Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:25:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên mang bí số T31  (Đọc 8079 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:21:39 pm »


        - Tên sách : Điệp viên mang bí số T31

        - Tác giả : Vũ Thanh Sơn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:25:06 pm »

 
I - NHỮNG NĂM THÁNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG

        Đỗ Văn Kha sinh năm Bính Dần (1926) trong một gia đình nông dân khá giả ở thông Ông Tố, xã Hồng Bàng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên1 Cha là Đỗ Thiện Ca, mẹ là Vũ Thị Nghiêm.

        Lớn lên Kha theo học trường tiểu học Yên Mỹ, cùng lớp với anh Thái, người thôn Tráng Võ, xã Dân Chủ, huyện Yên Mỹ. Sau khi thi đỗ sectifica, Kha ra học trường thành trung ở Hà Nội. Tại thành phố này Kha có rất nhiều người trong họ nội, ngoại như ông cả Ỳ ở nhà 11 phố Lý Quốc Sư, gia đình ông bà Đức Long và người anh bên ngoại là Đặng Duy Tá ở 54C phố Hàng Đào.

        Niên học 1944-1945, Kha đang theo học thành trung năm thứ ba ở trường Thăng Long thì máy bay Mỹ thuộc phe Đồng Minh ném bom xuống Hà Nội để đánh quân Nhật, trường sơ tán về tỉnh Hà Đông. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa. Kha phải đi tắt mấy cánh đồng xuống huyện Thanh Trì rồi đi đò qua Văn Giang sau đó đi bộ về huyện Yên Mỹ.

        Vào thời gian này, phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh ở các thôn Trai Trang, Đỗ Xá, Ông Tố, Nghĩa Trang, Thụy Trang thuộc tổng Sài Trang, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, trên trục đường 39 Hà Nội - Hưng Yên. Riêng ở thôn ông Tố (xã Sài Trang là tên chung của hai thôn Ông Tố và Đỗ Xá) đã có tổ chức Việt Minh do các ông Đặng Ngọc Luyện, Đặng Văn Tá... phụ trách. Ông Đỗ Thiện Ca giác ngộ cách mạng, lợi dụng chức lý trưởng đưa cán bộ cấp trên về rải truyền đơn tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh, hô hào nhân dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc của Liên đoàn thóc gạo của Nhật ở làng Giai Phậm, Lực Điền cứu đói cho dân.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Kha đã được chứng kiến nhân dân các xã thuộc tổng Sài Trang giương cao cờ đỏ sao vàng, vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc kéo đi cướp huyện Yên Mỹ, bắt tri huyện Lại Tư. Cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch ở thôn Ông Tố, ông Đỗ Thiện Ca được Mặt trận Việt Minh và nhân dân tín nhiệm bầu làm ủy nhiệm thôn2. Thực hiện lời Kêu gọi của Hồ Chủ tịch: "giặc đói, giặc dốt là đồng minh của giặc ngoại xâm" và "người biết chữ dạy người chưa biết chữ, ai biết chữ thì dạy, ai chưa biết chữ thì học, anh dạy em, con dạy cha, vợ dạy chồng". Đỗ Văn Kha đã nhiệt tình tham gia phong trào Bình dân học vụ cho đến tháng 8-1946. Đến niên học 1946-1974 các trường học ở Hà Nội mở cửa, Đỗ Văn Kha ra học tiếp thành trung năm thứ tư ở trường tư thục Văn Lang.

        Học chưa được bao lâu thì theo tinh thần Hiệp định Sơ bộ mùng 6 tháng 3 năm 1946, lính Pháp thay thế quân Tưởng ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật. Với dã tâm xâm lược Việt Nam, quân Pháp đã gây ra nhiều vụ khiêu khích đẫm máu ở phố Hàng Bún, phố Quán Thánh... âm mưu lật đổ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 19-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, các trường học đóng cửa, Kha bỏ học về quê.

        Tỉnh Hưng Yên tổ chức trận địa phòng ngự tại cầu Ghênh (xã Như Quỳnh, Văn Lâm), cầu này nằm trên đường số 5, đoạn Phú Thụy - Bần Yên Nhân, gọi là Mặt trận Bắc Hưng Yên. Lực lượng tham gia chiến đấu gồm có đại đội Văn Phụng thuộc trung đoàn Nam Long (e 44) của chiến khu 3, trung đội Cảnh vệ huyện Văn Lâm, trung đội Cảm tử quân huyện Yên Mỹ, trung đội Tự vệ chiến đấu huyện Mỹ Hào cùng tự vệ các xã Kinh Xuyên, Minh Khai (xã Như Quỳnh), Trung Ngọc, Thọ Bình (xã Tân Quang).

        Ngày 4-1-1947 địch sử dụng một tiểu đoàn có xe tăng dẫn đường từ Phú Thụy tiến xuống Như Quỳnh. 17 giờ chiều quân Pháp lọt vào trận địa của ta, quân ta nổ súng tiêu diệt gần 100 địch, thu 7 súng, 35 lựu đạn, quân Pháp phải rút về Dương Xá, Gia Lâm.

        Sau trận này bộ đội khu 3, tự vệ các huyện rút, ngày 5-1-1947 địch tăng quân chiếm được cầu Ghênh đánh xuống Bần Yên Nhân, Dị Sử. Ngày 16-1-1947 địch thọc xuống Yên Mỹ. Ngày 27-1- 1947 quân Pháp từ Bần Yên Nhân càn tới cầu Cheo, đơn vị Cảnh vệ tỉnh và tự vệ Thư Thị phục kích giết chết 25 tên địch. Xã Hồng Bàng và các xã dọc đường 39 nhận được mệnh lệnh triệt để tản cư. Cũng trong thời gian này ông Đỗ Thiện Ca trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã Hồng Bàng.

-------------
        1. Nay là thôn Ông Tố, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên

        2. Chức như trưởng thôn ngày nay

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:25:48 pm »


        Tháng 4-1947 quân Pháp đánh chiếm rộng ra toàn huyện Yên Mỹ, lập nhiều đồn bốt của quân đội Liên hiệp Pháp, lập bốt quận Hành chính Yên Mỹ có lính Bảo Chính đoàn bảo vệ, bốt hương dũng ở thôn Đỗ Xá. Toàn bộ cư dân trong xã tản cư sang huyện Ân Thi và huyện Khoái Châu, Ủy ban kháng chiến, hành chính xã đóng ở thôn Trúc Đình, xã Quang Trung, huyện Ân Thi, Gia đình Kha cũng tản cư theo Ủy ban. Kha muốn đóng góp phần công sức của mình vào cuộc kháng chiến nên tham gia ban chấp hành Nông Dân, Thanh niên xã.

        Từ khi tham gia công tác, Kha thường đến các xã trong huyện Ân Thi có người xã Hồng Bàng tản cư, thăm hỏi đồng bào, giúp các chủ gia đình ổn định cuộc sống ở nơi tản cư để ban đêm trở về xã cày cấy, xung phong vào Vệ quốc đoàn, đi dân công hỏa tuyến. Ban đêm, khoảng 9-10 giờ, Kha cùng các cán bộ xã trở về điều tra các hoạt động của địch và bọn tay sai, những tên đầu hàng, cảnh cáo những kẻ tấp tểnh ra lập tề. Chừng, ba, bốn giờ sáng các anh lại rút khỏi xã về vùng tự do để tránh các cuộc càn quét, lùng sục của giặc.

        Tháng 9-1947, Đỗ Văn Kha được đồng chí Đặng Ngọc Luyện khi đó là chi Ủy viên giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng Cộng sản Đông Dương. Kha được học chính cương, điều lệ của Đảng, anh hiểu rõ đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng sản Đông Dương là phải công hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập dân tộc, đánh đổ chế độ phong kiến đưa lại ruộng đất cho nông dân. Anh hiểu rõ cuộc chiến đấu chống đế quốc, phong kiến không còn là khẩu hiệu chung chung mà là cuộc chiến đấu thực sự, có thể bị giết, bị tù đầy, bị quân địch tra tấn bằng những cực hình tàn khốc. Trên thực tế đã có nhiều đồng chí trong xã, trong huyện, người bị giặc giết, người hy sinh trong ngục tù đế quốc. Song Đỗ Văn Kha vẫn quyết tâm theo đuổi lý tưởng của mình. Trải qua gần một năm tôi luyện trong vùng địch tạm chiếm, tháng 1-1948 ban Chấp hành chi ủy lúc đó do đồng chí Đặng Ngọc Luyện, người thôn Ông Tố, đồng chí Vũ Văn Thanh người thôn Nghĩa Trang là thường vụ chi ủy đã tổ chức lễ kết nạp Đỗ Văn Kha vào đảng Cộng sản Đông Dương.

        Từ khi trở thành đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, Chi ủy giao cho Đỗ Văn Kha làm trưởng ban Tuyên huấn kiêm trưởng ban thông tin xã Hồng Bàng.

        Công tác tuyên truyền trong khi cả xã nằm trong vùng tạm chiếm bị giặc o ép, trong xã có đồn của quân Liên hiệp Pháp, quận hành chính, có lính Bảo chính đoàn bảo vệ và có bốt hương dũng. Chỉ huy các bốt bảo chính đoàn, hương dũng đêu là người trong xã, có kẻ từng là đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng du kích. Ngày đêm bọn lính và những tên mật vụ, chỉ điểm rình mò trong các thôn xóm, chỉ cần nhà nào, xóm nào có cán bộ kháng chiến là lập tức các sắc lính kéo tới vây kín sục sạo khắp các ngõ ngách tìm bắt cán bộ. Trở về xã dù đêm hay ngày cũng dễ dàng bị sa vào tay kẻ địch, nhưng Đỗ Văn Kha cũng như các cán bộ xã vẫn đêm đêm về các thôn Thụy Trang, Nghĩa Trang Trai Trang, Đỗ xá, Đồng La ông Tớ để rải truyền đơn, gây dựng cơ sở, cảnh cáo những kẻ làm tay sai cho Pháp, bắt một số người cộng tác với giặc, làm hại kháng chiến đưa ra vùng tự do giáo dục. Chi ủy, ủy ban kháng chiến, hành chính xã nhận thấy đi về giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do dễ bị giặc phục kích, nên đã đào hầm bí mật ở nhà các cơ sở và ở ngay nhà mình để trú ẩn mỗi khi địch đi càn quét. Việc cán bộ xã bám trụ ngay ở xã mình, làng mình, nhà mình đã kịp thời, chỉ đạo nhân dân đấu tranh với địch và truyền đạt chỉ thị của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và huyện kịp thời.

        Ngày 4 tháng 3 âm lịch (4-1949) ông Đỗ Thiện Ca triệu tập cuộc họp du kích, thanh niên trong xã Hồng Bàng tản cư ở các xã miền Nam huyện Ân Thi để phổ biến lệnh phá hoại đoạn đường 39 qua địa phận của xã, chặn xe tiếp viện của quân Pháp từ các đồn Bần Yên Nhân, Thứa, Nho Lâm để bộ đội đánh đồn Lực Điền quân Pháp mới thiết lập, thì máy bay Pháp tới ném bom vào xã Xuân Trúc, ông Đỗ Thiện Ca bị trọng thương, trên đường cáng đến nhà thương Vân thì hy sinh.

        Đau xót trưốc sự ra đi vĩnh viễn của người cha, Kha càng căm thù giặc, càng tích cực công tác trả thù cho cha và biết bao đồng chí, đồng bào bị chúng giết hại.

        Từ tháng 4-1949, quân Pháp xây dựng bốt Lực Điền, trực tiếp khống chế khu Bắc Khoái Châu, Bắc Ân Thi. Cùng trong thời gian này Đội Mưu từng làm Huyện đội phó huyện Yên Mỹ làm phản cấu kết Đinh Văn Lực từng làm huyện đội phó huyện Văn Giang cùng Đội Tự, Đội Hảo, Đội Câu hợp thành nhóm phản động khét tiếng trong vùng, liên tiếp đánh phá các cơ sở kháng chiến ở các huyện phía Bắc tỉnh Hưng Yên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:26:24 pm »


        Tháng 5-1949, địch đóng bốt cảnh Lâm một làng phần lớn là dân Thiên Chúa giáo bị địch không chế, mua chuộc thành một trung tâm phản động, tiếp đó quân Pháp đóng bốt Tổ Hỏa biến đê 199 thành tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ hành lang đường 5, chia cắt địa bàn phía Bắc, phía Nam tỉnh Hưng Yên. Các tên phản động trong các đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng, Việt Nam Phục Quốc đứa công khai làm cho Pháp, đứa ngấm ngầm chỉ điểm, điên cuồng đánh phá cơ sở bí mật trong xã Hồng Bàng và toàn huyện Yên Mỹ. Hầu hết các bộ hoạt động trong vùng tạm chiếm một số bị giết, bị bắt số còn lại bị bật khỏi các xã. Có những đảng viên phụ trách một ban, một ngành chạy tới Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên và định cư luôn ở đó.

        Trước tình hình đó, tháng 8-1949, Tỉnh ủy Hưng Yên phát động "Một tháng tiền tuyến" cán bộ cấp huyện, xã ở vùng tạm chiếm trở về địa phương mình bám dân, bám đất. Các đồng chí Tỉnh ủy viên cũng được phái về các huyện trọng điểm giúp Huyện ủy tuyên truyền thắng lợi của cách mạng, cảnh cáo bọn tay sai phản động, kêu gọi đồng bào mua "Đảm phụ quốc phòng" ủng hộ kháng chiến.

        Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Yên Mỹ dẫn đoàn của bộ huyện và cán bộ các xã trong huyện từ tỉnh Hà Nam vượt qua đường số 1 và sông Hồng vào đất Kim Động, Khoái Châu rồi trở về Yên Mỹ. Huyện ủy chỉ thị cán bộ xã nào về xã đó, nếu xã mất cơ sở thì ở xã bên cạnh, ban đêm trở về gây dựng cơ sở, phát động quần chúng ủng hộ kháng chiến đấu tranh với địch. Trong chuyến đi này cán bộ xã Hồng Bàng có đồng chí Đặng Ngọc Luyện bí thư chi bộ kiêm chủ tịch xã, cán sự Huyện ủy và Đỗ Văn Kha, thường vụ chi ủy, thư ký kháng chiến trở về xã, Xã Hồng Bàng khi đó bị địch o ép, các cơ sở trong xã các anh xây dựng trước đây đều bị địch phá nát, số chưa bị lộ thì nằm yên nghe ngóng động tĩnh. Vì thế Luyện và Kha quyết định về thông Đông Xá (tên Nôm là làng Đội) xã Thanh Long chỉ cách xã Hồng Bàng con sông Nghĩa Trụ. Đồng chí Hỏa người thôn Đông Xá, bí thư chi bộ xã Thanh Long bố trí cho hai anh ở nhà ông Đợi. Ban ngày các anh ở trong buồng, có động thì xuống hầm bí mật, ban đêm vượt sông Nghĩa Trụ về xã gặp dân, xây dựng cơ sở, cảnh cáo bọn tề thân Pháp. Gần sáng các anh lại vượt sông về thôn Đông Xá. Hai anh được nhân dân bảo vệ, che chở nên vẫn an toàn.

        Ngày 11-12-1949, quân Pháp mở chiến dịch Adibolo (con quay) với lực lượng hai binh đoàn thiện chiến 4000 quân có máy bay, tầu chiến, đại bác yểm trợ càn quét vào vùng du kích của tỉnh. Tiếp đó là các trận càn Trái quýt, Trái chanh càn quét Nam Hưng Yên, Nam Hải Dương và Thái Bình.

        Lợi dụng lúc địch tập trung quân càn quét ở phía Nam, theo sự chỉ đạo của Tỉnh Ủy, bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện Yên Mỹ và du kích tập trung các xã, nhiều lần tấn công đồn Bần Yên Nhân, đồn Thứa, đồn Nho Lâm (Giâm), bốt quận Yên Mỹ, bốt hương dũng Đỗ Xá, đốt chợ tề Lưu Trung, giải tán nhiều ban hội tề thân Pháp, bắt những người chống đối cách mạng đưa ra vùng tự do học tập, thôn Ông Tố cũng bắt chánh tổng tề thân Pháp ra vùng tự do học tập.

        Trước những hoạt động mạnh mẽ của lực lượng kháng chiến, bọn địch ở bốt quận, bốt Liên Hiệp Pháp, bốt Hương dũng đóng trên địa bàn xã Hồng Bàng co lại, tạo điều kiện cho các cán bộ xã về các thôn thuận lợi, an toàn hơn trước. Sau chiến thắng Cao-Bắc-Lạng Kha cùng đồng chí Luyện, đưa đồng chí Kỳ chủ tịch huyện về họp ở nhà cụ Đỗ Thuật Chức để tuyên truyền chiến thắng biên giới Cao-Bắc-Lạng. Sau cuộc nói chuyện của đồng chí chủ tịch huyện, đồng bào càng tăng thêm lòng tin tưởng vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, nhiều cụ trong xã đã cho con em đi tòng quân.

        Đầu năm 1950 Đội Tự là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng theo Pháp về làm đồn trưởng đồn Từ Hồ đã nhiều lần đưa quân về càn quét thôn Đông Xá là quê hương hắn, gây biết bao tội ác với cách mạng, với nhân dân. Trên địa bàn toàn tỉnh quân Pháp cũng điên cuồng khủng bố, chém giết, các đồng chí bí thư Huyện Ủy các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, thị xã Hưng Yên lần lượt hy sinh. Sau cái chết của đồng chí bí thư Huyện ủy Văn Giang không lâu thì đồng chí Nguyễn Văn Trọng bí thư Huyện Ủy Yên Mỹ cũng bị giặc cuốc hầm bắn chết. Nhiều cán bộ xã, thôn, đảng viên, quần chúng cách mạng bị chém giết, tù đầy, nhiều đồng chí phải bật khỏi địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:28:04 pm »


        Trước tình hình giặc điên cuồng khủng bố phong trào, bắn giết cán bộ, quần chúng cách mạng, đồng chí Luyện và đồng chí Kha quyết định không thoát ly cơ sở để chạy ra vùng tự do mà đưa đồng chí Hỏa, người thôn Đông Xá, bí thư chi bộ xã Thanh Long về ở ngay cái hầm nổi trong gian dĩ nhà Kha. Cái hầm đó vốn có từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 không phải để trú ẩn mà để giấu mấy gánh vải nhà buôn vào những tháng củ mật... Căn hầm kín đáo, bất ngờ đến nỗi bọn lính sục sạo vào nhà thuôn hầm, tìm hầm mà không thấy. Căn hầm đó được giữ bí mật cho tới khi cải cách ruộng đất, khi đó Kha đang công tác ở Hà Nội, chỉ có mẹ và vợ Kha ở nhà đã bị qui là địa chủ, nhà bị tịch thu chia cho ba, bốn hộ nông dân, khi họ ngăn nhà mới phát hiện ra cái hầm nổi này. Nhà Kha còn một cái hầm bí mật nữa ở trong buồng thường bọn lính, mật thám đi xăm hầm chỉ xăm ở chung quanh giáp tường và ở bờ bụi, vườn cây, bò ao, Kha được mẹ và vợ giúp sức đã đào hầm bí mật ngay ở ngưỡng cửa khi bước vào trong buồng. Có động Kha và các đồng chí xuống hầm thì bà Vũ Thị Nghiêm, mẹ anh hoặc chị Nguyễn Thị Phượng,vợ anh đậy nắm hầm, nghi trang rồi ra sân ngồi khâu vá hay dỗ con, cháu ngủ. Cũng như căn hầm nổi ở gian dĩ, căn hầm ở ngưỡng cửa buồng đó tồn tại cho tới hòa bình lập lại và cải cách ruộng đất.

        Ngày 25 tháng 12 năm 1950, Kha cùng các đồng chí Luyện, Hỏa ẩn trong căn hầm nổi đó. Vào khoảng 9 giờ tối, Luyện ở lại nhà, còn Kha và Hỏa đi dến nhà một cơ sở ở ngõ trên. Hai người chủ quan cho rằng đã 9 giờ tối, lính không đi tuần nên không cử người của cơ sở đi trinh sát trước. Kha đi trước, Hỏa đi sau, đi qua điếm xóm Giữa, vượt tường mấy nhà rồi Kha để Hỏa ở lại nhà bà Quản Thành là nhà cơ sở có hầm bí mật, còn mình tiếp tục vượt tường sang nhà ông Thắng. Kha tới nhà ông Thắng thì cổng đóng, anh chưa kịp gọi thì chó sủa ầm ĩ. Bà Thắng ra mở cổng, cánh cổng chưa kịp mở thì không may lúc đó có một toán lính bốt quận Yên Mỹ đi ba tui ngoài đường 39 chỉ cách nhà bà Thắng khoảng 100 mét nghe tiếng chó sủa, liền xộc vào bấm đèn pin sáng trắng cả ngõ hẹp.

        Sự việc trên diễn ra quá bất ngà. Kha không kịp chạy lên cái hầm nổi trên hiên nhà Bà Thắng, đành đứng nép sau cánh cổng Bà Thắng nhanh tay khép cánh cổng lại để Kha có thời gian chạy vào trong nhà. Bọn lính xông vào co kéo, cánh cổng bật ra, chúng nhìn thấy Kha đứng nấp sau cánh cổng. Lập tức chúng bắn súng thị uy rồi xông vào bắt Kha, chúng đốt cháy một đống rơm báo cho bọn lính trên bốt quận biết. Nghe tiếng súng nổ lại thấy khói lửa bốc lên, chỉ trong chốc lát, bọn lính Bảo chính đoàn ở bốt quận hành chính, lính hương dũng kéo xuống bao vây kín làng. Chúng bắt vợ chồng ông Thắng trói lại vì tội chứa chấp Việt Minh. Bọn lính sang nhà bên thấy ông Phó Nhoẻn do ta đưa ra làm lý trưởng tề đang đánh tài bàn ở đó trói lại vì chúng cho là ông đưa Việt Minh về.

        Bắt được Đỗ Văn Kha, bọn lính mừng lắm, vì chúng đã rình rập cả năm nay không bắt được anh và các cán bộ khác. Mấy tên cai đội người cùng xã, từng cùng họp hành với anh đã bỏ kháng chiến dinh tê đi lính cho Pháp biết quá rõ anh là đảng viên là thư ký ủy ban kháng chiến hành chính xã .

        Tuy bị bắt nhưng Kha rất tự tin vì trong người anh không có tài liệu, không có vũ khí nên anh không nhận là cán bộ, đảng viên, mặc cho bọn lính nhao nhao nói anh là đảng viên, là cán bộ xã. Mặc cho chúng buộc tội, trước sau anh chỉ khai: "Tôi là học sinh đi học ở Thanh Hóa, nghe tin quản Pháp sắp tấn công Thanh Hóa, tôi sợ nên về nhà chứ không phải là cán bộ, đảng viên".

        Bọn lính bốt quận, bốt hương dũng còn lạ gì anh là đảng viên, là thư ký kháng chiến, nhưng anh một mực không nhận. Trước khi bọn lính giải Kha lên bốt quận, anh đã kịp đưa mắt cho ông Phó Nhoẻn là ông yên tâm anh không khai báo gì khác ngoài câu đã khai báo.

        Vừa giải Kha về đến bốt quận hành chính Yên Mỹ, bọn lính ác ôn, chúng không phải ai khác mà phần lớn là người trong xã - những kẻ khi thấy cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã vội vàng từ bỏ các tổ chức thân Nhật, thân Pháp mà chúng từng đeo đuổi lao vào các hoạt động cách mạng. Khi cách mạng gặp khó khăn chúng không ngần ngại trở giáo theo giặc điên cuồng chống phá cách mạng. Bọn chúng lôi anh ra bể nước, lột trần anh ra vật anh nằm ngửa xuống rồi đứa đè đầu, đứa đè chân, đặt que ngáng vào miệng anh đổ nước đầy bụng khiến anh sặc sụa, ú ớ kêu. Sau đó hai thằng đi giầy xăng đá dẫm lên bụng anh, cho nước phọt ra đằng mồm, cả đằng tai, đằng mũi. Cứ mỗi lần giận chân xuống chúng lại hỏi: “Chi bộ đảng cộng sản có những ai, đang ở đâu, Bí thư kiêm chủ tịch xã Đặng Ngọc Luyện ở đâu, những nhà nào ở thôn nào trong xã là cơ sở của cách mạng, mày về liên lạc với ai, gặp gỡ ở đâu, giao nhiệm vụ gì?"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:30:37 pm »


        Mặc cho chúng tra hỏi, hành hạ, trước sau Kha vẫn trả lời: "Tôi là học sinh đi học ở Thanh Hóa, tôi sợ nên về, tôi không phải là cán bộ, tôi không phải là đảng viên, những điều các ông hỏi đối với tôi xa lạ lắm!"

        Cứ mỗi lần anh trả lời như vậy chúng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hai đôi giầy xăng đá dày xéo lên bụng anh, Chúng đánh cho đến khi anh chết ngất chúng mới dội nước vào người anh tuy vậy anh vẫn mê man, mãi tới tò mờ sáng anh mới hồi tỉnh.

        Không để anh kịp hoàn hồn, những kẻ trước đây đã từng gọi anh là anh em, là đồng chí lại lật anh nằm sấp xuống, bẻ quặt hai tay ra đằng sau, lấy sợi dây dù buộc hai ngón tay cái, hai ngón chân cái lại rồi luồn dây ra cái ròng rọc ở xà nhà kéo lên. Chúng chia làm hai bọn, mỗi bọn đứng một bên, đứa đá, đứa đấm cho anh bật sang bên kia, lại bị bọn bên kia đánh, chúng đánh cho đến khi máu mồm, máu mũi anh đổ ra. Cứ mỗi lần hạ tay xuống đánh vào cái thân thể đã mềm nhũn của anh chúng lại hỏi: “Mày bảo ở Thanh Hóa về sao không về nhà ngay lại tới xóm trên?" Kha trả lời: "Tôi không về nhà ngay vì tới cổng đình thấy có lính, nên phải vòng lên ngõ trên để về nhà, chưa kịp về đã bị các ông bắt!"

        Cho đi "tầu thủy" chán rồi lại đi "tàu bay" cũng không khai thác được gì hơn lời anh đã khai. Bọn chúng đem hòm điện ra tra nhưng anh vẫn trơ như đá, vững như đồng. Cuối cùng bọn lính quận bất lực, chúng áp giải anh lên bốt “sú séc tơ” của quân đội Liên hiệp Pháp ở Bần Yên nhân.

        Tên quan hai Lơ boong nhận được tin bốt quận Yên Mỹ bắt được một cán bộ Việt Minh quan trọng ở xã Hồng Bàng nằm ngay trên đất quận lỵ liền quyết định tự mình hỏi cung. Nhưng vốn là một sĩ quan phòng nhì dày dặn, hắn hiểu rõ phải uy hiếp tinh thần và cả thể xác đối phương trước khi đối mặt liền lệnh cho bọn tay chân “chăm sóc” anh cẩn thận.

        Thế là ròng rã suốt một ngày, một đêm, những trận đòn của bọn đầu trâu, mặt ngựa, không còn nhân tính đã tới tấp giáng vào cái thân hình thư sinh của Kha. Nhưng trước sau anh vẫn trả lời là "học sinh đi học ở Thanh Hóa nghe tin quân Pháp sắp tấn công nên bỏ về quê".

        Khi bọn chúng giải anh đến phòng nhì của sú séc tơ Bần Yên Nhân thì anh không bước nổi, hai tên phải xốc nách kéo anh đi. Lo boong chánh phòng nhì sú séc tơ Bần Yên Nhân làm bộ nhân đức quát bọn tay chân:

        - Người này phạm tội gì mà chúng bay hành hạ đến như vậy?

        Bọn tay chân trả lời:

        - Bẩm xếp, nó là Việt Minh gan cóc tía, đánh thế nào nó cũng không khai.

        Nghe tên tay chân trả lời như vậy, Kha cãi:

        - Không đúng, tôi chỉ là học sinh ban Tú tài học ở Thanh Hóa nghe tin quân Pháp sắp tấn công, tôi trở về quê.

        Lơ boong nghe nói anh là học sinh ban tú tài liền hỏi cung anh bằng tiếng Pháp. Kha trả lời rất thông thạo, cử chỉ đường hoàng, đĩnh đạc. Hôm đó Lơ boong chỉ hỏi cung chứ không đánh anh, nhưng không vì thế mà anh bớt đau đớn vì hai trận đòn ở bốt quận Yên Mỹ, và trận đòn ngày và đêm qua ở sú séc tơ này vẫn làm cho anh vô cùng đau đớn. Khi bọn lính giải anh về phòng giam anh thoáng thấy Giáo người anh em bên họ mẹ là nhân viên Phòng nhì ở sú séc tơ này thì anh lo hơn là mừng vì nếu người đó quên tình nghĩa anh em họ hàng tố cáo anh là đảng viên cộng sản, cán bộ kháng chiến thì chúng kết tội anh nặng, có thể bị chúng xử bắn, nhưng nếu anh ta xác nhận lời khai của anh là đúng thì chúng buộc tội anh nhẹ hơn.

        Buổi chiều hôm đó anh đang nằm trên nền buồng giam lạnh lẽo thì tên lính gác vào nói: "Phạm nhân Đỗ Văn Kha ra gặp người nhà": Anh biết nếu bị bắt dù chỉ là tình nghi cộng sản hay có quan hệ với kháng chiến gia đình cũng không được tới tiếp tế, đây chắc hẳn có sự dàn xếp của người anh em bên họ mẹ, nên theo tên lính gác bước ra. Anh tới phòng chờ thì người đến tiếp tế cho anh không phải ai khác mà là Nguyễn Thị Phượng người vợ chịu thương, chịu khó tần tảo của anh. Vừa nhìn thấy mặt mày anh sưng húp, thân hình tiều tụy, quần áo rách nát, máu và bùn đất cóc cách, chị đã òa lên khóc nức nở. Anh muốn để vợ yên tâm và để tên phòng nhì ngồi canh chừng ở đó không thể xem thường mình, anh an ủi VỢ: "Mình yên tâm không việc gì phải khóc lóc cả, tôi là học sinh ở Thanh Hóa tìm đường về quê chứ có phải là cán hộ đâu mà mình lo!" Chờ lúc tên phòng nhì không để ý, Kha hỏi "Ở nhà mọi người khỏe mạnh, bình yên cả chứ?"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:32:04 pm »


        Phượng biết ý chồng mình muôn nhắc tới ai liền trả lời: “Mọi người đều bình yên vô sự, ai ở đâu vẫn ở đấy!". Nghe vợ nói, Kha hiểu cơ quan và các đồng chí khác vẫn an toàn, đồng chí Luyện và đồng chí Hoả vẫn ở trong nhà anh. Vợ anh lấy trong làn ra một gói thuốc lá Phi líp và tò giấy một trăm đồng Đông Dương đến giúi vào tay tên phòng nhì, hắn bình thản bỏ các thứ vào túi áo rồi đi ra cửa đứng. Tranh thủ thời gian quý báu đó Phượng nói nhanh: “Các anh củng bằng lòng với mẹ đưa cho anh Giáo 5000 đồng Đông Dương để đút lót cho Lơ boong, nó chấp nhận lời khai của anh thì có khả năng được tha.” Kha thương mẹ và vợ đã phải chạy vạy số tiền lớn như vậy để lo lót cho anh song anh chỉ lo tiền mất tật mang, thì Phượng nói : “Anh Giáo nhờ tôi nói với mình dù có đánh đau đến đâu cũng phải cắn răng chịu đựng, giữ vững lời khai như cũ, anh ấy sẽ cố chạy chọt may ra có thể thoát.”

        Tuy không tin vào khả năng này lắm nhưng anh cũng nói để Phượng và mẹ yên tâm: “Mình đừng lo, trước sau tôi chỉ khai đúng sự thực như vậy thôi!". Kha vừa nói dứt lời thì tên phòng nhì bước vào, lạnh lùng nói: “Hết giờ thăm! đến lúc đó Phượng mới như sực nhớ ra liền đưa cho anh bộ quần áo, cả quần đùi, may ô, khăn mặt mới cùng cân đường hộp sữa. Tên phòng nhì kiểm tra thật kĩ áo quần rồi mới cho anh nhận.

        Chị Phượng bước ra khỏi cửa vẫn quay lại nhìn anh, nước mắt chảy chan hoà trên đôi gò má xạm đen. Tên lính gác dẫn anh trở lại phòng giam và trong hai ngày liền, anh không bị đưa đi tra tấn cũng không bị hỏi cung. Vào đầu giờ làm việc buổi chiều ngày thứ ba, Lơ boong sai tên lính gác đưa anh tới phòng mấy ngày trước đã hỏi cung anh, Anh quan sát thấy cặp mắt cú mèo của hắn không vằn những tia máu như lần trước, anh biết Giáo đã lót tay cho hắn 5000 đồng Đông Dương mới có được xử sự này. Lơ boong hỏi cung một lần nữa, anh trả lời như trước hắn bảo anh kí vào tờ cung. Thấy tờ cung có lợi cho mình anh anh liền kí sát vào dòng chữ cuối cùng, đề phòng hắn viết thêm những điều không có lợi cho mình. Lơ boong nhận lại bản cung rồi nói: “Đi học không làm Việt Minh là tốt, ăn tết xong phải lên làm việc cho quan lớn!" Kha biết rõ “làm việc cho quan lớn’’ tức là làm “phòng nhì” là chỉ điểm bắt cán bộ, đảng viên - những đồng chí của mình như Đặng Ngọc Luyện, như đồng chí Hỏa, như đồng chí Kỳ chủ tịch huyện và đánh phá cơ sở - những người đã đào hầm cho mình ở, quên cả tính mạng mình và gia đình để bảo vệ mình như bố con ông Đợi, vợ chồng ông Thắng, vợ chồng ông Quản Thành, ông Phó Nhoẻn... Kha biết Lơ boong không dễ dàng gì tin vào lời khai của anh, cũng không phải vì hắn tham 5000 đồng mà tha cho anh, mà hắn tha để các đồng chí của anh nghi ngờ anh đã đầu thú và sẽ buộc anh làm nhân viên phòng nhì. Điều đó dù có chết anh cũng quyết không làm, nhưng trước mắt Lơ boong - một con cáo già tình báo anh vẫn làm bộ vui vẻ nhận lời. Lơ boong viết cho anh tò giấy phóng thích nhưng lại kèm theo điều kiện “cứ ba ngày phải đi cùng Lý trưởng trình diện một lần và không được đi khỏi thôn". Hắn lại làm bộ nhân đạo nói: “Anh về phòng thu xếp tư trang một tiếng đồng hồ nữa lý trưởng sẽ tới bảo lãnh cho anh về.”

        Đúng một giờ sau sau tên lính gác dẫn anh ra phòng chờ, tới nơi anh đã thấy ông Pho Nhoẻn “lý trưởng tề ấm ố” ngồi chờ ở đó. Kha nhanh nhảu cất tiếng chào trước, ông Phó Nhoẻn mừng rỡ nói: “Sáng nay tôi nhận được giấy báo của quận lập tức lên đón anh ngay.”

        Vừa ra khỏi đồn Bần Yên Nhân, Kha thấy người nhẹ nhõm, anh như con chim sổ lồng, vươn vai hít khí trời đầy lồng ngực, ông Nhoẻn đưa anh vào hàng nước bên đường, anh đã nhìn thấy hai du kích mật dắt xe đạp từ trong quán ra lai hai người về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:33:05 pm »


II- GIA NHẬP ĐỘI TRINH SÁT NỘI THÀNH - MANG BÍ SỐ T31

        Trở về quê hương, Kha biết mình bị lộ, Lơ boong chắc chắn đã sai phái bọn tay chân bí mật theo dõi từng bước đi của anh, tất cả những người anh gặp đều bị chúng vào sổ đen, những nơi anh đến đều bị giám sát. Vì thế anh không thể hoạt động ở địa phương được liền báo cáo với đồng chí Đặng Ngọc Luyện xin chuyển địa bàn ra Hà Nội.

        Đặng Ngọc Luyện cũng thấy rõ Kha không thể ở lại địa phương được, nên chấp nhận đề nghị của anh. Luyện bố trí cho Kha đi chuyến ô tô vét Yên Mỹ - Long Biên vào 4 giờ 30 chiều, đi chuyến này an toàn vì bọn tuần cảnh và cảnh sát giao thông đến giờ này đã mệt mỏi nên chúng chỉ khám xét chiếu lệ.

        Tám giờ tối, khi biết Kha đã an toàn ở Hà Nội, Đặng Ngọc Luyện báo cho ông Tổng Tu và ông Phó Nhoẻn là Đỗ Văn Kha đã ra vùng kháng chiến, khoảng 10 giờ đêm hai ông nổi trông, mõ, tù và báo động và cho tuần đinh đốt đuốc chạy trên đường làng, sáng sớm lên báo với bốt quận Hành chính Yên Mỹ là đêm qua Việt Minh về bắt Đỗ Văn Kha.

        Mọi việc diễn ra đúng như dự kiến, bốt quận Yên Mỹ báo lên phòng nhì sú séc tơ Bần Yên Nhân là Việt Minh về bắt Đỗ Văn Kha. Lơ boong nhận được tin, hắn không buồn cũng không vui vì hắn không thực hiện được ý đồ mua chuộc Kha làm việc cho phòng nhì, nhưng cũng làm cho Việt Minh nghi ngờ Kha nên đã bắt đưa đi.

        Đến Hà Nội, Kha ở nhà ông bác là ông Cả Ỳ ở số nhà 11 phố Lý Quốc Sư, làm lý lịch mối với tên là Nguyễn Văn Sơn xin căn cước (tít).

        Sau khi có thẻ căn cước, bảo đảm cho sự đi lại được dễ dàng Kha bắt đầu đi tìm mấy người bạn cũ trước cũng học ở trường Thăng Long và trường Văn Lang và những người ở quê cùng hoạt động với anh mà anh biết là đang làm công tác nội thành để tìm đến tổ chức cách mạng. Xã Hồng Bàng có hàng trăm người ra cư trú ở Hà Nội để tránh bắt lính, đi buôn, người buôn chuyến ra Hà Nội cất hàng cũng nhiều, nên Kha phải tính toán làm sao tìm được người mình cần gặp và tránh gặp những người khác. Vì thế có nhiều lần gặp người cùng làng anh phải quay mặt đi. Nhưng nguy hiểm nhất là có lần anh đang ngồi ở ghế đá trên đường Cổ Ngư đọc báo Tia Sáng thì thoáng thấv Lơ boong chánh phòng nhì sú séc tơ Bần Yên Nhân đi với Giáo đang tiến tới chỗ anh ngồi, Kha vội vàng nâng cao tờ báo che kín mặt. Không rõ Giáo có nhìn thấy anh không nhưng lại dẫn Lơ boong rẽ theo lối khác. Từ đó Kha thấy việc mình ra đường rất dễ gặp nguy hiểm, nhưng không đi thì không thể tìm được người mình cần gặp, nên Kha vẫn phải mạo hiểm ra đường phố, có điều anh phải nhìn trước trông sau để tránh gặp những người ở quê từng biết mình nhất là đối với những kẻ đang làm việc cho địch.

        Mãi đến tháng 3-1951, Kha mới tình cờ gặp được anh anh Thái người thôn Tráng Võ cùng học trường Tiểu học Yên Mỹ và là bạn thân của anh. Khi Kha là chi ủy, phụ trách Tuyên huấn và là Thư ký ủy ban kháng chiến hành chính xã Hồng Bàng thì Thái công tác ở Văn phòng huyện ủy Yên Mỹ. Thái vốn nổi tiếng viết chữ đẹp và rõ ràng, nên Huyện ủy phân công anh viết chữ ngược trên đá và in li tô. Sau đó mấy lần anh đến Huyện ủy báo cáo thì được biết do yêu cầu của Thành ủy Hà Nội tuyển chọn một số thanh niên trí thức có gia đình hoặc thông thuộc địa hình Hà Nội ra làm công tác nội thành nên Huyện ủy điều Thái đi còn Thái công tác gì ở Hà Nội thì Kha không biết. Hai người bạn cũ gặp nhau đều mừng rỡ, Kha nói rõ trường hợp mình bị bắt, bị giam ở phòng nhì sú séc tơ Bần Yên Nhân, việc mình ra tù và hiện nay đang có hộ tịch ở Hà Nội với cái tên giả là Nguyễn Văn Sơn và nguyện vọng là được nhận công tác ở Hà Nội.

        Thái chăm chú nghe anh nói nhưng không cho biết nơi mình ở và mình đang làm gì mà chỉ trả lời chung chung là khi có dịp sẽ đến nhà số 11 phố Lý Quốc Sư thăm anh.

        Kha trở về nhà với biết bao hy vọng là đã chắp nối được với tổ chức. Nhưng phải một nửa tháng sau, anh vừa ở phố về thì ông Cả Ỳ cho anh biết tin là có người bạn học cũ ở trường Tiểu học Yên Mỹ đến đây không gặp cháu, anh ấy hẹn 6 giờ chiều nay cháu đến gặp anh ấy ở địa điểm cũ.

        Nhận được tin trên Kha rất mừng vì anh biết người đó chính là Thái, có lẽ trong nửa tháng qua Thái đã báo cáo với cấp trên về nguyện vọng của Kha và tổ chức đã thẩm tra xong việc anh bị bắt, việc anh thoát khỏi sú séc tơ Bần Yên Nhân nên đã quyết định thu nhận anh vào tổ chức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:33:35 pm »

 
        Sáu giờ kém hai mươi phút, Kha mặc bộ quần áo như lần gặp trước, dắt xe đạp đi vòng vèo qua phố Nhà thờ, qua Hàng Trông tới ngồi ở quán Thủy Tạ ăn kem cốc rồi tới tháp Nghênh phong trên bờ hồ Hoàn Kiếm trước cửa nhà Bưu điện thành phố Hà Nội. Anh đến đó trước hai phút đã thấy Thái ngồi trên ghế đá tay cầm tờ nhật trình liền bước lại gần chân tháp. Thái đứng lên dắt xe lững thững đi về phía hiệu Bôđêga, Kha cũng dắt xe làm như người thư nhàn đi ngắm cảnh theo sau. Qua khỏi ngã tư Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Thái lên xe đạp về phố Bạch Mai, Kha cũng lững thững đạp theo sau giữ một khoảng cách chừng hai chục mét. Qua khỏi Ngõ Quỳnh, trời đã tối thì Thái rẽ vào một ngõ nhỏ tới một ngôi chùa rêu phong cổ kính, tới đây Thái xuống xe, nói với Kha: “Việc của anh đề nghị, tôi đã báo cáo với cấp trên, hôm nay ông Lê Toàn sẽ gặp anh giao nhiệm vụ". Nói rồi Thái dẫn Kha vào một ngôi nhà nhỏ ở sát chùa, một ngưòi đàn ông sấp sỉ 30 tuổi ra gặp anh. Kha suýt nữa kêu lên vì mừng rỡ, vì Lê Toàn chính là Phạm Văn Chang quê cũng ở huyện Yên Mỹ, là trưởng ban Tịch thu của huyện sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả hai người đều mừng rỡ gặp lại nhau sau 5 năm xa cách với bao biến động của đất nước.

        Về nguyên tắc bí mật, Đỗ Văn Kha tức Nguyễn Văn Sơn không được phép hỏi nhiều sự hoạt động của đồng chí lãnh đạo mình, anh chỉ biết Phạm Văn Chang hiện nay có tên mới là Lê Toàn đang là giáo sư Hán Văn trường Đại học Y-Dược Hà Nội. Ông có uy tín với giới trí thức và một số viên chức cao cấp ở Hà Nội. Mãi sau này Kha mới rõ ông Chang là đội trưởng công an, khu Hoàn Kiếm mang bí số T35 dưới quyền chỉ huy của quận Nội thành do đồng chí Kim Tuấn làm quận trưởng và đồng chí Vũ Tá Ngọc làm quận phó. Phạm Văn Chang biết Kha từ tháng 10-1945 khi anh tham gia dạy Bình Dân học vụ và biết rõ anh là Thường vụ chi Ủy xã, thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính xã. Sau nghe nghe Thái báo cáo về anh, ông đã cho người về Yên Mỹ thẩm tra thì sự việc hoàn toàn đúng như lời kể của Kha nên đã tiếp nhận vào công tác ở đội của mình và đặt bí số là T31.

        Ông giao cho Đỗ Văn Kha tức Nguyễn Văn Sơn, bí số T31 thu thập tin tức về âm mưu, tố chức, các chỉ thị mệnh lệnh của bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp, các cuộc hành quân cản quét, hoạt động chính trị của các đảng phái phản động ở Hà Nội và ở các tỉnh khác.

        Thời gian đó cán bộ đi làm không có lương, đối với cán bộ hoạt động trong lòng địch thì chẳng những phải có lương ăn, còn phải mặc tươm tất, không những chỉ áo, quần mà còn giầy mũ sao cho hợp thời trang, lại còn phải có tiền để đãi bia, rượu, xem xi nê đối với từng đối tượng để khai thác tài liệu. Vì vậy T35 đã giới thiệu Nguyễn Văn Sơn đến dạy học cho con trai ông Sơn Thành ở số nhà 40 phố Hàng Bồ là cơ sở của mình. Ông Sơn Thành có cửa hiệu lớn bán đồ nhôm, đồ sứ , đồ pha lê nhập từ Pháp, Hồng Kông. Cửa hàng không những có uy tín lớn trong lớp người Việt giàu có mà các viên chức, sĩ quan người Pháp cũng thường đến mua hàng, Nguyễn Văn Sơn nhận thấy nếu mình tận dụng cơ hội để làm quen với giới thượng lưu và các sĩ quan Pháp sẽ có lợi trong công tác. Vì thế Sơn thường làm nhanh, gọn công việc của mình rồi xuống bán hàng giúp ông bà Sơn Thành. Các viên chức, sĩ quan Pháp rất thích được Sơn bán hàng vì anh nói tiếng Pháp thành thạo, cử chỉ lịch lãm. Anh còn tuỳ theo nghề nghiệp của khách cũng như sở thích của những người Pháp đến mua hàng để trò chuyện. Nếu khách là nhà binh thì anh kể chuyện Napônêông từ một đại úy pháo binh trở thành vị tướng chỉ huy pháo binh rồi trở thành Hoàng đế nước Pháp. Chuyện ông bị đày ra đảo khơi rồi lại trở về kinh đô khôi phục ngôi Hoàng đế của mình như thế nào. Đối với khách du lịch, anh lại ca ngợi dòng sông Sen thơ mộng. Đối với khách là phụ nữ anh lại ca ngợi Zane một nữ anh hùng nước Pháp. Nghe một người Việt Nam chỉ là người bán hàng lại hiểu biết nước cả về lịch sử địa lý cùng những thắng cảnh của nước mình, những người nghe chuyện đều vui. Nhưng phần cuối những câu chuyện của nước Pháp trên bờ Địa Trung Hải xa xôi đó bao giờ Sơn cũng kể về đất nước Việt Nam như khi nói đến Zanda thì anh nói từ năm 40 ở Việt Nam đã có Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi ngoại xâm, lên làm vua, nói đến Napônêông ở thế kỷ XVIII thì anh lại nói ở Việt Nam trong thế kỷ XIII có Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn ba lần đại phá quân Nguyên-Mông một đế chế đã gây kinh hoàng cho cả châu Âu. Khi ca ngợi vẻ đẹp của sông Sen anh lại nói về sông Hồng, sông Bạch Đằng, sông Cầu của Việt Nam.

        Sơn chỉ kể chuyện chứ không bình luận, so sánh, nhưng anh biết những trí thức Pháp, những người Pháp có lương tri sẽ thấy từ năm 40 tính theo Dương lịch, Việt Nam đã có người phụ nữ phất cờ khởi nghĩa, lên làm vua, khi đó nước Pháp còn là những bộ lạc riêng rẽ, mông muội. Người Pháp ca ngợi Napônêông là anh hùng nước Pháp nhưng đã bị bại trận ở nước Nga, bị người Anh đưa đi đày, còn Trần Quốc Tuấn đã ba lần chặn đứng các đạo quân hùng mạnh muốn từ Việt Nam làm đầu cầu đánh chiếm các nước ở Đông Nam châu Á. Còn sông Sen của nước Pháp chỉ thơ mộng nhưng các sông Hồng, sông Bạch Đằng, sông Cầu của Việt Nam thì vừa thơ mộng vừa là mồ chôn quân xâm lược.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười, 2020, 07:55:45 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 07:54:37 am »


        Từ những cuộc tiếp xúc đó Sơn đã biết được sự bổ nhiệm một số quan chức Pháp trong guồng máy chiến tranh ở Việt Nam, biết được một số quan chức Pháp được điều từ Pháp sang hoặc từ Sài Gòn ra Hà Nội hay từ Hà Nội đi các tỉnh khác. Anh còn biết được số lượng máy bay từ Hà Nội đi các tỉnh khác. Anh còn biết được số lượng máy bay mới sắp được đưa sang chiến trường Bắc Kỳ sẽ được đưa tới phi trường Gia Lâm...

        Tháng 5-1952, Sơn thuyết phục Vũ Văn Kế là con ông bác họ bên mẹ là trung sĩ đánh máy bộ Tư lệnh Đệ tam quân khu Pháp ở Hà Nội cung cấp tài liệu mật của Bộ Chỉ huy quân sự Pháp cho cách mạng. Kế còn ngần ngại thì Sơn nói: “Việc anh làm là mỗi khi đánh máy những chỉ thị, mệnh lệnh gửi cho cấp dưới hoặc báo cáo của Đệ tam quân khu lên bộ chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương thi anh lấy một bản từ giấy than in sang, đừng lấy bản do con chữ đập vào từ băng in sang. Loại tài liệu thứ hai là lấy từ tủ bảo mật do tên đại úy giữ".

        Kế nhận lời và đã lấy được nhiều tài liệu do anh đánh máy và tài liệu để trong tủ bảo mật do viên đại úy người Việt tin cậy của tên quan Năm Pháp giao cho gửi tới hộp thư cho đồng chí T35. Trong số này có nhiều tài liệu quan trọng như "Chương trình hoạt động 2 năm của quân đội Liên Hiệp Pháp và quân đội của Chính phủ Quốc gia”. Tài liệu này được hoàn chỉnh sau cuộc họp của bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp và thủ tướng chính quyền Bảo Đại ngày 5-6-1952, thì tháng 11- 1952, đồng chí T35 nhận được tài liệu “Kế hoạch Nava 12 tháng” có liên quan đến chiến dịch Hà- Nam-Ninh. Các tài liệu trên thuộc lĩnh vực quân sự, nên sau khi T35 gửi ra vùng tự do lãnh đạo bộ Công an chuyển sang bộ Tổng Tham mưu quân đội để nghiên cứu và có kế hoạch đối phó.

        Theo nguyên tắc hoạt động bí mật thì Kế phải chuyển những tài liệu thu thập được đến hộp thư cho T35, nhưng có lần do tài liệu có tính khẩn cấp, phải báo cáo ra ngoài gấp, Kế đã đem tài liệu đó đến nhà số 11 phố Lý Quốc Sư giao trực tiếp cho T31.

        Việc Sơn chuyển tài liệu cho đồng chí T35 cũng nhiều phen nguy hiểm trong đó có lần sát đến giờ hẹn Sơn mới đạp xe đi. Vì vội vàng, phanh không ăn, xe của Sơn va vào xe của hiến binh Pháp. Anh hốt hoảng nhưng đã kịp thời trấn tĩnh, xin lỗi bằng tiếng Pháp vì gia đình anh có người ốm nặng đang nằm viện nên vội vàng. Tên đội trưởng đội hiến binh thấy Sơn nói thạo tiếng Pháp, cử chỉ lịch lãm nên bỏ qua.

        Thật hú vía vì nếu chúng khám cặp sẽ thấy tài liệu mật anh để trong đó. Chắc chắn anh sẽ bị chúng bắt và chúng dễ dàng tìm ra nơi cung cấp tài liệu và khủng bố các gia đình anh từng ở và quan hệ.

        Mỗi khi nhận được tài liệu do T31, Kế hoặc của cơ sở khác gửi đến, đồng chí T35 đều chuyển cho giao thông chuyến do công an Hà Nội tổ chức một đường dây từ vùng tự do vào cứ 15 ngày một chuyến. Nhưng khi có tài liệu quan trọng, khẩn cấp thì T35 giao cho người cộng sự, người đồng chí tin cậy cũng là vợ mình là chị Nguyễn Thị Uẩn bí danh Nguyễn Thị Phương chuyển ra vùng tự do.

        Trong những năm kháng chiến chống Pháp, công an Hà Nội đóng ở gần rừng Thông, Thanh Hóa đặt trạm liên lạc tiền phương ở Cốc Thôn tỉnh Ninh Bình.

        Từ Hà Nội muốn vào được trạm liên lạc Cốc Thôn thì phải qua huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Huyện Kim Bảng là vùng tạm chiếm nên địch đóng rất nhiều đồn bốt, kiểm soát gắt gao trong đó phải kể đến bốt Quế ở cạnh đường. Nhưng do bốt Quế có một điểm yếu là đặt ở chỗ đường gấp khúc, nên cán bộ ta đi công khai qua đây trà trộn vào dân qua khỏi lối rẽ vào đường gấp khúc là bọn lính gác ở bốt Quế không kiểm soát được. Từ đây trở vào là rừng thưa, đi vài cây số nữa là đến bến đò. Bên kia sông là Cốc Thôn thuộc tỉnh Ninh Bình nơi đặt trạm liên lạc tiền phương của công an Hà Nội. Mỗi lần đem tài liệu ra vùng tự do, chị Phương đều phải đi qua bốt Quế. Chị Phương tuy ở Hà Nội nhưng trang phục nửa tỉnh, nửa quê, áo tứ thân, khăn vấn trần. Mỗi khi nhận dem tài liệu ra trạm liên lạc Cốc Thôn, chị thường đi cùng với những người buôn bán từ nội thành ra vùng tự do. Tài liệu được giấu trong cái gối nhồi bông cùng cái màn và bộ quần áo bỏ trong tay nải khoác trên vai.

        Việc lấy tài liệu do Kế đánh máy như báo cáo của Bộ Tư lệnh Đệ tam quân khu gửi lên Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp hay chỉ thị của bộ Tư lệnh cho các đơn vị trực thuộc, các thống kê vũ khí, cùng các khí tài trang bị cho các đơn vị thì Kế lấy không khó khăn lắm còn các tài liệu để trong tủ bảo mật do một đại úy người Việt quản lý lấy khó khăn hơn và có lần do sơ suất để tên đại úy nghi tài liệu đó đã bị lấy đi một thời gian mới được trả lại chỗ cũ. Do chỉ nghi ngờ và không dám làm to chuyện, sợ bọn chỉ huy Pháp khiển trách, nên tên đại úy xử lý bằng cách chuyển cả sáu nhân viên dưới quyền mình ra mặt trận. Kế viết thư xin gặp đồng chí T35 để báo cáo trực tiếp. Đúng hạn, Kế đến điểm hẹn đã thấy đồng chí T35 chờ mình ở đó. Sau khi nghe Kế báo cáo diễn biến sự việc, đồng chí T35 nói với Kế:

        - Nếu anh có tinh thần cách mạng, thì dù đi đâu cũng có người liên lạc. Nếu anh không muốn đổi đi thì ta dùng tình cảm và tiền để mua chuộc tên đại úy đó bằng cách là anh viết sẵn đơn kêu với nó là nhà có mẹ già, vợ dại và hai con thơ đi xa sẽ gặp khó khăn. Khi tới nhà hắn nhớ đem cả bà cụ, vợ con. Trong khi nói anh phải để vào đĩa 4.000 đồng Đông Dương để biếu nó.

        Kê nghe lời làm đúng như vậy quả nhiên tên đại úy tham tiền và cũng thông cảm với khó khăn của gia đình anh khi anh phải đi xa, nên đã để anh ở lại, chỉ chuyển năm người kia đi.

        Từ đó Kế lấy tài liệu mật ở tủ bảo mật của Bộ Tư lệnh đệ tam quân khu rất thận trọng, khi biết chắc không có kẻ theo dõi, không bị gài bẫy mới lấy và không để lại dấu vết khả nghi. Theo lời đồng chí T35 dặn đối với những tài liệu nó bảo vệ nghiêm mật thì chỉ cần đọc rồi tóm tắt nội dung chính, sau đó để trả lại chỗ cũ.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM