá hàng chục súng các loại. Về phía ta có 52 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 336 đồng chí bị thương. Thắng lợi đợt một tiến công A8 có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị; đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên, củng cố niềm tin của quân và dân vùng biên giới Tân Biên trong cuộc chiến đấu mới. Được tin thắng lợi, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Tân Biên đã cử đoàn đại biểu đến chúc mừng và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 vừa lập chiến công, kịp thời động viên bộ đội vững chắc tay súng bảo vệ quê hương, đất nước.

   Bị đòn trừng trị A8, thế trận của sư đoàn 4 địch bị đảo lộn. Nhưng do chưa bị đánh đau nên chúng rất ngoan cố, tổ chức nhiều bộ phận nhỏ liên tục bám sát khi ta lui quân. Sau đó địch dùng các toán nhỏ áp sát các chốt của ta, kết hợp với hỏa lực liên tục bu bám, tập kích, lấn dũi; tập trung vào các trận địa bắc cầu Trung, Đảo Xanh (của Trung đoàn 28), bắc Bảy Bàu (của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66) và bắc Đập Đá (của Trung đoàn 64).

   Được thắng lợi đợt một cổ vũ, cán bộ và chiến sĩ binh đoàn hăng hái bước vào đợt hai hoạt động A8. Trong hơn 10 ngày đầu tháng 11, các trung đoàn 28, 66, 64 liên tục đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch, diệt nhiều tên, giữ vững chốt, bảo vệ nhân dân địa phương thu hoạch mùa màng. Ngày 13 tháng 11, Quân đoàn điều chỉnh đội hình phòng ngự, đưa hầu hết lực lượng về lập thế trận mới bên đất ta. Ngày 22, khỏang 2 đại đội địch vượt biên giới đánh sang khu vực tây nam đồn biên phòng Xa Mát đúng như dự kiến của ta. Lập tức Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 có xe tăng phối thuộc được lệnh bao vây tiêu diệt. Do tốc độ tiến công chậm, hiệp đồng không chắc, bao vây không chặt nên trận đánh kéo dài từ l6 giờ ngày 22 đến 9 giờ 30 phút ngày 23 mới kết thúc. Kết quả thấp, chỉ diệt được 58 tên địch và thu 7 khẩu súng.
      
   Ngày 23 tháng 11 đợt hoạt động A8 kết thúc. Sau một tháng chiến đấu liên tục, Quân đoàn đã đánh bại và quét sạch quân địch ra khỏi biên giới, cùng các lực lượng bạn thu hồi toàn bộ đất đai khu vực Tà Uất - Kà Tum; đánh thiệt hại trung đoàn l56, một số tiểu đoàn địa phương, phá hủy căn cứ chỉ huy vùng 20; loại khỏi vòng chiến đấu 596 tên địch, bắt 4 tên, thu 95 súng các loại và một số tài liệu.Đây là đợt chiến đấu đầu tiên của Quân đoàn sau hơn 2 năm xây dựng củng cố trong hòa bình. Qua đợt hoạt động A8, Quân đoàn rút ra được những kinh nghiệm bước đầu nhưng rất quý giá khi tác chiến với đối tượng địch mới, đồng thời đánh giá khách quan hơn về những mặt mạnh, yếu và khả năng tác chiến của bộ đội.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:32:05 pm »

*

   Những âm mưu và hành động xâm lược vùng biên giới Tây Nam Việt Nam liên tiếp bị thất bại. Tháng 12 năm 1977, tập đoàn Pôn Pốt công khai tuyên bố tiến hành chiến tranh chống Việt Nam, đồng thời ráo riết tập trung một lực lượng lớn chuẩn bị tiến công trên toàn tuyến biên giới. Trên hướng Tây Ninh, 2 sư đoàn chủ lực địch (290 và 3), các đơn vị pháo binh và lực lượng quân khu 203 triển khai dọc trục dường số 13 và số 1 chuẩn bị đánh qua Bến Cầu, Bến Sỏi - địa bàn do Quân đoàn 4 của ta phòng giữ, nhằm chiếm tỉnh Tây Ninh, buộc ta phải chấp nhận những yêu sách vô lý của chúng. Phối hợp với hướng chính, trung đoàn 58 thuộc sư đoàn 5 địch sẵn sàng đánh vào tuyến phòng giữ của Quân đoàn 3 từ nam Xa Mát đến Bàu Lùng Tung.

   Thực hiện nhiệm vụ Bộ giao và chủ động phối hợp với chiến dịch phản công và tiến công lớn của Quân đoàn 4 ở đông - đồng bắc tỉnh Xoài Riêng, đầu tháng 12 năm 1977 Quân đoàn 3 xây dựng hai phương án: đánh địch phản kích chiếm Xa Mát (mật danh S1) và đánh sang đất địch ở phạm vi hẹp nhằm triệt phá một số căn cứ bàn đạp (mật danh Z2). Đồng thời khẩn trương điều chỉnh lực lượng, lập thế trận đánh địch theo phương án S1. Nhưng trong một  tuần quân địch vẫn không sang Xa Mát. Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định chuyển sang thực hiện phương án Z2. Ngày 3 tháng 12, Bộ tư lệnh và cơ quan Quân đoàn trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị của Trung đoàn 28 và Trung đoàn 64 tại thực địa; thấy việc nắm địch chưa chu đáo nên quyết định lui thời gian nổ súng tiến công từ ngày 4 sang ngày 5 tháng 12 để có thời gian chuẩn bị thêm và cho mạng thông tin vô tuyến điện phát sóng nghi binh.

   Giữa lúc bộ đội đang hoàn chỉnh những công việc chuẩn bị chiến đấu cuối cùng theo phương án Z2, thì sáng sớm ngày 4 tháng 12 trung đoàn 58 địch tiến công sang đất ta. Từ 5 giờ sáng, pháo binh địch bắn mạnh vào khu vực sân bay Thiện Ngôn; 15 phút sau một đại đội bộ binh địch vượt biên giới đánh vào trận địa Tiểu đoàn phòng không 12 thuộc Trung đoàn pháo binh 4 Sư đoàn 10. Với tinh thần cảnh giác cao, các chiến sĩ hai đại đội 8 và 9 của Tiểu đoàn 12 dùng AK, lưu đạn và hạ thấp nòng pháo phòng không 37mm bắn thẳng vào quân địch, đẩy lui các đợt tiến công của bọn lính áo đen, giữ vững trận địa.

        Khỏang 7 giờ, hai tiểu đoàn địch từ điểm cao 20 và phía đông Đập Đá tiến sâu vào khu vực Bàu Lùng Tung cách đồn biên phòng Xa Mát hơn 3km về phía tây nam. Trước diễn biến mới về địch, Bộ tư lệnh Quân đoàn và chỉ huy Sư đoàn 10 thống nhất nhận định: đây là thời cơ tốt để tiêu diệt địch, chúng vào gần đúng như dự kiến trong phương án S1, lực lượng ta tuy đang triển khai phương án Z2 nhưng vẫn kịp điều chỉnh đội hình, tập trung tiêu diệt địch theo phương án S1. Vì vậy, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định tập trung hai trung đoàn 64 và 66 bao vây tiêu diệt bọn địch nống sang đất ta; riêng Trung đoàn 28 vẫn tiến công địch ở điểm cao 20 và phát triển lên hướng đông bắc vừa ngăn chặn vừa bảo vệ sườn phía bắc cho các đơn vị bạn.

   Thực hiện ý định chiến đấu mới, 5 giờ 45 phút, pháo binh ta bắn mạnh vào cụm địch ở tây nam Xa Mát. Pháo ta bắn chính xác, làm quân địch tan vỡ đợi hình, chạy toán loạn sang cả phía đông đường 22. Chớp thời cơ, 6 giờ 35 phút Trung đoàn 66 có xe tăng phối hợp đồng loạt tiến công vào đội hình địch, chiếm khu vực xung quanh đồn công an, rồi liên tục bao vây đột phá cụm địch còn lại, làm chủ hoàn toàn trận địa lúc 8 giờ 30 phút. Cùng thời gian này, Trung đoàn 64 đánh mạnh vào cụm địch ở điểm cao 17 và phát triển ra xung quanh. Quân địch phần Đông bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy xộc vào cả sở chỉ huy Sư đoàn 10 và sở chỉ huy Trung đoàn 64, bị diệt và bắt thêm một số. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công trong nội địa, Trung đoàn 28 đánh chiếm điểm cao 20 và làm chủ mục tiêu lúc 12 giờ. Sau hơn 6 giờ tiến công, ta đã quét sạch quân địch xâm phạm biên giới, chiếm được một số vị trí bàn đạp có giá trị chiến thuật bên đất đối phương; đánh thiệt hại nặng trung đoàn 58 sư đoàn 5 địch, loại khỏi vòng chiến đấu 210 tên, bắt 7 tên, thu 64 súng các loại. Đây là trận đánh hay nhất, đạt hiệu quả cao nhất của Quân đoàn từ khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Thắng lợi của trận đánh rất có ý nghĩa, nó không chỉ đập tan một ý đồ xâm chiếm của địch, phối hợp chặt chẽ với chiến dịch phản công và tiến công của Quân đoàn 4, mà còn cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ thực hiện phương án tác chiến Z2. Phát huy thắng lợi và thời cơ do trận đánh ngày 5 tháng 12 tạo ra, trong những ngày tiếp theo hai trung đoàn (66 và 64) liên tục tiến công và làm chủ các mục tiêu: điểm cao 23, phum Long, điểm cao 26, phát triển mở rộng khu vực đứng chân. Trong đợt chiến đấu này, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 đã diệt gọn 1 đại đội địch, ta ít tổn thất, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

   Tuy thất bại liên tiếp, nhưng với bản chất phản động, ngoan cố, mù quáng tập đoàn Pôn Pốt tiếp tục bắt lính tăng quân, huy động một lực lượng lớn áp sát biên giới Việt Nam, hòng thực hiện những mưu đồ, cuồng vọng mới. Trên khu vực biên giới tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh, địch tập trung 3 sư đoàn bộ binh (290, 3, 703), nhiều đơn vị binh chủng và quân địa phương ở mặt trận Xoài Riêng (vùng mỏ vịt) phản kích vào đội hình chốt giữ của Quân đoàn 4; đồng thời 3 sư đoàn bộ binh (4, 5, 17), lực lượng vùng 20, 21 (với tổng số 20 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp) nhanh chóng lập tuyến chốt chặn mới từ Chi Peng, phum Thơ Mây đến Krếc, Chông Chếch, Đầm Be và Chrum, Khna đối diện với vùng biên giới do Quân đoàn 3 đảm nhiệm.

   Nhằm giáng một đòn mạnh, phá tan âm mưu tập trung lực lượng chuẩn bị đánh chiếm tỉnh Tây Ninh của Pôn Pốt và phục vụ đấu tranh chính trị; ta chủ trương mở một đợt tiến công mới vào nửa cuối tháng 12 năm 1977 và đầu tháng 1 năm 1978. Để bảo đảm tiến công thắng lợi và bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tây Ninh, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều động toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 3 ở địa bàn Quân khu 5 lên Tân Biên chiến đấu.

   Thực hiện mệnh lệnh, ngày 8 tháng 12 năm 1977 Sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn từ Nha Trang chuyển lên khu vực đường 20, cách sân bay Thiện Ngôn 5km về phía nam. Cùng thời gian này, các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 320 (thiếu), Trung đoàn bộ binh 24 và lực lượng còn lại của các lữ đoàn 273, 234, 7 lần lượt cơ động bằng đường bộ lên Tây Ninh. Ngày 18 tháng 12 năm 1977, bộ đội, vũ khí trang bị đã cơ bản và hết vị trí tập kết, sớm hơn kế hoạch 4 ngày. Trong đợt này, Cục Hậu cần chuyển 450 khẩu súng AK, RPĐ, 1.200 quả mìn, 30 tấn đạn, lắp đặt 10 bể chứa xăng loại 25m3 (nhận ở Quảng Bình) và tiếp nhận 17.988 lít xăng dầu các loại, kịp thời cấp phát cho các đơn vị. Một lượng lớn lương thực, thực phẩm tăng gia sản xuất của Quân đoàn cũng được chuyển nhanh đến mặt trận phục vụ bộ đội. Tiểu đoàn vận tải ô tô 827 làm tiệc liên tục không kể ngày đêm.

   Với lực lượng mạnh binh chủng hợp thành, từ trung tuần tháng 12 năm 1977 đến đầu tháng 1 năm 1978 Quân đoàn 3 mở chiến dịch tiến công mang mật danh Đ7. Mục đích của chiến dịch nhằm tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, phá vỡ bàn đạp chuẩn bị tiến công xâm lược của địch ở biên giới khu vực đường số 7; rèn luyện và nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu cho cán bộ các cấp, kỹ chiến thuật và ý chí chiến đấu của bộ đội; thực hiện chủ trương: loại bỏ chiến tranh xâm lược từ gốc, phục vụ đấu tranh chính trị và ngoại giao. Lực lượng Quân đoàn sử dụng trong chiến dịch bao gồm: 2 sư đoàn bộ binh (10, 320), các lữ đoàn binh chủng (273, 234, 40, 7), Trung đoàn 29 thông tin và các lực lượng bảo đảm phục vụ. Trong đó có 54 khẩu pháo lớn (từ 85mm đến 155mm), 39 xe tăng, xe thiết giáp. Địa bàn diễn ra chiến dịch có chiều rộng khỏang 25km, chiều sâu từ 35km đến 40km, sử dụng cơ giới tương đối thuận lợi.

   Mở đầu chiến dịch, trong 2 ngày (20 và 21 tháng 12 năm 1977), trên cánh trái, Sư đoàn 320 sử dụng Trung đoàn 64 và Trung đoàn 52 có xe tăng phối thuộc đánh chiếm bản Không tên và cầu Stốc, rồi tiến công thọc sâu chiếm Tà Hiên vào 16 giờ ngày 22, sau đó truy quét mở rộng vị trí đã chiếm. Trên cánh phải, Sư đoàn 10 tiến công tương đối thuận lợi. 5 giờ 55 phút ngày 22 tháng 12 pháo binh bắn chuẩn bị, 6 giờ 10 phút Trung đoàn 28 đánh thẳng vào phum Sâm và làm chủ mục tiêu sau 25 phút nổ súng. Phát huy thắng lợi, bộ binh, xe tăng ta phát triển tiến công theo trục đường số 7 về phía tây, nhanh chóng chiếm Âm Púc (8 giờ 30 phút), Krêc 1 (9 giờ), ngã ba đường số 7 (10 giờ). Lợi dụng kết quả chiến đấu của Trung đoàn 28, chỉ huy Sư đoàn 10 cho Trung đoàn 66 chuyển dần đội hình lên khu vực bàn đạp A6 (ở bắc Krêc 2); Trung đoàn 24 và xe tăng tiến công dọc trục đường 78 lên hướng bắc, chiếm điểm cao 28, ngã ba phum Thơ Mây và Pring; Trung đoàn pháo binh 4 di chuyển trận địa lên Âm Púc. Trong hơn mười giờ tiến công đồng loạt ngày 22, Quân đoàn đã đập tan tuyến bàn đạp của sư đoàn 4 và vùng 20 địch, làm chủ một khu vực rộng khỏang 300km vuông từ phum Sâm đến Tà Hiên và từ bắc đường số 7 đến Trảng Diệc, Lò Gò, hoàn thành bước một của chiến dịch. Trong những ngày tiếp sau, bộ đội được lệnh chuyển sang truy quét, củng cố thế trận, đánh địch phản kích. Ngày 24 tháng 12 Bộ tư lệnh Quân đoàn triệu tập hội nghị quân chính bàn phương án đánh địch phản kích và phương án tiến công mở rộng địa bàn tạo thế đứng vững chắc.

   Sau đòn phủ đầu chóang váng ở đường số 7, địch tập trung 3 sư đoàn (117, 4, 5) và lực lượng vùng 20 có xe tăng, pháo lớn hỗ trợ tổ chức phản kích vào các trận địa chốt của ta, tập trung trên hướng tây và tây nam Stoeng - nơi Sư đoàn 320 phòng giữ. Tại trận địa chốt của Trung đoàn 64 chiến sự diễn ra rộng khắp và rất quyết liệt trong suốt ba ngày cuối cùng của năm 1977. Ngay từ sáng sớm ngày 28 tháng 12, một lực lượng khá đông của sư đoàn 117 có xe tăng pháo lớn chi viện, ồ ạt đánh vào tất cả các chốt của cả 3 tiểu đoàn (7, 8, 9). Trận địa chốt của Đại đội 8 Tiểu đoàn 8 bị địch tràn vào, Trung đoàn 64 phải dùng cối 120mm bắn trùm lên trận địa và tập trung 3 đại đội (5, 6, 7) phản kích nhưng vẫn không đẩy lui được quân địch. Trước tình thế đó, trung đoàn trưởng Phạm Quang Bào kịp thời ra lệnh cho Tiểu đoàn 7 và xe tăng đánh chi viện, chiếm lại trận địa. Tiếp đó, trận địa chốt của Đại đội 5 cũng bị địch vây kín và đột nhập được một phần; ta phải dùng bộ binh, xe tăng xuất kích ngắn đánh vu hồi, kết hợp trong phản kích ra mới đẩy lui được địch. Đánh ồ ạt không kết quả địch chuyển sang dùng các toán nhỏ lẻ bu bám dai dẳng kết hợp dùng hỏa lực tiến công liên tục vào các chốt. Nhưng các thủ đoạn của địch đều bị thất bại. Chỉ tính riêng trong ngày 29, Trung đoàn 64 đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn cháy 2 xe M113, thu 1 xe tăng và 34 khẩu súng các loại.

   Ngày 29 tháng 12, cuộc phản kích lớn của địch bị đánh bại. Trên toàn tuyến, các đơn vị sẵn sàng trong thế trận tiến công. Trước thời cơ thuận lợi, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định chuyển sang thực hiện bước ba của chiến dịch: tiến công đánh chiếm các mục tiêu ở phía bắc và phía tây, tây nam sớm hơn thời gian dự kiến. Với thế tiến công áp đảo, bất ngờ, ngày 30 tháng 12 Trung đoàn 66 từ bắc Krêc 2 nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu M9, làm chủ Đầm Be (10 giờ 30 phút), M7, M5, M4; Trung đoàn 24 đánh mở rộng chiếm các làng xung quanh Ennimít, làm chủ Chông Chếch rồi phát triển chiếm Konk Srốt. Ngày hôm sau (31.12.1977) ta tiếp tục tiến công về phía tây theo trục đường số 7. Trung đoàn 64 có xe tăng phối hợp do phó trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mão chỉ huy từ phía đông ngã tư Stoeng nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Pô Léa, phát triển chiếm ChRum (11 giờ) rồi tiến về thành Ăng Ko Tây. Cùng thời gian này, Trung đoàn 28 có xe tăng đi cùng đánh chiếm Phrết Theai (8 giờ 50 phút), phát triển làm chủ phum Khna (11 giờ 15 phút) và tiến vào thành Ăng Ko Tây cùng Trung đoàn 64 làm chủ vị trí này.

   Những ngày đầu tiên của năm 1978, chiến dịch Đ7 kết thúc thắng lợi. Được lệnh trên, đêm mùng 3 và ngày 4 tháng 1 Quân đoàn cơ động toàn bộ lực lượng về biên giới Tổ quốc. Qua 25 ngày đêm chiến đấu (12.12.1977-5.1.1978), Quân đoàn đã đập vỡ toàn bộ tuyến bàn đạp chuẩn bị chiến tranh của địch ở vùng biên giới khu vực đường số 7; đánh thiệt hại nặng sư đoàn 4, sư đoàn 117 và lực lượng vùng 20; đánh thiệt hại một bộ phận cánh bắc quân khu 203 và sư đoàn 5 Pôn Pốt. Loại khỏi vòng chiến đấu 2.461 tên địch, bắt 362 tên; thu 520 súng các loại, 10 xe quân sự, 58 tấn đạn; phá hủy 3 xe tăng, xe thiết giáp; giải phóng hàng nghìn dân. Đồng thời cũng qua chiến dịch này, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn rèn luyện thêm bản lĩnh, ý chí và nâng cao năng lực chiến đấu, hiểu rõ hơn về kẻ thù mới, đối tượng tác chiến mới, từ đó củng cố vững chắc niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, quyết tâm cầm chắc tay súng giữ gìn biên giới quốc gia. Đến đây, 70 ngày đêm đầu tiên chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của binh đoàn đã hoàn thành. Về giai đoạn chiến đấu mở đầu đầy ý nghĩa này, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã nhận xét: ''Quân đoàn đã hoàn thành được nhiệm vụ trên giao. Tuy lúc đầu chất lượng hoàn thành còn thấp, nhưng càng về sau càng có tiến bộ trên các mặt, chất lượng chiến đấu ngày càng tiến bộ hơn nhất là về mặt tiêu diệt sinh lực địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Nhưng kết quả chưa tương xứng với vai trò của một quân đoàn chủ lực cơ động, thể hiện về mặt đánh tiêu diệt và chất lượng đánh tiêu diệt lớn''1.

   Trong những ngày đầu xuân Mậu Ngọ mừng vui thắng lợi cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên rất xúc động được tin: ngày 1 tháng 1 năm 1978 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa cho Sư đoàn bộ binh 10. Tiếp đó, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Thượng tướng Chu Huy Mân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ra tận mặt trận thăm hỏi, động viên, khen ngợi bộ đội vừa hoàn thành tốt hai nhiệm vụ quân sự và chính trị.
   
   Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ quân đoàn hăng hái thi đua, sát cánh cùng quân và dân vùng biên giới Tân Biên bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.




----------------------------------------------------------------
1. Sơ kết đợt hoạt động đánh trừng trị bọn phản động Cam-pu-chia từ ngày 23.10.1977 đến ngày 15.1.1978 ở vùng bắc Tây Ninh của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, tr 49.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #94 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:35:35 pm »

*

   Lợi dụng thiện chí của Chính phủ ta mong muốn giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm công bằng hợp lý, có sự bảo đảm giám sát quốc tế và lực lượng vũ trang ta lui về biên giới, Pôn Pốt dựng lên ''chiến thắng'' giả tạo, mở chiến dịch tuyên truyền rùm beng xuyên tạc sự thật kích động gây hằn thù giữa hai dân tộc; nhanh chóng củng cố lực lượng, đôn quân bắt lính, tiếp tục chiến tranh chống Việt Nam với quy mô ngày càng lớn theo phương châm ''tích cực chủ động đánh Việt Nam trên đất Việt Nam''. Ngay từ đầu tháng 1 năm 1978, trên khu vực biên giới Cam-pu-chia đối diện với hướng Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ, địch tập trung tới 10 vạn quân thuộc 4 sư đoàn 170, 310 (trung ương), 4, 5 (quân khu 203) và lực lương 3 vùng 20, 21, 22 áp sát biên giới. Chúng triệt để sử dụng chiến thuật du kích, dùng phân đội nhỏ bâu bám quấy phá tập kích các chốt, cho các toán nhỏ xâm nhập sâu, kết hợp với bắn pháo bừa bãi vào các khu dân cư giết hại dân thường gây tâm lý lo sợ hoang mang. Liều lĩnh hơn, chúng còn xây dựng cả một kế hoạch đánh chiếm tỉnh Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Ngọ.

   Trước âm mưu thủ đoạn mới của địch, thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 chủ trương đẩy mạnh ''thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân. Giành và giữ thế chủ động trên địa bàn tác chiến, liên tục tiến công địch trên đất ta hoặc trên đất Cam-pu-chia bằng nhiều hình thức chiến thuật, tác chiến hiệp đồng binh chủng, hoặc bằng vũ khí mang vác trong biên chế, đánh những trận tiêu diệt hiệu suất chiến đấu cao, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, tiết kiệm đạn dược, thực hiện càng đánh càng mạnh''1; đồng thời kết hợp chặt chẽ với quân và dân địa phương xây dựng vững chắc tuyến phòng thủ biên giới.

   Thực hiện chủ trương trên, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1978 Quân đoàn sử dụng một lực lượng thích hợp mở liên tiếp 4 đợt hoạt động mang mật danh A18 (6.1-28.2), A28 (1.3-4.4), A38 (5-30.4) và A48 (1-29.5) trên khu vực biên giới thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh và một số địa bàn tiếp giáp phía tây bắc. Trong 5 tháng Quân đoàn đã đánh 560 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 4.886 tên địch, bắt 11 tên, thu 789 súng các loại và 6 máy thông tin. Những thắng lợi về quân sự không những góp phần giữ vững biên giới quốc gia, giữ thế chủ động đánh địch trên toàn tuyến; mà còn phá vỡ ý đồ xâm chiếm của địch, buộc chúng phải liên tục bị động đối phó, từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta. Tranh thủ điều kiện thuận lợi do tác chiến tạo ra, các đơn vị cùng địa phương, thanh niên xung phong khẩn trương xây dựng tuyến phòng thủ biên giới.

        Đến tháng 8 năm 1978, đã có 115km phòng tuyến được xây dựng, trên đó gài 15.300 quả mìn các loại, 1.800 bàn chông sắt và 103.000 chông tre. Tuyến phòng thủ hoàn thành, rộng từ 100m đến 200m góp phần quan trọng ngăn chặn, hạn chế sự xâm nhập luồn lách bu bám của các toán địch, tạo điều kiện cho quân và dân vùng biên giới chiến đấu bảo vệ địa bàn.

   Bên cạnh những thành tích tốt, trong nửa đầu năm 1978, Quân đoàn cũng bộc lộ một số hạn chế: cán bộ, chiến sĩ quán triệt tư tưởng đánh tiêu diệt chưa sâu sắc; vận dụng chiến thuật, cách đánh ở một số đơn vị chưa phù hợp, chưa linh hoạt; việc bồi dưỡng cán bộ, xây dựng củng cố bộ đội và rút kinh nghiệm chiến đấu chưa được chú trọng đầy đủ... nên ít thực hiện được những trận đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, hiệu suất chiến đấu nhìn chung còn thấp, tiêu thụ đạn dược lớn, tổn thất thương vong cao2, hoàn thành nhiệm vụ thấp.

   Kịp thời biểu dương các gương điển hình tiên tiến, phát động phong trào học tập thi đua trong cán bộ, chiến sĩ, ngày 22 tháng 5 năm 1978, Bộ tư lệnh Quân đoàn tặng cờ ''Đánh giỏi diệt gọn đơn vị địch'' cho các đơn vị: Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 28 (diệt gọn 1 đại đội địch trong trận đánh ngày 8.5.1978 tại KhĐar); Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 24 (diệt gọn 1 đại đội địch ở điểm cao 68 ngày 11.5.1978) và Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 (diệt gọn 1 trung đội địch ngày 3.5.1978 tại bản Không tên trên đường số 7).

   Để đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, năm 1978, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng Quân đoàn 3 thành quân đoàn loại 1, trong đó quân số chiến đấu 36.000 người, quân số sản xuất 8.000 người và quân số kiến thiết là 3.000 người. Thực hiện quyết định đó, trong 6 tháng đầu năm 1978, Bộ bổ sung 4.437 cán bộ, chiến sĩ và nhiều vũ khí trang bị, trong đó chuyển gọn Sư đoàn bộ binh 31 từ Binh đoàn 14 Tổng cục Xây dựng kinh tế về trực thuộc Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Ngày 28 tháng 2 năm 1978, việc bàn giao Sư đoàn bộ binh 31 về Quân đoàn 3 đã hoàn thành.

   * Sư đoàn bộ binh 31 (Đoàn Lam Hồng) thành lập ngày 11 tháng 7 năm 1974 tại Chà Là, huyện Mường Pẹc, tỉnh Xiêng Khỏang nước bạn Lào trên cơ sở Mặt trận 31 rút gọn, trực thuộc Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 4. Buổi đầu, tổ chức biên chế của Sư đoàn gồm có: Bộ tư lệnh, 3 phòng: tham mưu, chính trị, hậu cần; 2 trung đoàn bộ binh: 866 và 335; 5 tiểu đoàn binh chủng: Tiểu đoàn pháo binh 42, Tiểu đoàn phòng không 24, Tiểu đoàn thiết giáp 195, Tiểu đoàn công binh 25, Tiểu đoàn thông tin 26; 5 đại đội bảo đảm phục vụ: Đại đội trinh sát 31, Đại đội vệ binh 36, hai đại đội vận tải cơ giới 34 và 35, Đại đội 8 trinh sát kỹ thuật, Bệnh viện 139. Bộ tư lệnh Sư đoàn: sư đoàn trưởng: đại tá Nguyễn Lê Hoàn, chính ủy: đại tá Lê Vũ Nguyên, sư đoàn phó: đại tá Hà Vi Tùng và thượng tá Phạm Đình Tê, phó chính ủy: thượng tá Nguyễn Vân An. Từ khi thành lập đến tháng 3 năm 1976, Sư đoàn 31 làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào; sau đó trở về đóng quân ở Nghệ An. Tháng 9 năm 1976, Sư đoàn chuyển thuộc Binh đoàn 14 Tổng cục xây dựng kinh tế, từ tháng 11 năm 1977 cơ động vào An Giang, Kiên Giang xây dựng kinh tế. Trong quá trình chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quốc tế trong sáng lập nhiều chiến công, hun đúc nên truyền thống: ''Đoàn kết, Nghiêm túc, Dũng cảm, Quyết thắng, Vì dân giúp bạn''. Các đơn vị: Trung đoàn 335, Đại đội trinh sát 31 (Phòng Tham mưu), Đại đội đặc công 24 (Trung đoàn 866) và thượng sĩ Vi Đức Cường lập thành tích đặc biệt xuất sắc được ĐẢng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Về đứng trong đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn 31 gồm có: Bộ tư lệnh, 5 phòng: tham mưu, chính trị, hậu cần, vật tư, tài vụ; 3 trung đoàn bộ binh 866, 922, 977 và một số phân đội trực thuộc, với tổng quân số 4.523 cán bộ, chiến sĩ. Bộ tư lệnh gồm các đồng chí: sư đoàn trưởng: thượng tá Phạm Đình Tê, chính ủy: thượng tá Nguyễn Kim Mậu.

   Từ đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu, tổ chức biên chế, vũ khí trang bị của Sư đoàn 31 còn nhiều bất cập. Cơ quan sư đoàn chưa được kiện toàn, Trung đoàn 866 không có cấp tiểu đoàn và trung đội, hai trung đoàn 922 và 977 mới thành lập trên cơ sở rút cán bộ, chiến sĩ từ cán đơn vị bạn sang. Trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến, kinh nghiệm huấn luyện chiến đấu và quản lý bộ đội của đội ngũ cán bộ các cấp nhìn chung non yếu; quân số, vũ khí trang bị chiến đấu thiếu nhiều. Hiểu rõ những khó khăn của Sư đoàn 31, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ đơn vị về mọi mặt: củng cố kiện toàn tổ chức biên chế, bổ sung quân số vũ khí trang bị, bảo đảm hậu cần, lập và triển khai các kế hoạch huấn luyện, phổ biến kinh nghiệm tác chiến... ''với tinh thần đoàn kết phấn đấu tích cực nhất, nhanh chóng đưa Sư đoàn bước vào chiến đấu''. Chỉ trong một thời gian ngắn, 2.000 cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị trong Quân đoàn được điều động về Sư đoàn 31. Sư đoàn 320 chi viện hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tập trung xây dựng Trung đoàn 922; Sư đoàn 10 chi viện giúp đỡ xây dựng củng cố Trung đoàn 977. Các lữ đoàn binh chủng cũng kịp thời bổ sung cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật xây dựng các đơn vị pháo binh, phòng không, công binh... của Sư đoàn. Cuối tháng 4 năm 1978, Sư đoàn 31 hoàn thành một bước cơ bản tổ chức biên chế của một sư đoàn chiến đấu. Ba cơ quan Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần được củng cố. Các đơn vị: Trung đoàn bộ binh 866, Trung đoàn bộ binh 922, Trung đoàn bộ binh 977, Trung đoàn pháo binh 4, Tiểu đoàn công binh 17, Tiểu đoàn thông tin 18, Tiểu đoàn vận tải 25, Tiểu đoàn quân y 24 và các đại đội trinh sát (20), vệ binh (23), thu dung (22) được kiện toàn. Quá trình củng cố đơn vị cũng là quá trình đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu. Được sự chỉ đạo giúp đỡ của Bộ tư lệnh, 3 cơ quan Quân đoàn và các đơn vị bạn, chỉ trong hơn một tháng Sư đoàn 31 đã hoàn thành 11 lớp tập huấn cho 610 cán bộ tiểu đội, 105 cán bộ trung đội, huấn luyện được hơn 80% quân số. Quán triệt phương châm huấn luyện ''thiết thực, thực sự, thực tế", đơn vị vừa chú trọng huấn luyện về chiến thuật, kỹ thuật, chiến đấu ban đêm, vừa tích cực rèn luyện bộ đội hành quân mang vác nặng và trú quân dã ngoại trên thao trường núi Bà Đen, kiểm tra bắn đạn thật và học tập kinh nghiệm chiến đấu. Với quyết tâm rất cao, Sư đoàn 31 đã hoàn thành củng cố và huấn luyện vượt thời gian quy định.

         Từ ngày 18 tháng 4 năm 1978 hai trung đoàn 866, 922 bước vào thay phiên phòng ngự, tham gia đợt hoạt động A48. Một chương mới trong lịch sử Đoàn Lam Hồng bắt đầu.




------------------------------------------------------------------
1. Nghị quyết Đảng ủy Quân đoàn 3, Số 03/NQĐU ngày 28.2.1978.
2. Trong 5 tháng đầu năm 1978, toàn Quân đoàn có 1.274 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 5.861 đồng chí bị thương, tiêu thụ 1.242 tấn đạn, mất 502 khẩu súng và 12 máy thông tin, bị bắn hỏng 2 xe tăng và 908 súng các loại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #95 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:38:34 pm »

*
   
   Sau hơn 3 năm công khai thực thi đường lối phản động hủy diệt dân tộc và điên cuồng chống Việt Nam, tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary đã biến đất nước Cam-pu-chia thành một trại lính khổng lồ, biến nhân dân thành những nô lệ mới và đày đọa họ trong các ''công xã'', đầu độc thanh thiếu niên thành những tên ác ôn mất hết tính người, xóa bỏ mọi trường học, bệnh viện, chợ búa, văn hóa tôn giáo, hàng triệu người Cam-pu-chia đã bị sát hại rất man rợ. Trước sự tồn vong của dân tộc bị thách thức nghiêm trọng, nhân dân Cam-pu-chia không còn con đường nào khác là đứng lên cầm vũ khí chiến đâu lật đổ chế độ bạo tàn Khơ Me đỏ, cứu nước, cứu mình. Từ năm 1975 đến đầu năm 1978 liên tiếp nổ ra các cuộc nổi dậy của nhân dân và một số đơn vị quân đội ở các tỉnh Bát Tam Băng, Căng Đan, Cô Công, Xiêm Riệp, Công Pông Thom, Môn Đun Ki Ri, Stung Treng, Kra Chiê... chống lại chế độ Pôn Pốt. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng ngọn lửa đấu tranh vẫn âm ỉ cháy, chờ thời cơ bùng lên mạnh mẽ. Tháng 5 và 6 năm 1978, phong trào đấu tranh lại bùng phát mạnh và lan rộng khắp quân khu Đông (203) của địch. Nhiều chỉ huy từ cấp quân khu đến cơ sở, đông đảo binh sĩ giác ngộ thuộc các sư đoàn chủ lực 280, 290, 4, 5 tuyên bố ly khai, quay súng chống lại Pôn Pốt rồi rút vào rừng lập căn cứ kháng chiến. Cuộc nổi dậy của quân đội được một bộ phận chính quyền tỉnh Công Pông Chàm và nhiều công nhân, nông dân vùng Suông, Chúp, Stoeng, Mi Mốt ủng hộ làm khí thế đấu tranh sôi động và ngày càng lan rộng. Hỏang hốt trước phong trào nổi dậy ở một địa bàn trọng yếu, đầu tháng 6 năm 1978, Pôn Pốt huy động một lực lượng lớn quân trung ương (Căng Đan) đàn áp khốc liệt, thanh trừng triệt để và thay đổi toàn bộ lực lượng quân khu 203. Tại Chúp, chúng giết hại dã man và ném xác người đầy 40 hố bom B52 của Mỹ trước đây; lùng bắt đưa 5.000 người vùng Đông lên ô tô rồi đổ xuống miền đồi trọc Xi Xô Phôn, Pai Lin, Ni Mít, dùng xe ủi đất cán chết. Hàng nghìn người dân và binh lính may mắn thóat khỏi vụ tàn sát đẫm máu, xuyên rừng chạy đến biên giới Việt Nam xin lánh nạn. Nhiều người tiếp tục dựa vào rừng núi phía bắc đường số 7 lập căn cứ kháng chiến. Trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Khơ Me đỏ, những người yêu nước Cam-pu-chia nhanh chóng đoàn kết, tập hợp lực lượng thành một mặt trận thống nhất, tôi rèn ý chí, kiên quyết kháng chiến, đồng thời yêu cầu Việt Nam giúp đỡ. Đến đây, phong trào cách mạng Cam-pu-chia đang xuất hiện những nhân tố mới.

   Trước yêu cầu giúp đỡ khẩn thiết của cách mạng Cam-pu-chia và thời cơ chiến lược mới, ta chủ trương mở đợt tiến công lớn trên toàn bộ tuyến biên giới, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và chính trị nhằm tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, thu hồi đất đai bị chiếm, mở thông đường hành lang và giúp lực lượng kháng chiến bạn mở rộng vùng giải phóng, làm chuyển biến tình hình, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho những hoạt động tiếp theo. Trong đội hình tiến công chung, bên phải có lực lượng vũ trang Quân khu 7, bên trái có Quân đoàn 4 và Quân khu 9, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên hăng hái bước vào đợt tiến công mới mang mật danh A68. Trong đợt tiến công này Quân đoàn 3 có nhiệm vụ: ''Tiến công tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 5, sư đoàn 675 vùng 20, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 310 của địch... chiếm địa bàn chiến lược quan trọng trên đường 78 và đường 7, từ Tra Peang Ph Long đến Krêc và từ Kh Đa đến Tà Hiên; thu hồi toàn bộ đất đai bị địch lấn chiếm, đồng thời luồn sâu bắt liên lạc với lực lượng nổi dậy ở bên trong''1. Ngày 9 tháng 6, thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt quyết tâm tiến công A68 của Quân đoàn 3 và nhấn mạnh: trong đợt tiến công này Quân đoàn phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến dịch là đánh tiêu diệt, tích cực thực hiện thọc sâu, vu hồi, bao vây địch.

    Trung tuần tháng 6 năm 1978, trên hướng đối diện với tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, địch tập trung một lực lượng lớn gồm 7 sư đoàn và 3 trung đoàn. Sư đoàn 280 bố trí từ tây Lò Gò, Xóm Giữa đến Tà Nốt; sư đoàn 174 ở Tà Nốt, Đập Đá và dọc suối Đà Ha; sư đoàn 310 từ cầu Orung đến Tra Peang Ph Long, đường 78; sư đoàn 675 ở tây bắc Xa Mát, sư đoàn 215 bố trí từ ngã ba Krêc đến phum Sâm và Tra Peang Rum Seng; sư đoàn 450, sư đoàn 4 và 3 trung đoàn vùng 21 đứng chân trên tuyến biên giới đến đường số 7 đoạn phum Sâm, Kh Đa, phum Sàm Rông, Mi Mốt.

   Thực hiện kế hoạch tác chiến, chiều ngày 14 và ngày 15 tháng 6, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 28) và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24) có xe tăng pháo binh chi viện tiến công địch ở điểm cao 62 nhằm chiếm bàn đạp để đưa lực lượng vào phát triển tiến công. Nhưng do địch tăng thêm lực lượng của sư đoàn 174, địa hình cây cối rậm rạp khó phát huy hỏa lực nên trận đánh mở màn không thành. Sư đoàn 10 tạm dừng để củng cố và chuyển sang mở cửa trên hướng điểm cao 68. Cùng thời gian này Quân khu 7 đã đánh chiếm được Mi Mốt nhưng bị địch tập trung bu bám mạnh. Trước tình hình đó, Quân đoàn 3 được lệnh tạm hoãn phương án cơ bản A68, chuyển sang đánh phối hợp với Quân khu 7, chiếm Kh Đa, phát triển lên Sa Lăng tiêu diệt sư đoàn 4 và quân địch trước chính diện, tìm bắt liên lạc với lực lương nổi dậy của cách mạng Cam-pu-chia.

   Sau khi điều chỉnh lực lượng và làm công tác chuẩn bị, 8 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1978 Sư đoàn 10 nổ súng tiến công mãnh liệt vào các mục tiêu địch. Tiểu đoàn 7 Trung oàn 66 làm chủ điểm cao 68 sau 20 phút nổ súng, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 làm chủ điểm cao 62. Được không quân ném bom yểm trợ, Sư đoàn 10 phát triển tiến công chiếm làng Kh Đa, bản Không tên, các điểm cao 105, 112 làm chủ tuyến dường số 7, phá vỡ thế trận của địch. Những ngày tiếp theo ta giải phóng Sàm Rông, Sa Lăng 2 chia cắt quân khu đông bắc và vùng đặc biệt Min Du Ka Rê với trung ương địch.

   Trong 2 tuần tiến công, Quân đoàn 3 và Quân khu 7, Quân đoàn 4 đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 290 và 2 trung đoàn 101, 154 thuộc sư đoàn 4 địch, diệt hơn 3.000 tên, bắt 2 tên, thu 400 súng các loại, giải phóng một địa bàn rộng lớn có giá trị chiến lược ở Đông bắc Cam-pu-chia.  Để đẩy địch vào thế bị động và tan vỡ, tạo điều kiện cho cách mạng bạn, ta chủ trương giữ vững vùng giải phóng, tích cực đánh địch phản kích. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 kéo dài đợt hoạt động A68 (từ 15 đến 20 ngày) nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng của sư đoàn 310, sư đoàn 174 địch; đồng thời nắm chắc thời cơ tiến công trên toàn tuyến phòng thủ Đà Ha - Xa Mát, tìm bắt liên lạc với lực lượng cách mạng bạn. Trong những ngày sôi động chuẩn bị cho đợt tiến công mới, đại tá Nguyễn Kim Tuấn quyền tư lệnh Quân đoàn 3 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn, đại tá Phí Triệu Hàm được bổ nhiệm làm chính ủy Quân đoàn, đại tá Lã Ngọc Châu làm phó chính ủy Quân đoàn kiêm trưởng ban kiểm tra, đại tá Nguyễn Quốc Thước lám Tư lệnh phó Quân đoàn.

   Về phía dịch, sau đòn chóang váng cuối tháng 6, lợi dụng lúc ta tạm dừng tiến công, chúng tập hợp lực lượng, tổ chức phản kích. Ngày 1 tháng 7 Pan Pốt thành lập cái gọi là ''bộ chỉ huy mặt trận đường 7'', giao cho tên Nho (tư lệnh sư đoàn 310) làm chỉ huy trưởng và hai tên Vin (tư lệnh sư đoàn 450), Sài (tư lệnh sư đoàn 174) làm chỉ huy phó, cùng 4 ủy viên là các tên Son (tư lệnh sư đoàn 170), Khươn (tư lệnh sư đoàn 5), Châu (tư lệnh pháo binh), San (tư lệnh tăng) để chỉ huy lực lương phản kích chiếm lại khu vực đường số 7 vừa bị mất. Ngày 3 tháng 7, địch dùng 3 sư đoàn có xe tăng pháo lớn hỗ trợ đồng loạt phản kích.

    Hướng chủ yếu phía nam, sư đoàn 310 đánh vào các điểm cao 62, 68, 53 tiến sát sở chỉ huy Sư đoàn 10. Cùng lúc, ở hướng tây bắc sư đoàn 174 đánh chia cắt đội hành ta ở bắc Kh Đa; sư đoàn 450 bu bám tập kích vào các trận địa chốt của Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28. Hướng Đông, .sư đoàn 260 cũng đánh mạnh vào Mi Mốt.

   Nắm chắc ý đồ phản kích lớn của địch và nhận định đây là thời cơ tốt để tiêu diệt chúng, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết tâm tập trung lực lượng kiên quyết đánh bại quân địch phản kích, nhất là hướng điểm cao 62, khu vực Vườn Chuối tây nam Kh Đa. Sau hơn hai ngày chặn đánh các mũi phản kích của địch, trưa ngày 4 tháng 7 ta tập trung Trung đoàn 28, Trung đoàn 64 có sự phối hợp của xe tăng thiết giáp và Trung đoàn 48, bất ngờ chuyển sang tiến công ba tiểu đoàn địch đang cụm lại ở khu vực Vườn Chuối. Sau 40 phút tiến công dũng mãnh, ta làm chủ hoàn toàn mục tiêu, phần lớn quân địch bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy ra các khu vực xung quanh cũng bị truy quét hầu hết. Đây là một trận đánh hiệp đồng binh chủng tiêu diệt lớn nhất trong đợt tiến công A68; chiến thắng Vườn Chuối cổ vũ mạnh mẽ bộ đội hăng hái thi đua giết giặc lập công2. Trong bốn ngày chiến đấu, ta đã diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khác của sư đoàn 310 địch, loại khỏi vòng chiến đấu 633 tên, thu 30 khẩu súng các loại, giáng một đòn chí mạng vào âm mưu phản kích khôi phục khu vực đường số 7 của địch.

   Ngày 6 tháng 7 năm 1978, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết đợt tiến công lớn cuối tháng 6 đầu tháng 7 và chủ trương tiếp tục tiến công địch, củng cố địa bàn chiến lược vừa giải phóng, tích cực giúp đỡ lực lượng cách mạng Cam-pu-chia.

        Trong đợt hoạt động đầu mùa mưa này, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ vừa chiến đấu phòng thủ vững chắc toàn bộ khu vực tam giác Kh Đa - Mi Mốt - Cà Tum, vừa tranh thủ củng cố xây dựng theo phương hướng quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ; đồng thời bàn giao tuyến phòng thủ biên giới Đà Ha - Xa Mát cho Quân khu 7.

   Ngay sau hội nghị của Bộ, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tổ chức hội nghị quân sự dân chủ bàn bạc thực hiện nhiệm vụ trên giao, quyết tâm hoàn thành bước cuối của đợt hoạt động A68, với mục tiêu: diệt một bộ phận và làm tan rã các sư đoàn 310, 174, 450 địch, chiếm Krêc, bắc Sa Lăng 1, mở rộng địa bàn đứng chân.

   Thực hiện ý định tác chiến mới, từ ngày 11 đến ngày 20 tháng 7 Sư đoàn 10 và lực lượng tăng cường đánh chiếm các mục tiêu: điểm cao 135, 105, bình độ 50; Sư đoàn 320 tiến công làm chủ điểm cao 94, 119, Mé May, Spean, Samakôm, Chư Peng và phum Sâm. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, Sư đoàn 31 tích cực đánh địch giữ vững tuyến phòng thủ biên giới, đồng thời dùng Trung đoàn 866 thực hành vây lấn tiến công đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 trung đoàn 156 địch ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên; diệt 85 tên, làm bị thương hàng chục tên, thu 11 súng các loại, khôi phục lại đất đai bị địch chiếm.

   Ngày 21 tháng 7 năm 1978, đợt hoạt động A68 kết thúc. Trong hơn một tháng chiến đấu, Quân đoàn đã đánh bại 5 sư đoàn địch (310, 174, 450, 4, 5) khôi phục, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững một địa bàn có giá trị chiến lược ở vùng đông sông Mê Kong, hỗ trợ trực tiếp lực lượng kháng chiến Cam-pu-chia. Điểm nổi bật trong đợt hoạt động này là Quân đoàn đã thực hiện được các trận đánh tiêu diệt gọn (1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 1 trung đội địch), loại khỏi vòng chiến đấu 2.487 tên, bắt 18 tên, thu và phá gần 300 khẩu súng các loại, bắn cháy 1 xe M113 và 2 ô tô. Qua đợt hoạt động này, ta hiểu sâu thêm về đối tượng tác chiến, nhất là các thủ đoạn mới của chúng trong tiến công và phòng ngự; đồng thời rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá để vận dụng vào các đợt hoạt động trong mùa mưa. Thắng lợi của Quân đoàn 3 và các đơn vị bạn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam đầu mùa mưa năm 1978 đã đẩy địch lún sâu thêm vào thế bị động lúng túng, tiếp tục tăng quân đối phó trên hướng biên giới; làm tăng thêm mâu thuẫn nội bộ địch, tạo mầm mống cho sự tan rã lớn sau này.




-------------------------------------------------------------------
1. Báo cáo đợt hoạt động tiến công A68 của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, tr. 6.
2. Trận tiến công ở khu vực Vườn Chuối và điểm cao 62, ta có 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 72 đồng chí bị thương.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #96 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2021, 03:42:35 pm »

*

   Bị mất một địa bàn rộng có tầm quan trọng chiến lược và lo sợ trước phong trào kháng chiến ngày càng phát triển ở vùng Đông sông Mê Kông, Pôn Pốt huy động một lực lượng lớn, điên cuồng phản kích. Tại mặt trận đường số 7, địch tập trung 5 sư đoàn bộ binh có xe tăng pháo lớn hỗ trợ liên tục đánh vào các trận địa chốt của Quân đoàn 3, làm chiến sự diễn ra quyết liệt ngay từ những ngày đầu. Trận hướng Sư đoàn 10, địch tập trung sư đoàn 450 có xe tăng thiết giáp phản kích rất mạnh vào khu vực điểm cao 200, 202 do Trung đoàn 24 phòng giữ. Phát huy truyền thống ''Trung Dũng'', cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 ngoan cường trụ bám trận địa đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch. Trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt: địch dùng pháo cối đánh phá có tính hủy diệt, sinh hoạt kham khổ, bệnh tật hoành hành... đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân kiên trung lập công xuất sắc. Đặc biệt, tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình của thiếu úy Trần Minh Xung1 - đại đội phó Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 có sức cổ vũ bộ đội mạnh mẽ. Noi gương người chỉ huy quả cảm, nhiều chiến sĩ mới gan dạ mưu trí chiến đấu và trở thành những dũng sĩ diệt xe tăng như Hồ Viết Văn, Nguyễn Thăng Tuấn, Dương Công Quý, Nguyễn Trung Thành. Đợt chiến đấu mùa mưa năm 1978, Trung đoàn 24 đã diệt 766 tên địch, bắt 3 tên, bắn cháy 2 xe tăng, thu và phá 48 khẩu súng các loại, đánh bại cuộc phản kích của sư đoàn 450 địch, trở thành lá cờ đầu diệt xe tăng địch của Binh đoàn Tây Nguyên.

   Cùng thời gian này, trên hướng Sư đoàn 320 chiến sự cũng diễn ra quyết liệt, rộng khắp, liên tục, kéo dài. Trong đó ác liệt nhất là khu vực chốt phum Sâm do Trung đoàn 64 đảm nhiệm. Từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 30 tháng 8, Trung đoàn 64 đã đánh 417 trận, diệt 300 tên dịch, bắt 2 tên, thu 44 súng, bắn cháy 2 xe tăng và giữ vững chốt. Nổi bật nhất là trận đánh giữ chốt phum Sâm của Tiểu đoàn 9 đầu tháng 8. Sau 6 ngày liền,tập trung 3 tiểu đoàn liên tục phản kích vẫn không nhổ được chết. Sáng ngày 7 tháng 8, một tiểu đoàn bộ binh địch có xe tăng, pháo cối hỗ trợ chia làm nhiều mũi ồ ạt đánh lên chốt phum Sâm. Mặc dù sau nhiều ngày chiến đấu quân số hao hụt, có đại đội chỉ còn 14 người, nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 không hề nao núng. Đợi cho bọn bính áo đen gào thét man rợ đến sát chiến hào, các dũng sĩ Mạo Chử2 toàn thân nhuộm đỏ bụi đất bất thần xuất hiện tung lưu đạn, bấm mìn clâymo, lia những loạt đạn chính xác đánh bật chúng trở lại. Xác địch nằm ngổn ngang khắp trận địa.

        Kịp thời chi viện cho các hướng chiến đấu, tiểu đoàn trưởng Khuất Duy Hoan cho đặt 2 khẩu cối 60mm ở ngay cửa hầm chỉ huy tiểu đoàn, rồi cùng các chiến sĩ văn thư, liên lạc bắn những quả đạn chính xác vào đội hình địch. 14 giờ quân địch tung toàn bộ lực lượng mở đợt tiến công cuối cùng hòng nhổ bằng được chốt. Những tên lính lỳ lợm bị cấp trên thúc ép, liều lĩnh đánh tràn lên trận địa. Trước tình thế hiểm nghèo, tiểu đoàn trưởng Hoan và chính trị viên Minh hội ý chớp nhóang, quyết định xin pháo cấp trên bắn trùm lên trận địa. Nhận được bức điện tối khẩn của Tiểu đoàn 9, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mão cùng thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 64 hội ý khẩn cấp, thận trọng báo cáo cấp trên và được sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đồng ý. Khi bộ đội vừa rút xuống hầm, đạn pháo l55mm ngòi nổ trên không của ta ầm ầm trùm lên trận địa. Quân địch như nằm trên đe dưới búa, đứa tan xác, đứa bị thương, số còn lại hỏang loạn tháo chạy. Sau 10 phút pháo binh bắn chi viện, trận địa trở lai yên ắng. Đây là một trong những trận đánh điển hình về phòng ngự trận địa của Quân đoàn trong mùa mưa năm 1978, là một thực tiễn sinh động về lòng quả cảm trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Trận đánh đã được phóng viên chiến trường Trương Xuân Thìn kịp thời phản ánh trong bài phóng sự: "Phum Sâm vang bài ca dũng sĩ" và được phát đi trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam.

   Ngày 10 tháng 8, Đảng ủy Quân đoàn họp kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1978 và quyết nghị phương hướng chủ trương công tác trong thời gian tới, xác định:

    "1. Trong mùa mưa, Quân đoàn vẫn... tiếp tục chiến đấu tiêu diệt và tiêu hao rộng rãi sinh lực địch, làm suy yếu kẻ địch nặng nề hơn.

   2. Kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu và xây dựng, tranh thủ mọi thời gian, điều kiện hoàn cảnh cụ thể củng cố xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện cả về tư tưởng và tổ chức, năng lực trình độ một cách đồng đều toàn diện, đạt cho được chiến đấu có hiệu suất cao, củng cố xây dựng đơn vị có chất lượng tốt, luân phiên có nhiều đơn vị và nhiều thời gian củng cố, thực hiện được phương châm: càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành.

   3. Khẩn trương tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho nhiệm vụ tác chiến mùa khô 1978-1979''3.

   Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 8 năm 1978, Bộ tư lệnh Quân đoàn sử dụng Sư đoàn 320 (thiếu Trung đoàn 64), Trung đoàn 24, một tiểu đoàn của Trung đoàn 866 và hai dại đội xe tăng thiết giáp mở đợt tiến công mới mang mật danh A781. Sau bốn ngày tiến công, ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của sư đoàn 450 và l trung đoàn thuộc sư đoàn 280 địch, làm chủ các mục tiêu: điểm cao 148, Sở 3, Ph Kran Gack, điểm cao 159, 119, 94 khôi phục trận địa ở khu vực điểm cao 200, 202 mở rộng vùng giải phóng, tạo thế trận phòng thủ thêm vững chắc. Cùng thời gian này, Sư đoàn 10 (thiếu Trung đoàn 24), Trung đoàn 64, Trung đoàn 977 và một đại đội thiết giáp vừa giữ vững tuyến phòng ngự trực tiếp tiếp xúc, vừa tích cực đánh tiêu hao địch trên hướng tây -  tây bắc đường 7. Sư đoàn 31 bàn giao toàn bộ khu vực phòng thủ biên giới cho Sư đoàn 302 Quân khu 7, chuyển về phía sau củng cố huấn luyện.

   Phát huy kết quả đợt hoạt động A781, Quân đoàn mở tiếp đợt tiến công mới mang mật danh A782, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng địa bàn, củng cố vững chắc thêm thế trận. Từ ngày 20 đến ngày 31 tháng 8, Sư đoàn 320 (thiếu Trung đoàn 64) được tăng cường xe tăng, xe thiết giáp thực hành đánh chiếm các khu vực phía đông điểm cao 112, Ph Sre Veng, Ph Kra Săng. Sư đoàn 10 đánh chiếm điểm cao 114 đông và điểm cao 114 tây, Ph Samakôm, Chi Peng, Krêc 2. Sau khi làm chủ các mục tiêu, hai sư đoàn (10, 320) chuyển sang truy quét, đánh địch phản kích, giữ vững địa bàn.

   Nhằm kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ''tiêu biểu cho ý chí tiến công cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa'', đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua quyết thắng, ngày 20 tháng 9 năm 1978, Bộ tư lệnh Quân đoàn triệu tập hội nghị ''Những tập thể và cá nhân chiến đấu, phục vụ chiến đấu giỏi'' tại thị trấn Cà Tum, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Dự hội nghị có gần 400 đại biểu tiêu biểu cho phong trào thi đua quyết thắng của các đơn vị trong binh đoàn và khách mời từ các đơn vị bạn, địa phương. Tại hội nghị, sau bản báo cáo tổng kết chung của Quân đoàn, có 17 bản báo cáo điển hình của 9 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc được trình bày. Đại tá Lã Ngọc Châu - phó chính ủy Quân đoàn thay mặt cho Bộ tư lệnh trao cờ ''Quyết Thắng'' và danh hiệu Quyết Thắng của Tổng cục Chính trị cho các đơn vị và cá nhân xuất sắc. Bộ tư lệnh Quân đoàn phát động một đợt thi đua mới với nội dung: đuổi kịp và vượt 3 ngọn cờ đầu là Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, tiêu biểu về thọc sâu đánh giỏi), Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, dẫn đầu về thành tích diệt xe tăng, xe thiết giáp) và Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, làm nhiệm vụ quốc tế giỏi).

   Những thắng lợi liên tiếp của Quân đoàn 3 trên mặt trận đường số 7 và của các đơn vị bạn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam trong mùa mưa năm 1978 đã tạo điều kiện thuận lơi lớn cho cách mạng Cam-pu-chia phát triển lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến. Tại miền Đông Cam-pu-chia, lực lượng kháng chiến do ông Hêng Xom Rin (nguyên ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ khu Đông, chính ủy kiêm sư đoàn trưởng sư đoàn 4) lãnh đạo đã lên tới hàng nghìn người. Ngày 23 tháng 10 năm 1978, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 do tiểu đoàn trưởng Đỗ Khắc Kế và chính trị viên Lê Hải Triều chỉ huy đã liên lạc được với ông Hêng Xom Rin tại phía đông bản Săng Kê. Cùng thời gian này, Quân đoàn đã tích cực liên lạc và đưa gần 4.000 người dân Cam-pu-chia theo kháng chiến ra vùng giải phóng. Được sự giúp đỡ tích cực của Việt Nam, chiến khu đông bắc đường 7 của cách mạng bạn ngày càng được củng cố và lớn mạnh. Trên khắp đất nước Chùa Tháp, lực lượng cách mạng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Con đường giải phóng đất nước Cam-pu-chia thóat khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary đang từng bước được mở ra, như ánh bình minh đang hé rạng phía chân trời.

   Mùa mưa năm 1978 nhanh chóng qua đi, đồng thời cũng kết thúc một giai đoạn chiến đấu vô cùng gian khổ ác liệt nhưng cũng rạng rỡ chiến công của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên trên mặt trận biên giới Tây Nam Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 3 đã phát huy cao độ truyền thống ''Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực'', tích cực chủ động linh hoạt trong chiến đấu và công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Thời kỳ này, nhiều hình thức chiến thuật trong tiến công và phòng ngự được vận dụng sáng tạo, đem lại hiệu quả; nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện và được nhân rộng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua quyết thắng. Cùng với thành tích tiêu diệt gần 800 tên địch, thu và phá 251 khẩu súng, bắn cháy 8 xe tăng và 2 ô tô, việc giữ vững và mở rộng vùng giải phóng nam bắc đường số 7 của Quân đoàn có ý nghĩa lớn. Nó không những góp phần xây dựng, củng cố một căn cứ địa quan trọng nhất, ''thủ đô'' kháng chiến của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia, mà còn tạo bàn đạp lớn để quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế khi Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Cam-pu-chia yêu cầu.




-----------------------------------------------------------------
1. Thiếu úy (liệt sĩ) Trần Minh Xung được tuyên dương Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân ngày 28.8.1981.
2. Tên truyền thống của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64.
3. Lịch sử bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên... Sđd, tr. 504, 505.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2021, 09:34:34 am »

        3. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẻ vang đối với Cam-pu-chia (12.1978 - 6.1979).

   Sau một thời gian dài đấu tranh tự phát và tập hợp lực lượng, đến tháng 10 năm 1978 phong trào cách mạng Cam-pu-chia đã có bước phát triển mới về chất, mang tính tự giác có tổ chức thống nhất toàn quốc, tập hợp đông đảo rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, binh lính, sư sãi, trí thức, tiểu tư sản... trong một mặt trận chung nhằm đấu tranh lật đổ chế độ Khơ Me đỏ bạo tàn. Ngày 2 tháng 12 năm 1978, tại khu giải phóng vùng Đông sông Mê Kông, Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã diễn ra. Hơn 200 đại biểu thay mặt cho các tầng lớp nhân dân, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo của cả nước về dự. Đại hội đã thông qua cương lĩnh chính trị và ra tuyên bố 11 điểm trước nhân dân trong nước và thế giới, đồng thời bầu ra Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia gồm 14 vị, do ông Hêng Xom Rin làm Chủ tịch và ông Chia Xim làm Phó Chủ tịch. Trong bản tuyên ngôn lịch sử, Ủy ban Trung ương Mặt trận trịnh trọng công bố. ''Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được xây dựng trên tinh thần độc lập chân chính của nhân dân Cam-pu-chia, đoàn kết tất cả các dân tộc trong nước, tập hợp mọi lực lượng yêu nước... Đoàn kết toàn dân, nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động gia đình trị Pôn Pốt - Iêng Xary... xóa bỏ chế độ tàn ác đẫm máu của chúng, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân... làm cho nước Cam-pu-chia thật sự là một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết và tiến lên chủ nghĩa xã hội''1. Đồng thời Mặt trận ''thiết tha kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức dân chủ trên thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội hãy tích cực ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân''2 Cam-pu-chia.

   Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra đời là một sự kiện chính trị trọng đại trong lịch sử cách mạng Cam-pu-chia. Công lĩnh của Mặt trận đáp ứng nguyện vọng tha thiết của dân tộc Cam-pu-chia, được đông đảo nhân dân trong nước nhiệt liệt hưởng ứng và nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ. Dưới ngọn cờ sáng ngời chính nghĩa của Mặt trận, công nhân, nông dân, binh lính yêu nước, sư sãi... xiết chặt đội ngũ, hăng hái chiến đấu, kiên quyết lật đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ, cứu nước, cứu mình. Khắp đất nước Chùa Tháp khí thế đấu tranh bừng lên mạnh mẽ; ngọn lửa cách mạng đang ngày một lan rộng, dâng cao thiêu đốt quân thù.

   Hỏang hốt trước sự lớn mạnh của cách mạng Cam-pu-chia, bè lũ Pôn Pốt tuy bị suy yếu nhưng vẫn liều lĩnh dốc toàn bộ lực lượng vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 năm 1978, địch điên cuồng đàn áp trong nước, đồng thời huy động 19 sư đoàn trong tổng số 23 sư đoàn áp sát toàn tuyến biên giới Cam-pu-chia - Việt Nam, ráo riết chuẩn bị tiến công sang đất ta, trong đó tỉnh Tây Ninh là một mục tiêu hàng đầu phải đánh chiếm vào cuối tháng 12 năm 1978. Trên hướng chính diện của Quân đoàn 3, địch tập trung 4 sư đoàn bộ binh (310, 174, 450, 280), 7 tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp (57 khẩu pháo, cối các loại) và 1 trung đoàn xe tăng thiết giáp (40 xe) thuộc sư đoàn 377 do bộ tư lệnh mặt trận đường 7 chỉ huy3.

   Nắm chắc ý đồ phiêu lưu quân sự mới của Pôn Pốt, Tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp chặt chẽ với quân dân các địa phương trên toàn tuyến biên giới Tây Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, kiên quyết đánh bại cuộc tiến công lớn của địch ngay từ đầu không cho chúng vượt sâu vào biên giới; đồng thời giữ vững kế hoạch tiến công trong mùa khô 1978 - 1979 quyết giành thắng lợi to lớn cả về chính trị và quân sự.

   Trong thế chiến dịch chung, ở Đông bắc có lực lượng Quân khu 7 và Quân khu 5; phía nam có Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Quân khu 9 hoạt động; Quân đoàn 3 được tăng cường Sư đoàn bộ binh 302 (Quân khu 7), 1tiểu đoàn vận tải ô tô, có không quân chi viện, địơc 3 tiểu đoàn và 6 đội công tác của lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia phối hợp, có nhiệm vụ: ''Tiến công tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ 5 sư đoàn địch ở nam bắc đường 7, đông sông Mê Kông... mở rộng căn cư cho lực lượng cách mạng Cam-pu-chia... nhanh chóng ổn định nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng... giành thắng lợi trọn vẹn cả về quânsự và chính trị''4.

   Thực hiện nhiệm vụ trên giao, ngày 30 tháng 11 năm 1978 Bộ tư lệnh Quân đoàn ra ''Mệnh lệnh tiến công A88'' giáo nhiệm vụ chiến đấu cho 4 sư đoàn bộ binh: 320, 10, 31, 302; bốn lữ đoàn binh chủng: 273, 234, 40, 7 và Trung đoàn thông tin 29. Sư đoàn 320 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp (38 chiếc), 2 đại đội pháo (4 khẩu Đ74, 155 và 1 trung đội B72), 1 tiểu đoàn công binh công trình, 1 tiểu đoàn ô tô (40 chiếc); quá trình chiến đấu được không quân chi viện và được 2 tiểu đoàn, 3 đội công tác của lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia phối hợp; từ phía tây phòng tuyến tiến công Suông, Chúp. Sư đoàn 10 được tăng cường 4 đại đội xe tăng thiết giáp (37 chiếc), 1 đại đội pháo, 1 tiểu đoàn công binh công trình, có không quân chi viện và được 1 tiểu đoàn, 2 đội công tác của bạn phối hợp từ giữa phòng tuyến đánh xuống Stoeng, Tà Hiên. Sư đoàn 31 được tăng cường 1 đại đội xe tăng (8 chiếc), 1 đại đội pháo, 1 đại dội công binh công trình; quá trình chiến đấu được pháo binh Quân đoàn chi viện và 1 đại đội vũ trang bạn phối hợp từ bình độ 50 đánh chiến các mục tiêu phía nam đường 7 đến Krêc. Sư đoàn 302 từ phòng tuyến biên giới Xa Mát - Lò Gò đánh lên hướng nam đường 7 hợp điểm với các đơn vị bạn ở Tà Hiên, Stoeng.

   Để lãnh đạo Binh đoàn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch A88, ngày 22 tháng 12 năm 1978 Đảng ủy Quân đoàn họp mở rộng, chủ trương: ''... dốc hết sức mình cùng với các đơn vị bạn và nhân dân trên toàn tuyến, kết hợp với lực lượng cách mạng Cam-pu-chia... kiên quyết đánh thắng trong cuộc chiến tranh Tây Nam, đập tan mưu đồ của tập đoàn phản động... Pôn Pốt, Iêng Xary, giành thắng lợi một cách toàn diện cả về quân sự và chính trị... giúp cách mạng Cam-pu-chia giành thắng lợi''5.

   Mùa khô chiến đấu thứ hai lại về với cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên. Trên khắp vùng biên giới Tây Nam không khí chuẩn bị cho chiến dịch tiến công mới mang mặt danh A88 diễn ra rất sôi động.

        Các tuyến đường quân sự nối Cà Tum - Xa Mát - Mi Mốt được bộ đội và lực lượng Tổng đội Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh, dân công hỏa tuyến Tây Ninh ngày đêm gấp rút thi công. Những đội trinh sát nai nịt gọn gàng bí mật len lỏi vào vùng địch hậu. Cán bộ tham mưu nhiều đêm thức trắng bên những tấm bản đồ trải rộng. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chính trị, bộ đội vừa tích cực làm công tác chuẩn bị vừa tranh thủ nghiên cứu cương lĩnh của Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, những phong tục tập quán tín ngưỡng của nhân dân nước bạn, học những câu giao tiếp thông thường bằng tiếng Khơ Me và khẩu lệnh gọi bắt tù binh được in rõ phát tận tay từng chiến sĩ. Được cơ quan hậu cần chiến lược giúp đỡ, Ngành Hậu cần binh đoàn tập trung toàn bộ lực lượng vận tải, quân y và các đội sửa chữa đẩy mạnh công tác vận chuyển, bảo đảm các nhu cầu của bộ đội. Đến ngày chiến dịch mở màn, Quân đoàn đã chuẩn bị đủ 5 cơ số xăng dầu, 3 cơ số đạn, lương thực thực phẩm đủ sử dụng hết tháng 1 năm 1979, thuốc quân y đủ cho 1.600 thương bệnh binh qua tuyến, với tổng khối lượng vật chất hơn 2.100 tấn. Cùng thời gian này, chính quyền các tỉnh phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh động viên mọi lực lượng, tích cực chi viện cả vật chất và tinh thần, kịp thời động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận trước khi bước vào những trận đánh mới.

   Giữa những ngày sôi động, khẩn trương chuẩn bị chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ binh đoàn rất phấn khởi được đón đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thượng tướng Chu Huy Mân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về thăm Quân đoàn và kiểm tra một số đơn vị. Trong buổi nói chuyện với cán bộ binh đoàn ngày 18 tháng 12 năm 1978, đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: ''Kẻ thù muốn kéo dài cuộc chiến tranh... thì ta phải thắng nhanh... Lực lương cách mạng của bạn hiện nay còn nhiều khó khăn... ta phải tích cực giúp đỡ bạn với tất cả nghĩa tình, thái độ vô tư và sẵn sàng hy sinh cống hiến vì nghĩa vụ quốc tế cao cả... chiến đấu lật đổ chế độ Pôn Pốt - Iêng Xary... phải thắng trọn vẹn cả về quân sự và chính trị''. Sự quan tâm và tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Quân đội dành cho bộ đội trước khi bước vào chiến dịch lịch sử giải phóng hoàn toàn đất nước Cam-pu-chia là nguồn cổ vũ mạnh mẽ Quân đoàn hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ và thực hiện cuộc vận động ''Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân'' do Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa phát động.

   Ngày 23 tháng 12 năm 1978, khi những công việc chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch A88 của Quân đoàn đã hoàn thành, các lực lượng sẵn sàng bước vào chiến đấu; cũng là lúc Pôn Pốt ra lệnh cho 19 sư đoàn có xe tăng pháo tầm xa và không quân hỗ trợ mở cuộc tiến công lớn trên toàn tuyến biên giới Cam-pu-chia - Việt Nam. Trên hướng Quân khu 9, địch tràn qua biên giới đánh chìm khu vực kênh Vĩnh Tế, tây bắc núi Tượng... nhưng đã bị lực lượng vũ trang địa phương và Quân đoàn 2 dồn dập giáng trả. Tới ngày 3 tháng 1 năm 1979 ta cơ bản làm chủ mặt trận biên giới An Giang, Kiên Giang, loại khỏi vòng chiến đấu sư đoàn 250 và đánh thiệt hại sư đoàn 210 và 230 của địch, buộc sở chỉ huy mặt trận đông nam của chúng rút chạy về thị xã Ta Keo. Ở hướng Tây Ninh, từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 12 Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7 chặn đứng cuộc tiến công của 3 sư đoàn 340, 703 và 221 địch vào Bến Sỏi, tiêu diệt 3 trung đoàn, đẩy địch về tuyến phòng ngư Xoài Riêng, giữ đường số 10 và 244, kế hoạch đánh chiếm tỉnh Tây Ninh của Pôn Pốt bị sụp đổ hoàn toàn. Cùng thời gian này, liên quân cách mạng Cam-pu-chia - Việt Nam đẩy mạnh tiến công địch trên hướng đông bắc, chiếm Bản Lung, thị xã Lom Phát, Vân Sai, giải phóng Bô Cô, Bô Khăm, Căm Tuốt và đánh vào thị xã Kra Chiê.

   Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn đánh địch trên toàn tuyến biên giới và cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia. Từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 12 năm 1978, Quân đoàn 3 chặn đứng và đẩy lui tất cả các cuộc phản kích của địch vào tuyến bàn đạp; đồng thời triển khai lực lượng chiếm lĩnh trận địa tiến công trên các hướng và đưa các đơn vị luồn sâu vào hậu phương địch, lập chốt chiến dịch ở Đông bắc Suông, Chúp và nam Krêc.

   Tin tưởng chắc chắn cuộc tiến công phiêu lưu quân sự quy mô lớn nhất của Pôn Pốt vào Việt Nam cuối năm 1978 sẽ bị đập tan. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã nhận định: ''Sinh lực địch nhất định sẽ bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoặc kìm chân tại chỗ. Đây là thời cơ tốt nhất để lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia cùng với nhân dân và binh sĩ khởi nghĩa trên toàn quốc và đánh vào đầu não của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary đập tan chế độ độc tài phát xít, khát máu của
chúng'';6 và kịp thời chỉ thị cho các địa phương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngày 26 tháng 12 năm 1978 khi đại quân của Pôn Yốt đã bị thất bại một bước nghiêm trọng trên các hướng, thời cơ chiến lược đã xuất hiện, Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia quyết định tổng tiến công và nổi dậy trong cả nước lật đổ chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ, đồng thời chính thức yêu cầu Quân đội và nhân dân Việt Nam giúp đỡ.

   Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ''giúp bạn là tự giúp mình'', với đường lối quốc tế trong sáng vô tư và tình nghĩa thủy chung, Đảng và Nhà nước ta nhanh chóng đáp lời yêu cầu khẩn thiết của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia. Bộ Quốc phòng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh cho tất cả các đơn vị đang chiến đấu trên biên giới Tây Nam Tổ quốc sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia kiên quyết tiến công đập tan chế độ Pôn Yốt - Iêng Xary, giải phóng đất nước Chùa Tháp, khôi phục lại tình đoàn kết truyền thống gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc. Trong đội hình tổng tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia có sự phối hợp chặt chẽ của quân tình nguyện Việt Nam; Quân đoàn 3 từ các bàn đạp nhanh chóng, đồng loạt chuyển sang tiến công mạnh mẽ vào các mục tiêu địch.

   Đúng 6 giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1978, chiến dịch A88 của Quân đoàn 3 chính thức mở màn. Trên hướng Sư đoàn 320, Trung đoàn 64 luồn sâu, nổ súng đánh chiếm Đầm Be, mở toang cánh cửa lên hướng tây bắc, Lập tức Trung đoàn 48 với trên 200 xe pháo ầm ầm lướt qua, tiến công thọc sâu giải phóng Suông, Chúp làm chủ sở chỉ huy tiền phương mặt trận đường 7 của địch. Tiếp đó Sư đoàn 320 đánh tan lực lượng địch phản kính rồi mở rộng truy quét. Hướng Sư đoàn 10, khi pháo binh bắn chuẩn bị và không quân ném bom vào các mục tiêu địch vừa dứt, Trung đoàn 66 và xe tăng chuyển sang tiến công thọc sâu. Sau nhiều lần đột phá, ta đập tan tuyến ngăn chặn của địch ở Làng 18, điểm cao 125 và 113 khai thông cửa mở. Thừa thắng, bộ binh xe tăng phát triển tiến công đánh chiếm Tà Hiên, Stoeng, làm chủ sở chỉ huy mặt trận đường 7 của địch. Tiếp đó, Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển tiến công trên ba hướng: Trung đoàn 66 chiếm ChRum Trung đoàn 28 làm chủ điểm cao 45 và Krêc, một bộ phận của Trung đoàn 24 đánh theo đường 24 chiếm cầu Tăng Toóc. Tranh thủ thời cơ thuận lợi khi hai sư đoàn 10 và 320 tiến công tạo ra, Sư đoàn 31 nhanh chóng tiến công đánh chiếm phum Lo Ất, phum Sâm, Âm Púc, tiến qua Krêc và phát triển theo đường 78 xuống Tra Paeng Pring. Cùng thời gian này, Sư đoàn 302 từ tuyến bàn đạp Lò Gò - Xa Mát đánh chiếm điểm cao 11, Tà Âm, Tà Nốt.

   Ngày 1 tháng 1 nam 1979, bước một chiến dịch hoàn thành, Bộ tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho các sư đoàn nhanh chóng chuyển sang thực hiện bước hai. Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 1, bốn sư đoàn (10, 320, 31, 302) vừa củng cố thế đứng chân vừa tích cực truy quét mở rộng địa bàn, phối hợp với lực lượng cách mạng Cam-pu-chia vận động quần chúng. Trung đoàn 48 Sư đoàn 320, trên đường hành tiến về phía bến phà Công Pông Chàm đã đánh tan lực lượng viện binh của địch ở cầu Kh Mung, truy kích làm chủ bờ đông lúc 15 giờ 30 phút ngày 2 tháng 1. Ngày hôm sau (3.1) Sư đoàn 320 tiến công phá vỡ tuyến ngăn chặn mới của địch ở Orăng Âu sau đó phát triển về hướng thị xã Prây Veng bắt liên lạc với Quân đoàn 4. Ngày 5 tháng 1 năm 1979 toàn bộ vùng đông sông Mê Kông được hoàn toàn giải phóng. Sau gần 4 năm rên siết trong địa ngục trần gian với bao đau thương mất mát căm hờn, hôm nay nụ cười Bay On huyền diệu nhòa trong nước mắt sung sướng hồi sinh, lại trở về trên gương mặt rạng rỡ của những người dân vùng Đông anh hùng.




-----------------------------------------------------------------
1, 2. Tuyên bố của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, ngày 2 tháng 12 năm 1978. (Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, số 8944, ngày 4 tháng 12 năm 1978).

3. Sở chỉ huy mặt trận đường 7, khu kho hậu cần và cố vấn nước ngoài ở Suông, Chúp, sở chỉ huy tiền phương mặt trận đường 7 ở phum La Chơ Gium; các sở chỉ huy sư đoàn: 310 ở Thơ Yng, 174 ở Lếch, 450 ở Kra Nhung và 280 ở đồng nam Đầm Be.

4. Báo cáo ''Chiến dịch tiến công A88 của Quân đoàn 3 (20.11.1978-14.1.1979) của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, tr. 41.

5. Lịch sử bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên... Sđd, tr.521.

6. Tuyên bố của ông Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia (Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, số 8985 ngày 13.1.1979).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #98 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2021, 09:38:18 am »

*

   Trước đòn tiến công đồng loạt, sấm sét của quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu- chia, 19 sư đoàn Pôn Pốt nhanh chóng bị đập tan, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống chính quyền Khơ Me đỏ. Hồi chuông báo tử con quỷ phát xít đã điểm. Chớp thời cơ chiến  lược, Bộ chỉ huy liên quân Cam-pu-chia - Việt Nam quyết định dùng sức mạnh tiến công đè bẹp quân địch ở vòng ngoài, táo bạo thọc thẳng vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh  trên cả ba hướng: đông, nam và tây. Khắp đất nước Chùa Tháp âm vang lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia: ''...đã đến lúc rồi, lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia trong toàn quốc hãy nỗ lực vượt mọi khó khăn đánh đổ bọn Pôn Pốt - Iêng Xary, kiên quyết giải phóng đất nước thóat khỏi bàn tay đẫm máu của chúng và bọn bành trướng nước ngoài. Quân đội cách mạng anh dũng ta hãy nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường để tiêu diệt địch và bắt sống địch, thu vũ khí, đạn dược của địch''1.

   Trong cuốc Tổng tiến công lịch sử này, Quân đoàn 3 được giao đảm nhiệm tiến công trên hướng tây, đánh chiếm các mục tiêu phía tây bắc và bắc thủ đô, hội quân cùng các đơn vị bạn ở đài Độc Lập và bộ tổng tham mưu quân Pôn Pốt. Đường vào giải phóng Phnôm Pênh còn xa, thời gian chỉ có 4 ngày, trong khi quân địch trên hướng tiến công của Quân đoàn còn khá đông, ngoan cố chống trả. Song khó khăn nhất là phải vượt qua con sông Mê Kông rất rộng, đập tan tuyến phòng thủ mạnh của địch bên bờ tây, mở toang cánh cửa thép mà chúng mới dựng lên ở thị xã Công Pông Chàm, để đại quân ta phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu đã định.

    Về phía địch, trong cơn bấn loạn, lúng túng, bị động đối phó trên các hướng, nhưng chúng cũng nhận rõ mối nguy cơ đang dện với Công Pông Chàm. Pôn Pốt biết rằng, khi đối, phương chiếm được thị xã trọng yếu này sẽ phát triển cắt chặn đường số 6, triệt mất đường rút chạy của chúng về hướng biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Vì vậy, ngày 4 tháng 1 năm 1979, y vội vã phái bộ trưởng quốc phòng Xon Xen cùng cơ quan tiền phương bộ tổng tham mưu đem theo 2.000 quân thẳng tiến đến Công Pông Chàm. Vừa đến nơi, Xon Xen lập ngay tuyến tử thủ, gom nhặt tàn quân từ bờ đông sông chạy về cùng với sư đoàn 520 tổ chức thành những đơn vị chiến đấu mới, bắt hơn 700 dân ở thị xã sung vào đội quân ô hợp này. Thị xã Công Pông Chàm bấy lâu vắng lặng, bỗng chốc biến thành một căn cứ quân sự lớn. Bảo vệ nó là tuyến phòng thủ mạnh dọc theo bờ tây sông Mê Kông, kéo đài từ bắc thị xã đến nam bến phà Niếc Lương với hơn 500 công sự, ụ súng, hỏa điểm và hệ thống chiến hào được cải tạo từ các rãnh thóat nước. Xen kẽ trong các tuyến công sự và chốt chặn các ngã ba, ngã tư đường phố là một lực lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp. Hàng chục khẩu pháo lớn và súng cối ở các trận địa phía tây, tây bắc sẵn sàng nhả đạn. Xon Xen hy vọng với đội quân đông, hỏa lực dày đặc chĩa xuống lòng sông Mê Kông rộng hơn làm, nước chảy xiết, hai bờ dốc đứng sẽ trở thành một dòng sông lửa, một chiến hào thiên nhiên khổng lồ chặn đứng đối phương.

   Trong khi quân địch dốc toàn lực, ráo riết phòng thủ phía bờ tây, thì ở bên bờ đông quân ta cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc ''vượt sông bằng sức mạnh'' lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương. Lực lượng vượt sông, đánh chiếm thị xã Công Pông Chàm gồm: Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 và các đơn vị binh chủng tăng cường (18 xuồng máy, phà tự hành GPS, 4 xe tăng T54, 4 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu pháo 155mm, 7 khẩu pháo phòng không 37 và 57mm) bí mật triển khai đội hình chiến đấu. Đêm mùng 5 rạng ngày 6 tháng 1 năm 1979, Trung đoàn 64 đã áp sát bờ đông sông; Tiểu đoàn 4 thuộc Lữ đoàn công binh 249 hạ thủy xuồng máy an toàn; xe tăng, pháo binh, pháo phòng không hoàn thành chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng. Sư đoàn 320 lập sở chỉ huy tiền phương do tham mưu phó Nguyễn Hữu Mão phụ trách bên cạnh sở chỉ huy Trung đoàn 64 để trực tiếp giúp đỡ đơn vị chỉ huy chiến đấu.

   Thực hiện kế hoạch, lúc 4 giờ 30 phút ngày 6 tháng 1 năm 1979, Tiểu đoàn 9 do tham mưu phó Trung đoàn 64 Khuất Duy Hoan trực tiếp chỉ huy bí mật dùng xuồng vượt sông Mê Kông. Nhưng đi được khỏang 500m thì bị địch phát hiện bắn chặn buộc phải quay lại. Ý định bí mật lót trước một lực lượng sang bờ tây sông không thành. Trước tình hình đó, Tư lệnh phó Quân đoàn Nguyễn Quốc Thước (trực tiếp đi cùng Sư đoàn 320) quyết định chuyển ngay sang thực hiện phương án vượt sông bằng sức mạnh. Từ 5 giờ 45 phút, tất cả các loại pháo bắn thẳng, vòng cầu, pháo xe tăng, hỏa lực đi cùng bộ binh đồng loạt bắn phá mãnh liệt vào toàn tuyến phòng thủ của địch bên bờ tây sông Mê Kông và thị xã Công Pông Chàm. Pháo ta bắn chính xác làm tê liệt hầu hết các trận địa pháo cối địch, phá hủy nhiều công sự, 1 kho đạn nổ tung làm rung chuyển không gian, 1 kho xăng bốc cháy dữ dội khói đen trùm lên thị xã. Dưới sông, 3 chiếc xà lan của địch cũng bị trúng đạn bốc cháy, rồi chìm nghỉm. Sau đợt công phá thứ hai của pháo binh, tuyến công sự bên mép nước của địch bị vằm nát, hệ thống chỉ huy bị rối loạn. Thời cơ vượt sông đã đến. 6 giờ 30 phút, trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Vũ Cối hạ lệnh vượt sông. Lập tức các xuồng máy của Tiểu đoàn 4 Lữ đoàn 249 chở Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 rẽ nước lao sang phía bờ tây. Tốp xuồng đi đầu gồm 4 chiếc rời bến được vài chục mét thì 1 chiếc chết máy, 3 chiếc còn lại tiếp tục tiến. Phát hiện thấy lực lượng vượt sông của ta, địch tập trung hỏa lực pháo cối, ĐKZ, 12,7mm đánh chặn quyết liệt làm thủng xuồng và một vài chiến sĩ thương vong. Trong giờ phút gay go ác liệt của trận đánh, tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều bị thương vẫn dũng cảm chỉ huy đơn vị lao xuồng vào bờ; binh nhất Vũ Mạnh Tuấn xé áo bịt lỗ đạn xuyên thủng mạn xuồng rồi lấy chân chèn ngăn nước xối. 7 giờ xuồng áp bờ tây sông, các chiến sĩ như lò xo bật lên bờ, nhất loạt tung lựu đạn, rồi chia làm hai mũi xung phong đánh chìm tuyến công sự sát mép nước. Đại đội trưởng Nguyễn Đức Thại nhanh như sóc đoạt khẩu ĐKZ đã bị hỏng kính ngắm của địch, quay nòng ''bắn vo'' hến 5 quả đạn diệt các ụ súng, hỏa điểm bên trong; xạ thủ B40 Đinh Xuân Khoa và chiến sĩ Nguyễn Đình Phùng mưu trí, gan dạ diệt khẩu đại liên nguy hại, mở đường cho phân đội phát triển chiến đấu. Sau ít phút tiến công, Đại đội 3 làm chủ khu vực đầu cầu bến vượt, chiếm một đoạn hào dài 300m, tạo điều kiện cho đột phá vào sâu phòng tuyến địch. Tranh thủ thời cơ thuận lợi các phân đội còn lại của Tiểu đoàn 7, toàn bộ Trung đoàn 64 và đại đội xe tăng... vượt sông bằng xuồng, phà của Lữ đoàn 249 và Lữ đoàn 7 công binh, kịp thời sang bờ tây sông bước vào chiến đấu. Với thế áp đảo, Trung đoàn 64 nhanh chóng đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, tiến thẳng vào thị xã, dồn địch vào các ngõ cụt, truy kích về hướng tây và hướng bắc. Trong cơn tuyệt vọng, đích thân Xon Xen gom được 1 tiểu đoàn quân thất trận tổ chức phản kích vào phía nam thị xã, nhưng bị đánh bật ra trảng trống, buộc phải tháo chạy.  Cùng lúc một kho đạn bốc cháy, những tiếng nổ dữ dội rền vang như tràng pháo khổng lồ chào mừng thị xã Công Pông Chàm đã thuộc về quân cách mạng.

   8 giờ 10 phút ngày 6 tháng 1 năm 1979, cánh cửa thép Công Pông Chàm được mở toang. Bộ tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 10 và các đơn vị binh chủng khẩn trương vượt sông Mê Kông tiến về giải phóng Phnôm Pênh. Sáng ngày 7 tháng 1, lực lượng đột kích binh chủng hợp thành gồm Trung đoàn 28 đi trên 36 xe ô tô, 3 đại đội xe tăng, 4 khẩu pháo mặt đất, 2 khẩu pháo phòng không, 1 đại đội công binh do trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua và trung đoàn phó Võ Hồng Kháng chỉ huy, được không quân chi viện, ầm ầm hành tiến theo đường số 7 và số 6 lần lượt đập tan các cụm địch ở Skun, Phu Chê, bến phà Tông Lê Sáp, vu hồi vào phía tây thủ đô Phnôm Pênh. Đến 18 giờ 40 phút ngày 7 tháng 1, Trung đoàn 28 chiếm các mục tiêu Tak Leât, nhà máy xay, nhà máy hoa quả, kho súng đạn... rồi phát triển chiếm Hoàng Cung và bộ tổng tham mưu quân Pôn Pốt, bắt liên lạc với Quân đoàn 4. Cùng thời gian này các quân khu, quân đoàn bạn và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu- chia đã tiến vào Phnôm Pênh làm chủ thủ đô.

   Ngày 7 tháng 1 năm 1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng, đánh dấu sự sụp đổ vĩnh viễn của chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary. Ngày 8 tháng 1, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia được thành lập gồm 8 thành viên do ông Hêng Xom Rin làm Chủ tịch. Hội đồng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia trịnh trọng tuyên bố trước nhân dân trong nước và thế giới: ''Xóa bỏ hoàn toàn chế độ độc tài phát xít diệt chủng của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, thành lập chế độ cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia. Hội đồng Nhân dân Cách mạng nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia quyết lãnh đạo toàn dân.. xây dựng thành công một nước Cam-pu-chia hòa bình, độc lập,  dân chủ, trung lập, không liên kết và tiến lên chủ nghĩa xã hội''. ''Một kỷ nguyên mới trong lịch sử Cam-pu-chia - kỷ nguyên thật sự độc lập, thật sự tự do, hoàn toàn không phụ thuộc nước ngoài''2 bắt đầu.

   Thủ đô Phnôm Pênh và hầu hết các tỉnh trong nước được giải phóng. Tàn quân Pôn Pốt - Iêng Xary hỏang loạn tháo chạy về các tỉnh miền tây bắc và tây nam giáp biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Quyết không để tàn quân địch co cụm về phía tây, bắc có thời gian tổ chức lực lượng chống lại cách mạng, ngày 8 tháng 1 năm 1979, Quân đoàn 3 được lệnh dùng một lực lượng mạnh phát triển theo trục đường số 6, truy quét tàn binh, giải phóng toàn bộ các tỉnh thuộc ''quân khu tây bắc'' và ''quân khu miền tây'' cũ của địch.

   Thực hiện nhiệm vụ mới do Bộ tư lệnh Quân đoàn giao, Sư đoàn 10 và các đơn vị binh chủng có sự phối hợp của quân đội cách mạng Cam-pu-chia nhanh chóng tiến lên phía tây bắc. 12 giờ ngày 9 tháng 1, Trung đoàn 24 đánh tan 5 tiểu đoàn địch, giải phóng hoàn toàn thị xã Công Pông Thơm. Trung đoàn 66 trên đường hành tiến bất ngờ gặp một đoàn xe địch, đã khôn khéo tắt đèn, bỏ mũ, đội khăn mặt giả làm khăn rằn nghi binh, rồi diệt và bắt gọn quân địch cùng 23 chiếc xe; sau đó giải phóng thị xã Xiêm Riệt vào sáng ngày 10 tháng 1. Từ ngày 11 đến ngày 14  tháng 1, Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển tiến công theo trục đường số 5, đánh tan quân địch phòng ngự ở thị trấn Môn Lơn Bô Rây, giải phóng thị xã Bát Tam Băng, Pua Sát và đánh rộng về phía tây nam, bắt liên lạc với Quân đoàn 4 ở phía nam thị xã Pua Sát.

   Ngày 14 tháng 1 năm 1979, chiến dịch A88 của Quân đoàn 3 kết thúc thắng lợi. Trong 15 ngày đêm liên tục tiến công dũng mãnh và thần tốc, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên đã vượt chặng đường dài 600km, đập tan 5 sư đoàn địch trên mặt trận đường số 7, chọc thủng phòng tuyến Công Pông Chàm, đánh chiếm các mục tiêu ở phía tây bắc Phnôm Pênh, giải phóng 5 tỉnh: Công Pông Chàm, Công Pông Thơm, Xiêm Riệt, Bát Tam Băng, Pua Sát; đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.807 tên địch (bắt 1.759 tên), phá hủy 12 xe tăng và 59 ô tô; thu 16.799 súng các loại, 10 xe tăng, xe bọc thép, 332 ô tô, 2 máy bay vận tải, 499 máy thông tin và 25 kho; giải phóng hàng chục vạn dân, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở ở 196 phum, 5 xã; cứu đói 1.000 người và giúp đỡ hàng vạn dân trở về quê hương.

   Chiến dịch A88 là chiến dịch lớn nhất, đạt hiệu quả cao nhất của Quân đoàn 3 trong cuộc chiến tranh bản vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Thắng lợi của chiến dịch đã góp phần quan trọng vào chiến công chung vĩ đại đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ, giải phóng đất nước Cam-pu-chia trong mùa xuân lịch sử năm 1979. Từ thực tiễn chiến dịch, Quân đoàn đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật tiến công hành tiến binh chủng hợp thành, cách nắm và đánh giá địch, quán triệt nhiệm vụ xây dựng ý chí nắm vững tư tưởng tiến công, sử dụng các binh chủng trong chiến đấu và bảo đảm hậu cần - kỹ thuật trong tiến công hành tiến. Về chiến thuật, cùng với việc vận dựng sáng tạo, hiệu quả những cách đánh truyền thống, lần đầu tiên Quân đoàn thực hiện thành công hình thức tác chiến mới: tiến công vượt sông bằng sức mạnh binh chủng hợp thành. Chiến công vẻ vang và kinh nghiệm quý giá đúc rút từ chiến dịch A88 là nguồn cổ vũ mạnh mẽ và tạo đà cho cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc tế trong giai đoạn mới.




------------------------------------------------------------------
1. Hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc  cứu nước Cam-pu-chia ngày 7 tháng 1 năm 1979 (Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, số 8980 ngày 8.1.1979).

2.Tuyên bố của Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ngày 10 tháng 1 năm l979 (Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, số 8984 ngày 12 tháng 1 năm 1979).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2021, 06:51:51 am »

*

   Ngày 18 tháng 2 năm 1979, tại Phnôm Pênh, Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội  chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu- chia được ký kết; đánh dấu bước phát triển mới vô cùng quan trọng giữa hai quốc gia. Theo yêu cầu của bạn, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam vừa tham gia giải phóng đất nước Cam-pu-chia, trong đó có Quân đoàn 3, tiếp tục ở lại giúp bạn vận động quần chúng, xây dựng cơ sở và củng cố thành quả cách mạng.

   Địa bàn làm nhiệm vụ của Quân đoàn 3 thời gian này rất rộng. Sư đoàn 10 đảm nhiệm hai tỉnh (Xiêm Riệt và Bát Tam Băng). Sư đoàn 31 phụ trách toàn bộ vùng Đông sông Mê Kông, sau đó được Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cùng Sư đoàn 303 Quân khu 7 đảm nhiệm khu tứ giác Công Pông Chàm, ngã ba SKun, Công Pông Thơm và Beng Lô Via. Sư đoàn 320 đang hoạt động ở tây nam Công Pông Chàm được lệnh đi phối thuộc với Quân khu 9 truy quét địch co cụm ở phía tây nam Phnôm Pênh. Các đơn vị binh chủng hoạt động dọc trục đường số 6 từ thị xã Công Pông Chàm đến thị xã Xiêm Riệt.

   Để lãnh đạo binh đoàn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mới, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn họp đánh giá tình hình lãnh đạo trong chiến dịch A88 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Về ''Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Quân đoàn'', Thường vụ Đảng ủy xác định: ''1. Lãnh đạo truy quét toàn diện, làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại trong khu vực được phân công; 2. Ra sức tranh thủ nhân dân, giúp bạn xây dựng lực lượng cách mạng và ổn định đời sống nhân dân''.

   Những tháng đầu năm 1979, trên đất nước Chùa Tháp công cuộc hồi sinh đã diễn ra rộng khắp và phát triển từng ngày. Hàng triệu người dân được giải phóng khỏi các trại lao động khổ sai ''công xã'', như chim sổ lồng hăm hở trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Chính quyền cách mạng được thiết lập từ thành thị đến nông thôn. Lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia phát triển nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng, vừa xây dựng vừa sát cánh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Các công xưởng, nhà máy, bệnh viện, trường học, chợ búa, lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục và hoạt động trở lại. Chùa chiền lại vang tiếng mõ, tiếng chuông. Xuân Kỷ Mùi đã về với đất nước Cam-pu-chia, mùa xuân cũng trở lại trong mỗi con người, mỗi gia đình, phum sóc sau bao năm bị lũ đao phủ Pôn Pốt tước đoạt. Cùng chia sẻ niềm  vui với nhân dân, chung sức chung lòng gánh vác công việc bề bộn với bạn, cán bộ và chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng vô tư, đẩy mạnh truy quét tàn binh địch, giúp dân hồi hương, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở. Chỉ trong một tháng (15.1-15.2) các đơn vị trong Quân đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.300 tên địch, thu 2.700 súng các loại, phá hủy 12 xe tăng, xe bọc thép; tổ chức bàn giao toàn bộ kho tàng chiến lợi phẩm cho chính quyền bạn; huy động 1.854 chuyến ô tô đón trên 10 vạn dân về quê cũ làm ăn sinh sống, cứu đói và cấp cho dân 407 tấn thóc, 44 tấn gạo, 13 tấn muối; cấp thuốc chữa bệnh cho 52.800 lượt người, cấp cứu trên 1.000 ca bệnh hiểm nghèo; giúp bạn xây dựng chính quyền ở 26 xã, 578 phum, tổ chức 177 đội du kích, 13 đại đội và 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương; tuyên truyền Cương lĩnh của Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia cho 40 vạn lượt người, chiếu phim phục vụ 18 vạn lượt người xem. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn còn tiết kiệm được 400kg gạo, 300kg muối, một số đường sữa kịp thời trợ giúp những người già yếu và trẻ em trên đường hồi hương. Cảm kích, tin yêu, mến phục ''Bộ đội Cụ Hồ'' trong sáng thủy chung tình nghĩa, nhân dân các địa phương tích cực giúp đỡ bộ đội tình nguyện Việt Nam truy quét địch và làm nhiệm vụ.

   Trong không khí thi đua sôi động làm nhiệm vụ quốc tế, ngày mùng 2 Tết Kỷ Mùi, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 rất vinh dự được đón ông Chia Xim - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia cùng các vị thành viên Mặt trận và Hội đồng đến thăm, chúc Tết. Đặc biệt, ngày 2 tháng 3 năm 1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lệnh tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho các đơn vị đã có thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu, xây dựng lực lượng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có Quân đoàn 3. Phần thưởng cao quý, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta và tình cảm quý giá của lãnh đạo và nhân dân nước bạn là nguồn động viên cổ vũ lớn lao cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, để sớm được về Tổ quốc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM