Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:36:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tấn công ngoại giao và tiếp xúc bí mật  (Đọc 4169 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:57:22 pm »

Hỏi: Nhưng trên thực tế, phải chăng điều mà Tổng thống Giôn-xơn đòi hỏi, là vấn đề "có đi có lại?" "Chúng tôi sẽ không ném bom các ông nữa, nếu về phía các ông, các ông không còn tiếp tục những thâm nhập vào miền Nam". Dù sao, về phía Oa-sinh-tơn, vấn đề đã được nêu lên như vậy! Ông nghĩ thế nào về vấn đề "có đi có lại"?

Đáp: "Có đi có lại" là cái quái gì?

Phải chăng Mỹ muốn bắt chúng tôi "trả giá" việc Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá? Vậy thì, trong trường hợp đó, chúng tôi trả lời dứt khoát: không! không có vấn đề "thưởng khuyến khích" kẻ xâm lược. Cũng như không thể nào có vấn đề "trả tiền chuộc" cho một tên bắt cóc!

Phải chăng Mỹ muốn đòi chún tôi chấm dứt sự giúp đỡ và ủng hộ đồng bào của chúng tôi ở miền Nam? Để cho đạo quân viễn chinh Mỹ trên 400.000 tên làm mưa làm gió ở miền Nam? Mà miền Nam, như ông biết, là thịt của chúng tôi, là máu của chúng tôi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Phải chăng là để cho đồng bào của chúng tôi ở miền Nam bị tách rời khỏi miền Bắc và biết thế nào là tính tàn bạo của đế quốc Mỹ, của chính sách "bình định" bằng những biện pháp đốt sạch, phá sạch và giết sạch?

Phải chăng Mỹ muốn khó vĩ tuyến 17 lại, duy trì không thời hạn chế độ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam và làm tồn tại mãi mãi sự chia cắt đất nước của chúng tôi? Mỹ đừng hòng!

Hòa bình, vâng! Nhưng không phải trong bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào!

Tôi xin hỏi ông, đúng, tôi muốn biết nhân dân Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, nếu những bang ở miền Nam nước Mỹ bị tách khỏi những bang ở miền Bắc và, thêm vào đó, bị một nước ngoài chiếm đóng. Nhân dân Mỹ có chấp nhận thứ "hòa bình áp đặt" đó không? Chắc chắn là không, Nhân dân Việt Nam cũng không!

Như ông biết, Tổng thống Giôn-xơn tự cho ông ta có quyền phát ngôn nhân danh nhân dân miền Nam Việt Nam mỗi lần ông thấy có dịp làm việc đó, chẳng khác nào miền Nam Việt Nam là thuộc quyền sở hữu của ông ta. Song, miền Nam Việt Nam là của Việt Nam, của toàn thể nhân dân Việt Nam, chứ đâu phải là của Mỹ. Hiển nhiên là như vậy. Miền Nam Việt Nam đâu phải là bang thứ 52 của Mỹ mà là phân nửa của nước Việt Nam. Kẻ nào dám nói ngược lại?

Cho nên, tôi xin nói với ông, bất chấp tất cả những lời ngụy biện và tất cả những sự lừa phỉnh, sự thật vẫn là sự thật!

Sự thật là chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc xâm lược, đó là con đường duy nhất đưa tới việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời Tổng thống Giôn-xơn như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên điều đó một cách rõ ràng, kiên quyết và trịnh trọng vì biết rằng mình được sự đồng tình  và ủng hộ của toàn thể nhân dân Việt Nam, của dư luận quốc tế và của tất cả các dân tộc và chính phủ yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.


Hỏi: Ở Mỹ, một bộ phận rất lớn của dư luận có thái độ bất đồng với chính phủ về sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam. Phải chăng đó là một dư luận rộng rãi hay chỉ hạn chế trong một số giới không đông lắm?

Đáp: Tôi nghĩ rằng đến nay quần chúng Mỹ chưa được thông báo đầy đủ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tại sao? Bởi vì một bức màn khói dựng lên bằng đủ thứ huyền thoại, trái sự thật, dối trá và thường xuyên được bộ máy tuyên truyền chính tức sử dụng và khai thác nhằm che đậy và làm cho quần chúng Mỹ không biết được tất cả sự thật. Song, cứ càng được cho biết nhiều hơn thì nhân dân Mỹ càng phản ứng và mở rộng những hoạt động chống chính sách của chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Và, tôi vui mừng được nói lên rằng thời gian qua, phong trào phản chiến ở Mỹ đã phát triển về bề rộng, về bề sâu cũng như  về sức mạnh, từ khi có những cuộc biểu tình, tuần hành, mít tinh, hội họp, hội thảo. Vả lại, vừa xuất hiện một hình thức đấu tranh mới, một thứ "tòa án" mà ở đó bị cáo là chính phủ Mỹ. Một cuộc biểu tình lớn sẽ được tiến hành vào ngày 15 tháng 4 tới đây tại Niu Yoóc và Xan Phran-xi-xcô (San Francisco).

Tại sao có được những sự phát triển mới đó của phong trào phản chiến ở Mỹ?

Trước hết, vì chiến tranh không những đã gây nên vô số tàn phá ở Việt Nam mà cuối cùng chiến tranh cũng đã thâm nhập vào các gia đình Mỹ dưới hình thức thuế má, lạm phát, biện pháp quân dịch và đồng thời dưới những hình thức khổ đau và tang tóc.

Mặt khác, tính chất vị chủng của chiến tranh đã bùng nổ giữa ban ngày, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Bằng chứng là lời kêu gọi của mục sư Lu-thơ Kin (Luther King) (Luther King, mục sư Mỹ da đen cầm đầu phong trào đấu tranh bảo vệ quyền công dân, đòi sáp nhập người Mỹ da đen vào xã hội Mỹ, chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, được tặng thưởng Hòa bình Nô-ben và bị ám sát năm 1964) nhằm thực hiện sự liên minh giữa những chiến sĩ đấu tranh cho quyền công dân và những người Mỹ chống chiến tranh.

Vì thế, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa những tầng lớp đông đảo của nhân dân Mỹ sẽ tham gia phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam.

Ông hãy nhớ lời nói nổi tiếng của Tổng thống Lin-côn (Lincoln) (Abraham Lincoln, Tổng thống Mỹ bị bọn chủ trương duy trì chế độ nô lệ ám sát năm 1865): "Ông có thể lừa dối mọi người trong một thời gian nào đó. Ông có thể lừa dối vài ba người mãi mãi. Nhưng, ông không thể nào lừa dối mãi mãi tất cả mọi người".

Để lẩn tránh việc chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc, ngoài đòi hỏi "được bảo đảm là việc thâm nhập vào miền Nam bằng đường bộ và đường thủy đã chấm dứt", Tổng thống Mỹ còn lập luận rằng việc Mỹ ngừng  ném bom bắn phá miền Bắc "sẽ gây nên sự bàn tán trên toàn thế giới và sẽ phương hại đến tính chất không chính thức và bí mật của những cuộc thảo luận đó" (Thư của Tổng thống Giôn-xơn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:58:59 pm »

Cần có hai nhận xét sau đây:

- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói hai bên có thể nói chuyện sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chớ không hề có ý kiến "nói chuyện có tính chất không chính thức và bí mật". Đó là điều mà chính Mỹ bịa ra, rồi cũng chính Mỹ gạt đi!

- Tổng thống Giôn-xơn quả quyết rằng một cuộc nói chuyện như thế, sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom... tất phải thất bại! Còn trái lại, nếu hai bên đàm phán trong khi Mỹ tiếp tục ném bom bắn phá miền Bắc... tất sẽ thành công ư?

Áp đặt, ngụy biện quanh co như thế chỉ vì Mỹ chưa chịu chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc, còn hòng sử dụng chiến tranh phá hoại như một chủ bài gây sức ép nếu có đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Luận điệu bịp bợm và lập trường ngoan cố "đàm phán trên thế mạnh" trên đây chứng minh rằng mặc dù bị động vè chiến lược và ngày càng lúng túng về chiến thuật, đế quốc Mỹ vẫn bám ý đồ cột Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào một trong hai điều kiện: hoặc là chấp nhận đàm phán dưới bom, hoặc là bỏ rơi từng bước miền Nam để đổi lấy việc Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc.


Đáp lại, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán trên cơ sở tuyên bố ngày 28 tháng 1, vừa giữ vững quyết tâm chuẩn bị đánh một đòn chiến lược chưa từng thấy, làm thất bại "chiến tranh cục bộ" và cả chiến lược toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của Mỹ, tạo nên một bước ngoặt, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi lại đàm phán ở thế thua, thế bị động và bất lợi.


Thực tế là chưa lúc nào bằng lúc này, vấn đề xâm lược và chống xâm lược ở Việt Nam được đặt ra một cách rõ ràng, cụ thể và khẩn trương trước nhân dân thế giới.


Nhân dân thế giới đang chứng kiến một sự thách thức, một sự đọ sức, thậm chí một sự đụng đầu lịch sử có thể nói là kinh thiên động địa giữa hai ý chí lớn, giữa hai thế lực lớn của thời đại.


Các nhà báo và bạn bè ở phương Tây quen gọi cuộc chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam là cuộc chiến đấu không cân sức giữa Đa-vít (David) và Gô-li-át (Goliath) (Chuyện được kể trong kinh thánh).


Đa-vít nhờ mưu mẹo nên đã thắng anh chàng khổng lồ Gô-li-át. Tên khổng lồ Mỹ cũng sẽ thua vì Việt Nam cũng khôn khéo như Đa-vít. Những chuyện cổ tích của nhân dân Việt Nam được người ta đem ra phân tích để chứng minh rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và có thừa trí tuệ để làm thất bại mưu sâu kế độc của kẻ thù gian ác.


Vả lại, gọi Việt Nam là Đa-vít còn Mỹ là Gô-li-at còn hàm ý một nước nhỏ bị một nước lớn ỷ thế hiếp người và, do đó, thái độ đương nhiên của tất cả những người lương thiện chuộng lẽ phải là đứng về phía Việt Nam và bảo vệ Việt Nam chống Mỹ.


Tôi cũng thường nghe các bạn bè ở phương Tây nói: "Việt Nam là một nước nhỏ đã thắng hai nước lớn".

Nhìn hình thức bên ngoài, thì đúng như vậy. Nhưng xét cho cùng, thực chất hoàn toàn khác.

Thường thường, "một nước lớn" thắng "một nước nhỏ", "một nước mạnh" thắng "một nước yếu" chứ "một nước nhỏ" hoặc "một nước yếu" thì khó mà thắng được "một nước lớn", "một nước mạnh" dù ngay trên lãnh thổ của mình.


Trong lịch sử nhân loại, có bao nhiêu nước nhỏ và dân tộc nhỏ đã bị nước lớn và dân tộc lớn tiêu diệt, thôn tính hoặc đồng hóa? Danh sách chắc là dài lắm!

Phải chăng trường hợp của Việt Nam, "một nước nhỏ" đã liên tiếp thắng "hai nước lớn" cũng như đã từng đánh bại ba cuộc xâm lược của Mông-Nguyên hồi thế kỷ XII là một ngoại lệ?

Tôi không nghĩ như vậy. Việt Nam có cái lớn và cái mạnh riêng của Việt Nam.


Lại phải chăng vì Việt Nam chiến đấu tự vệ, tức đấu tranh cho một sự nghiệp chính nghĩa, nên nhứt định sẽ thắng? Còn đế quốc Mỹ, trái lại, tiến hành chiến tranh xâm lược phi nghĩa, nên nhứt định sẽ thua?


Nói nguyên tắc, đạo lý, quy luật hay chiến lược... đều đúng cả. Song, trên thực tế, cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, dưới những hình thức và trong những điều kiện luôn luôn thay đổi và chỉ có thể đi theo một con đường khúc khuỷu khi lên khi xuống, bao giờ cũng gay go và phức tạp.


Việt Nam có chính nghĩa. Chính nghĩa là nguồn gốc của sức mạnh. Nhưng ngược lại, phải có sức mạnh, mặc dù có trường hợp không dùng đến mới bảo vệ được chính nghĩa. Chân lý muôn thuở là như vậy. Có chính nghĩa chưa đủ để thắng. Rải rác trên thế giới, ngay ở thời đại của chúng ta, còn có bao nhiêu nấm mồ của chính nghĩa! Chỉ vì ở những nơi đó, vào thời điểm nào đó, chính nghĩa chưa được bảo vệ một cách có hiệu quả bằng sức mạnh cần thiết và đầy đủ.


Cho nên, một cuộc đấu tranh chính nghĩa có thể tạm thời thất bại và, trái lại, một cuộc xâm lược tàn bạo có thể tạm thời đạt được mục tiêu phi nghĩa của nó.

Muốn thắng đế quốc Mỹ, Việt Nam đã có chính nghĩa, còn phải có sức mạnh cần thiết và đầy đủ.

Anh em Phi châu thường nói với chúng ta: "Các bạn có hạnh phúc hơn chúng tôi nhiều vì có được Chủ tịch Hồ Chí Minh". Việt Nam - Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Việt Nam đã trở thành biểu tượng của một ý chí bất khuất, một đường lối cách mạng tất thắng.

Nhiều bạn còn nói: "Việt Nam chiến đấu, kiên cường lại được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ, Việt Nam sẽ thắng".

Trên đây, theo tôi nghĩ, là những lời nói chân thành xuất phát từ một sự nhận định và đánh giá sâu sắc, chứ không phải chỉ là những lời nói xã giao.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 02:59:52 pm »

Từ phương Tây nhìn về đất nước, đứng giữa thế giới sục sôi phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cũng như khi về nước và đi thăm một số nơi trên miền Bắc bị đánh phá ác liệt, lúc nào tôi cũng cảm thấy sâu sắc rằng công cuộc chống Mỹ, cứu nước long trời lở đất của dân tộc Việt Nam không thể chỉ là cuộc chiến đấu của "một nước nhỏ" chống "một nước lớn" mà cũng không phải đơn thuần là vấn đề "một nước chống một nước"!


Đây là sự đụng đầu lịch sử kinh thiên động địa giữa hai thế lực khổng lồ của quá trình chống chủ nghĩa đế quốc và giải phóng dân tộc trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.


Một bên là đế quốc Mỹ, siêu cường, đầu sỏ phe đế quốc và sen đầm quốc tế, nổi tiếng giàu và mạnh, chưa hề thất bại trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, ngạo nghễ vác ngọn cờ thập tự chinh hô hào đồng minh và chư hầu tham gia chống phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới, mưu đồ khuất phục Việt Nam nhằm thực hiện chính sách của nó ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời để làm gương cho dân tộc nào vừa đấu tranh giành độc lập tự do lại vừa có khát vọng hoặc đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam.


Trong chiến tranh xâm lược chống Việt Nam, đế quốc Mỹ không lôi kéo được các đồng minh lớn ở Tây Âu tham chiến, mà chỉ có được sự trợ lực kém cỏi của Nam Triều Tiên và một số chư hầu Đông Nam Á. Trái lại, Mỹ tha hồ sử dụng những căn cứ quân sự ở Thái Lan và Phi-lip-pin, đồng thời Nhật Bản đã trở nên một căn cứ hậu cần lý tưởng cho đạo quân viễn chinh Mỹ.


Còn một bên, dám đứng lên chống lại đế quốc Mỹ, trước hết, là một dân tộc có truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời, lại chiến đấu dưới ngọn cờ bất khuất của một Đảng Mác-xít chân chính và dày kinh nghiệm, đã đúc kết và vận dụng được một khoa học quân sự độc đáo về chiến tranh giải phóng có đường lối chính trị đúng đắn và sách lược khôn khéo, tập hợp được lực lượng hùng hậu trong nước và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, là thành viên của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới và, cuối cùng, được thừa nhận trên thực tế là ngọn cờ đầu của Phong trào giải phóng dân tộc mặc dù Việt Nam chưa bao giờ tự phong như thế.


Vì chiến đấu hy sinh gian khổ cho sự nghiệp chính nghĩa của thời đại - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - nên Việt Nam được thời đại công nhận và tiếp sức. Đáp lại, bằng cuộc chiến đấu kiên cường và thắng lợi của mình, Việt Nam đã làm rạng rỡ thời đại. Do đó, Việt Nam nghiễm nhiên trở thành một ngọn cờ có sức hiệu triệu mãnh liệt và có khả năng lớn lao tập hợp đông đảo quần chúng năm châu chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên thế giới ngày nay.


Quá trình trên đây đã đưa tới kết quả tất yếu là: sức mạnh của Việt Nam gồm cả sức mạnh của bản thân dân tộc Việt Nam cộng với sức mạnh của thời đại, tạo nên một sức mạnh tổng hợp lớn lao, một thế lực khổng lồ làm tịt ngòi bom nguyên tử của Mỹ, kể cả bom chiến thuật, buộc đế quốc Mỹ phải làm ngơ trước sự hấp dẫn của một chiến trường thuộc châu Á sau chiến trường Nhật Bản, mặc dù Mỹ đã có một bước đầu chuẩn bị.

Vậy, sự đụng đầu lịch sử chấn động địa cầu giữa hai thế lực khổng lồ của thời đại sẽ kết thúc ra sao?

Sự chiến thắng của đế quốc Mỹ chẳng những sẽ là một thất bại của dân tộc Việt Nam mà còn là một bước lùi của Phong trào giải phóng dân tộc và của cách mạng thế giới. Nó sẽ đem lại cho Mỹ một thời cơ quá đẹp để Mỹ tiếp tục đánh phá những cuộc đấu tranh giải phóng ở các khu vực khác, ngăn chặn xu thế tiến lên chủ nghĩa xã hội của các dân tộc mới giành được độc lập, tự do và áp đặt khắp nơi chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Mỹ sẽ còn lợi dụng uy thế của kẻ chiến thắng nắm lại các chư hầu và đồng minh "tráo trở và bội bạc" để tiếp tục đeo đuổi chiến lược toàn cầu phản động của nó.

Còn nếu Mỹ sẽ thua và Việt Nam sẽ thắng thì sao?

Nếu thua, Mỹ đành bỏ rơi ngụy quyền con đẻ của nó ở miền Nam, và rút đạo quân viễn chinh, chiến bại và xốc xếch và mất tinh thần về nước, và Việt Nam sẽ vĩnh viễn chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập hoàn toàn, mở ra giai đoạn đất nước thống nhứt và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Nhưng chiến thắng của Việt Nam còn là chiến thắng của phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt của xu thế gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội của thời đại, và nói chung, của cách mạng thế giới. Chiến thắng của Việt Nam đồng thời giáng một đòn nghiêm trọng vào chiến lược toàn cầu phản động của đế quốc Mỹ và báo hiệu sự phá sản không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới, cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến của Việt Nam chống thực dân Pháp năm 1954 đã mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Cái được thua thật quá lớn! Nó liên quan đến vận mạng của mọi dân tộc trên quả đất. Một thời kỳ lịch sử thế giới sẽ mang dấu ấn sâu đậm của nó.

Chính vì cái được thua có ý nghĩa lịch sử và thời đại như thế nên tất nhiên mỗi bên đều có những cố gắng cao nhứt phù hợp với khả năng để mong giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Xét cho cùng, trong sự đụng đầu vang dội địa cầu giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nói chung, trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào khác, vấn đề có ý nghĩa quyết định, trước hết là tương quan lực lượng trên chiến trường. Nhưng tiền tuyến bao giờ cũng lệ thuộc vào hậu phương và chịu sự tác động trực tiếp của hậu phương. Huống chi là ngày nay, tương quan lực lượng trên chiến trường và thậm chí cả những vấn đề chiến lược và chiến thuật cũng không tách rời tương quan lực lượng trên phạm vi thế giới và xu thế của thời đại.


Những mối liên quan khăng khít trên đây không ngừng vận động và tác động lẫn nhau, đặc biệt giữa tiền tuyến và hậu phương (người ta nói hậu phương của Mỹ đã trở thành "mặt trận thứ hai" của Việt Nam), tạo cho mỗi bên một sức mạnh tổng hợp quyết định thành bại và kết tục của trận đánh sẽ tác động trở lại toàn bộ các mối tương quan (sau 10 năm rút khỏi Việt Nam, nước Mỹ vẫn chưa hết day dứt vì "hội chứng Việt Nam").

Giữa Mỹ và Việt Nam, bên nào có được một sức mạnh tổng hợp lớn hơn và bền bỉ hơn, tức có khả năng chiến đấu lâu dài hơn, bên đó sẽ thắng.

Tóm lại, thực chất, quy mô, ý nghĩa và triển vọng của trận đánh là thế.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2021, 03:01:07 pm »

Lúc bấy giờ, đế quốc Mỹ đang ráo riết tăng cường và mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


26 tháng qua, từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, trọng lượng bom do phi cơ Mỹ trút xuống miền Bắc đã vượt trọng lượng bom ném xuống nước Đức phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai.


Hơn nữa, chiến tranh phá hoại chống miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới. Máy bay và tàu chiến Mỹ được sử dụng tới một quy mô chưa từng thấy, ngày đêm liên tục ném bom bắn phá có tính chất hủy diệt và nhằm đánh vào tiềm lực kinh tế và tinh thần của nhân dân miền Bắc.


Ngày 20 tháng 4, nhiều đợt phi cơ Mỹ đánh thẳng vào trung tâm thành phố cảng Hải Phòng, làm sập nhiều nhà máy, làm chết và bị thương trên 100 dân thường. Đã 12 lần, không quân Mỹ đánh phá Khu Liên hợp gang thép Thái Nguyên. Mỹ lại tăng cường việc sử dụng bom "chống cá nhân" v.v... hòng "tàn sát càng nhiều người bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu" như Thượng nghị sĩ Mỹ Phun-brai (Fulbright) đã tố cáo.


Những mục tiêu của không quân Mỹ đâu phải chỉ là "bê-tông và sắt thép", như Tổng thống Giôn-xơn đã nói.


Mục đích hiển nhiên của Tổng thống Mỹ là làm cho miền Bắc Việt Nam "chảy hết máu", cuối cùng phải "khuất phục" và chấp nhận "hòa bình kiểu Mỹ".


Song song với việc tăng cường chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, Mỹ âm mưu đánh một đòn chiến lược mới có tính chất quyết định ở miền Nam.


Đầu tháng 2 năm 1967, lợi dụng mùa khô, Mỹ tung ra cuộc "phản công chiến lược", "tìm và diệt" lần thứ hai, gồm nhiều trận càn đánh vào các khu căn cứ miền Nam, đặc biệt là trận càn Gian-xơn Xi-ty kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1967. Đây là trận đánh lớn nhứt, dài ngày nhứt từ khi Mỹ bắt đầu xâm lược Việt Nam.


Ngờ đâu càng đánh lớn, Mỹ càng thiệt lớn. Từ ngày 2 tháng 2 đến 19 tháng 4, lực lượng võ trang Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn quân địch, mà đại bộ phận là quân Mỹ, phá hủy trên 800 xe tăng và xe thiết giáp.


Những sư đoàn "không ai thắng nổi" của Mỹ bị tổn thấy nặng nề, đến nỗi Đin Rớt, phải thừa nhận: "Năm 1967 là năm đau khổ khốc liệt đối với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam".


Sự thật hiển nhiên là việc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại chống miền Bắc và tiến hành liên tiếp hai cuộc "phản công chiến lược" ở miền Nam, mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967, không hề lay chuyển được mà trái lại, đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược, của Việt Nam ở cả hai miền.


Ngày 25 tháng 4, trả lời phỏng vấn của Ủy ban đề xuống hòa bình ở Việt Nam (Comité promoteur pour la Paix au Vietnam) của Vê-ni-xi (Vénitie) nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng nước I-ta-lia (25-4) và ngày 20 tháng 5 tại diễn đàn Đại hội vì hòa bình ở Việt Nam (Etats généraux pour la Paix au Vietnam) ở Pa-ri, tôi có nêu rõ vấn đề:


"Hơn bao giờ hết, mọi người, mọi dân tộc và tất cả các chính phủ yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đều tự thấy bản thân có liên quan đến một cuộc chiến tranh dã man nhứt và vô nhân đạo nhứt, đó là chiến tranh xâm lược của Mỹ chống Việt Nam".


Tôi trình bày những kết luận của Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh vừa họp xong ở thủ đô Thụy Điển (Stockholm) (Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh do nhà triết học Anh Bẹc-trăng Rớt-xen (Bertrand Russell) thành lập, gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Lê-ô Ba-xô (Léo Basso), Giăng Pôn Xạc (Jean Paul Sartre) v.v...).


Sau khi phân tích các giai đoạn của cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh đã đi đến kết luận:

"... Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc dùng vũ lực ở Việt Nam, và , do đó Mỹ đã phạm một tội ác xâm lược chống nước này, một tội ác chống hòa bình".

Đáp lại câu hỏi: "Chính phủ Mỹ có phạm những hành động xâm lược chống Việt Nam, theo văn bản của luật quốc tế hay không?". Tòa án đồng thanh tuyên bố: Có!

Và "như vậy là chính phủ Mỹ đã phạm một tội ác xâm lược chống một dân tộc độc lập và có chủ quyền ở Việt Nam".

"Do đó, chính phủ Mỹ phải một mình chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc chiến tranh cũng như về việc đeo đuổi chiến tranh".

Kết luận trên đây của Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh phản ảnh sự lên án của quần chúng rộng rãi khắp các nước, cho thấy rằng cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do, đã trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ.


Nhắc lại sáng kiến hòa bình ngày 28 tháng 1, được Hồ Chủ tịch xác nhận trong thư trả lời cho Tổng thống Mỹ, tôi khẳng định:

"Cần nói lên một lần nữa rằng nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện dưới bom".

Ngày 21 tháng 5, trả lời phỏng vấn của báo Unita của Đảng cộng sản I-ta-lia, tôi vạch sự thất bại của Mỹ ở cả hai miền. Ở miền Nam, sự tổn thất của đạo quân viễn chinh Mỹ trong cuộc "phản công chiến lược" lần thứ hai vào mùa khô 1966-1967, còn nặng nề hơn sự tổn thất của Mỹ trong cuộc "phản công chiến lược" lần thứ nhứt vào mùa khô 1965-1966.

Tướng Oet-mo-len (Westmoreland), tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam kêu gào xin thêm quân với Quốc hội. Liền sau đó, 35.000 viện binh Mỹ được gấp rút vận chuyển từ Cộng hòa Liên bang Đức sang chiến trường miền Nam.


Nhưng chẳng vì thế mà Mỹ cải thiện được tình thế của đạo quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Trái lại, Thời báo Niu Yoóc (The New York Times) đã phàn nàn: "Càng nhiều quân, càng ít hy vọng!".

"Sách trắng" của Đảng Cộng hòa, công bố ngày 1 tháng 4 ở Mỹ, đã thừa nhận rằng, mặc dù phải chịu tổn thất nặng nề, quân đội Mỹ ở miền Nam vẫn kiểm soát được ít xã hơn là ngụy quân vào năm 1962.

Còn ở miền Bắc, đến ngày 18 tháng 5, chiếc máy bay Mỹ thứ 1.900 đã bị bắn rơi. Chỉ trong một tháng leo thang chiến tranh phá hoại, từ 28 tháng 4 đến 28 tháng 5, không quân Mỹ đã mất 141 chiếc máy bay.

Súng phòng không của Hà Nội chĩa lên trời, nhiều đến nỗi một nhà báo phương Tây cho rằng người ta có thể bước đi từ miệng súng này sang miệng súng khác.

Qua thử thách, huyền thoại về "sức mạnh thần kỳ của không lực Huê Kỳ" đã bị đánh đổ hoàn toàn!

Cuối cùng, một lần nữa, tôi bác bỏ lập luận "đàm phán không điều kiện tiên quyết" tức "đàm phán trên thế mạnh" của Mỹ và cũng một lần nữa, tôi xác định lập trường dứt khoát "không đàm phán dưới bom" của Việt Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:28:40 pm »

III
MỘT CHUYẾN ĐI BÍ MẬT


Xét cho cùng, Mỹ không còn cách nào tốt hơn hoặc khác hơn là phái sứ giả bí mật đi Hà Nội.

Vai trò trung gian của một số nước được Mỹ sử dụng bằng cách này hay cách khác và kể cả cuộc vận động trên cơ sở ba điểm của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đều tan vỡ mà không để lại một tiếng vang nào. Chỉ vì Mỹ tự nhốt mình trong một mâu thuẫn vô cùng gay gắt. Một mặt, Mỹ muốn tiếp xúc thăm dò đối phương, nhưng mặt khác, lại một mực bác bỏ đòi hỏi chính đáng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khăng khăng muốn "đàm phán trên thế mạnh".


Nhưng, việc Mỹ phái sứ giả bí mật đi Hà Nội đâu phải đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật! Mỹ phải giải quyết cụ thể một loạt vấn đề có tính chất chính trị sâu sắc.

Trước hết là việc chọn người làm sứ giả. Ai sẽ làm sứ giả bí mật của Mỹ? Vị "sứ giả tin cậy" đó của Mỹ sẽ được Hà Nội tiếp không? Nếu được tiếp thì ở cấp nào? Vị sứ giả đó sẽ gây được lòng tin và sẽ được Hà Nội cho biết những điều mà Hà Nội muốn nói với Mỹ hay không?


Sau đó là vấn đề giữ bí mật cho chuyến đi. Bị dồn vào thế bị động và lúng túng, Mỹ rất sợ bất cứ một động thái bí mật nào có thể bị phát giác và bị giải thích như là một biểu hiện của thế yếu hoặc một sự nhượng bộ của mình. Vậy, đối với chuyến đi, Mỹ không thể nào không nghĩ đến những gì cần phải làm để che đậy và ngụy trang, để đánh lạc hướng các nhà quan sát quốc tế và báo chí thế giới.


Nhằm mục đích trên đây, Mỹ đã nhờ đến sự bảo trợ của Pấc-oát-sơ (Pugwash), một tổ chức chống chiến tranh hạt nhân, gồm nhiều nhà khoa học thế giới và do một nhà công nghiệp Mỹ tài trợ. Liền sau đó, một "bộ tham mưu" được thành lập và được Mỹ thừa nhận có đầy đủ tư cách, đã họp suốt ba ngày 16, 17 và 18 tháng 6 tại Pa-ri.

Thành phần gồm có những ai và họ đã đi đến những quyết định gì?

Tất nhiên, điều trước tiên và không thể thiếu được, là sự có mặt của một đại diện của chính phủ Mỹ. Người đó là Hen-ri Kít-xin-giơ, giáo sư trường đại học Ha-vớt (Harvard) đã "nhân danh Tổng thống" vừa tham gia, vừa chủ trì cuộc họp.


Nhân vật quan trọng thứ hai là ông Tổng thư ký của Pấc-oát-sơ, giáo sư Hơt-bớt Mạc-cô-vích (Herbert Marcovich) của Viện Pa-xtơ Pa-ri.

Xung quanh hai ông, còn có Cao ủy năng lượng Pháp và hai giáo sư của trường đại học Ha-vớt.

Họp suốt ba ngày, những đầu óc thông thái như vậy ắt phải làm ra những sản phẩm có giá trị. Việc làm đầu tiên của "bộ tham mưu" là xác định rõ ràng mục đích của chuyến đi.

Sau này, trong một bức thư gởi cho Kít-xin-giơ vào tháng 11 năm 1967, Mạc-cô-vích có nhắc lại:

"Khi Pấc-oát-sơ yêu cầu chúng tôi tiến hành sứ mạng, chúng tôi đã nhận, xuất phát từ hai giả thuyết mà nếu không có hai giả thuyết này thì hành động của chúng tôi sẽ không có ý nghĩa gì cả.

Giả thuyết thứ nhứt: Sự mong manh của chính phủ Mỹ tiến hành đàm phán với chính phủ Hà Nội, bằng cách thành thật chấp nhận chấm dứt việc ném bom bắn phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giả thuyết thứ hai: Sự mong manh của chính phủ Hà Nội được thấy chấm dứt việc ném bom bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng cách thành thật chấp nhận tiến hành đàm phán với Chính phủ Oa-sinh-tơn.


Mạc-cô-vích khẳng định: "Chúng tôi phải nói ngay rằng không có một sự kiện nào cho phép chúng tôi xét lại hai giả thuyết trên đây", và viết tiếp:

"Trước khi đi Hà Nội, chúng ta đã thỏa thuận với nhau rằng mục tiêu của chúng ta - và đó cũng là mục tiêu duy nhứt của chúng ta từ trước đến nay - là tiếp tới sự gặp gỡ giữa những đại diện có thẩm quyền của hai chính phủ, trước hoặc sau việc ngừng ném bom bắn phá. Những gì mà những đại diện đó cần nói với nhau và cái gì sẽ xảy ra, những cái đó không liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi biết - và ông biết còn rõ hơn chúng tôi - đó chỉ là giai đoạn đầu; việc giải quyết cuộc tranh chấp thật sự, cuộc thương lượng thật sự, cuộc thương lượng về miền Nam chỉ có thể là giai đoạn sau mà những thể thức không thuộc phạm vi tìm tòi nghiên cứu của chúng tôi...


"Đó là một mục tiêu hạn chế vậy, và mục tiêu hạn chế đó tỏ ra là có thể đạt được sau những thảo luận tại cuộc họp của Pấc-oát-sơ...".

Thế là "bộ tham mưu" gồm toàn các nhà thông thái Mỹ và Pháp đã xác định khá rõ ràng "mục tiêu hạn chế" của họ là "tiến tới sự gặp gỡ giữa những đại diện có thẩm quyền của hai chính phủ, trước hoặc sau việc ngừng ném bom bắn phá" trên cơ sở hai bên đánh đổi nhau: Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận tiến hành đàm phán.

"Hạn chế" cũng có nghĩa là khiêm tốn, là thiết thực, là có thể đạt được.

Vậy, họ có đạt được "mục tiêu hạn chế" trên đây không? Nhưng, đó là một vấn đề sau này.

Bây giờ thì "bộ tham mưu" đã nhứt trí cử ông Mạc-cô-vích làm sứ giả của Mỹ và sẽ bí mật đi Hà Nội. Nhưng không phải vì thế mà việc chọn người làm sứ giả đã được giải quyết xong. Trái lại, quyết định quan trọng đầu tiên này vấp ngay câu hỏi: Mạc-cô-vích, tất nhiên là được sự tin cậy của Mỹ, sẽ được Hà Nội tiếp không? Ai ai cũng thừa nhận rằng vị giáo sư, thành viên Pháp, đồng thời là Tổng thư ký của Pấc-oát-sơ, có đầy đủ những đức tính cần thiết của một người trung gian, nhưng không một người nào dám khẳng định, kể cả ông Mạc-cô-vích, rằng vị sứ giả vừa được chọn sẽ được chấp nhận của Hà Nội. Lý do chủ yếu được nêu lên là giáo sư Mạc-cô-vích chưa phải là một nhân vật quen biết của Hà Nội và do đó, dù có được Hà Nội tiếp đi nữa, ông cũng khó lòng hoàn thành được sứ mạng.


Vì vậy, "bộ tham mưu" phải nghĩ đến sự cần thiết tìm ra một nhân vật cùng đi với giáo sư Mạc-cô-vích, mà nhân vật này thì phải đáp ứng đầy đủ hai điều kiện: một là, có khả năng tiếp xúc một cách dễ dàng với các nhà lãnh đạo Việt Nam; hai là bảo đảm được tính trung thực của người trung gian.

Người ta đi đến kết luận: Thượng sách là tìm cho ra một người quen cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:30:58 pm »

Thoạt tiên, "bộ tham mưu" đã nghĩ đến ông Đát-chiê đờ la Vi-giơ-ri (D'Astier de la Vigerie), một nhân vật thuộc phái Đờ Gôn có tên tuổi và có quen biết Hồ Chủ tịch. Được đề nghị đi Hà Nội, ông rất xúc động trước triển vọng gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông đành phải từ chối vì lý do sức khỏe.


Ông Đát-chiê đờ la Vi-giơ-ri đã đích thân báo cho tôi biết sự việc trên đây mà vẫn chưa hết tiếc là tình hình sức khỏe quá tồi tệ không cho phép ông thừa cơ hội đi thăm Hồ Chủ tịch.


Sự từ chối của nhân vật gô-lít buộc "bộ tham mưu" phải họp lại. Tên một số chính khách và nhà báo được gợi ra. Nhưng cuối cùng, đề nghị liên quan đến một người quen cũ của Hồ Chủ tịch được giữ lại để thăm dò.

Kít-xin-giơ đã kể lại trong hồi ký của ông ta như sau:

"Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1967, chính phủ Giôn-xơn yêu cầu tôi làm trung gian trong một cố gắng làm cho đàm phán tiến triển. Tôi nhờ chuyển thông điệp qua hai nhà trí thức Pháp mà tôi quen biết: một người trong đó đã quan hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 40 và đã giúp chỗ ở khi ông đến Pa-ri đàm phán với người Pháp. Tôi được phép gợi ý những bạn của tôi đi Hà Nội để đề nghị những điều kiện để Mỹ tạm ngừng ném bom, coi đó như là dọn đường cho hội đàm. Họ đã đi và đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh".


Thật vậy, "bộ tham mưu" và Kít-xin-giơ đã có công tìm ra được một sứ giả từng quen biết Hồ Chủ tịch trong thời gian Hội nghị Phông-ten-nơ-bloo (Fontainebleau) họp. Đó là ông Rây-mông Ô-brắc (Raymond Aubrac). Có lúc Hồ Chủ tịch đã ngụ tại nhà ông và một cháu gái, con của ông, là con đỡ đầu của Hồ Chủ tịch. Cho nên, ông Ô-brắc có đầy đủ lý do để tin rằng ông sẽ được tiếp một cách ân cần và trọng thị nên ông ngỏ ý muốn đi Hà Nội và được gặp Hồ Chủ tịch. Do đó, được yêu cầu, ông Ô-brắc đã nhận sứ mạng cùng bác sĩ Mạc-cô-vích đi Hà Nội.


Trao nhiêm vụ đi Hà Nội cho hai sứ giả trên đây, Kít-xin-giơ và "bộ tham mưu" đã tỏ ra là những kẻ biết chọn mặt gửi vàng.

Nhưng hai ông sẽ đi Hà Nội bằng cách nào? Với danh nghĩa gì? Bí mật hay công khai? Nếu không thể đi bí mật mà phải đi công khai, thì họ phải làm gì để che đậy tính chất và mục đích của chuyến đi?


Có thể nói lúc bấy giờ, với những tin đồn đại "đã có đàm phán bí mật", tất cả các ngọn đèn pha của thời sự thế giới đều tập trung chiếu vào Việt Nam. Mỗi động thái, mỗi lời tuyên bố của Hà Nội hoặc của Oa-sinh-tơn có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam đều được các nhà quan sát quốc tế đem ra mổ xẻ, nhận định và đánh giá.


Tình thế hiển nhiên là hai ông Ô-bắc và Mạc-cô-vích không thể nào đặt chân lên đất Hà Nội mà không bị phát hiện.

"Bộ tham mưu" và Kít-xin-giơ không có phép mầu nào khác hơn là ngụy trang thật chu đáo chuyến đi của hai ông.

Có lẽ các bộ óc thông thái của giáo sư và bác học Mỹ và Pháp, kể cả Kít-xin-giơ, đều cho rằng, dưới ánh sáng chói chang của những ngọn đèn pha của thời sự thế giới, họ không thể nào chỉ bằng "một sứ mạng công khai" mà có thể che đậy được "một sứ mạng bí mật".

Để có sự bảo đảm tối đa, người ta đã quyết định dùng đến "hai sứ mạng công khai" vậy. Thậm chí, đó là "hai sức mạng mà không ai có thể ngờ vực được".

Một là: sứ mạng của Viện Pa-xtơ Pa-ri liên hệ với Viện Pa-xtơ Viễn Đông, với sự đồng tình của Viện trưởng Viện Pa-xtơ Pa-ri.

Hai là: sứ mạng của Ủy ban thường trực của Pấc-oát-sơ có mục đích nghiên cứu khả năng tổ chức ở Phnôm Pênh một hội nghị địa phương bàn những vấn đề hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và phòng bịnh, và hội nghị này sẽ được sự bảo trợ của Viện Pa-xtơ Pa-ri.


Thế mà người ta vẫn chưa yên tâm.

Nhằm đề phòng mọi sự bất trắc, người ta còn nghĩ ra cách "che đậy mục tiêu chính" bằng những "mục tiêu phụ".

Do đó, hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích sẽ "làm việc" với Viện Pa-xtơ ở Phnôm Pênh và Viện Vệ sinh phòng bịnh và vi trùng học tại Hà Nội.

Thế là, tất cả những sự chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc hành trình đã xong. Hai sứ giả chỉ còn có việc lên đường.

Hà Nội đã đồng ý tiếp hai ông.

Xin nói thêm: Tất nhiên, biên bản các cuộc họp của "bộ tham mưu" và những quyết định đã được trao cho ông Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp, ông Cố vấn ngoại giao này không thể nào không được thông báo cho ông Tổng thư ký Phủ Tổng thống và lẽ đương nhiên là ông này phải lập tức báo cáo lên Tổng thống Đờ Gôn.


Điều dễ hiểu là sứ mạng làm trung gian mà hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích được chính phủ Mỹ giao phó, không thể nào thiếu sự chấp thuận của chính phủ Pháp và càng không thể vượt ra ngoài phạm vi chính sách của Pháp.

Ngày 18 tháng 7, cuộc hành trình đã bắt đầu từ Pa-ri (Xem phụ lục I).

Ngày 24 và 25-7, hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích đã có mặt ở Hà Nội, với danh nghĩa "một phái đoàn khoa học".

Ngày 24 tháng 7, ông Ô-brắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và hai lần, ngày 24 tháng 25, hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích được Thủ tưởng Phạm Văn Đồng tiếp.

Ngày 28, hai ông về đến Pa-ri và suốt mấy tiếng đồng hồ, đã báo cáo với Kít-xin-giơ tỉ mỉ từng chi tiết những gì mà hai ông đã nghe và đã thấy ở Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo đầy đủ, Kít-xin-giơ tuyên bố nội dung những cuộc tiếp xúc vở Hà Nội thuộc vào loại "tuyệt mật" và yêu cầu hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích áp dụng "nguyên tắc bảo mật tuyệt đối", đối với tất cả những người khác trong "bộ tham mưu" đã dày công chuẩn bị cho chuyến đi.

Họ có răm rắp làm theo yêu cầu của Kít-xin-giơ không? Tất nhiên là không!

Đặc biệt, Phủ Tổng thống đã được báo cáo đầy đủ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2021, 03:32:19 pm »

Tôi nhận được những bản ghi chép của hai ông, Ô-brắc và Mạc-cô-vích về những cuộc tiếp xúc ở Hà Nội, mà theo lời hai ông, những bản ghi chép đó cũng đã được trao cho Kít-xin-giơ.

So với thông báo của Hà Nội, những bản ghi chép trên đây không có điều gì mâu thuẫn hay quá khác biệt. Tuy nhiên, những bản ghi chép đó cho thấy khá rõ những điều đã được hai ông quan tâm. Riêng bản ghi chép về cuộc tiếp xúc ngày 25 tháng 7 của hai ông với Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhiều điều lý thú và đáng chú ý về nội dung cũng như về phương diện ngoại giao.


Có đoạn chép Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cố tình nhắc lại (vì đây là cuộc tiếp xúc lần thứ hai) rằng sở dĩ ông Ô-brắc được tiếp ở Hà Nội là vì chỉ riêng cái tên của ông đã là một thứ phù phép (un sésame) mở cửa cho ông vào Việt Nam. Như vậy, người ta có thể hiểu rằng nếu không phải ông Ô-brắc mà là một người xa lạ nào khác thì chưa chắc người đó đã nhận được thị thực vào Việt Nam, và nếu không có ông Ô-brắc, thì cũng chưa chắc ông Mác-cô-vích đến được Hà Nội, bất cứ với danh nghĩa gì.


Ông giáo sư Kít-xin-giơ có đủ tế nhị để hiểu sự hàm ý đó không? Hay là ông đã vội cho rằng, vì đã đến được Hà Nội và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp, cho nên đối với Hà Nội, hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích nghiễm nhiên đã trở thành những "sứ giả chính thức và được chấp nhận" của Mỹ? Và, do đó, ông Kít-xin-giơ có thể phái hai ông đi Hà Nội bất cứ lúc nào cũng được? Phần sau, sẽ rõ.


Ngoài ra, theo bản ghi chép của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói:

"Chủ yếu là cuộc đấu tranh tại chiến trường. Ở đó, tinh hình của Mặt trận dân tộc giải phóng và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở nên khả quan hơn những năm qua.

Cái được thua là: miền Nam Việt Nam. Trên báo chí Mỹ, người ta bắt đầu thừa nhận điều này hãy quay lại miền Nam! Nhưng Nhà Trắng và Lầu Năm góc vẫn chủ trương tiếp tục ném bom bắn phá miền Bắc.

Hiện nay, và trong những tuần sắp tới, quan trọng hơn hết là vấn đề đê điều, Mỹ sẽ lợi dụng mua mưa trong những tuần tới. Chúng tôi sẵn sàng đánh trả.

Tiềm lực quân sự của chúng tôi đã được tăng cường nhờ sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Chúng tôi sẵn sàng chống lại một cuộc chiến tranh trên bộ trên lãnh thổ của chúng tôi".

Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh:

"Chúng tôi chấp nhận sự thách thức. Chúng tôi chiến đấu từ 4.000 năm rồi! Ba lần, chúng tôi đã đánh bại quân xâm lược Mông Cổ và quân đội Mỹ ngày nay không thể nào đem ra so sánh được với đạo quân của Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt lúc bấy giờ!".

Khẳng định rằng đạo quân viễn chinh Mỹ ngày nay, dù được trang bị vào loại hiện đại nhứt thế giới, cũng sẽ thất bại ở Việt Nam chẳng khác nào những đoàn quân thiện chiến của Mông Nguyên trước đây, điều đó nhiều người đã nói.

Song, nói rằng quân đội Mỹ ngày nay, trong những điều kiện lịch sử khác, vẫn không thể đem ra so sánh được, tức không nguy hiểm bằng những đội kỵ binh của Mông Nguyên, quả thật không mấy người đã làm sự so sánh đó!


Có lần, trong giờ giải lao của một phiên họp bí mật được tiến hành song song với Hội nghị Pa-ri giữa Việt Nam và Mỹ, tôi hỏi Kít-xin-giơ:

- Nếu người Mỹ các ông trước đây có biết rằng chúng tôi đã ba lần đánh tan tành những đội quân xâm lược của Mông Nguyên, các ông có dám liều lĩnh xâm lược Việt Nam không?

Kít-xin-giơ không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ phân bua:

"Vì chúng ta đánh nhau quá lâu, nên các ông chưa tin là Mỹ thực sự muốn chấm dứt chiến tranh!".

Không biết hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích đã "phản ứng" như thế nào, khi hai ông nghe nói: "... quân đội Mỹ ngày nay không thể nào đem ra so sánh được với đạo quân của Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt". Lúc bấy giờ hai ông có thể nghĩ thầm trong bụng: Cho rằng Việt Nam có đánh bại quân xâm lược Mông Cổ ba lần đi nữa, 50 vạn quân Mỹ tuy không thắng được Việt Nam, nhưng sẽ bị đánh bại hay không, vẫn còn phải chờ xem. Không phải vì hai ông đánh giá thấp lực lượng và quyết tâm của Việt Nam. Mỹ đã không khuất phục được Việt Nam, điều đó đã rõ. Dẫu vậy, Việt Nam cũng không thể nào đẩy mấy chục vạn quân Mỹ xuống biển được, nhiều người thường nghĩ và nói như vậy.


Vậy thử hỏi: Vào những thời kỳ lịch sử khác nhau - phân nửa sau của thế kỷ XIII và những năm 60 của thế kỷ XX - và nếu chú ý đầy đủ những tương quan lực lượng, giữa 50 vạn quân Mông Nguyên tràn qua biên giới phía Bắc, trong lúc đó một bộ phạn khác đã vượt biển đánh úp Chiêm Thành rồi từ phía Nam đánh lên, và 50 vạn quân Mỹ ồ ạt đổ bộ lên miền Nam với một lực lượng hải quân và không quân đêm ngày ném bom bắn phá miền Bắc, thì đối với Việt Nam cuộc xâm lược nào nguy hiểm hơn?

Của nửa triệu quân Mỹ hay của nửa triệu quân Mông Nguyên?

Trong lịch sử thế giới, hễ nói đến đế quốc Mông Cổ hình thành vào thế kỷ XIII mà biên giới phía Tây kéo dài đến tận Ba Lan, Lưỡng Hà và Vịnh Ba Tư, thì mọi người đều quen nghĩ đến một đạo quân khét tiếng tàn bạo, chủ yếu gồm những đội kỵ binh thiện chiến, ngồi như đóng đinh trên lưng ngựa, vung gươm đi chinh phục thiên hạ, có sức tấn công như vũ bão, đánh đâu thắng đó và cũng đã từng làm cho các vua chúa châu Âu và cả Giáo hoàng đều sợ hãi. Người ta còn nói nơi nào mà vó ngựa của đạo quân Mông Cổ đi qua, thì nơi đó cỏ không còn mọc được nữa!


Đạo quân bách chiến bách thắng của đế quốc Mông Cổ đã chinh phục cả Trung Quốc và lập nên nước Nguyên. Điều đáng nói hơn nữa là khi đế quốc Mông Nguyên sử dụng cả lực lượng của Trung Quốc xua quân sang xâm lược Việt Nam thì lại là lúc nó đang lên đến tuyệt đỉnh hùng cường. Vả lại, cuộc xâm lược Việt Nam chỉ là một bước mở đường cho nó thực hiện ý đồ tóm thu cả vùng Đông Nam Á hòng mở rộng biên giới phía Nam xuống tận quần đảo Nam Dương.


Việt Nam nhỏ bé của thế kỷ XIII bị kẹp giữa hai gọng kềm - Thoát Hoan ở phía Bắc và Toa Đô ở phía Nam, thực sự đã thấy rõ mình đang dứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc bị thôn tính để trở thành quận huyện của đế quốc Mông Nguyên. Thế mà, ba lần Việt Nam đã đánh bại đế quốc Mông Cổ và hơn thế nữa, đã làm tan vỡ vĩnh viễn mộng xâm lược và bành trướng của nó xuống Đông Nam Á.


Còn 50 vạn quân Mỹ ngày nay thì sao? Đã sa lầy và đã mất hết hy vọng chiến thắng. Huống chi Việt Nam ngày nay, tất nhiên, không còn là Việt Nam của thế kỷ XIII, thậm chí cũng không còn là Việt Nam 20 năm trước đây khi nó đánh bại đạo quân viễn chinh của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.


Trên cơ sở của sự nhận định và đánh giá của mình, Thủ tưởng Phạm Văn Đồng đã vạch trước mắt đế quốc Mỹ con đường mà nó phải đi:

"Muốn thương lượng về nội dung của vấn đề, nghĩa là toàn bộ của vấn đề Việt Nam và trước hết là vấn đề miền Nam, thì Mặt trận dân tộc giải phóng có mặt. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận giai đoạn đầu không bao gồm Mặt trận".

Lúc bấy giờ, ai dám nghĩ rằng tháng 5 năm 1968, Mỹ sẽ làm đúng theo "lời chỉ dẫn" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đó 10 tháng, bằng cách đến Pa-ri và bắt đầu nói chuyện tay đôi với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chưa có sự hiện diện của Mặt trận dân tộc giải phóng?

Lại cũng theo bản ghi chép của hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn chịu khó nói thêm cho Mỹ rõ:

"Những nhân tố của giải pháp:

- Đối với miền Bắc, chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom bắn phá.

- Đối với miền Nam: rút quân.

"Ngày nào Mỹ thừa nhận những nguyên tắc đó, chúng tôi biết chúng tôi sẽ làm gì. Chúng tôi không có lợi ích gì trong việc làm nhục Mỹ. Nhưng, trước hết, Mỹ phải nhận thức được rằng Mỹ đã thua trận, rồi sẽ tính sau".


Có thể kết luận rằng bài toán còn nhiều ẩn số và chỉ khi nào Mỹ ý thức được rằng Mỹ đã thua thì chừng đó Mỹ mới có thể tìm ra những đáp số đem lại cho Mỹ một lối thoát thân.

Trong khi chờ đợi, Thủ tướng chỉ rõ:

- Nếu các ông cần một sự tiếp xúc, hãy gặp đại diện của chúng tôi ở Pa-ri.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:06:49 pm »

IV
MỘT CUỘC TIẾP XÚC BÍ MẬT


Nói thực ra là tôi không ngờ rằng nhiệm vụ mới "sẵn sàng tiếp xúc với Mỹ" và lời giới thiệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với hai ông Ô-bắc và Mạc-cô-vích "Nếu các ông cần một sự tiếp xúc, hãy gặp đại diện của chúng tôi ở Pa-ri" sẽ đưa tôi vào trận địa vô cùng phức tạp của một "cuộc tiếp xúc bí mật", khi thì gay go, khi thì hào hứng, nhưng lúc nào cũng căng thẳng và thách thức, kéo dài hai tháng, từ 17 tháng 8 đến 17 tháng 10/1967.


Tôi cũng không ngờ rằng người đại diện cho tập đoàn cầm quyền Mỹ, gần như thường xuyên có mặt ở một sân bay hay một khách sạn nào đó của thủ đô nước Pháp, nằng nặc đòi gặp được tôi với ước mơ trở nên "người Mỹ đầu tiên đã tiếp xúc được với Hà Nội", lại là Hen-ri Kít-xin-giơ, một người Đức gốc Do Thái, lấy quốc tịch Mỹ, đang dạy học ở Đại học Ha-vớt, đã từng đến Sài Gòn ba lần trong vòng hai năm, 1965 và 1966, "để nghiên cứu tình hình miền Nam" với tư cách cố vấn đặc biệt của Tổng thống Giôn-xơn về "chiến lược nguyên tử", lại cũng là người vừa "nhân danh Tổng thống" phái hai sứ giả đi Hà Nội dưới sự bảo trợ của tổ chức Pấc-oát-sơ và, chỉ hơn một năm sau, sẽ nổi tiếng là "ông giáo sư của Tổng thống Ních-xơn".


Ngày 17 tháng 8:

Hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích đến cơ quan Tổng đại diện xin gặp tôi. Tôi còn vắng mặt ở Pa-ri. Đồng chí bí thư thứ nhứt tiếp. Hai ông cho biết Kít-xin-giơ đang có mặt ở Pa-ri và theo yêu cầu của Kít-xin-giơ, họ xin được cấp thị thực đi Hà Nội mà "không được phép nói lý do".

Nghe báo cáo lại, tôi không khỏi ngạc nhiên,

Không phải do tôi hoàn toàn không biết gì về tung tích và hành vi của Kít-xin-giơ trong thời gian qua, nhưng bây giờ, ông ta "làm gì", "nhân danh ai" mà ngạo mạn thế?

Theo lời giới thiệu của hai ông khách:

Là người của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mắc Na-ma-ra.

Là người của Mắc Na-ma-ra hay của Tổng thống Mỹ, cũng mặc! Đã đến một cơ quan chính thức của Việt Nam để xin thị thực nhập cảnh mà không chịu nói lý do, cứ xem như là không có đến vậy.

Nhưng, có đúng Kít-xin-giơ hiện đang là "người của Mắc Na-ma-ra" không? Phải chăng chính ông Mắc Na-ma-ra, kẻ đã lấy làm tự hào vì cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam còn được gọi là "chiến tranh của Mắc Na-ma-ra" và đã từng tuyên bố "Tôi sẽ làm tất cả để chiến thắng!", nay đã "ý thức được rằng Mỹ không thể thắng và không có giải pháp nào khác hơn là thượng lượng" như ông ta đã có lần khuyên Việt Nam?

Nếu đúng như vậy, ông Kít-xin-giơ cần tỏ ra biết điều hơn mới phải!

Tình hình lại rất căng. Suốt hai ngày 11 và 12 tháng 8, không quân Mỹ ồ ạt ném bom thủ đô Hà Nội, cầu sắt Long Biên bị đánh sập một nhịp. Thế mà, ngày 17 tháng 8, Kít-xin-giơ lại ngang nhiên cho hai sứ giả đến gặp đại diện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xin thị thực đi Hà Nội mà "không được phép nói lý do".

Phải chăng "cặp thầy-trò" Mắc Na-ma-ra-Kít-xin-giơ định dùng sức ép của các cuộc ném bom bắt chúng ta phải vội vàng đón tiếp hai sứ giả của họ? Nếu đúng thế thì đây là một hành vi chẳng những không hợp thời mà còn ngạo mạn.

Phải chăng ông Kít-xin-giơ cho rằng hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích, vì một lần trước đi Hà Nội và được tiếp, nên nghiễm nhiên đã trở thành những "sứ giả chính thức và được chấp nhận" của Mỹ, đối với Hà Nội? Và, do đó, ông Kít-xin-giơ có thể phái họ đi Hà Nội bất cứ lúc nào cũng được? Nếu thế thì quả là ông Kít-xin-giơ không có đủ tế nhị để hiểu được sự khác biệt giữa thái độ tiếp đón ân cần và trọng thị một "Ô-brắc, người quen cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và sự "chấp nhận một sứ giả của Mỹ". Ông Kít-xin-giơ đã vượt qua cái khoảng cách đó một cách quá dễ dàng. Ông ta đã phạm sai lầm. Với thói chủ quan và ngạo mạn đó, ông ta sẽ khó mà tránh được những lỗi lầm còn nghiêm trọng hơn nữa.


Ngày 21 tháng 8:

Mạc-cô-vích trở lại cơ quan, chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn của đồng chí bí thư thứ nhất: "Hai ông không thể đi Hà Nội được". Mạc-cô-vích thất vọng ra về.

Song chỉ hai tiếng đồng hồ sau, điện thoại réo lên và qua điện thoại, Mạc-cô-vích nài nỉ xin trở lại vì "có việc gấp".

Ông đến cơ quan, gặp lại đồng chí bí thư thứ nhứt, vẻ mặt chưa hết xúc động.

Ông cho biết là ông vừa cãi nhau kịch liệt với Kít-xin-giơ. Kít-xin-giơ nói ông ta bị bất ngờ trước sự từ chối của Hà Nội. Còn Mạc-cô-vích thì cho Kít-xin-giơ đã hành động thiếu suy nghĩ và chủ quan. Đáng lẽ đến cơ quan lần trước, ông Ô-brắc và ông phải trình bày rõ ràng lý do của việc hai ông xin thị thực đi Hà Nội. Nhưng, Kít-xin-giơ thì một mực gạt đi và nói: "Không cần thiết!".

Cuối cùng, sau khi trút được nỗi lòng, Mạc-cô-vích nói:

"Bây giờ thì ông Kít-xin-giơ đã thấy là cần thiết rồi! Ông đã tỏ ra biết điều hơn. Xin nhờ ông báo lại với ông Tổng đại diện rằng ông Kít-xin-giơ có một thông điệp của Chính phủ Mỹ gởi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đề nghị ông Ô-brắc và tôi được phép đi Hà Nội để chuyển tận tay với những lời bình luận thêm. Bằng không được, ông Kít-xin-giơ nhờ chúng tôi trao thông điệp nói trên cho ông Tổng đại diện".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:09:05 pm »

Ngày 25 tháng 8:

Tôi tiếp hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích. Hai ông bắt đầu bằng những lời phân trần, đổ trách nhiệm về việc xảy ra vừa rồi cho Kít-xin-giơ và nhiều lần khẳng định sự khâm phục và những tình cảm sâu sắc đối với nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và tự do của dân tộc.

Tôi phê phán thái độ "không hợp thời và ngạo mạn" của nhà đại trí thức Mỹ, nhưng đồng thời, tôi cũng làm cho họ yên tâm bằng cách nói rằng tôi chỉ mong họ thực hiện vai trò trung gian một cách khách quan và vô tư.

Hai ông tỏ ra vui vẻ trước thái độ hiểu biết của tôi.

Sau đó, hai ông trao cho tôi thông điệp của Chính phủ Mỹ gởi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đây:

"Nước Mỹ sẵn sàng chấm dứt ném bom bắn phá bằng không quân và hải quân ở miền Bắc Việt Nam với sự nhận thức rằng việc đó sẽ nhanh chóng đưa tới những cuộc thương lượng có hiệu quả giữa đại diện Mỹ và đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tiến tới giải quyết những vấn đề đang làm hai nước chống đối nhau. Trong khi các cuộc thảo luận được tiến hành, công khai hoặc bí mật, Mỹ cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không lợi dụng việc ngừng ném bom bắn phá này. Bất cứ hành động lợi dụng nào của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tất nhiên là không phù hợp với một hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đó cũng là mục đích của cuộc thảo luận.

Mỹ sẵn sàng tiến hành thảo luận hoặc công khai hoặc bí mật. Tuy nhiên, khó có thể giữ được bí mật về những cuộc thảo luận đó một khi có việc chấm dứt ném bom bắn phá hoàn toàn. Vì lẽ đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể lựa chọn một cách giải quyết khác là một sự giảm quy mô và phạm vi của các cuộc ném bom bắn phá trong khi các cuộc thảo luận bí mật được tiến hành.

Mỹ sẵn sàng có tiếp xúc riêng và ngay với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xem xét về cách làm trên đây hoặc về bất cứ gợi ý nào theo hướng đó mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra" (Phụ lục II).

Sau khi trao thông điệp với thái độ hết sức thận trọng, gần như do dự, Mạc-cô-vích trình bày:

Ông Kít-xin-giơ rất mong được đi Hà Nội. Ông có thể đi một mình mà cũng có thể có một nhân vật chính thức cùng đi. Hoặc là chỉ có một nhân vật chính thức đi. Hà Nội có thể chọn bất luận công thức nào phía Mỹ cũng sẵn sàng chấp nhận.

Không để hai ông chờ lâu, tôi nói:

- Có lẽ ông Kít-xin-giơ có biệt tài trong việc đề xuất những vấn đề không hợp thời. Tôi vừa phê phán việc ông ta xin cho hai ông đi Hà Nội ngày 17 tháng 8, tức năm ngày sau khi không quân Mỹ trút bom xuống thủ đô. Nay, việc hai ông xin đi Hà Nội chưa giải quyết được và sau khi không quân Mỹ liên tục ném bom bắn phá suốt ba ngày 21, 22 và 23 thì ông Kít-xin-giơ lại vội vã "leo thang" bằng cách đề nghị Hà Nội tiếp đón ông ta cùng với một nhân vật chính thức, hoặc một trong hai người. Không cần hỏi, tôi cũng đã biết trước câu trả lời của Hà Nội rồi! Hai ông nghĩ thế nào?

Ô-brắc nói lên cả sự bực bội của ông:

- Tôi đã bảo mà! Kít-xin-giơ không chịu nghe chúng tôi. Chúng tôi nhiều lần nói là chưa phải đã đến lúc đặt vấn đề đó ra!

Mạc-cô-vích cũng vội vã phân bua:

- Tôi cũng rất khổ tâm khi phải đưa ra đề nghị của Kít-xin-giơ mà bản thân tôi cũng cho là không thực tế!

Tôi vui vẻ nói:

- Sau khi hòa bình được lập lại, tức sau khi không còn bóng dáng một tên lính nào của đạo quân viễn chinh Mỹ trên toàn bộ đất nước Việt Nam nữa, chúng tôi sẽ vui lòng mời ông Kít-xin-giơ sang thăm Việt Nam. Còn bây giờ thì...

Tôi chưa nói hết lời, hai ông nhanh nhẩu hưởng ứng:

- Quá sớm! Quá sớm!

Mọi người mỉm cười.

Quay lại thông điệp của chính phủ Mỹ, Mạc-cô-vích nói một cách trịnh trọng:

- Ông Kít-xin-giơ nhờ tôi lưu ý ông rằng ông đích thân Tổng thống Giôn-xơn đã "duyệt từng chữ" văn bản của thông điệp.

Tôi hỏi"

- Cùng một lúc tôi nhận được tới hai bản, một bản tiếng Anh và một bản tiếng Pháp, vậy Tổng thống Giôn-xơn đã "duyệt" bản nào?

Hai ông nhìn chau chưng hửng.

Cuối cùng, Mạc-cô-vích giãi bày:

- Theo tôi nghĩ và nếu tôi không lầm, dĩ nhiên bản chính là bản tiếng Anh. Chắc Tổng thống Giôn-xơn đã "duyệt" bản tiếng Anh. Nhưng cũng chắc chắn là hai bản tiếng Anh và Pháp đều có giá trị như nhau.

Ông Ô-brắc chen vào:

- Đúng! Đúng! Có thể nói là bản tiếng Pháp rất "trung thành" với bản tiếng Anh. Chúng tôi đã "duyệt" kỹ bản tiếng Pháp!

Tôi nói:

- Tôi hoàn toàn tin tưởng ở năng lực "duyệt" bản tiếng Pháp của hai ông!

Cả hai cười khoan khoái.

Thừa lúc mọi người vui vẻ, Mạc-cô-vích khoe:

- Mặc dù được biết Tổng thống Giôn-xơn đã "duyệt từng chữ" văn bản của thông điệp, chúng tôi vẫn không lấy gì làm hài lòng về cách diễn đạt ngay trong câu đầu. Trên văn bản đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ tay Kít-xin-giơ, câu đó được trình bày như sau:

"Nước Mỹ sẵn sàng chấm dứt ném bom bắn phá bằng không quân và hải quân ở miền Bắc Việt Nam nếu việc đó sẽ nhanh chóng đưa tới những cuộc thương lượng có hiệu quả...".

Ô-brắc chồm tới cướp lời Mạc-cô-vích:

- Vì nói "nếu" việc ngừng ném bom bắn phá sẽ nhanh chóng đưa tới những cuộc thương lượng có hiệu quả... tức là đã ra điều kiện rồi!

Tôi cười, nói:

- Hai ông đã bắt đầu hiểu người Mỹ!

Hai người reo lên:

- Đúng! Đúng như vậy! Chúng tôi đã mạnh dạn yêu cầu Kít-xin-giơ hỏi lại chính phủ Mỹ xem có cách diễn đạt nào khác hơn và tránh được sự hiểu lầm là Chính phủ Mỹ "đặt điều kiện" cho việc ngừng ném bom bắn phá, Kít-xin-giơ do dự, chần chừ hồi lâu, nhưng vì chúng tôi quá khẩn khoản nên cuối cùng ông ta đã điện báo cáo ý kiến của chúng tôi về Oa-sinh-tơn. Không đầy hai tiếng đồng hồ sau, Kít-xin-giơ nhận được trả lời cho biết Tổng thống Giôn-xơn đồng ý thay thế chữ "if" (nếu) bằng hai chữ "with understanding", có nghĩa là "với sự nhận thức rằng" việc ngừng ném bom bắn phá sẽ nhanh chóng v.v...

Cả hai đều kết luận:

- Như vậy là có khác trước!

Để đánh tan sự mơ hồ trong nhận thức của hai ông, tôi buộc lòng phải nói:

- Không nói "nếu" mà lại nói "với sự nhận thức rằng", thì có khác gì các ông nói "Trắng mũ và mũ trắng" đâu? ("Blane bonnet et bonnet blane", tức không có gì khác nhau cả).

Mạc-cô-vích chống chế:

- Dù sao cũng không phải hoàn toàn giống như trước.

Tôi buộc lòng phải nói thêm:

- Chỉ cần đọc qua một lần, người ta cũng có thể nhận ra ngay thực chất là câu đầu của thông điệp không phải chỉ đưa ra một điều kiện mà đến hai điều kiện cho việc ngừng ném bom bắn phá. Các ông cứ đọc lại: "một là việc ngừng ném bom bắn phá phải "nhanh chóng" đưa tới thương lượng; hai là thương lượng phải "có hiệu quả". Nếu việc Mỹ ngừng ném bom bắn phá "không nhanh chóng" đưa tới thương lượng, hoặc thương lượng "không có hiệu quả" như Mỹ đòi hỏi, thì ai có thể cấm Mỹ tự cho họ có quyền ném bom bắn phá trở lại, viện cớ là Việt Nam đã không làm đúng sự cam kết? Các ông nghĩ thế nào?

Hai ông ngồi im, sững sờ. Mấy phút trôi qua.

Vì là buổi tiếp xúc đầu tiên của tôi với hai ông, tôi đành nói giả lả:

- Thôi được, để tôi còn xem lại một lần nữa.

Tôi nhìn cái trán hói rất sâu lấm tấm mồ hôi của ông Ô-brắc. Câu chuyện khi thì vui vẻ và thoải mái, khi thì nghiêm trang và căng thẳng, đã thu hút ông đến nỗi ông quên lửng chiếc pip nằm gọn trong lòng bàn tay trái đã tắt ngấm tự bao giờ. Chợt nhớ ra, ông bật lửa đốt thuốc và hít một hơi thật dài.

Còn ông Mạc-cô-vích thì, dưới mái tóc đen và dày, đôi mắt cũng đen và rất sáng của ông đượm vẻ đăm chiêu. Ông đứng tần ngầm, định nói điều gì, nhưng lại thôi.

Hai ông ra về, bước đi nặng nề, khác hẳn khi mới đến, chắc lòng bâng khuâng như đã đánh rơi mất một cái gì.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2021, 03:10:16 pm »

Sau khi Mỹ trao thông điệp vào ngày 25 tháng 8 (tuy đề ngày 23 tháng 8, nhưng hai ngày sau, Kít-xin-giơ mời trao được cho tôi), một tình thế mới đã xuất hiện.

Mỹ tuyên bố ngừng ném bom Hà Nội 10 ngày và đe dọa ném bom trở lại, nếu không nhận được "tín hiệu" của Hà Nội trong thời gian đó.

Quả là một tối hậu thư trơ trẽn kiểu Mỹ!

Nhưng ai sẽ thắng, ai sẽ thua trong cuộc thách thức này? Vấn đề quan trọng không phải ở bản thân của sự thách thức mà ở kết cục của nó.

Đồng thời, từ ngày 25 tháng 8 trở đi, không ngày nào là ngày mà điện thoại không reo, khi thì Ô-brắc, khi thì Mạc-cô-vích, khi thì cả hai ông, liên tục hỏi tin tức Hà Nội và chờ mong "sự trả lời" của Hà Nội cho thông điệp ngày 25 tháng 8 của Oa-sinh-tơn.

Hai ông tỏ ra nôn nóng như ngồi trên lửa trước sự im lặng kéo dài của Hà Nội mà Mỹ "không thể nào hiểu được".


Ngày 31 tháng 8:

Ô-brắc xin gặp tôi. Ông gợi lại nhiều kỷ niệm về Hồ Chủ tịch, nhấn mạnh cảm tình sâu sắc của ông đối với cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.

Sau đó, ông nói:

- Sau năm ngày suy nghĩ, tôi vẫn chưa hết băn khoăn vì tôi không rõ việc chuyển thông điệp ngày 25 tháng 8 sẽ lợi hay hại cho Việt Nam như thế nào. Điều làm cho tôi khổ tâm hơn hết là việc chính phủ Mỹ, sau khi trao được thông điệp, đã lập tức tuyên bố là Mỹ ngừng ném bom Hà Nội 10 ngày, tức đến ngày 5 tháng 9 và cố tình làm cho mọi người hiểu rằng Mỹ sẽ ném bom trở lại nếu không nhận được "trả lời" của Hà Nội trước ngày 5 tháng 9. Dù muốn hay không, việc này cũng liên quan trực tiếp đến bản thân tôi và Mạc-cô-vích. Nhiều lần chúng tôi đã trao đổi ý kiến với nhau, nhưng vẫn chưa hết băn khoăn, trăn trở... Hay là như thế này, ông thử xem có được không?

Tôi: Thế nào, ông cứ nói.

Ô-brắc: Nếu chúng tôi được đi Hà Nội, thời gian ngừng ném bom Hà Nội có thể sẽ được kéo dài. Chúng tôi sẵn sàng "làm con tin" buộc Mỹ phải  kéo dài ngừng ném bom Hà Nội. Tất nhiên, chúng tôi không thể ở lại Hà Nội mãi được. Song, ít nhứt Mỹ cũng không thể ném bom trở lại thủ đô cho đến khi nào chúng tôi còn có mặt ở đó. Tuy không nhiều, nhưng cũng tránh được một số thương vong và tàn phát nào đó. Thành thật mà nói, triển vọng đó an ủi và khích lệ chúng tôi.

Tôi: Tôi hiểu sự lo nghĩ của ông và của ông Mạc-cô-vích. Sự có mặt của hai ông ở Hà Nội, trong một số ngày nào đó, có thể có tác dụng như ông vừa mới nói. Nhưng cần nói rõ là ở đây, cái được thua còn lớn hơn nhiều! Rất cảm ơn ông vì ông đã nghĩ cách làm để bớt thương vong và tàn phá cho một dân tộc đã chịu thương vong và tàn phá cho một dân tộc đã chịu thương vong và tàn phá quá nhiều rồi. Song vấn đề cơ bản là cuối cùng Mỹ phải chấm dứt xâm lược và rút quân chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói với ông ở Hà Nội. "Trước hết, Mỹ phải nhận thức được rằng Mỹ đã thua trận, rồi sẽ tính sau". Ông còn nhớ câu nói đó chứ?

Ô-brắc: Vâng! Tôi hoàn toàn đồng ý là Mỹ có nhận thức được như vậy, cuộc chiến tranh mới có khả năng chấm dứt.

Tôi: Bây giờ, chúng ta, cả ông và tôi, phải làm thất bại chính sách hai mặt vừa ném bom, vừa đề nghị đàm phán của Mỹ, cái đã!

Ô-brắc: Tôi khó lòng vắng mặt quá lâu ở Rô-ma, vì như ông biết, tôi là một viên chức của Tổ chức lương nông (FAO) của Liên hợp quốc đóng trụ sở tại thủ đô I-ta-li-a. Theo ông, tôi nên đi Rô-ma hay nên ở lại tin Hà Nội.

Tôi: Tùy ông! Tuy nhiên, theo tôi, ông cũng nên đợi đến ngày 5 tháng 9, nếu không có trở ngại lớn cho công việc của ông.


Ngày 2 tháng 9:

Hai ông Ô-brắc và Mạc-cô-vích đến cơ quan gặp tôi.

Ô-brắc: Nếu tôi đi Rô-ma mà có thể trở lại Pa-ri trước ngày 5 tháng 9, tôi đi có được không?

Tôi: Tôi không thấy điều gì làm cho ông phải quá đắn đo như thế cả. Nếu Mỹ ném bom trở lại, tức là Mỹ sẽ tự vạch trần trò chơi hai mặt của mình, vừa ném bom, vừa giục đàm phán, giục đàm phán rồi lại ném bom. Chỉ có thế thôi.

Mạc-cô-vích: Chúng tôi có nên báo cáo việc làm của chúng tôi cho ông Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Đờ Gôn không? Ông nghĩ làm thế nào là phải?

Tôi: Thật tình mà nói, tôi không rõ quan hệ và trách nhiệm của hai ông đối với Tổng thống. Cho nên tôi không có ý kiến gì đặc biệt về vấn đề đó.

Hai người ra về, sau khi nhắc lại nhiều lần rằng họ rất nóng lòng chờ tin tức Hà Nội. Tôi có cảm giác họ phải xin đến gặp tôi vì không thể ngồi ở nhà được, mà ra về họ lại càng sốt ruột hơn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM