Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:47:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy tìm T.72  (Đọc 11549 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:30:57 pm »


CHƯƠNG BA

KẺ GIẾT NGƯỜI LÀ AI

1

        Thành phố Hà Nội trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mọi sinh hoạt đã quen với nếp sông thời chiến. Con người sống khẩn trương và giản đơn hơn. Bà già, em nhỏ đã đi sơ tán về tận vùng quê Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phú... Ở Hà Nội chỉ còn lại lực lượng thường trực chiến đấu, tự vệ các nhà máy, cán bộ công nhân bám máy, bám việc. Cuộc sống chiến đấu, sơ tán này chẳng mới lạ gì đối với Hà Nội. Nó đã có từ năm bốn lăm, bốn sáu, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đến cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Hà Nội lại phải chịu đựng tiếp cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm.

        Quen với cuộc sống thời chiến, tiến sĩ Hạnh trở về Hà Nội vào lúc trời sáng. Cuộc hỏi cung “tên gián điệp câm” còn gây xúc động mạnh trong anh. Trên đường về Hà Nội, anh nghĩ, gặp Tô Quyên anh sẽ kể cho vợ nghe chuyến đi Hải Phòng lý thú, hấp dẫn này. Anh gõ cửa nhà.

        - Tô Quyên! Anh đây!

        Tô Quyên đang nằm trên giường muốn đứng dậy nhưng cô đang bị sốt cao, bụng lại to nên vất vả lắm, mãi lâu sau mới nhấc được tấm lưng cứng dơ khỏi giường, lê từng bước ra cửa.

        - Sao anh về khuya thế!

        - Ô tô chạy bằng đèn gầm mà.

        Mặt Tô Quyên đỏ bừng, nước mắt dàn dụa, người nóng hầm hập. Hạnh thấy vậy vội đỡ vợ vào nhà.

        - Người em nóng quá, chắc sốt cao phải không?

        - Em sốt từ hôm anh đi.

        - Sao em không đi viện?

        - Bỏ nhà, em không an tâm. Lại còn sách vở của anh nữa. Bao nhiêu năm cóp nhặt mới có được những cuốn sách quý ấy.

        Tô Quyên thở dài.

        - Gần đây anh thấy em gầy yếu đi nhiều quá. Mà hình như có điều gì không vui hay sao mà em hay thở dài, ít nói cười hơn trước.

        Tô Quyên nói như thanh minh nhưng lại có ý trách chồng:

        - Sắp làm mẹ trẻ con rồi anh bảo em không nghĩ sao được. Lại còn cái hệ thống điện của công trình B.3 nữa chứ.

        Thật khó có thể hình dung được người con gái mảnh mai này chỉ vì thương chồng con mà âm thầm chịu sự đe dọa của tình báo Mỹ đến mức lâm bệnh. Cô nghĩ, giữ kín chuyện để chồng yên tâm nghiên cứu thành công công trình B.3, để sau này đứa trẻ sinh ra đỡ phiền hà, hay nói đúng hơn không bị liên lụy.

        Nhưng sức chịu đựng của con người cũng có hạn. Sức khỏe của Tô Quyên ngày càng suy sụp. Hạnh lựa lời khuyên vợ:

        - Em nên đi bệnh viện cho con nó nghỉ ngơi.

        Nhắc tới con, Tô Quyên ưng thuận theo ý chồng. Sáng hôm sau, Hạnh đưa vợ vào bệnh viện Bộ Giao thông vận tải.

        Theo sự chỉ dẫn của cô y tá, Hạnh đưa vợ đến phòng ngoài của dãy nhà một tầng. Nữ y tá trực buồng bệnh vội vàng giũ lại chiếu, xếp lại gối. Hạnh đỡ vợ nằm xuống giường rồi nắm bàn tay gầy gò xanh bợt của vợ:

        - Em thấy trong người thế này?

        Tô Quyên cố gượng trả lời:

        - Em mệt qua loa thôi. Tại con nó quấy đấy.

        - Em nghĩ về con nhiều quá, không tốt cho sức khỏe đâu. Bây giờ em phải nghỉ thực sự, phải ngủ thực sự, phải tĩnh dưỡng và điều trị lâu dài. Thanh thản đầu óc và thể xác là thứ thuốc bổ tốt nhất cho em và con đấy. Nếu không nghe lời bác sĩ, không nghe theo anh, em sẽ bị suy nhược và hậu quả của nó là không tốt đâu.

        Sau khi khám cho Tô Quyên, hội đồng giám định y khoa bệnh viện kết luận: “Sự suy tư đã làm cho bệnh nhân suy nhược toàn thân”.

        Y bác sĩ khuyên cô nên bình tâm nghỉ ngơi mới có thể phục hồi sức khỏe. Nhưng Tô Quyên vẫn một một mực chối từ. Cô nói rằng, cuộc sống của cô rất thoải mái, vợ chồng thương qúy nhau, không có điều gì đến mức độ phải suy nghĩ vất vả. Y bác sĩ bảo cô uống thuốc, tiêm thuốc, Tô Quyên thực hiện đầy đủ.

        Hạnh ngồi xuống bên Tô Quyên, kê lại gối trên đầu, lấy chiếc vỏ chăn đắp ngang bụng. Sự sống khắc khoải ẩn hiện qua đôi mắt trắng và sắc mặt xanh bợt của Tô Quyên.

        Tô Quyên quay đi không dám nhìn chồng. Cô nhìn chằm chằm vào bức tường trước mặt và tự nhủ phải bình tâm để nước mắt khỏi trào ra, để chồng đỡ buồn khổ. Cô thương và lo cho chồng suốt đời chỉ say mê khoa học mà không biết rằng tai họa đang giáng vào cuộc sống của vợ chồng. Cô giấu chồng tai họa đó. Nhiều lúc cô nghĩ dại, anh Hạnh phải sống cô đơn, đứa con sinh ra không có mẹ rồi sẽ ra sao?... Ai sẽ nấu cơm cho anh và con ăn? Cô lo cho chồng và con liên lụy về chính trị, liên quan tới cô - Một người Việt gốc Hoa.

        Trong lúc tính suy như thế, tự nhiên Tô Quyên  thấy nỗi đau uất ức vô cớ đội lên, cái chết bất thần ập đến. Cô nghĩ, lời khuyên của chồng lúc đưa cô vào bệnh viện là một thang thuốc hiệu nghiệm. Nhưng cô đâu có thể làm theo được, vì hình bóng tên N. và Thúy Vân vẫn cứ rình rập bên giường bệnh. Chỉ có Tô Quyên và những tên tình báo tham gia đánh cắp công trình B.3 mới hiểu được căn bệnh héo mòn cơ thể của Tô Quyên. Những giờ phút đau khổ cực độ như thế cô vẫn không nói với chồng. Hạnh không hề hay biết sự chịu đựng đau đớn đó. Lúc ấy anh tự trách mình rằng quá mải mê với công việc mà không quan tâm tới cuộc sống tinh thần của vợ.

        Thấy vợ nằm im, Hạnh lấy thuốc lá. Điếu thuốc này chưa hết một nửa, bỗng Tô Quyên rên lên, ú ớ.

        - Anh Hạnh! Anh Hạnh! Anh...

        Hạnh lay vai vợ:

        - Em mê à? Anh đây!

        Hạnh lo lắng nhìn đôi mắt đã đến lúc đờ đẫn của vợ.

        - Em làm sao thế?

        Tô Quyên nói trong hơi thở nhẹ:

        - Em mơ thấy con Việt Hoa sống mồ côi anh ạ!

        - Sao em lại nghĩ tới chuyện gở ấy? Chẳng bao giờ có chuyện ấy đâu. Sau này con của chúng mình sẽ học giỏi, nếu không vào Đại học Bách khoa thì cũng vào Đại học Giao thông đấy! Em có tin nó là sự thực không nào?

        Tô Quyên lại nhìn vào bức tường không chớp mắt.

        Từ ngày tên N. và Thúy Vân ép cô lấy cắp công trình B.3, tâm trạng cô luôn luôn thắc thỏm. Lúc này tin tức về hoạt động tình báo của Mỹ đối với Việt Nam càng rộ lên. Tô Quyên không hiểu thực hư càng lo sợ. Nỗi lo sợ kéo dài khiến cô nghĩ đến sự mất mát đứa con thân yêu và người chồng đáng kính. Nhiều lúc cô nghĩ, hay là... Nhưng ngay sau đó cô gạt ý nghĩ quái gở này đi, quyết tâm sống cho chồng và cho con.

        Cô quay lại phía Hạnh, đôi mắt vẫn chứa đựng những buồn đau cực độ.

        - Anh để Phương Thảo nghiên cứu mạng lưới điện thay em.

        Công trình B.3 đối với tiến sĩ Hạnh là khí trời để thở, là cuộc sống, là niềm vui và hạnh phúc. Nghe nhắc tới công trình, trong giây lát, anh quên cả việc vợ đang bị ốm, nói sôi nổi:

        - Cả em nữa chứ. À quên mất, em đang bị ốm. Tiến sĩ Hạnh thấy mình có lỗi, vừa làm điều

        không phải. Anh ngồi im lặng.

        - Em cứ nghỉ cho khỏe, đừng lo tới công việc nữa.

        Tô Quyên đặt nhẹ bàn tay lạnh giá, khẳng khiu của mình lên tay chồng. Đôi mắt đã dịu bớt buồn đau, nhìn chồng không chớp.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2020, 09:31:47 pm »


       
2

        Cùng thời gian Tô Quyên nằm điều trị ở bệnh viện Bộ Giao thông vận tải thì Mác Clao đang đi du lịch ở Đài Loan. Trên đường vào thăm chùa ngoại thành Đài Bắc, Mác Clao nhận được tin chính phủ Mỹ chuẩn bị ký kết nghị định thư với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về việc Chính phủ Mỹ có trách nhiệm tháo gỡ và làm mất hiệu lực các loại bom mìn của Mỹ ném xuống bờ biển, sông ngòi Việt Nam. Nhận được tin này, Mác Clao thấy buồn, uể oải. Y đoán rằng sẽ không được chỉ đạo nhóm gián điệp T.72 đánh cắp B.3. Mác Clao bước ra khỏi khu chùa trong tiếng chuông não nùng vọng chìm vào những cánh đồng hồ tiêu. Mác Clao trở về khách sạn Cửu Hùng khi trời đã tối... Y nhận được lệnh phải về Hồng Kông.

        Máy bay chở Mác Clao về tới Hồng Kông sau trận mưa vừa tạnh. Bầu trời quang đãng hơn. Chỉ có mảng trời phía bán đảo Cửu Long vẫn còn những đám mây xám!

        Mác Clao bước vào trụ sở phân cục tình báo trung ương Mỹ ở Hồng Kông khi các biển quảng cáo bằng nê-ông đã bật sáng. Y giở một tập chỉ thị mới, xem một lượt, châm thuốc hút, ngả người ra lưng ghế. Y nhắm mắt suy tư về tất cả những việc liên quan tới chiến dịch đánh cắp B.3. Y chưa tin Chính phủ Mỹ chủ trương ném bom phong tỏa rồi lại nhận ký kết tự mình tháo gỡ. Y nghĩ chủ trương đó đúng, sai là quyết định của Tổng thống, của cấp trên, không cần quan tâm. Mác Clao chỉ quan tâm đến một việc, nhờ đó mà y được cử giữ chức trưởng chỉ huy cơ quan tình báo trung ương Mỹ. Nhưng nếu như Tổng thống chủ trương ký nghị định thư kia thì liệu y còn được giữ chức trưởng trung tâm Mỹ nữa hay không? Y nghĩ ấy làm y giật mình. Một sĩ quan điện đài lùn tụt mặt càu cạu, vẻ khó chịu bước nhanh, vào phòng, đưa cho Mác Clao bức điện mật. Đọc xong bức điện từ Y-ô-kô-su-ka Nhật Bản chuyển tới, Mác Clao vui hẳn lên. Dù nghị định thư kia có ký kết hay không y vẫn là người chỉ huy tổ điệp viên T.72 đánh cắp B.3. Nhưng rồi lại một ý nghĩ khác lọt vào đầu Mác Clao khi y nghĩ tới thất bại đầu tiên. Tô Quyên không nhận đánh cắp B.3. Nghĩ tới thất bại này, y giật mình rồi lẩm bẩm chửi thầm Lâm Trí Mao: tưởng rằng mi hiểu tâm lý người Hoa như hiểu lòng bàn tay mình, ai ngờ mi chảng hiểu gì cả.

        Sáng hôm sau, khi mặt trời nhô lên khỏi mặt biển Thái Bình Dương, Mác Clao đã thức dậy. Y nghĩ ngay đến việc Tô Quyên chối từ không đánh cắp B.3 là một điềm gở. Y vội đọc kinh cầu Chúa.

        Sau khi lẩm bẩm cầu Chúa ban phước lành, Mác Clao đi ăn sáng rồi ra xe ô tô.

        Chiếc xe Tôyôta của Mác Clao lách một cách khó khăn trong dòng xe dầy đặc, rồi dừng lại trước khách sạn Hoa Kiều xây theo kiểu Trung Hoa, mái cong vút, nằm ở gần bán đảo Cửu Long. Người tài xế dừng xe cho Mác Clao bước xuống rồi tìm chỗ quy định cho xe đỗ.

        Vẫn người Trung Hoa mặc com lê xám đã từng gặp ở các lần họp trước, đứng chờ ở cửa khách sạn. Khi thấy Mác Clao, người này dẫn Mác Clao bước vào gian giữa có che rèm trúc, Lâm Trí Mao đang ngồi đợi, đứng dậy chào:

        - Ní hảo! (Chào ngài).

        - Good Morning! (Chào ngài).

        Họ bắt tay nhau, Mác Clao ngồi xuống, rút thuốc lá một cách kiểu cách. Lâm Trí Mao kịp thời bật lửa.

        - Chúng ta phải xem lại hoạt động của nhóm T.72. Phân tích xem tại sao đến giờ phút cuối cùng, Tô Quyên lại cự tuyệt yêu cầu của chúng ta? Do phía chúng ta chưa đủ lý lẽ thuyết phục hay do cô ta vì quá yêu Việt Nam?

        - Qua báo cáo tôi thấy người Mỹ các ông quá dè dặt. Còn người của chúng tôi, cô Thúy Vân đã trực tiếp gặp Tô Quyên nhưng hoàn toàn bị từ chối.

        - Ngoài Tô Quyên ra chúng ta có thể dùng người nào nữa để đánh cắp bản thiết kế này? Bác sĩ Hoàng Bổn hay kỹ sư Phương Thảo?

        Mác Clao cắt lời Lâm Trí Mao:

        - Hết Tô Quyên lại đến Phương Thảo, toàn là phái yếu cả.

        - Ngài không biết chứ, chúng tôi có kinh nghiệm truyền thông sử dụng phái yếu. Câu chuyện Điêu Thuyền - Lã Bố đã minh chứng cho việc sử dụng phái yếu của chúng tôi. Còn các ngài đã có kinh nghiệm sử dụng đội quân Thiên Nga. Phải nói rằng phái yếu của chúng ta lại có sức mạnh trong công tác này. Có phải không thưa ngài thiếu tướng?

        - Chúng tôi hy vọng lần này phái yếu cũng làm nên sự nghiệp.

        Mác Clao và Lâm Trí Mao cùng cười.

        - Chúng ta bàn vào vấn đề đi. Sử dụng Hoàng Bổn hay Phương Thảo?

        - Theo chúng tôi, Hoàng Bổn là bác sĩ, bạn thân của Phương Thảo là người tham gia công trình. Cả hai người đều có điều kiện đánh cắp được B.3. Song xét cho cùng tiến sĩ Hạnh không thân với Hoàng Bổn bằng Phương Thảo. Tiến sĩ rất tôn trọng quý mến Phương Thảo về tri thức khoa học, lòng say mê nghề nghiệp. Phương Thảo lại thân với Tô Quyên. Do đó Phương Thảo có nhiều khả năng lấy cắp được B.3. Hơn nữa, cô ta thuộc phái yếu mà.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:42:03 pm »


        Cả hai lại cùng cười.

        - Tất nhiên là thế. Nhưng Phương Thảo không có điều kiện gần gũi tiến sĩ Hạnh bằng Tô Quyên. Ngài biết đấy, người Việt Nam rất có ý thức trong việc giữ gìn bí mật quốc gia. Họ không thể lỏng lẻo trong việc bảo vệ công trình này. Do đó, việc sử dụng người tiếp cận là hết sức quan trọng.

        Sau khi trao đổi, thống nhất cách cho nhóm điệp viên T.72 tiếp cận Hạnh, Lâm Trí Mao và Mác Clao bàn cách xử lý Tô Quyên, chúng thống nhất đánh giá: Tô Quyên chịu ảnh hưởng của Việt Nam nên đã từ chối đề nghị của Mỹ. Họ quyết định ám hại Tô Quyên nhằm lung lạc tinh thần Hạnh, đồng thời bịt đầu mối việc Thúy Vân và tên N. ép buộc cô đánh cắp B.3.

        - Đúng. Nếu không thủ tiêu, đến một ngày nào đó có thể con bé sẽ tố giác.

        Thế là phương án thủ tiêu Tô Quyên được bàn định. Thời gian này, Thuý Vân mất hoàn toàn liên lạc với tên N. Việc thủ tiêu Tô Quyên giao cho Thuý Vân hay T.72. Mác Clao và Lâm Trí Mao xem xét vấn đề này khá thận trọng.

        Lâm Trí Mao nói:

        - Ngài thử suy nghĩ xem. Tôi hy vọng trong con bé đó còn chút ít dòng máu người Hoa.

        Mác Clao nghe chăm chú rồi lắc đầu:

        - Theo tôi, nếu còn một chút đầu óc người Hoa, nó sẽ không cự tuyệt như vậy. Tôi cho rằng với gốc tích dòng tộc quá lâu đời như thế, nó không thể tin các ông hơn tin Việt Nam được.

        - Vâng cứ cho là như vậy, thưa ngài - Lâm Trí Mao nói một cách thận trọng - có lẽ nó đang trong thời kỳ hoảng loạn. Nó lo âu sợ hãi. Chúng tôi sẽ kiên trì tấn công lần nữa.

        - Đúng. Tôi cũng cho như thế - Mác Clao ngẩng mặt lên nhìn Lâm Trí Mao. Cần phải thủ tiêu ngay, đừng có do dự. Theo quyết định của Tổng thống Mỹ, chúng tôi sẽ ném bom MK.52 cải tiến mô-đen 2, mô-đen 3, mô-đen 4. Song, công trình B.3 chế tạo con tàu rà phá thủy lôi của tiến sĩ Hạnh sắp hoàn thành mà Thúy Vân vẫn chưa thuyết phục được Tô Quyên lấy cắp B.3. Nếu lấy cắp được bản thiết kế này, biết được công dụng của nó chúng tôi sẽ cải tiến MK.52 để B.3 không còn tác dụng nữa. Do đó chúng tôi quyết định giết Tô Quyên  để trì hoãn việc hoàn thành công trình B.3. Đồng thời cho ném bom phong tỏa dữ dội hơn. Đối với tiến sĩ, vợ chết có nghĩa là cuộc sống sẽ sụp đổ hoàn toàn, nó làm cho tâm hồn trống trải, con tim nhức nhối, không đủ sức hoàn thành công trình. Các quả thủy lôi MK.52 cải tiến của chúng tôi sẽ nằm vật vờ bên bờ biển, và các cửa sông ngòi Việt Nam, cản trở tàu bè đi lại. Trước mắt, giết Tô Quyên  sẽ có lợi như thế. Mặt khác, chúng ta cứ tiếp tục đánh cắp B.3. Ý kiến ngài thế nào?

        - Vâng, thưa ngài, Tô Quyên đáng tội chết. Nhưng thủ tiêu bằng cách nào?

        Đôi mắt Mác Clao ánh lên ngọn lửa độc ác. Y rút dao găm từ trong cặp ra, đặt lên bàn.

        - Đây là kỷ niệm dành riêng cho cuộc đời nó.

        Lâm Trí Mao ngồi lặng lẽ nhìn Mác Clao, đôi mắt ẩn một sự xảo quyệt, thâm độc.

        - Không! - Lâm Trí Mao dừng lại một lúc - Tô Quyên  đáng tội chết. Nhưng nếu chúng ta dùng dao hay bất kỳ hung khí nào giết người con gái xinh đẹp như thế có khác nào hành động của một tên găngxtơ tầm thường. Nếu giết nó bằng kiểu đó sẽ bất lợi nhiều điều. Một là, công an Việt Nam dùng cái chết của Tô Quyên để kích động hay nói như chúng tôi thường nói “làm công tác tư tưởng”. Ta thủ tiêu Tô Quyên kiểu đó chỉ là giết một con người chứ không thủ tiêu được ý chí nghiên cứu công trình B.3 của tiến sĩ Hạnh. Mục đích của chúng ta trong việc này không phải hủy diệt thể xác Tô Quyên mà chủ yếu làm tiêu tan ý chí phấn đấu của một nhà khoa học, có phải không?

        - Có nghĩa là không nên giết Tô Quyên?

        Lâm Trí Mao không trả lời ngay, đưa đôi mắt trắng gần giống màu da mặt nhìn Mác Clao.

        - Chúng tôi đồng ý giết Tô Quyên, nhưng không gây ồn ào, không để tiến sĩ Hạnh biết vợ bị giết, nhất là người giết đó lại là Mỹ.

        Mác Clao ngồi im lặng. Mọi thủ pháp nghiệp vụ thủ tiêu người mà y đã học, đã dùng đều trải ra trước mắt. Y cho rằng ý kiến của Lâm Trí Mao có lý.

        - Thuốc độc! - Giọng Mác Clao lộ vẻ phấn khởi - chúng ta sẽ dùng thuốc độc.

        - Dù giết Tô Quyên bằng dao hay thuốc độc đều không có nghĩa. Điều tôi muốn thống nhất với ngài là làm cho người xung quanh hiểu cô ta bị... Chỉ làm được như thế mới có lợi cho công việc của chúng ta.

        - Tôi cũng hiểu như ngài - Mác Clao đưa mắt nhìn về phía Lâm Trí Mao: bức tử. Đó là biện pháp tốt nhất để giết Tô Quyên.

        - Nhưng việc này giao cho ai?

        Mác Clao đưa ly rượu làm bằng sứ Giang Tây lên uống. Y đặt ly xuống bàn nói:

        - Giao cho T.72.

        Thê là số phận Tô Quyên đã được định đoạt. Cái sống cái chết được tính từng phút, từng giây mà cô ta không hề hay biết.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:42:45 pm »


       
3

        Sau lần gặp tên N. Tô Quyên gầy hẳn đi. Cô hay ra ngồi ở cửa nhà chờ chồng. Cô ngồi như thế có khi chỉ trong chốc lát, có khi hàng giờ hàng buổi.

        Trong những ngày tiến sĩ Hạnh vắng nhà, Phương Thảo đến ngủ cùng Tô Quyên. Mỗi khi thấy bóng người, Tô Quyên lại giật mình đứng dậy, ôm con đi ngồi chỗ khác.

        - Quyên ơi! Nhớ anh Hạnh à? Đưa cháu Việt Hoa đây, mình dỗ cho một lúc.

        Tô Quyên đưa cháu bé ra phía trước không nói một lời. Sự thay đổi tính tình này khiến Phương Thảo không thể không quan tâm, không thể không ở bên bạn được. Nhưng Phương Thảo vẫn chưa biết làm gì ngoài việc ghi chép những tài liệu theo yêu cầu của Hạnh, và cơm canh cho mẹ con Tô Quyên.

        Tô Quyên ngồi im lặng, cảm giác như có kim đâm hai bên thái dương. Rồi như có người nào đó cầm búa nện từng nhát vào đầu làm Tô Quyên tối sầm mặt mày.

        Nhưng tiếng búa ấy chưa phải là cái chết đã ập đến ngay mà mới chỉ là báo hiệu của một sự đấu tranh cùng cực, của một sự héo mòn nhanh chóng về thể xác như người mẹ năm trước.

        Mẹ Tô Quyên bị tên N. bắt làm việc chống lại Việt Nam. Bà không chịu nghe theo chỉ đạo của chúng, đã sinh bệnh chết. Thực hư của sự việc này tới đâu công an cũng đang lần gỡ, kiểm chứng, xác minh.

        Phương Thảo bế bé Việt Hoa đi đi lại lại, hai tay đưa nhẹ nhịp võng chao nghiêng. Cô ngắm nhìn thân hình Tô Quyên tiều tuỵ và nghĩ đến trách nhiệm của mình. Từ khi Phương Thảo trở thành bạn thân của Tô Quyên, Phương Thảo đã được Tô Quyên kể cho nghe một số chuyện về người mẹ đau khổ. Nhưng riêng chuyện cái chết của mẹ thì chưa bao giờ Tô Quyên kể.

        Giờ đây, bên cạnh Phương Thảo là Tô Quyên một người bạn thân mà cuộc đời, gia đình gắn liền với cuộc sống tha hương, buồn khổ... Phương Thảo nhìn Tô Quyên... cô thương bạn vô hạn và tự xác định mình phải động viên Tô Quyên nuôi dạy con để anh Hạnh hoàn thành công trình.

        Nghĩ vậy, Phương Thảo an ủi Tô Quyên:

        - Đừng buồn về số phận mẹ nữa. Mẹ ra đi cũng thanh thản lắm Quyên à.

        Tô Quyên rơm rớm nước mắt, ngồi lặng hồi lâu.

        - Số phận mình rồi cũng như thế thôi, Thảo ạ!

        Phương Thảo thấy có điều gì nhói lên trong lòng. Nếu như câu nói của Tô Quyên là sự thực thì sự thực kia phũ phàng quá.

        - Có điều gì làm Quyên bi quan đến mức độ như thế?

        Tô Quyên vẫn ngồi im không nói.

        Phương Thảo nghĩ, một cuộc đời trắc ẩn mình chưa biết được thì làm sao có thể đưa ra lời khuyên đúng. Không thể vội vàng. Phải bình tĩnh mới hiểu được ngọn nguồn, mới giúp bạn được.

        Bỗng đứa trẻ khóc to. Tô Quyên đón con vào lòng, rồi cứ nhìn nó chằm chằm... cho đến khi nước mắt chảy thành dòng xuống ngực con.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2020, 10:44:40 pm »


       
4

        Một tuần sau Tô Quyên nằm liệt giường. Tiến sĩ Hạnh vẫn đang công tác tại Hải Phòng, Phương Thảo đưa Tô Quyên vào bệnh viện Bạch Mai, một mặt chăm sóc cháu Việt Hoa.

        Tô Quyên nằm thiêm thiếp trên giường, chẳng còn chút sinh lực nào, mạch tay đã đập yếu. Nhưng thương Phương Thảo vất vả vì mình, cô gắng gượng hỏi:

        - Cháu Việt Hoa có chịu chơi không? Nuôi nó có vất vả lắm không?

        Tô Quyên hỏi và nhìn Phương Thảo như thôi miên. Một lát sau Tô Quyên ra hiệu muốn ngồi dậy. Phương Thảo vội nâng đầu Tô Quyên và hỏi:

        - Có điều gì trắc trở cứ nói cho mình hay. Biết đâu mình có thể giúp được Tô Quyên...

        Tô Quyên không trả lời mà chỉ âu yếm nhìn Phương Thảo.

        Hai người im lặng ngồi bên nhau. Đôi mắt họ ánh lên những tình cảm vì nhau.

       
*

        Những ngày sau Phương Thảo liên tục vào thăm Tô Quyên. Có lần cô bế cả cháu Việt Hoa đi cùng. Cô hay nói chuyện về cháu Việt Hoa chịu ăn, chịu ngủ. Tối đến, nó nhớ mẹ, khóc đòi mẹ một lúc rồi dang rộng tay ngủ luôn. Người ta bảo, trẻ ngủ kiểu đó là người mẹ yên tâm, con khỏe, chóng lớn. Nghe chuyện Tô Quyên gượng cười.

        Tối thứ sáu, Phương Thảo tới bệnh viện lúc 9 giờ. Dãy hành lang khoa Nội chạy dài, chỉ có ngọn đèn mờ trước phòng cấp cứu tỏa ánh sáng đục dịu như ánh trăng.

        Vào giờ này, theo quy định của bệnh viện, các bệnh nhân đều đi nằm. Cả bệnh viện yên tĩnh. Khu lây càng vắng lặng hơn. Gió mát từ phía hồ Thõng Nhất thổi tới làm thoảng bay những mùi thuốc tiêm, thuốc uống lẫn mùi cồn, mùi long não và hơi ẩm của đất, tạo nên một cảm giác gây gây, lành lạnh.

        Suốt cả ngày lo công việc chuyên môn, nuôi dạy cháu Việt Hoa, công việc cứ dồn dập làm Phương Thảo thấy thời gian một ngày quá ngắn. Bây giờ tới thăm Tô Quyên Phương Thảo đẩy lùi mọi việc riêng chung, chỉ nghĩ về cuộc đời người bạn gái. Phương Thảo đưa mắt nhìn đường đi hun hút dưới những tán cây xà cừ che ánh điện.

        Bỗng từ buồng cấp cứu khoa Nội vọng ra tiếng gọi trầm trầm đứt quãng.

        - Việt Hoa ơi! Việt...

        Phương Thảo bàng hoàng không còn tin ở tai mình nữa. Cô đến bên cửa buồng cấp cứu dừng lại, cố bình tâm bước. Tiếng gọi “anh ơi”, “Thảo ơi” lại vọng ra. Nghe tiếng Tô Quyên gọi, tim Phương Thảo như thắt lại. Người ta bảo, người sắp chết hay gọi tên người thân. Hay là...

        Phương Thảo bước nhanh chân đến bên cửa sổ. Cô lo lắng ghé mắt nhìn qua khe cửa. Năm người khoác áo choàng trắng đang đứng bên Quyên. Tiếng gọi “Việt Hoa con ơi” lọt qua khe cửa sổ, tan trong thinh lặng. Tim Phương Thảo đập gấp. Sự im lặng của các thầy thuốc và bệnh việc càng làm Thảo bối rối. Mình cứ bình tĩnh gõ cửa xem sao. Cô nghĩ như thế và định giơ tay. Bỗng một thanh niên bước ra khỏi bóng tối của tán cây xà cừ gần đấy lên tiếng.

        - Chị gặp ai?

        - Tôi đến thăm bệnh nhân.

        - Bệnh nhân tên gì?

        - Tên là Tô Quyên.

        - Chị quan hệ thế nào với Tô Quyên?

        - Tôi là bạn thân, cùng công tác.

        Người thanh niên nhìn Phương Thảo một cách tò mò, như muốn ghi nhận điều gì qua sắc mặt và hình dáng.

        - Chị thông cảm, bệnh nhân đang cấp cứu không ai được vào thăm. Muốn vào thăm phải có giấy của đồng chí giám đốc bệnh viện.

        Thảo cám ơn người thanh niên rồi đi thẳng lên phòng giám đốc bệnh viện. Thấy khách đến, ông giám đốc kéo ghế mời ngồi. Sau khi nghe Phương Thảo trình bày, ông giám đốc bệnh viện viết thư tay gửi các bác sĩ trực cho phép Phương Thảo vào thăm Tô Quyên.

        Nhận được thư của giám đốc bệnh viện, các bác sĩ mời Phương Thảo vào buồng cấp cứu. Khi cô bước vào thì các bác sĩ cũng đi ra, và không quên khép thật kín hai cánh cửa. Phương Thảo liếc nhìn khắp phòng, một màu trắng lạnh lùng khiến cô không khỏi cảm thấy rờn rợn.

        Sau một đợt gọi tên con quá sức, Tô Quyên nằm thiếp lặng. Hình như cô linh cảm có người thân đến thăm, cô từ từ mở mắt. Đôi mắt u buồn vẫn như hai mảnh trời sâu thẳm nhìn Thảo.

        - Thảo ơi!

        Nghe tiếng Tô Quyên gọi tên mình trong hơi thở, Phương Thảo buồn lo đến cực độ. Cô đứng lặng nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Tô Quyên.

        - Tô Quyên của Thảo. Cứ nằm nghỉ cho khỏe. Cháu Việt Hoa đã có mình chăm sóc - Phương Thảo gục đầu xuống ngực Tô Quyên khóc nức nở... Cô định nói với Quyên điều gì nữa nhưng không sao nói được.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:40:20 pm »


        Phương Thảo ngẩng lên lau nước mắt cho Tô Quyên. Tô Quyên cắn môi đến nỗi hằn thành một vành máu bầm tím.

        - Từ ngày quen biết Thảo, mình chưa giấu điều gì. Chỉ có một việc quan trọng mình chưa nói ra - Tô Quyên đột ngột thấy tỉnh táo lạ thường, giọng nói không ngắt quãng như giây phút trước đó. Linh tính mách bảo trong giờ phút mê sảng người bệnh bỗng tỉnh táo là báo hiệu nỗi bất hạnh, đau thương sắp ập đến.

        Tô Quyên nói tiếp:

        - Từ lúc Thảo đến, mình nghĩ rằng Thảo sẽ đem đến cho mình một sự vững tâm nào đó.

        - Nhưng, Thảo sẽ làm gì được?

        - Có. Chỉ có Thảo mới giúp được Tô Quyên.

        Thảo vừa muốn nghe Tô Quyên vừa lo lắng thấy hơi thở của bạn gấp gáp.

        - Mình sắp phải xa Thảo mãi mãi rồi, Thảo ơi!

        Thảo vuốt tóc, xoa bóp chân tay cho Quyên.

        - Đừng nói dại thế.

        Tô Quyên chẳng biết Thảo nói gì, cô cố nói thật nhanh đề phòng thời gian cướp mất cuộc đời.

        - Mình đi... mình chỉ thương anh Hạnh và cháu Việt Hoa. Mình muốn nhờ Thảo thay mình nuôi dạy cháu...

        Phương Thảo nhìn chằm chằm vào đôi mắt Tô Quyên, không biết nói gì, làm gì để xua tan nỗi đau thương khủng khiếp.

        - Thì mình vẫn coi Việt Hoa như con mình từ lúc mới sinh cơ mà.

        Thảo nói xong câu ấy ngỡ như mình đang bước vào cuộc đời một người mẹ.

        Phương Thảo nâng đầu bạn, một tay xòe ra chải mớ tóc lòa xòa trước mặt.

        - Anh Hạnh đi công tác về chưa? Tô Quyên hỏi.

        - Chưa

        - Liệu mình có được...

        - Quyên nói gì lạ vậy. Chắc anh ấy đang trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội.

        Trong đầu Tô Quyên hiện ra khuôn mặt người chồng đeo kính cận nhân hậu đang dành cả tâm sức cho khoa học. Cô nhìn Thảo chằm chằm, đầm đìa nước mắt và nói gấp:

        - Mình và anh Hạnh cưới nhau được ít ngày, anh được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Sau khi anh đi khoảng 6 tháng thì giữa một đêm khuya vắng vẻ, Thúy Vân dẫn ông N. đến nhà mình nói rằng mẹ là người Hoa, phải có trách nhiệm với tổ quốc Trung Hoa vĩ đại... Nói xong, ông N. vội vã ra đi. Trước sự việc đó, mẹ bàng hoàng, sửng sốt, không sao khóc được... Từ đấy mẹ âm thầm chịu đựng cảnh sợ hãi và không chịu làm theo yêu cầu của ông N. ít lâu sau, ông N. lại đến. Họ nói rằng con người có số mệnh và từ đó mẹ lo sợ một sự trừng phạt. Mẹ biết, mẹ không sao tránh khỏi sự trừng phạt. Suốt thời gian ấy, nét mặt mẹ lúc nào cũng buồn rầu, thờ thẫn, mẹ lo... Nhưng không giải quyết được, như người mất hồn. Hễ trông thấy cán bộ Việt Nam vào nhà là mẹ run rẫy, sợ bị bắt. Cuộc sống lo âu, sợ hãi, buồn tủi... kéo dài làm mẹ héo hon, lâm bệnh. Khi biết không thể nào sống nổi mẹ mới quyết định nói sự thực này cho Quyên và dặn Quyên giữ kín không cho ai biết kể cả anh Hạnh, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, công tác của anh ấy.

        Làm theo lời trối trăng của mẹ, Quyên chôn cất điều ấy ở trong lòng.

        Thời gian lặng lẽ trôi đi. Một mình Quyên gánh chịu điều đau khổ ấy để anh Hạnh yên tâm nghiên cứu công trình B.3. Nhưng cuộc sống không chiều theo ý muốn. Mình nhận được mảnh giấy với những dòng chữ ác độc này.

        Tô Quyên dừng lại không nói, đưa bàn tay gầy guộc chạm nhẹ vào gấu áo. Rồi cô lần từng tí một, đẩy một vật mềm trong gấu áo ra phía ngoài, cử chỉ nương nhẹ như sợ chạm vào vết thương người bệnh. Cô tiếp tục lần mép áo, lặng lẽ và kiên tâm lấy ra một mẩu giấy nhỏ. Phương Thảo đón tờ giấy. Thật không ngờ, trong tờ giấy ghi hàng chữ độc ác:

        “Cô Tô Quyên phải uống những viên thuốc trắng này. Nếu không chúng tôi sẽ giết cả tiến sĩ Hạnh và cháu Việt Hoa. Ký tên T.72”.

        Đọc xong, Phương Thảo ngồi im như hóa đá. Cô nhìn mẩu giấy và có cảm giác như có vật gì đấy đè nặng lên ngực.

        Tô Quyên tiếp tục thều thào:

        - Mình biết, trước sau thế nào cũng bị ám hại. Vì thương anh Hạnh và cháu Việt Hoa, muốn hai bố con anh được sống nên chiều nay mình quyết định uống thuốc độc. Giờ đây biết không thế nào sống được nữa, mình nhờ Thảo nói lại với anh Hạnh sự thực này, mong anh tha thứ cho người vợ xấu số. Dặn anh cảnh giác với Thúy Vân, ông N. và Nguyễn...

        Tô Quyên chưa kịp nói tên người tiếp theo thì hai cánh môi đã khép lại.

        - Quyên?

        Thảo lay lay vai Tô Quyên gọi giật. Quyên vẫn nằm im mở hai mắt như hai hố nước sâu thẳm chứa đựng sự đau khổ nhìn Phương Thảo. Phương Thảo ôm chầm lấy Tô Quyên và khóc...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:41:42 pm »


       
5

        Nhận được tin Tô Quyên chết, trung tá Nam nhận định ngay: Cái chết của Tô Quyên, vợ một tiến sĩ phụ trách công trình B.3 không thể là một cái chết bình thường, ông quay sang phía đại úy Dương.

        - Đề nghị đồng chí báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi.

        - Thưa các đồng chí! Theo bác sĩ pháp y cho biết, cô ta đã uống một liều thuốc độc xê-đô-nan.

        - Đã xác định được loại thuốc độc đó do nước nào sản xuất chưa?

        - Chưa xác định được.

        - Đề nghị đồng chí làm rõ cô ta uống thuốc độc xê-đô-nan hay thuốc ngủ có chất độc xê-đô-nan?

        - Đồng chí cho rằng nhận định của Viện khoa học hình sự Bộ ta là vô trách nhiệm hay sao mà lại hỏi như thế?

        Trung tá cười giải thích:

        - Không. Tôi không nói là vô trách nhiệm mà muốn nói rằng trong cuộc chiến đấu thầm lặng của các trinh sát hình sự tìm kẻ giết người bằng các loại thuốc độc, không thiếu gì những điều bất ngờ mà ta chưa dự đoán trước. Dấu vết của nhiều loại thuốc độc thường rất khó phát hiện, thủ phạm lại đầu độc bằng những thủ đoạn tinh vi khác nhau, do đó không thể một lúc tìm ra được. Khoa học còn nhiều điều bí ẩn lắm chứ. Khoa học và trách nhiệm là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Trong vụ án này đòi hỏi phải có cả trách nhiệm và khoa học. Khoa học chứng minh trong tử thi Tô Quyên  có chất xê-đô-nan và liều lượng đủ giết cô ta. Trách nhiệm là làm rõ người nào đưa xê-đô-nan cho Tô Quyên uống. Từ đó chúng ta mới định ra phương hướng truy tìm thủ phạm.

        - Như vậy việc làm rõ thuốc đó vào cơ thể Tô Quyên  bằng con đường nào là trách nhiệm của chúng ta chứ. Tại sao đồng chí lại nghi ngờ thuốc độc có thuốc ngủ.

        - Có lẽ chúng ta không nên tranh luận quá nhiều về một vấn đề khoa học mà chúng ta hiểu về chuyên môn đó chưa sâu. Đêm qua, khi làm việc với một số bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ có nói chất xê-đô-nan có thể pha chế theo tỷ lệ khác nhau cho ta những thứ thuốc khác nhau như thuốc an thần, thuốc chữa bệnh có thuốc độc, thuốc độc... Đối với thầy thuốc, xê-đô-nan trở thành thứ thuốc chữa bệnh. Còn đối với kẻ sát nhân thì dùng xê-đô-nan để giết người. Vì vậy, đồng chí cần báo cáo cụ thể vấn đề này.

        Đại úy Dương nhìn trung tá Nam vẻ có lỗi.

        - Tôi chỉ nghe các đồng chí đó nói lại Tô Quyên  chết vì có chất xê-đô-nan.

        Trung tá Nam phê bình đại úy Dương:

        - Đồng chí làm việc đại khái quá đấy, hay nói cách khác là thiếu trách nhiệm. Tôi đề nghị hoãn buổi họp chiều mai, tiếp tục để đồng chí Dương có thời gian lấy lại kết quả xét nghiệm. Khi nào có kết quả xét nghiệm đúng, chúng ta mới có khả năng định ra hướng truy tìm thủ phạm đúng.

        Đại úy Dương tìm các chuyên gia chất độc học theo dõi vụ án này. Anh được các chuyên gia cho kết luận tổng quát: Sau nhiều lần thử nghiệm, trong những điều kiện và phương tiện khác nhau, chúng tôi đã lấy được từ tử thi Tô Quyên 3 mi-li- gam chất xê-đô-nan. Điều này chứng tỏ Tô Quyên đã phải uống từ 3 đến 5 viên thuốc độc xê-đô-nan liều lượng mỗi viên là 80 mi-li-gam. Liều lượng này đủ giết Tô Quyên.

        Đại úy Dương thận trọng hỏi lại các nhà chất độc học.

        - Các đồng chí có thể cho biết thời gian từ khi uống thuốc độc cho đến khi chết?

        - Khoảng 3 giờ.

        Đại úy Dương đến bệnh viện Bạch Mai ghi lại hồ sơ bệnh án khá chi tiết:

        “Ngày thứ 6.
        14 giờ: bệnh nhân nằm một mình.
        15 giờ: tiêm thuốc.
        16 giờ 30: uống sữa.
        19 giờ: uống sữa.
        19 giờ 30: bệnh nhân bị nôn mửa.
        20 giờ: thở gấp, người lạnh toát.
        21 giờ: mặt bệnh nhân tái xanh.
        22 giờ: tim đập yếu. Tiêm thuốc trợ tim.
        22 giờ 5 phút: nói chuyện với Phương Thảo.
        22 giờ 15 phút: tắt thở”

        Chiều hôm sau, ban chuyên án tiếp tục họp. Sau khi nghe đại úy Dương báo cáo kết quả điều tra, trung tá Nam thừa nhận Tô Quyên bị chết vì uống thuốc độc xê-đô-nan. Ông đề nghị:

        - Các đồng chí cùng suy nghĩ, phân tích xem Tô Quyên bị đầu độc hay bức tử?

        - Bị đầu độc hay bức tử, theo tôi không có gì hệ trọng cả - đại úy Dương nói - dù cách nào thì ta cũng khẳng định kẻ địch đã sát hại Tô Quyên. Chúng ta nên tập trung truy tìm thủ phạm,

        - Nói như đồng chí Dương chưa ổn đâu. Thoạt đầu nghe tương hai sự việc là một nhưng thực tế đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Mà đã khác nhau thì cách truy tìm cũng theo hai hướng khác nhau.

        - Vậy theo ý kiến đồng chí?

        - Theo tôi, chỉ có một cách duy nhất! Tô Quyên  bị bức tử. Bởi vì theo các đồng chí pháp y Viện Khoa học hình sự cho biết, thuốc độc đó uống sau 3 giờ sẽ chết. Tô Quyên vào nằm viện đã một tuần. Suốt một tuần đó, kẻ địch không dại gì dấn thân đến rung dọa ép buộc cô ta ngay bên giường bệnh. Hơn nữa, lá thư T.72 ghi cho cô ta và những lời nạn nhân nói với Phương Thảo trước lúc sắp chết có thế kết luận: Tô Quyên tự uống thuốc độc. Nhưng kẻ nào đã đưa thư bức tử và thuốc độc đến? T.72 là đứa nào? ở đâu?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:42:07 pm »


        Trung tá Nam ngồi nghe thiếu tá Tường phân tích. Thỉnh thoảng ông gật đầu tỏ ý tán thành.

        - Đúng. Tôi tán thành đánh giá của đồng chí Tường. Như vậy, kẻ địch đã hoạt động ngay trước mặt ta, thậm chí trước cả mũi mà ta không hay biết. Đó là điều hổ thẹn đối với chúng ta, những người tham gia chỉ đạo vụ án này. Chúng ta phải tìm cho được kẻ đã ném lá thư vào nhà Tô Quyên . Trước hết tôi muốn nghe đồng chí Tường báo cáo về quan sát của đồng chí trong đám tang cô Tô Quyên.

        - Đúng mười bốn giờ - thiếu tá bắt đầu kể -  chiếc xe tang chở quan tài Tô Quyên bắt đầu rời nhà xác bệnh viện. Ngồi trên xe tang có tiến sĩ Hạnh chồng nạn nhân: chị Hồng, chị gái Hạnh, cô Liên, cán bộ công đoàn Bộ Giao thông vận tải; cô Phương Thảo và người yêu là Sinh cùng một số bạn bè của vợ chồng Hạnh. Tôi ngồi trên chiếc xe sau cùng với một số anh em tham gia công trình B.3, đại diện Trường Đại học giao thông, nơi cô Tô Quyên  học tập và trưởng thành, đại diện uỷ ban khoa học kỹ thuật nhà nước... Tất cả khoảng năm chục người.

        - Hoàng Bổn, bác sĩ của Tổng cục đường sắt có đi đưa đám không?

        - Không.

        - Đồng chí có suy nghĩ gì về sự có mặt của Sinh trong đám tang đó.

        - Theo tôi, đó là chuyện thường tình. Vì Sinh là người yêu của Phương Thảo. Phương Thảo lại thân với Tô Quyên. Nếu giải theo phương trình “tình cảm” thì kết quả Sinh cũng thân Tô Quyên. Việc đến đưa ma của Sinh là việc trọng nghĩa tình.

        - Còn về Thúy Vân và những người nghi là T.72.

        - Từ lúc chiếc xe tang lặng lẽ rời nhà xác đến khi chiếc quan tài được công nhân nghĩa trang Văn Điển đặt xuống huyệt, các bạn bè sụt sùi xúc những xẻng đất đắp lên nấm mồ vĩnh biệt người bạn xấu số, không thấy sự có mặt của Thúy Vân và những người nghi là gián điệp T.72.

        - Đồng chí khẳng định như thế là hơi vội vàng đấy - Trung tá Nam cảnh cáo sự thiếu thận trọng của thiếu tá Tường - Trên lĩnh vực này, kẻ địch thường có lý lịch giả, đóng kịch khá thành công để xâm nhập vào nơi cần thiết. Phía sau chúng lại có cả một bộ máy chỉ huy theo dõi chỉ đạo. Chúng chẳng dại gì lại dẫn thân đến nơi mà chúng biết công an ta đang theo dõi.

        - Nhưng thưa đồng chí, ngay sau đám tang, tôi đã cho anh em trinh sát nghiên cứu lại hồ sơ toàn bộ những người mới xuất hiện trong đám tang và không thấy ai đáng nghi vấn - Thiếu tá Tường nói như để chứng minh mình làm thận trọng. Song câu hỏi tiếp theo của trung tá làm anh hết sức lúng túng:

        - Đồng chí hãy thuật lại việc theo dõi những người ra vào nhà Tô Quyên trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy tuần trước. Thiếu tá vẫn ngồi im không biết trả lời thế nào. Anh đành nói thực:

        - Việc theo dõi kéo dài quá nhiều ngày, gần nửa năm trời, công việc chỉ đơn thuần là ghi người đến người đi, xác minh người đến, người đi. Thời gian đầu tôi còn đọc báo cáo, về sau tôi cũng ít đọc báo cáo về người ra vào nhà Tô Quyên. Thứ sáu, thứ bảy hai tuần trước, tôi không đọc. Hôm đó đồng chí cử tôi đi công tác Hà Bắc.

        Trung tá Nam tỏ ra không hài lòng với cách làm việc đại khái, thiếu kiên trì của thiếu tá.

        - Đồng chí gọi điện báo cho tổ trinh sát theo dõi nhà Tô Quyên đến gặp tôi ngay.

        Nhận được điện báo, trung úy Cường vội vàng phóng mô tô đến gặp trưởng phòng. Không hiểu mình có việc gì sơ suất mà trung tá lại gọi gấp như thế? - Trung úy vừa đi vừa nghĩ - chắc phen này lại bị khiển trách đây.

        - Theo lệnh đồng chí, tôi trung úy Cường đã có mặt.

        - Mòi đồng chí ngồi.

        Trung tá rút điếu thuốc lá đưa cho trung úy.

        - Cậu em tôi vừa đi họp hội nghị khoa học ở Đức về cho một bao thuốc. Đồng chí hút cho vui rồi báo cáo tình hình theo dõi trong hai ngày thứ sáu, thứ bảy tuần trước ở nhà Tô Quyên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:42:26 pm »


        Nhận điếu thuốc trung úy chưa hút ngay, anh đặt lên bàn.

        - Báo cáo trung tá, 9 giờ sáng thứ sáu, có bác sĩ Hoàng Bổn đến nhà Tô Quyên, 9 giờ 15 phút đi ra.

        15 giờ Phương Thảo và Sinh xách một túi nặng vàò nhà Tô Quyên, 16 giờ đi ra, không xách túi.

        Tối thứ sáu, trời bỗng nổi cơn giông, ô tô, xe đạp chạy thành dòng lao đi. Một thanh niên cao khoảng một mét sáu lăm, mặc áo mưa đang phóng xe trên đường bỗng rẽ trái, lao thẳng vào nhà Tô Quyên. Chúng tôi chưa kịp đến gần, người này đã quay ra, phóng xe về phía đường Quang Trung, rẽ vào phố Bông Nhuộm lao về đường Điện Biên Phủ. Khi gần tới ngã tư Cửa Nam, người này cho xe giảm hẳn tốc độ đợi cho người cảnh sát giơ tay cấm đường, người này cố tình cho xe chạy vào tâm đường lao về đường Điện Biên Phủ. Chúng tôi mất mục tiêu, cố tình vi phạm luật giao thông nhưng bị cảnh sát giữ lại. Sau khi xuất trình chứng nhận ngành và giấy ưu tiên cảnh sát giao thông cho chúng tôi tiếp tục đi thì xe đạp của người kia đã đi xa, rẽ vào đường nào chúng tôi cũng không biết. Và thế là mất mục tiêu.

        - Các đồng chí không theo kịp - trung tá ngạc nhiên thực sự - Tại sao không dùng mô tô lao về phố Sinh Từ đón đầu đối tượng?

        - Chúng tôi cũng lúng túng thực sự, không nghĩ ra cách giải quyết đó.

        - Đối tượng phát hiện ra có người theo dõi mình hay anh ta lẩn đi do thận trọng để phòng?

        - Tôi cũng chưa khẳng định được rõ.

        Trung tá thở dài:

        - Thế là chúng ta đã để xổng một con mồi - Trung tá tỏ ra tiếc rẻ thực sự - Tại sao đồng chí không báo cáo ngay sự việc này?

        - Thưa trung tá, tôi đã báo cáo đồng chí Tường.

        - Đã báo cáo! - Trung tá hết sức ngạc nhiên quay lại phía thiếu tá Tường - Thế mà vừa rồi đồng chí nói chưa được nghe báo cáo về việc này. Đó là một sự dối trá. Chắc đồng chí nghĩ rằng, không báo cáo cũng chưa chết ai, mà báo cáo thì lại ảnh hưởng đến thành tích tổ công tác do đồng chí phụ trách chứ gì? - Trung tá thấp giọng - lạ lùng thật. Không ngờ đồng chí lại giấu tôi cả việc hệ trọng như thế. Chúng ta đã thả lưới ngồi chờ hàng năm, đến khi kéo lưới thì lại đứt dây. Nhưng tôi nghĩ, trong nghề chúng ta việc thất bại như thế cũng có thể xảy ra. Chỉ có điều đáng trách là đồng chí không nói thực. Mà đức tính trung thực của một cán bộ công an, một trinh sát phản gián lại hết sức cần thiết. Tôi cho phép đồng chí nghỉ việc một ngày viết kiểm điểm trình lãnh đạo Cục. Còn đồng chí Cường - Ông nhìn thẳng vào bộ mặt ỉu xìu của trung úy - Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo Cục biểu dương đức tính trung thực của đồng chí. Bây giờ đồng chí báo cáo tiếp về hình dáng người đó.

        - Người này cao khoảng một mét sáu lăm, lưng hơi gù, đội mũ bộ đội.

        - Người có hình dáng, kích thước như thế -  trung tá nhìn mọi người trong phòng - tôi nhớ, có Hoàng Bổn và Sinh. Điều lạ là - trung tá dừng lại một lúc - hai anh chàng này đều đến nhà Tô Quyên vào ngày thứ sáu. Và tối đó, Tô Quyên lại nhận được thư nặc danh dọa giết.

        - Đây có thế là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì sao? - Đại úy Dương lên tiếng.

        - Có thể như thế mà cũng có thể không phải. Chúng ta phải làm rõ con người này.

        - Báo cáo trung tá, còn một chi tiết quan trọng nữa, khi xe chúng tôi vượt lên ngang xe của anh ta, anh ta cúi mặt. Máy ảnh chúng tôi không ghi lại được khuôn mặt, nhưng ghi lại được biển số xe đạp: AP.4154.

        - Hay rồi. Chúng ta có cơ sở tìm được chủ nhân chiếc xe đạp đó. Chúng ta báo cho bộ phận quản lý xe đạp sở công an Hà Nội và công an các thành phố, thị xã, các tỉnh để các đồng chí ấy tra trong tàng thư có thể xác định được. Tôi nghĩ rằng, xe đạp nước ta nhiều, nhưng chủ nhân chiếc xe đạp biển số AP.4154 chỉ có một. Chúng ta đã bàn đến các khía cạnh xem xét phân tích từng chi tiết, nhưng chi tiết này hết sức quan trọng. Tôi đề nghị mở chiến dịch truy tìm chủ nhân chiếc xe đó, và giao cho đồng chí Dương chỉ huy chiến dịch này. Và còn một chứng cứ nữa: trên lá thư đó có dâu vân tay của Phương Thảo, Tô Quyên và một người nữa. Sau khi các chuyên gia nhận dạng đưa tờ giấy đó vào khám nghiệm đã khẳng định có dấu vân tay của một người đàn ông. Chúng ta cũng cần phải mở chiến dịch so sánh dấu vân tay. Việc này tôi giao cho đồng chí Tường chịu trách nhiệm chính. Đồng chí suy nghĩ kế hoạch làm việc với Viện Khoa học hình sự Bộ và các địa phương nữa.

        Thiếu tá Tường đang suy nghĩ về việc báo cáo lãnh đạo Cục thiếu sót của mình, quay lại nhìn trung tá như ngầm hứa sẽ làm tốt công tác mới được giao để chuộc lại khuyết điểm vừa sai phạm.

        Anh thầm nghĩ, việc tìm dấu vân tay có thể là đầu dây lần tới nơi T.72 ẩn nấp.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2020, 07:43:34 pm »


       
6

        Sau khi Tô Quyên chết, những người chỉ đạo cuộc truy tìm T.72 nhận thấy mình đã mắc sai lầm đánh giá nhầm đối tượng, chưa hiểu hết âm mưu của địch, nhận thấy lỗi lớn trong cái chết của Tô Quyên . Mọi người quyết tâm sớm tìm ra T.72, tăng cường bảo vệ tiến sĩ Hạnh.

        Trung tá Nam và ban chỉ đạo chuyên án đang trao đổi thì có người của Viện Khoa học hình sự bước vào. Anh đem kết quả điều tra dấu vân tay để lại trên lá thư buộc Tô Quyên bức tử.

        Sau khi người của Viện Khoa học hình sự đi rồi, ban chuyên án lại tiếp tục họp bàn.

        - Như vậy là đã rõ, đó là vân tay của Hoàng Bổn - trung tá Nam nói - mà Hoàng Bổn là một bác sĩ, không khó khăn gì trong việc sử dụng vài viên thuốc độc.

        - Rõ ràng chúng ta đã phát hiện được một đối tượng nghi là T.72. Bây giờ, trên tò giấy kia lại có dấu tay của Hoàng Bổn làm đảo lộn suy nghĩ của chúng ta. Nếu cứ tiến hành biện pháp trinh sát bí mật, tôi sợ sẽ kéo dài vụ án - thiếu tá Tường đề nghị  - đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng với anh ta mới có khả năng giải đáp được vấn đề.

        - Đồng chí có tin rằng Hoàng Bổn sẽ khai báo đầy đủ những điều ta chất vấn không? - Trung tá Nam cười hỏi lại.

        - Tôi hiểu. Nếu Hoàng Bổn là phần tử hai mặt thì anh ta sẽ bịa ra nhiều chuyện. Song, nếu không phải thì anh ta sẽ cho ta hiểu sớm vấn để.

        Thiếu tá Tường nhìn trung tá Nam như chờ ý kiến đồng tình. Trung tá vẫn ngồi trầm ngâm, suy nghĩ.

        - Chúng ta chưa tìm đủ chứng cứ để buộc anh ta là kẻ thù. Hơn nữa, cần phải xác định mối quan hệ xã hội của anh ta. Bắt anh ta bây giờ là chúng ta báo động cho những kẻ liên quan giật mình, nằm co lại. Chỉ có chứng cứ về dấu tay đâu đã đủ điều kiện buộc tội anh ta? Cần phải có thêm chứng cứ nữa - Đại úy Dương không đồng ý với cách nhìn của thiếu tá Tường.

        - Lúc nào đồng chí cũng cho là thiếu chứng cứ - thiếu tá Tường tỏ vẻ bực tức.

        - Chúng ta cứ bình tĩnh phân tích xem - trung tá Nam lên tiếng - Nếu anh ta là T.72 thật, ta bắt đúng. Nhưng liệu kẻ địch có chịu nói ra những điều ta muốn không? Theo tôi khó lắm. Nếu anh ta không phải là T.72, chỉ là người có liên quan thì việc bắt anh ta đồng nghĩa với thông báo cho kẻ địch nằm im. Và cuối cùng chúng ta khoanh tay, chẳng đạt kết quả gì.

        Một vài phút im lặng. Trung tá Nam thấp giọng nói tiếp:

        - Theo tôi, cần xác minh xem Hoàng Bổn là người như thế nào. Phải biết rõ lý lịch của anh ta, càng sớm càng tốt. Tôi cho rằng, cái quá khứ của anh ta sẽ giúp chúng ta một phần căn cứ để đánh giá đúng vấn đề. Thứ hai, chúng ta làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tổng cục đường sắt điều anh ta đi làm công tác phòng dịch ở cơ sở một thời gian. Trên đường đi, ta đưa anh ta về cơ quan an ninh để tránh những rắc rối như các đồng chí vừa nêu lên. Khi đó, ta sẽ làm rõ những gì cần phải làm rõ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM