Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:37:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 5470 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:35:04 pm »

II- TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ

Tư tưởng quân sự thời Lê Sơ chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa của dân tộc ở thế kỷ XV. Nội dung tư tưởng quân sự của thời kỳ này tập trung chủ yếu vào vấn đề phòng thủ bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh việc kế thừa và phát triển di sản của các vương triều trước, tư tưởng quân sự thời Lê Sơ còn được bổ sung, mở rộng những luận điểm mới trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi theo xu hướng phát triển, về cơ bản, những nội dung tư tưởng quân sự được trình bày dưới đây được hình thành trong giai đoạn hưng thịnh của vương triều Lê Sơ trong khoảng thời gian từ năm 1428 đến năm 1504, dưới các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông.


1. Kết hợp “kiến quốc” với "vệ quốc” (kết hợp xây dựng với bảo vệ đất nước)

Với nguồn tài nguyên phong phú và địa chính trị, quân sự quan trọng của vùng Đông Nam Á, nước ta liên tiếp là mục tiêu thôn tính của các thế lực ngoại xâm. Kẻ thù của nhân dân ta thường là những thế lực lớn mạnh và xảo quyệt. Hoàn cảnh đó đã buộc ông cha ta ở bất cứ thời kỳ nào, triều đại nào trong quá trình dựng xây đất nước cũng luôn phải đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng thực lực để đối phó với kẻ thù, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.


Vào thế kỷ XV, tuy đã đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc, nhưng quốc gia Đại Việt vẫn luôn phải chịu nhiều áp lực chính trị và những hành động cướp phá, xâm lấn của các thế lực ngoại bang từ phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Vì thế, cũng như các triều đại trước, vương triều Lê Sơ trong quá trình “kiến quốc” không thể không chăm lo, tăng cường tạo dựng sức mạnh giữ nước.


Từ kinh nghiệm của các triều đại trước, từ thực tiễn của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và tình hình đất nước, khu vực đương thời, những người đứng đầu nhà nước Lê Sơ trong khi xây dựng đất nước luôn có ý thức chuẩn bị binh lực và vật lực đề phòng chiến tranh xảy ra. Triều Lê luôn chú trọng song song xây dựng, phát triển đất nước với không ngừng nâng cao sức mạnh giữ nước. Trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế bởi kinh tế là nền tảng cho việc củng cố quốc phòng; quốc phòng mạnh để giữ yên thế nước, bảo vệ công cuộc chấn hưng, phát triển kinh tế.


Do kế thừa truyền thống của các vương triều trước nên quan điểm kết hợp dựng nước vdi giữ nước, tức là vừa xây dựng phát triển đất nước vừa củng cố, tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước đã sớm hình thành ngay từ buổi đầu thành lập vương triều Lê Sơ.


Trong năm đầu trị vì đất nước, trước bộn bề công việc của một dân tộc mới hồi sinh, của một đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm, mặc dù phải tập trung vào công cuộc khôi phục nền kinh tế, ổn định xã hội, phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, Lê Thái Tổ vẫn không quên chú ý đến việc giữ nước. Ông lệnh cho các quan lại triều đình luôn phải vừa chăm lo phát triển sản xuất vừa chú ý đến việc quân. Tháng 9 năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ ra chỉ lệnh: “Đại thần văn võ, trăm quan các ngươi hãy chăm việc nông tang, chỉnh đốn quân ngũ, sửa sang chiến khí, thuyền bè”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 302).


Ước muốn quốc gia trường tồn là điều Lê Thái Tổ luôn trăn trở, bằng thực tế của những năm trị vì đất nước, ông đã đúc kết và định thành một kế sách để lại cho con cháu là: "Phải nghĩ giữ nước từ lúc nước chưa nguy"2 (Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 201). Tức là ngay trong khi đất nước thái bình, yên vui, không được lơ là đối với sự nghiệp chăm lo, củng cố sức mạnh để bảo vệ quốc gia, dân tộc.


Nguyễn Trãi, người luôn sát cánh cùng Lê Lợi trong sự nghiệp giải phóng đất nước, khi vương triều Lê Sơ thành lập, ông là một trong những trọng thần, cũng có chung quan điểm với Lê Thái Tổ. Trong bài thơ “Quan duyệt thủy trận” (Xem duyệt thủy trận), ông viết:

“Bắc hải đương niên dĩ lục kình,
Yến an do lự cật nhung binh"1 (Nguyễn Trãi: Toàn tập, Sđd, tr. 289).
(Biển Bắc năm ấy đã giết cá kình
Yên ổn rồi nhưng vẫn phải lo rèn luyện việc quân).


Nguyễn Trãi muốn nhắc nhở người đương thời: mặc dù ta đã đánh được “cá kinh” (ám chỉ quân xâm lược Minh) rồi nhưng đâu phải “Biển Bắc” đã hết “cá kình”, cho nên hãy luôn đề cao cảnh giác.


Kế tục sự nghiệp Lê Thái Tổ, các vua kế nhiệm đều vừa tập trung xây dựng, phát triển đất nước, vừa chú trọng đến tăng cường tiềm lực quốc phòng để giữ vững độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, vương triều.


Trong một thế kỷ khôi phục và dựng xây đất nước, tư tưởng kết hợp “kiến quốc” với “vệ quốc” được biểu hiện qua những chính sách của nhà nước Lê Sơ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung hơn cả ở các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp như: "lập đồn điền", "ngụ binh ư nông", việc chăm lo củng cố, phát triển các công trình giao thông, thủy lợi. Những chính sách này thể hiện rất rõ sự gắn kết kinh tế với quốc phòng, mối quan hệ chặt chẽ giữa “nông” với “binh”, xây dựng phát triển lực lượng quân đội với bảo đảm nhân lực cho sản xuất nông nghiệp.


Đồn điền là nơi đóng quân (đồn binh) đồng thời cũng là một cơ sở sản xuất nông nghiệp. Đây là một phương thức kết hợp kinh tế với quốc phòng. Thời bình, kinh tế là hoạt động chính của đồn điền; khi có chiến sự, hoạt động quân sự là hàng đầu. Lúc hòa bình, dân đồn điền là nông dân sản xuất, khi chiến tranh họ là những người lính xung trận. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển của các đồn điền, hai mục đích trên luôn đan xen, kết hợp cùng nhau.


Lập đồn điền đã được thực hiện dưới thời nhà Trần, năm 1344 triều đình cho đặt chức quan Đồn điền sứ và Đồn điền phó sứ ở ty Khuyến nông để chuyên lo việc mộ dân khai hoang.


Dưới thời Lê Sơ, trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp, trước yêu cầu cần phải thanh toán tình trạng đất bỏ hoang và mở rộng diện tích đất trồng trọt, một số viên quan đề nghị triều đình cho thành lập các đồn điền nhằm mục đích vừa phát triển sản xuất, vừa củng cố bảo vệ các vùng biên giới.


Năm Nhâm Ngọ (1462), Tham tri Hải Tây đạo là Hoàng Thanh dâng sớ lên triều đình đề nghị 7 điều, trong đó có điều thứ 7 là “cho lập đồn điền để tích lũy đầy đủ chốn biên phòng”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 396).


Năm Đinh Hợi (1467), Tham nghị Hóa Châu là Đặng Thiếp dâng số trình bày 5 điều, điều thứ 5 đề nghị: “Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 425).


Những đề nghị này đều được vua và triều đình chấp nhận và dần trở thành một chính sách khẩn hoang tương đối quy mô của nhà nước Lê Sơ. Tháng 5 năm Tân Sửu (1481), Lê Thánh Tông ban chiếu cho lập các sở đồn điền trong cả nước. Chiếu nêu rõ: “Mở đồn điền là để dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở nguồn tích trữ cho nhà nước. Nay lệnh cho các xứ định đồn điền thành ba bậc: thượng, trung, hạ"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 484). Với chiếu chỉ này, lập đồn điền đã trở thành chủ trương lớn của nhà nước, nhằm mục đích tăng cường diện tích đất trồng trọt, giải quyết tình trạng thiếu ruộng, ổn định xã hội, tăng cường nguồn thu cho quốc gia.


Chủ trương lập đồn điền được cả nhà vua cùng quan lại các cấp của nhà Lê coi trọng và xem đây là một trong những bịện pháp thiết yếu nhằm vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao tiềm lực quốc phòng dưới thời Lê Sơ.


Thời Lê Thánh Tông đã thành lập được 43 sở đồn điền trong cả nước: vùng Bắc Bộ (ngày nay) có 30 sở; Thanh Hóa có 5 sở; Nghệ An có 4 sở; Thuận Hóa có 2 sở; Quảng Nam có 2 sở. Các đồn điền được chia thành ba hạng: thượng, trung, hạ tùy theo quy mô. Quản lý mỗi đồn điền có chức Chánh đồn điền sứ và Phó đồn điền sứ. Các quan Chánh, Phó đồn điền sứ có nhiệm vụ trông coi công cuộc khẩn hoang và mở mang đồn điền, phân phối ruộng đất và thu tô cho nhà nước. Bộ máy quản lý này trực thuộc triều đình trung ương. Nhân lực khai phá lập đồn điền chủ yếu là tù binh và tội nhân được tổ chức thành đội ngũ gọi là đồn điền binh. Lực lượng này khai phá đất hoang thành đồng ruộng để canh tác và thành lập các xóm làng để định cư. Ruộng đất đồn điền thuộc quyền sở hữu của nhà nước, sản phẩm lao động, trừ chi phí sản xuất đều nhập vào kho nhà nước.


Vùng đất phía Nam tiếp giáp với Chiêm Thành là nơi còn nhiều ruộng đất hoang chưa khai phá, đây cũng là vùng đất trọng yếu của đất nước, luôn xảy ra các cuộc xâm lấn cướp phá của quốc gia láng giềng nên được nhà Lê luôn chú ý và thường cử những người thân tín, trấn giữ. Sử cũ chép: “Hóa Châu gần kề Chiêm Thành nên phải sai bầy tôi họ thân đi trấn thủ, vỗ về để phòng giữ đất ấy”1 (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, t.1, tr.860). Năm Canh Tuất (1430), vua Lê Thái Tổ bổ nhiệm Lê Khôi làm Hành quân tổng quản vào trấn giữ Hóa Châu. Sau khi đến Hóa Châu, Lê Khôi đã “chiêu tập dân xiêu tán, khuyên cấy ruộng trồng dâu, luyện tập sĩ tốt, giữ vững bờ cõi”2 (Lê Quý Đôn: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.1, tr. 40). Việc lập đồn điền ở đây nhằm triển khai công việc di dân, chiếm giữ đất đai, gia tăng lực lượng lao động xây dựng cơ sở kinh tế tại chỗ, đồng thời tăng cường thêm khả năng phòng thủ ở những vùng đất này.


Như vậy, lập đồn điền không chỉ nhằm mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, giải quyết tình trạng bở đất hoang, tăng nguồn thu cho nhà nước, mà còn đồng thời bảo đảm nguồn quân lương tại chỗ cho miền biên viễn, tăng cường các đồn trạm tiền tiêu, bảo vệ đất nước.


Lập đồn điền là một trong những nội dung được thực thi nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tạo dựng được một hệ thống đồn điền - góp phần xây dựng vùng biên giới thành phên dậu vững chắc để bảo vệ chủ quyền an ninh đất nước. Đó là sự thể hiện rõ nét quan điểm kết hợp "kiến quốc" (phát triển kinh tế) với "vệ quốc" (phòng thủ bảo vệ đất nước) dưới triều Lê Sơ.


Lập đồn điền có tác dụng thiết thực đối với vấn đề nâng cao sức mạnh quốc phòng đồng thời với phát triển kinh tế nên không chỉ được thực thi dưới thời Lê Sơ mà còn được tiếp tục dưới các triều đại phong kiến sau đó ở nước ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:36:17 pm »

“Ngụ binh ư nông” (tức gửi lính ở nhà nông) là một quốc sách ra đời dưới triều Lý, được mở rộng thực hiện dưới triều Trần và Lê Sơ. Đây là một phương thức xây dựng lực lượng vũ trang kết hợp kinh tế với quốc phòng vừa đảm bảo được lực lượng thường trực chiến đấu mà không ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chi phí dành cho quốc phòng.


Thực chất của "ngụ binh ư nông" là vấn đề sử dụng nhân lực trong việc xây dựng lực lượng vũ trang kết hợp với phát triển kinh tế, gắn "binh" với "nông". Phương sách này đã có tác dụng thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước dưới thời Lý - Trần.


Việc thực thi “ngụ binh ư nông” xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh nước ta là một quốc gia nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp với cư dân là nông dân chiếm chủ yếu trong hoạt động sản xuất cũng như thành phần xã hội của các nhà nước phong kiến Việt Nam; từ yêu cầu về xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường tiềm lực quốc phòng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; nảy sinh từ tương quan lực lượng giữa dân tộc ta với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh trong các cuộc chiến tranh giữ nước dưới các triều đại phong kiến độc lập.


Trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài hàng chục năm, triều đình Lê Sơ đã có những bài học sâu sắc về tạo dựng nguồn sức mạnh từ trong dân để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có lương nhiều, binh mạnh mối tạo dựng được tiềm lực quốc phòng mạnh để giữ nước.


Xây dựng đất nước trong điều kiện sau nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế bị kiệt quệ, đời sống nhân dân khốn khó, công việc cấp thiết đặt ra với nhà nước Lê Sơ là nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tập trung nhân lực cho sản xuất, phát triển kinh tế. Công cuộc giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia trước những âm mưu của các thế lực thù địch cũng đòi hỏi cần phải có lực lượng mạnh. Nhằm giải quyết những vấn đề trên, triều đình Lê Sơ kế thừa kinh nghiệm của các vương triều trước thực thi chính sách “ngụ binh ư nông”.


Nội dung cơ bản của chính sách “ngụ binh ư nông” là chế độ binh dịch đối với tất cả đinh tráng và chế độ binh lính chia phiên về sản xuất.


Việc binh lính chia phiên về sản xuất ở thời Lê Sơ có những điểm khác so với các triều đại trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngày 21 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ hai (Kỷ Dậu - 1429), vua Lê Thái Tổ chỉ dụ cho tướng hiệu quân nhân các vệ và quân 5 đạo: “Hạn đến ngày 27 thì tập trận thủy bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Tập xong rồi, đều chia ra 5 phiên, 1 phiên lưu lại quân ngũ và 4 phiên chia về làm ruộng”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 299).


Tháng 5 năm Mậu Thìn (1448), trước tình hình mấy năm liền bị hạn hán và sâu cắn lúa, từ nhà nước đến tư gia đều túng thiếu, lương cấp cho vệ sĩ không đủ, Lê Nhân Tông bèn chỉ dụ cho Quản lĩnh Ngự Tiền Vũ đội (đội quân túc vệ, có chức quản lĩnh đứng đầu) rằng: “Bọn các ngươi từ thời Thái Tổ đến giờ giữ phận túc trực mãi mãi, không được nhìn đến cửa nhà. Nay thiên hạ vô sự, nên chia ra làm ba phiên thay nhau túc trực, để được về thăm cha mẹ”2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 361).


Tháng chạp năm (1465), Lê Thánh Tông trong lời dụ các tổng quản, tổng tri (phụ trách các vệ quân 5 đạo và các quân trấn phủ) nêu rõ: “cứ ngày rằm hằng tháng, thì vào phiên để điểm mục”. Tức là hằng tháng vào ngày rằm (15 âm lịch), quân 5 đạo và quân các phủ trấn (về sau đổi thành quân Ngũ phủ và quân các Đô ty) vào phiên để điểm mục.


Tháng 6 năm Bính Dần (1446), Thái bộc tự thiếu khanh Lê Đình Tuấn tâu rằng: Vào kỳ tháng 5, tháng 6 đương là mùa làm ruộng, các quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở lại túc trực và làm các việc giữ cửa, coi nhà, canh điếm, lợp nhà, cắt cỏ, nuôi voi, còn các sắc quân ở các sảnh viện và những thợ ở cục bách tác thì giữ lại một nửa làm việc, còn thì cho về làm ruộng. Lời tâu này được nhà vua chuẩn y. Theo đó, trong hai tháng 5 và 6 của mỗi năm, quân phục dịch ở các sảnh, viện và thợ cục bách tác được chia làm hai phiên: một phiên ở lại làm việc, một phiên cho về sản xuất.


Năm Kỷ Sửu (1469), vua Lê Thánh Tông ban sắc chỉ cho các vệ, ty Thần vũ, Du nỗ, Thần tý, Vũ lâm (thuộc Cấm quân) mỗi khi đến phiên túc trực, thì thay ban nhau mà chuyên tập võ nghệ, và sắc chỉ cho các vệ thuộc Ngũ uy (quân ngũ phủ) cùng các sở súng nỏ ngoại vệ (quân đô ty): liệu định số người để canh giữ các nơi, còn thì đều chuyên tập luyện võ nghệ.


Năm Canh Tuất (1490), theo như định lệ hằng năm, nhà vua hội họp các quân điểm mục xong cho về, thay phiên nhau ở lại canh giữ.


Các chính sách quy định ở thời Lê Thánh Tông vẫn tiếp tục được thực hiện dưới thời Lê Hiến Tông (1498-1504).


Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1498), theo đề nghị của Lễ bộ thượng thư Vũ Hữu, nhà vua đồng ý cho cả những người đầu bếp ở Thái quan thự "cứ đến tháng 6, tháng 10 thì nhất luật chia cho về làm ruộng”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.III, tr. 11).


Những sự kiện trên cho thấy ở thời Lê Sơ, việc chia phiên cho quân lính về làm ruộng được mở rộng hơn và tiến hành thường xuyên có quy củ hơn so với các triều đại trước.


Về diện chia phiên: đời Lê Thái Tổ việc chia phiên được thực hiện từ 6 quân Ngự tiền cho tới quân các đạo, các phủ, trấn. Đời Lê Nhân Tông, thêm quân Ngự tiền Vũ đội. Đến đời Lê Thánh Tông lại thêm cả các vệ, ty cấm quân như Thần vũ, Du nỗ, Thần tý, Vũ lâm...


Về cách chia phiên: đời Lê Thái Tổ, quân lính được chia làm 5 phiên, một phiên tại ngũ canh phòng và luyện tập còn 4 phiên trở về sản xuất. Đời Lê Nhân Tông, quân Ngự tiền Vũ đội chia ra làm 3 phiên, một phiên tại ngũ canh phòng và luỵện tập, còn 2 phiên trở về sản xuất (thời gian mỗi lần thay phiên thể nào không rõ). Cách chia phiên dưới đời Lê Thánh Tông là: Vào ngày rằm hằng tháng, ngoại binh lên phiên để điểm mục rồi canh phòng và luyện tập; những quân nhân làm việc ở các sảnh, viện, cục và những thợ làm việc trong quân ngũ đến ngày mùa (tháng 5, 6 và tháng 9, 10 âm lịch) đều được chia làm hai, một nửa ở lại túc trực, một nửa trở về nhà gặt hái, cứ thế mà luân chuyển nhau. Đời Lê Hiến Tông, việc chia phiên cũng theo lệ như trước.


Việc chia phiên về sản xuất nhằm vừa tăng cường lực lượng lao động cho nông nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo số quân thường trực tại ngũ và luôn có một lực lượng dự bị đông đảo, đáp ứng kịp thời mỗi khi triều đình cần huy động lực lượng.


Hiệu quả thiết thực của chính sách "ngụ binh ư nông" được thể hiện rõ trong những lần động binh lớn của triều đình. Do cần phải tập trung nhân lực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế nên số quân thường trực tại ngũ của triều Lê Sơ không đông lắm (thời Lê Thái Tổ có 10 vạn quân; thời Lê Thánh Tông có khoảng 16 vạn quân) nhưng khi có chiến sự, triều đình vẫn có thể "tận dân vi binh", nên có được số quân cần thiết theo yêu cầu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:37:07 pm »


Năm Giáp Tý (1444), người Chămpa vào cướp Hóa Châu, Lê Nhân Tông lệnh cho Thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh.


Tháng 8 năm Canh Dần (1470), Chămpa lại cho quân đánh vào Hóa Châu, tin cấp báo về triều đình, tháng 9 vua Lê Thánh Tông ra lệnh tuyển quân, huy động được 26 vạn. Ngày 6-10, vua thân chinh dẫn quân đi đánh. Hơn hai mươi vạn quân đã được huy động chỉ trong vòng hơn một tháng.


Năm Kỷ Hợi (1479), vua Lê Thánh Tông sai các tướng đem 18 vạn quân đánh đuổi quân Ai Lao, Bồn Man, Lão Qua xâm phạm biên giới phía tây.


Năm Canh Tý (1480), Lê Thánh Tông huy động 30 vạn quân chinh phạt tù trưởng Cầm Công ở vùng Tây Bắc.


Trong những lần xuất quân kể trên, số quân được huy động thường nhiều hơn số quân thường trực tại ngũ. Mặc dù phải huy động số lượng lớn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn triều đình đã có đủ số quân. Không thể huy động một lực lượng quân lớn như vậy nếu như không có một nguồn binh lực đông đảo, rộng khắp, một chính sách quản lý nhân đinh chặt chẽ của chính sách "ngụ binh ư nông".


“Ngụ binh ư nông” đã đảm bảo cho nhà nước có một lực lượng quân dự bị đông đảo nhưng lực lượng sản xuất không bị ảnh hưởng và cũng không quá tốn chi phí cho quốc phòng, nhà nước vẫn có một lực lượng vũ trang mạnh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quốc gia. Theo Phan Huy Chú thì đây là một “phép hay của thời cận cổ”, là một phương thức xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước độc đáo của ông cha ta. Chính sách này xuất hiện ở thời Lý, được tiếp tục duy trì ở thời Trần, đến thời Lê Sơ được phát triển đến mức hoàn bị. Với chế độ binh dịch đối với tất cả đinh tráng (dân đinh đến tuổi trưởng thành đều được đặt trong quân ngũ: hoặc quân thường trực, hoặc quân dự bị), nhà nước có được số quân thường trực cần thiết, đồng thời lại có sẵn số quân dự bị đông đảo nằm trong các làng xã, sẵn sàng nhập ngũ khi đất nước lâm nguy, giảm được chi phí của nhà nước cho quân đội. Với chế độ quân lính chia phiên về sản xuất, quân lính vừa được thường xuyên luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu vừa có thời gian tham gia sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế đất nước.


Bên cạnh đó, dưới triều Lê Sơ, các công trình thủy lợi được chú trọng phát triển, nhằm bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu giao thông vận tải của đất nước.


Năm Ất Mão (1435), vua Lê Thái Tông "lệnh cho vệ quân các đạo và năm quân Thiết đột vét sông Đông Ngàn"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 34). Đây là đoạn đầu sông Đuống, tiếp giáp với sông Hồng, là con đường thủy quan trọng nối liền Kinh đô với các trấn miền đông và đông bắc nước ta ở thời đó. Năm Mậu Ngọ (1438), nhà vua lại sai dân bốn đạo đào các kênh ở Trường Yên, Thanh Hóa, Nghệ An. Năm Kỷ Tỵ (1449), vua Lê Nhân Tông “sai Tư khấu Lê Khắc Phục đem người của các cục Bách tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ Sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ, đoạn từ bãi Lãnh Canh đến cầu Phù Lỗ dài 2.500 trượng (khoảng 10 km) thông với Bình Than để tiện đi lại trong trấn Thái Nguyên”2 (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, t.1, tr. 26). Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông cho khai thông lại các kênh ở Thanh Hóa, Nghệ An. Hệ thống kênh đào này kết hợp với sông ngòi tự nhiên tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy ven biển đã phát huy nhiều tác dụng trong phát triển kinh tế, đời sống xã hội và trong việc vận chuyển quân sự.


Những công trình thủy lợi tương đối quy mô của nhà nước Lê Sơ vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước đồng thời kết hợp với việc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.


Vậy là, "lập đồn điền", "ngụ binh ư nông" là những chính sách lớn được nhà nước Lê Sơ thực thi nhằm vừa tiến hành xây dựng, phát triển kinh tế vừa củng cố, tăng cường lực lượng và khả năng phòng thủ đất nước. Đây chính là những nội dung rất quan trọng thể hiện tư tưởng kết hợp “kiến quốc” với “vệ quốc” nhằm thực hiện “quốc phú binh cường” của triều đại Lê Sơ.


Ngay từ buổi đầu dựng nước, trong điều kiện luôn phải đối phó với các thế lực ngoại xâm, nhân dân ta đã sớm có nhận thức cần phải kết hợp dưng nước với giữ nước. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, nhận thức đó càng trở nên sâu sắc, trở thành một trong những tư tưởng chỉ đạo luôn được các vương triều quan tâm. Đến thế kỷ XV, mặc dù tồn tại trong điều kiện tương đối hòa bình, triều đại Lê Sơ vẫn tiếp tục kế thừa và phát triển quan điểm kết hợp dựng nước với giữ nước. Quan điểm đó được biểu hiện trên nhiều chính sách và hoạt động của nhà nước, đem lại hiệu quả thiết thực: Đại Việt dưới thời Lê Sơ là một quốc gia phát triển trên nhiều phương diện, có một tiềm lực quốc phòng mạnh để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:34:03 am »

2. Xây dựng quân đội tập trung thống nhất, hùng mạnh để giữ nước

Nhà nước phong kiến thời Lê Sơ đang ở thời kỳ phát triển, quân đội vừa là công cụ thống trị của nhà nước, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong việc củng cố quốc phòng, bảo vệ nền độc lập tự chủ và bảo toàn, mở rộng lãnh thổ quốc gia.


Đại Việt vừa trải qua nhiều năm tháng chiến tranh và đang bước vào thời kỳ xây dựng một thể chế mới trong hoàn cảnh các thế lực bên ngoài chưa từ bỏ âm mưu xâm chiếm. Thực tiễn của công cuộc giữ vững, ổn định trật tự xã hội và bảo toàn biên cương lãnh thổ yêu cầu nhà nước luôn cần phải có một lực lượng quân sự mạnh.


Trong quá trình đánh để ách đô hộ nhà Minh, giải phóng đất nước, những lãnh tụ của quân khởi nghĩa - sau trở thành những người đứng đầu nhà nước Lê Sơ, đã gây dựng và phát triển được 35 vạn quân. Đạo quân này đã làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.


Sau khi đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, đất nước bước vào thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, xây dựng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ. Trước yêu cầu cần phải tập trung nhân lực cho công cuộc dựng nước, Lê Thái Tổ cho giảm bớt số quân thường trực. Trong tổng số 35 vạn quân, ông cho 25 vạn về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn "để đề phòng việc nước”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr.269). Mặc dù đất nước đã hòa bình, công cuộc phục hồi phát triển đất nước sau chiến tranh đang rất cần sức lao động nhưng người đứng đầu quốc gia hiểu rất rõ rằng kẻ thù không thể nào quên được nỗi nhục thất bại, mộng xâm lăng Đại Việt lần nữa của chúng rất dễ xảy ra. Với tinh thần cảnh giác, ông vẫn lưu giữ một số lượng quân không nhỏ so với số nhân đinh khi ấy (thời Lê Thái Tổ cả nước có 700.910 suất đinh) và xác định giữ nước là trọng trách của lực lượng quân đội.


Dưới các đời vua kế tiếp, vai trò, vị trí của quân đội trong sự nghiệp bảo vệ quốc gia càng được khẳng định.

Năm Canh Thìn (1460), Lê Thánh Tông lên nắm quyền trị vì đất nước sau khi triều đình vừa trải qua những xung đột (cuối năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn vương Nghi Dân đang đêm lẻn vào cung cấm giết chết vua Lê Nhân Tông và Hoàng Thái hậu, tự lên ngôi Hoàng đế; tháng 6 năm Canh Thìn (1460), các đại thần trung nghĩa đứng đầu là Nguyễn Xí, Đinh Liệt giáng Nghi Dân làm Lệ Đức hầu và đưa Tư Thành lên làm vua - tức vua Lê Thánh Tông). Trong hoàn cảnh đó, để lập lại kỷ cương quốc gia, tạo lập sự ổn định chính trị nhằm đẩy mạnh sự nghiệp phục hưng dân tộc, một tháng sau khi lên ngôi - tháng 7-1460, trong sắc chỉ gửi cho năm đạo quân và các phủ, trấn, vua Lê Thánh Tông khẳng định: “Có quốc gia là phải có võ bị”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 390). Đến tháng 11 năm Ất Dậu (1465), một lần nữa Lê Thánh Tông nhắc lại quan điểm của mình: "Hễ có quốc gia là phai có võ bị"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 408). Theo thông kê chưa thật đầy đủ, trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông có 37 chỉ, dụ, chiếu đề cập đến vấn đề quốc phòng, trong đó có tới 28 chỉ, dụ, chiếu về xây dựng, tổ chức quân đội.


Trong một số bài thơ tự sáng tác, tư tưởng chăm lo đến quân đội của Lê Thánh Tông cũng được thể hiện. Lê Thánh Tông cho rằng chăm lo võ bị là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người đứng đầu đất nước. Ông cho rằng một trong những nhiệm vụ của người làm vua là phải: "Chăm lo hỏi han việc võ bị, coi trọng tướng quyền" (Bài thơ ngự chế: Đạo làm vua)1 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 125).


Hơn thế nữa, Lê Thánh Tông luôn mong muốn vương triều có đạo quân hùng mạnh, trong bài thơ Khải hành thi, ông viết: "Cờ xí rợp bay như ráng đỏ ôm quanh mặt trời, chiến thuyền ngàn dặm tựa mây đùn buổi sớm"2 (Chinh tây kỷ hành thi tập: Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 63) hàng chục vạn quân có thể "một sớm cưỡi thuyền lầu vượt qua biển lớn, cờ trận bay phần phật..." để sẵn sàng "đánh kẻ có tội, cứu vớt dân lành, ấy là quân của các bậc đế vương"3 (Chinh tây kỷ hành thi tập: Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 83).


Không chỉ những người đứng đầu quốc gia mà những viên quan có trách nhiệm của triều đình Lê Sơ cũng có quan điểm coi việc binh là việc hàng đầu của triều đình. Hoàng Thanh, một viên quan trải bốn đời vua Lê, từng giữ chức Nội Mật viện, năm Nhâm Ngọ (1462), nhân dịp vua ban chiếu cầu lời nói thẳng, ông dâng sớ lên triều đình đề nghị 7 điểm trong đó có 2 điểm đề cập đến việc quân. Đó là: “tiết kiệm của dùng để chi cho binh phí và thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị”4 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 396). Theo ông, đó là những điều cần kíp, thiết thực cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bản tấu nhận được sự đồng thuận của triều tình.


Để giữ nghiêm phép nước, việc quân, trong luật pháp của nhà Lê có những điều khoản riêng dành cho võ quan và binh lính. Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) có hắn một chương quy định về các việc trong quân đội - chương Quân chính với 43 điều.


Những nhận thức về vai trò, vị trí của quân đội đối với quốc gia và triều đình được bắt nguồn từ hoàn cảnh, điều kiện của đất nước và vương triều khi ấy là luôn phải đối phó với những hành động chống đối của thù trong, giặc ngoài. Sau khi thiết lập vương triều, trong những thập niên đầu, đế chế Minh luôn hạch sách, quấy nhiễu, bắt nhà Lê phải đáp ứng nhiều đời hỏi vô lý; phong kiến Minh luôn có mưu đồ thiết lập trở lại quyền thống trị Đại Việt. Tại các vùng biên cương, một số tù trưởng có ý đồ cát cứ. Nội bộ triều đình cũng xảy ra những cuộc tranh giành quyền lực. Giải quyết những vấn đề trên không thể không cần đến lực lượng quân sự mạnh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:36:18 am »

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của lực lượng quân đội trong dựng nước cũng như giữ nước, các vua triều Lê Sơ càng chú trọng đến xây dựng, phát triển mọi mặt để có được một quân đội hùng mạnh. Quan điểm về xây dựng một quân đội tập trung, thống nhất và thiện chiến được thể hiện rõ qua những biện pháp xây dựng quân đội của nhà Lê. Đó là:

- Lực lượng quân đội được tổ chức thống nhất, tập trung.

Cùng với quá trình xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền, lực lượng quân đội cũng được nhà Lê tổ chức lại. Dưới triều Lê không có một lực lượng vũ trang nào khác ngoài lực lượng quân đội do triều đình trực tiếp quản lý.


Sau khi lên ngôi, với 10 vạn quân thường trực giữ lại, Lê Thái Tổ chia làm hai loại: quân Cấm vệ và quân Các đạo. Quân Cấm vệ được chia thành 11 quân gồm có 6 quân Ngự tiền và 5 quân Thiết đột. Quân Ngự tiền đóng ở Kinh thành có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua và Hoàng thành. Quân Thiết đột làm nhiệm vụ bảo vệ Kinh thành và cơ động chiến đấu. Ngoài ra còn có một số vệ, đội thủy binh, tượng binh, kỵ binh.


Quân các đạo đóng giữ ở các địa phương được chia thành các vệ theo 5 đạo hành chính: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Đứng đầu vệ là các chức Tổng quản, Đô tổng quản, Đồng tổng quản chỉ huy. Dưới vệ là các đơn vị sở, đội, ngũ. Đứng đầu đội là chức chánh, phó đội trưởng; đứng đầu ngũ là chức chánh phó ngũ trưởng.


Dưới các triều vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân hệ thống tổ chức quân sự được củng cố thêm một bước.


Đến triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), cùng với việc thực hiện công cuộc cải cách hành chính chia cả nước thành 13 đạo, tổ chức quân đội cũng được cải tổ một cách toàn diện tạo thành một quân đội thống nhất, với hệ thống tổ chức chặt chẽ có quy củ. Sau gần một tháng cầm quyền, vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho vệ quân các đạo, phủ, trấn, các tổng quản, tổng tri phải chỉnh đốn đội ngũ. Năm Bính Tuất (1466), Lê Thánh Tông tiến hành cuộc cải cách toàn diện quân đội với mục đích làm cho quân đội gọn nhẹ nhưng tinh nhuệ, có quân thường trực tại ngũ mạnh và có lực lượng dự bị đông đảo để huy động khi cần thiết. Lực lượng quân đội được chia thành hai bộ phận: quân triều đình và quân các địa phương. Quân triều đình gồm có quân Cấm binh (còn gọi là Cấm vệ quân) và quân Ngũ phủ. Chế độ quân 5 đạo tồn tại từ thời Lê Thái Tổ đến thời Lê Nhân Tông, nay bị bãi bỏ.


Cấm binh là lực lượng bảo vệ Kinh thành và Hoàng cung, được chia thành các vệ, sở. Năm Đinh Hợi (1467), Lê Thánh Tông quy định mỗi vệ có 5 sở, mỗi sở gồm 20 đội, mỗi đội có 20 người. Tổng số quân Cấm vệ dưới thời Lê Thánh Tông có khoảng 45.400 người.


Quân Ngũ phủ là một bộ phận quan trọng của quân đội do triều đình trực tiếp quản lý, thường trực đóng giữ trên các địa bàn trọng yếu của đất nước. Lê Thánh Tông không phân chia lực lượng này theo đơn vị hành chính mà chia binh thành các phủ. Các phủ quân dưới thời Lê Thánh Tông lớn hơn các đạo trước kia, bao gồm 2 hoặc 3 đơn vị hành chính:

+ Phủ Trung quân gồm Thanh Hóa, Nghệ An.

+ Phủ Đông quân gồm Nam Sách, An Bang.

+ Phủ Nam quân gồm Thiên Trường và Thuận Hóa.

+ Phủ Tây quân gồm Quốc Oai, Thanh Hóa.

+ Phủ Bắc quân gồm Bắc Giang và Lạng Sơn.


Dưới phủ là vệ, sở, ty, đội. Mỗi phủ gồm 6 vệ, mỗi vệ gồm 5 hoặc 6 sở.

Mỗi phủ đặt một Đô đốc phủ thống suất gồm có các chức Tả, Hữu đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc thiêm sự đóng ở Kinh đô. Đứng đầu mỗi vệ có các chức Tổng tri, Đồng tổng tri, Thiêm tổng tri. Đứng đầu mỗi số là chức Quản lãnh, Phó quản lãnh.


Nhận xét về tổ chức quân Ngũ phủ, sử gia Phan Huy Chú viết: “Binh chế đời Hồng Đức, đại lược ngoài Cấm Binh ra thì binh các đạo chia thành 5 phủ chức Đô đốc đứng đầu nắm đại cương, các đô ty đốc suất các bộ thuộc, mà các vệ, các sở thì ở đạo nào chia thuộc vào đạo ấy”1 (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.4, tr. 8 ).


Quân số ở mỗi cấp cũng được quy định thống nhất. Mỗi ty có 100 người, mỗi sở có 400 người, chia thành 20 đội, mỗi đội 20 người. Theo Thiên Nam dư hạ tập, năm Đinh Hợi (1467), ngoại binh có 154 sở gồm 61.600 người và số Thân binh trong kinh là 66 ty và 51 vệ; số quân các đạo Thừa tuyên là 26 vệ.


Tại các đạo Thừa tuyên, nhà Lê đều tổ chức những đạo quân đóng giữ và quản lãnh trong phạm vi Thừa tuyên đó. Quyền nắm giữ quân đội ở các đạo Thừa tuyên thuộc về Đô ty. Mỗi Đô ty có Đô tổng binh sứ đứng đầu, dưới có các quan Tổng binh đồng tri và Tổng binh thiêm sự giúp việc.


Như vậy, đến triều vua Lê Thánh Tông, tổ chức quân đội Lê Sơ ngày càng được củng cố, có một hệ thống tổ chức chặt chẽ và thống nhất, quân số dần tăng lên.


Tổ chức quân đội Lê Sơ không chỉ chặt chẽ, có hệ thống mà còn mọi quyền lực quân sự đều tập trung trong tay vua. Vua trực tiếp nắm giữ quyền điều hành quân đội. Năm đô đốc phủ thống suất lực lượng quân đội ở các phủ về phương diện sổ sách quân số nhưng không có quyền điều động binh lính. Bộ binh phụ trách việc tuyển bổ các quan võ, điều khiển và huấn luyện quân đội nhưng cũng không có quyền sai phái các tướng sĩ. Triều Lê Sơ không đặt chức Tổng chỉ huy quân đội và bãi bỏ chức Tể tướng nhằm tập trung quyền lực quân chính vào tay vua. Trong những lần xuất quân lớn, vua là người trực tiếp cầm quân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:41:02 am »

Dưới triều Lê Sơ, ngoài lực lượng quân đội do nhà nước tổ chức, quản lý theo một hệ thống nhất quán, chúng ta không thấy có những đội quân của các vương hầu, quý tộc như ở các vương triều trước đó.

- Quy chế tuyển chọn binh lính và võ quan rõ ràng, nghiêm ngặt.

Cũng giống như các triều đại Lý, Trần, việc tuyển chọn binh lính thời Lê Sơ được dựa trên số nhân đinh trong cả nước. Triều đình giao việc quản lý nhân đinh cho các địa phương. Hằng năm, các địa phương phải lập sổ hộ tịch kê khai, sắp xếp nhân đinh theo thứ hạng. Đinh nam từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam, từ 20 đến 60 tuổi gọi là đại hoàng nam, được ghi tên vào sổ điệu phát. Nhà nước căn cứ vào sổ này để tuyển binh.


Năm Đinh Mùi (1427), sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã hạ lệnh cho quan các lộ cùng với quan các sảnh, cục và các tướng hiệu tiến hành lập sổ hộ, căn cứ theo trú quán chứ không theo nguyên quán của dân. Từ đó nhà vua đặt lệ cứ 3 năm làm lại hộ tịch một lần, gọi là phép “kế tu” (kế tiếp và tu sửa). Đầu năm Mậu Thân (1428), Lê Thái Tổ hạ lệnh lập hộ tịch và sổ điền bạ trong cả nước. Vấn đề khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng đã đặt ra yêu cầu nhà nước cần phải nắm vững nguồn nhân lực, vì thế triều đình lệnh cho các phủ, huyện và trấn phải gấp rút hoàn thành sổ hộ, hạn cuối cùng là tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), phải đệ trình kết quả. Năm Canh Tuất (1430), vua ra lệnh gộp sổ hộ trong cả nước. Năm Quý Sửu (1433), sổ hộ tịch đã được hoàn tất. Từ đó cứ 2 hoặc 3 năm một lần, nhà nước tiến hành kiểm kê nhân đinh. Các đời vua kế tục đều noi theo Lê Thái Tổ, khi mới lên cầm quyền đều ra lệnh thống kê hộ khẩu, quản lý nhân lực trong cả nước, lấy đó làm cơ sở để tuyển mộ binh lực cho quân đội.


Dưới đời Lê Thái Tổ, việc tuyển quân nhằm chọn những đinh nam trẻ khỏe thay thế số quân cũ già yếu. Một quy chế mới về binh dịch đã được ban hành. Đó là: Một nhà 3 người thì lấy 1 làm quân, phu dịch tha cho 3 năm. Nhà nước cũng quy định miễn cho con cháu những người đã tham gia kháng chiến từ những ngày đầu. Tháng 12 năm Mậu Thân (1428), nhà vua dụ cho các quan văn, võ: Người nào đã đem vợ con ẩn tránh ở núi rừng cùng trẫm lo việc nước, từ Mường Thôi, Bồ Đằng, Chí Linh, Khả Lam, thì hoặc con hoặc cháu đều được miễn dịch quân dân. Nếu làm quan thì không thuộc lệ này. Con cháu anh em nào không thuận đạo mà quên nghĩa, cầu an giặc thì không được nhận. Ai làm trái thì xử biếm hay bãi.


Kế tục Lê Thái Tổ, năm Giáp Dần (1434), vua Lê Thái Tông cử Đại tư đồ Lê Sát, Tư khấu Lê Ngân, Tư mã Lê Liệt và Lê Bôi tuyển lựa đinh tráng các đạo để bổ sung quân số. Trừ con các quan viên từ Lục phẩm trở lên, giám sinh Quốc Tử Giám và các hạng nô tỳ được miễn quân dịch, còn tất cả các hạng đinh tráng đều phải tuyển. Nếu là quân Ngự tiền Võ đội và quân Thiết đột mà có từ một đến ba con trai thì một được miễn binh dịch. Đối với các gia đình quân, dân thường có từ 3 đinh tráng trở lên thì được miễn giảm 1 người, còn thì đều phải chịu nghĩa vụ binh dịch. Năm Ất Mão (1435), triều đình quy định tuyển người khỏe mạnh để bổ sung quân.


Vua Lê Nhân Tông sau khi làm xong sổ hộ tịch đã ra lệnh tuyển quân. Mùa xuân năm Giáp Tý (1444), nhà vua cho tuyển đinh tráng bổ vào quân ngũ. Từ năm Kỷ Tỵ (1449), vua mở rộng ấm trạch cho con cháu các quan. Điều này cũng thực hiện cả trong chế độ nghĩa vụ binh dịch; các hoạn quan được phép chọn một người thân thích miễn lính. Nhìn chung, các đời vua đầu chế độ tuyển mộ chưa có quy định rõ ràng, khi cần bổ sung quân số triều đình mới tuyển.


Từ năm Canh Dần (1470), trên cơ sở chế độ hộ tịch “tiểu điển”, “đại điển”, vua Lê Thánh Tông đã quy định phép duyệt tuyển. Việc tuyển lính được thực hiện một lần cùng với việc điều tra nhân khẩu lập sổ hộ tịch. Cứ 3 năm nhà nước sửa lại hộ tịch một lần gọi là “tiểu điển”, 6 năm làm lại một lần gọi là “đại điển”: Mỗi lần đến kỳ duyệt tuyển, triều đình cử các quan đại thần về các địa phương lập các trường tuyển duyệt, bắt nhân dân kê khai lại nhân khẩu. Trừ các quan lại, chức sắc, tất cả các dân đinh từ 18 tuổi trở lên đều phải vào hộ tịch, được phân chia thành 6 hạng: Tráng hạng, Quân hạng, Dân hạng, Lão hạng, Cố hạng và Cùng hạng. Hạng Tráng phải nhập ngũ ngay, hạng Quân là quân dự bị, khi nào nhà nước cần điều động mối nhập ngũ, hạng Dân là những người phải đóng sưu thuế. Phép duyệt tuyển thời Lê Thánh Tông cũng quy định: Gia đình nào có từ 3 đến 4 suất đinh thì một người sung vào hạng Tráng, một người sung vào hạng Quân, còn thì sung vào hạng Dân. Nhà có 5 đến 6 suất đinh thì 2 người sung vào hạng Tráng, 1 người sung vào hạng Quân, còn lại là hạng Dân.


Theo lệ cũ:

+ Con cái quan văn võ hàm nhất, nhị phẩm, con trưởng của quan hàm tam phẩm: cháu của tước công, tước hầu, tước bá, nếu người nào không thể theo học được thì sung quân Tuấn sĩ vệ cẩm Y.

+ Con các quan văn võ hàm tam phẩm, con trưởng hàm tứ, ngũ, lục, thất, bát phẩm, hai con của quan cửu phẩm, cháu của quan lục phẩm trở lên, nếu người nào không theo học được thì sung vào làm quân ở vệ Vũ Lâm.

+ Con của quan hàm cửu phẩm, cháu của quan hàm bát phẩm thì lựa chọn sung làm lính cũng như con bách tính.

Đến tháng 3 năm Đinh Dậu (1477), vua Lê Thánh Tông ra chỉ định lại thể lệ tuyển dụng con cháu các quan viên: “Cháu trưởng của các bậc công, hầu, bá, tử, nam; con trưởng của các quan văn, võ nhỉ tam phẩm, con trưởng của các quan tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát phẩm, nếu ai tuổi trẻ và thông minh ham học thì cho vào Sùng Văn Quán làm học sinh đọc sách. Nếu tuổi đã lớn mà đần độn, muốn học võ nghệ, thì cho vào học tập ở vệ cẩm Y, mỗi ngày tới trường đấu võ ở phía tây kinh thành tập luyện các nghề cung tên, thủ tiễn, đánh mộc. Đến cuối mùa đông vệ cẩm Y sai quan khảo xét, cứ 3 năm một lần, quan phụ trách làm danh sách tâu lên, đưa sang Binh bộ, tổ chức thi theo lệ đã định. Người nào đỗ thì bổ các chức quan võ”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.III, tr. 469).


Tháng 3 năm Bính Ngọ (1486), nhân một kỳ tuyển quân, vua Lê Thánh Tông ban hành điều lệ “Hồng Đức quân vụ” gồm 27 điều, trong đó có 3 điều bổ sung cho lệ tuyển binh dịch năm Canh Dần (1470) như sau:

+ Các con của quan văn võ nhất phẩm, nhị phẩm và con trưởng của quan tam phẩm, các cháu của công, hầu, bá, nếu không biết chữ thì sung làm Tuấn sĩ của vệ Cẩm Y, nếu biết đọc sách thi đỗ thì sung nho sinh Tứ Lâm cục; nếu có tài làm quan mà thi đỗ thì bổ làm nha môn ở trong ngoài, cửu phẩm thì được hai con như bát phẩm, còn các con khác cũng như dân thường. Cháu của quan thất phẩm trở xuống thì tuyển duyệt sung quân, như lệ của dân.

+ Nhà có cha con, anh em ruột từ ba đinh trở lên cùng ở trong sổ của xã thì miễn cho một đinh không phải tuyển duyệt sung quân, nếu ở xã huyện khác thì không được miễn.

+ Những người làm thuê, làm mướn có biết chữ mà đã có ty Thừa tuyên bản xứ chuẩn cho thì được miễn không phải sung quân.


Theo điều lệ này thì đối tượng tuyển lính thời Lê Sơ chủ yếu là nông dân, địa chủ trong các địa phương, những thợ thủ công và thương nhân, con cái quân nhân và quan lại không biết chữ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:43:11 am »

Những người được miễn tuyển là con cháu các quan lại đương chức hàm từ lục phẩm trở lên, hoặc bản thân người đó là quan viên, chức dịch, học sinh Quốc Tử Giám, một số quan nô và tư nô do vua ban hoặc con các nhà độc đinh (nhà chỉ có một con trai). Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi dưới thời Lê Sơ có việc miễn tuyển lính cho bản thân và con cái của những người giàu có nhiều thóc nộp cho nhà nước. Đó là vào tháng 8 năm Canh Thìn (1460), sau khi phế truất Lê Nghi Dân, Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi lúc 18 tuổi, do cần có một số lớn lương thực, triều đình cho phép người giàu tình nguyện dâng nộp thóc để có quan tước và được miễn tuyển lính. Người nộp 70 hộc được thưởng 1 tư và miễn tuyển; nộp từ 100 đến 200 hộc thì được làm quan tòng bát phẩm đến chánh nhất phẩm nhàn tản, con cái họ cũng được miễn tuyển lính.


Thời Lê Thánh Tông, các quy chế, luật định về tuyển lính được bổ sung hoàn chỉnh hơn trước. Do nhu cầu phát triển của quốc phòng và chất lượng quân đội, những quy định về tuyển chọn và miễn trừ chặt chẽ hơn, nhất là đối với diện nho sinh giỏi. Nhà vua muốn thu hút được nhiều nhân tài và những người đỗ đạt trong các địa phương, cho nên trong các loại nhân đinh được phân hạng thì các quan viên và các học nhiêu chưa phải là đối tượng tuyển quân. Không kể hạng lão nhiêu và những người tàn tật, trong số những đinh tráng từ 18 tuổi đã được ghi trong sổ hộ, nhà nước căn cứ vào đó để xét tuyển. Việc xét tuyển được sắp xếp theo thứ tự: Trước hết tuyển những người cường tráng vào quân thường trực, rồi đến dân tráng sung vào hạng Quân nhưng ở nhà làm ruộng, khi nào cần nhà nước chiếu theo sổ gọi bổ sung vào. Khi điều kiện kinh tế và xã hội cho phép, nhà nước còn mở rộng diện miễn tuyển cho cả nông dân - tầng lớp đông đảo có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giữ nước; đó là trường hợp trong một gia đình có từ 3 nhân đinh trở lên hoặc các nho sinh nghèo phải đi làm thuê, làm mướn được các đô ty Thừa tuyên công nhận.


Với cách tuyển trên, triều Lê Sơ không cần phải “bắt” mà vẫn có đủ số quân khi cần. Đã có lúc vua Lê Thánh Tông huy động một lúc tới 26 vạn quân (cuộc chinh phạt Chiêm Thành năm Tân Mão - 1471). Những dân đinh hạng Tráng, sau khi nhập ngũ được phân chia về các vệ, sở. Thân binh là lực lượng tin cậy nhất của triều đình nên nhà Lê thường lựa chọn những con cháu các quan văn võ không học hành đỗ đạt sung vào. Năm Quý Mão (1483), Lê Thánh Tông quy định: Con thứ các quan nhất, nhị phẩm; con trưởng quan tam phẩm; cháu các Công, Hầu, Bá, không biết chữ thì sung làm Tuấn sĩ vệ cẩm Y; con thứ quan tam phẩm và con các quan từ tứ phẩm đến bát phẩm không học hành sung vào quân vệ Vũ lâm.


Tất cả các hạng quân đều được cấp ruộng đất công theo thứ bậc với khẩu phần từ 4 đến 8 phần rưỡi. Khẩu phần của binh lính trong chế độ quân điền được ưu tiên hơn các thành phần khác. Với số ruộng được quân cấp, quân lính được chia ban về làm ruộng theo chế độ “ngụ binh ư nông”. Thời Lê Thái Tổ, quân lính được chia làm 5 phiên, chỉ giữ 1 phiên tại ngũ để thường trực, còn 4 phiên thay nhau về sản xuất. Năm Bính Tuất (1466), Lê Thánh Tông đổi lại lệ chia phiên, chia quân 80 thành 2 ban, cứ lần lượt thay nhau một ban tại ngũ, một ban về làm ruộng. Việc sửa đổi này nhằm tăng cường thêm số quân thường trực tại ngũ.


Chế độ tuyển binh thời Lê Sơ lúc đầu chưa có quy chế rõ ràng nhưng sau một thời gian do nhu cầu phát triển của nhà nước quân chủ chuyên chế và nhu cầu quốc phòng, những quy chế về tuyển chọn dần được thể chế hóa, đến thời Lê Thánh Tông được hoàn thiện.


Hơn tất cả các vị vua khác, Lê Thánh Tông là một ông vua rất coi trọng công việc tuyển chọn binh tráng bổ sung quân ngũ. Ông ý thức rất rõ rằng muốn xây dựng một quân đội thiện chiến, hùng mạnh phải bắt đầu ngay từ việc tạo dựng một nguồn dự trữ nhân lực dồi dào, phải tuyển lựa được những đinh tráng khỏe mạnh nhất. Trong 38 năm cầm quyền, Lê Thánh Tông đã 10 lần tổ chức tuyển chọn đinh tráng bổ sung quân ngũ vào các năm: 1460, 1465 (2 lần), 1467, 1470, 1471, 1475, 1481, 1486, 1491. Trung bình cứ 3, 8 năm có một đợt quân đội được bổ sung những người khỏe mạnh, giảm bớt những người già yếu. Do được chú trọng nên quân đội thời kỳ này hùng mạnh, lập được nhiều chiến công trong bảo vệ và mở mang lãnh thổ.


Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Phép tuyển binh đời Hồng Đức rất rõ ràng chu đáo. Bấy giờ dân đinh không ai sót tên trong sổ mà số binh thường có nhiều là vì kén chọn được đúng số. Ba năm một lần xét lại tưởng như phiền phức, nhưng quy chế đã nhất định, dân cũng yên lòng”1 (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.4, tr. 17).


Đối với Cấm binh, lính Thị vệ bảo vệ Cấm thành, triều Lê Sơ có chế độ tuyển chọn riêng, với những tiêu chuẩn cao hơn. Ngoài sức vóc còn chú ý đến phẩm chất, lòng trung thành của họ. Thường đó là lớp con em những gia đình giàu có, là những người đã trải qua rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ; là con em của các võ quan, của Cấm quân, con cháu các công thần, quan lại cao cấp được hưởng quyền tập ấm. Tóm lại, đó là các thành phần có quyền lợi gắn liền với giai cấp thống trị, hàng ngũ quý tộc phong kiến.


Ngoài các nguồn cung cấp binh lính kể trên, triều đình Lê Sơ còn tuyển binh từ một nguồn nhân lực khác nữa đó là từ những tội nhân. Tuy nhiên, số lính này chỉ được biên chế trong những đơn vị không quan trọng của quân đội, có thể là lính lao dịch hay sản xuất, có khi là những đơn vị đóng ở những vùng đất mới khai phá ở phía Nam. Năm Giáp Ngọ (1474), vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ rằng: Đối với các tù nhân bị tội lưu, người lưu châu gần thì sung quân ở vệ Thăng Hoa, lưu châu ngoài thì sung quân ở vệ Tư Nghĩa, lưu châu xa thì sung quân ở vệ Hoài Nhân. Kẻ được tha tội chết thì được lưu ở vệ Hoài Nhân. Cũng năm đó, nhà vua lại ra sắc chỉ: Lại viên các nha môn tự tiện về nhà thì đồ khao đinh, sung quân. Đến năm Quý Mão (1483), có sắc chỉ: Sinh đồ từng thi Hương mà không trúng kỳ thi nào thì phải sung quân.


Trong các chương Vệ cấm, Vi chế, Quân chính, Hộ hôn, Điền sản, Đạo tặc của Quốc triều hình luật có nhiều điều quy định những ai phạm tội nhẹ thì xử đồ làm “tượng phường binh” hay “chủng điền binh” - tức lính nuôi voi hay binh lính sản xuất. Đó là những hình phạt đặc biệt hay những hình thức tuyển lính độc đáo của thời Lê Sơ.


Việc miễn trừ tuyển lính cũng được phân định một cách rõ ràng. Triều đình quy định đối tượng miễn tuyển gồm: con trai các quan văn võ từ lục phẩm trở lên có chức cai quản; các giám sinh Quốc Tử Giám. Các đối tượng khác và dân thường nếu có 3 con trai chỉ được miễn một người.


Triều đình cũng quy định những luật lệ nghiêm cấm hoặc trừng phạt nặng tội ẩn giấu, bán thả quân nhân và tội bỏ trốn quân ngũ. Điều thứ 8 trong 10 điều quân luật buổi đầu thời Lê Sơ quy định: Tướng hiệu nào bán thả quân nhân thì bị tội chém. Năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ hạ lệnh cho các quan phủ, huyện, lộ đi điều tra và tịch thu sung công ruộng đất của lính trốn. Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ cho các quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở Yên Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng: Các ngươi coi giữ chức vụ chống giữ biên cương, nên phòng bị những sự không ngờ để ngăn chặn giặc ngoài, cần phải bảo các tướng hiệu răn dạy quân sĩ không được quen thói cũ trốn về bỏ phế chức vụ. Điều 23 trong chương Quân chính của Luật Hồng Đức ghi rằng: Những quân lính tại ngũ mà bỏ trốn thì xử tội đồ làm Tượng phường binh; tái phạm thì xử tội lưu; người chứa lính trốn thì xử tội đồ làm khao đinh; quan xã dung túng mà không bắt thì tội nhẹ hơn người lính trốn một bậc; quan lộ, quan huyện không biết thì phải biếm hay cách chức. Nếu người lính ra thú tội thì được giảm tội và phải nộp số tiền khóa dịch sung công. Người chứa lính trốn phải chịu nửa số tiền sung công ấy.


Triều đình còn quy định cấm trong một xã, đàn ông, đàn bà cùng họ không được đặt cùng tên, bắt những người phiêu tán phải định cư, ghi tên vào sổ hộ. Lê Thánh Tông còn yêu cầu các quan lại đều phải “đem hết lòng thành, nén lòng tham” mà chăm lo việc xét tuyển, đồng thời phải làm một cách kỹ càng.


Do có những quy định nghiêm ngặt như vậy nên nhà nước thời Lê Sơ đã có một đội quân thường trực hùng mạnh, bảo vệ được đất nước hòa bình, ổn định trong một thời kỳ lâu dài.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:45:28 am »

Việc tuyển dụng võ quan, tướng lĩnh ở thời Lê Sơ cũng rất được coi trọng. Trong lịch sử, vai trò của các tướng lĩnh được đánh giá rất cao, Binh pháp Tôn Tử đã viết: Tướng soái là người phò tá cho quốc vương. Phò tá giỏi thì quốc gia cường thịnh, phò tá kém cỏi thì quốc gia suy nhược.


Các vua triều Lê Sơ luôn có quan điểm đề cao vai trò của người làm tướng. Khi đang còn chiến tranh, trong thư gửi cho Vương Thông (tướng nhà Minh), Lê Lợi và Nguyễn Trãi viết: “Tôi nghe, thiên hạ được yên hay phải nguy, sinh dân bị họa hay hưởng phúc, thực do ở việc binh, mà binh quyền giữ lấy hay bỏ, cho hay cướp lấy, quan hệ ở người làm tướng. Cho nên có câu nói rằng: Tướng là người giữ vận mệnh của quân”1 (Nguyễn Trãi: Toàn tập, Sđd, tr. 143).


Khi đất nước hết chiến tranh, vua Lê Thái Tổ vẫn rất coi trọng người cầm quân. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1429), trong buổi cùng các quan đại thần, tổng quản, hành khiển bàn công việc của đất nước, ông nói: "Người xưa có câu: Vua không chọn tướng thì khác gì dâng nước mình cho giặc. Trẫm luôn suy nghĩ điều đó, ngày đêm không quên"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 303).


Vua Lê Thánh Tông - người rất quan tâm đến sự nghiệp quốc phòng của đất nước luôn cho rằng quyền giữ việc quân là quyền lớn của nước và giữ việc quân quốc là một trách nhiệm rất quan trọng.


Do nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ tướng lĩnh trong xây dựng quân đội cũng như công cuộc phát triển, bảo vệ đất nước nên nhà nước Lê Sơ có yêu cầu cao đối với việc tuyển lựa, đào tạo võ tướng. Đó phải là những người có cả đức và tài. Lê Thái Tổ yêu cầu người làm tướng phải hội đủ các phẩm chất: trung thành, nhân nghĩa, tài trí và dũng cảm. Đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm đầu. Tiêu chuẩn của người làm quan, làm tướng theo quan điểm của Lê Thánh Tông là phải làm hết chức phận với triều đình.


Để có được đội ngũ tướng lĩnh hội đủ những yêu cầu như mong muốn, vương triều Lê Sơ có nhiều phương thức tuyển chọn.


Ngay sau khi lên ngôi, Lê Lợi ban Chiếu cầu hiền, cho tìm kiếm những người có tài văn, võ có thể trị dân, coi quân để trao chức vụ. Trong chiếu gửi tướng thần có công, ông viết: “Sáng nghiệp là khó; giữ cơ nghiệp sẵn có không phải dễ, cho nên phải tìm người hiền tài để bảo người sau”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 303). Lê Thái Tông cũng hạ lệnh cho các quan văn võ phải vì nước mà tiến cử hiền tài. Đến đời vua Lê Thánh Tông, khi nhà nước ở vào thời kỳ hưng thịnh, vấn đề bổ dụng nhân tài để coi quân trị dân càng được coi trọng. Năm Đinh Mùi (1487), khi định cách bảo tuyển chức quan Tổng binh, Lê Thánh Tông yêu cầu: “Chức quan Tổng binh nhận ký thác trong một địa phương, không nên ủy nhiệm người không tốt. Các quan khoa đài nên tuyển ở vệ quan các nha môn, người nào đảm lược, hình thức, tư cách, tài cán, liêm khiết và siêng năng thì bổ chức ấy. Ai dám tư tình bảo cử bậy người bỉ ổi, hèn kém, tham ô, lười nhác thì bị trị tội”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 502).


Đối tượng tuyển chọn võ tướng ở thời Lê Sơ không chỉ là con em thuộc tầng lớp quý tộc mà được mở rộng trong thiên hạ không câu nệ vào đường xuất thân để tìm được người tài. Trong chiếu cầu hiền tài, Lê Thái Tổ chỉ rõ: “Bất kể ai, là người hiền, hoặc ở triều đình, hoặc ở nơi thôn dã, là người tài bị khuất trong hàng ngủ quan nhỏ, là người hào kiệt náu mình nơi đồng nội, lẫn ở hàng binh lính đều được trọng dụng và trao chức quyền xứng đáng”2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr.303). Tất nhiên dù có xuất thân từ tầng lớp nào, dù là nho sĩ, quan lại hay bình dân, một khi đã gia nhập đội ngũ tướng lĩnh của triều đình, họ đều được phong chức tước, ban cấp bổng lộc và trở thành quan lại phong kiến, phục vụ cho lợi ích của vương triều thống trị. Chính vì thế, vấn đề chọn dùng võ quan, tướng lĩnh luôn bị chi phối bởi ý thức về quyền lợi của dòng họ thống trị.


Về phương thức tuyển chọn, ngoài hình thức nhiệm cử, tức triều đình bổ nhiệm những nhân tài thuộc hàng ngũ quý tộc tôn thất, những người có công, nhà Lê Sơ còn sử dụng các hình thức: tiến cử, bảo cử, khảo xét và thi cử. Tiến cử, bảo cử là hình thức giới thiệu những người có tài, có đức để triều đình xem xét và bổ dụng, hình thức này được thi hành chủ yếu dưới thời Lê Thái Tổ. Trong buổi đầu dựng xây chính quyền, đội ngũ quan lại rất cần những người có năng lực nên Lê Thái Tổ chủ trương “vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài”. Ông nhiều lần hạ lệnh cho các quan văn võ tiến cử người hiền tài. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1429), chiếu của vua chỉ rõ: “Ta nghĩ việc thịnh trị tất do dùng được người hiền; muốn có người hiền phải có người tiến cử; cho nên người làm vua thiên hạ tất phải lấy việc ấy lầm công việc trước nhất”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 302).


Đến đời Lê Thánh Tông, phương thức tiến cử đã chuyển thành bảo cử. Bảo cử cũng là tiến cử nhưng thông qua bộ Lại. Những người có tài được đề cử lên bộ Lại, bộ Lại xem xét và tâu xin vua bổ dụng. Năm Hồng Đức thứ năm (Giáp Thìn - 1484), vua Lê Thánh Tông lệnh cho các nha môn trong ngoài nếu có chức nào khuyết thì có thể tìm người tài cán, học thức thanh liêm, làm việc giỏi, đề nghị bổ vào chức đó. Lê Thánh Tông cho rằng: Trong triều đình nếu quân tử được tiến dụng là gốc rễ tiến lên đời thịnh trị; nếu tiểu nhân được tiến dụng là đường ngõ bước vào đời loạn tạc. Nhiều lần nhà vua ra sắc chỉ xác nhận lệ bảo cử để áp dụng cho các quan văn, võ ở các huyện, thừa ty và quan tổng binh với quy định rất nghiêm khắc là: “Ai dám thiên tư cử người hèn kém, tham lười sẽ bị trị tội”2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 502).


Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Lệ bảo cử mới đặt từ đời Hồng Đức. Bấy giờ việc ấy làm thận trọng, trừng phạt lại rất nghiêm, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt cuộc thu được hiệu quả là chọn được nhiều người hiền tài cho nước”1 (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Quan chức chí, NXb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, t. 2, tr. 84).
   Tiến cử, bảo cử nhằm cung cấp thêm nhân tài vào bộ máy chính quyền, giúp cho một số người vì lý do nào đó không ứng thí được, có cơ hội đóng góp tài năng của mình cho xã hội.
   Trong giai đoạn đầu, phần lớn các võ quan là những người trưởng thành trong kháng chiến, có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước. Sau khi ổn định tình hình, để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời bình và nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, vua Lê Thái Tổ tiến hành khảo xét quan lại, thải bớt những người thiếu năng lực, bổ sung nhiều tướng trẻ. Năm Mậu Thân (1428), đợt đầu khảo xét, chia thành 4 bậc, bậc nhất là nhũng quan viên văn võ có tài cán, làm việc giỏi. Năm sau, vua lại truyền lệnh các quan ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi Minh Kinh. Trong đó quan văn thi kinh sử, quan võ thi võ kinh, pháp lệnh và kỳ thư.
   Từ đời vua Lê Thái Tông, việc thi cử và khảo xét quan lại chặt chẽ hơn. Lê Thái Tông cho rằng: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nhà vua định phép sát hạch: Các quan văn, võ đều phải do Tổng quản nơi mình trực thuộc đứng ra sát hạch. Các tướng hiệu và võ quan ở đạo do Tổng quản bản đạo khảo xét. Kết quả chia làm 3 bậc, bậc nhất thưởng tước 1 tư và 5 tiền, bậc hai thưởng tước 1 tư.
   Từ năm Đinh Tỵ (1437), việc khảo xét võ quan được tách riêng đi sâu vào chuyên môn võ nghệ. Mỗi quan phải thi ba môn: bắn cung, phóng lao, sử dụng áo giáp và lá chắn. Người trúng cách (trúng cả 3 môn) thì cấp toàn bổng, nếu không trúng thì lượng bổng giảm dần. Quy định này trở thành quân lệnh.
   Dưới thời Lê Thánh Tông, hệ thống võ quan qua thời gian được đào thải, chọn lọc, chất lượng ngày càng cao. Các đợt khảo sát được tiến hành dưới hình thức Đô thí. Nhà nước quy định cứ 3 năm mở một kỳ thi bắt buộc cho các võ quan, tướng lĩnh. Mỗi người bắn 5 mũi tên, phóng 5 phát lao và đấu khiên một đường. Kết quả chia thành 5 cấp, lấy đó làm tiêu chuẩn để thăng, giáng.
   Năm Bính Ngọ (1486), nhà vua ban sắc chỉ bổ nhiệm quan chỉ huy các ty. Theo sắc này, bộ Lại cùng các quan ở vệ được quyền lập hội đồng, xét chọn những ai trúng trường, thân thể cường tráng, được bổ nhiệm túc trực làm việc ở các ty, vệ. Năm Mậu Thân (1488), định rõ phép khảo xét công trạng các quan: 3 năm thi sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo; nếu ai có tài năng đặc sắc khác thường sẽ có lệnh chỉ nhà vua đặc cách cân nhắc, không tính niên hạn. Đồng thời ra sắc chỉ cho các trưởng quan các nha môn ở Ngũ Phủ và các Vệ kén chọn tướng hiệu thuộc quyền mình cai quản, người nào có quân công, am tường lão luyện võ nghệ và tài năng kiến thức, thanh liêm, mẫn cán thì để giữ chức cũ; còn kẻ bỉ ổi, tham nhũng, làm việc một cách cầu may thì tâu lên để bãi chức.
   Chế độ tuyển chọn nói trên đã cung cấp cho chính quyền Lê Sơ một đội ngũ võ quan ngày một đông đảo. Việc bổ dụng, cất nhắc, thăng giáng đều có quy chế rõ ràng. Nhận xét về thành quả của quy chế tuyển chọn quan văn, võ triều Lê Sơ, Phan Huy Chú viết: “Bấy giờ, các quan đều làm việc giỏi, gọi là đời thịnh trị”1 (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.2, tr.84).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:47:22 am »

- Thường xuyên rèn luyện quân sĩ, thực hiện chế độ kỷ luật nghiêm minh.

Mặc dù tồn tại trong điều kiện tương đối hòa bình nhưng triều đình Lê Sơ không hề lơ là trong việc rèn luyện quân sĩ. Trong những năm chiến đấu chống Minh, trước thế giặc mạnh, Lê Lợi luôn mong có được đội quân tinh nhuệ để đánh thắng kẻ thù. Ông nhiều lần ra chỉ dụ cho các tướng lĩnh phải dạy cho binh sĩ phép ngồi, đứng, đánh,..., chỉ bảo các thế kỳ, chính phân, hợp, cho họ biết hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu cò. Sau khi lên ngôi, mặc dù chiến tranh đã qua, đất nước độc lập nhưng công cuộc ổn định quốc gia và bảo toàn lãnh thổ trước các thế lực thù địch vẫn luôn đòi hỏi cần phải có một lực lượng vũ trang tinh nhuệ. Trong điều kiện đó, các vua triều Lê Sơ đã thi hành một chế độ luyện tập thường xuyên đối với các tướng sĩ để có được một đội quân thiện chiến. Nhà nước đưa việc tập luyện quân sự thành hoạt động thường kỳ, liên tục và có định chế rõ ràng.


Các hạng quân thường trực, ngoài các việc tạp dịch, chia nhau canh gác, trấn giữ các nơi, còn có nhiệm vụ rất quan trọng là luyện tập võ nghệ và trận pháp.


Năm Giáp Dần (1434), Lê Thái Tông định lệ hằng năm cứ vào đầu mùa xuân các đạo phải tập trung về Kinh thành để diễn tập gọi là đại tập quân kỳ. Riêng các đạo từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào vì đường xa nên cho tập trung ở bản phủ để diễn tập, nếu trái lệnh sẽ bị trị tội. Lệ này đã trở thành lệ thường ở các đời vua sau. Năm Ất Mão (1435), Lê Thái Tông lại ra lệnh cho quân các đạo đến những nơi gần gũi, thuận tiện trong đạo mình chia quân tập trận, các quân Ngự tiền thi tập võ nghệ ở điện đình. Đôi khi triều đình còn tổ chức những buổi tập trận riêng cho từng binh chủng như bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh.


Sang đời Lê Thánh Tông, chế độ luyện tập được thực hiện có quy củ với phép tắc rõ ràng hơn. Việc luyện tập ở giai đoạn này được thực thi theo từng chủng loại quân (binh chủng). Kế thừa và phát triển các định chế tập luyện có từ trước, tháng 11 năm Ất Dậu, Hồng Đức thứ 6 (1465) Lê Thánh Tông ban bố 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều quân lệnh về tượng trận, 27 điều quân lệnh về mã trận và 42 điều quân lệnh về bộ trận.


Năm Ất Dậu (1465), cùng với việc ban hành các điều quân lệnh tập trận, Lê Thánh Tông cũng ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ. Theo quy định tập luyện về thủy trận thì có các đồ pháp: Trung hư (trận quây tròn trống giữa), Thường Sơn xà (trận kéo dài uốn lượn hình rắn Thường Sơn), Mãn thiên tinh (trận tản như sao đầy trời), Nhạn hàng (trận hình chữ V như chim nhạn bay sóng hàng), Ngư đội (trận hai đầu hình nêm như đàn cá). Trận đồ về bộ quân thì có các đồ pháp: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh.


Sử liệu không cho ta biết rõ nội dung của các trận đồ nhưng với những điều trận đã ban bố có thể nhận xét: Việc tập luyện quân sự rất được coi trọng dưới thời Lê Thánh Tông. Mỗi loại quân đã có một nội dung tập luyện phù hợp.


Việc duy trì kỷ luật trong tập luyện cũng rất nghiêm khắc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngày 23 tháng 2 năm Đinh Hợi Quang Thuận thứ 8 (1467), trong lúc tập trận đồ Tam Tài và Thất Môn ở sông Vi, nhóm Tây quân phủ đô đốc Lê Thiệt làm trái mệnh lệnh, đã bị Lê Thánh Tông sai trói đưa đến trước cửa doanh, mãi sau mới được tha. Cùng ngày hôm đó, Lê Thánh Tông cũng đã kiên quyết bãi quan chức của Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đình vì đã không tổ chức được buổi luyện tập theo đúng trận đồ đã đưa ra.


Ông còn ra chỉ dụ cho các tổng quản, tổng tri, các vệ quân 5 đạo và quân các phủ, trấn rằng: “Những lúc rỗi việc làm ruộng, phải ngừng những việc không cần kíp, cứ ngày rằm hằng tháng, thì vào phiên để điểm mục, liệu cắt quân nhân vào những việc như giữ cửa nhà, điếm canh, liếm cỏ lợp nhà, nuôi voi. Còn thì trước đó một, hai ngày, phải theo các trận đồ nhà nước ban xuống, ở ngay địa phận của vệ mình đóng, tiến hành chỉnh đốn quân ngũ, dạy quân lính những phép ngồi, đứng, tiến, lui, tập nghe những tiếng hiệu lệnh, chiêng, trống, cho quân lính quen với cung tên, không quên võ bị. Đến ngày thứ tư trở đi, mới sai làm tạp dịch. Nếu quan nào không biết để tâm răn dạy, rèn tập quân tính, dám sai chúng làm những việc tạp nhiễu thì xử biếm chức hoặc bãi chức”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 408).


Tháng 4 năm Kỷ Sửu, Quang Thuận thứ 10 (1469) nhà vua ra sắc chỉ: “Các vệ, ty Thần vũ, Du nỗ, Thần tý, Vũ lâm, Thiên uy mỗi khi đến phiên túc trực thì thay ban nhau mà chuyên tập võ nghệ, còn các vệ Ngũ uy (Phấn uy, Chính uy, Hùng uy, Lôi uy và Tuyên uy) và các sở Súng Nỗ ở vệ ngoài thì đều phải ngừng các việc tạp sai, dành ra số người canh giữ các nơi, còn thì chuyên tập luyện võ nghệ. Đến khi hết ban thì tiến hành khảo duyệt, theo lệ mà thường phạt”2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 447). Không chỉ chú trọng việc luyện tập quân sĩ, triều Lê Sơ còn định rõ kỳ hạn cho việc luyện tập, có khảo duyệt kiểm tra và thưởng phạt công bằng, nghiêm túc.


Năm Đinh Hợi (1467), Lê Thánh Tông ra định lệ 3 năm mở một kỳ khảo hạch võ nghệ của quân sĩ. Đây không phải là một kỳ thi võ để tuyển dụng võ quan, mà là một kỳ thi khảo hạch để kiểm tra lại kết quả luyện tập và động viên tinh thần luyện tập của quân sĩ. Trong kỳ khảo hạch này, người nào đạt mức trung bình trở lên thì được ban thưởng tiền, áo; người nào kém thì bị phạt.


Hằng năm, vào dịp đầu xuân, nhà vua thường thân chinh tiến hành các cuộc duyệt quân và tập trận. Sử cũ ghi lại khá nhiều các cuộc tập trận của quân đội, nhiều lần có sự chứng kiến của nhà vua, đặc biệt vua Lê Thánh Tông:

- Tháng 3 năm Bính Tuất (1466), tập thủy trận ở Giao Thủy.

- Tháng giêng năm Đinh Hợi (1467), vua ngự về Tây kinh. Khi trở về tập trận ở sông Thiên Phái (đoạn sông Đáy chảy qua huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay).

- Tháng chạp năm Đinh Hợi (1467), diễn tập trận đồ Trung hư ở Lỗ Giang (khúc sông Hồng chảy qua huyện Lý Nhân, Hà Nam).


Lê Thánh Tông còn lệnh cho các quân sĩ tiến hành tập trận ngay cả khi chuẩn bị bước vào các trận đánh lớn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 18 tháng 12 năm 1470, Hồng Đức năm thứ nhất, đại quân đã hội đủ gần đất Chiêm Thành. Đến ngày 2 tháng 1 năm 1471, Hồng Đức năm thứ 2, Vua cho là đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng phải luyện tập. Do đó xuống chiếu cho quân ở Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 447).


Ngoài việc quy định chế độ luyện tập hằng tháng, hằng năm, triều Lê Thánh Tông còn tiến hành khảo khóa đối với các tướng sĩ. Triều đình quy định cứ 3 năm một lần bộ binh phải mở một kỳ thi khảo sát quan quân. Đến kỳ, vào mùa đông, các sắc quân thủy, bộ trong Kinh ngoài đạo phải tập trung để khảo sát về võ nghệ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2021, 07:49:20 am »

Nhằm động viên, khích lệ các tướng sĩ trong việc nâng cao trình độ võ nghệ, triều đình còn định ra chế độ thưởng phạt công bằng, nghiêm túc cho cả binh lính và võ quan trong các kỳ thi võ.


Đối với binh lính: người nào đấu võ nghệ thắng luôn 4 lần, được thưởng một chiếc áo và 1 quan 5 tiền sử (một quan tiền sử có 10 tiền). Ba lần thắng, một lần được chấm điểm bình, được thưởng một chiếc áo. Hai lần thắng, hai lần bình được thưởng 6 tiền sử. Một lần thắng, ba lần bình được thưởng 3 tiền sử. Bốn lần được chấm điểm bình cả bốn, được cấp tiền cơm là 20 đồng tiền sử. Binh sĩ nào bị thua đều bị phạt.


Đối với các võ tướng: năm Đinh Tỵ (1437), vua Lê Thái Tông đặt luật lệ khảo thí võ nghệ các tướng hiệu trong các quân vệ. Phép thi gồm có 3 môn, thứ tự là bắn cung, ném thủ tiễn và đánh mộc. Người nào thi đạt cả 3 môn thì mối được cấp toàn bổng (lương), nếu không đạt thì bị hạ bớt. Việc này từ đó về sau định làm lệ thường.


Năm Mậu Tuất (1478), vua Lê Thánh Tông ra định lệ thưởng phạt như sau: Những quan võ có tước Công, Hầu, Bá cùng các quan trong Kinh ngoài đạo nếu người nào có trách nhiệm quản lý quân sĩ, đều phải về Kinh đô để dự thi khảo về võ nghệ gọi là “Đô thí" tức là thi ở Kinh đô. Nếu vắng mặt bị xử tội. Nội dung thi gồm có thi bắn 5 phát tên bằng cung và đấu khiên. Mũi tên và khiên được làm bằng tre. Nếu ai bắn trúng 8 đến 10 lần là thượng cấp. Bắn trúng 6 đến 7 lần là trung cấp. Trúng từ 4 đến 5 lần là hạ cấp. Những người bắn trúng từ thượng, trung, hạ cấp đều được khen thưởng. Trúng 2, 3 lần thì không được thưởng cũng không bị phạt. Trúng một lần hoặc không trúng lần nào sẽ bị phạt tiền. Đây không phải là một kỳ thi võ để tuyển dụng võ quan, mà là một kỳ khảo hạch để kiểm tra lại kết quả luyện tập và động viên tinh thần luyện tập của các tướng sĩ.


Quy định này trở thành quân lệnh. Nhà nước quy định cứ 3 năm mở một kỳ thi bắt buộc cho các võ quan.

Năm Tân Sửu (1481), Lê Thánh Tông cho xây dựng Điện Giảng Võ ở phía tây Kinh thành làm nơi đào tạo, luyện tập và thao diễn quân đội. “Mùa đông, tháng 10 đào hồ Hải Trì, hồ này quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để luyện điểm duyệt binh”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 485).


Dưới thời Lê Sơ, luyện tập quân sĩ là công việc thường xuyên theo những quy chế chặt chẽ. Hằng tháng có việc luyện quân theo tháng. Hằng năm có việc hội quân, tập trận đồ vào mùa thu. Cứ 3 năm một lần lại có khảo thí về võ nghệ. Nhiều lần vua thân chinh chỉ huy việc luyện tập thủy binh theo các trận đồ. Tất cả các sắc quân từ phụng trực, quân năm phủ, quân các đạo đều phải theo lịch mà tiến hành tập luyện. Mọi binh lính, võ tướng đều phải luyện tập và phải qua khảo thí. Không có sự miễn trừ cho một ai. Người đấu thắng, bắn trúng được thưởng. Người đấu bại, bắn chệch bị xử phạt: quân lính thì bị thải hồi, quan tướng thì bị biếm chức hoặc bãi chức.


Ngoài ra, trong Luật Hồng Đức còn có cả những điều khoản quy định việc xử phạt những người không thực hiện đúng nhiệm vụ tập luyện. Điều 257 quy định: Những quan tướng hiệu không siêng năng huấn luyện quân sĩ, lại sai quân sĩ làm việc riêng cho nhà mình cùng là định để lấy tiền ăn, việc nhẹ thì xử đồ hay lưu, việc nặng thì xử tội lưu. Điều 283 của Bộ luật Hồng Đức cũng quy định: Khi có kỳ đại tập quân đội, quân lính ai thiếu mặt thì xử phạt 80 trượng, biếm làm quân đinh ở bản quân, truy nộp 3 quan tiền sung công. Đội trưởng và chánh, phó ngũ trưởng trong bản đội mà mượn người thay thế thì xử phạt 80 trượng và đều bị giáng cấp xuống 3 bậc.


Kỷ luật là sức mạnh của một đạo quân. Nhà nước Lê Sơ rất quan tâm đến việc duy trì kỷ luật quân đội. Ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống Minh, Lê Lợi đã ban hành 10 điều quân luật cho các tướng hiệu và quân sĩ. Đó là:

1. Giữ cho quân đội không được ồn ào, phải luôn nghiêm chỉnh.

2. Không được đặt chuyện làm cho dân chúng hoang mang và dao động lòng quân.

3. Khi ra trận, nghe tiếng trống, thấy cờ hiệu không được chần chừ không tiến.

4. Thấy kéo cờ, nghe thanh la dừng quân phải dừng lại ngay.

5. Nghe tiếng chuông lui quân lập tức phải lui.

6. Không được bỏ canh phòng, bỏ hàng ngũ trốn về.

7. Không vì chuyện riêng tư mà bỏ việc quân.

8. Không được ăn hối lộ để thả quân lính và che giấu không ghi vào sổ quân.

9. Không vì tình cảm riêng tứ mà đảo lộn công tội của người khác.

10. Không được bất hòa với mọi người, trộm cắp, dâm gian.

Những điều khoản trên đều được áp dụng với tất cả mọi tướng sĩ nếu ai vi phạm đều bị chém, không có loại hình phạt nào khác.


Sau khi đất nước được độc lập, trong quá trình củng cố, xây dựng lực lượng quân đội, vấn đề kỷ luật quân ngũ càng được đề cao. Nhiều quân lệnh được biên soạn và ban hành. Kỷ luật quân đội không còn thiên về hình phạt quá hà khắc như thời kỳ trước nữa mà được phân thành nhiều loại hình khác nhau. Chỉ tính riêng dưới thời Lê Thánh Tông đã có 190 đỉều luật được ban hành, trong đó có 58 điều nằm trong Bộ luật Hồng Đức và 132 điều luật nằm rải rác trong các điều luật khác. Trong 38 năm trị vì, nhiều lần vua Lê Thánh Tông trực tiếp cầm quân đi đánh trận. Trước mỗi lần xuất quân ông đều ban hành các điều lệnh phổ biến cho các tướng sĩ:

Tháng 11 năm Canh Dần (1470), khi đem quân đánh Chiêm Thành, nhà vua ban hành 24 điều lệnh về việc hành binh trao cho các quân doanh và các vệ Cẩm Y, Kim Ngô, Thần Vũ, Điện Tiền.

Tháng 11 năm Nhâm Thìn (1472), nhà vua ban hành 19 điều lệnh đi đánh người Man.

Tháng 12 năm Kỷ Hợi (1479), sửa định lại biệt lệnh 25 điều về việc đánh Chiêm Thành và quy định chính lệnh hành quân cùng các lệ thưởng công.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM