Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:02:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947-Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt  (Đọc 7153 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #170 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:41:02 pm »

Đúng như dự đoán của ta, trưa ngày 24-10-1947, một đoàn thủy binh gồm 5 tàu chiến chở đầy quân, có máy bay yểm trợ trên đường từ Tuyên Quang về xuôi theo dòng sông Lô. Đến Chí Đám (Đoan Hùng), chúng bị pháo binh, bộ binh, dân quân du kích các xã Chí Đám, Hữu Đô và các xã lân cận đồng loạt nổ súng, kết hợp thả thủy lôi giả (bằng quả bưởi) trên sông, nổ pháo trong thùng sắt, đánh kẻng, gõ mõ liên hồi và đốt củi khói mù mịt uy hiếp, tinh thần quân giặc. Trông thấy những quả bưởi được gọt vỏ, bôi đen nhấp nhô trên dòng nước phía Hữu Đô, đám thủy thủ hoảng hốt tưởng thủy lôi vội lái tàu chạy sang phía bờ sông giáp Thọ Sơn. Nhân thời cơ này, chủ lực ta bố trí sẵn mấy khẩu pháo sát mép nước tức thời khai hoả. Kết quả, 2 chiếc tàu chiến bị cháy và chìm tại chỗ, 1 chiếc ca nô bị thương, hơn 300 tên địch bị tiêu diệt cùng nhiều loại vũ khí và quân trang, quân dụng bị phá và bị thu.


Chiến thắng sông Lô đã làm nức lòng nhân dân cả nước, nhất là quân và dân Phú Thọ. Thắng lợi trên Mặt trận Sông Lô trở thành nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ quân và dân ta trên khắp các mặt trận trong những ngày đầu kháng chiến, tạo thêm niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc nhất định thành công.


Chiến thắng sông Lô khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh do Đảng ta chủ trương và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Lần đầu tiên ta tổ chức thắng lợi chiến dịch phản công cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp, có quân đội nhà nghề với trang bị hiện đại, trong khi ta còn nghèo nàn lạc hậu, trang bị thô sơ thiếu thốn; kinh nghiệm chiến đấu còn ít. Có được thắng lợi này là do Đảng ta đã xây dựng được khối đoàn kết, huy động được sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc chiến đấu, phát huy được truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ vì đất nước.


Chiến thắng sông Lô còn thể hiện nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, biết kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ hàng ngàn năm của dân tộc. Để đối chọi với một kẻ thù mạnh hơn mình và âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của chúng, Đảng ta chỉ đạo quân và dân ta đã thực hiện phương châm "lấy yếu đánh mạnh", đánh lâu dài, với các chiến thuật đánh phục kích, đánh nhỏ lẻ bằng hai hình thức tác chiến chủ yếu là "du kích chiến" và "vận động chiến"; đồng thời biết dựa vào địa hình để phát huy cao độ khả năng tác chiến của chiến tranh nhân dân, từ đánh nhỏ, bao vây, chia cắt đội hình địch tiến đến những trận đánh lớn có tính chất quyết định để tiêu diệt kẻ thù.


Phát huy tinh thần tiến công anh dũng trên Mặt trận Sông Lô, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong 9 năm kháng chiến, quân và dân Phú Thọ đã đánh 614 trận; tiêu diệt, bắt sống hơn 5.000 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự của địch, góp phần bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc; động viên được hơn 4 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập bộ đội chủ lực, 15 ngàn người tham gia bộ đội địa phương, hàng chục vạn người tham gia dân quân du kích, chiến đấu bảo vệ quê hương, đóng góp hàng triệu ngày công phục vụ các chiến trường; tiếp tục lập nên những chiến công vang dội như: chiến thắng sông Lô lần thứ 2 (năm 1949), Tu Vũ (năm 1951), Cầu Hai - Chân Mộng (11-1952), góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu...


Bước   vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, tiếp tục làm tốt và hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: Đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng hậu phương vững chắc; tham gia chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng vạn người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân đất Tổ đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chiến đấu 728 trận, bắn rơi 120 máy bay Mỹ, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc - đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội chưa được bao lâu, thì Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ lại tiếp tục tiễn đưa hàng vạn thanh niên lên đường bảo vệ biên cương Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt và vô cùng gian khổ đó, nhiều đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, viết tiếp những trang sử hào hùng cho quê hương đất Tổ. Tổng kết qua các cuộc kháng chiến, toàn tmh có trên 17 ngàn liệt sĩ, hơn 20 ngàn thương binh, nhiều người đã âm thầm dâng hiến cả tuổi thanh xuân và những người thân yêu nhất cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.


Đất nước hoà bình, quân và dân Phú Thọ lại tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua thách thức, hăng hái tham gia thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển liên tục, toàn diện đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Sản xuất nông nghiệp đã tạo được bước đột phá trong việc nâng cao năng suất cây trồng thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuât, tăng cường đầu tư thâm canh, tăng vụ để tăng sản lượng, đảm bảo an toàn lương thực với 43 vạn tấn (năm 2006); bình quân lương thực đạt 304 kg/người/năm. Phú Thọ đứng thứ 2 trong 11 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ về sản xuất lương thực. Tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao (bình quân 8,1%/năm).


Đối với sản xuất công nghiệp, mặc dù kém lợi thế cạnh tranh, thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, song vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, Phú Thọ đã có nhiều biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung thực hiện các chương trình công nghiệp trọng điểm như: chế biến nông lâm sản, thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xâv dựng, hoá chất, phân bón, hàng may mặc xuất khẩu; phát huy hiệu quả hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn. Vì thế, sản xuất công nghiệp liên tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,8% năm. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chuyển dịch theo hướng tích cực, chiếm 38.7% GDP của tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 3,5 lần sau 10 năm tái lập.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #171 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:41:31 pm »

Lĩnh vực thương mại và du lịch cũng có sự phát triển khá toàn diện. Mạng lưới dịch vụ được mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, giá trị dịch vụ tăng bình quân trên 12% năm; hình thành các chợ đầu mối, trung tâm thương mại - dịch vụ, siêu thị; thu ngân sách tăng 3,2 lần so với năm 1997; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá (năm 2006: công nghiệp - xây dựng 38,7%, dịch vụ 34,3%, nông - lâm nghiệp 27%).


Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và là khâu đột phá. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Phú Thọ đã huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, đảm bảo tất cả các xã viên trên địa bàn có đường ô tô đến trung tâm, có máy điện thoại, điện sinh hoạt, đài truyền thanh, có bác sĩ và là tỉnh sớm hoàn thành phổ cập tiểu học cơ sở (năm 2003).


Hoạt động kinh tế đối ngoại có bước phát triển mới. Công tác xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút các luồng vốn đầu tư được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 73 dự án, trong đó, có 55 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 700 triệu USD; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng phong phú, có chất lượng.


Sự nghiệp văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc. Giáo dục đào tạo phát triển theo hướng chuẩn hoá và từng bước xã hội hoá. Quy mô đào tạo, hệ thống trường lớp, các loại hình đào tạo ngày càng được mở rộng và đa dạng, sớm hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm cho các hộ nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 21% năm 1997 xuống còn 5% năm 2006 (theo tiêu chí mới). Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; các xã, phường, thị trấn đã có bác sĩ; các thôn bản trong tỉnh đều có nhân viên y tế hoạt động. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tiếp tục thu được kết quả khá. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức chu đáo, trọng thể, góp phần giúp đồng bào trên mọi miền Tổ quốc hướng về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu ’’diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Thường xuyên chú trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang; bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến; luyện tập, diễn tập; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên quê hương đất Tổ.


Đứng trước vận hội và thách thức mới, hệ thống chính trị của Đảng bộ tiếp tục được củng cố, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra.


Kỷ niệm lần thứ 60 chiến thắng sông Lô là dịp để Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ cùng ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang và thấm nhuần sâu sắc những bài học kinh nghiệm được rút ra từ chiến thắng lịch sử này. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi nhưng tinh thần chiến thắng sông Lô sẽ mãi mãi là nguồn cổ cũ, động viên to lớn để cấp ủy, chính quyền cùng quân và dân toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo sự chuyến biến cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng với mức cao, phấn đấu GDP đạt 10% trở lên, bắt nhịp với đà phát triển chung của đất nước. Tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế để phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cải thiện chất lượng cơ sở vật chất, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá gắn với phát triển vùng nông thôn; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó xác định khâu đột phá quan trọng là "phát triển kết cấu hạ tầng".


Phát triển kinh tế sẽ gắn với giải quyết tốt việc thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đẩy lùi tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền. Gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; năng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; hoàn thiện cải cách hành chính, đối mới hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thực hiện tối "Quy chế dân chủ ở cơ sở"; nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh...


Phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng của chiến thắng sông Lô, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đề ra, xây dựng Phú Thọ thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và tiến bộ, xứng đáng với niềm tự hào là quê hương đất Tổ, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng hiện nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #172 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:45:10 pm »

CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU - ĐÔNG NĂM 1947
CON SỐ VÀ SỰ KIỆN


NGUYỄN THỊ THẢO
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam



(Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 diễn ra từ ngày 7-10 đến 19-12-1947. Bài viết này không giới hạn trong thời gian diễn ra chiến dịch, mà còn bao hàm những sự kiện liên quan trước đó).

Ngày 25-4: Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, Va-luy (Valluy) đề ra những điều kiện: trong thời hạn 15 ngày, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải nộp cho Pháp một phần quan trọng phương tiện chiến tranh; lập tức chấm dứt mọi hành động chiến tranh, khủng bố và tuyên truyền; trả tự do ngay cho các con tin và tù binh Pháp; giao nộp cho phía Pháp những người đào ngũ thuộc quân đội Pháp và cả sô người Nhật đang ở trong hàng ngũ Việt Minh; quân đội Pháp được tự do di chuyển trên lãnh thổ Việt Nam.


Ngày 12-5: Tại Thái Nguyên, diễn ra cuộc gặp gỡ giữa phái viên Pôn Muýt (Paul Mus) với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng ngoại giao Hoàng Minh Giám. Pôn Muýt đưa ra yêu sách tương tự như của Va-luy, ngày 25-4-1947.


Ngày 15-5: Tại Hà Nội, Cao ủy Pháp, Bô-la (Bollaer) đọc diễn văn, khẳng định sự có mặt của Pháp ở Đông Dương và vị trí của Đông Dương trong Liên hiệp Pháp; phủ nhận sự lãnh đạo của một đảng "độc quvền đại diện cho cả dân tộc" (ám chỉ Đảng Cộng sản Đông Dương), đồng thời "đón nhận sự hợp tác với tất cả các đảng phái" - tức sẵn sàng đàm phán với lực lượng quốc gia khác ngoài Việt Minh.


Ngày 9-6: Hội đồng phòng thủ Đông Dương của Pháp thông qua kế hoạch tiến công Thu - Đông 1947, do tướng Xa-lăng (Salan) soạn thảo.


Ngày 12 - 15-6: Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3, đề ra kế hoạch bồi dưỡng, chấn chỉnh bộ đội, củng cố căn cứ địa kháng chiến, dự kiến âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch trong Thu - Đông 1947, đúc rút kinh nghiệm tác chiến để phá sự chuẩn bị tiến công mùa Đông của địch.


Ngày 10-9: Tại thị xã Hà Đông, Bô-la tuyên bố lập trường của Pháp về Việt Nam với hai điểm chính. Một là, không công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Hai là, không công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là đại diện chính thức của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam theo quy chế tự trị với một chính phủ thân Pháp và nằm trong Liên bang Đông Dương. Liên bang này do một viên Thượng sứ người Pháp đứng đầu, mọi vấn đề an ninh quốc gia, kinh tế, ngoại gia của Liên bang thuộc quyền định đoạt của Pháp.


Ngày 14 - 19-9: Trung ương Quân ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ trì của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng chỉ huy và các đơn vị trực thuộc Bộ. Hội nghị nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ cần kíp của các đơn vị, địa phương trong Thu - Đông 1947.


Ngày 15-9: Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Bô-la nói gì? Ta phải làm gì? vạch trần âm mưu của Cao ủy Pháp đối với nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; khẳng định lập trường của ta quyết kháng chiến giành độc lập thật sự cho dân tộc; đấu tranh chống những khuynh hướng thoả hiệp, đầu hàng và nên lên những nhiệm vụ của quân và dân ta.


Ngày 27 - 29-9: Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư, nhận định: "Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính, nếu địch không mạo hiểm thì đánh đồng bằng, nếu mạo hiểm thì chúng sẽ đánh Việt Bắc..."; và chủ trương kiên quyết nắm vững bộ đội, giữ gìn chủ lực, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ căn cứ, thực hiện phối hợp giữa các khu và phối hợp chiến lược toàn quốc, phá tan âm mưu lập ngụy quyền của địch.


Ngày 4-10: Bộ Tổng chỉ huy xác định nhiệm vụ tác chiến của bộ đội chủ lực các Khu ở Bắc Bộ. Cụ thể là: Các đơn vị chủ lực của Bộ (đang trong quá trình xây dựng) vòng sang Nhã Nam phối hợp với Khu 1. Chủ lực Khu 10 đánh vào Vĩnh Yên, Việt Trì. Chủ lực Khu 1 từ Tam Đảo đánh xuống Phúc Yên. Chủ lực Khu 12 đánh vào bên cạnh hoặc phối hợp với chủ lực Khu 1 đánh xuống phí nam Thái Nguyên, Phúc Yên, Bắc Giang và trên đường số 4. Chủ lực Khu 3 đánh mạnh trên Đường số 5 và các cứ điểm ở vùng trung tâm. Chủ lực Khu 2 và Khu 11 đánh thọc sâu vào Hà Đông, Hà Nội.


Ngày 7-10: Buổi sáng, 750 lính dù, thuộc Binh đoàn Sô-va-nhắc (Sauvagnac), đổ bộ xuống xung quanh thị xã Bắc Kạn, chiếm các điểm cao, khống chế thị xã, đầu giờ chiều địch cho quân đánh chiếm thị xã Bắc Kạn. 14 giờ 30 phút cùng ngày, khoảng 200 quân dù nhảy xuống Chợ Mới.

Trong ngày 7-10, Binh đoàn Bô-phrê từ Lạng Sơn theo đường số 4 tiến lên phía Cao Bằng.

Buổi tối, trong cuộc trao đổi với Bộ Tổng chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng nhảy dù sâu vào trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, địch đã giành được sự bất ngờ, nhưng rõ ràng là chúng hành động mạo hiểm, nhằm thực hiện đòn đánh quyết định, giành một thắng lợi quân sự, tạo thế, ép ta phải chấp nhận những điều kiện thương lượng để kết thúc chiến tranh. Địch huy động bao nhiều quân, tiến công theo mấy hướng là điều ta chưa nắm được.

Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các khu ủy, địa phương, thông báo tình hình quân địch đánh lên Việt Bắc và ra lệnh cho "các khu ủy và quân khu ủy chỉ huy bộ đội đánh mạnh để chia sẻ lực lượng địch và phá kế hoạch của chúng".


Ngày 8-10: Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra Nhật lệnh và Quân lệnh vạch rõ mưu đồ tiến công của thực dân Pháp, xác định những nhiệm vụ cụ thể của quân và dân ta, kêu gọi các lực lượng vũ trang và đồng bào Việt Bắc cùng cả nước "chiến đấu theo mệnh lệnh để phối hợp với Việt Bắc".


Ngày 9-10: Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, xác định nhiệm vụ quân sự, chính trị và kinh tế cần kíp của quân dân Bắc Kạn.

Khẩu đội 12,7mm của Đại đội trợ chiến 675 thuộc Trung đoàn 74 bố trí ở đồi Thiên Văn, thị xã Cao Bằng bắn rơi chiếc máy bay JU52, 12 sĩ quan trong đó có đại tá Lăm-be (Lambert), Phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương, bị thiệt mạng. Ta thu được kế hoạch và bản đồ tiến công Việt Bắc của quân Pháp.

Binh đoàn thủy quân do Com-muy-nan (Communal) chỉ huy xuất phát từ Hà Nội ngược sông Hồng lên Việt Trì.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #173 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:46:47 pm »

Ngày 9 - 13-10: Tại Bản Tèng thị trấn Chợ Mới (Bắc Kạn) 1 đại đội địch hành quân đánh phá kho quân nhu của ta. Trung đội chống chiến xa của Tiểu đoàn 49 phối hợp với du kích xã Yên Định phục kích chặn đánh, diệt 5 tên, làm bị thương 6 tên, địch phải bỏ cuộc càn quét. Trung đội du kích huyện Chợ Đồn kết hợp với một số học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tổ chức đánh địch ở đèo Kéo Phay, diệt 2 tên (10-10). Du kích xã Bằng Viễn quấy rối địch ở Chợ Đồn (13-10).


Ngày 10-10: Bộ Tổng chỉ huy điện cho các đơn vị ở Khu 10 tích cực đánh địch trên sông; điều Tiểu đoàn 18, chủ lực của Bộ, bảo vệ cửa ngõ phía tây Việt Bắc.


Ngày 12-10: Tại Bình Ca, bộ đội Tiểu đoàn 18 tổ chức đánh, tiêu diệt nhiều địch trên sông.

Binh đoàn Bô-phrê tới Cao Bằng.


Ngày 13-10: Liên lạc viên Nguyễn Doanh Lộc đưa bản đồ kế hoạch đánh chiếm Việt Bắc về tới Bộ Tổng chỉ huy tại núi Hồng, Định Hóa (Thái Nguyên). Bộ Tổng chỉ huy tiến hành nghiên cứu và nắm cụ thể kế hoạch tiến công của địch.


Ngày 14 - 15-10: Tại km số 22 và 23, đường Bắc Kạn - Chợ Mới, trung đội du kích xã Cao Kỳ thuộc đại đội du kích 303 Cao Hoà, phục kích đánh 2 đại đội địch hành quân, diệt 15 tên địch. Tại Thác Giêng, du kích địa phương diệt 20 tên, phá hủy 2 xe ngựa thu một số súng đạn. Tại km số 2, đường đi Chợ Mới bộ đội và du kích phục kích tiêu diệt được 95 tên địch. Hai tiểu đoàn (160 và 19) tiến công vào Chợ Mới (15-10), đốt cháy hai kho đạn, gây thương vong gần 100 tên địch.


Ngày 15-10: Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp", xác định: "Cuộc tấn công lần này của địch tỏ ra chúng mạo hiểm và khinh thường lực lượng ta. Chúng ta phải trấn tĩnh đối phó, vẫn phải giữ chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhè những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân Việt Bắc tập trung mọi nội lực đánh bại cuộc tiến công của địch, kêu gọi quân dân cả nước tích cực phối hợp chiến đấu với Việt Bắc.


Ngày 16-10: Quân ta chặn đánh địch trên đương chợ Mới đi Bắc Kạn, tại khu vực Bản Tòng xã Cao Hoà, phá hủy 3 xe, diệt 50 tên. Tiểu đoàn 19 phối hợp với du kích xã Yên Định sau 4 giờ ta phá hủy 1 kho quân nhu, một số nhà ở và diệt 50 tên địch.


Ngày 17 - 19-10: Du kích các xã Yên Nhuận phối hợp với Trung đội chủ lực 102, Mẫu Ninh, Cao Kỳ liên tục đánh và quấy rối địch ở nhiều nơi, tiêu diệt hàng chục tên địch.


Ngày 19-10: Công nhân quân giới phối hợp với du kích xã Cao Hoà phục kích bằng địa lôi, chặn đánh đoàn xe địch xuống Chợ Mới, tại km số 23 quốc lộ số 3, diệt 60 tên địch, phá hủy 2 xe ô tô, thu một số quân trang quân dụng.


Ngày 20-10: Quân ta chặn đánh toán lính Pháp từ Cao Bằng đi Bắc Kạn diệt 30 tên, đồng thời khống chế đánh địch ở đèo Giàng, đèo Gió.


Ngày 21-10: Một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô, tiến công địch ở Chợ Đồn, tiếp đó tiến công vào Chợ Rã, tiêu hao nhiều sinh lực và làm suy giảm tinh thần của chúng


Ngày 22-10: Đội tự vệ thành Tuyên Quang, tổ chức phục kích ở km số 7 trên quốc lộ số 2, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, sau đó quay về km số 5 phục đánh trận mới diệt gần 30 tên địch.


Ngày 23-10: Trung đội Pháo binh 200 đưa khẩu 75mm bố trí ở khu vực Bến Xiểng; Trung đội 225 bố trí khẩu sơn pháo tại bến phà Đoan Hùng: một tiểu đoàn bộ binh triển khai ở dọc đường số 2, từ Lã Hoàng đến thị trấn Đoan Hùng.


Ngày 24-10: Một đoàn 5 tàu địch xuôi qua bến Bình Ca, pháo binh ta bắn chìm hai chiếc (1 chiếc LCM tàu loại nhỏ, có hoả lực mạnh và 1 chiếc LCVP tàu chở quân đổ bộ có trọng tải 15 tấn, chở được 1 trung đội và được trang bị pháo 20mm), tại bến phà Đoan Hùng và bắn bị thương 2 tàu chiến. Báo chí Pháp gọi đây là "thảm hoạ Đoan Hùng".


Ngày 27-10: Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp điện chỉ đạo: Mặt trận đường số 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt. Mặt trận đường số 3: Bao vây cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã. Mặt trận Sông Lô: đưa pháo lên đánh địch trên Sông Gâm, Chiêm Hoá, Đầm Hồng.


Ngày 29 và 30-10: Tại đèo Bông Lau, Tiểu đoàn 249, thuộc Trung đoàn 11 tổ chức trận địa phục kích trên đoạn đường Bản Sao - đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe, 94 lính Âu - Phi, 55 lính ngụy bị tiêu diệt, bắt nhiều tù binh, thu vũ khí và quân trang quân dụng.


Ngày 1-11: Địch tổ chức rút quân từ Chiêm Hoá về thị xã Tuyên Quang. Trung đoàn 112 điều Tiểu đoàn 718 ở Hà Giang về phối hợp với lực lượng địa phương, chặn địch tại Vật Nhèo (Chiêm Hoá - Tuyên Quang), diệt 60 tên địch.


Ngày 3-11: Tại khe Vai Nòn, du kích Yên Định do đồng chí Hoàng Văn Tân chỉ huy chặn đánh địch, khi chúng đang hành quân theo đường mòn từ Chợ Mới - Đèo Vai - Đu (Phú Lương) diệt 20 tên, bị thương nhiều tên.


Ngày 10-11: Trung đội sơn pháo 225 phối hợp với Trung đoàn 112 bắn chìm hai tàu chiến LCM, một ca nô, diệt 200 tên địch tại Hòn Lau, bên hữu ngạn sông Lô đối diện cửa sông Gâm.


Ngày 13-11: Địch càn quét vùng Phủ Thông, Bắc Kạn, Chợ Mới và dọc hai bên đường số 3, bố trí các toán quân cảnh giới ở những vị trí có thể bị ta phục kích, còn lại đại bộ phận quân lính rút khỏi Chợ Đồn.


Ngày 15-11: Binh đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy từ Phả Lại theo đường bộ và ngược sông Thương lên đánh chiếm phủ Lạng Thương.

Quân Pháp bắt đầu rút khỏi Ngân Sơn, Chợ Rã và Bắc Kạn. Trong quá trình rút quân, chúng cho xe chạy nghi binh ở hướng Thái Nguyên - Cao Bằng. Tiểu đoàn 160 cùng Trung đoàn 165 và Trung đoàn 72 chặn đánh nhưng không thành công.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #174 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:47:46 pm »

Ngày 19-11: Tự vệ và công an Tuyên Quang diệt gần 100 tên địch tại km số 6, đường số 2, đoạn Tuyên Quang - Hà Giang.


Ngày 20-11: Cuộc hành quân Xanh-tuya (Ceinture) bắt đầu, mục tiêu là càn quét tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương.


Ngày 21-11: Từ Bắc Kạn, Binh đoàn Bô-phơ-rê, di chuyển xuống Chợ Mới, bị bộ đội và du kích phục kích ở Khuổi Cươm, Khuổi Tao, 29 tên bị diệt, 30 tên khác bị thương.


Ngày 22-11: Binh đoàn Com-muy-nan rút khỏi thị xã Tuyên Quang theo đường sông Lô và bộ binh theo đường Sơn Dương về Vĩnh Yên. Cánh quân rút theo đường Sơn Dương bị lực lượng của Trung đoàn 174 chặn đánh, diệt 1 đại đội.

Trung đoàn Ma-rốc số 5 (5è RTM) từ Hoà Bình về Hưng Hoá và Thu Cúc bảo vệ cho cánh quân Com-muy-nan, một tiểu đoàn khác vượt sông Hồng đánh chiếm Việt Trì.


Ngày 24-11: Đêm 24, khoảng 1.500 tên từ Chợ Mới hành quân theo Đường số 3 xuống km 3 theo hướng Chợ Chu đánh chiếm Quán Vuông và Phượng Tiến (Định Hoá)


Ngày 26-11: Máy bay địch bắn phá, thả lính dù xuống La Hiên, Tràng Xá (Võ Nhai) và Cù Vân, Làng Ngò (Đại Từ).


Ngày 27-11: Tại Quảng Nạp (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Tiểu đoàn 130 tập kích, diệt 30 tên địch. Cùng ngày, có nhiều tên địch khác bị du kích Cam Tre tiêu diệt.


Ngày 28-11: Một đại đội địch hành quân càn quét từ Chợ Chu xuống Yên Thông sang Bãi Cọ. Tại thị xã Bắc Kạn, 4 du kích thị xã tập kích vào đồn Phủ Thông.


Ngày 30-11: Trên hướng đường số 3, Tiểu đoàn 160 phối hợp với đại đội tự vệ Bạch Thông và Trung đội tự vệ thị xã Bắc Kạn tiến công đồn Phủ Thông, tiêu diệt hơn nửa đại đội lê dương.

Một đại đội địch càn vào Lục Rã, đến địa điểm cũ của Bộ Tổng chỉ huy, bị bộ đội ta chặn đánh, một số tên tiêu diệt, số còn lại chạy về Phú Minh, bị Đại đội 2, Trung đoàn 174 đánh, thêm 100 tên bị diệt. Bọn sống sót chạy về Quảng Nạp, lại bị Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 43 truy kích.


Ngày 1-12: Hai đại đội của Trung đoàn 174 hành quân từ Chợ Chu xuống, gặp địch ở quán ông Già (Thái Nguyên), liền tổ chức đánh, diệt gần 100 tên địch.


Ngày 2-12: Quân Pháp rút về đến Thái Nguyên, từ đây Bô-phrê cho một cánh quân đến Văn Lãng - Đèo Khế đề đón toán quân của Com-muy-nan từ Tuyên Quang sang, bị Tiểu đoàn 103 và tự vệ chặn đánh ở Tân Trào, buộc phải rút về Phú Minh, rồi chia thành hai toán, phần lớn rút về Quảng Nạp.

Trên sông Lô, khi tàu địch đến Lã Hoàng (gần Phủ Đoan), bị ta phục kích diệt gần 100 tên, phần lớn là sĩ quan tham mưu và nhân viên kỹ thuật. Khi địch đến Phan Lương lại bị pháo binh ta bắn cháy 1 tàu LCT.


Ngày 6-12: Trên đường rút chạy, quân Pháp đóng tại khu vực Đại Từ, Phục Linh rồi tổ chức càn quét lùng sục.


Ngày 12-12: Quân Pháp rút quân theo đường Lục Ba - Kỳ Phú, đến Sơn Cốt lại bị ta phục kích diệt 100 tên, 50 tên bị thương. Trên đường từ Sơn Cốt về cầu Đuống quân Pháp bị nhiều trận địa lôi, thương vong khoảng 200 tên.


Ngày 13-12: Du kích xã Thượng Quan phục kích ở đèo Khau Khang chặn đánh 3 xe ô tô chở lính Pháp từ Bằng Khẩu đi Ngân Sơn, phá hủy 1 xe, diệt 7 tên. Địch từ Đu rút về Hợp Thành, bị ta chặn đánh ở đèo Cây Khế.


Ngày 14-12: Quân ta phục kích ở Đèo Giàng, diệt hơn 60 tên địch, tấn công đồn Nà Phạc, diệt 30 tên; phục kích ở Khuổi Sao, diệt 37 tên địch.

Địch rút về đến thị xã Thái Nguyên, bị Trung đoàn 121 đón đánh nhiều trận ở khu đồi Đội Cấn, Gia Sàng, Yên Ngựa, làng Hà.


Ngày 15-12: Tại km 187-188 đèo Giàng, Tiểu đoàn 102 thuộc Trung đoàn 165 tiêu diệt hai trung đội lính Âu - Phi và phá hủy 17 xe tăng, thu nhiều vũ khí và hai triệu đồng Đông Dương.


Ngày 16 - 18-12: Tiểu đội du kích Đan Hạ phục kích tiêu diệt 15 tên địch. Hai ngày sau (18-12) du kích Đan Hạ phối hợp với bộ đội chủ lực tập kích Phi Đơn, diệt 30 tên địch, phá một súng máy.

Cánh quân của Bô-phơ-rê rút về tới Đại Từ (Thái Nguyên).

Quân Pháp tiếp tục cho quân rút khỏi Đu và Làng Ngò.


Ngày 19-12: Du kích Phổ Yên phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch từ Sơn Cốt rút ra Phố Cò, diệt 15 tên địch, thu 2 súng moóc-chi-ê.

Đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc.


Trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Bộ Tổng chỉ huy đã huy động các trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ); 72, 74, 121 (Khu 1); 11, 36, 59, 98 (Khu 12), một tiểu đoàn pháo binh và Trung đoàn Sông Lô (Khu 10), 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ. Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng.


Pháp huy động 12.000 quân gồm 5 trung đoàn bộ binh gồm: Trung đoàn Ma Rốc số 5 (5è RTM), Trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM), Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4è-RIC), Trung đoàn bộ binh lê dương số 3 (3è REI) và một trung đoàn do Cô-xtơ chỉ huy. Hai tiểu đoàn pháo, 2 tiểu đoàn công binh, 800 xe ô tô, 40 tàu chiến, ca nô và 40 máy bay.


Quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, 18 máy bay bị bắn rơi, 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm, 255 xe các loại bị phá hủy, hơn 100 khẩu pháo, súng cối, 1.660 súng trường, hàng chục tấn quân trang, quân dụng bị hư hỏng hoặc bị ta thu giữ.


Phía ta, một số kho tàng, công xưởng, thị trấn, làng bản bị tàn phá. 260 chiến sĩ cán bộ của ta hy sinh, 168 người bị thương, hỏng một pháo 75mm, mất 4 trung liên và 40 súng trường.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #175 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:48:52 pm »

TỔNG HỢP THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
"CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG 1947 - VAI TRÒ CĂN CỨ ĐỊA VÀ BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN"


Thiếu tướng, PGS, TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 có vị trí rất quan trọng. Đây là sự kiện có tầm vóc chiến lược và ý nghĩa lịch sử to lớn, tác động đến sự phát triển của cuộc kháng chiến những năm tiếp sau. Chiến dịch này là đòn quyết định đánh bại hoàn toàn chủ trương chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc họ phải chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện âm mưu "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Cho đến khi kết thúc chiến tranh (7-1954), thực dân Pháp không thể và không mở được bất cứ một cuộc tiến công lớn, tương tự nào như cuộc tiến công Thu - Đông 1947, lên căn cứ địa đầu não kháng chiến ở Việt Bắc.


60 nàm đã qua kể từ ngày quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc, đã có rất nhiều công trình, bài viết trong và ngoài nước đề cập đến sự kiện quan trọng này, góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử nàv vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, nhất là về ý nghĩa thắng lợi có tính bước ngoặt của nó, về vai trò của căn cứ địa, nhằm rút ra những bài học mà ý nghĩa của nó vẫn mang tính cập nhật trong tình hình hiện nay.


Với ý nghĩa trên, thực hiện kế hoạch được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 1 và Bộ tư lệnh Quân khu 2 tổ chức cuộc Hội thảo khoa học "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến".


Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 60 bài tham luận của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, úy ban nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn; Huyện ủy và Ban chỉ huy quân sự các huyện Định Hoá, Sơn Dương, Chợ Đồn; các vị lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội.


Hội thảo vinh dự và vui mừng nhận được Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của quân đội ta, nguyên là Tổng chỉ huy quân đội trong thời gian diễn ra chiến dịch Việt Bắc. Đại tướng nhiệt liệt chào mừng cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm chiến thắng Việt Bắc, đồng thời nêu bật nguyên nhân thắng lợi là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta. Đại tướng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử to lớn và các bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.


Cuộc Hội thảo khoa học này kế thừa thành quả nghiên cứu từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, trên cơ sở những nhận thức mới và có thêm những tư liệu mới. Nhìn một cách tổng quát, các tham luận đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan đến chiến dịch Việt Bắc.


Về bối cảnh và âm mưu của thực dân Pháp, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch, các tham luận của PGS, TS. Nguyễn Văn Nhật, PGS, TS. Nguyễn Đăng Thành, PGS, TS. Vũ Quang Hiển, Đại tá TS. Vũ Tang Bồng, Đại tá Trần Trọng Trung... đã phân tích bối cảnh từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến của cả nước nói chung, Việt Bắc nói riêng, cho đến trước cuộc tiến công của thực dân Pháp; quân và dân ta đã nhanh chóng chuyển đất nước vào chiến tranh, từng bước xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng căn cứ địa - hậu phương, phát triển lực lượng kháng chiến, về âm mưu, kế hoạch chiến lược của thực dân Pháp bằng tư liệu từ nhiều phía và bằng lập luận có sức thuyết phục, các tham luận đã làm sáng tỏ hơn một thực tế: ngay từ đầu, phía Pháp đã nung nấu ý định nhanh chóng giành thắng lợi quyết định hòng sớm kết thúc chiến tranh bằng một đòn quân sự. Kế hoạch tiến công lên Việt Bắc chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực ta, phá hủy căn cứ địa và tiềm lực của cuộc kháng chiến là nhằm hiện thực hoá chủ trương chiến lược đó. Về phía ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu và hành động của địch. Điều đó thể hiện rõ ở chủ trương và kế hoạch quân sự trong Hè - Thu 1947; ở các hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3, lần thứ 4; ở các chỉ thị của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, như các tham luận đã trình bày, lúc này ta còn ít kinh nghiệm, phương tiện kỹ thuật thô sơ, lạc hậu và công tác quân báo chưa ổn định nên việc phán đoán ý đồ của địch gặp nhiều khó khăn. Điều đó góp phần làm nảy sinh tư tưởng "Đại hậu phương chủ nghĩa" nên công tác chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của địch, quả thật có nơi còn sơ sài, không triệt để; việc phán đoán âm mưu, hành động của địch chưa thật sát, đúng.


Mặc dù vậy, khi thực dân Pháp bất ngờ mở cuộc tiến công sâu vào căn cứ địa từ nhiều hướng, nhiều mũi, không nao núng, không bị động phòng ngự, Đảng ta kiên quyết và đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng phối hợp mở chiến dịch phản công, từng bước giành thắng lợi. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết đoán, sáng tạo, đúng đắn nêu trên của Trung ương Đảng được các tác giả phân tích sâu sắc, dựa trên tư tưởng chỉ đạo chứa đựng ở các văn kiện tiêu biểu như chỉ thị "Phải phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp“ của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Thư kêu gọi quân dân cả nước phối hợp chiến đấu với Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15-10-1947 và các văn kiện khác trong thời gian diễn ra chiến dịch.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #176 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:49:54 pm »

Đề cập đến diễn biến của chiến dịch phản công, đến vai trò và hoạt động của quân và dân trên địa bàn chiến dịch và trên các vùng miền cả nước, tham luận của Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Khánh, Thiếu tướng Dương Công Sửu; các đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Mai Thế Dương, TS. Nguyễn Thị Nương, Hoàng Bình Quân, tập trung trình bày một số trận đánh nổi bật, đạt hiệu suất cao trên các mặt trận: Lạng Sơn - Cao Bằng - Đường số 4; Bắc Kạn - Đường số 3; Sông Lô - Đường số 2, qua đó cho thấy sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích với nhân dân các dân tộc tương đối nhịp nhàng. Từ các cụ phụ lão đến chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi đều tham gia đánh địch bằng nhiều hình thức, với mọi vũ khí có trong tay. Mảng nội dung trên được trình bày ở các tham luận càng khẳng định thêm một thực tế là: từ những ngày đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ kháng chiến, quân và dân ta đã tổ chức được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Thế trận đó dựa vào lòng yêu nước và sự đồng tâm nhất trí cũng như niềm tin tưởng của nhân dân, của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Thế trận đó khiến quân Pháp bị phục kích, bị tiêu hao, tiêu diệt.


Chủ đề quan trọng được nhiều đại biểu đề cập, phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục cao đó là vị trí, vai trò của căn cứ địa Việt Bắc. Chiến thắng Thu - Đông 1947 gắn liền với căn cứ địa Việt Bắc - nơi được mệnh danh "Thủ đô kháng chiến", "Thủ đô gió ngàn", nơi mà khi nhắc lại, nhớ lại, mọi người Việt ta hôm nay vẫn không khỏi bồi hồi xúc động, tự hào. 9 năm kháng chiến trường kỳ thuở ấy, đây là địa bàn đứng chân của các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến. Các tác giả TS. Nguyễn Xuân Minh, TS. Hoàng Ngọc La, TS. Lê Quang Dực, Giang Văn Huỳnh... bằng hướng tiếp cận địa - chiến lược, địa - văn hoá, địa - quân sự... đã nêu ra và phân tích những nhân tối, những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà làm cho Việt Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 với căn cứ địa kháng chiến trong 9 năm chống Pháp. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược rộng lớn và niềm tin lớn lao vào lòng yêu nước tiềm tàng trong nhân dân, trong đồng bào các dân tộc của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số bài viết để cập trực tiếp đến vị trí, vai trò của An toàn khu (ATK) - cơ sở hạt nhân của căn cứ địa - tại địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, cụ thể hơn là thuộc các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá và Chợ Đồn. Những quyết định trọng đại liên quan đến toàn bộ quá trình phát triển của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, có thể nói được ra đời từ nơi đây, từ những địa danh này. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc rất tự hào là nơi được Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt căn cứ đầu não, nên đã đóng góp hết sức mình vào thắng lợi chung, xứng đáng với sự biểu dương và tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi".


Và vì thế, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hàng trăm di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến quan trọng, quý giá trên địa bàn này là trách nhiệm của chúng ta hôm nay nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, xây dựng và khai thác mô hình văn hoá - lịch sử - du lịch. Đây cũng là một chủ đề được nhiều tham luận để cập.


Về vai trò, vị trí của căn cứ địa, an toàn khu, của đồng bào các dân tộc, một số tham luận đã đi sâu phân tích để nêu bật sự thành công trong công tác tổ chức, xây dựng, hoạt động mọi mặt, đặc biệt là chiến đấu bảo vệ căn cứ địa. Một số tác giả, trong tham luận của mình, đã chỉ rõ vai trò quan trọng của đồng bào các dân tộc vùng căn cứ. Nhân dân các bản làng, các địa phương đã hết lòng che chở, đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ bộ đội và các cơ quan, đoàn thể kháng chiến. Đó là thành công của công tác vận động quần chúng, là kết quả của chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Chính phủ. Từ những trình bày như thế, các tham luận rút ra một số bài học kinh nghiệm mà ý nghĩa của nó vẫn còn giá trị trong công tác xây dựng căn cứ, địa bàn, khu vực phòng thủ hiện nay và trong tương lai.


Chiến thắng Việt Bắc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang, sự thành công trong chỉ đạo chiến lược và bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Các bài viết của Thiếu tướng Đinh Thế Hoà, Thiếu tướng Nguyễn Như Khánh, Thiếu tướng Vũ Thanh Lâm; Đại tá PGS, TS. Lê Đình Sỹ; Đại tá, TS. Dương Đình Lập; Đại tá Phạm Hữu Thắng... đã đề cập đến truyền thống quân sự của cha ông được kế thừa, vận dụng hiệu quả vào các trận chiến đấu trong chiến dịch. Với phương châm: "Du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ", bằng phương thức tổ chức chiến đấu: "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu, quân và dân ta tại địa bàn chiến dịch đã thực hành lối đánh hiệu quả, cản phá và vô hiệu hoá các mũi tiến công của địch, làm thất bại hoàn toàn mục tiêu chiến dịch của chúng. Có thể nói, phương thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật dùng binh của Đảng ta, phù hợp với trình độ tổ chức chỉ huy, cách đánh, đảm bảo hậu cần, sự cơ động... trong quá trình chiến đấu và làm nòng cốt gây dựng phong trào chiến tranh du kích tại các địa phương, vừa bảo toàn được lực lượng.


Về chỉ đạo và điều hành chiến dịch Việt Bắc, hướng chính của cuộc chiến chiến lược Thu - Đông 1957, Bộ Tổng chỉ huy đã đồng loạt mở ba mặt trận đánh địch, cả trên đường bộ, trên sông; đã chỉ đạo việc phối hợp tác chiến giữa các binh chủng, giữa bộ binh với pháo binh, với thông tin liên lạc, đảm bảo vũ khí trang bị, đảm bảo hậu cần, tạo nên hiệu lực và sức mạnh để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bẻ gãy các gọng kìm, đánh gãy các gọng ô, khiến cái ô mà thực dân Pháp định chụp xuống Việt Bắc thành cái ô rách, cuộc tiến công sẽ thất bại. Lần đầu tiên kể từ đầu kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công. Nghệ thuật chiến dịch được đánh dấu bằng sự mở đầu sáng tạo và khá hoàn hảo.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #177 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2021, 02:54:32 pm »

Đánh giá ý nghĩa, tác động, ảnh hưởng của chiến thắng Việt Bắc, rất nhiều bài viết đã lồng vào phân tích, nhận định các khía cạnh của vấn đề này. Tham luận của TS. Đinh Quang Hải; Đại tá, TS. Trần Ngọc Long; Đại tá, TS. Nguyễn Xuân Năng... tập trung phân tích các nhân tố thế và lực của hai bên đối chiến trước và sau chiến dịch Việt Bắc. Chiến dịch Việt Bắc trong đòn tác chiến chiến lược Thu - Đông 1947 không những làm phá sản hoàn toàn chủ trường chiến lược ’’đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, mà điều quan trọng là bảo toàn được các cơ quan đầu não, bảo toàn chu lực, hạn chế tổn thất về tiềm lực kháng chiến, giữ được đại bộ phận đất đai căn cứ địa. Điều đó chứng tỏ cuộc kháng chiến đã có sự trưởng thành vượt bậc, đã vượt qua được thử thách nghiêm trọng, khắc nghiệt nhất, ở buổi đầu kháng chiến để vững tin, vững bước trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng.


Chiến thắng Việt Bắc đã tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến. Sức chiến đấu của quân và dân ta đã tăng thêm và ngày càng tăng thêm. Thất bại của thực dân Pháp trong cuộc tiến công lên Việt Bắc đã đánh dấu một thời kỳ mới - thời kỳ chúng không thể tự do đem quân đánh ta những trận quy mô như đánh lên Việt Bắc được nữa. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải chấp nhận biện pháp "hạ sách” là đánh kéo dài với ta, thực hiện kiểu chiến tranh tổng lực, tiến hành càn quét kết hợp với bình định theo âm mưu chiến lược mới là "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Việc thừa nhận thất bại đã được chính các tướng lĩnh Pháp viết ra trong hồi ký. Điều đó đã được các tham luận của Đại tá Lê Kim, Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hà thể hiện khá chi tiết, có sức thuyết phục và sinh động.


Cuộc chiến đấu oanh liệt trên chiến trường Việt Bắc còn nhận được sự phối hợp, chia lửa, giúp đỡ của quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và các địa phương trong cả nước. Tham luận của PGS, TS. Nguyễn Văn Nhật, Thượng tá Cao Phi Hùng, ThS. Lê Văn Cử đã trình bày khá cặn kẽ kết quả của sự triển khai thế trận chiến tranh nhân dân tại các địa phương, khiến cho quân Pháp phải bị động đối phó với cả chiến trường phía trước và phía sau, không thể tập trung toàn bộ lực lượng, sức mạnh cho cuộc tiến công mang tính quyết định lên Việt Bắc. Sự phối hợp, chia lửa với Việt Bắc là thành công trong chỉ đạo kháng chiến của Đảng ta đồng thời trở thành hình mẫu cho các chiến dịch lớn sau này trong suốt cuộc kháng chiến cho đến ngày thắng lợi.


Chiến thắng Việt Bắc năm xưa để lại những bài học lịch sử mà ý nghĩa của nó cho đến hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng đó đập tan chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; chiến thắng đó được thực hiện trong những ngày tháng quân và dân ta phải chiến đấu trong vòng vây. Trên những nội dung quan trọng này, các bài viết của đồng chí Thượng tướng Phan Trung Kiên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên QUTW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Vi Văn Mạn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 1... đã nêu bật những bài học sâu sắc, toàn diện, có thể rút ra và vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; về việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh, thành. Nhiều bài viết nhấn mạnh: trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, cùng với các yêu cầu chiến lược chung về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh, ngay từ bây giờ, ngay từ trong thời bình, cần phải đáp ứng yêu cầu ở mức cao nhất (trong khả năng có thể) cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, để các đơn vị, các lực lượng có điều kiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân; răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô của kẻ thù. Để đánh thắng chiến lược "diễn biến hoà bình", đập tan từ trong trứng mọi âm mưu bạo loạn, lật đổ, xung đột vũ trang, nội chiến phản cách mạng hoặc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, quân đội ta phải được xây dựng lớn mạnh ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ "đến chiến tranh hãy hay". Kinh nghiệm từ chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 cho thấy làng chiến đấu và lực lượng dân quân du kích có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Làng chiến đấu và lực lượng dân quân tự vệ vẫn cần phải có tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, được huãn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự chu đáo, trang bị vũ khí đầy đủ, có hệ thống công sự chiến đấu, có mạng lưới thông tin liên lạc rộng khắp, kịp thời, kết hợp cả thô sơ và hiện đại để trở thành lực lượng chiến đấu tại chỗ hùng mạnh. Dân quân tự vệ là một trong những lực lượng nòng cốt chủ yếu tác chiến trong các "khu vực phòng thủ" trong thế trận toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc...


Có thể khẳng định rằng các tham luận tại hội thảo đã đề cập một cách khá toàn diện, cụ thể, thể hiện sự đào sâu suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu các nội dung một cách có chất lượng, đã góp phần phản ánh tầm vóc, ý nghĩa có tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây thực sự là những đóng góp quan trọng và thiết thực trong công tác nghiên cứu lịch sử 30 năm chiến tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nói chung và trong công tác nghiên cứu khoa học quân sự nói riêng.


Hội thảo lần này còn là hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cương, truyền thống đại đoàn kết toàn dân cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, nhất là thế hệ trẻ, tạo thêm sự tin tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Nhân cuộc Hội thảo quan trọng và đầy ý nghĩa trên mảnh đất lịch sử này, một lần nữa Ban tổ chức Hội thảo, trân trọng cảm ơn các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các Tổng cục, các vị tướng lĩnh, lãnh đạo, ban, ngành các tỉnh, thành thuộc Quân khu 1, Quân khu 2, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí đã tới dự và đóng góp vào thành công của cuộc Hội thảo khoa học này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM