Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:51:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4210 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:28:02 am »

Thuỷ đội Sông Lô phụ trách vùng biển từ Móng Cái đến Cát Bà, thuỷ đội Bạch Đằng phụ trách vùng biển từ Cát Bà đến Ba Lạt. Tinh hình địch căng thẳng, bọn hải phỉ thường cướp bóc nhân dân, bọn phản động tổ chức cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam bằng đường biển. Quá trình hoạt động cũng có nhiều khó khăn gian khổ, tàu ta chạy chậm hơn thuyền buồm của bọn hải phỉ khi xuôi gió, xuôi nước, muốn tiếp cận được chúng cũng cần phải am hiểu ít nhiều về chiến thuật trên biển, tàu nhỏ sóng to có lúc sóng phủ kín cả con tàu... Ngày 25/9/1955 là một ngày đáng nhớ, một cơn bão lớn chưa từng thấy trong mấy chục năm qua với sóng gió cấp 10 đến 12 đổ bộ vào ven biển Hải Phòng, Thái Bình. Cán bộ và thuỷ thủ vật lộn với gió bão suốt ngày đêm, có tàu bị mắc cạn, cán bộ và thuỷ thủ phải ngâm mình suốt ngày đêm dưới nước để giữ cho tàu không bị lật, tàu của đồng chí Bùi Xuân Thê bị dạt lên trên bãi cạn cửa sông Văn Úc, cán bộ, chiến sĩ phải vận động nhân dân cùng nhau đào một con rạch để kéo tàu ra biển.    Năm 1957, khi Trường 45 mở khoá 2 đào tạo hai khung cán bộ để đi nhận hai đoàn tàu tuần tiễu ở Trung Quốc. Số anh em Thuỷ quân sông Lô cũ đang công tác ở hai thuỷ đội được điều động về trường học khoá 2 gồm các đồng chí Việt, Thê, Lan, Văn, Cần, về đến trường chúng tôi thấy hai bạn cũ ở Thuỷ quân Sông Lô nữa là Vũ Phi Hoàng và Đào Văn Kỳ. Số anh em thuỷ quân sông Lô được biên chế như sau: đồng chí Việt, Thê, Lan học nghiệp vụ trưởng súng pháo; đồng chí Hoàng và Văn học nghiệp vụ trưởng hàng hải; đồng chí Kỳ học nghiệp vụ trưởng thuỷ vũ; đồng chí Cần học cán bộ thuyền.


Qua chuyện trò tìm hiểu, tôi biết thêm hai đồng chí Hoàng và Tuần thuộc đội 71 Thuỷ quân Sông Lô được điều về tỉnh đội Quảng Ninh hoạt động du kích biển. Sau khi hiộp định Giơ-ne-vơ nãm 1954 được ký kết, hoà bình được lập lại trên miền Bắc, Tổng quân uỷ và Bộ Tổng Tham mưu có chủ trương xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Để có cơ quan giúp việc, Bộ thành lập “Ban chuyên trách vùng biển” nằm trong Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ điều động một số đồng chí trước đây ở đội 71 Thuỷ quân Sông Lô về công tác ở bộ phận này gồm các đồng chí Phan Tiền Đạo, Thanh Văn Minh, Đinh Văn Chí, Vũ Phi Hoàng, Trịnh Tuần, Phạm Vũ Quân, Nguyễn Xuân Quế; đồng chí Phan Tiền Đạo được phân công tạm thời làm trưởng ban, sau đó Bộ điều động đồng chí Nguyễn Bá Phát từ Quân khu 5 ra làm trưởng ban “Ban chuyên trách vùng biển”. Tính đến nay đã có 19 đồng chí Thuỷ quân Sông Lô trở về xây dựng Hải quân.


Học xong khoá 2 trường 45, sau khi đi thực tập ở Đoàn 130 tàu tuần tiễu, tôi được điều trờ lại trường làm giáo viên. Lúc này trường đã đổi tên thành Trường sỹ quan Hải quân, tôi cũng rất yên tâm với nhiệm vụ làm giáo viên, đứng về mặt “thăng quan tiến chức” có thể thua kém các đồng chí được điều về các đơn vị hoặc lên cơ quan Quân chủng, nhưng về mặt nâng cao trình độ kiến thức khoa học thì đây là môi trường phát triển tốt.


Về trường một thời gian, đồng chí Nguyễn Văn Khương được trên bổ nhiệm làm hiệu phó. Đồng chí Khương trước đây là Trưởng ban nghiên cứu Thuỷ quân Sông Lô, là một đồng chí có trình độ giỏi về bộ môn hàng hải lúc bấy giờ. Tuy ở vị trí công tác khác nhau, đồng chí Khương là hiệu phó, tôi là giáo viên, nhưng trước đây chúng tôi cùng ở thuỷ quân Sông Lô cho nên ngoài giờ làm việc, tôi lại lên thăm đồng chí Khương, hai anh em lại nói với nhau những chuyện hồi ở ngã ba Sông Lô - Sông Chảy, tôi cũng kể cho đồng chí Khương biết: tính cho đến nay đã có 20 đồng chí từ Thuỷ quân Sông Lô trở về xây dựng Hải quân, tôi điểm lại từng người cho đồng chí Khương nghe và đồng chí cũng bổ sung thêm 3 đồng chí về các đơn vị phòng thủ, đó là các đồng chí Hà Vãn Ngữ, Nguyễn Trịnh Cược và Bùi Duy Bình - cả ba đồng chí cùng ở tiểu đoàn 470. Như vậy, tổng số có 23 đồng chí về xây dựng Hải quân.


Tròn 37 năm về công tác ở Quân chủng Hải quân, tôi đã 4 lần ở cơ quan và trường học, một lần đi học tại Học viện Hải quân Nam Kinh (Trung Quốc), 3 lần về các đơn vị đã tham gia thực tế chiến đấu đánh máy bay, đánh tàu biệt kích và rà phá tháo gỡ thuỷ lôi Mỹ, đã đảm nhiệm các cương vị như: Trưởng khoa giáo viên của Trường sĩ quan Hải quân, cán bộ nghiên cứu biên soạn của Phòng Khoa học quân sự Hải quân; trưởng phòng Quân sự địa phương Hải quân. Đến cuối năm 1992, tôi được nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và là người về hưu cuối cùng trong số anh em Thuỷ quân sông Lô trở về với Hải quân. Sau khi nghỉ hưu từ năm 1995 đến năm 1997, Ban tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng lại yêu cầu tôi tham gia và làm chủ biên để tài “Phát huy vai trò dân quân tự vệ biển trong chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển” - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản tháng 9/1997 số 53/870 CXB, là một để tài được xếp vào loại xuất sắc và bản thân tôi được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, ngoài ra tôi còn làm chủ biên cuốn “Lịch sử Phòng quân sự địa phương Hải quân” được Bộ Tư lệnh tặng Bằng khen.


Những năm tháng trở về xây dựng Hải quân, tôi đã được giáo dục và rèn luyện cộng vói sự nỗ lực của bản thân tự mình phấn đấu nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và khoa học quân sự để theo kịp đà phát triển của một Quân chủng kỹ thuật tiến lên chính quy và từng bước hiện đại. Một yếu tố mà làm cho tôi có một sự bền bỉ, kiên trì để nâng cao năng lực trình độ về mọi mặt đó là chỗ dựa về tinh thần của 23 anh em từ Thuỷ quân sông Lô trở về xây dựng Hải quân.


Theo suy nghĩ của tôi, 23 anh em trong quá trình trở về xây dựng Hải quân đều đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là “những viên gạch đầu tiên” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn. Số cán bộ đó trên mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu và nghiên cứu khoa học đều đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên giao, một số đã trở thành cán bộ chủ chốt của các đơn vị và cơ quan như đồng chí Khương là hiệu phó Trường sĩ quan Hải quân, đồng chí Phương là hiộu trưởng Trường 45, một số đồng chí là trưởng khoa giáo viên như đồng chí Việt, đồng chí Lương, một số khi được phân công về các đơn vị đã trở thành những cán bộ chỉ huy đưa đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ như đồng chí Đạo là Chỉ huy trưởng Khu tuần phòng 2 và nhiều năm giữ chức Trưởng phòng quân sự địa phương Hải quân; đồng chí Trịnh Tuần là Chính uỷ Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân và sau này là Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, đồng chí Giám là Phó chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Hải quân, đồng chí Ngô Thế Lãng là trưởng phòng văn hoá Hải quân, đồng chí Cần là phân đội phó tàu tuần tiễu đã đánh chìm tàu biệt kích địch, đồng chí Kỳ đã cùng tổ công tác của Đại đội 8 công binh Hải quân mò lặn trên sông Mã trục vớt được 5 quả thuỷ lôi MK-52 đem về Bộ Tư lệnh Hải quân giúp cho việc nghiên cứu khoa học, đồng chí Hoàng khi được biệt phái sang Ban Biên giới Chính phủ phụ trách về tuyến biển đã tự phấn đấu nghiên cứu học hỏi và được phong hàm giáo sư.


Tự hào biết mấy, 23 anh em cùng có chung một niềm vui từ Thuỷ quân Sông Lô trở về xây dựng Hải quân đã phấn đấu trưởng thành về mọi mặt để không bị tụt hậu với đà phát triển chung của Hải quân, đã tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp một phần nhỏ tô thêm truyền thống anh hùng của Hải quân với danh hiệu 16 chữ vàng “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng".


NKV
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:30:08 am »

TRỞ LẠI TRẠM GIANG


Đại tá Vũ Phi Hoàng
Giáo sư - Giám đốc cơ quạn Thuỷ đạc - Bộ Quốc phòng


Sau này trong công tác tôi đã có dịp quay về Trạm Giang, vùng ven biển tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, nơi Đội thuỷ quân 71 năm 1950-1951 đã sang huấn luyện học tập kinh nghiệm đổ bộ chiếm đảo Hải Nam năm 1949 của giải phóng quân Trung Quốc.


Vào năm 1968, tôi được cử tham gia một đoàn cán bộ sang Trung Quốc nghiên cứu những cảng nội địa của bạn nằm dọc theo bờ biển từ Trạm Giang qua eo biển Quỳnh Châu đến Vịnh Hạ Long, chuẩn bị cho các tàu nhỏ vài ba trăm tấn của Việt Nam ra và làm nhiệm vụ chuyển tải hàng hoá từ các tàu lớn của các nước chở hàng đến Việt Nam trong trường hợp các cảng Hải Phòng, Hòn Gai bị phong toả không vào được.


Đoàn gồm có gần hai chục người phần lớn là các thuyền trưởng của Cục vận tải biển, của Hải quân và Bộ đội biên phòng do một hoa tiêu lão luyện của Cục vận tải biển làm trưởng đoàn và tôi làm phó trưởng đoàn.


Đoàn đi hoàn toàn bí mật, mang hộ chiếu, thuyền viên của Việt Nam, đi trên một chiếc tàu nhỏ của Cục vận tải biển như một chiếc tàu chở hàng bình thường len lỏi trong Vịnh Hạ Long để đến bảy giờ tối, tới điểm hẹn ở phía Đông đảo Trà Cổ gặp tàu của bạn đến đón và đi theo về cảng Bắc Hải, Trung Quốc.


Từ cảng Bắc Hải đi bằng ô tô về thành phố Quảng Châu, tôi nhớ đến lần từ Ái Khẩu đi về Long Châu cách đây gần 20 năm hành quân trên những chiếc xe tải sau bao nhiêu "ngày nghỉ đêm đi" bằng chân, nay được cơ giới hoá, thú vị quá. Quân ta được phát toàn quần áo sĩ quan "quốc dân Đảng", áo 4 túi, quần đi ngựa phồng ra ở hai bên hông mà bạn mới lấy từ kho quân trang thu được của địch. Ăn mặc vào anh nào cũng cảm thấy oai lắm. Dọc đường đi, dân tình còn nghèo nàn. Để giữ bí mật, ai hỏi cũng trả lời là dân tộc Lầy (một dân tộc thiểu số ở đảo Hải Nam, Trung Quốc).


Ngày nay, chúng tôi đi trên những chiếc xe du lịch sang trọng, ăn mặc quần áo lịch sự như những khách tham quan, đến noi nào nghỉ cũng vào những khách sạn tiện nghi đầy đủ, thật là cách nhau một trời một vực.


Đến Quảng Châu, Cục vận tải biển Hoa Nam tổ chức đón tiếp chu đáo và được đưa xuống chiếc tàu "Hồng Kỳ 10" - một chiếc tàu chở khách 300-400 giường trang bị sang trọng mà chỉ có chúng tôi, ngần ấy cán bộ của bạn và một số người phục vụ.


Trên đường về, khi tàu vào cảng Trạm Giang, đi qua đảo Nào Cháu, đảo Đông Hải, chúng tôi lấy hải đồ ra cố gắng đối chiếu với thực địa để tìm ra hòn đảo Điều Thuận mà chúng tôi đã ở, học tập và gửi lại hai đồng đội nằm lại năm 1951. Nhưng không thể nhận ra được vì trên đảo Nào Cháu đã xây hai chiếc đèn biển, tầm nhìn xa 20 hải lý để hướng dẫn tàu ra vào ban đêm. Trên đảo Đông Hải có xây một chiếc cầu tàu dài, có nhiều tàu to nhỏ cập bến, trên bờ nhà cửa mái đỏ san sát nhau có vẻ như một trung tâm công nghiệp mới. Ở đảo Điều Thuận, nơi ngày trước là đại bản doanh của đoàn thuyền chúng tôi thực tập, bây giờ hình như là một điểm du lịch.


Tôi bỗng nhớ đến một buổi chiều cuối năm 1950, cái chiều định mệnh ấy, đoàn thuyền của chúng tôi cũng đi trên luồng sông này sau buổi học tập trên biển quay trở về bến đậu. Trời trong xanh, nắng dịu, gió thổi vừa phải. Trên chiếc thuyền "Ơ hao", một chiếc thuyền lớn thứ hai trong đội, có đồng chí Vương - dinh trưởng, đồng chí nữ phiên dịch Vương Minh đang ngồi trên mặt boong tán chuyện. Thuyền chạy dọc ngược theo chiều gió nên phải đi vát. Khi xông lèo, cánh buồm rối dây lèo, kẹt cứng lại, gió thổi ngang mạn thuyền. Con thuyền to chở nhẹ, hai cánh buồm lớn dựng gió nhiều nên con thuyền từ từ đổ nghiêng ra. Anh em trên thuyền cũng rất bình tĩnh, thuyền đổ nghiêng đến đâu thì cứ bò dần theo mạn thuyền đến đó, nói thì lâu nhưng sự việc xảy ra rất nhanh. Khi con thuyền nằm úp lật hẳn xuống thì mọi người đã ngồi trên mặt đáy con thuyền úp xuống. Số là con thuyền vốn to, nhưng các nắp cửa khoang lại hẹp, khi úp sấp xuống, nước không kịp chảy vào khoang, cứ nổi trên mặt nước như một cái phao lớn. Tôi còn nhớ đồng chí Đinh Văn Chí tức "Chí Phèo", lúc đó đang học tiếng Trung Quốc với cô phiên dịch Vương Minh, một tay cầm cuốn sổ, một tay cầm bút, khi thuyền đắm, bò lến đến "đáy" thuyền, vẫn còn nguyên cây bút và cuốn sổ như là trong rạp xiếc. Phần lớn đồng chí quần áo còn khô nguyên không hề bị ướt, không một ai bị rơi xuống nước.


Sau khi kiểm tra lại thấy thiếu 2 đồng chí Nam Hải và Bùi Đình Nguyên. Mọi người mới ớ ra vì hai đồng chí này vốn là người dân chài ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, bơi lội vào loại giỏi trong đội. Bạn liền tổ chức cử người đi tìm, sau mới thấy một đồng chí nằm kẹt trong khoang, một đồng chí khi chiếc buồm lật cánh, kẹt lại thì thanh ngang của cánh buồm đập vào ngang trán nên đã ngất đi.


Hai đồng chí đã nằm lại trên hòn đảo lối vào của Cảng Trạm Giang. Hôm nay có dịp đi ngang qua mà không sao ghé thăm được, lòng tôi thấy buồn vô hạn.


Sau chuyến đi nghiên cứu kết thúc, số anh em Hải quân được cử đi làm hoa tiêu cho các tàu quân sự của Trung Quốc sang Việt Nam xây dựng các công trình phòng thủ trong quần đảo Hạ Long. Công việc được tiến hành hoàn toàn về ban đêm, bí mật, người ngoài không một ai hay biết. Các cửa miệng hầm đều được nguỵ trang cẩn thận, đất đá đào lên được đưa ra khơi xa để đổ, bí mật đến nỗi nhân dân làm ăn trong vùng đi lại hàng ngày cũng không nhận ra sự khác biệt trước và sau khi thi công các công trình này.


Các đồng chí hoa tiêu của Hải quân đã hoàn thành rất tốt công việc của mình, được bạn biểu dương khen ngợi vì khả năng dẫn đường trong các luồng thuỷ hẹp của Vịnh; đi đêm, tàu chạy với tốc độ cao, không đèn đóm, không phao tiêu nhưng không bao giờ bị va vấp mắc cạn. Ban đêm trong vùng núi đá dày đặc trông xa như một bức tường thành liền nhau. Thuyền trưởng tàu bạn đứng trên đài chỉ huy rất lo ngại, có lúc phải đề nghị giảm tốc độ, nhưng các đồng chí ta vẫn trấn tĩnh "không ngại, đến gần núi đá sẽ mở đường ra cho ta đi thôi". Trước thực tế đó, các thuyền trưởng tàu bạn đã yên tâm tin tưởng và hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã định.


Chuyến đi Trạm Giang đầu tiên và chuyến đi Trạm Giang gần 20 năm sau đã để lại trong lòng tôi biết bao nhiêu nỗi nhớ nhung luyến tiếc.


V.P.H
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:35:01 am »

BUỔI GẶP MẶT KHÔNG HÔ NGHIÊM NGHỈ


Đại tá Đỗ Sâm
Nguyên Trưởng Ban huấn luyện nhà trường- Bộ Tư lệnh Pháo binh


Hà Nội đầu xuân Quý Dậu (1993), một số anh chị em lính thuỷ sông Lô đã gặp lại nhau sau hơn bốn mươi năm xa cách. Buổi họp mặt ngắn ngủi nhưng sâu đậm tình nghĩa và để lại nhiều ấn tượng đẹp.    Anh Lê Trường Đa từ quê hương Đà Nẵng ra, người đại đội trưởng thuỷ quân năm xưa gặp lại những học viên thân thiết cũ, xúc động đọc bài thơ vừa sáng tác "Buổi gặp mặt không hô nghiêm nghỉ - Với tình yêu gắn bó suốt cuộc đời".


Với những lời tâm sự của anh Nguyễn Việt, chính trị viên đầu tiên của Ban nghiên cứu thuỷ quân năm xưa, anh kể lại những ngày thuỷ quân sông Lô, sông Chảy, cho đến những ngày tập luyện ở vùng biển Điều Thuận (Tsékham) - Trung Quốc. Bắt chặt tay các anh Minh, Thông, Hương... những cán bộ, giáo viên của nhà trường đã dìu dắt anh em trở thành những người lính thuỷ, tuy mới chỉ là lính thuỷ trên sông thủơ ấy, anh em kể lại một cách say sưa những mẩu chuyện về những bài học neo nút, chèo thuyền... đầu tiên.


Người phụ nữ duy nhất của buổi gặp mặt, chị Liên, nhân viên văn thư của Ban nghiên cứu, cùng anh em ôn lại những buổi lửa trại văn nghệ sau những ngày luyện tập trên sông nước ở Phú Thọ, Tuyên Quang...


Những người ít tuổi nhất có mặt hôm ấy, những chàng trai học viên thuỷ quân: Sơn, Đạt, Sâm, Tiếp, Hoàng, Quân, Trần, Thành, Quát, Thự, Năng... còn măng sữa năm xưa, nay nhiều người đã là ông nội, ông ngoại.


Tuy thời gian không nhiều, họ cũng dành thì giờ để nhắc lại những kỷ niệm trên bốn mươi năm trước đây, tâm sự với nhau về những ngày rời các trường trung học Kháng chiến, Ngô Sĩ Liên, Hùng Vương, Nguyễn Thượng Hiền, Hàn Thuyên, Huỳnh Thúc Kháng, rcri vùng biển Quảng Ninh đến tập trung ở lớp thuỷ quân Đoan Hùng. Họ kể lại những kỷ niệm từ những ngày đi sông ở Phú Thọ, Tuyên Quang đến những ngày đi biển ở Điều Thuận - Trung Quốc, từ những ngày chiến đấu ở vùng biển Quảng Ninh đến ngày khói lửa Điện Biên, những ngày ở chiến trường Khu 4, Quảng Trị, Thừa Thiên, Liên khu 4, Tây Nguyên, Nam Bộ.... Những ngày đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển của Tổ quốc, những ngày hoạt động quản lý tù binh Pháp, Mỹ, những ngày bị Pháp bắt đày ra đảo Phú Quốc, Cồn Đảo, Xê nô, Savanakhet... Họ nhắc đến những anh chị em còn chưa biết địa chỉ như các anh Khương, Phương, Thuần, Lê Ngọc Quang, Trác Vinh Nam, Trần Trọng Trung, Thăng, Kim, Cảnh, Thái, Triết, Cánh, Ba/ Hợi, Cần, Lương, Thọ, Cược, Hậu, Sa, Luyến, Mãn, Hanh, chị Thùa, chị Ngọc... Họ bùi ngùi thương tiếc các anh đã mất: Quế, Ngọc, Hùng, Kỳ, Hiệu, Âu, Nguyên, N.Hải, Tiên, Vân, Chí, Vỹ, Phượng, Mai, Khá...


Cuối buổi họp, khi Đỗ Sâm giói thiệu và đọc một số trang nhật ký ghi lại những ngày đầu ở thuỷ quân (1/1950) và ghi lại giờ phút tạm biệt, lúc anh chị em chia tay đi các đơn vị nhận nhiệm vụ mới (22/5/1951) đã xúc động cất cao giọng hật lại đoạn cuối bài "Ra đi" - một bài hát quen thuộc mà trước đây các anh chị em học viên Thuỷ quân các khoá 1, khoá 2 thường hát và đã trở thành bài hát chia tay lúc anh em lên đường:

   "Cho đến hôm nay mùa xuân mới
   Lìa rừng tung cánh ruổi muôn phương"
   Đến đây, dường như được sống lại cái không khí xúc động ra đi của ngày xưa ấy, tất cả các anh chị em trong cuộc họp đã cùng hòa nhịp hát vang theo: 
   "Họ đi trừ hết quân xâm lấn
   Họ đi xây đắp lại non sông"

Tiếng hát năng tình sâu đậm ôn lại một thời trai trẻ vang xa như một giàn đồng ca - dàn đồng ca của những người "Lính thuỷ cụ Hổ" - đã từng gắn bó mật thiết với nhau trên rừng, trên sông, trên biển năm xưa sẽ còn mãi mãi tồn tại gắn bó với nhau, với sông, với biển, với quê hương, đất nước.


Hà Nội, Xuân Quý Dậu
ĐS
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:36:38 am »

CHẲNG NGỜ


Lê Trường Đa
Nguyên Bí thư Đảng uỷ - Chính trị viên Xưởng 46 -
Cục Phòng thủ bờ bể - Bộ Tổng Tham mưu
Người đại đội trưởng năm xưa, nay đã 69 tuổi
Tặng các anh lớp Thuỷ quân sông Lô


   Thật chẳng ngờ tôi lại gặp may,
   Gọi trúng mánh, gì gì... cũng được,
   Nói triệu phú, khẳm tiền... đều xong hết,
   Duy một điều tôi chấp nhận chẳng xong:
   Đã lâu rồi, hồi tôi còn sung sức
   Tiếp một đoàn trai trẻ hơn tôi,
   Trạc tuổi đời mười chúi đôi mươi
   Cường tráng, đẹp trai,... đều đủ cả
   Họ tòng quân với gương mặt yêu đời
   Vang tiếng hát sau những giờ luyện tập,
   Ăn cơm muối vẫn ngon như bánh ngọt
   Lên giảng đường, nếp đại học văn phong
   Và chẳng ngờ sau cuộc đời người lính
   Tôi mãi mang theo hình ảnh khoá này,
   Sau bốn ba năm, biết bao hoài niệm
   Hạnh ngộ nào, gặp lại các anh đây?
   Buổi gặp gỡ không hô: Nghiêm! Nghỉ!
   Đón từng người lẳng lặng ôm hôn,
   Cùng giấu nhau những dòng nước mắt
   Cố ghìm đi, không bật tiếng khóc oà!
   Rồi vào họp, nói gì tôi chẳng nhớ
   Cứ ngắm nhìn những người lính của tôi
   Khao khát quá, tôi muốn ôm ghì tất cả
   Những nụ hôn cứ tồn đọng trong lòng
   Cũng chẳng ngờ, tôi chấp nhận chẳng xong
   Cả triệu phú, khẳm tiền, đều thua hết,
   Buổi gặp gỡ trào dâng bao kỷ niệm
   Với tình yêu gắn bó suốt cuộc đời.


Hà Nội, Xuân Quý Dậu
LTĐ
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:38:59 am »

ANH LÍNH THỦY SÔNG LÔ VỀ VỚI CỘI NGUỒN


Đại tá Trần Duy Thành
Nguyên biên tập viên - Nhà xuất bản Quân đội


Sáng 8/3/1994, hai chiếc xe ca của Bộ Tư lệnh Hải quân xuất phát từ Trạm 66 Cửa Bắc (Hà Nội) đưa đoàn cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô trở về bến Giàn huyện Đoan Hùng tỉnh Vĩnh Phú, nơi cách đây 45 năm (ngày 8/3/1949) là căn cứ thành lập Ban nghiên cứu thuỷ quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu.


Anh chị em những người lính thuỷ sông Lô năm xưa, từ Đà Nẵng ra, từ Hải Phòng - Thuỷ Nguyên lên và số đông ở Hà Nội tới, hoà nhập với những anh em Vĩnh Phú, gặp nhau tay bắt mặt mừng, tuy mái đầu đã bạc, tuổi đều quãng 60 - 70, một số đã xấp xỉ 80, nhưng tất thảy đều xúc động hân hoan khôn xiết như mới ngày nào cách đây trên 40 năm còn là những chàng trai, cô gái vô tư, hăng say tình nguyện vào Thuỷ quân đi giết giặc cứu nước.


Trời lất phất mưa bụi chuyển dần sang ấm, khô ráo khi đoàn xe tiến về vùng trung du lúp xúp đồi cọ nương chè. Đi cùng đoàn trên năm mươi cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô còn có hai anh Đào Văn Trường, Phan Phác tuổi đều đã trên 80, nguyên Tổng tham mưu phó, được Bộ lần lượt phân công thay nhau phụ trách Ban nghiên cứu và trường thuỷ quân vào những năm 49-51. Hai anh không quản ngại đường xa sức yếu, đã hoà mình cùng anh em phấn khởi hành quân. Đại diện một số cơ quan hữu quan có: đồng chí Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng - Viện lịch sử quân sự, đồng chí Thượng tá Đỗ Xuân Quế - Viện Bảo tàng quân đội. Các anh đều phấn khởi chia xẻ niềm vui cùng hành quân với anh em.


Sau gần 6 giờ xe chạy, đoàn đến đầu cầu Đoan Hùng thì dừng lại. Tại đây đã có đồng chí Hội trưởng cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phú, các đồng chí phó chủ tịch UBND và chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đoan Hùng chờ đón để hướng dẫn đoàn ngược theo tả ngạn sông Chảy vào phố Giàn, có cả lực lượng công an với các thiết bị thông tin bộ đàm đi hộ tống, thể hiện sự trọng thị của địa phương dành cho đoàn, khiến cho anh chị em rất xúc động.


Đến phố Giàn, lại thêm một bất ngờ mới đối với Đoàn, một quang cảnh tưng bừng náo nhiệt của đông đảo nhân dân thị xã trong các bộ quần áo đủ màu sắc, với băng cờ biểu ngữ đỏ thắm, trong tiếng trống rộn ràng của các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ xếp hàng chỉnh tề dọc hai bên đường vào hội trường vỗ tay hoan nghênh chào đón Đoàn.


Đoàn cựu chiến binh lính thuỷ sông Lô thực sự xúc động trước tấm lòng nồng nhiệt đón tiếp cùa đồng bào địa phương, nhất là lúc này đã 11 giờ trưa, xe của Đoàn đã đến chậm cả tiếng đồng hồ rồi mà không rõ các cụ, các cô bác, các anh chị và các cháu thanh thiếu nhi đã túc trực ở đây tự bao lâu rồi? Ôi, tình cảm quân dân thật là sâu nặng, thắm thiết biết bao!


Anh chị em trở về căn cứ xưa, nơi đã từng sống những năm tháng kháng chiến nhiều khó khăn gian khổ, với sự đùm bọc yêu thương của nhân dân địa phương đã chia xẻ từng củ khoai, lát sắn, dành từng gian nhà, góc vườn cho đơn vị trú quân, luyện tập và nay vẫn tình cảm xưa, càng nồng thắm sâu đậm hơn, khiến anh chị em cảm thấy mình như những đứa con đi xa lâu ngày nay được trở về ấm áp trong tình thương yêu của quê hương làng xóm, bà con thân thích. Trong và ngoài hội trường đông nghịt người, những bó hoa tươi thắm được các cháu thiếu nhi hân hoan ríu rít trao tặng đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh và Đoàn cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô mà đại điện là hai đồng chí cao tuổi nhất nguyên là Tổng tham mưu phó. Các hàng ghế trong hội trường đầy ắp người, xen kẽ giữa các anh chị em thuỷ quân sông Lô là đại diộn của nhân dân hai xã Hùng Quan và Nghinh Xuyên. Còn nhiều đồng bào phải đúng tràn ra cả hai bên hành lang và cửa ra vào. Trên lễ đài, đoàn chủ tịch cuộc mít tinh gồm có:

- Đồng chí Nguyễn Kim Chân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú.    
- Đồng chí Nguyễn Hiền - Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phú.
- Đồng chí Chủ tịch HĐND và đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng.
- Các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND cả hai xã sở tại.
- Cùng đồng chí Nguyễn Việt, Trưởng ban liên lạc Đoàn cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô.


Khẩu hiệu "Hoan nghênh các cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô về thăm căn cứ địa phố Giàn" trên nền biểu ngữ đỏ rực căng suốt chính diện hội trường đã nói lên tính chất trọng thị và ý nghĩa sâu sắc của cuộc mít tinh. Lời khai mạc của "chủ" và lời đáp của "khách" chứa đựng ân tình, thuỷ chung, giàu tinh thần cách mạng và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, xuất phát từ tận đáy lòng, từ tình cảm quân dân sâu đậm, lắng đọng từ hơn bốn chục năm, nay mới được dịp bày tỏ.


Tiếp sau là cuộc trao tặng phẩm của đôi bên: Đoàn cựu chiến binh Lính thuỷ sông Lô tặng tỉnh, huyện và xã những bức trướng thêu mang dòng chữ "Quân với dân một ý chí", kèm theo quà tặng cho các cháu học sinh hai xã. Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng địa phương tấm ảnh Bác Hồ mang sắc phục Hải quân lồng trong khung kính mạ vàng - hình ảnh quý báu ghi lại ngày Bác đến thăm Quân chủng lần đầu tiên đánh dấu thành tích lập công xuất sắc của Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lãnh đạo địa phương tặng đoàn cựu chiến binh Lính thuỷ sông Lô những món quà đặc sản của quê hương như: chè ướp sen Đoan Hùng, bưởi vàng Chí Đám vốn nổi tiếng xưa nay.


Xen kẽ các cuộc trao tặng phẩm là các tiết mục liên hoan văn nghệ của thanh thiếu nhi xã với nội dung khá phong phú. Một tốp anh chị em Lính thuỷ sông Lô cũng tham gia hát vang bài "Có một đoàn trai từ vạn nẻo về đây" và bài "Sông Lô", các bài hát mà cách đây hơn 40 năm tại căn cứ này họ đã từng cất cao tiếng hát hàng ngày, để nhớ lại một thời trai trẻ vô tư tự hào và đầy nhiệt tình yêu nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Cuộc gặp mặt kéo dài như chẳng muốn dứt, vì tình cảm quân dân còn chứa chan lưu luyến. Song cuộc hành hương còn phải thực hiện các bước tiếp theo đã đề ra trong kế hoạch. Đoàn ra thăm và chụp ảnh cùng nhân dân địa phương tại nơi bến bãi, căn cứ bến đậu của Thuỷ quân sông Lô năm xưa. Xa xa, hình ảnh người dân chèo thuyền bằng đôi chân điêu luyện dưới lòng sông xanh bát ngát, đôi bờ "xanh um bóng tre" gọi nhớ đến lời hát hào hùng của bài "Trường ca sông Lô" của nhạc sĩ Văn Cao, nay trong khung cảnh hoà bình của đất nước lại càng tô đậm thêm đặc trưng thanh bình và thơ mộng của một vùng sông nước trung du của Việt Bắc. Tiếp đó, Đoàn đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm bên tượng đài "Chiến thắng sông Lô" để lưu lại dấu ấn của một trang sử chói lọi chiến công của căn cứ địa kháng chiến Thu Đông 1947, nơi đây cuộc hành quân của giặc Pháp với âm mưu tiêu diệt đầu não của kháng chiến do Bác Hồ lãnh đạo đã hoàn toàn thất bại.


Bữa cơm trưa do UBND huyện Đoan Hùng chiêu đãi đã phải lùi chậm lại, mãi tận 2 giờ chiều, nhưng dường như cả chủ lẫn khách đều quên cả đói mệt, bởi trong lòng mọi người còn tràn đầy những xúc cảm sâu nặng của nghĩa tình.


Chia tay với địa phương Đoan Hùng, Đoàn cựu chiến binh thuỷ quân sông Lô được lãnh đạo tỉnh mời về thăm di tích đền Hùng, nơi mà nhiều anh chị em Lính thuỷ sông Lô đã từng mơ ước và cũng là lần đầu tiên được về thăm quê hương đất tổ của dân tộc. Bảo tàng Hùng Vương với nét kiến trúc độc đáo tượng trưng cho trời tròn đất vuông giao hoà nhau, đồng thời thể hiện được sự tích bánh dầy, bánh chưng do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế, mới được khánh thành. Nội dung trưng bày phong phú của bảo tàng đã đưa các cựu chiến binh sông Lô hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, ai nấy rất xúc động trước hình ảnh Bác Hồ về thăm đền Hùng với lời dạy sâu sắc: "Các Vua Hùng đã có công diữig nước, Bác cháu ta phải gắng công giữ lấy nước". 


Phố Giàn - Đoan Hùng - Đền Hùng - Vĩnh Phú mãi mãi là những địa danh đậm tình nặng nghĩa. Đoàn xe trở về Hà Nội khi hoàng hôn xuống dần, cảnh vật bên ngoài ưở nên tĩnh lặng, song âm vang của núi sông, của đất nước và con người trung du còn đọng mãi sâu lắng trong lòng của mỗi người cựu chiến binh lính thuỷ sông Lô theo nhịp lắc lư ghập ghềnh của bánh xe ca về xuôi. Dù đất trung du có xa dần, nhưng mọi người vẫn thầm mong rồi đây sẽ có ngày trở lại.


Tháng 3/1994
T.D.T
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:42:10 am »

HÀNH HƯƠNG VỀ THĂM MẸ
(Kính tặng Mẹ, tặng quê hương Đoan Hùng)


Đại tá Nguyễn Xuân Triết
Thành viên Hải Phòng trong đoàn Thuỷ quân sông Lô
về thăm quê Mẹ Đoan Hùng nhân ngày kỷ niệm 45 năm thành lập
Ban NCTQ 8/3/1994)


   Bốn mươi nhăm năm, con mới về thăm mẹ,
   Mẹ đã đi rồi! Con cháu mẹ còn đông
   Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng,
   Dẫu rằng xa cách, mang trong tim này
   Trở về thăm mẹ hôm nay,
   Mà như sống lại những ngày năm xưa
   Nhọc nhằn trăm nắng ngàn mưa,
   Mẹ lo cho lũ con xa đủ đầy
   Chiếu gường, nhà cửa mẹ đây
   Bưởi kia, sắn nọ, chè này cho con
   Sông Lô, nhớ cội nhớ nguồn
   Đoan Hùng vẫn nhớ mái trường thuỷ quân.
   Chờ mong đôi mắt mỏi mòn
   Về bên mẹ vẫn tưởng còn trong mơ
   Tình quê nhớ mãi bây giờ,
   Trong vòng tay mẹ, tuổi thơ lại về
   Đàn con xa mẹ, xa quê,
   Mối tình mẫu tử, sức gì cản ngăn?
   Mẹ ơi! Xin mẹ yên tâm,
   Con đi, nhớ mẹ vẫn mong ngày về.


NXT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 01:58:36 pm »

KHÚC TÂM TÌNH NGƯỜI LÍNH THỦY SÔNG LÔ


Lê Văn Bằng

   Trở về đất Tổ Hùng Vương
   Sông Lô vẫn đó vẫn vang nghĩa tình
   Về đây mình lại gặp mình
   Dòng sông bạn của thuỷ binh ngày nào
   Sóng cồn lòng vẫn nôn nao
   Dấu chân vệ quốc thuở nào còn không?
   Hôm nay trở lại bến sông
   Ai còn, ai mất chạnh lòng nhớ thương
   Bồi hồi xao xuyến tơ vương
   Bao năm chiến đấu chặng đường trường chinh
   Bạn ơi! Tất cả chúng mình
   Gặp nhau lòng nặng nghĩa tình thương yêu
   Sông Lô khổ luyện sớm chiều
   Ngày đầu thành lập bao nhiêu ngỡ ngàng
   Bến Giàn một thuở dọc ngang
   Đoàn quân vệ quốc sẵn sàng hy sinh
   Đến nay lớn mạnh trưởng thành
   Tàu to, súng lớn tuần canh biển trời
   Trở về hoài niệm xa xôi
   Lòng người lính thuỷ sáng ngời như gương
   Về hưu cuộc sống đời thường
   Sớm hôm sưởi ấm tình thương xóm làng
   Nhớ ngày giặc Mỹ leo thang
   Chiến hạm Ma đốc ngang nhiên cắn càn
   Quân dân đoàn kết xóm làng
   Đồng tâm, hiệp lực đánh tan giăc thù
   Tháng ba, mồng tám, êm ru
   Sông Lô soi bóng người xưa trở về
   Gặp nhau lại tưởng như mê
   Bao năm xa cách lại về bên nhau
   Mắt mờ, má hóp, trán chau
   Gửi lời thăm hỏi đôi câu tâm tình
   Một đời chẳng quản hy sinh
   Về hưu vẫn giữ trọn tình trước sau
   Gặp nhau dù ngắn, hay lâu
   Nghĩa tình đồng đội trước sau cội nguồn
   Tôi về vẫn nhớ bạn luôn
   Một thời để nhớ vui buồn có nhau
   Sông Lô lờ lững nông sâu
   Ngàn năm nhớ mối tình đầu khó phai.


Ngày 18 tháng 10 năm 1997
LVB
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 01:59:15 pm »

BỐ TRỞ VỀ


Kính tặng Bác cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô
Nguyễn Thanh Bình
Bí thư huyện đoàn Thanh niên - Đoan Hùng


   Bố trở về, chúng con đã lớn lên
   Bốn mươi năm chiến trường khói lửa
   Đã bao lần chỉ qua nhà ít bữa
   Trọn niềm vui "Mẹ có Bố thật rồi"
   Bố trở về chỉ có thế này thôi
   Chiếc ba lô mang cả đời quân ngũ
   Cả tấm ảnh Mẹ con thời thiếu nữ
   Tập thư nhà nét chữ nhạt vì sương
   Bố trở về với cuộc sống đời thường
   Nhìn "cơ nghiệp" còn bộn bề công việc
   Cuộc sống mới vẫn phải còn bước tiếp
   Gian khổ nhiều, chưa được nghỉ ngơi
   Nhớ khi xưa "thắng giặc, thắng trời"
   Miếng cơm xẻ đôi, chăn sui chia nửa
   "Đầu súng trăng treo", tâm hồn tươi trẻ
   "Lính Cụ Hồ" dân nhớ, dân thương
   Bố chưa quen với "cơ chế thị trường"
   Đời binh nghiệp chỉ quen súng đạn
   Làm kinh tế khó như là "vượt cạn"
   "Giặc đói nghèo" khó hơn "giặc xâm lăng"
   Nhìn cháu nghèo vẫn tới lớp tung tăng
   Bố gửi cháu món quà bé nhỏ
   Bà hàng xóm bên nhà quá khổ
   Gạo trong nhà bố gửi giúp đôi cân
   Bố trở về với mảnh đất quê hương
   Lại tảo tần với cuộc sống đời thường
   Lại lo toan sớm chiều vất vả
   Vững tay chèo sóng cả chẳng ngả nghiêng.
   Anh "lính Cụ Hồ", tiếng gọi thiêng liêng
   Người lính ở đâu, dân tin dân nhớ
   Hết giặc trở về, "trọn tình chồng vợ"
   "Trọn đạo", "trọn đời", khúc hát ngàn năm.


TB
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:00:01 pm »

MÀU ÁO LÍNH


Trung tá Trần Minh Thái
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh


   Sắc xanh nghiêng xuống rừng biên giới
   Sương đọng trên vai áo Bác Hồ
   Ba thời đánh giặc, tôi bên súng
   Mang áo xanh và tên Bác cho
   Xanh theo hương cốm thơm mùa cưới
   Xanh mát cây đa rợp bến đò
   Ai cài mái tóc nhành thiên lý
   Xanh ngả vai người phút tiễn đưa
   Xanh chẳng dành riêng cho chiến trận
   Là dây diệp lục của tâm hồn
   Xanh từ đồng lúa qua trang sử
   Áo Bác Hồ cho xanh núi sông
   Hôm nay lính cũ về sum họp
   Ngưng chén nhìn nhau thoáng giật mình
   Xin ai từng đã mang tên Bác
   Đừng mất trong lòng sắc áo xanh.


TMT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:01:13 pm »

NHIỀU THÀNH VIÊN BAN NGHIÊN CỨU THỦY QUÂN ĐÃ ĐƯỢC BỘ TỔNG THAM MƯU GỌI VỀ SAU NGÀY HOÀ BÌNH 1954 ĐỂ THAM GIA CÔNG TÁC CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CỤC PHÒNG THỦ BỜ BỂ


Đại tá Vũ Phi Hoàng
Giáo sư - Giám đốc cơ quan Thuỷ đạc- Bộ Quốc phòng


Ngay sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hoà bình được lập lại, từ tháng 8 -10/1954, một số anh em ở Đội Thuỷ quân 71 được triệu tập về Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, trước mắt có 7 ngưòi; đồng chí Phan Tiền Đạo, Nguyễn Văn Quế, Thanh Văn Minh, Đinh Văn Chi, Vũ Phi Hoàng, Phạm Vũ Quân, Trịnh Tuần, hình thành một tổ nằm trong Cục Tác chiến, do đồng chí Phan Tiền Đạo phụ trách. Sau đó có anh Nguyễn Bá Phát và một số anh em khác ở liên khu V ra, bắt đầu hình thành Ban nghiên cứu Hải quân trực thuộc Cục Tác chiến và được giao nhiộm vụ nghiên cứu nhiều phương án, trong đó có phương án biên chế tổ chức Hải quân, trường huấn luyện, xưởng sửa chữa đóng tàu thuyền và kế hoạch điều động cán bộ từ các noi về. Phương án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, các khu tuần phòng, các trận địa pháo binh bờ biển và các vị trí đặt trạm quan sát dọc bờ biển. Phương án xây dựng lực lượng tàu thuyền, bao gồm các kế hoạch sưu tầm máy móc phương tiện thuỷ, tìm kiếm trục vớt các tàu địch bị ta đánh đắm trên các triền sông, ven biển để khôi phục sửa chữa, đóng mới một số ca nô chiến đấu cho một số thuỷ đội hoạt động được ngay.


Sau khi quân Pháp rút khỏi "Vùng 300 ngày", tỉnh đội Hải Ninh báo cáo có 2 chiếc tàu của Pháp, chống lệnh tập trung, đã chạy ra ẩn náu ở vùng đảo Vĩnh Thực, xin cán bộ ra tiếp quản.


Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã đích thân ký lệnh và Cục trưởng Cục tác chiến Trần Văn Quang đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Phi Hoàng (vốn trước đây công tác ở tỉnh đội Hải Ninh) lên đường ngay để tiếp quản và đưa về Hải Phòng làm phương tiện hoạt động đầu tiên trên sông nước. Đó là 2 chiếc tàu kéo. Một chiếc vỏ sắt chạy máy hơi nước và sau này được giao cho Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ lai dắt tàu cập bến Hải Phòng, và một chiếc tàu gỗ lắp máy diezel được đưa về sửa chữa, lắp đài chỉ huy, trang bị thêm súng 12,7 mm, đổi tên là tàu Hoà Bình.


Đầu tháng 6/1955, tàu Hoà Bình và một chiếc nữa vốn là hoa tiêu được sửa chữa xong, trạng bị vũ khí đầy đủ, đã trở thành những phương tiện chiến đấu đầu tiên của lực lượng phòng thủ bờ biển.


Ngay từ đầu năm 1955, cơ quan đã cử cán bộ đi nhiều nơi khảo sát các cơ sở đóng tàu thuyẻn của nhân dân để đóng một loạt ca nô chiến đấu, trang bị cho 2 thuỷ đội Sông Lô và Bạch Đằng. Ta đã tìm được 2 địa điểm: Một ở Tiên Yên và một ở Quảng Yên vốn là cơ sở sản xuất của nhân dân, có kinh nghiệm đóng tàu thuyền đi biển và có nguồn cung cấp gỗ dồi dào, có thể khai thác ngay tại chỗ rất thuận lợi. Đã có công trường đóng ca nô, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục như bản vẽ kỹ thuật chưa có, chưa duyệt hình thức của chiếc ca nô ra sao, cũng còn nhiẻu ý kiến khác nhau nhưng vừa làm vừa tìm hiểu, cuối cùng ta cũng đã khắc phục được.


Đầu tháng 8/1955 hai công trường này đã cho ra đời 2 chiếc ca nô chiến đấu loại nhỏ đầu tiên, có khả năng đi biển tốt. Ca nô được thiết kế ở giữa có đài chỉ huy, đầu mũi có ụ súng chiến đấu lắp đại liên.


Ngày 20/8/1955 thành lập 2 thuỷ đội. Sau lễ duyệt binh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, hai thuỷ đội ca nô chiến đấu Sông Lô và Bạch Đằng bắt đầu cuộc diễu binh theo đội hình chiến đấu diễu qua tàu kỳ hạm chở Đại tướng Tổng Tư lệnh và tàu Hoà Bình chở quan khách, cờ đỏ sao vàng tung bay, các chiến sĩ oai nghiêm trên vị trí chiến đấu của mình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân thành phố Cảng. Đó là niềm tự hào của quân đội ta với lực lượng chiến đấu trên sông biển, tiền thân của lực lượng tàu mặt nước của Hải quân nhân dân ta.


Sau lễ duyệt diễu binh, hai thuỷ đội Sông Lô và Bạch Đằng nhận nhiệm vụ tuần tiễu giữ vững trật tự an ninh vùng biển Đông Bắc từ Trà Cổ - Cái Chiên - vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long đến đảo Cát Bà, cửa biển Nam Triệu.


Sau khi rút khỏi "Vùng 300 ngày", địch đã cài cắm nhiều cơ sở phản động chống phá ta trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội, nhất là ở khu vực mỏ Hòn Gai, cửa biển Hải Phòng... Hai thuỷ đội không quản ngại gian khổ, hiểm nguy đã ngày đêm tuần tiễu canh phòng vùng biển Đông Bắc, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của bọn phản động tay sai đế quốc, sau những ngày tháng đầu tiên miền Bắc được giải phóng, mở ra một trang mới của lịch sử Hải quân nhân dân. 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM