Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:47:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người con đất Quảng kiên trung  (Đọc 4897 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:05:29 am »

Tên sách: Người con đất Quảng kiên trung
Tác giả: Đại tá, anh hùng LLVTND Lê Hải Lý
Thể hiện: Nguyễn Sỹ Long
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2011
Số hóa: macbupda


Lời giới thiệu

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải Lý là một cán bộ chỉ huy can trường trong chiến đấu, hết lòng vì đồng đội trong thời bình, giàu nghĩa tình trong cuộc sống. Từng sát cánh cùng anh trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi cảm nhận ở Đại tá Lê Hải Lý sự gan dạ, dũng cảm, sáng tạo của người cán bộ chỉ huy. Trong cuộc đời binh nghiệp, anh đã 5 lần bị thương, trong đó 3 lần được tổ chức cho ra miền Bắc, nhưng xin ở lại bám trụ chiến trường để tiếp tục chiến đấu.

Đại tá Lê Hải Lý cũng như nhiều thiếu niên được sinh ra và lớn lên ở nửa đầu thế kỷ XX, có một tuổi thơ gian khổ, nhưng cũng đầy bi tráng. Cha mẹ tần tảo nuôi 7 anh em khôn lớn. Năm 13 tuổi, Lê Hải Lý xung phong làm liên lạc cho đội du kích địa phương. Nhiều lần tham gia chiến đấu cùng bộ đội chủ lực, anh thấy bộ đội cũng có nhiều người nhỏ như mình nên quyết tâm xin đi cho bằng được, mặc cha mẹ cho rằng: “Mi còn con nít mà đánh giặc gi”. Cũng bắt đầu từ năm 1950, anh chính thức trở thành người chiến sĩ liên lạc Huyện đội Điện Bàn.

Từ khi anh trở lại miền Nam chiến đấu năm 1962 trên các cương vị chỉ huy từ đại đội lên tỉnh đội trưởng, Lê Hải Lý đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 120 trận, từ tiêu diệt đại đội lính Mỹ đến tiểu đoàn lính ngụy. Những trận đánh có anh tham gia đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm, thể hiện sự gan dạ, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo độc đáo của người chỉ huy có thể kể đến một số trận sau: Trận thứ nhất là tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó, Lê Hải Lý bị vết thương ở bàn chân đang đi khập khiễng được cấp trên cho nghỉ an dưỡng, song anh vẫn xin đi chiến đấu với danh nghĩa Chính trị viên Tiểu đoàn 70 chủ lực của Tỉnh đội. Anh đã động viên cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu chiếm Tỉnh đường Quảng Tín (thành phố Tam Kỳ ngày nay). Trong một đêm một ngày, ta đã cắm được lá cờ Giải phóng lên dinh tỉnh trưởng. Sau trận này, cùng với thành tích của đơn vị được khen thưởng, Lê Hải Lý nhận tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Tham gia chiến dịch Z1, anh đã chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt với một tiểu đoàn lính Mỹ, một tiểu đoàn lính cộng hòa; một tiểu đoàn lính bảo an và có 30 xe tăng yểm trợ. Trong tình thế nguy nan, địch đã hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 70, anh quyết đoán chỉ huy trực tiếp một trung đội đánh thẳng vào đại đội địch. Bản thân anh đã dùng súng AK của chiến sĩ tiêu diệt 15 tên lính Mỹ, kéo địch, về hướng tấn công bất ngờ của người chỉ huy. Hành động anh dũng đó của anh đã tạo cơ hội cho tiểu đoàn mở hướng vượt ra ngoài và đánh trở lại quân Mỹ-ngụy. Địch bị bất ngờ, hoang mang bắn lẫn nhau, còn Tiểu đoàn 70 được bảo loàn.

Ngày 23 tháng 3 năm 1975, Tiền phương tỉnh Quảng Nam điện cho Ban Chỉ huy vùng đông vượt qua vùng địch, gồm 3 xã chưa được giải phóng. Anh Lý chấp hành mệnh lệnh dùng hai Tiểu đoàn 70 và 72 vượt qua vùng địch đêm 23 tháng 3 năm 1975 đánh đồn Núi Cấm, trận địa pháo 105 ly ở Núi Cấm diệt gọn địch tháo chạy đánh sập cầu Kỳ Phú. Sáng 24 tháng 3 năm 1975, xe tăng bộ binh Sư đoàn 2 xuất hiện trên đầu cầu Tam Kỳ, ngã ba Trường Xuân, địch phải tháo chạy, ta vào giải phóng Tam Kỳ lúc 10 giờ 30 ngày 24 tháng 3 năm 1975.

Còn rất nhiều nữa những chiến công của người con đất Quảng hiếu trung - Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải Lý mà tôi không thể nói hết. Những kỷ niệm thời chiến tranh, tâm sự đầy nghĩa tình sau giải phóng, v.v. của anh được gửi trọn trong những trang sách này. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc gần xa để có dịp hiểu thêm về người con anh hùng của đất Quảng anh hùng “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.


HOÀNG MINH THẮNG
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
                                                                                                                                                           
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng,
Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:41:27 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:07:02 am »

Chương một

KÝ ỨC GIÁNG LA


Mỗi con người được sinh ra từ một miền quê, khi lớn lên, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, dù ít hay nhiều đều có những kỷ niệm khó phai. Với tôi, quê hương trong hoài niệm tuổi thơ là đói khổ, là cuộc sống trâu ngựa của người dân mất nước. Sớm tham gia hoạt động cách mạng, thoát ly năm 15 tuổi nên ký ức tuổi thơ tôi về quê hương là một chuỗi dài thương nhớ. Sau này lớn lên đi theo suốt cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, khi đất nước ca khúc khải hoàn tôi mới có điều kiện trở về thăm quê. Lúc đó, quê tôi đã đổi khác, những người thân yêu nhất của tôi kẻ còn, người mất. Vì thế, ký ức về làng Giáng La càng được khắc sâu trong tâm thức.

Cư dân quê tôi có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tương truyền, thuở xa xưa, xã Điện Thọ quê tôi từng là mảnh đất đầu cầu, làm cửa ngõ xuất quân cho những đoàn quân đi mở đất phương Nam vì có vị trí địa lý xa núi, gần sông, thuận lợi cho các hoạt động giao thương. Ngay từ triều đại nhà Trần, các lưu dân miền Bắc, chủ yếu là các xứ Thanh - Nghệ đã vượt qua bao gian lao nơi rừng sâu núi thẳm hay biển động chiều hôm vào đây lập nghiệp. Họ đã biến vùng đất hoang vu, rậm rạp, đầy thú dữ rắn rết thành những ngôi làng quần cư, vừa để khẳng định có sự sống của con người, vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Trong suốt tiến trình lịch sử của các triều đại phong kiến sau đó, quê hương tôi tiếp tục được mở mang, thay đổi tên làng, tên xã nhiều lần. Qua các lần chia tách, sáp nhập, đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Điện Thọ gồm có 12 làng là Kỳ Lam, Long Hội, Bì Nhai, Ngọc Trâm, An Tế, Phong Thử, La Huân, Thủy Bồ, Châu Lâu, Ái Mỹ, Giáng La và Đức Ký. Trong số các làng trên thì Giáng La, La Huân, Đức Ký đã có xã hiệu từ thế kỷ XVI, là những làng có xã hiệu sớm nhất.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc sống của người dân quê tôi rất cực khổ, phần lớn chịu cảnh “ăn cơm vay, cày ruộng rẽ”. Bọn trẻ con chúng tôi lúc bây giờ, gia đình nào không có ruộng đất, đông con thì cho đi ở giữ trâu cho nhà giàu trong làng. Hầu hết người dân quê tôi lúc bấy giờ, từ nhà giàu cho tới hạng cùng đinh, chủ yếu sống bằng nghề nông. Thiên nhiên ban tặng cho đất Điện Thọ nhiều ưu đãi hơn một số vùng đất khác, nên mỗi năm cây được hai vụ lúa vào tháng ba và tháng tám.

Cùng với làm ruộng, nghề trồng bông dệt vải cũng góp phần làm nên diện mạo quê tôi. Có nơi, cả làng đều kéo vải. Họ làm ra những tấm vải có khổ hẹp ba tấc rưỡi. Sản phẩm làm ra không chỉ được tiêu thụ tại địa phương, trong nước mà còn được các thương nhân chở sang bán tại các nước láng giềng như Cam-pu-chia và Lào. Đặc biệt, ở các làng Giáng La, Thủy Bồ, Đức Ký còn có nghề đan lát bằng tre. Hoặc ở một số nơi dọc theo sông Thu Bồn, nghề trồng mía, làm đường cũng được phát triển. Các sản phẩm như đường bát, đường muổng, đường hạ đã từ thôn quê theo các thuyền buôn đi đến nhiều vùng đất nước.

Thiên nhiên ưu đãi đã làm nên sự trù phú của vùng đất Điện Thọ. Nhiều nghề phụ góp phần hình thành tính cách năng động, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dù đã hết sức cố gắng bươn chải để thoát khỏi số phận, nhưng nhân dân vẫn không thể khấm khá được vì cuộc sống “một cổ hai tròng”, nạn vơ vét của bọn cường hào hoành hành. Do đó, trong làng có rất ít nhà ngói, chủ yếu là nhà tranh vách đất, hoặc làm bằng phên tre trát phân trâu và hầu như nhà nào cũng có vài ba chiếc xe kéo vải. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, lận đận với ruộng vườn, miệt mài với nghề phụ, nhưng nhiều người dân quê tôi không mấy ai thoát được cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Tuy nhiên, có một đặc điểm là dù lam lũ, cực khổ kiếm sống quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng trong làng, trong xã vẫn không có mấy người đi xin ăn. Họ chấp nhận đói khổ, lam lũ, đắp điếm cho qua ngày chứ không chấp nhận ngửa tay đi xin sự bố thí của thiên hạ. Sau này, khi tâm sự, trò chuyện với bạn bè, tôi vẫn thường ví đó là một trong những biểu hiện của sự khảng khái của con người xứ Quảng. Dưới thời Pháp thuộc, quê tôi có rất ít người được đi học; học lên bậc trung học lại càng ít. Vì vậy, đại bộ phận dân cư làm nông là chủ yếu. Cũng bởi môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội tác động nên dân quê tôi mang đặc điểm thật thà, chân chất, nói sao làm vậy, tình nghĩa thủy chung, tối lửa tắt đèn có nhau.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại cho miền quê tôi một luồng sinh khí mới. Bắt đầu là tâm lý được làm chủ đất nước của nhân dân, cùng với đó là việc thực thi một số chính sách của nhà nước ta về giáo dục, khuyến nông, v.v. Trong xã đã có một trường học được mở với bậc lớp bốn, cuối bậc tiểu học. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì giặc Pháp núp bóng quân đồng minh kéo vào với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, tiếp tục gieo rắc tội ác lớn nơi đây. Niềm vui được thoát khỏi đêm dài nô lệ của nhân dân bỗng chốc bị chúng nhấn chìm trong biển máu. Chính quyền non trẻ, nhân dân lầm than lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Đó là sự hy sinh, mất mát, tù đày, tiêu thổ kháng chiến, v.v. Trong 9 năm kháng chiến, xã Điện Thọ nằm trong vùng tạm chiếm. Nhân dân lại rơi vào cảnh bần cùng, cực khổ. Mọi nỗ lực trong xây dựng kinh tế đã bị tàn phá. Nhiều cánh đồng gần đồn địch, dù đất đai màu mỡ vẫn bị bỏ hoang. Làng Giáng La, một vùng đất từng được cán bộ, chiến sĩ suy tôn là “đất thánh của cộng sản”, hay “cái nôi cách mạng”, gần như một trăm phần trăm gia đình theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau này, khi tổng kết hai cuộc chiến tranh, không chỉ riêng tôi mà còn biết bao người khác phải giật mình khi biết rằng con số thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng của Giáng La hầu như nhà nào cũng có, nhà ít thì một, hai người, nhà nhiều tới năm bảy người. Riêng gia đình ông bà nội tôi đã đóng góp tới 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 9 liệt sĩ, 12 thương binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:07:47 am »

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia cắt để chờ hai năm sau tổng tuyển cử. Một số cán bộ tập kết ra miền Bắc. Còn lại nhiều đồng chí được chuyển công tác khác và bố trí hoạt động bí mật. Theo hiệp định, ta bàn giao miền Nam lại cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng chính quyền tay sai đã trắng trợn chống phá các điều ước của hiệp định. Chúng thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm dập tắt ngọn lửa cách mạng trong quần chúng nhân dân. Với chính sách “giết nhầm hơn bỏ sót”, anh em nhà họ Ngô đã xua quân lùng sục, càn quét những nơi chúng nghi ngờ có dấu hiệu cộng sản, bắt bớ tất cả những ai chúng cho là cơ sở cách mạng. Chúng còn đặt ra luật 10/59 để tạo cớ lê máy chém đi khắp miền Nam. Làng Giáng La là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng, được mệnh danh là vùng đất lịch sử lúc bấy giờ, bị địch chà đi xát lại nhiều lần.

Tuy sinh ra ở làng Giáng La, nhưng tôi thoát ly theo cách mạng từ tuổi niên thiếu nên hoài niệm về quê hương những ngày thơ ấu cứ như những thước phim quay chậm khi tuổi già xế bóng. Năm 15 tuổi, tôi đã tham gia bộ đội huyện Điện Bàn, sau đó đi tập kết ra miền Bắc. Đến năm 1961, tôi lại về chiến đấu trên quê hương. Dấu chân tôi đã in hầu khắp các xã của Điện Bàn. Có lẽ không chỉ riêng mình tôi mà những người con được sinh ra nơi đây đều thuộc lòng câu ca:

Đất Điện Bàn vừa xanh vừa mát
Người Điện Bàn dào dạt tình thương
Dù đi chín huyện mười phương
Tâm tư vẫn thấy nhớ thương Điện Bàn

Câu ca trên đã được đúc kết từ quá trình trải nghiệm cuộc sống, nói lên phong cảnh thiên nhiên và bàn chất thuần hậu của con người quê tôi. Trong điều kiện chiến tranh, tôi vẫn có ham thích tìm hiểu truyền thống quê hương. Bạn bè tôi thuở ấy có người bảo: “Bây giờ tập trung lo đánh giặc. Sau này hòa bình rồi tha hồ mà học tập nghiên cứu”. Thậm chí cũng có người tặc lưỡi: “Đánh nhau hết giặc về nhà tự do, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Chuyện học tập để dành phần con cháu”. Tôi không nghĩ thế. Đối với tôi, việc tìm hiểu truyền thống của quê hương là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người. Tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi trang bị cho mình kiến thức xưa và nay về vùng đất nổi tiếng hiểm trở trong buổi đầu đi mở cõi của tiền nhân:

Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim cũng sợ, con cá vùng cũng kinh
pp

Chính cái lạ lùng của quê tôi đã khiến nhiều bậc tiền hiền dừng bước, quần tụ xây dựng nơi đây thành một vùng đất nổi tiếng về nhiều ngành nghề, lắm đặc sản. Đó là:

Hòa Đa buôn mật bán đường
Kim Bồng đục chạm miếu đường thờ vua
Vĩnh Điện tấp nập bán mua
Phú Bông dệt lụa sớm trưa rộn ràng

Nhưng có lẽ không có tài liệu nào in dấu sâu đậm bằng chính con tim khối óc yêu quê hương của mình. Những câu chuyện kể của thầy giáo, tiếng ru bập bõm của mẹ lúc còn thơ đã thôi thúc tôi tìm hiểu về lịch sử quê mình. Sau này, khi đọc một số cuốn sách, tôi được biết, lịch sử hình thành và phát triển của huyện Điện Bàn đã gắn liền với quá trình mở đất của dân tộc Việt về phương Nam. Vì thế, địa lý hành chính có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là tên gọi Điện Bàn không bao giờ thay đổi, nó được lưu giữ với nhiều truyền thống tốt đẹp về văn hóa, lịch sử và cách mạng. Ngày nay, Điện Bàn nằm cách thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ 48 cây số về phía bắc, cách thành phố Đà Nẵng 25 cây số về phía nam; phía bắc giáp huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, phía nam giáp huyện Duy Xuyên; phía đông nam giáp thành phố Hội An; phía đông giáp Biển Đông và phía tây giáp huyện Đại Lộc. Viết hồi ký, tâm sự với lớp cháu con được sinh ra và lớn lên hay chí ít cũng mang trong mình dòng máu Điện Bàn, tôi mong sao mọi người đều biết rằng đây là vùng đất trù phú với nhiều sản vật dồi dào, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam, cùng với những ngành nghề thủ công nổi tiếng như: trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làm đường bát, trồng đay dệt chiếu, làm đồ gốm, đúc đồng Phước Kiều... Điện Bàn còn là vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng”, v.v. Trong lịch sử đã có những vinh danh “Tứ hổ đăng khoa” gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thúc Duyện, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi... Đến thời đại Hồ Chí Minh, Điện Bàn tiếp tục được biết đến là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là quê hương của nhiều anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của cả nước như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh, Võ Như Hưng; bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại liệt sĩ, được Đảng và Nhà nước chọn nguyên mẫu chân dung để xây dựng quần thể tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng quốc gia, v.v. Điện Bàn là huyện lớn, có thời kỳ là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, là vùng đất địa linh nhân kiệt tiêu biểu của xứ Quảng. Đây cũng là vùng đất hiếu học, học giỏi, con người yêu văn thơ, chuộng hò, vè, bài chòi.

Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung
Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam
Non sông ai dựng, ai làm
Dòng Sài Giang uốn khúc, Cù lao Chàm xanh um
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:08:15 am »

Vùng Quảng Nam được “ba hòn xúm lại đỡ” đó là một tỉnh có vị trí địa lý nằm ở giữa miền Trung Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, phía tây giáp nước Lào, phía nam giáp Quảng Ngãi, phía đông giáp Biển Đông.

Quảng Nam có nhiều đồi và núi, chiếm gần ba phần tư diện tích toàn tỉnh, với nhiều ngọn núi cao nổi tiếng như Lum Heo cao 2.045m, Tion cao 2.032m, núi Gole - Lang cao 1.855m... Vùng đất thấp ven biển là đồng bằng châu thổ, chiếm gần 25% diện tích đất của tỉnh tập trung ở phía đông, trải dài hai bên quốc lộ 1. Quảng Nam còn được biết đến bởi các con sông đã đi vào thơ ca, truyền thuyết như Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, v.v. Chúng đều được bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, sau nhiều quanh co uốn khúc vì chở nặng phù sa bồi đắp cho đất Quảng Nam mới chịu dùng dằng đổ Biển Đông. Đặc biệt, hai con sông Thu Bồn và Tam Kỳ vừa tô điểm cho Quảng Nam về cảnh sắc thiên nhiên, cũng vừa là đường giao thông rất tiện lợi cho những cư dân sông nước. Về điều kiện thời tiết, tỉnh Quảng Nam có hai loại khí hậu khá rõ rệt. Đó là, khí hậu của vùng nhiệt đới ven biển và khí hậu ôn đới vùng cao. Thông thường, hằng năm, tiết trời nóng và khô từ tháng 2 đến tháng 4, nhiều mưa từ tháng 9 đến tháng 12.

Nghiên cứu về lịch sử, vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng được tạo lập trên con đường phát triển về phía nam của nhiều thế hệ người Việt. Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích văn hoá thời đại kim khí ở thế kỷ thứ nhất trước công nguyên trên địa bàn Quảng Nam, đó là nền văn hoá Sa Huỳnh. Về sau, người Chămpa đã kế thừa và sáng tạo ra nền văn hoá Chămpa.

Trong những năm từ 1570 đến 1606, chúa Nguyễn Hoàng khi nhận nhiệm vụ làm lãnh trấn Quảng Nam đã coi Đà Nẵng là cửa ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, biến nó thành đất dung nạp những người từ phía Bắc vào khai canh, lập ấp, mở mang sản xuất và dùng thương cảng Hội An khai thông giao lưu với bên ngoài. Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp với nhiều đặc sản nổi tiếng như chè Phú Thượng, quế Trà My, cói Hội An, đường mía Điện Bàn, v.v. về Quảng Nam, chúng ta có thể thả hồn mình vào thế giới cổ xưa với các đền, tháp ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ; những công trình rêu phong ở phố cổ Hội An, trước đây là cảng Đại Chiêm, là một trong những đô thị cổ nhất Đông Nam Á.

Được sinh trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, người Quảng Nam nói chung, Điện Bàn nói riêng có truyền thống lao động cần cù, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách của thiên nhiên và sáng tạo trong tiếp thu cái mới, đặc biệt là hiếu học, coi trọng tranh luận để tìm ra cái đúng, coi trọng thực học để giúp nước giúp đời. Trong đêm dài nô lệ trước khi có Đảng, các bậc chí sĩ, những người dân yêu nước đất Quảng Điện Bàn đã dũng cảm đương đầu với giặc Pháp xâm lược, nhiều chiến sĩ của phong trào Nghĩa hội thà chết chứ không đầu hàng như: Trần Văn Dư, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp... Phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng cũng là một thử nghiệm con đường cứu nước, cứu dân với tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” góp phần hun đúc thêm truyền thống yêu nước, cổ vũ và khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, canh tân đổi mới trong điều kiện thực dân Pháp xâm lược đã đặt xong ách thống trị trên đất nước ta đầu thế kỷ XX.

Truyền thống yêu nước, yêu quê hương, ý chí quật cường, lòng quả cảm của người dân Quảng Nam Điện Bàn được ghi nhận trong suốt cuộc chiến đấu trường kỳ chống xâm lược, vì độc lập, tự do, vì quyền sống con người. Vùng đất Quảng Nam đã từng phải đứng nơi đầu sóng ngọn gió trong nhiều chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến thế kỷ XX, Quảng Nam nổi tiếng với các địa danh lịch sử mà mới chỉ nghe đến tên đã có thể hình dung được sự hy sinh to lớn của quân và dân nơi đây như chiến tích Núi Thành, địa đạo Kỳ Anh, đường mòn Hồ Chí Minh, chiến khu Trà My, chiến khu Hòn Tàu, Đồng Dương, Thăng Bình, v.v. Quảng Nam có phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ tháng 12 năm 1999.

Mỗi khi nghe bài hát về quê hương, tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến, lòng càng tự hào vì được sinh ra trên vùng:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Chứ rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Chớ ai mô nghĩa trọng ơn dày cho bằng ta

Ca từ thôi thúc tôi nhớ về tuổi thơ gian khó của mình. Nơi đó, tôi cũng được mẹ ru trong tiếng đưa nôi để rồi khi đi chiến đấu, xa nhà tôi vẫn không thể nào quên âm hưởng ấu thơ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:08:45 am »

Tôi được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ tôi âm thầm “sáng bán mặt cho đất, chiều bán lưng cho trời”, tảo tần nuôi đàn con khôn lớn. Ký ức tuổi thơ của tôi luôn hằn sâu những ngày cực khổ. Thời bấy giờ, cũng không phải riêng tôi, bạn bè cùng trang lứa cũng không có mấy người được “cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm”. Ngay từ trong nôi, tôi đã được mẹ ru bằng những câu ca dao mang âm hưởng riêng xứ Quảng. Kể cả sau này lớn lên, mẹ vẫn thường hát cho tôi nghe những điệu lý, bài chòi ca ngợi quê hương đất nước. Như cha ông ta đã từng nói: “Mưa dầm thấm đất”, các câu ca, tục ngữ dần dần thấm sâu vào tâm hồn thơ dại của tôi. Bây giờ, tuy tuổi đã trên bảy lăm, nhưng tôi vẫn thuộc lòng. Mỗi câu ca, mỗi điệu hò, lời hát, v.v. đối với tôi như một bài học về sự làm người, về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Ai về Cầu Mống, Câu Lâu
Cho anh về với quảy bầu theo em

Ai qua Đại Lộc, Điện Bàn
Có nghe mát rượi lúa vàng trĩu bông
Bảo An, Gò Nổi ai về
Cồn dâu xanh biếc miền quê tơ vàng

Trong cuộc đời mình, mẹ tôi là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về đạo làm người. Cuộc sống rất cực khổ, nhưng bà không hề than thở. Mỗi câu hát ru con là một lời răn dạy, ngữ nghĩa câu ca luôn hàm chứa sự tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mẹ tôi là người cùng làng Giáng La, về nhà chồng làm dâu từ những năm đầu của thế kỷ XX, một người phụ nữ hiền hậu, hết lòng vì chồng con. Bà yêu người, yêu đất nên biết rất nhiều chuyện về vùng đất lịch sử Giáng La. Khi tôi lớn lên được nghe mẹ tôi kể năm 1935, tức là năm tôi sinh, phong trào cách mạng ở Điện Bàn có nhiều khởi sắc. Sau đó, từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng ta phát động phong trào đấu tranh dân chủ công khai, vi bên Pháp chính quyền bình dân lên nắm quyền đã hứa sẽ giải quyết một số vấn đề về thuộc địa. Những người nông dân như mẹ tôi được cán bộ về tuyên truyền nên cũng ít nhiều hiểu biết những biến cố cách mạng đang xảy ra trên quê hương.

Lúc tôi lớn lên biết đọc, biết viết, cha mẹ tôi bắt đầu kể về truyền thống gia đình. Đúng ra không riêng gì tôi, cả bảy anh chị em chúng tôi đều được hưởng trọn cách giáo dục như vậy. Do đó, tuy không được học hành đến nơi đến chốn, cơm ăn không đủ no, áo mặc mùa đông không ấm, mùa hè nắng cháy da, nhưng chuyện về đất nước, truyền thống gia đình, chúng tôi cứ thuộc lòng. Kho tàng kiến thức đó, hồi chưa tham gia cách mạng, anh chị em tôi chỉ được truyền tải bởi câu chuyện truyền miệng của cha mẹ, người thân. Đến tuổi trưởng thành, chúng, tôi lần lượt theo cách mạng đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự nuôi nấng của một gia đình giàu truyền thống yêu nước.

Người đầu tiên tác động đến tâm tư tình cảm của tôi đối với quê hương, đất nước là ông nội tôi, ông Lê Văn Tập. Như đã nói ở phần trước, nguồn gốc dân cư quê tôi chủ yếu từ xứ Thanh, xứ Nghệ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam đi mở cõi. Mỗi làng, mỗi họ đều có nhà thờ, đình làng để ghi nhớ công ơn của tổ tiên, tiền nhân đã có công khai phá. Thuở ấy, quê tôi vẫn truyền tụng câu nói “nhất Lê, nhất Phan, nhất Nguyễn” để nhắc nhở cháu con về những ngày đầu khai sinh ra vùng đất Giáng La của tiền hiền. Mặt khác, Giáng La cũng là một trong những làng đầu tiên của xã Điện Thọ có xã hiệu. Trong quá trình mở mang bờ cõi, khẳng định lãnh thổ, đánh đuổi thú dữ, chống thù trong giặc ngoài, v.v. con em Giáng La đã không ít người không tiếc máu xương sẵn sàng xả thân vì nghĩa khí. Do đó, quê tôi được các triều đại phong kiến ban chiếu chỉ, sắc phong. Để quản lý, giữ gìn báu vật của làng được tốt, chính quyền làng xã cử một người chuyên giữ các sắc phong đó. Và ông nội tôi là người được giao trọng trách giữ hồn cho làng một thời. Bởi vậy, dân làng thường gọi ông nội tôi là ông Thủ Sắc, tức là người giữ sắc phong của triều đình cho làng. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, như một lẽ dĩ nhiên, bà nội tôi cũng được mọi người gọi là bà Thủ Tập. Dù không phải là quan tước hưởng bổng lộc của triều đình, chỉ là một người giữ sắc phong có địa vị xã hội nhỉnh hơn hạng cùng đinh một chút, nhưng ông nội tôi đã dạy cha tôi cùng các con theo quan niệm: “Lòng yêu nước không phải chỉ dành cho kẻ sang, nó làm cho mọi người dân có lòng nhân ái vị tha, đùm bọc thương yêu nhau. Vì thế, tự hào về truyền thống dân tộc là quyền lợi của tất cả mọi người”. Ông tôi cũng là người am hiểu lễ giáo gia phong, thường răn dạy các con theo gia pháp, hiểu và làm điều chính, tránh điều tà. Trong cuộc sống, ông luôn được dân làng quý trọng, kính nể. Chính những sắc phong là bài học sinh động để ông nội tôi thổi vào tâm hồn các con luồng tư tưởng:

Anh hùng thước lụa trao tay
Nước non một gánh vơi đầy ai hay
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:09:25 am »

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau 26 năm kể từ khi nổ tiếng súng xâm lược đầu tiên lên bán đảo Sơn Trà, năm 1884, thực dân Pháp chính thức xâm lược toàn bộ nước ta. Chúng bắt triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt để hợp lý hóa sự xâm lược của chúng dưới danh nghĩa “Nhà nước bảo hộ”. Thực dân Pháp đã không ngần ngại áp đặt những chính sách cai trị hà khắc lên đầu người dân Việt Nam. Chính những chính sách tàn bạo, tham lam đó đã bộc lộ bản chất của nhà nước bảo hộ, lộ rõ sự dối trá của cán cân công lý mà chúng thường rêu rao. Do đó, nhiều tầng lớp nhân dân ta đã đứng lên chống lại ách đô hộ của chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phong trào yêu nước theo tư tưởng phong kiến không còn phù hợp nên thực dân Pháp đã lần lượt nhấn chìm các cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước, hoặc phong trào Cần Vương trong biển máu. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo, ra đời mới thực sự mang lại thắng lợi cho nhân dân ta. Ông nội tôi tuy là người giữ sắc triều đình, nhưng là người cấp tiến. Với bản tính độ lượng, vị tha, giàu lòng nhân ái, ông đã khuyên răn các con, cháu hãy noi gương ông để học cách làm người. Thực tế đã chứng minh, gia đình ông nội tôi đã được Đảng, Nhà nước phong tặng bốn bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, có hai người con dâu là Lê Thị Én và Mai Thị Hường, hai người còn lại là bà Lê Thị Để và Lê Thị Kề, còn gọi là Mười Kề, các cháu nội của ông.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng như các anh em, ba tôi là ông Lê Văn Lạc đã vào Hội Nông dân cứu quốc, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, đi dân công ở Hạ Lào, Phú Túc, v.v. đào hầm bí mật nuôi giấu thương binh trong nhà. Sinh ra ở vùng đồng bằng trù phú, khí hậu ôn hòa, ấm nóng quanh năm nên khi xẻ núi nằm sương, ông đã bị sốt rét rừng đánh gục. Không kịp đi hết cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, cha tôi trở về quê hương tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, đi dân công tải đạn. Chiến tranh đã không giết cha tôi bằng hòn tên mũi đạn mà đã giết ông bằng những cơn sốt rét rừng quái ác. Cha tôi là người hiền hậu, thật thà, chịu thương chịu khó, luôn hết lòng vì vợ con. Trong mối quan hệ với mọi người, ông không làm mất lòng ai. Vì thế, cha tôi được bà con trong làng ai cũng thương mến, nể trọng.

Lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn triền miên. Cha tôi bị sốt rét rừng trở về không có tiền mua thuốc uống, một thời gian sau thì mất. Cha tôi mất đi, mẹ con chúng tôi mất một chỗ dựa về tinh thần vững chắc. Cũng giống cha tôi về lòng yêu nước, mẹ tôi là bà Phan Thị Liễu, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng vào hội phụ nữ, nuôi dưỡng thương binh trong nhà và nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ như các anh Kỷ, Hùng, Long, v.v. Kế tục truyền thống của nhà chồng, mẹ tôi tần tảo kiếm bữa rau bữa cháo nuôi anh chị em chúng tôi. Dù khó khăn khổ cực và biết rằng nếu định hướng các con theo cách mạng thì có thể bà sẽ là người đội khăn tang khóc tiễn biệt một đứa, thậm chí nhiều hơn về bên kia thế giới, nhưng mẹ tôi vẫn động viên chúng tôi thực hiện nguyện vọng của cha tôi. Bảy anh chị em chúng tôi luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng dìu dắt nhau đi theo con đường mà cha mẹ tôi từng mong ước.

Để cuộc sống gia đình bớt khổ, người anh thứ hai của tôi phải dứt áo ra đi rời bỏ quê hương vào Đà Lạt tìm kế sinh nhai, dành dụm tiền gửi về cùng với cha mẹ nuôi anh em tôi ăn học. Chúng tôi lớn lên trong vòng tay cha mẹ, không hề biết đến sự nhọc nhằn của người anh trai nơi đất khách quê người. Biết hoàn cảnh gia đình cha mẹ nghèo, nhà đông con, các em hiếu học, nên đã không ít lần anh tôi nhặt nhạnh, thu lượm từng mảnh giấy bao xi măng đem về giặt sạch phơi khô, sau đó ép thẳng để gửi về quê cho các em làm giấy vở đi học. Khi lớn lên, qua lời kể của mẹ và tiếng thở dài của cha khi ông còn sống đã giúp chúng tôi hiểu ra những gì đến với anh tôi nơi thành phố mù sương. Kỷ niệm về người anh trong tôi cứ chập chờn trong lời ru của mẹ, vì anh đi từ khi tôi còn rất bé. Nhưng có một câu chuyện đã theo tôi đi suốt cuộc đời, tác động trực tiếp đến tâm hồn non trẻ của tôi trong việc chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn tự hào mình đã có một người anh như vậy. Trước đây, cha tôi đi dân công cứu quốc, đến lượt anh tôi cũng tham gia cách mạng, nhưng làm gì thì tôi không rõ. Những năm ấy, sau cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta trên khắp đất nước. Có lẽ chúng sợ nếu sơ suất sẽ xảy ra Nghệ Tĩnh thứ hai. Anh tôi tham gia hoạt động cách mạng ở Đà Lạt, vì thế cũng không thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của địch. Ở nhà, chúng tôi chỉ biết anh đi làm thuê để góp tiền về nuôi các em. Chỉ đến khi anh về, chúng tôi mới biết anh đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930. Trước sự khủng bố gắt gao, truy lùng ráo riết của thực dân Pháp và bọn tay sai, anh tôi buộc phải rời Đà Lạt trở về quê hương. Dù chỉ là một đứa trẻ chập chững bước vào tuổi vỡ lòng, nhưng tôi vẫn cứ ngồi “mắt chữ A, mồm chữ O” mỗi khi anh tôi kể chuyện tham gia cách mạng trên đó. Lúc bấy giờ, anh tôi có đem về quê cuốn sách “Người cày có ruộng” (đây là sách tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương), bí mật cất giấu trong đống rơm ở sau nhà. Gia đình tôi không ai hay biết việc ấy. Một thời gian sau, khi tình hình đã yên, nhất là thời gian 1936 đến 1939 khi Mặt trận Bình dân lên nắm quyền bên nước Pháp, anh tôi về tìm lại cuốn sách thì nó đã bị mục nát vì mưa gió. Gia đình tôi rất tiếc nhưng cũng không làm gì hơn được. Anh tôi tiếp tục vào lại Đà Lạt sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:10:12 am »

Người thân tiếp theo có ảnh hưởng rất mạnh đến tâm tư, suy nghĩ, tình cảm cách mạng của tôi lúc bấy giờ là người chị thứ ba. Chị tên là Lê Thị Để, có chồng tham gia Vệ quốc đoàn, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chị tham gia hội phụ nữ cứu quốc, tham gia công tác ở địa phương. Chồng chị, anh Nguyễn Xá là người làng La Thọ, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, để lại cho chị tôi người con trai duy nhất. Cháu Nguyễn Thanh Phương, ở nhà chúng tôi thường gọi là cháu Hùng, được mẹ nuôi dạy theo di nguyện của cha, nghĩa là chỉ có con đường duy nhất đem lại cuộc sống ấm no cho quê hương, gia đình là đi theo cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ. Được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, hưởng trọn sự giáo dục của người mẹ giàu lòng yêu nước, cháu Phương lớn lên trong sự dìu dắt của đồng đội, của cha mẹ đã sớm hiểu ra những gì Tổ quốc cần. Tuy chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng Phương đã xung phong đi bộ đội. Chị tôi lặng lẽ tiễn giọt máu của mình lên đường đánh giặc. Cho con đi bộ đội, chị vẫn hiểu rằng có thể đó là lần cuối cùng mẹ con gặp nhau. Chiến tranh là như vậy, đánh giặc để giành độc lập, tự do cho dân tộc là bổn phận của mọi người, không riêng gì nhà đông con hay ít con. Hơn nữa, cha của cháu đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc. Con trai chị phải có nghĩa vụ bước tiếp bước đi của cha mình.

Cháu Hùng đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình, luôn xứng đáng với truyền thống quê hương “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Trong công tác, Nguyễn Thanh Phương (tức Hùng), luôn thể hiện là một người lính kiên cường, gan dạ. Phương đã được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công, thuộc Sư đoàn 2 của Quân khu 5. Trong một lần trực tiếp chỉ huy đơn vị tập kích đồn địch, trước sự kháng cự quyết liệt của chúng, Phương đã xả súng kéo hỏa lực địch về phía mình để đồng đội xung phong tiêu diệt sở chỉ huy của chúng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thanh Phương ngã xuống trước khi ổ đề kháng cuối cùng của địch bị tiêu diệt.

Còn chị tôi, bất chấp sự trả thù tàn bạo những gia đình có người thân đi theo cách mạng của chính quyền Ngô Đình Diệm, chị vẫn kiên cường bám trụ để nuôi mẹ già và che giấu bộ đội. Cay đắng, điên cuồng bởi những thất bại của các loại hình chiến tranh “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, kẻ thù quay lại tàn sát đồng bào yêu nước. Điện Bàn quê tôi lúc bấy giờ đâu đâu cũng tràn ngập máu đào của đồng bào vô tội, cán bộ đảng viên, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng. Nhất là vụ lính Đại Hàn giết người mổ bụng con nít xé làm đôi ở thôn Thủy Bồ, xã Điện Thọ, v.v. Chúng bắn giết không ghê tay. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, nhưng chúng càng thả sức bắn giết nhân dân, điên cuồng chống trả phong trào cách mạng đang lan nhanh trên khắp miền Nam. Đối với gia đình tôi, năm 1973 tiếp tục chịu thêm một sự đau thương. Chị tôi đã bị pháo Mỹ giết hại trước ngày ký Hiệp định Pa-ri trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, quê hương, Năm 1994, khi Đảng, Nhà nước xét phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu, chị Để vinh dự là một trong những bà mẹ đầu tiên ấy.

Anh thứ sáu là Lê Văn Cảnh, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, tham gia công tác ở địa phương, có giấy chứng nhận bị địch bắt tù đày, Chị thứ năm là Lê Thị Thuận cùng được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, tham gia công tác ở địa phương, cả hai người đều được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Anh thứ bảy là Lê Văn Tình tham gia du kích địa phương, là thương binh, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

Chị thứ tư là Lê Thị Hòa là người chị rất hiền hậu. Chị là người nòng cốt trong gia đình đông anh chị em đã từng kéo sợi dệt vải góp phần quan trọng nuôi dưỡng các em của chị. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chị tham gia vào hội phụ nữ, tham gia kháng chiến, đi dân công tải đạn, tải thương binh vào Bệnh viện Cây Sanh của tỉnh ở Tam Dân, tức Kỳ Long cũ, huyện Tam Kỳ, tải đạn ở Phú Túc, Hòa Vang... Chị lấy chồng về làng La Thọ, xã Điện Hòa. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Túc. Hai vợ chồng đều tham gia công tác đi dân công tải đạn phục vụ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Ngoài anh hai, chị Để thì người chị thứ năm, các anh thứ sáu (Cảnh) thứ bảy (Tình) đều tham gia hoạt động du kích tại địa phương trong kháng chiến chống Pháp. Trong lúc chiến đấu, người anh thứ bảy bị thương gãy một phần ba cánh tay phải. Năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng đã bắt các anh, các chị tôi đem nhốt ở nhà tù Hội An. Một thời gian sau, không có lý do gì để giam giữ, chúng buộc phải thả họ ra, nhưng cho tay chân rình mò, giám sát chặt chẽ từng động tĩnh. Để có điều kiện tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, các anh chị tôi đã đi vào Đà Lạt để lánh nạn và tìm bắt mối cơ sở mới. Tại đây, được sự dìu dắt của anh hai tôi (Lê Văn Tăng), hai anh thứ sáu và thứ bảy tiếp tục tham gia hoạt cách mạng tại Lâm Đồng. Kết thúc chiến tranh, các anh đều được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba; anh Bảy được công nhận là thương binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 06:10:49 am »

Sống trong gia đình có hai bên nội ngoại đều tham gia cách mạng, chống giặc ngoại xâm. Gia đình cậu tôi là Phan Ngạc, có anh Phan Ngọc Chất tham gia cách mạng trước năm 1945, sau năm 1930, là lão thành cách mạng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định, sau chuyển về làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó nghỉ hưu. Gia đình cậu tôi có hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 liệt sĩ trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là một điển hình thứ hai sau mẹ Nguyễn Thị Thứ trên đất Quảng. Tôi càng thấm thía lòng tự hào dân tộc, truyền thống quê hương. Lọt lòng, tôi được nghe những câu ca, điệu hò trong lời ru của mẹ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi truyền thống bất khuất của dân tộc, chất hào sảng của người xứ Quảng như:

Quảng Nam là đất quê mình
Núi, đồng, sông, biển rành rành từ lâu
Thương yêu đùm bọc trước sau
Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ

Nước dưới sông khi trong khi đục
Vận người đời lúc nhục vinh
Ở sao cho vẹn cho toàn
Giao ngôn chớ phụ, nghĩa vàng chớ vong

Lớn lên đến tuổi tới trường tôi được cha mẹ cho đi học trường làng. Đất nước có chiến tranh nên tuổi học trò của tôi không dài như bao đứa trẻ khác nhưng những người thầy đầu tiên đã thổi vào tâm hồn tôi lòng yêu nước, thương nòi giống tổ tiên. Trên sáu thập kỷ trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thầy Tám Công và thầy Năm Chánh. Sau này, khi có điều kiện đọc thơ Tố Hữu, tôi rất tâm đắc hai câu thơ:

Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim


Tâm hồn tôi lúc ấy cũng như lạc vào giữa một vườn hoa lá của miền quê thôn dã. Hoa lá là những câu ca trong lời ru của mẹ, tiếng chim là bài giảng của thầy. Ngày ấy, với trí nhớ non nớt của một đứa bé mới lên chín, lên mười như tôi thì tinh thần yêu nước của các bậc cha ông luôn là thứ ánh sáng để phấn đấu học tập.

Tiếng rằng Điện Bàn là vùng đồng bằng trù phú, đất đai phì nhiêu, nơi có dòng sông Thu Bồn mải mê hồi đắp phù sa, nhưng gặp buổi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược nên cảnh ấm no, an bình cho mọi người vẫn chỉ là viển vông nếu như không có làn sóng cách mạng tràn về. Tôi nhớ hồi ấy, để phản kháng sự bảo hộ giả tạo của thực dân Pháp, không hiểu do ai sáng tác mà hài thơ “Vè Tây xâm lược” len lỏi đến mọi ngõ ngách. Từ người lớn đến trẻ con đều thuộc. Tôi đi giữ trâu, thường lợi dụng lúc trên đồng vắng người, tụm mấy đứa lại đọc nghe chơi. Đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn thuộc lòng câu vè:

Giặc Tây xâm chiếm nước ta
Bắt người, cướp của, đốt nhà, hiếp dâm.

Năm 1945, tuy mới 10 tuổi nhưng tôi tưởng mình đã thành người lớn. Sau này nghĩ lại, đôi lúc tôi vẫn cười thầm vì sự trẻ con của mình. Tôi rất thích làm những việc người lớn đã làm. Đặc biệt, sau Cách mạng tháng Tám, được các anh chị bày vẽ cho cách đi làm cách mạng, đánh đuổi giặc Pháp, tôi càng thấy mình lớn thật. Tháng 9 năm 1945, tôi vào đội thiếu nhi địa phương.

Năm 1947, khi đã 13 tuổi, tôi làm liên lạc cho đội du kích địa phương. Qua nhiều lần chạy đi, chạy lại đưa thư, dẫn đường cho bộ đội, tôi để ý quan sát thấy trong bộ đội cũng có nhiều người nhỏ như tôi mà đi đánh giặc. Một lần, ý nghĩ “người lớn trẻ con” đã xui tôi đứng cạnh khẩu súng trường để đo chiều cao. Mái tóc cháy nắng vàng hoe của tôi đã nhỉnh hơn nòng súng vài phân. Tôi lại càng tự đắc mình đã thành người lớn, phải xin đi bộ đội để đánh giặc thôi. Từ đó, không lúc nào tôi nguôi ý nghĩ mình phải đi theo bộ đội để đánh giặc giành lại độc lập cho quê hương đất nước.

Cuối năm 1949, khi ngắm chừng tuổi mình cũng đã kha khá, có thể được các anh cho đi theo đánh giặc, tôi xin cha mẹ cho đi bộ đội. Nghe tôi trình bày nguyện vọng, song thân tôi phì cười. Cha xoa đầu tôi, vuốt nhẹ mớ tóc cứng queo, vàng hoe nói:

- Mi còn con nít mà đánh giặc chi!

- Không! Con thấy mấy anh bộ đội còn nhỏ hơn con mà họ vẫn đi được mấy năm đó thôi.

Biết đây là ý định nghiêm túc của con, cha mẹ tôi lắc đầu. Không phải không muốn cho tôi đi bộ đội mà ý ông bà muốn để tôi lớn chút nữa hãy đi. Vì bây giờ tuổi tôi còn nhỏ quá, sợ không đánh được giặc lại còn làm khổ các anh. Tôi cứ theo cha mẹ năn nỉ, rốt cuộc rồi ông bà cũng để tôi đi bộ đội. Sau đó, tôi được tham gia vào bộ đội huyện Điện Bàn, làm liên lạc cho huyện đến năm 1952.

Tình hình chiến sự lúc bây giờ đang có lợi cho ta. Ở miền Bắc, quân ta thắng lớn. Cũng năm đó, tôi được điều động về Đại đội trợ chiến Tỉnh đội Quảng Nam, tham gia chiến dịch Đông Xuân 1952 - 1953, đánh đồn Non Trượt trên đường 104. Ngày 19 tháng 7 năm 1954, đơn vị tôi được phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Nam, tổ chức tấn công cứ điểm “quả đồi Đức Ký - Bồ Bồ”, tiêu diệt chiến đoàn lê dương của Pháp. Kết quả, ta đã tiêu diệt và bắt 800 tên địch, trong đó có 293 lính Âu - Phi đánh thuê, có viên đại tá quân viễn chinh Pháp là Cam-mi-lét-ti-phê-lít. Đồng chí Võ Thứ, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, là người trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu này. Vinh dự được tham gia trận đánh, nhưng không may cho tôi vì đã bị một viên đạn địch bắn vào lưng trong khi đang chiến đấu. Sau đó, tôi được cô Lý, du kích xã, cùng một người nữa không nhớ tên đã khiêng tôi về hậu phương chữa trị với thời gian hơn một tháng tại bệnh viện dã chiến Phú Gia, đóng trên địa bàn huyện Quế Sơn, Tuy nhiên, do trình độ y học lúc đó còn hạn chế nên các đồng chí cán bộ y tế đã không mổ lấy ra được mảnh đạn đang nằm sâu trong người tôi. Đến năm 1956, tôi tập kết ra miền Bắc, một hôm tự nhiên tôi có cảm giác đau buốt cánh tay phải. Nghĩ rằng chắc là do mình tập nặng quá nên tôi cố gắng kiêng cữ vài hôm, nhưng cảm giác đau ngày càng lan tỏa đành phải xuống quân y khám. Không ngờ các y, bác sĩ đã phát hiện viên đạn năm trước đã chạy lên cánh tay phải nên vội giới thiệu tôi lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mổ lại để gắp mảnh đạn ra, Trong thời gian nằm điều trị tại đây, tôi được các đồng chí y, bác sĩ tận tình chăm sóc nên vết thương sớm bình phục, sau đó tôi trở về công tác tại đơn vị cũ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 07:29:37 am »

Chương hai

CÙNG ĐOÀN QUÂN TẬP KẾT


Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hai bên có lệnh ngừng bắn. Bản thân tôi sau hơn một tháng chữa trị, trở về đơn vị và đi theo đoàn quân vào Quảng Ngãi. Lúc ấy, tôi có cảm tưởng không có ngôn từ nào nói hết niềm vui của cán bộ, nhân dân, bộ đội, đặc biệt là những người trực tiếp cầm súng đánh giặc. Bầu không khí vui tươi ngập tràn trên khắp các chiến trường. Nhưng theo điều khoản của hiệp định thì đến năm 1956, ta mới tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vì vậy, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào tỉnh Quảng Ngãi để tham gia thành lập Sư đoàn 305 và tập kết ra miền Bắc. Trên người tôi lúc đó, vết thương trong trận chiến đấu tại điểm cao Bồ Bồ vẫn còn đau, thỉnh thoảng lại nhói lên trong quá trình hành quân. Song được đi trong đoàn quân chiến thắng, tuổi 18, lòng ngập tràn niềm vui đất nước hòa bình nên tôi không cảm thấy đó là điều khó khăn. Chúng tôi hành quân đến Quảng Ngãi ở lại một thời gian rồi lên tàu ra miền Bắc.

Khi con tàu rú hồi còi tạm biệt miền Nam yêu thương với lời hẹn ước hai năm sau quay về, tôi vội đứng lên boong vẫy chào nhân dân. Kẻ ra đi, người ở lại, tất cả đều giơ hai ngón tay chếch hình chữ V, nghĩa là hai năm, hay cũng là hiểu tượng của chiến thắng. Lòng tôi xốn xang nhìn mũi tàu đè sóng ra khơi, mong sao sớm đến ngày trở về xây dựng quê hương. Vậy là hơn tám mươi năm nô lệ, biết bao xương máu đã đổ xuống để đất nước có ngày hôm nay. Theo thỏa thuận, ta sẽ trao cho Pháp cảng Quy Nhơn. Ngược lại, Pháp cũng sẽ trả cho ta cảng Hải Phòng trong thời gian 300 ngày, kể từ ngày đình chiến. Tuy nhiên, mặc dù đã ở trên tàu lớn đường tập kết ra miền Bắc nhưng chúng tôi vẫn có lệnh sẵn sàng chiến đấu, vì lúc ấy có nguồn tin do tình báo ta cung cấp là có thể địch sẽ tập kích tàu của ta trên khu vực biển Đà Nẵng, sau đó sẽ thông báo cho Hà Nội biết tàu ta gặp nạn. Đi cùng đoàn với tôi, nhiều anh chưa quen đi biển nên đã bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng.

Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên sóng nước, chúng tôi cập bến Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Miền Bắc không còn là trong ước mơ, như tôi đã từng mong khi hết giặc sẽ đi thăm một lần. Thoạt tiên, nghe giọng nói Nghệ An, tôi thấy ngồ ngộ thế nào ấy. Thậm chí, có lúc tôi đã suýt bật cười trước cách phát âm của cô gái dân quân xinh đẹp. Nhưng rồi cảm giác xa lạ ban đầu nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho sự thân thương trìu mến. Tạm biệt quê hương Bác Hồ kính yêu, chúng tôi lên đường hành quân ra phía Bắc. Cung đường từ Cửa Hội đi qua các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An đến huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đối với những đứa con miền Nam ra tập kết dường như ngắn lại khi những người dân chúng tôi gặp hai bên đường đều giơ tay vẫy chào như đón đứa con đi xa nay trở về. Mọi người nhìn chúng tôi như những người anh hùng đi ra từ cuộc chiến. Lúc ấy, dù xa quê hương nhưng lòng tôi cũng thấy ấm áp lạ thường.

Ban chỉ huy Trung đoàn đóng quân ở thị trấn Tĩnh Gia, các đơn vị trực thuộc đóng lân cận trên địa bàn gần đó. Tiểu đoàn chúng tôi trú quân tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, gần nhà thờ Ba Làng. Những tưởng ra miền Bắc chỉ việc huấn luyện, làm công tác dân vận, chờ hai năm sau trở về tổng tuyển cử thống nhất đất nước nên cánh lính trẻ chúng tôi gặp khá nhiều bất ngờ. Đối với tôi, những ngày tháng ấy đã hằn sâu vào tâm thức như những kỷ niệm trên chiến trường, vì ở đây cũng có sự hy sinh của đồng đội, thậm chí còn khắc nghiệt hơn chiến tranh. Bởi vì, đây là những chiến công thầm lặng chưa được tôn vinh của không ít cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ, tổ chức tuyên truyền lôi kéo đồng bào Công giáo vào miền Nam. Trước tình hình đó, cấp trên giao cho đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ tuyên truyền vận động, giải thích cho nhân dân thấu hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; nhất là chính sách về tôn giáo để đồng bào có đạo không nghe lời kích động, xuyên tạc của địch. Đại bộ phận nhân dân đã hiểu, yên tâm ở lại quê hương làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, một số giáo dân bị bọn xấu kích động không bộ đội tuyên truyền, giải thích, còn tỏ ra chống đối quyết liệt. Trước tình hình như vậy, không ít người lừng chừng, chưa ngã ngũ bên nào đã tin theo lời bọn chúng. Họ tập trung vào nhà thờ Ba Làng với nhiều vũ khí các loại để đánh lại bộ đội. Tình hình căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên vào địa phương. Đồng bào nghe lời bọn xấu xuyên tạc chế độ, nghe chúng tuyên truyền Chúa đã vào Nam nên đấu tranh đòi đi miền Nam. Trong thời gian này, miền Bắc vào mùa mưa, rét dữ dội. Gió mùa Đông Bắc gầm rú suốt ngày đêm. Xen lẫn với nó là những cơn mưa rắc hạt lất phất, nhưng hạt nước rơi đến đâu thì da thịt tím tái đến đó. Một số chim muông bay về phương nam tránh rét không kịp đã bị chết cóng. Đối với tôi cũng như số anh em từ miền Nam ra, đó là mùa đông khủng khiếp nhất trong đời. Bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên miền Bắc. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc một vài gia đình cương quyết không cho bộ đội ta vào trú quân trong nhà, phải nằm ngoài vỉa hè. Mưa. Rét. Quần áo không đủ mặc. Chăn đắp không đủ ấm. Tiểu đội tôi nằm ngoài hiên nhà dân, nghe gió thổi ù ù mà không ai có thể chợp mắt được. Anh em có sáng kiến ôm nhau ngồi tựa lưng vào tường, trùm chăn phía ngoài để che bớt gió. Khoảng gần nửa đêm, khi hơi ấm của người này truyền sang người kia làm chúng tôi hơi dễ chịu, thậm chí anh nào sức khỏe tốt là có thể ngủ một giấc ngắn thì bất ngờ cả tấm chăn bị ai hắt nước vào ướt sũng. Cả tiểu đội giật mình choàng dậy. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, xộc thẳng lên mũi chúng tôi. Tôi đưa tay sờ lên mảnh chăn mình vừa đắp cảm thấy có vẻ nhầy nhụa, nhớp nhúa, đưa lên mũi ngửi có mùi phân người. Trong đêm tối, không ai bảo ai, chúng tôi lặng lẽ mở ba lô, thay quần áo. Lúc đó, chăn chiếu đã bị ướt hết, anh em đành nép vào nhau chịu lạnh, ngồi chờ trời sáng. Chúng tôi biết, chủ nhà đã đại tiện, tiểu tiện vào xô, sau đó đổ nước khuấy lên và hắt vào bộ đội đang ngủ ngoài hiên. Trong đời, tôi đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, nhưng chưa bao giờ (kể cả sau này) tôi có cảm giác cay đắng và gian khổ như cái đêm hôm ấy. Còn lúc đó, chúng tôi phải cắn răng chịu đựng vì yêu cầu nhiệm vụ, không ai được phép nản lòng, phải kiên trì bám trụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2020, 07:30:00 am »

Tuy nhiên, số đối tượng xấu đó không nhiều. Vì vậy, sau hơn mười ngày cố gắng thuyết phục vận động, bà con giáo dân tốt đã cùng bộ đội chúng tôi đột nhập vào nhà thờ Ba Làng. Là một trận chiến đấu thầm lặng, nhưng cũng có tiếng súng nổ, có sự hy sinh và chết chóc. Nhưng, điều đau đớn nhất đối với chúng tôi là phải chống lại chính đồng bào mình khi họ nghe kẻ thù xúi giục, kích động, xuyên tạc. Trong khi đột nhập vào nhà thờ, bộ đội phải cải trang thành dân thường để đấu tranh với phái đoàn quốc tế đến từ một số nước như Ấn Độ, Ba Lan, Ca-na-đa, v.v. đến kiểm tra tình hình thực hiện hiệp định. Bọn đầu sỏ phản động ngoan cố chống trả. Chúng bỏ qua lời kêu gọi, tuyên truyền của chúng tôi cũng như đồng bào giáo dân tốt, bọn xấu đã có hành động bạo lực thô bạo với một số đồng chí của ta, vì vậy buộc lòng chúng tôi phải xử lý nghiêm minh. Được lệnh của cấp trên, chúng tôi nhanh chóng thu dọn chiến trường. Trong lần đó, ta đã bắt được một số tên đầu sỏ phản động, giải phóng con chiên, thu nhiều súng các loại, trong đó có cả đại liên, súng cối và súng trường.

Vụ việc ở nhà thờ Ba Làng được dẹp yên, đơn vị chúng tôi trở về huyện Tĩnh Gia; Thanh Hóa để vừa làm công tác huấn luyện chiến đấu, vừa tham gia giúp dân chống nạn đói. Năm ấy, thiên tai đã làm cho nhân dân nơi đây rơi vào nạn đói ghê gớm. Mùa màng thất bát nên không mấy gia đình có đủ cái ăn. Trên các cánh đồng, dù ban quản lý các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức cho nông dân cày ải nhưng ruộng vẫn khô vì không có nước. Trên bờ, hoa cỏ may mọc ken dày lối đi. Chỉ nhìn vào những hình ảnh ấy người ta cũng có thể biết được nhân dân vùng này đang thiếu lương thực. Chính quyền địa phương đã phối hợp với chỉ huy đơn vị bàn cách chống đói cho nhân dân. Đơn vị tổ chức động viên cán bộ, chiến sĩ trồng khoai lang trên từng ụ đất. Những ụ này anh em dùng tre đan cao độ một mét hai, đường kính một mét đặt quanh trên mặt đất. Sau đó, chúng tôi gom rơm rác và phân đắp lên mặt ụ khoảng một mét rưỡi để trồng khoai cho chóng có rau và củ giúp dân ăn đỡ đói. Thực tế, những ụ khoai của chúng tôi đã phần nào hỗ trợ đồng bào qua cơn đói kém năm đó. Hiện nay, khi có điều kiện về lại vùng này, tôi vẫn nghe mọi người nhắc: “Chú này là bộ đội trồng khoai hồi năm 1954”.

Trong thời gian công tác tại Tĩnh Gia, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị. Trước đây, khi mới đi bộ đội, tôi đã được nghe anh Văn là Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, được nghe cán bộ phân tích cách đánh “vây, lấn, tấn, phá, triệt diệt”. Vì vậy, tôi cứ hình dung người anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân là một người phương phi, quắc thước, có tướng mạo như một ông quan võ ngày xưa. Khác với những tưởng tượng “trên trời” của tôi, anh Văn thật giản dị, gần gũi. Anh đi xuống nhà bếp kiểm tra bữa ăn của đơn vị; bằng chất giọng Quảng Bình thân thương, anh ân cần nhắc nhở các đồng chí cấp dưỡng phải chăm lo sức khỏe cho anh em. Sau khi thăm một vòng nơi ăn chốn ở của chúng tôi, Đại tướng vui vẻ gật đầu. Trở lại hội trường đơn vị, người anh Cả bắt tay từng chiến sĩ, chia sẻ với chúng tôi những tình cảm thiết tha của nhân dân miền Bắc nói chung, cá nhân anh nói riêng, dành cho đồng bào ruột thịt. Lúc ấy, tôi xúc động không nói nên lời. Tôi không ngờ có ngày mình được gặp vị Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Khoảng cách giữa một vị tướng và chiến sĩ được rút ngắn bằng những câu hỏi thân thương như:

- Chú quê ở tỉnh nào? Bố mẹ, có mấy anh chị em?

- Mới ra miền Bắc lần đầu, chú nhớ mặc đủ ấm nhé!

Lúc ấy, không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em khác cũng lúng túng vì hạnh phúc bất ngờ. Nói về công việc chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn:

- Các chú miền Nam ra phải làm tốt nhiệm vụ vừa huấn luyện, vừa học tập và cả công tác vận động quần chúng.

Cả hội trường im lặng như nuốt lấy từng lời của anh Văn. Chờ cho những tiếng “Vâng ạ” lắng xuống, anh nói tiếp:

- Hai năm buộc địch phải thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nếu không thì các đồng chí cùng tôi vào miền Nam chiến đấu.

Câu nói này đã khắc sâu trong trái tim chúng tôi, những đứa con của miền Nam thành đồng Tổ quốc đã lên đường tập kết ra miền Bắc theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tôi có cảm tưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt toàn dân, toàn quân miền Bắc khẳng định với chúng tôi tình cảm dành cho miền Nam. Chúng tôi cùng hiểu rằng: “Miền Bắc đang sát cánh với miền Nam trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM