Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:40:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hai người tìm nhau  (Đọc 7363 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:34:55 pm »

       
        - Tên sách : Hai người tìm nhau

        - Tác giả : Trần Diễn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Năm xuất bản : 2003
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:36:54 pm »


PHẦN MỘT

NHỚ

        Anh đến đây từ độ gió thu về
        Bước chân anh làm em xao xuyến,
        Cả khung trời nơi quán gió bơ vơ.


       
CHƯƠNG MỘT

        Mùa thu Sài Gòn đã được hơn một tháng, gió từ miền biển thổi tới, không phải là làn bụi như thành phố công nghiệp mà là một tấm màn nước. Rồi một ngày đầu thu năm 1991, trời bỗng tối sẫm đổ mưa cuốn đi những gì bụi bặm, oi nồng.

        Sau trận mưa, người xe đổ ra đường như dòng chảy. Anh Bảy Hiền, giám đốc Công ty Văn hóa tổng hợp Sông Tiền chở Duy - người bạn cũ từ Hà Nội mới vào thành phố công tác trên chiếc xe Honda đã cũ lao nhanh trên đường phố rồi dừng lại trước nhà hàng “Miền Quê”. Sáu bảy cô gái trẻ, đẹp trong bộ áo dài đang chơi bài, thấy khách vào đều đứng dậy. Bảy Hiền dẫn Duy lên gác lửng, căn phòng rộng khoảng sáu mét vuông. Một cô gái tên Hồng cao dong dỏng, da ngăm ngăm đen đặt ly lên bàn rồi ngồi xuống bên Bảy Hiền. Cô lấy chiếc khăn trắng thơm nức mùi nước hoa lau mặt cho anh. Một cô gái tên Diệu Hương, chiều cao thấp hơn, xách đến một thùng bia Heineiken đặt lên ghê rồi ngồi xuống bên Duy. Duy tay chống cằm, mắt lơ đãng nhìn xung quanh. Cô tiếp viên cầm khăn vắt khô nước đưa lên định lau mặt cho Duy, nhưng anh nói một câu lạnh lùng:

        - Khỏi cần!

        Cô tiếp viên vẻ không vui đặt khăn xuống bàn. Cô tự hỏi: Tại sao anh Bảy Hiền lại dẫn một người khách tính cách lạ lùng đến đây, vì cô hiểu những ai đến đây thường là những người có tiền, cởi mở, thích vui vẻ. Còn cái anh chàng này... cô tiếp viên bẽn lẽn ngồi nghiêm túc trên chiếc ghế lót nhung để nhìn anh: đôi mắt đen ngời sáng, từ khóe mắt có nếp nhăn biểu hiện của con người hay suy tư. Diệu Hương bật nắp bia rót đầy ly bưng hai tay đưa lên miệng Duy. Lúc bấy giờ anh mới chịu hạ tay đặt xuống bàn và uống mang tính chất xã giao, và cũng không quên nâng ly bia về phía Diệu Hương. Duy lại đặt tay lên cằm khiến Diệu Hương bắt đầu muốn tò mò tìm hiểu người khách lạ này là ai, làm gì mà lại lạnh lùng đến đáng ghét. Nhờ ánh điện chiếu vào mặt Duy, Diệu Hương mới nhìn rõ khuôn mặt thanh thoát, hiền dịu của anh. Diệu Hương là tiếp viên, có trách nhiệm chăm sóc khách hàng nên cô tiếp tục rót đầy ly bia mời anh.

        Duy bất đắc dĩ hạ tay tiếp tục uống bia và bắt gặp cô đang nhìn mình. Anh nhìn thẳng vào cặp mắt đen, đôi môi như hai cánh hoa đào, làn mi cong vút như mái vòm nhà thờ, cổ như được thoa một lớp phấn hồng, tóc quấn ngược lên đỉnh đầu, giống như một cái tháp chùa bằng đá hoa cương, vậy mà lại mềm như tóc trẻ thơ. Giá như trời tạo cho Diệu Hương có chiếc mũi cao hơn chút nữa, chắc cô sẽ là hoa hậu lộng lẫy của thành phố này.

        - Sao anh nhìn em kỹ thế?

        - Xin lỗi, tôi hoàn toàn không muốn nhìn cô. Chẳng qua...

        - Chẳng qua vì ghét em chứ gì? Hay để em nói bà chủ cho người khác tiếp!

        - Không! Không nên thế!

        Duy nói lí nhí không rõ, vẻ bối rối.

        Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của cái đêm tháng 8 ấy, hễ có khách nào bước vào cửa hàng có dáng như anh, hay có ai nhắc tới ông khách kỳ lạ tên Duy là lập tức cô chột dạ.

        Hai ngày sau, Duy lại đến cửa hàng. Diệu Hương thoáng có ý nghĩ người khách này có ý tìm mình nên sự ghét bỏ về sự lạnh lùng hôm trước vơi đi. Nhưng nếu như vậy, hôm nay phải làm gì?

        - Chào anh!

        - Chào Diệu Hương - Duy vừa nói vừa ngồi xuống ghế. Diệu Hương cho rằng người khách này là một chàng trai tâm hồn chai sạn, không tinh tế, nên cô muốn đẩy cho người khác tiếp anh. Cô lẳng lặng nhìn anh một lát rồi nói:

        - Tưởng anh không đến nơi đây nữa?

        - Sao lại hỏi thế - Duy ân cần, nhẹ nhàng nói - ngồi xuống đây, Hương!

        Vốn dĩ là tiếp viên luôn luôn được khách mời, ít khi từ chối nên Diệu Hương chiều theo ý anh. Song Diệu Hương vào làm nghề tiếp viên này trong hoàn cảnh đặc biệt nên cô luôn che giấu tình cảm của mình. Trước mặt khách hàng hay bạn bè, bao giờ cô cũng bình tĩnh và chủ động, luôn giữ mình chứ không buông thả như một số bạn cùng làm ở quán bia ôm này. Có một lần, sau khi uống với khách gần chục lon bia, có ông khách tên gọi Tư Đương gần năm chục tuổi, nghe nói bán hàng điện ở chợ Bình Tây, đã ghì chặt Diệu Hương đến đau cả vai định hôn. Cô đã khước từ, nhưng rồi anh ta đã cúi xuống và đặt đôi môi lên môi cô. Đêm đó, cô đã khóc và hiểu rằng, cái hôn lên môi của đôi nam nữ chỉ được phép xảy ra giữa hai người thực sự thương yêu nhau. Còn nếu không, đó là người con gái buông tuồng hư hỏng. Nhưng rồi cô nghĩ, đó là vì mình bị hôn chứ có phải được hôn đâu. Lý giải như thế, lòng cô vợi đi đôi chút nỗi đau buồn. Cô thở dài nhìn Duy và thành tâm mong rằng khách nào đến nhà hàng này cứ ngồi chống tay lên cằm uống bia là sung sướng nhất cho cô. Nghĩ vậy, Diệu Hương kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Duy. Cô nghĩ rằng, làm tiếp viên một thời gian, có ít tiền sẽ đi học nghề khác để có cuộc sống, có chồng con, để rời bỏ cái nơi mà chàng trai nào, người đàn ông nào đến cũng ôm ấp mình, hôn mình mà tình cảm thiêng liêng lại chẳng bao giờ thuộc về mình, bỏ cái nơi mà chàng trai nào, người đàn ông nào cũng nói “yêu em” nhưng chẳng có nghĩa của tình yêu chồng vợ. Chẳng lẽ mọi người đàn ông ngồi bên mình cũng đều có giọng nói giả dối đó hay sao? Không. Cô nhiên không phải là tất cả. Vậy thì người mà mình được hôn đó là ai?

        - Em tên gì? - Câu hỏi của Duy cắt ngang dòng suy nghĩ của Diệu Hương.

        - Lần trước, em giới thiệu rồi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:38:10 pm »


        Câu trả lời của Diệu Hương làm Duy nhận ra sự vụng về của mình mở đầu câu chuyện khi bắt đầu ngồi bên một người con gái.

        - Em bao nhiêu tuổi?

        - Dạ, hai hai.

        - Em vào làm ở đây lâu chưa?

        - Dạ gần ba tháng.

        - Tại sao em chọn công việc này?

        Diệu Hương không trả lời, ngồi im lặng. Tiếng hát, cười, tiếng hôn nhau chùn chụt từ các phòng bên vọng đến tai Diệu Hương. Cô cúi đầu hỏi nhỏ:

        - Thế tại sao anh lại đến đây?

        Lần này lại đến lượt Duy im lặng. Và chính hai câu hỏi thật thà đến ngó ngẩn của hai người lại khởi đầu cho một khoảng thời gian im lặng kéo dài tiếp theo.

        Trong những người đến đây đủ mọi thành phần, từ anh cán bộ Nhà nước đến anh thợ tự do, từ người bán báo, sách đến anh thợ điện... gồm đủ mọi lứa tuổi. Đã bao đêm, tại cửa hàng này, Diệu Hương chứng kiến các tiếp viên chỉ thích ngồi với khách nhiều tiền, Việt Kiều về nước, người ngoại quốc. Lúc mới ngồi, họ chỉ nắm tay, ôm qua eo lưng, lúc lâu kéo giật cô gái vào lòng, và nếu có thể được, họ ôm hôn.

        Chỉ một thời gian, Diệu Hương đã nhận thấy nhiều khách nhìn cô với vẻ thiện cảm, thu hút được nhiều luồng mắt mời mọc và thẫn thờ trước vẻ đẹp “lai Ấn Độ” của cô. Và những luồng mắt này say đắm, thành thực. Thế mà tại sao người khách đang ngồi bên chỉ đôi lần nhìn cô? Diệu Hương cầm lon bia giơ cao bật nắp. Duy tự tay nâng ly bia uống. Diệu Hương ngạc nhiên trước động tác này của anh, song cô không nói gì, chỉ liếc nhìn, rồi lại trầm tư, suy nghĩ. Buồn.

        Đế bù đắp sự trống trải và che đậy sự im lặng, cô có thói quen ca một đoạn trích trong vở cải lương “Nhứt kiếm bá vương" mà cô thích nhất: “Nghĩa là em đã ôm ấp trong tim một giấc mơ kỳ diệu. Nhưng trời ơi, giấc mơ kia chưa tàn cuộc thi đã vội tan lìa. Anh đến đây từ độ gió thu về, bước chân anh làm em xao xuyến, cả khung trời nơi quán gió bơ vơ. Em mơ hồ như trăng nọ kết thành hoa để tô điểm cho tương lai ngày mai rạng rỡ. Đời con gái một lần yêu là đau khổ, là ngàn năm chuốc mãi khối đau sầu..."

        Duy đến nhà hàng này vốn trầm lặng nên anh nghe rõ từng lời Diệu Hương ca. Anh chầm chậm buông tay đặt lên bàn, lặng thinh. Anh tự hỏi, phải chăng bài ca này phản ánh nội tâm của cô gái, một tâm hồn đang đau khổ, đang quặt quẹo ở quán bia này để kiếm đồng tiền sinh sống? Duy là chàng trai mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh em không có, nên rất sẵn từ tâm trước nỗi lòng khổ đau của người khác. Chính do cuộc đời anh, anh đã rung cảm trước linh hồn của một bài ca mang tâm trạng khôn cùng của Diệu Hương chăng? Duy không nén nổi xúc động, anh nhìn thẳng vào mắt Diệu Hương, vào người con gái mà anh cho rằng tâm hồn đang quặn đau, oằn xuống vì hổ thẹn trước bao người đàn ông đến đây để đòi hôn, sờ ngực. Phải chăng sự tủi nhục đó câm đặc, không có tiếng nói để cô kêu la nên đành gửi vào bài ca. Bất thình lình anh nắm tay cô lắc nhẹ:

        - Thôi đừng ca nữa!

        Nhưng Diệu Hương không hề nghe anh nói, vẫn say sưa ca với cả nỗi lòng: rồi mai, rồi mốt, người đi lấy vợ, xin cho em chia mừng hạnh phúc của anh. Rồi có đêm nào trăng treo đầu ngõ, là lúc em đang gục khóc ở nơi này".

        Duy thấy Diệu Hương vẫn tiếp tục ca như không nghe thấy lời anh nói, nên anh tự co tay lại, lòng tràn ngập thương cảm. Nhưng cô hầu như không để ý tới người ngồi bên, giọng càng lâm ly: “Em chỉ là một ca nhi nơi quán gió, chuốc rượu hầu trăm vạn khách ghé qua đây...".

        Đến lúc này, Duy cảm thấy mình bị xúc phạm, không kìm nổi xúc động, không cần giữ ý, đã nắm vai Diệu Hương lắc mạnh, kêu lên:

        - Anh xin em đừng ca nữa!

        Diệu Hương ngồi lặng để mặc cho những giọt nừớc mắt lăn qua đôi gò má. Duy tự tay bật nắp bia uõng liền hai lon, ngồi lặng im.

        - Anh về!

        Diệu Hương đi ra phía trước tính tiền với bà chủ, quay lại đưa hóa đơn cho Duy. Anh lấy tiền trả và đưa cho Diệu Hương năm chục ngàn tiền

        bo. Diệu Hương cầm xếp tiền năm ngàn rút ra hai tờ nói:

        - Anh ngồi với em có được gì đâu. Em chỉ nhận hai tờ là đủ.

        Duy bàng hoàng trước cử chỉ của cô tiếp viên. Anh vụng về bỏ tiền vào túi đi ra. Đường Sài Gòn về đêm ít người qua lại. Các ngôi nhà cao tầng, hàng cây chen ánh điện lấp lánh, bày ra rõ hơn ban ngày. Một luồng gió từ phía cảng Nhà Rồng thổi tối lật mặt lá nhẵn lên trên, in hằn bóng đen xuống lòng đường như xuyên thẳng vào tâm hồn anh. Duy thở dài, lặng lẽ bước.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:40:08 pm »

        
CHƯƠNG HAI

        Duy là con một gia đình nông dân ở miền Bắc. Bố đi bộ đội đánh Tây, mẹ ở nhà làm ruộng. Vào những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, trên đường hành quân lên mặt trận Điện Biên Phủ, ông có rẽ qua nhà để thăm đứa con bập bẹ nói. Chẳng là sau cái ngày ông bà cưới nhau được một ngày, ông phải lên đường nhập ngũ. Ở nhà, vợ ông đã sinh cho ông một đứa con trai đặt tên Duy. Lần ấy, ông rẽ qua nhà cốt nhìn mặt con. Nhưng thời buổi loạn lạc, kẻ xấu giấu mình trong chòm xóm. Tên Hăng, chỉ điểm cho đồn Tây ở ngay bên hàng rào nhà ông nhưng ông không hay biết. Thấy ông về, tên Hăng mật báo cho đồn Tây đến bao vây nhà, gọi loa buộc ông ra hàng nếu không chúng sẽ giết cả vợ và con. Nghe thấy tiếng loa, hò hét, Duy mở to mắt nhìn mẹ và nhìn bố, một người không quen hơi lạ tiếng. Rồi Duy bỗng khóc. Tiếng khóc của con như chiếc búa đinh đập vào tai, vào óc ông. Có lẽ nếu không ra hàng, điều ghê gớm sẽ xảy ra: chúng giết cả vợ và con. Ông đưa tay lên sờ vào báng súng, ngón trỏ lần tối cơ bẩm. Rồi ông lại bỏ báng súng, hai tay đặt lên hai má Duy nâng dần lên để hôn. Tiếng vợ ông thì thào bên tai:

        - Có lẽ anh phải ra hàng!

        Tay ông đặt lên cò súng tiểu liên.

        - Là người lính cụ Hồ mà lại hàng giặc hay sao? - Ông nheo mắt trong giây lát suy nghĩ, một quyết định táo bạo bùng lên - Em ở lại nuôi con. Anh phải sống chết với chúng. - ông đạp tung cửa lao ra, lia một tràng tiểu liên làm mấy tên Pháp và cả tên chỉ điểm chết gục. Nhưng ngay sau đó, ông bị trúng đạn, ngã xuống. Từ ngày đó, Duy mồ côi bố, lớn lên không biết mặt mà cũng chẳng có tấm hình nào để Duy hình dung.

        Vài tháng sau, mặt trận Điện Biên Phủ thắng lợi, bộ đội về làng. Trong niềm vui xum họp của chòm xóm, mẹ Duy càng thương chồng đã yên nghỉ nơi chín suối. Từ đó, bà chỉ dành tất cả tình thương cho đứa con trai duy nhất. Bà lặn lội nơi đồng chua nước mặn, mò cua bắt ốc nuôi Duy khôn lớn, cho đi học. Mỗi năm khi tiết trời sang Xuân, mọi người dập dìu đi tảo mộ, mẹ Duy lại chít khăn trắng lên đầu dẫn con ra thăm mộ chồng. Bà cầu khấn: “Sống khôn thác thiêng, ông phù hộ độ trì cho mẹ con em." Mỗi lần như thế, bà lại kể về lòng dũng cảm của ông cho con nghe. Với tấm lòng mong con sau thành người, bà đặt tên đệm cho con là “Mạnh” - Trần Mạnh Duy.

        Mỗi buổi sáng khi sương đêm còn đậu trên lá mía, là khoai, Duy cắp sách tới trường làng, thường đi ngang qua nơi mộ bố. Lần nào đi qua, đứa trẻ mồ côi cũng lại ngậm ngùi không nói. Cuộc sống côi cút từ nhỏ buộc anh phải nghĩ suy, lớn lên anh càng ít nói, trầm lặng.

        Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Duy ra Hà Nội học đại học, mẹ vẫn ở nhà lam lũ làm ăn, dành tiền cho con xây dựng cơ nghiệp mong sau này được cậy nhò.

        Nhưng vòng đời thật cay nghiệt. Vừa tốt nghiệp xong thì mẹ anh bị ung thư gan qua đời, anh trở thành người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ đó, anh càng trầm tư im lặng, khao khát có tình thương. Và chính cái đức tính đó, anh cũng không ngờ lại là một trong những sợi dây gắn chặt cuộc đời anh với Diệu Hương.

        Sau khi mẹ qua đời, Duy phải tự lo công ăn việc làm. Anh đã xin vào làm việc ở nhiều cơ quan, hiện nay là cán bộ làm công tác văn hóa. Giữa năm 1991, Duy được cơ quan cử vào thành phố Hồ Chí Minh khảo sát tình hình in ấn, xuất bản sách, văn hóa phẩm ở thành phố và các tỉnh phía Nam.

        Ở Hà Nội, anh nghe nhiều, đọc nhiều sách giới thiệu về cuộc sống sinh hoạt của thành phố này, nào chuyện làm ăn năng động, thoáng, nào chuyện ăn chơi xả láng, với những ngón chơi “ôm” là lạ như bia ôm, hột vịt ôm, trà đá ôm, lẩu ôm...

        Những ngày đầu sống ở thành phố Sài Gòn sầm uất, anh buồn nhớ Hà Nội. Đêm đêm, mỗi khi xe lam hay Honda rồ máy, anh tỉnh giấc. Những lúc không ngủ được, anh lại nghĩ về những triết lý cuộc đời. Anh tự hỏi, tại sao các cụ lại nói “Trai tài, gái sắc?” Sắc đẹp của con gái là do trời phú, còn con trai muốn tài phải có sự thành đạt. Vậy thì sự thành đạt của mình là gì?

        Cái thuở đi học trường làng, Duy chưa bộc lộ khuynh hướng phát triển gì rõ nét, nhưng ham thích văn chương. Anh đã viết cho báo “Thiếu Niên Tiền Phong” và có lần bài của anh được đăng.

        Khi bước vào đời sinh viên, nhà nghèo không có tiền như một số bạn con các ông cán bộ ở Hà Nội, anh viết truyện để kiếm sống. Nhưng nào anh có biết viết truyện kiếm sống đâu có thế thành đạt. Tác phẩm anh gửi đến nhà xuất bản nào cũng bị trả lại với nhận xét chung chung: “Hoan nghênh lòng nhiệt tình của anh, song tác phẩm của anh phải sửa chữa nhiều. Nhà xuất bản chúng tôi xin gửi lại, mong anh sau này có tác phẩm hay hơn gửi lại chúng tôi". Giờ đây cái máu văn nghiệp tự nhiên bùng cháy trong Duy. Anh quyết định phải xâm nhập thực tế tìm hiểu đời thường để viết một cuốn truyện mưu cầu việc lớn. Anh đã đi tham quan nhiều nơi trong thành phố, đến các nhà hàng tìm hiểu. Một thanh niên to khỏe, đẹp trai như anh đến đâu cũng được các cô bán hàng nhiệt tình mời chào. Có đôi lần anh được Bảy Hiền, bạn cũ dẫn đi uống bia ở nhà hàng, các cô tiếp viên cũng chăm sóc anh chu đáo. Song cái động tác tay chống cằm, thờ ơ với người ngồi bên, các tiếp viên lạnh lùng, chán ngấy, có cô đã đứng dậy bỏ đi. Lúc đó anh chỉ nghĩ, các cô gái này chỉ là thứ mua vui cho khách làng chơi. Anh đâu có phải hạng người như thế, anh chỉ đến để tìm hiểu thực tế cho sự nghiệp của mình. Nhưng anh cũng không ngờ, tại nhà hàng “Miền Quê”, số phận đã sắp đặt cho anh quen Diệu Hương, một cô gái quê ở phía đông Tiền Giang. Chính cái sự lạnh lùng, không sàm sỡ của anh đã đánh thẳng vào trái tim cô. Và đoạn ca trích đoạn vở tuồng “Nhứt kiếm bá vương", Diệu Hương ca cho anh nghe buổi đầu đã như tiếng chuông ngân vang xáo động tâm hồn anh. Đêm đêm về nằm một mình, anh lại hình dung như cô gái đang áp miệng vào tai anh ca: “Em chỉ là một ca nhi nơi quán gió, chuốc rượu hầu trăm vạn khách ghé qua đây". Trời ơi, cô gái này đau đớn đến thế này ư? Chẳng lẽ mình cũng chỉ là khách làng chơi hay sao? Không. Không. Mình không bao giờ là con người như thế. Anh quyết định tiếp tục đến “Miền Quê” để tìm hiểu cuộc đời người con gái này vì sao lại ca những lời đớn đau như vậy. Những ngày đến “Miền Quê”, anh mới hiểu mỗi tiếp viên có một hoàn cảnh. Có cô đến đây kiếm tiền để nuôi ba má đang bệnh ở nhà, có cô mồ côi ba má đến đây kiếm tiền nuôi em, có cô thích cuộc sống ăn chơi sa đọa đến đây bán trốn đế thỏa thích dục vọng, có tiền đập phá.

        Còn Diệu Hương?

        Phải qua một thời gian dài, qua bao lần đi chơi, trò chuyện, anh mới hiểu Diệu Hương khác nhiều cô gái khác trong nhà hàng
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:41:05 pm »


       
*

        Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Diệu Hương thi đậu vào một trường trung học ở Tiền Giang, cô chia tay bạn bè lên thành phố Mỹ Tho học. Nhưng cuộc đời  đen bạc với cô, đang học thì má bệnh nặng, cô phải về chăm sóc má. Trong những tháng ngày chăm sóc má, cô xin má nghỉ học để đi theo một nhà hát cải lương lấy tiền mua thuốc thang cho má. Má căng tai nghe Diệu Hương rồi cật vấn con:

        - Vào nhà hát cải lương làm gì?

        Diệu Hương vừa đưa thuốc cho má, vừa trả lời:

        - Thưa má, làm diễn viên.

        - Nhưng con ốm yếu thế này, mũi lại tẹt, liệu họ có nhận không?

        - Ôi má! Chỉ cốt có giọng ca hay. Còn cái mũi tẹt, con sẽ vào mỹ viện làm cho nó cao lên, khó gì. Má ơi, con đã nộp đơn xin việc rồi.

        - Con tin là họ chấp nhận chứ?

        - Vâng.

        Má Diệu Hương đưa cái chén cho con:

        - Rót cho má chén nước.

        Diệu Hương nâng chén đi đến bên bàn thờ.

        - Má cứ cho rằng, làm diễn viên sân khấu phải làm động tác ngoáy mông, nhí nhảnh. Đằng này con chỉ là một cô gái nhà quê làm sao được hả con?

        Diệu Hương nhìn má chờ đợi.

        - Làm sao con lại biết họ chấp nhận?

        Đôi mắt Diệu Hương sáng lên:

        - Hôm họ về Mỹ Tho biểu diễn có bảo con ca thử - Diệu Hương ôm vai má - má ơi, họ bảo con ca hay lắm.

        - Nghĩa là con quyết tâm đi hát?

        Giọng cô kiên quyết:

        - Vâng, thưa má!

        Má Diệu Hương nhìn con bất lực, mệt mỏi và cũng chang có lý lẽ nào cản ngăn.

        Ba tuần sau, Diệu Hương lên Sài Gòn học hát. Sau hai năm theo học, cô được đạo diễn chọn đóng một vai gái điếm, nhưng cô từ chối. Đạo diễn cam đoan rằng với khả năng và sắc đẹp của mình, cô sẽ thành công trong diễn xuất. Nhưng cuộc đời nghệ thuật nó phụ thuộc nhiều mặt, trong đó người diễn viên phải nhập vai nhân vật. Diệu Hương, một cô gái thật thà, chất phác như cây dừa bên kênh rạch không sao hòa vào vai mình đóng được. Thế là ý nghĩ ngây thơ, kiếm tiền bằng giọng ca của mình để nuôi dưỡng má không thành. Cô buồn, bỏ nhà hát. Cũng vào những ngày đó, bệnh má cô lại tái phát. Vì quá thương má, cô xin vào làm tiếp viên ở nhà hàng "Miền Quê” để kiếm ngay một số tiền mua thuốc, vài tháng sau sẽ xin chuyển nghề.

        Nhưng chính ở “Miền Quê”, nỗi buồn của cô, tâm trạng phải làm kẻ hầu cho khách có tiền qua đây đã truyền cho cô cảm xúc đau đớn thực sự, giọng ca thống thiết hơn. Và cô cũng không ngờ, nhờ giọng ca đó, nhiều khách hàng muốn ngồi với cô, muốn được ôm hôn, được đặt tay lên ngực, lên đùi, được kéo cô vào lòng, bắt đầu ngỏ lời mời cô đến một nơi khác để thỏa mãn dục vọng và hứa sẽ trả tiền sòng phẳng. Mỗi khi có khách hàng muốn quậy như thế, Diệu Hương chỉ cúi mặt, hai tay khoanh trước ngực, cho tới khi nước mắt đọng lại khóe mắt, rơi xuống. Cô kêu thầm: Má ơi, sao đời con khổ quá thế này!

        Rồi đến một đêm thu 1991, lần đầu tiên cô gặp Duy, một người khách, tay chỉ chống cằm đã làm cô đảo lộn mọi sự đánh giá về khách hàng trước đây. Đối với khách hàng khác, cô đều giấu tên thật, hoàn cảnh gia đình, cuộc sống bản thân. Còn đối với Duy, cô kể thành thật như một đứa trẻ ngồi bên ba má. Sự thật thà của hai con người chân thật làm giảm đi nỗi đau trong lòng Diệu Hương, cô bắt đầu cảm nhận thấy hạnh phúc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:34:33 pm »


       
CHƯƠNG BA

        Cùng làm tiếp viên với Diệu Hương ở nhà hàng “Miền Quê” còn có Họa Mi, con gái một người Hoa ở quận Mười, trẻ đẹp nhất nhì của bà chủ, được bà cưng chiều, không phải chạy bàn, giặt khăn, làm công việc tạp vụ mà chỉ có nhiệm vụ tiếp khách.

        Trước khi vào làm ở đây, Họa Mi chạy bàn ở quán “Thiên Nga”.

        Vào một đêm, khi cả Sài Gòn đã vào giấc ngủ, Họa Mi cùng người yêu vẫn lang thang trên đường Bà Huyện Thanh Quan về hướng vườn hoa Tao Đàn. Ở đó, họ ngồi nói chuyện gần qua đêm.

        - Mấy ngày nay anh tìm em nhưng không gặp - Tư Đương, Giám đốc công ty đồ điện Bình Tây, nói giọng trách móc - Em đi đâu mà cứ trốn anh hoài.

        Họa Mi vẻ hờn giận:

        - Làm sao có thế gặp được khi không còn yêu anh nữa.

        - Em nói sao?

        Họa Mi nói giọng nhỏ đều đều như một bài ca não nùng:

        - Em biết đó là những lời vĩnh biệt đau xót, là những giọt nước mắt đau khổ, nhưng em vẫn phải nói.

        Tư Đương bàng hoàng nâng đầu xa dần bộ ngực căng tròn của người con gái. Qua ánh điện, anh vẫn nhận ra đôi mắt Họa Mi ánh lên màu thanh thiên có pha màu tím ánh điện, cả màu xanh lá cây vườn Tao Đàn mà chỉ ban đêm yên tĩnh người ta mới nhận thấy. Tư Đương không tin vào mắt mình, người con gái có đôi mắt dịu hiền xinh đẹp như thế mà lại có lời độc địa. Hình như không tin vào tai mình và nuối tiếc hơi hướng của Họa Mi, anh vẫn đặt tay ngang lưng cô nửa như muốn ghì thật chặt, nửa như muốn rời ra.

        - Nói đi, anh sẽ nghe.

        Họa Mi nói chậm:

        - Trước anh, đã có không biết bao nhiêu chàng trai đến với em, vì em có sắc đẹp, nhưng họ đều thất vọng, thế mà em lại chủ động đến với anh. Thú thật với anh, một cô gái trẻ đẹp như em - Họa Mi thở dài nhè nhẹ - làm sao lại có thể yêu anh, một người đàn ông đã luống tuổi, lại có vợ bỏ chạy sang nước ngoài. Nhưng anh biết đấy, em sinh ra và lớn lên ở cái thành phố này, em thèm muốn đủ thứ: muốn ngồi xe hơi đi chơi phố, vào khách sạn sang trọng, cửa hàng ăn ngon, tay đeo nhiều vòng vàng và biết bao thứ khác nữa. Anh hứa sẽ chiều em, lo cho em tất cả. Nhưng càng gần anh, đi chơi nhiều với anh em mới thấy anh ít tiền, lời nói chiều chuộng nhiều mà tiền túi không có. Tiền hết, tình tan. Em muốn vĩnh biệt anh chỉ có thế.

        Tư Đương lấy thuốc hút, lẳng lặng di di chân làm cho chiếc lá dưới chân quằn quại.

        - Nhưng việc buôn hàng điện tử của anh không phát đạt.

        - Nếu như anh muốn có những cuộc dạo chơi thần tiên bên em và gọi em bằng những lời âu yếm say mê thì phải có tiền.

        - Anh biết, nhưng kiếm tiền đâu phải dễ.

        - Thế thì anh đừng đến với em nữa - Họa Mi đứng lên - Ta đi về thôi.

        Tư Đương bất đắc dĩ đứng lên đi khỏi Tao Đàn yên tĩnh, mơ màng. Vào giờ này, ngoài đường hầu như không có người, chỉ lác đác chỗ này, chỗ kia mấy anh công an và dân phòng đi tuần tra đêm. Họa Mi chủ động chia tay Tư Đương ra về và quyết định bỏ quán “Thiên Nga” chạy chốn về “Miền Quê”. Nhưng những ngày đó, cô càng thấy bơ vơ, càng thấy buồn. Có nhiều đêm, cô cùng khách uống hàng két bia cho đến khi xỉn hẳn đi. Và cũng lần đó, cô bắt đầu bước vào cuộc sống ôm ấp những người đàn ông trong cánh tay mình để kiếm sống, để mua vui cho các gã đàn ông, một sự mua bán sòng phẳng, họ vui xong, họ trả tiền.

        Nhiều đêm trở về nằm bên má, cô gục khóc vì cái thực tại tàn nhẫn, đổi nhan sắc lấy tiền.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:35:11 pm »


       
*

        Đêm đó, về tới nhà, Tư Đương không cởi giầy, gieo mình xuống giường. Hơi hướng của Họa Mi như một ly rượu mạnh ngấm khắp cơ thể, anh ước ao được ghì ngay lấy thân thể cô để hưởng niềm khoái lạc. Đúng muốn được hưởng trò vui thú này phải có tiền. Tiền sẽ mua được gái đẹp, sẽ mua được Họa Mi, sẽ được nghỉ ngơi trong vòng tay mềm mại, dịu hiền. Nhưng làm cách nào có tiền? Tư Đương tự hỏi rồi tự trả lời: Phải liên lạc với gia đình vợ đang ở nước ngoài. Anh quyết định viết thư cho vợ.

        Theo thư mời của Tư Đương, ông Ba Thăng, chú ruột của vợ về Sài Gòn tìm hiểu thị trường để chuẩn bị hợp tác đầu tư.

        Chiếc máy bay của hãng Hàng không Pháp chở ông Ba Thăng từ Thái Lan hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Suốt mấy giờ đứng chờ ngoài cửa ra vào, nhìn thấy chú, Tư Đương mừng rỡ, gọi to:

        - Chú! Chú ơi!

        Ông Ba Thăng trong bộ com-lê màu thẫm, tay xách chiếc va-li khóa số, nghe thấy tiếng quen, ông đưa mắt kiếm tìm, Tư Đương giơ tay vẫy:

        - Cháu đây!

        Nhìn thấy Tư Đương, ông vội rút vé đưa cho cô nhân viên kiểm soát, bước nhanh ra cửa.

        - Cháu có khỏe không?

        - Dạ, khỏe.

        - Hàng vợ cháu gửi về đã nhận được chưa?

        - Dạ, đủ.

        Tư Đương chủ động xách va-li cho chú ra xe hơi chờ ngoài sân.

        - Có làm ăn được không?

        - Được, nhưng phải thăm dò.

        Cánh cửa Tôyôta từ từ mở rộng. Đợi ông Ba Thăng bước vào trước, Tư Đương đặt va-li lên rồi bước theo.

        - Nhờ có vợ gửi hàng cho chồng mà hải quan họ không nghi ngờ.

        - Ó nước ngoài, vợ cháu luôn nhớ tới cháu.

        - Diễm Hằng và các con cháu có khỏe không chú?

        - Khỏe, nhắc tới cháu luôn. Chỉ lo cháu làm ăn đổ bể, phải đi tù thì nó ân hận lắm.

        Tối đó, ông Ba Thăng và Tư Đương ngồi uống rượu nói chuyện tới gần sáng.

        - Tổng cộng cháu đã nhận được bao nhiêu tiền?

        - Dạ. Năm ngàn đô.

        - Thư kêu gọi của tổ chức “Liên minh vì một nước Việt Nam tự do" bao lần?

        Tư Đương mặt đỏ lựng vì hơi men, nói ngọng lưỡi:

        - Dạ, một.

        - Thê cháu đã nhận bản “Lời kêu gọi” của tổ chức  đó chưa?

        - Dạ, chưa.

        - Vì sao?

        - Vì cháu không biết nghề in. Vả lại, công an thành phố vừa mỏi phát giác vụ ông Mười bí mật chuyển phim khỏa thân từ nước ngoài vào chiếu thu tiền kiếm lời.

        - Cháu có biết vụ đó không?

        - Có. Ông Mười nguyên là cán bộ kháng chiến cũ, từ “Rờ” về, được chính quyền thành phố tin tưởng giao cho làm công tác văn hóa quần chúng. Lợi dụng uy tín của mình, ông đi nước ngoài đem phim về chiếu, không qua kiểm duyệt, bị công an bắt quả tang.

        - Thế bây giờ ông ta còn bị tù không?

        - Nhờ có chiến tích ở “Rờ”, ông chỉ bị khai trừ Đảng và buộc thôi việc.

        - Ông ta có biết nghề in không?

        - Dạ, chỉ biết công tác nghệ thuật, viết sách báo chứ không giỏi nghề in.

        Ông Ba Thăng thở dài, nâng cốc rượu như nuối tiếc điều gì, ngẫm nghĩ rồi ghé sát miệng vào tai Tư Đương:

        - Công việc của chú cháu mình cần đến những hạng người như ông ấy, ở “Rờ” về mà lại thích chơi thoáng.

        Tư Đương xoay người lại. Ánh điện phản chiếu lên mặt anh lộ rõ sự ưu tư, lo lắng.

        - Thế đợt này vợ cháu không chuyển tiền cho cháu hay sao?

        - Có.

        Tư Đương ngước mắt nhìn ông Ba Thăng chờ đợi đưa tiền. Từ khi Diễm Hằng chuyển tiền về cho Tư Đương, anh thấy cuộc sống mình như một giấc mộng giữa ban ngày. Phải rồi, mình chỉ cần ở bà vợ già món tiền để rồi ôm ấp cô gái trẻ Họa Mi. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Cầm gói tiền của người chú đưa, Tư Đương nói như cởi lòng cởi dạ:

        - Chuyện ông Mười, cháu vừa kể là cháu nghe qua một cô bạn gái.

        Ông Ba Thăng không bao giờ bỏ qua mọi chuyện về những việc, con người được cháu nhắc tới.

        - Cô ta làm gì, ở đâu?

        - Trước chạy bàn ở quán “Thiên Nga”, nay làm tiếp viên cho nhà hàng “Miền Quê”.

        Ông Ba Thăng tỏ thái độ bình thản nhưng thực ra ông đang kiếm tìm những con người có liên quan tới công việc định làm.

        - Quan hệ giữa cô ta với ông Mười Nhỏ?

        - Dạ. Là chú cháu.

        - Tốt đấy. Cháu nên trân trọng tình cảm với chú cháu cô ấy.

        Tư Đương dụi mẩu thuốc vào lọ gạt tàn, nói lễ phép:

        - Dạ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:35:53 pm »

        
*

        Từ ngày Họa Mi rời khỏi quán “Thiên Nga”, Tư Đương kiếm tìm cô như một thám tử kiếm tìm thủ phạm, song không sao biết cô làm ở đâu. Hình như đối với Tư Đương, nói một cách thô thiển, anh sinh ra để có một đời sống tình dục mạnh mẽ. Điều đó lại cũng đúng cả với Họa Mi. Vì vậy, nhiều lần anh kiếm tìm không được đã tổ chức mai phục tại cửa nhà. Họa Mi đi ra khỏi cửa, anh bám theo sau, qua nhiều dãy phố, thấy cô bước vào nhà hàng “Miền Quê”

        Có lẽ quá si mê một cô gái đẹp, Tư Đương phóng xe về nhà vay người hàng xóm, vung tiền rồi trở lại nhà hàng “Miền Quê”.

        Vừa bước vào nhà hàng, anh đã được các tiếp viên mời chào. Song anh không nói, không cười, lặng lẽ đi tới phòng trong cùng. Họa Mi và một người đàn ông đã luống tuổi đang ghì chặt với nhau thành một khối. Dưới ánh đèn mờ, anh vẫn nhận ra người mà anh từng yêu say đắm. Anh sững người, nói không ra tiếng:

        - Họa Mi!

        Họa Mi rụt tay lại, người đàn ông cũng rời tay. Sự căm giận, tức tối trong Tư Đương đã dồn nén lên đôi mắt đến nảy lửa nhìn người đàn ông. Hình như tình yêu với Tư Đương còn lại trong Họa Mi đã khiến cô hơi bẽn lẽn:

        - Anh! - Mãi lâu sau cô mới nói tiếp được, giọng lạc hẳn đi - Đến đây lúc nào?

        - Nửa tiếng rồi.

        Tư Đương vẫn đứng im như một tảng gỗ. cả nhà hàng đều dồn mắt nhìn anh.

        - Anh vẫn tìm em à?

        - Tìm.

        Họa Mi có phần bình tĩnh hơn:

        - Để làm gì?

        Đôi mắt đỏ như con thú dữ, anh thét lên:

        - Đê tận mắt nhìn thấy cô bỏ tôi đi ôm ấp một lão già.

        Người khách không hiểu quan hệ giữa Tư Đương và Họa Mi ra sao nên lặng lẽ định đứng lên, song Họa Mi kéo tay ông ta ngồi xuống:

        - Tôi chỉ đi với anh khi anh có tiền.

        - Đồ phản bội!

        Họa Mi bật dậy như một lò so, ngửa tay tát mạnh vào má Tư Đương. Mắt Tư Đương như có một màn sương phủ nhòa. Phút chốc, anh chỉ còn nhận thấy mình không chiếm được Họa Mi không phải vì xấu trai mà vì không có tiền. Trong đầu anh vang lên tiếng gọi: Tiền! Tiền!

        Anh cảm thấy nhục nhã, uất giận, cúi đầu bước ra khỏi nhà hàng.

       
*

        Đêm đó trở về nhà, Tư Đương không sao ngủ được. Anh giận mình buôn bán kém tài, khách ra vào công ty ngày càng ít. Và cũng chính đêm đó, anh đành viết thư cầu khẩn gia đình vợ gửi tiền chi viện.

        Hai tháng sau, Diễm Hằng đã gửi cho anh khoản tiền đầu tiên qua đường bưu điện thành phố . Anh bỏ năm ngàn đô-la vào túi bước ra khỏi trung tâm bưu điện vào lúc Sài Gòn đã lên đèn. Anh nhớ rõ, hôm đó là ngày đầu Hè, trời vừa mới đổ mưa xong, anh gọi xích-lô đến nhà người bạn chuyên buôn bán đô-la. Anh đổi một ngàn đô lấy chín triệu tiền Việt, loại bạc năm ngàn, rồi lại ngồi xích-lô, giọng hồ hởi:

        - Quẹo tay mặt!

        Người xích-lô già đội chiếc mũ lưỡi trai màu ghi co chân đạp theo chiều tay Tư Đương.

        - Dừng!

        Người xích-lô thò tay kéo phanh. Tư Đương rút tò năm ngàn trả công rồi bước nhanh vào nhà hàng “Miền Quê”.

        Anh đi nhanh vào nhà hàng, đảo mắt một lượt. Họa Mi vẫn ngồi ở bàn cũ nhưng hôm nay không phải là ông già mà là một chàng tay khoèo. Lần này, nhìn thấy Tư Đương, Họa Mi không xúc động như lần gặp trước, cô chủ động hỏi:

        - Anh vẫn đến?

        - Đến chứ!

        - Có tiền không?

        Tư Đương không nói, nhìn lên ngọn đèn mò, tay cho vào túi quần rút một xếp tiền đặt lên bàn, rồi lại mở túi ngực lấy ra một xếp đô-la loại 100 đặt tiếp, giọng thách đố:

        - Xin lỗi ông bạn, tôi là khách quen của Họa Mi.

        Người khách lạ biết mình yếu thế, lặng lẽ đứng lên, lầm lũi bước khập khễnh ra cửa. Tư Đương nói giọng cay độc:

        - Em ôm ấp cả thằng què kia nữa hay sao?

        - Họa Mi cúi mặt, gọi nhỏ:

        - Anh!

        Họa Mi vẫn cúi đầu hỏi:

        - Anh uống gì?

        - Một thùng Heineken!

        Mọi lần, khi có khách đến ngồi với Họa Mi, bà chủ cho người đến hỏi xem khách dùng gì, cho người mang tới. Nhưng lần này, Họa Mi tự động đứng dậy làm các công việc đó.

        - Em còn nhớ thằng què kia không?

        Họa Mi lặng lẽ bật nắp bia, không trả lời.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:38:14 pm »


       
*

        Duy và Diệu Hương đang ngồi đối diện với Họa Mi, cách một màn gió nên nghe rõ từng lời đối thoại và chứng kiến toàn bộ thái độ của Tư Đương. Cô từ từ đặt ly bia xuống bàn, lặng người đi, mắt tối sầm, mặt trắng bệch như chiếc áo trắng cô đang mặc. Cuộc đối thoại, mặc cả giữa Tư Đương và Họa Mi như một cơn sóng lạnh buốt ào qua, bủa vây toàn thân Diệu Hương, tách cô ra khỏi cuộc sống tiếp viên hiện tại. Cuối cùng Duy khẽ nói:

        - Có bao giờ em mặc cả như vậy không?

        Diệu Hương sa sầm sắc mặt:

        - Trời ơi, đến anh mà cũng hỏi em như thế ư! Duy chợt tỉnh, nhận ra nỗi kinh hoàng, chết chóc trên mặt Diệu Hương, Anh thốt lên:

        - Hương! Đừng giận vì câu hỏi đó của anh.

        Duy nắm tay Diệu Hương, song cô co lại, nói giọng giận hờn:

        - Đừng chạm đến người em!

        Duy vẫn nắm chặt tay Diệu Hương:

        - Đó là lời của lòng thương cảm với em quá nhiều.

        Trước mắt Duy và Diệu Hương như có một làn mưa bụi phủ nhòa. Qua màn mưa bụi và ánh đèn mờ, anh chỉ còn nhận thấy sắc mặt nhợt nhạt, đau khổ của Diệu Hương. Anh đặt tay lên vai cô kéo về phía mình như chuộc lại lỗi lầm do câu hỏi không đúng lúc của anh.

       
*

        Phía bên kia màn gió, Tư Đương đã uống liên bốn lon bia, mặt đỏ lựng, mắt mở rộng rồi thu hẹp lại, nhìn bất động xoáy vào ngực Họa Mi, nhìn vào cái thân hình đẫy đà, tóc đen cắt ngắn, mặc mini juýp màu xanh với chiếc áo trắng hở cổ, chân đi giày. Càng nhìn, Tư Đương càng thấy Họa Mi đẹp và có thể nói đẹp hơn cả những lần gặp trước, vẫn có uy lực và có thế nói còn có uy lực cao hơn cả những ngày yêu thương trước đây. Còn Họa Mi, tuy tuổi có kém hơn một giáp rưỡi nhưng cô đã là thợ làm tình cho các chàng trai, các gã đàn ông đam mê sắc đẹp đàn bà, và điều quan trọng, cô đã trở thành thợ giỏi đưa đường cho các khách leo cây để moi tiền đến đồng cuối cùng trong túi. Họa Mi dương đôi mắt nhìn thắng vào mắt Tư Đương, hai tay quấn lấy cổ anh, áp sát môi vào môi anh một cách sống động. Dường như Tư Đương từ lúc ngồi xuống bên cô đã không bao giờ xa lìa nó. Đã một thời gian dài, anh khao khát phút giây này. Rõ ràng xúc cảm này đang thực chứ không phải trong mơ.

        - Họa Mi! - Tư Đương gọi trong xúc cảm, vẫn giữ cô trong vòng tay, vùi mặt vào tóc, vào ngực cô.

        - Em cứ tưởng anh đã quên em - Họa Mi nói, mắt nhắm lại.

        - Chẳng có gì thay đổi, tất cả vẫn như cũ.

        - Chính em cũng tin như thế.

        - Vì vậy anh đã đến đây.

        Họa Mi vuốt tóc Tư Đương:

        - Mái tóc anh vẫn dày, duy có điều đã nhiều sợi bạc hơn.

        - Anh biết anh nhiều tuổi gần gấp đôi em, nhưng em đã chấp thuận ôm ấp một tên què, chân đi cà nhắc thì anh vẫn còn đẹp hơn ông ta cơ mà.

        - Anh lại giễu em rồi. Ông ta ép em - Họa Mi nói dịu dàng - Chỉ có một lần thì anh bắt gặp, còn bây giờ em là của anh tất cả.

        Họa Mi xoa bóp cánh tay đến khuỷu của Tư Đương và bắt đầu xoa ngực, xoa đùi, xoa đến những nơi khêu gợi dục vọng vốn có gốc rễ trong Tư Đương. Tư Đương ngất ngây trong động tác thuần thục của bàn tay Họa Mi và những lời ru ái tình.

        - Đêm nay ta đi khách sạn.

        Họa Mi không cần đắn đo trả lời ngay:

        - Vâng. Em sẽ đền bù tháng ngày xa cách.

        Họa Mi đứng lên đi sang phòng bên gọi điện thoại. Một lúc sau trở lại, cười nói:

        - Còn phòng.

        Tư Đương và Họa Mi rời nhà hàng “Miền Quê” lên một chiếc xích-lô. Qua mấy dãy phố, họ dừng xe đi bộ vào một khách sạn Mini. Khách sạn này không giống các khách sạn khác. Qua hành lang hẹp chạy dài, họ đến một khu đất trồng đầy hoa. Phía sau vườn hoa là cả một khu nhà xinh đẹp lát bằng đá cẩm thạch. Cả đêm đó, Họa Mi đã chiều theo Tư Đương để sáng hôm sau nhận 200 đô bỏ vào túi bước ra cửa với vẻ mặt bơ phờ.

        - Ngày mai em dẫn anh đến gặp bác Mười Nhỏ nhé.

        - Vâng. Em đợi.

        Thế là Tư Đương và Họa Mi đã thống nhất một kế hoạch làm ăn lớn, thu được nhiều đô-la hơn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:39:34 pm »


CHƯƠNG BỐN

        Má Diệu Hương sinh được năm người con: Anh Hai, chị Ba, anh Sáu, chị Bảy. Diệu Hương được gọi là Tám. Các anh chị đều đã lấy chồng, lấy vợ, chỉ có chị Bảy và Diệu Hương chưa xây dựng gia đình, không công ăn việc làm.

        Tính cách chị Bảy và Diệu Hương có nhiều điểm không giống nhau nhưng có nhiều sở thích và khuynh hướng chung. Hai chị em hiện đang ở chung với má nên rất hiểu nhau. Chị Bảy thì sống cởi mở hơn, vui thì ca hát, khi say xỉn hay ghé sát tai vào người khác mỗi khi họ hỏi điều gì. Còn Diệu Hương, cô trầm tĩnh hơn, nói năng thận trọng. Chị Bảy luôn tha thứ sai sót của em, còn Diệu Hương lại nghiêm khắc với gì chị đối xử quá đà, thường đánh thức những điều đã ngủ quên trong chị. Vì vậy, cô thường lắng nghe tất cả những gì chị nói với tấm lòng ruột thịt.

        - Em đoán xem tôi qua chị ngồi với ai?

        - Với anh Bảy Hiền chứ gì?

        - Đồ ngốc. Chị ngồi với Tám Duy. Anh ta ngồi cả tối chỉ hỏi về em.

        Hai chị em nằm dài trên bãi cỏ nói chuyện. Hôm ấy là một ngày thu nắng đẹp.

        - Anh Bảy Hiền cũng có vẻ thương chị lắm.

        - Đúng đấy. Anh ấy là một người tốt. Anh ấy thương chị nhưng không bằng anh Duy thương em.

        - Em chỉ buồn, sợ anh ấy quê ngoài Bắc, chẳng hiểu gốc tích ra sao - Diệu Hương thở dài nằm úp sấp, một tay chống cằm và chăm chú nhìn chị - Chị có thể yêu anh Bảy Hiền, chứ em không bao giờ yêu anh Duy. Em chỉ sợ rằng "một lần yêu là một lần đau khổ". Yêu anh ấy, anh ấy không thực lòng, thế là cuộc đời em thiếu đi anh ấy, thiếu đi một người, có phải anh ấy đã giết em không?

        Chị Bảy lặng im. Câu nói của Diệu Hương đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của chị.

        - Đối với em, má có ý nghĩa hơn cả.

        - Má đang nhắc chị em mình về quê đấy!

        - Nhắc khi nào?

        - Chiều qua.

        - Thế sao chị không nói với em?

        Diệu Hương khoanh đôi tay lại, đặt dưới cằm, thả tâm trí theo dòng suy nghĩ về má. Má ơi, ba con bỏ nhà ra đi sớm, để lại năm anh em con nên má phải lận đận nuôi chúng con khôn lớn. Nhưng giờ đây gia đình ta vẫn bữa cơm bữa cháo, má đã già rồi, ngoài sáu mươi vẫn phải lặn lội gió sương kiếm tiền nuôi hai chị em con ăn học. Vì thương má, chị em con đã bỏ học, từ Tiền Giang lên đây kiếm tiền nuôi má. Má hãy tha thứ cho chị em con về việc đã giấu má này. Má ơi, má có biết con kiếm tiền khổ sở, đau đớn đến thế nào không? Má ơi, vì má, con sẽ hiến dâng hết, vì con thương má. Nếu con có cầu xin má thì con chỉ cầu xin má tha thứ cho chị em con đã giấu má việc này.

        - Sao em lặng thinh thế?

        - Em nghĩ về cuộc đời má.

        - Nếu vậy, em phải về thăm má.

        - Còn chị?

        - Hôm nay đã trót hẹn anh Bảy Hiền. Chị không muốn thất hứa. Em về trước, ngày mai chị về.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM