Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:29:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện người con Hồng Phước  (Đọc 4315 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:41:56 pm »

Tên sách: Chuyện người con Hồng Phước
Tác giả: Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn
Thể hiện: Nguyễn Sỹ Long
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2012
Số hóa: macbupda


Lời giới thiệu

Đồng chí Hồ Phúc Ngôn (tên khai sinh là Trần Văn Lượng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống cách mạng, có chị ruột là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Xiềng, tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương về sự hi sinh, lòng dũng cảm, một lòng tận trung với sự nghiệp cách mạng.

Tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu, trong khó khăn gian khổ vẫn kiên gan bền chí đi theo bộ đội, đồng chí Hồ Phúc Ngôn đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Từ một chiến sĩ tự vệ trước cách mạng, hòa cùng đoàn cán bộ, nhân dân địa phương tham gia giành chính quyền, đến tháng 5 năm 1947 ông hăm hở lên đường gia nhập Đại đội dân quân xã Hòa Liên. Một thời gian sau, do yêu cầu nhiệm vụ, đại đội dân quân giải thể, ông không về lại quê hương mà cùng với hai người bạn khác khoác ba lô lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 68, thuộc Huyện đội Hòa Vang, Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng. Đặc biệt, họ lại được phân công về chiến đấu trên chiến trường tây bắc Hòa Vang, được sát cánh cùng Anh hùng Bùi Chát, người anh hùng chỉ huy đánh mìn năm xưa.

Tuy nhiên, cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của người chiến sĩ kiên trung Hồ Phúc Ngôn chủ yếu gắn liền với lực lượng đặc công của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Điểm khởi đầu của chặng đường đầy gian khó mà anh dũng đó là vào khoảng cuối năm 1952 đầu 1953, khi đồng chí được cấp trên điều động về Đội Đặc công 11. Kể từ lúc đó, ông đã cùng đồng đội tham gia, tổ chức nhiều trận đánh lớn nhỏ làm cho kẻ thù khiếp sợ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông hòa trong đoàn quân chiến thắng ra miền Bắc tập kết theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ với lời hẹn ước hai năm sau trở về. Nhưng Mỹ - Diệm bội ước phá hoại hiệp định, buộc lòng những người con ra đi năm ấy theo ánh sáng của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 trở về miền Nam chiến đấu. Đồng chí Hồ Phúc Ngôn tiếp tục được biên chế vào lực lượng đặc công của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng và chiến đấu cho đến năm 1972 chuyển sang làm Quận đội phó, rồi Quận đội trưởng quận Nhì, thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh cuộc đời binh nghiệp đầy vinh quang nhưng cũng lắm chông gai, đồng chí Hồ Phúc Ngôn còn có một cuộc đời riêng đặc biệt, thể hiện sự hi sinh to lớn của người chiến sĩ cách mạng. Người vợ đầu được mẹ cưới cho khi ông còn trên chiến khu. Vợ chồng gặp nhau vẻn vẹn khoảng 30 phút, rồi sau đó ông lên đường ra Bắc. Không ngờ bốn năm sau người vợ hiền ở quê đã không đợi ông về mà vội ra đi vĩnh viễn. Gác đau thương, Hồ Phúc Ngôn tiếp tục lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông cưới người vợ thứ hai. Đau đớn lại dội lên cuộc đời người cán bộ đặc công khi ông hay tin vợ đang có mang ba tháng trong một lần cùng chị em cứu thương đi mua lương thực về phục vụ thương binh đã bị địch phục kích sát hại. Một lúc hai vành tang trắng nhưng không gục ngã, Hồ Phúc Ngôn tham gia chiến đấu với nấc thang căm thù mới, góp phần cùng đồng chí, đồng đội làm nên những chiến công vang dội, được “trên tin, bạn mến, dân thương”. Và rồi, người con gái thứ ba đã đem đến cho ông niềm hạnh phúc được làm chồng, làm cha trọn vẹn.

Những cống hiến, hi sinh của đồng chí Hồ Phúc Ngôn cho cách mạng thực sự là bài học quý báu cho thế hệ trẻ. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn hồi ký của ông.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:41:48 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:43:03 pm »

CHƯƠNG MỘT

MIỀN QUÊ KHÓI LỬA

Tôi sinh ra tại Đa Phước, một ngôi làng nhỏ nằm về phía tây bắc thành phố Đà Nẵng. Sau này, một bộ phận của làng được gọi là thôn Hồng Phước. Trước đây, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làng tôi thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Bây giờ, mảnh đất nơi tôi “chôn nhau cắt rốn” đã trở thành một bộ phận của phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ký ức của tuổi thơ tôi luôn gắn bó với hình ảnh các anh hùng: Đốc Thường, Đốc Am, Thống Hai... Họ là những người đã lãnh đạo nhân dân vùng tây bắc Hòa Vang và Đà Nẵng chống thực dân Pháp trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Theo lời các bậc cao niên, khi xưa, họ Lê là một trong những họ có công khai cư làng này. Đa Phước trước đây mang hình dáng giống như một cái rẻ quạt. Phía bắc của làng giáp với làng Trung Sơn, phía nam giáp với làng Đà Sơn, Khánh Sơn, phía đông giáp Bàu Tràm, phía tây giáp các làng Thanh Vinh, Vân Dương...

Thuở trước, cư dân làng tôi chuyên nghề làm ruộng, lúc nông nhàn cũng có một bộ phận lên rừng đốn củi. Nhưng có theo “nghiệp tiều phu” hay lúc “chân lấm, tay bùn” thì cuộc sống của người dân quê tôi cũng thường xuyên lâm vào cảnh “ăn cơm vay, cày ruộng rẽ”. Thời bấy giờ, chính quyền Nam triều là tay sai của thực dân Pháp. Thông qua bộ máy này, chúng vơ vét, bóc lột thuộc địa để đưa về chính quốc. Tại các làng xã, quan lại, lí hào, địa chủ nhiều ruộng đất thực hiện phát canh thu tô nhằm đè nén, bóc lột nhân dân ta. Nông dân phải lãnh canh ruộng đất của địa chủ để cày cấy. Khi thu hoạch, tá điền nộp cho địa chủ hơn phân nửa số hoa lợi. Vì vậy, chuyện người nông dân có đủ cơm ăn ngày hai bữa nghe cứ như trong cổ tích. Cuộc sống của họ chỉ có cơm độn khoai “bữa đói, bữa no”. Gặp buổi trời đất nhiễu nhương nổi cơn thịnh nộ gây thiên tai, bão lụt thì người dân quê tôi, cả nông dân lẫn tiều phu lại lâm vào cảnh khốn khó, bần cùng. Nhằm san bớt gánh nặng cho gia đình trong việc kiếm “miếng cơm manh áo”, bọn trẻ con chúng tôi không được học hành mà phải đi giữ trâu cho nhà giàu. Song dẫu rằng cuộc sống cơ cực nhưng người dân quê tôi vẫn một lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau khi tắt lửa tối đèn.

Tôi mang dòng máu họ Trần. Theo phả hệ truyền lại thì nguyên tộc tôi di cư từ tộc Trần của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ra Đa Phước từ hàng trăm năm trước. Gia đình, họ tộc tôi đều nghèo khổ. Nhiều người phải suốt đời làm thuê, làm mướn... Tuổi thơ tôi vì thế nên cũng sớm phải nếm mùi cay đắng, tủi cực. Những địa danh như: Vũng Thùng, Nam Ô, Xuân Thiều, Cồn Dâu.v.v. luôn hằn sâu trong tâm trí, gắn liền với quãng đời đói khổ của tôi. Và cũng bởi nơi ấy đã sinh ra tôi, cho tôi chất hào sảng của con người xứ Quảng, nuôi dưỡng tôi từ một đứa trẻ đi giữ trâu cho nhà giàu trở thành một người cán bộ bộ đội đặc công.

Khi tôi lớn lên, mẹ tôi vẫn thường nhắc lại, năm tôi sinh, tức năm 1930, thôn Hồng Phước nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, lâm vào cảnh đói kém khủng khiếp. Có không ít bận mẹ phải vạch vú cho tôi nhai tóp tép mà nước mắt rưng rưng. Mẹ đói, con không có sữa khóc ngằn ngặt. Hồi ấy, tên khai sinh của tôi là Trần Văn Lượng. Sau này tham gia hoạt động cách mạng, để đảm bảo bí mật tôi đã lấy bí danh là Hồ Phúc Ngôn. Gọi lâu thành quen, vì vậy ít người biết tôi còn có tên là Lượng. Cái tên Hồ Phúc Ngôn đã đi theo tôi suốt hơn hai mươi năm chống Mỹ, cứu nước nếm mật nằm gai suốt dặm dài đất nước. Thậm chí, đến khi Tổ quốc hòa bình, điều kiện công tác không còn phải giữ bí mật, tôi vẫn giữ nguyên tên Hồ Phúc Ngôn khi giao tiếp.

Cha mẹ tôi sinh được bảy chị em, tôi là con thứ năm. Hồi ấy, không riêng gì gia đình tôi, mà có nhiều gia đình đông con, vì trong suy nghĩ của người nông dân lam lũ, người tiều phu cùng cực lúc bấy giờ, họ cho rằng càng đông con thì càng thêm người làm. Các bậc cha mẹ tảo tần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm vẫn không lo đủ cái ăn, cái mặc cho đàn con nheo nhóc. Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả do khủng hoảng kinh tế thế giới đem lại, thực dân Pháp tăng cường vơ vét tài nguyên thuộc địa đem về chính quốc. Nhân dân ta đã khốn khổ lại thêm phần cùng cực. Nhiều gia đình ở quê tôi không nuôi nổi con, buộc lòng cho con trẻ đi ở cho nhà giàu. Cha mẹ tôi cũng vậy, dù bốn mùa thắt lưng buộc bụng, “cơm trộn mồ hôi, canh chan nước mắt” vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Mẹ tôi chạy chợ, mót lúa, mót khoai... quanh năm suốt tháng vẫn không tránh khỏi cảnh “đói cơm, lạt muối”, đành phải rứt ruột để con cái đi “ăn mày nhà người”. Cứ mỗi lần một người chị cắp nón ra đi, tôi lại ôm chân chị khóc đòi ở nhà với em. Mẹ tôi nuốt nước mắt, dỗ dành: “Con để chị đi ít hôm lại với con”. Nhưng không kịp đợi đến khi các chị trở về, lúc tôi lên sáu, bảy tuổi, cái đói lại xô đẩy cha mẹ cho tôi đi ở đợ giữ trâu cho nhà giàu để đỡ bớt miệng ăn cho gia đình. Từ đó, kỷ niệm tuổi thơ của tôi chỉ toàn đòn roi, đói rét, không học hành, không biết chữ... Tôi trở thành một đứa trẻ chăn trâu có cuộc sống quanh năm ăn sắn ăn khoai, bữa đói, bữa no. Cái đói khủng khiếp ngày ấy đeo đẳng tâm trí tôi suốt những năm hoạt động cách mạng. Mặc dù nhà tôi cách biển không xa, nhưng do địch bao vây, cấm vận, ngăn sông cấm chợ nên cảnh ít cơm, nhạt muối xảy ra thường xuyên. Địch càn quét, đốt nhà, cướp của, chém giết tù đày, đối xử phân biệt kẻ giàu người nghèo, bất công xã hội.v.v. diễn ra như cơm bữa. Có không ít lần tôi phải mò mẫm trong đêm đen, đi bộ qua xóm làng khoảng sáu đến bảy cây số ra bờ biển để múc nước về nấu ăn cho có vị mặn, vì nhà không có muối.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:44:38 pm »

CHƯƠNG HAI

LÊN ĐƯỜNG THEO CÁCH MẠNG

Tây bắc Hòa Vang là một vùng đất giàu tinh thần yêu nước và cách mạng. Nơi đây, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, người dân quê tôi đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, nhất là trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Thời Pháp thuộc, dưới sự lãnh đạo của Hường Hiệu, nhất là hai viên tướng thuộc quyền của ông là An Nại và Thống Hai (tức Hồ Như Học), nhân dân tây bắc Hòa Vang đã anh dũng đứng lên hưởng ứng phong trào “Bình Tây sát tả”. Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, đất Hàn nói riêng và Quảng Nam nói chung, nhân dân đã không ngừng nổi dậy chống lại chúng như: Phong trào chống thuế năm 1908, phong trào khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân... Tiếc thay, tất cả các phong trào đó đã bị thực dân Pháp và bè lũ phong kiến Nam triều dìm trong biển máu.

Có lẽ làng quê tôi vẫn tiếp tục ngập chìm trong đêm đen, chôn giấu bao nhiêu giấc mơ hoài bão đẹp của nhiều thế hệ nếu như phong trào cách mạng không lan đến vùng đất địa linh nhân kiệt này. Từ năm 1930, nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam của Thị ủy Tourane và Tỉnh ủy Quảng Nam đã tuyên truyền, hoạt động cách mạng tại tây bắc Hòa Vang. Trong đó, tại ngôi làng bé nhỏ của tôi có các ông: Trần Kim Bảng, Trần Đình Tri, Trần Công Tẩn... Chính họ đã gieo vào tâm trí non nớt của tôi và người dân quê tôi nhận thức rằng, chỉ có tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể đánh đổ thực dân Pháp xâm lược, cởi bỏ ách thống trị, tự giải phóng cho mình.

Khi tội ác của chế độ thực dân còn chưa kịp xóa sạch vết máu thì phát xít Nhật lại kéo vào Hòa Vang và Đà Nẵng. Chúng tổ chức mở rộng sân bay, lập các kho quân nhu chứa gạo, xăng dầu, súng đạn tại núi Đà Sơn, Khánh Sơn, Phước Tường... Lúc bấy giờ, tôi cũng chưa nhận thức rõ về cách mạng. Xin nói thêm rằng tôi tuy nhỏ, nhưng rất thích hóng những chuyện các chú, các anh nói làm cách mạng là để giành độc lập dân tộc, đánh đuổi kẻ thù khỏi đất nước, xóa bỏ chế độ vua quan bóc lột... làm cho dân nghèo được sung sướng. Vì thế, tôi đã được các chú nói cho nghe về việc phát xít Nhật thực hiện chính sách ăn cướp thô bạo như thế nào. Đó là, chúng độc quyền thu mua bông vải và dầu phụng; bắt nông dân phải kê khai tích trồng bông, đậu phụng; khi thu hoạch bông, đậu phụng phải bán cho các “Liên đoàn” thu mua bông và dầu phụng (dầu lạc) của phát xít Nhật. Ngay tại thị trấn Nam Ô, phát xít Nhật đã cho xây dựng một xưởng ép dầu phụng. Ngoài ra, chúng còn tổ chức khai thác đá ở Xuân Dương. Bị bóc lột hết sức tàn bạo nên người dân quê tôi vô cùng căm thù bọn phát xít Nhật. Một hôm, nhân có chiếc tàu lửa chở đá chạy ngang qua Nam Ô, không hiểu vì sao làm cháy một xóm nhà ở ven đường tàu. Nhân cơ hội đó, nhân dân ở đây đã đấu tranh bãi công không khai thác đá cho bọn Nhật. Từ đó, chúng không dám khai thác đá ở Xuân Dương nữa.

Mùa thu năm 1945, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi khắp vùng quê yên tĩnh dưới chân dãy núi Hải Vân. Các đội thanh, thiếu niên cứu quốc được giao nhiệm vụ bí mật luyện tập quân sự. Với lứa tuổi 14 hoặc 15, chúng tôi chỉ được biết ta sắp thực hiện một nhiệm vụ gì đó rất lớn, cần nhiều người tham gia chiến đấu. Lúc ấy, tôi mới gần 15 tuổi, chưa đủ điều kiện để tham gia lực lượng tự vệ nên tự nguyện tham gia lực lượng thanh thiếu niên cứu quốc của Đa Hòa, thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang. Do tự ý thức được trọng trách vinh quang của mình nên không chờ ai sai bảo mà tự tích cực tập luyện các nội dung gậy, giáo, mác... Thầy giáo chính là các anh cán bộ hoạt động bí mật mà hàng ngày tôi hay đưa thư hoặc chuyển tài liệu giúp. Nơi chúng tôi bí mật tập luyện là một khu rừng gần núi Hải Vân. Chiều ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát lệnh khởi nghĩa. Mặc dù một số nơi quân Nhật đầu hàng phe Đồng minh đã giải giáp vũ khí, nhưng địa bàn các xã cánh bắc Hòa Vang, chúng còn đóng ở Khánh Sơn, Đa Phước, Nam Ô, v.v. Vì vậy, việc đi lại truyền đạt mệnh lệnh của cán bộ Việt Minh trong vùng còn gặp khó khăn. Song với quyết tâm giành chiến thắng trong thời gian ngắn nhất, từ cán bộ đến giao liên, liên lạc, thanh thiếu niên... đã không ngại hiểm nguy đến từng nhà thông báo lệnh khởi nghĩa. Đúng 16 giờ ngày 16 tháng 8 năm 1945, hoạt động khởi nghĩa giành chính quyền ở quê tôi bắt đầu. Dưới sự chỉ huy của các cán bộ Việt Minh, lực lượng tự vệ chúng tôi tích cực chuẩn bị cờ, gậy cùng nhân dân trong vùng xuống đường đi cướp chính quyền. Đến sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, cuộc vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở quê tôi đã nổ ra đúng với kế hoạch xác định. Lực lượng tự vệ, thanh thiếu niên cứu quốc với trang bị gậy gộc, giáo mác làm nòng cốt cho toàn dân tham gia khởi nghĩa. Mọi người hô vang quyết tâm chiến đấu: “Thề đem xương máu, quyết hy sinh để giành độc lập. Đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền về tay nhân dân”... Lý trưởng ở các làng đều run sợ trước khí thế cách mạng của nhân dân, vội bàn giao ấn, triện, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Sau khi giành chính quyền thành công tại các tổng của Hòa Vang, trong khí thế hào hùng của ngày khởi nghĩa, tôi hăm hở đi trong đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng từ tổng Đa Hòa kéo xuống sân vận động Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng để dự mít tinh ra mắt của chính quyền cách mạng tại đây. Tôi còn nhớ, lúc bắt đầu đi, đoàn người có khoảng 600 người kể cả “nam phụ lão ấu”, dọc đường đi lần lượt bổ sung nhiều người dân các làng mà đoàn đi qua. Trên đường kéo xuống Đà Nẵng, chúng tôi không gặp một trở ngại nào từ phía tàn quân Nhật đang ở đây chờ ngày  xuống tàu về nước. Dường như ý thức được giây phút trọng đại của dân tộc đã đến, kiếp người lầm than sắp được làm chủ đất nước nên đoàn người đi giành chính quyền mặc dù ngày càng đông, nhưng họ vẫn giữ hàng ngũ chỉnh tề, thể hiện uy phong của người chiến thắng. Đi trong đoàn, đôi lúc tôi nhìn xung quanh, song không còn thấy đâu ông nông dân, bà đốt than hay đứa trẻ giữ trâu thuê. Tất cả đều đã trở thành những người chủ đất nước. Lực lượng khởi nghĩa lần lượt đi qua các làng Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc, Khánh Sơn, Đa Phước, Xuân Thiều, Nam Ô, Vân Dương, Quan Nam... Dân ở các làng tham gia khởi nghĩa mỗi lúc một đông nên khi lên đến Quan Nam thì đã có trên 3 nghìn người đi trong đội hình. Không ai bảo ai, mọi người tự động đi vào hàng lối nghiêm chỉnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:45:28 pm »

Khởi nghĩa thắng lợi, một số đồng chí cán bộ về các làng tổ chức lực lượng tự vệ chiến đấu, thành lập các đoàn thể cứu quốc và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành phần. Mặc dù chính quyền đã thuộc về cách mạng, nhưng nạn đói vẫn lan tỏa trong các gia đình nông dân, tiều phu quê tôi. Hậu quả của nạn đói này do chính sách cai trị bắt dân bỏ lúa trồng bông, đậu phụng của phát xít Nhật để lại. Trước tình thế đó, lực lượng thanh niên tự vệ Phú Lộc, Quán Cơm đã tổ chức bốc đỡ số gạo thu được của quân Nhật phân phát một số cho nhân dân chống đói. Phần còn lại, các anh chở về kho làm quỹ phục vụ huấn luyện tự vệ.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên cả nước nói chung, địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng càng chứng minh truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn gắn bó máu thịt với quê hương, dám hy sinh lợi ích riêng vì sự nghiệp chung của dân tộc của nhân dân các xã cánh Bắc Hòa Vang, trong đó có xã Hòa Khánh quê hương tôi. Đây cũng là một trong những địa danh được mệnh danh “Yết hầu của vùng Thuận Quảng”, “Địa thế rất hiểm yếu, một người giữ ngàn người khó giành lại” nên từ khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, chúng đã bị chặn đứng trên đất quê tôi nhiều năm liền. Không ngờ niềm vui làm chủ đất nước của nhân dân ta chưa được bao lâu thì thực dân Pháp viện cớ vào Việt Nam tham gia giải giáp quân Nhật để thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Quyết không chịu làm nô lệ, nhân dân Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Giống như những thanh thiếu niên yêu nước lúc bấy giờ, tôi tiếp tục tham gia đội du kích và tự vệ chiến đấu của địa phương thôn Hồng Phước, xã Đa Hòa (tức Hòa Khánh, Hòa Vang, Đà Nẵng). Nhiệm vụ chủ yếu của đội du kích chúng tôi lúc ấy là cảnh giới bám địch, đánh mìn, khiêng thương binh, tải đạn, phục vụ cho Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 96 Đà Nẵng trên chiến trường tây bắc Hòa Vang. Còn nhớ, trước sự gây hấn của thực dân Pháp tại Nam Bộ, với tinh thần yêu nước, người dân quê tôi thường xuống đường biểu tình phản đối quân xâm lược và nêu cao tinh thần quyết chiến chống thực dân Pháp. Có lần trong một đoàn biểu tình gần 3 nghìn người dân tây bắc Hòa Vang, trên đường đi, một đồng chí cán bộ hô vang khẩu hiệu: “Trước giặc nước nên hòa hay chiến?”. Ngay lập tức có nhiều tiếng đáp lại đồng thanh làm vang động cả một vùng: “Quyết chiến!”. Đồng chí cán bộ hỏi tiếp:

- Thế nước yếu lấy gì ra chiến chinh?

- Hy sinh!

Tiếng hô như áp đảo quân thù, càng làm cho khí thế cách mạng trào dâng như bão táp.

Tháng 5 năm 1947, theo tiếng gọi của tổ chức Đảng xã Hòa Liên, tôi thoát ly gia đình, địa phương để tham gia thành lập Đại đội dân quân tập trung. Hôm tôi lên đường, mẹ tôi gói ghém đồ đạc trong một chiếc túi vải gồm một chiếc quần đùi, một cái áo cánh và một ống muối rang. Vai vắt chéo chiếc ruột nghé gạo, lưng đeo túi vải, tôi đi bộ lên chiến khu Hòa Trung tập trung để tham gia thành lập đại đội dân quân. Quân số đơn vị gồm 150 người, được biên chế thành 3 trung đội. Đại đội đảm nhiệm chiến đấu ở ba khu vực là Hòa Trung, Trường Định và đèo Hải Vân. Mỗi địa điểm trên là một trung đội đứng chân. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là đánh địch giữ làng, bám dân, bám đất, bảo vệ chính quyền mặt trận. Đồng thời, đơn vị phải tự túc lương thực đảm bảo phục vụ chiến đấu lâu dài.

Mặc dù quân số đông, biên chế thành đại đội dân quân, nhưng trang bị vũ khí của đơn vị khá thô sơ. Toàn đại đội có 3 khẩu súng tiểu liên, 6 súng trường; còn lại là dao, mã tấu, thân cây cau già vót sắc và mác nhọn. Ban chỉ huy đại đội lúc ấy gồm có 3 đồng chí là: Võ Bá Cừ, Lê Phúc Ánh và Mai Tân Cơ. Đến nay tuy đã hơn sáu mươi năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên trận đầu ra quân đánh phục kích đoạn đường xe lửa ở bắc hầm số 1, nam hầm số 2 phía đông nam đèo Hải Vân (hiện nay là thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) tiêu diệt gọn một đại đội lính Lê dương, thu toàn bộ vũ khí và trang bị luôn cho đại đội dân quân. Trong trận này, tôi được phân công làm tiểu đội trưởng dân quân đánh chặn đầu.

Chúng tôi xuất phát từ Trường Định, hành quân ra đèo Hải Vân. Bây giờ, đoạn đường này đã được mở rộng đi lại dễ dàng. Nhưng lúc ấy, chỉ với khoảng cách dưới 10 cây số, anh em chúng tôi phải lội qua nhiều con suối, gặp gấu, cọp, trâu rừng... là chuyện bình thường. Khi đi một mình nếu ta không cẩn thận, khéo léo xử trí thì dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho các loại ác thú này. Còn khi gặp đoàn quân đi đông thường là chúng chạy trốn, cũng có con ngồi giương mắt nhìn một lúc rồi mới chịu vẫy đuôi bỏ đi. Đường hành quân xuyên sơn, dây leo chằng chịt. Chúng tôi phải vạch dây rừng mà đi, nếu gặp các cây cổ thụ thì vòng tránh. Đơn vị dừng lại tại suối Khe Lạnh (gần hầm Hải Vân bây giờ) để bổ sung và nhắc lại nhiệm vụ, sau đó băng qua đồi Nấm Chiên, xuống đường 1A, vượt qua cầu Rô-giê, xuống đường sắt là đến vị trí phục kích tại làng Sứng (tức làng Hòa Vân ngày nay) gần vịnh Đà Nẵng. Tôi được phân công nhiệm vụ dẫn quân đi trước, hành quân tới đâu thì triển khai nhiệm vụ tới đó. Gần 11 giờ trưa ngày 25 tháng 5 năm 1947, địch đi tuần từ hầm số 2 vào hầm số 1. Chúng tôi triển khai đội hình chiến đấu nằm sát đường ray, cách địch từ 3 đến 5 mét. Đúng 11 giờ, địch lọt vào đội hình phục kích của ta. Tôi ra lệnh cho anh em nổ súng chặn địch. Nói nổ súng cho nó oai chứ vũ khí của ta lúc đó mỗi trung đội chỉ có 1 khẩu tiểu liên, còn lại là lựu đạn, mã tấu, kiếm, lao cau... Vì thế, khi nghe hiệu lệnh chiến đấu, chủ yếu là anh em ném lựu đạn rồi dùng lao cau lao vào đâm lính địch. Địch cuống cuồng phản ứng dữ dội. Các bộ phận chính diện, khóa đuôi của ta nhanh chóng xung phong đánh giáp lá cà với địch quyết liệt, ở mũi chặn đầu, tôi hô: “Xung phong!” và sử dụng tiểu liên diệt ngay mấy tên đi đầu. Ngay lập tức, anh em ném lựu đạn tới tấp vào đội hình địch và nhảy ra đánh. Nhiều tên lính khiếp đảm, la ó trước mũi lao cau của chúng tôi. Sau khoảng 10 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, thu vũ khí. Trong điều kiện hành quân khó khăn, lương thực phải tự túc nên chúng tôi không bắt tù binh mà chỉ giáo dục rồi thả cho về. Bên ta có một đồng chí bị thương và một hi sinh. Tôi tiếp tục dẫn đội hình lui quân, chạy về hầm số 1, vượt lên quốc lộ 1A, băng qua Nấm Chiên về Khe Lạnh rồi trú quân tại đó để củng cố đội hình trước khi hành quân về căn cứ. Trận thắng đó đã củng cố lòng tin của nhân dân địa phương về lực lượng tại chỗ, động viên kịp thời tinh thần quân sĩ. Kết quả trận đánh vượt ngoài sự mong đợi khi địch thất bại nặng nề, còn ta thương vong ít. Nhận được tin chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân Hòa Liên vô cùng phấn khởi, đã tổ chức liên hoan mừng chiến thắng trận đầu của Đại đội dân quân tập trung.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:46:50 pm »

Giành được thắng lợi lớn ngay từ trận đầu, lòng tin về ngày chiến thắng trong lòng chúng tôi, những thanh niên áo vải chân đất lần đầu được cầm súng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương ngày càng lớn lên. Phương châm lấy vũ khí địch để đánh địch được Đại đội dân quân tập trung của xã Hòa Liên áp dụng triệt để, nhanh chóng. Chúng tôi đã dùng ngay những khẩu súng trung liên, tiểu liên thu được tổ chức huấn luyện ngay sau đó. Trước khi có chiến thắng này, đơn vị chúng tôi huấn luyện quân sự chủ yếu là lý thuyết, vũ khí vận dụng cơ bản là gậy. Do đó, khi cầm súng đánh giặc có đồng chí còn lúng túng, thậm chí lúc đầu còn giật mình khi nghe đạn nổ vì chưa quen cảm giác. Trận phục kích đại đội Lê dương giành thắng lợi trọn vẹn còn là liều thuốc quý giá khích lệ chúng tôi trong thực hiện các trận đánh tiếp theo.

Thời gian công tác tại Đại đội dân quân tập trung tuy không dài, nhưng đối với tôi đó là một quãng đời đầy ý nghĩa. Bây giờ đã bước sang ngưỡng cửa của những năm cuối cuộc đời, tôi càng thấy tự hào cho tuổi trẻ của mình nói riêng, một thế hệ của thanh niên Việt Nam nói chung. Đầu năm 1949, nhận được thông báo của cấp trên trong thời gian tới sẽ có một đoàn xe và tàu hỏa của thực dân Pháp chở hàng hóa phục vụ chiến tranh chạy từ phía nam ra, đại đội dân quân có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức ngăn chặn không để chúng cung cấp hậu cần cho địch ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Mọi người tích cực chuẩn bị. Lúc này, dù ta đã lấy được vũ khí của địch, nhưng so với biên chế vẫn còn thiếu nhiều. Vì thế, ban chỉ huy đơn vị phải nghiên cứu bố trí lực lượng sao cho phát huy tối đa hiệu quả của xung lực và các loại trang bị. Một trong những trận đánh của đơn vị dân quân non trẻ để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc là trận phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 108, bộ đội chủ lực của Liên khu 5, phục kích tiêu diệt gọn đoàn xe và đoàn tàu ngay trên đèo Hải Vân vào ngày 24 tháng 1 năm 1949, một trận đánh được đánh giá là thắng lợi to lớn nhất của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến dịch Đông Xuân năm 1949. Tham gia trận này, tôi làm tổ viên có nhiệm vụ khiêng quả mìn được làm từ vỏ quả đạn 155mm thu được của địch cải tiến lại, ra phục kích trên đường đèo Hải Vân. Do quả “mìn vỏ đạn” nặng khoảng 50 cân nên phải hai người khiêng mới ra được vị trí tập kết. Chúng tôi chỉ việc bàn giao xong là về ngay vị trí cảnh giới cách chỗ bố trí mìn khoảng 100 mét, còn kỹ thuật đặt mìn đã có đồng chí Bùi Chát đảm nhiệm. Theo kế hoạch, ta sẽ đặt mìn ở phía bắc cầu Bãi Cả. Mìn nổ, tổ chức lui quân theo quốc lộ, vượt qua cầu Trắng về vị trí tập kết đỉnh đèo Hải Vân. Tôi là người địa phương thông thuộc địa hình nên được chọn đi khiêng mìn và cảnh giới địch. Tất cả mọi hoạt động đều đặt dưới sự chỉ huy của đồng chí Bùi Chát.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 24 tháng 1 năm 1949, đoàn tàu hỏa từ Đà Nẵng ra Huế kéo còi, vừa chui ra khỏi hầm số 2 thì đoàn ô tô của địch cũng chuyển bánh qua phà Nam Ô. Ngay lập tức, bộ đội chủ lực của ta, do đồng chí Giáp Văn Cương chỉ huy, dùng súng máy khai hỏa tiến công tiêu diệt đoàn xe của địch. Buổi trưa cùng ngày, quân ta tiếp tục chặn đánh tiếp một đoàn xe khác gồm 12 chiếc từ Huế vào Đà Nẵng tiếp viện.

Điên cuồng trước thảm bại cay đắng, thực dân Pháp điều động một lực lượng hùng hậu với quân số khoảng 8 tiểu đoàn, tổ chức rải quân từ Eo Ngựa đến Mũi Trâu và dọc theo hữu ngạn sông Trường Định nhằm bao vây, tiêu diệt lực lượng của ta. Ngoài ra, chúng còn thu hết ghe thuyền, ngăn cấm nhân dân qua sông tiếp tế. Trước tình thế đó, chúng tôi được lệnh rút quân qua sông Trường Định, về ở giữa lòng dân. Một thời gian sau, khi tình hình bớt căng thẳng, đơn vị chúng tôi tiếp tục tổ chức học tập chiến thuật, rút kinh nghiệm đánh phục kích của Trung đoàn 108 tại đèo Hải Vân để áp dụng cho các trận đánh sau. Ngày 12 tháng 8 năm 1950, đơn vị đã phục kích đoạn đường đèo Eo Gió từ đồn Quan Nam đi lên đồn Phò Nam diệt gọn một trung đội lính Âu - Phi, thu toàn bộ vũ khí. Bên cạnh nhiệm vụ đánh phục kích, gây rối sau lưng địch, phối hợp với bộ đội chủ lực..., Đại đội dân quân tập trung của xã Hòa Liên còn được bổ sung nhiệm vụ tổ chức đánh mìn trên tuyến quốc lộ 1A và đường xe lửa Đà Nẵng - Huế.

Những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), làng tôi nói riêng và tây bắc Hòa Vang nói chung đã trở thành một chiến trường ác liệt. Tại đây, thực dân Pháp thực hiện chính sách “tam quang”, nghĩa là phá sạch, đốt sạch và giết sạch. Tội ác của bò lũ thực dân xâm lược gây ra cho người dân quê tôi dậy lên ngút trời. Chỉ tính riêng thôn Trường Định nằm bên bờ bắc sông Cu Đê trước kháng chiến có đến 5.000 người dân, nhưng đến cuối năm 1948 chỉ còn 800 người. Tiếng khóc than ai oán lan tỏa khắp mọi nhà. Thậm chí, có nơi người chết, xương chất thành đống như An Châu, Đông Vinh. Do đặc điểm địa lý quê tôi thuận tiện cho giao thông đường thủy, điều kiện rừng núi dễ biến thành nơi bố trí lực lượng của ta để tấn công vào sào huyệt địch nên thực dân Pháp đã chú trọng bố phòng nghiêm ngặt, hệ thống đồn bốt dày đặc. Ngay tại xã Hòa Liên, nằm sát chân đèo Hải Vân, địch đã xây dựng 12 đồn và tháp canh. Vì thế, có thời điểm số lượng địch tập trung tại đây còn nhiều hơn cả số dân địa phương.

Sau nhiều lần thất bại do cách đánh du kích của ta, địch điên cuồng khủng bố, càn quét nhằm trấn áp, đe dọa nhân dân, nhưng đều vô hiệu. Vì thế, để ngăn chặn sự tiếp tế lương thực, thực phẩm của nhân dân đối với lực lượng du kích nên cuối năm 1949 đầu năm 1950, chúng tăng cường bố trí đồn, bốt dày đặc trên địa bàn các xã cánh bắc Hòa Vang như các đồn: Quan Nam, Gò Đa, Ông Tự, Phò Nam, Tùng Sơn, An Ngãi, Thủy Tú, Liên Chiểu, Hải Vân, Hòa Mỹ,v.v. Thế nhưng thực tế đã diễn ra trái với mong muốn, sự tính toán của địch. Đại đội dân quân tập trung của xã Hòa Liên không những không yếu đi mà ngày càng mạnh thêm, càng lập nhiều chiến công hơn. Trong đó, điển hình là trận phục kích chặn đánh lính Pháp đi càn vào thôn Trường Định. Bộ binh địch có ca nô và xe lội nước yểm trợ đã tổ chức hành quân càn quét như vào chỗ không người. Chúng tin rằng với vũ khí thô sơ, quân số ít, lực lượng dân quân tập trung sẽ không dám đánh lại một lực lượng mạnh có hỏa lực hùng hậu yểm trợ. Có lẽ suy nghĩ như vậy đã khiến địch chủ quan nên đã rơi vào trận địa phục kích của ta. Lúc đó, tôi làm tiểu đội trưởng có nhiệm vụ chống càn bảo vệ dân, đánh địch giữ làng. Sau khi nắm vững tình hình địch, yêu cầu nhiệm vụ, phương án chiến đấu, tôi chỉ huy anh em ra phục kích tại bờ sông Trường Định. Trước đó, đơn vị đã tổ chức đào chiến hào ở bờ sông. Vì thế, khi ta báo động địch từ dưới Nam Ô lên, dân quân nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu thành ba bộ phận. Tiểu đội do tôi chỉ huy làm nhiệm vụ đánh chặn đầu để cho các bộ phận khác tiến công. Ca nô của địch chạy sát bờ. Chờ cho chúng cách trận địa phục kích khoảng ba chục mét, tôi nổ phát súng đầu tiên khai hỏa cho trận đánh. Bị bất ngờ, bọn lính trên ca nô bắn loạn xạ vào dọc bờ sông Trường Định. Nhưng mục tiêu của ta thì nằm phơi trên dòng nước, còn mục tiêu của chúng thoắt ẩn, thoắt hiện nên việc thất bại của địch là không tránh khỏi. Trước sự tấn công mãnh liệt, bất ngờ của lực lượng dân quân, bọn lính hoảng loạn nhảy ào xuống sông. Trước tình huống có thể nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ đội hình của chúng, tôi ra lệnh cho anh em bám đánh liên tục, không lui quân như đã dự kiến. Kết quả trận đánh, dân quân xã Hòa Liên đã bắn chìm một chiếc ca nô và 2 xe tăng lội nước, diệt hơn chục tên lính địch, đồng nghĩa với việc chính thức bẻ gãy cuộc càn trên dòng sông Cu Đê và thôn Trường Định. Phấn khởi trong niềm vui chiến thắng, tâm hồn thi sĩ của tôi bỗng chốc vút lên ý thơ mộc mạc: “Dòng sông Trường Định xanh rì/Nhiều tên lính Pháp có đi không về”. Ngoài những trận đánh có tính chất độc lập trên, trong các năm từ 1949 đến 1952, đơn vị chúng tôi còn phối hợp với bộ đội công binh Liên khu 5, do đồng chí Bùi Chát phụ trách, liên tục đánh mìn trên đèo Hải Vân khiến nhiều đoàn tàu quân sự của Pháp lật nhào xuống biển, diệt hàng trăm tên lính địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:48:05 pm »

Hồi tôi công tác tại Đại đội dân quân tập trung, đánh địch là điều bình thường, nhưng chuyện “đánh hổ” trong chuyến đưa thư vào vùng địch dịp đầu tháng 2 năm 1952 đã khắc ghi trong tâm trí tôi như một nỗi ám ảnh. Vì đó là lần đụng chúa sơn lâm, là lần thử thách cân não đầu tiên trong đời binh nghiệp của tôi. Hồi ấy, tôi được lãnh đạo xã Hòa Liên chọn làm liên lạc. Khoảng 5 giờ chiều một ngày đầu tháng 2 năm 1952, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Thúc Dư gọi tôi lên nhận nhiệm vụ khẩn cấp. Anh Dư trao cho tôi mảnh giấy và bảo: Phải chuyển ngay lá thư hỏa tốc này xuống đồng bằng, đưa cho các đồng chí Lê Phúc Ánh, Lê Thị Xa, Ngô Văn Lưu..., là cán bộ lãnh đạo đang hoạt động trong vùng địch. Sau đó, tôi và mọi người phải trở về ngay trong đêm để chuyển cơ quan nơi khác. Vì ngày mai địch sẽ càn lên căn cứ. Đoạn đường từ cơ quan xuống đồng bằng khoảng 10 cây số đường rừng hiểm trở. Tôi nhận nhiệm vụ xong, về chuẩn bị lên đường. Đồ đạc tôi mang theo, ngoài lá thư mật ra còn có 2 quả lựu đạn dập do quân giới Quân khu 5 chế tạo để chiến đấu khi gặp địch. Khi đến đèo Mỹ Sơn, thuộc xã Hòa Liên, thì trời nhá nhem tối, linh tính mách bảo tôi rằng: sẽ có điều chẳng lành đang chờ tôi ở phía trước. Tôi vừa đi, vừa quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Đoạn đường này địch ít đi phục kích, nhưng cũng không được chủ quan. Nhưng chắc chắn một điều là cọp rất nhiều. Không riêng gì địch, bộ đội ta cũng đã nhiều người bị cọp vồ. Có lẽ bởi lý do sợ dụng chúa sơn lâm nên địch ít khi dám phục kích trên con đường này. Đúng là cha ông ta nói cấm có sai “nhắc đến ma thì ma xuất hiện”. Tôi vừa nghĩ đến vị chúa tể rừng xanh thì từ khoảng rừng phía trước mặt một con cọp dữ tợn nhảy ra. Nó ra oai, hùng hổ gầm thét và đi trước tôi khoảng 8 đến 10 mét. Con hổ vừa đi, vừa ngó lại, nhăn nanh, ngoắt đuôi ra vẻ mừng rỡ. Chắc nó cho rằng sắp bắt được con mồi ngon. Thực tình mà nói, lúc ấy tôi cũng sợ ông ba mươi bất ngờ quay lại tặng cho một cái tát. Tôi vẫn bình tĩnh đi theo, trong đầu tìm cách đối phó. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tôi có muốn đi vòng cũng không được. Nếu bỏ chạy thì nó đuổi theo ăn thịt ngay. Tôi đã từng nghe ba tôi, ông nội tôi truyền lại, khi đi rừng gặp hổ thì tuyệt đối không được chạy. Vì mình chạy nó biết mình sợ sẽ vồ liền. Ngược lại, cứ bình tĩnh đi, cọp sẽ không dám làm gì, vì nó cũng sợ người. Đầu óc tôi lúc ấy rối bời. Tôi thầm nghĩ: “Tính mạng mình đã trong thế nghìn cân treo trên sợi tóc. Đi cũng chết mà không đi cũng chết. Nếu trở về lại cơ quan thì bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ. Ngày mai quân Pháp tấn công lên căn cứ, không đánh được địch ta sẽ tổn thất hy sinh, lương thực tài liệu bị mất hết”. Một cuộc đấu trí hết sức căng thẳng diễn ra trong đầu tôi: “Mình đi chiến đấu có đồng đội, hy sinh bị thương có người báo tin cho gia đình, cha mẹ, anh chị em được biết... Lần này cọp bắt ăn thịt mình không còn chút xương”. Chân tôi bước theo con hổ mà đầu óc như muốn nổ tung để tìm cách đối phó với tình huống bất ngờ này. Đến địa thế có lợi, con cọp nhảy lên vách, ngồi cách mép đường đi gần 2 mét, gầm thét oai vệ. Tôi đứng lại nhìn nó. Bốn con mắt gặp nhau ánh lên như thách thức. Quan sát biết đã đến lúc nó chuẩn bị bắt mồi, tôi nhanh chóng móc lựu đạn ra khỏi túi, rút chốt an toàn, đập xuống đường nghe nổ cái “tắc”, rồi ném ngay đến chỗ con cọp đang chồm hỗm. Chúa sơn lâm tưởng bị ném đá liền chụp trái lựu đạn, lót đít ngồi. 6 giây trôi qua, một tiếng nổ vang lên. Cọp thét một tiếng lao xuống hố, lại vướng thêm cái bẫy heo rừng, chết ngay tại chỗ. Thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc, tôi vội vàng chạy xuống vùng địch, rút cán bộ về kịp trong đêm. Đúng như kế hoạch ta nắm được, sáng hôm sau lính Pháp càn lên căn cứ. Chúng vấp phải bãi mìn của ta đã gây thương vong, phải co cụm lại. Lực lượng du kích của ta bố trí sẵn, xung phong chặn đánh khiến chúng phải tháo chạy về đồn. Tôi dẫn anh em đến chỗ con hổ bị đánh chết, kéo xác nó lên khênh về, róc xương nấu cao, đem xuống đồng bằng đổi gạo, muối. Cần nói thêm rằng, trong những năm đầu kháng chiến, vùng núi tây bắc Hòa Vang cọp rất nhiều. Các địa danh như khe Lỗ Trào, Cao Sơn, An Lộc, Đồng Hầu, Ba Viên,... cọp thường xuyên xuống bắt trâu bò của dân, đe dọa tính mạng con người.

Năm 1952, lãnh đạo huyện Hòa Vang và xã Hòa Liên có chủ trương giải tán Đại đội dân quân tập trung. Cán bộ, chiến sĩ về lại thôn, xã sống với gia đình, làm nòng cốt lãnh đạo phong trào quần chúng ở địa phương. Tuy nhiên, sau vài năm một số anh em bị địch phát hiện bắt bỏ tù, hoặc đưa đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Theo tôi được biết, nguyên nhân khiến huyện, xã có chủ trương trên là do cuộc kháng chiến ác liệt kéo dài, kinh tế khó khăn không đủ cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang địa phương. Mặt khác, địch tăng cường bao vây cấm vận, càn quét, lấn chiếm, đóng đồn bót, ngăn chặn Việt Minh trụ bám trong dân. Trong khi đó, ở chiến trường tây bắc Hòa Vang có hai vùng rõ rệt là đồng bằng trung du và miền núi nên việc tự túc lương thực đối với nhân dân còn khó khăn. Vì thế, những năm đầu kháng chiến, phong trào cách mạng càng gặp muôn vàn khó khăn. Cán bộ thoát ly, bộ đội, dân quân đều phải tự túc lương thực, súng đạn, trụ bám trong dân, vừa ăn vừa đánh giặc giữ làng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở quê tôi vẫn được giữ vững và phát triển toàn diện.

Thời điểm giải tán Đại đội dân quân tập trung đã trở thành cột mốc đầu tiên trong đời binh nghiệp của tôi. Mặc dù không muốn, nhưng gần 150 anh em vẫn phải trở về với gia đình, tham gia gây dựng phong trào tại địa phương. Lúc ấy, còn lại ba anh em chúng tôi là Hồ Phúc Ngôn, Đồng Như Bớt và Mai Tấn Khuông tự nguyện mang khăn gói thoát ly, chứ không trở về với gia đình, địa phương. Đảng ủy xã Hòa Liên nhất trí cho chúng tôi đi bộ đội. Đại đội dân quân chính thức chia hai với tỷ lệ 3/147. Chúng tôi ôm nhau tạm biệt, dùng dằng kẻ đi người ở lại. Xen lẫn những cái bắt tay rất chặt, ánh mắt rực cháy niềm tin, có không ít giọt nước mắt phân ly. Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng: Chiến tranh còn dài, để đến ngày thắng lợi hoàn toàn thì sự hi sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Không riêng gì 3 người ra đi, liệu 147 người trở về sẽ ai còn ai mất trên chặng đường vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Đối với tôi, sự kiện này cũng coi như chấm dứt thời kỳ tham gia lực lượng quân sự địa phương. Ngày mùng 1 tháng 6 năm 1952, ba anh em chúng tôi được biên chế vào Đại đội 68 thuộc huyện đội Hòa Vang, tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi không ngờ mình được phân công về lại chiến trường tây bắc Hòa Vang và hoạt động tại xã Hòa Liên, ở trung đội anh Lan, anh Bá và đồng chí Bùi Chát, người cán bộ công binh chỉ huy đánh mìn xe lửa đèo Hải Vân năm nào. Sống trong đơn vị mới với lối sống chính quy, nền nếp hơn, tôi đã có cơ hội học tập ở các anh nhiều điều như tác phong quân sự, lối sống giản dị, biết thương yêu đồng chí, đồng đội, v.v. Trung đội tôi có địa bàn hoạt động trên ba khu vực rộng lớn là cánh trung, cánh nam và cánh bắc ở phía tây thành phố Đà Nẵng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:49:16 pm »

CHƯƠNG BA

ĐẾN VỚI BỘ ĐỘI ĐẶC CÔNG

Công tác tại Đại đội 68 một thời gian ngắn, đến cuối năm 1952, đầu năm 1953, tôi được rút về bổ sung vào Đội đặc công 11. Bài học đầu tiên của tôi về truyền thống bộ đội đặc công, cũng chính là những điểm trong nội dung mà sau này Bác Hồ dạy lực lượng đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ; anh dũng tuyệt vời; mưu trí táo bạo; đánh hiểm thắng lớn”. Tôi không khỏi tự hào khi được đứng trong đội hình của đội quân mỗi khi ra trận là ngụy trang nhem nhuốc lên thân thể. Để thực hiện nhiệm vụ “chui sâu, đánh hiểm, thắng lớn”, người chiến sĩ đặc công không chỉ ngụy trang cơ thể hòa lẫn màu bùn đất, cây lá mà còn phải nằm phơi sương vài ba ngày để mất hơi người, làm cho chó béc-giê không phát hiện được khi ta tiềm nhập vào đồn địch.

Đầu năm 1953, cấp trên mở đợt học tập chính trị rèn cán, chỉnh quân tại thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trước kia, khi tham gia lực lượng thanh, thiếu niên yêu nước xã Hòa Liên, sau đó xung phong vào đại đội dân quân tập trung, tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đại đội 68, tôi đã được học tập chính trị, nhưng nội dung còn ít. Vì thế, được tham gia đợt học tập này, tôi mới hiểu thế nào là chủ nghĩa Mác Lê-nin, đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh giai cấp, vì sao phải sử dụng lực lượng quân sự để giành độc lập dân tộc... Bây giờ, khi xã hội đã phát triển hiện đại, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu mắc phải sai lầm bị sụp đổ, dĩ nhiên nhận thức về chủ nghĩa xã hội theo quan điểm mác-xít đã được nghiên cứu, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Do đó, lớp trẻ hôm nay dễ dàng tiếp cận, tiếp thu, học tập những cái mới. Còn đối với chúng tôi hồi ấy, biết được những nội dung cơ bản như vậy đã là “ghê gớm”. Kết thúc đợt học chính trị, tôi cảm thấy trí tuệ của mình mẫn tiệp hẳn lên. Thậm chí, có lúc tôi còn giật mình nhìn lại và ngẫm nghĩ: “Bấy lâu nay mình tham gia chiến đấu vì mục đích cao hơn nhiều so với mình từng nghĩ”.

Sau đó, tôi cùng đồng đội được chuyển về vùng tây của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, để huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đặc công. Thời kỳ này, do lực lượng đặc công mới được thành lập nên nghệ thuật quân sự trong cách đánh còn chưa phát triển. Cán bộ tham gia giảng dạy có nhiều đồng chí từng là chỉ huy bộ binh. Do đó, nội dung học vẫn mang hơi hướng của chiến thuật bộ binh, cách tiềm nhập vào đồn địch giống như đi trinh sát, v.v. Vì thế, đợt học tập được cấp trên xác định chủ yếu trang bị kiến thức cơ bản của cách đánh mới cho lực lượng đặc biệt này. Song đối với tôi lúc ấy, tất cả đều là kiến thức mới. Vì thời gian tham gia lực lượng dân quân thì phần lớn là phục kích đánh mìn, xung phong diệt địch. Khi chuyển sang bộ đội chủ lực ở Đại đội 68 tôi chưa tham gia đánh trận nào. Bởi thế, các nội dung như tiềm nhập, đánh từ trong ra, đột kích phát triển chiến đấu, v.v. là cả một kho kiến thức quân sự mà tôi đã lĩnh hội được trong đợt rèn cán chỉnh quân.

Hoàn thành kế hoạch chỉnh huấn, các đơn vị trở về trạng thái hoạt động bình thường, kịp thời vận dụng những nội dung mới được huấn luyện.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, tình hình chiến sự trên chiến trường Liên khu 5 đã có nhiều thay đổi, nhất là sau khi ta nắm được kế hoạch “chiến dịch Át Lăng” của địch. Lúc này, các nhà hoạch định chiến lược quân sự của quân đội Pháp đang dốc toàn lực, điều quân từ Tây Nguyên xuống đánh chiếm các tỉnh thuộc vùng tự do của Liên khu 5 là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế của ta; sau đó, thực hành tiêu diệt lực lượng chủ lực của đối phương và đưa quân từ Tây Nguyên ra tăng cường cho phía Bắc. Nắm được âm mưu của chúng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã chủ động chuyển quân lên Tây Nguyên đánh vào hậu cứ của quân Pháp làm cho chúng rối loạn, lúng túng tìm cách đối phó.

Trong các tháng của quý II năm 1954, Đội đặc công 11 Đà Nẵng được giao nhiệm vụ phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, đã thực hành tập kích nhiều cứ điểm của địch đóng trên địa bàn. Mỗi trận đánh qua đi, mỗi chiến công do đơn vị lập nên đều để lại trong tôi những ấn tượng không phai. Đó là những khoảnh khắc huy hoàng của một thế hệ đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. May mắn được đi hết cuộc chiến tranh, được chứng kiến sự đổi thay của quê hương Đà Nẵng, tôi không thể nào quên những đồng đội đã ngã xuống trước thềm chiến thắng. Bây giờ, có điều kiện viết hồi ký, chiêm nghiệm đời mình, tôi chỉ mong thể hiện được những gì thế hệ chúng tôi đã sống, cống hiến cho quê hương đất nước. Vì thế, những chiến công tôi đã viết, những trận đánh do tôi hồi tưởng đều luôn mang một thông điệp chung nhất “tri ân đồng chí, đồng đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại”. Mặc dù đã tham gia nhiều trận đánh trong giai đoạn này, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là trận tập kích các mục tiêu: đồn Cổ Mân, đồn Mân Thái, đồn Mỹ Khê, đồn Rờ Ni và cầu Đờ Lát. Tất cả đã bị đơn vị chúng tôi diệt gọn trong vòng một đêm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:50:14 pm »

Về bối cảnh lịch sử, thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ gồm các khu sau: Khu Đông, khu Tây và khu Nam. Trong đó, địa hình khu Đông bao gồm một dãy đồi cát trắng kéo dài từ eo vịnh Sơn Trà đến Non Nước. Quân đội Pháp khi tấn công vào Đà Nẵng thường chọn phía đông làm bàn đạp để triển khai lực lượng đánh chiếm thành phố. Địch đã xây dựng ở đây các sân bay, bến cảng; bố trí hệ thống cứ điểm dày đặc, nhằm ngăn chặn đối phương tấn công vào đô thị và sẵn sàng ứng cứu cho nhau khi có tình huống xấu xảy ra, kể cả ở trên không, mặt đất và mặt biển.

Phương pháp bố phòng cụ thể, quân Pháp tổ chức đóng đồn bốt theo dãy đồi cát trắng tạo thành các cứ điểm: Cổ Mân, Mân Thái, Rờ Ni, Mỹ Khê và cầu Đờ Lát (tức cầu Trần Thị Lý hiện nay). Mặc dù đây là một hệ thống phòng thủ liên hoàn, được kết hợp chặt chẽ giữa mặt đất, lòng sông và mặt biển, nhưng không hiểu do chủ quan hay coi thường đối phương mà địch vẫn còn nhiều sơ hở. Do đó, cán bộ cơ sở của ta ở sông Hàn vẫn bám trụ trên sông, gọi là chiến khu nổi của Thành ủy Đà Nẵng. Hải quân Pháp không ít lần càn quét, săm soi từng lùm cây ven sông, song không phát hiện được dấu hiệu khả nghi. Dòng sông Hàn xanh thẳm luôn là nơi che cho an toàn cho các đồng chí cán bộ thành ủy suốt nhiều năm qua. Từ chiến khu nổi này, Thành ủy Đà Nẵng đã đề ra những quyết sách lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân địa phương lớn mạnh, luôn bắt nhịp kịp thời với phong trào cả nước. Bên cạnh đó, khi có chiến sự xảy ra, các đồng chí cũng nắm bắt rất rõ địa hình của khu vực để chỉ đạo hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương hoặc phối hợp với lực lượng cấp trên trong thực hành tác chiến.

Thực hiện chỉ thị phối hợp với chiến dịch của Liên khu 5 và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đơn vị tôi có nhiệm vụ hiệp đồng chiến đấu nhằm tiêu diệt các cụm cứ điểm đồng bằng và vùng ven đô thị thành phố Đà Nẵng. Sau khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao, đồng chí Đội trưởng Trần Hữu Tạo cử một bộ phận đi chuẩn bị chiến trường. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ thành ủy hoạt động trên sông và cơ sở nội tuyến, ta nắm được sơ bộ tình hình địch, vị trí các đồn, bốt ở khu vực ven biển. Theo sự phân công của Thành ủy và Thành đội thành phố Đà Nẵng, lực lượng tham gia đánh địch trên địa bàn quận 3 gồm có: Đội đặc công 11, đơn vị Trinh sát đặc công 15 và trinh sát của Đại đội bộ binh Điện Bàn. Bộ phận làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu chiến trường trong quá trình thực hiện gặp khá nhiều thuận lợi. Đó là sự giúp đỡ tận tình của Thành ủy Đà Nẵng, đội công tác của phường và người dân ở các địa phương Hòa Quý, Hòa Hải (thuộc khu Đông) đã tạo điều kiện cho chúng tôi về nơi ăn, chốn ở để anh em đi lại đảm bảo an toàn, bí mật. Do yêu cầu thời gian khẩn trương, mặt khác địch còn nhiều sơ hở trong canh gác nên chúng tôi áp dụng biện pháp điều tra đồng loạt. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị hoàn thành công tác điều tra các mục tiêu, đồn bót của Pháp đóng rải rác trên địa bàn là các đồn: Cổ Mân, Mân Thái, Mỹ Khê, Rờ Ni và cầu Đờ Lát. Trên cơ sở kết quả điều tra, Đội đặc công 11 có nhiệm vụ tiêu diệt bốn mục tiêu là: đồn cổ Mân, đồn Mân Thái, cầu Đờ Lát và đồn Mỹ Khê. Đại đội bộ binh Điện Bàn phối hợp với đơn vị Trinh sát đặc công 15 tổ chức đánh các đồn Mỹ Khê và Rờ Ni. Đồng thời, lực lượng này còn có nhiệm vụ ngăn chặn quân tiếp viện từ các nơi đến, đảm bảo cho toàn bộ lực lượng tham gia trận đánh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lui quân an toàn về Hòa Hải, Hòa Quý.

Mọi kế hoạch đảm bảo cho trận đánh được chuẩn bị chu đáo. Đội trưởng Trần Hữu Tạo trực tiếp báo cáo phương án chiến đấu trên sa bàn để Thành ủy và Thành đội Đà Nẵng phê duyệt. Sau nhiều ý kiến thảo luận, phương án chiến đấu do chỉ huy đội xác định được thông qua với sự nhất trí 100%. Cán bộ, chiến sĩ Đội đặc công 11, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Hữu Tạo nhanh chóng bắt tay vào huấn luyện cấp tốc các nội dung tiềm nhập, đột kích. Đơn vị Trinh sát đặc công 15 do đồng chí Thảo chỉ huy, cũng tham gia huấn luyện cùng chúng tôi. Lúc ấy, dù không ai bảo ai, nhưng tất cả chúng tôi đều tin chắc ngày chiến thắng đã cận kề. Trận đánh của chúng tôi như tiếng pháo góp chung mừng đất nước ca khúc khải hoàn. Theo hiệp đồng, đội chúng tôi tổ chức hành quân bằng các phương tiện: ghe, thuyền trên sông, trên biển, do đội công tác địa phương dẫn đường, đảm bảo trú quân tại bán đảo Sơn Trà trước ngày nổ súng. Đơn vị Trinh sát đặc công 15 của đồng chí Thảo sẽ bí mật tập kết tại Non Nước. Riêng tổ đánh cầu Đờ Lát, gồm 4 người, do đồng chí Huỳnh Ngọc Châu phụ trách, bí mật ém quân tại phường Hòa Cường trước ngày nổ súng. Ngoài quân số đánh đồn Mỹ Khê do đồng chí Nguyễn Văn Thành chỉ huy, lực lượng còn lại của Đội đặc công 11 gồm 24 đồng chí được biên chế thành hai mũi, thực hành đột nhập từ hướng đông đánh vào vị trí các đồn Cổ Mân và Mân Thái. Tham dự trận đánh, tôi được phân công làm mũi trưởng mũi thọc sâu đánh vào chỉ huy sở diệt ban chỉ huy đại đội địch tại đồn Cổ Mân. Mũi chúng tôi gồm sáu cán bộ chiến sĩ, được chia làm hai tổ, tôi đi cùng tổ 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:51:22 pm »

Đúng 21 giờ đêm 24 tháng 3 năm 1954, trong vai những người dân đi biển, chúng tôi bắt đầu rời vị trí trú quân tại Sơn Trà, tổ chức hành quân theo đường biển, dọc sông Hàn để tiếp cận mục tiêu. Mũi thọc sâu đi trước, chú ý chủ động vòng tránh khi gặp địch tuần tra. Tuy nhiên, nhờ có cơ sở mật và du kích dẫn đường thường xuyên thông báo tình hình kịp thời nên đơn vị đảm bảo bí mật tuyệt đối trong suốt quá trình triển khai đội hình. Ban đêm, những cồn cát ngày nóng bỏng rát, nhìn dưới nắng sáng lấp lóa, bây giờ dịu mát như lòng mẹ hiền. Thời gian như ngừng trôi. Dù đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, nhưng trước giờ nổ súng tôi vẫn thường suy nghĩ vu vơ. Không phải là tôi sợ, mà tâm hồn lãng mạn của lứa tuổi đôi mươi lắm lúc sinh ra những ý nghĩ “quái chiêu”. Gần 23 giờ, mũi của tôi đã tiếp cận mục tiêu lót đội hình. Như vậy, theo hiệp đồng, còn một giờ nữa, tức là 24 giờ, mới có lệnh nổ súng. Tôi ép nhẹ cánh tay xuống triền cát và tự hỏi: Trong chiến đấu, dù chiến thắng hay thất bại thì sự hi sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Liệu sau mấy chục phút, trong số những con người đang hòa mình vào màu đất mẹ chờ đến giờ nổ súng kết liễu đời quân xâm lược, ai sẽ là người nằm lại nơi triền cát, nghe biển quê hương thì thầm sóng vỗ. Tôi miên man suy nghĩ cho đến lúc nhận được tín hiệu các mũi, hướng đã vào hết. 23 giờ, chúng tôi bắt đầu cắt hàng rào dây thép gai đầu tiên. Đơn vị lần lượt khắc phục vật cản và bí một đưa đội hình vào bên trong đồn địch. Theo hiệp đồng, giờ G, tức giờ nổ súng, là 24 giờ và đồn Cổ Mân khai hỏa trước tiên để làm hiệu lệnh cho trận đánh. Dưới ánh trăng sáng mờ mờ, tôi liếc nhìn chiếc kim đồng hồ nhích dần từng tí một, có cảm tưởng nó có vẻ chạy chậm hơn bình thường. Không rời mắt khỏi những căn nhà lính nằm im lìm trước giờ khai hỏa, tôi nhủ lòng như một quan tòa phán quyết tội nhân trước khi tuyên án: “Hằng ngày chúng mày bắn ra giết hại đồng chí, đồng bào của chúng tao. Cả một vùng rộng lớn không một bóng cây vì đạn địch cày xới. Còn mấy tích tắc nữa, các chiến sĩ đặc công Đà Nẵng sẽ trả địa hình nơi đây về triền cát trắng”. Lúc này, tôi thấy mình bình tĩnh đến lạ lùng. Quan sát tỉ mỉ mọi động tĩnh của địch, mắt tôi vẫn không rời khỏi chiếc đồng hồ. Khi ba chiếc kim chập một, tôi dẫn anh em chạy thẳng vào bên trong đánh lô cốt. Đề phòng địch bất ngờ phát hiện, tôi dùng tiểu liên chi viện để đồng chí tổ viên nhảy lên sử dụng bộc phá đánh sập lô cốt. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng vận động, đánh vào sở chỉ huy của địch và các nhà lính. Mặc dù lô cốt đầu cầu đã bị tiêu diệt, địch vô cùng hoảng loạn nhưng chúng vẫn không phát hiện được quân ta đánh từ hướng nào. Vì thế nên tôi không phải nổ súng. Khi chỉ còn cách nhà chỉ huy đại đội địch khoảng mười mét, tôi ra hiệu cho anh em dừng lại, dùng tiểu liên bắn thẳng, ném thủ pháo, lựu đạn vào trung tâm đầu não của chúng. Trong tích tắc, ngôi nhà bốc cháy ngùn ngụt. Bọn lính loạng choạng chạy ra liền bị anh em chúng tôi diệt gọn. Phía bên kia, tổ đồng chí Hiền thực hành đánh dãy lô cốt phía nam, tiếp tục phát triển chiến đấu sang hai khu nhà lính. Còn tổ đồng chí Thiện đánh lô cốt phía bắc, sau đó phát triển vào bên trong tiêu diệt hoàn toàn quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Chúng tôi tập hợp tại sân đồn Cổ Mân, tiến hành thu vũ khí và nhanh chóng cùng lực lượng dân công tổ chức lui quân.

Lúc này, lực lượng đánh các đồn: Mân Thái, Mỹ Khê, Rờ Ni, cũng đã nổ súng đúng hiệp đồng, nhanh chóng chiếm lĩnh mục tiêu. Quân địch đóng trong các đồn trên bị tiêu diệt hoàn toàn. Các đội du kích, dân công địa phương kịp thời vào đồn thu vũ khí, quân trang, quân dụng, chuyển anh em thương binh về Hòa Quý chữa trị. Riêng bộ phận đánh cầu Đờ Lát gặp phải khó khăn vì mìn không nổ. Nguyên nhân dây điện bị đứt nên nước thấm vào dây dẫn làm mìn không nổ. Do đó, tín hiệu điện kích nổ không thể truyền đến khối thuốc. Kịp thời xử trí tình huống bất ngờ, quyết tâm không để lực lượng địch cơ động ứng cứu, đồng chí Châu lập tức ra lệnh cho đồng chí Kiều Sơn Đen bơi ra móng cầu, bí mật trèo lên trụ cầu, thay tim dây cháy chậm, thay kíp nổ, quẹt diêm đốt dây cháy chậm. Sau khi giật nụ xòe, đợi cho 3 tim dây cháy chậm đều phụt lửa, chiến sĩ Kiều Sơn Đen mới bình tĩnh nhảy xuống sông, bơi về vị trí sẵn sàng chiến đấu. Lính Pháp đứng trên cầu, nghe tiếng bộc phá, tiếng súng bên Quận 3 nổ, cũng hoảng loạn bắn vu vơ xuống nước. Khi đồng chí Kiều Sơn Đen bơi ra cách mỏm cầu khoảng 50 mét thì 60 cân thuốc nổ TNT gầm lên một tiếng long trời lở đất, xó toang màn đêm, làm rung chuyển cả thành phố Đà Nẵng, khiến một dãy cầu đổ nghiêng xuống sông Hàn, ngăn chặn được xe tăng và bộ binh địch từ Đà Nẵng sang Quận 3 chi viện. Bốn đồng chí đánh cầu rút lui an toàn.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ đêm 24 đến rạng ngày 25 tháng 3 năm 1954, quân và dân Quận 3 đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, tiêu diệt 5 mục tiêu của Pháp, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng. Các lực lượng chủ lực trực tiếp tham gia trận đánh gồm có: Đội đặc công 11, Đội trinh sát 15 và Đại đội bộ binh huyện Điện Bàn. Trong đó, Đội đặc công 11 làm chủ công, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Một tập thể và một cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất là tổ đánh cầu Đờ Lát và đồng chí Kiều Sơn Đen. Về ý nghĩa trận đánh, cấp trên đánh giá đây là một trận đánh táo bạo, thọc sâu vào sào huyệt của quân đội Pháp đóng ở ngay trong thành phố Đà Nẵng, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch. Kết quả trên cũng đã củng cố niềm tin trong nhân dân Đà Nẵng nói chung, nhân dân Quận 3 nói riêng về lực lượng đặc công non trẻ của mình. Bầu không khí vui tươi phấn khởi ngấm ngầm lan tỏa trên toàn thành phố. Bà con gặp nhau, bên cạnh câu chào xã giao như thường lệ, nhiều người còn thì thầm: “Mình đánh giỏi quá”. Còn chúng tôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ được lệnh lui quân về vùng Gò Nổi, thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để nghỉ ngơi, sinh hoạt rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho trận đánh sau. Cùng với kỷ niệm về chiến công của đơn vị, lần đó tôi nhớ mãi hình ảnh một người con gái Sơn Trà. Chuyện là khi chúng tôi lui quân, chạy vào Hòa Quý, có các cô dân công khiêng thương tải đạn đi cùng, Trong số anh em bị thương, đồng chí Thiện là tổ trưởng đánh bộc phá, sau này làm Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng được một thiếu nữ trạc tuổi đôi mươi cõng trên lưng chạy theo đoàn quân. Máu bộ đội thấm ướt cả chiếc áo trắng cô đang mặc. Người lính đặc công khi vào trận, da hóa trang thành màu cây cỏ, trên mình chỉ bận độc chiếc quần xà lỏn. Vì thế, việc cõng đồng chí Thiện trên lưng, chạy băng băng theo đoàn quân đến tận Non Nước của người con gái là một hành động xứng danh anh hùng của người phụ nữ sống trong vùng địch. Cô đã không sợ địch, không sợ xấu hổ, hết lòng cõng người chiến sĩ ở trần về cùng đơn vị. Lúc ấy, anh em chúng tôi vừa tỏ lòng cảm phục, vừa động viên người con gái thành Đà. Đến Non Nước, cô giao lại thương binh cho anh em chúng tôi để trở về Cổ Mân. Mọi người ứa nước mắt nhìn theo người nữ dân công gan dạ vì không có quần áo thay cho cô, máu ướt đầm đìa chẳng biết khi về có bị lộ không. Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện này, tôi cứ tiếc nuối bởi không kịp hỏi tên người con gái ấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2020, 05:52:07 pm »

Tình hình chiến sự lúc này ưu thế đang thuộc về ta. Ở phía Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ đã chuẩn bị bước vào giai đoạn 2. Dẫu chiến tranh còn ác liệt, nhưng thực dân Pháp đã đứng trước nguy cơ thất thủ. Cứ điểm Điện Biên Phủ, được chúng gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm” đã bị nghệ thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” của ta cô lập. Còn trên chiến trường Liên khu 5, tình hình của địch cũng không khá hơn. Âm mưu kéo quân từ Tây Nguyên xuống đánh chiếm bốn tỉnh thuộc vùng tự do của Liên khu 5 là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, sau đó kéo quân ra miền Bắc chi viện cho Điện Biên Phủ bị ta phá vỡ. Lực lượng vũ trang Liên khu 5 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Liên khu, trực tiếp là đồng chí Tư lệnh Nguyễn Chánh đã chủ động đánh lên Tây Nguyên thọc sâu vào hậu cứ của địch làm cho quân Pháp rơi vào tình thế “đi cũng dở, ở cũng không xong” và chấp nhận thất bại. Thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã kịp thời khích lệ, cổ vũ cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Đơn vị chúng tôi cũng hòa chung niềm vui chiến thắng của liên khu.

Đội đặc công 11 về Gò Nổi nghỉ ngơi, củng cố được 5 hôm lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh đồn Câu Lâu. Sở dĩ ta phải đánh nhanh mục tiêu này bởi vì trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, bị ta tấn công mãnh liệt, bẻ gãy xương sống các binh đoàn lính Âu - Phi tinh nhuệ cơ động của Pháp nên địch phải bỏ Tây Nguyên chạy về Đà Nẵng phòng thủ. Chúng đóng quân chốt chặn trên suốt quãng đường từ thị xã Tam Kỳ ra đến Hòn Bằng, Trà Kiệu, Câu Lâu, Bồ Bồ, cầu Đỏ, Phước Tường, Nam Ô, Thủy Tú... để bảo vệ các đơn vị hải lục không quân của thực dân Pháp đóng tại thành phố Đà Nẵng. Nhằm đảm bảo an toàn cho vùng nội đô, địch tăng cường hành quân càn quét khu vực các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc. Chúng quyết giữ trục đường giao thông huyết mạch trên quốc lộ 1A, ngăn không cho ta đánh phá các mục tiêu như: cầu Câu Lâu, cầu Thủy Tú. Đội đặc công 11 Quảng Nam - Đà Nẵng được giao nhiệm vụ đánh sập cầu Câu Lâu, cắt đứt giao thông và tiêu diệt lực lượng địch chốt giữ hai đầu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, đây là cây cầu nằm giữa hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, dài 856 mét, bắc ngang qua sông Thu Bồn, dòng nước chảy xiết quanh năm. Các huyện này là những địa phương có truyền thống đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội và dân quân du kích nơi đây đã thường xuyên đánh địch càn quét, giành được nhiều thắng lợi, bảo vệ xóm làng, chống địch dồn dân lập ấp. Tháng 2 năm 1954, quân Pháp từ Tây Nguyên đánh nống ra. Chúng tổ chức một trận càn quy mô lớn với âm mưu chiếm đóng cầu Câu Lâu để khống chế xã Duy An, thuộc huyện Duy Xuyên và xã Điện Phương, huyện Điện Bàn. Hai xã này là vùng du kích mạnh của Duy Xuyên và Điện Bàn. Anh em thường phục kích chặn đánh mìn trên đường ô tô, ở hai bên nam, bắc cầu Câu Lâu, làm cho địch phải lúng túng đối phó, hoảng sợ cả ngày lẫn đêm. Vì thế, quân Pháp đã bố trí một đại đội tăng cường xây dựng hai đồn ở hai đầu cầu Câu Lâu hết sức kiên cố nhằm bảo vệ quốc lộ 1A từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ.

Lúc ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đề ra chủ trương mở chiến dịch xuân hè 1954 phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Các lực lượng vũ trang của tỉnh tập trung đánh điểm, diệt viện, cắt đứt giao thông cầu công, bao vây tiêu diệt quân địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trước khi thực hành đánh cầu Câu Lâu, biên chế của đơn vị chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. Chỉ huy đơn vị gồm các đồng chí: Đội trưởng Trần Hữu Tạo, Đội phó Nguyễn Văn Thành và Chính trị viên Ngô Trọng Đãi. Sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị tổ chức hai bộ phận đi điều tra, nghiên cứu tình hình địch ở hai đồn bắc, nam cầu Câu Lâu. Mũi phía nam gồm 4 đồng chí: Tạo, Ngôn, Thảo, Giác và mũi phía bắc là: Thành Châu, Thêm, Đãi. Thời gian điều tra được ấn định trong vòng 3 ngày đêm phải hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo lên cấp trên.

Tại phía nam cầu, địch tổ chức một đại đội lính Âu - Phi với quân số khoảng 120 tên. Đồn được cấu trúc kiên cố, xây dựng các boong-ke cốt thép, ở phía trên trục đầu cầu trông trải, địch có điều kiện quan sát từ xa và dùng hỏa lực không chế đối phương. Xung quanh cứ điểm, địch bố trí 18 lớp rào dây thép gai bao bọc. Chúng rào vòng quanh trụ cầu cả trên cạn và dưới nước. Ngoài ra, mìn chiếu sáng và mìn chạm nổ được gài vô số từ trong ra ngoài, trên các hàng rào dây thép gai dày đặc, không theo bất cứ quy luật nào. Trên lô cốt vọng lâu, địch gắn đèn pha cực mạnh, quét liên tục trên cầu và dưới nước, trông sáng rõ như ban ngày. Ý thức được tầm quan trọng của cầu Câu Lâu nên địch tổ chức canh gác hết sức nghiêm ngặt. Trên cầu, ban đêm có đội tuần tra đi lại liên tục theo chiều từ nam sang bắc và ngược lại. Thỉnh thoảng, chúng bắn vu vơ xuống nước nhằm uy hiếp đối phương, hoặc sợ ta bí mật tấn công. Tuy nhiên, qua ba lần điều tra nghiên cứu, chúng tôi phát hiện địch có nhiều sơ hở. Cả hai bộ phận điều tra phía nam, phía bắc cầu Câu Lâu gặp khá nhiều thuận lợi. Tất cả đều thống nhất nhận định có thể đánh được và quyết tâm đánh thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM