Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:51:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947-Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt  (Đọc 7155 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:22:42 pm »

- Tên sách: Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
- Năm xuất bản: 2007
- Người số hóa: ptlinh, quansuvn


BAN CHỈ ĐẠO HỘI THẢO KHOA HỌC:

* TRƯỞNG BAN:
   Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

* PHÓ TRƯỞNG BAN:
   - Trung tướng PHẠM HỒNG THANH - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
   - Thiếu tướng, PGS, TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

* ỦY VIÊN:
   - Trung tướng PHẠM XUÂN THỆ - Tư lệnh Quân khu 1
   - Trung tướng ĐỖ BÁ TỴ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2
   - Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN THẾ LỰC - Chánh Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng
   - Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HÀ - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

* TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
   - VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
   - BỘ TƯ LỆNH QUÂN KHU 1
   - BỘ TƯ LỆNH QUÂN KHU 2
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:23:32 pm »

Lời nói đầu
   

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, là một trong những sự kiện lịch sử có tầm chiến lược, tác động đến tiến trình của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đối với thực dân Pháp, đó lại là một thất bại nặng nề cả về quân sự lẫn chính trị: chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" với đòn quyết định nhằm đè bẹp đối phương, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, dựng chính quyền bù nhìn tay sai, nô dịch dân tộc ta một lần nữa, hoàn toàn bị phá sản; buộc chúng phải bị động thay chiến lược, kéo dài chiến tranh ngoài ý muốn.


Sự kiện Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, luôn thu hút sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu của các nhà quân sự, chính trị, các nhà khoa học Việt Nam, Pháp và một số nước khác, suốt từ đó đến nay. Đã có rất nhiều công trình, bài viết đề cập tới sự kiện này, theo từng góc độ, khía cạnh khác nhau. Việc nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm về chiến thắng này và vai trò căn cứ địa Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vẫn cần phải được tiếp tục bởi những giá trị của nó mang ý nghĩa lịch sử, thực tiễn quan trọng.


Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử vẻ vang đó, được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức cuộc Hội thảo Khoạ học Chiến thắng Viêt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến.


Hơn 60 bài tham luận của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn; Huyện ủy và Ban chỉ huy quân sự các huyện Định Hoá, Sơn Dương; các vị lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hổ Chí Minh; Viện sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên,... đã gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo.


Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập của các tác giả. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng do câu thúc về thời gian; vả lại, tôn trọng thành quả nghiên cứu của các tác giả, nên khi tập hợp các bài viết thành một tập sách, có hiện tượng ở đôi chỗ số liệu, sự kiện, địa danh và tên người chưa thật thống nhất, nhất quán. Rất mong được sự cảm thông của các tác giả và bạn đọc.


Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, các cơ quan chức năng, các cá nhân đã cộng tác, đóng góp vào sự ra đời của tập sách này.


BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:25:03 pm »

THƯ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
GỬI CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG NĂM 1947


Các đồng chí thân mến!

Cách đây tròn 60 năm, vào Thu - Đông năm 1947, khi Toàn quốc kháng chiến mới diễn ra chưa đầy một năm, thực dân Pháp mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, bao gồm cả thủy, lục, không quân đánh vào Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến Trung ương, nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, phá cơ quan đầu não kháng chiến, phá hủy tiềm lực kháng chiến, khoá chặt biên giới Việt - Trung, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong danh dự.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc phản công chiến lược trên toàn chiến trường Việt Bắc. Lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Việt Bắc, được quân và dân cả nước từ Bắc chí Nam phối hợp đã chiến đấu anh dũng và mưu trí, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ được các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, bảo toàn lực lượng chủ lực, đánh bại hoàn toàn chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng sa lầy, bị động kéo dài chiến tranh ngoài ý muốn.


Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến thắng chung của cả nước, mà trực tiêp là quân, dân Việt Bắc. Chiến thắng đầu tiên ở quy mô chiến dịch ấy đã làm tăng thêm ý chí chiến đấu và củng cố lòng tin của nhân dân cả nước vào sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa, nhất định thắng lợi.


Qua chiến thắng Việt Bắc, chúng ta có thể nêu lên những bài học quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh - nguyên nhân trực tiếp đưa chiến dịch phản công đầu tiên đến thắng lợi:

- Đó là bài học về chủ động xây dựng căn cứ địa trước khi bước vào cuộc kháng chiến và suốt xuân - hè năm 1947. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, bồi dưỡng cán bộ, củng cố tổ chức, tăng cường trang bị, giáo dục chính trị, nhằm nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, đồng thời phát triển lực lượng vũ trang địa phương, động viên quân và dân căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đối phó với cuộc tiến công của địch.

- Đó là bài học biến bị động thành chủ động. Khi hàng vạn quân Pháp dùng bộ binh, xe tăng, pháo binh, không quân ồ ạt tiến công lên Việt Bắc, lúc đầu ta có bị bất ngờ, bị động, nhưng do bám sát tình hình, phân tích đúng những điểm yếu của địch, những khó khăn, nhược điểm của ta và khi bắt được kế hoạch tiến công của địch, ta đã kịp thời thay đổi kế hoạch tác chiến lúc đầu, Bộ Tổng chỉ huy đã triển khai 3 mặt trận: Đường số 2 - Sông Lô, Đường số 3 - Bắc Kạn và Đường số 4 - Lạng Sơn, chọn đúng cách tổ chức lực lượng và cách đánh thích hợp, đánh mạnh vào chỗ yếu của địch, bẻ gãy từng gọng kìm của chúng, buộc chúng phải đi đến thất bại.

- Đó là bài học về phát triển chiến tranh nhân dân lên một bước mới, tiến hành rộng rãi toàn dân đánh giặc, đánh địch bằng mọi cách, mọi thứ vũ khí có trong tay, đặc biệt là bước đầu vận dụng thực hiện phương châm: "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" đã phát huy sức mạnh của bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương cùng với toàn dân tiến hành chiến tranh du kích rộng rãi.


Bài học sâu sắc mà tôi cho là có ý nghĩa thời sự đối với chúng ta trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó là lãnh đạo, chỉ đạo luôn bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật về những điểm chưa đúng của ta trong đánh giá tình hình địch cũng như cách đánh lúc đầu và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách hành động cho phù hợp, tức là phải dũng cảm thay đổi chủ trương khi đã thấy không phù hợp với thực tế khách quan. Nhờ vậy, chúng ta đã giành được thắng lợi.


Với thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của niềm tin, của chiến thắng. Hai tiếng Việt Bắc thân yêu trở thành tên gọi của chiến công, đi vào lòng người, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, cổ vũ toàn dân và toàn quân ta trên mọi nẻo đường kháng chiến.


Trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, Việt Bắc luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Vì vậy, tôi mong đồng bào các dân tộc Việt Bắc hãy nêu cao truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu tiến lên và mong Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước quan tâm giúp đỡ các tỉnh vùng căn cứ địa Việt Bắc phát triển giàu mạnh, sớm tiến kịp miền xuôi, tương xứng với vai trò căn cứ địa quan trọng bậc nhất của cách mạng Việt Nam. 


Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Việt Bắc, chúng ta càng tưởng nhớ đến đồng bào đồng chí đã ngã xuống trên các mặt trận Sông Lô, Đường số 3, Đường số 4, mùa khô năm 1947, đồng thời tưởng nhớ đến các liệt sĩ trên các chiến trường khác trong suốt 30 năm chiến trang giải phóng dân tộc để Tổ quốc ta có được ngày nay.


Tôi hoan nghênh Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Quân khu 1 và Quân khu 2 tổ chức cuộc Hội thảo khoa học: "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến". Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để kỷ niệm chiến thắng Việt Bắc, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn dân và toàn quân ta, nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và cả mai sau.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Chào thân ái.


Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2007

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:28:04 pm »

PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI THẢO
"CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG 1947 - VAI TRÒ CĂN CỨ ĐỊA VÀ BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN"


Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN
Ủy viên Trung ương Đảng
Ủy viên QUTW, Thứ trưởng BQP
Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo


- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Bộ Quốc phòng

- Kính thưa các đồng chí tướng lĩnh, lão thành cách mạng

- Thưa các vị đại biểu, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí.


Trong không khí phấn khởi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, hôm nay Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến". Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu về dự Hội thảo quan trọng này, chúc các đồng chí dồi dào sức khoẻ, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí!

Cách đây tròn 60 năm (Thu - Đông 1947 - 2007), trên mảnh đất lịch sử Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Bắc cùng quân dân cả nước đã anh dũng đập tan cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Chiến thắng Việt Bắc trở thành một sự kiện lịch sử lớn của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Với chiến thắng oanh liệt này, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến lược ''đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến phát triển lên một giai đoạn mới.


Cùng với thời gian, chiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc càng thêm sáng chói, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chủ động, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện.


Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Trong chiến dịch này, quân và dân ta không những tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng của địch, làm phá sản hoàn toàn chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" hòng sớm kết thúc chiến tranh của địch mà còn bảo toàn cơ quan đầu não Trung ương, bảo toàn được lực lượng, phát triển lực lượng, tạo thế đưa cuộc kháng chiến bước sang một thời kỳ mới. Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua chiến dịch Việt Bắc, Đảng, nhân dân và quân đội ta đã "trưởng thành trong kháng chiến, dày dạn trong gian khổ".


Cuộc Hội thảo khoa học "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến" hôm nay mang nhiều ý nghĩa, cả về khoa học và thực tiễn.

Cuộc Hội thảo khoa học lần này nhằm khẳng định và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề sau:

- Âm mưu và hành động xâm lược, bản chất hiếu chiến, phiêu lưu mạo hiểm của thực dân Pháp thông qua kế hoạch tiến công lên Việt Bắc hòng phá căn cứ địa và chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến.

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc, và toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo của quân và dân cả nước, trực tiếp là quân và dân Việt Bắc và các lực lượng phối hợp đã tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược trong giai đoạn đầu rất khó khăn của cuộc kháng chiến.

- Nghệ thuật chỉ đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương, nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức, bảo đảm phối hợp hiệp đồng chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của chiến tranh nhân dân tạo nên thắng lợi to lớn trong những ngày đầu kháng chiến và trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về xây dựng, bảo vệ đất nước, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng - an ninh nhân dân hiện nay.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

Thông qua cuộc hội thảo này, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, chúng ta cùng nhau lý giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử trọng đại này, nhằm đúc kết những bài học quý báu cho hôm nay và mai sau.


Cuộc hội thảo lần này còn là một hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Trên tinh thần đó, thay mặt Ban chỉ đạo Hội thảo, tôi xin tuyên bố khai mạc cuộc Hội thảo khoa học "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến".

Kính chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu và các đồng chí.

Chúc Hội thảo thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:29:57 pm »

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG 1947 - VAI TRÒ CĂN CỨ ĐỊA VÀ BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN


Thiếu tướng NGUYỄN VĂN ĐẠO
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1;
nay là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1


Cách đây 60 năm, ngày 7-10-1947, thực dân Pháp với mưu đồ thâm hiểm, mở cuộc hành binh chiến lược, từ 3 hướng bất ngờ tiến công lên Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến thần thánh của cả nước. Thực hiện chủ trương chiến lược "Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông 1947 nhằm 4 mục tiêu cơ bản là: chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực, phá hủy tiềm năng kháng chiến của nhân dân ta và dọn đường thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại.


Song tham vọng thâm hiểm của kẻ thù đã bị thất bại nặng nề trước ý chí và quyết tâm cùng sức mạnh kháng chiến của quân dân cả nước nói chung và lực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc Việt Bắc nói riêng. Trải qua 75 ngày đêm anh dũng, kiên cường chiến đấu (7-10-1947 đến 19-12-1947), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân Việt Bắc đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa Trung ương và đứa cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp sang một giai đoạn mới.


Cùng với thời gian, chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.


Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng, tại Thái Nguyên, miền đất "Thủ đô gió ngàn" lịch sử này, dưới sự chủ trì của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến", với mục đích:

1- Làm rõ thêm âm mưu và hành động xâm lược, bản chất hiếu chiến, ngông cuồng của thực dân Pháp, thông qua âm mưu và hành động chiến lược của thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc hòng chụp bắt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh quỵ chủ lực và phá nát căn cứ địa kháng chiến của ta để hoàn thành cuộc tái xâm lược.

2- Khẳng định và làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo tài tình, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy; tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của quân dân cả nước, trực tiếp là lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Việt Bắc, đã tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược trong giai đoạn đầu đầy khó khăn của cuộc kháng chiến.

3- Nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo xây dựng, bảo vệ căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương; đồng thời làm rõ nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch phản công, vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quổc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Việt Bắc, miền đất địa đầu của Tổ quốc, nơi đây đã mang nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng của ông cha ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ những năm 30 của thế kỷ XX, Việt Bắc đã sớm có cơ sở cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân các dân tộc chống thực dân, phong kiến đã liên tục nổ ra, đỉnh cao là khởi nghĩa Bắc Sơn (25-9-1940). Tiếng súng Bắc Sơn đã báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.


Việt Bắc là một vùng đất "địa linh, nhân kiệt", nhân dân các dân tộc có truyền thống đoàn kết, yêu nước và cách mạng và là nơi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau 30 năm tìm đường cứu nước, chọn làm nơi trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tiến lên giành độc lập, tự do, cơm áo cho dân tộc.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Việt Bắc - với những căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, căn cứ địa Cao Bằng, đã trở thành "ngôi sao cách mạng", là đất đứng chân vững chắc, là nơi ra đời Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và là căn cứ địa bàn đạp, làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với truyền thống đó, núi rừng Việt Bắc một lần nữa lại được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm "Căn cứ địa" của cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc ta chống xâm lược Pháp. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao cho sứ mệnh lịch sử: "Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi". Và, ngay năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc của Nhà nước dân chủ cộng hoà non trẻ, với bao khó khăn, thách thức của giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt... dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Việt Bắc, cùng nhân dân cả nước, đã đánh bại mưu đồ đen tối và hành động thâm hiểm của thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông 1947, lập nên kỳ tích vẻ vang, bảo vệ vững chắc căn cứ địa, bảo toàn và không ngừng phát triển lực lượng vũ trang, đưa cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.


Cuộc Hội thảo lần này có quy mô lớn, là sự kế thừa và phát triển của các kết quả nghiên cứu khoa học đã thu được trong thời gian qua, nhiều vấn đề, sự kiện lịch sử đã được kết luận, nay được làm rõ hơn với những tư liệu mới, nhận thức mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Trên cơ sở chủ để cuộc Hội thảo là: "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến", nội dung chính của cuộc hội thảo gồm những vấn đề cụ thể sau đây:

1- Bối cảnh quốc tế và trong nước: âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong Hè - Thu 1947; chủ trương, kế hoạch quân sự và quá trình chuẩn bị của ta trước chiến dịch phản công Việt Bắc.

2- Quá trình thực hiện cuộc tiến công chiến lược của Pháp lên Việt Bắc; diễn biến, kết quả các trận đánh có ý nghĩa quan trọng, bẻ gãy các "gọng kìm" của địch, bảo vệ an toàn căn cứ địa, bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương và các bước thực hành chiến dịch phản công của quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc.

3- Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch phản công Việt Bắc và toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

4- Nghệ thuật chỉ đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến, nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức, bảo đảm phối hợp hiệp đồng chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Việt Bắc; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh của chiến tranh nhân dân tạo nên chiến thắng to lớn trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

5- Tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về xây dựng, bảo vệ đất nước, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân trong tình hình mới.


Tại cuộc Hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 báo cáo khoa học của các tướng lĩnh, các bậc lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn Việt Bắc, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.


Thông qua các báo cáo khoa học, tập trung ở 5 chủ đề của Hội thảo, chúng tôi tin tưởng rằng, các tham luận sẽ góp phần làm rõ hơn, sâu hơn, có hệ thống và đầy đủ hơn, với những tư liệu mới, nhận thức mới trong tình hình mới, về sự kiện rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, đó là sự kiện chiến dịch phản công Việt Bắc, đánh bại cuộc hành binh chiến lược của thực dân Pháp lên Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:31:38 pm »

CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG NĂM 1947 VÀ BÀI HỌC VỀ PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TRONG XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN HIỆN NAY


Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên QUTW,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Cách đây tròn 60 năm, vào Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ địa kháng chiến Trung ương của ta ở Việt Bắc theo ba hướng chính: đường không, đường bộ và đường thủy, với lực lượng lên tới 12.000 quân tinh nhuệ cùng nhiều phương tiện, võ khí chiến tranh hiện đại, nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến, phá hủy tiềm lực kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; khoá chặt biên giới Việt - Trung, giành thắng lợi quân sự để thúc đẩy việc thành lập chính quyền bù nhìn trung ương, nhanh chóng kết thúc chiến tranh và lập lại ách thống trị thực dân lên đất nước ta một lần nữa.


Cuộc tiến công này của thực dân Pháp là một thử thách lớn, quyết liệt đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc.


Với ý chí kiên cường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí thông minh, sáng tạo, quân và dân ta bằng nhiều biện pháp, đã từng bước làm chuyển thế trận, giành lại quyển chủ động đánh địch, đẩy địch từ thế chủ động sang thế bị động. Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Việt Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến, ca nô, phá hủy hàng trăm xe quân sự... Bằng chiến thắng này, chúng ta đã đập tan cuộc tiến công đầy tham vọng của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc An toàn khu và cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn lực lượng.


Thắng lợi của chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 có ý nghĩa lớn lao, cả về quân sự, chính trị và tinh thần trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.


1. Trong chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947, chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của các lực lượng võ trang, sức mạnh toàn dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, diễn ra trong điều kiện nước ta vừa mới giành được độc lập. Xét về phương diện vật chất chiến tranh, chúng ta thua kém đối phương rất nhiều lần. Do vậy, để bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm hoạch định đường lối kháng chiến với nội dung toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính.


Quá trình tiến hành chiến dịch Việt Bắc, quân và dân ta quán triệt rất sâu sắc đường lối chỉ đạo chiến lược này. Ngay    từ khi quân Pháp mới đặt chân lên căn cứ địa Việt Bắc, chúng đã sa vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc một lòng nghe theo Đảng và Bác Hồ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, với phương thức phòng tránh và tham gia kháng chiến. Việc phá hoại đường sá, cầu cống, làm "vườn không, nhà trống", bất hợp tác với địch được tiến hành khẩn trương. Kè ngăn sông, chướng ngại vật được dựng lên ở nhiều địa điểm xung yếu. Dân quân tự vệ được huy động bố phòng, canh gác ở các An toàn khu (ATK), các địa điểm, nơi ở, nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền, các kho tàng, binh công xưởng,...


Khắp nơi, ở đâu cũng có lực lượng võ trang và nhân dân địa phương bám đánh địch tại chỗ, bằng nhiều hình thức với võ khí thô sơ, tự tạo là chủ yếu, vừa tiêu hao, chia cắt lực lượng, làm chậm bước tiến quân của kẻ thù, vừa tạo thế trận tác chiến liên hoàn. Dựa trên sức mạnh chiến đấu của toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, địa thế thiên hiểm rừng núi, bộ đội chủ lực bố trí hợp lý, tổ chức chiến đấu, bẻ gãy các mũi tiến công, các cuộc hành quân càn quét của địch. Với phương thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", nhiều đơn vị bộ đội được tổ chức thành các đại đội độc lập, phân tán về các địa phương để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích, phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, bảo vệ bản làng, quê hương; vận động đồng bào triệt để thực hiện "vườn không nhà trống", bất hợp tác với địch, bảo vệ cơ sở cách mạng, kháng chiến,...


Cuộc phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 thực sự là cuộc chiến đấu của toàn dân, không phân biệt tiền tuyến và hậu phương. Trong chiến dịch này, ta đã triển khai được một thế trận liên hoàn, đánh giặc bằng sức mạnh của lực lượng võ trang ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích (tự vệ), phối hợp tác chiến nhịp nhàng buộc địch phải phân tán và bị động đối phó trên khắp các chiến trường, không còn khả năng tập trung đánh lớn theo ý đồ kế hoạch đã vạch ra.


Các chiến trường toàn quốc phối hợp với Việt Bắc, tuy chưa thật mạnh mẽ, nhưng khá nhịp nhàng, buộc địch phải đối phó khắp nơi, cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ở Hà Nội, đội biệt động trừ gian đã trừng trị tên Việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri - Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Kỳ. Quân dân đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến hành tổng giải tán hội tề - chính quyền cơ sở của địch, đưa lực lượng võ trang địa phương luồn sâu vào địch hậu diệt ác trừ gian, tập kích đồn bốt. Tại Nam Bộ - nơi cách xa Việt Bắc hàng ngàn cây số, các hoạt động tác chiến và đấu tranh chính trị cũng diễn ra sôi nổi. Hàng trăm trí thức ở Sài Gòn đã cùng ký tên vào văn bản gửi Chính phủ Pháp phản đối chiến tranh, đòi đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn - Gia Định tổ chức phá hoại cơ sở kho tàng, hậu cần của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trên chiến trường Khu 8, Khu 9, bộ đội địa phương cùng dân quân du kích đã tổ chức nhiều trận chống càn hiệu quả, diệt nhiều địch, phá hủy các phương tiện chiến tranh của chúng. Sự phối hợp tác chiến, cả nước hướng về Việt Bắc không chỉ tiêu hao sinh lực, mà còn làm cho ý chí và tinh thần của địch suy giảm, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở căn cứ địa Việt Bắc chiến đấu đập tan âm mưu của kẻ thù.


Có thể khắng định rằng, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng tâm huyết phối hợp với Việt Bắc là một nhân tố góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch phản công Việt Bắc, Thu - Đông 1947. "Nó chứng tỏ một nước Việt Nam nhỏ, không có căn cứ địa chắc chắn, biên giới có thể bị bao vây, võ khí kém, nhưng với sự đoàn kết và cố gắng của toàn dân, dưới chế độ dân chủ cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh và của Hội vẫn có thể kháng chiến thắng lợi"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 20-21).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 02:32:33 pm »

2. Bài học kinh nghiệm về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, được vận dụng thành công trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975) và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối kháng chiến, đường lối quân sự của Đảng ta thể hiện sâu sắc quan điểm cơ bản: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cứu nước là sự nghiệp của toàn dân. Tin tưởng vào nhân dân, dựa vào dân, nên trong những năm chiến tranh, Đảng đã phát động, tổ chức và không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, dựa vào sức mạnh đoàn kết để đẩy mạnh kháng chiến. Không chỉ có quân đội, không chỉ có lực lượng vũ trang đánh giặc, mà toàn dân Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái,... đều đánh giặc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, hoặc trực tiếp cầm súng chiến đấu, hoặc tham gia phục vụ chiến đấu, tuỳ theo điều kiện và khả năng của mình. Không chỉ chiến trường mới là trận tuyến chiến đấu, mà trên cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đồng bằng đến đô thị, vùng tạm chiếm đến vùng tự do. Mỗi bản làng, thôn xóm, mỗi phố phường, nhà máy, công trường,... đều trở thành một "pháo đài", một trận địa chiến đấu. Ở vùng địch tạm chiếm, ở tiền tuyến, người dân yêu nước tham gia đánh giặc như một chiến sĩ, như một đội viên du kích, một nhân viên quân báo, hoặc một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận chính trị, một chiến sĩ binh vận, giao thông liên lạc, thông báo tin,... ở vùng tự do, ở hậu phương, người dân, bất kể là nông dân, công nhân, trí thức và các tầng lớp lao động khác, tích cực lao động làm ra của cải vật chất, sẵn sàng phục vụ tiền tuyến, sẵn sàng ra trận, động viên khuyến khích chồng con, anh em, người thân đi chiến đấu.


Sức mạnh của toàn dân đoàn kết không ngừng được phát huy dựa trên nền tảng vững chắc là liên minh công nông và trí thức. Công, nông là lực lượng trung kiên và triệt để cách mạng nhất, là chủ lực quân, đóng góp nhiều nhất và hy sinh nhiều nhất cho kháng chiến. Tầng lớp trí thức là một lực lượng yêu nước, năng động, sẵn sàng đi theo con đường cứu nước do Đảng lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thích hợp, mang lại lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân, kết hợp hài hoà việc huy động sức dân với việc bồi dưỡng sức dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ trương "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất đã mang lại quyền lợi thiết thực cho hàng triệu nông dân, đã động viên, khích lệ tinh thần của cả người ở mặt trận và người ở hậu phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Nam tiếp tục đấu tranh trực diện với kẻ thù nhằm giải phóng miền Nam; miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Chúng ta phát huy sức mạnh của chế độ mới, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, động viên và kịp thời đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam về sức người, sức của, phục vụ kháng chiến, tiến tới giành toàn thắng.


Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng cho thấy rõ: Đảng và Nhà nước ta đã huy động tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của ông, cha. Cũng nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chúng ta đã giữ vững ổn định về chính trị, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và từng bước phát triển.


Cần nhận thức rằng: sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng có vai trò quyết định trong quá trình tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của khối đoàn kết toàn dân vừa là yêu cầu khách quan, đồng thời là truyền thống tốt đẹp, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của 30 năm chiến tranh giải phóng cũng như trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


3. Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta không ngừng tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hoạt động của cả nước, trên mọi lĩnh vực, lấy lực lượng võ trang làm nòng cốt. Quốc phòng được thực hiện trong thời bình nhằm mục đích tự vệ, phòng thủ đất nước, nhưng phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng mọi quy mô, kiểu cách chiến sự chiến tranh khi xảy ra. Nghị quyết Đại hội X của Đảng xác định: "Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ" .


Kế thừa truyền thống "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc"; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vận dụng các bài học kinh nghiệm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng võ trang ba thứ quân bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong kháng chiến chống thực Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan điểm của Đảng về sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp, không phải đơn thuần hoặc chủ yếu là sức mạnh quân sự. Trong quá trình đổi mới đất nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn có nhận thức đúng đắn về thế trận và tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh, đồng bộ, bao gồm nhiều yếu tố trên nhiều lĩnh vực. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, của chiến tranh nhân dân, chính là sức mạnh của toàn dân đánh giặc, với lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt, dựa trên sức mạnh toàn diện của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, xây dựng "thế trận lòng dân", phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết loàn dân là nội dung cơ bản, là vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới. Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Xây dựng thế trận lòng dân làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng võ trang ba thứ quân làm nòng cốt"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 109).


Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là vấn đề cơ bản, cốt lõi trong chiến lược phòng thủ, bảo vệ đất nước, bởi phương thức bảo vệ Tổ quốc ngày nay là cần phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh võ trang với các hình thức đấu tranh phi võ trang, kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng đất nước giàu mạnh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị và văn hoá - xã hội, coi đó là gốc của bảo vệ và bảo vệ là bộ phận hợp thành của xây dựng; xây dựng gắn với bảo vệ, bảo vệ phải nhằm mục đích xây dựng, phát triển tốt hơn. Vì vậy, nhiệm vụ củng cố quốc phòng trong tình hình mới, trước hết phải quán triệt sâu sắc quan điểm về Quốc phòng toàn dân của Đảng. Ra sức xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân - thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mang tính chất toàn dân, toàn diện, hiện đại và độc lập, tự chủ, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để khi cần thiết có thể nhanh chóng tổ chức và động viên được tiềm lực mọi mặt của đất nước, chuyển tiềm lực đó thành thực lực quân sự - quốc phòng, thành sức mạnh tổng hợp của nên quốc phòng toàn dân, để tiến hành chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Việc củng cố quốc phòng, tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân trước hết và căn bản là phải dựa trên cơ sở chính trị ổn định và sự vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà nền tảng là liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đó là một yêu cầu cơ bản nhất của sự nghiệp xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân hiện nay. Do vậy, yêu cầu cơ bản có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng sức mạnh quốc phòng, của "thế trận lòng dân" là khi chưa xảy ra chiến tranh thì toàn dân hăng hái lao động sản xuất, mọi công dân đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khi xảy ra chiến tranh thì thực hiện chiến tranh nhân dân "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, tạo ra nhiều những "tấm lưới sắt", "bức thành đồng" đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng "thế trận lòng dân" là nội dung căn bản nhằm đáp ứng yêu cầu trên và cũng chỉ trên cơ sở xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc mới có điều kiện và khả năng làm thất bại thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; mới nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó chính là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân.


Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, trang bị ngày càng hiện đại là một trong những yêu cầu cơ bản để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Bài học từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 vê phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để làm nên chiến thắng là những gợi mở cho việc xây dựng nền quốc phòng loàn dân trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng một nền quốc phòng lấy sức mạnh tổng hợp của toàn dân làm nền tảng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của cả nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2021, 06:01:21 pm »

SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ - TINH THẦN CỦA QUÂN VÀ DÂN TA
TRONG CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU - ĐÔNG NẰM 1947


Trung tướng PHẠM HỒNG THANH
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị


Cách đây 60 năm (từ 7-10 đến 19-12-1947), chiến dịch phản công của quân và dân ta nhằm đánh bại cuộc hành quân lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc đã diễn ra và kết thúc thắng lợi.

Trong chiến dịch này, thực dân Pháp đã huy động hơn 12.000 quân, gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu, xuồng chiến đấu nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, căn cứ địa kháng chiến của ta và khoá chặt biên giới Việt - Trung. Lực lượng vũ trang nhân dân ta trong chiến dịch này có 7 trung đoàn bộ binh, 30 đại đội độc lập và dân quân du kích các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Nếu chỉ nhìn vào so sánh lực lượng quân sự trên chiến trường thì đối phương có ưu thế hơn ta. Chúng có lực lượng tác chiến đường không, đường thủy, đường bộ với vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhưng chúng đã bị thất bại. 7.000 binh sĩ địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí bị ta thu và phá hủy. Ngàv 19-12-1947, đại bộ phận quân địch buộc phải rút khỏi Việt Bắc. Cơ quan đầu não và căn cứ địa kháng chiến của ta được bảo vệ vững chắc.


Đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về nguyên nhân, giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 trên các phương diện nghệ thuật tác chiến chiến dịch, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, các nhân tố tạo nên thắng lợi của chiến dịch... Bài viết này góp phần làm rõ vai trò, sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần, ưu thế tuyệt đối của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 và trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước.


Thực tiễn lịch sử quân sự thế giới xưa và nay cũng như toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta xác nhận vai trò, ý nghĩa quyết định của sức mạnh chính trị - tinh thần. Sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, niềm tin vào tính chất chính nghĩa và thắng lợi của cuộc chiến tranh, ý chí kiên cường bất khuất, sự đồng lòng, đoàn kết chiến đấu, xả thân hy sinh vì các mục tiêu cao đẹp, tinh thần kỷ luật, trí tuệ và tài thao lược của bộ chỉ huy lãnh đạo chiến tranh..., là những yếu tố làm nên sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta. Không có sức mạnh chính trị - tinh thần ấy thì không thể giành thắng lợi trước một đối phương có ưu thế hơn hẳn ta về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Có thể cắt nghĩa sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc trên các nội dung sau: 


Một là, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí giành độc lập tự do cho dân tộc và thống nhất Tổ quốc là động lực to lớn của quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947.


Sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến dịch Việt Bắc trước hết chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là nguồn sức mạnh để nhân dân ta chống lại và chiến thắng những thế lực xâm lược có ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu. "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...


Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước... đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 366). Và "Đồng bào Việt Bắc gồm có Kinh, Thổ, Nùng, Thái, v.v... phong tục tập quán tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng lòng nồng nàn yêu nước, lòng căm thù thực dân thì muôn người như một.


Lòng yêu nước của đồng bào, nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch"2 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 171-172). Thực tiễn lịch sử cho thấy, quân và dân các dân tộc Việt Bắc đã bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"; "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Với tinh thần, ý chí ấy quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc đã mưu trí sáng tạo, kiên cường chiến đấu và đã lập nên những chiến công hiển hách.


Ý chí giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn gọn, đanh thép với một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc:
   "Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ,
   Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước,
   Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.


Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch có hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tr. 150-151). Và "chúng ta, từ Chính phủ đến nhân dân, Nam đến Bắc, già đến trẻ, giàu đến nghèo, đều kiên quyết một lòng không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, không chịu chia rẽ. Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng"2 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tr. 214-215). Đó chính là động lực tinh thần quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết chiến quyết thắng, niềm tin vào thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2021, 06:02:00 pm »

Hai là, khát vọng về xây dựng một chế độ xã hội mới, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là động lực tinh thần to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947.


Sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 còn bắt nguồn từ khát vọng bảo vệ và xây dựng một chế độ xã hội mới mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, biểu tượng về một chế độ xã hội tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, bác ái, về một nhà nước mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân chỉ là điều mơ ước trong tâm thức của nhân dân lao động, thì sau Cách mạng Tháng Tám, hình ảnh của một chế độ xã hội mới đã trở thành hiện thực. Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy nhân dân cả nước, quân và dân các dân tộc Việt Bắc chiến đấu hy sinh bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến. Quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc đều hiểu rõ rằng, chiến đấu bảo vệ căn cứ địa kháng chiến chính là bảo vệ chế độ xã hội mới; chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến cũng chính là bảo vệ cơ quan đầu não của một nhà nước của dân, do dân, vì dân đã mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho mình.


Nhìn lại lịch sử chỉ một tuần lễ sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chính phủ lâm thời công bố lệnh tổng tuyển cử trong cả nước. Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam phấn khởi nô nức đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và sau đó là bầu hội đồng nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Hơn 90% cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu những đại biểu chân chính có đủ đức, tài thay mặt nhân dân vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tháng 11-1946, Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp khắng định quyển làm chủ Nhà nước, quyền tự do dân chủ và nghĩa vụ của mọi công dân đối với Tổ quốc.


Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành nhiều sắc lệnh mới, đạo luật mới xoá bỏ triệt để bộ máy thống trị cũ, củng cố chính quyền nhân dân các cấp, bảo vệ quyền tự do dân chủ, chăm lo ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Những sắc lệnh của Chính phủ xoá bỏ sở Liêm phóng, sở Thông tin báo chí của địch... đã tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân ta trấn áp và loại trừ bọn phản cách mạng, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, xây dựng và bảo vệ chính quyền của nhân dân. Trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, Chính phủ ra sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; phát hành tiền Việt Nam mới; ban hành các nghị định giảm thuế, miễn thuế cho các vùng bị bão lụt; ra thông tư tạm chia ruộng đất công cho dân nghèo theo nguyên tắc dân chủ; phát động phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm để chống giặc đói. Trên mặt trận văn hóa - xã hội, Đảng và Chính phủ đã vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới và đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan, xoá bỏ nạn mù chữ. Tiếng Việt chính thức được dùng trong hệ thống trường học. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được quan tâm, các bệnh viện được khôi phục và đưa vào hoạt động.


Những thành tựu trên mặt trận chính trị, mặt trận chống giặc đói, giặc dốt từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến tháng 10-1947 có ý nghĩa chính trị to lớn. Nhân dân ta được hưởng các quyền tự do, dân chủ, bình đảng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội do chế độ mới mang lại, đời sống được cải thiện, lòng tin đối với Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được tăng lên, hết lòng ủng hộ cách mạng và chế độ mới. Nhân dân ta nhận thức rõ hơn giá trị đích thực của độc lập tự do, của cuộc sống ấm no hạnh phúc mà chính quyền cách mạng mang lại. Do đó, khi Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương rút lên Việt Bắc để bảo toàn, xây dựng lực lượng, chuẩn bị đánh địch lâu dài, hàng chục vạn đồng bào, đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhân sĩ yêu nước đã dũng cảm lên đường theo Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Cán bộ, công nhân các ngành, nhân dân các dân tộc đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh di chuyển hàng vạn tấn máy móc, thiết bị đến vùng căn cứ địa kháng chiến. Điều đó tạo tiền đề vững chắc, quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy quyết tâm đánh bại thực dân Pháp trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947 để bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến - chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2021, 06:03:02 pm »

Ba là, sự đồng lòng, phối hợp tác chiến của quân và dân cả nước là nhân tố quan trọng cổ vũ, động viên, tạo thế cho quân và dân các dân tộc Việt Bắc quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù.


Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 được tiếp sức bởi sự đồng lòng, phối hợp tác chiến của nhân dân cả nước. Thực tiễn chiến dịch Việt Bắc cho thấy, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân Việt Bắc thường xuyên được tiếp sức từ các bản, làng, thôn, ấp cả vùng tự do và vùng bị địch tạm chiếm ở các địa phương trong cả nước. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quân và dân Việt Bắc chiến đấu đánh bại cuộc hành quân của địch, Trung ương Đảng, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các khu, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh chiến tranh du kích, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Bắc phản công tiêu diệt địch. Chấp hành chỉ thị của Đảng, Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cùng với các đoàn thể quần chúng thanh niên, phụ nữ, từ khu, tỉnh đến huyện, xã ở vùng tự do cũng như vùng bị địch tạm chiếm đã tiến hành chiến tranh du kích, diệt ác trừ gian, động viên thanh niên tòng quân chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế.


Ngay sau khi quân Pháp đổ bộ lên Việt Bắc, tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ta đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, diệt tề trừ gian. Các đồn bốt xung quanh Hà Nội, đường số 5 bị ta thường xuyên đánh phá; nhiều ban tề, tổ chức bảo an, hệ thống chính quyền cơ sở của địch ta xoá bỏ. Ở miền Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, Khánh Hoà, Tây Nguyên, quân và dân ta tổ chức tiến công vào hệ thống phòng thủ của quân Pháp, giành nhiều thắng lợi, như trận đột kích vào Ninh Hoà, Cam Ranh (Khánh Hoà), Rộc Dừa (Bình Định), Xóm Lụa (Phan Thiết), ở Nam Bộ, nhiều trận phục kích, tập kích tiêu diệt địch đã diễn ra tại Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm trí thức Sài Gòn đã cùng ký tên vào văn bản gửi Chính phủ Pháp, phản đối chiến tranh, đòi đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn - Gia Định tổ chức phá hoại cơ sở kho tàng, hậu cần của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đã góp phần "chia lửa" với chiến trường Việt Bắc. Đồng thời, thắng lợi của các trận chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc đã trực tiếp góp phần cổ vũ động viên ý chí quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân cả nước.


Bốn là, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; quyết tâm chiến lược và sự vững vàng, sáng suốt, mưu lược của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định khơi dậy và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc.


Sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến dịch Việt Bắc còn bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; sự vững vàng, sáng suốt, mưu lược của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra đường lối kháng chiến. Chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác định rõ mục đích chính trị của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới. Nhiệm vụ của cuộc kháng chiến được xác định là vừa kháng chiến chống thực dân phản động Pháp xâm lược, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, vừa kiến quốc, xây dựng chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân. Lực lượng kháng chiến là toàn dân tộc, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi thước đất là một chiến hào. Phương châm của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo đó của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc kháng chiến với niềm tin: Kháng chiến nhất định thắng lợi.


Thực tiễn chiến đấu ở Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã chỉ rõ, có quyết tâm chiến đấu cao, nhưng phải có cách đánh mưu trí sáng tạo thì mới biến quyết tâm tiêu diệt địch thành hiện thực. Không có cách đánh đúng, mưu trí sáng tạo thì dù có tinh thần cao cũng không thê giành được thắng lợi, có khi bị tổn thất nặng nề. Trong chiến dịch Việt Bắc, nắm vững âm mưu, ý đồ của địch, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đúng cách đánh chiến dịch, trên cơ sở đó đã phát huy trí tuệ của quân và dân ta, tìm tòi sáng tạo cách đánh hay để vừa tiêu diệt được địch, vừa bảo vệ và hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất của ta và do đó mà không ngừng củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu, thực hiện càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.


Khi thực dân Pháp mở cuộc hành quân lên Việt Bắc, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phải phá tan cuộc hành quân mùa đông của giặc Pháp. Đảng nhận định: "Địch càng dàn quân ra càng mỏng lực lượng. Chúng đem quân lên mạn ngược là một dịp cho ta để đánh chúng ở miền xuôi. Chúng đóng quân nơi xa càng dễ cho ta bao vây chúng và chặt đường tiếp tế, đánh chúng một cách rất có lợi trong khi chúng vận động"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Tập 8, Hà Nội, 2000, tr. 318-320). Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ: "Đánh mạnh dưới đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, khiến cho địch không thể đánh Việt Bắc"; "giam chân, chặt đứt giao thông, liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; củng cố căn cứ địa về mặt hành chính, dân vận, quân sự, kinh tế... quân sự hóa các cơ quan hành chính; củng cố bộ máy hành chính và kháng chiến ở vùng địch kiểm soát"2 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Tập 8, Hà Nội, 2000, tr. 318-320).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM