Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:57:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4105 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2021, 08:47:50 am »

HẸN NGÀY VỀ (nhạc)


Đại tá Đỗ Sâm
Nguyên trưởng Ban huấn luyện
nhà trường Bộ Tư lệnh Pháo binh
   

   Nhớ các em vui bên dòng sông xanh ước mơ

   Nhớ các em những đêm hè lời ca vang xa

   Nhớ các em âu yếm bao nhiêu lời thiết tha

   Đời sống vui những chiều em tôi vang tiếng ca

   Rồi giặc tới vắng tiếng thơ dòng sông xót thương

   Rồi giặc tới gieo đau thương trên muôn niềm vui

   Quê hương tôi xa vắng đi bao nhiêu lời thơ

   Tôi ra đi chiến đấu cho ngày mai ước mơ

   Nhớ các em khi hương chiều vương trên khóm tre

   Nhớ các em đôi môi cười dòng sông thương nhớ

   Nhớ các em mái tóc tung bay trong gió quê

   Đời sống vui những chiều ngoài cánh đồng xa lúa về

   Rồi giặc tới tiếng súng vang đồng quê ngát hương

   Rồi giặc tới gieo đau thương trên muôn lời thơ

   Tôi ra đi sông nước mang theo bao lời ca

   Hẹn ngày về chiến thắng trong niềm vui ước mơ
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2021, 08:57:15 am »

NGƯỜI LÍNH THỦY SÔNG LÔ


Đại tá Trần Duy Hợi
Nguyên Cục phó Cục Vận chuyển - Tổng cục Hàng không


Sau 45 năm quân ngũ, tôi đã về hưu, nay thuộc người "xưa nay hiếm". Bao lần, nâng niu ngắm nhìn những trang giấy đã hoen ố với bao kỷ niệm, tình cảm, nỗi lòng của một thời trai trẻ Thuỷ quân sông Lô - Đội 71 lại trỗi dậy trong ký ức tôi.


Hình ảnh đẹp đẽ, sinh động, tươi trẻ như một cuốn phim màu rực rỡ hiện lên rõ nét. Tình cảm sâu nặng, tình đồng chí, đồng đội luôn in dấu trong suốt thời gian công tác, chiến đấu trên mảnh đất Đông Bắc - tỉnh Quảng Yên đầy nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, nay nghĩ lại tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Tinh thần "Thuỷ quân sông Lô" với lời thể "Giữ danh dự cho Đội 71" đã giúp tôi tăng thêm nhựa sống, thêm nghị lực xông lên phía trước.


Bao nhiêu đồng chí "Lính Thuỷ sông Lô" hiến dâng cả trái tim mình cho mảnh đất Đông Bắc của Tổ quốc, đó là các anh: Vĩ, Nguyệt, Tuấn Chi, Dương Đình Ấu, Mai, Phượng, Chỉnh, Cúc... Tôi lặng người nghĩ đến các anh, cùng hàng triệu người con vô danh khác không hề tiếc tuổi xuân của mình đã hiến dâng cả cuộc đòi để Tổ quốc trường sinh.


Dù sao tôi cũng là người may mắn, còn được nhìn, được hưởng bầu trời thanh bình của Tổ quốc thân yêu. Xa Quảng Yên đã lâu rồi, tôi cũng đã được chuyển công tác và chiến đấu ở nhiều đơn vị khác nhau. Song, những hồi ức về một thời để nhớ luôn in đậm trong ký ức, tôi ghi lại đây những ngày tháng đầu tiên của tôi ở vùng biển Đông Bắc.


Trên đường Đông Bắc: Đây là một số dòng nhật ký từ thời Đội 71 mà tôi còn lưu giữ:

25/5/1951: Đội 71 chia làm mấy bộ phận. Một trung đội sang công pháo, một trung đội sang đoàn 99, ba trung đội ra Đông Bắc, mình cũng ở lớp này bâng khuâng, vui buồn đan xen nhau.

Vì sắp được nhận nhiệm vụ mới, được rèn luyện, thử thách của một số người vẫn cho là "lính cậu". Song nỗi buồn cứ trỗi dậy, vì Lính Thuỷ sông Lô - Đội 71 với bao kỷ niệm, tình đồng đội gắn bó với nhau. Những người ra Đông Bắc thì nỗi day dứt lại nhiều hơn, vì đã là bộ đội chủ lực, được học tập theo bộ đội chính quy, nay lại bị "tước mất danh hiệu bộ đội chủ lực", làm anh lính dân quân, mặc dù vẫn được giải thích là "biệt phái về địa phương".

Mọi người gặp nhau tâm tình ở mọi nơi, tặng nhau vật kỷ niệm, đưa danh sách để ghi lưu niệm. Tuấn Chi viết "Một tác phong hay, mỗi lần chia tay chúng ta ghi lưu niệm cho nhau không ngoài mục đích nhắc nhở tình cảm của chúng ta, động viên nhau hướng tới mục đích cao cả: chiến đấu cho nền độc lập của chúng ta". Cuối cùng chỉ chúc nhau thành công và tiến bộ, vì chúng ta đều là "Người 71", đều yêu sự chiến thắng. Đúng vậy, chúng ta sẽ đón chờ tin vui chiến thắng của nhau.


28/5/1951: Đã biên chế chính thức, mình vẫn ở trung đội 1, lại bước sang một giai đoạn mới; công tác miền địch hậu. Sáng mai bộ phận 99 lên đường. Một không khí lưu luyến bao trùm, những cái bắt tay, xiết chặt ôm nhau với những giọt nước mắt của buổi chia tay. (Gần nhau tình cảm bình thường - Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào).


29/5/1951: Tối qua mình xin phép đến bộ phận 99 ngủ mà lòng rạo rực, lưu luyến tâm tình, ngủ chưa đẫy giấc, tiếng còi báo thức vang lên, chuẩn bị lên đường. Những cái bắt tay xiết chặt với những lời hứa, chúc nhau, giữ trong lòng danh hiệu "71".


31/5/1951: Trưa, mình lên gặp anh Việt để chia tay. Anh đã lấy mình lên tiểu ban chính trị, dẫn đắt mình những bước đi đầu tiên làm công tác chính trị, anh cử mình phụ trách phân chi (tổ trưởng Đảng), cử lên lớp chính trị ở đại đội.

Vừa ngồi bắt đầu nói chuyện chia tay, nước mắt tôi đã trào ra; Anh động viên tôi, khuyên giải tôi ra phụ trách đơn vị trong vùng địch phải cố gắng vượt khó khăn, không nhụt chí, phải giữ phẩm chất "Đội 71". Anh còn nói: mình cũng cân nhắc định kéo cậu đi, xong còn muốn để cậu vùng vẫy bay bổng cho cứng cáp; Anh tặng tôi ảnh, đưa cho tôi cuốn sách để tôi viết lưu niệm và cái bắt tay xiết chặt mà lòng bùi ngùi bâng khuâng.


1/6/1951: Sáng dậy từ 3 giờ 30 để hành quân, chiều đến Bình Ca nghỉ lại qua đêm - một thị trấn nhỏ đông vui.


2/6/1951: 3 giờ 30 dậy hành quân, chiều nghỉ lại ở Châu Tự do. Cứ như vậy, sáng dậy sớm hành quân, chiều nghỉ lại. Ngày 14-6 toàn đoàn nghỉ ngơi rút kinh nghiệm đợt hành quân, từng đồng chí kiểm điểm trước tiểu đội. Tôi ngắm nghía nâng niu đọc tờ giấy chứng nhận lần đầu tiên trong đời, nhớ lại hai đồng chí Nguyên, Hải còn nằm lại trên đảo Điều Thuận, (Tsékham - Trung Quốc).


20/6/1951: Đồng chí Thế Hùng - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc thay mặt Thiếu tướng Chu Văn Tấn xuống thăm đơn vị và nói chuyện. Đồng chí nói: chiến trường đang đòi hỏi phải có những sư đoàn chủ lực để đánh lớn. Trong khi đó phải xây dựng những đơn vị địa phương, đơn vị của tỉnh, của huyện, của xã; phát động phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, cài răng lược, đánh địch từ trong lòng địch, đánh nhỏ lẻ, đánh liên tục làm chúng mất ăn mất ngủ, đánh tiêu hao, bắt buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó, để chủ lực đánh tập trung, đánh lớn giành thắng lợi.    Theo yêu cầu của chiến trường, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, kể cả trong hậu địch mà không quản nguy hiểm. Nhưng danh hiệu bộ đội chủ lực không còn nữa làm chúng tôi nuối tiếc.


21/6/1951: Bắn xạ kích, tôi được 15 điểm.


22/6/1951: Họp tổ Đảng rồi họp trung đội để xác định nhiệm vụ mới.

8/7/1951: Mười sáu đồng chí đi Cẩm Phả chuẩn bị lên đường. Lệnh trên: tất cả tài liệu phải nộp lại hoặc huỷ để bước vào cuộc đọ sức quyết liệt ở hậu phương địch, giữa sống, chết liền kề nhau. Lần này lòng tôi bâng khâng bịn rịn nhất. Biết bao nguy hiểm, song các anh vẫn vui, háo hức không hề chùn bước, vì các anh tự hào là "Lính Thuỷ sông Lô".

- Đã học khoá 1 Thuỷ quân Sông Lô

- Đã được sang Trung Quốc học lớp hải đội du kích

- Đã được quân đoàn 43 chăm lo, yêu mến, nhân dân đảo Điêu Thuận yêu quý.

- Đã được Thiếu tướng Tham mưu trưởng khen ngợi, hài lòng.

Bây giờ những con người đó được tung vào vùng Đông Bắc để đánh địch. Đại đoàn công pháo, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Việt Bắc, cả đến đoàn xe đêm đêm tiễn ra chiến trường cũng có anh em Thuỷ quân sông Lô - Đội 71 - cái tên nôm na mà trân trọng vậy. Tuy phân tán, xong chỉ có tiến lên phía trước để chiến thắng. Mọi người vẫn chờ mong tin chiến thắng của nhau.


Sống ở cơ quan tỉnh đội Quảng Yên:

Ngày 9/7/1951, tôi họp chi bộ ở tỉnh đội Quảng Yên.

Sáu chúng tôi được phân về tiểu ban tác chiến. Lo chỗ ở, chúng tôi phải vào rừng chặt tre, gỗ, nứa về đóng cọc xuống đất để làm giường nằm, làm bàn viết. Vất vả, gian khổ, thiếu thốn, xong chúng tôi đã hoà mình với cơ quan, được anh em quý mến. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi rủ nhau ra suối tìm một bãi bằng phẳng chặt tre, nứa, dọn sạch để làm sân bóng chuyền. Chúng tôi nhờ anh Trạch ở hậu cần đóng bàn, đẽo vợt để chơi bóng bàn mà kích thước thì không ai biết chính xác.


Tối đến rảnh rỗi, chúng tôi vui đùa, kể chuyện, học hát rồi thành đội văn nghệ mà tôi thường tham gia đóng kịch, như vai "Bà mế" được diễn đi diễn lại nhiều lần. Đội văn nghệ được mời đi phục vụ một số hội nghị như hội nghị tỉnh uỷ, hội nghị chiến sĩ thi đua...


Mới về tỉnh đội một hôm, đồng chí Tân Học - trưởng ban quân sự tỉnh đội giao cho chúng tôi một số tài liệu, nghị quyết, báo cáo, sơ đồ, bản đồ để chúng tôi luân phiên nhau đọc nghiên cứu. Một tháng sau chúng tôi họp tiểu ban tác chiến, từng đồng chí trình bày tình hình ta - địch ở các huyện; âm mưu của địch và chủ trương của ta.


Đồng chí Học thay mặt Ban quân sự hoan nghênh sự cố gắng của chúng tôi, đã nắm được điểm chính. Đồng chí còn khen ngợi chúng tôi có tác phong tốt, đừng có về đây mà bỏ qua đi, cần duy trì lấy nó. Rồi đồng chí phân công:    Đồng chí Hợi, đồng chí Khi đi Đông Triều. Đồng chí Đạt, đồng chí Tuần, đồng chí Chung đi Chí Linh. Đồng chí Tiếp, đồng chí Thọ về tiểu đoàn Bạch Đằng.


Tôi tham gia chiến đấu:

Chiến dịch đường 18, địch bị thất bại nặng. Chúng liên tục mở các đợt càn quét vào các vùng du kích của ta với khẩu lệnh: đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Địch thường xuyên càn vào các xóm làng, bắt hàng trăm thanh niên đi phu xây đồn bốt để bảo vộ căn cứ điểm Đông Triều. Ai chống đối hoặc bị nghi ngờ là bị chúng đánh đập dã man rồi bắn chết.

Hôm nay họp cán bộ Đại đội 913, có cả cán bộ trung đội để phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ cho các trung đội, tổ chức đánh địch, chống càn quét, bắt bớ, khủng bố của địch.

Tôi được tham gia chuẩn bị chiến đấu với đồng chí Xường - Trung đội trưởng trung đội 1. Tôi đã tham gia lên lớp chỉnh huấn bài "Kẻ thù của dân tộc Việt Nam" và "Mở rộng dân chủ trong bộ đội”. Tôi đã nắm được mục đích yêu cầu, say sưa giảng giải phân tích, cho nên đơn vị đã hiểu được âm mưu tội ác của giặc Pháp xâm lược. Nội bộ hiểu nhau hơn, đoàn kết, gắn bó, quyết tâm đồng lòng trả thù cho đồng bào bị giết hại.


Rạng sáng 25/9/1951, Trung đội 1 báo động hành quân đi phục kích trong đêm tối. Sương giá lạnh, vạch lá đi trên đường mòn, người sau bước theo bóng người trước, không tiếng nói, hạn chế tiếng động xung quanh. Đến Khe Sanh trung đội dừng lại phục kích, chặn đánh địch khi chúng đi tuần tra lúc nửa đêm vào (khoảng 4 giờ 30 phút sáng).

- Tiểu đội 3 có một khẩu trung liên, hai súng trường bố trí trên đỉnh đồi.

- Tiểu đội 2 có 5 khẩu súng trường ở đoạn sau. Tiểu đội 1 có súng trường, lựu đạn ở phía dưới con đường.

Quần áo ướt đẫm; kiến, muỗi thấy hơi người thừa cơ hoạt động. Tôi căng mắt nhìn trong đêm tối, hồi hộp chờ đợi.

Sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi, có tiếng chim bay sột soạt, rồi tiếng chân bước rõ hơn. Địch, đúng là địch!

Trung đội trưởng định hạ lệnh bắn, tôi vội lấy tay vỗ vào vai anh, nói trong hơi thở: để nó vào sâu trong trận địa. Giây phút căng thẳng... một phát súng nổ vang, rồi súng liên thanh, lựu đạn nổ ầm vang cả một vùng đồi núi. Tiếng la hét của lính ngụy, tiếng kêu thất thanh của lính Tây trước đòn đánh bất ngờ, chúng không kịp trở tay, chỉ lăn ra đường để tránh đạn. Một phút sau chúng bắn loạn xạ, đủ loại súng - súng trường, tiểu liên, trung liên, cả đạn moóc-chê nữa. Anh em trung đội tiết kiệm từng viên đạn, luôn đổi vị trí bắn.


Mười lăm phút sau, đơn vị bạn bố trí gần thị trấn Đông Triều nổ súng, báo hiệu quân địch ở Đông Triều ra chi viện cho chúng. Một tổ ba người cơ động bắn để yểm hộ cho trung đội luồn về phía sau rút về. Tôi bị một mảnh đạn vào chân đau buốt, rùng mình bước theo đồng chí trung đội trưởng khi lội xuống mương. Chiến thắng đầu tiên sau chỉnh huấn. Buổi trưa liên tục các ông bà, anh chị em ở địa phương đến thăm, tặng hoa, gạo, rau và báo chính thức 5 tên nguỵ chết, 4 tên bị thương, trong đó có hai tên da đen.


Ngày 31/10/1951, tôi cùng anh Hội, anh Thọ ở tiểu đoàn Bạch Đằng về tỉnh đội để dự tổng kết. Đồng chí Học trưởng ban quân sự nói với tôi: thời gian qua đồng chí công tác ở Đông Triều đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng đơn vị, đã tham gia chiến đấu. Đồng chí Quynh, đồng chí Ná xin đồng chí ở lại, nhưng tỉnh đội thấy cần đưa đồng chí về huyện Sơn Động để cùng cán bộ đại đội xây dựng đơn vị ở đó. Còn các đồng chí Đạt đi Chí Linh, đồng chí Thọ đi tiểu đoàn, đồng chí Khi xuống Kinh Môn.


Cuối năm tôi được giấy khen của Ban chỉ huy tỉnh đội. Một tờ giấy khen đầu tiên trong đời tôi, tôi sung sướng ngắm nhìn. Tôi đã phấn đấu vươn lên, không phụ lòng mong ước của đồng đội, của anh Việt lúc chia tay. Tôi đã tự khẳng định được bản thân - Lính thuỷ Sông Lô.


Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1998
T. D. H
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2021, 08:59:21 am »

NGUYỄN VĂN TIÊU - NGƯỜI LÍNH THỦY QUÂN
HY SINH TRÊN VỊNH HẠ LONG


Trung tá Trần Minh Thái
Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh


Năm 1960, khi xuất bản tập hồi ký kháng chiến, "Người dân trên Vịnh Hạ Long" ở Hồng Quảng, tôi có viết một bài về trường hợp hy sinh của anh Tiêu - một cán bộ đã từng theo học ở "Trường Thuỷ quân sông Lô".


Qua những năm chiến tranh và đến hôm nay, tôi không thể tìm lại được tập hồi ký đó. Những người đã kể với tôi về trận đánh mà anh Tiêu đã hy sinh nay cũng đã qua đời. Vì trí nhớ đã giảm sút, đã quên nhiều điều, tôi xin ghi lại phần còn tồn tại trong ký ức tôi.


Vào đầu những năm 1950, giặc Pháp mở một cuộc bình định lớn trên vùng biển thuộc đặc khu Hồng Gai để phá vỡ cơ sở của ta và ngăn ta thâm nhập vào vùng mỏ, vùng đảo. Tên chánh mật thám Béc-du-la thường xuyên đi tuần tra, lùng sục trên cửa sông, trên các luồng lạch ở biển, gây khó khăn cho việc đi lại, hoạt động của cán bộ và việc làm của nhân dân.


Để bảo đảm đường dây chỉ đạo của ta và bảo vệ cơ sở, bảo vệ nhân dân, huyện đội Cẩm Phả chủ trương tổ chức một trận đánh để diệt tên Béc-du-la. Anh Tiêu, cán bộ của huyện Cẩm Phả được giao chỉ huy trận đánh.


Vào một ngày cuối năm 1951, anh Tiêu và 3 du kích xã Hùng Thắng dùng một thuyền gỗ nhỏ, giả làm dân chài lưới đi lại trên Vịnh Hạ Long. Với trang bị súng trường, lựu đạn, dao găm, quân ta cố ý đưa thuyền qua khu vực mà ca nô của Béc-du-la thường hay đi lùng sục.


Khoảng hơn 8 giờ sáng, quân ta đã thấy tàu của tên chánh mật thám từ phía Hồng Gai lao ra. Thấy thuyền ta, giặc tăng tốc độ và đuổi theo. Trên ca nô của địch có hai bố con tên Bée, 1 lái tàu và 1 tên bắn trung liên.


Trong vai chủ thuyền, anh Tiêu làm ra vẻ lúng túng và khúm núm cúi chào tên chánh mật thám. Sau đó sẽ cho thuyền áp mạn buộc vào ca nồ để đón giặc sang khám thuyển với ý định khi buộc xong anh sẽ ra hiệu lệnh cho quân ta nhảy sang chiếm tàu địch. Nào ngờ trước hành động khác thường của 3 nam du kích, bọn giặc đã nghi ngờ. Đó là vì thông thường trên các thuyền dân chài chỉ có những người trong gia đình như vợ chồng chủ thuyền và con cái của họ. Còn ở thuyền này không những có hai người đàn ông lực lưỡng mà còn có hai người đàn bà trông dáng như đàn ông (đó là hai nam mặc quần áo giả nữ).


Có lẽ đã phán đoán là du kích ta, Béc hạ lệnh cho ca nô lùi ra và nổ trung liên dồn dập vào thuyền của ta. Quân ta chống cự mãnh liệt và bắn bị thương một tên giặc. Nhưng do thuyền tròng trành trước sóng do ca nô địch gây nên, rồi thuyền lại bị bắn thủng, nên anh em lần lượt bị thương và bị hy sinh.   


Thi hài của 4 chiến sĩ ta bị chìm xuống biển, nhưng gương chiến đấu dũng cảm của các đồng chí này đã động viên tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân địa phương. Hai xã Hùng Thắng, Thạch Hà mặc dù bị trà soát dữ dội nhưng cơ sở ta không mất, tinh thần kháng chiến bất khuất của nhân dân vẫn sáng chói.


Sự hy sinh cao cả của anh Tiêu - một cán bộ của Đội Thuỷ quân 71 và 3 đồng chí du kích Hùng Thắng đã góp phần vào thành tích rực rỡ của quân và dân ta trong công cuộc giải phóng và bảo vệ vùng thắng cảnh Hạ Long vô giá, ngày nay đã trở thành di sản thiên nhiên của toàn nhân loại.


Quảng Ninh, ngày 30 tháng 7 năm 1998
TMT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:10:55 am »

ĐƯỜNG RA ĐÔNG BẮC


Phạm Vũ Quân
Nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - Bộ Xây dựng


Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, cuối quý II năm 1951 Ban Nghiên cứu Thuỷ quân tiến hành giải thể, phân tán toàn đơn vị (cả cơ quan nghiên cứu - quản lý và trường đào tạo) sang các ngành bộ binh và pháo binh, trong đó có gần một nửa (khoảng trên một trăm người) được điều động ra tăng cường cho các tỉnh đội thuộc vùng duyên hải Đông Bắc, trải dọc từ Quảng Yên, Hồng Gai đến Hải Ninh  nhằm hướng hoạt động chiến đấu trên biển, theo chủ trương của Bộ Tổng Tham mưu ngay từ khi thành lập Ban nghiên cứu Thuỷ quân.


I. LÚC LÊN ĐƯỜNG:

Đoàn ra Hải Ninh gồm 13 người, đa phần là dân miền biển đã từng quen sông nước được điều động từ một số đơn vị bộ binh sang cùng với một số là học sinh cấp 3 của các trường trung học phổ thông ở Khu 4 và Liên khu Việt Bắc đã được tuyển vào trường Thuỷ quân Sông Lô và đều là những đội viên của Đội Thuỷ quân 71 (gọi tắt là Đội 71) vừa mới tốt nghiệp khoá huấn luyện thuỷ quân du kích tại vùng Biển Đông ở Trung Quốc trở về, gồm có:

1. Vũ Duy Bình   
2. Trần Cang
3. Nguyễn Trịnh Cược
4. Nguyễn Bá Đức
5. Vũ Phi Hoàng
6. Lê Văn Khá
7. Ngô Văn Mai
8. Hà Văn Ngữ
9. Nông Văn Phượng
10. Phạm Vũ Quân
11. Trương Văn Thời
12. Đinh Văn Tước
13. Lê Văn Vỹ


Nhận nhiệm vụ tuy gấp nhưng với niềm phấn khởi, anh em chúng tôi đã hoàn thành trước thời hạn mọi công việc chuẩn bị cần thiết, lưu luyến chia tay thầy, bạn cùng đồng bào nơi đóng quân để kịp lên đường vào một sớm đầu tháng 6 năm 1951. Khác hẳn với lần ở Trung Quốc về, hành quân bộ từ cửa khẩu Đồng Đăng tới căn cứ Bến Giàn trong đội hình của Đội 71, chúng tôi đã phải chia nhau gò lưng mang vác thêm nhiều súng đạn theo phương châm "mang lấy được” và càng nhiều càng tốt để chi viện cho chiến trường, thì lần này đoàn chúng tôi lại đi nhẹ tênh, ngoài những quân trang sẵn có mang từ Trung Quốc về (một ba lô với đầy đủ quân phục, chăn màn, vải nằm, áo rét, ca bát, bi đông....). Tuy vậy những bước chân đi ban đầu của chúng tôi khi rời khỏi Bến Giàn thật là trĩu nặng. Những lời tâm huyết, những nghĩa cử ân tình và những hình ảnh thân thương của mái trường Thuỷ quân của thầy, của bạn và của đồng bào địa phương, làm cho anh em chúng tôi sau khi từ giã mái trường thân yêu cứ lầm lũi bước đi chẳng nói nên lòi. Cho mãi tới ngã ba đầu Lô mọi người đểu chững lại trước cảnh tượng huy hoàng của dòng Chảy trong xanh hoà quyện với dòng Lô bên trong bên đục đang phơi mình dưới ánh nắng ban mai.

   ... "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng,
   Ra miền Đông Bắc!..."

Giọng khàn khàn nhưng ấm mạnh của Lê Văn Vỹ, phỏng theo điệu "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước, từ phía bờ sông đột nhiên vang lên như một hồi kèn giục giã khiến cho mọi người chúng tôi như bừng tỉnh với cảm nhận: "Lên đàng", "Ra miền Đông - Bắc" cũng chính là bước đi tiếp nối để hướng ngành thuỷ quân tương lai, làm cho ai nấy phấn chấn hẳn lên và cảm thấy rằng đây mới là lúc chính thức tạm biệt trường Thuỷ quân thân yêu và mảnh đất Đoan Hùng sâu đậm tình nghĩa quân dân để cùng nhau rảo bước lên đường...


II. CHẶNG ĐƯỜNG HÀNH QUÂN:

1. Đoan Hùng - Lạng Sơn: Rời Đoan Hùng, ngược đường số 2 tới Tuyên Quang, chúng chúng tôi rẽ sang đường 13A, qua phà Bình Ca, rồi lần lượt đi qua những địa danh quen thuộc vẫn còn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong chuyến hành quân của chúng tôi khi mới ở Trung Quốc về, như: Sơn Dương, Đèo Khế, Dốc Điệp, Đại Từ, Bờ Đậu,... đến thị xã Thái Nguyên sang đường 16, chúng tôi đi Trại Cau, Mỏ Trạng, Nhã Nam, Đèo Cà...; rồi tới Hữu Lũng, ra quốc lộ 1A, chúng tôi ngược lên Mẹt, Ba Làn, Chi Lăng, Đồng Mỏ, và sau cùng vượt qua dốc Sài Hồ, đoàn chúng tôi đã đến Thị xã Lạng Sơn sau 10 hôm ròng rã hành quân ngày đi đêm nghỉ.


Lúc này cục diện chiến tranh ở miền Bắc đã chuyển sang một bước ngoặt mới, đường số 4 giải phóng đã mờ rộng sự thông thương giữa căn cứ kháng chiến của ta với hậu phương lớn XHCN và tiếp sau chiến thắng Trung Du, ta lại vừa kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 18, đã bước đầu giành thế chủ động tiến công địch ưên nhiều mặt trận, nên hầu khắp các tuyến đường của liên khu Việt Bắc đều trở nên sôi động bởi các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, các đoàn dân công, cán bộ đi công tác và đồng bào buôn bán ngày đêm tấp nập ngược xuôi; đồng thời kéo theo đó là những quán nước, hàng ăn và chợ tạm đua nhau mọc lên ở hai bên đường, càng làm cho quang cảnh thêm nhộn nhịp, đông vui như trong mùa chẩy hội.


Tuy đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn và sự nghiệp kháng chiến còn rất gian lao khốc liệt, song mọi người đều chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng gạt bỏ mọi riêng tư để tham gia kháng chiến một cách hoàn toàn tự nguyện. Trên các ngả đường đâu đâu cũng vang lên những câu hò, điệu hát, những tiếng cười đùa, nói chuyện râm ran. Sự góp sức chung lòng vì lẽ sống của toàn dân tộc đã làm cho mọi người trở nên gần gũi thân thương, đối xử với nhau bằng những tình cảm và nghĩa cử chân thành tương thân tương ái, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi, sẵn sàng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc kháng chiến sôi động của toàn dân, giữa những dòng người hối hả ngược xuôi vì nghĩa lớn này, thì người chiến binh "Anh lính cụ Hồ" luôn luôn là trung tâm của mọi sự ưu ái. Chúng tôi đi tới đâu cũng được đón nhận những tình cảm trìu mến thân thương bằng những lời hát câu hò đùa vui ý nhị của các o dân công và các o thanh niên xung phong, sự chăm sóc ân tình của các mẹ, các chị... Tình cảm nồng thắm và khí thế hào hùng của quân, dân ta đã không ngừng khích lệ, động viên anh em trong đoàn chúng tôi quên cả một nhọc, hăng hái hành quân đến được thị xã Lạng Sơn sớm hơn dự định.

2. Lạng Sơn - Hải Ninh:

Sau thất bại nặng nề và bất ngờ ở Đông Khê, giặc Pháp hốt hoảng rút khỏi Lạng Sơn và các đồn bốt dọc đường số 4 một cách vội vã. Với chúng tôi, từ vùng đồng bằng lên thì ấn tượng sâu sắc nhất là cảnh vật và con người nơi đây có nhiều mới lạ, khác biệt với miền xuôi và càng xa dần Lạng Sơn thì sự khác biệt này càng rõ nét hơn.


Từ Lạng Sơn ra Hải Ninh, chúng tôi theo quốc lộ 4B, con đường đá uốn khúc trải dài giữa hai miền núi trọc, từng bước đi nhìn ra xung quanh chỉ thấy đồi và núi. Vùng biên giới phía Bắc với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và cuộc sống thanh bình của nhân dân đã khiến cho chúng tôi khó có thể tưởng tượng được rằng chính mảnh đất này đã có một thời bị chà đạp dưới gót giày của quân đội Pháp, nếu như trên bước đường đi tới chúng tôi không bắt gặp đây đó vẫn còn rải rác bên đường một vài tháp canh xen lẫn mấy lô cốt... tất cả đều là của giặc Pháp bỏ lại, trống rỗng hoang tàn... Đường chúng tôi đi chếch về phía Đông - Nam và độ cao giảm dần nên khí hậu ngày càng oi bức... Đến thị trấn Lộc Bình, đoàn chúng tôi phải dừng lại và mất trọn cả ngày hôm sau vào tận Bản Chu để lĩnh gạo, cách xa trên 16 cây số, nên mãi đến chiều hôm thứ 3 thì đoàn chúng tôi mới đặt chân được đến Đình Lập, mảnh đất cửa ngõ của tỉnh Hải Ninh nằm trên đường số 4, cách thị xã Lạng Sơn 55 cây số.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:13:57 am »

III. ĐẾN CĂN CỨ ĐỊA HẢI NINH:

1. Những cảm nhận ban đầu:

Dù chưa hiểu biết nhiều về Hải Ninh, song những gì mới cảm nhận được ở nơi đây cũng đủ để anh em trong đoàn chúng tôi ý thức được rằng Hải Ninh thật sự là một chiến trường khốc liệt, mà mỗi người chúng tôi cần phải đem hết sức mình với lòng kiên định và quyết tâm cao để làm tròn mọi nhiệm vụ được giao.


Sớm hôm sau, sau khi cáng anh Lê Văn Khá bị sốt cao vào trạm xá quân y điều trị, đoàn lên đường đi Bản Hang để tìm đến cơ quan tỉnh đội Hải Ninh nhận công tác.


2. Gặp lại chỉ huy cũ:

Anh Trác Vinh Nam quê ở Quất Đông - Móng Cái - Hải Ninh, tham gia hoạt động cách mạng sớm. Cuối năm 1946, anh là tiểu đoàn trưởng phụ trách một đơn vị tiếp phòng quân - đơn vị đã nổ phát súng đầu tiên chống trả quân đội Pháp khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ở thủ đô Hà Nội. Anh rất thông thạo tiếng Trung Quốc (biết nói cả tiếng Bắc Kinh và tiếng Quảng Đông), nên đầu năm 1950 đang công tác ở trường quân chính Quân khu III, anh đã được Bộ điều động về làm đội phó Đội 71 đi thực tập ở Trung Quốc và đến tháng 4/1951 khi vừa trở về nước, anh được Bộ điều động ra tăng cường cho Ban chỉ huy tỉnh đội Hải Ninh. Anh là một cán bộ cương nghị, tháo vát và chan hoà gần gũi anh em đồng đội, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong đơn vị. Khi đặt chân đến Đình Lập, thị trấn tiền duyên của tỉnh Hải Ninh, anh em trong đoàn chúng tôi chỉ mong sớm tìm đến được cơ quan tỉnh đội, không những vì tâm trạng chung nôn nóng đón nhận nhiệm vụ mới mà còn có sự mong mỏi được gặp lại người chỉ huy cũ mà chúng tôi vẫn hằng quý mến.


Thật bất ngờ, vừa đi tói ngôi nhà ngoài cùng, chúng tôi đã thấy anh Trác Vinh Nam tươi cười đón ở cổng. Cả đoàn quên cả lễ tiết tác phong, chạy ùa ra vây quanh lấy anh, tay bắt mặt mừng, thật là cảm động... Anh Nam dẫn chúng tôi vào nhà, phía trước là một gian sảnh khá rộng, ở giữa kê một dãy bàn, có hàng ghế tựa bao quanh theo kiểu phòng họp. Còn khu trong là buồng ở và bếp của gia đình. Anh Nam tranh thủ giới thiệu cho chúng tôi biết về cơ quan tỉnh đội chuyển về bản Hang này đã được hơn một năm, những bộ môn nhiều trang bị cồng kềnh phải làm lán riêng phân tán trong khu vực, còn những bộ phận gọn nhẹ vẫn ở nhờ nhà dân. Ban chỉ huy tỉnh đội cũng ở nhờ trong cụm ba nhà dân này, gồm có ba người: tỉnh đội trưởng là anh Võ Quốc Vinh, tuổi cao, đã có quyết định về nhận công tác mới trên quân khu, nay đang làm việc với các cơ quan tỉnh đội để chuẩn bị tài liệu bàn giao, còn hai tỉnh đội phó thì anh Phương Đình Đặng cũng có quyết định rút đi học xa, chỉ còn lại một mình anh Trác Vinh Nam thường trực. Rồi anh cho biết, trước khi rời Đội 71, anh cũng đã có dịp tiếp kiến anh Hoàng Văn Thái, quán triệt chủ trương của Bộ sẽ đưa số anh em Thuỷ quân sông Lô mới tốt nghiệp ra vùng duyên hải Đông Bắc, nên cũng biết rằng sớm hay muộn cũng sẽ có một số anh em chúng tôi về Hải Ninh và anh vẫn hằng quan tâm, với mong muốn sớm biết được số anh em ra để tiện bố trí sắp xếp công tác cho phù hợp. Cũng do có sự dặn trước của anh mà Ban tổ chức tỉnh đội đã kịp thời báo cáo lên anh tin chúng tôi đến. Song lại đúng vào giữa lúc kế hoạch công tác trong những ngày tới rất bận, không còn thời gian trống, nên anh đã phải bố trí cuộc gặp gỡ một cách đột xuất như thế này.


Sau khi tìm hiểu nguyện vọng, thấy anh em chúng tôi đều tỏ ý mong muốn được ra hoạt động du kích vùng biển, anh Nam ngừng một lát xem đồng hồ, rồi như muốn giành nốt khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để giúp chúng tôi nắm bắt tình hình, tự xác định được mục tiêu và vị trí chiến đấu trước mắt mà yên tâm với nhiệm vụ mới. Anh tranh thủ giới thiệu sơ lược về đặc điểm tình hình và cục diện chiến tranh trong tỉnh, những bước đi cần thiết để thực hiện chủ trương của Bộ trong việc xây dựng phong trào đấu tranh vũ trang ở vùng duyên hải Hải Ninh, nhiệm vụ  trước mất và tính chất gian khó ác liệt của chiến trường, rồi nhắc nhở động viên anh em chúng tôi tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được phân công. Sau những lời tâm huyết chân tình, anh Nam rất vui khi thấy tất cả anh em chúng tôi đều biểu thị quyết tâm phấn đấu chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tới đây cũng đã đến lúc phải chia tay, anh Nam tiễn chúng tôi ra tận cổng, lần lượt siết chặt tay từng người và hẹn sẽ có dịp gặp lại.


Chúng tôi cảm động chia tay anh mà trong lòng còn in đậm mãi tình nghĩa cán binh của " Đội 71".


3. Nhiệm vụ được giao:

Sau buổi chia tay anh Trác Vinh Nam, về trạm lưu trú nằm chờ, đến ngày thứ ba thì anh em chúng tôi đều có quyết định điều động đi nhận công tác ở một số đơn vị trực thuộc tỉnh đội. Song cũng phải chờ sau khi đến đơn vị mới nhận công tác thì nhiệm vụ cụ thể của từng người mới được xác định rõ như sau:

- Về huyện đội Móng Cái, gồm có: Hà Văn Ngữ, Trung đội trưởng Trung đội 45 thuộc đại đội địa phương Móng Cái; Nguyễn Trịnh Cược, Trung đội phó Trung đội 45 thuộc đại đội địa phương Móng Cái; Vũ Duy Bình, Tiểu đội trưởng; Nông Văn Phượng, Tiểu đội trưởng. Đại đội địa phương Móng Cái có 3 trung đội, trong đó có Trung đội 45 người Việt, còn Trung đội 46 và 47 đều là người Hoa nên cả 4 anh em mới ra trên đây đều được phân về Trung đội 45.

- Về huyện đội Tiên Yên, gồm có: Nguyễn Bá Đức, cán bộ tham mưu tác huấn huyện đội Tiên Yên; Trần Cang, tiểu đội trưởng; Đinh Văn Tước, tiểu đội trưởng; Trương Văn Thời, tiểu đội trưởng (đại đội địa phương Tiên Yên);

- Về cơ quan tỉnh đội, gồm có: Lê Văn Vỹ, cán bộ Ban tham mưu tác huấn tỉnh đội; Vũ Phi Hoàng, bí thư Ban chỉ huy tỉnh đội; Phạm Vũ Quân, trường tiểu ban địch vận (Ban chính trị tỉnh đội); Ngô Văn Mai, tiểu đội trưởng tiểu đội bảo vệ tỉnh đội.


IV. Hướng đi tiếp nối:

Tới đây, tôi mới chỉ ghi lại được phần "Đường ra Đông Bắc", còn phần chính là "Tình hình hoạt động và chiến đấu của anh em Thuỷ quân sông Lô trên chiến trường Hải Ninh" thì lại chưa ghi lại được, bởi lẽ: Hồi kháng chiến ở Hải Ninh, chiến trường quá rộng và phân tán, giao thông liên lạc khó khăn cách trở, nên từ khi chia tay xuống đơn vị công tác, phần lớn anh em chúng tôi không có điều kiện gặp lại và nắm bắt được tin tức của nhau. Sau hoà bình lập lại (1954) đến nay thì mỗi người một ngả, cũng chưa có liên lạc hoặc tìm gặp lại được nhau.


Tôi mong rằng những anh em tham gia hoạt động trên chiến trường Hải Ninh sẽ sớm tìm lại được nhau để cùng nhau khai thác và cung cấp tiếp những tư liệu quý, góp phần xây dựng truyền thống cho Ngành.


Nhân ngày "Lễ hội dựng bia" ở Bến Giàn trong dịp
kỷ niệm "50 năm Chiến thắng sông Lô” 21-10-1999
P.V.Q
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:15:54 am »

MONG ƯỚC VÀ HIỆN THỰC


Phạm Vũ Quân
Nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - Bộ Xây dựng


Có tên trong danh sách Thuỷ quân Sông Lô được điều động ra vùng duyên hải Đông Bắc, tôi vô cùng phấn khởi bởi lẽ trong hoàn cảnh chiến trường đang còn chia cắt, toàn bộ vùng duyên hải và mặt biển của ta đang còn bị địch chiếm đóng và kiểm soát thì sự hoạt động trước mắt của Thuỷ quân ta tất yếu phải đi từ hình thái chiến tranh du kích trên sông và ven biển, nên dù cho Ban nghiên cứu Thuỷ quân có giải thể, mà được điều động ra chiến trường Đông Bắc thì chúng tôi vẫn có một địa bàn hoạt động hoàn toàn phù hợp với mục đích và nội dung đào tạo của nhà trường, hướng đi của chúng tôi vẫn không thay đổi và đây chính là thời cơ thuận lợi để chúng tôi có thể phấn đấu hướng tới ngành thuỷ quân tương lai. Điều này đã dấy lên trong chúng tôi niềm vui phấn khởi lên đường ra Đông Bắc với lòng quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.


Tới Hải Ninh, tôi được giao nhiệm vụ trưởng tiểu ban địch vận trong Ban Chính trị tỉnh đội, một công tác không những hoàn toàn mới mẻ với tôi, mà ngay cả khi tiếp và trao nhiệm vụ cho tôi thì anh Văn Dũng - trưởng Ban Chính trị tỉnh đội cũng cho biết đây là một nhiệm vụ mới, tôi là cán bộ đầu tiên được giao đảm trách và các thành viên trong tiểu ban thì trước mắt chưa cần có trợ lý giúp viộc, nhưng còn có các cán bộ chuyên trách theo dõi và hướng dẫn triển khai công tác địch vận ở các đơn vị cơ sở (các huyện đội và các đơn vị trực thuộc tỉnh đội) nay mai sẽ được cử lên. Tài liệu duy nhất mà tôi được anh Nguyễn Văn Dũng chuyển giao là một bó khoảng trên một ngàn tờ bướm (truyền đơn kêu gọi lính viễn chinh Pháp đòi hồi hương). Do chưa được đào tạo qua trường lớp nào và cũng không có tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ công tác địch vận, nên khi rời Ban chính trị ra vể tôi rất băn khoăn. Lời nói "Vạn sự khởi đầu nan" của anh Văn Dũng lúc chia tay có hàm ý động viên và trấn an tôi "khắc đi - khắc đến" cũng không thể làm vơi đi trong tôi nỗi lo lắng trước trọng trách được giao và những câu hỏi "Phải làm gì và làm như thế nào" cứ luẩn quẩn mãi trong đầu...


Nhưng rồi, có lẽ điều thuận lợi duy nhất mà tôi có được lúc đó là đôi chút kinh nghiệm về công tác quần chúng từ những ngày tôi tham gia hoạt động phong trào Việt Minh, tiếp đến công tác thanh vận sau khởi nghĩa, rồi công tác gây dựng cơ sở địch hậu và công tác tuyên huấn trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, cùng những thông tin trên đài, báo đã giúp tôi tự ý thức rằng: công tác địch vận cũng chỉ là công tác quần chúng trong hàng ngũ địch, là công tác tuyên truyền giác ngộ những người lầm đường bị bọn đế quốc thực dân Pháp và tay sai dụ dỗ, mua chuộc, lừa bịp hay cưỡng bức để lôi kéo họ vào lính, cầm súng đánh thuê cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa phản lại hoà bình và độc lập dân tộc, nhằm bảo vệ lợi ích thống trị của chúng, đồng thời vận động họ quay về với chính nghĩa, với gia đình và Tổ quốc. Rồi từ những khái niệm này, tôi suy luận ra các lĩnh vực: đối tượng vận động, nội dung tuyên truyền, phương thức hoạt động và biện pháp tổ chức thực hiện... để lập thành một đề án hoạt động ngắn hạn của tiểu ban địch vận, được Ban chính trị bổ sung rồi thông qua và được tỉnh đội duyệt cho thực hiện, thì cũng vừa là lúc mà các cán bộ lấy từ cơ sở lên cũng đã tề tựu đông đủ. Thế là, được sự đồng ý của Ban chính trị, lấy nội dung đề án hoạt động của tiểu ban địch vận vừa được duyệt để làm nền tảng, chúng tôi mở ngay một cuộc hội thảo chuyên đề về công tác địch vận, nhằm vận dụng trí tuệ của tập thể, người biết hướng dẫn người chưa biết, để cùng trao đổi gợi ý bổ sung cho nhau những kiến thức cần thiết về nội dung và phương pháp nghiệp vụ của công tác địch vận ở cơ sở. Càng trao đổi thảo luận, chúng tôi càng "vỡ" dần ra, có nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực, sát với hoàn cảnh thực tế ở địa phương, đồng thời tranh thủ được những ý kiến chỉ đạo sâu sắc của thủ trưởng tỉnh đội khi đến thăm, làm cho cuộc hội thảo tuy không có sự chuẩn bị một cách có bài bản nhưng cũng đã thật sự trở thành một lớp tập huấn rất bổ ích, đã thiết thực trang bị cho các thành viên tham dự cả về nhận thức và biện pháp nghiệp vụ cụ thể của công tác địch vận ở cơ sở, giúp cho mọi người vững tâm và hăng hái phấn khởi công tác khi trở lại địa bàn hoạt động.


Sau cuộc hội thảo là những ngày xuống thâm nhập công tác cơ sở ở vùng Đầm Hà và Tiên Yên, cùng với sự chắp nối tranh thủ được mối quan hệ chỉ đạo của Ban địch vận Quân khu, đã giúp cho tôi nhanh chóng nắm bắt và thích nghi với nhiệm vụ công tác địch vận được giao. Một điều đáng khích lệ đối với tôi là trong chiến dịch tiễu phỉ của tỉnh ở vùng Khe Quang - Khe Lục vào cuối tháng 11 năm 1951, tôi đã được tỉnh đội tặng bằng khen về thành tích mưu trí dũng cảm xuống khe, bám dân, vận động được hơn bốn chục phỉ địa phương lẩn trốn vào rừng mang súng về nộp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:18:12 am »

Đầu năm 1952, tôi được tỉnh đội đề bạt đại đội phó và bổ nhiệm chính trị viên phó huyện đội Đình Hải. Tại đây tôi được phân công trực tiếp chỉ huy đại đội 35; đại đội địa phương đang làm nhiộm vụ trấn giữ cửa ngõ phía Đông, vùng tiếp giáp giữa Tiên Yên và Đình Lập nằm trên đường số 4, kết hợp với nhiệm vụ cơ động thường trực bảo vệ vùng tự do của huyện. Với cương vị này, tôi đã chỉ huy đơn vị nhiều lần đánh bại các cuộc tấn công cùa địch từ khu căn cứ Tiên Yên thường hay nống ra lấn chiếm các vùng giáp ranh, đập tan âm mưu của chúng định thiết lập thêm các chốt vành đai ở vùng Điền Xá - Bắc Lãng; nhiều lần phục kích tiêu hao các toán biệt kích địch thường hay hoạt động qua lại Khe Vàng - Khe Tát thuộc tuyến vành đai Làng Ngang - Ba Chẽ; và đã phối hợp dìu dắt các đội du kích địa phương chống càn bảo vệ căn cứ thuộc các xã Cường Lợi, Lâm Ca, Đồng Thắng...


Đến cuối năm 1952 thì tôi được cử đi dự một lớp tập huấn "du kích chiến tranh" ngắn hạn do Bộ Tổng Tham mưu mở ở Thái Nguyên. Sang đầu năm 1953 ra trường trở về Hải Ninh, tôi lại được Ban chỉ huy tỉnh đội điều động sang Đại đội 54 thay anh Lê Phan, nguyên chính trị viên của đơn vị, đã có quyết định rút lên làm tham mưu phó tỉnh đội. Đại đội 54 là đơn vị chủ lực của tỉnh nên phạm vi hoạt động rộng và là đơn vị chủ công xung kích trong mọi hoạt động vũ trang tấn công tiêu diột địch cũng như trong thường trực chiến đấu bảo vệ khu căn cứ của vùng giải phóng, đồng thời còn có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ các huyện đội tác chiến theo sự điều động của Ban chỉ huy tỉnh đội. Nhiệm vụ trên đây rất nặng nề và khẩn trương, lại phải triển khai ở một chiến trường rừng núi có nhiều phỉ và biệt kích hoạt động, địa hình hiểm trở chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu và đời sống khó khăn thiếu thốn, đã làm cho Đại đội 54 gặp nhiều khó khăn trong hoạt động quân sự cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi đến Đại đội 54 giữa lúc ban chỉ huy đơn vị chỉ có một mình anh Phan Tài, đại đội trưởng quán xuyến mọi việc khá bận rộn. Khẩn trương kết thúc cuộc hội ý với cán bộ quản lý của đơn vị, anh đứng dậy niềm nở bắt tay tôi rồi kéo sang bàn làm việc. Sau khi trò chuyện thăm hỏi tình hình sức khoẻ và công tác theo thông lệ, thấy tôi trong tư thế sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, anh đưa ngay tôi vào cuộc bằng sự giới thiệu với tôi khá tỉ mỉ, cặn kẽ về biên chế tổ chức của đơn vị, tình hình ta và địch trên địa bàn, nhiệm vụ được giao và tình hình hoạt động sinh hoạt hàng ngày, cùng với những thuận lợi và khó khăn của đơn vị, rồi anh phân công tôi trong ban chỉ huy đặc trách cồng tác chính trị và hậu cần của đại đội. Lúc này đơn vị đang rải quân hoạt động ở ba khu vực cách nhau hàng chục cây số; Trung đội 34 ở vùng Hà Lâu - Dương Hải, khu đệm giáp ranh với hành lang biệt kích ở làng Ngang miền Tây của vùng Tiên Yên - Đầm Hà; còn Trung đội 36 đóng ở Bản Pạt - Nà Phạ làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương Bình Liêu bảo vệ vùng căn cứ của tỉnh. Có thêm tôi giúp việc, anh Phan Tài có điều kiện để chăm lo tổ chức các trận đánh tập trung của đơn vị hơn trước, nhưng do thường ngày đơn vị vẫn phải đóng quân phân tán theo thế chân kiềng, vừa để chốt giữ những địa bàn xung yếu, giành thế chủ động bảo vệ vòng ngoài của khu căn cứ, vừa tạo thuận lợi cho các trung đội có điều kiện phối hợp hỗ trợ nhau trong tác chiến trên một chiến trường mà kẻ địch đã tổ chức được một lực lượng biệt kích địa phương khá mạnh để quyết liệt chống phá ta, nên chúng tôi vẫn phải phân tán xuống trực tiếp chỉ đạo các trung đội hoạt động chưa thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị động trước những khó khăn thường nhật của đơn vị. Điều lo ngại nhất của chúng tôi là đời sống trong đơn vị quá thiếu thốn: ăn, mặc và thuốc men đều bất cập, làm cho sức khoẻ của anh em giảm sút nghiêm trọng, bệnh tật phát triển nhanh, có những lúc tưởng chừng như mọi người không còn đủ sức để duy trì cuộc chiến đấu lâu dài được. Song tinh thần quyết định hết thẩy, ý chí đã tạo nên sức mạnh, không một anh em nào chùn bước thoái chí trước gian khó, dường như ai cũng muốn gắng gượng tự khắc phục khó khăn riêng để giảm đỡ gánh nặng chung của đơn vị.


Sau Đông - Xuân 1952-1953, cục diện chiến tranh đã có nhiều biến đổi, ta càng đánh càng mạnh, giành quyền chủ động ở nhiều nơi; địch thì ngày càng thất bại và lún dần vào thế bị động. Những đợt thi đua giết giặc lập công để phối hợp với chiến trường chính được liên tiếp phát động đã trở thành nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với đơn vị, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh để đạp bằng mọi trở ngại, ra sức thi đua lập công vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếp đến Đông Xuân 53-54, sau chiến dịch Tây Bắc là sự mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ, càng làm nức lòng mọi người, đem hết sức mình phấn đấu "Tất cả để chiến thắng". Nhưng càng gần thắng lợi lại càng gian nan, địch đã điên cuồng chống trả lại ta. Ở Hải Ninh sau khi rút hết lính Âu Phi để ném vào chiến trường chính, địch đã triệt để khai thác thế mạnh trong việc dùng người địa phương, vét dân để bổ sung quân số và tăng cường trang bị, hà hơi tiếp sức cho quân nguỵ Voòng A Sáng và các đội biệt kích người dân tộc, tiến hành những cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bình Liêu tháng 3/1953 và vào sơn khu Hà Lâu - Phong Du tháng 1/1954; dùng lực lượng biệt kích để đánh úp bộ đội và cơ quan ta; đùng phí và biệt kích, phục kích đánh cướp bóc trên các tuyến đường giao thông trọng yếu như đường Ngàn Chi, đường Phai Xiêm; thậm chí chúng còn dùng những tốp biệt kích nhỏ bắn lén vào cơ quan ta ngay giữa ban ngày... để gây hoang mang trong dân chúng. Đại đội 54 chúng tôi đã cùng bộ đội và dân quân du kích địa phương đánh trả quyết liệt; đã đập tan các cuộc càn quét lớn của địch và gây cho chúng nhiều thương vong; đã đánh bại các cuộc tập kích của chúng vào bản Buông và Hà Lâu; đã nhiều lần phục kích địch trên đường 10 ở khe San - Vân Mây và Đồng Và - Tiên Yên. Rồi sang giữa quý 11/1954 khi mà khắp nơi đang dấy lên phong trào thi đua tấn công, giam chân địch tại địa phương, để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn quyết định, thì đại đội 54 cùa chúng tôi chấp hành chỉ thị của tỉnh đội, đã nhiều lần luồn vào địch hậu bám đánh địch ở Đông Ngũ, Đồng Thầm; phục kích địch trên đường số 4 Đầm Hà - Hà Cối và trên đường Chúc Bài Sơn - Tấn Mài; phối hợp làm áp lực cho các huyện đội Tiên Yên và Hà Cối phá tề trừ gian và tiến hành các đợt vũ trang tuyên truyền (chăng cờ, biểu ngữ, tuyên truyền tin chiến thắng, tán phát truyền đơn địch vận kêu gọi binh lính người địa phương trong hàng ngũ địch trở về) ở Đường Hoa, Mã Tế Nam và Đông Ngũ..., làm cho địch rất hoang mang lo sợ, không còn dám ngang nhiên hoạt động như trước.


Cuối tháng 7 năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết thì tôi nhận được quyết định điều động về Ban địch vận quân khu Việt Bắc, tham gia công tác tiếp quản thị xã Bắc Ninh. Khi công tác chiêu hồi sĩ quan Nguỵ ở đây đã căn bản hoàn thành cũng là lúc tôi đang vô cùng phấn khởi nhận được lệnh vào Thuận Thành để làm công tác binh vận Âu Phi, đồng thời chuẩn bị tham gia công tác tiếp quản Hà Nội, thì lại nhận được quyết định của Bộ Tổng Tham mưu điều động về Cục Tác chiến.


Thế là niềm vui vừa chớm nở trong tôi đã phải xếp lại để nhường bước cho việc đón nhận một nhiệm vụ mới. Tôi xếp ba lô lên đường quay trở lại chiến khu Việt Bắc. Lại ròng rã hành quân, mãi đến chiều hôm thứ ba tôi mới tới được trạm xá của cơ quan Cục Tác chiến, lúc này đang đóng ở một khu rừng của huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ngồi đợi chừng 20 phút, tôi rất sửng sốt và cảm động khi thấy anh Thanh Văn Minh, rồi anh Vũ Phi Hoàng bất ngờ ùa vào phòng đợi, mừng rỡ bắt tay tôi. Trên đường về cơ quan, hai anh cho tôi biết, còn có cả anh Trịnh Tuần ở Quảng Yên cũng sẽ về trong đợt này và nhóm anh em thuỷ quân chúng tôi mới được hình thành nằm trong biên chế của Cục Tác chiến do anh Phan Tiền Đạo, cán bộ chuyên trách theo dõi thuỷ quân của Cục được cử ra phụ trách, để lo chuẩn bị cho việc thành lập Cục Phòng thủ bờ bể sắp tới.


Ôi vui sướng biết bao! Thế là mong ước trở lại Ngành thuỷ quân của chúng tôi năm xưa đã trở thành hiện thực. Hạnh phúc đến thật quá bất ngờ, làm cho tôi cứ rạo rực, bàng hoàng trong mừng rỡ, chẳng còn biết là thực hay mơ?... Niềm vui của tôi càng được nhân lên gấp bội, khi vào đến cơ quan, thấy mọi người ở đây đang tất bật, hồ hởi, hăng say đóng gói, niêm phong các tài liệu và khẩn trương chuẩn bị hành trang để kịp sẵn sàng chờ lệnh hành quân trở về Thủ đô Hà Nội trong bầu không khí rộn ràng tươi vui, dưới những chiếc loa phóng thanh trong tán cây rừng liên tục âm vang những bản tin và những bài ca chiến thắng...


Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 1999
Nhân   dịp kỷ niệm 50 năm Thuỷ quân sông Lô
PVQ
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:23:19 am »

THỦY QUÂN SÔNG LÔ TRÊN MẶT TRẬN MÓNG CÁI


Phạm Vũ Quân
Nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - Bộ Xây dựng


Cuối hè 1998, sau đợt nghỉ mát ở Bãi Cháy, tôi đến thăm anh Trác Vinh Nam đang nghỉ hưu ở Hồng Gai, được biết là vào đầu những năm 1990 có tin anh Hà Ngữ đã về nghỉ hưu ở thị xã Móng Cái nhưng không rõ địa chỉ. Với lòng mong muốn thăm lại bạn cũ, đồng thời tranh thủ tìm hiểu thêm về tình hình hoạt động và hoàn cảnh cụ thể của những anh em cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Hải Ninh trước đây, tôi thu xếp đi Móng Cái. Tới nơi, tôi đến nhiều cơ quan, hỏi thăm một số bà con địa phương nhưng mãi chiều hôm sau mới tìm gặp được anh Hà Ngữ cùng gia đình ở tại xã Quất Đông cách thị xã Móng Cái 12 km. Xa nhau đã gần nửa thế kỷ (47 năm) nay mới có dịp gặp lại, chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện để cùng nhau "dốc bầu tâm sự", song tôi chỉ xin ghi lại đây một số nét chính về tình hình hoạt động, chiến đấu của anh em Thuỷ quân sông Lô trên mặt trận Móng Cái trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp qua những chuyện kể của anh Hà Văn Ngữ và anh Trịnh Cược mà tôi đã được gặp lại gần đây.


Cuối tháng 10/1950 giải phóng huyện Đình Lập, đến cuối tháng 12/1950 giải phóng tiếp huyện Bình Liêu, tỉnh Hải Ninh đã tạo dựng được một căn cứ địa kháng chiến khá rộng và vững chắc. Sang đầu năm 1951, khi vùng biên giới Hoa Nam mới được giải phóng, đồng thời sẵn có cơ sở nhân mối trong hậu địch, ta tiến công giải phóng tiếp 3 xã nằm sâu trong vùng sơn khu của huyện Móng Cái là Pò Hèn, Thán Phún và Tràng Vinh. Lúc này, cơ quan lãnh đạo của huyện đã chuyển về xã Lục Chắn giáp ranh với xã Tấn Mài của huyện Hà Cối, đồng thời nối liền một dải với 3 xã mới được giải phóng, tạo thành một khu căn cứ kháng chiến liên hoàn của huyện Móng Cái. Trong các xã mới được giải phóng thì xã Tràng Vinh có một vị trí trọng yếu: phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp với các xã Thán Phún, Pò Hèn và Lục Chắn, phía Nam chỉ cách xã Quất Đông thuộc vùng địch tạm chiếm một dãy núi liền kề với đường số 4, đã trở thành một vùng đệm vừa là của ngỏ và là lá chắn giữa vùng căn cứ của ta và vùng tạm chiếm của địch. Vì vậy, ta chọn Tràng Vinh để lập khu du kích chăn đánh địch bảo vệ vùng căn cứ và bảo vệ cửa ngõ của cán bộ ta ra vào địch hậu; còn địch lấy Tràng Vinh làm trọng điểm để chống phá quyết liệt, triệt hạ cơ sở kháng chiến của ta (ngày thì đem quân đến càn quét, cướp bóc, phá hoại nhà của ruộng vườn và mùa màng, lùng sục bắt bớ cán bộ ra vào địch hậu, tung thám báo, biột kích vào đánh úp bộ đội và du kích ta khi sơ hở...).


Huyện Móng Cái đã điều Trung đội 45 vào chốt ở Tràng Vinh để đánh địch bảo vệ cơ sở. Bốn anh Hà Văn Ngữ, Nguyễn Trịnh Cược, Vũ Duy Bình và Nông Văn Phượng mới ra cũng được đưa về tăng cường cho trung đội này. Khi các anh đến thì thấy Tràng Vinh trong cảnh vườn không nhà trống, hoang tàn. Nhân dân ở đây hầu hết là người Hoa, không chịu được cảnh thường xuyên bị địch quấy nhiễu, cướp phá, bắt bớ, bắn giết..., nên đã đi tìm nơi khác để làm ăn sinh sống. Cán bộ uỷ ban, đoàn thể và du kích địa phương phần bị bắn, bị giết phần thì không chịu được cảnh lùng sục, o ép của địch đã rời khu căn cứ, cá biệt có một số người đã đầu hàng địch, làm tay sai cho chúng quay về phá hoại cơ sở. Cho đến lúc này cả xã Tràng Vinh chỉ còn lại 2 gia đình anh em người Hoa (các ông Chiếng Tài và Chiếng Lộc), phải rời vào khe núi thì mới trụ lại được. Trung đội 45 lúc này cũng đang gặp nhiều khó khăn: trung đội trưởng thì bị trọng thương trong trận chống địch càn vào sơn khu trung tuần tháng trước, đã phải đưa về Quân khu điều trị và huyện đội đã phải cử anh Nguyễn Đăng Ấn, chính trị viên phó trực tiếp xuống chỉ huy đơn vị trong khi chưa có cán bộ thay thế; quân số thì đang thiếu hụt khá nghiêm trọng vì số anh em bị thương vong chưa được bổ sung, tỷ lệ ốm đau cao lại phải thường xuyên dành ra một số người đi lấy gạo cách xa hơn hai chục cây số mà còn hay gặp trắc trở thất thường, mất thời gian và công sức, làm cho quân số trực chiến quá mỏng trước nhiệm vụ phòng chống địch ngày càng khẩn trương và ác liệt; đời sống của anh em trong đơn vị cũng rất khó khăn, không những vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, thường xuyên chịu cảnh đói rét, rách rưới và ốm đau mà còn vì sinh hoạt và công tác luôn căng thẳng, suốt ngày dãi nắng dầm mưa, đêm đến lại phải rời vào khe núi ngủ lưu động nay đây mai đó để phòng địch đánh úp, được hôm tạnh ráo còn khá, gặp phải đêm mưa thì thật là cơ cực, vải ni lông chẳng có, anh em chỉ còn biết ngồi bó gối tựa lựng vào nhau cho đỡ mỏi rồi trông chờ cho mưa tạnh và mong trời chóng sáng để còn hong khô quần áo mà mặc, trong đơn vị còn có đến một phần ba anh em bị mắc bệnh quáng gà do ăn uống kham khổ thiếu chất, chịu cảnh khiếm thị mỗi khi bóng chiều buông xuống, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt.


Những khó khăn chồng chất của Trung đội 45 lúc này cũng chính là những thách thức vô cùng gay gắt đối với bốn anh em mới đến. Song với trọng trách được giao và trước một tình thế hết sức khẩn trương của đơn vị, các anh đã quyết tâm bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới với mục tiêu phấn đấu: khai thác và vận dụng cho được sức mạnh của tập thể để nhanh chóng đưa đơn vị thoát khỏi cảnh bị động trước sức tấn công nhiều mặt của kẻ địch, của bệnh tật và của đói rách thiếu thốn đang ngày càng đè nặng lên đơn vị.


Việc cần tháo gỡ trước hết trong lúc này là cách tổ chức trực chiến thụ động và tốn công sức của đơn vị (sáng nào cũng dàn quân lên chiếm các cao điểm chờ địch, để rồi chiều xuống khi thấy tình hình trong khu vực thật yên ả mới thu quân về nghỉ), làm cho anh em luôn ở trong trạng thái căng thẳng mệt mỏi, không duy trì được sức chiến đấu lâu dài và mọi mặt công tác nuôi dưỡng, xây dựng đơn vị đều bị ngừng trệ. Sau khi tìm hiểu kỹ tình hình hoạt động của địch và khảo sát tỉ mỉ địa lý trong khu vực, anh Hà Ngữ cùng anh Trịnh Cược đã dựa vào lợi thế của địa hình để xây dựng các phương án tác chiến của trung đội theo các hướng tấn công giả định khác nhau của địch. Sau đó các anh tổ chức cho đơn vị diễn tập theo từng phương án một cách thuần thục trên thực địa. Còn việc canh chừng và phòng chống địch tấn công thì chỉ cần bố trí lực lượng trinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới trên các trạm quan sát tiền tiêu để kịp thời phát hiện và báo động, khi có địch xuất hiện là ngay lập tức đơn vị được tập hợp và nhanh chóng triển khai vận động chiếm lĩnh trận địa đã định, chủ động chặn đánh địch. Đêm đến thay vì việc rút quân vào khe núi để ngủ như trước đây, các anh đã chọn một số điểm trú quân có điều kiện canh gác và phòng vệ thuận tiện để bố trí đơn vị luân phiên ém quân ngủ qua đêm tại chỗ, vừa đỡ gây thêm sự mệt nhọc không cần thiết cho anh em, vừa thuận tiện cho việc tổ chức ứng chiến của đơn vị được nhanh chóng khi có động. Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các chủ trương và phương án tác chiến đã đề ra, các anh luôn quan tâm đến việc nâng cao tính năng động và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của đơn vị bằng cách tích cực chăm lo xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, thường xuyên đề cao cảnh giác và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Những việc làm này đã nhanh chóng đem lại cho đơn vị một khí thế mới, một tinh thần hăng say luyện tập và một niềm tin quyết thắng.


Sự đổi mới về phương thức hoạt động không chỉ đem lại lợi ích về mặt quân sự mà còn tạo thuận lợi cho đơn vị có điều kiện để tháo gỡ khó khăn về đời sống đang là một yêu cầu cấp bách để duy trì sức chiến đấu lâu dài của đơn vị. Thực tế tình hình lương thực bị thiếu hụt triền miên đã làm cho anh em trong đơn vị dễ dàng thông suốt và thống nhất với chủ trương mà các anh đã đưa ra họp bàn là không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn cung cấp lương thực của tỉnh lúc này đang còn gặp nhiều khó khăn bất cập, mà bản thân đơn vị phải bắt tay ngay vào việc tăng gia tự cải thiện để thiết thực góp phần khắc phục sự thiếu hụt về lương thực đang gây nhiều khó khăn cho đơn vị. Với sự đồng lòng và quyết tâm của anh em, chẳng bao lâu vườn tược của đồng bào bị giặc tàn phá lại ngày một trở lại xanh tốt và ruộng nương của đồng bào bỏ hoang thì lấy sức người thay lực kéo, lúa khoai lại được gieo trồng. Dần dà đơn vị có thêm rau xanh, củ quả, ngô khoai sắn và cả thóc gạo, rồi tiếp theo là gia cầm gia súc... Không những tự bù đắp được phần lương thực thiếu hụt, mà đơn vị còn đắp đập nuôi cá và đốt than củi đem bán lấy tiền để mua sắm thuốc men, vải che mưa, xà phòng, bàn chải và thuốc đánh răng cho anh em. Đời sống trong đơn vị nhờ vậy mà ngày càng được cải thiện và bệnh tật ốm đau cũng được giảm dần.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:24:32 am »

Ở Tràng Vinh trước đây, đêm đến bộ đội ta rời vào núi thì thường là bọn biệt kích và thám báo địch lại kéo vào làng lùng sục, bắt bớ và phục kích cán bộ ta ra vào địch hậu. Nhưng từ khi trung đội 45 chốt quân tại chỗ thì nhiều cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra, đã có những tốp biệt kích và thám báo sa vào ổ phục kích của trung đội, làm cho địch rất hoang mang, hoảng sợ, không còn dám hoạt động ngang nhiên như trước. Cũng từ đó, có sự hỗ trợ của bộ đội, đường dây liên lạc ra vào địch hậu của cán bộ ta đã được nối lại và nơi đóng quân của Trung đội 45 dần trở thành nơi trú chân và trạm liên lạc của cán bộ hậu địch. Để bù đắp lại, chính những anh chị em cán bộ này đã là những thành viên tích cực trong việc cung cấp tình hình địch và những nhu yếu phẩm cần thiết cho bộ đội. Do đó để đối phó lại, chỉ tính từ cuối năm 1951 đến giữa năm 1952, địch đã mở hai cuộc càn lớn với quy mô tiểu đoàn, có pháo yểm trợ, tấn công vào xã Tràng Vinh hòng phá hoại cơ sở và tiêu diệt lực lượng ta, nhưng chúng đéu bị thất bại, phải tháo chạy trước sức chống trả và tấn công mãnh liệt của Trung đội 45. Để xoay chuyển tình thế, địch đã đưa một đại đội lính Bảo Hoàng hàng ngày đến dàn quân để bảo vệ số dân công làm đường lên xây đồn trên núi Lý La ở mặt Đông Nam nhằm uy hiếp toàn bộ địa bàn Tràng Vinh, đã bị Trung đội 45 chủ động tích cực tiến công quyết liệt. Ngày nào cũng có súng nổ, dân làm đường bỏ chạy tán loạn, có trận ta phục đánh và truy kích bọn Bảo Hoàng tháo chạy ngay giữa ban ngày, làm xôn xao cả thị xã Móng Cái. Cuối cùng âm mưu xây đồn ở núi Lý La của địch đã hoàn toàn thất bại.


Với tinh thần đoàn kết thương yêu đồng đội, gương mẫu tận tuỵ trong công tác và mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, các anh đã được toàn đơn vị tin yêu và đã thiết thực góp phần khắc phục khó khăn xây dựng Trung đội 45 ngày một lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đánh địch trừ gian, bảo vệ cơ sờ và sơn khu, đồng thời tạo thuận lợi cho cán bộ ta ra vào hoạt động địch hậu.


Càng nói đến những thành tích cống hiến của các anh (những chiến sĩ thuỷ quân sông Lô trên mặt trận Móng Cái), tôi càng đau xót và thương tiếc anh Nông Văn Phượng. Anh đã anh dũng hy sinh giữa lúc đang dẫn 2 khẩu đội trung liên truy kích địch trên đồi Cốc Soóng trong trận đánh trả một tiểu đoàn địch càn vào xã Tràng Vinh cuối tháng 6/1952. Sau khi kể cho tôi nghe tin này, giọng anh Hà Ngữ (người chỉ huy trận đánh) trầm hẳn xuống: ... "Trận ấy ta thắng, nhưng mất cậu Phượng, thật đau đớn vô cùng! Mình đau đã vậy, mà cả Trung đội 45 cứ ngao ngán mấỵ tháng không nguôi...". Thật vậy, không đau sao được khi mất đi một đồng đội, nhất là lại mất một người đáng quý như anh; luôn hồn nhiên tươi trẻ, hiền lành, trung thực, sẵn sàng nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, nhưng lại rất mực dũng cảm, ngoan cường trước kẻ địch. Nhớ thương anh lòng tôi se lại... và rồi, sớm hôm sau anh Hà Ngữ và tôi lên đường vào Tràng Vinh để thăm lại chiến trường xưa và để thắp hương viếng mồ anh Phượng, nhưng khi qua gặp Ban chỉ huy huyện đội Móng Cái chúng tôi mới được biết là toàn bộ thung lũng Tràng Vinh đã trở thành vùng hồ từ cuối 1997, sau khi ta ngăn đập Quất Đông để xây dựng khu phát triển kinh tế thuỷ sản và du lịch của huyện, nên rất tiếc là chuyến đi của chúng tôi không thành.


Bước vào Thu Đông 1953, chấp hành chỉ thị của tỉnh về việc tăng cường đánh địch để phối hợp với chiến trường chính, huyện đội Móng Cái thành lập một đội công tác đặc biệt lấy tên là đội Sơn Hải làm nhiệm vụ luồn sâu vào địch hậu đánh phá các tuyến giao thông và các phương tiện vận tải, thông tin liên lạc và phá hoại về cơ sở vật chất, tiêu hao sinh lực của địch, nhằm gây hoang mang và làm mất ổn định trong hậu phương của chúng. Anh Hà Ngữ và anh Trịnh Cược lại được điều sang phụ trách công tác này và đã chỉ huy đơn vị lập nhiều thành tích mới như: liên tiếp cắt phá đường dây và các thiết bị thông tin liên lạc của địch trên đường số 4 và đường từ Móng Cái đi Lộc Phủ, có những đêm chuyển về hàng chục gánh dây điện đủ các loại; đồng thời nhiều lần chôn mìn, phục đánh xe của địch trên đường số 4 và tháng 4/1953 diệt một xe GMC chở một tiểu đội lính nguỵ trên đường Tài Ván đi Lộc Phủ, đã gây nhiều hoang mang trở ngại cho địch,...


Trong những năm tiếp theo, các anh còn được điều động sang nhiều đơn vị khác công tác với những trọng trách khác nhau, song ở bất kỳ đâu và trên cương vị nào các anh cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã liên tục công tác cho đến khi nghỉ hưu sau ngày hoà bình được lập lại trong cả nước (1975).


Điều đáng kể là vào cuối Thu năm 1955, cả ba người còn lại (Ngữ, Cược và Bình) đều được điều động về Tiểu đoàn 470 làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, trực thuộc Cục Phòng thủ bờ bể (Bộ Tổng Tham mưu) mới được thành lập, trong đó: Anh Trịnh Cược được cử làm trợ lý tham mưu tác huấn của Tiểu đoàn 470; Anh Hà Ngữ và anh Vũ Duy Bình về một đại đội trực thuộc tiểu đoàn 470 đóng ở bán đảo Trà Bình (Trà Cổ), do anh Hà Ngữ làm đại đội trưởng.


Thật lý thú là khi gặp lại nhau ở Quất Đông, tôi kể cho anh Hà Ngữ biết là ngay sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký cuối tháng 7/1954, thì các anh Thanh Văn Minh, Vũ Phi Hoàng, Trịnh Tuần và tôi cũng được Bộ điều động về Cục Tác chiến để tham gia vào việc chuẩn bị thành lập Cục Phòng thủ bờ bể mà nay là Quân chủng Hải quân. Anh Hà Ngữ vô cùng mừng rỡ, đập mạnh vào vai tồi "ôi thế là nguyện vọng của anh em chúng mình năm xưa, đến nay đã đạt được rồi!"


Khi chia tay anh Hà Ngữ cùng gia đình ra về, tôi không khỏi bùi ngùi xót thương anh Nồng Văn Phượng, song lại cũng cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào về những gì mà các anh Hà Ngữ, Nguyễn Trịnh Cược, Vũ Duy Bình và Nông Văn Phượng; những người bạn Thuỷ quân sông Lô chúng tôi đã làm được trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất Móng Cái gian lao và anh dũng này.


Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập
Ban Nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu 8/3/1999
PVQ
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2021, 09:26:28 am »

CHUNG MỘT NIỀM VUI


Hồi ký của đồng chí Nguyễn Khắc Việt


Vào một buổi sáng tháng 5/1955, theo kế hoạch phân công của đơn vị, tôi phụ trách giới thiệu bài xạ kích bắn gián tiếp cho lớp tập huấn cán bộ của Trung đoàn (E84, F351). Đầu giờ chiều hôm đó, tôi được gọi lên gặp Chính uỷ Trung đoàn. Tới phòng làm việc, đồng chí Chính uỷ đã có mặt ở đó, tôi chào đồng chí bằng động tác quen thuộc: “Báo cáo đồng chí Chính uỷ, tôi có mặt”. Đồng chí Tâm vốn là người có tác phong bình dân, đồng chí kéo ghế mời tôi ngồi, rót nước mời tôi uống, song đưa bản quyết định của Bộ Tổng Tham mưu và trao đổi với tôi: “Đồng chí Việt trước đây đã ở lớp Thuỷ quân Sông Lô, nay quân đội ta lại tiếp tục xây dựng Hải quân, trên điều đồng chí về binh chủng mới, không biết đồng chí có suy nghĩ gì không?”


Nối tiếp lời Chính uỷ, tôi nói “Tôi tưởng là Chính uỷ gọi lên chắc để phê bình, nhận xét điều gì trong buổi lên lớp sáng nay, nhưng ngược lại Chính uỷ lại mang đến cho tôi niềm vui lớn là được trở về Hải quân, một nguyện vọng mà tôi hằng ấp ủ kể từ khi giải thể Thuỷ quân Sông Lô (4/1951) đến bây giờ”.


Theo Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu điều động tôi về Cục Phòng thủ bờ bể ở Hà Nội, cơ quan Cục tạm thời đóng ở nhà máy bia Ho-men. Về đến Cục, tôi gặp một đồng chí trong Ban tổ chức đón tiếp cán bộ, đồng chí đó xem quyết định của tôi và hướng dẫn cho tôi về nhà số 12 Đặng Thái Thân - cạnh nhà hát lớn chờ phân công nhiệm vụ. Về đến số nhà 12 Đặng Thái Thân, tôi thấy rất nhiều cán bộ đã tập trung ở đó, trong số đó có 5 đồng chí là thuỷ quân Sông Lô gồm: Nguyễn Ngọc Giám, Hoàng Lương, Nguyễn Khắc Việt, Bùi Xuân Thể, Trần Ngọc Lan.


Ở đây gần một tuần, bắt đầu tổ chức biên chế đi các nơi, hai đồng chí Giám và Lương được phân công vào Đoàn 100 đi học và nhận tàu tuần tiễu ở Hải Nam - Trung Quốc. Ba đồng chí Việt, Thê, Lan được điều động về Trường huấn luyện bờ biển (gọi tắt là Trường 45, sau này là trường huấn luyện Hải quân, trường sĩ quan Hải quân và từng bước phát triển thành Học viện Hải quân bây giờ). Địa điểm của trường đóng tại sở Marine cũ ở Hải Phòng, tức khu doanh trại Xưởng 46 hiện nay. Ngày 12/5/1955, ba chúng tôi có mặt ở đây, số người tập trung về trường chưa nhiều, nhưng chỉ ít hôm sau cán bộ chiến sỹ tập trung về mỗi ngày một đông.


Ngày 6/6/1955, khoá 1 trường 45 bắt đầu khai giảng, khoá học có 2 lớp, gồm một lớp cán bộ thuyền khoảng 50 người, một lớp chiến sỹ kỹ thuật các ngành như lái tàu, cơ điện, xạ thủ, thông tin tín hiệu có khoảng 120 người.


Sau một thòi gian tổ chức đã ổn định, tôi thống kê xem có bao nhiêu người từ Thuỷ quân Sông Lô trở về đây, ở hiệu bộ có đồng chí Trần Lưu Phương được bổ nhiệm làm hiộu trưởng Trường 45 (đồng chí Phương trước đây là cán bộ cấp tiểu đoàn làm đại đội trưởng phụ trách khung huấn luyện thuỷ quân Sông Lô) và đồng chí Thanh Văn Minh là trợ lý chính trị hiệu bộ. Học viên lớp cán bộ thuyền gồm các đồng chí Trịnh Tuần, Nguyễn Khắc Việt, Nguyễn Ngọc Văn, Hoàng Quốc Hùng, Bùi Xuân Thê, Trần Ngọc Lan, Bùi Đoàn Cơ, Đàm Cần, Trần Đại Tấn. Như vậy, mới chỉ trong khoảng thời gian gần 1 tháng tôi đã gặp 13 đồng chí là Thuỷ quân sông Lô. Chúng tôi được học chương trình đào tạo cán bộ thuyền trong thời gian khoảng 2 tháng. Những ngày học tập ở đây, mỗi khi có thòi gian rảnh rỗi, anh em Thuỷ quân Sông Lô lại cùng nhau chuyện trò, kể cho nhau nghe những niềm vui của mình như được học cán bộ thuyền là một ngành học mà anh em quan niệm là có “tiền đồ”. Lại được học ở thành phố lớn thứ 2 miền Bắc, nhưng niềm vui lớn nhất là từ thuỷ quân Sông Lô nay được trở về xây dựng Hải quân.


Tháng 7/1955, Cục phòng thủ bờ bể được thành lập, hai thuỷ đội Sông Lô và Bạch Đằng, mỗi thuỷ đội có 10 ca nô gỗ, trên mỗi ca nô có gắn một khẩu 12,7 ly, một khẩu đại liên mác-xim 7,62 ly, ngoài ra còn có trung liên, tiểu liên, súng trường, lựu đạn. Số học viên cán bộ thuyền khoá 1 phần lớn được biên chế xuống hai thuỷ đội với chức danh thuyền trưởng hoặc thuyền phó. Thuỷ đội Sông Lô có các đồng chí Cần, Thê. Thuỷ đội Bạch Đằng có các đồng chí Cơ, Việt, Văn, Hùng, Tấn. Đồng chí Tuần được ở lại trường làm trợ lý chính trị hiệu bộ, đồng chí Lan được ở lại làm cán bộ khung của trường.


Ngày 24/8/1955, lễ thành lập hai thuỷ đội được tổ chức trọng thể tại trường huấn luyện bờ biển bên bờ sông Cấm của thành phố Hải Phòng. Trong buổi lễ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng quân uỷ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Nguyễn Chánh về dự và chủ trì buổi lễ.


Trong bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi chuyển lời hỏi thăm ân cần của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên... Đại tướng đã căn dặn 2 thuỷ đội: "... Các đồng chí là những người được lựa chọn trong toàn quân về đây để xây dựng binh chủng mới của quân đội nhân dân Việt Nam, hai thuỷ đội cũng là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam sau nay. Bờ biển ta dài và rộng, trên bờ có đông dân cư, có các trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng, dưới biển có nhiều tài nguyên quý giá, kẻ địch còn đang lén lút phá hoại. Các đồng chí từ con em của nhân dân mà ra nên phải ra sức phát huy truyền thống của quân đội nhân dân anh hùng, hãy dũng cảm khắc phục khó khăn để ỉàm tròn nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hoà bình của nhân đân ta”.


Sau buổi lễ ra mắt hai thuỷ đội, ai nấy đều hào hứng phấn khởi để thực hiện cho được lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM