Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:51:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy tìm T.72  (Đọc 11358 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2020, 02:37:00 pm »

       
        - Tên sách : Cuộc truy tìm T.72

        - Tác giả : Trần Diễn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Năm xuất bản : 2003
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:34:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2020, 05:14:55 pm »


CHƯƠNG MỘT

BỨC ĐIỆN MẬT MÃ

1

        Mùa thu năm 1972.

        Trên đường phố Hồng Kông, một đoàn xe kiệu từ từ lăn bánh về phía bán đảo Cửu Long. Những người kéo xe mặc quần lửng, đội mũ rộng vành, khom lưng, đầu hơi lao về phía trước. Họ đi chậm chạp như con trâu kéo cày nặng. Thỉnh thoảng, họ lấy khăn vắt trên vai lau những giọt mồ hôi đọng trên trán và mí mắt. Họ đi thật đều để khỏi phật lòng những ông chủ ngồi trên xe. Đoàn xe dừng lại trước khách sạn Hoa kiều Hồng Kông.

        Lâm Trí Mao, sĩ quan Cục tình báo trung ương Mỹ, người Trung Quốc, bước ra khỏi xe. Các nhân viên của y lần lượt bước theo sau. Họ đi thẳng lên tầng trên cùng của khách sạn. Người phục vụ bấm nút điện. Các cánh cửa sổ từ từ mở rộng. Ánh sáng bên ngoài tràn vào hòa cùng ánh điện, làm gian phòng rực lên một cách kỳ lạ. Đồ đạc trong phòng được bày biện khá đẹp mắt. Các đồ dùng thời cổ của Trung Quốc được bố trí hài hòa bên cạnh những đồ dùng hiện đại kiểu Mỹ.

        Lâm Trí Mao đến bên tấm bản đồ Việt Nam to bằng hai chiếc chiếu rộng treo trên tường. Dưới ánh đèn nê-ông, những con sông, cửa biển Việt Nam trở nên rõ nét hơn, và màu xanh của biển cả dường như cũng tươi tắn hơn, hấp dẫn hơn...

        Trên đời này có biết bao người ước ao được như biển cả. Và cũng không ít người đã bị biển cả chôn vùi ước mơ. Ngay từ khi bước lên xe kiệu, Lâm Trí Mao đã hào hứng suy nghĩ về việc chỉ đạo vụ tung người sang Việt Nam hoạt động, thu nhập tin tức, hàng hóa vận chuyển trên tuyến biển, cầu được ước thấy. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ gọi y đến họp bàn cách đánh cắp bí mật B.3 của Bộ giao thông vận tải Việt Nam.

        Say sưa với khát vọng nên khi đứng trước tấm bản đồ Việt Nam, nhìn thấy màu xanh của biển, y thảng thốt kêu lên: Đây là nơi ta làm nên công trạng! Song nhớ đến vụ một điệp viên của y ở Hải Phòng bị công an Việt Nam phát hiện và Toà án nhân dân thành phố xử phạt 20 năm tù, Lâm Trí Mao lại cảm thấy buồn và lo lắng. Trong đầu y bỗng hiện lên cuộc đời một tình báo viên làm thuê đã xế chiều bị cấp trên khinh bạc, đồng đội sát phạt... Y chưa kịp nghĩ số phận mình sẽ ra sao thì tướng Mác Clao đến, Lâm Trí Mao trở về với thực tại.

        - Ni hảo! (chào ngài)

        - Good morning! (chào ngài).

        Sau những lời chào hỏi xã giao, họ bắt đầu thảo luận kế hoạch đánh cắp công trình rà phá thủy lôi (viết tắt là B3) của tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh nhằm phục vụ cho kế hoạch phong tỏa đường biển Việt Nam.

        Mác Clao là tướng chỉ huy của Chi cục tình báo trung ương Mỹ ở châu Á, đại bán doanh đặt tại Yokohama Nhật Bản. Y là tướng đặc trách theo dõi về Việt Nam từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm cho đến đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Lần này, y được cấp trên chỉ định chỉ huy chiến dịch đánh cắp công trình B.3, chứng tỏ y vẫn được cấp trên tín nhiệm, tài năng của y vẫn chưa đến giai đoạn xế chiều.

        Mác Clao đi về phía bản đồ Việt Nam, nhìn ra một lượt rồi kéo cánh cửa lại. Đó là thói quen nghề nghiệp của y mỗi khi nói chuyện với ai hoặc họp ở đâu, cho dù y đã được thông báo chính thức: khách sạn Hoa Kiều là một trong những trụ sở tình báo của Trung Hoa Dân quốc ở Hồng Kông. Y chỉ vào cửa biển Hải Phòng trên tấm bản đồ, nói:

        - Chúng tôi đã đệ trình lên Tổng thống kế hoạch  đánh phá giao thông nhằm cắt đứt toàn bộ hoạt động trên các tuyến đường Bắc Việt Nam. Tổng thống Giônxơn chấp nhận. Không lực Hoa Kỳ đã phát huy sức mạnh ở chiến trường miền Bắc Việt Nam trong việc đánh phá giao thông vận tải. Cùng với việc ném bom đường ô tô, đường sắt, Mỹ sẽ ném bom phong tỏa bờ biển của miền Bắc kể cả cảng Hải Phòng.

        Tay y vừa di động theo các sông, vừa nói:

        - Phong tỏa các đầu mối đường sông, ngã ba sông, cửa sông, phong tỏa Lục Đầu Giang, sông Lèn, đoạn Đào Viên sông Đuống, đoạn Vạn Điểm sông Hồng, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thủy, phà sông Gianh.

        - Như vậy hàng Liên Xô viện trợ cho Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là vận chuyển qua đất Trung Quốc - Lâm Trí Mao hỏi, cắt ngay lời Mác Clao.

        - Đúng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2020, 05:15:35 pm »


        Lâm Trí Mao vẫn ngồi im. Dưới ánh đèn nê- ông, những nếp nhăn trên trán giãn ra làm cho da mặt y căng tròn như vỏ ngoài quả dưa hấu. “Hàng Liên Xô viện trợ cho Việt Nam chỉ còn cách duy nhất vận chuyển qua đất Trung Quoc” - Lâm Trí Mao nhắc thầm câu nói đó một cách phấn khởi. Như thế, trong thời gian hàng hóa, vũ khí Liên Xô quá cảnh qua Trung Quốc ta có thế phái điệp viên vào lục địa thả sức... Y phấn khởi quay lại phía Mác Clao.

        - Nếu Mỹ ném bom phong tỏa bờ biển, sông ngòi Việt Nam, các ngài sẽ yêu cầu chúng tôi làm những gì trong chiến dịch này?

        Mác Clao đưa điếu thuốc cháy dở lên rít một hơi dài, rồi tựa lưng vào thành ghế:

        - Trước đây, Tổng thống Giônxơn cho ném xuống miền Bắc Việt Nam các loại thủy lôi Meginxki.42 mô-đen 0, mô-đen 1. Phía Việt Nam đã có máy rà phá hiệu nghiệm, làm chúng không còn tác dụng nữa. Thời gian tới, chúng tôi có ý định ném loại thủy lôi MK.52 mô-đen cải tiến. Nhưng chưa rõ Việt Nam có loại phương tiện nào rà phá được không? Cho đến giờ, chưa có tin chính xác. Chỉ có T.72 của chúng ta từ Việt Nam báo về cho biết, tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh thuộc Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì để tài chế tạo con tàu rà phá thủy lôi của Mỹ. Nhưng công trình đó đã nghiên cứu đến đâu, con tàu đó có tính năng, tác dụng đến mức độ nào vẫn đang là một câu hỏi - Mác Clao thấp giọng - Ném bom phong tỏa mà Việt Nam lại phá được thì có khác nào làm một việc thừa vô ích cho nên Tổng thống chưa quyết định ném loại thủy lôi nào. Chúng tôi biết, vợ tiến sĩ, cô kỹ sư Tô Quyên, là người chúng ta có khả năng tiếp cận. Hy vọng các ngài có nhiều cơ sở xã hội ở Việt Nam sẽ giúp chúng tôi tiếp xúc với Tô Quyên, qua đó tiếp cận gần hơn với B.3.

        Trong một chuyến tiến sĩ Hạnh đi tham quan nước ngoài Lâm Trí Mao có dịp tiếp xúc với Hạnh. Với con mắt nghê nghiệp, y đã ghi tên anh vào hồ sơ, biết đâu có lúc sẽ cần tới. Bây giờ nghe Mác Clao nhắc tới tên Hạnh, Lâm Trí Mao cảm thấy như được “thần tài phù trợ”, cho rằng may mắn đó chỉ dành riêng cho y. Y hào hứng cho rằng cơ làm ăn đã đến, đồng đôla sẽ “đội nón” vào nhà mình, y liền quay lại nói với Mác Clao:

        - Tôi đã nghiên cứu về vợ chồng tiến sĩ Hạnh - Lâm Trí Mao châm điếu thuốc rồi nhìn Mác Clao một cách kênh kiệu.

        - Ngài biết vợ chồng anh ta trong trường hợp nào? Mác Clao hỏi.

        - Khi tiến sĩ Hạnh đi tham quan nước ngoài. Còn các ông?

        - Mới năm trước, khi anh ta đi họp Hội nghị vật lý màng mỏng từ tính quốc tế.

        Khi nhà khoa học nghiên cứu một công trình nào đó có lợi cho cuộc chiến tranh và công cuộc xây dựng đất nước thì công trình đó sẽ trở thành mục tiêu đánh cắp của các tổ chức gián diệp, tình báo nước ngoài.

        - Công việc đánh cắp B.3 thật khó khăn - Mác Clao nói một cách dè dặt - chúng tôi không thể chỉ hy vọng vào những tình báo viên thiên tài nhưng đơn độc đang nằm ở Việt Nam - Y tìm từ ngữ đề cao Lâm Trí Mao - cơ bản phải dựa vào màng lưới rộng khắp, có cơ sở vững chắc trong xã hội. Bây giờ tôi hiểu đầy đủ giá trị đội ngũ người Hoa của ông. Hay nói cách khác, không tổ chức tình báo nào trên thế giới có điều kiện xây dựng cơ sở, cài cắm tay chân tốt như các ông. Tin rằng, sự hiểu biết của người Hoa về Việt Nam, sự gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Hoa sẽ là điều kiện tốt để người của ông tiếp cận vợ chồng tiến sĩ Hạnh. Về mặt này các ông thuận lợi hơn phía Mỹ chúng tôi rất nhiều...

        - Đã làm nghề gợi hỏi moi tin lừa miếng đánh cắp này thì ai chẳng biết thuận lợi của chúng tôi là thuận lợi có một không hai. Lâm Trí Mao im lặng suy nghĩ - Bây giờ tôi đề nghị cách làm việc thế này: ông hãy cung cấp cho những tư liệu về vợ chồng nhà khoa học, trao đổi điều kiện khả năng tôi có thể làm, sau đó bàn và thống nhất cách chỉ đạo hành động.

        - Đúng, cách làm việc của chúng ta phải như thế. Bây giờ tôi trình bày trước...

        Hiểu rõ lợi ích của mình trong việc phong tỏa đường biển Việt Nam, phái đoàn Mỹ và Lâm Trí Mao bàn tính với nhau rất say sưa. Và sau ba ngày làm việc, kế hoạch đánh cắp công trình B.3 ra đời.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2020, 05:16:36 pm »


       
2

        Vào những ngày cơ quan tình báo trung ương Mỹ bàn cách đánh cắp B.3 thì tiến sĩ Hạnh cùng các nhà khoa học Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Bách khoa, Bộ Tư lệnh công binh đang rút kinh nghiệm các loại phương tiện rà phá mìn đã chế tạo và sử dụng ở chiến trường khu IV. Họ sôi nổi trình bày bản thiết kế con tàu B.3.

        Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm tới tập thể các nhà khoa học nghiên cứu công trình này. Ông thường đến thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cho họ làm việc. Lần này, ông cho mời tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh chủ đề tài lên gặp cũng không ngoài mục đích đó.

        Chiếc ôtô du lịch màu sữa lao vun vút trên đường Trần Hưng Đạo giảm dần tốc độ rồi rẽ vào sân cơ quan Bộ Giao thông vận tải, tiến sĩ Hạnh bước xuống xe. Anh lấy khăn mùi xoa lau đôi mắt kính dày, một thói quen mỗi khi bước xuống xe. Anh đeo kính lên, đôi mắt lộ rõ cái nhìn chăm chú tìm tòi dưới cặp lông mày thưa. Tiến sĩ được đồng chí thư ký Bộ trưởng dẫn lên phòng khách của Bộ trưởng. Sau những lời thăm hỏi động viên, Bộ trưởng nói rõ âm mưu phong tỏa biển Việt Nam của Mỹ và sự đòi hỏi bức thiết phải có công trình B.3.

        - Chúng tôi hứa với Bộ trưởng sẽ làm việc với tinh thần phục vụ và trách nhiệm của một nhà khoa học đối với Tổ quốc. Mỹ đã lợi dụng khoa học tàn phá nước ta, chúng tôi không thể chấp nhận được. Vì chúng tôi thấy...

        Tiến sĩ Hạnh lúng túng chưa biết nói gì.

        - Thấy tự ái chứ gì - Bộ trưởng nói xen vào - Đúng. Ta cứ tạm coi là tính tự ái của các nhà khoa học đi. Các nhà khoa học của chúng ta phải đọ sức với chúng trên lĩnh vực này. Phải dùng nó để bảo vệ mình chứ, có phải không tiến sĩ.

        Trong buổi gặp Bộ trưởng, tiến sĩ Hạnh đề nghị Bộ trưởng điều động thêm một số kỹ sư. Được Bộ trưởng chấp thuận, nhiều cán bộ khoa học các ngành đã được tăng cường cho công trình, trong đó có tiến sĩ máy tàu Trần Hải, kỹ sư vỏ tàu Nguyễn Trung Thành, kỹ sư điện tàu thủy Hoàng Phương Thảo. Cô kỹ sư trẻ tuổi Phương Thảo có đôi mắt nhìn thẳng nhưng lại ẩn một sự dè dặt kín đáo. Khuôn mặt trái xoan, sõng mũi dọc dừa, đôi môi đỏ hơi mím, tóc dài đen mượt, cô thường mặc chiếc áo màu tím Huế. về chuyên môn, cô giỏi về thiết kế mạng lưới điện trên tàu thủy, đã tháo gỡ cho tiến sĩ Hạnh những thông số về điện. Mỗi khi cần tài liệu bằng tiếng Nga tiến sĩ Hạnh nhờ Phương Thảo tra cứu giúp. Mỗi lần Thảo đem tài liệu đến, chỉ rõ từng số trang, số dòng có nội dung theo yêu cầu của anh, anh nhận thấy Phương Thảo có khả năng nghiên cứu khoa học, giàu tài năng và những ngày Phương Thảo đến làm việc bên Hạnh đã vô tình làm sống lại trong anh những tháng ngày ở Mátxcơva.

        Hồi ấy, anh sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ, Phương Thảo cũng đang là lưu học sinh tại trường đại học Lô-mô-nô-xốp.

        Trường đại học tổng hợp quốc gia trên đồi Lê- nin đối với anh và Phương Thảo gần gũi, gắn bó như dòng sông Hồng và Hà Nội.

        Vào một buổi chiều, khi anh đang đứng trên ban công tầng thượng phóng mắt về phía dòng sông Mátxcơva, Phương Thảo đã đến với anh.

        - Ngày mai anh trở lại Việt Nam nghỉ phép phải không?

        - Đúng thế!- Hạnh trả lời lạnh nhạt.

        - Và tối nay bạn bè sẽ liên hoan tiễn anh?

        - Nhưng cô hỏi làm gì?

        - Em muốn được tới chia vui cùng anh.

        - Nhưng những bạn tới chia vui cùng tôi là những người bạn Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... nghĩa là những người mà cô không quen biết... cô đến sợ bất tiện.

        - Em là người cùng dòng tộc với anh không gần gũi hơn họ hay sao?

        Nguyễn Văn Hạnh miễn cưỡng nhận lời Phương Thảo.

        Tôi hôm đó, Hạnh và hơn chục bạn học cùng trường quây quần bên nhau uống rượu, chuyện trò, hứa hẹn. Trong buổi vui hoan đó, Phương Thảo luôn luôn nhắc anh đừng uống say để sáng hôm sau có sức khỏe ra sân bay. Hạnh đã nghe theo lời Phương Thảo, các bạn bè cũng chấp nhận đề nghị của người bạn gái Việt Nam.

        Sáng hôm sau, Phương Thảo là người đến phòng ở của Hạnh sớm nhất, xếp vali cho anh, tiễn ra tận sân bay, đợi cho máy bay như con chim én lẫn vào mây trời mới trở lại.

        Ngồi trên máy bay Hạnh vẫn còn cảm động bởi cử chỉ quan tâm của người bạn gái. Anh nghĩ thời gian nghỉ phép sẽ như tích tắc chuyến qua thôi mà, mình sẽ trở lại cùng Phương Thảo học tập, sẽ giúp đỡ cô gái có tài năng và say mê khoa học ấy phương pháp nghiên cứu...

        Hình ảnh những ngày đầu gặp Phương Thảo trên khu đồi Lê-nin ở một đất nước xa xôi đầy tuyết lạnh đã in sâu trong trí nhớ anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2020, 05:17:00 pm »


        Bây giờ, cô kỹ sư mặc chiếc áo màu tím Huế ấy lại đến làm việc dưới sự điều khiển của anh, anh không sao ngăn nổi xúc động, vui mừng. Anh giới thiệu Phương Thảo với Tô Quyên, vợ anh, hy vọng hai người sẽ cộng tác giúp anh nhiều trong quá trình chế tạo con tàu B.3. Phương Thảo và Tô Quyên  thường ngồi bên chiếc bàn dài, điều khiển những dây dẫn bọc nhựa xanh, nhựa hồng, những máy bán dẫn nhỏ xíu, theo dõi trên màn hiện sóng những đường loằng ngoằng màu lục chói sáng để thử về tần số sóng điện hoặc xuống các nhà máy, xí nghiệp kiếm tìm các loại nguyên liệu chế tạo con tàu B.3.

        Những cuộc trao đổi chuyên môn giữa Tô Quyên  và Phương Thảo, những ý kiến của các cô khi hội thảo công trình... đã giúp Hạnh thấy rõ khả năng tiềm tàng của những người phụ nữ. Anh cho rằng trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tài năng của họ cũng nở rộ không kém gì nam giới.

        Bằng lòng tin và sự tôn trọng đó, tiến sĩ Hạnh đã thường xuyên trao đổi với vợ, với Phương Thảo và các bạn đồng nghiệp hướng nghiên cứu con tàu B.3.

        Có một buổi chiều, anh rủ vợ đi bơi thuyền ở công viên Thống Nhất. Anh thích bơi thuyền từ ngày được Bộ giao chủ nhiệm công trình B.3. Con thuyền khẽ chao nghiêng, nước táp nhẹ vào mạn thuyền, Tô Quyên buông mái chèo, chờ cho cơn gió tinh nghịch lướt qua. Con thuyền lại dập dềnh trôi. Một hơi thở dài ập đến. Hạnh giữ lại không cho vợ biết. Nhưng Tô Quyên nhận thấy điều đó, hỏi chồng:

        - Có việc gì mà từ ngày đi công tác khu IV trở về anh hay buồn thế?

        Cả hai đều yên lặng. Và có lẽ cái âm vang nghe rõ hơn cả là bài hát dặm Nghệ Tĩnh phát ra từ chiếc loa công cộng gần bờ. Con thuyền vẫn dập dềnh lướt nhẹ...

        - Chuyến đi công tác khu IV vừa qua anh mới được chứng kiến cách rà phá thủy lôi của ta thô sơ, nguy hiểm quá. Bộ đội công binh, thanh niên xung phong không dùng ca-nô mà dùng thuyền nan, thuyền gỗ đóng đinh nhôm, đinh đồng, rồi đặt cho nó một cái tên: “Thuyền tiêu từ” vì không có một vật sắt từ nào mà. Những thanh niên, bộ đội công binh mình trần, mặc quần cộc, đeo phao cứu sinh ngồi trên thuyền đi qua thủy lôi. Thuyên kéo theo cái lưới có mắc vào một thỏi nam châm. Khi lưới quét qua, quả thủy lôi nổ, hất tung anh em xuống nước. Nếu ai không ngất thì bơi vào bờ, nếu bị ngất đã có phao trôi theo dòng nước, chờ đồng đội ở bên sông chèo thuyền ra vớt. Rà phá thủy lôi kiểu đó làm con người căng thẳng thần kinh, cái chết ập đến bất cứ lúc nào. Những ngày sống chung cùng anh em đội rà phá thủy lôi cảng Bến Thủy, anh đã chứng kiến bom nổ ngay dưới bụng thuyền tiêu từ. Ba người bị chết. Anh và anh em đội rà phá thủy lôi cảng Bến Thủy lặng lẽ đưa những người bạn xấu số đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Từ đó, anh mang trong mình một nỗi buồn, một nỗi day dứt. Nếu mình chưa nghiên cứu thành công con tàu B.3 thì nguy hiểm đó vẫn còn, tính mạng con người vẫn bị đe dọa. Lúc đó, không phải chỉ có ba người ở cảng Bến Thủy hy sinh mà có thể hàng trăm người khác sẽ tiếp tục hy sinh... Phải có phương tiện rà phá thủy lôi điều khiển từ xa để giảm bớt thương vong cho đồng chí! Ý nghĩ ấy cứ xoáy vào lương tâm anh, thôi thúc anh sớm cho ra đời phương tiện rà phá thủy lôi B.3 - Tiến sĩ Hạnh thở dài, thấp giọng - Thế mà anh và em, và mọi người tham gia công trình B.3 vẫn chưa cho ra đời con tàu B.3 để thay thế cho “thuyên tiêu từ”, chưa thực hiện được lời hứa với Bộ trưởng, em bảo anh không buồn sao được.

        - Nếu chỉ buồn, con tàu có ra đời được không anh?

        Hạnh cười một cách thật thà:

        - Em hỏi cứ như cán bộ chính trị ấy. Tất nhiên là phải làm việc, phải nghiên cứu chứ! - Cơn gió xộc tới làm thuyền chòng chành, cắt ngang lời Hạnh - Nếu một mình anh làm việc này... khó đấy. Phải có em giúp một tay mới được.

        - Chẳng phải một mình em mà phải có cả anh chị em khác nữa chứ, ví như Thảo chẳng hạn. Thảo giỏi cả lý thuyết lẫn tay nghề.

        - Sao em biết?

        - Chiều qua, em với nó thí nghiệm phần điện theo yêu cầu của anh. Thảo đã sử dụng những mã hiệu điện khác nhau qua ăng-ten máy phát được truyền đi bằng những sóng điện từ có điều chế khác nhau. Sóng điện từ truyền lan trong không gian. Qua ăng-ten máy thu nhận được truyền tới bộ phận dịch mã xem mã đó khớp với lệnh tiến hay lùi, rẽ phái hay rẽ trái, hay phóng từ tắt từ... Lần nào Thảo cũng làm đúng như bài toán anh đề ra.

        - Bài toán anh đề ra - Tiến sĩ Hạnh buông tay lái. Tất cả suy nghĩ của anh đều dồn về bài toán mẫu. Đêm nay anh phải lập lại phương trình cho bài toán mẫu xem có đúng với giả thiết của con tàu không.

        Tô Quyên khua nhẹ mái chèo đẩy con thuyền lướt nhanh vào bờ. Mỗi khi mái chèo chém xuống, nước hồ tan vỡ làm ánh sáng phản chiếu dưới nước cũng vỡ tan, trắng mỏng như những ngấn nước.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2020, 08:36:14 pm »


       
3

        Vợ chồng tiến sĩ Hạnh và các nhà khoa học tham gia công trình B.3 đang say sưa nghiên cứu công trình. Họ không hể biết rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ đang bàn cách đánh cắp công trình này. Và cũng không hay biết Bộ Công an đã tốn bao công sức mở chiến dịch truy tìm T.72 bảo vệ công trình.

        Theo mật điện của ta từ nước ngoài báo về thì Cơ quan tình báo trung ương Mỹ đã chỉ thị cho T.72 đánh cắp B.3. T.72 là ai? Làm gì? Ở đâu? Đó là những câu hỏi thông thường của công an đặt ra khi bắt đầu vụ án truy tìm thủ phạm. Tin tức trả lời cho những câu hỏi đó cứ như một cô gái đỏng đảnh, hay thay đổi tính nết. Thỉnh thoảng cô ta cười với các chàng trinh sát nhưng sau đó lại quay mặt đi biểu lộ bản chất của mình. Quả là lạ. Lần này “cô ta” lại cười một cách trắng trợn với các chàng trinh sát điện đài. Hồi 12 giờ trưa ngày 28 tháng 8, hai đài săn sóng của ta ở Hải Hưng đều thu được làn sóng ngắn của một đài lạ từ Hà Nội phát lên không trung. Điểm phát xác định là Hà Nội. Tần số n ki-lô-xích. Toàn bộ nội dung bức mật mã đã chuyển về Bộ.

        Xem xong bức điện, trung tá Nam chuyển cho thiếu tá Tường rồi anh đứng lên đi lại trong phòng, tự nghĩ: “Trong mắt mình có dằm... Nếu không nhổ nó đi thì sau này nó sẽ thành ung nhọt...” Anh quay lại phía thiếu tá:

        - Theo máy dò đài của ta thì nơi phát sóng là Hà Nội. Ở Hà Nội có hàng trăm, hàng nghìn đài thu phát, làm sao trong chốc lát có thế xác định ngay địa điểm chính xác.

        Thiếu tá Tường vẫn ngồi im đọc bức điện mật mã. Hai mắt anh nhíu lại.

        - Theo tôi, Hà Nội có nhiều đài phát nhưng đài phát vào lúc mười hai giờ trưa chắc không nhiều.

        - Chứng cứ nào cho phép kết luận đài phát lúc mười hai giờ trưa là của T.72?

        - Vì cứ theo ngày giờ quy định mười hai giờ trưa những ngày mồng tám, mười tám, hai mươi tám hàng tháng thì máy phát đó lại hoạt động. Nội dung những bức điện đó ta chưa dịch được, nhưng con số “T.72” thường xuất hiện trong nội dung điện. Con số này trùng hợp với bí số mà cơ sỏ ta từ nước ngoài báo về. Chắc chắn đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

        - Nhưng có thể đó chỉ là nhân viên điện đài chứ không phải “T.72”.

        - Nếu là nhân viên điện đài có thể cho ta biết tổ chức của chúng có quy mô lớn và nguy hiểm.

        Hai người căng óc suy nghĩ, trao đổi một cách thẳng thắn. Mặc dù chưa biết T.72 nằm ngoài xã hội hay ở trong cơ quan xí nghiệp và có phải là thành viên tham gia công trình B.3 hay không.

        Sau những phút giây trầm ngâm suy nghĩ, trung tá Nam quyết định triệu tập cuộc họp bất thường những người chỉ đạo vụ án. Mọi người bước vào phòng mà gần mười năm trước đây đại tá cục trưởng đã ngồi chỉ đạo anh em tham gia vụ án đón lỏng tên gián điệp Mỹ ở quận Mười, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) được phái ra Bắc để điều tra số lượng hàng hóa từ nước ngoài nhập vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Kết quả ta đã tóm được tên gián điệp nguy hiểm này. Phải, đã mười năm trôi qua... gian phòng này chứng kiến biết bao cuộc bàn bạc truy tìm gián điệp ẩn nấp. Trong vụ án trước đây, Nam mới là đại úy, người thi hành nhiệm vụ. Còn lần này ông đã mang cấp hàm trung tá, với cương vị người quyết định mọi vấn đề của vụ án.

        Năm ông lên 7 tuổi, bố mẹ đều bị giặc Pháp giết. Từ đó, ông sống với người bác ruột cho tới ngày lấy vợ. Vợ ông là người phúc hậu, thương chồng, sông ở vùng chiêm trũng Gia Viễn, Ninh Bình. Khi sinh đứa con thứ hai, chồng đi Việt Minh đang tham gia chiến dịch Đông Xuân năm 1953, bà phải lo toan mọi việc cơm nước, giặt giũ, trông con... Lao lực quá nhiều, điều kiện vệ sinh không tốt, bà đã lâm bệnh và qua đời. Sau chiến dịch trở về, ông đã là một người góa vợ. Từ đó, ông nuôi dạy hai con khôn lớn. Bây giờ, người con cả đang ở trong quân đội, người con thứ hai cũng tham gia công an. ông thường dạy các con phải sống tự lập. Thực tế cuộc đời đã cho ông suy nghĩ: không nên ỷ lại vào người khác. Tính tự lập đã giúp ông rất nhiều trong công tác.

        Lần này, đại tá cục trưởng tín nhiệm giao cho ông toàn quyền phụ trách chiến dịch truy tìm T.72. Công việc đòi hỏi ông phải chủ động đưa ra một kế hoạch tỉ mỉ và quyết đoán nhiều vấn đề. Ông loay hoay bên đống tài liệu cho tới khi anh em trong ban chỉ đạo vụ án đến đông đủ.

        Trung tá Nam nói:

        - Tôi cho mời các đồng chí tới để chúng ta kiểm tra lại kế hoạch bảo vệ công trình B.3.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2020, 08:36:52 pm »


        Trung tá Nam đặt chiếc bút bi xuống bàn, cặp môi mím lại, lông mày hơi nhíu làm bộ mặt vốn khắc khổ mang thêm vẻ nghiêm nghị. Nhiều người cho ông là khó tính, lạnh lùng... hoặc có người nghĩ ông chỉ lo tới công việc mà không nghĩ đến con người... Ấy là những người chưa hiểu. Còn những người hàng ngày làm việc với ông đều nhận thấy ông sống rất tình cảm.

        - Chúng ta cùng nhau phân tích thử xem -  Ông bắt đầu nêu ra những câu hỏi - Tuần trước cũng ở phòng họp này, chúng ta khẳng định có tên gián điệp Mỹ mang bí số T.72, nhưng chưa biết địa bàn y hoạt động. Hôm nay, bằng phương pháp xác định phương vị đài phát, bộ phận trinh sát kỹ thuật đã phát hiện chính xác đài phát ở Hà Nội. Tài liệu này giúp chúng ta khẳng định T.72 đang hoạt động tại Hà Nội. Nhưng nó tham gia công trình B.3 hay chỉ đứng ngoài đánh cắp?

        Cả gian phòng im lặng. Tiếng quạt máy trên bàn kêu vù vù như bầy ong vỡ tổ. Ánh sáng luồn qua cửa sổ mở rộng tạo thạnh hình mảng sáng trong phòng.

        - Theo tôi, cần thẩm tra lai lịch từng người tham gia công trình. Phải tìm T.72 ở chính nơi nghiên cứu công trình. Làm như thế sẽ có hai điều lợi, một là tìm ra mâu thuẫn, xác định được T.72 nếu như địch cài người vào: hai là, nếu như địch chưa cài người vào, ta sẽ phát hiện ra người địch có thể mua chuộc, khống chế đánh cắp công trình để tiến hành đấu tranh.

        - Phải! Phải như thế!- Trung tá Nam phấn khởi nói - Đúng là chúng ta không thể, hay nói đúng hơn, chúng ta không được phép nghi ngờ những cán bộ khoa học đang tham gia công trình B.3. Vì họ là những người sáng tạo ra công trình, không dễ gì họ bán rẻ lao động của mình. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ một thành viên nào có ý xấu. Nhưng rất có thể, người nào đó ba hoa, khoe khoang, hoặc do sơ hở khâu nào đó của tổ chức đã để lọt tên gián điệp vào nội bộ. Trách nhiệm của chúng ta, hãy tìm hiểu phạm vi hẹp những người liên quan tới công trình. Nhưng phải rất tế nhị đấy. Họ là những người trí thức làm công tác khoa học. Chúng ta không thế xúc phạm tới nhân cách của bất cứ ai trong đó. - Trung tá quay lại phía đại úy Dương - Đồng chí là người theo dõi về nhân sự tổ chức B.3, đồng chí có hiểu rõ Trần Hải không?

        - Tôi nắm chưa đầy đủ lắm. Anh ta là tiến sĩ được chuyến từ bên quân đội sang cùng một lúc với hai kỹ sư thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Anh ta làm việc nghiêm túc, có ý thức cảnh giác cao. Tôi đã làm việc với Cục bảo vệ Bộ Quốc phòng. Bên đó khẳng định tiến sĩ là người đáng tin cậy.

        - Những người làm công tác kỹ thuật quân sự hay chỉ huy trong quản đội thường có đức tính làm việc nghiêm túc như thế. Anh ta đã có vợ chưa?

        - Thưa trung tá chưa có. Nhưng anh ta rất muốn làm quen với Phương Thảo và Tô Quyên.

        - Đó là điều tôi muốn hỏi đồng chí - trưng tá cắt ngang lời đại úy Dương- quần chúng có ý kiến bàn tán gì về quan hệ của họ, về Phương Thảo.

        - Các đồng chí PX.17 Công an thành phố cho biết Phương Thảo là kỹ sư điện tàu thủy, từ Liên Xô về nước được điều đến tham gia công trình, cô ta rất thân với Tô Quyên, thường xuyên đến nhà Tô Quyên, có tài làm quen với mọi người, chiếm được cảm tình của tiến sĩ Hạnh.

        - Nhưng theo tôi được biết, tiến sĩ Hạnh rất quý trọng những người say mê nghiên cứu khoa học, có phải đó là lý do để hai người xích lại gần nhau hay vì lý do nào khác.

        Bị hỏi bất ngờ, đại úy Dương đỏ mặt, trả lời ấp úng:

        - Chúng tôi cũng đang làm rõ vấn đề này. Còn về Nguyễn Phú Sinh, cán bộ sở Giao thông vận tải Hà Nội quen biết Phương Thảo với ý đồ gì, chúng tôi cũng đang làm rõ.

        Trung tá Nam không hài lòng, nói:

        - Hỏi đến vấn đề gì đồng chí cũng nói: đang làm rõ. Trên trận tuyến này tinh thần khẩn trương rất cần thiết, có khi chỉ nhanh chậm một vài giờ, thậm chí một vài phút mà có thể kéo dài hoặc rút ngắn vụ án hàng năm, hai ba năm, thậm chí đi đến chỗ bế tắc - Trung tá Nam nhìn thẳng vào đại úy rồi cao giọng - Tôi dành cho đồng chí ba tháng mà vẫn không trả lời được những câu hỏi nêu ra. Phải chăng đồng chí không còn ai giúp việc? Tôi thấy rằng từ lâu đồng chí cứ cặm cụi làm việc một mình. Như vậy không được đâu. Đồng chí phải giao việc cho những cán bộ dưới quyền mới giải quyết nhanh chóng được - Suy nghĩ một hồi lâu, trung tá nói như ra lệnh - Hạn hai tuần nữa, đồng chí phải báo đầy đủ những vấn đề tôi nêu ra.

        Trung tá Nam đến bên tủ tài liệu. Cánh cửa sắt từ từ mở rộng, ông cầm tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông Trung Quốc trải rộng trên bàn:

        - Chúng ta cùng nhau tham khảo xem Tô Quyên , vợ tiến sĩ Hạnh có phải là “T.72” không. Nếu là T.72 thì tại sao CIA lại dùng Tô Quyên? Bây giờ đề nghị đồng chí Tường báo cáo lại những điều thu được về Tô Quyên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2020, 08:37:10 pm »


        Thiếu tá Tường chỉ vào một điểm trên bản đồ:

        - Cách đây khoảng hơn một trăm năm, đất nước Trung Quốc chia năm, xẻ bảy, chiến tranh liên miên lại mất mùa và đói kém. Đâu đâu cũng gặp kẻ hành hương ăn xin. Bà Tô Cẩm Vân, cụ kị bốn đời của Tô Quyên đành bỏ nơi chôn nhau cắt rốn lần mò khắp Quảng Đông, Quảng Tây kiếm sống mà không nơi nào có thể làm ăn yên ổn, cuối cùng đành vượt biển sang Quảng Ninh. Bà lấy chồng người Việt Nam. Con gái của bà Tô Cẩm Vân cũng lấy chồng người Việt Nam, sinh con đẻ cái cho đến đời mẹ Tô Quyên.

        Mẹ Tô Quyên cũng lấy chồng người Việt Nam tên là Lâm Văn Tuyến. Để kỷ niệm tình thương yêu chồng vợ, ông bà Tuyến đã đặt tiếng đệm ‘Tô” cho con gái, gọi là Lâm Tô Quyên.

        Thế rồi, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, ông Tuyến lên đường đánh giặc, cùng anh em Sư đoàn 559 mở đường Trường Sơn. Một hôm sau trận mưa rừng ồn ã, tiểu đội phá đá làm đường của ông đụng vào ổ thám báo địch, cả tiểu đội chống trả quyết liệt. Bọn thám báo dùng vô tuyến gọi máy bay địch tới ném bom... ông Tuyến đã hy sinh trong trận ném bom đó để lại cho vợ người con gái độc nhất -  cô Tô Quyên. Quá khứ khổ đau, cuộc sống tha hương kiếm sống và dòng họ dần dần chìm khuất, chẳng ai hay biết mẹ con Tô Quyên có dính dáng tới dòng họ Trung Quốc nữa.

        - Theo tôi, không thể tính Tô Quyên là người Hoa được - trung tá Nam cắt ngang lời thiếu tá.

        - Đúng. Tôi cũng không xếp cô ta thuộc dòng dõi Hán tộc. Nhưng rõ ràng cô ta có cơ sở để cho cơ quan tình báo Mỹ lợi dụng. Để giữ bí mật - một nguyên tắc nghiệp vụ trong hoạt động tình báo, có thể chúng đã đặt cho Tô Quyên bí số T.72.

        - Nếu xét về quá khứ, Tô Quyên có cơ sơ dể kẻ địch sử dụng làm tay chân. Song xét về tình cảm chồng vợ, về lòng say mê khoa học, về tư tưởng, về thái độ chính trị, tôi thấy cô ta không dễ dàng để địch lợi dụng làm hại chồng mình.

        Trung tá Nam im lặng ngồi nghe anh em thảo luận. Kinh nghiệm nghề nghiệp dạy ông, cần thận trọng khi xác định đối tượng. Một khi phân tích, đánh giá không đúng sẽ dễ dàng đưa vụ án đến chỗ bế tắc. Ông nghe anh em nói, ý kiến nêu ra, ý kiến bác lại, đều có lý. Là người chỉ huy vụ án, ông không thể ngồi im mà phải phát biểu chính kiến. Và ông hiểu, ý kiến đó có tầm quan trọng đặc biệt: Ý kiến chỉ đạo.

        Ổng trải rộng tấm bản đồ Việt Nam lên trên tấm bản đồ tỉnh Quảng Tây. Trên bản đồ có đánh bốn dấu X. Mỗi dấu X chỉ một đối tượng nghi là T.72 hoặc liên quan. Ông chỉ vào dấu X nằm trên ngôi nhà Tô Quyên.

        - Các đồng chí tăng cường giám sát những người ra vào nhà Tô Quyên, và những người quan hệ với cô ta.

        - Như vậy đồng chí cũng đồng ý với nhận định của tôi: Tô Quyên là T.72.

        Trung tá dụi mẩu thuốc đang cháy dở bỏ vào gạt tàn, nói thận trọng:

        - Không. Tôi chưa khẳng định Tô Quyên là T.72..., cô ta có nhiêu điều kiện địch có thể lợi dụng để khai thác, tấn công chồng.

        Sau ý kiến của trung tá, không khí cuộc họp trở nên nặng nề, sâu lắng hơn. Mọi người ngồi im suy nghĩ. Chỉ có tiếng quạt trần vù vù.

        - Theo tôi, cần chuyển Tô Quyên đi nơi khác, nhắc nhở tiến sĩ Hạnh đề cao cảnh giác. Đó là phương sách tốt nhất.

        - Chuyển Tô Quyên đi chưa phải là cách làm hay nhất - đại úy Dương phân tích - vợ chồng Tô Quyên  đều là người làm khoa học, cùng nhau nghiên cứu công trình này. Có Tô Quyên, Hạnh mới đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu công trình. Nếu chuyển Tô Quỵên đi, vợ chồng Hạnh sẽ tự ái nghề nghiệp, cho rằng tổ chức không tin họ, không có lợi cho tiến độ công trình. Đôi với kẻ địch, chúng đánh hơi thấy ta cảnh giác, nó sẽ nằm im hoặc thay đổi thủ đoạn.

        - Đúng. Tôi tán thành với ý kiến của đồng chí Dương - Trung tá Nam đứng dậy nói - như vậy là ta đã “rung chà” nhưng không “kéo lưới” mà để cho cá chuồn đi nơi khác, T.72 vẫn nằm ở một nơi nào đó trên đất nước ta. Vì đôi với vợ chồng Tô Quyên, ta có thế giải thích rằng vì yêu cầu công tác, Tô Quyên  phải đến nơi mới làm việc. Nhưng đó chỉ là sự giải thích về mặt tổ chức. Song về mặt nhạy cảm của con người, của một nhà khoa học, thì tiến sĩ Hạnh sẽ hiểu ngay thực chất của vấn đề. Những người ngày đêm dành tâm huyết cho khoa học sẽ tự ái, đau khổ biết bao khi thấy tổ chức không tin mình... Và điều đó làm ảnh hưởng tối tiến độ hoàn thành công trình, ảnh hưởng không tốt tới các nhà khoa học khác - Trung tá Nam kết luận - Tôi đề nghị  cứ để Tô Quyên là thành viên công trình B.3, nhưng phải tăng cường theo dõi giám sát chặt chẽ hơn. Qua đó chúng ta xác định đầu mối vụ án, đồng thời bảo vệ công trình tốt hơn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2020, 08:37:42 pm »


       
4

        Trong quá trình chỉ đạo, ban chuyên án nhận được rất nhiều tin tức về quan hệ của Tô Quyên, đặc biệt là mối quan hệ với Âu Thúy Vân, phóng viên một tờ báo tại Hà Nội.

        Thúy Vân là cô gái dân tộc Hán, ở phố Trung Quốc Hải Phòng. Bố cô là chủ hiệu buôn lớn. Có trong tay tấm “thẻ nhà báo”, Thúy Vân có điều kiện làm quen với những “nhân vật cần thiết”, có cơ hội tiếp xúc với các nhà văn, nhà báo, các nhà khoa học nổi tiếng... và phỏng vấn họ theo ý đồ của mình.

        Thúy Vân là người giao thiệp giỏi, hoạt bát, chịu khó, xông xáo. Cô được cả Ban biên tập báo rất tin tưởng. Trong thời hoàng kim của mình, Thúy Vân có mặt ở rất nhiều cuộc mít-tinh, chiêu đãi, hội nghị khoa học...

        Sau khi tiến sĩ Hạnh đi tham quan nước ngoài trở về, Thúy Vân đã tìm cách tiếp xúc với Tô Quyên . Vốn là người cởi mở, hoạt bát, nên Thúy Vân làm quen với Tô Quyên rất dễ dàng.

        Một hôm, Tô Quyên đang ngồi đọc sách, nghe thấy tiếng chân người cô đứng lên đi ra mở cửa.

        - Em cứ tưởng chị không đến - Tô Quyên thay lời chào bằng câu hỏi.

        - Em ở nhà một mình thôi à?

        - Dạ. Chỉ có mình em. Hôm nay em mệt chẳng muốn đi chơi đâu. Chị ở đây chơi với em cho vui.

        Thúy Vân vui vẻ nhận lời.

        - Chị uống nước chanh nhé.

        - Tuỳ em.

        Tô Quyên tự tay pha nước cho Thúy Vân và cho mình.

        - Em có thấy không - Thúy Vân chậm rãi nói - đã bao lần chị em mình gặp nhau mà chưa có dịp nào nói chuyện riêng cho nhau nghe.

        Tô Quyên vui hẳn lên. Thúy Vân nhìn Tô Quyên  mỉm cười âu yếm. Thỉnh thoảng cô vuốt nhẹ mái tóc Tô Quyên.

        - Thực ra chị muốn đến với em luôn, song công việc bận quá.

        Hai người nói chuyện với nhau thân mật. Nhưng những điều Thúy Vân muốn nói thì vẫn chưa nói được. Cô nghĩ, không biết nên bắt đầu câu chuyện từ đâu: Phải rồi, bắt đầu bằng lời khen.

        - Đúng là mỗi người một nghề. Chị tưởng tượng những bản thiết kế em vẽ cứ như một mạng nhện.

        Tô Quyên nhanh nhảu giải thích:

        - Bản thiết kế mới chỉ là một bộ phận nhỏ của con tàu thôi. Chứ toàn bộ con tàu thì phức tạp hơn nhiều.

        - Con tàu B.3 mà em vẫn hay nói chuyện phải không?

        - Vâng. Con tàu rà phá thủy lôi điều khiển từ xa do chồng em làm chủ đề tài. Em nghe nói, Mỹ đang có chủ trương ném bom phong tỏa bờ biển Việt Nam bằng một loại thủy lôi MK.52 cải tiến, một loại thủy lôi có bộ óc cơ điện biết chọn tàu để phá, được mệnh danh là “kẻ hủy diệt”, “kẻ tinh khôn”. Nhiệm vụ của chồng em là phải nghiên cứu con tàu rà phá thủy lôi này.

        - Chắc anh Hạnh đã nghiên cứu thành công con tàu đó rồi chứ?- Thúy Vân hỏi một cách tự nhiên.

        - Chưa. Mới xong về nguyên lý, chưa đi vào thực nghiệm.

        - Nhưng làm sao có thể biết Mỹ ném loại thủy lôi đó.

        Tô Quyên tỏ ra lúng túng trước câu hỏi tự nhiên mà hóc búa của Thúy Vân. Cô thành thực trả lời:

        - Em không hiểu. Nghe đâu bên Bộ Công an báo cho biết - Tô Quyên tỏ ra thận trọng, dặn - Chị đừng nói với ai điều em vừa nói đấy, cả công trình của chồng em nữa. Đang nghiên cứu mà. Các anh ấy dặn phải giữ bí mật.

        - Nhất định rồi! Thúy Vân nói với thái độ không quan tâm tới điều vừa nghe được.

        - Khuya rồi. Chị về nhé.

        Tô Quyên muốn giữ Thúy Vân lại, song cô ta từ chối. Tô Quyên đành tiễn Thúy Vân ra cửa rồi trở về căn phòng yên tĩnh đến mức có thế nghe thấy tiếng tim mình đập.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2020, 08:38:34 pm »


       
5

        Trụ sở Bộ Giao thông vận tải nằm tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, Hà Nội. Đó là khu nhà cao tầng xây từ thời kỳ thực dân Pháp còn chiếm đóng.

        Trong các gian phòng hình vuông, hình chữ nhật của tòa nhà này, hàng ngàn cán bộ kỹ sư chuyên cần nghiên cứu, làm việc. Chính ở nơi đó các nhà khoa học đã phối hợp các ngành thiết kế đường mòn Hồ Chí Minh, vạch đường trên biển cho tàu bè vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam, thiết kế đường ống dẫn xăng dầu xuyên Trường Sơn, chỉ đạo các chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường... Chính vì vậy, nó thực sự là bộ não thiết kế sắp đặt, là quả tim co bóp chuyển máu cho toàn bộ các hệ thống giao thông trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

        Phương Thảo đến nhận công tác ở Bộ Giao thông vận tải đúng vào ngày họp mặt của anh chị em cán bộ tham gia công trình B.3 để nghe tiến sĩ Hạnh trình bày phương hướng nghiên cứu công trình.

        Phương Thảo thong thả bước theo hành lang có rèm trúc bên cửa sổ, đi lên gác ba. Đôi mắt đen của cô ẩn dưới cặp lông mày dài thưa, chứa đựng một điều gì sâu lắng và tìm tòi... Từ ngày gặp Tô Quyên , Phương Thảo đã tìm thấy ở bạn niềm say mê khoa học. Chính lòng say mê nghiên cứu khoa học đã giúp Tô Quyên và Phương Thảo gần gũi nhau. Chẳng bao lâu hai người đã trở thành đôi bạn thân thiết.

        Hàng ngày đúng 4 giờ 30 chiều, cánh cửa sắt Bộ Giao thông vận tải từ từ mở rộng. Dòng người vội vã ồn ào đổ ra đường Trần Hưng Đạo. Người đi bộ, người đi xe đạp, người đi xe máy lao xuống lòng đường. Phương Thảo và Tô Quyên vẫn đạp xe bên nhau. Giữa dòng người ồn ào lộn xộn như xoáy nước ở ngã ba đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, một gã thanh niên đi xe đạp không làm chủ được tốc độ đã lao vào bánh xe sau của Phương Thảo, làm cong vành. Phương Thảo nổi cáu:

        - Say rượu à?

        Người thanh niên bình tĩnh đáp.

        - Chị quá lời thế. Tôi nhỡ mà. Xe hỏng chỗ nào, tôi sửa đền chị.

        Người thanh niên từ tốn dựng xe của Thảo lên rồi dắt xe đến hiệu sửa chữa xe đạp bên đường. Thấy người thanh niên quá cẩn thận, từ tốn và lịch sự, Phương Thảo không nỡ nặng lời.

        - Nói thế thôi, anh về đi, để tôi sửa cũng được.

        - Đã nói là hỏng chỗ nào, tôi xin sửa đền chị mà.

        Trước thái độ nhiệt tình, kiên quyết của người thanh niên, Phương Thảo không có cách nào từ chối, cô quay lại phía Tô Quyên.

        - Quay về trước đi kẻo anh Hạnh mong.

        Phương Thảo nhìn người thanh niên, cô có vẻ mắc cỡ vì trước đó đã quá lời. Trong khi ngồi đợi sửa xe, người thanh niên tự giới thiệu là Nguyễn Phú Sinh, cán bộ Sở Giao thông vận tải, hiện làm ở nhà máy sửa chữa cơ khí giao thông ngoại thành Hà Nội. Thỉnh thoảng, người thanh niên liếc nhìn trộm Phương Thảo và nghĩ “Trong lúc chiến tranh, chỉ có những người phụ nữ sống độc thân, đợi chờ người yêu mới chải chuốt, đỏm dáng như vậy” -  Thế là anh ta tiếp tục làm quen.

        - Gia đình chị ở phố nào?

        - Tôi ở khu tập thể Kim Liên.

        - Chồng chị làm gì?

        - Nhà tôi đi bộ đội - Phương Thảo vừa nói vừa cười.

        - Hay là chị chưa... Phú Sinh bỏ dở câu hỏi, sau đó cả hai cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ cho đến khi chiếc xe đạp sửa xong, Phương Thảo và Phú Sinh đều tranh nhau trả tiền. Bác thợ già nhận tiền của Sinh. Trả tiền xong Sinh xin địa chỉ của Phương Thảo và hẹn ngày nào đó sẽ đến chơi. Nhưng Thảo kiên quyết từ chối. Điều đó vẫn không làm Sinh nản lòng. Mình là một thanh niên chưa vợ - Phú Sinh vẫn nghĩ về Phương Thảo - mình có quyền làm quen với cô ta chứ. Sau ngày đó, chiều nào Sinh cũng đến cổng Bộ Giao thông vận tải tìm Phương Thảo. Và lần nào, Phương Thảo cũng bối rối trước sự có mặt của Sinh. Buổi gặp đầu, cô phản đối, không để Sinh đến đón, nhưng rồi dần dần cô cũng ưng thuận, còn mời Sinh về thăm căn phòng mình đang ở.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM