Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:57:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên mang bí số T31  (Đọc 8091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:10:38 am »


        Paul đưa Sơn đến một village nhỏ ở phố Calnette, quận 2 Sài Gòn - nay thuộc quận nhất thành phố Hồ Chí Minh -Tại đây đã có các tên Nguyễn Văn Thọ, Trần Ninh Hợi mà anh đã biết mặt ở Hà Nội chờ sẵn ở đó. Qua tìm hiểu anh mới rõ căn nhà này là bất động sản của đảng Đại Việt -  Quốc Dân đảng nhưng không công khai mà do kĩ sư Cẩn người miền Bắc đứng chủ gia. Người của Đại Việt - Quốc Dân đảng đón anh chỉ có Nguyễn Văn Thọ, còn Trần Ninh Hợi khi đó nằm dưỡng bệnh ở đó.

        Qua thái độ chẳng ra nồng nhiệt cũng không thờ ơ của bọn Đại Việt - Quốc Dân đảng trong cái biệt thự này Sơn thấy rõ anh đang bước vào một cuộc chiến đấu không cân sức vì một phía là bọn trùm CIA cùng bọn cầm đầu Đại Việt - Quốc Dân đảng, lại còn bọn an ninh của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn do tên cáo già Trần Kim Tuyến cầm đầu, lại ở ngay Sài Gòn hang ổ của chúng. Tình thế của anh lúc này chẳng khác nào cưỡi trên lưng hổ, không thể xuống được chỉ có cách diệt chết hổ thì mới tồn tại. Anh tự nhủ mình là phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác để chiến thắng tất cả cạm bẫy và có thể cả sự tra tấn của quân thù để giữ trọn vẹn bí mật của Đảng, của cơ quan an ninh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chẳng những thế, anh còn phải vượt lên tận dụng mọi sơ hở của chúng để khai thác các bí mật của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm và các đảng phái phản động khác để phục vụ cho việc đánh địch của cơ quan an ninh mà đồng chí trưởng ban chuyên án giao phó cho và không phụ lòng giúp đỡ tận tình của đồng chí Tạ Văn Minh.

        Sơn không phải chờ đợi lâu, ngay chiều hôm đó Đặng Văn Sung rồi Cao Xuân Tuyên lần lượt đến hỏi thăm sức khỏe nhưng đều bắt anh phải viết báo cáo tường tận lý lịch mình và tình hình chính trị, kinh tế, quân sư, an ninh ở miền Bắc. Về lý lịch anh khai đúng như trước kia anh đã  khai sau khi vào đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng, còn các tình hình chung của miền Bắc anh không hề đả động tới, vì Trần Minh Châu chỉ giao cho anh nhiệm vụ tuyên truyền trong giới trí thức và tư sản Hà Nội, nhưng thời gian tính từ ngày 10- 10-1954 đến nay quá ngắn ngủi nên anh thu thập được chưa nhiều. Chúng cũng bắt anh phải báo cáo cả các hoạt động của các nhóm ở Hải Phòng, Nam Định. Cao Xuân Tuyên cũng gợi ý cho Sơn phải tường trình rõ ràng chuyến vào Nam từ Hà Nội qua các tỉnh đến khi đặt chân tới Vĩnh Linh, qua sông Bến Hải. Khi Đặng Văn Sung và Cao Xuân Tuyên đi khỏi thì có bốn tên lực lưỡng canh gác ngôi nhà này và buộc Sơn không được rời biệt thự, không được tiếp xúc với ai và thậm chí anh muốn tới phòng ăn hay đi nhà vệ sinh cũng do một tên dẫn đi. Sơn biết là mình đang bị giam lỏng và cuộc chiến đấu thực sự trong hang ổ quân thù đã bắt đầu.

        Suốt một tuần Sơn phải viết báo cáo theo gợi ý của Cao Xuân Tuyên. Khi anh viết xong thì những đứa quen mặt như Cao Xuân Tuyên, Trần Ninh Hợi, Nguyễn Văn Thọ không hề lai vãng mà có tới ba, bốn tên lạ mặt, mặt lạnh như tiền thay nhau thẩm vấn, kiểm tra. Chúng hỏi anh rất nhiều chuyện, có những câu chẳng đâu vào đâu chuyện chúng hỏi chủ yếu là miền Bắc, quê quán, thuở nhỏ học ở đâu, làm gì, về sở thích, về cuộc sống riêng tư về bạn chơi thuở nhỏ, bạn học, bạn chơi bời. Thỉnh thoảng chúng mới xen vào một câu chính trị về hoạt động của bộ đội, công an miền Bắc, về trang bị của bộ đội, các đồn công an đóng ở Hà Nội, cả vị trí đóng quân của các sư đoàn 308, 320... Thời gian thẩm vấn chúng không phân biệt, mấy ngày đầu chúng hỏi vào ban ngày theo giờ hành chính, rồi chúng thẩm tra cả ban đêm, có ngày chúng thay nhau quần anh đến hai, ba giờ sáng, khiến cho đầu óc anh căng thẳng mụ mẫm, toàn thân rã rời mệt mỏi, vào những giây phút đó người bị thẩm vấn dễ trả lời ào ào cho qua chuyện, sa vào bẫy chúng. Nhưng anh vẫn hết sức bình tĩnh không hề nóng nảy, cũng không trả lời ào ào cho qua chuyện mà đều có cân nhắc hẳn hoi và đặc biệt là trong cùng một câu hỏi thì lần trả lời thứ hai cho đến các lần tiếp theo đều trả lời giống nhau.

        Suốt một tuần liền anh phải đối phó với những câu hiểm hóc, những cái bẫy tưởng như vô tình nhưng thực ra nó được dầy công sắp đặt của bọn mật vụ nhà nghề. Có lẽ không khai thác được gì ở anh, nên bọn chúng đã phải buông tha anh, bắt anh ký vào bản cung không phải là một tờ cuối mà anh phải ký tới hơn ba chục tờ. Anh ký vào các tò cung vào cuối giờ buổi sáng thì vào đầu buổi chiều anh nghe có tiếng chân nhiều người bước về phía phòng mình, anh chuẩn bị tinh thần đối phó thì người đẩy cửa vào phòng anh không phải là họn người có khuôn mặt lạnh lùng mà là Cao Xuân Tuyên tay cầm bó hoa tươi cười bước vào. Sự xuất hiện của Cao Xuân Tuyên chứng tỏ những buổi hỏi cung khó chịu đã chấm dứt và anh đã là người chiến thắng. Sơn nhìn Cao Xuân Tuyên trách:

        - Tôi một lòng với chủ nghĩa quốc gia, vậy mà các ông không tin vẫn tra hỏi tôi như đối với kẻ thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:11:02 am »


        Cao Xuân Tuyên nhẹ nhàng nói:

        - Đó là nguyên tắc của tổ chức, bất cứ ai dù là trung ương ủy viên cũng phải tuân thủ,

        Sơn nhận thấy đây là thời cơ để hỏi tin tức về T20 mà Trần Minh Châu đã phái vào trước anh hai tháng nhưng không nhận được tin tức gì. Bọn  Trần Minh Châu thì đoán anh bị lực lượng cách mạng đón bắt và xử lý, còn ban chuyên án lại cho rằng do anh sơ hở nên chúng nghi ngờ anh là người của cách mạng nên đã thủ tiêu. Vì thế trong chuyến đi này anh được các đồng chí trong ban chuyên án giao cho nhiệm vụ tìm hiểu rõ ràng trường hợp đồng chí T20, liền hỏi Cao Xuân Tuyên:

        - Hai tháng trước ông Trần Minh Châu phái anh Thái vào nhận chỉ thị và xin tiếp viện sao đến nay vẫn không nhận được tin tức gì?

        Cao Xuân Tuyên trả lời:

        - Đúng, Thái có vào trong này nhưng về ngoài đó khó nên chúng tôi đã bố trí cho anh ta ở lại Sài Gòn làm ăn.

        Sơn vẫn nghi ngờ về chuyện này liền nói:

        - Vậy các ông bố trí cho tôi thăm ông Thái.

        Cao Xuân Tuyên ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

        - Nếu anh muốn đến gặp Thái, chúng tôi sẽ đưa đến.

        Sơn biết rằng Cao Xuân Tuyên đã nhận lời, mình không thể nài ép thêm được, nên không nói gì nữa. Anh tưởng rằng việc thử thách đến đây là hết thì Cao Xuân Tuyên lại nói:

        - Người Mỹ đến giúp mình nhưng họ không tin vào lời khai và các báo cáo mà họ tin vào khoa học kỹ thuật, vì vậy anh còn phải qua "máy chống nói dối" của người Mỹ.

        Sơn cũng đã từng nghe kể về "máy chống nói dối" của Mỹ, nhưng không rõ nó tối tân hiện đại đến mức nào, kì diệu đến mức nào, liệu nó có thật sự phát hiện được những điều mình nói không thực không?. Vì thế khi nghe Cao Xuân Tuyên nói, Sơn cũng phát hoảng, vì nếu mình chỉ thiếu bình tĩnh lúng túng, không nhất quán trong khi trả lời khẩu cung của chúng, sẽ bị chúng phát hiện. Nhằm đối phó có kết quả với loại máy "đánh vào tâm lý" này cần phải biết cách chống nó, làm vô hiệu hóa các tần số chỉ nhịp đập của tim trên màn huỳnh quang, Sơn liền làm bộ tức giận quát tháo ầm ĩ là mình đã chịu đựng biết bao nguy hiểm mới vào tối đây vậy mà hết bị bắt viết tường trình, lại hỏi cung nay lại bị kiểm tra bằng "máy chống nói dối" anh khăng khăng không hoạt động nữa mà ở lại Sài Gòn làm ăn buôn bán.

        Không rõ Trần Ninh Thọ đến từ lúc nào thấy anh to tiếng với Cao Xuân Tuyên cũng chạy vào, hắn nói lời lẽ cũng hệt như Cao Xuân Tuyên:

        - Mỹ là nước văn minh, tụi cố vấn tin vào khoa học kĩ thuật, mình cây ngay không sợ chết đứng, chả có vấn đề gì đâu, tụi Mỹ chỉ hỏi, bốn năm câu bình thường tưởng ra vô thưởng vô phạt rồi đột nhiên nó hỏi một câu có liên quan đến công việc...

        Cao Xuân Tuyên ra vẻ đã từng qua "máy kiểm tra chống nói dối" này mách nước:

        - Anh đừng lo, máy đó chẳng có gì là tôi tân hiện đại đâu, nhưng anh nên nhớ, khi trả lời, tốt nhất là đừng nói dài, đừng giải thích lôi thôi, dài dòng dễ bị sơ hở, nó dựa vào đó mà truy hỏi, mà chỉ cần trả lời một trong hai từ hai từ “yes” (phải), hoặc “no” (không) là đủ.

        Sau khi nhận được một lượng thông tin ít ỏi để đối phó với "máy chống nói dối". Sơn cố tìm cách đối phó sao cho có kết quả mà không bị lộ liễu. Tối hôm đó một chiếc xe con chở một sĩ quan chở một sĩ quan CIA và một tên là bác sĩ cũng là người Mỹ chở "máy chống nói dối" đến. Cao Xuân Tuyên khoe với hai tên Mỹ là Sơn biết tiếng Anh, nhưng Sơn muốn có thêm thời gian suy nghĩ để trả lời các câu hỏi nên nói: "Tôi chỉ biết một ít tiếng Anh thông thường trong giao tiếp mà cần phải có thông ngôn". Bọn Mỹ buộc phải cho xe đi tìm thông ngôn vì thế thời gian kiểm tra phải kéo dài thêm.

        Chừng hai mươi giờ hai tên Mỹ sai mấy tên vệ sĩ làm nhiệm vụ canh gác, giám sát Sơn khiêng đến một chiếc bàn gỗ rộng một mét, dài 1,5 mét đặt ở giữa phòng để đặt máy. Anh để ý thấy "máy chống nói dối" chẳng khác gì máy điện tâm đồ ở khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nên anh có phần yên tâm hơn. Nhưng có thể bọn Mỹ giở trò chiến tranh tâm lý dùng máy này uy hiếp tinh thần anh nên chúng lừng khừng mãi chưa vào cuộc. Mãi tới 22 giờ khi Sơn đã mệt nhoài sau một ngày bị chúng hỏi cung và suy tính tìm cách đối phó với máy chông nói dối và thấy buồn ngủ thì tên bác sĩ người Mỹ mới bắt đầu buộc hai dây mạch vào ngực và hai cánh tay anh. Sau đó tên bác sĩ chỉ huy cuộc thẩm vấn, tên Mỹ còn lại đọc trên màn huỳnh quang và quan sát thái độ của anh, còn tên thông ngôn thì thông dịch. Anh nghĩ cách đối phó là khi chúng hỏi những câu bình thường thì lấy hơi sức thở mạnh. Tiếng nói của anh được máy tự động thể hiện và ghi lại bằng hai chiếc kim màu xanh, màu đỏ kẻ trên băng giấy trắng. Mạch đập của tim và nhịp thở của phổi cũng có đồng hồ riêng theo rõi ghi rất chi tiết. Tên CIA hỏi:

        - Tên anh có phải là Sơn không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:11:32 am »


        Sơn trả lời:

        - Yes

        Tên CIA hỏi dồn dập:

        - Anh ở nhà số 54C phố Hàng Đào Hà Nội phải không?

        Sơn trả lời:

        - Yes

        - Anh vào đây có xin giấy Hải quan Cộng sản phải không?

        Sơn trả lời:

        - Yes

        Đột nhiên tên CIA hỏi:

        - Trước khi vào đây anh nhận những nhiệm vụ gì của cộng sản?

        Trong khi chờ đợi thông ngôn dịch Sơn biết đây chính là câu hỏi chính của chúng nên anh trả lời một cách rất bình thường:

        - No

        Kết quả là trên màn huỳnh quang mạch đập của tim cũng như nhịp thở không có biểu hiện cao thấp tỏ ra rối loạn. Tên CIA lại hỏi:

        - Đến Quảng Trị anh có ở nhà Tỉnh trưởng không?

        Sơn trả lời:

        - Yes

        Sơn vừa dứt lời thì tên Mỹ hỏi ngay:

        - Điểm tâm có hợp khẩu vị không?

        Sơn trả lời:

        - No

        Tên tình báo CIA hỏi ngay:

        - Ai là cộng sản chỉ đạo anh vào trong này làm gì?

        Sơn trả lời ngay sau khi thông ngôn dịch:

        - No

        Hai tên cố vấn Mỹ kéo dài cuộc thẩm vấn bằng máy đến một giờ sáng hôm sau. Tên bác sĩ nói với tên CIA:

        - Quái, chỗ nào mình nghi ngờ thì máy bình thường, còn chỗ không nghi ngờ thì máy lại tụt xuống.

        Cuối cùng chúng phải kết thúc cuộc thẩm vấn. Khi bọn Mỹ đã lên xe đi khỏi và Cao Xuân Tuyên, Trần Ninh Thọ cũng trở về phòng riêng, chỉ còn lại mình Sơn ở trong phòng. Đến lúc này anh mới hiểu rõ vì sao đồng chí T20 vào mà không trở ra, rất có thể vì anh đã lúng túng, mất bình tĩnh để máy phát hiện ra một điều nghi ngờ nào đó về lòng trung thành của anh với chúng, nhưng vì chúng chỉ nghi ngờ nên không giết anh mà chỉ để anh ở lại Sài Gòn.

        Máy "chống nói dối" đưa lại kết quả không đúng như ý muốn của CIA, nên chúng đã quyết định "làm lại". Việc đó được thực hiện vào 0 giờ 30 phút ngày hôm sau. Nhưng lần này Nguyễn Văn Sơn đã có kinh nghiệm đối phó với "máy chống nói dối" mà anh hiểu rõ nó cũng chẳng có gì ghê gớm chỉ là đánh vào tâm lý của người bị thẩm vấn, những người vững vàng, kiên định thì chiến thắng, những người lúng túng, bị động thì nói năng sơ hở từ đó chúng xoáy vào mà truy bức. Tên CIA và tên bác sĩ Mỹ lại lặp lại những câu hỏi như đêm hôm trước, nhưng chúng không phát hiện được gì, đến hai giờ sáng hôm sau chúng phải kết thúc cái trò chiến tranh tâm lý này.

        Sau cuộc thẩm vấn bằng máy "chống nói dối" lần thứ hai, Sơn trở về phòng ngủ một giấc say sưa cho tới chín giờ sáng hôm sau mới thức giấc.

        Suốt ngày hôm đó Sơn được yên ổn không có một tên nào quấy rầy. Từ đó anh khẳng định lần này thì mình đã vượt qua được các cuộc thẩm vấn bằng cách hỏi cung thông thường, và hỏi cung bằng máy. Như vậy là bằng ý chí và nghị lực anh đã  chiến thắng bọn CIA Mỹ cùng bọn tay sai đắc lực của chúng về thẩm vấn tù nhân.

        Sáng hôm sau Sơn giật mình thức giấc vì sự ồn ào náo nhiệt của bọn chúng. Anh nhìn đồng hồ kim đã chỉ chín giờ ba mươi phút liền đi đánh răng rửa mặt. Anh thấy mấy tên mặt lầm lì giám sát anh không còn nữa và thấy bọn người lạ mặt lăng xăng đi lại. Lát sau, Cao Xuân Tuyên cùng Trần Ninh Hợi vào gặp Sơn, Tuyên vui vẻ báo tin:

        - Hôm nay chúng tôi mở tiệc chiêu đãi anh ...

        Sơn chưa kịp trả lời thì Trần Ninh Hợi nói tiếp:

        - Bữa tiệc này có cả bác sỹ Đặng Văn Sung, cố vấn Lucium Conein, Paul và nhiều nhân vật quan trọng của Đại Việt - Quốc Dân đảng đến dự. Như vậy là từ nay các thủ đoạn thẩm vấn đã chấm dứt, anh đã vượt qua được cả ải nghi ngờ của bọn chúng nhưng vẫn làm ra vẻ thờ ơ:

        - Tiệc tùng hay không là tùy các ông, tôi chỉ mong được sống yên ổn thôi!

        Cao Xuân Tuyên làm như không nghe thấy câu trả lời của Sơn , mà nói:

        - Anh thông cảm, chúng tôi mở bữa tiệc can méc tại gia, vì đi ra ngoài dễ bị lộ, các thứ nấu đã  mua, thợ nấu cũng đã thuê từ Chợ Lớn đến.

        Lát sau Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, Trần Ninh Thọ, Lucium Conein, Paul trung tá tình báo Mỹ đón anh ở dọc đường do trung tá Liễu giao và những tên khác lần lượt đến bắt tay, coi anh là nhân vật số một trong bữa tiệc Lucium Conein vừa bắt tay anh vừa nói như ra lệnh:

        - Trở về miền Bắc các anh phải khẩn trương phá hoại nếu chưa làm nổi chuyện lớn thì hãy cứ làm sao có được vài tiếng nổ bất cứ ở đâu để gây ảnh hưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:11:49 am »


        Sơn làm bộ như chăm chú nghe nhưng trong lòng trào lên sự căm thù bọn xâm lược từ bờ bên kia Thái Bình Dương đã đem quân lính cùng các loại vũ khí tối tân, các chất độc hóa học sang xâm lược Việt Nam.

        Tiệc của chúng là tiệc lớn, có những thức ăn chưa từng thấy bao giờ, rượu Pháp, rượu Anh, rượu Tàu có tới bẩy loại. Trong bữa tiệc lần lượt Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, Trần Ninh Thọ cùng các cố vấn Mỹ và tất cả những tên có mặt trong đám tiệc đều đến chúc rượu tâng bốc Sơn là: Anh "người dũng cảm liều mình vì Người mang trọng trách cao cả", "Người sống trong vùng cộng sản mà không bị nhuộm đỏ"...

        Sơn không muốn chúng nghi ngò, nên đáp lại tất cả thịnh tình của chúng. Bữa tiệc kéo dài chừng một tiếng đồng hồ, mấy tên Mỹ làm ra bộ lịch sự bắt tay chúc mừng và chủ tiệc Đặng Văn Sung rồi ra về. Đám Đại Việt - Quốc Dân đảng ở lại tiếp tục ăn uống, cuối cùng nhiều đứa say khướt phải nằm lại biệt thự.

        Hai ngày sau Cao Xuân Tuyên đưa cho anh một tờ giấy trắng bảo ký vào, anh biết chúng sẽ dùng tờ giấy đó để moi tiền bọn Mỹ, nhưng anh không bận tâm. Hôm sau Cao Xuân Tuyên đưa anh lên ô tô chở đến nhà ông bà Đức Long ở đường Lê Lợi. Đến nơi thì bà đi lễ chùa chỉ có ông và con gái ở nhà. Vì có mặt Tuyên ở đó, nên anh chỉ hỏi thăm ông về sức khỏe và việc làm ăn buôn bán, không dám nói lên điều tâm sự. Ông Đức Long mời anh ở lại chờ bà nhưng Cao Xuân Tuyên đưa mắt ra hiệu, anh đành phải chào ông để ra về. Bọn Đại Việt - Quốc Dân đảng để Sơn ăn chơi ở Sài Gòn hơn một tháng, tuy nói vậy nhưng chỉ có ăn uống là thoải mái, bữa nào cũng như tiệc, còn chơi thì không được tự do, vì anh chỉ được phép ở trong vi la không được ra ngoài, muốn đi đâu phải xin phép, chúng có chấp nhận mới được đi và chúng đều có người đi kèm.

        Mặc dù bị chúng bưng bít như vậy nhưng qua những lần tiếp xúc với Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, Sơn cũng nắm được tin bọn chúng đang ráo riết tuyển lựa số ngụy quân, ngụy quyền là người dân tộc Thái, Thổ, Nùng ở Lai Châu và Hải Ninh di cư vào Nam từ năm 1954-1955 rồi tung ra miền Bắc. Sơn cũng biết rõ bọn Đặng Văn Sung chọn hai con đường xâm nhập vào miền Bắc là từ biển Đông đổ bộ lên các đảo ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long rồi đổ bộ vào các huyện vùng ven biển khu Hồng Gai Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh, mà mục tiêu chính là các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái vốn là vùng “Xứ Nùng tự trị” của Voòng A Sáng trước kia đến nay chúng vẫn còn cài cắm được nhiều tay chân tin cậy. Con đường thứ hai mà bọn Đặng Văn Sung lựa chọn để xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam là tỉnh Lai Châu, tỉnh Sơn La của vùng Tây bắc mà hai tỉnh trên là “đất thánh” của "Xứ Thái tự trị" ở đây bọn chúng có rất nhiều cơ sở là thân nhân của binh lính di cư vào Nam như ở Hải Ninh. Con đường này đối với chúng có phần thuận lợi hơn vì chúng đổ bộ bọn gián điệp biệt kích xuống Thượng Lào rồi từ đó xâm nhập vào Việt Nam qua các đường mòn vào hai tỉnh Lai Châu, Sơn La. Chúng xây dựng bàn đạp ở đây rồi xâm nhập qua Hòa Bình về Hà Đông, Sơn Tây. Qua tiếp xúc với Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, Sơn còn biết ý đồ của bọn Tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ và CIA, mở một đường dây liên lạc Hà Nội - Hải Phòng - Hồng Kông để làm nhiệm vụ thông tin, tiếp tế vũ khí trực tiếp với CIA thay cho đường điện tín Hà Nội - Hải Phòng - Sài Gòn và đường bộ qua cầu Hiền Lương ở Vĩnh Linh vì các nơi đang bị công an của Trần Kim Tuyến phá. Sơn cố công khai thác tin tức quan trọng này, nhưng có lẽ đó mới chỉ là dự kiến đang được CIA và tình báo thủy quân lục chiến Mỹ chứ chưa có kế hoạch cụ thể nên anh không nắm được các tình tiết.

        Trước khi Sơn trở lại miền Bắc, Cao Xuân Tuyên, Trần Khắc bắt buộc anh phải học thuộc lòng một số câu để khai báo với Hải quan, Công an miền Bắc là từ giới tuyến quân sự ở cầu Hiền Lương đi bằng phương tiện gì vào Sài Gòn và dừng lại ở đâu, vào Sài Gòn ở nhà ai, ai cho những gì để làm quà cho người thân ở miền Bắc, để khai báo cho hợp lý và nhất quán. Việc này chúng thực hiện rất cẩn thận và có kiểm tra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:12:18 am »


        Về yêu cầu tiếp tế của Trần Minh Châu tức Cập đang hoạt động ở miền Bắc, Cao Xuân Tuyên không gửi vàng và tiền Tài chính lưu hành ở miền Bắc mặc dù chúng không thiếu, mà chúng mua một số hàng quí, hiếm ở miền Bắc như ti phô, u rê, moóc phin nguyên chất để chế biến thuốc Tây chữa các bệnh hiểm nghèo, đồng hồ Ô-mê-ga, bút máy Packer 51. Số hàng hoá trên nhiều đến nỗi chất đầy một va li lớn.

        Sơn thấy bọn Cao Xuân Tuyên khẩn trương chuẩn bị đưa mình trở về Bắc, anh gợi ý cho mình gặp Thái được Trần Minh Châu, phái vào Sài Gòn xin viện trợ. Thái cũng được ban chuyên án C30 đồng ý cho đi và giao nhiệm vụ tiếp xúc với CIA và trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng để khai thác âm mưu của bọn chúng với miền Bắc. Nhưng rồi không thấy anh ra, và cũng không có tin tức gì. Bọn Trần Minh Châu thì cho rằng anh đã bị lực lượng an ninh của cộng sản hoạt động bí mật ở miền Nam thủ tiêu. Ban chuyên án thì cho rằng có thể trong khi tiếp xúc với CIA anh đã sơ xuất để lộ tung tích, nên bị chúng bí mật thủ tiêu. Nay anh nhắc lại yêu cầu được gặp Thái với Cao Xuân Tuyên. Tuyên bằng lòng nhưng không cho anh đến gặp Thái mà đưa Thái đến vi la gặp anh. Hai người gặp nhau với tư cách là đảng viên đảng Đại Việt -  Quốc Dân đảng nhưng thực ra đó là hai đảng viên đảng Lao động Việt Nam, hai chiến sĩ an ninh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gặp nhau trong hoàn cảnh này thật vô cùng xúc động, nhưng họ không nói với nhau được điều gì vì Cao Xuân Tuyên lúc nào cũng kè kè bên cạnh, nên đành bằng lòng là anh chưa rõ Thái ở lại Sài Gòn vì lý do gì nhưng hiện anh còn sống và an toàn, khỏe mạnh và điều chắc chắn là anh chưa bị lộ là người của ta cài vào tổ chức của chúng, nhưng còn anh sống ra sao, có bị chúng ràng buộc gì không thì anh hoàn toàn không được biết.

        Trước hôm lên đường bọn Cao Xuân Tuyên đưa Sơn đến Chợ Lớn dự bữa tiệc chia tay. Thức ăn cũng rất nhiều, toàn là sơn hào hải vị, chỉ riêng bát yến ăn tráng miệng đã giá tới 100 đồng, trong khi một chỉ vàng chỉ có 280 đồng.

        Hôm Sơn trở ra Bắc bọn Cao Xuân Tuyên lại giao Sơn cho tên Mỹ lần trước, đó chính là trung tá tình báo Paul. Trung tá Paul lại giao anh cho trung úy Ninh lấy vé máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, đưa Sơn ra Huế rồi từ Huế đi ô tô ra Quảng Trị giao Sơn cho trưởng ty công an Quảng Trị. Hôm sau công an Quảng Trị cho xe đưa tới đồn Cảnh sát bờ Nam sông Bến Hải. Đến 11 giờ đêm Sơn không còn nhớ ngày nhưng nhớ rõ là vào tháng 9-1956, bọn cảnh sát ở đồn cảnh sát bờ Nam dẫn ra giữa cầu từ đó anh trở về miền Bắc.

        Khi đó Sơn mừng rỡ, sung sướng chỉ muốn reo to đế báo tin cho mảnh đất Vĩnh Linh địa đầu của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là anh đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ Tổ Quốc giao phó cho, nhưng vẫn phải cố nén lại vì anh biết từ bờ Nam quân thù vẫn dõi những cặp mắt theo anh.

        Vừa bước chân khỏi cầu Sơn đã vô cùng mừng rỡ vì đồng chí Tạ Văn Minh đã đón ở đó. Đồng chí Minh cho biết khi anh Tá nhận được tin do Trần Minh Châu báo anh sắp ra Bắc, lãnh đạo ban chuyên án đã phái anh vào đón. Đêm hôm đó đã báo cáo tường tận chuyến vào Nam của mình để đồng chí Minh rõ. Đồng chí Minh chuyển lời khen ngợi của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí Lê Quốc Thân.

        Hôm sau đồng chí Minh cho chiếc xe commăngca chở mình vào về trước, còn anh lại cùng Sơn lấy vé ô tô xe khách về Hà Nội. Anh không về 54C phố Hàng Đào mà về một nhà cơ sở Minh đã hẹn từ trước. Tói nơi anh đã thấy đồng chí Lê Quốc Thân chờ ở đó. Sơn đã báo cáo lại toàn bộ diễn biến trong chuyến đi Nam vừa rồi.

        Báo cáo xong anh mở va li kiểm kê toàn bộ số hàng do bọn Cao Xuân Tuyên từ Sài Gòn gửi ra. Đồng chí Lê Quốc Thân quyết định giao toàn bộ sô hàng trên cho bọn chúng và viết báo cáo về chuyến đi với ban chuyên án.

        Chấp hành chỉ thị trên, Sơn giao lại toàn bộ số hàng trên cho Trần Minh Châu và Phạm Đăng Hào. Trần Minh Châu mừng rỡ nói:

        - Tôi nhận được điện của Cao Xuân Tuyên là đã giao cho cho anh mang hàng tiếp tế qua đường cầu Hiền Lương. Chúng tôi chỉ lo trên đường về anh bị Hải quan, Công an, Thuế vụ gây khó khăn...

        Qua lời Trần Minh Châu, Nguyễn Văn Sơn nhận thấy quyết định của đồng chí giám đốc công an thành phố Hà Nội kiêm trưởng ban chuyên án Lê Quốc Thân là sáng suốt, vì thực ra bọn Cao Xuân Tuyên đã điện báo cho Trần Minh Châu số lượng từng loại hàng trên. Nay bọn chúng thấy số hàng trên không hề bị thất thoát đã tạo được điều kiện cho bọn chúng hoàn toàn tin cậy anh.

        Trần Minh Châu, Phạm Đăng Hào đem số hàng trên bán được sáu mươi triệu đồng tiền miền Bắc. Cả toán được chia đều tiền. Riêng Sơn được ưu tiên thêm một đồng hồ Oméga, một bút máy Parker 51. Sơn còn có phần thưởng lớn hơn là trong tháng 9-1956 anh được Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội khen thưởng về thành tích công tác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:13:20 am »


VI- THIẾT LẬP ĐƯỜNG DÂY LIÊN LẠC HÀ NỘI - HẢI PHÒNG - HỒNG KÔNG

        Sau khi Trần Minh Châu, nhận được điện của Lucium Conein và Đặng Văn Sung chỉ định Hào vào Sài Gòn thì Châu nói với Hào:

        - Trong đó lại yêu cầu anh vào, chuyến này có thế anh đi ngoại quốc ít lâu.

        Phạm Đăng Hào báo cáo sự việc trên cho ông Hai Thạch tại hộp thư thì đích thân ông Hai gặp Hào giao nhiệm vụ cho anh vào Sài Gòn để điều tra âm mưu mới của địch.

        Phạm Đăng Hào vào Nam từ cuối năm 1956 đến đầu năm 1957 thì ra Hà Nội đem theo mệnh lệnh mới của CIA và của trung ương Đại Việt -  Quốc Dân đảng trong đó có việc quan trọng và cấp bách là thành lập đường dây liên lạc mới qua con đường Hồng Kông - Hải Phòng- Hà Nội không qua con đường Sài Gòn phải nhờ vả vào chính quyền Ngô Đình Diệm nữa. Đường dây này sẽ ngụy trang dưới hình thức Công ty thương mại Hải Phòng có chi nhánh ở Hồng Kông "Nhiệm vụ của công ty này là làm liên lạc, nhận viện trợ trực tiếp với Mỹ, làm kinh tế để cung cấp một phần kinh phí cho toán gián điệp hoạt động ở miền Bắc". Bọn chúng biết việc này chỉ có Đặng Duy Tá đang làm chủ hiệu tơ lụa, vải vóc ở 54C phố Hàng Đào đã có quan hệ bạn hàng với Hồng Kông mới làm được nên Trần Minh Châu đã gặp riêng Sơn nói:

        - Hiện nay từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào đang có mâu thuẫn giữa đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng với Tổng nha cảnh sát của Trần Kim Tuyến1, đường liên lạc qua Sài Gòn có thể bị tắc, tổ chức của ta hoạt động ở miền Bắc không thể thiếu tiếp tế được, cho nên phải thiết lập một đường dây mới qua nước thứ ba, anh có thể giới thiệu cho tôi một người có đủ khả năng thành lập được một công ty Thương mại ở thành phố Hải Phòng có chi nhánh ở Hồng Kông được không?

        Nghe Trần Minh Châu nói Sơn nghĩ ngay đến Đặng Duy Tá người đã nhiệt tình giúp đỡ anh từ đầu năm 1951 đến nay cũng chính nhờ cơ sở nhà Tá mà anh đã che dấu được tung tích, hoạt động có hiệu quả. Tại căn nhà này anh đã gặp gỡ các đồng chí lãnh dạo công an Hà Nội, các đồng nghiệp để nhận chỉ thị và bàn kế hoạch đánh địch. Đây cũng là nơi hẹn gặp với nhiều tên trong toán gián điệp C30 như Trần Minh Châu, Tùng, Nguyễn Sĩ Hoằng ở nhóm Hà Nội. Nhiều lần Vũ Đình Đích, Trần Ngọc Giao từ Nam Định lên Hà Nội cũng ngủ lại đây. Sự giúp đỡ của Đặng Duy Tá đối với nhóm tình báo “4T” rất có hiệu quả. Tháng 11-1954 giám đốc Lê Quốc Thân đã cùng đồng chí Trần Vĩ mời cơm thân mật Tá và T35 tại nhà một cơ sở ở số 12 phố Tăng Bạt Hổ, thành phố Hà Nội. Chỉ có anh mới có khả năng, điều kiện đảm nhận được công việc mà Trần Minh Châu tức Cập nêu ra, nhưng trước hết phải báo cáo với đồng chí Tạ Văn Minh để xin chỉ thị của bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và giám đốc công an thành phố Lê Quôc Thân nên trả lời:

        - Việc anh giao tôi phải tìm được người giỏi buôn bán có vốn, lại là người tin cậy hoàn toàn...

        Trần Minh Châu gợi ý:

        - Tôi nghĩ anh phải tìm đâu xa, ông Tá có đủ khả năng làm việc này, anh nói với ông Tá giúp tôi.

        Thấy Châu tìm đúng người như mình nghĩ, nhưng vẫn nói:

        - Đúng là ông Tá làm được việc này, nhưng còn phải thuyết phục thế nào để ông ấy đồng ý giúp ta...

        Châu nói:

        - Việc khẩn thiết lắm rồi, anh cố giúp cho.

        Sơn thấy đây là việc quan trọng phải báo cáo lên cấp trên và phải bàn bạc với Đặng Duy Tá liền nói với Trần Minh Châu:

        - Anh yên tâm, tôi sẽ hết sức cố gắng...

        Ngay sau khi Trần Minh Châu trở về, Nguyễn Văn Sơn đến ngay hộp thư ở nhà anh Đoàn Vy để hẹn gặp đồng chí Tạ Văn Minh báo cáo một việc khẩn cấp. Đúng ngày giờ hẹn, Sơn đến nơi đã thấy đồng chí Tạ Văn Minh ngồi chờ ở đó. Sau khi nghe anh báo cáo, đồng chí Minh nhận định:

        - Như vậy là sau khi Ngô Đình Diệm đánh bại lực lượng vũ trang thân Pháp trong các tổ chức Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, giờ chúng bắt đầu thanh toán các tổ chức chính trị thân Mỹ nhưng đối lập vởi hắn như Đại Việt - Quốc Dân đảng, Đại Việt - Duy Dân, Việt Nam Quốc Dân đảng, Việt Nam Phục quốc đảng để giữ độc quyền làm tay sai cho Mỹ. Chúng ta sẽ đáp ứng yêu cầu đó của bọn chúng.

---------------
        1. Trần Kim Tuyến là thày dòng ở khu Bùi Chu, Phát Diệm tỉnh Ninh Bình di cư vào Nam rồi trở thành giám đốc Tổng nha cảnh sát Sài Gòn chỉ huy toàn bộ công an, cảnh sát mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm, hắn là kẻ được Ngô Đình Diệm hoàn toàn tin cậy đã giao cho công việc an ninh, thanh trừng Cộng sản, phe đối lập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:14:38 am »


        Sơn hỏi:

        - Vậy là cấp trên thỏa mãn yêu cầu của bọn Trần Minh Châu?

        Tạ Văn Minh trả lời:

        - Đây là con đường gần nhất để ta nắm bắt được âm mưu xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹtrong giai đoạn sắp tới, tôi sẽ báo cáo ngay với cấp trên sau đó bàn bạc với anh Đặng Duy Tá rồi trả lời anh trước khi Trần Minh Châu gặp anh ít nhất là ba tiếng đồng hồ.

        Ròi khỏi nhà Đoàn Vy, Nguyễn Văn Sơn trở về trường dạy nghề của mình tới khuya mới trở về 54C phố Hàng Đào. Đúng ngày giờ hẹn, Sơn đến nhà ông Đoàn Vy thì được đồng chí Tạ Văn Minh cho biết đồng chí giám đốc công an Hà Nội Lê Quốc Thân đã duyệt phương án của ban chuyên án để Đặng Duy Tá thành lập công ty Thương mại Hải Phòng, có chi nhánh ở Hồng Kông và sẽ trực tiếp gặp anh Tá để giao nhiệm vụ này, nhờ anh báo cho anh Tá đúng một giờ chiều ngày mai tới cơ sở 3 gặp mình.

        Nghe đồng chí Tạ Văn Minh nói, Sơn rất mừng vì việc này trót lọt sẽ tăng thêm uy tín của anh đối với Trần Minh Châu, chúng sẽ bàn bạc với anh nhiều việc quan trọng hơn, điều đó rất có lợi cho việc đánh địch, liền nói:

        - Tôi tin rằng anh Đặng Duy Tá nhất định sẽ làm được việc này, tôi sẽ báo cho anh Tá đến gặp anh đúng ngày giờ hẹn trên.

        Một giờ chiều ngày hôm sau Đặng Duy Tá đến nhà cơ sở số 3 ở phố Hàng Chuối thì gặp đồng chí Tạ Văn Minh. Anh ngồi vừa chỗ thì đồng chí Lê Quốc Thân cũng đẩy cửa bước vào. Tá đoán buổi gặp này hẳn rất quan trọng nên đồng chí giám đốc mới tới. Đồng chí Tạ Văn Minh rót nước mời Đặng Duy Tá rồi nói:

        - Hôm nay đồng chí Thân gặp anh để giao một nhiệm vụ quan trọng, tôi mong rằng anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ...

        Nghe đồng chí Minh nói, Tá chưa hiểu nhiệm vụ gì nên trả lời ngập ngừng:

        - Được các anh tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi xin cố gắng, nhưng việc đó phải hợp với sức của mình...

        Đồng chí Lê Quốc Thân trả lời:

        - Trước khi giao việc, tổ chức đã cân nhắc biết rằng anh có đầy đủ điều kiện và quyết tâm thực hiện nên mới mòi anh bàn việc...

        Nghe đồng chí giám đốc nói như vậy, Tá thấy yên tâm liền trả lời:

        - Vâng, các anh định giao việc gì xin cho biết để tôi lưọng sức mình.

        Đồng chí Lê Quốc Thân nói thong thả rõ ràng:

        - Tổ chức giao cho anh thành lập công ty Thương mại Hải Phòng - Hồng Kông. Đây là một công ty buôn bán, lại có nhiệm vụ phục vụ cho việc đánh địch. Yêu cầu này không phải do chúng ta đặt ra mà sau chuyến đi của Phạm Đăng Hào trở ra Bắc vào tháng giêng năm 1957 đã nhận nhiệm vụ của Tình báo thủy quân lục chiến Mỹvà CIA là toán gián điệp do Trần Minh Châu chỉ huy đang hoạt động ở miền Bắc phải thiết lập một đường dây liên lạc mới Hà Nội - Hải Phòng -  Hồng Kông để tiếp nhận viện trợ, nhận chỉ thị trực tiếp của Mỹ và trang trải một phần cho các hoạt động của toán gián điệp. Ta cũng tương kế tựu dùng ngay đường dây của chúng để giám sát các hoạt động tội lỗi của chúng, có kế hoạch đối phó kịp thời.

        Đồng chí Tạ Văn Minh nói thêm:

        - Chính tên cầm đầu Trần Minh Châu tức Cập đã giao cho anh Sơn thuyết phục anh đứng chủ cái công ty đó. Tôi tin rằng chỉ ngày một, ngày hai, Châu hoặc Hào sẽ đến gặp anh để bàn kĩ việc này. Nhiệm vụ của công ty này là phải kinh doanh hợp pháp có lãi nhưng lại phải làm nhiệm vụ nặng nề hơn là làm cầu nối giữa CIA với toán gián điệp C30 để nhận viện trợ của Mỹ nhưng lại phải điều tra các hoạt động của chúng.

        Đặng Duy Tá trả lời:

        - Nếu đúng là việc buôn bán thì tôi đảm đương được nhưng tôi lấy đâu ra vốn để mở một công ty lớn ở Hải Phòng lại có chi nhánh ở Hồng Kông?

        Đồng chí Lê Quốc Thân nói:

        - Ban chuyên án giao cho anh thành lập công ty với phương châm sử dụng tiền của tư sản, chọn người tốt để thành lập công ty, tất nhiên họ chỉ biết nhiệm vụ của là kinh doanh, nhưng nhất thiết anh phải là giám đốc, chủ tài khoản...

        Đây là một việc rất khó khăn vì cửa hàng 54C phố Hàng Đào là của bà đức Đức Long để lại cho, vốn kinh doanh phần lớn là của chủ hàng, bán đến đâu thanh toán đến đấy.

        Tạ Văn Minh nói:

        - Nhiệm vụ của công ty, đồng chí giám đốc đã  nói rồi anh về làm đề án thành lập công ty càng sớm càng tốt, còn việc lấy giấy phép kinh doanh, đặt trụ sở công ty ở Hải Phòng, hộ chiếu cho đoàn của anh đi Hồng Kông tôi sẽ lo liệu. Anh cũng chuẩn bị đi chỉ hôm nay hoặc ngày mai Trần Minh Châu hoặc Phạm Đăng Hào thế nào cũng đến gặp anh bàn việc này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:15:05 am »


        Đặng Duy Tá trở về nhà thì Nguyễn Văn Sơn cùng vừa ở trường về, Tá báo tin:

        - Các đồng chí Lê Quốc Thân và Tạ Văn Minh vừa gọi tôi lên giao nhiệm vụ thành lập công ty thương mại ở Hải Phòng có chi nhánh ở Hồng Kông. Tuy cũng là việc buôn bán, nhưng tôi thấy khó khăn không ít, vì đây là một công ty lớn, có nhiều người góp vốn kinh doanh, mà trụ sở lại đặt ở Hải Phòng, có chi nhánh ở Hồng Kông, còn vốn thì đâu có phải ít. Công ty này đâu phải chỉ kinh doanh có lãi mà có nhiệm vụ quan trọng là giám sát, điều tra những hoạt động tình báo, tiếp tế vũ khí, khí tài của Mĩ cho toán gián điệp C30. Việc này rất nguy hiểm vì mình sơ hở để chúng nghi ngờ biết mình điều tra chúng thì cái mạng mình khó toàn. Song cách mạng đã giao nhiệm vụ thì tôi xin nhận.

        Nguyễn Văn Sơn động viên:

        - Ngoài nhiệm vụ cách mạng ra, anh tham gia vụ này cũng để tận mắt nhìn xem thế giới tư bản họ kinh doanh ra sao để rút kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển thương nghiệp ở nước ta. Hơn nữa việc anh đặt chi nhánh ở Hồng Kông không khó, vì anh đã có nhiều bạn hàng ở Hồng Kông từng cung cấp cho anh trong mấy năm qua.

        Đặng Duy Tá nói:

        - Tôi đã nhận lời với đồng chí Lê Quốc Thân và đồng chí Tạ Văn Minh đứng ra thành lập công ty, tôi sẽ bắt tay vào xây dựng đề án, chú giúp tôi một tay.

        Nguyễn Văn Sơn hứa:

        - Việc gì làm được em sẽ hết sức hỗ trợ anh, anh cứ xây dựng đề án từ quy mô kinh doanh, các thành viên tham gia công ty, giám đốc công ty, trụ sở công ty ở Hải Phòng và đại diện công ty ở Hồng Kông cũng như tên gọi của nó để bàn chuyện án duyệt.

        Đặng Duy Tá hỏi:

        - Hôm Trần Minh Châu nói việc này với anh có nói khi nào hắn đến gặp tôi không?

        Sơn trả lời:

        - Nó còn nhờ em ướm hỏi anh có nhận lời đứng ra thành lập công ty không mới đến bàn bạc cụ thể với anh.

        Đặng Duy Tá cười:

        - Chú cứ bảo nó đến đây, mình cũng phải tìm cách moi tiền của chúng nó để đưa vào kinh doanh.

        Sơn cũng cười đáp lại:

        - Nó đang đỏ mắt chờ quyết định của anh, bây giờ em chỉ cần nói anh đồng ý là nó lập tức đến. Còn một điều quan trọng nữa em chưa hỏi anh là anh định đặt tên công ty là gì?

        Tá ngẫm nghĩ trong giây lát rồi trả lời:

        - Tôi muốn đặt tên là Bình Minh công ty, gọi tắt là Bimiti, chú xem có được không?

        Nghe tên đó cũng hay nó bao hàm rất nhiều ý nghĩa là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên có mới quan hệ buôn bán với nước ngoài lại là nước theo chủ nghĩa tư bản từ khi giải phóng Hà Nội. Bình minh còn có ý nghĩa là công ty này phục vụ ý đồ đen tối của đế quốc Mỹ, nhưng vẫn trong sáng như ánh bình minh, liền nói:

        - Hay lắm, anh khẩn trương chuẩn bị đi, tối mai tôi đưa Trần Minh Châu đến gặp anh. Khi bàn bạc anh nhớ nêu điều kiện số một là bọn chúng phải đầu tư một phần vốn.

        Đặng Duy Tá cười:

        - Điều đó thì anh yên tâm, tôi đã tiếp xúc với Trần Minh Châu nhiều lần, tôi hiểu về sở trường, sở đoản của nó...

        Trần Minh Châu đã giữ đúng lời hẹn, đúng tám giờ tối hôm đó, hắn đóng vai người đến trường xin học cho em trai để gặp Sơn. Anh đã báo tin ông Đặng Duy Tá bằng lòng đứng ra thành lập công ty và hẹn hắn 8 giờ sáng mai đến 54C phố Hàng Đào để bàn bạc cụ thể. Trần Minh Châu mừng lắm mặc dù chưa biết kết quả cuộc nói chuyện với Đặng Duy Tá vào sáng ngày mai, hắn đã hào phóng đưa Sơn đến một hiệu ăn Hoa Kiều sang trọng ở phố Tạ Hiền đãi anh một bữa đặc sản thịt thú rừng ăn đến phát ngán.

        Hôm sau đúng giờ hẹn, Trần Minh Châu đến 54C phố Hàng Đào gặp Đặng Duy Tá. Chủ nhà chưa kịp mời ngồi, Trần Minh Châu đã lên tiếng:

        - Chiều qua tôi được ông Sơn cho biết ông đã  chấp nhận đề nghị của tôi đứng ra thành lập công ty thương mại Hải Phòng - Hồng Kông.

        Đặng Duy Tá mời Châu ngồi xuống chiếc tràng kỉ ở gian trong cửa hàng rồi trả lời:

        - Tôi cũng mới được ông Sơn cho biết ý định của các ông thiết lập đường liên lạc mới để quan hệ với Mỹ qua nước thứ ba không qua chính quyền Sài Gòn, tôi sẵn sàng giúp các ông thực hiện ý đồ đó.

        Trần Minh Châu sung sướng nói ngay:

        - Thế thì hay quá, nếu công việc hoàn tất, chúng tôi phải ghi công ông hàng đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2020, 07:15:31 am »


        Đặng Duy Tá hạ thấp giọng nói:

        - Nếu chỉ đơn thuần là kinh doanh thì đối với tôi không khó, nhưng mục đích chính không phải như vậy, vì thế phải cần có thời gian chọn được những người hùn vốn thành lập công ty, sao cho mình hoàn thành nhiệm vụ chính, mà kinh doanh không bị thua lỗ lại vẫn giữ được bí mật. Lại còn một khó khăn không nhỏ là vốn, vì vốn liếng của tôi chỉ đủ kinh doanh một cửa hàng nhỏ như thế này, mà Ngân hàng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa có chính sách cho tư nhân vay tiền kinh doanh, cho nên xoay ra tiền để kinh doanh không phải dễ, chỉ tính riêng tiền thuê địa điểm làm trụ sở ở Hải Phòng và Hồng Kông cũng là một khoản lớn rồi!

        Nghe Đặng Duy Tá nói thế, Trần Minh Châu hứa:

        - Ông cứ đứng ra thành lập công ty đi, chúng tôi không can thiệp vào việc kinh doanh của các ông. Ngay đêm nay tôi điện vào Nam báo cáo về tiến độ công việc.

        Đặng Duy Tá nói:

        - Như vậy coi như ta đã thoả thuận với nhau về việc thành lập công ty, tôi lo việc tổ chức, thủ tục xin phép vận động các cổ đông tham gia và huy động từ hai phần ba đến ba phần tư vốn còn lại bao nhiêu các ông đầu tư.

        Trần Minh Châu cũng nhất trí như vậy, hắn bắt tay tạm biệt chủ nhà rất nhiệt tình.

        Đặng Duy Tá phải lập danh sách các cổ đông tới lần thứ ba mới được ban chuyên án duyệt, đó là các nhà tư sản Phạm Sỹ Lung ở 20 phố Hàng Ngang, Lê Đình Lợi ở 40 phố Hàng Ngang Hà Nội, Vũ Đình Thung ở thành phố Nam Định, cả ba ông đều là đảng viên đảng Dân Chủ.

        Vốn đăng kí kinh doanh ban đầu là 50 triệu đồng, tương đương với 250 cây vàng. Số vốn bốn người bỏ ra bằng nhau nhưng cũng chưa đủ, Đặng Duy Tá phải đi vay mượn thêm mới đủ 50 triệu đồng cho đủ vốn kinh doanh ban đầu, đưa công ty vào hoạt động.

        Sau khi thành lập trụ sở và cửa hàng công ty ở phố Trung Quốc thành phố Hải Phòng, Tá để vợ con lại Hà Nội còn mình sống ở đó. Anh báo cáo với đồng chí Tạ Văn Minh xin hộ chiếu cho mình và Phạm Sỹ Lung đi Hồng Kông khảo sát thị trường và thành lập chi nhánh.

        Công ty đó có quan hệ làm ăn với nước ngoài lại là nước tư bản nên phải có trụ sở đàng hoàng. Mặc dù tiền kinh doanh còn eo hẹp, giám đốc vẫn phải bỏ tiền ra mua xe du lịch, đặt điện thoại. Công ty cần người biết tiếng Hoa và tiếng Anh để giao dịch, nên phải thuê, thuê ngoài thì sợ lộ, Đặng Duy Tá đề nghị công an cho người. Đồng chí Tạ Văn Minh giới thiệu anh Trần Việt tức Nguyễn Đình Thi một cơ sở bí mật tốt của công an nội thành Hà Nội trong thời kì tạm chiến làm phiên dịch tiếng Quảng Đông, tiếng Anh, kiêm lái xe đồng thời chịu trách nhiệm giám sát các thương nhân Hồng Kông sang Việt Nam. Sau đó Tá giao cho Thi làm trợ lí giám đốc công ty để tạo uy thế và điều kiện cho hoạt động. Thi chỉ biêt lãnh đạo sở công an điều đến công ty Bình Minh với chức danh là phiên dịch tiếng Trung Quốc cho giám đốc đồng thời có trách nhiệm giám sát các thương nhân Hồng Kông sang Hải Phòng giao dịch buôn bán, Thi không biết gì về kê hoạch C30 cả.

        Công ty thương mại Bình Minh đi vào kinh doanh được một tháng thì Tá nhận được tin của Tạ Văn Minh từ Hà Nội báo về là nộp ảnh của anh và ảnh của ông Phạm Sỹ Lung để làm hộ chiếu đi Hồng Kông. Khi đó nước ta chưa có quan hệ ngoại giao với nước Anh, nên Tá phải đến đại diện của Anh quốc tại Hà Nội để họ cấp giấy thông hành (Lét-sê-pát-sê) để sang Hồng Kông.

        Đặng Duy Tá cùng Phạm Sỹ Lung đi bằng tầu hoả lên Bằng Tường đến tỉnh Quảng Đông rồi từ đó đi qua Sám Trân là ranh giới giữa Hồng Kông để qua Cửu Long đến Hồng Kông. Trước khi sang Hồng Kông, Đặng Duy Tá điện cho hãng Pác Wô Hồng đã có quan hệ buôn bán từ mấy năm trước ra đón ở cửa khẩu, khi đến tỉnh Quảng Đông, anh lại điện một lần nữa.

        Chuyến đi Hồng Kông do giám đốc công ty Bình Minh Đặng Duy Tá dẫn đầu đã đạt được kêt quả khả quan. Trước hết hãng Pác Wô Hồng đã  thoả thuận bán một số lượng hàng lớn cho công ty theo phương thức trả chậm. Hãng cũng sẵn sàng thuê giúp địa điểm để công ty đặt trụ sở chi nhánh của mình.

        Sau khi Nguyễn Văn Sơn vào Sài Gòn lần thứ hai để báo cáo với các cố vấn CIA và trung ương Đảng Đại Việt - Quốc Dân Đảng về đường dây liên lạc Hà Nội - Hải Phòng - Hồng Kông và xin viện trợ, Trần Minh Châu đã nhiều lần điện vào hỏi tin tức thì Cao Xuân Tuyên đều trả lời là chưa vào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2020, 06:17:08 am »


        Vì thế Trần Minh Châu và Phạm Đăng Hào hễ được tin Tá từ Hải Phòng về Hà Nội là cả hai lại đến 54C phố Hàng Đào gặp anh. Có lần Trần Minh Châu gợi ý kết nạp Tá vào Đại Việt - Quốc Dân đảng, anh đã khéo léo từ chối:

        - Tôi không thích làm chính trị chỉ thích kinh doanh kiếm lời nhưng tôi sẽ giúp các anh với khả năng có thể được, vì Sơn là em họ tôi cũng ở trong tổ chức của các anh.

        Việc đó làm cho Trần Minh Châu và cả toán gián điệp c30 đều quý trọng và tin tưởng anh nhiều hơn. Một hôm Trần Minh Châu và Phạm Đăng Hào đến nhà anh biếu anh một chiếc đồng hồ Senkô một chiếc bút máy Parker 51 nhưng Tá cảm ơn, từ chối không nhận.

        Chiều 30 tết năm 1958, Châu và Hào đem biếu anh một con cá trắm rất lớn nói là mới mua ở trợ Đồng Xuân, lần này thì Tá nhận.

        Trong một cuộc gặp gõ, khác Đặng Duy Tá có nhắc Trần Minh Châu hỗ trợ vốn cho công ty như đã hứa. Châu trả lời:

        - Công ty của ông sau này sẽ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc thông tin và nhận hàng viện trợ, nhưng phải chờ anh Sơn ra chúng tôi mới có tiền để bổ sung cho công ty và có phương hướng cho đường dây này hoạt động.

        Nhớ nhiệm vụ mà Tạ Văn Minh giao cho là dò hỏi tin tức của T31, Tá đã nhiều lần hỏi Trần Minh Châu nhưng hắn trả lời là ngay cả cố vấn Lucium Conein và trung ương Đại Việt - Quốc Dân Đảng cũng không biết vì sao mà Nguyễn Văn Sơn mất tích sau khi đã vượt qua vĩ tuyến 17 an toàn1.

----------------
        1. Do Đỗ Văn Kha vào tới Thừa Thiên đã bị công an của Trần Kim Tuyến bí mật đưa về Sài Gòn rồi lưu đầy ở Đà Lạt 3 năm liền nên việc thiết lập đường dây Hải Phòng - Hồng Kông không chắp nối được, toán gián điệp C30 cũng không có tiền bổ sung cho công ty. Cuối năm 1958 chúng ta vẫn không nhận được tin tức của T31, mà bọn chúng lại có âm mưu gây tiếng nổ ở nhiều nơi tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bộ Công an đã chỉ đạo cho sở Công an Hà Nội và ban chuyên án C30 phá vụ án. Thực hiện mệnh lệnh trên, Thượng tuần 11-1958 lực lượng Công an ta đã bắt toàn bộ bọn chúng, ngày 4-4-1959 đưa ra xét sử công khai tại Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội. Tại Toà, có gần một vạn nhân dân Hà Nội đã nghe rõ Trần Minh Châu tức Cập và đồng bọn khai chúng thường xuyên được sự giúp đỡ của Đặng Duy Tá và Nguyễn Văn Sơn ở 54C phố Hàng Đào, (cũng như chúng khai Phạm Đăng Hào là toán phó) vì vậy ba người chung vốn rút hết vốn vì sợ liên quan, các chủ nợ đến đòi nợ, Đặng Duy Tá phải bán cả nhà ở nhà quê cùng nhiều tài sản khác để trả nợ. Còn vợ con ở Hàng Đào cũng phải dọn đi nơi khác vì bị dân phố xỉ vả là vợ con Việt gian, phản động. Song công ty vẫn hoạt động đến năm 1960 thì vào Công tự hợp doanh, Tá về công tác ở bộ Thương Mại (Đồng chí Lê quốc Thân về làm thứ trưởng bộ Công an, đồng chí Chu Thực chết, đồng chí Tạ Văn Minh vào Nam). Đặng Duy Tá công tác ở bộ Thương Mại đến khi nghỉ hưu, chưa được xét khen thưởng về thời gian là cơ sở tin cậy của công an Hà Nội từ năm 1951 đến năm 1960.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM