Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:58:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy tìm T.72  (Đọc 11355 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2020, 04:41:59 pm »


        Quen rồi thân. Sinh không gạn hỏi nhưng Phương Thảo chẳng giấu người bạn thân nỗi cực nhọc của gia đình:

        - Quê Thảo ở Điện Bàn, Quảng Nam. Má là người phúc hậu, thương con. Sinh con được vài ngày, má Thảo bị băng huyết. Bà con trong làng khiêng má lên nhà thương huyện, song bệnh quá nặng... má đã qua đời... Còn ba, ba cứ mải theo kháng chiến, mãi đến năm 1954, ba mới về đưa Thảo ra Bắc tập kết. Ba được đi học lớp trung cấp tài chính. Ra trường ba về làm tài vụ ở cảng Hải Phòng. Sau đó ba tham ô gần năm ngàn đồng và bị công an bắt, ba thắt cổ tự tử khi Thảo đang học ở Liên Xô. Tốt nghiệp về nước, Thảo được phân công về Cục cơ khí Bộ Giao thông vận tải. Họ điều Thảo đi Quảng Ninh. Nhưng Thảo chạy chọt xin ở lại Hà Nội. Đúng lúc ấy tiến sĩ Hạnh được chỉ định hoàn thành để tài công trình B.3. Những ngày làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô, tiến sĩ Hạnh biết Thảo có khả năng nghiên cứu điện tàu thủy, có thể giúp anh trong khi thiết kế con tàu rà phá thủy lôi nên anh đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ điều Thảo về tham gia công trình này. Một sự bất ngờ hay nói đúng hơn số phận đã quyết định, Thảo được ở lại Hà Nội trong trường hợp như thế. Từ đó, Thảo đến cơ quan Bộ làm việc, vào thư viện đọc sách, mang ơn tiến sĩ Hạnh. Cuộc sống cứ thế xoay vần - Thảo dừng lại không nói, nhìn Sinh - và cũng lại số phận Thảo quen biết anh...

        - Duyên cớ chứ - Sinh cắt ngang lời Thảo để thăm dò - Như vậy là Thảo chưa có người bạn trai nào?

        - Người ta chê già mà - Thảo cười hết cỡ, không cần giữ ý.

        - Anh không tin. Nếu có đui chột thì chỉ một người nào đó, chứ lẽ nào đàn ông Hà Nội đều đui chột hết hay sao?

        - Đã bảo họ chê già mà.

        Phương Thảo lại cười và nói huyên thuyên. Sinh ngồi im, thỉnh thoảng lại nhìn thẳng vào bộ ngực căng tròn của Thảo. Sinh chép miệng... và thấy vui khi nghĩ về tương lai nếu có quan hệ thân hơn với Phương Thảo. Mình sẽ chinh phục được cô ta - Sinh nghĩ như thế. Trong giây phút, cuộc sống gia đình đầy đủ bố mẹ, vợ chồng lại có những đứa con trèo lên vai bố mẹ, cứ lướt qua trong đầu Sinh như một đoạn phim. Rồi bỗng Sinh thở dài nghĩ: cô ta nằm trong vòng tay mình thì mọi việc mới dễ dàng êm thấm.

        Vào những buổi chiêu thứ bảy hàng tuần, gần giờ tan tầm, Nguyễn Phú Sinh đến gần cổng Bộ, phía bên kia đường chờ Thảo. Cái lệ này làm cho Phương Thảo hãnh diện với chị em.

        Nhưng rồi, tính nết Phương Thảo lại thay đổi như gió chuyển mùa. Có lần bước ra cổng, nhìn thấy Sinh cô ngoảnh mặt đi, nét mặt đăm đăm. Sinh vội đạp xe theo.

        - Có chuyện gì không vui phải không Thảo?

        Phương Thảo vẫn cúi đầu đạp xe. Khi tới gần bến xe Kim Liên, sau hàng loạt câu hỏi dồn dập của Sinh Phương Thảo mới trả lời:

        - Lần sau anh đừng đến đón ở cổng nữa. Thảo không thích mọi người biết đến quan hệ của chúng ta.

        - Họ nói gì mà em không cho anh đón em ở đó?

        Phương Thảo tỏ thái độ bực tức:

        - Từ hôm mới quen, anh nói mọi việc phải thận trọng, cả quan hệ giữa hai đứa cũng phải thận trọng cơ mà. Anh không biết rằng, ở đời thiếu gì người dòm ngó đến tình cảm người khác, thiếu gì kẻ ghen tỵ, không ăn thì đạp đổ.

        Sinh và Thảo cùng gửi xe đi vào công viên Thống Nhất.

        - Anh đón em ở một nơi xa hơn có được không?

        - Tốt nhất là nên hẹn nhau từng tuần, không nên ở một địa điểm cố định. Đừng tạo thành quy luật mà người ngoài dễ biết.

        Lời Thảo nói lộ rõ sự cảm thông hơn là trách cứ. Sinh yên tâm.

        - Thảo có hay bơi thuyền không?

        - Trước đây ít thôi. Nhưng gần đây cũng hay bơi thuyền với vợ chồng Tô Quyên - Dừng một lúc, vẻ đắn đo, cô nói những lời bóng gió và vui - Sóng nước cho con người hoài bão, anh ạ!

        Hai người đi dạo qua bán đảo Phong Lan, ngắm con phượng kiễng chân, con nai nghiêng đôi gạc như ngơ ngác lắng nghe tiếng lá rừng xào xạc.

        - Thảo trông con vẹt mỏ đỏ như quả ớt chín, mũ xanh màu nước biển kia.

        Sinh chỉ tay về phía con vẹt ngực hồng, hai cánh vàng nhạt tỏ ra vui thích thực sự. Sinh định cầm tay Thảo đi về phía con vẹt.

        - Đừng, anh Sinh. Trời còn sớm.

        Thảo rụt tay lại. Và sau đấy, cô bỗng cảm thấy nhói đau. Một nỗi buồn tê tái xâm chiếm lòng cô.

        Tại sao mình cũng như các cô gái kia, đi bên một chàng trai cường tráng... mà không dám cầm tay? Các cô gái, chàng trai đang đi trong công viên này mang lại cho nhau tình cảm ấm áp của con người, tạm quên đi lo lắng về chiến tranh, khổ cực vì thiếu thốn vật chất. Còn mình...

        Sau những phút giây liên tưởng, từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, Thảo chợt nghĩ: hay là tìm cách xa Sinh. Nhưng ý nghĩ ấy làm cô choáng váng, biết bao điều ràng buộc, cô không thể nào xa Sinh được và cô nói thẳng với Sinh:

        - Chừng nào Thảo và Sinh chưa đăng ký kết hôn xin anh đừng chạm đến người Thảo.

        Sợ Thảo phật lòng, Sinh làm đúng theo yêu cầu của Thảo.

        Và những lần đi chơi sau này, Thảo và Sinh say sưa chuyện trò với nhau nhiều điều.

        - Thảo quả là con người có nhiều hy vọng, muốn trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, có phải không?

        - Không hoàn toàn như thế, Thảo chỉ là người giúp tiến sĩ Hạnh nghiên cứu công trình B.3 thôi. Còn Thảo thì... Thảo im lặng nhìn Sinh - chỉ nghiên cứu hệ thống điện của con tàu. Một công việc rất nhỏ, không đáng kể.

        - Thế toàn bộ thiết kế công trình do người khác quản lý?

        - Một đề tài khoa học cấp nhà nước như thế chỉ có người chủ để tài là tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh mới biết được.

        - Có lẽ Thảo là con gái, họ không nói - Sinh thấp giọng như giải thích - Mấy chục nhà khoa học cùng tham gia nghiên cứu mà chỉ có mình tiến sĩ Hạnh nắm được vấn đề đó hay sao?

        Thảo tỏ vẻ bực mình, nói một cách kiêu căng:

        - Anh không biết chuyên môn nên giải thích cho anh hiểu hết khó lắm. Chỉ nói đơn giản thế này thôi: Mỗi người nghiên cứu một mảng. Ví dụ, người nghiên cứu vỏ tàu: người nghiên cứu động cơ điện: người giải bài toán mẫu... theo yêu cầu của tiến sĩ nêu ra thì làm sao biết được toàn bộ các bản thiết kế con tàu.

        Thảo và Sinh mải nói chuyện chẳng để ý đến thời gian. Hà Nội đã lên đèn từ lúc nào không rõ, sương xuống gió lạnh làm họ rùng mình. Lúc này, cả hai đều cảm thấy đói. Họ đi tìm hiệu phở ăn cho đỡ đói, rồi chia tay. Cuộc chia tay những đêm thứ bảy như thể cả hai người đều ghi nhớ từng bước đi, lời nói.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2020, 04:42:25 pm »

        
6

        Tên gián điệp T.72 là ai? - Trung tá Nam suy nghĩ - kỹ sư Tô Quyên hay Thúy Vân?

        Thuận tay, trung tá cầm bao thuốc, rút một điếu. Tuy nhiên đây vẫn là giả thiết - Trung tá tự suy nghĩ - Theo thông báo của cấp trên, CIA đang tìm cách đánh cắp công trình B.3. Vì một nhẽ công trình B.3 ra đời, các tên “gián điệp câm” nằm ở lòng sông, đáy biển sẽ phải tự tử, hoặc ra đầu thú. Mộng phong tỏa biển của chúng sẽ bị phá sản. Do đó chúng sẽ phái điệp viên T.72 đến đánh cắp B.3. Nhưng Tô Quyên hay Thúy Vân là T.72. Tô Quyên ít có khả năng hơn, vì chồng cô là người sáng tạo công trình này. Nếu Thúy Vân là T.72 thì trung tâm chỉ huy ở Hồng Kông hay ở nơi nào? Hay do một số tên tình báo nước ngoài khoác áo ngoại giao, nhà báo đang công tác tại Hà Nội chỉ huy?

        Trung tá Nam đưa tay lên gõ nhẹ vào thái dương. Tay kia, ông vứt mẩu thuốc lá đã tắt từ lúc nào.

        Có tiếng gõ cửa.

        - Mời vào.

        Đại úy Dương mở cửa.

        - Có gì gấp phải không?

        - Vừa rồi đài thu của ta ở Quảng Ninh lại thu được một bức điện mật mã. Qua xác định phương vị đài phát thì bức điện này từ Hồng Kông truyền về hướng Hà Nội.

        - Có nghĩa là ngược chiều phá mã của ta đã phát hiện chúng dùng hai khóa mã.

        - Như vậy là chuyên gia của ta đã dịch được nội dung bức điện?

        - Chưa dịch được toàn bộ.

        Đại úy Dương chuyển cho trung tá tờ giấy ghi bức điện mật mã góc trái in chữ “tuyệt mật” rất đậm. Trên trang giấy ghi chi chít những chùm chữ số:

        47352: 53291; 13245; 73236;

        79130; 68573; 49217: T.72

        Hai mắt trung tá căng tròn như cố tìm kiếm nội dung bản chỉ thị, mặc dù ông biết đó là việc làm vô ích. Đợi cho trung tá xem xong, đại úy Dương giải thích:

        - Cứ năm chữ số thành một chùm số. Qua bức điện mật mã chuyển từ đài chỉ huy tới đài thu của địch mà ta thu được, các chuyên gia giải mã đã tìm ra quy luật xếp đặt của chúng. Và dịch được nội dung bức điện gần đây nhất:

        “Tàu T.72 không được vào cảng”.

        Phá được khóa mã đầu tiên, còn khóa mã thứ hai vẫn chưa tìm ra. Cho tới giờ anh em vẫn chưa biết toàn bộ nội dung bản chỉ thị bằng tiếng lóng này, mà chỉ phán đoán: “Tàu T.72” là ám chỉ tên gián điệp bí số T.72: “không được vào cảng” có ý gì? có khả năng chúng chỉ thị T.72 không được bắt liên lạc, hoặc không cho T72 tiếp cận đối tượng nào đó.

        - Bọn chúng xảo quyệt, tinh vi thật. Nhưng chúng ta cũng sẽ có cách bắt chúng khai ra những điều ta cần. Muôn chủ động bắt chúng hoạt động theo ý ta, trước hết phải dịch được nội dung bức điện mật bằng tiếng lóng này. Mới nghe tưởng việc đó không làm được. Nhưng theo tôi ta có cơ sở thực hiện. Một là, đội ngũ chuyên gia dò đài phá mã của ta nắm trong tay một khối lượng khổng lồ máy móc hiện đại có rất nhiều kinh nghiệm. Hai là, ta đã có trinh sát bám sát đối tượng nghi là T.72. Ba là ta có quần chúng tham gia. Ngay sau đây, tôi sẽ làm việc với đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giao thông vận tải đã nghe một số ý kiến của quần chúng liên quan tới công tác bảo vệ công trình.

        Như vậy, ta đã sử dụng đồng thời ba loại biện pháp: quần chúng, trinh sát kỹ thuật và trinh sát bí mật. Theo tôi đó là sức mạnh tổng hợp giúp chúng ta tạo nên nghệ thuật đánh địch trên trận tuyến này - giọng trung tá tỏ ra kiên quyết - sớm hay muộn bọn gián điệp T.72 sẽ sa lưới. Chỉ có lúc đó chúng ta mới cất được gánh nặng đặt lên vai.

        Cả hai người cùng im lặng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2020, 04:43:09 pm »

       
*

        Sau khi đại úy Dương bước ra phòng, trung tá đứng dậy mở cửa sổ. Nắng thu ùa qua ô cửa. Thiên nhiên đã đem đến cho ông một cảm giác dễ chịu.

        Con người ta, ai cũng có quãng đời thơ ấu bên người mẹ dịu hiền ở quê hương... Ai cũng có những lúc tắm nắng hè đi bắt ve sầu, hay ngồi đánh bi, đánh đáo dưới luỹ tre làng... Thế mà người trinh sát của ông tiếp cận T.72 chẳng xa nhà bao nhiêu mà phải đổi tên, đổi lý lịch, tạm cắt đứt mọi liên lạc với quê hương để giấu tông tích, chui vào tổ chức địch. Ôi, sự hy sinh mà người đời khó biết. Ông tự hỏi, không biết đến bao giờ vụ án mới sẽ kết thúc để người trinh sát của ông đỡ khổ, người cán bộ của ông trở lại cuộc sống bình thường: đi thăm quê hương, bạn bè...

        Chuông điện thoại réo, cắt ngang dòng suy nghĩ của trung tá.

        - A lô! Trung tá Nam phải không?

        - Báo cáo Đại tá cục trưởng, tôi là Nam.

        - Đồng chí lên ngay chỗ tôi, có việc gấp.

        Trung tá Nam xếp hồ sơ, khóa cửa, đi xuống cầu thang gác. Ông bước vào phòng Đại tá cục trưởng.

        - Theo lệnh đồng chí, tôi đã có mặt.

        Đại tá Cục trưởng đi ngay vào vấn đề chính.

        - Gần đây tôi có nghe tin, do việc chỉ đạo của đồng chí không được chặt chẽ, cán bộ tiếp cận đối tượng nghi là T.72 đã đi chệch sự chỉ đạo của cấp trên. Tôi muốn nghe lại toàn bộ sự chỉ đạo của đồng chí và hoạt động của người trinh sát mà đồng chí phái vào tổ chức địch.

        Câu hỏi của Đại tá Cục trưởng nêu lên thật bất ngờ. Nhưng là người chỉ huy trực tiếp, theo dõi sát từng lời nói, việc làm của cán bộ trinh sát nên ông trả lời được ngay.

        - Thưa Đại tá! Từ ngày nhận được tin cơ quan tình báo Mỹ cử điệp viên đánh cắp công trình B.3, chúng tôi đã phái trinh sát H.2 xâm nhập vào tổ chức địch. Nhiệm vụ giao cho H.2: Một là, bảo vệ công trình B.3 không để lọt vào tay địch; bảo vệ những cán bộ khoa học tham gia công trình. Hai là, phát hiện ra T.72 và tổ chức của chúng. Cho đến nay, H.2 đã báo cáo chính thức Tô Quyên  hoạt động gián điệp nhưng chưa xác định được có phải là T.72 hay không. H.2 đã thông báo cho ban chuyên án khóa thứ nhất của bản mật mã - Trung tá Nam hào hứng hơn, nói tiếp - Như vậy H.2 đã phát huy tác dụng ban đầu.

        - Như vậy là đáng khen. Song chúng ta cũng không nên khen sớm, sợ H.2 sinh chủ quan. Còn quan hệ giữa Tô Quyên và Phương Thảo?

        - Báo cáo Đại tá, có ý kiến phản ánh tại sao Phương Thảo lại quá tranh thủ Tô Quyên. Cũng có ý kiến cho rằng hai người cùng là kỹ sư điện tàu thủy, cùng tham gia công trình B.3. Cuộc sống thực tế đã gắn hai người với nhau.

        Đại tá gõ nhẹ tay xuống bàn.

        - Nếu thân nhau đó là chiều hướng tốt, cứ để cho nó phát triển. Nếu Phương Thảo tranh thủ Tô Quyên  để người ngoài cũng nhìn thấy sẽ có ảnh hưởng không lợi cho chiều hướng phát triển của vụ án. Đồng chí nên nghiên cứu kỹ vấn đề này. Còn về lý lịch Tô Quyên, có ai biết cô ta có gốc gác lâu đời ở bên Trung Quốc không?

        - Chưa. Điểu này chưa ai biết, trừ đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giao thông vận tải.

        - Tốt. Như thế là tốt. Chúng ta cũng chẳng tính cô ta là người Việt gốc Hoa làm gì cho phức tạp. Nhưng chúng ta cũng không quên kẻ địch lợi dụng vấn để này, nâng nó lên thành biện pháp chiến lược. Nếu giữ kín, vấn đề này sẽ thúc đẩy cho vụ án sớm phát triển.

        Đại tá cục trưởng giơ tay xem đồng hồ, đã 9 giờ 15 phút - Đại tá suy nghĩ - mười lăm phút nữa sẽ làm việc với đồng chí Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí đã hẹn đồng chí đó thời gian chưa?

        - Sáng nay tôi chủ động gọi điện hẹn lại với đồng chí đó rồi.

        - Đúng. Phải làm như thế mới chắc chắn.

        Bỗng Đại tá Cục trưởng hỏi:

        - Theo đồng chí, kẻ nào là T.72?

        Trung tá trả lời dè dặt:

        - Theo tôi, có khả năng là Tô Quyên. Tô Quyên  là người trong tổ chức của thị.

        Đại tá chất vấn:

        - Nếu Tô Quyên là T.72, đồng chí có lý lẽ gì giải thích việc cơ quan tình báo Mỹ lại chỉ huy điệp viên người Hoa không?

        Bị dồn hỏi đến vấn đề chưa nghĩ tới, trung tá Nam ngồi im. Đại tá cười nói:

        - Vấn đề đó đồng chí suy nghĩ tiếp. Bây giờ tôi nhắc lại một lần nữa: đồng chí phải giữ kín lai lịch Tô Quyên. Chỉ có như thế kẻ địch mới tưởng ta không biết, vẫn tin dùng cả hai vợ chồng tiến sĩ Hạnh. Địch sẽ thúc cho người của chúng hoạt động mạnh. Vụ án chóng đi đến kết thúc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2020, 04:43:36 pm »

       
*

        Có tiếng gõ cửa.

        Cô Hoa văn thư đẩy cửa bước vào.

        - Báo cáo thủ trưởng, đã chín giờ kém mười phút. Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đang ngồi ngoài phòng thường trực đợi đồng chí.

        - Mời đồng chí ấy vào. Tôi và đồng chí Nam đang chờ.

        Cô Hoa bước sang phòng bên nhấc ống nghe gọi điện báo cho thường trực mời đồng chí Vụ trưởng. Sau những lời thăm hỏi xã giao, đồng chí Đại tá Cục trưởng thận trọng hỏi:

        - Theo phương án bảo vệ công trình B.3 mà hội nghị liên tịch giữa hai bộ đã bàn, bên ta tiến hành tới đâu rồi?

        - Đúng như phương án. Nhưng gần đây nghe anh em phản ánh, Phương Thảo hay bỏ đi chơi với Sinh, cán bộ Sở Giao thông vận tải thành phố. Tuần trước họp chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ, có đảng viên chất vấn tôi, cho tôi là ăn của hối lộ, nhận Phương Thảo vào làm việc. Anh em phát hiện lúc đầu cô ta được phân công về Cục cơ khí. Bên đó định điều cô ta đi Quảng Ninh, cô ta không chịu đi xa, đã chạy xin ở lại Hà Nội. Có người còn cho tôi biết bố cô ta bị công an bắt giam về tội tham ô, chết tại nhà giam.

        Đại tá rót chén nước khác đưa về phía đồng chí Vụ trưởng.

        - Khi bị chất vấn như thế, đồng chí giải thích như thế nào?

        - Tôi nói rằng cô Phương Thảo là kỹ sư điện tàu thủy học ở Liên Xô, đỗ loại ưu, có khả năng tham gia công trình B.3. Tiến sĩ Hạnh đang cần những kỹ sư như thế, nên tôi điều về giúp tiến sĩ.

        Thấy đại tá to thái độ quan tâm nhiều tới dư luận xung quanh Phương Thảo, đồng chí Vụ trưởng băn khoăn về điều mình vừa nói. Ông thanh minh:

        - Làm cán bộ tổ chức như chúng tôi thường hay bị nghi như thế lắm.

        - Nghi là biểu thị thiếu lòng tin vào tổ chức. Nhưng nhiều khi phải chấp nhận sự nghi hoặc đó. Còn trường hợp kỹ sư vỏ tàu Nguyễn Thành Trung?

        - Anh ta là người làm việc nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao, quan hệ đúng mực, gương mẫu.

        - Chúng tôi muốn biết kĩ về Nguyễn Thành Chung. Đề nghị đồng chí cho chúng tôi mượn lại toàn bộ hồ sơ cán bộ của kỹ sư được không?

        - Khi nào các đồng chí cần tới hồ sơ đó.

        - Càng sớm càng tốt. Có thể ngày mai. Và đề nghị  đồng chí cho chúng tôi cả bản nhận xét của Viện Thiết kế giao thông, nơi anh ta đã từng công tác trước đây. Còn một điều quan trọng nữa, đề nghị  đồng chí cho chúng tôi bản tóm tắt sơ lược lý lịch tất cả cán bộ công nhân thuộc Bộ Giao thông vận tải được điều động đến tham gia công trình.

        - Còn cán bộ các nơi khác được cử đến tham gia công trình thì sao?

        - Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chủ quản đó.

        - Tại sao đồng chí lại cần kiểm tra một cách chi tiết cụ thế như thế? Các đồng chí không tin vào chúng tôi hay sao?

        - Không phải thế - đại tá ôn tồn giải thích -  Với đồng chí tôi có thể nói, cơ quan tình báo Mỹ đã tung điệp viên vào nước ta để đánh cắp công trình B.3. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tìm ra tên gián điệp đó. Nhưng chúng tôi làm một mình có khác gì cá tách rời nước. Phải nhờ đến sự hỗ trợ của các đồng chí. Lục trong đống hồ sơ lý lịch biết đâu lại tìm được tên gián điệp đó.

        Gần trưa, đại tá tiễn khách ra về. Ông quay lại phòng làm việc và linh cảm nhận thấy tên gián điệp T.72 càng ngày càng nằm im. Công việc cứ rối như tơ vò. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Đến khi nào lần ra đầu dây? Hay T.72 chỉ là con số trong làn sóng giả để lừa ta, để ta tập trung công sức vào truy tìm, mặc cho Tô Quyên hoạt động. Các tình tiết thu thập được vẫn chưa đủ sức thuyết phục T.72 là ai. Hay chính Tô Quyên? Không! Không thể như thế. Một người vợ thương yêu chồng tha thiết, yêu khoa học như thế làm sao lại có thể phản chồng mình được?

        Bỗng đại tá nhớ tới chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy... Hai mắt ông hơi khép lại trông như nhắm hẳn - biết đâu kẻ địch lại chẳng tạo nên Mỵ Châu -  Trọng Thủy ngày nay.

        Đại tá cục trưởng cứ đưa ra giả thiết, rồi lại tự dùng lý lẽ bác bỏ cho tới khi còi ở trung tâm thành phố kéo vang, báo hiệu nửa ngày nữa đã qua đi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2020, 04:44:00 pm »


CHƯƠNG HAI

GIÁN ĐIỆP CÂM

1

        Sau 5 năm học, Tô Quyên tốt nghiệp trường đại học Giao thông, ngành điện tàu thủy, cầm tấm bằng đỏ trong tay, cô nhớ rất rõ những tháng ngày ở ký túc xá nhà trường. Cái đêm chia tay mỗi đứa đi một nơi nhận công tác, mấy chục đứa ngủ cùng phòng thức trắng đêm trò chuyện, cho nhau địa chỉ...

        Và, cũng trong đêm ấy, anh Hạnh đến báo tin được Bộ cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Đối với Tô Quyên, từ lâu, Hạnh là con người đáng yêu, đáng kính trọng. Hạnh bỏ chiếc kính cận ra trông đôi mắt dại khờ như con nai con. Nhưng khi đeo kính lên đôi mắt ấy lại thăm thẳm chiều sâu suy nghĩ... Mỗi lần anh nói chuyện về khoa học, giọng sôi nổi, lôi cuốn người nghe. Chính đêm đó, Tô Quyên nhận lời yêu Hạnh. Sau khi tốt nghiệp, Tô Quyên  được điều về công tác ở Bộ Giao thông vận tải. Hai người tổ chức cưới. Rồi sau đấy, Hạnh đi Liên Xô làm luận án tiến sĩ.

        Đêm tiễn chồng đi xa, Tô Quyên không sao ngủ được. Cô loay hoay làm hết việc này tới việc khác, nhiều lúc lại thấy như mình không biết làm gì. Thời gian vùn vụt trôi đi. Chẳng mấy chốc ôtô đã đến đón Hạnh ra sân bay. Cô nhớ, hôm ấy là ngày chủ nhật. Sân bay khá đông khách. Ngồi ở phòng chờ hàng giờ, vợ chồng vẫn không nói được gì. Cho đến khi sắp bước lên cầu thang máy bay, lòng nhớ thương cực độ, Tô Quyên mới nói được một câu, không nói thì thiếu, nói thì thừa:

        - Nhớ ghi thư cho em nhé.

        Từ trên thang máy bay, Hạnh quay lại thầm nói:

        - Anh sẽ ghi thư ngay.

        Máy bay cất cánh, nhỏ dần... Tô Quyên buồn, nhớ xôn xang. Cô nghĩ ba năm thật dài quá. Cô trở về căn nhà mới được Sở nhà đất chia cho trước ngày cưới. Tất cả đồ đạc vẫn giữ nguyên như cũ, mằ sao cô thấy lạnh lẽo, vắng lặng... Chiếc gối cưới trắng tinh vẫn còn để đầu giường. Sách tiếng Nga, tiếng Trung xếp đầy trên giá. Chiếc đèn bàn soi rõ bản vẽ tạo dáng con tàu còn tươi màu mực.

        Từ ngày chồng đi xa, cuộc sống của Tô Quyên như đã trở thành quy luật. Sáng nấu cơm ăn, đến cơ quan làm việc. Chiều về, nấu cơm ăn, đọc sách. Cuộc sống xa chồng, lầm lũi đó khiến Tô Quyên buồn tẻ, cô mời mẹ về cùng sống cho vui. Mẹ cô đã gần bảy mươi tuổi, tuyết sương đã nhóm nửa mái đầu hoa râm. Bà thường đi lật đật đầu hơi lao về phía trước. Người ta bảo những người đi lật đật như thế là số vất vả, cuộc đời luôn trắc trở. Tô Quyên cũng nghĩ thế nên càng thương mẹ. Cũng tháng ngày ấy, cô được mẹ nói cho nghe về người bố. Mẹ cô thường nói: con giống bố, say mê nghiên cứu khoa học. Bố cô là kỹ sư khoá một đại học Bách khoa. Sau khi ra trường, ông vào làm việc ở xí nghiệp cầu đường. Năm 1964, Mỹ tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ném bom đánh phá miền Bắc, ông tình nguyện vào bộ đội. Ông đã đi dọc Trường Sơn, cùng anh em kỹ sư công binh sửa chữa, thiết kế hàng chục chiếc cầu, khai phá hàng trăm đoạn đường cho bộ đội vào Nam đánh Mỹ. Ông vẫn thường nói với mẹ con Tô Quyên : Thời xa xưa, trái đất này chỉ là rừng hoang khổng lồ, không có đường. Đường chẳng qua do con người khai phá, đi mãi mà thành công, mới khai phá cho người ta con đường tới khoa học.

        Những điều tâm sự của người lớn không ngờ đã trở thành lời khuyên, trở thành niềm mơ ước, trở thành cuộc sống của Tô Quyên. Cô nhớ khi học xong lớp 10, bố cô hỏi:

        - Con muốn chọn ngành gì?

        - Con chọn ngành của bố.

        - Thế thì con phải vào trường Đại học Giao thông.

        - Nhưng trước đây bố học Đại học Bách khoa cơ mà.

        - Những năm bố học, trường Đại học Giao thông chưa thành lập nên bố học ở Đại học Bách khoa. Còn bây giờ, có trường Đại học Giao thông rồi, bộ môn nào liên quan đến Giao thông vận tải được bàn giao cho Đại học Giao thông.

        Theo lời khuyên của bố, Tô Quyên vùi đầu vào sách vở. Và mùa thu năm ấy, khi lá sấu đầu nhà chuyến màu cô xách va li tới trường. Nhưng cô được nhà trường phân ngành học khác bố: điện trên tàu thủy. Trong thời gian sinh viên, cô nhận được tin sét đánh: bố cô bị trúng bom Mỹ đã hy sinh, khi đang bắc cầu qua sông Gianh. Trong những ngày chịu tang bố, cô được nhà trường cử đi báo cáo chuyên đề ở hội trường C.2 Đại học Bách khoa do Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp tổ chức.

        Ngày ấy đã mãi mãi đi vào cuộc sống của Tô Quyên . Cô chăm chú nghe phó tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh trình bày về việc ứng dụng màng mỏng từ tính vào đời sống chiến đấu và sản xuất. Giờ giải lao, cô liền gặp phó tiến sĩ hỏi những điều chưa hiểu, đề nghị phó tiến sĩ nói về việc ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trên hành lang thoáng rộng, bên trụ lan can màu son, cô đã gặp ở Hạnh lòng say mê khoa học. Không ngờ sau này đó chính là sợi dây ràng buộc dần cuộc đời hai người lại với nhau. Sau khi cưới, Hạnh được sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ.

        Điều bất hạnh đến với cô và gia đình không phải từ việc Hạnh làm luận án tiến sĩ mà từ việc chồng cô nhận quyết định làm chủ đề tài công trình B.3 - một mục tiêu đánh cắp của cơ quan tình báo Mỹ.

        Theo sự chỉ đạo của tổ chức tình báo Mỹ, phóng viên Thúy Vân đã bổ đi khắp nơi tìm kiếm lai lịch Tô Quyên và tiến sĩ Hạnh. Họ phát hiện ra điều mới lạ. Tô Quyên có nguồn gốc thuộc dòng dõi người Hán.

        Theo sự sắp đặt trước, Thúy Vân làm quen với Tô Quyên, về nhà Tô Quyên và trở thành bạn thân. Lần này, Tô Quyên được mời đến nhà Thúy Vân. Tại ngôi nhà này, lần đầu tiên, Tô Quyên ý thức được rằng: nếu bước ra khỏi phòng sẽ có một con người lầm lì xuất hiện mời cô trở vào. Cô tự đặt câu hỏi, tại sao mình lại bước vào căn phòng khép kín thế này?

        Vào lúc đó, mô tô, xe đạp, người đi lại ngược xuôi trên đường phố. Người tài xế nào đó bóp còi inh ỏi.

        Vào lúc đó, một người đàn ông cao to, mắt một mí bước vào nhà Tô Quyên.

        - Cháu chào chú!

        Tô Quyên đang ngồi định đứng lên.

        - Cháu cứ ngồi!

        Ông N. là người Việt gốc Hoa, nói tiếng Việt rất thạo, trọng âm từng từ đâu vào đấy.

        - Chú biết vợ chồng cháu từ lâu.

        - Dạ, cháu cũng nghe chị Vân giới thiệu về chú.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:27:21 pm »


        Bản tính Tô Quyên ít nói, cô chỉ trả lời từng câu hỏi của người khác. Lúc này, cô ngồi nhìn ông N. có đôi vai rộng và đôi tay bàn cuốc.

        - Bấy lâu nay chồng cháu có khỏe không?

        - Dạ cám ơn chú, anh ấy vẫn khỏe.

        - Việc có bận lắm không?

        - Từ ngày anh ấy nghiên cứu công trình B.3, anh ấy ít thời gian đi chơi hơn trước đây.

        - Đúng rồi. Là cán bộ khoa học phải tận tâm với khoa học chứ. Chú khuyên cháu nên động viên anh ấy sớm hoàn thành công trình.

        - Cháu cũng hiểu như thế - Tô Quyên trả lời một cách thực thà. Cháu cũng là một thành viên công trình. Vợ chồng cháu quyết tâm sớm hoàn thành công trình. Chừng nào công trình chưa xong, chừng ấy vẫn còn anh em bộ đội, thanh niên xung phong đổ máu, giao thông tắc nghẽn.

        - Chú biết. Cháu gặp Hạnh ở lòng say mê khoa học - N. mỉm cười - cái thời sinh viên của cháu thật đáng ghi nhớ. N. ngừng một lúc nói tiếp - gần đây cháu có nhận được thư của anh ấy không?

        - Dạ. Khi đến Mátxcơva nhà cháu có gửi thư và quà về.

        - Trước đây, khi đi tham quan nước ngoài, chồng cháu có mua quà về cho cháu không?

        - Dạ, có.

        Ông N. vẫn ngồi trong chiếc ghế sa lông, tay chỏng cằm. Đột nhiên ông ta thay đổi tư thế, nghiêng người sang bên trái.

        - Chú thấy Hạnh rất thương cháu. Những người chồng nào thương vợ, khi đi công tác xa bao giờ cũng mua cho vợ một thứ quà gì, dù là nhỏ. Phải nói rằng Hạnh là người tốt. Hạnh thương yêu cháu như yêu công việc nghiên cứu khoa học, cỏ đúng như vậy không?

        Mặc dù Tô Quyên đã ý thức được điều đó, song cô vẫn khiêm tốn ngồi im không nói.

        - Khi con người ta quá tin tưởng vào một điều nào đó, nếu sau này phát hiện ra sự việc không đúng như thế, thì nỗi thất vọng lại tăng lên theo cấp số nhân, có phải không?

        - Dạ, cháu chưa hiểu chú nói gì?

        Tô Quyên nhìn ông N. chờ đợi.

        - Nếu Hạnh biết cháu là người Hoa, nó sẽ trách cháu không thật thà với chồng.

        Vẻ tươi mát trên khuôn mặt của Tô Quyên bỗng biến mất, làn da trên trán co lại. Cô nhìn ông N. tưởng chừng như bị thôi miên.

        - Dạ. Cháu không tin cháu là người Hoa.

        Tô Quyên vẫn nhìn người lạ mặt. Ông N. không cử động, mặt không hề biến sắc, cân nhắc hồi lâu.

        - Cháu không tin cháu thuộc dòng Hán tộc thì chồng cháu càng không tin điều đó là thực. Dù vợ chồng cháu không tin thì gia phả cũng đã ghi nhận.

        - Làm gì có chuyện đó! Thưa chú.

        - Cháu cứ bình tĩnh.

        Ông N. mở cặp lấy ra những tò giấy bản ghi chi chít những chữ Trung Quôc đặt lên bàn.

        - Đây là gia phả dòng tộc của gia đình cháu.

        Nhìn những dòng chữ xếp thành ô vuông, sắc mặt Tô Quyên bỗng thay đổi, miệng không nói nên lời, một cảm giác lạnh toát truyền khắp cơ thể Tô Quyên . Từng giọt mồ hôi hình thành hai bên thái dương. Cô lại nhìn những dòng chữ đó. Ông N. đưa cho Tô Quyên tờ giấy gọi là “gia phả” rồi giải thích vắn tắt:

        - Cháu là cháu ngoại của một binh sĩ thời Minh chạy sang Việt Nam làm ăn sinh sống. Từ giờ phút này cháu không được coi mình là người Việt Nam, mà là người Hán...

        Tô Quyên bàng hoàng. Cô lảo đảo trên ghế tưởng như có thể chết ngất. Ông N. vẫn thản nhiên nhìn Tô Quyên. Rồi ông ta đổi giọng:

        - Cháu phải giữ kín chuyện này. Nếu các chú muốn ác hại cháu, phá vỡ hạnh phúc của vợ chồng cháu, thì chắc chắn không có buổi nói chuyện hôm nay. Nếu chú công bố tờ “gia phả” kia thì lập tức họ chuyển chồng cháu khỏi cương vị công tác hiện tại. Khi đó dù chồng cháu có giỏi đến mức độ nào, say sưa khoa học đến đâu cũng không có điều kiện nghiên cứu. Chú nhắc lại lần nữa để cháu yên tâm, chú chẳng bao giờ làm điều gì ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu của vợ chồng cháu.

        Sự xúc động trước câu chuyện của ông N khiến vẻ mặt Tô Quyên trở lên phờ phạc. Song trước khi chia tay cô vẫn giữ phong độ lịch sự của một nhà khoa học.

        - Cháu cảm ơn chú đã cho cháu biết việc này.

        Ngay hôm đó, mẹ con Tô Quyên đóng chặt cửa, tắt điện từ lúc trời mới tối. Bà đến bên bàn thờ rút nén hương, châm lửa, cắm lên bát nhang đặt trước tấm ảnh chồng, lẩm bẩm cầu khẩn: sông khôn, thác thiêng, ông phù hộ cho mẹ con tôi tai qua nạn khỏi. Tô Quyên đứng sau mẹ sợ hãi đến cực độ. Hình như đôi mắt tên N như dao sắc đang nhìn cô. Cô lùi xa nhưng vẫn không sao tránh được. Cô quay lại phía mẹ, kéo mẹ vào giường. Lạnh. Hơi lạnh từ đâu đến. Tối. Bóng tối trùm khắp gian phòng. Ma, cô thấy đôi mắt một bóng đen cao to đùng đang lầm lũi đi tới. Tô Quyên chợt tỉnh như sau một cơn mê sảng.

        - Mẹ ơi, có phải mẹ là người Hoa không?

        Mẹ buồn rầu, buông từng tiếng một.

        - Ai nói cho con biết.

        - Ông N.!

        Mẹ Tô Quyên đưa vạt khăn lên thấm nước mắt. Bà hiểu ngay sự việc gì sẽ đến với con bà. Vì trước đây bà cũng được người ta thông báo bà là người Hoa, họ yêu cầu bà thuyết phục Tô Quyên dùng sắc đẹp, cương vị công tác của mình mời một số cán bộ giao thông vận tải đến nhà chơi để thu thập tin tức theo yêu cầu của ông N. Bà không đồng ý và giữ kín chuyện này, không muốn cho con mang nỗi khổ đau... Nhưng ý nghĩ tốt lành đâu thực hiện được. Bà đành phải kể sự thật về dòng họ cho con nghe.

        Mẹ Tô Quyên linh cảm thấy điều bất hạnh sắp ập đến với cuộc đời mẹ con bà. Vì gần đây, bà nghe tin Việt Nam sắp sửa đuổi người Hoa, không tin dùng người Hoa, mà Trung Quốc lại có gia phả ghi rõ bà thuộc dòng tộc Trung Quốc. Bà nghĩ đến tím bầm gan ruột vẫn không hiểu mình có thuộc dòng Hán tộc hay không. Mà cho dù bà thuộc dòng Hán tộc, bà cũng không tin bị Chính phủ Việt Nam ngược đãi. Vì chồng bà là người Việt Nam, một sĩ quan quân đội, đã hy sinh trong cuộc chống Mỹ cứu nước.

        Bây giờ, ngồi bên con, bà kể một cách bình tĩnh, nói năng mạch lạc. Nhìn dáng người thon thả của bà ít ai nghĩ bà là con người đang chịu nỗi bất hạnh. Sau lần gặp ông N. trở về, sức khỏe bà suy sụp nhanh chóng, cổ tay, cổ chân vốn đã gầy lại lộ rõ những đốt xương sau làn da trắng. Thực khó phân biệt được màu sắc da mặt và màu đôi mắt bà.

        Vì tuổi già, phải suy nghĩ nhiều, bà lâm bệnh và qua đời vào chiều đông giá lạnh năm 1971.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:28:17 pm »

        
2

        Ít ngày sau Thúy Vân lại đến nhà Tô Quyên. Một tiếng gõ cửa khô khốc. Tô Quyên đi ra mở cửa. Thúy Vân bước vào, khép cánh cửa một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

        - Mình có điều muốn nói với Quyên.

        - Buồn lắm chị Vân ạ. Mong chị đến chơi cho vui.

        - Chuyện mình định nói may ra có thế giúp Quyên thoát khỏi nỗi buồn - Thúy Vân thấp giọng nói chậm - Nó hết sức bí mật và liên quan đến cuộc sống của vợ chồng Quyên.

        - Chuyện gì thế? Chị nói nhanh lên!

        Bằng những ngôn từ chuẩn xác đã chuẩn bị từ trước, Thúy Vân nói:

        - Tô Quyên nghiên cứu khoa học có biết ai là người nghiên cứu thành công bom nguyên tử ở bên Trung Quốc không?

        - Biết, bác học Tiền Học Sâm.

        Thúy Vân lấy từ trong túi xách ra quyển họa báo Trung Quốc in bằng chữ Việt, mở trang hai, đưa tới trước mặt Tô Quyên.

        - Đây là ảnh và bài giới thiệu về nhà bác học. Ông nguyên là một người Hoa sống ở Mỹ. Vì ghét chê độ Mỹ ông đã bỏ về Trung Quốc, được Chính phủ trọng dụng tạo điều kiện để ông tiếp tục nghiên cứu. - Khi nói Thúy Vân không hề rời mắt quan sát Tô Quyên - Mình nghĩ rằng, Việt Nam biết Quyên thuộc dòng tộc Hán sẽ không tin dùng.

        Thúy Vân ngồi xích gần Tô Quyên hơn. Tô Quyên  vẫn im lặng...

        - Chuyện Quyên lộ ra sẽ vô cùng rắc rối -  Giọng Thúy Vân chậm, phá tan sự im lặng - Tô Quyên  làm công tác nghiên cứu khoa học lại cùng dòng tộc nên mình muốn khuyên Quyên nên về bên Trung Quốc hay sang nước khác sống dễ chịu hơn.

        - Về Trung Quốc? Chị điên rồi hay sao mà lại khuyên như thế?

        - Cứ bình tĩnh đã. Bình tĩnh, kiên trì vốn là đức tính của một nhà khoa học - Thúy Vân ngồi im lặng một hồi lâu - Này nhé! Đã là người làm công tác khoa học thì sông ở nơi nào có điều kiện nghiên cứu vẫn hơn. Mình biết, Quyên thương anh Hạnh lắm, không thế xa anh Hạnh được. Hay là Quyên nồi thực tất cả mọi chuyện với anh Hạnh, khuyên anh ấy nhân một chuyến công tác nước ngoài bỏ chạy sang Mỹ có được không?

        Thúy Vân ngừng lời. Tô Quyên nhìn thang vào mặt Thúy Vân và nhận thấy khuôn mặt ấy không còn thân thuộc, đáng mến như trước đây nữa. Cô không ngờ người con gái hiểu biết rộng, luôn quan tâm với bạn bè lại mang trong lòng ý nghĩ độc ác như vậy. Cô bàng hoàng nhìn Thúy Vân:

        - Không bao giờ, không bao giờ Quyên nói với anh Hạnh điều đó.

        Nét mặt Thúy Vân vẫn bình thản, lạnh lùng, điềm tĩnh, không gợi một nếp nhăn.

        - Hay là Tô Quyên cứ tiếp tục sống với anh Hạnh ở Việt Nam, nhưng phải giữ kín chuyện về dòng tộc. Lấy bản thiết kế con tàu B.3 cho chị được không?

        - Lấy bản thiết kế?- Tô Quyên hỏi một cách sợ hãi.

        -Ừ!

        Tô Quyên không tin vào tai mình nữa.

        - Hoạt động gián điệp à? - Tô Quyên nói lạc hẳn giọng - Không. Chị ra khỏi nhà tôi đi, đi đi!

        Nói xong, Tô Quyên bặm môi lại, ngực như bị thắt chặt đến nghẹt thở. Thúy Vân vẫn nhẹ nhàng.

        - Cứ bình tĩnh đã. Tô Quyên là người Hoa. Chị cũng là người Hoa. Chúng mình nói chuyện với tư cách là người cùng dòng tộc, là chị em cùng một cha, có gì mà phải làm ầm lên như thế. Quyên biết không, Việt Nam có thể để cho người Hoa sống trên đất họ nhưng không bao giờ để cho học hành, làm việc tốt. Em tốt nghiệp đại học, chang qua vì họ chưa biết tông tích em thuộc dòng dõi người Hoa. Mình là người Hoa, phải lo xây dựng cho đất nước mình chứ. Lấy cắp công trình B.3 chẩng qua để chống lại Liên Xô chứ có phải chống lại Việt Nam đâu. Quyên vẫn phải sống với anh Hạnh chứ. Vợ chồng bỏ nhau sao được.

        - Thôi. Chị đừng nói nữa - Tô Quyên bậm chặt môi hơn để khỏi bật thành tiếng khóc. Hai tay bịt chặt tai.

        - Em nên hiểu rằng, nếu ông N. công bố gia phả Tô Quyên thuộc dòng Hán tộc, chắc chắn Việt Nam sẽ không tin dùng. Và khi ấy, cuộc đời em sẽ còn trôi dạt hơn. Còn nếu như giữ kín chuyện này, lấy cắp bản công trình B.3 thì cuộc sống vợ chồng Quyên vẫn êm thấm như xưa...

        Đôi bàn tay Tô Quyên bỗng rã rời, thõng xuống, Thúy Vân vẫn lải nhải:

        - Tình thương yêu chồng vợ là cái cầu để Tô Quyên  đi đến đích lấy được B.3.

        Tô Quyên lạnh toát cả người, tưởng như hai chân sắp khuỵu xuống.

        - Em không thể...

        Tô Quyên không sao nói hết câu. Khổ đau, sợ hãi đã làm toàn thân cô run lên. Cô nói trong tiếng khóc và uất ức:

        - Tôi có thể là người Hoa, nhưng tôi không thể là người làm hại chồng tôi.

        Nghe Tô Quyên trả lời, Thúy Vân sững người. Thị nghĩ rằng mình khó lòng lung lạc được ý định của Tô Quyên, phải tìm cách khác!

        Nghĩ vậy, Thúy Vân đứng dậy, rồi lặng lẽ ra đi cũng như lúc lặng lẽ đến.

        Ngoài đường, gió bấc đã về, có mưa lách tách.

        
*

        Sau khi thị Vân đi rồi, Tô Quyên khép cửa. Cô thấy sợ, thấy rờn rợn cả người. Cô đến bên bàn thờ, thắp hương cắm vào bát nhang. Cô đứng lặng lẽ hàng giờ nhìn tấm hình mẹ. Người mẹ già tội nghiệp là nơi cô nương tựa, cậy nhờ trong những ngày anh Hạnh đi xa. Nay mẹ không còn nữa. Cô thấy gian phòng sao trống trải, lạnh lùng quá. Hơi lạnh từ gậm giường bôc lên, hơi lạnh từ chiếc khăn tang treo trên tường tỏa ra khắp phòng. Rồi cô hoảng loạn khi nghĩ tới Thúy Vân. Thị đã nắm cả cuộc đời cô trong tay. Nắm chặt lắm. Tờ gia phả với những chữ xếp hình kia có khác gì bùa định mệnh. Nó nặng nề và bức bối vô cùng... Cô sợ hãi, nếu tài liệu đó được công bố ra thì cả cuộc đời cô, cuộc đời anh Hạnh sẽ sụp đổ hoàn toàn... Cô kéo chăn trùm kín để che chở cho tâm hồn đang hoảng loạn. Nhưng cũng từ trong bóng tối đó, chợt có tia sáng chiếu tới. Cô quyết định giữ kín chuyện Thúy Vân đã nói để anh Hạnh yên tâm nghiên cứu công trình B.3. Nếu như định mệnh có đến cũng chỉ đến với một mình cô.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:28:47 pm »


       
3

        Đầu năm 1972, Hạnh từ Liên Xô về nước. Trận mưa đầu mùa xối xuống những mái nhà, đường phố của Hà Nội. Nước mưa phá vào các cửa kính ô tô, chảy xuống thành dòng trước mặt Tô Quyên.

        Ngồi trong xe sang sân bay Gia Lâm đón Hạnh, Tô Quyên thấy lo và thương chồng vô hạn. Không hiểu sau đây cuộc đời của vợ chồng sẽ ra sao? Nỗi lo lắng ấy tạm tan đi khi cô trông thấy Hạnh bước xuống cầu thang máy bay. Tô Quyên chạy đến trùm áo mưa lên vai Hạnh. Anh cố kéo áo mưa che cho cả hai vợ chồng khỏi ướt. Giây phút ấy, niềm hạnh phúc đã đến với vợ chồng cô. Tô Quyên  có cảm giác được thân thể chồng che chở. Mùi da thịt và hơi ấm của chồng tỏa ra nóng rực, truyền khắp cơ thể. Nhưng cô vẫn không sao giấu được những hơi thơ dài đột ngột.

        - Em suy nghĩ gì thế?

        - Dạ, không có gì đâu. Anh ra máy nước rửa chân đi!

        Tô Quyên cởi áo khoác ngoài cho chồng. Những ngón tay thon gọn lần cởi từng chiếc cúc một. Hạnh lấy khăn lau đôi mắt kính ướt nước mưa. Không đeo kính, đôi mắt Hạnh có vẻ đẹp dại khờ. Tô Quyên thấy đáng yêu, đáng trọng cái vẻ đẹp ngây thơ, cao thượng của chồng, của một cán bộ khoa học suốt ngày chỉ biết đến sách.

        Càng nhìn vào đôi mắt Hạnh, càng nghĩ về Hạnh, tự dưng Tô Quyên muốn khóc. Nhưng môi cô lại hé nở như cười. Cô sung sướng khi nghĩ rằng mình sẽ giấu kín mọi điều, chịu tất cả mọi sự đe dọa, và thầm nhận nỗi bất hạnh nếu định mệnh đã dành cho cô để chồng yên tâm nghiên cứu công trình B.3.

        - Anh đi Liên Xô về, có điều gì sáng tỏ cho bài toán mẫu không?

        - Mãi cho đến đêm cuối cùng, trước khi rời Mátxcơva, anh mới viết suốt đêm xong bài toán mẫu có phương trình đã giải chính xác cho giả thuyết về hoạt động của các loại bom mìn mang kí hiệu MK.42, MK.52 cải tiến của Mỹ.

        Ngồi trên ô tô trở về nhà, câu chuyện của hai vợ chồng xoay quanh bài toán mẫu. Bài toán mẫu phục vụ cho công trình B.3 đã làm cho họ quên đi những năm tháng xa cách, nhớ thương...

        Khi ô tô gần về đến nhà, Hạnh mới chợt hỏi vợ:

        - Ở nhà thế nào? Em có vui không?

        - Anh yên tâm. Tôi nay em kể chuyện nhà cho anh nghe.

        Qua đêm đầu tiên ấy, sáng hôm sau Hạnh còn ở nhà nghỉ. Nhưng Tô Quyên đã thay chồng đem bài toán mẫu nhờ các nhà khoa học ở phòng tính toán điện tử thuộc Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước giải giúp. Anh em trong phòng cùng Tô Quyên, Phương Thảo ngồi liên tục bên máy điện tử 24 giờ mới giải xong bài toán mẫu. Việc bất ngờ xảy ra: bài toán yêu cầu phải đủ 2400 cụm điểm thì máy tính chỉ trả lời 2000 cụm điểm. Được tin ấy, tiến sĩ Hạnh suy nghĩ, không thể như thế được, phải xem lại cách lập phương trình bài toán mẫu hoặc cách giải bài toán. Tiến sĩ thận trọng kiểm tra lại toàn bộ quá trình lập luận lập phương trình bài toán mẫu có điểm nào thiếu sót không. Tiến sĩ khẳng định bài toán đủ chính xác.

        Vững tin ở mình, tiến sĩ đề nghị Phương Thảo đi kiểm tra lại chương trình mẫu của máy tính điện tử. Sau khi kiểm tra, Phương Thảo thông báo cho biết: chương trình mẫu của máy tính điện tử không đủ điều kiện để giải bài toán mẫu này.

        Chỉ còn cách duy nhất mình phải tự lập lấy một chương trình giải mới cho máy tính điện tử -  Tiến sĩ Hạnh suy nghĩ, quyết định như thế. Và năm ngày năm đêm sau, tiến sĩ Hạnh giải xong bài toán mẫu. Kết quả đúng như giả thuyết, có 2400 cụm điểm bao gồm mấy trăm triệu phép tính. Kết quả này cho phép tiến sĩ Hạnh rút ngắn được thời gian hoàn thành công trình B.3.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:29:36 pm »


       
*

        Sau khi bài toán mẫu được giải, Vụ trưởng Vụ khoa học kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải gặp tiến sĩ Hạnh bàn kế hoạch bước hai. Trọng tâm công việc của giai đoạn hai này là khôi phục lại một cách chính xác sơ đồ mạch nguyên lý của bom mìn địch. Trên cơ sở nắm vững nguyên lý của chúng, mới tìm cách chống phá có hiệu quả. Khó khăn nhất của công việc này là phải bắt tên “gián điệp câm” mang bí số MK.42. Hạnh quyết định cùng một số anh em tham gia công trình B.3 đi Hải Phòng đón lõng bọn gián điệp câm.

        Nhìn nước da xanh xao của vợ, tiến sĩ ái ngại hỏi:

        - Em sắp sinh rồi, thế mà anh lại phải đi xa, chẳng đỡ đần gì giúp em được.

        - Anh đi bao lâu?

        - Thời gian chưa xác định được, ở nhà em nhớ kiểm tra lại cho anh những thông số về điện nhé.

        Tô Quyên đấm vào vai chồng.

        - Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến “thông số”, “bài toán mẫu” thôi. Thế còn tên con, anh định đặt cho nó là gì?

        Bị hỏi bất ngờ, tiến sĩ Hạnh tỏ vẻ lúng túng. Anh cười:

        - Nếu là con trai, em đặt tên là Nguyễn Chiến Thắng.

        - Nhỡ sinh con gái thì sao?

        - Không nên nói là “nhỡ”. Con trai, con gái đều có nghĩa như nhau cả chứ. Nếu sinh con gái, anh giao cho em toàn quyền đặt tên con đấy.

        - Tại sao anh đặt được tên cho đứa con trai mà lại không đặt được tên cho đứa con gái? Có phải anh trọng nam khinh nữ rồi không nào?

        Hạnh lại cười:

        - Người ta bảo con gái lớn lên nó giúp mẹ nhiều hơn. Anh để em đặt tên cho nó đấy.

        - Anh chỉ vụng chèo khéo chống thôi.

        - Đặt tên cho nó là Nguyễn Thị Việt Hoa được không?

        - Con gái mà tên là Hoa thì đẹp rồi, lại lót bằng chữ “Việt” - dân tộc Việt thì có ý nghĩa lắm.

        Tô Quyên tái mặt, ôm bụng ngồi khuỵu xuống giường. Hạnh không thể hiểu nổi chính câu nói thực thà của anh đã đem đến cho vợ nỗi đau ghê gớm. Còn Tô Quyên, cô nghĩ rằng mình là người dân tộc Hoa, đặt tên cho con là để kỷ niệm cho cả hai dân tộc Việt-Hoa. Hàng ngàn đời nay, hai dân tộc Việt-Hoa đã sống bên nhau. Thế mà tại sao ông N. lại khuyên mình chống lại Việt Nam, đe dọa tính mạng của cô. Khi nghe chồng nói đến ý nghĩa tiếng đệm tên con, cô thấy đau thắt ngực đến nghẹt thở. Tô Quyên nhìn chồng nói nhỏ:

        - Con nó đạp mạnh, anh ạ.

        Hạnh tưởng thật, hỏi lại:

        - Đau lắm không em?

        - Bây giờ thì đỡ rồi. Em tính ngày, tính tháng chỉ còn vài tuần nữa là sinh thôi.

        Hạnh lấy khăn lau mồ hôi cho vợ.

        - Thế mà anh chẳng đỡ đần gì cho em được. Theo quyết định của Bộ, ngày mai anh và anh Bảo, anh Sơn, anh Xuân... phải đi Hải Phòng tìm kiếm tên gián điệp câm MK.52. Công việc khẩn trương lắm. Chậm ngày nào, tàu bè các nước không ra vào cảng được, vận chuyển của ta bị bế tắc.

        - Anh cứ yên tâm đi công tác, ở nhà cần gì đã có Thảo.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:30:05 pm »


       
*

        Để tiến hành giai đoạn hai, tiến sĩ Hạnh cùng một số anh em được cấp trên chỉ định đi “đón lõng” tên gián điệp câm MK.52 cải tiến đã đến vùng biển Hải Phòng. Các anh đến Hải Phòng khi trời đã về chiều. Biển nổi cơn giông. Khi bóng tối ập đến thì mưa cũng đổ xuống ào ào. Gió gầm rú ngoài bãi sú vẹt và chỉ nghe thấy tiếng sóng dữ dội đập vào cồn cát. Tiến sĩ Hạnh và một số anh em tham gia công trình B.3, Vụ trưởng Vụ khoa học kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải, cán bộ công ty vận tải biển, cán bộ Sở giao thông vận tải Hải Phòng... cùng nằm trong một căn nhà xây dựng ở bên bãi sú vẹt.

        Đó là nhà ông Tường, dân chài, có đôi tay rắn chắc. Mặc trời mưa, ông vẫn khoác áo bạt đi ra ngoài hứng nước mưa chảy từ mái nhà vào chum. Ông xách vào một xô nước đầy.

        - Nước mưa trái mùa. Các chú đun nước pha trà mà uống.

        Kỹ sư Bảo chất thêm củi vào bếp, thổi cho ngọn lửa bùng lên.

        Một lúc sau tạnh mưa, trời quang hẳn. Tiến sĩ Hạnh đi ra cửa. Biển trải ra vô tận. Trăng to như cái mâm tỏa ánh sáng xuống mặt biển trắng đục. Đứng trước khoảng vô cùng vô tận, tiến sĩ cảm thấy mình bé nhỏ quá.

        Có tiếng máy bay từ phía biển vọng vào.

        - Chúng lại ném bom đấy - ông già chủ nhà điềm tĩnh nói. Thượng úy công an vũ trang Vũ Trọng Nguyên đi cùng đoàn giải thích thêm: mấy ngày hôm nay chúng thường dùng máy bay hải quân của hạm đội 7 như AD1, A3J, A6, A7, và có khi cả OV10 để thả thủy lôi. Thả vào lúc sương mù, nửa đêm về sáng hôm nay chúng thả sớm hơn mọi hôm một chút. Chúng nó thả bom nổ ngay, bom nổ chậm, làm cho ta cứ lẫn lộn với thủy lôi MK.52 cải tiến, không xác định được số lượng, vị trí bom rơi. Theo thống kê của các trợ lý bom mìn, Mỹ đã ném gần 7000 quả thủy lôi MK.52 cải tiến xuống bờ biển nước ta...

        Thượng úy Nguyên đang nói thì một tốp A40 bổ nhào ném một vệt 12 quả MK.52, 12 chiếc dù đeo thủy lôi MK.52 bay lơ lửng trên không theo chiều gió vào bờ, 11 quả rơi xuống biển. Một quả rơi xuống bãi cát. Tiến sĩ Hạnh cùng những người tham gia “đón lõng" tên gián điệp câm từ các ngả xô tới. Tên gián điệp câm “sợ hãi” ẩn mình dưới đống cát, chỉ nhô đầu lên. Thỉnh thoảng cơn sóng biển xô tới, phủ thêm một lớp bọt, cát lên đầu nó. Ông già Tường và một số anh em đã có mặt. Theo sự chỉ huy của tiến sĩ Hạnh, già Tường và anh em tham gia chiến dịch đón lõng “tên gián điệp câm” mang bí số MK.52 dùng tay, xiên gỗ bới đất, vừa bới đất, vừa dội nước rồi dùng dây quàng vào mình nó kéo lên. “Tên gián điệp câm” có thân hình to rộng như cái thùng phuy, hai đầu từ sơn màu xanh lá cây nằm phơi mình trên bãi cát.

        Ngay đêm đó, tiến sĩ Hạnh và anh em trong tổ khai thác đã tiến hành “hỏi cung” tên gián điệp câm theo những câu hỏi đã chuẩn bị, bắt nó khai ra những số liệu bí mật để chứng minh cho giả thuyết đã xác định. Tên gián điệp phải tự thú những tham số hoạt động chính, tính năng hoạt động của từng loại linh kiện nhỏ bé mang trong mình. Với những tài liệu thu được tiến sĩ Hạnh triển khai lại sơ đồ mạch lý thuyết ngay trên những thước đất cuối cùng kề biển cả, trước mặt là thêm lục địa rộng mênh mông. Sau cuộc hỏi cung đầu tiên, tập hợp xong các cứ liệu, tiến sĩ Hạnh reo lên:

        - Chắc chắn con tàu B.3 của chúng ta bắt sống được “tên gián điệp câm” này!

        Biển xanh biếc mang theo những con sóng xô đến chân anh lấp lánh ánh bạc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM