Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:19:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đứa con lạc mẹ  (Đọc 6724 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 09:18:48 pm »


        - Tên sách : Đứa con lạc mẹ

        - Tác giả : Trần Diễn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Năm xuất bản : 2003
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 09:20:57 pm »


PHẦN MỘT

LƯU LẠC


CHƯƠNG MỘT

NÓI CHUYỆN VỚI TÊN LỪA ĐẢO

        Kôbasi là một thanh niên người Nhật Bản quê ở Thủ phủ Kyôtô xách túi đi xuống phía Nam, đến đảo Liutô đón mẹ con Nguyệt Nga. Anh đi qua chùa Xinira tới con đường hẹp, trời vẫn còn tranh tối tranh sáng. Nhưng đường anh đi không khó khăn lắm vì vầng dương đã lan tỏa xuống biển, bao trùm cả đảo, và những hoa anh đào phớt hồng bên đường làm đường đi sáng sủa hơn. Phút chốc, Kôbasi đã tới nhà mẹ con Nguyệt Nga, anh gõ cửa. Hình như Nguyệt Nga đã chuẩn bị đón Kôbasi tù lâu nên cô đi ra ngay, run rẩy mở khóa. Qua ô kính

        mờ, cô nhận ra Kôbasi. Nhưng sao sáng nay cửa khó mở đến lạ lùng. Rồi cánh của cũng nặng nề hé ra, khép lại. Kôbasi nhìn Nguyệt Nga - một cô gái Việt Nam trong bộ đồ Kimônô màu xanh nước biển đẹp lạ thường. Nguyệt Nga cũng nhìn Kôbasi. Không khí trong căn phòng, không, ngay sau cánh cửa đột nhiên lặng hẳn đi. Trái tim chàng thanh niên Nhật và cô gái Việt Nam hình như đều ngừng đập, bởi vì họ thấy rõ, chỉ còn vài giờ nữa đã phải chia tay nhau để Nguyệt Nga theo mẹ về Việt Nam. Sự chia biệt xâm chiếm cả hai trái tim. Kôbasi nhìn Nguyệt Nga không biết chán, và cảm thấy hình như da thịt cô sau làn vải nóng bỏng làm tan mọi băng giá của sự chia biệt. Anh cầm tay Nguyệt Nga kéo vào lòng.

        - Anh sẽ đi Tôkyô cùng em.

        Nguyệt Nga ngước mắt long lanh nhìn Kôbasi. Luồng gió biển buổi sớm ào qua cửa. Ngược lại luồng gió là tiếng chân chị Nguyệt, mẹ Nguyệt Nga. Những cái môi con của hai người tìm nhau vụng trộm rời ra. Nguyệt Nga đẩy khẽ Kôbasi ra xa. Trái tim hai người tự nhiên đều nén lại. Vì họ biết đó là nụ hôn cuối cùng trước khi họ bưởc xuống ca nô đi vào hòn đảo lớn hơn để đến Chi-ba. Từ đây Kôbasi thuê xe ôtô chở mẹ con Nguyệt Nga đến thẳng Toà đại sứ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Môtô Yôyêgi, Tôkyô. Chiều hôm sau, Kôbasi lại đến Tòa đại sứ đón mẹ con Nguyệt Nga đưa ra sân bay Nakita đi Hồng Kông khi thành phố đã lên đèn. Nguyệt dắt con đi qua khu giữa, nơi có chiếc ảnh khoả thân khổng lồ với những ánh điện màu nhấp nháy. Chị không đi ô tô buýt, không đi tàu điện mà đến bên chiếc xe kiệu. Kéo xe là người Trung Hoa khoảng năm mươi tuổi, vắt chiếc khăn mặt bông trắng trên vai tươi cười nói:

        - Nín suy nả?

        Nguyệt không biết tiếng Trung Quốc, nhưng chị cũng đoán chắc ông ta hỏi mình: Bà đi về đâu?... Nguyệt nói một câu xã giao thông thường:

        - Tôi từ Nhật đến.

        Rồi chị rút trong túi ra một tờ giấy Kôbasi đã viết sẵn đưa cho người kéo xe, nhưng ông ta xua xua tay. Những tháng ngày ở Nhật, Nguyệt ý thức được rằng, mình sống giữa một dân tộc khác, cuộc sống thật lạnh lùng cô đơn. Một sự cô đơn đắng cay, dai dẳng. Bây giờ đứng giữa Thành phố Hồng Kông xe cộ chạy đến chóng mặt với bàn tay vẫy vẫy của người đàn ông làm chị càng tuyệt vọng trước cuộc sống nơi đất khách quê người. Chị đứng như ngây dại nhìn và nhớ cặn kẽ mọi sự xảy ra đâu đó đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Ông già đưa cánh tay dài như cành củi khô, xòe bàn tay run run chỉ vào chiếc xe kiệu. Nguyệt biết rằng đó là thái độ mời khách lịch sự của một người ngôn ngữ bất đồng. Chị đành đọc phiên âm dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc.

        - Tôi đi về khách sạn Đông Phương.

        Ông già ngẩng gương mặt đờ đẫn không còn chút ý chí, một cái nhìn không có linh hồn, thân thể còm cõi đến rũ rượi. Nguyệt nhìn ông già rồi tự hỏi: Chẳng lẽ ở Hồng Kông hoa lệ, con người ăn chơi đến tàn bạo lại còn người già đau khổ tội nghiệp này sao? Nguyệt không hề nói nửa lời, chị dắt Nguyệt Nga bước lên xe kiệu. Ông già còng lưng xuống bắt đầu kéo. Bánh xe trải đều trên đường nhựa hòa vào dòng người xe như mắc cửi. Nguyệt Nga nép người vào lòng mẹ. Nguyệt quàng tay ôm con, mắt không rời thân hình ông già kéo xe như đang quỳ sụp xuống và van nài "Thưa bà, tôi mệt lắm rồi...". Bỗng bên đường, tiếng rao: "Hoa kiều đêm báo đây!". "Đài Bắc nhật báo đây!" vang lên làm chị giật mình quay mặt nhìn. Chú bé mặt tròn bầu mắt một mí tiến đến nói: "Mời bà mua báo!". Ông già dừng xe lấy khăn lau mồ hôi nói đôi lời, cậu bé liền bỏ đi ngay. Nguyệt nghĩ, có lẽ ông già bảo: "Bà ấy là người Nhật không biết đọc chữ Trung Quốc". Cậu bé kiễng chân sáo bước đi, ông già lại tiếp tục còng lưng bước. Chẳng mấy chốc xe kiệu đã đưa mẹ con Nguyệt đến khách sạn Đông Phương. Vừa bước xuống xe, một cô gái mặc bộ đồ mini sang trọng có nhiều đường viền bước đến. Nguyệt tự hỏi: "Cô ta là gái bán bar hay là hầu phòng khách sạn?"

        - Bà muốn thuê phòng?

        Nguyệt không hiểu cô gái hỏi gì, vội đưa giấy tờ.

        - Ồ, bà là người Việt Nam muốn thuê phòng.

        Sau khi hí hoáy ghi, thu tiền, cô ta dẫn

        Nguyệt đi lên tầng bốn theo cầu thang máy, mở cửa một căn buồng nhìn về phía bán đảo Cửu Long.

        - Đây là buồng của bà.

        Cô gái nói giọng rất từ tôn. Lúc này Nguyệt mới nhận ra đó là một thiếu nữ khá xinh đẹp. Mái tóc đen mềm như tơ cắt ngắn ngang tai được rẽ ra bằng một đường ngôi làm tôn thêm gương mặt non nớt đầy vẻ lo âu. Trông cô gái, Nguyệt đoán nghề nghiệp của cô là hầu buồng hoặc bán bar. Cô nhìn mẹ con Nguyệt lặng lẽ hồi lâu rồi đi ra.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 09:21:27 pm »


        Đêm đó, Nguyệt không sao ngủ được, chị mở cửa sổ nhìn xuống đường, nhìn thành phố, nhìn dòng người vô tận đi lại. Nguyệt mong trời chóng sáng để sớm được trở về với dòng sông Thương, về với Sơn. Chị quay vào buồng ngủ mong tách ra khỏi cảnh dòng người huyên náo, tiếng cười nói ồn ào đang luồn lách vào từng nhà của thành phố hoa lệ. Chị kéo chăn đắp, nhưng tiếng người, xe vẫn không giảm bớt.

        Nguyệt phủ phục trên gối như người chết nằm sấp. Chị đang nghĩ gì? Chị đang ước ao được sớm trở về Việt Nam, trở về quê hương mình. Lúc này, tất cả đều tập trung cho một cầu nguyện thiêng liêng sớm được trở về Tổ quốc chứ không thể sống cuộc đời của con chim di trú. Nguyệt sung sướng nghĩ đến giờ phút thiêng liêng đứng bên dòng sông Thương ngắm dòng sông bên lở bên bồi, bên lở thì đục, bên bồi thì trong. Thế nhưng ngay khi ấy mình vẫn phải giấu đi điều ân hận đã đẩy người yêu vào con đường tội lỗi. Ôi anh Sơn ơi! Chính vì điều đó em đã ra đi trong đàn chim di trú để sống nơi đất khách quê người. Nhưng có đi em mới hiểu được rằng mẹ bao giờ cũng thương con.

        Bao tháng ngày xa Tổ quốc chưa bao giờ Nguyệt có cảm giác sung sướng như lúc này. Chị gục đầu xuống gối khóc thầm như cố nhớ lại những ngày tháng tuyệt diệu vô giá ở Trường Sơn. Rồi chị ngửng mặt lên như nhìn thấy phía trước có Sơn. Chị kêu thầm: "Anh ơi! Hôm nay em đang trên đường trở về Tổ quốc để tạ tội trước anh, anh có còn giận em không".

        Nguyệt thả mình trong những ý nghĩ đó cho đến khi đèn đường thành phố phụt tắt. Lại vẫn cô gái mặc đồ mini đến tìm Nguyệt.

        - Mời bà ra xe!

        - Để làm gì?

        - Để đi lấy vé máy bay và hộ chiếu.

        - Còn con tôi?

        - Cứ để cháu ngủ.

        Nguyệt tỏ ra ái ngại.

        - Đi đâu thì cả hai mẹ con tôi cùng đi!

        - Tôi đưa bà đi và sẽ đưa bà về.

        - Không. Tôi không đi đâu cả.

        - Nhưng đây là mệnh lệnh của ông chủ -  Dừng một lúc cô gái nói tiếp - nếu không nghe theo, bà không có hy vọng trở về Việt Nam.

        "Trời ơi! Thế là mình có thể sa vào cảnh bế tắc!" Nguyệt gục đầu xuống, người run lên. Chị nghĩ rằng, bây giờ phản đối hay chấp thuận đều không có nghĩa gì. Đã đến cảnh cùng cực này, mình phải theo lao. Chị thay bộ đồ kimônô đang mặc bằng chiếc quần âu vải tôbican Nhật và chiếc áo len cánh dơi, xách túi ra đi. Ô tô đưa chị đến một tòa nhà trắng trong khu vườn trông tựa như một tòa lâu đài trong truyện cổ tích.

        Cô gái dẫn Nguyệt bước vào cầu thang máy, bấm chuông lên gác bốn. Vẫn cô gái đó chủ động gọi cửa buồng số hai mươi bảy. Nguyệt sửng người. Trước mặt chị là Năm Hổ, người mà chị đã từng gặp ở Khách sạn Thái Bình Dương, Đà Nẵng năm nào.

        - Chào ông! - Nguyệt miễn cưỡng đáp lễ.

        Năm Hổ nhìn xoáy vào mặt Nguyệt.

        - Chắc Nguyệt không quên tôi chứ.

        - Trời ơi! Các ông quả là những người ác độc - Hai tay Nguyệt đưa tay bưng mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế đệm mút, người nóng bừng, gian phòng bắt đầu ngả nghiêng trước mặt - Các ông không chịu buông tha tôi.

        - Không!

        - Không ư? Nguyệt nhìn Năm Hô bằng con mắt mở rộng.

        - Chúng tôi chỉ muốn hỏi Nguyệt tại sao viết thư về Việt Nam lại ghi người gửi lúc là Hà Nguyệt Nga khi ghi Hà Sơn Lâm.

        - Trời ơi - Nguyệt có cảm giác như mình vừa bị rơi xuống vực thẳm - Thế tức là... tức là ông đã đọc hết thư của tôi...?

        - Không!

        - Ông là người mà lòng dạ xảo quyệt hơn quỷ, là một con quái vật.

        Năm Hổ giơ tay lên xem đồng hồ.

        - Ta đã tìm kiếm em mười mấy năm nay rồi, bây giờ mới gặp lại.

        Năm Hổ đứng dậy đi đến bên Nguyệt, đặt tay lên vai chị định kéo chị vào lòng.

        - Buông ra. Ông là người vô lương tâm.

        Bàn tay Năm Hổ bóp chặt hơn. Nguyệt gào lên vật vã:

        - Buông ra.

        Năm Hổ luồn tay qua nách Nguyệt ghì chặt vào lòng mình, dùng toàn thân ấn Nguyệt xuống. Nguyệt nghiến răng dùng sức vùng ra. Năm Hổ vẫn ôm chị như thể không cưỡng nổi niềm khoái lạc đã lên men trong đầu. Nỗi căm hờn và giận dữ dồn lên cánh tay Nguyệt, chị giơ tay tát mạnh vào má Năm Hổ.

        - Đồ đểu!

        Và đúng lúc ấy, tiếng chuông cửa vang lên. Năm Hổ sợ hãi đứng lên sửa lại quần áo. Tiếng chuông ngừng một lát rồi lại vang lên. Nguyệt vẫn ngồi im trên ghế, mặt đỏ bừng, tức giận. Năm Hố lấy bao thuốc ba số "555" châm lửa hút đi ra mở cửa. Mếch-cơ, điệp viên C.I.A từng cộng tác tại Chi cục Tình báo Trung ương Mỹ tại Đà Nẵng và cũng là người từng hỏi cung Nguyệt bước vào.

        - Chào bà! - Mếch-cơ bước đến trước mặt Nguyệt - Chắc bà còn nhớ tôi chứ.

        Nguyệt vẫn ngồi im lặng.

        - Sao bà không trả lời? Hay ông Năm Hổ đây có điều gì làm bà phật lòng?

        Nguyệt vẫn đứng im. Sự tức giận và hối hận ập đến, như một ngọn lửa thiêu đốt chị. "Tại sao ông ta biết mình đang trên đường về Việt Nam?". Chị có cảm giác như có ai tát vào mặt mình. "Vậy ra họ vẫn theo sát mình? Ôi, thế nghĩa là mình chạy đi đâu thì cũng không thoát khỏi bàn tay của kẻ thù...".

        Ánh đèn nê ông hòa với màu xanh của căn phòng cũng không làm dịu đi nỗi đau nhức nhối trong Nguyệt, người con gái đã bỏ chạy Tổ quốc mười lăm năm trời. Nguyệt vẫn đứng im nhìn qua cửa sổ, nhìn về phía khói đen lơ lửng trên khu công nghiệp Thanh Y. "Họ vẫn theo mình từng bước, thật là ghê sợ, thật là thâm độc".

        Nguyệt nhìn thẳng mặt Mếch-cơ:

        - Lại tiếp câu chuyện mười lăm năm trước. Mếch-cơ dửng dưng, lạnh lùng:

        - Vâng, đúng thế. Thưa bà!

        Nguyệt cúi gục. Trước mặt chị hiện lên những năm tháng ở Trường Sơn, những tháng ngày gặp Mếch-cơ ở Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:40:21 pm »


       
*

        Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Nguyệt được điều vào chiến trường, phiên chế vào đơn vị của Sơn, bắt đầu cuộc trường chinh luồn lách qua những viên đá củ đậu, những cành lá nhọn sắc vượt qua đèo Mụ Dạ làm nhiệm vụ lắp đặt hệ thống dẫn dầu xuyên Trường Sơn. Phải nói rằng hệ thống đường ống này trở thành huyết mạch chuyển xăng dầu cho chiến trường. Chính vì vậy, cắt đứt mạch máu này là điều hấp dẫn đôi với các cơ quan tình báo Mỹ và các tướng lĩnh Sài Gòn. Mỹ đã sử dụng lực lượng SOG để thu thập tin tức, phá hủy. Lực lượng này hoạt động theo chương trình OPLAW 37 xác định các hoạt động bí mật do Bộ tư lệnh viện trợ Mỹ ở miền Nam và Cục tình báo Trung ương Mỹ huấn luyện, chỉ đạo.

        Từ khi biết tin sư đoàn 559 bắc đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn, SOG tổ chức bắt cóc các kỹ sư của ta về khai thác và tháo gỡ từng đoạn đường ống. Trạm xăng dầu do Sơn phụ trách đảm nhiệm một đoạn đường ống dài mười lăm cây số, có bảy người, thay nhau đi tuần tuyến, giữ cho mười lăm cây số đường ống an toàn.

        Một hôm trời mưa như giội nước ào ào kéo cây côi, lá rừng ra biển Đông. Sơn và Nguyệt lại khoác súng lên vai đi tuần đường ống.

        Sơn bước ra khỏi lán trại. Nguyệt theo sau. Hai người ra đi trong lúc này có khi sống, khi chết, có hy vọng và tuyệt vọng. Tình yêu giữa họ đã nảy nở là hy vọng, là cuộc đời, là sức mạnh dẫn họ bước vào đêm mưa.

        - Có lẽ bà Nữ Oa quên mất nhiệm vụ vá trời nên mưa mới to như thế này - Sơn bắt đầu câu chuyện.

        - Em sợ nước lại cuốn trôi chúng mình như anh Chắt đêm nào.

        Bỗng quả đạn cối lẻ loi từ phía xa chọc thủng mây mưa rơi gần chỗ họ đi. Sơn ôm choàng lấy Nguyệt, hôn.

        - Anh sẽ là cái áo giáp che cho em.

        - Râu anh để dài quá.

        Lại một quả pháo bắn lên soi tỏ đôi mắt trũng sâu có quầng xám của Sơn. Pháo sáng tắt, họ lại tiếp tục đi. Gần sáng, mưa đã tạnh, Nguyệt và Sơn trải áo mưa lên tảng đá phẳng lỳ ngồi nghỉ, nhìn mảnh trăng vừa ló.

        - Em mệt, ngủ đi.

        - Em sợ ngủ lắm. Nhắm mắt vào là chỉ thấy anh Chắt hiện hồn về.

        - Cậu ấy đi như thế nào?

        - Đi lơ lửng.

        Nguyệt nằm ngửa, gối đầu vào đùi Sơn ngước nhìn anh.

        - Đúng đấy. Người đi bằng chân. Ma đi lơ lửng.

        Nguyệt như hoảng hốt ghì đầu Sơn xuống hôn. Giữa núi rừng Trường Sơn, trên tảng đá phẳng lỳ vừa được nước mưa kì cọ sạch sẽ, Nguyệt và Sơn đã tìm được sự bình yên hạnh phúc.

        Sơn ôm Nguyệt hôn như điên dại:

        - Anh sẽ là Thạch Sanh gác ma cho em ngủ.

        Lời của Sơn là lời cầu nguyện, là kế tục cảm giác tràn đầy hạnh phúc trong anh.

        - Lạy trời, chiến tranh chóng kết thúc để chúng mình tổ chức cưới.

        - Cưới ở đâu?

        - Ở quê anh.

        - Không, ở quê em cơ!

        Trên sắc mặt gầy xanh của Nguyệt ngời lên nụ cười tươi tắn, mơ màng. Bình yên vô hạn.

        - Anh thích đứa đầu con trai hay con gái?

        - Một lần đẻ được cả hai.

        Nguyệt kéo Sơn xuống bên.

        - Thế thì em đến vỡ bụng mất.

        Mưa lạnh. Ánh trăng bắt đầu choàng lên cánh rừng những chiếc khăn bông trắng xốp.

        - Nếu đẻ con trai anh đặt tên gì?

        Dường như đã nghĩ từ lúc hai đứa ngủ với nhau ở Hang Rơi, Sơn trả lời ngay:

        - Hà Sơn Lâm.

        - Và con gái?

        - Hà Nguyệt Nga.

        - Thế là chúng mình có hai đứa con rồi. Con trai giông bố, con gái...

        Bỗng từ trong những gốc cây cháy trụi đen ngòm, từ sau tảng đá nhấp nhô có tiếng quát:

        - Giơ tay lên.

        Sơn và Nguyệt hoảng hốt buông nhau ra. Sơn vội cầm súng tỳ khuỷu tay xuống tảng đá quan sát.

        Tằng! Tằng! Tằng!

        Tiếng súng từ bốn phía vang lên, chớp lửa rung rừng chuyển đất vút lên không trung đan chéo trên bầu trời. Luồng gió và khói thuốc xông lên mũi Sơn và Nguyệt như mùi thú dữ, tim họ đều loạn nhịp. Khi thấy tiếng súng nổ chéo chéo qua đầu, anh cúi xuống, ngẩng đầu lên đã thấy các họng súng đen ngòm, khiến máu trong người anh như đọng lại. Nguyệt ép sát vào người Sơn khiếp sợ. Đôi mắt Sơn đang nhìn bọn lính ngụy như hai hòn đá bị nung đỏ muốn vỡ ra. Nguyệt vẫn nhìn Sơn gọi tiếng "anh!" một cách tuyệt vọng. Nguyệt và Sơn nhìn chằm chằm vào lưỡi lê chĩa vào hai bên hông họ. Đó là giây phút tàn khôc và nguy hiểm nhất kể từ khi vào Trường Sơn đối với Nguyệt và Sơn.

        Cả hai người bị lực lượng biệt kích SOG bắt đưa lên máy bay trực thăng chở về Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:41:35 pm »


       
*

        Ngay hôm đó, chúng chuyển Nguyệt đến Khách sạn Thái Bình Dương Đà Nẵng đầy đủ tiện nghi. Đêm đêm có thể mở cửa sổ nhìn ra biển Thanh Bình, nhìn dòng sông Hàn lấp lánh ánh điện. Trong phòng có ti vi, tủ lạch, radiô cát sét, báo, sách, bồn tắm và xà phòng thơm, khăn tắm còn nguyên mùi vải. Trên tường treo bức ảnh sơn mài Chùa Một Cột. Sơn đã từng là lưu học sinh đi học ở nước ngoài về nên cảnh sống khách sạn này cũng không có gì mới lạ. Còn Nguyệt, là một cô gái ở thị xã Bắc Giang theo học khoa chế tạo máy đại học Bách khoa, chưa hề nghỉ ở khách sạn sang trọng kiểu này nên khá ngỡ ngàng. Chị không hình dung nổi, tại sao mình bị bắt mà lại được sống trong căn phòng sang trọng. Đêm đêm, chị mở cửa sổ nhìn về phía chợ Cồn kiên nhẫn suy nghĩ, kiên nhẫn chờ đợi.

        Một buổi sáng, cửa mở, một người phục vụ bước vào.

        - Mời ra.

        Chị dò hỏi đôi lời, song người phục vụ chỉ nói:

        - Tôi cũng không biết.

        Chị đành bước theo người phục vụ đi dọc hành lang còn thơm mùi nước hoa, xà phòng thơm các loại. Các cô phục vụ ngồi ở các quầy bán hàng lưu niệm và phục vụ nhìn Nguyệt một cách kênh kiệu. Chiếc ô tô có kính lọc màu đỗ sát cửa khách sạn. Theo sự chỉ dẫn của người đưa đường, chị lên xe. Ô tô chạy vòng vèo khoảng hai mươi phút sau mới lao vào số nhà 52 phố Bạch Đằng. Đó là trụ sở Lãnh sự quán Mỹ tại Đà Nằng nằm ngay bên bờ sông Hàn. Nguyệt được dẫn vào một căn buồng trên gác hai khu nhà trong cùng. Mếch-cơ - thiếu tá tình báo CIA đang ngồi bên bộ bàn phủ nỉ màu đỏ với những tập hồ sơ và máy điện thoại. Thiếu tá Mếch-cơ quần áo bảnh bao, áo cộc tay cho vào trong quần để lộ đôi tay đầy lông màu hơi vàng chỉ vào chiếc ghế đối diện mời Nguyệt ngồi rồi bắt đầu cuộc thẩm vấn. Không, phải gọi là nói chuyện mới đúng hơn. Bởi vì, thiếu tá Mếch-cơ nói tiếng Việt khá chuẩn, không doạ dẫm, không nạt nộ, mọi cử chỉ đều lịch sự.

        - Tên bà là gì?

        Nguyệt trả lời một cách nhấm nhang:

        - Nguyễn Thu Nguyệt.

        - Trời ơi, Thu Nguyệt - sắc mặt Mếch-cơ rạng sáng hơn - có phải tiếng Việt "thu" là mùa thu. Nguyệt là trăng. Trăng mùa thu thì đẹp lắm - Mếch-cơ nhìn Nguyệt - Tên bà đẹp như thế nào thì người bà như thế. Bà có hút thuốc không?

        - Xin lỗi, tôi không biết hút.

        - Bà cho phép tôi được hút chứ?

        - Mời ông!

        Mếch-cơ rút điếu thuốic ba số "555" để trên bàn, bật quẹt ga.

        - Con gái mà học nghề chế tạo máy có vất vả lắm không?

        - Đó là nghề tôi thích.

        - Thế sao bà không chọn nghề ngân hàng, thương nghiệp, hóa thực phẩm... có phải thích hợp với phụ nữ hơn không - Nguyệt ngồi im hồi lâu. Tự nhiên chị lại nhớ tới cái buổi mới vào trường, được phân vào học ngành dệt nhưng vì Yến bạn thân ở khoa chế tạo máy nên đã xin chuyển để được học cùng. Tuổi trẻ nào có nghĩ đến ngành nghề vất vả hay...

        - Bà tốt nghiệp năm nào?

        - Cách đây năm năm.

        - Sau đấy bà nhận công tác ở đâu?

        - Tại sao ông hỏi kỹ như thế - Nguyệt nghĩ họ đang điều tra về mình.

        - Ồ, một cuộc nói chuyện mà - Mếch-cơ ngả lưng vào thành ghế, nhìn sang phía trung tá Năm Hổ - Ông Hổ bảo tôi, con gái trí thức miền Bắc nói chuyện lịch sự, có duyên. Một thanh niên nước Mỹ như tôi, thích nói chuyện với con người có hiểu biết. Tôi biết bà và ông Sơn là những kỹ sư bắc đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn. Mà đã là người bắc đường ống dẫn dầu thì chỉ là người của quân đội hoặc của Tổng công ty xăng dầu. Nghe nói, con gái miền Bắc đảm việc nhà, lo việc nước mà nào tôi có gặp trực tiếp bao giờ. Gặp bà là một dịp may hiếm có, nên tôi thích nói chuyện, thích nghe giọng bà nói. Bà cứ hiểu cho như thế. Câu nào thích thì bà trả lời, không thích thì thôi. Bà xem tôi có ghi chép gì đâu - Mếch-cơ xoè bàn tay -  Bà gia nhập quân đội đã lâu chưa?

        - Tôi không phải là người quân đội.

        Xác định Nguyệt là kỹ sư của Tổng công ty xăng dầu, Mếch-cơ định hướng tiếp cho những câu mình hỏi. Phương pháp hỏi của Mếch-cơ là nêu biết chắc thì hỏi thẳng vào sự việc, con người, khi chưa có tài liệu thì hỏi vòng quanh, hỏi việc nhà, bạn bè sinh hoạt để tìm ra vấn đề mình muốn biết.

        - Bà tình nguyện đi vào Trường Sơn hay bị ép buộc?

        - Đó là điều tôi mong ước.

        Mếch-cơ cười tỏ vẻ thông hiểu:

        - Phải nói rằng đó là lý tưởng mới đúng chứ - Mếch-cơ thấp giọng - Ông Sơn là người cùng quê bà hay sao?...

        - Ông ấy là người tỉnh khác.

        - Bà là người thân quen với ông Sơn, bà có biết quê ông ấy có gì nổi tiếng không?

        - Có chứ, có ông vua mà thuở nhỏ đã phất cờ lau tập trận để lớn lên dẹp loạn mười hai sứ quân.

        - Trời ơi, ông Đinh Tiên Hoàng, ông ấy quả là con người tài ba, thống nhất giang sơn nước Nam về một mối. Có lẽ ông Sơn mang trong mình dòng máu đó nên đã đi Trường Sơn để tiếp bước cha ông.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:41:53 pm »


        Mếch-cơ nói chuyện nhiều về lịch sử, về sinh hoạt, học hành của Sơn và Nguyệt. Thái độ lịch sự của ông ta cùng những thủ đoạn quanh co lắt léo, hỏi xa, hỏi gần làm Nguyệt không hiểu được ý đồ cuộc nói chuyện. Nhưng với nghề nghiệp của một tình báo viên cáo già, chuyên nghiên cứu tuyển chọn huấn luyện điệp viên ở vùng Đông Nam Á, Mếch-cơ đã tổng hợp toàn bộ các chi tiết, phác hoạ lên bức tranh khá đầy đủ về Sơn: Thuở nhỏ theo chú đi học ở thị xã Ninh Bình; Tốt nghiệp đại học nước ngoài, về nước nhận công tác tại Tổng công ty xăng dầu; vào Nam năm 1972 làm nhiệm vụ thiết kế bắc đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn, hiện là kỹ sư trưởng một trạm xăng dầu. Sơn và Nguyệt yêu nhau chờ ngày ra Bắc cưới.

        Phía ngoài hành lang tiếng giày đinh lộp cộp của những người Mỹ và tiếng guốc của các cô phục vụ đi lại nhưng không lọt qua bức tường đã lót nỉ cách âm.

        - Bà và ông Sơn yêu nhau đã lâu chưa?

        - Từ ngày đi vào Trường Sơn.

        - Ông ấy vẫn thường hỏi thăm bà mà cả buổi nói chuyện tôi không hề nghe bà hỏi một lời về ông ấy sức khỏe ra sao, ăn ở thế nào. Hay bà đã quên...

        - Không - Nguyệt nói lên như thét - Tôi không bao giờ. Giọng Nguyệt hạ thấp rồi im hẳn.

        Đoán chắc tình yêu giữa Nguyệt và Sơn đã bùng cháy đến mức không ai có thể dập tắt, Mêch- cơ mới hỏi:

        - Bà định đặt tên đứa con đang trong bụng là gì?

        Nguyệt gục mặt xuống vừa hổ thẹn, vừa lo. Nỗi lo chưa cưới đã có con; đứa trẻ sinh ra ăn ở ra sao... cứ xâm chiếm lòng Nguyệt. Chị ngồi chết lặng trong suy nghĩ. Thế là họ đã biết hết về mình. Chắc anh Sơn lại khai báo rồi. Thực ra lúc đó Sơn chưa hề khai báo gì, Mếch-cơ biết chị có thai vì qua bác sĩ khám bệnh phát hiện ra báo lại. Mếch-cơ vẫn nhỏ nhẹ, ngọt nhạt:

        - Chẳng phải người Mỹ chúng tôi tò mò đâu mà chúng tôi muốn biết để giúp bà sinh nở mẹ tròn con vuông.

        Mếch-cơ im lặng theo dõi nét mặt của Nguyệt. Máu nóng bốc lên mặt như trách móc Sơn đã nói ra điều sâu kín của hai người.

        - Vấn đề tôi hỏi bà có liên quan gì đến chính trị đâu. Bà nên cho tôi biết tên đứa trẻ để gọi khi nó chào đời.

        Giọng Mếch-cơ tỏ ra chân thật. Nguyệt ngước mắt nhìn.

        - Ông hỏi gì?... Tôi đặt cho cháu tên là... Nguyệt cúi đầu, giọng lạc hắn đi - Hà Sơn Lâm.

        Biết Nguyệt đang bị xúc động mạnh, Mếch-cơ tiến công tiếp.

        - Đứa trẻ sinh ra có thế là con trai, có thể là con gái - Mếch-cơ nghĩ không hiểu Hà Sơn Lâm là tên đặt cho trai hay gái, ông ta rút thuốc hút, rồi hỏi một câu rất chung - Nếu là đứa con khác giới thì sao?

        Nguyệt thật thà trả lời:

        - Nếu là gái tôi đặt là Hà Nguyệt Nga.

        - Mời bà - Mếch-cơ đẩy đĩa kẹo về phía Nguyệt - Kẹo này tôi mang từ Mỹ sang đấy - Ông ta chọn một chiếc có giấy gói màu xanh đưa cho Nguyệt.

        Thái độ nói chuyện ân cần của Mếch-cơ làm Nguyệt giảm dần sự cách biệt mình là một người bị bắt. Bây giờ chị mới nhìn Mếch-cơ kỹ hơn. Không hiểu hắn ta học tiếng Việt ở đâu, bao lâu mà nói sõi thế. Chị cảm thấy dễ chịu nhất là trong buổi nói chuyện Mếch-cơ không hề đả động đến vấn đề chính trị. Ông nói chuyện, cư xử đúng là một con người lịch sự. Có lẽ mình cũng nên hỏi về anh Sơn xem sao. Mà có lẽ không hỏi thăm là vô trách nhiệm với cuộc sống mà hai đứa đã dành cho nhau. Nguyệt nghĩ như thế rồi ngẩng mặt lên nhìn Mếch-cơ:

        - Ông có thể cho tôi biết, bây giờ anh Sơn đang bị giam ở đâu không?

        Mếch-cơ cười:

        - Sao bà lại nói "giam". Tôi nói để bà yên tâm, ông Sơn đang sống đàng hoàng như bà và có phần hơn. Ở ngay tại Đà Nẵng này.

        Nguyệt vẫn chưa tin, hỏi tiếp:

        - Vì sao các ông không giam?

        Mếch-cơ nhún vai.

        - Vì ông ta là một kỹ sư, một trí thức. Bà biết đấy, nước Mỹ chúng tôi rất coi trọng trí thức.

        Mếch-cơ hoàn toàn giấu kín tình cảm của mình, còn Nguyệt không hiểu càng bộc lộ tiếp:

        - Ông có thể cho tôi gặp anh ấy được không?

        - Ồ, hoàn toàn có thể. Nhưng ngay bây giờ thì không.

        Mếch-cơ điềm tĩnh, sắc bén, chính xác trong từng câu hỏi, trả lời theo một ý đồ đã sắp xếp. Nguyệt quá mệt mỏi, mặt phờ phạc, nhợt nhạt. Mếch-cơ nhìn thẳng vào Nguyệt.

        - Có lẽ bà đã quá mệt, cần tĩnh dưỡng. Hôm nay tôi sẽ đưa bà về khách sạn, cùng bà dùng bữa cơm trưa.

        Mếch-cơ chủ động đứng lên.

        - Mời bà.

        Theo chiều tay của Mếch-cơ, Nguyệt đi ra cửa rồi lên chiếc ô tô đã chờ sẵn ở gần cầu thang.

        Chiếc xe Tôyôta bò ra khỏi cổng, chạy dọc theo đường Bạch Đằng. Ngồi trong xe, Nguyệt nhìn xuống dòng sông Hàn với câu hỏi mơ hồ: Tại sao người Mỹ lại đối xử tử tế với mình?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:42:52 pm »


       
*

        Sáng hôm sau, Nguyệt vừa ăn sáng xong, người hầu phòng lại mở cửa bước vào. Theo sau cô gái là một gã đàn ông đẹp trai có bộ ria mép như sâu róm mặc bộ đồ ký giả màu cà phê sữa.

        - Thưa ông, đây là chị Nguyệt.

        Gã đàn ông đẹp trai cười nhã nhặn:

        - Chào bà!

        Người này cúi đầu lịch sự:

        - Xin giới thiệu, tôi là trung tá Năm Hổ người của quân lực Việt Nam cộng hòa đến phục vụ bà. Mời bà ra xe.

        Nguyệt hoàn toàn không hay biết ý định của Năm Hổ cũng như của Mếch-cơ. Chị tự hỏi: "Chúng định giở trò gì với mình đây?" và lặng lẽ bước theo sau Năm Hổ. Chị lại bị dẫn qua cái hành lang mà nhiều lần đã đi qua, lại vẫn mấy cô hầu phòng nhìn chị soi mới. Tất nhiên ngoài ông chủ khách sạn và một số gái hầu phòng thì tất cả các cô gái khác hay nói đúng hơn tất cả những người trong khách sạn đều không biết chị là ai. Ô tô vượt qua cầu Trịnh Minh Thế đi về phía bán đảo Sơn Trà. Lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng, xe lại bịt kín, chị không biết chúng chở mình đi đâu. Một lúc sau, xe giảm số đi chậm hơn, chị có cảm giác đang lên dốc. Xe dừng lại, Năm Hổ mở cửa bước ra. Gió biển thổi thốc vào mát rượi. Cả phía trước là biển với chân trời nối nhau. Chị chợt nghĩ: "Hay chúng đưa mình đi thủ tiêu? Nếu chết ngạt như thế này thì không gì đau khổ bằng".

        - Xin bà xuống xe.

        Năm Hổ chỉ tay mời Nguyệt đi.

        - Chào trung tá.

        Họ giơ tay chào kiểu nhà binh và nhìn Nguyệt với thái độ kính nể.

        - Thưa trung tá - Tên cai ngục nhìn Năm Hổ - Tên tù cộng sản này nguy hiểm lắm, nó đã hai lần tổ chức vượt ngục. Để đảm bảo cho nên an ninh cộng hòa, tôi đề nghị trung tá hãy cho hắn án tử hình.

        Năm Hổ chầm chậm quay lại:

        - Tôi sẽ có quyết định dứt khoát vào tuần sau. Nhưng trước hết, theo yêu cầu của người Mỹ, ông hãy mở cửa nhà giam, cho bà lớn này vào thăm.

        Tên cai ngục vội bỏ bộ mặt quan quyền, thấp giọng hơn:

        - Ngay bây giờ?

        - Mở ra!

        Tiếng khóa cửa tra vào ổ lách cách. Người tù vẫn thờ ơ nằm im cho rằng đó là mấy tên hỏi cung lại đến quấy rầy. Đường xuống hầm giam nhỏ hẹp vọng lên tiếng giày, tiếng dép.

        - Thưa bà, chỗ này dốc lắm.

        Sơn nín thở nghe ngóng, suy nghĩ: "Tại sao lại có phụ nữ vào đây?". Tuy vậy, anh vẫn nằm im không nói. Ánh đèn pin soi rọi tấm thân bất động.

        - Thưa trung tá, chắc hắn ta đang ngủ.

        Người tù vẫn nằm im, nói to:

        - Không!

        Nguyệt nín thở để phân biệt tiếng người vừa trả lời.

        - Vậy mời ông ngồi dậy có khách tới thăm.

        - Tôi nằm nói chuyện cũng được.

        - Trời ơi, anh Sơn!

        Nghe thấy tiếng Nguyệt, Sơn như một chiếc lò xo ngồi bật dậy. Nguyệt lao về phía anh, nhưng bị viên trung tá cản lại.

        - Đây không phải là nơi bà nói chuyện.

        Nguyệt giận dữ thét lên:

        - Các ông suốt ngày nói nhân đạo mà giam người ở hầm tối như thế này hay sao?

        Riêng Sơn, anh quên hẳn mình là một người tù, quên hẳn sự có mặt của tên cai ngục, cả tên trung tá Năm Hổ, anh chỉ sung sướng đến run lên khi nghe thấy tiếng Nguyệt. Và chị cảm thấy tiếng anh hỏi như tiếng người mẹ ru con:

        - Em có bị chúng tra tấn không?

        - Không. Em không làm sao cả.

        Tên cai ngục ngơ ngác trước cảnh "bà lớn" đến thăm một tên tù cộng sản.

        - Tôi nhắc lại, không được nói chuyện. Mời ra.

        Bình thường như mọi khi, Sơn vần uể oải chưa chịu bước, nhưng hôm nay anh bước đi ngay, hy vọng có thể nhìn thấy và nói chuyện với Nguyệt. Anh loạng choạng bước ra cửa, tay quờ quạng. Nhưng khi bước được vài bước anh thấy chóng mặt suýt ngã thì Năm Hổ đỡ lưng anh. Anh hất tay Năm Hổ ra. Nguyệt tranh thủ chạy đến đỡ đế anh khỏi ngã về phía sau.

        - Có làm sao không anh?

        - Không sao. Anh bị giam trong buồng tối lâu quá đấy thôi.

        Hai người đi theo trung tá về phía bờ biển gần vịnh Tiên Sa, nơi tập luyện của lực lượng biệt kích người nhái. Hai bên đường họ đi là những bụi cây thấp. Trước mắt họ là dải cát đá chạy tít đến tận nhà thờ Tiên Sa; nhà thờ dành riêng cho những biệt kích người nhái làm lễ trước khi được tung ra miền Bắc. Linh mục của xứ bán đảo Sơn Trà đại úy tuyên úy quân đội ngụy được đặc trách làm lễ. Đi qua nhà thờ vài trăm mét là cảng sâu bốc lên những cột khói đặc của tàu chiến Mỹ. Trên đường họ đi thật yên tĩnh, không có dấu hiệu của một khu dân cư.

        - Mời bà đi đến khu nhà phía bờ biển.

        Trung tá Năm Hổ chỉ tay về dãy nhà một tầng sát biển có dây thép gai bao bọc nơi dành riêng cho việc hỏi cung của cơ quan tình báo Mỹ tại Đà Nẵng. Theo chỉ dẫn của Năm Hổ, Nguyệt và Sơn rẽ phải.

        - Em có khai gì về anh không?

        - Không.

        - Đừng khai gì về đường ống dẫn dầu.

        - Em biết.

        Năm Hổ thấy hai người bước chầm chậm nói chuyện liền đứng lại.

        - Không được nói chuyện!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:43:13 pm »


        Tên lính gác chào Năm Hổ rồi mở rộng cánh cổng. Năm Hổ dẫn Sơn và Nguyệt vào một gian phòng lợp mái tôn. Bên trong, một thanh niên thân hình xương xương nhưng rắn chắc đang nằm co ro trên sàn đất, dưới ánh sáng điện, anh đang rên rỉ cố xua đi cái đau vừa bị tra tấn đang thấm vào từng tế bào. Hai tên lính ngụy ngồi bên bàn thấy Năm Hổ liền đứng lên chào.

        - Mời bà ngồi!

        Năm Hổ chỉ vào chiếc ghế bên bàn, rồi lại chỉ tay vào chiếc ghế đối diện như đã sắp đặt trước, mời Sơn ngồi.

        - Cho anh ta ngồi dậy.

        Người lính già, râu đã điểm muối tiêu kéo tai chàng thanh niên.

        - Bà có biết người này không?

        - Tôi cũng không biết.

        - Thế nghĩa là không phải người thân của ông bà - Năm Hổ nhìn hai tên giúp việc. Tên trẻ ngồi vào bàn, lấy giấy ghi chép. Còn tên già vẫn đứng. Năm Hổ bắt đầu cuộc thẩm vấn.

        - Anh Vĩnh, cho anh trả lời lần cuối, anh là sinh viên hay chiến sĩ biệt động?

        - Cả hai.

        - Anh có biết tờ truyền đơn này hay không?

        - Tôi biết.

        - Anh đã rải nó ở ga?

        - Đúng thế.

        - Anh có biết việc làm của anh là hành động chống chính phủ quốc gia không?

        - Tất nhiên, đó là mục đích.

        - Ai giao cho anh nhiệm vụ đó?

        - Tôi không biết.

        Năm Hổ hơi mất bình tĩnh, nói to:

        - Anh không thể nói là "tôi không biết". Với giọng đó, anh sẽ phải chịu hình phạt.

        Người thanh niên bình tĩnh trả lời:

        - Nếu ông không muốn nghe mấy từ đó thì tôi xin thay là "cấp trên bảo tôi không được nói".

        Người thanh niên lơ đãng nhìn lên trần nhà:

        - Tôi có thể nói cho anh hay, chúng tôi đã nắm rõ bằng chứng về việc anh liên hệ với tổ chức biệt động của thành phố. Cứ thẳng thắn thừa nhận, thì sẽ được tha, còn chống cãi chỉ thiệt mạng thôi.

        - Nếu các ông biết rồi thì còn hỏi làm gì?

        - Không được trả lời kiểu đó. - Năm Hổ mất hẳn sự điềm tĩnh, kiên nhẫn của một điệp viên.

        - Nếu các ông cứ tiếp tục hỏi tôi những câu đó.

        Sơn và Nguyệt ngồi im nghe cuộc thẩm vấn và nghĩ: Chắc nó chuẩn bị hỏi cung mình. Mỗi người đều tự sắp xếp lại các chi tiết để chuẩn bị trả lời.

        - Anh một lòng theo cộng sản, bảo vệ cấp trên của anh là tốt, theo ý niệm của các anh, nhưng nếu quá ngoan cố sẽ chẳng ích gì. Tại sao lại cứ bảo vệ họ để hủy hoại cuộc đời mình? Tôi nói với anh rằng, nếu anh khai báo thành thật những điều tôi hỏi thì chắc chắn sẽ được khoan hồng.

        - Thôi đừng lảm nhảm những lời lừa phỉnh đó nữa.

        Viên trung tá bật dậy quát lớn:

        - Câm ngay.

        Sau cơn tức giận, Năm Hổ thấy mình thiếu bình tĩnh, vội thấp giọng.

        - Có một vài người từ huyện Giằng đưa tài liệu về cho Đội biệt động ở Đà Nẵng, trong đó có anh. Nào, anh hãy khai những ai nhận tài liệu để chuyển đi các nơi?

        Người thanh niên ngẩng mặt, toàn thân run lên như muốn nhảy vào chộp lấy cổ Năm Hổ bóp chặt cho hả giận.

        - Tôi nói rồi, tôi không bao giờ nói những điều đó.

        Trung tá Năm Hổ quát to:

        - Thê thì anh chịu hình phạt cao nhất - Năm Hổ  nhìn tên sĩ quan già - Đại úy Sáu, hãy cho thằng này hiểu sức mạnh của Việt Nam cộng hòa.

        Đại úy Sáu cầm dùi cui hằm hằm tiên đến bên Vĩnh, bắt đầu trận mưa đòn cho đến khi anh ngã gục và tắt thở! Dưới ánh sáng điện, máu tươi ở miệng anh trào ra càng hồng hơn rồi chuyển sang màu nâu sẫm.

        Từ ngày bị bắt, cảnh tra tấn, đánh đập này đã giúp Nguyệt thêm đức tính bình tĩnh. Song hôm nay chị không sao chịu nổi đã cúi xuống khóc nức nở thương cho người đồng chí của mình ra đi không một lời vĩnh biệt. Còn Sơn vẫn ngồi im, mặt biến sắc.

        Trung tá Năm Hổ đi sang phòng bên gọi điện, khoảng mười phút sau, chiếc xe chở quan tài đến đỗ ngay trước phòng hỏi cung. Tám tên lính khiêng xác người thanh niên đặt vào quan tài. Chiếc đinh lạnh lùng khép kín nắp quan tài rồi khiêng đi ra nghĩa địa phía sau khu hầm giam khoảng ba trăm mét. Sóng biển xô bờ phát ra những âm thanh đau buồn tiễn biệt người thanh niên xấu số... Sơn và Nguyệt, trung tá Năm Hổ và hai người lính nữa đi sau quan tài. Đám ma đưa người quá cố đến nơi yên nghỉ cuối cùng ngoài những người khiêng chỉ có năm người. Nguyệt cô cắn răng để khỏi bật ra tiếng khóc nhưng cô vẫn không thể kìm nén nổi. Chiếc quan tài vẫn lặng lẽ được khiêng đi. Âm thanh trong đám ma anh Vĩnh là tiếng sóng biển, tiếng khóc của Nguyệt và tiếng chân những người đi. Chiếc quan tài được hạ xuống huyệt đúng lúc chuông nhà thờ Tiên Sa vang lên ầm ĩ. Có lẽ tất cả đã hòa thành bài ca trần thế đau buồn vĩnh biệt người thanh niên xấu số.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:43:53 pm »


       
*

        Sau buổi hạ huyệt, Sơn bị giải ngay về hầm giam âm u, ẩm ướt nằm sâu trong lòng đất. Chủ ý của cơ quan tình báo Mỹ, của Mếch-cơ là để anh suy nghĩ về số phận những ai sa vào tay chúng vẫn ngoan cố. Tên cai ngục xô Sơn vào hầm rồi khóa trái cửa lại. Trong hầm giam lúc này chúng thả thêm mấy con rắn nước và vài chú chuột. Sơn sờ soạng bước tìm đến nơi anh đã từng nằm nhẵn bóng.

        Thê là cả chiều ấy, đêm ấy đằng đẵng trôi qua, anh mất hẳn khái niệm về thời gian. Thỉnh thoảng con rắn lại bò đến bên anh, con chuột kêu "chít, chít" chạy quanh hầm. Tuy đã quen với cảnh rắn rết ở Trường Sơn song lúc này tự nhiên tim anh đập gấp.

        Sáng hôm sau anh lại bị gọi đi thẩm vấn. Cuộc thẩm vấn lần này không phải do Phủ đặc uỷ Trung ương tình báo mà do Mếch-cơ, thiếu tá tình báo Chi cục Tình báo Mỹ tại Đà Nẵng tiến hành, vẫn tại căn phòng đã từng hỏi cung Nguyệt ở số nhà 52 phố Bạch Đằng.

        Nhìn thấy Sơn, Mếch-cơ nói ngay:

        - Tôi hy vọng lần này chúng ta nói chuyện kết quả hơn. Sao, căn hầm đó có tối như đêm Trường Sơn không?

        Sơn nhìn Mếch-cơ với thái độ căm tức:

        - Người Mỹ nói năng lịch sự lắm cơ mà?

        Mếch-cơ biết người nói chuyện với mình không phải là người bình thường nên đổi giọng ngay.

        - Anh Sơn, mời anh ngồi xuống. Anh thích cà phê hay bia?

        - Thứ gì tôi cũng uống được, miễn là không có thuốc độc.

        Mếch-cơ cười hết cỡ.

        - Không, không. Tôi với ông cùng uống.

        Mếch-cơ tự tay bật hộp bia rót vào hai cốc.

        - Xin mời!

        Sơn cầm cốc bia uống.

        - Các ông định hỏi tôi điều gì?

        Mếch-cơ tưởng sau những ngày bị giam, chứng kiến cảnh tra tấn, Sơn sợ hãi đã thay đổi ý kiến vội vàng hỏi ngay:

        - Chúng tôi chỉ muốn anh vẽ lại sơ đồ đường ống dẫn dầu ở ngoài Bắc và ở Trường Sơn, anh làm trạm trưởng mà.

        - Làm trạm trưởng chứ có phải là người vẽ đường đi của ống dẫn dầu đâu.

        - Vậy thì anh có thể vẽ lại sơ đồ đoạn đường ống  do anh phụ trách được không?

        - Tôi bị giam nhiều trong ngục tối nên quên hết rồi.

        - Anh quả là khéo chống chế. Thực ra có thông minh anh mới được chọn đi du học nước ngoài chứ.

        - Nhưng trí thông minh đó đâu phải để ghi nhớ rồi báo cho Mỹ.

        Mếch-cơ nghiêm giọng:

        - Tôi báo cho anh biết, nếu anh cứ giở cái giọng đó ra thì anh sẽ chịu số phận như tên tù hôm qua.

        Sơn thấy hơi nao núng. Anh cúi đầu suy nghĩ, rồi lại ngẩng đầu lên:

        - Các ông muốn làm gì tôi thì làm.

        Mếch-cơ đứng lên dõng dạc tuyên bố:

        - Vậy thì anh sẽ chịu hình phạt: tử hình.

        Ngay sáng đó, Sơn lại bị tống vào hầm giam. Nằm trong xà lim anh cầu nguyện Nguyệt không bị chúng làm nhục, đừng khai gì về đường ống dẫn dầu. Mỗi một giọt xăng vào được chiến trường quý như giọt máu.

        Anh nhớ rất rõ, trước lúc anh lên đường đi Trường Sơn, Bộ Quốc phòng và Tổng cục xăng dầu phải dùng xe hơi, xe lửa vận chuyển xăng dầu đến hai căn cứ tiếp vận là Vinh và Quảng Khê, từ đó mới phân phôi đến các trạm tiếp vận dọc hành lang... đến tận cao nguyên Sêpôn, M.Noong. Tránh cho các nhiên liệu chở trên xe từ Bắc vào Sêpôn, bị không tặc hủy diệt. Bộ Quốc phòng và Tổng Công ty xăng dầu thiết kế lắp đặt đường ống dẫn dầu từ Bắc vào tận Sêpôn. Trực thăng và máy bay trinh sát địch chụp ảnh nhiêu lần, bay dọc dãy Trường Sơn để tìm đường ống, các kho trạm đánh phá nhưng vẫn chưa phát hiện ra, không đánh trúng. Nguyệt ơi, đường dẫn dầu xuyên Trường Sơn là mạch máu giữa hậu phương và tiền tuyến, em đừng bao giờ khai ra, nghe chưa? Anh cầu nguyện cho Nguyệt đừng bao giờ khai ra những điều bí mật. Càng nghĩ về đường ống dẫn dầu bị Nguyệt tiết lộ càng làm ảnh hưởng tới thần kinh Sơn. Cụm từ "đường ống dẫn dầu" với cái tên gọi thân thương "Nguyệt" ngày đêm vang dội trong anh. cả đêm đó anh suy nghĩ cách khai báo thế nào để bảo vệ đường ống, liên lạc thế nào để bảo vệ đường ống, liên lạc thế nào để báo cho Nguyệt biết đừng khai.

        Chiều hôm sau, theo lệnh của Mếch-cơ, cai ngục mở hầm giam, sắc mặt hắn ta sa sầm, vẻ chán chường. Sơn ngạc nhiên thốt lên:

        - Ông cầm roi để tra tấn mà cũng buồn hay sao?

        - Chẳng sao cả. Mời anh đi!

        - Đi đâu?

        - Đi gặp Nguyệt.

        Xúc động, Sơn hỏi ngay:

        - Thật không?

        - Thật.

        Sơn lại lặng người đi hỏi:

        - Chẳng lẽ các ông lại tử tế với tôi như thế hay sao?

        - Đúng. Họ bảo hôm nay sẽ áp giải anh đi để rồi không trở về nơi đây nữa.

        Một cảm giác sợ hãi đến tê cứng ập đến trong Sơn. Hay là họ đưa mình đi thủ tiêu? Tên cai ngục dẫn Sơn đến bên ô tô đậu ở trước cửa phòng hỏi cung.

        Trung tá Năm Hổ đứng bên xe nhìn anh trân trân rồi đột nhiên lại cười nhăn nhở vẻ thâm hiểm:

        - Thật vui. Hôm nay anh được gặp người yêu.

        Sơn không tin, hỏi lại:

        - Ông không đùa đấy chứ?

        Năm Hổ lắc đầu tỏ thái độ kiên quyết:

        - Không.

        Sơn nín lặng nhìn Năm Hổ không phải để khẩn cầu mà chỉ nghi ngờ. Năm Hổ vẫn tiếp tục thái độ nhã nhặn:

        - Mời anh lên xe!

        Người tài xế kéo cánh cửa xe, Sơn bước lên trước, Năm Hổ và một sĩ quan nủa đeo lon đại úy bước lên sau. Ôtô lao qua chợ Mai, Năm Hổ mới ngồi sát Sơn hơn, nói nhỏ:

        - Anh là người hết lòng vì cộng sản không chịu khai bất cứ điều gì. Những người Mỹ và những sĩ quan cộng hòa như tôi rất khâm phục ý chí đó. Chính vì ông không chịu khai nên phải chịu hình phạt cao nhất: "tử hình".

        Đợi cho xe vượt qua sông Hàn rẽ vào đường Bạch Đằng, Năm Hổ mới nói tiếp:

        - Người ta bảo rằng, dù là nhà tù cộng sản, hay Mỹ - ngụy, trước khi bị hành quyết đều được đối xử tử tế. Đối với anh, may mắn bậc nhất được tận hưởng khoái lạc của con người: làm tình với người vợ chưa cưới một đêm.

        Trước mắt Sơn lúc đó như có một màn sương phủ nhoè, rồi câycối, đường đi, nhà cửa... ngả nghiêng chao đảo. Giây phút anh thấy hiện lên khuôn mặt thần sắc nhợt nhạt của Nguyệt và bàn tay run run đau khổ đưa lên lau nước mắt.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2020, 08:45:02 pm »


       
*

        Ô tô chở Sơn dừng ở trước cửa khách sạn. Anh bước ra xe ngước nhìn lên tòa nhà cao tầng này không biểu hiện gì sự khẩn cầu mà đượm vẻ ưu tư. Anh lặng lẽ theo Năm Hổ lên gác đến trước một căn phòng.

        Suốt đêm trước và cả ngày Nguyệt không sao ngủ được chỉ chờ gặp Sơn. Mỗi khi có tiếng chân người hay tiếng khóa tra vào ổ, Nguyệt lại nín thở chờ đợi. Khi cánh cửa vừa mở, Nguyệt bàng hoàng đau xót đứng nhìn, người mà bao ngày ao ước. Chị sững sờ, lý trí và trái tim đều không theo ý muốn của mình. Chị đứng nguyên, không chạy đến ôm Sơn như lúc ở Trường Sơn, không biểu lộ sự vui sướng để xua đi nỗi khủng khiếp sắp xảy ra. Bởi vì từ đêm qua, suốt ngày hôm nay Nguyệt đang nghĩ về một ý nghĩ đã ám thị: anh ấy sẽ bị tử hình. Choáng váng, đau khổ, Nguyệt đứng ngây ra nhìn cánh cửa khép lại và Sơn đang bước đến gần.

        - Anh Sơn!

        Mãi khi Sơn đến gần, Nguyệt mới thốt ra được, giọng lạc hẳn đi.

        - Anh!

        Nguyệt tưởng Sơn chưa biết mình sắp bị tử hình nên ngước mắt nhìn anh, chan chứa yêu thương, lo lắng, sợ hãi. Còn gương mặt Sơn biểu lộ tình thương vô hạn. Họ đứng nhìn nhau như thôi miên, tưởng như kiệt lực để rồi sau đấy không ai đứng vững, ôm nhau như thanh sắt dính vào khối nam châm khổng lồ. Hai tay Sơn quàng lên cổ Nguyệt, đầu cúi xuống hôn mái tóc còn vương trên môi. Hai tay Nguyệt cũng cố ghì cổ Sơn thấp hơn, dường như không muốn buông ra, để cho những làn môi dính vào nhau mãi mãi. "Trời ơi! Anh yêu nhất đời của em!". Nguyệt thốt lên làm làn môi dừng lại để mặc cho môi Sơn động đậy. Sơn kêu thầm: "Nguyệt ơi! Đây là nụ hôn cuối cùng dành cho em để anh đi về thế giới bên kia".

        Sơn ôm chặt Nguyệt hơn, nhìn mặt chị qua ánh đèn nê-ông vừa thương lại vừa hạnh phúc. "Không biết rồi đây cuộc đời em sẽ ra sao?". Sơn ghì chặt Nguyệt xuống giường. Và không hiểu anh bê Nguyệt đến giường hay hai người cùng đi mà đã nằm trên giường từ lúc nào.

        - Anh ơi! Đừng chết anh nhé!

        Nét mặt Sơn nhăn lại đau đớn.

        - Vì chúng nói với em, ngày mai anh sẽ bị đưa đi tử hình.

        Cánh tay Sơn từ từ nới lỏng.

        - Ai nói với em điều ấy.

        Im lặng như một dải khăn tang quấn quanh hai người tách họ ra khỏi cuộc sống ân ái.

        Thời gian đưa Sơn đi tử hình không phải tính bằng buổi, bằng giờ mà tính bằng giây. Anh nghĩ, không thể đắm đuối trong tình cảm âu yếm mãi này được, mà phải tranh thủ nói chuyện. Chỉ còn đêm nay mình sẽ vĩnh viễn xa người vợ chưa cưới xấu số! Muốn dặn dò điều gì cũng chỉ có đêm nay thôi. Anh chủ động buông tay ngồi dậy còn Nguyệt vẫn nằm.

        - Ngồi bên em như thế này anh có thấy hạnh phúc không?

        - Sao lại không. Anh mong muốn suốt đời được như thế này.

        Nguyệt và Sơn dường như giảm dần ý nghĩ ngày mai họ phải vĩnh viễn chia tay để không bao giờ gặp lại.

        - Em khát.

        Sơn rót nước đưa cho Nguyệt.

        - Anh ăn đi! Thứ này ngoài Bắc mình không có.

        Nguyệt đưa gói kẹo mè xửng cho Sơn. Sơn bật diêm hút thuốc, ăn kẹo.

        - Dai mà ngon thật.

        Sơn cắn một miếng, phần còn lại đưa vào miệng Nguyệt.

        - Từ mai trở đi anh không còn đâu mà bón cho em.

        Niềm hạnh phúc lại tắt ngầm trên khuôn mặt Nguyệt.

        - Tại sao chúng lại quyết định xử bắn anh.

        - Vì không chịu vẽ đường ống dẫn xăng dầu, không chịu khai địa điểm trạm anh phụ trách.

        - Nếu như anh khai có được không?

        Sơn uể oải đáp:

        - Thế thì chúng sẽ cho máy bay ném bom phá hủy.

        - Nghĩa là anh vẫn không chịu khai?

        - Anh khai ra nghĩa là giết đồng chí mình. Nguyệt tỏ thái độ buồn:

        - Lúc nào anh cũng nói đồng chí mà không nghĩ đến bản thân và em.

        Nguyệt khóc nấc lên.

        - Đừng chết! Anh!

        - Em thương yêu của anh! Đi kháng chiến bị địch giết, đó là chuyện thường tình. Hàng triệu người khác đã chịu số phận như anh.

        - Nhưng những người có liên quan gì đến em đâu? Còn anh, anh là máu thịt của em, là bố của thằng Sơn Lâm và con Nguyệt Nga cơ mà. Anh không thương em hay sao? Bao đêm nay em lo lắng cho anh, hễ chợp mắt lại mơ thấy anh chết. Anh ơi, anh đừng chết như anh Vĩnh...

        Sơn đứng dậy đi chậm trong phòng, hoàn toàn không lường tính hết được tình huống Nguyệt vừa nêu. Rồi Nguyệt ôm choàng lấy cổ Sơn van vỉ:

        - Anh yêu của em! Bố của hai đứa trẻ, hãy nghe em khai chút xíu để chúng xóa án tử hình.

        - Nhưng nếu chiến tranh kết thúc?

        Nguyệt kêu lên:

        - Trời ơi! Biết bao giờ mới kết thúc? Còn lâu dài lắm anh ơi. Anh mà chết để em lại thì em sống sao nổi. Anh có thương em không, anh?

        Sơn khựng người như bị trúng đạn, đứng chết lặng bên tường. Nguyệt cầm tay anh kéo ngồi vào lòng mình và bao bọc lấy anh bằng đôi tay mềm mại.

        - Khai rồi ta chạy theo chúng.

        Sơn úp mặt vào vai Nguyệt, áp vào má mịn màng đầy hơi ấm của Nguyệt. Ý nghĩ "khai để sống", "không khai, chết vẻ vang" đấu tranh với nhau quyết liệt. Nguyệt lấm lét nhìn Sơn như hoảng sợ trước điều mình vừa nói. Trong sự im lặng của Sơn có gì đó làm Nguyệt sợ, tuyệt vọng, làm trống rỗng trong lòng.

        - Nếu anh chết thì em không thể nào chịu đựng nổi.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM