Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:06:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên mang bí số T31  (Đọc 8083 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 07:57:18 am »


III- PHÁI KHIỂN T31 VÀO ĐẢNG ĐẠI VIỆT - QUỐC DÂN ĐẢNG

        Anh Nguyễn Văn Sự chiến sĩ an ninh hoạt động nội thành mang bí số T15 ngụy trang dưới cái vỏ bọc thợ đánh vécni và quét vôi ve, nhà ở khu Lương Yên. Phạm Văn Chang thường đến nhà Sự nghe anh báo cáo việc điều tra các hoạt động của quân Pháp.

        Nơi Sự ở gần khu nhà Viện trợ Mỹ có nhiều sĩ quan ngụy quân ở. Tháng 10-1952, T15 đến nhà Sự thấy một sĩ quan Địa phương quân ở đó. Sự giới thiệu với anh đó là Trần Khắc và giới thiệu ông Chang là ông giáo quen biết từ lâu. Vì phép lịch sự Chang cũng chào hỏi xã giao rồi anh khéo léo gợi chuyện để viên sĩ quan Địa phương quân đó nói về mình. Còn khi Trần Khắc hỏi lại anh chỉ ừ ào cho qua chuyện. Khi Trần Khắc ra về, T15 báo cáo với chỉ huy của mình là Trần Khắc đang rủ rê mình vào lính. Điều đáng lưu ý là Trần Khắc và vài người nữa mặc quần áo lính nhưng không thấy đến doanh trại, không phải ra trận họ thường chê bai Pháp, ca ngợi Mỹ và có những cuộc họp kín.

        Qua báo cáo của T15, Phạm Văn Chang phán đoán đây là một đảng phái phản động thân Mỹ liền viết báo cáo về cơ quan cấp trên. Song anhnhận được chỉ thị của lã nh đạo công an Hà Nội là nhóm “4T” phải điều tra rõ ràng nó là đảng phái gì, xu hướng thân Pháp hay thân Mỹ, lấy được điều lệ, chương trình hoạt động của chúng gửi ra thì càng tốt.

        Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, T35 đồng ý cho T15 vào Địa phương quân của Trần Khắc để điều tra về tổ chức mà anh nghi vẫn là đảng phái chính trị thân Mỹ này. Trần Khắc làm sổ lính, phát quân trang, lương tháng cho Sự. Tuy anh không phải tập luyện quân sự, không phải ra trận như những người khác, nhưng chúng cũng không cho anh dự các cuộc họp kín của tổ chức này.

        Một tháng sau, T15 báo cáo với T35 là “Trần Khắc bảo anh tìm người tin cậy tuyển vào lính để từ đó chọn người có tài có lòng trung thành với lý tưởng cách mạng quốc gia vào tổ chức nhưng anh củng không rõ đó là tổ chức gì".

        T35 thấy đây là cơ hội thuận lợi để đưa thêm người của mình vào tổ chức của chúng, để điều tra rõ rằng cái tổ chức bí mật đó Chang liền trả lời: “Được, tôi sẽ cho người!"

        Mấy ngày sau T15 cho Thái, một chiến sĩ an ninh trong đội của mình đến cùng đi làm với Sự để có cơ hội thì Sự giới thiệu Thái với Trần Khắc. T15 cũng đến nhà chơi, lần này anh gặp Trần Khắc và một người nữa, mà Khắc giới thiệu là Trần Cập người anh em ở quê mới lên chơi. T15 nghi ngờ về thái độ chính trị của tên này liền giao cho Sự và Thái điều tra lai lịch của hắn. Nửa tháng sau hai anh báo cáo với T35 là Trần Cập không phải là anh em với Trần Khắc mà lại là một cán bộ kháng chiến cấp huyện ở tỉnh Nam Định bị quân Pháp bắt được trong một trận càn. Khi bị địch tra hỏi, Cập run sợ đã khai một số điều về tổ chức kháng chiến. Bọn tình báo nhận thấy có thể chiêu hàng Trần Cập nên đã giao hắn cho đảng Đại Việt -  Quốc Dân đảng nghiên cứu, sử dụng về sau. Bác sĩ Đặng Văn Sung cầm đầu đảng giao tên tù đang giao động đó cho Trần Khắc thực hiện mưu đồ trên. Từ đó Trần Cập sống ở nhà Trần Khắc như một tù nhân bị giam lỏng, còn Trần Khắc thì cứ nay một ít, mai một ít đưa con người đã từng tham gia kháng chiến đó vào các cuộc ăn chơi trác táng va dần dần chịu sự sai phái của Trần Khắc.

        Do Sự nói tốt về Thái, Trần Khắc đã tuyển mộ Thái vào Địa phương quân, nhưng cũng như Sự, anh cũng chưa được chúng kết nạp vào tổ chức chính trị của chúng.

        Đồng chí T35 đến nhà Sự chơi gặp Trần Khắc, Khắc mời anh đến nhà chơi và anh đã nhận lời.

        Cuối năm 1953 Sự báo cho anh biết tin, là bố Trần Khắc chết, Chang thấy đây là thời cơ để chiếm được lòng tin của hắn liền sửa một cái lễ viếng rất hậu gồm một bức trướng to, đẹp, tám chai rượu vang cùng trà thuốc, hương hoa.

        Hai người đem đồ lễ đến phúng viếng. Trần Khắc mặc đồ đại tang đứng đáp lễ khách tới viếng cha mình. Thấy vị giáo sư đáng kính cùng đi với Sự với cái lễ hậu hĩnh, làm cho Trần Khắc rất xúc động, hắn giới thiệu với khách tới viếng đây là vị giáo sư đáng kính ở Hà Nội. Phạm Văn Chang đáp lễ mọi người rồi tiến tới bàn thờ người đã khuất, trong khi Trần Khắc trân trọng đón từ tay Sự thì Phạm Văn Chang thắp hương vái vong linh người quá cố nói mấy lời chia buồn với tang chủ rồi theo chủ nhân ra bàn ngồi uống nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:01:45 am »


        Vì không muốn ở lâu để nhiều người biết mình có mặt trong đám tang này, Chang đứng lên chào tang chủ rồi cùng Sự ra về. Trên đường đi, Chang dặn Sự:

        - Anh nhớ là phải tránh không ăn uống, ở đám nhà hắn, hôm nay ta biện lễ hậu như vậy, chắc chắn ngày mai cúng ba ngay thế nào Khắc cũng mời mình đến “ăn đoán” (tức ăn ba ngày), anh hãy dặn chị ấy nói là anh bị ốm phải đi cấp cứu tối hôm qua, hôm nay hãy còn mệt phải kiêng gió máy, còn về tôi, anh nói là tôi phải đến lớp dạy học.

        Nghe Chang nói như vậy, hôm sau anh nằm ở nhà không đi làm để có cớ nói với gia đình Trần Khắc là mình bị ốm và dặn vợ trả lời đúng như Phạm Văn Chang đã dặn. Quả đúng như phán đoán của Chang, tám giờ sáng, Trần Khắc cho mời vợ chồng Sự và nhờ Sự mời giúp giáo sư Phạm Văn Chang đến “ăn đoán”. Vợ anh trả lời đúng như lời chồng đã dặn.

        Đúng bảy ngày sau đám tang ấy, Trần Khắc đã cho ngươi tìm ra nhà ở của Phạm Văn Chang hắn đã dụng tâm gặp Chang, liền đi xe đạp ngược chiều vào giờ anh đi làm về. Vừa nhìn thấy anh, Trần Khắc làm như vô tình gặp anh, dừng xe lại móc túi đưa cho anh một cuốn sách nhỏ, bìa mầu xanh, không đề tên sách, nói:

        - Tôi theo dõi anh gần một năm nay, nhưng chỉ nói chuyện bình thường, chưa lúc nào nói chuyện chính trị. Tôi có cái này cho anh xem, nếu anh thích thì thứ năm đến trả tôi, đổi lấy tài liệu khác.

        Nói xong Khắc đạp xe đi. Chang linh cảm đây là một tài liệu quan trọng có liên quan đến tổ chức phản động mà cấp trên giao cho nhóm “4 T” của anh phải điều tra. Nghĩ thế Chang về tới nhà, đóng kín cửa lại đọc thì trang đầu là dòng chữ lớn: “Điều lệ đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng". Chang mừng lắm, vì anh đã biết tên cái tổ chức đảng phái phản động này và còn có tài liệu để báo cáo với cấp trên. Chang càng đọc càng thấy rõ xu hướng của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng một cái tổ chức chính trị rút nội dung từ đảng Đại Việt thân Nhật và Việt Nam Quốc dân đảng thân Tàu sau bỏ Tàu theo Pháp thành một cái đảng mới không thân Nhật cũng chẳng thân Tàu mà lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Tên đảng, tôn chỉ mục đích, điều lệ của cái đảng mới này khác hai đảng cũ nhưng nó lại giống hai đảng cũ là cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, bán rẻ Tổ quốc, bán rẻ dân tộc cho kẻ xâm lược để đổi lấy vinh hoa, phú qúy. Chang thấy cần phải báo cáo gấp tài liệu này ra ngoài liền đem cuốn sách đến cho T31, nói:

        - Anh đến ngay 40 phố Hàng Bồ đánh máy, chậm nhất là thứ tư phải xong, đưa cho tôi.

        Sơn lướt mắt nhìn tên cuốn sách, anh cũng nhận ra đây là một tài liệu quan trọng mà nhóm của anh đã phải mất công điều tra nhiều tháng vẫn chưa tìm ra, liền đến ngay nhà ông Sơn Thành đánh máy - vì cửa hàng ông buôn máy chữ và có máy chữ để đánh thư từ giao dịch. Anh biết đây là tài liệu lãnh đạo đang cần nên đánh gấp, đến 18 giờ ngày thứ ba đã giao cho đồng chí T35.

        Vì đây là tài liệu quan trọng phải khẩn trương báo cáo cấp trên không thể chờ giao thông tuyến mà anh giao ngay cho liên lạc viên Nguyễn Thị Phương đưa ra trạm liên lạc Cốc Thôn ngay sáng hôm sau. Đúng sáng thứ năm, Chang đem cuốn "Điều lệ Đại Việt - Quốc Dân đảng" đến nhà Trần Khắc, anh không nói nhiều nhưng tỏ thái độ hài lòng. Chủ nhà vui vẻ nhận lại cuốn Điều lệ và đưa cho anh cuốn "Chủ nghĩa sinh tồn" và nói:

        - Anh cứ nghiên cứu kỹ, có gì chưa rõ ràng thì trao đổi với tôi vào thứ năm hàng tuần.

        Chang đem cuốn sách ra về, đọc xong anh càng thấy rõ xu hướng của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng là thân Mỹ, muốn dựa vào Mỹ hất cẳng Pháp, tranh giành ảnh hưởng với phe cánh Ngô Đình Diệm và các đảng phái chính trị khác để độc quyền làm tôi tớ cho Mỹ. Xem xong anh lại giao cho T31 đánh máy rồi đưa cho Nguyễn Thị Phương chuyển ra vùng tự do. Cứ như vậy bằng cách lấp lửng, Chang đã năm lần được tài liệu tối mật của đảng phản động này, đưa ra vùng tự do để các đồng chí lãnh đạo lập án. Lãnh đạo Công an Hà Nội nhận được các tài liệu trên đã chỉ đạo T35 rất cụ thể: "Không được vào tổ chức của địch, không được nhận nhiệm vụ của địch; tiếp tục giao thiệp gây tín nhiệm để sau này đưa thêm người vào tổ chức của chúng".

--------------
        1. Phạm Văn Chang ở nhà số 47 phố Lò Sũ đâv là nhà của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đi kháng chiến ở Việt Bắc, giao nhà cho em gái có chồng tên là Nguyễn Đức Thu. Trong chuyến ra Việt Bắc công tác, Chang đã gặp bác sĩ Hỷ, ông Hỷ nhò Chang cầm lá thư của ông gửi cho em gái, trong thư có nói thu xếp cho ông Chang thuê một phòng nhỏ ở tầng dưới. Vợ chồng người em bác sỹ Hỷ đã nghé lời anh cho Chang thuê một căn phòng rộng 12 mét vuông, vì thế Chang dọn đến ở nhưng vợ anh là Nguyễn Thị Uẩn bí danh là Nguyễn Thị Phương vẫn chưa đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:04:08 am »


        Sau khi đã đưa hết những tài liệu cơ bản của đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng cho Phạm Văn Chang nghiên cứu, Trần Khắc hỏi:

        - Anh đã đọc Điều lệ, chính cương cùng các tài liệu khác của đảng, chúng tôi mời anh gia nhập đảng, anh thấy thê nào?

        T35 đã được chỉ thị của cấp trên, nên tìm cách thoái thác:

        - Mình cũng thích hoạt động chính trị lắm, nhưng mình ốm, bác sĩ nghi mình lao phổi, để chạy chữa xong mình sẽ vào.

        Nghe Chang nói thế, Trần Khắc sốt sắng:

        - Tôi nay anh ở nhà, tôi lái xe đến đón anh đi bệnh viện Võ Tánh điều trị.

        Chang thấy nếu để chúng đưa mình vào bệnh viện thì lộ là mình nói dối, lại mang ơn chúng nên trả lời:

        - Tôi dạy học có lương, để nhường suất đó cho anh em khác.

        Bộ mặt Trần Khắc có vẻ quan trọng nói:

        - Anh là người có uy tín trong giới trí thức, có năng lực, nếu anh vào đảng này sẽ trở thành cán bộ cao cấp của đảng và có thể là bộ trưởng một bộ trong chính phủ mới.

        Đó là việc bất ngờ với T35, anh chưa thể trả lời ngay được mà phải báo cáo cấp trên xin chỉ thị, song anh biết gần một tháng nay đảng này đang khuyếch trương thế lực với các đảng thân đế quốc khác nên đã kết nạp nhiều đảng viên mới trong đó có T15 và T20, nhưng chúng muốn trong đảng có nhiều trí thức nên cố lôi kéo anh. Anh đã nhận được chỉ thị của cấp trên là không được tham gia vào tổ chức của địch, mà từ chối mãi thì chúng sinh nghi, anh nghĩ ngay T31 là người thông thạo tiếng Pháp, biết tiếng Anh có thể thay thế mình được, liền làm bộ vui vẻ nói:

        - Để đáp lại lòng tốt của các anh, tôi xin giới thiệu một ông giáo khác, còn tôi điều trị khỏi bệnh sẽ vào sau.

        Trần Khắc thấy mình tuyên truyền một giáo sư mà những hai giáo sư nên bằng lòng ngay:

        - Thế cũng được, vậy thứ năm tới anh cho tôi gặp mặt vị giáo sư đó được không?

        Chang trả lời:

        - Tôi sẽ bố trí cho anh gặp.

        Ngay đêm đó Chang viết báo cáo về sự việc trên để sáng hôm sau Nguyễn Thị Phương đem ra trạm liên lạc Cốc Thôn. Ba ngày sau chị Phương mang chỉ thị của cấp trên về Hà Nội với nôi dung "T35 tiếp tục quan hệ với tổ chức chính trị này nhưng không được vào tổ chức đó mà tìm cách đưa người vào".

        T35 nhận thấy mình đã làm đúng như chỉ thị của cấp trên, liền đến gặp T31 để phát triển anh vào đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng. Song T31 còn phân vân chưa trả lời dứt khoát mình có vào đảng đó hay không. Hiểu được tâm tư của T31 là không muốn vào đảng phản động mà mình đang chiến đấu để tiêu diệt nó, nên T35 không thúc ép mà để anh tự suy nghĩ, tự nhận nhiệm vụ. Lần thứ hai Chang đến hỏi, Sơn cũng vẫn từ chối, cũng không nhận lời chỉ xin có thời gian suy nghĩ. Thời gian Chang phải trả lời Trần Khắc rất gấp, nên lần thứ ba, anh đến nhà Sơn đúng vào sáng thứ năm

        - Hôm nay anh đi với tôi...

        Sơn lưỡng lự:

        - Anh đưa em đi đâu?

        Chang trả lời:

        - Ta đến chỗ bàn với anh hôm nọ.

        Sơn đành lấy xe đạp cùng Chang đi xuống Lương Yên. Tới cống nhà Trần Khắc, Sơn ngần ngại:

        - Anh vào một mình, em về đã !

        Chang động viên:

        - Ta mang tiếng là giáo sư, có mới quan hệ rộng, nay đã đến nhà nó, ta cứ vào chơi để mở rộng tầm ngoại giao.

        Sơn đành theo Chang vào trong nhà. Trần Khắc mặc áo quần tươm tất đang đi đi lại lại trên hè có vẻ nóng ruột lắm, vừa thấy Chang cùng đi với một thanh niên điển trai, lịch lãm thì đoán ngay đây là vị giáo sư mà Chang nói đến trong cuộc gặp mặt lần trước, liền vui vẻ bước ra tận cổng đón rất nhiệt tình, Trần Cập đang ở trong nhà cũng chạy ra. Chang nói với cả hai:

        - Giữ đúng lời giao ước, hôm nay tôi đưa vị giáo sư đến gặp các anh.

        Trần Khắc mời hai người vào ghế ngồi rồi nói:

        - Tôi rất mừng được gặp hai vị, mong rằng chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau.

        Giọng Trần Cập hớn hở:

        - Hay quá, tổ chức rất mừng được ông giáo tham gia - rồi hắn hướng vê phía Chang, nói tiếp: -  Vâng, xin mời cả hai giáo sư cùng vào cho vui.

        Chang thấy mấy lần trước anh đến, Khắc còn sai Cập đun nước, nay nó lại cùng ngồi với Khắc tiếp mình tự nhiên thì anh biết Trần Cập từ chỗ giao động, ngả nghiêng nay đã hoàn toàn bán mình cho địch, trở thành người tin cậy của cái đảng phản động này, nhưng vẫn làm bộ nhã nhặn đáp:

        - Tôi hãy giới thiệu với các anh vị giáo sư này đã, còn tôi khi nào chữa khỏi bệnh sẽ tham gia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:04:50 am »


        Vừa cạn một tuần trà thì Trần Khắc đứng lên xin phép vắng mặt vì có cuộc họp đột suất, giao cho Trần Cập tiếp. Nghe Khắc nói, Chang thấy nhận định của mình về tên đầu hàng này là hoàn toàn chính xác. Trong khi trò chuyện, Trần Cập không hề nhắc đến cái đảng mà hắn mới vào và đang tận tâm phục vụ và cố lôi kéo hai vị khách này mà chỉ hỏi thân thế, quê quán, công việc làm ăn của Sơn và hỏi kĩ cả sở thích cá nhân, Sơn hiểu rằng đây là một cách điều tra lý kịch của bọn gián điệp nên trả lời đúng như bản lý lịch ghi trong khi làm căn cước, anh rất thận trọng không để một sơ hở nào khiến hắn nghi ngờ. Phạm Văn Chang thấy Trần Cập đang dùng mánh khoé truyện trò thân mật để điều tra lai lịch Sơn, thì cũng tương kế, tựu kê làm ra vẻ thân tình hỏi thăm gia đình Cập cùng anh em hắn ở Nam Định để xác minh lý lịch của hắn mà T15 và T20 đã cung cấp. Sơn hiểu điều đó nên cũng hòa vào câu chuyện một cách tự nhiên. Qua những lời truyện trò, cả Chang và Sơn đều cảm thấy hắn tin tưởng hoàn toàn ở hai anh, không dấu diếm điều gì. Cuối cùng Trần Cập tâm sự: "Tôi trước kia theo Việt Minh thì có Liên Xô, Tầu giúp, nay tôi theo đảng mới thì có Mỹ và Pháp là hai cường quốc giúp đỡ tận tình". Điều thổ lộ của Trần Cập ngoài mong muốn của hai chiến sĩ an ninh. Chang thấy hắn nói thật lòng, anh tiến thêm một bước nữa hỏi:

        - Vậy chức vụ trong đảng mới của anh có hơn gì hồi theo Việt Minh không?

        Trần Cập nhoẻn cười rồi khoe:

        - Hơn chứ, hồi theo Việt Minh tôi tuy là cán bộ huyện nhưng chẳng có tên tuổi gì, họ sai gì tôi làm việc đó, còn nay tôi phụ trách công tác tuyên truyền của đảng bộ Hà Nội.

        Ba người trò chuyện thân tình như những tri kỉ lâu ngày mới gặp lại nhau kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ. Khi ra về, Chang hỏi Sơn:

        - Anh thấy buổi tiếp súc này có ích không?

        Sơn phấn khởi trả lời:

        - Giá trị lắm, chỉ riêng việc bắt Trần Cập khai lý lịch, nếu ta đi điều tra ít nhất cũng phải mất 6 tháng trời.

        Chang nói:

        - Tôi truyền đạt chỉ thị của cấp trên giao nhiệm vụ cho anh luồn vào hàng ngũ địch cũng là tạo thời cơ để anh khai thác được nhiều tài liệu bí mật của chúng để phục vụ việc đánh chúng có hiệu quả lớn hơn.

        Qua buổi tiếp xúc với Trần Cập, Sơn thấy hiệu quả công việc rất cao mặc dù nó vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi mình phải luôn luôn tỉnh táo, tránh được tất cả các cạm bẫy của chúng giương lên thì mình sẽ giành được thắng lợi, nên tâm sự:

        - Tôi thực lòng không muốn vào đảng phái phản động này, nhưng vì ý thức của một đảng viên cộng sản, tôi xin chấp hành sự phân công của tổ chức.

        Chang vui mừng nói:

        - Vậy anh hay chuẩn bị tinh thần đi, chậm nhất là mươi ngày nữa chúng sẽ kết nạp anh.

        Chia tay với Sơn Chang, về ngay nhà mình ở số 47 phố Lò Sũ đóng kín cửa viết báo cáo lý lịch của Trần Cập để gửi ra ban lãnh đạo công an Hà Nội ở vùng tự do. Ít lâu sau anh nhận được công văn trả lời với nội dung: “Trần Cập nói về thân phận của hắn đúng như công an Nam Định đã thẩm tra hắn trước theo cách mạng, bị giặc bắt, không chịu được tra tấn của giặc đã khai báo một số cơ sở làm hại cho kháng chiến, sau đó quân Pháp đưa hắn đi Hà Nội để huấn luyện nghề gián điệp"

        Sau cuộc gặp gỡ ở Lương Yên dăm ngày thì Trần Cập đón Sơn đến căn nhà một tầng ở khu Lương Yên gặp đại úy Cao Xuân Tuyên và giới thiệu là cấp trên. Tuyên nắm chặt bàn tay Sơn hồi lâu rồi nói:

        Tôi đã được nghe anh Khắc và anh Cập giới thiệu rất nhiều về anh, tôi rất vui lòng kết nạp anh vào đảng. Với năng lực và uy tín của anh tôi tin rằng anh sẽ sớm trở thành nhân vật chủ chốt của đảng bộ Đại Việt - Quốc Dân đảng Hà Nội.

        Sơn đã thấy rõ lợi ích của công tác tình báo khi anh ở trong cái ổ phản động này, song anh muốn tỏ cho Cao Xuân Tuyên biết anh vào đảng này là vì lý tưởng chứ không phải vì tham quyền, cố vị nên trả lời:

        - Cảm ơn ông có lời động viên, tôi chỉ mong làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên chứ không muốn ở địa vị cao.

        Cao Xuân Tuyên thấy anh khiêm tốn như vậy thì rất hài lòng liền nói:

        - Xin chúc mừng sự gặp gỡ ban đầu và mong rằng chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau.

        Trần Cập từ nãy vẫn yên lặng bây giờ mới nói:

        - Trong tuần tới anh đừng đi đâu xa, chúng tôi sẽ mời anh đến dự một cuộc họp quan trọng.

        Sơn biết cuộc tiếp xúc đến đây đã kết thúc liền chào Tuyên và Cập ra về. Qua buổi tiếp xúc này, Sơn tập hợp những thông tin mình nắm được thì nhận thấy tham vọng của đế quốc Mỹ không chỉ dừng lại ở mức cung cấp vũ khí, tiền bạc cho Pháp xâm lược Việt Nam mà đang ra sức tập hợp các lực lượng thân Mỹ, lập ra các đảng phái mới để lập chính phủ bài Pháp, thân Mỹ. về phía những người cầm đầu đảng như bác sĩ Đặng Văn Sung, đại úy Cao Xuân Tuyên nắm được ý đồ của Mỹ nên rất coi trọng việc phát triển đảng vào tầng lớp trí thức, tư sản để cho Mỹ biết là đảng mình rất mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:05:15 am »


        Ba ngày sau cuộc gặp gỡ với Cao Xuân Tuyên, Sơn vừa đi làm về thì Trần Khắc lái chiếc xe Zép đến số nhà 11 phố Lý Quốc Sư gặp anh rồi dẫn anh đến căn hộ ở một ngõ nhỏ sau phố Huế. Vừa bước vào một căn phòng rộng chừng 16 m2, Sơn thấy trên tường treo lá cờ vàng ba lá sọc đỏ, trong phòng kê hai chiếc bàn đều phủ khăn mầu hoa đào, phía dưới là hai hàng ghế tựa, nhưng mỗi hàng chỉ có ba chiếc. Cao Xuân Tuyên, Trần Khắc, Trần Cập đều có mặt. Sơn chưa biết ngồi vào hàng ghê nào thì Khắc đã đưa anh đến ngồi ở hàng ghế đầu. Như vậy rõ ràng Sơn là nhân vật trung tâm của buổi lễ này, vì vậy anh cố tạo cho mình một vẻ mặt nghiêm trang. Sơn thấy Trần Khắc đem một khẩu súng lục đặt trên mặt bàn đối diện với mình. Ngoài các tên có mặt trong phòng. Sơn để ý ở phòng bên còn có hai người đàn ông, tuổi cũng trạc như anh. Sơn vừa ngồi yên chỗ thì từ Cao Xuân Tuyên, Trần Khắc đến Trần Cập đều lần lượt đến bắt tay chúc mừng. Anh cũng tỏ ra rất lịch thiệp bắt tay từng tên một. Lễ kết nạp được tiến hành nhanh chóng, mở đầu Trần Cập tuyên bố lý do:

        - Hôm nay đảng bộ Đại Việt - Quốc Dân đảng Hà Nội long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới là Nguyễn Văn Sơn một trí thức yêu nước, có tinh thần cách mạng quốc gia vào đảng.

        Mọi người vỗ tay nhưng vì quá ít người nên nó chỉ lẹt dẹt như đập mẹt. Tiếp đó Trần Cập giới thiệu các đại biểu rồi giới thiệu Cao Xuân Tuyên lên công nhận đảng viên mới.

        Tuyên nói:

        - Trong lúc đất nước đang bị Việt Minh Cộng sản thống trị, người Pháp và chính phủ Bảo Đại bất lực bị thua nhiều trận lớn làm phương hại đến an ninh quốc gia. Đã đến lúc những người yêu nước chân chính phải tập hợp dưới ngọn cờ Đại Việt - Quốc dân đảng được Hợp chủng quốc Hoa Kỳ làm hậu thuẫn để cứu dân, cứu nước. Đại Việt -  Quốc dân đảng hiện nay là đảng mạnh có nhiều đảng viên, nay việc kết nạp anh Nguyễn Văn Sơn vào đảng là một chứng minh đó. Kể từ giờ phút này anh Sơn đã là người của đảng, anh phải cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của đảng là làm cách mạng quốc gia dân tộc tới cùng.

        Khi Trần Cập giới thiệu Sơn ra tuyên thệ, theo lời dặn của Trần Khắc, anh bước tới trước bàn cầm khẩu súng lục giơ cao trước mặt, dõng dạc đọc mấy dòng Khắc viết sẵn trên giấy cho anh:

        - Tôi xin trung thành với đảng, nếu phản bội sẽ bị đảng trừng trị.

        Sau lễ kết nạp, bọn Cao Xuân Tuyên dẫn Sơn tới phố Huế vào một gian phòng nhỏ trên gác một khách sạn loại 3. Giữa phòng bày sẵn một bàn tiệc sang trọng, có rượu sâm banh, rượu uýt ski. Trong bữa việc này ngoài Cao Xuân Tuyên, Trần Cập, Trần Khắc còn có hai người nữa mà Sơn đoán đây là hai đứa ngồi giấu mặt ở phòng bên cạnh. Chủ tiệc là Trần Cập, hắn gọi bồi bàn rót rượu ra các li rồi trịnh trọng tuyên bố:

        - Xin mời các vị cạn li mừng cho đảng bộ Hà Nội có thêm đảng viên mới.

        Sau tuần rượu đó tất cả những tên có mặt đều đến cụng li, tay bắt, mặt mừng với Sơn, anh để ý thấy trong suốt bữa tiệc hai đứa giấu mặt ngồi sát nhau chỉ thì thầm chuyện riêng không tham gia vào cái không khí ồn ã của bữa tiệc. Muốn dò hỏi xem họ tên, chưc vụ, địa chỉ của bọn hắn nhưng không tiện, nên chỉ cố nhận dạng và giọng nói của chúng.

        Một tuần sau Trần Cập cho người báo với Sơn đến họp ở Lương Yên vào các buổi chiều thứ hai, thứ ba, thứ tư. Sơn đến mới rõ chúng gọi anh đến để học khoá chính trị ngắn hạn. Cùng học với anh có hai người mà anh nhìn thấy trong lễ kết nạp và cùng dự tiệc với anh, giảng viên là Trần Cập, trưởng ban tuyên truyền của đảng bộ Đại Việt - Quốc Dân đảng Hà Nội.

        Trước khi giảng bài, Trần Cập phổ biến nội quy là các học viên không được nói chuyện, trao đổi thư từ cho nhau và mỗi người ngồi cách nhau một bàn. Bài giảng đơn giản có mấy tài liệu Điều lệ đảng, Chủ nghĩa sinh tồn, cương lĩnh, chương trình hành động của đảng. Cập để hẳn một ngày giới thiệu về tiềm năng kinh tế, uy tín chính trị, sức mạnh quân sự vô địch của Hợp chủng quôc Hoa Kỳ. Cuối củng là nghe hắn lải nhải nói: “Việt Minh, Cộng sản không yêu nước, phá hoại hòa bình, Bảo Đại theo Pháp đưa đất nước lệ thuộc vào Pháp quốc...”

        Sơn nghe mà chán ngấy cái thứ chính trị táp nham đó nhưng anh vẫn phải làm bộ chăm chú nghe. Cứ sau mỗi buổi kết thúc một bài, Cập lại hỏi anh có hiểu không, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại, Sơn đều trả lời là hiểu và trả lời trơn tru những câu hắn hỏi có liên quan đến bài học.

        Mặc dù lớp học chỉ có ba học viên, Trần Cập cũng tổ chức lễ mãn khoá. Trong buổi gặp mặt đó có cả Cao Xuân Tuyên, Trần Khắc, Trần Cập, lại có một số đảng viên có mặt ở Hà Nội như Tùng, Thái, Sự, Cuối buổi tổng kết, Cao Xuân Tuyên nhìn Sơn nói:

        - Ông giáo nay ở trong đảng chúng ta, nhưng người giới thiệu ông giáo là vị giáo sư đáng kính lại ở ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:05:46 am »


        Từ khi vào đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng Sơn đã tận dụng mọi cơ hội để biết được nhiều tên trong cái đảng phản động, xưa làm tay sai cho Nhật, Nhật bại, đứa theo Pháp, đứa theo quân Tưởng Giới Thạch rồi lại quay về theo Pháp, nay thấy Pháp thất bại lại thay thầy đổi chủ làm tôi đòi cho Mỹ để mưu đồ vinh hoa phú qúy. Tuy vậyđể chiếm được cảm tình của chúng, Sơn đã dùng đồng lương gia sư và thù lao bán hàng ít ỏi của mình vào các bữa chiêu đãi Cao Xuân Tuyên, Trần Khắc, Trần Cập để chúng cho anh dự các cuộc họp vào theo chúng tới các cơ sở, các địa chỉ liên lạc. Vả lại sự ăn tiêu hào phóng của anh cũng chứng tỏ anh là một trí thức có danh vọng và phong lưu. Anh được bọn Tuyên, Cập tin cậy giao cho chức Chánh văn phòng đảng bộ Đại Việt - Quốc Dân đảng Hà Nội được lưu giữ công văn của trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng gửi xuống và của đảng bộ Hà Nội gửi đi, hơn thế nữa còn quản lý lý lịch bọn đảng viên ở đảng bộ Hà Nội. Với cương vị chánh văn phòng được dự nhiều cuộc họp ở Lương Yên, Quảng Bá cạnh hồ Tây thuộc huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội. Vài ngày sau anh điều tra ra đây là nơi hội họp của trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng. Nhờ có các cuộc họp này mà Sơn nhận ra hai kẻ dấu tung tích trong lễ kết nạp và chiêu đãi anh là Nguyễn Ninh Hợi và Trần Văn Thọ và một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Nghĩa. Anh cũng đã phát hiện ra tên Tùng ở nhà số 9 phố Hàng Mành là chủ hiệu cắt tóc và là cơ sở tin cậy của Cao Xuân Tuyên, Trần Cập và còn thêm các tên Long, Xuyên thỉnh thoảng tiếp xúc với Trần Cập nhưng có lẽ chúng từ tỉnh khác đến chứ không phải người Hà Nội. Sơn nhiều lần báo cáo rõ Trần Cập thường đến nhà Phạm Đăng Hào ở số nhà 25 phố Quán Thánh.

        Qua các lần tiếp xúc với chúng, luận điệu của chúng đều giống nhau là chê Việt Minh, cộng sản, chê Pháp và Bảo Đại. Có lần Đặng Văn Sung đã lớn tiếng trong một cuộc họp: "Cộng sản theo Nga bán nước, Pháp là kẻ xâm lược, Bảo Đại theo đuôi Pháp, chỉ có Đại Việt Quốc Dân đảng là tổ chức theo chủ nghĩa quốc gia chân chính lại được Mỹ quốc ủng hộ mới đủ sức, đủ tài dẫn dắt nước Việt Nam đến con đường độc lập trong thế giới tự do"

        Một hôm Cao Xuân Tuyên nói với Sơn:

        - Hiện nay người của Bảo Đại thân Pháp nắm được nhiều chức vụ trong chính phủ và ở Hà Nội, đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng muốn có thực quyền, có uy tín đối với Mỹ cũng phải nắm lấy một số chức vụ quan trọng, đảng xét năng lực, uy tín của anh nên bố trí anh vào chức trưỏng công an Gia Lâm.

        Sơn thấy rõ nếu nắm được cương vị này sẽ phát huy được vai trò của một chiến sĩ tình báo có điều kiện leo cao, luồn sâu vào tổ chức của chúng. Việc tuy có lợi cho cách mạng nhưng phải có chỉ thị của cấp trên, vì vậy Sơn trì hoãn trả lời:

        - Việc này tôi chưa quen, các anh cho tôi suy nghĩ đã

        Trần Cập khuyến khích:

        - Anh đừng ngại, ta cứ làm rồi khắc quen, vả lại còn có người của đảng ta giúp sức.

        Sơn thấy đây là vấn đề quan trọng, nếu không có chỉ thị của cấp trên thì anh không dám nhận, mà trả lời không nhận thì tiếc, anh liền đến hộp thư báo cáo với đồng chí T35. Phạm Văn Chang nhận được tin trên thấy không thể chờ liên lạc chuyến được liền phái Nguyễn Thị Phương hỏa tốc ra vùng tự do báo cáo. Hai ngày sau chị Phương về truyền đạt chỉ thị của cấp trên là: "Cho phép T31 nhận việc đó" Chang đem chỉ thị đó đến cho Sơn thì anh trả lời: "Chúng không thấy mình trả lời nên đã bổ nhiệm người khác từ hôm trước".

        Vào tháng 5-1954 sau chiến thắng lẫy lừng của quân ta ở Điện Biên Phủ, trung ương Đại Việt -  Quốc Dân đảng mời thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí trước kia từng là một trong những người cầm đầu đảng Đại Việt thân Nhật. Khi Nhật bại trận đầu hàng Đồng Minh thì đảng này phân liệt, một số li khai để theo Pháp, trong số đó có Nguyễn Hữu Trí rồi dần dần trở thành thủ hiến Bắc Việt. Số còn lại vẫn trung thành với đường lối của Đại Việt là chống Cộng sản nhưng chương trình hành động khác nhau nên phân hóa thành nhiều đảng như Đại Việt - Duy Dân, Đại Việt-Quốc Dân đảng, số đảng viên bảo thủ vẫn giữ tên cũ là Đại Việt nhưng thế lực yếu, hoạt động mờ nhạt.

        Nay cục diện chiến tranh khác, quân Pháp hoàn toàn bị bại trận ở Đông Dương. Các thế lực hiếu chiến Mỹ đang tập hợp các con bài của mình như Đa lét (Alel Dalet) đưa Ngô Đình Diệm được nuôi dưỡng ở Mỹ từ nhiều năm nay về tranh giành quyền lực với Bửu Lộc. Tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ lại dựng con bài Đại Việt - Quốc Dân đảng của bác sĩ Đặng Văn Sung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:06:11 am »


        Tất cả các đảng phái phản động ở Việt Nam thi nhau múa may quay cuồng trên vũ đài chính trị, chúng đả kích nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau, thậm chí mạt sát, giết hại lẫn nhau. Nhưng tất cả bọn chúng đều giống nhau một điểm là thân Mỹ, muốn chiếm độc quyền làm tay sai cho Mỹ. Vì lẽ đó Đặng Văn Sung cố níu kéo Nguyễn Hữu Trí trở về với đảng Đại Việt - Quốc Dân Đảng, nên đã mời hắn đến dự cuộc họp thân mật với trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng ở Hà Nội. Hầu hết các đảng viên đảng này có mặt ở Hà Nội đều đến dự, riêng Phạm Văn Chang chưa phải là đảng viên nhưng được coi là khách mời danh dự.

        Để chuẩn bị cho cuộc họp này, Cao Xuân Tuyên nhờ giáo sư Phạm Văn Chang viết giúp bài diễn văn chào mừng Nguyễn Hữu Trí. Chang yên lặng để nghe Tuyên nói ý tứ bài diễn văn: "Nội dung bài diễn văn phải nêu lên được Việt Nam đang bị hai nguy cơ xâm lược là Pháp và Việt Minh cộng sản, nhưng Pháp đang bị bại trận, nên nguy cơ hiện nay chủ yếu là cộng sản. Vì vậy các đảng viên Đại Việt nay không kể xu hướng, phe phái nào đều phải đoàn kết lại hợp sức chống Pháp, chống những tổ chức thân Pháp, chống Việt Minh Cộng sản để giữ vững độc lập cho nước Việt Nam. Chúng ta yên tâm vì Đại Việt - Quốc Dân đảng không đơn độc mà có cường quốc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đứng ở đằng sau, là chiến hữu hoàn toàn tin cậy của chúng ta..."

        Để cho hắn ba hoa chán, Chang mới khéo léo từ chối là mình chỉ là nhà giáo quen giảng bài trên bục chứ viết diễn văn thì có vẻ dạy đời, không thích hợp, mà người đó lại đương chức là thủ hiến.

        Không nhờ được giáo sư Phạm Văn Chang, Cao Xuân Tuyên liền bảo Sơn là giáo sư, chánh văn phòng đảng bộ Hà Nội viết bài "đít cua" chào mừng thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí. Nghe Tuyên nói, anh nhớ đến phương châm của đảng Lao động Việt Nam đối với các đảng viên được phân công hoạt động trong các tổ chức của địch không được tự mình phát ngôn, viết báo, viết bài cho kẻ khác đọc nhằm chống lại đường lối chủ trương của Đảng, ca ngợi địch nên đã tìm cách thoái thác.

        Cao Xuân Tuyên giao cho hai vị giáo sư không được bực bội nói:

        - Các anh mang tiếng là giáo sư mà từ chối cả thì thôi để cho cánh nhà binh này viết vậy!

        Kết quả là trong cuộc gặp mặt giữa Nguyễn Hữu Trí với đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng, tự Cao Xuân Tuyên đọc diễn văn chào mừng nguyên thủ lĩnh đảng Đại Việt, đương chức Thủ hiến Bắc Việt. Nhưng chỉ có điều khi hắn đọc "đít cua" thì ngúc nga ngúc ngắc chứ không hùng hồn như khi hướng dẫn nội dung cho Chang viết. Tuy vậy khi Cao Xuân Tuyên vừa dứt lời thì cả hội trường vỗ tay hoan hô hồi lâu làm cho mặt mày Cao Xuân Tuyên rạng rỡ.

        Hiệp định Genève kí kết, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý từ vĩ tuyến 17 trở ra, quân Liên hiệp Pháp quản lý từ vĩ tuyến 17 trở vào lấy sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Toàn bộ quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội vào ngày 10-10-1954 và Hải Phòng nơi tập kết 300 ngày sẽ rút vào ngày 13 tháng 5-1955, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Đất nước tạm thời chia cắt trong 2 năm đến tháng 7 năm 1956 thì tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

        Đến lúc này Mỹ không úp mở nữa mà công khai đưa Ngô Đình Diệm con bài số một của Mỹ về làm thủ tướng thay thế Bửu Lộc. Tuy vậy Mỹ không hoàn toàn tin vào anh em Ngô Đình Diệm vẫn nắm trong tay nhiều con bài dự trữ khác như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Phan Huy Quát và một số tên cầm đầu các đảng phái khác để khi cần thì thay ngựa giữa dòng.

        Khi rút khỏi miền Bắc thì một trong những việc làm được coi là quốc sách của cả Pháp và Mỹ cùng bè lũ tay sai là cài cắm các toán gián điệp nằm vùng tại miền Bắc.

        Cũng như những đảng phái phản động khác do Mỹ và Pháp chỉ huy, chi tiền, trang bị vũ khí, đảng Đại Việt -Quốc Dân đảng do bác sĩ Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên cầm đầu cũng sắp xếp một số người ở lại. Tiêu chuẩn hàng đầu của những kẻ được giao phó ở lại là: "Một lòng trung thành với chủ nghĩa cách mạng quốc gia; căm thù cộng sản, Việt Minh; có cơ sở vững chắc ở miền Bắc".

        Về nội dung theo tinh thần Hiệp định Genève và các Hiệp định tiếp theo như Hiệp định Trung Giã cũng mới được đồng chí T35, bí thư chi bộ đảng Lao động Việt Nam phổ biến. Cuộc họp đưọc tổ chức ở một gian phòng rộng trong một gia đình cơ sở, phòng được ngăn hàm 5 ô bằng vải dầy trong phòng ánh đèn chỉ đủ sáng, các đảng viên đến vào thời điểm khác nhau, mỗi người ngồi trong một ô. Đồng chí T35 đọc tài liệu, các đảng viên nghe, không được phát biểu, có điều gì cần hỏi thì viết giấy để lại, đồng chí T35 sẽ bố trí gặp trực tiếp. Học xong các đảng viên lần lượt ra về. Vì thế Sơn đã nắm được nội dung tinh thần hiệp định và cách đốỉ phó của ta, nếu kẻ địch vi phạm hiệp định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:06:46 am »


        Khi quân Liên hiệp Pháp rút vào Nam, Cao Xuân Tuyên, Trần Cập đều hô hào các đảng viên Đại Việt - Quốc Dân đảng cùng đi với chúng. Khi đó Sự (T15) trốn vào Hà Đông, Thái (T20), trốn về quê để bọn Cao Xuân Tuyên khỏi nài ép mình di cư vào Nam, chỉ còn lại một mình Sơn ở lại Hà Nội và vẫn tiếp xúc với chúng. Cao Xuân Tuyên nói với Sơn.

        - Hiện nay các đảng viên Đại Việt - Quốc Dân đảng đã di cư vào Nam để phụng sự lý tưởng của quốc gia được lâu dài.

        Sơn chưa nhận được chỉ thị của cấp trên do đồng chí T35 truyền đạt nên trả lời lấp lửng:

        - Anh để tôi về thăm mẹ, vợ con rồi thu xếp đi sau.

        Cao Xuân Tuyên biết Sơn còn lưỡng lự nên nói:

        - Ta vào Nam chỉ là hoạt động tạm thời trong thời gian không quá 2 năm rồi được cường quốc Hoa Kỳ giúp đỡ cả về chính trị, quân sự, kinh tế, ta lại trở ra đánh chiếm miền Bắc. Cộng sản lấy đâu ra vũ khí tối tân để chống lại nước Mỹ hùng mạnh có bom nguyên tử?

        Sau các cuộc tiếp xúc với Cao Xuân Tuyên và Trần Cập, Sơn báo cáo nội dung cuộc tiếp xúc đó với đồng chí T35. Hai ngày sau T35 trả lời qua hộp thư ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lại Tuệ trưởng phòng, Chu Thức phó phòng Bảo vệ chính trị Công an Hà Nội là : "T31 ở lại Hà Nội để nắm bọn Đại Việt - Quốc Dân đảng và các bọn phản động khác do địch cài lại ở Hà Nội và các tỉnh khác ở miền Bắc và đón lõng bọn ở Hải Phòng nơi tập kết 300 ngày và ở Sài Gòn ra."

        Nhận được chỉ thị trên cũng vừa lúc Cao Xuân Tuyên đến thúc giục, Sơn trả lời:

        - Các ông thông cảm, gia đình tôi khó khăn, nhà còn mẹ già, con nhỏ, tôi xin tình nguyện ở lại giữ vững các cơ sở ở Hà Nội để khi các anh ở miền Nam ra thì tôi đón và chu cấp mọi yêu cầu của anh em.

        Cao Xuân Tuyên, Trần Cập cũng đang rất cần những người ở lại mà xét trong ba tiêu chuẩn là trung thành với lý tưởng, lanh lợi và mưu trí, có gia đình và có nghề nghiệp ở Hà Nội thì Sơn có đầy đủ nên Cao Xuân Tuyên bằng lòng cho anh ở lại. Hắn đưa Sơn đi chụp ảnh, lấy hai cái đánh dấu giống nhau đưa cho một chiếc và nói:

        - Anh ở lại miền Bắc cũng được nhưng khi nào có người ở trong kia ra nói đúng mật khẩu, đưa tấm ảnh này ra, anh cũng lấy ảnh ra so lại, nếu đúng khớp thì là người của tổ chức phái ra liên lạc.

        Sơn chưa kịp trả lời thì Cao Xuân Tuyên lại nói tiếp:
     
        - Anh không phải chờ anh em ở Sài Gòn ra đâu, mà anh em ở Hải Phòng (khu tập kết 300 ngày) cũng sẽ lên gặp anh bàn công việc...

        Ngày mùng 9 tháng 10 năm 1954 tất cả bọn Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên, Trần Cập, Nguyễn Ninh Hợi, Trần Khắc đều cuốn gói xuống Hải Phòng. Ngày 10-10-1954 bộ đội, cán bộ ta vào tiếp quản thủ đô, Nguyễn Văn Sơn không được ra công khai mà cũng như một số thường dân đi đón bộ đội. Đồng chí Chang đến gặp Sơn nói:

        - Nay Hà Nội đã giải phóng, miền Bắc đã được hưởng hòa bình nhưng anh vẫn làm công tác như trước, không đến cơ quan, không mặc sắc phuc, không được về quê, không được tiếp xúc với người quen. Nhiệm vụ cơ quan giao cho anh là làm việc cho Đại Việt - Quốc dân đảng, anh nhớ xem anh còn thấy tên nào được chúng cài lại Hà Nội không?

        Sơn trả lời:

        - Tôi có gặp thằng Tùng hôm họp ở trụ sở trung ương Đại Việt - Quốc Dân đảng ở làng Quảng Bá, tôi biết nó làm nghề cắt tóc ở số 9 phố Hàng Mành.

        Chang gợi ý:

        - Vậy anh cố nhớ xem hôm họp ở Quảng Bá thằng Tùng mặc quần áo gì, mầu gì, đội mũ gì, ngồi cạnh ai. Từ nay trở đi cứ bẩy ngày một lần anh đến hiệu cắt tóc của nó cạo mặt, 15 ngày một lần đến cắt tóc đê gợi chuyện và nói đã từng gặp nó ở cuộc họp tại Quảng Bá, từ đó mà điều tra các việc quan trọng khác.

        Để thích nghi với hoàn cảnh mới là đảng viên Đại Việt - Quốc dân đảng đều xuất thân từ tầng lớp trí thức, tư sản, Sơn muốn tạo cho mình một vỏ bọc có gia thế liền dời khỏi nhà ông cả Ỳ ở số 11 phố Lý Quốc Sư là hiệu may mà chuyển đến nhà anh Đặng Duy Tá là chủ cửa hiệu vải vóc tơ lụa lớn ở 54C phố Hàng Đào , Hà Nội.

        Từ khi Hà Nội giải phóng, đồng chí Phạm Văn Chang được cử sang phụ trách "Đội vô hình" không trực tiếp chỉ huy công việc vụ án Đại Việt -  Quôc Dân đảng nữa, người trực tiếp phụ trách công việc này là đồng chí Tạ Văn Minh1 cán bộ công an khu V tập kết được bổ sung làm cán bộ Bảo vệ chính trị Công an Hà Nội.

-----------
        1. Đồng chí Tạ Văn Minh là cán bộ công an miền Nam tập kết, năm 1959-1960 là phó phòng Bảo vệ chính trị, năm 1961 là trưởng phòng Bảo vệ chính trị C.A Hà Nội, sau đó vào Nam chiến đấu, nay là đại tá an ninh về hưu ở 27 phố Hoàng Việt, phường 40 quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2020, 08:07:11 am »


        Chấp hành chỉ thị của đồng chí T35, Sơn đi dò tìm bọn đảng viên Đại Việt - Quôc Dân đảng được cài lại ở Hà Nội trong đó có tên Tùng. Vào khoảng đầu tháng 12-1954, Sơn đến nhà số 9 phố Hàng Mành xem Tùng còn ở đó không để gợi chuyện làm quen, vì khi anh gặp ở cuộc họp tại Quảng Bá cũng chỉ thoáng qua, hai người chưa tiếp xúc tới nhau. Anh tới nhà số 9 phố Hàng Mành thì thấy cửa hiệu được tân trang sáng sủa đẹp đẽ. Nhìn vào bên trong thấy từ gương treo, ghế khảch ngồi, tủ đựng đồ dùng được sắm mới vào loại hiện đại, đắt tiền. Thấy trong hiệu có người cắt tóc, Sơn ngồi uống nước ở quán đối diện bên kia đường, đợi đến khi khách vừa bước ra khỏi cửa mới đi vào, lớn tiếng:

        - Ông chủ cắt cho tôi cái tóc nào!

        Tùng quay ra, Sơn kín đáo quan sát thấy thái độ của hắn không bình thường, nửa như ngỡ ngàng, nửa như lạ lùng, nhưng rồi hắn tảng lờ, cất giọng đon đả:

        - Vâng, xin mời ông vào!

        Khi Sơn đã ngồi vào ghế trước cái gương tầu, Tùng choàng tấm vải khoác trắng tinh, sực nức mùi nước hoa lên người anh, song vẫn như còn suy nghĩ điều gì chưa cầm kéo và lược. Sợ có khách vào không chuyện trò được, Sơn bắt chuyện:

        - Trông anh có vẻ quen quen, không nhớ đã gặp anh ở đâu?

        Tùng cũng nói:

        - Anh vừa bước chân vào cửa hiệu tôi cũng nhận ra khuôn mặt quen thuộc nhưng không rõ đã gặp ở đâu!

        Sơn thấy hắn cũng đã nhận ra mình, không nên vòng vo Tam quốc mãi lỡ khách vào lại gián đoạn câu chuyện liền khẽ reo lên:

        - À tôi nhớ ra rồi - nói tới đây anh hạ giọng như thầm thì: - Ta gặp nhau tại cuộc họp ở nhà một cơ sở ở lảng Quảng Bá vào khoảng tháng giêng năm nay, đúng rồi vì khi đó vừa tết xong, con đường Cổ Ngư từ Quán Thánh đến chùa Trấn Quốc người đi chơi xuân đông nghìn nghịt, hôm đó trời giá rét, anh mặc cái áo vét mầu xanh nhạt nhưng lại mặc cái quần mầu đen, đội mũ bê rê có đúng không?

        Tùng cũng nhớ ra người trai trẻ có vóc dáng thư sinh mới đến dự họp ở đây lần đầu cái gì cũng thấy lạ, hết chăm chú nhìn mọi người lại quan sát cảnh vật chung quanh liền nói:

        - Còn anh, hôm đó mặc cáo áo buy-giông mầu ghi sáng đội mũ phớt cùng mầu nhưng lại mặc quần mầu xám lông chuột.

        Sơn không thể ngờ mình cũng bị hắn quan sát chẳng những chỉ nhớ anh mặc quần áo gì mà còn biết cả hành động của mình trong cuộc họp đó nên công nhận ngay:

        - Đúng là hôm ấy mình mặc quần áo đó, vậy là chúng ta chẳng những quen nhau mà còn... - Sơn nói đến đây thì Tùng suỵt khẽ một tiếng và chỉ một ngón tay lên ngang miệng ra hiệu không nên nói tiếp - Sơn nhìn lên tấm gương lón treo trên tường thì thấy ngoài đường có hai người đi ngang qua.

        Tùng bắt đầu cầm kéo lên tỉa tót rồi khẽ hỏi:

        - Anh cũng được lệnh ở lại à?

        Sơn trả lời:

        - Mình cũng như anh thôi, chẳng biết chờ đợi đến bao giờ mới có người ra liên lạc.

        Tùng nghe Sơn nói như thế thì thở dài tỏ ý sốt ruột. Lần khác Sơn lại tới cắt tóc, đợi lúc không có khách, Tùng tâm sự:

        - Tôi được ông Tuyên, ông Cập bảo ở lại chờ các ông ấy ra, lại cho tôi tiền sửa sang cái hiệu cắt tóc này làm địa điểm liên lạc.

        Sơn nhấm nháp ngụm trà rồi cũng làm bộ than thở:

        - Không gì khổ bằng chờ đợi, hễ tôi bắt được liên lạc trước thì tôi báo cho anh ngay, còn anh hễ bắt được liên lạc cũng báo cho tôi.

        Tùng nói:

        - Tôi cũng định giao ước với anh như vậy.

        ' Anh ta còn muốn nói nữa thì có khách vào cắt tóc, Sơn ra bồn rửa mặt, trả tiền Tùng rồi bước thong thả trên đường phố trở về 54 c phố Hàng Đào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2020, 10:18:35 pm »


IV- SỰ HÌNH THÀNH TOÁN GIÁN ĐIỆP C 301

        Ngay từ ngày 7-5-1954 khi mặt trận Điện Biên Phủ kết thúc với sự đầu hàng của tướng De Catri, quân đội, nhân dân ta phấn khởi, náo nức thì bọn can thiệp Mỹ đã thực hiện âm mưu được nhen nhóm từ mấy năm trước là hất cẳng Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại để Mỹ trực tiếp nắm Việt Nam thông qua Ngô Đình Diệm. Nhưng Mỹ - tên sen đầm quôc tế không hoàn toàn tin tưởng vào Ngô Đình Diệm một kẻ vốn là quan lại triều đình Huế đã ngấm ngầm theo Pháp làm đến chức Thượng thư. Khi bị Phạm Quỳnh hất cẳng hắn lại theo Nhật. Cách mạng Tháng 8-1945 lật đổ ách thống trị Nhật, Pháp và triều đình Huế, đã tha cho hắn tội chết thì hắn lại bỏ theo Mỹ. Tuy anh em Ngô Đình Diệm thể hiện sự trung thành với Mỹ, nhưng CIA Mỹ vẫn không hoàn toàn tin vào loại người luôn thay thày đổi chủ nên tuy đưa Ngô Đình Diệm về tranh ghế thủ tướng để rồi leo lên cái ghế tổng thống, CIA Mỹ vẫn dự trữ nhiều con bài khác. Bác sỹ Đặng Văn Sung và đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng của ông ta là một trong số con bài dự trữ tin cậy của CIA.

        Đế quốc Mỹ không những chỉ muốn nô dịch Miền Nam từ nam vĩ tuyến 17 trở vào mà còn muốn thống trị cả Miền Bắc nên đã vạch sẵn kế hoạch "Bắc Tiến!". Muốn đưa đại quân ra "Bắc tiến" thành công thì chiến tranh gián điệp giữ một vị trí quan trọng và phải tiến hành từ đầu.

        Về việc tung các toán gián điệp vào Miền Bắc Việt Nam, Mỹ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là lợi dụng thời gian quân đội Pháp còn tập kết 300 ngày ở Hải Phòng để tung gián điệp vào các mục tiêu. Giai đoạn này rất quan trọng vì nó đặt nền móng cho các toán xâm nhập tiếp vào giai đoạn hai. Giai đoạn hai là Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các toán gián điệp được tung từ Miền Nam ra.

        Toán gián điệp C30 là toán đi đầu của giai đoạn một được hình thành ngay từ tháng 5-1954. Đặc điểm của toán gián điệp C30 không phải do Tình báo CIA Mỹ chỉ đạo thông qua cơ quan tình báo chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm, mà CIA lại giao cho cơ quan tình báo thuỷ quân lục chiến Mỹ phối hợp với lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội tuyển dụng, huấn luyện , trang bị, chỉ huy. Kẻ trực tiếp chỉ huy vụ này là Lucium Conein dựa vào tổ chức Đại Việt - Quôc Dân đảng do Đặng Văn Sung cầm đầu làm nòng cốt và một số tên trong đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng cũ đã có thời là sĩ quan, mật thám cho Pháp nay đã đoạn tuyệt Pháp theo Mỹ và một vài tên từng là cán bộ kháng chiến đầu hàng tự nguyện làm tay sai cho Pháp nay cũng quay sang theo Mỹ. Các cố vấn Mỹ không thông báo cho cơ quan Tình báo Chiến lược của chính quyền Sài Gòn do Trần Kim Tuyến cầm đầu biết về tổ chức gián điệp này mà chỉ biết có một số đảng viên Đại Việt - Quốc Dân đảng đang bí mật hoạt động ở Miền Bắc phục vụ cho kế hoạch hậu chiến của Mỹ.

        Qua nhiều lần tuyển chọn kỹ càng bọn cố vấn tình báo CIA và bọn cầm đầu đảng Đại Việt - Quốc Dân đảng đã tuyển chọn được 16 tên, điểm mặt một số tên quan trọng như Cao Xuân Tuyên, đại uý chỉ huy Địa phương quân, Trần Cập trước là cán bộ kháng chiến ở tỉnh Nam Định đầu hàng, làm mật thám cho quân Pháp, phụ trách công tác tuyên truyền của đảng bộ Đại Việt - Quốc Dân đảng Hà Nội; Bùi Mạnh Hà, tức Tiềm trước là mật thám Pháp, đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng cũ, làm mật thám cho Pháp nay đã bỏ Pháp thề trung thành với Mỹ; Vũ Đình Đích tức Hải, đảng viên Đại Việt cũ, tay sai của Nhật, khi Nhật bại trận đầu hàng Đồng Minh, Nhật phải rút khỏi Việt Nam thì Đích theo Pháp làm quan mật vụ, nay tự nguyện theo Mỹ. Người được CIA và Đặng Văn Sung, Cao Xuân Tuyên đặc biệt quan tâm chỉ đứng sau Trần Cập là Phạm Đăng Hào.

-------------
        1. C30 là bí số vụ án do Công an Hà Nội đặt tên cho vụ án gián điệp này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM