Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:09:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo vô tuyến điện tử  (Đọc 6642 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2021, 04:29:32 pm »


        Bí mật của căn phòng số 1649

        Ngay từ thập niên 1920, tại căn phòng số 1649 của toà nhà Bộ Hải quân Mỹ ở Washington, các chuyên gia mã thám đã tiến hành giải phá các loại mật mã ngoại giao và hải quân sơ đẳng của Nhật. Trong số nhân viên cơ quan mã thám của Hải quân Mỹ có tên gọi OP-20-G lúc đó đã có 50 sĩ quan biết tiếng Nhật sau các khóa học tiếng ba năm. Bởi vậy, yêu cầu tăng cường hoạt động chống Nhật không hề làm họ ngạc nhiên.

        Trong cơ cấu chính thức của Hải quân Mỹ, OP-20-G có nghĩa là Ban G thuộc Phòng 20 của Bộ Tham mưu Hải quân Mỹ. Phòng 20 làm nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc hải quân, còn Ban G của nó được gọi là ban “bảo đảm an ninh thông tin liên lạc”. Cái tên đó che đậy định hướng mã thám trong hoạt động của Ban G.

        Nhiệm vụ hàng đầu của OP-20-G cũng như của Cục Mã thám Lục quân là tiếp cận điện mã của nước ngoài. Tại Mỹ vào thời bình thì làm việc đó không phái là dễ.

        Năm 1912. nhiều nước, kể cả Mỹ, đã ký cái gọi là “Định ước về liên lạc vô tuyến điện”. Theo đó, “không một ai làm việc tại trạm truyền tin hoặc người nào biết công việc của trạm được tiết lộ nội dung các bức điện được gửi qua trạm này cho bất kỳ ai, trừ người được nhận tin đó hoặc người nhân viên của trạm đóng vai trò mắt xích trung chuyển trên đường tới người nhận hoặc toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

        Trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Mỹ, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra một trường hợp các chuyên gia mã thám quân đội được phép chặn thu chính thức theo quyết định của “cơ quan thẩm quyền nhà nước” là quốc hội Mỹ. Năm 1924, phái bộ thương mại Liên Xô mở văn phòng ở New York. Phái bộ này hoạt động vào thời kỳ giữa Mỹ và Liên Xô chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, bởi vậy trên thực tế, nó đồng thời đóng vai trò thương vụ và sứ quán. Tại Quốc hội Mỹ. người ta cho rằng, công ty cổ phần Xô - Mỹ Amtorg còn làm nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tình báo Liên Xô ở Mỹ. Điện tín liên lạc của Amtorg với Moskva tất nhiên là được mã hóa và hệ mã được sử dụng đã bảo vệ tin cậy các nội dung trao đổi này. Cuối thập niên 1920, Mỹ quyết định phải bằng tình báo vô tuyến điện tử để lấy cho được bằng chứng văn bản cho những nghi ngờ của Quốc hội. Năm 1930, Fisch, chủ tịch ủy ban điều tra hoạt động cộng sản ở Mỹ thuộc Quốc hội Mỹ, với cớ muốn có thông tin đầy đủ hơn về hoạt động này, đã lấy từ kho lưu trữ gần ba ngàn bức điện mã của Amtorg. Các chuyên gia mã thám Hái quân Mỹ đã nhận được các bức điện này và họ đã báo cáo rằng, mật mã mà Amtorg sử dụng quá khó nên họ không đủ kiến thức để giải phá. Lúc đó, Fisch liền chuyển các điện mã tới Bộ Chiến tranh. Hai năm sau, trong phiên họp quốc hội, ông ta than phiền: “Không một chuyên gia nào có thể trong vòng 6-12 tháng đọc được một trong các bức điện mã này dù họ đã cam đoan với tôi là sẽ phá giải được mật mã này”.

        Ngoài ‘‘Định ước về liên lạc vô tuyến điện”, từ năm 1934, có hiệu lực ở Mỹ còn có một chương trong luật về các phương tiện liên lạc liên bang. Nó cấm nghe lén các cuộc gọi diện thoại và chặn thu điện tín liên lạc giữa các quốc gia và các cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở Mỹ. Tướng Craig, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ năm 1937- 1939, đã yêu cầu các thuộc cấp của ông chấp hành nghiêm chỉnh luật này, điều đó đã gây trở ngại lớn cho việc tổ chức chặn thu các bức điện ngoại giao của Nhật gửi đến Mỹ hay từ Mỹ gửi đi. Nhưng do nhu cầu bức xúc bảo đảm an ninh quốc gia trước nguy cơ ngày càng gia tăng từ phía Nhật, thái độ của Mỹ đối với vấn đề này đã thay đổi. Thêm vào đó, vào năm 1939, George Catlett Marshall (1880-1959) đã thay thế Craig. Ông ta cho rằng, luật liên bang về các phương tiện liên lạc chỉ là một chuyện rầy rà pháp lý. Kết quả là các cơ quan mã thám Mỹ bắt đầu đẩy nhanh chương trình tổ chức chặn thu điện tín  ngoại giao nước ngoài.

        Công tác bảo mật nghiêm ngặt khi tiến hành chương trình này đã giúp các cơ quan mã thám Mỹ khỏi bị lộ. Mục tiêu chặn thu chính là liên lạc vô tuyến điện bởi vì các công ty điện báo Mỹ vốn nắm rất vững các hạn chế luật pháp nên thường từ chối cung cấp các bức điện báo cho các chuyên gia mã thám Mỹ. Do đó, đại đa số các bức điện chặn thu được là các bức điện vô tuyến. Số điện còn lại là các bức điện báo và bản sao của chúng do một vài công ty đồng ý cộng tác gửi đến. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn, cơ quan chặn thu Mỹ đã hoạt động rất hiệu quả và chỉ “để lọt” một số tương đối ít điện tín. Ví dụ trong số hơn 200 bức điện vô tuyến của Nhật gửi từ Washington về Tokyo và từ Tokyo đến Washington trong thời gian đàm phán Mỹ - Nhật năm 1941, họ chỉ không chặn thu được bốn bức điện. Dòng sông điện mã đã nhanh chóng tràn ngập OP-20-G và Cục Mã thám Lục quân: số chuyên gia mã thám ít ỏi đã không thể ứng phó nổi với lượng tin tức chặn thu lớn đến thế. Vì vậy có hai cách để khắc phục những khó khăn phát sinh.

        Cách thứ nhất - giảm bớt việc làm trùng lạp. Ban đầu, hai cơ quan mã thám cùng làm việc dọc tất cả các bức điện mã ngoại giao của Nhật. Nhưng khoảng một năm trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, người ta đã quyết định các chuyên gia mã thám hải quân sẽ đọc các bức điện gửi từ Tokyo đến Washington vào những ngày lẻ, còn điện gửi vào những ngày chẵn sẽ do các chuyên gia mã thám lục quân đọc. Mỗi cơ quan vẫn nhận được từ các trạm chặn thu của mình tất cả các bức điện mã, sau đó thì phân loại chúng và giữ lại cho mình phần được quy định.

        Cách thứ hai - tập trung nỗ lực trên những hướng quan trọng nhất. Nhưng làm thế nào để xác định được những điện mã nào là quan trọng nhất một khi chưa đọc được chúng? Rất đơn giản. Tất cả các bức điện không được phép mã bằng một bộ mã vì một số lớn các bức điện sẽ có thể giúp các chuyên gia mã thám đối phương nhanh chóng giải phá được hệ mã đó. Bởi vậy, đa số các nước (không loại trừ cả Nhật Bản), đều đồng thời sử dụng nhiều hệ mã. Những hệ mã vững chắc nhất trong số đó được dùng để mã những tin tức quan trọng nhất. Các chuyên gia mã thám Mỹ đã chia tất cả các hệ mã Nhật ra làm bốn loại tương ứng với độ khó giải phá. Các bức điện mã được đọc tùy theo thuộc tính tương ứng với bốn loại mật mã này.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2021, 04:30:07 pm »


        Các loại mật mã Orange, Red và Purple

        Đến năm 1938, các bức điện ngoại giao mật nhất của Nhật được mã bằng hệ mã mà các chuyên gia mã thám Mỹ gọi là mã “màu vàng da cam” (Orange) - trong các tài liệu chính thức, các kế hoạch quân sự và trong thư tín trao đổi riêng của các sĩ quan cao cấp, nước Nhật được gọi như vậy. Khi xuất hiện các hệ mã hoàn thiện hơn dùng để bảo mật các điện tín quan trọng nhất của Bộ Ngoại giao Nhật, chúng được đặt quy ước theo màu dậm hơn: ban đầu là “màu đỏ” (Red), sau đó là “màu huyết dụ” (Purple).

        Những thành công đối với mã Red và các hệ mã kém vững chắc hơn đã cho phép người Mỹ nghiên cứu những tập hợp từ hay dùng nhất và phong cách viết thư tín liên lạc ngoại giao của Nhật. Họ đã có thể phỏng đoán những từ nào sẽ được sử dụng để soạn các bức điện. Những câu mở đầu và kết thúc của các bức điện như “Rất vinh hạnh được thông báo với quý ngài” hay “Phúc đáp bức điện của ngài” là những chỗ dựa chính.

        Các bài báo cung cấp thêm thông tin về nội dung có thể của các bức điện mã chặn thu được của Nhật.

        Bộ Ngoại giao Nhật thường gửi cùng một điện văn bằng điện báo đến mấy sứ quán của mình mà không phải sứ quán nào trong số này cũng có máy mã Purple. Nhân viên cơ yếu Nhật do sơ suất có thể gửi bức điện được mã trên máy Purple đến sứ quán còn chưa được trang bị máy mã này. Dĩ nhiên là sứ quán đó sẽ yêu cầu gửi lại bức điện mã đó. Khi sực nhớ ra. nhân viên cơ yếu liền tìm cách sửa lỗi lầm. Anh ta lại gửi bức điện đó được mã bằng hệ mã kiểu cũ có trong tay sứ quán này vốn đã bị Mỹ giải phá. Sự hiện diện đồng thời của cả bản rõ và bản mã giúp người Mỹ dễ dàng hơn nhiều trong việc giải phá mã Purple.

        Bởi thế mà đến tháng 8 năm 1940, các chuyên gia Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã tái thiết kế được một máy mã Purple và chế tạo một số máy khác. Máy đầu tiên họ để lại dùng, máy thứ hai gửi cho các đồng nghiệp của Hải quân, máy thứ ba gửi cho người Anh, còn máy thứ tư để dự phòng. Một tình huống oái oăm đã nảy sinh : người Mỹ đọc được các bức điện quan trọng nhất của Nhật nhanh và dễ hơn nhiều so với các bức điện kém bí mật hơn của Nhật. Họ cũng học được rất nhanh cách giải phá các hệ mã hai bậc. trong đó máy mã Purple đóng vai trò như phương tiện mã lặp các bức điện đã mã sơ bộ.

        Say sưa với thắng lợi

        Các chỉ huy cơ quan tình báo Lục quân và Hải quân Mỹ đã có một thỏa thuận đặc biệt quy định những người được nhận tin Magic. 10 người được liệt kê trong danh sách này là bộ phận tinh hoa của bộ máy nhà nước Mỹ thời đó: Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng chiến tranh, Tham mưu trưởng Lục quân, Tham mưu trưởng Hải quân, các cục trưởng kế hoạch tác chiến của các bộ Tham mưu Lục quân và Hải quân. Trên thực tế, còn có nhiều người nữa được biết nội dung các bức điện giải mã của Nhật như các cục trưởng thông tin liên lạc của các bộ Tham mưu Lục quân và Hải quân nắm giữ các cơ quan mã thám quân sự thuộc quyền, bản thân các chuyên gia mã thám và phiên dịch viên của các cơ quan này, cũng như những người ngoài không nằm trong danh sách người nhận và không tham gia vào việc thu nhận thông tin. Giao thông viên chuyên đưa các bức điện giải mã đến cho các quan chức cao cấp tất nhiên là không thể lúc nào cũng đứng sau lưng họ khi họ đọc bản rõ của các bức điện mã. Cặp đựng các bức điện Magic nói chung đều được để lại một đêm tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hậu quả của việc không chấp hành đầy đủ yêu cầu an toàn đã nhanh chóng xuất hiện.

        Ban đầu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mất một bản ghi nhớ có thông tin thu được từ Magic. Sau đó, trong sọt rác của viên sĩ quan tùy tùng của tổng thống Mỹ đột nhiên tìm thấy một bản ghi nhớ Magic khác. Tại Boston, các nhân viên FBI đã bắt giữ một người định bán thông tin mã thám có liên quan đến Magic.

        Một chuyện không thể sửa chữa suýt nữa đã xảy ra vào mùa xuân năm 1941. Hiroshi Oshima, đại sứ Nhật ở Đức, ngày 3 tháng 5 đã gửi về Tokyo một bức điện thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đang có khóa mã của hệ mã Nhật. Các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải mã các bức điện gửi từ Tokyo cho đại sứ Nomura ở Washington liên quan đến các báo cáo mà đại sứ Oshima từ Berlin gửi về Tokyo. Thông tin này Oshima nhận được từ Bộ Ngoại giao Đức, sau khi nó được tham tán sứ quán Đức ở Washington gửi về qua điện báo.

        Trả lời yêu cầu sau đó của Tokyo, Nomura đã nói: bất chấp “các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhất được tất cả những người nắm giữ các mật mã, áp dụng Mỹ đã giải phá được một vài loại mã của chúng ta, mặc dù chưa biết đích xác cụ thể là những loại nào”. Việc thay đổi mật mã xem chừng không tránh khỏi.

        Tuy vậy, tính sĩ diện đã không cho phép người Nhật thừa nhận sự yếu kém của các loại mã vững chắc nhất của họ. Họ không tin những đồn đại về việc Mỹ đã giải phá được chúng. Họ đã không thay thế các hệ mã. Và nếu như các sự kiện này không dạy cho người Nhật mấy thì người Mỹ, sau khi suýt mất một nguồn tin quý giá nhất, liền áp dụng ngay các biện pháp hiệu quả nhằm giảm phạm vi đối tượng được biết nội dung điện mã của Nhật và kiểm soát việc lưu hành chúng trong giới quan chức cao cấp nhất của bộ máy nhà nước Mỹ.

        Nhưng điều khiến các chuyên gia mã thám quân đội Mỹ đau đầu không chỉ có thái độ cẩu thả của giới lãnh đạo Mỹ đối với việc báo mật nguồn tin quý giá này. Họ buộc phải theo dõi sát để báo cáo kịp thời nội dung bức điện mã nào đó cho người quan tâm. Các nhà lãnh đạo các cơ quan mã thám luôn lo sợ nảy sinh tình huống như Tham mưu trưởng Lục quân muốn thảo luận tin tức thu được từ nguồn Magic với Tham mưu trưởng Hải quân khi mà ông này vẫn chưa nhận được chúng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2021, 04:30:46 pm »


        Lau bụi cho các máy mã không phải là việc của các võ sĩ đạo Nhật Bản

        Trong khi Bộ Ngoại giao Nhật phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa gắt gao nhất và các chuyên gia mã thám Mỹ bị vắt kiệt sức bởi công việc nhức đầu nhức óc để giải phá hệ mã Purple thì ở sứ quán Nhật tại Mỹ lại xảy ra một tình huống tức cười: một công dân Mỹ đang tửng từng tưng dùng giẻ lau bụi trên những chiếc bàn đặt các cỗ máy tinh vi vốn là đối tượng cứa cuộc chiến thầm lặng này. Cuối thập niên 1930, trong một hành động gây tổn hại đến an ninh của chính mình, sứ quán Nhật ở Washington đã thuê một người da đen luống tuổi tên là Robert vào làm việc. Trong phạm vi chức trách của người này có việc lau bụi ở các bàn và máy móc liên lạc tuyệt mật trong phòng cơ yếu. Các nhân viên cơ yếu, ở mức độ nào đó, cũng nhớ đến các quy tắc an ninh nên không cho phép người quét dọn ở một mình trong phòng. Nhưng người Nhật rõ ràng đã không suy nghĩ nghiêm túc về khả nàng Robert là gián điệp. Còn người Mỹ thì lại không tính đến chuyện cài cắm điệp viên vào sứ quán Nhật. Bởi lẽ, phát giác ra một gián điệp ở đó cũng có nghĩa là phía Nhật tất yếu sẽ thay đổi mật mã, tuy rằng chúng dù có khó nhưng vẫn bị giải phá.

        Tuy vậy, sẽ là không đúng nếu cho rằng, Mỹ hoàn toàn bỏ qua khả năng mã thám ứng dụng vì lo ngại nó sẽ xoá sạch những thành công trong việc đọc điện mã nước ngoài có được nhờ các nghiên cứu lý thuyết. Ví dụ, ở Lisbon, người ta đã lấy được ở chỗ vị tùy viên Nhật bản sao các bức điện được mã bằng loại mã sơ đẳng. Các bản sao này được lấy từ sọt rác. Sau điệp vụ ở Lisbon, cường độ liên lạc vô tuyến có sử dụng mật mã này không giảm nên người Mỹ nghĩ rằng, Nhật vẫn chưa bị phát hiện các tài liệu này bị mất.

        Đến mùa thu năm 1941, nhu cầu đối với các bức điện Magic còn bức xúc hơn nữa ở cấp lãnh đạo cao cấp nước Mỹ. Chúng đã biến thành một yếu tố quan trọng sống còn để hoạch định chính sách quốc gia. Các quan chức cao cấp đã thảo luận các bức điện này tại các cuộc họp và căn cứ vào chúng để đưa ra các quyết định, biện pháp. Chẳng hạn, quyết định thành lập Bộ Chỉ huy quân Mỹ tại Viễn Đông đã ra đời trực tiếp do ảnh hưởng của các bức điện giải mã vào đầu năm 1941, trong đó nước Đức hối thúc Nhật Bản tấn công các thuộc địa của Anh ở châu Á với hy vọng bằng cách đó để lôi kéo Mỹ tham chiến.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2021, 08:37:46 pm »


        Chiến tranh mở màn vào lúc 1 giờ trưa

        Lập tức sau nửa đêm ngày 7 tháng 12 năm 1941, cái tai linh mẫn của một đài vô tuyến điện hải quân Mỹ trên đảo Bainbridge, cách không xa thành phố Seattle ở Mỹ đã bắt được các tín hiệu trên làn sóng. Bức điện này được phát theo kênh liên lạc ngoại giao từ Tokyo đến Washington. Bức điện được phát trong vòng 9 phút và gửi cho sứ quán Nhật.

        Tại đài vô tuyến điện, điện văn bức điện chặn thu được in ra băng đục lỗ, rồi người ta quay số trạm điện báo đánh chữ - điện báo ở Washington. Và khi kênh liên lạc đã thông, người ta cho băng đục lỗ được chuẩn bị sẵn vào máy đọc cơ khí để chạy qua máy đọc với tốc độ 60 từ/phút. Sau đó, bức điện này xuất hiện ở máy đánh chữ trong phòng số 1649 của tòa nhà Bộ Hải quân Mỹ.

        Máy đánh chữ đặt trên bàn sĩ quan trực của Ban OP- 20-G, thiếu úy Francis Brotherhood. Máy này in lại và nhân bản điện văn của các bức điện đến. Qua các dấu hiệu đặc biệt trên bức điện mã chặn thu (các dấu hiệu này được đánh để lưu ý các nhân viên cơ yếu Nhật), sĩ quan trực ban lập tức xác định được điện này được mã bằng hệ mã bí mật nhất và vững chắc nhất - mã Purple.

        Một năm rưỡi trước các sự kiện được mô tả, Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã hoàn tất tốt đẹp việc giải phá mã Purple và chế tạo vài máy mã Purple. Một trong các máy đó đặt tại phòng số 1649 của tòa nhà Bộ Hải quân Mỹ. Sĩ quan trực ban mang bức điện chặn thu được của Nhật tới chính phòng đó.

        Brotherhood đặt máv theo khóa mã Nhật dùng để mã hóa các bức điện mà Mỹ đã giải phá được, và gửi lên làn sóng vào cái ngày định mệnh 7 tháng 12 đó rồi gõ phím đánh máy điện văn bức điện mật mã chặn thu được trên đảo Banebridge. Các xung điện chạy trong các dây dẫn để làm ngược lại quy trình giải mã phức tạp. Không lâu sau, trước mặt sĩ quan trực ban đã có bản rõ của bức điện mã bằng tiếng Nhật. Tại bộ phận dịch thuật của Ban G, quy ước gọi là OP-20-GZ, vào lúc muộn như thế thì chẳng còn ma nào nữa. Bởi vậy, sau khi đóng dấu thượng khẩn lên bức điện. Brotherhood đích thân giao nó cho đại diện của Cục Mã thám Lục quân vì các phiên dịch viên của cơ quan này trực suốt ngày đêm. Lúc đó là đúng 5 giờ sáng giờ Washington.

        Tại Cục Mã thám Lục quân, người ta đã dịch từ tiếng Nhật bức điện có nội dung như sau: “Đại sứ phải trao câu trả lời của chúng ta cho chính phủ Mỹ (cho ngoại trưởng nếu có thể) vào lúc 01 giờ 00 ngày 7 tháng 12 theo múi giờ của chúng ta”. “Câu trả lời” được nhác đến trong bức điện này được người Nhật gửi từ Tokyo đến Washington trong vòng 18 giờ rưỡi trước và Brotherhood vừa mới giải mã nó trên máy Purple. “Câu trả lời” bằng tiếng Anh và có câu cuối như sau: “Chính phủ Nhật lấy làm tiếc thông báo cho chính phủ Mỹ là do lập trường của chính phủ Mỹ, chính phủ Nhật không thể không cho rằng, không hề có bất kỳ cơ hội nào đạt được thỏa thuận bằng tiếp tục đàm phán”.

        Vào lúc 7 giờ 30, chuyên gia tiếng Nhật, thiếu tá Elwin Cramer, người đứng đầu OP-20GZ và chuyên gửi các bức điện giải mã cho những người nhận ở Mỹ, xuất hiện ở nơi làm việc. Khi thấy đã có được cái quan trọng nhất là đoạn kết của công hàm ngoại giao Nhật dài lê thê và sau khi biên tập lại lời văn công hàm, ông hạ lệnh in thêm 14 bản nữa, giữ lại 2 bản trong đó vào hồ sơ lưu, số còn lại gửi đi.

        Lúc 9 giờ 30 sáng, Cramer mang phần cuối của bức công hàm Nhật đến Nhà Trắng gặp Đô đốc Harold R. Stark, Tổng tư lệnh Hải quân và Bộ trưởng Hải quân Frank Knox. Knox phải tham gia một cuộc họp ấn định vào lúc 10 giờ 00 buổi sáng chủ nhật này tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ với ngoại trưởng Cordell Hull (1871- 1955) và Bộ trưởng Chiến tranh Henry Lewis Stimson (1867-1950). Họ phải thảo luận về tính nguy kịch của cuộc đàm phán Mỹ - Nhật mà theo bức công hàm vừa nhận được, họ biết là đã đi vào ngõ cụt. Nhưng cả Stark và Knox, lẫn Hull và Stimson vẫn chưa biết lúc nào người Nhật tuyên bố chính thức việc này.

        Biết được thời điểm phía Nhật định tuyên bố chấm dứt đàm phán là cực kỳ quan trọng: ngày 3 tháng 11, Cục Mã thám Lục quân đã giải mã bức điện do Tokyo gửi đi, nội dung ra lệnh cho các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự quán Nhật ở Washington. Hongkong, Honolulu, London, Manila và Singapore bắt đầu tiêu hủy mật mã. Nếu chấm dứt đàm phán trong điều kiện bình thường thì không nhất thiết phải tiêu hủy các quyển mã. Các nhà ngoại giao có thể lên đường về nước và mang mật mã của mình cùng các tư trang khác. Đồng thời, quan hệ lãnh sự thường không bị cắt đứt, các tổng lãnh sự vẫn ở tại chỗ của mình cùng với đồ đạc và mật mã. Một khi có lệnh cho các sứ quán và lãnh sự quán tiêu hủy mật mã thì việc từ chối đàm phán tiếp chỉ có thể có một ý nghĩa - đó là chiến tranh sắp xảy ra đến nơi.

        Nhân đây cũng phải nói rằng, lệnh tiêu hủy mã sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công đã được người Nhật thực hiện thuận lợi ở khắp nơi, ngoại trừ lãnh sự quán ở Honolulu. Tại đó, các cảnh sát bảo vệ lãnh sự quán Nhật đã phát hiện thấy khói toả ra từ các cánh cửa và ngửi thấy mùi giấy cháy. Do sợ xảy ra hoả hoạn, họ đã xông vào tòa nhà lãnh sự quán và bắt gặp một nhân viên lãnh sự quán đang tiêu hủy tài liệu trong buồng tắm. Cảnh sát Mỹ đã tịch thu một xấp điện và năm bao tải tài liệu đã xé vụn. Cùng ngày, các chiến lợi phẩm này đã chuyển đến địa chỉ cần thiết.

        Cramer trở lại vị trí làm việc của mình vào lúc 10 giờ 20. Trong khi ông đi vắng, người ta đã có được bản dịch một bức điện ngắn về thời gian trao công hàm - đó là vào lúc 1 giờ chiều ngày chủ nhật. Mười phút sau, Cramer lại lên đường.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2021, 08:38:10 pm »


        Đỉnh cao cảnh giác và thiện nghệ

        Một giờ trước khi các nhân viên cơ yếu còn ngái ngủ, ở sứ quán Nhật giải mã bức điện mật mã từ Tokyo mà Mỹ đã chặn thu được, còn máy bay Nhật thì đang gầm rú cất cánh từ các tàu sân bay để tấn công quân Mỹ. Cramer đang hộc tốc lao trên các đường phố vắng lặng của Washington vừa ghì chặt vào người chiếc cặp với những thông tin tối quan trọng về ý đồ của Nhật, những thông tin có thể ảnh hưởng lớn lao đến toàn bộ tiến trình chiến tranh thế giới thứ II. Trong lúc đó, các đồng bào của ông ta vẫn ngon giấc điệp và không hế nghĩ gì đến chiến tranh vì họ những mong nó sẽ bỏ qua họ. Các cơ quan mã thám Mỹ vào ngày quốc nhục đó đã đạt đến đỉnh cao cảnh giác và thiện nghệ mà không một cơ quan tình báo nào khác của Mỹ sánh được.

        Nhưng tại sao lúc đó người ta không ngăn chặn được nỗi ô nhục Trân Châu Cảng, nơi mà do bị tấn công bất ngờ, họ tổn thất đến 30 mạng lính và sĩ quan trong một phút? Vấn đề là ở chỗ, mặc dù qua nhiều bức điện mã chặn thu và giải mã, họ thấy phía Nhật có sự quan tâm đối với sự di chuyển của các chiến hạm Mỹ ở khu vực Trân Châu Cảng, Tất cả các bức điện đó đã được nghiên cứu và đánh giá bởi những người có thẩm quyền giống như với một số lượng lớn các bức điện khác của Nhật về di chuyển của tàu Mỹ ở tất cả các cảng và qua kênh Panama. Ngoài ra, người Nhật cũng chưa bao giờ gửi một bức điện nào có ý nói là “chúng tôi sắp tấn công Trân Châu Cảng”.

        Vậy các sự kiện đã tiến triển ra sao sau khi bức điện về việc trao công hàm ngoại giao Nhật xuất hiện trên bàn của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Marshall?

        Gần 11 giờ 30, Marshall đến trụ sở Bộ Chiến tranh. Trên bàn của ông đã có một tập điện Magic. Bức điện trên cùng là công hàm ngoại giao của Nhật, bên dưới nó là bức điện về thời gian trao công hàm này. Marshall bắt đầu xem kỹ nội dung công hàm, đọc đi đọc lại vài phần của nó. Khi đọc đến bức điện Magic cuối, ông đã sửng sốt không khác gì Cramer. Marshall lập tức lượng định được ý nghĩa của nó và soạn ngay điện cảnh báo gửi cho Bộ Chỉ huy quân Mỹ trong khu vực: “Hôm nay, vào lúc 1 giờ chiều theo giờ chuẩn địa phương, người Nhật sẽ trao cho chúng ta một cái gì đó giống như tối hậu thư. Họ cũng đã nhận lệnh hủy ngay lập tức tất cả các máy mã. Chúng ta còn chưa biết chính xác cái gì đang chờ đợi chúng ta trong thời gian sắp tới, nhưng chúng ta cần phái ở trạng thái sẵn sàng”. Vào lúc đó, cách quần đảo Hawaii 600 kilômét về phía Bắc, thê đội máy bay Nhật đầu tiên đang gầm rú cất cánh từ các tàu sân bay.

        Trên bàn Marshall có một chiếc máy điện thoại, song ông rất không tin tưởng điện thoại mà thích dùng cách mã các bức điện viết tuy chậm nhưng tin cậy hơn. Người ta mất 3 phút để mã, 8 phút để phát điện đi và 20 phút sau điện của Marshall đến được tay những người nhận. Thê đội máy bay Nhật đầu tiên lúc đó đã chỉ còn cách mục tiêu 60 kilômét.

        Các thư ký tòa đại sứ Nhật ở Washington bước vào làm việc lúc gần 10 giờ sáng và đã bắt đầu giải trước tiên các điện mã dài vì theo kinh nghiệm của họ, chúng là những bức điện quan trọng nhất. Chỉ đến 11 giờ 30, nhân viên cơ yếu Nhật mới kinh hoàng phát hiện ra lệnh trao bức công hàm còn chưa giải mã xong vào lúc 1 giờ chiều. Để giải mã hết bức công hàm và đánh máy lại nghiêm chỉnh bằng máy chữ phải mất 1 giờ rưỡi nữa. Cho đến lúc đó, sức mạnh không quân Nhật đã kịp biến Trân Châu Cảng thành địa ngục đối với lính Mỹ. Hy vọng của giới quân sự Nhật rút ngắn tối đa thời gian cảnh báo đối với phía Mỹ về sự khởi đầu chiến sự đúng là đã thành hiện thực trong khói lửa của cuộc tấn công. Sau này, cuộc tấn công bất ngờ không tuyên chiến của Nhật vào Mỹ đã là một trong các mục chính buộc tội các tội phạm chiến tranh Nhật.

        Nguyên nhân gây ra sự tàn phá Trân Châu Cảng có nhiều, vào những thời gian khác nhau đã có 8 ủy ban chính thức tiến hành điều tra các nguyên nhân này, trong đó có cả một ủy ban của quốc hội Mỹ, “các công trình” của ủy ban này là 45 tập báo cáo. Đánh giá của họ về điều đã xảy ra không hoàn toàn khách quan vì trong số các nguyên nhân thất bại, họ không nêu rõ ra chiến lược của giới quân sự trước khi Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ II là cố hướng cuộc xâm lược của Nhật vào Liên Xô. Nhưng chưa bao giờ có ai có mảy may ý định đổ lỗi về điều đã xảy ra cho Cục Mã thám Lục quân hay OP-20-G. Ủy ban quốc hội Mỹ nghiên cứu các bối cảnh cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đã phán quyết công bằng rằng, các cơ quan này “xứng đáng sự khen ngợi nhiệt liệt nhất” và tỏ lời cảm ơn nhân viên của các cơ quan đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2021, 08:38:42 pm »


        Australia có thể ngủ yên

        Không lâu sau cuộc tấn công của Nhật vào Mỹ, các kế hoạch chiến tranh của Nhật đã hoàn thành về cơ bản. Nhật không định xâm lăng nước Mỹ mà chỉ muốn càng nhanh càng tốt tạo ra một vành đai công trình phòng ngự kiên cố xung quanh các lãnh thổ chiếm được. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy cao cấp Nhật do lóa mắt với những thắng lợi giành được và khao khát những thắng lợi mới đã quyết định tiếp tục tấn công. Tổn thất ước tính sơ bộ là 1/4 binh lính và kỹ thuật chiến đấu của Hải quân Nhật là quá nhỏ và không đáng kể. Lực lượng còn lại quá đủ cho cuộc tấn công mới. Ngoài ra, các chiến lược gia quân sự Nhật khẳng định các lãnh thổ chiếm được sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu chu vi phòng thủ tăng lên.

        Bởi vậy, Nhật đã bắt tay vào thực hiện hai kế hoạch đầy tham vọng. Một kế hoạch trù định tấn công bằng lính đổ bộ ở hướng Nam nhằm uy hiếp Australia. Kế hoạch thứ hai nhằm vào Midway, hòn đảo san hô tý hon ở giữa Thái Bình Dương, đứng giữa đường đến quần đảo Hawaii như một lính gác. Kế hoạch này gồm hai phần. Phần thứ nhất bao gồm việc đánh chiếm hòn đảo có ý nghĩa chiến lược này. Mục đích của phần thứ hai, quan trọng hơn, là lừa vào bẫy và tiêu diệt lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ còn lại sau thất bại mà nay dĩ nhiên sẽ cố để bảo vệ đảo san hô Midway.

        Nhưng Đơn vị tình báo kỹ thuật của Mỹ bố trí trong tầng hầm dài, hẹp của tòa nhà hành chính tại khu căn cứ hải quân Trân Châu Cảng đã đóng vai trò định mệnh đối với Nhật. Đơn vị này phục vụ cho Hạm đội Thái Bình Dương. Trước khi chiến tranh bắt đầu, Đơn vị tình báo kỹ thuật gồm có 30 sĩ quan và binh sĩ. Họ có nhiệm vụ giải phá hệ mã hải quân Nhật, gọi tắt là JaW-25A. Cái tên này do OP-20-G đặt. JaW-25A là mật mã không dùng bảng chữ cái, có dùng mã lập. Hệ mã phổ dụng và được sử dụng tích cực nhất này khi đó của Hải quân Nhật được cả OP-20-G và nhóm mã thám Anh ở Singapore đồng thời nghiên cứu giải phá.

        Trong khi đó, người Nhật tuy không hề biết gì về hoạt động mã thám ráo riết này nhưng đã bắt đầu mơ hồ lo lắng về việc mã JaW-25A được sử dụng trong một thời gian quá dài. Nhật dự định đưa phiên bản mới của nó là JaW- 25B vào sử dụng ngày 1 tháng 4 năm 1942. Nhưng do khó đưa các quyển mã đến các tàu đang di chuyển nên họ đã phải đình hoãn việc thay mã cho đến ngày 1 tháng 5.

        Chính nhờ sự trì hoãn này mà đến trước ngày 17 tháng 4, trong số điện mã liên lạc của Nhật mà Mỹ chặn thu được chí còn có vài phần là vẫn chưa đọc được. Những phần lớn ở bản rõ đã giúp Mỹ hiểu được thực chất các kế hoạch tấn công của Nhật về hướng Australia. Các đối sách do Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nimitz đưa ra đã đập tan các kế hoạch này. Nhưng việc Nhật bị chặn bước về hướng Nam không hề làm thay đổi ý đồ của họ giành thắng lợi trong cuộc chiến với Mỹ.

        Ngày 1 tháng 5 đã bắt đầu mà việc thay đối mã Jaw- 25A vẫn chưa xảy ra. Cũng vì những nguyên nhân như trước nên người Nhật lại phải hoãn việc thay thế thêm một tháng, cho đến ngày 1 tháng 6. Rõ ràng là người Nhật nghĩ mật mã của họ không bị giải phá nên không nhất thiết thay thế. Nếu việc thay thế xảy ra vào ngày 1 tháng 5 đúng như dự định thì nó có thể đã làm cho các chuyên gia mật mã Mỹ không thể đọc được điện mã của Nhật ít ra là trong vài tuần, một quãng thời gian có ý nghĩa quyết định.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2021, 08:39:09 pm »


        Chiến thắng thuộc về các nhà mã thám

        Ngày 20 tháng 5 năm 1942. Tổng Tư lệnh Hạm đội thống nhất, Đô đốc Yamamoto đã soạn và gửi cho các cấp dưới mệnh lệnh tác chiến có nói rõ chi tiết các thủ đoạn chiến thuật cần sử dụng để tấn công đảo Midway. Mệnh lệnh này đã bị các trạm nghe lén của Mỹ chặn thu được. Độ dài bức điện mã cho thấy tầm quan trọng của nó. Trong hơn một tuần, các chuyên gia mã thám Mỹ đánh vật với phần thứ mười của bức điện mà không tài nào đọc được. Chính phần này chứa thông tin quan trọng nhất -  ngày tháng, thời gian bắt đầu và địa điểm tiến hành các chiến dịch quân sự. Các chuyên gia mã thám Mỹ chỉ có thể phỏng đoán về những vấn đề đó dựa trên những số liệu gián tiếp.

        Do thông tin nhận được chỉ có tính giả thuyết nên giới lãnh đạo quân sự cao cấp Mỹ ngày càng thêm lo lắng. Cả tiến trình sắp tới của chiến dịch quân sự trên Thái Bình Dương cũng như bản thân sự tồn tại của hạm đội Mỹ đều phụ thuộc vào độ chính xác khi giải mã bức điện của Yamamoto. Bởi vậy, công tác kiểm tra những phỏng đoán liên quan đến phần quan trọng nhất của mệnh lệnh của Yamamoto đã được giao cho các cơ quan tình báo khác của Hải quân Mỹ, còn Đơn vị tình báo kỹ thuật tập trung chính vào việc giải mã 9/10 văn bản mã còn lại của mệnh lệnh này.

        Đại úy Joseph Rochefort, Chỉ huy Đơn vị tình báo kỹ thuật, đã quyết định dùng một thủ đoạn tinh quái để buộc người Nhật phải khẳng định hoặc bác bỏ các phỏng đoán của các chuyên gia mã thám Mỹ. Rochefort đã soạn một báo cáo thông báo cho đồn binh Midway rằng, máy lọc nước ngọt từ nước biển đã bị hỏng. Báo cáo này đã được gửi đi bằng bản rõ. Hai ngày sau, trong vô số các bức điện của Nhật chặn thu được có một bức điện trong đó có nói AF đang thiếu nước ngọt. Như vậy, người Mỹ đã khám phá ra được từ lóng mà người Nhật dùng để chỉ đảo san hô Midway. Thông tin mà người Mỹ có trong tay về cuộc tấn công dự định của Nhật vào Midway đã được xác nhận. Chi còn phải tìm hiểu khi nào việc đó diễn ra.

        Ngày 27 tháng 5 năm 1942, Bộ Tham mưu của Tổng Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nimitz đã phỏng đoán chiến dịch của Nhật sẽ mở màn ngày 3 tháng 6. Lập luận bảo vệ ngày dự đoán này rất thuyết phục, nhưng không được các chuyên gia mã thám xác nhận. Thế là lại có thắng lợi tiếp theo của Đơn vị tình báo kỹ thuật khi họ giải phá được mật mã dùng để bảo mật ngày tháng và thời gian trong mệnh lệnh của Yamamoto. Nimitz đã phỏng đoán đúng. Việc Nhật thay đổi mật mã vào tháng 6 năm 1942 đã không ảnh hưởng đến tiến trình các sự kiện ở đảo Midway bởi lẽ tất cả các kế hoạch đã được soạn thảo xong, chiến dịch quân sự của Nhật đã bắt đầu bị phá vỡ. Sau này, trong hồi ký của mình, Nimitz đã viết: “Midway chủ yếu là thắng lợi của tình báo vô tuyến điện tử. Trong khi lăm le tấn công bất ngờ, chính người Nhật đã ăn đòn bất ngờ”. Marshall nói cụ thể hơn: “Nhờ hoạt động mã thám, chúng ta đã có thể tập trung binh lực hạn chế của mình để đối phó với cuộc tấn công của Hải quân Nhật vào Midway, nếu không thì chúng ta có thể còn ở xa địa điểm cần thiết nhiều ngàn kilômét”.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2021, 07:55:52 pm »

        
“Vỏ thép” mật mã chống lại “axit” mã thám

        Cần phải nói ràng, người Nhật nhiều khi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia mã thám Mỹ vì thái độ cẩu thả đối với công tác an ninh thông tin liên lạc của họ. Ta hãy chỉ nhắc lại dù chỉ một câu chuyện về việc thay đổi mật mã vào mùa xuân năm 1942. Nỗ lực của Hải quân Nhật chế tạo loại mực in có thể tan trong nước biển để khi quẳng chúng xuống nước hay khi tàu đắm thì nội dung in sẽ biến mất cũng không được thực hiện đến cùng. Khi phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật thông báo không thể chế tạo loại mực có thể tan toàn hoàn khi rơi vào nước biển nhưng lại bền vững với nước mưa, bụi nước và hơi nước biển thì họ đã phải từ bỏ ý định sáng suốt này. Điều đó cũng vô ích thôi.

        Đêm 29 tháng 1 năm 1943, một chiếc tàu ngầm Nhật cùng hàng hóa đã không may khi nổi lên gần tàu chống ngầm Kiwi của New Zealand. Phát hiện thấy tàu ngầm Nhật, thuyền trướng tàu Kiwi hạ lệnh “chạy hết tốc lực về phía trước” để tông vào tàu ngầm mặc dù chiếc tàu ngầm lớn gấp rưỡi tàu Kiwi và có hỏa lực mạnh hơn nhiều. Sau bốn lần đâm, chiếc tàu ngầm Nhật phải bỏ chạy và mấy giờ sau đã mất lái nên mắc cạn ở mũi nhô phía Tây Bắc đảo Guadalcanal. Chiếc tàu ngầm Nhật này có chở theo 200 quyển mã trong số các hàng hóa. Thủy thủ đoàn của tàu đã chôn giấu một phần số sách này trên bờ biển do đối phương chiếm giữ. Khi biết tin này, Bộ Tham mưu Nhật đã hạ lệnh cho không quân ném bom và tàu ngầm phóng ngư lôi để hủy các tài liệu này. Nhưng người Mỹ đã nhanh tay chiếm được các quyển mã, trong số đó có cả những quyển đang được sử dụng và những quyển dự phòng. Mấy tháng sau, người Nhật đã trả giá cho thất bại này bằng mạng sống của vị tư lệnh của mình.

        Mùa xuân của cái năm đáng nhớ ấy trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử, Đô đốc Yamamoto quyết định đi thanh tra các căn cứ hải quân Nhật ở bắc quần đảo Solomon. Đô đốc Yamamoto, 59 tuổi là một nhân vật kiệt xuất của Hải quân Nhật. Chính ông đã đưa ra ý tưởng tấn công Trân Châu Cảng và từng huênh hoang sẽ áp đặt điều kiện đình chiến cho người Mỹ trong Nhà Trắng. Các cơ quan tình báo Mỹ mô tả ông như một con người cực kỳ tài ba, kiên quyết và nhanh trí và cho rằng bất kỳ người kế tục nào của ông cũng thua kém Yamamoto cả về phẩm chất cá nhân và phẩm chất công việc. Cái chết của vị tư lệnh kiêm chiến lược gia lỗi lạc nhất của đối phương hiển nhiên sẽ làm mất tinh thần các binh sĩ dưới quyền, những người mà theo truyền thống Nhật Bản vốn tôn kính các vị chỉ huy của mình hơn người Mỹ.

        Thông thường, các căn cứ Nhật đã được báo trước về chuyến thăm của vị tư lệnh để họ chuẩn bị cho việc thanh tra. Bởi vậy, ngày 13 tháng 4 năm 1943, hành trình chuyến đi của Yamamoto ấn định vào ngày 18 tháng 4 đã được gửi cho các đơn vị và binh đoàn mà ông dự định đến thăm. Do có quá nhiều địa chỉ và do cần phái bảo đảm an ninh cho vị Tổng tư lệnh Hải quân Nhật, nên báo vụ viên Nhật đã buộc phái chọn phiên bản mật mã JaW-25 hiện dụng phổ biến và vững chắc nhất để bảo mật thông tin này bằng “vỏ thép’’ của mật mã.

        Thật không may cho người Nhật là “lớp vỏ thép” của các kênh liên lạc của họ đã bị “hòa tan” bới “axit” ăn mòn của mã thám Mỹ. Các chuyên gia mã thám quân sự Mỹ sử dụng các tài liệu lấy được từ chiếc tàu ngầm Nhật đã đọc được bức điện mã có chứa dữ liệu về hành trình chuyến đi của Yamamoto.

        Bán án tử hình của Yamamoto mà Nimitz tuyên án vào ngày 17 tháng 4 đã được in và gửi đến các phi công tiêm kích của Không quân Mỹ - các đao phủ tương lai của vị Tổng tư lệnh Nhật. Lợi ích thu được từ chiến dịch diệt trừ thành công Yamamoto còn lớn hơn những lo ngại về khả năng làm cho người Nhật nghi ngờ mật mã của họ đã bị giải phá và mất đi khả năng thu tin tình báo từ các kênh liên lạc của Nhật trong tương lai. Ngày 18 tháng 4, bản án đã được thi hành. Trên không phận đảo Bougainville ở Thái Bình Dương, máy bay chở Yamamoto đã bị người Mỹ bắn rơi.

        Đúng như tiên đoán của Nimitz, cái chết của Yamamoto đã làm rung chuyển cả nước Nhật. Trong khung cảnh cực kỳ long trọng, thi thể bị cháy thành than của Yamamoto đã được chôn cất tại một công viên ở Tokyo. Cái chết của vị anh hùng với uy tín to lớn đã làm binh lính, thủy binh và người dân Nhật buồn rầu.

        Các đại diện quân đội Mỹ nghe theo lời khuyên của Nimitz, đã kiên quyết bác bỏ dư luận nói rằng, họ đã biết chi tiết nào đó về điều đã xảy ra. Có tin đồn là đã xảy ra một tai nạn máy bay vô vị nào đó hay là Yamamoto trong cơn tuyệt vọng đã thực hiện harakiri (nghi lễ tự sát bằng mổ bụng của người Nhật). Tuy vậy, sự thật về điều đã xảy ra đã ngày càng lan rộng trong các tầng lớp công chúng Mỹ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2021, 07:56:29 pm »


        Nguy cơ từ bên trong

        Đoạn thứ ba trong bốn đoạn in trên tất cả các bìa các hồ sơ mật Magic nhất thiết phải có nội dung: “Không được thực hiện hành động nào dựa trên các thông tin thông báo ở đây dù điều đó có thể mang lại lợi ích tạm thời nếu các hành động đó có thể làm cho đối phương biết được sự tồn tại của nguồn tin”.

        Ngày 7 tháng 6 năm 1942, khi trận đánh ở đảo san hô Midway đang hồi ác liệt, tờ báo Mỹ Chicago Tribune đã đăng một bài báo, trong đó nói trắng ra là Bộ Hải quân Mỹ đang nắm trong tay thông tin về các kế hoạch tác chiến của Bộ Chỉ huy Nhật. Hơn nữa, bài báo còn mô tả chi tiết cơ cấu biên chế và đặc điểm các binh đoàn hải quân Nhật đã tham gia vào trận đánh này. Trong quá trình điều tra sau đó, Hải quân Mỹ đã từ chối đưa ra lời buộc tội tờ báo về việc tiết lộ bí mật nhà nước chỉ vì không muốn thu hút sự chú ý của Nhật. Hy vọng đã được thỏa mãn vì người Nhật vẫn không chịu thừa nhận là các bức điện mã của họ bị đối phương giải được.

        Người Nhật cũng không phát hiện ra bài phát biểu của hạ nghị sĩ Holland, bang Pensylvania. Ông này mở đầu bằng việc phê bình tờ Chicago Tribune về việc lạm dụng quyền tự do báo chí. “Các thanh niên Mỹ sẽ tiếp tục chết bởi sự giúp đỡ mà tờ báo này giành cho quân thù”, -  Holland nói. Sau đó, ông ta giải thích cho những người không hiểu về bản chất sự giúp đỡ ấy là gì: “Chicago Tribune đã ba hoa về việc “bằng cách nào đó, Hải quân Mỹ đã lấy được mật mã bí mật của Hải quân Nhật”.

        Mùa thu năm 1944, trong cái nồi hơi của nền chính trị Mỹ đã nảy sinh một tình huống nguy hiểm chết người. Đảng Cộng hòa chuẩn bị đưa ứng cử viên Thomas Edmund Dewey ra tranh cử tổng thống. Một trong những lập luận chính của phe Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử là cáo buộc chính phủ Mỹ về sự chây ỳ không thể tha thứ đã khiến cho người Nhật tấn công thắng lợi vào Trân Châu Cảng. Họ còn bóng gió rằng. Tổng thống Roosevelt, xét đến thái độ mạnh mẽ của xã hội Mỹ ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, đã cố tình tạo điều kiện cho cuộc tấn công để lôi cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến. Để khẳng định những lời buộc tội, người ta đã loan truyền những tin tức nói rằng, Mỹ đã giải phá được các mật mã của Nhật từ trước trận Trân Châu Cảng. Từ đó, phe Cộng hòa đã kết luận rằng, các bức điện mã giải được của Nhật đã cảnh báo Roosevelt về cuộc tấn công sắp tới, nhưng ông này với sự tắc trách đầy tội ác đã không làm gì để giáng trả đích đáng người Nhật. Cùng với cuộc tranh cử quyết liệt trên, trong các bài diễn văn của các chính trị gia Mỹ các cấp bắt đầu xuất hiện những lời ám chí lộ liễu về Magic.

        Lo lắng trước diễn biến tình hình. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Marshall đã viết cho Dewey lá thư, trong đó chỉ ra mối nguy hiểm trầm trọng của việc tiết lộ thông tin về Magic. Trong khổ thứ hai của lá thư này có viết: “Điều mà tôi phải thông báo cho ngài dưới đây là một điều bí mật lớn lao mà tôi cho là mình phải yêu cầu ngài hoặc là tiếp nhận lá thư với điều kiện ngài sẽ không tiết lộ cho ai nội dung của nó và gửi lại nó hoặc là ngài đừng đọc tiếp”.

        Khi đọc đoạn 3, trước mắt Dewey xuất hiện từ “mật mã”. Ông ta lập tức dừng đọc, trả lại lá thư cho viên sĩ quan Clark của Cục Mã thám Lục quân, người mang thư tới và nói rằng, “không thể đưa ra những cam kết bộp chộp”.

        Khi bàn bạc về lời từ chối của Dewey, Marshall và Clark đã quyết định thử vận may một lần nữa. Họ viết lại một phần lá thư và gọi điện cho vị ứng cử viên tổng thống. Ông kia đồng ý đọc lá thư với điều kiện cố vấn của mình phái có mặt. Dewey muốn có sự xác nhận cho việc đọc thư phòng khi có điều gì đó xảy ra với Marshall. Cũng vì lý do đó, ông ta yêu cầu để lại lá thư cho ông ta cất giữ.

        Lá thư thứ hai có sức thuyết phục hơn. Trong đó. Marshall trình bày rõ những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu từ những cuộc đấu khẩu chính trị mà kẻ thù đoán ra các nguồn thông tin tối quan trọng của người Mỹ. Dewey cân nhắc kỹ lưỡng các lập luận của Marshall, người mà bản thân ông ta coi là một con người chân chính và đáng kính. Một mặt, cả đường công danh, quyền lãnh đạo một đất nước hùng mạnh bị đặt cược, mặt khác là hàng trăm người Mỹ có thể sẽ chết. Sau hai ngày suy nghĩ, vị ứng cử viên tổng thống quyết định không nhắc đến việc phá giải mật mã của Nhật trong các bài phát biểu công khai của mình.

        Dewey đã thất cử. Sau này, ông và Marshall đã hết lời tâng bốc nhau. Marshall đã gửi cho Dewey một danh mục bản sao các bức điện Magic để ông ta có thể tận mắt chứng kiến những thông tin trong đó đã hỗ trợ cho việc tiến hành các chiến dịch ở Thái Bình Dương. Dewey về phần mình lại thông báo cho Marshall rằng, hình như tại quốc hội sẽ có các cuộc tranh luận về Trân Châu Cảng và tự đề nghị được tham gia hỗ trợ ngăn cản các cuộc tranh luận này. Marshall trả lời là ông đã một lần đặt Dewey vào tình thế khó khăn bằng những yêu cầu của mình và chúng đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của Deway. Dewey đáp lại với tuyên bố ông làm thế vì thắng lợi của cuộc chiến. Thế là mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với sự an toàn của Magic đã không còn nữa, điều trớ trêu thay lại xuất phát từ nội bộ, từ những chính trị gia của Mỹ chứ không phải từ người Nhật.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2021, 07:56:51 pm »


        Vụ làm ăn bí mật

        Trong chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ phải báo vệ các bí mật của mình không chỉ với kẻ thù, mà cả với Liên Xô. Như sau này đã rõ, họ đã có các lý do nặng ký để làm thế.

        Tháng 11 năm 1944, Donovan, Cục trưởng Cục Hoạt vụ Chiến lược oss của Mỹ, cơ quan tình báo chủ yếu của Mỹ thời chiến tranh thế giới thứ II, đã mua của Phần Lan 1,5 ngàn trang sách mã cháy dở của NKGB. Phần Lan chiếm được số tài liệu này trên chiến trường trong cuộc chiến Liên Xô - Phần Lan năm 1939-1940. Để không phá vỡ chiến dịch dự kiến nhằm phát hiện các điệp viên Liên Xô ở Mỹ, chiến dịch một phần lớn dựa vào việc sử dụng các quyển mã mua được, Donovan không muốn mạo hiểm nên đã giấu kín vụ mua bán này với ban lãnh đạo Mỹ, kể cả ngoại trưởng Edward Reilly Jr. Stettinius (1900-1949). Các quan chức oss khác cũng hành động thận trọng như vậy ở khúc quanh sự kiện này. Tức giận về việc Mỹ bí mật mua bán tài sản của một nước mà chính phủ Roosevel đang rất trông mong sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống Nhật, Stetinius đã thuyết phục tổng thống Mỹ không nên vì chút lợi nhất thời mà gây tổn hại cho quan hệ với các đồng minh. Donovan đã được lệnh trả lại các quyển mã cho chủ nhân hợp pháp của chúng, điều ông ta phải làm mà lòng thì đầy tiếc rẻ. Donovan tất nhiên đã che giấu động cơ thực mà ông ta theo đuổi khi làm ăn với Phần Lan. Thay vào đó, ông ta nói vì là một đồng minh trung thực nên ông ta đơn thuần phải trả khoản tiền mà Phần Lan đòi khi biết họ bán mật mã của Liên Xô. Donovan còn đạo đức giả nói thêm rằng, các nhân viên của ông ta không nghiên cứu các tài liệu lọt vào tay họ nên không biết giá trị của chúng, nhưng họ làm thế là vì phỏng đoán rằng, Liên Xô rất quan tâm tới các tài liệu đó. Các quyển mã cháy dở này đã được trao trả tận tay đại sứ Liên Xô ở Mỹ A.A. Gromyko.

        Tháng 5 năm 1945, NKGB đã thay đổi mật mã. Nhưng bản sao các quyển mã mà Donovan cho chụp lại “làm kỷ niệm” đã được các chuyên gia mã thám Mỹ, Anh sử dụng trong gần 2 thập kỷ nữa để giải các bức điện mã của các điệp viên NKGB mà họ chặn thu được trước tháng 5 năm 1945. Giá như giấu kín được vụ mua các quyển mã của Phần Lan năm 1944 thì giá trị của chúng đối với tình báo vô tuyến điện tử Mỹ, Anh còn lớn hơn nhiều.

        Người ta biết rằng, tình báo Liên Xô biết người Mỹ đã đọc được điện tín liên lạc quân sự và ngoại giao của Nhật vào tháng 2 năm 1945 khi tình báo Liên Xô nối lại được liên lạc với điệp viên lâu năm của mình là Rupert, một binh sĩ Mỹ mà NKVD tuyển mộ từ năm 1939. Điệp viên này trong một thời gian dài không thể bắt được liên lạc vì anh ta giỏi các thứ tiếng phương Đông nên đã bị thuyên chuyển sang Cục Mã thám Lục quân và bị phái đi công tác mấy tháng tại các quần đảo trên Thái Bình Dương.

        Khi gập gỡ, Rupert báo cáo với liên lạc viên rằng, trong một thời gian các chuyên gia mã thám Mỹ đã đặc biệt chú ý đến các bức điện mã của đại sứ Nhật ở Liên Xô, người đã thường xuyên gặp Molotov và lôi kéo được Moskva ký kết hiệp ước không tấn công lẫn nhau Xô- Nhật. Bằng cách đọc điện tín liên lạc của ông ta, Mỹ muốn tin chắc là Liên Xô hành xử trung thực đối với các đồng minh và không định làm bất kỳ động tác “đi đêm’’ hậu trường nào sau lưng họ.

        Ngoài ra, Rupert đã báo cho tình báo Liên Xô biết Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã bỏ nhiều công sức ra để đọc điện tín liên lạc giữa các cơ quan Liên Xô ở Mỹ với Moskva trong những năm 1941-1942. Các chuyên gia mã thám Mỹ đã giải mã được khoảng 70% một bức điện do Amtorg gửi về Moskva. Kết quả là họ có hy vọng dần dần đọc được phần lớn điện tín ngoại giao giữa Moskva với Washington và New York. Rupert đã nhớ lại ngày tháng của bức điện mã của Amtorg mà người Mỹ đã đọc được, rồi báo cáo theo trí nhớ nội dung đại ý của bản rõ. Sau này, nhờ thông tin do Rupert cung cấp, các chuyên gia cơ yếu Liên Xô đã biết được rằng, bức điện này đã bị giải mã chỉ vì những sai sót cực kỳ thô thiển của khâu mã hóa.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM