Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:42:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo vô tuyến điện tử  (Đọc 6643 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2021, 10:49:26 pm »


        Tổn thất đầu tiên

        Đầu thập niên 1960, Mỹ đã không còn cơ hội sử dụng máy bay thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô mà không bị trừng phạt nữa - chúng bắt đầu thường xuyên bị bắn hạ. Bởi vậy, Mỹ quyết định tiến hành do thám từ vũ trụ.

        Nhiệm vụ của các vệ tinh tình báo vô tuyến điện tử đầu tiên vốn xuất hiện chỉ vài năm sau các vệ tinh chụp ảnh và được biết đến dưới cái tên Ferret là hoạt động ở độ cao 800 kilômét trên lãnh thổ nước khác để chặn thu và ghi lại tín hiệu của các phương tiện vô tuyến điện và các đài radar, sau đó chuyển chúng cho các trạm mặt đất của nước mình để phân tích. Các tin tức này đã đem lại hình ảnh chi tiết về khả năng của các hệ thống phòng không. Chu trình thu thập thông tin nhờ các vệ tinh tình báo vô tuyến điện tử là chủ ý kích hoạt các hệ thống phòng thủ của một nước nào đó và theo dõi chặt chẽ hoạt động sau đó của các hệ thống này. Nhằm mục đích đó, thủ đoạn hay gặp nhất là phái máy bay hay tốp máy bay vào khu vực bố trí đài radar.

        Ngày 19 tháng 1 năm 1964, một vệ tinh đã được phóng lên từ căn cứ không quân Mỹ ở California. Người ta không nói gì về mục đích của vụ phóng. Tuy nhiên sau một thời gian, người ta biết rằng vệ tinh được đưa lên quỹ đạo tương tự các quỹ đạo của các vệ tinh Ferret. Ngày 28 tháng 1, tức là 9 ngày sau vụ phóng vệ tinh này, một máy bay phản lực T-39 của Không quân Mỹ đã xâm nhập vùng trời Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi máy bay đã bay sâu vào không phận Cộng hòa Dân chủ Đức khoảng 100 kilômét, nó đã bị một máy bay tiêm kích Liên Xô bắn rơi. Cả ba thành viên tổ lái đều thiệt mạng và gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Liên Xô. Mỹ gọi vụ này là “việc bắn hạ không suy nghĩ và không thể tha thứ một chiếc máy bay do nhầm lẫn đã bay qua ranh giới Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức”. Sứ quán Liên Xô tại Washington, tuy nhiên, đã từ chối tiếp nhận công hàm phản đối này của Mỹ với tuyên bố sứ quán Liên Xô có đủ mọi căn cứ để nói chuyến bay đó không phải là sai lầm. Trên cơ sở thông tin do hai bên đăng tải, đã có thể hình dung khá chính xác đường bay của chiếc T-39 sau khi xâm nhập không phận Cộng hòa Dân chủ Đức và xác định được chuyến bay bắt đầu vào lúc 13 giờ 55 phút theo giờ Greenwich và chấm dứt với việc máy bay bị diệt 7 phút sau đó. Chiếc vệ tinh đáng ngờ kia ở đâu vào lúc đó?

        Nó đang tiếp cận nhanh điểm cao ở phía tây nếu như nhìn từ vùng xâm nhập và bay về phía bắc. Khi đạt đến điểm này trên bầu trời, chiếc vệ tinh sẽ ở vị trí tối ưu để thu nhận các tín hiệu radar phát ra từ phía đông nhằm về hướng chiếc máy bay vi phạm. Nhưng điều đó đã không xảy ra bởi vì chiếc vệ tinh tới điểm tối ưu vào khoảng 14 giờ 05, còn chiếc T-39 đã bị bắn rơi khoảng 2,5 phút trước đó. Chuyến bay của vệ tinh nhanh đến nỗi vào lúc đó nó vẫn còn phải bay ngang qua dãy núi Pirene và nó mới chỉ vào vùng có thể chặn thu các tín hiệu radar cần thiết. Bởi vậy, có thể có cảm tưởng rằng, nếu như hai sự kiện này có liên quan với nhau thì chiếc máy bay cần phải bay vào vùng trời Cộng hòa Dân chủ Đức muộn hơn một chút và tất cả đã diễn ra do sự ngẫu nhiên thuần túy.

        Mỹ đoán chắc là Liên Xô không biết gì về vai trò của chiếc vệ tinh kia. Sau khi đi đến kết luận đó, Mỹ vẫn tính tới khả năng sử dụng lại nó. Và ngày 10 tháng 3, đã xuất hiện một tin chấn động về việc thêm một máy bay nữa của Không quân Mỹ, lần này là máy bay do thám hai động cơ RB-66 đã xâm nhập không phận Cộng hòa Dân chủ Đức chỉ cách địa điểm xâm nhập trước đó khoảng 100 dặm về phía bắc và cũng gần như đúng vào thời gian đó, chí có điều nó bị bắn rơi còn sớm hơn. Ba thành viên tổ lái đã nhảy dù xuống đất an toàn.

        Năm tháng trôi qua và hai vụ việc diễn ra cách nhau không lâu này có thể có vẻ như ngẫu nhiên. Trước đó chưa từng có chuyện tương tự và nhiều năm sau cũng không xảy ra chuyện giống thế. Cái mốt sử dụng mấy chiêu bài “lỗi dẫn đường” và “hỏng thiết bị” đã qua rồi. Mọi chuyện vẫn như thế cho đến cái đêm định mệnh 31 tháng 8, rạng sáng 1 tháng 9 năm 1983, khi chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc (KAL) đã bay lệch khá xa đường bay của mình và bị bắn rơi trên không phận Liên Xô ở khu vực tập trung nhiều lực lượng quân sự. Nhưng chúng tôi sẽ kể về nó sau này.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2021, 10:50:25 pm »


        Montevideo

        Một trong những trách nhiệm chính của CIA kể từ khi NSA được thành lập là hỗ trợ cơ quan này khám phá các loại mật mã nước ngoài. Với mục đích đó, các trung tâm CIA ở nước ngoài đã được bổ sung thêm các nhóm chuyên gia đặc biệt của NSA, những người với sự trợ giúp của các máy móc tối tân tiến hành dò tìm các tần số vô tuyến mà các sứ quán nước ngoài dùng để liên lạc với các thủ đô của mình. Những công điện hỏa tốc mã hóa chặn thu được, được ghi vào băng từ và chuyển về NSA để giải mã.

        Tuy nhiên, sự giúp đỡ của CIA cho NSA không chỉ dừng ở việc cung cấp “bình phong" các trung tâm tình báo của mình ở nước ngoài cho việc triển khai các phương tiện chặn thu. Trong cơ cấu Cục Hoạt động của C1A, vốn có nhiệm vụ bí mật thu thập tin tức tình báo trên toàn thế giới còn có Phòng “D”. Phòng này điều phối các hoạt động trong lĩnh vực tiến hành tình báo vô tuyến điện tử  trong khuôn khổ CIA. Trong các nhiệm vụ của Phòng “D” có việc bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho việc vạch kế hoạch và tiến hành các chiến dịch nhằm tuyển mộ các nhân viên cơ yếu hoặc bí mật lắp đặt các thiết bị kỹ thuật cho phép giải mã các điện mật mã chặn thu được. Phòng “D” nằm trong số những phòng bí mật nhất của Cục Hoạt động.

        Dưới đây là lời kể về một chiến dịch của Phòng “D” trong cuốn hồi ký của một người trực tiếp tham gia chiến dịch này, cựu nhân viên CIA Philip Burnett Franklin Agee:

        "Ngày 25 tháng 2 năm I960, Montevideo. Chiến dịch kỹ thuật nhỏ nhằm khám phá các mật mã của sứ quán Cộng hòa Arập Thống nhất bắt đầu chiếm đa phần thời gian làm việc của tôi. Hai chuyên gia kỹ thuật đến từ Phòng “D” là Donald Schroeder và Elvin Benefield đã ở đây hơn một tuần lễ để xây dựng các kế hoạch cho chiến dịch kỹ thuật, còn tôi thì phải chở họ đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác để mua đủ loại keo dán đặc biệt, băng ngụy trang và đủ thứ khó kiếm nữa. Cuối năm ngoái, một người trong số họ đã đến đây một thời gian ngắn và theo yêu cầu của anh ta, tôi đã phái một thanh tra công ty điện lực là điệp viên của chúng tôi đến sứ quán Ai Cập để tiến hành nghiên cứu các căn phòng và phòng làm việc ở đó. Kết quả của chuyến thăm này là bây giờ chúng tôi không hề còn thắc mắc gì về vị trí của phòng cơ yếu - nó nằm ngay trên văn phòng của Frank Stuart, giám đốc chi nhánh Cơ quan Phát triển Ọuốc tế Mỹ tại Uruguay.

        Một thời gian trước, Stuart đã được lãnh đạo của mình ở Washington chi thị phải hết sức hỗ trợ các nhân viên của trung tâm tình báo Mỹ ở Montevideo, mặc dù rõ ràng ông ta không biết người ta làm gì trong vụ này. Ông ta đơn giản chỉ lo để một thiết bị nặng nề nào đó khỏi đổ sập từ trần nhà xuống bàn mình qua lớp cách âm của văn phòng ông. Tôi yêu cầu ông ta đưa các chìa khóa các phòng làm việc và thỏa thuận để ông ta phái người bảo vệ đi đâu đó vào chiều tối hôm đó khi mấy ngày nữa chúng tôi sẽ đến để lắp đặt các máy móc của mình.

        Thiết bị gồm có hai micro tiếp xúc đặc biệt (thu những rung động trực tiếp chứ không phải những rung động không khí như các micro thường), được nối với các máy phát vô tuyến điện mini chạy bằng acquy. Các chuyên gia kỹ thuật gắn thiết bị vào trần nhà cho thật gần vị trí chiếc bàn của nhân viên cơ yếu sứ quán Ai Cập. Từ văn phòng của tôi trong sứ quán và văn phòng của chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế, chúng tôi sẽ ghi các tín hiệu dao động mà các micro tiếp xúc ghi được và được các máy phát truyền đi.

        Sứ quán Cộng hòa Arập Thống nhất sử dụng máy mã xách tay chế tạo tại Thuỵ Sĩ, giống như sự kết hợp giữa máy chữ và máy đếm. Trong máy có rất nhiều những chiếc đĩa được đặt đặc biệt 2-3 tháng một lần. Để mã hóa một báo cáo mật, nhân viên cơ yếu đánh máy bản rõ của báo cáo trên máy này thành các nhóm 5 chữ cái. Mỗi khi đánh xong một nhóm 5 chữ cái, anh ta lại bấm tay gạt làm chuyển động các đĩa. Khi các đĩa dừng lại, những chữ cái bị đảo lộn xuất hiện và trở thành một nhóm mã hóa gồm 5 chữ cái. Khi toàn bộ điện văn được đánh hết bằng cách đó, tập hợp các nhóm chữ cái thu được sẽ là báo cáo mã hóa và được truyền về Cairô bằng điện báo thương mại.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2021, 10:50:57 pm »


        NSA không thể “bẻ khóa” hệ mã này về mặt toán học, tuy nhiên có một cách giải mã hiệu quả: nhờ các thiết bị nhạy cảm có thể ghi nhận những dao động của máy mã vào lúc các đĩa tự quay kêu khi dừng. Băng ghi dao động được xử lý trên các máy điện tử để cho thấy vị trí của các đĩa khi tiến hành mã hóa điện văn. Vị trí tìm ra của các đĩa được nạp vào một máy tương tự, sau đó người ta nạp vào nó điện văn chặn thu được trên máy điện báo và máy sẽ cho văn bản giải mã của báo cáo đã mã hóa. Mặc dù, hãng Thuỵ Sĩ khi bán các máy mã đó đã nhấn mạnh chí được sử dụng máy trong các buồng cách âm trang bị đặc biệt có các bàn bọc cao su xốp, nhưng chúng tôi hy vọng trong trường hợp cụ thể này, nhân viên cơ yếu sẽ không thận trọng và không chấp hành các chỉ dẫn đó. Nếu như chúng tôi tìm ra được vị trí các đĩa trong khi đánh máy báo cáo trên máy mã này ở đây, ở Montevideo này thì NSA sẽ có khả năng đọc nội dung điện tín liên lạc không chỉ của Cộng hòa Arập Thống nhất ở Montevideo mà cả nhiều sứ quán Ai Cập khác, kể cả ở Moskva và London. Do đó đại bản doanh đã đẩy nhanh chiến dịch này. Nếu thủ đoạn này thành công, chúng tôi sẽ ghi được rung động của máy mã mỗi lần khi các đĩa bị thay đổi vị trí. Khi biết nội dung điện tín liên lạc mật của Cộng hòa Arập Thống nhất thì các chính trị gia ở Washington sẽ có thể tiên đoán những bước ngoại giao, quân sự có thể của Cộng hòa Arập Thống nhất, cũng như biết chính xác phản ứng của nước này đối với các sáng kiến của Mỹ.

        Một vài ngày sau, toàn bộ trang bị kỹ thuật của các chuyên gia chúng tôi sẽ sẵn sàng. Chúng tôi sẽ hành động theo kế hoạch sau: gần 9 giờ tối. chúng tôi sẽ đi trên một xe ôtô theo phố Paraguay và đi vào căn phòng của chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế tại Uruguay qua cửa chính mở bằng chìa khóa do Stuart đưa cho chúng tôi. Sau khi kiểm tra, tôi sẽ để xe ở gần để phòng khi phải khấn cấp rút nhanh khỏi tòa nhà và khu vực này. Trong khi các kỹ thuật viên lắp đặt thiết bị, tôi sẽ quay về văn phòng mình ở sứ quán của chúng tôi và sẽ quan sát từ cửa sổ các cửa ra vào sứ quán Ai Cập và khu nhà chi nhánh Cơ quan Phát triển Quốc tế. Liên lạc giữa chúng tối duy trì bằng máy bộ đàm cầm tay. Độ mạo hiểm của chiến dịch này không lớn, mà kết quả thì lại lớn.

        Ngàv 1 tháng 3 năm 1966, Montevideo. Việc lắp đặt các phương tiện kỹ thuật bên dưới sàn của phòng cơ yếu sứ quán Ai Cập từ phía trần phòng ở dưới mất gần như cả đêm. Không được để thiết bị rơi xuống bàn của Stuart. Bới vậy, các kỹ thuật viên không tiếc thời gian và đã làm tất cả rất chắc chắn. Chúng tôi đã tiến hành ghi rung động của máy mã, còn sau khi kiểm tra chúng tại trung tâm thông tin liên lạc của chúng tôi, các kỹ thuật viên tin rằng, máy sẽ hoạt động bình thường. Chúng tôi đã giri các băng ghi theo đường bưu điện ngoại giao về đại bản doanh để chuyển cho NSA và nhanh chóng biết được kết quả. Các micro có độ nhạy tuyệt vời và ghi nhận được mọi rung động trong tòa nhà 12 tầng này: tiếng cọt kẹt của các cấu kiện tòa nhà, tiếng ồn của nước chảy trong toalet, chuyển động của thang máy.

        Ngày 12 tháng 3 năm 1966, Montevideo. Bản doanh thông báo rằng, nhờ các băng ghi của chúng tôi, NSA đã xác định được vị trí các đĩa trên máy mã của sứ quán Ai Cập. Chúng tôi sẽ để tất cả các thiết bị tại chỗ, còn khi người Ai Cập thay đổi vị trí các đĩa, tôi sẽ ghi tại văn phòng của mình mấy băng ghi rung động khi nhân viên cơ yếu Ai Cập làm việc và gửi chúng theo đường bưu diện ngoại giao về bản doanh.

        Cuối cùng tôi đã thoát khỏi hai người bạn của Phòng “D”. Một người đi châu Phi để tiến hành một chiến dịch tương tự đối với phái bộ ngoại giao mới mở của nước Trung Hoa cộng sản, còn người kia đến Mêhicô để chuẩn bị trong một thời gian chiến dịch nhằm khám phá hệ thống mật mã mà người Pháp sử dụng...”
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2021, 10:51:52 pm »


        Dự án Jennifer

        Ngày 22 tháng 10 năm 1970, một lá thư nặc danh được gửi cho Tuỳ viên Hải quân Liên Xô ở Mỹ:

        “Tháng 3 năm 1968, tại Thái Bình Dương đã có một tàu ngầm Liên Xô bị đắm. CIA đang sử dụng một tàu quét lôi rời Honolulu ngày 17 tháng 10 để tìm kiếm tàu ngầm này và đầu tháng 11, tàu này sẽ có mặt tại điểm: 400 VT Bắc và 1800 Kinh Đông.

        Người thiện chí”

        Theo chức trách, vị Tuỳ viên Hải quân Xô-viết đã biết về thảm kịch này. Nhưng ông cũng biết tin tức về vụ này được giữ bí mật. Không một tờ báo Liên Xô nào đưa tin về sự cố đặc biệt này cả vào năm 1968 hay sau đó. Thậm chí thân nhân các chiến sĩ tàu ngầm hy sinh cũng chỉ nhận được giấy báo tử trong đó nói: “Xác nhận đã chết”. Thế mà bí mật về vụ đắm tàu ngầm lại đột nhiên bị lôi ra ánh sáng và lôi nó lên từ đáy biển sâu không phải ai khác mà chính là CIA.

        Cũng trong ngày đó, một bức điện khẩn của đại sứ Liên Xô ở Mỹ đã đến Moskva. Nó gây ra sự kinh hoàng ở Thủ đô Liên Xô. Tư lệnh Hải quân Liên Xô đã dựng dậy cả Bộ Tham mưu của mình. Mấy chục người khẩn cấp chuẩn bị hồ sơ bảng biểu cho các báo cáo của Tư lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Chính phủ.

        Khi Tư lệnh Hải quân báo cáo xong, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đã hạ lệnh lập tức kiểm tra các tin tức về hoạt động của C1A ở khu vực mà “người thiện chí” nêu ra. Cuộc kiểm tra cho thấy, quá thật từ ngày 12-18 tháng 11 ở vị trí có toạ độ nêu trong lá thư nặc danh một máy khoan tự hành của Mỹ đã tiến hành nối ghép và thả các đường ống xuống độ sâu 5 kilômét. Khác với các công việc khoan thông thường vốn luôn được báo trước, hoạt động của tàu được che giấu kỹ lưỡng. Những tin tức thu được cho phép đoán rằng, người Mỹ đang mưu đồ một vụ ồn ào nào đó xung quanh chiếc tàu ngẩm Xô-viết bị đắm hơn 2 năm trước. Hơn nữa, người Mỹ cũng đã phát hiện ra cơ hội kiếm chác một quả lớn trước khi Liên Xô nhận thức được bản thân việc mất chiếc tàu ngầm. Điều đó đã xảy ra trong bối cảnh sau:

        Ngày 12 tháng 3 năm 1968, chiếc tàu ngầm lớp K- 129 có số hiệu 574 (PL-574) rời căn cứ ở Viễn Đông. Ngày 25 tháng 2 nó đã không đáp lại bức điện vô tuyến kiểm tra do Bộ Tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương gửi cho tàu để kiểm tra kênh liên lạc. Điều đó chưa phải là cơ sở để phỏng đoán kết cục bi thảm của chuyến ra khơi -  liệu có nguyên nhân gì ngăn cản thuyền trưởng tàu PL- 574 bắt liên lạc. Tuy vậy, khi mà 10 ngày sau vẫn chưa thấy tàu báo cáo về việc chiếm lĩnh khu vực tuần tra chiến đấu thì một lực lượng tìm cứu của hạm đội đã lên đường tới vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngay từ đầu, các hoạt động của lực lượng này đã bị Mỹ theo dõi sát sao. Và đây là nguyên nhân.

        Một đêm vắng lặng cuối tháng 2 năm 1968, chiếc vệ tinh do thám của Mỹ đã ghi nhận được một quầng sáng chói trên mặt Thái Bình Dương cách đảo Guam vài trăm kilômét về phía Tây Bắc. Sau khi phân tích các dữ liệu về di chuyển của tàu bè trong vùng này, các nhà phân tích Hải quân Mỹ và CIA kết luận ở đó đã diễn ra một tai nạn - vụ nổ trên một tàu ngầm nước ngoài đang nổi. Mấy tuần sau, giả thiết này đã được khẳng định. Các tàu Liên Xô đã triển khai một chiến dịch tìm kiếm lớn trong khu vực ở gần vị trí xảy ra sự cố. Việc chặn thu liên lạc vô tuyến điện giữa các máy bay và tàu tìm kiếm đã làm lãnh đạo CIA tin chắc Mỹ đang nắm được một bí mật tầm cỡ chiến lược - đó là toạ độ chính xác nơi chiếc tàu ngầm Liên Xô gặp nạn. Theo số liệu của Mỹ, đây là một chiếc tàu ngầm điện - diesel được trang bị các ngư lôi và tên lửa đường đạn hạt nhân.

        Sau khi các hoạt động tìm cứu của Hải quân Liên Xô được giảm bớt, sau đó là chấm dứt hoàn toàn, Hải quân Mỹ đã cử đến khu vực dự kiến tàu ngầm Liên Xô gặp nạn một tàu tìm kiếm siêu hiện đại và siêu mật. Tàu này vào cuối tháng tìm kiếm thứ hai đã phát hiện và chụp cẩn thận chiếc tàu ngầm Liên Xô bị đắm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:50:36 pm »


        Vấn đề trục vớt lên mặt nước chiếc tàu ngầm Liên Xô đã được bàn bạc ở cấp cao nhất Bộ Chi huy Hải quân Mỹ. Vấn đề đó thật đáng bực cho người Mỹ lại không thuần túy thuộc về phương diện kỹ thuật. Phía Liên Xô sẽ phản ứng thế nào với việc này? Nói gì thì nói thì hành động đó là hành động kẻ cướp: không được nước chủ con tàu cho phép, hơn nữa lại bí mật lấy tài sản của họ. Tuy vậy, ở Liên Xô, người ta lại im lặng về việc tàu ngầm đắm và cũng không áp dụng biện pháp nào để trục vớt nó.

        Trước đó, trong bảng thành tích của CIA đã có không ít những chiến dịch thành công nên giám đốc CIA Richard Helms vững dạ hơn và buộc chính phủ Mỹ phải lắng nghe giọng nói của cơ quan tình báo này. Các quan chức cao cấp ở Mỹ vẫn cực kỳ thỏa mãn với số lượng và chất lượng tin tức mà Penkovsky thu thập được. Hắn thực hiện các nhiệm vụ của CIA với sự tận tuy và chuyên cần đến nỗi tại một cuộc gặp bí mật, hắn thậm chí còn nhắc các sĩ quan tình báo chỉ đạo keo kiệt của CIA về việc phải trả công xứng đáng cho hoạt động gián điệp của hắn: “Tôi muốn có tiền cho việc tôi làm. Tôi không cần những của bố thí. Tôi đâu có nói với các ông - đây là một quả tên lửa, còn đây là quả khác, đây là một mật mã, còn đây là cái gì đó nữa. Tôi đã đưa cho các ông tất cả”. Sự thật về vụ bại lộ chiến dịch đường ngầm nghe lén của CIA ở Berlin dư luận Mỹ vẫn còn chưa biết đến. Hơn nữa, kể cả giám đốc của cơ quan tình báo hùng mạnh lúc đó dang ở đầu thời kỳ tột đỉnh về sức mạnh và ảnh hưởng của mình cũng thấy ý tưởng lấy trộm chiếc tàu ngầm Liên Xô là thô bạo. Một trong các vị phó của Helmes nhớ lại khi ông ta trình bày các đề xuất của mình về vấn đề này với Helms. Ồng này chút nữa ném ông ta ra ngoài cửa sổ. sau đó thì nói ông ta bị điên. Khi hơi dịu lại. Helms nói cần bàn bạc ý tưởng này trước hết là với Tổng thống và chỉ khi được ông ấy đồng ý thì mới bắt tay vào thực hiện. Tổng thống Mỹ Nixon không đứng vững trước sự cám dỗ và sức lôi cuốn cá nhân của vị giám đốc CIA nên đã “tán thành” cho tiến hành chiến dịch.

        Vậy Hải quân Mỹ và CIA quan tâm đến điều gì ở chiếc tàu ngầm mới? Trước hết - đó là khoang cơ yếu của nó. Vào khoảng giao thời những năm 1960 và 1970. CIA đã đặt ra mục tiêu xâm nhập vào cơ quan cơ mật nhất của quân đội Liên Xô - cơ quan liên lạc cơ yếu. Nói bằng ngôn ngữ của ngành tình báo vô tuyến điện tử, người ta đã chuẩn bị “bẻ khóa” các mật mã liên lạc vô tuyến điện, cụ thể là của kênh liên lạc “bờ - tàu ngầm”. Lấy được chiếc tàu ngầm Liên xô - có nghĩa là giải quyết nhanh hơn nhiệm vụ nan giải này. Thế là nảy sinh ý tưởng: trục vớt chiếc tàu ngầm từ đáy đại dương, lấy các hệ mật mã của nó và đọc toàn bộ các bức điện mật mã chặn thu được từ trước.

        “Nhưng ăn nhằm gì chứ? - độc giả sẽ phản đối. - Chiếc tàu ngầm khi đó đã đắm. Cứ việc nhai lại những thông tin chặn thu đã lạc hậu, có gì ghê gớm lắm đâu. Bởi lẽ các mật mã chắc là được thay đổi hàng năm”.

        Nhưng người Mỹ là thứ người thực dụng, không muốn tiêu tiền vô ích. Bản chất ý tưởng này là sau khi xác định được các nguyên tắc chính thiết kế các mật mã của cuối thập niên 1960 và đối chiếu chúng với những số liệu chặn thu của thập niên 1970, tiến hành dùng máy tính tìm kiếm xu hướng thiết kế mặt mã mới. Đọc nội dung các bức điện mật mã chặn thu được theo kênh liên lạc “bờ - tàu ngầm” của thập niên 1960 không kém quan trọng, nhưng điều chủ yếu là cố giải mã các bức điện mật liên lạc hiện thời.

        Để tạo vỏ bọc cho chiến dịch. CIA đã quyết định sử dụng một trong những tỷ phú Mỹ ngông cuồng Howard Hughes. Hughes là người quan tâm đến việc khai thác khoáng sản từ đáy đại dương. Vì thế mà việc ông ta cho đóng một con tàu đặc biệt để nghiên cứu dưới nước không khiến người khác để ý. Hughes nhiệt tình thực hiện dự án. Ông ta mát lòng mát dạ với đề nghị này nên thậm chí còn chấp nhận một khoản thù lao nhỏ cho công lao của mình.

        Trong khi việc đóng và thử nghiệm con tàu cướp biển mới đang được tiến hành. CIA đã tích cực sử dụng vô số các kênh của mình để tung tin giả. Đáng lưu ý là chiến dịch tung tin giả quy mô lớn này đã là cú hích cho việc đẩy mạnh phát triển của một loạt các hướng nghiên cứu và kinh doanh liên quan đến việc khai thác khoáng sản từ đáy biển.

        Năm 1972, chiếc tàu Glomar Explorer đã được hạ thủy và thực hiện chuyến đi biển đầu tiên. Để ngụy trang chức năng thật của tàu và đánh lạc hướng chú ý của dư luận dễ gây ra ngờ vực với bất kỳ giả thiết chính thức nào thì thủy thủ đoàn của tàu đã thực sự làm việc tìm kiếm khoáng sản ngoài đại dương trong một thời gian.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:50:51 pm »


        Ngày 20 tháng 6 năm 1974, Glomar Explorer kéo theo một chiếc xà lan đã ra khơi để tiến hành chiến dịch trục vớt chiếc tàu ngầm Liên Xô FL-574 từ đáy biển. Chiếc dịch có mật danh là “Dự án Jennifer” (Project Jennifer). Thủy thủ đoàn chủ yếu là các cựu thủy binh đã quen thuộc với kết cấu tàu ngầm và biết giữ mồm, giữ miệng. Thật là ngạc nhiên với các thủy thủ là trước khi ra khơi khi họ đã phải học một loạt bài học về các phương pháp đo phóng xạ và cấu trúc tàu ngầm diesel. Họ còn thấy khó hiểu hơn khi bắt đầu được dạy kiến thức tiếng Nga cơ bản và dịch các dòng chữ tiếng Nga sang tiếng Anh kiểu như: “Buồng nhân viên cơ yếu”, “Cẩn thận, nguy hiểm phóng xạ!” Sự bối rối đã biến thành sợ hãi khi mà vào cuối khóa học, một chuyên gia luật giải thích cho thủy thủ đoàn nội dung Công ước Geneva về tù binh và những hành động đúng đắn về luật pháp mà thủy thủ đoàn phải làm khi bị một chiến hạm nước ngoài tấn công. Dù sao thì người ta cũng đã trấn an được các thủy thủ bằng cách nói cho họ biết họ có nhiệm vụ khử độc cho một tàu ngầm Liên Xô bị đắm chở trên boong các tên lửa hạt nhân nhằm vào bờ biển phía Tây nước Mỹ và bất cứ lúc nào cũng có thể quét sạch San Francisco và Los Angeles khỏi mặt đất. Thủy thủ đoàn của chiếc tàu ăn cướp này đã ký cam kết không tiết lộ bí mật và chuẩn bị ra khơi.

        Đến giữa tháng 7, Glomar Explorer đã ở vị trí chiếc tàu ngầm bị đắm. Việc trục vớt bắt đầu. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chiến dịch đã xảy ra điều ngoài dự kiến: thân tàu ngầm bị gãy theo đường nứt ở phần sau của khoang trung tâm. Nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu chính - thu lấy khoang chỉ huy thứ hai trong đó có buồng vô tuyến điện và buồng cơ yếu, - nên tàu Glomar Explorer đã mang theo chiến lợi phẩm lên đường về Honolulu.

        Khi nghiên cứu phần tàu PL-574 trục vớt được từ đáy biển, người Mỹ té ngửa ra khi không thấy các quyển mã trong đó. Nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ. Vấn đề là thuyền trưởng tàu PL-574, đại tá hải quân Vladimir Ivanovich Kobzar là một người cao lớn, trong khi các buồng trên các tàu ngầm lại được thiết kế cho người tầm thước, nên Kobzar buộc phải ngủ trên một chiếc đi-văng bằng cách co người và chân lại. Cuối cùng, ông không chịu nổi nên khi tiến hành đại tu tàu, ông đã thỏa thuận với các kỹ sư và bồi dưỡng một ít cho các thợ vỏ tàu để di chuyển buồng cơ yếu vào khoang tên lửa ở đuôi tàu và như vậy đã làm cho buồng ngủ của thuyền trưởng rộng ra.

        Hành động tự tiện của các thợ sửa chữa tàu Liên Xô đã buộc CIA phải trục vớt cả phần đuôi của tàu ngầm PL- 574. Giám đốc mới của CIA William Colby đã đề nghị Tổng thống Mỹ cho phép tiếp tục công việc của “Dự án Jennifer”. Động cơ của việc này vẫn như cũ. Colby cho rằng, Liên Xô vì muốn giảm căng thẳng quốc tế sẽ không biến vụ tàu ngầm thành một vấn đề bất đồng. Nhưng ở đây một lần nữa, sự ngẫu nhiên vĩ đại lại can thiệp vào.

        Nhóm gangster Los Angeles đã nhận được thông tin chỉ điểm: trong két sắt trong văn phòng của tỷ phú Howard Hughes có các tài liệu mà có được chúng sẽ kiếm được khối tiền. Một đêm tối trời tháng 7 năm 1975, bọn cướp bắt đầu chiến dịch đột nhập vào văn phòng. Nhưng kẻ chỉ điểm vụ lợi đã cung cấp thông tin này cho cả một băng nhóm đối địch. Thế là bên cạnh chiếc két mở toang đã nổ ra một cuộc ác chiến cho đến khi nó bị cánh sát ập đến cắt ngang. Đi cùng đến hiện trường cùng cảnh sát còn có các phóng viên. Lợi dụng ưu thế đông người, họ đã đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã gạt băng tất cả - cả người bảo vệ lẫn tài liệu. Điều bí mật với mọi chi tiết thầm kín đã bị lộ toẹt.

        Khi vụ xì-căng-đan bùng lên, tất cả những kẻ cổ vũ cho “Dự án Jennifer” đều rút vội khỏi sân khâu. Tổng thống Nixon thất cử do vụ Watergate đã buộc phải về vườn giám đốc CIA Colby bị miễn nhiệm, còn nhà tỷ phú Howard Hughes bất ngờ chết vì bệnh cúm vớ vẩn. Riêng con tàu Glomar Explorer lại một lần nữa làm người ta biết đến khi lại cướp bóc đối với một hãng Mỹ nào đó đã mua của chính quyền bang California quyền trục vớt từ đáy biển một con tàu Tây Ban Nha chở vàng thỏi. Trong khi hãng này còn chậm rãi tiến hành công việc chuẩn bị thì tàu Glomar Explorer đã sử dụng gầu ngoạm khổng lồ của mình để moi sạch vào ban đêm chiếc tàu Tây Ban Nha cùng mọi thứ nó chở và biến mất. CIA đã phải doạ dẫm hãng bị hại để hãng này không tính chuyện kiện ra tòa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:53:36 pm »


        Từ cửa sổ toalet ở Varsava

        Thất bại với “Dự án Jennifer” không hề làm nguội đi sự hăng hái của CIA, cuộc săn tìm mật mã của Liên Xô vẫn tiếp tục. Tuy vậy, lần này địa điểm tiến hành mà CIA chọn là Moskva.

        Vào một ngày tháng 5 năm 1980, tại Moskva, nhân viên 33 tuổi của Tổng cục 8 - KGB Viktor Sheimov cùng vợ là Olga và đứa con gái nhỏ Elena đã biến mất không dấu vết. Tại KGB, người ta cho rằng, nguyên nhân cả gia đình này sự biến mất chỉ có thể là do một tội ác hình sự dã man. Trên thực tế, gia đình Sheimov đã chạy từ Moskva sang Washington, điều đó phải 10 năm sau người ta mới biết.

        Sheimov chạy trốn cùng vợ, kẻ được biết mọi kế hoạch của hắn, và đứa con gái Elena ra khỏi nhà ra vẻ đi đến nhà nghỉ. Tuy nhiên, thay cho chuyến đi ra ngoại ô, gia đình Sheimov lại đi vào trung tâm Moskva. Tại một vườn hoa nhỏ ở đó, đôi vợ chồng đổi bộ đồ thể thao dễ thấy bằng áo khoác dài quen thuộc, còn đứa bé Elena thì mặc đồ bé trai. Cả gia đình phản bội này đi tàu hỏa đến Uzhgorod. Chờ họ trong một cái vườn nhỏ gần ga xe lửa là một người Ba Lan nhanh nhẹn mà buôn lậu lặt vặt chỉ là vỏ bọc để hắn làm việc cho CIA. Nhờ mấy bao thuốc lá, một cuốn tạp chí khiêu dâm, vài đô la và mấy thứ linh tinh khác, lính biên phòng Liên Xô đã cho bọn chạy trốn đi qua. Không hề có vấn đề gì với lính biên phòng ở phía Tiệp Khắc. Tiếp đó là thành phố Viên ngày chủ nhật, chuyến bay đến New York, chiếc máy bay hai động cơ đến Washington...

        Sheimov bắt đầu tìm cách chạy trốn sang phương Tây cả một năm trời trước chuyến chạy trốn ly kỳ khỏi Moskva, gây chấn động “bởi sự ngu ngốc, phi logic và vô đạo đức ” của hệ thống Xô-viết, điều mà gã đã nói trong cuốn sách xuất bản năm 1993 ở Mỹ với tiêu đề “Chiếc tháp của những bí mật’’. Tưởng chừng như Sheimov không hề có chút hy vọng chạy trốn thành công. Là người được tiếp cận các bí mật của đơn vị liên lạc cơ yếu của KGB, thiếu tá Sheimov luôn nằm dưới sự theo dõi sát sao. Còn chuyện ra nước ngoài với gia đình thì đừng có nói đến. Bởi vậy, để khởi đầu. Sheimov quyết định liên hệ thẳng với người Mỹ sau khi cho họ biết hắn là ai, có giá trị gì đối với CIA. Nhưng ở Moskva, hắn không thể làm gì được, bởi vậy lần tiếp xúc đầu tiên đã diễn ra ở Varsava. Tại đó, trong một rạp chiếu phim, Viktor đã lấy cớ cảm thấy khó ở và chạy vào toalet, để nhân viên của trung tâm tình báo KGB ở Ba Lan đi tháp tùng hắn không rời ngồi lại trong phòng chiếu. Sau khi chui khỏi toalet qua cửa sổ, Sheimov đi taxi đến sứ quán Mỹ. Hắn kịp thương lượng với trưởng trung tâm CIA, hẹn gặp ở Moskva, thỏa thuận quy ước liên lạc và quay về rạp chiếu phim trước khi buổi chiếu kết thúc. Anh đồng nghiệp của Viktor không hề nhận thấy điều gì khả nghi trong hành động của Sheimov.

        Sau khi quay về Moskva, Sheimov bắt đầu làm việc ngay tắp lự. Thỉnh thoảng, hắn lại rời căn hộ của mình đi gặp các liên lạc viên trên các con đường đông người ở thù đô Moskva. Người Mỹ ngạc nhiên với cách chọn địa điểm này nhưng họ phải nhường nhịn gã điệp viên quý giá của mình với câu nói: “Thôi thì nói cho cùng chính anh ta đang mạo hiểm với cần cổ của mình cơ mà”.

        Điều kiện để Sheimov giao cho CIA những bí mật liên lạc cơ yếu mà hắn biết là phải đưa sang Mỹ và cấp quốc tịch Mỹ cho gia đình hắn. Về khoản tiền người Mỹ trả cho hoạt động gián điệp của mình, Sheimov không hề nói đến trong cuốn “Chiếc tháp của những bí mật”. Tuy vậy, ta phải hiểu rằng chỉ mỗi cái quyền tự hào được gọi mình là công dân đầy đủ của một nước dù đó là nước Mỹ giàu có cũng là không đủ cho hạnh phúc gia đình.

        Còn đây là nhận xét về cựu nhân viên Sheimov của mình mà Tổng cục trưởng Tống cục 8, KGB N.N Andreyev nêu ra trong buổi phóng vấn báo chí 10 năm sau khi hắn chạy trốn sang phương Tây: “Trong các sách báo về Sheimov có nói hắn đã có đóng góp lớn cho tình báo vô tuyến điện tử của Mỹ; hắn được tiếp cận những bí mật quan trọng nhất của KGB và thậm chí đã tham gia soạn thảo báo cáo cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng ở đây không phải tất cả đều đúng sự thật. Cần phải phân biệt rõ thật giả. Một là không một nhân viên thường nào nắm được toàn bộ thông tin của chúng tôi. Mà Sheimov chính là một nhân viên thường, chỉ được tiếp cận một phạm vi tài liệu công vụ rất hạn chế. Một thời gian ngắn, hắn làm công tác bảo dưỡng phương tiện kỹ thuật cơ yếu, còn sau đó bị điều sang đơn vị làm nhiệm vụ xây lắp tại các cơ quan Liên Xô ở nước ngoài. Nhân đây, cũng phải nói rằng, ngay sau khi hắn biến mất, chúng tôi đã quan tâm đến vấn đề an toàn cho các vị trí mà Sheimov đã đến. Sai lầm là ở chỗ khác: chúng tôi đã không nhìn ra thực chất của con người này. Hắn lừa dối cả chúng tôi, cả những ông chủ mới của hắn: chẳng hạn, Sheimov không thể được huy động vào việc soạn thảo các báo cáo cho Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô đơn giản là vì việc chuẩn bị những tài liệu đó không nằm trong nhiệm vụ của cơ quan chúng tỏi. Nhưng dù sao thì theo tôi, sự phản bội của V. Sheimov đã phủ bóng đen nhất định lên các nhân viên của Tổng cục 8. Mà những con người này, hãy tin tôi, họ tuy còn trẻ, nhưng trung thực và thanh liêm. Trước Sheimov, các cơ quan tình báo nước ngoài cũng đã cố mồi chài, dụ dỗ, lôi kéo các nhân viên cơ yếu của chúng tôi. Nhưng gần đây, những mưu toan đó tăng lên. Chẳng hạn, các nhân viên cơ yếu của chúng tôi ở Mỹ, trên đường từ cửa hàng trong
thành phố quay về nhà, đã phát hiện ra trong túi những phong bì chứa lời mời phản bội và khoản ứng trước cho sự đồng ý là một viên kim cương”.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:54:35 pm »


        Bí mật của chuyến bay 007

        Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Hàn Quốc KAL thực hiện chuyến bay 007 từ New York đến Seoul bắt đầu chuyến bay ngày 1 tháng 9 năm 1983 vào lúc 4 giờ 05 phút - giờ Greenwich. Lúc 11 giờ 30 phút, nó kết thúc chặng đầu của hành trình sau khi hạ cánh xuống đường băng ở Anchorage, Alaska. Nó sẽ phải cất cánh từ đây bay đi Seoul sau gần 1 giờ, bởi vậy các hành khách được đề nghị nghỉ trong nhà ga sân bay, nơi họ sẽ hòa lẫn với những người bay từ Los Angeles đi Seoul theo chuyến bay 015 của cùng hãng hàng không Hàn Quốc này.

        Tại Anchorage, phi hành đoàn chuyến bay 007 đã bị thay thế toàn bộ. Các thợ cơ khí đã kiểm tra máy vô tuyến điện và hai chiếc la bàn trên chiếc Boeing. Họ phát hiện ra một la bàn bị trục trặc nhưng không sửa chữa nó mà để tới Seoul, vì chiếc thứ hai làm việc bình thường, hơn nữa ngoài các la bàn, trên máy bay còn có bốn hệ thống dẫn đường độc lập hoạt động tốt nữa. Chiếc máy bay còn hạn sử dụng dài và mới ba tuần trước nó đã được bảo dưỡng và kiểm tra kỹ thuật. Cơ trường là Choon Boon Soon, đại tá không quân dự bị, một trong những phi công giỏi nhất Hàn Quốc.

        Choon Boon Soon cũng rất nổi bật với ngay cả các phi công của KAL. Với tư cách một phi công không quân, anh ta nổi tiếng là một người hung hăng, sẵn sàng mạo hiểm và không chấp nhận thỏa hiệp. Anh ta được coi là át chủ bài và đã tham gia nhiều cuộc diễu binh. Đó không đơn thuần là kẻ bạt mạng mà anh ta còn từng bay hơn 10.000 giờ và giỏi điện tử đến mức có biệt danh “Người-máy tính”. Anh ta đã bay 5 năm trên tuyến bay Anchorage-Seoul. Phi công thứ hai là trung tá phi công dự bị không quân Son Don Win, cũng là một phi công có hạng.

        Trên chuyến bay 007, hành khách khá ít. Thường thì số lượng hành khách lên tới 350, nhưng lần này chỉ có 240 người. Phi hành đoàn, trái lại, lại đông khác thường. Trong các chuyến bay khác, máy bay chỉ có đội ngũ phục vụ không quá 18 người, còn lần này là 29.

        Nhưng điều đó có vẻ chả có mấy ý nghĩa so với điều diễn ra khi tiếp nhiên liệu cho máy bay. Các tài liệu lưu trữ cho thấy: máy bay được nạp nhiều hơn 5 tấn nhiên liệu so với tính toán của máy tính với tải trọng đó, tốc độ, gió, nhiệt độ và với lượng dự phòng khẩn cấp, điều này đã được máy in của máy bay in ra trong kế hoạch chuyến bay. Các phi công không bao giờ điều chỉnh các số liệu đó. Nhưng lần này, cơ trưởng Choon đã bỏ qua tính toán của máy tính. Tăng trọng lượng máy bay bằng nhiên liệu khi không cần thiết là một sai lầm nghiêm trọng và điều đó hoàn toàn trái với uy tín của Choon.

        Choon phải đưa chiếc Boeing của mình lên trời vào lúc 12 giờ 20 và bay theo hành trình Romeo-20. Trên thực tế máy bay đã cất cánh muộn 40 phút. Trước đó, tổ lái bận lập trình cho hệ thống dẫn đường quán tính.

        Hệ thống dẫn đường quán tính là một kỳ quan của kỹ thuật điện tử hiện đại. Nó gồm có ba máy tính và kể cá khi hai trong số đó bị hỏng thì hệ thống vẫn làm việc và dẫn máy bay với độ chính xác rất cao (sai số là không quá 1 dặm trên 5000 dậm hành trình). Để tránh sai sót của con người khi lập trình, chương trình nạp vào máy tính được ghi trong các băng cassette và được đóng gói cùng kế hoạch chuyến bay. Nhưng sau đó, nhất thiết phải có quy trình kiểm tra khi kỹ sư trên không cho “chạy” băng cassette trên máy tính của mình, còn các phi công thứ nhất và thứ hai cùng theo dõi sự phù hợp các số liệu với kế hoạch bay. Tất cả điều đó đã được thực hiện.

        Các phi công cho rằng, hệ thống dẫn đường quán tính thực tế không hề sai sót. Nhưng ngoài hệ này, trên khoang chiếc Boeing còn có các phương tiện dẫn dường khác, như thiết bị vô tuyến để bám theo các mốc vô tuyến trên mặt đất. Hơn nữa, tố lái có thể sử dụng mốc tại trạm Bethel ở phía Tây Nam Anchorage.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:54:56 pm »


        007 bất đầu chệch khỏi đường bay ngay sau khi cất cánh. Đài điều hành không lưu của sân bay Anchorage đã nhận thấy trên nửa đường tới đích, chuyến bay 007 đã lệch đường bay 6 dặm về phía Bắc. Nhưng điều đó không hề làm tổ lái băn khoăn - thời gian để hiệu chỉnh còn khối. 50 phút sau khi cất cánh, 007 thông báo qua vô tuyến điện rằng máy bay đã bay qua Bethel. Nhưng theo các băng ghi của radar quân sự của Mỹ tại King-Salmon, máy bay trên thực tế đã bay chệch về phía Bắc hơn chục dặm.

        Vấn đề này rất quan trọng về một số góc độ. Mặc dù, máy bay đã thay đổi hướng bay mấy lần, nhưng hướng bay mà nó chọn tại điểm Bethel đã đưa máy bay bay sâu vào lãnh thổ Liên Xô, vào vùng mà trên bản dồ dẫn đường của Choon được khoanh bằng một đường xanh đậm với dòng chữ: “Chú ý! Máy bay đang tiếp cận khu vực có thể bị bắn mà không cần cảnh cáo”. Máy bay không thể ở điểm Bethel nếu như tổ lái lái máy bay theo hành trình Romeo-20. Hệ thống dẫn dường quán tính lẽ ra đã dẫn máy bay tới điểm kiểm tra. Máy lái tự động nhằm hướng mốc vô tuyến Bethel lẽ ra cũng làm điều tương tự. Nếu như cả hệ thống dẫn đường quán tính lẫn máy lái tự động đều không làm việc thì khi bay qua điểm này bắt buộc cơ trưởng phải kiểm tra các máy móc dẫn đường.

        Hơn nữa, la bàn nam châm thông thường trong buồng lái (độc lập với các hệ thống còn lại) cho thấy sai lệch so với dường bay và khi chuyến bay tiếp tục đã cho thấy rõ hơn nhiều sai lệch đó. Dường như 007 đã bị lệch đường bay ở Bethel - có nghĩa là phải tin rằng, cơ trưởng và tổ lái có lỗi về sự cẩu thả và lơ đễnh siêu nhiên. Bởi vậy, những giải thích có thể cho điều xảy ra là rất hạn chế.

        Hoặc là cả hệ thống dẫn đường quán tính, cả máy lái tự động đều bị hỏng, còn phi hành đoàn thì không trông thấy đèn vàng chớp nháy trên bảng đồng hồ báo hiệu điều đó. Thêm nữa, tổ lái chắc đã không chú ý quan sát la bàn và radar thể hiện một đường bờ biển hoàn toàn khác của Alaska so với đường bờ biển mà máy bay phải bay qua.

        Hoặc là một chương trình bay giả đã được nạp vào hệ thống dẫn đường quán tính của máy bay Anchorage để máy bay bay vào lãnh thổ Liên Xô, điều không thể làm mà tổ lái không biết, nhất là khi tính đến yếu tố chính họ đã cung cấp thông tin giả về việc mình bay qua trên Bethel.

        007 ngày càng chệch xa đường bay Romeo-20 và không chỉ có một máy bay này trên tuyến bay này. Vào hồi 13 giờ 14 phút, theo sau nó là chuyến bay 015 khởi hành từ Anchorage. Ở đây cũng đã diễn ra những chuyện lạ thường. Nếu như 007 bay theo đường bay thì 015 đã đuổi kịp nó. 015 bay qua điểm kiểm soát tiếp theo sau Bethel trước thời gian đã định gần 9 phút. Viên phi công Mỹ lão luyện Robert Elladyes cho rằng, tốc độ của máy bay cao hơn nhiều so với tốc độ được phép. Mặt khác chuyến bay 007 lại bay chậm lại và bằng cách đó mà trên một phần đáng kể hành trình cả hai máy bay này đã bay gần nhau theo đường song song.

        Đó là một yếu tố quan trọng, còn đây là nguyên nhân của nó. Trong khi 007 bay ngày càng lệch đường bay, nó cũng ra khỏi vùng hoạt động của đài vô tuyến điện của sân bay Anchorage, nhưng liên tục nằm trong tầm hoạt động của máy thu phát vô tuyến điện trên máy bay 015 và như vậy là có thể sử dụng 015 làm điểm liên lạc trung gian. Điều đó cũng dẫn đến một điều bất hợp lý nữa. Những thông số tốc độ gió mà 007 chuyến qua 015 về Anchorage rất khác với các thông số của bản thân máy bay 015. Mà theo các thông số được cung cấp về vị trí của 007 thì nó chỉ bay phía trước mấy phút.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2021, 03:55:15 pm »


        007 phải đi qua điểm kiểm soát tiếp theo trên biển vào lúc 14 giờ 30 phút và thông báo điều này về Anchorage. Qua 4 phút sau thời điểm đã định mà điều này vẫn không được thực hiện và đây là cớ để người ta phát lệnh báo động. Anchorage cố tìm 007 qua các đài vô tuyến điện của quần đảo Aleutian, nhưng vào lúc đó 015 báo cáo 007 đã yên lành vượt qua điểm kiểm soát. Anchorage đã chuyển tin cho Choon là tại điểm kiểm soát tiếp theo giữa quần đảo Aleutian và quần đảo Commander, anh ta phải thông báo vị trí của mình. Điều đó đã không được thực hiện. Thay vào đó, thông báo một lần nữa lại được chuyển qua máy bay 015. Đó là chuyện lạ nhưng các điều phái viên không hề phát lệnh báo động. Đến lúc đó, 007 đã cách vị trí mà máy bay này xác nhận là vị trí hiện tại của mình với các điều phái viên qua máy bay 015 là 150 dặm về phía Bắc. Các radar của máy bay 007 (có hai chiếc) lẽ ra phải cho các phi công thấy các đường nét của Kamchatka nằm cách đó vẻn vẹn 110 dặm. Đến lúc đó trên các màn hình radar cũng phải có bóng dáng của chiếc máy bay do thám Mỹ RC-135.

        Sự xuất hiện của chiếc RC-135 lẽ ra đã làm tổ lái 007 thận trọng nếu như nguyên nhân máy bay của họ thay đổi đường bay là để tiết kiệm nhiên liệu như phỏng đoán. Trong trường hợp này, họ phải tránh ánh mắt của người ngoài. Sẽ là một chuyện khác nếu cuộc hẹn trên không của chiếc Boeing với chiếc máy bay do thám RC-135 kia đã được lên kế hoạch trước. Và các chuyên gia phòng không đang theo dõi chuyển động của các máy bay trên các màn hình radar của mình chỉ có thể giải thích cho mình như vậy. Cả hai chiếc máy bay tiến nhanh về bờ biển Kamchatka. Chiếc 007 và RC-135 gặp nhau ở phía Bắc quần đảo Comandor. Để điều đó diễn ra, máy bay 007 lại một lần nữa thay đổi đột biến đường bay và rõ ràng là phi công làm điều đó hoàn toàn có ý thức.

        Các hành khách trên khoang không hề mảy may nghĩ về hiểm hoạ mà họ đang phải chịu. Một số người đang xem phim video trên máy bay, số còn lại đang ngủ.

        Tín hiệu của máy bay 007 xuất hiện trên các radar của bộ đội phòng không Liên Xô vào lúc 15 giờ 51 phút và trùng với tín hiệu của máy bay Mỹ RC-135 vào lúc 16 giờ 01 phút. Chúng bay gần nhau cho đến 16 giờ 11 phút, sau đó một chiếc rẽ về hướng Alaska, chiếc kia bay tiếp về hướng Kamchatka. Những người theo dõi chuyến bay trên màn hình radar lúc đó không thể khẳng định chiếc máy bay nào tiếp tục bay về hướng biên giới Liên Xô. Vào lúc 16 giờ 30, máy bay 007 vượt bờ biển Kamchatka.

        Liên Xô hạ lệnh cho các máy bay đánh chặn của mình cất cánh lúc 16 giờ 32 phút - 2 phút sau khi máy bay 007 xâm nhập không phận Kamchatka - và ngừng chuyến bay đánh chặn vào lúc 17 giờ 08 phút khi không phận Kamchatka đã sạch bóng kẻ vi phạm.

        Có những cách giải thích khác nhau về việc không thể đánh chặn được chiếc Boeing trên Kamchatka: người thì nghĩ là bộ đội phòng không Liên Xô không ở trạng thái sẵn sàng; người khác thì cho rằng, rõ ràng nhiễu điện tử mà Mỹ gây ra đối với các radar và phương tiện liên lạc của Liên Xô đã cản trở việc này.

        Dù sao chăng nữa thì sau khi ở trong không phận Kamchatka của Liên Xô gần 38 phút, chiếc Boeing bay về phía biển Okhot, về hướng Sakhalin. Rõ ràng phòng không Liên Xô lúc này đã cảnh giác. Quả thực khi chiếc máy bay tiếp cận Sakhalin, các máy bay đánh chặn đã cất cánh và chiếc máy bay khách phải bay cùng với một đội hộ tống hùng hậu. Đồng thời, các máy bay bay kèm đã nhiều lần tìm cách liên lạc với chiếc Boeing trên tần số khẩn cấp quốc tế. Các máy bay tiêm kích Liên Xô bay bám đuôi chiếc Boeing biết rằng, chúng chỉ còn 10 phút để buộc chiếc Boeing hạ cánh hoặc bắn hạ nếu không làm được điều đó. Và nếu phải áp dụng biện pháp đau buồn này thì điều đó chỉ được thực hiện vào giây phút cuối cùng để không cho kẻ vi phạm chạy thoát. Đó là những phút giây cực kỳ căng thẳng.

        Viên phi công Liên Xô sau này đã kể lại về những khoảnh khắc này trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Thực tế, máy bay bay ngay trên căn cứ của chúng tôi. Tôi bay gần chiếc máy bay và chỉ cho nó các đèn bên sườn của máy bay mình. Hiển nhiên là họ phải thấy chúng. Sau đó tôi bắn bốn loạt đạn vạch đường trước mũi chiếc Boeing. Ở xa nhiều kilômét cũng thấy rõ chúng và tất nhiên là họ cũng phải nhìn thấy chúng. Tôi cũng đã chao cánh. Họ phải nhìn thấy các đèn hiệu và cánh máy bay được chiếu sáng Lúc đó Choon thực hiện một động tác cơ động làm cho phía Liên Xô càng thêm nghi ngờ. Bỏ lại chiếc máy bay bên dưới, đồng thời tăng tốc, anh ta sau đó bắt đầu lấy độ cao đột ngột. Chiếc máy bay đánh chặn Liên Xô lập tức phản ứng. Vào lúc 18 giờ 26 phút 20 giây, phi công lái máy bay này báo cáo: “Các tên lứa đã phóng”, và 2 giây sau: “Mục tiêu đã bị diệt”. Tất cả đã kết thúc. Chiếc máy bay Boeing rơi xuống biển ở vùng đảo Monneron.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM