Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:50:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 5476 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 11:56:31 am »

Cũng tương tự như Đàng Ngoài, ở Đàng Trong, việc chiếm đoạt và tập trung ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ trở thành hiện tượng công khai, phổ biến... Nghiêm trọng nhất là ở Thuận Hóa - Quảng Nam. Địa chủ, cường hào không chỉ tìm mọi thủ đoạn để cướp đoạt ruộng đất tư hữu của nông dân, mà còn tìm cách xâm lấn dần ruộng đất công làng xã. Chúng thường viện ra lý do thiếu thuế đóng góp cho nhà nước nên phải bán hay cầm cố đất công, để rồi qua đó từng bước "hợp pháp hoá" chiếm làm của tư. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, nhiều xã ở vùng Thuận Hoá, hầu hết nông dân không còn ruộng đất để cày cấy. Theo số liệu thông kê ruộng đất của chúa Nguyễn vào năm Kỷ Sửu (1769): Thuận Hoá gồm 2 phủ, 8 huyện, 1 châu, có 155.181 mẫu ruộng cày cấy được và 126.857 dân đinh - bình quân mỗi dân đinh là trên 1 mẫu. Nhưng thực tế, nông dân hầu như không có ruộng đất, phải thuê ruộng đất của địa chủ với giá cắt cổ: ví như ở Lệ Thủy, Khang Lộc, giá thuê mỗi mẫu từ 3 đến 4 quan lên hơn 6 quan; ở Minh Linh, giá thuê từ 12 đến 20 quan một mẫu. Đối với Gia Định - khu vực đồng bằng chưa khai phá là bao và phần lớn nông dân phá sản ở vùng Thuận Hóa - Quảng Nam bị chiêu mộ vào đây phục vụ cho việc khai khẩn đất đai và trở thành tầng lớp nông dân tá điền, chịu sự bóc lột thậm tệ của địa chủ. Thêm vào đó, việc chăm lo đến các công trình thủy lợi, đê điều hầu như bị trễ nải, hậu họa bão lũ diễn ra, nạn mất mùa đói kém xảy ra triền miên và nghiêm trọng.


Bên cạnh việc bị địa chủ cướp đoạt ruộng đất và bóc lột địa tô, nông dân còn phải chịu một chế độ thuế khoá hết sức nặng nề. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép rằng: Ở Đàng Trong, hằng năm có hàng trăm thứ thuế, mà trưng thu thì phiền phức, gian lận, nhân dân khốn khổ về nỗi một cổ hai tròng... Pháp lệnh rất phiền, nhân viên trưng thu đốc thúc rất nhiều, nên dân nghèo thường khổ về nỗi phải đóng góp gấp bội, mà trong thì ty lại, ngoài thì quan bản đường bớt xén làm cho mất tăm tích, không thể nào kêu cứu được. Sang nửa sau thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn không chỉ tăng thêm số lượng các khoản thu, mà định mức cho từng khoản thu cũng, được nâng lên gấp nhiều lần so với trước. Điển hình như: thuế đò, thuế chợ tăng gấp đôi; thuế lâm, thổ sản thì cùng với thời gian tăng lên đến hàng trăm thứ khác nhau. Mỗi khi cần thứ sản phẩm gì thì triều đình tức khắc ban ra ngạch thuế sản phẩm đó. Ví dụ: năm Kỷ Sửu (1769), quân đội cần nhiều mỡ để lau chùi, bảo quản súng đạn, nhà Nguyễn liền ban hành chế độ thu thuế mổ lợn tại các chợ... Ngoài ra, dân Đàng Trong còn phải cấp ngụ lộc cho quan lại. Dân những xã thực hiện việc cấp ngụ lộc cho quan lại thường được miễn thuê đinh, nhưng thực tế họ phải nộp tiền và lễ vật cho quan lại rất tốn kém1 (Cụ thể như: thực hiện việc cấp ngụ lộc cho viên quan Huấn Vũ hầu, tại xã Cao Xá Hạ, huyện Quảng Điền có 53 nhân đinh, trong đó có 9 nhân đinh thuộc hạng cùng đinh được miễn thuế, số còn lại 44 người mỗi người mỗi năm phải đóng góp các khoản tiền và lễ vật (quy ra tiền) trị giá 138 quan - nghĩa là một suất đinh phải nộp 3 quan tiền)).


Không phải chỉ những người dân miền xuôi bị bóc lột kiệt quệ, mà đồng bào dân tộc thiểu số sống trên vùng núi, vùng sâu cũng phải chịu nhiều thứ thuế bằng tiền hoặc hiện vật hết sức nặng nề1 (Điển hình như ở khu vực miền núi huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình, nơi cư trú của ba sách người dân tộc thiểu số là An Đại, An Niễm và Cẩm Lý, số tiền thuế và hiện vật phải nộp năm 1774 bằng 994 quan tiền; trong đó, riêng sách An Đại, mặc dù chỉ có 11 dân đinh nhưng phải nộp đến 443 quan tiền thuế và hiện vật (người nộp nhiều  nhất là 60 quan, người ít nhất là 15 quan)). Ngoài ra, tuỳ theo từng địa phương, người dân còn phải cống nạp các lâm, thổ sản quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, gỗ quý, mây, sáp ong, mật ong... cho quan lại triều đình và địa phương.


Cùng với thời gian, rất nhiều lâu đài, cung điện nguy nga tráng lệ, những núi non bộ, hồ ao nhân tạo, nhà thủy tọa, cầu treo, xung quanh là những bức tường bảo vệ với những họa tiết hình long, ly, quy, phượng rất cầu kỳ... được khẩn trương xây dựng tại thành Phú Xuân để phục vụ cho cuộc sống hưởng lạc của vua chúa, quý tộc, quan lại của triều đình. Theo "gương" của vua chúa và quý tộc cung đình, giới quý tộc và quan lại địa phương cũng đua nhau sống hưởng lạc, hủ bại. Ví như ở Thuận Hoá: “Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dúng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa dây cương đều nạm vàng bạc, áo quần là lượt, nệm hoa chiếu mây, lấy sự phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau... coi vàng như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng"2 (Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, Quyển 6 (bản dịch), tr. 369).


Sự tha hoá của vua chúa, quan lại, quý tộc tất yếu dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, coi thường kỷ cương phép nước. Điển hình là dưới thời Nguyễn Phúc Thuần (lên ngôi khi mới 12 tuổi), tất cả quyền hành đều tập trung vào tay quan đại thần Trương Phúc Loan. Phúc Loan tự xưng là Quốc phó, đưa bè đảng và người trong họ tộc của mình nắm giữ các vị trí trọng yếu trong triều; đồng thời lập mưu ám hại những người không cùng phe cánh. Tài sản gia đình Phúc Loan gồm vàng bạc, châu báu, lụa là, gấm vóc chứa đầy ắp nhà. Chỉ riêng đối với loại tiền đồng và tiền kẽm đã nhiều đến mức, mỗi năm quân lính phái nộp 5 gánh dây mây để thay thế cho số dây xâu tiền bị mục nát, đứt gãy...


Về sắp đặt, bổ nhiệm quan lại các cấp ở Đàng Trong cũng không khác gì so với Đàng Ngoài. Tệ nạn mua quan, bán tước trở thành công khai, phổ biến ở khắp các cấp, các ngành, do vậy bộ máy quan lại từ triều đình đến địa phương nhanh chóng “phình to”. Ngay ở cấp xã, thì mỗi xã cũng đã có từ 16 đến 17 tướng thần và hơn 20 xã trưởng.


Bên cạnh đó, nền kinh tế Đàng Trong vào nửa cuối thế kỷ XVIII còn tồn tại một hiện tượng được gọi là "nạn tiền hoang". Nguyên nhân sâu xa là do Đàng Trong không có mỏ đồng để đúc tiền. Trong những năm còn hưng thịnh, nhà Nguyễn khắc phục bằng cách nhập khẩu đồng từ Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng rồi do giá đồng ngày càng tăng cao, mà yêu cầu lưu thông buôn bán hàng hoá ngày mỗi tăng, nên nhà Nguyễn đã phải cho đúc tiền kẽm để bổ sung ngân khố (từ năm 1746 đến năm 1748 đúc được 72.396 quan tiền kẽm). Lợi dụng tình trạng này, giới quý tộc, quan lại đua nhau mở lò đúc tiền và coi đây là một nghề kinh doanh lấy lãi. Số lượng lò đúc tiền lên đến hơn 100 và tiếp tục tăng do nạn đúc tiền trộm phát triển tràn lan1 (Để thu đươc nhiều lợi nhuận, chúng bớt xén kim loại, nên những đồng tiền đúc ra thường là rất mỏng và nhỏ hơn những đồng tiền truyền thống, thậm chí chúng còn pha lẫn kẽm kém phẩm chất vào để tăng số lượng tiền. Hậu quả là giá trị của đồng tiền mỗi ngày thêm xuống dốc: nếu trước kia 1 đồng tiền bằng kẽm có giá trị trao đổi ngang với 1 đồng tiền bằng đồng, thì đến lúc này phải 3 đồng tiền kẽm mới có giá trị bằng 1 đồng tiền bằng đồng, mặc dù vậy nhiều người cũng không muốn sử dụng tiền kẽm). Khi nạn đúc tiền bị tư nhân lũng đoạn đã dẫn đến đồng tiền càng mất giá và nạn đầu cớ, tích trữ diễn ra nghiêm trọng, làm cho lúa gạo, hàng hoá các loại trở nên khan hiếm; đời sống của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng càng lâm vào tình cảnh khốn cùng hơn nữa.


Như vậy, dù là ở hai “quốc gia” khác nhau, nhưng nạn bắt lính và tiến hành chiến tranh cát cứ, nạn cướp ruộng đất của địa chủ, quan lại, thêm vào đó là chính sách thuế khoá nặng nề và sự tha hoá đến tột cùng của quý tộc, quan lại trong hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương của triều đình Lê - Trịnh và Nguyễn là điểm chung nhất; đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn tối phong trào nổi dậy và khởi nghĩa của nông dân liên tiếp bùng nổ trên khắp địa bàn Đàng Ngoài và Đàng Trong, tuy quy mô và mức độ có sự khác nhau nhất định.


Tại Đàng Ngoài, các cuộc bạo động của nông dân nổ ra liên tiếp và lan rộng khắp nơi, mà sử sách của giai cấp thống trị chép lại vối thái độ miệt thị, thậm chí xuyên tạc gọi là "trộm cướp nổi lên như ong". Tiêu biểu như: khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng (1737), Lê Duy Mật (1738-1769), Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ (1739-1741), Hoàng Công Chất (1739-1769), Nguyễn Danh Phương (1740-1751), Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751)... làm cho chính quyền Lê - Trịnh nhiều phen điêu đứng.


Ở Đàng Trong có cuộc đấu tranh của 300 thương nhân Gia Định do Lý Văn Quang cầm đầu (1747), cuộc nổi dậy của đồng bào Chăm Rê ở vùng núi Quảng Ngãi (1770), cuộc khởi nghĩa của Lía ở Quy Nhơn... Mặc dù kết cục cuối cùng là tất cả các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại, nhưng ngọn lửa căm thù và ý chí đấu tranh của quần chúng nhân dân vẫn âm ỉ cháy để rồi khi thời cơ đến sẽ bùng lên thành một phong trào đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ diễn ra vào những năm 80 của thế kỷ XVIII, nhằm giải quyết những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội và đặt tiền đề cho công cuộc thống nhất đất nước - phong trào nông dân Tây Sơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 11:58:30 am »

b) Sự ra đời của triều Tây Sơn và triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ

- Đánh dẹp tập đoàn phong kiến họ Nguyễn ở Đàng Trong, triều Tây Sơn được thành lập và cuộc kháng chiến chống quân Xiêm:

Tiếp đà và thúc đẩy phong trào khởi nghĩa nông dân Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII lên đỉnh cao, từng bước thực hiện khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc là đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cát cứ, thu non sông đất nước về một mối và thiết lập một vương triều phong kiến mới đảm trách sứ mệnh lãnh đạo đất nước - đó chính là phong trào nông dân Tây Sơn.


Tây Sơn là tên của vùng đất dưới thời cai trị của các chúa Nguyễn thuộc phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam1 (Dinh Quảng Nam gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum). Đây là miền đất màu mỡ, trù phú - “một trung tâm kinh tế giàu có vào bậc nhất của Đàng Trong” nên cũng chính là “miếng mồi béo bở” để quan lại, địa chủ nhà Nguyễn bòn rút thông qua các ngạch tô thuế. “Trong số hơn 76.000 quan tiền thuế mà hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam hằng năm phải nộp cho chính quyền họ Nguyễn thì riêng Quảng Nam phải góp đến 6 phần, trong khi Thuận Hoá chỉ có 1 phần. Riêng ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn thuộc phủ Quy Nhơn (Bình Định, Kon Tum) có hơn 72.000 mẫu ruộng, hằng năm phải nộp thuế 1.540.000 hộc thóc, 1.000 bát gạo điền mẫu và hơn 500 quan tiền cung đốn. Các dân tộc Chăm, Thượng còn phải đóng góp nhiều loại lâm, thổ sản”2 (Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 16). Bởi những gánh nặng tô thuế như trên mà nơi đây đã sớm trở thành tâm điểm của phong trào nông dân nổi dậy chống áp bức, cường quyền.


Năm Tân Mão (1771), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã chọn ấp Tây Sơn làm địa điểm dấy binh, khởi phát cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách áp bức, bóc lột của tập đoàn phong kiến cát cứ chúa Nguyễn - Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Từ quan điểm tư tưởng chỉ đạo hành động ban đầu là “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” - nghĩa là thực hiện “phân chia lại” quyền sở hữu vật chất bất bình đẳng của xã hội, nhằm tạo niềm tin, sự ủng hộ của đại bộ phận dân chúng lao động trong xã hội để nhanh chóng tập hợp lực lượng, tạo sức mạnh thực hiện tư tưởng chiến lược cốt lõi là “thu hồi hai nước” về một mối - trước nhất là Đàng Trong.


Nắm bắt và khai thác triệt để mâu thuẫn gay gắt giữa các bè cánh trong nội bộ triều đình chúa Nguyễn, anh em Nguyễn Nhạc đã khéo léo đưa ra khẩu hiệu hành động: “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”1 (Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Nguyễn Phúc Khoát, theo luật kế vị sẽ được lập làm chúa, nhưng bị Trương Phúc Loan phế bỏ. Do vậy, phái tôn thất và cựu thần chúa Nguyễn vô cùng căm giận Trương Phúc Loan). Khẩu hiệu hành động nhạy bén này đã phản ánh rõ tư tưởng chính nghĩa, hợp lòng dân của Tây Sơn. Đó là: "... Giận quốc phó ra lòng bội thượng. Nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương. Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé. Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa hố lầm than"1 (Trích từ Phụ lục 1 “Hịch Tây Sơn”, Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr.281). Đây thực sự là một sách lược hết sức khôn ngoan và hiệu quả trong việc phân hóa kẻ thù của những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa, đồng thời cũng là tư tưởng cứu nước, cứu dân cao cả của phong trào Tây Sơn.


Tư tưởng chính nghĩa, sách lược khôn ngoan của anh em Nguyễn Nhạc đã không chỉ nhanh chóng lôi kéo, thu hút được rất nhiều tráng đinh nông dân từ miền xuôi đến miền ngược đến đầu quân cho Tây Sơn, mà một bộ phận quan lại của bộ máy thống trị triều Nguyễn có mối bất bình với bè phái của Trương Phúc Loan, điển hình như Thổ hào Huyền Khê, Nguyễn Thông... đã tự nguyện đưa nhiều tiền của ủng hộ quân khởi nghĩa. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn kể từ khi dấy binh, tại căn cứ ấp Tây Sơn, quân khởi nghĩa đã có số lượng tới vạn người.


Tác chiến buổi đầu của quân Tây Sơn được thể hiện bằng những đạo quân xuất phát từ căn cứ tiến xuống phá các đồn binh, trừng trị bọn xã trưởng, quan thu thuế, địa chủ có nhiều tội ác với dân, tịch thu và đốt hết các giấy tờ, sổ sách, khế ước vay nợ, tuyên bố bãi bỏ tất cả các thứ thuế, giải phóng làng xã. Phản ánh hoạt động này, một giáo sĩ phương Tây sống ở Đàng Trong lúc đó có tên là E.Castuera đã chép rằng: “Họ tuần hành trong các làng, tuyên bố với dân chúng rằng họ không phải là giặc cướp, mà là những người làm theo ý của trời; họ muốn thực hiện công lý trong xã hội và giải phóng nhân dân khỏi ách chuyên chế của vua quan. Họ tuyên truyền sự bình đẳng về mọi mặt, lấy của cải của quan lại và nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Những làng mạc bị thuế má hà khắc đè nặng đã nhiệt liệt tuyên thệ hưởng ứng khởi nghĩa”1 (Trích trong: Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI), Nouvelle série, (Bản tin của Hội Nghiên cứu Đông Dương, Bộ mới) T.XV, No 3-4, p. 74).


Vừa tác chiến vừa phát triển lực lượng, đến năm Quý Tỵ (1773), khi quân số đã có tới vài vạn, anh em Nguyễn Nhạc bắt đầu “tính việc” đánh dẹp tập đoàn phong kiến cát cứ chúa Nguyễn. Sau khi đánh chiếm được nhiều phần đất quan trọng thuộc phủ Quy Nhơn, “Đệ nhất trại chủ” Nguyễn Nhạc đảm trách chỉ huy hai huyện Bồng Sơn và Phù Ly, “Đệ nhị trại chủ” Nguyễn Thông chỉ huy huyện Tuy Viễn, “Đệ tam trại chủ” Huyền Khê chuyên phụ trách về quân lương. Ngay sau đó, Nguyễn Nhạc tổ chức cho quân sĩ bao vây thành Quy Nhơn. Trước thế lực áp đảo của quân khởi nghĩa, Tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên cùng toàn bộ binh lính bỏ thành chạy trốn. Quân Tây Sơn chiếm thành, rồi tiến lên đánh chiếm các kho lương ở Kiến Dương, Đạm Thủy; tiếp đó phát triển tiến công đánh ra Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đến đất Quảng Nam, quân khởi nghĩa người Hoa và người Việt tại địa phương do hai thương nhân Lý Tài và Tập Đình cầm đầu đã đến xin đi theo Tây Sơn.


Được tin cấp báo thành Quy Nhơn đã lọt vào tay Nguyễn Nhạc, Trương Phúc Loan vội sai Nguyễn Cửu Thông, Nguyễn Cửu Sách, Tống Sùng và Đỗ Văn Hoàng mang quân từ Phú Xuân vào đánh chiếm lại thành Quy Nhơn. Phát hiện được quân Nguyễn đã kéo đến Bến Ván (Bản Tân - địa phận giáp ranh Quảng Ngãi và Quảng Nam), Nguyễn Nhạc lệnh cho quân sĩ lui về Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) mai phục, đợi quân Nguyễn lọt gọn vào trận địa, rồi bất ngờ xông ra chặn đầu, khoá đuôi, tả xung hữu đột, tiêu diệt phần lớn quân Nguyễn; tiếp đó phát triển tiến công đánh chiếm phủ Diên Khánh và Bình Khang. Cùng lúc, quân của Lý Tài và Tập Đình đã bí mật mai phục ở khu vực núi Bích Khê (Phù Mỹ) đánh tan cánh quân Nguyễn do Tiết chế Tôn Thất Hương chỉ huy.


Như vậy, đến hết năm Quý Tỵ (1773), quân Tây Sơn đã giành quyền kiểm soát được cả một khu vực địa bàn rộng lớn, dân cư đông đúc từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đây là những yếu tố cơ bản đầu tiên đảm bảo cho sự toàn thắng của phong trào nông dân Tây Sơn và hình thành nên một vương triều mới - vương triều Tây Sơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 11:59:20 am »

Mùa hạ năm Giáp Ngọ (1774), quân Nguyễn ở Gia Định do Lưu thủ Long hồ Tống Phúc Hiệp cầm đầu đã mở cuộc tiến công đánh chiếm lại các phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang và Phú Yên. Trước thế vượt trội của đối phương, Nguyễn Nhạc cho quân sĩ lui về Quy Nhơn và Quảng Ngãi để củng cố, bổ sung lực lượng và tính kế đối phó. Song, chính thời điểm này, chúa Trịnh cũng khởi binh nhằm “chiếm nốt vùng đất của chúa Nguyễn” và tất nhiên là cả “dẹp loạn Tây Sơn” nữa.


Thực hiện ý đồ trên, chúa Trịnh Sâm phong Hoàng Ngũ Phúc làm Thượng tướng quân cùng các tướng Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh mang 3 vạn quân tiến vào Nam. Tháng 11 năm Giáp Ngọ (1774), quân Trịnh vượt sông Gianh hạ đồn Cao Lao, chiếm Bố Chính, Lưu Đồn, Dinh Trạm và Dinh Cát. Đến Bồ Đề (Minh Linh), Hoàng Ngũ Phúc đưa thư dụ chúa Nguyễn Phúc Thuần đầu hàng. Trước sức ép của quân Trịnh và quân Tây Sơn trên cả hai mặt, Nguyễn Phúc Thuần sai người trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh, đồng thời dâng nhiều vàng bạc cho Hoàng Ngũ Phúc xin bãi binh. Đầu năm Ãt Mùi (1775), quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Nguyễn Phúc Thuần đem gia quyến chạy vào Hải Vân, xuống Quảng Nam, rồi vượt biển vào Gia Định.


Sau một thời gian củng cố, bổ sung lực lượng, quân Tây Sơn lại khởi thế công. Đầu năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Nhạc chia quân thành hai mũi tiến xuống phía Nam, đánh bại đạo quân Nguyễn do Nguyễn Cửu Dật chỉ huy. Tiếp đó, Nguyễn Nhạc cùng các tướng Tập Đình, Lý Tài mang quân tới mai phục ở Cẩm Sa, đón đánh quân Trịnh. Trận giao chiến diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng do lực lượng quá chênh lệch so với quân Trịnh, nên Nguyễn Nhạc phải chủ động rút về Bến Ván để bảo vệ Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Vậy là quân Tây Sơn đã lâm vào thế bị kẹp giữa hai lực lượng đổi địch là quân Trịnh ở mặt Bắc, quân Nguyễn ở mặt Nam. Khắc phục tình huống nguy cấp này, Nguyễn Nhạc quyết định “xin hàng”, nộp ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên cho quân Trịnh và nhận làm tướng tiên phong đi đánh dẹp quân Nguyễn.


Nhận được “thư xin hàng” và nhiều báu vật dâng hiến, biết ngay rằng đây chỉ là kế hoãn binh chờ thời cơ của Nguyễn Nhạc, nhưng Hoàng Ngũ Phúc hiểu rõ “Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa bốc mạnh. Ta già mất rồi, còn các tướng, ta e không phải là tay đối địch với họ được”1 (Dẫn theo Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr. 25), nên đã chấp nhận và phong Nguyễn Nhạc chức Tây Sơn Hiệu trưởng Tráng tiết tướng quân. Như vậy, mặt phía Bắc đã cơ bản được giải quyết.


Để cùng quân Trịnh giải quyết mặt phía Nam với chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc một lần nữa sai cận thần mang “thư xin hàng” vào Phú Yên dâng lên Tống Phúc Hiệp và lập hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên ngôi vua. Mưu lược được sắp đặt bài bản, kín kẽ nên Tống Phúc Hiệp hoàn toàn tin vào sự đầu hàng của Tây Sơn, không chút mảy may nghi ngờ, đề phòng gì. Nhân cơ hội này, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ khẩn cấp mang đại binh bất ngờ đánh chiếm được Phú Yên. Với chiến công lớn này, Nguyễn Huệ được Hoàng Ngũ Phúc phong chức Tây Sơn hiệu Tiền phong tướng quân.


Phải hành quân chiến đấu dài ngày trong điều kiện lương thảo thiếu thôn, khí hậu lạ, dịch bệnh phát sinh, quân sĩ ốm chết nhiều, sức chiến đấu của quân Trịnh giảm sút nghiêm trọng, Hoàng Ngũ Phúc phải vội rút quân về Phú Xuân. Nhưng chính ông đã ngã bệnh và mất ngay trên đường đi. Đến đây, mối nguy trên mặt Bắc của Tầy Sơn đã cơ bản được loại bỏ.


Tiếp tục cuộc đánh dẹp quân Nguyễn, đầu năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ mang thủy binh tiến vào đánh chiếm được thành Gia Định và các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa. Đang lúc quân Nguyễn liên tục bị tiêu hao và mất đất ở nhiều nơi, thì ở Mỹ Tho, địa chủ Đỗ Thành Nhơn (quê gốc Thuận Hoá) đã chiêu tập bè đảng, thành lập đội quân Đông Sơn phù chúa Nguyễn đánh lại Tây Sơn. Được tin này, nhiều cánh quân của chúa Nguyễn từ các nơi đã kéo vào Gia Định. Thấy quân Nguyễn ngày mỗi chiếm ưu thế, Nguyễn Lữ vội thu quân rút về Quy Nhơn. Chúa Nguyễn chiếm lại được Gia Định nhưng buộc phải “bỏ” các phủ Diên Khánh, Bình Khang và Bình Thuận cho Tây Sơn.


Nhằm đề cao thanh thế, tạo lòng tin cho dân chúng, tháng 3 năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc xưng làm Tây Sơn vương, phong Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ làm Thiếu phó; đồng thời tiến hành xây lại thành Đồ Bàn làm Kinh đô. Như vậy, có thể khẳng định đây là mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu hình thành vương triều Tây Sơn.


Để mặt Bắc tiếp tục được yên, năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Nhạc lại sai cận thần ra xin Trịnh Sâm cho cai quản đất Quảng Nam. Mặc dù trong lòng hoàn toàn không muốn, nhưng lúc này thế lực họ Trịnh cũng đã suy yếu rất nhiều, nên Trịnh Sâm buộc phải đồng ý phong cho Nguyễn Nhạc chức Quảng Nam trấn thủ, tước Cung Quốc công.


Cũng năm Đinh Dậu, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân thủy, bộ tiến công Gia Định lần thứ hai, nhanh chóng đánh tan đạo quân Nguyễn do Lý Tài chỉ huy, chiếm thành Gia Định, giết chết Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần; duy chỉ có Nguyễn Phúc Ánh (cháu Nguyễn Phúc Thuần) chạy thoát. Nhưng, sau khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rút về Quy Nhơn, được đội quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn tiếp ứng, Nguyễn Phúc Ánh khởi binh tái chiếm được thành Gia Định và một số trấn lân cận khác.


Để khẳng định vị thế của Tây Sơn, năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc sửa lễ tạ đất trời lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ chức Long Nhương tướng quần, Nguyễn Lữ chức Tiết chế; đổi thành Đồ Bàn làm Hoàng đế thành. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của triều Tây Sơn.


Đến năm Nhâm Dần (1782), Đỗ Thành Nhơn - người cầm đầu đội quân Đông Sơn - lực lượng quân sự cốt yếu của chúa Nguyễn bị Nguyễn Phúc Ánh lập mưu hạ sát bởi tội lộng quyền. Chủ soái bị giết, quân Đông Sơn nhanh chóng tan rã làm cho thế lực của quân Nguyễn suy giảm nghiêm trọng. Nhân cơ hội này, vua Thái Đức sai Nguyễn Huệ mang vài trăm chiến thuyền khẩn cấp tiến đánh Gia Định lần thứ ba. Với lực lượng áp đảo, quân Tây Sơn nhanh chóng đánh tan quân Nguyễn, chiếm lại thành Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh may mắn thoát chết chạy về Ba Giồng, rồi bị truy kích ráo riết phải chạy ra đảo Phú Quốc.


Chiếm xong Gia Định, Nguyễn Huệ giao cho các tướng thuộc hạ ở lại trấn giữ rồi trở ra Quy Nhơn. Và cũng như những lần trước, vài tháng sau, Nguyễn Phúc Anh được Chu Văn Tiếp thu lượm binh sĩ quay lại giúp sức đánh bại quân đồn trú của Tây Sơn, tái chiếm Gia Định. Sang năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại khởi binh đánh Gia Định lần thứ tư, nhanh chóng đánh bại đạo quân của Chu Văn Tiếp. Nhưng riêng với Nguyễn Phúc Ánh vẫn một lần nữa được “trời giúp” (trời nổi giông bão) nên đã thoát thân ra đảo Phú Quốc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 12:00:30 pm »

Trước những thảm bại quân sự liên tiếp và bản thân thì bị truy đuổi quyết liệt, để bảo toàn tính mạng và hy vọng khôi phục ngôi vị cho bản thân, gia tộc, Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu vua Xiêm. Với những toan tính từ lâu đối với “nước láng giềng” Đàng Trong, vua Xiêm chấp thuận ngay lời cầu cứu của Nguyễn Phúc Ánh. Tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm cho 5 vạn quân, 300 chiến thuyền sang giúp Nguyễn Phúc Ánh đánh lại Tây Sơn.


Để đánh đòn quyết định tiêu diệt đội quân xâm lược ngoại bang và đám bại binh của Nguyễn Phúc Ánh, đầu năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Huệ nắm quyền thống lĩnh quân đội Tây Sơn mở cuộc phản công chiến lược tiêu diệt quân xâm lược Xiêm. Với tài thao lược hơn người, Nguyễn Huệ cùng bộ tướng thuộc quyền đã bày binh bố trận ở Rạch Gầm - Xoài Mút, và chỉ 1 ngày đã đánh tan hoàn toàn đạo quân xâm lược, giành lại chủ quyền đất Gia Định. Nhưng, Nguyễn Phúc Ánh lại một lần nữa thoát chết, sang sống lưu vong tại đất Xiêm.


Như vậy, chiến thắng quân xâm lược Xiêm đã đưa “phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới: làm chủ toàn bộ Đàng Trong để có điều kiện tiến ra Đàng Ngoài lật đổ tập đoàn thống trị Lê - Trịnh. Cũng từ đây, phong trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc”1 (Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr. 31).


- Lật đổ tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ được thành lập và cuộc Đại phá quân Thanh:

Ngay sau khi làm chủ được đất Đàng Trong, nhận thấy nội tình quân Trịnh ở Phú Xuân lục đục nghiêm trọng: tướng giữ thành Phú Xuân là Hoàng Đình Bảo (con nuôi của Hoàng Ngũ Phúc) bị kiêu binh hạ sát, Bộ thống soái Tây Sơn quyết định khởi binh đánh dẹp quân Trịnh ở đất Đàng Ngoài.


Được Nguyễn Hữu Chỉnh hợp tác2 (Nguyễn Hữu Chỉnh nguyên là một tướng của Hoàng Ngũ Phúc, tiếp đến là của Hoàng Đình Bảo, là người được Hoàng Ngũ Phúc sai trực tiếp mang ấn kiếm phong chức cho Nguyễn Nhạc năm 1775. Nguyễn Hữu Chỉnh là tướng cầm quân thủy chiến nổi tiếng - với biệt danh "con diều biển". Năm 1782, Hoàng Đình Bảo bị kiêu binh hạ sát, Nguyễn Hữu Chỉnh đem gia quyến bí mật chạy sang hàng Tây Sơn), tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ thống soái quân thủy, bộ Tây Sơn tiến đánh Phú Xuân.


Biết Phạm Ngô Cầu - tướng giữ thành Phú Xuân bản tính nhu nhược và mê tín, Nguyễn Huệ đã lập mưu cho “thuật sĩ” đến phán tướng số, họa phúc “khiến” Phạm Ngô Cầu bắt quân sĩ xây đàn, tổ chức cúng tế nhiều ngày đêm liên tục, gây hao tổn sức lực và phản cảm đối với quân sĩ dưới quyền. Thêm vào đó, Nguyễn Huệ còn sai Nguyễn Hữu Chỉnh viết thư dụ hàng phó tướng của Phạm Ngô Cầu là Hoàng Đình Thể, nhưng lại gửi “nhầm” cho Phạm Ngô Cầu để ly gián nội bộ. Nhờ kế hiểm lừa địch, lại giỏi tính toán thủy triều, nên khi thuyền chiến Tây Sơn đến chân thành cũng là lúc nước sông dâng cao đã tạo thuận lợi cho quân sĩ dễ dàng vượt qua tường thành, đột nhập vào bên trong giáp chiến.


Đúng như tính toán, sau khi sai ba cha con Hoàng Đình Thể đem quân ra đơn phương chống lại quân Tây Sơn để rồi nhanh chóng bị tiêu diệt, Phạm Ngô Cầu bị chém đầu. Nghe tin thành Phú Xuân thất thủ, tướng sĩ nhà Trịnh đóng giữ các đồn Cát Doanh, Đông Hải cũng bỏ trốn trước khí quân Tây Sơn đến. Đến đây, toàn bộ vùng đất Thuận Hoá (từ Phú Xuân đến sông Gianh) đã thuộc quyền quản lý của Tây Sơn.


Trên đà thắng lợi, Nguyễn Huệ quyết định thần tốc tiến quân ra Bắc Hà, diệt các thế lực phản động ở Đàng Ngoài. Dù vậy, Nguyễn Huệ vẫn rất băn khoăn trong lòng, bởi Bắc Hà là quốc gia đã dựng được mấy trăm năm, nay nhất đán đến đánh, người ta sẽ cho quân mình là quân gì! Nhưng rồi thấy rằng Bắc Hà đã có vua lại có chúa, đó là việc đại biến xưa nay chưa từng có. Họ Trịnh tiếng là phụ chính nhưng kỳ thực là hiếp chế vua Lê. Người trong nước đã từ lâu chán ghét họ Trịnh nhưng chưa dám chống lại vì chưa đủ sức mà thôi, do vậy Nguyễn Huệ quyết định “diệt Trịnh, phù Lê”.


Theo đó, Nguyễn Huệ cử Nguyễn Lữ ở lại giữ Thuận Hoá, đồng thời sai cận thần mang tấu về Quy Nhơn trình vua Thái Đức, rồi đốc thúc quân sĩ thần tốc tiến ra Bắc Hà. Bằng hai đạo quân, một do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy (tiến theo đường biển), một do Nguyễn Huệ chỉ huy (theo đường thủy và đường bộ), đến trung tuần tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn đã quét sạch quân Trịnh, làm chủ vùng đất Sơn Nam rồi phát triển tiến công đánh thẳng ra phố Hiến và thành Thăng Long. Bị đánh đòn bất ngờ và áp đảo, Trịnh Khả dẫn theo đám cận thần chạy trốn lên Sơn Tây, nhưng đang trên đường đi đã bị dân địa phương bắt nộp cho quân Tây Sơn. Đến ngày 21 tháng 7, Nguyễn Huệ đã kéo đại quân vào thành Thăng Long.


Như vậy, chỉ sau thời gian khoảng một tháng, Nguyễn Huệ đã chỉ huy quân Tây Sơn đánh bại hoàn toàn quân chúa Trịnh, lật nhào bộ máy cai trị hơn 200 năm của họ Trịnh, làm chủ Bắc Hà. Ngay sau đó, Nguyễn Huệ trao lại toàn bộ quyền điều hành Bắc Hà cho vua Lê. Vua Lê phong tước Uy Quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.


Đến đầu tháng 9 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nhạc thân chinh ra Thăng Long thị sát tình hình. Khoảng 10 ngày sau, anh em Tây Sơn quyết định rút quân về Quy Nhơn. Biết Nguyễn Hữu Chỉnh là kẻ xảo quyệt, phản trắc, Nguyễn Huệ rút quân bí mật, để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà. Khi phát hiện ra điều này, Nguyễn Hữu Chỉnh vội đáp thuyền đuổi theo và gặp được Nguyễn Huệ ở đất Nghệ An. Tức thì, Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại giúp sức trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Duệ; đồng thời cử Vũ Văn Nhậm bí mật giám sát chặt mọi hành vi của Nguyễn Hữu Chỉnh.


Với đầu óc hẹp hòi, sau khi từ Thăng Long về Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn; đồng thời xuống chiếu phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, cai quản địa bàn từ đèo Hải Vân đến Nghệ An; phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, cai quản đất Gia Định. Việc làm này đã đẩy Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đến chỗ xung khắc với nhau kịch liệt - thậm chí đã mang binh đao ra quyết chiến suốt nhiều tháng trời. Tuy sau đó quan hệ đã được giải quyết ổn thoả bằng việc phân định lại đất Quảng Nam với Bến Ván là giới tuyến, nhưng kể từ đây lực lượng Tây Sơn đã bị tổn thương, tính thống nhất đã bị phá vỡ - tình trạng cát cứ tái hiện.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 12:01:35 pm »

Lợi dụng sự bất hòa từ nội bộ Tây Sơn và sự bạc nhược, ươn hèn của vua Lê Chiêu Thống ở Bắc Hà, phe cánh họ Trịnh nổi dậy thanh toán lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Nhằm bảo vệ ngôi báu của mình, Lê Chiêu Thống sai cận thần mang thư vào Nghệ An vời gọi Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp.


Thấy cơ hội để thực hiện mưu đồ từng ấp ủ bao năm đã đến, Nguyễn Hữu Chỉnh bí mật sắp đặt tay chân ở lại “phụng sự” Nguyễn Văn Duệ rồi tức tốc mang quân ra Bắc (tất nhiên, trên danh nghĩa là đã được Tây Sơn - Nguyễn Huệ chấp thuận). Chỉ sau thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Chỉnh đã đánh dẹp xong toàn bộ phe cánh của họ Trịnh. Tiếp đó, thay cho việc phò tá vua Lê, Nguyễn Hữu Chỉnh đến đóng chốt ở phủ chúa Trịnh và tự ý cắt đặt mọi công việc, không hỏi gì đến vua Lê. Lê Chiêu Thống trong lòng rất uất giận, nhưng thế lực không còn nên phải nhất mực tuân theo ý đồ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Cùng thời gian này, theo mưu đồ của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Văn Duệ cũng chuẩn bị nổi dậy ly khai Tây Sơn, độc chiếm Nghệ An. Được tin này, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm đi bắt Nguyễn Văn Duệ, nhưng Duệ đã sớm phát hiện được và mang quân chạy thẳng vào Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc (Nguyễn Văn Duệ vốn là tướng cũ của Nguyễn Nhạc). Việc sử dụng Nguyễn Văn Duệ chiếm Nghệ An không thành, Nguyễn Hữu Chỉnh quay sang dùng thầy học cũ của mình là Trần Công Sán dẫn đầu sứ bộ vào Phú Xuân, mượn lời vua Lê Chiêu Thống đòi lại đất Nghệ An (Nghệ An là vùng đất vua Lê Hiển Tông nhường cho Tây Sơn làm lễ khao quân).


Nhận được thư đòi đất của “vua Lê”, Nguyễn Huệ hiểu ngay đây là mưu kế của Nguyễn Hữu Chỉnh liền xuống lệnh bắt giam rồi mang ra biển thủ tiêu Trần Công Sán cùng đám sứ bộ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Cuối năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Huệ sai các tướng Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở mang quân ra Nghệ An phối hợp với Vũ Văn Nhậm và cử Nhậm giữ chức tiết chế, chỉ huy quân thủy, bộ khẩn cấp ra Bắc Hà diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.


Với thế và lực áp đảo, quân Tây Sơn đã nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Nguyễn Hữu Chỉnh. Biết không thể ở lại Thăng Long được nữa, Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn theo Lê Chiêu Thống nhanh chóng vượt sông Hồng, tìm đường chạy lên vùng Kinh bắc, nhưng chạy đến Mục Sơn thì Nguyễn Hữu Chỉnh bị quân Tây Sơn bắt mang về Thăng Long hành quyết, còn Lê Chiêu Thống may mắn chạy thoát.


Nhưng, sau khi dẹp xong thế lực phản trắc Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại cũng bộc lộ tham vọng cá nhân đen tối của mình - đó là, “gây dựng riêng cho mình một giang sơn!”. Đe che mắt dư luận, Vũ Văn Nhậm tự ý lập Lê Duy Cẩn làm Giám quốc. Bởi theo Vũ Văn Nhậm: “Lòng người Bắc Hà còn nhớ nhà Lê, không thể không tạm theo nguyện vọng của mọi người”1 (Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr. 41). Nhưng, tất cả những ý đồ của Vũ Văn Nhậm không lọt qua được tai mắt của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và được cấp báo vào Phú Xuân cho Nguyễn Huệ.


Nhận được tin cấp báo, tháng 5 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ tức tốc mang đại binh tiến ra Thăng Long, diệt trừ toàn bộ bè đảng phản nghịch Vũ Văn Nhậm (nhưng vẫn giữ lại Giám quốc Lê Duy Cẩn), đồng thời cử Ngô Văn Sở đảm trách việc trông coi đất Bắc Hà.


Những việc làm chính nghĩa, hợp lòng người của Nguyễn Huệ đã không chỉ được đa số dân chúng quy thuận, mà còn được nhiều sĩ phu, quan lại tiến bộ Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thê Lịch, Vũ Huy Tấn... tin tưởng ra phụng sự triều đình và được Nguyễn Huệ trọng dụng, bổ nhiệm đảm trách nhiều chức tước trọng yếu. Đây cũng là mốc thời gian ghi nhận đất Bắc Hà được sáp nhập hẳn vào lãnh thổ cai quản của Tây Sơn - Nguyễn Huệ.


Những tưởng dẹp xong quân phản trắc Vũ Văn Nhậm, cơ bản dẹp xong các thế lực đối nghịch, anh em Tây Sơn có thể “rảnh tay” tập trung cho việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền nhà nước và phát triển đất nước; song, mượn cớ Lê Chiêu Thống cầu xin giúp sức, tháng 11 năm Mậu Thân (1788), nhà Thanh đã tập trung lực lượng tiến hành cuộc xâm lược nước ta.


Đất nước lâm nguy, nhưng sứ mệnh lịch sử chỉ đặt lên vai triều Bắc Bình vương Nguyễn Huệ (bởi cuộc xâm lược của quân Thanh trước nhất và trực tiếp là thuộc vùng đất Bắc Hà - đất do Nguyễn Huệ cai quản). Để khẳng định uy quyền chính thống, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 22 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Huệ sai quân sĩ lập đàn ở hướng nam núi Ngự Bình làm lễ cúng tế trời đất, xưng Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đồng thời phát lệnh tiến quân ra Bắc phá giặc Thanh. Có thể nói, sự kiện Nguyễn Huệ xưng đế là một dấu mốc ghi nhận sự chính thức ra đời của vương triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ - một triều đại phong kiến chính thống, được khẳng định trong tiến trình lịch sử dân tộc cả trên phương diện pháp lý cũng như thực thế.


Với uy tín của triều đại Tây Sơn nói chung, của cá nhân Nguyễn Huệ - Quang Trung nói riêng, chỉ không đầy một tháng, quân đội Tây Sơn từ chỗ chỉ vài ngàn (để một bộ phận lực lượng quan trọng ở lại bảo vệ Phú Xuân) đã lên 10 vạn, gồm đủ các thành phần: bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh, đại bác thần công... được chỉ huy bởi một bộ tướng xuất sắc, đứng đầu là Nguyễn Huệ, đã nhanh chóng làm nên cuộc đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), đánh bại hoàn toàn đội quân xâm lược với 29 vạn tên, giải phóng Thăng Long, giành lại toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Và “Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1789), giao phó việc cai trị Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Quang Trung trở về Phú Xuân, lo sửa sang việc nước”1 (Quách Tấn, Quách Giao: Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 169).


Như vậy, quá trình hình thành vương triều Tây Sơn được gắn bó hữu cơ với tiến trình hình thành và phát triển từng bước của phong trào nông dân Tây Sơn, lần lượt đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cát cứ phản động chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài, đánh bại các đội quân xâm lược hùng mạnh láng giềng bấy giờ là Xiêm La và Mãn Thanh. Nhưng, do vẫn không vượt qua được những hạn chế phân phong nghiệt ngã trong nội bộ vương triều Tây Sơn (nội bộ anh em Tây Sơn), nên kết cục cuối cùng chỉ có vương triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ mới thực sự là vương triều có nhiều nỗ lực củng cố nền độc lập dân tộc và dựng xây đất nước, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Chính do vậy, nội dung vấn đề lịch sử tư tưởng quân sự triều Tây Sơn cũng được tập trung vào triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 05:56:30 pm »

2. Thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hoá và giáo dục của triều Tây Sơn và Tây Sơn - Nguyễn Huệ

Kết quả tất yếu của công cuộc khởi nghĩa đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cát cứ phản động và đánh bại các thế lực xâm lược ngoại bang do chính những người đứng đầu của các tập đoàn phong kiến phản động ích kỷ “rước” vào là một thể chế nhà nước mới - nhà nước Tây Sơn, đã được hình thành và từng bước hoàn thiện.


Đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc tự xưng Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đổi tên thành Đồ Bàn thành Hoàng đế thành (thủ đô) và phong tước cho các em. Vậy là, sau 7 năm kể từ ngày khởi binh, từ một thủ lĩnh phong trào nông dân, Nguyễn Nhạc đã trở thành Hoàng đế. Song, đây chưa phải là một triều đại quân chủ theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ là bước quá độ trên lộ trình quân chủ hoá Bộ thống soái nghĩa quân Tây Sơn. Do tính cá nhân, ích kỷ, nên sau khi Nguyễn Huệ tiến quân ra “phù Lê, diệt Trịnh” ở Bắc Hà trở về, Nguyễn Nhạc - Thái Đức đã vội vã tự xưng làm Trung ương Hoàng đế, giữ vùng đất Quảng Nam đến cực Nam Trung Bộ; phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, cai quản vùng đất từ Hải Vân đến Nghệ An; phong Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, giữ đất Gia Định. Việc làm này của Nguyễn Nhạc như là một sự “chia phần”, kiềm chế các em, từ đó gây ra những mâu thuẫn ngấm ngầm trong tâm thức và hành xử của ba anh em, mà gay gắt nhất là giữa Nguyễn Nhạc và Nguyện Huệ. Đây thực sự là một điểm yếu chí mạng để cho các thế lực đối nghịch lợi dụng khoét sâu, nhân lên thành những mâu thuẫn đối kháng trầm trọng. Kết cục bi thảm Bến Ván trở thành cương giới phân định "quốc gia" của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Và điều tất yếu là, tình hình chuyển biến của xã hội cũng như những chính sách của các thủ lĩnh Tây Sơn ở những "lãnh địa" không còn sự thống nhất như trước nữa. Dù vậy, lịch sử vẫn ghi nhận Tây Sơn là một triều đại để lại dấu ấn rất đậm nét trên nhiều phương diện trong quá trình tồn tại và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam; mà đại diện tiêu biểu nhất đã được khẳng định chính là Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Đây cũng chính là lý do cắt nghĩa tại sao khi đề cập và nghiên cứu về phong trào Tây Sơn - triều đại Tây Sơn nói chung, tư tưởng quân sự thời Tây Sơn nói riêng thường được gắn liền với triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Điều đặc biệt cần lưu ý khi nghiên cứu tư tưởng quân sự - nội dung cốt lõi nhất trong quá trình tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh, dần dần hình thành lên thể chế vương triều Tây Sơn thì cá nhân Nguyễn Huệ không chỉ luôn là người trực tiếp tiến hành, ở cương vị thống lĩnh, đồng thời là chủ kiến của những tư tưởng, ý đồ thao lược có tầm quốc gia, dân tộc. Nhưng, không phải những thành tựu của những năm tháng "quá độ" ban đầu bị bỏ qua, mà được đề cập ở mức độ thích hợp. Với những lý do như vậy, những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ được lấy mốc thời gian từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân - tức ngày 22 tháng 12 năm 1788).


a) Xây dựng chính quyền nhà nước và chính sách chính trị

Việc xây dựng chính quyền nhà nước và chính sách chính trị của triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ không phải chờ đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế - niên hiệu Quang Trung mới chính thức được bắt đầu, mà trên thực tế đã được tiến hành từ khi ông còn là Bắc Bình vương. Hệ thống bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương dưới thời Nguyễn Huệ từng bước được hình thành cùng với quá trình đánh dẹp thù trong, giặc ngoài, bình ổn đất nước. Theo đó, cơ cấu bộ máy chính quyền trung ương ngoài các võ tướng trong quân đội còn có các bộ Binh, bộ Hình, bộ Hộ với các chức Thượng thư, Thị lang... Riêng với đất Bắc Hà, sau khi tiêu diệt các thế lực phản trắc của Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ đã trực tiếp tổ chức lại bộ máy cai quản, với Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phụ Nguyễn Văn Dũng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng các sĩ phu yêu nước như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... được giao trọng trách bảo vệ Thăng Long và trông coi, điều hành mọi hoạt động quân, dân ở Bắc Hà. Đối với các trấn có các chức trấn thủ, trấn hiệp. Đặc biệt, ở những trấn quan yếu như Lạng Sơn (kề cận Trung Hoa), Thanh Hoá (giáp căn cứ trung tâm của Bắc Bình vương)... được giao cho các võ tướng tin cậy trông giữ. Cho dù chính quyền ở Bắc Hà của Nguyễn Huệ vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, song nó đã đóng vai trò “cầm cương” để ổn định tình hình xã hội, ngăn chặn và trấn áp những âm mưu phản loạn trong nước và tạo điều kiện thuận lợi để làm nên cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789).


Trước khi tiến ra Bắc Hà đánh quân Thanh, thuận theo đề nghị của bộ tướng thuộc quyền là “nên chỉnh vị hiệu để ràng buộc lòng người Nam Bắc rồi sẽ khởi binh”1 (Quách Tấn, Quách Giao: Nhà Tây Sơn, Sđd, tr. 150), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, vương triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ chính thức được thành lập - “Bắc, Nam trở thành hai nước láng giềng riêng biệt”, nhưng việc củng cố, hoàn thiện thể chế chính trị được tập trung toàn tâm, toàn lực phải là từ sau cuộc đại phá quân Thanh, giải phóng hoàn toàn Thăng Long. Theo đó, vương triều Quang Trung - Nguyễn Huệ gồm: vua Quang Trung, Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Thái tử Nguyễn Quang Toản (vua nhà Thanh là Càn Long phong Nguyễn Quang Toản làm An Nam Quốc vương thế tử), Khanh công Linh Bắc thành Tiết chế Thủy bộ Chư quân Nguyễn Quang Thùy, Tuyên công Linh Thanh Hoá Đốc trấn Tổng lý quân dân sự vụ Nguyễn Quang Bàn. Bộ máy hành chính đầu triều gồm: Tam Công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo), Đại Chủng Tể, Đại Tư Đồ, Đại Tư Khấu; Đại Tư Mã, Đại Tư Không, Đại Tư Cối, Đại Tư Lệ, Thái úy, Ngự Úy, Đại Tổng Quản, Đại Đổng Lý, Đại Đô Hộ, Đại Đô Đốc, Đô Đốc, Nội Hầu, Hộ Giá, Điểm Kiểm, Chỉ Huy Sứ, Đô Ty, Đô Úy, Trung úy, Vệ úy, Quán Quân, Tham Đốc, Tham Lãnh, Trung Thư sảnh, Trung Thư Lệnh, Phụng Chính, Thi Trung Đại Học Sĩ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Thi Trung Ngự Sử Lục Bộ Thượng Thư, Tả, Hữu Đồng Nghi, Tả, Hữu Phụng Nghi, Thị Lang, Tư Vụ, Hàn Lâm...


Đối với hệ thống chính quyền địa phương, Quang Trung cơ bản giữ nguyên hiện trạng 9 đơn vị hành chính thời Lê, gồm: xứ Đông (Hải Dương), xứ Bắc (Kinh Bắc), xứ Đoài (Sơn Tây), xứ Yên Quảng, xứ Lạng (Lạng Sơn), xứ Thái (Thái Nguyên), xứ Tuyên (Tuyên Quang), xứ Hưng (Hưng Hoá), xứ Nghệ (Nghệ An); chỉ chia xứ Sơn Nam thành hai trấn: Nam Thượng (Thượng trấn) lỵ sở là Châu Cầu (nay thuộc Hà Nam), Nam Hạ (Hạ trấn) lấy Phố Hiến làm lỵ sở; xứ Thanh Hoá được chia thành Thanh Hoá ngoại (mặt Bắc) và Thanh Hoá nội (mặt Nam). Dưới mỗi trấn được chia thành các phủ. Mỗi phủ lại chia thành nhiều huyện. Mỗi huyện chia thành nhiều tổng. Mỗi tổng lại chia thành nhiều xã; trong đó, nhiều xã lại chia ra thành các thôn, về chức vị quan lại: trấn thì có Trấn Thủ (quan võ) và Hiệp Trấn (quan văn); huyện có Tri phủ, Tri huyện và các chức Phân tri coi việc kiện tụng, Phân suất coi việc binh lương; tổng có Chánh tổng, Phó tổng; xã có Xã trưởng, Thôn trưởng1 (Xem Hoa Bằng: Quang Trung - anh hùng dân tộc (1788-1792), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 278-280).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 05:57:28 pm »

Qua vài nét khái quát về hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ như vậy cũng đủ cho thấy rằng đây vẫn là hình mẫu cơ bản của một kiểu chính quyền phong kiến quân chủ quan liêu. Nhưng, do được hình thành từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, nên thành phần quan lại có những nét rất đặc trưng: đó là, bên cạnh một bộ phận lớn những quan chức vốn là nhũng võ tướng cầm quân, hoặc những quan lại, sĩ phu yêu nước đã từng phụng sự dưới các vương triều trước đó được trọng dụng bổ nhiệm là bộ phận quan lại mới được tiến cử hoặc đỗ đạt trong khoa cử dưới thời Quang Trung. Với đội ngũ quan chức như vậy tuy có hạn chế nhất định về mặt này hay mặt khác, song đây chính là nhân tố góp phần rất quan trọng vào việc hình thành tư tưởng nói chung, tư tưởng quân sự nói riêng cho nhà Tây Sơn - nhỏ nhất cũng là loại bỏ được các quan điểm tư tưởng lạc hậu, kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng tiến bộ, khẳng định vị trí tư tưởng và tư tưởng quân sự Tây Sơn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.


Cùng với việc không ngừng củng cố và hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp, trong suốt thời gian tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh đánh thù trong, giặc ngoài, Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng đặc biệt để tâm chú ý đến việc thu nạp và trọng dụng nhân tài. Bản thân Nguyễn Huệ thực sự là một nhà vương đạo mang cái tâm nhân nghĩa bao trùm cả thời đại ông. Minh chứng là, trong Chiếu cầu hiền của mình, Nguyễn Huệ biểu đạt rằng:

"... Trẫm đương để ý lắng nghe, sớm hôm mong mỏi. Thế mà những người tài cao học rộng, chưa có ai đến. Hay trẫm là người ít đức, không xứng đáng để những người ấy phò tá chăng? Hay là đương thời loạn lạc, họ chưa thể phụng sự vương bản?

   ...

Vậy hạn chiếu xuống, quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc. Lơi có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho các quan văn võ đều được tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng. Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến cũng cho phép được dùng những thứ tự cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao” (...).


“Trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu”! Xưa thì đúng vậy, còn nay trời đất thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức, nên đều gắng lên, để được rỡ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính để cùng hưởng phúc tôn vinh”1 (Tạp chí Xưa và nay, số 77B/7-2000). Chính do vậy, mà kẻ sĩ Bắc Hà kể đến hàng ngàn người đều về với Tây Sơn - sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: Rốt cuộc chỉ còn lại bảy tám người không chịu ra mà thôi. Đại diện tiêu biểu trong số họ là những: Giải nguyên Trần Văn Kỷ, Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, Tiến sĩ Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết và đặc biệt là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp... Sở dĩ có được sự đồng tâm, hiệp trí cao của đội ngũ trí thức, sĩ phu Bắc Hà như vậy là do họ “hiểu rất rõ Quang Trung là một ông vua thật lòng muốn đất nước đổi thay, thực sự trăn trở trước số phận dân tộc, chứ không phải tùy tiện nhân danh đất nước, nhân danh dân tộc để thu vén ngai vàng cho mình”1 (Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr. 188). Và, chính họ đã trở thành một khối óc mẫn tuệ góp phần cùng Nguyễn Huệ - Quang Trung hình thành nên hệ tư tưởng quân sự đặc sắc Tây Sơn, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp đánh dẹp thù trong, giặc ngoài, xây dựng đất nước.


Đặc biệt, trong cơ cấu bộ máy chính quyền từ Trung ương đến thôn xã, một bộ phận lớn quan lại là người của chế độ cũ (Lê - Trịnh). Tình trạng này xuất phát từ thực tế lịch sử tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh đánh dẹp thù trong, giặc ngoài thì bên cạnh những nghĩa sĩ vốn là nông dân áo vải còn có khá nhiều những quan lại có tâm với nước với dân, bất bình, chán ghét sự phản động, suy đồi của thể chế cũ, vả lại có tầm nhìn sâu rộng, thấy nghĩa khí ngời sáng của anh em Nguyễn Huệ nên đã tìm đường về với Tây Sơn. Hơn nữa, cũng như một cuộc giao hòa giữa tấm lòng trung nghĩa của đội ngũ quan lại, nho sĩ Bắc Hà với tư tưởng và hành động trọng dụng nhân tài của Nguyễn Huệ. Một trong những nhân tố thu phục nhân tâm có hiệu quả là tư tưởng nhân nghĩa, vị tha của Nguyễn Huệ. Biểu hiện là, trong Chiếu lên ngôi, Nguyễn Huệ tuyên bố công khai trước công chúng rằng: "... Bầy tôi và nhân dân cựu triều bị vạ lây đã phải kết tội nặng, trừ tội đại nghịch bất đạo, còn thì đều cho đại xá”, "... quan viên văn võ cựu triều, hoặc vì tòng vương trốn tránh, cho phép được về nguyên quán, người nào không muốn ra làm quan cũng cho tuỳ tiện”1 (Chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ, bản dịch của Hợp tuyển văn thơ Việt Nam, Quyển III, Hà Nội, 1963 - dẫn theo Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd, tr. 301-302). Song, chính Nguyễn Huệ cũng thấu hiểu rằng nhất định việc làm này không tránh khỏi những hạn chế, thậm chí còn ẩn chứa cả những mưu đồ phản trắc đang núp bóng chờ thời, đó là chưa kể đến những hành động phá hoại ngầm bằng cách xuyên tạc chính sách hoặc lợi dụng chính sách để biển thủ công quỹ, nhũng nhiễu dân lành. Nhưng, với cùng một thời gian gánh vác sứ mệnh lịch sử đánh dẹp thù trong giặc ngoài, xây dựng đất nước mà xuất phát điểm là khởi nghĩa nông dân, nên có lẽ đây là cách làm phù hợp nhất, đúng đắn nhất và cũng là hợp quy luật nhất. Lượng định được những mặt trái của bộ máy chính quyền như vậy, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã sớm tổ chức thi cử, tuyển chọn nhân tài bổ sung, thay thế những quan lại yếu kém, nhưng số lượng cũng không được là bao, tiến cử và “cầu hiền” vẫn là biện pháp chủ yếu.


Như vậy, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã cố gắng hết mình cho việc xây dựng một chính quyền phong kiến quân chủ tiến bộ, đồng thời cũng dốc nhiều tâm lực cho việc cầu các bậc hiền tài ra gánh vác việc nước. Ước muốn và chủ trương là như vậy, nhưng do hạn chế của lịch sử, bộ máy chính quyền quân chủ phong kiến tập quyền của Tây Sơn - Nguyễn Huệ về căn bản vẫn không có nhiều thay đổi hơn 80 với các triều đại trước đó.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 05:58:48 pm »

b) Khôi phục và phát triển kinh tế

Sau hàng trăm năm đất nước bị chia cắt bởi các tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, mà căn bệnh trầm kha là nạn chiếm đoạt, tập trung ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ, chính sách thuế khoá nặng nề và sự bùng phát mạnh mẽ của phong trào khởi nghĩa nông dân... đã đẩy nền kinh tế thuần nông của nước ta lâm vào tình trạng suy tàn, người nông dân bị bần cùng, phiêu tán khắp nơi, xóm làng xơ xác, tiêu điều. Thậm chí, đến cuối năm Kỷ Dậu (1789), sau khi anh em nhà Tây Sơn đã cơ bản đánh dẹp được các thế lực phong kiến phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, nền kinh tế và đời sống của nhân dân vẫn trong tình trạng thiếu đói trầm trọng. Đặc biệt hơn nữa là trên đường tiến quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh, quân đội Tây Sơn - Nguyễn Huệ đã được bổ sung thêm hàng vạn tráng đinh cùng một lượng không nhỏ lương thảo từ những địa bàn như Nghệ An, Thanh Hoá... Điều này không thể không gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đời sống và kinh tế của nhân dân địa phương. Thấu hiểu được vấn đề có tính chất chiến lược không chỉ liên quan đến cuộc sống trực tiếp của người dân, mà còn là khâu quyết định đến sự vững mạnh về quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc của nền kinh tế đất nước, nên một trong những việc “cần làm ngay” của Nguyễn Huệ - Quang Trung sau khi phá tan 29 vạn quân Thanh xâm lược là nhanh chóng giải quyết tình trạng ruộng đất bỏ hoang, tận dụng sức lao động vào sản xuất nông nghiệp và coi đây là biện pháp hàng đầu để từng bước phục hồi nền kinh tế đất nước.


Quyết sách chiến lược đầu tiên của triều đình Tây Sơn - Nguyễn Huệ là ban hành Chiếu khuyến nông. Nội dung cơ bản của chiếu được Ngô Thì Nhậm chép trong tập Hàn các anh hoa như sau:

“Chiếu cho quan viên và dân chúng trong thiên hạ biết:

... Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn, bốn bể không lặng. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu, phải được tiến hành lần lượt.

Phàm kẻ du đãng, người giấu giàu là thói thường. Cái đạo che chở dân, chẳng gì bằng bắt dân lưu tán trở về, khai khẩn ruộng hoang, khiến dân du thủ du thực chuyển về làm ruộng. Còn những dân nào kiều ngự nơi khác từ trước, trốn tránh sưu dịch, hoặc ở quê vợ, quê mẹ, hoặc đã lập nghiệp buôn bán, trừ ra những người đã nhập tịch từ ba đời trở lên, còn thì nhất thiết bắt về bản quán, xã khác không được dung túng cho trú ngụ. Những ruộng công ruộng tư, đã trót bỏ hoang, phải trở về nhận lấy để cày cấy, không được để hoang, khiến cho những người thực cày cấy ruộng khác phải chịu thuế khống. Các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng phải xét số đinh hiện có bao nhiêu suất, số điền hiện có bao nhiêu mẫu, ruộng hoang mới khai khẩn bao nhiêu mẫu, hạn trong tuần tháng chín phải làm sổ xếp loại, đem nộp cho các quan Phân suất, Phân tri ở huyện mình, các viên này chuyển đệ lên, đợi quan Khâm sai xét thực, sẽ châm chước và đánh thu cho công bằng. Xã nào dung túng cho khách họ trú ngụ mà không đuổi về bản quán và những người trốn tránh lần lữa không về, nếu có người tố giác, điều tra sự thật, thì sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng xã ấy cùng người trốn tránh đều bị xử tội. Xã nào có ruộng bỏ hoang đã lâu mà không ai nhận, nếu là ruộng công, thì trách cứ vào các viên chức sắc, các chủ hộ xã ấy, phải chiếu nguyên ngạch thuế ruộng mà nộp gấp đôi, nếu là ruộng tư thì xung công, ngạch thuế cũng như ruộng công.


Đây là chính sách buổi đầu, hướng dân chăm nghề gốc. Lệnh ban ra là phải thi hành!”1 (Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, t.II, tr. 119-120 (bản dịch của Mai Quốc Liên)).


Với Chiếu khuyên nông, Tây Sơn - Nguyễn Huệ đã giải quyết một cách đúng đắn và kịp thời hai vấn đề cấp thiết, nóng hổi nhất của đất nước lúc bấy giờ là dân lưu tán và ruộng đất bị bỏ hoang. Do vậy, chỉ vài ba mùa cấy trồng sau đó, “sản xuất nông nghiệp đã dần được phục hồi: mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”1 (Nguyễn Phan Quang: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Sđd,  tr. 240). Đây thực sự là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần cho triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ xây dựng nền quốc phòng - an ninh, bảo đảm vững chắc cho công cuộc bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.


Bên cạnh việc giải quyết vấn đề ruộng đất và dân lưu tán, Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng để tâm đến phát triển kinh tế công thương nghiệp; đặc biệt là kiên quyết xoá bỏ chính sách “ức thương”, “bế quan tỏa cảng” của các triều đại trước, đồng thời tiến hành “mở cửa” - đẩy mạnh giao lưu, phát triển kinh tế hàng hoá với các nước láng giềng; trong đó, Thăng Long là một tâm điểm, với “Lò Thạch Khôi khói tuôn nghi ngút”, với “Thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm; Lửa đóm nhen năm xã gây lò”, với “Chày Yên Thái nện trong sương chuểnh choảng; Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”, với cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền “Khách Ngô, Sở chợ Tây ngồi san sát”, “Rập rềnh cuối bãi đuôi nheo; Thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm”...


Về kinh tế ngoại thương, trước nhất Quang Trung chủ động đặt quan hệ buôn bán với nhà Thanh. Thông qua việc nối lại quan hệ bang giao triều cống, để rồi từng bước Tây Sơn - Nguyễn Huệ thuyết phục vua nhà Thanh cho mở cửa ải, thông chợ búa, làm lợi cho sự tiêu dùng của dân. Từ đây các thương nhân có thể qua các ải Bình Nhi, Thủy Khẩu đến mua bán hàng hoá ở phố Mục Mã (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), hoặc qua ải Du Thôn đến buôn bán ở phố Kỳ Lừa (Lạng Sơn)... Đến năm Canh Tuất (1790), Quang Trung lại thương thuyết với vua nhà Thanh cho thành lập một trung tâm giới thiệu và trao đổi hàng hoá trên đất Nam Ninh (Quảng Tây). Tất thảy những việc làm trên đã nhanh chóng nối lại và phát triển quan hệ buôn bán hàng hoá giữa biên giới hai nước (mà nhiều năm trước đó đã bị vua nhà Thanh ngăn cấm, nhất là sau thất bại thảm hại ở mùa xuân Kỷ Dậu - 1789). Bên cạnh đó, đối với thương nhân phương Tây, Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng dành cho họ nhiều điều kiện ưu đãi. Do vậy, cùng với thời gian, số lượng thương thuyền Pháp, Anh, Bồ Đào Nha... ra vào buôn bán ở nước ta ngày càng nhiều.


Về mặt tiền tệ, chỉ tính trong thời gian 5 năm ở ngôi Hoàng đế, Quang Trung đã cho đúc tiền “Quang Trung Thông Bảo”, gồm mấy chục loại khác nhau. Trong sách Tiền cổ Việt Nam, tác giả Đỗ Văn Ninh chỉ ra rằng: Tiền Quang Trung được lưu hành rộng rãi khắp nơi trong nước, kể cả miền biên viễn và hải đảo xa xôi. Về số lượng, tiền Quang Trung áp đảo tất cả các loại tiền Việt Nam và cả Trung Quốc được lưu hành đồng thời; địa bàn lưu hành chủ yếu là từ Bình - Trị - Thiên trở ra Bắc, nhưng ở các tỉnh phía Nam cũng lưu hành rất nhiều... Nếu tính chung triều đại Tây Sơn, với 25 năm ngắn ngủi (1778-1802), nhà Tây Sơn đã đúc 37 kiểu tiền (kể cả “Thái Đức Thông bảo” của Nguyễn Nhạc và “Cảnh Thịnh Thông Bảo” của Quang Toản)... Xem thế đủ biết nhà Tây Sơn đã cho lưu hành một số lượng tiền không nhỏ trong thời gian tồn tại của triều đại mình... Nhà Tây Sơn đã làm được một việc lớn mà từ đầu thời độc lập tự chủ của lịch sử nước ta hồi thế kỷ X chưa làm được, đó là dùng tiền Việt Nam để thay thế tiền Trung Quốíc trên thị trường khắp nước. Đúc nhiều tiền mới chỉ là một việc, phát hành được tiền đó trong nhân dân, được dân tín nhiệm tiêu dùng lại là việc quan trọng hơn... Tiền Tây Sơn không những được nhân dân tín nhiệm tiêu dùng mãi hàng nửa thế kỷ sau khi triều Tây Sơn mất, mà còn lưu hành ra cả nước ngoài.... Sách Trung Quốc hoá tiền tệ sử của Bành Tín Uy do Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải xuất bản năm 1965 đã ghi việc “cấm dùng tiền ngoại Quang Trung” trong bảng “Niên biểu những sự kiện lớn về lịch sử tiền tệ Trung Quốc”... Từ trước chưa thấy có hiện tượng tiền Việt Nam lưu hành trên đất Trung Quốc1 (Xem Đỗ Văn  Ninh: Tiền cổ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 121-140).


Đồng thời với việc giải quyết vấn đề dân lưu tán, ruộng đất hoang hoá, phục hồi và phát triển công thương nghiệp, ban hành tiền tệ, về vấn đề tài chính, Tây Sơn - Nguyễn Huệ thi hành một chế độ thuế khoá đơn giản. Ngay trong năm Mậu Thân (1788), trong Chiếu lên ngôi, Nguyễn Huệ đã công bố rằng:   Mười   ba đạo các xứ địa phương, vụ đông năm nay, các khoản tô, dung, điệu chỉ thu năm phần mười, nơi nào bị nạn binh hoả, cho phép các quan chức đến nơi xét thực, tha miễn tất cả”1 (). Tiếp sau đó, biểu thuế chỉ phân ra hai loại là ruộng công và ruộng tư. Thuế nộp bằng lúa, cụ thể: đối với ruộng công: hạng nhất là 150 bát/mẫu, hạng nhì là 80 bát/mẫu, hạng ba là 30 bát/mẫu; với ruộng tư: hạng nhất là 40 bát/mẫu, hạng nhì là 30 bát/mẫu và hạng ba là 20 bát/mẫu (1 bát tương đường với 0,5 lít). Ngoài ra, mỗi mẫu ruộng công còn phải nộp thêm 1 tiền (thập vật) và 50 đồng (khoán khố); mỗi mẫu ruộng tư phải nộp thêm 1 tiền (thập vật) và 30 đồng (khoán khố), về thuế thổ sản và thuế công thương nghiệp cũng bãi bỏ và giảm nhẹ các sắc thuế so với trước kia... Riêng với thuế đinh, mỗi suất hằng năm chỉ nộp 1 quan 2 tiền. Biểu thuế này được áp dụng chung cho tất cả đạo thuộc đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ.


Như vậy, bằng tất cả những chính sách cấp thời hoặc cơ bản lâu dài về con người, ruộng đất, công thương nghiệp và tài chính..., Tây Sơn - Nguyễn Huệ đã từng bước “vực lại” được nền kinh tế của đất nước, an được dân - đây chính là điều kiện rất cơ bản và quyết định nhất để xây dựng nền an ninh - quốc phòng vững chắc, xây dựng quân đội hùng mạnh - nhân tố bảo đảm thắng lợi cho công cuộc bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2021, 06:00:13 pm »

c) Phát triển văn hóa và giáo dục

Tuy xuất thân từ một nông dân áo vải, nhưng ngay từ nhỏ đã được thầy giáo Trương Văn Hiến dốc tâm lực dạy chữ, dạy người, góp phần đặt “nền móng” cho việc hình thành tư tưởng và chí khí cứu dân, cứu nước của anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Huệ. Do vậy, đi cùng với thắng lợi của khởi nghĩa, chiến tranh và xây dựng vương triều Tây Sơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung cũng đặc biệt để tâm đến việc cải cách và phát triển văn hoá, giáo dục.


Trước nhất, ngay từ buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, các thủ lĩnh Tây Sơn đã sử dụng chữ Nôm thay cho chữ Hán để soạn thảo và ban bố các bài hịch, chỉ dụ, mệnh lệnh, thư từ... Điển hình như, năm Bính Ngọ (1786), khi mang đại binh ra đánh dẹp tập đoàn phong kiến cát cứ phản động ở Đàng Ngoài, Nguyễn Huệ đã sai viết hịch kể tội chúa Trịnh bằng chữ Nôm. Khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Huệ đã chính thức quyết định lấy chữ Nôm làm văn tự chính thức của quốc gia, được đưa vào khoa cử. Tại những kỳ thi, quan trường phải ra đề bằng chữ Nôm và đến đệ tam trường, sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm. Đến cuối năm Tân Hợi (1791), Quang Trung cho lập “Sùng chính thư viện” và bổ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, chuyên trách việc giáo dục và dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Theo chiếu chỉ của Quang Trung, Sùng chính thư viện sẽ lần lượt dịch các bộ sách Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch. Kết quả là đến tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), nhóm các nhà Nho học gồm Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch... dưới sự tổ chức và đỉều hành của Nguyễn Thiếp đã dịch xong bộ Tiểu học và Tứ thư (32 tập). Nhưng đến khi đang biên dịch các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch thì Quang Trung đột ngột băng hà, nên công việc bị xếp lại.


Thông qua việc cho biên dịch các bộ sách nói trên đã phản ánh rõ được tư tưởng lớn của Quang Trung là nhanh chóng tiến tới thay thế toàn thể các loại tài liệu, sách vở học tập bằng tiếng mẹ đẻ - nhằm thoát ly sự lệ thuộc vào Hán tự của người Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả, đây chính là một trong những biện pháp quan trọng nhằm khẳng định tính tự tôn bản sắc văn hoá dân tộc, ý chí kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi tàn dư chính sách đồng hoá của các đế chế phong kiến phương Bắc cũng như thái độ coi thường ngôn ngữ dân tộc của các triều đại phong kiến quân chủ Việt Nam trước đó - chuyển chữ Nôm thành văn tự chính thức của quốc gia. Đánh giá sự kiện này, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam đều thống nhất cho rằng: “Chỉ có đến triều đại Tây Sơn, với những người “áo vải cờ đào” gắn bó với nhân dân lao động, có nhiều ý chí quyết thắng sự xâm lược về chính trị, về văn hoá của kẻ thù..., tiếng Việt lần đầu tiên mới được đưa lên vị trí xứng đáng”1 (Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Văn Tu: Tiếng Việt trên đường phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, tr. 151).


Cùng với việc đưa chữ Nôm lên vị trí văn tự chính thức của quốc gia, Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng làm một “cuộc cách mạng” về giáo dục hết sức mạnh dạn và kiên quyết. Bởi, theo ông “dựng nước lấy dạy học làm đầu, cầu trị lấy nhân tài làm gốc. Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bổ đầu, nhân tài ngày càng thiếu thốn.


Ôi! Hết loạn đến trị là lẽ tuần hoàn, tiếp sau hồi loạn, lại càng cần phát triển sửa sang; lập giáo hoá, đặt khoa cử là quy mô lớn để chuyển loạn thành trị.

Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà Nho, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia.

Vậy ban chiếu xuống cho dân các xã nên lập học xá, chọn nho sĩ trong xã có học thức, hạnh kiểm, đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò xã mình. Còn Từ vũ (nơi thờ Khổng Tử, thường để làm nhà học của phủ, huyện) ở các phủ thì do dân địa phương nhận trông nom, đợi khi chọn được quan huấn đạo sẽ đặt làm nơi giáo tập của phủ. Hẹn năm nay (1789) mở khoa hương thi, lấy tú tài hương thi hạng ưu thăng lên sung vào trường quốc học, hạng thứ bổ vào trường phủ học, còn hương cống (cử nhân) triều cũ mà chưa có chức tước đều phải đến cửa khuyết chầu hầu, đợi bổ nhiệm các chức huấn đạo, tri huyện. Nho sinh và sinh đồ cũ cứ đợi đến kỳ thi vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém bãi về trường xã học. Còn như sinh đồ ba quan (thời vua Lê - chúa Trịnh) nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”1 (Te liệu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ, in trong cuốn sách PGS.TS. Vũ Minh Giang, PTS. Vũ Văn Quân sưu tầm, biên soạn, chú giải: Xây dựng đất nước, Sở Văn hóa thông tin Bình Định, 1995, t.IV, tr. 129).


Đặc biệt, nhận rõ lỗi lầm của quân sĩ Tây Sơn đối với việc đốt nhà bia, đập phá bia Tiến sĩ ở Văn Miếu trong lần ra đánh dẹp quân chúa Trịnh, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã đặt bút phê vào tờ sớ xin dựng lại khu Văn Miếu của Tam Nông tiên sinh Hà Năng Ngôn, rằng:

   “Thôi, thôi, việc đã rồi
   Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
   Nay mai dọn lại nước nhà
        Bia nghè lại dựng trên toà muôn gian"2 (TS. Nguyễn Minh Tường: Người dân Bắc Hà với Nguyễn Huệ - Quang Trung, Kỷ yếu hội thảo khoa học "Phú Xuân Thuận Hóa thời Tây Sơn", Huế, tháng 12-2001, tr. 132).


Với những chủ trương, biện pháp cứng rắn và kiên quyết như vậy đã khẳng định: trong tư tưởng của mình, Quang Trung đã ấp ủ một hoài bão lớn là xây dựng một nền học thuật, giáo dục dân tộc, nâng cao ý thức độc lập tự cường, vượt lên những ràng buộc của nền giáo dục lạc hậu, khuôn sáo cũ.


Bản thân Nguyễn Huệ - Quang Trung, tuy công việc triều chính bộn bề, nhưng ông luôn để tâm đến văn hoá, giáo dục. Ông dành nhiều thời gian để đọc những bộ sách do Sùng chính thư viện biên dịch và thường xuống chiếu khích lệ, động viên. Là một cận thần của Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm nhận xét rằng: Quang Trung là người tính vốn ham học, dẫu trong can qua cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận, ý tứ rành mạch, khơi mở được nhiều điều mà sách vở ngày xưa chưa từng biết. Đây cũng là một nhân tố góp phần rất quan trọng đối với việc hình thành hệ tư tưởng của Quang Trung và của triều đại Tây Sơn.


Ngoài ra, Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng có những quan điểm rất tiến bộ đối với tôn giáo và tín ngưỡng. Cũng như nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử, Tây Sơn vẫn chọn đạo Nho làm Quốc giáo, nhưng tuyệt nhiên không những không có thái độ kỳ thị mà thậm chí còn có những ưu đãi, rộng mở đối với các tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên Chúa giáo. Đặc biệt, ông rất kiên quyết trong việc lập lại kỷ cương và làm trong sạch tín ngưỡng, tôn giáo quốc gia. Biểu hiện là, trong Chiếu lên ngôi (năm Mậu Thân - 1788), Nguyễn Huệ ban rằng: “Các đền thờ dâm thần đều bãi bỏ, không được liệt vào tự điển, còn các đền thiên thần và trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, trước đã được các đời bao phong thì nay đều cho thăng trật”1 (Nguyễn Quang Phan: Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, (phụ lục 3), Sđd, tr. 302); đồng thời, chấn chỉnh việc tu hành, bắt buộc bọn lưu manh, côn đồ, lười biếng trốn vào chùa chiền để lẩn tránh sản xuất, tụ tập bè đảng gây rối loạn xã hội, hoặc lợi dụng tín ngưỡng để gieo rắc mê tín dị đoan... phải trở về sản xuất, thậm chí cả những sư tăng không đủ tư cách tu hành cũng buộc phải hoàn tục. Đối với những chùa nhỏ và hoang tàn ở làng xã được dỡ bỏ để lấy vật liệu trùng tu, sửa chữa các chùa lớn ở phủ, huyện. Còn với Thiên Chúa giáo, chính giáo sĩ Jumilla phản ánh rằng: Nhà Tây Sơn cho phép tôi giảng đạo công khai và xây dựng nhà thờ, không ai được phép xâm phạm chúng tôi hoặc động chạm đến tài sản trong nhà ở và nhà thờ.


Như vậy, song song với quá trình khởi nghĩa và chiến tranh đánh dẹp thù trong giặc ngoài, xây dựng chế độ và đất nước, những chủ trương, chính sách và giải pháp kiên quyết, mạnh dạn, cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục... của Tây Sơn - Nguyễn Huệ không chỉ là nhằm tạo nên một quốc gia ổn định, hùng cường, mà quan trọng hơn cả là trực tiếp góp phần hình thành nên hệ tư tưởng và nghệ thuật quân sự phù hợp để ứng phó kịp thời và hiệu quả với thù trong, giặc ngoài, tiếp tục tồn tại và phát triển.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2021, 10:56:25 am »

II- TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ
   
1. Xây dựng quân đội "cốt tinh không cốt đông", có đầy đủ các thành phần lực lượng


Để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cát cứ phản động, thống nhất đất nước và chống giặc ngoại xâm, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, dân tộc, ngay từ rất sớm, những lãnh tụ nông dân Tây Sơn đã từng bước tập hợp lực lượng, mua sắm vũ khí trang bị, xây dựng đội quân vũ trang làm nòng cốt cho khởi nghĩa và chiến tranh. Song hành với quá trình khởi nghĩa, chiến tranh và lập nên cơ đồ của triều đại Tây Sơn cũng chính là sự trưởng thành vượt bậc về số lượng, chất lượng của quân đội, là sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng quân sự Tây Sơn. Trên thực tế, rất có thể những ý đồ, quan điểm tư tưởng về xây dựng lực lượng quân đội, về khởi nghĩa và chiến tranh của Tây Sơn đã được manh nha hình thành từ những thời gian trước đó; song, dấu mốc lịch sử được khẳng định là bắt đầu từ năm Tân Mão (1771) - Nguyễn Nhạc được các đồng sự và đồng bào địa phương tôn làm Tây Sơn vương.


Để tập hợp được lực lượng đủ sức mưu tính việc lớn, Bộ chỉ huy quân Tây Sơn quyết định tuyển mộ quân sĩ bằng nhiều cách khác nhau. Với tư tưởng xây dựng quân đội gắn chặt với lao động sản xuất, tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm không chỉ để đáp ứng cho nhu cầu trước mắt, mà còn nhằm để tích trữ cho kháng chiến theo kiểu “ngụ binh ư nông” thời Lý - Trần; nên bên cạnh việc tuyển mộ lính mới, những người trước đó chỉ chuyên lo việc sản xuất ở các trang trại, nếu tình nguyện đều được chuyển sang làm lính. Theo đó, tất cả quân sĩ, cứ mỗi năm có 6 tháng tập trung tham gia luyện tập quân sự, 6 tháng còn lại trở về các nông trại tham gia sản xuất và nghỉ ngơi. Đặc biệt, để tạo ra những đội quân tinh nhuệ, có khả năng sử dụng hiệu quả những vũ khí truyền thống của đồng bào dân tộc như cung, ná..., anh em Nguyễn Huệ đã khéo léo thương vận, lôi kéo các trai tráng thuộc các sắc tộc thiểu số: Xơđăng, Êđê, Giarai... tham gia quân đội. Với cách làm này, chỉ ít lâu sau anh em Tây Sơn đã tuyển mộ được một đạo quân người Thượng, và cử Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng đảm trách tổ chức huấn luyện võ nghệ. Sau khi được huấn luyện thuần thục, đội quân này được đưa xuống giao cho Nguyễn Huệ và Trần Quang Diệu huấn luyện thêm về chiến thuật, rồi được khép vào đội ngũ chính thức của quân đội Tây Sơn. Tuy yêu cầu phát triển quân đội đặt ra khẩn trương, nhưng Tây Sơn vẫn trước sau giữ nguyên tắc “mộ lính chứ không bắt lính”.


Hệ thống tổ chức chỉ huy quân đội được sắp đặt gồm: Đại Tổng quản, Đại Đô đốc, Đô đốc, Đề đốc. Theo đó, Nguyễn Huệ được phong chức Đại Tổng quản; Bùi Thị Xuân, Bùi Đình Tú được phong Đại Tổng lý; Trần Quang Diệu được phong Đô đốc, Võ Văn Dũng là Phó Đô đốc, Lê Văn Hưng làm Đề đốc, Nguyễn Văn Tuyết làm Tả Đô đốc, Nguyễn Văn Lộc làm Hữu Đô đốc. Việc vận tải quân lương được giao cho Nguyễn Lữ và Nguyễn Thung với chức Tán Tương quân vụ; Nguyễn Thung lo mặt Bắc, Nguyễn Lữ lo mặt Nam. Việc sơn phòng bảo vệ căn cứ Tây Sơn, gồm tất cả vùng An Khê, Plâyku, Kon Tum được giao toàn quyền cho chúa Xà Đàng Bok Kiơm quản lý.


Tại buổi lễ tế cờ xuất quân được tổ chức trang trọng trên đỉnh đèo An Khê, trước ba quân, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc chính thức ban bố quân luật, gồm ba điều:

- Không được xâm phạm tính mạng và tài sản của đồng bào.

- Không được tiết lộ bí mật quân sự.

- Không được gây xáo trộn, chia rẽ trong hàng ngũ.

Nếu ai phạm phải một trong ba điều sẽ bị chém tức khắc.

Để tiếp tục củng cố và thắt chặt mối quan hệ giữa đội ngũ võ tướng chỉ huy quân đội với triều đình, sau khi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Thái Đức, Nguyễn Nhạc xuống chiếu phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Phan Văn Lân làm Nội hầu, Trần Quang Diệu làm Thiếu phó, Võ Văn Dũng làm Đại Tư khấu, Võ Đình Tú làm Thái uý, Ngô Văn Sở làm Đại Tư mã, Bùi Thị Xuân được phong làm Đại tướng quân - tự hiệu là Tây Sơn nữ tướng, quản đốc mọi việc quân dân trong hoàng thành và tuần sát vùng Tây Sơn. Bên cạnh đó, tất cả các võ tướng còn lại đều được phong làm Đô đốc và Đại đô đốc.


Tổng quân số của quân đội Tây Sơn đến thời điểm năm Mậu Tuất (1778) có khoảng 15 vạn. Dựa theo binh chế đời nhà Chu, quân đội Tây Sơn được tổ chức thành 6 cấp, gồm: Quân, Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ. Phiên chế cụ thể là: Ngũ gồm 5 người, Lượng gồm 5 ngũ (25 người), Tốt gồm 4 lượng (100 người), Lữ gồm 5 tốt (500 người), Sư gồm 5 lữ (2.500 người), Quân gồm 5 sư (12.500 người). Như vậy, tất thảy quân Tây Sơn có khoảng 12 Quân, gồm cả bộ binh, kỵ binh, tượng binh và thủy binh; quân nào cũng tinh nhuệ. Đặc biệt nhất trong số này là 2 Quân người Thượng với 2.000 chiến mã, 4 Lữ nữ binh với 100 thớt voi.


Riêng hai Quân người Thượng trực tiếp do Nguyễn Huệ tổ chức và khi chiến đấu cũng thường do ông trực tiếp chỉ huy. Binh sĩ của Quân người Thượng là những người vóc dáng cao lớn, gan dạ, tay cầm lao hoặc cầm ná, lưng giắt dao bảy. Khả năng sử dụng vũ khí của họ đã đạt tới mức thiện xạ: phóng lao trăm phát trăm trúng, bắn ná không cần nhắm (ngắm) cũng trúng đích. Bên cạnh đó, họ cũng là những kỵ binh biệt tài, khi được lệnh ra trận thì chỉ biết tiến không biết lùi.


Còn với 4 Lữ nữ binh do Bùi Thị Xuân và bà họ Trần (vợ tướng Nguyễn Văn Tuyết) chỉ huy, ngày đêm chuyên cần luyện tập, nên võ nghệ của nữ binh cũng đạt tới độ điêu luyện.


Với đội tượng binh, Long Nhương Tướng quân giao đặc trách cho Bùi Thị Xuân tổ chức huấn luyện. 100 thớt voi của quân Tây Sơn, phần lớn là mua của đồng bào dân tộc, phần khác là do những người Thượng biếu tặng, hoặc là chiến lợi phẩm và cống phẩm... Địa điểm huấn luyện voi của Bùi Thị Xuân là dãy gò ở Xuân Hoà - chính là quê hương của bà. Miêu tả quyền uy điều khiển đội tượng binh của Bùi Thị Xuân, trong sách Nhà Tây Sơn, Quách Tấn và Quách Giao viết: “Để điều khiển voi, bà thường dùng ngọn cờ đỏ (...). Ra diễn trường, bà phất ngọn cờ thì con voi đầu đàn vội đến đứng nghiêm chỉnh trước mặt bà. Bà nhẹ nhàng nhảy lên voi, vỗ nhẹ đầu voi. Voi cong vòi rống lên một tiếng. Tất cả đàn voi răm rắp đến sắp hàng ngay ngắn trước đầu voi đầu đàn. Rồi theo hiệu cờ, tới lui, rẽ bên nam, sang bên bắc, khi chậm khi mau, nhịp nhàng đều đặn”1 (Quách Tấn, Quách Giao: Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa và thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 94). Sau khi đã huấn luyện thành thục, nhũng thớt voi chiến này được chuyển xuống thành Hoàng đế khép vào đội ngũ, phục vụ chiến đấu.


Song cùng với việc tuyển mộ, huấn luyện quân sĩ, huấn luyện voi chiến và ngựa chiến, anh em Tây Sơn cũng cho mở nhiều xưởng đóng thuyền chiến, xây dựng nhiều lò rèn đúc khí giới, về xưởng đóng thuyền chiến, có hai xưởng lớn nhất: một ở Phương Mia (Quy Nhơn), một ở Nha Trang (Diên Khánh). Lò đúc khí giới lớn nhất ở Quang Hiển, dưới chân Hòn Bà (Tuy Phước).


Kế thừa tư tưởng và kinh nghiệm xây dựng quân đội của những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, kể từ khi trở thành Bắc Bình vương, về tổ chức lực lượng bộ binh, Nguyễn Huệ quyết định phiên chế quân đội thành hệ thống: đội, cơ, đạo và doanh.

Đội là đơn vị cơ sở, mỗi đội có từ 60 đến 100 quân.

Cơ là đơn vị tác chiến cơ bản, mỗi cơ có từ 300 đến 500 quân.

Trên cơ là đạo, mỗi đạo có từ 1.500 đến 2.500 quân.

Trên đạo là doanh, mỗi doanh có từ 10.000 đến 15.000 quân. Doanh là đơn vị đảm nhiệm tác chiến trên một hướng tiến công và thường do một Đô đốc hoặc Đại Đô đốc chỉ huy.

Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, Nguyễn Huệ còn tổ chức ra đơn vị có quy mô lực lượng lớn hơn nữa gọi là Đại quân, gồm từ 2 đến 3 doanh do một viên Đại Nguyên soái thống lĩnh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM