Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:27:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4117 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 03:47:56 pm »

NỤ CƯỜI ANH LÍNH THUỶ

Đàm Ngọc Chương
Nguyên chuyên viên Bộ Giáo dục

   Đôi mắt sáng long lanh
   Với ý chí quên mình
   Súng trên vai anh hát
   Âm vang khúc quân hành
   Bước chân anh vượt rừng xanh
   Để rồi dạo khắp kinh thành nay mai

   Anh lính thuỷ của tôi
   Luôn giữ trên môi
   Một nụ cười cởi mở
   Cho đời càng thêm tươi

   Ấm no, vui sướng, anh cười
   Đau buồn, đói rét, anh tươi như thường
   Nước non, anh nặng yêu thương
   Dù cho trăm gió ngàn sương chẳng sờn
   Đã mang dòng máu anh hùng
   Súng thù chẳng át được lòng yêu dân
   Trải bao vất vả gian truân
   Nụ cười vẫn đượm chứa chan ân tình
   Lô giang, dòng nước trong xanh
   In hình anh lính thuỷ binh yêu đời.

Phố Giàn, Hè năm 1950
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 03:49:33 pm »

SÚNG GỖ2
(Hồi đầu kháng chiến rất thiếu súng đạn nên tân binh thường phải dùng súng gỗ để huấn luyện. Đây là bài thơ viết cho bích báo Đại đội, nay còn nhớ nên ghi lại)

Hoàng Quốc Hùng
Thuyền trưởng Trường Thuỷ quân (c45) -
Cục Phòng thủ bờ bể - Bộ Tổng Tham mưu

   Súng là vợ, đạn là con,
   Vợ ta bằng gỗ yêu thương nỗi gì?
   Đầu đuôi một khúc phẳng lỳ,
   Không nòng, khi bắn đạn đi đằng nào?
   Lỗ3 (cơ bẩm) đâu để đút đạn vào?
   Tìm đâu môi thắm, má đào mà hôn?4 (Khi ngắm xạ kích, thường phải áp má vào súng)
   Những hôm tập trận công đồn,
   Ngồi ôm súng gỗ tâm hồn nhớ ai?
   Ta cần súng gỗ hôm nay,
   Ngày mai đại bác, máy bay hùng cường.

Khả Linh 1951
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 03:51:15 pm »

Bài ca thuỷ binh du kích (nhạc)

Đại tá Ngô Thế Lãng
Nguyên Trưởng phòng Văn hóa
Cục chính trị Hải quân


Đi xây non sông xây dựng một tương lai, cả một đoàn người mang theo một ý chí, cả một đoàn người mang theo một sức sống đang oai hùng tiến bước trên con đường xa ghi trong tâm can.

Một đoàn người thiết tha quê hương và một lời thề xây dựng lại non sông. Đi xây non sông đi sau biên cương xây dựng binh chủng mới chúng ta đi. Đi thề giết hết quân thù đi là sau hết biên thùy chúng ta xây đời mới.

Ngày mai trên biển Hạ Long nghe sóng âm vang tiếng hô trên dòng sông bập bềnh trôi xác quân thù trên dòng sông xanh. Thủy binh du kích quân Việt Nam lập công xuất hiện một ngày hất hết xác quân sài lang trên dòng sông biếc bao xác thù lặng chìm dần xuống đáy nước.

Ta đi say máu quân thù. Toàn thủy binh nước Việt Nam. Ngày về không còn xa. Chúng ta đi bảo vệ núi sông nhờ ngày về Thủ đô tươi sáng. Làn sóng Cam Ranh đang âm vang say mê lăn sóng Nha Trang đang chờ ta Bạch Đằng  reo nhắc ta xây hạm đội thủy binh Việt Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 03:52:30 pm »

Vui đời thủy quân (nhạc)

Trung tá Trần Minh Thái
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh - Tỉnh Quảng Ninh


Chúng ta là đoàn trai Thủy quân lòng như gió khơi. Ngát tâm hồn trùng dương xanh không biên giới. Sống đêm ngày đồi xanh rừng sâu trầm vương mây khối. Lòng mơ ước ngày mai trời sáng chơi vơi.

Lướt sóng! Vững chèo! Bơi lên dòng sông biếc.

Lướt sóng! Vững chèo! Bơi lên sông Lô ngược xuôi.

Hải măng từ trong rừng sâu. Bước chân hành quân vượt dốc. Nắng thiêu rồi mưa ngày đêm. Muối rau cùng măng triền miên.

Lính cứ ca! Lính cười! Lính cứ tươi! Lính phớt đều! Lòng phơi phới!

Lính cứ ca! Lính cười! Lính cứ tươi! Lính phớt đều! Nhộn hòa vui!

Ước mơ ngày mai toàn thắng.

Rời sông Lô, lính lên đường. Đường xây thủy quân Việt Nam. Giữ gìn biển trời quê hương.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 03:58:50 pm »

Ra Việt Bắc

Thơ: Hoàng Quốc Hùng
Nhạc: Hồng Liên


Ta ra đi hôm nay biết bao giờ trở lại. Xin cảm ơn thời đại chắp cánh cho ta bay. Hỡi gió hỡi mây hãy đợi chờ ta nhé. Đừng để ta rơi lệ, đừng sợ lúc chia ly. Đừng bắt ta nói gì những sầu thương quyến luyến, đừng sợ nơi chiến tuyến. Đừng ngại những chông gai. Xin mọi người lắng tai nghe địa cầu rung chuyển, nghe mưa nguồn bão biển, nghe nhịp bước ta đi, nhịp bước ta đi.


Đoan Hùng 12/3/1999
Đêm giao lưu văn nghệ kỷ niệm thành lập Ban
Nghiên cứu thủy quân
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 04:05:01 pm »

NGƯỜI THỦY THỦ BIỂN ĐÔNG

Trung tá Nguyễn Thọ Sơn
Nhà văn - Chi Hội nhà văn Hà Nội

   Đây nắng sớm Xê-kham
   Đưa mắt nhìn biển rộng
   Nghe sóng vỗ ầm vang
   Như trào muôn nhựa sống
   Trên làn nước gầm reo cơn gió lộng
   Tôi đắm mình trong biển cả gió mưa
   Nhưng cũng vẫn say sưa
   Đi xây đắp một ngày về mới mẻ
   Hôm qua còn nhỏ bé
   Hôm nay đã lớn rồi
   Nước biển xanh nhuộm thắm mái tóc tôi
   Yêu sóng gió, yêu đời, yêu bão táp
   Quyết rèn luyện cho mình thêm cứng cáp
   Về kiên gan quyết thắng giặc bạo cường
   San hết mọi biên cương
   Đem bao tình dào dạt
   Bao trùm lên trên đất nước non sông
   Lên nhân loại, lên thế giới mênh mông
   Biển cả rộng như lòng người thuỷ thủ.

Đảo Điều Thuận - Cuối Đông 1950
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 04:06:27 pm »

MỘT BUỔI TẬP - MỘT NIỀM VUI - MỘT NỖI BUỒN

Đại tá Nguyễn Phú Quát
Nguyên Chánh văn phòng Bộ Lâm nghiệp


Toàn đơn vị đến đảo Điều Thuận, một hòn đảo thưa dân thuộc bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông - Trung Quốc) vào một buổi chiều cuối năm se lạnh. Sau hơn một tháng vừa ổn định nơi ăn chốn ở, vừa học tập lý thuyết và thực hành trên bờ, chúng tôi đã nhanh chóng nắm được các động tác và những công việc cơ bản để điều khiển một chiếc thuyền buồm. Theo chương trình, cả đội chuyển sang luyện tập hành quân và chiến đấu trên biển. Mọi người háo hức chờ buổi tập đầu tiên để được thấy biển cả mênh mông, gió lộng và cũng là bước vào giai đoạn thử thách và rèn luyện cả trình độ lý thuyết và lòng dũng cảm của một chiến sĩ Thuỷ quân thực thụ. Ai cũng thấy hồi hộp chờ đợi ngày vui đó.


Một buổi sáng trời mờ sương gió nhẹ, ngót chục chiếc thuyền buồm các loại đỗ sát bên nhau dập dềnh trên bến, những chiếc cờ đỏ trên đỉnh các cột buồm phần phật bay trong gió. Chúng tôi đã tập trung đầy đủ theo từng trung đội. Đến giờ xuất phát, một hồi kèn lệnh phát ra từ chiếc thuyền chỉ huy ba buồm to nhất, chúng tôi nhanh chóng lao xuống thuyền, rồi ai về vị trí người đó.


Chiếc thuyền chỉ huy căng buồm từ từ rời bến. Các thuyền khác kéo neo căng buồm lướt theo thứ tự đội hình hàng dọc, thuyền nọ cách thuyền kia hàng trăm mét. Cả đoàn từ từ ra khơi, xa dần bến. Trông đoàn thuyền no gió, lướt nhanh trật tự trên biển, lòng tôi xốn xang một niềm vui, thấy mình đã trưởng thành nhanh chóng. Chỉ mấy tháng trước bước chân vào quân ngũ, được nhìn thấy mô hình các loại tàu chiến đặt tại trụ sở Ban chỉ huy đội, ai cũng ước mong sớm được thấy biển. Thế rồi những ngày tập chèo thuyền trên sông Lô, học tập phương pháp thông tin liên lạc bằng cờ, học tập sử dụng, sửa chữa các loại máy nổ trên tàu lại thôi thúc ước mơ ra biển nhiều hơn. Đến hôm nay, ước mơ đã thành sự thật.


Buổi tập hôm đó, trung đội tôi được nhận một thuyền buồm, sẵn sàng vũ khí chiến đấu, trên thuyền có chú lính kèn người Hoa cùng đi. Trung đội bố trí một đồng chí cầm lái, hai phụ trách buồm. Hai đồng chí này đã có thời sống nghề chài lưới ven sông ven biển. So với chúng tôi, hai đồng chí này có tay nghề khá hơn cả nên được giữ vị trí then chốt nhất trong buổi tập đầu tiên. Các đồng chí khác còn lại làm nhiệm vụ chiến đấu. Suốt hai tiếng đồng hồ, theo lệnh từ thuyền chỉ huy, chúng tôi tập chạy theo các đội hình trên biển. Buổi tập sáng sắp kết thúc, chúng tôi ai cũng phấn khởi thấy buổi ra biển lần đầu suôn sẻ, tự tin ở mình có thể điều khiển một con thuyền theo ý muốn. Nhưng niềm vui chưa hết thì một tai hoạ ập đến bất ngờ: Thuyền trưởng ở thuyền chỉ huy ra lệnh cho toàn đội quay trở về bến. Thi hành lệnh, các thuyển từ từ quay lại. Trên thuyền chúng tôi mọi người vào vị trí chiến đấu, ai vào việc nấy đã được phân công trước để làm các động tác điều khiển con thuyền quay trở lại. Dây lèo đã được tháo ra, tay lái điều khiển để thuyền mất gió dừng lại. Hai buồm từ từ đổi chiều để đón gió đẩy thuyền quay trở lại về hướng bến, thật đúng bài bản. Ai cũng thấy động tác mình làm đều đúng kỹ thuật. Nhưng thật bất ngờ, khi hai cánh buồm đang từ từ trở lèo để đón gió thì một cơn gió mạnh thổi táp vào làm cho hai cánh buồm chập vào nhau trở thành vật cản, bị gió thổi mạnh làm cho thuyền lật nghiêng rất nhanh, rồi từ từ úp xuống mặt nước. Một tình huống bất ngờ chưa có kinh nghiêm xử trí, tất cả chúng tôi rời nhanh vị trí của mình nhảy ào xuống biển. Chỉ một thoáng hai buồm chìm xuống, đáy thuyền nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Lúc đó trên biển quanh thuyền cái gì nổi được thì nổi lềnh bềnh, nào mũ, nào sào, nào cờ quạt... Chúng tôi, ai vượt ra khỏi thuyền thì bơi đi bơi lại gọi nhau xem ai còn ai mất...


Khi báo hiệu thuyền bị nạn, toàn đoàn quay lại và kéo chúng tôi lên. Tìm lại thấy thiếu hai đồng chí, lại đúng là hai đồng chí chịu trách nhiệm điều khiển hai cánh buồm. Chúng tôi lo lắng. Ngay tức khắc các giáo viên bạn và những tay bơi lặn giỏi đều được huy động để tìm kiếm, nhưng vô hiệu... Những ngày sau tiếp tục tìm kiếm đều không có kết quả. Toàn đoàn buồn và lo lắng. Trung đội tôi khi về đến nhà ở hầu như không ai muốn ăn, muốn nói chuyện. Ai cũng nhớ thương hai đồng chí không cầm được nước mắt. Một tuần trôi qua, xác hai đồng chí nổi lên và trôi dạt vào một bờ đảo. Khi đưa được xác hai đồng chí về bến, mặt bị sưng to, ngôi sao đeo trên mũ do bị va đập mạnh cong cuộn lại. Chúng tôi cho rằng vì tinh thần trách nhiệm cao, để cứu con thuyền không bị đắm, các đồng chí đã cố gắng gỡ buồm không kịp nhảy ra trước khi thuyền bị lật úp, nên đã bị nằm trong sạp thuyền do sức ép của nước và va đập vào cột buồm bị thương nặng nên không bơi ra được. Thế là hai đồng chí đã hy sinh trong lúc huấn luyện trên đất bạn.  Được sự giúp đỡ của Bạn, hai đồng chí đã được mai táng và xây thành lăng nhỏ ngay sát bờ đảo. Mỗi lần chúng tôi ra khơi luyện tập đều như thấy đồng đội mình bên cạnh.


Nhớ lại những ngày đầu ở Thuỷ quân, những kỷ niệm không thể quên này, lại đúng vào ngày thương binh liệt sĩ (27-7) tôi càng nhớ thương những đồng đội đã vì nhiệm vụ hy sinh, còn phải nằm lại trên đất Bạn, xa Tổ quốc quê hương.

N.P.Q
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 04:08:13 pm »

TƯỞNG NHỚ ANH NGUYỄN XUÂN QUẾ

Hoàng Quốc Hùng
Thuyền trưởng Trường Thuỷ quân (c45) -
Cục Phòng thủ bờ bể - Bộ Tổng Tham mưu

"Giơ tay đếm thử bao người
Chung vui năm ngoái năm nay không còn?"

Đó là hai câu thơ mà một thi sỹ đã đọc giữa Đại hội quân chính tại chiến khu Bình Trị Thiên vào năm 1949 khi thấy một số bạn bè vắng mặt vì đã hy sinh trong chiến đấu.

Bây giờ tôi cũng muốn: "Giơ tay đếm thử bao người
   Chung vui Thuỷ quân sông Lô mà năm nay không còn?”

Trong số những người không còn đó, có anh Nguyễn Xuân Quế, giáo sư hàng hải đầu tiên của chúng tôi. Anh đã ra đi vĩnh viễn.

Anh Quế! cho phép tôi gọi anh là ANH như tôi vẫn gọi khi anh còn sống. Anh mất đi, chúng tôi - những người lính Thuỷ quân sông Lô thuở nào vô cùng thương tiếc anh. Thương anh vì anh có đạo đức tốt, tác phong tốt, học vấn tốt, kinh nghiệm nghề nghiệp tốt, nhưng anh đã chưa được "sử dụng" hợp lý. Do đó, những cái tốt của anh chưa được phát huy, cống hiến và phục vụ dân tộc tói mức tối đa. Tiếc vì anh không được "thọ" thêm để thấy đất nước đổi mới, cuộc sống trăm màu ngàn sắc đang đua nở, Tổ quốc đang thay da... đổi thịt như lúc sinh thời anh từng mơ ước. Thương tiếc anh, không phải chỉ than ngắn thở dài. Chúng tôi những người học trò của anh muốn hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc về anh để tự rút ra những bài học bổ ích. Tôi chỉ muốn hồi tưởng lại vài kỷ niệm về anh mà cá nhân tôi thấy là sâu sắc và có ý nghĩa nhất.


1. "Không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải"

Năm 1950 - 1951, chúng tôi là lính Thuỷ sông Lô. Nói tới Thuỷ quân là nói tới hàng hải. Mà giáo sư hàng hải đầu tiên của chúng tôi là anh Nguyễn Xuân Quế. Tháng 5/1951, Thuỷ quân sông Lô giải tán, chúng tôi được cấp "bằng tốt nghiệp" (giấy chứng nhận), trong đó có 4 câu: "Đã học hết lý thuyết hàng hải đại cương". Thực ra hồi đó, chúng tôi chưa học được gì nhiều. Hoàn cảnh, phương tiện và thời gian còn quá hạn chế. Nhưng "giáo sư" Quế đã cho chúng tôi một bài học trong buổi lên lớp đầu tiên mà chúng tôi ghi nhớ suốt "đời sông nước" của mình. Hôm đó, sau khi thầy trò làm quen nhau, anh bắt đầu giảng bài học hàng hải thứ nhất.

- Hàng hải (anh định nghĩa) nói nôm na là hành trình trên mặt biển. Ngắm mặt biển hiền hoà khi mặt trời mọc, quá đẹp! Quan sát đại dương yên ả dưới trăng thu, rất nên thơ. Nhưng dưới mặt nước có những gì, nào ai nhớ hết, biết hết? và khi mặt nước nổi giận, nào ai lường hết, đo hết? Do vậy có thể nói, những người làm nghề sông nước là những ngưòi "sống ở dương gian mà làm việc ở âm phủ".

Nghỉ một lúc, anh nhấn mạnh: và cũng vì thế, không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải.

Hồi đó, thú thực, chúng tôi chưa nhận thức hết ý nghĩa thâm thuý của câu này, chỉ thấy hay về cách dùng từ ngữ trong văn chương để chứng minh rằng: học hàng hải không phải dễ, nhưng thưa các bạn, đã gần 30 năm xuôi ngược trên sông biển, với bao nhiêu va vấp tai nạn về tàu thuyền, càng ngày tôi càng thấm sâu sắc chân lý của giáo sư Quế "không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải".


2. "Tôi phải học tiếng Nga"

Từ sau những năm 1956, 1957, tàu bè Liên Xô (cũ) cập cảng Hải Phòng ngày càng nhiều, chuyên gia Liên Xô đến Hải Phòng ngày càng đông. Vì không biết tiếng Nga nên trong giao dịch với thuyền viên và chuyên gia Liên Xô thường mất thời gian và gặp nhiều khó khăn do phải thông qua phiên dịch viên, việc đọc và nghiên cứu tài liệu của Liên Xô cũng hạn chế, anh Quế quyết định: phải tự học tiếng Nga. Một hôm gặp tôi anh bảo: Tớ phải học thêm tiếng Nga gấp, Ai dạy anh? - Tôi hỏi - Mình tự học.

Tôi biết, anh nói là làm. Và 6 tháng sạu, tôi đã thấy anh đọc được sách báo Liên Xô và trực tiếp nói chuyện với chuyên gia Liên Xô.

Qua trò chuyện tìm hiểu, tôi được biết: quá trình công tác của anh là cả một quá trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi. Anh thường thổ lộ: Học ở nhà trường chỉ là cái vốn cơ bản. Phải biết dùng cái vốn ấy để "buôn bán" có lời lãi, phải tự học. Do tự học, trình độ chuyên môn của anh ngày càng phát triển cao. Anh đã viết sách, giảng dạy cho các lớp đào tạo cán bộ hàng hải. Qua huấn luyện và thực tập ở Nga về hàng hải và thiên văn (1966-1969), tôi đã từng làm quen với những "bảng tính độ cao và azzimut (đo phương vị) của các thiên thể" của Mỹ, Anh, Nga (TBA-54, BAC-58,...). Về đến Việt Nam, tôi vô cùng khâm phục khi thấy anh Quế, sau năm 1957 cũng đã có "bảng tính độ cao và azzimut (đo phương vị) của các thiên thể", gọi tắt là "THH-57". So với các bảng của Anh, Mỹ, Nga, sai số không đáng kể. Hồi đó đã làm gì có các tính máy như bây giờ. Thế mà với tinh thần quyết tâm và kiên nhẫn, anh đã cho ra bảng THH-57 kịp thời phục vụ cho các tàu bè, các trường hàng hải khi chưa có tài liệu nước ngoài. Cho đến những năm 1971-1972 tôi vẫn đến để nghe anh "huấn thị” về nghề nghiệp. Noi gương anh, chúng tôi cũng tự học không ngừng. Vì không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải nên phải học, học nữa, học mãi...


Anh Nguyễn Xuân Quế! Xin anh hãy yên nghỉ. Đừng vương vấn bụi trần. Những điều mà anh hằng lưu tâm mong mỏi cũng là những vấn đề đang được Nhà nước ta tiếp tục đổi mới, cải tiến để đưa đất nước ta tiến lên kịp với thời đại, với trào lưu chung của thế giới. Lịch sử như dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành những công việc mà chúng ta chưa làm được.

Tháng 5 năm 1994
H.Q.H
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 04:17:12 pm »

TIẾN RA ĐÔNG BẮC RỒI TRỞ VỀ VIỆT BẮC
(Kỷ niệm về anh Phan Tiền Đạo)

Đại tá Cao Xuân Thự
Nguyên chuyên viên Ban Biên giới Chính phủ


Toàn đội 71 tiến hành tổng kết và nhận nhiệm vụ mới. Anh Phan Tiền Đạo, nguyên là Phó ban nghiên cứu Thuỷ quân của Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp về chuyển đạt nhiệm vụ mới, cùng Ban chỉ huy đội 71 biên chế các đội công tác và trực tiếp chỉ huy đội hành quân về chiến trường ven biển Đông Bắc. Bộ Tổng Tham mưu đã điều anh Nguyễn Việt đi công tác, anh Lê Ngọc Quang về Đại đoàn công pháo 351. Anh Đạo cùng anh Trắc Vinh Nam, anh Lê Trường Đa, anh Nghiêm Xuân Hùng và Thanh Văn Minh trực tiếp chỉ huy đội 71. Các đội trưởng đội công tác về Hải Ninh, Hồng Gai - Cát Bà, Quảng Yên trực tiếp làm trung đội trưởng trong đội hình hành quân.


Mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất trước đó một ngày. Tinh mơ một buổi sáng tháng 5 năm 1951, toàn đội xuất phát. Chặng đường của 3 ngày đầu tiên là gặp lại con đường về Thái Nguyên, Nhã Nam, Đèo Cà. Sau đó đội 71 vượt qua quốc lộ 1 đi men theo đường sắt hướng Hữu Lũng - Lạng Sơn, rồi nghỉ đêm tại nhà Ga Bắc Lệ hoang vắng trong chiến tranh để bắt liên lạc với du kích dẫn đường. Sáng hôm sau, đội công tác về tỉnh Hải Ninh do anh Trắc Vinh Nam dẫn đầu bắt đầu tạm biệt anh em, rẽ lên đường An Châu để về Đình Lập, căn cứ của Hải Ninh. Đội 71 tiếp tục hành quân xuyên rừng núi đến một bản người Dao trên vùng núi cao gọi là Đèo Cóc. Sau bữa ăn trưa cơm nắm muối vừng, du kích dẫn đội 71 vượt quãng đường rừng quanh co. Rừng thưa dần, tiếp đến một vùng cỏ tranh và lau sậy mênh mông. Theo tay chỉ của người du kích, chúng tôi đã có thể thấy một vùng hoang tàn đổ nát đầy lau lách của thị trấn Chũ. Nhưng đến khi hoàng hôn xuống thì mới đến gần thị trấn đó. Có lệnh giữ bí mật, không gây tiếng ồn, giãn đội hình, sẵn sàng chiến đấu vượt qua đường nhanh. Chúng tôi vượt qua an toàn. Còn có thể nhận ra dáng dấp một thị trấn có đường ô tô, có nhà gạch, đường bàn cờ khuất trong đám lau sậỵ. Đoàn quân vượt ra bờ sông đi men theo khoảng 1 cây thì dừng lại. Có lệnh phái cảnh giới phía trước, sau và hai bên sườn. Bỗng có tiếng lau sậy sột soạt và một con đò hiện ra, trên có 3 du kích chống sào. Chúng tôi được lệnh yên lặng sang sông. Trời đầy mây, cảnh vật chỉ thấy lờ mờ không nhận được phương hướng. Cuối cùng hơn bảy chục con người đã vượt sông an toàn.


Con đường phía bên kia sông hình như trước đây có làng mạc. Đường đất khá rộng đi qua nhiều vùng trống trải, đôi nơi còn bóng những cây to tán rộng. Chúng tôi đi miết tới tận sáng. Một vài anh quê ở Quảng Yên cho biết, đây là vùng núi của huyện Chí Linh. Qua một nơi gọi là Mai Sưu, rồi đến Bến Tắm, rồi Bắc Mã, tiếp đến một cái chợ rất nhiều đồng bào tản cư và có nhiều bà con người Hoa. Chúng tôi nghĩ đây là vùng căn cứ an toàn của tỉnh Quảng Yên, dừng lại thổi cơm trưa. Đội 71 tiếp tục hành quân đến hoàng hôn thì tới một khu rừng thấp thoáng lán tre nứa. Đây là căn cứ của tỉnh đội Quảng Yên. Trong mái lán rộng có tiếng hát của nữ dân quân.


Sáng hôm sau các đội đi Hồng Gai - Cát Bà và Quảng Yên chuẩn bị lên đường. Anh Đạo công bố Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu thành lập Ban chỉ đạo xây dựng lực lượng và phát triển các hoạt động chiến đấu du kích vùng ven biển Đông Bắc gồm có các anh Lê Trường Đa, Thanh Văn Minh, Trần Kỳ, do anh Đạo là Trưởng ban. Hai nhân viên của Ban là Trần Văn Đương và tôi. Các anh Nghiêm Hùng, Quang Cánh, dẫn đội mình đi sang Hồng Gai; anh Trần Minh Thái, Dương Đình Ấu cùng đoàn ở lại để về các địa bàn trong tỉnh. Phút chia tay bịn rịn, chúng tôi ôm lấy Trần Thọ, Trịnh Tuần, Phú Đạt, hẹn ngày gặp lại.


Anh Đạo và anh Đa, Minh, Kỳ còn đi Hồng Quảng để nắm tình hình và làm việc với địa phương. Riêng Đương và tôi phải về ngay Đoan Hùng để mang tất cả hồ sơ cũ của trường Thuỷ quân về Liên khu Việt Bắc. Chúng tôi được chuẩn bị đủ gạo, tiền để đi. Sáng hôm sau hành quân luôn. Thế là chúng tôi mỗi người một ba lô, một túi 4 quả lựu đạn chày, ba ruột tượng gạo, theo đường cũ về bến đò Chữ, tính toán sao cho đến bến đò thì tối, vượt qua thị trấn và rẽ lên đường mòn để về Đèo Cóc. Tuổi trẻ hãng hái, Đương và tôi bàn nhau đi suốt đêm. Qua được đò, chúng tôi theo lối mòn đã được căn dặn, vượt thị trấn, lần mò trong bóng tối. Hôm trước qua đây cảm thấy đường từ Đèo Cóc về Chũ dễ đi, sao hôm nay vòng vèo mãi mà chưa đi hết vùng có tranh và lau lách, có lẽ mình lạc lối rồi chăng? Chúng tôi quyết định dấn bước về phía trước, Đèo Cóc là phía núi rừng xa xa. Đi thêm độ một tiếng đồng hồ thì thấy mỏi và cơn buồn ngủ ập đến. Ngồi nghỉ dưới một gốc cây, chúng tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy đã gần sáng, bốn bề yên tĩnh, tự kiểm tra thấy không mất hành trang, chúng tôi lại dậy đi tiếp. Thì ra đường mòn chỉ cách chúng tôi vài trăm mét. Về đến Đèo Cóc lúc gà vừa gáy sáng.


Hành trình từ Đèo Cóc về Nhã Nam, rồi Thái Nguyên, Đèo Khế, Châu Tự Do rồi Bình Ca, Đoan Hùng chỉ trong 5 ngày. Làng Nghinh Xuyên bên bờ sông Chảy, nơi Trường Thuỷ quân đặt trường sở nay vắng vẻ lạ thường. Các tài liệu đã chuyển về Liên khu. Chỉ còn gia đình chị Trần Lưu Phương lưu lại trong một lán nhỏ dưới rặng vải ven sông. Vài ngày nữa chị cũng sẽ về Thái Nguyên. Ngày hôm sau chúng tôi lại đi, mãi mãi xa Nghinh Xuyên, Hùng Quan và Sông Lô, Sông Chảy. Chặng đường về Thái Nguyên trở nên quen thuộc. Chúng tôi lại qua Đồng Bẩm, lên Linh Nam, qua khe Mo, đến Long Giàn, nơi trạm đón tiếp của Liên khu Việt Bắc. Trạm cho chúng tôi nghỉ lại một đêm. Đoạn đường này là đoạn đường đi Đình Cả mà chúng tôi đã qua năm ngoái. Sáng hôm sau chúng tôi vào Liên khu bộ Việt Bắc.


Được trạm khách chỉ đường, chúng tôi vượt đường độc đạo rất lầy lội, qua suối, qua rừng về đến Phòng Tham mưu liên khu Việt Bắc. Gặp lại anh Minh, anh Kỳ rất vui mừng. Nghe nói vài ngày nữa anh Đạo và anh Đa sẽ về đến Liên Khu. Thế là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trước 2 ngày, sau một chuyến đi dài khoảng 600 cây số. Từ đây bắt đầu một chặng đường mới trong đời quân ngũ của chúng tôi.

CXT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2021, 04:21:36 pm »

ĐỔ BỘ LÊN ĐẢO CÁT BÀ

Trung tá Trần Minh Thái
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh - Tỉnh Quảng Ninh


Tháng 6-1951, Ban nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu nhân lệnh cử đại bộ phận Đội Thuỷ quân 71 vừa đi học ở Trung Quốc về để tăng cường chiến đấu cho các tỉnh ở miền duyên hải Đông Bắc.


Đội chia thành nhiều bộ phận quân, trong đó có một bộ phận được điều động ra đảo Cát Bà. Bộ phận này vẫn mang bí danh là Đội 71, do đồng chí Dương Đình Ấu làm đội trưởng, tôi (Trần Minh Thái) làm chính trị viên kiêm bí thư chi bộ, gồm trên dưới 50 cán bộ từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội, trong đó có nhiều người là dân vùng biển thạo nghề sông nước. Nhiệm vụ của đội là đổ bộ an toàn, bí mật lên đảo Cát Bà làm nòng cốt xây dựng và chiến đấu cho phong trào đánh du kích trên biển. Đội thuộc quyền chỉ huy của tỉnh đội Quảng Yên. Sau gần một tuần hành quân, chúng tôi đã từ Đoan Hùng về tới căn cứ của tỉnh Quảng Yên.


Tỉnh đội giao nhiệm vụ trước mắt cho Đội 71 khi tới Cát Bà là tham gia phong trào chiến tranh du kích ở địa phương và sẵn sàng thực hiện lệnh của Bộ. Trên đường hành quân Đội phải tránh giao chiến với địch để tới Cát Bà an toàn và bí mật. Trung đội trưởng Đàm Nguyệt, nguyên là học viên Thuỷ quân sông Lô khoá 1 là người thông thạo địa hình Quảng Yên nhận nhiệm vụ dẫn đường cho Đội.


Một ngày cuối tháng 6/1951, chúng tôi lên đường. Chúng tôi ngủ ở rừng Thùng một đêm, ở Thượng Yên Công, căn cứ của huyện Yên Hưng một đêm rồi qua Lán Tháp đi Yên Lập. Vùng chúng tôi đi qua thường có thổ phỉ và biệt kích của Pháp lùng sục, phục bắt cán bộ. Đến đêm thứ ba, chúng tôi tới chân chùa Lô cách đường 18 hơn 2000 mét, cách vị trí Pháp ở Yên Lập 4km.


Đêm đến, chúng tôi vượt đường 18 và tới Yên Cư thuộc Yên Hưng. Đây là một làng có hội tề, nhưng là "tề đồng chí". Sau khi nắm tình hình ta và địch ở đây, Đội 71 được đưa vào trú quân ở hang đá Yên Cư - Đại Đán. Vùng này cách các vị trí Pháp ở Yên Lập, tỉnh lỵ Quảng Yên, thị xã Hồng Gai, Bãi Cháy từ 5 đến 15 km theo đường chim bay. Như vậy, Đội 71 lọt vào giữa hai phòng tuyến đường 18 và ven biển, mỗi phía cách Đại Yên (Yên Cư - Đại Đán) 1,5 - 2km, và bốn phía đều gần nhiều vị trí của Pháp.


Vì hang Yên Cư nằm trong cụm núi đá giữa một vùng trống trải, lại thường có biệt kích lùng bắt cán bộ qua lại, do đó đến sớm hôm sau chúng tôi chuyển ra cách rừng ở phía Đông đến Đại Đán để giấu quân. Ở đây nếu không may bị địch phát hiện, chúng tôi có thể dựa vào rừng và đồi để tác chiến, và chờ đến đêm lại rút về phía Bắc đường 18. Còn nếu thuận lợi thì đêm nay chúng tôi có thể vượt qua cụm đảo Đầu Đá ở phía Nam, và hành quân trên biển khoảng 20km nữa là tới Gia Luận, xã địa đầu của đảo Cát Bà.


Sau bữa cơm trưa trong rừng, trên một đồi cây rậm, đơn vị cử cảnh giới và nghỉ trưa thì anh Đàm Nguyệt đã ra bến Đại Đán. Anh đi về phía bến và xuống một số thuyền đậu trên bến. Khoảng 4 giờ thì anh về và xin Đội cử hai người mặc quần áo thường phục đi theo anh xuống thuyền để kèm sát chủ một chiếc thuyền buồm lớn. Anh cho biết là phải dùng cách vừa thuyết phục, vừa bắt buộc họ phải đưa quân ta xuống Cát Bà đêm nay.


Cưỡng chế nhân dân là một việc làm bất đắc dĩ, nhưng nếu ở lại đây thêm một ngày nữa thì rất có thể địch tới càn, ta khó có thể bảo toàn lực lượng cũng như hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Hơn nữa nếu phải tác chiến ở đây thì sẽ ảnh hưởng đến đường đi lại từ Cát Hải vào đất liền, gây bất lợi cho bàn đạp để ém quân và nơi thâm nhập vào vùng địch của bộ đội, du kích, cán bộ cơ sở của huyện Yên Hưng.


Khi trời chạng vạng tối, chúng tôi xuống thuyền. Đây là chiếc thuyền đinh lớn có thể chở 50 - 60 người. Gia đình người chủ thuyền là người Trà Cổ làm nghề đi buôn giữa các tỉnh ven biển. Trông thấy quân ta ăn mặc nghiêm chỉnh, anh em rất vui vẻ và lễ phép, ông cụ chủ thuyền đã thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy lo ngại không kém gì gia đình chủ thuyền vì Đàm Nguyệt cho biết: ban đêm hải quân Pháp đi tuần mà gặp bất cứ tàu thuyền nào đi vào vùng Đầu Đá - tuyến giao thông từ Đại Đán ra Cát Hải là chúng có thể nổ súng ngay.


Trước giờ hành quân, chúng tôi phổ biến kế hoạch hành quân sẵn sàng chiến đấu trên biển cho cả Đội. Trừ những người điều khiển thuyền, số còn lại sẽ bố trí theo thế mai phục hai bên mạn, súng và lựu đạn đặt sẵn sàng bên người. Nếu gặp tàu địch thì mọi người trong Đội phải nấp kín, còn mấy người mặc thường phục giả làm người nhà thuyền đưa phương tiện vào gần theo lệnh của bọn giặc. Khi hai bên áp sát thì cử người buộc tàu với thuyền lại để giả như đón Pháp sang khám tàu. Khi có hiệu lệnh, toán xung kích đồng loạt ném lựu đạn vào tàu giặc và nhảy sang chiếm phương tiện của chúng.


Đàm Nguyệt sẽ điều khiển số anh em giả làm nhà thuyền, có trách nhiệm giao dịch với Pháp và buộc thuyền vào tàu. Anh Ấu chỉ huy chung và trực tiếp hạ lệnh rồi cùng xung kích đánh tàu chiến. Tôi chỉ huy hai khẩu trung liên để khống chế hoả lực của tàu địch. Thấy anh em ta điều khiển thuyền thành thạo, ông cụ chủ thuyền có vẻ yên tâm hơn. Lúc này những điều đã học tập được ở đảo Điều Thuận - Trung Quốc đã được vận dụng khá thành thạo. Lần đầu tiên được hành quân trên vùng biển của Tổ quốc trong khung cảnh sẵn sàng chiến đấu cao, ai cũng thấy trong lòng nao nao và hồi hộp. Thuyền luồn qua các đảo trong không khí êm mát của đêm thu. Những hòn núi cao sừng sững toả bóng che cho con thuyền; tạo hình tượng như bao lớp cửa đồ sộ khi đóng, khi mở, đưa đón chúng tôi luồn qua, theo các lạch quanh co.


Gió thổi hiu hiu làm tài công dễ buồn ngủ, nếu không có bầy dĩn liên tục táp vào mặt mũi, chân tay. Quãng nửa đêm, thần kinh chúng tôi căng lên khi nghe trên biển có tiếng máy tàu vọng tới. Thuyền phải đi dạt vào chân núi để được che khuất. Mười lăm phút trôi qua, tiếng động cơ nghe nhỏ dần. Chúng tôi nhanh chóng vượt qua luồng tàu và đi sâu vào vùng biển Cát Hải. Trước mắt chúng tôi đảo Cát Bà ngày càng gần lại. Nhiều lúc tưởng như sát chạm vào chân núi đá mà hoa ra còn ở xa lắc.


Khoảng 3 giờ sáng, thuyền vào gần bờ, nhưng còn phải lội bãi một chặng khá xa nữa. Thay mặt đơn vị, chúng tôi cảm ơn gia đình cụ chủ thuyền và biếu các cụ một số tiền và gạo. Các cụ vui vẻ nhận và xin ủng hộ lại bộ đội để đánh giặc. Những bàn chân thư sinh đạp vào bùn cát mà liêu xiêu bước nhanh về phía trước. Có cậu vác súng và đeo ba lô nặng, vừa bị cắm mảnh sò ở chân này, vội đưa chân kia xuống đỡ thì lại bị cắm nốt vào chân kia, vừa suýt xoa lại vừa buồn cười và cứ dấn bước với hai bàn chân đau.


Thế là qua 5 ngày đêm hành quân qua rừng, qua biển, giữa vòng vây của các phòng tuyến và các vị trí của Pháp, chúng tôi đã đổ bộ thành công lên đảo Cát Bà.


Cát Bà là một đảo có chiều dài hơn 16km, chiều rộng 12km, là đảo đá lớn nhất của huyện Cát Hải. Phía Đông đảo là Vịnh Hạ Long. Trên đảo có vị trí pháo bờ biển và hải quân của Pháp đóng ở phố Cát Bà. Đồ Sơn và Cát Bà là hai cứ điểm lợi hại về pháo binh án ngữ hai bên cửa Nam Triệu, cửa ngõ của Bắc Bộ. Thế mà hòn đảo này lại là căn cứ du kích của ta, trong đó xã Châu Châu, chỉ cách cứ điểm Cát Bà hơn 4km. Đảo bị khống chế bốn bề bởi các tàu chiến của hải quân Pháp. Nguồn lương thực chính trên đảo là bắp ngô, một năm mới có vài lần được ăn gạo do một số thuyền buôn không quản ngại nguy hiểm, luồn qua vòng vây của địch để vào đảo bán hàng. Số bắp do cơ quan huyện đội tăng gia cùng số bắp do nhân dân đóng góp chỉ đủ cho quân và dân trên đảo sinh sống hàng ngày, không có dự trữ dài ngày.


Vũ khí, đạn dược và trang bị của đại đội 919 của huyện cùng du kích cũng chỉ đủ cho việc chiến đấu với quy mô nhỏ và phân tán. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ Quảng Yên, huyện Cát Hải chỉ được chống càn với quy mô từ tiểu đội trở xuống còn không được dùng từ trung đội trờ lên, nhằm bảo vệ đảo và giao thông liên lạc với đất liền.


Sau khi Đội 71 đổ bộ lên đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, theo quyết định của Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Yên, anh Dương Đình Ấu, đội trưởng đội 71 được bổ nhiệm chức vụ: huyện đội phó, kiêm đại đội phó đại đội 919 thuộc huyện đội Cát Hải và tôi là chính trị viên Đội 71 được bổ nhiệm giữ chức chính trị viên phó huyện đội, kiêm chính trị viên phó đại đội 919 là phó bí thư huyện uỷ; và huyện đội trưởng kiêm đại đội trưởng đại đội 919 là anh Võ Hiệp Cương, nguyên là đại đội trưởng khung khoá 1 của trường Thuỷ quân sông Lô đã được điều động ra đây công tác trước Đội 71 chúng tôi.


Anh Ấu và tôi cùng các anh chỉ huy huyện đội thống nhất với nhau về kế hoạch sử dụng Đội 71, trong khi chờ lệnh chính thức của Tỉnh đội, các cán bộ Đội 71 thâm nhập đại đội 919 để giúp đơn vị này trong huấn luyện và xây dựng. Một số cán bộ, chiến sĩ Đội 71 và đại đội 919 được phân tán về một số xã để đẩy mạnh phong trào dân quân du kích trên đảo.


Lúc này căn cứ Hà Sen - cũng như hầu hết đảo Cát Bà đều là vùng tự do của huyện Cát Hải, chỉ trừ phố Cát Bà, nơi có sở chỉ huy tiểu khu của hải quân Pháp ở phía Nam của đảo.


Chúng tôi cũng tìm ra cách đánh bảo vệ căn cứ có hiệu quả mà vẫn phù hợp với phương châm chiến đấu trong hậu địch do huyện đề ra. Ở các hướng mà Pháp có thể tiến vào, các tổ du kích sẽ đánh tỉa và đeo bám địch từ bên ngoài. Bên trong là các tổ và tiểu đội bộ đội có trang bị súng trường, lựu đạn sẽ thay nhau đánh úp để diệt từng toán địch tiến quân trên các đường độc đạo, nằm giữa hai vách đá đựng đứng. Các bẫy đá là vũ khí giặc rất khiếp sợ. Ngày 2 - 9 - 1951, chúng tôi vô cùng phấn khởi trước thắng lợi của một cuộc chống càn nhỏ. Chỉ có một tổ du kích với một tay súng và bẫy đá, mà ta bắt sống một tên địch, thu một súng trường trong trận đánh chặn một tiểu đội địch từ phố Cát Bà vào.


Năm 1952, quân và dân Hà Sen, trong đó có cán bộ Đội 71 đã đánh thắng nhiều trận càn của quân Pháp vào căn cứ. Từ cuối năm 1952 cho đến hết chiến tranh, giặc không dám càn vào căn cứ của ta nữa.


Trong một trận chiến đấu, anh Tuấn Chi - một cán bộ của Đội 71 đã anh dũng hy sinh. Tôi không thể nào quên người cán bộ quê Thừa Thiên, với vóc dáng thư sinh, tính tình điềm đạm, rất yêu thơ, đã ngã xuống ở một hòn đảo trong vùng địch kề bên Vịnh Hạ Long. Lúc ấy anh Tuấn Chi đang là chính trị viên trung đội thuộc đại đội 919.


Từ cuối năm 1951 đến 1952, nhiều cán bộ của Đội 71 được điều về các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Yên. Anh Ấu và tôi được điều về làm cán bộ thuộc tiểu đoàn Bạch Đằng. Các anh Tràng, Mộc, Đua được điều về đại đội 908 cùng với tôi. Các đồng đội của tôi trong Đội 71 đã hy sinh là anh Dương Đình Ấu, Tuấn Chi, Tràng, Đàm Nguyệt...


Kỷ niệm về cuộc đổ bộ lên đảo Cát Bà và những gì Đội 71 đã làm được, trên một căn cứ du kích rất đặc biệt ngay trên đảo Cát Bà, thuộc vùng địch hậu giữa miền biển Đông Bắc, không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi.

Ngày 25 tháng 7 năm 1998
TMT
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM