Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:27:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tự vệ thành Sài Gòn-Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp  (Đọc 1931 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2021, 11:08:42 am »

7. Phối hợp chiến đấu giữa Tự vệ Thành với các đơn vị bạn

Cuộc chiến đấu của Tự vệ Thành ở bên trong thành phố mang một sắc thái riêng biệt khi tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ ra đời. Việc thành lập tiểu đoàn chứng tỏ sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng Tự vệ Thành. Các khu, đội tự vệ hoạt động trong nội thành không cảm thấy lẻ loi, mà thấy rằng mình luôn luôn có sự phối hợp và hỗ trợ, dù chỉ là về tinh thần. Các trận đánh của tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ, cũng như của trung đoàn Phạm Hồng Thái sau này vào các bốt Bà Hom, Bình Trị, Phạm Xuân Tung, Phú Thọ, Phú Lâm... không phải chỉ nhằm bảo vệ tích cực khu căn cứ Bàu Cò - Láng Le, mà còn là công tác vũ trang tuyên truyền yểm trợ nội thành đánh địch một cách vững chắc hơn. Vượt xa hơn, hoạt động của lực lượng vũ trang Nam Bộ nói chung và lực lượng Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng còn có ý nghĩa phối hợp tác chiến "chia lửa" với quân và dân ta trên khắp các chiến trường Trung - Nam - Bắc.


"Trên chiến trường Việt Bắc, quân và dân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng ở Bắc Cạn, mặt trận Sông Lô, mặt trận Đường số 4, mặt trận Đường số 3. Phát huy thắng lợi, trong tháng 12 khắp các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An, thành phố Sài Gòn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự. Đúng 22 giờ, ngày 4 tháng 12 năm 1947, lực lượng chi đội 4, chi đội 6, chi đội 25, tiểu đoàn Ký Con phối hợp với các Ban công tác thành tiến công đồng loạt nhiều mục tiêu ở nội ngoại thành. Vòng ngoài, các mục tiêu Thị Nghè, Bà Chiểu, Gò Vấp, Ngã ba Chú Ía, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Thọ Hòa, Phú Lâm, khu vực cầu Chữ Y, Nhà Bè; vòng trong, từ một số trại lính Pháp đến câu lạc bộ, rạp chiếu bóng dành riêng cho binh lính Pháp và sĩ quan các cấp Việt Nam đều bị tiến công. Tiếng súng nổ liên tục đến 5 giờ sáng ngày 5 tháng 12 mới chấm dứt"1 (Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, tập 1. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1990, Tr. 131 - 132).


Ngày 22 tháng 12 năm 1947, kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến, trung đoàn Phạm Hồng Thái phối hợp với các lực lượng vũ trang nội thành (Tự vệ Thành, các Ban công tác thành, Công an xung phong) đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, bốt Phú Thọ Hòa, Rạch Rít. Trong lúc đó, các lực lượng nội thành dùng lựu đạn đồng loạt tiên công vào các bót, nơi tập trung sỹ quan Pháp và sỹ quan ngụy ở hộ 17, hộ 18, Chợ Lớn. Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình trực tiếp đến ban chỉ huy tiền phương trận đánh tại ấp 4 xã Vĩnh Lộc, cho đến khi kết thúc trận đánh, đồng chí Nguyễn Bình mới trở về cơ quan chỉ huy trung đoàn Phạm Hồng Thái.


Ở hướng tây nam thành phố, xung quanh vùng căn cứ Bàu Cò Láng Le, các cuộc tiến công địch bảo vệ căn cứ diễn ra rất quyết liệt ngay sau khi tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ được thành lập và tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc.


Đối với căn cứ Bàu Cò - Láng Le, tỉnh lộ 10 từ Sài Gòn đi Đức Hòa lên Tây Ninh, chạy dọc phía bắc căn cứ, địch đóng các bốt: Bình Trị, Bà Hom, Cầu Xáng nhằm bảo vệ con đường tiếp tế quan trọng này của chúng. Cách vài ngày, địch lại tổ chức một đoàn cơ giới chở lương thực, thực phẩm, vũ khí cho quân lính của chúng ở Đức Hòa và Tây Ninh. Mỗi chuyến vận chuyển địch thường phục kích, lùng soát dọc đường. Hệ thống giao liên của ta hàng ngày, từ Bình Hưng Hòa, ấp 4, ấp 8 xã Vĩnh Lộc qua Vườn Thơm và ngược lại đều phải qua đường số 10 nên gặp không ít khó khăn trở ngại. Để giữ vững đường dây liên lạc, tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ đã phối hợp với du kích và dân quân các địa phương phục kích suốt đoạn đường từ Bà Hom đến cầu Xáng và tổ chức đào đường, phá cầu Bà Lác, đồng thời đánh lui các đoàn vận tải cơ giới tiếp tế cho Đức Hòa. Bị thiệt hại bởi các cuộc tập kích ráo riết của ta, địch phải hủy bỏ việc vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ này để thay bằng đường vận tải trên sông Vàm Cỏ Đông. Đường giao liên của ta được thông suốt ngày đêm giữa Vĩnh Lộc và Vườn Thơm.


Quanh vùng căn cứ của ta, địch đóng đồn bốt dày đặc, thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân sâu vào bên trong. Để tích cực, chủ động bảo vệ căn cứ, tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ đã liên tục đánh tiêu hao, ngăn chặn các cuộc tiến công của địch ở các bốt Bà Hom, Bình Trị, Phú Lâm, ngã năm Vĩnh Lộc, Lương Hòa (sau Vườn Thơm), do đó đã hạn chế đáng kể các cuộc hành quân của địch, bảo vệ an toàn căn cứ. Tiểu đoàn còn dùng Tromblon VB và súng cối 60 ly, 81 ly, đại liên... đánh phá các bốt Bà Điểm, vòng ngoài sân bay Tân Sơn Nhất và thọc sâu vào Phú Nhuận, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đặc biệt, đồn Phạm Xuân Tụng đóng trên đường số 4, gần Phú Lâm, với đường xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho, là một đồn có nhiệm vụ chi viện cho các bốt xung quanh và thường xuyên tổ chức các cuộc tiến công sâu vào các vùng căn cứ Tân Kiên, Tân Nhựt của ta.


Đầu tháng 4 năm 1948, được tin tình báo cho biêt đồn này đang tập trung quân tổ chức một cuộc hành quân quy mô đánh vào căn cứ, hòng vây bắt cán bộ và phá các cơ quan của ta, tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ liền tập trung hỏa lực chủ động tiến công đồn trên nhiều hướng ngay đêm trước ngày hành quân của địch. Cuộc tiến công đồn Phạm Xuân Tụng diễn ra mau lẹ. Ta tiêu diệt hàng chục tên, làm thất bại âm mưu mở cuộc hành quân càn quét của địch.


Trên đường số 4, địch thường xuyên dùng xe bọc thép vận chuyển hàng tiếp tế cho lực lượng của chúng ở Tân An, Mỹ Tho. Mỗi lần vận chuyển, địch huy động bộ binh đi yểm trợ, với lực lượng hùng hậu gây nhiều trở ngại cho đường giao liên của ta từ căn cứ ra Bến Lức, Tân Kiên và đường số 4 về Phú Lâm. Tiểu đoàn đã kiên trì tổ chức các trận phục kích, nhiều lần tiến công bộ binh địch yểm trợ các tàu hỏa, đánh lật nhào đoàn xe thiết giáp, diệt một số địch, thu vũ khí, buộc địch không thể thường xuyên phục kích, lùng sục như trước được.


Đường xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho dọc đường số 4 thường có lực lượng bộ binh hộ tống gồm các toa chở thiết giáp và toa chở lính xen kẽ toa hành khách. Tiểu đoàn đã nghiên cứu đánh một số trận chặn đoàn xe lửa quân sự, gây cho địch nhiều thiệt hại; tổ chức các tay súng giỏi bắn tỉa bọn lính đi hộ tống. Thấy dùng đường xe lửa không an toàn, đến giữa năm 1948, địch buộc phải bỏ hẳn đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Hoạt động giao liên của ta từ Tân Nhựt, Vườn Thơm về Sài Gòn được thuận lợi hơn trước.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2021, 11:10:23 am »

8. Đấu tranh quyết liệt trong các nhà tù của địch

Đối với lực lượng Tự vệ Thành, cuộc đấu tranh với kẻ thù không chỉ bằng súng đạn, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận, mà còn đấu tranh trực diện với quân thù ngay trong lao tù mỗi khi bị bắt. Trong truờng hợp không may lọt vào tay kẻ thù, bị tù đày, tra tấn rất dã man nhưng hầu hết anh chị em vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, một lòng trung thành với Tổ quốc.


Đến giữa năm 1946, số lượng anh chị em Tự vệ Thành, Công tác Thành và các đơn vị vũ trang tự lập khác bị địch bắt tăng lên khá nhiều. Sau ngày toàn thành kỷ niệm hai năm Cách mạng tháng Tám thành công do Thành bộ Việt Minh tổ chức (19-8-1946), số người bị bắt tăng lên trong số đó, có đồng chí Hoàng Minh Châu (đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Đồng Nai) và đồng chí Hà Huy Giáp. Tại bốt Ca-ti-na, tên mật thám Ba-danh (Bazin) trực tiếp chỉ huy tra tấn lấy khẩu cung. Trong khi tù nhân bị tra tấn, đánh đập dã man, đồng chí Hà Huy Giáp gợi ý nên làm một việc gì để động viên tinh thần anh em. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu từ trong buồng giam riêng biệt đã viết vở kịch thơ ngắn với nội dung Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi. Đa số "diễn viên" là anh em Tự vệ Thành, trong đó có đồng chí Lê Việt Tiến đóng vai Nguyễn Trãi. Sau đêm diễn kịch, địch khủng bố tàn bạo hơn, thủ tiêu năm người, trong đó có các đồng chí Vương Anh Tuấn cán bộ chính trị Nam Tiến, Đặng Văn Thức cán bộ Khu 7 (bị bắt trong khi về thành phố mua vũ khí); Trần Phong (trước ở Đoàn Hùng sau sang Ban công tác)... Số anh chị em bị địch tra tấn đến chết, hoặc đem đi thủ tiêu khá nhiều, trong số đó có đồng chí: Nguyễn Văn Tý (tức Tý rỗ) nhà ở một ngõ hẻm đường Ga-rôt (A-Garros - nay là đường Thủ Khoa Huân) là một tự vệ dũng cảm, có nhiều thành tích, đã bị địch bắt tra tấn và bị giết chết, cùng thời gian chúng thủ tiêu đồng chí Nguyễn Mạnh Liên (tháng 2 năm 1947).


Trước hành động đàn áp, khủng bố ngày càng dã man, tàn bạo của kẻ thù, không khí càng nặng nề, bi quan đề nặng lên các nhà tù, trại giam. Đồng chí Hà Huy Giáp gợi ý phải tìm cách nâng cao tinh thần đấu tranh của anh chị em. Đồng chí Hà Ngọc Tiêu viết tiếp vở kịch thơ: "Trần Bình Trọng thà chết chứ không hàng" cũng do đồng chí Lê Việt Tiến đóng vai Trần Bình Trọng. Lê Việt Tiến (tức Lều Thọ Bính) là chiến sĩ Tự vệ Thành, nguyên là một công chức trí thức của Pháp. Khi Việt Nam và Pháp ký Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946, phía Pháp dùng máy bay chở 10 người kháng chiến bị chúng bắt ra Hà Nội trao trả Chính phủ ta, trong đó có Lều Thọ Bính.


Tại Khám Lớn Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo của hai đồng chí Phan Trọng Bình, Vũ Huy Xứng, anh chị em Tự vệ Thành, các Ban công tác là lực lượng xung kích, dũng cảm đi đầu trong cuộc "Cách mạng khám đường", kiên quyết trấn áp bọn "đầu gấu" lưu manh làm tay sai cho địch khủng bố, ức hiếp các tù nhân khác, buộc chúng phải tôn trọng và cải thiện một phần đời sống tù nhân. Anh chị em bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Liên đoàn tù nhân.


Đầu năm 1947, đồng chí Trịnh Văn Hà chỉ huy phó Tự vệ Thành bị đưa sang Khám Lớn - Sài Gòn. Ít lâu sau, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được trả lại tự do, đồng chí Trịnh Văn Hà được bầu làm Chủ tịch kiêm Tổng đại diện Liên đoàn tù nhân.


Cuối năm 1947, nổ ra cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù nhân toàn Khám Lớn - Sài Gòn đòi cải thiện đời sống. Trong từng phòng giam, anh chị em Tự vệ Thành và Công tác thành là lực lượng nòng cốt, kiên cường đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Lực lượng cai quản nhà tù phải công nhận Tổng đại diện của toàn thể tù nhân và nới rộng một số chế độ hà khắc trước đó. Đời sống vật chất và sinh hoạt tinh thần của tù nhân được cải thiện một bước.


Nhiều tờ báo viết tay được lưu hành ở các khám (salle) để động viên tù nhân đoàn kết đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc. Trong các năm 1947, 1948, 1949, đã lưu hành một loạt các tờ báo: "Khám Đường", "Tiếng Tù" "Sáng", "Đời sống tù", "Đêm Khám Lớn"... được đông đảo bạn tù hoan nghênh. Các đồng chí Truông Trọng Toản (tức Trần Quốc Phiên) Nguyễn Vũ Linh chủ trương biên tập các tờ "Sáng" ở khám dưỡng đường, "Đời sống tù" ở khám 2 viết bằng mực pô-li-cô-pi, in bằng bột gạo nếp, đã ra được mấy chục kỳ, mỗi kỳ khoảng vài chục bản, phát hành ở hầu khắp các khám...


Bị địch bắt và đày ra Côn Đảo, suốt mấy năm ròng bị đàn áp, tra tấn khốc liệt, sống cực khổ đói khát và bệnh tật, những chiến sĩ cách mạng, trong đó có một số chiến sĩ Tự vệ Thành vẫn kiên trung bất khuất, phát huy tinh thần cảm tử của người chiến sĩ, giữ vững bản lĩnh chiến đấu, trung thành với Tổ quốc. Đồng chí Trịnh Văn Hà được toàn thể tù nhân Côn Đảo bầu làm Phó chủ tịch Liên đoàn tù nhân kiêm Tổng đại diện suốt từ năm 1948 cho đến năm 1954. Anh em Tự vệ Thành bị lưu đày nơi đây tích cực ủng hộ người chỉ huy cũ của mình làm tròn nhiệm vụ. Biết bao cuộc đấu tranh tuyệt thực đòi quyền sống, quyền học tập, chống lại việc hành hạ tù nhân, đòi giảm nhẹ lao động khổ sai đã diễn ra. Ở khám nào và lúc nào lực lượng các chiến sỹ Tự vệ Thành cũng cùng những chiến sĩ nòng cốt khác đi đầu đối phó quyết liệt với những hành động trả thù dã man của địch. Chúng tập trung đánh đập tàn bạo các đồng chí lãnh đạo và các anh em ốm yếu ở các khám, thì anh em xả thân, giơ lưng chịu nhận những ngọn roi củ mây, báng súng để bảo vệ các đồng chí mình. Những tấm gương sáng ấy tiếp thêm sức mạnh tranh đấu cho mọi người, kể cả những anh em thường phạm cùng sống chung.


Thắng lợi lớn nhất là cuộc đấu tranh 40 ngày đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc trao trả tù binh và tù chính trị.


Trong cuộc đấu tranh dài ngày này, người cán bộ lãnh đạo Tự vệ Thành năm trước, nay là Tổng đại diện, trên đà thắng lợi của cuộc kháng chiến "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta, đã ngẩng cao đầu, đối mặt với bọn cai quản nhà tù, yêu cầu chúng phải thực hiện nghiêm chỉnh từng điểm trong Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Ngược lại, chúng cũng giở mọi thủ đoạn, khi thì xoa dịu để trông chờ ý kiến của cấp trên trong đất liền, khi thì quyết liệt khủng bố để buộc tù nhân phải tuân theo điều luật trại giam, nhưng cuối cùng chúng đành chấp nhận thất bại. Ngày 20 tháng 8 năm 1954, từ Côn Đảo, 512 tù chính trị được đưa về đất liền chờ trao trả và ngày 24 tháng 9 có 1.050 tù chính trị được đưa về Sầm Sơn trao trả cho Chính phủ ta. Cũng tại đây, một sự việc xảy ra thể hiện khí tiết người tù Côn Đảo. Khi tàu rẽ vào cửa sông Chu, anh em tù chính trị phấn khởi, xúc động trương cơ đỏ sao vàng chào những thuyền của đồng bào ra đón mừng thì địch tức tối cho tàu quay ra biển, yêu cầu anh em phải hạ cờ xuống. Anh em kịch liệt phản đối và lập tức một số tù chính trị lao xuống biển để biểu thị thái độ kiên cường. Các thuyền của đồng bào ra đón vội vàng bủa đi cứu, nhưng vì sóng cả, nước sâu, ba đồng chí đã hy sinh, trong đó có hai đội viên Tự vệ Thành là anh Tính và anh Phụng (tức Dóm). Sự hy sinh để tỏ rõ khí tiết, bản lĩnh của những chiến sĩ cách mạng, của những chiến sĩ Tự vệ Thành trước phút giây toàn thắng, phút giây sum họp Bắc - Nam đã để lại niềm cảm phục và lòng tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đông đảo nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2021, 11:11:35 am »

Đối với những kẻ phản động làm tay sai cho bọn cai nhà tù, phá hoại tổ chức Liên đoàn tù nhân, sau nhiều lần giáo dục ngăn chặn, chúng vẫn chứng nào tật ấy thì anh em Tự vệ Thành phối hợp với những người tù kháng chiến trung kiên thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, kiên quyết trừng trị, nêu cao tinh thần diệt ác, trừ gian, ở Côn Đảo có đến 10 tên phản động bị anh em diệt trừ, cho dù sau mỗi lần như thế, bọn cai ngục trả thù rất dã man.


Đấu tranh mang tính chất "cách mạng", tích cực nhất đối với những chiến sĩ Tự vệ Thành cũng như các đồng chí cách mạng kiên trung khác là tìm cách vượt ngục, trở về đội ngũ tiếp tục đánh địch. Hàng trăm cuộc vượt ngục lẻ tẻ tiến lên những cuộc vượt ngục tập thể được chuẩn bị, tổ chức tỉ mỉ bằng các phương thức khác nhau như phá khám, vượt biển, thể hiện ý chí sắt đá và lòng dũng cảm tuyệt vời của anh em tù chính trị trong đó có vài vụ do anh em Tự vệ Thành thực hiện: Đồng chí Đào Văn Thực, đội trưởng đội tự vệ Ký Con, sau này là trưởng ban công tác số 8 đã bảy lần bị địch bắt trong hai cuộc kháng chiến. Trừ một lần được thả, còn sáu lần vượt ngục thoát khỏi tay địch trong tình thế vô cùng nguy hiểm. Lần thứ nhất, Đào Văn Thực vượt trại giam Sa Đéc (năm 1946), lần thứ hai trốn khỏi nhà tù Biên Hòa (cuối năm 1947), lần thứ ba vượt nhà tù Côn Đảo (năm 1949)... Lần vượt nhà tù Côn Đảo (ngày 23 tháng 12 năm 1949) Đào Văn Thực và đồng đội lênh đênh trên biển suốt hai tháng 12 ngày, vượt qua bao sóng to, gió cả, đói khát, nguy nan, có lúc thuyền dạt vào Hòn Tu, khi cặp Hòn Cau, Thổ Chu, Hòn Cu Choong... Cuối cùng, người tù mang số 4006 này đã cùng đồng đội cặp đất liền ở An Biên (Rạch Giá). Khi được tin, Trung tướng Tư lệnh lực lượng vũ trang Nam Bộ - Nguyễn Bình khẩn trương cử người đón các anh. Nhưng chỉ mấy tháng sau (cuối năm 1950), trên đường về công tác ở Chiến khu Đ, Đào Văn Thực lại sa vào tay địch ở Bàu Trai, ở đây, anh lại tổ chức vượt ngục thành công và đã vận động thêm hai lính lê dương (người Bỉ) mang hai súng trường Mas - 36 về với hàng ngũ cách mạng.


Vào giữa năm 1950, nhờ có sự phối hợp hành động giữa số tù chính trị và lực lượng bên ngoài, Tự vệ Thành đã tổ chức một cuộc vượt ngục quy mô lớn. Hoạt động "châm ngòi" cho cuộc vượt ngục này bắt đầu từ hai nữ liên lạc: Quảng Thị Nguyệt (Quảng Thị Mùi) và Võ Thị Nga (Võ Thị Nhự). Nguyệt và Nga là hai liên lạc viên đắc lực của Ban chỉ huy Thành bộ Tự vệ. Tháng 6 năm 1949, qua khai báo của một thành viên đã đầu hàng địch, hai chị bị bắt trên đường công tác và được đưa vể giam tại Thành Kèn (Biên Hòa). Tại đây, hai chị đã liên lạc được với đồng chí Hà Ngọc Tiếu và vận động được hai lính ngụy là anh Dể, anh Bảy làm được chìa khóa phòng giam đang có 29 nữ tù. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu cùng Ban chỉ huy trung đoàn 310 cử một đại đội do đồng chí trung đoàn phó Nguyễn Văn An và phó ban quân báo trung đoàn phụ trách, có nhiệm vụ yểm trợ cho chị em tù vượt ngục.


Theo kế hoạch, đêm 15 tháng 3 năm 1950, đến giờ gác hai anh Dể và Bảy mở khóa phong giam cho chị em vượt ngục an toàn. Sau khi tù nhân vượt ngục an toàn, bộ đội còn vào kho lấy vũ khí và rút ra chiến khu Đ. Một sự tình cờ là trước khi đi ngủ tên trưởng trại giam đi kiểm tra phát hiện được khóa phòng giam tù nhân nữ đã bị mở, liền đánh kẻng báo động. Hai anh Dể, Bảy cùng một tiểu đội bộ đội ta đã vào trong thành thấy lộ đành phải rút đi. Hai anh mang theo một súng máy và một súng trường ra chiến khu đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang.


Ít lâu sau, địch chuyển số nữ tù ở Thành Kèn về trại giam Thủ Đức. Trại này ở ngay trong khu vực chỉ huy quân sự miền Đông của địch. Tại đây, hai chị lại nghiên cứu kế hoạch vượt ngục. Thông qua các nam tù nhân là cán bộ quân sự, cán bộ quân báo, đặc biệt là các đồng chí Quang, Cơ thuộc trung đoàn 310 Biên Hòa, các chị liên lạc được với đồng chí Hà Ngọc Tiếu thống nhất phương án dùng thuốc mê làm tê liệt lính gác và bọn cai quản trại giam, phá các phòng giam, tự giải thoát. Kế hoạch chưa kịp hoàn chỉnh thì nhân dịp Quốc khánh Pháp (14-7-1950), địch trả tự do cho một số tù nhân, trong đó có hai chị Nguyệt và Nga. Ra khỏi nhà tù, nhưng chị Nguyệt vẫn ý thức đầy đủ trách nhiệm giải thoát các đồng chí, đồng đội của mình. Chị cùng anh Lê lên ngay chiến khu Đ gặp đồng chí Hà Ngọc Tiếu tình nguyện tiếp tục thực hiện phương án giải phóng tù nhân. Được sự nhất trí của Bộ Tư lệnh Khu 7, đồng chí Hà Ngọc Tiếu cùng Ban chỉ huy trung đoàn 310 bàn kế hoạch cụ thể: bên trong trại giam, do các anh Quang, Cơ đảm nhận tổ chức một trung đội xung kích là tù nhân quân sự khỏe mạnh có nhiệm vụ phá tường để tù nhân vượt ra ngoài. Sau khi kế hoạch được thông qua, chị Nguyệt cùng đồng chí Trần Văn Lễ (tức Long "lé") trực tiếp về Thủ Đức vừa phổ biến kế hoạch vượt ngục vừa mang thuốc mê để tù nhân thực hiện kế hoạch. Thuốc mê được đồng chí Nguyễn Văn Hâm - trung đoàn phó trung đoàn Phạm Hồng Thái chuẩn bị và hướng dẫn cách sử dụng. Từ Sài Gòn, anh Lễ và chị Nguyệt vượt qua nhiều trại kiểm soát của địch một cách dễ dàng. Đến gần trại giam Thủ Đức, anh Lễ dừng lại ở chùa Hiếu Nghiêm, chị Nguyệt vào trại với nhiệm vụ phổ biên kế hoạch vượt ngục và cung cấp thuốc mê cho hai anh Quang và Cơ.


Cùng lúc triển khai kế hoạch bên trong trại giam, bên ngoài trung đoàn 310 và Ban quân báo Khu 7 có nhiệm vụ yểm trợ dẫn đường, cõng những người ốm yếu và chặn địch nếu chúng phát hiện, truy đuổi. Trực tiếp chỉ huy chung là đồng chí Hà Ngọc Tiếu.


Chị Nguyệt tự tin và khôn khéo đến thẳng trại giam, xin gặp giám thị trưởng. Chị mang theo quà tặng, cảm ơn giám thị trưởng đã xin cho chị được ân xá trong dịp vừa rồi và xin được phép thăm một số tù nhân. Trước ứng xử "khéo léo" của chị Nguyệt, giám thị trưởng đồng ý cho chị gặp tù nhân. Chị Nguyệt đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình.


Ngày 23 tháng 7 năm 1950, nhân ngày chủ nhật, một nửa số lính gác được chơi ngoài doanh trại. Một số lính lê dương đang áp tải một đoàn vận tải cơ giới từ Đà Lạt chưa về, kế hoạch vượt trại giam Thủ Đức của tù nhân được thực hiện.


Sau khi các giám quản Pháp và lính gác ngấm thuỗc mê qua uống cà phê, hơn 300 tù nhân đã phá nhà ngục giúp đỡ nhau vượt ra ngoài.


Mọi việc gần như trót lọt thì bất ngờ một lính địch đi chơi về phát hiện tù nhân vượt ngục. Tên lính này liều mạng trèo lên chòi canh và sử dụng súng 12,7 ly bắn vào một tốp tù nhân. Vì không phát hiện trước nên 35 người đã hy sinh bởi khẩu 12,7 ly lợi hại này.


Số tù nhân thoát khỏi nhà giam Thủ Đức được đưa về Chiến khu Đ. Trên đường ra căn cứ, những người con trung kiên, bất khuất đã được các tầng lớp nhân dân địa phương đón tiếp chân tình, quý trọng.


Các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ - Tư lệnh trưởng, Nguyễn Văn Trí - Chính ủy và Dương Văn Hà - Phó tư lệnh Khu 7 tổ chức một cuộc đón tiếp long trọng những tù chính trị vượt ngục. Bộ Tư lệnh Khu 7 cấp bằng khen cho những đồng chí có công lớn tổ chức cuộc vượt ngục này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2021, 11:12:45 am »

THAY LỜI KẾT


Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Nam Bộ, sau khi đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp nghiên cứu nắm vững tình hình địch, ta trong thành phố, nhất là được hiểu thêm tinh thần bất khất kiên cường của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Bình - Khu trưởng Khu 7, với kinh nghiệm chỉ huy chiến khu Trần Hưng Đạo ("Đệ Tứ chiến khu") chủ trương chỉnh đốn lại các tổ chức vũ trang, bán vũ trang tự lập đang chiến đấu trong thành phố và đã quyết định thành lập một lực lượng vũ trang hoạt động ngay trong thành phố đang bị địch tạm chiêm. Đó là lực lượng Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn.


Tự vệ Thành là một lực lượng vũ trang được tổ chức và hoạt động ngay trong lòng thành phố. Cán bộ chỉ huy được chọn trong số cán bộ, chiến sĩ Giải phóng quân khu 7, học viên Trường quân chính khu 7, một số ít cán bộ quân chính Nam Tiến ít nhiều đã trải qua chiến đấu vũ trang, được bồi dưỡng về chính trị cơ bản, học tập năm bước công tác cách mạng, theo chương trình huấn luyện của Mặt trận Việt Minh, được huấn luyện về quân sự, về chiến thuật du kích, tổ chức và hoạt động bí mật trong thành phố bị địch tạm chiếm.


Chiến sỹ Tự vệ Thành dù là Bắc, Trung, Nam Bộ đều là người từ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn ra đi kháng chiến, họ thông thuộc thành phố, có gia quyến, bạn bè, thân quen ở đó. Ưu thế của lực lượng này làm nhiệm vụ trong thành phố là có điều kiện thuận lợi trong việc ăn, ở, sinh hoạt bình thường và tìm việc làm để che giấu mình. Bối cảnh chính trị, xã hội lúc đó cũng có những nét mới. Khi địch chiếm đóng thành phố, một số nhân dân đi sơ tán, không cộng tác với địch, nay gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, phải lần luợt trở về nơi ở cũ. Kẻ địch cũng ra sức tuyên truyền, lôi kéo dân chúng trở về để giành dân vừa giảm thế cô lập, vừa giảm uy tín lực lượng kháng chiến, nên việc kiểm soát cũng có phần nới lỏng. Mặt khác, nhân việc thi hành Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), ta chọn lực lượng đưa vào thành hoạt động, thực hiện chỉ thị của Trung ương: "Miền Nam phải nhân cơ hội này khôi phục và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cách mạng và chính quyền cơ sở ở các vùng bị địch tạm chiếm đóng".


Với phương châm chỉ đạo: dựa vào người thân quen để có chỗ ở và phát triển tổ chức, tìm việc làm, tiến lên tuyên truyền, giác ngộ những người trong gia đình, thân thuộc bạn bè, người cùng khu cư trú đưa vào tổ chức, các đơn vị Tự vệ Thành đã phát triển vững chắc và hoạt động có hiệu quả.


Lợi dụng từng thời điểm địch cần tuyển người làm từ công chức, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đến lao động chân tay, các đơn vị đã đưa nhiều anh chị em ta vào "trong lòng" kẻ địch, vừa tạo công ăn việc làm, vừa có dịp trực tiếp điều tra nắm tình hình địch, đồng thời có điều kiện tuyên truyền, giác ngộ những người khác đang làm cho địch. Đối với nhân dân đang phải sống và phải có quan hệ với địch trong thành phố bị tạm chiếm, sau khi điều tra nắm vững được những người tốt, có cảm tình ủng hộ cách mọng, dám hoạt động chống địch, anh chỉ em đã thực hiện phương án "kéo ra" giác ngộ họ, khi đủ tiêu chuẩn quy định thì đưa vào tổ chức, giao công việc, xóa bỏ những mặc cảm "cộng tác” với kẻ thù, những thành viên sau khi được giác ngộ trở về với hàng ngũ cách mạng đã tích cực hoạt động, trực tiếp chiến đấu và lập nhiều chiến công.


Bằng phương thức "đưa người vào" và "kéo người ra” đã làm cho tổ chức Tự vệ Thành phát triển vững chắc, năm bước công tác của chương trình huấn luyện Việt Minh đã phát huy tác dụng. Với đặc thù hoạt động ngay trong lòng địch, việc điều tra, lập kế hoạch đánh địch, dù với mục tiêu diệt những tên cầm đầu, chỉ huy quan trọng của địch, tiêu diệt những tên tay sai ác ôn, hay đốt phá các hoại kho quân nhu, vũ khí, xăng dầu cho đến nắm tình hình địch, ta đều đạt hiệu quả cao. Nếu từ xa đột nhập vào điều tra thì thời gian có hạn, địch bố phòng cẩn mật, công tác điều tra khó đạt mức chính xác; nếu phải qua cơ sở trung gian mà người đó chưa được huấn luyện theo yêu cầu đánh địch thì cũng khó cung cấp những thông tin cần thiết để chỉ huy hạ quyết tâm một cách vững chắc, nên có tâm lý "ít nhiều phải mạo hiểm phiêu lưu". Bằng những hoạt động cụ thể, sâu sát, Tự vệ Thành đã phần nào hạn chế được những yếu tố trên.


Bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền và đoàn thể, sống cùng nhân dân, dựa vào dân là nhiệm vụ, là khẩu hiệu hành động chỉ đạo mọi suy nghĩ hành động và cách sống hàng ngày của lực lượng Tự vệ Thành. Điều này đã tạo ra sự gắn bố, thân tình, giúp ích rất nhiều cho công tác chung và đời sống của anh chị em. Việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ và khẩu hiệu nói trên được anh chị em sử dụng đầu tiên đối với những người thân trong gia đình, họ hàng, thân quen... Họ cùng chung sống trong khu vực nên dễ dàng nhận ra người có cảm tình với cách mạng, người xấu, người là tay sai của địch; hàng ngày họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau mà không phải bố trí thời gian, tình thế gặp gỡ. Tự vệ Thành tổ chức được nhiều tuyên truyền viên, hợp giới, hợp tuổi nên đạt nhiều kết quả mà không để lộ tổ chức. Nếu từ nơi khác đến tuyên truyền theo kiểu tuyên truyền xung phong rồi nhanh chóng rút thì khó có kết quả sâu rộng và liên tục như vậy. Đó là thế mạnh của lực lượng tại chỗ.


Phương thức đánh địch theo chiến thuật đột kích kiểu đặc công biệt động, kết hợp nội công với ngoại kích, coi trọng yếu tố bí mật bất ngờ, đánh thật sâu, thật hiểm, thật trúng bằng lực lượng rất nhỏ, hai, ba người, thậm chí chỉ một người rồi rút nhanh, đạt hiệu quả cao mà địch lại khó bề phát hiện1 (Tạp chí quân sự Guerilla (Du kích) của thực dân Pháp đã mô tả các hoạt động vũ trang của ta ở nội thành: "Họ mặc thường phục, trang bị súng ngắn, dao găm, thoắt ẩn thoắt hiện, bất ngờ như chớp giật, tấn công vào câu lạc bộ sĩ quan không quân Pháp, đánh vào nơi hội họp, vui chơi giải trí nơi làm việc của quân đội Pháp rồi tan biến như sương mù và không dấu vết").


Tự vệ Thành đã thực hiện lơi dạy của Bác Hồ về cách đánh phải "Lai vô ảnh, khứ vô tung" và đã hiểu sâu sắc muốn "Lai vô ảnh, khứ vô tung" thì phải đánh nhanh, đánh ngay ở những nơi mình thông thạo nhất, có quần chúng ủng hộ cản địch truy đuổi, xóa dấu vết mình còn để lại và có nhiều cơ sở che dấu nuôi dưỡng và chăm sóc khi mình bị thương, giữ liên lạc với tổ chức.


Tự vệ Thành thực chất là một lực lượng vũ trang hoạt động theo kiểu biệt động. Do quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh từ Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy, đến Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Tự vệ Thành luôn phát triển về tổ chức và đánh địch, được nhân dân tin yêu. Điều có ý nghĩa thực tiễn sâu xa hơn là tên gọi Tự vệ Thành chỉ tồn tại trong hai năm tám tháng, thời gian đầu của cuộc kháng chiến, sau đó chuyển sang các hình thức tổ chức và tên gọi khác phù hợp với tình hình mới, nhưng cán bộ, chiến sĩ Tự vệ Thành luôn luôn được coi là một trong các lực lượng nòng cốt, nêu cao lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và bản lĩnh chiến đấu đánh địch bảo vệ nhân dân. Tinh thần cảm tử, mô hình tổ chức và phương thức tác chiến, tổ chức quần chúng cách mạng ngay trong lòng địch đã đóng góp những kinh nghiệm quý báu, thiết thực đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, góp phần tổng kết thành các phương châm chiến lược "ba chân, hai mũi", "xây dựng căn cứ lõm" trong các vùng địch tạm chiếm, làm cho cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam càng thêm độc đáo và phong phú.


Hoạt động của Tự vệ Thành phối hợp cùng các lực lượng vũ trang bạn đã tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, nhất là diệt một số tên đầu sỏ, làm cho địch hoang mang, khiếp sợ. Ta còn kết hợp phá hoại nhiều cơ sở vật chất, kỹ thuật của địch như đốt phá các kho bom đạn, xăng dầu, kho hậu cần..., đặc biệt là lấy súng đạn của địch trang bị cho ta ở ngay trong thành phố và còn đưa ra căn cứ, góp phần xây dựng được một tiểu đoàn chủ lực - tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ.


Phương thức hoạt động của Tự vệ Thành mang tính chất biệt động, từ điều tra nghiên cứu, bám thời cơ, tạo thuận lợi, có điều kiện là tiến công địch. Những hoạt động có ý nghĩa chính trị luôn luôn tranh thủ sự chỉ đạo của trên, và được trên hỗ trợ, tổ chức chỉ huy nên đạt hiệu quả cao như các trận đánh rạp Ma-giét-tích, cuộc phá trại giam Thủ Đức... Trong những đợt hoạt động thống nhất dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự Thành, Tự vệ Thành đã tham gia tích cực cùng các đơn vị bạn trong thành phố, kết hợp với các lực lượng tập trung ở ven đô, kể cả thống nhất với các trung đoàn chủ lực như trung đoàn Phạm Hồng Thái, trung đoàn 306, 308, 302 thành một mặt trận có hiệp đồng về mục đích, chỉ huy, mục tiêu, địa bàn và thời gian, tạo nên một bức tranh toàn cảnh hoạt động của các lực lượng vũ trang thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đạt được hiệu quả và đã góp phần vào kho tàng kinh nghiệm về chiến, kỹ thuật đánh địch trong thành phố của các lực lượng vũ trang cách mạng trong nhũng năm đầu chông thực dân Pháp.


Năm tháng qua đi, nhiều sự kiện đã và đang lùi về dĩ vãng, song những tháng năm chiến đấu hào hùng với những gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mãi mãi là những dấu son đáng tự hào của lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Càng tự hào với quá khứ, trân trọng công sức, máu xương của những cán bộ chiến sỹ Tự vệ Thành đã góp phần viết nên "màn dạo dầu" của cuộc kháng chiến "Ba nghìn ngày không nghỉ", những chiến sĩ Tự vệ Thành còn sống, dù ở cương vị công tác nào, dù ở độ tuổi nào đều vững tin vào hiện tại và tương lai của một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thịnh vượng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM