Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:53:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 (1964-2005)  (Đọc 7671 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:27:25 am »

*
   

   Tuyến phòng thủ vòng ngoài ở bờ tây sông Pô Kô bị đập vỡ, đường 14 bị cắt đứt, địch ở thung lũng Đắc Tô - Tân Cảnh bị cô lập. Nắm vững thời cơ thuận lợi, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định dùng Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn 37 đặc công, Đại đội 7 xe tăng, Đại đội 53 cao xạ tự hành, Đại đội 29 B72, 4 đại đội cối và súng máy phòng không, được các cụm pháo binh chiến dịch chi viện, tiến công tiêu diệt căn cứ 42 trung tâm chỉ huy của tập đoàn phòng ngự phía bắc tỉnh Kon Tum, giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh, hoàn thành giai đoạn 1 chiến dịch.

   Căn cứ 42 nằm trên một dải đồi trọc, cách thị trấn Tân Cảnh và đường 18 khỏang 1km về phía tây nam, rộng chừng 24 héc ta, có cấu trúc hình lục giác. Bên trong có nhiều loại công sự được cấu trúc vững chắc, xung quanh có từ 8 đến 14 hàng rào kẽm gai, xen kẽ có nhiều mìn chống tăng và chống bộ binh. Khi ta tiến công, lực lượng địch ở căn cứ 42 gồm có: chỉ huy sư đoàn 22 và cố vấn Mỹ, chỉ huy trung đoàn 42, chỉ huy trung đoàn 14 thiết giáp, chỉ huy biên phòng tỉnh Kon Tum, chỉ huy ba tiểu đoàn (1, 2, 4/42), 1 đại đội bảo vệ, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh, 1 thiết đoàn (41 xe tăng, xe bọc thép), 1 tiểu đoàn pháo (10 khẩu 105, 155mm), với tổng số quân khỏang 1.500 tên, bố trí thành 13 khu. Là một cứ điểm phòng thủ mạnh, lại có nhiều cứ điểm và lực lượng xung quanh bảo vệ sẵn sàng ứng cứu, được máy bay pháo binh chi viện tối đa nên địch huênh hoang tuyên bố: ''Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới đánh được''!

   Thực hiện kế hoạch chiến đấu, trong ba ngày (21, 22, 23 tháng 4) các cụm pháo chiến dịch của Trung đoàn 40 và Trung đoàn 675 bắn phá mạnh vào căn cứ 42. Đạn pháo rơi trúng hầm chỉ huy sư đoàn 22 khi chúng đang họp, diệt một số tên; phá hủy hoàn toàn khu thông tin, đài ra đa điều khiển máy bay, nhà máy điện, phá sập 50% nhà cửa, gây hàng chục đám cháy. Hỏa lực Trung đoàn 66 và lực lượng tăng cường tham gia bắn diệt nhiều lô cốt, hỏa điểm, xe tăng, xe bọc thép trước cửa mở. Lợi dụng kết quả hỏa lực chuẩn bị, bộ binh nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa tiến công ở hướng đông (chủ yếu), tây bắc (thứ yếu) và nam (quan trọng). Xe tăng, cao xạ tự hành được hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 và công binh dẫn đường, vượt qua ngầm Đắc Ta Kan, cầu Đắc Sinh rẽ về hướng tây bắc và theo đường 14 chọc qua thị trấn Tân Cảnh tiến vào trận địa tiến công. Tranh thủ thời cơ khi xe tăng ta bất ngờ xuất hiện trong thị trấn, địch ở đây hoang mang; Tiểu đoàn 9 cùng đội công tác của tỉnh Kon Tum tiến công giải phóng Tân Cảnh lúc 4 giờ 55 phút ngày 24 tháng 4, tạo thêm thuận lợi cho các lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu phía Đông.
   
   Đúng 4 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4, trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Phùng Bá Thường ra lệnh tiến công. Lập tức, các loại hỏa lực của trung đoàn và xe tăng bắn dồn dập trong vòng 20 phút vào các mục tiêu. Căn cứ 42 chìm trong khói lửa, rung lên trong ánh chớp và tiếng nổ vang rền của đạn pháo cối. Trên các hướng tiến công, bộ binh nổ mìn định hướng và đánh bộc phá vào những hàng rào trong cùng. Hướng chủ yếu phía đông, Tiểu đoàn 7 mở thông 10 hàng rào thép gai, chỉ còn lại hàng rào cuối cùng. Bộ đội dùng tôn đặt lên để vượt qua, xung phong đánh chiếm đầu cầu. Hai xe tăng (số 328, 903) tiến thẳng vào cổng chính dùng hỏa lực diệt các mục tiêu phía trước, dẫn dắt bộ binh đánh thọc vào bên trong. 5 giờ 10 phút ta chiếm được đầu cầu, rồi đánh chiếm khu hội trường, nhà làm việc, phát triển sang sở chỉ huy trung đoàn 42. Tuy đã núng thế nhưng địch vẫn ngoan cố chống cự, dựa vào công sự và công trình kiến trúc cho bộ binh, xe tăng ngăn chặn, phản kích. Trên trời, máy bay địch gầm rú trút bom đạn xuống trận địa của ta. Giữa lúc trận đánh diễn ra ác liệt, khẩn trương tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Vượng nhảy lên nóc xe tăng 373 chỉ huy một lực lượng lao vào tiếp ứng. Khi bị thương, đồng chí vẫn nén đau tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh thọc sâu vào sở chỉ huy địch. Được 4 xe tăng dẫn dắt, 2 xe tăng và 2 cao xạ tự hành đứng bên ngoài hàng rào chi viện, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 lần lượt đánh chiếm, làm chủ các mục tiêu: tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2, khu làm việc hậu cần, kỹ thuật, chỉ huy sở trung đoàn 42, chỉ huy sở sư đoàn 22 và khu cố vấn Mỹ.

        Trên hướng thứ yếu phía tây bắc, được 3 xe tăng và 1 cao xạ tự hành do trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy, chi viện hỏa lực, Tiểu đoàn 8 đánh bộc phá mở thông 7 hàng rào, rồi dùng gỗ đặt lên nửa hàng rào trong cùng cho bộ đội vượt qua đánh vào bên trong. Bộ binh, xe tăng phối hợp nhịp nhàng đánh chiếm các mục tiêu: khu cố vấn, kỹ thuật, tiểu đoàn 4. Riêng xe tăng trên hướng này bắn diệt hỏa điểm địch trên tháp nước và 4 xe tăng, phá sập 15 lô cốt, chi viện cho bộ binh rất hiệu quả. Khi thấy ta cơ bản làm chủ căn cứ 42, theo lệnh của trên, trung đội xe tăng của Nguyễn Nhân Triển rời căn cứ tiến sang phía tây bắc phối thuộc cho Trung đoàn 1 đánh chiếm căn cứ Đắc Tô 2. Cùng thời gian này, ở hướng tiến công phía nam, Tiểu đoàn 37 đặc công do tiểu đoàn trưởng Đỗ Công Mùi chỉ huy tổ chức mở hai cửa nhưng đều không thông. Thấy phân đội đặc công gặp khó khăn, trung đoàn trưởng lệnh cho Tiểu đoàn 37 tiến theo cửa mở của Tiểu đoàn 7, đánh chiếm các mục tiêu ở phía nam cứ điểm. Được 2 xe tăng và B72 chi viện, phân đội chia làm 2 mũi kết hợp với mũi vượt rào của Đại đội 19 đánh chiếm khu kho hỗn hợp, bãi xe, trận địa pháo.

   11 giờ trưa ngày 24 tháng 4, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 42. Lá cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh do đồng chí Phan Quyết (Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum) trao cho Trung đoàn 66 trước lúc xuất quân, được Nguyễn Xuân Hòa (tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7) kéo lên phấp phới bay tại trung tâm cứ điểm. Buổi chiều, bọn chỉ huy sư đoàn 22 trốn trong hầm ngầm cũng bị tiêu diệt và bắt toàn bộ.

   Sau hơn 6 giờ tiến công, Trung đoàn 66 và các phân đội tăng cường đã xóa sổ căn cứ 42, giải phóng thị trấn Tân Cảnh; loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch (trong đó có đại tá Lê Đức Đạt sư đoàn trưởng sư đoàn 22 ngụy và tên cố vấn Mỹ), bắt 429 tên (có đại tá sư đoàn phó Vi Văn Bình), bắn rơi 8 máy bay, thu và phá hủy 100 xe các loại, 10 khẩu pháo lớn, hàng vạn viên đạn pháo và toàn bộ kho tàng, phương tiện chiến tranh trong căn cứ. Đây là lần đầu tiên ở Tây Nguyên ta dùng lực lượng hiệp đồng binh chủng mạnh tiến công một căn cứ lớn có công sự vững chắc nằm sâu trong tuyến phòng ngự cơ bản của địch, với tốc độc nhanh, giành thắng lợi trọn vẹn. Thắng lợi của trận then chốt quyết định đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc và phát triển nhảy vọt về trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực Tây Nguyên, đồng thời kết thúc giai đoạn một chiến dịch.

   Khi bộ binh và xe tăng đánh chiếm căn cứ 42 tương đối thuận lợi, khả năng làm chủ cứ điểm đã rõ rệt. Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch kịp thời ra lệnh cho pháo binh chuyển bắn vào Đắc Tô 2, chuyển thuộc 4 xe tăng và 1 cao xạ tự hành cho Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 1 trung đoàn 47 làm chủ cứ điểm lúc 11 giờ 30 phút. Trong trận đánh này, trung dội trưởng Nguyễn Nhân Triển cùng kíp xe tăng số 377 lập kỷ lục xuất sắc, diệt 7 xe tăng địch rồi anh dũng hy sinh. Cùng thời gian này, Trung đoàn 141 Sư đoàn 2 được tăng cường xe tăng tiến công làm chủ quận lỵ Đắc Tô; Trung đoàn 400 đặc công đánh chiếm Diên Bình.
   
   Căn cứ 42 bị tiêu diệt, Đắc Tô - Tân Cảnh được giải phóng đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở tây bắc Kon Tum, nhanh chóng kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt vị trí địch trong vùng. Hỏang sợ và vội vả địch rút khỏi Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, Trí Lễ; các điểm cao 1338, 966, 1062. Sở chỉ huy lữ dù 3 cũng rút khỏi Võ Định về thị xã Kon Tum. Nhưng quân tháo chạy và bọn đi đón đã bị trung đoàn 28 diệt và bắt hàng trăm tên. Trong cảnh hỗn loạn và bị địch thúc ép, hàng nghìn dân bỏ chạy khỏi Đắc Tô, Tân Cảnh theo đường 14 về phía nam. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước, chính ủy Nguyễn Đằng và trung đoàn phó Vũ Khắc Đua kịp thời bảo vệ, giúp đỡ dân tránh bom rơi đạn lạc, đưa hơn 400 người trở về khu dân cư an toàn, tổ chức cho hàng nghìn người đi thành đoàn tạo điều kiện về thị xã Kon Tum.

   Ngay khi Đắc Tô - Tân Cảnh được giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ vừa lập chiến công oanh liệt; đồng thời chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch kiên quyết khắc phục khó khăn, hết sức tranh thủ thời gian, khẩn trương cơ động lực lượng thực hiện ngay ''Nhiệm vụ trung tâm là tất cả để tranh thủ thời cơ giải phóng Kon Tum".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:32:00 am »

*

   Sau khi mất Đắc Tô - Tân Cảnh, địch co về phòng thủ thị xã Kon Tum, lập bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 23, tập trung lực lượng của sư đoàn này và liên đoàn 6 biệt động quân vừa ở Nam Bộ ra lập tuyến phòng ngự phía bắc thị xã.

        Về phía ta, tuy có thời cơ thuận lợi nhưng cũng gặp khó khăn lớn về bảo đảm đạn, gạo và cơ động bih khí kỹ thuật vì đường 50K chưa thông với đường 14 và đường 70B chưa vượt qua dãy điểm cao phía tây sông Pô Kô. Ở Sư đoàn 2, số gạo chỉ còn đủ dùng trong 2 ngày. Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương dùng một lực lượng tiến công tiêu diệt liên đoàn 6 biệt động quân ở khu vực nam Võ Định, Kon Trang Klả và các cứ diềm Kleng, Plei Kần để mở đường vận chuyển; đồng thời đẩy nhanh tốc độ làm đường, chuẩn bị vật chất, cơ động lực lượng để ngày 10 tháng 5 tiến công thị xã Kon Tum.

   Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 10 tháng 5 các trung đoàn 28, 48, 64 đánh thiệt hại nặng liên đoàn 6 biệt động quân, Tiểu đoàn 20 đặc công tập kích căn cứ 42 Biển Hồ (diệt 400 tên, phá hủy 10 pháo lớn), Trung đoàn 95 diệt 3 đại đội và đánh thiệt hại nặng 1 đại đội khác trên đường 14, Trung đoàn 52 đánh chiếm cứ điểm Kleng, xóa sổ tiểu đoàn 62 biệt động quân. Riêng Trung đoàn 66 do chủ quan khinh địch, tổ chức hiệp đồng chiến đấu thiếu chặt chẽ, cán bộ không sâu sát, báo cáo sai... nên trận đánh Plei Kần không thành công, kết quả hạn chế, ta thương vong nặng phải lủi ra củng cố.

   Lợi dụng lúc lực lượng ta phân tán đánh địch bên ngoài, giảm nhịp độ tiến công để làm công tác chuẩn bị. Địch từ trạng thái hoang mang, bấn loạn ở thị xã Kon Tum dã chuyển sang củng cố, tổ chức phòng ngự lại, tăng thêm trung đoàn 45. Ngày 11 tháng 5, tướng Ngô Du - tư lệnh quân đoàn 2 ngụy bị cách chức, tướng Nguyễn Văn Toàn lên thay cho điều chỉnh lại đội hình, tập trung sư đoàn 23 dăng thành một tuyến phòng thủ mới khá chặt chẽ ngay sát phía bắc thị xã Kon Tum. Đến ngày 13 tháng 5, địch dã bố trí xong trung đoàn 53 trên hướng bắc, đông và nam, dọc hữu ngạn sông Đắc Bla; trung đoàn 44 ở tây bắc giữ khu vực ngã ba Trung Tín - Đường Ngang trung đoàn 45 làm dự bị, giữ căn cứ Lôi Hổ.

   Trước diễn biến mới về địch, trong khi ta vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện đánh nhanh giải phóng thị xã Kon Tum. Thường vụ Đảng ủy chiến dịch quyết định điều chỉnh lại kế hoạch tiến công thị xã thành hai bước: bước một đánh địch ở vùng ven, bước hai tiến công các mục tiêu bên trong giải phóng thị xã. Lực lượng sử dụng gồm 2 sư đoàn bộ binh (320, 2), 2 trung đoàn bộ binh (28, 66), có đặc công, xe tăng, pháo binh, cao xạ... tham gia.

   Thực hiện bước một đánh địch ở vùng ven, từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 5 Trung đoàn 64 được tăng cường Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48), 1 đại đội xe tăng đánh thiệt hại nặng trung đoàn 44 ngụy ở khu vực Đường Ngang - ngã ba Trung Tâm. Trung đoàn 48 (thiếu) tiến công căn cư Lôi Hổ nhưng do chuẩn bị quá gấp nên không thành, lại bị thiệt hại nặng. Trung đoàn 28 diệt được một số đại đội của trung đoàn 53. Trung đoàn 141 diệt một đại đội địch ở Kon Tiêu và Kon Kơ Pát. Đợt tiến công nay, ta diệt được một số đại đội địch nhưng chưa thực hiện được ý định đánh tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, chưa tổ chức được trận then chốt, chưa tìm ra cách đánh hữu hiệu trước đối tượng địch phòng thủ kiểu làng mạc, luôn di động lấn dũi có máy bay pháo binh chi viện mạnh.

   Phối hợp với đợt tiến công ở ngoại vi Kon Tum, Trung đoàn 95 và Trung đoàn 24 cắt đứt con đường 14 huyết mạch đoạn Chư Pao, Chư Thoi. Địch tiếp tế cho Kon Tum chỉ còn dựa vào đường không. Để cứu nguy cho Kon Tum quân đoàn 2 ngụy huy động 2 liên đoàn biệt động quân (2, 6), 1 tiểu đoàn biệt động biên phòng, 1 trung đoàn thiết giáp tập trung pháo cối từ các trận địa ở điểm cao 738, Ninh Đức, Plei Mơ Rông, Tân Phú, Tà Bới và nhiều máy bay mở ... cuộc hành quân Bắc Bình Vương 712 do tên chuẩn tướng phó tư lệnh quân đoàn chỉ huy nhằm mở thông đường 14. Nhưng suốt 10 ngày cuối tháng 5, địch vẫn không khai thông được con đường, lại bị diệt hơn 1.000 tên (trong đó có phó tư lệnh sư đoàn 23 Tạ Đình Liên và chi đoàn  trưởng chi đoàn 3 thiết giáp Diêm Phú Hưng), 62 xe và 4 pháo 105 mm bị phá hủy, 2 kho đạn bị nổ tung.

   Nửa cuối tháng 5 mưa nhiều, tuyến vận chuyển bị địch đánh phá rất dữ dội, chiến dịch kéo dài gây cho ta nhiều khó khăn. Quân số thương vong cao, gạo chưa chuẩn bị kịp, đạn còn lại chưa đủ một cơ số. Trước tình hình khẩn trương và yêu cầu phối hợp chung, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch động viên toàn mặt trận khắc phục khó khăn, bằng mọi cách vận chuyển gạo đạn, kiên quyết tiến công địch giải phóng thị xã Kon Tum trong một thời gian tương đối ngắn. Thục hiện quyết tâm trên, đêm 24 tháng 5 cuộc tiến công và thị xã Kon Tum bắt đầu. Trên hướng đông nam và nam, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1)  cùng Đại đội 209 thị đội Kon Tum vượt sông Đắc Bla đánh vào đông nam sân bay, nam tỉnh đường rồi trụ lại đánh địch phản kích. Hướng Đông bắc, đêm 25 Trung đoàn  (Sư đoàn 2) có xe tăng phối hợp nhanh chóng đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh thọc sâu diệt sở chỉ huy trung đoàn 53 ngụy ở Ngọc Hồi, rồi phát triển đánh chiếm khu kho 41, bệnh viện dã chiến bắc biệt khu 24. Trong 2 ngày tiến công, ta chiếm được các khu Ngọc Hồi, bệnh viện dã chiến 2, kho 41, một phần khu cơ giới, hai phần ba sân bay. Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy phải di chuyển về phía nam thị xã, sở chỉ huy trung đoàn 44 lui về khu tiểu đoàn pháo 63.

   Từ ngày 26 đến ngày 28, địch tập trung bộ binh, xe tăng liên tiếp phản kích; đồng thời huy động một lực lượng lớn máy bay, pháo binh đánh phá rất dữ dội vào các khu vực ta chiếm trong thị xã. Cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng quyết liệt. Trên các hướng, bộ đội dũng cảm đánh chặn địch, tích cực tiến công chiếm được hai phần ba biệt khu 24, ba phần tư khu cơ giới... nhưng lực lượng bị tiêu hao, thiếu đạn dược, gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó Trung đoàn 64 và 52 vẫn chưa đột phá được trận địa phòng ngự địch ở ngã ba Trung Tín. Trước tình hình chiến sự diễn biến chậm chạp, Bộ tư lệnh chiến dịch đưa Trung đoàn 66 vào chiến đấu và điều chỉnh đội hình Sư đoàn 2 nhằm đẩy nhanh nhịp độ giải phóng thị xã. Trong những ngày này lực lượng vũ trang địa phương ba tỉnh Tây Nguyên tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức chiến thuật để phối hợp với bộ đội chủ lực. Ở Gia Lai, ta đánh sân bay Cù Hanh phá 3 máy bay C130, đốt cháy 70 vạn lít xăng, làm nổ tung một kho đạn lớn. Lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc tập kích căn cứ Ia Súp, phá cầu Ơi Nu và đánh lui nhiều đại đội bảo an giải tỏa. Song song với tác chiến, quân và dân các tỉnh mở thêm được nhiều vùng dân cư quanh thị xã Kon Tum khu vực Ma Rốc, buôn Phum Tra. Đặc biệt, ngày 9 tháng 6, tướng Giôn Pôn-van trưởng đoàn cố vấn Mỹ tại quân khu 2, quân đoàn 2 ngụy đi trực thăng thị sát chỉ đạo sư đoàn 23 ngày phòng thủ thị xã Kon Tum; khi bay dọc đường 14 về Plei Ku bị ta bắn rơi, chết tại khu B1 Gia Lai. Đây là viên tướng được mệnh danh là nhân vật quan trọng thứ 3 của Mỹ ở miền Nam Việt Nam sau đại sứ Bân-cơ và tướng Oét-mo-len.

   Đầu tháng 6, cuộc chiến đấu ở trong thị xã Kon Tum ngày càng gặp nhiều khó khăn. Xét thấy những điều kiện giải phóng hoàn toàn thị xã không còn nữa, đêm 5 rạng ngày 6 tháng 6, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định cho các lực lượng trong thị xã Kon Tum lui quân, chủ động kết thúc chiến dịch Bắc Tây Nguyên xuân hè 1972.

   Trải qua 68 ngày đêm chiến đấu liên tục, khẩn trương, ác liệt, mặc dù ta chưa đạt được mục đích cao nhất của chiến dịch là giải phóng thị xã Kon Tum, nhưng chiến dịch tiếncông xuân hè 1972 của quân và dân Tây Nguyên cũng đạt được thắng lợi to lớn và có ý nghĩa chiến lược. Ta đã tiêu diệt sư đoàn 22 (thiếu), đánh thiệt hại nặng sư đoàn 23 và sư  đoàn dù 2, 2 liên đoàn biệt động quân (số 2, 6) và 10 tiểu đoàn khác; loại khỏi vòng chiến đấu 27.953 tên địch, bắn rơi phá hủy phá hỏng 212 máy bay, 1.227 xe quân sự, 146 pháo cối lớn, 75 kho, 25 cầu cống, 1 dàn ra đa, đốt cháy 70 vạn lít xăng và 1 vạn tấn bom đạn; thu 3.518 súng các loại, 88 xe, 3 trực thăng, 228 vô tuyến điện, 4 tổng đài, gần 9.000 viên đạn pháo và nhiều đạn dược, quân dụng, giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum và khỏang 4 vạn dân1.

   Chiến dịch bắc Tây Nguyên năm 1972 là chiến dịch tiến công quy mô tương đương quân đoàn đầu tiên trên Chiến trường Tây Nguyên, diễn ra trong điều kiện ta còn nhiều khó khăn. Thắng lợi của chiến dịch đã làm thay đổi cục diện chiến trường, mở rộng hoàn chỉnh thêm căn cứ địa rộng lớn của cách mạng ba nước Đông Dương, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn miền Nam đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh''. Từ thực tiễn phong phú của chiến dịch, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra, nhất là nghệ thuật giập thế trận, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.




------------------------------------------------------------------
1. Các số liệu trích dẫn theo (Báo cáo thành tích của chiến dịch xuân hè 1972 Tây Nguyên'' từ 26.3 đến 4.6.1972 của Bộ tư lệnh B3, tr. 1, 2.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:34:55 am »

*

   Ngay khi chiến dịch bắc Tây Nguyên vừa kết thúc, ngày 6 và 7 tháng 6 Thường vụ Đảng ủy Chiến trường Tây Nguyên họp mở rộng nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh giá kết quả chiến dịch và đề ra chủ trương kế hoạch hoạt động trong mùa mưa năm 1972. Về tác chiến, Đảng ủy chủ trương ''tiếp tục phát triển cuộc tiến công trong mùa mưa" với trọng tâm là mở chiến dịch tổng hợp trên hướng tây nam Gia Lai.

   Thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, chủ trương của Đảng ủy chiến trường, cuối tháng 6 và dầu tháng 7 năm 1972 Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên tổ chức cho Sư đoàn 2, Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 và Trung đoàn công binh 83 hành quân về Quân khu 5; đồng thời khẩn trương điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng bảo vệ vùng giải Phóng và đánh địch ở thị xã Kon Tum, cơ động Sư đoàn 320 (thiếu) về tây nam Gia Lai mở mặt mặt trận mới. Trong hai tháng (7 và 8 ) hai trung đoàn (66, 28) cùng lực lượng pháo binh luân phiên nhau vừa chiến đấu, vừa củng cố huấn luyện. Tháng 7, Trung đoàn 66 đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của 3 trung đoàn địch (45, 44, 53) ở vùng núi Ngọc Bay, Đắc Vát, Hà Mòn, Ngọc Quăn. Tháng 8, Trung đoàn 28 liên tục tiến công đánh thiệt hại nặng trung đoàn 44 ở Non Nước và trận địa pháo ở Kon Trang Klả. 60 ngày đêm chiến đấu, hai trung đoàn và lực lượng tăng cường đã diệt và bắt gần 1.500 tên địch, thu gần 400 súng các loại, giáng một đòn mạnh vào âm mưu lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng tây bắc Kon Tum. Cùng thời gian này, Trung đoàn 24B và Trung đoàn 95 vừa tích cực đánh giao thông đường 14, bảo vệ vùng giải phóng huyện 3 và 4 Gia Lai, vừa tranh thủ thời gian củng cố, huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến. Tiểu đoàn đặc công 20 Trung đoàn 400 tập kích căn cứ 41A đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy trung đoàn 53, diệt 1 tiểu đoàn pháo, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, phá 7 pháo lớn.

   Hướng tây nam Gia Lai, tháng 7 ta thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 19 tây gồm các đồng chí lãnh đạo chỉ huy các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và chính quyền tỉnh Gia Lai. Đồng chí Phí Triệu Hàm (chính ủy Sư đoàn 320) làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Kim Tuấn (sư đoàn trưởng Sư đoàn 320) làm Tư lệnh Mặt trận. Dưới sự lãnh dạo chỉ huy trực tiếp của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 19 tây, đầu tháng 8 Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 5 đoàn 671, Tiểu đoàn 2 đoàn 470 và quân dân tây Gia Lai mở đầu chiến dịch tổng hợp bằng đòn tiến công liên tục, rộng khắp. Chỉ trong một tuần, ta đã diệt đồn Tầm, bức rút đồn Chư Phổ, làm chủ ấp Chư Bồ, cắt đứt đường 19 tây, giải phóng hơn 2.000 dân ở Thanh Giáo, Làng Dịt, mở ra một vùng giải phóng kéo dài 30km từ Thanh An đến, đông Đức Cơ. Trước nguy cơ Plei Ku bị uy hiếp từ hướng tây nam quân khu 2 quân đoàn 2 ngụy đã phải huy động sư đoàn 23 và 3 liên đoàn biệt động quân thay nhau phản kích giải tỏa, làm cho chiến sự ở tây nam Gia Lai ngày càng lan rộng và quyết liệt.

   Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển chiến tranh chính quy trên chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Được sự chuẩn y của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, ngày 20 tháng 9 năm 1972 Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 10. Hợp thành Sư đoàn là những đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang, được xây dựng chính quy trên miền Bắc, đã trải qua nhiều năm chiến đấu trưởng thành trong sự yêu thương đùm bọc và phối hợp tác chiến của lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: Trung đoàn bộ binh 66 anh hùng1, Trung đoàn bộ binh 28, Trung đoàn bộ binh 95 và 8 tiểu đoàn trực thuộc (37 đặc công, 32 pháo hỗn hợp, 41 pháo cơ giới, 30 cao xạ, 31 công binh, 26 thông tin, 25 vận tải, 24 quân y). Bộ tư lệnh và cơ quan Sư đoàn 10 được chuyển từ Bộ tư lệnh và cơ quan Mặt trận Cánh Đông trong chiến dịch xuân hè 1972. Khi thành lập, Bộ tư lệnh Sư đoàn gồm các đồng chí: sư đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Quân, chính ủy Đặng Vũ Hiệp, sư đoàn phó Hồ Đệ, phó chính ủy Lã Ngọc Châu. Chủ trì ba phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần là các đồng chí Trần Quốc Biên (tham mưu trưởng), Nguyễn Đằng (chủ nhiệm chính trị), Đặng Văn Khóat (chủ nhiệm hậu cần). Sư đoàn 10 là hình ảnh thu nhỏ của bộ đội chủ lực Tây Nguyên trong những năm đánh Mỹ, diệt ngụy vô cùng ác liệt gian khổ.

   Cùng thời gian này, Bộ tư lệnh chiến trường quyết định giải thể đoàn 400 đặc công, chuyển Tiểu đoàn 20 thành đơn vị độc lập trực thuộc B3; thành lập Trung đoàn bộ binh 25 (chủ lực tại chỗ) trên cơ sở đoàn bộ Đoàn 400 đặc công, Tiểu đoàn 5 (Đoàn 671) và Tiểu đoàn đặc công 20B; các đồng chí Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Ngãi được cử làm trung đoàn trưởng và chính ủy. Ngoài ra, Phòng Sản xuất Tiểu đoàn 12 (cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số rút từ các địa phương lên, hoạt động ở tây nam Gia Lai) cũng lần lượt ra đời và bước vào hoạt động.

   Cuối năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang tiến gần đến bước ngoặt lịch sử. Sau 18 năm xâm lược Việt Nam gặp thất bại liên tiếp, tình hình kinh tế, chính trị xã hội nước Mỹ bị tác động sâu sắc, trong khi cuộc bầu cử tổng thống đã đến gần... buộc chính quyền Ních - xơn phải chấp nhận bản dự thảo ''Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam''. Nhưng khi đã chắc chắn trúng cử lại vào Nhà Trắng, Ních-xơn lật lọng, cố tình dây dưa trì hoãn việc ký kết nhằm tranh thủ thời gian tuồn vũ khí trang bị cho ngụy quân, đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng, tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng hòng ép ta nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho chúng. Đồng thời địch ráo riết chuẩn bị kế hoạch ''tràn ngập lãnh thổ'' mở rộng địa bàn chiếm đóng trong trường hợp buộc phải ký Hiệp định Pa-ri.

   Trước tình hình khẩn trương, phức tạp đó, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho B3 phải giữ vững, hoàn chỉnh và mở rộng vùng giải phóng bắc Tây Nguyên, sẵn sàng làm địa bàn đứng chân cho Chính phủ Cách mạng lâm thời  Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tiêu diệt và làm tan rã  quân địch trong khu vực Đức Cơ, đẩy mạnh thế uy hiếp Plei Ku. Thực hiện chỉ thị trên, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên tích cực phòng giữ vùng giải phóng và đẩy mạnh tiến công trên các hướng. Ở Phía bắc, Trung đoàn 66 tiêu diệt các cứ điểm Plei Kần (12.10), Đắc Siêng (29.10), Non Nước (23.12); Trung đoàn 28 tiến công trung đoàn 53 ở Ngọc Quăn, Kon Trang Klả, sau đó cùng Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 37 chặn đánh ba trung đoàn 44, 45, 53 lấn chiếm vùng giải phóng tây bắc Kon Tum. Phía tây nam Gia Lai, Sư đoàn 320 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương giải phóng 9 làng với trên 1.000 dân từ Phú Mỹ đến Phú Nhơn, rồi cùng Trung đoàn 24 đánh bại cuộc phản kích lớn của 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo trên đường 19 tây. Tiếp đó từ tháng 12 năm 1972 đến ngày 27 tháng 1 năm 1973 quân và dân Tây Nguyên mở một đợt hoạt động mạnh trước ngày Hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, tập trung trên hướng tây nam Gia Lai và tây bắc thị xã Kon Tum; giải phóng các cứ điểm Chư Bồ, Đức Cơ, 601 Lam Sơn, loại khỏi vùng chiến đấu 4.000 tên địch, bắt 481 tên, phá hủy 290 xe quân sự, 45 pháo lớn, bắn rơi và phá 65 máy bay, thu trên 1.000 súng các loại và 173 vô tuyến điện; giải phóng 15 ấp chiến lược và khu dồn dân. Những đợt tiến công liên tiếp của ta ở Tây Nguyên cuối năm 1972 và tháng 1 năm 1973 không những tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh của địch, giành được dân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; mà còn tạo điều kiện củng cố căn cứ địa, tăng thêm thế và lực để bước sang giai đoạn cách mạng mới.




------------------------------------------------------------------
1. Trung đoàn bộ binh 66 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 19 tháng 5 năm 1972.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:36:34 am »

*

   Tuy chỉ chiếm một phần năm thời gian trung cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng giai đoạn đánh bại chiến lược ''Việt Nam hóa chiến tranh'' có ý nghĩa quyết định trực tiếp buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, rút hết quân về nước.

   Bước vào Nhà Trắng trong tình thế thất bại, Ních-xơn nặn ra một ''học thuyết'' mới phản cách mạng mang tên y và được thử nghiệm ở Việt Nam bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh''. Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược quan trọng được Mỹ, ngụy thí điểm và thực hiện chiến lược mới này từ rất sớm. Ngay từ đầu năm 1969, với một lực lượng lớn quân ngụy đã được hiện đại hóa, có quân Mỹ hỗ trợ và máy bay pháo lớn chi viện, địch mở liên tiếp ba cuộc hành quân ''Bình tây'' nhằm thí điểm ''phi Mỹ hóa'' ở Tây Nguyên. Nhưng keo đầu đọ sức với chủ lực ta tại Chư Pa, quân ngụy đã tỏ ra non kém. Âm mưu ''chia sẻ trách nhiệm'', ''thay màu da trên xác chết'' chưa thể thực hiện được, sư đoàn 4 Mỹ buộc phải tung tiếp 2 lữ đoàn cứu nguy xuống tây Kleng dể rồi bị đánh tơi tả, rút chạy thảm hại. Phát huy thắng lợi, quân và dân Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô 2 giáng đòn phủ đầu vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh''. Đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách do cuộc ''chiến tranh bóp nghẹt'' của địch gây ra, lực lượng vũ trang Tây Nguyên nêu cao ý chí quyết thắng sáng tạo, đoàn kết thống nhất, tự lực tự cường, trụ bám chiến trường, vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng căn cứ địa, vừa lật cánh về nam Tây Nguyên mở chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập giành thắng lợi giòn giã. Năm 1969, năm đầu đánh bại chiến lược ''Việt Nan hóa chiến tranh'', quân dân Tây Nguyên không chỉ đạt kỷ lục cao nhất về tốc độ mở các chiến dịch, về chất lượng diệt sinh lực và phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, mà còn vượt qua những đỉnh cao của gian nan thử thách.

   Trưởng thành trong gian khó, lớn lên qua thử thách, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đỉnh đạc chủ động bước vào các chiến dịch Đắc Siêng (1970), Ngọc Tô Ba - Ngọc Rinh Rua (1971), tiến công địch ở Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia phối hợp hiệu quả với các cuộc phản cộng chiến lược của ta ở Đông Bắc Cam-pu-chia và Đường 9 - Nam Lào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Trên đà thắng lợi, với thế và lực lớn mạnh chưa từng có, quân và dân Tây Nguyên đã mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn đầu tiên ở cao nguyên, giải phóng phần lớn tranh Kon Tum, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trong cuộc tiến công chiến lược toàn miền Nam năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận bản dự thảo ''Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam''.

   Trải qua thực tiễn chiến đấu đánh bại một bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh'' của Mỹ, ngụy ở Tây Nguyên; với tài trí thao lược của Bộ tư lệnh Chiến trường, tính chủ động linh hoạt của cơ quan mặt trận và chỉ huy các cấp, sự thông minh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm cho nghệ thuật chiến tích phát triển đến trình độ cao; vừa hoàn thiện những chiến thuật đã có, vừa sáng tạo những cách đánh mới phong phú. Trong đó, chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục được sử dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao, đồng thời bước đầu thực hiện thành công chiến thuật tiến công địch trong cứ điểm có công sự vững chắc bằng hiệp đồng binh chủng quy mô trung đoàn tăng cường - một cách đánh được vận dụng rộng rãi trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ của bộ dội chủ lực Tây Nguyên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:48:46 am »

Chương bốn
GIỮ VỮNG VÀ MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG, TÍCH LỰC, TẠO THẾ, NẮM VỮNG THỜI CƠ,
TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN TÂY NGUYÊN
(28.1.1973 - 26.3.1975)



1. Giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

   Ngày 27 tháng 1 năm 1973, tại Pa-ri thủ đô nước Cộng hòa Pháp ''Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết. Nội dung cơ bản của Hiệp định là Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và các nước khác ra khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, ba lực lượng chính trị và hai vùng kiểm soát. Hiệp định có hiệu lực từ 7 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1973.

   Hiệp định Pa-ri đánh dấu thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong suốt 18 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam bước vào giai đoạn cuối cùng với những thuận lợi chưa từng có: Mỹ đã ''cút'', ngụy cũng sẽ ''nhào''.

   Trước bước ngoặt của cách mạng và trong ngày lịch sử trọng đại này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi quân và dân cả nước ''tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà''.

   Tuy buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, cay đắng rút hết quân viễn chinh, âm thầm cuốn cờ về nước ngày 29 tháng 3 năm 1973, nhưng đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu thực hiện ''Học thuyết Ních-xơn'' duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta. Để thực hiện dã tâm đó, trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, Mỹ đã đưa thêm vào miền Nam 625 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, nhiều tàu chiến. Khi rút khỏi miền Nam, quân Mỹ để lại hầu như toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, cơ sở vật chất cho quân đội Sài Gòn. Trong năm 1973, Mỹ còn đưa thêm vào miền Nam 124 khẩu pháo,  98 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Song song với viện trợ vũ khí, để lại cố vấn quân sự, Mỹ tiếp tục duy trì một lực lượng quân sự lớn ở khu vực Đông Nam Á làm ''lực lượng răn đe''; đồng thời dùng hoạt động ngoại giao xảo quyệt nhằm hạn chế viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam.

   Có quân đông, dựa vào vũ khí Mỹ và được cố vấn Mỹ giúp đỡ, ngay trong ngày ký Hiệp định Pa-ri và liên  tục trong những ngày tiếp sau, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xua quân lấn chiếm vùng giải phóng suốt từ Cửa Việt (Quảng Trị đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện kế hoạch ''tràn ngập lãnh thổ''.

   Tại Tây Nguyên, địch tập trung binh lực lớn gồm 43 tiểu đoàn chủ lực (24 tiểu đoàn bộ binh, 11 tiểu đoàn thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo, chiếm 68% tổng số tiểu đoàn của quân đoàn 2, quân khu 2), 5 phi đoàn (chiếm 40% số máy bay của quân đoàn 2) và lực lượng địa phương (19 tiếu đoàn, 15 liên đội và một số đại đội bảo an, 144 trung đội dân vệ) 700 liên toán và 719 toán phòng vệ dân sự, 4 đại đội 16 chi và 169 phân chi cảnh sát). Tổng quân số lên tới hơn 60.000 tên. Thực hiện âm mưu và kế hoạch từ trước, sáng sớm ngày 28 tháng 1, hàng chục tiểu đoàn địch có xe tăng đi cùng và máy bay, pháo binh chi viện mạnh mở các chiến dịch ''vì dân'', ''tràn ngập lãnh thổ'' ào ạt lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở khắp ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Trọng tâm là giải tỏa và chiếm lại các khu vực trên trục quốc lộ số 14 đoạn nam Kon Tum, nam Plei ku và quốc lộ 19 đoạn đèo Măng Yang - An Khê. Trong tuần đầu thi hành Hiệp định Pa-ri và lệnh ngừng bắn, ở tây bắc Kon Tum, địch đã nống ra Đắc Rơ Cót, tây suối Đắc Le; dùng 4 đại đội bảo an và 1 chi đoàn thiết giáp tiến chiếm Plei Ta, Plei Kla, Tân Điền, đổ  bộ 1 đại đội của trung đoàn 44 xuống vùng giải phóng của ta ở Hà Mòn, Đắc Vát. Cùng lúc 9 tiểu đoàn bộ binh (80, 89, 62, 90, 72, 254, 251, 2/44, 213) và chi đoàn 1 thiết giáp (trung đoàn 8 ) liên tục phản kích dọc trục đường 14 đoạn Chư Thơi, từ cầu số 6 đến cầu số 8. Hướng tây nam Gia Lai, 3 chi đoàn thiết giáp (1, 3/21, 3/3) và tiểu đoàn 2 (trung đoàn 45), liên đội 266 bảo an đánh vào các chốt trên dường 14 nam Plei Ku, đoạn Phú Mỹ đến Mỹ Thạch; tiểu đoàn 11 biệt động quân đổ xuống Chư Quênh Dâu cách bắc làng Dịt 3km. Trên đường 19, đoạn đông đèo Măng Yang - Hà Tam, 3 tiểu đoàn bộ binh (1/41, 2/45, 95) cùng Trung đoàn 19 thiết giáp ráo riết đánh mở đường. Tại Đắc Lắc, 3 tiểu đoàn bảo an có máy bay pháo lớn chi viện lấn chiếm vùng giải phóng ở khu vực nam Buôn Hồ - bắc Đạt Lý.

   Trước tình hình diễn biến rất khẩn trương, thực  hiện chủ trượng chỉ thị của cấp trên, ngay trong tháng 1 năm 1973 Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên chủ động điều chỉnh lực lượng, bố trí lại thế trận, kịp thời chuyển các đơn vị làm nhiệm vụ tiến công trước giờ ngưng bắn sang phòng giữ các khu vực vừa giải phóng. Sáng ngày 28 tháng 1, khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các lực lượng của mặt trận đã triển khai xong thế trận bảo vệ vùng giải phóng, sẵn sàng trừng trị quân lấn chiến vi phạm Hiệp định.

   Tại vùng giải phóng Kon Tum, Trung đoàn bộ binh 24B Trường Quân chính B3, Tiểu đoàn 20 đặc công và tiểu đoàn pháo phòng không 37mm triển khai lực lượng bảo vệ các mục tiêu chính Đắc Tô, Tân Cảnh, Plei Kần và xây dựng các trận địa chốt trên dãy Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biêng, điểm cao 1015, 1038, các điểm cao phía đông Tân Cảnh. Sư đoàn bộ binh 10 bố trí 2 trung đoàn 66, 28, các phân đội hỏa lực giữ tuyến đông - tây suối Đắc Le dài hơn 20km từ Ngọc Quăn (điểm cao 751), Ngô Trang, Đắc Rơ Cót đến Ngô Thạnh, Krông, Trung Nghĩa. Tiểu đoàn 406 địa phương đứng chân ở bắc Do Lai và Tiểu đoàn 304 địa phương ở Kon Hơ Rinh tạo thêm thế trận vững chắc cho Sư đoàn 10 trên tuyến phòng giữ trực tiếp tiếp xúc với địch ở tây bắc thị xã Kon Tum. Cùng thời gian này, Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 37 đặc công và Tiểu đoàn 631 hoàn chỉnh trận địa chốt cắt giao thông đường 14 ở nam Kon Tum và bảo vệ vùng giải phóng tây nam Kon Tum - tây bắc Plei Ku.

   Trên hướng Gia Lai, Sư đoàn bộ binh 320 triển khai lực lượng trong một khu vực rộng lớn từ làng Dịt đến Đồn 30, ngã ba Phước Thiện, Đức Cơ, cùng với Tiểu đoàn 2 (đoàn 470 ở Phượng Hoàng) và Trung đoàn pháo binh 675 tạo thành thế trận vững chắc ở tây nam Plei Ku. Riêng Trung đoàn 48 (thiếu) và Tiểu đoàn 12 chốt giữ trận địa cắt đường 14 phía nam Phú Mỹ. Tiểu đoàn pháo binh 33 bảo vệ khu vực Cu Lang 3 và Làng Ó. Tiểu đoàn 2 địa phương cắt đèo Măng Yang. Tiểu đoàn 67 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 408 triển khai ở bắc ngã ba Plei Bôn. Ở Đắc Lắc, Trung đoàn bộ binh 25 giữ vùng giải phóng Buôn Hồ - Quảng Nhiêu, lập các chốt ở bắc Ia Tung, điểm cao 782, Chư Bao. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn công binh 7 đứng chân ở nam Phú Nhơn. Các binh trạm, bệnh viện, nhà trường, kho tàng, trạm xăng, đơn vị sản xuất sẵn sàng đánh địch bảo vệ khu vực được giao.

   Trong thế trận đã chuẩn bị, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích kịp thời, kiên quyết trừng trị quân địch lấn chiếm vùng giải phóng ngay từ sáng sớm ngày 28 tháng 1 năm 1973 và những ngày tiếp sau. Ở nam Kon Tum, Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 631 đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn 251 bảo an và tiểu  đoàn 80 biệt kích, diệt 492 tên, bắt 21 tên, phá hủy 4 xe, phá sập 1 cầu, thu 98 khẩu súng và 21 vô tuyến điện. Hướng nam Plei Ku, Cụm 212 (gồm Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 12) do đồng chí Nguyễn Hữu Ưng (trung đoàn phó Trung đoàn 48) và đồng chí Lý Sĩ Điểm (phó chính ủy) chỉ huy, chiến đấu liên tục suốt 14 ngày, đánh thiệt hại nặng và giam chân trung đoàn 21 thiết giáp và 4 tiểu đoàn bộ binh địch, diệt 169 tên, bắt 2 tên, phá hủy phá hỏng 39  xe tăng, xe thiết giáp (trong đó có loại xe tăng M48 mới được sử dụng lần đầu tiên ở Tây Nguyên), bắn rơi 3 máy bay, thu nhiều vũ khí. Trên các khu vực tay bắc thị xã Kon Tum, đèo Măng Yang, Chư Nghé, Buôn Hồ, Tiểu Teo..., ta đều diệt được địch, bắn rơi máy bay, phá hủy một số xe cộ, thu vũ khí.

   Tuần đầu thực hiện Hiệp định Pa-ri, quân và dân Tây Nguyên nêu cao canh giác, kiên quyết giáng trả quân địch vi phạm Hiệp định đánh 73 trận, diệt 734 tên địch, bắt 28 tên, phá hủy hàng chục xe quân sự, bắn rơi một số máy bay, tgu 145 súng các loại và 23 vô tuyến điện. Song do lực lượng ta mỏng vừa chuyển sang phòng giữ, địa bàn rộng, kinh nghiệm chống lấn dũi còn ít; trong khi quân địch tập trung đông trên từng hướng, liên tục phản kích lấn dũi dai dẳng nhiều ngày, sử dụng nhiều xe tăng, pháo binh, máy  bay... nên dần dần đánh bật được ta ở  đèo Măng Yang chiếm được các ấp Plei Ta Cha, Tân Điền, Plei Kla tây nam Kon Tum), các ấp xung quanh Quảng Nhiêu, Buôn Hđơt, Buôn Cao, Hà Lan 3 và đàn áp hai cuộc biểu tình của 1.000 người dân ở phú Quang (phú Nhơn) và Đạt Lý 1 (Đắc Lắc).

   Những hành động trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri với quy mô ngày càng mở rộng và tính chất ngày càng ác liệt đã bộc lộ rõ âm mưu đen tối và rắp tâm phá hoại hòa  bình của tập đoàn Nguyễn văn Thiệu. Máu của quân và dân Tây Nguyên vẫn tiếp tục đổ đã cảnh tỉnh những ai buông lơi cảnh giác, "xả hơi", ảo tưởng hòa bình, trông chờ kẻ địch thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định. Ngày 1 tháng 2 năm 1973, khi tiếng súng trừng trị quân lấn chiếm nổ vang khắp Tây Nguyên, tạo cuộc mít tinh trọng thể chào mừng thắng lợi của Hiệp định Pa-ri, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến trường nhắc nhở: ''Cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang Tây Nguyên nghiêm chỉnh và triệt để chấp hành mệnh lệnh của bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, luôn luôn đề cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, không ngừng phát triển lực lượng vững mạnh toàn diện làm hậu thuẫn cho nhân dân đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Pa- ri giữ gìn hòa bình... Thực tế đế quốc Mỹ và tay sai đã không nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Bộ đội ta cần phải chiến đấu, máu của đồng bào và chiến sĩ vẫn chưa ngừng chảy, chúng ta kiên trì hòa bình với thiện chí của chúng ta, nhưng chúng ta cũng kiên quyết đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm của kẻ địch, đồng thời cũng phải cảnh giác với mọi biểu hiện ảo tưởng, mất cảnh giác, mọi suy nghĩ không có lợi cho sự nghiệp cách mạng có thể xuất hiện''.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 08:53:32 am »

*

   Trong hai tháng (2 và 3 năm 1973), lợi dụng ta chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri, quân đoàn 2 quân khu 2 ngụy rút các đơn vị ở phía sau tăng cường cho các hướng lấn chiếm, tập trung giải tỏa đường giao thông và những nơi ta giải phóng trước ngày ngừng bắn có hiệu lực. Chỉ riêng trong tháng 2, địch đã mở tới 10 cuộc hành quân lấn chiếm cỡ chiến đoàn tăng cường trở lên. Các hướng An Khê - Măng Yang, đường 14 nam Plei Ku, Buôn Hồ, làng Dịt luôn có 7 tiểu đoàn bộ binh và nhiều xe tăng thiết giáp lấn chiếm giải tỏa. Các khu vực nam Phú Nhơn, Plei Bôn (Khu 3 Gia Lai), đường số 5 và tây nam thị xã Plei Ku, tây bắc thị xã Kon Tum thường xuyên có từ 3 đén 6 tiểu đoàn bộ binh được xe tăng, máy bay, pháo lớn hỗ trợ xâm lấn vùng giải phóng. Riêng khu vực đường 14 đoạn Chư Thoi, địch tập trung tới 11 tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp liên tục giảil tỏa và đánh rộng sang hai bên, nhất là hướng tây đường. Cùng với tiến công lấn dũi ở phía trước, địch dùng máy bay pháo lớn đánh phá mạnh vào các mục tiêu nằm sâu trong vùng giải phóng nhằm sát thương sinh lực, triệt hạ kho tàng, ngăn chặn các tuyến vận chuyển cơ động, phá hoại sản xuất và dân sinh. Trong tháng 2 chúng đã gây ra 1.615 vụ ném bom bắn pháo; tháng 3 bắn 43.000 viên đạn pháo các loại vào vùng giải phóng. Đặc biệt nghiêm trọng, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 2 địch ném hàng trăm quả bom và bắn hàng ngầm quả đại bác có cả đạn hóa học và khu dân cư ở ba làng Bông Mô, Bông Bim và Bông Rung (Khu 3, Gia Lai) phá hơn 100 ngôi nhà, làm cháy hơn 100 tấn thóc, giết chết 50 trâu bò. Ngoài các hoạt động trên, địch còn tổ chức móc nối nhiều cơ sở điệp ngầm ở dọc biên giới phía tây, nhất là vùng giải phóng ở trục đường 19 và 18.

   Trong vùng kiểm soát, địch tổ chức ''các chiến dịch'' ''thanh lọc'' khủng bố dân. Tháng 3 có tới 36 cuộc hành quân cảnh sát được tiến hành, tập trung đánh phá truy tróc các cơ sở của ta, đàn áp những ngươi có tư tưởng chống đối hoặc có xu hướng tán thành hòa bình, tuyên truyền Hiệp định Pa-ri không theo ý chúng. Đi đôi với các hành động quân sự, địch đẩy mạnh các hoạt động chính trị thâm độc. Nhiều tổ chức phản động mới được lập ra, như cái gọi là: ''Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình thực thi quyền tự quyết'', ''ủy ban đấu tranh chính trị'', ''ủy ban lâm thời bảo vệ quốc gia''... nhằm tập hợp bọn phản động chống phá cách mạng và lừa bịp dân chúng. Ở Đắc Lắc, Gia Lai... địch vực dậy tổ chức phun rô (FULRO)1, lập các đại đội chiến đấu, trang bị vũ khí, cung cấp tiền bạc, ráo riết hoạt động lôi kéo ép buộc đồng bào dân tộc thiểu số đi theo chống lại cách mạng. Trên khắp cao nguyên, bọn sinh viên phản động trong sinh viên, sĩ quan tâm lý len lỏi xuống tận các buôn làng, xóm ấp tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Pa-ri, vu cáo nói xấu cách mạng, gây chia rẽ kinh - Thượng, tổ chức biểu tình vu khống ta với Ủy ban quốc tế ở thị xã Kon Tum, gây ra vụ hành hung đối với phái đoàn thi hành Hiệp định của ta ở Buôn Ma Thuột. Lợi dụng thời cơ ''đục nước béo cò'', các đảng phái phản động như Quốc dân Đảng, Đại việt, Nhân xã Đảng... và những phần tử phản động đội lốt tôn giáo củng tăng cường hoạt động, mở rộng ảnh hưởng theo những ý đồ tăm tối. Những hành động quân sự và ''chiến tranh chính trị'' ráo riết thâm độc của địch ở Tây Nguyên, bộc lộ rõ âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri ngay từ đầu, tạm thời gây cho ta không ít khó khăn.

   Trước những hành động trắng trợn phá hoại Hiệp định có hệ thống và ngày càng gia tăng của địch; thực hiện chủ trương chủ động kiên quyết đánh địch xâm lấn vùng giải phóng của Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh B3, quân và dân Tây Nguyên dũng cảm đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, chinh trị, binh vận để giữ gìn hòa bình, bảo vệ vùng giải phóng. Trong hai tháng (2, 3) toàn mặt trận đã diệt 3.058 tên địch lấn chiếm, bắt 96 tên (có 9 sĩ quan), phá hủy 152 xe quân sự (có 53 xe tăng, xe thiết giáp), 10 pháo lớn, 6 kho, bắn rơi 12 máy bay , thu gần 370 khẩu súng các loại và hơn 50 vô tuyến điện; mở được 16 ấp với hơn 2.460 người dân. Song song với đòn quân sự trừng trị quân địch vi phạm Hiệp (định Pa-ri, ta đẩy mạnh tiến công về chính trị, binh địch vận và pháp lý giành nhiều kết quả. Được tuyên truyền giải thích thấy rõ chính nghĩa cách mạng và bộ mặt thật phản dân hại nước của tập đoàn cầm quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhiều lính địch mang súng chạy sang với cách mạng, có đơn vị chống lệnh hành quân không chịu lấn chiếm vùng giải phóng, hoặc báo cáo sai lên trên. Tháng 3, có 15 lính ra hàng ta và 1 đại đội, 1 trung đội chống lệnh hành quân. Do đấu tranh kiên quyết, có lý có tình, ta đã buộc chỉ huy tiểu đoàn địch ở hướng tây nam Gia Lai, tây bắc Kon Tum phải thừa nhận hành động vi phạm Hiệp định Pa-ri, chịu cam kết không lấn chiếm, không bắn pháo bừa bãi và càn quét quấy nhiễu nhân dân trong vùng, tham gia cùng ta làm nhà ''Hòa hợp'' hoặc dò gỡ mìn để dân đi lại làm ăn.

   Bên cạnh những kết quả bước đầu, trong giai đoạn này ta còn có nhiều hạn chế. Do phòng ngự mang tính thụ động, lúng túng trong cách đánh, địch đánh nơi nào ta đối phó nơi đó nên ở một số nơi địch giành được quyền chủ động. Mặc dù bộ đội chiến đấu rất dũng cảm nhưng địch vẫn mở thông được các đường 14 19 và lấn chiếm nhiều vị trí ở đông suối Đắc Le, Krông, Trung Nghĩa, Tà Rộp, Ngô Thạnh, Đắc Teng, Plei Klo (tây bắc thị xã Kon Tum). Tuy ta diệt được nhiều địch, song chưa tổ chức được những trận đánh tiêu diệt gọn, chưa giáng cho địch những đòn thật đau nên chưa cải thiện được thế trận phòng ngự.

   Đầu mùa hè năm 1973, sau khi tiểu đoàn 95 biên phòng ngụy bị ta đánh thiệt hại nặng ở tây Chư Thoi và hai tiểu đoàn 23, 62 bị trừng trị ở làng Dịt, địch buộc phản tạm hòa hoãn trên hai hướng này, để tập trung lực lượng lấn chiếm vùng giải phóng tây bắc Kon Tum. Đến cuối tháng 5, trong phạm vi Sư đoàn 10 phụ trách, quân địch đã có tới 17 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 3  tiểu đoàn pháo2. Riêng hướng tây bắc Kon Tum, 15 tiểu đoàn địch và hàng chục xe tăng, xe bọc thép, 40 khẩu pháo lớn bố trí thành thế phòng ngự liên hoàn, kéo dài từ Ngô Trang, Ngọc Bay đến Krông, Trung Nghĩa. Từ các vị trí bàn đạp vừa chiếm, địch tiếp tục xâm lấn vùng giải phóng  của ta trên toàn tuyến, tập trung vào Đắc Rơ Cót, điểm cao 674 và vùng Chư Dệt, Võ Định. Cùng với tiến công phía trước, địch dùng máy bay, đại bác đánh phá rất mạnh vào hậu phương ta. Trong tháng 5, chúng tiến hành 54 vụ oanh tạc, ném 724 quả bom, bắn 12 quả rốc két, 64 lần pháo kích bắn 8.670 quả đạn pháo cối và sử dụng 428 lượt máy bay trinh sát vùng giải phóng do Sư đoàn 10 đảm nhiệm. Phối hợp với các hoạt động quân sự, địch đẩy mạnh các thủ đoạn chiến tranh tâm lý. Lợi dụng những nơi tiếp xúc trực tiếp với ta, chúng tung bọn ''Phượng Hoàng'', ''Thiên Nga'' gái điếm mua chuộc dụ dỗ chiêu hồi, mở nhạc vàng, biểu diễn văn nghệ gieo rắc ảo tưởng hòa bình hòng lung lạc cán bộ, chiến sĩ ta.

   Để đánh bại các cuộc tiến công của địch lấn chiếm vùng giải phóng, khôi phục lại những vị trí đã mất, cải thiện thế trận phòng ngự, giữ vững vùng giải phóng tây bắc Kon Tum. Bộ tư lệnh chiến trường quyết định tập trung lực lượng của Sư đoàn 10, mở cuộc tiến công quân sự, chính trị, binh vận mạnh mẽ.

   Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6, Sư đoàn 10 tổ chức đợt một tiến công. Mở đầu đợt hoạt động, Tiểu đoàn 37 đặc công bất ngờ tập kích chiếm Trung Nghĩa - một vị trí quan trọng nằm trên đường 511, cách thị xã Kon Tum hơn 10km về phía tây, rồi vượt sông Pô Kô phối hợp với đơn vị bạn giải phóng Tà Rộp, Ngô Thạnh. Cùng lúc, Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 28 đánh chiếm các vị trí ở đông điểm cao 542 và nam Ngọc Bay; Trung đoàn 95 tiến công tiểu đoàn 251 bảo an ở khu ba làng (Plei Klo, Plei Klei, Plei Ta Cha). Sau đó các đơn vị chuyển sang phòng ngự, đánh địch phản kích. Đợt một, ta diệt 190 tên, bắt 22 tên, phá hủy 3 xe M113, sáu pháo lớn, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, thu 80 súng và 7 vô tuyến điện.

   Bị mất các vị trí quan trọng ở bờ tây suối Đắc Le và khu vực ngã ba sông Đak Bla - Pô Kô, địch ở thị xã Kon Tum bị uy hiếp mạnh. Bộ tư lệnh quân đoàn 2 ngụy vội vã huy động 11 tiểu đoàn và nhiều xe tăng, máy bay, pháo binh, giao cho sư đoàn 23 chỉ huy, mở cuộc phản kích lớn nhằm chiếm lại các vị trí vừa mất. Đội hình phản kích của địch chia làm bốn cánh. Cánh thứ nhất gồm 4 tiểu đoàn đánh vào Trung Nghĩa; cánh thứ hai có 3 tiểu đoàn đánh vào Ngô Thạnh; cánh thứ ba có 2 tiểu đoàn tiến công Ngọc Bay và điểm cao 674; cánh thứ tư gồm 3 tiểu đoàn bảo an đánh vào khu ba làng và điểm cao 675. Cuộc phản kích kéo dài từ ngày 16 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7.

   Trước diễn biến mới, Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 chủ động chuyển sang đợt hai: kiên quyết giữ vững tuyến phòng thủ Đắc Rơ Cót - Ngọc Bay - Lam Sơn và vùng mới thu hồi Krông - Trung Nghĩa - Ngô Thạnh - Plei Klo. Các đơn vị nhanh chóng được điều chỉnh theo kế hoạch chiến đấu mới, Trung đoàn 28 cơ động về phía tây suối Đắc Le sẵn sàng đánh địch.

   Trong thế trận đã chuẩn bị sẵn, từ ngày 16 tháng 6 đến ngày 15 tháng 7 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 dũng cảm chặn đánh cả 4 cánh quân địch. Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 24 đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 trung đoàn 45, diệt gần 70 tên ở khu vực đồi Tròn, điểm caơ 674 buộc địch phải rút về đông suối Đắc Le củng cố. Khi địch chiếm Trung Nghĩa, Đồi Tròn, ta kịp thời đưa Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 vào phản kích chiếm lại. Phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 24, Trung đoàn 28 cơ động Tiểu đoàn 1 và Đại đội 19 đặc công đón đánh tiểu đoàn 11 biệt động quân ở tây điểm cao 607. Tuy chỉ diệt được 32 tên, bắt 5 tên nhưng đã giáng đòn phủ đầu vào cánh quân vu hồi của địch, Phá vỡ một bước kế hoạch chiếm Ngọc Bay, Trung Nghĩa của chúng. Ở hướng nam, Tiểu đoàn 37 đặc công liên tục chặn đánh tiểu đoàn 1 trung đoàn 45 từ cầu Đắc Lếch đến Trung Nghĩa. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 63 Trung đoàn 95  đánh tiêu hao tiểu đoàn 2 trung đoàn 45 ở Ngô Thạnh. Sau đó hai tiểu đoàn 8, 9 Trung đoàn 66 chặn diệt tiểu đoàn 3 trung đoàn 47 và Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 95 đánh thiệt hại nặng đại đội 746 thám kích ở Plei Klo.

   Hơn một tháng rưỡi chiến đấu, Sư đoàn 10 đã đánh bại 2 đợt phản kích lớn của địch, khôi phục và giữ vững vùng giải phóng, đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn, diệt 905 tên, bắt 48 tên, phá hủy 9 xe tăng, xe bọc thép, 24 khẩu pháo, thu 205 súng các loại và 28 vô tuyến điện. Bên cạnh những thành tích trên, trong đợt chiến đấu này ta đánh giá địch chưa sát, nhất là về sử dụng lực lượng phản kích, mức độ ngoan cố, thủ đoạn lấn chiếm nên vận dụng cách đánh còn thiếu linh hoạt, chưa tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch, tỷ lệ thương vong cao.




-----------------------------------------------------------------
1. FULRO: viết tắt từ tiếng Pháp: "Front unifié du lutte des races opprimées (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức).

2. Trong đó 5 tiểu đoàn bộ binh và 1 chi đoàn thiết giáp chiếm giữ khu vực Kon Trang Klả, Bãi Ủi, Ngô Trang Kép, Đắc Rơ Cót, Non nước; 8 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo triển khai ở Đắc Lếch, Trung Nghĩa, Krông, điểm cao 628; 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn pháo ở phía nam thị xã Kon Tum; các tiểu đoàn biên phòng chiếm đóng các trại biệt kích Đắc Pét, Plei Mơ Rông...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 02:09:30 pm »

*

   Sau nửa năm thực hiện Hiệp định Pa-ri lợi dụng được niềm tin vào hòa bình, chờ đợi, thụ động của ta, địch liên tục phản kích khắp miền Nam. Chúng đã lấn chiếm được nhiều vùng giải phóng ở nam - bắc đường số 4, các lõm căn cứ ở Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số vùng giải phóng cũ ở Khu 5, Khu 8. Riêng ở Khu 9, ta kịp thời kiên quyết đánh trả và chủ động tiến công, nên địch đông hơn gấp năm, sáu lần vẫn không thực hiện được kế hoạch lấn chiếm.

   Trước tình hình nghiêm trọng đó, tháng 6 năm 1973 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 211, vạch ra đường lối hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, khẳng định: ''Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến tiến công''2. Về phương châm hoạt  động quân sự, Trung ương Đảng chỉ rõ: "Ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta, đánh bại các cuộc hành quân của địch lấn chiếm vùng giải phóng... Việc vận dụng phương châm trên phải gắn liền với yêu cầu giành dân và giành quyền làm chủ... nhằm giành lấy thế mạnh để thắng địch''3.

   Dưới ánh sáng Nghị quyết 21, quân và dân Tây Nguyên cùng toàn miền Nam và cả nước bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, với khí thế mới.

    Giữa mùa mưa năm 1973, Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên chỉ đạo Sư đoàn 10 vừa kiên quyết giữ tuyến phòng ngự trực tiếp tiếp xúc ở tây bắc Kon Tum, vừa luân phiên đưa lực lượng về phía sau củng cố, đồng thời giao cho Sư đoàn 320 chuẩn bị mở hướng tiến công mới ở phía tây Gia Lai, nhằm giáng một đòn đau vào nơi xuất phát các cuộc hành binh lấn chiếm của địch. Trong những ngày mưa tầm tã, tiếng súng trên hướng tây bắc Kon Tum vẫn không ngừng nổ. Những cơn mưa lớn kéo dài hàng tuần đã gây ra bao khó khăn cho người chiến sĩ giữ chốt. Hầm hào đầy nước, sạt lở, gạo, đạn ẩm mốc, quần áo luôn ướt sũng rách bươm, bùn đất ngập ngụa, bệnh lở loét hắc lào viêm nhiễm kẽ chân tay và sốt rét hoành hành, quân số chiến đấu ngày càng giảm dần. Kẻ địch cũng biết rõ, đã triệt để lợi dụng khó khăn của ta, ra sức đánh chiếm các chốt. Từ ngày 1 tháng 8 đến ngày 3 tháng 9, ba tiểu đoàn địch (1, 2/45, 2/44) liên tiếp đánh vào Trung Nghĩa, Đồi Tròn do Trung đoàn 28 chốt giữ. Cùng thời gian này nhiều đại đội địch tiến công vào tuyến phòng thủ của Trung đoàn 24 ở Đắc Rơ Cót, Ngọc Bay, điểm cao 674. Tàn bạo hơn, địch dùng máy bay, pháo cối đánh phá có tính hủy diệt trận địa ta. Chỉ riêng ngày 2 tháng 8, có tới 34 lần chiếc phản lực ném 200 quả bom các loại và pháo binh bắn hàng trăm quả đạn xuống khu vực nhỏ hẹp Trung Nghĩa, Đồi Tròn. Trong tháng 8, có 3.581 quả bom và 41.632 quả đạn pháo trút xuống Đắc Rơ Cót. Trên dải phòng ngự của ta cây cối cháy rụi, đất đá tơi vụn đỏ quạch, hố bom hố đạn chồng lên nhau. Nhưng trong hoàn cảnh cực kỳ gian khổ ác liệt: "Cây quanh mình trụi lá, đất đá hóa thành vôi", ''Cơm nắm ngày hai bữa, hớp nước cũng chia đôi"4, cán bộ, chiến sĩ càng đoàn kết thống nhất, đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau bảo vệ từng tấc đất vùng giải phóng. Mỗi khi địch tiến lên chốt, lập tức các chiến sĩ bất thần xuất hiện, kịp thời quét những đường đạn chính xác quật ngã quân thù. Có nhiều trận ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, thước đất; bộ đội phải dùng cả súng phun lửa để  phản kích. Tiêu biểu nhất là trận đánh của Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 28 giữ chốt Đồi Tròn ngày 9 tháng 8. Lợi dụng trời nắng ráo, địch dùng máy bay pháo cối đánh phá suốt một giờ, rồi cho bộ binh (tiểu đoàn 1, trung đoàn 45) dàn hàng ngang tiến lên chốt. Trên trời, nhiều chiếc máy bay A37 bổ nhào sát trận địa nhưng không ném bom. Nắm chắc thủ đoạn mới của địch, bộ đội im lặng chờ cho chúng đến thật gần. Khi tên trung đoàn phó chỉ huy cuộc tiến công hí hửng điện về cho tên sư đoàn trưởng sư đoàn 23: "chứng tôi đã chiếm được chốt của Việt Cộng!'', thì cũng là lúc các loại hỏa lực của ta đồng loạt trút bão lửa xuống đầu quân địch. Với cách đánh gần, táo bạo trong ngày 9 tháng 8 Đại đội 1 đã diệt và làm bị thương 59 tên, thu 9 súng, bắn cháy 2 xe tăng bẻ gãy cả 3 đợt phản kích của lực lượng địch đông gấp bội.

   Trên hướng tây Gia Lai, ngày 20 tháng 9 năm 1973 Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 được tăng cường Tiểu đoàn 2 đoàn 470, hai tiểu đoàn phòng không (10, 16), Tiểu đoàn công binh 17, 1 đại đội xe tăng, được Trung đoàn pháo binh 675 chi viện hỏa lực do trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung chỉ huy, bất ngờ tiến công cứ điểm Chư Nghé. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ biệt kích tiền đồn phía tây Plei Ku của địch, xóa sổ tiểu đoàn 80 biệt động biên phòng, diệt 87 tên, bắt 204 tên, thu 205 súng, 13 vô tuyến điện và 50 tấn đạn dược. Chiến thắng Chư Nghé không những mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng, bảo vệ con đường chiến lược và đường ống dẫn dầu ta đang mở qua phía tây Gia Lai vào miền Đông Nam Bộ; mà còn là lời cảnh cáo đanh thép đối với kẻ địch cố tình vi phạm Hiệp định Pa-ri. Trận Chư Nghé đã được Bộ Quốc phòng khen: ''Chuẩn bị chu đáo... thu được kết quả tốt, đạt được yêu cầu đánh nhanh, diệt gọn. Cần rút kinh nghiệm cho trận đánh sau và báo cáo về Bộ phổ biến cho các chiến trường''.

   Mất Chư Nghé, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu vội vã lên Tây Nguyên ra lệnh cho quân đoàn 2 quân khu 2 phản kích chiếm lại cứ điểm tiền tiêu quan trọng này, đồng thời trực tiếp động viên khích lệ tinh thần cho đám quân rệu rã vì triền miên xâm lấn. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 quân địch tiến theo đường 5a, 5b ra phía tây thị xã Plei Ku, một lực lượng khác phối hợp tiến theo đường 19 lấn chiếm vùng giải phóng. Trên hướng đường 5b, trung đoàn 47 chiếm lại khu vực Dê Chí làm bàn đạp đánh chiếm bản Ti Tô. Ngày 12 tháng 10, tiểu đoàn 2 trung đoàn 47 ra thay cho trung đoàn 42 ở khu vực R-S.

   Theo dõi sát mọi hành động của địch trong khu vực, nắm chắc thời cơ, Sư đoàn 320 kịp thời cho Trung đoàn 48 xuất kích bao vây tiêu diệt địch ở khu vực R-S. Ngày 13 tháng 10, bằng một trận tiến công hiệp đồng bộ   pháo - mạnh, Trung đoàn 48 đánh thiệt hại nặng và làm tan rã tiểu đoàn 2 địch, diệt và bắt gần 80 tên, thu 51 khẩu súng và nhiều đạn dược. Thắng lợi của trận đánh đã khẳng định chủ trương dụ địch vào khu quyết chiến đã chuẩn bị săn để diệt gọn từng tiểu đoàn vào cuối năm 1973 của Sư đoàn 320 là đúng đắn. Sau trận R-S 10 ngày, Sư đoàn 320 (thiếu) lại đánh một trận hiệp đồng binh chủng lần thứ hai ở khu vực này, diệt gần hết tiểu đoàn 2 (trung đoàn 40), loại khỏi vòng chiến đấu 209 tên, thu 129 súng các loại, bắn rơi 3 máy bay, đập vỡ một mắt xích quan trọng trên tuyến chốt chặn mới ở tây Plei Ku, làm phá sản một bước ý đồ đánh chiếm lại Chư Nghé, Đức Cơ của địch. Ngay khi trận đánh kết thúc, Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên đã gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 vừa lập chiến công, và coi ''đây là một trận đánh tốt, thể hiện tinh thần chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam về việc trừng trị quân địch lấn chiếm''.

   Phối hợp với Sư đoàn 320 tiến công địch ở tây Gia Lai, Tiểu đoàn 20 đặc công luồn sâu tập kích khu kho của quân đoàn 2 ngụy ở phía tây Plei Ku, phá hủy hoàn toàn 3 kho đạn 4.000 tấn, diệt 32 tên địch. Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 33 pháo ĐKB bắn vào sân bay Cù Hanh, phá hủy 5 máy bay. Bộ đội tỉnh Gia Lai tích cực đánh giao thông trên đường 19, 14, 21 và chống địch càn quét ở vùng Lệ Ngọc.

   Năm đầu thực hiện Hiệp định Pa-ri, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã kịp thời chuyển hướng từ tác chiến tiến công là chính sang phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng và từng bước làm quen với loại hình chiến đấu mới này ở chiến trường. Nêu cao truyền thống quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực các đơn vị chủ lực và địa phương đã đánh 1667 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 9.581 tên địch (diệt 9.010 tên có 69 sĩ quan, bắt 571 tên có 21 sĩ quan), phá hủy 374 xe quân sự (có 128 xe tăng, xe bọc thép), 75 pháo lớn, 19 kho bom đạn, xăng dầu, bắn rơi và phá 38 máy bay, thu 1683 súng các loại và 189 vô tuyến điện5. Thắng lợi trên mặt trận quân sự đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giữ vững và bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ địa, giữ được dân buộc địch thi hành Hiệp định Pa-ri; đồng thời ''bước đầu cải thiện việc bố trí lực lượng, duy trì được thế trận áp sát và uy hiếp địch về mặt chiến dịch'', tạo đà cho quân và dân Tây Nguyên bước sang năm 1974 với thế và lực mới.




-----------------------------------------------------------------
1. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) lần thứ 21 họp hai đợt. Đợt 1: từ 19.6 đến 6.7.1973. Đợt 2: từ 1.10 - 4.10.1973 ra nghị quyết ngày 13.10.1973

2, 3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975. Những sự kiện quân sự. Sđd tr. 289, 290, 291.

4. Ca dao trên vách chiến hào ở Đắc Rơ Cót.

5. Trích ''Báo cáo tổng kết năm 1973'' của Bộ tư lệnh B3. Trong thành tích chung năm 1973, lực lượng vũ trang ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc đánh 272 trận, diệt 1.526 tên địch, bắt 43 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy l32 xe quân sự (có 39 xe bọc thép), thu 210 súng và 10 vô tuyến điện.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 02:17:47 pm »

*

   Đầu năm 1974, binh lực địch ở Tây Nguyên còn tương đối lớn, bao gồm 2 sư đoàn bộ binh (22, 23), 5 liên đoàn biệt động quân (21, 22, 23, 24, 25), 5 trung đoàn thiết giáp, 12 tiểu đoàn pháo và 1 sư đoàn không quân, được bố tên tập trung trên hai khu vực chính. Sư đoàn 22, bốn liên đoàn biệt động quân, 4 trung đoàn thiết giáp và phần lớn pháo binh, không quân ở Gia Lai và Kon Tum; sư đoàn 23, một liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và một số phân đội pháo binh, không quân giữ Buôn Ma Thuột và Quảng Đức. Tiếp tục thực hiện âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, giành lại những vị trí đã mất và quyền chủ động trên chiến trường; giảm sức ép cho hai thị xã Plei ku và Kon Tum; trong ba tháng đầu năm 1974 quân đoàn 2 - quân khu 2 ngụy tập trung quân chủ lực và bảo an tổ chức 4 cuộc hành quân lấn chiếm, quy mô trung đoàn, sư đoàn.

   Ở đông bắc Kon Tum, hỏang sợ khi thấy đường 220 của ta xuất hiện và ngày càng vươn dài, địch vội vã đưa tiểu đoàn 2 (trung đoàn 40) chiếm Kong Kê Rơ Pô và 3 tiểu đoàn bảo an (251, 254, 280) chiếm vùng Kon Rốc, Cam Rẫy; sau đó đưa tiếp 2 tiểu đoàn (95, 62) biệt động quân ra thay, lập tuyến chốt chặn mới nhằm đánh phá ngăn ta mở đường. Hướng tây Gia Lai, sư đoàn 22, ba tiểu đoàn biệt động quân, 4 tiểu đoàn thiết giáp và 3 tiểu đoàn bảo an, đánh ra vùng Chư Nghé. Cùng lúc liên đoàn 23 biệt động quân, 3 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đoàn thiết giáp lấn chiếm vùng Lệ Ngọc, Làng Siêu, bắc Đồn Tầm. Tại Đắc Lắc, 11 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn pháo giải tỏa và ngăn chặn tuyến đường 1B của ta ở tây Bản Đôn. Cùng với các cuộc hành quân xâm lấn, địch tăng cường các hoạt động phá hoại hậu phương ta bằng phi pháo, biệt kích, gián điệp. Trong 3 tháng đầu năm 1974, chúng tung 40 toán biệt kích, sử dụng 250 lần chiếc máy bay trinh sát và 254 chiếc phản lực đánh phá vào tuyến hành lang chiến lược phía tây và vùng giải phóng. Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 11 tháng 1 địch dùng tới 92 lần chiếc máy bay đánh phá vào khu vực Đức Cơ, Đức Nghiệp, Chư Bồ; ngày 31 tháng 1 có 46 lần chiếc phản lực ném hàng trăm quả bom phá, bom bi xuống khu vực cầu Diên Bình, 32 quả bom rơi trúng thôn 2 và 3 phá hủy 13 nhà dân, làm hàng chục người chết và bị thương, trong đó gia đình ông Hiệu có 7 người đang ăn cơm đều chết hết. Trong vùng kiểm soát, địch dùng lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát tiến hành 3.700cuộc càn quét vây ráp, thanh lọc 10.000 dân, bắt đi l.250 người. Để củng cố ngụy quyền cơ sở, chứng tổ chức các ban chỉ huy phân, chi khu để điều khiển lực lương dân vệ, phòng vệ dân sự ở các ấp, xã; tiếp tục di dân từ đồng bằng lên Tây Nguyên.

   Mặc dù ra sức phản kích, nhưng quân địch đã mất quyền chủ động, phải lúng túng, bị động ứng phó. Quân tuy đông nhưng không đủ cho yêu cầu phòng giữ và lấn chiếm, buộc phải đưa 1.800 tên từ đồng bằng lên bổ sung (có 1000 tân binh, 800 lao công dân binh) và bắt lính ở Tây Nguyên được 400 tên, do vậy khả năng tác chiến và tinh thần binh lính ngày càng sa sút. Thủ đoạn chiến đấu của địch cũng không có gì mới. Khi lấn chiếm chủ yếu dùng đội hình dày đặc lấn dũi, có máy bay, pháo binh  chi viện mạnh. Lúc đánh chiếm mục tiêu chủ yếu dùng chiến thuật phân đội nhỏ, tiến công liên tục dai dẳng, kết hợp đổ bộ đường không chiếm các vị trí bàn đạp hoặc mục tiêu phía sau để tạo mũi vu hồi.

   Trước tình hình địch liên tục xâm lấn và thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh giao: ''B3 trước mắt tập trung nỗ lực tổ chức phản công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của  chúng, kiên quyết giữ vững vùng giải phóng''1, Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên chủ trương sử dụng một lực lượng đủ mạnh giữ các tuyến phòng thủ, tích cực đánh nhỏ và vừa ngăn chặn, đẩy lui địch trên hai hướng trọng điểm tây Plei Ku, Đông bắc Kon Tum; đồng thời mở thêm các hướng hoạt động mới của chủ lực trên đường 19 (đoạn An Khê) và tỉnh bộ 1 (Bản Đôn - Buôn Ma Thuột), đẩy nhanh công tác chuẩn bị tiến công cứ điểm Đắc Pét và Ya Súp hoàn chỉnh vùng giải phóng.

   Thực hiện chủ trương trên, trong 2 tháng đầu năm 1974, Sư đoàn 320 liên tục đánh nhỏ và vừa, chặn đứng cuộc hành quân phản kích tái chiếm Chư Nghé của sư đoàn 22, hai liên đoàn biệt động quân (23, 25), đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn (1/41, 3/47). Hướng Kon Tum, Sư đoàn 10 vừa giữ vững tuyến phòng ngự tây bắc, vừa kịp thời dùng Trung đoàn 28 bao vây tiến công liên tục tiểu đoàn 3 (trung đoàn 40) địch ở Kông Ke Rơ Pô (đông bắc Kon Tum), diệt 197 tên, bắt 33 tên, thu 128 súng các loại, giáng một đòn nặng vào chiến thuật ''mạng nhện'' của địch phối hợp với hướng chính, Trung đoàn 95 đánh mạnh giao thông đường 19; Tiểu đoàn 408 đặc công tỉnh Gia Lai tập kích sân bay Aréa phá hủy 3 bồn xăng, đốt cháy  54 vạn lít; lực lượng địa phương các huyện 5 (Gia Lai), 16, 80, 29 (Kon Tum) đánh địch rất hiệu quả. Riêng Trung đoàn 25 (thiếu) hoạt động ở tây Đắc Lắc, tuy kết quả chưa cao, nhưng đã buộc địch phải đưa trung đoàn 44 và 1 tiểu đoàn thiết giáp lên hỗ trợ cho Bản Đôn.

   Sau 2 tháng hoạt động, địch ở Tây Nguyên bị đẩy lùi một bước và ngày càng lâm vào thế bị động đối phó, ta giữ vững thế trận và ngày càng nắm chắc quyền chủ động chiến trường. Phát huy thắng lợi, tranh thủ thời cơ, Bộ tư lệnh Chiến trường quyết định mở một đợt tiến công mới nhằm tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng một số tiểu đoàn địch, làm thất bại một bước âm mưu lấn chiếm của chúng, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện xây dựng củng cố bồi dưỡng lực lượng ta, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng và phát triển chiến tranh du kích.

   Mở đầu đợt hoạt động, ngày 16 tháng 3 Trung đoàn 28  do trung đoàn trưởng Vũ Đình Thước chỉ huy được hỏa lực Sư đoàn 10 chi viện bất ngờ tiến công tiểu đoàn 95 biệt động quân ở điểm cao 800 đông bắc thị xã Kon Tum. Sau  25 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn điểm cao này, rồi chuyển sang truy kích và đánh chiếm các chốt của địch ở 2 điểm cao 867, 920. Trong một ngày tiến công, ta xóa sổ tiểu đoàn 95 biệt động quân, diệt 218 tên, bắt 203 tên (có tên tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó), thu 230 súng các loại, hàng trăm viên đạn súng cối và nhiều tài liệu quan  trọng. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn 28 tiến công địch trên điểm cao có công sự tương đối vững chắc bằng hiệp đồng bộ - pháo cấp trung đoàn tăng cường. Thắng lợi của trận đánh không những góp phần mở rộng khu giải phóng  đông bắc Kon Tum, bảo vệ đường 220 mà còn giải đáp một số vấn đề kỹ thuật trong cách đánh. Với chiến công xuất sắc này, Trung đoàn 28, Đại đội 10 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Được chiến thắng của Trung đoàn 28 cơ vũ, sáng 18 tháng 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 24 tập kích tiểu đoàn 62 biệt động quân ở gần cầu Kom Rẫy, diệt 72 tên địch, bắt 20 tên, thu 51 súng. Ngay chiều 18, hãng tin AFP đã đưa tin: ''Chiến sự dữ dội nhất kể từ ngày ngưng bắn nổ ra ở hai căn cứ biệt động quân cách Kon Tum 6 dặm về phía đông bắc. Quân Sài Gòn 72 chết, 111 bị thương''.

   Ngày 1 tháng 4, Đảng ủy chiến trường Tây Nguyên họp đánh giá tình hình lãnh đạo trong ba tháng đầu năm 1974, đề ra chủ trương trong thời gian tới: ''Tích cực thực hiện kế hoạch tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng ta, đánh bại hành quân lấn chiếm của địch mùa khô... trên cơ sở đó đẩy địch bị động sâu hơn nữa, phát triển quyền chủ động của ta''. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến trường quyết định cho Sư đoàn 10 chuyển sang thực hiện bước 2 của đợt hoạt động: dùng Trung đoàn 24 tiến công tiêu diệt chỉ huy tiểu đoàn 22 biệt động quân và tiểu đoàn 280 bảo an ở điểm cao 1227 Kon Rốc.

   Tuy đã chiến đấu hơn 2 năm ở chiến trường Tây Nguyên, nhưng đây là lần đầu tiên Trung đoàn 24 đánh công sự vững chắc quy mô toàn trung đoàn; vì vậy Đảng ủy Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 rất quan tâm giúp đỡ đơn vị về mọi mặt. Sư đoàn trưởng Nguyễn Đức Giá, trưởng ban pháo binh cùng nhiều cán bộ 3 cơ quan sư đoàn xuống đơn vị, ra tận trận địa kiểm tra, hướng dẫn giúp đỡ trung đoàn tổ chức, chỉ huy trận đánh. Lúc 12 giờ 55 phút ngày 2 tháng 4, phát hiện thấy địch ở Kon Rốc đang đi lại lộn xộn sau buổi ngủ trưa, mặc dù còn 5 phút nữa mới tới giờ quy định nhưng chớp thời cơ, trung đoàn trưởng Đinh Xuân La ra lệnh nổ súng. Lập tức pháo 105mm, súng cối, ĐKZ ầm ầm trút đạn vào căn cứ Kon Rốc (điểm cao 1227). Pháo binh ta bắn rất chính xác phá sập nhiều công sự đánh trúng sở chỉ huy diệt tên Thanh - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 280... làm quân địch rất hoang mang liên tục điện về tiểu khu Kon Tum kêu cứu. Sau gần hai giờ bắn phá, pháo binh ta đã phá sập trên một nửa số công sự, diệt nhiều sinh lực địch, làm tê liệt cứ điểm. 14 giờ 50 phút bộ binh trên hướng đồng loạt xung phong đánh chiếm mục tiêu. Các chiến sĩ ĐKZ, 12,7mm cũng kịp thời cơ động lên khu vực đầu cầu bắn chi viện cho bộ binh phát triển chiến đấu. Trước sức mạnh tiến công áp đảo của ta, mọi kháng cự của quân đã nhanh chóng bị đè bẹp. Hơn 15 giờ căn cứ Kon Rốc bị tiêu hoàn toàn, 116 tên địch phơi xác trên trận địa, 31 tên bị bắn hàng trăm khẩu súng bị phá hủy, 1 máy bay AD6 và 1 trực thăng bị bắn rơi. Cùng thời gian này, 2 trận địa pháo lớn địch ở Kon Kơ Pát và Kon Săm Lũ bị pháo binh ta kiềm diệt tê liệt hoàn toàn, 5 khẩu 105mm và 3 xe GMC bị phá hủy hàng chục tên địch chết và bị thương. Chiến thắng Kon Rốc đã chọc thủng "con mắt" rất lợi hại của địch ở đông bắc Kon Tum, giáng thêm một đòn mạnh vào âm mưu xâm lấn vùng giải phóng, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành mới  của cán bộ, chiến sĩ đoàn ''Trung Dũng''.

   Trên đà thắng lợi, ngày 16 tháng 5, Đoàn 2602 (gồm Trung đoàn 66, 2 tiểu đoàn pháo 41, 32 Sư đoàn 10, trung đoàn 3 Sư đoàn 3243, một lực lượng của trung đoàn pháo binh 40 và Trung đoàn phòng không 234, Đại đội 6 xe tăng Trung đoàn 273, Tiểu đoàn trinh sát 28 và 4 tiểu đoàn công binh B3) có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân hai huyện (30, 40) tỉnh Kon Tum, do đồng chí Vương Tuấn Kiệt (Tư lệnh phó Tham mưu trưởng B3) làm chỉ huy trưởng và đồng chí Lã Ngọc Châu. (chính ủy Sư đoàn 10) làm chính ủy, tiến công cụm cứ điểm Đắc Pét. Sau hơn 4 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 88 biệt động quân bị xóa sổ, 115 tên địch bị diệt, 403 tên bị bắt, 2 pháo 105mm và 2 xe ô tô bị phá hủy, 1 máy bay bị bắn rơi, 635 khẩu súng các loạt bị tịch thu, gần 3.000 dân được giải phóng khỏi ách kìm kẹp nhiều năm của địch. Cụm cứ điểm Đắc Pét bị diệt, điểm chốt cuối cùng của địch án ngự đường 14 ở bắc Kon Tum bị xóa bỏ, đường chiến lược Đông Trường Sơn được khai thông, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đẩy nhanh vận chuyển phục vụ chiến đấu và chuẩn bị cho các chiến dịch lớn vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Đắc Pét đánh dấu bước trưởng thành mới về trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực Tây Nguyên; được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh gửi điện khen ngợi. Nhiều đơn vị tham gia trận Đắc Pét được khen thưởng, trong đó Trung đoàn 66, Trung đoàn 3, Trung đoàn 40 pháo binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhât4.

   Trong khi hướng bắc Tây Nguyên chiến thắng giòn giã, ở hướng nam, các đơn vị chủ lực và địa phương cũng liên tiếp lập công. Sư đoàn 320 đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ra vùng Chư Nghé, thu hút giam chân 11 tiểu đoàn bộ binh và 3 chi đoàn thiết giáp địch, chia lửa với Sư đoàn 10, Tiếp đó, Sư đoàn 320 bí mật cơ động lực lượng lật cánh về tây nam Plei Ku, mở hướng hoạt động mới trên đường 20 và đường 21. Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, ngày 10 tháng 4, Trung đoàn 64 do trung đoàn trưởng Phạm Quang Bào chỉ huy đã bất ngờ tiến công đánh chiếm căn cứ Lệ Ngọc ở điểm cao 491 trên đường 20; rồi chuyển sang phục kích đánh quân ứng cứu giải tỏa. Trong 2 ngày chiến đấu, Trung đoàn 64 đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 67 biệt động quân và 1 đại đội xe tăng của trung đoàn 19, diệt 107 tên, bắt 36 tên, bắn cháy 9 xe tăng, thu 62 súng và 12 vô tuyến điện. Mắt xích quan trọng Lệ Ngọc trên tuyến phòng thủ phía nam quận lỵ Thanh An bị chọc thủng, buộc địch phải vội vã tăng quân đối phó ở tây nam Plei Ku, tạo điều kiện cho ta phát triển chiến đấu. Được chiến thắng Lệ Ngọc cổ vũ, trong hai ngày 15 và 16 tháng 4 Trung đoàn 48 do trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung và chính ủy Đoàn Đình Vinh chỉ huy được tăng cường hỏa lực mạnh tiến công đánh chiếm cứ điểm 711 Làng Siêu và điểm cao 601; tiêu diệt gọn tiểu đoàn 82 biệt động quân và chi đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 417 tên địch, phá hủy 17 xe M113 và 12 xe GMC, bắn rơi 6 máy bay, thu 2 pháo 105mm và nhiều đạn  dược. Trận đánh đã làm đảo lộn kế hoạch và thế bố trí của địch ở tây nam Gia Lai, làm phá sản một bước âm mưu tập trung quân tải chiếm Chư Nghé, Đức Cơ của quân đoàn quân khu 2 ngụy.

   Sau chiến thắng Lệ Ngọc, Làng Siêu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 lệnh cho trung đoàn 25 cơ động về phía tây tỉnh Đắc Lắc đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Ngày 30 tháng 5, Trung đoàn 25 dược tăng cường Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và hỏa lực do trung đoàn trưởng Trần Minh Hảo và chính ủy Nguyễn Ngãi chỉ huy tiến công cứ điểm Ya Súp nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Chỉ trong hơn 2 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 211 bảo an, trong đó có 50% là lực lượng FULRO đã bị diệt và bắt gọn, 65 tên bị giết, 60 tên bị bắt (có tên tiểu đoàn trưởng), 68 súng và 8 vô tuyến điện bị tịch thu. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao5, giành thắng lợi trọn vẹn và là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô toàn đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 25. Chiến thắng Ya Súp có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị, phá tan ách kìm kẹp của địch, giải phóng các buôn Ya Súp A, Ya Súp B, Buôn Kha, Buôn Chua với 900 người dân, hoàn chỉnh vùng giải phóng huyện 5 Đắc Lắc.

   Phối hợp với đòn tiến công mạnh của Sư đoàn 320, các đơn vị chủ lực và địa phương ở nam Tây Nguyên tích cực đánh giao thông, hậu cứ, chống lấn chiếm, càn quét. Nổi bật là trận tắp kích cứ điểm Y2 (căn cứ 261) của Tiểu đoàn 631 do tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thanh chỉ huy. Với cách đánh táo bạo, dũng cảm, chỉ trong một giờ tiến công, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm, diệt gọn 1 đại đội pháo hỗn hợp,  đại đội chỉ huy và ban chỉ huy nhẹ 1 tiểu đoàn 62; loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch, thu 52 súng các loại (trong đó có 2 pháo 155mm, 4 pháo 105mm, 3 súng cối và 4 khẩu 12,7mm), 3.600 viên đạn pháo, 1 kho gạo và 6 xe ô tô sau trận đánh, Tiểu đoàn 631 dùng súng cối 120mm tập kích hỏa lực vào tiểu đoàn 90 của địch đến giải quyết hậu quả, làm chúng tháo chạy khỏi Y2. Đây là một trận đánh xuất sắc đạt hiệu suất chiến đấu cao6, được tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba.




------------------------------------------------------------------
1. Trích điện số 21 ngày 21.1.1974 của Bộ Tổng tư lệnh gửi B3.

2. Đoàn 260 được thành lập lâm thời, giải phóng Đắc Pét xong, thì giải thể.

3. Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2.

4. Trong trận Đắc Pét, Trung đoàn 66 diệt được 10 trong số 22 mục tiêu, diệt 51 tên, bắt 264 tên địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng Trung đoàn 3 diệt 7 mục tiêu và 60 tên địch, bắt 150 tên.

5. Trận Ya Súp, ta có 2 đồng chí hy sinh, 10 đồng chí bị thương.

6. Trận Y2, Tiểu đoàn 631 có 5 đồng chí hy sinh và 33 đồng chí bị thương.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 02:55:39 pm »

*

   Mùa mưa năm 1974, địch ở Tây Nguyên đã suy yếu một bước và mất quyền chủ động. Mặc dù ra sức đôn  quân bắt lính nhưng chúng cũng chỉ bổ sung được quân số cho 7 tiểu đoàn, còn 5 tiểu đoàn bị ta đánh thiệt hại nặng (81, 82, 3/40, 3/47, 254) không sao bù đắp dược quân số hao hụt, tiểu đoàn 280 bị xóa phiên hiệu không thể phục hồi. Để tăng khả năng chiến đấu của quân chủ lực, từ tháng 7 năm 1974 các liên đoàn biệt động quân được biên chế thêm 1 đại đội pháo 105mm, các trung đoàn bộ binh cộng hòa được bổ sung một đại đội tên lửa chống tăng Tow (16- 18 ống phóng). Với quân số còn đông, lắm bom nhiều súng, quân đoàn 2 quân khu 2 ngụy tiếp tục xua quân phản kích, tập trung trên hai hướng tây bắc - bắc thị xã Kon Tum và tây - tây nam thị xã Plei  Ku, đồng thời dùng máy bay pháo lớn bắn phá liên tục vào vùng giải phóng.

   Ba tháng 7, 8 và 9 năm 1974 Quân khu 5 và Quân đoàn 22 Mở chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức và chiến dịch La Sơn. Một lực lượng của Quân khu 5 đánh mạnh trên hướng tây Quảng Ngãi và Bình Định. Để phối hợp với các chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên đẩy mạnh các hoạt động tác chiến nhằm giam chân chủ lực quân đoàn 2- quân khu 2 ngụy, không cho chúng cơ động tăng viện cho đồng bằng Khu 5.

   Chấp hành chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Chiến trường giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10 đẩy mạnh hoạt động trên hướng Kon Tum; Sư đoàn 320 vây ép đồn Plei Me, đánh viện trên đường 21 và 5a, 5b; các đơn vị chủ lực chuyên trách và lực lương vũ trang ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc tích cực đánh giao thông, kho tàng, hậu cứ địch. Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, Sư đoàn 10 kiên quyết chặn đánh 2 trung đoàn 44, 45 địch lấn chiếm vùng tây nam Kon Rốc, điểm cao 601 bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Kon Tum; đồng thời sử dụng Trung đoàn 28 tiến công tiểu đoàn 1 (trung đoàn 44) ở nam Kon Rốc. Trong 5 ngày liên tục chiến đấu, Trung đoàn 28 đã diệt và bắt 330 tên địch, thu 128 súng các loại và 17 vô tuyến điện. Chiến thắng nam Kon Rốc đã góp phần phá vỡ hệ thống phòng ngự mới của địch trên hướng đông bắc thị xã Kon Tum, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ tuyến đường 220 và thu hút giam chân một lực lượng đáng kể quân địch. Tiếp đó, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 12 tháng 10 Trung đoàn 28 (đồng chí Vũ Đình Thước làm trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Xuân Thịnh làm chính ủy và đồng chí Đỗ Công Mùi làm trung đoàn phó) được hỏa lực tăng cường, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm cụm cứ điểm Măng Đen cách thị xã Kon Tum 37km về phía đông bắc. sau 13 ngày chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm cuối cùng của địch nằm sâu trong vùng giải phóng, xóa sổ ban chỉ huy chiến thuật tiểu khu Kon Tum, ban chỉ huy chi khu Chương Nghĩa, tiểu đoàn 254; loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, phá hủy 3 kho đạn, 5 xe quân sự, thu 539 khẩu súng và hàng trăm quả đạn pháo. Chiến thắng Măng Đen đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn nối liền hai tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi, với 1.920 người dân. Điểm nổi bật của trận đánh này là ta thành lập Ban quân quản và đưa vào hoạt động kịp thời bảo vệ được tính mạng tài sản, tổ chức lại đời sống cho nhân dân và củng cố vùng mới giải phóng. Đây là nét sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức, chỉ huy chiến đấu mà các đơn vị chủ lực và địa phương ở Tây Nguyên thực hiện trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

   Trong khi Sư đoàn 10 đánh mạnh ở Kon Tum, Sư đoàn 320 cũng tích cực tiến công ở Gia Lai. Ngày 4 tháng 8, Trung đoàn 48 vận động bao vây tiến công liên tục trên đường 21, diệt gọn ban chỉ huy và 2 đại đội của tiểu đoàn 81 biệt động quân, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác, loại khỏi vòng chiến đấu 178 tên địch, thu 68 súng và 11 vô tuyến điện. Bị uy hiếp mạnh trên hướng tây nam Plei Ku, quân đoàn 2, quân khu 2 ngụy buộc phải đưa quân đi ứng cứu. Từ ngày 21 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, trung đoàn 53, trung đoàn 41 có xe tăng máy  bay pháo lớn chi viện chia  làm 2 cánh giải tỏa khu vực Plei Me. Chủ động, kiên quyết đón đánh địch, trong 2 ngày 29 và 30 tháng 8 Trung đoàn bộ binh 48 đánh vận động diệt tiểu đoàn 1 (trung đoàn 53) ở đông bắc Plei  Me, loại khỏi vòng chiến đấu 287 tên, thu 111 súng và bắn rơi 1 máy bay.

   Những tháng cuối năm 1974, Sư đoàn 320 chặn đánh và đẩy lui các cuộc hành quân lấn chiếm của liên đoàn biệt động quân 23 ở nam Thanh An, của trung đoàn 53 ở Bảo Đức, đường số 5a, 5b, làng Dịt, diệt hàng trăm tên địch,  bắn cháy nhiều xe bọc thép. Các đơn vị phòng không bảo vệ Đứa Cơ, Phước Thiện cảnh giác cao, kịp thời đánh trả hàng chục lần máy bay xâm phạm vùng trời giải phóng, bắn rơi 2 chiếc A37. Cùng thời gian này, Trung đoàn 95 đánh mạnh trên đường 19, phá hủy hàng chục xe quân sự, diệt nhiều sinh lực địch. Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai tiến công khu kho hậu cần của quân đoàn 2 ngụy ở Cơ Ti Prông, diệt 40 tên, phá hủy 2 kho, 15 xe quân sự; đánh địch ở làng Mo diệt gần 100 tên, thu 32 súng. Bộ đội tỉnh và du kích Đắc Lắc tiến công tiểu đoàn 223 thông tin của sư đoàn 23 ở khu vực làng Dam và tây bắc Cẩm Ga, diệt 50 tên, phá hủy 16 xe quân sự.

   Năm 1974, năm thứ hai thực hiện Hiệp định Pa-ri  quân và dân Tây Nguyên giành những thắng lợi quan trọng về quân sự. Toàn mặt trận đã đánh 1930 trận, tiêu diệt 5 tiểu đoàn, 16 đại đội, 24 trung đội; đánh thiệt hại nặng 5 tiểu đoàn, 8 đại đội; đánh chiếm 1 chi khu, 8 cứ điểm, 9 chốt, 2 tiền đồn, bức rút 1 chi khu; loại khỏi vòng chiến đấu 12.806 tên địch; phá hủy 842 xe quân sự (có 84 xe tăng, xe bọc thép), 65 pháo lớn, 151 kho tàng, 4 cầu, bắn rơi và phá 46 máy bay; thu 3. 893 súng các loại và 375 vô tuyến điện. Địch buộc phải co về giữ các thị xã, thị trấn, chi khu và các trục đường số 14, 19, 21 và 7. Ta không những giữ vững mà còn từng bước mở rộng vùng giải phóng; nhất là phía tây đường 14, từ cực bắc Kon Tum đến nam Đắc Lắc và nối với chiến trường Nam Bộ. Thắng lợi về mặt quân sự đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quân và dân Tây Nguyên củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng thế trận và căn cứ địa, nâng cao sức mạnh chiến đấu và tiềm lực kháng chiến để bước vào những trận đánh cuối cùng giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2021, 04:12:01 pm »

2. Tích cực, tạo thế, đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa Tây Nguyên

   Sau nhiều năm phấn đấu, đến đầu năm 1973 căn  cứ địa cách mạng ở Tây Nguyên đã tương đối rộng lớn, liên hoàn bao gồm hầu hết vùng bắc và tây tỉnh Kon Tum, tây tỉnh Gia Lai và tây bắc tỉnh Đắc Lắc. Trong  vùng giải phóng, chính quyền cách mạng đã được thành lập từ cơ sở đến huyện, tỉnh đang điều hành mọi hoạt động. Lực lượng vũ trang cách mạng gồm khối chủ lực B3 và bộ đội địa phương, dân quân du kích ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc đã lớn mạnh trưởng thành có đủ khả năng bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, là nòng cốt của chiến tranh nhân dân ở địa bàn. Kinh tế, cơ sở hạ tầng tuy còn rất khó khăn nhưng đang được củng cố xây dựng, từng bước vươn lên đảm nhiệm một phần quan trọng trong việc bảo đảm các nhu cầu xây dựng, phát triển lực lượng và nuôi quân  đánh giặc. Thế trận tiến công và phòng thủ gắn liền với địa thế rừng núi tạo cho căn cứ địa cách mạng Tây Nguyên ngày càng phát triển vững chắc. Tuy vậy, so với yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, căn cứ địa Tây Nguyên cỏn nhiều khó khăn, bất cập.

   Thấu hiểu điều đó và để giúp đỡ chiến trường Tây Nguyên giải quyết những khó khăn trước mắt, từng bước tạo thế và lực theo hướng cơ bản lâu dài, tháng 3 và tháng 4 năm 1973 Ban Bí thư Trưng ương Đảng và Quân ủy Trung ương cử đoàn cán bộ vào Tây Nguyên. Đoàn gồm các đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương (Trưởng đoàn), Nguyễn Thọ Chân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Thống nhất Trung ương, Phạm Chung - Phó Văn phòng Tr ung ương Đảng, Đinh Đức Thiện - ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và nhiều cán  bộ thuộc các cơ quan của Trung ương Đảng, Nhà nước và Bộ Tổng tư lệnh. Sau khi nghe Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên báo cáo, trực tiếp kiểm tra mọi mặt công tác của mặt trận, đoàn cán bộ của Trung ương đã truyền đạt những chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, bàn bạc nội dung kế hoạch chi viện 3 năm (1973-1975), chỉ đạo hướng dẫn  việc đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa, phát triển sản xuất, củng cố mở rộng mạng lưới giao thông vận tải... đồng thời nắm cơ sở thực tiễn cho việc quyết định mở thêm trục đường Đông Trường Sơn. Sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quân ủy Trưng ương và Bộ Tổng tư lệnh dã tạo những thuận lợi lớn và tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Tây Nguyên xây dựng căn cứ địa, củng cố hậu phương chiến lược trực tiếp cho cuộc kháng chiến trên địa bàn.

   Tiếp đó, đầu tháng 7 năm 1973 tại Hội nghị về tình hình nhiệm vụ trước mắt của chiến trường B1, B3, Bộ Tổng tư lệnh đã kết luận: ''Cần khẩn trương xây dựng và củng cố, chấn chỉnh dược một lực lượng chủ lực mạnh theo đúng tinh thần quân số chiến đấu thực tế ở các đơn vị phải đủ, đúng biên chế tổ chức. Tăng thêm sức cơ động và khả năng bảo đảm cho bộ đội, tăng sức đột phá công sự, tăng khả năng diệt cơ giới, diệt máy bay. Bảo đảm đồng bộ cân đối giữa các binh chủng''. Tổng quân số của chiến trường Tây Nguyên khỏang 4 vạn người.

   Trong 2 năm (1973-1974) Chiến trường Tây Nguyên được bổ sung một lực lượng quân số, vũ khí trang bị và vật chất hậu cần từ hậu phương lớn miền Bắc, bao gồm: 18.831 cán bộ, chiến sĩ, gần 300 xe ô tô và 34.224 tấn vật chất các loại. Về đơn vị được bổ sung gọn 2 trung đoàn pháo phòng không cơ giới 234 và 593, một  tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin dây trần, 1 tiểu đoàn vận tải ô tô và một số phân đội bảo đảm, kỹ thuật. Nhiều đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị và Tổng cục Hậu cần được cử vào Tây Nguyên giúp đỡ Bộ tư lệnh Chiến trường chỉ đạo tổ chức và các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ.

   Được sự chi viện của trên, để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng có quy mô ngày càng lớn ở Tây Nguyên, ngày 3 tháng 2 năm 1973, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến trường quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 273. Trong biên chế của Trung đoàn có ban chỉ huy, 3 cơ quan, 3 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp và một số phân đội bảo đảm phục vụ. Ban chỉ huy Trung đoàn 273 gồm các đồng chí: Lê Ngọ (trung đoàn trưởng), Mai Sinh Giá (chính ủy), Đỗ Phùng (trung đoàn phó), Vũ Đình Tư (phó chính ủy). Sự ra đời trung đoàn xe tăng đầu tiên và xuất hiện các trung đoàn phòng không cơ giới ở Tây Nguyên đã tạo sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn, đánh dấu buộc phát triển vượt bậc của khối chủ lực cơ động trên chiến trường. Tiếp đó các đơn vị: Trung đoàn bộ binh 261, trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn 29 thông, Tiểu đoàn pháo Đ74, Đoàn vận chuyển đường sông, xưởng Quân giới Z61 lần lượt ra đời; Đoà 671 được tổ chức biên chế lại, Đoàn 670 giải thể, Tiểu đoàn 12 độc lập chuyển cho Tỉnh đội Gia Lai, Trung đoàn 95 tách khỏi Sư đoàn 10 thành đơn vị độc lập trực thuộc B3, hai sư đoàn bộ binh (320,10) được tăng thêm lực lượng pháo phòng không và pháo mặt đất xe kéo.

   Thực hiện nghị quyết tháng 4 năm 1974 của Quân ủy Trung ương và chủ động xây dựng khối chủ lực Tây Nguyên theo hướng binh đoàn chủ lực, tháng 8 năm 1974, Bộ tư lệnh chiến trường tiến hành tổ chức biên chế lại các đơn vị chủ lực theo hướng tăng cường hỏa lực, sức cơ động và quân số trực tiếp chiến đấu, giảm nhẹ thành phần phục vụ, thu gọn các đầu mối. Theo đó quân số chiến đấu tăng lên 5,48% (so với năm 1973), riêng bộ binh tăng 6,08%. Hai sư đoàn bộ binh 10, 320 được tăng cường thêm một trung đoàn pháo binh hỗn hợp. Các trung đoàn bộ binh, pháo binh, xe tăng, phòng không, đặc công, công binh, thông tin đều có đủ 3 tiểu đoàn. Các trường: Quân sự địa phương, Quân chính B3, Quân y B3, Trường Văn hóa thiếu nhi cũng được chấn chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Cuối năm 1974, khối chủ lực B3 đã lớn mạnh vượt bậc, bao gồm: Bộ tư lệnh và 3 cơ quan mặt trận, 2 sư đoàn bộ binh (10, 320), 2 trung đoàn bộ binh độc lập (95, 25), 1 trung đoàn đặc công (198), 1 trung đoàn xe tăng (273), 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 2 trung đoàn phòng không (234, 593), 1 trung đoàn công binh (7), 1 trung đoàn thông tin (29), 4 trưởng, 3 binh trạm, 2 đoàn sản xuất và các bệnh viện, đội điều trị, xưởng trạm... với tổng quân số 47.400 cán bộ, chiến sĩ. Vũ khí trang bị gồm trên 50 xe tăng, xe bọc thép, 381 xe ô tô, gần 100 khẩu pháo xe kéo, ĐKB, H12, hơn 250 súng cối và ĐKZ, 110 khẩu pháo phòng không xe kéo, trên 250 súng máy phòng không, hàng vạn súng bộ binh, hàng trăm máy thông tin và 1.600km dây diện thoại. Khối chủ lực Tây  Nguyên đã lớn mạnh hơn hẳn, tạo thế trực tiếp uy hiếp quân đoàn 2- quân khu 2 ngụy, chuẩn bị cho việc chính thức thành lập Quân đoàn 3 vào mùa xuân năm 1975.

   Bên cạnh khối chủ lực mạnh, lực lượng vũ trang địa phương ba tỉnh Tây Nguyên cũng có bước phát triển mới. Tháng 4 năm 1973, Thường vụ Đảng ủy chiến trường Tây Nguyên ra nghị quyết xác định 6 nhiệm vụ2 của lực lượng vũ trang địa phương và phương hướng xây dựng: ''Phải ra sức phát triển dân quân du kích rộng, mạnh, đều khắp thành một lực lượng vũ trang mạnh của quần chúng, nằm trong quần chúng; đồng thời xây dựng bộ đội địa phương gọn, sắt, tinh nhuệ, vừa trang bị tương đối hiện đại vừa tận dụng vũ khí thô sơ để các lực lượng vũ trang địa phương thực sự là nòng cốt đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân trên các địa phương, từng bước nâng cao sức mạnh chiến đấu làm cho bộ đội địa phương và du kích của ta đủ sức đánh bại các cuộc hành quân của ngụy trong phạm vi địa phương''3. Tiếp đó, tháng 6 năm 1973 Bộ tư lệnh chiến trường đã xây dựng phương án tổ chức biên chế ba tỉnh đội Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc.

Nắm vững phương hướng xây dựng và được Bộ tư lệnh chiến trường trực tiếp chỉ đạo, lực lượng vũ trang địa phương ở Tây Nguyên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ba tỉnh đội Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc đã có 6 tiểu đoàn, 36 đại đội, 5 trung đội, 5 đội công tác vũ trang tuyên truyền với tổng quân số gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ.Các đại đội trực thuộc tỉnh đội có từ 120 đến 200 người; các đại đội ở huyện có từ 14 đến 60 người. Lực lượng du kích có 14.767 người chiếm 11,8% tổng số dân trong vùng giải phóng, trong đó có 16,7% là nữ du kích, 3% là lão du kích, 9,5% là du kích thiếu nhi và 2% là du kích mật. Với lực lương khá đông, quen thuộc địa bàn đối tượng tác chiến, được huấn luyện khá chu đáo, trang bị khá mạnh, các lực lượng vũ trang địa phương kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận tích cực vận động quần chúng... đã dựng lên bức tường sắt giữ vai trò nòng cốt đánh bại quân địch xâm lấn các làng buôn, thôn xã, tích cực phối hợp với chủ lục trong các trận đánh lớn, các đợt hoạt động.

   Quán triệt chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu: ''Khối chủ lực Tây Nguyên phải đạt trình độ thành thạo tác chiến binh chủng hợp thành, bảo đảm tiến công tiêu diệt phá vỡ hệ thống phòng ngự công sự vững chắc của địch q uy mô sư đoàn hoặc sư đoàn tăng cường có xe tăng, pháo binh và không quân chi viện... bảo đảm tiêu diệt trong vận động các chiến đoàn, binh đoàn của địch, nhanh chóng phát triển khi có thời cơ''4; trong 2 năm 1973, 1974 Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung mọi nỗ lực cho công tác huấn luyện nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, để chuẩn bị cho những nhiệm vụ lớn sau này.

   Mặc dù các đơn vị phải luân phiên tham gia chiến đấu bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, nhưng mặt trận vẫn cơ bản hoàn thành những nội dung thiết yếu trong kế hoạch huấn luyện hàng năm. Xác định rõ cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là trung tâm của công tác huấn luyện. Năm 1973, Bộ tư lệnh và ba cơ  quan mặt trận đã từ chức tập huấn bồi dưỡng cho 7.517 lượt cán bộ (thời gian từ 15 đến 45 ngày), mở 4 lớp tập huấn được 174 lượt cán bộ trung đoàn và tỉnh đội trở lên, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 750 lượt trợ lý chủ chốt. Các sư đoàn, trung đoàn tổ chức tập huấn hai vòng cho 3.644 lượt cán bộ trung - sơ cấp. Trường Quân chính bồi dưỡng được 143 cán bộ khung và giáo viên, đào tạo hàng trăm cán bộ phân đội cho các đơn vị trong toàn mặt trận. Trường Quân sự địa phương đào tạo bổ túc hàng chục cán bộ cho ba tỉnh đội Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Trường Văn hóa thiếu nhi tiếp nhận và huấn luyện cho 818 học sinh. Tổng số cán bộ toàn mặt trận được tập huấn bồi dưỡng trong năm 1973 đạt 90%. Năm 1974 công tác huấn luyện cán bộ tăng lên về thời gian, phong phú về nội dung, tương đối cơ bản, hệ thống và toàn diện, Cán bộ trung cao cấp tập trung nghiên cứu, tập bốn nội dung: đánh công sự vững.chắc, đánh địch  trong thị xã thị trấn, đánh cắt giao thông, đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng; đi sâu vào chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc bằng hiệp động binh chủng, vận động bao vây tiến công liên tục, vận động tiến công kết hợp chốt; ngoài ra còn được nghiên cứu kinh nghiệm tổng kết chiến dịch, các hoạt động và một số trận đánh tiêu biểu. Cán bộ sơ cấp được huấn luyện một số chiến thuật, kỹ thuật chủ yếu, trọng tâm là mũi đột phá, phân đội mở cửa đánh chiếm đầu cầu, đánh công sự vững chắc, làm giáo án, phương pháp huấn luyện phân đội, điều lệnh kỷ luật và nghiên cứu một số trận đánh. Cán bộ binh không được bồi dưỡng về chiến thuật, kỹ thuật,  phương pháp huấn luyện chuyên ngành. Công tác huấn luyện chiến sĩ tương đối toàn diện, đi sâu vào các nội dung kỹ thuật bộ binh và chuyên ngành; chiến thuật cá nhân, tổ, tiểu đội trong một số hình thức chiến thuật cơ bản, trong mở cửa đánh chiếm đầu cầu và phát triển vào mục tiêu bên trong. Nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, thời kỳ này Bộ tư lệnh chiến trường còn tổ chức tổng kết 8 năm đánh Mỹ ở Tây Nguyên, tổng kết chiến thuật từ cấp đại đội trở lên và tổng kết một số chiến dịch, kịp thời rút ra những kinh nghiệm quý phục vụ công tác huấn luyện, giáo dục bộ đội.

   Do có kế hoạch, nội dung huấn luyện sát đúng từng đối tượng, thường xuyên quản lý chặt chẽ, cải tiến phương pháp, lấy thực tiễn chiến đấu công tác để kiểm nghiệm…nên kết quả huấn luyện ngày càng tiến bộ. Qua huấn luyện bồi dưỡng tập huấn, cán bộ các cấp đã quán triệt ngày càng sâu đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nắm vững các nguyên tắc chỉ đạo tác chiến, nâng cao một bước trình độ tổ chức chỉ huy thực hành chiến đấu, huấn luyện và quản lý đơn vị. Chiến sĩ nắm vững về kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, trong đội hình phân đội, nhất là tác chiến hiệp đồng binh chủng. Có nhiều đơn vị huấn luyện tốt như Trung đoàn 28, Trung đoàn 66, Trung đoàn 25, Trung đoàn 675, Trung đoàn 234... Kết quả kiểm tra nội dung bắn B40 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 25 đạt 100% yêu cầu, có 57,4% khá giỏi; kiểm tra pháo thủ của Trung đoàn 675 đạt 100% yêu cầu có 53% khá giỏi; kiểm tra 15 đồng chí trinh sát kế toán của Trung đoàn 40 đều đạt 100% yêu cầu, có 80% khá giỏi. Các đơn vị: Tiểu đoàn 37, Tiểu đoàn 63 Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 28 đạt kết quả cao trong huấn luyện chiến thuật. Những thành  tích toàn diện trong huấn luyện bộ đội và xây dựng chính quy nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Tây Nguyên, trong điều kiện luôn phải luân phiên chiến đấu là sự cố gắng cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp và mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đây là cơ sở để bảo đảm chiến đấu thắng lợi và tạo điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ khác.




-----------------------------------------------------------------
1. Trung đoàn bộ binh 26 thành lập được một thời gian ngắn, giải thể ngày 29.11.1973.

2. Sáu nhiệm vụ: đánh bại một bước quan trọng kế hoạch bình định, đánh bại hành quân lấn chiếm của địch, làm công tác binh vận, củng cố phát triển lực lượng, tham gia xây dựng căn cứ địa vùng giải phóng, sản xuất tự túc.

3. Nghị quyết Thường vụ Đảng  ủy B3 tháng 5.1974, tr. 19.

4. Trích điện số 1016 ngày 28.11.1973 của Bộ Tổng tham mưu gửi Bộ tư lệnh B3.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM