Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:54:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4118 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:11:53 pm »

- Tên sách: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954) sự kiện và hồi ức
- Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
- Năm xuất bản: 2008
- Số hoá: ptlinh, quansuvn


* Chỉ đạo nội dung và tổ chức thực hiện:

- PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG HẢI QUÂN

- BAN LIÊN LẠC HỘI CỰU CHIẾN BINH THUỶ QUÂN SÔNG LÔ


* Biên soạn:

HỘI CỰU CHIẾN BINH THUỶ QUÂN SÔNG LÔ


* Biên tập:

- Đại tá NGUYỄN VIỆT - Nguyên chính trị viên - Ban NCTQ và Trường huấn luyện Thuỷ quân

- PHẠM VŨ QUÂN - Nguyên Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu, Bộ Xây dựng

- Đại tá TRỊNH TUẦN - Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Hải quân - Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô

- Đại tá VŨ VĂN KHOÁI - Trưởng phòng KHCN & MT Hải quân

- Thượng tá VŨ BÌNH TRONG - Trợ lý Phòng KHCN & MT Hải quân   
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:15:34 pm »

PHỦ THỦ TƯỚNG                                      VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
                                                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 19 tháng 7 năm 1946

- Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội


QUYẾT ĐỊNH

Điều thứ 1: - Nay thành lập trong Quân đội quốc gia một ngành "Hải quân Việt Nam"

Điều thứ 2: Ngành Hải quân đặt dưới quyền:

- Bộ Quốc phòng về phương diện quản trị.

- Quân sự uỷ viên hội về phương diện điều khiển

Điều thứ 3: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch quân sự uỷ viên hội chiểu quyết định thi hành.


Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 1946
(Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm thứ hai)
Chủ tịch Hội đồng Chính phủ
Đã ký
Huỳnh Thúc Kháng


Sao y bản chính
Tại phòng hồ sơ Văn phòng Bộ Quốc phòng ngày 22/6/1965
T/L Chánh Văn phòng
Trưởng phòng Hành chính
Đã ký Nguyễn Văn Xuyết
(đóng dấu Văn phòng Bộ Quốc phòng)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:19:13 pm »

BỘ TỔNG TƯ LỆNH                                                            VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VÀ DÂN QUÂN VIỆT NAM                       Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
Số: 604/TCH      


Bộ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
KIÊM TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VÀ DÂN QUÂN VIỆT NAM

- Chiểu sắc lệnh số 33/SL ngày 22/3/1946 tổ chức Quân đội quốc gia Việt Nam.

- Chiểu sắc lệnh số 71/SL ngày 22/5/1946 ấn định quy tắc Quân đội quốc gia Việt Nam.

- Chiểu nghị định số 10/BCH ngày 30/5/1947 tổ chức Bộ Tổng Tham mưu.

- Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng.

NGHỊ ĐỊNH

Điều thứ 1: Nay thành lập trong Bộ Quốc phòng một Ban Nghiên cứu Thuỷ quân

Điều thứ 2: Ban này có nhiệm vụ sưu tầm tài liệu cần thiết, nghiên cứu tổ chức và gây những cơ sở đầu tiên cho Ngành Thuỷ quân

Điều thứ 3: Ô. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Bộ Quốc phòng chiểu nghị định thi hành. 

Bắc Bộ, ngày 8 tháng 3 năm 1949
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân VN
Đã ký
Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Sao y bản chính
Tại phòng hồ sơ văn phòng Bộ Quốc phòng
ngày 22/6/1965
T/L Chánh văn phòng
Trưởng phòng hành chính
Đã ký
Nguyễn Văn Xuyết
(đóng dấu Văn phòng Bộ Quốc phòng)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:20:11 pm »

Rất hoan nghênh Ban nghiên cứu Thuỷ quân đã sưu tầm những tư liệu quý về Thuỷ quân Sông Lô, sự thành lập và những bước phát triển tiếp.

Mong rằng các đồng chí phối hợp với các cơ quan chính trị, tốt nhất là các đơn vị hay cơ quan nghiên cứu lịch sử thuộc các vùng trong cả nước, tiếp tục sưu tầm những tư liệu còn giữ được, để có được một tập lịch sử bằng ảnh và cuốn hồi ký về sự hình thành và phát triển của Thuỷ quân ta cho đến ngày chính thức thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân anh hùng.


Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1997
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 


Nhân dịp đầu Xuân, chúc các đồng chí cán bộ và chiến sĩ Ban nghiên cứu Thuỷ quân (tức là đoàn Thuỷ quân sông Lô) năm mới khoẻ mạnh, hạnh phúc. Luôn giữ vững phẩm chất và đạo đức của bộ đội Cụ Hồ, xứng danh với vinh dự đã có phần công đầu trong việc thành lập Hải quân và nhiệm vụ chiến lược bảo vệ biển cả của Tổ quốc Việt Nam.

Nhớ tiếc các anh hùng và liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc và xin gửi những tình cảm thân thiết đến gia đình các thương binh liệt sĩ.

Xuân Kỷ Mão - 1999
Chúc mừng năm mới
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:20:58 pm »

LỜI GIỚI THIỆU


Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược 1949 - 1954 - Sự kiện và hồi ức; đây là thời kỳ thể hiện sự quan tâm từ rất sớm của Đảng, Bác Hồ đối với ngành Hải quân.

Ngày 8/3/1949 Ban Nghiên cứu thuỷ quân được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Nghị định thành lập. Trải qua 6 năm huấn luyện, chiến đấu và trưởng thành, anh chị em cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô đã vượt qua bao khó khăn gian khổ và hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp của Thuỷ quân Sông Lô. Sau đó, các đội viên được biệt phái về các tỉnh ven biển vùng Đông Bắc để xây dựng phong trào chiến tranh du kích, cho đến thời điểm lịch sử quan trọng là thành lập “Ban chuyên trách vùng biển” mà họ là một trong những thành viên đầu tiên góp phần thực hiộn nhiệm vụ chuẩn bị đề án cho sự ra đời của "Cục Phòng thủ bờ bể" vào ngày 7/5/1955 và đã trở thành ngày thành lập của Hải quân nhân dân Việt Nam.


Thực hiện mong ước của anh chị em cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô, chúng tôi rất hoan nghênh việc xuất bản cuốn sách “Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược 1949 - 1954 - Sự kiện và hồi ức”. Đây là công trình được biên soạn, biên tập có chất lượng tốt, có nhiều tư liệu lịch sử quý, làm phong phú thêm cho khoa học lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam; có giá trị phục vụ công tác tham khảo, nghiên cứu tổng kết và giáo dục truyền thống cho bộ đội Hải quân ngày nay.


Chúng tôi mong rằng, các anh chị em Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược cùng với bộ đội Hải quân mãi mãi phát huy truyền thống vẻ vang của Thuỷ binh năm xưa và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.


Ngày 16 tháng 10 năm 2007
PHÒNG KHCN VÀ MÔI TRƯỜNG QCHQ
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:22:09 pm »

LỜI NÓI ĐẦU

Sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có lực lượng Hải quân. Đây chính là sự quan tâm từ rất sớm của Bác Hồ và Đảng ta đối với Ngành Hải quân. Thực hiện mục đích đó, ngày 19/7/1946 Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ra quyết định số 125/QĐ thành lập trong quân đội quốc gia Ngành Hải quân Việt Nam đặt dưới quyền Bộ Quốc phòng về phương diện quản trị và quân sự uỷ viên hội về phương diện điều khiển. Tiếp đó đến nghị định số 604 ngày 8/3/1949 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thành lập Ban nghiên cứu Thuỷ quân do đồng chí Nguyễn Vãn Khương làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Việt làm chính trị viên và đồng chí Trần Đình Vọng làm phó ban. Cơ quan Ban nghiên cứu Thuỷ quân đóng tại phố Giàn bên bờ sông Chảy thuộc huyện Đoan Hùng; tỉnh Phú Thọ.


Nhiệm vụ đầu tiên của Ban nghiên cứu Thuỷ quân là huấn luyện nghiên cứu tổ chức xây dựng một đội thuỷ quân du kích có khả năng hoạt động trên sông, rồi từ sông mới tiến ra biển khi có điều kiện. Ôn lại những kỷ niệm xưa, khi anh chị em cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô phần đông ở độ tuổi mười tám, đôi mươi còn là những học viên khoá I, khoá II huấn luyện Thuỷ quân trên Sông Lô, Sông Chảy hoặc là đội viên Đội Thuỷ binh 71 được Bộ đưa sang Trung Quốc huấn luyện chiến thuật du kích biển và học tập kinh nghiệm chiến đấu đổ bộ giải phóng đảo Hải Nam (1949-1951). Sau đó, Đội Thuỷ binh 71 được biệt phái về các tỉnh vùng ven biển Đông Bắc xây dựng và phát động chiến tranh du kích... (từ 1951 đến 1954).


Để góp phần ôn lại những năm tháng hào hùng của quân đội ta, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, thể theo nguyện vọng của các cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô; Ban liên lạc Thuỷ quân sông Lô và Phòng KHCN&MT Quân chủng Hải quân, xin gửi đến bạn đọc trong và ngoài quân đội những sự kiện và hồi ức của anh chị em cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô một thời để nhớ. Đồng thời, từ những bài viết này, giúp bạn đọc hiểu thêm về "Ban nghiên cứu Thuỷ quân" một thời lịch sử không dài nhưng có ý nghĩa. Sự kiện diễn ra đã quá lâu, các nhân chứng lịch sử còn lại tuổi đã cao, thể lực và trí tuệ đều suy giảm, mặc dù đã rất cố gắng, bảo đảm ghi lại các sự kiện thật đúng và chính xác, song không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc.


Phòng KHCN&MT Hải quân
Ban liên lạc CCB TQSL BAN NGHIÊN CỨU THỦY QUÂN
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2021, 01:40:41 pm »

BAN NGHIÊN CỨU THỦY QUÂN - NHỮNG NGÀY KHỞI ĐẦU


Phan Phác1
(Đ/c Phan Phác nguyên là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN đã được Bộ phân công đặc trách Ban Nghiên cứu và Trường Thuỷ quân vào những năm 1949 -1951)
Nguyên Phó Tổng TMTQĐNDVN, được phân công đặc trách
Ban nghiên cứu và Trường Thuỷ quân những năm 1949-1951

 
Cách đây bốn mươi nhăm năm, ngày 8 tháng 3 năm 1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, ký Nghị định thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân Việt Nam trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đánh dấu một bước phát triển mới về chiến cuộc chống thực dân Pháp xâm lược cũng như về xây dựng lực lượng vũ trang.


Từ sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông năm 1947, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, quân và dân ta phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, ra sức rèn cán luyện quân, đánh giặc lập công, đến mùa Hè năm 1949 đã đánh bại một bước kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, củng cố căn cứ địa Việt Bắc và xây dựng lực lượng vũ trang thành ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong bộ đội chủ lực, ngoài bộ binh ra, một số đơn vị: pháo binh, công binh, thông tin cũng được xây dựng.


Để chuẩn bị lực lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cuộc kháng chiến kiến quốc trong giai đoạn mới "tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công", Bộ Tổng Tham mưu kiến  nghị với Bộ Tổng Tư lệnh thành lập tổ chức ban đầu về Thuỷ quân gọi là "Đội huấn luyện Thuỷ quân". Đại tướng Tổng Tư lệnh cho ý kiến phải báo cáo và xin chi thị của Bác Hồ trước khi quyết định. Đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng bảo tôi cùng đến gặp Bác, vì tôi được phân công giúp đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo xây dựng các binh chủng kỹ thuật. Sau khi nghe báo cáo, Bác hỏi cặn kẽ tình hình chuẩn bị về cán bộ và cơ sở kỹ thuật, rồi Bác chỉ thị đại ý như sau: xây dựng và phát triển bộ đội chủ lực phải kết hợp với khả năng và tình thế mới. Cách mạng Trung Quốc sắp thành công. Hướng phát triển bộ đội chủ lực như thế là được, hợp với tình thế mới. Để hợp với khả năng thực tế, chỉ nên thành lập Ban nghiên cứu Thuỷ quân và sau khi chuẩn bị tương đối có đủ cán bộ và phương tiện kỹ thuật, thì mở một lớp vừa học vừa hành, vừa tham gia nghiên cứu. Bác nhấn mạnh chỉ gọi là "Ban Nghiên cứu Thuỷ quân" và "lớp Thuỷ quân", vì danh có chính thì hành mới thuận, công việc mới thành công.


Nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân được xác định là xây dựng cơ sở nghiên cứu ban đầu của Thuỷ quân, tìm hiểu hoạt động của hải quân Pháp, tìm cách chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu, huấn luyện đào tạo cán bộ, từng bước hình thành các điều kiện để đón thời cơ triển khai hoạt động. Phương châm là từ nhỏ đến lớn, thiết thực, bí mật, phù hợp với tình hình.


Để giữ bí mật, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân lấy tên là Đội sản xuất 71 đóng quân bên bờ sông Chảy gần huyện lỵ Đoan Hùng, nơi mà quân dân Quân khu 10 đã giáng cho hải quân Pháp một đòn chí tử mà sách báo của chúng thời bấy giờ gọi là "thảm hoạ Đoan Hùng” trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, cũng là nơi mà ta thu được một số tài liệu, máy móc, dụng cụ phương tiện... chuyên dùng về hải quân để làm cơ sở kỹ thuật ban đầu cho Ban Nghiên cứu Thuỷ quân.


Để có một tổ chức đảm đương được nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, việc tìm chọn cán bộ chủ chốt gặp nhiều khó khăn vì thời bấy giờ cán bộ vừa hồng vừa chuyên rất hiếm. Lúc đầu chỉ có ba cán bộ đang công tác ở Bộ Tổng Tham mưu có trình độ chuyên môn về hàng hải cả về lý thuyết và thực hành, sau dần dần tuyển chọn thêm, mãi đến đầu năm 1950 mới có đủ cán bộ để kiện toàn tổ chức Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và lớp Thủy quân. Đến đầu tháng 2 năm 1950, Đội sản xuất 71 đã xây dựng được nơi ăn chốn ở, làm thêm được một số học cụ, tuyển chọn được 180 học viên, Bộ Tổng Tham mưu quyết định khai giảng khoá học đầu tiên vào ngày 13-2-1950 và cử tôi đến chủ trì buổi lễ.


May mắn bất ngờ! Trên đường đi dự lễ, đến chân Đèo Khế, tôi ghé vào quán nước nghỉ chân trước khi qua đèo. Vừa bước vào, tôi thấy bác Tôn Đức Thắng đang ngồi nghỉ trong quán. Tôi chưa kịp chào thì Bác đã hỏi "Chú đi đâu mà quân phục chỉnh tề thế "? Tôi trả lời: "Kính thưa Bác, cháu đi dự lễ khai giảng lớp Thuỷ quân. Bác có được khoẻ không ạ?". Bác bảo: "Khoẻ lắm", rồi hỏi về mục đích của lớp này. Tôi liền báo cáo lại với Bác về những lời chỉ giáo của Bác Hồ và nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân đã được Bộ Tổng Tư lệnh xác định. Nghe xong, Bác nói đại ý như sau: Ta chưa có tàu chiến, nhưng có một bờ biển dài và nhiều sông rộng, xây dựng dần quân chủng này như thế là phải. Các thuỷ thủ đầu tiên này phải bơi lặn giỏi, chèo chống khoẻ, coi thường nắng mưa, vững vàng trước sóng to gió lớn, biết xem sao và tìm phương hướng, biết trông mây và phòng bão tố...


Trong lễ khai giảng, tôi trân trọng chuyển những lời chí bảo quý báu ấy của Bác Hồ và Bác Tôn cho tất cả cán bộ học viên của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Anh em rất phấn khởi và tin tưởng, nỗ lực công tác, học tập và rèn luyện. Tháng 8 năm 1950, nhiều khu vực ven biên giới phía Bắc nước ta được giải phóng, cũng là lúc khoá 1 lớp Thuỷ quân hoàn thành chương trình huấn luyện. Được Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sẵn sàng giúp đỡ, Bộ Tổng Tham mưu kịp thời chọn 150 cán bộ học viên các khoá 1 và 2 lớp thuỷ quân, tổ chức thành 1 đại đội lấy tên là Đội Thuỷ binh 71, đưa sang Trung Quốc để học thêm kinh nghiệm của Giải phóng quân Trung Quốc về sử dụng thuyền buồm, thuyền máy, chống quân đội Tưởng dọc sông, ven biển và đổ bộ giải phóng đảo Hải Nam. Đối với khoá 1 này, tuy chương trình huấn luyện còn mò mẫm, cơ sở vật chất kỹ thuật của ta lúc đó còn thiếu thốn, trình độ giáo viên huấn luyện lúc đó còn thấp, lại chưa hình dung hết tính chất phức tạp và khó khăn của Ngành Hải quân, nhưng tất cả cán bộ và học viên khoá này đều được rèn luyện tốt về chính trị tư tưởng, được bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật, được rèn luyện về thể lực, nếp sống lao động sinh hoạt của Thuỷ quân và công tác dân vận. Do đó, suốt 6 tháng học tập ở Trung Quốc, Đội Thuỷ binh 71 được Giải phóng quân Trung Quốc tận tình giúp đỡ và đánh giá cao, được nhân dân địa phương Lôi Châu quý mến.


Đội Thuỷ binh 71 trở về nước tháng 4 năm 1951, đúng vào lúc toàn bộ biên giới phía Bắc đã được giải phóng, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đang tập trung lực lượng để xây dựng bộ đội chủ lực thành những đại đoàn mạnh, đặc biệt là thành lập Đại đoàn Công binh và Pháo binh F351. Bộ quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, chọn một số anh em trong Đội Thuỷ binh 71 đưa ra vùng duyên hải Đông Bắc do đồng chí Trác Vinh Nam dẫn đi để tổ chức du kích chiến ven biển và ở các hải đảo; đại bộ phận được đưa về F351 để xây dựng và phát triển binh chủng Pháo binh và binh chủng Công binh; số còn lại được biên chế vào các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Cung cấp... Ngay khi có lệnh chuyển sang đơn vị khác, tuy có nhiều nuối tiếc, song anh em vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, không hề ngả lòng thoái chí.


Sau chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chính các cán bộ Thuỷ quân Sông Lô ngày ấy đã tham gia tiếp quản cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả. Khi bắt đầu xây dựng Ngành Hàng hải và Quân chủng Hải quân, một số cán bộ này đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Ngành Hàng hải và những sĩ quan đầu tiên của Hải quân Việt Nam.


Mặc dù Ban Nghiên cứu Thủy quân chỉ tồn tại và hoạt động 3 nãm, nhưng những năm tháng hoạt động của đơn vị này chính là những nét phác thảo trong lịch sử chặng đường xây dựng Hải quân và Ngành Hàng hải Việt Nam sau này, giống như một hạt giống gieo xuống đất, khi mới nảy mầm chỉ là một cái chồi non nhỏ yếu, nhưng không có thời kỳ non nớt này, sẽ không có những cây cổ thụ cành lá xum xuê, tạo màu xanh tươi mát cho đời sau.


Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1994
41 Hàng Bạc - Hà Nội
P.P
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 01:15:01 pm »

NHỮNG NGÀY LÍNH THỦY SÔNG LÔ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ


Đại tá Nguyễn Việt
Nguyên chính trị viên Ban nghiên cứu Thuỷ quân - Bộ Tổng Tham mưu Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự - Bộ Tổng Tham mưu



Xin thân chào anh chị em "Lính thuỷ sông Lô phố Giàn Làng Cỏ góp phần đặt "viên gạch" Hải quân sau này.

Tôi đang học khoá "Chuẩn bị Tổng phản công" ở trường quân sự trung cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng tại Soi Mít bên bờ sông Kông - Thái Nguyên thì một hôm vào khoảng tháng 10/1949, được lệnh về Bộ Tổng Tham mưu nhận nhiệm vụ gấp.


Chưa rõ thế nào, tôi thu xếp lên đường ngay, xin tạm biệt những bài giảng lý thú nhiều trí tuệ của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, một nhà quân sự hùng biện có sức cuốn hút mãnh liệt người nghe về tư tưởng quân sự vô sản, về trường kỳ kháng chiến, tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công... Tạm biệt những bài học về chiến thuật tác chiến quy mô sư đoàn, quân đoàn, những thê đội chiến dịch... do một giáo sư quan năm Nhật nhiệt tình truyền giảng dạy với những nội dung nghế thuật quân sự mà đế quốc Nhật đã có một thời làm mưa làm gió trên chiến trường Châu Á - Thái Bình Dương; xin chia tay với bạn cùng học, với Hạnh Nam Bộ đã làm một cuộc trường chinh sáu tháng từ Nam ra Bắc để kịp theo học lớp "Chuẩn bị tổng phản công", với Sang vua cờ tướng, nhóm "ngũ tốt" lừng danh sau này, với Tạ Đình Đề biệt động Hà Nội, với Đinh Mẫn, Phạm Sinh, Quang Liêu cùng cánh Khu 3, với Nam Long cùng một đội ngũ quân lính Hải Dương - Kẻ Sặt, Đường 5 ngày đầu kháng chiến... Xin tạm biệt tất cả, nhớ mãi dòng sông Kông mang ít nhiều một thời vỡ lòng quân sự sôi nổi, nhiều mới lạ...


Qua Đại Từ, Ba Giăng lên Quảng Nạp, rẽ vào chân núi Hồng, nơi đóng quân của Tổng hành dinh lãnh đạo kháng chiến, nơi mà khi còn ở địa phương đồng bằng sông Hồng, chúng tôi thường ngưỡng mộ như một mảnh đất thánh có Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đang ngày đêm lãnh đạo cuộc chiến tranh nhiều gian khổ chống giặc Pháp xâm lược.


Vào đến cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đóng trong rừng, lẻ tẻ từng gian nhà lá nhỏ ẩn dưới lùm cây xanh, bên bụi tre nứa ngổn ngang hoang dã, chúng tôi được anh Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng thân mật đón tiếp. Anh húi cua, nét mặt cương nghị, người dong dỏng cao, hơi gầy (không to béo như sau này), vui vẻ chuyện trò thăm hỏi gia cảnh, sinh hoạt riêng tư của tôi, sau đó đi ngay vào nội dung cần gặp. Anh phổ biến là Bộ điều động tôi về làm Chính trị viên Ban Nghiên cứu thuỷ quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu, mới được thành lập hồi tháng 3/1949 hiện đóng quân tại Đoan Hùng - Phú Thọ, bên bờ sông Chảy - sông Lô. Anh chậm rãi giải thích ngắn gọn, rõ ràng "Cách mạng Trung Quốc toàn thắng tạo nhiều thuận lợi cho cuộc kháng chiến của ta chống Pháp xâm lược. Nhìn về tương lai rộng mở, để xây dựng quân đội tiến lến, đất nước ta với dải bờ biển dài vài ba ngàn cây số, nhất định phải có một lực lượng Hải quân hùng mạnh, xứng đáng với lịch sử mấy nghìn năm dân tộc đã từng có những lực lượng Thuỷ quân lập nên chiến công hiển hách trên Bạch Đằng giang, Lục Đầu giang...". Chính vì mục tiêu đó, căn cứ điều kiện thực tế hiện nay, Bộ quyết định trước mắt thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân (song song với Ban Nghiên cứu Không quân) để:

- Nghiên cứu những phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng Thuỷ quân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay và trong tương lai gần.

- Tập hợp đội ngũ cán bộ công nhân viên Hải quân cũ, tạo điểu kiện xây dựng cơ sở ban đầu.

- Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ cán bộ Thuỷ quân cách mạng trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải...


"Ban Nghiên cứu Thuỷ quân bước đầu còn nhỏ bé, nhưng tiền đồ sẽ vẻ vang. Chắc một ngày không xa sẽ phát triển thành Quân chủng Hải quân..."


Sau khi làm việc với Tổng Tham mưu trưởng, tôi lần lượt đến gặp cơ quan chính trị, tác chiến, quân sự, quân báo để nắm tình hình liên quan đến Thuỷ quân và xin những chỉ dẫn cụ thể của từng cơ quan. Sau đó tôi nhanh chóng lên đường về nhiệm sở bằng phương tiện duy nhất hồi ấy là "cuốc bộ". Đây cũng là một dịp tốt tôi được nhẩn nha ngắm đất trời, núi rừng Việt Bắc mà lần đầu được tiếp xúc từ Đại Từ qua Đèo Khế - châu tự do, vượt sông Lô sang Tuyên Quang, rẽ xuôi về Đoan Hùng.


Đến một lán trọ ở xen kẽ nhà dân bên bờ sông Chảy, tôi được gặp ngay các anh trong Ban chỉ huy (anh Nguyễn Văn Khương - trưởng ban, anh Trần Đình Vọng - phó ban). Chúng tôi tay bắt mặt mừng, chuyện trò thăm hỏi vui vẻ, cởi mở, mặc dù mới chỉ là lần gặp đầu tiên. Hai anh đều là người miền Nam, tuổi trên 30, đều đã từng làm lính thuỷ hoặc làm nghề hàng hải, quen với sóng gió. Qua trao đổi các anh cho biết: Ban nghiên cứu Thuỷ quân được thành lập từ tháng 3/1949. Lúc đầu chỉ có vài ba anh em, sau tập trung dần, đến nay đã có cán bộ, có doanh trại trường sở và đã tập hợp được học viên từ các ngả tuyển về, bắt đầu bước vào khoá 1 Thuỷ quân.


Có nhiều phương án tổ chức xây dựng Ban, nhưng trước mắt căn cứ vào thực tế đã có, đại thể tổ chức như sau:

Ban chỉ huy có 3 người: 1 trưởng, 1 phó, 1 chính trị viên.

Cơ quan, ngoài bộ phận hành chính quản trị, hậu cần, về mặt chuyên môn có:

- Ban Hàng hải: gồm anh Quê - một chuyên viên về hàng hải, có trình độ cả về lý thuyết lẫn thực hành, anh Vị đã từng lái tàu luồn lách các đảo Đông - Bắc từ Vịnh Hạ Long sang đến Bái Tử Long...

- Ban Thông tin hàng hải (chủ yếu thông tin đơn giản: cờ, kèn, trống) gổm các anh Ngọc (Simon), Thông, Hương (nơ nút)...

- Ban Điện cơ máy nổ gồm: Anh Thăng - chuyên viên của trường kỹ thuật thực hành cũ, anh Kim - chuyên gia máy nổ....

Những bộ phận chuyên môn này đều có chức năng vừa nghiên cứu phát triển, vừa trực tiếp huấn luyện học viên. Các anh đều có nhiệt tình hăng hái xây dựng ngành.


- Về khối học viên, tổ chức một tiểu đoàn huấn luyện do anh Lưu Phương lính thuỷ cũ, làm tiểu đoàn trưởng và anh Khổng Hiệu, chính trị viên. Tiểu đoàn gồm hai đại đội học viên, mỗi đại đội đều có cán bộ khung đại đội trưởng, trung đội trưởng lấy từ đơn vị chiến đấu trở về, đa số đã tốt nghiệp Lục quân, một số không ít đã là lính thuỷ thời Pháp. Cán bộ đại đội có anh Lê Trường Đa (Khu 5), anh Nghiêm Xuân Hùng, anh Thanh Văn Minh, anh Quốc Vinh... Cán bộ trung đội có anh Dương Đình Âu, Trần Kỳ, Trần Hùng, Nguyễn Xuân Triết, Trần Minh Thái, Trần Quang Cánh... Hầu hết anh em cán bộ khung huấn luyện đều là đảng viên. Số học viên tuyển được khoảng gần hai trăm, trong đó một nửa lấy từ vùng biển Đông Bắc, chọn lọc trong số anh em bộ đội, dân quân du kích có nghề đi biển chài lưới, số còn lại tuyển từ các trường phổ thông Phú Thọ, Vĩnh Phúc sang đến Bắc Ninh, Bắc Giang. Anh em đều trẻ măng, quyết tâm xếp bút nghiên lên đường tòng quân chuẩn bị tổng phản công theo tiếng gọi của biển cả mênh mông, xây dựng Hải quân non trẻ của Tổ quốc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 01:16:31 pm »

Tất cả anh em cán bộ cũng như chiến sĩ học viên đều điều động về đây, từ anh chỉ huy quân sự, chính trị đến anh cán bộ chuyên môn hàng hải điện cơ, từ anh du kích miền biển địch hậu đến anh học sinh trẻ măng vừa rời ghế nhà trường trung học, mặc dù tuổi tác, trình độ, thành phần có khác nhau, nhưng dần dần qua đấu tranh đoàn kết đã đi đến thống nhất ý chí cùng nhau gánh vác xây dựng Ngành Thuỷ quân non trẻ. Chỉ tiếc là khi đó cơ sở vật chất của ta quá nghèo nàn, ngoài số mô hình tàu tuần dương, khu trục, tàu sân bay tự làm bằng gỗ thu nhỏ, ta còn thiếu đủ thứ: từ chiếc xuồng tập chèo, chiếc ca nô tập lái, đến những chiếc la bàn hàng hải, máy nổ, buồm lèo, thiếu cả những phương tiện thông tin đơn giản (cờ, đèn...) chứ chưa nói đến thông tin điện tử hiện đại, nên cũng hạn chế nhất định đến kết quả nghiên cứu và học tập.


Từ thực tế tình hình như trên, chúng tôi bàn bạc trao đổi trong ban chỉ huy, trong Đảng bộ, trong đội ngũ cán bộ chuyên môn, loay hoay tìm một phương án thích hợp tối thiểu.

Trước mắt có thể xây dựng một lực lượng Thuỷ quân đánh bộ ven sông, biển (thực chất là du kích ven sông, biển). Địa bàn tác chiến trước mắt: có thể là vùng biển Đông Bắc; ngoài ra ở vùng tự do Liên khu 4, Việt Bắc có thể tổ chức một vài đội Thuỷ quân trên sông, ví dụ: ở sông Mã (Thanh Hoá), sông Lam (Nghệ An), sông Lô (từ Việt Trì đến Tuyên Quang - Hà Giang), sông Hồng (từ Phú Thọ đến Yên Bái)...
Về phương tiện kỹ thuật thì cố gắng tìm kiếm một số phương tiện hàng hải như: la bàn, máy nổ, thông tin điện tử, cờ đèn; xin đóng thí điểm vài ca nô đi sông, có trang bị trọng liên, đại liên; Anh Vọng - phó ban, vốn nhiều hoài bão lãng mạn còn phát huy sáng kiến: đề nghị đóng một ca nô chỉ huy (kiểu hạm chỉ huy) trong đó đủ buồng chỉ huy, buồng ngủ, buồng khách, đặc biệt dùng để đón Đại tướng đến duyệt Thuỷ quân đánh bộ bên bờ sông Lô...


Từ phương hướng tạm xác định như trên, chúng tôi bàn đến chương trình huấn luyện đào tạo cán bộ Thuỷ quân đánh bộ. Trước mắt lập chương trình hàng năm về huấn luyện quân sự, chính trị, chuyên môn, chủ yếu là huấn luyện bộ binh có vận dụng kỹ thuật, chiến thuật Thủy quân như: tập bắn súng trên thuyền, ca nô; tập bơi, lặn; tập chèo thuyền, xuồng; tập động tác đổ bộ (từ trên bờ lên thuyền và từ thuyền nhảy xuống tiếp cận bờ, triển khai đội hình chiến đấu,...); tập sử dụng hải đồ, tìm phương hướng trên biển theo dân gian (theo trăng sao, thời tiết, khí hậu, nước thuỷ triều lên xuống...); sử dụng phương tiện thông tin đơn giản đi biển (cờ, đèn...). Ngoài ra, nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, thì sẽ mở lớp chuyên đào tạo thợ máy nổ (kể cả điều khiển máy nổ lẫn sửa chữa); đào tạo cán bộ hàng hải lái tàu.


Trên cơ sở những kết luận tạm thời trên về phương hướng xây dạng ngành, anh Khương và tôị về Bộ, trao đổi với cơ quan tác chiến và báo cáo trực tiếp với Tổng Tham mưu trưởng.

Anh Hoàng Văn Thái sau khi nghe báo cáo, đã trao đổi thống nhất đánh giá: năm 1949, ta đã tích cực bước đầu hình thành được cơ quan nghiên cứu thuỷ quân, đã tập hợp được một số cán bộ hải quân thời Pháp, Nhật thuộc, đã tuyển được một số anh em học viên để đưa vào huấn luyện đào tạo... Anh chỉ thị năm 1950 tiếp tục công việc đã và đang triển khai: trước mắt huấn luyện lính thuỷ đánh bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể mở lớp cán bộ kỹ thuật hàng hải - lái tàu, cán bộ điện cơ máy nổ... và đặc biệt, chuẩn bị một đại đội học viên đi Trung Quốc học tập kinh nghiệm đổ bộ đảo Hải Nam của giải phóng quân. Anh giao cho tôi trực tiếp đảm nhận chuẩn bị lực lượng này, chú trọng đến chất lượng khi đi quốc tế.


Trở về đơn vị, chúng tôi triển khai công việc theo chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, trọng tâm là bảo đảm cho lực lượng ở nhà tiến hành nghiên cứu và huấn luyện, đẩy nhanh tốc độ đóng một vài ca nô và xuồng chèo tay phục vụ huấn luyện; đồng thời chọn một số cán bộ và học viên đi Trung Quốc học tập, cơ bản lấy số anh em khoá 1 và bổ sung một số anh em khoá 2.


Sau khi nghe báo cáo tình hình, số lượng, chất lượng đơn vị Bộ Quyết định tổ chức "Đội Thủy quân 71" đi Trung Quốc học tập kinh nghiệm đổ bộ đảo Hải Nam trong thời gian khoảng 6 đến 8 tháng. Bộ đã liên hệ với Bạn, ta cứ hành quân sang Bằng Tường - Long Châu, Bạn sẽ tiếp nhận và tổ chức đưa đơn vị đến địa điểm cần đến. Còn cán bộ chỉ huy và phiên dịch, Bộ điều động anh Lê Ngọc Quang về làm đội trưởng, anh Trác Vinh Nam và tôi làm đội phó. Anh Lê Ngọc Quang và tôi vốn quen biết nhau từ thời đầu cách mạng tháng 8/1945 ở chiến khu 3. Anh hoạt động cách mạng từ những năm 40 ở Hưng Yên, là chính trị viên trung đoàn ở Chiến khu 3. Còn tôi khi đó ở Hải Dương, là chính trị viên tiểu đoàn. Anh Trác Vinh Nam, người Quảng Ninh - Móng Cái nguyên là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn ở Thủ đô ngày đầu kháng chiến, thông thạo tiếng Quảng Đông và tiếng quan hoả Bắc Kinh, nên đảm nhiệm luôn việc phiên dịch. Hai anh về nhận nhiệm vụ đúng lúc đơn vị đã hành quân từ Đoan Hùng tới Đồng Bẩm - Thái Nguyên, đang tạm dừng đợi lệnh xuất phát.


Sang đầu tháng 6/1950, đơn vị được lệnh hành quân, đi theo đường Thái Nguyên - Đình Cả - Bắc Sơn - Bình Gia - Keo Coong, liên hệ với địa phương vượt đường 1 ở biên giới Trung - Việt giữa Na Sầm - Đồng Đăng. Trước đó ta đã đánh Đông Khê lần thứ nhất từ tháng 5/1950 và đang có ý định chuẩn bị chiến dịch biên giới Thu Đông 1950. Hoạt động của địch trên đường số 4 này là cầm chừng, không tích cực sục sạo như trước.


Đơn vị khoảng 100 người lên đường, tinh thần phấn chấn. Về cán bộ, ngoài ba anh em chỉ huy chúng tôi còn có cán bộ đại đội: anh Nghiêm Xuân Hùng, anh Thanh Văn Minh; cán bộ trung đội: anh Trần Kỳ, anh Trần Hùng và anh Dương Đình Ấu; cán bộ chuyên môn: anh Nguyễn Kim điện cơ, anh Nguyễn Tiến Cảnh... Rất tiếc là không có một cán bộ hàng hải nào cùng đi, mặc dù anh em chúng tôi cũng đã đề nghị danh sách.

Về học viên có hai đối tượng chính:

- Quân du kích ở vùng Đông Bắc khá đông: gồm Cơ, Ngọ, Bình, Tạo, Tiếp...

- Quân học sinh trung học mới tòng quân cũng khá nhiều cả khoá 1 và khoá 2 gồm những anh em từ Khu 3, Khu 4 mới ra: nào Đinh Văn Chí, Trần Quang Hậu (viết báo), Ngô Thế Lãng (ca nhạc), Vỹ, Phi Hoàng, Vũ Quân, Duy Thành, Đạt, Đức, Hợi,... Nói chung, anh em đều trẻ, khoẻ, hăng hái, nhiệt tình, học tập nghiêm túc và khá nhiều anh em có tài lẻ nổi đình đám, nào ca hát diễn kịch thơ phú, nào bích báo thể thao... làm cho sinh hoạt của Đơn vị 71 khá sôi nổi, để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 01:20:08 pm »

Sang Trung Quốc ở lại Long Châu một vài ngày, Bạn đưa chúng tôi đi Nam Ninh bằng đường thủy cho an toàn hơn (theo giải thích của bạn thì đường bộ đang còn phỉ hoạt động), ở đây Bạn đón tiếp nhiệt tình. Được vài ngày, đơn vị lại lên đường đi Tsékham, gần Quảng Châu Loan (Quảng Đông) bằng tàu thuỷ, có đoạn đi bằng ô tô.


Tsékham, nơi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 43 thuộc Đệ tứ dã chiến quân của Lâm Bưu đóng quân. Các đồng chí quân đoàn đón tiếp chúng tôi khá chu đáo. Từ Tư lệnh đến Chính uỷ Quân đoàn đều đến trực tiếp gặp mặt, hỏi chuyện chiến tranh ở Việt Nam, mời cơm liên hoan thịnh soạn... sau đó Quân đoàn cử người đưa chúng tôi về huấn luyện tại một đảo nhỏ, đảo Nào Cháu (Điều Thuận) cách bờ Tsékham, độ hơn chục kilômet. Cán bộ Bạn trực tiếp phụ trách Đội 71 gồm:

- Ở cơ quan Bộ Tư lệnh, có đồng chí Tôn, một cán bộ chính trị già dặn, tham gia quân đội từ thời Bát lộ quân, trong tiếp xúc với chúng tôi luôn tỏ thái độ nhã nhặn, lịch thiệp, chân tình và chu đáo.


Cùng về đảo với chúng tôi, có Đồng chí Vương, dinh trưởng (cỡ tiểu đoàn trưởng) đã tham gia chiến đấu giải phóng đảo Hải Nam, trực tiếp huấn luyện chúng tôi một số khoa mục quân sự với tinh thần trách nhiệm caọ. Đồng chí Tống (Tống Chí Tiên), cán bộ chính trị tuổi trẻ, hoạt bát, vui vẻ, gần gũi, chan hoà với chúng tôi, chủ động để xuất những nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt, học tập và trực tiếp huấn luyện tiếng Bắc Kinh cho chúng tôi.


Ngoài hai cán bộ chỉ huy quân sự, chính trị, Bạn còn cử một số giáo viên luân phiên đến giảng dạy, một đội hậu cần cấp dưỡng và vài ba anh chị em phiên dịch. Đó là các cô Lê, Vương, Vân Chí và chú Hồng, tất cả đều là Hoa Kiều sinh sống ở Việt Nam, theo tiếng gọi của Tổ quốc đã trở về nước tham gia cách mạng ở vùng biên giới Quảng Đông và nay về đây trong đội ngũ quân đoàn, phiên dịch cho chúng tôi. Các anh chị em đều hăng hái nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong học tập, sinh hoạt, mặc dù trình độ có hạn, đã để lại một vài giai thoại vui vẻ về dịch nhầm và hiểu nhầm...


Bạn bố trí chúng tôi ở nhà dân trên đảo, sau khi trao đổi sơ sơ với chúng tôi, Bạn quyết định thực hiện luôn một chương trình sáu tháng huấn luyện, cơ bản là huấn luyện phân đội bộ binh theo chiến thuật Lâm Bưu, có vận dụng ít nhiều vào việc đi biển, đổ bộ, sinh sống địch hậu, đại thể như kiểu tập luyện phân đội giải phóng quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Hải Nam. Nội dung tổng quát các khoa mục gồm:

- Về kỹ thuật chiến đấu: huấn luyện bắn súng bộ binh (súng trường, trung liên, đại liên, súng cối 60 mm...) có vận dụng tập bắn trên sông nước, trên thuyền buồm; sử dụng bộc phá, thủ pháo, lựu đạn; vận động chiến, trong đó có tập động tác từ bờ lên thuyền và từ thuyền nhảy xuống nước, tiếp cận bờ và mục tiêu...

- Về chiến thuật, huấn luyện cá nhân chiến đấu, tổ tam tam chế, tiểu đội và trung đội tiến công, phòng ngự theo tư tưởng Lâm Bưu; cách hoạt động, sinh sống dịch hậu, vận động quần chúng...

- Về hàng hải, Bạn thuê của dân trong vùng 5 - 7 chiếc thuyền buồm to có gắn máy nổ để đi biển. Mỗi thuyền chở được từ 1, 2 tiểu đội đến một trung đội tùy theo cỡ thuyền to, nhỏ. Có chủ thuyển đi cùng để điều khiển lái thuyền. Thuyền thường đậu tập trung tại một bến kéo dài hàng trăm mét, chúng tôi gọi vui đó là "bến bãi của Hạm đội 71". Luyện tập về thuyền, nội dung chính là tập cho quen sóng gió, tập kéo buồm, lật lèo buồm, đi vát, đi ngược gió, đi trong sông lạch, dần dần ra khơi, đi về hướng đảo Hải Nam (nhưng không đến nơi). Tóm lại, quân ta chủ yếu tập đi biển, làm những công việc tạp dịch trên thuyền, còn việc lái thuyền vẫn do tài công chủ thuyền đảm nhiệm, vì thực tế với thời gian ngắn học tập trong tình huống đơn giản ta chưa thể tự lực một mình lái thuyền được, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây lật thuyền, đắm thuyền.


Ngoài khoa mục hàng hải, Bạn mở một lớp bồi dưỡng kỹ thuật máy nổ (chủ yếu là máy nổ xe ô tô GMC của Mỹ) cho một số anh em ta, độ hơn chục người. Cuối khoá học, Bạn tổ chức học tập "Chiến dịch đổ bộ đánh chiếm đảo Hải Nam" do một vài cán bộ cỡ sư đoàn tới giới thiệu trong 3 ngày. Kế hoạch đổ bộ có thể tóm tắt như sau:

Bạn huy động vài trăm tàu thuyền buồm gắn máy của dân (không có tàu chiến hiện đại) để chở quân đổ bộ đánh chiếm đảo Hải Nam. Để huy động được thuyền dân, có nhiều trường hợp phải mua cả thuốc phiện cho chủ thuyền hút sách để họ tích cực lái thuyền chở quân đi đổ bộ.

Hướng đổ bộ từ Đông Bắc và Tây Bắc đảo, mỗi hướng đổ một sư đoàn (bí mật đổ bộ, không có chuẩn bị hoả lực pháo áp đảo đối phương trước), phối hợp với cánh quân vu hồi thọc sâu, lực lượng khoảng một tiểu đoàn tăng cường bí mật luồn vào hậu phương địch, bắt liên lạc với phong trào cách mạng tại đảo nổi dậy đánh địch từ trong đánh ra, phối hợp với chính diện đổ bộ tấn công, có pháo đi cùng.

Kế hoạch đã thực hiện trọn vẹn và thắng lợi nhanh chóng, quân Tưởng Giới Thạch đã tan vỡ từ lục địa không còn tinh thẩn chiến đấu chống đã đã bỏ chạy rút về Đài Loan.


Sau học chiến lệ, Bạn tổ chức một cuộc hành quân đi biển dài ngày dự định đến đảo Hải Nam, nhưng sau bỏ kế hoạch này, chỉ đi khơi gần trong vài ba ngày đêm để kết thúc khoá học. Sở dĩ không đi khơi xa là vì trước đó một thời gian đã xảy ra một vụ đắm tàu trên biển trong điều kiện thời tiết yên ả, không có sóng to, gió lớn. Vụ việc xảy ra làm hai đồng chí hy sinh là đồng chí Nam Hải và Bùi Nguyên vốn quê ở Thuỷ Nguyên thạo nghề đi biển. Cả đơn vị vô cùng thương tiếc đồng chí mình. Còn Bạn thì băn khoăn lo lắng vì đã để xảy ra sự cố này, đã tổ chức mai táng chu đáo và sau đó cho xây phần mộ khang trang to đẹp ngay trên đảo.


Quá trình học tập trên đảo, chúng tôi được Bạn chăm sóc nuôi dưỡng khá đầy đủ, nhiều anh em lên cân khá nhanh. Quan hệ với Bạn, với nhân dân địa phương nói chung là giữ được mối tình hữu nghị, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.


Trước khi lên đường về nước, Bạn còn trang bị hoàn toàn mới cho đơn vị từ khẩu súng trường, trung liên đến quân trang, quân dụng khá đầy đủ; nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở trang bị bộ binh đơn thuần, chưa mang mầu sắc lính thuỷ đánh bộ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM