Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:19:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4104 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:02:30 pm »

TỪ THUỶ QUÂN SÔNG LÔ ĐẾN HẢI QUÂN NHÂN DÂN VÀ CHIẾN CÔNG ĐẦU THÁNG 8 NĂM 1964


Nguyễn Quốc Dũng
Viện trưởng Viện Lịch sử quản sự Việt Nam


Đầu xuân năm 1994, tại phố Giàn, Làng cỏ nằm bên bờ sông Chảy, gần ngã ba với sông Lô - những tên làng, tên phố đã một thời là kỷ niệm sâu sắc với những người "Lính thuỷ sông Lô" đã diễn ra một cuộc gặp đầy xúc động. Sau 45 năm, nhiều người một thời đã là "Lính thuỷ sông Lô" mới được trở về với dòng sông "nước băng qua ngàn sóng xô ven bờ xanh um bóng tre".


Đồng chí Nguyễn Việt, nguyên là chính trị viên Ban nghiên cứu Thuỷ quân năm 1949 còn nhớ lời căn dặn, giao nhiệm vụ của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng giữa căn cứ Việt Bắc: Nhìn về tương lai rộng mở để xây dụng quân đội tiến lên, đất nước ta với bờ biển vài ba ngàn cây số, nhất định phải có một lực lượng Hải quân hùng mạnh, xứng đáng với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã từng có những lực lượng thuỷ quân lập nên những chiến công hiển hách, lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, Lục Đầu Giang. Chính vì mục tiêu đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, Bộ Quyết định trước mắt thành lập Ban nghiên cứu Thuỷ quân (đồng thời với Ban nghiên cứu Không quân) để:

- Nghiên cứu những phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thuỷ quân phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai gần.    - Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viên, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu.

- Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thuỷ quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải. 


Thực hiện quyết định của Bộ, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân được chính thức thành lập ngày 8 tháng 3 năm 1949. Những ngày đầu chỉ có vài ba người, sau tập trung dần, đến cuối năm 1949 đã có doanh trại, cơ sở huấn luyện gồm một số lán trại bên bìa rừng và trên các ngọn đồi, một phần dựa vào các nhà dân ở rải rác ven sông Chảy thuộc khu vực phố Giàn. Đồng chí Nguyễn Văn Khương (trưởng ban) và Trần Đình Vọng (phó ban) đều là người miền Nam, từng là lính thuỷ hoặc làm nghề hàng hải, quen với sóng gió. Về tổ chức, có ba ban chuyên môn và bộ phận hành chính quản trị, hậu cần. Ban hàng hải có anh Quế - một người hiểu biết về hàng hải; anh Vị từng lái tàu ở vùng biển Đông Bắc từ Vịnh Hạ Long đến Bái Tử Long. Ban Thông tin hàng hải (gồm các phương tiên đơn giản như cờ, đèn, kèn) có các anh Ngọc, Thông, Hương. Ban điện cơ máy nổ có anh Thăng nguyên là nhân viên trường kỹ nghệ thực hành, anh Kim (máy nổ). Các ban chuyên môn vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, vừa trực tiếp huấn luyện học viên.    Trong hoàn cảnh kháng chiến và giữa núi rừng Việt Bắc chưa thể có ngay phương tiện bảo đảm cho các lực lượng hoạt động trên sông biển, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân chủ trương từng bước xây dựng lực lượng thuỷ quân đánh bộ (thực chất là du kích ven sông biển). Về phương tiện, cố gắng tìm kiếm một số la bàn, máy nổ, phương tiện thông tin đơn giản (cờ, đèn). Đồng thời đề nghị Bộ cho đóng thử một vài chiếc thuyền gắn máy lắp súng đại liên, có thể hoạt động trên sông, khi có điều kiện sẽ tổ chức một đội thuỷ quân trên sông Mã (Thanh Hoá), sông Lam (Nghệ An), sông Lô (đoạn từ Việt Trì đến Tuyên Quang), sông Hồng (đoạn từ Phú Thọ đến Yên Bái).


Gần 200 học viên khoá 1 thuỷ quân tuyển chọn từ các đơn vị bộ binh, dân quân du kích vùng ven biển Đông Bắc gồm những người biết nghề đi biển, chài lưới, một số là học sinh các trường trung học ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc được tổ chức thành một tiểu đoàn huấn luyện do một lính thuỷ cũ - anh Lưu Phương làm tiểu đoàn trưởng và anh Khổng Hiệu làm chính trị viên. Chương trình huấn luyện gổm: chính trị, quân sự, chuyên môn, trong đó có một số nội dung về kỹ thuật, chiến thuật của thuỷ quân như bắn súng trên thuyền, trên ca nô, tập bơi, lặn; tập chèo thuyền, chèo xuồng, tập đổ bộ (từ bờ lên thuyền và từ thuyền nhảy lên tiếp cận bờ, triển khai đội hình chiến đấu); tập sử dụng hải đồ, tìm hướng đi trên biển theo kinh nghiệm của nhân dân (như nhìn trăng sao, theo thuỷ triều, hướng gió), cách sử dụng các phương tiện thông tin đơn giản (cờ, đèn)...


Bước sang năm 1950, theo chỉ thị của Bộ, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân khẩn trương chuẩn bị mở lớp huấn luyện cán bộ lính thuỷ đánh bộ, lớp cán bộ hàng hải - lái tàu, lớp điện cơ máy nổ; đồng thời lựa chọn khoảng 100 học viên khoá 1 và khoá 2 tổ chức thành một đại đội mang tên "Đội thuỷ binh 71" sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm đổ bộ đảo của quân đội bạn.


Sáu tháng học tập ở Nào Cháu (Điều Thuận) các chiến sĩ đội thuỷ quân 71 được huấn luyện một số kỹ thuật, chiến thuật bộ binh theo kinh nghiệm của bạn, bước đầu làm quen với sóng gió, tập kéo buồm, lật lèo buồm, đi vát, đi ngược gió trên biển. Một số chiến sĩ được học tập sử dụng máy nổ (xe ô tô vận tải GMC của Mỹ). Cuối khoá học, toàn đội được bạn giới thiệu chiến lệ "chiến dịch đổ bộ đánh chiếm đảo Hải Nam" của giải phóng quân Trung Quốc.


Tháng 4 năm 1951, sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, đội Thuỷ quân 71 hành quân về đến làng cỏ, một làng nhỏ ven sông Chảy, kề bên phố Giàn của cơ quan Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Tình hình lúc này đã có nhiều thay đổi. Từ sau chiến thắng biên giới Thu Đông 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Đồng chí Trịnh Tuần, một chiến sĩ của Đội thuỷ quân 71, sau này là Cục trưởng Cục Chính trị Quân chủng Hải quân còn nhớ những ngày náo nức chờ đón nhiệm vụ sau khi Đội về nước và câu chuyện thân tình, cởi mở cua đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái khi phân tích tình hình, thông báo chủ trương của Bộ và giao nhiệm vụ mới cho các chiến sĩ Thuỷ quân sông Lô. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chỉ rõ bước phát triển mới của cuộc kháng chiến kể từ sau chiến dịch Biên giới, đồng thời nêu lên những khó khăn mà quân và dân ta phải vượt qua để đưa kháng chiến đến thắng lợi. Đồng chí nói đại ý, đất nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng, có nhiều sông ngòi, nhất định phải có lực lượng thuỷ quân tương xứng để bảo vệ chủ quyển của Tổ quốc. Nhưng trong hoàn cảnh hiện thời, ta chưa có điều kiện để xây dựng lực lượng thuỷ quân như mong muốn. Một mặt vì khả năng trang bị và địa bàn cho thuỷ quân hoạt động rất khó khăn; mặt khác, Bộ đang cần tập trung nhân lực, vật lực để xây dựng một số sư đoàn chủ lực, cần phải cắt giảm quân số và chỉ tiêu ở những đơn vị chưa cần thiết. Do vậy, Bộ chủ trương giải thể các Ban nghiên cứu Thuỷ quân và Không quân. Bộ giao cho Ban nghiên cứu Thuỷ quân việc phân bổ số học viên ở đây sao cho hợp lý để phát huy được những kiến thức văn hoá và nghiệp vụ mà anh em đã được đào tạo. Ngoài việc chuyển đại bộ phận đi đào tạo ở lục quân, pháo binh, cần chú ý chọn một số ạnh em đi xây dựng du kích ở vùng biển Đông Bắc, theo phương án mà trước đây Ban Nghiên cứu Thuỷ quân đã trình Bộ. Số anh em này trực thuộc các tỉnh đội, vừa hoạt động chiến đấu, vừa làm quen với chiến trường sông biển.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:03:19 pm »

Thế là, những người lính thuỷ sông Lô lại một lần nữa tạm xa phố Giàn, Làng Cỏ. Phần lớn các chiến sĩ Đội thuỷ binh 71 được điều về vùng duyên hải Đông Bắc, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các địa bàn ven biển. Về tỉnh đội Quảng Yên có Dương Đình Ấu, Trần Minh Thái, Nguyễn Phú Đạt, Trần Thọ, Trần Duy Hợi, Trịnh Tuần. Về tỉnh đội Hải Ninh có Trác Vinh Nam, Phạm Vũ Quân, Vũ Phi Hoàng, Lê Văn Vỹ, Trịnh Cược, Hà Ngữ, Nông Văn Phượng.


Nhiều học viên khoá 1 và khoá 2 huấn luyện thuỷ quân được điều về đại đoàn công pháo 351. Một số cán bộ Ban Nghiên cứụ Thuỷ quân về nhận công tác ở cơ quan Bộ Tổng tư lệnh.


Kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tháng 8/1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nọi, bảy cán bộ từng là lính thuỷ sông Lô đang công tác ở đơn vị, các chiến trường được điều về Cục Tác chiến, tổ chức một bộ phận chuyên trách theo dõi tình hình vùng biển, chuẩn bị tiếp quản thành phố Hải Phòng và nghiên cứu đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. Tháng 1 năm 1955, đồng chí Nguyễn Bá Phát - Tham mưu trưởng Liên khu 5 được Tổng quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách bộ phận này. Ba đề án xây dựng lực lượng và bảo vệ vùng biển phía Bắc được Tổng quân uỷ thông qua trong cuộc họp ngày 13 và 14 tháng 4 năm 1955, gồm:

- Đề án tổ chức, biên chế cơ quan Trường huấn luyện thuỷ quân, xưởng đóng mới, sửa chữa ca nô và kế hoạch chọn lựa, điều động cán bộ, chiến sĩ từng là thuỷ quân sông Lô và từng hoạt động trên các chiến trường sông biển của cả nước về xây dựng thuỷ quân.

- Đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, gồm các đài, trạm quan sát, các khu tuần phòng và các trận địa pháo bờ biển.

- Đề án xây dựng lực lượng tàu thuyền hoạt động ở ven biển, gồm các việc: tập trung phương tiện thuỷ của các đơn vị, các địa phương; tìm và trục vớt các tàu địch bị ta đánh chìm để khôi phục sửa chữa, chuẩn bị đóng mới một số ca nô gỗ gắn máy.


Nhà máy bia O-men trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội là địa điểm đầu tiên được chọn đạt cơ quan Cục Phòng thù bờ bể (thành lập ngày 7 tháng 5 năm 1955).


Nhiều người từng là Lính thuỷ sông Lô 6 năm về trước lại lần lượt được Bộ điều động trở về góp phần xây dựng Cục Phòng thủ bờ bể, sau là Cục Hải quân (1959) và Bộ Tư lệnh Hải quân (1964); xây dựng Trường huấn luyện bờ biển và Xưởng 46 của Hải quân; xây dựng hai thuỷ đội Thuỷ quân sông Lô và Bạch Đằng, tiếp đó là đoàn tàu tuần tiễu 130, đoàn tàu phóng lôi 140 (sau đổi phiên hiệu là 135). Trong trận chiến đấu ngày 2 tháng 8 năm 1964 ở ngoài khoi Vịnh Bắc Bộ, chính Phân đội 3 của Đoàn 135 đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc của Mỹ, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.


Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị cho bộ đội Hải quân: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, cố trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". "Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, chứ không phải Hải quân của thế giới"6 (Dẫn theo "Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam", NXB QĐND, 11.1985, tr.70-71).


Vâng theo lời dạy của Người, bộ đội Hải quân đã xây dựng, trưởng thành nhanh chóng, từ những cơ sở đầu tiên của Ban nghiên cứu thuỷ quân giữa lòng căn cứ Việt Bắc trờ thành một Quân chủng chiến đấu bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của toàn dân và toàn quân bảo vộ vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.


Trở về với phố Giàn, làng cỏ giữa lòng dân căn cứ địa cách mạng, những người Lính thuỷ sông Lô tay khoác chặt tay, xúc động hát vang bài "Bài ca thuỷ quân du kích". Bài ca do một Lính thuỷ sông Lô, anh Ngô Thế Lãng sáng tác từ ngày ấy và anh Lê Quang Loát cũng là một lính thủy còn thuộc và ghi lại. Lời bài ca có đoạn: "đi xây non sông, xây dựng một tương lai cả một đoàn người mang theo một sức sống oai hùng tiến bước trên con đường xa. Thuỷ quân du kích Việt Nam". Tiếp đó là điệp khúc: "Làn sóng Cam Ranh đang ẩm ầm say mê, làn sóng Nha Trang đang chờ ta. Bạch Đằng réo, nhắc ta xây hạm đội thuỷ binh Việt Nam". Lời bài ca và giọng ca khoẻ khoắn cùa những người đi biển - các chiến sĩ thuỷ quân sông Lô như chung một niềm tin, một ý chí, hướng về tương lai, trên con đường xây dựng, từ đội thuỷ quân du kích đến những hạm đội của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.


NQD
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:03:50 pm »

VĂN BIA
ĐẶT TẠI BẾN GIÒN, XÃ HÙNG QUAN,
HUYỆN ĐOAN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ


Nơi đây, ngày 8/3/1949 thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân - Bộ Tổng Tham mưu.

Được sự tích cực giúp đỡ, động viên, nuôi dưỡng, bảo vệ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, mà trực tiếp là nhân dân xã Hùng Quan và các xã ven sông Lô - sông Chảy thuộc huyện, đơn vị đã đào tạo được hai khoá sĩ quan Thuỷ quân 1949 - 1951, đã phái hàng trăm cán bộ đi chiến đấu lập nhiều thành tích tại vùng hải đảo ven biển Quảng Ninh 1951 -1954. Sau đó, nhiều đồng chí đã chuyển về xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam.


BỘ TỔNG THAM MƯU
10-1997
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:04:27 pm »

NHÂN NGÀY LỄ DỰNG BIA


Đại tá Nguyễn Xuân Triết


   Trang trọng khuôn vàng ghi khắc đá
   Giữa trời khiêm tốn cạnh dòng Lô
   Khúc hát quân hành quanh xóm cũ
   Âm thanh vang vọng tới bây giờ
   Cung đường kháng chiến dài năm tháng
   Nghĩa nặng ân tình chẳng dễ quên
   Tóc bạc da mồi pha sương gió
   Hướng về Đất Tổ nhớ Hùng Quan!


Đoan Hùng 8/3/1997
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:05:26 pm »

TRỞ LẠI SÔNG LÔ


Đại tá Trịnh Tuần
Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân
Kỷ niệm 50 năm thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân
tháng 3/1949-3/1999


   Mấy chục năm rồi trở lại đây
   Vẫn ngôi làng cũ, những đồi cây
   Dòng Lô uốn lượn quanh bờ cát
   Tình nghĩa sông xưa nước vẫn đầy
   Điểm bước thời gian theo chiến trận
   Bạn cùng lứa lớp, mất còn ai
   Nhớ ngày nào ấy đầu xanh nhánh
   Mà đến hôm nay tóc bạc rồi
   Căng bắp sớm chiều đua luyện tập
   Mồ hôi hoà trộn nước sông này
   Đội thuyền nhè nhẹ vượt qua sóng
   Đời lính thuỷ quân mộng đẹp thay
   Thiếu thốn trăm bề cơm với áo
   Tràn trề một cõi nước và mây
   Ước mong sẽ có ngày ra biển
   "Quân thuỷ" trùng khơi tung cánh bay
   Dẫu muốn nhưng nghèo vươn chưa tới
   Dằn lòng nuối tiếc lúc chia tay
   Sông Lô xa cách từ năm ấy
   Đi khắp nẻo đường khắp đó đây
   Có dịp trùng phùng vui sướng quá
   Mà sao khoé mắt cứ cay cay
   Hải quân nay đã về quê Biển
   Chẳng thể nào quên mảnh đất này.


TT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:09:57 pm »

BÊN DÒNG SÔNG LÔ


Đại tá Thục Phán
Nguyên Chuyên viên Viện Chiến lược - Bộ Quốc Phòng


   Ta về thăm lại quê hương
   Lẫy lừng một thuở chiến trường năm xưa
   Giặc tây - tàu chiến - ca nô
   Gọng kìm đường thuỷ thành mồ thực dân
   Rồi Ban Nghiên cứu Thuỷ quân
   Tháng ba - bốn chín - bên sông ra đời
   Ngày nay, biển rộng sông dài
   Hải quân lớn mạnh sáng ngời vinh quang
   Nhưng dù đi khắp Bắc Nam
   Vẫn không quên được Hùng Quan ngày nào
   Chính quyền, đảng bộ, đồng bào
   Động viên, nuôi dưỡng, gian lao không sờn
   Hôm nay "Uống nước nhớ nguồn"
   Văn bia xây dựng, công ơn ghi cùng
   Quân dân Phú Thọ, Đoan Hùng
   Tình xưa nghĩa cũ thuỷ chung kiên cường
   Làm tròn nhiệm vụ hậu phương
   Góp phần chống Mỹ, lên đường B-C
   Hoà bình, thống nhất, trở về
   Rừng đồi phát triển, ngành nghề tăng cao
   Tuy chưa đầy đủ dồi dào
   Đó đây đã thấy biết bao công trình
   Vững tin truyền thống quê mình
   Kinh tế - văn hoá - an ninh - quốc phòng
   Quân, Dân, Chính, Đảng một lòng
   Dân giàu nước mạnh ta cùng dựng xây.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:11:42 pm »

TRÍCH BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI TÁ NGUYỄN VIỆT - TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG THỦY QUÂN SÔNG LÔ TẠI LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM THUỶ QUÂN SÔNG LÔ Ở HÙNG QUAN - ĐOAN HÙNG


Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã.

Thưa các cụ, bà con cô bác, anh chị em. Thưa các đồng chí Cựu chiến binh địa phương và Thuỷ quân sông Lô.

Hôm nay trong buổi gặp mặt long trọng kỷ niệm 50 năm Thuỷ quân sông Lô, cho phép tôi thay mặt Ban liên lạc truyền thống Thuỷ quân sông Lô gửi lời chào mừng đầu xuân Kỷ Mão 1999 tới các vị khách quý, các đồng chí lãnh đạo, tới bà con cô bác anh chị em địa phương nhà, kính chúc sức khoẻ - hạnh phúc -   thịnh vượng, vượt chỉ tiêu phấn đấu để xoá đói giảm nghèo, về công nghiệp hoá, hiện đại hoá địa phương. Xin kính gửi lời cám ơn chân thành tới Đảng bộ, nhân dân tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, xã Hùng Quan, xã Nghinh Xuyên và các xã lân cận đã động viên, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bảo vệ các lực lượng thuộc Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bô Tổng Tham mưu, đã giành nhà, giành khoảng sông, mảnh đồi cho chúng tôi xây dựng huấn luyện thuỷ quân trên dọc sông Lô, sông Chảy trong những năm chiến tranh 1949 - 1951 chống thực dân Pháp xâm lược; cũng như ngày nay đã đón tiếp thân tĩnh chúng tôi trở về năm 1994 - 1997 và hôm nay 1999 với tất cả tấm lòng hậu phương bao la, tình cảm quân dân một ý chí mang nhiều truyền thống tốt đẹp.


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng sông Lô (1947- 1997) địa phương cũng đã tổ chức xây dựng và khánh thành bia kỷ niệm thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân trên đất Đoan Hùng, để lại một dấu ấn không thể phai mờ trên bờ sông Lô, sông Chảy đã một thời "Thuỷ quân ta luyện binh, chuẩn bị cho những ngày vươn ra biển cả bao la của Tổ quốc của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay".

Thưa các vị, thưa bà con, cô bác, anh chị em!

Nhân dịp kỷ niệm long trọng hôm nay, cho phép chúng tôi được ôn lại một vài nét lịch sử về xây dựng và chiến đấu của thuỷ quân ta trong chiến tranh chống Pháp xâm lược.

Trong khí thế phấn khởi của quân và dân ta "tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công" dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nưđc, Bác Hồ, ngày 8/3/1949 Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bô trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã ký quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu (đồng thời với quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân) theo công lệnh số 604/TCH với nhiệm vụ "Sưu tầm tư liệu cần thiết, nghiên cứu tổ chức và xây dựng những cơ sở đầu tiên cho Ngành thuỷ quân".    Quyết định trên đã nói lên tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, của Bác Hồ, của Bộ Quốc phòng về việc xây dựng một lực lượng thuỷ quân non trẻ, mặc dù lúc đó có trăm vạn khố khăn, ta đang chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.


Tên "Ban Nghiên cứu Thuỷ quân" là do Bác Hồ gợi ý khi Tổng Tham mưu trưởng sang báo cáo và xin chỉ thị của Bác về sự kiện quan trọng này. Bác Hồ đã chỉ thị đại ý như sau: Để hợp với khả năng thực tế, trước mắt chỉ nên xây dựng Ban nghiên cứu Thuỷ quân và mở lớp thuỷ quân. Như vậy, danh có chính thì hành mới thuận. Công việc mới thành công.


Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân được thành lập và triển khai xây dựng bên bờ sông Lô, sông Chảy trên đất Tổ Hùng Vương thuộc huyện Đoan Hùng.


Sau khi cân nhắc nhiều mặt, lựa chọn nhiều khu vực từ Liên khu 3, Liên khu 4 trở ra Việt Bắc, Bộ Tổng Tham mưu thấy chọn địa điểm xây dựng thuỷ quân ở Đoan Hùng là tương đối hợp hơn cả, so với tình thế và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đoan Hùng vừa gần Trung ương, vừa có địa thế thuận lợi, có sông nước lại có núi đồi kề bên, tạo thế cho xây dựng thuỷ quân trong hoàn  cảnh lực ta còn nhỏ, vũ khí phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn nhiều bề.


Có thể khẳng định Đoan Hùng là nơi tương đối thích hợp hơn cả, nhất là tại đây ta đã trải qua nhiều thử thách có ý nghĩa chiến lược. Trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947 ta đã dành được chiến thắng to lớn, nhấn chìm nhiều tàu chiến giặc Pháp trên địa bàn Đoan Hùng, làm nên chiến thắng lẫy lừng trên mặt trận sông nước lúc bấy giờ. Trong quá trình triển khai xây dựng Ban Nghiên cứu Thuỷ quân trên đất Đoan Hùng kể từ tháng 3/1949, chúng ta đã từng bước tập hợp được một số cán bộ chuyên môn ngành hàng hải, ngành điện cơ, thồng tin liên lạc, tuyển sinh từ vùng địch hậu Đông Bắc - Quảng Ninh, từ một số đơn vị chủ lực, từ các ưường trung học phổ thông ở Trung du, khu 3, khu 4 đề bồi dưỡng, đào tạo được hai khoá sĩ quan thuỷ quân từ 1949 - 1951 với số lượng vài trăm học viên, đã cử một đại đội trên 100 đồng chí cuối năm 1950 - 1951 sang Trung Quốc học tập và rèn luyện theo kinh nghiệm đổ bộ bằng thuyền buồm của giải phóng quân Trung Quốc đánh chiếm giải phóng đảo Hải Nam 1949.


Đến tháng 5/1951 do tình thế mới, buộc phải giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân nhưng Bộ Tổng Tham mưu vẫn quyết tâm sử dụng trên 100 đồng chí đã được bồi dưỡng huấn luyện thuỷ quân đi chiến đấu du kích trên biển ở vùng duyên hải và hải đảo Đông Bắc Tổ quốc theo kế hoạch đã định trước.

1. Ra Hải Ninh khoảng 15 đồng chí (như Phạm Vũ Quân, Vỹ, Phượng, Vũ Phi Hoàng....) chiến đấu ven biển từ Bình Liêu - Hà Cối đến Móng Cái. Đồng chí Trác Vinh Nam, đội phó Đội 71 được cử đảm nhiệm tỉnh đội phó tỉnh Hải Ninh.

2. Ra đặc khu Hòn Gai khoảng 15 đồng chí. Chiến đấu xây dựng cơ sở hải đảo trên vịnh Hạ Long, góp phần cùng đặc khu xây dựng đại đội Hồ Chí Minh gồm đa số là công nhân mỏ. Trong số đó có đồng chí Nghiêm Xuân Hùng đại đội trưởng đã hy sinh 1954. Đồng chí Lê Toàn, là Thiếu tướng Phó Tư lệnh Đặc cồng đã nghỉ hưu.

3. Về tỉnh đội Quảng Yên khoảng 20 đồng chí chiến đấu vùng Yên Hưng sông Kinh Thầy - Đông Triều - Kinh Môn.

4. Đổ bộ lên đảo Cát Bà quãng hơn 40 đồng chí tổ chức thành Đội 71 chiến đấu du kích và xây dựng cơ sở trên đảo, do đồng chí Dương Đình Ấu - đại đội trưởng kiêm huyện đội phó Cát Hải đã hy sinh, đồng chí Trần Minh Thái - chính trị viên đại đội - kiêm chính trị phó huyện đội Cát Hải (có mặt hôm nay tại hội trường). Các đồng chí chiến đấu vùng ven biển hải đảo Đông Bằc Tổ quốc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng và chiến đấu bảo vệ địa phương. Các đồng chí chiến đấu vùng ven biển, hải đảo Đông Bắc Tổ quốc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng và chiến đấu bảo vệ địa phương. Một số không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh (như đồng chí Dương Đình Ấu, Trần Kỳ, Vỹ, Nông Phượng, Nguyệt, Tuân Chi,...) một số đồng chí bị địch bắt khi hoạt động địch hậu (như đồng chí Nguyễn Phú Đạt, Nguyễn Quang Tiếp...) đã giữ vững khí tiết cách mạng và trở về đội ngũ chiến đấu cho tới ngày nay.


Đến tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hoà bình được lập lại, ta giải phóng 1/2 đất nước. Bộ Tổng Tham mưu nhanh chóng tập hợp một số cán bộ Thuỷ quân sông Lô cũ (độ 10 đồng chí như Phan Tiền Đạo, Thanh Văn Minh, Vũ Phi Hoàng, Trịnh Tuần, Phạm Vũ Quân...) trở về Cục Tác chiến tháng 10/1954 để nghiên cứu phương án xây dụng và tác chiến phòng thủ bờ bể từ Hải Ninh đến Vĩnh Linh, để sau đó vào 7/5/1955 chính thức thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, và phát triển thành Quân chủng Hải quân ngày nay.


Quá trình xây dựng huấn luyện và chiến đấu của Thuỷ quân sông Lô là một quá trình phấn đấu gian khổ trong chiến tranh chống Pháp xâm lược nhưng cũng rất vẻ vang.


Đạt được thành tích kể trên, ngoài phần nỗ lực tích cực của bản thân từng đồng chí, một phần rất quan trọng là đã được Đảng bộ, nhân dân các địa phương (nơi huấn luyện cũng như nơi chiến đấu) đã nhiệt tình động viên, giáo dục, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bảo vệ và cùng chiến đấu diệt địch. Trong đó có Đảng bộ, nhân dân Đất tổ Hùng Vương, huyện Đoan Hùng và các xa ven sông Lô, sông Chảy thuộc huyện.


Đoàn kết quân dân một ý chí xây dựng và chiến đấu, không những là nhu cầu chính trị tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà đã trở thành một nhu cầu văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói chỉ ờ Việt Nam ta, trải qua hàng nghìn năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và gần đây trải qua 30 năm chiến tranh chống Pháp, Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tinh thần đoàn kết đó đã phát triển thành tình cảm gắn bó quân dân, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong quan hộ quân dân một ý chí, mà có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới tạo được truyền thống gắn bó đời đời bền vững như vậy.


Mong rằng tình cảm đó sẽ sống mãi trong lòng chúng ta, trong nhân dân địa phương cũng như trong anh chị em Thuỷ quân sông Lô chúng tôi.


Trước khi dứt lời, cho phép chúng tôi được gửi một vài món quà nhỏ tới địa phương, gọi là tấm lòng của anh chị em chúng tôi. Quà thì nhỏ nhưng tấm lòng thì rộng mở. Xin kính tặng bức sơn mài "Thuyền ta vượt sóng ra khơi", một bó hoa mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ít sách vở tặng các cháu học sinh xã nhà.

   Xin được kết thúc bằng một vần thơ:
   "Trở về cội nguồn năm xưa
   Năm mươi năm ấy, bây giờ là đây
   Hùng Quan gặp lại hôm nay
   Quân dân một khối giữa ngày vui xuân..."


N.V
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:16:10 pm »

SINH HOẠT TRUYỀN THỐNG THỦY QUÂN SÔNG LÔ


Đại tá Nguyễn Việt
Nguyên Chính trị viên Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu - Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự - Bộ Tổng Tham mưu


Cuối năm 1992, do tình cờ gặp anh Thanh Văn Minh, nguyên đại đội trưởng Đội Thuỷ quân 71 sông Lô đi học Trung Quốc 1950 -1951, chúng tôi có trao đổi nên cố gắng tập họp số anh em Thuỷ quân sông Lô có mặt ở Hà Nội để sinh hoạt hỏi thăm nhau vào cuối đời khi đã nghỉ hưu.


Nhưng phải ra Tết 1993 buổi họp đó mói được thực hiện thân tình, cảm động sau nhiều năm xa cách. 16 anh chị em đến dự: cán bộ giáo viên có 4: Minh, Đa, Thông, Việt; học viên có 11: Thành, Hoàng, Quát, Trần, Sâm, Thự, Thọ Sơn, Quân, Đạt, Tiếp, Năng, nữ có 1: Liên. Anh chị em đi đến quyết định thành lập Ban liên lạc truyền thống Thuỷ quân sông Lô khu vực Hà Nội, đề nghị gia nhập Ban liên lạc Hải quân khu vực Hà Nội và có buổi sinh hoạt đầu tiên với Hải quân nhân ngày truyền thống 5/8/1993.


Đến cuối năm 1993, Thuỷ quân sông Lô ở Hải Phòng cũng nhóm họp, có mời chúng tôi về dự. Buổi gặp mặt đó có gần 20 bạn, kể cả anh Võ Nhân Huân - Thượng tá - Tham mưu phó Quân chủng, anh Nguyễn Mãi - Thượng tá, cán bộ Cục Chính trị Hải quân.


Chúng tôi thống nhất ý kiến nên tổ chức một cuộc hành hương trở về Làng Giàn - Đoan Hùng. Anh Huân (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Chuẩn Đô đốc - Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Hải quân) nhiệt tình ủng hộ, điều luôn một xe con và cử anh Mãi cùng chúng tôi gồm Phạm Vũ Quân, Hoàng Lương và tôi đi tiền trạm về Đoan Hùng chuẩn bị cuộc hành hương.


Sang tháng 3/1994, sau khi được lãnh đạo địa phương đồng ý, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu 8/3/1949 - 1994, trên 40 anh chị em Thuỷ quân sông Lô khu vực Hà Nội và Hải Phòng hành quân trở về Bến Giàn - Hùng Quan - Đoan Hùng, căn cứ thuỷ quân luyện binh năm xưa. Có bác Đào Văn Trường và Phan Phác - nguyên Tổng tham mưu phó cùng đi. Nhân dân địa phương đón tiếp đông đảo, nhiệt tình, từ các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên nam, nữ đến các cựu chiến binh, các đoàn thể quần chúng, bà con cô bác ở xã. Lãnh đạo địa phương đón đoàn có đồng chí Nguyễn Kim Trân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú, đồng chí Nguyễn Hiền - Thiếu tướng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phú, đồng chí Nguyễn Trọng Dương - Chủ tịch HĐND huyện Đoan Hùng, đồng chí Vũ Khac Kim - Phó chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phùng Hoà - Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Quan cùng nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương khác.


Trong buổi gặp mặt thân tình, đồng chí Nguyễn Mãi đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân tặng tỉnh Vĩnh Phú bức ảnh "Bác Hồ đội mũ Hải quân", đồng chí Vũ Phi Hoàng đại diện Thuỷ quân sông Lô tặng huyện Đoan Hùng bức chân đung Bác Hồ "Người chiến sĩ Hải quân vĩ đại"; đồng chí Lê Trường Đa, đồng chí Trịnh Tuần tặng xã Hùng Quan (Bến Giàn), xã Nghinh Xuyên (làng Cỏ) bức trướng chữ vàng "Quân dân một ý chí".


Xong, đi thăm lại khu căn cứ xưa bên dòng sông Chảy trong xanh, thăm tượng đài chiến thắng Sông Lô trên ngã ba đầu Lô, chúng tôi lưu luyến tạm biệt bà con cô bác địa phương ấm tình quân dân, vẫn chưa quên "Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi..." Cảm kích trước chuyến hành hương thành công tốt đẹp, thắm tình đoàn kết quân dân mà mình được tham dự, khi trở về, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng có viết một bài đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 4/1994: "Từ thuỷ quân sông Lô đến Hải quân nhân dân và chiến công tháng 8" khẳng định lịch sử Thuỷ quân sông Lô được xây dựng, huấn luyện trên dòng sông Lô, sông Chảy, Đoan Hùng từ 1949 - 1951, chiến đấu du kích ven biển Đông Bắc Tổ quốc 1951 - 1954, bước đầu góp phần xây dựng Hải quân nhân dân sau này.


Năm 1995, để kỷ niệm 40 năm thành lập Hải quân nhân dân 5/1955 - 5/1995, được sự giúp đỡ tận tình của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chúng tôi tổ chức cuộc hành hương thứ 2. Lần này chúng tôi trở về chiến trường Đông Bắc, nơi thuỷ quân sông Lô chiến đấu du kích trên biển từ năm 1951 - 1954.


Cuộc hành hương trở về Đông Bắc cuối tháng 5/1995 khá quy mô và đã thành công tốt đẹp, vượt mong muốn. Anh chị em đi khá đông, khoảng trên 40 đồng chí, cả quân Hà Nội và Hải Phòng. Quân Hà Nội đi tàu hoả xuống Hải Phòng, được xe Quân khu 3 đón cùng quân Hải Phòng bắt đầu hành quân qua phà Bến Bính tấp nập, phà Rừng mênh mông, thị trấn Quảng Yên thanh bình, đến đồi thông Yên Lập, khu di tích Bác Hồ dừng chân nghỉ trưa đầu những năm 1960. Đồi khá đẹp, yên tĩnh, mát mẻ dưới rặng thông cao vút "ngàn năm vẫn đứng giữa trời mà reo..."


Chúng tôi nghỉ ăn trưa tại đây, xong ra Hạ Long, về nghỉ ở Đoàn an dưỡng Hải quân, được chỉ huy Đoàn ưu ái dành cho những chỗ nghỉ tốt nhất, đẹp nhất, nhìn thẳng ra Vịnh Hạ Long yên ả một màu xanh bất tận của tròi, biển và núi đá lô nhô...


Hôm sau, chúng tôi đi Vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch của Hải quân. Tàu nhẹ nhàng lướt qua những dãy đảo huyền ảo, nào Bồ Nâu, Gà Chọi, Trinh Nữ - Hòn Bà... dưới bầu trời trong xanh, mát dịu, thanh bình. Hệ thống hang động trong Vịnh như hang Đầu Gỗ, hang Cửa Dứa, Sửng Sốt... thực sự là những cung điện của thiên đường. "Khi Tổ quốc lâm nguy, Rồng mẹ và đàn rồng con đã đáp xuống trần gian và vĩnh viễn ở lại để chở che cho đất mẹ Việt Nam, cho vùng biển Đông Bắc với thế trận gần 2.000 hòn đảo thiên la địa võng bao vây và nhấn chìm mọi quân thù xâm lược nếu chúng dám đến..."


Theo chương trình, chúng tôi rẽ thăm lữ đoàn tàu phóng lôi trên vịnh. Xuống một tàu, gặp một đoàn thuỷ thủ trẻ mãng, liên hoan ca hát vui vẻ, thân tình. Cảm kích trước mối tình cũ mới, già trẻ, bác Đào Văn Trường mặc dù đã ở độ tuổi 80 cũng xung phong hát một bài ca cách mạng có từ thời Mặt trận bình dân, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, để lại ấn tượng không thể quên...


Khi chia tay, chúng tôi chụp chung một bức ảnh lịch sử bên hạm tàu phóng lôi rợp cần ăng ten với những dàn vũ khí hiện đại, khiến chợt nhớ tới hạm thuyền buồm 71 năm xưa trên đảo Điều Thuận - Trung Quốc. Quả là một bước trưởng thành nhảy vọt khá dài sau gần nửa thế kỷ.


Từ lữ đoàn tàu phóng lôi, chúng tôi về gặp mặt Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, Hội CCB tỉnh, Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cảm ơn lãnh đạo địa phương đã giáo dục động viên, nuôi dưỡng, chỉ đạo Thuỷ quân sông Lô tác chiến và xây dựng trong chiến tranh chống Pháp và nay lại ân cần đón tiếp Đoàn. Đồng chí phó chỉ huy trưởng quân sự tỉnh, đồng chí phó chủ tịch Hội CCB tỉnh (vốn là quân Thuỷ quân sông Lô đổ bộ lên Cát Bà năm 1951), chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu hoan nghênh chuyến hành hương nghĩa tình này của Thuỷ quân sông Lô và chúc mừng mọi sự tốt đẹp, coi chúng tôi như người nhà, đi vắng lâu ngày, nay trở về với bà con cô bác địa phương, cùng nhau uống ly rượu tái ngộ...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:18:21 pm »

Ngày hôm sau, cám ơn và bịn rịn chia tay Ban chỉ huy Đoàn an dưỡng, Đoàn về Quảng Yên thăm Lữ đoàn Hải quân đánh bộ đóng trong Thành cổ Vân Đồn, chụp chung ảnh bên bức phù điêu rộng vài chục mét hình mũi tàu cao vút với dòng chữ "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó..." - Hồ Chí Minh.


Đến thăm huyện uỷ, UBND, mặt trận tổ quốc huyện Yên Hưng, nơi Thuỷ quân sông Lô đã có bộ phận chiến đấu trong chiến tranh chống Pháp. Đồng chí Bí thư huyện uỷ chào mừng đoàn, thông báo thành tích xây dựng và bảo vệ địa phương trong 10 năm đổi mới vừa qua.


Xong, đích thân bí thư dẫn đoàn đi thăm bảo tàng lịch sử chiến thắng Bạch Đằng ở Yên Hưng, thăm bãi cọc Bạch Đằng mới phát hiện bên dòng sông Chanh, ra bến Rừng trên sông Bạch Đằng lịch sử, xa xa dãy núi Tràng Kênh đang trên đà xây dựng, nào xưởng đóng tàu, nào nhà máy xi măng mới khởi công,... thắp nén nhang viếng Đức Trần Hưng Đạo, viếng bà hàng nước có công góp ý chuẩn xác với Đại Vương Hưng Đạo khi người đi trinh sát chuẩn bị trận đánh lịch sử chiến thắng quân Nguyên cuối thế kỷ 13, nay được lập đền thờ bên dòng nước mênh mông luôn gợn sóng của bến đò Rừng nổi tiếng.


Đến trưa, lữ đoàn tổ chức chiêu đãi trọng thể, có mặt Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, chủ tịch mặt trận, lữ đoàn trưởng cùng một số cán bộ cơ quan lữ đoàn. Tất cả đều hồ hởi nâng cốc chúc mừng 40 năm Hải quân nhân dân, chúc mừng Thuỷ quân sông Lô đã góp phần chiến đấu trên quê hương Quảng Yên, chúc mừng thành tích xây dựng và bảo vệ địa phương huyện Yên Hưng, chúc mừng Lữ đoàn hải quân đánh bộ, nối tiếp truyền thống của thuỷ quân đánh bộ trên sông Lô, đang xây dựng huấn luyện chính quy, hiện đại và đang chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng biển Đông Bắc Tổ quốc thân yêu.    Tạm biệt lữ đoàn và Yên Hưng quê hương, đoàn về Hải Phòng, thăm Bộ Tư lệnh Hải quân, chúc mừng Quân chủng 40 tuổi.

Nhiều bất ngờ đã xảy ra.

Vừa đến đầu doanh trại Bộ Tư lệnh, một băng đỏ chạy dài ngang cổng chính mang dòng chữ vàng nổi bật: "Nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô thăm Quân chủng Hải quân".


Đồng chí Trương Tải, Phó Tư lệnh Quân chủng (Tư lệnh đi công tác miền Nam) cùng nhiều cán bộ chỉ huy cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp đoàn vừa trân trọng, vừa thân tình tại phòng khách sang trọng của Quân chủng.


Chúng tôi báo cáo tóm tắt lịch sử Thuỷ quân sông Lô từ ngày thành lập xây dựng 1949 - 1951 đến thời gian chiến đấu ở ven biển Đông Bắc 1951-1954, cám ơn Bộ Tư lệnh Hải quân đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hành hương trở về Đoan Hùng 1994, về Quảng Ninh 1995 và nay lại dành thời gian đón tiếp đoàn tại cơ quan Bộ Tư lệnh. Xin chúc mừng 40 năm ngày thành lập Quân chủng và trao tặng Quân chủng bức ảnh Thuỷ quân sông Lô bên tượng đài chiến thắng Sông Lô chụp 1994, một quyển "Ghi chép và nhớ lại một thời Thuỷ quân sông Lô xây dựng và chiến đấu trong chiến tranh chống Pháp 1949 -1954".


Đồng chí Phó Tư lệnh Quân chủng phát biểu, chúc mừng Đoàn, ghi nhận giai đoạn lịch sử Thuỷ quân sông Lô trong chiến tranh chống Pháp, gửi tặng Đoàn bức ảnh lớn "Bác Hồ đội mũ Hải quân" lồng trong khung kính mạ vàng, tặng mỗi đồng chí cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô đi trong đoàn một huy hiệu Hải quân nhân dân Việt Nam.


Năm 1997, sau 2 năm hành hương về Đông Bắc, chúng tôi bàn với Huyện uỷ, UBND huyện Đoan Hùng đề nghị dựng bia kỷ niệm thành lập Thuỷ quân sông Lô (Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu) tại xã Hùng Quan, trên bến Giàn, coi như một phần chương trình Lễ Hội quy mô cấp Nhà nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng sông Lô lịch sử (24/10/1947 - 24/10/1997).


Được địa phương nhiệt liệt tán thành, chúng tôi báo cáo cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân.


Chủ nhiệm Chính trị cơ quan Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Thiếu tướng Lê Chiêu nhất trí ngay, hoan nghênh chủ trương dựng bia, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xúc tiến công việc như cử đồng chí trưởng ban chính sách Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp giải quyết những yêu cầu cần thiết, cấp một số kinh phí xây dựng, cho xe cộ đi lại... Nhờ vậy, công việc dựng bia được khẩn trương triển khai kịp lễ hội chung.


Chúng tôi bàn với Đảng uỷ UBND xã chọn địa điểm ở ngay bên trụ sở UBND xã, nơi trước đây cơ quan Ban Nghiên cứu Thuỷ quân đóng quân, thống nhất mẫu bia, văn bia, phân công địa phương xây dựng bia, còn chúng tôi đặt làm bảng bia, thuê khắc chữ ở Hà Nội, xong đưa lên gắn vào bệ bia...


15h00 ngày 23/10/1997 khánh thành bia thuỷ quân ở Hùng Quan. Chúng tôi từ Hà Nội, Hải Phòng lên Đoan Hùng trên 40 đồng chí. Đại diện Bộ Tổng Tham mưu có đồng chí Trung tướng Đỗ Đức, Phó Tổng tham mưu trưởng, 2 đồng chí Phan Phác, Đào Văn Trường, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng thời kỳ 1949 - 1951, đồng chí Nguyễn Thế Kính - Thượng tá, Trưởng ban chính sách, Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu.


Đại diện Hải quân có đồng chí Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân - Phó Hiệu trưởng Học viện Hải quân, đồng chí Đại tá Nguyễn Thế Trinh - Ban liên lạc Hải quân khu vực Hà Nội.

Về phía địa phương có:

Đồng chí Nguyễn Văn Bưởi - Phó bí thư thường trực, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng.

Đồng chí Phùng Hoà, Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Quan.

Đồng chí Nguyễn Chí Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hùng Quan.

Và nhiều đồng chí lãnh đạo cơ quan huyện, xã sở tại, các xã lân cận cùng đông đảo bà con cô bác địa phương.

Tổ chức khánh thành bia do địa phương chủ trì điều hành, có phần mít tinh trong hội trường và phần mở bia thực địa. Người mở bia khánh thành gồm:

Đồng chí Trung tướng Đỗ Đức - Phó Tổng tham mưu trưởng;

Đồng chí Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân - Phó hiệu trưởng Học viện Hải quân;

Đồng chí Nguyễn Văn Bưởi - Phó bí thư thường trực, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng;

Đồng chí Phùng Hoà - Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Quan.


Nội dung văn bia được khắc trên đá hoa cương:

"Nơi đây, ngày 8/3/1949 thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu. Được sự tích cực giúp đỡ động viên, nuôi dưỡng, bảo vệ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, mà trực tiếp là nhân dân xã Hùng Quan và các xã ven sông Lô, sông Chảy thuộc huyện, Đơn vị đã đào tạo được hai khoá sĩ quan thuỷ quân 1949 - 1951, đã phái hàng trăm cán bộ đi chiến đấu lập nhiều thành tích tại vùng hải đảo ven biển Quảng Ninh 1951 - 1954; Sau đó, nhiều đồng chí đã được chuyển về xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam”.

10-1997
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:20:08 pm »

Trong lễ khánh thành, lãnh đạo huyện tặng đoàn Thuỷ quân sông Lô bức tranh "Tượng đài chiến thắng sông Lô" mới tôn tạo bên ngã ba đầu sông Lô.


Đoàn Thuỷ quân sông Lô tặng huyện một số hình ảnh Thuỷ quân sông Lô xây dựng huấn luyện tại Đoan Hùng trên sông Lô - sông Chảy những năm 1949 - 1951, tặng xã Hùng Quan, xã Nghinh Xuyên, mổi xã một ảnh khổ to "Bác Hồ dội mũ Hải quân" lồng trong khung kính mạ vàng.


Tối 23/10/1997, giao lưu văn nghệ giữa thanh niên và cựu chiến binh địa phương với Thuỷ quân sông Lô, có tổ văn công Tổng cục Chính trị "Quang Mạo - Thuý Mỵ - Hồng Liên" cùng dàn Organ làm nòng cốt. Tất cả đồng bào già trẻ trai gái trong xã và các xã lân cận đến dự, tăng thêm phần đông vui, nhộn nhịp ở vùng quê vốn yên tĩnh. Các cháu thanh niên nam nữ địa phương cũng đã biểu diễn hết khả năng văn nghệ của mình, có cháu ngâm bài thơ tặng các bác Thuỷ quân sông Lô.

   ”Bố trở về chúng con đã lớn lên
   Bốn mươi năm chiến trường khói lửa 
   Đã bao lần chỉ qua nhà ít bữa
   Trọn niềm vui "Mẹ có bố thật rồi".
   Bố trở về chỉ có thế này thôi
   Chiếc ba lô mang cả đời quân ngũ
   Cả tấm ảnh mẹ con thời thiếu nữ
   Tập thư nhà nét chữ nhạt vì sương..."


Các anh lính thuỷ sông lô quên tuổi già, nào Lê Quang Loát chùm trò, nào Thọ Sơn, Đàm Cần, Vũ Phi Hoàng, nào Đỗ Sâm, Xuân Thự, Hoàng Đại,... đã hăng hái lên hát bè, hát đơn ca, song ca...


Liên hoan xong, mọi người ra về phấn chấn vui vẻ. Chúng tôi phân tán ở từng nhà dân tại thôn xóm lân cận, nhớ lại một thời sinh sống giữa lòng dân. Bà con cô bác tiếp chúng tôi thân tình, đậm đà tình quân dân.


24/10/1997, sáng dậy, chụp chung với gia đình một vài tấm ảnh, ghi vội dòng địa chỉ, chào tạm biệt, hẹn ngày trở lại bến Giàn, Hùng Quan, chúng tôi hành quân ra tượng đài Chiến thắng sông Lô, dự mít tinh chào mừng 50 năm chiến thắng sông Lô lịch sử trang trọng, hùng tráng lễ dựng bia thành lập Thuỷ quân Sông Lô, lại càng xúc động trước những vần thơ của đồng đội - Trần Minh Thái một cán bộ TQSL đã viết.

   "Hôm nay về với miền quê chiến thắng
   Thấy trong lòng không thẹn với sông Lô
   Thắp tuần hương thơm ngát nhớ người xưa
   Những người đã bắn tan tàu chiến giặc
   Những lính thuỷ sông Lô trên khắp nước
   Đã ra đi vĩnh viễn, không về
   Dòng Lô xanh như lịch sử trôi đi
   Cho ta gửi tâm tư thời bạc tóc
   Rồi một ngày khi ta về với đất
   Dưới mạch ngầm, nghe róc rách sông Lô..."


1999, 2 năm sau lễ hội dựng bia là lễ kỷ niệm 50 năm thuỷ quân sông Lô, chúng tôi tổ chức khá trọng thể trong phạm vi khả năng có thể của Hội truyền thống cựu chiến binh, có nghĩa là nặng về tình cảm, còn vật chất thì tương đối đơn giản, tiết kiệm.


8/2/1999, tức 23 Tết âm lịch, một tổ tiền trạm gồm Lê Toàn, Trần Duy Hợi và tôi đi Đoan Hùng chuẩn bị với địa phương, được các đồng chí lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ.


Đồng chí Đỗ Bá Tỵ - thường vụ tỉnh uỷ, chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Phú Thọ hứa sẽ đến tham dự lễ hội ở Hùng Quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Dương - Bí thư huyện uỷ Đoan Hùng trực tiếp chỉ thị cho cơ quan văn xã tổ chức thực hiện... Chiều tối 23 Tết, đồng chí Phùng Hoà, Nguyễn Chi Nguyên lãnh đạo xã Hùng Quan nhất thiết giữ chúng tôi lại uống chén rượu cúng tết ông Công, để lại một kỷ niệm không thể quên đã gắn bó anh em Thuỷ quân sông Lô với Hùng Quan quê hương.


Ra Tết, anh Lê Toàn, Lê Quang Loát và tôi còn về Bộ Tư lệnh Đặc công mời dự lễ hội, xin một tổ văn công và một tổ chiếu phim phục vụ lễ hội. Đồng chí Truyền vốn người Chi Đám - Đoan Hùng vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tới dự, coi như người quê hương sông Lô nặng nghĩa tình với Thuỷ quân sông Lô.


Song song với việc chuẩn bị lễ hội, chúng tôi cố gắng cho ra mắt tập san "50 năm thuỷ quân sông Lô" với các bài hồi ký, kể chuyện, đến sự kiện nhân chứng... khá phong phú.


Sang tháng 3/1999, chúng tôi triển khai tổ chức Lễ kỷ niêm 50 năm Thuỷ quân Sông Lô ở 3 địa điểm:


6/3/2000 tổ chức tại nhà Bảo tàng chiến thắng B52 phố Đội Cấn - Hà Nội gồm đại bộ phận anh chị em Thuỷ quân sông Lô khu vực Hà Nội khoảng 50 người và một vài chị quả phụ. Quảng Ninh có anh Trần Minh Thái về dự. Khách mời gồm:

Hải quân: đồng chí Đại tá Chử Minh Toa, đại diện cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, đồng chí đại diện cơ quan chính trị Quân chủng, đồng chí Đại tá Nguyễn Thế Trinh, Bùi Văn Thân - Ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội.

Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tham mưu: đồng chí Phan Phác - nguyên Tổng tham mưu phó những năm 50, đồng chí Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, đồng chí Thượng tá Nguyễn Thế Kính - Trưởng phòng Chính sách BTTM, Thượng tá Phạm Ngọc Chi - Phó phòng Tuyên huấn BTTM, Trung tướng Khuất Duy Tiến - UBTƯ Hội CCB Việt Nam, Trung tướng Lê Hai - Phó Chủ nhiệm TCCT, nguyên cán bộ Đại đội Ký con - thuỷ quân ngày đầu cách mạng cùng đồng chí Thiếu tướng Bùi Sinh, đồng chí Lê Phú nguyên đại đội trưởng Đại đội ký con.


Đồng chí Trung tướng Lê Hai đại diện Đại đội Ký Con nói lên ý nghĩa lịch sử những trận chiến đấu đánh chiếm tàu Craysắc và một số tàu khác của Pháp 9/1945, trận đổ bộ đảo Cô Tô 10/1945 của Đại đội Ký Con, đánh dấu bước chiến đấu có tính thuỷ quân ngày đầu cách mạng 1945, ý nghĩa lịch sử thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân 1949 vào thời điểm ta đang chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và sau đó 1955 thành lập Cục phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM