Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:39:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)  (Đọc 4485 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:37:56 am »

Tháng 3-1963, Tiểu đoàn 96 chủ lực của khu phối hợp địa phương quân huyện Long Mỹ tiến công đồn Tô Ma (Lương Tâm). Theo kế hoạch, địa phương quân huyện có nhiệm vụ phục kích tiêu diệt lực lượng hành quân ở ngoài ấp chiến lược. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành đánh chiếm đồn, do địch nổ súng đánh trả quyết liệt trong nhiều giờ liền làm bộ đội bị thương vong nhiều, Tiểu đoàn 96 chỉ chiếm được 2 lô cốt. Trước tình hình đó, ban chỉ huy trận đánh quyết định điều động lực lượng địa phương quân Long Mỹ vào làm nhiệm vụ tấn công đồn Tô Ma. Đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ta chiếm được đồn, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự. Trong quá trình hành quân khỏi trận địa, địa phương quân huyện bắn rơi 1 máy bay Đakôta của địch tại khu vực vàm rạch Ngang Mồ (Lương Tâm).

Tháng 4-1963, huyện thành lập Trung đội bộ binh 52 do đồng chí Ân làm Trung đội trưởng. Lúc này, lực lượng địa phương quân huyện có bốn trung đội độc lập 42, 44, 46 và 52. Vũ khí trang bị chủ yếu thu được của địch như Thomson, carbine tự động Mỹ, trung liên Bar, cối 60mm và trường bá đỏ (của Liên Xô). Tháng 5-1963, Quân khu điều 1 tiểu đội (khoảng 10 chiến sĩ) của Trung đội 52 địa phương quân huyện về bổ sung lực lượng cho Quân khu.

Ngày 8-5-1963, Đại đội 31 của tỉnh phối hợp với cơ sở nội tuyến dụ địch ở Trung tâm huấn luyện Hỏa Lựu ra khỏi căn cứ, ta phục kích tiêu diệt 1 đại đội địch, thu 50 khẩu súng các loại. Ngày 16-5-1963, địa phương quân huyện phối hợp với du kích chống càn tại xã Vĩnh Thuận Đông, diệt 27 tên, thu 15 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Ngày 24-6-1963, địa phương quân huyện tập kích vào khu vực Trà Lồng (Long Phú), hỗ trợ cho 500 quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống.

Tháng 6-1963, Đại đội 31 của tỉnh phối hợp với địa phương quân huyện đánh lực lượng địch càn quét tại khu vực kênh Đập Đá, Xẻo Sành (Hòa An). Tuy nhiên, do công tác hiệp đồng chưa chặt chẽ dẫn đến ta bị thiệt hại nặng về lực lượng (13 đồng chí hy sinh).

Tháng 7-1963, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Xà Phiên đánh đồn Cái Rắn, diệt 5 tên, làm bị thương 7 tên địch. Sau trận đánh, lợi dụng tinh thần binh lính đang hoang mang, dao động, binh vận đả vận động làm rã ngũ thêm 7 tên địch. Địa phương quân và du kích hai xã Lương Tâm, Vĩnh Viễn diệt đồn Mười Ba và hỗ trợ 7.000 quần chúng phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống. Du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực khu bức rút đồn Cảng Chủ Hàng (Vĩnh Tường).

Cùng với đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng được diễn ra thường xuyên. Ta vận động được nhiều binh sĩ địch đấu tranh chống lệnh càn quét, đi chi viện và chống chế độ hà khắc của bọn sĩ quan ngụy. Điển hình là việc ta vận động 1 đại đội bảo an ở Vị Thanh chống lệnh đi càn quét vào dịp tết năm 1963. Tiếp đến, cuối năm 1963, hơn 400 binh sĩ ở Trà Lồng (Long Phú) đấu tranh đòi tăng lương.

Trong năm 1963, hoạt động của du kích các xã, ấp phát triển rộng khắp, lực lượng du kích liên tục đánh địch trong các đồn bốt, đi hành quân càn quét gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong đó, du kích xã Thuận Hưng chống càn 62 trận, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 100 tên địch. Du kích xã Vị Thanh chống được 32 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 96 tên địch du kích xã Vĩnh Viễn bắn thiệt hại nặng 2 chiếc trực thăng của địch,... Huyện Long Mỹ có ba xã được giải phóng là Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Vĩnh Tường và 28 ấp chiến lược bị phá hoàn toàn.

Ngày 1-11-1963, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm được tiến hành. Mỹ đã ủng hộ phe đối lập do Dương Văn Minh cầm đầu với hy vọng sau cuộc đảo chính, tình hình ngụy quân, ngụy quyền miền Nam sẽ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, trước những đòn tiến công quân sự, chính trị, binh vận mạnh mẽ của quân và dân miền Nam, quân ngụy ngày càng suy sụp. Để cứu vãn tình thế, Mỹ thay kế hoạch Stalây - Taylo bằng kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, tiến hành bình định miền Nam trong vòng hai năm 1964 - 1965.

Đầu năm 1964, địch tăng cường quân chủ lực và lực lượng cố vấn Mỹ cho quận Long Mỹ, mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, đánh phá dài ngày vào vùng giải phóng, vùng ven thị xã, thị trấn và các trục lộ giao thông để bảo vệ các căn cứ quân sự của chúng Ngoài ra, địch còn sử dụng máy bay ném bom, pháo binh bắn phá làng mạc, rải chất độc hóa học hủy diệt ruộng vườn, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn đứng chân, đồng thời địch tổ chức gom dân vào ấp chiến lược sinh sống.

Thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy là “ tiếp tục phá tan ấp chiến lược đi đôi với không ngừng tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ có lợi cho ta”, Huyện ủy Long Mỹ đề ra chủ trương: Kiên quyết bám đất, bám dân, xây dựng và phát triển cơ sở. Đẩy mạnh ba mũi giáp công, làm thất bại âm mưu đánh phá, tách dân lập ấp chiến lược của địch. Riêng đối với lực lượng vũ trang, Huyện ủy đề ra phương thức hoạt động của lực lượng địa phương quân huyện theo hướng “tập trung, phân tán linh hoạt”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:40:37 am »

Ngày 12-3-1964, du kích xã Vị Thanh bắn rơi 1 máy bay trực thăng UH-1A đi đổ quân trở về đang chuẩn bị đáp xuống sân bay Vị Thanh. Đêm 18-3-1964, du kích xã Vị Thanh bí mật đột nhập vào nội ô thị xã Vị Thanh đốt cháy 52 trại lính, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 16-4-1964, địa phương quân kết hợp với du 1 kích xã Vĩnh Thuận Đông tập kích đồn Vịnh Chèo, diệt một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 28-4-1964, địa phương quân huyện kết hợp với du kích xã Vĩnh Tường phục kích diệt một đại đội bảo an địch tại ngã ba Vĩnh Tường. Tháng 4-1964, lực lượng vũ trang huyện phục kích đánh một đại đội địch tại Lộ Quẹo (nằm trên đoạn đường từ Vị Thanh đi Hỏa Lựu), phá hủy một xe GMC.

Tháng 4-1964, Đại đội địa phương quân huyện Long Mỹ được thành lập tại kênh Sáu Xuân (Vĩnh Thuận Đông). Ban Chỉ huy gồm có: đồng chí Bảy Bằng - Đại đội trường, đồng chí Ba Sơn (Sơn Lộ) - Chính trị viên, đồng chí Tư Dân - Đại đội phó. Đến đây, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ chính thức có đơn vị tập trung đủ khả năng đánh địch tập trung cấp đại đội trên địa bàn huyện.

Đêm 14-5-1964, 12 cơ sở nội tuyến của ta tại Trung tâm huấn luyện của địch gần chợ Vàm Xáng (Hỏa Lựu) phối hợp với các đại đội 23, 31 tỉnh khởi nghĩa chiếm lĩnh trung tâm, diệt 1 trung đội địch (trên 30 tên) và 2 tiểu đội địch đóng tại cầu Hạch Gốc, thu trên 100 khẩu súng, 1 cối 60mm, 1 thùng súng ngắn 12mm, 1 tấn đạn, 2 máy thông tin PRC10 và PRC25. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc khởi nghĩa làm cho binh lính thuộc đại đội bảo an Chi khu Đức Long lần lượt tan rã gần hết.

Địa phương quân huyện phục kích đánh địch hai trận trên đoạn lộ từ Vĩnh Tường đi Nàng Mau, diệt 5 xe quân sự, 1 xe nồi đồng, thu 19 khẩu súng (trong đó có 1 khẩu đại liên và 3 trung liên). Ngày 29-5-1964, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Phương Phú phục kích lực lượng địch trong đồn Đức Bà hành quân ra bên ngoài, diệt 7 tên, thu 4 khẩu súng. Tháng 6-1964, 5 cơ sở nội tuyến của ta tổ chức khởi nghĩa diệt đồn và Ban tề xã Vĩnh Tường (đóng trên địa bàn xã Long Bình), giết nhiều tên địch, thu hàng chục khẩu súng.

Đêm 10, rạng sáng ngày 11-7-1964, Trung đội 45 phối hợp với Tiểu đoàn 306 Quân khu 9 đánh thiệt hại nặng đồn Vịnh Chèo (Vĩnh Thuận Đông). Hôm sau, địch điều Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 31 và 1 đại đội bảo an từ Vị Thanh hành quân vào chi viện cho đồn Vịnh Chèo. Ta phục kích đánh địch tại Kênh Ngang (Vĩnh Thuận Đông) và khu vực Chùa Miên (Hỏa Lựu), đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn chủ lực ngụy và tiêu diệt đại đội bảo an, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 200 tên (trong đó có Đại úy Ê chỉ huy cuộc hành quân), bắt sống 50 tên, thu 50 khẩu súng các loại (có 3 khẩu đại liên).

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tháng 7-1964, Long Mỹ được tách ra thành hai huyện Long Mỹ A và Long Mỹ B(1). Ban Chỉ huy Huyện đội và địa phương quân cũng được chia ra làm hai. Trong đó, Huyện đội Long Mỹ A có các đồng chí Bùi Bạch Quang (Năm Tuấn) - Bí thư Huyện ủy làm Chính trị viên. Huyện đội Long Mỹ B có các đồng chí Phan Văn Lập (Bảy Bén) - Bí thư Huyện ủy làm Chính trị viên, đồng chí Ba Sơn - Chỉ huy trưởng, đồng chí Tư Dân - Chỉ huy phó. Sau khi chia tách thành hai huyện, do lực lượng địa phương quân mỏng nên hoạt động theo phương thức phân tán thành từng trung đội độc lập(2).

Ngày 30-9-1964, địa phương quân huyện kết hợp với du kích xã Long Phú phục kích đánh bọn lính đồn Vàm Đinh, diệt 8 tên, trong đó có tên Tư Già - Trưởng ban đại diện hội đồng xã, thu 3 khẩu súng. Ngày 20-10-1964, 7 du kích xã Vĩnh Tường bố trí gài trái nổ diệt và làm bị thương 62 tên địch thuộc Trung đoàn 33 ngụy càn quét vào địa bàn xã Vĩnh Tường, địch phải bỏ dở cuộc hành quân. Tháng 11-1964, địa phương quân phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 phục kích trên tuyến lộ Vị Thanh - Long Mỹ đánh lực lượng địch thuộc Trung đoàn 31 ngụy hành quân chi viện cho Chi khu Ngã Năm (huyện Thạnh Trị), diệt và làm bị thương gần 200 tên địch, bắt sống hàng chục tên, trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ, phá hủy 10 xe quân sự.

Đêm 27, rạng sáng ngày 28-11-1964, địa phương quân huyện và du kích xã Phương Bình kết hợp với Tiểu đoàn Tây Đô cùng cơ sở nội tuyến diệt đồn Cái Sơn, phá vỡ toàn bộ ấp chiến lược và giải phóng hoàn toàn xã Phương Bình. Du kích xã Long Bình phối hợp với đơn vị thuộc Tiểu đoàn Tây Đô diệt đồn xã Long Bình, phá mảng ấp chiến lược Long Bình - Long Trị, đoạn từ Cái Su đến tiếp giáp xã Phương Bình. Thắng lợi trên đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần nhân dân và du kích hai xã Long Bình và Hòa An.

Cuối năm 1964, Quân khu trang bị cho huyện Lon Mỹ 1 khẩu pháo 75mm(3). Đồng thời, theo sự điều động của Quân khu, huyện lấy một bộ phận của Trung đội và Trung đội 52 địa phương quân thành lập một trung đội do đồng chí Năm Ẩn làm Trung đội trưởng bổ sung cho Tiểu đoàn 306 Quân khu 9.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Để đối phó với địch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn quân, toàn dân từ thành thị đến nông thôn dấy lên phong trào “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 5- 1-1965, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Vĩnh Tường phục kích đánh đoàn xe chở lực lượng bảo an của địch từ Vị Thanh hành quân càn quét vào Long Mỹ tại ngã ba Vĩnh Tường, diệt 3 xe GMC, thu 15 khẩu súng các loại. Cũng trong thời gian này, lực lượng vũ trang huyện phục kích tiêu diệt 1 trung đội bảo an tại cống Hai Lai, thu 15 khẩu súng; phục kích tại Trà Lồng (Long Phú) diệt 1 trung đội bảo an, trong đó có tên trưởng đồn. Lực lượng ba mũi giáp công bao vây các đồn Tô Ma (Lương Tâm), Mười Một Ngàn (Vị Thanh), cảng Chủ Hàng (Vĩnh Tường)..., hỗ trợ hàng ngàn quần chúng ở xung quanh các đồn bốt phá ấp chiến lược, trở về quê cũ sinh sống.


(1) Huyện Long Mỹ A gồm các xã Xà Phiên, Lương Tâm, Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Tường và thị trấn Long Mỹ. Huyện Long Mỹ B gồm các xã Long Trị, Long Bình, Long Phú, Phương Phú và Phương Bình.
(2) Đồng chí Năm Trí làm Trung đội trưởng địa phương quân Long Mỹ A.
(3) Khẩu pháo được Huyện đội giao Trung đội 52 quản lý, sử dụng (Trung đội 52 mang tên Trung đội pháo).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:43:43 am »

Ngày 24-2-1965, địa phương quân huyện tổ chức chống càn ở khu vực từ vàm kênh Chủ Tỉnh đến doi Hai Nghiệp, bẻ gãy cuộc hành quân càn quét của 1 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 31 ngụy, có 2 xe thiết giáp M113 yểm trợ. Trong trận đánh này, đồng chí Lê Văn Bỉnh, Trung đội phó Trung đội 42 đã dũng cảm, mưu chí chỉ huy tiểu đội chiến đấu cả ngày với địch. Bản thân đồng chí Bỉnh sử dụng khẩu tự động Mỹ và 100 viên đạn di chuyển linh hoạt giữa các ụ chiến đấu(1) nổ súng diệt 25 tên địch.

Bên cạnh đòn tiến công quân sự, phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu diễn ra sôi nổi. Nhân dân các ấp trên địa bàn huyện tích cực tham gia đào kênh ngăn xe lội nước, mở đường giao thông cho bộ đội hành quân thu lượm bom đạn lép của địch cung cấp cho công trường xã chế tạo vũ khí đánh địch, làm bãi chông, bì lửa,... chống địch càn quét. Các mẹ, các chị nhiệt tình nuôi chứa, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận được tiến hành bằng các hình thức phong phú, thu hút được hàng ngàn quần chúng kéo về thị trấn, thị xã đấu tranh, đưa yêu sách đòi địch thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống càn quét, đuổi nhà và gom dân vào ấp chiến lược.

Giữa năm 1965, hai huyện Long Mỹ A và LongMỹ B sáp nhập thành huyện Long Mỹ. Huyện giao ba xã Hòa An, Phương Phú, Phương Bình về huyện Phụng Hiệp. Theo chủ trương của trên, Huyện đội lấy một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 42, rút du kích các xã lên thành lập một đại đội do đồng chí Sơn Tòng (Út Chùa) và đồng chí Hai Quới chỉ huy bổ sung cho bộ đội chủ lực Miền.

Phong trào cách mạng của quân và dân miền Nam phát triển nhanh chóng đã làm suy yếu thế và lực của quân ngụy, hệ thống kìm kẹp ở cơ sở hầu hết bị tan rã, nội bộ chính quyền Sài Gòn chia rẽ, thường xuyên xẩy ra các cuộc đảo chính. Để cải thiện tình hình, đế quốc Mỹ chủ trương chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, thông qua việc thực hiện kế hoạch Oétmolen(2).

Thời kỳ này, Mỹ - ngụy tập trung nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh trên địa bàn huyện Long Mỹ chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn vào vùng giải phóng. Ngoài lực lượng bộ binh thuộc Trung đoàn 31 ngụy, bảo an, dân vệ, biệt kích hiện có, địch tăng cường hai tiểu đoàn biệt động quân 42 và 44 (thuộc lực lượng tổng trù bị của quân đội Sài Gòn), đưa thêm cố vấn Mỹ và xe thiết giáp, pháo binh, tàu chiến xuống tỉnh lỵ Chương Thiện. Các xã Vị Thanh, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Đông được chính quyền ngụy ở Long Mỹ chọn làm thí điểm thực hiện kế hoạch lấn chiếm. Mỗi xã địch cho một tiểu đoàn thường xuyên hành quân càn quét, chà đi xát lại nhiều lần để củng cố, đóng mới đồn bốt, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi dân. Trong quá trình càn quét, nơi nào nhân dân chống lại lệnh đuổi nhà thì địch cho binh lính đốt nhà, dỡ nhà hoặc dùng chất nổ hủy diệt nhà cửa, phá hủy tài sản của dân nhân, buộc người dân phải tập trung vào sinh sống ở các khu vực địch kiểm soát. Ngoài ra, địch tăng cường hoạt động của lực lượng tình báo, gián điệp chỉ điểm để phi pháo bắn phá vào vùng căn cứ kháng chiến, kết hợp chiến tranh tâm lý, bố trí cơ sở cài cắm vào hàng ngũ cách mạng để tuyên truyền xuyên tạc, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Những hành động đánh phá ác liệt của địch vào vùng giải phóng buộc nhân dân phải di chuyển ra vùng ven thị xã, thị trấn để lánh nạn, hoạt động sản xuất bị đình trệ, việc đóng góp sức người, sức của cho cách mạng của nhân dân suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của phong trào cách mạng tại địa phương. Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên, các đơn vị vũ trang kiên cường bám đất, bám dân, từng bước lãnh đạo nhân dân đánh bại âm mưu thâm độc của địch.

Tháng 9-1965, du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp cùng Tiểu đoàn 306 Quân khu 9 tập kích lực lượng thuộc Trung đoàn 31 ngụy tại Cầu Ván (ấp 10, Vĩnh Viễn), tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên địch.
 
Ngày 22-12-1965, Đại đội 23 của Tiểu đoàn Tây Đô đang đóng quân ở Vịnh Chùa (Long Bình) thì có một đơn vị của Sư đoàn 21 ngụy và một đại đội bảo an được sự hỗ trợ của trực thăng chiến đấu, xe thiết giáp M113 càn quét vào. Đại đội 23 phối hợp cùng du kích xã Long Bình triển khai đội hình đánh địch. Qua một ngày chiến đấu liên tục với quân địch đông hơn ta gấp ba lần, ta đã đẩy lui hàng chục đợt xung phong, tiêu diệt và làm bị thương 309 tên địch, thu 1 trung liên Bar, 2 Garant, 2 carbine, 1 máy PRC10. Tuy nhiên, ta cũng bị thiệt hại khá nặng, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh.

Qua hai năm (1964 - 1965) liên tục tiến công địch, quân và dân Long Mỹ đã từng bước đánh bại kế hoạch lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy trên địa bàn huyện. Ta tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phá hủy, bức rút được nhiều đồn bốt, giải phóng hoàn toàn bốn xã: Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Vĩnh Tường và Phương Bình; phá rã, phá lỏng 2/3 ấp chiến lược, mở rộng vùng kiểm soát ra sát đồn địch, đưa hàng chục ngàn nhân dân về vùng giải phóng sinh sống. Lực lượng vũ trang các cấp được củng cố, kiện toàn hoạt động có hiệu quả. Địa phương quân huyện có hai trung đội, gồm 72 tay súng, riêng thị trấn Vị Thanh có một trung đội, gồm 29 tay súng, 11 du kích và bốn tổ du kích mật. Du kích xã có 137 đội viên, mỗi xã xây dựng được một tiểu đội, mỗi ấp đều xây dựng được du kích và dân quân, trang bị vũ khí thô sơ và vũ khí thu được của địch.


(1) Tiểu đội do đồng chí Bỉnh chỉ huy xây dựng ba ụ chiến đấu, mỗi ụ cách nhau 30m.
(2) Kế hoạch Oétmolen có ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 7 đến tháng 12-1965), đưa nhanh lực lượng quân Mỹ, quân chư hầu vào miền Nam ngăn chặn chiều hướng thất bại của chính quyền Sài Gòn, gấp rút triển khai lực lượng, chuẩn bị tiến hành phản công chiến lược. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 đến tháng 6- 1966), mở các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực Quân Giải phóng, phá chiến tranh du kích, giành chủ động trên chiến trường, hỗ trợ chương trình “bình định”. Giai đoạn 3 (từ tháng 7-1966 đến cuối năm 1967), tiến công tiêu diệt những đơn vị còn lại của Quân Giải phóng và những căn cứ du kích, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của cuộc kháng chiến ở miền Nam, hoàn tất chương trình “bình định”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:45:53 am »

III - LÀM CHỦ NÔNG THÔN, PHÁT TRIỂN TIẾN CÔNG
CÙNG TOÀN MIỀN NAM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
XUÂN MẬU THÂN NĂM 1968 (1966 - 1968)

Tháng 12-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Họp Hội ngHị lần thứ 12 đã đề ra quyết tâm: “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến, tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(1).

Do thị trấn Vị Thanh có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với địch ở Chương Thiện, là nơi đứng chân làm bàn đạp tổ chức lực lượng đánh phá vào căn cứ địa cách mạng ở U Minh và các vùng xung quanh, là hành lang bảo vệ từ xa cơ quan đầu não của địch ở thị xã Cần Thơ, vì vậy, đầu năm 1966, Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương thành lập Đảng bộ thị xã Vị Thanh trên cơ sở Chi bộ thị trấn Vị Thanh, tăng cường cán bộ từ tỉnh xuống nhằm mục đích hình thành mối tương quan về lực lượng giữa ta và địch, từng bước lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm thất bại kế hoạch “bình định” nông thôn của Mỹ - ngụy ở Chương Thiện. Ngày 28-6-1966, Đảng bộ thị xã Vị Thanh được thành lập, tách khỏi huyện Long Mỹ và trực thuộc Tỉnh ủy Cần Thơ.

Giữa năm 1966, Huyện ủy triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 xuống các chi bộ. Huyện ủy chỉ đạo “Phải xây dựng, củng cố, phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, các đoàn thể, Mặt trận, dân quân du kích. Tăng cường số lượng, chất lượng hoạt động của địa phương quân huyện; đồng thời có nhiệm vụ đưa tân binh xây dựng quân chủ lực của tỉnh, khu và Trung ương Cục. Sáng tạo, linh hoạt phương châm, phương pháp sử dụng ba mũi giáp công tấn công địch. Trước mắt là giáo dục, động viên gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu và vận động nhân dân quyết tâm bám ruộng vườn, xây dựng hầm tránh pháo, công sự, xây dựng xã, ấp chiến đấu, làm chiến hào, hầm chông, bãi lửa đánh địch để khôi phục và phát triển sản xuất”.

Cũng trong thời gian này, Huyện ủy quyết định thành lập đại đội địa phương quân (lần 2) trên cơ sở lực lượng các trung đội độc lập của huyện. Đồng chí Bảy Sâm (cán bộ được tỉnh điều về) được chỉ định làm Đại đội trưởng, đồng chí Hồ Thanh Bình (Huyện ủy viên) làm Chính trị viên.

Đêm 14-6-1966, du kích xã Long Trị tập kích đồn Cái Nai gây cho địch nhiều tổn thất, sau đó đơn vị rút về kênh Ba Tích đóng quân. Ngày 15-6-1966, du kích Long Trị phục kích đánh lực lượng địch hành quân vào tìm kiếm dấu vết của ta, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Đây là trận đánh hay của du kích Long Trị được Huyện đội tuyên dương và nhân rộng trong toàn huyện.

Cuối tháng 6-1966, địa phương quân huyện tổ chức trận địa phục kích đánh địch trên con lộ đá đoạn từ Hỏa Lựu đi Cầu Đúc. Đồng chí Hồ Thanh Bình hy sinh trong trận đánh này. Sau trận đánh, đồng chí Bảy Sâm được điều về tỉnh, đại đội địa phương quân chuyển sang hoạt động phân tán.

Đêm 19, rạng sáng ngày 20-8-1966, du kích xã Long Trị phối hợp với các đơn vị thuộc Tiểu đoàn Tây Đô tiêu diệt đồn Cái Nai, ta san bằng đồn, tiêu diệt l9 tên, làm bị thương 6 tên, bắt sống 8 tên, thu 1 trung liên Bar, 1 cối 60mm, 1 máy PRC10 và nhiều đạn dược.

Ngày 23-10-1966, du kích xã Vị Thanh phục kích đánh bọn lính đồn Mười Bốn Ngàn đang đi tuần tra tại ấp 6, diệt tại chỗ 5 tên, làm bị thương 18 tên, thu 2 khẩu súng và nhiều đạn dược.

Đêm 8, rạng sáng ngày 9-12-1966, du kích xã Lương Tâm phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô tập kích đồn Tô Ma, tiêu diệt và làm bị thương 60 tên địch, trong đó có tên Huỳnh Văn Thám là đại đội trưởng ác ôn, bắt sống 24 tên, thu 37 khẩu súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự.

Đến cuối năm 1966, Huyện ủy quyết định giải tán đại đội địa phương quân. Lực lượng vũ trang huyện lúc này được biên chế thành bốn trung đội độc lập (42, 44, 52, 54), quân số trên 100 người. Du kích xã có 185 chiến sĩ, du kích ấp có 205 chiến sĩ. Vũ khí trang bị tương đối đầy đủ, phần lớn lực lượng vũ trang huyện được trang bị tiểu liên, súng trường tự động, carbine, M79 (1 khẩu) và súng trường; du kích được trang bị súng trường, đạp lôi, lựu đạn...


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sdd, t. 26, tr. 634.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:47:32 am »

Trong năm 1966, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Quân khu, tỉnh đánh 829 trận lớn nhỏ, diệt 6 đồn, đánh thiệt hại 9 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 1.972 tên địch, thu 216 khẩu súng các loại(1).

Tháng 2-1967, chính quyền ngụy ở Chương Thiện tiếp tục thực hiện kế hoạch hai gọng kìm và bình định có trọng điểm trên địa bàn huyện Long Mỹ. Địch sử dụng bốn đại đội bộ binh hành quân lấn chiếm tuyến kênh xáng Nàng Mau - Vĩnh Tường, đóng đồn tại Cảng Chủ Hàng, khôi phục lại lực lượng tề ấp, tề xã. Bên cạnh đó, địch tập trung củng cố các ấp chiến lược (tên gọi mới là “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”) đã bị tan rã, phá lỏng trên các tuyến lộ Long Mỹ - Vị Thanh, Long Mỹ - Trà Bang Nhỏ, Vị Thanh - Hỏa Lựu, tuyến kinh xáng Xà No. Địch sử dụng phi pháo, máy bay ném bom đánh phá liên tục khu vực nông thôn giải phóng, vùng ven và vùng tranh chấp, hỗ trợ binh lính trong các đồn bốt, lực lượng biệt kích mở rộng phạm hoạt động.

Để đối phó địch càn quét, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện và du kích xã, ấp phối hợp chặt chẽ với mũi đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng tổ chức đánh lực lượng địch thuộc tiểu khu Chương Thiện và Sư đoàn 21 ngụy đang hành quân càn quét trên địa bàn huyện.

Ngày 8-2-1967, địch bắn phi pháo làm chết 6 người dân ở Vĩnh Thuận Đông, ta vận động nhân dân chở xác chết ra thị trấn Long Mỹ đấu tranh chống địch thảm sát.

Ngày 15-2-1967 (mùng 7 Tết Đinh Mùi), địch huy động lực lượng bộ binh thuộc Trung đoàn 31 sử dụng 30 chiếc trực thăng đổ quân tại khu vực Xẻo Giá (Vĩnh Viễn). Lực lượng vũ trang huyện và du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp cùng Tiểu đoàn 303 thuộc Trung đoàn 1 Quân khu 9 triển khai đội hình, nổ súng đánh địch càn quét, bắn rơi 17 máy bay trực thăng UH-1A, tiêu diệt trên 200 tên địch. Trận này, ta hy sinh 60 chiến sĩ. Thắng lợi của trận đánh tại Xẻo Giá (Vĩnh Viễn) đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Long Mỹ thời kỳ này.

Vài ngày sau, địch sử dụng trực thăng đổ một đại đội biệt kích ở ngọn Cái Su (Hỏa Lưu) bất ngờ tập kích vào địa bàn đứng chân của đội giao liên huyện và du kích xã Hỏa Lưu. Ta lợi dụng vào hệ thống công sự trận địa được xây dựng sẵn nổ súng đánh trả quyết liệt, diệt 17 tên và thu 6 khẩu súng.

Phát huy thắng lợi đã đạt được, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cùng Đội biệt động thị xã Vị Thanh, du kích các xã, ấp bao vây các đồn bốt, bất ngờ tập kích vào các “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” trên tuyến lộ 31, lộ 62, tuyến kênh xáng Nàng Mau – Vĩnh Tường, Nàng Mau - Vịnh Chèo, ngã tư Nước Đục diệt ác, phá kìm và giải tán phòng vệ dân sự. Du kích xã Long Trị phối hợp với cơ sở nội tuyến đột nhập vùng ven thị trấn Long Mỹ diệt 5 tên địch thuộc Đoàn bình định số 6, thu 5 khẩu súng, 1 máy thông tin và 1 thùng đạn.

Ngày 10-4-1967, du kích xã Long Phú tập kích tiêu diệt một tiểu đội bình định trên đoạn lộ giữa cống Cả Luyện – Trà Bang Nhỏ, đột nhập “ấp tân sinh” giải tán một toán phòng vệ dân sự.

Ngày 4-5-1967, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cùng một trung đội thuộc Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 pháo kích vào đội hình Tiểu đoàn 1 ngụy đang cụm quân hỗ trợ các “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” trên tuyến kênh xáng Nàng Mau và Xà No, diệt và làm bị thương khoảng 70 tên địch.

Đêm 15-5-1967, du kích xã Lương Tâm đột nhập “ấp tân sinh” ở Tô Ma, diệt 2 tên tề, chỉ điểm và tổ chức bao vây bắn tỉa binh lính trong đồn Tô Ma. Cùng ngày, du kích xã Long Phú bao vây bắn tỉa đồn trà Bang nhỏ, diệt 3 tên địch. Đêm 21-5-1967, du kích xã Long Bình kết hợp cùng lực lượng vũ trang huyện pháo kích đồn Nước Đục, diệt 5 tên địch. Du kích xã Thuận hưng đột nhập “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” Cái Trầu, diệt Đoàn bình định số 14, thu 4 khẩu súng.

Đầu tháng 6-1967, sau khi diệt một số đồn bốt trên liên tỉnh lộ 31 thuộc xã Tân Bình (Phụng Hiệp), một bộ phận của Tiểu đoàn 309 Quân khu 9 phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ và du kích các xã Hòa An, Long Bình, Vĩnh Tường phá rã trên 10 “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”, diệt và làm tan rã 15 liên toán và toán phòng vệ dân sự (khoảng 300 tên), bắt 15 tên bình định, tề xã, tề ấp, thu 36 khẩu súng, hỗ trợ 120 gia đình trở về ruộng vườn cũ sinh sống.


(1) Trong đó chống càn 126 trận, 3 lần tập kích đánh vào chi khu và thị trấn Vị Thanh, 32 lần đột nhập phá tề, phá ấp chiến lược, 520 lần bao vây đồn bốt, 3 lần đánh phá cầu, tiêu diệt 394 tên địch, bị thương 480 tên, bắt sống 76 tên, vận động đào rã ngũ 760 tên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:49:02 am »

Ngày 31-7-1967, du kích xã vị Thanh phục kích đánh trung đội địch thuộc Đại đội 657 bảo an gần đồn Mười Bốn Ngàn, diệt 6 tên, thu 6 khẩu súng (có 2 trung liên).

Tháng 9-1967, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ thời kỳ này là: "phát động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân khẩn trương xốc tới tấn công địch dồn dập, ngày càng cao bằng hai cao trào, bằng ba mũi giáp công, tiêu diệt, tiêu hao, làm tan rã ngụy quân; đồng thời gây thiệt hại nặng cho quân Mỹ đến mức chúng không còn khả năng phản công cũng như phòng ngự. Ra sức công kích khởi nghĩa liên tục, dồn dập giành dân, mở rộng địa bàn, xây dựng chính quyền cách mạng ngày càng vững chắc, nhất là ở các trọng điểm chiến lược, củng cố vùng giải phóng mọi mặt để góp người, của tạo ưu thế quân sự trên các địa bàn cơ động, tiếp tục đánh bại hoàn toàn kế hoạch hai gọng kìm của địch. Đẩy mạnh phong trào chính trị, vũ trang trong huyện Long Mỹ lên một bước mới với khí thế bạo lực được nâng cao. Nhanh chóng phát triển thực lực cách mạng về số lượng và chất lượng để làm chuyển biến tương quan mau lẹ. Tạo điều kiện, tranh thủ thời cơ tiến lên giành thắng lợi quyết định". Chủ trương của Tỉnh ủy là tập trung lực lượng vũ trang huyện, tỉnh mở đợt tiến công địch trên tuyến kênh xáng Xà No.

Thực hiện chủ trương của trên, Huyện ủy rút du kích ở các xã tăng cường cho lực lượng vũ trang huyện, thành lập đại đội địa phương quân (lần thứ ba), gồm các trung đội 42, 44, 46, 52 và 54, quân số gần 100 chiếc sĩ. Đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) làm Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên, đồng chí Năm Cường làm Đại đội phó, đồng chí Quảng Thành Be làm Chính trị viên phó. Đội du kích ấp bổ sung cho lực lượng du kích xã nhằm xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng với chiến trường tỉnh tiến công địch liên tục, toàn diện.

Tháng 9-1967, du kích Vĩnh Tường phối hợp với một tiểu đội địa phương quân huyện tập kích lực lượng bình định giữa ban ngày tại ngã ba kênh Mười Ba Ngàn, diệt một số tên, thu 3 khẩu súng. Nhân dân Vị Thanh, Hỏa Lựu được du kích hỗ trợ đã phá lộ, đánh sập cầu,

Trung tuần tháng 11-1967, đại đội địa phương quân huyện kết hợp với cơ sở nội tuyến tập kích đồn Xẻo Chèo (Long Bình), tiêu diệt và làm bị thương hơn 20 tên (trong đó có ban tề xã), thu 12 súng, 2 máy đánh chữ, 1 loa phóng thanh. Trước sự vây ép, tấn công liên tục của lực lượng cách mạng vào các đồn bốt trên địa bàn huyện Long Mỹ, bọn địch ở Chương Thiện đã mở hai đợt cao điểm phản công(1) nhằm khôi phục lại các đồn bốt đã mất, giành quyền kiểm soát trên chiến trường.

Để đối phó với địch, ngày 25-11-1967, lực lượng vũ trang huyện đồng loạt nổ súng đánh vào hậu phương của chúng. Ta sử dụng súng cối pháo kích vào nội ô thị trấn Long Mỹ, cơ sở của ta tổ chức ném lựu đạn vào bọn cảnh sát dã chiến, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Thuận Hưng, du kích bao vây đồn, làm chủ tình hình hai ấp Thuận Mỹ, Bình Thuận, giải tán tề và phòng vệ dân sự, thu 3 khẩu súng. Tại Vĩnh Tường, tiểu đội địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã diệt đồn địch giữa ban ngày, thu 3 khẩu súng (có 2 khẩu trung liên). Ngày 27-12-1967, lực lượng địa phương quân phối hợp với du kích thị trấn Long Mỹ đánh Đại đội bảo an 417 tại Láng Dừa - Lộ Hoang, diệt 5 tên, làm bị thương 9 tên.

Trong thời gian này, Tiểu đoàn Tây Đô mở đợt tấn công vào các đồn bốt trên tuyến kênh xáng Xà No, đoạn từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn, từ Hội Đồng Thụ đến Chệt Súng, Những đòn tiến công liên tục của Tiểu đoàn Tây Đô đã bóc dỡ một loạt các đồn bốt như: Đồn Hội Đồng Thụ, Chệt Súng, Bảy Ngàn, Tám Ngàn, Mười Ba Ngàn,... Phối hợp với chiến trường chung, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đẩy mạnh hoạt động trên các tuyến lộ Vị Thanh - Nàng Mau, Vị Thanh - Bảy Ngàn. Vị Thanh - Hỏa Lựu, Trà Bang Lớn - Trà Bang Nhỏ làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của địch trong thời gian dài. Ta chuyển các vùng tranh chấp yếu ở Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vĩnh Tường,... lên tranh chấp mạnh.

Cùng với đòn tiến công vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng diễn ra mạnh mẽ. Hàng ngàn người dân với băng rôn, khẩu hiệu kéo vào thị trấn Long Mỹ đấu tranh chống địch bắt thân nhân đi lính, chống bắn pháo bừa bãi làm chết dân. Nhiều lần, quần chúng chỗ tử thi, những người bị thương do phi pháo địch gây ra kéo ra thị xã Vị Thanh, thị trấn Long Mỹ và Nàng Mau (mỗi đoàn có hàng trăm, hàng ngàn người tham gia) đấu tranh đòi địch bồi thường nhân mạng. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, địch buộc phải nhận đơn kiến nghị và hứa bồi thường. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia đấu tranh trực diện với địch đòi giảm thuế, công chức đòi tăng lương, binh sĩ chống đi càn quét, phòng vệ đòi trả súng không chịu đi canh gác.


(1) Đợt 1 từ ngày 25 đến ngày 30-11-1967, địch tổ chức 67 cuộc càn quét, trong đó có một cuộc càn quét cấp trung đoàn, 14 cuộc càn quét cấp tiểu đoàn. Địch sử dụng 37 lượt máy bay ném bom, 32 lần trực thăng làm chết 67 người, bị thương 66 người, bắt 34 người và bắt 37l thanh niên đi lính. Đợt 2 vào đầu tháng 12-1967, địch mở 33 càn quét, có 2 cuộc càn quét cấp sư đoàn, 29 cuộc càn quét cấp tiểu đoàn, làm chết 116 người, bị thương 79 người, bắt 89 người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:51:00 am »

Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 đã khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”(1). Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(2).

Đầu năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Hiểu (Bảy Thương), Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy điều về làm Bí thư Huyện ủy Long Mỹ. Quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ huyện Long Mỹ xác định nhiệm vụ quan trọng của địa phương thời kỳ này là bảo đảm tuyến hành lang giao thông, đón nhận các đơn vị chủ lực Quân khu, bộ phận hậu cần tiền phương đứng chân để tiến về thành phố Cần Thơ. Một mặt, quân và dân Long Mỹ phải bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho tuyến trước, mặt khác vừa phải hoàn thành nhiệm vụ tấn công vào các đồn, bốt và căn cứ địch trên địa bàn, nhất là hai chi khu Long Mỹ và Đức Long.

Cũng trong thời gian này, tỉnh điều động đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Đại đội trưởng địa phương quân huyện Long Mỹ cùng bốn trung đội 42, 46, 52, 54 (bao gồm vũ khí trang bị) để thành lập Tiểu đoàn Tây Đô II, địa phương quân huyện lúc này chỉ còn Trung đội 44 đặc công, Lúc này, Ban Chỉ huy huyện đội gồm các đồng chí: Chín Minh Hương - Chính trị viên, Tư Tuồng - Huyện đội phó phụ trách hậu cần. Nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Long Mỹ, Huyện ủy rút đồng chí Nguyễn Văn Bưa (Tám Bưa), Bí thư Chi bộ xã Vị Thủy lên làm Huyện đội trưởng, đồng chí Bảy Hăng (Xã đội trưởng Vị Thanh) Huyện đội phó, đồng chí Chín Núi (Bí thư Chi bộ xã Long Trị) làm Huyện đội phó. Lực lượng tham gia Tổng tiến công bao gồm địa phương quân huyện, an ninh vũ trang huyện và du kích thị trấn làm chủ công.

Về phía địch, biết ta sắp mở đợt tiến công lớn nhưng chúng không phán đoán được hướng tấn công, lực lượng tham gia cũng như thời gian diễn ra. Quân địch ở Long Mỹ ra lệnh hủy bỏ lệnh ngừng bắn trong dịp Tết, báo động các đồn trực ngày đêm.

Đêm 30, rạng sáng ngày 31-1-1968 (tức đêm Mùng 1, rạng sáng Mùng 2 Tết ám lịch), quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn địch trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang huyện đã đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn bốt trên địa bàn huyện. Tại thị trấn Long Mỹ và chi khu Đức Long(3), lực lượng địa phương quân và dư kích thị trấn tổ chức thành nhiều mũi tiến công liên tục vào chi khu, chi cánh sát, trụ sở tề..., tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 167 tên địch, ở Thuận Hưng, du kích xã nổ súng đánh địch 13 trận, diệt 49 tên địch, thu 4 khẩu súng, làm chủ hai ấp Thuận Bình và Thuận Mỹ. Du kích xã Long Trị và Long Phú đánh chiếm và làm chủ trục giao thông lộ 42, cắt đứt nhiều đoạn trên tuyến lộ Long Mỹ - Trà Bang Nhỏ. Du kích xã Vị Thanh nổ súng tiến công các đồn bốt dọc tuyến kênh xáng Xà No nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Sáu du kích xã Vị Thanh dựa vào bãi chông, bãi lửa đánh bại cuộc hành quân của một đại đội bảo an, tiêu diệt một số tên, thu 6 khẩu súng. Du kích xã Vĩnh Thuận Đông đánh địch liên tục 5 ngày đêm trên tuyến kênh Nàng Mau - Vịnh Chèo, diệt 17 tên địch. Tiêu biểu là du kích ấp 3 (Vĩnh Thuận Đông), dựa vào bãi lửa đẩy lùi đợt càn quét của một tiểu đoàn địch, tiêu diệt và làm bị thương 29 tên địch. Du kích xã Lương Tâm tổ chức bao vây đồn Tô Ma, Giồng Cấm, diệt 10 tên địch phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống.

Ngày 27-2-1968, lực lượng quân ngụy ở thị xã Vị Thanh chia làm hai mũi càn quét vào địa bàn các ấp Mỹ 1, Mỹ 2 (Hỏa Lựu). Trong quá trình hành quân vào ấp Mỹ 2, lực lượng du kích do Tư Tà chỉ huy (có ý định đầu hàng địch) nên không nổ súng, địch nổ súng làm hy sinh 9 đồng chí du kích, đồng chí Chữ bị địch bắt sống. Địch dẫn đồng chí Chữ ra kênh Sáu Thước, trước mặt đông đảo đồng bào cùng nhiều binh lính, đồng chí Chữ đã lớn tiếng tố cáo đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược và đồng chí bị tên lính Mỹ bắn chết ngay tại chỗ.

Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Long Mỹ, lực lượng vũ trang tuy chưa đánh dứt điểm được các mục tiêu quan trọng ở thị trấn, nhưng các đòn tiến công quân sự của ta đã gây địch nhiều thiệt hại, nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của chúng bị phá hủy. Ta làm chủ nhiều ngày trên các tuyến giao thông thủy bộ, làm tan rã nhiều ban tề ấp, tề xã và ấp chiến lược, buộc địch ở vào thế bị động đối phó, tinh thần binh lính sa sút nghiêm trọng.


(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 29, tr. 47, 50.
(3) Chi khu Đức Long được chính quyền ngụy xây dựng tại Nàng Mau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:51:48 am »

Tháng 3-1968, Huyện ủy Long Mỹ tổ chức cuộc họp quán triệt Nghị quyết của Khu ủy và Tỉnh ủy Cần Thơ (tháng 2-1968), Nghị quyết xác định nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới là: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không sợ mệt mỏi, ky sinh gian khổ, sẵn sàng tiếp nhận mọi nhiệm vụ dù khó khăn đến mức nào, bất cứ giá nào. Ra sức giữ vững thắng lợi vừa giành được, phát triển thắng lợi từng giờ; từng phút, liên tục tấn công, truy kích địch, kiên quyết đánh bại mọi cuộc phản kích của chúng. Tập trung đẩy mạnh công kích, khởi nghĩa ở các thị trấn, thị xã, nhất là các trọng điểm; đồng thời giải phóng toàn bộ nông thôn, nhất là nông thôn tiếp cận thị trấn, thị xã và các đường giao thông. Vừa công kích, khởi nghĩa, vừa phát động quần chúng xây dựng và phát triển nhanh chóng lực lượng ta (cả về vũ trang, chính trị, binh vận). Ra sức xây dựng hậu phương, đảm bảo cung cấp cho tiền phương, tăng cường vận tải, tiếp tế, dân công và bổ sung gấp rút chấn chỉnh chỉ đạo, chỉ huy,...”.

Thực hiện nghị quyết của trên, toàn Đảng bộ huyện Long Mỹ khẩn trương thực hiện những công cấp bách chuẩn bị cho đợt cao điểm 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (từ ngày 5-5-1968 đến ngày 15-6-1968) như: phát triển đảng viên, đoàn viên, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương,... Huyện thành lập Đại đội 1 (c96) địa phương quân trên cơ sở Trung đội 44 đặc công, rút một số chiến sĩ của đội giao liên và du kích các xã Vị Thanh, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng. Đại đội phương quân được biên chế thành bốn trung đội (2 trung đội bộ binh, 1 trung đội ĐKZ 75mm, 1 trung đội đặc công) do đồng chí Bảy Hăng làm Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng Đại đội 1 địa phương quân. Rút du kích các xã Long Bình, Long Phú và Long Trị lên thành lập Đại đội 2 (c97) địa phương quân, quân số hơn 50 chiến sĩ, do đồng chí Chín Núi (Huyện đội phó) kiêm Đại đội trưởng, đồng chí Ba Lắm làm Đại đội phó. Mỗi xã giải phóng xây dựng bốn đội du kích, xã tranh chấp xây dựng hai đội du kích. Bên cạnh đó huyện đưa về khu 1 trung đội thanh niên xung phong đưa 120 tân binh bổ sung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, khu. Chuyển hai xã từ tranh chấp yếu thành vùng tranh chấp mạnh. Mục tiêu đặt ra của quân và dân Long Mỹ trong đợt 2 là giải phóng thị trấn Long Mỹ và các xã trong huyện.

Trung tuần tháng 5-1968, địa phương quân và du kích phối hợp cùng Tiểu đoàn Tây Đô II tấn công vào các mục tiêu tại thị trấn Long Mỹ như: Chi khu, doanh trại đại đội bảo an, Chi cảnh sát, Chi chiêu hồi. Qua hai giờ chiến đấu liên tục với địch, ta làm chủ được Chi chiêu hồi, Chi cảnh sát, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu 2 máy PRC10, 4 máy HT1, cùng nhiều súng và đồ dùng quân sự. Ngoài ra, địa phương quân phối hợp với du kích thị trấn và xã Thuận Hưng đột nhập vào chợ Long Mỹ (7 lần) để vũ trang tuyên truyền, tiêu diệt ác ôn, chiêu hồi, giải tán phòng vệ dân sự, thu 21 súng.

Trong hai ngày 5 và 6-5-1968, địch hành quân càn quét vào ấp Mỹ Tân và kênh Ông Cả, ấp Thạnh Bình (Hỏa Lựu). Du kích Hỏa Lựu kết hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh chặn đánh liên tục, tiêu diệt 32 tên địch. Địa phương quân huyện phối hợp với du kích các xã Lương Tâm, Vĩnh Tường, Phương Bình, Hòa An bao vây bức rút đồn bốt, đánh địch càn quét được 35 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang và quân dụng. Trên trục lộ 31 du kích các xã đã tổ chức đánh địch trên 10 trận, phá hủy 6 xe quân sự.

Phối hợp với đòn tiến, công quân sự, hoạt động binh vận trong thời gian này hoạt động rất hiệu quả, các cơ sở nội tuyến trong đồn bốt địch tranh thủ thời cơ khởi nghĩa tiêu diệt địch ở nhiều nơi như: trận đánh sập lô cốt Lộ Hoang, diệt 22 tên, thu 16 khẩu sáng; bố trí gài mìn diệt 4 tên thuộc đại đội bảo an ở tâm thị trấn Long Mỹ; khởi nghĩa diệt đồn Năm Khai, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng. Ngày 8-5-1968, cơ sở nội tuyến khởi nghĩa tại Cái Bần (Long Trị), diệt 1 tên ác ôn, thu 15 súng, 1 máy PRC10. Tiếp đến, tháng 5-1968, cơ sở của ta trong đoàn bình định tại xã Vĩnh Tường sử dụng mìn tiêu diệt 3 tên, làm bị thương 2 thu 1 súng carbine và 1 máy HT1.

Tháng 5-1968, đồng chí Bảy Hăng - Đại đội trưởng Đại đội 1 (c96) địa phương quân trên đường đi công tác trúng đạn pháo của địch đã hy sinh, Huyện đội điều động đồng chí Sáu Sậu - Xã đội trưởng Vĩnh Thuận Đông lên giữ chức Đại đội phó, đồng chí Ba Khỏe - cán bộ Văn phòng Huyện ủy làm Đại đội phó phụ trách hậu cần. Đồng chí Chín Núi - Đại đội trưởng Đại đội 2 (c97) địa phương quân trên đường đi công tác rơi vào ổ phục kích của địch đã hy sinh. Đồng chí Ba Lắm - Đại đội phó được Huyện đội chỉ định làm Đại đội trưởng Đại đội 2 (c97) địa phương quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:57:45 am »

Giữa tháng 6-1968, đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) -Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Tây Đô II được tỉnh điều về Long Mỹ giữ chức Huyện đội phó. Huyện điều đồng chí Nguyễn Văn Biển (Ba Biển), Bí thư chi bộ xã Long Bình giữ chức Chính trị viên phó Huyện đội, đồng chí Năm Ân - Huyện đội phó phụ trách tham mưu, đồng chí Tư Công phụ trách chính trị, đồng chí Bảy Nhung phụ trách thanh niên, đồng chí Tiễn phụ trách thi đua, đồng chí Chín Sửu làm Trợ lý tham mưu.

Trong cao điểm 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Long Mỹ, lực lượng vũ trang huyện đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.903 tên địch, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, trong đó du kích các xã tiêu diệt trên 200 tên địch, ta tiêu diệt nhiều đồn bốt và mở rộng được vùng giải phóng ở nhiều nơi. Kết hợp đòn tiến công quân sự, binh vận, nhân dân đã nổi dậy phá hủy nhiều khu gom dân, ấp chiến lược của địch, có hàng ngàn quần chúng tham gia đấu tranh chính trị chống địch càn quét, bắn giết người dân vô tội. Tuy nhiên, do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch có thời gian chuẩn bị, củng cố lực lượng nên khi ta nổ súng tiến công vào các đồn bốt gặp phải sự chống cự quyết liệt của địch, gây cho ta nhiều tổn thất lớn về lực lượng(1).

Ngày 22-6-1968, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đưa ra nhận định: “Xu thế phát ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch, thời cơ chiến lược hiện nay rất thuận lợi cho quân dân ta trong tỉnh xốc tới giành thắng lợi to lớn hơn nữa, tiến lên giành thắng lợi quyết định”. Đồng thời, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cách mạng trong sáu tháng cuối năm 1968 là: “Với tinh thần khẩn trương kết thúc giai đoạn, động viên lớn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh liên tục tiến công, liên tục nổi dậy. Ra sức xây dựng lực lượng ta mọi mặt, nhất là ở thị trấn, thị xã, vùng ven, toàn lực xốc tới dứt điểm đồn bốt thị trấn, thị xã để giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Tây và hoàn toàn miền Nam, sẵn sàng đánh bại địch trong mọi tình huống chiến tranh”.

Về phía địch, sau hai đợt tiến công của ta, địch tập trung củng cố lực lượng, ổn định các đồn bốt vùng ven thị trấn, các trục lộ giao thông, tăng cường quân ngụy chi viện cho các đồn bốt, các khu vực bị ta chiếm đóng lại một số vùng đã bị mất. Ngoài ra, địch ráo riết bắt lính, đôn quân, phát triển lực lượng bảo an, dân vệ,...

Trung tuần tháng 6-1968, địch sử dụng một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31 kết hợp với đại đội bảo an của Chi khu Long Mỹ càn quét vào xã Thuận Hưng, Đại đội 1 địa phương quân huyện kết hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II chặn đánh địch tại khu vực ổ Mối (Thuận Hưng). Qua nhiều giờ chiến đấu giằng co với địch, ta sử dụng một trung đội thuộc Đại đội 1 địa phương quân dùng vỏ lãi vận động từ hướng kênh Nhật Tảo bất ngờ đánh vu hồi vào phía sau lưng đội hình địch. Kết quả, ta diệt 60 tên địch, trong đó có thiếu tá Võ Trường Hỷ - Quận trưởng Long Mỹ. Địch bị thiệt hại nặng về lực lượng buộc phải bỏ dỡ cuộc càn quét, rút quân về thị trấn Long Mỹ củng cố lực lượng.

Tiếp đến, địa phương quân huyện phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II nổ súng đánh đồn Nước Đục (gần Chi khu Long Mỹ), đồng thời triển khai xây dựng trận địa phục kích đoạn từ vàm kênh Quản Tấn đến đập Ba Doi (xã Thuận Hưng). Sáng hôm sau, địch cho hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31 cùng với đại đội bảo an của Chi khu Long Mỹ hành quân vào can viện cho đồn Nước Đục, bị lực lượng ta chặn đánh quyết liệt. Từ sáng đến trưa, bộ đội ta đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc quân phải lui quân về tuyến sau củng cố lực lượng. Địch sử dụng pháo binh và máy bay bắn phá hủy diệt trận địa, làm nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, trong đó có đồng chí Tư Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô II, các đồng chí Sáu Sậu, Ba Khỏe - Đại đội phó Đại đội 1 địa phương quân huyện.

Qua hai trận đánh ở ổ Mối, Ba Doi, quân số của Đại đội 1 địa phương quân huyện giảm sút nghiêm trọng. Ban Chỉ huy Huyện đội quyết định phân công đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Huyện đội phó làm Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 1 địa phương quân, điều động đồng chí Đoàn Văn Bồi (Ba Bồi) - Thị đội trưởng thị trấn Long Mỹ làm Đại đội phó, đồng chí Trần Hẩu (Út Hoàng) làm Chính trị viên phó Đại đội. Lúc này, nhiệm vụ của địa phương quân huyện và du kích thị trấn Long Mỹ là tiêu diệt các đồn bốt vành đai xung quanh thị trấn Long Mỹ, buộc chúng phải co cụm lực lượng lại, tạo điều kiện thuận lợi để du kích các xã hoạt động.


(1) Địch mở 133 cuộc càn quét lớn nhỏ (trong đó có 2 cuộc cấp sư đoàn, 29 cuộc cấp tiểu đoàn, 42 cuộc biệt kích...), làm chết 116 người (có 26 đảng viên, 7 đoàn viên, 11 du kích), bị thương 79 người, 89 người bị địch bắt (có 1 du kích), ta mất 40 khẩu súng, cháy 80 ngôi nhà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:58:23 am »

Tháng 7-1968, cơ sở nội tuyến của ta trong lực lượng thanh niên chiến đấu ở Bình Thạnh (Long Bình) tiến hành khởi nghĩa và vận động làm rã ngũ 64 tên địch, thu 8 khẩu súng.

Thực hiện kế hoạch Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa đợt 3 của Tỉnh ủy Cần Thơ (từ ngày 13-8 đến ngày 30-9-1968), Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, đẩy mạnh hoạt động tiến công đồn bốt địch, nhất là khu vực vùng ven thị trấn, các trục lộ giao thông,...

Ngày 14-9-1968, Đại đội 1 địa phương quân nổ súng tiến công đồn Tám Thứ nằm trên vành đai bảo vệ Chi khu Long Mỹ do 15 lính nghĩa quân trấn giữ. Sau 10 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ đồn, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 1 cối 60mm, 1 máy thông tin HT1. Tháng 10-1968, địa phương quân huyện diệt đồn Hai Trí, nằm trên vành đai bảo vệ Chi khu Long Mỹ. Cõng trong tháng 10-1968 huyện thành lập trung đội nữ gồm 20 chiến sĩ, do đồng chí Mai Thị Thạnh làm Trung đội trưởng và trung đội nữ được biên chế thuộc Đại đội 1 địa phương quân huyện

Tháng 11-1968, địa phương quân diệt đồn Ba Cô do lính nghĩa quân trấn giữ, thu được 13 khẩu súng AR15. Đêm 20, rạng sáng ngày 21-11-1968, hai đại đội địa phương quân huyện và du kích thị trấn Long Mỹ được tỉnh tăng cường 1 khấu ĐKZ75mm, 3 khẩu B40 nổ súng đánh đồn Cái Nai và trụ sở tề xã Long Trị. Sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ các mục tiêu, tiêu diệt và làm bị thương hơn 40 tên địch, thu 36 khẩu súng các loại, trong đó có 1 cối 60mm, 1 máy PRC10 và 1 máy HT1. Sau trận đánh, đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Đại đội trưởng Đại đội 1 (c96) địa phương quân huyện được Tỉnh đội Cần Thơ tặng bằng khen vì đã lập thành tích: “Chỉ huy, lãnh đạo đơn vị chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trận diệt đồn Cái Nai đêm 20, rạng sáng 21-11-1968”.

19 giờ 45 phút ngày 26-12-1968, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và Ban Chỉ huy Huyện đội Long Mỹ, hai cơ sở mật là các chị Lê Thị Minh (Hai Minh) và Nguyễn Thị Lầu (Chín Kiệt) sử dụng ghe máy bên dưới có bố trí quả mìn nặng khoảng 500kg có gắn kíp nổ hẹn giờ di chuyển đến khu vực cầu Long Mỹ, lợi dụng sơ hở của địch đã cắt mìn đúng mục tiêu, đánh sập cây cầu Long Mỹ, diệt 6 tên lính gác, làm bị thương hàng chục tên địch. Đây là trận đánh tiêu biểu, nổi bật trong đánh phá giao thông của lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn huyện Long Mỹ, đã gây được tiếng vang lớn trong quần chúng nhân dân. Ta cắt đứt giao thông của địch từ thị trấn Long Mỹ đi Cần Thơ, Vị Thanh, ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch từ Chi khu Long Mỹ xuống các xã Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Vị Thủy, Vĩnh Tường..., tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang huyện hoạt động, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là thắng lợi to lớn của Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ, đã giáng một đòn chí mạng vào ngụy quân, ngụy quyền trên địa bàn huyện, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại kế hoạch “bình định và tìm diệt” của địch, buộc Mỹ -ngụy phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pari. Tuy nhiên, ta cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất do chưa dứt điểm được các mục tiêu quan trọng mang tính quyết định, công tác chuẩn bị chưa chu đáo, lực lượng, vũ khí trang bị, đạn dược chưa được bổ sung kịp thời nên không đủ sức tiến công địch liên tục, địch có đủ thời gian để củng cố lực lượng tiến hành phản kích đánh lại ta quyết liệt, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đánh lại ta quyết liệt, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị vũ trang hy sinh nhiều, buộc ta phải di chuyển lực lượng ra vùng ven hoạt động.

Tóm lại, trong giai đoạn 1966 - 1968, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, trực tiếp là Ban Chỉ huy Huyện đội, lực lượng vũ trang huyện được xây dựng ngày càng lớn mạnh, đã kiên cường đánh địch, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng tiến hành đấu tranh chính trị, binh vận làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - ngụy. Trong đó, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần cùng quân và dân miền Nam làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. đưa phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM