Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:30:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947-Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt  (Đọc 7417 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 10:25:16 am »

Xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến ổn định và phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế là một lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến.


Việc xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp tại các vùng căn cứ địa, hậu phương đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Để khuyến khích sản xuất, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như chia ruộng đất cho nông dân, thực hiện chế độ lĩnh canh, tiến hành giảm tô và xoá nợ cho nông dân vay trước cách mạng, quy định biểu thuế luỹ tiến về thuế nông nghiệp. Các chính sách trên đã thực sự đi vào đời sống của nông dân, đặc biệt là chính sách thuế nông nghiệp có lợi cho nông dân, điều tiết thu nhập của địa chủ, phú nông, góp phần bồi dưỡng sức dân trong kháng chiến. Nhờ đó, đa số nhân dân ở các vùng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến đều đủ ăn, đủ mặc, có đời sống ổn định, sản xuất ngày càng tăng, chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường ngày càng lớn. Về kết quả sản xuất lương thực ở các vùng tự do và căn cứ địa, chỉ tính từ Liên khu 4 trở ra, trong năm 1953 đã đạt hơn 2.700.000 tấn thóc, 650.000 tấn hoa màu các loại, cung cấp cho bộ đội 550.000 tấn thịt, rau, đậu; hàng ngàn con gia súc, gia cầm, 150.000 tấn dược liệu đông y... Riêng các tỉnh thuộc Liên khu 5, từ trước vốn là một vùng nông nghiệp kém phát triển, thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nhân dân thiếu àn, thiếu mặc, lại nằm giữa vòng vây kìm kẹp, đánh phá ác liệt của địch, sau 2 năm tổ chức xây dựng và đẩy mạnh sản xuất, đã cơ bản tự túc đủ lương thực, thực phẩm để cung cấp cho 2,5 triệu dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ, ngoài ra còn chi viện cho các hướng chiến trường.


Ở Việt Bắc, diện tích trồng lúa và hoa màu cũng như kết quả thu hoạch nông nghiệp của nhân dân ngày càng tăng. Năm 1947, thu hoạch hơn 450 ngàn tấn lương thực. Từ năm 1951 đến 1954, tình hình sản xuất nông nghiệp của Việt Bắc tiếp tục ổn định và có những bước phát triển cao hơn, nhân dân không những đủ ăn, đủ mặc mà còn dành hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến trường tại chỗ, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ.


Về sản xuất công nghiệp tại vùng tự do, hậu phương, căn cứ địa, theo số liệu chưa đầy đủ, trong 9 năm kháng chiến, nền công nghiệp quốc phòng non trẻ ta đã sản xuất được hơn 12 ngàn tấn vũ khí, đạn dược và hàng quân sự cho các lực lượng vũ trang (chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng số vũ khí, đạn dược các lực lượng vũ trang ta sử dụng trên các chiến trường trong 9 năm), về nhịp độ phát triển, từ Liên khu 4 trở ra, năm 1953 sản xuất tăng 35 lần (so với năm 1946); ở Liên khu 5 tăng 4 lần (so với năm 1948), ở các vùng căn cứ khác tại Việt Bắc và Nam Bộ đều tăng từ 2 đến 3 lần (so với năm 1948). Trong điều kiện chiến tranh kéo dài và ngày càng ác liệt, sự chi viện, giúp đỡ của bạn bè, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế thì thành quả do các vùng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến tự sản xuất này có ý nghĩa rất to lớn, góp phần quan trọng đưa sự nghiệp kháng chiến phát triển đến thắng lợi.


Cùng với những tiến bộ dân sinh, dân trí, ở các vùng căn cứ địa, hậu phương tự do đời sống văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế được chính quyền các cấp quan tâm chăm lo và không ngừng phát triển. Hầu hết các em trong độ tuổi học sinh đều được đến trường, nạn mù chữ cơ bản được thanh toán, phong trào bình dân học vụ phát triển rộng khắp. Sức khoẻ của nhân dân được chăm lo, ôm đau được cấp thuốc chữa bệnh. Một đời sống văn hóa mới mang đậm tính cách mạng, tính nhân văn đã đi vào cuộc sống của đông đảo quần chúng. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, mê tín dị đoan đã giảm hẳn. Người người sống trong đoàn kết, yêu thương, mọi hiềm khích hận thù bị xoá bỏ. Những phẩm chất tốt đẹp về con người mới Việt Nam tại các khu căn cứ và vùng tự do đã dần hình thành rõ nét, tất cả đều hướng về cách mạng, hướng về kháng chiến và tin tưởng vào ngày toàn thắng.


Việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở căn cứ địa, hậu phương kháng chiến và các vùng địch tạm chiếm được Đảng và chính quyền các cấp đặc biệt chú ý cả về số lượng và chất lượng, về tổ chức, những ngày đầu kháng chiến có bộ đội địa phương huyện, dân quân du kích xã, thôn. Hầu hết các huyện, xã trong toàn quốc ở vùng căn cứ địa, vùng tự do và vùng sau lưng địch đều có từ một đến hai đại đội bộ đội địa phương; một hoặc hai trung đội dân quân, du kích bán vũ trang vừa tham gia sản xuất tại địa phương, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ xóm làng... Cùng với việc phát triển về số lượng, công tác xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị được chú trọng đẩy mạnh. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên đã được điều động tăng cường cho quân đội, bố trí vào các cương vị lãnh đạo, chỉ huy bộ đội địa phương và dân quân du kích, ở tất cả các phường, xã, ban chỉ huy xã đội, phường đội là các đồng chí trong cấp ủy cơ sở. Vì vậy, chất lượng công tác và chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong các căn cứ địa và hậu phương được củng cố và tăng lên nhiều lần. Trong công cuộc bảo vệ căn cứ địa, hậu phương kháng chiến, cùng với lực lượng vũ trang ba thứ quân, các cơ quan chuyên trách như công an, toà án... có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh của chính quyền nhân dân, đánh bại mọi âm mưu, hành động chống đối, đánh phá của địch, giữ vững trật tự an ninh, bảo vệ vững chắc căn cứ địa - hậu phương kháng chiến.


Thực tiễn xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cho thấy đây là một quá trình tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, là quá trình xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội... Xuất phát từ yêu cầu của kháng chiến và khả năng của thực tế, việc xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong kháng chiến nhằm mục tiêu cơ bản: đủ ăn, đủ mặc, đủ vũ khí cho toàn dân đánh giặc; ai cũng được học hành, được tham gia đóng góp cho kháng chiến, tất cả nhằm mục đích: huy động cao nhất mọi tiềm lực, sức mạnh vật chất và tinh thần của hậu phương cho tiền tuyến giành thắng lợi.


Việc xây dựng căn cứ địa, hậu phương chiến tranh trong kháng chiến chống thực dân Pháp tuy chưa có điều kiện dựa trên một nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, nhưng bằng chủ trương, đường lối tiến hành chiến tranh đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến. Đây là một trong những nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Vấn đề xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được Đảng ta giải quyết trong những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước; tiếp đó được kế thừa, vận dụng thành công và phát triển lên một đỉnh cao mới trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong đó có vấn đề xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến, đã đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết để xây dựng hậu phương trong thời bình, vận dụng có hiệu quả vào hai nhiệm vụ chiến lược hiện nay là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 10:29:16 am »

VIỆT BẮC - CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN TRUNG ƯƠNG


TS. NGUYỄN XUÂN MINH
Trường Đại học sư phạm, Đại học Thái Nguyên


Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vị trí, vai trò quan trọng của căn cứ địa. Đó là một vùng tương đối an toàn, có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hoà, dùng làm nơi đặt đại bản doanh, huấn luyện bộ đội, đào tạo cán bộ, chế tạo vũ khí, đạn dược, cứu chữa thương binh, xây dựng và phát triển kinh tế tự cấp, tự túc. Đó cũng là bàn đạp tấn công quân thù, tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước.


Xuất phát từ đặc điểm tình hình nước ta và vận dụng kinh nghiệm của ông cha trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, Đảng ta chủ trương xây dựng căn cứ địa không chỉ ở miền rừng núi, mà cả ở đồng bằng. Hội nghị cán bộ Trung ương (4-1947) đã có một quan điểm rất đúng đắn về vấn đề xây dựng căn cứ địa: "Việt Nam không thể có căn cứ địa rộng rãi và vững chắc như Trung Quôc. Những căn cứ địa Việt Nam đều có thể bị địch đánh xuyên mũi dùi vào hoặc bao vây. Nhưng Việt Nam đã có một mặt trận đoàn kết toàn dân, nhân dân ta được hưởng chế độ dân chủ rộng rãi và liều chết giữ vững chế độ ấy. Tình hình Pháp lại đặc biệt nguy khốn và nước Pháp xa nước Việt Nam hàng vạn cây số, nên Việt Nam vẫn có thể kháng chiến và nắm chắc thắng lợi bằng cách mở rộng mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay ở cả sau lưng địch, trong ruột địch và tổ chức căn cứ địa không những ở rừng núi mà cả ở đồng bằng”1 (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Văn kiện Đảng 1945-1954, Hà Nội, 1979, tr. 30).


Với quan điểm ấy, ngay từ đầu kháng chiến, một hệ thống căn cứ địa đã được xây dựng trong cả nước, đáng chú ý là vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng tự do Liên khu 5, Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, v.v... Đó là những căn cứ địa mang tính địa phương, thuộc phạm vi của một khu, hay một tỉnh. Căn cứ địa chính của cả nước (căn cứ địa kháng chiến Trung ương) được đặt tại vùng rừng núi Việt Bắc.


Khu vực Việt Bắc rộng khoảng 32.900km , gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số địa phương thuộc các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang. Từ Việt Bắc, phong trào cách mạng có thể mở rộng sang hướng Tây Bắc để liên lạc với cách mạng Lào. Ở hướng Đông, Việt Bắc nối liền với vùng rừng núi Quảng Ninh, Đông Triều, phát triển xuống tận miền duyên hải Bắc Bộ. Về phía Nam, Việt Bắc là phên giậu của Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về phía Bắc, Việt Bắc cùng chung dải biên giới dài trên 750km với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa rộng lớn, vốn có mối quan hệ chặt chẽ và lâu đời với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Việt Bắc là một địa bàn chiến lược rất cơ động, một nơi dụng binh lợi hại, "tiến có thể đánh, lui có thể giữ".


Nhân dân các dân tộc Việt Bắc giàu lòng yêu nước, rất tha thiết với cuộc sống độc lập tự do, nên sớm đi theo Đảng làm cách mạng. Việt Bắc có cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng ngay từ năm 1930. Những căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta cũng ra đời tại Việt Bắc, để từ đó hình thành Khu Giải phóng - hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới.


Việt Bắc còn là nơi có điều kiện xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc - một yếu tố quan trọng để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, nhất là trong lúc nước ta chưa có kinh tế hàng hóa và chưa thể tiếp xúc trực tiếp với lực lượng hoà bình, dân chủ thế giới.


Chính vì hội đủ các yếu tố "địa lợi’' và "nhân hoà" nêu trên, Việt Bắc đã được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm căn cứ địa chủ yếu của kháng chiến.


Ngay từ cuối tháng 8-1945, với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, trước khi rời Tân Trào để về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Người nói: "Biết đâu, chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa''1 (Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 267).


Cuối tháng 10-1946, khi nguy cơ chiến tranh tới gần, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến.


Từ giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng trên mọi phương diện, Đội quyết định chọn các huyện: Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội... trong trường hợp phải rời Hà Nội. Địa bàn các huyện nói trên chính là ATK của Trung ương - hạt nhân của Căn cứ địa Việt Bắc. Xây dựng ATK trong Căn cứ địa Việt Bắc là một sáng tạo chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sáng tạo không chỉ về cách thức, mà cả về nội dung xây dựng.


Tại những địa phương được chọn làm địa điểm đón nhận các cơ quan Trung ương, các Ban Căn cứ địa cũng được thành lập. Đội công tác đặc biệt tổ chức phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương lập dự án xây dựng căn cứ địa về mọi mặt: phát động toàn dân tham gia kháng chiến, gia nhập lực lượng vũ trang, tổ chức bảo vệ căn cứ, củng cố hệ thống thông tin liên lạc, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất tự túc.


Từ đầu tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến, các cơ sở kinh tế, văn hoá, giáo dục... trực thuộc Trung ương lần lượt có mặt tại Việt Bắc. Các công binh xưởng, xí nghiệp, nhà máy cùng hàng vạn tấn máy móc, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm... cũng được chuyển lên căn cứ địa. Từ Việt Bắc, đầu mối giao thông liên lạc với các vùng trong cả nước dần dần hình thành. Việt Bắc trước đây là căn cứ địa cách mạng của cả nước, nay trở thành căn cứ địa lớn nhất và quan trọng nhất của kháng chiến. Thực dân Pháp cũng nhận thấy: "Địch đã tổ chức trong khu tứ giác Chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Chợ Rã một căn cứ địa, từ chỗ ấy chúng chỉ huy và điều khiển cuộc kháng chiến"1 (Xa-lăng, Một đế quốc cáo chung: Việt Minh, địch thủ của tôi, Tập 2, (bản dịch tiếng Việt), tr. 77).


Chính vì thế, từ thượng tuần tháng 10-1947, thực dân Pháp đã mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Căn cứ địa Việt Bắc, nhằm "Bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc... loại trừ mọi sự chi viện từ ngoài vào; truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ”1 (Xa-lăng, Một đế quốc cáo chung: Việt Minh, địch thủ của tôi... Sđd, tr. 74) để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh.


Địa bàn địch mở cuộc tấn công khá rộng lớn, bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Đây là các tỉnh thuộc miền núi và trung du, địa hình hiểm trở, núi rừng trùng điệp, giao thông không thuận lợi. Đường số 4 chạy theo biên giới Việt - Trung từ Móng Cái đến Cao Bằng. Đường số 2 từ Hà Nội lên Việt Trì - Phú Thọ, sang Tuyên Quang, Hà Giang. Đường số 3 chạy giữa lòng Việt Bắc, từ Hà Nội qua Thái Nguyên, Bắc Kạn tới Cao Bằng. Ngoài những con đường bộ độc đạo, nhiều đèo dốc kể trên, còn có con đường thủy từ Hà Nội theo sông Hồng đến Việt Trì, từ đó theo dòng sông Lô sang Tuyên Quang, đến Khe Lau ngược dòng sông Gâm tới Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 10:30:19 am »

Trải qua 75 ngày (7-10 đến 19-12-1947), với hai cuộc hành quân lớn (Lê-a và Xanh-tuya), dù kiểm soát được đoạn đường biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng, tuyến đường số 3 từ Cao Bằng về Bắc Kạn và phá hoại một số kho tàng, thị trấn, làng bản của ta, thực dân Pháp đã không đạt được những mục tiêu chiến lược, lại bị thiệt hại rất nặng nề: khoảng 6.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, 16 máy bay bị bắn rơi, 11 ca nô, tàu chiến bị bắn cháy, bắn chìm... Ngày 19-12-1947, đại bộ phận quân Pháp phải rút khỏi Việt Bắc, đánh dấu một thất bại chiến lược đầu tiên của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Căn cứ địa Việt Bắc - đầu não của cuộc kháng chiến được giữ vững.


Sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Chiến khu 1 (gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên) và Chiến khu 10 (gồm các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên) được Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc thực sự vững chắc. Nhưng sau đó, Trung ương nhận thấy vấn đề xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc nói chung và ATK nói riêng là một công việc rất quan trọng, không thể giao cho các khu. Vì vậy, ngày 19-4-1949, Đảng đoàn Chính phủ họp (có đại diện của Khu 1 và Khu 10 tham dự) do Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh chủ trì. Hội nghị quyết định:

- Lấy 6 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang làm căn cứ địa.

- Thành lập Ban Căn cứ địa, với tên "Đội củng cố số 7", gồm 5 người, do Trần Kiên phụ trách. Ban này có nhiệm vụ giúp Trung ương xây dựng kế hoạch và kiểm tra đôn đốc việc xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc nói chung và ATK nói riêng.


Ngày 23-9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL về việc thành lập Ban Căn cứ địa Việt Bắc.


Tại Căn cứ địa Việt Bắc có cả một bộ máy Chính phủ gồm đủ các bộ, các ngành sống và làm việc trong những "căn nhà lá tồi tàn với những bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà cột..."1 (Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây. Hồi ức. Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân và Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr. 290). Nhưng chính "trong những ngôi nhà lá với những ông bộ trưởng như vậy, những quyết định của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh"2 (Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây. Hồi ức. Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân và Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr. 290).


Trong ATK - Căn cứ địa Việt Bắc, Chính phủ thường xuyên duy trì mọi hoạt động điều hành công việc. Các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ vẫn được triệu tập theo định kỳ. Ngoài vấn đề quân sự, ngoại giao, Hội đồng Chính phủ thường bàn tới những vấn đề về kinh tế, tài chính, nội thương, ngoại thương, xây dựng và củng cố hậu phương. Chính từ đó, mọi chủ trương, chính sách lớn được phát đi và thực hiện trong cả nước. Hàng loạt chiến dịch quan trọng cũng được quyết định từ trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 10:31:28 am »

Cuộc kháng chiến càng phát triển, lực lượng vũ trang càng lớn mạnh thì yêu cầu nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ huy, tác chiến của cán bộ các cấp càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, từ Căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Phân hiệu Võ bị Trần Quốc Tuấn Bắc Bộ, do Hoàng Đạo Thuý làm Giám đốc. Tháng 9-1947, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn từ Khu 4 được chuyển ra Việt Bắc, sáp nhập với Phân hiệu Bắc Bộ và đổi tên thành Trường Lục quân. Học viên được học tập về chiến tranh du kích, nhiệm vụ cơ bản của quân đội, về phương châm đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, cách đánh cứ điểm nhỏ...


Để khắc phục tình trạng yếu kém của cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn và trung đoàn, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, từ năm 1947, tại Căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Quốc phòng quyết định mở lớp bổ túc cho cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng về phương pháp tổ chức bộ đội và về đường lối quân sự của Đảng. Lớp học này khai mạc từ đầu tháng 8-1947 tại La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên). Mục đích của lớp học là nhằm giúp cho cán bộ nhận thức đúng đắn về đường lối quân sự của Đảng; hiểu biết về tổ chức, huấn luyện, giáo dục, quản lý bộ đội và biết nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm chiến đấu. Những cán bộ quân đội, sau khi bổ túc trình độ, được phân công làm nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị trên các chiến trường cả nước.


Ngày 12-3-1948, từ Căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 88-BCH thành lập Trường Quân chính trung cấp. Khoá học đầu tiên có 110 học viên. Chương trình huấn luyện gồm những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến, xây dựng căn cứ địa, xây dựng và huấn luyện dân quân du kích, về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tổ chức chỉ huy chiến đấu... Tính đến tháng 5-1950, Trường liên tục mở được 5 khoá học, với 675 học viên, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ chỉ huy cho các đơn vị trên khắp các chiến trường toàn quốc.


Căn cứ địa Việt Bắc là nơi thể nghiệm nhiều chính sách quan trọng về kinh tế, tài chính, ruộng đất..., thực hiện chế độ dân chủ mới và tạo mầm mống chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là đầu mối các quan hệ trong và ngoài nước.


Từ Việt Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ thường xuyên thu nhận được tình hình mọi mặt ở các địa phương và kịp thời đề ra phương hướng chỉ đạo cụ thể. Đầu năm 1948, đoàn đại biểu Nam Bộ, do Tư lệnh trưởng Khu 8 - Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn, lên đường ra Việt Bắc để báo cáo tình tình. Sau 8 tháng hành trình vất vả, cuối tháng 9-1948, đoàn đại biểu có mặt tại Sơn Dương (Tuyên Quang), mang theo những tặng phẩm của đồng bào miền Nam gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ.


Cùng thời gian trên, một phái đoàn đại diện Đảng và Nhà nước, do đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng - làm Trưởng đoàn, rời Việt Bắc lên đường vào Nam Bộ. Đến tháng 5-1949, phái đoàn tới Nam Bộ an toàn cùng với nhiều tài liệu quan trọng. Sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương đã giúp cho phong trào kháng chiến ở Nam Bộ vượt qua thời kỳ khó khăn và chuyển sang bước phát triển mới. Cũng từ Việt Bắc, Trung ương đã phân công những cán bộ lãnh đạo có nâng lực và uy tín đến những vùng quan trọng: Lê Duẩn và Phạm Hùng ở Nam Bộ; Phạm Văn Đồng cùng với Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Chánh vào Khu 5; Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực ở Khu 4 và Mặt trận Bình - Trị - Thiên...


Căn cứ địa Việt Bắc còn là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại diện Đảng Cộng sản, Chính phủ một số nước và các đoàn khách quốc tế.


Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của đồng chí Chu Ân Lai tại xã Phú Đình (Định Hoá, Thái Nguyên), bàn về sự phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đảng Cộng sản Trung Quôc.


Giữa năm 1948, tại Yên Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Bộ Tổng chỉ huy, đã tiếp đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, người phụ trách sinh viên Lào yêu nước. Sau buổi gặp mặt này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn được giới thiệu đến tham gia vào một đơn vị bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ mở đường xuyên qua vùng địch tạm chiếm Tây Bắc tới biên giới Việt - Lào.


Ngày 5-12-1949, từ trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa - Mao Trạch Đông, nêu rõ: "... Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải qua mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5 (1947-1949). Xuất bản lần thứ hai. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1.398). Ngày 15-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và ngày 18-1-1950, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếp đến, ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô và trong vòng một tháng sau đó, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lần lượt công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một thắng lợi rất to lớn về chính trị ngoại giao, góp phần nâng cao uy tín và địa vị của Nhà nước ta trên trường quốc tế.


Từ năm 1950, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Lê-ô Phi-ghe dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Các-men...


Cũng từ Căn cứ địa Việt Bắc, qua làn sóng điện của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lập trường chính nghĩa cùng với những thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân Việt Nam được truyền đi khắp thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người đã viết nhiều bài báo gửi đăng trên các tạp chí nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là bài: "Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của minh" (bằng tiếng Pháp) của Hồ Chí Minh - với bút danh ĐIN, Thư ký Mặt trận Liên Việt (Mặt trận Dân tộc thống nhất) địa phương - gửi cho Tạp chí "Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân", cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế cộng sản. Trong bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu tóm tắt lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1950, phân tích các mâu thuẫn và khó khăn của Pháp và Mỹ, những thắng lơi ngoại giao to lớn của nhân dân Việt Nam vừa giành được. Trên cơ sở đó, Người nêu rõ lập trường và quyết tâm của nhân dân Việt Nam: "Để giành lại nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước của mình, nhân dân Việt Nam săn sàng đấu tranh 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, nếu cần thiết"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6 (1950-1952), Xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 33).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 10:32:53 am »

Thông qua những hoạt động tích cực của các cơ quan đầu não tại Căn cứ địa Việt Bắc, nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Đó là điều kiện cơ bản, bảo đảm vững chắc cho sự đồng tình, ủng hộ của lực lượng cách mạng thế giới đối với cách mạng Việt Nam.


Từ sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, thế đứng của Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố vững chắc hơn trước. Bắt đầu từ thời gian này, con đường liên lạc giữa Căn cứ địa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4 được đánh thông; sự thông thương giữa nước ta với quốc tế được mở ra trên nhiều hướng. Căn cứ địa Việt Bắc đã thoát khỏi thế bị bao vây phong toả của các thế lực đế quốc và do đó, nước ta có điều kiện tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế không chỉ về chính trị tinh thần, mà cả về vật chất. Đây là một trong những nhân tố góp phần quyết định đưa đến thắng lợi cuộc kháng chiến, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954).


Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan và các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội... vẫn ở lại Căn cứ địa Việt Bắc một thời gian để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của cả nước.


Ngày 12-8-1954, tại Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp các vị Trưởng đoàn trong Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam (gồm các nước Ấn Độ, Ba Lan và Ca-na-đa). Người phát biểu bày tỏ nguyện vọng hoà bình của nhân dân ta: "Nhân dân Việt Nam chúng tôi vốn yêu chuộng hoà bình, cho nên chúng tôi rất phấn khởi đón tiếp cuộc đình chiến. Chúng tôi sẽ đưa hết lực lượng và sẽ cố gắng không ngừng để giữ gìn hoà bình và thi hành đúng đắn tất cả những điều khoản đã ghi trong hiệp định đinh chiến..."1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 328).


Ngày 1-9-1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra Lễ trình Quốc thư đầu tiên của Đại sứ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa - La Quý Ba lên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Dự Lễ trình Quốc thư, về phía Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Phụ trách Lễ nghi kiêm Xứ trưởng giao tế Bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh; về phía Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có Đại sứ La Quý Ba, Tham tán Tạ Sảng Thu, Bí thư thứ hai Tào Quê Sinh, Bí thư thứ ba Lý Tô Quang và các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta trước đó.


Sau Lễ trình Quốc thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại sứ La Quý Ba duyệt đội tiêu binh bên sườn đồi Giang.

Từ Lễ nhận Quôc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đến nay thời gian đã trôi qua 53 năm. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước trên thế giới (trong đó có hơn 70 nước đặt Đại sứ quán và hàng chục tổ chức quốc tế đặt cơ quan đại diện tại Hà Nội). Mối quan hệ thân thiện, hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới được rộng mở như ngày nay có cội nguồn từ trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và những tháng đầu sau khi hoà bình lập lại.


Tối ngày 5-9-1954, Chủ tịch Bồ Chí Minh đến thôn Vai Cày (xã Hùng Cường, Đại Từ, Thái Nguyên) nói chuyện với bộ đội, công an, thanh niên xung phong và cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu...


Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 345, 346).


Ngày 14-9-1954, tại xã La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh tổ chức Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân để quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới và phổ biến những nhiệm vụ trước mắt của quân đội.


Hội nghị xác định phương châm xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước đến chính quy và hiện đại hoá. Để thực hiện tốt phương châm đó, Hội nghị đề ra những công tác cần kíp trước mắt:

1- Củng cố và bồi dưỡng ý chí chiến đấu là một trong những công tác trung tâm hiện nay; 2- Chỉnh quân; 3- Chỉnh huấn quân sự; 4- Giữ vững vũ khí, bảo quản kho tàng, chiến lợi phẩm, quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất của quân đội; 5- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiện toàn cấp ủy, chuẩn bị chi bộ ra công khai.


Thực tế lịch sử đã chứng minh việc chọn Việt Bắc làm căn cứ địa kháng chiến của Trung ương trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là hoàn toàn đúng đắn. Đó là lúc Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, chính quyền dân chủ nhân dân mới ra đời. Dù đã có trên một năm bảo vệ và xây dựng, nhưng khó khăn đối với Nhà nước cách mạng vẫn còn chồng chất, vấn đề xã hội chưa giải quyết được bao nhiêu. Nội bộ nhân dân chưa phải đã hoàn toàn thuộc về chế độ mới. Trong nước không phải nơi nào cũng an toàn.


Trong khi đó, chiến sự ngày càng lan rộng. Lực lượng của địch mạnh hơn ta. Chúng đã lần lượt đánh chiếm nhiều vùng rộng lớn, bao gồm cả các thành phố, các đường giao thông quan trọng. Nhưng ở Việt Bắc lúc bấy giờ, nhiều nơi vẫn chưa có chiến sự lan tới. Riêng Chiến khu I (gồm 4 tỉnh: Phúc Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng) ”... là khu an toàn mà là khu căn cứ địa cho toàn quốc, chưa có địch trực tiếp..."1 (Báo cáo tình hình quân sự (tại Hội nghị đại biểu Liên Khu ủy 1, tháng 7-1948). Xem: Văn kiện của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, 1948, Tập 2, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Khu Tự trị Việt Bắc xuất bản 1970, tr. 14).


Không những thế, xét về phương diện đối ngoại, thông thương quốc tế, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, Việt Bắc có lợi thế hơn bất cứ một nơi nào khác trên đất nước ta. Việt Bắc chính là cửa ngõ tiếp nhận sự viện trợ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.


Việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn căn cứ địa - ATK Trung ương ở Việt Bắc thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, chính xác, sắc sảo; chọn được nơi an toàn nhất, chắc chắn nhất cho các cơ quan đầu não tồn tại vững chắc và lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cũng nhờ đó, Căn cứ địa Việt Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử vẻ vang: bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:18:19 pm »

MẶT TRẬN ĐƯỜNG SỐ 2
TRONG CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU - ĐÔNG NĂM 1947


Đại tá TIÊU XUÂN HỒNG
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang


Thực hiện chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" (12-12-1946) và hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946), cùng với nhân dân cả nước, quân và dân Tuyên Quang khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ củng cố hậu phương, xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu theo khẩu hiệu "Tất cả cho kháng chiến", "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Để đảm bảo an toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, giữ gìn lực lượng và chuẩn bị cơ sở vật chất cho kháng chiến lâu dài, đầu tháng 3-1947, các xí nghiệp, trường học, công binh xưởng và các cơ quan, bộ, ban, ngành của Trung ương, Chính phủ và quân đội lần lượt rời khỏi Hà Nội, di chuyển lên ở và làm việc tại An toàn khu của Trung ương ở Việt Bắc. Hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm được quân và dân Tuyên Quang, cùng quân và dân các tỉnh bạn, bảo vệ, vận chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Cùng thời gian này, nhằm cản bước tiến của địch và hạn chế việc chúng tận dụng cơ sở vật chất của ta phục vụ cho mưu đồ, xâm lược. Trung ương Đảng chủ trương triệt để phá hoại và tiêu thổ kháng chiến... không cho chúng lợi dụng. Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân Tuyên Quang đã thực hiện triệt để phá hoại. Từ tỉnh đến cơ sở, các Ban phá hoại, Ban tản cư được thành lập. Với khẩu hiệu "Mất nhà còn hơn mất nước", "nhà không, vườn trống”, khắp nơi nhân dân hăng hái tham gia công tác tiêu thổ kháng chiến. Công tác phá hoại đường số 2 và thị xã Tuyên Quang được Tỉnh ủy giao cho lực lượng tự vệ thị xã và dân quân du kích các xã xung quanh thực hiện. Đường số 2 là con đường giao thông huyết mạch, có vị trí chiến lược rất quan trọng, xuất phát từ Hà Nội qua Vĩnh Phúc - Phú Thọ, ngược lên Tuyên Quang - Hà Giang và thông ra biên giới Việt - Trung, rất tiện lợi cho địch trong quá trình hành quân để tiến công ta. Với tinh thần "Tất cả cho kháng chiến", chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được 307.000 ngày công, phá được 5.000m2 nhà ở, 1.000 chiếc cầu lớn nhỏ, 22km đương liên tỉnh, 61km đường liên huyện và đào đắp nhiều hào hố, ụ đất chống xe cơ giới, cắm nhiều bãi chông mìn chống địch nhảy dù... Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân các dân tộc Tuyên Quang đã làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu với niềm tin quyết thắng.


Thực hiện chủ trương của Đảng, quyết định của Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, tháng 4-1947, Tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Tuyên Quang.


Tháng 10-1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc theo kế hoạch, hai gọng kìm (phía Đông và phía Tây) của địch dự định sẽ hội quân tại Đài Thị - Chiêm Hóa vào trung tuần tháng 10-1947.


Ngày 13-10-1947, binh đoàn Com-muy-nan đến được thị xã Tuyên Quang, gọng kìm phía Tâv của Pháp đã hình thành rõ rệt. Từ thị xã Tuyên Quang, để lên được Đài Thị - Chiêm Hoá, chúng phải hành quân theo Đường số 2 tới km 31 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) rẽ phải, vượt phà Bợ lên Chiêm Hoá, qua Đầm Hồng để lên Đài Thị. Mặt khác, ca nô, tàu chiến địch sẽ chở quân ngược sông Lô, quặt qua sông Gâm rồi lên Đài Thị, Chiêm Hoá.


Để bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, giữ vững quân chủ lực và các cơ sở kháng chiến, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng chỉ huy chủ trương dùng phương thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", kết hợp giữa lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương đánh địch trên đường hành quân, ở tất cả các mặt trận (Đường số 3, Đường số 4 và Mặt trận Sông Lô và đường số 2), tiêu hao sinh lực địch, bẻ gãy hai gọng kìm của chúng.


Đường số 2 và con đường từ km 31 đi Chiêm Hóa là một trong những con đường chuyển quân tiếp tế trọng yếu của địch. Chiêm Hóa - nơi địch dự định hội quân giữa hai gọng kìm, là đỉnh tháp của Mặt trận Sông Lô - Đường số 2. Việc đánh địch trên Đường số 2 có ý nghĩa quan trọng không chỉ là việc bẻ gãy gọng kìm phía Tây của địch, mà còn góp phần làm thất bại ý đồ hội quân của chúng, làm phá sản toàn bộ kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp.


Chiêm Hoá, từ đầu năm 1947, đã là nơi ở và làm việc của nhiều cơ quan Trung ương, các Bộ, ban, ngành của Chính phủ; các cơ sở quân giới... Việc đánh địch ở Chiêm Hóa là nhằm bảo vệ an toàn cho cơ sở này, nằm giữa căn cứ địa kháng chiến. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, công tác chuẩn bị đánh địch, tham gia kháng chiến kiến quốc ở Chiêm Hóa được chuẩn bị rất tích cực. Huyện Chiêm Hóa xây dựng một trung đội cảnh vệ 30 người, một đội du kích thoát ly 40 người, do đồng chí Hường, người dân tộc Dao chỉ huy.


Khi địch tấn công lên Tuyên Quang, nhân dân đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Dân quân, du kích xây dựng một số bãi chông chống địch nhảy dù ở Yên Nguyên, huyện lỵ và Đầm Hồng, lập các "Trạm gác trong búa nứa" canh gác chặt chẽ những nơi xung yếu.


Trung đoàn 112 (Hà Tuyên) của Khu 10, được lệnh phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh địch trên đường bộ và đường sông Lô, sông Gâm, Chiêm Hóa (thành lập từ đầu năm 1946) gồm 3 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 1 (d508) đóng tại Tuyên Quang, Tiểu đoàn 2 (d718) đang hoạt động ở Hà Giang, Tiểu đoàn 3 mới thành lập, một đại đội trợ chiến, một đại đội vệ binh và một đội trinh sát, do đồng chí Bế Sơn Cương làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Thuỳ làm Chính trị viên và đồng chí Mai Trung Lâm làm Trung đoàn phó.


Theo đó, Trung đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hai đại đội hoạt động đánh địch xung quanh thị xã và dọc sông Lô lên tới Xuân Vân (ngã ba sông Lô - sông Gâm, cách thị xã trên 10km), bảo vệ cơ quan lãnh đạo tỉnh và sở chỉ huy trung đoàn; một đại đội phối hợp cùng du kích, tự vệ đánh địch từ km 5 trên Đường số 2 đi Hà Giang, một đại đội khác được lệnh hành quân gấp lên Đầm Hồng - Đài Thị (Chiêm Hoá) để đánh địch từ Chợ Đồn (Bắc Kạn) sang. Tiểu đoàn 718 được lệnh từ Hà Giang về Chiêm Hóa cùng quân, dân địa phương đánh địch cả lúc chúng tiến công lẫn lúc chúng rút lui.


Một đại đội từ Tuyên Quang hành quân gấp lên Chiêm Hoá, phối hợp cùng dân quân; du kích địa phương, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Đầm Hồng đánh địch.


Chiếm được thị xã Tuyên Quang, quân Pháp có bàn đạp để thực hiện cuộc hành quân lên Chiêm Hoá. Ngày 18-10-1947, địch huy động hai đại đội tiến quân thăm dò trên quôc lộ 2. Tự vệ, du kích địa phương phục kích tại km 5, tiêu diệt hơn 10 tên, buộc chúng phải co cụm về thị xã Tuyên Quang.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:19:00 pm »

Phán đoán thế nào địch cũng hành quân lên Chiêm Hóa theo Đường sông Lô và đường bộ, lực lượng ta tích cực chuẩn bị chặn đánh cuộc hành quân của tiểu đoàn 3, do thiếu tá Ke-ga-va-rát chỉ huy, trên sông Lô và sông Gâm; đồng thời bộ đội, du kích tự vệ khẩn trương triển khai các trận phục kích trên đường số 2 và đường đi Chiêm Hoá. Tự vệ Tuyên Quang xây dựng trận địa phục kích bằng địa lôi tại km 7 đường Tuyên Quang - Hà Giang (thuộc xã Trung Môn - Yên Sơn). Đây là một đoạn đường dốc, hai bên là rừng rậm, phía trước (từ Tuyên Quang lên) có cây cầu đã bị đánh sập khi ta thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Đỉnh dốc cao, cho phép ta có thể quan sát địch từ xa. Bốn quả bom ta thu được trong những trận đánh trước, đã được cải tạo lắp kíp nổ bằng điện thành địa lôi. Năm tự vệ của đội tự vệ Thành Tuyên được trao nhiệm vụ phụ trách trận địa phục kích. Ký tín hiệu liên lạc của tổ chiến đấu hết sức đơn giản, được thực hiện bằng các dây sắn rừng, truyền từ điểm quan sát tới nhóm có nhiệm vụ điểm hoả. Một đơn vị bộ đội được bố trí cách trận địa phục kích khoảng 10km, sẵn sàng đánh địch khi chúng vượt qua trận địa phục kích của tự vệ Tuyên Quang.


Khoảng gần 10 giờ sáng ngày 22-10-1947, gần 500 tên địch cùng đoàn lừa, ngựa, vận tải (thuộc Tiểu đoàn do Lơ Giốt chỉ huy) lọt vào trận địa phục kích. Lệnh điểm hoả được phát ra, 3 trong 4 quả địa lôi nổ trùm lên đội hình hành quân của quân Pháp. Xác địch, xác lừa, ngựa, vũ khí văng khắp nơi, vắt cả lên ngọn cây ven đường. Kết quả, 72 tên địch chết tại chỗ hơn 30 tên khác bị thương nặng. Tự vệ Tuyên Quang rút lui an toàn.


Nắm chắc địch bị thiệt hại nặng, khó có thể tiếp tục hành quân được, 2 trung đội bộ đội ở trận địa phục kích phía sau đã luồn rừng về km 5 tổ chức đánh tiếp một trận, tiêu diệt thêm 30 tên nữa khi chúng rút về thị xã Tuyên Quang.


Trận địa lôi ở km số 7 - "tiếng nổ của hoả ngục" như lính Pháp thừa nhận, đã bẻ gãy cuộc hành quân của địch. Đó cũng là trận đánh sáng ngời quyết tâm, ý chí "dùng vũ khí địch đánh địch", quyết đánh thắng quân Pháp bằng mọi cách, bằng mọi phương tiện - với tinh thần chủ động, sáng tạo. Những quả địa lôi đã trở thành ám ảnh trên khắp các ngả đường hành quân của địch, làm cho chúng khiếp đảm tới mức gọi Tuyên Quang là "nghĩa địa khổng lồ" và than thở "sẽ còn rất nhiều cây thập ác bằng gỗ mọc lên trong nghĩa địa khổng lồ Tuyên Quang".


Liên tục bị chặn đánh và bị mắc cạn, quân lương thiếu thốn, binh lính mệt mỏi, chiều ngày 19-10-1947, một bộ phận quân địch theo sông Lô, sông Gâm mới tới được xã Hợp Hoà (cách huyện lỵ Chiêm Hóa 9km). Từ đây, chúng theo đường mòn tiến vào chiếm đóng huyện lỵ Chiêm Hoá. Vài ngày sau đó, cánh quân bộ, sau khi vượt phà Bợ, bị đánh ở Cầu Cả, Đèo Gà, chật vật lắm mới lên được Chiêm Hoá. Từ Chiêm Hoá, địch tung quân càn quét các vùng xung quanh huyện lỵ và liều mạng tiến lên Đầm Hồng, Đài Thị tìm gặp cánh quân phía Đông. Tiếng súng đánh địch ở Chiêm Hóa vang lên khắp nơi. Không cho địch thực hiện mục tiêu hành quân, đêm 19-10, khi địch định tập kích vào phía sau đội hình của bộ đội chủ lực và Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Đầm Hồng, ta đã chủ động xây dựng trận địa phục kích ở km số 4, diệt 14 tên. Sau khi chiếm Đầm Hồng, ngày 20-10-1947, Com-muy-nan liều mạng cho một bộ phận tiến lên Đài Thị. Nhưng đã quá muộn, cánh quân phía Đông của Bô-phơ-rê đã rút. Kế hoạch hội quân của 2 gọng kìm phía Tây và phía Đông tại Đài Thị (Chiêm Hoá) thất bại. Đây là thất bại của "sự mạo hiểm của kế hoạch hành binh" lên Việt Bắc của thực dân Pháp.


Không hợp được với cánh quân phía Đông như dự định, lại luôn luôn bị dân quân du kích địa phương và Trung đoàn 112 phục kích, tập kích, quấy phá, cánh quân Com-muy-nan mất tinh thần chiến đấu, tìm đường rút lui.


Phán đoán thế nào địch cũng phải rút khỏi Chiêm Hóa về Tuyên Quang, Bộ Tư lệnh Khu 10 chỉ thị cho các đơn vị, địa phương tăng cường chiến tranh du kích, đánh địa lôi trên đường số 2, đồng thời chuẩn bị một trận phục kích lớn trên sông Lô, ở phía Bắc Tuyên Quang, nhằm tiêu diệt tàu địch.


Ngày 24-10-1947, Ban chỉ huy Trung đoàn 112 lệnh cho Tiểu đoàn 718 ở Hà Giang về gấp Chiêm Hóa để đánh địch trên đường rút lui. Ngày 28-10, phần lớn Tiểu đoàn 718 về tới ngòi Quang (Xuân Quang - Chiêm Hoá). Ngay đêm 28-10, nhân dân và du kích tự vệ địa phương đã dùng mảng nứa, thuyền đưa tiểu đoàn vượt sông lên tập kết tại một địa điểm cách Đầm Hồng 4 km (khu vực Vật Nhèo). Ngày 29-10, một tổ cán bộ được cử đi trinh sát địa hình, tìm địa điểm phục kích địch rút từ Đầm Hồng về Chiêm Hoá.


Với lực lượng gần 4 đại đội, quân ta bố trí 2 trận địa phục kích; 1 trên đường bộ (dài gần 1km) phía dưới Đầm Hồng khoảng 4km; 1 tại Vật Nhèo, đánh địch rút bằng tàu chiến, ca nô trên sông Gâm, hai điểm cách nhau khoảng 400m.


Một giờ chiều ngày 1-11, toán quân bộ lọt vào trận địa phục kích; sau gần một giờ chiến đấu, ta diệt hơn 60 tên.


Quân địch phải dạt xuống bờ sông tháo chạy về Chiêm Hoá. Cùng lúc, 2 ca nô của địch cũng xuôi xuống Vật Nhèo; ta nổ súng, cả hai chiếc ca nô đều bị trúng đạn, một chiếc bốc cháy chìm ngay tại chỗ. Chiếc thứ hai định dạt vào bờ, bị ta đánh tiếp, hốt hoảng quay đầu tháo chạy, đâm phải thành đá và cũng bị chìm luôn. Dân quân cùng bộ đội nổ súng tiêu diệt nốt những tên còn sống sót. Trong hai trận đánh này, ta tiêu diệt gần 200 tên, bắn chìm 2 ca nô, thu nhiều vũ khí.


Sau thất bại đó, quân Pháp tập trung về huyện lỵ Chiêm Hóa tiếp tục tính kế rút về Tuyên Quang. Phán đoán địch sẽ rút bằng cả đường thủy lẫn đường bộ, hai đại đội bộ đội chủ lực từ Đầm Hồng qua Chinh, Cham, vượt sông Gâm (phía dưới huyện lỵ khoảng 10km) cắt đường rừng qua Nhân Lý về Yên Nguyên. Dân quân du kích các xã Yên Nguyên, Hoà Phú dẫn đường giúp bộ đội xây dựng trận địa phục kích dài gần 1km, suốt từ chân Đèo Gà (hướng Tuyên Quang) tới Cầu Cả. Trận địa chính bố trí cách Cầu Cả 500m (là đoạn đường độc đạo, hẹp, gần chân núi). Bốn giờ chiều ngày 5-11-1947, quân Pháp lọt vào trận địa phục kích. Sau gần 2 giờ chiến đấu quyết liệt, ta tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên. Không dám tiếp tục hành quân trong đêm tối, đêm 5-11, quân Pháp phải thu quân, thiêu hủy xác chết. Sáng ngày 6-11, chúng chia làm hai toán: một toán chở những tên bị thương theo ngòi Pác Nhung ra sông Lô, xuống ca nô về xuôi; phần lớn lực lượng còn lại tiếp tục hành quân trên bộ ra phà Bợ (thuộc Bình Xa - Hàm Yên). Bộ đội ta tiếp tục phục kích, truy kích địch trên đường ra km 31 (đường Tuyên Quang - Hà Giang).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:19:33 pm »

Đêm 7-11 quân ta tập kích bằng hoả lực cối, trung liên vào quân địch dừng nghỉ ở chợ Bợ làm chúng hoảng loạn suốt đêm. Sáng ngày 8-11, một đại đội địch chia làm hai cánh tập kích vào Sở chỉ huy Trung đoàn 112 đóng ở Đồi Đá (cách chợ Bợ gần 1km). Trung đội vệ binh chiến đấu, đánh lui cuộc tập kích của địch, tiêu diệt hơn mười tên. Sau khi vượt sông Lô, quân Pháp tiến thẳng ra km 31 và tiếp tục bị truy kích. Đội du kích tập trung của Hàm Yên được điều xuống cùng dân quân, du kích các xã Thái Hoà, Đức Ninh... phối hợp với bộ đội phục kích trên đường rút lui từ km 31, theo đường số 2 về Tuyên Quang.


Trung đội du kích Hàm Yên (khoảng 50 người) được trang bị súng trường, địa lôi, lựu đạn... bố trí phục kích địch trên đoạn đường từ km 24 đến km 21 (thuộc xã Đức Long, nay là xã Đức Minh - Hàm Yên). Hai quả địa lôi được chôn tại km 21 và km 23,5. Sau khi vấp địa lôi tại km 29, bị chết một số tên, khoảng 14 giờ ngày 9-11, toán quân đầu tiên của địch đi tới km 24. Du kích giật dây nhưng địa lôi không nổ. Địch kéo xuống đến km 23,5, quả địa lôi thứ hai nổ, đội hình địch rối loạn. Chiều tối, sau khi gọi máy bay bắn phá dọc đường từ km 21 đến km 25, quân Pháp co cụm lại đóng quân tại km 21.


Ngày 10-11, quân Pháp vẫn tiếp tục rút từ phà Bợ về. Đêm 10-11, một đại đội bộ đội hành quân về Đức Long cùng dân quân, du kích tiếp tục chiến đấu. Tại chiếc cầu gần km 24, ta chôn 3 quả địa lôi, bố trí 1 trung đội cùng trung đội du kích phục sẵn 2 bên đường, 2 trung đội khác phục kích tại km 24,5. Sáng sớm 11-11, quân Pháp ở km 21 quay ngược lại đón đồng bọn ở chợ Bợ rút về. Địch cho một toán nhỏ đi trên đường quốc lộ để nghi binh, toán thứ hai đông hơn đi theo đường rừng. Phát hiện trận địa phục kích của ta bên dưới cầu km 24, quân Pháp bí mật bao vây, tập kích. Trung đội du kích và trung đội bộ đội chủ lực phải chiến đấu phá vòng vây, rút lui. Địch tiếp tục nống lên tới km 24,5, bị bộ đội ta đánh trả quyết liệt, hơn 30 tên thiệt mạng. Quân Pháp lại co cụm về km 21. Cùng ngày, những toán quân đi sau cũng rút về đóng quân tại km 21. Phần lớn lực lượng của Tiểu đoàn 781 tập kết tại Đức Long. Bộ đội và du kích cũng phối hợp truy kích địch làm cho chúng hoảng sợ, phải bỏ quốc lộ, cắt rừng qua Lăng Quán, men theo bờ sông rút về thị xã Tuyên Quang. Ngày 19-11-1947, những toán quân cuối cùng của binh đoàn Com-muy-nan mới rút về tới thị xã Tuyên Quang. Tiếng súng đánh địch trên Đường số 2 (thuộc địa phận Tuyên Quang) tạm ngừng.


Trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, góp phần bẻ gãy gọng kìm sông Lô của quân Pháp, trên Đường số 2, km 31 đường đi Chiêm Hoá, quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu 48 trận, trong đó có 30 trận đánh độc lập; loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch; bắn cháy và bắn chìm 10 ca nô, tàu chiến; phá hủy 1 máy bay; thu nhiều vũ khí trang bị và đồ dùng quân dụng. Những trận đánh này thể hiện rõ sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Đó cũng chính là minh chứng cho sức mạnh của cuộc chiến tranh du kích đánh thắng những cuộc hành quân lớn của địch và minh chứng hiệu quả của chiến thuật "du kích vận động chiến". Dân quân, du kích địa phương trưởng thành lên rất nhiều sau một thời gian quyết tâm dùng vũ khí địch diệt địch. Đánh địch bằng mọi cách đánh để bảo vệ địa bàn, bảo vệ căn cứ địa kháng chiến. Lực lượng vũ trang huyện Hàm Yên đã độc lập tác chiến 7 trận, phối hợp chiến đấu 2 trận, tiêu diệt gần 200 tên Pháp, thu một số vũ khí, trang bị và đồ dùng quân dụng.


Những trận phục kích nhanh, gọn, hiệu suất cao trên quốc lộ số 2 (km 7, km 24,5, km 29...); trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (Đầm Hồng, Vật Nhèo, Cầu Cả) đã góp phần làm phá sản kế hoạch hội quân của địch, bẻ gãy cuộc hành quân lên Chiêm Hoá; góp phần làm nên chiến thắng Sông Lô, chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 của quân và dân Tuyên Quang và quân, dân Khu 10.


Có được thành tích nêu trên, trước hêt là có đường lối đúng đắn của Đảng, sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ Tuyên Quang vào thực tế địa phương và sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đặc biệt có sự giúp đỡ, phối hợp chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực của Khu đóng quân trên địa bàn tỉnh.


Hơn sáu mươi năm qua, từ khi những cơ sở cách mạng đầu tiên được hình thành; quân và dân các dân tộc Tuyên Quang vẫn một lòng trung thành, vượt qua mọi thử thách, đưa đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Đánh giá thành tích qua các thời kỳ của tỉnh Tuyên Quang, trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: "Trong cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh gian khổ của nhân dân ta, Tuyên Quang là một địa bàn chiến lược, một căn cứ địa vững chắc với khối đoàn kết của 22 dân tộc anh em - ở đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng của cách mạng nước ta. Tuyên Quang, với khu Tân Trào lịch sử, là cái nôi ra đời của chính quyền cách mạng của nước ta, là một trong những An toàn khu của Trung ương tại Việt Bắc, nơi Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ oanh liệt, đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi lẫy lừng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tuyên Quang đã cùng với Hà Giang đóng góp sức người, sức của, thiết lập chiến công to lớn góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, trong hoàn cảnh đất nước ta có nhiều khó khăn và tình hình quốc tế diễn ra rất phức tạp, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phấn đấu giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường đoàn kết cộng đồng các dân tộc anh em, cùng nhân dân cả nước hăng hái thực hiện công cuộc đổi mới, đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:22:39 pm »

CHIẾN THẮNG SÔNG LÔ NIỀM TỰ HÀO CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG PHÚ THỌ TRONG CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU - ĐÔNG 1947


Đại tá LÊ QUANG ĐẠI
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ


Hè - Thu năm 1947, thực dân Pháp âm mưu tiến công lớn trên chiến trường Bắc Bộ. Ngày 15-9-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Sửa soạn phá những cuộc tiến công lớn của địch". Ngày 27-9-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4, do Bộ Tổng chỉ huy triệu tập, phán đoán Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính. Nếu địch không mạo hiểm sẽ đánh đồng bằng, nếu mạo hiểm chúng sẽ đánh lên Việt Bắc. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 10 đã họp và vạch ra phương hướng thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và xác định rõ hướng tiến công chính của địch vào Khu 10 sẽ là đường sông Lô, vì đây là con sông quan trọng nằm trong căn cứ địa Việt Bắc. Nước sông sâu, dòng chảy chậm, ít ghềnh thác, tàu thuyền chạy từ Hà Nội lên vào cửa sông Lô ở Việt Trì để ngược lên Tuyên Quang, Hà Giang ngay cả trong mùa khô, kể cả các loại tàu 500 tấn. Phía hữu ngạn sông Lô có đường số 2 chạy song song với sông Lô. Vùng Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là vùng An toàn khu có nhiều kho tàng và công xưởng cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ ở và làm việc. Nếu chiếm được sông Lô và kiểm soát được quốc lộ 2, địch sẽ chia cắt được căn cứ địa Việt Bắc; đồng thời tạo được thế bao vây uy hiếp hết sức nguy hiểm đối với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 4-10-1947, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 10 đã họp ở Phan Lương, gần bờ sông Lô. Sau hội nghị này, không khí chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu sôi nổi trong các đơn vị bộ đội, dân quân du kích, nhất là các địa phương hai bên bờ sông Lô. Khẩu hiệu "Phá tan cuộc tấn công Thu - Đông của giặc" được nêu lên ở khắp mọi nơi trong toàn tỉnh. Lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Thọ sẵn sàng phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực.


Trước đó, từ đầu năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi phá hoại để kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các xã ven sông Lô ở Phú Thọ đã thực hiện "Vườn không nhà trống", người già và trẻ em sơ tán vào vùng sâu. Lực lượng vũ trang đã giúp dân "Lập làng kháng chiến'', dỡ bỏ nhà gạch, rào làng, phá đường vào làng, phá cầu, gài mìn, cắm chông, cạm bẫy, làm kè ngăn sông, cắm cọc nhọn chống quân nhảy dù... Các địa điểm ghi tên cột nước chỉ đường cũng được du kích Phú Thọ dỡ bỏ. Tấm biển chỉ đường đi Tuyên Quang, chôn ở Đầu Lô (Đoan Hùng), được dân quân di chuyển lên chỗ đường Thác Bà - Yên Bái để đánh lừa địch. Những việc làm đó thể hiện sự sáng tạo, mưu trí của lực lượng vũ trang Phú Thọ trong quá trình chuẩn bị chống giặc. Đêm đêm, trên quốc lộ 2, rực sáng ánh đuốc và tiếng hò reo phá đường chặn giặc của thanh niên nam nữ du kích quân Phú Thọ. Bộ đội, dân quân, nhân dân tham gia di chuyển kho tàng, công xưởng vào nơi an toàn hơn. Bộ đội và nhân dân phải khiêng vác hàng ngàn tấn phương tiện, đi xuyên rừng núi cả ngày và đêm, vừa đi vừa phá bụi, chặt cây mở đường. Khắp các làng mạc, rừng núi, đồng ruộng, sông ngòi, đường sá ven bờ sông Lô và quốc lộ 2 đều sục sôi không khí chuẩn bị chiến đấu. Nhân dân và lực lượng vũ trang các huyện Phù Ninh, Hạc Trì đã huy động tối đa nhân tài vật lực để phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương Đất Tổ. Dân quân du kích Phú Thọ được củng cố tổ chức, trang bị thêm khí giới, làm nhiệm vụ canh gác tuần tra, trinh sát giúp bộ đội chuẩn bị trận địa, làm nhiệm vụ nghi binh phối hợp chiến đấu bảo vệ xóm làng. Trên tuyến sông Lô, làng nào cũng có một đội du kích cùng hàng chục dân quân. Tiểu đoàn 420 của tỉnh, với vũ khí thô sơ, phân tán xuống các huyện Phù Ninh, Hạc Trì cùng dân quân du kích các địa phương ven sông Lô bố trí trận địa, bám sát địch, sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2021, 03:23:34 pm »

Lực lượng pháo binh Khu 10 được bố trí cơ động ở ba khu vực: 1 trung đội pháo ở Đoan Hùng có 1 khẩu ĐKZ 75mm, 1 trung đội pháo ở Phan Lương có 1 khẩu sơn pháo 75mm, 1 trung đội pháo ở Bình Ca có 1 khẩu pháo 75mm. Ngoài ra, 1 khẩu 37mm được đặt ở núi Dùm (khu vực Tuyên Quang) và 2 trung đội pháo bố trí ở phía sông Thao.


Tại Đoan Hùng, ta bố trí trận địa chiến đấu dài 5km, từ núi Đôn đến nhà thờ Vân Cương, dọc bờ sông Lô, quanh khu vực ngã ba sông Lô, sông Chảy, nơi được coi là một trong những cửa ngõ của căn cứ địa Việt Bắc. Trận địa pháo Voi Gầm bố trí tại các điểm Lã Hoàng, Ngọc Chúc (xã Chí Đám - Đoan Hùng), Gò Đồn (xã Thọ Sơn) để thực hiện tác chiến hiệp đồng với bộ binh, công binh. Trận địa giả được xây dựng ở xã Hữu Đô, Đại Nghĩa. Tỉnh đội Phú Thọ và huyện đội Đoan Hùng, xã đội các xã cùng với chính quyền địa phương huy động nhân dân các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ, Vân Cương, Thọ Sơn, Hùng Long, Sóc Đăng, Vụ Quang... thu gom củi rác, rơm rạ đưa vào trận địa giả, chất thành 23 đống lớn, mỗi đống khoảng 8 - 10m3, cách nhau hơn 20m, lấy nhựa cây trám làm chất bén cháy. Hàng chục chiếc thùng sắt lớn bên trong chứa sẵn thuốc pháo được bố trí tại trận địa giả. Nhân dân các địa phương Đoan Hùng còn chuẩn bị trống, mõ, kẻng và cả chuông nhà thờ, sẵn sàng khua vang khi có hiệu lệnh. Nhân dân Chí Đám, Hữu Đô hái hàng trăm quả bưởi dùng nhọ nồi trộn dầu bôi đen, xâu lại thành từng chuỗi để giả làm thủy lôi lừa địch. Lực lượng vũ trang Phú Thọ còn dùng gỗ sơn đen giả làm pháo, bố trí ven sông ở từng chặng để đánh lừa địch. Bộ đội và dân quân du kích Đoan Hùng ngày đêm bám sát trận địa. Chính quyền các cấp còn huy động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ bộ đội tỉnh và Khu chiến đấu. Nhân dân xã Chí Đám đã cử ra ban tiếp tế làm công tác hậu cần, trực tiếp phục vụ bộ đội như xay thóc, giã gạo, nấu cơm, đưa nước ra trận địa...


Ngày 7-10-1947, quân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Chúng tiến công lên Việt Bắc theo hai hướng: hướng Đông, một binh đoàn tiến công từ Lạng Sơn lên Cao Bằng về Bắc Kạn, Tuyên Quang. Hướng Tây, một binh đoàn tiến công lên Việt Trì, Tuyên Quang hình thành hai gọng kìm bao vây Việt Bắc. Ngày 10-10-1947, giặc Pháp từ Sơn Tây vượt sông Hồng sang đánh chiếm Việt Trì làm đầu cầu đón bọn thủy chiến từ Hà Nội ngược lên Đoan Hùng, Tuyên Quang. Tiếng súng của quân xâm lược Pháp bắt đầu nổ trên bến Hạc Trì. Ta không chủ trương ngăn chặn địch ở Việt Trì, do vậy địch vào đây dễ dàng, chúng rất chủ quan. Ngày 11-10-1947, đoàn tàu chiến của địch từ Việt Trì xuất phát ngược sông Lô. Sáng 12-10, chúng đã tới địa phận Sóc Đăng, vướng phải kè ngầm cả đoàn tàu phải dừng lại để khắc phục... Vượt khỏi kè Sóc Đăng, địch tiến công dè dặt hơn. Tới Đoan Hùng, pháo binh của ta chĩa nòng xuống bắn, song do pháo hỏng hóc, tàu địch vẫn nguyên vẹn. Chúng tiếp tục ngược Tuyên Quang. Khi tiến công lên sông Lô, sau những lần bị bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương Phú Thọ chặn đánh, ngoài lực lượng tàu chiến, chúng dùng bộ binh càn quét hai bên bờ sông. Bộ binh giặc đánh ra Cầu Hai, đóng bốt ở Trạm Thản, đóng quân ở Đoan Hùng. Bộ đội địa phương Phú Thọ phối hợp tập kích với chủ lực phá tan bốt giặc ở Trạm Thản, tập kích vào Đoan Hùng...


Thực hiện chủ trương của Đảng "Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp", bộ đội địa phương Phú Thọ đã có nhiều trận đánh phối hợp đạt hiệu quả cao.


Ngày 23-10-1947, giặc Pháp dùng tàu vận tải chở quân và hàng tiếp viện theo Đường sông Lô lên Tuyên Quang, bị bộ đội của ta ở trận địa pháo làng Khoan Bộ (Lập Thạch - Vĩnh Yên) chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt nhiều tên trên tàu. Trong trận này, dân quân du kích xã Tràng Sảo (Phù Ninh) đã phối hợp chiến đấu chặt chẽ với lực lượng pháo binh. Trước những đòn đánh dồn dập, mạnh mẽ của ta, bọn địch đang càn quét trong làng An Đạo, Bình Bộ (Phù Ninh) hoảng sợ chạy ra khỏi làng.


Được điện báo của đồng bọn bị đánh ở Khoan Bộ, ngày 24-10-1947, quân địch ở hướng Tây vội vã ra lệnh cho một đoàn tàu gồm 5 chiếc chở đầy lính, có 6 máy bay yểm trợ, từ Tuyên Quang xuôi dòng sông Lô về đón đồng bọn. Về phía ta, Khu 10 hạ quyết tâm phối hợp với bộ đội địa phương Phú Thọ phải bắn chìm từ 1 đến 2 tàu giặc để củng cố tinh thần chiến đấu của nhân dân. Một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn Sông Lô bố trí dọc tuyến ngã ba sông Lô, sông Chảy đến làng Lã Hoàng, sẵn sàng đánh địch từ dưới sông lên và chặn địch tiếp viện tới bằng đường bộ. Một đại đội phòng không của ta sử dụng súng đại liên đặt trên các mỏm đồi xung quanh trận địa pháo để đón đánh máy bay địch. Các trung đội dân quân du kích địa phương làm công tác nghi binh. Dân quân du kích làng Chí Đám (Đoan Hùng) đem bưởi đã bôi đen, xâu thành từng chuỗi giăng nhiều đoạn ngang sông giả làm thủy lôi để ngăn bước tiến của giặc. Dân quân du kích làng Hữu Đô (tả ngạn sông Lô) chuẩn bị nhiều đám khói nghi binh, thu hút bom đạn của phi pháo địch. Dân quân du kích Bằng Luân làm nhiệm vụ cảnh giới, tuần tra, đốt pháo cối trong thùng sắt để uy hiếp tinh thần địch và sẵn sàng nổ súng tiêu diệt chúng. Ba khẩu Ba-dô-ca vừa sản xuất ở xưởng vũ khí Sài Lĩnh cũng được điều động đến phối hợp chiến đấu với pháo binh. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương Phú Thọ trên trận địa đều nung nấu ý chí quyết tâm bắn chìm tàu chiến của giặc, để trả thù cho đồng bào An Đạo, Bình Bộ vừa bị chúng tàn sát ngày 23-10-1947.


Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 24-10-1947, nghe tiếng chuông báo động liên hồi từ phía đài quan sát, bộ đội ta nhanh chóng về vị trí chiến đấu. Chiếc máy bay Ca-ta-li-a của giặc bay sát mặt sông để trinh sát. Tiếp theo, 6 chiếc máy bay khu trục Hen-cát bay tới. Trinh sát của Khu 10 báo tin một đoàn tàu chiến gồm 5 chiếc của địch từ Tuyên Quang xuôi Đoan Hùng, đi đầu là chiếc LCM, tiếp theo là 2 chiếc LCT, sau cùng là 2 chiếc LCVP. Đúng 12 giờ trưa, chiếc LCM xuất hiện chỗ ngoặt của sông, tiến vào khu vực trận địa phục kích của khẩu đội pháo. Lập tức, hiệu lệnh chiến đấu được phát ra. Tiếng trống, mõ, kẻng, chuông rung lên liên hồi giục giã, xen lẫn tiếng nổ vang trời của các loại súng của bộ đội địa phương Phú Thọ. Cùng lúc đó, lửa khói bốc lên nghi ngút ở trận địa nghi binh. Pháo binh của ta bắn đến phát thứ ba thì đạn trúng giữa thân tàu, chiếc LCM vừa trôi vừa từ từ chìm nghỉm xuống dòng sông Lô. Đoàn tàu địch hoảng hốt chạy toả ra hai bên bờ sông. Một chiếc LCT vượt lên trước, lượn sát bờ tây sông Lô, đúng vào tầm bắn của ta. Khẩu đội pháo bắn liền ba phát đều trúng giữa thân và mũi tàu, làm đạn dự trữ trên tàu giặc nổ tung, nhiều tên hoảng hốt nhảy xuống sông. Dưới làn bom đạn của không quân và thủy đội địch, các chiến sĩ pháo binh, bộ binh của chủ lực và bộ đội địa phương Phú Thọ vẫn không rời trận địa. Trên bờ, lau sậy bốc cháy, dưới sông, tàu địch bốc cháy, dầu xăng chảy lênh láng mặt nước. Cả một khúc sông mịt mù khói lửa. Tàu chiến địch bị ghìm trên mặt sông. Máy bay địch bổ nhào xuống ném bom bắn phá trận địa nghi binh ở khu vực Hữu Đô. Chiếc máy bay Ca-ta-li-a lao ra mặt sông định cứu vớt đồng bọn, liền bị hoả lực của ta bắn bị thương và rơi ở Tuyên Quang. Chiếc LCVP đi cuối đội hình vội vã quay ngược mũi tàu chạy về phía Tuyên Quang, bỏ mặc hai chiếc bị thương chết máy trôi bồng bềnh trên mặt sông. Do mặt sông mù mịt khói lửa, hạn chế tầm quan sát của bộ đội, nên hai chiếc tàu bị hỏng đã trôi thoát qua trận địa phục kích trên bờ. Khi phát hiện ra, khẩu đội pháo binh của ta kéo pháo từ trận địa dưới mép nước lên bờ sông bắn được hai phát thì tàu địch đã trôi ra xa. Số địch nhảy ào xuống sông, phần bị pháo ta bắn tiêu diệt, phần bị bộ binh ta trên bờ bắn. Máu giặc loang đỏ dòng sông Lô. Giặc Pháp phải căng lưới thép ở đoạn sông Việt Trì để vớt xác binh lính của chúng.


Trong trận đánh này, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, cách đánh mưu trí, sáng tạo, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, quân và dân Đoan Hùng đã tiêu diệt hơn 300 tên giặc, bắn chìm 2 tàu chiến, bắn bị thương 2 chiếc khác, bắn rơi 1 thủy phi cơ, thu 1 khẩu pháo 100mm, 10 súng cối, 4 trọng liên, hàng chục trung liên, 200 súng trường và tiểu liên cùng nhiều đạn dược và trang thiết bị khác.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM