Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:39:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong KCCM  (Đọc 5843 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 02:53:12 pm »

II. ĐẤU TRANH DUY TRÌ CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP VÀ BẢO VỆ HOÀ BÌNH, TĂNG CƯỜNG THẾ VÀ LỰC ĐÁNH BẠI MỘT BƯỚC CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT" CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1962-1965)

Trong không khí thắng lợi của chiến dịch Nậm Thà, Chính phủ Liên hiệp ba phái được thành lập, Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết, tháng 10 năm 1962, Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị Trung ương lần thứ 10. Hội nghị nêu rõ: cách mạng Lào đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn "mở đầu cho việc giải quyết hoà bình vấn đề Lào, tạo điều kiện cho ta củng cố những thành quả của cách mạng, tăng cường lực lượng về mọi mặt, thúc đẩy cách mạng tiến lên". Hội nghị nhận định: "đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu trên con đường giải quyết hoà bình vấn đề Lào, đưa nước Lào đi theo đường lối hoà bình trung lập, chưa phải là thắng lợi quyết định của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào". Hội nghị chỉ rõ âm mưu của đế quốc Mỹ là "lùi một bước tránh cho quân đội phản động Lào khỏi tan rã hoàn toàn; lợi dụng Ủy ban quốc tế và đặc biệt hy vọng lôi kéo Hoàng thân Phu-ma cắt đứt quan hệ giữa cách mạng Lào với cách mạng Việt Nam; tiếp tục lôi kéo Hoàng thân Phu-ma và lực lượng theo ông ta phá vỡ mặt trận đoàn kết chống Mỹ và tay sai, làm cho Neo Lào Hắc Xạt bị cô lập hòng biến Chính phủ Liên hiệp thành công cụ của chúng phục vụ âm mưu lâu dài của chúng đối với Lào và khu vực Đông Dương”1 (Sự kiện về quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào từ năm 1954 đến năm 1964, tài liệu Lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).


Cách mạng Lào chuyển sang giai đoạn mới. Ngay sau chiến dịch Nậm Thà, tình hình chính trị ở Lào đã có sự thay đổi ngày 15 tháng 5 năm 1962, Bộ Tổng tham mưu họp dự kiến điều chỉnh nhiệm vụ các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Đối với Đoàn 959, Bộ Tổng tham mưu nhận thấy: về cơ cấu tổ chức cơ quan lãnh đạo của bạn có sự thay đổi do chuyển về đóng ở Sầm Nưa, nên việc liên lạc, trao đổi có nhiều khó khăn; đồng thời hệ thống chuyên gia giúp bạn của ta còn qua nhiều khâu trung gian. Vì thế, cần đề nghị Quân ủy Trung ương sắp xếp tổ chức hệ thống chuyên gia theo từng khu vực bạn yêu cầu:


Nhiệm vụ của chuyên gia ở Sầm Nưa là giúp bạn về nghiệp vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự; phát hiện những vấn đề về chủ trương, đường lối báo cáo với Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương để bàn bạc với bạn.


Chuyên gia ở khu vực Cánh Đồng Chum giúp bạn về chuyên môn, về biện pháp thực hiện các vấn đề quân sự vực; thống nhất với bạn về chỉ huy, hiệp đồng tác chiến trong chiến đấu; tổ chức các tổ chuyên gia sự ở khu vực Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào giúp bạn về công tác quân sự trong khu vực. Riêng Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4 nhiệm vụ giúp bạn sẽ được giao cụ thể trong từng thời kỳ.


Thống nhất tất cả các tổ chuyên gia đang hoạt động ở Lào vào một đầu mối là Tổng chuyên gia, đặt trụ sở ở Hà Nội, chỉ đạo toàn diện các tổ chuyên gia; trong đó tổ chức một bộ phận chuyên trách quân sự trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, do Bộ Tổng tham mưu phụ trách.


Theo phương hướng tổ chức lại hệ thống chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào đã được Thường trực Quân ủy Trung ương thông qua; đồng thời xuất phát từ vị trí chiến lược của chiến trường Trung Lào ngày càng quan trọng đối với cách mạng hai nước, ngày 3 tháng 6 năm 1962, Bộ Tổng tham mưu quyết định giao cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào, nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu, thống nhất chỉ huy các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở khu vực Trung Lào. Bộ Tổng tham mưu quy định tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào phải gọn nhẹ, nhưng bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Các lực lượng và phương tiện tuyển chọn từ Quân khu 4, có bổ sung thêm từ Bộ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Đoàn 959 đang làm chuyên viên giúp bạn ở khu vực Trung Lào chuyển giao cho Bộ lệnh Quân khu 4 chỉ huy, quản lý. Nhiệm vụ của cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào là:

1. Trực tiếp chỉ huy các lực lượng tình nguyện của ta trên chiến trường Trung - Hạ Lào.

2. Trực tiếp giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố cơ sở trong khu vực này.

3. Tổ chức các lực lượng của ta và giúp bạn thực hiện kế hoạch phòng thủ vùng giải phóng.

4. Chuẩn bị chiến trường trước mắt và đối phó với tình huống khẩn trương nhất, đồng thời chuẩn bị chiến trường có tính chất lâu dài.


Ngày 20 tháng 7 năm 1962, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh rút một số đơn vị chiến đấu, cơ quan và chuyên gia quân sự Việt Nam đang hoạt động và công tác ở Lào về nước. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ, tháng 10 năm 1962, các lữ đoàn 316, 335, 330 quân tình nguyện Việt Nam lần lượt hành quân về nước.


Theo yêu cầu của bạn, một số đơn vị nhỏ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ở lại tiếp tục giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở và tiễu phỉ, bảo vệ khu giải phóng trên những địa bàn quan trọng. Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đoàn 959 với quân số 3.085 người (giữa năm 1962), rút gọn còn một bộ phận gồm 49 người do các đồng chí Nguyễn Hoà - Tham mưu trưởng, Lê Xuân - Chủ nhiệm hậu cần, Hà Minh Tân - Phụ trách Phòng Chính trị của Đoàn ở lại giúp ba cơ quan thuộc Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh quân đội Pa-thét Lào.


Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự đã cơ bản về nước. Ngày 2 tháng 10 năm 1962, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu chiến trường Lào (Phòng 962). Nhiệm vụ của Phòng 962 là:

1. Nghiên cứu các vấn đề về tác chiến ở chiến trường Lào, tổ chức và huấn luyện bộ đội Pa-thét Lào và Vương quốc, tiếp tế cho bộ đội bạn.

2. Nghiên cứu thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào; theo dõi tổng hợp các vấn đề giúp Bộ chỉ đạo các đoàn chuyên gia, tuỳ viên quân sự và chỉ đạo việc bồi dưỡng cán bộ bạn sang học ở nước ta.

3. Hiệp đồng với cơ quan ba Tổng cục, trong và ngoài quân đội và cơ quan bạn về các vấn đề thuộc chiến trường Lào.

4. Cùng Cục Quân huấn - điều lệnh Bộ Tổng tham mưu, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và các trưòng, binh chủng giúp bạn biên soạn tài liệu học tập.

5. Quản lý cán bộ, nhân viên kỹ thuật dự trữ giúp Lào và giải quyết những vấn đề hậu phương của Đoàn 959.


Cuối năm 1962, đại bộ phận cơ quan Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh quân giải phóng Lào từ Cánh Đồng Chum chuyển về căn cứ Sầm Nưa. Bộ phận ở lại Cánh Đồng Chum gọi là Trung ương phân cục, làm đại diện thường trực của Neo Lào Hắc Xạt liên hệ với lực lượng trung lập Phu-ma - Coong Le và Chính phủ Liên hiệp ở Viêng Chăn. Đoàn 959 được lệnh chuyển về Xiềng Xừ - Sầm Nưa giúp ba cơ quan Tổng cục bạn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 02:55:31 pm »

Mặc dù Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết (năm 1962), nhưng trên thực tế các thế lực thù địch vẫn âm mưu đẩy mạnh các hoạt động phá hoại cách mạng Lào. Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ tài chính, vũ khí, trang bị cho quân ngụy Viêng Chăn. Nhân viên CIA và cố vấn quân sự Mỹ vẫn tiếp tục vào Lào. Mỹ - ngụy đẩy mạnh đôn quân, bắt lính để khôi phục các GM bị tan rã trong chiến dịch Nậm Thà. Đặc biệt, đế quốc Mỹ chú trọng nắm lực lượng "phỉ", xây dựng thành "đội quân đặc biệt" với quân số lên tới 17.000 tên, tổ chức thành nhiều tiểu đoàn (SGU, PS) và một số đại đội (AC), do Vàng Pao1 (Vàng Pao sinh năm 1928 tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) trong một gia đình dòng họ Vàng rất có thế lực đối với dân tộc H'Mông. Lúc nhỏ, được Pháp cho học ở Trường Vinh (Nghệ An). Năm 1947 vào quân đội Pháp đóng ở đồn Noọng Hét. Năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt được Vàng Pao, năm 1955 được thả tự do, tiếp tục tham gia lực lượng biệt kích của quân đội hoàng gia. Khi Mỹ tổ chức lực lượng đặc biệt đã chọn Vàng Pao chỉ huy, phong từ trung tá, đại tá rồi thiếu tướng, trung tướng. Năm 1975, cách mạng Lào thành công, Vàng Pao chạy sang Thái Lan sau đó sang Mỹ tiếp tục tổ chức lực lượng người H'Mông hoạt động chống phá cách mạng Lào) làm tư lệnh, đặt chỉ huy sở tại căn cứ Loong Chẹng - Sảm Thông, mang tên quân khu 2, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của CIA và cố vấn Mỹ. Mặt khác, Mỹ - ngụy dùng nhiều thủ đoạn phá hoại Chính phủ Liên hiệp ba phái, tìm mọi cách lôi kéo Phu-ma và Coong Le; đồng thời đưa bọn tay sai thân Mỹ vào lũng đoạn lực lượng trung lập, nhằm làm tan rã khối liên minh Pa-thét Lào - trung lập, lôi kéo lực lượng trung lập để thực hiện âm mưu "hai đánh một", dùng quân phái hữu Viêng Chăn và quân trung lập liên kết đánh Pa-thét Lào. Thực hiện âm mưu đó, đại diện chính quyền Mỹ cùng một số quan chức CIA đến Cánh Đồng Chum dùng thủ đoạn viện trợ tài chính, vũ khí, trang bị để tiếp xúc, lôi kéo Coong Le. Ngày 27 tháng 11 năm 1962, máy bay vận tải C.130 Mỹ tới Cánh Đồng Chum thả vũ khí cho quân Coong Le. Nội bộ lực lượng trung lập phân hoá. Coong Le theo Mỹ, chuyển và lập khu chỉ huy riêng ở Mường Phằn cạnh trụ sở của E-tam2 (Bộ trưởng thuộc phái hữu trong Chính phủ Liên hiệp và là tay chân của CIA), bắt tay với phái hữu và theo lệnh Mỹ tiến hành khủng bố, đe doạ các đơn vị và sĩ quan, binh sĩ trung lập tiến bộ. Trước sự phản bội của Coong Le, một bộ phận sĩ quan và binh sĩ trung lập yêu nước đã tìm cách rút khỏi Cánh Đồng Chum về Khang Khay - Xiêng Khoảng được Pa-thét Lào giúp đỡ đã thành lập Tiểu đoàn 15 do Bun Xu làm Tiểu đoàn trưởng. Số sĩ quan trung lập tiến bộ do đại tá Đươn Xa Na Lát phụ trách tách khỏi sở chỉ huy của Coong Le, tiếp tục hợp tác với Pa-thét Lào. Tiểu đoàn 1 trung lập do trung tá Thiệp chỉ huy đóng tại Xiêng Khoảng bị lực lượng trung lập phản bội bao vây nhưng vẫn kiên quyết hợp tác với Pa-thét Lào.


Ngày 21 tháng 1 năm 1963, quân trung lập phản bội bao vây thủ phủ Khang Khay, nổ súng chiếm một số vị trí xung quanh thị xã Xiêng Khoảng. Cùng thời gian này, quân phái hữu Viêng Chăn tiến hành càn quét lấn chiếm vùng giải phóng Pa-thét Lào, nhất là ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Như vậy, Mỹ - ngụy Viêng Chăn đã câu kết và nắm Coong Le để tiếp tục chiến tranh, dùng bạo lực giải quyết vấn đề Lào. Chính phủ Liên hiệp ba phái đứng trước nguy cơ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.


Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 2 năm 1963, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Đảng Nhân dân Lào đánh giá âm mưu thủ đoạn của Mỹ và tay sai, đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là: Đấu tranh duy trì Chính phủ Liên hiệp và bảo vệ hoà bình. Ra sức củng cố và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt1 (Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1945-1975), Sđd, tr. 148). Quân đội phải tích cực hoạt động quân sự làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị. Đây mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, làm cho tình hình chuyến biến có lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy Lào chủ trương tăng cường lực lượng giữ vững vùng giải phóng và các địa bàn quan trọng, yêu cầu Đảng, Nhà nước Việt Nam cử các đoàn chuyên gia giúp bạn.    Tình hình Lào diễn biến khẩn trương. Thế lực phản động trong Chính phủ Liên hiệp ám sát Bộ trưởng Ngoại giao Ki-nim Phôn-sê-na (ngày 1 tháng 4 năm 1963). Quân đội, hiến binh, mật vụ Viêng Chăn bao vây, khiêu khích, đe dọa đại đội bảo vệ của Pa-thét Lào và nhà ở của các thành viên Pa-thét Lào trong Chính phủ Liên hiệp. Quân phái hữu Viêng Chăn phối hợp với quân trung lập phản bội và quân phỉ Vàng Pao đẩy mạnh tiến công chiếm Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.


Ngày 12 tháng 4 năm 1963, tại Khang Khay - Xiêng Khoảng, Phân cục Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng họp bàn biện pháp phá âm mưu thủ đoạn của địch đối với khu vực Cánh Đồng Chum. Hai đồng chí Nguyễn Bình Sơn và Lê Văn (cán bộ chuyên gia quân sự Việt Nam) được mời tham dự hội nghị và nhận nhiệm vụ chuyên gia cho Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Các đại biểu vạch trần âm mưu thủ đoạn của Mỹ - ngụy Viêng Chăn và Coong Le, đồng thời đề ra chủ trương đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận nhằm làm thất bại mọi hành động theo đuổi chiến tranh của địch. Hội nghị nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng Lào là phải nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đẩy mạnh binh vận, phân hoá làm tan rã lực lượng Coong Le, hỗ trợ lực lượng trung lập yêu nước, chuẩn bị giành lại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Hội nghị chỉ rõ: Cách mạng có nhiều khó khăn như quân ít, trang bị vũ khí kém, trận địa chưa làm. Đặc biệt, do mới tập trung các tiểu đoàn chủ yếu đánh quy mô nhỏ, đánh tập trung cơ động lớn, phòng ngự trận địa còn nhiều điểm mới mẻ. Do vậy phải vừa đánh vừa học, trưởng thành nhanh chóng cả về quân sự và chính trị, cả tổ chức đời sống, giải quyết tốt hậu cần trong chiến đấu. Phải làm cho mọi người tin tưởng vào sức mạnh chính nghĩa của ta, vào đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tin vào sự nỗ lực của quân dân cả nước và sự chi viện quốc tế.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 02:57:30 pm »

Theo yêu cầu của bạn, Đảng ta chủ trương tiếp tục giúp bạn về vật chất, kỹ thuật và cử chuyên gia quân sự sang giúp bạn tác chiến, giữ vững khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ngày 15 tháng 4 năm 1963, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 463 giúp Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đoàn 463 có nhiệm vụ: Giúp bạn chiến đấu giữ vững địa bàn còn lại, chiến đấu tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng; giúp lực lượng trung lập yêu nước đoàn kết lâu dài với Pa-thét Lào chiến đấu cho độc lập Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào. Ngày 17 tháng 4 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu truyền đạt cho các chuyên gia quân sự Việt Nam về chủ trương quân sự ở Lào của Thường trực Quân ủy Trung ương: "Ra sức củng cố lực lượng vũ trang, lấy việc huấn luyện làm trung tâm, giữ vững, củng cố khu giải phóng, phối hợp với lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ giữ vững địa bàn quan trọng, nhất là khu vực Cánh Đồng Chum; ra sức giúp đỡ lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ, làm cho lực lượng này có thể hợp pháp quân sự, chính trị trở lại thống nhất với Coong Le, hoặc trở thành lực lượng nòng cốt cho lực lượng vũ trang trung lập thực sự nếu địch biến lực lượng Coong Le thành lực lượng phản động"1 (Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập II, tr. 350, 351). Phương châm hoạt động là: "Chủ động ngăn chặn khiêu khích quân sự, không để xung đột vũ trang lan rộng, nhưng khi bị địch khiêu khích tấn công thì kiên quyết đánh bại địch, chiếm giữ địa bàn có lợi, sẵn sàng đề phòng chúng gây ra cuộc chiến tranh lớn ở Lào"2 (Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập II, tr. 350, 351). Những nhiệm vụ công tác cụ thể trước mắt là:

1- Cùng với các mặt chính trị, cần tăng cường công tác phát động quần chúng.

2- Duy trì khối liên minh quân sự vững chắc với lực lượng trung lập, giúp cho Đươn có địa vị hợp pháp về chính trị, quân sự, sẵn sàng trở lại hợp tác với Coong Le.

3- Pa-thét Lào cần phối hợp với lực lượng tiến bộ giữ vững khu vực đã kiểm soát.

4- Về hoạt động quân sự, không chủ động tiến công, nhưng nếu chúng tấn công khiêu khích thì Pa-thét Lào cùng lực lượng tiến bộ kiên quyết đánh trả lại, tiêu diệt một bộ phận. Đối với Pa-thét Lào, vẫn tiến hành theo kế hoạch lâu dài, trọng tâm là huấn luyện nâng cao chất lượng bộ đội, nhưng phải kiểm tra và bổ sung kế hoạch sẵn sàng chiến đấu"3 (Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập II, tr. 350, 351).

Ngày 18 tháng 4 năm 1963, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam họp trao đổi với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng Bí thư Đảng bạn về tình hình Lào thời gian qua và dự kiến chủ trương hoạt động trong thời gian tới. Hai bên nhất trí nhận định tình hình quân sự ở Lào chưa phải là chiến tranh đã trở lại và thống nhất chủ trương hoạt động trong thời gian tới là:

1- Đấu tranh chính trị là chủ yếu, có quân sự hỗ trợ. Lực lượng quân sự của ta tập trung vào việc củng cố vùng giải phóng và tiễu phỉ.

2- Bảo toàn lực lượng trung lập ở Lào, giúp lực lượng này củng cố và phát triển từng bước, không để địch tiêu diệt.

3- Giữ vững thế chiếm đóng của ta ở Cánh Đồng Chum và các chiến trường khác, tăng cường cải thiện thế phòng ngự có lợi nhằm bảo toàn lực lượng ta và lực lượng Đươn, Xủm-ma-lạt, ổn định tình hình, đề phòng khi tình hình xấu hơn xảy ra và sẵn sàng đối phó với địch trong mùa khô tới. Ngày 24 tháng 4 năm 1963, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng qua trao đổi thống nhất chủ trương, phương hướng hoạt động với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào đã điện hướng dẫn các chuyên gia quân sự Việt Nam bàn với bạn: Trong thương lượng, đấu tranh thật mạnh nhằm làm cho quân Phu-mi phải rút hết ở Cánh Đồng Chum; trừng trị bọn đã gây ra xung đột; thả hết những người bị bắt; quân Coong Le và Đươn hiện đang ở đâu thì đứng đó để giữ vững những nơi đã chiếm. Về quân sự, hết sức giúp đỡ để củng cố lực lượng Đươn, đặc biệt giúp cán bộ, giúp người; giúp Đươn chủ động đấu tranh với Phu-ma; lưu ý lập ban chỉ huy hiệp đồng giữa hai lực lượng để hình thành liên minh Pa-thét Lào - Đươn; hết sức sẵn sàng đề phòng địch tập kích bất ngờ, củng cố lại công sự, đặc biệt củng cố trận đia phòng ngự Xiêng Khoảng, Lạt Huồng, Đông Đàn và chỉ huy sở Khang Khay, chiếm giữ những điểm cao quan trọng tạo thế lợi cho phòng ngự như bản Tồn, bản Len...; tích cực quét phỉ; có kế hoạch cụ thể và tích cực bảo vệ đường 7 để bảo đảm tiếp tế.


Đoàn chuyên gia quân sự 463 khi thành lập mới có 1 tổ (10 đồng chí) vừa khẩn trương ổn định tổ chức, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên gia theo chủ trương chỉ đạo của Quân ủy Trung ương. Tháng 4 năm 1963, để bảo đảm an toàn, các thành viên Pa-thét Lào cùng Bộ trưởng và Thứ trưởng của phái trung lập yêu nước trong Chính phủ Liên hiệp rời Thủ đô Viêng Chăn về Khang Khay - Xiêng Khoảng. Cuối tháng 4 năm 1963, phái hữu phản động điều quân đến khu vực Cánh Đồng Chum, phối hợp với quân Coong Le và quân phỉ Vàng Pao đánh chiếm thị xã Xiêng Khoảng, Lạt Huồng, Đồng Đan, uy hiếp đường số 7 và ngã ba Sa La Phu Khun.


Ngày 2 tháng 5 năm 1963, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định chủ trương cụ thể chỉ đạo quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào:

1. Giữ vững các vị trí chiếm đóng của ta, kiên quyết đánh địch tiến công lấn chiếm nhằm bảo đảm giữ được những địa bàn hiện có.

2. Tăng cường giúp bạn trong chỉ huy giữ vững vùng Cánh Đồng Chum, cụ thể là giúp bạn về kế hoạch tác chiến, bảo đảm chỉ huy và tiếp tế.

3. Thực sự giúp lực lượng trung lập tiến bộ Đươn, Thiệp về phương hướng tổ chức lực lượng, đấu tranh chính trị, kế hoạch tác chiến, bảo đảm chỉ huy và bảo đảm vật chất.

4. Tiến công chính trị trong lực lượng Phu-mi, Coong Le và tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân.

5. Củng cố hậu phương của ta, xây dựng các cơ sở và tích cực truy quét phỉ.

6. Kiên quyết giữ vững vùng đường số 7.


Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao quân đội Pa-thét Lào, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum chỉ đạo các đơn vị Pa-thét Lào trung lập yêu nước kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự, ngăn chặn và đánh trả các cuộc tiến công của địch. Đoàn 463 ở cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu và các đơn vị trực thuộc Quân khu cùng với bạn tiến hành điều chỉnh lực lượng, lập phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội, xây dựng củng cố các trận địa phòng ngự sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công của địch.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 02:58:51 pm »

Địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng hình thành hai mặt trận: Mặt trận thị xã Xiêng Khoảng gồm có tiểu đoàn dù 1 trung lập yêu nước, Đại đội 128 của tỉnh, 1 đại đội của Tiểu đoàn Pát-chay, Tiểu đoàn 24 Pa-thét Lào, do đồng chí Lao Tu - Tỉnh đội trưởng và đồng chí Ký - Chính trị viên Tiểu đoàn 24 chỉ huy. Mặt trận Phôn Xa Vẳn - Khang Khay gồm Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 500, Đại đội 122 của tỉnh, 2 đại đội của Tiểu đoàn Pát-chay.


Đầu tháng 5 năm 1963, Coong Le điều tiểu đoàn dù 2 mở đợt tiến công ra Noọng Pẹt chiếm làm bàn đạp mở đường cho quân phái hữu đánh Bản Ban hòng cắt ngã ba đường số 6 và chi viện cho phỉ đánh chiếm đường số 7 - Noọng Pẹt. Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum chủ trương tổ chức đánh địch và sử dụng Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào mật tập đồn Lạt Buộc, giành lại Phu Phựng - Lạt Buộc, rồi tổ chức trận địa chốt giữ Phu Phựng, tạo thế phòng ngự, bảo vệ đường số 7.


Những trận đánh đầu tiên của các đơn vị bạn không đat kết quả. Bộ Tổng chỉ huy tối cao quân đội Lào lập tức tăng cường hai tiểu đoàn 701 và 2 Pa-thét Lào từ Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ về Cánh Đồng Chum, Quân tình nguyện Việt Nam được lệnh sẵn sàng đưa một bộ phận sang cùng Pa-thét Lào tác chiến khôi phục lại các vị trí ở Cánh Đồng Chum.


Được tăng cường lực lượng, Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum điều Đại đội 16 (Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào) do đồng chí Van-na làm Đại đội trưởng phối hợp với Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào đánh chiếm Lạt Buộc. Theo kế hoạch, đêm 20 tháng 5 năm 1963, Đại đội 16 (Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào) do Đại đội trưởng Van-na chỉ huy nổ súng tập kích Phu Phựng, trong đó có sở chỉ huy tiểu đoàn dù 2 quân Coong Le. Đồng thời, Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào được pháo cối chi viện xung phong đánh chiếm đồn Lạt Buộc. Sau khi làm chủ Phu Phựng - Lạt Buộc, Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào khẩn trương xây dựng trận địa phòng ngự, sẵn sàng đánh địch phản kích.


Chiến thắng Phu Phựng - Lạt Buộc đã góp phần làm cho bộ đội Pa-thét Lào tin tưởng vào cách đánh mật tập, do Bộ tư lệnh Quân khu cùng chuyên gia Đoàn 463 dày công huấn luyện. Qua thực tiễn công tác, Đoàn 463 từng bước rút ra kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào.


Cuối tháng 5 năm 1963, trước sự thúc ép của CIA, quân phái hữu phản động và quân trung lập phản bội lại tập trung binh hoả lực mở cuộc tiến công vào khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.


Nắm bắt âm mưu của địch, chuyên gia quân sự Việt Nam được Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo: Nhiệm vụ trước mắt tập trung vào việc tăng cường giúp bạn củng cố, giữ vững hệ thống phòng ngự ở Cánh Đồng Chum, đồng thời tích cực chuẩn bị bộ đội về mọi mặt cho kế hoạch tác chiến ở khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ngày 28 tháng 5 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt ở khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, mang phiên hiệu Đoàn 5. Đoàn 5 được biên chế, tổ chức gồm ban chỉ huy, tổ tham mưu, tổ chính trị, tổ hậu cần, 3 trung đội (trinh sát, bảo vệ, thông tin) và 1 tổ phục vụ nội bộ; quân số toàn đoàn 131 người. Đoàn trưởng quân sự - thượng tá Nguyễn Hữu An; Đoàn trưởng chính trị - trung tá Quang Vinh.


Cùng thời gian này, các tổ chuyên gia Đoàn 463 được phân công đi cùng các tiểu đoàn Pa-thét Lào và trung lập yêu nước đã bám sát đơn vị, góp ý và cùng bạn tổ chức bộ đội đánh địch. Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào phòng ngự tại Phu Phựng - Lạt Buộc bám, chiến đấu kiên cường trong hai ngày, đẩy lui các đợt tiến công của GM12 và một bộ phận GM14 địch, giữ vững trận địa, trở thành đơn vị phòng ngự giỏi. Tiểu đoàn 24 Pa-thét Lào tổ chức đánh chiếm trận địa sơn pháo địch trên mỏm đồi Phu-ca-bó và xây dựng trận địa phòng ngự, tạo thành thế uy hiếp trận địa Phu Huột của địch. Pháo binh Pa-thét Lào và lực lượng trung lập yêu nước đánh chặn, bắn cháy 1 xe tăng của GM14 và GM16 quân phái hữu và quân trung lập phản bội tiến công vào hướng Nậm Khao - Phôn Xa Vẳn, buộc địch phải rút lui.


Sau những thất bại nặng, Mỹ - ngụy Viêng Chăn huy động GM15 mở cuộc tiến công vào khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. GM15 chọn hướng đột phá vào tuyến phòng ngự Bản Gion của Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào. Để tạo thế cho GM15 tiến công chính diện, địch sử dụng đại đội 1 của tiểu đoàn dù 1 dẫn đường lọt vào Thà Khẹt để tập kích trận địa pháo và sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào. Phát hiện được thủ đoạn của địch, Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum và chuyên gia Đoàn 463 thống nhất đưa lực lượng trinh sát và bảo vệ phối hợp với các đơn vị lùng sục địch. Phát hiện Pa-thét Lào chuẩn bị lực lượng đối phó, đại đội 1 (tiểu đoàn dù 1) quân phái hữu đã không dám tiến công vào Thà Khẹt, bỏ mặc GM15. Trong khi đó, GM15 chờ đợi suốt 5 ngày không nhận được sự tiếp viện từ phía đại đội 1 (tiểu đoàn dù 1), vẫn phải phát lệnh tiến công. Coong Le liên tục dùng pháo binh chi viện tối đa cho GM15 trong hơn ba ngày, nhưng binh lính GM15 vẫn trù trừ không tiến vào Thà Khẹt.


Các cuộc tiến công chớp nhoáng của quân phái hữu Viêng Chăn và quân trung lập phản bội hòng chiếm toàn bộ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trước mùa mưa đã bị chặn đứng. Các GM12, GM14, GM15, GM16 theo lệnh Mỹ vội vã cơ động về địa bàn cũ để đối phó với phong trào chiến tranh du kích của cách mạng Lào. Riêng GM17 phải ở lại Cánh Đồng Chum. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum vừa tổ chức đánh địch còn nằm lại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, vừa tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận, tranh thủ xây dựng, củng cố lực lượng phía sau và truy quét bọn phỉ lấn ra đường số 7, ổn định hậu phương.


Các đơn vị Pa-thét Lào qua tham khảo ý kiến chuyên gia Đoàn 463, vận dụng nhiều biện pháp binh vận phù hợp, tranh thủ được binh sĩ của lực lượng trung lập. Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào quan hệ với Tiểu đoàn dù 4 trung lập tổ chức một số "trận đánh giả" liên tục trong một thời gian để nghi binh Coong Le. Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào ở Bản Ban mở đợt hoạt động đánh tan 2 đại đội phỉ nống ra vây cắt đường số 7, đuổi chúng chạy về Phu Noọng và Bản Thà (phía bắc Bản Ban). Tiểu đoàn Pát-chay và Tiểu đoàn 500 Pa-thét Lào truy quét 2 đại đội phỉ ra khỏi Phu Xa Bốt Keo-bon. Các tiểu đoàn 701, 500, Pát-chay và Đại đội 122 của tỉnh trừng trị phản động nằm vùng, củng cố chính quyền cơ sở các huyện Mường Khăm, Mường Pẹc.


Trong công tác xây dựng lực lượng, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng chú trọng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và bảo đảm hậu cần cho bộ đội. Đoàn 463 nắm bắt chủ trương của bạn, nỗ lực triển khai các mặt hoạt động chuyên gia cho các đơn vị bạn thực hiện chỉ tiêu xây dựng lực lượng, về chính trị, các đơn vị được học tập về bản chất quân đội cách mạng, quán triệt các nghị quyết Trung ương, tình hình nhiệm vụ, đặc biệt là vấn đề chống chiến tranh tâm lý của địch. Các chi bộ nâng cao vai trò lãnh đạo, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, trước mắt tập trung lãnh đạo chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ, chịu đựng và khắc phục khó khăn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:00:55 pm »

Trong thời gian này, Quân khu mở hội nghị cán bộ về chống chiến tranh tâm lý của địch. Hội nghị đề ra nhiều biện pháp chống lại thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ mua chuộc, hòng làm cán bộ, bộ đội giảm sút ý chí chiến đấu, mất đoàn kết nội bộ, đào ngũ về địa phương hoặc chạy theo địch. Bộ đội trung lập tiến bộ yêu nước được học tập chương trình giáo dục chính trị như lực lượng Pa-thét Lào, trọng tâm là xác định ý thức trách nhiệm tự xây dựng thành bộ đội cách mạng, đoàn kết lâu dài với Pa-thét Lào chiến đấu cho độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc. Về quân sự, bộ đội được huấn luyện 5 kỹ thuật bộ binh, chiến thuật cá nhân, tiểu đội, trung đội và đại đội chiến đấu tiến công và phòng ngự. Cấp tiểu đoàn chú trọng huấn luyện đánh các mục tiêu và phương pháp chi viện hoả lực cho bộ binh chiến đấu tiến công. Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào được chọn diễn tập để các đơn vị tham quan học tập. Về bảo đảm hậu cần, Quân khu vừa tổ chức đánh phỉ, vận chuyển tiếp tế trên đường số 7, vừa phát động các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và tổ chức "thu thóc cứu nước" ở tỉnh Xiêng Khoảng. Quân khu đặc biệt chú trọng tuyên truyền giác ngộ vận động quần chúng nhằm xây dựng phát triển du kích, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Tại hội nghị cán bộ quân khu, đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào nêu rõ: Không có biện pháp nào khác, địch dùng chiến tranh đặc biệt, ta phải làm chiến tranh nhân dân, chỉ có chiến tranh nhân dân, dựa vào dân giác ngộ và đoàn kết các bộ tộc, trang bị cho họ đánh giặc. Việc làm công tác quần chúng, tổ chức du kích, anh em ta chưa quen, phải tổ chức từng nhóm, vài ba anh em Lào có một chuyên gia đi cùng xuống bản, chuyên gia tuyên truyền bồi dưỡng xây dựng được du kích, anh em Lào cũng có được lòng tin rồi tự làm được. Theo chủ trương đó, đồng chí Nguyễn Khoa Tân chuyên gia huyện Mường Pẹc được giao cùng với chuyên gia quân sự giúp bạn tổ chức du kích. Các đồng chí chuyên gia xuống các bản làng giúp các tiểu đoàn Pa-thét Lào tuyên truyền và tổ chức du kích: Tiểu đoàn 1 ở Bản Gion, Tiểu đoàn 15 ở Bản Len, Tiểu đoàn pháo mặt đất ở Bản Bi, Tiểu đoàn 16 ở Bản Phạt, Tiểu đoàn 13 ở Bản Piềng và Tiểu đoàn 2 ở Bản Son. Mỗi tổ công tác bộ đội Pa-thét Lào có chuyên gia đi cùng xác định quyết tâm xây dựng một tổ du kích đánh được địch, gây được lòng tin vào chủ trương phát động chiến tranh nhân dân của Đảng, phá tan định kiến "dân phỉ - đất phỉ", xây dựng Xiêng Khoảng thành "đất cách mạng - dân cách mạng".


Sau một thời gian tuyên truyền vận động, công tác phát triển du kích và đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở cấc huyện đã đạt được kết quả rất đáng kể. Tiêu biểu là Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào cử một tiểu đội xuống dìu dắt tiểu đội du kích bản Xiềng Ai đánh đuổi các toán phỉ. Chỉ sau một thời gian ngắn, du kích Xiềng Ai đã tự bảo vệ được làng bản. Phong trào phát triển du kích, chiến tranh nhân dân dấy lên khắp tỉnh Xiêng Khoảng.


Liên tiếp bị thất bại trên chiến trường miền Nam Việt Nam và Lào, ngày 17 tháng 6 năm 1963, tại Thái Lan, dưới sự điều khiển của Mỹ, khối SEATO tiến hành cuộc diễn tập "Tha-na-lát" với 7.000 quân tham gia, trong đó chủ yếu là quân Mỹ, nhằm "kiểm tra trình độ tác chiến", sẵn sàng cho bước phiêu lưu quân sự mới vào Lào.


Ở Việt Nam, ngày 18 tháng 6 năm 1963, Thường trực Quân ủy Trung ương họp hội nghị xem xét bản đề án tổ chức cơ quan làm công tác ở Lào do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị. Nội dung đề án nêu rõ: Mấy năm trước đây khi xảy ra chiến sự ở Lào, Quân ủy Trung ương đã quyết định tổ chức Đoàn 959 sang giúp nạn. Đoàn 959 về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ của Quân ủy giao phó. Sau khi tình hình ở Lào tạm thời ổn định, Đoàn 959 đã giải tán, nhưng vẫn còn tồn tại một bộ phận chuyên lo giải quyết các chế độ chính sách, đồng thời đã tổ chức thêm ở Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị, mỗi nơi một phòng làm nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi tình hình Lào. Xét thấy tổ chức các cơ quan giúp bạn như hiện nay là chưa phù hợp với tình hình ở Lào đang diễn biến rất khẩn trương, Bộ Tổng tham mưu lập dự án chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức làm công tác giúp bạn.


Bộ Tổng tham mưu đề nghị: Thường trực Quân ủy Trung ương thông qua ba Tổng cục (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Hậu cần) trực tiếp chỉ đạo các tổ chuyên gia, các đoàn công tác hoạt động giúp bạn trên chiến trường Lào. Tuỳ từng lúc, từng nơi, Thường trực Quân ủy Trung ương sẽ ủy nhiệm cho Đảng ủy và thủ trưởng Quân khu (Tây Bắc, Khu 4) trực tiếp chỉ đạo một số hoạt động nhất định. Đối với các đơn vị vũ trang của quân khu nào sang hoạt động thì do quân khu đó phụ trách về mọi mặt; đồng thời giao cho Quân khu 4 phụ trách các tổ chuyên gia hoạt động ở Trung Lào và Hạ Lào, Quân khu Tây Bắc phụ trách tổ chuyên gia hoạt động ở Thượng Lào. Cơ quan ba Tổng cục phụ trách quản lý mọi mặt các tổ chuyên gia hoạt động ở Sầm Nưa, Viêng Chăn và Xiêng Khoảng.


Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định nguyên tắc tổ chức cơ quan làm công tác ở Lào như sau: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm trực tiếp giúp Thường trực Quân ủy chỉ đạo công tác Lào. Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần có cơ quan chuyên trách công tác Lào. Ở Bộ Tổng tham mưu, giải tán Phòng Lào để tăng cường cán bộ cho các cục. Cục Tác chiến chịu trách nhiệm tổ chức hiệp đồng giữa các cục thuộc Bộ Tổng tham mưu và khi cần thì giúp Bộ Tổng tham mưu tổ chức hiệp đồng giữa ba Tổng cục.


Chấp hành nghị quyết của Thường trực Quân ủy Trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, cấp ủy và cơ quan chính trị các đơn vị quân tình nguyện, Ban cán sự các đoàn chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào đã thường xuyên tổ chức giáo dục bộ đội thực hiện tốt 5 nguyên tắc trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt - Lào nắm vững và làm tốt những yêu cầu nhiệm vụ Quân ủy Trung ương đã xác định khi hoạt động giúp bạn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã kịp thời phát hiện đấu tranh khắc phục tư tưởng nước lớn, ban ơn, xem thường, tự phụ, thiếu khiêm tốn học tập lẫn nhau; đồng thời chăm lo xây dựng và củng cố đoàn kết nội bộ, đoàn kết Quốc tế, đẩy mạnh huấn luyện quân sự, nghiệp vụ, vượt mọi khó khăn thử thách trong chiến đấu, tích cực giúp bạn tự đảm nhiệm công việc, mau chóng trưởng thành. Các cấp thường xuyên quan tâm bảo đảm chính sách, chăm lo đời sống mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quận sự làm cho mọi người yên tâm chiến đấu và công tác trên đất bạn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:02:21 pm »

Tháng 7 năm 1963, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gặp gỡ và hội đàm với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào. Một số cán bộ cao cấp của hai Đảng cùng tham dự. Hai Đảng thống nhất nhận định: "Thắng lợi của cách mạng Lào vừa qua là to lớn, nhưng thắng lợi đó chưa được củng cố, Mỹ - ngụy lại tăng cường phá hoại Chính phủ Liên hiệp, tấn công lấn chiếm vùng giải phóng... Mặc dù vậy, chúng vẫn ở trong thế phòng thủ, thực hiện chính sách hai mặt: lợi dụng Phu-ma, lôi kéo Coong Le giương ngọn cờ hoà bình trung lập, thân phương Tây để chống lại Neo Lào Hắc Xạt"1 (Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1945-1975), Sđd, tr. 151). "Về ta, đường lối chưa có gì thay đổi, cuộc đấu tranh đang ở thế giằng co. Trong lúc này ta phải tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng, mạnh cả về quân sự và chính trị, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài".


Kết luận của hai Đảng đã tăng cường hơn nữa sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước Việt - Lào; đồng thời là phương châm hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, góp phần đưa cách mạng Lào vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển vững chắc.


Ngày 18 tháng 7 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt ở Hạ Lào mang tên Đoàn 763, nhằm giúp bạn củng cố giữ vững vùng giải phóng, ổn định tình hình, phát triển lực lượng, tăng cường thế và lực cho cách mạng Lào; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đưa quân tình nguyện Việt Nam sang cùng bạn hoạt động ở Hạ Lào khi xét thấy cần thiết. Đoàn 763 có nhiệm vụ: Chuẩn bị các kế hoạch giúp bạn về mọi mặt; chuẩn bị các vấn đề cần thiết để đưa một số đơn vị quân tình nguyện sang hoạt động ở Hạ Lào và chỉ huy các đơn vị đó hoàn thành nhiệm vụ Bộ giao. Biên chế, tổ chức của Đoàn 763 gồm ban chỉ huy và các bộ phận giúp việc (tham mưu, chính trị, hậu cần, hàng không, phục vụ); quân số 44 người; chỉ huy trưởng: trung tá Lê Kích; chỉ huy phó chính trị: thiếu tá Hoàng Cao Ngôn; chỉ huy phó hậu cần: trung tá Đức Phương.


Ngay sau khi thành lập, Đoàn 763 và Tiểu đoàn 2 bộ binh (Quân khu Tây Bắc) được huấn luyện đặc công hoá tổ chức hành quân từ Đáp Cầu (Bắc Ninh) sang Hạ Lào. Đoàn 763 khẩn trương triển khai nhiệm vụ tại các tỉnh Tà-vên-oọc, Sa-ra-van và Át-ta-pư; một bộ phận do đồng chí Lê Kích phụ trách làm chuyên gia cho Quân khu Hạ Lào xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang; một bộ phận do đồng chí Đức Phương phụ trách mở đường giao liên về hướng nam.


Ngày 31 tháng 7 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 chuẩn bị cử Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) sang làm nhiệm vụ tại chiến trường Lào; đồng thời giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các lực lượng của bạn tổ chức phòng ngự, đánh bại các cuộc tiến công của địch, giữ vững khu vực Trung Lào. Ngày 12 tháng 8 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc và Lữ đoàn 335 điều tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 335 sang vùng Noọng Hét làm nhiệm vụ sửa chữa đường số 7.


Ngày 7 tháng 8 năm 1963, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề nghị Trung ương và Quân ủy Trung ương Việt Nam tăng cường lực lượng chuyên gia sang giúp Lào. Bạn yêu cầu chuyên gia giúp toàn diện, nhưng có trọng điểm, giúp từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện, trước mắt tập trung giúp năm vấn đề cơ bản:

1. Xây dựng và đào tạo cán bộ, đặc biệt là kiện toàn tổ chức Đảng.

2. Nghiên cứu một số chính sách.

3. Tổng kết kinh nghiệm về giáo dục quần chúng, bồi dưỡng cán bộ đảng viên.

4. Xây dựng về chính trị tư tưởng và tổ chức Đảng trong quân đội.

5. Củng cố và phát triển phong trào chiến tranh du kích.


Theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng bạn, ngày 14 tháng 9 năm 1963, Tổng cục Chính trị trình Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập các đoàn chuyên gia quân sự ở các hướng, gồm: Sầm Nưa, Thượng Lào, Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Xa Xắn Na Khệt, Khăm Muộn và Hạ Lào. Các đoàn chuyên gia quân sự này đã được làm tốt công tác tư tưởng và công tác tổ chức trước khi báo cáo Quân ủy Trung ương ra quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từng đoàn chuyên gia quân sự cả về Đảng và chính quyền, đúng quy định của Trung ương Đảng và yêu cầu của Đảng bạn.


Ngày 30 tháng 9 năm 1963, Quân ủy Lào họp, ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 1963 và sáu tháng đầu năm 1964. Các lực lượng vũ trang cách mạng Lào với sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự Việt Nam trên các địa bàn đã bước ngay vào chiến đấu, kiên quyết đánh lui nhiều cuộc tiến công lấn chiếm, càn quét của địch, giữ vững các địa bàn vùng giải phóng và cơ sở ở vùng sau lưng địch. Đồng thời tranh thủ thời gian củng cố lực lượng về mọi mặt, trước hết là chính trị tư tưởng, khắc phục ảo tưởng hoà bình, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; tiến hành huấn luyện quân sự, nghiệp vụ, đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích, đặc biệt là coi trọng việc phát triển các đơn vị phòng không của cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích; tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm chiến đấu xây dựng cơ sở và thu phục "phỉ", kinh nghiệm liên minh chiến đấu, hỗ trợ và dìu dắt lực lượng vũ trang trung lập yêu nước. Tham khảo ý kiến chuyên gia, Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao quân đội Lào quyết định đề bạt cán bộ bổ sung cho các đơn vị, các cơ quan của ba Tổng cục, các quân khu và tỉnh đội; đồng thời cử cán bộ đi học ở các trường trong và ngoài nước, chủ yếu là ở Việt Nam. Tổ chức lực lượng vũ trang Pa-thét Lào được kiện toàn. Năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ quân đội giải phóng Lào được nâng cao một bước rõ rệt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:03:20 pm »

Đông Xuân 1963-1964, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam và Lào nhằm cứu vãn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ở miền Nam Việt Nam, Mỹ loại bỏ gia đình họ Ngô. Cùng với các cuộc hành quân bình định nội địa, Mỹ - ngụy tăng cường đánh phá các vùng dọc biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và trên tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam; đồng thời thực hiện kế hoạch "34A"1 (Kế hoạch 34A (plan opération 34A): Mỹ - ngụy sử dụng tàu biệt kích tung ra vùng biển miền Bắc Việt Nam để bắt cóc ngư dân khai thác tin tình báo...), đưa tàu khu trục đến Vịnh Bắc Bộ thu thập tình báo, chuẩn bị kế hoạch đánh phá miền Bắc Việt Nam. Đối với Lào, đế quốc Mỹ quyết định viện trợ thêm cho ngụy quyền Viêng Chăn 150 triệu đô la trong tài khoá 1963-1964. Quân ngụy Viêng Chăn được phục hồi, phát triển lên 62.000, trang bị thêm vũ khí hiện đại, máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo 155 ly, mở các cuộc tiến công, hòng đánh ra chiếm lại các vùng đã mất.


Theo lệnh Mỹ, quân phái hữu phản động cùng quân trung lập phản bội mở cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Trung Lào. Được không quân Mỹ và pháo binh Thái Lan yểm trợ, sau khi chiếm Sê Nô, quân ngụy Lào phối hợp với quân ngụy Sài Gòn đánh chiếm khu vực Mường Noòng, tỉnh Xa Vẳn Na Khệt, chiếm lại thị trấn Căm Cốt, Lạc Xao, mở đường tiến xuống Pa Thí, nhằm giành quyền kiểm soát vùng Trung Lào, giải toả khu vực đường số 8, đường 12 giáp biên giới Việt - Lào. Tại tỉnh Bô Li Khăm Xay và tỉnh Khăm Muộn, quân ngụy Viêng Chăn và quân trung lập Coong Le phản bội bố trí 8 tiểu đoàn1 (Gồm các tiểu đoàn 5, 24, 30bis, 11, 55BP, 8, 340BR và 1 tiểu đoàn địa phương) và 2 đại đội biệt kích, mở rộng phạm vi chiếm đóng, đồng thời uy hiếp tuyến đường vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam. Phán đoán đúng âm mưu và hành động của Mỹ - ngụy, cuối năm 1963, hai Quân ủy Trung ương Lào - Việt đã trao đổi thống nhất giao cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 cùng bộ đội Pa-thét Lào phối hợp mở chiến dịch 128. Chiến dịch nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ âm mưu chiếm đóng cao nguyên Trung Lào của chúng, giải phóng Nậm Thơm, tạo điều kiện cho bạn mở rộng phạm vi hoạt động xuống hướng đường 13, giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển của ta.


Chấp hành nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh Quân khu 4 sử dụng hai trung đoàn 95 và 101 (Sư đoàn 325), Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 324), hai tiểu đoàn biên phòng 927 và 929 một đại đội pháo 105 ly (4 khẩu), một đại đội cối 120 ly (4 khẩu), một đại đội súng máy phòng không (4 khẩu), một đại đội thiết giáp, một trung đội đặc công; Tiểu đoàn 17 Pa-thét Lào tỉnh Khăm Muộn và Đại đội bộ đội địa phương Nhom Ma Rát tham gia chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Ích Tỷ làm Tư lệnh và đồng chí Quách Sĩ Kha làm Chính ủy. Bộ Tổng tham mưu cử đồng chí Lê Ngọc Hiền - Cục phó Cục Tác chiến làm phái viên của Bộ giúp Bộ tư lệnh chiến dịch. Ngày 15 tháng 1 năm 1964, Bộ chỉ huy chiến dịch thông qua quyết tâm chiến đấu. Trung tuần tháng 1 năm 1964, quân tình nguyện (Trung đoàn 95 Sư đoàn 325) đang sôi nổi huấn luyện thì được lệnh vượt đèo Mụ Giạ tiến sang khu vực tập kết chuẩn bị mở chiến dịch.


Ngày 27 tháng 1 năm 1964, từ hai hướng liên quân Việt - Lào nổ súng đánh địch. Tiểu đoàn 17 tỉnh Khăm Muộn và đại đội địa phương Nhom Ma Rát đã phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện tiến công cứ điểm Vang Yên; đánh chiếm các khu vực Bản Đông, Thà Thuột, Bản Khoa, tạo thành thế bao vây địch từ phía nam Na Cay. Đêm 28 tháng 1, liên quân Việt - Lào tiến công vào Na Cay. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng sợ bỏ chạy về hướng Thẩm Công Lô. Liên quân Việt - Lào tiếp tục truy kích địch đến tận ngã ba Bản Thôn, truy lùng tàn binh địch trên một địa bàn rộng lớn từ Na Cay, Him-ban, Pha-ken-la, nam Nậm-xa tới Na Muông, Bản Ken, Bản Công Lô... đẩy lùi quân địch về hướng Kon-ka-ti-a và Bản Ken. Đến ngày 12 tháng 2 năm 1964, chiến dịch 128 kết thúc. Liên quân Việt - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên, thu 360 súng các loại; giải phóng toàn bộ cao nguyên Na Cay cùng tuyến biên giới Lào - Việt dài gần 700 km từ đường số 8 đến đường số 12. Sau chiến dịch, Tiểu đoàn 927, Tiểu đoàn 929 và Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 324) chuyển sang làm nhiệm vụ cùng bạn phòng ngự và xây dựng cơ sở chính trị.


Cùng thời gian này, các chiến trường tích cực phối hợp với chiến dịch 128. Đoàn 763 ở Hạ Lào dựa vào khả năng và lực lượng địa phương tiến hành xây dựng củng cố cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, phát triển sản xuất, chuẩn bị chiến trường. Đầu năm 1964, Đoàn 763 tập trung vào các nhiệm vụ cụ thế: Giữ vững và củng cố như hiện trạng, trọng điểm là miền đông Sê Kông và Bản Mày - Him Lát, tạo thành bàn đạp vững chắc để đấu tranh địch hậu, củng cố cơ sở và mở rộng căn cứ, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch trên đường giao thông quan trọng, tiến công lên bao vây, cô lập Sa-ra-van, Át-ta-pư. Tích cực củng cố cơ sở vùng Bô-lô-ven, khắc phục khó khăn để đưa cán bộ hoặc đội vũ trang tuyên truyền vào gây cơ sở vùng Nha Hớn. Tranh thủ thời gian huấn luyện bộ đội và du kích. Thống nhất với Ban cán sự Đảng để giúp Khu ủy và Quân khu ủy Bạn chỉ đạo toàn diện, huy động các ngành/các giới cùng phối hợp với bộ đội hoàn thành các nhiệm vụ được giao phó.


Tại khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, từ ngày 1 tháng 2 năm 1964, Đoàn 463 giúp bạn mở chiến dịch phản công GM13, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng thị xã và khu vực đông nam tỉnh Xiêng Khoảng, tạo thế và thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum. Các đồng chí Lê Văn - Chính ủy, Nguyễn Bình Sơn - Trưởng đoàn cùng nhiều cán bộ chuyên gia trực tiếp cùng Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum điều hành chiến dịch. Theo kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch sáng 1 tháng 2 năm 1964, Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào triển khai lực lượng tiếp cận mục tiêu, bất ngờ nổ súng chiếm mỏm Phu Hin, chia cắt đội hình GM13. Trong khi đó, thực hiện ý kiến của chuyên gia, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 24 Pa-thét Lào) đào hầm vây lấn tiếp cận mục tiêu rồi dừng lại chờ lệnh tiến công.


10 giờ ngày 1 tháng 2, pháo binh chiến dịch tập trung bắn phá sở chỉ huy tiểu đoàn (BI 12), trận địa hoả lực và lô cốt địch trên đỉnh Phu Xiết. Phát hiện địch nhốn nháo tháo chạy, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 24 Pa-thét Lào) lập tức xung phong đánh chiếm mục tiêu và cắm cờ trên đỉnh Phu Xiết. Bộ phận nghi binh (gồm 1 tiểu đội và 1 khẩu ĐKZ) loan tin ta và bạn sẽ tiến công vào sở chỉ huy của GM13 và tiểu đoàn (BI 13) ở Phu Huột. Trong khi đó, Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào bí mật cơ động bằng ô tô vòng xuống Nậm Hét, được du kích dẫn đường tiến vào Mường Phàn hình thành thế bao vây địch.


Rạng sáng ngày 2 tháng 2, Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào chia làm hai mũi tiến công vào Bản Thạc. Bị đánh bất ngờ, GM13 hoảng sợ rút chạy về Phu Huột. Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào tiếp tục truy kích địch tháo chạy. Đến trưa ngày 3 tháng 2, hai tiểu đoàn 701 và 2 Pa-thét Lào gặp nhau tại Bản Thạc, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho đợt chiến đấu tiếp theo.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:05:15 pm »

Sáng 25 tháng 2 năm 1964, Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào bí mật tập kích tiêu diệt trận địa pháo và tiểu đoàn địch (BI21) ở Tin-pao; đồng thời Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào và tiểu đoàn dù 1 trung lập yêu nước tiến công khu vực Phu Khe, kết thúc chiến dịch.


Thắng lợi của chiến dịch này đánh dấu các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã có bước trưởng thành vững chắc về trình độ kỹ chiến thuật, tích lũy được nhiều kinh nghiệm tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu. Đoàn 463 tích luỹ thêm những kinh nghiệm về phương pháp công tác luôn chủ động bám sát cùng với bạn và tạo điều kiện để bạn đảm nhiệm tốt mọi nhiệm vụ. Ngày 17 tháng 3 năm 1964, Đảng Nhân dân Lào họp hội nghị Trung ương lần thứ 12. Hội nghị đánh giá: Hoạt động quân sự của ta đã giành được thắng lợi; tiêu diệt, tiêu hao được một phần sinh lực địch, khôi phục được vùng giải phóng ở Khăm Muộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa. Lực lượng của ta qua thử thách chiến đấu và qua huấn luyện đã được củng cố về chất lượng, trình độ kỹ thuật, chiến thuật cũng được nâng lên một bước... Tuy vậy, trình độ chính trị cũng như khả năng chiến đấu còn thấp, lực lượng chủ lực bị phân tán trong thế phòng ngự bị động, chưa làm được vai trò cơ động, bộ đội địa phương chưa được củng cố, cơ sở du kích chưa mạnh và chưa rộng khắp, về nhiệm vụ cách mạng Lào trong thời gian tới, hội nghị xác định: Ra sức đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự với binh vận; ra sức xây dựng củng cố vùng giải phóng về mọi mặt,... củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang. Về tác chiến, phải lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính, nơi nào có điều kiện thì đánh để khôi phục và củng cố vùng giải phóng, kiên quyết quét "phỉ" ở hậu phương ta, tích cực phát triển chiến tranh du kích vào hậu phương địch, kết hợp đánh địch với binh địch vận, vận động nhân dân, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng.


Bộ Chính trị và Quân ủy Lào yêu cầu Việt Nam tăng cường chuyên gia quân sự giúp bạn. Với tinh thần chủ động, cuối tháng 12 năm 1963, Thường trực Quân ủy Trung ương Việt Nam đã thảo luận và thông qua chủ trương tăng cường chuyên gia quân sự cho bạn:

1. Phải tăng cường hệ thống cố vấn và chuyên gia trực tiếp giúp bạn cả Trung ương và đơn vị, gồm: cố vấn giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, cố vấn giúp các quân khu (liên tỉnh) và tỉnh, cố vấn và chuyên gia giúp các đơn vị tiểu đoàn chiến đấu (bộ binh và các binh chủng chủ yếu), cố vấn và chuyên gia giúp các trường lớp, cố vấn và chuyên gia giúp lực lượng trung lập tiến bộ.

2. Phải giúp đỡ một số đội công tác và một số đơn vị bộ đội Pa-thét Lào để phối hợp cùng bạn tiễu phỉ và củng cố cơ sở, giữ vững khu giải phóng.

3. Giúp bạn về lương thực và các nhu cầu vật chất khác cho tới khi bạn có thể hoàn toàn tự túc; đồng thời giúp bạn gấp rút sửa chữa lại những khí tài, phương tiện hư hỏng và xây dựng cho bạn những cơ sở sửa chữa cần thiết.

4. Nghiên cứu giúp bạn giải quyết những vấn đề lớn về mặt quân sự cho phù hợp với đặc điểm và tình hình Lào.

5. Chấn chỉnh việc theo dõi, nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của bạn ở trong nước về mặt tổ chức cũng như về mặt nền nếp công tác.

Quân ủy Trung ương hai Đảng thảo luận thống nhất nhận định: Địch chưa dám mở các cuộc tiến công quy mô lớn, nhưng chúng đã đẩy quân đội trung lập của Coong Le phối hợp với quân Phu-mi tích cực lấn chiếm chính diện, kết hợp đẩy mạnh hoạt động phỉ ở hậu phương Pa-thét Lào. Địch đã chiếm Văng Viêng, Căm Cớt, Lạc Xao và đang tăng cường lực lượng uy hiếp Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum; bọn phỉ đang gây khó khăn cho Pa-thét Lào, nhất là ở Thượng Lào và Sầm Nưa. Về phía ta, vừa qua hoạt động quân sự còn lúng túng, bị động, du kích vùng căn cứ Viêng Chăn không đẩy mạnh hoạt động lên được, chính diện thì phòng ngự nằm chờ khi địch tiến công mới chống đỡ; đồng thời do khó khăn tiếp tế và xe pháo cồng kềnh, khó cơ động nên mức độ và hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Chủ trương phương hướng hoạt động quân sự trong thời gian tới được hai Quân ủy thống nhất xác định: Khu vực dọc đường 13 nhanh chóng chuyên hướng sang hoạt động du kích và vận động chiến nhỏ, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động mọi mặt ở vùng căn cứ địch hậu Viêng Chăn; phương châm là phải tích cực tiến công tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của quân địch, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị của quần chúng, kiên quyết chống bị động, nằm chờ.


Để chuẩn bị tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ hai tại Xiềng Xừ (Sầm Nưa), Quân ủy Trung ương Lào đề nghị chuyên gia quân sự Việt Nam giúp các cơ quan của ba Tổng cục chuẩn bị Đại hội. Do điều kiện đất nước Lào đang có chiến tranh, việc đi lại khó khăn, các đại biểu ở Trung Lào, Hạ Lào và Bắc Lào phải đi vòng sang Việt Nam để về Xiềng Xừ, vì vậy Quân ủy Trung ương Lào chủ trương kết hợp Đại hội Chiến sĩ thi đua với hội nghị cán bộ toàn quân.


Theo chủ trương đó, những cán bộ chuyên gia quân sự Việt Nam đã khẩn trương tập trung giúp ba cơ quan Tổng cục bạn hoàn tất các khâu chuẩn bị về nội dung Đại hội và hội nghị, bảo đảm vật chất, chỗ ăn ở, đi lại của đại biểu.


Cuối tháng 3 năm 1964, Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ hai và hội nghị cán bộ toàn quân khai mạc tại Xiềng Xừ - Sầm Nưa. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng Bí thư, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon - Tổng chỉ huy tối cao quân đội Pa-thét Lào cùng đông đủ cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong toàn quân, cán bộ phụ trách các đơn vị và địa phương trong cả nước Lào về dự.


Đại hội Chiến sĩ thi đua và hội nghị cán bộ toàn quân đã tổng kết phong trào thi đua; phổ biến quán triệt nghị quyết Trung ương lần thứ 12 và nghị quyết Quân ủy Trung ương Lào về tình hình nhiệm vụ cách mạng, chủ trương phương hướng chiến đấu của lực lượng vù trang trong giai đoạn mới. Nhân dịp Đại hội và hội nghị, Quân ủy Trung ương Lào phát động phong trào "Thi đua xây dựng đơn vị 3 giỏi, 2 tốt, chiến sĩ 3 giỏi, 2 tốt" (Xảm kềng sỏng đi) và cuộc vận động "Xây dựng chi bộ 4 biết" (Xi hụ)1 ("Thi đua xây dựng đơn vị 3 giỏi, 2 tốt, chiến sĩ 3 giỏi, 2 tốt": chiến đấu giỏi, công tác xây dựng cơ sở giỏi, tăng gia sản xuất tiết kiệm giỏi; học tập tốt, đoàn kết tốt. "Xây dựng chi bộ bốn biết": biết lãnh đạo chiến đấu, biết lãnh đạo đoàn kết, biết lãnh đạo công tác, biết lãnh đạo xây dựng đơn vị).


Được sự nhất trí của hai Đảng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định giao nhiệm vụ cho Quân khu Tây Bắc phối hợp với bạn Lào mở chiến dịch 74A (chiến dịch đường số 7 và đường số 4) nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng khu vực Cánh Đồng Chum, giúp bạn trưởng thành trong tác chiến tập trung quy mô chiến dịch.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:06:22 pm »

Sau thất bại ở đường số 8 và đường số 12 (Trung Lào), Mỹ - ngụy Viêng Chăn tiếp tục đẩy mạnh hành động lấn chiếm vùng giải phóng Thượng Lào, lôi kéo Coong Le, phát triển lực lượng phỉ Vàng Pao, đồng thời ra sức xuyên tạc chủ trương đường lối cách mạng Lào, chống phá Chính phủ Liên hiệp ba phái và nói xấu sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào. Tại khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Mỹ - ngụy Viêng Chăn triển khai 13 tiểu đoàn bộ binh thuộc GM13 và GM17, cùng 3 tiểu đoàn hỗn hợp, 54 đại đội phỉ, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly và 85 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly và 106,7 ly, 1 đại đội súng máy phòng không 12,7 ly, 37 xe tăng và thiết giáp. Mỹ - ngụy Viêng Chăn xây dựng các trận địa phòng ngự mạnh nhằm chiếm giữ lâu dài địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, tiêu diệt lực lượng Pa-thét Lào, uy hiếp miền Bắc Việt Nam.


Đầu tháng 3 năm 1964, Bộ tư lệnh chiến dịch 74A được thành lập, phía Việt Nam có Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang - Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm Tư lệnh, phía Lào có các đồng chí Xinh-ca-po và Xa-mán (Pa-thét Lào), đại tá Đươn Xa Na Lát (trung lập).


Lực lượng tham gia chiến dịch: phía Việt Nam ca Lữ đoàn 316 và Lữ đoàn 335 (Quân khu Tây Bắc), Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 304), Tiểu đoàn 925 (Quân khu 4), 14 đại đội biên phòng; phía Lào có 7 tiểu đoàn Pa-thét Lào và trung lập (13, 1, 2, 15, Pát-chay, 701, 500).


Ngày 17 tháng 3 năm 1964, Tổng cục Chính trị ta ra chỉ thị về công tác đảng, công tác chính trị cho các quân khu, đơn vị trực tiếp giúp bạn. Chỉ thị nêu rõ: "Làm cho bộ đội thấy được âm mưu của địch, nắm vững chủ trương... phương châm tư tưởng chỉ đạo tác chiến, thấy hết thuận và khó khăn của ta, nâng cao tinh thần quốc tế vô sản, quyết tâm tiêu diệt địch, đoàn kết giúp đỡ bạn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng cơ sở cách mạng". Chỉ thị đề ra những yêu cầu về lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau:

1- Quán triệt sách lược chính trị, nắm vững đối tượng tác chiến, kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt bọn phản động Phu-mi - Bun-ùm, hợp tác và tranh thủ lôi kéo quân trung lập tiến bộ, tránh xung đột với lực lượng của Coong Le và Phu-ma, tách họ ra khỏi lực lượng của Phu- mi, cùng với ta tiêu diệt bọn tay sai đế quốc Mỹ.

2- Đề cao tinh thần nghiêm chỉnh và triệt để chấp hành kỷ luật chiến trường, nhất là kỷ luật chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, phục tùng chỉ huy, thực hiện chính sách trong chiến đấu.

3- Đề cao tinh thần khắc phục khó khăn chịu đựng gian khổ, kiên trì chiến đấu và công tác liên tục; tăng cường công tác binh vận, kết hợp chặt chẽ tác chiến với địch vận làm tan rã hàng ngũ địch.

4- Tăng cường công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong nhân dân, chăm lo củng cố cơ sở chính trị vùng giải phóng, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế chiến đấu chống kẻ thù chung giữa quân đội cách mạng của hai nước và tình đoàn kết giữa hai dân tộc Lào - Việt.


Ngày 21 tháng 3 năm 1964, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm, xác định kế hoạch chiến dịch chia thành ba đợt. Đợt 1, tiến công đánh chiếm toàn bộ trận địa của GM17 ở Phu Noọng. Đợt 2, kết hợp tác chiến với binh vận, giải phóng Cánh Đồng Chum. Đợt 3, truy quét tàn quân địch, củng cố ổn định tình hình ở các khu vực đã giải phóng.


Đoàn cán bộ quân tình nguyện do Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang - Tư lệnh chiến dịch dẫn đầu sang Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trình bày ý định và thống nhất kế hoạch phối hợp với bạn. Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đảm nhiệm một hướng chiến dịch; quân tình nguyện Việt Nam đảm nhiệm hướng chính chiến dịch. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đảm nhận một hướng chiến dịch có quy mô tương đối lớn, có nhiều tiểu đoàn chủ lực của bạn tham gia.


Đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ thị cho Đoàn 463: Tình hình ở Lào đang có nhiều chuyển biến mau lẹ. Bạn chọn thời cơ quyết định mở chiến dịch này là có cơ sở. Chuyên gia phải cố gắng giúp bạn thực hiện cho bằng được. Lúc này tạo thời cơ, đón thời cơ là rất quan trọng. Bộ chỉ huy chiến dịch 74A phải cố hết sức đánh sốm để hợp đồng đúng thời cơ của bạn. Đoàn 463 và chuyên gia các đơn vị quán triệt nhiệm vụ, tập trung giúp bạn chuẩn bị chu đáo về các mặt quân sự, chính trị tư tưởng, vật chất, dự đoán các tình huống cụ thể trong phương án tác chiến và phân công chuyên gia giúp bạn trong quá tình diễn ra chiến dịch.


Ngày 10 tháng 4 năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch 74A phải chờ cuộc họp ba phái ở Cánh Đồng Chum kết thúc mới được đánh lớn.


Ngày 17 tháng 4 năm 1964, thủ lĩnh ba phái của Lào họp tại Cánh Đồng Chum, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề gì. Ngày 19 tháng 4 năm 1964, Mỹ giúp Cu-pra-xít làm đảo chính ở Viêng Chăn, lật đổ Chính phủ Liên hiệp, buộc Phu-ma phải nhường chức Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ cho phái Phu-mi Nô-xa-vẳn, nhưng Phu-ma không chấp nhận.


Trung ương Neo Lào Hắc Xạt và đại diện các lực lượng trung lập (tướng Khăm Uồn Búp Pha ở Phong Xa Lỳ, đại tá Đươn Xa Na Lát ở Xiêng Khoảng) ra tuyên bố cực lực phản đối cuộc đảo chính của Cu-pra-xít và các hoạt động lấn chiếm của quân Phu-mi.


Chớp thời cơ, Bộ tư lệnh chiến dịch 74A hạ lệnh nổ súng đánh địch. Trên hướng chiến dịch do bạn đảm nhiệm, ngày 26 tháng 4 năm 1964, Trung ương phân cục Lào họp nghe đồng chí Phun-xi-pa-xót - Tư lệnh quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng báo cáo và đề nghị nổ súng đánh GM17 địch, nhằm tạo thế và thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum. Bộ tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng quyết định sử dụng 4 tiểu đoàn Pa-thét Lào, 2 tiểu đoàn trung lập yêu nước và 2 tiểu đoàn pháo binh tham gia chiến dịch. Các đơn vị có nhiệm vụ: Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào làm nhiệm vụ chủ yếu đánh chiếm Phu Sẳn - Phu Bạ. Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào tiến công chiếm vị trí Yên Ngựa giữa Phu Sẳn - Phu Bạ. Tiểu đoàn 15 trung lập yêu nước đánh chiếm Phu Bạ. Hai tiểu đoàn pháo binh bắn chi viện cho lực lượng bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Chỉ huy trận đánh này có đồng chí Chăm Niên - Tham mưu trưởng quân khu, trung tá Thiệp (trung lập yêu nước), ông Phôn-xây và tổ chuyên gia quân khu. Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào cùng du kích Mường Pẹc đánh chiếm Mường Khừng, do đồng chí Xinh-ca-po và đồng chí Xi-phon chỉ huy. Bộ chỉ huy chung gồm các đồng chí Phun-xi-pa-xớt - Tư lệnh quân khu, Xa-mán - Chính ủy quân khu, đại tá Đươn Xa Na Lát - Chỉ huy trưởng lực lượng trung lập yêu nước và tổ chuyên gia quân khu.


20 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1964, đồng chí Nu-hắc, đại diện Trung ương phân cục chủ trì hội nghị hiệp đồng giữa lực lượng Pa-thét Lào và lực lượng trung lập yêu nước. Phía quân khu có các đồng chí Phun-xi-pa-xót, Xa-mán, Xinh-ca-po, Xi-phon, Chăn Niên và Bun Niên; phía trung lập yêu nước có các ông Đươn, Thiệp, Phôn-xây và chuyên gia quân khu. Sau khi đồng chí Nu-hắc tóm tắt tình hình địch, ta, ý định chiến dịch, mục tiêu tác chiến là GM17 để tạo thế và thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum, đồng chí Nguyễn Bình Sơn - Trưởng đoàn chuyên gia quân khu trình bày kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa hai Bộ chỉ huy Pa-thét Lào và trung lập.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2021, 03:07:25 pm »

Hội nghị thảo luận và thống nhất nhận định: Tuyến địa hình Phu Sẳn - Phu Lạt - Phu Tung là lá chắn cho Mường Phằn và Mường Khừng, địch đang chiếm giữ. Coong Le ngoan cố kéo dài thương thuyết, ta chiếm được tuyến này sẽ tạo thế hoà hợp hay tiếp tục đánh đều rất có lợi cho ta. Nếu để GM17 rút về, sau chúng đưa quân Coong Le lên chiếm Phu Sẳn thì bất lợi cho ta. Đồng chí Nu-hắc kết luận nhất trí với kế hoạch tác chiến hiệp đồng do đồng chí Nguyễn Bình Sơn - Trưởng đoàn chuyên gia trình bày; đồng thời chỉ thị: Thời gian chỉ còn vài giờ, mọi công việc chuẩn bị và hành quân sẽ phải hoàn thành trong đêm. Ngày mai (27-4), địch thay quân lúc nào là ta đánh lúc đó. Đồng chí nhắc nhớ mang theo truyền đơn địch vận rải vào trận địa Coong Le để khi đánh họ khỏi bất ngờ.


Theo kế hoạch, 4 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1964, đồng chí Chăm Niên và chuyên gia quân sự có mặt tại sở chỉ huy. Đồng chí Phôm-ma-chắc - Chủ nhiệm pháo binh quân khu và đồng chí Trần Đăng - Chuyên gia pháo binh quân khu cho biết: Pháo đã chuẩn bị xong, sẵn sàng chờ lệnh.


8 giờ 15 phút ngày 27 tháng 4, đài quan sát báo cáo địch bắt đầu thay quân. Bộ chỉ huy phát lệnh nổ súng. Các đơn vị pháo cối nã đạn vào trận địa Phu Sẳn - Phu Lạt - Phu Tung. Các mũi bộ binh đồng loạt nổ súng tiến công. Quân địch (GM17) bị đánh bất ngờ không kịp phản ứng hoảng sợ tháo chạy.    Mũi Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào, Đại đội 16 dò mìn để tiến lên đánh chiếm Phu San - Phu Bạ, nhưng đến một vách núi dựng đứng thì vướng mìn địch, Đại đội trưởng Van-na bị thương nặng, Chính trị viên đại đội tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh chiếm Phu Sẳn.


Mũi Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào nhanh chóng đánh chiếm dãy Yên Ngựa, chia cắt Phu Sẳn và Phu Bạ, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 15 trung lập yêu nước đánh chiếm và chốt chặn Phu Bạ.


Giữa lúc đó, từ Phu Bạ, một chiếc xe jeép cắm cờ xanh lao ra phía trước đem thư của Coong Le đề nghị ngừng tiến công để hai bên thương lượng. Bộ tư lệnh Quân khu đồng ý với đề nghị của Coong Le, lệnh tạm ngừng tiến công tuyến Phu Sẳn để tiếp tục phân hoá địch.


Trong khi đó, mũi Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào cùng du kích Mường Pẹc nắm thời cơ phối hợp với chiến trường chính, tiến công đánh chiếm Mường Khừng, buộc địch phải rút chạy về Mường Sủi. 12 giờ ngày 27 tháng 4, lực lượng Pa-thét Lào và trung lập yêu nước đã kiểm soát một địa bàn rộng lớn thuộc khu vực Phu Sẳn - Phu Bạ và Mường Khừng. GM17 bị thiệt hại nặng. Quân trung lập phản bội Coong Le bị cô lập.


Trên hướng chủ yếu của chiến dịch, đêm 26 rạng 27 tháng 4 năm 1964, quân tình nguyện (Lữ đoàn 335 và Tiểu đoàn 925) tiến công các vị trí địch ở Pha Kha. Quân địch tại đây bị tiêu diệt phần lớn, số còn lại bỏ chạy về Sen Chồ. Thời cơ giải phóng hoàn toàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đã xuất hiện, quân tình nguyện và lực lượng bạn phối hợp đánh mạnh vào các vị trí địch.


Ngày 28 tháng 4, hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 335 phối hợp với Tiểu đoàn Pát-chay của bạn bao vây tiến công GM13 ở Phu Noọng, diệt Tiểu đoàn 11 (GM13). Lữ đoàn 316 phối hợp với Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào bao vây tiến công tiểu đoàn 22 và tiểu đoàn BR240 địch ở Noọng Khiêu, buộc GM13 phải rút chạy. Ngày 30 tháng 4, Tiểu đoàn 7 quân tình nguyện và Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào triển khai đánh chặn địch ở Mường Păng.


Ngày 29 tháng 4 năm 1964, Phu-mi phải đưa GM17 về Viêng Chăn củng cố. Trong hai ngày 1 và 2 tháng 5 năm 1964, hai tiểu đoàn (500 và 701 Pa-thét Lào) phục kích không thấy địch, chuyển sang triển khai đánh phỉ. Lợi dụng bạn sơ hở, GM13 rút chạy về Nậm Coong, Nậm Kỳ Ao.


Trước những diễn biến mau lẹ, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tập trung lực lượng bao vây, truy kích GM13 kết hợp với vận động lực lượng trung lập bỏ hàng ngũ Coong Le trở về với cách mạng. Từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 5, phần lớn lực lượng liên quân Việt - Lào truy kích GM13 ở phía nam Cánh Đồng Chum. Ngày 7 tháng 5, Phu-mi yêu cầu Coong Le cho quân lên phối hợp giữ Tha Viêng. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định nếu để địch chiếm giữ Tha Viêng thì ta không mở được đường về Xiêng Khoảng. Vì vậy, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đánh Tha Viêng.


Ngày 8 tháng 5, liên quân Việt - Lào (Tiểu đoàn 925 quân tình nguyện, Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào và Tiểu đoàn 15 trung lập yêu nước) đánh bại các đợt phản kích của quân tiếp viện địch, tạo điều kiện cho hai tiểu đoàn dù số 4 và số 6 trung lập làm binh biến thoát khỏi sự khống chế của địch trở về với Pa-thét Lào. Quân địch hoảng sợ bỏ chạy về hướng Sa La Đen Đin.


20 giờ ngày 15 tháng 5 năm 1964, liên quân Việt - Lào được lệnh mở cuộc tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon - Tổng chỉ huy quân đội Pa-thét Lào trực tiếp đến đài quan sát chiến dịch ở đồi Bản Gion để chỉ đạo, chỉ huy. Ngày 16 tháng 5, đồng chí Xinh-ca-po và đồng chí Nguyễn Bình Sơn - Trưởng đoàn chuyên gia triển khai sở chỉ huy cánh nam ở đồi Pa-lăn. Các đơn vị liên quân Việt - Lào đã hình thành thế bao vây địch.


Sáng 17 tháng 5, từ hai hướng, pháo binh liên quân Việt - Lào tập trung bắn vào sở chỉ huy của Coong Le ở Mường Phằn. Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào, Tiểu đoàn 15 trung lập yêu nước và Tiểu đoàn 294 quân tình nguyện bao vây sở chỉ huy Coong Le. Coong Le cùng tay chân hoang mang cao độ. Trung tá Xu-li-đệt (chỉ huy trung đoàn xe tăng và phân khu Mường Phằn, con bài của Mỹ chuẩn bị thay thế Coong Le) điên cuồng chống cự. Xu-li-đệt dẫn trung đoàn xe tăng vừa chống đỡ vừa cố chạy về Mường Khừng, nhưng đến Nậm Mô chúng bị Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào, Tiểu đoàn 16 trung lập yêu nước và một đại đội quân tình nguyện chặn đánh, diệt một số tên, trong đó có Xu-li-đệt.


Liên quân Việt - Lào vừa tiến công vừa dùng loa kêu gọi hoà hợp dân tộc, đoàn kết hợp tác chống Mỹ và tay sai. Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào thọc sâu vào tung thâm sở chỉ huy Coong Le. Quân địch tan rã tháo chạy. Thừa thắng, Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào và Tiểu đoàn 15 trung lập yêu nước truy kích địch, đánh chiếm và chốt chặn tại Phu Cút, điểm cao khống chế bảo vệ cửa ngõ phía tây Cánh Đồng Chum. Một đại đội của Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào phục kích đón lõng địch tại khu vực Bản Không. Địch chạy về Na-pi.


Phía Mường Khừng, Tiểu đoàn 13 Pa-thét Lào và du kích Mường Pẹc nắm thời cơ thừa thắng đánh quân Coong Le tháo chạy tán loạn, một số tên đầu hàng, một số rút chạy về Mường Sủi.


Trên hướng Tha Thơm - Tha Viêng, ngày 23 tháng 5, Tiểu đoàn 701 và Tiểu đoàn 24 Pa-thét Lào phối hợp với Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện tiến công hai tiểu đoàn địch (BV25 và BV29) ở bản Đôn - Tha Thơm, truy kích chúng đến Mường Khừng. Ở Tha Thơm, một đơn vị trung lập do Khăm Phai chỉ huy đã quay về hợp tác với lực lượng cách mạng Lào.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM