Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:34:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy tìm T.72  (Đọc 11361 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2020, 11:03:11 am »


CHƯƠNG SÁU

CHẠY TRỐN

1

        Vừa đặt chân tới Hải Phòng, trung tá Nam đã nhận được liên tiếp hai bức điện của Bộ nhắc nhở phải khẩn trương triển khai kế hoạch truy nã tên Sinh.

        Có khả năng con mồi đánh hơi thấy Mác Clao và Thúy Vân bị bắt, nó đã để phòng. Bộ ra điện thông báo cho các cửa khẩu tăng cường kiểm soát. Công an vũ trang tích cực tuần tiễu trên biển. Cảnh sát các thành phố, thị xã và các trục đường giao thông tăng cường kiểm tra giấy tờ người đi lại, chủ yếu kiểm tra nam giới lứa tuổi khoảng 30-40. Họ tên, tội trạng và ảnh tên Sinh được nhân lên nhiều bản gửi đi các cơ sở có liên quan trong toàn quốc. Nhưng con mồi vẫn mất tăm. Chẳng lẽ để nó chạy thoát hay sao?

        Trung tá Nam tự hỏi.

        - Tố một báo cáo!

        - Cho tới giờ vẫn chưa thấy dấu vết hắn.

        - Tổ năm báo cáo!

        - Chúng tôi vẫn chưa xác định được hướng đi của hắn.

        - Tổ... báo cáo!

        Trung tá Nam điện hỏi khắp nơi nhưng chưa tổ lùng sục nào thấy tăm hơi của hắn. Ông rút khăn mùi xoa lau khuôn mặt đã vã mồ hôi. Phen này mà để nó xổng thì mình là người chịu tội nặng nhất. Mình nên làm gì bây giờ? Trung tá Nam buồn rầu đặt tay lên tập tài liệu, đôi mắt hờ hững nhìn qua ô cửa, nhưng trong đầu quay cuồng biết bao câu hỏi. Tại sao mình có thể chấp thuận phương án cho Thảo đi cùng Sinh một cách mạo hiểm như vậy? Tại sao mình lại không nhắc anh em cảnh giác bám sát tên Sinh sau khi hắn đánh cắp B.3? Khi gặp anh em trinh sát được giao nhiệm vụ đóng vai công nhân cảng mình không nói rõ chỉ được phát lệnh bắt Mác Clao khi hắn đã đi cách xa thị Vân vài chục mét mà chỉ nói “sau khi trao tài liệu”. Chính sơ suất này dẫn tới việc anh em phát lệnh bắt Mác Clao quá sớm. Biết rằng thiếu sót này chẳng phải do ông gây nên tất cả, nhưng ông nghĩ trên cương vị người chỉ đạo, ông phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

        Ngay lúc ấy, thiếu tá Tường đẩy cửa bước vào làm đứt đoạn những dằn vặt của trung tá Nam.

        - Tôi đã gặp Phương Thảo nhưng cô ấy cũng không biết gì về hướng đi của hắn.

        - Không biết gì? - Trung tá hỏi với thái độ ngạc nhiên và thất vọng - đồng chí hãy kể lại xem Phương Thảo nói gì.

        - Phương Thảo cũng hoàn toàn bất ngờ - giọng thiếu tá đượm vẻ nghiêm trọng như có sự thất bại ngấm ngầm mà anh đang sắp phải gánh chịu.

        Phương Thảo kể, sau khi chụp xong tài liệu B.3, tên Sinh và Thảo vẫn dong duổi trên đường Năm. Theo quy định, khi qua trạm gác phía dưới thị xã Hải Dương, Phương Thảo đánh rơi chiếc khăn mùi xoa, báo hiệu mọi việc xảy ra như dự kiến. Từ đây, Phương Thảo không thấy người của ta bám sát như trước. Có lẽ các anh ấy cho rằng mọi việc êm đẹp, sinh ra chủ quan.

        Đêm đã khuya. Sinh kêu mệt, dừng xe ở gần nơi những ngôi nhà bị bom Mỹ tàn phá. Hố bom ở lòng đường đã được lấp đầy.

        - Nghỉ ở đây gần sáng lại đi tiếp em ạ.

        - Thôi mà. Không đầy năm cây số nữa đến Hải Phòng, anh cố lên. Vào thành phố nghỉ luôn thể.

        Dù Thảo khuyên Sinh như thế nào, hắn ta cũng nhất quyết vào thăm người bạn.

        - Đường xa, anh mệt lắm rồi, bây giờ đi tiếp sợ không báo đảm tay lái.

        - Anh Sinh. Em không đồng ý vào nhà ai cả.

        Tên Sinh chủ động cho xe vào đường rẽ. Lúc đó, Thảo không thấy người của ta bám theo sau. Hoảng quá, cô kêu to lên: “Mệt thì nghỉ ở ngoài đường thôi”. Xe chạy nhanh tới mức tóc Thảo rối tung mà hắn vẫn lạnh lùng mở tốc độ một cách tàn nhẫn. Thảo tỏ vẻ giận dữ đấm vào vai hắn, hét to: “Cho tôi xuống đây, không vào nhà ai hết”. Thảo tưởng như tiếng bánh xe và gió át mất lời nói, chỉ có cái đấm kia mới làm hắn ta quay lại.

        - Việc gì thế em?

        - Chạy gì mà như ăn cướp ấy. Cho em xuống đây.

        Tên Sinh dừng xe phân trần:

        - Xe chạy nhanh quá. Anh không nghe thấy em nói gì hết.

        Rồi hắn chỉ tay vào ngôi nhà phía trước, thủ thỉ:

        - Chúng mình vào ngôi nhà kia nghỉ cho đỡ mệt em ạ.

        - Tôi không đi đâu hết.

        Lúc bấy giờ Thảo nhận thấy tên Sinh không những không chiều chuộng Thảo như trước mà có phần tỏ ra cứng rắn.

        - Nếu cô không vào, mình tôi vào.

        Tên Sinh cúi đầu dắt xe đi. Thảo nghĩ, nếu không đi theo hắn, chắc chắn hắn cũng đi một mình. Và như thế, hắn gặp ai, làm gì hoàn toàn tự do. Hơn nữa Phương Thảo vừa để hắn chụp tài liệu B.3, bị hắn coi là kẻ tòng phạm, cô không thể tỏ ra cứng rắn được. Phương Thảo nghĩ cứng rắn, làm mình làm mẩy trong trường hợp đó là không thật, nên đành lững thững theo sau, nói giọng trách oán và hờn giận:

        - Anh tệ lắm, anh chẳng tôn trọng em gì cả.

        Hắn đi chậm đặt tay lên vai Thảo:

        - Đừng nói thế. Anh làm gì, nghĩ gì đều vì em đấy. Bây giờ anh nói để em hiểu. Lúc ở đoạn ngoặt vào đường rẽ, không thấy người, xe ở phía sau, nghĩa là chắc chắn không có người cản trở tay lái, anh mới cho xe tăng ga chứ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2020, 11:03:32 am »


        Đi qua một ngôi nhà gạch đổ nát như còn ngửi thấy hơi bụi, Sinh và Phương Thảo vào ngôi nhà xây một tầng. Chủ nhà là đôi vợ chồng trẻ, chồng tên là Thanh vợ tên là Liên cùng học trường trung cấp giao thông với Sinh, hiện công tác ở Sở Giao thông vận tải Hải Phòng. Lâu ngày, gặp lại bạn thân, vợ chồng Thanh vội đi làm cơm, không cần hỏi ý kiến khách. Phương Thảo được Sinh giới thiệu là người yêu sắp cưới, vợ chồng Thanh tỏ ra vui mừng thực sự.

        Một sự ngẫu nhiên tưởng như sự việc được sắp đặt trước, vợ chồng người bạn hết rượu. Sinh và Thanh tranh nhau đi mua. Tất nhiên, Sinh có xe máy phải là người thắng cuộc. Phương Thảo đòi đi theo, nhưng bị Liên thật thà đến mức đáng giận kéo tay lại:

        - Chúng mình ở nhà làm cơm. Rượu chè phó mặc các anh ấy.

        Tên Sinh đi gần một giờ đồng hồ mới quay lại, tay cầm chai rượu đầy, thanh minh:

        - Bu-di xe tự nhiên không đánh lửa. Lau với chùi mãi mới nổ máy được.

        Cơm nước xong, cả khách và chủ đều đi ngủ. Sáng hôm sau, Sinh nói sẽ trở lại Hà Nội ngay. Liên vào trong thành phố làm việc sẽ đưa Thảo đi cùng. Không thuyết phục nổi Sinh, Thảo đành miễn cưỡng theo Liên.

        Ngay khi Phương Thảo và Liên lên xe vào thành phố, Sinh cũng dắt xe máy ra cổng. Hắn đi đâu, về hướng nào, cả Liên, Thanh và Phương Thảo đều không rõ.

        - Sơ suất quá! - Trung tá Nam đập mạnh tay xuống mặt bàn - đúng là tên này cáo già thật. Thời gian nó đi mua rượu chính là thời gian nó trao tài liệu B.3 cho Thúy Vân. Thế mà các tướng nhà ta cứ ngồi bên đường ngó nhìn xe nào đèo phụ nữ mới chú ý. Đúng là chủ quan ngờ nghệch hết chỗ nói. Nó đi ngang qua mặt, thậm chí vuốt mũi mấy cậu nhà ta mà các cậu ấy vẫn còn ngủ gật. Như thế này thì bị kỷ luật cả lũ, cả tôi và anh - trung tá đứng lên đi một vòng quanh phòng rồi lại ngồi xuống - Bây giờ chỉ còn cách là làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tung một lực lượng lớn hơn đế truy lùng tên Sinh.

        - Theo tôi, tên Sinh yêu Phương Thảo thực sự. Lúc nào đó, hắn ta sẽ mò về khu tập thể Kim Liên.

        - Lại yêu! - Trung tá Nam cười hết cỡ - Mình đã nói là đồng ý với ý kiến cho rằng tên Sinh rất thích Phương Thảo. Thằng con trai nào mà chẳng thích gái đẹp. Nhưng bây giờ nó nghe tin Mác Clao bị bắt, bị trục xuất, Thúy Vân phải vào nhà đá, liệu nó còn tìm Phương Thảo nữa không? Nếu nó yêu Phương Thảo, sống cùng sống, chết cùng chết, tại sao nó không kèm cô ta tới gặp Thúy Vân? Một người con trai đi chơi với người yêu trên đường phố có phải an toàn hơn đi một mình không? Nhưng tên Sinh không làm như thế, chứng tỏ nó còn cảnh giác đấy chứ -  trung tá thấp giọng hơn - làm cái nghề tình báo, phản gián, nó lừa nhau từng miếng, nói A thành B, người đời chớ tin vội. Những người làm công tác an ninh như chúng ta lại càng không nên tin vội.

        Trung tá Nam đang nói rất sôi nổi bỗng dừng lại, nét mặt vừa tỏ ra tự tin, vừa tỏ ra quyết đoán:

        - Lại còn cái chết của Tô Quyên nữa chứ, bao tháng ngày điều tra mà nào đã có tia hi vọng gì đâu. Bắt được một tên gián điệp là điều đáng mừng rồi. Nhưng điều đáng mừng hơn nữa là cứu được mạng người khỏi bàn tay chúng, là minh oan cho người vô tội, là trả nợ cho những người đã khuất, có phải không?

        Cả hai người đều im lặng. Họ hiểu im lặng trong bế tắc là cách tốt nhất để có ý kiến hay.

        - Tôi đã hỏi cung Thúy Vân về cái chết của Tô Quyên , nhưng thị ta cũng không biết. Khi thị ta được lệnh về Hải Phòng, công việc đó do tên N. chỉ đạo.

        Anh nhìn vào đôi mắt điềm đạm, sâu thẳm của trung tá.

        - Theo tôi, trước hết cứ tập trung truy tìm tên Sinh. Sau khi bắt tên Sinh, chúng ta tiếp tục làm rõ cái chết của Tô Quyên.

        - Đúng, cũng chỉ còn cách đó chúng ta mới dứt điểm được công việc. Một lúc làm hai việc sợ không tập trung - cuối cùng trung tá quyết định - đồng chí ở lại Hải Phòng tiếp tục công việc đã bàn. Báo cho tổ xét hỏi chuyển Thúy Vân về nhà tạm giam của Bộ. Ngay chiều nay tôi sẽ về Hà Nội phối hợp với đồng chí Dương rà soát lại phương án mà chúng ta đã thống nhất.

        Thiếu tá Tường nhìn thẳng vào mắt trung tá, nét mặt kiên nghị.

        - Vâng, tôi sẽ ở lại Hải Phòng.

        - Có gì khó khăn cứ gọi điện cho tôi.

        Trung tá Nam nói rồi xếp hồ sơ ra xe. Chiếc xe com-măng-ca đang chờ ngoài cổng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2020, 11:04:20 am »


       
2

        Mặc dù chưa đánh cắp được toàn bộ bản thiết kế  B.3 nhưng tên Sinh vẫn quyết định trao tài liệu cho Thúy Vân. Trao tài liệu xong, hắn vừa lo, vừa mừng, trở lại nhà bạn thân. Và ngay sáng đó, hắn về gặp linh mục K. để lẩn trốn sự truy lùng của công an nếu như Thúy Vân bị lộ, đồng thời lấy lại bình tĩnh sau những giờ phút căng thẳng.

        Dọc đường từ Hải Phòng, qua Nam Hà về Ninh Bình hắn tương như lúc nào cũng có người đuổi theo. Ngồi trên xe máy hắn thấy lo sợ, đầu óc căng thẳng đến cực độ. Xe chạy hết tốc độ hắn thấy vẫn còn chậm. Có lúc xe hắn chồm lên cả đống đá bên đường.

        Hắn về tới thị xã Ninh Bình khi mặt trời đã xế chiều. Hắn dắt xe qua khu ga. Những toa tàu bị trúng bom như những tảng đá khổng lồ nằm bên hố bom đất sét trắng. Hắn dắt xe qua đường ray để đi về phía nhà thờ. Nhà thờ thị xã bị máy bay Mỹ ném bom cuối năm 1972, nay chỉ còn là đống gạch hoang tàn. Cây thập ác cao nhất đã gãy gục. Thỉnh thoảng, gió từ phía sông Đáy mang theo âm vang của tiếng búa, tiếng máy khoan, máy ủi trên công trường nhà máy điện thổi tới. Gần một ngày thần kinh căng thẳng, giờ đây được đứng bên cây thánh giá, Sinh cảm thấy nhẹ nhõm. Hắn thở phào vì sắp về đến nơi có vị linh mục K. che chở. Hắn ngẩng mặt nhìn cây thánh giá với vẻ ngưỡng mộ, rồi giơ tay cầu Chúa. Hắn tự hỏi: Đấng cao siêu mà hắn và biết bao người, kể cả người Mỹ thành kính, ngưỡng mộ cũng bị bom Mỹ hủy hoại ư?

        Anh em thanh niên xung phong sửa đường ở gần đấy vẫn thường chứng kiến những con chiên ngoan đạo khóc thương tượng Chúa bị đổ vỡ, nên họ chẳng hề quan tâm tới thái độ của Sinh. Sinh im lặng, lùi lại cho xe nổ máy lao về phía Phát Diệm.

        Trên đường về, hắn suy nghĩ: có nên hỏi linh mục K. vì sao Mỹ ném bom nhà thờ thị xã Ninh Bình không? Rồi hắn quyết định chẳng nên hỏi làm gì cho phiền phức... Cả việc tài liệu B.3 bị thiếu... hắn cũng không báo cáo... Coi như nhiệm vụ được giao, hắn đã hoàn thành.

        Đợi cho trời tối hẳn Sinh mới vào đường rẽ. Cả vùng quê yên tĩnh, tràn ngập ánh trăng. Hắn cho xe lao thẳng vào sân nhà thờ, rồi dắt xe vòng về phía có ánh đèn dầu. Có tiếng chân người bước ra. Đứng trước mặt hắn là vị linh mục K. Ông ta cười không thành tiếng.

        - Con đã về.

        - Thưa cha. Con vừa về tới đây.

        - Xong chưa?

        - Dạ con đã trao cho Thúy Vân.

        Dứt lời, vị linh mục K. giục:

        - Vào nhà trong đi con.

        Sinh theo linh mục K. đi vào. Giờ đây, hắn vững tâm nghĩ rằng: Nếu như chính quyền địa phương tỏi... thì chiếc chuông nhà thờ như phún thạch đen kia sẽ rung lên... và bà con trong đạo sẽ kéo đến che chở cho tính mạng hắn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2020, 11:06:25 am »


       
*

        Đêm ấy, ở dưới hầm, Sinh ngủ mê mệt. Còn linh mục K. ngồi bên máy vô tuyến chờ giờ liên lạc với cấp trên. Nhà thờ nằm chìm trong ánh trăng trắng đục. Một tiếng động làm linh mục K. giật mình nín thở. Tiếng động lại vọng tới. Và lần này, linh mục mới nhận ra tiếng chân người kéo chuông nhà thờ. Y ngồi xuống bên chiếc máy vô tuyến khi tim vẫn còn đập mạnh. Sau những phút giây xáo động, yên lặng lại trùm lên.

        Linh mục K. ngồi như thế cho đến khi chuông nhà thờ vang lên. Y thở dài bước ra khỏi hầm nhìn tháp chuông với bóng ông già kéo chuông. Từng tốp người mặc áo đen tiến về phía nhà thờ. Họ là những con chiên kính Chúa, yêu nước. Từ trong nhà thờ, linh mục K. nhìn về phía những giáo dân đang yên lặng, tiến dần về phía mình, y khép cửa đi ra, tiếp tục công việc thuyết giáo mà mấy chục năm nay, nhờ nó y sống yên ổn.

        Linh mục K. giảng về “Bảy lời của Chúa”. Sau những lần giảng đạo, y lại xuống hầm cùng Sinh ngồi bên máy điện chờ chỉ thị. Bỗng chiếc loa của máy vô tuyến điện kêu rè rè. Hắn cầm bút ghi lại một trang dày đặc những con số. Khi viết xong chữ số cuối cùng, y vội mở sổ dịch mã. Dịch được nửa bức điện, y sa sầm nét mặt. Thấy vậy Sinh hỏi:

        - Thưa cha, có điều chẳng lành chăng?

        Linh mục K. chậm rãi:

        - Chúa sẽ ban phước lành cho con. Con để yên cho cha làm việc.

        Linh mục K. tiếp tục dịch bức điện mật mã. Y không viết nội dung bức điện ra giấy. Sinh thấy thái độ của linh mục K. không vui, đoán có điều gì hệ trọng nên ngồi im.

        Ba ngày liền linh mục K. thấp thỏm chờ báo kết quả của cuộc trao tài liệu B.3. Khi nhận được tin “Mác Clao đã bị công an bắt...” y không tin... Trong đời y, đời tên gián điệp đội lốt cố đạo, y đã chuẩn bị đón nhận những thất bại có thế xảy ra. Nhưng bây giờ... điều ấy đến thì y lại không tin... Nhưng không tin không được.

        Y lấy chai rượu “Lúa mới” rót đầy chén rồi nốc cạn một hơi. Trong một loạt chỉ thị, y chỉ nhớ một điều quan trọng nhất: “Phải bố trí cho T.72 ra khỏi nhà thờ. Nếu không sẽ bị bắt...”

        Đúng. Nếu không tống cổ thằng điệp viên đã bại lộ này ra khỏi nhà thờ, mình cũng sẽ bị bắt... Lo cho số phận của mình, y quyết định phải hành động ngay để ngăn ngừa hậu quả xấu.

        Linh mục K. rút khăn mùi xoa lau trán. Y nhìn Sinh nói nhỏ:

        - Con đã bị lộ!

        Sinh tái mặt, nhưng cố trấn tĩnh. Sau một hồi im lặng, Sinh ngước mắt nhìn linh mục K.

        - Thưa cha, con không tin.

        Linh mục K. nói tiếp:

        - Mác Clao và Thúy Vân đã bị bắt.

        Rồi y nhìn Sinh ra lệnh:

        - Đêm nay, con phải rời khỏi nhà thờ!

        Sinh sợ hãi hỏi lại:

        - Nhưng thưa cha, con trốn đâu cho thoát? Hay là... cha cứ để cho con sống trong căn hầm này có được không?

        - Thôi. Đừng có phun những điều ngốc ấy ra nữa. Công an sẽ lần ra manh mối. Con đã biết, hoạt động tình báo nó đi kèm với mọi thứ phạm pháp rồi chứ? Nếu con không nghe lời cha đi khỏi nhà thờ này thì con lại dẫn cha tới việc làm phạm pháp, một việc làm mà cha không muốn nó xảy ra -  Tên linh mục K. nhăn mặt, rót tiếp cốc rượu - Cha bố trí cho con chạy sang Mỹ.

        - Nhưng thưa cha, con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, con muốn khi nằm xuống cũng phải ở nơi đây.

        - Đúng, cha cũng nghĩ như con - vị linh mục nhìn Sinh để theo dõi sắc mặt - song đây giờ con đang gặp điều chẳng lành, công an Bắc Việt đang truy tìm con. Chúa muốn cứu con khỏi nơi hoạn nạn.

        Vị linh mục vén áo chùng thâm vô tình chạm phải khẩu súng đeo bên hông. Ông ta nghĩ đáng lẽ vật này là kỷ niệm cho người con của Chúa làm hỏng việc phụng thờ Mỹ quốc. Nhưng nếu dùng nó lúc này có khác gì nổ pháo hiệu cho công an và dân quân đến vây bắt. Mục đích của buổi nói chuyện này là thuyết phục Sinh chạy trốn.

        - Kia, con có thấy không - Vị linh mục chỉ tay về phía tượng Chúa - nơi Chúa đứng như đang tỏa ra phép màu, như đang giục con nhanh chóng rời khỏi nơi đây. Con có nghe thấy không, có nhìn thấy không mà sao cứ đứng im như tượng gỗ như thế?

        Sinh nghe lời vị linh mục nói, đầu đang trải qua nỗi kinh hoàng. Hắn muốn thét lên: không. Không được! Chúa vẫn dạy con, Chúa ở đâu chúng con ở đó. Bây giờ Chúa đang ở xứ Kim Sơn này mà con lại bỏ đi hay sao?

        Sinh nhìn về phía tượng Chúa như cầu cứu. Kìa, Chúa vẫn nhìn về' phía mình. Đúng, Chúa đã dạy con như thế mà tại sao cha lại bảo con bỏ Chúa ra đi? Mặt Sinh bắt đầu biến sắc. Hay người ngồi trước mặt mình không phải là cha của xứ này? Càng nghĩ, Sinh càng hoảng loạn. Hay cha không phải là người của Chúa? Sinh nhìn vị linh mục:

        - Thưa cha, con muốn ở lại cùng cha!

        Vị linh mục giật mình như muốn chồm lên bóp chết đứa con không nghe lời. Nhưng rồi ông ta lại kìm được và đi đến bên Sinh, nhìn thẳng vào mặt Sinh. Phải tốn nhiều nghị lực lắm ông ta mới bình tĩnh được như vậy.

        Sinh ngước mắt nhìn vị linh mục như nhìn một người xa lạ. Vị linh mục thuyết phục Sinh bằng lời lẽ của một tên CIA khoác áo cố đạo:

        - Chúa khiêm nhường đã cho con đi khỏi nhà thờ, đến một xứ sở khác giàu sang hơn. Người ban rằng con phải chạy sang Mỹ. Con gắn bó với Chúa lúc này là bất hạnh đấy! Tự cứu mình là cứu Chúa có phải không con? Con hãy suy nghĩ kỹ đi, đêm mai cha sẽ bố trí người đưa con ra biển. Có người sẽ đón con ở ngoài đó.

        Mặt Sinh biến sắc, y ngồi chết lặng, đầu óc quay cuồng.

        Sau câu nói của vị linh mục Sinh cảm thấy buồn chán mất lòng tin và bắt đầu nghĩ về cuộc đời làm một tên gián điệp, nghĩ về cuộc sống xa quê hương. Và chính giây phút đó lần đầu tiên Sinh mới cảm thấy một cách lờ mờ một cái gì đó rất chính yếu mà hắn phải có, con người phải sống vì nó: quê hương.

        Mặc dầu chỉ là cảm nhận ban đầu nhưng nó cũng đưa Sinh tới cuộc đấu tranh dữ dằn: đi hay ở lại. Nhưng cuối cùng Sinh đã phải nghe theo lời vị linh mục, vì đó là ý Chúa. Sinh đưa tay lên trán:

        - Thưa cha, con sẽ đi!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2020, 11:15:05 am »


       
*

        Chiều hôm sau trời đang quang đãng bỗng nổi giông, chớp lửa nhoáng nhoáng dồn dập, tiếp sau là trận mưa như trút nước.

        - Đêm nay con phải đưa một người của Chúa ra khu vực BM2.

        - Nhưng thưa cha, ra tới đó rồi đi đâu?

        Ông già có nước da đen sạm, lưng còng hỏi. Ông là người làm nghề sông nước ở vùng biển Kim Sơn từ nhỏ nên hiểu khu BM2 như hiểu lòng bàn tay. Khu BM2 mà vị linh mục vừa nói là nơi nối liền giữa biển và rừng sú vẹt. Trước khi ra tới rừng sú vẹt phải lội qua cánh đồng cói. Trong rừng sú vẹt, nắng sớm và hoàng hôn ban chiều hầu như không lọt xuống gốc cây, quanh năm suốt tháng âm u.

        Bà con quanh vùng đồn đại khá nhiều chuyện khủng khiếp về rừng sú vẹt. Ở đó biển đang yên lặng bỗng đùng đùng sấm chớp, gió thổi ù ù làm cả rừng cây chuyển động. Có lần, sau một trận thần biển nổi lôi đình như thế, mây đen biến mất, biển lặng yên để lại một lớp trắng bồng bềnh phía trên rừng sú vẹt khoảng vài chục mét. Những tia nắng hồng tím xuyên qua lớp trắng bồng bềnh tạo thành muốn vàn hình hài kỳ dị. Bà con bảo rằng rừng rú vẹt thiêng liêng vì ở đó chôn không biết bao nhiêu kẻ tà giáo. Họ nằm xuống đó không có quan tài, không được nghe thánh ca, đêm đêm bị thần biển đến lôi hồn ra biển. Bây giờ nghe lời cha phải dẫn người qua khu vực này, ông già không khỏi lo lắng. Ông đứng như một pho tượng nhìn vị linh mục. Trong trường hợp này, từ chối không được mà nhận lời thì sự việc sẽ ra sao. Liệu rằng linh hồn của những người kia có cho ông đi qua nghĩa địa của họ không? Chân tay ông lúc đó như cứng lại.

        - Con sợ hay sao?

        - Dạ thưa cha, không.

        Ông già ngước mắt nhìn vị linh mục.

        - Tại sao con còn lưỡng lự?

        - Thưa cha, vì con muốn biết người mà mình sẽ dẫn đi là ai.

        - Không được, hỏi điều đó là trái ý Chúa. Vị linh mục dang hai tay làm cho đôi cánh tay áo chùng xòa ra. Chúa sẽ phù hộ các con. Amen!

        Ông già bước đi rón rén, khó nhọc và thấy vang lên bên tai: con hỏi điều đó là trái ý Chúa.

        Bóng đêm bắt đầu chụp xuống cả vùng biển Kim Sơn. Ông già cố phóng mắt nhìn về phía rừng sú vẹt trước khi trời tối hẳn, tự nhiên ông sợ toát mồ hôi. Song ông nghĩ rằng, nếu tâm hồn khác hình hài con người chỉ khi người đó không nghe lời Chúa. Nghĩ thế, ông bước nhanh hơn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2021, 10:01:36 pm »


       
3

        Theo đúng giờ hẹn ông già lại đến nhà thờ. Viên quản lý giáo xứ đón ông từ ngoài cửa đưa vào gặp vị linh mục.

        - Con đã sẵn sàng chưa?

        - Dạ thưa cha, đã chuẩn bị xong.

        Ông già vẫn quỳ trước chân vị linh mục.

        - Cha miễn lễ cho con.

        Vị linh mục nâng tay ông già. Viên quản lý giáo xứ dẫn Sinh đến.

        - Kìa, các con hãy nhìn về phía trước - vị linh mục chỉ về nơi tượng Chúa - Hình như Chúa đang tỏa hào quang ban phước lành cho hai con ra đi trót lọt - cả ba người giơ tay lên cầu Chúa - Cha đã trình lên Đấng tối cao chuyến đi của hai con - vị linh mục tiếp tục thuyết giáo - Đấng tối cao bảo rằng trên đường đi nếu có gặp trở ngại gì con hãy nghe theo lời người con hết lòng vì Chúa đây - Ông già nhìn theo chiều tay vị linh mục. Qua ánh nền mờ mờ ông nhìn Sinh đang đứng như run rẩy.

        Sau lần cầu Chúa ông già và Sinh bước ra khỏi nhà thờ lẫn vào bóng đêm. Hai người đến một nghĩa địa có rừng cây thập ác như một vùng cây trắng, ở đó gió biển thổi qua như tiếng thông reo, ở đó mưa như đã kì cọ cho những cây thập ác bóng sạch.

        Qua khu nghĩa địa họ đi dọc theo bờ mương vượt qua đồng cói đến một khu sình lầy bùn ngập đến đầu gối. Hình như phía trước họ có tiếng chân người lội bì bõm dưới nước. Sinh e hèm như bảo rằng “tao không sợ gì hết”. Sau tiếng e hèm đó Sinh cảm thấy vững tâm hơn. Ông già thấy người đi cũng có vẻ sợ hãi làm ông cũng lo sợ hơn. Hình như bên tai ông lúc đó vang lên những lời chất vấn: mày là đứa con kính Chúa ra đây làm gì? Rồi ông lại thấy như họ cầm giáo mác bao vây ông. Mỗi một khi có gió biển thổi qua ông lại tưởng tượng như họ đang hò reo. ông nhìn ra phía biến như cầu mong Đấng tối cao giải thoát cho ông khỏi cuộc bao vây của vong hồn những kẻ tà giáo và thần biển.

        - Còn xa nữa không? - Sinh hỏi.

        - Còn khoảng ba cây nữa.

        - Chúng ta đi được nhiều chưa?

        - Đi hết đồng cói này là ra tới bãi sú vẹt, ở đó có thuyền đưa ngài ra biển.

        - Lạy Chúa, Chúa sẽ ban phước lành cho chúng con.

        Sinh đứng sững lại, mắt mò đi. Rừng sú vẹt mênh mông hiện ra phía trước. Sóng biển xô vào rừng sú vẹt phát ra những âm thanh như giông bão.

        Sinh bước theo ông già, cố rút chân lên lại bị bùn lầy hút xuống. Bóng đêm, sóng biển, nỗi lo sợ bị công an bắt, bùn lầy đã làm giảm bước chân của Sinh. Nhưng rồi nỗi lo sợ bị công an bắt cứ mỗi lúc một lớn dần như con lũ dòng sông trong ngày mưa mùa hạ. Ông già động viên:

        - Cô gắng đi một đoạn đường nữa, thuyền của tôi giấu ở rừng sú vẹt.

        Trăng cuối tháng mỏng như ngấn nước nhô lên khỏi mặt nước run rẩy trong ánh sáng mờ đục.

        Hai người tiếp tục đi. Mỗi lần Sinh ngã, ông già đưa đường lại đỡ dậy, miệng giục cố gắng bước nhanh trong cuộc chạy trốn điên rồ này.

        Hai người lại lội bì bõm trong vùng sinh lầy càng lầy hơn do trận mưa ban chiều.

        - Ông già tưởng mình đã đi qua được khu rừng nhưng chợt nhận ra mình vẫn đang luẩn quẩn trong rừng sú vẹt. ổng đứng lại và nghe thấy hình như có tiếng chân người ở phía sau.

        - Ông có nghe thấy không? - ông già đưa đường hỏi Sinh - hình như có tiếng chân người. Không hiểu đó là tiếng chân bạn đường hay có người đuổi theo.

        - Nhanh lên nếu không chết cả lũ.

        Sinh giục ông già. Tiếng chân người phía sau gần hơn. Sinh quát to:

        - Mày định dẫn tao vào ổ phục kích của chúng hay sao?

        - Lạy Chúa!

        - Ông già đưa tay lên làm dấu, cặp mắt của ông như hai mảnh trời bị cơn bão kéo qua.

        - Con không bao giờ làm sai ý Chúa.

        - Thế thì chạy nhanh lên.

        Ông già để mặc cho hai chân lún sâu vào lòng đất để có phút giây yên tĩnh xác định lại phương hướng. Ngay lúc đó ông nhận ra mình đã đi chệch về phía nam.

        - Thưa ông, chúng ta đi hướng này.

        Sinh bước theo chiều tay của người đưa đường.

        - Lạy Chúa, Chúa hãy chỉ đường cho chúng con thoát khỏi chôn sình lầy này.

        Điều cầu mong của hai người đã đến. Họ sung sướng đến chảy nước mắt khi nhìn thấy chiếc thuyền neo đậu ở gốc cây sú vẹt cao nhất trong vùng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2021, 10:01:54 pm »


        Sinh ngồi phía mũi thuyên, còn người đưa đường mà Sinh chưa biết tên cầm lái, ngồi phía sau. Cả hai đều bê bết bùn. Một cái nhăn mặt làm khuôn mặt lấm bùn của người đưa đường méo mó.

        - Sao họ đến đón chậm thế? - Giọng người đưa đường khản đặc.

        - Họ sẽ tới. Chúng ta đi được xa chưa?

        - Đi được nhiều rồi đấy. Qua bãi sú vẹt này là ra tới biển.

        Đã quá nửa đêm. Sinh giục người đưa đường phải tranh thủ ra tới mép biển đúng giờ qui định. Trong ánh trăng suông của một đêm đầu hè, Sinh thấy phía trước quá rộng lớn, lại có tiếng rào rào như rừng cây đổ.

        - Ông có nghe thấy tiếng răng rắc như nhà bị bão không?

        - Có, nghe được một lúc lâu rồi.

        - Biển đấy, thế mà phải chèo thuyền hàng giờ mới ra tới nơi.

        - Tại sao không cho thuyền của chúng ta đón họ? - Người dẫn đường hỏi một cách thật thà.

        - Không được. Phải đợi tín hiệu báo. Ra ngoài đó dễ gặp công an vũ trang tuần tiễu lắm.

        Sinh và người đưa đường lại ngồi im lặng trên chiếc thuyền con.

        - Ông Sinh! Ông có nghe thấy không? Có tiếng chó sủa đấy.

        - Trời ơi, công an đuổi ta rồi - Sinh kêu lên sợ hãi và nói - Ta cho thuyền bơi ra biển, phải chuồn thật nhanh.

        - Nhưng thưa ông, còn vợ con tôi?

        - Sẽ có dâng tối cao lo - Sinh thét lên một cách kiên quyết.

        - Thưa ông, cho con ở lại.

        Tên Sinh giơ súng về phía người đưa đường, quát:

        - Không đi, tao bắn chết.

        Người đưa đường lom khom co rúm người lại vì sợ, một phần do sú vẹt quá rậm cản tốc độ thuyền, một phần vì người đưa đường không muốn đi khỏi vùng đất Chúa, không muốn xa vợ con nên con thuyền giảm hẳn tốc độ.

        Trong khi đó, tiếng chó sủa đuổi theo hắn mỗi lúc một gần. Bỗng một tiếng quát nghe sắc lạnh vang lên:

        - Hạ súng, đầu hàng thì sống!

        Nghe tiếng quát, tên Sinh hốt hoảng đánh rơi khẩu súng xuống đồng cói. Thế là hắn nhào ra khỏi thuyền, cố luồn lách trong sình lầy. Nhưng chỉ một lát sau, hắn đã bị bắt và bị giải về trạm công an gần nhà thờ. Ngồi trước mặt hắn là thiếu tá Tường và thiếu úy Thường - người ghi biên bản cuộc hỏi cung.

        Không khí trong phòng im lặng, nặng nề. Thiếu tá Tường phá tan sự im lặng bằng những lời giải thích:

        - Lúc đang hoạt động, anh tưởng rằng chúng tôi không biết dấu tích của anh. Bây giờ tôi nói cho anh rõ, từ lúc anh vào trường trung cấp, về gặp linh mục K. nhận điện đài, gặp Thúy Vân giao tài liệu, yêu cô Phương Thảo như thế nào, bàn nhau cưới ra sao... nghĩa là mọi hoạt động của anh, chúng tôi đều biết tất cả - Thiếu tá thấp giọng hơn - Chúng tôi chỉ yêu cầu anh thành thực khai báo. Đó là việc làm giúp anh nhẹ tội lỗi. Hay nói một cách chính xác, thành thực khai báo là con đường sống duy nhất của anh. Chắc anh đã biết chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chính phủ đối với những người lầm đường lạc lối rất rõ ràng.

        Sinh nuốt nước bọt, chép miệng tỏ ra thèm thuốc lá. Thiếu tá rút một điếu đưa cho hắn.

        - Anh hút thuốc lá đi rồi khai cho thành thực.

        Sinh lễ phép giơ hai tay:

        - Tôi xin ông.

        Sinh cúi đầu, phả khói thuốc xuống sàn nhà rồi lại ngồi im.

        - Tôi biết trong anh bây giờ có hai con người không bao giờ hòa hợp. Một con người muốn giấu kín mọi điều, đó là con người sợ bị tội nặng. Còn một con người muốn khai báo để giảm nhẹ, tội lỗi, nhưng lại nghi ngờ không biết có được giảm tội hay không. Con người thứ hai trong anh tình cảm hơn nhưng còn yếu đuối... Chúng tôi hy vọng anh sẽ nói chuyện với chúng tôi bằng con người thứ hai. Và chỉ có như thế, chính sách nhân đạo, khoan hồng mới dành cho anh được. Anh nên nghĩ kĩ và lựa chọn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2021, 10:02:21 pm »


       
*

        Sau gần nửa tháng vừa đấu tranh vừa động viên, tên Sinh đã khai toàn bộ quá trình hoạt động của mình từ lúc nhận làm việc cho CIA đến khi dụ dỗ Phương Thảo lấy cắp tài liệu B.3 và chạy trốn. Hắn kể tuần tự theo thời gian và sự việc. So sánh những điều hắn khai với hồ sơ vụ án hoàn toàn trùng khớp. Thiếu tá Tường động viên hắn:

        - Anh Sinh, những điều anh đã khai rất khớp với những điều mà chúng tôi đã biết. Thế là tốt. Ngày mai chúng ta lại gặp nhau.

        Thiếu tá Tường nói câu ấy cốt để động viên “con người tình cảm” trong hắn.

        Ngày hôm sau, vào một buổi sáng, thiếu tá Tường vào trại giam. Anh bảo người phục vụ mang cho hắn một bát phở. Thiếu tá bảo hắn:

        - Anh Sinh ăn phở đi rồi chúng ta làm việc.

        Sinh ăn xong bát phở nóng, hắn cảm thấy trong người sảng khoái hơn. Khi ngồi uống nước, thiếu tá đặt bao thuổc lá xuống bàn và nói:

        - Anh hãy kể cho tôi nghe về trường hợp anh lấy xe đạp của bác sĩ Hoàng Bổn làm phương tiện mang thư vứt vào nhà Tô Quyên. Tôi mong rằng lần này anh cũng khai thành thật như những lần trước.

        - Vâng! Tôi hiểu chỉ có sự thành thật tôi mới được giảm tội.

        - Đó là một điều tốt cho anh. Bởi vì mọi hoạt động của anh chúng tôi đều đã biết.

        Hắn thấy yên tâm. Hắn khai:

        - Theo lệnh của cấp trên, tôi phải bỏ bức thư bức tử vào nhà Tô Quyên. Tôi suy nghĩ, tìm cách ném đá giấu tay. Tốt nhất là lợi dụng bác sĩ Hoàng Bổn. Tôi tìm đến bác sĩ nhờ khám bệnh đau đầu. Lần nào bác sĩ thấy tôi đến cũng vồn vã.

        - Vào đây, vào đây, công việc của Sinh có bận lắm không?

        - Bác sĩ loay hoay tìm nước uống. Tôi đưa mắt nhìn khắp phòng, chiếc tủ kê sát tường. Chiếc bàn đặt bên cửa sổ, bên trên có ấm, chén, lọ mực, đơn thuốc.

        - Mình khám bệnh ở cơ quan cả ngày, nhiều lúc về nhà, anh em đến xin đơn mua thuốc. Nể quá, mình cũng kê đơn để anh em mua.

        Tôi hỏi thăm Hoàng Bổn.

        - Lâu nay cậu có hay về quê không? Gia đình trong quê ra sao? - Tôi nói như có vẻ thông cảm một năm về phép một lần kể cũng nhó quê hương thật. Nhớ những lúc chúng mình chăn trâu, tập trận giả...

        Hoàng Bổn mời tôi cùng ăn cơm chiều. Vợ chồng tất tưởi chuẩn bị bữa cơm. Anh ta lúc chạy xuống bếp, lúc lên nhà lấy thứ này thứ khác theo yêu cầu của vợ. Hoàng Bổn bắc chảo cho vợ rán cá, làm hai bàn tay dính bụi đen. Ngay lúc ấy, tôi nảy ra ý định bảo Hoàng Bổn ghi đơn thuốc.

        - Cậu ghi cho mình đơn thuốc mua B.6.

        - Ăn cơm xong đã, vội gì.

        - Không. Ăn cơm xong mình quên mất.

        Tôi để cả tập đơn thuốc lên mặt bàn, và cầm tờ trên cùng xem. Hoàng Bổn đặt tay trái lên đơn thuốc. Những ngón tay dính bụi và mỡ in rõ trên giấy.

        - Tay cậu làm bẩn cả đơn thuốc rồi. Vứt đi thôi.

        Vừa nói, tôi vừa cầm mép tờ giấy kéo ra ngoài Hoàng Bổn ghi đơn thuốc vào tờ giấy phía dưới. Thế rồi, đợi lúc Hoàng Bổn ra khỏi nhà, tôi gói tờ giấy có vân tay đem về, dùng nó ghi dòng chữ buộc Tô Quyên bức tử. Tất nhiên tờ giấy đó đã cắt bỏ những chữ in và xóa vân tay của tôi.

        Sau bữa cơm đó, tôi và Hoàng Bổn càng năng đi lại với nhau hơn. Tôi quan tâm tới anh ta, và anh ta cũng lo lắng tới cuộc sống của tôi. Chúng tôi tin nhau như anh em trong nhà. Tôi dùng xe Hoàng Bổn đi chơi khắp phố. Do tính toán từ trước, tôi đã đánh thêm chiếc chìa khóa xe của Hoàng Bổn. Rồi một buổi chiều oi bức, trận mưa rào như trút nước dội xuống. Lợi dụng lúc mưa to, tôi đến khu tập thể lấy xe của Hoàng Bổn đạp tới nhà Tô Quyên. Tôi vứt vào trong ô cửa tờ giấy có dòng chữ viết sẵn cùng những viên thuốc do linh mục K. đưa cho...

        Khi thuật lại hành động tội lỗi này, Sinh sợ hãi mặt hắn tái xám. Lần đầu tiên hắn ý thức được tội lỗi của mình.

        Có chuông điện thoại. Thiếu tá cầm ông nghe. Từ đầu dây bên kia gọi lại:

        - A lô! Đồng chí mang toàn bộ hồ sơ về Bộ để củng cố chứng cứ, đấu tranh với linh mục K.

        - Ngay bây giờ hay khi nào, xin đồng chí cho biết cụ thể.

        - Ngay bây giờ.

        Thiếu tá Tường bỏ ông nghe. Thế là lại bắt đầu một chiến dịch mới - Anh tự nghĩ - Hễ còn gián điệp đế quốc, còn bành trướng thì công việc mình làm vẫn còn quay như chong chóng - Rồi anh tự nhủ - Nhưng dẫu sao cuộc đời người chiến sĩ phản gián là những chuỗi ngày lặn lội với công việc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2021, 10:03:13 pm »


CHƯƠNG BẢY

BẮT ĐẦU TỪ ĐỨA TRẺ

1

        Lúc rời thành phố cảng trở về Hà Nội, ngồi trên xe tiến sĩ Hạnh đã thấy rộn lên bao ý nghĩ. Hơn hai tháng qua, dường như “con tàu” nhỏ B.3 cùng những chiến công rà phá của nó đã thu hút tất cả tâm trí Hạnh, đến nỗi anh không còn thì giờ để nghĩ tới vợ con và đến cả cô bạn mới Phương Thảo.

        Giờ đây, khi chiếc xe com-măng-ca đã vượt khỏi cầu Thượng Lý, thả sức bon bon trên quốc lộ số Năm, Hạnh mới có thời gian suy nghĩ về cuộc sống  ngày mai của anh và của bé Việt Hoa, tim anh thắt lại... Còn đâu nữa bóng dáng Tô Quyên bồng con ra tận cửa đón anh? Còn đâu nữa nụ cười và giọng nói tíu tít hỏi thăm anh về sức khỏe, về công trình? Tô Quyên, người vợ hiền, người bạn đồng nghiệp của anh, người đã từng ôm ấp ước mơ, đã từng cộng tác với anh từ những bản thiết kế đầu tiên của B.3... Vậy mà khi ước mơ đã thành sự thật, người bạn ấy lại không được cùng anh chung hưởng niềm vui... Còn đâu nữa những bữa cơm ấm cũng do bàn tay của Tô Quyên chăm chút... Phải chăng vì anh là một nhà khoa học, chỉ biết say mê hiến dâng cho khoa học mà quên cả vợ con, đến nỗi nguyên nhân cái chết của Tô Quyên anh cũng không hay biết? Không. Không. Tô Quyên là nửa cuộc đời anh, anh hiến dâng mình cho khoa học cũng chính là dâng hiến mình cho vợ con. Chỉ có điều anh không đủ sức để che chở cho Tô Quyên trước sức mạnh tàn ác của cái chết!

        Rồi Hạnh nghĩ đến bé Việt Hoa. Con anh sẽ ra sao nếu trên đời này thiếu bàn tay của Phương Thảo? Rồi đây Việt Hoa lớn lên, hẳn nó rất giống Tô Quyên , anh sẽ phải nói gì về mẹ Phương Thảo của nó? Lồng ngực Hạnh chợt rung lên khi nghĩ đến mai đây cháu Việt Hoa tập nói, những tiếng “mẹ” đầu tiên dành cho Phương Thảo và những tiếng “bố” sẽ gọi mình. Con anh, vậy nó vẫn được ấp ủ và lớn lên trong tình thương của cả bố lẫn mẹ...

        Những ý nghĩ đẹp đẽ ấy chỉ thoáng qua. Hạnh vừa chợt vui lại thoắt buồn. Anh cảm thấy lo lắng và tự chế giễu mình: “Hạnh ơi! Mày không thấy xấu hổ à? Người ta là gái chưa chồng, đẹp thế, tốt thế, lại có học thức thế: còn mày, đã có một đời vợ, một đứa con... Người ta chăm sóc con gái mày vì người ta có tình thương vô bờ bến với người vợ của mày và với cả chính mày nữa. Nhưng đó là tình thương chứ đâu phải tình yêu. Hãy nên tự biết mình, chớ có lầm lẫn như thế Hạnh ạ!” Rõ ràng trong lĩnh vực này, đối với Phương Thảo, Hạnh là người mang ơn. Anh mang ơn Phương Thảo. Phương Thảo tốt quá. Giá như... có cách gì để giữ được! Phương Thảo để Việt Hoa được Phương Thảo nuôi nấng cho tới khi nó bước vào đời, và con gái anh suốt đời được gọi cô ấy bằng mẹ. Nếu mai đây Phương Thảo đi lấy chồng, anh sẽ phải “gà trống nuôi con”, và thế là Việt Hoa mất mẹ mãi mãi. Thật lòng Hạnh chẳng muốn điều ấy xảy ra chút nào, nhưng dù muốn hay không thì trước sau anh phải chấp nhận. Phương Thảo đang như cánh chim chứ đâu có phải “con tàu” B.3 để anh có thể điều khiển đường đi bằng những tín hiệu theo ý mình mong muốn.

        Nghĩ đến đó, đột nhiên Hạnh buông một tiếng thở dài. Người trợ lý của anh ngồi bên thấy vậy, hỏi:

        - Tiến sĩ chắc là đang nghĩ đến con gái?

        Hạnh như sực tỉnh:

        - Ừ. Thương cháu quá. Hai tháng nay mình chưa được nhìn thấy nó, không hiểu nó có chịu ăn, chịu chơi không?

        - Anh yên trí, chắc là cháu ngoan. Cô Phương Thảo kể cũng giỏi thật đấy. Gái chưa chồng thế mà cũng nuôi được con. Mai kia nuôi chính con mình, cô ấy còn giỏi gấp mấy.

        - Ừ. Mình cũng nghĩ thế. Đó là một người phụ nữ đảm đang và cao thượng.

        Người trợ lý bỗng ghé sát vào tai Hạnh, nói nhỏ:

        - Tôi nghĩ... Phương Thảo đã và đang kế Tô Quyên  làm mẹ cháu Việt Hoa. Hay là... tiến sĩ nên...

        - Đừng, đừng. Ai lại thế! - Hạnh vội cắt ngang lời người trợ lý của mình nhưng trong bụng thầm cảm ơn anh ta đã đồng cảm với mình không chỉ trong lĩnh vực khoa học, mà cả trong lĩnh vực tình cảm. Dù sao những ý nghĩ của mình về Phương Thảo đã có ít nhất là một người ủng hộ. Hạnh cảm thấy phần nào yên tâm hơn.

        Chiếc xe xuôi dốc cầu Long Biên xuống đường Trần Nhật Duật và vào đường Ngô Quyền. Càng về gần tới nhà, Hạnh càng hồi hộp. Cả Hà Nội đang náo nức chuẩn bị kỉ niệm ngày Quốc tế lao động. Trên các con đường, ngõ phố nào cũng rực rỡ màu cờ đỏ và biểu ngữ.

        Trước không khí nhộn nhịp, tưng bừng của Hà Nội, Hạnh cảm thấy trong lòng lâng lâng... Anh nghĩ: Giá lúc này có Tô Quyên đi cùng, chắc Tô Quyên sẽ vui lắm... Bỗng một câu hỏi làm cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.

        - Tiến sĩ về nhà hay về Kim Liên?- Anh lái xe hỏi Hạnh để liệu đường chạy.

        - Cho mình về nhà. - Hạnh đáp.

        - Tiến sĩ không sang thăm cháu Việt Hoa sao?

        - Có chứ. Nhưng mình phải về nhà cái đã, sẽ sang Kim Liên thăm cháu sau.

        - Chị Phương Thảo chắc đang trông tiến sĩ lắm.

        Lại Phương Thảo. Cái anh chàng lái xe cũng đang nhắc đến Phương Thảo. Sao họ tinh quái thế, cứ như họ đã đọc được trong tận cùng những ý nghĩ của Hạnh. Thế mới biết, chung quanh anh có rất nhiều những tấm lòng nhân hậu. “Cám ơn, cám ơn tất cả các bạn đã giành cho tôi sự thông cảm sâu sắc, một sự vun vào thật tốt đẹp. Có điều, tôi sợ rằng, tôi không đủ sức để đáp lại lòng tốt của các bạn. Bởi lẽ, đó mới chỉ là ước mơ, trong khi ở đời không phải ước mơ nào ta cũng đạt được”. Hạnh đã thầm nói với mọi người như vậy.

        Khi đứng trước căn phòng quen thuộc, cửa khoá im ỉm, Hạnh mới cảm thấy nỗi cô đơn thấm thìa đến ghê sợ. Tay anh lóng ngóng mãi mới mở được ổ khoá. Tổ ấm của anh giờ đây lạnh tanh. Từ ngày Tô Quyên ra đi, mọi đồ đạc và bài trí trong nhà không hề có sự xáo trộn, vẫn chiếc giường kiểu Đức trải chiếu mét hai, chiếc gối đôi phủ tấm khăn hoa thược dược; vẫn hai chiếc bàn đọc sách của anh và của Tô Quyên kê vuông góc với nhau bên cạnh cửa sổ, những cuốn sách kỹ thuật tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh ngổn ngang trên mặt bàn. Tấm ảnh vợ chồng anh chụp trong ngày cưới vẫn treo ngay ngắn ở chỗ cũ... Điều thêm đau lòng là chân dung Tô Quyên và một bát nhang đặt trên nóc tủ. Anh phải về nhà trước, chính là vì bức chân dung và bát nhang ấy.

        Cắm xong mấy nén hương lên bàn thờ vợ, Hạnh đứng lặng người đi hồi lâu, nỗi thương xót trào lên khiến ngực anh bị khép chặt đến nghẹt thở. Kể từ ngày nhận học vị tiến sĩ, đây là lần thứ hai Hạnh để mặc cho đôi mắt mình ứa lệ mà không cần phải kìm giữ - Lần thứ nhất là khi đưa tang Tô Quyên . Anh còn nhớ hôm ấy ngồi trên xe tang, bên cạnh anh, Phương Thảo bế theo cả bé Việt Hoa, mắt cô ấy cũng đẫm lệ.

        Cho tới lúc hàng phố lên đèn, tiếng một đứa trẻ nhà bên đang khóc nũng nịu đòi ăn, Hạnh mới nhớ ra mình cũng phải sang Kim Liên thăm con. Anh hấp tấp dắt xe đạp ra cửa, bụng cồn cào đến khó tả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2021, 10:03:53 pm »


       
2

        Chưa sinh con nhưng đã thực làm mẹ, chính Phương Thảo nhiêu khi cũng ngạc nhiên về mình. Ngày hai bữa bé Việt Hoa đi bú nhờ, rồi còn bao nhiêu công việc khác chung quanh việc phục vụ cho nó, ấy vậy mà cô đã vượt qua một cách không khó khăn lắm. Kể cả việc bạn bè, hàng xóm, nhiều người vẫn tỏ ý bàn ra, tán vào, khen cũng nhiều, nhưng chê cũng không ít. Tuy nhiên, dù khen hay chê, tựu trung vẫn xoay quanh những dự đoán về quan hệ trong tương lai của cô với tiến sĩ Hạnh. Có lẽ vì thế mà càng ngày Phương Thảo càng thấy mọi ý nghĩ và tình cảm của mình thêm gắn bó, ràng buộc với cháu bé Việt Hoa hơn. Đối với Hạnh tuy chưa thật rõ ràng, nhưng cô không thể phủ nhận rằng mình rất thương anh ấy, rằng từ cái đêm gặp anh ở bãi biển Hải Phòng, trở về nhà ôm bé Việt Hoa trong lòng, cô đã trải qua bao nhiêu dằn vặt và bâng khuâng. Thương và nhớ anh thì đã rõ. Làm mẹ... nuôi con gái anh càng rõ hơn. Nhưng có đủ can đảm để yêu anh, để làm mẹ Việt Hoa được mãi thì Phương Thảo chưa tự trả lời được. Dường như cô muốn để cho câu chuyện ấy tuỳ thuộc ở Hạnh - Biết đâu ý nghĩ của hai người không gặp nhau?

        Vừa mới tôi hôm qua, một cô bạn gái đã hỏi Phương Thảo:

        - Thê nào, cậu đã quyết định rồi chứ?

        - Quyết định gì?

        - Làm bà tiến sĩ.

        - À, chuyện đó thì cậu phải chờ mình sau bảy năm nữa. Sang năm, mình sẽ xin đi nghiên cứu sinh, phải chiếm được cái bằng phó tiến sĩ trước đã.

        - Thôi đừng nói vờ nữa! Làm bà tiến sĩ tức là làm vợ một ông tiến sĩ cơ mà.

        Phương Thảo cúi xuống thơm vào má bé Việt Hoa để tránh cặp mắt ranh mãnh của bạn. Lúc đó, cô đã toan buột miệng: Định thì có, nhưng quyết thì chưa, may mà cô đã kịp ghìm lại.

        Nhiều lúc Phương Thảo thầm nghĩ: dư luận quanh khối phố và bạn bè bắt đầu từ việc mình mang bé Việt Hoa về nuôi, rồi lại chính dư luận đó đã hướng dẫn cho mình những suy nghĩ về anh ấy. Dầu tốt hay xấu, vị tha hay ích kỷ, nhưng có một điều chắc chắn dư luận sẽ đồng tình, ấy là trước cảnh “gà trống nuôi con” của một nhà khoa học, người phụ nữ nào vô tâm nhất cũng không thể không động lòng. Với Phương Thảo, sự động lòng ấy của cô còn vì nhiều lẽ mà những người phụ nữ khác không có. Trước hết, vì cô đã tham gia bảo vệ thành công công trình B.3, bảo vệ an toàn cho chiến dịch rà phát thủy lôi, giải phóng cửa biển -  trong đó có sự nghiệp riêng của Hạnh. Điều đó có thể xem như cô đã đi cùng Hạnh qua một quãng đường đời. Quãng đường ấy của đời Hạnh, sự thành công và mất mát đều là lớn nhất - Anh đáng kính nhất nhưng anh cũng đáng thương nhất! Một con người như anh lẽ nào phải chịu cảnh sông cô đơn? Phương Thảo không đành lòng khi nghĩ đến Hạnh trong hoàn cảnh ấy bởi cô vẫn hằng hướng tới những công trình khoa học trong tương lai, tới sự trưởng thành của bé Việt Hoa. Ngay từ ngày đôi mắt Tô Quyên khép lại, hai bàn tay Phương Thảo đã tự nguyện giơ ra đón lấy bé Việt Hoa, là cô đã tự nhận về mình sự ký thác thiêng liêng của người bạn gái đã qua đòi.

        Tay ôm bé Việt Hoa đang ngủ say, Phương Thảo càng chìm đắm trong những ý nghĩ về nó và về cả bố nó. Cô tự hỏi: trên đời này, đã ở đâu có một phụ nữ khi phải từ giã cuộc sống đã ký thác cho bạn gái của mình cả con lẫn chồng không? Và nếu có thì người con gái ở lại kia phải nhận sự ký thác ấy như thế nào? Ôi chao! Thiêng liêng và đẹp đẽ nhưng thật day dứt tâm can. Người con gái đang ở lại kia hóa ra là Phương Thảo. Cô đã dám nhận bé Việt Hoa, liệu cô đủ can đảm để nhận nốt Hạnh - không phải để làm “bà tiến sĩ” mà để làm...?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM