Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:37:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên mang bí số T31  (Đọc 8089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:17:52 am »

   
V. T31 VÀO SÀI GÒN LẦN THỨ HAI

        Tháng 4-1957 công ty Thương mại Bình Minh do Đặng Duy Tá làm giám đốc đã hoạt động thương mại có hiệu quả, Trần Minh Châu tức Cập nhận thấy cần phải báo cáo trực tiếp với các cố vấn tình báo Mỹ như trung tá Paul, thiếu tá Lucium Conein và trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng để thiết lập đường liên lạc tiếp tế mới không qua chính quyền Sài Gòn, mặt khác do ăn tiêu phung phí, bọn chúng đã cạn tiền tiêu xài nên lại phái Nguyễn Văn Sơn vào Sài Gòn.

        Sơn báo cáo với đồng chí Tạ Văn Minh, đồng chí Minh báo cáo ngay với đồng chí Lê Quốc Thân giám đốc công an Hà Nội trưởng ban chuyên án C30. Các đồng chí nhận thấy ta cũng phải nắm được kế hoạch mới này của CIA và bè lũ tay sai để có kế hoạch đốì phó hiệu quả hơn, Đồng thời tìm hiểu thêm về các đường xâm nhập của các toán gián điệp biệt kích Mỹ-Diệm vào miền Bắc Việt Nam qua đường Thượng Lào vào Tây Bắc hay qua biển Đông xâm nhập vào cùng ven biển Đông Bắc mà T31 đã phát hiện trong chuyến vào Nam lần thứ nhất đường nào là chính. Cũng có thể bọn chúng liều lĩnh vượt qua sông Bến Hải ở phía Tây hoặc nhẩy dù bằng máy bay nên đã quyết định để T31 vào Nam.

        Trước khi lên đường, đồng chí Lê Quốc Thân đặt tiệc chiêu đãi tiễn đưa T31 ở nhà một cơ sở phố Tăng Bạt Hổ. Cùng dự bữa cơm thân mật còn có đồng chí Tạ Văn Minh phó phòng Bảo vệ chính trị công an Hà Nội. Nhìn bữa tiệc thịnh soạn, Sơn không khỏi nhớ đến một ngày tháng chạp giáp tết năm 1957, đồng chí Lê Quốc Thân, Tạ Văn Minh đã mời cụ Vũ Thị Nghiêm, mẹ của anh dự bữa cơm chúc tết ở gia đình một cơ sở phố Hàng Chuối. Trong bữa cơm thân mật, đồng chí Lê Quốc Thân nói một câu ngắn nhưng nặng ân tình là: "Vì hoàn cảnh đặc biệt, cơ quan và anh Kha không về chúc tết gia đình được nên mời cụ ra xơi bữa cơm đón xuân". Anh đang suy nghĩ như vậy thì đồng chí Lê Quốc Thân thân tình nói với Sơn:

        - Trong chuyến đi lần này ngoài việc điều tra đường dây liên lạc mới Hà Nội - Hải Phòng - Hồng Kông của chúng, về hướng xâm nhập chính của các toán gián điệp vào miền Bắc trong thời gian tới, đồng chí còn phải tìm hiểu mâu thuẫn giữa Mỹ và Ngô Đình Diệm, giữa Ngô Đình Diệm với các đảng phái thân Mỹ khác. Chuyến này đồng chí có thuận lợi là không bị chúng thẩm vấn về lòng trung thành nhưng lại phải đối phó với Ngô Đình Diệm thanh toán các đảng phái khác, mà Đại Việt -  Quổc Dân đảng là một đối tượng.

        Sơn cũng có linh tính là chuyên đi này "lành ít, dữ nhiều" nên anh muốn được gặp cụ Nghiêm mẹ mình - người mẹ yêu quý luôn luôn dõi theo từng bước đi của anh và Nguyễn Thị Phượng người vợ rất mực thương chồng, thủy chung, không bộc lộ tình yêu một cách lộ liễu như gái thành thị, nhưng lại có tấm lòng yêu thiết tha đằm thắm theo sự giáo dục gia đình truyền thống của người Việt. Anh cũng thương các con, nhưng đứa mà anh thương nhất là bé Đỗ Văn Khôi nay chưa tròn một tuổi, mới sinh hôm trước thì nhà bị qui là địa chủ, nhà cửa bị thịch thu, bị đuổi ra ở trong túp lều dưới bụi tre ở đầu làng, may sao Hồ Chủ tịch đã  kịp phát hiện ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, sửa sai, hạ thành phần gia đình anh xuống trung nông, trả lại nhà cửa nên anh cũng yên tâm.

        Anh gặp những người thân thiết đó không phải để kể việc anh sắp phải đi xa, vì nhiệm vụ của anh càng ít người biết càng tốt mà anh chỉ cần nhìn thấy gương mặt của những người thương yêu ấy cho đỡ nhớ nhung. Nhưng cuối cùng anh cũng không đề xuất với đồng chí Thân khi đồng chí hỏi ''anh có yêu cầu gì không?"

        Sau buổi gặp mặt, các đồng chí lãnh đạo sở Công an và ban Chuyên án, anh đến gặp Trần Minh Châu để nghe hắn dặn dò thêm các yêu cầu của toán với Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên và Trần Khắc.

        Chuyến đi này đồng chí Tạ Văn Minh có việc đột xuất, nên giao cho đồng chí Bảo cán bộ phòng Chính trị, cùng đi với anh vào Vĩnh Linh. Bảo bí mật lo cho anh các công việc trên, đường đi như anh Minh đã làm đối với anh lần trước. Việc Bảo làm rất khéo nên ba người cùng đi xe đi "quan hệ Bắc Nam" không hay biết gì.

        Vì có ba người đi “quan hệ Bắc Nam” đi qua cầu Hiền Lương nên đồng chí Bảo bàn với Công an Vĩnh Linh để anh cùng qua cầu với ba người kia. Để cho bọn ở bờ Nam nhận rõ ám hiệu liên lạc, trước khi qua cầu Sơn đã ” sơ vin” lại cho lộ rõ khoá thắt lưng mạ kền có hình ngôi sao đỏ. Vừa qua khỏi cầu, đến đồn cảnh sát ngụy quyền bên bờ Nam, Sơn đã nhận ra mấy tên ra đón mình cũng vẫn là những tên đón lần trước. Một tên bước ra giữa đường giữ Sơn lại, nói với mấy người “đi quan hệ Bắc-Nam" "Người này là Việt Cộng trà trộn vào phải đưa về công an Quảng Trị thẩm vấn". Nói xong bọn này đưa Sơn lên ô tô vào ty công an nằm trong khu vực dinh tỉnh trưởng Quảng Trị. Bọn công an ở đây đối xử với anh cũng bình thường như lần trước, cho ở phòng riêng sang trọng bữa ăn có nhiều món ngon, chỉ khác là không có người tiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:19:12 am »


        Chiều hôm đó một người cao, da ngăm đen, mặt bầu bĩnh, mắt to, nói tiếng Bắc, mặc thường phục, Sơn để ý thấy tên này có súng lục để trong xách tay bằng da. Tên này tự giới thiệu tên và chức vụ - nay Sơn quên không nhớ tên, chỉ nhớ chức vụ là trung úy, hắn đóng vai là người của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng vào đón. Nói rồi hắn giục Sơn lên xe đưa vào Huế. Hắn đưa Sơn vào một gian phòng có một chiếc giường con ở trong Nha Cảnh sát Trung phần. Hắn nói với Sơn bằng một giọng lạnh lùng: "Ông ở đây không được đi đâu để tôi đi liên lạc phương tiện"

        Sơn nhận thấy cách đối xử với mình khác lần trước thì sinh nghi. Chiều hôm đó có người đem cơm vào cho chứ không cho anh ra ngoài, bữa ăn bình thường chỉ có mấy miếng thịt kho, một quả trứng luộc và một bát canh rau cải lõng bõng nước.

        Tên tự xưng là trung úy, mặc thường phục, người của đáng Đại Việt - Quốc Dân đảng bỏ mặc Sơn nằm trong phòng đó cho đến sáng hôm sau hắn mới đưa một chiếc xe con đến đưa hắn và anh ra sân bay Phú Bài để vào Sài Gòn.

        Tới sân bay Tân Sơn Nhất vừa ra tới cửa Sơn đã giật mình vì trên chiếc xe con chờ sẵn không phải là trung tá Liễu ra đón như lần trước, mà là hai tên lực lưỡng, vẻ mặt lầm lì, Sơn vừa bước lên xe thì hai đứa ngồi kẹp hai bên. Chiếc xe đi vòng vèo tới một phố vắng thì tên trung úy cho dừng xe, nói gì đó với chủ nhà nhưng hắn nói nhỏ mà Sơn thì ở xa nên không nghe thấy gì. Khi trở ra hắn sai hai tên lực lưỡng đi kèm Sơn vào một gian phòng không có cửa sổ chỉ có một cửa ra vào nói: "Chính quyền ở trong này đối xử với đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng khó khăn lắm, chưa thể đến gặp ông Tuyên ngay được, anh cứ ở trong này đừng đi đâu, để tôi đi tìm ông Tuyên báo cáo".

        Qua cách đối xử của tên trung úy từ ty cảnh sát Quảng Trị vào đây khác hẳn với lần trước, Sơn thấy rõ "lành ít, dữ nhiều", không rõ chúng có âm mưu gì với mình lại hỏi cung, lại “kiểm tra bằng máy chống nói dối như chuyến trước hay còn trò gì khác nữa". Tên trung úy này nhốt Sơn trong phòng kín đáo và bỏ đói anh tới tận mười chín giờ mới tới, đưa anh ra một chiếc xe tắc xi chở khách, hắn nói:

        - Tôi đưa anh đi gặp ông Cao Xuân Tuyên.

        Tới ngã tư An Đông tên trung úy đỗ xe lại bảo anh cùng vào ăn tối vì hắn bảo hắn cũng chưa ăn gì. Trong khi đang ngồi ở bàn ngoài cùng chờ đợi thức ăn thì tên trung uý nói nhỏ: "Anh chờ tôi một lát tôi vào trong này nhà sau...". Sơn rót nước ở trong bình vừa đưa lên miệng định uống thì hai tên lực lưỡng hùng hổ bước vào quán gọi: "Đỗ Văn Kha" giật mình không hiểu vì sao hắn biết được tên cúng cơm không hề khai trong lý lịch này. Tuy vậy, Sơn lờ đi như không nghe tiếng, không trả lời, lập tức hai tên này xông tới gí súng vào sườn, xốc nách Sơn kéo đi rồi đẩy anh vào chiếc xe con chúng để gần cửa. Hai tên này chẳng nói năng gì, nhét giẻ vào mồm Sơn, còng hai tay anh lại, đè anh nằm sấp xuống sàn xe, một tên đè chân lên đầu còn tên nữa đè chân lên lưng Sơn. Bọn này chở anh đến một nơi chuyên giam giữ, tra tấn người ở Sài Gòn. Chúng thu cái cặp đựng quần áo, đồ dùng của anh, trên người anh chỉ còn độc một bộ quần áo. Lần này chúng giam anh vào một gian phòng chật chội, không cửa sổ thậm chí không một lỗ thông hơi rồi bật một bóng điện 500 kilowat cực sáng, đoạn khóa trái cửa lại. Cuộc tra tấn bằng đèn điện này kéo dài suốt hai ngày, hai đêm. Đến bữa chúng cho ăn cơm sạn với cá khô mục mặn chát và không cho ăn canh, cũng không cho uống nước. Phần vì ánh đèn điện làm chói mắt, đau đầu, da khô, miệng khát, khắp người lúc nào cũng nóng bừng, suốt đêm, suốt ngày không sao ngủ được. Nước bốc hơi bay đi lại không được bù đắp lại, nên người nóng như phát điên, đầu như bốc lửa. So với cách tra tấn bằng đòn bộ, tra điện, tra nước, đi tầu bay, bỏ đói, phơi nắng thì cách tra tấn bằng đèn điện này cực kỳ dã man, tàn bạo của nền "văn minh Mỹ". Đến đêm thứ ba, bọn chúng khoá hai tay, bịt mắt Sơn dẫn đến phòng thẩm vấn cũng ở trong cái sở đó. Hắn hỏi về lý lịch, quê quán ở ngoài Bắc làm gì, đi vào trong Nam như thế nào, hành trình từ Hà Nội vào đây và vào Sài Gòn liên lạc với ai?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:19:34 am »


        Qua những lời thẩm vấn của chúng chẳng khác gì trong chuyến thứ nhất, Sơn khẳng định là mình chưa hề bị lộ là cán bộ an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà anh khẳng định đây là mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng chính là mâu thuẫn giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với các đảng phái thân Mỹ khác nhưng đối lập với đảng cần Lao Nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm như Đại Việt - Quốc Dân đảng, Đại Việt - Duy Dân, Việt Nam Quốc Dân đảng để giữ độc quyền làm tay sai cho Mỹ.

        Vì xác định được như vậy nên trước sau anh chỉ khai mình là người của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng y như lần trước. Đặc biệt lần này chúng truy hỏi, vặn vẹo anh vào Sài Gòn gặp ai, tổ chức nào, Sơn đều khai Trần Minh Châu tức Cập chỉ huy toán tình báo ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cử anh vào xin viện trợ như lần trước, và chỉ có gặp Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, có người đưa đến nơi, còn địa chỉ không biết.

        Qua gần ba tiếng vặn hỏi, bọn chúng lại bịt mắt dẫn Sơn vào cái phòng giam chật chội, không một chút ánh sáng và lại bật ngọn đèn 500 wat suốt ngày đêm, ngày vẫn hai bữa cơm sạn với cá khô mục, giòi bò lúc nhúc và cũng không cho một thìa canh, một giọt nước nào.

        Sơn được yên ổn trong hai ngày chỉ phải chịu đựng sự bức bối đến phát điên vì ngọn đèn 500 wat và cơn khát đến cháy cổ, cháy họng, đầu muốn nổ tung ra.

        Hai ngày sau cũng vào khoảng 9 giờ tối, bọn đao phủ lại bịt mắt dẫn Sơn đến phòng hỏi cung. Những lời chúng hỏi cũng không khác gì những câu hỏi mấy ngày qua. Sau khi Sơn trả lời, bọn chúng nói:

        - Mày là Việt Cộng đêm nay chúng tao sẽ đem đi bắn!

        Sơn làm ra vẻ trung thành với lý tưởng cách mạng quốc gia, tỏ vẻ bực tức, giật tung cúc áo, chỉ vào ngực hét lên :

        - Đây các anh bắn đi, bắn ngay đi, thằng này đã có gan hoạt động ngay trong lòng Cộng sản, lại lặn lội vào tận đây thì có xá gì !

        Tên hỏi cung thấy Sơn làm già thì cười nhạt:

        - Được, mày muốn chết, đến mai tao sẽ cho chết, nhưng chết cũng chưa yên đâu !

        Lại hai ngày nữa qua đi, cũng vào khoảng hơn 21 giờ, bọn chúng lại bịt mắt Sơn dẫn lên phòng hỏi cung như mấy lần trước. Chúng thay nhau hỏi, lúc nhát gừng, khi dồn dập, chưa trả lời xong câu này chúng đã hỏi sang câu khác nhưng Sơn đã rút được kinh nghiệm nên rất bình tĩnh trả lời, không hề sa vào bẫy của chúng. Cuối cùng đến ba giờ sáng, tên cầm đầu hỏi cung nói:

        - Thôi được, đến tối mai chúng tôi sẽ thả anh.

        Sơn lo chúng thả anh vào ban đêm thì dễ dàng cho người đi theo thủ tiêu mình. Tại Sài Gòn anh có biết nhà ông bà Đức Long, nhưng không muốn đến đế họ liên lụy liên nói:

        - Xin cảm ơn các ông, nhưng các ông có thả tôi thì thả vào ban ngày, chứ thả ban đêm tối biết đường nào mà đi.

        Tên cầm đầu hỏi cung cười nhạt:

        - Anh là người Việt Nam mà không biết tha với thả nó khác nhau thế nào. Tha là tha bổng, còn đây là chúng tôi thả anh, tức là cho anh vào bao tải buộc túm lại thả anh xuống sông. Anh có trối trăng gì với gia đình thì cứ nói, chúng tôi sẽ chuyển cho.

        Sơn thừa biết đây là đòn khủng bố tinh thần nhằm lừa anh nói ra những điều bí mật mà chúng không khai thác được khi hỏi cung liền tỏ ra bực tức nói bốp chát:

        - Tôi theo Quốc gia chính nghĩa, có gì mà phải trối trăng, các anh muốn làm gì thì làm.

        Tên cầm đầu hỏi cung thấy anh nổi nóng, hắn thay đổi chiến thuật hạ thấp giọng:

        - Tôi là Thành Ủy Sài Gòn được lệnh trừng trị tội phản dân, hại nước của anh...

        Luận điệu xảo trá trên làm sao đánh lừa được anh, nên anh trả lời một cách lạnh lùng:

        - Các ông muốn nhận là ai đó là quyền của các ông, còn tôi chỉ biết có chính phủ Quốc gia thôi.

        Không lừa được Sơn vào cái thòng lọng chúng bày ra, tên cầm đầu hỏi cung liền sai bọn đàn em bịt mắt, còng tay đưa anh trở lại phòng giam. Mãi tới hôm sau chúng mới mở cửa phòng giam và không bịt mắt, không khoá tay đưa anh ra cái nhà ở làm vọng gác ở gần cổng. Tới nơi, anh thấy tên trung uý mặc thường phục đã ra Quảng Trị đón anh vào, đưa anh đến quán thịt bò bảy món rồi đề mặc anh cho bọn tay chân côn đồ đưa anh đi đày đọa. hỏi cung cả tuần, nay vừa nhìn thấy Sơn nó vờ vĩnh hốt hoảng kêu lên:

        - Chết cha tôi rồi, hôm ở quán ăn, tôi chỉ nhãng đi một tý để đến nỗi bọn lưu manh bắc cóc anh, tôi phải chạy đi nhờ người can thiệp mãi mới biết anh ở đây nên vội vàng đến đón.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:19:56 am »


        Sơn biết tỏng là do sự sắp đặt của chúng, song anh yên lặng tên trung uý làm bộ hách dịch, quát bọn gác cổng:

        - Chúng bay còn trơ mắt ếch ra đấy à, không đem đồ đạc của ngài đây trả cho ngài.

        Bọn kia không dám cãi nửa lời, vội vàng quay vào trong nhà đem cái cặp của Sơn ra trao lại, Sơn không khỏi ngỡ ngàng đón lấy cái cặp, tên trung uý hạ giọng ngọt ngào:

        - Anh kiểm tra đồ đạc xem có thiếu gì không, nếu thiếu anh cứ nói, tôi bắt chúng nó đền.

        Sơn kiểm tra thấy từ quần áo đến chiếc thắt lưng có cái khoá mạ kền có hình ngôi sao đỏ và cả tấm ảnh bé Khôi ngồi trên mặt bàn phủ vải hoa đưa tay với quả bóng nhựa. Anh nâng tấm ảnh lên ngắm nghía hồi lâu, bé Khôi không những chỉ là hình ảnh đứa con trai bé bỏng của anh mà qua Khôi, anh thấy người vợ thân thương, thấy hai con gái lớn đang ngồi quây quanh bà nghe bà kể chuyện về người cha kính yêu của mình. Nghĩ đến mẹ một người mẹ rất mực thương yêu anh, nhưng không hề ngăn cản anh dấn thân vào nơi nguy hiểm, bom đạn của giặc và rất có thể anh lại bị bắt một lần nữa và lần này thì ngoài tầm tay của bà, bà khó lòng cứu được anh, nhưng bà vẫn không hề nói một lời làm nhụt ý chí của anh. Nghĩ về mẹ, về vợ, con như vậy nhưng Sơn không hề bộc lộ ra ngoài tình cảm sâu kín của mình trước mặt kẻ thù liền trả lời:

        - Đồ đạc của tôi chẳng nhiều nhặn gì, vẫn còn nguyên vẹn cả.

        Tên trung uý giở giọng nhân nghĩa:

        - Vậy mời anh lên xe...

        Sơn leo lên chiếc xe zep, xe chạy nhanh, gió ùa vào khiến anh mát lạnh cả người. Hắn cho xe chạy vòng vèo qua phố Lê Lợi rồi bảo tài xế dừng lại mua một chiếc áo len. Sơn hỏi:

        - Ở Sài Gòn nóng thế này anh mua áo len làm gì?

        Hắn đóng vai người của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng trả lời:

        - Ở Sài Gòn chính quyền khủng bố đảng ta gắt lắm không ở được

        Mua áo len xong, hắn không dừng lại ăn uống mà cho xe chạy suốt đêm. Xe dời thành Sài Gòn ngược ra miền Trung đến Nha Trang rồi ngược lên phía Tây, đường càng đi càng leo dốc, Sơn cảm thấy ớn lạnh phải mặc áo len. Sáng sớm thì xe đến thành phố Đà Lạt, chưa công sở nào mở cửa, hắn đưa Sơn vào hiệu phở, và giới thiệu đây là phở ngon nhất thành phố nghỉ mát này không kém gì phở Hà Nội. Vốn là người Hà Nội, Sơn đã từng ăn phở ở nhiều cửa hàng có tiếng, lại từng ăn phở ở Huế, ở Sài Gòn nay lại nếm phở ở thành phố cao nguyên này nhưng anh thấy rõ chẳng ở đâu phở ngon hơn ở Hà Nội, riêng phở ở đây còn kém rất xa phở gánh rong trên đường phố. Có lẽ vẫn chưa đến giờ các công sở làm việc nên hắn bảo lái xe đi chơi ở hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, ngắm phong cảnh rừng thông Đà Lạt.

        Lần đầu tiên Sơn được đến thành phố nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương này, nhưng tiếc thay anh không phải là người tự do, tuy vậy anh vẫnphải công nhận khí hậu ở đây trong lành, dễ chịu. Đến 9 giờ sáng hắn cho xe lên đèo Prem tới một biệt thự của người Pháp đã bỏ đi từ lâu chỉ có một người trông coi ở đó, nhưng lại có tới nửa tiểu đội lính gác. Người coi biệt thự này mặt lạnh như tiền giống hệt như bọn vệ sĩ ở cái biệt thự Sài Gòn trong chuyến anh vào lần trước, hắn đẩy Sơn vào một gian phòng rộng chừng 20 m2, chỉ thấy kê có một chiếc giường con. Tên trung uý dẫn Sơn lên đây nói:

        - Bây giờ ở Sài Gòn chính phủ khủng bố gắt quá, anh chịu khó chờ đợi ở đây để tôi đi bắt liên lạc rồi giải quyết sau.

        Sau đó hắn bỏ đi, tên trông coi nhà khoá cửa lại. Đến lúc này thì Sơn đã rõ không còn nghi ngờ là mình bị bắt, nhưng không phải vì chúng phát hiện ra anh là cán bộ an ninh miền Bắc mà là do Trần Kim Tuyến, giám đốc cơ quan an ninh tình báo của Ngô Đình Diệm triệt phá các đảng phái thân Mỹ khác để giữ độc quyền làm tay sai cho Mỹ, mình chính là nạn nhân trong cuộc tranh chấp đó.

        Nghĩ vậy Sơn đặt cái cặp xuống chiếc giường một trống trơn. Đến trưa, tên coi nhà mở khóa cửa đem vào một suất ăn của lính rồi lặng lẽ đi ra khóa cửa lại. Đến chiều, mặt trời đã lặn cũng không thấy tên trung úy đưa anh từ Sài Gòn lên đây trở lại, mà có một tên người Bắc, nhỏ người, má bên trái có cái nốt ruồi mọc mấy sợi râu lưa thưa, mặc thường phục mà sau này Sơn mới biết nó là tên trung úy ở Tỉnh đoàn Bảo an Đà Lạt, hắn nói:

        - Ông trung úy đưa anh từ Sài Gòn lên đây có việc bận phải đi ngay tôi đến đây đưa ông đi ở nơi khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:20:15 am »


        Tên trung úy Tỉnh đoàn Bảo an đưa Sơn đến giam trong một phòng nhỏ hơn ở khu Cư xá Ngự lâm quân trên đèo Prem. Không rõ chúng đánh giá Sơn có tầm quan trọng như thế nào trong đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền Ngô Đình Diệm đến mức độ nào mà chúng cho tới bốn tên hạ sĩ quan và lính canh gác. Sơn bị giam trong phòng kín hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, đến bữa, bọn lính đem vào cho anh một suất cơm lính.

        Sơn bị nhốt trong phòng giam này tới hơn 5 tháng thì tên trung tá Liễu - mà bọn hạ sĩ và binh lính ở đây đều gọi là bác sĩ vào phòng giam nói với giọng của bọn Đại Việt - Quốc Dân đảng, hắn nói giọng ngọt xớt sẽ tìm cách đưa Sơn về Hà Nội theo con đường Nam Vang chứ ở trong này không thể được.

        Sơn cũng đành vờ tin nào nó, khi nó bảo anh ký tên vào hai tò giấy trắng để nó làm thủ tục anh cũng ký mặc dù anh biết nó lợi dụng mình để xoay xỏa tiền của Trần Kim Tuyến. Vài ngày sau Liễuđưa Sơn đến một gian phòng lớn hơn ở trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan Bảo an ở một quả đồi khác.

        Nằm mãi trong phòng giam cũng chán lại sinh ra nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ vợ con, không biết sinh sống ra sao, có khỏe mạnh không. Lại lo các đồng chí của mình không nhận được tin tức gì của mình. Để tránh nỗi buồn day dứt nếu kéo dài nó sẽ làm nhụt ý chí đấu tranh cách mạng Sơn yêu cầu chúng phải thuê truyện, sách báo cho anh đọc. Đòi hỏi này của anh được chúng chấp nhận ngay, thế là chúng đưa vào đủ thứ truyện như Chinh Đông, Chinh Tây, Bồng Lai hiệp khách, Tây Du ký, rồi cả kinh phật kinh của Cơ đốc giáo. Anh ngốn hết đủ loại sách, nhưng đọc sách mãi cũng chán anh muốn đọc báo để qua đó có thể phần nào hiểu về thời sự trong nước và thế giới tất nhiên đã  bị chúng bóp méo, xuyên tạc, nhưng chúng không cho anh đọc báo chữ Anh, chữ Pháp, báo của phe đối lập, báo của phong trào sinh viên, Phật giáo mà chỉ có báo Sài Gòn. Trên tờ báo này có mục làm cho anh thích thú là phá cờ thế, một mình anh đánh cả hai bên đỏ, đen. Anh còn bỏ công sức ra làm một bộ quân cờ vào loại có một không hai ở Việt Nam và ở cả thế giới. Đó là anh dùng dao cạo manh xơ lam cắt vỏ bao diêm bằng gỗ bồ đề, nghiền cơm nát dán chồng lên rồi ép, dán lớp nào ép lớp đó, dần dần mỗi quân cờ dầy 20 lớp, dán chắc, bền đẹp như bộ quân cờ tiện bằng sừng. Trên mặt quân cờ anh cũng khảm đủ loại quân tướng, sĩ, tượng xe, pháo, mã tốt, mười sáu quân khảm chữ màu đỏ, mười sáu quân khảm chữ mầu đen.

        Sơn cứ sống một mình lặng lẽ trong gian phòng nhỏ tới bữa ăn một tên lĩnh đem cơm vào, đặt trên nền nhà không nói một tiếng, lẳng lặng lui ra. Sáng ra khoảng tám giờ sáng chúng mở cửa cho anh đi tắm rửa và đổ bô.

        Khoảng sáu tháng sau bọn công an của Trần Kim Tuyến lại đưa Sơn đến một phòng giam rộng khoảng 10 mét vuông ở trong Tỉnh đoàn Bảo an Tuyên Đức, cạnh nhà lao Đà Lạt. Sơn thấy mình không chống Mỹ - Diệm, không bị xét xử, không đưa ra toà nhưng lại bị đầy ải cơ cực bởi chế độ giam cầm khắc nghiệt còn hơn ca tù khổ sai chung thân, nên anh la hét phản đối đòi trả lại tự do, đòi được tắm nắng, được chơi thể thao. Mấy ngày đầu bọn chúng làm ngơ, nhưng rồi ngày nào Sơn cũng la hét, còn nhịn ăn để đòi chúng thỏa mãn yêu sách. Cuối cùng chúng phải khất là sẽ báo cáo về Sài Gòn xin chủ trương. Hai tuần sau chúng nói là có lệnh từ Sài Gòn cứ mỗi buổi sáng chúng cho anh ra tắm nắng mười lăm phút và là lúc chúng mở cửa cho anh đi đổ bô, tắm giặt.

        Nơi tắm nắng ở ngay trước cửa phòng giam, có lối đi rộng chừng hai mét, rào dây thép gai. Ngaycạnh phòng giam Sơn là một phòng nhỏ, chúng giam hai người, một người tướng ngũ đoản, da ngăm đen, trán hói, tóc chải ngược. Người kia gầy, cao hơn, da trắng, tóc điểm hoa râm. Hai người này cũng lần lượt mỗi sáng ra phơi nắng mười lăm phút. Nơi giam giữ này nằm ở cuối trại lính nên vắng vẻ, cả ngày chỉ có vài bóng lính qua lại. Tại đây bọn chúng cũng cho tù ăn suất ăn của lính.

        Khi tắm nắng cũng có lính canh, nên Sơn không nói chuyện được với hai người kia, cứ mỗi lần đi dạo qua lỗ thông hơi, anh lại dùng ngón tay viết một chữ cái lên lòng bàn tay, mỗi lần như thế viết được hai, ba chữ cái qua vài ngày sau thì Sơn biết được người tù tướng ngũ đoản tên là Trần Quốc Khánh, người này thuộc cấp lãnh đạo trung ương đảng Dân Xã, còn người kia Sơn cũng biết tên nhưng nay lâu ngày quên mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:20:30 am »


        Sơn bị giam giữ như vậy gần ba năm, không một tên nào hỏi han gì tưởng như chúng đã quên anh.

        Không, chúng không quên, vào một buổi sáng đầu tháng 12-1959, có một chiếc xe dép đỗ ở sân trại giam, từ trên xe bước xuống là một người béo mập, trắng trẻo, đeo kính trắng, mặc thường phục, Sơn phải nhìn một lúc lâu mới nhận ra đó là trung uý Ninh, kẻ đã đưa đón anh trong chuyến anh vào Sài Gòn lần thứ nhất, nhưng nay hắn béo, đẫy đà và trắng hơn nên khó nhận ra. Ninh vồn vã bắt tay chào hỏi Sơn với giọng của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng hắn đưa cho Sơn xem tờ báo Nhân Dân xuất bản ở Hà Nội ngày 5-4-1959 đăng vụ án C30 do Trần Minh Châu tức Cập cầm đầu, đầu bài báo là: "Một tổ chức gián điệp của Mỹ- Diệm bị đưa ra trước pháp luật". Ở trang 1 và bài xã luận, "Thắng lợi của tinh thần cảnh giác", cả hai bài này chúng đều gạch chân mấy dòng tít và đóng khung bằng bút chì mầu đỏ. Sơn xem chưa hết bài báo thì trung úy Ninh nói:

        - Ở miền Bắc bây giờ đen tối lắm, công an Bắc Việt đánh phá hết các cơ sở trung kiên của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng, anh về Hà Nội không được nữa, mà ở Sài Gòn không có gia đình cũng nguy hiểm lắm, nên chúng tôi tính gửi anh đến một nơi xa, ít người quen, có việc làm đủ sống, rồi sau này sẽ tính.

        Sơn không khỏi nghi ngờ hỏi:

        - Vậy nơi ấy là ở đâu?

        Ninh yên lặng một lát rồi trả lời:

         - Nơi đó chúng tôi còn tìm, anh cứ yên tâm ở đây chờ đợi và không được đi ra ngoài, sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng anh.

        Nói xong Ninh chào anh một cách chiếu lệ rồi cầm tờ báo đi ra. Anh tiếc là không có mặt ở Hà Nội để cùng đồng đội tham gia phá vụ án này, và không hiểu vì sao ban chuyên án lại bỏ sót Phạm Đăng Hào là nhân vật sô hai của toán gián điệp này.

        Đầu tháng 3-1960, cảnh sát của Trần Kim Tuyến đưa Sơn từ Đà Lạt về giam kín ở một nhà giam ở Sài Gòn, sau này anh mới biết đó là sở thú. Dẫn anh về Sài Gòn lần này vẫn là tên trung úy mặc thường phục đưa anh từ Huế vào Sài Gòn rồi lên Đà Lạt từ ba năm trước. Trại giam này có lính gác nhưng không có phòng làm việc, chứng tỏ đó là nơi tạm giam. Độ gần một tuần, đó là vào ngày 19 tháng 3-1960, một tên mặc thường phục, người gầy, dong dỏng cao, tự giới thiệu tên là Lữ đem đến một cái túi vải kiểu sắc du lịch và hai bộ quần áo may sẵn đưa cho anh và nói:

        - Chúng tôi đã tìm được người quen bảo đảm để gửi anh, giấy tờ của anh chúng tôi cũng làm rồi, từ nay anh lại mang tên là Nguyễn Văn Sơn.

        Nghe tên Lữ nói như vậy Sơn cầm chắc là Trần Kim Tuyên chưa chịu trả tự do cho mình mà còn tiếp tục đầy ải mình, nhưng chưa rõ chúng đưa đi giam ở đâu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:21:07 am »


VIII. T31 BỊ ĐẦY RA CÔN ĐẢO

        Tên Lữ giao cho anh cái túi, ra chỗ chiếc xe zép chở hắn tới nói gì đó với tên lái xe rồi quay vào giục Sơn:

        - Bây giờ anh theo tôi đưa anh đến nơi ở mới...

        Sơn cũng chẳng có đồ đạc gì nhiều chỉ có cái cặp và chiếc túi xách tên Lữ mới đưa cho liền xách theo hắn ra xe. Tên Lữ cho xe đi qua mấy phố đông dân cư, qua một phố vắng đến bến cảng sông Sài Gòn thì ô tô đỗ lại, tên Lữ dẫn Sơn ra cầu tầu đưa xuống chiếc tầu Hải quân, trên sàn tầu có khoảng 200 tù chính trị bị xích vào nhau. Lữ không cho Sơn có thì giờ nói chuyện với tù chính trị mà đưa anh vào hẳn trong khoang thuyền trưởng. Đến đây Sơn đã rõ nơi chúng bảo anh ở đó yên tĩnh, không có người quen là nhà tù Côn Đảo địa ngục trần gian. Tầu rời sông Sài Gòn ra Vũng Tầu rồi ra khơi để tới Côn Đảo. Sơn ngước mắt nhìn lên bầu trời màu xám bạc, nhìn biển nước mênh mông, không hề thấy một cánh buồm, một chiếc tầu, chỉ có vài cánh hải âu uể oải bay giữa khoảng cách bầu trời và mặt nước tưởng như gần chạm vào nhau. Nhìn bầu trời mênh mông vô tận, lòng Sơn rộn lên nỗi niềm nhớ quê hương có xóm làng san sát nhà cửacó mái đình, giếng nước, có cây đa ở đầu ngõ và cái cổng làng cao, to nhất trong tổng. Ra khỏi cổng, đồng của làng là đồng lúa xanh ngăn ngắt rộng thẳng cánh cò bay. Vậy mà từ nay anh bị chúng đưa đi đầy ở Côn Đảo mịt mù sóng gió giữa biển khơi hoàn toàn cách biệt với đất liền mà mẹ già, vợ con, các đồng chí, đồng nghiệp không hề biết tin tức kể từ khi anh qua khỏi cầu Hiền Lương.

        Côn Đảo còn gọi là quần đảo Côn Lôn, có mười bốn hòn đảò rộng trên 60 kilomét vuông, nằm ở vị trí 136°, 36° kinh Đông và và 8°40 vĩ Bắc, cách Vũng Tầu 90 hải lý. Tháng 6-1783, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy kích phải đem theo người vợ thứ ba được sủng ái là Đặng Thị Yến, con trai là hoàng tử Cải cùng 100 gia đình vượt biển chạy ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm bị quân Tây Sơn đánh cho đại bại ở Rạch Gầm, Soài Mút. Hắn lại cầu viện nước Pháp, giao hoàng tử Cải cho cố đạo Bê hen (Pigneau de Behaine) làm con tin. Bà Đặng Phi Yến can ngăn không nên đưa quân nước ngoài về tàn phá đất nước như quân Xiêm vừa rồi. Nguyễn Ánh tức giận giam bà vào hang đá xếp đá bịt cửa hang và bắt hoàng tử Cải đi, Hoàng tử Cải bị bắt lên thuyền gào khóc đòi mẹ liền bị Nguyễn Ánh đạp xuống biển, xác hoàng tử cải giạt vào bãi Cỏ Ống. Sau khi giết hoàng tử Cải, Nguyễn Ánh giao hoàng tử Cảnh cho cố đạo Bê hen đưa sang Pháp làm con tin. Ngày 28-1-1787 cố đạo Bê hen đại diện cho Nguyễn Ánh ký với Pháp Hiệp ước: Pháp viện trợ cho Nguyễn Anh, bốn tầu chiến, 2000 lính Phi. Để đổi lại; Nguyễn Ánh "phải nhường vĩnh viễn cho Pháp cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lòn" Năm 1802, Nguyễn Ánh được quân Pháp viện trợ quân sự, đánh bại nhà Tây Sơn lập nên vương triều Nguyễn, Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long. Từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều đưa những người chống đối ra giam giữ ở Côn Đảo.

        Năm 1862 thực dân Pháp đánh chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chúng dời dân vào đất liền, biến quần đảo này thành nhà tù. Có biết bao quan lại, tướng lĩnh trong phe chủ chiến, các thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa, phong trào Cần Vương, chỉ riêng gia đình Nguyễn Thiện Thuật có tới ba người là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Tuyển Chi, Nguyễn Thạc Chi và các phong trào yêu nước khác đã bị đế quốc Pháp đầy ải cho đến chết. Từ năm 1930 cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân đảng thất bại, Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị dìm trong biển máu, đế quốc Pháp đã đưa hàng nghìn chiến sĩ cách mạng rà đầy ải ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) Pháp đã xây dựng thêm nhiều trại, banh, khu biệt giam chuồng cọp, chuồng bò để đầy ải, giết dần giết mòn hàng ngàn tù chính trị, biến Côn Đảo thực sự là "địa ngục trần gian".

        Từ năm 1954 đế quốc Mỹ thế chân Pháp xâm lược Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thống trị nhân dân miền Nam âm mưu vượt sông Bến Hải đánh phá miền Bắc thì nhà tù Côn Đảo trở thành một trại giam khổng lồ giam giữ hành hạ các chiến sĩ cách mạng, nhân dân yêu nước và cả những người trong các đảng phái thân Mỹ khác, cùng bọn quân phạm, tù kinh tế, hình sự đều đầy ra đó. Bọn cố vấn Mỹ còn dạy cho bọn đao phủ giết hại cả thể xác và tinh thần các chiến sĩ cách mạng với những thủ đoạn tàn bạo, tinh vi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:21:28 am »


        Vào tháng 3-1960 khi Nguyễn Văn Sơn bị đầy ra Côn Đảo cũng là thời kì các chiến sĩ cách mạng đấu tranh chống li khai kiên cường nhất. Tất cả các tù nhân kiên cường bất khuất trong các nhà lao Chín Hầm, Thủ Đức, Chí Hòa đều bị chúng lưu đầy ra Côn Đảo và đã chịu đựng đủ mọi hình thức tra tấn man rợ nhất của chủ nghĩa thực dân mới. Trong cuộc đấu tranh kiên cường bất khất đó, các tù chính trị lao I ở Chuồng Cọp đã nêu cao dũng khí cộng sản kiên trinh. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi nhưng phải trả giá bằng gần 1000 anh hùng, chiến sĩ hy sinh và hàng ngàn người khác bị tàn phế, thương tật suốt đời.

        Chiếc tàu Hải quân chở các chiến sĩ bị lưu đầy ra đến Côn Đảo chúng lùa hết các chiến sĩ cách mạng lên trước, rồi tên Lữ mới đưa anh lên và dẫn anh đến trình diện trung tá Bạch Văn Bôn tỉnh trưởng kiêm quản đốc trại giam Côn Sơn. Lữ để Sơn ngồi ở phòng ngoài rồi vào phòng tỉnh trưởng trước. Không rõ Lữ nói với Bạch Văn Bốn những gì về anh, nhưng khi hắn cho gọi anh vào, thì thái độ của tỉnh trưởng không ra thân thiện cũng chẳng thù địch, hắn còn động viên:

        - Anh đã ra đây, hãy yên tâm làm ăn, đừng nghĩ gì đến chuyện về đất liền, nay tôi giao cho anh làm quản lý câu lạc bộ cho chúng tôi. Tôi nói trước, anh không được ra bờ biển khi có tầu ở đất liền ra, còn lương của anh mỗi tháng tôi trả 2.000 đồng. Nếu anh không làm tốt, chẳng những không được nhận lương mà còn bị đuôi việc lúc đó hậu quả sẽ ra sao, hẳn anh cũng đoán được.

        Sơn thấy việc đó thích hợp với mình vả lại anh từ chối việc này, chắc chắn chúng sẽ tống anh vào trại giam nên nhận lời.

        Qua tìm hiểu, Sơn thấy câu lạc bộ Côn Đảo ở trưng tâm thị xã là nơi bán điểm tâm, giải khát cho các nhân viên nguy quân, ngụy quyền đóng ở đảo. Câu lạc bộ còn nấu cơm tháng cho nhân viên ở đất liền ra đảo không đem theo gia đình. Đối với các đoàn thanh tra hay khách hạng thường Tỉnh trưởng cũng đều đãi cơm ở Câu lạc bộ.

        Sơn ở đảo được hơn một tháng thì tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn cho người mời anh lên phòng làm việc của hắn, hắn sai lính hầu mở bia mời anh và tỏ ra rất thân tình niềm nở hỏi thăm sức khỏe và anh cần gì trong cuộc sống cứ bảo hắn. Đoạn Bạch Văn Bôn lấy từ trong tủ ra một chiếc phong bì dầy cộm trao cho anh nói:

        - Đây là 2500 đồng lương tháng của anh từ đất liền gửi ra...

        Sự ưu ái của Trần Kim Tuyến, tên trùm mật vụ khét tiếng thâm hiểm và gian ác và tên đao phủ tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn khiến Sơn không khỏi ngỡ ngàng, mặc dù anh đã được Nguyễn Đức Tăng thông báo trước, vì vào thời gian đó 5000 đồng đã  mua được 1 lạng vàng.

        Với số tiền lương hậu hĩ đó, Sơn đâu có tiêu đến, vì ăn đã không mất tiền, câu lạc bộ trả lương lại có nhiều bổng lộc, đó là một công việc mà nhiều viên chức trong chính quyền ở đảo hằng mong ước. Sơn đã dùng số tiền thừa của mình mua đường sữa, thuổc men bí mật gửi cho anh em tù chính trị, giúp đỡ các gia đình cơ sở mà anh đang tuyên truyền vận động. Tuy vậy, anh cũng bị bọn cảnh sát ở đảo "để ý tới". Có tên nói thẳng với anh: "Anh có phải là Việt Cộng không mà lại có cảm tình vơi tù chính trị như vậy?" Nghe tên đó hỏi, Sơn bình tĩnh trả lời: "Tôi chỉ là người Việt Nam thấy bất cứ ai đau khổ, hoạn nạn thì giúp đỡ chút ít gọi là hiểu lộ tấm lòng thường người của mình"

        Tuy Sơn không có cương vị gì ở Đảo, nhưng do công chức ở Đảo từ Tỉnh trưởng đến các trưởng ty đều cho rằng anh là người tin cẩn của Trần Kim Tuyến phái ra Đảo giám sát chúng nên chúng đều vị nể, hễ gặp anh là chúng chào trước. Nhiều bữa tiệc do Tỉnh trưởng hay các trưởng ty tổ chức cũng đều có giấy mời anh. Tất cả những bữa tiệc đó, Sơn đều sắp xếp thời gian đi dự để mở rộng sự quan hệ cá nhân và nắm được một số âm mưu của ngụy quyền ở Sài Gòn và bọn ở Đảo đối với tù chính trị.

        Ở cương vị quản lý Câu lạc bộ, Sơn cố tìm mọi cách giúp đỡ tù chính trị, Câu lạc bộ cần một số người phục dịch như tiếp phẩm, nấu ăn, chạy bàn, rửa bát đĩa, quét dọn và làm giấy tờ sổ sách, trước kia người quản lý cũ thuê người ngoài vào làm nay Sơn đã để ý chọn đích danh mười sáu anh em tù chính trị đều là những chiến sĩ đấu tranh trong tù kiên cường như Nguyễn Tấn Chẩm, Trịnh Minh Sao, Thái Văn Hiến, Nguyễn Văn Mười... lập danh sách trình bày với Tỉnh trưởng kiêm quản đốc nhà lao Côn Sơn xin cho họ ra làm việc và ở tại Câu lạc bộ cho tiện sự sai phái. Bạch Vàn Bốn thấy có lý nên chấp nhận đề nghị của Sơn và đã kí duyệt vào bản danh sách đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:22:20 am »


        Khi anh em tù chính trị đến nhận việc Sơn nói rõ công việc của từng người và yêu cầu anh em làm thật tốt, hàng tháng Câu lạc bộ nuôi cơm, mỗi anh em còn nhận được tiền bồi dưỡng hàng tháng từ 250 đồng đến 300 đồng. Đề phòng có kẻ xấu xoi mới việc làm trên, Sơn đều làm dự toán để Tỉnh trưởng ký duyệt, giao cho kế toán cấp phát.

        Do anh em tù chính trị làm tốt công việc, Sơn chỉ làm nhiệm vụ quản lý cơ sở, cuối ngày nộp tiền cho ty Ngân khố và cuối tháng làm sổ sách, tính lại giao cho Tỉnh trưởng lấy tại Ngân khố.

        Trong khi làm tại Câu lạc bộ, Sơn sẵn có sản phẩm của cơ sở đã chiêu đãi một số viên chức có thế lực trong bộ máy cầm quyền ở Đảo. Nguyễn Đức Tăng là bí thư của Tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn, một người chức không cao nhưng lại rất có quyền thế ở đảo, Sơn đã kết thân với anh vì anh là người tốt, không chèn ép người khác, không tham gia mà còn tìm cách hạn chế bọn ác ôn đàn áp tù chính trị. Hai người trở nên thân thiết. Khoảng ba tháng sau, Tăng cho Sơn biết bức thư của Trần Kim Tuyến gửi tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn có đoạn như sau; "Tôi gửi ông một người nhà là Nguyễn Văn Sơn. Ở Sài Gòn ông ấy quậy phá quá trời, không sao chịu nổi. Nay tôi gửi Sơn ra ngoài đó nhờ ông giúp đỡ, tìm một việc làm gì đó để giữ chân ông ấy lại. Điều quan trọng là không để ông Sơn buồn và chán và quay về đất liền"1. Đó là một thông tin quí giá để Sơn đối phó với bọn chúa đảo.

        Ý tứ của Trần Kim Tuyến như vậy nhưng Tỉnh trưởng Bạch Văn Bôn lại cho rằng Trần Kim Tuyến đặc phái anh ra đảo là để giám sát bọn hắn, nên bọn hắn đối xử với Sơn hết sức tử tế và khiêm nhường. Cứ thế các viên chức ở đảo nói nhỏ với nhau về nhận xét của tỉnh trưởng, nên bọn cầm đầu ở đảo không dám đụng chạm, thậm chí làm mất lòng Sơn, có tên còn cho vợ con đến cầu cạnh mong Sơn nói với Trần Kim Tuyến cho chồng con thăng quan tiến chức.

        Sơn làm ở Câu lạc bộ được hơn một năm, tỉnh trưởng mới Lê Văn Thể, thấy Sơn biết làm sổ sách, tính toán giỏi lại có lãi hơn những người làm trước liền cho anh sang quản lý kế toán Hợp tác xã.

        Hợp tác xã tiêu thụ Côn Sơn là một tổ chức thuộc Nha Hợp tác xã trung ương tại Sài Gòn. Hợp tác xã do các nhân viên ngụy quân, ngụy quyền đóng cổ phần đê ưu tiên mua lương thực, thực phẩm, hàng bách hóa, thuốc men chở từ Sài Gòn ra. Hàng năm xã viên được hưởng lại suất theo cổ phần đã đóng.

        Mỗi năm hợp tác xã họp đại hội xã viên một lần để tính lỗ lãi và bầu ban quản trị, ban kiểm soát mới. Hàng tháng và cuối năm phải báo cáo kế toán về Nha hợp tác xã ở Sài Gòn.

        Thường thì những người cầm đầu nguỵ quyền, nguỵ quân được bầu vào các ban còn chủ tịch luôn luôn là tỉnh trưởng hay phó tỉnh trưởng. Riêng Sơn là ban quản lý do tỉnh trưởng chỉ định không phải bầu.

        Quản lý thay mặt cho ban quản trị lo việc mua, bán hàng hóa của một nhà thầu ở Sài Gòn chuyển hàng ra đảo cho hợp tác xã. Thường mỗi tháng có một chuyến tầu chở hàng từ Sài Gòn ra đảo. Vào mùa gió chướng thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau gió thổi mạnh vào đất liền nên tầu ra bị sóng to, ngược gió không ra đảo được, phải chậm lại vài tuần, có khi hàng tháng nên hàng lúc đó khan hiếm phải phân phối theo nhu cầu. Xã viên nào mua hàng khan hiếm phải ghi phiếu có chữ kí của quản lý thì thư kí mới viết phiếu bán. Do điều kiện đó nên quản lý dễ lợi dụng để thiên vị tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cách mạng. Khi hàng khan hiếm thì nhu yếu phẩm phân phối theo hộ gia đình, phiếu do anh nhớ lại phiếu ở miền Bắc để làm. Tuy vậy tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và người trong bản quản trị ban kiểm soát luôn luôn giành được ưu tiên.

        Nguyễn Văn Sơn đã khéo léo lợi dụng lời huênh hoang của bọn chúa đảo là chúng đã có lòng nhân đạo đối với tù nhân để đề nghị tỉnh trưởng cho phép tù nhân (cả tù chính trị, quân phạm, thường phạm) có bưu phiếu tiếp tế từ đất liền gửi ra đảo, nếu muốn mua đường sữa, thuổc tẩm bổ hay các chữa bệnh thì lập danh sách các thứ hàng cần mua, giám thị sẽ chuyển mỗi tuần một lần tới cửa hàng hợp tác xã rồi đưa về trại bán theo đúng giá. Đề nghị của Sơn được tỉnh trưởng duyệt. Đấy là một thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa chính trị và kinh tế mà tù nhân đã kiên trì đấu tranh từ thời Pháp qua thời Mỹ vẫn không được giải quyết.

--------------
        1. Tuy Kha thân thiết với nguyễn Đức Tăng như vậy, nhưng sau này Tăng chuyển sang ngạch ngoại giao, làm Bí thư thứ hai sứ quán Diệm ở Algéri, Kha muốn báo cáo về cơ quan và thông tin vổi gia đình là mình đang bị giam giữ ở Côn Đảo đã  nhờ Nguyễn Đức Tăng qua đường thư tín Paris (Pháp) gửi cho anh một bức thư cho gia đình ở Hà Nội, nhưng Tăng sợ liên luỵ đã khéo léo từ chối.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2020, 09:52:45 am »

     
        Ban quản trị và ban kiểm soát mỗi tháng họp một lần vào đầu tháng để duyệt báo cáo kê toán, lỗ lãi của tháng trước và quyết định những việc liên quan do quản lý đề suất. Cuộc họp nào cũng có giải khát đầy đủ, khi về lại có phong bì với số tiền không nhỏ nên đại biểu nào cũng vui vẻ.

        Giúp việc cho quản lý có một thủ kho, một thư ký ghi phiếu bán hàng và một thu ngân, những người này đều là vợ con nhân viên ngụyquyền ở đảo được tuyển vào làm, có lương tháng. Ngoài ra còn văn phòng, kê toán sổ sách v.v... đều do tù chính trị Sơn lấy trong trại ra giúp việc đảm nhận làm đâu vào đấy, không một sai sót nhỏ, đã  báo cáo việc làm đó với quan quản trị và ban kiểm soát, và được tất cả mọi người đồng tình. Dựa vào sự tín nhiệm đó, Sơn tiếp tục lập danh sách mười tù chính trị mà anh đã hiểu về tư cách, phẩm chất, xin họ ra làm các công việc cân, đong, đo, đếm khuân vác, quét dọn gửi lên tỉnh trưởng kiêm quản đốc trại, được Tỉnh trưởng ký duyệt. Những anh em trên được ăn, ngủ tại hợp tác xã , không phải vào trại, được hưởng thù lao mỗi tháng từ 300 đến 500 đồng một người, được bồi dưỡng gạo, thức ăn, chè, thuốc trong khi dọn hàng tầu Sài Gòn chở hàng ra vào ban đêm và khi đau yếu. Đề phòng bọn xấu bới móc, gây khó dễ, Sơn đề ra tiêu chuẩn trên rồi trình bày tại cuộc họp ban quản trị và được sự đồng tình của cả ban, và chủ tịch là thiếu tá ký duyệt rồi giao cho quản lý đại diện ban quản lý kí các phiếu xuất và vào sổ sách đàng hoàng.

        Trong thời gian ở đảo, bằng kinh nghiệm hoạt động tình báo của mình, Sơn đã điều tra lý lịch, phân hóa bọn ngụy quyền, gây mâu thuẫn giữa các bộ phận của ngụy quyền, tỉnh Côn Sơn làm cho chúng luôn luôn đề phòng, giữ miếng nhau, tìm cách hạ thấp uy tín của nhau tiến tới hất cẳng nhau. Sơn còn tìm cách mua chuộc nắm những người làm văn thư, đánh máy, lưu trữ tài liệu để tìm hiểu các âm mưu, thủ đoạn của chúng đối với tù chính trị để báo cho anh em biết mà đối phó. Để giữ bí mật, Sơn không nói trực tiếp với người nào trong số tù chính trị làm việc ở hợp tác xã mà chỉ làm như vô tình nói lộ ra cho anh em biết để anh em báo tin về trại. Nhờ đó anh em tù chính trị đã  có kế hoạch đối phó kịp thời nhiều vụ đàn áp của địch. Sơn còn ngầm tuyên truyền cách mạng, vạch mặt một cách khéo léo Mỹ và tay sai. Ngoài ra nhờ gây uy tín cá nhân, thuyết phục những nhân viên ngụy quyền trong ban quản trị hợp tác xã giúp đỡ nhiều đồng chí ta trong các trại ra các văn phòng giúp việc chúng, để bằng con đường này đưa tin tức từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong được dễ dàng:

        Sơn thấy bọn chúa ngục xây mộ cho Nguyễn An Ninh, một nhà yêu nước chống Pháp, anh cũng tác động cho chúng xây mộ cho chị Võ Thị Sáu, vì anh nói chị cũng chỉ là một học sinh nhỏ tuổi chống Pháp đâu phải là cộng sản. Chúng chấp nhận đề nghị của anh và đã xây mộ chị Võ Thị Sáu. Mặc dù các hoạt động của Sơn kín đáo lại được tỉnh trưởng bảo vệ và các ủy viên ban quản trị, ban kiểm soát là nhân viên ngụy quyền cao cấp ở đảo bênh vực, nhưng bọn cầm đầu công an1 ở đảo luôn luôn cho mật vụ theo dõi và đã nhiều lần gọi Sơn về ty công an thẩm vấn. Nhưng do không có chứng cớ, vả lại tên nào cũng được Sơn thết đãi, gửi phong bì, ưu tiên hàng hóa khi khan hiếm nên tên nào cũng vị nể không dám thẳng tay với Sơn. Hơn nữa ngay ở bộ chỉ huy cảnh sát Côn Sơn, anh cũng gây được cơ sở nên anh biết rõ tên nào đang theo dõi anh và chúng gọi anh lên để hỏi về việc gì nên lần nào anh cũng an toàn trở về.

        Cứ mỗi lần có tỉnh trưởng ra đảo2 hay trưởng ty cảnh sát mới đổi ra đảo là mỗi giai đoạn chúng lại tăng cường giám sát theo dõi Sơn và có nhiều cuộc thẩm vấn, khống chế hơn, vì qua việc Sơn tiếp xúc với tù chính trị không có lợi đối với chúng cho nên công an Côn Đảo nghi ngờ anh là người của cách mạng. Tuy chúng nghi ngờ, nhưng do Sơn hoạt động khéo léo, mọi việc lấy tù chính trị ra phục vụ ở câu lạc bộ, hợp tác xã cho đến việc trả lương, bồi dưỡng cho anh em đều do tỉnh trưởng kiêm quản đốc trại giam, chủ tịch hội đồng quản trị ký, Sơn chỉ là người đề xuất và thừa hành. Tất cả các chi phí đó đều ghi chép công khai trong sổ kế toán, hàng tháng, hàng năm đều có chữ ký duyệt y của chủ tịch Hội đồng quản trị. Mặc dù không có chứng cớ cụ thể, bọn cảnh sát ở Côn Sơn vẫn không ngừng theo dõi, giám sát anh. Khoảng đầu tháng 3-1975, một người tên là Hiển ở thành phố Cần Thơ làm ở văn phòng tỉnh trưởng Côn Sơn báo cho anh biết là tên Tức chỉ huy trưởng cảnh sát Côn Sơn làm tờ trình lên trung tá Lâm Hữu Phương đề nghị bắt Sơn tống vào trại giam, nhưng Lâm Hữu Phương ra lệnh "tạm để lại để theo dõi thêm" Khi được Hiển báo cho tin này Sơn hiểu rằng trung tá Lâm Hữu Phương chẳng phải có cảm tình gì với mình mà từ khi Phương ra làm chúa đảo Sơn đã kiếm cho hắn khá nhiều tiền từ cái hợp tác xã tiêu thụ cùng những thùng lớn hàng hóa khan hiếm ở đảo. Tuy vậy sự kiện trên cũng nhắc nhở Sơn hoạt động phải khôn khéo hơn, sao cho đạt được hiệu quả mà mình vẫn an toàn để tiếp tục hoạt động cho cách mạng chờ ngày miền Nam được giải phóng, anh thoát được cảnh giam cầm này và không phải đau lòng khi nhìn thấy các đồng chí của mình bị giặc đày đoạ trong các xà lim, các trại biệt giam, các chuồng bò, chuồng cọp mà không giúp được.

--------------
        1. Từ nàm 1954 đến tháng 5-1960 gọi là chi công an.
        Từ tháng 6-1960 gọi là công an
        Từ năm 1971 là bộ chỉ huy cảnh sát Côn Sơn. Trưởng ty gọi là chỉ huy trưởng. Dưới có các phòng: cảnh sát đặc biệt; quản trị; tư pháp; kỹ thuật; an ninh cảnh lực; tâm lý chiến; cuộc cảnh sát Bến Đầm; cuộc cảnh sát Cỏ Ống.

        2. Tính từ tháng 3-1960 khi Sơn bị đầy ra đảo đến ngày 30-4- 1975 có các tên tỉnh trưởng kiêm quản đốc trại giam như sau:
        1- Thiếu tá Bạch Văn Bôn (1957-1960)
        2- Thiếu tá Lê Văn Thể (1960-1963)
        3- Trung tá Tăng tự Tư Sao (1963-1964)
        4- Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu (1964-1965)
        5- Thiếu tá Nguyễn Thế Ty (1965 )
        6- Thiếu tá Nguyễn Phát Đạt (1965 )
        7- Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ (1965-1971)
        8- Thiếu tá Nguyễn Văn Tiếp (1971-1972)
        9- Trung tá Đào Văn Phô (1972-1973)
        10- Trung tá Nguyễn Văn Vệ (1973-1974)
        11- Trung tá Lâm Hữu Phương (1974-4/1975)
        (Theo Côn Đạo ký sự và tư liệu - sách đã dẫn)

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM