Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 12:50:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong KCCM  (Đọc 6103 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:00:50 pm »

Để phù hợp với nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn cách mạng mới, đáp ứng yêu cầu tác chiến quy mô ngày càng lớn, Tổng Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao Lào quyết định thành lập 5 cụm chiến đấu (tương đương trung đoàn) bố trí sẵn ở những khu vực quan trọng: Nam Lào 2 cụm, Cánh Đồng Chum 2 cụm, bốn tỉnh phía Bắc Lào 1 cụm. Theo yêu cầu của bạn, Bộ tư lệnh 959 đã cử chuyên gia giúp bạn tổ chức lực lượng, huấn luyện, hiệp đồng chiến đấu ở các cụm.


Trên cơ sở các nội dung hội đàm đã được hai Đảng nhất trí, đầu năm 1971, Thường vụ Quân ủy Trung ương ta ra nghị quyết giúp cách mạng Lào về quân sự với 6 mục tiêu cụ thể, trong đó nhấn mạnh phải nắm vững hai khả năng phát triển của tình hình Lào. Vừa đánh lâu dài, vừa phải tích cực chuẩn bị lực lượng để đẩy mạnh hoạt động khi có thời cơ. Trong khi củng cố địa bàn Sầm Nưa - Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum để đảm bảo chiến đấu lâu dài, phải tập trung chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ trước mắt ở chiến trường trọng điểm Trung, Hạ Lào. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ tư lệnh quân tình nguyện được lệnh tách ra, trở lại hoạt động với tên gọi Đoàn chuyên gia Quân sự 959 như những năm trước nhưng nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị có một số thay đổi:

1. Đoàn 959 chuyên gia quân sự bên cạnh Bộ chỉ huy tối cao, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy bộ phận chuyên gia ở Quân khu Cánh Đồng Chum, ở các đơn vị chủ lực và tỉnh đội bạn thuộc khu trung tâm.

2. Thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh quân tình nguyện của Mặt trận 31 (Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng) trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Quân khu Tây Bắc phụ trách giúp 4 tỉnh ở Bắc Lào trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy cả chuyên gia và quân tình nguyện.

4. Quân khu 4 giúp bạn từ nam đường số 7 đến bắc đường số 12 trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy cả chuyên gia và quân tình nguyện ở Trung Lào.

5. Đoàn 559 phụ trách Bộ tư lệnh 968, Trung đoàn 29 quân tình nguyện giúp bạn từ nam đường số 12 đến cực nam Nam Lào.


Theo yêu cầu của bạn, Quân ủy Trung ương ta chủ trương tăng cường cán bộ cho các đoàn chuyên gia quân sự ở Lào, đáp ứng nhiệm vụ giúp bạn từ Trung ương đến các tỉnh, trong đó chú trọng tăng cường chuyên gia các tỉnh đội giúp bạn đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, công tác quân sự địa phương. Tổ chức một số đơn vị độc lập, kết hợp với các đội công tác cơ sở ở các vùng mới giải phóng, giúp bạn truy quét phỉ, phá các cơ sở ngầm của địch, xây dựng và củng cố vững chắc cơ sở cách mạng. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lãnh đạo và chỉ huy một số đoàn chuyên gia cũng có sự thay đổi nhân sự:

1. Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự 959 về nước nhận nhiệm vụ làm đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Chính ủy Mặt trận Cánh Đồng Chum thay đồng Vĩnh phụ trách Bí thư đoàn ủy và Trưởng đoàn 959 (giữa năm 1972 đồng chí Hương mới đến Sầm Nưa).

2. Đồng chí Lê Thanh thay đồng chí Trương Đình Toàn làm Trưởng bộ phận giúp Bộ Tổng Tham mưu bạn.

3. Đồng chí Phạm Nghiêm - Chính ủy Đoàn 766 về phụ trách chủ nhiệm chính trị giúp Tổng cục Chính trị bạn.

4. Đồng chí Lê Văn - Chính ủy Đoàn chuyên gia Quân khu Cánh Đồng Chum về cơ quan giúp dự thảo báo cáo một số vấn đề quân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ II của Lào.

5. Đồng chí Vũ Ngân, phụ trách bộ phận chuyên gia địch hậu Viêng Chăn vế thay đồng chí Lê Văn ở Cánh Đồng Chum.


Ở Nam Lào sau khi Quân ủy Trung ương ta quyết định giao Đoàn 968 quân tình nguyện và Đoàn 565 chuyên gia quân sự về thuộc quyển lãnh đạo, chỉ huy của Đoàn 5591 (Trước đó, Đoàn 656 thuộc Bộ tư lệnh 559, Đoàn 968 thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Quân khu 4. Đến tháng 10 năm 1970 cả hai Đoàn chuyển về đội hình Đoàn 559), đồng chí Hà Tuấn Khanh được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Đoàn 559 phụ trách khối chuyên gia giúp bạn (đồng chí Khanh vẫn kiêm chức Đoàn trưởng đoàn chuyên gia 565). Đồng chí Trần Quyết Thắng - Chính ủy Đoàn 565 kiêm chức Phó chính ủy Đoàn 559. Đồng chí Nguyễn Lệnh - Phó chính ủy Đoàn 968 được bổ nhiệm Phó chính ủy Đoàn 559 phụ trách Cục C giúp bạn. Đồng chí Nguyễn Ích - nguyên Trưởng phòng C giúp bạn nay giữ chức Cục phó Cục Chuyên gia. Các đồng chí Nguyễn Việt Kỳ và Ngô Huân vẫn giữ chức Đoàn phó và Phó chính ủy Đoàn 968 như trước.


Về tổ chức Đoàn 565, giữ nguyên các tổ chuyên gia giúp bạn ở Nam Lào. Riêng 11 huyện trên đường Trường Sơn do các binh trạm sư đoàn khu vực (gồm 470, 471, 472, 473) phụ trách. Ngoài nhiệm vụ chuyên gia giúp quân khu và các tỉnh Nam Lào, Đoàn 565 còn hình thành khung chuyên gia giúp bạn tổ chức hai cụm chủ lực ở đường 9 và Hạ Lào.


Sau hai năm thực hiện “Học thuyết Ních-Xơn” ở Đông Dương bên cạnh những thất bại, với nguồn viện trợ quân sự lớn1 (Dưới thời Ních-xơn, viện trợ quân sự hằng năm của Mỹ cho quân ngụy Lào khoảng 60 đến 70 triệu USD, thời Ních-xơn tăng lên 359 triệu USD trong tài khoá 1970-1971), Mỹ đã giúp bọn tay sai xây dựng được ở ba nước Đông Dương một đội quân đánh thuê có số lượng đông và trang bị mạnh hơn nhiều so với trước đây2 (Năm 1968, quân ngụy Lào có gần 30 vạn, năm 1970 tăng lên 60 vạn, đầu năm 1971 lên 63 vạn được tổ chức thành 183 tiểu đoàn, trong đó có 113 tiểu đoàn đặc biệt. Thành phần binh chủng kỹ thuật (gồm xe tăng, pháo binh, không quân, công binh) trong các đơn vị chiến đấu tăng 2,5 lần so với năm 1968). Để thực hiện ý đồ rút quân Mỹ về nước nhằm xoa dịu dư luận và phong trào chống chiến tranh đang bùng phát mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ; đồng thời chứng tỏ khả năng chiến đấu của quân ngụy Sài Gòn, Lào và Cam-pu-chia trên chiến trường, hối thúc Quốc hội Mỹ chi thêm viện trợ quân sự cho ba nước Đông Dương, tổng thông Mỹ Ních-Xơn đã quyết định mở ba cuộc hành quân lớn đánh phá tuyến vận tải chiến lược của ta, trong đó cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực đường 9 - Nam Lào là cuộc hành quân có quy mô lớn nhất1 (Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất 55.000 quân, 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại).


Chọn khu vực đường 9 - Nam Lào để mở cuộc tiến công mùa khô 1970-1971, địch tính toán nơi đó tập trung nhiều kho tàng, dự trữ chiến lược của ta, là cuống họng của đường Hồ Chí Minh, nếu chiếm giữ được địa bàn chiến lược này, chúng chẳng những đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào mà còn bịt được "con đường sống" của ta vào chiến trường miền Nam, tạo thêm thế mạnh trên chiến trường, nhằm ép ta nhân nhượng trong cuộc đàm phán ở Pa-ri. Đây là cuộc hành quân lớn nhất điển hình cho chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ kể từ năm 1969 đến thời điểm này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:01:33 pm »

Dự đoán đúng âm mưu của địch ở khu vực đường 9 - Nam Lào, ngay từ đầu mùa khô 1970 - 1971, khi địch ở Hạ Lào tăng quân từ 25 tiểu đoàn lên 44 tiểu đoàn bố trí phòng ngự thành các cụm cứ điểm mạnh ở Tha Teng, Pắk Xoòng, Bô-lô-ven, Bộ Tổng tham mưu ta đã chỉ thị cho đoàn chuyên gia và quân tình nguyện ở Hạ Lào tổ chức các lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bạn nắm chắc tình hình địch; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ở vùng sau lưng địch, phá hoạt động chuẩn bị chiến trường của chúng.


Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh 559, ngày 20 tháng 11 năm 1970, các đơn vị thuộc Đoàn 968 đã phối hợp với bạn mở đợt tiến công dãy điểm cao phía đông Bô-lô-ven, các điểm cao PS38, LS165 Phu Lẳng Kẹo. Sau 4 ngày tiến công, ta tiêu diệt và bắt hơn 200 tên, buộc tàn quân địch phải tháo chạy về Pắk Xế, Pắk Xoòng. Sau khi làm chủ 3 căn cứ phía đông Bô-lô-ven ngày 9 tháng 1 năm 1971, Bộ tư lệnh Đoàn 968 sử dụng Tiểu đoàn 1, Đại đội S4 đặc công và Tiểu đoàn 20 đặc công của Bộ tăng cường tiêu diệt căn cứ Huội Sài. Ngoài ra, chuyên gia và quân tình nguyện ở Nam Lào còn giúp bạn khẩn trương chuẩn bị chiến trường, tổ chức các lực lượng chiến đấu sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam, tiến hành sơ tán dân và kho tàng. Những hoạt động này đã góp phần tích cực tạo thêm sức mạnh để bộ đội ta bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù khi chúng mở cuộc hành quân lớn đánh ra khu vực đường 9 - Nam Lào.


Ngày 30 tháng 1 năm 1971, ngụy Sài Gòn huy động 42.000 quân (trong đó có 9.000 tên Mỹ), 464 xe tăng, xe bọc thép, 258 khẩu pháo và 300 máy bay các loại mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh ra khu vực đường 9 - Nam Lào. Quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường số 9 sử dụng 2 binh đoàn cơ động (GM) đánh ra vùng Mường Noọng, Mường Phin. Mục tiêu đầu tiên của địch trong cuộc hành quân này là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ đường số 9 (đoạn Bản Đông - Sê Pôn), lập thành phòng tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương; thực hiện lùng sục đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Sê Pôn (khe Vinh - Na Thôn). Từ phía tây nam đến đông bắc Mường Phin nối với cánh quân Lào từ phía tây đánh sang, tiếp đó chuyển xuống đánh phá kho tàng khu vực Sa đi - Mường Noọng đến A Túc, A Sầu, A Lưới.


Nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch này, Bộ Chính trị đã cử Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng vào chiến trường làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tại mặt trận. Ngày 4 tháng 2 năm 1971, ta thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tham mưu phó làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.


Lực lượng tham gia chiến dịch có 5 sư đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn phòng không, 3 trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công và lực lượng chiến đấu tại chỗ của các mặt trận B4, B5, Đoàn 559, tổng số khoảng 60.000 quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bạn Lào có một số đơn vị tham gia chiến đấu ở phía tây đường 9.


Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, chuyên gia quân sự và chỉ huy quân tình nguyện ở Nam Lào đã trao đổi đề xuất với Bộ chỉ huy tối cao bạn các kế hoạch, phương án phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực Việt Nam; đồng thời giúp các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào, lực lượng vũ trang các địa phương trên địa bàn chiến dịch tổ chức nhiều trận đánh có hiệu quả cao. Theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu ta, lực lượng ở hai mặt trận X và Z của Đoàn 968 trước đây chuyển về hoạt động tập trung mang phiên hiệu là Mặt trận Y do đồng chí Hoàng Kiện - Phó tư lệnh Đoàn 559 trực tiếp chỉ đạo hoạt động tác chiến. Các đồng chí Hoàng Biền Sơn, Phạm Thanh Sơn làm Phó tư lệnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Phó chính ủy. Đồng chí Tô Đình Khản - Phó tư lệnh Đoàn 968 cùng các tiểu đoàn 4, 5 (Đoàn 968) chuyển về đội hình Trung đoàn 9 tác chiến ở đường số 9. Như vậy, lực lượng Mặt trận Y (968) lúc này gồm Trung đoàn 9, các tiểu đoàn bộ binh 1, 2, 3, 46, Tiểu đoàn 20 đặc công và một số binh chủng trực thuộc khác làm nhiệm vụ chiến đấu trên hướng nam chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.


Cùng với Đoàn 968, Đoàn 565 tập trung giúp bạn huy động toàn bộ lực lượng của quân khu và tỉnh Xa Vẳn Na Khệt triển khai thế trận, bố trí sẵn lực lượng ở các khu vực được phân công theo phương án tác chiến chung của chiến dịch, chủ động đánh địch ngay từ đầu khi phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam tiến công quyết liệt vào các GM31, 33 của địch. Từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3 năm 1971, lực lượng chủ lực Việt Nam đã tiến công dồn dập, bẻ gãy cánh quân chủ lực phía bắc đường số 9 của địch, diệt gọn những cụm cứ điểm then chốt ở các điểm cao 500, 543, đập tan cuộc phản kích lớn của lữ đoàn dù số 3 và trung đoàn thiết giáp số 17 của quân ngụy Sài Gòn, bắt đại tá Nguyễn Văn Thọ cùng ban tham mưu lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng liên đoàn biệt động quân số 1.


Ở phía nam, ngày 7 tháng 3 năm 1971, Bộ tư lệnh Đoàn 968 sử dụng Tiểu đoàn 3 tiến công căn cứ LS165 (Nậm Tiếng), ở đông nam thị xã Pắk Xoòng, Tiểu đoàn 2 bao vây căn cứ PS38 (In Thi). Cuộc chiến đấu ở căn cứ Nậm Tiếng diễn ra quyết liệt từ 2 giờ sáng đến 17 giờ chiều ta mới làm chủ được căn cứ. Trận này, ta diệt được hơn 100 tên địch nhưng Tiểu đoàn 3 cũng thương vong gần 100 đồng chí. Sau khi căn cứ Nậm Tiếng bị mất, quân địch ở căn cứ In Thi hoang mang tìm đường tháo chạy, ta diệt và bắt được 50 tên, làm chủ căn cứ lúc 18 giờ ngày 8 tháng 3 năm 1971.


Trên hướng Trung đoàn 9, sáng 8 tháng 3 ta nổ súng đánh căn cứ PS22 (Nậm Lực) - một vị trí phòng ngự khá kiên cố của địch. Ngoài 7 lớp hàng rào xen kẽ mìn sát thương, địch còn bố trí nhiều trận địa bắn thẳng ngăn chặn ta tiến công từ xa. Mở đầu trận đánh, pháo binh Mặt trận Y chế áp mãnh liệt phá hoại nhiều công sự trận địa của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị của Trung đoàn 9 mở cửa đánh chiếm các vị trí bên trong căn cứ. Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt, 21 giờ 15 phút ngày 9 tháng 3 năm 1971, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ, diệt 226 tên, bắt 18 tên, thu 200 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Trận đánh thắng lợi đã góp phần kìm giữ lực lượng địch ở phía nam tạo thuận lợi cho các trận đánh tiếp theo. Trong các ngày từ 12 đến 18 tháng 3, các đơn vị thuộc hai sư đoàn 324 và 2 tiếp tục bao vây tiêu diệt quân địch ở các điểm cao 723 (Phu Riệp), 660, 532, 540, 550.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:02:49 pm »

Ở phía tây đường số 9, các tổ công tác của Đoàn 565 cùng các đại đội 91, 93 quân giải phóng nhân dân Lào và du kích chặn đánh tiêu diệt nhiều sinh lực của GM33 khi chúng từ Huội Mun, Tùm Lan tiến ra hỗ trợ cho cánh quân ngụy Sài Gòn đánh vào Mường Noọng. Một tổ chuyên gia khác cùng Tiểu đoàn 14 Quân khu Trung Lào tổ chức các trận phục kích GM31 ở khu vực Đồng Một, Huội Xa La, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn và sở chỉ huy GM31 buộc chúng phải chạy về Xê Xăng Xoi. Ở Phu Tin Tốc, GM32 của địch đang triển khai đội hình chiến đấu thì bị hoả lực ĐKB của quân giải phóng nhân dân Lào tập kích mãnh liệt chúng bị thiệt hại nặng nên phải bỏ dở cuộc hành quân.


Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Cùng với các đơn vị bạn trong đội hình chiến dịch, các Đoàn 968, 565 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của quân dân ta ở đường số 9 - Nam Lào.


Phát huy thắng lợi, đầu tháng 5 năm 1971, Bộ Tổng tham mưu ta lệnh cho Bộ tư lệnh Mặt trận Y tổ chức tiến công giải phóng Pắk Xoòng và một số vị trí quan trọng ở Bô-lô-ven. Từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 5 năm 1971, các đơn vị thuộc Mặt trận Y được tăng cường 1 trung đoàn của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) liên tục tấn công quân địch ở Huội Sài, Tha Teng, Pắk Xoòng, Huội Coòng. Trong 5 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Y đã cùng quân dân Nam Lào diệt 1.274 tên địch, bắt 214 tên, gọi hàng 621 tên, thu gần 1.000 súng các loại, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay, làm chủ cao nguyên Bô-lô-ven. Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện: “Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ các binh chủng thuộc Mặt trận Y đã lập được chiến công vẻ vang trong đợt hoạt động này”1 (Điện của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng gửi Mặt trận Y tháng 5 năm 1971. Lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam). Phối hợp chặt chẽ với quân dân Nam Lào, ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, chuyên gia ta ở cơ quan Trung ương cũng như Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng tập trung mọi cố gắng giúp bạn phối hợp với quân tình nguyện giữ vững các địa bàn quan trọng. Để giành thế chủ động trước nùia mưa, lực lượng của Quân khu Cánh Đồng Chum cùng các đơn vị của Sư đoàn 316, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312), Trung đoàn 866 do Bộ tư lệnh 959 chỉ đạo mở chiến dịch 74b nhằm giải phóng Mường Sủi, Sảm Thông, Loong Chẹng.


Ngày 21 tháng 2 năm 1971, ta tiêu diệt căn cứ phỉ Sa Xi Phu ở tây Mường Hiểm, sau đó tiếp tục tiến công giải phóng Mường Sủi, Buôm Lọng, loại khỏi chiến đấu 2.800 tên, bắn rơi 9 máy bay. Địch tăng cường lực lượng phòng thủ Sảm Thông - Loong Chẹng lên 33 tiểu đoàn, trong đó có 9 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn pháo binh Thái Lan. Do công tác đảm bảo chưa kịp và mùa mưa cũng đã đến, nên ngày 30 tháng 4 năm 1971, ta chủ động kết thúc chiến dịch, các đơn vị chỉ để lại một số tiểu đoàn làm nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ địa bàn còn đại bộ phận rút lực lượng ra củng cố.


Cùng thời gian này, ở Bắc Lào, Trung đoàn 335 cùng bộ đội du kích địa phương đập tan cuộc hành quân lấn chiếm của 16 tiểu đoàn địch ra vùng giải phóng, sau đó rút về thung lũng Nậm Bạc, củng cố, huấn luyện chuẩn bị lực lượng cho đợt hoạt động mùa khô 1971-1972. Còn ở Trung đoàn 866, sau khi đồng chí Đoàn Độ được điều động từ Sư đoàn 316 sang làm Chính ủy trung đoàn, đơn vị đã được bổ sung quân biên chế đủ 3 tiểu đoàn bộ binh (5, 7, 924) và các đại đội trực thuộc vừa luân phiên huấn luyện, vừa cùng các đơn vị bạn tổ chức phòng ngự ở các khu vực Phu Học, Noọng Pẹt, Nậm Xiêm, sau đó triển khai lực lượng chốt giữ khu vực Phu Keng, Phu Tâng, Noọng Tớ.


Mùa mưa năm 1971, lợi dụng lúc ta rút bớt lực lượng ra củng cố địch huy động 31 tiểu đoàn bộ binh (trong đó có 8 tiểu đoàn Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh với 40 khẩu pháo lớn từ 105 - 155 ly, 2 tiểu đoàn công binh, 10 đại đội biệt kích, 1 đại đội máy bay T28 và không quân Mỹ chi viện mở cuộc hành quân lấn chiếm khu vực Cánh Đồng Chum. Do lực lượng ta và địch quá chênh lệch, địch lại sử dụng nhiều không quân, pháo binh chi viện đánh phá ác liệt các trận địa phòng ngự của ta, nên mặc dù các đơn vị quân tình nguyện và dân quân du kích Cánh Đồng Chum đã chiến đấu rất ngoan cường chặn địch, nhưng đến cuối mùa mưa quân địch đã lần lượt chiếm được tuyến Mường Sủi - Phu Keng - Phu Tâng bao gồm toàn bộ trung tâm Cánh Đồng Chum. Sau khi lấn chiếm được các vị trí trọng điểm ở Cánh Đồng Chum địch hình thành hai tuyến phòng ngự: Trung tâm và trung gian.


Tuyến phòng ngự trung tâm bao gồm vùng trung tâm Cánh Đồng Chum với các cụm Phu Keng, Na Hin, Bản Sát, Bản Ang (lực lượng 2 tiểu đoàn bộ binh Thái Lan, 7 tiểu đoàn Vàng Pao, 1 cụm pháo 7 khẩu). Cụm Phu Tôn, Phu Tâng có 7 tiểu đoàn lính Vàng Pao; 4 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn, 1 đại đội pháo binh Thái Lan.


Tuyến phòng ngự trung gian của địch sử dụng 2 tiểu đoàn phòng ngự khu vực điểm cao 1900, 1978, Sao Phan, Thẩm Lửng, Phu Pha Sang, Tom Tiêng. Ngoài ra, ở các khu vực Buôm Lọng, Na Su, Mường Nham, Mường sủi địch thường xuyên bố trí từ 1 đến 2 tiểu đoàn làm nhiệm vụ phòng ngự, sẵn sàng cơ động lùng sục đánh phá vùng giải phóng của bạn.


Ở Nam Lào, sau khi chiếm lại các vị trí ở Sa-ra-van, Pắk Xoòng, địch nhanh chóng điều động lực lượng chiếm thị trấn Tha Teng, nhảy cóc ra Bản Phồn, lập tuyến phòng ngự liên hoàn Pắk Xoòng - Sa-ra-van - Tha Teng.    Cùng với việc huy động lực lượng đánh ra Cánh Đồng Chum, Nam Lào, Mỹ cố dàn xếp mâu thuẫn trong nội bộ của các phái ngụy Lào. Chúng tăng thêm quyền lực cho phái Nam Lào, giao vị trí chủ chốt trong bộ tổng tư lệnh quân ngụy Lào cho Bun Pon, Pha Xúc; đồng thời tăng cường lực lượng Thái Lan từ 19 lên 33 tiểu đoàn bộ binh; 3 tiểu đoàn pháo binh, dùng bọn này và quân đặc biệt Vàng Pao làm lực lượng xung kích đánh phá vùng giải phóng. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự, Mỹ - ngụy tăng cường chiến tranh tâm lý, lôi kéo các phần tử phản bội đầu hàng ở một bộ phận nhỏ thuộc lực lượng quân giải phóng nhân dân Lào ở vùng Hạ Lào nhằm chia rẽ nội bộ quân đội bạn.


Trước tình hình đó, song song với việc giúp bạn triển khai các hoạt động đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, Đoàn 959 cử một tổ công tác đi cùng đoàn cán bộ cao cấp của Quân ủy Trung ương bạn đến để giải quyết và khắc phục hậu quả, giúp Tổng cục Chính trị bạn có phương hướng lãnh đạo chung trong toàn quân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:03:52 pm »

Mùa khô 1971-1972, sau khi tích cực hoàn thành các công tác chuẩn bị, thực hiện chủ trương của hai Quân ủy, Bộ Quốc phòng ta và bạn quyết định mở chiến dịch tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng (mật danh là chiến dịch Z), nhằm đẩy địch về phía tây nam Nậm Ngừm, quét sạch bọn phỉ còn lại trong vùng giải phóng.


Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm 2 sư đoàn bô binh 312 và 316, 2 trung đoàn quân tình nguyện 866 và 335, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp (23 chiếc), 3 tiểu đoàn công binh. Bạn Lào có 9 tiểu đoàn bộ binh; 3 đại đội địa phương; 1 đại đội pháo binh. Bộ tư lệnh chiến dịch do đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm Chính ủy. Bộ Quốc phòng cử đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tống tham mưu trưởng đại diện Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương đi cùng trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.


Phương châm tác chiến của ta và bạn đề ra là: Đánh mạnh, đánh nhanh, nắm thời cơ đánh chắc thắng. Tiến công liên tục, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng là chính để tiêu diệt địch trong công sự, đồng thời coi trọng đánh địch ngoài công sự khi chúng tăng viện hoặc rút chạy. Kết hợp giữa tiến công giành đất với phòng giữ các địa bàn trọng điểm, vừa tác chiến, vừa tranh thủ củng cố lực lượng bảo đảm chiến đấu liên tục lâu dài.


Theo phương châm đó, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Đoàn 959 tập trung giúp ba Tổng cục bạn giải quyết vấn đề hậu cần cho Quân khu Cánh Đồng Chum; đồng thời cử một bộ phận cùng đoàn cán bộ cao cấp của Bộ chỉ huy tối cao Lào tăng cường cùng Đoàn 463 dồn sức giúp các đơn vị, địa phương của Lào thực hiện tốt mọi công tác chuẩn bị chiến dịch. Theo chỉ thị của Bộ chỉ huy tối cao Lào, bạn đã huy động toàn bộ lực lượng của quân khu kể cả các đơn vị trung lập yêu nước cùng quân dân tỉnh Xiêng Khoảng phối hợp với các lực lượng tình nguyện Việt Nam làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị ta và bạn bước vào chiến đấu đúng kế hoạch.


Ngày 18 tháng 12 năm 1971, trên hướng chủ yếu, Sư đoàn 312 nổ súng tiến công các vị trí Phu Seo, Hủa Sang, phu Tâng, Phu Keng, các điểm cao 1241, 1210. Ngày 19 tháng 12, các đơn vị của Sư đoàn 312 làm chủ khu vực phu Tôn, Phu Tâng.


Cùng thời gian này, trên hướng bắc, Trung đoàn 174 tiến công Na Hin, Bản Sát, tiêu diệt phần lớn lực lượng GM21, GM23 của địch. Trung đoàn 335 (quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở chiến trường Bắc Lào được tăng cường cho Sư đoàn 316 trong chiến dịch này) nổ súng tiến công Phu Keng. Sau hai ngày đêm liên tục chiến đấu vây hãm địch, chiều ngày 20 tháng 12 năm 1971, trung đoàn làm chủ hoàn toàn khu vực Phu Keng, tiêu diệt 2 tiểu đoàn (BC606 và 608) quân Thái Lan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam, các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào mở đợt tiến công đánh chiếm toàn bộ Mường Sủi, sau đó phát triển về hướng Phu Viêng, ngã ba Sa La Phu Khun.


Từ ngày 31 tháng 12 năm 1971 đến ngày 6 tháng 4 năm 1972, ta và bạn mở các cuộc tiến công xuống phía nam và tổ chức đánh địch phản kích. Trong chiến dịch này, liên quân Việt - Lào đã diệt hơn 7.000 tên địch (có 3.300 lính Thái Lan), bắt 1.137 tên, bắn rơi và phá hủy 143 máy bay các loại, thu 30 khẩu pháo, 106 súng cối và hàng nghìn súng bộ binh các loại. Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng Cánh Đồng Chum - một địa bàn chiến lược quan trọng và tuyến trung gian. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra cục diện so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, thu hút chủ lực địch tập trung ở Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng, tạo điều kiện cho ta và bạn đẩy mạnh hoạt động trên các hướng khác, góp phần giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.


Ở Nam Lào, sau khi địch chiếm các khu vực Pắk Xoòng Sa-ra-van, Tha Teng, cuối tháng 11 năm 1971, Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Đoàn 559 điều Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) tăng cường cho Hạ Lào phối hợp tác chiến với Mặt trận Y; đồng thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng quân tình nguyện thuộc Mặt trận Y phối hợp với lực lượng bạn ở Hạ Lào thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.

2. Kiên quyết bảo đảm và giữ vững tuyến chi viện chiến lược 559 cho chiến trường thông suốt thường xuyên.

3. Giải phóng và giữ vững những khu vực then chốt ở Hạ Lào.

4. Chuẩn bị tốt mọi mặt, giữ vững thắng lợi để tiếp tục phát triển thế tiến công.

5. Giúp bạn vừa tác chiến vừa xây dựng bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở vùng địch hậu. Nếu tình hình phát triển, địch sợ bị tiêu diệt rút chạy, ta kiên quyết tập trung lực lượng giải phóng Pắk Xoòng và một bộ phận sẵn sàng tiến công về Không Xê Đôn, chặn không cho địch lấn chiếm ra Huội Coòng, Át-ta-pư. Thời gian từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 12 năm 1971 phải hoàn thành.


Phân tích tình hình địch, Bộ tư lệnh Mặt trận Y nhận định: Tại Sa-ra-van địch có 3 tiểu đoàn nhưng là những tiểu đoàn SDU, sức chiến đấu hạn chế khi tiến công dựa dẫm nhiều vào hoả lực phi pháo. Trên cơ sở nhận định về địch ta xây dựng quyết tâm chiến đấu với hai tình huổng chủ yếu:

1. Khi địch tan rã rút chạy, ta sẽ quét và ép không cho chúng tháo chạy. Phối hợp với bạn diệt quân địạ phương, diệt cơ sở nằm vùng của chúng, tiến lên tiêu diệt địch trong thị xã.

2. Nếu địch co cụm, ta dùng lực lượng bao vây tiêu diệt.


Bộ tư lệnh Đoàn 559 đồng ý với phương án của Bộ tư lệnh Mặt trận Y; đồng thời bổ sung thêm: "Nếu địch rút khỏi Sa-ra-van, ta dùng một bộ phận hoạt động ở Không Xê Đôn, tập trung lực lượng giải phóng Pắk Xoòng. Nếu địch tăng quân ở Sa-ra-van và có lực lượng lớn quanh Lầu Ngam, Tha Teng, ta vẫn tập trung giải quyết Sa-ra-van”1 (Lịch sử Sư đoàn bộ binh 968 (1968-2003), Sđd, tr. 118).


Về sử dụng lực lượng, Bộ tư lệnh Mặt trận Y quyết định: Tiểu đoàn 4 và 1 đại đội pháo của Trung đoàn 141 tiến công nam thị xã. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 141 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 46 bố trí trận địa đón lõng địch ở đông nam thị xã. Tiểu đoàn 20 tiễn công BV41 địch ở Na Đôn Khoang, Phôn Phai. Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 141 đón lõng địch ở hướng bắc, đông bắc và là lực lượng dự bị của trung đoàn. Các trận địa pháo binh nhận nhiệm vụ bắn phá các mục tiêu trong thị xã, kiềm chế sân bay và chi viện bộ binh trong quá trình phát triển tiến công.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:04:41 pm »

Sáng 6 tháng 12, ta nổ súng tiến công Sa-ra-van. Bị vây ép từ nhiều hướng địch phải bở thị xã chạy ra vòng ngoài, sa vào trận địa đón lõng của ta, hơn 100 tên địch bị diệt, bị bắt. Số còn lại chạy trốn về hướng Mường Khảm Tha Teng. Sau khi làm chủ Sa-ra-van, đêm 19 tháng 1 Bộ tư lệnh Mặt trận Y sử dụng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 9) Đại đội 3 Tiểu đoàn 46 tăng cường 3 xe tăng, 1 đại đội 12 ly 7 và một số phân đội ĐKZ tiến công Tha Teng. Ta diệt hơn 100 tên, chiếm được điểm cao 884, nhưng không làm chủ được hoàn toàn thị trấn. Địch tăng cường thêm 3 tiểu đoàn nhằm giải toả Tha Teng. Từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 12 Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 9, liên tục đánh địch phản kích xung quanh Tha Teng. Bị ta đánh thiệt hại nặng, ngày 20 tháng 12, địch phải rút khỏi Tha Teng.


Trên hướng Pắk Xoòng ngày 7 tháng 12, ta bắt đầu tiến công các điểm cao ngoại vi. Sau 5 ngày tiến công liên tục, ta loại khỏi chiến đấu 1.089 tên ngụy Lào và lính Thái Lan thu 396 súng các loại, bắn rơi 5 máy bay, phá 27 pháo, 6 ô tô quân sự. Địch buộc phải bỏ Pắk Xoòng và các căn cứ xung quanh. Trong đợt hoạt động này, tuy ta giành được các vị trí then chốt trên địa bàn Hạ Lào mà địch đã lấn chiếm được trong mùa mưa, nhưng hiệu suất chiến đấu của bộ đội ta chưa cao, công tác bảo đảm còn chậm, tăng, pháo còn bị địch đánh hỏng nhiều. Công tác vận động quần chúng ở một số nơi còn bị xem nhẹ... Những khuyết điểm trên đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ta kịp thời nhắc nhở: “cán bộ, chiến sĩ mặt trận phải phấn đấu tốt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta”1 (Điện của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ta gửi Bộ tư lệnh Mặt trận Hạ Lào (15-1-1972), lưu tại Sư đoàn 968).


Cùng với các hoạt động quân sự giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đã đến với nhân dân các bộ tộc Lào. Ngày 3 tháng 2 năm 1972, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ hai đã khai mạc tại Sầm Nưa. Đại hội đánh giá những thành tựu của Đảng Nhân dân Lào giành được trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược những năm qua; đồng thời đề ra đường lối chủ trương, phương hướng lãnh đạo cách mạng tăng cường đoàn kết với nhân dân ba nước Đông Dương, phát triển môi quan hệ đặc biệt Việt - Lào, quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tại Đại hội này, Đảng Nhân dân Lào đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào.


Đảng ta đã cử một đoàn đại biêu do đồng chí Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đến dự Đại hội. Sau thời gian dự Đại hội, đồng chí Võ Nguyên giáp đã gặp gỡ trao đối với các đồng chí lãnh đạo các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam về tình hình bộ đội ta ở Lào thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tối. Đồng chí căn dặn cán bộ các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tập trung mọi nỗ lực giúp bạn tốt hơn nữa, làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào ngày càng thêm keo sơn gắn bó.


Sau Đại hội, Thường vụ Bộ Chính trị bạn chủ trương tiến hành chỉnh huấn Đảng lần thứ ba, trong đó nhiệm vụ chỉnh huấn Đảng trong quân đội được Quân ủy Trung ương bạn xác định vào đầu mùa mưa năm 1972. Để kịp thời giúp bạn triển khai đợt chỉnh huấn Đảng trong các lực lượng vũ trang, chuyên gia cơ quan giúp Tổng cục Chính trị bạn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên truyền giáo dục của bạn biên soạn tài liệu, cụ thể hoá nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ II, đi sâu về mặt quân sự gắn với nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, nâng cao ý chí chiến đấu, đề cao trách nhiệm lãnh đạo của cán bộ chỉ huy các đơn vị, xây dựng quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Cùng với các tổ công tác của bạn, chuyên gia ta ở các đơn vị đã giúp bạn tổ chức cho cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt đạt kết quả tốt. Sau đợt sinh hoạt chính trị này, trình độ giác ngộ cách mạng của cán bộ đảng viên được nâng cao, phong trào thi đua huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu lập công được phát động sôi nôi trong các đơn vị bạn.


Trong khi các đơn vị bạn tiến hành chỉnh huấn Đảng thì trên địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, địch ra sức nống lấn, giải toả để cải thiện hình thái bị uy hiếp ở Loong Chẹng, đẩy lực lượng ta ra xa. Mặt khác chúng khẩn trương điều lực lượng từ các quân khu khác đến tăng cường cho quân khu 2, thay cho các trung đoàn chủ lực đặc biệt Vàng Pao rút ra củng cố ở vùng giáp biên giới Thái Lan do bị thiệt hại nặng trong thời gian qua. Âm mưu của địch là tập trung lực lượng đánh chiếm Cánh Đồng Chum trong mùa mưa 1972 để tạo thế mạnh, làm cơ sở mặc cả với ta trên bàn đàm phán. Tính đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, địch đã tập trung ở quân khu 2 tới 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, hình thành 4 khu vực xung quanh Cánh Đồng Chum là: Sảm Thông - Loong Chẹng, Buôm Lọng, Tôm Tiêng - Pha Đông và Sa La Phu Khun.


Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch và qua kinh nghiệm trong các mùa mưa trước ở chiến trường này, căn cứ vào đề xuất của Đoàn 959, đầu tháng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương ta quyết định phối hợp với bạn tổ chức chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Mường Sủi. Lực lượng ta tham gia chiến dịch có hai trung đoàn 174, 148 (Sư đoàn 316), 2 trung đoàn bộ binh tình nguyện 866 và 335, 2 tiểu đoàn đặc công 41 và 27, Tiểu đoàn pháo binh 42, 4 tiểu đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh. Lực lượng bạn có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo, 2 đại đội súng máy phòng không; 1 đại đội công binh; 4 đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích.


Để thống nhất chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch, Quân ủy Trung ương ta và bạn quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch (Mặt trận 31) gồm 6 đồng chí, do đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính ủy. Bạn Lào có đồng chí Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng làm Phó tư lệnh về quân sự.


Sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch, ta, xác định 5 khu vực phòng ngự, trong đó Cánh Đồng Chum là khu vực phòng ngự chủ yếu, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tổ chức lực lượng thành hai bộ phận: Lực lượng phòng ngự tại chỗ và lực lượng cơ động chiến dịch.


Lực lượng phòng ngự tại chỗ xây dựng trận địa thành các chốt, cụm chốt để ngăn chặn địch tiến công gồm hai trung đoàn bộ binh (174 và 866), 1 đại đội xe tăng thiết giáp và toàn bộ pháo binh chiến dịch. Trong đó Trung đoàn 174 phòng ngự hướng chủ yếu (khu vực các điểm cao 1978, 1800, Thẩm Lửng, Hin Đăm, Phu Xiêng Luông, Phu Hủa Sang), Trung đoàn 866 phòng ngự hướng phối hợp (khu vực Phu Thông, Phu Keng, Bản Khổng).


Lực lượng cơ động chiến dịch đánh địch trên các hướng phòng ngự bị uy hiếp, xây dựng trận địa đứng chân: Trung đoàn 148 ở khu vực bắc Noọng Tai, Trung đoàn 335 ở nam Phu Keng. Ngoài hai thành phần chủ yếu trên, các đơn vị binh chủng, các đơn vị của bạn được bố trí xen kẽ ở các khu vực phòng ngự để hỗ trợ hiệp đồng chi viện cho bộ binh đánh địch bảo vệ địa bàn. Đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, các đơn vị phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh địch theo nhiệm vụ được giao.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:05:54 pm »

Để đảm bảo cơ động lực lượng chiến đấu trên toàn địa bàn trong mọi tình huống, Bộ tư lệnh mặt trận giao cho các tiểu đoàn công binh đảm nhiệm thi công các đường vận động của cơ giới và tổ chức bảo vệ những đoạn xung yếu. Các trung đoàn bộ binh tự đảm nhiệm đường cơ động của mình theo các phương án tác chiến, tổ chức những tuyến đường bí mật đế triển khai lực lượng. Hàng chục kilômét đường cơ động, hào giao thông đã được các đơn vị hoàn thành trong một thời gian ngắn. Chỉ tính riêng Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) đã làm được hai đường cơ động dài tổng cộng hơn 40 km với hơn 80 chiếc cầu nhỏ bắc qua các khe suối bảo đảm cơ động cho hướng nam. Trung đoàn 866 làm được hơn 20 km đường cơ động, 10 km hào giao thông; đồng thời bắc xong một cầu treo qua sông Nậm Khô. Trung đoàn 335 làm được hơn 500 chiếc hầm trú ẩn, gần 30 km hào giao thông và đường cơ động. Những khối lượng công việc to lớn đó nếu không có phương pháp tổ chức tốt và tinh thần lao động quên mình thì trong điều kiện bình thường cũng khó có thể hoàn thành. Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt và mùa mưa đã bắt đầu, muốn hoàn thành tốt khối lượng công việc đồ sộ đó đòi hỏi các đơn vị ta phải nỗ lực rất lớn, giúp bạn đưa ra những giải pháp đúng đắn, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả. Qua đề xuất của các đoàn 959, 463 ở Cánh Đồng Chum, bạn đã huy động một lực lượng lớn dân quân du kích và nhân dân địa phương đảm bảo được phần lớn tre, gỗ, tôn đưa đến các đơn vị; đồng thời giúp hàng nghìn ngày công, cùng bộ đội xây dựng công sự trận địa đảm bảo đúng thời gian và chất lượng. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để bộ đội ta cùng bạn trụ vững và đánh thắng.


Với sự giúp đỡ tích cực của các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch phòng ngự đã cơ bản hoàn thành. Tuy còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng với quyết tâm cao, cán bộ chiến sĩ trên toàn mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt địch bảo vệ được địa bàn chiến lược quan trọng này.


Do yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, ngày 14 tháng 5 năm 1972, Bộ tư lệnh Mặt trận 31 ra quyết định (số 364) tổ chức lại lực lượng của Sư đoàn 316. Theo đó, hai trung đoàn 174 và 148 đặt dưới sự chỉ huy chung của Mặt trận 31 và được biên chế thêm mỗi trung đoàn 1 đại đội cối 120 của Tiểu đoàn 11 (cũ). Giải thể các cơ quan sư đoàn bộ và các đơn vị trực thuộc của Sư đoàn 316 để sáp nhập vào cơ quan và các đơn vị mặt trận. Bộ tư lệnh Sư đoàn 316 giải thể tham gia Bộ tư lệnh Mặt trận 31. Đồng chí Nguyễn Lê Hoàn được cử giữ chức Phó tư lệnh, đồng chí Lê Vũ Nguyên giữ chức Phó chính ủy mặt trận. Đồng chí Lê Sơn, Phó sư đoàn trưởng được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng mặt trận.


Trong lúc ta đang điều chỉnh tổ chức lại lực lượng theo phương hướng mới thì địch mở một loạt các cuộc tiến công thăm dò chiếm lại một số địa bàn đã mất ở các khu vực Phu Mộc, Sa La Phu Khun, Phu Viêng; các điểm cao 1863, 1804. Ngày 21 tháng 5, địch dùng không quân đánh phá dữ dội các điểm trọng yếu ở khu trung gian và các trục đường vào Cánh Đồng Chum sau đó chúng mở cuộc tiến công vào khu trung gian bằng hai cánh quân: Cánh thứ nhất trên hướng tây nam gồm 5 tiểu đoàn Thái Lan, 1 tiểu đoàn ngụy Lào, sau đó tăng cường thêm GM31, hình thành hai mũi tiến công các điểm cao 1800, 1978; đồng thời cho một mũi luồn ra Hin Đăm, Thẩm Lửng. Trên hướng nam, cánh quân thứ hai của địch gồm GM10b, GM30, 4 tiểu đoàn ngụy Lào, 1 tiểu đoàn Thái Lan dựa vào căn cứ Tôm Tiêng và bàn đạp ở điểm cao 1863 hình thành hai mũi đánh vào sườn phía nam Phu Pha Sang, điểm cao 2063.


Dự kiến sát các tình huống, liên quân Lào - Việt vừa kiên quyết đánh trả bảo vệ trận địa vừa cơ động lực lượng đánh địch trên các hướng, gây cho chúng nhiều tổn thất.


Ở hướng tây nam, các đại đội thuộc Trung đoàn 174 dựa vào công sự trận địa tích cực ngăn chặn, đánh lui nhiều đợt xung phong của địch, nhưng đến ngày 27 tháng 5 năm 1972, địch đã chiếm được một số điểm tựa ở khu vực phía tây như các điểm cao 1800, 2063, Thẩm Lửng. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Mặt trận 31 quyết định sử dụng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 148 vào chiến đấu phối hợp với Trung đoàn 174 tổ chức phản kích địch trên hướng Phu Pha Xay, đánh chiếm lại các điểm cao đã mất ở cụm 1800. Ngày 6 tháng 6, ta đánh tan hai tiểu đoàn đặc biệt và một bộ phận của GM30, diệt khoảng 200 tên ở nam Phu Pha Xay, đẩy cánh quân ở hướng đông nam lùi về Tôm Tiêng. Những ngày sau đó, Tiểu đoàn 6 chuyển sang hướng tây nam phối hợp với Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 174 tổ chức phản kích khôi phục lại trận địa phòng ngự ở khu vực điểm cao 1800. Đêm 3 tháng 7, ta đánh tan 4 tiểu đoàn ngụy Lào, 2 tiểu đoàn Thái Lan ở Thẩm Lửng, Hin Đăm khôi phục lại toàn bộ trận địa phòng ngự ở đây.


Cùng thời gian này, ta và bạn đẩy lui nhiều đợt tiến cóng của địch vào Mường Sủi. Lực lượng đặc công, pháo binh tổ chức một số trận tập kích vào sân bay, kho tàng, sở chỉ huy quân Vàng Pao ở Loong Chẹng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Kết thúc đợt một chiến dịch, các đơn vị ta đã đánh thiệt hại một số tiểu đoàn địch giữ vững được tuyến phòng ngự trung gian, tạo điều kiện tốt để các đơn vị bước vào đợt hai chiến dịch.


Nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ huy thống nhất các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, ngày 20 tháng 7 năm 1972, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 131/QĐ-QP hợp nhất Sư đoàn 316 vào lực lượng của Bộ tư lệnh 31 để thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mang phiên hiệu Bộ tư lệnh Mặt trận 316, quyền hạn tương đương cấp quân khu. Nhiệm vụ được xác định cụ thể là:

1. Lãnh đạo, chỉ huy quản lý các đơn vị thuộc quyền và các đơn vị phối thuộc thực hiện nhiệm vụ chiến dịch, chiến đấu mà Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ta giao cho Mặt trận 316.

2. Cùng chuyên gia quân sự của ta bàn bạc với Bộ chỉ huy Quân khu Cánh Đồng Chum và Ban chỉ huy Tỉnh đội Xiêng Khoảng của bạn về kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang của ta và bạn ở khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

3. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với chuyên gia quân sự và chuyên gia các ngành khác, giúp bạn xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, củng cố và xây dựng các căn cứ địa ở khu vực mình hoạt động. Quân số của Bộ tư lệnh Mặt trận 316 trong hai năm 1972-1973 là 13.500 người.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:08:16 pm »

Sau các đợt tiến công vào khu vực trung gian không thành công, ngày 11 tháng 8, địch dùng 4 binh đoàn (GM) ồ ạt tiến công vào trung tâm Cánh Đồng Chum từ ba hướng đông nam, tây và đông bắc, trong đó hướng tây là chủ yếu. Phân tích tình hình địch, Bộ tư lệnh chiến dịch nêu quyết tâm giữ vững khu vực phòng ngự trung tâm phía trước, ngăn chặn giữ vững các điểm tựa phòng ngự ở phía tây và nam Cánh Đồng Chum; đồng thời tập trung lực lượng phản kích địch trên hướng tiến công chủ yếu.


Thực hiện quyết tâm đó, Đoàn chuyên gia quân sự Cánh Đồng Chum phối hợp với bạn tổ chức các tổ công tác bám sát các trận địa, kịp thời giúp bạn triển khai tốt các kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị chủ lực của ta; đồng thời động viên bộ đội ngoan cường chiến đấu đánh lui các đợt phản kích của địch giữ vững trận địa. Ở hướng nam, sau khi đánh bại các đợt tiến công của địch, ngày 21 tháng 8 năm 1972, Trung đoàn 148 đã chuyển sang phản kích tiêu diệt quân dịch ở Phu Luông và bao vây diệt một bộ phận GM23 ở Phu Hủa Sang, ở hướng tây, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 866) chiến đấu giành giật quyết liệt với địch ở khu vực Phu Thông. Ngày 23 tháng 8, Trung đoàn 866 đưa lực lượng dự bị (Tiểu đoàn Cool vào phản kích đánh bật quân địch ra khỏi khu vực đồi 5 mỏm, điểm cao 1294.


Trên hướng đông bắc, từ ngày 15 tháng 8 năm 1972, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 866), Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 335) phối hợp chiến đấu chặt chẽ với các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào đẩy lui các đợt tiến công của địch vào khu vực Bản Lao, Phu Học, diệt 600 tên, buộc địch phải lui về Mương Noi (nam Buôm Lọng).


Sau các hoạt động nghi binh thu hút lực lượng ta, trong hai ngày 21 và 22 tháng 8, địch dùng trực thăng cơ động GM21 và GM26 đổ xuống đông bắc Phu Keng, hòng bất ngờ tập trung lực lượng từ hướng tây bắc thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở trung tâm Cánh Đồng Chum. Phát hiện quân địch ở Phu Keng là lực lượng trực tiếp uy hiếp khu vực phòng ngự chủ yếu trung tâm Cánh Đồng Chum, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng ngăn chặn địch trên các hướng; đồng thời tập trung lực lượng đánh trận then chốt chiến dịch tiêu diệt quân địch ở Phu Keng. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 335 nhận lệnh nhanh chóng đánh chiếm bàn đạp Phu Sản, tạo thế để các đơn vị tham gia trận phản đột kích Phu Keng vào vị trí chiến đấu. Đúng thời gian quy định, Trung đoàn 335 (thiếu Tiểu đoàn 1) tiến công trên hướng chủ yếu đã triển khai xong lực lượng từ đông nam Phu sản đánh vào Khang Mường, điểm cao 1202. Hai tiểu đoàn bạn Lào được tăng cường 4 xe tăng triển khai tiến công trên hướng phối hợp từ đông bắc đánh xuống bắc Phu Keng, 1 đại đội của Trung đoàn 866 và hai đại đội bạn Lào bao vây đón lõng, bố trí triển khai ở tây sông Nậm Ngừm.


Ngày 30 tháng 8, trên các hướng, ta đồng loạt nổ súng đánh vào Phu Keng. Trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, đội hình quân địch nhanh chóng bị chia cắt, chỉ huy bị rối loạn, một số tháo chạy, một số co cụm chờ trực thăng đến cứu. Lực lượng địch rút chạy về Nậm Ngừm rơi vào trận địa đón lõng của ta, một số bị tiêu diệt, bọn sống sót phải co cụm ở Bản Xang. Nắm thời cơ, từ ngày 31 tháng 8, ta liên tục tổ chức tiến công truy kích. Ngày 3 tháng 9 năm 1972, trận phản đột kích vào Phu Keng kết thúc thắng lợi ta diệt 679 tên, bắt 43 tên, thu nhiều vũ khí. Trên các hướng khác, ta tiếp tục ngăn chặn địch tiến công giữ vững địa bàn phòng ngự.


Bị thất bại trên hướng chính tây bắc, từ ngày 11 tháng 9, địch tăng cường lực lượng, lấy hướng tây làm hướng chủ yếu tiến công từ ngoài vào: GM30 triển khai ở các điểm cao 1411, 1294, Bản Kiểng. GM22 triển khai chiếm lĩnh các điểm cao 1244, 1276, Bản Thang. Tiểu đoàn 619 Thái Lan chiếm Bản Thông. GM21 và GM26 triển khai ở Nậm Pít. Âm mưu của địch là tập trung đánh chiếm đồi 5 mỏm, Phu Keng để phối hợp với cánh nam tiến công cánh đồng Căng Xẻng.


Ở hướng đông bắc, GM24 và GM27 chuyển sang tiến công Phu Lạt nhằm phát triển xuống Lạt Buộc, Phu Leng; đồng thời địch đô bộ tiểu đoàn biệt kích xuống Ta Li Noi, nhằm đánh phá quấy rối hậu phương ta. Phân tích tình hình địch, ta, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148) và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 866) đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ hướng bắc vào Bản Thang, diệt GM22. Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 148) đảm nhiệm hướng tiến công phối hợp từ hướng đông vào Bản Khổng diệt GM24. Do địch đánh phá ác liệt, yêu cầu công tác chuẩn bị khẩn trương, chuyên gia quân sự đã cùng cán bộ chỉ huy các đơn vị kịp thời tổ chức mọi mặt công tác chuẩn bị, xây dựng quyết tâm chiến đấu, cơ động lực lượng vào các vị trí triển khai xuất phát tiến công đúng thời gian.


Trong hai ngày 17 và 18 tháng 9 năm 1972, liên tục diễn ra các trận đánh ác liệt ở khu vực điểm cao 1276, 1244, 1294, Bản Thang. Có mỏm đồi ta và địch giành đi giật lại đến 4, 5 lần. Trong chiến đấu giằng co, ác liệt không phải không có lúc một số cán bộ, chiến sĩ ta và bạn có biểu hiện ngại hy sinh ác liệt. Phát hiện kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự ta đã kịp thời đến từng chiến hào cùng chỉ huy các đơn vị động viên bộ đội, giữ vững quyết tâm chiến đấu. Ngày 20 tháng 9, nhận thấy quân địch đã tăng viện, bộ đội các đơn vị tham gia tiến công một số đã bị thương vong, sức chiến đấu giảm, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công để tiếp tục làm công tác chuẩn bị; đồng thời điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 335) và 1 trung đội xe tăng vào thay quân cho Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148) rút ra củng cố.


Ngày 26 tháng 9, ta tiếp tục nổ súng tiến công địch, từ hướng chủ yếu đông bắc, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 335) và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 866) đánh chiếm được Phu Thông, các điểm cao 1286, 1244, Bản Thang, ở hướng nam, Trung đoàn 148 chiếm lại được Bản Khổng, sau đó cả hai lực lượng phối hợp đánh địch rút chạy co cụm về Nậm Pít. Ngày 29 tháng 9 năm 1972, trận phản đột kích kêt thúc, ta loại khỏi chiến đấu 400 tên địch, bắn rơi 3 máy bay. Trong thời gian diễn ra trận phản đột kích, ở hướng nam, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 148 phòng ngư ngăn chặn nhiều đợt tiến công của địch vào trận địa buộc chúng phải co về Khang Kho. Trên hướng đông bắc, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 866) phối hợp với bạn tổ chức tiến công GM24, GM27, tiêu hao một bộ phận địch buộc chúng phải rút chạy về Bản Lao và Phu Lạt Tây. Ở hướng đông công binh và các lực lượng bảo vệ sở chỉ huy thực hiện các trận đánh nhỏ, tiêu hao tiểu đoàn biệt kích ở Ta Li Noi, buộc chúng phải tháo chạy.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:09:03 pm »

Bước sang tháng 10 tháng 1972, thời tiết bắt đầu chuyên dần sang mùa khô, cũng là lúc quân địch tập trung 60 tiểu đoàn hòng đánh chiếm phần phía nam Cánh Đồng Chum, hòng tạo thế cho cuộc đàm phán vào ngày 15 tháng 10 năm 1972.


Từ ngày 3 tháng 10 năm 1972, địch bắt đầu triển khai đội hình tiến công đánh chiếm khu vực Phu Huột. GM30 chiếm một phần điểm cao 1172, Bản Xưa. GM21 từ điểm cao 1243 tiến công Cha Ho, sau đó phát triển lên Phu Tâng, Keo Khoang. GM26 cùng 2 tiểu đoàn quân Thái Lan chiếm Nậm Cọ, Khang Kho, uy hiếp sườn đông Phu Hủa Sang. Trước âm mưu mới của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng một lực lượng thích hợp để ngăn chặn bẻ gãy các mũi tiến công của địch, tạo thế và thời cơ thuận lợi để tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt lực lượng quan trọng của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của chúng vào Cánh Đồng Chum.


 Ngày 8 tháng 10, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 335 tập kích đánh địch ỏ Bản Xưa, điểm cao 1172, sau đó dựa vào các chôt ngán chặn địch tiến công vào Phu Xeng Luông, Phu Huột. Ngày 9 tháng 10, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 335 được tăng cường 1 đại đội của Trung đoàn 866 và 7 xe tăng thiết giáp, được pháo binh chi viện tiến công làm chủ Bản Ngua, tiếp đó chuyển sang đánh địch ở các điểm cao 1228, 1239. Ngày 14 tháng 10, ta tập trung lực lượng tiêu diệt GM23 địch ở khu trung gian phía nam Cánh Đồng Chum. Tiểu đoàn 924 (Trung đoàn 866) được tăng cường xe tăng đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ hướng tây bắc vào các điểm cao 1228, 1229. Trung đoàn 148 từ hướng đông nam đánh vào Bản Xưa, điểm cao 1236, Phu Huột. Trung đoàn 335 đánh chiếm khu vực Cha Ho, điểm cao 1243.


Sau một ngày chiến đấu, lực lượng ta trên các hướng đã làm chủ được các điểm cao 1228, 1239, 1236, 1172, Bản Xưa, diệt một bộ phận quan trọng sở chỉ huy GM23 địch ở Phu Huột. Lực lượng tiến công Cha Ho phát triển tiến công đánh địch ở điểm cao 1.243, nhưng bị địch ngăn chặn phải chuyển sang bao vây đánh nhỏ lẻ. Từ ngày 21 đến 25 tháng 10, địch tăng cường thêm 2 tiểu đoàn Thái Lan lên Nậm Cọ - Khang Kho, sau đó chúng tập trung hoả lực bắn phá với mật độ cao và cho quân đánh chiếm lại các điểm cao 1172, 1236, 1239, Bản Xưa.


Được Bộ tăng cường thêm Trung đoàn 88, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tập trung lực lượng đánh trận then chốt vào cụm quân địch từ nam bản Quay đến bắc Khang Kho. Ngày 26 tháng 10, được sự chi viện trực tiếp của 2 cụm pháo binh chiến dịch trên các hướng, bộ đội ta đồng loạt tiến công vào đội hình quân địch: Trung đoàn 148 đảm nhiệm hướng chủ yếu từ Phu Seo đánh vào các điểm cao 1236, 1172, Bản Xưa, Na Van, cắt đường rút chạy của địch về Phu Huột. Trung đoàn 335 và Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 88) từ Phu Hủa Sang đánh vào Cha Ho, Bản Phồn, điểm cao 1388, chia cắt không cho địch chạy vế Nậm Cọ - Khang Kho. Bị tiến công trên tất cả các hướng, đội hình quân địch rối loạn, không chi viện được cho nhau, phải bỏ mục tiêu rút chạy bị ta tiêu diệt hơn 1.300 tên, chỉ có một số phân tán luồn rừng trôn thoát về Nậm Cọ - Khang Kho. Từ ngày 2 đến 5 tháng 11, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 148), Trung đoàn 335 (thiếu), Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 88) cùng lực lượng đặc công tiếp tục bao vây, tiến công tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Thái Lan và GM26 ở Phu Tu Ngua, Phu Vai, Nậm Cọ, Khang Kho. Quân địch bị thiệt hại nặng phải rút chạy về Tôm Tiêng, Pha Khao, ta làm chủ hoàn toàn khu vực trung gian nam Cánh Đồng Chum.


Ngày 15 tháng 11 năm 1972, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng kết thúc thắng lợi. Trong chiến dịch này ta và bạn đã đánh 224 trận, loại khỏi chiến đấu 5.759 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3GM (21, 23, 26), 3 tiểu đoàn Thái Lan, tiêu hao sinh lực 5GM khác của địch, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch. Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng thắng lợi, bạn Lào giữ vững được thế liên hoàn vững chắc giữa các vùng căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để các chiến trường khác đánh địch. Đây cũng là lần đầu tiên ta và bạn tổ chức chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh, đánh bại các cuộc hành quân dài ngày quy mô lớn của địch vào Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Góp phần tích cực vào thắng lợi chung của chiến dịch, các Đoàn 959, 463 chuyên gia quân sự và các lực lượng quân tình nguyện đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng cùng quân dân bạn làm cho liên minh chiến đấu, mối quan hệ gắn bó giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai quân đội Việt - Lào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược ngày càng thêm keo sơn gắn bó.


Phối hợp chặt chẽ với chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum, ở Hạ Lào bước vào mùa mưa năm 1972 Đoàn 565 và Đoàn 968 đã cùng các lực lượng bạn đập tan cuộc hành quân "sư tử đen" của quân phái hữu Viêng Chăn vào khu vực Không Xê Đôn, đường số 23, Pắk Xoòng, Sa-ra-van, Tha Teng, Bô-lô-ven, loại khỏi chiến đấu nhiều đơn vị của các GM32, GM41, GM42, bảo vệ vùng giải phóng và tuyến vận tải chiến lược 559.


Bước vào mùa khô 1972-1973, địch tăng cường quân ở Hạ Lào lên 35 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 trung đoàn và 11 tiểu đoàn quân Thái Lan, trong đó bố trí lực lượng chủ yếu ở Pắk Xế (4 trung đoàn lính Vàng Pao, 3 trung đoàn quân phái hữu Viêng Chăn, 1 trung đoàn quân Thái Lan), lực lượng còn lại bố trí ở Không Xê Đôn. Chúng tích cực phòng thủ trên cả hai hướng Pắk Xế, Không Xê Đôn; đồng thời mở một số cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng và phá vận chuyển chiến lược của ta trên tuyến 559.


Theo dõi các diễn biến về địch, Trung ương ta và bạn nhận định: Địch có thể giành lại Pắk Xoòng, Sa-ra-van và At-ta-pư nhằm thu hút lực lượng ta ỏ chiến trường miền Nam hoặc ngăn chặn ta phát triển vào Pắk Xế, Không Xê Đôn, làm suy yếu lực lượng cách mạng Lào để giành thế có lợi trước khi có giải pháp chính trị. Bộ chỉ thị cho các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự phối hợp chặt chẽ với bạn chuẩn bị đầy đủ và tích cực cho cả hai tình huống chiến lược, tạo thế có lợi cho bạn khi tình hình Lào đi vào giải pháp chính trị. Về kế hoạch tác chiến, Bộ chỉ rõ: “Nếu xét thấy chưa đủ sức tiêu diệt Pắk Xế trước thì tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt Không Xê Đôn, bao vây tiêu hao kìm chế địch ở Pắk Xế. Phải kiên quyết tiêu diệt địch giải phóng cho được Keng Koọc, La Hả Nặm vì đây là yêu cầu tha thiết của bạn. Mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 1972”1 (Lịch sử Sư đoàn 968 (1968-2003), Sđd, tr. 139).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:10:23 pm »

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 9 hoạt động trên đường 9, tập trung lực lượng đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm thị trấn Đồng Hến của địch; sẵn sàng lực lượng đánh chiếm Keng Koọc, Bun Xạng, La Hả Nặm, giữ vững đường số 9 chủ yếu là khu vực Đồng Hến - Pha Lan. Đoàn 968 sử dụng lực lượng chủ yếu bao vây đánh địch ở Pắk Xế; đồng thời sẵn sàng lực lượng nếu địch rút chạy thì nhanh chóng đánh chiếm Pắk Xế, giải quyết các mục tiêu ở Sa-ra-van, Tha Teng, Pắk Xoòng, Huội Koòng. Về phương châm tác chiến, Bộ tư lệnh 559 xác đinh: lấy tiêu diệt sinh lực địch là chính, chủ động tiến công liên tục, táo bạo, bí mật, bất ngờ. Tiến công dũng cảm chốt giữ kiên cường, có cách đánh phù hợp với từng đối tượng, từng mục tiêu, phát huy sức mạnh của bộ binh và sức mạnh của binh khí kỹ thuật.


Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, trung tuần tháng 10 năm 1972, Bộ tư lệnh Đoàn 968 giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị:

1. Trung đoàn 39 (trừ Tiểu đoàn 8 ) cùng với Trung đoàn 19 (thiếu Tiểu đoàn 6 ) có pháo cơ giới, cao xạ 37 ly, xe tăng chi viện tiến công giải phóng và giữ vững Không Xê Đôn. Trong đó, Trung đoàn 19 thọc sâu vào trung tâm Không Xê Đôn, diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của ĐT4 địch và trận địa pháo, Không Xê Đôn và đánh bồi từ trong ra.

2. Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 39) đánh chiếm bản Hìn Xìu tây nam Không Xê Đôn 3 km và chặn địch từ Không Xê Đôn chạy xuống hướng nam. Bao vây Phù Không, có điều kiện thì tiến công chiếm chốt Phù Khống. Khi giải phóng xong, Trung đoàn 39 chốt giữ thị xã, Trung đoàn 19 đánh giải toả, có điều kiện thuận lợi thì đánh ép xuống Xu Va Na Khi Ri, Khốc Kông.

3. Trung đoàn 9 phối hợp với xe tăng tiến công vào ngã ba Lầu Ngam, tiêu diệt tiểu đoàn 621 Thái Lan, sở chỉ huy trung đoàn 401 ngụy và trận địa pháo quân Thái. Tiêu hao kiềm chê GM43 ở đông bắc Phù Chiêng, dùng một bộ phận lực lượng luồn sâu đánh vào quân khu bộ địch ở Pắk Xế.


Để tạo không khí thi đua giết giặc lập công trong toàn đơn vị, Bộ tư lệnh Đoàn 968 đã mở đợt sinh hoạt chính trị quán triệt nghị quyết về tình thế mới, thời cơ lớn của Quân ủy Trung ương ta và bạn. Ngoài việc tổ chức quán triệt tốt nghị quyết, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao ở các đơn vị trong Đoàn, các tổ công tác chính trị của Đoàn 968 còn phối hợp với các tổ chuyên gia của Đoàn 565 xuống các đơn vị của bạn Lào cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp triển khai sinh hoạt bằng mọi biện pháp, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tình thế mới, thời cơ lớn để từ đó nỗ lực chuẩn bị chiến đấu, tranh thủ thời gian, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường để bước vào chiến đấu giành thắng lợi lớn. Thông suốt chủ trương quyết tâm chiến đấu của trên, bộ đội tranh thủ từng giờ, từng phút lao vào làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Có đơn vị ban ngày chuẩn bị cơ sở vật chất, huấn luyện bổ sung, ban đêm tranh thủ học tập chính trị, tổ chức luồn sâu trinh sát nắm địch, đợt sinh hoạt chính trị kết thúc cũng là lúc mọi công tác chuẩn bị chiến trường của ta và bạn đã căn bản hoàn thành.


Sáng 18 tháng 10 năm 1972, Trung đoàn 9 nổ súng tiến công ngã ba Lầu Ngam. Tiểu đoàn 1 (thiếu Đại đội 3) phối hợp với Tiểu đoàn 2 tiến công tiểu đoàn 621 quân Thái Lan tại km 20 đường số 23. Tiểu đoàn 3 (thiếu) phối hợp với đại đội đặc công trung đoàn tiến công sở chỉ huy 401 và trận địa pháo quân Thái Lan tại km 16 đường số 23 cách Pắk Xế 10 km về phía đông. Trong ngày 18 tháng 10, tiểu đoàn 621 quân Thái Lan bị ta đánh thiệt hại hơn nửa quân số bị tiêu diệt, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng.


Trên hướng chủ yếu, sáng ngày 20 tháng 10, các tiểu đoàn 4, 5 (Trung đoàn 19) đánh vào trung tâm Không Xê Đôn. Trung đoàn 39 (thiếu Tiểu đoàn 8 ) tiến công lữ 22 ở Cút Ta Bèng, Cút Nậm Ly, Na Ka Đao, Phù Khống. Tiểu đoàn 8 diệt địch ở Hìn Xìu. Đến 7 giờ sáng ngày 20 tháng 10, các đơn vị làm chủ Không Xê Đôn và bản Hìn Xìu, địch rút chạy về Na Pông, Na Ka Thiêm. Ta vừa truy quét tàn quân địch, vừa đánh địch giải toả ở nam Hìn Xìu và ngã ba Không Nọi. Chiều ngày 25 tháng 10, Trung đoàn 19 được pháo binh chi viện tổ chức trận vận động tiến công bản Không Nọi, địch bị thiệt hại nặng phải rút về hướng Huội Xược. Sáng 28 tháng 10 Trung đoàn 39 làm chủ hoàn toàn Phù Khống.   


Ở hướng Sa-ra-van, 8 giờ sáng ngày 19 tháng 10, địch dùng trực thăng đổ bộ GM41 xuống tây nam thị xã Sa La Van. Ngày 20 tháng 10, chúng đổ bộ tiếp GM42. Ta sử dụng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 19 chiến đấu ngăn chặn không cho địch vào thị xã. Trong các ngày từ 20 đến 26 tháng 10, nhiều trận đánh đã diễn ra gay go ác liệt ở xung quanh thị Sa-ra-van. Chiều ngày 26 tháng 10, địch chiếm được thị xã. Do yêu cầu hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và ngoại giao trên bàn đàm phán của bạn, ngày 31 tháng 10, Bộ Tổng tham mưu ta chỉ thị cho Đoàn 968: “tiến công giải phóng thị xã Sa-ra-van trước ngày 16 tháng 11 vì có giải pháp chính trị về Lào. Diệt một bộ phận sinh lực địch, đuổi địch ra khỏi thị xã, bỏ mục tiêu Không Xê Đôn”1 (Lịch sử Sư đoàn 968 (1968-2003), Sđd, tr. 145).


Chấp hành chỉ thị của Bộ, Đoàn trưởng Đoàn 968 ra lệnh cho toàn đơn vị chuyển hướng chiến dịch trập trung lực lượng vào hướng chủ yếu Sa La Van, đánh thọc sâu vào trung tâm, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, quyết tâm giải phóng thị xã Sa La Van đúng thời gian quy định.


Nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị được giao: Trung đoàn 19 (thiếu Tiểu đoàn 6) được tăng cường Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 9), pháo binh, xe tăng chi viện tiến công GM41, GM42 địch trong thị xã. Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 39) ngăn chặn không cho GM33 địch từ Lầu Ngam phát triển về hướng Sa-ra-van. Trung đoàn 9 (thiếu Tiểu đoàn 2) phối hợp với hướng Sa-ra-van đánh địch trên hướng đường số 23, phòng giữ Pắk Xoòng.


Sau khi khẩn trương làm công tác chuẩn bị, điều chỉnh lực lượng tiến công, sáng ngày 15 tháng 11, ta tập trung hoả lực bắn phá các mục tiêu trong thị xã. Bộ binh hai trung đoàn 19 và 9 từ phía nam, tây nam chia thành nhiều mũi đồng loạt tiến công vào thị xã. Một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 5 tiến công cụm quân địch ở phía tây sân bay phát triển lên ngã ba Na Sang Noi. Đại đội 6 tiêu diệt cụm địch ở phía nam sân bay phát triển chiến đấu dọc phía nam sân bay tới đồn cảnh sát trong trung tâm. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta làm chủ thị xã và khu vực sân bay, diệt 303 tên thu 69 súng các loại.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:13:43 pm »


Ngày 16 tháng 11 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khen: cán bộ, chiến sĩ Đoàn 968 đã cùng quân dân bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng thị xã Sa-ra-van, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị về Lào. Do yêu cầu thúc bách về chính trị cuối năm 1972 và đầu năm 1973, địch tập trung quân hai lần đánh chiếm lại thị xã Sa-ra-van, nhưng đều bị ta đánh chiếm lại. Đầu tháng 1 năm 1973, địch tập trung quân ở Pắk Xế theo đường số 23 đánh chiếm lại thị xã Pắk Xoòng. Trong thời điểm nhạy cảm chuẩn bị có giải pháp chính trị về Lào, theo yêu cầu của Bộ chỉ huy tối cao Lào, Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh 559 chỉ thị cho Đoàn 968: “Tiến công tiêu diệt quân Thái Lan và GM33 ngụy Lào, đẩy địch ra khỏi thị xã Pắk Xoòng, giữ vững thị xã Sa-ra-van. Tiếp tục đánh bồi, sẵn sàng đánh phản kích, lấy tư tưởng tiến công làm chủ yếu". Đồng thời tăng cường thêm Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308), Trung đoàn 52 (Sư đoàn 338) vào đội hình chiến đấu của Đoàn 968. Bộ tư lệnh 559 rút bót lực lượng từ các sư đoàn trên tuyến vận tải chiến lược thành lập thêm Trung đoàn 59 (thiếu 1 tiểu đoàn) tăng cường cho Đoàn 968 làm nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng đánh địch trên các hướng. Như vậy, ở Hạ Lào trong thời gian này, ta có tới 6 trung đoàn bộ binh.


Ngày 21 tháng 1 năm 1973, Bộ tư lệnh Đoàn 968 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 9 phối hợp với Trung đoàn 59 (thiếu) đánh địch ở thị xã Pắk Xoòng. Trung đoàn 19 triển khai lực lượng ở đông bắc Pắk Xoòng kìm chế GM33 và lữ đoàn 28 tại Tha Teng, Huội Sài, Huội Koòng; đồng thời là lực lượng dự bị của sư đoàn. Các trung đoàn 102, 39 làm nhiệm vụ bảo vệ thị xã Sa La Van.


Về phương châm tác chiến, sau khi nghiên cứu nắm chắc bố phòng của địch và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, ta và bạn quyết định sử dụng một số lực lượng bao vây tiêu diệt những cứ điểm ngoại vi quan trọng xung quanh Pắk Xoòng, sau đó tập trung sức mạnh binh hoả lực đánh vào mục tiêu chủ yếu kết hợp đánh phá toàn diện, diệt sở chỉ huy trung đoàn 401 và tiểu đoàn 614 Thái Lan ở đồn Chăm Pi, giải phóng thị xã đuổi địch về phía tây. Sẵn sàng phương án đánh địch giải toả; đồng thời dùng một bộ phận lực lượng đánh kiềm chế các trận địa pháo của địch ở bản 42, Pắk Cụt, cắt giao thông, triệt không vận và tiếp tế của địch trên đường số 23.


Quá trình tiến công thực hành theo hai bước: Bước một cài thế bao vây Noọng Lé, Chăm Pi, Noọng Kin Nọi, dứt điểm Noọng Lé, đưa lực lượng phát triển chiến đấu vào chiếm lĩnh các bàn đạp quan trọng. Bước hai dứt điểm Chăm pi, Noọng Kin Nọi, giải phóng thị xã, đẩy địch về phía tây Pắk Xoòng.    

Ngày 23 tháng 1 năm 1973, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 9) nổ súng tiến công cứ điểm Noọng Lé, diệt 20 lính Thái Lan thu 10 súng. Địch chiếm lại, ta chuyến sang bao vây đến 3 tháng 2, làm chủ hoàn toàn căn cứ này, tạo điều kiện để đưa lực lượng vào triển khai đánh Chăm Pi. Sáng 5 tháng 2, từ các hướng, ta đồng loạt nổ súng đánh phá các mục tiêu. Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt các mục tiêu của địch ở ngoại vi Pắk Xoòng lần lượt bị tiêu diệt. Sáng ngày 8 tháng 2, ta tập trung lực lượng đánh vào trung tâm Pắk Xoòng chiếm chỉ huy sở trung đoàn 401, tiểu đoàn 614 Thái và trận địa pháo. Sau khi giải phóng thị xã Pắk Xoòng, ta tiếp tục tổ chức truy kích địch trên đường số 23. Trong đợt chiến đấu này, ta diệt 491 tên địch, bắn rơi 4 máy bay, bắn cháy 2 xe GMC, thu 200 súng các loại. Âm mưu chiếm Pắk Xoòng, Sa-ra-van, giành thế mạnh trước khi bước vào thực hiện giải pháp chính trị ở Lào của địch bị đập tan.


Ở chiến trường Bắc Lào, Thu Đông năm 1972-1973, các tiểu đoàn 408, 409 của bạn phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện tiến công giải phóng Pạc U, Pạc Xương, tập kích địch ở Xiềng Ngân và sân bay Luông Phra Băng, tiếp đó tiến công giải phóng Viêng Phu Khe, Nậm Dụ, uy hiếp Huội Sài.


Ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, sau khi bị ta đánh thiệt hại nặng, địch cố tập trung xây dựng lại các GM. Đầu tháng 2 năm 1973, địch huy động 5GM quân Vàng Pao và 3 tiểu đoàn quân Thái Lan tiếp tục tiến công, hòng chiếm lại địa bàn chiến lược quan trọng này. Trên cơ sở nắm chắc các hoạt động của địch, xử lý kịp thời các diễn biên trên chiến trường trước thời điểm ký hiệp định Viêng Chăn, quân tình nguyện Việt Nam thuộc Mặt trận 31 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bạn ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, loại khỏi chiến đấu hơn 1.000 tên, buộc địch phải tháo chạy về Loong Chẹng.


Song song với việc giúp bạn đẩy mạnh hoạt động quân sự trên các chiến trường, chuyên gia quân sự ta còn tích cực giúp bạn huấn luyện làm chủ các phương tiện kỹ thuật nhất là từ cuối năm 1972, khi Bộ chỉ huy tối cao Lào lập các cụm chủ lực ở đường số 9 (Trung Lào), đường số 23 (Hạ Lào). Trong các cụm chủ lực này, ngoài các đơn vị bộ binh còn có các đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh. Việc huấn luyện giúp bạn nắm chắc chuyên môn kỹ thuật, làm chủ các khí tài mới được trang bị, làm tốt công tác hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh và các binh chủng đã góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Lào, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến quy mô ngày càng lớn trong giai đoạn cách mạng mới.


Trong thời điểm chuẩn bị có hiệp định ngừng bắn, diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có nhiều phức tạp, công tác chính trị đã được các chuyên gia ta đặc biệt coi trọng. Ta đã giúp bạn tổ chức các đội công tác bám sát từng đơn vị, nhất là ở những địa bàn quan trọng, tiến hành giáo dục, quán triệt sâu sắc về âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Quán triệt và tổ chức tốt công tác xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng trong nhân dân, công tác binh địch vận, làm tốt mọi chính sách khen thưởng kỷ luật, đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào.


Đối với công tác xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang Lào, chuyên gia ta đã giúp bạn kiện toàn tổ chức các cấp ủy, phát triển đảng viên có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Số lượng đảng viên của bạn, năm 1972 so với năm 1962 tăng lên 7,15 lần. Tỷ lệ lãnh đạo trong quân đội đạt 20 - 21%. Nhiều đơn vị chủ lực của bạn được ta giúp đỡ huấn luyện đã nâng cao hiệu suất chiến đấu rõ rệt. Bộ đội bạn từ chỗ chỉ quen đánh phân tán nhỏ lẻ đã tiến lên đánh được các trận hiệp đồng nhiều tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng chi viện. Trường Quân chính Com-ma-đam đào tạo cán bộ trung cấp, sơ cấp thuộc Bộ chỉ huy tối cao Lào với sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam đã nâng cao được chất lượng giảng dạy, đảm bảo kịp một số lượng lớn cán bộ đáp ứng nhu cầu của các chiến trường. Những việc làm trên của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào đã góp phần thiết thực từng bước giúp bạn nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, lập nên chiến thắng giòn giã trên khắp các mặt trận từ Bắc đến Nam Lào.


Trong lúc trên chiến trường Lào, ta đã giúp bạn xây dựng được lực lượng vũ trang phát triển với tổ chức hợp lý và sức chiến đấu không ngừng được nâng cao, liên tục đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của địch thì ở Việt Nam, quân dân miền Nam cũng liên tục đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng đẩy Mỹ - ngụy Sài Gòn vào trình trạng khốn đốn. Sau nhưng thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và thua đau trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhất là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và vùng lân cận, ngày 27 tháng 1 năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam. Thất bại của đế quốc Mỹ ở miền Nam đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần của quân ngụy Lào, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với đại diện Mặt trận yêu nước Lào và chấp nhận giải pháp 5 điểm của mặt trận.


Để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị, chuyên gia quân sự ta giúp Quân khu Cánh Đồng Chum tổ chức 5 tiểu đoàn (1, 13, 15, 46, 116), một đại đội pháo binh, một đại đội xe tăng tiến công đánh chiếm 16 trong tổng số 32 vị trí của địch ở khu vực Sa La Phu Khun. Bị đánh mạnh trên các hướng, bị thiệt hại nặng nể, quân địch buộc phải tháo chạy khỏi Sa La Phu Khun. Ta tiếp tục truy kích địch đến Kiểu Ca Chăm, Ca Xỉ. Những trận đánh thắng lợi của quân tình nguyện Việt Nam và bạn Lào trên chiến trường Lào cuối năm 1972 và đầu 1973 đã góp phần rất quan trọng cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao giành thắng lợi.


Ngày 21 tháng 2 năm 1973, Hiệp định Viêng Chăn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Lào được ký kết. Mỹ và ngụy quyền Lào phải công nhận quyền dân tộc cơ bản, quyền tự do dân chủ của nhân dân các bộ tộc Lào, công nhận vùng giải phóng của Mặt trận Lào yêu nước, trung lập hoá hai thành phố Viêng Chăn và Luông Phra Băng, thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời và hội đồng tư vấn liên hợp chính trị quốc gia. Đây là một thắng lợi to lớn, toàn diện, vững chắc, có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Lào, đồng thời “là sự thất bại có tính chiến lược không những trên chiến trường Lào, chiến trường Đông Dương mà còn là thất bại của chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ”1 (Đánh giá của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào - Lịch sử Lào, Nxb Khoa học xã hội, H.1997, tr. 482).


Có thể nói, trong những năm 1969-1972, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào với sự tập trung quân và hoả lực đánh phá ác liệt, hy vọng làm thay đổi cục diện chiến trường, thu hẹp vùng giải phóng, làm cho cách mạng Lào suy yếu. Được sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, quân giải phóng nhân dân Lào cùng các lực lượng yêu nước đã vượt qua mọi khó khăn thử thách ác liệt, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch. Vừa giữ vững vùng giải phóng, củng cố chính quyền cách mạng, vừa xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, từ các đại đội nhỏ lẻ chủ yếu là bộ binh tiến lên xây dựng được những tiểu đoàn chủ lực với biên chế trang bị tương đối đầy đủ và một số đại đội binh chủng như xe tăng, pháo binh, công binh, phòng không. Tiếp đó phát triển, xây dựng được 5 cụm chiến đấu (tương đương 5 trung đoàn chủ lực) và hàng chục tiểu đoàn bộ đội địa phương, hàng vạn dân quân du kích. Sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân đã tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ trên chiến trường Lào, buộc Mỹ và ngụy quyền Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn lập lại hoà bình, hoà hợp dân tộc ở Lào.


Cùng với Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn về Lào đã góp phần quan trọng mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ba nước Đông Dương. Trong giai đoạn mới của cách mạng, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ mới mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ta và bạn tin tưởng giao cho, nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân các bộ tộc Lào mau đến thắng lợi hoàn toàn. 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM