Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:35:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 (1964-2005)  (Đọc 7484 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 03:29:44 pm »

LỊCH SỬ BỘ ĐỘI CHỦ LỰC MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN - QUÂN ĐOÀN 3
(1964 - 2005)



NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Hà Nội - 2005

Nguồn: Sưu tầm



*Chỉ đạo nội dung:

THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY VÀ BỘ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 3

- Thiếu tướng, Tiến sĩ PHẠM XUÂN HÙNG
Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn.





"QUYẾT THẮNG, SÁNG TẠO, ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT, NGHIÊM TÚC, TỰ LỰC"





LỜI GIỚI THIỆU


   Tây Nguyên - địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước. Do vị trí chiến lược của nó, nên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên sớm hình thành khối chủ lực tập trung mạnh.

   Được sự giúp đỡ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, bộ đội chủ lực Tây Nguyên đã lập nên chiến thắng Plei Me. Những chiến thắng Sa Thầy, Đắc Tô, Đắc Xiêng, Ngọc Rinh Rua, Đắc Tô - Tân Cảnh không chỉ đánh dấu chặng đường phát triển, trưởng thành của bộ đội chủ lực Tây Nguyên mà còn là những mốc son về sự sáng tạo của các hình thức chiến thuật để nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội ta.

   Quân và dân Tây Nguyên qua nhiều năm chiến đấu đã tạo nên một trong những điều kiện để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Trận mở màn Buôn Ma Thuột thắng lợi đã đẩy địch vào thế bị động, rút bỏ Tây Nguyên. Ta phát triển tiến công đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

   Ngày 26 tháng 3 năm 1975, toàn bộ khối chủ lực Tây Nguyên chuyển thành Quân đoàn 3. Quân đoàn 3 vừa được thành lập đã nhanh chóng bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên hướng chủ yếu của chiến dịch, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, cùng đơn vị bạn đánh chiếm và làm chủ Bộ tổng tham mưu Quân ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

   Kế tục và phát huy truyền thống bộ đội chủ lực Tây Nguyên, khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã lập nên những kỳ tích mới. Quân đoàn 3 trở lại địa bàn nơi đã sinh ra, cùng nhân dân các dân tộc địa phương xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, văn hóa xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng một vùng đất chiến lược của Tổ quốc.

   Tôi hoan nghênh chủ trương của Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 về việc biên soạn cuốn Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 (1964-2005).

   Nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Quân Đoàn 3, tôi chúc cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Quân đoàn tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống vẻ vang của Quân đoàn: ''Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực", xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
.

Ngày 15 tháng 11 năm 2004
Đại tướng CHU HUY MÂN
                     
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 03:35:22 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


   Trước yêu cầu cấp thiết phát triển chiến tranh cách mạng trên chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 1 tháng 5 năm 1964 Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, lấy phiên hiệu là chiến trường B3. Ngay sau khi Tây Nguyên được giải phóng, sứ mệnh lịch sử của B3 hoàn thành, ngày 26 tháng 3 năm 1975 Quân Đoàn 3 - Binh Đoàn Tây Nguyên ra đời trên cơ sở khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên chuyển gọn thành.

   Như vậy, kể cả giai đoạn tiền thân của mình, đến đầu năm 2005, lịch sử Quân Đoàn đã được hơn 40 năm. Trong suốt chặng đường chiến đấu và xây dựng gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt đó, được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân Đoàn đã cùng quân dân Tây Nguyên và cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây nên truyền thống: "Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực''. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, những năm xây dựng trong hòa bình, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, Quân đoàn lại lập nên những kỳ tích mới. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Quân Đoàn 3 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

   Chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương ''Về đẩy mạnh nghiên cứu phát huy vai trị của khoa học lịch sử Quân sự trong thời kỳ mới'', để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã, đang công tác tại Quân Đoàn và đồng bào đồng chí đã cưu mang đùm bọc trong hơn 40 năm qua; nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Binh Đoàn Tây Nguyên, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân Đoàn chỉ đạo tổ chức biên soạn: "Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, Quân Đoàn 3 (1964 - 2005)". Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng việc tái hiện lại một cách hệ thống, tương đối toàn diện lịch sử Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 từ ngày thành lập đến nay là rất khó khăn, nên cuốn sách không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý phê bình và bổ sung tư liệu của cán bộ, chiến sĩ và bạn đọc gần xa, để khi có điều kiện tái bản cuốn lịch sử sẽ hoàn thiện hơn.

   Nhân dịp cuốn "Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, Quân đoàn 3 (1964-2005)'' được xuất bản, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, các cơ quan, đơn vị, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên (B3) - Quân đoàn 3 qua các thời kỳ... để cuốn sách bảo đảm chất lượng và sớm ra mắt bạn đọc.


THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY
VÀ BỘ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 3
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 03:50:14 pm »

Chương một
SINH RA TỪ TÂY NGUYÊN BẤT KHUẤT


   
   1. Tây Nguyên: vùng đất, con người, địa bàn chiến lược, truyền thống lịch sử.

   Tây Nguyên - nơi ra đời Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 là vùng cao nguyên rộng lớn ở miền tây Nam Trung Bộ, bắt đầu từ vĩ độ 15o 27' 15'' (huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum) đến 11o vĩ độ bắc (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), chiều rộng từ 107o đến 109o kinh Đông. Phía bắc giáp với tỉnh Quảng Nam, phía nam nối liền với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ, phía tây giáp hai nước Lào và Cam-pu-chia với một đường biên giới chung khoảng 700km. Hiện nay, Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng; có diện tích 55.568,9 km2, dân số 4.445.403 người 1. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Nguyên có các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức và Quảng Đức. Phạm vi chiến trường Tây Nguyên gồm ba tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc (kể cả Phú Bổn) có diện tích khỏang 36.000 km2.

   Địa hình Tây Nguyên chủ yếu là rừng núi và cao Nguyên, xen kẽ là những thung lũng. Núi ở Tây Nguyên không phải là một dải liên tục liền nhau, mà tạo thành những khối phân cắt. Phần bắc Tây Nguyên thuộc tỉnh Kon Tum có nhiều núi cao rừng rậm, phân bổ tập trung ở phía bắc và Đông bắc, chiếm hai phần năm diện tích toàn tỉnh. Cao nhất là núi Ngọc Linh (2.598m), thấp dần về hai phía Tây nam (có các dãy Ngọc Kring 2.025m, Ngọc Rinh Rua, Chư Mom Ray) và Đông nam (Ngọc Ni Ay: 2259m). Từ phía bắc tỉnh Gia Lai chỉ còn một số dãy núi cao trên 1.000m như: Kon Ka Kinh (1.761m), He Reng (1.045m), Chư Nâm (1.484m), Chư Jor (1.402m) ở bắc và Đông bắc; Kông Mroui (1.251m), Kông Kbang (1.046m) ở phía Đông và Chư Gol (1.465m), Chư Ta Kom (1.262m) ở phía Tây bắc. Vùng trung Tây Nguyên từ nam tỉnh Gia Lai đến phía bắc tỉnh Đắc Lắc không có ngọn núi nào cao đáng kể. Vùng phía nam Tây Nguyên, từ nam tỉnh Đắc Lắc đến Lâm Đồng lại có nhiều dãy núi lớn vĩ độ cao trên dưới 2.000m như Chư Yang Sin (2.442m), Chư Năng Ộp (1.821m), Chư Yên Du (2.075m), Ri Đúp (2.287m), Lang BLan (2.167m), Be Nom Đan Se Na (1.931m) rồi thấp dần về cao nguyên Lâm Viên, Lâm Đồng.

   Chiếm một phần lớn diện tích của Tây Nguyên là các cao nguyên, có độ cao từ 400m đến trên 1.000m, trải ra như những bậc thềm cao thấp kề nhau, sườn phía Đông dốc đứng, sườn phía tây nghiêng thoai thỏai về phía sông Mê Kông. Thứ tự từ bắc vào nam là: cao nguyên Kon Plong (nằm giữa hai dãy núi An Khê và Ngọc Lĩnh, có độ cao 1.100m - 1.300m), cao nguyên Kon Tum (cao trung bình 500 - 600m), cao nguyên Plei Ku (rộng 4.500 km2), cao nguyên Đắc Lắc (cao trung bình 500m - 600m), cao nguyên Lang Bi Ang (Lâm Viên, rộng 1.500 km2, cao trung bình 1.500m), cao nguyên Di Linh (cao trung bình 500m - 600m). Trên mặt đất tương đối bằng và xiên dốc của các cao nguyên, đột xuất nổi lên một số núi có giá trị khống chế các khu vực xung quanh như Chư He Peng (1.045m) ở Kon Tum, Chư Hơ Drông (Hàm Rồng, 1.028m) ở tây nam Plei Ku, Chư Đlếc (803m) ở Buôn Hồ, Chư Pao Chư Minh ở Bản Đôn. Che phủ cao nguyên là rừng thưa, rừng khoọc, rừng le, rừng cao su, các nương cà phê, chè, hồ tiêu.                   
                                                                                                     
   Đan xen các vùng núi và cao nguyên là những thung lũng dọc lưu vực sông Đắc Bla, Pô Kô, Sa Thầy (Kon Tum), sông Ba, Ayun (Gia Lai), Krông Ana (Đắc Lắc). Ngoài thung lũng Ayun Pa có diện tích 4.000 km2, hầu hết các thung lũng sông thường nhỏ hẹp, nhưng có phù sa bồi hàng năm, có nguồn nước tưới thuận tiện cho phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân.

   Đất đai Tây Nguyên có nhiều loại: đất phù sa bồi lắng dọc các thung lũng sông (Ayun, Đắc Bla, Ea Krông), đất xám bạc màu (thung lũng Ayun Pa, tây sông Ea Hleo, Ea Krông, vùng hồ Lắc), đất vàng đỏ trên mác ma xít (bắc Kon Tum), nam Buôn Ma Thuột, bắc cao nguyên Lâm Đồng)...; nhưng nhiều nhất vẫn là đất đỏ bazan (đất feralít trên đá bazan và đá mác ma), trải rộng từ tây Kon Tum đến các cao nguyên Plei Ku, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Đây là loại đất rất thích hợp với việc trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, bông, mía, đậu, lạc, cây ăn quả và phát triển gia súc 2.
    
   Bao phủ phần lớn mặt đất Tây Nguyên là rừng; nhiều nơi có diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh khá lớn 3. Do khí hậu nhiệt đới gió mùa khá ôn hòa, đất đai màu mỡ nên hệ động, thực vật rừng Tây Nguyên rất phong phú đa dạng về chủng loại. Theo kết quả điều tra bước đầu, Tây Nguyên có khỏang hơn 400 loài thuộc 180 chi và 75 họ thực vật bậc cao. Trong đó có nhiều hoại cây gỗ và dược liệu quý hiếm như: trắc, gụ, cẩm lai, pơ mu, giáng hương, kiền kiền, săng lẻ, sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, sa nhân, quế, hà thủ ô, mã tiền... Tập trung tại Đắc Glei, Kon Rẫy, Kon Plong, Sa Thầy (Kon Tum), K Bang (Gia Lai), Ea Súp (Đắc Lắc), Gia Nghĩa (Đắc Nông). Những vùng núi cao ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum chủ yếu là rừng thông. Dưới tán lá rừng, dưới sông suối hồ nước có gần 525 loài động vật có xương sống trên cạn (hơn 100 loài thú, 220 loài chim thường trú, 100 loài chim di cư, 90 loài bò sát...) và 70 loài cá nước ngọt; trong đó có hàng chục loài quý hiếm, 32 loài có tên trong sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. tê giác một sừng, nai đỏ, voi, trâu rừng, ngựa rừng, bò rừng, hổ, báo, gấu, hoẵng, sóc bay, công, trĩ sao, gà tiền mặt đỏ... Với diện tích rất lớn, có hệ động, thực vật phong phú, rừng Tây Nguyên không những là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia và quốc tế, mà còn là nơi bảo đảm nguồn gien đa dạng phục vụ đời sống con người hiện tại và lâu dài. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng Tây Nguyên không những là nơi che chở, góp phần nuôi dưỡng bộ đội và nhân dân để duy trì lực lượng, bám giữ chiến trường, chiến đấu giải phóng địa bàn; mà còn là căn cứ bàn đạp của những Đoàn quân lớn tiến xuống vùng duyên hải miền Trung Trung Bộ, vào Đông Nam Bộ, sang Hạ Lào và Đông bắc Cam-pu-chia.

   Tiềm ẩn trong lòng đất Tây Nguyên có nhiều tài nguyên khóang sản. Than nâu, than bùn, crôm có ở Đắc Lắc, Gia Lai; quặng sắt ở Kon Tum; vàng ở Kon Tum, Gia Lai; đá hoa, đá vôi ở Chư Sê, Plei Ku, Đắc Mil... Song đáng kể nhất là quặng bô xít có trữ lượng lớn (3 tỷ tấn) ở Kon Hà Nừng, Kon Bay, Kon Plong, Di Linh, Bảo Lộc, trọng điểm là vùng Đắc Nông.

   Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, lại có độ cao từ 400m đến hơn 2.000m so với mực nước biển, có núi, cao nguyên và vùng trũng nên khí hậu Tây Nguyên vừa có những điếm chung của vùng, vừa có những nét riêng, đan xen, phức tạp. Nhiệt độ không khí trung bình trong năm từ 21oC đến 23oC (riêng Đà Lạt 16,2oC), biên độ chênh lệch từ 6oC đến 8oC trong một ngày đêm; độ ẩm từ 81% đến 91%; số giờ nắng từ 2.300 giờ đến 3.000 giờ, lượng mưa trung bình từ 1.800mm đến 2.800mm. Một năm, Tây Nguyên có hai mùa  rệt: mưa và nắng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 (ở Đắc Lắc, Lâm Đồng kết thúc vào tháng 11). Mưa thường liên miên, có trận kéo dài nhiều ngày, mặt đất ướt sũng, sông suối nước lũ dâng cao gây ngập lụt, xuất hiện đồng bão, trời đầy mây đen u ám... gây khó khăn về giao thông, cơ động lực lượng. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, đất đai se cứng, trời xanh cao đầy nắng, nhiều nơi khô hạn thiếu nước, nhưng cơ bản rất thuận tiện cho các hoạt động giao thông và quân sự.

   Với địa hình rộng lớn, lượng mưa tập trung vào sáu tháng trong năm, đã tạo cho Tây Nguyên có những sắc thái riêng về thủy văn. Đây là nơi bắt nguồn của 28 sông thuộc ba hệ thống sông: sông Đồng Nai, sông Mê Kông và sông Ba. Trong đó có ba sông Chính là Sê San, Sê Rê Pôk và sông Ba. Sông Sê San là hợp lưu của hai nhánh sông Pô Kô (bắt nguồn từ vùng núi Đakgrugok tỉnh Quảng Nam và Ngọc Linh tỉnh Kon Tum) và Đakk  Bla (bắt nguồn từ bắc Kon Plong) chảy theo hướng Đông bắc - tây nam, từ Kon Tum qua Gia Lai đổ về sông Mê Kông ở địa phận thị xã Stung Treng nước bạn Cam-pu-chia. Sông có chiều dài 231km, rộng từ 100m đến 200m, sâu 4m đến 6m, lưu tốc dòng 2m đến 3mlgiây, độ dốc trung bình 2,9%, chảy quanh co, có nhiều thác ghềnh, có trữ lượng thủy điện cao. Hiện nay có nhà máy thủy điện Ya Ly lớn thứ hai trong nước và đang xây dựng các công trình thủy điện khác. Sông Sê Rê Pôk là hợp lưu của các sông nhỏ ở cao nguyên Pleiku và Đắc Lắc như: Ia Đrăng, Ia Lốp, EaHleo, Krông Nô, Krông Ana, Krông Pack, Krông Puk chảy về phía tây bắc qua Bản Đôn sang thị xã Lom Phát tỉnh Rattanakiri nước Cam-pu-chia gặp sông Sê San và cùng chảy ra sông Mê Kông. Sơng Ba bắt nguồn từ núi Ngọc Rô, chảy qua 5 huyện phía Đông nam tỉnh Gia Lai, hợp lưu với sông Ayun tại Cheo Reo, với sông Krông Năng ở Đông nam Krông Pa rồi đổ ra Biển Đông qua cửa Đà Rằng (Phú Yên). Sông dài 300km, rộng 80m đến 120m, sâu từ 5m đến 7m, thường gây lũ lụt. Đây là con sông đổ về phía Đông lớn nhất của Tây Nguyên.

   Nhìn chung sông, suối ở Tây Nguyên thường dốc, bắt nguồn từ các vùng núi cao đổ về hai hướng Đông và tây; mùa mưa nước dâng cao chảy xiết gây cản trở giao thông, mùa khô ít nước; tạo nhiều thác nước vừa có tiềm năng thủy điện lớn, vừa là những cảnh đẹp như Ya Ly, Đa Nhim, Đrây H'Linh, Liên Khương, Đrayanna,...

   Ngoài hệ thống sông suối, Tây Nguyên còn có nhiều hồ nước lớn và nguồn nước ngầm phong phú. Bên cạnh những hồ nước lớn tự nhiên như hồ Tơ Nưng (Biển Hồ, rộng 230 ha), Hồ Plei Nông (46ha) ở Gia Lai, hồ Lắc ở Đắc Lắc, hồ Xuân Hương (Đà Lạt), ngày nay có thêm nhiều hồ lớn nhân tạo như lòng hồ Ya Ly, Ayun Hạ, Ia Hrung, Hoàng Ân (Gia Lai)... vừa có giá trị về thủy lợi, điều hòa khí hậu tạo môi trường trong lành, vừa là những thắng cảnh nổi tiếng. Với núi cao, sông dài, hồ rộng và nguồn nước khóang phong phú 4 đã tạo cho Tây Nguyên cảnh quan kỳ vĩ, một tiềm năng du lịch lớn không chỉ hiện tại mà cả mai sau. Trong hoạt động quân sự, hệ thống sông suối, hồ nước rộng khắp bảo đảm nguồn nước cho bộ đội và vận chuyển đường sông, đồng thời là những chiến hào thiên nhiên khổng lồ ngăn cản đối phương cơ động đường bộ và triển khai lực lượng.

    Nằm vào khoảng giữa vùng nam bán đảo Đông Dương, nơi có chung biên giới của ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Tây Nguyên sớm có mạng lưới giao thông đi các hướng: ra Bắc, vào Nam, xuống đồng bằng ven biển và sang hai nước bạn. Giữa những năm sáu mươi của thế kỷ XX, hệ thống đường bộ ở Tây Nguyên đã khá phát triển với trục đường 14 chạy dọc Bắc - Nam như ''xương sống'' và các đường nhánh nôí ra hai phía đông - tây: 19, 7, 21, 5, 18, 5a, 5b, 20 như những ''xương sườn''. Cùng với hệ thống đường bộ, đường không cũng được thiết lập rộng khắp với hàng chục sân bay lớn nhỏ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động quân sự của Mỹ, ngụy. Đáng kể là các sân bay Kon Tum, Aréa, Cù Hanh (Pleiku), Hòa Bình (Buôn Ma Thuột). Tại các cứ điểm quân sự lớn thường có sân bay dã chiến hoặc bãi đỗ trực thăng. Ngoài hệ thống đường giao thông thuộc khu vực địch kiểm soát, trong những năm chống Mỹ, ta làm thêm một số tuyến đường phục vụ cho các hoạt động quân sự, vận chuyển, tập trung ở phía tây như đường 128 (Đường Hồ Chí Minh) chạy dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Phía Đông bắc có đường 220 nối đường 14 ở Võ Định (Kon Tum) chạy sang phía Đông tỉnh Gia Lai. Nhiều đường nhánh, đường ngang xuyên rừng (chủ yếu từ phía tây sang phía đông) gắn liền bền với các chiến dịch của bộ đội chủ lực ta ở khắp Tây Nguyên. Đường sông cũng được ta khai thác đưa vào sử dụng, nhưng chủ yếu là sông Sê San dùng để vận chuyển hàng hóa, khối lượng hạn chế.

      Hiện nay, các quốc lộ 14, 19, 20, 25 (đường 7 cũ), 27, 26 (đường 21 cũ), 28, 24 (đường 5 cũ), 18 được tu bổ nâng cấp bảo đảm giao thông thông suốt. Các tỉnh lộ: 666, 661, Đắc Tô - Ngọc Lây tỉnh Kon Tum; 662, 669, 670, 671, 664, 663, 661 tỉnh Gia Lai; 653b, 681, 684, 686, 687, 688, 689, 693 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông; 721, 722, 723, 724, 725 tỉnh Lâm Đồng được tu bổ làm mới, có thể cơ động lực lượng dễ dàng. Ngoài ra, tuyến Đường Hồ Chí Minh đang được mở rộng nâng cấp qua Tây Nguyên có ý nghĩa lớn về kinh tế dân sinh và quân sự.




-----------------------------------------------------------------
1. Theo số liệu thống kê năm 2002.
2. Theo thống kê năm 2002 Tây Nguyên có: 178.575 ha lúa, 496.438 ha cây công nghiệp, 17.606 ha cây ăn quả và đàn gia súc: 9.468.024 con.
3. Hiện nay rừng tự nhiên Tây Nguyên còn khỏang 2,7 triệu ha và hàng trăm nghìn ha rừng trồng (năm 2002 có 101.247 ha rừng cao su, 27.728 ha điều, 17.606 ha cây ăn quả), có vườn quốc gia Yok Đôn (Đắc Lắc), khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray (Kon Tum), Kông Cha Rang - Kon Ka Kinh (Gia Lai)...
4. Hiện nay nguồn nước khóang ở Tây Nguyên đã tìm thấy 5 vị trí ở Kon Tum, 3 vị trí ở Lâm Đồng...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 03:55:32 pm »

*
 

      Sống trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn và giàu đẹp có gần 30 dân tộc anh em. Theo số liệu thống kê, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, dân số khỏang 75 vạn người 1, gồm các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, Cơ Ho, Ra Lai, Mơ Nông, Mạ, Giẻ Triêng, Chu Ru, Brâu, Rơ Mâm, Vân Kiều... chiếm 64%, dân tộc Kinh chiếm 36%. Năm 2002, dân số 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc 2, Lâm Đồng là gần 4,5 triệu người. Trong đó dân tộc kinh khỏang 3,5 triệu người; tiếp đến là dân tộc: Gia Rai (355.432 người), Ê Đê (233.626 người), Ba Na (174.134 người), Kơ Ho (113.089 người), Tày (92.293 người), Xê Đăng (86.910 người), Nùng (84.864 người), Mơ Nông (82.824 người), Mạ (33.164 người), Giẻ Triêng (27.584 người). Người Kinh sống tập trung  ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế mới (sau 1975); các dân tộc Xê Đăn, Giẻ Triêng, H'rê, Rơ Mâm và một số lớn dân tộc Ba Na... ở tỉnh Kon Tum; các dân tộc Gia Rai, Ba Na tập trung ở tỉnh Gia Lai; các dân tộc Mơ Nông, Ê Đê và phần lớn dân tộc Tày, Nùng, Mường... ở phía Bắc di cư vào (sau 1975) tập trung ở tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông; các dân tộc Kơ Ho, Mạ, Chu Ru... và một số lớn dân tộc ít người phía Bắc di cư đến ở tỉnh Lâm Đồng.

       Theo các nhà nghiên cứu về dân tộc, nhân chủng, khảo cổ khẳng định từ xa xưa đã có người nguyên thủy sinh sống trên đất Tây Nguyên. Đặc biệt, những kết quả khai quật các di chỉ ở Lung Leng (Sa Thày, Kon Tum), Biển Hồ, Trà Dôm (Pleku), Mê Van (Đắc Lắc) có niên đại thuộc thời kỳ đồ đá mới đến giai đoạn đầu thời ký kim khí cho thấy Tây Nguyên là một trong những cái nôi của loài người trên đất nước ta. Từ giữa thế kỷ XVII người Kinh đã có mặt ở Tây Nguyên do quân nhà Nguyễn đánh ra Nghệ An bắt dân đưa vào sống ở vùng Tây Sơn.

   Giữa thế kỷ XIX trở đi người Kinh lên cao nguyên ngày một tăng. Lúc đầu là những giáo dân Thiên Chúa giáo từ Huế, Bình Định, Quảng Ngãi tránh sự truy nã của triều đình Huế; tiếp đến là các cuộc chuyển cư gắn với sự khai thác bóc lột mở mang Tây Nguyên của thực dân Pháp và sau này của Mỹ - ngụy. Riêng các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên muộn hơn, chủ yếu là sau năm 1954 và nhất là từ năm 1975 đến nay.

   Trong cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất, bền bỉ hàng nghìn năm với thiên nhiên, thú dữ và kẻ thù xâm lược để sinh tồn, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo nên những giá trị vật chất và văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, mang đậm dấu ấn của vùng cao nguyên. Về thiết chế xã hội, cho đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn ở một trình độ xã hội rất thấp, vào giai đoạn đầu của xã hội có giai cấp với nhiều tàn tích của xã hội Nguyên thủy. Ngoài những gốc tích có truyền thuyết về Hỏa Xá (Vua Lửa), Thủy Xá (Vua Nước) của người Gia Rai hoặc các ''Tơ Ring'' (một sự 1iên minh giữa các làng do tù trưởng cầm đầu), thì tổ chức xã hội duy nhất là làng (Plei, Kon - cách gọi của người Ba Na, Plơi -cách gọi của người Xê Đăng, Bôn - cách gọi của người Gia Rai, Plei Tum hay Plei - cách gọi của người Giẻ Triêng, Đê - cách gọi của người Brâu và Srúp - cách gọi của người Rơ Mâm), đứng đầu là chủ làng (già làng). Làng và một tổ chức xã hội có kết cấu chặt chẽ, là một khối cộng đồng thống nhất, một đơn vị tụ cư mang dấu ấn ''công xã nông thôn'', có hệ thống tự quản với phương thức vận hành xã hội theo luật tục.Từ khi thực dân Pháp và sau đó và đế quốc Mỹ chiếm đóng Tây Nguyên, đã tạo ra một tầng lớp mới như binh lính, công chức, người buôn bán và công nhân trong các đồn điền; đồng thời cũng tạo ra một tầng lớp tay sai trong bộ máy cai trị làng xã như chánh tổng, chủ làng. Về kinh tế, đồng bào Tây Nguyên mang nặng tính tự cung tự cấp, khai thác tự nhiên (săn bắn, hái lượm); song canh tác nương rẫy có vị trí hàng đầu, trồng nhiều thứ như lúa, ngô (bắp), dưa, bí, sắn, khoai, thuốc lá... Chăn nuôi trâu, bò, gà lợn (heo) dệt vải, rèn, đồ gốm, đan lát phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số. Nhưng nhìn chung, sản xuất còn ở trình độ thấp, nên thường bị thiếu đói.

   Đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống đơn sơ, giản dị, chất phác, dũng cảm, tâm hồn lạc quan phóng khóang, từ lâu đã tạo nên một nền văn hóa phong phú. Về văn học có những bản trường ca độc đáo có vần điệu, giàu tính chiến đấu, trữ tình và giáo dục hướng thiện như "Đam San ", "Xinh Nhã:, "Đăm Di''. Nhạc cụ có cồng, chiêng, đàn Trưng, Klông pút, Đinh túk... trầm bổng, giéo giắt như tiếng suối xa, thủ thỉ của gió ngàn. Nghệ Thuật múa (Soang) gắn liền với lễ hội đem lại niềm hứng khởi say sưa, hòa đồng cộng cảm sâu sắc. Nghệ Thuật tạo hình trang trí dân gian tinh tế, sáng tạo, có khiếu thẩm mỹ cao được thể hiện trên vải, đồ đan, nhà mồ và đặc sắc là nhà rông, vựa tạo môi trường không gian hoành tráng, nhân văn, nhưng cũng đầy huyền ảo, siêu thực và ấn tượng. Tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không những động viên cộng đồng lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, bệnh tật, giặc giã, hướng con người tới chân - thiện - mỹ và tự do, mà còn là tài sản vô giá đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa nước nhà.

   Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phong phú và quý giá, đồng thời hun đúc nên truyền thống đấu tranh bất khuất, yêu chuộng hòa bình... mang đậm phong cách cao nguyên.

*

   Với đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động, Tây Nguyên không chỉ là một địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội đối với cả nước, mà đây còn là một khu vực có tầm chiến lược quân sự của Tổ quốc và đối với vùng Nam Đông Dương, được thể hiện sinh động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

   Nằm ở ngã ba, nơi có đường biên giới chung ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Tây Nguyên được ví như ''nóc nhà'' của bán đảo Đông Dương. Từ thế đất rất cao, thế đứng vô cùng lơi hại, Tây Nguyên có giá trị khống chế rộng các khu vực Xung quanh. Về phía bắc, do tiếp giáp với vùng rừng núi trùng điệp của tỉnh Quảng Nam và Lào, là một hướng cơ động lực lương lớn của ta. Hệ thống Đường Hồ Chí Minh và con đường 14, là những huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Phía nam, Tây Nguyên nối với Đông Nam Bộ bằng đường 14, với Sài Gòn bằng đường 20 và đi Phan Rang bằng đường 11; các binh Đoàn cơ động binh chủng hợp thành nhanh chóng tiến xuống Đông Nam Bộ, giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đối với vùng duyên hải miền Trung Trung Bộ, Tây Nguyên có giá trị khống chế hầu như toàn bộ. Những đơn vị cơ giới nhanh chóng theo đường 19 xuống Bình Định, đường số 7 (nay là đường 25) xuống Phú Yên, đường 21 (nay là đường 26) xuống Khánh Hòa, đường 11(nay là đường 20) xuống Ninh Thuận, hoặc theo đường số 5 (nay là đường 24) xuống Quảng Ngãi. Bộ binh còn cơ động bằng nhiều đường mòn, đường xuyên rừng xuống đồng bằng. Về phía tây, Tây Nguyên nối liền với Hạ Lào và Đông bắc Cam-pu-chia; có đường số 18 từ Tân Cảnh qua PLei Kần sang A Tô Pơ, cao nguyên Bô Lô Ven, Pắc Xế (nước Lào) và đường số 19 kéo dài từ Pleiku qua Đức Cơ sang thị xã STung Treng (Cam-pu-chia). Bên cạnh hai con đường trên, địa hình biên giới rất thuận tiện cho những đơn vị bộ binh lớn qua lại, tác chiến.Tây Nguyên là một địa bàn rộng, có dung lượng chiến trường lớn; vừa có thế liên tục, vừa có chiều sâu kín đáo; vừa có thế công vừa có thế thủ. Địa hình rừng núi, cao nguyên là nơi đứng chân vững chắc và tác chiến thuận lợi của những binh đoàn lớn, đánh những đòn tiêu diệt, giải quyết những nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược. Khi tiến công, có thể triển khai lực lương binh chủng hợp thành với quy mô khác nhau, sử dụng cơ giới, không quân; cũng có thể đánh bao vây chia cắt trong từng khu vực hoặc toàn vùng; có thể đánh những đòn lớn vào khu vực trọng điểm, đồng thời cơ động lực lượng tiêu diệt, ngăn chặn tăng viện phản kích của đối phương; có thể phối hợp chặt chẽ giữa đòn tiêu diệt Chính của bộ đội chủ lực với tiến công rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương trong thế trận chiến tranh nhân dân thống nhất. Từ căn cứ Tây Nguyên có thể phát triển tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ cắt đôi miền Nam, tiến công về Đông Nam Bộ và Sài Gòn, phát triển sang Hạ Lào và Đông bắc Cam-pu-chia. Lúc tiến công gặp khó khăn, có thể tạm dừng để củng cố, chuyển thế, thay phiên. Trong phòng ngự, có thể lợi dụng địa hình từng khu vực hoặc toàn vùng tổ chức thế trận phòng ngự vững chắc, lâu dài, vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu; kết hợp giữa các cụm điểm tựa, khu vực phòng thủ then chốt với thế trận bố phòng thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân.  Thế trận Tây Nguyên vững chắc như bức tường thành bảo vệ các vùng duyên hải phía Đông, Đông Nam Bộ và các vùng kế cận khác.

   Bên cạnh những đặc điểm trên, Tây Nguyên còn là một chiến trường có tiềm năng lớn về bảo đảm hậu cần chiến lược tại chỗ. Với khỏang một triệu héc-ta đất trồng trọt, nhiều đồi rừng, sườn núi, tráng cỏ, sông suối, hồ nước có thể sản xuất một lượng lớn lương thực, thực phẩm... cho nhu cầu thường xuyên và cơ bản lâu dài. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, có thể tận dụng một lượng sản phẩm đáng kể từ khai thác tự nhiên làm thực phẩm, dược liệu, chất đốt, vật liệu Những dãy núi cao, rừng rậm là nơi thuận lợi để bố trí kho tàng, căn cứ hậu cần chiến dịch và chiến lược. Với hệ thống đường bộ, đường không và đường sông Tây Nguyên có thể cùng một lúc tiếp nhận lượng vật chất, lực lượng lớn chi viện từ các hướng, theo các phương thức đa dạng.

   Với những đặc điểm về địa lý, kinh tế, xã hội nhân văn và các mối liên quan với các chiến trường, khu vực Xung quanh, Tây Nguyên đã trở thành một địa bàn chiến lược quân sự, một vùng đất vô cùng trọng yếu trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thấy rõ giá trị của Tây Nguyên, trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ đều rất chú trọng và tìm mọi cách giành giật địa bàn chiến lược có tính chất sống còn này. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của Quân và dân Tây Nguyên trải qua muôn vàn gian khổ, quyết liệt hy sinh, lập nên bao chiến công hiển hách.





------------------------------------------------------------------
1. Theo số liệu thống kê năm 1965 tỉnh Gia Lai có 117.875 người, tỉnh Đắc Lắc có 519.000 người, tỉnh Kon Tum năm 1961 có 95.710 người.
2. Bao gồm cả Đắc Nông hiện nay.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:06:28 pm »

*

   Từ giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ Hội thừa sai Pa-ri tới truyền giáo ở Kon Tum, lập được một số cơ sở Thiên Chúa giáo trong những làng của người dân tộc thiểu số. Theo chân các giáo sĩ, những Đoàn thăm dò, phi bộ Quân sự của thực dân Pháp liên tiếp lên Tây Nguyên thực hiện âm mưu cai trị vùng đất này. Bằng các thủ đoạn thâm độc: lừa bịp, mua chuộc, chia rẽ để trị đi đôi với trấn áp vũ trang mà chúng gọi là ''đánh giặc Mọi''; đến năm 1889 thực dân Pháp thiết lập chế độ ''trực trị'', Chính thức truất hẳn quyền hành của triều đình Huế khỏi Tây Nguyên. Dưới ách thống trị cực kỳ tàn nhẫn của quân cướp nước, người dân Tây Nguyên bị cướp đất đai màu mỡ để lập đồn điền; phải nộp sưu thuế, lao dịch cực kỳ hà khắc;  chìm đắm trong cảnh hủ bại ''ngu dân'' lơi dụng thần quyền mê hoặc; bị ''chia để trị'' và đàn áp dã man, bị đẩy và bước đường cùng, điêu đứng ngay trên mảnh đất của cha ông để lại.

   Quyết không chịu sống đời nô lệ, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã phát huy truyền thống bất khuất, tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường đứng lên cầm vũ khí chiến đấu chống quân xâm lược ngay từ khi chúng đặt chân lên cao nguyên. Những năm 1885-1886 nhân dân vùng An Khê hưởng ứng hịch Cần Vương cứu nước, tụ hội dưới cờ nghĩa của ông Mai Xuân Thưởng (Bình Định), san bằng nhiều cơ sở bàn đạp của bọn xâm lược, thành lập các đội nghĩa quân. Trong đó, nhân dân làng Tio (vùng Jrai) chặn đánh đàn công cán của công sứ Pháp Na-ven buộc chúng phải rút chạy về Quy Nhơn. Cùng thời gian này, đồng bào Ba Na, Xê Đăng ở Kon Tum sát cánh cùng nghĩa quân ở Bình Định, Quảng Ngãi đánh Pháp. Tiếp đó là những cuộc nổi dậy quật khởi của đồng bào Xê Đăng ở Kon Tum (1901, 1909 và 1914), đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân An Khê, Cheo Reo hưởng ứng phong trào Duy Tân; ''phong trào nước thần'' phát triển ở Kon Tum rồi lan rộng khắp Tây Nguyên (1925-1929). Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mơ Nông do Nơ Trang Lơng lãnh đạo, kéo dài hơn 20 năm (1914-1935). Bản anh hùng ca của quân khởi nghĩa đã âm vang khắp núi rừng, buôn rẫy Tây Nguyên bao la:

   Ơ buông sang1
   Ta giữ buôn xưa
   Ta giữ rẫy cũ ngàn xưa
   Ta sẵn sáng chống lại những ai đến cướp
   Quyết giết gíặc cho buôn vui
   Cho ngoài rẫy lúa chín
   Dân Mơ Nông ơi, vùng lên đi!
   Phụ nữ đánh bằng chày giã gạo
   Con trai cầm dao găm, giáo, mác
   Tất cả giơ lên như bông lau lách
   Giết bằng được tên Hăng-ri Mét
   Thì ta mới yên cái bụng làm rẫy, xây làng''2.


   Những cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Ở nhiều vùng, nhân dân vẫn làm chủ núi rừng, nhiều buôn làng sống hiên ngang như những pháo đài bất khả xâm phạm. Nhưng do chưa có một đường lối đúng đắn, chưa có một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp vô sản lãnh đạo, nên các phong trào đấu tranh, các cuộc nổi dậy dù rất ngoan cường mạnh mẽ, song qua nhiều lần vây ráp càn quét quét bằng nhiều thủ đoạn rất thâm độc của địch nên lực lượng bị tiêu hao dần mịn, đều lần lượt bị thất bại hoặc khống chế.

   Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930), cách mạng Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ khủng hỏang về đường lối dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường đấu tranh, đánh đổ ách thống trị của đế quốc, thực dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa ấy, tuy ở địa phương chưa có cơ sở Việt Minh và tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, nhưng quần chúng yêu nước ở Tây Nguyên chịu ảnh hưởng từ lâu của Đảng Cộng sản Đông Dương (nhất là qua những Đảng viên bị địch đày ở ngục Kon  Tum) đã tự động nổi đậy giành chính quyền, thiết lập chính quyền cách mạng. Cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ khắp cao Nguyên.

   Nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng nhân dân cả nước hưởng những ngày vui độc lập chỉ trong thời gian ngắn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân  Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm  lược Việt Nam một lần nữa. Tháng 11 năm 1945, quân xâm lược Pháp trở lại giày xéo Tây Nguyên. Căm thù quân cướp nước và hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của  Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Tây  Nguyên Đoàn kết dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh  nhất tề đứng lên chiến đấu. Ngày 19 tháng 4 năm 1946, hơn một nghìn đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi (các tỉnh đồng bằng) họp Đại hội đoàn kết dân tộc chống Pháp tại thị xã Pleiku. Trong lễ khai mạc, các đại biểu vô cùng xúc động lắng nghe thư Bác Hồ: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

   Giang sơn và chính phủ là giang sơn và chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta...

   Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...''3.

   Thực hiện lời kêu gọi đoàn kết dân tộc bảo vệ non sông của người, những buôn làng Tây Nguyên đã trở thành những làng kháng chiến, căn cứ du kích và pháo đài chiến đấu kiên cường. Làng kháng chiến Stơr (An Khê), Xốp Diu (Đắc Glei), xã kháng chiến Ya Hội, Ka nát (An Khê)... với vũ khí thô sơ, chông thò, cung nỏ, cạm bẫy, hầm chông... đã khiến quân thù khiếp sợ. Nhiều tấm gương kiên trung bất khuất: Đinh Núp 4 vận động nhân dân năm lần rời làng kháng chiến, lập nên kỳ tích; Chủ tịch xã kiêm xã đội trưởng Vừu 5 người dân tộc Ba Na ở nam Đắc Đoa (Gia Lai) bị địch bắt tra tấn dã man, cắt tai, xẻo mũi, chặt mười ngón tay nhưng vẫn mưu trí lừa địch vào bãi chông của du kích diệt hơn một chục tên. Địch tra tấn dã man khoét hai mắt đồng chí rồi bắn chết. Những gương chiến đấu anh dũng kiên cường đó đã góp phần giữ vững niềm tin với cách mạng, cổ vũ nhân dân đấu tranh, làm cho Đảng ngày càng bén rễ bám chắc ở Tây Nguyên.

   Ngày 27 tháng 11 năm 1953, Tổng Quân ủy đã xác định: ''Lực lượng ta có phát triển vào Tây Nguyên thì mới giành được thế chiến lược quan trọng nhất ở miền Nam. Nếu khu chiến lược đó ở trong tay địch thì cục diện  miền Nam rất khó cải biến''. Thực hiện chủ trương đó, bên cạnh sự phát triển của lực lượng vũ trang địa phương, các đơn vị bộ đội chủ lực được trên chi viện và gấp rút xây dựng ở Tây Nguyên ngày một tăng. Trong kháng chiến chống Pháp, các trung đoàn: 94, 95, 67, 108, 803, 120... đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Nguyên đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, mở một số chiến dịch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Đặc biệt trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Quân dân Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính Bắc Bộ, thực hiện thắng lợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên (26.1 - 20.7.1954); loại khỏi vùng chiến đấu hơn 20.000 tên địch, diệt gọn binh đoàn cơ động loại và 15 tiểu đoàn khác, thu hơn 7.500 súng các loại và hàng trăm xe cơ giới, bức rút 182 đồn bốt tháp canh, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum (7.2.1954) và phần lớn tỉnh Gia Lai; buộc bộ chỉ huy quân Pháp phải phân tán lực lượng cơ động, tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ, góp phần quyết định vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

   Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên càng biết ơn và tin yêu sâu sắc  đối với Đảng và Bác Hồ:

   "Người cứu dân tộc mình
    Cho suối đánh đàn, cho hoa "gơ ma'' nở

   Cho nương đầy lúa, rẫy đầy khoai
   Cho núi sông đầy cá nước hoa ngàn
   Cho con gái cườm đeo quanh cổ
   Là Bác Hồ Chí Minh".


   Giữ vững niềm tin sắt đá đó, phát huy truyền thống bất khuất, với kinh nghiệm đúc rút từ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Tây Nguyên bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với thế và lực mới, lập nên những chiến công vang dội, giải phóng Tây Nguyên, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.




------------------------------------------------------------------
1. Ớ dân làng
2. Tây Nguyên lũy thép thành đồng. Nxb Quân đội nhân dân; H.l972, tr. 19.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia; H. 1995, tr 217-218.
4. Đồng chí Đinh Núp được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955.
5. Đồng chí Wừu được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:10:09 pm »

2. Chiến trường Tây Nguyên trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1963)

   Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Mặc dù bị các thế lực phản động ra sức ngăn cản, Hiệp định chưa phản ánh hết thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Đông Dương trên chiến trường, nhưng nó đã đánh dấu thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm ròng rã chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của dân tộc Việt Nam, Khơ Me và các bộ tộc Lào. Về Việt Nam, bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và  toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời phân chia hai khu vực tập kết trước khi tổng tuyển cử, không thể coi như một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ.

   Với bước ngoặt lịch sử trọng đại này, cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta đến đây chưa hoàn thành, cuộc.đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc còn phải tiếp tục diễn ra trong những điều kiện mới đầy gian nan thử thách. Lợi đụng triệt để Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương và thế suy yếu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhanh chóng gạt Pháp, ráo riết áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Nam Việt Nam, từng bước thực hiện âm mưu chiến lược cơ bản lâu dài xuyên suốt là: ''Tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu đài đất nước ta, biến Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á, đồng thời lấy miền Nam Việt Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới ở Đông Nam Á hòng đè bẹp và đẩy lúi chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước chủ nghĩa xã hội khác''1. Dưới sự chỉ huy của Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được xây dựng và củng cố, miền Nam biến thành một ''quốc gia'' riêng. Lực lượng ngụy quân do Pháp để lại được gấp rút cải tổ và xây dựng thành một ''quân đội quốc gia'' tay sai trung thành, làm chỗ dựa cho ngụy quyền miền Nam và thực thi những âm mưu đen tối của ông chủ Mỹ. Được Mỹ huấn luyện và trang bị (với 1,5 tỷ đô-la vũ khí và phương tiện, từ 1955 đến 1960), sau kế hoạch dài hạn 5 năm quân đội ngụy có số lượng đông, nhiều binh chủng, có khả năng tác chiến trên các vùng chiến thuật.

Cùng với nó là một hệ thống căn cứ và công trình quân sự bao đường chiến lược, hệ thống truyền tin, kho tàng được xây dựng khắp miền Nam. Ngoài ra Mỹ còn lôi kéo một số nước thành lập ''Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á'' (SEATO, tháng 9.1954), tự ý đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia dưới cái ô ''bảo hộ'' của tổ chức này. Với đội quân lớn làm chỗ dựa, từ cuối năm 1954 đến năm 1960, Mỹ, Diệm ráo riết tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương. Các chính sách ''tố cộng'', ''diệt cộng'' sắc lệnh (5.1957) ''đặt cộng sản ra ngoài vùng pháp luật'', đạo luật khát máu 10-59 lê máy chém khắp miền Nam, ''cải cách điền địa'', ''định cư di cư''... được tiến hành đồng thời với các cuộc hành quân càn quét, khủng bố, tàn sát đẫm máu. Hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng bị sát hại, bắt bớ, giam cầm. Những vụ thảm sát man rợ như Kim Đôi (Thừa Thiên), Hướng Điền (Quảng Trị), Chợ Được Quảng Nam), Mỏ Cày (Bến Tre)... diễn ra khắp nơi; đặc biệt là vụ thảm sát ở trại tập trung Phú Lợi (Thủ Dầu Một) đầu độc 6.000 người, hơn 1.000 người chết, làm nhân dân cả nước sôi sục căm thù và loài người tiến bộ phẫn nộ.

    Cuộc chiến tranh đơn phương của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm vô cùng tàn bạo, thâm độc, gây khó khăn tổn thất nghiêm trọng cho cách mạng miền Nam nhưng không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh đang âm ỉ trong quần chúng, có thời cơ sẽ bùng lên thiêu đốt quân thù. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhân dân miền Nam nhanh chóng tiếp nhận và biến Nghị quyết Trung ương Đảng lấn thứ 15 (1959) thành hành động, làm nên cao trào Đồng khởi rộng khắp, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công. Cao trào Đồng khởi cuối năm 1959, đầu năm l960 của nhân dân miền Nam, cùng với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12.1960) đánh dấu thất bại của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ dưới thời Ai-xen-hao; đồng thời mở đầu thời mở đầu thời kỳ chuyển tiếp sang chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' của chính quyền Kon-nơ-đi.

   Là cấp độ cao hơn của chiến tranh xâm lược thực dân mới, là sản phẩm của thế bị động và thế thua; nên chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' mà đế quốc Mỹ áp dụng ở miền Nam là: dùng quân đội Sài Gòn làm lực lượng chủ lực chủ yếu do Mỹ cung cấp trang bị vũ khí và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn; sử dụng kết hợp ba biện pháp cơ bản: tìm diệt bộ đội chủ lực và cơ sở hạ tầng cách mạng, bình định để nắm dân, phong tỏa biên giới vùng biển để ngăn chặn chi viện và phá hoại miền Bắc bằng biệt kích. Nội dung chủ yếu của chiến lược "chiến tranh đặc biệt'' thể hiện tập trung trong một kế hoạch toàn diện, dài hạn mang tên Stalây - Taylo nhằm "bình định" miền Nam trong vòng l8 tháng.

   Thực hiện kế hoạch Stalây - Taylo, Mỹ chuyển cơ quan viện trợ (MAAG) thành Bộ tư lệnh quân sự (MACV, 8.2.1962) do Pan Hác-kin (Paul HarKins) làm tư lệnh. Từ tháng 5 năm 1962 trở đi, Bộ tư lệnh này có quyền hạn như một bộ tư lệnh tiền phương của Mỹ ở Đông Nam châu Á. Đồng thời lực lượng yểm trợ và cố vấn Mỹ ở miền Nam tăng lên nhanh chóng: 3.900 tên năm 196l, 11.300 tên năm 1962 và 16.800 tên năm 1963 (gấp 8 lần năm 1960). Nhiều đơn vị trực thăng nguyên vẹn và thiết giáp nhẹ được chuyển đến miền Nam. Năm 1961, địch đã có 210 máy bay các loại, 268 xe cơ giới, đến năm 1963 tăng lên 627 máy bay (có 359 trực thăng) và 732 xe cơ giới. Cùng với gia tăng lực lượng Mỹ, lực lương ngụy quân cũng tăng mạnh cả chủ lực và địa phương; đặc biệt chủ trọng phát triển quân địa phương và tăng cường sức cơ động nhằm đối phó với chiến tranh du kích đang phát triển ở miền Nam. Năm 1960 quân ngụy có 152.300 tên (gồm 7 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến...) 36.000 lính bảo an và 25.000 dân vệ; tới cuối năm 1963 chủ lực địch đã lên tới 206.000 tên (gồm 9 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn thủy quân cục chiến...), 86.000 lính bảo an và 96.000 dân vệ. Để bảo đảm cho bộ máy ngụy quân ngụy quyền tay sai khổng lồ, viện trợ Mỹ liên tiếp tăng lên: từ 321,7 triệu đô-la (1960-1961) lên 675 triệu đô-la (1963-1964).

   Có quân đông, vũ khí phương tiện chiến tranh nhiều, lại rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, những ''khu trù mật'', ''khu dinh điền'' trước đây và áp dụng kinh nghiệm mới của đế quốc Anh chống chiến tranh du kích ở Mã Lai; Mỹ - Diệm đẩy mạnh chính sách gom dân lập ''ấp chiến lược" - cái xương sống'' của "chiến tranh đặc biệt''. Để bảo đảm cho chính sách ''ấp chiến lược'' thành công và tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta, địch huy động các đơn vị chủ lực kết hợp bảo an, dân vệ được lực lượng pháo binh, cơ giới, không quân Mỹ trực tiếp chi viện, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét. Năm 1961 chúng mở 1.253 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, năm 1962 có 2.577 cuộc (có 100 cuộc hành quân bằng ''trực thăng vận''), năm 1963 lên từ 2.948 cuộc hành quân. Trọng điểm càn quét của địch là vùng tây bắc Sài Gòn, 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các vùng giáp ranh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ở Khu 5 của ta.

   Nhưng những cố gắng cao nhất của Mỹ, Diệm vẫn không đem lại kết quả như tham vọng của kế hoạch Stalây - Tay lo, mà còn thất bại thảm hại. Cách mạng miền Nam không bị ''tàn lụi'', mà trái lại càng phát triển và vững vàng tiến lên. Phát huy thắng lợi cao trào đồng khởi, quân và dân miền Nam đã phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, từng bước đánh bại chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' của Mỹ. Đặc biệt, chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2.1.1963) bẻ gãy cuộc hành quân của hơn 2.000 quân ngụy có máy bay, thiết giáp, tàu xuồng chiến đấu và pháo binh Mỹ yểm trợ do cố vấn Mỹ chỉ huy đã đánh dấu sự ''thất bại về chiến Thuật - chiến lược" của địch, và ''sau trận Ấp Bắc địch thấy khó thắng ta''.

   Sự phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những làm cho kế hoạch Stalây - Taylo bị phá sản, chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' trượt nhanh về phía nấm mồ tiền định, mà còn làm cho mâu thuẫn trong lòng chế độ độc tài phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm và giữa chủ Mỹ với tớ Diệm tăng lên đến đỉnh cao. Nhằm tạo nên một chính quyền tay sai đắc lực hơn, đáp ứng mưu đồ leo thang mở rộng chiến tranh xâm lược, ngày 1 tháng 11 năm 1963 Mỹ buộc phải thay ngựa giữa dòng, giết tên tay sai đắc lực Ngô Đình Diệm mà chúng đã từng dày công nuôi dưỡng, đào tạo xây dựng suốt 15 năm (1948- 1963). Sau 21 ngày sụp đổ của chế độ Diệm, ngày 22 tháng 11 năm 1963, Tổng thống Mỹ Kon-nơ-đi bị giết. Giôn-xơn lên thay làm Tổng thống Mỹ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tiến tới nấc thang cao nhất của chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'':  từng bước đưa quân chiến đấu Mỹ vào tham chiến ở chiến trường miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, mở đầu thời kỳ quá độ từ chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' sang chiến lược ''chiến tranh cục bộ''.



------------------------------------------------------------------
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:14:15 pm »

Nằm trong bối cảnh chung của miền Nam, lại là một địa bàn trọng điểm, nên trong suốt mười năm đầu (1954-1963) cuộc đấu tranh giữa ta và địch ở Tây Nguyên diễn ra liên tục và ngày càng quyết liệt. Ngay từ khi hất cẳng Pháp, đưa Diệm lên nắm quyền, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ rất chú trọng đến vùng đất chiến lược này. Chính  Rát pho (Radford) chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (đến miền Nam ngày 22.12.1954, vạch kế hoạch 5 điểm ủng hộ Diệm) khi lên thị sát Tây Nguyên đã cho rằng: ''Tây Nguyên sẽ trở thành nhiều tuyến quan trọng cơ động, thành khu vực tập trung quân đội'', đặc biệt PleiKu sẽ là ''trục chiến lược'' khi chiến tranh xảy ra. Nhưng do Tây Nguyên đất rộng, người thưa, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống trong các buôn làng nên những biện pháp thống trị và khai thác của Mỹ, Diệm ở dây có  khác so với toàn miền Nam, song cũng không kém phần khẩn trương, khốc liệt, tàn bạo.

   Tháng 9 năm 1954, địch tiếp quản Tây Nguyên. Để ''thâu hồi độc lập'', chúng khẩn trương lập bộ máy hành chính từ tỉnh đến quận và cơ sở, từng bước gạt bọn tay sai cũ của Pháp, lập các tổ chức chính trị phản động, ra sức tuyên truyền lừa bịp bằng các chiêu bài ''cách mạng quốc gia'', ban hành chính sách ''Kinh - Thượng đề huề - quân dân nhất trí - khai thác miền sơn cước'' (6.1955), tiếp đó là ''đồng  tiến xã hội''. Để khai thác và khống chế Tây Nguyên, địch đua hơn một vạn giáo dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc (bị chúng lừa gạt cưỡng ép di cư vào Nam) đến chiếm các vùng đất đai màu mỡ, có giá trị quân sự và chính trị ven các trục đường giao thông chính và xung quanh các thị xã, thị trấn. Tiếp đó, từ tháng 3 năm 1957 đến năm 1962, chúng lừa xúc hàng chục nghìn dân các tỉnh miền Trung Trung Bộ và một số dân Nam Bộ lên Tây Nguyên lập các dinh điền, nhằm xây dựng các pháo đài chống cộng, vừa khống chế đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh. Đồng thời với các hoạt động trên, Mỹ, Diệm ra sức xây dựng phát triển lực lưọng quân sự ở Tây Nguyên. Năm 1955 chúng lập sư đoàn bộ binh hạng nhẹ số 2 ở Kon Tum và sư đoàn bộ binh hạng nhẹ số 4 ở Buôn Ma Thuột1. Ngày 1 tháng 10 năm 1957, địch lập vùng 2 chiến Thuật - quân đoàn 2 đảm nhiệm hoạt động tác chiến toàn bộ vùng cao nguyên Trung Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm các tỉnh: Kon Tum, PleiKu, Phú Bổn, Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận. Bộ tư lệnh vùng 2 chiến Thuật - quân đoàn 2 ngụy đóng ở thị xã Plei Ku tỉnh Gia Lai do tướng Trần Ngọc Tâm làm tư lệnh (10.1957 - 8.1958); những năm tiếp theo là các tướng ngụy: Tôn Thất Đính (8.1958 - 12.1962), Nguyễn Khánh (12.1962 - 12.1963), Đỗ Cao Trí (12.1963 - 9.1964)... thay nhau giữ chức này.

   Đến cuối năm 1960, địch đưa sư đoàn 23 từ Dục Mỹ (Khánh Hòa) lên Buôn Ma Thuột, đảm trách địa bàn 7 tỉnh phía nam vùng 2 chiến thuật (Đắc Lắc, Khánh Hòa, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận). Cùng với xây dựng các đơn vị chính quy chủ lực, địch rất chú trọng xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, hệ thống tề điệp ở xã, buôn với hàng chục nghìn tên ở Tây Nguyên. Tại mỗi ''dinh điền'' đều có đồn bốt, tháp canh, do một trung đội đến một tiểu đoàn lính địa phương đóng giữ. Ở các quận lỵ đều có căn cứ quân sự.

        Dọc biên giới phía Tây có hệ thống đồn biệt kích, đa số quân trong các đồn này là bọn ác ôn người dân tộc thiểu số địa phương, bị nhồi sọ tư tưởng chống cộng cuồng tín.

   Để phục vụ cho mục đích quân sự và khai thác Tây Nguyên, Mỹ, ngụy đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố hệ thống đường giao thông. Những con đường huyết mạch 14, 19, 21 và các tỉnh lộ xuyên sâu vào các buôn làng được gấp rút sửa chữa và làm mới. Các sân bay được tu sửa mở rộng xây dựng khắp các tỉnh, ở nhiều quận như: Kon Tum, Đắc Tô, Măng Đen, Cù Hanh, Hòa Bình, Phụng Dực, Liên Khương, Bản Đôn, Cheo Reo, Nhân Cơ, Tuy Đứa, Phi-di-a. Hàng vạn dân bị bắt đi lao dịch xây dựng các công trình quân sự.

   Quá trình xây dựng, củng cố bộ máy hành chính quân sự phát xít ở Tây Nguyên cũng là quá trình địch thi hành ''tố cộng'' ''diệt cộng'' đánh phá các cơ sở cách mạng ngày càng ác liệt. Từ giữa năm 1956, chúng mở những chiến dịch khủng bố gọi là ''chiến dịch thượng du vận'' để dồn dân vào các dinh điền, buộc phải khai báo, đầu thú. Hàng nghìn người bị bắt, bị tra tấn và giết hại, nhiều buôn làng bị đốt phá sạch. Tại các trọng điểm đánh phá như quận Đắc Tô, Đắc Pét (Kon Tum), Đắc Đoa, Nam An Khê (Gia Lai), Buôn Hồ, M'Đrắc (Đắc Lắc)... nơi nào cũng có địch lùng sục, cướp phá, đầu rơi, máu chảy. Những lớp chiêu hồi, ''tố cộng'' có khi kéo dài đến nửa tháng nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng, phát hiện cán bộ đảng viên. Nhân dân bị cấm không được ngủ ngoài rừng, không được mang gạo ra rẫy...

   Song song với những cuộc càn quét, những chiến dịch khủng bố đẫm máu, Mỹ, Diệm còn kìm kẹp nhân dân trong các ''dinh điền'' - một loại ''ấp chiến lược'', ''trại tập trung'' ở miền nam. Cho tới tháng 12 năm 1959, địch đã lập được 176 dinh điền ở Tây Nguyên và dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia với 220.000 dân. Trong mỗi dinh điền đều có binh lính đóng giữ, có hệ thống lô cốt, tháp canh; người dân bị giám sát, o ép gắt gao, bị kiểm soát mọi hoạt động... nhằm ''ngăn cản sự xâm nhập của cộng sản''.

   Cuộc chiến tranh đơn phương với những thủ đoạn vô cùng tàn bạo, thâm độc mà Mỹ, Diệm tiến hành trên cao nguyên tuy có  gây cho ta những tổn thất nặng, nhưng cơ bản các khu căn cứ miền núi vẫn được giữ vững. Có được như vậy là do cấp ủy Đảng và nhân dân địa phương kịp thời nắm bắt đánh giá đúng tình hình, chủ động linh hoạt tìm biện pháp đấu tranh hợp pháp, biết vận dụng phong tục tập quán của nhân dân để chống địch, bảo vệ cơ sở, bảo vệ phong trào.




-----------------------------------------------------------------
1. Tháng 4.1959, hai sư đoàn 2 và 4 (đổi tên thành sư đoàn 12 và sư đoàn 14) sáp nhập thành sư đoàn 22.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:42:36 pm »

*

   Trong khi cuộc chuyển quân tập kết đang diễn ra sôi động; các cơ quan, đoàn thể, một số gia đình cơ sở ở Tây Nguyên và Trung Đoàn 84 (Đắc Lắc), Trung Đoàn 120 (Gia Lai) ra miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy Liên khu 51 và cấp ủy địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên được phân công ở lại làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh mới. Ở Kon Tum có 128 đồng chí, ở Gia Lai có 131 đồng chí và Đắc Lắc có trên 120 đồng chí được chọn trong số các đồng chí tự nguyện thuộc các cơ quan dân, chính, Đảng và quân đội, có đủ phẩm chất, ý chí và kinh nghiệm công tác quần chúng. Để che mắt địch, số cán bộ hoạt động hợp pháp khôn khéo lọt vào thị xã, thị trấn với tên gọi mới, dưới hình thức các nhà tư sản, chủ thầu, nhân viên công chính, bưu điện; một số khác tỏa về các buôn làng, đổi tên gọi và nói tiếng như. người địa phương, cà răng, xâu tai, đóng khố, đi chân đất, choàng tấm đồ, mang ná, vác rựa, để tóc dài... trở thành những cán bộ nằm vùng. Số cán bộ hoạt động bất hợp pháp tổ chức thành những tổ công tác trở về các vùng du kích, khu căn cứ trước đây, được nhân dân che giấu, cung cấp hậu cần; cũng có người bền bỉ gây dựng phát triển cơ sở trong vừng địch tạm chiếm.

   Cùng với việc bố trí cán bộ ở lại, các tỉnh đều tổ chức chôn giấu vũ khí để sử dụng sau này. Tỉnh Kon Tum để lại gần 80 khẩu súng và 4 tấn đạn; tỉnh Gia Lai để lại hai hầm vũ khí gồm 70 súng trường, 7 tiểu liên, 60 súng ngắn, và hàng chục nghìn viên đạn, các huyện 1, 2, 7 cũng để lại vũ khí. Ngoài ra, các loại vật chất thiết yếu như lương thực, thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, nông cụ, muối ăn, tiền bạc... cũng được để lại chuẩn bị cho các hoạt động về sau.

   Xác định 1 tầm quan trọng của các khu căn cứ, các tỉnh sớm khôi phục lại căn  cứ cũ và tổ chức xây dựng thêm căn cứ mới. Tháng 9 năm 1954 Tỉnh ủy Gia Lai chuyển lên căn cứ Kon Hà Nừng, Sơ Lam Sơ Ró; đầu năm 1955 cơ quan tỉnh Kon Tum từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) dời lên Kon Bờ Ê (xã Hiếu, Kon Plong); tháng 5 năm 1955 bộ phận chỉ đạo và cơ quan tỉnh Đắc Lắc chuyển từ vùng Thồ Lồ (tây Phú Yên) lên buôn Ma Nhao, Ma Thìn rồi về vùng buôn Uar, buôn Mùng.

   Để chỉ đạo sát phong trào cách mạng ở Tây Nguyên, năm 1955 Lên khu ủy 5 quyết định thành lập 4 liên tỉnh ủy, trong đó có Liên tỉnh ủy 4 gồm tỉnh ủy ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc do đồng chí Trương Quang Tuân làm Bí thư (kiêm Bí thư Ban cán sự tỉnh Đắc Lắc). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Liên tỉnh ủy 4, phong trào cách mạng ở Tây Nguyên phát triển mạnh, cơ sở cách mạng được phát triển rộng khắp2, các cuộc đấu tranh của quần chúng chống địch "tố cộng'', chống cướp đất lập danh điền, bắt xâu, bắt lính, chống trưng cầu dân ý liên tục diễn ra và giành nhiều thắng lợi đặc biệt, phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước cuối năm 1955 diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ nông thôn đến đô thị, lôi cuốn hàng vạn quần chúng tham gia. Đây là cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn, có tổ chức chỉ đạo chặt chẽ gắn đòi hiệp thương với các yêu sách về dân sinh, dân chủ đã nâng cao khí thế cách mạng, bước đầu rèn luyện thử thách cán bộ và quần chúng, làm cho ngụy quân, ngụy quyền lúng túng, bất ngờ.

    Từ năm 1956 đến năm 1959, phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Nguyên tập trung chống các chiến dịch ''thượng du vận'', ''tố cộng" và chống cướp đất lập ''dinh điền'' của Mỹ, Diệm. Khi địch mở chiến tích ''thượng du vận'' vào các huyện H2, H3, đông và tây Cheo Reo, cấp ủy Đảng đã bám sát buôn làng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bắt bớ, khủng bố, chống đi học tố cộng. Địch bắt, tra tần dã man nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở nhưng không một ai tiết lộ bí mật. Tại huyện 7 Gia Lai, địch bắt hàng loạt cán bộ, tra khảo, dìm xuống suối nhưng không ai sờn lòng. Bí thư chi bộ làng Krông Hra xã Yang Bắc bị địch chôn đứng đến cổ, dùng chày nện đất xung quanh cho trào máu, nhưng trước lúc hy sinh còn ráng sức hô ''Bok Hồ muôn năm''. Ở làng Nước Chè (xã Đắc Kôi, Kon Plông, Kon Tum) dịch bắt được đồng chí Đinh Gió tra tấn dã man nhưng không ép được dẫn đường đi càn; chúng xâu dây thép vào hai tay rồi nắm tóc kéo đi nhưng đồng chí kiên quyết chống lại và anh dũng hy sinh. Những tấm gương trung liệt của cán bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không những góp phần bảo vệ cách mạng, tính mạng tài sản và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, nêu cao khí tiết cách mạng mà còn làm cho ngọn lửa đấu tranh cách mạng ngày càng lan rộng.

   Song song với đấu tranh chống ''tố cộng'', phong trào đấu tranh phòng địch cướp đất lập ''dinh điền'' cũng diễn ra quyết liệt kéo dài từ năm 1957 đến năm 1960. Tại Gia Lai, phong trào lúc đầu còn lẻ tẻ nhưng từ năm 1959 bùng lên mạnh mẽ, có lúc lôi cuốn được nhân dân 143 làng thuộc huyện 4 và 5 tham gia. Có nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu như: 6 làng của xã Ia Kreng (huyện 5) vũ trang giáo mác đòi  trả đất thắng lợi; 25 làng quanh dinh điền Lệ Ngọc đóng cọc chặn xe ủi, địch bắn chết và làm bị thương hàng chục người nhưng cuối cùng chúng phải nhượng bộ (tháng 2, 3 năm 1959). Ở Buôn Ma Thuột phong trào chống địch cướp đất được quần chúng Kinh -Thượng hưởng ứng mạnh mẽ và diễn ra quyết liệt suốt ba năm (1957-1959). Hàng trăm đoàn biểu tình kéo lên quận kêu kiện đòi trả đất. Khi địch dùng xe ủi đến cướp đất, nhân dân kết thành khối chặn xe. Trong cuộc đấu tranh giữ đất, đã huy động được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là phụ nữ. Có nhiều tấm gương dũng cảm như chị Rơ Mah Cham (huyện 4, Gia Lai) bế con nằm chặn xe bị địch xúc đổ vô thùng xe, một chị làng Plei Bối (Phú Nhơn) lao vào chặn đầu đoàn xe... buộc chúng phải từ bỏ kế hoạch chiếm đất lập dinh điền.




-------------------------------------------------------------------
1. Tháng 9 năm 1954 Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục Miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ V Liên khu ủy Liên khu 5 trực thuộc Trung ương Đảng.
2. Cuối năm 1958, Gia Lai có cơ sở ở 911 trong tổng số 1.001 làng, 55 chi bộ với 623 đảng viên và 674 đoàn viên; ở Đắc Lắc, từ năm 1954 đến năm 1956 xây dựng cơ sở ở 521 làng trong tổng số556 làng và 400 cơ sở trong thị xã Buôn Ma Thuột.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:44:43 pm »

*

   Trước hành động ngày càng tàn ác của Mỹ, Diệm, cán bộ và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng thấy không thể chỉ đấu tranh với địch bằng lý lẽ đơn thuần.  Quần chúng ở một số nơi không nén nổi căm thù uất hận, đã tự động diệt ác ôn. Nhiều vụ thủ tiêu đã diễn ra như diệt tên Cơ (của dân làng Bà Bah, huyện An Khê), tên Đầm (của dân làng Nước Kua, huyện Kon Plông) và nhân dân các làng vùng Tu Mơ Rông, làng Đông Lốc, Mang Tôn (Đắc Glei) Đê Xơ Rơn, Đê Xơ Kiết, Đê Cúc, DJana (An Khê), buôn Oi Đak, Ma Hin (Cheo Reo), Ka Dăng Hroi, Bõung (M'Đrak)... tự động diệt ác ôn, sau đó mới báo cáo tổ chức, đã cho thấy quần chúng nhân dân không thể tiếp tục sống nén nhịn mãi được nữa, phải dùng vũ khí đánh trả kẻ thù tàn bạo.

   Cũng trong quá trình khủng bố của địch, thanh niên ở nhiều buôn làng Tây Nguyên đã kéo nhau ra rừng lập các trại ''bí mật''. Địch càng đánh phá, các trại ''bí mật'' ngày càng phát triển. Được cán bộ hướng dẫn, thanh niên ở các trại tổ chức thành đội ngũ và vũ trang bằng vũ khí thô sơ: cung nỏ, rìu, rựa, chông, thò, cạm bẫy chống địch lùng sục càn quét vào làng, bảo vệ nương rẫy. Hành động tự vệ ít nhiều mang tính tự phát của quần chúng và cán bộ cơ sở thể hiện nguyện vọng được cầm vũ khí, lập căn cứ kháng chiến; đồng thời cho thấy không còn con đường nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.

   Quán triệt các nghị quyết của Trung ương Đảng và tài liệu "Đề cương cách mạng miền Nam" của  đồng chí Lê Duẩn, tiếp thu kinh nghiệm của Nam Bộ, trước yêu cầu thực tiễn cách mạng, mùa hè năm 1958 Liên khu ủy Liên khu 5 ra nghị quyết về xây dựng căn cứ Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh Trung Trung Bộ. Nghị quyết chỉ rõ : "Cần củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang hiện có và xây dựng căn cứ địa làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Tổ chức tự vệ trong quần chúng nhằm bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng và giải thóatt cán bộ khí cần thiết''.

   Cùng thời gian này, Trung ương Đảng ra chỉ thị về nhiệm vụ trước mắt ở Tây Nguyên. Chỉ thị nêu rõ Tây Nguyên (Kể cả miền núi Liên khu 5 và miền núi đông bắc Nam Bộ) là vị trí chiến lược rất quan trọng đối với kẻ địch cũng như đối với ta; Mỹ, Diệm đang ra sức xây dựng Tây Nguyên thành một trung tâm căn cứ quân sự xâm lược ở miền Nam; vì vậy phải ''giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng của ta ở miền Nam; phá âm mưu xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ, Diệm tạo điều kiện đón thời cơ, tranh thủ chủ động trong mọi tình thế''.

   Chỉ thị của Trung ương Đảng và nghị quyết của Liên khu ủy đã tạo ra một bước chuyển biến quan trọng trong vùng núi Liên khu 5, đông bắc Nam Bộ nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng căn cứ cách mạng, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ hỗ trợ đấu tranh chính trị và vũ trang tự vệ. Thực hiện chủ trương đúng đắn trên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự địa phương các căn cứ cách mạng được củng cố và xây dựng ở khắp các tỉnh Tây Nguyên. Tại Kon Tum các huyện H16, H29, H30, H80, H40, H67 đều có các căn cứ (phía sau) và vùng phía trước để hỗ trợ nhau trong đấu tranh chống địch và xây dựng. Hai huyện H40 và H67 nằm ở vùng biên giới còn quan hệ với cách mạng Cam-pu-chia và Là0. Ở Gia Lai, các vùng căn cứ huyện l, 2, 7 và H2 (đông Cheo Reo) được cố và phát triển; mỗi căn cứ có từ 1 đến 2 tổ tự vệ mật làm công tác bảo vệ cơ quan, hành lang đưa đón cán bộ và diệt ác trừ gian. Tỉnh Đắc Lắc tập trung xây dựng hai căn cứ chính ở vùng Dliê Ya (phía bắc) và Nam Lung (phía nam Lắc), các huyện Buôn Hồ, M'Đrak, Cheo Reo1 đều có căn cứ. Khắp Tây Nguyên, hàng nghìn thanh niên nam nữ gia nhập lực lượng vũ trang, tự vệ, làm giao liên, tham gia các đội công tác. Vũ khí chôn giấu từ trước nay được đào lên; tổ chức lau chùi sửa chữa, trang bị cho các lực lượng. Một vài căn cứ đã xúc tiến lập các công binh xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí. Để bảo đảm nuôi quân, nhân dân các buôn làng nô nức đóng góp gạo, lúa, trâu, bò, gà, heo. Các "rẫy cách mạng" xuất hiện ở khắp nơi. Việc sản xuất lương thực, thực phẩm, tích trữ gạo, ngô, vải, muối, nông cụ... được đẩy mạnh tại các căn cứ kháng chiến. Trồng sắn (mì) được đặt tên hàng đầu và phát tnển rất nhanh, vì đây là cây dễ trồng, dễ dự trữ, địch lại khó cướp phá. Nhiều nơi nhân dân đặt tên gọi là''rẫy mì Thống nhất".

   Việc đẩy mạnh xây dựng các khu căn cứ cách mạng và sự ra đời của nhiều đội du kích ở Tây Nguyên vào cuối năm 1958 và năm 1959 có ý nghĩa lớn. Nó không những là bước tạo cơ sở vật chất, địa bàn, duy trì phát triển lực lượng cách mạng tại chỗ, là bàn đạp cho các hoạt động quân sự, là bước chuẩn bị quan trọng cho Tây Nguyên tiếp nhận những đơn vị chủ lục đến hoạt động mà còn là một mắt xích hữu cơ hợp thành của hệ thống căn cứ địa cách mạng ở miền Nam, nhân tố bảo đảm thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.




------------------------------------------------------------------
1. Cheo Reo lúc này thuộc tỉnh Đắc Lắc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 04:49:55 pm »

*

Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) xác định đường lối cách mạng miền Nam, phương hướng xây dựng và chiến đấu của các lực lương vũ trang ở miền Nam. Nghị quyết hội nghị nêu rõ: ''Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền... Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc ít hoặc nhiều tùy tình hình... Khi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền, cần phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị và phục tùng lợi ích của đấu tranh chính trị... Phải hết sức che giấu và giữ gìn lực lượng... Nhưng do đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ... Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình huống''.

   Tháng 6 năm 1959, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ -Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy 5 vào Tây Nguyên phổ biến Nghị quyết Trung ương 15 cho Liên tỉnh ủy 4. Tháng 8 năm 1959, các tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, sau đó là Đắc Lắc chính thức học tập và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15.

   Nghị quyết Trung ương 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng, ph hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân, tạo bước chuyển biến căn bản và nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam, trong dó có Tây Nguyên. Đến đâu, Nghị quyết cũng được đón nhận với niềm xúc động khôn tả; ngọn lửa cách mạng vốn từ lâu vẫn âm ỷ nay bùng lên thành đám cháy lan tỏa ra khắp cao nguyên bao la thiếu đất quân thù.

   Thực hiện Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh không ngừng và ngày càng giữ vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, Diệm. Cuối năm 1959 Ban quân sự tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) và sau đó là đồng chí Phan Phụ (Quyết) - Bí thư Ban cán sự tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Bá Trình làm cán bộ quân sự chuyên trách 1. Ở Gia Lai,  đầu năm 1960 Ban quân sự tỉnh cũng được thành lập do đồng chí Vũ Trung Thành - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Kpã Thìn - tỉnh ủy viên phụ trách. Tỉnh Đắc Lắc hình thành các ban quân sự ở các vùng (B) vào giữa năm 19622. Tiếp đó, các huyện ở Tây Nguyên cũng lần lượt tổ chức các ban quân sự huyện.

   Để xây dựng căn cứ địa cách mạng Tây Nguyên ngày càng lớn mạnh, thời kỳ này Trung ương bắt đầu chi viện cán bộ quân sự và chính trị cho các tỉnh. Tháng 9 năm 1959 đoàn cán bộ đầu tiên từ miền Bắc vào đã đến Đắc Lắc, đoàn gồm phần lớn cán bộ của Trung đoàn 120 (tập kết ra Bắc) do đồng chí Vũ Dũng phụ trách; tháng 10, đoàn thứ hai gồm 25 cán bộ do đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) chỉ huy cũng đã đến tỉnh an toàn.

Cả hai đoàn được trên giao nhiệm vụ cùng tỉnh Đắc Lắc xây dựng đường hành lang chiến lược xuyên vào Nam Bộ. Cùng thời gian này, tỉnh Kon Tum cũng được chi viện một đoàn cán bộ quân sự gồm 24 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Viên làm trưởng đoàn (đến làng Nước Kua, H29 ngày 10.9.1959); tỉnh Gia Lai được chi viện 25 cán bộ. Có đội ngũ cán bộ tại chỗ giàu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu tình hình địa phương, nguồn cán bộ cấp trên chi viện có trình độ quân sự, chính trị, kỹ Thuật vững vàng cơ bản và các chiến sĩ được chọn lọc từ các đội tự vệ mật, đội công tác, du kích tập trung... nên cán đơn vị vũ trang tập trung thuộc các tỉnh đội lần lượt ra đời. Ngày 1 tháng 10 năm 1959 tại làng Nước Chè đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Kon Tum gồm 64 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Huỳnh Văn Mẫn chỉ huy chính thức ra đời; đầu năm 1960 tỉnh xây dựng được đại đội 130, một trung đội đặc công, một trung đội trinh sát. Tại Gia Lai, tháng, 10 năm 1959 lập được 3 trung đội (10, 20, 30), đến đầu năm 1960 phát triển thêm 3 trung đội khác (40, 50, 60). Ở Đắc Lắc trung đội vũ trang đầu tiên gồm 30 cán bộ, chiến sĩ làm lễ ra mắt tháng 2 năm 1960 tại khu rừng Chư DJú (Dliê Ya) do đồng chí Cao Văn Khá chuyện) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Vũ Hùng - chỉ huy phó và đồng chí Phan Đình Lương (Vân) - chính trị viên, đồng chí Mlô Nguynh là chính trị viên phó. Các huyện M'Đrak, Cheo Reo, Buôn Hồ cũng lập được từ 1 đến 2 tiểu đội vũ trang.

   Có Nghị quyết 15 soi đường, lực lượng vũ trang hỗ trợ, chuẩn bị chu đáo, lại được khởi nghĩa Trà Bồng (8.1959 ở Quảng Ngãi), Vĩnh Thạnh (Bình Định), Phước Sơn (Quảng Nam) và đặc biệt là phong trào Đồng khởi của nhân dân Nam Bộ thôi thúc cổ vũ; năm 1960 quân và dân Tây Nguyên đồng loạt nổi dậy tiến công địch, giành quyền làm chủ, mở đầu một cao trào cách mạng mới. Đầu tiên là cuộc nổi dậy của nhân dân làng Tà Bok huyện Đắc Glei tỉnh Kon Tum. Bức xúc trước sự o ép kìm kẹp của địch và đã chuẩn bị sẵn, trưa ngày 7 tháng 9 năm 1960 nhân dân mưu trí lừa địch vào nhà uống rượu, rồi bất ngờ trước vũ khí diệt 3 tên, phóng thích một tên. Khi tên Tụi rút lựu đạn thả ra hòng tẩu thóat đã bị chị Y Ngã lao vào ôm chặt để cho chồng diệt tên này. Sau khi diệt xong tốp địch, cả làng nhanh chóng rút vào rừng chuyển lên thế bất hợp pháp đánh địch.

   Tháng 10 năm 1960, thực hiện chủ trương của Liên khu ủy 5, được một lực lượng vũ trang của trên phối hợp, quân và dân Tây Nguyên đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, giáng một đòn thôi động vào hệ thống ngụy quân, ngụy quyền ở cao nguyên. Tại Kon Tum, trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 10, ta hạ liền 6 đồn: Đắc Tả, Đắc Rú, Đắc Glei, Đắc Beng, Măng Đen, Măng Bút.; diệt và bắt 300 tên địch thu 50 súng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội chủ lực Quân khu 5 tác chiến ở Tây Nguyên. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội, các đội công tác hỗ trợ nhân dân phá banh các khu đồn dọc đường 14, đường 24, xung quanh Đắc Pét, Đắc Sút, quận lỵ Đắc Tô và Tu Mơ Rông, đưa 250 làng với 40.000 dân chuyển lên vũ trang bố phòng đánh địch, lập ra ủy ban tự quản. Một vùng rộng lớn ở bắc Tây Nguyên nối liền từ H29, H30, H40; H67, H80 do ta hoàn toàn làm chủ. Đây là nơi sau này phát triển thành căn cứ hậu phương chiến lược trực tiếp của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

   Cùng với Kon Tum, Đồng khởi ở Gia Lai mở đầu bằng trận tiến công tiêu diệt đồn Kanát (huyện 2) đêm 23 tháng 10, loại khỏi vùng chiến đấu 100 tên địch, thu 80 súng và nhiều đạn dược. Hỏang sợ, địch bỏ đồn Ktoh và Đắc Bớt. Tiếp đó ta tiêu diệt đồn Plei Bông. Những đòn tiến công quân sự đã hỗ trợ nhân dân các huyện 1, 2, 6, 7 vùng lên gianh quyền làm chủ rộng khắp; đồng bào Kinh, Thượng nô nức tham gia, nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt sáng tạo xuất hiện. Ngày 25 tháng 10 năm 1960, phụ nữ làng Sung Iao (huyện 45) do chị Rơ Chom Ban chỉ huy đã dũng cảm dùng thanh củi đánh một toán lính bảo an vào làng, diệt 6 tên, bắt 1 tên, thu 8 súng. Sau đó làng Sung Iao và các làng xung quanh chuyển sang bố phòng vừa đấu tranh vũ trang, vừa tạo thế hợp pháp. Cùng thời gian này, 3.000 dân ở đông Cheo Reo tổ chức biểu tình tuần hành 2 ngày liền, bao vây đồn Ơi Nu làm quân địch hỏang sợ, phải dùng súng cối bắn chặn quanh đồn, ngăn quần chúng tràn vào.

   Ở Đắc Lắc, sau khi trừng trị những tên ác ôn, hỗ trợ nhân dân đấu tranh, ngày 26 tháng 10, trung đội vũ trang tỉnh và đội công tác phục kích ở quả đồi buôn Hoang diệt một trung đội bảo an thu nhiều vũ khí, sau đó bức rút đồn Phú Đức, tập kích hỏa lực vào quận lỵ Buôn Hồ. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân Đắc Lắc nổi dậy mạnh mẽ, làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn từ giáp Gia Lai đến bắc đường 21 và từ đông đường 14 đến giáp vùng giải phóng tỉnh Phú Yên, với trên 30 xã hơn 300 buôn và 30.000 dân. Địch chỉ còn chiếm đóng quận M'Đrắk, Buôn Hồ...

   Sau gần bảy năm sống trong cảnh cá chậu chim lồng, với bao tủi nhục đắng cay mất mát đau thương, hờn căm dồn nén, nay nhân dân Tây Nguyên vùng lên với một sức mạnh quật khởi, ào ạt như dòng thác lũ cuốn phăng một mảng lớn hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền ở vùng nông thôn mà địch đã dày công xây dựng trong nhiều năm trời, cùng nhân dân miền Nam đánh bại cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ, Diệm. Trong không khí tiến công và nổi dậy sôi động của quân và dân Tây Nguyên, tháng 11 năm 1960 tại xã Đắc Leh huyện 1 tỉnh Gia Lai, đông đủ đại biểu các dân tộc ít người Tây Nguyên tiến hành Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc tự trị Tây Nguyên, bầu cụ Ybih Aléo làm chủ tịch, thông qua chương trình hành động, ra lời kêu gọi các dân tộc đoàn kết chống Mỹ, Diệm, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; đồng thời cử một đoàn đại biểu đi dự Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1960).




-----------------------------------------------------------------
1. Theo sách "Kon Tum 30 năm chiến đấu kiên cường bất khuất (1945-1975)" do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum xuất bản năm 1993,ở trang 99 có viết: đồng chí Nguyễn Trọng Đàm (Lý) là tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Bá Trình là chính trị viên đầu tiên của Ban quân sự tỉnh Kon Tum.
2. Giữa năm 1960, khi tách tỉnh Quảng Đức (mật danh B4), tỉnh Đắc Lắc chia làm 3 vùng: vùng bắc đường 2l (B3), vùng nam đường 21 (B5) và vùng thị xã Buôn Ma Thuột (B6).
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM