Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:22:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tấn công ngoại giao và tiếp xúc bí mật  (Đọc 4165 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:11:55 pm »

Ngày 3 tháng 9:

Chưa đến giờ làm việc, điện thoại đã réo. Ở đầu giây, Mạc-cô-vích đề nghị được tiếp cùng Ô-brắc, vì "có tin vui"!

Vừa đúng 9 giờ, hai ông đã đến.

Mạc-cô-vích (tinh thần phấn chấn rõ rệt):

Tối ngày 2 tháng 9, vào khoảng 20 giờ, tôi có nói chuyện qua điện thoại khá lâu với ông bạn Kít-xin-giơ của tôi. Trong câu chuyện, tôi có thuật lại những điều quan trọng mà ông nói với chúng tôi sáng ngày 2 tháng 9, đặc biệt tôi có nhấn mạnh sự phê phán của ông về "trò hai mặt" của Mỹ.

Tôi" Xin cảm ơn ông đã làm việc đó!

Mạc-cô-vích: Không! Không! Ông không có gì phải cảm ơn tôi.

Nói cho Kít-xin-giơ biết sự phê phán của ông, đó là điều mà chúng tôi phải làm và chỉ có như thế hai bên mới hiểu nhau hơn.

Ô-brắc (sốt ruột): Ông bạn hãy nói kết quả của cú điện thoại đi!

Mạc-cô-vích: Vâng! Vâng! Trước hết, tôi yêu cầu Kít-xin-giơ tìm cách kéo dài việc ngừng ném bom Hà Nội. Sau đó, vào khoảng nửa đêm, lúc khoảng ba tiếng đồng hồ sau cú điện thoại của tôi, Kít-xin-giơ trả lời cho biết việc ngừng ném bom Hà Nội sẽ được kéo dài thêm 72 tiếng đồng hồ, tức đến chiều ngày 6 tháng 9, để chờ Hà Nội "trả lời" thông điệp của Mỹ.

Tôi: Kéo dài ngừng ném bom Hà Nội thêm 72 tiếng đồng hồ, tức Mỹ muốn gây sức ép thêm 72 tiếng đồng hồ nữa. Tuy nhiên, xin cảm ơn hành động tích cực của ông và cũng xin ghi nhận thông báo hợp thời của ông Kít-xin-giơ.

Ô-brắc: Sau khi hỏi ý kiến của ông, chiều ngày 2 tháng 9 chúng tôi đã báo cáo "đại thể" việc làm của chúng tôi cho ông Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Đờ Gôn, tức ông Hầu tước Đờ Xanh Lê-gi-ê đơ la Xô-xây (Marquis de Saint Legier de la Sausaye).

Tôi: Chắc Phủ Tổng thống cũng đã được báo tin vừa rồi.

Ô-brắc và Mạc-cô-vích: Vâng! Vâng!

Câu chuyện kết thúc vui vẻ. Hai ông phấn khởi ra về. Cái píp của ông Ô-brắc nhả khói liên tục. Còn chiếc cặp da bao giờ cũng đầy ắp của ông Mạc-cô-vích hôm nay không có gì nặng lắm...


Ngày 1 tháng 9, nhân dịp Quốc khánh, tôi nhận trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Lúc-xăm-bua. Lợi dụng những câu hỏi, kết hợp đấu tranh công khai và tiếp xúc bí mật, kết hợp đấu tranh công khai và tiếp xúc bí mật, tôi đã gián tiếp nói với quần chúng Mỹ và Kít-xin-giơ những điều mà tôi thấy cần và nên nói.

Về ngày Quốc khánh "dưới bom", tôi tuyên bố:

Hơn bao giờ hết, nhân dân Việt Nam cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 22 ngày Độc lập trong một bầu không khí phấn khởi và tin tưởng.

Phấn khởi vì thắng lợi tiếp theo thắng lợi, về phương diện chính trị cũng như về phương diện quân sự, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, đặc biệt trong hai năm qua.

Tin tưởng, vì nhân dân Việt Nam dày dạn kinh nghiệm đã cầm chắc thắng lợi cuối cùng.

Hỏi: Quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam như thế nào?

Đáp: Miền Nam là phần nửa nước Việt Nam, chứ không phải bang thứ 52 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Hỏi: Hiện nay Mỹ gây sức ép ngày càng mạnh đối với miền Bắc. Cuộc leo thang tiếp tục, Không quân Mỹ tiến hành những cuộc đột kích dọc biên giới Trung Quốc. Hà Nội bị ném bom. Cầu sắt Long Biên bị đánh hỏng. Theo ông, những lý do nào đã làm cho chính phủ Mỹ leo thêm nấc thang mới đó?

Đáp: Hiện nay, chính là lúc mà Mỹ đang tiếp tục leo thang chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những cuộc đột kích dã man của không quân Mỹ đã xảy ra trong những ngày 11 và 12 và sau đó, những ngày 21, 22, và 23 tháng 8, đánh vào trung tâm thủ đô và chiếc cầu sắt lớn trên sông Hồng. Ngoài ra, các đê gần Hà Nội cũng bị đánh phá nhiều nơi. Như vậy là Mỹ đã leo thêm một nấc thang chiến tranh cực kỳ nghiêm trọng và đã phạm thêm nhiều tội ác ghê tởm chống nhân dân Việt Nam.

Tại sao vậy? Chỉ vì Mỹ chưa chịu từ bỏ cuộc xâm lược mặc dù thất bại ngày càng nặng nề ở miền Nam mà cũng chẳng đạt được mục tiêu nào đã được đề ra cho cuộc ném bom và đánh phá miền Bắc.

Rõ ràng là Mỹ đang áp dụng chiến thuật "chạy trốn về phía trước". Chỉ có thế thôi.

Nhưng cũng cần nói thêm là Mỹ phải trả giá rất đắt ý đồ đen tối đó. Từ 11 đến 23 tháng 8, đã có 22 máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và tất cả phi công Mỹ đều chết hoặc bị bắt khi xuống tới đất.

Hỏi: Cầu sắt Long Biên có được sửa chữa không? Những cuộc ném bom bắn phá gần đây nhằm vào các trục giao thông Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Lào Cai có cản trở việc vận chuyển viện trợ của Trung Quốc không? (Chắc là Kít-xin-giơ muốn biết về những vấn đề được nêu ra trên đây lắm!)

Đáp: Ông khỏi phải bận tâm. Dù cầu sắt Long Biên có được sửa chữa hay là không, tôi có thể bảo đảm với ông rằng chúng tôi có đầy đủ phương tiện dự phòng cần thiết để qua sông. Mặc dù có những cuộc ném bom bắn phá, sự thông thương vẫn được duy trì ngày và đêm trên tất cả các tuyến đường.

Hỏi: Vì ông mới từ miền Bắc trở lại đây, ông có thể cho biết những cuộc ném bom bắn phá của Mỹ đã giảm bớt tiềm lực quân sự của miền Bắc, từ ngày 6 tháng 2 năm 1965 đến nay, ở chừng mực nào? Với tỷ lệ nào? (Phải chăng phóng viên của Đài phát thanh Lúc-xăm-bua đã nêu câu hỏi cặn kẽ trên đây theo yêu cầu của Kít-xin-giơ?)

Đáp: Trước hết tôi xin phép chữa câu hỏi của ông. Đáng lẽ, ông nên hỏi tôi như thế này: "Ở chừng mực nào, với tỷ lệ nào, những cuộc ném bom bắn phá của Mỹ đã tăng cường thêm tiềm lực quân sự của miền Bắc Việt Nam là tiềm lực quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không hề bị giảm bớt, như ông nói, mà trái lại, nó đã tăng thêm rất nhiều trong hai năm qua. Những người sẵn sàng cải chính điều tôi vừa nói đó, chắc chắn không phải là những phi công Mỹ!

Hỏi: Ông Bộ trưởng quốc phòng Rô-bớt Mắc Na-ma-ra có một lời tuyên bố làm chấn động thế giới. Ông ấy nõi: "Những cuộc ném bom không có khả năng ép miền Bắc phải thương lượng, trừ phi nhằm đánh phá triệt để các thành phố". Ông hiểu lời tuyên bố đó như thế nào?

Đáp: Cũng như mọi người, ông biết rằng lời tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã được giải thích bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, ai ai cũng đồng tình về một điểm. Ông Mắc Na-ma-ra đã công khai nói lên sự thất bại của Mỹ, đồng thời cũng là sự thất bại của chính ông ta. Điều đó không có gì là lạ cả. Vì lẽ đến hôm nay thì mọi người đều biết rằng không quân và hải quân Mỹ không hề đạt được những mục tiêu được đề ra, tức không hề tác động được tinh thần của nhân dân, không hề làm rối loạn được cơ cấu kinh tế mà cũng không hề giảm bớt được tiềm lực quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi đó sự thật là những tổn thất của không quân và hải quân Mỹ, về máy bay cũng như về phi công, đã đánh đổ một cách không thương tiếc huyền thoại về "sức mạnh thần kỳ của không lực Hoa Kỳ!".

Trong giới quân sự và cầm quyền Mỹ, sở dĩ còn có những kẻ đang cay cú kêu gào ném bom, bắn phá triệt để hơn nữa thủ đô Hà Nội và các thành phố khác, là chỉ vì chính họ cũng đã phải thừa nhận sự thất bại của những cuộc ném bom bắn phá của không quân và hải quân Mỹ.

Hỏi: Ông có tin rằng, với thời gian, dư luận Mỹ có thể chuyển biến một cách thuận lợi cho ông không?

Đáp: Chắc chắn là như vậy. Cứ càng biết rõ thêm những tội ác dã man mà chính sách chiến tranh của Oa-sinh-tơn đã gây ra ở Việt Nam và cứ càng thấy rõ thêm những hậu quả thảm hại của chiến tranh ngay trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ, thì quần chúng Mỹ càng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phản chiến của họ. Người ta không phải vô cớ mà gọi đó là Mặt trận thứ hai. Sự huy động lực lượng chống chiến tranh, gồm tất cả các phong trào, các tổ chức, các hiệp hội... là một bằng chứng. Hàng ngàn thanh niên Mỹ đã chạy trốn ra nước ngoài, đến Ca-na-đa, Tây Âu và Bắc Âu để thoát khỏi quân dịch, tức để khỏi bị đưa sang chết oan uổng ở Việt Nam.

Cho nên, chúng tôi tin chắc rằng, trong những ngày tới đây cũng như trong thời gian qua, phong trào phản chiến của quần chúng Mỹ chỉ có thể phát triển một cách thuận lợi đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng tôi mà thôi. Nếu có người còn chưa tin hẳn như vậy, xin cứ theo dõi "sự khủng hoảng lòng tin" đối với Tổng thống Mỹ, một sự khủng hoảng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và đã bắt đầu đe dọa ông ta trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hỏi: Ông có thể cho biết trong những điều kiện nào, miền Bắc sẽ đồng ý thương lượng? Phải chăng cuộc thương lượng, trong thời gian đầu, chỉ gồm có Mỹ và miền Bắc Việt Nam?

Đáp: Ông xem lại lời tuyên bố ngày 28 tháng 1 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi chỉ cân nhắc lại: "Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và thảo luận các vấn đề liên quan đến hai bên".

Hỏi: Câu hỏi cuối cùng. Thưa ông Tổng đại diện, cho phép tôi hỏi ông: Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sao? Phải chăng Chủ tịch vẫn ở Hà Nội, bất chấp các cuộc ném bom bắn phá của không quân Mỹ?

(Thật là một câu hỏi hợp thời! Mỹ rất "quan tâm" theo dõi sức khỏe của Hồ Chủ tịch. Các nhà "Việt Nam học" của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra nhiều giả thuyết có thể nói là táo bạo. Họ cho rằng tinh thần nhân dân Việt Nam sẽ sa sút sau khi Hồ Chủ tịch qua đời. Họ cũng không hề giấu giếm những "công trình nghiên cứu" của họ về vấn đề "kế thừa", với những dự kiến: xu hướng này, xu hướng nọ sẽ lên cầm quyền v.v... Sức khỏe của Hồ Chủ tịch, từ nhiều năm, đã trở thành một sự ám ảnh đối với họ).

Đáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏe mạnh, rất khỏe mạnh. Xin cảm ơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:16:26 pm »

Ngày 5 tháng 9:

Ô-brắc đã đi Rô-ma. Đến chieeuf6 tháng 9, "thời hạn" ngừng ném bom Hà Nội sẽ chấm dứt. Tình hình trở nên căng thẳng và khẩn trương.

Mạc-cô-vích trao cho tôi bản sao của một bức điện và một bức thư gởi cho Kít-xin-giơ ngày 5 tháng 9.

Nội dung bức điện: "Còn hy vọng mong manh, do ném bom bắn phá Hà Nội nên bế tắc, yêu cầu tuyệt đối không có "sáng kiến" nào tương tự".

Nội dung thư: Lập lại nội dung bức điện, nhưng có thêm: "Hà Nội quyết tâm, leo thang mới hay ném bom trở lại Hà Nội sẽ làm tiêu tan mọi khả năng. Mong gặp nhau cuối tuần".

Điện và thư gởi cho Kít-xin-giơ trên đây bộc lộ một sự chuyển biến lý thú và quan trọng trong thái độ và cách suy nghĩ của Mạc-cô-vích. Trong cặp Ô-brắc-Mạc-cô-vích, ngay từ đầu chúng ta đã nhận thấy giáo sư Mạc-cô-vích, Tổng thư ký của Pấc-oát-sơ, người đã nhân danh tổ chức này để lãnh nhiệm vụ đi Hà Nội theo yêu cầu của Kít-xin-giơ, tức của tập đoàn cầm quyền Mỹ, là nhân vật chính. Còn Kít-xin-giơ cần đến Ô-brắc là cần cái tên của ông, vì, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc khéo, cái tên của Ô-brắc là một thứ "phù phép" mở cửa cho ông vào Việt Nam. Do đó, Mạc-cô-vích mới lọt được vào Hà Nội.

Mạc-cô-vích cũng là người có trách nhiệm liên hệ và báo cáo mọi hoạt động, mọi tin tức về nhiệm vụ trung gian của ông với Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Đờ Gôn.

Thực tế là qua câu chuyện giữa hai ông và tôi, vai trò nhân vật chính của Mạc-cô-vích bao giờ cũng nổi rõ.

Điều lý thú và quan trọng là bây giờ chúng ta thấy một Mạc-cô-vích bất bình dồn Kít-xin-giơ vào chân tường và nói thẳng vào mặt Kít-xin-giơ: "Do ném bom, bắn phá Hà Nội nên bế tắc, yêu cầu tuyệt đối không có "sáng kiến" nào tương tự!"

Sau chuyến đi Hà Nội, ông tin ở thiện chí của Việt Nam. Việc chúng ta tố cáo "trò hai mặt" của Mỹ - vừa đánh phá, vừa đề nghị đàm phán - không phải đã không làm cho ông suy nghĩ về chính sách chiến tranh của Mỹ, về sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai khuynh hướng chống đối nhau trong nội bộ của giới cầm quyền Mỹ.

Mạc-cô-vích đã đi đến kết luận: "Hà Nội quyết tâm, leo thang mới hay ném bom trở lại Hà Nội sẽ làm tiêu tan mọi khả năng". Nói một cách khác, nếu Mỹ làm như vậy, trách nhiệm làm thất bại cuộ tiếp xúc hoàn toàn thuộc về phía Mỹ.


Sáng ngày 7 tháng 9:   

"Thời hạn 10 ngày" ngừng ném bom bắn phá Hà Nội, được kéo dài thêm một ngày, đã chấm dứt chiều hôm qua 6 tháng 9. Việc gì đã xảy ra? Không quân Mỹ đã trở lại đánh phá thủ đô rồi chăng? Hay là Mỹ sẽ lùi thêm một bước nữa? Sự thách thức đã kết thúc hay còn tiếp tục?

Đúng 9 giờ sáng, Mạc-cô-vích gọi điện thoại. Ở đầu giây, ông rối rít xin gặp tôi, không giấu được niềm vui.

Vừa ngồi xuống ghế, bằng một giọng sôi nổi, ông kể:

"Chiều hôm qua, "thời hạn" ngừng ném bom đánh phá Hà Nội đã hết. Tôi không thể ngồi yên mà cũng không biết mình phải làm gì để đẩy lùi một quyết định mà hậu quả có thể làm sụp đổ tất cả. Trong cơn bối rối, tôi đánh liều gọi điện thoại nói chuyện với Kít-xin-giơ. Tôi nhắc lại nội dung bức điện ngày 5 tháng 9 của tôi, nhấn mạnh việc đánh Hà Nội đã gây bế tắc, Mỹ không được phạm sai lầm đó lần thứ hai. Tôi hỏi Kít-xin-giơ có làm được gì nữa không? Vì thời gian kéo dài ngừng ném bom đã qua".

Ngừng mấy giây, rút mùi soa lau mồ hôi trán, Mạc-cô-vích vui hẳn lên, kể tiếp:

"Chẳng khác nào một kẻ sắp chết đuối nên đụng đâu vớ đó, tôi không ngờ vài giờ sau, Kít-xin-giơ gọi lại tôi, cho biết đã gặp Mắc Na-ma-ra và ngày 9 tháng 9 sẽ được Giôn-xơn tiếp và... điều vô cùng quan trọng là từ nay đến đó, không có đánh phá Hà Nội! Sợ tôi chưa hiểu, ông bạn Kít-xin-giơ của tôi đã chịu khó lập lại hai lần: Cho đến ngày 9 tháng 9, không có vấn đề ném bom trở lại Hà Nội!"

Tôi vui vẻ nói:

"Lần thứ hai, tôi xin ghi nhận một thông báo hợp thời của ông Kít-xin-giơ".

Chưa bao giờ, tôi thấy nhà khoa học Mạc-cô-vích, có mái tóc đen, có đôi mắt sáng, vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm trang, lại phấn chấn và hồ hởi như hôm nay.

Không chút dè dặt, ông thổ lộ tâm tình:

"Trước khi đi Hà Nội, cũng như hiện nay, mục đích duy nhứt mà cũng là sứ mạng của tôi là đạt được sự gặp gỡ giữa những người đại diện có thẩm quyền của hai chính phủ, trước hoặc sau việc chấm dứt ném bom. Sau đó, hai bên sẽ có điều gì để nói với nhau và việc gì sẽ xảy ra, tất cả những cái đó sẽ không liên quan đến tôi nữa. Cho nên, chúng tôi gọi đó là một mục tiêu hạn chế. Thế mà đến nay, mục tiêu hạn chế đó vẫn chưa đạt được".

Tôi mới uống trà, vì thấy ông không dằn được cơn xúc động. Uống xong một chén trả và với một giọng ôn tồn, ông nói tiếp:

Bây giờ, Kít-xin-giơ hết sức mong phía ông có một tín hiệu, dù rất nhỏ. Tôi cũng thiết tha mong như vậy. Vì sao? Vì có được một tín hiệu của Hà Nội, dù là rất nhỏ như tôi vừa nói, Kít-xin-giơ mới có thể nói với Giôn-xơn: "Đã có tín hiệu của Hà Nội!". Trong tình hình hiện nay, tôi có thể nói một tín hiệu nhỏ của Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn. Một mặt, Kít-xin-giơ sẽ nghiễm nhiên trở nên "người Mỹ đầu tiên bắt được tín hiệu của Hà Nội". Mặt khác, tư cách mới đó sẽ giúp cho Kít-xin-giơ đấu tranh có hiệu quả hơn, chống bọn "diều hâu" hiếu chiến.

Do đó, đề nghị ông cho phép tôi nói với Kít-xin-giơ rằng, khi đến Pa-ri cuối tuần này, khoảng 16 tháng 9, Kít-xin-giơ có thể gặp được ông. Nếu từ nay đến ngày 9 tháng 9 mà ông trả lời nhận gặp thì Kít-xin-giơ có thể nói ngay với Giôn-xơn "đã có tín hiệu!".

Tôi đáp: "Tôi không thể cho phép ông làm như vậy. Vì sao? Vì cuộc tiếp xúc giữa ông Kít-xin-giơ và tôi phải là một sự kiện có ý nghĩa. Cho đến khi nào Mỹ còn leo thang chiến tranh ở cả hai miền, còn đòi đàm phán trên thế mạnh, thì việc tôi tiếp ông Kít-xin-giơ sẽ vẫn không có ý nghĩa gì cả".

Mạc-cô-vích ra về, suy tư nhưng vẫn lạc quan.

17 giờ ngày 7 tháng 9:

Mạc-cô-vích gọi điện thoại, hấp tấp xin lỗi vì ông đã "nói sai". Ông xin nói lại: Kít-xin-giơ sẽ gặp Giôn-xơn ngày 8 tháng 9 chứ không phải ngày 9 tháng 9, tức sớm hơn một ngày, và Kít-xin-giơ sẽ đến Pa-ri ngày 9 tháng 9 chứ không phải ngày 16 tháng 9, tức sớm hơn một tuần. Ngoài ra, Kít-xin-giơ sẽ trụ lại Pa-ri 10 ngày để chờ trả lời của Hà Nội và trong thời gian đó cũng sẽ không có gì thay đổi.

Thế là, lần thứ ba, tôi lại nhận được một thông báo hợp thời: "cũng sẽ không có gì thay đổi trong thời gian 10 ngày mà Kít-xin-giơ có mặt ở Pa-ri".

Như vậy, ba lần Mỹ đã lùi bước. Vỏ quít dày, có móng tay nhọn.

Có lẽ điều lý thú hơn nữa là trong khi Việt Nam bình chân như vại thì Mỹ lại cuống lên. Tổng thống Giôn-xơn tiếp Kít-xin-giơ sớm hơn dự định một ngày, còn Kít-xin-giơ thì được phái đi Pa-ri sớm hơn dự định một tuần. Thêm vào đó, Kít-xin-giơ sẽ nằm lại Pa-ri 10 ngày để chờ Hà Nội trả lời thông điệp của Mỹ. Té ra ông giáo sư Mỹ, gốc Do Thái vẫn còn chưa quên cái trò "nằm vạ đòi nợ mướn"!
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:17:27 pm »

Ngày 8 tháng 9:

Tôi nhận được thông điệp trả lời cho Mỹ. Từ 25 tháng 8, ngày mà Mỹ trao thông điệp, tính ra không phải 10 ngày mà 13 ngày đã qua, vượt thời hạn quy định 10 ngày của Mỹ đến ba ngày. Mỹ đang chờ, đang lên cơn sốt.

Song, tôi tự hỏi: Tôi có nên trao thông điệp trả lời cho Mỹ hay chưa? Và rồi tự giải đáp: Trong tình hình mới, với nội dung "thông báo hợp thời lần thứ ba" của Kít-xin-giơ, không có gì phải vội!

Tôi hoãn đến ngày 10 tháng 9, chờ Kít-xin-giơ sang Pa-ri, xem có gì mới không và cũng để rõ thêm ý đồ của Mỹ.

Trưa ngày 9 tháng 9:

Tôi tiếp Ô-brắc và Mạc-cô-vích theo yêu cầu của hai ông. Hai ông cho biết Kít-xin-giơ đã từ Oa-sinh-tơn đến Pa-ri vào lúc 9 giờ sáng. Liền sau đó, Kít-xin-giơ đã hội ý cấp tốc với hai ông tại sân bay Oc-ly (Orly). Theo Kít-xin-giơ, ngày 8 tháng 9 đã có cuộc họp quan trọng gồm Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng quốc phòng Đin Rớt, Bộ trưởng ngoại giao, Rô-xtốp (Rostow), Cố vấn an ninh của Tổng thống, Bơn-đi (Bundy), Thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề Viễn Đông, và Kít-xin-giơ. Tổng thống Giôn-xơn theo dõi cuộc họp qua máy nghe. Rô-xtoops, nổi tiếng "diều hâu", tỏ ý nghi ngờ, không tin cuộc tiếp xúc ở Pa-ri sẽ đạt kết quả mong muốn. Những người khác, đặc biệt là Mắc Na-ma-ra, chủ trương tiếp tục tiếp xúc mặt dù không một ai dám nói là Hà Nội sẽ trả lời thông điệp ngày 25 tháng 8 của Mỹ. Sau cuộc họp trên đây, Tổng thống Giôn-xơn tạm thời cho phép đeo đuổi "cuộc thí nghiệm".

Tôi chỉ nói với hai ông: Chưa có gì mới!

Mạc-cô-vích: Khi nào có trả lời, ông cứ gọi ngay chúng tôi.

Ô-brắc: Vào nửa đêm, cũng được!

Hai ông vui vẻ ra về. Ra đến cửa, Mạc-cô-vích còn nói với lại: Nếu có trả lời, ông cứ gọi ngay chúng tôi nhé!


Ngày 10 tháng 9:

Vào khoảng 20 giờ, qua điện thoại, tôi báo cho Mạc-cô-vích biết là tôi đã nhận được thông điệp trả lời của Hà Nội. Tôi gợi ý ông đến gặp tôi sáng hôm sau, 11 tháng 9, vào giờ nào cũng được, tùy ông. Mạc-cô-vích reo mừng, cảm ơn và hỏi tôi bắt đầu ngày làm việc vào giờ nào. Tôi trả lời: 9 giờ. Mạc-cô-vích xin hẹn 9 giờ rưỡi.

Tôi hiểu rằng ông cần báo tin cho Kít-xin-giơ trước khi đi gặp tôi.


Ngày 11 tháng 9:

Đúng 9 giờ rưỡi, Mạc-cô-vích bước qua ngưỡng cửa cơ quan Tổng đại diện. Vừa vui mừng, vừa xúc động, ông nhận thông điệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả lời thông điệp ngày 25 tháng 8 của chính phủ Mỹ.

Sau mấy giây do dự, Mạc-cô-vích nhắc lại đề nghị của Kít-xin-giơ mong được tiếp xúc với tôi.

Tôi trả lời: Đe dọa ném bom Hà Nội của Mỹ là một tối hậu thư, nên ông Kít-xin-giơ chưa thể gặp tôi được!

Mạc-cô-vích đề nghị giữ quan hệ, tôi đồng ý. Ông vội vã ra về.

Khi ông siết tay từ biệt, tôi cảm thấy đau cả bàn tay.

Sau đây là thông điệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả lời cho Mỹ (Phụ lục III):

Những đề nghị của Mỹ thực chất là ngừng ném bom có điều kiện. Việc Mỹ ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một hành động bất hợp pháp. Mỹ phải chấm dứt việc ném bom mà không được đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào.

Thông điệp của Mỹ đã được trao sau một cuộc leo thang, đánh phá Hà Nội và với sự đe dọa liên tục đánh phá Hà Nội. Rõ ràng đó là một tối hậu thư đối với nhân dân Việt Nam.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết bác bỏ những đề nghị trên đây của Mỹ.

Lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và bất cứ hành động chiến tranh nào khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ phải rút quâ Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận Mặt trận dan tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và để cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện ném bom và bất cứ hành động chiến tranh nào khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể có những cuộc nói chuyện.

Cũng ngày 11 tháng 9:

Khoảng 18 giờ, Mạc-cô-vích gọi điện thoại báo tôi biết rằng sau khi nhận được, Kít-xin-giơ đã chuyển ngay về Oa-sinh-tơn thông điệp trả lời của Hà Nội. Hơn thế nữa, Kít-xin-giơ đã bảo đảm "lúc trưa, đã có văn kiện đó trên bàn viết của Giôn-xơn".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:18:14 pm »

Ngày 13 tháng 9:

Đúng 12 giờ trưa, Mạc-cô-vích xin gặp để trao cho tôi thư của Kít-xin-giơ, dịch nguyên văn như sau:

"Tôi có trả lời của chính phủ Mỹ cho thông điệp nhận được hôm thứ hai của Hà Nội. Tôi cũng có một bình luận về thông điệp đó. Vì tầm quan trọng của trả lời của Mỹ và vì bình luận liên quan đến những cuộc thảo luận khác với Hà Nội mà chũng tôi bắt buộc giữ bí mật, tôi phải trao tận tay bình luận trên đây. Tôi sẵn sàng đi đến một cuộc gặp gỡ bất cứ ở đâu và vào bất cứ giờ nào tiện lợi cho ông".

Tôi đọc qua, lời lẽ thật là khôn khéo!

"Vì tầm quan trọng của trả lời", "vì cần giữ bí mật nội dung bình luận" ngay cả đối với những người làm trung gian là hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, nên Kít-xin-giơ cần trao tận tay tôi bình luận đó, hơn nữa, ở đâu và lúc nào mà tôi thấy tiện lợi cho tôi!

Đáp lại sự chờ mong của Mạc-cô-vích, tôi chỉ nhắc lại: Đe dọa ném bom trở lại Hà Nội là một tối hậu thư, nên ông Kít-xin-giơ chưa thể gặp tôi được.

Mạc-cô-vích: Nếu không còn sự đe dọa đó nữa, ông sẽ đồng ý tiếp ông Kít-xin-giơ chăng?

Đáp: Chừng đó sẽ hay!

Mạc-cô-vích lại hỏi: Nếu ông Kít-xin-giơ nhờ tôi chuyển đến ông trả lời của chính phủ Mỹ và cả bình luận của Kít-xin-giơ, mong ông sẽ tiếp tôi.

Tôi bật cười: Ông cho phép tôi bình luận lời phát biểu vừa rồi của ông nhé!

Mạc-cô-vích cũng vui lây: Xin mời ông!

Tôi nói tiếp: Một là: chính Kít-xin-giơ, chứ không phải ai khác, muốn giữ bí mật nội dung bình luận của ông ta đối với ông.

Hai là: Ông muốn gặp tôi lúc nào chả được, ông có phải Kít-xin-giơ đâu mà phải hỏi trước tôi thế?

Mạc-cô-vích vui vẻ, trở lại với bản tính của ông. Con người khoa học của ông, tuy lúc nào cũng có vẻ mặt nghiêm trang và thái độ chín chắn, vẫn giữ được tính hồn nhiên và nhạy cảm.

Mạc-cô-vích phân trần: Ông còn nhớ, có hôm tôi lo quá. Đặc biệt là hôm 5 tháng 9. Ông bạn Ô-brắc thân yêu của tôi đã đi Rô-ma, phó thác tất cả mọi việc cho một mình tôi. Chiều ngày 6 tháng 9, thời gian kéo dài ngừng ném bom sắp chấm dứt, tôi chưa khi nào thấy tôi hoàn toàn bất lực đến như thế! Ông hiểu dùm tôi! Tôi phải làm gì để ngăn chặn một sự đổ vỡ có thể làm tiêu tan mọi hy vọng? Tôi thấy tôi không được phép phạm sai lầm vì một sự chậm trễ. Tôi rối lên, vừa đánh điện, vừa viết thư cho Kít-xin-giơ.

Tôi nói: Biết đâu, điện và thư ngày 5 tháng 9 của ông đã chẳng làm cho Mỹ hiểu hơn quyết tâm của chúng tôi!

Mạc-cô-vích, bằng một giọng xúc động, kể tiếp:

- Rồi ngày 6 tháng 9 đi qua. Và tôi không thể nào nói hết được nỗi vui mừng của tôi khi Kít-xin-giơ cho biết đã gặp Mắc Na-ma-ra, sẽ gặp Giôn-xơn và đến ngày 9 tháng 9 sẽ không có vấn đề ném bom trở lại Hà Nội. Nhưng tôi vừa gỡ được thế bí này thì thấy một thế bí khác lù lù trước mặt. Ngày 9 tháng 9 có xa xôi gì đâu! Mà ông bạn Hen-ri thân yêu của tôi (tức Kít-xin-giơ) hình như muốn dày vò tôi, muốn chọc con dao vào vết thương của tôi. Ông ấy đòi: trước ngày 9 tháng 9, Hà Nội phải có một "tín hiệu", dù rất nhỏ, để ông ấy có thể nói với Giôn-xơn: "Đã có tín hiệu!" Ông ấy còn nói đó cũng là cách tốt nhứt giúp ông ấy chống lại cánh quân sự hiếu chiến. Nhưng "tín hiệu" gì bây giờ? Ông ấy thuyết phục tôi yêu cầu ông tiếp ông ấy vào ngày 16 tháng 9, ngày ông ấy đến Pa-ri. Nếu được thế, ông ấy cũng sẽ nghiễm nhiên là "người Mỹ đầu tiên đã tiếp xúc được với Hà Nội". Ông ấy nói với tôi rằng nếu ông trả lời và hứa như vậy, thì đó cũng là loại tín hiệu mà Giôn-xơn đang chờ.

Ngừng một phút, Mạc-cô-vích nói tiếp một cách bực bội: Tôi có cảm giác người Mỹ đòi hỏi quá nhiều!

Tôi: Chẳng những họ đòi hỏi ở ông quá nhiều mà còn đòi hỏi ở chúng tôi những gì mà họ không có một tí quyền đòi hỏi nào.

Mạc-cô-vích: Nhưng rồi, niềm vui lại dấy lên trong lòng tôi. Đó là chuyện ngày 9 tháng 9 Kít-xin-giơ đến và ở lại Pa-ri 10 ngày, đặc biệt là suốt 10 ngày này sẽ không có gì thay đổi, Mỹ sẽ không có "sáng kiến" mới nào! Rồi đến việc tiếp nhận thông điệp trả lời của Hà Nội một cách trót lọt. Một lần nữa, xin cảm ơn ông! Tuy nhiên, chưa phải là những nỗi khổ tâm của tôi đã chấm dứt! Một lần nữa, tôi không thể nhớ là lần thứ mấy, Kít-xin-giơ lại nằng nặc đòi gặp được ông vì "tầm quan trọng của trả lời", vì nội dung bình luận của ông ta cần được "giữ bí mật: v.v... Bế tắc lại hoàn bế tắc!

Tôi: Thói quen đáng ghét của người Mỹ là "Được đằng chân, lân đằng đầu". Để làm gì? Để chèn lấn nhau? Tranh giành ảnh hưởng? Việc trao đổi thông điệp mới bắt đầu sau bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu năm tội ác và nói dối. Tại sao họ không để cho mọi thứ cặn bã trong đầu óc của họ có thì giờ lắng xuống, để chính họ có thể nhận ra họ phải làm gì để chấm dứt một cuộc xâm lược tội lỗi! Tại sao, thay vì kiên nhẫn một chút, họ lại đưa ra những vấn đề không hợp thời và, do đó, chưa thể giải quyết được, chẳng khác nào họ lại cố tình thọc gậy vào bánh xe?

Mạc-cô-vích: Tôi không trách ông đâu! Về phần tôi, điều cơ bản là tôi phản đối Mỹ ném bom, yêu cầu Mỹ chấm dứt không phải chỉ riêng ở Hà Nội mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Lương tri không cho phép tôi tán thành người Mỹ vừa tiến hành đàm phán, vừa đe dọa ném bom trở lại Hà Nội. Nhưng, tôi biết làm thế nào? Chỉ lời tuyên bố xằng bậy hôm qua của Đin Rớt cũng đủ làm cho tôi bất bình rồi! Ông ta nói bừa: "Hà Nội xem bất cứ cuộc ném bom nào cũng là một tối hậu thư!" Còn hiểu gì nữa, nếu người ta tin những lời nói vô nghĩa đó? Mà có lẽ không ai hiểu gì cả!

Tôi: Càng tốt cho Mỹ!

Mạc-cô-vích: Chỉ trừ những người trong cuộc, như ông và tôi, mới thấy lời tuyên bố của Đin Rớt là một sự xuyên tạc trâng tráo. Thôi, hôm nay, xin tạm ngừng ở đây và xin lỗi ông, tôi đã làm cho ông mất quá nhiều thì giờ quý báu để nghe tôi.

Mạc-cô-vích buồn bã ra về, sau khi nghe tôi lên án Mỹ ném bom Hải Phòng và Cẩm Phả.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:21:36 pm »

Ngày 14 tháng 9:

Vì không gặp được tôi và do đó, cũng không thể "đích thân" trao thông điệp mới của chính phủ Mỹ, Kít-xin-giơ một lần nữa đành phải nhờ Mạc-cô-vích làm thay.

Sáng 14 tháng 9, Mạc-cô-vích xin gặp và trao cho tôi một bức thư, có bình luận của Kít-xin-giơ kèm theo.

Bức thư dịch nguyên văn như sau:

Đối với loại câu thúc mà chúng tôi tự áp đặt cho chúng tôi, thái độ của Hà Nội làm cho người ta phải chưng hửng. Nếu chúng tôi ném bom xung quanh Hà Nội, chúng tôi bị tố cáo là gây sức ép. Nếu, trái lại, do sáng kiến của chúng tôi và cũng không hề có một sự gợi ý nào của Hà Nội mà chúng tôi tự hạn chế những hành động của chúng tôi và duy trì sự hạn chế đó không định thời hạn thì người ta trách móc chúng tôi dùng tối hậu thư.

Sự thực là đề nghị của Mỹ không chứa đựng một sự đe dọa nào hay một điều kiện nào và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó.

Đọc xong thư của Kít-xin-giơ, tôi nghiêm khắc phê phán: Người ta nói ông Kít-xin-giơ có tài ngụy biện. Ông vừa thi thố biệt tài đó!

Mạc-cô-vích giật mình, lắng nghe.

Tôi nói tiếp: Thật vậy, Mỹ ném bom Hà Nội, thì ông Kít-xin-giơ chỉ gọi đó là "ném bom xung quanh Hà Nội". Hơn thế nữa, theo ông giáo sư của trường đại học Ha-vớt, ai nói Mỹ gây sức ép bằng những cuộc ném bom, là nói oan cho Mỹ! Vậy thử hỏi: Mỹ ném bom "xung quanh Hà Nội" - hãy cứ cho là như thế đi - để làm gì? Nếu không phải là để gây sức ép thì tại sao công thức "ném bom để thương lượng" được bộ máy tuyên truyền của Mỹ đang làm rùm beng hiện nay?

Tuy nhiên, sau đây mới là điều đáng nói hơn hết.

Ông Kít-xin-giơ nói do "sáng kiến" của Mỹ và "cũng không hề có sự gợi ý nào của Hà Nội", Mỹ đã tự hạn chế sự hoạt động. Đúng như vậy, Hà Nội đòi Mỹ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom bắn phá trên khắp lãnh thổ miền Bắc chứ đâu có đưa ra cái gợi ý quái gở yêu cầu Mỹ tạm ngừng ném bom Hà Nội, để hai bên có thể nói chuyện với nhau?

Còn ngừng ném bom, nhưng không phải là chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện mà chỉ ngừng với sự đe dọa đánh phá trở lại sau một thời hạn tự phía Mỹ định lấy, nếu ông giáo sư Kít-xin-giơ không muốn nghe nói đến một tối hậu thư, thì ông gọi kiểu đe dọa đó là cái trò gì? Là "thanh gươm của Đa-mô-lét" (Damocles) chăng? (Có thể nói: Gươm treo đầu sợi tóc, có thể rơi xuống, gây tai họa bất cứ lúc nào).

Mạc-cô-vích: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông là chúng ta không phải chỉ đòi Mỹ chấm dứt ném bom ở Hà Nội thôi mà trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc, để hai bên có thể nói chuyện. Tôi cũng đã nhiều lần nói với Kít-xin-giơ rằng Mỹ hay từ bỏ cái lối chơi "ngừng ném bom có thời hạn để chờ sự trả lời của Hà Nội". Gọi đó là "tối hậu thư" hay "thanh gươm của Đa-mô-lét" hay gì gì nữa, cũng được cả, vì sự thật là thế! Đáng buồn thay!

Tôi kết luận: Trên đây, tôi mới phát biểu một số ý kiến sơ bộ. Tôi sẽ nghiên cứu thêm, đặt biệt là lời bình luận của Kít-xin-giơ và chúng ta sẽ có dịp gặp nhau lại.

Mạc-cô-vích ra về, bực bội đến khổ sở.


Mạc-cô-vích đi rồi, tôi đọc lại bức thư của Kít-xin-giơ trước khi xem những lời bình luận của ông ta.

Ngoài những điều tôi đã nói với Mạc-cô-vích, bức thư kết thúc bằng câu:
"Đề nghị của Mỹ không chứa đựng một sự đe dọa hoặc một điều kiện nào và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó".

Trước hết, cái lô-gic hình thức trên đây của Kít-xin-giơ làm tôi nhớ lại câu chuyện "mũi tên của Zê-nông".

Bịa ra cái tiên đề "mũi tên mỗi lần bay phân nửa đường bay còn lại", để kết luận "cho nên mũi tên không bao giờ bay tới đích". Đó là ngụy biện nổi tiếng và còn truyền lại đến ngày nay của nhà hiền triết Hy Lạp Zê-nông.

Cũng bịa ra cái tiên đề "Đề nghị của Mỹ không chứa đựng một sự đe dọa hoặc một điều kiện nào" để thò ra kết luận "và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó". Song, đây là ngụy biện quá tầm thường của giáo sư Mỹ Hen-ri Kít-xin-giơ.

Hễ tiên đề sai thì kết luận không thể nào đúng được tức cũng sai nốt. Sự thật là: Đề nghị của Mỹ thực chất là ngừng ném bom có điều kiện, nên đã bị bác bỏ vì lý do đó.

Dầu vậy, lần thứ tư, xin ghi nhận thông báo mới, cũng "rất hợp thời" của ông Kít-xin-giơ được nói rõ trong thư, là: "Mỹ tự hạn chế hành động và duy trì sự hạn chế đó không định thời hạn", có nghĩa là tạm thời, Mỹ ngừng đánh phá thủ đô Hà Nội mà không định một thời hạn nào.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:23:08 pm »

Cùng với thư, Mạc-cô-vích cũng có trao cho tôi bình luận của Kít-xin-giơ và có nhấn mạnh rằng bản ghi chép đã được Kít-xin-giơ "duyệt lại" cẩn thận.

Xin dịch nguyên văn như sau:

Bình luận kèm theo thư:

1. Đây là sự giải thích mà tôi được phép đưa ra liên quan đến ý nghĩa của việc ngừng ném bom.

2. Sự giải thích của chính Kít-xin-giơ.

Bức thư cần được đọc trong bối cảnh hiện nay: của rất nhiều áp lực đang hoạt động trong chính phủ Mỹ. Nó là một tuyên bố xóa bỏ mọi ý nghĩa về một tối hậu thư (Những chữ và chững câu được in nghiêng, là hoàn toàn theo bản ghi chép của Mạc-cô-vích).

3. Tôi (Kít-xin-giơ) có báo cáo với Oa-sinh-tơn bình luận của Mạc-cô-vích cho rằng rất khó mà trao đổi giữa cuộc leo thang. Tôi có lập lại bình luận của ông Mai Văn Bộ là người biết rõ thành phố Hải Phòng và, do đó, chính vùng đông dân cư đã bị thiệt hại bởi những cuộc ném bom vừa qua.

4. Bình luận của chính Kít-xin-giơ.

a. Hiện nay, hình như việc tìm một giải pháp cho tình trạng thiếu tiếp xúc sẽ có hiệu quả hơn là bắt đầu tranh cãi về những phần hợp thành nguồn gốc của nó.

Chúng tôi xin nhắc lại rằng thông điệp vừa qua đưa ra việc ngừng ném bom và theo đúng tinh thần của nó, việc ngừng ném bom là không điều kiện. Điều này đáng được làm sáng tỏ, nếu thấy cần thiết.

b. Xin ông Bộ nhớ cho là số người được biết toàn bộ cuộc thảo luận này (viết "đề nghị mở đầu" nhưng lại xóa đi) là rất ít và không gồm một quân nhân nào cả. Do đó, khó lòng mà ngăn chặn được những quyết định đã có trước khi trao thông điệp ngày 25/8, trừ trường hợp của Hà Nội.

(Mạc-cô-vích nói: Tôi có đề nghị thêm vào bình luận điều nói rằng việc ngừng ném bom Hà Nội, là không có hạn định thời gian.

Kít-xin-giơ trả lời rằng điều đó đã được nói rõ trong bức thư)

5. Bình luận khẳng định:

a. Oa-sinh-tơn không cho rằng những cuộc đánh phá ngày 11 tháng 9 năm 1967 là một bước leo thang. Mục tiêu đánh phá là chiếc cầu của Hải Phòng và những chi nhánh của đường xe lửa cách trung tâm thành phố 3 kilomet 2, một chiếc cầu cách trung tâm 1 kilomet 6 và một cái kho cách trung tâm 2 kilomet 4.

Tất cả những mục tiêu này, theo Oa-sinh-tơn, đều ở xa vùng dân cư chính và được tách khỏi trung tâm bởi một con sông nhỏ có một con lộ và một đường xe lửa vượt qua.

Do vị trí của chúng, theo sự tính toán, những mục tiêu trên đây có thể bị đánh phá với những rủi ro tối thiểu cho nhân dân.

Những mục tiêu gần trung tâm thành phố hơn hết, chiếc cầu có con lộ và đường xe lửa vượt qua thực tế là cùng nằm trong một vị trí địa hình với nhà máy xi măng đã bị đánh phá trong thời gian qua. Gần đây hơn, ngày 28 và hai ngày trước đó.

Tất cả những mục tiêu khác đều xa trung tâm thành phố một cách có ý nghĩa.

Tôi mong được đóng góp vào một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa hai bên về những vấn đề khác khi được đặt ra, một trong những điều được nhận thấy ở Oa-sinh-tơn là những cố gắng để đi tới đối thoại chỉ luôn luôn xuất phát từ một phía.

Trên đây là bản ghi chép của Mạc-cô-vích.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:24:06 pm »

Trong bối cảnh của tình hình chiến sự ở Việt Nam và 20 ngày sau khi Mỹ trao thông điệp cho ta, tôi nghĩ bài biện hộ trên đây của Kít-xin-giơ cần được phân tích và bình luận.

Lúc bấy giờ, giữa tháng 9 năm 1967, không quân và hải quân Mỹ ngày đêm đánh phá điên cuồng, ném bom cả Hà Nội và Hải Phòng mà vẫn không hề thay đổi được cuộc diện chiến tranh một cách thuận lợi cho Mỹ.

Tất nhiên, Mỹ chưa chịu lùi. Mà tiến lên, thì vô phương!

Còn gì khác hơn là "nói chuyện"? Song, cuộc tiếp xúc qua trung gian giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pa-ri chưa hết giậm chân tại chỗ, chưa mở ra một triển vọng nào sáng sủa cho Mỹ cả. Thậm chí, "những cố gắng để đi tới đối thoại chỉ luôn luôn xuất phát từ một phía"! Mỹ sốt ruột nhưng vẫn phải kiên trì. Kít-xin-giơ đi lại giữa Oa-sinh-tơn và Pa-ri như một con thoi. Bài biện bộ vừa hùng hồn vừa chi li của Kít-xin-giơ là một bằng chứng cụ thể.

Chính vì quá sốt ruột mà ông thầy cãi Kít-xin-giơ đã bắt đầu bài biện hộ dài dòng của ông ta bằng cách vung tay dọa dẫm: "Bức thư cần được đọc trong bối cảnh hiện nay". Bối cảnh nào? Kít-xin-giơ nói: "... của những áp lực đang hoạt động trong chính phủ". Nói trắng ra: ngay trong nội bộ chính phủ Mỹ đang có những kẻ vận động chống lại một giải pháp thương lượng, đừng làm hỏng cuộc tiếp xúc, hãy nắm lấy thời cơ v.v...! Nói một cách khác, làm hỏng cuộc tiếp xúc là không lợi cho các ông đâu!

Dọa dẫm, thúc giục... chẳng qua là thủ đoạn thông thường của đế quốc Mỹ, ngay cả đối với những đồng minh gần nhứt và lớn nhất của nó!

Một đồ đệ của Mết-tẹc-ních (Metternich) (Chính khách Áo, đầu thế kỷ XIX) và của Bi-xmac (Bismark) (Chính khách Phổ, nửa sau thế kỷ XIX), chủ trương "quân binh lực lượng" và làm bất cứ điều gì mà tương qua lực lượng cho phép làm, đòi "sự liên kết" (linkage) và quy mọi vấn đề tranh chấp trên thế giới vào sự chi phối của quan hệ Đông Tây mà chủ yếu là quan hệ Mỹ - Xô, kẻ ấy là một "bồ câu" được sao?

Cho là nói "rất nhiều áp lực đang hoạt động trong chính phủ" có lẽ cũng chưa đủ sức thuyết phục đối phương nên Kít-xin-giơ giở giọng ba hoa "Xin ông Bộ nhớ cho là số người được biết toàn bộ cuộc thảo luận này là rất ít và không gồm một quân nhân nào cả" (có gạch dưới từ "không gồm..." đến "nào cả"). Ngu ý là, nếu có một quân nhân nào đó mà biết được thì hỏng to! "Diều hâu quân sự" cộng với "diều hâu chính trị" thì phải biết, đừng hòng nói chuyện đàm phán đàm phiếc gì nữa!

Nhưng thôi! Dọa dẫm hay thúc giục, đó là quyền của Mỹ. Còn có sợ và khuất phục hay không, lại là quyền của Việt Nam.

Phiền một nỗi, hễ giấu đầu thì hở đuôi.

Kít-xin-giơ nói: "không có quân nhân nào biết cả!". Vậy kẻ nào cung cấp cho ông ta kế hoạch đánh phá Hải Phòng hết sức tỉ mỉ và cụ thể để chứng minh rằng những trận đánh phá ngày 11 tháng 9 năm 1967 "không phải là một bước leo thang"? Nếu không phải Lầu Năm góc thì là cánh quân sự nào?

Nếu chỉ là một vài chi tiết hoặc một vài con số có tính chất chung chung thôi thì cũng được đi! Trái lại, đây là những chi tiết và những con số cụ thể đến lạ lùng như: "mục tiêu đánh phá là chiếc cầu Hải Phòng và những chi nhánh của đường xe lửa cách trung tâm thành phố 3 kilomet 2", "một cái kho cách trung tâm 2 kilomet 4". Nhìn toàn bộ, tất cả những mục tiêu vừa kể ra đó đều "được tách khỏi trung tâm bởi một con sông nhỏ có một con lộ và một đường xe lửa vượt qua".

Làm sao mà Kít-xin-giơ có được bản đồ đánh phá Hải Phòng với những mục tiêu, những tọa độ, những cự ly và những con số chính xác lạ lùng: 3 kilomet 2, 1 kilomet 6, 2 kilomet 4? Phải chăng ông ta đã ăn cắp tài liệu trên đây của Tham mưu tác chiến? Phải chăng đã có tên phi công nào đó, sau cuộc đánh phá Hải Phòng ngày 11 tháng 9 năm 1967, đã tặng cho ông ta tài liệu đó?

Điều mà người ta có thể khẳng định là: không thể có một kẻ nào sẵn sàng trao cho Kít-xin-giơ, trực tiếp hoặc gián tiếp, tài liệu quân sự mật trên đây mà không đòi được biết tài liệu đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Vả lại, những chuyến đi đi lại lại như con thoi của Kít-xin-giơ giữa Oa-sinh-tơn và Pa-ri, sự có mặt của Kít-xin-giơ trong các cuộc họp ở Nhà Trắng mặc dù ông ta chưa có một chức danh chính thức nào, làm sao qua mắt được bọn "diều hâu quân sự". Huống chi, từ Oa-sinh-tơn, Kít-xin-giơ thường xuyên liên hệ bằng điện thoại với Mạc-cô-vích ở Pa-ri. Vậy cánh "diều hâu quân sự" mù điếc hết rồi sao?

Cuối cùng, tục ngữ phương Tây có câu: "Kẻ nào muốn chứng minh quá nhiều thì không chứng minh được gì cả!" và ông Kít-xin-giơ chỉ có thể thất bại một cách chua cay trong vai trò "trạng sư của quỷ sứ" mà thôi.

Nhưng, tại sao Kít-xin-giơ phải vất vả chạy ngược chạy xuôi, phải chịu khó lập luận quanh co để chứng minh những điều mà dù tài giỏi đến đâu ông cũng không thể nào chứng minh được? Tại sao ông gân cổ cãi liều và luôn miệng lập lại rằng việc ngừng ném bom mà chính phủ Mỹ đưa ra là "không điều kiện", bất chấp nguyên văn thông điệp ngày 25 tháng 8, hoặc khẳng định rằng cuộc đánh phá dã man Hải Phòng ngày 11 tháng 9 "không phải là một bước leo thang" mà chỉ là một cuộc đánh phá "với những rủi ro tối thiểu cho nhân dân"? Nói tóm lại, tại sao Kít-xin-giơ lại cố bám riết, hòng thuyết phục một đối phương mà chắc chắn là ông ta không thể nào thuyết phục nổi?

Chẳng qua là vì Mỹ vẫn đeo đuổi ảo tưởng đàm phán trên thế mạnh trong những điều kiện gắn liền với việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc.

Chúng ta thì dứt khoát bắt Mỹ phải ngồi lại nói chuyện ở thế thua, thế bị động và bất lợi cho Mỹ.

Chúng tôi hiểu Mỹ, nên biết đánh Mỹ trên tất cả các mặt trận. Còn ông và những người cầm quyền ở Oa-sinh-tơn chưa hiểu chúng tôi đâu, ông Kít-xin-giơ ạ!

Riêng về phần ông, ông kêu ca "tình trạng thiếu tiếp xúc" không giúp cho ông làm sáng tỏ được "việc ngừng ném bom là không điều kiện" và mong muốn "được đón góp vào một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa hai bên về những vấn đề khác khi được đặt ra".

Chúng tôi biết ông đang chạy đua vào Nhà Trắng. Ông chỉ mong tiếp xúc được với chúng tôi để trở nên "người Mỹ đầu tiên đã tiếp xúc được với Hà Nội", lấy đó làm nấc thang để ông bước qua ngưỡng cửa danh vọng.

Ông có thể lừa bịp được nhà cầm quyền Mỹ, song không thể lừa bịp được Việt Nam đâu!

Với lại, cũng chưa phải đã đến lúc mà chúng tôi sẵn sàng giúp ông thực hiện tham vọng cá nhân của ông, vì chưa thấy có lợi cho chúng ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:25:53 pm »

Ngày 16 tháng 9:

Hai ngày sau, vì không tiếp xúc được với tôi nên một lần nữa, trước khi rời Pa-ri đi Bon (thủ đô Cộng hòa liên bang Đức), Kít-xin-giơ đành nhờ Mạc-cô-vích và Ô-brắc trao thông điệp để ngày 13 tháng 9 - chậm mất ba hôm - của chính phủ Mỹ cho tôi.

Nguyên văn tiếng Pháp dịch ra như sau:

Chính phủ Mỹ nghĩ rằng thông điệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 11 tháng 9 có thể dựa trên một sự hiểu sai về đề nghị của Mỹ ngày 25 tháng 8. Đề nghị của Mỹ không chứa đựng điều kiện hay đe dọa nào và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó.

Lúc ấy, chính phủ Mỹ hiểu rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có lẽ muốn tiến hành nhanh chóng thương lượng có hiệu quả và đưa đến hòa bình khi những cuộc đánh phá bằng không quân và hải quân chấm dứt. Chính phủ Mỹ tìm cách xác nhận sự kiện đó trong đề nghị ngày 25 tháng 8 của mình mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang có trong tay.

Để chứng minh thiện chí của mình, và để tạo không khí tốt nhất cho việc xét đề nghị của mình, Mỹ đã tự ý ngừng ném bom Hà Nội kể từ 25 tháng 8, ngày mà đề nghị được chuyển cho Hà Nội. Sự hạn chế này đã được duy trì không thời hạn mặc dù những hoạt động của lực lượng đối phương ở miền Nam thực tế đã tăng lên từ ngày 25 tháng 8.

Đề nghị của Chính phủ Mỹ ngày 25 tháng 8 vẫn giữ nguyên gia trị. (Phụ lục IV)

Thực chất, có gì đáng gọi là "mới" trong thông điệp thứ hai này của Mỹ đâu!

Vẫn "Đề nghị của Mỹ không chứa đựng điều kiện hay đe dọa nào và không thể bị bác bỏ vì những lý do đó".

Cũng vẫn "Mỹ tự ý ngừng ném bom Hà Nội, kể từ ngày 25 tháng 8 ngày mà đề nghị được chuyển cho Hà Nội".

Lại vẫn "Sự hạn chế này đã được duy trì không thời hạn".

Cuối cùng, thông điệp mới vẫn khẳng định "đề nghị của Chính phủ Mỹ ngày 25 tháng 8 vẫn giữ nguyên giá trị".

Tuy nhiên, có điều lý thú và cũng rất có ý nghĩa là Mỹ tự nhận rằng Mỹ đã nhận định và đánh giá sai lầm về lập trường và thái độ của Việt Nam.

Thật vậy, thông điệp mới ngày 16 tháng 9 của chính phủ Mỹ có đoạn nói về thông điệp ngày 25 tháng 8 như sau:

Lúc ấy, chính phủ Mỹ hiểu rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có lẽ muốn tiến hành nhanh chóng thương lượng có hiệu quả và đưa đến hòa bình, khi những cuộc đánh phá bằng không quân và hải quân chấm dứt.

Vậy, Mỹ hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên nào chủ quan và nôn nóng "muốn tiến hành nhanh chóng thương lượng" và mong "thương lượng có hiệu quả" ngay!

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chăng? Chắc chắn là không phải rồi!

Chỉ còn có Mỹ!

Tóm lại, suy bụng ta ra bụng người, Mỹ đã vội lấy những ước mơ của mình làm điều kiện cho việc chấm dứt ném bom.

Bây giờ mới vỡ lẽ!

Mặc dù biết thế, Mỹ vẫn chưa chịu buông. Kít-xin-giơ vẫn yêu cầu được gặp tôi ngày 23 tháng 9 khi ông ta từ Bon quay về Oa-sinh-tơn, qua Pa-ri.

Dù sao, tôi cũng sẽ có được trước mắt một tuần lễ nghỉ ngơi.

Trên thực tế, thông điệp thứ hai, nhận ngày 16 tháng 9, của Mỹ kết thúc vòng thứ nhứt của cuộc tiếp xúc.

Nhìn lại, từ 17 tháng 8 đến 16 tháng 9, cuộc tiếp xúc bí mật qua trung gian giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ kéo dài một tháng trời, đã được tiến hành liên tục, phức tạp và có lúc đã trở nên căng thẳng tưởng chừng như sẽ đứt, nhưng vẫn không đứt.

Tôi điểm lại tình hình và báo cáo về nước.

Lập trường đàm phán của Mỹ thực chất là ngừng ném bom có điều kiện, tức đàm phán trên thế mạnh.

Thông điệp của Mỹ ngày 25 tháng 8 cũng như thông điệp nhận ngày 16 tháng 9 chứa đựng hai điều kiện:

Một là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết sẽ nhanh chóng tiến hành thương lượng có hiệu quả, ngay sau khi Mỹ ngừng ném bom bắn phá, để tiến tới giải quyết những vấn đề đang làm hai nước chống đối nhau, tức giải quyết toàn bộ cuộ chiến tranh.

Hai là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết sẽ không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, tức sẽ không tăng cường công cuộc chống Mỹ ở miền Nam trong khi hai bên tiến hành đàm phán.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kéo dài trên nửa tháng, từ 25 tháng 8 đến 11 tháng 9, mới trả lời thông điệp đầu tiên của Mỹ, mà trả lời thông điệp đầu tiên của Mỹ, mà trả lời là để bác bỏ thẳng thừng đề nghị ngừng ném bom có điều kiện và những "tối hậu thư" của Mỹ.

Bị bất ngờ trước thái độ kiên định của Việt Nam, Mỹ dùng thủ đoạn gây sức ép bằng cách ném bom Hà Nội.

"Chiến thuật ném bom Hà Nội" thất bại vì nó không lay chuyển được mà trái lại chỉ làm cứng rắn thêm thái độ của Việt Nam. Mỹ chuyển sang "chiến thuật ngừng ném bom Hà Nội" để đổi lấy "một tín hiệu".

Ném bom Hà Nội, không xong. Ngừng ném bom Hà Nội, cũng chẳng được gì. Mỹ đưa ra con ngáo ộp "cánh quân sự hiếu chiến" nổi tiếng là "diều hâu".

Song, tất cả những trò ảo thuật chỉ đưa tới kết quả hoàn toàn trái ngược với ý đồ đầu tiên của Mỹ vì: Mỹ phải kéo dài ngừng ném bom Hà Nội, ban đầu nói 10 ngày; sau đó, kéo dài thêm 72 tiếng (ba ngày); sau nữa, nói là không có gì thay đổi trong thời gian Kít-xin-giơ có mặt ở Pa-ri (sau ngày 9 tháng 9) và cuối cùng, Mỹ nói ngừng ném bom Hà Nội là "tự ý và không thời hạn".

Rốt cuộc, đụng phải lập trường và thái độ kiên định của Việt Nam, Mỹ đành phải lùi từng bước, bước sau tiếp bước trước, và cuối cùng, chỉ còn nhắc lại một cách nhạt nhẽo: "Đề nghị của chính phủ Mỹ ngày 25 tháng 8 vẫn giữ nguyên giá trị".

Như vậy là tốt!

Trước mắt, Việt Nam không có yêu cầu nào khác.

Kít-xin-giơ có nhờ hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, nhắc lại rằng ông ta sẵn sàng dừng chân ở Pa-ri ngày 23 tháng 9 để gặp tôi, trên đường từ Bon trở lại Oa-sinh-tơn.

Tôi hy vọng được một tuần lễ nghỉ ngơi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:27:55 pm »

Ấy thế mà tối 20 tháng 9, điện thoại réo. Ở đầu giây, ông Mạc-cô-vích tha thiết xin gặp tôi sáng 21 tháng 9 để trao thông điệp mới của chính phủ Mỹ.

Quả vậy, Oa-sinh-tơn không đủ kiên nhẫn để chờ một tuần lễ.

Sáng ngày 21 tháng 9:

Đúng 9 giờ sáng, cơ quan vừa mở cửa thì hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích hối hả bước vào.

Hai ông trao cho tôi một lầu cả 2 thông điệp, một của chính phủ Mỹ, một của Kít-xin-giơ, mà hai ông đã nhận được trong ngày 20 tháng 9.

Thông điệp của Kít-xin-giơ nói rõ:

Chiều thứ sáu 22 tháng 9, tôi rời Pa-ri để đọc một diễn văn ở Ha-nô-vơ (Hanover) (Cộng hòa liên bang Đức) vào ngày thứ bảy. Chủ nhật, có lẽ tôi sẽ trở về Mỹ. Nếu trước chiều thứ bảy mà ông biêt sẽ có trả lời của Hà Nội vào ngày chủ nhật hoặc thứ hai, xin ông cho Mạc-cô-vích biết, ông này sẽ báo cho tôi để tôi có thể dừng chân ở Pa-ri.

Còn thông điệp của Chính phủ Mỹ mà Kít-xin-giơ đã nhận chiều ngày 20 tháng 9 lời lẽ như sau:

Oa-sinh-tơn vẫn mong sẽ nhận được một trả lời cho những thông điệp của mình.

Ông Mai Văn Bộ có nghĩ rằng sẽ có một trả lời không?

Chúng tôi xin nghi nhận sự thỏa thuận của ông về tư cách của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, hai ông này được sự tin cậy hoàn toàn của chúng tôi để duy trì sự tiếp xúc.

Về phần chúng tôi, Hen-ri Kít-xin-giơ vẫn sẵn sàng để nhận thông điệp trực tiếp, hoặc qua sự trung gian của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích.

Nếu đó là điều được mong muốn, ông Hen-ri Kít-xin-giơ có thể đến Pa-ri nhận trực tiếp hoặc qua sự trung gian của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích bất cứ một thông điệp nào của phía ông, trong phong bì đóng lại hoặc để ngỏ cũng được.

Nếu đó là điều được mong muốn, Oa-sinh-tơn sẵn sàng phái một viên chức có tính chất chính thức đi nhận bất cứ thông điệp nào, hoặc trực tiếp, hoặc qua sự trung gian của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích.

Đọc xong thông điệp trên đây của chính phủ Mỹ, tôi nói:

- Như vậy, dù sao giữa chính phủ Mỹ và chúng tôi, cũng đã bước đầu có được một thỏa thuận có ý nghĩa.

Hiểu ý tôi, Mạc-cô-vích vui vẻ nói:

- Lẽ tất nhiên, điều khích lệ đối với chúng tôi là chúng tôi được sự tin cậy của cả hai bên.

Tôi để lên bàn hai thông điệp của Mỹ và nói:

- Có thì giờ, tôi sẽ xem lại.

Câu nói của tôi, giữa những nhà ngoại giao với nhau, cũng có nghĩa là: nếu hai ông không có gì nói thêm, cuộc gặp gỡ hôm nay có thể chấm dứt ở đây!

Song hai ông khách dường như có điều gì day dứt trong lòng, muốn nói nhưng hãy còn do dự.

Thấy vậy, tôi mời hai ông uống trà.

Sau đây là "câu chuyện tâm tình" của hai ông.

Ô-brắc (không giấu được sự xúc động qua lời nói): Tôi có trao đổi ý kiến với ông bạn Mạc-cô-vích thân yêu của tôi. Chúng tôi rất mong có được một phút thoải mái tinh thần, ngoài khuôn khổ nhiệm vụ của chúng tôi, để nói với ông một vài câu chuyện, có thể nói là để thổ lộ tâm tình với ông.

Tôi: Tôi rất hoan nghênh thái độ đó của hai ông. Chúng ta hãy nói chuyện ở ngoài lề trách nhiệm của chúng ta vậy.

Mạc-cô-vích: Hương trà nhài thơm ngát làm tôi nhớ đến chén trà mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời chúng tôi. Kinh nghiệm của tôi là, ở đây cũng như ở Hà Nội, người ta có thể trao đổi về những vấn đề cực kỳ quan trọng, một cách thẳng thắn xung quanh một chén trà mà không cần to tiếng!

Ô-brắc (bật lửa đốt thuốc, bỗng kêu lên): Cái píp chết tiệt của tôi lại không thông nữa rồi!

Tôi: Chỉ tạm thời thôi, ông Ô-brắc ạ!

Ô-brắc (vui vẻ): Dù sự bế tắc hôm nay chỉ là tạm thời - tôi hết sức mong mỏi như thế! - thì tôi cũng thành thật mà nói rằng tôi chưa thấy rõ triển vọng của cuộc giằng co gay go giữa ông và ông Kít-xin-giơ. Có lúc tôi rất bi quan...

Mạc-cô-vích (chen vào): Xin lỗi! Ông bạn già Ô-brắc của tôi nói thế, cũng như tôi, là không hề có ý đổ trách nhiệm cho phía Việt Nam!

Ô-brắc (vội vã): Không! Không! Trái lại, Mỹ ném bom bắn phá nước Việt Nam chứ không phải Việt Nam ném bom bắn phá nước Mỹ. Vậy Mỹ phải có trách nhiệm tìm cách chấm dứt cuộc đánh phá đáng nguyền rủa đó!

Tôi: Tất nhiên là như vậy. Tôi không hiểu lầm hai ông đâu!

Mạc-cô-vích: Chúng tôi chỉ mong có một điều là Mỹ có cách nào đó, có đề nghị hoặc sáng kiến nào đó mà phía Việt Nam cho là có thể chấp nhận được. Chứ chúng tôi không hề nghĩ rằng phía Việt Nam phải có sự nhượng bộ nào đó để làm vừa lòng Mỹ. Chính vì xuất phát từ ý nghĩ đó mà chúng tôi hoàn toàn tán thành câu nói của phía ông là đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Tôi: Rất tiếc là ông Kít-xin-giơ không có cách nhìn của hai ông và do đó, cũng không thể có quan điểm đúng đắn được. Cho nên hai ông vẫn chưa hết vất vả! Thật là đáng phàn nàn cho hai ông! (Mọi người cười).

Ô-brắc: Chúng tôi chỉ lo ngại một việc và tự hỏi chúng tôi có bị Mỹ lợi dụng không và việc làm của chúng tôi có hại gì cho Việt Nam không. Chúng tôi có nên cắt đứt quan hệ với họ, ngay từ bây giờ không?

Tôi: Ông thử nói tôi nghe, xem Mỹ có thể lợi dụng hai ông bằng cách nào.

Ô-brắc (sau mấy giây suy nghĩ): Ví dụ: họ nhờ chúng tôi đi Hà Nội rồi ngừng ném bom Hà Nội; nhờ chúng tôi trao thông điệp sau khi ném bom trở lại Hà Nội; lại nhờ chúng tôi trao thông điệp và kéo dài việc ngừng ném bom Hà Nội, nhưng lại đánh phá dữ dội cảng Hải Phòng v.v... Chúng tôi vô tình trở thành một thứ "con tin" vô thời hạn! Rồi ngày nào đó, điều đáng gờm hơn hết là họ sẽ tung ra công khai những hồ sơ và tài liệu đã được chuẩn bị trước, chứng minh rằng chúng tôi đã giúp họ thế này, thế nọ... hoặc nói rằng nhờ sự hoạt động trung gian của hai chúng tôi mà họ đã khám phá được cái này, cái nọ v.v... Còn gì là thanh danh của chúng tôi?

Mạc-cô-vích: Tôi mong rằng khi nào Việt Nam thấy cần chấm dứt nhiệm vụ của chúng tôi thì ông cứ nói cho chúng tôi được biết. Chúng tôi sẽ rất vui lòng và sẽ xem như chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ đối với Việt Nam, một nước mà chúng tôi sẽ không bao giờ hết khâm phục.

Tôi: Tôi hiểu sự lo lắng của hai ông. Thật ra, có lúc cũng cần phải suy nghĩ như vậy. Nhưng tôi lại nghĩ rằng hai ông và tôi, với tinh thần cảnh giác cần thiết, chúng ta sẽ phát hiện kịp thời sự lợi dụng của Mỹ và cũng sẽ kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Huống chi lẽ phải thuộc về chúng ta. Về vấn đề được ông Mạc-cô-vích nêu lên, cũng vậy. Bao giờ thì có thể nói là hai ông đã hoàn thành nhiệm vụ? Chưa thể nói ngay được. Điều có thể nói, một cách chắc chắn, là đến hôm nay, vào giờ này, hai ông chưa hoàn thành nhiệm vụ!

Mạc-cô-vích: Cảm ơn ông! Như vậy là chúng tôi cứ yên tâm...

Ô-brắc: ... tiếp tục nhiệm vụ!

Mạc-cô-vích (nét mặt bỗng trở nêg nghiêm trang): Xin thú nhận rằng nhiệm vụ của chúng tôi thật là vừa gay go, vừa tế nhị. Gay go là tất nhiên, vì hoạt động hiện nay của chúng tôi có liên quan đến một cuộc chiến tranh mà chưa ai biết sẽ kết thúc như thế nào cả!

Ô-bắc (cười): Nếu biết thì dễ quá!

Mạc-cô-vích: Còn tế nhị thì phải nói là chúng tôi phải thận trọng trong từng lời nói, cố tránh mọi sự lệch lạc, mọi sự hiểu lầm của bên này đối với bên kia; trái lại, chúng tôi cố ghi chép và thuật lại những gì đã nghe được, một cách trung thực, khả dĩ làm cho hai bên hiểu nhau hơn, dù là chưa đồng tình.

Ô-brắc: Tôi hoàn toàn tán thành sự phân tích trên đây của ông bạn Mạc-cô-vích của tôi. Vả lại, có làm được như thế thì chúng tôi mới xứng đáng với sự tin cậy của hai bên. Trái lại, một sự hiểu lầm của bên này đối với bên kia, do chúng tôi gây ra, dù là vô tình, sẽ vô cùng tai hại.

Tôi: Tôi cảm thông sâu sắc nỗi ưu tư của hai ông. Tránh mọi lệch lạc, có thái độ trung thực, làm cho hai bên hiểu nhau chính xác dù là chưa đồng tình với nhau, như ông Mạc-cô-vích vừa nói, chính đó là lý do tồn tại của sứ mạng của hai ông. Phiền một nỗi là sứ mạng thì gay go, tế nhị và cũng có thể nói là phức tạp nữa kia, song bí quyết thành hay bại lại nằm gọn trong tay của Oa-sinh-tơn.

Mạc-cô-vích: Chính vì thế mà tôi đề nghị ông xem lại một lần nữa vấn đề tiếp xúc trực tiếp giữa ông và Kít-xin-giơ.

Ô-brắc: Xin nói thẳng là sự tiếp xúc trực tiếp đó sẽ làm cho nhiệm vụ của chúng tôi trở nên nhẹ nhàng hơn, ít phức tạp hơn.

Mạc-cô-vích: Chúng tôi rất mong ông tiếp Kít-xin-giơ vậy. Và, như ông đã biết, đó là lời yêu cầu tha thiết nhất của Kít-xin-giơ. Vấn đề này có tầm quan trọng của nó. Tôi đã có lần trình bày với ông. Ông tiếp Kít-xin-giơ là ông gây thêm uy tín và sức mạnh cho ông ta, giúp ông ta đánh bại những kẻ chống đối trong chính quyền Mỹ, có lợi cho việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh.

Ô-brắc: Tôi xin nói thêm một câu. Nhìn Kít-xin-giơ chạy vạy, lui tới như con thoi giữa Oa-sinh-tơn và Pa-ri, hết tuần này sang tuần khác... tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ rất cần đến cuộc tiếp xúc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:28:45 pm »

Tôi: Tôi đồng ý với ông Mạc-cô-vích là sự tiếp xúc trực tiếp với tôi sẽ đem lại cho ông giáo sư của trường đại học Ha-vớt một uy tín chính trị, một trọng lượng mà ông ta chưa có. Còn nói như ông Ô-brắc, cho rằng chính phủ Mỹ rất cần đến sự tiếp xúc thì trong tình thế bế tắc hiện nay của Mỹ ở Việt Nam, mặc dù Mỹ đã leo thang chiến tranh đến tột đỉnh rồi, điều đó cũng đúng thôi. Họ có cách thoát thân nào khác hơn là ngồi lại nói chuyện với chúng tôi đâu? Thế nhưng họ vẫn đòi chúng tôi chấp nhận những điều kiện của họ thì họ mới chịu chấm dứt ném bom bắn phá và ngồi lại nói chuyện với chúng tôi, tức là bắt chúng tôi chấp nhận cho họ thương lượng trên thế mạnh. Do đó, tôi cần nói thật rõ với hai ông là chừng nào họ còn chưa chịu chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì vẫn chưa thể có tiếp xúc hoặc nói chuyện trực tiếp giữa hai bên.

Đúng như hai ông nói đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, một vấn đề nguyên tắc. Hiện nay, chẳng những không chịu chấm dứt việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác mà Mỹ còn leo thang chiến tranh một cách điên cuồng, đúng với phương châm "ném bom để thương lượng"! Tuyên bố ngày 19 tháng 9 của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải nhấn mạnh rằng cuộc ném bom bắn phá của không quân và hải quân Mỹ ở khu phi quân sự và Vĩnh Linh là có tính chất hủy diệt. Cố nhiên không phải không lực Huê Kỳ có thể làm mưa làm gió trên bầu trời Việt Nam mà không bị trừng trị. Hai phi cơ B.52 đã bị chúng tôi bắn rơi. Ngoài ra, như ông Ô-brắc có nói lúc nãy, ngừng ném bom Hà Nội thì không quân Mỹ liền ném bom dữ dội Hải Phòng, Cẩm Phả và vùng biên giới. Vậy ngừng chỗ này để tập trung đánh phá dã man chỗ khác là ý nghĩa gì?

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng vấn đề để tiếp xúc giữa Kít-xin-giơ và tôi không phải chỉ đơn thuần là vấn đề gặp gỡ giữa hai con người, giữa hai cá nhân mà là vấn đề quan hệ giữa hai nước và còn hơn thế nữa, là vấn đề tiếp xúc giữa một bên đi xâm lược là Mỹ và một bên bị xâm lược là Việt Nam.

Thực chất là như thế đó. Vậy, lẽ dĩ nhiên là chúng tôi phải xét vấn đề trong điều kiện và khuôn khổ của chính sách chiến tranh của Mỹ. Cho nên, rất tiếc là trong tình hình hiện nay, ông Kít-xin-giơ chưa thể gặp tôi được.

Mạc-cô-vích (sau một phút do dự, rút trong cặp ra một xấp giấy và đưa cho tôi): Đề nghị ông xem bản thảo báo cáo mà chúng tôi đã chuẩn bị để trao cho ông Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Đờ Gôn.

Tôi (sau khi xem xong): Bao giờ hai ông sẽ trao bản báo cáo này cho Tổng thống?

Ô-brắc: Theo ý kiến tôi, và tôi đã trao đổi với Mạc-cô-vích, chúng tôi sẽ trao báo cáo cho Tổng thống Đờ Gôn nếu Mỹ ném bom trở lại Hà Nội!

Tôi: Tại sao đợi đến lúc bấy giờ hai ông mới làm việc đó?

Ô-brắc: Chúng tôi đã nhiều lần đánh điện, viết thư và nói trực tiếp với Kít-xin-giơ rằng ném bom trở lại Hà Nội là Mỹ đạp đổ tất cả những gì mà bản thân chúng tôi đã dày công đóng góp, tuy còn rất ít, nhưng ít còn hơn là không có gì. Hành động trên đây của Mỹ cũng sẽ chứng minh rằng chúng tôi đã bị lợi dụng trong một trò chơi độc ác của Mỹ!

Mạc-cô-vích: Trên thực tế, ném bom trở lại Hà Nội là cắt cầu... là hết. Dù sao, thành thật mà nói và đó cũng là điều duy nhất cổ vũ và an ủi chúng tôi, chúng tôi đã góp phần khai thông một con đường, bắc một chiếc cầu cho hai bên trao thông điệp, tức gián tiếp nói chuyện với nhau... Không lẽ lại để đổ sập tất cả? Nếu tình huống đó xảy ra, đương nhiên là chúng tôi có trách nhiệm báo cáo lên Tổng thống.

Tôi: Nếu tôi không nhầm thì không phải đợi đến bản báo cáo này, ông Cố vấn ngoại giao và Tổng thống Đờ Gôn mới biết việc làm của hai ông?

Ô-brắc: Đúng! Đúng! Hôm trước, chúng tôi đã trình bày với ông Cố vấn ngoại giao và dĩ nhiên là ông ấy đã báo cáo lên Tổng thống việc làm của chúng tôi.

Tôi: Tôi xin hỏi và nếu trả lời được thì hai ông trả lời, bằng không thì thôi nhé! Vậy, ý kiến của ông Cố vấn ngoại giao và của Tổng thống Đờ Gôn về sứ mạng của hai ông như thế nào?

Ô-brắc: Ông Cố vấn ngoại giao khuyến khích chúng tôi. Còn Tổng thống Đờ Gôn thì có vẻ chưa tin ở sự thành công.

Tôi: Tại sao vậy? Chính Tổng thống Đờ Gôn ngày 2 tháng 9 năm 1966, trong bài diễn văn Phnôm Pênh nổi tiếng, đã nói rành mạch rằng chỉ khi nào Mỹ tuyên bố rút quân thì mới có thể có thương lượng. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ đòi Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá không điều kiện. Như vậy, chẳng phải là yêu sách của chúng tôi còn thấp hơn nhiều so với sự đòi hỏi hoàn toàn chính đảng của Tổng thống Đờ Gôn đó sao?

Ô-brắc (quay lại Mạc-cô-vích): Nếu ông bạn Mạc-cô-vích của tôi không phản đối, tôi xin kể câu chuyện sau đây.

Mạc-cô-vích (cười): Xin ông bạn già cứ tự nhiên, coi như tôi đã đồng tình rồi vậy!

Ô-brắc: Cảm ơn! Cảm ơn! Tôi xin kể vậy. Đúng hơn là những người thân cận của Tổng thống Đờ Gôn có kể lại rằng khi được báo tin Mỹ đã bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam, vị tướng già của chúng tôi kêu lên: "Thế là Mỹ đã sa lầy rồi!".

Sau đó không lâu, có kẻ đi mách với đại sứ Mỹ, ông này lập tức báo cáo về Oa-sinh-tơn sự phản ứng "không hữu nghị" của Tổng thống Pháp. Oa-sinh-tơn đùng đùng nổi giận, yêu cầu xác minh. Đến nay không ai rõ hậu quả của sự xác minh này như thế nào cả. Dù sao, hai năm sau, tình thế bế tắc của Mỹ ở Việt Nam không phải là một sự cải chính đối với lời tiên tri của vị tướng già. Huống chi bây giờ đã không còn vấn đề sa lầy hay không sa lầy nữa, mà vấn đề được đặt ra là đã đến lúc Mỹ phải giải quyết một cuộc chiến tranh không lối thoát!

Tổng thống Đờ Gôn lại có ý kiến về một cách thoát hiểm cho Mỹ, đã đưa ra trong bài diễn văn Phnôm Pênh! Lại một lần nữa, Oa-sinh-tơn không kềm được sự tức giận. Do đó, theo tôi nghĩ, nếu Tổng thống Đờ Gôn chưa tin tưởng ở vai trò trung gian của chúng tôi, là chỉ vì ông cho rằng tình hình chưa chín đó thôi!

Mạc-cô-vích: Tôi hoàn toàn nhứt trí với ông bạn già Ô-brắc của tôi.

Nỗi lòng cởi mở, mỗi người uống thêm một chén trà, Ô-brắc khoan khoái nhét thuốc vào píp, bật lửa đốt. Mạc-cô-vích thoải mái đứng lên, lắc lắc chiếc cặp da bao giờ cũng nặng trĩu. Cả hai vui vẻ ra về, hẹn sẽ còn gặp nhau lại.

Tôi nhìn theo. Họ là những người có thiện chí.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM