Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:42:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện người con Hồng Phước  (Đọc 4236 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:53:04 pm »

Ban chỉ huy đại đội và hai tổ trinh sát nắm toàn bộ tình hình quân địch, nội ngoại vi cứ điểm. Ta đánh giá bước đầu tuy có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Vì cứ điểm địch được xây dựng kiên cố bố phòng cẩn mật; trong một đêm phải đánh hai mục tiêu cùng một lúc, một trong hai mục tiêu có thể bị lộ bí mật bất cứ lúc nào. Nếu không may để xảy ra sơ suất dù là rất nhỏ trước giờ nổ súng thì hậu quả tổn thất, thương vong là điều không thể tránh khỏi. Do đó, quá trình chuẩn bị phương án chiến đấu của chỉ huy đơn vị phải hết sức kỹ lưỡng, phát huy tốt tinh thần dân chủ, tránh chủ quan. Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng nhất trí theo phương án cách đánh đặc công của Đội đặc công 11. Bởi đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh địch, cán bộ chiến sĩ có tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu thọc sâu cứ điểm quân địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Sau khi phương án chiến đấu được thông qua, chúng tôi tiến hành đắp sa bàn để tổ chức huấn luyện. Đội tổ chức biên chế lực lượng thành hai phân đội. Phân đội 1 gồm 30 đồng chí, do đồng chí Trần Hữu Tạo trực tiếp chỉ huy. Trong đó, tôi làm mũi trưởng mũi thọc sâu đánh sở chỉ huy của địch. Mũi 2 do đồng chí Nguyễn Bá Thảo làm mũi trưởng, thực hành đánh từ phía đông lên. Mũi 3 do đồng chí Giác làm mũi trưởng, thực hành đánh từ phía tây xuống. Phân đội 1 có nhiệm vụ đánh địch ở phía nam cầu Câu Lâu, bí mật diệt gọn đại đội Âu - Phi, làm chủ trận địa thu vũ khí. Phân đội 2 gồm 20 đồng chí biên chế thành 2 mũi, do các đồng chí Nguyễn Văn Thành và Ngô Trọng Đãi trực tiếp chỉ huy, đánh địch ở đồn phía bắc cầu Câu Lâu. Cụ thể, mũi 1 do đồng chí Huỳnh Ngọc Châu làm mũi trưởng, có nhiệm vụ đánh chính diện ở phía đông lên; mũi 2 do đồng chí Nguyễn Hữu Thêm làm mũi trưởng, đánh từ phía bắc vào. Theo kế hoạch hiệp đồng, Phân đội 1 chúng tôi hành quân đến ém tại xã Duy An, huyện Duy Xuyên. Còn Phân đôi 2 giấu quân tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn. Trong quá trình hành quân, du kích địa phương sẽ dẫn đường đến vị trí tập kết.

Đúng 19 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1954, chúng tôi bắt đầu chiếm lĩnh trận địa, bí mật đưa đội hình vào bên trong cứ điểm. Giờ nổ súng được xác định là 24 giở, ưu tiên cho lực lượng đánh đồn phía nam cầu khai hỏa trước.

23 giờ 30 phút, chúng tôi đã triển khai đội hình nằm ngoài hàng rào của cứ điểm địch. Nằm ép mình sát đồn địch, tôi không tránh khỏi hồi hộp. Mũi của tôi là mũi thọc sâu đánh vào sở chỉ huy nên kết quả chiến đấu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả toàn trận đánh. Còn gần nửa tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ nổ súng. Dưới thân người chiến sĩ đặc công, cát quê hương mát lạnh đến tâm can. Thời gian này là tháng giao thời giữa mùa xuân và mùa hè nên những giọt sương rơi xuống cũng làm cho tâm hồn chúng tôi xao xuyến lạ. Người lính đặc công đi đánh giặc chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn nên cảm nhận sự thay đổi của thiên nhiên khá tinh tế. Mặc dù suy nghĩ vẩn vơ trước giờ nổ súng, nhưng tôi không quên quan sát mọi động tĩnh của địch và tìm ra phương án chiến đấu tối ưu. Trong đầu tôi chợt gợn lên câu hỏi: Tại sao ta không theo đường chính mà tiến công? Vì khi bọn lính đổi gác thì khoảng trống phía sau bị bỏ không, quá trình đi điều tra tôi đã nắm chắc điều này. Chúng mất cảnh giác ở chỗ đó. Tôi mới vừa nghĩ đến dây thì cũng chính là lúc chỉ huy trận đánh ra lệnh cho tôi dẫn tổ thọc sâu bám theo tên lính đi đổi gác. Khi nó vừa chui vào nhà, chúng tôi nhanh chóng cơ động đến sở chỉ huy, nổ súng đánh phủ đầu, tiêu diệt tên quan Hai, làm chủ mục tiêu, cố thủ chia lửa cho đồng đội. Nghe tiếng lựu đạn, thủ pháo của tôi nổ, anh em lập tức triển khai đội hình đánh chiếm các mục tiêu đã quy định. Tôi tiếp tục vừa chiến đấu, vừa chỉ huy tổ đánh mục tiêu bên cạnh như nhà bằng, lô cốt sắt của sở chỉ huy địch. Mũi 2 và mũi 3 cũng đồng loạt nổ súng bao vây chia cắt quân địch. Chúng hoảng loạn, chạy nháo nhào. Các hướng phối hợp tiến công nhịp nhàng. Vì thế địch không biết đường nào mà chống cự. Thuận đà thắng lợi, ta dồn địch xuống sông, buộc chúng phải đầu hàng. Chúng tôi bắt sống một số tên lính và 5 cô gái làm kỹ nữ, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng. Sau đó, tổ chức giáo dục và phóng thích tại chỗ 10 tên lính cùng với các cô kỹ nữ. Chỉ sau 10 phút chiến đấu, chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn trận đánh. Đồng chí Đội trưởng Trần Hữu Tạo, người chỉ huy trận đánh, truyền lệnh bắt tù binh thu vũ khí, kịp thời tổ chức lui quân về Duy Xuyên.

Ở đầu cầu phía bắc, do địch bất ngờ thay đổi quy luật tuần tra nên ta không kịp xử trí tình huống. Vì vậy, ở những phút đầu đội hình của ta đã có dấu hiệu bị lộ. Chúng bắn mãnh liệt về hướng nghi ngờ đối phương ẩn náu khiến một số đồng chí bị thương. Trước tình thế hiểm nghèo, đồng chí Ngô Trọng Đãi và đồng chí Huỳnh Ngọc Châu vẫn bình tĩnh chỉ huy thay đổi cách đánh như phương án chiến đấu đã được dự kiến. Nghĩa là, thay bằng bí mật đột nhập, ta nhanh chóng leo rào nhảy vào. Các mũi, các hướng đồng loạt nổ súng đánh chiếm mục tiêu. Tiếng súng tiểu liên, tiếng lựu đạn nổ chát chúa, dồn dập. Địch không ngờ ta tiến công nhanh như vậy nên bị bất ngờ, lúng túng. Do đó, trong vòng 15 phút, các đồng chí ở Phân đội 2 đã hoàn toàn làm chủ trận đánh, bắt sống một số tù binh, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, rồi bí mật rút lui, đưa anh em thương binh về nơi an toàn. Sau đó, bộ đội công binh của tỉnh ra đánh sập cầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:53:55 pm »

Được sống trong thời khắc lịch sử của những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp mới có thể cảm nhận hết được niềm vui chiến thắng, sự dồn dập khẩn trương của chiến tranh. Tôi đã trải qua những ngày như vậy. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn không thể nào quên cảm giác tự hào xen lẫn trách nhiệm nặng nề của người chiến sĩ đặc công trước sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hồi ấy, vào khoảng tháng 5 năm 1954, sau trận tập kích cầu Câu Lâu, chúng tôi trở lại đứng chân ở Gò Nổi chưa được năm ngày thì nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ. Đây là ngọn đồi có độ cao khoảng 56 mét so với mặt biển, còn gọi là quả đồi đất ký, nằm ở nơi tiếp giáp của ba huyện là Điện Bàn, Hòa Vang và Đại Lộc, thuộc địa phận xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn. Có thể nói, căn cứ Bồ Bồ là khu tam giác chiến, địch tổ chức xây dựng công sự kiên cố, phòng ngự vững chắc. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp mỗi khi đổ quân xuống Quảng Nam - Đà Nẵng thường chọn đỉnh Bồ Bồ làm điểm tựa, đặt đài quan sát từ xa, bố trí binh hỏa lực khống chế 3 huyện đồng bằng nhằm bảo vệ hậu phương phía sau là thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Về tình hình địch trong giai đoạn đó, cụ thể là vào đầu năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp đóng tại các tỉnh Tây Nguyên bị thua trận trong chiến dịch Át Lăng phải tháo chạy về Đà Nẵng. Địch bố trí một trung đoàn cơ động, có xe tăng, thiết giáp, phi pháo yểm trợ thực hành càn quét 3 huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc và thực hành đánh chiếm đỉnh Bồ Bồ. Chúng không ngờ ta đã phòng bị sẵn, nên khi vừa đặt chân đến đã bị quân và dân các huyện đánh thiệt hại nặng, buộc phải tháo chạy về Đà Nẵng. Địch bố trí một đại đội Âu - Phi tinh nhuệ chiếm giữ Bồ Bồ, xây dựng đồn bốt. Xác định là điểm tựa vững chắc cho Đà Nẵng, Hội An nên chúng xây dựng rất kiên cố. Nhà ở, hầm ngầm đều được kết cấu bằng bê tông cốt thép; hệ thống lô cốt, boong-ke bố trí liên hoàn; hàng rào đan xen các bãi mìn, có hệ thống chiến hào bao quanh. Qua điều tra, chúng tôi nắm được cứ điểm Bồ Bồ lúc ấy như một pháo đài vững chắc có gắn ĐKZ 57mm và đại liên vít-ke 12,7mm hai nòng. Ngoài ra, địch còn trang bị thêm 2 khẩu pháo 94mm và một súng cối 81mm. Bọn lính ngày đêm dùng ĐKZ, cối 81mm và đại liên bắn xuống xóm làng, gây không biết bao nhiêu tội ác với phụ nữ và trẻ em sống xung quanh dưới chân núi Bồ Bồ. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho Đội đặc công 11 của tỉnh đánh đồn Bồ Bồ để cứu dân Điện Tiến và mở rộng vùng giải phóng của ta. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Đội phó Đội đặc công 11, dẫn hai tổ trinh sát ra cứ điểm Bồ Bồ. Qua bảy ngày đêm điều tra, đột nhập năm đêm vào ba hướng mới đến được chiến hào bên trong và khu nhà lính, nhà chỉ huy, trận địa pháo cối. Với kết cấu vững chắc, địch tin rằng đối phương bất khả xâm phạm. Thậm chí, chúng còn tuyên bố: “Nếu Việt Minh đánh được Bồ Bồ thì nước sông Yên chảy ngược”.

Quá trình chuẩn bị đạt kết quả tốt, được cấp trên thông qua phương án chiến đấu, đơn vị tập trung sinh hoạt xác định nhiệm vụ chuẩn bị đánh cứ điểm Bồ Bồ. Nghe bộ phận đồng chí Hồng báo cáo hoàn tất công tác chuẩn bị lô cốt Giồng Lạc, phía tây nam cầu Cẩm Lý, cách Bồ Bồ 500 mét, án ngữ và ngăn chặn đối phương từ xa, Đội trưởng Trần Hữu Tạo quyết định biên chế 53 cán bộ, chiến sĩ thành bốn mũi, bao gồm: Mũi 1 có 21 đồng chí, chia làm 3 tổ đột nhập hướng đông, có nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy, chiếm lô cốt cố thủ, phát triển đánh khu nhà lính và hai lô cốt tiền duyên, do Đội trưởng Tạo trực tiếp chỉ huy. Mũi 2 có 12 đồng chí do đồng chí Thêm chỉ huy, đánh từ hướng Tây xuống tiêu diệt các lô cốt, đánh chiếm khu nhà để pháo cối, giữ hai khẩu đại bác và bắt liên lạc với mũi 1 và mũi 3. Mũi 3 có 12 đồng chí do đồng chí Khai chỉ huy, đánh hướng bắc vào khu nhà bê-tông bán âm, chiếm nhà máy điện, giữ kho đạn cối và chặn địch không cho chạy sang hướng đông. Mũi 4 có 8 đồng chí do đồng chí Hồng chỉ huy, đánh lô cốt tiền tiêu ở đồi Giồng Lạc, chốt giữ hướng Tây, không cho địch chạy về cầu Cẩm Lý đón đơn vị lui quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Thành, Đội phó, trực tiếp chỉ huy 2 khẩu SKZ 90mm của Đại đội 22 bộ đội địa phương huyện Điện Bàn phối hợp, chi viện hỏa lực. Quân số còn lại gồm hai khẩu đội và lực lượng dự bị sẵn sàng thay thế cho mũi 1. Ngoài ra, lực lượng phối hợp chiến đấu còn có cán bộ, du kích và nhân dân các huyện Điện Bàn, Hòa Vang và Đại Lộc.

Ngày mùng 9 tháng 5 năm 1954, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Gò Nổi ra trú quân tại xã Điện Tiến. Đúng 19 giờ ngày mùng 10 tháng 5, đơn vị tập kết tại sân đình Diệm Sơn để làm lễ xuất quân. Đồng chí Võ Thứ, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam - Đà Nẵng, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao lá cờ Quyết thắng cho Đội đặc công 11. Đồng chí Thứ xúc động nói: “Đêm nay nhân dân và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đón chờ tin chiến thắng của các đồng chí”. Chúng tôi đứng lặng như tờ, nghe như nuốt từng lời của người cán bộ cách mạng kiên trung, người chỉ huy tài ba từng tham gia du kích Ba Tơ. Trong phút giây thiêng liêng ấy, tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều. Tôi tự nhủ phải chiến đấu hết mình để không phụ lòng tin cậy của cấp trên, của nhân dân. Bầu không khí im lặng được phá tan khi đồng chí Trần Hữu Tạo thay mặt đơn vị hứa với cấp trên và nhân dân: “Cán bộ, chiến sĩ Đội đặc công 11 quyết tâm tập kích tiêu diệt gọn cứ điểm Bồ Bồ, giành thắng lợi hoàn toàn để khỏi phụ lòng mong đợi của cấp trên và nhân dân các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc”. Không có tiếng hô quyết tâm, không có tiếng vỗ tay hoan nghênh, chúng tôi đứng nghiêm trang thể hiện ý chí sắt đá của người chiến sĩ đặc công. Sau đó, Đội trưởng Tạo lần lượt quàng khăn đỏ cho tổ thọc sâu gồm tôi, Nguyễn Văn Mùi và Kiều Sơn Đen. Tôi được phân công chỉ huy tổ này, thực hiện đánh lô cốt cố thủ và sở chỉ huy của địch nằm chính giữa cứ điểm. Lúc này, ánh trăng đầu tháng bàng bạc rọi xuống sân đình Diệm Sơn, xã Điện Tiến như muốn soi tỏ những gương mặt tuổi mười tám, đôi mươi đang hừng hực khí thế sẵn sàng bước vào trận đánh. Tổ thọc sâu chúng tôi, cổ quàng khăn đỏ cảm tử quân như dũng sĩ Ngô Mây ngày trước, trái tim như muốn đập vỡ lồng ngực vì niềm tự hào xen lẫn băn khoăn lo lắng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lòng tôi tự nhủ, thề quyết tử cho nhân dân 3 huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được bình yên”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:54:42 pm »

Khoảng 21 giờ, khi ánh trăng gần khuất núi, các mũi các hướng bắt đầu vượt qua cánh đồng lúa gieo, bí mật cơ động vào chân núi. Mặc dù đã trực tiếp đi điều tra, nhưng tôi cũng hồi hộp không kém người vào trận lần đầu. Bởi vì nhiệm vụ của tổ tôi rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đánh. Lúc ấy, tôi không sợ hy sinh mà chỉ sợ không may do sơ suất của mình và anh em mà không diệt được sở chỉ huy địch, không đánh sập được lô cốt cố thủ của địch thì liệu các mũi hướng của ta tiến công lên như thế nào. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi tin chắc mình nhất định sẽ giành chiến thắng. Tất nhiên, lo lắng đó cũng làm cho tôi cẩn trọng hơn. Khoảng 23 giờ, chúng tôi cắt xong hàng rào thứ nhất. Khi mọi hoạt động của chúng tôi vẫn được giữ bí mật thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng chí Đăng vấp phải quả mìn lân tinh, dây cháy chậm bắt lửa cháy xè xè. Đang bò ngay phía sau, anh Tạo nhanh chóng chụp lấy quả mìn và cà xuống đất làm mất tác dụng. Tình huống này có vỏ cũng làm cho địch sinh nghi. Vì ngay lúc đó, một tên lính Âu - Phi từ trên lô cốt bước xuống, ra ngay trước bờ rào hướng đột kích của ta, cách đội hình của chúng tôi khoảng 10 mét. Tay kẹp chặt khẩu súng, nòng hướng ra phía trước sẵn sàng nhả đạn, tên lính ngồi thụp xuống quan sát khoảng 15 phút không thấy động tĩnh gì bèn đi vào. Lúc này, bọn địch trong đồn đã bộc lộ vẻ nghi ngờ. Chúng đứng trên lô cốt xầm xì gọi sang lô cốt bên cạnh cũng có mấy tên lính đứng lố nhố chỉ trỏ ra ngoài. Trước tình hình đó, Đội trưởng Trần Hữu Tạo liền ra ám hiệu cho tôi đưa lực lượng của mình vào trước, ém quân bên trong bờ rào. Tôi hướng dẫn anh em dàn hàng ngang bò vào cách chiến hào và 2 lô cốt hai bên khoảng 10 mét. Đội hình phía sau cũng tranh thủ vào hết rào. Kim đồng hồ chỉ đúng 24 giờ, tức đến giờ nổ súng. Tôi chỉ huy tổ thọc sâu nhanh chóng vượt qua hai lô cốt vào bên trong. Không ngờ khi chúng tôi mới rướn người lên thì nghe tiếng kéo khóa nòng đại liên “rét, rét”. Địch bắn ngay ra đội hình mũi 1. Đồng chí Tạo phát lệnh nổ súng. Không bỏ lỡ thời cơ, tôi dẫn tổ chạy thẳng vào bên trong đánh lô cốt cố thủ. Nghe tiếng đường đạn rít căng ngay trên đầu, tôi bất ngờ nhìn lại phía sau và phát hiện thấy một đồng chí tổ viên đã bị thương nặng trên chiến hào. Tổ thọc sâu chỉ còn tôi và Mùi. Tình huống chiến đấu không cho phép chúng tôi chần chừ. Nếu chỉ chậm một phút thì có thể biến từ thắng thành bại. Vì thế, chúng tôi đành ngậm ngùi để Kiều Sơn Đen ở lại để tiếp tục xung phong. Đồng chí Thành ra lệnh cho SKZ diệt lô cốt. Hai phát đầu ta bắn không trúng đích, địch bắn ra dữ dội. Các xạ thủ nhanh chóng xác định lại phần tử bắn, kịp thời tiêu diệt hai lô cốt tiền duyên. Mũi 2 và mũi 3 thực hành xung phong diệt địch. Toàn trận địa ngập tràn tiếng súng, lựu đạn. Lửa cháy dồn địch rọi sáng ngời những khuôn mặt của người chiến sĩ đặc công. Địch hoảng loạn, la hét inh ỏi. Chúng không biết ta tiến công từ hướng nào. Chúng không thấy đối phương, chỉ những người lính đặc công có tài xuất quỷ nhập thần mới đủ khả năng nắm bắt mọi động tĩnh. Bất ngờ, một tên quan hai Pháp ôm bó pháo sáng ra đứng trên trụ cờ để giật pháo sáng. Tôi đang đứng trên lô cốt cố thủ phát hiện thấy, lập tức dùng khẩu đại liên vít-ke của địch bắn hắn gục tại chỗ. Sau đó, tôi và Mùi chui vào lô cốt tiếp tục chiến đấu để diệt một số tên còn lại. Bởi vì lô cốt boong-kc xây hình lục giác nên ta đánh thủ pháo ngăn nào thì địch ở ngăn đó chết. Khi chúng tôi vừa chui vào tấm cửa sắt lô cốt, một tên Âu - Phi to khỏe mang khẩu súng tiểu liên ôm choàng cả hai vào lòng. Một tay hắn bóp cổ Mùi, tay kia móc hông tôi. Tôi bất ngờ xoay nòng súng chĩa thẳng vào ngực tên địch bóp cò. Hắn thét lên một tiếng rồi ngã lăn ra chết. Bị tên địch siết cổ quá lâu nên Mùi bị ngất. Tôi liền kéo anh ra ngoài lô cốt, làm hô hấp nhân tạo. Khi Mùi tỉnh lại, chúng tôi tiếp tục chiến đấu.

Sau những phút hoảng loạn ban đầu, địch điên cuồng chống trả dữ dội. Ta có nhiều đồng chí bị thương nặng ở bên ngoài chiến hào vẫn bò vào đánh hết giỏ thủ pháo rồi anh dũng hy sinh. Diễn biến trận đánh đang có lợi cho chúng tôi. Các hướng, các mũi vẫn hiệp đồng chi viện cho nhau chặt chẽ, thực hành bao vây tiêu diệt quân địch đúng phương án. Lúc này, tôi và Mùi giữ chắc lô cốt và đại liên đề phòng địch đánh phản kích chiếm lại và diệt những tên sống sót.

Ở phía bên kia, bộ phận đánh lô cốt Giồng Lạc hiệp đồng nổ súng, đã tiêu diệt quân địch làm chủ trận địa. Sau 35 phút chiến đấu quyết liệt, đơn vị tôi đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đội trưởng Trần Hữu Tạo bắn pháo hiệu thông báo ta đã làm chủ trận đánh. Nhìn cánh cổng sắt của địch vẫn đóng chặt, một đồng chí chiến sĩ đã dùng bộc phá ống đánh tung cổng cứ điểm. Lực lượng dân công chạy vào chuyển thương binh, liệt sĩ về phía sau và thu toàn bộ vũ khí. Trong đó, hai khẩu pháo 94mm được bà con xã Điện Tiến dùng hai con trâu đực kéo sang sông an toàn. Kết quả trận đánh, chúng tôi thu được hai khẩu pháo 94mm, một khẩu ĐKZ 57mm, một khẩu đại liên vít-ke 2 nòng, một khẩu cối 81mm và trung liên, súng trường cùng vô số đạn dược, làm chủ hoàn toàn cứ điểm Bồ Bồ, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn của huyện Điện Bàn. Chúng tôi phấn khởi hành quân về lại Gò Nổi. Ở đây, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức khao quân mừng chiến thắng Đội đặc công 11. Đánh giá ý nghĩa trận đánh, có thể nói đây là một trong những chiến thắng vang dội, đã đi vào lịch sử của bộ đội đặc công Quảng Nam - Đà Nẵng như một mốc son chói lọi. Đối với chúng tôi những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu, “đỉnh Bồ Bồ” luôn là biểu tượng của niềm tin chiến thắng, là niềm tự hào không chỉ trong chiến tranh mà cả hòa bình. Sau này, mỗi khi về Điện Tiến thắp hương lên tượng đài tưởng niệm chiến thắng Bồ Bồ, tôi lại nhớ đến đồng đội, những đứa con tuổi đời mười tám, đôi mươi đã chiến đấu không tiếc máu xương. Ngày ấy, mỗi khi khăn đỏ quàng cổ, ngụy trang thân mình theo màu cây cỏ thiên nhiên, trong trái tim chúng tôi chỉ chứa đựng lòng căm thù giặc và tình yêu nước nồng nàn, nguyện chiến đấu vì Đảng, vì dân đến giọt máu cuối cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:55:46 pm »

Sau chiến thắng Bồ Bồ một thời gian, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào thị xã Tam Kỳ để sẵn sàng thi hành khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cá nhân tôi vừa về đến Gò Nổi, chưa kịp ăn mừng thắng lợi đã nhận nhiệm vụ đi về phương bắc. Hôm ấy, tôi và anh Tạ Bán có lệnh lên gặp trực tiếp đồng chí Hà Bân - Chủ nhiệm Chính trị Thành đội Đà Nẵng. Tôi phân vân: “Trong trận đánh vừa qua, mình đã chiến đấu dũng cảm, nhưng cũng chưa dám nhận là xuất sắc. Vậy tại sao chỉ huy thành đội lại gặp mình?”. Tuy nhiên, có lệnh thì cứ đi. Anh Tạ Bán cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi hồi hộp lên gặp đồng chí Hà Bân. Khác với những gì tôi băn khoăn, anh Bân tiêp anh em tôi niềm nở, thân tình. Sau mấy câu thăm hỏi, đồng chí Hà Bân bắt đầu nói về tình hình địch, ta hiện nay, đồng thời cũng thông báo cho chúng tôi biết về quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Dường như chờ chúng tôi nắm chắc những thông tin trên, đồng chí Hà Bân ngừng lại. Tôi vẫn chưa hiểu nội dung cuộc gặp này là gì. Chẳng lẽ cấp trên gọi hai chúng tôi lên chỉ để thông báo tình hình? Không để chúng tôi đợi lâu, anh Bân đi vào vấn đề chính: “Hôm nay, tôi thay mặt chỉ huy thành đội, gọi các đồng chí lên để giao nhiệm vụ mới. Ngay ngày mai, các đồng chí lên đường về Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ điều tra nắm tình hình địch tập trung tại ga lớn Đà Nẵng và sân bay, bến cảng. Thời gian hoàn thành trước ngày 20 tháng 7 năm 1954”. Đồng chí Hà Bân ngừng lại, quan sát kỹ nét mặt chúng tôi, sau đó nhấn mạnh: “Đây là một nhiệm vụ khó khăn, yêu cầu bí mật cao, phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Vì thế, tổ chức đã lựa chọn rất kỹ người đi thực hiện nhiệm vụ. Tôi tin rằng các đồng chí sẽ không phụ lòng tin của chỉ huy đơn vị, của thành đội, tỉnh đội”. Quả thật, lúc đó tôi và anh Bán cũng có bị bất ngờ. Chúng tôi không dám nghĩ rằng mình được cấp trên tin cậy như thế. Vì vậy, hai anh em cùng hứa sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên đường về đơn vị, chúng tôi xác định: Một là, hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra nghiên cứu tình hình địch phục vụ “đình chiến” ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Hai là, có thể sẽ hy sinh ở tuổi hai mươi bốn trong khi làm nhiệm vụ hoặc bị địch bắt. Chúng tôi tạm biệt anh em, bí mật đi ra Đà Nẵng. Do đặc điểm bộ đội đặc công thường có những nhiệm vụ đặc biệt, nên khi chia tay mọi người cũng không ai hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì. Tôi và anh Tạ Bán lặng lẽ đi về khu Tây - Đà Nẵng.

Quan sát lính Pháp đi lại trên đường, ra vào ga tôi cảm nhận có lẽ chúng đã thất bại nên chỉ chú tâm chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Việt Nam. Vì thế chúng tôi gặp khá nhiều thuận lợi trong công tác điều tra nắm địch. Hai chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quay về Tam Kỳ thì được tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đình chiến toàn Đông Dương, Quân viễn chinh Pháp sẽ rút khỏi nước ta, Cam-pu-chia và Lào.

Ngay buổi tối hôm đầu tiên về lại đơn vị, tôi được đồng chí Chính trị viên đại đội gọi lên, thông báo cấp trên cho đi tranh thủ với thời gian cả đi và về 3 ngày. Tôi không ngờ niềm vui đến nhanh như vậy. Tôi lắng nghe như nuốt từng lời của Chính trị viên: “Thời gian ngắn, đường đi khá xa, có nhiều nguy hiểm. Nhưng đây là sự quan tâm của đơn vị, đề nghị đồng chí chấp hành mệnh lệnh đúng thời gian quy định”. Tôi vui mừng đến ríu cả bước chân, đến quên cả chào thủ trưởng. Đêm hôm đó, trăng sáng tỏ, soi thẳng vào đầu giường. Tôi không thể nào ngủ được, chỉ mong cho trời mau sáng để lên đường về gặp ba, mẹ, các em, gặp lại bạn bè, quê hương. Thế là sau gần 9 năm xa nhà, tham gia chiến đấu ngay trên đất mẹ, tôi sắp được về thăm lại chốn xưa. Càng nằm nghĩ ngợi, tôi càng thấy thương ba mẹ, nhớ các em. Trong suốt nhiều năm chiến đấu, không ít bận cái chết cận kề, chưa có khi nào tôi nhớ nhà như lúc này. Kỷ niệm tuổi thơ dù không mấy ngọt ngào, nhưng vẫn ùa về trong tâm trí. Hồi nhỏ, mỗi khi lùa con trâu vào chuồng, mắt nó cứ nhìn tôi như nhắc mai nhớ đến cho nó đi ăn nhé, v.v. Tôi hết khẽ khàng trở mình sang bên này lại lật sang bên kia, vì sợ anh em thức giấc. Chỉ mong sao trời sáng mau mau để tôi lên đường. Quãng đường từ thị xã Tam Kỳ ra đến xã Hòa Liên dài khoảng 75 cây số, còn khá nhiều hiểm nguy. Vì lúc này đang trong thời gian đình chiến nên địch ta lẫn lộn. Ở các địa phương, cán bộ, bộ đội đi rồi, bọn tề ngụy kịp thời ngóc đầu dậy làm tay sai cho chế độ bù nhìn mới. Chúng theo dõi nghiêm ngặt, thanh lọc Việt Minh, cộng sản trong nhân dân. Để đảm bảo an toàn, tôi phải cải trang làm thợ nề đi xây dựng vùng giải phóng. Tôi vừa đi, vừa chạy từ Tam Kỳ về xã Hòa Trung, huyện Hòa Vang, mất 12 tiếng đồng hồ. Tôi mon men tiếp cận một số người dân đi cắt chè, đốn củi để nhờ họ nhắn hộ gia đình tôi ngày mai lên dậy sớm. Vì lúc đó, nhà tôi ở vẫn đang trong vùng bị địch chiếm. Tin về cho gia đình xong, tối hôm ấy, tôi yên tâm ăn, ngủ ở nhà ông Lê Văn Mùi chủ trại sản xuất. Ông này bị địch tình nghi là cộng sản nên thường xuyên cho quân lính mai phục trước cổng, xung quanh vườn nhà. Sợ không may anh em mình về bị chúng bắt, ông bỏ lên căn cứ cách mạng sống một mình và tính toán: Nếu sau này địch truy lùng thì ông vượt biên chạy ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau này, không ngờ tôi lại gặp ông tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, khi tôi tập kết ra Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:57:11 pm »

Hôm sau, đúng 8 giờ sáng, đoàn nông dân đi cắt chè đã dẫn đến trước mặt tôi một người con gái hiền hậu dễ thương với đôi mắt ướt long lanh, đầm đìa giọt lệ. Cô gái này là Lê Thị Đặng, bạn cũ của tôi năm xưa. Chúng tôi đã biết nhau từ hồi cắt cỏ, giữ trâu cho nhà giàu. Song do hoàn cảnh chiến tranh nên khi lớn lên mỗi người một ngả. Ngày ấy, thực lòng mà nói chúng tôi cũng đã có ý phải lòng nhau. Hôm trước khi lên đường nhập ngũ, tôi có ngỏ ý kết duyên chờ đến ngày độc lập. Những tưởng gần mười năm không có tin tức của tôi, cô ấy đã đi lấy chồng. Không ngờ sau bao nhiêu năm xa cách, người con gái thôn quê dưới chân núi Hải Vân vẫn đợi chờ tôi, đợi chờ đến ngày độc lập. Tôi bàng hoàng, thổn thức. Tôi không tin, nhưng chuyện lạ đó có thật. Vì vậy, dù rất cảm động nhưng tôi vẫn kìm nén tình cảm, chỉ có lời qua ý lại, ân cần thắm thiết như bạn cũ gặp nhau. Tôi gợi ý thăm dò cuộc sống hiện tại của Đặng. Tôi ướm hỏi:

- Tình cảm của mình đã được thử thách xa nhau rồi, bây giờ lại xa nhau tiếp. Anh về phép có 3 ngày. Sau đó, đến đơn vị để tham gia hành quân vào thành phố Quy Nhơn chuẩn bị tập kết.

Tôi ngừng lời, quan sát thái độ của em. Đặng vẫn im lặng. Tôi có linh cảm em đang giấu tôi một điều gì đó rất vui. Tôi mạnh dạn hẳn lên và đọc cho em nghe mấy câu thơ vừa ứng khẩu:

- “Anh ra miền Bắc gặp Cha già / Gặp Võ Đại tướng thiết tha hiền lành / Thương dân, thương lính hết tình / Miền Nam anh dũng của mình nào quên”. Em ở lại đấu tranh chờ đến ngày thống nhất anh về cưới em.

Có lẽ biết được tình cảm của tôi vẫn vẹn nguyên như hồi mới chia tay nên cô ấy vừa cười, vừa nói:

- Mẹ ở nhà đã cưới vợ cho anh rồi.

- Cưới ai rứa hả em? Tôi giật mình hỏi.

Bấy giờ đến lượt Đặng đỏ mặt, ấp úng. Tôi càng sốt ruột. Cô ấy nói như hờn trách:

- Cưới ai anh còn hỏi. Anh hứa với em khi anh còn ở đơn vị dân quân tập trung xã Hòa Liên kia mà.

- Ờ, anh nhớ rồi, anh xin lỗi... Tôi vui sướng ôm chầm lấy em.

Tôi không thể tả nỗi niềm hạnh phúc của mình. Nhưng tôi càng sung sướng bao nhiêu thì càng thương cô ấy bấy nhiêu. Thời gian gặp nhau ngắn ngủi đã không cho phép chúng tôi hàn huyên nhiều. Tôi chỉ biết sau khi mình lên đường nhập ngũ thì em cũng vào du kích hoạt động vùng địch hậu. Dù chưa công khai, nhưng em đã xem gia đình tôi như của mình. Người con gái đồng quê chất phác ấy mặc dù bị địch kìm kẹp, theo dõi gắt gao vẫn thường xuyên qua lại chăm sóc cơm nước, thuốc men và công việc đồng áng giúp cho ba mẹ tôi khi đơn chiếc, thiếu hụt. Mọi người trong gia đình tôi cũng xem em như dâu con trong nhà. Một hôm trời sáng trăng, Đặng xuống thăm nhà tôi. Hai người dường như đã hiểu được tâm sự của nhau. Mẹ tôi cất giọng buồn buồn:

- Trong thời gian tới, địch sẽ bắt con gái chưa chồng lấy lính, lấy ác ôn làm chồng để ly khai cộng sản. Không biết...

Mẹ tôi nói chưa dứt lời, cô ấy đã chen vào:

- Ý con cũng muốn nhưng không dám thưa với mẹ. Vì sợ mẹ cho con là con gái vô duyên, đời nhà ai con gái lại đi cưới chồng.

Mọ tôi vội xoa đầu người con gái nết na, hiền thục. Hai mẹ con tâm đầu ý hợp. Gia đình tôi liền tổ chức bữa cơm mời bà con hàng xóm chung vui hạnh phúc cho đôi trẻ Lượng - Đặng. Từ đó, em về ở hẳn với mẹ tôi. Chiến tranh đã làm nên điều kỳ diệu của tình yêu chúng tôi. Song chiến tranh cũng đã đẩy người con gái nơi thôn đã âu sầu lẻ bóng kể từ khi theo đám người rước dâu vắng chú rể. Đau đớn hơn, cuộc đời làm vợ của em thật ngắn ngủi. Năm 1954, em bằng lòng lấy tôi làm chồng, tổ chức đám cưới không có chú rể vì thương mẹ già, thương người yêu ở xa không người phụng dưỡng song thân. Hai mẹ con côi cút làm ăn chờ đến ngày thống nhất đón tôi về. Không ngờ năm 1958, số phận nghiệt ngã đã đưa em về suối vàng đột ngột, sau một cơn bạo bệnh. Chiến tranh đã đưa em đến với tôi và cũng là thủ phạm khiến tôi không được bên em lúc lâm chung. Có lẽ trên thế gian này chỉ mình tôi có cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi, thiệt thòi đau thương đến như vậy. Niềm vui gặp người bạn gái từng ướm lời khi xưa hay niềm hạnh phúc được gặp người vợ trẻ chỉ diễn ra trong vòng ba mươi phút. Sau đó, tôi vội trở lại đơn vị để kịp tham gia đoàn quân tập kết ra miền Bắc. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên, cũng là lần cuối cùng của tôi và Đặng theo nghĩa phu thê.

Bốn năm sau ngày chia tay, tôi được trở về miền Nam chiến đấu. Khi tôi tranh thủ trở lại quê nhà thăm mẹ, thăm vợ thì: “Nhìn em chẳng thấy em đâu / Chơi vơi nấm mộ một màu cỏ xanh”. Âu cũng là số phận con người sinh ly tử biệt, chiến tranh không tránh khỏi sự đau thương mất mát. Lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, vợ tôi chỉ kịp trăng trối: “Mẹ ơi! Khi con qua đời anh Năm ở ngoài đó có biết không mẹ?”. Cuộc sống vợ chồng chỉ được 30 phút bên nhau, hạnh phúc đỉnh cao là cầm tay nhau dặn dò, ước hẹn đã đi vào hồi kết. Một cái kết đau thương chỉ có trong chiến tranh. Lúc ấy, nghe tin vợ tôi đã đi xa, tôi không tin đó là sự thật. Khi biết chắc em đã yên nghỉ nấm mồ xanh, trái tim tôi như tan nát. Tôi thầm hứa phải chiến đấu bằng hai để đất nước sạch bóng quân thù, không còn ai chịu cảnh sinh ly tử biệt như chúng tôi. Bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan chúng tôi thường đọc cho nhau nghe không ngờ đã vận vào tôi với nỗi đau tột cùng “Nhưng không chết / Người trai khói lửa / Mà chết người gái nhỏ hậu phương / Tôi về không gặp nàng / Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / Thành bình hương tàn lạnh vây quanh”. Gác lại đau thương, tôi tiếp tục hành quân theo dặm dài đất nước với lời thề “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Quyết tâm chiến đấu cho quê hương sạch bóng quân thù”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2020, 06:19:46 pm »

CHƯƠNG BỐN

THEO ĐOÀN QUÂN TẬP KẾT

Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện chuyển quân tập kết, tôi thuộc lực lượng được lệnh lên đường ra miền Bắc. Từ ngày 10 tháng 5 năm 1955, tại thị trấn Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, các đơn vị chủ lực, các cơ quan dân chính Đảng và nhân dân Liên khu 5, dưới sự lãnh đạo chỉ huy của đồng chí Nguyễn Chánh - Bí thư Liên khu ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, trực tiếp chỉ huy và điều hành tập kết. Có thể nói trong thời gian khoảng từ ngày 10 đến 16 tháng 5 năm 1955, đoạn đường từ thị trấn Bồng Sơn đến thành phố Quy Nhơn luôn nhộn nhịp, vui tươi như có ngày hội lớn. Đặc biệt, đàn voi ở các tỉnh Tây Nguyên kéo về, đoàn ngựa từ Phú Yên ra tham gia tập kết. Từng đoàn xe cam nhông chạy vùn vụt vận chuyển ngựa, voi, xe, pháo... xuống bến cảng Quy Nhơn đưa ra tàu lớn đi trước.

Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự những ngày này cũng vô cùng phức tạp vì địch ta lẫn lộn. Quân Pháp và bọn Việt gian tay sai bán nước với âm mưu muốn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, định đánh úp ta tại thành phố Quy Nhơn. Do đó, hai bên luôn trong tình trạng giằng co, căng thẳng. Tiểu đoàn đặc công 323 của Liên khu 5 và các trung đoàn chủ lực Liên khu được lệnh chuyển sang phòng ngự Quy Nhơn, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành phố.

Cuối cùng, công tác bàn giao cũng được hai bên tiến hành đúng theo Hiệp định. Ngày 16 tháng 5 năm 1955, các đơn vị tập kết tại cảng Quy Nhơn để lên tàu ra bắc. Nhân dân đến tạm biệt, tiễn đưa bộ đội đi tập kết trong ánh mắt rưng rưng. Dù không nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy tình cảm quân dân thật dạt dào. Kẻ ra đi, người ở lại. Tay mỗi người cầm một lá cờ vẫy gọi và đưa hai ngón tay kia lên trời như nhắn nhủ hai năm sau sẽ trở về đoàn tụ. Đã có không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, con cái, biết bao đôi uyên ương chưa kịp rước dâu ở các tỉnh xa xôi, băng rừng lội suối về đây để tiễn đưa người thương ra đi tập kết. Tôi không có ai đưa tiễn, nhưng cũng nôn nao trước tình cảm thắm thiết của nhân dân Quy Nhơn. Những chiếc đồng hồ đếm ngược được giấu trong trái tim mỗi người đã hoạt động từ lâu. Ẩn chứa sau vẻ ngoài nhộn nhịp là những khoảng lặng nặng nề đến nghẹt thở. Liệu địch không thi hành nghiêm túc hiệp định thì khi nào chúng tôi mới được trở về đoàn tụ? Khi chỉ còn hai giờ nữa là đối phương sẽ đến đất Bồng Sơn, đây là địa điểm ta và địch bàn giao để thi hành hiệp định đã ký kết, chúng tôi nghe tiếng còi tàu hú vang từ ngoài biển vọng vào. Cùng lúc này, chiếc tàu há mồm của Pháp cũng đang cập bến Quy Nhơn để chở bộ đội ra khơi. Tiểu đoàn Đặc công 323 Liên khu 5 đi chuyến cuối cùng với Trung đoàn 96 và một số lực lượng khác trên chiếc tàu thủy Ba Lan có tên là Kin-lanh-ski. Tàu kéo còi xuất phát chở theo đoàn con miền Nam tạm biệt quê mẹ yêu thương với lời ước hẹn hai năm sau quay về tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Ngắm không gian yên bình tôi thầm mong địch không phá hiệp định để chúng tôi sớm trở lại nơi này.

Khi con tàu ra gần đến hải phận quốc tế, chúng tôi nhận được lệnh báo động chiến đấu. Tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ lên hết trên boong tàu, đeo áo phao sẵn sàng đợi lệnh. Theo phương án, khi có tình huống xảy ra, chúng tôi nổ súng và nhảy xuống biển bơi vào chân núi Hải Vân. Vì trước đó, ta nhận được tin tình báo cho biết khi tàu tập kết chạy ngang qua hải phận Đà Nẵng, địch sẽ đánh úp ngoài khơi, sau đó báo cho ta tàu gặp tai nạn chìm xuống đáy biển. Tình hình khá nguy nan. Đa số cán bộ, chiến sĩ chúng tôi là dân nông thôn, miền núi nên chiến đấu trên biển không phải là sở trường. Nếu xảy ra tình huống chiến đấu thật thì càng khó khăn hơn khi một số anh em đi tàu chưa quen đã bị say sóng. Hình như cũng được thông báo mối nguy hiểm có thể xảy ra từ trước nên lúc tàu đến hải phận Đà Nẵng, viên thuyền trưởng đã mở hết tốc lực, tàu đè sóng lướt băng băng. Đoàn tập kết đi đến biển Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị mới được thông báo an toàn. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Lênh đênh trọn hai ngày, hai đêm giữa trời mây sóng nước đại dương, đoàn tập kết đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình nơi đây. Biển Đà Nẵng quê tôi cũng rất đẹp. Song sinh ra và lớn lên trong buổi giặc giã triền miên, nên tôi chưa bao giờ được thấy vẻ thanh bình của biển quê hương.

Lần đầu ra miền Bắc, được sống trong cảnh tự do, tôi càng mong ước sớm đến tổng tuyển cử để quê tôi được giải phóng, thống nhất hai miền Nam, Bắc. Chúng tôi hành quân từ Sầm Sơn về huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn tham gia đắp đê ở huyện Nông Cống. Chỉ mất gần ba tháng, chúng tôi đã hoàn thành một tuyến đê khá dài. Sau đó, đơn vị tiếp tục hành quân vào phía nam và đóng quân tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thuộc biên chế của Quân khu 4. Quân khu đã điều toàn bộ Tiểu đoàn đặc công 323 xuống bãi biển Cửa Lò. Trong thời gian này, đơn vị chúng tôi lập được một thành tích bất ngờ và nó đã trở thành kỉ niệm đẹp trong mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công Quân khu 4 ngày ấy. Số là trước đó có một chiếc tàu thủy của Liên Xô chở hàng tiếp tế cho ta bị bão đánh dạt lên bãi cát. Chúng tôi được lệnh đào bới lộ rõ thân tàu; sau đó đào rãnh dẫn nước để kéo tàu ra biển an toàn. Cả con tàu khổng lồ bị cát vùi lấp phân nửa. Tuy nhận nhiệm vụ, nhưng chúng tôi không biết đến lúc nào mới đào nổi phần thân tàu. Trời nắng nóng. Gió biển thổi cát bay phần phật. Mới bắt tay vào làm, ai cũng nghĩ chắc khoảng hơn một tháng là xong. Nhưng thực tế, lúc đào sâu xuống, nước biển thấm vào gây không biết bao nhiêu khó khăn cho đơn vị. Mất ba tháng ròng rã dãi dầm trong nắng gió miền Trung, chúng tôi mới hoàn thành công tác chuyển tàu ra khơi. Lần ấy, Tiểu đoàn đặc công Quân khu được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương.

Năm 1957, trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, Quân khu 4 quyết định điều một trung đội đặc công vào bổ sung, xây dựng lực lượng trinh sát tại khu vực giới tuyến, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tôi được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng, chịu trách nhiệm dẫn quân vào Vinh Linh. Trung đội tôi thuộc quân số của Đại đội 18, Trung đoàn 220, Lữ đoàn 270, gọi là Trung đội trinh sát đặc công, có nhiệm vụ tuần tra canh gác phía bắc cầu Hiền Lương, dọc sông Bến Hải từ núi xuống biển trên địa bàn các xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Chấp, Vĩnh Kim thuộc huyện Vĩnh Linh, Hồ Xá và cầu Hiền Lương. Chúng tôi đóng quân trong nhà dân, được đùm bọc chở che hết sức tận tình chu đáo. Có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi trong thời gian ấy là tình quân dân như cá với nước. Nhân dân đã thương yêu, coi chúng tôi như con cái trong nhà. Ngược lại, bộ đội cũng tôn trọng, thương quý mọi thành viên trong gia đình như thân nhân của mình.

Tình hình chiến sự lúc đó cũng khá phức tạp. Vì đây là khu vực giới tuyến nên cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt. Ban ngày, hai bên bắc loa công suất lớn đấu tranh với nhau trên mặt trận chính trị. Ta tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, về chủ nghĩa xã hội.v.v. Còn phía bên kia sông Bến Hải, đài địch cũng ca ngợi lối sống tự do kiểu Mỹ, chính sách của nhà họ Ngô...

Khi màn đêm buông xuống, tiếng loa tắt hẳn, trong không gian chỉ thỉnh thoảng vang lên tiếng pháo bắn cầm canh. Thảng hoặc đâu đó, chúng nghi có anh em mình hoạt động thì rộ lên một vài loạt đạn rồi thôi. Người ta thường nói, bóng tối là bạn đồng hành của kẻ trộm. Nhưng đối với bộ đội đặc công chúng tôi, bóng tối là người đồng minh tin cậy. Nhờ màn đêm đen kịt, chúng tôi đã thuận lợi khi vượt sông Bến Hải đột nhập vào căn cứ quân sự Mỹ - ngụy đóng ở Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị) để xây dựng cơ sở, tổ chức bàn đạp, vẽ sơ đồ cách bố phòng của địch, lên phương án tác chiến... Chúng tôi dự kiến, nếu quân địch đánh sang phía bắc cầu Hiền Lương thì trung đội đặc công sẽ tập kích các cứ điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu. Cũng trong thời gian này, theo đề nghị của bạn, cấp trên đã nhiều lần giao nhiệm vụ cho Trung đội đặc công trinh sát chúng tôi tổ chức đội hình chiến đấu sang nước bạn Lào tập kích bọn lính phản động “Phu-mi - Bun-ùm” giành nhiều thắng lợi. Các bạn Lào đã không ngớt lời cảm ơn, khen ngợi.

Năm 1959, đơn vị chúng tôi được lệnh về miền Nam chiến đấu, gọi là Đội đặc công Nam tiến. Thế là sau bốn năm tập kết ra miền Bắc, những người con miền Nam lại trở về đánh đuổi kẻ thù trên quê hương. Dẫu không ai muốn nhắc, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh bàn tay giơ cao vẫy vẫy với hai ngón chếch ra hình chữ V, nghĩa là biểu tượng của chiến thắng, cũng là lời ước hẹn sau hai năm sẽ trở về tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lúc ấy, không ai có thể ngờ rằng để có được độc lập, thế hệ chúng tôi cùng bao lớp cháu con phải chiến đấu ròng rã thêm hai mươi năm nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2020, 06:21:09 pm »

CHƯƠNG NĂM

TRỞ VỀ CHIẾN ĐẤU TRÊN QUÊ HƯƠNG

Trước khi trở về miền Nam chiến đấu, có một vinh dự lớn đã đến với tôi vào ngày mùng 1 tháng 1 năm 1959. Đó chính là ngày tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó, đến ngày 15 tháng 7 năm 1959, tôi được công nhận đảng viên chính thức. Khoảng đầu tháng 8 năm 1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân ra Sơn Tây huấn luyện bổ sung nghiệp vụ đặc công để trở về miền Nam chiến đấu. Lúc này, tôi nghiệm lại lời dạy của cha ông ta “Có học mới hay” quả không sai. Trước đây, tôi từng tham gia nhiều trận đánh của bộ đội đặc công, đã được đào tạo một số kiến thức cơ bản về cách đánh “nở hoa trong lòng địch”. Nhưng khi được huấn luyện một thời gian ngắn ở đây, tôi cảm thấy đầu óc mình mở mang ra rất nhiều, có thể tin khẳng định mình đủ khả năng chỉ huy một đại đội đặc công tiềm nhập, phá hủy một căn cứ quân sự của địch. Sau gần hai tháng huấn luyện theo bài bản, đến tháng 10 năm 1959, chúng tôi bí mật hành quân và Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) chính thức nhận nhiệm vụ, quân trang, quân dụng và vũ khí trang bị để lên đường. Đơn vị đặc công Quân khu 4 được chia thành nhiều bộ phận. Riêng đoàn chúng tôi về Quảng Nam - Đà Nẵng được biên chế sáu đồng chí. Nếu bốn năm trước, chúng tôi tập kết ra bắc, lênh đênh trên biển trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì bây giờ đường hành quân lại là xuyên rừng, lội suối và cũng luôn sẵn sàng chiến đấu. Quãng đường từ Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có giao liên đi trước dẫn lối, báo động, hướng dẫn đi tránh đường vòng ở những nơi địch thường mai phục. Khó khăn gian khổ dọc đường thì hết chỗ nói. Các địa danh như Khe Sanh, dốc Ba Rền, Dốc Bút, v.v. từng ám ảnh bộ đội ta một thời đều có dấu chân chúng tôi. Lúc đầu, ba lô đồng chí nào cũng căng phồng, chứa đầy thức ăn, củi duốc và cả những vật kỉ niệm của miền Bắc. Đi được vài chặng, mồ hôi túa ra ướt đẫm quần áo. Mỗi lúc bước đi, quai ba lô lại cà vào vai đau điếng. Thế là nhân lúc nghỉ giải lao, ai nấy tranh thủ kiểm tra ba lô, cảm thấy thừa cái gì là vứt, kể cả nặng một gam cũng bỏ. Chúng tôi đi, chân bước thấp bước cao, tai luôn nghe ngóng động tĩnh, mắt nhìn ra phía trước. Lâu lâu, có tiếng xuýt xoa của ai đó khi nhìn lên đỉnh dốc cao vời vợi. Nếu như lúc lên dốc, ba lô như một vật nặng níu phía sau thì xuống dốc nó chẳng khác gì một khối đá đè nặng lên lưng, chỉ cần chúng tôi sẩy bước một chút là có thể bị lăn xuống vực sâu hun hút. Có đoạn đi trong sương đêm, cảm giác cẳng chân hơi ngứa ngáy là y như rằng một chú vắt đã yên vị trong quần từ lúc nào. Khó khăn chồng chất khó khăn. Gian khổ nối tiếp gian khổ. Nhưng lúc ấy không thể có sức mạnh nào có thể chiến thắng lòng căm thù giặc, khát khao được về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương trong mỗi chúng tôi.

Sau hơn hai tháng trèo núi, luồn rừng, vượt đường 9 - Khe Sanh, trèo lên dốc Bút..., băng qua thác ghềnh theo dọc đường Trường Sơn Đông, đến khoảng cuối năm 1959, đầu năm 1960, đoàn cán bộ đặc công về đến buôn làng A Banh, A Tép thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi chúng tôi vừa ổn định nơi ăn chốn ở thì cấp trên giao nhiệm vụ ngay. Trước mắt, anh em được phân công về địa bàn các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang làm công tác dân vận, xây dựng vùng du kích; đồng thời, tổ chức quân báo trinh sát điều tra cứ điểm. Trong thời gian này, bọn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn thường xuyên đưa quân lên càn quét tận biên giới Việt - Lào. Âm mưu lâu dài của chúng là bình định các vùng dân tộc miền núi, khai thác tài nguyên, nắm dân đặt hội đồng hương chính xã thôn, tổ chức ra nhiều giáo phái chia rẽ đồng bào Kinh, đồng bào Thượng nhằm chống lại cộng sản. Do đó, quân ngụy và hội đồng hương chính đóng đồn bốt cấp tiểu đoàn, đại đội, trung đội như: Bót Xít, Ga Lâu, Lờ Bơ, A Ró, Trao, Rô và một nơi khác nhằm hỗ trợ cho bọn bình định chiêu an dồn dân lập ấp. Nói chung, ba huyện miền núi đều có địch chốt giữ. Chúng dồn đồng bào dân tộc K’tu vào ấp chiến lược, nhằm ly khai cộng sản. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của các đồng chí cán bộ huyện ủy nằm vùng, hoạt động hợp pháp như đồng chí Ấp Lò... nên chúng tôi sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều tra nắm địch. Các anh chính là những cán bộ đã được ta bố trí ở lại từ năm 1954, không đi tập kết. Để đảm bảo an toàn tránh địch phát hiện, các đồng chí ấy đã phải cưa răng, căng tai, thực hiện sống “ba cùng” với đồng bào dân tộc (cùng ăn, cùng ở và cùng làm). Có thể ví đội ngũ cán bộ nằm vùng như những người giữ ngọn lửa cách mạng trên dải đất vùng cao của ba huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Các anh đã lãnh đạo phong trào cách mạng nơi đây luôn vững mạnh. Vì thế, dù trong hoàn cảnh khó khăn hay địch tra tấn dụ dỗ, đồng bào K’tu vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, Bác Hồ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2020, 06:22:21 pm »

Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời đã kêu gọi thành lập lực lượng vũ trang tại chỗ. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, ta chủ trương chọn số cán bộ đặc công từ miền Bắc vào làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh. Trên tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 (tháng 1 năm 1959), ta gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng tổ chức tấn công địch. Trước đó. Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp với Quân khu 5, mở chiến dịch đánh địch từ đầu năm 1960. Trước đó mấy hôm, địch dùng máy bay thả dù xuống đồn này khoảng 15 tấn gạo và thực phẩm để cho hai đại đội lính ngụy đổ quân càn quét. Đặc biệt, nơi đây có bãi cỏ tranh rộng lớn, địa hình bằng phẳng, trống trải, gần sông Bung của ba làng dân tộc là: Bà Bân, Bà Ghì và Bà Tý, nằm trên một thung lũng của huyện Tây Giang, rất thuận lợi cho việc đổ quân, triển khai lực lượng càn quét của địch. Vì thế, ta cũng khó tiếp cận. Để chủ động tìm cách đối phó với trận càn sắp tới của địch, sáu anh em đặc công chúng tôi, do anh Tám Công chỉ huy, đến gặp đồng chí Ấp Lò nhờ dẫn đường xuống A Bát, A Dính để gặp các đồng chí Tỉnh ủy và Tỉnh đội đóng ở A Vương bàn kế hoạch trinh sát nắm địch. Ấn tượng ban đầu của tôi về người cán bộ “ba cùng” là anh có nước da ngăm đen, giọng nói chậm rãi y hệt đồng bào K’tu. Sau một lúc hỏi thăm tình hình, đồng chí Ấp Lò cung cấp tư liệu và cho cơ sở dẫn chúng tôi đến chỗ ở của Ban Tác chiến tỉnh đội, do anh Nguyễn Chơn làm Trưởng ban. Anh Chơn sau này được phong quân hàm thượng tướng, làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Lúc ấy, chỉ huy tỉnh đội quyết định phải tiêu diệt đồn Bót Xít, Ga Lâu và tiểu đoàn quân ngụy đóng ở đồn A Ró. Anh Trần Thận, Chính trị viên, thay mặt Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho đội trinh sát đặc công ở miền Bắc mới vào ghép đội hình vào bộ phận quân báo trinh sát làm nhiệm vụ điều tra các cứ điểm A Ró, Ga Lâu, Bót Xít. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng bào dân tộc sẽ nuôi dưỡng bộ đội, nhưng chúng tôi cũng tham gia làm nương phát rẫy trước là để giúp đỡ nhân dân, sau là tăng thêm tình cảm quân dân.

Tháng 12 năm 1960, Đội Trinh sát đặc công của chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ điều tra đồn Bót Xít. Địch bố trí ở đồn này một đại đội tăng cường. Chấp hành quyết định của trên, Đội cử sáu đồng chí gồm: Ngôn, Dâng, Hiền, Hữu, Thủy và Tế, chia thành hai tổ đi chuẩn bị chiến trường. Trong đó, tôi được phân công làm tổ trưởng tổ trinh sát, có nhiệm vụ phối hợp với bộ phận đặc công H29 để nghiên cứu tình hình địch, lựa chọn cách đánh phù hợp.

Đêm mùa đông, trời mưa lâm thâm, gió bấc thổi lạnh thấu xương. Anh em trinh sát mình trần, nằm trên bãi cỏ tranh trống trải, sên vắt bu, bù hùm... bám đầy mình nhưng không thể bắt. Mặc cho chúng cắn no rồi tự rớt xuống. Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất trong quá trình trinh sát. Vấn đề gây nhức nhối cho chúng tôi là cách bố phòng, tổ chức canh gác của địch. Chúng bố trí ở đây nhiều hàng rào, trong đó có bờ rào tre dày đặc khiến chúng tôi không cắt được buộc phải nhổ, cấu tạo phức tạp cộng với hệ thống hào giao thông dày đặc, chiến hào sâu tới 2,5 mét. Bọn lính gác thường xuyên ném lựu đạn, bắn súng ra ngoài bờ rào. Đặc biệt, khi canh gác, bọn bên này đánh kẻng thì bên kia phải trả lời để không ngủ gật. Hướng của chúng tôi là hướng chính nên phải điều tra tỉ mỉ. Là người trực tiếp chỉ huy tất cả, phải dự kiến phương án chiến đấu đề xuất lên cấp trên, tôi lần lượt chui rào, đo cự ly, xác định bao nhiêu lớp rào, số lượng lô cốt, chiến hào, nhà lính... sau đó vẽ sơ đồ và báo cáo lên trên. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địch canh gác cẩn mật là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến tâm lý của tôi và đồng đội, những cán bộ mới từ miền Bắc trở về. Trường hợp này vừa là thử thách đầu tiên, vừa là cơ hội để kiểm chứng những gì mình đã được học. Vì thế, anh em chúng tôi xác định quyết tâm chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết, đánh tiêu diệt để rút kinh nghiệm thực tế trên chiến trường, sau đó lấy lương thực gồm 15 tấn gạo địch mới đổ xuống cho bọn lính đi càn để cứu đói cho dân, đồng thời làm nguồn dự trữ cho bộ đội sau này. Điều tra ban đêm xong, ban ngày trèo lên cây cách đó khoảng 500 mét đặt đài quan sát, vẽ sơ đồ. Buổi tối, đội trinh sát chia lực lượng đột nhập vào đồn địch theo ba hướng. Đêm thứ nhất, sau khi chúng tôi bò qua được hai lớp rào dây thép gai thì không thể tiến thêm được nữa vì địch báo động liên tục và cho lính ra ngồi dày đặc trên chiến hào. Tôi tự nhủ: “Có lẽ bọn chỉ huy nằm ngủ mơ thấy ác mộng bị ta tấn công nên mới bắt lính la hét, ném lựu đạn, bắn liên tục ra ngoài nhằm ngăn chặn đối phương”. Vì thế, chúng tôi đành phải chờ địch ngớt tiếng súng, bò quay về, đêm sau tiếp tục. Hôm trinh sát thứ hai, anh em họp bàn xác định quyết tâm đột nhập vào bên trong cho bằng được, bởi quân địch có canh phòng cẩn mật đến đâu cũng không qua được kinh nghiệm điêu luyện của bộ đội đặc công có tài xuất quỷ nhập thần. Nhưng đêm thứ hai thì có mũi vào được tận trung tâm, có mũi chỉ đến hàng rào cuối cùng. Chúng tôi xác định bằng mọi giá đêm hôm sau là đêm cuối cùng phải trinh sát được toàn bộ mục tiêu. Đúng như kế hoạch, đêm hôm ấy cả ba hướng đều lọt qua ba lớp hàng rào, vào được bên trong cứ điểm. Theo sự phân công từ trước, anh em núp dưới các kho gạo để quan sát nắm chắc toàn bộ cách bố trí chi tiết, hoạt động của địch. Sau khi quan sát kỹ tình hình bên trong, chúng tôi nhận thấy địch vẫn còn nhiều sơ hở. Dựa vào hệ thống phòng thủ bên ngoài kiên cố, chúng cho rằng đối phương không thể chui qua những lớp rào thép gai, các bãi mìn bố trí không theo quy luật, v.v. Thực tế, quả thật đúng như vậy. Ở ngoài cùng là bãi tranh rộng lớn, trống trải, ta không dễ dàng ẩn náu, tiếp cận. Bao bọc xung quanh đồn là ba lớp rào kiên cố. Đặc biệt, ở lớp rào bên trong cùng, địch trồng tre nứa đan nhau dày đặc, đến một con chồn cũng khó lọt qua. Bên cạnh đó, bờ tường chiến hào được xây cao 2 mét sát bờ rào, hào sâu 2,5 mét, rộng 2 mét có bệ bắn cá nhân. Trên tường hào, cứ cách 15 mét, địch bố trí một vọng gác. Ở bốn góc có 4 lô cốt cố thủ, mỗi lô cốt có một khẩu trung liên. Trong đó, một vọng gác chỉ huy trực chiến. Cứ 10 phút, chúng đánh 3 tiếng kẻng. Các vọng gác đều trả lời theo thứ tự và la ó, bắn súng, ném lựu đạn ra bên ngoài. Qua quan sát tại chỗ, chúng tôi nhận định: “Điều này đã nói lên sự sợ hãi của chúng”. Kể ra địch sợ hãi cũng đúng, vì ở đây rừng núi âm u, hoang vắng, không biết sẽ bị đối phương tấn công khi nào, từ hướng nào tới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2020, 06:23:33 pm »

Sau ba đêm, tổ trinh sát đặc công điều tra đạt kết quả tốt. Tôi kịp thời về báo cáo cấp trên. Đồng chí Trần Thận và đồng chí Nguyễn Hữu Đức triệu tập cuộc họp thông qua Tỉnh đội. Tôi trực tiếp trình bày phương án tác chiến để các đồng chí phê duyệt. Toàn thể cuộc họp nhất trí 100% với quyết tâm tiêu diệt đồn Bót Xít, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, làm chủ chiến trường, cắt đứt con đường từ hến Giằng lên ba huyện miền núi, thu 15 tấn gạo để cứu đói cho dân và dự trữ lương thực cho tỉnh để mở chiến dịch lớn giải phóng ba huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.

Theo phương án chiến đấu, Đội trinh sát đặc công của Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng gồm có các đồng chí: Ngôn, Tám, Vũ, Dâng, Hồng, Lan, Thư, Lâm và Thủy, được biên chế thành 3 mũi. Trang bị vũ khí gồm có súng tiểu liên AK, thủ pháo, lựu đạn, bộc phá ống phá rào. Mũi 1 do tôi làm mũi trưởng, đồng chí Lân mũi phó, có nhiệm vụ đánh từ hướng đông lên đánh sập hai lô cốt đầu cầu, phát triển vào bên trong tiêu diệt các nhà lính. Mũi 2 do đồng chí Dâng làm mũi trưởng, đồng chí Hồng mũi phó, có nhiệm vụ đánh từ hướng tây xuống diệt hai lô cốt đầu cầu, phát triển đánh vào nhà lính, chiếm giữ các kho gạo. Mũi 3 do đồng chí Thủy làm mũi trưởng, đồng chí Lan mũi phó, có nhiệm vụ đánh từ phía nam đánh vào, diệt hai nhà lính và hai lô cốt; chiếm giữ cổng ngõ, không cho địch tháo chạy ra ngoài. Truy quét tàn quân địch dưới chiến hào. Ba mũi bắt liên lạc tại trung tâm cứ điểm.

Sau khi nắm chắc phương án tác chiến, toàn đội hiệp đồng giờ G nổ súng. Đúng 15 giờ ngày N, đơn vị hành quân đến vị trí tập kết, trú quân cách đồn địch 500 mét, nằm sâu trong rừng rậm cho anh em nghỉ lại vì sáng ngày mới đánh. Khi hành quân, đi trong đội hình chiến đấu, tôi trăn trở với vai trò là mũi trưởng mũi chủ công của mình. Dẫu không nói ra nhưng tôi biết cấp trên đã tin cậy khi giao cho tôi trọng trách vinh quang và nặng nề này. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi có thể nói ảnh hưởng rất lớn đến toàn cục trận đánh. Đơn vị đến vị trí tạm trú khi thời gian đến giờ nổ súng còn khá dài, tôi bàn bạc với các anh chỉ huy, đề xuất cho anh em tranh thủ ngủ để có sức khỏe chiến đấu. Nhân lúc trời chưa tối hẳn, anh em đặt ống nhòm quan sát mục tiêu để khi đánh khỏi bị nhầm lẫn, sau đó thay nhau lần lượt ngả lưng ngủ vội chờ đến giờ tiếp cận mục tiêu. Sợ khi mọi người ngủ không may địch bắn cầm canh vào đội hình, hoặc rắn rết, sên vắt, muỗi rừng.v.v. chui vào, hơn nữa biết mình có nằm cũng không ngủ được vì lo lắng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ nên tôi tình nguyện gác cho anh em tranh thủ chợp mắt trước khi vào trận. Nhìn anh em chiến sĩ vô tư ngáy khò khò trước giờ nổ súng, má căng mọng, mặt còn nhiều lông măng, những người chỉ huy chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ cách đánh làm sao ta ít tổn thất, thương vong mà giành thắng lợi lớn nhất. Đó cũng là điều dặn dò của cấp trên trước lúc chúng tôi làm lễ xuất quân. Trong tôi chợt trào dâng một tình cảm khó tả. Liệu sau đêm nay, những gương mặt còn đượm chút thơ ngây của tuổi học trò kia có ai vĩnh viễn nằm lại với núi rừng hay không? Càng nghĩ, tôi càng thương anh em. Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà họ phải gác lại bao mơ ước để lên đường chiến đấu. Trong số đó, liệu mấy người có thể đi suốt cuộc chiến tranh để đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Cũng có thể sau trận đánh này, tôi là người dừng lại với nấm mồ xanh để anh em đi tiếp cuộc trường chinh vĩ đại. Tôi miên man suy nghĩ như vậy đến khi chiếc kim ngắn của đồng hồ chỉ đến số 12 giờ mới gọi chiến sĩ trong mũi dậy, nhắc lại mục tiêu, hướng tiến công để anh em nhớ và tổ chức động viên lần cuối. 1 giờ, chúng tôi bắt đầu thực hành vận động tiếp cận mục tiêu. Tôi dẫn anh em bò đến sát hàng rào thứ nhất, hướng dẫn tiềm nhập. Toàn mũi bò theo đội hình hàng dọc, lần lượt tháo gỡ bom mìn, chống chui, luồn sâu vào bên trong đồn địch. Lúc này, trời nổi gió heo heo, địch liên tục bắn ra ngoài. Tôi bò gần 12 chiến sĩ, động viên anh em nếu không may trúng đạn thì nằm im để đảm bảo bí mật, không làm ảnh hưởng đến trận đánh. Đúng 2 giờ, ta cắt hàng rào thứ hai, tiến sâu vào trong. 3 giờ, các hướng mở bờ rào tre nứa thứ 3 và đặt bộc phá ống phá rào sang một bên nhằm đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra, nghĩa là nếu địch phát hiện thì sẽ đánh sập bờ rào tre và nhảy vào ngay. Toàn đội hình nằm theo hàng dọc chuẩn bị tư thế vọt tiến. Tuy nhiên, do địch bắn rát nên đến 3 giờ 30 phút, chúng tôi mới vượt qua được các lớp rào vào chiến hào tiếp cận được mục tiêu. Bấy giờ trời đã chuyển mưa lâm thâm. Các loại sên, vắt bu dày đặc, đốt chúng tôi hết lớp này đến lớp khác. Cán bộ, chiến sĩ mình trần, đã chịu đựng qua một đêm mưa phùn gió lạnh, bây giờ lại thêm nạn sên vắt. Nhưng tất cả mọi điều đó không làm chúng tôi nản chí quyết tâm. Tất cả đã sẵn sàng nổ súng. Đêm chuyển dần về sáng, quân địch canh gác sơ sài, tiếng kẻng trên các lô cốt thưa dần. Các mũi các hướng đã nắm được quy luật của địch nên nhanh chóng vượt qua bờ thành của hào giao thông, áp sát các nhà lính một cách an toàn, bí mật. Một tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng chí đi sau cùng của mũi một không may bị rơi xuống hào gây nên tiếng động khiến tên lính đi tuần tra phát hiện vội la lên: “Ma! Ma! Ma! Tụi bây ơi”. Lính ở hai bót gác hai bên phát hiện cũng kêu lên “Ma! Ma! Bắn”. Như một sự trùng hợp may mắn, lúc đó vừa đúng 4 giờ sáng, tức giờ G, ta đồng loạt nổ súng bắn sập 4 lô cốt ở bốn góc đồn. Các hướng mũi lập tức nổ súng theo mục tiêu đã phân công. Tôi chỉ huy anh em xung phong, đồng thời ném thủ pháo, lựu đạn vào nhà chỉ huy, nhà lính. Trong sự khẩn trương của trận đánh, tôi dùng tiểu liên truy lùng địch, vừa chỉ huy vừa đánh, đồng thời bắt liên lạc với các mũi. Từ vị trí nhà chỉ huy đại đội địch, mũi của tôi tiếp tục đánh chiếm các nhà lính. Tôi lưu ý cho anh em không nên đốt cháy các kho gạo. Như vậy, chỉ sau gần một giờ, cán bộ, chiến sĩ đặc công đã xung phong tiêu diệt hoàn toàn một đại đội lính bảo an ngụy tại đồn Bót Xít, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng, bắt sống một số tên. Trận đánh kết thúc vừa đúng 5 giờ sáng, 300 dân công của ba làng dân tộc là Bà Bân, Bà Ghì, Bà Tý, do cán bộ chỉ huy dẫn vào thu chiến lợi phẩm. Còn chúng tôi hành quân về làng Bà Bân, được nhân dân khao quân một con bò ăn mừng chiến thắng Bót Xít. Cứ ngỡ rằng bò đã có sẵn nên tôi đôn đốc anh em tắm rửa nhanh chóng để tham gia làm thịt bò với bà con. Ai dè khi chúng tôi đến nơi tập trung, mấy người dân Bà Bân mới chỉ khu rẫy của đồng bào có con bò rừng rất hung dữ. Nhân dân ba làng đều sợ nó, nhưng chưa có cách trừ khử, nay nhờ bộ đội lên bắn đem về liên hoan. Tôi dẫn một số anh em theo người dẫn đường lên bao vây con bò. Bò phát hiện có người nên nhảy ra chỗ rẫy trống, ghếch sừng, giương cặp mắt đỏ ngầu như thách thức. Chỉ với một phát đạn của bộ đội và mấy mũi tên của thanh niên dân tộc đi cùng, con thú hoang bấy lâu phá phách nương rẫy của đồng bào nằm gục xuống, một sừng cắm xuống đất, sừng kia chổng lên trời. Chúng tôi khiêng về ăn mừng chiến thắng. Bà con liên tục cảm ơn bộ đội đã đánh giặc cứu dân, giết bò rừng để đồng bào yên tâm lên rẫy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2020, 06:24:40 pm »

Sau trận Bót Xít một thời gian, thừa thắng, Đội trinh sát đặc công tiếp tục cùng Đơn vị H29 tổ chức phục kích tại khu vực làng Trao, diệt gọn một đại đội lính ngụy thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hôm ấy, một đại đội địch hành quân từ làng Trao lên làng A Dinh. Dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chơn, tôi được phân công chỉ huy tổ chặn đầu và bố trí đội hình phục kích ngay đường dọc bờ sông A Dinh. Khu vực tập trung diệt địch là đoạn đường Trao - A Dinh. Đây là một đoạn đường hiểm trở chạy dọc bờ sông. Các đơn vị phối hợp chiến đấu gồm: Đặc công H29, trinh sát đặc công và dân quân du kích hai làng Trao và A Dinh. Lực lượng dân quân phối hợp 2 tổ, vũ khí chủ yếu bẫy đá, chông thò. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi bố trí trung liên, tiểu liên phục kích cách đường hành quân của địch khoảng năm mét. Phát hiện địch từ xa, nhưng quán triệt phương châm trận đánh phải chắc thắng, diệt địch hiệu quả, chúng tôi kiên trì chờ chúng đến thật gần mới nổ súng. Khi toán lính cảnh giới cách trận địa phục kích khoảng năm mét, tôi sử dụng tiểu liên tiêu diệt tên đi đầu, đó cũng là hiệu lệnh nổ súng của tổ chặn đầu. Bị đánh bất ngờ, địch vội vàng co cụm đúng vào khu vực diệt địch của tổ chính diện. Ngay lập tức, quân ta bắn đá, bấm thò,v.v. Trước tình thế chiến đấu diễn biến mau lẹ, tôi lập tức chỉ huy xung phong, cùng anh em tiêu diệt hết toán đi đầu. Chúng tôi nhảy ra chiếm lòng đường, lập thành phòng tuyến lâm thời không cho địch tiến lên tháo chạy để các bộ phận khác chiến đấu.

Trong “chùm chiến thắng” Bót Xít, Rô, Trao, A Ró của quân ta tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thì chiến thắng A Ró là “nhàn” hơn cả. Vì thực tế, ở đồn này chúng tôi chỉ mới điều tra thì địch đã chủ động rút chạy khi ta đánh Bót Xít. Thời gian điều tra đồn này, tổ trinh sát quân báo làm nhiệm vụ điều tra do tôi phụ trách gồm có tôi, Lâm, Thư, Tám, A Lăng Bin được một bà mẹ dân tộc tên là Bơ Ngơi là người làng A Ró tận tình giúp đỡ. Ban ngày chúng tôi lên nhà trên rẫy (đồng bào gọi là dun) của bà ở, chuyện cơm nước bà lo. Đêm xuống, mẹ Bơ Ngơi lại dẫn anh em về làng, chỉ đường vào đồn, tránh làng chó sủa. Sau khoảng 2 tuần làm nhiệm vụ, chúng tôi tạm biệt bà mẹ dân tộc về đơn vị. Khi tổ điều tra về đến nơi thì được tin địch đã bức rút cả tiểu đoàn về Thạnh Mỹ, Đại Lộc.

Những chiến thắng trên đã buộc quân ngụy đóng quân ở ba huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, rút hết về đồng bằng, ta giải phóng hoàn toàn miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1960, giải phóng xong miền núi, lực lượng đặc công chúng tôi tiến xuống đồng bằng, phá ấp chiến lược, tiêu diệt đồn, bốt Mỹ - ngụy ở cánh trung, cánh nam và cánh bắc.

Về với đồng bằng, những năm 1960 đến 1961, đội đặc công bên cạnh việc đi công tác phong trào, phát động quần chúng cùng Huyện ủy Hòa Vang, chúng tôi còn có nhiệm vụ đánh địch bằng nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch” của bộ đội đặc công. Cuối năm 1961, trận đánh đồn Phò Nam đã đi vào kí ức tôi như một mốc son không bao giờ phai. Trận đánh này không chỉ thể hiện sự quả cảm của người lính đặc công mà còn đọng lại trong lòng những cán bộ, chiến sĩ tham dự tinh thần lập công tập thể của người chiến sĩ cách mạng, một đặc điểm tiêu biểu của “Bộ đội Cụ Hồ” mà quân đội các nước khác không dễ gì có được.

Đồn Phò Nam nằm trên trục đường từ dãy Bạch Mã ra Huế, song song với dòng sông Cu Đê chảy từ thượng nguồn uốn lượn qua Nam Yên, Phò Nam, Trường Định, Thủy Tú, xuôi về Nam Ô và đổ ra biển. Từ trên cao trông xuống, dòng Cu Đê như một dải Ngân Hà sáng lấp lánh. Mỗi lần đi công tác qua đây, tôi đều cố gắng dừng chân đứng trên đỉnh Ba Viên nhìn xuống. Dòng Cu Đê lượn quanh Phò Nam theo hình bán nguyệt, cây xanh nghiêng mình soi bóng tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp vô ngần. Đối với Phò Nam, sông Cu Đê như người mẹ tần tảo ngày đêm chở nặng phù sa bồi đắp ven bờ. Mặc dù bom đạn chiến tranh dội khắp hai miền Nam, Bắc, nhưng mảnh đất Phò Nam vẫn xanh tươi với lúa, khoai, sắn, bắp, hoa màu, vườn cây trĩu trái. Không riêng người Phò Nam, các thôn Nam Yên, Trường Định cũng được hưởng lộc của thiên nhiên ban tặng. Cứ mỗi lần dừng chân trên đất quê hương, thả hồn theo dòng sông Cu Đê, tôi như thoát khỏi không khí của chiến tranh, tâm hồn không còn vướng nỗi đau trần thế. Dòng sông chảy mê mải, lòng người trôi vô định. Nhưng thực tế chiến tranh đã không cho tôi có thời gian nghĩ vẩn vơ. Tôi đi. Đồng chí, đồng đội của tôi cũng đi. Chúng tôi phải đi cho đến ngày toàn thắng.

Chắc hẳn Phò Nam, Nam Yên, Trường Định sẽ còn trù phú hơn, nên thơ hơn nữa nếu như không có gót giày của bọn đế quốc xâm lược, cùng bọn tay sai bán nước dày xéo trên mảnh đất này. Chúng vơ vét, đọa đày bóc lột, đánh đập, bắt bớ, tù đày, giết hại những người dân vô tội, quanh năm chỉ biết vui thú với điền viên. Những ngày ấy, câu hò, giọng hát đò đưa trên sông xuôi ngược đâu còn nữa.

“Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM