Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:23:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tự vệ thành Sài Gòn-Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp  (Đọc 1951 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:29:50 pm »

Tên sách: Tự vệ thành Sài Gòn-Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1995
Số hoá: ptlinh


Chủ biên:
   Thiếu tướng TRẦN HẢI PHỤNG

Biên soạn:
   NGUYỄN TỨ PHƯƠNG

Với sự tham gia:
   Trung tướng HÀ NGỌC TIẾU
   Đại tá NGUYỄN XUÂN DIỆU
   Đại tá TRẦN BÁ HÀO
   Đại tá NGUYỄN VŨ LINH
   Kỹ sư NGUYỄN VĂN TƯ


Tư liệu:
   NGUYỄN MINH CHÁNH
   NGUYỄN DANH KHÔI
   Cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ, cơ sở Cách mạng Tự vệ Thành đã từng công tác ở Sài Gòn - Chợ Lớn


Tổ chức thực hiện:
   Đại tá ĐINH VĂN HUỆ (Trưởng phòng khoa học công nghệ và môi trương Quân khu 7)
 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:30:55 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


Tự vệ Thành là một tổ chức vũ trang cách mạng được hình thành và hoạt động trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm thành phố - mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trên cơ sở tổ chức lại các tổ vũ trang, bán vũ trang tự lập, với phương thức hoạt động theo kiểu "biệt động" dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy và tổ chức cơ sở Đảng, Tự vệ Thành đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến tranh nhân dân vô cùng anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong những ngày đầu kháng chiến.


Thực hiện nghị quyết ngày 6 tháng 1 năm 1991 của Câu lạc bộ truyền thống các lực lượng vũ trang - Hội cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh về việc sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh của quân và dân thành phố trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), tiếp theo việc xuất bản các cuốn: "Sống mãi với Đô thành" (tập 1), "Lược sử chiến sĩ Quyết tử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1945 - 1954)" chúng tôi tổ chức biên soạn cuốn "Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến chống Pháp". Tập sách sẽ góp thêm những tư liệu quý về bức tranh toàn cảnh cuộc đấu tranh chông ngoại xâm của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn.


Nhân dịp cuốn sách hoàn chỉnh bước đầu và được xuất bản, xin chân thành biết ơn những cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, tạo dựng những trang sử hào hùng của lực lượng Tự vệ Thành; cảm ơn những đơn vị, cá nhân - đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ Tự vệ Thành trước đây đã đóng góp những ý kiến và tư liệu quý trong quá trình biên soạn; Cám ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện để sách đến với bạn đọc, thiết thực kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.


Mặc dầu tập thể biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do việc sưu tầm tư liệu cò khó khăn, bởi độ lùi thời gian đã gần 50 năm và do khả năng thể hiện còn hạn chế, tập sách khó tránh khỏi sự giản lược và khiếm khuyết. Rất mong được sự góp ý của các đồng chí và các bạn.


Chủ nhiệm Câu lạc bộ
truyền thống các lực lượng vũ trang
Thành phố Hồ Chí Minh

Thiếu tướng TRẦN HAI PHỤNG
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:32:23 pm »

Chương một
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG BIẾN THỂ
CỦA TỰ VỆ THÀNH SÀI GÒN - CHỢ LỚN


I. CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG VŨ TRANG TRONG THÀNH SÀI GÒN - CHỢ LỚN TẠM BỊ ĐỊCH CHIẾM (SAU NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1945)

Cuộc vận động cách mạng sâu rộng đầu năm 1945, nhất là từ sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (9-3-1945) ngày càng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Cùng với cả nước, Sài Gòn - Chợ Lớn hướng tới một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.


Phong trào cách mạng ngày một dâng cao, đặc biệt là sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh đã tạo nên thời cơ "nghìn năm có một", để nhân dân ta giành chính quyền trong cả nuớc.


Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập, do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ xịch đã kịp thời lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh giành chính quyền.


Tổng khởi nghĩa thành công ở Thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 8 trở thành động lực mạnh mẽ, tạo nên "phản ứng dây chuyền" từ Bắc tới Nam. Mọi công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở Nam Bộ được xúc tiến khẩn trương.


Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn - Chợ Lớn họp ở Chợ Đệm, quyết định ngày 24 tháng 8 sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn.


Ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Sài Gòn, chính quyền thuộc về quần chúng cách mạng, chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm.


Cách mạng mới giành thắng lợi, người dân Sài Gòn chưa trọn niềm vui, thì quân đội Anh với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật cùng hàng nghìn lính Pháp núp dưới bóng quân đồng minh đã trở lại Sài Gòn, thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.


Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên một triệu đồng bào Sài Gòn mít tinh rầm rộ với rừng cờ đỏ sao vàng, mừng đón giờ phút thiêng liêng ra đời chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, thì quân Pháp đã bắn lén làm chết và bị thương một số đồng bào ta. Các chiến sĩ vũ trang và bán vũ trang đã nhanh chóng trừng trị những kẻ khiêu khích, bắt giữ nhiều tên. Không dừng ở đó, thực dân Pháp vẫn tiếp tục cho quân lính tăng cường hành động gây hấn, khủng bố nhân dân, xâm lược chủ quyền đất nuốc ta. Tình hình ngày càng căng thẳng, buộc chúng ta phải kiên quyết đánh trả để tự vệ.


Sáng 23 tháng 9 năm 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn hiên ngang bước vào cuộc chiến đấu mới. Các chiến sĩ Tự vệ chiến đấu, Thanh niên Tiền phong, Quốc gia tự vệ cuộc (công an), Công đoàn... cùng nhân dân Sài Gòn anh dũng chiến đấu đánh trả quân Pháp xâm luợc. Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp tại nhà số 269 đường Cây Mai - Chợ Lớn, quyết định điện báo ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị, để phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp.


Sau khi gây hấn ở Sài Gòn, dần dần thực dân Pháp đánh nống ra các thành phố thị xã khác. Nhưng ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, các nhóm, các tổ vũ trang ta vẫn dũng cảm hoạt động: Các vụ đánh phá, đốt kho tàng, nhà máy, diệt ác trừ gian vẫn tiếp diễn hàng ngày, gây cho địch nhiều thiệt hại về người và của.


Trước diễn biến của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, ngày 25 tháng 10 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ mở hội nghị đại biểu các tỉnh, thành tại Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ, Cái Bè, Mỹ Tho). Đây là hội nghị có đông đại biểu của Đảng bộ Nam Bộ kháng chiến tham dự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí khác vừa được giải phóng từ nhà lao Côn Đảo trở về cũng đến dự. Hội nghị nhận định tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, nhân mạnh nguyên tắc: "Đảng phải xây dựng và nắm các lực lượng vũ trang, đề ra hàng loạt biện pháp cấp thiết nhằm củng cố lực lượng vũ trang, đưa các đảng viên ưu tú gia nhập làm nòng cốt cho các lực lượng vũ trang. Hội nghị quyết định gấp rút xây dựng lực lượng, lấy du kích chiến làm chiến thuật chính, thực hiện vườn không nhà trống, đẩy mạnh công tác trừ gian; triệt để xây dựng cơ sở bí mật ngay trong thành phố, thị xã tạm bị chiếm, khôi phục chính quyền ở những nơi bị vỡ.


Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng ra hầu khắp các tỉnh ở Nam Bộ, ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc". Đồng thời Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chia cả nước thành chí chiến khu. Địa bàn Nam Bộ bao gồm ba chiến khu 7, 8, 9.


Đối với Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Trung ương Đảng chỉ thị phải phong tỏa những thành phố đã lọt vào tay địch về kinh tế, chính trị, kết hợp tiến công quân sự, áp dụng du kích chiến triệt để, vận động nhân dân thực hiện "vườn không nhà trống" khi địch tới.


Chấp hành chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc" của Trung ương Đảng, ngày 10 tháng 12 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ tiến hành hội nghị mở rộng tại xã Bình Hòa Nam (trên bờ sông Vàm Cỏ Đông), chính thức thành lập Khu 7, Khu 8 và Khu 9.


Ban chỉ huy Khu 7 gồm các đồng chí: Nguyễn Bình - khu bộ trưởng, Dương Văn Dương - khu bộ phó. Đến giữa năm 1946, đồng chí Trần Xuân Độ được chỉ định làm chủ nhiệm chính trị khu bộ.


Ngày 20 tháng 2 năm 1946, khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An, quyết định tổ chức lại cơ quan khu bộ, đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng nhằm củng cố lại lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh du kích đặc biệt ở vùng đô thị và các vùng cao su, tăng cường cán bộ xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng, thế trận phòng thủ... Hội nghị đề ra chương trình hành động cụ thể gồm chín điểm; trong đó tập trung vào những khâu then chốt: trừ gian, nắm vững dân chúng, phát động du kích chiến tranh ngay trong lòng Sài Gòn - Chợ Lớn, và lập các ban trừ gian hoạt động ở thành phố.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:33:26 pm »

II. TỔ CHỨC VÀ NHỮNG BIẾN THỂ CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỰ VỆ THÀNH SÀI GÒN - CHỢ LỚN

Các chỉ thị, nghị quyết của Trung uơng Đảng, Xứ ủy Nam Bộ về cuộc kháng chiến; đặc biệt là những vấn đề về chiến tranh nhân dân, các hình thức, biện pháp đấu tranh và quyết định của Khu bộ Khu 7 đã hướng cuộc đấu tranh của nhân dân và các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển đúng hướng. Trên nền tảng cuộc chiến tranh nhân dân và cũng do yêu cầu bức xúc của cuộc chiến tranh, nhiều tổ chức vũ trang ở Sài Gòn - Chợ Lớn lần lượt hình thành và hoạt động có hiệu quả.

1. Các đơn vị vũ trang tự lập sau ngày 23 tháng 9 nảm 1945.

Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1945, Pháp đánh nống ra hầu khắp các tỉnh ở Nam Bộ. Nhiều người dân Sài Gòn trước đây tản cư về các vùng nông thôn Nam Bộ, nay gặp khó khăn đã phải trở lại vùng địch tạm chiếm để sinh sống. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ quyết định cử một số cán bộ, đảng viên vào nội thành có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn lãnh đạo nhân dân đấu tranh ngay tại sào huyệt kẻ thù. Ngoài các đoàn thể của quần chúng, các tổ chức chính trị nằm trong Mặt trận Việt Minh được củng cố và phát triển sâu rộng, còn có các đội "cảm tử" trụ bám ở các vùng ngoại ô cùng các tổ dân quân du kích. Được Xứ ủy và Khu bộ Khu 7 lãnh đạo, chỉ đạo, các tổ chức vũ trang hoạt động nội thành từ trước đó được phát triển thêm. Các địa bàn cơ sở yếu từng bước được củng cố. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng tỏ rõ sức mạnh, đánh địch có hiệu quả hơn.


Từ thục tiễn sống động của thế trận chiến tranh nhân dân, nhiều tổ chức vũ trang tự lập trong thành phố nhanh chóng hình thành dưới các tên gọi: Ban trinh sát Hùng Vương, Ban trinh sát Quân chính, Ban Vô hình, Ban Trừ gian, Đội cảm tử Nguyễn Bình, Nhóm "Dao găm"...


2. Các Ban công tác thành

Trong chuyến đột nhập nội thành để khảo sát tình hình vào cuối năm 1945, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình thấy cần phải chấn chỉnh lại các lực lượng vũ trang tự lập để tăng tính hiệu quả hoạt động tác chiến. Sau cuộc họp ở Gò Cát và Bình Hưng Hòa (giáp ranh Chợ Lớn) và cuộc họp ở ấp 4 xã Vĩnh Lộc, huyện Hóc Môn, vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, Khu bộ trưởng quyết định hợp nhất tất cả các tổ chức bán quân sự đã có trước đó thành một lực lượng lấy tên chung là các Ban công tác Thành.


Để thực hiện phương án này, Khu bộ trưởng khẩn trương tiến hành một số công việc cụ thể:

- Ủy quyền cho đồng chí Nguyễn Xuân Diệu là đại diện Khu bộ trưởng tiến hành vận động thực hiện sự chỉ huy thống nhất các Ban công tác Thành.

- Thành lập Ban chỉ quân sự thành Sài Gòn - Chợ Lớn, đặt dưới sự chỉ huy của Khu 7. Thành phần của Ban chỉ huy quân sự thành gồm các đồng chí:

Đặng Kim Thành (tức Nguyễn Xuân Diệu) - Chỉ huy trưởng.

Trịnh Văn Hà (tức Nguyễn Văn Tư) - Chỉ huy phó.

Vũ Kiên Chính (tức Nguyễn Mạnh Liên) - Chỉ huy phó.


Vào đầu tháng 5 năm 1946, tại văn phòng Ban công tác số 2 ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc đã diễn ra cuộc họp gồm các đồng chí Nguyễn Đình Chính (Ban công tác số 1), Nguyễn Văn Tôn (Ban công tác số 2) và Nguyễn Văn Hân (ban công tác số 3) do đồng chí Nguyễn Xuân Diệu - đại diện khu bộ trưởng, Khu 7 chủ trì. Hội nghị thảo luận quyết định của Khu bộ trưởng, thống nhất chỉ huy ba ban công tác trực thuộc Ban chỉ huy Thành. Tiếp đó, thêm ba ban công tác (4, 5, 6) ra đời trong hai tháng 5 và 6, đặt dưới sự chỉ huy chung của Ban chỉ huy quân sự thành.


Cùng thời gian này, Khu bộ trưởng đã quyết định công nhận Ban công tác đặc biệt - một tổ chức tình báo của ta hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ban công tác đặc biệt cũng được đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ huy quân sự thành, do đồng chí Cao Văn Tây trực tiếp chỉ huy.


Việc thống nhất chỉ huy các Ban công tác thành là một chủ trương đúng đắn, tạo được sự đoàn kết hiệp đồng, khắc phục được tình trạng phân tán, nâng cao được hiệu suất chiến đấu. Chủ trương trên được thống nhất thực hiện, nhưng thực tê đã nảy sinh tình trạng ban nào cũng đểu muôn được Khu bộ trưởng Nguyễn Bình - một cán bộ quân sự dũng cảm, năng động, quyết đoán được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào, trực tiếp chỉ huy.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:35:49 pm »

3. Tự vệ Thành

Đồng thời với việc chấn chỉnh, củng cố và thống nhất chỉ huy các Ban công tác, Khu bộ trưởng ra quyết định xây dựng một lực lượng quân sự mới lấy tên là Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây là quyết định đã được thống nhất từ trước giữa Khu bộ trưởng Nguyễn Bình với đồng chí Nguyễn Văn Hoàn (tức Hà Ngọc Tiếu) và đồng chí Hà Ngọc Tiếu được phân công tổ chức. Nhiệm vụ của lực lượng Tự vệ Thành là:

- Nếu Pháp nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) ngừng tiến công quân sự thì Tự vệ Thành là lực lượng giữ trật tự trong thành phố và hỗ trợ cho chính quyền cơ sở cùng nhân dân trong khu vực, công nhân các xí nghiệp đấu tranh bảo vệ việc thi hành hiệp định.

- Nếu thực dân Pháp tráo trở, không thực hiện Hiệp định đã ký, thì Tự vệ Thành sẽ là lực lượng quân sự của chính quyền cơ sở cùng với nhân dân từng khu vực đánh địch ngay trong nội thành.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Tự vệ Thành phải được tổ chức theo khu vực phụ trách của chính quyền cách mạng cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn về thành phố tháng 6 năm 1946, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thành bộ Việt Minh. Mới hoạt động được hai tháng thì đồng chí Hoàn bị địch bắt trong dịp kỷ niệm ngày Tổng khởi nghĩa (19-8-1946). Nhằm tạo điều kiện xúc tiến việc tổ chức Tự vệ Thành phù hợp với quyết định trước và căn cứ vào đề nghị của đồng chí Nguyễn Xuân Diệu, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình giao cho Ban chỉ huy quân sự thành đặc trách chỉ huy cả Tự vệ Thành.


Khoảng giữa năm 1947, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn tiến hành hội nghị cán bộ Đảng toàn thành tại kênh Bà Vụ (Vườn Thơm, Trung Huyện, Chợ Lớn). Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Xứ ủy dự hội nghị. Nội dung chủ yếu thảo luận ở hội nghị là công tác xây dựng lực lượng cách mạng và hoạt động của lực lượng này ở thành phố. Hội nghị thống nhất chủ trương đối với hoạt động trong nội thành, Đảng phải đi sâu vào phong trào quần chúng, phải tiến hành kết hợp đấu tranh chính trị - kinh tế với đấu tranh quân sự, trừ gian, diệt ác. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh các hoạt động bí mật, công khai và nửa công khai; không hợp pháp, hợp pháp và nửa hợp pháp.


Tư tưởng chỉ đạo của ta là chủ động tiến công địch chứ không "trường kỳ mai phục". Những nội dung cơ bản mà hội nghị thống nhất đã đặt nền tảng về chủ trương, biện pháp cụ thể cho đấu tranh vũ trang tại một thành phố lớn như Sài Gòn.


Hội nghị bầu đồng chí Nguyễn Văn Mười (tức Mười Cúc hay Nguyễn Văn Linh1 (Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - khóa VI (1986-1992)) làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.


Từ cuối năm 1947, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, trên địa bàn Nam Bộ đã thống nhất thành lập hệ thống các đơn vị dân quân, du kích và bộ đội địa phương. Trên cơ sở chủ trương đó, Tự vệ Thành có những biến động về tổ chức và mang những tên gọi khác nhau.


a) Thành lập Liên dội du kích Sài Gòn - Chợ Lớn

Cùng với việc thành lập các trung đoàn vũ trang tập trung của thành phố (trong đó có trung đoàn Phạm Hồng Thái), các Tỉnh đội dân quân, các Ban công tác và Tự vệ Thành trước đây thuộc Khu 7 được chuyển thành lực lượng vũ trang địa phương (địa phương quân) trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn.


Tháng 11 năm 1947, Thành ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn quyết định biên chế các ban công tác và Tự vệ Thành thành các đại đội du kích của thành phố, gọi là Liên đội du kích thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Liên đội này đặt dưới sự chỉ huy của Ban Dân quân thành mới được thành lập do một đồng chí Phó bí thư Thành ủy phụ trách. Với chủ trương này, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có cả ba thứ quân: chủ lực là trung đoàn Phạm Hồng Thái, bộ đội địa phương là các Ban công tác và Tự vệ Thành biên chế lại thành các đại đội du kích và dân quân các quận, (đang được củng cố và tổ chức)

Bảy Ban công tác Thành được đặt danh hiệu từ đại đội du kích số 1 đến đại đội du kích số 7.


b) Chuyển 15 khu và đội Tự vệ Thành thành ba đại đội du kích

Cùng với quyết định chuyển các đội tự vệ thành lực lượng vũ trang trực thuộc chính quyền địa phương, Thành ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn tiến hành biên chế lại lực lượng này. 15 khu đội và đội Tự vệ Thành được biên chế thành ba đại đội du kích.


Mỗi đại đội gồm năm trung đội, trong đó có tính đến địa bàn hoạt động gần nhau. Ba đại đội này đánh số hiệu từ đại đội số 8, số 9 đến số 10. Lúc này toàn thành phố đã có 10 đại đội du kích.


Nhằm kiện toàn tổ chức các đơn vị được chặt chẽ và không ảnh hưởng đến chiến đấu, Ban chỉ huy Tự vệ Thành đề nghị tạm thời giữ nguyên thành phần ban chỉ huy cũ nhưng đổi tên là Ban chỉ huy Liên đại đội du kích 8, 9, 10. Ban này sẽ giải thể sau khi hoàn thành việc phiên chế các đại đội. Trong lúc đang chấn chỉnh biên chế, tổ chức thì hai đồng chí chỉ huy phó: Hoàng Trọng Khải và Nguyễn Hoài Nam lần lượt hy sinh. Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn chấp thuận đề nghị của đơn vị bổ sung đồng chí Đỗ Tân (đang phụ trách ban chính trị) vào Ban chỉ huy Liên đại đội du kích 8, 9, 10, giữ chức chính trị viên.


Chỉ huy các đại đội được sắp xếp như sau:

* Đại đội 8:
   Đại đội trưởng: Đào Văn Thực
   Đại đội phó: Đặng Đức Hào
   Chính trị viên: Hoàng Hữu Phúc.

* Đại đội 9:
   Đại đội trưởng: Đoàn Cát
   Đại đội phó Huỳnh Quang Tân, Như Thơ (Nguyễn Văn Thêu, Ba Thêu)
   Chính trị viên: Lý Kỳ Nam.

* Đại đội 10:
   Đại đội trưởng: Nguyễn Văn Nam (Nguyễn Danh Khôi).
   Đại đội phó: Huỳnh Văn Khai (Hoàng Hồng Các).
   Chính trị viên: Đỗ Văn Hanh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:37:17 pm »

c) Tổ chức Ban 200/CT và Ban chỉ huy 10 Ban công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn

Khi Tự vệ Thành hoàn thành cơ bản việc xây đựng Liên đại đội du kích 8, 9, 10, chuẩn bị mọi mặt cho ba đại đội 8, 9, 10 tách khỏi liên đại đội, thì nảy sinh tình trạng: việc tổ chức các Ban công tác thành các đại đội du kích đã đưa đến một tâm lý không ổn định, ảnh hưởng đến tác chiến, gây bất lợi cho phong trào ở nội thành. Chủ động nắm bắt tình hình, Ban chỉ huy các ban công tác đề nghị cấp trên cho lấy lại danh hiệu cũ. Trước yêu cầu bức xúc của các đơn vị, tháng 4 năm 1948, Khu bộ trưởng Khu 7 Nguyễn Bình ra quyết định: 10 đại đội du kích Sài Gòn - Chợ Lớn lấy lại tên 10 ban công tác như cũ, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của một ban gọi là "Ban 200/CT" do Khu bộ Khu 7 trực tiếp chỉ huy. Với quyết định này, 10 đại đội du kích không nằm trong hệ thống của thành đội dân quân Sài Gòn - Chợ Lớn. Chủ trương này đã ổn định được tâm lý cho các Ban công tác thành nhưng chưa phù hợp với chủ trương thành lập lực lượng vũ trang địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn chưa có lực lượng vũ trang địa phương. Ban chỉ huy 200/CT gồm 10 trưởng ban công tác (tức 10 đại đội trưởng các đại đội du kích đã được phiên chế trước đó), họp cùng một Tổng thư ký, hình thành một ban chỉ huy chung, lấy tên là Ban thường vụ 200/CT. Đồng chí Nguyễn Tứ Phương được chỉ định làm Tổng thư ký. Bên cạnh Ban thường vụ 200/CT có một ủy viên kiểm soát là đồng chí Phạm Ngọc Thảo - trưởng phòng mật vụ Nam Bộ và một ủy viên chính trị là đồng chí Phạm Tuân.


Là người luôn quan tâm đến phong trào đấu tranh vũ trang ở đô thị, tháng 10 năm 1948, trước khi về công tác tại Bộ tự lệnh Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Bình đã nghiên cứu đề ra các giải pháp về vấn đề tổ chức, chỉ huy các lực lượng công tác của Sài Gòn - Chợ Lớn.


Trên cương vị là Khu trưởng Khu 7, đồng chí Nguyễn Bình đã cùng đồng chí Huỳnh Văn Nghệ - Tư lệnh phó (sau này là Khu trưởng Khu 7) tổ chức một cuộc hội nghị gồm toàn thể Ban thường vụ 200/CT để thông báo một số nội dung về tổ chức chỉ huy các lực lượng công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn cụ thể:

* Giải thể ban 200/CT và Ban thường vụ 200/CT.

* Thành lập Ban chỉ huy 10 Ban công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn.

* Chỉ định Ban chỉ huy 10 Ban công tác thành, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Công trung đoàn trưởng trung đoàn 306 kiêm chỉ huy trưởng 10 Ban công tác thành, Nguyễn Tứ Phương chính trị viên. Ban chỉ huy 10 Ban công tác đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Khu 7.


Với quyết định này, lực lượng vũ trang, tự vệ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thống nhất về chỉ huy, nhưng Thành ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính vẫn chưa có lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp của mình.


d) Rút gọn tổ chức các Ban công tác thành

Đầu năm 1949, nhằm tổ chức gọn và tăng cường khả năng chiến đấu, 10 Ban công tác thành được biên chế lại thành năm ban:

- Ban công tác số 16 gồm Ban công tác 1 và 6.
- Ban công tác số 17 gồm Ban công tác 7 và 9.
- Ban công tác số 18 gồm Ban công tác 8 và 10.
- Ban công tác số 19 gồm Ban công tác 2, 3 và 5.
- Ban công tác số 20 gồm Ban công tác 4 và 145.

Đến tháng 9 năm 1949, do yêu cầu tiếp tục tập trung lực lượng chiến đấu, năm ban công tác trên lại được biên chế thành ba ban công tác: 18, 19 và 20.


e) Thành lập Tiểu đoàn Quyết tử 950

Thất bại trong chủ trương chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", từ cuối năm 1949, thực dân Pháp ráo riết thực hiện chủ trương: "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", "Dùng người Việt trị người Việt". Trên bình diện cả nước, thế trận chiến tranh nhân dân nhằm đánh bại âm mưu thâm độc của kẻ thù đang được phát triển thêm một bước mới. Lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển nhanh chóng.


Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Bộ Tư lệnh khu Sài Gòn lúc đó do đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh kiêm Chính ủy, quyết định thống nhất các Ban công tác thành thành Tiểu đoàn Quyết tử 950.


Ngày 19 tháng 12 năm 1949, lễ thành lập Tiểu đoàn Quyết tử được tổ chức trọng thể tại khu Vườn Xoài thuộc Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Nam (hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông). Ban chỉ huy tiểu đoàn khi mới thành lập gồm: tiểu đoàn phó Lý Quốc Oai (tức Nguyễn Xuân Thanh) và chính trị viên Lê Bôi (tức Nguyễn Ngọc Lộc).


Trên cơ sở ba ban công tác số 18, 19, và 20, tiểu đoàn biên chế thành ba đơn vị: 3018, 3019, 3020 và một đội biệt động vũ trang. Mỗi đơn vị tương đương một đại đội.


Một tháng sau, các đơn vị được tổ chức lại:

* Đơn vị 3018 hợp nhất các ban công tác số 1, 6, 8, 10 thành đại đội 3927, do đồng chí Thanh Bần (tức Thanh Sơn) nguyên Phó ban công tác 18 làm đại đội phó, đồng chí Võ Thái làm chính trị viên.

* Đơn vị 3019 hợp nhất các ban công tác 2,3, 5 thành đại đội 3721, do đồng chí Nguyễn Huỳnh (tức Ba Cự) làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Trung Hiến (tức Hiến Địa) làm chính trị viên, sau đó là đồng chí Trần Thanh Ý (tức Trần Thanh Đạt).

* Đơn vị 3020 hợp nhất các ban Công tác số 4, 7, 9 và 145 thành đại đội 3824 do đồng chí Bùi Việt Hương (tức Đức Hy Sinh) làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Anh Linh (tức Trần Đình Hà) làm chính trị viên.

* Đại đội biệt động vũ trang có khoảng 30 chiến sĩ chọn từ các ban công tác thành được trang bị các loại súng đại liên, súng cối, phóng lựu... do đồng chí Phùng Minh Ký (tức Bảy Rể) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Thắng làm chính trị viên. Khi ở căn cứ, nhiệm vụ của đội biệt động là chống địch càn quét; khi phối hợp với lực lượng vũ trang nội thành thì đảm trách đánh thọc vào vùng ven đô để hỗ trợ cho các ban công tác thành hoạt động ở các hướng bàn đạp.


Về tổ chức, chỉ trong thời gian hơn ba năm, nhưng lực lượng Tự vệ Thành đã có nhiều biến đổi. Những biến đổi đó một mặt xuất phát từ tình hình thực tế địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn, mặt khác cũng nằm trong xu thế phát triển chung về tổ chức lực lượng vũ trang Nam Bộ trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Từ khi thành lập đến hết năm 1948, khởi đầu là 15 khu, đội tự vệ, sau đổi tên là Liên đại đội du kích số 8, số 9 và số 10, tiếp đó là ba Ban công tác số 8, số 9 và số 10. Dù mang tên nào thì thành phần cán bộ chỉ huy chung, cán bộ chỉ huy đơn vị cơ sở và các chiến sĩ vẫn là lực lượng Tự vệ Thành.


* Đầu năm 1949, năm ban công tác hình thành thì Ban công tác 18 gồm hai Ban công tác số 8 và số 10, cán bộ chỉ huy và chiến sĩ hoàn toàn là lực lượng Tự vệ Thành.

Ban công tác số 17 gồm hai ban công tác số 7 và số 9 với thành phần cán bộ chỉ huy và chiến sĩ đã được mở rộng, riêng Ban công tác số 9 là lực lượng Tự vệ Thành.


* Ngày 19 tháng 12 năm 1949, thành lập tiểu đoàn Quyết Tử với ba đại đội 3721, 3824,3927, thì Ban công tác số 8, số 10 nguyên là lực lượng Tự vệ Thành cùng với Ban công tác số 1 và số 6 trở thành đại đội 3927. Ban công tác số 9 nguyên là lực lượng Tự vệ Thành cùng với các ban công tác số 145, số 4, số 7 trở thành đại đội 3824.

Từ đầu năm 1949, lực lượng Tự vệ Thành có sự thay đổi về tổ chức cũng như cơ cấu lực lượng, về tổ chức chung là tiểu đoàn Quyết Tử trực thuộc Ban chỉ huy quân sự Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Do nhiều lần thay đổi về tổ chức, nên tên gọi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cũng như những hoạt động cụ thể cũng có nhiều biến động.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 09:12:03 am »

Chương hai
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG TỰ VỆ THÀNH SÀI GÒN - CHỢ LỚN


I. XÂY DỰNG CÁC TỔ CHỨC CHIẾN ĐẤU VÀ CĂN CỨ ĐỨNG CHÂN

1. Thành lập các đơn vị tự vệ ở nội thành gắn với việc xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng làm chỗ dựa vững chắc để thực hành chiến đấu

Do tác động tình hình trong nước và nội tình nước Pháp, từ tháng 3 năm 1946, ở Sài Gòn - Chợ Lớn và trên khắp địa bàn Nam Bộ đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy phong trào kháng chiến phát triển. Việc thực dân Pháp mở rộng địa bàn đánh chiếm đã sớm bộc lộ mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung, ở các thành phố, khi bị bao vây về kinh tế, địch đã lâm vào tình trạng khốn đốn về nhiều mặt.


Ở Pháp, chính phủ phản động đổ, chính quyền mới do Đảng xã hội Pháp nắm, Đảng cộng sản Pháp đã có tiếng nói trong Quốc hội Pháp, ở Sài Gòn, một nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác do Đảng cộng sản Pháp tổ chức, đã ra hoạt động công khai. Tình hình đó làm cho giới phản động Pháp dao động, kể cả Việt gian tay sai cũng hết sức hoang mang.


Nhiều báo chí ở Sài Gòn công khai viết về Cách mạng Việt Nam, đưa tin về những hoạt động của các tổ chức cách mạng, lên án hành động dã man của thực dân Pháp và bọn Việt gian.


Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng: "Phải lợi dụng tình thế này mà phục hồi các tổ chức cách mạng và chính quyền cơ sở ở vùng bị địch tạm chiếm". Xứ ủy Nam Bộ kịp thời chỉ đạo các khu, thành, tỉnh tiếp tục chọn cán bộ, đảng viên đưa vào hoạt động trong các vùng tạm bị địch chiếm.


Trong bối cảnh lịch sử này, lực lượng Tự vệ Thành được gấp rút xây dựng. Nhận nhiệm vụ của Ban chỉ huy quân sự thành, các cán bộ và học viên Trường Quân chính Khu 7 phần đông đã có mặt tại ấp 4 xã Vĩnh Lộc để lần lượt vào nội thành hoạt động. Sau đó được bổ sung thêm hai đồng chí, là Nguyễn Quang Phục và Nguyễn Minh Hoàng. Hai đồng chí vừa trực tiếp tham gia đánh địch, vừa làm huấn luyện viên chính trị và quân sự. Các đồng chí Mạnh Liên, Quang Phục, Minh Hoàng đều được bố trí nơi ăn chốn ở tại các cơ sở quần chúng cách mạng, bảo đảm an toàn. Mỗi đồng chí có một giao liên riêng để tiện liên lạc với Ban chỉ huy. Những giao liên đầu tiên trong Ban chỉ huy là các chị Huỳnh Thị Bông, Võ Thị Hồng Thắm, Nguyễn Thị Huệ và em Bùi Thị Liễu, tất cả đều đã được đào tạo ở Truờng Quân chính. Bộ phận do đồng chí Hà Ngọc Tiếu phụ trách gồm các cán bộ quân sự vào thành phố tháng 6 năm 1946, thì quan hệ trực tiếp với Thành bộ Việt Minh, dựa vào các nghiệp đoàn thợ giày, thợ may và các đoàn thể cứu quốc để hoạt động, phát triển.


Mọi vấn đề ăn, ở trong quá trình hoạt động tại nội thành, đều do các thành viên tự vệ hoàn toàn tự túc. Mỗi cán bộ, đội viên tự vệ phải tự tìm công ăn việc làm hợp pháp, vừa tự nuôi thân, vừa để đánh lạc hướng săn lùng của kẻ thù. Yêu cầu đối với anh chị em là bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối bí mật tung tích của mình, từng người hoạt động độc lập, không vì tình cảm mà liên hệ không đúng nguyên tắc. Điều quan trọng sống còn là mỗi chiến sĩ tự vệ phải nắm chắc tính hình quần chúng và tình hình địch tại vùng mình cư trú, xây dựng cơ sở quần chứng cách mạng để có nơi ẩn náu, tránh địch; chỉ trên cơ sở đó mới lựa chọn kết nạp đội viên vào tổ chức. Việc kết nạp đội viên vào tổ chức cũng rất quan trọng, phải nghiên cứu điều tra từng người cụ thể, hết sức cảnh giác đề phòng địch chui vào hàng ngũ của mình.


Về mặt bảo đảm tài chính cho hoạt động, ban đầu Tự vệ Thành được Công đoàn Nam Bộ thông qua đồng chí Lý Chính Thắng và Hà Huy Giáp cấp cho 20.000 đồng tiền Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Oanh (lúc đó là thanh tra chính trị Miền Đông) cũng có lúc hỗ trợ thêm. Sau đó, Tự vệ Thành dựa một phần vào tiền bán công trái, phiếu kháng chiến của trên (Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ) cấp cho và một phần dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào nội thành.


Khoảng hai ba tháng hoạt động ở nội thành, anh chị em tự vệ đã ổn định được chỗ ăn, ở, xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng và cơ sở tổ chức đầu tiên. Vào cuối tháng 6 năm 1946, trên 20 cán bộ được chọn lọc, phần lớn là học viên Trường Quân chính Khu 7, tổ chức một cuộc họp tại nhà hàng trên đường Thủy Binh ở Chợ Lớn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Đồng chí Nguyễn Mạnh Liên, với danh nghĩa là chỉ huy phó Ban quân sự thành chủ trì cuộc họp. Các đồng chí Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Vũ Linh, Nguyễn Tứ Phương, Trần Quốc Phiên tham dự cuộc họp này. Lúc đó địch chưa kiểm soát chặt chẽ các đường phố ở Chợ Lớn. Chủ nhà hàng là người Hoa có cảm tình với cách mạng. Cuộc họp được tiến hành an toàn, dưới hình thức một cuộc chiêu đãi thân mật. Cuộc họp được tiến hành nhằm:

- Sơ bộ kiểm tra hoạt động của cán bộ cùng khả năng và điều kiện sinh sống của anh em Tự vệ Thành.

- Từ thực tế đó, phân chia khu vực và địa bàn hoạt động, phân công cán bộ phụ trách các khu vực và địa bàn.


Về nguyên tắc: Tự vệ Thành được tổ chức theo địa bàn dân cư, lấy đơn vị hành chính là hộ, quận làm cơ sở. Lúc đó nội thành có 18 hộ... Ngoài ra, Tự vệ Thành cũng được tổ chức theo đường phố lớn và xí nghiệp lớn. Với địa bàn dân cư gọi là khu tự vệ. Với đường phố hoặc xí nghiệp thì gọi là đội tự vệ. Mỗi khu hoặc đội tự vệ có thể tổ chức đến trung đội. Lúc đó, anh em đã tổ chức được 13 khu và đội tự vệ. Sau này có tổ chức thêm hai đội nữa, tổng số gồm 15 khu và đội. Tại một vài địa bàn dân cư hoặc xí nghiệp mà địch bố phòng chặt chẽ, ta chưa có điều kiện tổ chức lực lượng tự vệ.


Các khu tự vệ lấy tên những địa danh lịch sử cách mạng gồm có: khu Võ Nhai, Đình Cả, Bắc Son, Bạch Đằng, Lam Sơn, Tây Hồ, Hóc Môn và Lạc An. Các đội tự vệ có: đội Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Ký Con, Thái Văn Lung - tên các danh nhân lịch sử. Sau này có thêm trung đội Mê Linh, trung đội Minh Khai và trung đội "Tiểu Quỷ".


Các khu và đội tự vệ đều đứng chân hoạt động trong nội thành, tập trung ở phía đông và đông bắc thành phố. Khu Bạch Đằng lấy Phú Nhuận, chợ Xã Tài đến chân cầu Kiệu làm chỗ đứng chân và hoạt động. Địa bàn khu Lam Sơn gồm vùng Bà Chiểu chạy dài sang Thị Nghề, với hai chợ khá sầm uất. Khu Tây Hồ đứng chân tại vùng Tân Định, Đa Kao, cũng có hai chợ buôn bán đông đúc. Tại đây có tổ chức một tiểu đội gồm những người đạp xích lô trụ tại vùng Hầm Sỏi và Bến Tắm Ngựa (nay là đường Huỳnh Tịnh Của). Khu Hóc Môn đứng chân ở vùng Bàn Cơ, lúc đó còn là xóm nhà lá nhưng có chợ rất đông người. Đội Ký Con lấy đường phố từ Phú Nhuận chạy dọc sang Bà Chiểu (nay là đường Phan Đăng Lưu), hồi đó địch đặt tên là "Đại lộ Vành đai" (Boulevard de la ceinture) làm nơi ém quân và hoạt động. Đội Trần Quốc Tuấn lấy cầu Mác-ma-hông (nay là cầu Công Lý) chạy sang Chuồng Bò (nay là phía sau trường Đại học Sư phạm, đường Lê Văn Sĩ) và Vườn Xoài (đường Lê Văn Sĩ bây giờ).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 09:12:54 am »

Về phía tây và nam thành phố, khu Bắc Sơn xây dựng cơ sở ở vùng Cầu Kho và cầu Ông Lãnh. Đây là một địa bàn hết sức đông đúc dân cư, có chợ đầu mối quan trọng. Khu Võ Nhai đứng chân ở vùng Khánh Hội và Tân Thuận. Dân cư ở đây phần đông là người làm nghề khuân vác ở cảng Sài Gòn. Đội Tô Hiệu đứng chân ở vùng Lý Nhân, Vĩnh Hội chạy dài sang cầu Chữ Y. Tại xóm Củi, gần bưu điện Chợ Lớn có một tiểu đội gồm những người đạp xích lô, hoạt động trên địa bàn Chợ Lớn.


Ở Trung tâm thành phố, ngoài khu vực tự vệ Lạc An lấy quận 1, chợ Bến Thành làm địa bàn đứng chân, có tổ chức thêm một tiểu đội với lực lượng chủ yêu là công nhân chữa cháy trong khuôn viên chợ. Trong khu tập thể công nhân sở Hỏa Xa (dọc đường Boudonnet - nay là đường Lê Lai) có một tiểu đội hoạt động. Trong công xưởng Đô Thành (Atelier Municipale) có một tiểu đội tự vệ công nhân và sở Bưu điện thành phố cũng có một tổ tự vệ.


Về nhân sự, Tự vệ Thành tổ chức chủ yếu trong nội thành, lấy cán bộ học viên Truờng Quân chính Khu 7 và cán bộ chỉ huy quân sự từ các đơn vị giải phóng quân đưa về thành phố làm nòng cốt, dựa vào các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh mà tuyển lựa, kết nạp đội viên. Nhờ vậy, thành phần nhân sự của Tự vệ Thành đa số là công nhân, nhân dân lao động, thợ thủ công, tiểu thương buôn bán trong các chợ, học sinh và trí thức yêu nước.


Các đồng chí Đào Văn Thực, Hoàng Trọng Khải, Nguyễn Danh Khôi, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Vũ Linh, Như Thơ, Huỳnh Quang Tân, Huỳnh Văn Khai, Đoàn Cát, Lý Kỳ Nam, Hoàng Hữu Phúc, Nguyệt Lăng, Ngô Thanh Vân, Lương Minh Trí, Đỗ Văn Hanh... là những cán bộ chỉ huy đầu tiên của 15 khu và đội tự vệ. Đây là các đồng chí đã đóng góp rất nhiều thành tích; hầu hết từng bị địch bắt giam và hơn một nửa các đồng chí này đã hy sinh trong quá trình chiến đấu. Số bị địch bắt giam, khi ra tù, các đồng chí lại tiếp tục chiến đấu.


Những cuộc gặp gỡ, trao đổi công tác giữa các thành viên của tổ chức tự vệ phải tiến hành ở ngoài đường phố, thông qua liên lạc mà hẹn ngày giờ và địa điểm gặp nhau, không được sai hẹn đến quá 5 phút. Tuyệt đối bảo đảm nguyên tắc hoạt động độc lập, luôn đề phòng khi bị địch bắt, chịu đòn không nổi hoặc vì lý do gì đó dẫn địch đến bắt đồng chí mình. Đó là nguyên tắc tổ chức và hoạt động bí mật của Tự vệ Thành mà mọi cán bộ, chiến sĩ đều phải tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nội thành, cũng có những trường hợp ta bị tổn thất nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu là không nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc bí mật.


Để đứng chân và hoạt động trong khu vực mình đảm trách, cán bộ và chiến sĩ Tự vệ Thành đã dựa hẳn vào nhân dân ở khu vực đó. Anh chị em đã xây dựng cho mình những cơ sở quần chúng cách mạng.


Vốn là những người sinh sống tại thành phố, vì vậy khi trở về hoạt động, xây dựng cơ sở mới, phần đông chiến sĩ Tự vệ Thành không mấy khó khăn. "Điểm tựa" của họ chính là người thân trong gia đình, như bố mẹ, anh, chị em, hoặc bạn bè khối phố... Với thuận lợi đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ xây dựng từ hai đến ba cơ sở, theo phương châm có nhiều cơ sở càng đảm bảo an toàn cho mình.


Cơ sở quần chúng cách mạng là nơi anh chị em lưu trú, tránh địch khi bị địch theo dõi từ nơi khác. Đây cũng là nơi ăn ở khi chưa có công ăn việc làm hoặc tạm thời bị mất chỗ làm và là nơi anh chị em có thể tá túc chữa bệnh khi đau ốm. Nhân dân sẵn lòng nuôi dưỡng anh chị em trong tình quân dân cá nước và quan hệ họ hàng, bạn bè.


Cơ sở quần chúng cách mạng còn là nơi anh chị em có thể huy động phục vụ cho chiến đấu: làm giao liên, vận chuyển tài liệu, vũ khí, đi trinh sát nắm địch, nếu những việc đó hợp sức khỏe, khả năng của từng đối tượng. Tự vệ Thành đã dựa vào những đối tượng phục vụ trong các biệt thự, nhà riêng của sĩ quan hoặc công chức cao cấp của Pháp mà xây dựng cơ sở che chắn cho cán bộ, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cơ sở tổ chức ở trong đồng bào người Hoa ở Chợ Lớn cũng là những nơi tương đối an toàn. Khi cần, Tự vệ Thành có thể lánh mặt từ Sài Gòn vào Chợ Lớn.


Ngoài các cơ sở thông thường của anh chị em xây dựng, Ban chỉ huy Thành bộ tự vệ còn xây dựng những cơ sở riêng biệt của mình, nhằm phục vụ chung cho những nhu cầu của đơn vị. Điển hình như bà Tư Nhiễm là một cơ sở rất quý của Tự vệ Thành. Bà Tư có một tiệm cơm bình dân, anh chị em liên lạc của Tự vệ Thành khi cần có thể đến ăn không phải trả tiền1 (Với những thành tích đóng góp to lớn cho cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà Tư Nhiễm được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).


Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ cũng xây dựng cơ sở trong giới trí thức (đội ngũ giáo sư, luật sư, bác sĩ...) và giới công thương. Trạng sư Ngô Sách Vinh liên lạc với anh chị em tự vệ bị địch bắt giam cầm trong tù và biện hộ cho anh chị em khi bị đưa ra tòa xét xử. Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp ngoài việc chữa trị thương tích và bệnh tình cho anh em, còn dành nhà riêng của mình làm nơi cất giấu tài liệu, vũ khí cho Tự vệ Thành. (Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp nguyên là ủy viên trong Ủy ban kháng chiến quận Lái Thiêu, khi Pháp đánh rộng ra, bác sĩ được cử về nội thành hoạt động với Tự vệ Thành). Cả gia đình bác sĩ có tám người tham gia cách mạng. Đồng chí Quang (tức Lý) đại đội phó đại đội Quyết Tử -   em ruột của bác sĩ Diệp đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Bác sĩ Đặng Văn Hồ cũng là người chữa các vết thương và bệnh tật cho nhiều cán bộ của ta. Trong công thương gia có các cơ sở: ông Nam Tiến ở Tân Định, ông Định, ông Chiêu (tức Lâm Hải Học), ông Hai - chủ tiệm nước mắm cầu Ông Lãnh. Tại nhà hàng Long Vĩ, sát Khám Lớn, có ông Tôn Gia Sanh là cơ sở rất tin cậy của Tự vệ Thành. Gia đình ông bà Quảng Tê ở đường May-e (nay là đường Võ Thị Sáu) cũng là cơ sở vững chắc của Tự vệ Thành. Gia đình cụ Vũ Đình Tân là nơi anh chị em Tự vệ Thành và sau này là anh chị em 10 Ban công tác thành thường đến chữa bệnh, điều trị vết thương, nhất là thương tích nội tạng do bị địch tra tấn trong tù. Gia đình bác Hai Quyến cùng người em ruột là bác Ba Hơn đều là những người đã giúp đỡ tận tình Tự vệ Thành và sau này là Ban chỉ huy 10 Ban công tác thành. Bà Hoàng Thu Yến đã nhường toàn bộ nhà mình để cán bộ Tự vệ Thành làm việc và làm trụ sở bí mật của trung đội Minh Khai. Ông Nguyễn Văn Chính là cơ sở có công nuôi dưỡng, che giấu một số cán bộ, chiến sĩ Tự vệ Thành bị lộ trong quá trình hoạt động ở nội thành. Nhà ông Chính ở Giồng Ông Tố là cơ sở tin cậy của đội Tô Hiệu. Nhà bà Ký Vỹ lúc đầu ở gần cầu Chữ Y, sau chuyển về ngã ba cầu Công, quận 4 là nơi cất giấu nhiều tài liệu, lựu đạn của tự vệ. Bà còn có công nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ tự vệ hoạt động. Cụ Kim (tức Tiêu) ở 14 Thủ Khoa Huân cũng là một trong những cơ sở tin cậy của trung đội Minh Khai...


Để tách Tự vệ Thành ra khỏi dân, triệt nguồn cung cấp vật chất và chỗ dựa tinh thần, địch tăng cuờng đánh phá cơ sở của ta. Cuộc đấu tranh về tổ chức giữa ta và địch, lúc này chủ yếu là cuộc đấu tranh bảo vệ cơ sở cách mạng, chống lại sự đánh phá của địch. Nhiều trường hợp cán bộ của ta thoát khỏi sự vây bủa lùng bắt của địch nhưng cơ sở lại bị tổn thất. Đồng bào cơ sở cũng bị địch bắt, bị tra tấn, tù đày, bị địch tịch thu tài sản, có khi còn bị địch thủ tiêu. Không có cơ sở quần chúng cách mạng, Tự vệ Thành không thể tồn tại và không thể tổ chức đánh địch có hiệu quả. Bởi vậy, tự vệ Thành luôn xem những chiến công của mình trên mọi lĩnh vực: tổ chức lực lượng, thực hành đánh địch... đều là những chiến công của đồng bào cơ sở.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 09:15:08 am »


2. Xây dựng căn cứ bàn đạp ở ngoại thành, đảm bảo sự chỉ huy thông suốt vào nội thành

Để điều hành công việc được nhanh chóng, thuận tiện, Ban chỉ huy quân sự Thành đã bí mật tổ chức hai trụ sở chính ngay trong nội thành.

Cơ sở thứ nhất đặt tại số 212 cầu Ông Lãnh. Đây vốn là nhà riêng của một chiến sĩ Tự vệ Thành hoạt động rất năng nổ đã bị địch bắt. Sau khi anh bị bắt, vợ và các con chuyển về sống ở Thủ Đức. Căn nhà gồm hai tầng, vị trí khá kín đáo, thuận tiện cho việc đặt trụ sở làm việc. Tầng trệt ngôi nhà dành để làm cơ sở giao dịch, buôn bán nước mắm. Tầng trên dùng làm văn phòng ban chỉ huy. Các đồ dùng cần thiết như máy chữ, con dấu... để ở tầng lầu này. Chính tại cơ sở này, những công văn, tài liệu đã được chuyển tới các khu đội tự vệ. Các liên lạc viên từ chiến khu về đều có những đầu mối riêng dẫn đến trụ sở nhận công văn, tài liệu, chỉ thị của Ban chỉ huy. Các buổi sáng hàng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Tư (Trịnh Văn Hà) hoặc một đồng chí khác trong Ban chỉ huy thay nhau trực tại trụ sở này.


Trụ sở thứ hai là nhà sách Mạch Sống, số 156 đường An-be 1 (Albert 1er) Đa Kao (nay là đường Đinh Tiên Hoàng). Chủ nhà sách là chị Nguyễn Thị Nga - vợ anh Hoàng Trọng Việt. Anh Hoàng Trọng Việt là một nhà báo tiến bộ, theo xu hướng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân Pháp bằng những bài báo có tính chiến đấu cao. Hoàng Trọng Việt đã bị địch bắt giam nhiều lần và đã hy sinh ngay tại gia đình bởi hậu quả những trận đòn dã man, tàn khốc của địch khi ở lao tù.


Vào các buổi chiều hàng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Tư đứng bán sách, song thực chất là hoạt động dưới sự bố trí, chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự Thành.


Nội dung công việc chủ yếu của các đồng chí trực tại sở chỉ huy lúc này gồm:

- Vận động trí thức, các nhà báo: Dương Tử Giang, Thiêu Sơn, Tam Ích... thường đến đây gặp gỡ anh Hoàng Trọng Việt. Hễ có dịp là đồng chí Nguyễn Văn Tư tiếp xúc, vận động một số tờ báo đăng tải những tin tức về kháng chiến và trao đổi về đường lối cách mạng. Một số nhà trí thức khác như luật sư Võ Như Giới, các kỹ sư Nhung, Đồng... cũng hay lui tới trao đổi tình hình thời sự. Với lợi thế là nơi bán sách, dễ giao tiếp, nên hoạt động ở đây rất có hiệu quả.


Về nắm tình hình địch: gần hiệu sách có một câu lạc bộ các sĩ quan Pháp, Tự vệ Thành có anh Trần Quốc Phiên làm việc tại đó, có tin tức gì đều cho biết thường xuyên.


Về binh vận: nhiều lính Pháp, lính lê dương thường đến xem sách, các đồng chí Nguyễn Văn Tư, Hoàng Trọng Việt có dịp vận động giải thích để chúng chán ghét chiến tranh xâm lược mà giảm bớt những hành động dã man đối với nhân dân ta. Cũng có những lính lê dương có cảm tình với cách mạng đã bí mật cung cấp súng ngắn và lựu đạn cho ta.


Về công tác tài chính, thấy những người vào mua hoặc xem sách có cảm tình với kháng chiến, nhất là những người có học vấn, xem sách báo ngoại ngữ, ta vận động họ ủng hộ kháng chiến và thường là họ giúp ngay. Những người ủng hộ được nhận một cuốn sách truyện. Trong cuốn sách đó, đồng chí Nguyễn Văn Tư khéo léo ghi số tiền ủng hộ và ký biệt danh Trần Lâm, họ có thể giữ cuốn sách ấy cho đến ngày thắng lợi của dân tộc làm bằng chứng của sự giúp đỡ kháng chiến.


Mỗi lần ra công tác ở Vĩnh Lộc, đồng chí Tư chuyển cho đồng chí Xuân Diệu nộp vào quỹ của Khu 7 số tiền đã quyên góp được. Ngoài việc vận động giới trí thức, Ban chỉ huy quân sự còn chú trọng xây dựng một số cơ sở phụ nữ.


Nhà số 9 đường Pôn Be (Paul Bert) - nay là đường Trần Quang Khải ở Đa Kao, cạnh cầu Bông, đường ra Tân Định là nhà của vợ liệt sĩ Hà Huy Tập và con gái là Hà Thúy Hồng. Đây là nơi tập trung thuốc men của các nhà thuốc ủng hộ kháng chiến. Lực lượng vũ trang Khu 7 nhận phần lớn thuốc chiến thương ở cơ sở này. Những anh em là Tự vệ Thành cũng được giới thiệu đến lấy thuốc khi đau ốm.


Yêu cầu liên lạc của Tự vệ Thành với cấp trên là Khu bộ Khu 7 đóng tại Giồng Dinh (vùng Đức Hòa Thành), với Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn, đóng ở Rạch Rít (sau này dời về các xã Tân Kiên, Tân Nhựt, trong khu vực Bàu Cò - Láng Le).


Mặc dầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắng sức trì hoãn chiến tranh, tiến hành đàm phán tiến tới ký Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), song với bản chất xâm lược, ngoan cố, thực dân Pháp đã từng bước và không ngừng mở rộng chiến tranh lan khắp hai miền Nam - Bắc nước ta.


Ở Nam Bộ, Pháp lập ra "Nam kỳ quốc" nhằm thực hiện chính sách "dùng người Việt đánh người Việt", tăng cường các hành động khủng bố, vây ráp trong thành phố, hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Để đề phòng địch có thể gây thiệt hại cho ta, tháng 9 năm 1946, Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ quyết định phải xây dựng căn cứ an toàn ở ngoại thành. Ban đầu lấy ấp 4 xã Vĩnh Lộc (huyện Hóc Môn) làm căn cứ. Khi địch đánh chiếm lập bót ở Ngã Năm, Vĩnh Lộc, căn cứ được dời về ấp 8. Bộ phận nhỏ này ngoài đồng chí Nguyễn Xuân Diệu chỉ huy chung, còn có từ năm đến bảy cán bộ giúp việc, như các đồng chí Nguyễn Văn Hợp (bí danh Hồ Hữu Đức), Nguyễn Tứ Phương... Bộ phận này có nhiệm vụ điều hành mọi công việc của Ban chỉ huy Thành bộ tự vệ, thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy ở nội thành. Khi địch mở rộng cán quét mạnh vào Vĩnh Lộc, ấp 8 không còn an toàn nữa thì căn cứ này chuyển về Vườn Thơm, thuộc Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay là nông trường Lê Minh Xuân, thuộc huyện Bình Chánh - thành phố Hồ Chí Minh).


Có căn cứ ở ngoại thành, Ban chỉ huy lập các cơ quan trực thuộc nhằm đảm bảo sự chỉ huy thông suốt vào nội thành. Ban chỉ huy lần lượt xây dựng các cơ quan theo diễn biến tình hình và yêu cầu nhiệm vụ từng lúc, trước tiên là tổ chức một đội liên lạc. Ở ngoại thành, cơ quan đã được sự giúp đỡ tận tình của bà con nông dân địa phương. Tại ấp 4 xã Vĩnh Lộc, bác Hai Tráng dành toàn bộ nhà riêng của mình cho cơ quan lấy chỗ làm việc và sinh hoạt, còn bác làm một chòi lá ngoài góc vườn để ở. Tại ấp 8, bác Tam Ca, tại Vườn Thơm, bác Hai Quyến cũng nhường toàn bộ nhà minh cho đơn vị sinh hoạt, và làm việc...


Ở căn cứ Vườn Thơm, đồng chí Nguyễn Xuân Diệu đã có dịp gặp đồng chí Lê Duẩn sau cuộc hội nghị Đảng bộ toàn Thành họp tại kênh Bà Vụ. Đồng chí Lê Duẩn đã phổ biến lại các điểm chính của nghị quyết hội nghị và nhân mạnh mấy vấn đề phải chú ý đối với các hoạt động ở nội thành. Những nội dung chủ yếu là:

- Trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về công cuộc kháng chiến của ta, gây lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

- Hoạt động quân sự ở nội thành là phát động chiến tranh du kích đánh địch về mọi mặt, chiến tranh toàn dân, toàn diện; không chủ trương ám sát cá nhân, bởi hoạt động này không có tác dụng lớn cho cuộc đấu tranh.

- Chú ý làm tốt công tác binh vận, nhằm làm tan rã hàng ngũ địch.


Những quan điểm lớn của nghị quyết hội nghị Đảng bộ toàn thành về đấu tranh vũ trang và những điều mà đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh là những vấn đề vừa có tính định hướng vừa có tính cụ thể, thiết thực đối với mọi hoạt động của Tự vệ Thành trong những năm tháng đầy khó khăn, thiếu thốn này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2021, 09:16:15 am »

II. XÂY DỰNG CÁC TỔ CHỨC ĐẢM BẢO CHỈ HUY VÀ TÁC CHIẾN

1. Xây dựng hệ thống giao liên thông suốt từ Ban chỉ huy đến đơn vị cơ sở

Đối với hoạt động xây dựng lực lượng, tổ chức đánh địch ở địa bàn nội thành, công tác giao liên giữ vai trò rất quan trọng. Đường dây liên lạc của Tự vệ Thành được tổ chức bí mật và giống như "mạng nhện". Có các đường dây lên xuống giữa tiểu đội và trung đội (khu và đội tự vệ), giữa các trung đội với Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ. Có các trạm giao liên đặt trong các chợ, trong các cửa hàng buôn bán mà liên lạc viên là người đứng bán hàng. Mạng lưới giao liên của Tự vệ Thành chủ yếu là phụ nữ và thiếu niên, đối tượng ít bị địch để ý tới. Mỗi khu hay đội tự vệ đều có các nhân viên giao liên của mình. Số lượng liên lạc viên phát triển tùy theo yêu cầu của đơn vị. Không dùng một giao liên cho nhiều đường dây, không để một giao liên biết nhiều đầu mối và cơ sở.


Ban chỉ Thành bộ Tự vệ còn tổ chức riêng những đường giao liên giữa ngoại thành vào nội thành và ngược lại, móc nối tại các trạm khác nhau đặt ở các vùng ven đô khác nhau, đi và về trên những đường khác nhau.


Tổ chức giao liên Tự vệ Thành phát triển thành một mạng lưới giao liên dày đặc, tổ chức khoa học, bí mật, hoạt động cả ngày lẫn đêm mà địch khó phát hiện. Địch cũng biết ta có tổ chức giao liên nên chúng ra sức tìm cách đánh phá, chặt đứt đường dây, vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy. Do kinh nghiệm thực tế, ta luôn luôn có những đường dây "hiện hành" và đường dây "dự bị" để liên lạc không bị gián đoạn. Khi có hiện tượng một đường dây giao liên bị địch phát hiện, ta kịp thời chuyển sang hoạt động ở đường dây khác. Để làm được điều đó, vai trò các cơ sở quần chúng cách mạng lại nổi lên là những trợ thủ đắc lực. Khi một đường dây bị đứt, đơn vị thường "nhờ" cơ sở quần chúng "nối" lại, hoặc tổ chức đường dây mới.


Để đảm bảo cho các đội viên giao liên khi trở về nội thành được bảo vệ tốt. Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ tổ chức một số trạm chuyển tiếp cho anh chị em liên lạc ở ngoại thành về nội thành có nơi tạm dừng chân để thay quần áo, nắm tình hình nơi cơ sở chính của mình, đề phòng cơ sở đó đã bị vỡ. Đó là các trạm của bà Nguyễn Thị Phương (còn gọi là Má Nguyệt) ở đường Mông-xô (Monceau) - đường Huỳnh Tịnh Của bây giơ. Trạm của bà Vũ Thị Tiếu ở Bà Chiểu, trạm của bà Trần Thị Chữ ở Đa Kao, trạm của chị Phạm Thị Hiền ở đường Pôn - Blăng-xi (Paul Blanchy) nay là đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Các trạm này đều là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và giúp đỡ nhân viên giao liên ăn, ở. Chị em liên lạc ở căn cứ về nội thành trước tiên đều ghé các trạm này thay trang phục cho phù hợp với người thành phố. Cần tiền đi xe, chị em được trạm cung cấp giúp đỡ.


Khi Ban chỉ huy Tự vệ Thành thiết lập căn cứ ở ngoại thành thì vấn đề giao liên giữa ngoại và nội thành của riêng Ban chỉ huy trở thành vấn đề hàng đầu trong tổ chức bảo đảm. Từ ấp 4, ấp 8 xã Vĩnh Lộc, hay Vườn Thơm, huyện Trung Huyện, cách trung tâm thành phố từ 10 đến 15 ki-lô-mét và cách Chợ Lớn từ 4 đến 5 ki-lô-mét, đường giao liên được tổ chức thông suốt.


Hệ thống đường giao liên nội - ngoại thành gồm mấy "trục" chính sau:

Đường từ Vườn Thơm - Bàu Cò, vượt qua tỉnh lộ 10 (Sài Gòn đi Đức Hòa), qua cầu Tham Lương đổ về Bà Quẹo (địch đóng đồn ở đây), xuống ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình ngày nay). Đường này, nhân viên giao liên có thể dùng xe thổ mộ mà anh em đánh xe là người thuộc lực lượng Tự vệ Thành, hoặc ta giác ngộ tổ chức. Họ phần lớn là người ở Hóc Môn, Bà Điểm. Đây là lực lượng vừa bảo vệ giao liên, vừa chuyên chở hàng quân nhu, súng, đạn cho ta khá an toàn.


Đường xuất phát từ Tham Lương vào phía nam sân bay Tân Sơn Nhất đổ về Phú Nhuận. Có khi, từ Tham Lương, giao liên phải đi lên phía bắc sân bay, vòng về Gò Vấp để đi xuống Phú Nhuận hay Bà Chiểu. Trên đường này có bốt P.S.E (công an đặc biệt miền Đông) đóng trấn ở Tân Sơn Nhất và bốt Hàng Sanh (nằm ngay ngã ba Hàng Sanh, cuối đường Bạch Đằng nối với đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh), một bốt chuyên hứng đón bắt liên lạc của ta từ căn cứ về Phú Nhuận, Gò Vấp, Bà Chiểu. Địch ở bốt này nổi tiếng tàn ác.


Đường từ Bầu Cò vượt tỉnh lộ 10, qua Gò Cát (xã Bình Hưng Hòa) đi vào Chợ Lớn bằng các ngã: hoặc qua Nhị Tỳ, Quảng Đông đi về chợ Thiếc, hoặc qua Cống Bế, Cầu Tre để vào Chợ Lớn. Hai con đường này liên lạc có thể đi luồn trong xóm, tránh các bốt địch, nhưng hay bị địch phục kích.


Đường từ Bầu Cò ra Tân Bửu, Chạ Đệm, Tân Kiên (phía Bình Chánh) lên xe thổ mộ hay xe đò qua Phú Lâm (địch đóng bốt ở đây) về Chợ Lớn.


Trên các đường này, nguy hiểm nhất là các bốt ác ôn ở Bà Quẹo, Hàng Sanh, Pô Lô, Phú Lâm - những bốt cửa ngõ vào thành phố. Tại các điểm Tham Lương, Gò Cát, Công Bê, Tân Kiên, trưởng ban liên lạc đã bố trí các trạm chuyển tiếp đặt tại nhà dân. Chị em liên lạc đến đó giao hoặc nhận "hàng" rồi trở về thành phố ngay, ít khi ở lại trạm. Nếu có địch, thì cơ sở tại địa phương đặt ám hiệu "có địch" cho liên lạc viên biết từ xa. Nếu có dấu hiệu địch phục kích, thì hoặc giao liên tìm nhà dân gần đó tạm nghỉ chờ tín hiệu "bình yên" mới đến trạm hoặc trở về thành phố ngay để hôm sau trở lại. Các nhân viên giao liên cũng không được biết mặt nhau, có quy định giờ đến trạm khác nhau. Tất cả các biện pháp này nhằm đảm bảo tránh địch phát hiện ra trạm liên lạc và các liên lạc viên... Chị em giao liên, những phụ nữ thành phố vốn "chân yếu tay mền" nhưng vẫn thường xuyên đi bộ liên tục hàng giờ, băng đồng, vượt trảng, giữa trời nắng gắt, hoặc những cơn mưa rào bất chợt...


Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ đặt tên cho đội liên lạc của mình là đội Mê Linh. Đội trưởng là đồng chí Đoàn Thị Hoàng Mỹ, bí danh Nguyễn Thị Thuận (tức Mười Thuận). Là đảng viên, đồng chí Mười Thuận đã phát huy khả năng tổ chức đường dây liên lạc, tự mình đi nghiên cứu điểm đặt trạm, bố trí chị em giữ trạm, luôn đi động viên chị em và kiểm tra các trạm khi bình thường, cũng như khi bị địch phát hiện vây ráp.


Khi làm nhiệm vụ truyền tin, chị em giao liên phần lớn đi bộ tự nhiên như nông dân đi chợ về, chỉ dùng xe khi cần thiết, đi bộ có điều kiện chủ động tránh địch. Thành tích của chị em là những chiến công thầm lặng, không chỉ đưa tin tức, chuyển công văn, mệnh lệnh mà còn đảm nhận cả việc vận chuyển quân trang, lương thực, thực phẩm do đồng bào nội thành ủng hộ cho anh em chiến sĩ ngoài căn cứ. Trong chiến dịch vận động đồng bào nội thành hưởng ứng "Tuần lễ đồng" ủng hộ Tự vệ Thành để chuyển cho chi đội 10. Trên những chặng đường nối liền nội - ngoại thành, bằng đôi vai và bằng dáng vóc mảnh mai của mình, chị em vận chuyển được một khối lượng lớn đồng từ nội thành ra căn cứ để sản xuất vũ khí. Gian nan và hiểm nguy nhất là việc vận chuyển vũ khí từ ngoại thành về nội thành. Để phục vụ trận đánh của Tự vệ Thành đêm 22 tháng 12 năm 1946, các chị Võ Thị Nga, Quảng Thị Mùi (tức Nguyệt), Dư Thị Lắm (tức Nguyễn Thị Hạnh) đã ba lần đi gánh lựu đạn Võ Thành Phát, mỗi lần 20 trái từ căn cứ của bộ đội Bình Xuyên ở bên kia cầu chữ Y và Phú Xuân, Nhà Bè về thành phố giao cho cơ sở là anh Bảy Hải (làm bồi cho nhà Tây) ở đường Năng Xy (Trần Hưng Đạo). Từ địa chỉ này lựu đạn được các giao liên khác chuyển đến các đơn vị theo danh sách phân phối. Việc gánh lựu đạn từ khu Bình Xuyên về nội thành phải qua nhiều chặng đường địch thường bố phòng, vây ráp, qua cầu Hiệp An và tiếp tục thay nhau gánh qua cầu Xóm Củi để đưa về Năng Xy.


Khi Tự vệ Thành chủ trương rút súng đạn và người từ thành phố ra căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang tập trung (tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ), các chị Dư Thị Lắm, Lã Thị Chuyên đã chuyên chở nhiều chuyến súng, mỗi chuyến từ ba đến năm khẩu, từ nội thành ra căn cứ. Các chị đã giấu súng trên xe thổ mộ có hai lớp ván sàn, nên qua đồn bốt được an toàn. Về đạn, các chị đã bỏ vào các hũ nước mắm, gắn miệng như hũ nước mắm mới. Các chị em liên lạc khác như các chị Lê Thị Nghiêm, Lê Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Tâm (tức Tư Xung Phong), Lê Thị Sáu1 (Chị Lê Thị Sáu là người lập được nhiều chiến công trong ngành tình báo ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chị được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) (tức Chín Biếc) xuất thân là nông dân, được đào tạo thành liên lạc viên ra vào thành phố, Nguyễn Thị Sự (Ma Thị Nhen), Trần Thị Hai (Năm Lộc) đều là những chị em đạt nhiều thành tích trong hoạt động giao liên và phục vụ Tự vệ Thành chiến đấu.


Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ còn xây dựng một trung đội thiếu niên làm liên lạc với tên gọi là đội Tiểu Quỷ. Các em phần lớn từ 11 tuổi đến 14 tuổi, nhỏ nhất là em Lê Quang Sáng 11 tuổi. Các em đều thông minh gan dạ và đặc biệt rất trung thành với tổ chức. Có em khi bị địch bắt, mặc dù chúng tra tấn dã mam vẫn không khai cơ sở. Ban chỉ huy giao cho đồng chí Trần Bá Hào huấn luyện và phụ trách trung đội này. Mỗi em được phân công liên lạc với một khu hay đội tự vệ nội thành. Một điển hình sống động nhất trong đội Tiểu Quỷ là em Lê Quang Sáng nhỏ tuổi nhất, dễ thương và dũng cảm. Nhiều lần mang thư từ, tài liệu từ ngoài căn cứ về nội thành, Lê Quang Sáng vừa đi vừa đánh vòng, vượt qua hệ thống đồn bốt của địch. Có khi em dùng hai đồng xu vừa giả mải mê đánh đáo, vừa vượt qua bốt an toàn. Sau này, trong một chuyến về thành, em Sáng xin chỉ huy đội được dùng lựu đạn đánh một toán địch đi tuần tra trên đường phố, lựu đạn không nổ, địch bao vây em, định bắt sống. Em thông minh, tay nắm lại như cầm một trái lựu đạn, giơ lên nói một câu tiếng Pháp: "Còn một trái nữa". Bọn địch hoảng sợ nằm rạp cả xuống. Tuy vậy, Lê Quang Sáng đã không thoát khỏi sự vây bủa của kẻ thù, bị địch bắt đưa về bót tra tấn dã man hòng tìm ra cơ sở cách mạng. Em Sáng đã chịu nhiều trận đòn khốc liệt nhưng tuyệt nhiên không khai một lời. Địch đã đánh em đến chết tại nhà lao. Cũng như em Lê Quang Sáng, em Nguyễn Văn Mạng rất gan dạ, cũng cảm hoạt động có hiệu quả. Hai anh em ruột Nguyễn Bỉnh, Nguyễn Thị Thư đều là những liên lạc viên Tiểu Quỷ có thành tích. Em Xuân Đồng còn trực tiếp ném lựu đạn vào bọn lính lê dương đang tập trung ở ga, chuẩn bị đi càn, diệt một số tên...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM