Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:57:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người con đất Quảng kiên trung  (Đọc 4899 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:17:06 pm »

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ
CỦA NGƯỜI ANH HÙNG ĐẤT QUẢNG

Ký của LÊ ANH DŨNG

Hẹn hò mãi, cuối cùng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải Lý, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cũng đưa chúng tôi cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn hóa quân sự - cơ quan đại diện tại Đà Nẵng về thăm quê anh thôn Giáng La, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Phương tiện đã có ô tô anh Lý mượn của đại diện Chi nhánh Viettel tại thành phố Đà Nẵng. Nước uống, quà cáp cho đồng đội bà con quê anh kể cả quà cho những gia đình đã từng đùm bọc, che chở anh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng được chị vợ anh chuẩn bị chu đáo, ân tình. Thấy anh cho xe đến đón, mặc quần áo dân sự, tôi phàn nàn: “ông anh ơi. hôm nay là ngày trọng đại, thăm quê, thăm tượng đài, thăm đồng đội và vào phim ảnh, xin anh về mặc ngay bộ quân phục, nhớ đeo huân, huy chương và huy hiệu anh hùng cho đẹp. Nể lời, chứ anh rất ngại, không khéo người ta bảo mình nghỉ hưu lâu rồi, mới được phong tặng danh hiệu anh hùng mà khoe mẽ thì phiền hà. Được sự động viên của vợ và con cái trong nhà anh chấp thuận mang theo lễ phục trang, nhưng không mặc mà treo trên xe, để khi cần chụp ảnh thì khoác vào.

Gần nửa giờ đồng hồ từ Đà Nẵng kể cả ăn sáng, xe chúng tôi đã về lại chiến trường xưa Bồ Bồ. Một ngọn đồi thông xanh gợi cho cảm giác thanh bình và yên ả cho môi trường du lịch. Tôi liếc nhìn qua. Trong mắt anh thoáng hiện nỗi đăm chiêu, tư lự. Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ - 19 tháng 7 năm 1954 cao sừng sững nhìn xuông những cánh đồng, những ngôi nhà như còn mơ màng trong sương sớm như bức tranh thủy mặc. Anh trầm ngâm: Bồ Bồ là cứ điểm quân sự quan trọng của quân Pháp và sau này là quân Mỹ xâm lược.

Tại đây, bọn lính Pháp đặt đài quan sát từ xa, bố trí binh lực, hỏa lực rất mạnh nhằm khống chế 3 huyện đồng bằng phụ cận để bảo vộ từ xa cơ sở đầu não ở thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Chúng huênh hoang tuyên bố: “Bồ Bồ là cứ điểm bất khả xâm phạm, nếu Việt Minh chiếm được thì nước sông Yên chảy ngược”. Sau thất bại nhục nhã trên khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương vội vã huy động các lực lượng khắp nơi về Đà Nẵng, thành lập Chiến đoàn 10 hỗn hợp, quân số hơn 1.000 tên do đại tá Can Phelit chỉ huy và mở ngay cuộc hành quân với mật danh “con báo” đánh chiếm lại cứ điềm Bồ Bồ. Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định đập tan cuộc hành quân của địch giành thế chủ động trên toàn chiến trường ngay khi chúng mới dàn quân trên đỉnh Bồ Bồ. Tỉnh đội phó Đào Bá Phúc nhận nhiệm vụ chỉ huy trận đụng đầu lịch sử này. Bên ta có Đại đội trinh sát đặc công 15, Tiểu đoàn bộ binh 20, bộ đội địa phương huyện Điện Bàn. 19 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1954, quân Pháp, tuy lực lượng đông gấp ba lần quân ta, hỏa lực mạnh, nhưng tinh thần bạc nhược, nên sau 5 giờ đọ sức với bộ đội đặc công địa phương đã chịu thua nhục nhã. Trong trận này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên Pháp, bắt sống tại trận 343 tên, trong đó có tên đại tá chỉ huy Chiến đoàn 10. Đây là trận đánh lớn nhất và chiến thắng oanh liệt nhất của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, được gọi là “Điện Biên Phủ trên đất Quảng Nam”.

“Trong chiến công chung của xứ Quảng thấm máu của nhiều đồng đội. Hồi đó, ông ở vai trò vị trí gì trong đội hình đánh giặc?”, tôi buột miệng. Đại tá, anh hùng Lê Hải Lý: “Tôi ở Đại đội 22 trợ chiến Quảng Nam, có 4 trung đội (cối 81mm, 12,7mm, phóng bom và đại liên) bố trí hướng phía bắc, dưới đồng 5 sào ở nhà thầy Tài. Lúc đầu ở ngoài đình Tứ Sơn, sau đó chuyển sát chân núi Bồ Bồ. Địch rất đông, xe tăng, xe bọc thép lên hàng trăm chiếc. Quyết tâm đánh chiếm đỉnh Bồ Bồ, đại đội tôi phân công nhau vác đạn cối 81mm chiến lợi phẩm đánh xuống Ba Truông. Quân ta đánh chiếm điểm chính hết đạn, liền phân công nhau lấy đạn pháo cối. Tôi vác đạn bị thương ở phía sau lưng, nhưng viên đạn ga-răng lại chạy ra cánh tay phải, may mắn gặp cô Lý du kích Tứ Sơn khiêng ra. Hồi ấy chúng tôi còn rất trẻ, tuổi chỉ 18, 20. Tôi nhớ trước khi đi đánh trận này, Tỉnh đội trưởng Võ Thứ chuẩn bị công tác hậu cần rất kỹ, xác định việc chết sống rất rõ, giao cho anh em đào sẵn 2 hào để sẵn sàng chôn cất các liệt sĩ hy sinh. Tôi lên vác đạn gặp xác địch ngổn ngang, máu chảy tràn hơn 50 mét... Chiến tranh mà! Chết chóc, mất mát nhiều quá. Mỗi lần về Bồ Bồ, tôi lại nhớ thương đồng đội đã ngã xuống và nhớ ơn cô Lý du kích đã cứu sống mình. Trong hương khói bảng lảng, tôi để ý thấy những tàn nhang cúi đầu, một làn gió mát đi qua. Hình như các anh linh đồng chí đồng đội đã về chứng nhận tình cảm vợ chồng Đại tá Lê Hải Lý dành cho những người hiến dâng xương máu cho Tổ quốc.

Xe chúng tôi qua Cẩm Lý - ngã ba Trùm Giao, nơi xưa là đồn Trùm Giao của địch, nay là một trường tiểu học có kênh mương chảy qua. Anh Lý nhớ lại với vẻ mặt không vui: “Ở Trường Giảng, Cẩm Lý, tôi đánh trận không thắng, do có kẻ nội ứng cho địch. Lúc đó, tôi là chiến sĩ của tỉnh đội tham gia đánh cùng Đại đội 61. Ở đoạn cống Chánh Hồ, hồi năm 1974, tôi về phép thăm nhà, có 1 tiểu đội bảo vệ. Nhưng có 2 tên điệp chỉ điểm đưa trung đoàn ngụy vây tôi. Hai máy bay trực thăng ra rả gọi Lê Hải Lý, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam về xã đầu hàng. Anh Lê Công Thạnh - Phó Chính ủy Quảng Đà điện báo với Tiểu đoàn 3 của ta đóng ở Cồn Phủ (La Trung bây giờ) hỗ trợ cho tôi. Lúc đó trời mưa nặng hạt, tháng 10 nước băng đồng. Bộ đội ta bị thương 4 người, lại hết đạn. Anh em bảo vệ lo: Bây giờ không có đường đi, địch vây khắp nơi. Tôi bảo: Ta băng đồng thôi, đi sát bờ rào địch ở Phong Thử. Anh em lại lo: Thương binh làm sao đây?. Tôi bảo: Kiếm thuyền chở thương binh chở đạn về. Vậy là tôi qua bến Hục, qua luôn sông gặp đồng chí Phùng Thành, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn đón ở Gò Nổi. Thoát chết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:17:29 pm »

Xe chúng tôi về Điện Thọ, ghé nhà thờ ông nội của anh Lý - thủ sắc Lê Văn Tập. Vợ chồng Đại tá Lê Hải Lý thành kính dâng hương trên bàn thờ, tặng quà cho gia đình anh Lê Văn Ái, cháu kêu ông thủ sắc bằng cố. Bà Phan Thị Hải, chị dâu anh Lý kể: Chú Lý hồi nhỏ giỏi lắm, siêng bắt cá, bắt lươn. Sau đó tham gia du kích thôn, làm liên lạc chạy loanh quanh, năm 1950 xung phong đi bộ đội. Anh Lê Văn Tâm, bà con với anh Lý, từng là chiến sĩ đặc công đơn vị H29 Quảng Nam - Đà Nẵng kể: Nhà ông nội anh Lý có 4 người là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Lê Thị Để, chị ruột; Lê Thị Én, bác dâu; Mai Thị Hường, thím ruột; Lê Thị Kề, chị con bác ruột). Đặc biệt ông cố tôi đẻ ra 9 người con trai, 2 người con gái đều hy sinh. Kháng chiến chống thực dân Pháp có Lê Văn Đinh, Lê Văn Bàn; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có: Lê Văn Nhạn, Lê Văn Giá, Lê Văn Cổ, Lê Văn Nhỏ, Lê Văn Chính, Lê Văn Cần, Lê Văn Mười, Lê Thị Lẫm. Nhà đang ở thuộc thôn Trung, làng La Huân. Quê chính của anh Lý ở làng Giáng La. Năm 1975 sáp nhập thôn Trung và làng Giáng La thành La Trung. Trong kháng chiến chống Pháp, anh em bộ đội về xứ ni làm ruộng nhiều, được dân thương mến, đùm bọc, giúp đỡ như con trong nhà. Làng Giáng La là chiếc nôi của cách mạng, nơi có Đảng sớm, thành lập chi bộ đầu tiên tên là Phan Vàng (người bí thư đầu tiên của làng Giáng La). Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi hoạt động cách mạng đầu tiên, có nhà thờ họ Phan được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Giáng La là “đất thánh của cộng sản”, nổi tiếng có nhiều gia đình trụ bám. Làng hồi đó có 140ha, nhưng có 3 đồn địch đóng là Bà Đá, Bà Lý, Ông Liệu. Bà Phan Thị Hải là đảng viên kiên cường bám trụ, Làng chúng tôi tự hào có truyền thống cách mạng, có nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh và nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nghe anh Tân và bà Hải nói, tôi chợt nhớ tới rất nhiều những đóng góp, hy sinh thầm lặng của bà Bác Sâm trong hai cuộc kháng chiến, từng là cơ sở tích cực nuôi giấu cán bộ; trong những năm đen tối, trực tiếp che chở cán bộ, du kích, nắm tình hình địch cung cấp cho du kích, bộ đội diệt ác phá kềm, từng là bí thư chi bộ Thạc Gián (Đà Nẵng) - chi bộ 2 của Điện Thọ, từng tự cắt cổ để phản ứng địch trong tù; những thành tích khó ai làm được của anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Chính - một trong những người cướp súng Mỹ đầu tiên, chặn xe tăng Mỹ đầu tiên, bắt sống Mỹ đầu tiên của chiến trường Quảng Đà...; những hoạt động chỉ đạo, chỉ huy phong trào học sinh sinh viên trong đô thị miền Nam của người trí thức cách mạng yêu nước của Lê Công Cơ; những chiến công vang dội trên chiến trường Quảng Đà, Quảng Trị của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trí... đều cùng quê xã Điện Thọ với Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hải Lý. Lê Hải Lý sinh ra và lớn lên trên cội nguồn truyền thống ấy và anh thoát ly tham gia kháng chiến với tư cách người chỉ huy, hoặc trực tiếp đánh nhiều trận nổi tiếng ở các vùng quê khác trên quê hương Quảng Đà, Quảng Nam “trung đũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Chia tay bịn rịn với gia đình, với vùng quê giàu truyền thống, xe chúng tôi trực chỉ thành phố Tam Kỳ - tỉnh lỵ Quảng Nam. Anh Lý bồi hồi xúc động vì Tam Kỳ, Núi Thành là quê hương thứ hai của mình, vì cán bộ và nhân dân ở đây nuôi dưỡng, đùm bọc và che chở anh trong quá trình bám nắm, đánh địch; vì ở nơi đây, tên tuổi của anh và đồng đội gắn liền với những chiến công chung của các chiến trường làm cho Mỹ cút, ngụy nhào. Anh đưa chúng tôi thăm trung tâm trụ sở của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Anh xin anh em công an bảo vệ được chụp ảnh kỷ niệm trước cổng chính có hai cây trụ rất đẹp của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, trước đây là Tỉnh đường Quảng Tín. Nơi đây, trong mùa xuân Mậu Thân năm 1968, anh là Chính trị viên Tiểu đoàn 70 chỉ huy bộ đội đánh vào đầu não của quân địch. Anh kể: Ban đầu, chúng tôi chuẩn bị đánh vào phía tây, nhung không được, nên đánh hướng phía bắc. Nhờ đội công tác của anh Trần Chí Thành dẫn đường thuận lợi, nên Tiểu đoàn 70 chủ công đánh chiếm nhà Tỉnh đường trong 36 giờ. Do chưa tính toán kỹ, hai múi giờ Hà Nội và Sài Gòn khác nhau, nên kế hoạch của ta bị lộ, địch tăng cường chiến đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn cộng hòa, 1 tiểu đoàn bảo an. Đội công tác của anh Thành dẫn đội hình của Tiểu đoàn 70, chủ công đánh chiếm nhà Tỉnh đường (Tỉnh đội trưởng Trần Kim Anh phụ trách). Xe tăng địch lên cắt đội hình, anh Vũ Thành Năm, Tiểu đoàn trưởng bị thương tại bờ rào phải đưa ra. Tôi là Chính trị viên lúc này kiêm luôn Tiểu đoàn trưởng đánh chiếm Tỉnh đường 2 ngày 3 đêm...

Biết bao nhiêu kỷ niệm và ký ức đan xen, anh đưa chúng tôi đến chụp ảnh bên lô cốt địch ngày xưa nay cỏ, rêu đã phủ xanh như một chiến tích, chứng tích. Anh bảo: “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nên nhận thức là quân ta đã đánh bại ý chí xâm lược Mỹ”. Xe đưa chúng tôi ra khỏi cổng, anh bần thần nói: “Phía sau trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có 2 lô cốt cổng sau, trong đó có một lô cốt quân ta hy sinh 4 đồng chí và lô cốt còn lại hy sinh 2 đồng chí.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:17:50 pm »

Anh Lý đưa chúng tôi vào khu tập thể quân đội đối diện Nhà khách nội bộ của Ủy ban nhân dân tỉnh gặp anh Phan Thanh Tuấn, nguyên là trợ lý tác chiến Tỉnh đội Quảng Nam. Anh làm trợ lý rất thâm niên, từ năm 1967 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau đó qua viết Tổng kết chiến tranh. Tay bắt mặt mừng, anh Lý và anh Tuấn, hai người “ăn cơm mới nói chuyện cũ”. Chuyện kể như bắp rang. Anh Tuấn bộc hạch: Hồi đó, tôi có nhiệm vụ chuyên tổng hợp tình hình tác chiến của tỉnh hằng ngày, điện báo cáo cho Quân khu, Tỉnh ủy và tổng kết chiến tranh. Quảng Nam qua nhiều đời Tỉnh đội trưởng. Quách Tự Hấp đầu tiên, đến Trần Kim Anh, anh Kim Anh đi Bắc đến anh Huỳnh Bá Thừa (anh Năm) hy sinh. Anh Thừa hy sinh đến anh Nguyễn Hoán. Anh Lê Hải Lý cuộc đời dài, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 70, anh Vũ Thành Năm, Tiểu đoàn trưởng. Tôi ở trên cơ quan Tham mưu của tỉnh, còn anh Lý là Chính trị viên tiểu đoàn nhưng rất thân nhau. Trận Mậu Thân năm 1968, ngoài hai vị chỉ huy Năm, Lý còn có anh Bùi Thanh Cao, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 70 đi cùng. Trận đó, khi phía bắc đánh vào cánh quân chủ yếu, Tiểu đoàn 70 chủ công đánh tập kích giỏi. Anh Lý và anh Năm chỉ huy. Anh Năm bị thương được đưa ra, anh Lý kiêm luôn Tiểu đoàn trưởng đánh Tỉnh đường. Tiểu đoàn 70, một mũi đánh sâu Tỉnh đường tầng 2, ở lại đến ngày hôm sau. Năm 1968 đánh không có lệnh rút, không đưa thương ra, quyết giải phóng xong để đưa anh em thương binh đi bệnh xá, bệnh viện. Anh Lý thấy “thế sự” không thực hiện được - do trận địa pháo của địch ở Tuần Dưỡng khống chế - nên giao nhiệm vụ cho anh Phan Đình Kỉnh - Chủ nhiệm pháo binh khống chế lại trận địa pháo của địch, nhưng không thực hiện được. Trận tiến công năm Mậu Thân bị lộ, Mỹ chặn quân. Vai trò anh Lý lúc đó là chỉ huy tiểu đoàn, thấy tình thế không làm chủ thực hiện ý định quân khu đánh giải phóng tỉnh, nên cho giãn đội hình ra đường tre Phương Hòa (Kỳ Hương) đánh tiểu đoàn bảo an, trụ lại trong làng (khoảng 1 cây số) 1 ngày rồi rút ra, nên tiểu đoàn ít bị tổn thất. Phía Tiểu đoàn 16 đặc công, do anh Trần Kim Anh phụ trách (có đồng chí Hoàng Minh Thắng đi theo) bị tổn thất. Đơn vị đặc công đánh vào cơ quan sư đoàn bộ Sư đoàn 2 ngụy bị tổn thất nặng, chỉ còn 8 đồng chí, phần lớn hy sinh hết. Tiểu đoàn này còn anh Đoàn Ngọc Danh Chính trị viên Tiểu đoàn. Tiểu đoàn 74, anh Phạm Văn Anh hành quân bị thương, nên cấp trên điều anh Đích, trợ lý ban tác chiến làm Tiểu đoàn trưởng. Anh Đích hy sinh, tiểu đoàn bị thiệt hại nặng. Tiểu đoàn 70 hy sinh gần hết Đại đội 2. Tiểu đoàn 70 lui quân ra, chỉ huy cấp trên khen xử lý tình huống giỏi. Khi địch đưa xe tăng lên, bộ binh đánh lên ép vô, cắt đứt đội hình của ta, mặc dù chưa có lệnh lui quân, anh Lý giãn đội hình ra, vừa đánh vừa lui vừa giữ đưa được thương binh ra.

Nói về người đồng đội vừa là cấp trên thân thiết của mình, anh Tuấn cởi mở: “Anh em sợ anh Lý lắm, vì anh rất nghiêm, nói chắc như đinh đóng cột. Khi tập huấn chiến thuật xung, hỏa lực kết hợp, dùng hỏa lực mạnh mở rào để đánh. Anh Lý đi đường, anh Hiền, chủ nhiệm công binh mang thủ pháo, chất nổ định đánh cá, nhưng không dám ho he. Thực tế đánh xung hỏa lực kết hợp, hoặc đánh theo binh chủng hợp thành thì chỉ huy bài bản, nhưng thường là thương vong cao. Đánh mật tập, chỉ huy cực hơn, bảo đảm bí mật, thương vong ít; nếu lộ, thương vong cao. Binh chủng hợp thành đánh là thắng, còn mật tập đánh xong phải lui. Chỉ huy hợp thành nhẹ hơn, nhưng phức tạp hơn, phải suy nghĩ về bài binh bố trận, phải tính toán. Ở Hố Rổi, quân ta chưa kịp đánh địch ban tối, thì ban ngày chúng phát hiện sở chỉ huy của ta, để đại đội trinh sát vây bắt. Lúc đó anh Lý cùng đi với vệ binh, anh Lý lấy khẩu AK trên tay chiến sì vệ binh vừa hy sinh bắn rơi và cháy hai máy bay, chỉ huy đơn vị diệt đại đội trinh sát của Sư đoàn 2 ngụy đổ xuống”. Anh Lý bổ sung: “Đánh mật tập nên ta giấu lực lượng. Địch phát hiện sở chỉ huy Tỉnh đội, chúng bắn rốc-két xuống. Vì lý do sức khỏe, anh Năm giao nhiệm vụ chỉ huy cho tôi, tôi cử 3 vệ binh đi theo, nhưng trực thăng rà sát ngọn tre, cắt đội hình, bắn như vãi đạn, anh Năm hy sinh. Tôi lấy AK của chiến sĩ vệ binh Hiệu bắn loạt thứ nhất cháy ngay máy bay trước hầm chỉ huy. Chiếc thứ hai cháy trên đồi Đá Mọc khoảng 500m. Tôi hạ lệnh tất cả sở chỉ huy chuyển sang nắm đội hình tiểu đoàn 70, 74, lệnh cho Huyện đội Quế Sơn vận động từ đường sắt lên 2 đại đội vây diệt toàn bộ đại đội trinh sát ngụy, bắt 15 tên dẫn về phía sau. Tôi gặp cô Lệ Thi y tá bị thương ở trận đó nằm ngoài đồng. Ba anh em 2 khẩu AK, 1 máy PRC25 cõng, khiêng cô đưa về hang đá Quế Sơn. Anh em thay nhau khiêng về căn cứ Hòn Tàu. Sau trận đánh diệt đại đội trinh sát, 2 máy bay, cả quân khu, cả nước đều biết tên. Năm 1972, đánh ở Chà Vu, Đá Nẻ, bắc Tam Kỳ, Tiểu đoàn 74 dùng H12, H66 bắn trực tiếp tiểu đoàn bảo an. Chúng tháo chạy, Tiểu đoàn 72 lót diệt”.

Anh Tuấn say sưa bổ sung: “Năm 1972, Lê Hải Lý đưa lực lượng Quảng Nam xuống vùng đông Thăng Bình, Tam Kỳ xuống đánh vu hồi giải phóng Tam Kỳ, đưa lực lượng địa phương tỉnh xuống đánh mở ra vu hồi chiến dịch không để địch chạy vào Chu Lai. Anh Lý chỉ huy 4 tiểu đoàn 70, 72, 74, 16 và 2 đại đội huyện Thăng Bình, Tam Kỳ”.

Chúng tôi về ngã tư Hà Lam (Thăng Bình), rẽ đường xuống xã Bình Đào, gần chợ Trà Đỏa. Anh Lý thỏ thẻ với vợ: “Em à, mẹ Quế ở thôn Hà Bình từng nuôi anh trong hầm năm 1967. Đánh trận Mộc Bài, anh bị thương trên đầu, anh em chiến sĩ khiêng xuống xã Bình Dương nằm tại đội phẫu thôn 2 Bình Dương. Tưởng anh chết, anh em đưa anh giấu ở vườn thông và định “xin” hai chéo dù hoa. Nhưng có sự kỳ diệu, thấy anh cụ cựa người sống lại, anh em mừng gửi lại hai chéo dù hoa quàng trên cổ anh như một vòng hoa chiến thắng cái chết. Anh được cáng về đội phẫu của Tỉnh đội ở Hà Bình cùng với anh Học, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 70 cũng bị thương ở chung, lúc ấy anh là Chính trị viên tiểu đoàn. Nơi đây có bữa quân Mỹ càn nhà có hầm nấp pháo mở cửa sang hầm bí mật. Dân ở đây bảo vệ thương binh, ngụy trang làm cho bẩn thỉu để địch nghe hôi thối tránh xăm hầm”. “Mẹ Quế và gia đình nuôi dưỡng anh như thế nào?”, tôi hỏi. Anh Lý: “Dân nuôi, tôi biết ơn cả đời. Mẹ Quế ăn khoai, còn nấu riêng cơm cho tôi ăn. Mẹ có hai cô con gái Hoa và Huệ cũng xinh gái, thường bưng bê cơm cho tôi. Mẹ còn có một con trai ở Tiểu đoàn 70 hy sinh năm 1966, sau này tôi về làm bia mộ cho cả hai ông bà Quế và con trai mẹ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:18:51 pm »

Đường quê Bình Đào toàn cát là cát và phi lao. Đã gần 3 giờ chiều chúng tôi bước vào nhà mẹ Quế khi trưa nay cả nhà làm giỗ mẹ. Anh Lý ân hận vì quá bận bịu quên mất. Anh và vợ mang bánh trái lên thắp nhang cho mẹ Quế, rồi đưa chúng tôi ra thăm thắp nhang tiếp trên mộ. Khu nghĩa địa của dân hoang vắng, vi vu gió thông reo. Dưới cát cằn, tôi thấy rất nhiều hoa ké bông vàng nhỏ li ti. Chị Hòa, vợ anh Lý kể: “Khi mẹ Quế mất, anh Lý về mấy ngày để tang và lo hậu sự chu đáo cho mẹ. Anh đặt bia đá Non Nước chở về làm bia mộ cho hai vợ chồng mẹ Quế và hai người con của mẹ. Trước mắt tôi là mộ bia của liệt sĩ Nguyễn Tấn Tám, nhập ngũ năm 1965, bị thương ở Đại đội 15 Huyện đội Thăng Bình và hy sinh vào năm 1970 trong trận không vận. Anh Lý bùi ngùi: “Tám là chiến sĩ đơn vị tôi, đánh giặc rất chì, hy sinh anh dũng”. Anh Hải, cháu nội mẹ Quế xúc động: “Dân Quảng Nam từ vùng đông đến vùng tây đều quý và thương bác Lý. Bác sống chí tình chí nghĩa không chỉ với gia đình tôi mà tất cả mọi người. Kỷ niệm ngày thành lập Tiểu đoàn 70, những năm sức khỏe còn tốt, bác Lý còn vận động các chú, các bác trong đơn vị khăn đùm, khăn gói đến thăm tặng quà hầu hết các nhà từng cưu mang bộ đội.

Chập choạng hoàng hôn, chúng tôi về lại Đà Nẵng. Anh Lý nhắc lái xe đưa về thăm nhà anh Võ Ngọc Khuê - nguyên Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Quảng Nam năm 1974-1975, về nghỉ hưu năm 1993. Hai vợ chồng anh Khuê ân cần đón tiếp người đồng đội, đồng thời là cấp trên của mình như người trong nhà thân thiết. Anh Khuê xởi lởi: “Bữa anh Lý làm hồ sơ đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, tôi viết nhận xét rất ngắn gọn, nhưng đầy đủ. Anh Lý là thương binh nặng loại 1, nhưng nhiều lần cấp trên cho ra Bắc chữa bệnh, nhưng vẫn kiên quyết ở lại bám dân, bám chiến trường. Trong một trận đánh lớn, quân ta chỉ một tiểu đoàn, do anh Lý chỉ huy đánh Hố Rổi ở xã Phú Thọ. Khi hành quân giáp vùng Quế Sơn, thì một đại đội trực thăng Sư đoàn 2 ngụy đánh phủ đầu. Trong khi vì lý do sức khỏe Tỉnh đội trưởng Huỳnh Bá Năm không chỉ huy được, thì anh Lý chỉ huy ra lệnh cấp thiết chiến đấu, cuối cùng diệt gọn đại đội trinh sát của địch, bắn rơi 2 máy bay. Trên đường về, cõng một thương binh đến vùng căn cứ. Anh Lý gan lỳ thực sự, cả tỉnh thừa nhận là dũng cảm, thông minh, rất quyết đoán, chỉ huy quyết liệt. Ngay trận Phú Ninh năm 1969, mặc dù địch có 1 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn ngụy, mình thực lực ít, nhưng cuối cùng vẫn đánh và tiêu diệt được sinh lực địch. Trận này, thắng giòn giã, cả tỉnh Quảng Nam đều khâm phục, về tính nết, anh nóng, phê phán gay gắt là do một vài anh em ta nhát gan, hoặc sợ địch. Trong chiến đấu, anh em nào do dự là gay với anh Lý”.

Chị Trần Thị Bạn, vợ của anh Khuê - trong kháng chiến chống Mỹ, làm công tác binh địch vận, sau qua tuyên huấn, Phó ban Tuyên huấn Thị ủy Tam Kỳ thời anh Lý làm Thị đội trưởng, Phó Bí thư Thị ủy - bổ sung: Anh Lý có những cái tôi nhớ miết đến bây giờ. Tôi nhớ có lần, 3 giờ chiều cơm nước xong, tôi ra điểm tập kết, có loa pin để làm công tác địch vận. Hồi trước, tôi làm công tác Đoàn, ủy viên Ban chấp hành Huyện đoàn Bắc Tam Kỳ. Tôi gọi loa, hát cho binh lính địch nghe. Anh Lý tính nghiêm khắc, không chỉ với lính ta, mà lính địch nghe tiếng đều nể sợ. Một đồng chí ở V18 kể: Đi với anh Lý xuống cơ sở, địch phục kích, rúc kẽm gai ấp chiến lược, nổ lựu đạn. Có anh em ta sợ chạy thì anh Lý túm chân kéo lại. Anh bảo: Bắn nó, chứ chạy hả!”. Anh Lý nghe chị Bạn nói, cười ha hả: “Hồi tôi bị địch phục đầu sân bay Ngọc Bích năm 1969-1970. Tôi bình tĩnh đánh địch, nổ súng, ném lựu đạn. Trong lưng tôi lúc nào cũng lận từ 2 đến 3 quả lựu đạn US. Tôi hô xung phong, địch chạy, tôi cũng chạy”. Chị Bạn kể tiếp: “Có một kỷ niệm hồi đánh ở Trường Cửu - Kỳ Bích năm 1969-1970, địch pháo kích vào chỗ tôi quá trời, tôi lo hỏi sao không thấy anh Lý xuống hầm. Anh Lý cười: “Nó trúng thì đã trúng rồi, chứ nấp chi, tau mệt quá”. Anh Khuê tiếp lời: “Tỉnh đội Quảng Nam thường hành quân xuống vùng đông Thăng Bình, Tam Kỳ. Có nhiều trận không tháo gỡ vì tăng vào, trận địa tổn thất. Năm 1972, trận đó tôi cùng đi với anh Lý. Anh Lý bảo: Mình ở đây, địch gì cũng đánh được, nhưng lính hơi ngại xe tăng địch, tôi quyết tâm trận này diệt cho bằng được xe tăng. Đầu tiên tập trung hỏa lực đánh phủ đầu một trận trong đêm để lấy khí thế, trong khí đó phương án tác chiến phải xây dựng trận địa liên hoàn. Lực lượng xe tăng đông, mình gỡ công sự đầu, lại lui công sự sau đánh. Trận đầu tiên, ta diệt 4 xe tăng, 3 máy bay trực thăng; trận sau không vận, ta diệt 5 xe tăng, 6 trực thăng của sư đoàn không vận A-mê-ri-cơn”.

Chuyện về người anh hùng Lê Hải Lý như không muốn dứt ra với hai vợ chồng anh Khuê. Tôi nghĩ còn biết bao điều mà những người làm sách chúng tôi còn phải tiếp tục gặp nhiều đồng chí, đồng đội, đồng bào kể tiếp. Phải viết lại nhiều hơn nữa khi các anh chị đang còn sống, chứ không khéo, sau này lớp con cháu nghĩ đó như là chuyện cổ tích, hoặc huyền thoại mà thôi.

                                                                                                                                                               
Đà Nẵng, ngày 20 tháng 1 năm 2011
L.A.D
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:27:58 pm »



Đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5
chụp ảnh lưu niệm sau khi giao nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng Quảng Nam cho đồng chí Lê Hải Lý tại Làng Hồi, năm 1974



Đồng chí Nguyễn Chánh - Phó Tư lệnh Quân khu 5 chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Lê Hải Lý
sau khi giao nhiệm vụ chống địch lấn chiếm, tháng 1 năm 1974



Đồng chí Lê Hải Lý trình bày kế hoạch tác chiến Xuân 1975 trước Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam



Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
thăm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1976
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:32:11 pm »



Vị trí cổng tỉnh đường Quảng Ngãi của địch, nay là cổng của trụ sở Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam



Đồng chí Lê Hải Lý và đồng chí Đỗ Sa đặt vòng hoa tại tượng đài Chiến thắng Núi Thành



Cùng đồng đội viếng nghĩa trang Trường Sơn, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2020, 04:38:52 pm »



Cùng đồng đội viếng thăm, thắp nhang tại tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ



Đồng chí, đồng đội chúc mừng Đại tá Lê Hải Lý được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2010



Đồng chí Lê Hải Lý nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, ngày 31 tháng 8 năm 2010



Gia đình Đại tá Lê Hải Lý
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM